Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 29/03/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 2 7 8 7 3 6
Số người đang truy cập
3 1 2
 Tin tức - Sự kiện
Trẻ em trong một gia đình di cư tự do từ vùng núi phía Bắc vào Tây Nguyên, cuộc sống khó khăn và nhà cửa che chắn tạm bợ dễ phơi nhiễm sốt rét
Thách thức trong kiểm soát sốt rét ở các nhóm dân di biến động (MMP)

Mặc dù những nỗ lực phòng chống sốt rét trong nhiều thập kỷ qua đã làm giảm gánh nặng sốt rét và thu hẹp bản đồ sốt rét toàn cầu nhưng kiểm soát sốt rét ở cộng đồng dân di biến động (MMP) vẫn là trở ngại lớn trong cuộc chiến sốt rét trên thế giới cũng như Việt Nam khi vẫn được coi là nhóm "di biến động khó kiểm soát".

Khái niệm và phân loại MMP

Khái niệm MMP

Trên thế giới cũng như Việt Nam, di cư tự do được coi là sự di chuyển địa bàn cư trú của cá nhân hay một nhóm người không theo kế hoạch của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Di cư là hiện tượng phổ biến trên thế giới, gắn liền và đồng hành với quá trình phát triển. Theo Tổ chức di cư quốc tế (International Organization for Migration_IOM), quần thể dân di cư và di biến động (Mobile and migrant populations) gọi chung là dân di biến động (MMP), được chia thành hai nhóm đặc thù bao gồm biến động tự nhiên và biến động cơ học. Biến động tự nhiên mô tả sự thay đổi dân số gắn liền với sự ra đời, tồn tại và mất đi của con người theo thời gian mà dân số học gọi là các hiện tượng sinh, tử. Biến động cơ học biểu thị sự thay đổi dân số về mặt không gian, lãnh thổ do nhu cầu sống phải di chuyển với khoảng cách và thời điểm khác nhau mang bản chất kinh tế, chính trị, xã hội sâu sắc chính là đặc điểm then chốt để phân biệt với nhóm biến động tự nhiên nêu trên. Từ đó, IOM khái niệm di dân là hiện tượng dân di chuyển lãnh thổ theo chuẩn thời gian và không gian nhất định cùng sự thay đổi nơi cư trú dựa vào đặc điểm người dân di chuyển khỏi một địa điểm nào đó, nơi đi và đến được xác định, có thể là một vùng lãnh thổ hay đơn vị hành chính địa phương; mục đích, tính chất cư trú và khoảng thời gian ở lại nơi mới trong bao lâu là tiêu chí xác định sự di chuyển đó có phải là di dân hay không.


Làn sóng di dân xuyên biên giới đang là vấn nạn toàn cầu

Phân loại MMP

- Hình thức di dân lâu dài, tạm thời hay chuyển tiếp: Căn cứ vào khoảng thời gian nơi cư trú cho phép phân biệt các kiểu di dân lâu dài, tạm thời hay chuyển tiếp. Theo đó, di dân lâu dài bao gồm các hình thức thay đổi nơi cư trú thường xuyên và nơi làm việc đến nơi mới với mục đích sinh sống lâu dài, thường không trở về quê hương nơi cư trú; di dân tạm thời bao hàm thay đổi nơi ở gốc là không lâu dài và nhiều khả năng quay trở lại nơi ở cũ như hình thức di chuyển làm ăn theo mùa vụ, đi công tác, du lịch dài ngày; di dân chuyển tiếp là hình thức di dân mà không thay đổi nơi ở theo kiểu điều tiết thị trường lao động.

- Hình thức di dân quốc tế và nội địa: Căn cứ vào khoảng cách phân biệt di dân xa hay gần giữa nơi đi và nơi đến, theo đó di dân giữa các nước gọi là di dân quốc tế; di dân giữa các vùng, các đơn vị hành chính trong nước gọi là di dân nội địa.

- Hình thức di dân hợp pháp và bất hợp pháp: Căn cứ vào tính chất quản lý phân biệt di dân hợp pháp hay bất hợp pháp, di dân tự do hay có tổ chức, di dân tình nguyện hay bắt buộc tuỳ theo mức độ can thiệp của chính quyền trung ương hay địa phương để phân biệt các hình thức di dân này.


Đặc thù MMP ở vùng sâu, vùng xa dễ phơi nhiễm dịch bệnh

Đặc thù sốt rét của MMP

Theo Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP),hàng năm trên thế giới có khoảng 950 triệu người di cư, trong đó có 640 triệu di cư nội địa và 210 triệu di cư quốc tế, đặc biệt là di cư quốc tế trong 50 năm qua ở mức 3% dân số thế giới. Hầu hết mục đích của người di cư là muốn tìm đến những nơi có cơ hội tốt hơn để hy vọng phát huy khả năng trong điều kiện mới để có cuộc sống thoải mái hơn nhưng do đặc thù di dân bất hợp pháp (illegal migrant) của họ nên họ thường trốn tránh ở những vùng rừng núi dễ bị phơi nhiễm sốt rét và các bệnh do vector truyền khác, ngoài ra do không nằm trong quy hoạch quản lý tại nơi đến nên họ khó tiếp cận các dịch vụ y tế và các dịch vụ kinh tế-xã hội khác. Chính vì vậy, Liên hợp Quốc (UN) quyết định lựa chọn nơi sinh sống là nội dung cơ bản của quyền tự do của con người và khuyến cáo các quốc gia nên nới lỏng các rào cản , tạo điều kiện cho người di cư tự do.


Các nhóm MMP thường ở vùng sâu, vùng sa khó tiếp cận cho cả 2 phía

Khó tiếp cận

Nguy cơ MMP và lây nhiễm sốt rét đã được nhiều tài liệu nghiên cứu đề cập, các nhóm MMP giao lưu qua lại giữa các vùng biên giới cùng tình trạng di dân tự do đến các vùng sốt rét lưu hành dễ phơi nhiễm sốt rét và tử vong do sốt rét. Theo đó, dân di cư tự do hoặc các nhóm MMP khác thường có đặc điểm chung là khó tiếp cận do vị trí địa lý ở vùng sâu/vùng xa hoặc tình trạng nhập cư bất hợp pháp (illegal migrant) của họ đến một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nào đó không nằm trong kế hoạch bảo vệ phòng chống sốt rét địa phương, mặt khác bản thân những người nhập cư bất hợp pháp cũng trốn tránh sự kiểm soát của chính quyền nên không được tiếp cận các dịch vụ y tế và dự phòng sốt rét đầy đủ.


Dân du mục Ấn Độ dễ bị phơi nhiễm sốt rét

Dễ phơi nhiễm và tử vong do sốt rét

Từ đặc điểm di chuyển đén các sốt rét lưu hành cùng tình trạng bất hợp pháp hay khó tiếp cận của họ, các nhóm MMP thường dễ bị tổn thương bởi chưa hòa nhập điều kiện kinh tế xã hội nơi đến, khả năng đáp ứng dịch bệnh kém, suy kiệt sức khỏe (như suy dinh dưỡng); nhận thức, thái độ và thực hành (KAP) phòng chống sốt rét kém cùng những rào cản về ngôn ngữ và trình độ học vấn, thiếu thông tin, không thể tiếp cận dịch vụ y tế công do các chính sách di cư tại nơi đến gây ra. Hơn nữa, nếu bị nhiễm sốt rét, sốt xuất huyết hay các dịch bệnh khác tại địa phương thì gánh nặng tài chính cũng tác động tiêu cực đến dân di cư cũng như gia đình của họ làm cho họ không thể thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn của đói nghèo và tăng nguy cơ phơi nhiễm sốt rét. Thêm vào đó, các nhóm dân MMP di chuyển từ các vùng có lan truyền sốt rét cao có thể làm lây lan và tái bùng phát sốt rét ở các vùng có lan truyền sốt rét thấp hoặc đã loại trừ được sốt rét, làm cho cả dân di cư lẫn dân bản địa đều phải gánh chịu hậu quả sốt rét. Việc di chuyển trong nước và xuyên biên giới giữa các vùng có sốt rét lưu hành cũng gây ra nguy cơ kháng thuốc artemisinin và trị liệu kết hợp với artemisinin (ACTs). Hơn nữa, các nhóm MMP thường di chuyển cùng với cả gia đình, trong đó trẻ em nhỏ là đối tượng nguy cơ cao khi phơi nhiễm sốt rét và dễ dẫn tới tử vong do miễn dịch bảo vệ sốt rét thấp. Theo Báo cáo sốt rét (World Malaria Report) năm 2016 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 80% số ca mắc sốt rét toàn cầu là trẻ em, trong đó 90% số ca tử vong thuộc nhóm trẻ em < 5 tuổi.

Bài toán khó giải và đáp án

Hiện nay phòng chống sốt rét cho các nhóm MMP được cho là "bài toán khó giải" khi làn sóng di dân bất hợp pháp đã trở thành vấn nạn toàn cầu, hầu như các quốc gia đều có tình trạng di cư tự do hoặc MMP. Mặc dù IOM,WHO cũng như hệ thống y tế các nước đã có nhiều nỗ lực phòng chống sốt rét cho các nhóm dân này nhưng kết quả đạt được còn nằm ngoài tầm với do đặc thù di cư, di biến động của họ khó có thể tiếp cận kiểm soát và điều trị sốt rét một cách toàn diện. WHO cho rằng để giải được bài toán này, cần đánh giá chính xác gánh nặng dịch bệnh nói chung và sốt rét nói riêng với các nhóm MMP cũng như những nhu cầu của họ, đảm bảo các dữ liệu về sốt rét và sức khỏe của MMP được tiêu chuẩn hóa và thống nhất trong phạm vi quốc gia cũng như giữa các quốc gia có chung dường biên giới. Các hoạt động phòng chống vector, chẩn đoán và điều trị sốt rét, truyền thông giáo dục sức khỏe phòng chống sốt rét cần được điều chỉnh phù hợp với thực trạng các nhóm dân di cư, di biến động. Cách truyền đạt thông tin cũng phải phù hợp văn hóa và ngôn ngữ địa phương bao gồm cả phương pháp tiếp cận chăm sóc y tế dựa vào cộng đồng với mục đích tạo điều kiện để các thành viên chủ động hơn trong việc dự phòng và điều trị. Cuối cùng, các chiến lược phòng chống và loại trừ sốt rét (National Malaria Control and Elimination Strategy) quốc gia cũng như khu vực cần đảm bảo sao cho các nhóm MMP xuyên biên giới có khả năng tiếp cận với các dịch vụ phòng chống sốt rét bất kể tình trạng di cư của họ có hợp pháp hay không. Theo đó, sự thống nhất phối hợp giữa các quốc gia và hợp tác liên ngành trong phạm vi mỗi quốc gia về phòng chống sốt rét cũng như dịch vụ y tế chung cho các nhóm MMP có vai trò then chốt để đảm bảo tính nhất quán trong cách tiếp cận và giảm thiểu gánh nặng sốt rét từ các nhóm đối tượng này.


MMP dễ bị tổn thương bởi dịch bệnh đang là vấn nạn toàn cầu

Vấn đề MMP trên thế giới

MMP làm tăng nguy cơ sốt rét

Theo IOM, có khoảng 250 triệu dân di cư quốc tế trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là chính phủ các quốc gia có sốt rét lưu hành ngày càng nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của yêu cầu kiểm soát các nhóm MMP bằng cách áp dụng các biện pháp can thiệp sáng tạo, bền vững phù hợp với thực trạng di cư, di biến động trên cơ sở lồng ghép với các chương trình, chiến lược và chính sách quốc gia, khu vực và y tế toàn cầu bao gồm cả phòng chống sốt rét. Theo WHO, đến nay sốt rét vẫn là một vấn đề sức khỏe toàn cầu với khoảng 3,2 tỷ người có nguy cơ mắc sốt rét hàng năm. Trong năm 2015, có 91 quốc gia và khu vực có lan truyền sốt rét, 212 triệu ca mắc mới sốt rét, nặng nhất là khu vực châu Phi của WHO chiếm 90% số ca mắc sốt rét toàn cầu, tiếp đến là Đông Nam Á (7%) và Đông Địa Trung Hải (2%).Trong năm 2015, trên thế giới ước tính khoảng 429.000 ca tử vong sốt rét, hầu hết tập trung ở khu vực châu Phi (92%), tiếp theo là Đông Nam Á (6%) và Đông Địa Trung Hải (2%). Đánh giá tiến bộ toàn cầu và gánh nặng bệnh tật (Global progress and disease burden) trong 5 năm gần đây (2010–2015). Theo một số tài liệu, tình trạng MMP vào trong và ra khỏi rừng trên thế giới cũng giống như tình trạng dân đi rừng ngủ rẫy ở miền Trung Việt Nam làm duy trì lan truyền tự nhiên sốt rét.Các tài liệu này cho biết khoảng cách di chuyển ngắn hàng ngày để chăn thả gia súc, săn bắn, khai thác lâm sản làm gia tăng tiếp xúc giữa người với vector sốt rét nhất là ban đêm ngủ lại ở trong rừng ngay cả vào ban ngày có ánh sáng nơi vector như An. dirus chiếm ưu thế. Cộng đồng dân tộc sống đi lại với một khoảng cách ngắn đến trung bình ở trong rừng được thấy trong thời gian gieo cấy và các mùa thu hoạc, nhìn chung sự di chuyển này mang sốt rét từ rừng ra những khu vực đồng bằng như sự gia tăng đi lại của người dân ở cả trong các vùng cao nguyên New Guinea và cũng như giữa các vùng đất thấp lưu hành sốt rét cao và vùng cao nguyên đã làm gia tăng lan truyền sốt rét. đốt nương làm rẫy là một yếu tố chính của tập quán canh tác các cộng đồng dân tộc thiểu số bản địa ở khu vực rừng nhiều nơi trên thế giới dẫn đến nạn phá rừng, thay đổi môi trường sinh thái rừng do đó làm thay đổi mô hình lan truyền sốt rét. Một số cộng đồng dân tộc ở Ấn Độ theo nghi lễ bôi đầy phân bò tươi và bùn lên ngôi nhà của họ làm phủ kín hóa chất diệt côn trùng đã phun tồn lưu trên tường vách và làm cho nó không hiệu quả để kiểm soát vector; theo truyền thống, người phụ nữ phủ kín cơ thể và có lẽ đây là lý do làm cho họ có nguy cơ sốt rét thấp hơn so với nam giới. Ở nhiều bộ lạc cả nam và nữ giới đều uống rượu và các sản phẩm có cồn thường xuyên và đây là nguyên nhân làm giảm sự tự bảo vệ cá nhân chống lại muỗi đốt. Nhiều tác giả trên thế giới đều cho rằng cơ sở hạ tầng tại cộng đồng thấp kém là một trong những nguyên nhân làm cho sốt rét gia tăng dai dẳng tại một vùng. Cộng đồng sống trong rừng thường làm những lán trại tạm bợ gần nơi sinh sản của vector sốt rét ở Ai Cập, Ethiopia và Kenya. Cơ sở hạ tầng y tế và giám sát đang bị bỏ quên ở những khu vực rừng núi xa xôi và điều này trở nên khó khăn hơn vào mùa mưa, nơi cơ sở hạ tầng đường bộ thiếu thốn hoặc không có nhưng nghiêm trọng hơn, mùa mưa cũng là khoảng thời gian lan truyền bệnh cao điểm ở hầu hết các vùng dịch tễ sốt rét. Khi thực hiện giám sát đầy đủ theo yêu cầu thì những bệnh nhân phát hiện cảm thấy rất khó khăn để tiếp cận cơ sở y tế do khí hậu và các vấn đề giao tiếp do đó người dân bản địa nói chung thường dựa trên các hoạt động y tế của những thầy địa phương hoặc thầy lang và thói quen tìm kiếm điều trị tỷ lệ nghịch với khoảng cách từ một cơ sở y tế và các vấn đề truyền thông. Báo cáo mới của WHO 2016 cho biết tỷ lệ mắc mới sốt rét (malaria incidence rates) hay số ca mắc mới (new malaria cases) giảm 21% trên toàn cầu và khu vực châu Phi, tỷ lệ tử vong sốt rét giảm khoảng 29% trên toàn cầu và 31% ở châu Phi. Các khu vực khác cũng đạt mức giảm ấn tượng về gánh nặng sốt rét so với năm 2010, tỷ lệ tử vong sốt rét giảm 58% ở khu vực Tây Thái Bình Dương, 46% ở Đông Nam Á, 37% ở châu Mỹ và 6% ở Đông Địa Trung Hải. Đặc biệt, trẻ em < 5 tuổi dễ bị lây nhiễm, mắc bệnh và tử vong do sốt rét. Năm 2015, trên thế giới ước tính sốt rét đã giết chết khoảng 303.000 trẻ em < 5 tuổi, trong đó có 292.000 trẻ em tại khu vực châu Phi. Từ năm 2010-2015, tỷ lệ tử vong sốt rét ở trẻ em < 5 tuổi giảm được khoảng 35% nhưng bệnh sốt rét vẫn là "sát thủ" (killer) chủ yếu ở trẻ em < 5 tuổi, cứ mỗi 2 phút cướp đi mạng sống của 1 đứa trẻ.


Cứ mỗi 2 phút sốt rét cướp đi mạng sống của 1 đứa trẻ châu Phi.

Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương

Theo đánh giá của WHO và IOM về dân số và sốt rét di biến động (People and malaria o­n the move), tình trạng di cư quốc tế có nguồn gốc từ châu Á đã giảm hơn 45% kể từ năm 2000 nhưng cả 2 tổ chức này đều cho rằng di cư và bệnh sốt rétdường như có sự liên quan chặt chẽ với nhau là vấn đề khó khăn trong kiểm soát y tế.Mặc dù hầu hết các quốc gia trong khu vực sốt rét đã được kiểm soát đầy đủ để kiềm chế nó trở lại giới hạn của khu vực và dân khó tiếp cận nông thôn.Tuy nhiên,ở các 'điểm nóng' sốt rét số dân MMP khổng lồ vẫn còn nguy cơ tiềm tàng từ bệnh, theo ước tính mới nhất của WHO gần 2/3 dân số châu Á Thái Bình Dương sống ở khu vực vẫn còn nhạy cảm với bệnh; đồng nghĩa với việcđẩy lùi sốt rét vào khu vực lưu hành chủ yếu ở các vùng rừng núi sâu/xa, vùng biên giới cũng tạo điều kiện phơi nhiễm bệnh cho các quần thểMMP.Các cộng đồng có nguy cơ thường dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa bao gồm cả lao động di cư theo mùa, giao lưu biên giớithường có rất ít hoặc không có quyền tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.hệ thống y tế không đầy đủ trong nhiều lĩnh vực khó tiếp cận chia sẻ những điểm yếu phổ biến: một khan hiếm của các dữ liệu giám sát dịch bệnh;thiếu cơ sở hạ tầng y tế và nhân viên;và cung cấp đủ các mặt hàng chủ chốtcùng những lỗ hổng” (gaps) trong tiếp cận phòng chống sốt rét, chẩn đoán và chăm sóc cho các đối tựng MMP dễ tổn thương nhất (trẻ em nhỏ và phụ nữ mang thai).


Hình ảnh nhà dân tộc thiểu số ở Thailand

Với tính chất xuyên biên giới, chiến cuộc làm giảm sốt rét ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương còn phụ thuộc vào khả năng hợp tác giữa các quốc gia để giám sát hiệu quả, tiếp cận và bảo vệ các quần thể MMP do đó sự phối hợp mạnh mẽ của khu vực là chìa khóa của sự tiến bộ hướng tới kiểm soát lớn hơn của bệnh, cuối cùng là loại bỏ nó. Tuy nhiên, trong 15 năm qua châu Á Thái Bình Dương cũng đang đối mặt với tình trạng khẩn cấp mới là sự 'im lặng' (silent) đáng sợ của bệnh sốt rét giống như 'khoảng lặng' giữa 2 trận đánh có thể dẫn đến trận chiến khốc liệt “một mất, một còn” tác động tai hại đến an ninh y tế khu vực và toàn cầu. Theo Báo cáo sốt rét thế giới năm 2015, WHO cảnh báo kháng sốt rét artemisinin-hợp chất cốt lõi của thuốc chống sốt rét tốt nhất hiện nay (ACTs) đang nổi lên trong cộng đồng dọc theo biên giới trong năm quốc gia của Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) bao gồm Cambodia, Lào PDR., Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.Thêm nữa, WHO cho rằng khu vực này có lịch sử là một tâm toàn cầu của các bệnh truyền nhiễm mới nổi và kháng thuốc (emerging infectious diseases and drug resistance) là do các yếu tố khác nhau như biến đổi khí hậu, gần gũi của con người với động vật, phát triển kinh tế nhanh và phong trào rộng lớn MMP cũng như thương nhân và du khách ở bất cứ vùng miền trên thế giới.

Từ những bối cảnh này, các nhà lãnh đạo khu vực châu Á Thái Bình Dương (Asia Pacific Leaders) thống nhất giải quyết các vấn đề kháng thuốcbằng cách loại bỏ hoàn toàn bệnh sốt rét (malaria eradication), đồng thời cam kết quyết tâm tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (East Asia Summit_EAS) tại Kuala Lumpur năm 2015 là ưu tiên sốt rét trong thảo luận chính trị hợp tác kinh tế và ổn định an ninh khu vực, theo đóEAS đã thông qua một lộ trình (roadmap) hướng tới loại trừ sốt rét đến năm 2030. Để thực hiện kế hoạch trong 15 năm tới, các quyền con người và tự do của các nhóm MMP phải được nhận thức đầy đủ và hành động để đảm bảo tiếp cận với dịch vụ y tế cũng như các dịch vụ dân sinh khác.Khi làm được như vậy có thể tiết kiệm được hơn một triệu người và tạo ra hơn US $ 300 tỷ trong tiết kiệm chi phí (can save more than a million lives, and generate more than US$ 300 billion in cost savings).


Lộ trình loại trừ sốt rét đến năm 2030

Tại khu vực Nam Phi (SADC)

Trong khi sốt rét đang chỉ giới hạn ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và vùng núi rừng ở một số quốc gia thì quần thể MMP vẫn chiếm một tỷ lệ cao so với tổng số ca mắc sốt rét. Năm 2007, Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi (Southern Africa Development Community_SADC) cam kết sẽ loại trừ bệnh sốt rét khỏi khu vực và các nỗ lực đa dạng đã được triển khai để cắt giảm số ca mắc, số ca tử vong sốt rét như 8 sáng kiến loại trừ bệnh sốt rét năm 2009. Mặc dù sự lan truyền sốt rét ở các quốc gia này đã giảm đáng kể nhưng các biện pháp áp dụng nhằm làm giảm sự lan truyền cao xuống còn lan truyền thấp ở các quốc gia này vẫn còn là một trở ngại lớn, quần thể MMP xuyên biên giới ngày càng gia tăng ở Nam Phi làm phức tạp thêm nhiệm vụ loại trừ sốt rét khỏi châu lục này.Để đối phó với thực trạng MMP, năm 2014 Đối tác đẩy lùi sốt rét (RBM) phối hợp với IOM tổ chức hội thảo "Các quốc gia lưu hành sốt rét thống nhất mở rộng công tác phòng chống sốt rét cho cộng đồng dân di cư và di biến động" (Malaria-endemic countries unite to extend malaria control to migrant and mobile Communities) với sự tham dự của các Bộ trưởng Y tế từ khu vực Nam Phi, châu Á và các vùng dịch tễ sốt rét khác cũng như khu vực tư nhân để thảo luận về tác động của di cư đến phòng chống, loại trừ sốt rét và thống nhất cách giải quyết những trở ngại trong cung cấp đầy đủ dịch vụ y tế cho cộng đồng MMP giao lưu biên giới.Hội thảo cho rằng xác định phương thức hiệu quả trong mở rộng can thiệp phòng chống sốt rét cho quần thể MMP, đòi hỏi phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các chính phủ, các tổ chức quốc tế, xã hội dân sự và khu vực tư nhân để đảm bảo tiếp cận phổ cập tới các dịch vụ y tế cho người di cư dễ bị tổn thương và khó tiếp cận trong khu vực SADC. Theo đó, để loại trừ sốt rét ra khỏi các quốc gia và châu lục này, không chỉ cần tăng cường các chương trình phòng chống sốt rét hiện có mà còn tăng cường các biện pháp kiểm soát sốt rét cho quần thể MMP ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới,Các biện pháp can thiệp phòng chống sốt rét là một lợi ích chung mà tất cả mọi người có nhu cầu sẽ được hưởng lợi và các dịch vụ y tế đầy đủ cho MMP là một sự đầu tư về sức khỏe của Châu Phi do vậy tất cả những nỗ lực giải quyết sốt rét nên tính toán số lượng MMP, những khía cạnh dễ bị tổn thương và tiếp cận dịch vụ sức khỏe của quần thể MMP để có thể hạn chế khả năng phơi nhiễm và tử vog sốt rét ở các nhóm đối tượng nguy cơ này. Các can thiệp đích sốt rét cần được cân nhắc là hành vi tìm kiếm dịch vụ y tế của quần thể MMP từ những thầy thuốc lang, không được quản lý làm tăng nguy cơ đến sức khỏe do phơi nhiễm với thuốc kém chất lượng hay đơn trị liệu artemisinine bằng đường uống. Khu vực SADC có thể học hỏi kinh nghiệm can thiệp tập trung vào cộng đồng MMP ở các nước châu Á như Cambodia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam như một phần của chương trình ngăn chặn kháng artemisinin bao gồm các chiến dịch phân phối màn tẩm hóa chất diệt côn trùng (ITNs), thành lập các điểm sàng lọc, kiểm tra và cung cấp các test chẩn đoán, các dịch vụ điều trị sốt rét. Gần đây ở khu vực SADC, một sáng kiến của RBM ​​vận động "cuộc đua chống sốt rét" (Racing Against Malaria_RAM) 2 kêu gọi can thiệp sốt rét cho quần thể MMP bao gồm cả dân bản địa sống ở các vùng sốt rét lưu hành, nêu bật nhu cầu sàng lọc chủ động và phát hiện ký sinh trùng, thông báo và đáp ứng nhanh thông qua giám sát ca bệnh. Đồng thời, kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị thể hiện cam kết của mình và tăng cường tham gia huy động nguồn vốn trong nước dành cho sốt rét.


Tình trạng dân di cư tự do xuyên biên giới Thailand-Cambodia

Tại Cambodia

Cambodia là một trong 5 quốc gia Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) có quần thể MMP giao lưu biên giới phổ biến với các nước láng giềng như Thái Lan, Myanmar, Lao PDR và Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh GMS đang phải đối mặt với tình trạng ký sinh trùng sốt rét P.falciparum kháng artemisinine, thậm chí đe dọa kháng cả với trị liệu phối hợp có artemisinine (ACTs) nên WHO quan ngại các trường hợp mắc sốt rét ở GMS không chỉ có nguy cơ lan truyền kháng thuốc ra toàn khu vực Đông Nam Á (ASEAN) mà còn lan sang cả khu vực có sốt rét nặng nhất thế giới là vùng cận hoang mạc Saharan qua cửa ngõ Ấn Độ dẫn đến thảm họa kháng artemisinine và ACTs trên thế giới, đồng thời là rào cản hướng tới lộ trình loại trừ sốt rét toàn cầu. WHO cho rằng quần thể MMP có nguy cơ mắc sốt rét cao cùng với việc hạn chế tiếp cận các dịch vụ y tế và điều trị sốt rét không đạt chuẩn sẽ làm gia tăng áp lực thuốc và khả năng kháng thuốc ở GMS. Theo một nghiên cứu về MMP liên quan đến chiến lược quốc gia phòng chống và loại trừ sốt rét ở Cambodia(Malaria and the mobile and migrant population in Cambodia: a population movement framework to inform strategies for malaria control and elimination) thì các mối quan hệ giữa hoạt động của con người (Human population movement_HPM) và sức khỏe là mối quan tâm ở phạm vi toàn cầu, trong các trường hợp mắc sốt rét chính mối quan hệ này quyết định sự lan truyền sốt rét kháng thuốc và khả năng loại trừ sốt rét ở GMS và các khu vực khác trên thế giới, theo đó quần thể MMP tham gia vào các hoạt động liên quan đến rừng đều có nguy cơ cao bị nhiễm sốt rét cùng với việc nhận thuốc và điều trị không đạt tiêu chuẩn do khả năng tiếp cận với các dịch vụ y tế bị hạn chế. Trong năm 2012, chương trình phòng chống sốt rét quốc gia (NMCP) ở Cambodia xác định phòng chống sốt rét cho các đối tượng MMP là một mục tiêu quan trọng, cần phải có một chiến lược cụ thể cho MMP để giải quyết những thách thức này.


Cambodia có nguy cơ sốt rét và sốt rét kháng thuốc cao nhất GMS

Theo đó, một khuôn khổ hoạt động của người dân (Population movement framework_PMF) đối với sốt rét đã được xây dựng và đưa vào hoạt động nhằm góp phần vào chiến lược phòng chống và loại trừ sốt rét.Các câu hỏi nghiên cứu được đưa ra như sau:
               (i) Sự khác biệt về mô hình di biến động trong các nhóm dân cư sinh sống và/hoặc làm việc trong hoặc gần vùng rừng là gì? 
               (ii) Các rủi ro và các nguy cơ khác nhau liên quan đến hoạt động công việc khác nhau và các mô hình di biến động là gì?
              (iii) Nguy cơ mắc sốt rét và cách tiếp cận các dịch vụ y tế bị ảnh hưởng bởi các hoạt động công việc và mô hình di biến động như thế nào?
             (iv) Một hệ thống phân loại nguy cơ mắc sốt rét có thể được xây dựng để hướng dẫn các chiến lược can thiệp?
             Nghiên cứu được tiến hành theo phương pháp hồi cứu số liệu đã công bố và chưa công bố, trên cơ sở tổng hợp các kết quả thông tin đã được trình bày và thảo luận với các nhà nghiên cứu có kinh nghiệm và các nhà quản lý NMCP của Campuchia để xây dựng và cải tiến khuôn khổ hoạt động của PMF cho việc phòng chống sốt rét, các khuôn khổ đã được "kiểm tra" các nội dung bằng cách phỏng vấn trực tiếp các chuyên gia trong nước thông qua hội thảo. Quá trình xây dựng khuôn khổ hoạt động của người dân (2012-2014) bao gồm 4 bước như hồi cứu số liệu đã được công bố và chưa công bố về sốt rét và MMP, can thiệp có chủ đích đến các đối tượng này ở campuchia; phân tích và tổng hợp thông tin; trình bày và thảo luận về các kết quả ban đầu tại một hội thảo cùng nhau xây dựng với các chuyên gia để xác định các rủi ro, nguy cơ chính; xây dựng các thành phần và các chỉ số về khuôn khổ hoạt động của người dân; trình bày các khuôn khổ hoạt động của người dân để các chuyên gia đóng góp ý kiến và nội dung có giá trị. Theo số liệu, hoạt động của HPM đã được mô tả theo cả phương diện không gian và thời gian khác nhau trong bối cảnh lan truyền sốt rét kháng thuốc và lộ trình loại trừ sốt rét trước khi phân loại MMP ở Cambodia và GMS bằng cách dựa trên một số tiêu chí khác nhau. Các mô hình PMF được xây dựngtrước, sau đó được điều chỉnh và xây dựng lại phù hợp với các thông tin thu thập từ MMP, từ các nhà nghiên cứu khoa học xã hội, nghiên cứu thực địa ở Cambodia. Các mô hình PMF bao gồm tiểu sử hoạt động của MMP và chỉ số nguy cơ mắc sốt rét là kết quả của 3 chỉ số liên quan bao gồm chỉ số nguy cơ, chỉ số phơi nhiễm và chỉ số tiếp cận cho phép đánh giá mức độ nguy cơ mắc sốt rét trong quần thể MMP. Từ các dữ liệu hiện có so sánh với PMF cho thấy dân số có nguy cơ mắc sốt rét cao nhất là quần thể MMP tham gia các hoạt động có liên quan đến rừng. Tóm lại, nghiên cứu này mô tả quá trình xác định MMP ở Cambodia, xác định các hoạt động khác nhau và các nguy cơ liên quan đến mắc sốt rét để xây dựng các mục tiêu và biện pháp can thiệp cho các nhóm có nguy cơ mắc sốt rét cao nhất, các PMF đã được xây dựng nhằm thay đổi hành vi và cách tiếp cận các biện pháp phòng chống sốt rét cho MMP tốt hơn ở Cambodia.

  
Làn sóng di dân tự do từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào Tây Nguyên đã tạm lắng

Thực trạng MMP ở Việt Nam

Tại Việt Nam, vấn đề di dân diễn ra dưới nhiều hình thức, ngoài quy hoạch phân bố dân cư và điều tiết lao động theo kế hoạch nhà nước thì biến động dân số (MMP) được coi là vấn đề khó kiểm soát bao gồm tình trạng dân di cư tự do; dân đi rừng khai thác lâm sản, làm rẫy, ngủ rẫy; dân làm thuê theo mùa vụ ở các vùng sốt rét lưu hành, giao lưu biên giới… Trong đó, vấn đề MMP ở các vùng miền núi phải kể đến trước tiên là tình trạng dân di cư tự doồ ạt trong 10 năm (2000-2010) từ một số tỉnh miền núi phía Bắc (Cao Bằng, Lạng Sơn…) vào Tây Nguyên (Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng, Bình Phước…) với hàng chục vạn dân di cư tự do chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số (Tày, Nùng, Mông, Dao, Mường, Thái…), nhưng sau 2010, tình trạng dân di cư tự do vào Tây Nguyên không ồ ạt như trước đây nhưng vẫn diễn biến phức tạp và ngoài tầm kiểm soát của chính quyền cũng như y tế địa phương vì họ vào từng tốp hộ gia đình nhỏ lẻ ở đan xen với các hộ đã vào trước đây trên hầu khắp địa bàn Tây Nguyên kèm theo tình trạng chặt phá rừng vô tội vạ và không được tiếp cận các dịch vụ y tế.Cùng với di cư tự do, tình trạng canh tác nương rẫy (đi rừng, làm rẫy và ngủ rẫy) của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương hầu như trở thành phổ biến ở Tây Nguyên cũng như khu vực miền núi các tỉnh miền Trung và miền Đông Nam bộ. dân đi rừng khai thác lâm sản, làm thuê theo mùa vụ; vấn đề giao lưu biên giới Việt Nam-Lào (Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Kon Tum), Việt Nam-Cambodia (Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Đắc Nông). Đặc biệt, đối tượng MMP chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số có thói quen canh tác nương rẫy canh tác ruộng nước chưa phổ biến đối với họ đã góp phầnlàm giảm độ bao phủ của rừng, nguồn tài nguyên rừng và phá hủy hệ sinh thái rừngkhông chỉ làm xáo trộn quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội mà còn tạo cơ hội phát tán dịch bệnh do muỗi truyền.


Dân di cư tự do khó tiếp cận dịch vụ y tế cũng như dịch vụ văn hóa, xã hội

Thực trạng di dân tự do

 Theo Niên giám thống kê, tình hình đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc di cư tự do vào Tây Nguyên kéo từ 1976 đến nay, tập trung cao nhất từ năm 2000-2010. Như vậy tổng số dân di cư vào Tây nguyên khoảng 72.522 hộ/344.517 khẩu; trong đó từ năm 2005-2014 thì số dân di cư vào Tây nguyên là 18.920 hộ/72.934 khẩu. Cụ thể: tỉnh Đắk Lắktừ năm 1976-2011 có khoảng 59.276 hộ, 288.717 nhân khẩu; trong đó thời kỳ cao điểm (1996-2011) có 9.537 hộ, 46.674 khẩu di cư tự do đến các hầu hết huyện trong tỉnh. Tỉnh Đắk Nông, từ khi thành lập (2004-2011) toàn tỉnh có 4.884 hộ, 23.451 khẩu di cư tự do đến địa bàn của 8 huyện thị, tập trung cao nhất là huyện Đắk Glong, Tuy Đức hơn 20.000 người. Tỉnh Kon Tum,từ năm 2000-2010 có 4.016 hộ, 15.372 khẩu di cư tự do đến địa bàn tỉnh; ngoài đồng bào ở các tỉnh phía Bắc di cư đến, tỉnh còn có 188 hộ, 868 khẩu là công dân của của Lào di cư tự do tới hai huyện biên giới Ngọc Hồ và Đắk Glei. Từ năm 2005-2009, tỉnh Gia Lai, có 2.161 hộ, 8.024 khẩu; tỉnh Lâm Đồng có 2.185 hộ, 8.953 khẩu di cư tự do đến địa bàn. Theo đánh giá của Ủy ban dân tộc Trung ương, nhìn chung đời sống của đồng bào di cư tự do rất khó khăn, tỷ lệ đói nghèo cao, thiếu đất sản xuất, thiếu nước sạch sinh hoạt, tình trạng bệnh tật... còn phổ biến trong đồng bào. Việc không đăng ký hộ khẩu hoặc chưa được đăng ký hộ khẩu đang là trở ngại cho việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho đối tượng hộ gia đình di cư tự do do vậy đồng bào vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Nguyên nhân khách quan dẫn đến di dân tự do là do điều kiện tự nhiên nơi đi quá khắc nghiệt, đời sống kinh tế-xã hội khó khăn; môi trường canh tác bạc màu, năng suất lao động thấp, thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt, cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội nhiều yếu kém; thêm vào đó, đồng bào dân tộc thiểu số miền Bắc có tính cộng đồng rất cao, khi thấy điều kiện sống khó khăn họ cử đại diện (thường là đứng đầu họ mạc và thanh niên khoẻ mạnh) tìm đến “miền đất hứa” ở Tây Nguyên, nhiều núi rừng trù phú thuận lợi cho canh tác nương rẫy, sau đó về chuyển cả dòng họ đến nơi ở mới tạo nên làn sóng người di cư đông đúc với hy vọng có đời sống ổn định. Tuy nhiên theo Ban chỉ đạo Tây Nguyên, lý do chủ quan dẫn đến di cư là do quy hoạch xây dựng nông thôn mới, phát triển ngành nghề, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần ở vùng đồng bào còn nhiều bất cập; việc đào tạo, bồi dưỡng sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số chưa được quan tâm đúng mức; quản lý hộ tịch, hộ khẩu, quản lý địa bàn còn gặp nhiều khó khăn; tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân của các cấp, các ngành về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước còn hạn chế  nên một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số dễ bị lợi dụng, lôi kéo di cư tự do. Cùng với đó, một số phong tục tập quán lạc hậu, lối sống du canh du cư; canh tác trên nương rẫy khó thực hiện thâm canh, tăng vụ nên khi đất đai bạc màu người dân lại di cư đến nơi đất đai màu mỡ hơn để canh tác.


Nhà rẫy trong từng dễ phơi nhiễm sốt rét

Thực trạng dân đi rừng, làm rẫy, ngủ rẫy

Về quần thể MMP vào vùng sốt rét lưu hành (đi rừng, làm rẫy, ngủ rẫy) phổ biến ở Tây Nguyên, miền Trung và miền Đông Nam bộ;đồng bào dân tộc thiểu số ở đây thường làm rẫy rất xa nơi ở, cách nơi ở khoảng 20-30km, giáp với những sinh cảnh rừng núi. Ở mỗi sinh cảnh nhà rẫy, mỗi rẫy cách nhau từ 300-500 mét; một số nhà rẫy đều làm rất kiên cố, gần bằng với diện tích nhà ở trong làng. Ở nhà rẫy người dân còn nuôi gà, heo, chó…, có nhà còn đưa cả bò lên rẫy để nuôi. Loại hình canh tác này thường có 1-2 thành viên trong gia đình, thậm chí cả gia đình ngủ qua đêm trong nhà rẫy, những người này gia tăng nguy cơ bị vector sốt rét đốt như ở các điều kiện thuận lợi được tạo ra ở khu vực rừng núi miền Trung Việt Nam, nơi tập quán của cộng đồng dân tộc thiểu số hay đốt rừng làm nương rẫy hoặc khai thác gỗ thương mại và chăn nuôi gia súcTuy nhiên, cũng có một số nhà có diện tích nhỏ, nhiều nhà có vách thưa thớt gió lùa vào nhà; người dân có mang màn ra nhà rẫy nhưng một số người ít ngủ màn, ban đêm người dân hay tụ tập uống rượu hoặc làm việc ngoài nhà nên rất khó phòng tránh muỗi đốt.Các hộ gia đình đều có nhà ở vùng định canh, định cư, họ thường đi lên vùng đồi, rừng, các thung lũng dưới chân núi để làm rẫy và ở lại nhà rẫy trong quá trình canh tác, nơi có nhiều muỗi An. dirus, An. minimus do đó rất dễ mắc bệnh sốt rét. Trong những đợt chiến dịch PCSR bằng phun thuốc, tẩm màn, không thể nào đến từng nhà rẫy để phun thuốc, tẩm màn được do đó việc phòng chống muỗi đốt cho các hộ gia đình ngủ rẫy gặp rất nhiều khó khăn. Ở miền Trung-Việt Nam, sinh cảnh nhà rẫy và bảo vệ người ngủ rẫy đến nay vẫn chưa có biện pháp phòng chống vector nào được áp dụng hiệu quả mặc dù đã có nhiều nghiên cứu được đặt ra, ngoài một số ít người dân mang theo màn tẩm hoặc không tẩm hóa chất diệt muỗi hoặc võng khi vào ngủ trong rẫy. Đây cũng chính là nguyên nhân phơi nhiễm sốt rét cao nơi mà nhóm đối tượng này mang mầm bệnh (KSTSR), cùng với sự hiện diện thường xuyên của vector sốt rét làm cho sốt rét trở nên dai dẳng ở vùng này vài năm nay.An. minimus  ở miền Trung Việt Nam cho thấy tỷ lệ hoạt động trong nhà và ưa đốt người cao, rất có thể bị ảnh hưởng bởi những ngôi nhà có cấu trúc tường vách không kín với nhiều khe hở thuận lợi cho việc phát hiện con người và xâm nhập vào nhà dân. Hướng giải pháp phòng chống vector tốt nhất hiện nay là giúp họ biết cách tự bảo vệ bản thân, gia đình họ khi ngủ trong rừng rẫy và bảo vệ cho cộng đồng dân cư nơi họ sinh sống.Những đặc trưng về hình thái sốt rét nêu trên cũng phù hợp với nhận xét của một số tác giả trong và ngoài nước cho rằng khu vực rừng sâu chủ yếu là nơi sinh sống các cộng đồng dân tộc thiểu số bản địa và các bộ lạc, họ rất ít liên lạc với thế giới bên ngoài và chủ yếu phụ thuộc vào rừng để nuôi sống bản thân và các thành viên gia đình do đó các cộng đồng hầu như mù chữ, dễ bị mê tín và ít giao tiếp với nhân viên phòng chống bệnh sốt rét. Những bộ lạc sống trong rừng đã được bảo tồn truyền thống và thói quen có tác động đáng kể đến lan truyền bệnh sốt rét do đó những người sống trong rừng này rất dễ bị sốt rét.


Đói nghèo thường đi cùng với dịch bệnh ở các nhóm MMP

Thực trạng đói nghèo và dịch bệnh MMP

Mặc dù Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách ưu tiên phát triển cho đồng bào các dân tộc thiểu số và đã đạt được nhiều thành tựu vượt bậc so với trước đây, tuy nhiên các vùng miền núi cũng là vùngdân tộc thiểu số đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, khoảng cách thu nhập chênh lệch còn lớn so với các vùng miền khác trong cả nước,cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh còn nhiều bất cập, tỷ lệ hộ nghèo cao gấp 3 lần tỷ lệ nghèo trung bình của cả nước. Chất lượng giáo dục phổ thông và phát triển nguồn nhân lực có trình độ đạt thấp, tình trạng người dân tộc thiểu số mù chức còn phổ biến, đa số người trong độ tuổi lao động chưa được đào tạo nghề; trình độ đội ngũ cán bộ y tế cơ sở yếu và thiếu trang thiết bị y tế, chất lượng dịch vụ y tế chưa cao. Năng lực, trình độ của cán bộ người dân tộc thiểu số chưa đáp ứng yêu cầu xã hội; an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội ở một số nơi còn tiềm ẩn nhân tố mất ổn định; tình trạng du canh, du cư, di dân tự do, chặt phá rừng còn diễn biến phức tạp ở nhiều nơi, nhất là các tỉnh Tây Nguyên. Những hạn chế, yếu kém này là do kinh tế vùng dân tộc và miền núi có xuất phát điểm thấp, điều kiện tự nhiên khó khăn, thiên tai xảy ra thường xuyên, nguồn lực đầu tư còn hạn chế; bên cạnh đó việc nâng cao trình độ dân trí và nhận thức xã hội chưa được quan tâm đúng mức, chính sách ưu tiên dân tộc còn thiếu nhất quán và chậm được bổ sung, sửa đổi phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện nay. Từ thực trạng đói nghèo nêu trên, nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục duy trì phong tục tập quán lạc hậu (mê tín dị đoan, ma chay, cúng bái…) và nghề nghiệp canh tác thủ công theo truyền thống (phá rừng khai thác đất hoang, làm nương rẫy và ngủ rẫy, định cư du canh hoặc du canh du cư…), chính những điều này đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ vô tình phá hủy nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước mà còn tạo môi trường thuận lợi cho các loài trung gian truyền bệnh (muỗi, bọ chét, ve, mò, mạt…) tiếp cận hút máu và lan truyền dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm từ người sang người và súc vật sang người.Từ những khó khăn về đời sống kinh tế xã hội ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vấn đề y tế cũng đang cần được quan tâm giải quyết. Kết quả các cuộc điều tra y tế cho thấy tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em < 5 tuổi ở các vùng dân tộc thiểu số và miền núi chiếm tỷ lệ cao nhất từ 25% - 35% so với cả nước; đặc biệt cao > 40% ở đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa như dân tộc Mảng, La Hủ, Cờ Lao... Tỷ suất tử vong ở trẻ em < 1 tuổi cũng ở mức cao như Tây Nguyên ( 27,3), Trung du và miền núi phía Bắc (24,5); đặc biệt một số vùng dân tộc và miền núi có tỷ lệ chết trẻ em dưới 1 tuổi cao trên dưới 40% như Lai Châu (47,7), Điện Biên (39,7), Hà Giang (37,5),  Kon Tum (38,2). Kết quả điều tra về tổ chức mạng lưới y tế cho thấy gần 60% số trạm y tế xã chưa đạt chuẩn, đội ngũ cán bộ y tế cơ sở thiếu và yếu, trong khi tình hình bệnh dịch (sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não/màng não, tiêu chảy và nhiều bệnh truyền nhiễm khác chưa được kiểm soát chặt chẽ. Một số dịch bệnh truyền nhiễm còn cao ở vùng miền núi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như sốt rét, theo thống kê mới nhất hiện nay với sự đầu tư của chương trình phòng chống sốt rét, bệnh sốt rét ở nước ta đã bị đẩy lùi; tuy nhiên > 80% số mắc sốt rét và tử vong sốt rét vẫn tập trung ở các vùng trọng điểm-nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (Tây Nguyên, miền Trung, miền Đông Nam bộ và khu 4 cũ) do biến động dân khó kiểm soát (dân đi rừng, ngủ rẫy, di cư tự do, giao lưu biên giới…); các bệnh do véc tơ truyền cũng có cơ hội lan truyền và phát triển như sốt mò, sốt xuất huyết, sốt phát ban, viêm não Nhật Bản…


Kiểm soát sốt rét MMP qua các nhóm y tế lưu động

Giải pháp kiểm soát sốt rét cho MMP

Từ thực trạng trên, kiểm soát sốt rét cho MMP cần tập trung vào các mối liên quan giữa di biến động dân và nguy cơ lây nhiễm sốt rét cũng như các dịch bệnh truyền nhiễm khác cùng tình trạng di biến động bất hợp pháp làm họ không thể tiếp cận các dịch vụ y tế và dự phòng sốt rét đầy đủ. Thêm vào đó, một số dối tượng MMP thường dễ bị tổn thương, tình trạng sức khỏe và khả năng phòng chống dịch bệnh kém; thiếu kiến thức, thái độ và thực hành (KAP) phòng chống sốt rét cùng các rào cản về chính sách di cư làm cho họ thường xuyên bị trói buộc trong vòng luẩn quẩn đói nghèo và nguy cơ dịch bệnh.


PGS.TS.Trần Thanh Dương-Viện trưởng Viện Sốt rét-KST-CT Trung ương phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác PCSR-KST-CT năm 2015 và triển khai kế hoạch năm 2016 khu vực phía Bắc và Bộ/ngành

Hội nghị phòng chống sốt rét MMP

Để tháo gỡ những khó khăn này, Bộ Y tế (MOH) đã tổ chức “Hội nghị liên ngành phòng chống sốt rét” năm 2015 với sự tham dự của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Liên minh các nhà Lãnh đạo châu Á Thái Bình Dương phòng chống sốt rét (ALPMA), Đại diện Sáng kiến tiếp cận y tế Clinton (CHAI), Tổ chức Dịch vụ dân số quốc tế (PSI), Tổ chức Di dân quốc tế (IOM) cùng đại biểu đến từ các đơn vị thuộc Bộ Y tế và các ban ngành hữu quan, một số tỉnh có MMP phổ biến trong những năm gần đây nhằm đánh giá kết quả “Chiến lược quốc gia phòng chống và loại trừ sốt rét giai đoạn 2011-2020” và định hướng đến năm 2030. Theo đánh giá kết quả hội nghị đến nay vùng sốt rét lưu hành ở Việt Nam đã được thu hẹp, mạng lưới phòng chống sốt rét được duy trì ổn định và phát huy được hiệu quả, thuốc sốt rét được cung cấp đủ và miễn phí tới tận thôn bản và tận người dân, hóa chất và màn tẩm hóa chất cũng được cấp miễn phí cho vùng sốt rét lưu hành. Xác định vùng trọng điểm và thực hiện phân vùng dịch tễ sốt rét để tập trung nguồn lực và xúc tiến các hoạt động loại trừ theo từng khu vực. Có sự tham gia phối hợp của các Bộ, ngành và đơn vị liên quan trong các hoạt động phòng chống sốt rét, phối hợp với Lào và Campuchia để thực hiện các hoạt động phòng chống sốt rét khu vực biên giới chung. Mặc dù sốt rét giảm trên phạm vi toàn quốc nhưng vẫn gia tăng cục bộ tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Bình Phước là nơi có các nhóm MMP trong nước và quốc tế từ các nước có sốt rét lưu hành cũng như chưa có kế hoạch cụ thể tiếp cận và quản lý nhóm đối tượng này. Định hướng Chiến lược quốc gia phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét đến năm 2020 và 2030, MOH cho biết:

(i) Đẩy mạnh các hoạt động phòng chống sốt rét trong giai đoạn 2016-2020, đặc biệt tại các vùng sốt rét lưu hành nặng, tập trung vào các nhóm MMP đến vùng sốt rét lưu hành; có các giải pháp để tăng cường sự tiếp cận với các đối tượng này để đảm bảo được giám sát, phát hiện và điều trị đầy đủ và đúng phác đồ.

(ii) Đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khỏe phòng chống sốt rét, đặc biệt là nguy cơ sốt rét quay trở lại và sốt rét kháng thuốc; tổ chức các hoạt động truyền thông hiệu quả phù hợp với từng địa phương, tập quán của người dân. Tăng cường chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành để triển khai phối hợp hiệu quả các biện pháp phòng chống.

(iii) Phối hợp với Bộ Ngoại giao và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quản lý các đối tượng nguy cơ khi đi lao động hoặc trở về từ các nước châu Phi; phối hợp với các bộ, ngành và đơn vị liên quan để bàn biện pháp giải quyết và quản lý dân di biến động giữa Việt Nam, Lao PDR. Cambodia; tổ chức các hội nghị, cuộc họp chung giữa các nước để chia sẻ thông tin và thảo luận biện pháp giải quyết.

(iv) Yêu cầu các doanh nghiệp và đơn vị xây dựng thủy điện, giao thông, công trình an ninh quốc phòng, nông lâm trường hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các vùng sốt rét lưu hành tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống sốt rét cho cán bộ, công nhân, người lao động và bố trí kinh phí cho các hoạt động phòng chống sốt rét; phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và đơn vị liên quan để xây dựng thông tư, quy chế phối hợp, văn bản hướng dẫn để có thể tiếp cận được với các đối tượng nguy cơ và tổ chức triển khai các biện pháp phòng chống sốt rét hiệu quả cho nhóm đối tượng này.

(v) Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và các tổ chức liên quan để triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống cho từng nhóm đối tượng thuộc các đơn vị do bộ, ngành quản lý.

(vi) Đảm bảo cung cấp đầy đủ thuốc điều trị sốt rét, hóa chất diệt muỗi, phương tiện xét nghiệm phát hiện ký sinh trùng, triển khai thực hiện tốt việc giám sát điều trị bệnh nhân. Đảm bảo cho mọi người dân trong tại vùng nguy cơ được được tiếp cận đầy đủ về biện pháp phòng chống và điều trị. Đảm bảo huy động đủ kinh phí hoạt động cho các vùng trọng điểm về sốt rét.


Hình 14

Hội thảo các nước biên giới phòng chống sốt rét cho MMP

Theo MOH, ngày 9/8/2016 IOM và WHO đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Chia sẻ kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu gần đây trong phòng chống sốt rét cho dân di biến động” để thảo luận về những tiến bộ trong nghiên cứu và các chương trình phòng chống sốt rét ở Việt Nam và khu vực, trong đó tập trung vào đáp ứng các nhu cầu cụ thể của MMP; đồng thời công bố kết quả nghiên cứu khoa học về mối liên quan giữa các nhóm MMP và tính dễ bị tổn thương với sốt rét tại tỉnh Bình Phước. Theo đó, nghiên cứu đưa ra những phân tích sâu về tính dễ bị tổn thương với sốt rét của các nhóm dân di cư, di biến động ở những xã có tỷ lệ sốt rét lưu hành cao nhất và di biến động cao cả trong nước cũng như quốc tế. Các cộng đồng được xác định là dễ bị tổn thương nhất đối với bệnh sốt rét nằm ở những vùng hẻo lánh dọc theo biên giới của Việt Nam với Campuchia, thuộc địa bàn tỉnh Bình Phước là một tỉnh có nhiều khó khăn về kinh tế thu hút số lượng lớn người di cư bao gồm cả những người di chuyển từ các tỉnh miền Bắc đến sinh sống và làm việc tại đây. Kết quả nghiên cứu cho thấy người di cư có nguy cơ sốt rét cao hơn không di cư vì dễ bị phơi nhiễm và tiếp xúc với muỗi sốt rét nhiều hơn do sống trong lều trại tạm bợ trong rừng và môi trường lao động dễ bị muỗi sốt rét đốt. Trong số đó, hơn một nửa cách xa trung tâm y tế gần nhất hơn 10 km và tỷ lệ người biết các triệu chứng sốt rét chỉ bằng 1/3 so với nhóm không di cư; nam có nguy cơ mắc sốt rét cao hơn nữ nhưng khi bị mắc sốt rét thì nữ có tỷ lệ hoàn thành phác đồ điều trị theo chỉ định thấp hơn. 17% MMP thuộc nhóm dân tộc thiểu số chờ ≥ 4 ngày trước khi đi khám và điều trị so với 2% nhóm Kinh) làm tăng nguy cơ sốt rét đối với họ. Trong khi 90% dân bản địa được cấp màn tẩm hóa chất diệt côn trùng (ITNs) thì chỉ có 54% dân không có đăng kí cư trú được cấp loại màn này.


Hội thảo sốt rét biên giới Việt Nam-Lao PDR-Cambodia

Ngoài ra, Chương trình quyốc gia phòng chống và loại trừ sốt rét cũng tổ chức hội nghị sốt rét biên giới trong năm 2016 theo 2 cụm Tây Nguyên tại Gia Lai (Đắc Lắc, Đắc Nông, Gia Lai, Kon Tum) và Bắc miền Trung tại Quảng Trị (Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam) với các tỉnh biên giới Việt Nam, Lao PDR., Cambodia để chia sẻ kinh nghiệm và phối hợp kiểm soát sốt rét do giao lưu biên giới


Ngày 03/02/2017
PGS.TS. Triệu Nguyên Trung
(Theo WHO, IOM, MOH, Ủy ban dân tộc Trung ương,
Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Niên giám thống kê qua các năm)
 
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích