Home TRANG CHỦ Thứ 3, ngày 23/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Finance & Retail Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Đảng
Công đoàn-Nữ công
Đoàn thanh niên
Thể thao-Văn nghệ
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 4 9 6 0 7 9
Số người đang truy cập
3 3 5
 Hoạt động Đảng & Đoàn thể Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Câu chuyện gặp Bác Hồ và việc sản xuất nước lọc Penicilline tại Việt Bắc của Cố Giáo sư Đặng Văn Ngữ

Nhân dịp kỷ niệm 100 ngày sinh và tưởng niệm 43 năm ngày mất của Liệt sĩ-Anh hùng lao động-Cố giáo sư Bác sĩ Đặng Văn Ngữ. Ban Biên tập xin giới thiệu bài viết của Bác sĩ Nguyễn Tràng Phi, nguyên là cán bộ của Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương, Thư ký của Cố Giáo sư Đặng Văn Ngữ ghi lại về câu chuyện gặp Bác Hồ và việc sản xuất nước lọc Penicilline tại Việt Bắc, góp phần trong việc cứu chữa nhiều thương bệnh binh trong cuộc kháng chiến cứu nước.

Nhân một chuyến lên Việt Bắc cùng Giáo sư Đặng Văn Ngữ theo dõi tình hình thực hiện công tác tiêu diệt sốt rét, Giáo sư đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện gặp Bác Hồ và việc sản xuất nước lọc Penicilline tại An toàn khu (ATK) Việt Bắc. Giáo sư Đặng Văn Ngữ kể:

“... Lên đến Việt Bắc, tôi gặp Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên, Cụ Hồ Đắc Di, Giám đốc Trường Đại học Y Dược khoa, Bác sĩ Tôn Thất Tùng, Thứ trưởng Bộ Y tế; là những người tôi đã biết từ trước tại Hà Nội. Tôi trình bày nguyên tắc làm Penicilline ở thể bột và hơi lo ngại vì thấy ở Việt Nam lúc ấy không có máy móc, dụng cụ để làm được bột Penicilline. Bác sĩ Tùng bảo: “Ở đây anh không có dụng cụ nhiều bằng ở Liên khu IV (cũ), nhưng anh được sự lãnh đạo và giúp đỡ của Chính phủ Trung ương, lại có tập thể chúng tôi giúp đỡ, nhất định anh sẽ đạt nhiều kết quả hơn ở Liên khu IV.

Sau hai ngày đường leo đèo, lội suối, cùng với Ông Nguyễn Văn Huyên và Bác sĩ Tôn Thất Tùng, chúng tôi bước lên một nhà sàn. Trong nhà đã có 14 đến 15 người ngồi xung quanh bếp lửa nói chuyện với nhau rất vui vẻ. Tôi được giới thiệu và biết rằng những người đang ngồi đây là các vị Bộ trưởng và Thứ trưởng trong Chính phủ. Một lúc sau thì Bác đến. Mọi người đều đứng dậy vui vẻ chào. Bác bắt tay mọi người. Khi đến phía tôi, Bác chỉ cái cà vạt của tôi, vừa cười vừa nói: “A! Chú Ngữ đã đến, không cần phải giới thiệu, nhìn cà vạt ở cổ thì biết ngay người mới ở ngoại quốc về”. Sau đó Bác bảo mọi người cùng ngồi, rồi mở cho xem một tập ảnh của Đoàn đại biểu đi Varsovie mới mang về tặng Bác. Bác giản dị và chân tình. Gặp Bác, tôi không thấy bối rối lo sợ, lúng túng như tôi tưởng tượng; trái lại, tôi có cảm tưởng thân mật như một người con đi xa về gặp cha vậy.

Sau bữa cơm trưa hôm đó, tôi lại được gặp riêng Bác, Bác bảo:

-Bộ đội ta cần rất nhiều thuốc đễ chữa vết thương, chú phải cố gắng giải quyết vấn đề thuốc. Nghe nói chú biết làm Penicilline. Chú có kế hoạch gì không?.

-Dạ có. Tôi rút trong túi ra một bản kế hoạch đã chuẩn bị sẵn với sự tham gia ý kiến của Bác sĩ Tùng và Bác sĩ Di. Trong kế hoạch có đề ra việc thành lập một Phòng nghiên cứu Trung ương. Phòng ấy sẽ chỉ huy một số Phòng nghiên cứu ở địa phương. Các phòng địa phương sẽ huấn luyện và cung cấp nhân viên làm nước lọc Penicilline cho các trạm phẫu thuật ở tiền tuyến.

Bác chăm chú nghe tôi trình bày. Nghe xong, Bác chỉ tay vào đoạn cuối cùng, phần huấn luyện của bản kế hoạch và bảo:

-Chú nên chú trọng về phần này, phần này phải làm trước. Chú phải huấn luyện cho nhiều y tá đi phục vụ ngay cho tiền tuyến. Các phòng thí nghiệm cũng cần thiết, nhưng chú sẽ có thì giờ làm sau, chú cần bao nhiều thời gian để huấn luyện một y tá có thể làm được Penicilline?”.

-Thưa Bác, chừng một tháng. Tôi trả lời.

-Thôi, cứ cho là 3 tháng, cho rộng rãi. Còn vật liệu, chú cần những gì?

-Thưa Bác, cần nhất là chai, lọ; nếu có thì chai bẹt càng tốt; nếu không tạm dùng chai tròn cũng được, nhưng phải có hàng nghìn chai mới sản xuất kịp.

Bác liền cho mời Đồng chí Hoàng Quốc Việt, Chủ tịch Tổng Công đoàn; Ông Nguyễn Văn Huyên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục; Ông Vũ Văn Cẩn, Cục trưởng Cục quân y và Ông Lê Văn Hiến, Bộ trưởng Bộ Tài chính tới. Bác nhắc các vị ấy giúp đỡ tôi để công tác chung có hiệu quả.

Giáo sư kể tiếp “... Trên đường về, tôi ôn lại những lời Bác dạy. Tôi hơi tiếc vì Bác dạy chưa nên tổ chức Phòng nghiên cứu Trung ương vội, chỉ đào tạo cán bộ làm nước lọc Penicilline. Tôi tự nghĩ nếu có nghiên cứu mới thích thú, mới phát hiện được cái mới, chứ đào tạo cán bộ làm nước lọc Penicilline thì dễ quá. Nhưng tôi lại nghĩ lại, nếu tôi muốn nghiên cứu cao xa thì ở lại ngay Nhật Bản mà nghiên cứu, chứ đã về với kháng chiến thì tất nhiên phải góp phần vào kháng chiến, đưa sự hiểu biết của mình ra phục vụ cho bộ đội, cho nhân dân. Tôi lại kiểm điểm lại công việc tôi đã làm ở Liên khu IV, kiểm điểm lại chủ trương làm Penicilline bột với điều kiện kháng chiến khó khăn, phức tạp; nhưng không thực sự phục vụ trước mắt. Nếu có làm ra bột Penicilline, số lượng sản xuất trong một tháng có thể không đủ để chữa bệnh cho một người; vả lại Penicilline bột làm trong điều kiện kháng chiến chỉ là Penicilline vàng, nếu không có tủ lạnh thì không giữ được lâu. Như vậy sản xuất Penicilline ấy chẳng có ích lợi gì cho kháng chiến.

Tôi thấy rõ tôi mới ở ngoại quốc về mà được Bác giao cho nhiệm vụ như thế, thực tế hợp với khả năng của tôi và cũng là một vinh dự vô cùng to lớn. Bắt tay vào việc, mới thấy rằng không phải nghiên cứu gì cao xa, chỉ nghiên cứu làm được nước lọc Penicilline với điều kiện kháng chiến cũng là một vấn đề rất khó khăn, phức tạp. Về đến nhà, mở gói nấm để làm Penicilline ra xem lại thì thấy nấm không còn công hiệu nữa, những nấm khác ở ngoài đã lẫn lộn vào. Thật là một sự bất ngờ và rất đau đớn cho tôi. Trước khi đi tôi đã chú ý để giống nấm và phòng sạch sẽ nhất ở Việt Bắc, là phòng mổ của Anh Tùng, thế mà vẫn bị tạp nấm rơi vào. Có người bảo ở Việt Nam nhiều tạp nấm lắm, nên không nghiên cứu về nấm được. Ngay ở Viện Pasteur có đủ phương tiện như vậy, bọn Pháp cũng không đặt vấn đề nghiên cứu nấm được, huống là ở Việt Bắc. Nhưng tôi đã hứa với Bác, đã có sự giúp đỡ của Chính phủ, và tôi tin tưởng ở sự tận tâm góp sức của các anh em đang làm việc với tôi lúc ấy. Chính vì vậy tôi đã quyết tâm loại cho kỳ được tạp nấm đã lẫn vào ống nấm Penicilline.

Giọng Giáo sư trầm hẳn xuống: “Ôn lại quãng đời của tôi, tôi chưa có khi nào lo lắng, và chưa có khi nào tôi thấy một cách rõ rệt trách nhiệm của tôi đối với công tác nghiên cứu bằng lúc này. Hồ Chủ tịch và Chính phủ đang hàng ngày, hàng giờ mong đợi kết quả của tôi, hàng nghìn thương binh, bệnh binh đang chờ nước lọc Penicilline”.

Giáo sư xót xa: “Ngày ngày tôi cấy hàng trăm cái nấm lấy ở ống giống ra để thử với vi trùng, nhưng ngày nào cũng như ngày nào, vi trùng đều mọc quanh cái nấm; chứng tỏ rằng nấm không còn tác dụng chống vi trùng nữa. Ròng rã suốt ba tuần lễ, tối nào trước khi đi ngủ cũng đầy hy vọng, mong chóng sáng để đọc kết quả thử nấm. Nhưng đến sáng lấy nấm ở tủ ấm ra xem thì lại thất vọng. Ở Nhật Bản, tôi đã bao nhiêu lần làm tinh khiết nấm và còn tinh khiết những nấm khó hơn nhưng không bao giờ bị thất bại cả; tôi nghĩ vẫn không thấy vì sao về Việt Nam lại thất bại. Các nấm mà tôi đã mất bao nhiêu công trình đưa từ Nhật Bản về đến Bangkok rồi đưa lên Việt Bắc, các nấm ấy bây giờ không còn giá trị nữa chăng? Bao nhiêu hy vọng phục vụ bộ đội được xây dựng trên ống nghiệm này sẽ tiêu tan cả chăng? Đã nhiều lần, tôi sắp viết thư lên báo cáo với Bác Hồ là nấm đã hỏng và chịu tội với Bác. Nhưng tôi nghĩ không thể làm như thế được. Tôi đã hứa với Bác, với các vị Bộ trưởng; nhất định tôi phải làm kỳ được.

Đêm đến, vấn đề nấm đeo đuổi tôi mãi không ngủ được. Một hôm tôi ngủ dậy vào lúc 3 giờ sáng, lấy nấm ra xem ... Lúc này, gương mặt Giáo sư như bừng sáng. Giáo sư kể tiếp: “Tôi mừng đến trào nước mắt khi thấy tất cả các con nấm đều có công hiệu, vi trùng không con nào mọc được gần nấm cả. Bấy giờ tôi mới hiểu ra lý do thất bại của mình. Vì tủ ấm của tôi chỉ là một cái thùng sắt có đốt ngọn đèn dầu nhiệt độ không đủ, nấm lại bị lẫn với tạp nấm khác nên chỉ tác dụng trên vi trùng trong một thời gian ngắn, đến sau vi trùng mọc mạnh dần thì nấm không còn chống lại được nữa. Như thế là nấm chưa hoàn toàn mất, và lúc ấy tôi nắm được quy luật tác dụng của nấm trên vi trùng trong điều kiện tủ ấm của tôi. Nhất định thế nào cũng loại được tạp nấm ra, tôi theo dõi nấm mọc hàng giờ trong một đêm, một ngày. Sau một tuần lễ, tôi đã được nấm tốt trở lại, mạnh như cũ.

Xong giống nấm thì tôi nhận được 20 anh em y tá ở Quân y Cục gửi sang học làm nước lọc Penicilline. Cùng đi theo để học và để giúp đỡ các anh em y tá học tập có hai anh em sinh viên dược khoa là anh Tiến và anh Thiều. Tất cả đều chưa biết một tí gì về kỹ thuật nuôi cấy vi trùng và nấm. Nhưng tất cả đều có một lòng hăng hái vô cùng mãnh liệt. Sau một tuần lễ, anh em đã nắm được kỹ thuật căn bản và tôi đã chuyển dần anh em vào công tác nghiên cứu. Vấn đề nghiên cứu lúc bấy giờ là tìm một thứ nước để nuôi nấm. Nấm nuôi ở nước ấy phải nhả nhiều Penicilline và nước nuôi nấm ấy phải là một thứ nước dễ làm, để các anh em y tá có khả năng làm được và phải dùng nguyên liệc sẵn có trong nước.

Sau khi tìm ra được một thứ nước nuôi nấm rất tốt và rất rẻ tiền là nước thân ngô. Nguyên liệu dùng là thân ngô, sau khi đã bẻ bắp và trẩy hết lá. Nguyên liệu ấy ở đâu cũng tìm thấy và hoàn toàn không mất tiền mua. Những khó khăn về kỹ thuật đã được giải quyết xong. Nhưng còn một vấn đề cần bàn, cần giải quyết nữa mới thực hiện được chương trình; đó là vấn đề chai, lọ. Theo chỉ thị của Bác, Tổng Liên đoàn lao động tích cực giúp đỡ vấn đề này, các xưởng thủy tinh đều cố gắng thổi nhiều chai bẹt để sản xuất Penicilline. Tôi đã gửi mẫu chai bẹt đi nhiều nơi. Sau ba tháng, nơi nào cũng có báo cáo là chưa làm được. Các xưởng thủy tinh đang vấp phải một khó khăn về khuôn để thổi chai. Khuôn thổi chai là một cái khuôn gồm hai mảnh bằng gang. Các xưởng đã thử rất nhiều khuôn nhưng không có gang tốt nên chỉ thổi vài lần là khuôn lại vỡ.

Chiến dịch Biên giới 1950 đã đến mà vẫn chưa có một chai bẹt nào cả. Tất cả các anh em đã học xong, chỉ còn có chai bẹt nữa là có thể ra phục vụ ngay được. Một ngày chậm là hàng trăm thương binh không có thuốc. Tôi họp anh em y tá lại và đưa vấn đề ra bàn. Tôi nói: “Anh em công nhân ở xưởng thủy tinh đã cố gắng nhiều mà chưa làm được chai bẹt, nếu ta giải thích cho anh em biết công dụng của chai bẹt trong việc sản xuất Penicilline, nhất định anh em sẽ phát huy sáng kiến và giải quyết được vấn đề”. Tôi cử một anh xuống xưởng thủy tinh của Cục Quân y trực tiếp trình bày vấn đề cho anh em công nhân. Quả nhiên sau khi thảo luận sôi nổi, anh em công nhân xưởng thủy tinh đã có sáng kiến xếp gạch thành khuôn và thổi được chai.

Suốt ba ngày Tết Nguyên đán, anh em thổi chai không nghỉ, và đến mùng 8 Tết, anh em thổi được 800 chai mới. Đây là một bài học mà tôi luôn luôn nhớ, nêu rõ khả năng vô tận của giai cấp công nhân. Các anh em đã thực hiện khâu cuối cùng trong công tác làm nước lọc Penicilline, một khâu mà tôi không làm được vì tôi phải ở xa và rất xa tiền tuyến để huấn luyện cán bộ và nghiên cứu thêm để cải tiến phương pháp. Nước lọc Penicilline được đưa ra phục vụ cho thương binh một cách rộng rãi với những kết quả tốt đẹp là nhờ Cục Quân y đã giúp đỡ nhiều để tổ chức các trạm sản xuất được nước lọc Penicilline, nhờ các đồng nghiệp ở các Phân Viện trong khi dùng nước lọc Penicilline đã tận tình theo dõi thương bệnh binh, nhận xét tỷ mỷ kết quả của nước lọc Penicilline trên các loại vết thương. Nhưng căn bản là nhờ sự tận tâm phục vụ của anh em y tá phụ trách sản xuất nước lọc Penicilline. Có anh đã có sáng kiến viết những tài liệu nhỏ để phổ biến công hiệu và cách sử dụng nước lọc Penicilline để phối hợp với các y sĩ đem ra phổ biến cho đơn vị, có anh đã đào tạo ngay tại chỗ cho anh em y tá khác để nhân thêm nhiều những trạm sản xuất nước lọc Penicilline.

Nước lọc Penicilline đã đem lại những kết quả rất tốt đẹp, giúp ta giải quyết khó khăn về khan hiếm thuốc trong lúc biên giới chưa mở rộng và trong lúc địch tăng cường bao vây ta, đặc biệt bao vây về phương diện thuốc men. Có bác sĩ quân y đã tuyến bố: “Lần này chúng tôi không lo sợ về số thương binh đưa về nhiều, vì chúng tôi đã có nước lọc Penicilline thừa dùng để chữa cho thương binh”. Các Bác sĩ Đỗ Xuân Hợp, Hữu Chánh nhận thấy nước lọc Penicilline so với Sulfamide thì công hiệu hơn hẳn. Trong Chiến dịch Lý Thường Kiệt ở Nghĩa Lộ và Yên Bái, báo cáo của xưởng XFI cho rằng 80% thương binh đã trở về đơn vị sau khi dùng nước lọc Penicilline. Những vết thương trước phải điều trị lâu, ngày nay thời gian điều trị rút ngắn hơn. Có nhiều trường hợp so với trước thì rất dễ phải cưa tay, cưa chân; nhưng dùng nước lọc Penicilline không những vết thương lành liền mà còn làm cho thương bệnh binh chóng khỏi ...

Mới đó mà đã 43 năm (1/4/1967 – 1/4/2010), kể từ ngày Cố Giáo sư Bác sĩ Đặng Văn Ngữ cùng một số anh chị em đồng nghiệp đã khác hy sinh trên chiến trường Thừa Thiên Huế tại chiến khu Hòa Mỹ, nay thuộc xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền khi đang ôm ấp hoài bão nghiên cứu vaccine chống sốt rét. Giáo sư đã ra đi nhưng sự nghiệp của Giáo sư vẫn còn sống mãi trong chúng ta, những người đang kế tục xuất sắc sự nghiệp phòng chống sốt rét hiện nay.

 

Ngày 29/04/2010
Nguyễn Võ Hinh (sưu tầm)  

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích