Home TRANG CHỦ Thứ 3, ngày 19/03/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Finance & Retail Thầy thuốc và Danh nhân
Việt Nam
Thế giới
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 1 9 9 1 9 4
Số người đang truy cập
9 9 9
 Thầy thuốc và Danh nhân Thế giới
Những vấn đề xoay quanh giải Nobel Y học năm 2015 về lĩnh vực chống bệnh ký sinh trùng

Youyou Tu- Sau giải thưởng Nobel là thị phi. Giải Nobel Y học 2015: Những phát minh y học cứu sống hàng tỷ người trên thế giới.Giải Nobel y sinh học 2015: Ý nghĩa về bệnh nhiễm và y học cổ truyền.Nobel Y học 2015 dành cho những khám phá về bệnh ký sinh trùng.Giải thưởng Nobel Prize Y tế 2015 cho nghiên cứu thuốc kháng ký sinh trùng.Bạn có biết: 207 người đoạt giải Nobel Y học 

Youyou Tu- Sau giải thưởng Nobel là thị phi

You You Tu là một nhà nghiên cứu y học và y hóa Trung Quốc. Bà được biết tới nhiều nhất qua công trình chiết xuất thanh hao tố từ cây thanh hao hoa vàng phục vụ việc chữa trị sốt rét.
 

Sinh ngày 30 tháng 12 năm 1930 (tuổi 84), Ninh Ba, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa

Giáo dục: Peking University Health Science Center với những Giải thưởng nghiên cứu Y học lâm sàng Lasker-DeBakey, Giải Nobel Sinh lý học và Y khoa

Việc nữ giáo sư Trung Quốc Youyou Tu , 85 tuổi, đoạt giải Nobel y học năm nay đã được báo chí thế giới khai thác khá nhiều, tuy nhiên cuộc đời bà có những “góc khuất” mà ít người được biết tới. Giáo sư Youyou Tu , 85 tuổi, đoạt giải Nobel y học năm nay.

Nhà khoa học “3 không”

Việc bà Youyou Tulà “Nhà khoa học 3 không” đầu tiên đoạt giải Nobel (Không có học vị Tiến sĩ, không trải qua học hành hay làm việc ở nước ngoài, không phải là Viện sĩ 2 Viện Khoa học và Viện Y học) cũng gây nên những ý kiến gièm pha, thậm chí chế giễu về thể chế tổ chức cũng như cơ chế bầu Viện sĩ ở Trung Quốc quá chú trọng đến những vấn đề ngoài học thuật, đòi phải sớm cải cách để những người có thực tài được tôn trọng, trọng dụng…
  

Youyou Tuđã 4 lần được đề cử để bầu chọn viện sĩ nhưng đều không trúng (không được quá bán số phiếu). Hồi năm 1978, bà đã dự Đại hội Khoa học toàn quốc, được trao Giải thưởng KHKT toàn quốc, năm 1979 được nhận Giải thưởng phát minh quốc gia hạng Hai, được công nhận là Nhà khoa học Trung y hàng đầu Trung Quốc.

Trong khi đó, giới khoa học nước ngoài lại đánh giá rất cao Youyou Tuvà thành tựu của bà: Năm 1987 bà được trao Giải thưởng khoa học thế giới Albert Einstein, năm 2003 được trao giải Y học Hoàng gia Thái Lan, năm 2011 nhận Giải Y học lâm sàng Lasker, năm 2015 được giải của Viện Y học của Đại học Havard. Nhưng ở Trung Quốc, một số học giả cho rằng danh tiếng của bà không cao, thành quả nghiên cứu của bà chỉ là “Hoa nở trong tường, hương tỏa ra ngoài” mà thôi.

Từ nhỏ, do nhà nghèo đông con, bà sống với gia đình người cậu Diêu Khánh Tam. Đầu năm 1948 bà vào học trường trung học Hiệu Thực, năm 1950 chuyển sang trường trung học Ninh Ba; năm 1951 thi vào khoa Dược Học viện Y khoa thuộc Đại học Bắc Kinh. Năm 1955 tốt nghiệp, học thêm 2 năm chuyên ngành Đông y rồi về công tác liên tục ở Viện nghiên cứu Đông y Trung Quốc, lần lượt trở thành giáo viên hướng dẫn nghiên cứu sinh Thạc sĩ, giáo viên hướng dẫn nghiên cứu sinh Tiến sĩ. Hiện bà là nhà khoa học hàng đầu của Viện.

Tháng 01.1969, Youyou Tuđược cử làm Tổ trưởng Tổ nghiên cứu Công trình 523 (khở i xướng ngày 23/5/1967) của Viện nghiên cứu Trung dược Bắc Kinh do Thủ tướng Chu Ân Lai lập ra. Bà và các đồng nghiệp đã dày công nghiên cứu, cuối cùng vào năm 1972 đã chiết xuất được Thanh hao tố (Artemisinin) dùng để chữa bệnh sốt rét từ cây Thanh Hao hoa vàng. Trong thời gian thực thi Công trình 523, mặc dù con gái còn rất nhỏ, Youyou Tuđã phải rời xa gia đình về Hà Nam để nghiên cứu, chồng thì bị đưa đi lao động cải tạo tại “Trường lao động 7/5”. Để đạt được thành tựu khoa học quan trọng này bà đã phải trả giá không nhỏ cả về sức khỏe lẫn tinh thần… 

Chồng bà, ông Lý Đình Chiêu là bạn cùng học thời trường trung học Hiệu Thực, từng du học Liên Xô cũ, hiện công tác ở Viện nghiên cứu gang thép Bắc Kinh, từng được bình là Kỹ sư cao cấp cấp Giáo sư. Ông bà có 2 con gái, người con đầu hiện làm việc tại Đại học Cambridge (Anh), người thứ hai sống ở Bắc Kinh.

Những tranh cãi về việc Youyou Tuđược trao giải


Giáo sư Youyou Tuthời trẻ và đồng sự trong phòng nghiên cứu

Sau khi công bố tin Youyou Tuđoạt giải Nobel, trong giới khoa học và dư luận Trung Quốc đã xuất hiện những ý kiến trái chiều, thậm chí tranh luận về việc này. Có ý kiến cho rằng đây là thành tựu của tập thể, của cả ngành đông y Trung Quốc chứ không phải của riêng Youyou Tu .

Được biết, Công trình 523 được thực thi theo kiểu “chiến thuật biển người” trong Cách mạng Văn hóa, huy động hơn 500 nhân viên nghiên cứu của mấy chục đơn vị, trong 5 năm chọn ra hơn 40 ngàn loại dược thảo và hóa chất để tìm kiếm thuốc trị sốt rét, cuối cùng 3 nhóm tìm ra được Artemisinin: Nhóm Bắc Kinh của bà Youyou Tutìm ra cuối năm 1972, nhóm Vân Nam tìm ra tháng 3/1973, nhóm Sơn Đông tìm ra tháng 12/1973. Năm 1974 giám định thì cả 3 loại mà 3 nhóm tìm ra đều là Artemisinin, nhưng nhóm của Youyou Tutìm ra sớm nhất.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng đây là thành tựu, cống hiến, vinh dự chung của ngành nghiên cứu Trung y (Đông y). Ông Lý Liên Đạt, nghiên cứu viên hàng đầu của Viện khoa học Trung Quốc bày tỏ: “Ai phát hiện ra Artemisinin đầu tiên từng gây nên tranh luận, nhưng phương thức dùng Ethanol chiết xuất của Youyou Tuđược coi là then chốt lúc bấy giờ. Do nó luôn được cho là thành quả khó có thể quy thuộc về ai, lại thêm Trung Quốc không chú trọng việc khẳng định cống hiến cá nhân nên suốt 40 năm qua cống hiến của Youyou Tukhông được công nhận ở Đại lục Trung Quốc”.

Tại lễ công bố giải thưởng, khi trả lời các nhà báo, giáo sư người Thụy Điển Hans Forssberg, đại diện Ủy ban giải thưởng đã nói rõ: “Chúng tôi không trao giải cho y học truyền thống của Trung Quốc mà trao cho cá nhân có sáng tạo đột phá trong lĩnh vực này, bởi loại thuốc này đã cứu sống sinh mạng nhiều triệu người”.
 

Ông Phương Chu Tử, nhà văn chuyên viết về lĩnh vực khoa học hàng đầu Trung Quốc đã công khai bày tỏ ý kiến phản đối khi trả lời phỏng vấn trên Đài truyền hình Phượng Hoàng của Hồng Kông được phát rộng rãi trên toàn Trung Quốc. Ông Phương nói: “Trong quá trình phát biểu về thành quả nghiên cứu, Youyou Tuluôn đề cao bản thân, hạ thấp người khác, coi thường cống hiến của các đồng nghiệp”. Ý kiến của Phương Chu Tử được một số người tán đồng, song cũng nhận được nhiều ý kiến phản bác, phê phán gay gắt trên mạng xã hội Weibo, như: “Càng vô tri càng nói bừa!”, “Phương Chu Tử chỉ giỏi gây chuyện”…
 

Ăn theo bà Youyou Tu

Mạng bán hàng trực tuyến Taobao của Trung Quốc xưa nay có tiếng là “thượng vàng hạ cám, thứ gì cũng bán”, sau khi hay tin bà Youyou Tuđược giải Nobel nhờ chiết xuất ra Artemisinin đã không bỏ qua cơ hội kiếm tiền. Tuần qua, họ đã tung ra hai sản phẩm ăn theo. Thứ nhất là món “Bánh nhà nông Thanh Hao tố đoạt giải Nobel lá Ngải có chứa Artemisinin” với giá 3 tệ/chiếc (10 ngàn VNĐ). Tuy nhiên các chuyên gia y dược khẳng định, trong lá Ngải không chứa Artemisinin, nó chỉ có trong cây Thanh Hao hoa vàng mà thôi.

Một hãng xuất bản nhân chuyện tên bà Youyou Tucó nguồn gốc từ thi phẩm “Lộc Minh” trong Kinh Thi nên thừa cơ rêu rao: Thanh Hao cũng xuất hiện trong Kinh Thi, Kinh Thi có thể dự đoán kết quả giải Nobel, nên tung ra quảng cáo “Muốn đặt tên tốt, hãy tra Kinh Thi” để bán ấn phẩm về đề tài này trên trang mạng Taobao với giá 680 tệ/cuốn ( tương đương 2.380.000VNĐ).
 

Giải Nobel Y học 2015: Những phát minh y học cứu sống hàng tỷ người trên thế giới

Các giải thưởng Nobel Y học năm 2015 cần phải được coi như một lời kêu gọi hành động để tài trợ bền vững và ưu tiên cho nghiên cứu và phát triển các dự án giúp đỡ các bệnh nhân bị bỏ quên ở các nước đang phát triển

Ngày 05.10, Hội đồng giải thưởng Nobel thông báo 3 nhà khoa học gồm William Campbell người gốc Ireland, Satoshi Omura người Nhật Bản và Youyou Tu người Trung Quốc đã giành giảiNobel Y học 2015 với các công trình nghiên cứu trong điều trị các bệnh do ký sinh trùng gây ra. Theo tờ Le Monde, việc phát hiện ra loại thuốc mới - Avermectin - chống ký sinh trùng gây bệnh giun chỉ (hay còn gọi là bệnh mù sông) và gây bệnh phù chân voi (còn gọi là giun chỉ bạch huyết)và bệnh sốt rét đã giúp hàng tỷ người dân ở hơn 70 quốc gia trên thế giới tránh khỏi cái chết và những biến chứng đáng sợ.
 

Được bán trên thị trường dưới tên Mectizan, Avermectin chủ yếu dùng để điều trị bệnh giun chỉ bạch huyết. Lây truyền qua vật chủ muỗi, loại giun chỉ này có hình dạng giống như những con trai. Khi vào cơ thể người chúng phát triển nhanh chóng gây nhiễm trùng mạn tính làm biến đổi các hạch bạch huyết, có thể dẫn đến tình trạng sưng và dày lên của các mô, đặc biệt là ở các chi và cơ quan sinh dục. Ngoài ra, Avermectin cũng còn được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm giun sán và các ấu trùng lây nhiễm từ lươn, ốc và một số loại động vật khác.

Trong khi đó, thuốc Artemisinin được coi loại thuốc chủ yếu điều trị bệnh sốt rét. Với việc phát hiện ra loại thuốc mới này, hàng chục triệu người ở các nước đang phát triển đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần sau khi mắc bệnh. "Artemisinin và Avermectincó ý nghĩa rất lớn bởi vì các loại thuốc này đã thay đổi tiến trình điều trị bệnh trong những thập kỷ gần đây”. Tiến sĩ Bernard Pécoul, Giám đốc điều hành Trung tâm phòng chống Dịch bệnh của Tổ chức Thầy thuốc Không Biên giới cho biết. “Những loại thuốc này đã cứu sống hàng triệu tính mạng người bệnh ở các nước đang phát triển”, Tiến sỹ Manica Balasegaram, Giám đốc Điều hành Chương trình Dược phẩm của Tổ chức Thầy thuốc Không Biên giới nhấn mạnh. “Đến thời điểm này, những loại thuốc trên vẫn đang phát huy hiệu quả dù vẫn còn có những lo ngại ký sinh trùng Sốt rét đang kháng thuốc Artemisinin. Chúng ta cần phải đẩy mạnh hơn cuộc chiến phòng chống những căn bệnh nhiệt đới”.
 

Hai nhà khoa học người Irelan Campbell, 85 tuổi và Omura, 80 tuổi người Nhật Bản được vinh danh với việc phát hiện ra thuốc Avermectin và sẽ cùng nhau nhận chung một nửa giải thưởng Nobel năm nay.nhà khoa học Campbell đang làm việc tại Đại học Drew University,bang New Jersey. Ông cho biết từ năm 1975 cho đến nay, ông đã dành thời gian nghiên cứu phát triển các loại thuốc mới điều trị bệnh. “Giải thưởng là một nỗ lực tuyệt vời đối với chúng tôi và cũng là một sự ngạc nhiên bất ngờ”.
   
 Nhà khoa học người Irelan Campbell. Nhà khoa học Nhật bản Omura Giáo sư Tu Youyou, Người Trung Quốc

Nhà khoa học Omura, năm nay 80 tuổi, là Giáo sư trường Đại học Kitasato University cho biết "Tôi đã học được rất nhiều từ các vi sinh vật và tôi phải cám ơn chúng cũng như giành các giải thưởng cho chúng" nhà khoa học Omura nói với đài truyền hình NHK của Nhật Bản. Ngay sau khi Hội đồng Giải thưởng Nobel công bố giải thưởng Y học 2015, Thủ tướng Shinzo Abe đã gọi điện chúc mừng ông và cho rằng đây là niềm vui đối với đất nước Nhật bản.
 

Đối với Trung Quốc, đây là lần đầu tiên nước này có một nhà khoa học nữ được trao giải Nobel Y học., người đã dành toàn bộ cuộc đời của mình làm việc tại Học viện Y học cổ truyền Trung Quốc, đã sàng lọc ra Artemisinin, một chiết xuất được chọn lựa từ 2.000 cây thuốc đông y để chống lại bệnh sốt rét ở động vật. Trong bối cảnh việc xoá bỏ các căn bệnh nhiễm trùng trở nên xa vời những năm 60 của thế kỷ trước, sự ra đời của Artemisinin năm 1972 điều trị sốt rét, chính là một phát minh quan trọng cho dù còn khá nhiều tranh cãi về loại thuốc này ở thời điểm đó. “Từ rất nhiều loại cây thuốc cổ truyền có tác dụng chống bệnh sốt rét ở động vật, việc phát hiện ra Artemisinin có ý nghĩa vô cùng quan trọng”. Hội đồng trao giải Nobel Hòa bình năm 2015 nhận xét.
 

"Các nghiên cứu hiện nay chủ yếu nhằm vào việc cung cấp các sản phẩm thuốc giá cho thị trường chứ không cung cấp các phương pháp điều trị trực tiếp cho người bệnh. Vì vậy, các giải thưởng Nobel Y học năm 2015 cần phải được coi như một lời kêu gọi hành động để tài trợ bền vững và ưu tiên cho nghiên cứu và phát triển các dự án giúp đỡ các bệnh nhân bị bỏ quên ở các nước đang phát triển ", Tiến sĩ Manica Balasegaram nhấn mạnh.

Giải Nobel y sinh học 2015: Ý nghĩa về bệnh nhiễm và y học cổ truyền

Giải Nobel y sinh học năm nay là một minh chứng và ghi nhận sự hữu ích của y học cổ truyền, và một lời nhắc nhở về mối đe doạ của bệnh do kí sinh trùng gây ra. Trong một thời gian dài, những người trong Hội đồng giải Nobel ở Karolinska đã đi ra ngoài tôn chỉ của ông Nobel qua việc trao giải thưởng này cho nhiều công trình chẳng đem lại lợi ích gì cho bệnh nhân và cộng đồng. Nhưng năm nay thì khác, họ trao giải cho 2 công trình liên quan đến bệnh do kí sinh trùng gây ra: bệnh giun chỉ và sốt rét (1). Tôi gọi đây là bước đầu trong hành trình về lại với lí tưởng của giải Nobel y sinh học.

Lý tưởng của giải Nobel y sinh học, theo di chúc của ông Alfred Nobel, là trao giải thưởng cho những ai đem lại lợi ích lớn nhất cho nhân loại. Nhìn qua các công trình khoa học được trao giải này cũng có thể cho ra một một khái niệm về quá trình tiến bộ của y học theo khuynh hướng mà tôi vừa nêu trên.

Từ những nghiên cứu có tính lâm sàng tương đối “sơ sài” (so với trình độ kĩ thuật ngày nay), nghiên cứu y khoa đã tiến sâu vào lĩnh vực cơ bản nhất của con người như di truyền phân tử học và sinh học phân tử. Năm 1901, ông Emil Adolf von Behring (người Đức) đoạt giải này vì đã các công trình nghiên cứu và chữa trị bệnh bạch hầu. Năm 1902, giải thưởng được trao cho một nhà khoa học người Anh, ông Ronald Ross vì công trình nghiên cứu liên quan tới bệnh sốt rét. Những năm sau đó, các khoa học được tặng giải thưởng nhờ vào nghiên cứu liên quan tới bệnh lao (1905; Robert Koch, người Đức), sốt ban (typhus) (1928; Charles Nicolle, người Pháp); phân loại máu (1930; Karl Landsteiner, người Mĩ), bệnh truyền nhiễm (1945; Alexender Fleming, Mĩ; Ernst Boris Chain, Anh; Howard Walter Florey, Úc), sốt vàng (1951; Max Theiler, người Mỹ), chữa trị bệnh lao bằng thuốc streptomycin (1952; Salman Abraham Waksman, Mỹ).
 

Bắt đầu từ năm 1958, nghiên cứu về di truyền học đã được sự chú ý của Hàn lâm viện Thụy Điển qua việc trao giải thưởng cho ba nhà khoa học người Mĩ, George Wells Beadle, Edward Lawrie Tatum, và Joshua Lederberg, vì đã có công khám phá ra một qui luật quan trọng trong di truyền học vi khuẩn (genetic recombinant). Năm 1961, ba nhà khoa học Francis Harry Compton Crick (Anh), James Dewey Watson (Mĩ) và Maurice Hugh Frederick Wilkins (Anh) chiếm giải Nobel do khám phá nổi tiếng về cấu trúc DNA, làm tiền đề cho hàng triệu nghiên cứu và tiến bộ về sinh học y khoa sau này.


Chân dung ba nhà khoa học giành giải Nobel Y học 2015. Ảnh: Jonathan Nackstrand/AFP.

Kể từ đó, giải thưởng nghiên về các công trình mang bản chất sinh học phân tử và di truyền. Năm 1978, Hàn lâm viện Thụy Điển trao giải thưởng cho ba nhà khoa học Werner Arber (Thụy sĩ), Daniel Nathans (Mỹ) và Hamilton O. Smith (Mỹ) do đã có công khám phá ra các enzymes và những ứng dụng vào nghiên cứu di truyền học. Sự tiến bộ trong sinh học phân tử và di truyền học những năm gần đây phần lớn nhờ vào các kỹ thuật PCR (polymerase chain reaction) do hai nhà khoa học Mĩ (Kary Mullis) và Canada (Michael Smith) khám phá, và đã được trao giải thưởng Nobel về hóa học vào năm 1993. Kể từ năm 1999 cho đến nay thì giải này vẫn được trao tặng cho một công trình mang nặng tính chất sinh học phân tử, nhất là các công trình liên quan đến tế bào học. Nói tóm lại tính từ 1950s đến nay, giải Nobel y sinh học chỉ trao cho các công trình nghiên cứu cơ bản, chứ chưa có công trình nghiên cứu lâm sàng nào.

Mãi đến năm 2005, Hàn lâm viện Thụy Điển làm cho giới khoa học ngạc nhiên bằng cách trao giải thưởng cao quí này cho một công trình nghiên cứu liên quan đến bệnh viêm, một công trình mang tính nghiên cứu lâm sàng. Đây quả là một thể hiện “về nguồn”, về nguồn bệnh viêm. Đến năm nay (2015), họ quyết định trao giải cho hai công trình nghiên cứu liên quan đến hai bệnh do kí sinh trùng gây ra: đó là bện giun chỉ và sốt rét. Hai bệnh này hiện đang hoành hành hàng trăm triệu người trên thế giới, đặc biệt là các nước Phi châu, Nam Mĩ, và Đông Nam Á. Có lẽ qua giải thưởng này, Hàn lâm viện Thuỵ Điển muốn nhắc nhở chúng ta rằng thế giới vẫn còn đang phải đối phó với những bệnh truyền nhiễm, bệnh do kí sinh trùng gây ra.

Tôi thấy một điều hay của giải thưởng năm nay là cả 3 người được trao giải đều khá là khiêm tốn. Họ xuất thân từ những đại học không có tên tuổi như Đại học Drew (Gs William Campbell) hay Đại học Kitasato (Gs Satoshi Omura), hay từ một viện y học cổ truyền (bà Youyou Tu). Họ không phải là những tên tuổi sáng chói trên trường khoa học quốc tế, dù cả ba đều trên 80 tuổi. Họ không có những công trình trên những tập san “xa xỉ” như Nature, Cell, hay Science. Ngược lại, những công trình của họ xuất hiện trên những tập san khiêm tốn, thậm chí có người chẳng có bao nhiêu bài báo khoa học như bà Youyou Tu (Youyou Tu ) vì bà làm việc trong bí mật. Cũng cần nói thêm là bà Youyou Tu chẳng được Nhà nước Trung Quốc trao tặng bất cứ giải thưởng nào. Tất cả 3 nhà khoa học đều làm việc trong thầm lặng, nhưng đem lại lợi ích cho hàng trăm triệu người trên hành tinh này. Họ quả thật là những anh hùng thầm lặng.
 

Tôi nghĩ giải thưởng năm nay còn là một vinh danh cho y học cổ truyền. Công trình chiết xuất Artemisinin từ cây ngải của bà Youyou Tu chính là y học cổ truyền. Bà dựa vào y văn cổ của Trung Quốc để tìm dược thảo chữa trị bệnh sốt rét. Phát minh và bào chế Ivermectin (của hai giáo sư Omura và Campbel) cũng có thể xem là một phần của y học cổ truyền và một phần của khoa học hiện đại. Gs Omura phát hiện chất avermectincó khả năng diệt giun chỉ và sán từ một vi sinh vật sống trong đất ở một vùng biển thuộc thị trấn Kawana. Tôi chợt nghĩ nếu chúng ta tìm lại y văn cổ Việt Nam, chúng ta có thể khám phá ra nhiều điều hay và có ích. Với công nghệ sinh học ngày nay, đây là điều có thể - hoàn toàn có thể.

Có một điều nhiều người không nhận ra (hay không muốn nhận ra) là trên thế giới có đến 70-80% dân số dùng y học cổ truyền để điều trị bệnh. Một nền y học cổ truyền tồn tại qua hàng ngàn năm như thế ắt phải có nhiều điều hay để chúng ta, những nhà khoa học hiện đại, tìm hiểu và khám phá. Giải thưởng Nobel y sinh học năm nay là một minh chứng và ghi nhận sự hữu ích của y học cổ truyền, và một lời nhắc nhở về mối đe doạ của bệnh do kí sinh trùng gây ra.

Nobel Y học 2015 dành cho những khám phá về bệnh ký sinh trùng

Giải Nobel Y học 2015 vừa được trao tay cho ba nhà khoa học gồm William C. Campbell đến từ Ireland, Satoshi Omura đến từ Nhật Bản và Youyou Tu đến từ Trung Quốc vì những phát hiện liên quan đến liệu trình mới chữa trị bệnh sốt rét và bệnh do ký sinh trùng.
 

Hai nhà khoa học William C Campbell (Ireland) và Satoshi Ōmura (Nhật Bản) đã tìm thấy một phương pháp mới để ngăn chặn bệnh nhiễm trùng gây ra bởi ký sinh trùng giun đũa. Nhà khoa học Youyou Tu (Trung Quốc) đã chia sẻ giải thưởng cho phát hiện của bà về biện pháp điều trị bệnh sốt rét.

Ủy ban Nobel y học cho biết những công trình này đã làm thay đổi cuộc sống của hàng trăm triệu người bị ảnh hưởng bởi các bệnh này. Bệnh sốt rét được lây truyền bởi muỗi đã giết hơn 450.000 người mỗi năm trên toàn thế giới, với hàng tỷ người có nguy cơ bị lây nhiễm. Ký sinh trùng giun ảnh hưởng tới một phần ba dân số thế giới và gây ra một loạt các bệnh, bao gồm bệnh mù sông (River blindness) và bệnh giun chỉ bạch huyết.
 

Ký sinh trùng

Sau nhiều thập kỷ những tiến bộ còn hạn chế, việc khám phá ra hai thuốc mới - Ivermectin điều trị bệnh mù sông và bệnh giun chỉ bạch huyết, và Artemisinin điều trị bệnh sốt rét - là những bước đột phá. Những nỗ lực tiêu diện bệnh sốt rét đang thất bại - các thuốc cũ đang mất đi hiệu lực - và bệnh đang được gia tăng.

Giáo sư Youyou Tu, khi vừa mới tốt nghiệp khoa dược tại Đại học Y khoa Bắc Kinh vào những năm 1960, đã nghiên cứu thuốc thảo dược cổ truyền và phát hiện ra biện pháp điều trị tiềm năng này. Bà đã lấy một chiết xuất từ thực vật có tên là Artemisia annua hoặc Sweet wormwood (cỏ ngải cứu ngọt) và bắt đầu thử nghiệm nó trên ký sinh trùng sốt rét. Các thành phần, sau này gọi là Artemisinin, có hiệu quả cao trong việc tiêu diệt ký sinh trùng sốt rét.

Ngày nay, thuốc đã được sử dụng trên khắp thế giới trong sự phối hợp với các thuốc điều trị sốt rét khác. Riêng ở châu Phi, điều này đã cứu được hơn 100.000 người mỗi năm. Giáo sư Youyou Tu là người phụ nữ thứ 13 giành được giải Nobel danh giá này. Bà đã chia sẻ giải thưởng với hai người đàn ông tìm ra phương pháp điều trị bệnh ký sinh trùng khác - giun đũa.

Khám phá của họ đã giúp phát triển một loại thuốc có tên là Ivermectin, sự thành công này đã khiến các bệnh giun đũa đang trên bờ vực “tuyệt chủng”. Satoshi Ōmura, một nhà vi sinh vật Nhật Bản, đã tập trung nghiên cứu vi sinh vật trong những mẫu đất. Ông đã chọn một số ứng cử viên đầy hứa hẹn mà ông nghĩ có thể hoạt động như là một vũ khí chống lại bệnh tật.

William Campbell, một chuyên gia về sinh học ký sinh trùng làm việc tại Mỹ, sau đó đã khám phá các phát kiến của Satoshi Ōmura được sâu hơn và đã tìm thấy một chất có hiệu quả rõ rệt chống lại ký sinh trùng. Các thành phần hoạt chất, Avermectin, đã trở thành một loại thuốc có tên gọi là Ivermectin được sử dụng để điều trị bệnh mù sông và bệnh giun chỉ bạch huyết.

Giải thưởng Nobel Prize Y tế 2015 cho nghiên cứu thuốc kháng ký sinh trùng

Giải thưởng Y học năm nay được trao cho ba nhà khoa học với công trình nghiên cứu và giải pháp điều trị những căn bệnh ký sinh trùng nguy hiểm nhất.Ông William C Campbell và ông Satoshi Ōmura đã tìm ra phương pháp mới để điều trị bệnh truyền nhiễm gây ra bởi ký sinh trùng giun tròn. Bà Youyou Tu nhận giải thưởng cho nghiên cứu về một phương thuốc chống lại bệnh sốt rét.

Hội đồng giải thưởng Nobel danh giá cho biết những phát minh của những nhà khoa học trên đã làm thay đổi cuộc sống của hàng trăm trong số hàng triệu người nhiễm bệnh. Được biết, căn bệnh sốt rét do muỗi gây ra đã cướp đi sinh mạng của hơn 450 ngàn người trên thế giới mỗi năm và hàng tỉ người có nguy cơ nhiễm bệnh. Giun ký sinh đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe của một phần ba dân số thế giới và gây ra một số bệnh như bệnh mù do nhiễm khuẩn nước sông làm cháy giác mạc và bệnh bạch huyết do giun chỉ làm sưng phù mãn tính và có thể dẫn đến bệnh phù chân voi và phù tinh hoàn. Sau hàng thập kỷ của những hạn chế về tiến bộ nghiên cứu, việc phát minh ra hai loại thuốc ivermectin để chữa trị bệnh mù sông và bệnh giun bạch huyết và Artemisinin (hoạt chất chính của cây Thanh cao hoa vàng hay cây ngải tây ngọt) chữa bênh sốt rét đã trở thành một bước tiến vượt trội trong giới khoa học. Nỗ lực để xóa bỏ bênh sốt rét dường như đã thất bại khi những loại thuốc cũ đều không phát huy tác dụng và số ca nhiễm bênh ngày càng gia tăng.
 

Giáo sư Youyou Tu từng tốt nghiệp chuyên ngành Dược của Đại học Y Bắc kinh, Trung Quốc. Từ những năm 60 của thế kỷ trước, lúc căn bệnh sốt rét đang ở mức báo động, bà đã nghiên cứu các loại thảo dược truyền thống để tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả. Trong đó, bà sử dụng chiết xuất của một loại thực vật có tên "Artemisia annua" hay còn gọi là cây ngải tây ngọt và thử nghiệm chúng trên ký sinh trùng của bệnh. Hiện nay, thuốc của bà được sử dụng cùng với những loại thuốc điều trị sốt rét trên phạm vi toàn thế giới. Chỉ tính riêng Châu Phi, loại thuốc này đã cứu sống hơn 100 ngàn người mỗi năm.


Giáo sư Youyou To là người phụ nữ thứ 13 trên thế giới được nhận giải thưởng Nobel

Nghiên cứu của hai nhà khoa học người Nhật Bản và Ailen cũng góp phần vào quá trình phát triển của loại thuốc có tên ivermectin khi loại thuốc này đã gần như xóa bỏ được bệnh giun tròn. Ông Satoshi Ōmura là một nhà sinh vật học, ông tập trung nghiên cứu các loại vi khuẩn trong các mẫu đất và chọn lọc kết quả tiềm năng mà ông nghĩ rằng sẽ trở thành một loại vũ khí hiệu quả để chống lại bệnh giun tròn.


Ông Satoshi Ōmura nhờ nghiên cứu sinh học để tìm ra phương pháp trị bệnh ký sinh trùng giun tròn

Ông William C Campbell là nhà nghiên cứu ký sinh trùng tại Đại học Drew ở Madison, bang New Jersey, Mỹ. Ông đã chứng minh được rằng một thành phần thuộc một trong những giống nuôi cấy có tác dụng kháng kí sinh trùng ở các loài vật nuôi trong nhà và trong trang trại. Thành phần đó được chiết xuất thành thuốc avermectin, sau đó được cải tiến thành hợp chất Ivermectin. Thuốc Ivermectin sau đó được chứng minh là có tác dụng tiêu diệt hiệu quả đối với ấu trùng kí sinh trùng trong bệnh mù sông và bệnh giun bạch huyết - những căn bệnh đang hoành hành tại những quốc gia nghèo nhất thế giới.


Tiến sĩ William C Campbell đã thành công trong việc điều chế thuốc trị KST thường là nguyên nhân gây ra bệnh mù sông và bệnh giun bạch huyết

Bạn có biết: 207 người đoạt giải Nobel Y học

207 là số người nhận giải Nobel Y học cho đến nay. Người nhận giải Nobel Y học trẻ nhất là Frederick G. Banting. Giải Nobel Y học đã được trao 105 lần cho 207 người từ năm 1901 tới năm 2014. Các giải Nobel Y học thường được trao cho các công trình mang tính đột phá góp phần giải mã, chữa trị bệnh tật hoặc hứa hẹn mang lại cách thức điều trị các bệnh cứu mạng cho toàn thể nhân loại.


Các chủ nhân của giải Nobel Y học 2014 nhờ phát hiện quan trọng về hệ thống định vị não bộ, lý giải sự mất phương hướng và ý thức về không gian ở bệnh nhân Alzheimer và bệnh thần kinh khác.

Trong số các giải Nobel Y học đã được trao, có 38 mùa Nobel Y học được trao cho 1 người; 32 mùa trao cho 2 người đồng nhận giải; 34 mùa có đến 3 người cùng chia sẻ giải. Trong số những người đoạt giải Nobel Y học, có 2 ngày sinh nhật phổ biến nhất của họ là ngày 21/5 và ngày 28/2. Có lẽ do trùng hợp hay số mệnh mà những người đoạt giải Nobel Y học thường ra đời vào những ngày sinh này. Người nhận giải Nobel Y học trẻ nhất là Frederick G. Banting, ông mới có 32 tuổi khi giành giải Nobel vào năm 1923. Ông là người có công lớn trong việc tìm ra insulin, một phát hiện có tính cột mốc đối với nhân loại.

 

 

Ngày 13/10/2015
TS.BS. Huỳnh Hồng Quang
(Tổng hợp)
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích