Home TRANG CHỦ Chủ nhật, ngày 13/10/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Finance & Retail Thầy thuốc và Danh nhân
Việt Nam
Thế giới
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 3 8 2 2 6 9 8
Số người đang truy cập
1 9 5
 Thầy thuốc và Danh nhân Việt Nam
GS.TSKH. Bùi Đại - nguyên Viện trưởng Viện Quân y 108
Giáo sư-Tiến sỹ khoa học Bùi Đại: “Vua sốt rét” sống khỏe ở tuổi 95

Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang, GS.TSKH. Bùi Đại - nguyên Viện trưởng Viện Quân y 108 sắp bước sang tuổi 95 vẫn còn khỏe và minh mẫn lạ thường.Ông bảo, người già có thói quen hay nhớ ký ức xa.

Những chuyện như, trước giờ nổ súng ở chiến dịch  Điện Biên Phủ, đã cùng Cục trưởng Cục Quân y Vũ Văn Cẩn lội suối trèo đèo đi vòng một lượt lòng chảo Mường Thanh để xác định những địa điểm đặt trạm cứu thương; hay trong thời chống Mỹ, các chuyến vào ra chiến trường tổ chức chống dịch sốt rét cho bộ đội... thì không thể quên được. Được hỏi, bí quyết nào để trường thọ, thì ông cười bảo: Không có bí quyết gì đặc biệt cả, chỉ là phải tập luyện não bộ và chân tay thường xuyên, liên tục thôi...

Những ký ức xa

Câu chuyện của GS. Bùi Đại bắt đầu từ cuối năm 1945. Học xong tú tài toán tại Trường Bưởi (Hà Nội), thi đỗ vào Cao đẳng Khoa học Hà Nội, ngành y khoa, chưa hết năm thứ nhất thì nổ ra cuộc Toàn quốc kháng chiến, thế là chàng trai trẻ cùng các đồng môn “xếp bút nghiên lên đàng” chăm sóc thương binh ở Quân y vụ Thái Nguyên. Rồi học tiếp Trường y kháng chiến ở chiến khu Việt Bắc của hiệu trưởng, bác sĩ Hồ Đắc Di. Mỗi năm về trường học 3 tháng còn 9 tháng đi thực tế, tham gia các chiến dịch lớn như Tây Bắc, Thượng Lào...

Đầu năm 1953, BS. Bùi Đại là Trưởng ban Điều trị, Phó phòng Kế hoạch Cục Quân y. Trước thời điểm nổ ra cuộc đối đầu lịch sử của quân ta với đội quân viễn chinh Pháp khoảng 3 tháng, Cục trưởng Vũ Văn Cẩn đã lấy trò yêu đi cùng, thầy trò bí mật lên sát mặt trận điều tra thực địa bố trí các trung tâm y tế phục vụ thương bệnh binh sau này. Ông kể: “Hoạt động quân y buộc chúng tôi đi sớm về muộn. Khi quân ta hạ xong cứ điểm ác liệt nhất ở đồi A1, thì chúng tôi mới là người cuối cùng rút khỏi trận địa cùng với  thương binh”.Hòa bình lập lại trên miền Bắc, BS. Bùi Đại về công tác tại Viện Quân y 103, sau đó không lâu được cử sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh.


Hình 1

Tại đây, cuối năm 1959, ông là một trong những cán bộ quân y đầu tiên của Việt Nam bảo vệ thành công phó tiến sĩ (nay là tiến sĩ) chuyên ngành Truyền nhiễm. Trở về nước, ông là Chủ nhiệm bộ môn Trường đại học Quân y (sau là Học viện Quân y), kiêm Chủ nhiệm Khoa Truyền nhiễm Viện 103. Bắt đầu những quãng thời gian kết hợp giảng dạy tại trường, với các chuyến đi B ngắn, B dài để giải quyết cho bộ đội, nhân dân những vấn đề cụ thể về bệnh truyền nhiễm, mà chủ yếu là bệnh sốt rét.

Từng có mặt ở các chiến trường gian khổ, ác liệt nhất như: Tuyến đường Trường Sơn (1966); Đường 9 - Khe Sanh (1968); Mặt trận Tây Nguyên - Đông Nam Bộ (1971-1972); Mặt trận Trị Thiên (1972); Chiến dịch Hồ Chí Minh (1974-1975), ngày đó bộ đội, nhân dân thân mật gọi BS. Bùi Đại là “Vua sốt rét”, bởi ông chuyên nghiên cứu điều trị lâm sàng rất có hiệu quả dịch bệnh sốt rét nguy hiểm.

            Ông nhớ lại: “Ở chiến trường bộ đội, thanh niên xung phong hy sinh nhiều vì sốt rét ác tính. Bản thân tôi vào chiến trường năm 1966 cũng một lần dính sốt rét ở Sa Thầy, Tây Nguyên. Sốt rét là một bệnh truyền nhiễm được lưu hành có tính chất địa phương với 3 triệu chứng điển hình là sốt cao, rét run, ra mồ hôi nhiều và có những biến loạn trong máu cùng những rối loạn trầm trọng ở lách, gan. Bệnh nhân thường mệt lả, không ăn uống được gì, lại nôn nhiều nên gầy đét, da mặt bủng, huyết áp kẹt, mạch nhỏ yếu. Ngày đó ta vẫn điều trị sốt rét bằng thuốc quinin, đến một thời gian ký sinh trùng sốt rét nhờn  thuốc. Buổi đầu tôi và anh em các đội điều trị trên đường Hồ Chí Minh đã làm hết sức mình theo đúng phác đồ đã có của Cục Quân y, mà số người bị sốt rét rồi tử vong vẫn không thuyên giảm. Tại các bãi khách đưa đón quân vào ra, số người phải nằm lại do sốt rét không đếm xuể.



Hình 2.GS. Bùi Đại cùng vợ hồi đương chức.

Theo điều tra nghiên cứu của nhiều nhà khoa học quân và dân y, mà đầu tiên phải kể đến GS. Đặng Văn Ngữ, người đã từng vào Trường Sơn nghiên cứu về muỗi sốt rét, rồi hy sinh tại chiến trường, thì trên toàn tuyến có tới 18/25 chủng loại muỗi Anophen gây bệnh sốt rét, trong số đó đứng đầu là các loài muỗi: An. minimus, An. balabasensis, An. maculatus, An. vagus. Toàn tuyến đã biết 23/66 điểm có ký sinh trùng sốt rét (KSTSR) đã kháng thuốc chống sốt rét rõ rệt. Vì vậy, để điều trị bệnh nhân sốt rét phải dùng theo phương pháp phối hợp các thuốc. Phương pháp này được Cục Quân y chấp nhận và đưa vào điều trị kịp thời cho bộ đội. Sốt rét không có miễn dịch tự nhiên, ai cũng có thể nhiễm sốt rét, tốc độ cảm nhiễm nhanh hay chậm tùy theo cá thể, trong khoảng 3 năm, mọi thành phần lực lượng của tuyến đường 559 đã lần lượt sơ nhiễm từ 99-100%.

           Chính từ các kết quả nghiên cứu tại chiến trường, đã đưa đến quyết định bỏ cách uống thuốc điều trị dự phòng hàng tuần và đồng thời cũng bỏ cách uống dự phòng thường xuyên cho người đã ở nhiều năm trong vùng sốt rét. Từ đó tìm cách uống thuốc có hiệu lực hơn, uống chặn cơn, chặn mùa, chặn dịch. Bộ đội Đoàn 559 ở rải ra trên nhiều vùng rừng núi địa hình khí hậu khác nhau nên mức độ sốt rét, mùa sốt rét cũng có sự khác biệt nhau. Các tháng có tỷ lệ sốt trên trung bình thường là từ tháng 5 (chuyển từ mùa khô sang mùa mưa bị sốt nhiều nhất) đến tháng 10 tức là các tháng mùa mưa.



Hình 3

Vùng sốt rét nặng nhất là phía Tây Trường Sơn, đặc biệt là vùng ngã ba biên giới thuộc địa bàn hoạt động của tuyến 3 (thung lũng Sê Ca Mán). Từ đây, ngành quân y Trường Sơn đã hiểu sâu hơn về dịch tễ học, lâm sàng bệnh sốt rét, phát hiện được hiệu lực giảm, kém của một số thuốc, có kế hoạch mang tính chiến lược lâu dài và toàn diện trong việc phòng và chống bệnh sốt rét trên toàn tuyến, đồng thời rút ra những kinh nghiệm quí báu phổ biến cho các chiến trường khác”.

Ngoài những nghiên cứu và tìm ra phác đồ điều trị mới chống sốt rét ở đường Trường Sơn và Nam Bộ, GS.TSKH Bùi Đại còn phụ trách nhiều đoàn chống các bệnh dịch khác, như năm 1967 giúp Trung Quốc chống dịch viêm màng não; năm 1969 chống dịch lỵ ở Hà Nam - Nam Định; năm 1971 giúp Campuchia chống dịch hạch; năm 1976 chống dịch tả ở Hải Phòng... Giữa năm 1983, GS.TSKH Bùi Đại được Nhà nước cử sang Học viện Quân y Kirov, Liên Xô làm nghiên cứu sinh cao cấp, cuối năm 1984 giáo sư đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ (nay là tiến sĩ khoa học). Về nước, ông được cử làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu y học quân sự, từ năm 1985 được thăng hàm Thiếu tướng, đồng thời là Giám đốc Viện Quân y 108; Ủy viên Hội đồng khoa học Bộ Y tế; Phó Chủ tịch Hội đồng Bảo vệ sức khỏe Trung ương cho đến khi nghỉ hưu năm 2004.

Ngày 13/12/1989, Thiếu tướng, GS. Bùi Đại được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ông còn được nhận Giải thưởng Nhà nước về khoa học, công nghệ năm 2000 về các công trình nghiên cứu phòng chống bệnh sốt rét.

Được hỏi, ngoài trận sốt rét ác tính ở Sa Thầy ngày ấy, những năm qua giáo sư còn bị các trận ốm nặng nào khác? “Vua sốt rét” cười vui lộ hàm răng trắng và đều hình như chưa bị rụng cái nào, bảo: Không! Nếu có một căn bệnh mạn tính thì có lẽ nhiều năm nay mình chỉ bị dị ứng ở hai cổ chân thôi. Nói rồi ông cúi xuống vén quần để lộ ra vùng cổ chân có rất nhiều những lấm chấm đen nổi trên da. Giáo sư giải thích, có thể hồi tham gia chiến dịch Đường 9 - Nam Lào hay phải lội suối, mà ngày đó máy bay Mỹ thường rải chất độc hóa học trong rừng. Như thế, may mắn là ông đã không bị ảnh hưởng nhiều của chất độc da cam. Vợ ông vốn là Trung tá, Phó chủ nhiệm một khoa thuộc Viện Quân y 108 hiện đã ngoài 90 tuổi, cũng còn khỏe và minh mẫn. Hai cụ có hai con gái, một con trai, lúc bé đều khỏe mạnh, học giỏi, lớn lên đều thành đạt.

Kể từ ngày nghỉ hưu, GS.TSKH. Bùi Đại luôn giữ cho mình một nếp sống quy cũ, khoa học. Sáng nào ông cũng dậy sớm tập bài thể dục tay chân và hít thở không khí trong lành khoảng một giờ đồng hồ, rồi tắm rửa, ăn sáng. Nếu không có những việc đột xuất phải ra khỏi nhà như được mời dự hội nghị, hội thảo; làm chủ tịch hội đồng chấm luận án, hoặc làm phản biện cho nghiên cứu sinh tiến sĩ, thạc sĩ chuyên ngành, thì ông lại bắt đầu ngồi vào bàn làm việc đọc thư từ, sách báo, xem tivi, sau đó đi dạo gặp gỡ, đàm đạo với những bạn quen trong khu tập thể. Nếp sống thường nhật ấy được duy trì một cách đều đặn, chặt chẽ, cũng chính là một bí quyết trường thọ của “Vua sốt rét”!



Hình 4

Thân thế và sự nghiệp

GSTSKH Bùi Đại sinh ngày 30/9/1924 tại thị xã Phủ Lý, tỉnh Hà Nam trong một gia đình nhà nho có truyền thống hiếu học. Thưở nhỏ, ông rất thông minh và học giỏi. Cuối năm 1945, sau khi tốt nghiệp tú tài, ông thi đỗ vào Trường Đại học Y khoa Hà Nội. GS. Bùi Đại là một sĩ quan cấp cao trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, hàm Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, từng giữ các chức vụ Phó Viện trưởng Viện 103 kiêm Hiệu phó Học viện Quân y, Viện trưởng Viện nghiên cứu Y học Quân sự, Viện trưởng Bệnh viện Trung ươngQuân đội 108.

Ông sinh ngày 30 tháng 9 năm 1924, quê tại Phủ Lý, Hà Nam. Tháng 10 năm 1946, khi đang là học viên năm thứ nhất Trường Quân y, ông xếp bút nghiên lên Quân y vụ Thái Nguyên chăm sóc thương bệnh binh. Từ năm 1946 đến 1954, ông làm công tác Y tế trong Quân đội là Trưởng ban điều trị, Phó Phòng Kế hoạch Cục Quân y.

Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, ông theo chân bộ đội chủ lực có mặt tại hầu hết các chiến dịch lớn như: Tây Bắc, Thượng Lào. Để chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử năm 1954, trước thời điểm chiến sự nổ ra 3 tháng, ông đi cùng với Cục trưởng Cục Quân y thời bấy giờ là ông Vũ Văn Cần bí mật lên điều tra chiến địa, bố trí các trung tâm y tế phục vụ các trận đánh.

Sau Hiệp định Genève (1954), ông được cử đi làm nghiên cứu sinh tại Liên Xô. Sau khi về nước cho đến năm 1973, ông lần lượt giữ các chức vụ: Chủ nhiệm Bộ môn, Chủ nhiệm Khoa Truyền nhiễm của Viện 103 và Học viện Quân y (1960) rồi Chủ nhiệm Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. 

Từ năm 1973 đến 1982, ông lần lượt được cử giữ các chức vụ: Phó Viện trưởng rồi Viện trưởng Viện 103 kiêm Hiệu phó Trường Đại học Quân y, nhiều lần phục vụ Chiến trường miền Nam. 

Năm 1965, bộ đội và người dân Sơn La bị một đợt sốt không rõ nguyên nhân rất nghiêm trọng. Các nhân viên y tế địa phương đã cho người bệnh dùng thuốc chống sốt rét ác tính nhưng bệnh không những không suy giảm mà còn nặng thêm. Trước tình hình ấy, ông cùng với GS Võ An Dậu ở Khoa truyền nhiễm Bệnh viện 103 được điều gấp lên Sơn La đẩy lùi dịch sốt không rõ nguyên nhân này.



Hình 5

Những tháng ngày đầu năm 1965, bộ đội hy sinh rất nhiều vì mắc phải sốt rét ác tính. Nhất là những tân binh, nhiều chiến sĩ hành quân mới vào điểm tập kết đã phải nằm lại bởi sốt rét. Ông đã đi tất cả những chiến trường B3, B1 khu 5, B4 Bình Trị Thiên, hai lần ở B2 Nam Bộ từ 1971-1973 và 1974-1976. Làm nhiệm vụ đẩy lùi bệnh rốt rét cho bộ đội hạn chế đến mức tối đa hy sinh vì sốt rét.

Năm 1968, ông được Tổng cục và Cục quân y cử vào trong HO đón E5 ở Trị Thiên ra hậu phương (E1, E2, E3, E7. E8) với hai nhiệm vụ phòng chống và điều trị dịch sốt rét ác tính đang bùng phát ở các đơn vị này.  Nằm trong lòng chiến trận ở Nam Bộ, ông đã đề đạt với Cục Quân y nhiều phương pháp phòng và điều trị dịch sốt rét ác tính mới và hiệu quả. Một trong những biện pháp đạt hiệu quả là dùng phối hợp thuốc sốt rét (Quinin hoặc Chloroquine với Pyrimethamine) được Cục Quân y chấp nhận đưa vào điều trị cho bộ đội.  Những phương án điều trị của ông đã đáp ứng kịp thời nhu cầu chiến trường và được đưa vào các văn bản chỉ thị hướng dẫn điều trị sốt rét của Cục Quân y và của Quân y Miền Nam, được áp dụng rộng rãi ở mọi chiến trường từ các tuyến trước về cơ sở điều trị tuyến sau của hành lang 559, các quân khu B1, B3, B4, B4, B5, B2. 

Năm 1979, ông được cử làm Phó Viện trưởng Viện Quân y 103

Năm 1981, làm Viện trưởng Viện Quân y 103 kiêm Phó Giám đốc Học viện Quân y

Từ năm 1983 đến 1984, ông tiếp tục sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh cao cấp

Tiến sĩ (1984)

Năm 1984, ông là Viện trưởng Viện nghiên cứu Y học Quân sự.

Năm 1985, Viện trưởng BV Trung ương Quân đội 108 và phong hàm Thiếu tướng

Từ năm 1996 ông thôi giữ vai trò quản lý và chuyển sang làm chuyên viên cao cấp của Bệnh viện 108

Năm 2004, ông nghỉ hưu.
 

Thành tích

·Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân (12.1989)

·Thầy thuốc Nhân dân (3.1989)

·Huân chương Chiến công hạng Ba

·Huân chương Kháng chiến (hạng Nhất, Ba)

·Huân chương Quân công

·Huân chương chiến sĩ Giải phóng

·Huy chương vì cách mạng Lào

·Giải thưởng nhà nước về Khoa học và Công nghệ năm 2000

·Bằng khen của tổng cục Hậu cần. 

Vẫn còn quá trẻ chưa thể có cơ hội làm học trò hoặc làm việc hay nghiên cứu cùng với thầy GSTSKH Bùi Đại nhiều nhưng chúng tôi rất kính trọng thầy qua những kinh nghiệm và tài liệu quý báu mà thầy đã đúc kết trong nhiều tài liệu viết tay, hay viết thành sách chuyên đề chẩn đoán và điều trị bệnh sốt xuất huyết, sốt rét, sốt mò và các bệnh nhiễm trùng xứ nhiệt đới, ….. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết trên của tác giả Phạm Quang Đẩu về thầy.

Ngày 10/12/2018
TS.Bs. Huỳnh Hồng Quang
(Theo https://suckhoedoisong.vn)
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích