Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 19/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Finance & Retail An toàn thực phẩm & hóa chất
An toàn vệ sinh thực phẩm
Thuốc & Hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 4 5 7 3 5 3
Số người đang truy cập
3 8 8
 An toàn thực phẩm & hóa chất An toàn vệ sinh thực phẩm
Những thông tin mới nhất về ngộ độc thực phẩm trong mùa hè

1.000 người bị ngộ độc thực phẩm trong tháng 4

Trong tháng 4, cả nước xảy ra 10 vụ ngộ độc thực phẩm với gần 1.000 người mắc, 726 người nhập viện và 4 trường hợp bị tử vong.

Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, phần lớn các vụ ngộ độc xảy ra với quy mô nhiều người mắc, nguyên nhân chủ yếu gây ngộ độc là do thực phẩm nhiễm vi sinh vật. Điển hình như vụ ngộ độc tập thể xảy ra trong một đám cưới ngày 12/4/2012 tại bản Hùn, xã Chiềng Cọ, Thành phố Sơn La do thực phẩm nhiễm vi khuẩn Staphylococcus aureus làm hơn 300 người mắc và phải nhập viện cấp cứu.

Một vụ ngộ độc tập thể khác xảy ra ngày 16/4/2012 khiến hơn 200 công nhân của Công ty Dream MeKong thuộc xã An Cư, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang bị ngộ độc,…

Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cũng khuyến cáo, trong giai đoạn thời tiết đang chuyển sang mùa hè như hiện nay, nguy cơ xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, các dịch bệnh truyền qua thực phẩm đặc biệt trong các bữa tiệc đông người là rất cao. Do thời tiết khí hậu thuận lợi cho vi sinh vật phát triển sinh độc tố hoặc làm hư hỏng thực phẩm. Vì thế, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, Cục ATVSTP khuyến cáo người dân cần thực hiện lựa chọn và chế biến thực phẩm an toàn.

Theo đó, cần lựa chọn thực phẩm tươi, sạch; đảm bảo “ăn chín, uống sôi”, rửa sạch, gọt vỏ rau quả trước khi sử dụng; ăn ngay khi thức ăn vừa nấu chín; bảo quản đúng cách thức ăn sau khi nấu chín; đun kỹ lại thức ăn cũ trước khi sử dụng; không để chung, sử dụng chung dụng cụ với thực phẩm sống và chín; rửa sạch tay trước khi chế biến thực phẩm, đặc biệt là sau khi vừa đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với các nguồn dễ gây ô nhiễm khác…

Lại xảy ra ngộ độc thực phẩm tập thể tại Phú Thọ

 
Một vụ ngộ độc thực phẩm tập thể lại vừa xảy ra ở xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ đã khiến 17 người phải nhập viện. Trong số các nạn nhân, bảy người phải nằm điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Cẩm Khê, bốn người điều trị tại trạm y tế xã và sáu người được điều trị tại cộng đồng.

Ông Lê Quang Thọ, Phó Giám đốc Sở y tế Phú Thọ cho biết, vụ ngộ độc xảy ra ngày 23/4 tại một gia đình ở xã Tuy Lộc khi tổ chức lễ ăn hỏi cho con. Sau khi ăn xong, nhiều người kêu đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy và sốt cao. Ngay sau khi sự việc xảy ra, các ngành chức năng của tỉnh Phú Thọ đã lấy mẫu xét nghiệm để làm rõ nguyên nhân chính dẫn đến vụ ngộ độc tập thể này. Trước đó, ngày 15/4, tại huyện này, một vụ ngộ độc thực phẩm do ăn cỗ đám cưới cũng đã xảy ra tại xã Phương Xá với hơn 20 nạn nhân, trong đó có một số người bị nặng phải đưa lên bệnh viện huyện cấp cứu.

Kon Tum: 3 làng ngộ độc thực phẩm sau 1 đám tang

Sáng 23/3, TT Y tế TP Kon Tum đã tiến hành tiêu trùng khử độc khu vực bị ngộ độc và tiến hành cấp phát thuốc cho người dân 03 làng đồng bào DTTS thiểu số trị nôn, tiêu chảy.

Cách đây 1 tuần, gần 250 người dân ở 3 làng Plei Tơ Nghia, Plei Đôn (P.Quang Trung) và làng Kon Rờ Bàng (xã Vinh Quang) đều thuộc TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum, đồngloạt bị nôn mửa, tiêu chảy sau khi ăn uống tại 1 đám tang.

Bác sĩ Võ Thành, Giám đốc Trung tâm y tế thành phố nhận định: Đây là một vụ ngộ độc thực phẩm! Nguyên nhân ban đầu là do trong 1 tuần qua trong làng Plei Tơ Nghia có một đám cưới và sau đó là một đám ma. Gia đình có việc đã mổ heo, chế biến một số món ăn quen thuộc của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ đãi khách, cùng với đồ uống là rượu ghè. Ngay trong buổi tối và những ngày tiếp theo, gần 250 người dân tham gia ăn uống bị nôn mửa, tiêu chảy. ũng tại tỉnh Kon Tum thì trong ngày hôm qua (22/3), một vụ ngộ độc thực phẩm khác cũng đã xảy ra tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy. Sau khi ăn cơm trưa, trên 70 học sinh của trường có triệu chứng cồn cào đau bụng và nôn mửa. Tất cả các em được đưa đi cấp cứu kịp thời tại cơ sở y tế.

Người dân đang được cấp phát thuốc

3 người ngộ độc vì ăn nhầm so biển

Sau khi ăn món sam nướng bán tại các quán hàng rong ở vỉa hè, 3 nạn nhân đã phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Kết quả kiểm tra mẫu bệnh phẩm cho thấy những nạn nhân này trúng độc tố tetrodotoxin chứa trong con so biển.

Thông tin từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, trong tháng 4 trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra ba vụ ngộ độc do ăn sam nhưng ăn nhầm phải so biển. rường hợp thứ nhất là anh N.V.T. (29 tuổi, ngụ tại phường Phước Hưng, thị xã Bà Rịa). Được biết, trước khi nhập viện anh T. cùng 5 người bạn rủ nhau đi ăn sam nướng. Khoảng 3 tiếng sau khi ăn, anh T. xuất hiện triệu chứng nôn ói, khó thở, đau bụng, tay chân và môi tê cứng. Anh được gia đình chuyển đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch vì suy hô hấp. Anh T. phải nhập viện nhưng những người bạn cùng ăn món sam nướng với anh vẫn “bình an vô sự”.

 Cần phân biệt hình dạng con sam (bên phải) và so biển (bên trái)

Sau trường hợp trên, hai người ngụ tại thành phố Vũng Tàu cũng phải nhập viện vì trúng độc tố tetrodotoxin. Tại bệnh viện Lê Lợi, ngày 19/4 ông N.V.H. (55 tuổi, ngụ tại thành phố Vũng Tàu) được chuyển đến trong tình trạng nôn ói và có cảm giác tê môi, lưỡi, yếu chi… Bệnh nhân nhanh chóng rơi vào hôn mê sâu, ngưng tim, ngưng thở nhưng nhờ được cấp cứu kịp thời nên ông H. may mắn được cứu sống.

BS Đào Thị Hà, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, cho biết: “Trên thực tế, ăn sam không bị ngộ độc. Các trường hợp bị ngộ độc trên là do nạn nhân ăn phải con so biển (nhiều nơi còn gọi là sam lông) có độc tố tetrodotoxin, là một độc tố mạnh, có khả năng gây liệt cơ hô hấp, ngưng thở, gây tử vong nhanh với liều ngộ độc rất thấp. So thường được bán lẫn với sam ăn được do người bán không phân biệt được hoặc cố ý nhầm lẫn.

 
Hiện vẫn chưa có thuốc giải độc khi ăn phải so biển nên khi có người bị ngộ độc cần cho bệnh nhân uống nhiều nước và tìm cách gây ói hết thức ăn trong dạ dày và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Để phòng tránh ngộ độc, người tiêu dùng cần thận trọng khi mua sam và phải chắc chắn là sam mới sử dụng.

Hơn 700 người nhập viện vì ngộ độc thực phẩm

Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, trong tháng 4, cả nước xảy ra 10 vụ ngộ độc thực phẩm với 972 nạn nhân, 726 người nhập viện và 4 trường hợp tử vong.Theo báo cáo từ các Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) địa phương, năm vụ xảy ra do vi sinh vật, hai vụ do độc tố tự nhiên (nấm độc, cây rừng), một vụ nghi do hóa chất và hai vụ không xác định được nguyên nhân.

Cơ quan chức năng bước đầu xác định 4 trường hợp tử vong do dùng rượu ngâm cây rừng tại Điện Biên và dùng nấm độc tại Lai Châu.Theo Cục ATVSTP, trong 4 tháng đầu năm, cả nước xảy ra 26 vụ ngộ độc thực phẩm với 1.332 người mắc, 980 người đi viện và 7 trường hợp tử vong.

Ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục ATVSTP, cho biết, thời gian tới sẽ tăng cường công tác bảo đảm ATVSTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm trong mùa hè. Cùng với đó, Cục sẽ chủ động theo dõi, cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Ngộ độc thực phẩm, 3 cháu nhỏ tử vong

            Sáng 26.4, cháu Hạng Thị Vừ (18 tháng tuổi, ngụ thôn Kẹp B, xã Minh Sơn, H.Bắc Mê, Hà Giang) đã tử vong tại Bệnh viện đa khoa H.Bắc Mê.
Mẹ cháu là chị Giàng Thị Ly đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang trong tình trạng nguy kịch.

Trước đó 1 ngày, 2 người con của chị Ly là cháu Hạng Mí Dình (6 tuổi) và Hạng Mí Lử  (4 tuổi) cũng đã chết tại nhà. Bước đầu xác định 4 mẹ con chị Ly bị ngộ độc do ăn bánh bột ngô đã làm từ gần 1 tháng. Sau khi ăn bánh, các nạn nhân có biểu hiện đau bụng, chóng mặt, nôn ra thức ăn kèm máu và khó thở.

Phòng chống ngộ độc thực phẩm từ ngôi nhà của bạn

Cứ 20 phút ở nhiệt độ bình thường, vi khuẩn gây tiêu chảy lại tăng số lượng gấp đôi và sẵn sàng gây bệnh cho gia đình bạn bất cứ lúc nào.

Vi khuẩn đến từ đâu?

Bạn không thể nhìn thấy, ngửi hoặc nếm được chúng, nhưng thế giới xung quanh bạn tiềm tàng hàng triệu vi khuẩn. Hầu hết các vi khuẩn đều vô hại, nhưng một số lại rất nguy hiểm với sức khỏe con người, đặc biệt là trẻ em.Vi khuẩn E.Coli và Salmonella là mối đe dọa lớn với hệ thống tiêu hóa. Đặc biệt, chúng phát triển mạnh trên thực phẩm có nguồn gốc protein như thịt sống, cá, gia cầm, trứng…, trong môi trường ẩm ướt, kém vệ sinh và nhất là khi bạn không rửa tay trước khi chế biến thực phẩm.

 Vi khuẩn E.Coli

Vi khuẩn chết khi nào?

Khi đun thức ăn ở nhiệt độ trên 80 độ C, đa số các vi khuẩn đã được tiêu diệt. Nhưng nếu để thực phẩm ở nhiệt độ bình thường quá 2 tiếng, các vi khuẩn đã có thể gây nguy hiểm, bởi lúc này, chúng bắt đầu sản sinh các độc tố và bạn có đun tới 100 độ C thì chúng vẫn không bị tiêu diệt.

Do vậy, sau khi mua thức ăn tươi về, bạn hãy cất ngay vào tủ lạnh, nhưng tốt nhất là nên chế biến chín thức ăn rồi mới cất vào tủ lạnh.

Các bà mẹ cũng cần lưu ý rằng: nhiệt độ trong tủ lạnh và kể cả ngăn đông cũng chỉ có khả năng làm chậm lại quá trình tăng trưởng của vi khuẩn, chứ không thể giết chết hoặc làm giảm độc tố của chúng. Ở nhiệt độ âm 18 độ C, vi khuẩn thương hàn vẫn sống được 6 tháng, vi khuẩn tụ cầu vàng sống được trong 5 tháng. Còn ở nhiệt độ âm 6 độ C, dù sau 90 ngày, các vi khuẩn tả, thương hàn, lỵ trực khuẩn,…vẫn sống bình thường. Do vậy, khi gặp môi trường nhiệt độ thường, chúng lập tức hoạt động trở lại.

Nhà bếp có đủ sạch?

Vi khuẩn có thể tồn tại vài tiếng đồng hồ và lây lan sang thức ăn. 

Vi khuẩn có thể tồn tại trên mặt bếp vài tiếng đồng hồ và lây lan sang các loại thực phẩm xung quanh. Chính vì vậy, các bà mẹ nên giữ mọi thứ trong bếp thật sạch sẽ. Hãy cẩn thận khi tiếp xúc và chế biến thịt sống, không sử dụng chung thớt để chế biến thịt sống và thịt chín. Sau khi dùng, bạn nên cọ rửa thớt thật kĩ càng bằng xà phòng và tráng sạch bằng nước nóng.

Ngoài ra, bạn đừng quên việc giặt khăn lau nhà bếp bằng nước nóng, khử trùng miếng bọt biển rửa bát thường xuyên và nên thay mới sau 3 tuần sử dụng.

Có ít nhất 17 loại vi khuẩn gây hại trên khăn giấy sạch

Có ít nhất 17 loại vi khuẩn được phát hiện trên các khăn giấy, phổ biến nhất là vi khuẩn Bacillus gây ngộ độc thực phẩm.

 

 Ảnh minh họa

Mới đây, Đại học Laval ở thành phố Quebec (Canada) công bố một nghiên cứu mới trên tạp chí Kiểm soát nhiễm trùng Mỹ khẳng định vi khuẩn có thể sinh sôi và phát triển trên các sản phẩm giấy, ngay cả khăn giấy sạch chưa sử dụng. Do đó, một số vi khuẩn có thể lây cho con người sau khi họ lau tay bằng khăn giấy. Nghiên cứu được tiến hành đối với sáu nhãn hiệu khăn giấy có bán ở Canada. Kết quả cho thấy tất cả đều có vi khuẩn. Có ít nhất 17 loại vi khuẩn được phát hiện trên các khăn giấy, phổ biến nhất là vi khuẩn Bacillus có thể lây nhiễm qua người và gây ngộ độc thực phẩm khi họ sử dụng khăn giấy. Nhờ sức kháng cự tốt trước các tác nhân hóa học và vật lý, các bào tử vi khuẩn Bacillus có thể sống sót qua nhiều quy trình sản xuất giấy.

Các nhà khoa học lưu ý dòng vi khuẩn Bacillus cũng được phát hiện tại nhiều nhà máy sản xuất giấy. Khăn giấy làm từ giấy tái chế thường bị nhiễm khuẩn nặng nhất, gấp 100-1000 lần so với khăn giấy làm bằng bột gỗ nguyên chất. Lý do là vi khuẩn có thể sinh sôi nảy nở trên giấy tái chế là nhờ vào nguồn thức ăn tinh bột giấy. Trước đây, chưa có các nghiên cứu nào về sự truyền nhiễm vi khuẩn từ khăn giấy chưa sử dụng đến con người và các bề mặt khác. Các nhà khoa học lưu ý rằng công trình của họ không nhằm khẳng định khăn giấy không an toàn mà chỉ lưu ý rằng trong một số môi trường nhất định, khăn giấy có thể trở thành nguồn lây nhiễm vi khuẩn không mong muốn. Chẳng hạn, nghiên cứu chỉ ra rằng khăn giấy có thể nguy hiểm trong các môi trường công nghiệp, phòng khám hay đối với những người bị rối loạn hệ miễn dịch.

Hàng trăm ca bệnh nặng vì vi khuẩn toilet

Hàng trăm ca bệnh đường ruột, gây tử vong mỗi năm do các vi khuẩn, vi trùng có trong toilet như vi khuẩn E.coli; Rota virus, vi khuẩn Shigella…

Tử vong do nhiễm khuẩn

Hiện nhóm bệnh gây tử vong do nhiễm khuẩn đứng hàng đầu vẫn là các bệnh về đường tiêu hóa và các bệnh nhiễm khác. Theo số liệu thống kê của ngành y tế, tại nước ta, cứ 1 trăm trẻ dưới 2 tuổi tử vong thì có đến gần 80 ca liên quan đến các bệnh đường tiêu hóa, nhiều nhất là bệnh tiêu chảy cấp (chiếm 80%). Theo BS Hồng Vân, BV Nhi TW, mỗi năm trẻ dưới 2 tuổi có thể mắc trung bình 2 – 4 đợt tiêu chảy, thậm chí có thể lên tới trên 10 đợt. Bệnh dễ dẫn đến nguy cơ suy dinh dưỡng, nhiễm trùng và tử vong nếu không biết cách chăm sóc và điều trị. Ghi nhận của chúng tôi, tại các Bệnh viện Nhi tại Hà Nội và TP.HCM, bệnh nhân là trẻ em bị tiêu chảy cấp tới khám và điều trị lúc nào cũng cao hơn hẳn so với các bệnh khác. Trung bình chiếm từ 10 – 15% trong số bệnh nhân tới khám, tuy nhiên, khi thời tiết thay đổi, có khi số lượng trẻ tiêu chảy nhập viện thường chiếm tới 30%.

 
 
Mỗi năm, cả nước có hàng trăm bệnh nhân nhập viện vì nhiễm khuẩn các vi khuẩn có trong toilet.

            Nguy hiểm và gây tử vong “đáng sợ” hơn tiêu chảy cấp là bệnh tả. Theo BS Vân, nếu trẻ nhiễm bệnh thì sau thời kỳ ủ bệnh từ vài giờ đến 48 giờ sẽ xuất hiện triệu chứng điển hình của tả là tiêu phân lỏng xối xả với số lượng lớn, kế đến là nôn mửa diễn tiến nhanh chóng đưa đến tình trạng trụy tim mạch và tử vong (tỷ lệ tử vong 60%) nếu không điều trị không kịp thời.

Trong khi đó, những ca tử vong do bệnh Tay Chân Miệng (TCM) diễn tiến nặng tại 2 BV nhi tại TP.HCM cũng thường xuyên dao động từ 5 – 12 ca sau khi qua hai thời điểm đỉnh dịch (bệnh mắc quanh năm nhưng cao điểm vào tháng 3 đến tháng 5 và tháng 9 đến tháng 11). Ca tử vong gần nhất là của một bé gái sơ sinh nhập viện trong tình trạng bệnh đã diễn tiến theo chiều hướng trở nặng. Tại khoa cấp cứu nhi, bé liên tục nóng sốt, nôn ói, uống thuốc hạ sốt không dứt, tay, chân và miệng nổi dày đặc mụn nước, mẩn đỏ kèm theo đó là triệu chứng co giật, mắt hay trợn lên. Theo các BS điều trị, trường hợp này phụ huynh lẽ ra phải đưa trẻ đến BV trước đó 2 ngày để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. 

Vi khuẩn toilet: thủ phạm gây bệnh

Theo các BS chuyên khoa nhiễm bệnh viện Nhiệt Đới TP HCM, các loại virus, vi trùng gây bệnh tiêu hóa, TCM cho trẻ em thường được thải ra qua dịch tiết, nước bọt sau khi ho, hắt hơi, xì mũi hoặc lây lan qua phân. Cơ chế lây nhiễm rất đơn giản và dễ dàng từ người này qua người khác là nguyên nhân chính khiến bệnh dễ lây lan. Đó có thể là bệnh nhân bị tiêu chảy, bệnh tiêu hóa rửa tay không sạch sau khi đi vệ sinh,
tay bẩn sẽ dây lên khóa vòi nước, nút xả bồn cầu, tay nắm cửa.. sẽ là nguồn lây bệnh cho các thành viên các trong gia đình nếu dùng chung toiltet. Hoặc khi tay người lành sờ lên nắm cửa, nút xả bồn cầu hoặc vòi nước, các vi khuẩn gây bệnh sẽ lan qua và sau đó nếu dùng tay bốc thức ăn đưa vào miệng thì sẽ rất dễ dàng bị nhiễm bệnh.    

TS Lê Quỳnh Mai, Trưởng khoa virus Viện Vệ sinh Dịch tễ TW cho biết, mầm bệnh tập trung nhiều trong toilet nhưng hầu như những nơi ẩm thấp khác trong nhà cũng là nơi trú ngụ ưa thích của các loại vi khuẩn gây bệnh nếu không biết cách vệ sinh đúng cách. Cùng quan điểm này các chuyên gia Viện Vệ sinh y tế công cộng TPHCM cho biết, hiện nay không ít người vẫn giữ thói quen sai lầm khi cọ rửa nhà, bồn cầu toilet bằng bột giặt, thậm chí dội bồn cầu bằng nước giặt quần áo chứa bột giặt, nước xả vải. Điều này rất không nên vì không tiêu diệt được các vi khuẩn tác nhân gây bệnh.

Về thói quen này, trao đổi với chúng tôi, chị Tâm, có con đang điều trị tiêu chảy tại bệnh viện Nhi Đồng 2, TP HCM cho biết “Cứ nghĩ là nhà vệ sinh được lau chùi sạch sẽ bằng bột giặt là diệt được hết vi khuẩn, có ngờ đâu vi khuẩn vẫn còn rất nhiều. Tôi chưa biết cháu nhiễm khuẩn từ đâu, cũng có thể từ chính từ toitet trong nhà mình. Ban đầu tôi rất hoang mang nhưng sau khi bác sĩ chỉ dẫn tôi mới hiểu là do thói quen vệ sinh bồn cầu không đúng cách.”. Theo ghi nhận của chúng tôi tại các bệnh viện, đây không phải là trường hợp hiếm. Không ít các bậc cha mẹ đang có con điều trị tại khoa tiêu hóa hai bệnh viện Nhi TP HCM cho biết họ đã từng ngộ nhận về tác dụng tẩy rửa và diệt khuẩn của bột giặt cho đến khi được BS chuyên khoa khuyến cáo về tác hại của thói quen này.

Tỏi có thành phần chống ngộ độc thực phẩm

           Các nhà khoa học công bố, trong tỏi có một thành phần có công dụng gấp 100 lần so với hai loại thuốc kháng sinh phổ biến, chống lại một trong những nguyên nhân hàng đầu của ngộ độc thực phẩm. Có tên gọi là diallyl sulfua, hợp chất này có thể xuyên qua “màng sinh học” bảo vệ do các siêu vi khuẩn trong thực phẩm tạo ra khiến cho nó khó bị tiêu diệt.

Thử nghiệm cho thấy diallyl sulfua có hiệu quả lớn hơn 100 liều các loại thuốc kháng sinh erythromycin và ciprofloxacin. Nó cũng có thể đáp ứng ngay trong một khoảng thời gian tương tự như dùng thuốc. Phát hiện này được coi là tiền đề cho phương pháp mới trong việc xử lý thịt sống, thịt chế biến và sơ chế thực phẩm.

Ở Hoa Kỳ và có lẽ trên toàn thế giới, Campylobacter là nguyên nhân của các bệnh do vi khuẩn truyền qua thực phẩm. Các triệu chứng của nhiễm khuẩn Campylobacter bao gồm tiêu chảy, chuột rút, đau bụng và sốt.

Loại vi khuẩn này cũng khiến gần 1/3 các trường hợp bị tê liệt do rối loạn hiếm gặp hay còn gọi là hội chứng Guillain-Barre. Hầu hết các bệnh nhân nhiễm khuẩn Campylobacter đều do ăn thịt gia cầm sống hoặc nấu chưa chín hay thức ăn đã bị nhiễm bệnh từ các bề mặt bẩn và đồ dùng chế biến mất vệ sinh. Nghiên cứu này được công bố trên Tạp chí Hóa học trị liệu kháng sinh.

           Các nhà khoa học Washington đã xem xét khả năng diệt Campylobacter của diallyl sulfua khi các vi khuẩn kết hợp với nhau để tạo thành một màng nhầy sinh học bởi nó giúp chúng có khả năng kháng cự với thuốc kháng sinh cao gấp 1000 lần so với các tế bào vi khuẩn trôi nổi tự do. Hợp chất diallyl sulfua dễ dàng thâm nhập vào màng bảo vệ để tiêu diệt các vi khuẩn bằng cách nhắm mục tiêu tới một enzyme chuyển hóa.

Hai nghiên cứu trước đây từng được công bố năm ngoái cũng đã cho thấy hợp chất đặc biệt của tỏi cũng có khả năng chống lại các vi khuẩn truyền qua thực phẩm khác, bao gồm cả vi khuẩn Listeria monocytogenes và Escherichia coli O157.

Các chuyên gia y tế đã chỉ ra rằng ăn tỏi nói chung là tốt cho sức khỏe nhưng không phòng ngừa được ngộ độc thực phẩm do Campylobacter. Tuy nhiên, diallyl sulfua có thể hữu ích trong việc giảm mức độ tập trung của Campylobacter trong môi trường và làm sạch thiết bị chế biến thực phẩm công nghiệp vì chúng được tìm thấy trong cả hai nơi trên.

Một thành viên khác của nhóm nghiên cứu thuộc Đại học bang Washington cho biết thêm, diallyl sulfua có thể làm cho nhiều loại thực phẩm trở nên an toàn hơn khi ăn.

Hợp chất này có thể được sử dụng để làm sạch bề mặt chuẩn bị thức ăn và được coi như một chất bảo quản trong thực phẩm đóng gói như khoai tây và salad mì ống, xà lách trộn và thịt nguội. Nó sẽ không chỉ kéo dài thời hạn sử dụng mà còn làm giảm sự phát triển của các vi khuẩn có hại trong thực phẩm.

Thực phẩm nhiễm vi sinh là nguyên nhân ngộ độc

Ngày 4/5, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế cho biết thống kê chưa đầy đủ từ đầu tháng 4/2012 đến nay, cả nước đã xảy ra 10 vụ ngộ độc thực phẩm gây ảnh hưởng tới sức khỏe của 972 người. Trong đó, có 726 người phải nhập viện, 4 trường hợp tử vong.

 
Phần lớn các vụ ngộ độc đều xảy ra với quy mô lớn, số lượng người ngộ độc nhiều và nguyên nhân chủ yếu do thực phẩm nhiễm vi sinh vật. Điển hình như vụ ngộ độc tập thể xảy ra trong một đám cưới ngày 12/4/2012 tại bản Hùn, xã Chiềng Cọ, Thành phố Sơn La do thực phẩm nhiễm vi khuẩn Staphylococcus aureus làm hơn 300 người bị ngộ độc và phải nhập viện cấp cứu.

Một vụ ngộ độc tập thể khác xảy ra ngày 16/4/2012 khiến hơn 200 công nhân của Công ty Dream MeKong thuộc xã An Cư, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang bị ngộ độc. Ngay sau khi nhận được thông tin ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã phối hợp với Sở Y tế các địa phương cơ bản thực hiện sơ cứu, cấp cứu kịp thời các trường hợp ngộ độc thực phẩm, hạn chế thấp nhất những hậu quả đáng tiếc do ngộ độc thực phẩm gây ra.

Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm khuyến cáo trong giai đoạn thời tiết đang chuyển sang mùa hè như hiện nay, nguy cơ xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, các dịch bệnh truyền qua thực phẩm đặc biệt trong các bữa tiệc đông người là rất cao. Do thời tiết khí hậu thuận lợi cho vi sinh vật phát triển sinh độc tố hoặc làm hư hỏng thực phẩm.

Chính vì vậy, người dân cần thực hiện lựa chọn và chế biến thực phẩm an toàn như lựa chọn thực phẩm tươi, sạch, an toàn; thực hiện “ăn chín, uống sôi”, rửa sạch, gọt vỏ rau quả trước khi sử dụng; ăn ngay khi thức ăn vừa nấu chín; bảo quản đúng cách thức ăn sau khi nấu chín; đun kỹ lại thức ăn cũ trước khi sử dụng. Người dân không nên để chung, sử dụng chung dụng cụ với thực phẩm sống và chín; rửa sạch tay trước khi chế biến thực phẩm, đặc biệt là sau khi vừa đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với các nguồn dễ gây ô nhiễm khác.

Đồng thời phải bảo đảm dụng cụ, nơi chế biến thực phẩm khô ráo, gọn gàng, sạch sẽ, hợp vệ sinh; tuyệt đối không sử dụng thực phẩm ôi, thiu, mốc hỏng; sử dụng nguồn nước sạch, an toàn trong chế biến thực phẩm.

Ngộ độc thực phẩm do các kim loại nặng

           Cuộc sống công nghiệp hiện đại đem lại nhiều tiện ích, nhưng cũng khiến con người phải đối mặt với nhiều nguy cơ độc hại, trong đó nhiễm độc kim loại nặng là một nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.

Nguyên nhân của sự ô nhiễm các kim loại nặng ?

Các nguyên tố kim loại nặng tồn tại và luân chuyển trong tự nhiên thường có nguồn gốc từ chất thải của hầu hết các ngành sản xuất công nghiệp trực tiếp hoặc gián tiếp sử dụng các kim loại ấy trong quá trình công nghệ hoặc từ chất thải sinh hoạt của con người. Ví dụ nước thải của các khu công nghiệp, các nhà máy hóa chất, các cơ sở in; hoặc dưới dạng bụi trong khí thải của các khu công nghiệp hóa chất, các lò cao, khí thải của các loại xe có động cơ xăng...

Sau khi phát tán vào môi trường dưới dạng nói trên, chúng lưu chuyền tự nhiên, bám dính vào các bề mặt, tích lũy trong đất và gây ô nhiễm các nguồn nước sinh hoạt, đó là căn nguyên chính dẫn đến tình trạng thực phẩm bị ô nhiễm. Rau quả sẽ bị ô nhiễm nếu được trồng trên nguồn đất ô nhiễm kim loại nặng, được tưới nước bị ô nhiễm; Cá, tôm, thủy sản nuôi trong nguồn nước bị ô nhiễm cũng thường bị ô nhiễm; gia súc, gia cầm được nuôi bằng thức ăn bị ô nhiễm (rau, cỏ...) được uống nguồn nước ô nhiễm thì thịt thành phẩm cũng khó tránh khỏi ô nhiễm các kim loại nặng. Ngoài ra thực phẩm có thể bị ô nhiễm các kim loại nặng một cách trực tiếp; do thực phẩm bị tiếp xúc với các vật liệu dễ thôi nhiễm kim loại nặng trong quá trình sản xuất và bao gói chứa đựng thực phẩm. Mặt khác, thực phẩm cũng có thể bị ô nhiễm do việc sử dụng các nguyên liệu chế biến không tinh khiết, kề các các phụ gia thực phẩm, có hàm lượng kim loại nặng vượt mức cho phép.

Hậu quả của ô nhiễm kim loại nặng trên sức khỏe ?

Cấp tính :

Ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm có thể gây lên những hậu quả khôn lường cho sức khỏe, ô nhiễm nặng thường gây những biểu hiện ngộ độc cấp tính, đặc hiệu, gây tử vong Ví dụ khi ngộ độc Thủy ngân, bệnh nhân thường có biểu hiện có vị kim loại trong cổ họng, đau bụng, nôn, xuất hiện những chấm đen trên lợi, bệnh nhân bị kích động, tăng huyết áp, sau 2-3 ngày thường chết vì suy thận. Nếu bị ngộ độc cấp bởi Thạch tím, nạn nhân có thể có các biểu hiện nôn, m­a, đau bụng, ỉa chảy, khát nước dữ dội, mạch đập yếu, mặt nhợt nhạt rồi thâm tím, bí đái và tử vong nhanh chóng. Trong nhiễm độc Chì cấp tính khi ăn phải một lượng Chì 25-30 gram, nạn nhân thoạt tiên có thể thấy vị ngọt rồi chát, tiếp theo là cảm giác nghẹn ở cổ, cháy mồm, thực quản, dạ dày, nôn ra chất trắng (chì clorua) đau bụng dữ dội, ỉa chảy, phân đen (chì sunfua), mạch yếu, tê tay chân, co giật và tử vong.

Mạn tính :

Đây là tình trạng nguy hiểm và thường gặp hơn do ăn phải thức ăn có hàm lượng các nguyên tố kim loại nặng cao; chúng nhiễm và tích lũy dần dần rồi gây hại cho cơ thể. Nơi tích lũy thường là gan, thận, não, đào thải dần qua đường tiêu hóa và đường tiết niệu. Khi cơ thể tích lũy một lượng đáng kể Chì sẽ dần dần xuất hiện các biểu hiện nhiễm độc như hơi thở hôi, sưng lợi với viền đen ở lợi, da vàng, đau bụng dữ dội, táo bón, đau khớp xương, bại liệt chi trên (tay bị biến dạng), mạch yếu, nước tiểu ít, thường gây sảy thai ở phụ nữ có thai. Ngộ độc mãn tính do tích lũy những liều lượng nhỏ Asen trong thời gian dài có thể gây các biểu hiện như: da mặt xám, tóc rụng, viêm dạ dày và ruột, đau mắt, đau tai, cảm giác về sự di động bị rối loại, có Asen trong nước tiều, gầy yếu dần và kiệt sức.

Chính vì độc tính của các nguyên tố kim loại nặng khi ô nhiễm vào thực phẩm mà trong ngành quản lý thực phẩm, các chỉ tiêu về kim loại nặng là chỉ tiêu quan trọng, được quy định chặt chẽ cho một thực phẩm, đặc biệt là những thức ăn cho trẻ em, vì trẻ em rất nhạy cảm với kim loại nặng, cơ thể trẻ nhỏ hấp thụ Chì ô nhiễm trong thực phẩm cao hơn gấp khoảng 2 lần so với người lớn. Vì vậy hàm lượng chì cho phép có trong thực phẩm giành cho trẻ nhỏ thường chỉ bằng 1/2 trong thức ăn của người lớn và việc kiểm tra các kim loại nặng trong thực phẩm giành cho trẻ em thường chặt chẽ hơn.

Đề phòng ô nhiễm và ngộ độc thực phẩm do các kim loại nặng ?

Từ việc phân tích các con đường ô nhiễm trên của các nguyên tố kim loại nặng có thể thấy vấn đề phòng ô nhiễm và ngộ độc kim loại nặng là vấn đề cần thiết, phải gắn liền với các giải pháp xử lý chất thải, bảo vệ môi trường, đất, nước và không khí khỏi nguy cơ ô nhiễm.

Cần tiến hành việc điều tra khảo sát và thông báo rõ nguy cơ ô nhiễm này cho cơ quan chức năng. để kịp thời tìm kiếm các giải pháp khắc phục cho những vùng sản phẩm bị ô nhiễm.

Cần tăng cường công tác kiểm tra chất lượng thực phẩm, dụng cụ, trang thiết bị chế biến, bao gói, đồ chứa đựng... về chỉ tiêu kim loại nặng để đảm bảo các thực phẩm, đồ dùng không gây thôi nhiễm vào thức ăn, nhất là thức ăn cho trẻ nhỏ.

Tin thêm về vụ ngộ độc thực phẩm ở Sơn La

Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Sơn La, đến ngày 27/4, 317 bệnh nhân trong vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại bản Hùn, xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La vào ngày 13/4 đã hồi phục sức khỏe và được ra viện.

Bà Phan Thị Thu Hương, Trưởng phòng an toàn vệ sinh thực phẩm - Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Sơn La, sau khi xảy ra vụ ngộ độc, Trung tâm đã lấy 12 mẫu máu và 16 mẫu phân của các bệnh nhân để tiến hành nuôi cấy nhằm xác định nguyên nhân gây ngộ độc. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do tụ cầu khuẩn có trong thực phẩm gây ra. Trung tâm cũng đã gửi các mẫu thức ăn về Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia để xét nghiệm tìm ra loại thực phẩm gây ngộ độc.

Sau khi xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng đã chỉ đạo các Trung tâm Y tế trên địa bàn có bệnh nhân ngộ độc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh, phòng chống ngộ độc thực phẩm, như: ăn chín, uống sôi, lựa chọn thực phẩm an toàn… Trung tâm đã tiến hành vệ sinh, khử trùng môi trường tại bản Hùn, xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La và các gia đình có bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm.
 

Trước đó, vào sáng 13/4, hàng trăm người được xe cứu thương đưa từ bản Hùn về Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La do bị ngộ độc thức ăn tại một đám cưới của bản. Người nhà của bệnh nhân cho biết: Buổi trưa 12/4, gia đình ông Quàng Văn Uôn ở bản Hùn tổ chức đám cưới cho con gái. Gia đình có mổ bò, lợn, trong mâm cỗ còn có đĩa quýt điểm tâm, rau sống, rượu tự nấu.

Khách ra về ai cũng bị chếnh choáng nhưng tưởng do uống rượu say nên mọi người không quan tâm. Đến khoảng 2 giờ ngày 13/4, hầu hết khách đến dự đám cưới đều có biểu hiện nhức đầu, nôn mửa, tiêu chảy, có trường hợp bị co giật chân tay, nôn ra máu. Bệnh viện tỉnh đã tăng cường nhân viên y tế đến Trạm y tế xã Chiềng Cọ để sơ cấp cứu, đồng thời huy động 5 xe cứu thương cùng với phương tiện xe máy của dân
để chuyển các bệnh nhân bị ngộ độc nặng từ trạm y tế xã về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La điều trị.

Hàng trăm trẻ em ở Mexico bị ngộ độc thực phẩm

   Ngày 30/4, Cơ quan y tế bang Guerrero, Mexico cho biết,  ít nhất 300 người, trong đó chủ yếu là trẻ em phải nhập viện điều trị do bị ngộ độc thực phẩm. Trước đó, ngày 28/4, những bệnh nhân này đã tham dự buổi lễ kỷ niệm Ngày trẻ em ở thành phố Acapulco và đã ăn phải thức ăn không rõ nguồn gốc, nên bị nhiễm độc.

Giám đốc Bệnh viện Donato G. Alarcon ở thành phố Acapulco, ông Hernandez Luna cho biết: “Chúng tôi đang điều trị cho 137 bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm. Họ được điều trị tại 2 khu với đầy đủ trang thiết bị y tế. Hiện sức khoẻ của các bệnh nhân đã có nhiều tiến triển và chưa ghi nhận trường hợp nào nghiêm trọng”. Các bệnh nhân đều có triệu chứng giống nhau là đau bụng, tiêu chảy và đau đầu. Hiện nguyên nhân vụ ngộ độc đang được các nhà chức trách địa phương điều tra làm rõ.

 

Ngày 10/05/2012
Ths.Bs. Huỳnh Hồng Quang,
Cn. Võ Thị Thu Trâm và Cn. Nguyễn Hải Giang
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích