Home TRANG CHỦ Thứ 5, ngày 25/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Finance & Retail Chuyên đề
Dịch tễ học
Côn trùng học
Nghiên cứu lâm sàng & điều trị
Ký sinh trùng sốt rét
Ký sinh trùng
Sinh học phân tử
Sán lá gan
Sốt xuất huyết
Bệnh do véc tơ truyền
Vi khuẩn & Vi rút
Sán
Giun
Nấm-Đơn bào
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 5 3 1 9 7 7
Số người đang truy cập
6 2 9
 Chuyên đề Sán
Mắc bệnh sán lá phổi khi khoái khẩu với tôm, cua nướng chưa chín

Tôm, cua là một loại thực phẩm phần lớn được nhiều người ưa thích nhưng cũng có một số người kiêng cử. Món tôm, cua nướng có mùi rất hấp dẫn, kích thích sự khoái khẩu nên thường làm cho nhiều người không thể bỏ qua được. Nếu ăn phải loại tôm, cua nướng có mang mầm bệnh nhưng chưa được xử lý chín kỹ thì sẽ rước họa vào thân do nhiễm sán lá phổi với bệnh lý khá nguy hiểm. 

Đặc điểm dịch tễ

Sán lá phổi có tên khoa học là Paragonimus được nhà khoa học Kerbert phát hiện lần đầu tiên vào năm 1878 trên loài hổ. Đến năm 1879, chúng được nhà khoa học Ringer tìm ra trên người qua mổ tử thi và năm 1880 nhà khoa học Manson tìm thấy trứng sán lá phổi trong đờm của bệnh nhân. Sau đó, các nhà nghiên cứu khác đã tiếp tục phát hiện bệnh sán lá phổi ở nhiều nước trên thế giới. Sán lá phổi có khoảng trên 40 loài, trong đó có hơn 10 loài ký sinh ở người; đây là bệnh ký sinh trùng truyền qua thức ăn. Tại Việt Nam, trường hợp bệnh sán lá phổi đầu tiên được nhà khoa học Monzel phát hiện năm 1906 tại huyện Châu Đốc, tỉnh An Giang. Tiếp đó, nhà khoa học Salomon và Neveu phát hiện thêm một số trường hợp bệnh tại vùng Trung Bộ. Đến năm 1956, nhà nghiên cứu Landmann H., Đặng Văn Ngữ và Đỗ Dương Thái tiến hành điều tra cơ bản ghi nhận bệnh sán lá phổi phân bố ở nhiều nơi khác nhau tại miền Bắc; chúng không khu trú nhất định mà có tính chất tản phát. Thời gian về sau, các nhà khoa học khác đã tiếp tục nghiên cứu và xác định bệnh sán lá phổi lưu hành chủ yếu ở 8 tỉnh miền núi phía Bắc như Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Sơn La, Yên Bái, Lạng Sơn, Hòa Bình, Nghệ An và một số nơi khác...

Cua nướng chưa chín tiềm ẩn nguy cơ bệnh sán lá phổi (ảnh internet minh họa) 



            Nguồn bệnh là người, chó, mèo và bệnh sán lá phổi được xác định là có ổ bệnh thiên nhiên. Mầm bệnh là nang ấu trùng sán lá phổi đến giai đoạn lây nhiễm. Đường lây truyền là đường tiêu hóa do ăn cua, tôm nước ngọt còn sống hoặc chưa được nấu nướng kỹ. Ở những địa phương có tập quán ăn cua nướng chưa chín kỹ và nuôi thủy sản bằng phân người rất dễ có nguy cơ bị mắc bệnh sán lá phổi và tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu hành bệnh.
  

 Sán lá phổi Paragonimus trưởng thành

 trứng sán (ảnh internet minh họa)



Chu
kỳ phát triển

Ở người, sán lá phổi ký sinh ở tiểu phế quản, đẻ trứng; trứng theo đờm ra ngoài hoặc nuốt xuống ruột rồi theo phân ra ngoài. Trứng rơi xuống nước, gặp điều kiện thuận lợi và sau từ 16 đến 60 ngày mới nở ra ấu trùng lông ngay ở trong nước. Ấu trùng lông xâm nhập vào ốc là vật chủ phụ thứ nhất. Trong cơ thể ốc, ấu trùng phát triển thành nang bào tử qua hai thế hệ và phát triển thành ấu trùng đuôi. Thời gian ấu trùng sán lá phổi phát triển trong ốc khoảng từ 9 đến 13 tuần. Tiếp theo ấu trùng đuôi rời khỏi ốc, bơi lội trong nước và chúng có thể sống trong nước khoảng 13 tuần. Sau đó ấu trùng đuôi chui vào ký sinh ở vật chủ phụ thứ hai là các loài giáp xác như tôm, cua nước ngọt và hình thành các nang trùng ở trong cơ và phủ tạng. Ấu trùng đuôi có thể xâm nhập trực tiếp vào tôm, cua hoặc bị tôm, cua ăn ốc đã bị nhiễm ấu trùng đuôi. Sự phát triển từ ấu trùng đuôi thành ấu trùng nang mất khoảng vài tuần. Khi người hay động vật thích hợp là vật chủ chính ăn phải tôm, cua có ấu trùng sán lá phổi chưa được nấu chín , ấu trùng sán vào dạ dày và ruột, xuyên qua thành ống tiêu hóa vào ổ bụng rồi từng đôi một xuyên qua cơ hoành vào màng phổi, vào phế quản phổi để làm tổ ký sinh và đẻ trứng ở đó. Thời gian từ khi ăn phải ấu trùng đến khi có sán trưởng thành mất khoảng từ 5 tuần rưởi đến 6 tuần. Quá trình sán di chuyển trong cơ thể người khá phức tạp, sán có thể lạc chỗ cư trú ở màng phổi, mạc treo ruột, xâm nhập vào gan hoặc các cơ quan khác. Tuổi thọ của sán lá phổi kéo dài từ 6 đến 16 năm, tuy vậy cũng có trường hợp bệnh nhân mắc bệnh trên 30 năm nhưng không tự khỏi bệnh. Ngoài ra, một số vật chủ không thích hợp ăn phải ấu trùng nang sán lá phổi nhưng chưa phát triển hoặc phát triển không đầy đủ sẽ cư trú trong tổ chức của vật chủ này gọi là vật chủ chứa như ếch, gà, vịt, lợn rừng, chuột cống... Nếu vật chủ thích hợp ăn phải thịt của những vật chủ chứa có ấu trùng nang, sán sẽ tiếp tục phát triển trong vật chủ mới.

Triệu chứng bệnh lý

Sán lá phổi ký sinh trong cơ thể người hay động vật sẽ tạo nên những ổ áp xe bằng đầu ngón tay trong nhánh phế quản nhỏ của phổi, đôi khi ở phổi hoặc các phủ tạng khác và gây nên những triệu chứng bệnh lý đặc hiệu. Biểu hiện triệu chứng bệnh lý ở hầu hết các trường hợp mắc bệnh sán lá phổi là gây áp xe ở trong phổi, gây chảy máu và ho ra máu; một số trường hợp ký sinh ở màng phổi gây tràn dịch màng phổi. Triệu chứng ho ra máu thường kéo dài, tiến triển từng đợt cấp tính; máu ho thải ra thường có màu rỉ sắt, nâu hoặc đỏ; phần lớn người bệnh không sốt trừ trường hợp có bội nhiễm. Biểu hiện tức ngực, khó thở là triệu chứng không đặc hiệu và dấu hiệu tràn dịch màng phổi khi có sán ký sinh trong màng phổi; cơ thể ít suy sụp. Khi thực hiện xét nghiệm cận lâm sàng có thể tìm thấy trứng sán lá phổi trong đờm hoặc trong dịch màng phổi, một số trường hợp có thể thấy trong phân. Hầu hết các bệnh nhân đều có bạch cầu ái toan tăng cao. Trên phim chụp X quang phổi có thể thấy tổn thương biểu hiện bằng các nốt mờ, mảng mờ có hang nhỏ luôn là triệu chứng chủ yếu; hạch phổi cũng có thể bị sưng to và các tổn thương ở phổi thường gặp ở vùng thấp nhiều hơn.

Tôm nướng chưa kỹ cũng tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh sán lá phổi
(ảnh internet minh họa)

Chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh

Chẩn đoán bệnh chủ yếu căn cứ vào triệu chứng lâm sàng đặc hiệu như ho ra máu, tràn dịch màng phổi... Cần kết hợp yếu tố dịch tễ có liên quan đến vùng có bệnh sán lá phổi lưu hành. Chẩn đoán xác định bệnh sán lá phổi khi tìm thấy trứng sán lá phổi trong đờm, dịch màng phổi hoặc trong phân. Ngoài ra, cần thực hiện thêm một số xét nghiệm hỗ trợ cho việc chẩn đoán bệnh như chụp phim X quang phổi, làm công thức máu để đánh giá chỉ số bạch cầu ái toan; có thể làm xét nghiệm miễn dịch học, sinh học phân tử... Điều trị bệnh sán lá phổi bằng cách sử dụng các loại thuốc đặc hiệu. Trước đây dùng thuốc Bithionol 30mg/kg trọng lượng cơ thể trong 1 ngày, dùng từ 10 đến 15 ngày. Có thể dùng thuốc Niclofan liều duy nhất 2mg/kg trọng lượng cơ thể. Với sự ra đời của thuốc praziquantel vào năm 1977, hiện nay loại thuốc này được chọn để điều trị bệnh sán lá phổi có hiệu quả tốt nhất với liều 75mg/kg trọng lượng cơ thể trong 1 ngày, chia làm 3 lần, dùng trong 2 ngày. Ngoài ra có thể sử dụng thuốc triclabendazole 10mg/kg trọng lượng cơ thể, chia làm 2 lần, dùng cách nhau từ 6 đến 8 giờ cũng có tác dụng tốt đối với bệnh sán lá phổi. Phòng chống bệnh sán lá phổi có hiệu quả nhất là thực hiện nguyên tắc cắt đứt các mắt xích trong vòng đời sinh học của chúng. Tuy vậy trên thực tế, biện pháp hữu hiệu nhất là phối hợp công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cho cộng đồng người dân nâng cao nhận thức hiểu biết, chuyển đổi hành vi với châm ngôn, khẩu hiệu hành động là “không ăn tôm, cua chưa nấu chín kỹ; đặc biệt là tôm, cua nướng” với công tác phát hiện và điều trị bệnh nhân mắc bệnh sán lá phổi với thuốc đặc hiệu có hiệu quả tốt nhất nhầm hạn chế sự lây lan mầm bệnh.

Thực tiễn ghi nhận tại một số vùng tại nước ta, bệnh sán lá phổi thường đồng hành với tập quán ăn tôm, cua nướng còn sống, chưa được xử lý chín kỹ của người dân. Mặc dù món ăn từ tôm, cua nướng rất hấp dẫn, khoái khẩu đối với nhiều người nhưng nguy cơ bị nhiễm bệnh sán lá phổi là điều khó tránh khỏi.

Ngày 27/09/2013
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh  

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích