Home TRANG CHỦ Thứ 4, ngày 24/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Finance & Retail Bạn trẻ
Nhịp sống trẻ
Công nghệ số
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 5 0 2 7 1 4
Số người đang truy cập
1
 Bạn trẻ
Phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số trong ngành y tế

Đó là một trong những nội dung quan trọng trong Quyết định số 5316/QĐ-BYT do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành ngày 22/12/2020 về Phê duyệt Chương trình chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Cụ thể với nội dung của Chương trình của một số điểm như sau:

I. TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

Tầm nhìn của chuyển đổi số ngành y tế tới năm 2030 là việc ứng dụng công nghệ số trong hầu hết các hoạt động, dịch vụ của ngành y tế, hình thành nền y tế thông minh với ba nội dung chính là phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu đến năm 2025

a) Về mục tiêu phát triển Chính phủ số trong y tế:

- Duy trì 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, trong đó 80% dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động;

- 90% hồ sơ công việc tại Bộ Y tế, Sở Y tế; 80% hồ sơ công việc của phòng y tế huyện được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước);

- 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê trong lĩnh vực y tế phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Bộ Y tế được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo Quốc gia;

- 80% các hệ thống thông tin y tế có yêu cầu chia sẻ, kết nối thông tin được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu y tế; thông tin của người dân, doanh nghiệp được số hóa và lưu trữ tại cơ sở dữ liệu quốc gia y tế không phải cung cấp lại;

- Duy trì Cổng công khai y tế, Cổng công khai giá các thiết bị y tế 100% các thông tin về giá thuốc, giá trang thiết bị y tế, giá vật tư y tế, giá sinh phẩm chẩn đoán, giá khám chữa bệnh, giá niêm yết, giá đấu thầu, thông tin về các sản phẩm đang lưu hành hoặc đã được thu hồi, kết quả xử lý thủ tục hành chính, những vi phạm trong quảng cáo…được công khai trên cổng.

b) Phát triển xã hội số trong y tế

- 100% các cơ sở y tế triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt;

- 100 % các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh triển khai tư vấn khám, chữa bệnh từ xa;

- 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh triển khai đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến;

- 100% cán bộ, nhân viên ngành y tế tham gia mạng kết nối y tế Việt Nam.

c) Chuyển đổi số trong phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân

- 100% người dân được định danh y tế;

- 100% cán bộ y tế (Bác sĩ, dược sĩ, cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế) được định danh;

- 90% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử.

- 100% các xã triển khai phần mềm quản lý trạm y tế xã đầy đủ các chức năng theo quy định của Bộ Y tế.

d) Chuyển đổi số trong khám bệnh, chữa bệnh

15% (khoảng 210) số bệnh viện trên toàn quốc chuyển đổi số thành công, triển khai hồ sơ bệnh án điện tử không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử không dùng tiền mặt theo quy định tại Thông tư số 46/2018/TT- BYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế quy định về hồ sơ bệnh án điện tử.

2. Mục tiêu đến năm 2030

Tiếp tục duy trì bền vững các mục tiêu đã đạt được đến năm 2025 và phấn đấu đạt các mục tiêu như sau:

a) Về mục tiêu phát triển Chính phủ số trong y tế:

- 100 % dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động;

- 100% hồ sơ công việc tại Bộ Y tế, Sở Y tế; 90% hồ sơ công việc của phòng y tế huyện được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước);

- 100% các hệ thống thông tin y tế có yêu cầu chia sẻ, kết nối thông tin được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu y tế; thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại cơ sở dữ liệu quốc gia y tế không phải cung cấp lại.

b) Duy trì phát triển xã hội số trong y tế theo các chỉ tiêu đã đạt được ở giai đoạn 2021-2025.

c) Duy trì các chỉ tiêu trong phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân đã đạt được ở giai đoạn 2021-2025; 95% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử.

d) Chuyển đổi số trong khám bệnh, chữa bệnh

50% (khoảng 700) số bệnh viện trên toàn quốc chuyển đổi số thành công, triển khai hồ sơ bệnh án điện tử không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử không dùng tiền mặt theo quy định tại Thông tư số 46/2018/TT- BYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế quy định về hồ sơ bệnh án điện tử.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

1. Phát triển nền tảng cho chuyển đổi số

1.1. Chuyển đổi nhận thức

a) Đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý, các cơ sở y tế, doanh nghiệp, cộng đồng về vai trò và lợi ích của chuyển đổi số ngành y tế.

b) Chủ động xây dựng các chương trình truyền thông về triển khai y tế số trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân, khám chữa bệnh, bao gồm: triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, tư vấn khám chữa bệnh từ xa, đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến, bệnh án điện tử và các nội dung liên quan khác.

c) Thúc đẩy, tạo điều kiện việc nghiên cứu, sáng tạo, và thử nghiệm các công nghệ số trong y tế. Hình thành mạng lưới nghiên cứu khoa học và sáng tạo trong phát triển công nghệ số trong y tế.

d) Tổ chức kết nối, tập hợp, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển CNTT y tế tại Việt Nam trong việc phát triển các sản phẩm ứng dụng, nền tảng y tế số “make in Việt Nam”.

đ) Tổ chức các sự kiện về chuyển đổi số ngành y tế nhằm cung cấp thông tin cũng như thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp, cộng đồng.

e) Biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong chuyển đổi số ngành y tế.

1.2. Kiến tạo thể chế

Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức chi trả trong lĩnh vực CNTT y tế, cụ thể:

a) Ban hành quy định hướng dẫn các về thử nghiệm các sản phẩm y tế số mới; phát triển các nền tảng số trong y tế.

b) Triển khai thực hiện, nâng cấp kiến trúc chính phủ điện tử của Bộ Y tế làm cơ sở cho quy hoạch và phát triển CNTT của ngành y tế.

c) Nghiên cứu, xây dựng các cơ chế tài chính, cơ chế thuê dịch vụ cho các dịch vụ y tế số. Ban hành định mức chi trả cho các dịch vụ công nghệ thông tin trong các cơ sở khám, chữa bệnh, tính giá dịch vụ công nghệ thông tin trong giá dịch vụ y tế.

d) Xây dựng hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho tư vấn khám chữa bệnh từ xa và đơn thuốc điện tử cho người dân, nhằm bảo đảm người dân có thể tiếp cận bác sỹ nhanh, hiệu quả, giảm chi phí và thời gian vận chuyển bệnh nhân.

đ) Xây dựng, ban hành các quy định về quản lý, thu thập dữ liệu y tế. Xây dựng nghị định về cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế.

e) Xây dựng, ban hành các quy chuẩn, quy định về kết nối, liên thông dữ liệu giữa các phần mềm trong ngành y tế dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế.

g) Hướng dẫn các công nghệ số áp dụng trong y tế. Bổ sung, hoàn thiện các hướng dẫn về bệnh viện thông minh, bệnh viện không sử dụng bệnh án giấy.

h) Xây dựng hướng dẫn, quy định về xác thực điện tử trong ngành y tế.

i) Xây dựng, ban hành các quy định về bảo đảm an toàn, an ninh; bảo đảm tính riêng tư của thông tin y tế trên môi trường mạng.

1.3. Phát triển hạ tầng số y tế

Ứng dụng các công nghệ hiện đại trong việc triển khai hạ tầng số ngành y tế. Nâng cấp, chuyển đổi hạ tầng kỹ thuật trên nền tảng điện toán đám mây, công nghệ máy chủ hội tụ, siêu hội tụ, các công nghệ mạng dây dẫn, không dây hiện đại. Các nhiệm vụ phát triển hạ tầng số y tế bao gồm:

a) Phát triển, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật tại trung tâm dữ liệu y tế quốc gia đáp ứng sự tăng trưởng về thu thập, lưu trữ và xử lý dữ liệu y tế. Xây dựng hệ thống quản lý thông tin tổng thể phục vụ chỉ đạo, điều hành của Bộ Y tế.

b) Phát triển, nâng cấp hạ tầng tại trung tâm điều hành y tế thông minh tại các Sở Y tế và các cơ sở khám bệnh chữa bệnh.

c) Phát triển, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

d) Căn cứ vào nhu cầu và thực tiễn, các cơ sở y tế chuyên sâu (tim mạch, hô hấp, xương khớp, ung thư, sản nhi...) lập các dự án đầu tư xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn của chuyên ngành làm nền tảng ứng dụng và phát triển trí tuệ nhân tạo.

1.4. Phát triển dữ liệu số y tế

a) Phát triển, hoàn thiện cơ sở dữ liệu danh mục dùng chung cho toàn ngành y tế.

b) Phát triển, hoàn thiện, cho phép sử dụng chung các cơ sở dữ liệu dùng chung trong ngành y tế bao gồm cơ sở dữ liệu khám chữa bệnh (bệnh án điện tử, hình ảnh y khoa, thông tin xét nghiệm), cơ sở dữ liệu nhân lực y tế, cơ sở dữ liệu các cơ sở y tế trên toàn quốc.

c) Phát triển các cơ sở dữ liệu trong các lĩnh vực chuyên ngành y tế.

d) Phát triển, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế, ứng dụng các công nghệ dữ liệu lớn (Big Data) trong việc xây dựng, lưu trữ dữ liệu y tế. Ứng dụng các công nghệ phân tích (Analytics) để phân tích số liệu về hoạt động y tế kịp thời, chính xác, giúp dự báo về diễn biến tình trạng sức khỏe, bệnh tật trong cộng đồng, từ đó có các chính sách quản lý y tế phù hợp.

e) Xây dựng trung tâm dữ liệu gen (ADN) người Việt Nam

- Xây dựng hạ tầng kỹ thuật hiện đại, thế hệ mới để giải mã trình tự gene phục vụ lưu trữ, tại trường Đại học Y Hà Nội và Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh.

- Ứng dụng các công nghệ tiên tiến như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo để xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu gene. Bảo đảm nguồn nhân lực chuyên sâu để khai thác dữ liệu về gen phục vụ công tác phòng bệnh và khám chữa bệnh.

1.5. Phát triển nền tảng số trong y tế

a) Phát triển nền tảng tích hợp dữ liệu y tế quốc gia, kết nối, chia sẻ giữa các cơ sở dữ liệu y tế quốc gia, các hệ thống y tế chuyên ngành, thống kê y tế;

b) Xây dựng, phát triển nền tảng tích hợp dữ liệu y tế cơ sở;

c) Xây dựng nền tảng dịch vụ đăng ký khám, chữa bệnh và thanh toán điện tử không dùng tiền mặt;

d) Xây dựng nền tảng hệ thống thông tin quản lý bệnh viện;

đ) Xây dựng nền tảng tư vấn khám, chữa bệnh từ xa;

e) Phát triển các nền tảng siêu ứng dụng di động (superapp) trong việc cung cấp các dịch vụ y tế, hướng tới mạng xã hội dịch vụ y tế;

g) Xây dựng, phát triển nền tảng dữ liệu mở y tế, thu thập dữ liệu y tế từ nhiều nguồn, như: người dân, doanh nghiệp, mạng xã hội, các thiết bị cảm biến (IoMT – Internet of Medical Things) liên quan đến thông tin y tế và thông tin sức khỏe người dân, kết hợp với dữ liệu chia sẻ từ các cơ sở dữ liệu y tế, hướng tới hình thành hệ sinh thái dữ liệu mở trong y tế và mạng thông tin y tế quốc gia.

1.6. Bảo đảm an toàn, an ninh mạng

a) Xây dựng, triển khai các hệ thống kỹ thuật bảo đảm an toàn thông tin phục vụ phát triển Chính phủ điện tử Bộ Y tế theo quy định của Chính phủ:

- Tổ chức lực lượng ứng cứu sự cố an toàn, an ninh mạng;

- Hoàn thành xây dựng trung tâm giám sát an toàn thông tin y tế quốc gia, kết nối, chia sẻ với Trung tâm an toàn không gian mạng quốc gia đặt tại Bộ Thông tin và truyền thông;

- Các cơ sở y tế được giám sát an toàn thông tin thông qua trung tâm giám sát an toàn thông tin y tế quốc gia;

- Thực hiện kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin định kỳ cho các hệ thống thông tin của ngành y tế.

b) Các cơ sở y tế triển khai đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho hệ thống thông tin của đơn vị theo đúng cấp độ an toàn thông tin của hệ thống thông tin.

c) Phát triển, hoàn thiện hệ thống xác thực chữ ký số cho bệnh án điện tử tại các bệnh viện;

1.7. Hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số

a) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thăm quan, học tập học hỏi kinh nghiệm, công nghệ, mô hình triển khai chuyển đổi số ngành y tế tại các quốc gia trên thế giới. Tổ chức các hội thảo, các diễn đàn quốc tế về trao đổi, chia sẻ về chuyển đổi số ngành y tế. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan mỗi năm tổ chức ít nhất một hội thảo về các thành tựu, công nghệ mới trong chuyển đổi số y tế. Xây dựng diễn đàn trao đổi trực tuyến về chuyển đổi số trong ngành y tế

b) Tổ chức hợp tác sâu, rộng với các tổ chức quốc tế như WB, JICA, KOIKA, ADB, EU, UNICEF, AEHIN, PATH và các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các quốc gia trên thế giới trong việc đào tạo, nghiên cứu, thử nghiệm và đầu tư các giải pháp về chuyển đổi số trong Y tế.

c) Khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp và các đơn vị nghiên cứu khoa học trong nước nghiên cứu, xây dựng, triển khai các ứng dụng thông minh trong y tế. Định kỳ, Bộ Y tế tổ chức các cuộc thi y tế số, y tế thông minh trong lĩnh vực y tế nhằm tôn vinh các tổ chức, cá nhân trong nước xuất sắc trong việc chuyển đổi số y tế.

d) Bộ Y tế ưu tiên bố trí ngân sách khoa học công nghệ cho các đề tài nghiên cứu về chuyển đổi số ngành y tế, tối thiểu mỗi năm có một đề tài cấp Bộ về chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế.

1.8. Phát triển nguồn nhân lực

a) Triển khai đào tạo các chuyên gia cấp trung ương và các chuyên gia cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về chuyển đổi số y tế.

b) Triển khai các chương trình đào tạo về lãnh đạo chuyển đổi số trong y tế cho các lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế, các lãnh đạo Sở Y tế.

c) Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức và người lao động của ngành y tế về ứng dụng CNTT, chuyển đổi số y tế. Thúc đẩy việc đào tạo CNTT y tế trong các cơ sở đào tạo nhân lực y tế.

2. Phát triển Chính phủ số trong ngành y tế

Phát triển, nâng cấp các hệ thống thông tin y tế trên các nền tảng số mới nhất về truyền thông xã hội, cung cấp thông tin và dịch vụ hành chính công một cách đơn giản, thuận tiện trên di động, phân tích dữ liệu lớn (Big Data Analytics), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR) để thực hiện chuyển đổi số toàn diện các mặt công tác chỉ đạo, điều hành của cơ quan nhà nước và cung cấp trải nghiệm tốt nhất, thân thiện nhất cho người dùng, cụ thể như:

a) Triển khai, hoàn thiện các ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành điện tử, hạn chế việc sử dụng văn bản giấy, ứng dụng phát triển giao dịch điện tử, xác thực điện tử, văn phòng điện tử tại Bộ Y tế, Sở Y tế và các đơn vị trong ngành y tế.

b) Duy trì và vận hành hiệu quả Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử về thủ tục hành chính của Bộ Y tế. Nâng cấp các công nghệ triển khai các dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng di động, nâng cao trải nghiệm người dùng. Nghiên cứu, ứng dụng AI hỗ trợ trong việc thẩm định hồ sơ trực tuyến, như đăng ký thuốc trực tuyến, công bố tiêu chuẩn sản phẩm chức năng, đăng ký trang thiết bị y tế, …. .

c) Duy trì và vận hành hiệu quả Cổng công khai Y tế, Cổng công khai giá các thiết bị y tế cũng như cấu hình thiết bị y tế.

d) Phát triển, hoàn thiện các hệ thống thông tin quốc gia về y tế bao gồm: hệ thống thông tin thống kê y tế, nhân lực y tế, tài chính y tế, khám chữa bệnh, y dược học cổ truyền, y tế dự phòng, môi trường y tế, HIV/AIDS, an toàn thực phẩm, dược phẩm, trang thiết bị và công trình y tế, dân số - kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe bà mẹ - trẻ em, khoa học công nghệ trong y học, ….

3. Phát triển kinh tế số trong ngành y tế

Phát triển kinh tế số trong y tế với trọng tâm là thúc đẩy các doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế, các cơ sở khám chữa bệnh trong ngành y tế tăng cường ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản trị cũng như cung cấp dịch vụ y tế, tăng cường trải nghiệm, nâng cao tiện ích cho người dân, doanh nghiệp và cán bộ y tế, cụ thể:

a) Thúc đẩy và có chính sách khuyến khích các Tổ chức tài chính, Quỹ đầu tư, các nhà tài trợ cá nhân đầu tư vào lĩnh vực y tế số.

b) Các Doanh nghiệp Dược, Thực phẩm, Trang thiết bị, các doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế tăng cường triển khai ứng dụng các công nghệ số trong sản xuất, quản trị doanh nghiệp, quản trị khách hàng, cung cấp các dịch vụ trực tuyến cho khách hàng. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nghiên cứu và sản xuất Dược phẩm, Mỹ phẩm.

c) Các bệnh viện công lập, bệnh viện tư nhân đẩy mạnh tiến trình tiến tới bệnh viện thông minh, đẩy mạnh việc cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh, chăm sóc bệnh nhân (kể cả khi ra viện) trên nền tảng số.

d) Các Công ty công nghệ trong lĩnh vực y tế số tăng cường nghiên cứu, phát triển các nền tảng chuyển đổi số trong y tế; tạo ra các dịch vụ số hiệu quả trong ngành y tế “Make in VietNam”. Tăng cường nghiên cứu các công nghệ số phục vụ y tế như dữ liệu lớn, di động, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây. Hằng năm, Bộ Y tế tổ chức triển khai thử nghiệm, đánh giá các dịch vụ số hiệu quả theo đề xuất từ các công ty, doanh nghiệp về y tế số.

4. Phát triển xã hội số trong ngành y tế

a) Xây dựng, phát triển trung tâm đánh giá tác động và hỗ trợ chuyển đổi số trong y tế (theo hướng xã hội hóa). Trung tâm này có nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị trong ngành y tế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, các đơn vị trong ngành y tế trong quá trình chuyển đổi số y tế.

b) Xây dựng mạng kết nối y tế Việt Nam để kết nối các thầy thuốc, cán bộ y tế trên toàn quốc.

c) Khuyến khích các doanh nghiệp phát triển các siêu ứng dụng di động (superapp) trong lĩnh vực y tế, hình thành các nhóm cộng đồng sử dụng các dịch vụ y tế trên siêu ứng dụng di động.

Toàn văn nội dung Quyết định số 5316/QĐ-BYT (đính kèm)

 



Tệp đính kèm:
QD53162020BYT.pdf
Ngày 27/01/2021
Ban Biên tập Website  
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích