Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 29/03/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 2 8 9 8 7 0
Số người đang truy cập
2 3
 Tin tức - Sự kiện Tin vắn đáng chú ý
Đề phòng và cấp cứu sốc phản vệ để hạn chế tử vong

Hiện nay tình trạng sốc phản vệ xảy ra trong một số trường hợp sử dụng thuốc điều trị, kể cả việc tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh. Nếu không có biện pháp phòng ngừa và xử trí kịp thời khi có sự cố sẽ có nguy cơ dẫn đến tử vong. Đây là vấn đến cần được quan tâm.

 
Sốc phản vệ có thể xảy ra sau khi tiêm vắc-xin phòng bệnh nên cần thận trọng (ảnh minh họa)

Trên thực tế, các phản ứng miễn dịch và dị ứng của cơ thể ngày càng xuất hiện nhiều cùng với sự phát triển của công nghiệp hóa chất, dược phẩm và thực phẩm; đặc biệt là hiện tượng sốc phản vệ xảy ra dẫn đến những trường hợp tử vong đáng tiếc. Trong lãnh vực điều trị và phòng bệnh, nhiều loại thuốc hay vắc-xin khi đưa vào cơ thể con người bằng bất cứ đường nào đều có thể gây nên sốc phản vệ với nguy cơ dẫn đến tử vong. Ở những người có cơ địa dị ứng thì hiện tượng sốc phản vệ có thể xảy ra ngay sau khi mới dùng thuốc hay vắc-xin lần đầu hoặc sau khi dùng thuốc hoặc vắc-xin vài lần. Một số người mặc dù đã thận trọng làm thử nghiệm nội bì với kết quả âm tính nhưng vẫn có thể bị sốc phản vệ khi dùng lại thuốc đó trong những lần tiếp theo. Đây là những khó khăn phải đối mặt của y học mà tất cả bác sĩ, nhân viên y tế, bệnh nhân, gia đình người bệnh và mọi người dân cần biết để đề phòng.

Phòng ngừa sốc phản vệ

Mặc dù hiện tượng sốc phản vệ là một tai biến y khoa có thể dẫn đến tử vong nhưng thực trạng này có thể giảm đi khi thầy thuốc có đầy đủ kiến thức về sốc phản vệ, thận trọng khai thác kỹ tiền sử dị ứng của bệnh nhân, có chỉ định sử dụng thuốc cẩn thận và hợp lý, đặc biệt là luôn luôn chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện cấp cứu sốc phản vệ để xử trí kịp thời khi cần thiết. Để phòng ngừa và giảm thiểu các tai biến dẫn đến tử vong do sốc phản vệ gây ra; tất cả bác sĩ, nhân viên y tế tại cơ sở y tế của nhà nước cũng như tư nhân ở các tuyến làm nhiệm vụ khám chữa bệnh và phòng bệnh cho cộng đồng người dân cần phải thực hiện những yêu cầu cần thiết sau đây: Khi khám bệnh, bác sĩ phải khai thác kỹ tiền sử dị ứng của bệnh nhân như: hen phế quản, chàm, mẩn ngứa, phù Quincke...; các loại dị nguyên dễ gây dị ứng như: thuốc điều trị, thức ăn, côn trùng... để cảnh giác vì bệnh nhân có cơ địa đặc biệt này có thể dễ gây ra tình trạng dị ứng và sốc phản vệ rất nguy hiểm. Bác sĩ khám bệnh phải cẩn thận, hỏi thật cặn kẽ về tiền sử dị ứng của người bệnh; đồng thời ghi rõ vào bệnh án hoặc sổ khám bệnh những thông tin thu thập được từ tiền sử của người bệnh như là một vấn đề cảnh báo. Khi phát hiện bệnh nhân có tiền sử dị ứng hoặc dễ bị sốc phản vệ đối với một loại thuốc hay một loại vắc-xin nào đó thì phải cấp cho bệnh nhân một phiếu ghi rõ các loại thuốc hay vắc-xin gây dị ứng và nhắc người bệnh phải đưa phiếu này cho bác sĩ, nhân viên y tế mỗi khi đi khám chữa bệnh, tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh. Đối với các loại thuốc vitamin thông thường như vitamin B1, vitamin B6, vitamin C... thì bác sĩ điều trị nên xem xét chỉ định cho bệnh nhân uống; trong những trường hợp thật cần thiết mới sử dụng loại tiêm như trong suy tim cấp do thiếu vitamin B1 thì bắt buộc phải dùng vitamin B1 dạng tiêm để có đáp ứng điều trị nhanh. Cần lưu ý và thận trọng không được dùng các loại thuốc điều trị hay vắc-xin phòng bệnh đã gây dị ứng và sốc phản vệ cho người bệnh trước đó. Trong những trường hợp đặc biệt cần dùng các loại thuốc điều trị hay vắc-xin phòng bệnh đã gây dị ứng và sốc phản vệ này thì phải hội chẩn để thống nhất chỉ định; đồng thời phải được sự đồng ý của người bệnh, gia đình bệnh nhân bằng văn bản và lẽ dĩ nhiên cần có sẵn phương tiện, biện pháp tích cực để chủ động xử trí kịp thời sốc phản vệ nếu không may xảy ra. Phải chú ý theo dõi một cách chặt chẽ người bệnh khi sử dụng các loại thuốc dễ gây ra dị ứng trong danh mục thuốc dễ gây dị ứng được quy định. Đối với việc thử nghiệm phản ứng, bắt buộc trước khi tiêm loại kháng sinh như penicilline, streptomycine phải cho bệnh nhân làm thử nghiệm bằng kỹ thuật lẩy da hoặc trong da theo đúng quy định. Thực tế thử nghiệm phản ứng bằng kỹ thuật lẩy da dễ thực hiện nên được khuyến khích áp dụng tại các cơ sở y tế. Lưu ý khi tiến hành thử nghiệm phản ứng thuốc cũng phải có sẵn các phương tiện cấp cứu sốc phản vệ. Bất kỳ cơ sở y tế ở tuyến nào từ hệ khám chữa bệnh cho đến hệ y tế dự phòng, từ phòng khám bệnh cho đến phòng điều trị và những nơi có dùng thuốc chữa bệnh, vắc-xin phòng bệnh đều phải chủ động, luôn luôn có sẵn phương tiện cấp cứu và thuốc chống sốc phản vệ để xử trí kịp thời những tình huống xấu có thể xảy ra. Một vấn đề cũng cần được quan tâm là tất cả các nhân viên y tế từ bác sĩ điều trị cho đến y tá điều dưỡng, nữ hộ sinh cần phải nắm vững kiến thức và thực hành xử trí cấp cứu sốc phản vệ theo quy định của Bộ Y tế.

Xử trí cấp cứu sốc phản vệ

Mặc dù đã có những biện pháp phòng ngừa dị ứng dẫn đến tình trạng sốc phản vệ như nêu ở trên nhưng trong thực tế các cơ sở y tế và nhân viên y tế một số nơi vẫn có thể đối mặt với tình trạng này. Vì vậy cần phát hiện nhanh triệu chứng để có biện pháp xử trí phù hợp nhằm đưa bệnh nhân thoát khỏi tình trạng nguy kịch có thể dẫn đến tử vong.

Triệu chứng phát hiện: Ngay sau khi bệnh nhân tiếp xúc với thuốc điều trị, vắc-xin phòng bệnh, một dị nguyên nào đó hoặc cũng có thể với thời gian chậm hơn sẽ xuất hiện cảm giác và dấu hiệu khác thường như bồn chồn, hốt hoảng, sợ hãi... Tiếp theo đó là sự xuất hiện triệu chứng ở một hoặc nhiều cơ quan khác như: Nổi mẩn ngứa, nổi ban đỏ, nổi mề đay, phù Quincke... Mạch nhanh, nhỏ, khó bắt, huyết áp tụt thấp, có khi không đo được huyết áp. Khó thở kiểu hen phế quản, co thắt thanh quản, nghẹt thở. Đau quặn bụng, đại tiện, tiểu tiện không tự chủ. Đau đầu, chóng mặt, đôi khi bị hôn mê. Choáng váng, vật vã, dẫy dụa, co giật... Khi phát hiện được triệu chứng nguy kịch của sốc phản vệ, cần khẩn trương xử trí cấp cứu kịp thời để ngăn ngừa hậu quả tử vong đáng tiếc xảy ra.

Xử trí cấp cứu điều trị: Sốc phản vệ xảy ra phải được xử trí cấp cứu ngay tại chỗ, sau đó tùy theo điều kiện trang thiết bị y tế và trình độ chuyên môn kỹ thuật của nhân viên y tế từng tuyến để tiếp tục thực hiện những biện pháp khác nhằm kịp thời khắc phục tình trạng nguy kịch, hạn chế tử vong.

 
Luôn có sẵn phương tiện và thuốc chống sốc để xử trí can thiệp khi cần thiết (ảnh minh họa)

Xử trí tại chỗ bằng cách cho bệnh nhân ngừng ngay đường tiếp xúc với các dị nguyên như thuốc hoặc vắc-xin đang dùng để tiêm, uống, bôi, nhỏ mắt, nhỏ mũi... Để bệnh nhân nằm yên tại chỗ, không vận chuyển. Dùng thuốc adrenaline dung dịch 1/1.000 là thuốc cơ bản để chống sốc phản vệ, dạng ống 1 ml tương ứng 1 mg, tiêm dưới da ngay sau khi xuất hiện sốc phản vệ với liều lượng: Người lớn tiêm từ 1/2 đến 1 ống. Trẻ em tiêm không quá 0,3 ml bằng cách dùng ống 1 ml tương ứng 1 mg pha với 9 ml nước cất để có dung dịch 10 ml, sau đó tiêm 0,1 ml/ kg cân nặng. Ngoài ra, cả người lớn và trẻ em có thể sử dụng adrenaline với liều lượng chung 0,01 mg/ kg cân nặng cơ thể. Cần lưu ý tiếp tục tiêm thuốc adrenaline với liều lượng như trên cứ mỗi 10 đến 15 phút một lần cho đến khi huyết áp trở lại bình thường. Bệnh nhân được ủ ấm, đặt vị trí đầu thấp, chân cao; theo dõi huyết áp mỗi 10 đến 15 phút một lần; có thể cho người bệnh nằm nghiêng nếu có nôn. Gặp trường hợp bệnh nhân bị sốc phản vệ quá nặng đe dọa tử vong, ngoài thuốc adrenaline dùng đường tiêm dưới da, có thể tiêm adrenaline dung dịch 1/1.000 pha loãng 1/10 qua đường tĩnh mạch, bơm qua ống nội khí quản hoặc tiêm qua màng nhẫn giáp ở cổ.

Ở những cơ sở y tế tại các tuyến có điều kiện trang thiết bị kỹ thuật và nhân viên y tế có trình độ chuyên môn, có thể thực hiện các biện pháp hỗ trợ can thiệp như: Xử trí suy hô hấp được thực hiện tùy theo tuyến và mức độ khó thở của bệnh nhân với phương thức cho thở oxy mũi, thổi ngạt, bóp bóng có oxy, đặt ống nội khí quản, thông khí nhân tạo, mở khí quản nếu có phù thanh môn; truyền tĩnh mạch chậm thuốc aminophyllinevới liều lượng 1 mg/ kg cân nặng mỗi giờ hoặc thuốc terbutaline với liều lượng 0,2 microgam/ kg cân nặng mỗi phút; có thể dùng thuốc terbutaline 0,5 mg tiêm 1 ống dưới da ở người lớn và 0,2 ml/ 10 kg cân nặng ở trẻ em, tiêm nhắc lại sau 6-8 giờ nếu tình trạng khó thở không giảm; ngoài ra cũng có thể dùng thuốc terbutaline, salbutamol bơm xịt họng với liều lượng mỗi lần từ 4-5 nhát bóp, sử dụng 4-5 lần trong ngày. Cần thiết lập một đường truyền tĩnh mạch bằng thuốc adrenaline để duy trì huyết áp bắt đầu bằng 0,1 microgam/ kg cân nặng trong mỗi phút; điều chỉnh tốc độ theo huyết áp với liều lượng khoảng 2 mg adrenaline mỗi giờ cho người lớn có cân nặng 55 kg. Điều trị thêm các thuốc khác gồm: methylprednisolone 1-2 mg/ kg cân nặng mỗi 4 giờ hoặc hydrocortisone hemisuccinate 5 mg/ kg cân nặng mỗi giờ, tiêm bằng đường tĩnh mạch hay tiêm bắp nếu ở tuyến cơ sở, có thể dùng liều cao hơn gấp 2-5 lần nếu bệnh nhân bị sốc nặng; truyền tĩnh mạch dung dịch natri clorua 0,9% từ 1-2 lít ở người lớn và không quá 20 ml/ kg cân nặng ở trẻ em; dùng thuốc diphenhydramine 1-2 mg tiêm bắp thịt hay tĩnh mạch. Ngoài ra điều trị phối hợp bằng cách cho bệnh nhân uống than hoạt 1g/ kg cân nặng nếu uống thuốc gây dị ứng và bị sốc phản vệ qua đường tiêu hóa; băng ép chi phía trên chỗ tiêm hoặc đường vào của chất độc. Cần lưu ý phải theo dõi sát bệnh nhân ít nhất 24 giờ sau khi huyết áp đã ổn định. Khi sơ cấp cứu sốc phản vệ nên sử dụng đường tiêm ở tĩnh mạch đùi vì tĩnh mạch to nằm phía trong động mạch đùi rất dễ tìm. Nếu chỉ số huyết áp vẫn không được cải thiện tăng lên sau khi đã truyền đủ dung dịch và thuốc adrenaline, có thể truyền thêm huyết tương, albumine hoặc máu nếu thiếu máu hay bất kỳ một loại dung dịch cao phân tử nào sẵn có. Trong những trường hợp khẩn cấp, y tá điều dưỡng có thể sử dụng thuốc adrenaline tiêm dưới da theo phác đồ cấp cứu sốc phản vệ đã được tập huấn, hướng dẫn khi bác sĩ điều trị không có mặt tại chỗ để ra y lệnh. Một vấn đề cần được quan tâm là phải hỏi thật kỹ tiền sử dị ứng của bệnh nhân và chuẩn bị phương tiện, thuốc cấp cứu sốc phản vệ sẵn sàng trước khi sử dụng thuốc điều trị hay vắc-xin phòng bệnh để chủ động đối phó khi có tình huống không mong muốn xảy ra.

Lời khuyên của thầy thuốc

Nên nhớ rằng khi sử dụng bất kỳ một loại thuốc điều trị hay vắc-xin phòng bệnh nào, chúng đều có thể gây nên phản ứng dị ứng dẫn đến hậu quả tử vong do sốc phản vệ; đặc biệt là trên cơ địa của một số đối tượng quá mẩn cảm đối với dị nguyên. Vì vậy việc phòng ngừa sốc phản vệ bằng các biện pháp tối thiểu nêu trên là vấn đề cần thiết. Khi phải đối mặt với các trường hợp sốc phản vệ không mong muốn xảy ra, cần bình tĩnh phát hiện sớm triệu chứng và xử trí cấp cứu điều trị kịp thời, có hiệu quả để giúp bệnh nhân thoát khỏi tình trạng nguy kịch, hạn chế được tỷ lệ tử vong. 

 

Ngày 29/06/2015
TTƯT.BS. NGUYỄN VÕ HINH  

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích