Home TRANG CHỦ Chủ nhật, ngày 13/10/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Finance & Retail Tư vấn sức khỏe
Hỏi-Đáp
Y học thường thức
Kiến thức phổ thông
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 3 8 2 0 3 2 9
Số người đang truy cập
3 6 0
 Tư vấn sức khỏe Y học thường thức
BMI có phải là chỉ số dự đoán chính xác về sức khỏe?

Chỉ số khối cơ thể BMI thường là chỉ số hay công cụ dùng để đánh giá tiêu chuẩn sức khỏe ở hầu hết các cơ sở y tế. Mặc dù nó được sử dụng trong nhiều thập kỷ qua như là một thước đo sức khỏe nhưng gần đây bị chỉ trích rộng rãi vì đã đơn giản hóa quá mức về sức khỏe. Thực tế nhiều nhà khoa học khẳng định chỉ số BMI hiện nay đã lỗi thời, không còn chính xác để đánh giá tiêu chuẩn sức khỏe và không nên sử dụng trong các cơ sở y tế cũng như cơ sở về thể dục thể thao. Cần có sự hiểu biết về vấn đề này.

Chỉ số khối cơ thể BMI là gì?

BMI viết tắt từ chữ Body Mass Index là chỉ số khối cơ thể được sử dụng từ năm 1832 từ một nhà toán học người Bỉ tên là Lambert Adolphe Jacques Quetelet. Ông xây dựng chỉ số BMI như là một thước đo nhanh chóng để ước tính mức độ thừa cân và béo phì trong một nhóm dân số nhất định nhằm giúp chính phủ quyết định nơi phân bổ các nguồn lực về y tế cũng như tài chính. Nhà khoa học này nói rằng chỉ số BMI không có ích trong việc nghiên cứu các cá nhân đơn lẻ mà dùng để cung cấp một tấm ảnh chụp nhanh về tình trạng sức khỏe tổng thể của một quần thể dân cư, tuy nhiên trên thực tế chúng được sử dụng rộng rãi để đo lường vấn đề sức khỏe của một cá nhân.Thang điểm chỉ số BMI dựa trên một công thức toán học để xác định xem một người có cân nặng khỏe mạnh hay không bằng cách lấy số cân nặng tính theo kilogam chia cho số chiều cao tính theo mét bình phương. BMI = cân nặng (kg) / chiều cao (m2). Ngoài ra, chỉ số BMI cũng có thể được tính bằng cách chia số trọng lượng cân nặng tính theo pound cho số chiều cao tính theo inch bình phương nhân với 703. BMI = cân nặng (lbs) / chiều cao (inch2) x 703. Đồng thời có thể sử dụng máy tính BMI trực tuyến được cung cấp bởi cơ quan y tế có liên quan.

Khi chỉ số BMI được tính toán theo công thức toán học ở trên, chúng sẽ được so sánh với thang điểm để xác định xem có ở trong phạm vi cân nặng bình thường hay không. Theo tính toán này, cơ sở y tế liên quan có thể căn cứ để đề nghị thay đổi lối sống và sức khỏe nếu không thuộc nhóm cân nặng bình thường. Một số quốc gia đã áp dụng thang điểm chỉ số BMI để thực hiện chiến lược quy mô về tầm vóc dân số của họ như trường hợp người đàn ông và phụ nữ ở châu Á được chứng minh là có nguy cơ mắc bệnh tim cao với chỉ số BMI thấp hơn so với những người không phải là người châu Á. Mặc dù điều này có thể cung cấp cho ngành y tế tấm ảnh chụp nhanh về sức khỏe của một người dựa trên cân nặng mà không cần xem xét các yếu tố khác có liên quan như tuổi tác, giới tính, chủng tộc, di truyền, khối lượng chất béo, khối lượng cơ mà mật độ xương...

Chỉ số khối cơ thể BMI là một phép tính dùng để ước tính lượng mỡ cơ thể của một người bằng cách sử dụng số liệu về chiều cao và cân nặng của họ để tính toán. Theo đó, chỉ số BMI từ 18,5 đến 24,9 được xem là có cân nặng bình thường, nguy cơ sức khỏe bị ảnh hưởng thấp; trường hợp chỉ số này cao hơn hay thấp hơn trong giới hạn này thì nguy cơ sức khỏe bị ảnh hưởng là điều có thể xảy ra.

BMI có phải là chỉ số xác định sức khỏe

Dù trên thực tế cho rằng chỉ số BMI không xác định chính xác để đánh giá một người có được khỏe mạnh hay không nhưng hầu hết các nghiên cứu cho thấy nguy cơ mắc các bệnh mãn tính và tử vong sớm sẽ tăng lên khi chỉ số BMI thấp hơn 18,5 nghĩa là những trường hợp nhẹ cân hoặc cao hơn trên 30,0 nghĩa là những trường hợp béo phì.Một nghiên cứu được thực hiện hồi cứu vào năm 2017 đối với 103.218 trường hợp tử vong ghi nhận những người có chỉ số BMI từ 30,0 trở lên tương ứng với tình trạng béo phì có nguy cơ bị tử vong cao hơn 1,5 đến 1,7 lần so với các trường hợp khác sau 30 năm thực hiện việc theo dõi. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy những người thuộc nhóm có chỉ số BMI béo phì có nguy cơ bị tử vong do nhiều nguyên nhân và mắc bệnh tim cao hơn 20% so với những người thuộc nhóm có chỉ số BMI bình thường. Các nhà nghiên cứu phát hiện những người có chỉ số BMI thuộc nhóm “thiếu cân” hoặc “béo phì nghiêm trọng” và “cực kỳ béo phì” có tỷ lệ chết trung bình tương ứng là 6,7 năm và 3,7 năm sớm hơn so với những người ở nhóm có chỉ số BMI “bình thường”. Các nghiên cứu khác cũng ghi nhận chỉ số BMI lớn hơn 30,0 có thể bắt đầu làm tăng đáng kể nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe mãn tính như bệnh tiểu đường loại 2, bệnh tim, khó thở, bệnh thận, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu và các vấn đề về sự vận động...Theo đó, nếumột người giảm 5 - 10% chỉ số BMI sẽ có liên quan đến việc giảm tỷ lệ hội chứng chuyển hóa, bệnh tim và bệnh tiểu đường loại 2. Do hầu hết các nghiên cứu cho thấy nguy cơ mắc bệnh mãn tính gia tăng ở những người bị béo phì nên nhiều chuyên gia y tế có thể sử dụng chỉ số BMI như một bức tranh tổng quát để đánh giá về nguy cơ sức khỏe của con người. Tuy vậy, nó không nên được sử dụng như một chỉ số hay công cụ chẩn đoán xác địnhduy nhất.

Tóm lại, mặc dù chỉ số BMI bị chỉ trích để sử dụng đánh giá vì nó đơn giản hóa sức khỏe quá mức nhưng hầu hết các nghiên cứu đều ủng hộ khả năng ước tính nguy cơ mắc bệnh mãn tính của một người, đặc biệt là nguy cơ tử vong sớm và hội chứng chuyển hóa.Mặc dù nghiên cứu cho thấy chỉ số BMI thấp (dưới 18,5) và cao (30 hoặc cao hơn) với nguy cơ xấu về sức khỏe tăng lên nhưng vẫn có nhiều sai sót khi sử dụng nó.

Các yếu tố sức khỏe khác không được xem xét

Thực tế chỉ số BMI chỉ giúp xác định, trả lời “có” hay “không” tình trạng liên quan đến cân nặng của một người là bình thường hay không mà không quan tâm đến bất kỳ mộtyếu tố nào khác về tuổi tác, giới tính, di truyền, lối sống, tiền sử bệnh tật hoặc các yếu tố liên quan khác... Nếu chỉ dựa vào chỉ số BMI,có thể bỏ lỡ các phép đo quan trọng khác về tình trạng sức khỏe như lượng cholesterol, lượng đường trong máu, nhịp tim, huyết áp, mức độ viêm nhiễm...Các chỉ số này cũng giúp hỗ trợ đánh giá tình trạng sức khỏe thực sự cao hoặc thấp về sức khỏe của con người.Hơn nữa, mặc dù nam giới và phụ nữ có cấu tạo cơ thể khác nhau, nam giới có nhiều bắp cơ hơn và ít mỡ hơn phụ nữ nhưng nếu chỉ số BMI được sử dụng để đánh giá với cùng một phép tính cho cả hai nhóm là không phù hợp.

Thêm vào đó, khi lớn tuổi cơ thể sẽ tự nhiên tăng khối lượng chất béo và giảm khối lượng bắp cơ; nhiều nghiên cứu ghi nhận chỉ số BMI cao từ 23,0 đến 29,9 ở người cao tuổi có thể giúp bảo vệ khỏi tử vong sớm và bệnh tật. Cuối cùng, nếu chỉsử dụng chỉ số BMI để xác định sức khỏe của một người thì nó sẽ bỏ qua các khía cạnh khác của vấn đề sức khỏe như sức khỏe tinh thần, các yếu tố xã hội phức tạp, mức thu nhập, khả năng tiếp cận thực phẩm bổ dưỡng, giá cả sinh hoạt; kỹ năng, kiến ​​thức về thực phẩm và môi trường sống...


Giả sử tất cả trọng lượng đều bằng nhau

Thực tế mặc dù 1 pound hoặc 1 kilogam trọng lượng bắp cơ nặng tương đương với 1 pound hoặc 1 lilogam chất béo nhưng cơ bắp dày đặc hơn và chiếm ít không gian hơn; theo đó một người có thể rất gầy nhưng có khối lượng cơ cao làm cho họ nặng hơn trên bàn cân khi đo trọng lượng cơ thể như trường hợp một người nặng 200 pound (tương ứng 97kg), cao 5’9’’ (tương ứng 175cm) có chỉ số BMI là 29,5 được phân loại là “thừa cân”. Trường hợp hai người có cùng chiều cao và cân nặng có thể trông hoàn toàn khác nhau, một người có thể là một vận động viên thể hình với khối lượng cơ bắp cao trong khi đó người kia có thể có khối lượng chất béo cao hơn. Nếu chỉ xem xét chỉ số BMIđể đánh giá thì có thể dễ dàng phân loại nhầm lẫn người “thừa cân” hoặc “béo phì” mặc dù họ có khối lượng chất béo thấp. Do đó điều quan trọng là phải xem xét khối lượng cơ, mỡ và xương của một người ngoài trọng lượng của họ.

Trường hợp không xem xét sự phân bố chất béo

Mặc dù chỉ số BMI lớn hơn có liên quan đến tình trạng sức khỏe kém hơn nhưng vị trí của chất béo trên cơ thể cũng có thể tạo ra sự khác biệt lớn hơn nữa. Những người có chất béo tích trữ quanh vùng bụng được gọi là kiểu cơ thể có hình quả táo hoặc có hình dạng quả táo thường có nguy cơ mắc bệnh mãn tính cao hơn những người có chất béo tích trữ ở hông, mông và đùi được gọi là kiểu cơ thể gynoid hoặc cơ thể có hình quả lê.Trong kết quả đánh giá của 72 đề tài nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện ra rằng những người có cơ thể phân bố chất béodạng hình quả táo có nguy cơ tử vong do nhiều nguyên nhân cao hơn xảy ra đáng kể, trong khi đó những người có cơ thể phân bố chất béo dạng hình quả lê có nguy cơ thấp hơn.Trên thực tế, các nhà khoa học nhấn mạnh rằng chỉ số BMI không xem xét nơi lưu trữ chất béo trên cơ thể, vì vậy điều này có thể làm cho việc phân loại, đánh giá nhầm lẫn một người được cho là không khỏe mạnh hoặc có nguy cơ mắc bệnh.

Có sự sai lệch khi đánh giá về trọng lượng

Thông thường mỗi người đều mong muốn các bác sĩ hoặc chuyên gia y tế sử dụng một phương pháp đơn giản để phán đoán tốt nhất về tình trạng sức khỏe của mình, theo đó họ sẽ thực hiện phương pháp tính toán để lấy kết quả từ chỉ số BMI và xem bệnh nhân của họ như là một cá thể duy nhất. Tuy nhiên trên thực tế, một số bác sĩ hoặc chuyên gia y tếchỉ sử dụng chỉ số BMI để đo lường sức khỏe của một người trước khi đưa ra các khuyến cáovề lĩnh vực y tếcó thể dẫn đến sự sai lệch khi đánh giá về cân nặng và việc chăm sóc sức khỏe sẽ không bảo đảm chất lượng. Những người có chỉ số BMI cao thường chỉ chú ý tập trung vào chỉ số BMI của họ mà khôngcần quan tâm đến các vấn đề khác có liên quan.Từ đó các vấn đề y tế nghiêm trọng sẽ không được chú ý hoặc được nhìn nhận một cách chính xác do chỉ quan tâm đến cân nặng. Trên thực tế, các nghiên cứu đã ghi nhận ngườicó chỉ số BMI càng cao thì họ càng ít có khả năng đi khám sức khỏe định kỳ do sợ bị đánh giá, không tin tưởng vào cơ sở y tế hoặc nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe; cũngcó thể đã trải nghiệm qua tiêu cực trước đó dẫn đến sự phát hiện, chẩn đoán, điều trị muộn và chăm sóc đúng.


Có sự sai lệch đối với quần thể dân cư

Đối với các quần thể dân cư, có thể chỉ số BMI không phù hợp để đánh giá tình trạng sức khỏe. Mặc dù chỉ số BMI thông thường được sử dụng rộng rãi đối với tất cả người lớn nhưng thực tế có thể chúng không phản ánh chính xác sức khỏe của một nhóm dân tộc và chủng tộc. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy những người gốc châu Á có nguy cơ mắc bệnh mãn tính cao hơn ở điểm giới hạn chỉ số BMI thấp hơn so với người da trắng.

Từ đó trên thực tế, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phát triển và xây dựngthêm hướng dẫn đo lường chỉ số BMI Châu Á - Thái Bình Dương, cung cấp các điểm cắt của chỉ số BMI thay thế phù hợp. Nhiều nghiên cứu đã ghi nhận những điểm giới hạn thay thế này giúp xác định tốt hơn nguy cơ sức khỏe của người dân ở châu Á. Mặc dù vậy, vẫn cần nghiên cứu thêm để so sánh những điểm hạn chế này với những người Mỹ gốc Á đa thế hệ. Ngoài ra, người da đen có thể bị phân loại nhầm là thừa cân mặc dù có khối lượng mỡ thấp hơn và khối lượng cơ cao hơn. Điều này có thể cho thấy nguy cơ mắc bệnh mãn tính xảy ra ở điểm giới hạn BMI cao hơn so với các chủng tộc khác, đặc biệt là ở phụ nữ da đen.Một nghiên cứu từ năm 2011 cho thấy phụ nữ người da đen được xem là khỏe mạnh về mặt trao đổi chất ở ngưỡng giới hạn cao hơn 3,0 kg/m2 so với những người không phải da đen, điều này càng đặt ra câu hỏi về tính hữu ích của chỉ số BMI đối với tất cả các nhóm chủng tộc.

Cuối cùng, nếu chỉ dựa vào chỉ số BMI mà bỏ qua tầm quan trọng văn hóa của kích thước cơ thể đối với các nhóm khác nhau cũng là vấn đề cần xem xét. Ở một số nền văn hóa, khối lượng chất béo cao được xem là khỏe mạnh và đáng được mơ ước. Vì vậy bác sĩ hoặc các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe nên xem xét “sức khỏe” có ý nghĩa như thế nào đối với từng bệnh nhân. Việc xem xét cũng là quyết định quan trọng về sức khỏe như thực hiện thủ tục phẫu thuật và can thiệp giảm cân dựa trên chỉ số BMI và cân nặng, điều quan trọng là tất cả các bác sĩ hoặc chuyên gia y tế phải vượt qua chỉ số BMI để đảm bảo họ đã đưa ra các khuyến nghị lấy bệnh nhân làm trung tâm. Tóm lại, chỉ số BMI là chỉ số xem cân nặng và chiều cao của một người, là thước đo sức khỏe của từng cá nhân; lưu ý tuổi tác, giới tính, chủng tộc, thành phẩn cơ thể, tiền sử bệnh hiện tại và quá khứ, các yếu tố khác... có thể ảnh hưởng đến cân nặng và sức khỏe của mỗi người.

Sự lựa chọn thay thế tốt hơn

Mặc dù có nhiều sự sai sót khi sử dụng chỉ số BMI để đánh giá tình trạng sức khỏe của mỗi người nhưng thực tế chúng vẫn được sử dụng như một công cụ đánh giá chính vì thực hiện thuận tiện, có hiệu quả và ít chi phí; đồng thời có thể truy cập được số liệu trong tất cả các cơ sở y tế và đơn vị chăm sóc sức khỏe.Tuy vậy có thể lựa chọn thay thế cho chỉ số BMI bằng các chỉ số khác, đây có thể là chỉ số tốt hơn để đánh giá tình trạng sức khỏe của một người mặc dù chúng có những ưu điểm và nhược điểm riêng như:

Đo chu vi vòng eo: Nếu vòng bụng ở phụ nữ lớn hơn 35inch, tương ứng với 85cm và ở nam giới lớn hơn 40inch, tương ứng với 101,6cm cho thấy lượng mỡ của cơ thể ở vùng bụng tích tụ nhiều hơn, điều này có liên quan đến nguy cơ mắc các bệnh mãn tính cao hơn. Để đo được chỉ số này, việc thực hiện thật đơn giản và dễ dàng vì chỉ cần một thước đo. Nhược điểm của cách đo này là không xem xét, đánh giá các kiểu cơ thể như hình quả táo so với hình quả lê và yêu cầu khác như khối lượng cơ và xương...

Tỷ lệ eo trên hông: Nếu tỷ lệ eo trên hông lớn hơn 0,80 ở phụ nữ và lớn hơn 0,95 ở nam giới cho thấy lượng chất béo tích trữ cao ở khu vực dạ dày có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim, bệnh mãn tính cao. Nếu tỷ lệ này thấp hơn hoặc bằng 0,80 ở phụ nữ và thấp hơn hoặc bằng 0,95 ở nam giới cho thấy khả năng tích trữ mỡ ở hông cao có liên quan đến tình trạng sức khỏe tốt hơn. Thực tế rất dễ dàng để đotỷ lệ này vì chỉ cần một thước đo và một máy tính là có thể tính toán được. Nhược điểm của cách đo này là cũng không xem xét, đánh giá các kiểu cơ thể như hình quả táo so với hình quả lê và yêu cầu khác như khối lượng cơ và xương...

Tỷ lệ phần trăm mỡ cơ thể: Tỷ lệ phần trăm chất béo cơ thể là lượng chất béo tương đối của cơ thể con người, chúng có thể giúp phân biệt giữa khối lượng cơ thể có chất béo và khối lượng cơ thể không có chất béo thường đại diện phản ánh chính xác hơn về nguy cơ sức khỏe so với chỉ số BMI. Nhược điểm của cách đánh giá này là có rủi ro sai sót cao với các công cụ đánh giá đơn giản thuận tiện như đo nếp gấp, phân tích trở kháng điện sinh học di động, cân tại nhà...; các công cụ đánh giá chính xác hơn thì lại đắt tiền và không thể tiếp cận được đối với nhiều người như phép đo hấp thu tia X năng lượng kếp, cân dưới nước, phép đo chuyển vị không khí BodPod...

Thực hiện các xét nghiệm: Các xét nghiệm được thực hiện trong phòng thí nghiệm như thử máu và các thử nghiệm quan trọng khác nhau có thể phản ánh nguy cơ mắc bệnh mãn tính như đo huyết áp, nhịp tim, cholesterol, mức đường huyết, tình trạng viêm nhiễm...Kết quả của phương pháp xét nghiệm giúp cung cấp đánh giá chi tiết hơn về tình trạng sức khỏe và trao đổi chất của con người mà không chỉ dựa vào đơn thuần chất béo cơ thể như là một phép đo về tình trạng sức khỏe.Nhược điểm của phương pháp này là giá trịxét nghiệm đơn lẻ,đơn thuần không đủ để chẩn đoán hoặc chỉ ra sự rủi ro về vấn đề sức khỏe.


Trên thực tế, tất cả các công cụ đánh giá đều có thể sử dụng nhưng điều quan trọng đối với các cơ sở y tế hay nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe là không chỉ nên dựa vào một phương pháp kiểm tra; có thể kết hợp đo chỉ số BMI và vòng eo, nếu có lo ngại có thể tiến hành xét nghiệm máu.Điều quan tâm là phải xem mỗi bệnh nhân như là một cá nhân riêng biệt để xác định sức khỏe có ý nghĩa như thế nào đối với họ cả về thể chất lẫn tinh thần. Lưu ý các công cụ đánh giá cơ thể khác như vòng eo, tỷ lệ mỡ cơ thể và xét nghiệm máu... có thể được sử dụng thay vì chỉ dùng một chỉ số BMI; tuy nhiên, mỗi phương pháp đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng.

Điều cần quan tâm

Chỉ số khối cơ thể (BMI) là một công cụ đánh giá tình trạng sức khỏe đã gây nhiều tranh cãi, chỉ số này được thiết kế để ước tính lượng mỡ cơ thể và nguy cơ sức khỏe kém của một người.Nghiên cứu cho thấy nguy cơ mắc bệnh mãn tính cao hơn khi chỉ số BMI tăng trên phạm vi “bình thường”; tuy vậy chỉ số BMI thấp dưới 18,5 cũng có liên quan đến tình trạng sức khỏe kém.Điều này nói lên rằng chỉ số BMI không thể dùng để xem xét các khía cạnh khác của sức khỏe như tuổi tác, giới tính, khối lượng chất béo, khối lượng cơ, chủng tộc, di truyền và tiền sử bệnh tật... Hơn nữa, việc sử dụng chỉ số BMI như một yếu tố dự đoán duy nhất để chứng minh về tình trạng sức khỏe đã làm tăng sự thiên lệch về cân nặng dẫn đến sự bất bình đẳng về sức khỏe. Theo các nhà khoa học, mặc dù chỉ số BMI có thể hữu ích như một điểm khởi đầu để đánh gia sức khỏe nhưng nó không phải là phép đo duy nhất về tình trạng sức khỏe.

Ngày 06/12/2023
BS. NGUYỄN VÕ HINH
(Nguyên Giám đốc Trung tâm Phòng chống Sốt rét-KST-CT Thừa Thiên Huế)
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích