Home TRANG CHỦ Thứ 4, ngày 24/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Finance & Retail An toàn thực phẩm & hóa chất
An toàn vệ sinh thực phẩm
Thuốc & Hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 5 0 7 3 7 5
Số người đang truy cập
1
 An toàn thực phẩm & hóa chất An toàn vệ sinh thực phẩm
Những chất độc hại không ngờ trong thực phẩm tiêu dùng hàng ngày

Ngộ độc thực phẩm xảy ra dồn dập do buông lỏng quản lý

Vừa kết thúc tháng hành động an toàn vệ sinh thực phẩm thì trên địa bàn thành phố đã liên tiếp xảy ra 4 vụ ngộ độc khiến hơn 500 người nhập viện. Đại diện ngành y tế nhận định tình trạng trên do công tác quản lý chưa thực sự quyết liệt.

Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cho biết, trong 7 tháng đầu năm trên địa bàn thành phố đã xảy ra 4 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể. Nhưng điều đáng lo ngại là cả 4 vụ ngộ độc này đều xảy ra trong tháng 6. Nếu so với cùng kỳ năm trước thì số vụ ngộ độc có giảm, nhưng số nạn nhân của nó đã tăng 50%, khoảng cách của các vụ ngộ độc cũng lập kỷ lục.

Ngộ độc thực phẩm đang là nỗi ám ảnh đối với công nhân

Thẳng thắn nhìn nhận vào thực tại này, ông Thái Hòa thừa nhận công tác kiểm tra giám sát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tại cơ sở còn tồn tại lỗ hổng quá lớn. Việc thanh kiểm tra chỉ như “cưỡi ngựa xem hoa”, không kiểm soát được nhiều cơ sở cung cấp suất ăn, nhà ăn nên chưa đi sâu đi sát vào từng ngóc ngách để ngăn chặn nguy cơ xảy ra ngộ độc.

Theo thống kê từ Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm trong 6 tháng đầu năm 2011 toàn quốc đã xảy ra 53 vụ ngộ độc với 1.776 nạn nhân, trong đó có 9 trường hợp tử vong. Nguyên nhân gây ngộ độc do vi sinh vật (17 vụ), do hóa chất (10 vụ), do độc tố tự nhiên (17 vụ)...

Riêng trong tháng hành động về ATVSTP, cơ quan chức năng đã xử lý hành chính 15.636 cơ sở vi phạm. Trong đó xử lý cảnh cáo 11.928 cơ sở, phạt tiền 3.582 cơ sở, chuyển cơ quan chức năng xử lý 126 trường hợp.

Phát hiện móng tay, tóc trong viên nang “thịt người”

Bộ Y tế Trung Quốc đã gấp rút mở cuộc điều tra sau khi đài truyền hình SBS-Hàn Quốc đưa tin nước này đang nhập từ Trung Quốc 1 loại thuốc làm từ nhau thai, thai chết lưu… và kết quả xét nghiệm cho thấy có tóc và móng tay trong viên nang.

Phóng sự kinh hoàng tại Hàn Quốc

Ngày 8/8, “Thời báo Hoàn Cầu" và một số tờ báo nổi tiếng của Trung Quốc đưa tin một số người Hàn Quốc đang lo lắng về thực phẩm chức năng có nguồn gốc Trung Quốc. Trước đó 2 ngày, đài truyền hình SBS - một trong 3 đài truyền hình lớn nhất Hàn Quốc đã phát đi phóng sự gây rúng động xã hội và gọi viên thuốc được sản xuất từ thai chết lưu, nhau thai... là “viên nang thịt người”. Loại thuốc này được cho là có nguồn gốc từ tỉnh Cát Lâm - Trung Quốc.

Viên nang chứa chất bột có ADN trùng 99,7% ADN người  

Trong chương trình “Sự thật trần trụi - chân tướng của viên nang ‘thịt người’”, hình ảnh phóng viên SBS đến Trung Quốc, theo dõi và phát hiện một số bệnh viện Trung Quốc bán và chế biến thai chết lưu thành viên nang “thịt người” và một số loại viên nang kinh hoàng có giá khá đắt này đã được người Hàn Quốc sử dụng do được quảng cáo là có tác dụng thần kỳ.

.. và móng, tóc tay người

Phóng sự trích dẫn cho biết loại viên nang này chủ yếu được chuyển sang Hàn Quốc qua những ngườidân tộc Triều Tiên (người gốc Triều Tiên có thể nói được tiếng Hàn, nhưng giờ là một trong số người dân tộc thiếu số của Trung Quốc)sống chủ yếu tại Cát Lâm, Liêu Ninh và Hắc Long Giang - Trung Quốc.Để chứng minh được tính chính xác của phóng sự, các phóng viên sau đó đã đưa những viên nang này đến xét nghiệm tại văn phòng Hải quan Quốc gia và viện điều tra khoa học ở Hàn Quốc. Kết quả cho thấy, chúng có ADN trùng khớp đến 99,7% với cơ thể con người. Các nhà khoa học thậm chí còn trích ra được các mẫu móng tay, tóc trong viên nang và xác định được cả giới tính của đứa bé. 

Trung Quốc mở cuộc điều tra khẩn cấp

Bộ Y tế Trung Quốc đã ngay lập tức mở một cuộc điều tra khẩn cấp và bày tỏ sự phản đối nếu việc làm này là có thật. Ông Đặng Hải Hoa (Deng Hai Hua), phát ngôn viên của Bộ Y tế Trung Quốc nhấn mạnh: “Chúng tôi đã yêu cầu Sở Y tế và các cơ quan hành chính khẩn trương điều tra sự việc. Trung Quốc có những quy định nghiêm ngặt về xử lý thi thể của trẻ sơ sinh, bào thai và nhau thai. Chúng tôi cũng kiên quyết phản đối việc buôn bán nội tạng hoặc các bộ phận cơ thể con người”. Theo thông tin điều tra mới nhất, chuyên gia của sở y tếkhu tự trị dân tộc Triều Tiên- tỉnh Cát Lâm xác nhận với phóng viên báo Tin tức kinh tế hàng ngày (Trung Quốc) rằng: các nhân viên sở y tế của tỉnh Cát Lâm đang tiến hành điều tra khu biên giới, hiện vẫn chưa có kết quả. Tuy nhiên, dựa vào kết quả tình hình điều tra hiện tại thì cơ bản đã bài trừ “viên nang thịt người” được sản xuất ở vùng biên giới, thậm chí là không phải sản xuất ở vùng Cát Lâm như đài truyền hình SBS đã đăng tải mà có thể được sản xuất ở một vùng khác.

Ở một số forum của Trung Quốc, rất nhiều độc giả phản ánh là sau khi xem xong chương trình phóng sự “viên nang thịt người” của Hàn quốc, họ đều nhìn thấy có biển số xe của tỉnh Sơn Đông. Tuy nhiên đối với việc “viên nang thịt người” có được sản xuất ở Sơn Đông hay không thì đến giờ vẫn chưa được nhân viên điều tra xác nhận chính thức.

Hiện tại Bộ Y tế Trung Quốc đang gấp rút điều tra sự kiện này, hi vọng sẽ sớm có kết quả hợp lý để “trấn an” dư luận và công chúng.

20 loại chất phụ gia trong 1 que kem

Ngày 12/08, các tờ báo Trung Quốc đồng loạt đưa tin: sau khi điều tra thị trường đồ lạnh thành phố Nam Kinh, các nhà báo phát hiện ra một sự thật “kinh khủng”: một que kem có khoảng hơn 20 loại chất phụ gia.

Kem “xịn” chứa tới 11 chất tạo màu

Một loại kem socola của công ty Wall’s được yêu thích có chứa tới 11 loại
sắc tố tạo màu như: màu caramen, vàng chanh, vàng hoàng hôn, đỏ của son và màu hồng rất bắt mắt. Ngoài ra còn có nhiều loại chất phụ gia thực phẩm như chất nhũ hóa, chất tạo hương vị, chất làm đặc vv.

Kem của hãng sữa tươi Yili nổi tiếng của Trung Quốc cũng đề rõ trên bao bì là có hơn 20 loại chất phụ gia, ví dụ như: Lecithin, acid lactic, sodiumlactate, acid citric, natri citrat, hương vị sữa chua, acid chanh, chất ngọt, chất béo, chất tạo màu, chất tạo mùi, chất bảo quản vv.  

Kem bán rất chạy của hãng Nestlé cũng chứa nhiều chất phụ gia không kém.

1 tiếng sau kem trở thành “bột vữa”

Sau 1 tiếng để ngoài trời, kem không vỡ vụn mà hơi giống thạch…

Phóng viên đã lấy một que kem - loại hiện tại được rất nhiều học sinh ưa thích, bóc vỏ ngoài và đặt vào trong một chiếc bát để cho nó từ từ tan chảy. Điều khác với các loại kem bình thường khác là, sau 1 tiếng, que kem vốn dĩ rất cứng bỗng biến thành một dạng như “bột vữa” mềm mềm và kết dính vào nhau, có một chút giống như thạch nhưng lại không dễ bị vỡ vụn, dưới đáy bát còn đọng một ít dịch thể màu xanh nhạt, ngoài ra còn ngửi thấy mùi thơm rất nồng. Tuy nhiên, nhìn trên bao bì nguyên liệu, loại kem này chỉ chứa 7 loại chất phụ gia như axit chanh, chất làm đặc, chất tạo hương vị, màu caramen, màu vàng chanh …

Ngoài ra, kem sữa chua không chứa sữa chua mà dùng chất phụ gia có vị sữa chua, trong kem hương vị vani cũng không thấy vani mà là tinh dầu hoặc chất phụ gia tạo mùi này. Các loại kem như vị dâu, socola cũng như vậy chứ không phải dùng socola và dâu tự nhiên.

Nhà báo còn phát hiện, trên bảng thành phần đều ghi rất sơ sài. Ví như đa phần sản phẩm đều có thành phần là dầu thực vật nhưng chỉ ghi chung chung là dùng dầu thực vật hoặc dầu ăn thực vật. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dầu thực vật có nhiều loại, dầu đậu nành, dầu lạc, dầu vừng… nhưng dầu thực vật dạng lỏng thông thường thì không dễ để tạo ra được hình dáng và cảm giác ngon miệng của kem. Vì thế các nhà sản xuất đều phải hydro hóa dầu thực vật dạng lỏng thành dầu thực vật bán dạng cứng. Tuy nhiên trong dầu thực vật hydro hóa có transfat không có lợi cho sức khỏe.

Sử dụng chất phụ gia hợp lý không gây hại cho sức khỏe

Ngoài dầu thực vật ra, bất luật là loại kem của hãng nổi tiếng hay là của những cơ sở sản xuất nhỏ thì đều hàm chứa chất phụ gia, ít thì 4,5 loại, nhiều thì hơn 10 loại. Còn kem Wall’s và Yili thì gần 20 loại như đã nói trên.

Hội trưởng Hội nghiên cứu giáo dục y dược học, GS Trương Sùng Hỉ, đang công tác tại Học viện Hải Dương, ĐH Sơn Đông cho biết: chất phụ gia trong kem chủ yếu là chất điều vị, chất tạo màu, chất tạo hình và tác dụng nhũ hóa, đây đều là những thành phần cần thiết để tăng thêm cảm giác ngon miệng, chỉ cần tuân thủ theo tiêu chuẩn nhà nước và bộ Y tế đề ra, sử dụng hợp lý thì không gây nguy hại cho cơ thể.

Tuy nhiên, GS Trương Sùng Hỉ cũng khuyến cáo người tiêu dùng: “Một ngày không nên ăn quá nhiều kem, vì như vậy sẽ gây ra dung nạp quá nhiều các loại chất nhũ hóa khác nhau, không tốt cho dạ dày đường ruột và cả sức khỏe”.

Nhiều món ăn ngọt ngon nhờ đường… hóa học độc

Mặc dù bị cấm sử dụng trong nhiều thực phẩm nhưng hàng loạt kiểm tra các
loại thực phẩm cần độ ngọt (phở, kem, sữa, thạch, mắm…) được khui ra, người tiêu dùng mới ngã ngửa hóa ra mình vẫn ăn chất độc hại này mà không biết.

1 loại đường hóa học thông dụng, được người làm hàng ưa chuộng

Trên thị trường xuất hiện khá phổ biến các loại đường hóa học bao bì chữ Trung Quốc có phiên âm La Tinh là Tang Jing (có nghĩa là đường tinh luyện). Loại đường này to bằng hạt đỗ, màu trắng. Tại các quầy đồ khô chợ Mỹ Đình, Đồng Xuân đều có loại đường này và quảng cáo là có độ ngọt gấp 200 - 400 lần so với đường cát bình thường mà giá chỉ từ 220 - 330.000 đồng/kg.

Trong khi đó, theo Quyết định 3742/2001/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 31/8/2001 thì đường hóa học Cyclamate và một số loại đường hóa học hiện đang được bán không rõ nguồn gốc, xuất xứ đều không có trong danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm.

30 - 35 viên đường cho 10 lít nước phở

Có mặt tại một quầy hàng ở ngã ba đường Nguyễn Thiện Thuật, Cao Thắng và Nguyễn Thiệp, PV nhận thấy, một khách hàng tên N.Hạnh đang lựa chọn đường hóa học để về nấu phở. Chị chủ quầy nhanh nhẹn giới thiệu về loại đường dạng viên B1: “Loại này, nước ngọt đậm mà nó còn có vị tổng hợp, có thể thay thế cho các loại gia vị khác. Với giá 120.000- 220.000 đồng/kg (tùy theo từng loại) mua về sẽ tiết kiệm được nhiều khoản”.

Chị chủ quầy cũng quảng cáo thêm: “Hiện nay, loại này được nhiều người lựa chọn hơn các dạng bột và loại viên nhỏ vì nó dễ chế biến”. Ngay sau đó, chị N.Hạnh chọn 1 túi 500g dạng B1 và 100g loại hạt hình thoi màu trắng trong. Theo quan sát của PV, cả 2 loại đường chị N.Hạnh vừa chọn đều không có nhãn mác, địa chỉ cụ thể. Khi PV hỏi thêm về chất lượng các loại đường này, chị chủ quầy cho biết: "Cứ yên tâm mà dùng. Nếu không hài lòng mang lại đây, tôi đền cho cái khác".

Loại đường giống B1 được ưa chuộng dùng cho vào phở

Trao đổi thêm với chị N.Hạnh, PV được chị tận tình hướng dẫn về công thức pha chế nước phở với loại đường hóa học: “Để nước phở trong, có vị ngọt đậm còn tùy thuộc vào mức độ nước hầm xương là bao nhiêu. Nhưng trung bình, một nồi nước khoảng 10 lít thì cho vào từ 30 - 35 viên đường hóa học (dạng viên thuốc B1)là vừa đủ đậm và ngọt. Ngoài ra, loại đường này đã tổng hợp nhiều phụ gia khác nên cũng không cần dùng nhiều hạt nêm, mì chính”. “Khách ăn và khen ngon thế là đủ lượng”, chị Hạnh nói chắc như đinh đóng cột.

Phanh phui nhiều loại kem, sữa đậu nành, thạch, ô mai ngọt dởm

Chị T.M, tiểu thương chợ Mỹ Đình khẳng định, dùng đường hóa học một vốn bốn lời: “Hàm lượng ngọt của nó cao nên sẽ đỡ tốn tiền hơn so với loại đường mía. Chỉ cần mua 0,5g với giá 15.000 đồng là có một nồi chè to để bán. Tuy nhiên, khi chế biến không nên chỉ dùng đường hóa học vì nó sẽ tạo ra vị ngọt hắc, có vị hơi chát và hơi có vị đắng. Vì vậy, nên dùng thêm đường mía khi pha chế thêm để chè ngọt, ngon hơn”.

Vị ngọt lợ sau khi ăn xong, đặc biệt là khi uống nước, khiến nhiều người nghi rằng ô mai có nước ngọt. Đồng quan điểm với chị T.M, chị Thanh Tân (trú tại Hà Nội) cũng cho biết, khi ăn ô mai, chị cũng cảm nhận được vị ngọt hắc. “Nếu là đường mía thì không thể ngọt được như vậy", chị Tân nói. Trên thực tế, ngày 17/5 vừa qua, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Cà Mau đã phát hiện kem tại điểm bán số 41, ấp Cây Trâm, xã Định Bình, thành phố Cà Mau (Cà Mau) sử dụng đường hóa học cyclamat (hiện cấm sử dụng tại Việt Nam). Chủ cửa hàng khai kem được mua từ một đại lý ở Tiền Giang và phân phối cho các người bán dạo trong tỉnh Cà Mau. 
 

Các túi sữa đậu nành này đã bị thiêu hủy do chứa đường hóa học và không đảm bảo vệ sinh

Không chỉ kem, mà sữa đậu nành cũng bị phát hiện chứa đường hóa học cyclamate. Ngày 15/4, phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm (CSPCTP) về môi trường, Công an tỉnh Thái Bình, đã kiểm tra phát hiện bán 6 thùng sữa đậu nành (loại 40 gói/thùng, mỗi gói khoảng 200ml) thương hiệu 199 Hoàng Hà có chứa đường cyclamate tại cửa hàng của anh Đoàn Văn Thức ở thôn Mỹ Am, Vũ Hội, Vũ Thư. Mở rộng điều tra, Phòng CSPCTP về môi trường phát hiện tại kho hàng của anh Phạm Văn Long, 36 tuổi, trú tại 245, tổ 22, phường Bồ Xuyên, TP Thái Bình cất giữ 563 thùng sữa đậu nành cùng loại như trên. Sữa đậu nành thương hiệu 199 Hoàng Hà là của Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Hoàng Hà ở Trịnh Nguyễn, phường Châu Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh.

Kẹo hết đát cùng đường hóa học được chuyển hóa thành... thạch

Trước đó, một vụ việc dùng đường hóa học cyclamate vào thạch cũng bị phanh phui. Tại Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Hà Thành (109 phố Trường Lâm, quận Long Biên, Hà Nội), đoàn kiểm tra vệ sinh liên ngành đã niêm phong, thu giữ hơn 2 tấn thạch các loại cùng 12kg đường. Công ty có dấu hiệu đã sử dụng đường cyclamate. Đoàn đã lấy mẫu gửi cơ quan chức năng giám định.

Đến mắm và cà phê cũng dùng cyclamate

Cà phê cũng cho hóa chất để thêm đậm đà

 
Cơ sở chuyên rang cà phê Thái Dương (khu vực 4, phường An Bình, quận Ninh Kiều, Cần Thơ) đã sử dụng đường hoá học cyclamate để chế biến cà phê. Chủ cơ sở thừa nhận, đã sử dụng đường cyclamate để chế biến cà phê với tỷ lệ 1 kg đường cyclamate pha chế, chế biến với 600 kg cà phê. Điều này khiến nhiều người thích uống cà phê thấy lo lắng, bởi đây là loại đường đã từng được cảnh báo tiềm ẩn nhiều độc hại cho sức khoẻ. Đoàn kiểm tra đã đề nghị tiêu huỷ toàn bộ 198 kg đường cyclamate và 6 kg đường viên không rõ nguồn gốc phát hiện tại cơ sở này vào ngày 9/5.

Một sản phẩm mà không ai nghĩ dùng đường hóa học, hóa ra lại bị “nhồi” cyclamate là nước mắm. Cách đây ít lâu, cơ quan quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã thanh tra một cơ sở sản xuất nước mắm ở quận Bình Tân. Đoàn thanh tra phát hiện 120 chai nước mắm loại 20ml; 168 chai siêu hạng loại 350ml; sáu chai loại 720ml... đều được chế biến bằng đường hóa học cyclamate. Cơ quan chức năng đã niêm phong, yêu cầu cơ sở vi phạm tiến hành thu hồi sản phẩm cùng loại ngoài thị trường, tiêu huỷ toàn bộ.

Coi chừng mang bệnh vì uống thủy sâm

Gần đây ở Hà Nội và nhiều tỉnh/ TP rộ lên phong trào nuôi thủy sâm để lấy nước uống chữa bá bệnh. Thị trường bán con giống thủy sâm cũng rất sôi động. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học ở Việt Nam còn chưa có căn cứ để khẳng định tác dụng đồ uống này.

Chỉ là quảng cáo để bán hàng?

Chị Nguyễn Thị Hòa (ở quận Đống Đa, TP.Hà Nội) xin được một con giống, chị nuôi ngay theo công thức được một người bạn “chuyển giao”: 3 gói trà lipton, 2 lít nước, 2 lạng đường. Chị đưa cho cả gia đình xem một tập tài liệu được tải từ trên mạng xuống, đóng vuông vắn, trong đó có những câu chuyện thần kỳ do thủy sâm tạo nên. Nào là ở Nhật, ở Nga người ta sống thọ hơn 100 tuổi, có làn da đẹp, khỏi được nhiều bệnh nhờ uống thủy sâm. Từ cả tháng nay, đây là một trong những chủ đề “nóng” nhất qua điện thoại của chị.

Vị chua chua, ngọt ngọt nhiều khi khiến ông Hà Xuân Tùng, ở Thanh Xuân, Hà Nội nhớ lại thấy thèm thèm, nhưng sau khi uống đều đặn 1 tháng, ông sụt mất 3kg. Hoảng quá ông thôi không dám uống, đổ đi cả bình 10 lít nước đã ngâm. Ông bảo, mình đã gầy uống vào còn bị sút cân, nước chua chua nên chỉ sợ mắc thêm dạ dày nên không dám uống.

Trên mạng có rất nhiều tài liệu về thủy sâm, trong đó nói rằng loại thức uống được chiết xuất từ loài này có thể trị dứt hoặc giảm bớt được rất nhiều bệnh như cao huyết áp, chống lão hoá, giảm nếp nhăn trên trán, mặt; làm sáng mắt, làm cơ bắp rắn chắc hơn; chữa mỏi nhức gân cốt, xuyên, lác, ung nhọt, lở loét; trị bệnh trĩ, làm tóc đen trở lại, mọc thêm tóc…trong đó có những bệnh nan y như đái tháo đường, ung thư.

Tuy nhiên, hầu hết các tài liệu này đều là tài liệu dịch từ nước ngoài với những trích dẫn mơ hồ mà ở Việt Nam, độc giả rất khó kiểm chứng thực tế, ví dụ như kinh nghiệm của “BS Pan Pen, khoa học gia người Nhật đã tìm thấy ích lợi của trà nấm như sau…”, “BS Sklenar ở Đức đã dùng trà nấm này để chữa bệnh ung thư….”, “khi đến vùng Kargasoks người ta khám phá ra nơi này có nhiều người sống trên 100 tuổi..”, “theo TS, BS Paupell ở Nhật thì Thủy sâm có thể trị dứt/hoặc giảm bớt các bệnh sau đây và kéo dài cuộc sống không thể ngờ…”. Cuối những bài viết này, hầu như đều có địa chỉ của người bán con nấm, với những giá cả rất khác nhau, từ 10.000/con đến 350.000đ/con.

Nhà khoa học: Chỉ là bã chè lên men

Theo GS. TS Dương Trọng Hiếu, nguyên BS BV Y học cổ truyền TƯ: Thủy sâm thực ra là con dấm lên men từ bã chè, muốn làm thì chỉ cần bã chè và nước chè lên men khoảng 1 tuần. Nhờ quá trình lên men nên nước chè ban đầu có vị chát sẽ trở thành chua chua. Đây là đồ uống mà từ lâu, người dân không lạ gì, cách đây 30 - 40 năm ở quê tôi đã thấy. Có thể vì người dân muốn thể hiện là cái gì quý nên gán cho nó có chữ sâm. Tôi thống kê có 54 cây có tên là sâm, nhưng không phải là loại sâm nào cũng tốt.

Muốn khẳng định tác dụng một loại đồ ăn, thức uống nào tốt hay không tốt cho sức khỏe cần phải thông qua nghiên cứu, đánh giá khoa học trên 1 nhóm người chứ không thể nói suông một cách vu vơ cái A, cái B này tốt lắm. Nếu có kinh nghiệm chỉ là kinh nghiệm cá nhân. Chưa có nghiên cứu thì không thể đưa ra chỉ định hay chống chỉ định. Chỉ đơn giản riêng về tiêu hóa, giống như người ăn dưa, người ăn được thì thấy ngon, có người lại thấy đau bụng. Không thể có 1 thức uống hay đồ ăn tốt cho tất cả mọi người.

Ở Việt Nam chưa có đánh giá nào về vấn đề này, nên người uống cũng phải cảnh giác, vì nó là nấm. Không nên uống quá nhiều và thường xuyên để có thời gian đào thải. Uống chơi thì uống, chứ nhằm một mục đích gì thì tôi không khuyên.

Đổ đi vì nghi uống bị viêm gan

Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội đông y Việt Nam cho biết: “Khoảng những năm 1968 -1970, ở Bắc Kinh, Trung Quốc đã rộ lên phong trào nuôithủy sâm, còn có tên là tiểu cầu tảo, hay thủy cầm sâm. Nó như một loại con dấm. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là sau một thời gian nhà nhà nuôi và uống thủy sâm thì có hiện tượng nhiều người ở Bắc Kinh bị men gan cao không rõ nguyên nhân. Khi học ở đó, và làm thực tập, có nhữngbuổi sáng tôi khám 20 bệnh nhân thì 15 người bị men gan cao.

Sau đó, người ta bắt đầu bỏ, kết thúc 1 thời kỳ nuôi thủy sâm ở Bắc Kinh. Năm 2001, khi sang Quảng Tây, tôi cũng thấy đang rộ lên phong trào này, lúc đó người ta gọi là hải sâm. Quan sát tôi thấy có 2 giai đoạn như vậy, thực hư không rõ ràng nên tôi đã hỏi thầy giáo ở trường ĐH Trung y, trung dược Bắc Kinh. Thầy Vũ Trạch Dân, cho hay: Chỉ là đồn đại ngoài dân gian, còn sách vở Trung y chính thống không thấy nói. Trong các BV cũng không ai dùng”.

Theo thầy thuốc Nguyễn Xuân Hướng, hiện nay khi trong đời sống hàng ngày rộ lên những phong trào nuôi và uống thủy sâm rộng rãi như vậy, Bộ Y tế cần tiến hành nghiên cứu và cung cấp tới người dân những thông tin chính thống về thành phần và mức độ tác dụng (nếu có) của loại nước uống này, nhằm tránh những lạm dụng và quảng cáo thương mại trá hình.

“Ráo riết” ngăn chặn ngộ độc thực phẩm

Bốn vụ ngộ độc thực phẩm tập thể liên tiếp xảy ra trong tháng 6 đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người lao động, UBND thành phố đã có văn bản chỉ đạo các ban ngành liên quan vào cuộc để ngăn chặn tình trạng này.

Hơn 3000 người bị ngộ độc thực phẩm trong 6 tháng

Sáng 15/8 Sở Y tế thành phố đã tổ chức Hội nghị bàn về vấn đề phòng chống ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể và các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn. Hội nghị đã thảo luận về các nguyên nhân gây ngộ độc, trong đó nổi lên các vấn đề về quản lý thực phẩm tại các chợ và quản lý chất lượng thực phẩm tại những cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp, suất ăn sẵn.

Thành phố đang nỗ lực ngăn chặn tình trạng ngộ độc thực phẩm

Thực tế từ các vụ ngộ độc cho thấy, nguyên nhân chủ yếu là do thực phẩm không đảm bảo các điều kiện về vệ sinh an toàn và để xảy ra tình trạng trên một phần là do sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng.

Nhằm ngăn chặn những vụ ngộ độc có thể xảy ra trong thời gian tới, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các ban ngành liên quan thường xuyên kiểm tra các cơ sở dịch vụ cung cấp suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể, công ty cung cấp suất ăn công nghiệp, nấu ăn phục vụ đám tiệc. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải có trách nhiệm tổ chức kiểm soát về nguồn gốc và chất lượng VSATTP đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản, thịt động vật, gia cầm... không để tái diễn tình trạng vận chuyển, giết mổ trái phép trên địa bàn.

Sở Công Thương cần tăng cường kiểm tra hàng hóa thực phẩm lưu thông trên thị trường; kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc và chất lượng VSATTP tại các chợ đầu mối và các chợ truyền thống. Các Sở, Ngành liên quan cần xây dựng và vận hành hệ thống tự kiểm tra an toàn thực phẩm; xây dựng các bếp ăn tập trung, đạt chuẩn trong các khu chế xuất, khu công nghiệp. Công ty, xí nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất chỉ được hợp đồng với cơ sở cung cấp thức ăn cho công nhân có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP do Sở Y tế cấp, có phương tiện vận chuyển thức ăn chuyên dụng và phải làm nóng thức ăn trước khi dùng.

UBND thành phố yêu cầu Sở Y tế kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Đối với những cơ sở không đảm bảo VSATTP, có nguy cơ gây ngộ độc trong cộng đồng phải đình chỉ hoạt động và thông tin công khai trên các phương tiện truyền thông.

Báo động đỏ về ngộ độc thực phẩm

Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2011, đã có 17 vụ với hơn 1.400 người bị ngộ độc thực phẩm (NĐTP), trong đó, có 4 người tử vong. Ngày 8/5, lại xảy ra một vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), khiến 51 sĩ quan và chiến sĩ bị ngộ độc.

Rõ ràng, ATVSTP đang là vấn nạn nhức nhối, nhất là khi thời gian qua, hầu hết các vụ NĐTP là do hóa chất và độc tố tự nhiên, thay vì do vi sinh như trước. Đó cũng là lý do để hội thảo "Phụ gia thực phẩm - những tiềm ẩn" do Hội KHKT an toàn thực phẩm Việt Nam tổ chức, diễn ra tại Hà Nội ngày 10/5.

GS.TS Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, đã bày tỏ lo ngại khi hiện có nhiều chất phụ gia không được phép vẫn sử dụng trong chế biến thực phẩm. Làm sao để thực phẩm không phụ gia độc hại là câu hỏi được Quốc hội đặt ra nhiều lần, vì không chỉ tác động xấu đến sức khỏe hiện tại, mà còn ảnh hưởng tới thế hệ tương lai, nhưng vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Hội thảo này được hy vọng sẽ có các nghiên cứu khoa học, để đưa ra cảnh báo, định hướng trong quản lý phụ gia thực phẩm.

Theo TS. Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), số vụ NĐTP trong dịp Tết luôn chiếm lượng lớn, do mọi người sử dụng nhiều hơn các loại bánh, mứt, kẹo, hạt dưa v.v…PGS.TS Phan Thị Sửu, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật ATVSTP chỉ ra: Việc sử dụng phẩm màu trong thực phẩm tùy tiện, sẽ gây nhiều loại bệnh cho gan, thận và lâu dài sẽ gây ung thư cho người sử dụng. Theo TS. Lê Thị Hảo, Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia, thì các phụ gia thường được sử dụng trong thực phẩm là chất bảo quản, phẩm màu và đường hóa học.

Kết quả kiểm nghiệm của Viện cho thấy, trên 60% mẫu hạt dưa và 90% mẫu ớt bột không xuất xứ chứa Rhoodamine - chất nhuộm màu cực kỳ độc hại, có thể gây ung thư. Bên cạnh đó, các chất bảo quản có khả năng gây ung thư cũng được sử dụng phổ biến: Formol, hàn the thường được dùng trong bánh phở, hủ tiếu, bánh nem, chả, dưa chua hay các món chiên, xào như tôm lăn bột, cua lột chiên bơ v.v… Còn bột sắt được cho vào nước phở, bún, hủ tiếu để tạo màu hấp dẫn. Natri benzoate và Kali sorbet là 2 chất có tỉ lệ quy định sử dụng rất nghiêm ngặt, nhưng theo Viện Y tế vệ sinh công cộng thì có hơn 20% mẫu thực phẩm là nước giải khát, nước tương, tương ớt, thịt chế biến sẵn sử dụng liều cao, có mẫu vượt gấp 27 lần giới hạn an toàn, đủ để gây tử vong khi xâm nhập vào cơ thể hay ảnh hưởng đến hệ thần kinh và lâu dài sẽ gây ung thư.

Trước thực trạng sử dụng chất phụ gia mất an toàn như hiện nay, PGS.TS Phan Thị Sửu khuyến cáo: Người tiêu dùng nên dùng các chất màu tự nhiên (gấc, cà chua, ớt, dâm bụt, nghệ, lá dứa thơm vv…), hạn chế dùng sản phẩm có màu sắc lòe loẹt, nhất là thực phẩm cho trẻ em. Không mua phẩm màu không có nguồn gốc để chế biến thực phẩm tại gia đình, chỉ mua các sản phẩm thực phẩm của các doanh nghiệp có chứng nhận an toàn thực phẩm HACCP và ISO 22000. Cần tăng cường tuyên truyền để người tiêu dùng hiểu được quyền của mình, cũng như làm rõ, ai là bảo vệ người tiêu dùng khi bị thiệt hại.

 

Ngày 23/08/2011
Ths.Bs. Huỳnh Hồng Quang và Cn. Võ Thị Thu Trâm  

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích