|
GS. Tôn Thất Tùng |
Người chỉ huy phẫu thuật tại hai trận chiến Ðiện Biên Phủ
Tháng 4/1954, Giáo sư Tôn Thất Tùng chỉ huy công việc phẫu thuật cho các thương binh tại chiến trường Ðiện Biên Phủ (Tây Bắc). 18 năm sau, tháng 12/1972, Giáo sư chỉ huy cấp cứu chiến thương tại Bệnh viện hữu nghị Việt Ðức trong cuộc chiến “Ðiện Biên Phủ trên không-12 ngày đêm”. Giáo sư Tôn Thất Tùng, Anh hùng lao động, Danh nhân y học, một trí thức tiêu biểu của thời đại Hồ Chí Minh. Nhiều bài viết nói về ông, nhiều trí thức, nhiều thế hệ học trò, nhiều người bệnh nhớ đến ông với tấm lòng tôn kính nhà bác học tài năng, một thầy thuốc kiệt xuất và một nhà giáo đức độ . Trong sự nghiệp y học, giáo sư đã hai lần chỉ huy công tác cấp cứu chiến thương tại hai trận chiến đấu lịch sử có ý nghĩa quyết định vận mệnh của dân tộc ta. Trên chiến trường Ðiện Biên Phủ - Tây Bắc Cuối năm 1953, cuộc kháng chiến chống Pháp bước sang giai đoạn phản công, quân đội ta mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Chính phủ đã huy động sức người, sức của tối đa cho mặt trận. Cuối tháng 3/1954, Hồ Chủ tịch cử Bác sĩ Tôn Thất Tùng-Thứ trưởng Bộ Y tế, cố vấn giải phẫu của Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam và Bác sĩ Vũ Đình Tụng-Bộ trưởng Bộ Thương binh ra thăm mặt trận và trực tiếp làm công tác phẫu thuật cứu chữa thương binh. Sự có mặt của hai bác sĩ ngoại khoa giỏi tại Trạm phẫu thuật tiền phương chăm lo sức khoẻ cho bộ đội, cho các chiến sĩ tin tưởng, yên tâm chiến đấu. Nhận lệnh ngày 23/3, chiều tối hai ngày sau, hai vị bác sĩ cùng đoàn phẫu thuật đáp thuyền nan từ Chiêm Hóa theo sông Lô xuôi về Tuyên Quang, nơi có một ôtô tải chờ sẵn, lên đường ra ngay mặt trận. Ai cũng lo đến trễ vì mặt trận chuẩn bị bước vào giai đoạn 2 với khẩu hiệu: “Quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ”. Trên đường ra mặt trận, mọi người chứng kiến không khí náo nức phấn khởi của hàng ngàn dân công vận tải, gồng gánh dưới ánh đuốc sáng rực trời, cùng hàng trăm dân công với cánh tay ngang rộng đẩy các chiếc xe đạp thồ trong đêm mưa phùn, vượt qua những đường đèo ra tiền tuyến. Ngày 3/4, đoàn đến nơi đóng quân của đội điều trị I, được bố trí ở tại một lán nhỏ xinh xắn ven suối. Đội điều trị I do Sinh viên Đào Bá Khu là Đội trưởng làm nhiệm vụ của một bệnh viện dã chiến, thu dung thương bệnh binh của Mặt trận, chuyên xử trí các vết thương ở đầu và sọ não, là những loại vết thương nguy hiểm nhất. Bệnh viện dựng dưới rừng cây có phòng mổ và các lán thương binh nằm trên các sàn bằng nứa. Sau khi khám bệnh cho các thương binh để nắm rõ tình hình bệnh, ngày 4/4, Bác sĩ Tùng bắt đầu mổ các vết thương về sọ não. Ông tự nhủ: “Các chiến sĩ của chúng ta là những con người đặc biệt quý và bộ óc của các anh em là đáng quý nhất, mong cho các anh bị thương ở sọ não chóng khỏi, để tiếp tục suy nghĩ, làm việc và chiến đấu được bình thường”. Ông nhớ đến chỉ thị của Hồ Chủ tịch: “Năm nay chiến trường mở ở xa, bộ đội có thể khổ, dân công cũng vậy, nhưng chớ để thương binh, bệnh binh khổ”. Điều kiện làm việc căng thẳng, khó khăn gian khổ và khí hậu khắc nghiệt, dĩn cắn đầy người, ruồi vàng đầy cả rừng, ruồi cắn làm chân mọi người sưng vù, các thương binh bị ruồi quấy rối. Ruồi vàng đậu làm các vết thương phần mềm bị nhiễm trùng, sinh ra nhiều giòi, gây đau đớn cho thương binh. Sau mấy ngày đêm suy nghĩ, Bác sĩ Tôn Thất Tùng đã cho dùng quinacrin là thuốc sốt rét có sẵn, hòa tan với nước thành dung dịch 1% để rửa các vết thương có giòi. Kết quả thật bất ngờ, các vết thương đều sạch. Sáng kiến này được phổ biến cho quân y toàn mặt trận để xử lý các vết thương có giòi. Thương binh mỗi ngày một tăng. Anh em phòng mổ cũng mệt nhoài, tổ thay băng thức cả đêm để làm việc, không ai muốn ăn. Vì thiếu dụng cụ nấu nướng, bữa ăn sáng muộn, bữa ăn chiều vào 11 giờ đêm. Nhiều tối, mổ xong, Bác sĩ Tùng thường rất mệt, không ăn hết bát cơm. Một cuộc sống thật giản dị: mổ, thăm thương binh, lại mổ, có nhiều ca đầu não rất khó. Ông siết bao vui sướng khi thành công, nhưng cũng bấy nhiêu đau khổ, dằn vặt đắng cay mỗi khi thất bại. Đêm đến, trằn trọc ít ngủ, ông ứa nước mắt, nôn nao trong ruột như bị một cơn đau khi nghĩ đến thương binh ở tiền tuyến. Đi thăm bệnh binh dưới trời mưa tầm tã, trượt lên trượt xuống, ướt rét, nhưng thấy thương binh, ông quên hết các khó khăn. Ông nhớ tới hàng vạn dân công, quần nâu, áo vải vượt qua bao nhiêu khó khăn gian khổ, ăn đường, ngủ đất, trời mưa trời nắng, tiến ra tiền tuyến. Ông nói với các đồng nghiệp: “Người thầy thuốc mổ xẻ không quyết tâm chưa phải là người biết mổ xẻ. Phải xây dựng một truyền thống mổ xẻ, một nền y học vì dân. Phải xứng đáng với nền y học của Đảng. Luôn luôn nhớ lời Bác dạy”. Giáo sư viết: “Nếu không có cuộc kháng chiến vĩ đại này, có lẽ không bao giờ mình thấy rõ tinh thần anh dũng của nhân dân ta, một dân tộc anh hùng đã từng chống ngoại xâm. Kháng chiến, chiến trường đã thay đổi rất nhiều con người của mình, đã cách mạng rất mạnh mẽ tư tưởng và hành động của mình”. Chiều 7/5/1954, quân dân ta đã toàn thắng tại mặt trận Điện Biên Phủ. Đêm đó, Bác sĩ Tùng nhớ đến gia đình: “Em và các con Trân, Bách ơi! Chiến sĩ Điện Biên Phủ đã chiến thắng. Một trang lịch sử mới đã bắt đầu”. Ngày 14/7/1954, Hồ Chủ tịch quyết định tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ hạng Nhất cho Bác sĩ Tôn Thất Tùng và Bác sĩ Vũ Đình Tụng. Trận “Ðiện Biên Phủ trên không” Kháng chiến chống Mỹ bước sang giai đoạn cuối, từ 20 giờ ngày 18/12/1972 đến 7 giờ ngày 30/12/1972, liên tục trong suốt 12 ngày đêm, đế quốc Mỹ mở cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B.52 vào Hà Nội, Hải Phòng và nhiều nơi để hòng buộc quân và dân ta phải khuất phục và chấp nhận những điều kiện của chúng trong cuộc đàm phán tại Hội nghị Paris. | Giáo sư Tôn Thất Tùng và các đồng nghiệp. |
Trong chiến dịch này, riêng ở Hà Nội, chúng đã huy động hơn 1.000 lần máy bay ném bom, trong đó có 444 lần máy bay B.52 ném hơn 4 vạn tấn bom. Trước khi xảy ra trận ném bom B52 của Mỹ, chính quyền thành phố Hà Nội đã tổ chức sơ tán các cơ quan, trường học, bệnh viện cùng đông đảo cán bộ nhân dân về các địa phương. Giáo sư Đặng Hanh Đệ kể lại: Mọi người rất lo lắng nghĩ đến Thầy Tùng, chẳng may nếu mệnh hệ thầy mất đi sẽ là một mất mát rất lớn cho ngành ngoại khoa, cho đất nước ta. Các bác sĩ đều nghĩ thầy đi sơ tán là tốt nhất, khi nào yên sẽ trở về. Các giảng viên bộ môn Ngoại cử Bác sĩ Dương Đức Bính-Bí thư Chi bộ dẫn đầu 10 bác sĩ đến phòng làm việc của Thầy Tùng. Thầy vui vẻ tiếp và niềm nở nói chuyện. Sau ít phút, Bác sĩ Bính cất giọng: “Thưa Thầy, chúng em - các cán bộ trẻ trong bộ môn đồng lòng đề nghị thầy đi sơ tán để giữ gìn vốn quý của đất nước”. Nghe chưa hết câu, thầy giận dữ ngắt lời và dằn giọng: “Các anh bảo tôi đào ngũ à? Đất nước đang trong lúc nguy nan, tôi biết tôi phải làm gì chứ. Các anh ra đi”. Mọi người sợ quá, lấm lét nhìn nhau, lẳng lặng kéo ra. Các bác sĩ rất ân hận đã xúc phạm đến thầy. Giáo sư Tôn Thất Tùng đã cùng vợ và con, cùng tập thể các bác sĩ, các nữ y tá và nhân viên bệnh viện kiên trì bám trụ, tham gia tổ chức tốt công tác cấp cứu chiến thương tại Bệnh viện Việt Đức. Để sử dụng tất cả các khả năng về người và máy móc, Thầy Tùng đã tổ chức 13 bàn mổ mỗi lần và có lúc trên một bàn mổ có 2 hoặc 3 kíp làm việc. Mỗi bàn mổ được phân công rõ từng chuyên khoa: não, ngực, tim-mạch, bụng, chi với các kíp phục vụ sẵn sàng. Từ các xe chuyển thương tới, bệnh nhân được tiếp nhận qua đơn vị chọn lọc, phân loại và chỉ 5 phút sau, bệnh nhân đã ở trên bàn mổ. Hầm mổ chính được xây kiên cố bằng bêtông cốt thép dày 1m, nửa nổi nửa chìm có 6 bàn mổ cùng hoạt động. Một số bàn mổ khác đặt dưới tầng hầm của các khoa. Trong 18 ngày đêm liên tục, các bác sĩ bình tĩnh mổ xẻ ở trong hầm từ tối tới sáng, đến nỗi đứt cả kẽ tay và sưng chân. Họ không thể thay áo mổ mà chỉ thay găng vì không kịp giặt và hấp quần áo. Cùng với sự hợp đồng chặt chẽ của các y tá trong cấp cứu, bộ phận Dược lo hàng ngày hàng trăm chai huyết thanh, phòng Truyền máu lo hàng chục lít máu. Các Sinh viên Y khoa ngày đêm khiêng cáng, không kể thiếu ngủ và mệt nhọc. Thầy Tùng như một ngọn đuốc soi trong đêm tối, như thần hộ mệnh cho tất cả cán bộ, bác sĩ, y tá trong bệnh viện. Có Thầy bên cạnh, trong suốt 12 ngày đêm là một chỗ dựa vững chắc cho toàn thể anh chị em. Thầy đã cùng gia đình vào ở trong bệnh viện là nguồn động viên rất lớn đối với mọi người. Thầy đã cho lập ngay một quầy phở bên hầm mổ để phục vụ suốt đêm cho những người mổ. Quân và dân Hà Nội đã chống trả mãnh liệt cuộc tập kích của không quân Mỹ, đã lập nên trận “Điện Biên Phủ trên không” làm chấn động dư luận thế giới. Riêng Hà Nội đã bắn rơi 30 máy bay, trong đó có 23 chiếc B52, 2 chiếc F.111. Trong trận chiến này, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã cứu chữa thành công hơn 1.000 người bị thương với tỷ lệ tử vong dưới 3%. Các thầy thuốc được nhân dân Thủ đô tin tưởng và khen ngợi. Trong lễ mừng công tháng 1/1973, Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho Bệnh viện hữu nghị Việt Đức, Huân chương Kháng chiến hạng Nhì cho bộ môn Ngoại, Trường Đại học Y Hà Nội. Giáo sư Tôn Thất Tùng đã phát biểu: “Riêng về phần tôi, tôi rất sung sướng đã thấy rằng: dân tộc ta không sợ một thử thách nào để bảo vệ đất nước và thủ đô của chúng ta là một thủ đô anh hùng, xứng đáng với dân tộc ta và bộ đội ta”.
|