Home TRANG CHỦ Thứ 7, ngày 20/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Finance & Retail Thầy thuốc và Danh nhân
Việt Nam
Thế giới
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 4 7 4 1 7 3
Số người đang truy cập
1 5 7
 Thầy thuốc và Danh nhân Việt Nam
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (ảnh st)
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác-Ông tổ của ngành y học Việt Nam

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27 tháng 2, đọc lại bài viết về Hải Thượng Lãn Ông trong tập tài liệu “Tinh thần dân tộc trong lịch sử y học Việt Nam” của Giáo sư Bùi Duy Tâm, Nguyên Khoa trưởng Trường Đại học Y khoa Huế để tưởng niệm về một bậc danh y là Y tổ của Việt Nam.

 

Một học giả Việt Nam nhân dịp khảo cứu về nền y học Nhật Bản đã nhờ một giáo sư y khoa người Nhật là Bác sĩ Yamamoto giới thiệu cho một bộ sách thuốc có giá trị và thông dụng nhất tại Nhật Bản. Bác sĩ Yamamoto đưa cho nhà học giả Việt Nam này xem một bộ sách y thư gồm 63 cuốn trong 32 tập của tác giả Kaijo. Đọc tới tập thứ 4 nói về lai lịch của tác giả, nhà học giả Việt Nam đã giật mình vì cái tên Nhật Bản Kaijo viết sang chữ Nho chính là Hải Thượng và bộ sách đó chính là Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh, không biết luân lạc vào Nhật Bản từ bao giờ mà còn đủ 32 tập; trong khi đó bộ sách y thư này ở tại Việt Nam chỉ còn 25 tập. Bộ sách Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh này đã được xếp vào loại sách quốc bảo của Nhật Bản và được lưu trữ tại Đại học Tokyo.

Trước đây người Nhật rất khâm phục tinh thần thượng võ của người Việt Nam. Cuốn sách Vạn quốc sử ký của người Nhật Bản đã ca ngợi tinh thần quật khởi của dân tộc Việt Nam, nhất là những trận giao tranh thời nhà Trần giữa Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và đại quân Mông Cổ. Sau đó, người Nhật lại có dịp chứng kiến tài trí và rất khâm phục người Việt Nam như Hải Thượng Lãn Ông và Phan Bội Châu.

Thân thế

Hải Thượng Lãn Ông tên thật là Lê Hữu Trác, sinh vào thời vua Lê Hiến Tông (1721-1791); nguyên quán tại xã Liêu Thượng, tỉnh Hải Dương. Sau đó, tiên sinh di cư vào quê mẹ ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Tiên sinh là một nhà túc nho, thi tài có thể sánh với Lý Bạch, Đỗ Phủ nhưng lại chuyên nghề làm thuốc. Lúc về già đã được triệu ra Thăng Long chữa bệnh cho vua Lê và Thế tử Trịnh Cần. Tên hiệu “Hải Thượng Lãn Ông” có nghĩa là ông già “lười biếng” (với danh lợi); quê ở tỉnh Hải Dương, làng Liêu Thượng.

Sự nghiệp

- Về y thuật

Trong bộ sách Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh đã nêu trên, y lý được phân tích sâu rộng khiến người thầy thuốc vừa phải thận trọng, vừa có thể quyền biến; cho nên vào thời vua Khải Định, triều Nguyễn đã sắc phong cho tiên sinh là “Việt Nam Y Thánh”. Hiện nay, các Hội y dược học của nước ta đều làm lễ kỷ niệm, tưởng nhớ tiên sinh vào ngày 15 tháng giêng âm lịch hàng năm.

- Y đạo

Y thuật của tiên sinh mặc dù đã được phong là Y thánh nhưng cho đến nay chỉ còn mang tính cách lịch sử mà thôi. Riêng Y đạo của tiên sinh vẫn còn những giá trị và phương châm chỉ đạo cho các thầy thuốc của đời nay.

Trong 10 điều căn dặn dạy nghề làm thuốc, tiên sinh đã nhấn mạnh tinh thần học hỏi suốt đời của người thầy thuốc ngay trong điều 1 là “Học thuốc phải hiểu cả Nho Lý, lúc rỗi nên xem những sách của bậc lương y thời trước để gặp bệnh biết thông biến, tránh khỏi sai lầm”. Đồng thời đã nhắc nhở nhiều lần không được xem nghề thầy thuốc như một phương tiện thương mại, coi trọng tiền bạc như trong điều 2 là “Nếu nhà bệnh có mời, nên tùy bệnh nặng hay nhẹ mà đi xem; đừng thấy người phú quý mà đi trước, nhà bần tiện mà đi sau”. Trong điều 10, Hải Thượng Lãn Ông cũng đã dạy “Tôi xét, làm nghề thuốc là nhân thuật giữ tính mạng cho con người, vậy không nên mưu lợi, không nên cho việc làm nghề thuốc như việc buôn bán...”. Ở điều 9, tiên sinh dạy bảo “Khi bệnh nhân khỏi, chớ cầu trả lễ nhiều, nên để họ tùy ý vì làm nghề thuốc là thuật thanh cao thì phải có tiết thanh cao”.

Cách đây hơn 200 năm mà Hải Thương Lãn Ông đã căn dặn trong điều 3 về phép khám chữa bệnh cho đàn bà, con gái giống như nghĩa vụ luận của thời nay vậy với nội dung “Xem mạch cho đàn bà, con gái, nhất là gái góa và ni cô; phải bảo một người đứng bên cạnh để tránh sự hiềm nghi”.

Trong điều 7, tiên sinh cũng nói rõ cách cư xử với đồng nghiệp là “Gặp đồng nghiệp, người học hơn mình thì thờ làm thầy, người cao minh thì kính cẩn, người kém mình nên khuyên bảo thêm; dù gặp người kiêu ngạo mình cũng nên khiêm nhường”.

Y đạo của Hải Thượng Lãn Ông còn có những điều vượt hẳn nghĩa vụ luận của Y học phương Tây như nội dung của điều 8 đã chỉ rõ “Chữa bệnh cho người nghèo và quan quả cô độc, ta càng thêm lưu ý, nhất là người con hiếu, vợ hiền hay nghèo mà bị bệnh; ngoài việc cho thuốc, ta có thể trợ cấp thêm nếu họ không đủ ăn. Như thế mới là nhân thuật”. Cũng như trong điều 10 đã nêu “... nếu gặp những người tiếc của, coi thường tính mệnh hay không đủ ăn mặc thì tôi lại chu cấp thêm...”.

Thật là quá rộng lượng, quá khoan dung. Cái tinh thần độ lượng, khoan dung của dân tộc Việt Nam đã nhiều lần được chứng minh trong lịch sử như Hưng Đạo Đại Vương, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung-Nguyễn Huệ; sau khi đánh tan quân xâm lược ở phương Bắc đã tha mạng cho quân thù, lại còn chu cấp thuyền bè, lương thực để về nước. Đối với đồng bào trót dại vì tham miếng ăn hay vì khiếp sợ mà theo giặc đã được xóa sạch tội lỗi bằng cách đốt bản danh sách những kẻ phản bội. Thưởng người có công, tha kẻ có tội để cùng nhau xây dựng đất nước.

Tư tưởng

- Quan niện “lương y như lương tướng”

“Tôi tự nghĩ làm nghề thuốc cũng như dựng binh mà thầy thuốc cũng như một vị tướng, làm tướng mà không biết được binh pháp làm sao thắng được bên địch, làm thuốc mà không biết tính dược làm sao cứu được người đời. Nhà làm tướng chia quân ra làm tiền, hậu, tả, hữu, trung thì nhà làm thuốc phải chia tính dược ra làm kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Nhà làm tướng chú trọng về trận đồ, về tình hình bên địch; nhà làm thuốc phải hiễu rõ về ôn, lương, hàn, nhiệt của từng vị thuốc để chữa cho những chứng biểu, lý, hư, thực”.

Thật vậy, người làm thuốc phải nhìn người bệnh một cách tổng quát. Chữa một bộ phận là phải duyệt xét các cơ quan liên hệ. Mỗi bệnh nhân lại có một cơ thể, một hoàn cảnh, một phản ứng riêng biệt nên việc chữa bệnh phải theo dõi bệnh tình mà gia giảm hay thay đổi cách chữa trị cho phù hợp với mỗi trường hợp. Không thể kê đơn thuốc một cách máy móc, tắc trách được.

- Tinh thần khoa học và trung thực

Tiên sinh nói “Thói thường của người làm thuốc, chữa được một bệnh nào khó thì vỗ ngực khoe khoang, nếu bệnh nhân chết thì giấu kín mà không nói ra. Như tôi thì khác hẳn, tôi chỉ mong ngửa lên cúi xuống trong khoảng trời đất sao cho không xấu hổ với nhân thuật mà bỏ ngoài sự chê khen. Những bệnh nặng tôi cứu sống được, không chữa được cũng không phải là ít. Với những bệnh khó chữa không dám từ chối, chỉ bảo thực cho người nhà biết là khó chữa mà hết sức cứu vãn cho đến cùng. Những chứng tôi chữa được ghi chép vào thành tập sách “Y Dương Án”; còn những chứng không chữa được thì ghi chép vào tập sách “Y Âm Án”. Trong mỗi tập, tôi luận bệnh từ lúc mới bắt đầu rồi sau đó biến chuyển như thế nào, dùng thuốc gì cho đến khi khỏi bệnh hay không. Tôi đều ghi rõ lại kỹ càng để bậc quân tử đời sau thấy ưu điểm của tôi dù chưa đáng bắt chước thì chỗ khuyết điểm của tôi cũng để lại làm gương”.

- Nắm yếu lĩnh trước rồi suy rộng ra, phát minh ra

Tiên sinh nói “Bậc Tiên hiền sợ chúng ta không hiểu mới làm ra nhiều sách, chia từng bài, phân biệt từng chứng bệnh. Nhưng sách thuốc càng ra nhiều thì người học càng bối rối vì đã khó về lẽ thuộc, lại khó về ở ngoài lẽ. Mông mênh như qua biển tìm bến cho nên:

Biết được yếu lĩnh thì một câu nói là xong.

Không biết yếu lĩnh thì man mác vô cùng.

Vì vậy biết được ngọn mà chỉ chữa gốc thì chữa ngàn người không hại một người. Như thế là biết yếu lĩnh để chữa bệnh vậy”.

Tiên sinh cũng đã nói “Các sách thuốc của người đời xưa, không bộ sách nào mà tôi không xem đến. Lẽ làm thuốc rất man mác nhưng hợp lại chỉ có một lý; đọc sách cần ở cái tìm ra được cái cùng kỳ chi lý rồi phải suy rộng ra những điều mà người xưa chưa nói tới, phát minh đến chỗ mà người xưa chưa tìm thấy”.

- Học ở người (các bậc tiền nhân), ở mình và ở trời

Học ở người: “Tôi bỏ nghề Nho, học nghề thuốc, hơn hai mươi năm nằm gai nếm mật để biết được y lý. Việc đời hay dở, tôi coi như đám mây trên đỉnh núi. Tôi làm nhà ở nơi vắng người, đóng cửa đọc sách. Ngày đêm nghiên cứu hết sách của mọi nhà. Mỗi khi được câu cách ngữ nào của bậc Tiên hiền thì mắt xem miệng đọc, đi thì mang theo, ngồi suy nghĩ, tự hỏi và trả lời”. Đó là cách học ở người của Hải Thượng Lãn Ông.

Học ở mình: “Người xưa nói đọc sách mà biết nghĩa là khó nhưng tôi xét biết nghĩa không khó lắm mà hiểu được ý kiến ở ngoài lý lẽ lại khó hơn. Những câu nào lý lẽ ở ngoài câu nói mà tôi suy ra được thì lại tìm cho rộng ra như vòng tròn không có đầu mối (hoàn vô đoan) để biết được đến cùng. Rồi sau đó gặp chứng bệnh lạ phần nhiều do ý kiến ở ngoài câu nói của các bậc Tiên hiền”. Đó là cách học ngay ở chính mình của Hải Thượng Lãn Ông.

Học ở trời: “Người xưa bơi thuyền ra Ngũ Hồ xem sương khói về sáng, tuyết rơi về chiều. Nhả hơi độc (CO2) hay nuốt ánh sáng (solar energy) rồi biết được chân nguyên của trời. Nhờ đó mà đến chỗ thần diệu... Thế là công hiệu, không phải chỉ học ở người, ở mình mà còn học ở cả tạo hóa nữa”.

- Tư tưởng cách mạng dám bổ túc cho các bậc Tiên hiền và cho cả trời nữa

Việc bổ túc cho các bậc Tiên hiền là tinh thần phát minh, Hải Thượng Lãn Ông đã nêu “Tôi vốn học Nho rồi sang học nghề thuốc, xem rộng các sách rồi ngẫm nghĩ tìm tòi để lẽ làm thuốc biết được đến nơi. Vẫn tự biết là học còn kém nhưng cố gắng xếp những lời bàn luận của bậc tiền bối mà chú giải thêm, những chỗ mọi người thêm bớt không đúng thì phân tích mà chỉnh lại để bù cho những chỗ người xưa chưa nói đủ.

Tôi nghĩ rằng thà mang tội với các bậc tiền bối còn hơn là không chịu phát minh để phụ với việc học của mình”.

Giúp trời làm nốt những việc còn chưa đủ, Hải Thượng Lãn Ông cũng đã nói: “Sách cổ có câu: Thợ trời chỉ giữ then mưa, nắng, ấm, rét do 4 mùa làm việc. Việc gì lúc ban đầu cũng chưa hoàn toàn. Việc gì cũng từ chỗ thô sơ rồi tiến dần lên chỗ tinh xảo. Không có người, không thành việc cho trời nên phải có người để giúp đỡ vào chỗ tạo hóa còn chưa đủ”.

Tình cảm

Nếu trí óc và kiến thức như cỏ cây thì tình cảm như mưa móc. Trí óc thiếu tình cảm cũng như cỏ cây thiếu mưa móc, sẽ trở thành đám cỏ khô cằn. Cho nên nếu có nói “Tình cảm lớn ắt có sự nghiệp lớn” cũng không phải là đại ngôn vậy. Hải Thượng Lãn Ông đã có sự nghiệp lớn, lại có tình cảm lớn. Trong thời gian Tiên sinh ở kinh đô để chữa bệnh cho vua, cho chúa nhưng đã không quên những việc tình cảm của mình.

- Về thăm quê nhà

Tiên sinh xin triều đình cho về quê thăm cha với nội dung “Tôi bỏ quê nhà, xa mồ mả gần 30 năm không được về thăm. Nay đến kinh đã quá nửa năm mà không được về để cải táng, sửa mả thân phụ thì không phải đạo làm con, xin đại nhân thương hại”. Đến lúc về thăm nhà, Tiên sinh nói “Tôi chơi xem trong vườn và chỗ cơ chỉ cũ,nào chỗ nhà nghỉ của thân phụ, nào chỗ nhà khách, nào nhà học ở bên phải, nào nhà bếp ở bên trái, có chỗ nghỉ còn nền nhà, đâu đâu cũng dừng chân cảm nhớ... Rồi chị tôi ngoài bảy chục tuổi, thấy tôi vừa thương vừa mừng, gạt nước mắt mà nói chuyện”.

- Về thăm quê vợ, quê ngoại của phụ thân

Trên đường từ kinh đô trở lại quê nhà, Tiên sinh cũng không quên ghé thăm quê vợ và ghi lại “Ngày 18 tôi đến làng Nguyên Xá để hỏi thăm họ vợ và có sửa lễ để cáo yết nhà thờ. Ngày 19 tôi lại cáo biệt lên đường, xuôi dòng nước đến đỉnh Hà Xá là quê ngoại của phụ thân tôi nhưng vì con cháu nhà họ ngoại dù có đến cũng không nói chuyện với ai được, tôi mới buộc thuyền ở bên đỉnh, trông về phần mộ của nhà họ ngoại, lạy mấy lạy rồi lại xuống thuyền ra đi.

- Gặp người tình cũ

Trong thời gian ở kinh đô, ngẫu nhiên Tiên sinh gặp lại người đàn bà mà lúc còn ít tuổi đã giạm hỏi và sửa soạn lễ ăn hỏi, sau đó vì Tiên sinh di cư vào Hương Sơn mà việc cưới hỏi không thành. Người đàn bà này thề nguyền không lấy ai nữa mà chỉ ở chùa tu hành và đã trở thành một vị ni sư. Biết được câu chuyện, Tiên sinh rất ân hận, tìm mọi cách giúp đỡ để chuộc lại lỗi xưa. Sau nhiều lần từ chối, vị ni sư ấy nhỏ nước mắt mà trả lời cho người học trò mà Tiên sinh sai đến như sau “Tôi không gặp vị quan của nhà người mà suốt đời cô độc cũng là mệnh trời, đâu có oán trách gì, nghe nói tỉnh Nghệ An có nhiều gỗ tốt đóng được tiểu để bốc mả, tôi chỉ xin quan thầy anh một tiểu gỗ tốt để bốc mả cho cha tôi thì lương tâm tôi mới được yên ổn mà thôi”. Ta đã thấy chữ tiết, chữ nghĩa và chữ hiếu trong câu chuyện tình dang dở của Tiên sinh.

Đối với người, Tiên sinh đã chí tình; đối với vạn vật, thiên nhiên Tiên sinh cũng muôn phần quyến luyến. Một trong những nỗi băn khoăn của Tiên sinh khi được tiến kinh là “Tôi đi xa thì phụ ước với vượn bạc, hoa cỏ ở Hương Sơn...”

Lời kết

Một viên quan trong triều đình vua Lê Hiến Tông đã tả Hải Thượng Lãn Ông như sau: “Hải Thượng Lãn Ông dáng dấp như cây tùng, cây bách; coi thường cả sương tuyết thì hẳn là tu dưỡng từ trước, mến tiếc thanh nhàn mà chán chỗ phồn hoa”.

Khi được vua triệu vào cung để chữa bệnh cho Thế tử, bạn bè, bà con; học trò đến chúc mừng thì ông than rằng: “Người ta vì tiếng hão mà thụ lụy, khác nào loài hoa vì màu sắc mà bị người ta hái, vậy sao bằng trốn được tiếng là hay hơn. Vì thế tôi suốt đêm không ngủ, tự nghĩ lúc bé đã đọc sách, mài gươm mà không được việc gì nên mới gát bỏ ngoài công danh đến quê mẹ ở Hương Sơn để nhờ mẹ và học thuốc. Biết đâu nay lại sắp phải lụy về cái tiếng hão”.

Trong thời kỳ Pháp thuộc, sự nghiệp y học của Hải Thượng Lãn Ông đã được một giáo sư người Pháp là Bác sĩ Huard lưu ý, nghiên cứu viết sách báo và làm đề tài luận án bác sĩ y khoa cho một số bác sĩ tiền bối của chúng ta như Bác sĩ Dương Bá Bành, Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ... Bác sĩ Huard còn là Khoa trưởng của Trường Đại học Y khoa Hà Nội vào thập niên 50 và cũng là vị thầy khả kính của các Bác sĩ Tôn Thất Tùng, Phạm Biểu Tâm, Nguyễn Hữu...

 

Ngày 09/02/2011
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh  

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích