Home TRANG CHỦ Thứ 3, ngày 23/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Finance & Retail Tư vấn sức khỏe
Hỏi-Đáp
Y học thường thức
Kiến thức phổ thông
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 4 9 7 7 7 5
Số người đang truy cập
5 2 9
 Tư vấn sức khỏe Y học thường thức
Các đối tượng nguy cơ nên kiểm tra đường máu để phát hiện bệnh tiểu đường (ảnh minh họa)
Đề phòng biến chứng ở người mắc bệnh tiểu đường

Tiểu đường là bệnh lý chuyển hóa do tăng glucose máu vì thiếu hụt chất insulin được tiết ra từ tụy tạng, giảm thiểu hoạt động của chất insuline hoặc cả hai nguyên nhân. Sự gia tăng glucose máu mạn tính trong bệnh tiểu đường sẽ gây nên những tổn thương, rối loạn chức năng hay suy yếu nhiều cơ quan trong cơ thể; đặc biệt là mắt, thận, thần kinh, tim và mạch máu vì vậy những người mắc bệnh tiểu đường nên chủ động phòng ngừa biến chứng và can thiệp kịp thời phù hợp.

Thực trạng tình hình bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường hiện nay được xem là một đại dịch của toàn cầu mà con người phải gánh chịu vì chúng chiếm tỷ lệ khoảng 60 đến 70% các bệnh về nội tiết trên thế giới. Theo thống kê ghi nhận, năm 2013 trên thế giới có 382 triệu người mắc bệnh tiểu đường, trong đó 46% các trường hợp chưa được chẩn đoán và điều trị; có khoảng 5,1 triệu người bị tử vong do căn bệnh nầy. Ước tính đến năm 2035 sẽ có 592 người mắc bệnh tiểu đường, tăng tỷ lệ 55% ở đa số bệnh nhân tuổi 65 tại các nước phát triển và từ 45 - 64 tuổi tại các nước đang phát triển; dự đoán cứ mỗi 6 giây sẽ có 1 người tử vong vì bệnh tiểu đường. Các quốc gia có số người mắc bệnh tiểu đường nhiều và có thể con số này sẽ tăng lên trong những năm tới là Ấn Độ, Trung Quốc, Hoa Kỳ...; trong đó Ấn Độ được xem là nước có tỷ lệ tăng bệnh tiểu đường nhanh nhất. Ở nước ta theo thống kê ghi nhận chưa đầy đủ năm 2012, bệnh được phát hiện tại một số đô thị lớn như thành phố Hồ Chí Minh với tỷ lệ 10 - 11%, thành phố Hà Nội với tỷ lệ 6 - 8%...; trong đó tỷ lệ bệnh tiểu đường chưa được chẩn đoán chiếm trên 60%. Năm 2000 đã có gần 800 ngàn người mắc bệnh tiểu đường và ước tính hiện nay số người mắc bệnh này ở Việt Nam có thể chiếm khoảng 3 triệu người, tăng gấp nhiều lần so với trước đó. Bệnh tiểu đường được xác định là một gánh nặng đối với sự phát triển kinh tế xã hội vì chúng có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề như: thiếu máu cơ tim, tai biến mạch máu não, mù lòa, loét bàn chân, cắt đoạn chi, suy thận và các biến chứng thần kinh khác... Chi phí để điều trị bệnh tiểu đường chiếm khoảng 3 - 6% ngân sách dành cho ngành y tế và công tác phòng chống bệnh tiểu đường đã được chính phủ phê duyệt trở thành một dự án quốc gia tại nước ta.

Nguyên nhân mắc bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường được chia ra làm bệnh tiểu đường type 1 và bệnh tiểu đường type 2; mỗi type có các nguyên nhân hay yếu tố gây bệnh khác nhau.

Bệnh tiểu đường type 1: Do các nguyên nhân hay yếu tố về di truyền, môi trường và miễn dịch. Về yếu tố di truyền, bệnh có phối hợp cao với sự gia tăng thường xuyên của kháng nguyên bạch cầu người HLA (human leukocyte antigen) B8, B14, B15, B18, Cw3, DR3 và DR4 gặp ở bệnh nhân tiểu đường chủng tộc da trắng; trong khi đó HLA DR3, DR4 có liên quan đến bệnh tiểu đường type 1 châu Á, châu Phi và châu Mỹ La Tinh. HLA DR3 hoặc DR4 gặp ở 95% các trường hợp bệnh tiểu đường type 1 so với 45 - 50% nhóm chứng chủng tộc da trắng. Về yếu tố môi trường, thường kết hợp với tổn thương chức năng tế bào đảo của tụy tạng gồm vi-rút gây bệnh quai bị, rubella, vi-rút coxsackie B4; tác nhân độc hóa học như nitrophenyl-urea độc cho chuột và các chất độc hủy hoại tế bào khác như hydrogen cyanide từ bột sắn hư hỏng hay từ củ sắn. Về yếu tố miễn dịch, có hai loại miễn dịch thể dịch và miễn dịch tế bào; miễn dịch thể dịch gồm kháng thể lưu hành chống lại những tế bào đảo tụy tạng được tìm thấy ở phần lớn bệnh nhân tiểu đường type 1 ngay khi được chẩn đoán với tỷ lệ 60 - 90% rồi giảm sau đó như kháng thể kháng tế bào tiểu đảo, đồng thời có trên 60% kháng thể kháng insulin được tìm thấy trước khi điều trị insulin, ngoài ra còn có phần lớn kháng thể kháng tế bào đảo tụy tạng trực tiếp chống lại glutamic acid decarboxylase là một loại men định vị trong tế bào bêta của tụy tạng; miễn dịch tế bào cũng đóng vai trò trong cơ chế bệnh sinh của bệnh tiểu đường type 1 và xuất hiện nhiều năm trước khi chẩn đoán lâm sàng, tiến trình miễn dịch thường xảy ra chậm và tiếp tục. Một số các yếu tố khác ngoài yếu tố miễn dịch cũng có thể ảnh hưởng đến diễn biến tự nhiên của tình trạng suy tế bào bêta trong bệnh tiểu đường type1.

Bệnh tiểu đường type 2: Cũng do các nguyên nhân hay yếu tố về di truyền và môi trường. Về yếu tố di truyền, nghiên cứu các trường hợp song sinh giống nhau ghi nhận nếu một người đã mắc bệnh tiểu đường thì chắc chắn 100% người còn lại sẽ bị mắc bệnh tiểu đường. Về yếu tố môi trường, tuổi tác, tình trạng béo phì, sống cuộc sống tĩnh tại là yếu tố nguy cơ dễ dẫn đến mắc bệnh tiểu đường; đồng thời bệnh cũng xảy ra trên người đã đề kháng insulin, gia tăng bất thường mô mỡ, tăng lipoprotein mật độ thấp VLDL (very low density lipoprotein), tăng insulin khi đói và sau khi ăn, tăng huyết áp trong hội chứng chuyển hóa; ngoài ra còn có thể gặp ở các trường hợp bị rối loạn chức năng tế bào bêta của tụy tạng trong bệnh tiểu đường type 2.

Dấu hiệu nghi ngờ bệnh tiểu đường

Trong các trường hợp điển hình, trên lâm sàng thường xuất hiện những dấu hiệu của hội chứng tăng đường huyết với biểu hiện uống nhiều, đi tiểu nhiều, gầy nhiều; xét nghiệm ghi nhận chất đường glucose trong máu tăng cao, hay gặp ở bệnh tiểu đường type 1 hoặc bệnh tiểu đường type 2 có biến chứng. Cũng có nhiều trường hợp bệnh nhân đến khám bệnh với các biến chứng của bệnh tiểu đường như: nhiễm khuẩn da lâu lành, ngứa da vùng sinh dục, nhiễm khuẩn tiết niệu, lao phổi...; rối loạn thị lực như giảm thị lực, nhìn mờ; suy giảm khả năng tình dục, liệt dương, mãn kinh sớm; có một số trường hợp phát hiện được bệnh khi bệnh nhân ở trong tình trạng hôn mê tăng đường máu. Thực tế cũng có rất nhiều trường hợp bệnh tiểu đường type 2 diễn biến âm thầm không có triệu chứng rõ ràng, bệnh chỉ được phát hiện khi bệnh nhân đi khám sức khỏe và được xét nghiệm kiểm tra chất đường glucose ở trong máu; điều này đã giải thích hiện nay có tỷ lệ từ 50 đến 60% các trường hợp bệnh tiểu đường không được chẩn đoán. Trước thực trạng tình hình này, các nhà khoa học khuyến cáo cần phải kiểm soát bệnh tiểu đường một cách chặt chẽ đối với những người có các yếu tố nguy cơ bao gồm: Người từ 45 tuổi trở lên, đặc biệt có chỉ số khối cơ thể BMI (body mass index) từ 25 kg/m2 trở lên, lập lại mỗi 3 năm một lần nếu kiểm soát có kết quả âm tính. Người dưới 45 tuổi có chỉ số khối cơ thể BMI từ 25 kg/m2 trở lên kèm theo các yếu tố liên quan như ít vận động, gia đình có người thân bị mắc bệnh tiểu đường, thuộc chủng tộc có nguy cơ cao như người thuộc châu Á, sinh con có trọng lượng trên 4 kg hoặc có bệnh tiểu đường trong thai kỳ. Người có biểu hiện tăng huyết áp với chỉ số huyết áp từ 140/90 mmHg trở lên. Người có chỉ số cholesterol HDL (high density lipoproteins) dưới 35 mg/dl hoặc triglycerid trên 250 mg/dl. Người trong lần xét nghiệm trước có dấu hiệu rối loạn đường huyết lúc đói hoặc có rối loạn dung nạp chất đường glucose. Người có chỉ số huyết cầu tố HbA1c trên 5,7%. Phụ nữ có hội chứng buồng trứng đa nang. Người ở trong gia đình có tiền sử mắc bệnh mạch vành. Lưu ý đối với phụ nữ có thai, cần sàng lọc để chẩn đoán bệnh tiểu đường ngay từ lần khám trước khi mang thai cho các đối tượng có nguy cơ cao và sàng lọc bệnh tiểu đường thai kỳ vào thời điểm thai từ 24 đến 28 tuần tuổi.

Biến chứng của bệnh tiểu đường

Những bệnh nhân bị mắc bệnh tiểu đường nếu không được phát hiện, chẩn đoán và xử trí điều trị kịp thời sẽ dẫn đến các biến chứng cấp tính và mạn tính.

Biến chứng cấp tính: Thường gặp là tăng tính thẩm thấu do tăng chất đường glucose ở trong máu, hạ chất đường glucose ở trong máu, nhiễm toan lactic, nhiễm toan ceton. Những biến chứng này rất nguy hiểm vì có thể dẫn đến tử vong nếu không được chẩn đoán, xử trí can thiệp kịp thời và phù hợp.

Biến chứng mạn tính: Gồm biến chứng vi mạch, biến chứng mạch máu lớn, biến chứng nhiễm trùng và các biến chứng khác. Trong biến chứng vi mạch, thường gặp các trường hợp như: Bệnh lý võng mạc tiểu đường là nguyên nhân chính gây mù lòa; ngoài ra còn có những biến chứng rối loạn chiết quang, rối loạn màu sắc, đục thủy tinh thể, viêm thần kinh thị giác, liệt cơ vận nhãn, tăng nhãn áp glaucome. Bệnh lý vi mạch thận còn gọi là bệnh lý thận tiểu đường thường hay xảy ra đồng thời với bệnh lý võng mạc và là nguyên nhân chính gây nên suy thận mạn tính tiến triển. Bệnh lý do biến chứng thần kinh tiểu đường thường phối hợp với bệnh lý võng mạc, bệnh lý thận tạo thành hội chứng “tam bệnh” đặc biệt của bệnh tiểu đường như: bệnh lý đa dây thần kinh vận động - cảm giác mạn tính còn gọi là bệnh lý thần kinh xa gốc đối xứng hay gặp với trên 50% các trường hợp bệnh và có vai trò chủ yếu trong bệnh sinh loét bàn chân do tiểu đường; ngoài ra còn gặp bệnh lý một dây thần kinh, bệnh lý thần kinh tự động, bệnh lý thần kinh cảm giác cấp tính. Trong biến chứng mạch máu lớn, thường gặp các trường hợp thiếu máu cơ tim im lặng, nhồi máu cơ tim với tỷ lệ 50% bị tử vong, viêm tắc động mạch chi dưới gây hoại tử khô, viêm xương, tắc mạch bàn chân và cẳng chân phải cắt cụt chi, tai biến mạch máu não, tắc mạch thận, suy thận, hậu quả tăng huyết áp. Trong biến chứng nhiễm trùng, thường ghi nhận các trường hợp bị mắc bệnh lao, nhiễm vi khuẩn và vi-rút, nhất là nhiễm trùng đường tiết niệu dai dẳng và tái phát nhiều lần; ngoài ra còn bị nhiễm trùng da và niêm mạc với các nhọt tụ cầu vàng, viêm âm hộ, viêm bao quy đầu...; đôi khi chính trường hợp nhiễm trùng này đã làm khởi phát bệnh lý tiểu đường có sẵn. Các biến chứng khác cũng thường gặp trong bệnh tiểu đường là: Tăng huyết áp thường phối hợp với bệnh tiểu đường, đôi khi có trước khi bị mắc bệnh tiểu đường, tần suất gặp nhiều ở người bị bệnh tiểu đường type 2, nhất là các trường hợp người bệnh béo phì vì có sự tương quan giữa bệnh lý béo phì và tăng huyết áp. Biến chứng da ghi nhận ngoài tổn thương nhọt nhiễm trùng, còn có bệnh lý khác như: viêm teo dạng mỡ biểu hiện bằng những nốt có phần trung tâm teo lại, vùng viền chung quanh tím dần, định vị ở ngón tay hay chi dưới; dị ứng da do insulin, phì đại mô mỡ hoặc teo mô mỡ; đồng thời cũng có thể có bệnh lý bàn chân tiểu đường.

Lời khuyên của thầy thuốc

Theo ước tính của Bộ Y tế, nước ta hiện nay có khoảng 3 triệu người mắc bệnh tiểu đường và con số này sẽ còn có khả năng tăng lên trong những năm tới. Đây là một trong số 10 trường hợp bệnh gây tử vong và tàn phế cao do những biến chứng khá nặng nề của chúng tạo nên. Để chủ động phòng chống bệnh tiểu đường, các nhà khoa học khuyến cáo nên thực hiện một chế độ ăn uống hợp lý; cân đối đầy đủ các thành phần đường, đạm, mỡ trong khẩu phần thức ăn; luyện tập thể dục đều đặn và thường xuyên. Đồng thời những người có yếu tố nguy cơ cao như đã nêu ở trên nên quan tâm đến việc chủ động kiểm soát bệnh để phát hiện. Đối với các trường hợp người có yếu tố nguy cơ có thể can thiệp được như: tình trạng béo phì nhất béo ở bụng, béo phì dạng quả táo, tăng huyết áp, rối loạn chất mỡ ở trong máu... thì phải điều trị tích cực những yếu tố nguy cơ này để phòng ngừa. Lưu ý khi chưa bị mắc bệnh tiểu đường nên chủ động phòng tránh sự xuất hiện của bệnh, lúc đã bị mắc bệnh rồi cần phải có một chế độ điều trị tích cực bao gồm việc thực hiện chế độ ăn uống hợp lý, luyện tập thể dục phù hợp, sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để hạn chế sự xuất hiện của các biến chứng. Khi đã có biến chứng xảy ra, nên kiểm soát chỉ số đường máu một cách tích cực kết hợp với biện pháp ổn định huyết áp và tình trạng rối loạn mỡ máu để hạn chế tiến triển tàn tệ của những biến chứng. Vì vậy người mắc bệnh tiểu đường nên lường trước biến chứng nhằm ngăn chặn hậu quả xấu xảy ra.

 

 

Ngày 13/06/2016
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh  

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích