Những liều “vaccine tâm hồn” đẩy lùi sang chấn tâm lý trong đại dịch
Sang chấn tâm lý, stress, lo âu, trầm cảm... là những nguy cơ cho sức khỏe tinh thần của bạn khi dịch COVID-19 kéo dài đã gần 2 năm. Liệu pháp nào cho những nguy cơ này?
Yếu tố tâm lý đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Bằng chứng là nhiều nghiên cứu dài hạn gần đây đã chỉ ra mối quan hệ giữa thái độ lạc quan với giảm nguy cơ phát triển bệnh mãn tính, bệnh tim mạch và tăng thêm tuổi thọ.Đặc biệt trong giai đoạn bùng phát đại dịch COVID-19 hiện nay, nuôi dưỡng hy vọng và lạc quan chính là "vaccine tâm hồn" có thể có tác động tích cực đến sức khỏe tinh thần và thể chất của bạn, giúp bạn ngăn chặn được sang chấn tâm lý, xoa dịu lo âu, giảm trầm cảm...
Để làm được điều này trong đại dịch COVID-19, hãy tham khảo những gợi ý dưới đây:
Tin tưởng vào vaccine COVID-19 cũng giúp phòng ngừa sang chấn tâm lý
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dịch COVID-19 chưa biết khi nào sẽ kết thúc. Để đối phó với dịch COVID-19, nhiều loại vaccine được nghiên cứu và được phê duyệt sử dụng khẩn cấp. Đó là căn cứ để chúng ta lạc quan hơn, tin tưởng sẽ chiến thắng đại dịch. Sự phát triển của vaccine phòng COVID-19 cho thấy mức độ an toàn và hiệu quả phòng ngừa dịch bệnh, đã và đang phủ khắp toàn cầu. Hãy đoàn kết cùng chống dịch, trước hết bằng việc tiêm ngay vaccine khi có thể, bất cứ loại nào đang sẵn có. Theo một nghiên cứu mới đây cho thấy, sự lo âu, trầm cảm, stress giảm sau khi tiêm vaccine mũi đầu tiên.
Đừng đắm chìm trong tiêu cực
Giãn cách xã hội, phong tỏa,...có thể ảnh hưởng to lớn đến cuộc sống, sinh hoạt của tất cả mọi người và sự ảnh hưởng này nặng nề hơn với những người quen một cuộc sống năng động, sống phụ thuộc nhiều vào mối quan hệ bạn bè và xã hội.
Cách ly xã hội, phong tỏa đã làm gián đoạn sự đi lại, giao lưu bạn bè, tình thân. Trẻ em không đến trường, người lớn không thể gặp mặt đồng nghiệp, bạn bè... sự bó hẹp như vậy khiến nhiều người cảm thấy căng thẳng, stress, kèm với tình hình dịch bệnh phức tạp thì lo âu, căng thẳng càng tăng cao.
Theo các cuộc khảo sát cho thấy các triệu chứng tâm thần thường dễ xảy ra sau một đợt mắc bệnh COVID-19 cấp. Mới đây một khảo sát tiết lộ trong 3.900 câu trả lời từ những người từng mắc COVID-19, hơn 50% cho biết mình có các triệu chứng của trầm cảm, ít nhất là ở mức vừa.
Các nhà nghiên cứu cho rằng để giải quyết, giảm những lo âu, căng thẳng nên tránh nghĩ quá nhiều về những chuyện tiêu cực, bởi sẽ làm tình trạng tệ hơn.
Nếu cứ quanh quẩn nghĩ đến vấn đề không làm được, chưa làm được, không được như ý không chỉ gây căng thẳng, buồn phiền mà còn khiến bạn xử lý công việc và các tình huống trong cuộc sống kém hiệu quả. Điều này dẫn đến vòng luẩn quẩn tiêu cực lại sinh ra thêm tiêu cực.
Do đó chỉ cần đừng nghĩ nhiều về những vấn đề đó mà hãy bắt tay vào thực hiện một điều gì đó mới mẻ như gọi điện cho bạn bè, gợi ý thay đổi thực trạng nhằm cải thiện điều tội tệ, nghĩ đến các dự án mới, lên kế hoạch cho tương lai... Nếu chỉ nghĩ về chuyện tồi tệ vẫn đang xảy ra như dịch bệnh, chết chóc… mọi việc sẽ bế tắc. Tuyệt đối không được ngồi 1 mình để đắm chìm trong suy nghĩ buồn chán, lo sợ dịch bệnh.
Tìm kiếm tin tức tích cực và sự hỗ trợ giảm khó khăn và sang chấn tâm lý
Dịch bệnh khiến nhiều người rơi vào cảnh mất việc, mất người thân... nên bị sang chấn tâm lý. Nhiều người vì giảm thu nhập, không có thu nhập ... dẫn tới bị stress, nhất là những gia đình phải chạy ăn từng bữa, người nhà ốm bệnh...
Chính vì vậy việc tìm kiếm và gần gũi những người tích cực sẽ giúp ích cho bạn tháo gỡ được khó khăn. Có thể những người đó kêu gọi được cộng đồng trợ giúp, các nhà hảo tâm chia sẻ những khó khăn trong dịch bệnh. Hãy chia sẻ với bạn bè, với cơ quan, với hàng xóm tại nơi mình ở để nhận được sự giúp đỡ trong hoàn cảnh thực sự chồng chất khó khăn.
Thông thường, khi mọi người đối mặt với những tình huống khó khăn, họ suy nghĩ về cách đã vượt qua những thử thách tương tự trước đây. Tuy nhiên, bởi vì đại dịch COVID-19 là duy nhất và chưa từng xảy ra, nên hầu hết mọi người đều chưa có kinh nghiệm đối phó với tình trạng tương tự.
Một cách để duy trì sự lạc quan là tập trung sự chú ý của bạn vào những tin tức tốt, chẳng hạn như sự phát triển của vaccine, tin tức lan tỏa cách sống đẹp và hạn chế tiếp xúc những tin tức tiêu cực từ các phương tiện truyền thông. Hãy theo dõi những thông tin chính thống từ báo đài, nguồn tin được phát đi tại địa phương, tránh những tin tức không chính thống, tin tức tiêu cực.
Cần hiểu rõ về dịch bệnh, hiểu rõ về nguồn lây, cách lây và thực hành đúng khuyến cáo của Bộ Y tế để không hoang mang, lo lắng.
Thay đổi chế độ sinh hoạt
Bình tĩnh đối diện với thực tế không như mong muốn trong thời điểm dịch bệnh bằng cách thay đổi chế độ sinh hoạt lành mạnh. Tăng cường các hoạt động thể chất tại nhà, ăn uống hợp lý, ngủ đúng giờ và đủ giấc. Cần luyện tập thể dục, ngồi thiền,..
Các nghiên cứu về lo âu, trầm cảm cho thấy việc luyện tập thể thao mang lại lợi ích về tâm lý và thể chất, giúp giảm lo âu và cải thiện tâm trạng. Cần thường xuyên tham gia hoạt động thể lực mạnh mẽ sẽ đem lại cảm giác thoải mái, xoa dịu cảm giác tiêu cực, bớt tập trung vào những vấn đề sợ hãi, lo lắng thực tại.
Ngoài ra cần ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi đúng cách là một phần quan trọng để duy trì thái độ tích cực. Nghiên cứu cho thấy nếu ngủ dưới 5 tiếng mỗi đêm trong một tuần sẽ cảm thấy căng thẳng, giận dữ, buồn và mệt mỏi về mặt tinh thần hơn một cách rõ rệt. Hãy ngủ đủ giấc để duy trì tâm trạng tốt và chống lại nguy cơ mắc các rối loạn tinh thần và thể chất./.
Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464 Email: impequynhon.org.vn@gmail.com Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích