Home TRANG CHỦ Thứ 5, ngày 28/03/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 2 7 1 8 2 0
Số người đang truy cập
3 8 4
 Tin tức - Sự kiện
Điểm tin y tế từ các báo ngày 24/1 và 25/1 năm 2017

Nhân dân

Chuỗi ngày chủ nhật đỏ tiếp nhận 31.880 đơn vị máu

Chuỗi ngày hội vừa kết thúc đã xác lập kỷ lục mới về số máu tiếp nhận được với 31.880 đơn vị máu. Con số trên vượt ngoài sức tưởng tượng của những người tham gia tổ chức Chủ nhật đỏ. Bởi lẽ, khi chuẩn bị cho mùa hiến máu tình nguyện lần thứ IX này, Ban Tổ chức đưa ra chỉ tiêu tiếp nhận 25.000 đơn vị máu. Chuỗi ngày hội hiến máu tình nguyện Chủ nhật đỏ năm 2017 do Báo Tiền Phong chủ trì, phối hợp Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư và Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các tỉnh, thành phố tổ chức. Số lượng máu tiếp nhận trong những ngày giáp Tết, khi sinh viên và mọi người đang bận thi học kỳ và chuẩn bị nghỉ Tết thực sự là không dễ. Nhưng sự lan tỏa yêu thương và sẻ chia của Chủ nhật đỏ trong những mùa trước đã tạo nên hiệu ứng tốt đẹp, thu hút sự quan tâm và hưởng ứng của đông đảo sinh viên và người dân cả nước. Chính những trái tim nhân ái đó đã thắp lửa cho Chủ nhật đỏ lần này, tạo nên dấu ấn xúc động về một mùa thiện nguyện mà sự đồng cảm, sẻ chia vì đồng bào được khắc ghi rõ nét. Thông điệp "Hiến máu cứu người - Sinh mệnh bạn và tôi” xuyên suốt trong các mùa Chủ nhật đỏ, trở thành lời kêu gọi biết sống vì nhau bởi mỗi giọt máu cho đi là một cuộc đời ở lại. Số lượng máu kỷ lục mà Chủ nhật đỏ mang lại sẽ giúp cho khoảng 50.000 bệnh nhân đang chờ máu trên cả nước có cơ hội được sum họp ăn Tết cổ truyền sắp tới cùng người thân và gia đình. Điểm mới trong mùa Chủ nhật đỏ lần thứ IX là sự tham gia nhiệt tình của người dân thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar, tỉnh Đác Lắc; trọn buổi chiều, nhà thi đấu Trường ĐH Tây Nguyên tưng bừng không khí hiến máu của sinh viên cùng nhiều vị khách đặc biệt... Hơn 2.000 cán bộ, nhân viên, học sinh, CLB Honda 67 cùng đồng bào các dân tộc từ nhiều buôn làng đã hàng ngũ chỉnh tề, hào hứng theo dõi suốt buổi lễ phát động tinh thần hiến máu tình nguyện mang tên “Chủ nhật đỏ - Tình người Cư M’gar”. Chủ nhật đỏ 2017 cũng ghi nhận, lần đầu tiên một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tham gia sự kiện này. Đông đảo công, nhân viên, quản lý các đơn vị trong Trung tâm thương mại AEON MALL Long Biên đăng ký tham gia hiến máu.

Cứu sống mẹ con sản phụ mắc hội chứng hiếm gặp

BV E vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật hy hữu, cứu sống mẹ, con sản phụ mắc hội chứng Marfan có biến chứng hở van tim động mạch chủ nặng, phồng động mạch chủ ngực, suy tim. Đây là bệnh lý có tính di truyền, bất thường về gien dẫn tới rối loạn cấu trúc tổ chức liên kết gây bệnh ở nhiều cơ quan, như mắt và hệ tim mạch... Khi thai nhi sang tuần 16, các bác sĩ phải phẫu thuật để thay van tim và thay đoạn động mạch chủ cho sản phụ. Đến giai đoạn thai kỳ ở tuần 37, khi sản phụ xuất hiện trở lại hiện tượng mệt mỏi, khó thở, các bác sĩ chuyên ngành sản khoa, tim mạch, gây mê… đã hội chẩn và quyết định mổ và đã cứu được cả mẹ và con. Gia đình lựa chọn nơi sinh con phải “hội tụ” đủ hai yếu tố sản và tim trong cùng một bệnh viện là “bí quyết” cứu sống bé thành công. Đây là một bước tiến của ngành y tế Việt Nam.

Mệnh lệnh từ trái tim người thầy thuốc quân y

Bên cạnh tập trung nâng cao hiệu quả khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị cho người bệnh tại đơn vị, BV Trung ương Quân đội 108 (Bộ Quốc phòng) luôn coi trọng chỉ đạo làm tốt công tác bảo đảm quân y tại đảo Song Tử Tây, thuộc huyện đảo Trường Sa và tăng cường liên kết tuyến giúp đỡ, chuyển giao kỹ thuật chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho quân và dân các tuyến đảo.

Sẵn sàng kết nối

Áp Tết Đinh Dậu, mặc dù buổi sáng thời tiết giá rét kèm theo mưa phùn nặng hạt, nhưng từ phòng khám đến các khoa của Bệnh viện Trung ương (T.Ư) Quân đội 108 đã có rất đông người chờ đến lượt khám, chữa bệnh. Đội ngũ cán bộ, thầy thuốc ở đây chạy đua cùng thời gian cuối năm, làm việc tối đa “công suất” để chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân. Bệnh viện luôn duy trì các kíp trực sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) 24 giờ trong ngày; sẵn sàng liên kết tuyến, kết nối mạng in-tơ-nét qua hệ thống Tele-medicine (truyền hình trực tuyến y học) để tư vấn, chỉ đạo chuyên môn cho các bệnh viện, bệnh xá tuyến quân, dân y; nhất là Bệnh xá đảo Song Tử Tây và các tuyến đảo khi có yêu cầu. Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ bảo đảm công tác quân y tại đảo Song Tử Tây, thuộc quần đảo Trường Sa cho Bệnh viện T.Ư Quân đội 108. Bệnh viện luôn coi đây là nhiệm vụ đặc biệt và vẻ vang suốt những năm qua; là trọng tâm trong thực hiện nhiệm vụ SSCĐ, bảo đảm chiến đấu, góp phần trực tiếp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Với tinh thần “Tất cả vì Trường Sa thân yêu”, Bệnh viện đã luân phiên cử tổ công tác gồm các bác sĩ, điều dưỡng viên thường xuyên làm nhiệm vụ tại Bệnh xá đảo Song Tử Tây để chăm sóc sức khỏe, kịp thời cấp cứu, điều trị cho quân, dân trên đảo, nhất là các trường hợp ngư dân ta đánh bắt hải sản ở vùng biển Trường Sa gặp nạn. Hằng năm, Bệnh viện phối hợp chặt chẽ Lữ đoàn 146, Vùng 4 (Quân chủng Hải quân) thực hiện việc luân chuyển cán bộ quân y; nắm bắt tình hình, chỉ đạo kịp thời việc bổ sung thuốc, trang, thiết bị y tế và hoạt động chuyên môn của Bệnh xá đảo. Là người nhiều năm gắn bó nhiệm vụ đào tạo, chỉ đạo, chuyển giao kỹ thuật chuyên môn cho các tuyến trong toàn quân và một số bệnh viện dân y tuyến biển đảo, Thượng tá, Bác sĩ chuyên khoa II Chu Trọng Như, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến của Bệnh viện, tâm sự: Do các tuyến đảo của nước ta thường cách xa bờ, khi quân nhân, người dân phát bệnh, hoặc ngư dân ta đi biển đánh bắt hải sản gặp nạn, đòi hỏi các y, bác sĩ phải xử lý cấp cứu ban đầu kịp thời cho người bệnh ngay trên đảo. Các ca bệnh nặng, phức tạp phải được xử lý ngay để bảo đảm tính mạng trước khi chuyển vào bờ. Từ năm 2014 đến nay, Bộ Quốc phòng đầu tư trang bị hệ thống Tele-medicine cho Bệnh xá đảo Song Tử Tây, góp phần nâng cao chất lượng công tác chuyên môn. Bệnh viện thường xuyên kết nối Tele-medicine với Bệnh xá đảo Song Tử Tây và nhiều bệnh xá các đảo khác như: Thổ Chu, Nam Yết..., tổ chức hội chẩn trực tuyến chỉ đạo, xử lý tốt nhiều trường hợp bệnh nhân cấp cứu nặng, phức tạp trên đảo.

Điểm sáng giữa trùng khơi

Ngày 6-11-2016, ngư dân Phan Hoàng Dương, 35 tuổi, quê ở xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn (Bình Định), đi trên tàu BĐ 96886TS đánh cá tại khu vực biển Trường Sa, bị xuất huyết tiêu hóa rất nặng: nôn ra máu nhiều lần, mạch nhanh, huyết áp giảm sâu... được đưa vào Bệnh xá đảo Song Tử Tây cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ, điều dưỡng đã tập trung cấp cứu ban đầu. Dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Bệnh viện T.Ư Quân đội 108, Khoa Nội tiêu hóa đã kịp thời kết nối hệ thống Tele-medicine phối hợp điều trị: xử lý chống sốc bằng truyền dịch, thuốc vận mạch; huy động cán bộ, chiến sĩ trên đảo hiến 700 ml máu để truyền cho người bệnh. Do vậy, bệnh nhân Dương đã thoát khỏi tình trạng nguy kịch và sau đó được chuyển bằng máy bay trực thăng về điều trị tại Bệnh viện Quân y 175. Từng trực tiếp cùng đồng đội khám, cấp cứu, điều trị cho hàng trăm lượt bệnh nhân trên đảo, Đại úy, Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Trung Dũng, Bệnh xá trưởng Bệnh xá đảo Song Tử Tây, kể: Ra đảo công tác, tôi cũng như các y, bác sĩ của Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 rất vinh dự, tự hào, luôn nêu cao trách nhiệm người thầy thuốc quân y chăm sóc người bệnh như người thân gia đình mình. Tôi và phần lớn thầy thuốc quân y trên đảo còn trẻ, được đào tạo cơ bản, song kinh nghiệm thực tế chưa nhiều; việc kết nối hệ thống Tele-medicine với Bệnh viện 108 giúp đội ngũ y, bác sĩ Bệnh xá đảo vững tin hơn. Do vậy, Bệnh xá đảo Song Tử Tây luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, là điểm sáng về công tác chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân trên quần đảo Trường Sa, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Năm 2016, Bệnh xá đảo đã khám, cấp cứu và điều trị cho 1.257 lượt bộ đội, nhân dân và ngư dân. Trong đó, cấp cứu, phẫu thuật thành công cho 23 bệnh nhân nặng và rất nặng, được Bộ Tổng Tham mưu khen ngợi, bộ đội và ngư dân tin yêu. Tết Đinh Dậu năm nay, Bệnh xá đảo duy trì chế độ trực SSCĐ 24 giờ trong ngày, sẵn sàng tiếp nhận, điều trị cho bộ đội, nhân dân và ngư dân. Bệnh viện còn phối hợp mở rộng liên kết tuyến, kết nối hệ thống Tele-medicine với các bệnh viện trong và ngoài quân đội như: Bệnh viện quân y 175, Bệnh viện quân y 211 Tây Nguyên, Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai... Khi có tình huống, chỉ sau 30 phút là kíp chuyên gia gồm các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ thuộc các chuyên khoa từ điểm cầu Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 có thể kết nối các bệnh viện, bệnh xá quân, dân y để trực tiếp tư vấn, chỉ đạo việc chẩn đoán, điều trị. Mới đây, vào 5 giờ sáng 9-12-2016, ngư dân Trần Tấn Phong, 42 tuổi, quê ở thị trấn Lai Vung, huyện Lai Vung (Đồng Tháp), đang cùng ngư dân trên tàu đánh cá tại vùng biển phía tây đảo Thổ Chu, thì bất ngờ dây tời bị đứt văng vào sườn trái. Đến 16 giờ 30 cùng ngày, ngư dân Phong được chuyển vào Bệnh xá quân dân y đảo Thổ Chu. Tại đây, khi siêu âm ổ bụng, các bác sĩ đã chẩn đoán ngư dân Phong bị chấn thương bụng kín, chảy máu trong ổ bụng nghi do vỡ lách. Các bác sĩ Bệnh xá đảo đã kết nối Tele-medicine với Bệnh viện quân y 121, Cục Hậu cần (Quân khu 9), sau đó, xin kết nối vượt tuyến qua hệ thống Tele-medicine với Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 để xin hội chẩn trực tuyến. Kíp chuyên gia do Đại tá, PGS,TS Lâm Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện chỉ huy đã trực tiếp hướng dẫn hội chẩn và kết luận quyết định phải mổ cấp cứu cắt lách, cầm máu, lấy máu tụ, rửa ổ bụng, dẫn lưu hố lách và thực hiện Douglas ngay tại đảo. Trong phẫu thuật, kíp chuyên gia của Bệnh viện 108 trực tiếp hướng dẫn, chỉ đạo. Ca mổ thành công. Đến sáng 11-12-2016, bệnh nhân Phong được chuyển về Bệnh viện đa khoa Phú Quốc, bảo đảm an toàn tuyệt đối. “Nếu không có sự giúp đỡ về chuyên môn của các chuyên gia Bệnh viện 108 thì việc cấp cứu ca bệnh nặng như bệnh nhân Trần Tấn Phong sẽ gặp nhiều khó khăn. Hệ thống Tele-medicine giúp chúng tôi thêm tự tin trong việc khám, chữa bệnh cho bộ đội và nhân dân trên đảo, nhất là khi ngư dân trên biển gặp nạn” - Đại úy, Bác sĩ Vũ Tiến Vũ, Bệnh xá quân dân y đảo Thổ Chu, tâm sự.

Xứng đáng tuyến cuối toàn quân

Kết nối Tele-medicine từ Bệnh viện đến các điểm cầu hình ảnh rõ nét, theo dõi được kết quả điện tim, cách làm việc của các bác sĩ, từ đó kíp chuyên gia trao đổi cụ thể về phương án chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân rất hiệu quả. Tối 29-12-2016 vừa qua, bệnh nhân Phạm Hồng Duyệt, sinh năm 1974, là người dân sống trên đảo Thổ Chu vào Bệnh xá quân, dân y đảo cấp cứu, với chẩn đoán nhồi máu cơ tim có biến chứng sốc tim, nguy cơ tử vong cao. Thượng úy, Bác sĩ Đinh Văn Sức, Bệnh xá trưởng, Chủ nhiệm quân y đảo Thổ Chu gọi điện xin hội chẩn cấp cứu với Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 lúc 0 giờ 10 phút ngày 30-12-2016. Kíp chuyên gia của Bệnh viện 108 kịp thời kết nối qua hệ thống Tele-medicine hội chẩn các bác sĩ trên đảo Thổ Chu từ lúc 1 giờ đến lúc 2 giờ 30 phút sáng cùng ngày, do vậy, bệnh nhân đã được cứu chữa kịp thời. Đến ngày 1-1-2017, bệnh nhân Duyệt ổn định, không còn đau ngực, không khó thở, mạch và huyết áp bình thường, được đưa về gia đình chăm sóc, điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Cứu chữa bệnh cho bộ đội và nhân dân trên các đảo xa không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là mệnh lệnh từ trái tim mỗi thầy thuốc quân y. Bất kể ngày hay đêm, khi có đề nghị hỗ trợ, giúp đỡ cấp cứu ca bệnh nặng, các thầy thuốc của Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 luôn sẵn sàng kết nối qua hệ thống Tele-medicine, hay qua mạng điện thoại, zalo... Năm ngoái, vợ chồng anh Giang về quê Thái Bình ăn Tết. Sáng mồng một Tết, anh Giang nhận được điện thoại của chỉ huy Bệnh viện yêu cầu có mặt tại đơn vị để tham gia cấp cứu cho bệnh nhân là cán bộ cao cấp của Quân đội nhân dân Lào. Anh Giang và các đồng nghiệp xếp lại việc riêng, nhanh chóng có mặt tại Bệnh viện nhận nhiệm vụ. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trung tâm, giữ vững tiêu chí của Bệnh viện hạng đặc biệt quốc gia, tuyến cuối toàn quân, thời gian tới, BV T.Ư Quân đội 108 tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua quyết thắng với chủ đề: “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, quyết thắng”, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, theo năm tiêu chí: Phẩm chất tốt, đạo đức nghề nghiệp trong sáng; chuyên môn giỏi; tận tình chu đáo, tác phong chuyên nghiệp, chính quy; kỷ luật nghiêm; đoàn kết tốt... Theo đó, Bệnh viện coi trọng nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ chung cho các bác sĩ, điều dưỡng, nhất là nghiệp vụ về y học quân sự, luôn sẵn sàng chiến đấu cao; giữ gìn và phát huy phẩm chất người thầy thuốc quân y - Bộ đội Cụ Hồ. Ngoài phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, trách nhiệm cao, các cán bộ, y, bác sĩ ra đảo công tác phải nắm vững chuyên môn nghiệp vụ quân y, có trình độ đa khoa và chuyên khoa sâu, vững vàng, linh hoạt, nhạy bén trong thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho bộ đội, nhân dân và ngư dân trên các tuyến đảo. Đồng thời, Bệnh viện tiếp tục phát triển, áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, công nghệ thông tin, kết nối qua hệ thống Tele-medicine với các bệnh viện, bệnh xá quân, dân y trên các tuyến đảo để khai thác có hiệu quả các trang, thiết bị hiện đại được Nhà nước, Quân đội đầu tư cho Bệnh viện, bảo đảm nâng cao chất lượng khám, điều trị bệnh cho bộ đội và nhân dân trong mọi tình huống.

Hà Nội mới

Hà Nội đề xuất thí điểm lập sổ điện tử về khám và theo dõi sức khỏe người dân

Chiều 23-1, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng đại diện các bộ, ngành đã làm việc với Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, BHXH TP Hà Nội về hoạt động của Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế (BHYT). Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, sau khi nhận được sự chỉ đạo của Chính phủ và công văn của BHXH Việt Nam, UBND TP Hà Nội đã phối hợp với BHXH Việt Nam liên thông và kết nối toàn bộ dữ liệu dân cư phục vụ cho các hoạt động an sinh xã hội. Hà Nội là đơn vị thí điểm thực hiện và đã kết nối với 100% số cơ sở khám chữa bệnh (KCB) bằng BHXH. Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, đây là việc làm hết sức cần thiết và bước đầu hệ thống đang vận hành tốt. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao nhất, TP Hà Nội đưa ra đề xuất Bộ Y tế và BHXH Việt Nam sớm hoàn thiện hệ thống danh mục các loại thuốc và dịch vụ y tế để các cơ sở KCB thực hiện đúng. Năm 2017 là năm thực hiện kỷ cương hành chính, Hà Nội sẽ triển khai và quán triệt đến tất cả lãnh đạo bệnh viện, cán bộ bác sĩ về vấn đề đạo đức đối với bệnh nhân trong việc kê đơn, xét nghiệm cho phù hợp. Thành phố đề xuất Chính phủ cho thí điểm lập sổ điện tử về khám và theo dõi khám sức khỏe cho người dân Hà Nội, trong đó giao toàn bộ việc theo dõi hệ thống y tế cơ sở. Năm 2017, Hà Nội quyết tâm đưa công nghệ thông tin vào quản lý toàn bộ hệ thống bệnh viện, cộng với phần quản lý của BHXH Việt Nam nhằm giảm trùng lặp, lãng phí và tăng lợi ích KCB BHYT cho người bệnh. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, bước đầu hệ thống đã kết nối được với 12.461 cơ sở y tế trên toàn quốc có ý nghĩa rất quan trọng, đánh dấu bước thay đổi căn bản trong hệ thống quản lý. Với hơn 16.000 loại dịch vụ y tế và hơn 23.000 loại thuốc hiện nay nếu không có hệ thống quản lý bằng công nghệ thông tin thì sẽ rất khó khăn. Năm 2017, nếu Hà Nội triển khai thí điểm thành công về sổ KCB điện tử thì sẽ triển khai trên toàn quốc. Với sự theo dõi chặt chẽ qua hệ thống công nghệ thông tin, việc KCB định kỳ cho người dân sẽ thường xuyên hơn, phấn đấu mỗi người dân mỗi năm được khám ít nhất một lần và kết hợp với chương trình khám chuyên sâu như tầm soát ung thư…

Chủ động phục vụ người bệnh trong dịp Tết

Thời điểm này, người người, nhà nhà lên kế hoạch đón Tết, vui xuân nhưng đối với cán bộ, nhân viên y tế thì dường như không có ngày nghỉ. Để chăm sóc, phục vụ hàng nghìn bệnh nhân không thể về nhà đón Tết, các bệnh viện (BV) đã xây dựng phương án khám, chữa bệnh, cấp cứu với đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, thuốc điều trị. Bảo đảm trực cấp cứu 24/24 giờ…

Sản xuất thành công vắc xin phòng cúm gia cầm do các biến chủng mới

Theo Văn phòng các chương trình KH-CN quốc gia, Bộ KH-CN, mới đây Nhiệm vụ KH-CN “Nghiên cứu sản xuất vắc xin vô hoạt nhũ dầu phòng bệnh cúm A/H5N1 cho gia cầm do các biến chủng mới gây ra tại Việt Nam” đã hoàn thành mục tiêu đề ra. Sản phẩm đạt chất lượng tốt trong phòng bệnh cúm gia cầm gây ra do vi rút cúm A/H5N1 do các biến chủng mới đang lưu hành ở nước ta, trong đó bao gồm cả vi rút cúm H5N6. Nhóm nghiên cứu của Công ty cổ phần Thuốc thú y trung ương Navetvo đã sản xuất thành công vắc xin nói trên với quy mô 1 triệu liều/mẻ, trước mắt bảo đảm cung cấp một phần nhu cầu vắc xin trong nước, tiến tới sản xuất thay thế hoàn toàn vắc xin nhập khẩu để phục vụ cho công tác tiêm phòng cúm cho đàn gia cầm tại Việt Nam. Vắc xin đã được kiểm tra tại Trung tâm kiểm nghiệm thuốc thú y trung ương 1 và được đánh giá đạt các tiêu chuẩn về tính ổn định, tính an toàn và tính hiệu lực theo tiêu chuẩn hiện hành. Ngoài ra, Nhiệm vụ KH-CN này đã xây dựng thành công các quy trình có thể để sử dụng trong sản xuất, kiểm nghiệm và sử dụng vắc xin, như: quy trình giữ giống gốc và giống sản xuất vi rút cúm; quy trình sản xuất; quy trình kiểm nghiệm; quy trình bảo quản và quy trình sử dụng vắc xin cúm A/H5N1 vô hoạt nhũ dầu

Nỗ lực kiểm soát an toàn thực phẩm

Trước những kiến nghị của cử tri về việc các cấp chính quyền còn chậm phát hiện, xử lý những vụ vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP), gây lo lắng trong nhân dân, Thường trực HĐND TP Hà Nội đã chỉ đạo Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố tiến hành đợt khảo sát chuyên đề về lĩnh vực này ở một số chợ, cơ sở sản xuất thực phẩm dịp trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu. Qua khảo sát cho thấy, trách nhiệm quản lý, kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng đã có chuyển biến hơn, song vẫn còn nhiều việc phải làm.

Chuyển biến bước đầu

Bún là mặt hàng người dân ăn hằng ngày, nên Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố quyết định chọn phường Phú Đô (quận Nam Từ Liêm) - chuyên sản xuất bún bán ra thị trường để khảo sát. Theo Chủ tịch UBND phường Phú Đô Nguyễn Thị Hường, trên địa bàn phường có 622 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó có 435 cơ sở sản xuất, kinh doanh bún, cung cấp cho thị trường hàng chục tấn bún mỗi ngày. UBND phường đã thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) ATTP gồm 30 thành viên; ban hành quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên. Trong đó, BCĐ chú trọng tuyên truyền, phổ biến các quy định về ATTP đến 3 nhóm đối tượng: Quản lý; trực tiếp sản xuất, chế biến thực phẩm; người tiêu dùng. Cũng do làm tốt công tác tuyên truyền vận động, tổ chức ký cam kết bảo đảm ATTP, nên các cơ sở sản xuất, kinh doanh bún đã từng bước khắc phục tồn tại, ngày càng bảo đảm an toàn trong sản xuất, kinh doanh. Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Trần Thế Cương, cho biết, qua khảo sát, lấy một số mẫu thử đều hiển thị kết quả đạt tiêu chuẩn cho phép. Dù vậy, nhu cầu sử dụng bún của nhân dân trong dịp cuối năm là rất lớn, nên Đoàn đã đề nghị UBND phường Phú Đô làm tốt hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát, nếu phát hiện cơ sở vi phạm cần xử lý nghiêm. Tại chợ đầu mối Long Biên có 1.188 hộ kinh doanh rau, củ, quả, thủy hải sản. Trưởng ban Quản lý chợ Đàm Đình Dũng cho biết, đặc thù chợ buôn bán mặt hàng hoa quả, nông sản, thực phẩm cả trong nước và nhập khẩu, đa dạng chủng loại, nên công tác quản lý ATTP, nguồn gốc hàng hóa rất khó khăn. Đơn cử như đối với hàng hóa nhập khẩu, một lô hàng nông sản, thực phẩm thường có số lượng lớn từ 10 đến 20 tấn, quá trình vận chuyển, tiểu thương chia bán cho nhiều chủ kinh doanh, xe hàng về đến chợ Long Biên thường chỉ còn 1 đến 2,5 tấn. Vì vậy, khi lực lượng kiểm tra yêu cầu xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc thì chủ hàng chỉ có thể cung cấp được bản phô tô hồ sơ nhập khẩu, vẫn khó kiểm soát.

Quản lý chặt từ nơi sản xuất

Dịp cuối năm, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng cao, nên tình hình vận chuyển, buôn bán thực phẩm nhập lậu, không bảo đảm ATTP từ các tỉnh khác vào địa bàn Hà Nội có diễn biến phức tạp. Vì thế, rất cần các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát trên các tuyến đường giao thông hướng vào Hà Nội để hạn chế mức thấp nhất thực phẩm không bảo đảm an toàn về Hà Nội. Ông Đàm Đình Dũng, Trưởng ban Quản lý chợ Long Biên kiến nghị, để quản lý, xác định được nguồn gốc hàng hóa, thực phẩm, các cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ từ nơi sản xuất, nuôi trồng và các cửa khẩu. Hiện nay, TP Hà Nội đã đầu tư một số xe chuyên dùng để xét nghiệm thực phẩm lưu thông. Cùng với đó, UBND thành phố cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng tuyên truyền, cảnh báo, điều tra, truy xuất, xử lý tận gốc đối với sản phẩm, cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm các quy định về ATTP. Mới đây, UBND thành phố đã có Kế hoạch 230/KH-UBND nhằm tập trung tuyên truyền nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành về ATTP trong dịp Tết 2017, đồng thời làm rõ vai trò, trách nhiệm của UBND các cấp, của người quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong việc bảo đảm chất lượng, ATTP theo quy định hiện hành. Để hạn chế tối đa các vụ ngộ độc trong dịp Tết, UBND thành phố chỉ đạo tập trung thanh tra, kiểm tra ATTP, bảo đảm số cơ sở được thanh tra, kiểm tra trên địa bàn tăng 10% so với cùng kỳ năm 2016. Đối tượng thanh tra, kiểm tra chủ yếu là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm sử dụng nhiều trong dịp Tết như: Rau, thịt, rượu, bia, nước giải khát, bánh mứt kẹo, dịch vụ ăn uống. Mặt khác, thành phố tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất tại làng nghề, các cơ sở kinh doanh tại các chợ và siêu thị. Ngoài ra, UBND thành phố cũng tổ chức 6 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành nhằm không để các sản phẩm không bảo đảm ATTP, không rõ nguồn gốc, không đúng quy định về nhãn mác lưu thông trên thị trường. Theo cử tri, ngoài các giải pháp nêu trên, các đoàn kiểm tra nên vào tận nơi sản xuất để kiểm tra thực phẩm được chế biến như thế nào, chất lượng ra sao. Có như vậy mới kiểm soát được tận gốc ATTP.

Nữ hoàng đá quý Nguyễn Thị Oanh mang “Xuân yêu thương” đến viện Nhi Trung ương

Nằm trong chuỗi hoạt động thiện nguyện kể từ sau khi đăng quang ngôi vị “Nữ hoàng đá quý Việt Nam 2016”, người đẹp Nguyễn Thị Oanh vừa có chuyến thăm và tặng quà cho các bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn tại bệnh viện Nhi Trung ương nhân dịp Tết Đinh Dậu sắp tới. Đúng như tên gọi của chuyến đi là “Xuân yêu thương”, Nguyễn Thị Oanh chia sẻ cô mong muốn có thể phần nào sẻ chia tình yêu thương và mang đến niềm vui, sự ấm áp trong dịp Tết đến Xuân về cho 31 bệnh nhi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn phải ở lại khoa Thận và lọc máu để điều trị nên không có điều kiện về nhà đón Tết. Tại đây qua thăm hỏi, Nguyễn Thị Oanh và đại diện đơn vị cùng đi được biết, 31 trẻ em phải ở lại đón Tết tại khoa Thận và lọc máu, Bệnh viện Nhi Trung ương đều là những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đến từ nhiều tỉnh thành phía Bắc như: Hưng Yên, Nghệ An, Yên Bái, Lạng Sơn… Bệnh nhi nhỏ nhất mới 3 tháng tuổi và lớn nhất là 16 tuổi, đặc biệt có bé gần như quanh năm suốt tháng gắn liền với viện nhi Trung ương, đón nhiều cái Tết ngay trên giường bệnh của mình. Chương trình “Xuân yêu thương” tại bệnh viện Nhi Trung ương cũng chính là hoạt động thiện nguyện thứ ba của Nguyễn Thị Oanh trong vòng một tháng kể từ khi đăng quang “Nữ hoàng đá quý Việt Nam” vào giữa tháng 12/2016. Trước đó, cô đã có chuyến “Về nguồn” tri ân cố xạ thủ Trần Oanh và chuyến từ thiện về với đồng bào lũ lụt miền Trung vào cuối năm 2016.

Sài Gòn giải phóng

Sẵn sàng cấp cứu dịp Tết

Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán 2017. Đến nay, hầu hết các bệnh viện (BV) trên địa bàn TPHCM đã triển khai kế hoạch túc trực đảm bảo hạn chế mức tối đa tình trạng chen lấn, chờ đợi cấp cứu trong dịp tết. Đồng thời đảm bảo tốt nguồn nhân lực và thiết bị, sẵn sàng cấp cứu 24/24 giờ. Đội cấp cứu ngoại viện 115 cũng luôn trong tư thế sẵn sàng lên đường khi nhận các cuộc gọi.

Đảm bảo công tác y tế thông suốt

Năm nào cũng vậy, số người gặp các sự cố về sức khỏe trong dịp tết đều tăng. Năm nay, thời gian nghỉ tết kéo dài đến 7 ngày, vì vậy các phương án ứng trực tết của các BV cũng rõ ràng và chi tiết hơn. Đây là thời điểm nhiều bệnh gia tăng như ngộ độc thực phẩm, ngộ độc rượu, tai nạn giao thông (TNGT), các bệnh mãn tính như huyết áp, tim mạch, đái tháo đường… cũng tăng cao do thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn uống. Trước đó, Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế đã gửi văn bản yêu cầu các BV trực thuộc, sở y tế các tỉnh, TP, bộ, ngành có kế hoạch đảm bảo công tác điều trị, phục vụ người bệnh và giữ gìn an ninh trật tự trong các cơ sở khám, chữa bệnh, túc trực theo hệ thống: trực lãnh đạo, trực chuyên môn, xử lý thông tin đường dây nóng; trực hành chính - hậu cần và trực bảo vệ - tự vệ; chủ động đối phó với dịch bệnh, ngộ độc, tai nạn cấp cứu hàng loạt có thể xảy ra. Tại các BV trên địa bàn TPHCM, công tác túc trực, cử các BS chuyên môn tham gia trực tết cũng đã sẵn sàng, công tác đảm bảo dự trữ đủ thuốc, máu, dịch truyền và các phương tiện, trang thiết bị cần thiết phục vụ cấp cứu, khám chữa bệnh cũng được chú trọng, nhằm đảm bảo tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ. Theo Sở Y tế, đã triển khai kế hoạch cấp cứu dịp Tết Đinh Dậu tại các BV, cơ sở y tế trên địa bàn TP, đặc biệt tại các điểm tập trung đông người, khu vui chơi giải trí, lễ hội, hội chợ. Sở đã gửi văn bản yêu cầu các BV công lập và ngoài công lập có kế hoạch đảm bảo nhân sự, phương tiện, thực hiện tốt công tác điều trị, phục vụ người bệnh và an ninh trật tự trong các cơ sở khám, chữa bệnh.

Các bệnh viện đã sẵn sàng!

Nếu trong nội thành, các BV lập kế hoạch cấp cứu trong những ngày vui xuân thì tại các cửa ngõ TP, các cơ sở y tế không quên nhiệm vụ này. BS Phạm Văn An, Giám đốc BV Đa khoa khu vực Củ Chi, cho biết do nằm ở phía Tây của TP nên BV thường tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân ở Củ Chi, Hóc Môn, tỉnh Tây Ninh chuyển đến. Vào dịp Tết Nguyên đán, số bệnh nhân do TNGT, do uống rượu bia thường tăng 20% - 30% nên BV đã tăng cường nhân lực, vật lực để đáp ứng, đảm bảo có thể xử trí được nhiều ca chấn thương sọ não, giảm đáng kể số trường hợp chuyển lên tuyến trên. Còn tại BV Chấn thương chỉnh hình TPHCM, BS Võ Hòa Khánh, Phó phòng Quản lý chất lượng BV, cho rằng vào dịp tết, số lượng bệnh nhân cấp cứu tại BV liên tục gia tăng. Những ngày thường chủ yếu tập trung ở 3 nhóm bệnh là tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt và TNGT, nhưng vào ngày tết số bệnh nhân chủ yếu là TNGT và tai nạn sinh hoạt do bia, rượu gây ra. Bệnh nhân say sỉn không kiểm soát được hành vi cũng gây khó khăn và cản trở cho BS khi cấp cứu. Vì vậy, BV cũng đã chuẩn bị kỹ lưỡng, phân công đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm trong ứng xử và kỹ năng trong công việc túc trực trong những ngày cao điểm tết… Bên cạnh đó, để có thể ứng cứu tốt trong trường hợp nguy cấp như: tai nạn, cháy nổ, thảm họa tại các địa điểm tập trung đông người, Sở Y tế đã chỉ đạo các trung tâm cấp cứu 115 phủ sóng khắp các cửa ngõ của TP, với 23 trạm luôn có xe túc trực sẵn sàng khi nhận cuộc gọi và dưới 5 phút phải có mặt để có thể điều chuyển kịp thời. Ngoài việc chỉ đạo các BV trực thuộc có kế hoạch cấp cứu ngày tết, sở còn yêu cầu các đơn vị phải chủ động ngăn ngừa dịch bệnh, đặc biệt là bệnh do virus Zika đang diễn biến phức tạp tại nước ta, bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng...

Vnexpress 

Phòng khám Trung Quốc bị 'tuýt còi' vì chữa trĩ không phép

Bệnh nhân 28 tuổi đến Phòng khám Đa khoa Thế Giới, quận 5, TP HCM được chẩn đoán trĩ hỗn hợp và nứt kẽ hậu môn, bác sĩ thực hiện tiểu phẫu dù nơi này chưa được phê duyệt chữa trĩ ngoại khoa. Ngày 23/1 Phòng Quản lý dịch vụ y tế, Sở Y tế TP HCM kiểm tra phòng khám đa khoa thuộc Công ty TNHH MTV Dịch vụ Y tế Thế Giới sau khi bệnh nhân điều trị tại đây tố cáo phòng khám "vẽ bệnh" moi tiền. Bệnh án ghi nhận bệnh nhân sinh 1989 đến khám ngày 2/12/2016 và thực hiện tiểu phẫu trĩ dù phòng khám chưa được phê duyệt danh mục kỹ thuật điều trị trĩ bằng phương pháp ngoại khoa. Theo Sở Y tế, phòng khám đặt biển hiệu phía trước là Phòng khám đa khoa Thế Giới tại đường Võ Văn Kiệt, quận 5. Giấy phép được Sở phê duyệt ngày 6/10/2014 có tên phòng khám đa khoa thuộc Công ty TNHH MTV Dịch vụ y tế Thanh Bình. Trải qua nhiều lần thay đổi tên, hiện phòng khám chưa thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi tên cơ sở khám chữa bệnh theo quy định. Trong đợt kiểm tra đánh giá chất lượng phòng khám của Sở Y tế vào ngày 17/11/2016, phòng khám này chỉ đạt 1,41/5 điểm. Sở Y tế sẽ tiếp tục kiểm tra đánh giá chất lượng các phòng khám đa khoa và công khai kết quả cho người dân biết để chọn lựa khi có nhu cầu khám chữa bệnh. Mới đây một nữ bệnh nhân sau khi phản ánh trên trang cá nhân bị phòng khám Trung Quốc trên đường Đinh Tiên Hoàng, quận 1 lừa đảo số tiền khoảng 25 triệu đồng, hồ sơ khám phụ khoa với nhiều thông tin cá nhân nhạy cảm của chị bất ngờ bị công khai lên mạng xã hội. Trả lời chất vấn HĐND thành phố tháng 12/2016, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh thừa nhận tình trạng phòng khám Trung Quốc lừa gạt, moi tiền người bệnh đã tồn tại từ nhiều năm qua. Nhiều bệnh nhân, đặc biệt là người ở tỉnh ít có điều kiện tiếp cận thông tin, tin vào quảng cáo sai sự thật nên đến những cơ sở này để "được điều trị nhanh chóng", dẫn đến bị lừa đảo mà không hay biết. Người đến phòng khám Trung Quốc thường điều trị bệnh khó nói nên khi bị lừa gạt đa số không dám tự thẩm định hay đứng ra tố cáo. Nhiều phòng khám Trung Quốc bị xử phạt, rút giấy phép nơi này thì chuyển đến nơi khác mở cơ sở mới tiếp tục lừa bệnh nhân cho đến khi bị phát hiện.

Giao thông

Thanh Hoá: Bệnh nhân tử vong ở bệnh viện tư

Chiều 24/1, Sở y tế Thanh Hóa cho biết, đang yêu cầu làm rõ về sự việc một bệnh nhân tử vong trước khi ra viện sau 7 ngày điều trị tán sỏi. Thông tin ban đầu cho biết, vào ngày 23/1 tại Bệnh viện Đa khoa Phúc Thịnh ( có địa chỉ ở xã Đông Lĩnh, TP Thanh Hóa), bệnh nhân P.Đ.L (56 tuổi, quê ở xã Triệu Thành,  huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) bất ngờ tử vong sau 1 tuần điều trị tán sỏi thận. Theo người nhà nạn nhân cho biết, hôm 17/1, bệnh nhân L. đã làm thủ tục khám chữa bệnh sỏi thận tại Bệnh viện Đa khoa Phúc Thịnh. Đến ngày 23/1, trước khi làm thủ tục chuẩn bị xuất viện thì y tá tại bệnh viện có tiêm 2 lọ thuốc cho bệnh nhân L. Tuy nhiên khoảng ít phút sau đó thì thấy bệnh nhân L. có hiện tượng co giật mạnh, đau ngực. “Sau khi uống và tiêm thuốc thì L. nói là đau ngực và bảo đo huyết áp nên tôi đã gọi y tá, bác sỹ đến đo huyết áp 2 lần thì cả 2 lần chúng tôi hỏi thì y tá bảo huyết áp không cao rồi bỏ đi. Tôi vẫn thấy L. vẫn lên cơn đau dữ dội nên chúng tôi chạy đi tìm bác sỹ. Lúc này là khoảng hơn 2h chiều có một bác sỹ đến cho uống 1 viên thuốc và tiêm nhưng vẫn đau ngực nên cho xuống kiểm tra điện tim. Bác sỹ bảo L. có triệu chứng nhồi máu cơ tim sau đó được chuyển xuống phòng cấp cứu. Lúc sau thấy L đã tắt thở nhưng phía Bệnh viện bảo chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cấp cứu”, một người chị dâu của bệnh nhân P.Đ.L cho hay. Ngay sau khi đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cấp cứu thì tim nạn nhân đã ngừng đập. Nghi hoặc cái chết của bệnh nhân P.Đ.L. có nhiều uẩn khúc nên người thân trong gia đình đã để thi thể lại trong Bệnh viện tỉnh Thanh Hóa và yêu cầu phía Bệnh viện Phúc Thịnh đưa ra câu trả lời thỏa đáng về nguyên nhân dẫn tới cái chết. Liên quan đến sự việc này, Ngay sau khi nhận được thông tin, Sở cũng đã yêu cầu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa và Bệnh viện Phúc Thịnh báo cáo giải trình để làm rõ sự việc trên. “Bước đầu Bệnh viện Đa khoa Phúc Thịnh báo cáo sơ bộ là bệnh nhân tử vong là do nhồi máu cơ tim sau đó đã cấp cứu và chuyển lên Bệnh viện tỉnh Thanh Hóa. Lúc đầu bệnh nhân vào điều trị sỏi niệu quản và đã phẫu thuật. Sau điều trị 7 ngày, lẽ ra bệnh nhân ra viện nhưng bệnh nhân xin lại sáng hôm sau ra vì ở xa. Sau đó, bệnh nhận kêu tức ngực thì đã làm điện tim thì có dấu hiệu nhồi máu cơ tim, cấp cứu  khoảng 30 phút nhưng không qua khỏi, mạch, huyết áp không ổn và chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Còn bệnh viện Đa khoa tỉnh xác nhận là khi xuống khoa hồi sức cấp cứu  có dấu hiệu ngừng tim ngừng thở mặc dù cấp cứu 1 tiếng đồng hồ nhưng không có kết quả. ”, Ông Uyển cho biết. Trong phạm vi chuyên môn thì BVĐK Phúc Thịnh được  phép mổ sỏi thận và do được phép mổ sỏi thận và do một bác sỹ trước đây làm Trưởng khoa tiết liệu của BVĐK tỉnh Thanh Hóa. Đối với bệnh nhân P.Đ.L thì đã điều trị ổn định được 7 ngày. “Tôi đã in toàn bộ hồ sơ Bệnh án và yêu cầu BVĐK tỉnh và Bệnh viện Đa khoa Phúc Thịnh họp hội đồng chuyên môn về sự việc rồi báo cáo về Sở y tế để làm rõ vụ việc. Về phía gia đình thì hiện tại cũng chưa có thắc mắc gì”.

Vietnamnet

Cháu bé 10 tuổi bị pin điện thoại nổ gây nát bàn tay

Chiều 23/1, BV TƯ Thái Nguyên đã tiếp nhận cấp cứu và phẫu thuật cho một bệnh nhi bị dập nát lòng bàn tay và 3 ngón tay phải do pin điện thoại phát nổ. Bệnh nhi là cháu Nguyễn Đức Thuận, 10 tuổi ở xóm Trại Cài, xã Minh Lập (Đồng Hỷ). Được biết, chiều 23/1, cháu Nguyễn Đức Thuận tình cờ nhặt được viên pin điện thoại có in chữ nước ngoài liền đem đấu vào mô-tơ điện đồ chơi. Thấy viên pin có biểu hiện phồng rộp, cháu đã lấy tay bóp vào chỗ phồng rộp, viên pin ngay sau đó phát nổ khiến lòng bàn tay và 3 ngón tay phải bị dập nát. Tại BV TƯ Thái Nguyên, cháu Thuận đã được kíp mổ do bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng và bác sĩ Phạm Ngọc Tuấn Anh, Khoa Chấn thương Chỉnh hình loại bỏ toàn bộ các phần ngón tay dập nát, nối gân, nối mạch máu bảo toàn ngón cái và ngón trỏ. Đến sáng 24/1, hai ngón tay được bảo toàn đã hồng hào và có biểu hiện tiến triển tốt. Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng cho biết, quả pin phát nổ đã gây tổn thương nghiêm trọng. Bàn tay phải của Thuận mất toàn bộ xương bàn ngón giữa, áp út và ngón út; mất toàn bộ bờ ngoài bàn tay; tổn thương toàn bộ hệ thống gân bàn tay, xương bàn tay và gân cơ. Ngoài ra, khu vực lòng bàn tay có nhiều dị vật mảnh vỡ bằng kim loại. Dự kiến, cháu Thuận sẽ tiếp tục được phẫu thuật ít nhất 1 lần nữa để chuyển vạt và ghép da vào những vết thương hở.

Lao động

Báo động: Gần 14 triệu người Việt bị rối loạn tâm thần và giải pháp

Theo nghiên cứu, gần 15% dân số Việt Nam (tương đương gần 14 triệu người) mắc các bệnh về rối loạn tâm thần, trong đó khoảng 3 triệu người mắc rối loạn tâm thần nặng như tâm thần phân liệt, sa sút trí tuệ, chậm phát triển. Con số này vẫn không ngừng tăng. Tâm thần là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến nhất hiện nay, là nguyên nhân hàng đầu của gánh nặng bệnh tật. Không những thế, tâm thần và những rối loạn tâm thần cũng là nguyên nhân của nhiều tệ nạn, thậm chí còn tiềm ẩn nguy cơ gây bạo lực trong xã hội hiện nay. Thực tế cho thấy, trong nhiều vụ giết người thời gian qua thì tỉ lệ thủ phạm có biểu hiện rối loạn về tâm lí, tâm thần chiếm tỉ lệ không nhỏ. Nguyên nhân chủ yếu do làm việc suốt ngày đêm, áp lực công việc lớn, căng thẳng, tiêu thụ rượu bia nhiều, cách biệt giàu - nghèo, ly hôn, thất nghiệp...Tuy nhiên số lượng người bệnh rối loạn tâm thần được chữa trị còn cực kỳ thấp, cứ 10 người chỉ có 2-3 người được điều trị, trong đó điều trị bằng thuốc vẫn là chủ yếu, điều trị tâm lý rất hạn chế. Chưa kể số lượng bác sĩ chuyên khoa tâm thần còn rất ít, cả nước có 850 bác sĩ nhưng chỉ tập trung tại tuyến trung ương và các thành phố lớn. Để ngăn chặn sự gia tăng của bệnh tâm thần cần quan tâm đến nhiều vấn đề, một trong những điều quan trọng nhất đó là trị liệu tâm lí - bước quan trọng để ngăn chặn sự bùng nổ của bệnh tâm thần. Chúng ta đều biết, ở các nước phát triển hầu như mỗi cá nhân luôn có hai đối tượng để bảo vệ mình trong những tình huống có vấn đề họ gặp phải đó là luật sư và bác sĩ tâm lí. Song, ở Việt Nam đa số người dân không hề có khái niệm bác sĩ tâm lí. Những vấn đề mỗi cá nhân gặp phải chủ yếu là họ tự giải quyết. Có người giải quyết tích cực và vượt qua được stress nhưng cũng không ít những trường hợp giải quyết tiêu cực. Vì thế, để giải quyết những vấn đề, những trục trặc, áp lực…của mỗi người trong cuộc sống, xu hướng sắp tới của xã hội Việt Nam phải là hình thành thói quen tìm gặp bác sĩ tâm lí. Để làm được điều này cần sự nỗ lực trước hết là nâng cao chất lượng đời sống của người dân mà chủ yếu là cải thiện điều kiện kinh tế. Khi cuộc sống còn khó khăn, phải chật vật với cuộc sống mưu sinh chạy ăn từng bữa thì việc đi chữa những bênh đau đớn thông thường còn khó thì chuyện gặp bác sĩ tâm lí chỉ có trong giấc mơ mà thôi. Sau nữa là cần thay đổi cả một thói quen, nếp nghĩ đã bám rất sâu vào mỗi người đó là niềm tin, sĩ diện và định kiến. Làm sao có thể nghĩ đến chuyện gặp bác sĩ tâm lí khi người dân mở miệng ra là đã sẵn câu chửi bác sĩ rồi. Làm sao có thể gặp bác sĩ tâm lí và chia sẻ những vấn đề của cá nhân khi mà chúng ta không thể có đủ một niềm tin, một độ tin cậy nhất định. Đó là chưa kể cả khi có được niềm tin rồi thì cũng khó để vượt qua rào cản của sĩ diện và định kiến. Vì sao mình phải đi gặp bác sĩ tâm lí, cái cảm giác xấu hổ, sợ người khác thấy sẽ cho mình là người bị điên là rất đáng sợ. Do nhận thức hạn chế, đa số người dân vẫn chưa hiểu đúng về sức khỏe tâm thần, đánh đồng tất cả đều là "điên" mà không biết có nhiều rối loạn tâm thần khác như trầm cảm, mất ngủ, lo âu... dẫn đến tình trạng kì thị, phân biệt đối xử. Một điều vô cùng quan trọng để giải pháp trên có thể khả thi nữa đó là đào tạo nguồn lực bác sĩ tâm lí, tâm thần. Trước hết, cần tuyên truyền sâu rộng cho mọi người thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng của bác sĩ tâm lí, tâm thần và xu thế của xã hội trong tương lai. Cũng cho các em học sinh thấy đây cũng chính là một cơ hội chọn nghề nghiệp sáng suốt trong hoàn cảnh tỉ lệ thất nghiệp rất cao như hiện nay. Tuy nhiên, phần lớn học sinh chọn nghề bác sĩ đều tránh ngành học này vì điều kiện làm việc khó khăn hơn, thu nhập làm thêm cũng khó khăn hơn như trên đã nói. Trước mắt, cần có sự khuyến khích ưu đãi cho sinh viên và bác sĩ công tác trong lĩnh vực này để có sức thu hút người học. Có thể có nhiều giải pháp để giúp giảm bớt và ngăn chặn sự gia tăng của bệnh nhân tâm thần trên cả nước đã được đưa ra trong thời gian qua. Song, những giải pháp đó chủ yếu  để khắc phục phần ngọn còn phần gốc thì nhất thiết phải thay đổi, có sự đột phá trong nhận thức của người dân về căn bệnh này. Làm được điều này không chỉ góp phần hiệu quả để giảm số lượng bệnh nhân tâm thần mà còn góp phần hạn chế bớt những mâu thuẫn xung đột dẫn đến hành vi bạo hành trong xã hội. Điều đó cũng góp phần giúp xã hội văn minh hơn.

Người lao động

Mỗi năm người Việt Nam bỏ 22.000 tỉ đồng mua thuốc lá

Theo Bộ Y tế, mỗi năm ở Việt Nam đã phải bỏ chi phí hơn 23.000 tỉ đồng để chữa các bệnh liên quan đến thuốc lá, song người Việt vẫn dành ra 22.000 tỉ đồng mua thuốc lá hút mỗi năm. Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Viện Ung thư Quốc gia Mỹ vừa được công bố cho thấy tác động tiêu cực của thuốc lá đối với nền kinh tế ở các nước và đối với công chúng nói chung là rất lớn. Việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá đang làm cho hàng triệu người chết sớm, và cướp đi nguồn tài chính của các hộ gia đình, mà lẽ ra số tiền đó có thể sử dụng để mua thực phẩm và đầu tư cho giáo dục. Ngoài ra, các ca bệnh tật do thuốc lá gây ra gánh nặng chi phí y tế rất nặng nề đối với các gia đình, cộng đồng và cả quốc gia. Thế giới có 1,1 tỉ người hút thuốc lá từ 15 tuổi trở lên, khoảng 80% số đó sống ở các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình. Khoảng 226 triệu người hút thuốc lá sống trong nghèo đói. Các chuyên gia cho rằng việc tăng thuế thuốc lá sẽ giảm khoảng 9% tỉ lệ hút thuốc, tương ứng với việc giảm 66 triệu người lớn hút thuốc trên toàn cầu. Tại Việt Nam, theo Khảo sát thuốc lá toàn cầu dành cho người trưởng thành (GATS), tỉ lệ người hút thuốc lá trong nhóm nam giới trưởng thành tại Việt Nam chiếm 45,3%, và có tới hơn 15,6 triệu người đang hút thuốc. Trong 5 năm qua, tỉ lệ hút thuốc lá ở nam giới có giảm nhưng vẫn còn rất cao, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Đồng thời, các tác động sức khỏe của việc sử dụng thuốc lá ở Việt Nam đang ngày càng rõ rệt với số người mắc các bệnh về hô hấp, tim mạch và ung thư do thuốc lá ngày càng gia tăng nhanh chóng. Theo Bộ Y tế, mỗi năm ở Việt Nam đã phải bỏ chi phí hơn 23.000 tỉ đồng để chữa các bệnh liên quan đến thuốc lá. Tuy nhiên, người Việt vẫn dành ra 22.000 tỉ đồng mua thuốc hút mỗi năm. Nếu phòng chống được tác hại của thuốc lá, nhiều người sẽ được cứu sống. Theo nghiên cứu, nếu người nghiện thuốc lá bỏ thuốc trước tuổi 50 sẽ giảm 50% nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch. Sau khi bỏ thuốc được 1 năm sẽ giảm 50% nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi. Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo trong thế kỷ này, nếu không có các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá, thì khói thuốc có thể sẽ giết chết hơn 1 tỉ người.

Chủ nhật Đỏ 2017 xác nhận kỷ lục mới

Chuỗi ngày hội Chủ nhật Đỏ 2017 đã kết thúc với kỷ lục mới được xác lập khi tiếp nhận 31.880 đơn vị máu. Con số trên vượt ngoài sức tưởng tượng của những người tham gia tổ chức hoạt động này Chuỗi ngày hội Chủ nhật Đỏ hiến máu tình nguyện do Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia, Báo Tiền Phong, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các tỉnh/thành phố vừa kết thúc với kỷ lục mới được xác lập khi tiếp nhận 31.880 đơn vị máu. Con số trên vượt ngoài sức tưởng tượng của những người tham gia tổ chức Chủ nhật Đỏ, bởi lẽ khi chuẩn bị cho mùa hiến máu tình nguyện lần thứ 9, Ban Tổ chức đưa ra chỉ tiêu tiếp nhận 25.000 đơn vị máu. Với số lượng đó, trong những ngày giáp Tết, khi sinh viên và mọi người đang bận thi học kỳ và chuẩn bị nghỉ tết thực sự là không dễ. Nhưng sự lan tỏa yêu thương và sẻ chia của Chủ nhật Đỏ trong những mùa trước đã tạo nên hiệu ứng tốt đẹp, thu hút sự quan tâm và hưởng ứng của đông đảo sinh viên và người dân cả nước. Chính những trái tim nhân ái đó đã thắp lửa cho Chủ nhật Đỏ lần này, tạo nên dấu ấn xúc động về một mùa thiện nguyện mà sự đồng cảm, sẻ chia vì đồng bào được khắc ghi rõ nét. Thông điệp "Hiến máu cứu người - Sinh mệnh bạn và tôi” xuyên suốt trong các mùa Chủ nhật Đỏ, trở thành lời kêu gọi biết sống vì nhau bởi mỗi giọt máu cho đi là một cuộc đời ở lại. Số lượng máu kỷ lục mà Chủ nhật Đỏ mang lại sẽ giúp cho khoảng 50.000 bệnh nhân đang chờ máu trên cả nước có cơ hội được sum họp ăn Tết cổ truyền cùng người thân. Đây là sự kiện có ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhằm góp phần quan trọng khắc phục tình trạng khan hiếm máu cho điều trị tại các cơ sở y tế trong dịp giáp Tết Nguyên đán Đinh Dậu. Điểm mới trong mùa Chủ nhật Đỏ lần này là sự tham gia của người dân thị trấn Quảng Phú-huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk lắk rực rỡ màu sắc trang phục truyền thống các dân tộc về dự lễ khởi động Chủ nhật Đỏ “Tình người Cư M’gar”. Trọn buổi chiều, nhà thi đấu trường Đại học Tây Nguyên tưng bừng không khí hiến máu của sinh viên cùng nhiều vị khách đặc biệt... Và chương trình văn nghệ bản địa đặc sắc với những tiết mục múa xòe, múa ô, múa sạp của các nhóm thiếu nữ Mông, Dao, Tày, Thái, hòa trong tiếng gõ giòn giã của những đội chiêng Ê Đê, Sê Đăng; Những già làng mặc áo tù trưởng truyền thống dẫn đầu các nhóm tình nguyện viên nhiều độ tuổi kêu gọi tinh thần hiến máu tình nguyện. Trước đó, ngày 8-1 vừa qua, lễ phát động ngày hội hiến máu Chủ nhật Đỏ lần thứ 9 đồng loạt được tổ chức tại Hà Nội, TP HCM, Bắc Giang và Học viện Hậu cần. Những năm qua, chuỗi ngày hội hiến máu Chủ nhật Đỏ đã có ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng, xã hội. Lượng máu thu được từ hoạt động này đã góp phần cung cấp máu cho công tác điều trị, cấp cứu người bệnh, nhất là các dịp lễ, tết.

Dân trí

Quảng Nam: Ngộ độc khí CO, một gia đình thoát chết

Tối 24/1, trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) xác nhận, bệnh viện vừa cứu thành công vợ chồng do ngạt khí than củi; hiện tính mạng cả hai vợ chồng đã an toàn. Theo đó, nạn nhân là anh Lê Văn L. (SN 1995), vợ là chị Nguyễn Thị T. (SN 1996) và con gái mới 1 tháng tuổi (trú tại thôn Hà An, xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam). Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức, trước đó khoảng 10h20 cùng ngày, ba người trong cùng gia đình này cùng vào khoa Cấp cứu trong tình trạng co rút chân tay, buồn nôn, nhức đầu... Thông tin từ gia đình cho biết, trước đó cả ba cùng ngủ trong một phòng đóng kín cửa và sưởi ấm bằng than củi do trời lạnh. Sau đó cả vợ chồng cùng đều thấy mệt, buồn nôn, nhức đầu, chân tay co rút... Rất may hàng xóm phát hiện và gọi xe đưa ngay vào bệnh viện cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ sau khi khám, xét nghiệm đã kết luận anh L. và chị T. bị ngộ độc khí CO do đốt than củi trong phòng kín. Bệnh viện Vĩnh Đức cho biết, đến 16h cùng ngày, anh L. và chị T. đều đã khỏe. Riêng bé gái 1 tháng tuổi từ lúc vào vẫn không có triệu chứng ngộ độc khí CO. Bé vẫn hồng hào, bú mẹ tốt. Hiện vợ chồng anh L. đang được điều trị và tiếp tục theo dõi.

Chủ tịch Quốc hội tặng quà Tết cho hơn 100 bệnh nhân ung thư

Chiều ngày 23/1, Chủ tịch Quốc hội, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã đến thăm và tặng quà cho các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tại bệnh viện K (cơ sở Tân Triều) đồng thời có cuộc nói chuyện với y, bác sỹ. Với phong thái nhanh nhẹn, dứt khoát, chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã mở đầu chuyến thăm bệnh viện K Tân Triều bằng cuộc nói chuyện cởi mở với cán bộ, y bác sĩ. Bà Kim Ngân đánh giá cao cơ sở vật chất của đơn vị này: “Nếu như bệnh viện nào cũng xây dựng được như Bệnh viên K, cơ sở Tân Triều thì người dân sẽ bớt khó khăn”. Đồng thời bà cũng bày tỏ mong muốn: “Bệnh viện K Trung ương sẽ tiếp tục là nơi người dân gửi gắm niềm tin hi vọng vào sự sống. Tiếp tục là bệnh viện đầu ngành về điều trị ung bướu cho người dân, giúp người dân vượt qua khó khăn, chiến thắng bệnh tật”. Bà Kim Ngân cũng đề xuất bệnh viện cần phải tăng cường thêm hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học cho ngành y. Ngay sau buổi nói chuyện, bà Kim Ngân đã cùng lãnh đạo bệnh viện và đại diện Quỹ Ngày mai tươi sáng, Bộ Y tế, xuống khoa Ngoại Vú và Xạ vú thăm hỏi và tặng quà tới 120 bệnh nhân với tổng trị giá hơn 100 triệu đồng. Trong đó đã động viên và hỗ trợ 2 bệnh nhân viện K có hoàn cảnh đặc biệt với số tiền trị giá 10 triệu đồng/người. Đó là bệnh nhân Nang Bua Thong, 57 tuổi, quốc tịch Lào, mắc bệnh ung thư vú giai đoạn muộn, đang điều trị tại khoa Ngoại Vú, bênhj viện K cơ sở Tân Triều và bệnh nhân Trần Thị Tuyết, 40 tuổi, đang điều trị ung thư vú tại khoa Ngoại Vú. Chồng bệnh nhân bị tai nạn gãy tay nên không lao động được từ 6 tháng nay. Một mình bệnh nhân vừa điều trị bệnh, vừa nuôi 2 con đang tuổi ăn học (1 đang học đại học, 1 đang học lớp 1). Cũng trong chiều tối cùng ngày, Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư – Ngày mai tươi sáng đã tổ chức chương trình “Tết sum vầy” cho người bệnh ung thư vẫn đang nằm viện khi Tết đã rất gần. 50 bệnh nhân khoa Xạ vú – Phụ khoa cùng nhân viên y tế đã cùng trang trí, gói bánh chưng, cuốn nem và ăn bữa ăn cơm tất niên… trong không khí vui vẻ, đầm ấm. Bệnh nhân Triệu Thị Hoa (59 tuổi, người dân tộc Dao, ở Thái Nguyên) cho biết mình điều trị K tử cung tại bệnh viện đã 3 tháng. Lúc mới vào, bệnh nhân rất mỏi mệt nhưng nay đã khá hơn, dự kiến 28 Tết sẽ về. Được tham dự bữa ăn tất niên cùng lãnh đạo, y bác sĩ bệnh viện K với đầy đủ các món ăn truyền thống như gà, giò, nem, bệnh nhân Hoa bày tỏ cảm giác rất vui và biết ơn. Một nữ bệnh nhân khác khác, trẻ hơn (25 tuổi) có vẻ ngoài xinh xắn cho biết mới vào viện 20 ngày. Bệnh nhân này luôn cười rạng rỡ trong suốt chương trình Tết sum vầy. Chị cho biết, những hoạt động như thế này sẽ giúp cô và các bệnh nhân khác thấy thoải mái hơn.

Dân Việt 

Khó tin cụ bà 72 tuổi, ghép thận lần 3 vẫn khỏe mạnh

Bệnh nhân là bà M. Takako (71 tuổi, quốc tịch Nhật) vừa được ghép thận thành công tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Bà Takako vui mừng cho biết, bà cảm thấy còn đón thêm được nhiều cái Tết nữa. Tính đến ngày 23.1, bà Takako đã ghép thận lần 3 được 2 tuần. Bà cho biết, sức khỏe bà đã ổn định, người thư thái dễ chịu. Bà đang chuẩn bị về Nhật để đón năm mới. “Bị bệnh thận sớm, cơ thể thường xuyên phải đối mặt với bệnh tật nên việc được ghép lần thứ 3 khiến tôi thêm trân trọng cuộc sống. Ở Nhật, người cao tuổi nhất được ghép thận là 72 tuổi và còn người ghép thận 3 lần cũng chỉ dưới 10 người. Tôi vừa là người ghép thận lần 3, lại là người cao tuổi nhất được ghép thận" - bà xúc động nói. Bà Takako cho biết, bà bị viêm cầu thận từ năm 14 tuổi và từng ghép thận 2 lần vào năm 1987 và 2004. Mỗi quả thận được thay chỉ có hạn sử dụng 7-10 năm. Đến năm 2014, bà lại tiếp tục phải chạy thận. Tuy nhiên, ở Nhật, các bệnh viện không dám tiếp tục ghép thận cho bà Takako vì tuổi của bà đã cao, đã ghép thận nhiều lần nên mạch máu đã bị sơ vữa, các mạch nối thận cũng đã bị nối đi nối lại nhiều lần nên càng khó khăn hơn. Nghe tin Bệnh viện Vinmec tại Việt Nam có khả năng ghép thận lần 3 an toàn, bà Takako đã đến để hy vọng có cơ hội khỏe mạnh trở lại. Bác sĩ Nguyễn Quốc Tuấn – Trưởng Đơn nguyên Thận lọc máu Bệnh viện Vinmec, người trực tiếp chăm sóc bà Takako cho hay: “Với ca ghép phức tạp này, ngoài việc đánh giá chỉ số hòa hợp giữa người cho và người nhận, công tác chuẩn bị rất quan trọng. Qua kiểm tra, bệnh viện phát hiện tình trạng hẹp động mạch vành phải nặng ở người bệnh và tiến hành đặt stent để cải thiện khả năng tống máu của tim. Do đã ghép thận nhiều lần, cơ thể người bệnh sẽ có nhiều kháng thể kháng lại mảnh ghép nên chúng tôi đã tiến hành lọc huyết tương để loại bỏ tối đa các yếu tố gây ra đào thải”. Ca ghép có sự phối hợp giữa các bác sĩ Vinmec, Bệnh viện Việt Đức và phẫu thuật viên Hoàng Anh Dũng – chuyên gia ghép thận tại Bệnh viện Erasme thuộc Đại học ULB, một trong ba trung tâm ghép tạng lớn nhất ở Bỉ và toàn châu Âu. Ca phẫu thuật đã thành công. Quả thận mới đã có nước tiểu ngay sau khi khâu xong miệng nối. Do ghép lần thứ 3 nên người bệnh được sử dụng phác đồ có tác dụng ức chế miễn dịch mạnh nhất, đồng thời  kiểm soát chặt tác dụng phụnhằm đem lại hiệu quả cao nhất. Bà M. Takako là trường hợp thứ 2 ghép thận thành công tại Bệnh viện Vinmec. Tuy nhiên, đây là ca hội tụ nhiều yếu tố khó và lần đầu tiên được thực hiện. Sắp được trở về nhà đón năm mới với gia đình, Bà Takako vui mừng khôn xiết. Bà cho biết: “Ngay cả ở Nhật cũng ít người có may mắn như tôi. Có được hạnh phúc này, chắc tôi sẽ sống thêm được 30 năm, để có thể thọ được như bà ngoại 103 tuổi”.

Tuổi trẻ

Phát hiện người khám bảo hiểm y tế... 140 lần trong 3 tháng

Tin từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong quý 4-2016, thực hiện kết nối giám định Bảo hiểm y tế với trên 99% cơ sở y tế, cơ quan giám định phát hiện nhiều vi phạm và yêu cầu xuất toán 200 tỉ đồng bị chi lạm quỹ. Cụ thể trong quý 4-2016, qua giám định trên phần mềm với trên 99% cơ sở y tế, ghi nhận khoảng 100 người đã khám 50 lần trong 3 tháng. Cá biệt có một người ở TP.HCM đã khám... 140 lần trong vòng 3 tháng tại nhiều cơ sở y tế. Có một hồ sơ chi phí điều trị 400 triệu đồng được đề nghị thanh toán hai lần. Cũng qua hệ thống giám định trên mạng, phát hiện nhiều sai sót trong chẩn đoán và điều trị. Đáng chú ý, chi phí lạm chi được yêu cầu trả lại quỹ bảo hiểm y tế lên tới 200 tỉ đồng/quý, trong khi toàn bộ chi phí thuê hệ thống dịch vụ kỹ thuật để giám định chỉ 150 tỉ đồng/năm.

Diệt ung thư từ trứng nước

Các nhà khoa học đang nghiên cứu những phương pháp hoàn toàn mới giúp chống lại bệnh ung thư ở thời điểm tế bào còn chưa phát triển. Từ trước đến nay, các nhà khoa học chủ yếu tìm cách đương đầu với ung thư nhưng chưa thực sự tìm hiểu quá trình các tế bào này nhen nhóm trong cơ thể ra sao. Trong tương lai, phòng ngừa và điều trị ung thư sẽ diễn ra song song và tích cực như nhau, chứ không chỉ tập trung vào việc chữa trị khi khối u đã phát triển ở mức nhất định.

Ngăn ngừa hay chữa trị?

Gần đây, các nhà nghiên cứu bắt đầu đặt câu hỏi: Liệu cách chữa ung thư từ trước đến nay là đúng hay sai? Thông thường, các bác sĩ vẫn chờ đến khi một khối u phát triển đủ to mới tìm cách tiêu diệt. Tuy nhiên, cách làm này không thực sự hiệu quả bởi tế bào ung thư có xu hướng kháng lại các loại thuốc. Trả lời cho câu hỏi này, các nhà khoa học đã tìm ra phương pháp mới nhằm ngăn chặn ung thư ngay từ khi phát hiện thấy nguy cơ, hoặc ở thời điểm khối u còn rất nhỏ. “Liệu chúng ta có thể can thiệp đủ sớm để thay đổi tình hình, ngăn ngừa một thứ gì đó đang tiến triển dần thành ung thư không?”, bác sĩ chuyên khoa Matthew Yurgelun thuộc Viện ung thư Dana-Farber nói. Nhìn chung, phương pháp vừa được công bố không hoàn toàn mới vì từng được các nhà nghiên cứu cân nhắc trong quá trình tìm cách chữa bệnh ung thư trước đó. Bằng chứng là hiện nay, chúng ta vẫn thường được khuyên không hút thuốc, siêng tập thể dục, tránh ánh nắng gắt…để giảm nguy cơ ung thư. Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy các tế bào miễn dịch có thể giúp ngăn ngừa khối u ác tính phát triển trong một thời gian nhất định, cho đến khi các khối u này đủ lớn và cơ thể không còn sức chống trả. Gần đây, các loại thuốc như Keytruda hay Yervoy còn giúp đánh bật được nhiều bệnh ung thư ở giai đoạn cuối. Tuy chỉ có tác dụng trên một số loại ung thư nhất định và cũng mới được dùng ở một số ít bệnh nhân, nhưng điều này cho thấy kích thích hệ thống miễn dịch một cách phù hợp sẽ mang lại tác dụng tích cực.

Nhiều hy vọng mới

Theo giáo sư y khoa Paul Limburg, những năm sắp tới là thời điểm lý tưởng nhất để các nhà nghiên cứu tìm hiểu những điều mới lạ trong lĩnh vực phòng chống ung thư. Dựa vào kết quả khả quan trong thời gian vừa qua, các nhà khoa học đang nghiên cứu sâu hơn cách hệ thống miễn dịch chống lại ung thư ở giai đoạn sớm. Một trong những phương pháp có nhiều hứa hẹn là tiêm phòng vắc-xin ngừa ung thư. Bất chấp những thất bại trong quá khứ, một nghiên cứu gần đây cho thấy có khoảng 1.200 dự án về vắc-xin chống ung thư đang được phát triển tại các phòng nghiên cứu, bao gồm cả vắc-xin ngừa và vắc-xin trị liệu. Tại Mạng lưới Phòng chống ung thư (Mỹ), các nhà khoa học đang nghiên cứu loại vắc-xin ngừa ung thư ruột kết. Trong khi đó, nhóm nghiên cứu tại trường đại học Washington cũng vừa kết thúc bước đầu tiên trong quy trình chế vắc-xin chống ung thư vú ở phụ nữ có nguy cơ mắc cao. Các vắc-xin thế hệ mới này dự kiến sẽ tốt và hiệu quả hơn nhiều so với trước kia bởi các nhà khoa học tập trung phân tích chuỗi dữ liệu trong hệ gen. Điều này giúp dự đoán cách thức các khối u thay đổi trong quá trình phát triển. Ngoài ra, các vắc-xin mới này cũng sẽ có tác dụng kích thích hệ miễn dịch hoạt động mạnh mẽ nhằm ngăn ngừa ung thư tối đa. Trong tương lai, một người có nguy cơ bị ung thư cao (do di truyền hoặc do lối sống) sẽ trải qua quá trình phân tích tế bào trong cơ thể. Sau đó, bác sĩ sẽ chỉ định tiêm vắc-xin chống loại ung thư mà họ có thể mắc. Bên cạnh đó, họ cũng có thể được cho uống loại thuốc đặc biệt giúp kích hoạt hệ miễn dịch chống lại ung thư. Nếu các bước này đều thành công, người bệnh coi như thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” một cách ngoạn mục. Ngoài ra, trong thời gian tới, các nhà khoa học cũng tập trung vào việc dự đoán cách thức một khối u phát triển, từ đó tìm ra cách ngăn chặn hiệu quả hơn. Trước đây, nhiều người cho rằng sử dụng aspirin có thể giúp ngăn ngừa ung thư ruột kết. Nếu sử dụng mỗi ngày trong vòng 10 năm liên tiếp, aspirin có thể giúp giảm nguy cơ mắc loại ung thư này đến 30%. Tuy nhiên, cách ngừa ung thư này không được phổ biến rộng rãi vì không phải người nào cũng đáp ứng tốt. Dự kiến trong năm 2017 sẽ có hai nghiên cứu công bố kết quả chính thức về tác dụng của aspirin đối với việc ngừa ung thư, từ đó trả lời câu hỏi những đối tượng nào nên và không nên uống aspirin để ngừa bệnh. Một số nghiên cứu khác tập trung vào tìm hiểu liệu các liệu pháp nhắm trúng đích hoặc thuốc miễn dịch có thể giúp ngăn ngừa ung thư phát triển hay không.

Một thế giới

Đã xác định được 'trách nhiệm' của từng loại vi khuẩn đường ruột

Theo tạp chí Cell Host & Microbe, các nhà khoa học Mỹ đã phát triển một phương pháp tính toán mới có thể được sử dụng để tìm ra trách nhiệm của từng loại vi sinh vật trong toàn bộ hệ vi khuẩn đường ruột. Phương pháp này cũng giúp hiểu được vai trò của các loại vi khuẩn khi xuất hiện tình trạng mất cân đối có liên quan với những chứng bệnh khác nhau. Theo tạp chí Cell Host & Microbe, phương pháp này được các nhà khoa học đặt tên là FishTaco. Các chuyên gia đã kết hợp hai cách tiếp cận: phân loại và chức năng. Những người có bệnh tiểu đường thể 2 và bệnh viêm ruột đã tình nguyện tham gia công trình nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện sự kết hợp các loại vi khuẩn khác nhau thường dẫn đến những sự biến đổi về chức năng. Ngoài ra, các nhà khoa học nhận thấy khi mắc các chứng bệnh khác nhau cũng xảy ra tình trạng mất cân đối về chức năng giống nhau và nhưng họ cho rằng điều này có thể là do các loại vi khuẩn hoàn toàn khác nhau gây ra. Nhà nghiên cứu Elhanan Borenstein giải thích rằng việc xác định được thủ phạm gây tình trạng mất cân đối hệ vi khuẩn đường ruột dẫn đến một chứng bệnh cụ thể sẽ giúp nâng cao hiệu quả điều trị. Trước đó, nghiên cứu viên của Viện Công nghệ hoàng gia Stockholm (Thụy Điển) đã xác định được chính xác những loại vi khuẩn đường ruột nào giúp duy trì sự trao đổi chất. Nghiên cứu cho thấy rằng các loại vi khuẩn đường ruột giúp điều chỉnh nồng độ chất chống oxy hóa glutathione trong cơ thể. Chất chống oxy hóa này giúp cơ thể chống chọi với một loạt những rối loạn chuyển hóa.

Ngày 08/02/2017
Ban Biên tập Website
(Điểm tin từ các Báo)
 
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích