Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 29/03/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Finance & Retail Tư vấn sức khỏe
Hỏi-Đáp
Y học thường thức
Kiến thức phổ thông
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 2 8 6 2 4 2
Số người đang truy cập
6 1
 Tư vấn sức khỏe Y học thường thức
Động kinh thường có biểu hiện triệu chứng co giật từng cơn (ảnh minh họa)
Các loại bệnh động kinh thường gặp

Theo các nhà khoa học, động kinh là bệnh phổ biến ở nhiều nước trên thế giới với tỷ lệ mắc chiếm khoảng từ 0,5 đến 2% dân số. Có thể nói động kinh là sự rối loạn từng cơn chức năng của hệ thần kinh trung ương do sự phóng điện đột ngột, quá mức của các tế bào thần kinh. Động kinh có nhiều thể loại bệnh khác nhau, cần phân biệt để có hướng điều trị phù hợp.

Động kinh là sự rối loạn từng cơn chức năng của hệ thần kinh trung ương do sự phóng điện đột ngột, quá mức của các tế bào thần kinh có đặc điểm xuất hiện từng cơn ngắn, vài giây đến một vài phút; cơn có tính định hình, cơn sau thường giống cơn trước, xảy ra đột ngột không kịp đề phòng; có biểu hiện chức năng thần kinh bị rối loạn bằng các cơn vận động, cảm giác, giác quan, thực vật...; điện não đồ ghi lại được các đợt sóng kịch phát. Đồng thời triệu chứng mất ý thức là biểu hiện thường gặp trong cơn động kinh. Trên cơ sở này, có thể xem đây là tiêu chuẩn để chẩn đoán, phân biệt với các rối loạn chức năng thần kinh khác không phù hợp với những đặc điểm trên.

Các loại bệnh động kinh thường gặp

Các nhà khoa học đã phân loại bệnh động kinh căn cứ vào cơn động kinh, nguyên nhân gây bệnh và điện não đồ.

Theo cơn động kinh: Việc phân loại dựa vào triệu chứng lâm sàng và điện não đồ ở trong và ngoài cơn gồm: Cơn động kinh cục bộ hoặc động kinh ổ có cơn cục bộ đơn thuần về cảm giác, vận động, thực vật, tâm thần; cơn cục bộ phức tạp với cơn tâm thần vận động hoặc cơn thùy thái dương và cơn cục bộ toàn bộ hóa. Cơn động kinh toàn bộ nguyên phát có cơn cứng-giật còn gọi là cơn lớn, cơn trương lực, cơn vắng ý thức còn gọi là cơn nhỏ, cơn vắng ý thức không điển hình, cơn giật cơ, cơn mất trương lực, cơn co gấp trẻ em. Cơn động kinh trạng thái có thể cứng-giật, dạng vắng ý thức, cơn cục bộ liên tục; thể hồi quy thường tản phát, có chu kỳ, gây phản xạ giật cơ với ánh sáng, cảm giác bản thể, âm nhạc, cơn động kinh khi đọc.

Theo nguyên nhân: Thực tế có hai loại động kinh là động kinh nguyên phát và động kinh triệu chứng. Động kinh nguyên phát còn gọi là động kinh vô căn, không tìm được tổn thương thực thể của não trong tiền sử và hiện tại bằng các phương tiện thăm khám hiện có. Động kinh triệu chứng còn gọi là động kinh thứ phát, có các tổn thương thực thể khu trú ở não. Với sự tiến bộ của y học về các phương pháp thăm dò tiên tiến, hiện đại và tinh vi hơn về mặt tế bào, sinh hóa...; các nhà khoa học hy vọng ngày càng phát hiện được các tổn thương nhỏ của não như sẹo, dị dạng mạch máu nhỏ ở những bệnh nhân trước đó cho là bệnh động kinh nguyên phát. Từ đây có thể gọi động kinh nguyên phát hay động kinh vô căn là loại động kinh căn nguyên ẩn để khuyến cáo các nhà khoa học kiên nhẫn phát hiện ra nguyên nhân động kinh cụ thể hơn.

Theo điện não đồ: Có hai loại cơn động kinh được xác định. Cơn biểu hiện các đợt phóng điện kịch phát, đồng thời, đối xứng và lan tỏa hai bên; vị trí xuất phát phóng điện ở các mô sâu trên đường giữa não đóng vai trò như một máy kích thích tạo nhịp. Cơn biểu hiện phóng điện kịch phát khu trú một diện giới hạn ở vỏ não, có lan tỏa hoặc không lan tỏa đến các phần còn lại của vỏ não. Thực tế loại thứ nhất tương ứng với động kinh nguyên phát cơn lớn, cơn nhỏ; loại thứ hai tương ứng với một tập hợp các cơn gọi là động kinh khu trú, động kinh ổ, động kinh cục bộ; loại này có tổn thương thực thể, có khi đã ngừng phát triển, nằm ngay ở trong hoặc gần vị trí phóng điện. Các cơn động kinh trên lâm sàng giống cơn lớn nhưng trên điện não đồ thường thấy cơn kịch phát phóng điện từ một ổ khu trú lúc đầu rồi mới lan tỏa ra. Các cơn này gọi là động kinh cục bộ toàn bộ hóa chỉ có thể phát hiện được bằng điện não đồ. Vì vậy việc chẩn đoán bệnh động kinh thường căn cứ vào biểu hiện triệu chứng lâm sàng kết hợp với điện não đồ.

Nguyên nhân gây bệnh động kinh

Bệnh động kinh gây nên thường do nhiều nguyên nhân khác nhau như: chấn thương sọ não, u não, tai biến mạch máu não, nhiễm khuẩn nội sọ, di truyền và các nguyên nhân khác. Chấn thương sọ não gồm chấn thương sọ não hở và chấn thương sọ não kín, chúng có thể gây động kinh; cơn động kinh đầu tiên thường xảy ra trong vòng thời gian 5 năm sau chấn thương, rất hiếm gặp các trường hợp xảy ra sau 10 năm, đây là đặc điểm quan trọng trong giám định thương tật. U não phần lớn gây nên động kinh và ngược lại người bị động kinh thường có u não. Tai biến mạch máu não gồm xuất huyết não, tắc mạch máu do xơ mỡ, xuất huyết dưới màng nhện cũng thường gây động kinh; ngoài ra còn có thể do dị dạng mạch máu não, thực tế sau phẫu thuật loại bỏ dị dạng mạch máu não thì động kinh vần tồn tại trong 2/3 số trường hợp do não vẫn bị teo. Nhiễm khuẩn nội sọ dẫn đến áp xe não gây động kinh, thực tế cũng rất thường gặp động kinh ở giai đoạn cấp của viêm não, viêm màng não, viêm tắc động mạch não. Di truyền và động kinh là vấn đề được đặt ra đối với loại động kinh vô căn vì qua điều tra khảo sát ghi nhận người có quan hệ họ hàng gần với bệnh nhân là người bệnh bị động kinh vô căn; đồng thời những cặp sinh đôi đồng hợp tử thấy cả hai đều bị động kinh với tỷ lệ cao hơn những cặp sinh đôi dị hợp tử; ngoài ra các công trình nghiên cứu ghi lại điện não đồ từ cha mẹ của bệnh nhân bị động kinh vô căn thấy tỷ lệ rối loạn nhịp, cơn kịch phát cao hơn điện não đồ của những người bình thường; các nhà khoa học cũng đã có nhiều tranh luận về việc kết hôn của những bệnh nhân động kinh vô căn và đi đến kết luận là một người bị động kinh rất ít khi có con bị động kinh nên không cần cản trở việc kết hôn mà chỉ cần xem xét một cách dè dặt nếu cả hai vợ chồng đều bị động kinh. Động kinh cũng còn có thể do các nguyên nhân khác gồm: các rối loạn chuyển hóa như hạ đường huyết, hạ calci huyết, thiếu pyridoxin hay vitamin B6; rối loạn nước, điện giải; các bệnh nội khoa như suy tim, suy thận, urê cao...; bị ngộ độc các loại. Ở nước ta, ngoài các nguyên nhân này, cần lưu ý đến những trường hợp bị ấu trùng sán lợn khu trú ở não cũng có thể gây động kinh, tuy tỷ lệ không cao nhưng cần thăm khám kỹ để phát hiện.

Chẩn đoán xác định bệnh động kinh

Theo các nhà khoa học, việc chẩn đoán xác định bệnh động kinh khá dễ dàng nếu được chứng kiến lúc bệnh nhân đang lên cơn. Tuy nhiên thực tế người bệnh thường đến khám tại các cơ sở y tế lúc ở ngoài cơn động kinh nên việc chẩn đoán dựa vào nội dung hỏi bệnh tỉ mỉ, cách mô tả chính xác các cơn đã xảy ra và sự tìm tòi những dấu vết còn lại trên người bệnh như các sẹo do cơn động kinh gây nên... Chẩn đoán cần kết hợp với kết quả của điện não đồ để biết cụ thể các loại cơn. Trong thực hành lâm sàng, cần lưu ý các đặc điểm về định nghĩa cơn động kinh đã nêu ở trên; cho dù đó là cơn khó thở, cơn đau bụng hoặc bất kỳ loại cơn gì xảy ra đột ngột và mất đi nhanh chóng đều phải nghĩ đến động kinh rồi sau đó tìm cách xác định chẩn đoán vì thực tế đã có trường hợp phẫu thuật nhầm cơn đau bụng cấp trong động kinh thể nội tạng. Trong chẩn đoán xác định bệnh động kinh, cần phân biệt với cơn hysteria, cơn ngất do mạch chậm và yếu, cơn vận mạch và giao cảm, cơn thiểu năng tuần hoàn não, cơn hạ đường huyết, cơn giật sốt ở trẻ em với các đặc điểm riêng biệt. Cơn hysteria thường xảy ra trước đông người, bệnh nhân có thể biết trước cơn xảy ra nên chọn chỗ để lên cơn; cơn kéo dài, hai mí mắt nhắm nhưng nhấp nháy, không hôn mê, nói lảm nhảm, la hét, sắc mặt không thay đổi, không cắn phải lưỡi, không đi tiểu ra quần, cơn giật hỗn độn không thành nhịp; khám thần kinh thấy chức năng vẫn bình thường, một kích thích đột ngột mạnh có thể làm hết cơn; sau cơn bệnh nhân thường biết những gì vừa xảy ra, kêu nhức đầu hoặc đau các cơ, điện não đồ hoàn toàn bình thường; tuy nhiên thực tế có thể phối hợp của hysteria với động kinh, trường hợp này người bệnh có cả hai loại cơn. Cơn ngất do mạch chậm và yếu với đặc điểm trước cơn thường có triệu chứng chóng mặt, huyết áp hạ; vì vậy cần kiểm tra tim mạch cẩn thận. Cơn vận mạch và giao cảm có đặc điểm bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, mặt tái xanh, có cảm giác như sắp chết, ý thức không mất đi. Cơn thiểu năng tuần hoàn não do bị hẹp hay bị tắc động mạch cảnh hoặc động mạch sống nền gây các cơn thiếu máu cục bộ ở não với biểu hiện đột ngột, nói khó, liệt nửa người; các triệu chứng thần kinh thường tồn tại lâu hơn cơn động kinh, bệnh nhân tỉnh táo. Cơn hạ đường huyết xảy ra lúc đói với dấu hiệu toát mồ hôi, ngã xuống, hôn mê, có khi co giật; các triệu chứng này thường xảy ra chậm, không đột ngột như cơn động kinh, xét nghiệm máu thấy hạ đường huyết; cho uống nước đường hoặc tiêm dung dịch glucose 30% vào tĩnh mạch thì bệnh nhân tỉnh lại nhanh chóng. Cơn giật sốt ở trẻ em xảy ra mỗi khi bị sốt cao do một nguyên nhân nào đó, trẻ có thể bị co giật nhưng không phải là bệnh lý động kinh và khả năng cơ địa dễ có động kinh sau này.

Điều trị cấp cứu trường hợp cơn động kinh lớn

Nguyên tắc điều trị là tìm mọi cách cắt cơn động kinh càng nhanh càng tốt, chống phù não, hồi sức tim mạch, chống các rối loạn thần kinh thực vật. Sau cắt cơn phải tiến hành điều trị nguyên nhân, trừ nguyên nhân do mạch máu thì phải giải quyết phẫu thuật cấp cứu. Xử trí cấp cứu bằng cách cho bệnh nhân nằm ngửa, đầu hơi ngửa để dễ thở; đặt ống chuyên dụng vào miệng và buộc chặt bằng dây qua gáy để tránh cắn phải lưỡi và qua đó hút được đờm dãi; cho thở oxy liên tục với 2-3 lít/phút qua ống thông cao su đặt sâu 7-8 cm vào mũi; đặt ống thông truyền tĩnh mạch để khi lên cơn co giật không bị chệch ra ngoài như khi dùng kim tiêm; thực hiện các xét nghiệm cần thiết theo chỉ định của bác sĩ và làm càng nhanh càng tốt. Thuốc cắt cơn động kinh thường được chỉ định dùng ngay cùng một lúc gồm phenobarbital tiêm bắp kết hợp với benzodiazepine có biệt dược là valium, seduxen... tiêm tĩnh mạch; sau một giờ có thể lặp lại một lần nữa. Cần truyền nhỏ giọt vào tĩnh mạch liên tục thuốc valium hòa trong dung dịch glucose 5% với tốc độ chậm 5-15 giọt/phút; sau đó tùy theo kết quả điều trị mà điều chỉnh, chuyển sang truyền xen kẽ dung dịch glucose 5% đơn thuần. Phác đồ điều trị này đơn giản nhưng mang lại hiệu quả tốt, thực tế cơn động kinh thường được cắt sau mũi tiêm tĩnh mạch đầu tiên; lưu ý truyền tĩnh mạch chậm thuốc valium cần kéo dài trong 3-12 giờ tùy theo kết quả điều trị. Theo các nhà khoa học, do phenobarbital có ảnh hưởng lớn đến trạng thái ý thức nên một số trường hợp bác sĩ ưa dùng thuốc diphenyl-hydantoine loại tiêm tĩnh mạch để thay thế. Ngoài ra, các loại cơn động kinh khác như động kinh cục bộ, cơn động kinh nhỏ... tùy theo trường hợp để xử trí nhưng cần theo đúng một số nguyên tắc là phải chẩn đoán đúng loại cơn, chọn đúng thuốc điều trị, liều lượng thuốc nên thăm đò dần cho đến khi đạt liều có tác dụng; chỉ nên dùng một loại thuốc trừ trường hợp cơn thuộc loại phối hợp; thuốc phải uống hàng ngày, không được tự động bỏ thuốc hoặc giảm liều; lưu ý theo dõi các biểu hiện ngộ độc thuốc như ngứa, nổi mẩn da, vàng mắt, tiểu ít...; định kỳ cần kiểm tra chức năng gan, thận; nếu thấy bất thường phải ngừng thuốc và đi khám lại ngay.

Lời khuyên của thầy thuốc về chế độ sinh hoạt

Những người bị bệnh động kinh cần thực hiện các chế độ sinh hoạt hằng ngày một cách hợp lý như thức, ngủ đúng giờ; tùy theo nghề nghiệp của từng người có thể thức khuya hay dậy sớm miễn sao không xáo trộn giờ giấc từng ngày gây nên tình trạng mất định hình hoạt động thần kinh. Cần tránh các công việc có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân hoặc người khác do khả năng bị lên cơn đột ngột như làm việc ở trên cao, dưới nước, gần lửa, lái xe ô tô, lái tàu hoặc xe máy... Lưu ý không nên làm việc lâu ở ngoài trời nắng vì dễ bị mất nước và các chất điện giải qua mồ hôi. Tuyệt đối phải kiêng cử dùng rượu dù ở bất cứ dạng nào như rượu uống, thuốc có rượu, dung dịch xoa bóp có cồn, nước hoa có đậm độ cồn cao...

Ngày 16/08/2016
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh  

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích