Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 19/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 4 5 3 6 7 3
Số người đang truy cập
2 7 2
 
Trả lời câu hỏi bạn đọc về chuyên ngành ký sinh trùng và kiến thức y học phổ thông tháng 12/2015 đến tháng 2/2016 (Phần 3)

Dương đức D. 37 tuổi, TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, hoailan21@

Hỏi: Xin các bác sĩ cho em biết tại sao cứ mỗi lần em tắm vào, đặc biệt là tắm nước ấm, nóng vào mùa đông sau khi lau mình khô ráo là cảm thấy ngứa ngày khắp cả người trong cả gần 30 phút, sau đó tự nhiên biến mất không để lại vết đỏ nào hoặc lằn nào cả, trong gia đình em có 1 mình em bị như vậy. Xin trân trọng cảm ơn các bác!

Trả lời:

Rất cảm ơn câu hỏi rất hay và thú vị của bạn, thường trong thực hành lâm sàng hàng ngày tại bệnh viện, chúng tôi gặp rất nhiều các tình huống như bạn mô tả. Tuy nhiên, nguyên nhân chính thức để trả lời cho bạn cụ thể thì thật khó bởi lẽ ngứa hay nổi mẫn ngoài da thường hay xảy ra với nhiều nguyên than khác nhau có thể xuất phát từ bên ngoài hoặc nội tại bên trong. Khi da bị khô và tróc làm cho các sợi dây thần kinh bị kích thích và làm cho ngứa.

Vì thế phần lớn các trường hợp ngứa da thường hay xảy ra vào mùa đông khi da bị khô và nứt nẻ, hoặc chúng ta quá lạm dụng tắm nhiều nước nóng, nhất là người cao tuổi có hiện tượng “nứt da chân chim”, dẫn đến ngứa rất phổ biến, hoặc một số phụ nữ lạm dụng nhiều mỹ phẩm hoặc chất tẩy rửa cũng có thể làm da ngứa nhiều hơn. Các cơn ngứa thường xảy ra sau khi tắm nước nóng, ngâm mình dưới nước quá lâu, nhất là vào mùa đông, khô, …. Những nguyên nhân làm cho ngứa thường là do: Thời tiết vào mùa đông khi độ ẩm giảm nặng, tắm nước nóng quá lâu trong những hồ tắm, bồn tắm có hòa chlorin, xà phòng hay dầu gội đầu, ánh nắng mặt trời.


Trong trường hợp của bạn, cần xem lại nguồn nước có bị nhiêm bẩn hay không, nguồn nước không bị ô nhiễm bởi các cơ sở công nghiệp có chất thải ra ngoài môi trường xung quanh không, sau khi tắm ngứa khoảng độ 30 phút mà không cần can thiếp thuốc gì cũng hết ngứa thì có thể bạn xem lại nhiệt độ nguồn nước bạn sử dụng để tắm hoặc bạn có thường xuyên tắm trong thời điểm nóng, ánh sáng mặt trời hay không, khiến cho da khô, dẫn đến ngứa.

Mặt khác, nguyên nhân ngứa cũng có thể do xà phòng (nhất là loại xà phòng có chất tẩy rửa nồng độ cao), sữa tắm bạn đang dùng không phù hợp, có chất gây kích ứng da hoặc làm khô da, teo da. Để phòng ngứa da, bạn nên tắm với nước ấm vừa phải, tắm nhanh, sau khi lau khô người, thoa một lượng kem dưỡng ẩm lên toàn bộ cơ thể để tăng độ ẩm cho da. Bạn cũng nên thay xà phòng hay sữa tắm đang dùng bằng loại khác ít chất kiềm để da không bị khô. Một số trường hợp, bạn có thể dùng vaseline thoa ngày 2 lần vào thời điểm sáng và tôi một lớp mỏng để làm cho da ẩm lại cũng óc thể có ích.


Nếu đã thực hiện những biện pháp trên mà da vẫn ngứa không chấm dứt, bạn cần đi khám và xin tư vấn từ các bác sĩ chuyên khoa da liễu, thẩm mỹ và ký sính trùng.

Thân chúc bạn khỏe và không còn ngứa nữa.


Bùi Thị Tấn T., 62 tuổi, Ngô Gia Tự, TP. Quy Nhơn

Hỏi: Tôi đang bị da khô và thường nứt nẻ đã nhiều năm nay và đã điều trị và thoa thuôc ở các bác sĩ tây y lẫn đông y và kể cả thuốc của đồng bào dân tộc, nhiều hôm thấy nứt đau rát, rướm máu, rất khó chịu, có những đêm không ngủ được chút nào. Chờ các bác sĩ của phân viện Sốt rét Quy Nhơn cho tôi loại thuốc gì để chữa, tôi rất cảm ơn!

Trả lời:

Cảm ơn bác đã đặt câu hỏi, với câu hỏi này mang tính chung chung và không thấy các triệu chứng khác bác mô tả ngoài triệu chứng da khô, có bệnh lý nào liên quan đến tuổi già hay không ví dụ như vảy nến, chầm hay bệnh nội tiết, đái tháo đường hay không để khi lựa chọn thuốc cẩn thận hơn và đôi khi dùng thuốc không bị tương tác thuốc, ngay cả thuốc bôi - thoa cũng vậy.


Da bị khô nứt nẻ, luôn đỏ ửng, ngứa, rát, có khi còn nứt thành vệt, rướm máu là tình trạng mà nhiều người gặp phải, nhất là trong các mùa đông lạnh và hanh khô. Da khô nứt nẻ, không chỉ ảnh hưởng thẩm mỹ mà dễ bị bội nhiễm các tác nhân gây bệnh khác.

Dùng thuốc gì cho da khi bị nẻ là kiến thức cần thiết cho mọi người và mọi nhà, nhất là những người đang sống trong vùng thường xuyên bởi khí hậu phức tạp như lạnh quá, nóng quá, ẩm quá, khô quá!


Hàng ngày da của chúng ta cần một lượng nước nhất định để luôn giữ cho các tầng mô cơ da cơ quan đầy đặn và không bị khô. Cơ thể luôn có sự mất nước từ bên trong qua da, vào mùa đông lạnh giá, thời tiết khô hanh, hoặc khi ở lâu trong phòng điều hòa, sự mất nước này lại càng tăng mạnh, vì vậy da thường khô, dễ nứt nẻ, nhất là đối với trẻ nhỏ và người già, thậm chí loét môi miệng.

Trời càng lạnh thì da càng khô hơn, đây là do hiện tượng tăng mất nước qua thượng bì khi trời lạnh. Hơn nữa do trời lạnh nên ai cũng ngại uống nước, thường đợi khát mới uống, nên lượng nước cung cấp cho da cũng ít, đó là lý do khiến da càng dễ bị nẻ hơn.


Với trẻ em, do da trẻ chưa có lớp bã nhờn và sự đàn hồi da còn kém bởi hệ thống sợi collagen non nớt nên khả năng  chống chọi với mọi tác hại cũng thấp hơn nhiều lần so với người lớn.

Chính các đặc điểm trên làm cho da bé dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết, tình trạng nẻ ở trẻ em thường nặng hơn. Khi da bị khô nẻ, lớp thượng bì trên cùng trở nên thô, nhăn nheo, đôi khi bong hàng lớp tế bào da chết trông như da bị mốc, nhiều trường hợp da trông xù xì. Một số người có thể bị ngứa nhẹ.


Khi bị khô và nứt, thông thường bênh than nghĩ ngay đến việc dùng thuốc gì chữa nẻ, thế nhưng có cách rất hữu hiệu đó là tăng cường lượng nước cho da qua chế độ ăn.

Hàng ngày nên ăn uống nhiều hoa quả, nước quả tươi, rau xanh và uống nhiều nước để cung cấp đủ lượng nước cho da, da sẽ đỡ bị khô. Khi trời lạnh, nhu cầu nước cho cơ thể vẫn rất cao, do vậy vẫn phải uống nước đều đặn.

Vào những ngày độ ẩm cao, trời hanh khô cần uống nhiều nước hơn. Ngày 2-3 lần lấy khăn ẩm ủ lên mặt chừng 2 phút để da bớt bị khô và căng. Nên dùng dưa chuột, cà chua, củ đậu rửa sạch, thái lát đắp mặt nạ trước khi đi ngủ. Khi đi ra ngoài trời nên đeo khẩu trang để hạn chế da bị tiếp xúc với ánh nắng, khói bụi, càng dễ bị nẻ và có thể dùng mỡ vaseline để thoa giữ ẩm cho cơ thể và các vùng thường bị nứt nẻ và da khô, vùng bị lộ ra ngoài, tiếp xúc trực tiếp với môi trường.

Với da khô, dễ bị  nẻ, việc chú ý giữ vệ sinh vùng nứt nẻ rất quan trọng. Cần rửa mặt nhẹ nhàng ngày 2-3 lần bằng nước ấm vừa phải, không dùng nước nóng sẽ làm cho da mất nước nhiều hơn. Không nên lạm dụng sữa rửa mặt và xà phòng vì hoạt chất tẩy rửa của chúng càng tẩy mất chất nhờn trên da nhanh hơn, da càng thêm khô. Sau khi rửa mặt xong, có thể bôi các chế phẩm làm ẩm, mềm da. Các loại kem chứa vaselin, glyceryle, saccharid isomerate, lanolin, mineral oil... có cấu trúc ngậm nước và giữ ẩm cho da, tránh tình trạng khô da nứt nẻ.

Các loại kem chứa các thành phần như dầu jojoba, vitamin E, dầu hướng dương, milk protein... thường được dùng như một sản phẩm dưỡng da chống lão hóa và giữ ẩm cho da nhằm ngăn chặn các triệu chứng như khô ráp, nhăn. Điều trị rất lâu ở chuyên khoa da liễu mới khỏi bệnh.

Vì vậy, người sử dụng kem nẻ phải hết sức cẩn trọng, trước khi dùng nên bôi thử lên bề mặt da mu bàn tay 15 phút, nếu thấy không có phản ứng mới bôi lên mặt. Đặc biệt là với trẻ nhỏ, để chữa nẻ cho con, bố mẹ nên lau sạch da bé bằng nước ấm (không dùng nước nóng) rồi bôi lớp mỏng cetaphil lên da bé, tạo thành lớp màng mỏng ngăn da trẻ bị mất nước hoặc chọn những loại kem giữ ẩm dành riêng cho trẻ em. Nên tránh các sản phẩm có mùi thơm, chứa cồn vì có thể làm da thêm khô và có nguy cơ dị ứng.


Tuyệt đối không bôi các thuốc có chứa steroid như trangala, cortebios, chlorocid H, flucinar, fobancort, gentrisone, diprosone... Đây là các thuốc điều trị bệnh lý ở da, không có tác dụng chữa nẻ. Dùng kéo dài các thuốc này sẽ gây nên nhiều hậu quả xấu như nổi mụn trứng cá, da mặt sần sùi, teo da. Có tình trạng nhiều người còn dùng thuốc mỡ tetracyclin tra mắt để chữa nẻ. Việc này rất sai lầm do mỡ tetracyclin là thuốc kháng sinh dạng bôi để điều trị tình trạng viêm, không có tác dụng chữa da bị khô nẻ, rất hạn chế dùng trên da mặt.

Mặt khác, song song với việc dùng thuốc bôi chữa nẻ, những viên thuốc làm đẹp da, chống khô da đã được nhiều người lựa chọn. Mục đích của việc dùng thuốc là tăng độ săn chắc giúp da trở nên mềm mại, mịn màng (những chất có chứa chiết xuất từ sinh vật biển hoặc collagen); duy trì độ ẩm, ngăn ngừa mất nước và cung cấp độ ẩm cần thiết cho da (thuốc có chứa các chất như hyaluronic, ceramide và amino acid); cung cấp vitamin và dưỡng chất thiết yếu cho da (thuốc có chứa vitamin C, A, E,...panothenic acid, selenium).

Thuốc làm đẹp cho da đa số đều là thuốc không cần kê toa. Tuy được nhiều người gọi là thuốc, nhưng thực tế đây chỉ là thực phẩm bổ sung và cũng có những hạn chế nhất định. Các thành phần như collagen, vitamin, chất chống ôxy hóa... dù tốt nhưng muốn đưa vào cơ thể cũng cần có liều lượng, cách thức phù hợp với từng người.

Mặt khác, những chất này khi uống vào đều phải qua quá trình hấp thụ, chuyển hóa và sẽ có tác động đến nhiều cơ quan khác chứ không chỉ tập trung tác động lên da như ta mong muốn. Thuốc đẹp da cũng là một loại thuốc bổ, mà quá nhiều thuốc bổ thì sẽ tăng lượng độc tố trong cơ thể. Ví dụ, uống quá nhiều vitamin A sẽ gây ra chứng rụng tóc; hay uống quá nhiều vitamin C sẽ ngăn ngừa cơ thể hấp thụ kẽm... Vì vậy, trước khi dùng thuốc nên hỏi ý kiến bác sĩ và dùng theo liều lượng nhất định.


Việc chăm sóc da để ngăn ngừa khô da và hạn chế nức nẻ là rất cần thiết và vô cùng quan trọng trong một khâu điều trị hiệu quả viêm da và khô da nói chung. Vào mùa thu và mùa đông, thời tiết lạnh và hanh khô làm cho da giảm tiết mồ hôi và dầu, đồng thời sự mất nước qua da cũng tăng lên nên độ ẩm trên bề mặt da bị giảm. Mặt khác, vào mùa lạnh chúng ta thường tắm bằng nước nóng nên cũng làm da khô hơn. Một số người còn ngại uống nước nên lượng nước thiết yếu cho cơ thể và cho da cũng không được cung cấp đầy đủ.

Khi da bị khô mức độ nhẹ chúng ta sẽ thấy da ửng đỏ lên sau khi tắm, sờ vào thấy hơi thô ráp, đôi khi thấy bong tróc những vảy rất nhỏ.

Khi da khô ở mức độ trung bình, sờ vào sẽ thấy sự thô ráp rất rõ, nếu nhìn ở ánh sáng trời bạn sẽ thấy da sần lên hoặc có kèm các vết nhăn, ngoài ra có các vảy da trắng mỏng, bong ra trông như vảy phấn, vảy cám. Da ửng đỏ tăng lên sau khi tắm, thậm chí còn bị ngứa trên nền da khô đó. Khi da khô ở mức độ nặng: bạn cảm nhận thấy khô da rất rõ, bong vảy to màu trắng hoặc màu xám. Nếu khô ở những chỗ da dày như lòng bàn tay, lòng bàn chân thì có thể gây nứt nẻ, đau, chảy máu. Sau khi tắm bạn thấy da bị đỏ lên, đôi khi bị sần gây ngứa ngày khó chịu. Nếu bạn gãi thì có thể làm xuất hiện các tổn thương da trên nền da khô.


Một số cách chăm sóc da khô và hay bị nứt nẻ:

-Tắm hoặc rửa nhẹ nhàng bằng nước đủ ấm hoặc mát, không tắm bằng nước nóng quá dễ làm da khô và nhanh chóng lão hoá da;

-Sử dụng các sữa tắm làm mềm da như Saforell, Lactacid hoặc sữa tắm cho trẻ em, cũng thể tắm bằng nước chanh hòa loãng (vắt 1 quả chanh vào 1-2 lít nước);

-Sữa rửa mặt nên chọn những loại nhẹ dành cho da khô hoặc chỉ rửa bằng nước muối sinh lý NaCl 0,9%;

-Không nên sử dụng các loại xà bông, sữa tắm chứa nhiều sút hay những sữa rửa mặt mạnh chứa thành phần tẩy da chết làm tăng khô da;

-Không nên tắm lâu quá hoặc dùng lượng sữa tắm nhiều quá;

-Không tắm hoặc rửa nhiều lần trong ngày. Thường thì vào mùa đông bạn nên tắm 1-2 ngày 1 lần. Những người có da nhạy cảm, cơ địa dễ dị ứng thì 2-3 ngày mới nên tắm 1 lần để tránh làm tổn thương da. Những ngày không tắm chỉ lau rửa nhẹ nhàng bằng nước ấm;

-Các chế phẩm dùng tại chỗ cho da khô đẻ hạn chế da khô và nứt nẻ như thoa/ bôi các loại kem làm mềm da, giữ ẩm cho da như kem có chứa vitamin E, laticare, baby care. Tốt nhất bạn hãy bôi kem dưỡng da sau mỗi lần tắm, nếu khô nhiều thì bôi thêm 1 lần trước khi ngủ. Sau khi bôi kem có thể mát xa 5 phút. Những chỗ da khô nhiều thì có thể bôi kem dưỡng ẩm da ngày 3-5 lần, các lần bôi kem cứ bôi chồng lên nhau không cần rửa trước khi bôi để tránh khô da;

-Ngoài ra, chúng ta có thể uống 1 đợt vitamin E viên 400 đơn vị, ngày uống 1 viên trong 1 tháng;

-Các thuốc tuyệt đối không được bôi/ thoa để chống khô nẻ như trangala, flucina, gentrison, temproson, diproson, chlorocid H, kem trộn, kem tự chế, một số kem đông y không rõ nguồn gốc. Các chế phẩm này có chứa chất cortisone, nếu bôi nhiều mà không có chỉ định của bác sỹ chuyên khoa thì sẽ gây ra rất nhiều biến chứng.

-Biến chứng thường gặp nhất là làm nổi mụn trứng cá, đỏ da, teo da, giãn mạch, da sần sùi như vỏ cam, ngứa rát, bong tróc. Việc chữa trị các biến chứng này thường rất khó khăn. Nếu khô nẻ kéo dài hoặc thấy da bị viêm sần lên trên nền da khô thì bạn phải đi khám bác sỹ chuyên khoa.

Về chế độ ăn uống, chúng ta nên uống nhiều nước để bù lại lượng nước mất qua da về mùa đông. Bạn nên tập thói quen uống nhiều nước, uống từ 1,5-2 lít nước/ ngày. Trong chế độ ăn về mùa đông, ngoài việc phải tăng lượng calo để chống rét ta nên bổ xung thêm rau xanh, quả tươi để cung cấp thêm các vitamin, đặc biệt là cam, chanh, bưởi, chuối…

Chúng tôi hy vọng với các thông tin trên đây sẽ giúp bác phần nào tự phòng bệnh cho chính mình cũng như là chọn thuốc và các chế phẩm tốt nhất cho người bị da khô.


A Thanh, 47 tuổi, cán bộ thuế Gia Lai…

Hỏi: Gần đây, ngày nào theo dõi trên tin tức báo chí và trang mạng chúng tôi thường gặp nói về virus Zika, đặc biệt loại virus này đề cập có liên quan đến tật đầu nhỏ ở phụ nữ mang thai mắc bệnh sinh ra con cái của họ như thế. Chưa hết lo thì gần đây có nghe nói đến ngoài tác hại ảnh hưởng nói trên, virus này còn gây tổn thương não ở người lớn. Thực hư ra sao mong các bác sĩ chuyên khoa về côn trùng cho biết, xin cảm ơn!

Trả lời:

Chúng tôi rất chân thành cảm ơn câu hỏi rất thời sự của bạn về một loại virus lây truyền qua con đường muỗi Aedes sp. đốt (loại muỗi thừng gây bệnh sốt xuất huyết, truyền máu, quan hệ tình dục. Sở dĩ sự lo ngại của bạn là có căn cứ và rất quan trọng, bởi lẻ trung gian truyền bệnh do virus Zika này khá phổ biến trên thế giới, nhất là tại các vùng bệnh sốt xuất huyết lưu hành, trong đó có Việt Nam mà muỗi này cũng rất phổ biến tại Việt Nam, nếu có nguồn virus thì nguy cơ sẽ rất lớn; hơn nữa, phần lớn người dân chúng ta chưa hề có miễn dịch với bệnh này nên việc nhiễm sẽ rất nguy hiểm nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.


Liên quan đến câu hỏi của chị, đúng là ngoài tác động trên thai nhi của các bà mẹ mang thai nhiễm virus này thì virus Zika có thể gây tổn thương não người lớn. Đó là theo nghiên cứu mới công bố của các nhà khoa học Pháp, cho biết virus Zika không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới não của thai nhi mà còn có thể gây tổn thương tới não người trưởng thành. Nghiên cứu trên được tiến hành sau khi virus Zika được phát hiện trong dịch não tủy của một người đàn ông 81 tuổi, nhập viện hồi tháng 1 vừa qua tại một bệnh viện gần Paris, chỉ một thời gian ngắn sau chuyến du ngoạn kéo dài một tháng trước đó ở New Caledonia, Vanuato, quần đảo Solomon và New Zealand.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rối loạn ý thức và hôn mê nhẹ, sốt cao, liệt một phần, và được chuẩn đoán viêm não-màng não. Đây là ca nhiễm virus Zika đầu tiên với những triệu chứng như vậy - ông Guillaume Carteaux, người đang trực tiếp điều trị bệnh nhân, cho biết. Do số lượng virút Zika tìm thấy trong não bệnh nhân không nhiều nên chưa thể chứng minh được nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, ông Carteaux cho biết, một số nguyên nhân lây nhiễm khác không thể loại trừ, có thể do virus hoặc vi khuẩn. Bệnh nhân này hiện đã hồi phục một phần.


Trước đó, một nhóm khoa học người Pháp khác cũng tìm thấy có mối liên hệ giữa virus Zika với chứng viêm cột sống dẫn tới tê liệt.

Nghiên cứu cho biết, một bé gái 15 tuổi ở đảo Guadeloupe của Pháp - mắc chứng viêm cột sống cấp tính khi nhập viện hồi tháng 1 vừa qua được phát hiện có lượng lớn virus Zika trong não tủy, máu và nước tiểu.

Chứng viêm cột sống có thể ảnh hưởng tới hoạt động của tứ chi và khiến người bệnh bị liệt khi phá vỡ sự trao đổi giữa tủy sống và các bộ phận còn lại của cơ thể. Virus Zika thường gây ra các triệu chứng nhẹ đối với người trưởng thành như: sốt nhẹ, đau đầu và đau xương khớp. Sự lây lan nhanh chóng của loại virus nguy hiểm này đã dẫn tới tình trạng báo động trên toàn cầu do virus Zika có liên quan tới tật đầu nhỏ.

Brazil là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch Zika, với khoảng 1,5 triệu người bị nhiễm bệnh và 745 trẻ em dị tật đầu nhỏ được sinh ra từ những thai phụ nhiễm loại virus chết người này.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện đã có 41 nước và vùng lãnh thổ phát hiện trường hợp nhiễm virus Zika và cho tới nay vẫn chưa có vaccine hay thuốc đặc hiệu chữa trị dịch Zika. TCYTTG khuyến cáo phụ nữ mang thai nên hạn chế đi tới những khu vực có ổ dịch Zika.


Với các thống số và số liệu cập nhật tử Tổ chức Y tế thế giới cho biết virus Zika đã được phát hiện và nhiễm bệnh từ những năm 1947 trên thế giới và sau đó lan sang nhiều quốc gia khác nhau thông qua muỗi Aedes sp. truyền. Các tác động của chúng gần đây được xem xét và đưa ra các bằng chứng chưa thuyết phục lắm giữa nhiễm virus Zika với tật đầu nhỏ các trẻ em sinh ra từ các bà mẹ nhiễm trong thời kỳ mang thai hay như liên quan giữa tật đầu nhỏ với hóa chất,…vẫn còn đang tranh luận rất nhiều giữa các tác giả và vẫn đang chờ các nghiên cứu khoa học để đưa ra các bằng chứng thuyết phục nhằm trấn an cộng đồng khỏi hoang mang.


Việt Nam cũng rất sớm đưa ra các kế hoạch hành động và các biện pháp chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh này.

Lần nữa, cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi để chúng tôi có cơ hội phúc đáp vấn đề bệnh truyền nhiễm thời sự này.


Lê Vĩnh H. 48 tuổi, Tuy Hòa, Phú Yên

Hỏi: Tôi xin hỏi ban biên tập của trang tin điện tử viện sốt rét, ký sinh trùng Quy Nhơn, mẹ tôi bị mắc phải chứng huyết áp thấp thường xuyên bị nhức đầu và xây sẩm. Đã đi khám tim mạch và đông y nhiều nơi nhưng không có cách nào hiệu quả trong điều trị. Chúng tôi xin hỏi có cách nào điều trị chứng huyết áp thấp và phòng ngừa sao cho hiêu quả?

Trả lời:

Huyết áp thấp (HAT) là một trong những căn bệnh thời đại mà ai (nam hay nữ và già hay trẻ) cũng có thể mắc phải với những triệu chứng mệt mỏi, lả người, choáng váng, xây xẩm mặt mày, hoa mắt chóng mặt, khó tập trung và dễ nổi cáu, có cảm giác buồn nôn, nặng hơn có thể ngất xỉu.

Các nguy cơ của HAT cũng rất đáng sợ, tuy nhiên có thể phòng ngừa được. Những người có mức HAT kéo dài liên tục trong 2 năm có khả năng bị mất trí nhớ cao gấp 2 lần. HAT quá thấp cũng có thể làm nhịp tim nhanh, gây choáng, ngất. Huyết áp thấp cũng là nguyên nhân gây tai biến mạch máu não. 30% số người nhồi máu não và 25% số người nhồi máu cơ tim là do HAT.


Xác định người bị HAT khi đo HA có trị số HA tâm thu dưới 90mmHg và HA tâm trương dưới 60mmHg hoặc giảm hơn 20mmHg so với trị số HA bình thường trước đó. Về nguyên nhân gây HAT, có thể có rất nhiều:

-Do suy giảm hoạt động của tuyến giáp:Khi cơ thể bị thiếu hụt hàm lượng hormon của tuyến giáp sẽ dẫn tới nguy cơ mắc chứng HAT kèm theo các triệu chứng hoa mắt chóng mặt, rụng tóc.

-Do suy giảm glucose: Nếu hàm lượng đường trong máu giảm xuống dưới mức 2.5mmol/l, bạn có thể sẽ phải chịu đựng cảm giác mệt mỏi, run rẩy và vã mồ hôi;

-Hàm lượng hemoglobin thấp:với người khoẻ mạnh, ở  nam giới, hàm lượng này ở mức 13,5 - 17,5 g/dl, còn ở nữ giới là 11,5-15,5g/dl. Khi hàm lượng hemoglobin thấp (tức là dưới mức 9g/dl) sẽ khiến cho lượng oxy vận chuyển tới não và tim bị suy giảm, có thể làm cho cơ thể choáng váng, hoa mắt, chóng mặt;

-Nhịp tim chậm: nếu nhịp tim dưới 60 nhịp/phút sẽ không đủ lượng máu và oxy lưu thông trong cơ thể. Đây là một lý do dẫn tới bệnh HAT.

Nguyên nhân gây chứng bệnh này còn có các yếu tố như cuộc sống căng thẳng, môi trường ô nhiễm, lạm dụng độc chất, cơ thể gặp lạnh, mưa… HAT thường gặp ở những người quá lao lực, thể trạng yếu, suy dinh dưỡng, phụ nữ. Đặc biệt, HAT dễ xảy ra ở người bệnh tim mạch, béo phì, tiểu đường. Có hai loại HAT là HATtiên phát và HAT thứ phát.

-HAT tiên phát: là những trường hợp có thể trạng đặc biệt từ nhỏ đến lớn HA vẫn thấp mà không hề có triệu chứng hoặc biến chứng ở bộ phận nào trong cơ thể, chỉ khi gắng sức thì thấy chóng mệt;

-HAT thứ phát:là HA bình thường nhưng sau đó huyết áp bị tụt dần xuống tới mức được coi là HAT. Thường gặp ở những người suy nhược kéo dài, mắc các bệnh thiểu năng tuần hoàn não, lao, nhiễm khuẩn, nhiễm độc kéo dài, thiếu máu kéo dài, bệnh nội tiết suy tuyến thượng thận, suy tuyến giáp mạn tính.


Thái độ xử trí và phòng bệnh cho bệnh nhân HAT

-Thay đổi tư thế sao cho đúng:khi ngủ, máu tập trung vào gan, phổi, lách, nên gây ra tình trạng thiếu máu não tạm thời. Vì vậy, khi thức dậy cần nằm thêm một lúc, làm vài động tác khởi động đơn giản rồi mới ngồi dậy, hãy thở sâu trong vòng vài phút, sau đó ngồi dậy thật chậm rồi mới đứng thẳng. Khi có dấu hiệu hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, cần nằm nghỉ ngơi ở tư thế đầu thấp để tăng lượng máu lên não.

-Nếu triệu chứng hạ huyết áp bắt đầu xuất hiện sau khi đứng thẳng thì nên đứng thẳng người và hít thở đều hoặc đặt một chân lên cao (tựa vào tường hay gác trên ghế), nghiêng người về phía trước. Động tác này có tác dụng kích thích máu chảy từ chân ngược về tim;

-Để hạn chế nguy cơ bị hoa mắt, chóng mặt và đau đầu nhẹ xuất hiện khi HA bị tụt trong lúc đứng dậy, bạn cần thả lỏng người để tạo sự thoải mái cho cơ thể rồi đứng thẳng thật nhẹ nhàng;

-Không nên trèo cao, ra nắng gắt hoặc để bị lạnh đột ngột, nhất là lúc đêm khuya;

-Luyện tập thể dục đều đặn, phù hợp với sức khoẻ và độ tuổi hàng ngày giúp duy trì lưu thông máu trong cơ thể nên giảm chứng HAT;

-Tắm nước ấm có pha thêm muối magie, đây là một trong những biện pháp đơn giản nhất để điều trị HAT, ngoài ra, loại nước tắm này còn giúp cơ thể thư giãn.


Phòng ngừa huyết áp thấp bằng chế độ ăn uống

-Chế độ ăn uống lành mạnh:Hãy cung cấp tất cả những dưỡng chất mà cơ thể cần để duy trì sự khỏe mạnh bằng cách tập trung vào nhiều loại thức ăn khác nhau, bao gồm: gạo thô, trái cây, rau xanh, thịt gà nạc và cá. Trong chế độ ăn uống thường ngày cần bổ sung thêm các loại thực phẩm có chứa các thành phần như protein, vitamin C và tất cả các loại vitamin thuộc nhóm B rất có lợi;

-Một số thức ăn, đồ uống có tác dụng làm tăng HA như: cà phê, nước chè đặc, ăn thức ăn đậm đà muối, nước sâm, bột tam thất, rau cần tây, nước nho, hạt sen, long nhãn, táo tàu, quả dâu;

-Ăn những bữa nhỏ, ít carbohydrate:để ngăn ngừa huyết áp giảm đột ngột sau bữa ăn, bạn nên chia nhỏ những bữa ăn thành nhiều lần trong ngày và cần cố gắng hạn chế những thực phẩm giàu carbonhydrate (tinh bột) như khoai tây, gạo, cháo, nui và bánh mì;

-Ăn đủ các bữa, đặc biệt bữa sáng rất quan trọng. Nên ăn sáng với những thực phẩm tốt cho tim mạch và các loại nước hoa quả ép (nên thêm một ít muối) sẽ giúp máu lưu thông dễ dàng hơn. Nếu huyết áp thấp do thiếu máu (hay gặp ở phụ nữ), nên tăng cường thức ăn chứa nhiều sắt như thịt nạc, gan động vật, mộc nhĩ, nấm hương khô, cần tây, rau đay, rau dền, quả lựu, táo. Khi huyết áp thấp và đói..., người bệnh cần uống trà đường hay ăn kẹo ngọt rồi thả lỏng cơ thể, nằm yên tĩnh để lấy lại thăng bằng. Nhưng trong trường hợp huyết áp thấp do mất máu khi bị thương, mất nước do tiêu chảy kéo dài..., cần phải gặp bác sĩ để được điều trị đúng cách;

-Ăn mặn hơn người bình thường:Những người được chẩn đoán mắc chứng HAT đều được khuyến khích tăng cường lượng muối trong chế độ ăn uống của họ. Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều muối cũng sẽ không tốt cho tim, do đó, chỉ nên giới hạn ở một mức độ nhất định;

-Bệnh nhân HAT có thể ăn một chút gừng và các chế phẩm từ gừng, gừng tươi có chứa dầu dễ bay hơi có thể kích thích sự tiết dịch dạ dày, gây hưng phấn cho mạch máu, thúc đẩy tiêu hóa, có tác dụng kiện tỳ, thường xuyên ăn gừng tươi có tác dụng nhất định trong việc điều trị HAT;

-Uống nhiều nước: cần uống nhiều nước vì nước giúp ngăn ngừa sự mất nước và làm tăng lượng máu. Nên hạn chế những loại đồ uống có chứa chất cồn. Cồn không chỉ khiến cơ thể mất nước mà còn làm giảm HA, ngay cả khi bạn đã cung cấp đủ nước cho cơ thể.

Chúc bạn và gia đình khỏe!

Hải Hậu, 34 tuổi, Bình An, 0912….

Hỏi: Cháu bị rất nhiều vẩy trắng ở trên da đầu ngứa đã nhiều tháng nay, cháu đã thay đổi nhiều loại dầu gọi đầu nhưng không giảm và chị cháu cùng phòng lại bị vảy trắng trên tóc. Như vậy là các căn bệnh gì? Kính nhờ các y bác sĩ cho biết nguyên than và cách chữa trị. Có phải do giun đũa chó mèo không? Cháu xin cam o­n!

Trả lời:

Rất thông cảm nỗi lo lắng của em và chi của me về các vấn đề trên da đầu và trên tóc, song các bệnh lý dẫn đến các hình ảnh cũng như biểu hiện trên da đầu như vậy sẽ gặp trong nhiều bệnh lý khác nhau chứ không đặc trưng cho một bệnh lý nào đó. Rất tiếc bạn không chụp ảnh cho chúng tôi xem dễ có các comment chính xác và gần với bệnh của bạn hơn.


Vẩy trắng trên da đầu và xuất hiên tóc bạn có thể là bệnh gàu, nấm tóc, viêm da tiết bã nhờn, bệnh vẩy phấn và có khi là vảy nến... Biểu hiện thường thấy nhất của bệnh vẩy nến da đầu là những mảng đỏ có kích thước khác nhau. Các mảng này trông khác hẳn, hơi gồ lên, cứng cộm và có ranh giới rất rõ với vùng da bên cạnh. Ban đầu, vẩy thường khởi phát bằng những thương tổn vùng thượng bì ở da đầu. Khi giới hạn của các mảng chưa rõ ràng, bệnh thường dễ bị nhầm với chàm da mỡ, nấm da.

Những thương tổn này thường có khuynh hướng lan ra phía trước, ở trán, tạo thành hình móng ngựa. Những trường hợp nặng, những mảng đỏ có thể lan rộng khắp da đầu và xuất hiện vẩy da. Tóc ở những vị trí đó vẫn mọc xuyên qua lớp vẩy da bình thường. Tuy nhiên khi cạo, gãi thì người bệnh vẩy nến da đầu sẽ thấy những vẩy bạc bong ra dễ dàng như gầu hoặc sáp nến. Phân biệt với một số tổn thương ở da đầu, chẳng hạn khi thương tổn là các dát đỏ lan tỏa nhưng không có vẩy dày, trắng thường gọi là viêm da tiết bã nhờn, nếu chỉ có ít vẩy da đơn thuần, không có đỏ da thì gọi là gàu. Vẩy da nấm tóc cũng rất giống gàu hoặc viêm da tiết bã nhờn. Vì vậy, để biết chính xác bệnh gì bạn cần đi khám ở bác sĩ chuyên khoa da liễu, nên xét nghiệm soi tươi và nuôi cấy tìm nấm để chẩn đoán phân biệt. Về điều trị ,tùy loại tổn thương và tùy mức độ tổn thương bác sĩ sẽ tư vấn điều trị cụ thể..


Những mảng da đầu màu trắng thường là do 4 nguyên nhân sau:

+ Thứ nhất đó là bệnh vảy nến da đầu, cùng với các đám vảy là ngứa, có thể tổn thương những vùng da khác trong cơ thể hoặc tổn thương móng;

+ Thứ hai là do nhiễm khuẩn tại chỗ như á sừng, nấm thường kèm rụng tóc nhiều, có thể da đầu bị đỏ, nổi mẩn hoặc mụn nước, tổn thương lan rộng dần;

+ Thứ ba là do viêm da tiết bã da đầu, hay còn gọi là gàu;

+ Thứ tư là do dinh dưỡng kém dẫn đến thiếu chất, làm da bị bong nhiều. 

Nếu bạn đã dùng dầu gội đầu trị gàu mà không hết gàu, thì nguyên nhân thứ ba cần được loại bỏ. Với 3 nguyên nhân còn lại, nếu bị bong da do thiếu dinh dưỡng, thì chỉ cần ăn uống đủ đạm, nhiều sinh tố và các yếu tố vi lượng, nhất là kẽm... sau một thời gian tình trạng bong da sẽ cải thiện.  Cùng với ăn uống, bạn nên dùng các loại dầu gội có chứa salicylic acid, selenium sulfide, pyrithione zinc, hắc ín gội đầu mỗi ngày cho đến khi hết vảy và sau đó dùng duy trì 2-3 lần/ tuần. Khi gội hãy chà dầu gội lên toàn bộ tóc và giữ trong ít nhất 5 phút trước khi xả sạch bằng nước sạch.

Ngoài ra, bạn không nên đội nón chật trong thời gian lâu, không nên đổi nhiều loại dầu gội. Nếu đã áp dụng các biện pháp trên trong vòng 2 tháng mà tình trạng da bong không cải thiện, bạn nên đi khám chuyên khoa da liễu để tìm nguyên nhân khác và có hướng điều trị thích hợp.


Huỳnh Quang Tr., 38 tuổi, Nghệ An, hoathe@....

Hỏi: Tôi có một em trai năm nay mới 31 tuổi nhưng gần đây sức khỏe suy giảm rõ rệt và rất đau khổ vừa qua phát hiện tại bệnh viện Bạch Mai em nó bị suy thận, em không biết tại sao như vậy vì lâu nay em nó không nhậu bia rượu say sưa, không lao lực nhiều, không vợ con,…nhưng lại bị như vậy là một mất mát lớn với gia đình tôi. Xin các bác cho tôi biết bệnh này có liên quan đến di truyền và làm thế nào phát hiện sớm bệnh thận ở mọi người, để có biện pháp xử trí và điều trị thích hợp. Trân trọng cảm ơn!

Trả lời:

Chia sẻ cùng với gia đình bạn và em trai bạn, than câu hỏi của bạn, chúng tôi xin chia sẻ với bạn một bài viết tương đối đầy đủ của một chuyên gia về thận niệu đề cập gần đây về các vấn đề bạn quan tâm. Bệnh thận là bệnh cảnh lâm sàng của rất nhiều hình thái tổn thương thận, do nhiều nguyên nhân gây ra, có khi từ thận như viêm cầu thận, thận hư, thận đa nang.


Bệnh thận là bệnh cảnh lâm sàng của rất nhiều hình thái tổn thương thận, do nhiều nguyên nhân gây ra, có khi từ thận như viêm cầu thận, thận hư, thận đa nang... nhưng cũng có khi là biến chứng của bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường, nhiễm độc thận do thuốc... Vấn đề đặt ra là bệnh thận thường diễn biến âm thầm nên có khi phát hiện được bệnh thì đã ở giai đoạn suy thận và cần phải tiến hành điều trị phức tạp hơn... Vậy điều gì xảy ra nếu thận bị ảnh hưởng? Dấu hiệu nào có thể nhận biết sớm bệnh thận?

Thận là một cơ quan có kích thước khá nhỏ (9-11cm) nhưng lại đảm nhiệm một số chức năng rất quan trọng trên cơ thể người. Nó hoạt động như một máy lọc tự nhiên, lọc chất thải và chất lỏng dư thừa ra khỏi máu. Một quả thận được tạo thành từ hàng triệu đơn vị được gọi là lọc cầu thận, thông qua đó máu trong cơ thể sẽ được thanh lọc các chất thải được đào thải ra ngoài qua đường tiểu và bổ sung các thành phần quan trọng như các tế bào máu và albumin glucose, amino axit được tái hấp thu vào cơ thể.


Trong thực tế, nó đảm nhiệm vị trí “thùng rác” của cơ thể. Thận cũng thực hiện một số chức năng tổng hợp như sản xuất erythropoietin (EPO), một hormon điều khiển sự tạo hồng cầu. Ngoài ra, nó còn tổng hợp vitamin D, tạo ra calcitriol (một trong những chất chuyển hóa có hoạt tính của vitamin D3, điều tiết lượng nước trong cơ thể và kiểm soát huyết áp với sự giúp đỡ của các hormon. Thận giúp giải quyết rất nhiều vấn đề nan giải, nó là một cơ quan vô cùng quan trọng với cơ thể.

Vì thận điều chỉnh một số chức năng vô cùng quan trọng của cơ thể, nên khi thận bị bệnh có thể gây ra rất nhiều vấn đề nan giải. Sự giảm bài tiết và tích tụ các chất thải trong cơ thể dẫn đến buồn nôn và nôn. Suy giảm sự hình thành tế bào máu (hồng cầu) dẫn đến mệt mỏi và suy nhược. Nồng độ canxi và phosphate bất thường gây ra các bệnh xương và canxi lắng đọng trong cơ thể. Huyết áp cao dẫn đến bệnh tim. Tích tụ nước dẫn đến phù và khó thở. Nếu thận bị ảnh hưởng lâu dài, mạn tính có thể dẫn đến tổn thương thận vĩnh viễn và các bệnh như đái tháo đường, tăng huyết áp và một số bệnh di truyền như thận đa nang.

Các bệnh như đái tháo đường, tăng huyết áp... gây tổn hại các cầu thận, dẫn đến sự bài tiết bất thường của các tế bào máu và albumin, kết quả là việc giảm hình thành nước tiểu. Các bệnh nhiễm khuẩn hoặc dị ứng và một số loại thuốc như thuốc giảm đau làm hỏng các ống dẫn nước tiểu (ống lượn gần và ống lượn xa) của cầu thận. Điều này dẫn đến chất lượng nước tiểu không được đảm bảo. Những bệnh nhân này thường được xác định và điều trị muộn. Một nguyên nhân khác của suy thận là sỏi, gây trở ngại và gây áp lực cho hệ thống bài tiết và thận. Sỏi thận cũng có thể gây nhiễm khuẩn thận tái phát, là một yếu tố dẫn đến nguy cơ suy thận. Nam giới cao tuổi có nguy cơ bị phì đại tuyến tiền liệt gây tắc nghẽn đường ra của nước tiểu.

Những dấu hiệu cơ năng sau đây bạn nên cảnh giác có thể dẫn đến bệnh lý thận:

-Thay đổi khi đi tiểu: Những thay đổi như tiểu nhiều vào ban đêm, nước tiểu có bọt, lượng nước tiểu nhiều hơn/ít hơn bình thường và nước tiểu có màu nhợt/màu tối, nước tiểu có máu, cảm thấy căng tức hay đi tiểu khó khăn (tiểu buốt tiểu dắt). Thường gặp trong viêm tiết niệu do sỏi;

-Phù: Thận bị hỏng không loại bỏ được chất lỏng dư thừa nữa, do vậy chất lỏng tích tụ trong cơ thể khiến bạn bị phù ở chân, cổ chân, bàn chân, mặt và/hay tay. Gặp trong bệnh thận hư, viêm cầu thận cấp, mạn;

-Đau lưng: Một số bệnh nhân bệnh thận có thể bị đau ở lưng hay sườn, gặp trong bệnh sỏi thận gây giãn đài bể thận hoặc thận đa nang làm cho các nang ứ nước to to lên và gây đau;

-Mệt mỏi: Những quả thận khỏe mạnh tạo ra một hormon gọi là erythropoietin, hormon tạo ra các hồng cầu trong máu mang ôxy tới các tế bào. Khi thận bị suy sẽ dẫn đến thiếu máu nên sự vận chuyển ôxy kém hơn các cơ và não của bạn mệt đi nhanh chóng;

-Ngứa: Khi thận suy, chức năng loại bỏ các chất thải ra khỏi máu kém, sự tích tụ của các chất thải trong máu có thể gây ngứa ở da;

-Hơi thở có mùi amoniac: Sự tích tụ của các chất thải trong máu do thận lọc kém dẫn tới tăng urê trong máu khiến hơi thở có mùi và người bệnh cảm giác sợ ăn thịt;

-Buồn nôn và nôn: Khi urê huyết tăng có thể gây nên tình trạng buồn nôn và nôn;

-Thở nông: Đó là do phù các màng trong cơ thể trong đó có phổi và chứng thiếu máu do sự thiếu hụt các tế bào hồng cầu vận chuyển ôxy dẫn tới chứng thở nông;

-Ớn lạnh: Thiếu máu có thể khiến bạn cảm thấy lúc nào cũng lạnh, thậm chí bạn đang ở trong phòng có nhiệt độ ấm;

-Hoa mắt, chóng mặt, giảm trí nhớ: Thiếu máu khiến bạn bị hoa mắt chóng mặt và não không được cung cấp đủ ôxy, có thể ảnh hưởng đến trí nhớ.

Khi có một trong các biểu hiện trên bạn nên đến khám, xét nghiệm (xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu...) và các xét nghiệm cần thiết khác để sớm phát hiện bệnh và điều trị triệt để tránh biến chứng suy thận. Theo dõi diễn biến của bệnh thận một cách kịp thời; có chế độ ăn uống hợp lý; không uống bia, rượu; không hút thuốc lá; ăn ít thịt, giảm mỡ và tăng cường rau quả; tránh lao động quá nặng nhọc; phòng tăng huyết áp, nếu bị tăng huyết áp phải điều trị và kiểm soát huyết áp; điều trị sỏi tiết niệu và hạn chế muối; đề phòng nhiễm khuẩn tiết niệu và điều trị kịp thời viêm nhiễm tiết niệu.


Để giúp duy trì thận ở trạng thái khỏe mạnh chúng ta cần uống đủ nước (1,5-2 lít/ngày); tập thể dục thể thao mỗi ngày; tránh dùng thuốc không có hướng dẫn của thầy thuốc vì một số thuốc có hại cho thận. Nếu bị bệnh thận mạn tính vô cùng nguy hiểm, khi tiến tới giai đoạn cuối bệnh thận, thậm chí bạn phải áp dụng các phương pháp như thay thận hoặc chạy thận nhân tạo. Vì vậy hãy giữ cho quả thận luôn khỏe bằng một lối sống lành mạnh.

Thân chúc bạn và gia đình khỏe mạnh!


Chamale D., 42 tuổi, Khánh Hòa

Hỏi: Tôi bị gan nhiễm mỡ theo các xét nghiệm và chẩn đoán trên siêu âm tại nhiều bệnh viện, nhưng các toa thuốc tôi mua không thể trị dứt điểm các chứng bệnh này. Em uống rượu bia vì lý do tiếp khách liên tục nhưng không phải quá nhiều, thể tạng em hơi mập. Giờ tôi phải mua thuốc gì để giảm nhanh tình trạng gan nhiễm mỡ, thưa các bác sĩ giúp cho em em xin cảm ơn rất nhiều.

Trả lời:

Cảm ơn câu hỏi của bạn, liên quan đến câu hỏi chúng tôi xin phúc đáp như sau:

Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) là một bệnh gan mạn tính trong đó đề cập đến sự hiện diện gan nhiễm mỡ mà không dùng một lượng rượu đáng kể. Bệnh gan nhiễm mỡ (GNM) không do rượu là một bệnh không có triệu chứng mà có thể tiến triển nhiễm mỡ gan không do rượu, xơ hóa gan và ung thư biểu mô tế bào gan. Bệnh GNM không do rượu là nguyên nhân phổ biến nhất của các xét nghiệm gan bất thường ngẫu nhiên và các hoạt động enzym gan tăng trong huyết thanh ở các nước phát triển. Béo phì, tiểu đường và các thành phần khác của hội chứng chuyển hóathường liên quan đến với bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. 

Việc điều trị của bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu nhắm vào các thay đổi về lối sống. Statins, fibrate, và các thuốc làm hạ lipid máu khác đã từng được đề xuất như là cách  điều trị hạ lipid máuhiệu quả ở những bệnh nhân với NAFLD/NASH. Tuy nhiên, các bác sĩ lo ngại rằng các bệnh nhân tăng lipid máu với NAFLD/NASH, người được điều trị với statin có thể phát triển tăng transaminase. 

Hiệu quả và an toàn của các thuốc hạ lipid máu cho bệnh nhân NAFLD/NASH bằng cách xem xét các báo cáo nghiên cứu ở người gồm nghiên cứu thăm dò, tiến cứu, sơ bộ và nghiên cứu phân tích đặc biệt trên các cơ sở dữ liệu trực tuyến trong thời gian từ năm 1980-2012. 

Kết quả của nghiên cứu cung cấp bằng chứng thuyết phục rằng các thuốc hạ lipid máu là an toàn và hiệu quả ở các bệnh nhân NAFLD/NASH và rằng một số các thuốc này có thể gây ra giảm mức độ gan nhiễm mỡ. 


Nghiên cứu ngẫu nhiên có đối chứng được thiết kế tốt cở mẫu đầy đủ và thời gian kéo dài với điểm cuối khảo sát mô học là cần thiết để thiết lập một phương pháp điều trị thích hợp làm hạ lipid máu cho bệnh nhân tăng triglyceride với NAFLD/NASH, và bệnh nhân không tăng lipid máu với NAFLD/NASH có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.


Trần Như P.,

Hỏi: Cho em hỏi chàm là căn bệnh như thế nào và cách phòng và điều trị bệnh chàm hiệu quả ra sao? Em xin cảm ơn bác bác!

Trả lời:

Chàm là bệnh ở da thường xảy ra với trẻ em, song thực tế tỷ lệ người lớn mắc chàm cũng gia tăng nhanh. Do liên quan đến yếu tố cơ địa, thời tiết và các chất tiếp xúc... nên chàm là bệnh rất khó chữa. Việc chọn không đúng thuốc và dùng không đúng cách sẽ làm bệnh nặng thêm hoặc không khỏi được.


Chàm được biết đến là căn bệnh viêm da dị ứng và đặc điểm của nó là viêm và nổi mụn nhỏ, ngứa ngáy và loét. Nguyên nhân của chàm hiện nay chưa rõ nhưng có thể do cơ địa dị ứng (người mắc hen, viêm mũi dị ứng có nguy cơ cao mắc chàm), do kích thích của hóa chất như nước rửa chén, bột giặt, cao su, kim loại (chàm tiếp xúc). Yếu tố di truyền cũng đóng vai trò quan trọng trong sự xuất hiện của bệnh chàm. Thời tiết lạnh, stress, đổ mồ hôi nhiều và phấn hoa... cũng là những nguyên nhân có thể khiến da bị chàm.

Chàm được phân ra làm nhiều loại như:

-Viêm da dị ứng thường xảy ra ở người có cơ địa dị ứng và có yếu tố di truyền. Triệu chứng hay gặp là ngứa ở mặt trong khuỷu tay, bụng chân, mặt. Chỗ bị ngứa có nhiều mụn nhỏ màu đỏ vỡ ra và chảy nước. Ngoài ra, da vùng này đóng vẩy và tróc ra;

-Chàm ở tay gây ra bởi sự kích thích của hóa chất như bột giặt, chất tẩy rửa, găng tay cao su... hoặc không rõ nguyên nhân. Triệu chứng thường thấy là nổi mụn nước và ngứa, da đóng vẩy và tróc vẩy ra. Bệnh thường hết khi không còn tiếp xúc với hóa chất;

-Chàm đồng tiền: Vết chàm có dạng tròn như đồng tiền, thường gặp ở người lớn, chỗ bị chàm ngứa, da bị bong vẩy từng mảng;

-Chàm thể tạng: Hay gặp ở những người có cơ địa giãn tĩnh mạch. Da dễ bị kích thích, viêm và chân bị phù.


Tuy không nguy hiểm đến tính mạng con người nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống và vẻ đẹp ngoại hình của bệnh nhân. Chính vì vậy, chúng ta không được xem thường căn bệnh này và việc tìm ra cách phòng và điều trị bệnh chàm hiệu quả đóng vai trò hết sức quan trọng và bức thiết. Giải pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân bị bệnh chàm hiện nay là tích cực tìm ra nguyên nhân gây bệnh để tránh hoặc hạn chế tiếp xúc kết hợp dùng thuốc uống với thuốc bôi ngoài da theo chỉ dẫn của bác sĩ:

Khi tìm ra nguyên nhân, bạn cần có biện pháp để hạn chế bệnh thêm trầm trọng, cụ thể:

-Nếu bệnh nhân mắc phải một số bệnh là nguyên nhân gây ra chàm cần tích cực chữa bệnh đó song song với điều trị bệnh chàm;

-Nếu bệnh nhân bị dị ứng với một số loại thực phẩm, thức ăn hay một số thú vật thì nên hạn chế ăn và tiếp xúc càng ít càng tốt;

-Nếu bệnh nhân có chế độ ăn uống thiếu hợp lý khiến cơ thể bị nhiệt gây ra bệnh thì cần điều chỉnh lại chế độ ăn uống hàng ngày, hạn chế các thực phẩm có tính nóng, các loại gia vị cay nóng.


Về sử dụng thuốc:

Do bệnh thường kéo dài dai dẳng khó điều trị dứt hẳn nên việc điều trị sẽ kéo dài. Vì vậy, người bệnh cần kiên trì chữa bệnh theo hướng dẫn của thầy thuốc. Có thể chia thuốc chữa chàm thành hai loại: thuốc dùng ngoài và thuốc uống.

-Các thuốc dùng ngoài, tùy theo từng giai đoạn của bệnh mà sử dụng các loại thuốc bôi ngoài da cho phù hợp;

-Hồ nước dùng trong giai đoạn đầu, da mới đỏ, chảy nước ít, có tác dụng làm dịu da, đỡ ngứa;

-Dung dịch thường dùng dung dịch Jarish, thuốc tím 0,001%; vioform 1%. Dùng trong giai đoạn chàm bán cấp. Dùng gạc nhúng vào dung dịch, đắp nhiều lần lên nơi thương tổn;

-Thuốc mỡ: Chủ yếu dùng trong giai đoạn chàm mạn tính. Việc dùng thuốc mỡ trong giai đoạn cấp tính đề phòng sẽ gây phản ứng mạnh. Các kháng sinh dạng thuốc mỡ như cream synalar-neomycin, cream celestoderm-neomycin, bôi khi có nhiễm khuẩn. Các thuốc mỡ chứa corticoid sử dụng để bôi trên tổn thương chàm khô, không nên dùng để bôi trong các trường hợp chàm nhiễm khuẩn. Không nên bôi quá nhiều (diện tích rộng) vì có thể gây biến chứng do tác dụng phụ của thuốc. Trường hợp mạn tính phải dùng khá lâu dài (có thể từ 12-15 tuần). Nếu dùng lâu dài, corticoid có thể gây tai biến ở da.

-Tùy theo từng giai đoạn của bệnh mà sử dụng các loại thuốc bôi ngoài da cho phù hợp. Tốt nhất bạn nên sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa để mang lại kết quả cao;

-Trong quá trình điều trị, bạn có thể kết hợp uống thêm viên uống vitamin e, viên uống alovera (tinh chất lô hội), mật o­ng pha nước ấm có tác dụng tái tạo tế bào da, kháng khuẩn rất hiệu quả.


Bệnh chàm rất hay gặp ở trẻ em, còn gọi là chàm sữa, qua tuổi dậy thì, nhiều trường hợp bệnh sẽ tự khỏi. Việc dùng thuốc chữa bệnh chàm ở trẻ có những  lưu ý riêng vì da bé rất non nớt. Khi tổn thương đang nổi đỏ hoặc chảy dịch thì có thể bôi các loại thuốc dạng dung dịch mang tính sát khuẩn nhẹ như: thuốc tím 0,001%, hồ nước. Khi tổn thương da khô, đỏ, tróc vẩy thì có thể bôi các loại kem chứa corticoid nồng độ thấp trong thời gian ngắn (7-10 ngày). Trường hợp tổn thương da khô, dày sừng nhiều thì có thể dùng các loại thuốc mỡ chứa corticoid hoặc phối hợp chất tiêu sừng như salicylic acid. Không được dùng các dung dịch có acid boric cho trẻ em.

Lưu ý không dùng kháng sinh liều cao để điều trị chàm sữa, trừ khi bội nhiễm nhưng phải hết sức thận trọng vì dễ gây sốc phản vệ do dùng thuốc. Tránh tự ý mua thuốc bôi cho trẻ, cũng không nên đắp lá, thuốc theo dân gian vì sẽ làm bệnh nặng thêm. Thực tế, đã có một số bà mẹ tự ý ra nhà thuốc mua thuốc bôi nhiều loại, trong đó có corticoid và dùng dài ngày, khiến trẻ dễ gặp tác dụng phụ như bị nhiễm nấm, teo da, mất màu da. Ngoài ra, corticoid còn có thể khiến chàm lan rộng, nặng thêm và nhiễm khuẩn.

Về thực phẩm và ăn uống:

-Bệnh nhân nên ăn thức ăn lỏng nhẹ, hạn chế ăn muối;

-Tránh dung các thực phẩm: rượu, bia, thuốc lá, cà phê, tôm, cua, bò, gà, vịt xiêm, ba ba, đồ hộp, thức ăn sống, hay lên men, các thức ăn chế biến có nhiều gia vị cay nóng;

-Giữ vệ sinh da sạch sẽ, đặc biệt là vùng da bị bệnh. Tránh cọ xát, gãi, sát chanh, xà phòng, nó sẽ làm vùng da bị bệnh bội nhiễm tạo nên những tổn thương khó lành. Không nên chích, lễ, bôi đắp nhiều loại thuốc không theo chỉ dẫn của bác sĩ;

-Bệnh nhân cần uống nhiều nước mỗi ngày, có thể thay nước lọc bằng các loại trà thanh nhiệt,  nước ép trái cây tươi chứa nhiều vitamin (nước chanh, cam, bưởi,…) để giải đọc cơ thể, bài trừ độc tố, nâng cao sức đề kháng nhằm chống lại vi khuẩn gây bệnh hiệu quả;

-Bạn có thể tắm bằng nước lá chè xanh, nước lá cau có pha chút muối loãng để làm dịu cơn ngứa giúp bạn dễ chịu hơn rất nhiều.


Biện pháp phòng ngừa bệnh chàm

Bệnh chàm là một căn bệnh khá phổ biến mà bất kỳ ai cũng có thể gặp phải không phân biệt độ tuổi, giới tính, chính vì vậy việc phòng ngừa bệnh càng trở nên cấp thiết:

-Đối với những người mà trong gia đình có tiền sử người mắc bệnh chàm cần chủ động phòng ngừa ngay từ đầu để đảm bảo cơ thể tránh xa những nguyên nhân gây bệnh như: các thực phẩm dễ gây dị ứng, chế độ ăn uống thiếu hợp lý gây nhiệt cơ thể, không nên lựa chọn những nghề nghiệp dễ mắc bệnh như làm nguyên liệu cao su, sơn xe,…;

-Uống đủ nước mỗi ngày, đây là biện pháp rất đơn giản, dễ thực hiện mà rất hiệu quả. Nước sẽ giúp bạn thanh lọc cơ thể, bài trừ độc tố. Chính vì vậy, mỗi ngày bạn cần uống 2-2,5 lít nước;

-Có chế độ ăn uống hợp lý: các thực phẩm có tính mát (rau má, bí đao, bí đỏ, đậu xanh) , trái cây và rau củ tươi và hạn chế những thức ăn có tính nóng, nhiệt dễ gây bệnh;

-Cần cẩn thận trước những thực phẩm lạ, dễ gây dị ứng (hải sản, gà, vịt xiêm, mắm);

-Thường xuyên sử dụng các thực phẩm, các viên uống chức năng có tác dụng thanh nhiệt, giải độc gan, giải độc cơ thể hiệu quả;

-Giữ vệ sinh da sạch sẽ, thông thoáng. Khi có dấu hiệu bị bệnh cần liên hệ ngay bác sĩ để có biện pháp chữa trị kịp thời để bệnh nhanh khỏi và dứt điểm nhé.
 

Trên đây là cách phòng và điều trị bệnh chàm hiệu quả mà các bạn có thể tìm hiểu, tham khảo để có biện pháp đề phòng và điều trị căn bệnh này một cách dứt điểm, mang lại kết quả khả quan. Đây là một căn bệnh mãn tính, với nguyên nhân đa dạng và phức tạp, để điều trị dứt điểm không phải là một việc dễ dàng, đòi hỏi người bệnh phải kiên trì trong một thời gian dài với các phương pháp nêu trên chắc chắn sẽ mang lại kết quả tốt. Chúc các bạn luôn biết cách bảo vệ sức khỏe của mình bằng những biện pháp hiệu quả và phù hợp nhé.

 

 

Ngày 01/04/2016
TS.BS. Huỳnh Hồng Quang  
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích