|
Thầy Lê Văn Bách |
Y đức sáng ngời
Đến Trường Đại học Y khoa Huế, nay là Trường Đại học Y Dược Huế hỏi đến Thầy Lê Văn Bách thì ai cũng biết, nhất là các thế hệ thầy cô giáo và sinh viên trước đây. Mặc dù thầy không còn nữa nhưng thầy đã để lại tấm gương về kiến thức sâu rộng, lương tâm cao cả và y đức sáng ngời. Thầy Lê Văn Bách tốt nghiệp bác sĩ y khoa tại Trường Đại học Y khoa, Viện Đại học Sài Gòn, khóa học 1951-1958. Sau khi tốt nghiẹp ra trường, thầy bị điều động phục vụ trong quân đội Sài Gòn và làm việc ở Quân y viện Duy Tân, Đà Nẵng và Quân y viện Nguyễn Tri Phương, Huế. Từ năm 1962 thầy được chuyển về giảng dạy tại Trường Đại học Y khoa, Viện Đại học Huế. Năm 1973-1974, Sau khi đi tu nghiệp chuyên khoa về môn sinh lý học tại Cộng hòa Liên bang Đức trở lại trường, thầy trực tiếp giảng dạy môn sinh lý học và được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Sinh lý học; sau đó được bổ nhiệm làm Phó Khoa trưởng đặc trách lâm sàng tại trường cho đến năm 1975. Khi đất nước hoàn toàn thống nhất, thầy được bố trí tiếp tục làm Chủ nhiệm Bộ môn Nội khoa của trường, Chủ nhiệm Khoa nội Bệnh viện Trung ương Huế từ năm 1975 đến năm 1995 rồi nghỉ hưu và ra đi về cõi vĩnh hằng vào ngày 02/4/2002 theo quy luật vô thường ở tuổi 72 trong niềm tiếc thương vô hạn của rất nhiều người. Đã có biết bao câu chuyện nói về người thầy được kính trọng nhưng có một câu chuyện mà tôi vẫn nhớ đời cho mãi đến tận ngày hôm nay. Vào năm thứ nhất trường y học được mấy tháng, học trò của thầy có rất nhiều khóa, nhiều lớp làm sao thầy nhớ hết; nhất là những sinh viên mới vào trường. Một lần cụ thân sinh của tôi bị bệnh, tôi đưa đến phòng khám bệnh ngoài giờ của thầy nằm trên đường Trần Thúc Nhẫn, Huế để được thầy khám chữa bệnh. Tôi cúi đầu: “Thưa thầy!”. Thầy mĩm cười hỏi: “Em học năm thứ mấy?”. Tôi thưa: “Dạ em mới vào trường”. Thầy đã khám bệnh cho ba tôi cẩn thận, kê đơn thuốc điều trị và tôi cảm ơn, xin phép thầy ra về. Đến vị trí chỗ bàn thu tiền, tôi hỏi cô y tá để trả tiền khám bệnh cho ba tôi thì bất ngờ khi cô y tá bảo thầy Bách nói không thu tiền. Mặc dù rất ngỡ ngàng nhưng có nhiều người đang chờ được khám bệnh nên tôi chỉ biết cảm ơn tiếp cô y tá và đưa cụ thân sinh về nhà trong niềm cảm phục về y đức của người thầy ngày mới vào trường y. Tôi hỏi thêm thông tin từ các người bạn cùng lớp, những anh chị học cùng trường ở lớp trên; họ tâm sự đã gặp trường hợp như tôi khi đưa người thân đến khám bệnh ở phòng khám bệnh ngoài giờ làm việc hành chính của thầy tại trường và bệnh viện. Từ một việc đơn giản rất đời thường mà tôi đã trực tiếp chứng kiến chính ngay trong năm học đầu tiên vào trường y để học nghề thầy thuốc đã làm cho tôi có nhiều suy nghĩ về cách thức xử sự, đối đãi của một người thầy đã được nhiều thế hệ học trò vinh danh về kiến thức sâu rộng và lương tâm cao cả. Thầy đã từ chối nhận tiền khám chữa bệnh cho học trò và đồng nghiệp cũng như những người thân thuộc của họ khi không may bị đau ốm, bệnh tật là điều ít thấy trong xã hội ngày trước và ngay cả xã hội bây giờ. Một việc làm đơn giản nhưng mấy ai làm được như thầy. Y đức sáng ngời của thầy đã giáo dục, rèn luyện cho biết bao thế hệ học trò đã tốt nghiệp ra trường để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. | Tượng đồng của Thầy Lê Văn Bách do cựu sinh viên y khoa Huế khóa 1975-1981 tặng (ảnh NVH) |
Thầy mất đi đã hơn 10 năm, ngày giỗ thầy hàng năm tôi cùng TTƯT.BS. Dương Văn Sinh, nguyên Trưởng Khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Trung ương Huế cùng một số bạn học cùng lớp đã đến viếng nhà thầy và thắp nén hương tưởng niệm. Bên bức tượng đồng của thầy do học trò cũ khóa học năm 1975-1981 là lớp của TTND.GS.TS. Bùi Đức Phú, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế hiện nay kính tặng có ghi dòng chữ “Một đời y đức sáng ngời. Một lòng nhân hậu giữa thời đổi thay. Tận tâm, thanh bạch, chân thành. Nghiêm trang mà vẫn đượm đầy tình thương” đã làm tôi xúc động khi nghĩ đến thầy. Gần đây, một bài viết đăng trên Báo Sức khỏe & Đời sống với đầu đề “Bác sĩ trẻ dúi phong bì cứu sống bệnh nhân” nói về nghĩa cử cao đẹp của BS. Nguyễn Tô Bảo Hoàng, công tác tại Bệnh viện Bình Dân, Thành phố Hồ Chí Minh đã tự nguyện hỗ trợ 3 triệu đồng giúp đỡ cho một bệnh nhân nghèo mổ cấp cứu vì bị viêm phúc mạc nặng chỉ chờ chết do không có điều kiện chữa trị. Người bác sĩ trẻ này chỉ khiêm tốn nói đây chỉ là một hành động đơn thuần giúp bệnh nhân nghèo thoát qua cơn nguy hiểm chứ không hề có mục đích vì chữ “danh”. Thật đáng trân trọng và cảm phục về tấm lòng y đức cao cả của một đồng nghiệp, một bác sĩ đang còn rất trẻ. Ngành y vẫn còn đó những người thầy, những người thầy thuốc, các bác sĩ trẻ với y đức sáng ngời vì sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân; thể hiện tình thương yêu bệnh nhân như ruột thịt, thầy thuốc như mẹ hiền, lương y như từ mẫu một cách cụ thể.
|