|
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh-Nguyên Giám đốc Trung tâm PCSR-KST-CT Thừa Thiên Huế đang truyền tải kinh nghiệm cho các học viên tại các buổi tập huấn |
Tôn sư trọng đạo, quyền huynh thế sư
Gần hết đời người mà tôi vẫn luôn kính trọng các thầy cô giáo đã có nhiều công lao dạy dỗ, chỉ bảo cho mình kiến thức, nghề nghiệp, nhân cách để thành người. Vào tiểu học với câu đơn giản "tiên học lễ, hậu học văn"; lên trung học thì "không thầy đố mầy làm nên"; đến đại học để học nghề y thì tinh thần "tôn sư trọng đạo" hình thành khá rõ nét ở trong tôi. Có lẽ bất cứ ở đâu, khi đạo đức xã hội không bị xói mòn thì tinh thần "tôn sư trọng đạo" luôn được con người trân trọng, giữ gìn. Lúc còn ngồi ghế nhà trường đến khi đạt công thành danh toại, ai cũng phải có những thầy cô giáo dù bất cứ lĩnh vực nào. Tôn kính thầy cô, trọng đạo làm trò là điều không thể thiếu trong việc hình thành nhân cách của mỗi con người từ nhỏ đến lớn và vấn đề này được đề cập rất nhiều trong nền đạo đức xã hội như một lẽ tự nhiên. Bên cạnh thầy cô giáo, người nào cũng có những anh chị lớp trên, các bậc tiền bối đi trước mình cùng tham gia chỉ bảo, giúp đỡ cho mình thành người. Trong phạm vi bài viết này, tôi muốn dùng thuật ngữ "quyền huynh thế sư" tương tự "quyền huynh thế phụ" để bày tỏ công lao của các anh chị tiền bối lớp trên đã góp phần đào tạo y nghiệp cho mình từ truyền thống vốn có của sinh viên trường y Huế. "Quyền huynh thế phụ", quyền của người anh thay cha là lẽ đương nhiên xắp xếp theo trật tự của gia đình và xã hội. Còn "quyền huynh thế sư" là quyền của anh chị lớp trên, các bậc tiền bối thay thầy cô giáo góp phần dạy bảo mình nên người về nghề nghiệp cũng như đạo đức. Với truyền thống hình thành từ lâu tại trường y Huế; lớp dưới phải tôn kính lớp trên, các bậc tiền bối trước mình là điều đã được khẳng định. Thực tế không nói ra, không có văn bản chỉ đạo nhưng hầu như các thầy cô giáo đã giáo dục cho biết bao thế hệ học trò của mình tại đây tinh thần tự giác "quyền huynh thế sư"; các sinh viên lớp dưới phải kính trọng những anh chị lớp trên, dù chỉ trên một lớp. Thầy cô giáo trong trường biết được sinh viên nào hỗn láo, thiếu lễ độ đối với anh chị lớp trên, bậc tiền bối của mình thì chẳng bao giờ được thi môn học đó và nếu thi thì cũng chẳng đạt kết quả. Thế hệ trước đây khi tôi còn học dù ở bậc đại học, thầy cô giáo là cái gì đó thật là to lớn, sâu sắc, cao quý mà tất cả học trò đều phải kính trọng; sau đó là các anh chị lớp trên với trách nhiệm chỉ bảo lớp dưới được thầy cô giáo ủy thác thành truyền thống. Năm thứ nhất vào trường y, tôi đã học ngay lời tuyên thệ khi ra trường mà mình sẽ phải đọc sau đó 6 năm. Trong mở đầu lời tuyên thệ có nêu cụ thể "... trước các thầy và các bạn đồng môn đã gây dựng y nghiệp cho tôi; trước các bậc sinh thành ra tôi và nhất là trước lương tâm chức nghiệp của chính tôi. Tôi xin tuyên thệ...". Như vậy nội dung xác định việc gây dựng y nghiệp của bác sĩ ra trường ngoài công lao của thầy cô giáo còn có sự đóng góp của các bạn đồng môn gồm anh chị lớp trên và ngay cả bạn học cùng lớp nữa. Có lẽ điều hiển nhiên này không ai có thể phủ nhận vì "quyền huynh thế sư", các anh chị lớp trên có trách nhiệm và quyền hạn thay thầy cô giáo chỉ bảo, đào tạo y nghiệp và y đạo cho đàn em lớp dưới. | "Quyền huynh thế sư", lớp trên góp phần gây dựng y nghiệp cho lớp dưới (ảnh minh họa |
Sau khi học các môn y học cơ sở năm thứ nhất, đến năm hai sinh viên mới được chập chững đi thực tập bệnh viện vào các buổi sáng để buổi chiều học lý thuyết tại trường. Trong môi trường bệnh viện, có đủ các anh chị từ năm thứ ba cho đến năm thứ sáu cũng cùng đi thực hành lâm sàng. Để nhận biết thứ tự, sinh viên phải nhìn vào dấu hiệu số ngôi sao được thêu bằng chỉ đỏ dưới cái tên cá nhân trên túi áo choàng trắng. Đang học năm hai là 2 sao, năm ba là 3 sao... cứ thứ tự như thế; đến năm thứ sáu là năm cuối không phải 6 sao mà ký hiệu bằng chữ NT có nghĩa là nội trú. Thuật ngữ nội trú ở đây có nghĩa là sinh viên năm cuối thường xuyên có mặt tại bệnh thay mặt bác sĩ điều trị ở khoa phụ trách giải quyết tất cả các loại bệnh tật liên quan khi không có mặt bác sĩ hoặc chủ động xử trí tình huống bệnh lý trong các phiên trực trước khi báo cáo bác sĩ trực. Sinh viên lớp dưới được phân công giường bệnh để thực hành lâm sàng và chỉ định anh chị lớp trên phụ trách theo dõi, hướng dẫn, giúp đỡ. Mọi công việc học tập đều rất thuận lợi trong trật tự đã được quy định, như vậy anh chị em đã gắn bó làm việc trong trách nhiệm, sự quý trọng và trở thành truyền thống. | | TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh được trao tặng Danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc giai đoạn năm 2006-2010 trong Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ III |
Tôi nhớ rõ việc thực tập bệnh viện từ năm thứ hai, mỗi phiên trực sinh viên phải viết báo cáo những công việc cụ thể mà mình đã thực hành vào sổ trực cá nhân, sau đó trình anh chị sinh viên nội trú năm thứ sáu trưởng phiên trực xem xét, xác nhận trước khi nạp sổ trực cho thầy cô giáo trưởng bộ môn kiểm tra, đánh giá. Sau đêm trực, sinh viên phải viết sổ trực từ sáng sớm, tổng hợp công việc đã làm kịp trình anh chị sinh viên nội trú ký và nạp sổ cho thầy cô trưởng bộ môn liên quan. Sự chậm trễ không được chấp nhận, nếu buổi sáng học lý thuyết tại trường, giáo vụ bộ môn đến lớp đòi ngay sổ trực. Khi viết không kịp sổ trực, anh chị nội trú ra ngoài khoa ăn sáng, uống cà phê trước khi bàn giao phiên trực thì sinh viên phải đi tìm cho ra để ký sổ trực vì họ là người có quyền hạn này. "Quyền huynh thế sư", quyền anh chị lớp trên thay thầy cô giáo để gây dựng y nghiệp cho lớp dưới là một truyền thống tốt đẹp của trường y Huế mà đến bây giờ tôi vẫn còn trân trọng, gìn giữ.
|