Home TRANG CHỦ Thứ 5, ngày 25/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Finance & Retail Chuyên đề
Dịch tễ học
Côn trùng học
Nghiên cứu lâm sàng & điều trị
Ký sinh trùng sốt rét
Ký sinh trùng
Sinh học phân tử
Sán lá gan
Sốt xuất huyết
Bệnh do véc tơ truyền
Vi khuẩn & Vi rút
Sán
Giun
Nấm-Đơn bào
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 5 2 1 1 2 4
Số người đang truy cập
6 0 2
 Chuyên đề Bệnh do véc tơ truyền
Ruồi trâu (Tabanidae)
Đặc điểm, vai trò truyền bệnh ở người của động vật chân đốt và biện pháp phòng chống

Động vật chân đốt là véc tơ truyền bệnh cho người thông qua trung gian là các loài côn trùng như: ve, mò, mạc, chấy, rận, bọ chét, bọ xít, ruồi, muỗi… . Bệnh có thể thấy ở những vùng rừng núi, cây cối rậm rạp, có nhiều cỏ dại, đất mùn ẩm ướt; đặc biệt là những nơi thường có nhiều người lui tới như hai bên bờ suối, dọc bờ biển, hang hốc, núi đá. Những nơi có nhiều thú thuộc loài gặm nhấm cũng là những nơi con người dễ bị lây bệnh.

Những người làm rừng, đi khai hoang, săn bắn,... là những đối tượng dễ bị mắc bệnh. Sau khi bị các loại côn trùng chân đốt cắn khoảng 1-2 tuần, người bệnh thường đột ngột xuất hiện sốt, lúc đầu sốt nhẹ sau vài ngày có thể sốt cao lên đến 39-400, kéo dài từ 3-4 tuần. Cùng với sốt, người bệnh thường thấy hạch ở nách, ở bẹn sưng to và đau nhưng không nóng, đỏ; giai đoạn muộn hơn hạch xuất hiện ở toàn thân. Sau khi sốt 4-7 ngày, các nốt dát, sẩn (gọi là ban) xuất hiện bắt đầu từ ngực bụng rồi lan ra khắp mình, nhưng ít khi có ở mặt, lòng bàn tay, gan bàn chân. Đau đầu, chóng mặt, mất ngủ, mặt đỏ, mắt sung huyết, môi khô... là những dấu hiệu thường gặp. Vết loét do côn trùng chân khớp đốt có tính chất như một vết bỏng thuốc lá là một dấu hiệu đặc trưng để xác định bệnh. Ở giai đoạn muộn người bệnh có khi bị mê sảng, hạ huyết áp, viêm phổi, rối loạn tiêu hóa. Động vật chân đốt là ngành động vật không có xương sống, có số lượng loài rất lớn, có khoảng trên 1.000.000 loài. Chúng sống ở đất, nước hoặc bay nhảytrong không gian khắp nơi trên thế giới, sống tự do hoặc ký sinh. Môn ký sinh trùng nghiên cứu hình thể, sinh lý, sinh thái, vai trò y học và cách phòng chống những loài động vật chân đốt có liên quan đến y học như: ruồi, muỗi, ve, mò, bọ chét, chấy, rận…

 

Một số động vật chân đốt truyền bệnh ở người

 
Đặc điểm hình thể

Hình thể bên ngoài

Động vật chân đốt có cấu tạo chung: Thân chia thành đầu, ngực, bụng rõ rệt hoặc đầu giả và thân. Chân, râu (anten), pan (palpe) là những bộ phận có cấu tạo phân đốt, đối xứng. Thân có vỏ cứng cấu tạo bằng lớp kitin và một lớp hoà tan trong nước được coi như là bộ xương của động vật chân đốt. Lớp vỏ này không liên tục, gián đoạn theo từng phần của cơ thể, nối liền hai mảnh cứng có một màng kitin mỏng có thể co giãn được nhưng rất hạn chế, vì vậy muốn lớn lên động vật chân đốt phải lột xác. Lớp vỏ cứng có chức năng giống như da bao bọc che chở các cơ quan bên trong, hạn chế sự mất nước, ngoài ra nó còn có chức năng giống như một bộ xương để các cơ bám vào đó tạo hình dạng của động vật chân đốt. Phân giới đực cái riêng biệt.

 

Hình thểcủa động vật chân đốt  

 
Cấu tạo bên trong

Hoàn thiện hơn ngành giun sán, các cơ quan tuần hoàn, bài tiết, tiêu hoá... đã phát triển. Đặc biệt cơ quan sinh dục rất phát triển và tương đối hoàn thiện.

Hệ cơ: thuộc loại cơ vân, bám trực tiếp vào mặt trong lớp vỏ kitin, để vận động bay, nhảy, bơi...

Hệ tiêu hoá: miệng động vật chân đốt là vòi để châm hút hoặc để gặm nhấm. Tiếp theo là họng, thực quản, dạ dày, ruột, hậu môn, có hai tuyến nước bọt giúp cho tiêu hoá được dễ dàng.

Hệ bài tiết: là những ống Malpighi làm chức năng bài tiết giống những ống thận đơn giản.

Hệ thần kinh: gồm những hạch nối với nhau ở bụng, cuối cùng được nối với một hạch to hơn ở mặt lưng, gần thực quản, được coi như não của động vật chân đốt.

Hệ hô hấp:động vật chân đốt thở bằng mang hoặc khí quản tuỳ loại sống trên cạn hoặc dưới nước.

Hệ tuần hoàn: gồm có những xoang máu ở mặt lưng, máu từ các xoang này đổ vào các xoang rỗng ở toàn thân. Máukhông có nhiệm vụ vận chuyển oxy mà chỉ mang chất dinh dưỡng, máu thực chất chỉ là dịch tuần hoàn lưu chuyển được nhờ một cơ quan bơm máu gọi là tim.

Hệ sinh dục: phát triển tương đối hoàn thiện. Cơ quan sinh dục đực gồm: tinh hoàn, túi tinh, các tuyến phụ và càng sinh dục. Cơ quan sinh dục cái gồm: buồng trứng, ống dẫn trứng, âm đạo, túi dự trữtinh trùng. Một số loài như chấy, rận...có tuyến tiết chất dính để gắn trứng vào với nhau hoặc bám lên tóc, quần áo...

 

 

 Cấu tạo của động vật chân đốt  

Đặc điểm sinh học

Đặc điểm sinh thái

Động vật chân đốt tồn tại, phát triển phụ thuộc vào yếu tố của môi trường như: nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, độ xốp của đất, các chất hữu cơ, pH, các muối hòa tan, tốc độ gió, động thực vật, yếu tố địa hình khu vực… Điều kiện tự nhiên thích hợp, động vật chân đốt phát triển thuận lợi, số lượng tăng lên nhiều. Hiện tượng tăng, giảm về số lượng cá thể gọi là mùa phát triển của động vật chân đốt. Mỗi loài động vật chân đốt thường phân bố trên từng khu vực nhất định. Sự phát triển của động vật chân đốt chịu sự tác động của yếu tố mùa, vùng rõ rệt, do đó những bệnh do động vật chân đốt truyền thường là những bệnh diễn biến theo mùa và vùng.

Khả năng thích nghi: động vật chân đốt sống quần sinh với một số sinh vật khác, tránh những yếu tố không thuận lợi và tìm đến những yếu tố thuận lợi. Ví dụ như: ruồi, nhặng sống gần người và dựa vào những chất thải như phân, rác của người. Khi thiếu vật chủ thích hợp, động vật chân đốt có thể tạm thời ký sinh ở những vật chủ không thích hợp. Những can thiệp của con người (dùng các biện pháp xua, diệt) có thể làm thay đổi sinh thái của động vật chân đốt, chúng không những không chịu tiếp xúc mà còn có thể chuyển hoá hóa chất tạo nên tính kháng với hóa chất.

Đặc điểm sinh lý

Thức ăn của động vật chân đốt rất đa dạng: máu, mủ, dịch mô hay các tổ chức bị dập nát của vật chủ. Loài đơn thực chỉ ký sinh trên một vật chủ (ví dụ chấy, rận chỉ ký sinh ở trên người). Loài đa thực ký sinh trên nhiều loài vật chủ, có thể là người hoặc các loài động vật khác, (ví dụ như bọ chét Xenopsylla cheopis ký sinh cả trên người, cả trên chuột, chó, mèo...). Loài đơn thực chỉ truyền bệnh cho một loài vật chủ, loài đa thực truyền bệnh cho nhiều loài vật chủ khác nhau. Ví dụ: chấy, rận chỉ truyền bệnh cho người, bọ chét truyền bệnh cho cả người và chuột...

Vòng đời

Vòng đời động vật chân đốt thường phát triển qua 4 giai đoạn: Trứng (eggs)-ấu trùng (larvae)-thanh trùng (nympha)-trưởng thành (imago). Một số loài động vật chân đốt đẻ ra ấu trùng không có giai đoạn trứng, như một số ruồi (Glossina), nhặng xám (Sarcophagidae)... những loài này mỗi lần đẻ không nhiều, từ 1 đến 15 ấu trùng. Ở giai đoạn thanh trùng, một số loài hình thành nhộngkhông ăn, không hoạt động, như ruồi (Muscidae), ruồi vàng (Simulidae)...

Vai trò y học

   Những động vật chân đốt có vai trò y học phần lớn là những ngoại ký sinh trùng đốtmáu (trừ ruồi nhà, gián), chúng có thể truyền bệnh và gây bệnh. Vai trò chủ yếu của chúng là truyền bệnh, vai trò gây bệnh chỉ là thứ yếu nhưng đôi khi cũng gây nguy hiểm đến tính mạng con người.

Vai trò gây bệnh

Gây bệnh tại vết đốt và dị ứng: động vật chân đốt khi đốt máu truyền độc tố gây đau, dị ứng, mẩn ngứa, lở loét, hoại tử, nặng hơn có thể viêm tấy cục bộ, choáng, tê liệt.

Gây bệnh tại vị trí ký sinh: bọ chét Tunga ký sinh ở da, ấu trùng ruồi Gasterophilidae ký sinh ở dạ dày, cái ghẻ Sarcoptes scabiei ký sinh ở da...

Vai trò truyền bệnh

Bệnh do vector truyền có đặc điểm thường là những bệnh nguy hiểm, có thể chết người: dịch hạch, sốt rét... Bệnh phát thành dịch, lây lan nhanh: sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản B... Bệnh thường xảy ra theo mùa, khu trú ở từng vùng: viêm não, sốt mò... Bệnh lây lan giữa người với người, giữa người với động vật.

Tiêu chuẩn xác định động vật chân đốt là vector truyền bệnh

Động vật chân đốt phải đốtmáu người hoặc sống gần người. Mầm bệnh phát triển trong động vật chân đốt đến giai đoạn lây nhiễm. Mùa phát triển của động vật chân đốt phù hợp với mùa của bệnh. Gây nhiễm thực nghiệm có kết quả.

Phương thức truyền bệnh của động vật chân đốt:

Động vật chân đốt truyền bệnh theo hai phương thức: đặc hiệu và không đặc hiệu. Truyền đặc hiệu (truyền sinh học): trong tự nhiên nhiều loại động vật chân đốt chỉ truyền được một hoặc hai loại mầm bệnh nhất định, những mầm bệnh này tăng sinh, phát triển trong cơ thể động vật chân đốt. Các hình thức phát triển hoặc tăng sinh của mầm bệnh ở động vật chân đốt: mầm bệnh trong động vật chân đốt tăng sinh đơn thuần về số lượng từ một mầm bệnh ban đầu sau một thời gian tăng lên hàng ngàn cá thể trong động vật chân đốt. (Ví dụ như vi khuẩn dịch hạch trong bọ chét). Mầm bệnh không tăng sinh về số lượng chỉ phát triển từ giai đoạn chưa lây nhiễm được đến giai đoạn có khả năng lây nhiễm. (Ví dụ: ấu trùng giun chỉ trong muỗi). Mầm bệnh vừa tăng sinh số lượng vừa phát triển giai đoạn. (Ví dụ như ký sinh trùng sốt rét trong muỗi). Một vài loại mầm bệnh được động vật chân đốt truyền cho đời sau qua trứng như mầm bệnh Rickettsia orientalis ở mò...

Truyền bệnh không đặc hiệu (truyền cơ học):

Động vật chân đốt chỉ đơn thuần mang mầm bệnh từ nơi này đến nơi khác. Mầm bệnh dính bám trên động vật chân đốt, truyền vào thức ăn, nước uống của người, mầm bệnh không sinh sản, biến đổi trong động vật chân đốt nên không cần có thời gian. Những động vật chân đốt truyền bệnh theo phương thức không đặc hiệu có vai trò quan trọng: ruồi nhà, nhặng xanh, gián...vì thường xuyên tiếp xúc với người. Mầm bệnh còn có thể ở trong ống tiêu hoá của động vật chân đốt, rồi theo chất bài tiết mà lây sang người. Một số mầm bệnh như trứng giun, sán, kén đơn bào có thể tồn tại trong cơ thể động vật chân đốt suốt trong quá trình sống của nó.

Khả năng truyền bệnh của động vật chân đốt:

Động vật chân đốt có thể truyền hầu hết các loại mầm bệnh ký sinh trùng, vi khuẩn, virus cho người và động vật.
           Muỗi Anopheles truyền ký sinh trùng sốt rét, giun chỉ. (Ví dụ: An.minimusAn.dirus là những vector chính truyền sốt rét ở Việt Nam).
            Muỗi Culex truyền giun chỉ, viêm não Nhật Bản... Muỗi Aedes truyền bệnh sốt vàng, sốt xuất huyết Dengue, giun chỉ, và một số virus khác.
            Muỗi Mansonia truyền giun chỉ:ở Việt Nam một số vùng có ổ dịch giun chỉ như các tỉnh đồng bằng châu thổ sông Hồng: Thái Bình, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương...
             Muỗi cát Phlebotomus truyền Leishmania (ở Việt Nam đã phát hiện bệnh nhân nhiễm Leishmania). Ve truyền Rickettsia và virus viêm não Châu Âu.
              Mò truyền Rickettsia orientalis gây bệnh sốt mò, Việt Nam có ổ bệnh sốt mò ở Mộc Châu, Sơn La. Ruồi ngủ Tsetse (Glossina) truyền Trypanosoma gây bệnh ngủ châu Phi. Ruồi vàng (Simulium) truyền bệnh mù đường sông.
              Ruồi trâu (Tabanidae) truyền giun chỉ Loaloa. Những bệnh này chưa gặp ở Việt Nam. Ruồi nhà, nhặng, gián truyền mầm bệnh vi khuẩn: tả, lỵ, thương hàn, lao, trứng giun sán, kén đơn bào, virus bại liệt, viêm gan... trong các vụ dịch tả, ruồi nhà có vai trò truyền bệnh rất quan trọng.
             Chấy rận truyền sốt phát ban chấy rận. Bọ chét truyền dịch hạch, ở Việt Nam có bọ chét Xenopsylla cheopis truyền dịch hạch, đã phát hiện được một số ổ dịch nhỏ ở Tây Nguyên.

Vai trò của động vật chân đốt trong ổ bệnh tự nhiên

Động vật chân đốt có vai trò quan trọng trong sự tồn tại và lưu hành của những bệnh có ổ bệnh tự nhiên. Động vật chân đốt là vật trung gian (vector) nhiều khi còn là vật dự trữ mầm bệnh, mò Leptotrombidium deliense mang mầm bệnh sốt mò Rickettsia orientalis suốt đời và truyền sang đời sau. Do mầm bệnh phát triển trong động vật chân đốt, nên mùa phát triển bệnh phụ thuộc vào mùa phát triển của động vật chân đốt. Ví dụ mầm bệnh virus viêm não Nhật Bản B chỉ phát triển trong muỗi khi nhiệt độ trên 200C, mùa phát triển là mùa xuân hè, ít gặp trong mùa đông.

Phân loại

Ngành động vật chân đốt được chia làm 4 ngành phụ là:

Trilobitomorpha

Chelicerata

Branchiata (Crustacea)

Tracheata (Uniramia)

Trong đó có khoảng hơn 10 lớp nhưng các có 2 lớp có vai trò y học là:

Lớp nhện Arachnida thuộc ngành phụ Chelicerata

Lớp côn trùng Insectathuộc ngành phụ Tracheata.

Lớp nhệnArachnida

Đặc điểm hình thể

Nhện là những động vật chân đốt mà cơ thể là một khối hình bầu dục, miệng có bộ phận đốt là kìm. Phần thân dính liền thành một khối, không có anten, không có cánh, có 4 đôi chân, mỗi chân gồm 6 đốt. Lớp nhện có một số loài thở bằng khí quản (ve, mạt), có loài thở qua da (cái ghẻ). Bộ máy tiêu hoá có cấu tạo đặc biệt: có nhiều ngăn, chứa được rất nhiều máu, vì vậy khi ăn no thân lớn rất nhiều so với lúc đói.

Vòng đời

   Vòng đời phát triển thường qua 4 giai đoạn: trứng - ấu trùng - thanh trùng và trưởng thành. Hình thể ấu trùng gần giống trưởng thành nhưng chỉ có 3 đôi chân.

Phân loại:

Lớp nhện có nhiều bộ, nhưng có 2 bộ liên quan đến y học. Bộ Linguatula: đáng chú ý Linguatula serrata và Porocephalus armillatus. Bộ ve Acarina: ve,mò, mạt, cái ghẻ.

Lớp côn trùng (Insecta)

    Côn trùng trưởng thành có 3 đôi chân, thân chia thành 3 phần: đầu, ngực, bụng rõ rệt, có vòi. Lớp côn trùng chia thành hai nhóm: nhóm phát triển biến thái hoàn toàn và nhóm phát triển biến thái không hoàn toàn.

Nhóm phát triển biến thái không hoàn toàn:

Trong các giai đoạn phát triển, hình thể ấu trùng có hình thái tương tự như con trưởng thành, chỉ khác về kích thước, cơ quan sinh dục. Trong nhóm này có hai bộ liên quan đến y học là Bộ Không cánh: bộ Anoplura (bộ Chấy rận). Bộ Bốn cánh: bộ Hemiptera (bộ Rệp) gồm họ rệp và họ bọ xít.

Nhóm phát triển biến thái hoàn toàn:

Trong các giai đoạn phát triển, hình thể ấu trùng và trưởng thành rất khác nhau, có trải qua giai đoạn chuyển tiếp là nhộng. Nhóm này gồm những bộ liên quan đến y học là: Bộ Không cánh Siphonaptera (tên cũ là Aphaniptera, bộ Bọ chét). Bộ Hai cánh Diptera, phân loại theo số đốt của râu và gân costa trên cánh.

+ Râu < 3 đốt: bộ phụ Brachycera, trong đó có họ Tabanidae (có 2 giống liên quan đến y học là ChrysopsTabanus), họ Muscidae, Sarcophagidae, Oestridae.

+ Râu > 3 đốt: bộ phụ Nematocera,gồm các họ sau:

·Costa chạy tới đầu cánh:

- Râu ngắn: họ Simulidae (ruồi vàng)

- Râu dài: họ Giốngromomidae (dĩn, gián).

·Costa chạy vòng quanh cánh:

- Trên gân cánh có lông: Họ Psychodidae có giống Phlebotomus (muỗi cát) và Lutzomyia liên quan đến y học.

- Trên gân cánh có vẩy: Họ Culicidae (muỗi).

Ngoài cách phân loại như trên, người ta còn phân loại động vật chân đốt theo vai trò của chúng đối với y học.

Biện pháp phòng chống

Nguyên tắc

Phòng chống trên quy mô rộng lớn nhưng phải có trọng tâm trọng điểm. Bệnh do ký sinh trùng rất nhiều không thể đồng loạt phòng chống mà phải chọn những bệnh có hại nhiều đến sức khoẻ, có khả năng khống chế được bệnh với điều kiện vật chất kỹ thuật có thể có được. Dựa vào kế hoạch của chính quyền từ trung ương đến cơ sở để có kế hoạch phòng chống trong thời gian lâu dài, liên tục vì các bệnh ký sinh trùng thường kéo dài, tái nhiễm liên tiếp. Phòng chống bệnh ký sinh trùng phải là công tác của quần chúng, xã hội hoá công việc phòng chống, lôi cuốn cộng đồng tự giác tham gia. Kết hợp các biện pháp cơ - lý - hóa - sinh học để phòng chống ký sinh trùng và bệnh ký sinh trùng. Lồng ghép việc phòng chống bệnh ký sinh trùng với các hoạt động/chương trình, các dịch vụ y tế, sức khoẻ khác. Kết hợp phòng chống bệnh ký sinh trùng với việc chăm sóc sức khoẻ ban đầu, nhất là ở tuyến cơ sở. Phòng chống bệnh ký sinh trùng ở người kết hợp chặt chẽ với phòng chống bệnh ký sinh trùng động vật và phòng chống ký sinh trùng ở môi trường.

Biện pháp

Biện pháp cơ học - lý học

Phá bỏ những ổ động vật chân đốt, thay đổi môi trường làm mất nơi trú ẩn hoặc nơi sinh đẻ của chúng. Đối với động vật chân đốt trưởng thành có thể bắt, đập, bẫy, quạt, hun khói, xua đuổi cách ly không cho tiếp xúc với người... biện pháp này đơn giản dễ làm, nhưng muốn đạt hiệu quả cao mọi người đều phải tham gia, tốn nhiều công sức.

Biện pháp sinh học

Sử dụng kẻ thù tự nhiên của động vật chân đốt để diệt chúng, hoặc làm giảm mật độ động vật chân đốt gây hại. Ví dụ dùng kiến để diệt rệp, cá ăn bọ gậy.... hoặc dùng phương pháp tiệt sinh, sử dụng những kỹ thuật làm giảm sức sinh sản của động vật chân đốt hay làm biến đổi cấu trúc di truyền của chúng. Phương pháp này có thể diệt được động vật chân đốt mà không gây độc cho người và môi trường.

Biện pháp hoá học

Dùng các hoá chất để diệt động vật chân đốt. Cần lựa chọn hoá chất, lựa chọn cách thức sử dụng, không tạo điều kiện để động vật chân đốt kháng thuốc, không gây ô nhiễm môi trường.

Các nhóm thuốc diệt

Nhóm hoá chất vô cơ: gồm có xanh Paris, acetoarseniat đồng.... Các hoá chất này thường được thả xuống nước để diệt ấu trùng động vật chân đốt sống trong nước.

Nhóm hoá chất clo hữu cơ: gốm có dichlorodiphenyltrichloroetan (DDT) hoặc hexachlorocychlohexan (HCH, 666), methoxychlor.... Các hoá chất này được sử dụng từ lâu, diệt côn trùng nhanh, tồn lưu lâu nhưng có nhược điểm gây độc cho người và động vật, làm ô nhiễm môi trường.

Nhóm photpho hữu cơ: gồm có malathion, baitex, cumithion, abat, diazinon, dichlorodivynilphosphat (DDVP). Các chất này có tác dụng diệt động vật chân đốt nhanh nên thường được sử dụng khi cần dập tắt nhanh các ổ dịch. Thuốc tồn lưu ngắn, từ 15 ngày tới 3 tháng, rất độc đối với người và động vật nên khi sử dụng cần đề phòng nhiễm độc.

Nhóm carbamat: là những chất kháng enzym cholinesteraza thường dùng để diệt bọ gậy, có hiệu lựctồn lưu lâu nhưng giá thành đắt nên ít được sử dụng.

Nhóm pyrethroid:Pyrethroin tự nhiên là những chất chiết xuất từ hoa của cây thuộc họ cúc, giống Chrysanthemum cineraefolium. Pyrethrinoid tổng hợp gồm permethrin, deltamethrin, lambda-cyhalothrin, trebon, cyfluthrin ...các hoá chất thuộc nhóm này có tác dụng diệt động vật chân đốt với liều lượng thấp, ít độc với người, hệ số an toàn cao, ít gây ô nhiễm môi trường.

Cách sử dụng hoá chất

Tuỳ theo đặc tính lý, hoá và độ an toàn mà các hoá chất có thể được sử dụng dưới các hình thức phun tồn lưu, phun sương mù, dạng khói, tẩm màn hoặc quần áo. Dùng hoá chất dưới dạng nào cũng phải đảm bảo yêu cầu diệt được động vật chân đốt nhưng không gây độc cho người, động vật, không làm ô nhiễm môi trường. Để tránh làm động vật chân đốt kháng hóa chất cần sử dụng hoá chất đúng mục đích, đúng kỹ thuật, không để dư thừa và có kiểm soát, cần thường xuyên theo dõi mức độ kháng kịp thời để thay đổi hoá chất hoặc phối hợp các biện pháp. Cách tăng liều hoá chất rất ít sử dụng vì gây độc cho người và động vật.

 

Ngày 26/10/2012
Ths. Đoàn Đức Hùng & Ths. Nguyễn Thị Duyên  

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích