Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 19/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 4 6 0 7 0 8
Số người đang truy cập
3 5 6
 
Trả lời câu hỏi bạn đọc về chuyên ngành ký sinh trùng và kiến thức y học phổ thông tháng 9 năm 2015

Nguyễn Minh H., 29 tuổi, Đông xuân, tỉnh Phú Yên

Hỏi: Xin các bác sĩ cho em hỏi, gần đây thỉnh thoảng em hay bị đau vùng bìu dái và tinh hoàn ở bên phải, có lúc đau nhói, có lúc đau tức, không có bị sốt, không có bị sưng, không có lệch tinh hoàn và dái hai bên. Em muốn hỏi các bác em có thể bị bệnh gì mà gây nên các cơn đau như vậy, kinh mong các bác sĩ giải thích để em yên tâm hoặc đi khám bệnh sớm. Em thật sự sợ ung thư.

  
Trả lời:
Cảm ơn câu hỏi của bạn, trước hết chúng tôi nói rằng ung thư ai cũng sợ chứ không riêng gì em sợ nhé. Liên quan đến câu hỏi của bạn, chúng tôi xin chia sẻ như sau: Trong thực hành lâm sàng, các thầy thuốc thỉnh thoảng gặp tình trạng đau tức tinh hoàn với các mức độ khác nhau. Tinh hoàn là một tuyến vừa có chức năng ngoại tiết sản xuất tinh trùng và nội tiết sản xuất hormon chủ yếu là testosterone có liên quan tới chức năng sinh dục của nam giới, đồng thời hỗ trợ việc sản xuất tinh trùng. Do đó tinh hoàn bị đau sẽ là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng đến chức năng sinh dục của nam giới.
 

Đau tức tinh hoàn do nhiều nguyên nhân, cần điều trị để không ảnh hưởng đến chức năng sinh dục. Tinh hoàn là một khối gồm một bao trắng dày bao trùm mô tinh hoàn, bên ngoài bao trắng dày này là một lớp bao mỏng, gọi là bao tinh mạc, có chứa dịch bên trong. Ở cơ thể nam giới bình thường có hai tinh hoàn.

Mỗi tinh hoàn có hình quả trứng, chiều dài từ 3,5-5,5cm, rộng từ 2-3cm với trọng lượng trung bình là 20g. Tinh hoàn sản xuất hormon và tinh trùng - hai yếu tố quan trọng cho tình dục và sinh sản của nam giới. Khi bị đau tinh hoàn, nam giới không chỉ cảm thấy đau ở bìu mà còn có cảm giác mào tinh hoàn như bị phồng lên hoặc có bướu.

Cơn đau dễ khiến nam giới cảm thấy bực bội, làm giảm nhu cầu tình dục, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Hiện tượng đau tức tinh hoàn thường mơ hồ và không dễ tìm ra được nguyên nhân. Nhìn chung, tinh hoàn là cơ quan rất nhạy cảm, có rất nhiều nguyên nhân gây đau tức tinh hoàn:

- Viêm mào tinh hoàn: Đau do viêm mào tinh hoàn thường đau liên tục và kèm theo các triệu chứng như sốt, da vùng bìu có thể đỏ, sờ thấy mào tinh hoàn sưng to và nắn nhẹ rất đau. Đau khi giao hợp hay xuất tinh. Dương vật bị đau, đau bụng dưới, khi đi bộ hoặc đứng cảm giác đau rõ rệt hơn.

- Xoắn tinh hoàn: Là bệnh lý do tinh hoàn tự xoay quanh trục gây tắc nghẽn đột ngột thừng tinh, làm giảm hoặc tắc lượng máu đến tinh hoàn, gây đau và sưng. Biểu hiện là những cơn đau dữ dội và đột ngột ở một bên tinh hoàn, kéo dài dưới 6 giờ, bìu sưng to, buồn nôn và nôn, đau bụng, một tinh hoàn có thể ở vị trí cao hơn bình thường.

- Viêm tuyến tiền liệt mạn tính: Có thể gây đau tinh hoàn, biểu hiện là đau một bên tinh hoàn, đau âm ỉ hoặc đau liên tục. Bệnh nhân chủ yếu là thanh niên, hiếm gặp ở người cao tuổi.

- Thoát vị bẹn: Thoát vị là tình trạng một bộ phận nào đó của cơ thể bị đẩy ra khỏi vị trí bình thường được giới hạn của nó trong cơ thể. Thoát vị bẹn là bệnh lý hay gặp ở nam giới. Thoát vị bẹn thường xảy ra ở nơi tinh hoàn được nối với cơ thể. Khi bị thoát vị bẹn, người bệnh thấy tức nặng ở vùng bẹn bìu, kèm theo cảm giác đau tức nặng là một khối sà xuống bìu, một bên bìu to lên thành khối phồng do ruột ở trên dồn xuống. Bìu này càng to thêm khi người bệnh đi lại, chạy nhảy hay làm việc nặng, nằm nghỉ khối phồng nhỏ lại hoặc mất hẳn. Bệnh thường đòi hỏi phẫu thuật để cắt bỏ và tốt nhất là không nên trì hoãn phẫu thuật.
 

- Giãn tĩnh mạch thừng tinh: Cảm giác đau không nhiều mà chủ yếu là đau tức, đau tăng khi vận động, hay gặp ở tinh hoàn bên trái, sờ phía trên thấy có búi lùng nhùng như búi giun.

- Chấn thương và xuất huyết: Bạn đã bao giờ bị va đập tinh hoàn cực mạnh. Cú va đập có thể khiến bạn ngừng thở trong vòng vài giây nhưng bạn có thể kéo mình trở lại. Đôi khi, một chấn thương nặng có thể khiến máu chảy ra ngoài túi bìu. Tình trạng này có thể được chữa khỏi bằng cách nghỉ ngơi tại giường hoặc phẫu thuật dẫn lưu.

- Nang mào tinh hoàn: Nang mào tinh về cơ bản là một u nang phát triển trong ống dẫn tinh trùng. Trong phần lớn các trường hợp, nang này là lành tính vì nó được hình thành do sự tích lũy của tinh trùng. Nếu nang mào tinh quá lớn có thể dẫn đến căng tức và gây đau.

Ngoài ra, đau tinh hoàn cũng có thể do bị chấn thương hay các yếu tố sinh lý như khi hưng phấn tình dục, máu dồn về dương vật nhiều có thể ảnh hưởng đến các mạch máu ở tinh hoàn, gây căng tức tinh hoàn; kích thích khi thủ dâm, quan hệ tình dục với thời gian cương cứng dương vật lâu,...

Nhiều trường hợp đau tức tinh hoàn có thể trị khỏi bằng các thuốc giảm đau, kháng viêm thông thường, còn các trường hợp khác, cần chữa trị nguyên nhân. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp đau tức tinh hoàn khó tìm thấy nguyên nhân. Cũng có nguyên nhân gây đau tức tinh hoàn có thể ảnh hưởng tới tinh trùng. Nếu không kịp thời tìm ra nguyên nhân, hậu quả có thể sẽ rất nguy hiểm. Trong một số trường hợp, bạn có thể sẽ mất vĩnh viễn một hoặc cả hai tinh hoàn.

Do vậy, nếu tinh hoàn của bạn bị đau khi sờ vào hoặc đau kéo dài quá một ngày, bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa tiết niệu sinh dục và nam học để tìm nguyên nhân và cách điều trị tốt nhất.

Lê Đức T. 41 tuổi, Đoan Hung, Phú Thọ., 0912……

Hỏi: Thưa các bác sĩ của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn, cho chúng tôi hỏi tác hại của các bệnh giun sán liên quan và tác động đến con người, liệu nó có thể nghiêm trọng lắm không. Tôi có nghe nói đôi khi người ta dùng liệu pháp cho giun vào người để chữa bệnh như bệnh hen, viêm mũi dị ứng, thậm chí bện rối loạn tiêu hóa?. Xin cho biết như thế nào. Tôi rất cảm ơn!

Trả lời: Rất cảm ơn câu hỏi rất thú vị về hai mặt của một vấn đề giun sán trên co thể con người. Bệnh giun truyền qua đất (GTQĐ) hiện đang là gánh nặng và là nhóm bệnh ký sinh trùng đang được quan tâm của các nhà khoa học, các nhà làm chính sách và cả cộng đồng.
 

Bệnh không phải lúc nào cũng nhiễm đơn thuần các loài giun truyền qua đất mà có thể đồng nhiễm với một số loại đơn bào đường ruột hoặc đường máu hoặc các loại sán dây và sán lá khác có mặt trong vùng bệnh lưu hành. Do đó, các tác hại gây nên bởi các bệnh GTQĐ phụ thuộc vào các yếu tố: Số lượng giun/ hay tải lượng giun ký sinh, thời gian nhiễm lâu hay mới, Cơ quan bị nhiễm và bị ảnh hưởng, Sức đề kháng của người bị nhiễm, Tình trạng dinh dưỡng của cơ thể,...

Một số ví dụ dưới đây sẽ cho thấy tác hại liên quan đến các yếu tố:

-Loài giun đũa, giun móc, mỏ có thể gây viêm phổi dị ứng. Giun móc còn gây viêm da tại chỗ nơi ấu trùng xuyên qua da. Trong giai đoạn này do dị ứng với albumin/ protein lạ có thể phát sinh hiện tượng quá mẫn;

-Giun có thể gây kích ứng do những chất tiết của giun, những hoạt động của giun thúc vào thành ruột có thể gây những kích thích hóa học, cơ học tại chỗ làm cho thành ruột bị tổn thương nhẹ, gây buồn nôn, nôn, đau bụng, ỉa lỏng, đi ngoài ra máu;

-Ngoài ra mỗi loại giun còn gây những tác hại khác. Giun đũa còn gây tắc ruột, lồng ruột và thủng ruột do có nhiều giun hoặc do thay đổi pH ở ruột. Đôi khi do sự di chuyển bất thường, giun đũa có thể lên ống mật, ruột thừa, lệ đạo, thậm chí vào tim, gây nên những bệnh cảnh đặc biệt như viêm ruột thừa, viêm ống mật, túi mật, cơ tim… ;

-Giun đũa chiếm chất dinh dưỡng của vật chủ làm cho cơ thể suy yếu dần, đề kháng kém, tình trạng suy dinh dưỡng tiến triển âm thầm làm giảm khả năng phát triển thể lực và trí lực của trẻ em (trong 1 ngày, 20 con giun đũa sử dụng 2,8 g chất bột và 0,7 mg thịt);
 

-Hoặc giun tóc có thể gây thiếu máu nhược sắc. Nếu nhiễm nặng niêm mạc ruột bị tổn thương gây hội chứng giống lỵ như đau bụng, ỉa nhiều lần, phân ít có thể lẫn ít máu. Nặng hơn có thể gây sa trực tràng và nhiễm trùng thứ phát;

-Hoặc giun móc, mỏ hút máu gây thiếu máu. Mỗi con giun móc 1 ngày làm mất từ 0,04 - 0,16 ml máu. Theo nghiên cứu ở một vùng nhiễm giun móc, 54% số bệnh nhân thiếu máu trong đó 73,7% là thiếu máu nhược sắc. Trường hợp nhiễm nặng có thể gây thiếu máu nặng, suy tim, phù nề, phụ nữ bị rong kinh, vô kinh. Nếu không được điều trị các triệu chứng tăng dần, bệnh nhân gầy mòn, phù thũng và có thể chết vì kiệt sức hoặc bệnh khác phối hợp.

Do vậy, công tác phòng chống các bệnh giun truyền qua đất với mục tiêu hạ thấp tỷ lệ nhiễm các bệnh giun đường ruột trước hết là bệnh giun đũa. Đối với bệnh giun móc mục tiêu hợp lý là phòng chống bệnh. Giảm cường độ nhiễm từ đó giảm các biến chứng và tác hại do giun gây ra đồng thời giảm tần số lan truyền bệnh.

Đối tượng chính là trẻ em và những người nhiễm nặng. Biện pháp phòng chống cần tác động vào một trong những mắt xích sau với sự tham gia tích cực của cộng đồng như cắt đứt nguồn nhiễm (điều trị người bệnh); chống sự phát tán mầm bệnh: tăng cường vệ sinh môi trường và bảo vệ người, chống lây nhiễm: giáo dục y tế nâng cao ý thức phòng bệnh.

Huỳnh Thị Hồng T. 37 tuổi, Hoài Nhơn, Bình Định

Hỏi: Vừa qua em có bị cảm lạnh và sau đó sốt, nhức đầu, đau mỏi cơ toàn thân, khạc ra rất nhiều đàm màu vàng đặc đi khám bác sĩ chẩn đoán viên hô hấp trên, cho thuốc azithromycine và thuốc paracetamol 500mg. Uống được vài ngày em không chịu được nữa, nên đã dừng thuốc. Xin hỏi các bác sĩ đó có phải là tai biến do thuốc kháng sinh em đang dùng không, để em biết bữa sau không dám uống nữa. Chân thành cảm ơn!

Trả lời: Liên quan đến câu hỏi của bạn, chúng tôi xin phúc đáp rằng thuốc azithromycin thuộc nhóm thuốc kháng sinh macrolide. Thuốc này được dùng để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn như viêm phổi, phế quản, mụn nhọt, abces cơ, viêm tai giữa, các bệnh lây truyền qua đường tình dục,... Tuy nhiên, thuốc có nhiều tác dụng ngoại ý mà không phải ai cũng gặp phải khi dùng nó.
 

Những người bị dị ứng với azithromycin hoặc đã từng bị dị ứng với các loại thuốc tương tự, chẳng hạn erythromycin, clarithromycin, telithromycin hoặc troleandomycin thì tuyệt đối không dùng thuốc này. Để chắc chắn có thể dùng azithromycin một cách an toàn, bạn cần nói cho bác sĩ biết nếu có bất kỳ bệnh mà bạn đang có để tránh dùng (bệnh lý gan, vàng da, bệnh thận, nhược cơ nặng, rối loạn nhịp tim). Đối với phụ nữ có thai và cho con bú, vì chưa có nghiên cứu đầy đủ do vậy nếu dùng cần hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa.
 

Đặc biệt, azithromycin không dùng cho trẻ em dưới 6 tháng tuổi. Đối với người lớn tuổi, thuốc có thể gây rối loạn nhịp tim, trong đó có nhịp tim nhanh đe dọa tính mạng, cho nên phải thận trọng khi dùng thuốc. Bạn không nên dùng với liều lớn hơn hoặc nhỏ hơn hoặc kéo dài thời gian hơn so với đơn của bác sĩ. Mặt khác, bạn cần thực hiện theo hướng dẫn trên nhãn thuốc. Cần chú ý rằng: liều lượng và thời gian điều trị bằng thuốc azithromycin có thể không giống nhau cho các bệnh loại nhiễm khuẩn khác nhau. Bạn có thể uống azithromycin khi đói hay no đều được. Khi dùng azithromycin, triệu chứng của bệnh có thể cải thiện trước khi hết liệu trình dùng thuốc. Tuy nhiên, bạn vẫn phải uống thuốc đúng theo thời gian bác sĩ đã chỉ định trong đơn. Nếu bạn ngưng dùng thuốc khi chưa hết liệu trình, có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn và tạo điều kiện cho vi khuẩn kháng thuốc, gây nguy hiểm cho chính bạn. Azithromycin không có tác dụng điều trị nhiễm virut như cảm hoặc cúm. Nếu vì lý do nào đó bị quá liều, triệu chứng xảy ra là: buồn nôn, nôn, tiêu chảy và khó chịu dạ dày. Khi đó phải đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện để khám và điều trị kịp thời.

Nếu bạn đang dùng azithromycin thì không nên dùng các thuốc kháng acid có chứa nhôm hoặc magiê trong vòng 2 giờ trước hoặc sau khi dùng azithromycin. Các thuốc chứa nhôm và magiê là: gelusil, genaton, maalox, magnesia, mintox, mylagen, mylanta, rulox... Những thuốc kháng acid có thể làm cho azithromycin kém hiệu quả khi dùng chung cùng một lúc. Nếu bị tiêu chảy hoặc phân có máu, bạn cần ngưng dùng azithromycin và gọi cho bác sĩ. Nhưng bạn không nên sử dụng thuốc chống tiêu chảy, trừ khi có chỉ định của bác sĩ. Trong thời gian dùng thuốc, bạn cần tránh tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Vì azithromycin có thể làm cho bạn dễ bị cháy nắng do da mẫn cảm với ánh nắng. Vì vậy, bạn nên mặc quần áo dài tay để bảo vệ da và sử dụng kem chống nắng khi ra ngoài trời nắng.

Tác dụng ngoại ý của azithromycin

Azithromycin có thể gây ra một số tác dụng ngoại ý với các dấu hiệu như: phát ban, khó thở, sưng mặt, môi, lưỡi, họng. Các tác dụng ngoại ý nghiêm trọng như tiêu chảy hoặc phân có máu; đau đầu với đau ngực và chóng mặt nặng, ngất xỉu, tim đập nhanh; buồn nôn, đau bụng, ngứa, chán ăn, nước tiểu đậm màu, phân màu đất sét, vàng da hoặc vàng mắt; phản ứng da và niêm mạc nghiêm trọng: sốt, đau họng, sưng mặt hoặc lưỡi, sung huyết mắt, đau da, phát ban da màu đỏ hoặc tím, phồng rộp và bong tróc da. Khi gặp một hay nhiều biểu hiện nghiêm trọng này, cần phải ngưng dùng thuốc, đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện để cấp cứu.

Các tác dụng ngoại ý ít nghiêm trọng là: tiêu chảy nhẹ, nôn, táo bón, đau dạ dày, chóng mặt, cảm giác mệt mỏi, nhức đầu nhẹ, rối loạn giấc ngủ, mất ngủ; ngứa âm đạo hoặc chảy dịch; phát ban hoặc ngứa nhẹ trên da, ù tai, ngửi kém... Khi đó bạn cũng cần ngưng thuốc và xin ý kiến của bác sĩ để xem có nên tiếp tục uống thuốc hay không.

Một số thuốc tương tác thuốc bất lợi

Có nhiều loại thuốc có tương tác bất lợi với azithromycin gồm: kháng sinh như erythromycine, levofloxacin, moxifloxacin; thuốc chống trầm cảm; thuốc chống sốt rét (chloroquin, mefloquine); thuốc hạ cholesterol (lovastatin, atorvastatin); thuốc tim hoặc thuốc huyết áp (digoxin, diltiazem, nifedipine); thuốc điều trị buồn nôn và nôn như (dolasetron, droperidol); thuốc điều trị rối loạn tâm thần (chlorpromazin, clozapine, haloperidol); thuốc giảm đau hoặc an thần (diazepam, midazolam, hoặc triazolam). Vì vậy, để tránh các tác dụng bất lợi, bạn cần báo cho bác sĩ kê đơn biết các thuốc mà bạn đang dùng để bác sĩ có biện pháp phòng tránh cho bạn.

Trịnh Thị Minh K., 46 tuổi, TT Krong Pac, Đăklăk, 0906….

Hỏi: Xin các bác sĩ cho tôi hỏi, tôi là một chủ vựa trái cây ở Tây Nguyên đã gần 20 năm qua, công việc hàng ngày của tôi là ngồi bán và giải quyết hàng hóa từ khắp nơi đổ về. Mới đây tôi có biểu hiện đau nhức đầu và mỏi cơ từ trên đầu trở xuống, đau không dữ dội nhưng rất khó chịu, thỉnh thoảng lại mờ mắt, đứng dậy đi lại thì đỡ hơn.

Tôi có xuống Quy Nhơn khám tại phân viện sốt rét ký sinh trùng, sau khi cho chụp phim cổ và hỏi bệnh, được các bác sĩ chẩn đoán đau vai gáy nghĩ nhiều đến thoái hóa cột sống cổ. Tôi không biết biểu hiện như vậy có phải là thoái hóa đốt sống cổ không? Vì tôi còn trẻ mà thoái hóa thì nghe có vẻ không vui, mong các bác sĩ giúp cho tôi hiểu được biểu hiện của bệnh thoái hóa này. Trân trọng cảm ơn!

Trả lời: Liên quan đến câu hỏi của bạn, chúng tôi cũng nghĩ nhiều đến triệu chứng bệnh đau vai gáy do thoái hóa hoặc một bệnh lý gì đó ở cột sống cổ. Đặc biệt ở những đối tượng có nghề nghiệp liên quan đến ngồi nhiều (thợ may, sử dụng máy tính thời gian dài, lái xe, người lập trình viên, hoặc trạng thái tĩnh tại và ngồi nhiều trong thời gian dài trong ngày,..). Để giúp bạn hiểu thêm về hội chứng biểu hiện của thoái hóa đốt sống cổ như sau:
 

Thoái hóa đốt sống cổ là một bênh thường gặp ở những người tuổi trung niên (40-50). Khi mà các đốt sống bắt đầu có dấu hiệu của sự lão hóa. Để chẩn đoán bệnh người ta dựa vào hình ảnh X-quang của cột sống cổ, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng và 5 hội chứng lâm sàng dưới đây:

- Hội chứng đốt sống cổ gồm các triệu chứng :

+Thường diễn ra đột ngột do vận động cổ, sau một ngày làm việc căng thẳng, cúi đầu lâu, sau khi tắm nước lạnh, thời tiết thay đổi…

+Các triệu chứng chỉ biểu hiện ở vùng cổ gồm: đau mỏi đốt sống cổ, đau đốt sống cổ và co cứng cơ cạnh cổ, cảm giác cứng gáy, đau ê ẩm  đsống cổ khi ngủ dậy.

+Có điểm đau cột sống cổ,phải nghiêng đầu về bên đau,  vai bên đau nâng cao hơn bên lành.

+Hạn chế vận động ở đốt sống cổ.

+Chụp phim X-quang thấy đốt sống cổ mất đường cong sinh lý, gai xương, giảm chiều cao thân đốt sống.
 

- Hội chứng rễ thần kinh cổ:

+Rối loạn cảm giác.

+Sau một chấn thương thấy đau vùng gáy lan xuống bả vai, cánh tay, cẳng tay, ngón tay (hội chứng vai cánh tay).

+Đau sâu trong cơ xương, nhức nhối khó chịu, đau tăng khi đi, đứng, ngồi lâu, khi ho, hắt hơi, đau giảm khi trọng tải trên cột sống giảm.

+Cảm giác tê bì, kiến bò, rối loạn vận động, bại một số cơ của chi trên và hạn chế vận động do đau; teo cơ chi trên…
 

- Hội chứng động mạch đốt sống gồm các triệu chứng :

+Bắt đầu là những cơn đau đầu ở vùng chẩm, đau lan tới đỉnh đầu, thái dương, hốc mắt, đau một bên và hay đau vào buổi sáng, đau thon thót từng cơn.

+Chóng mặt từng cơn ngắn khi quay đầu đột ngột, chóng mặt kèm theo cơn đau đầu vùng chẩm và ù tai.

+Rung giật vùng mắt, ù tai, như ve kêu trong tai.

+Đau tai, đau lan ra sau tai, đau ở một tư thế nhất định của đầu.

+Mờ mắt, tối sầm mắt thường cùng với chóng mặt, đau ở hốc mắt.

+Nuốt cũng thấy đau, cảm giác nghẹn ở cổ…

- Hội chứng thực vật dinh dưỡng với các biểu hiện:

+Đau đĩa đệm cổ, đau gáy liên tục hay từng cơn, đau sâu, cứng gáy.

+Đau tăng khi vận động, cử động cổ có khi nghe tiếng “lạo xạo”, co cứng gáy bên bệnh nên vai bên bệnh cao hơn bên lành.

+Hạn chế vận động cổ.

+Hội chứng cơ bậc thang: co cứng các cơ cổ, nhất là cơ bậc thang trước, đau như kim châm dọc mặt trong cánh tay lan tới ngón 4,5, đôi khi đau lan lên vùng chẩm, đau lan tới ngực, yếu và teo cơ bàn tay.

+Lạnh đầu chi, xanh tím, phù nề… các triệu chứng tăng lên khi giơ tay lên cao.

+Viêm quanh khớp vai - cánh tay, đau lan xung quanh khớp vai, thường đau âm ỉ về ban đêm, hạn chế vận động khớp vai, teo cơ ở vai…
 

- Hội chứng ở tủy gồm các triệu chứng :

+Biểu hiện đầu tiên là dáng đi không vững, cảm giác tê ở thân, bàn tay và các ngón tay cử động vụng về.

+Liệt chân hoặc tay.

+Teo cơ ngọn chi.

+Đi bộ khó khăn.

+Rối loạn cảm giác tê bì ngọn chi trên, mất vận động chi trên.

+Mất vận động chi dưới.

+Rối loạn cơ thắt, tiểu khó, đái són, đái ngắt quãng…

Thoái hóa đốt sống cổ có rất nhiều triệu chứng đi kèm. Tùy theo vị trí thương tổn cột sống cổ mà các triệu chứng của bệnh có thể xuất hiện riêng lẻ hay kết hợp giữa 5 hội chứng kể trên. Khi phát hiện có những triệu chứng kể trên thì nhanh chóng điều trị kịp thời để tránh gây hậu quả về sau.

Lê Thuận Thành, 46 tuổi Lái Thiêu, …..

Hỏi: Tôi nghe nói hạt gấc là một vị thuốc có thể chữa trị nhiều loại bệnh khác nhau, nhất là nhiễm trùng, nhưng tại các quầy thuốc tây không thấy bán các chế phẩm hạt gấc. Như vậy giá trị chữa bệnh của hạt gấc ở mức độ nào. Xin quý bác cho biết thông tin. Kính chân thành cảm ơn!

  
Trả lời:

Liên quan đến câu hỏi của bạn, chúng tôi xin tổng hợp một số ý kiến chuyên gia về quả gấc và các vị thuốc từ quả gấc, hạt gấc để chữa bệnh trong dân gian của một số thầy thuốc được đăng tải trên trang thông tin điện tử để bạn tham khảo. Quả gấc, theo các sách cổ, nhân hạt gấc vị đắng, hơi ngọt, tính ôn, hơi độc vào 2 kinh can và đại tràng, có tác dụng chữa mụn nhọt, sưng tấy, tràng nhạc, lở loét, sưng vú, tắt tia sữa, chấn thương, ứ huyết…Nhiều gia đình có thói quen để dành hạt gấc sống hoặc đã qua đồ xôi. Khi cần thì chặt đôi đem mài với ít rượu hoặc giấm thanh để bôi chỗ sưng tấy do mụn nhọt, sưng quai bị; bôi nhiều lần trong ngày, cứ khô lại bôi, rất mau khỏi.

Hạt gấc được gọi là mộc miết tử theo Đông y (hay con ba ba gỗ) vì nó dẹt, hình gần như tròn, vỏ cứng, mép có răng cưa, hai mặt có những đường vân lõm xuống, trông tựa như con ba ba nhỏ.Khi chế biến món ăn từ gấc, bạn có thể giữ lại hạt gấc để dùng làm thuốc. Nhân hạt gấc màu vàng...Hạt gấc được gọi là mộc miết tử. Khi chế biến món ăn từ gấc, bạn có thể giữ lại hạt gấc để dùng làm thuốc. Nhân hạt gấc màu vàng, vị đắng, hơi ngọt, tính ôn, hơi độc, vào hai kinh can và đại tràng. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và kinh nghiệm dân gian đã chứng minh tác dụng chống viêm, giảm đau của hạt gấc trên thực nghiệm và bào chế cao chiết xuất từ hạt gấc làm kem bôi ngoài da mang lại hiệu quả cao trong điều trị.
 

Hạt gấc có công dụng chẳng khác gì mật gấu.Trong chiến dịch kêu gọi con người không giết gấu lấy mật, các nhà khoa học kêu gọi người dân có thể thay thế mật gấu bằng hạt gấc. Những ứng dụng của mật gấu thì hạt gấc đều có thể dùng thay thế được có tác dụng tốt gần như mật gấu vừa đơn giản, dễ làm mà hiệu quả. Tuy nhiên, bạn chỉ nên dùng hạt gấc hoặc dầu gấc để bôi ngoài da (không bôi lên vết thương hở), không nên dùng đường uống khi chưa có sự tư vấn của thầy thuốc, đề phòng ngộ độc.

Hạt gấc chín, rửa thật sạch, để ráo, sao vàng hạ thổ (nướng trên than củi sao cho hạt gấc thật vàng, đổ ra giấy để nguội). Sau đó, dùng dao tách vỏ, lấy ruột dập đều, ngâm sâm sấp với rượu gạo 35-40 độ. Thời gian ngâm từ 10 ngày trở đi là có thể dùng được. Nhưng nếu ngâm càng lâu thì tác dụng sẽ càng tốt. Rượu gấc được dùng trong những trường hợp sau:

- Chữa đau răng, chảy máu răng chân răng: hớp 1 ngụm rượu vào miệng, ngậm 30 phút sáng và chiều. Không được nuốt vì hạt gấc có độc.

- Hạt gấc trị đau khớp, viêm khớp: Nhân hạt gấc màu vàng nhạt chứa các chất vô cơ như lipide, protide, glucide, vitamin, xenlulo và các men photphotoba, invedaxa… những chất này có tác dụng trị đau khớp và các vết thương rất hiệu quả. Chữa đau khớp, vết thương sưng tấy do mụn nhọt, quai bị , tụ máu: dùng một miếng bông gạc tẩm rượu gấc cho ướt rồi đắp lên chỗ đau băng lại. Thời gian đắp thuốc từ 30-40 phút.

- Chữa viêm xoang: dùng tăm bông chấm vào dung dịch hạt gấc ngâm rượu, bôi lên sống mũi. Chờ 2 phút cho thuốc ngấm thì xì hết mủ đặc trong xoang mũi. Thuốc có tác dụng rất nhanh, chỉ cần 2 phút là có thể cảm nhận thấy cơn đau xoang mũi thuyên giảm rõ rệt.

- Chữa sưng vú: dùng rượu gấc bôi đi bôi lại liên tục, cứ khô lại bôi lại cũng rất mau khỏi, chẳng kém gì loại thuốc đắt tiền nào.

- Chữa trĩ, lòi dom: dùng hạt gấc giã nát trộn với giấm ăn, gói bằng vải đắp vào hậu môn. Sau 1 liệu trình 6-8 giờ thay thuốc 1 lần. Có thể dùng hạt gấc giã nát, thêm một ít giấm thanh, gói bằng vải, đắp vào hậu môn để suốt đêm. Mỗi đêm đắp thuốc một lần;

- Thuốc trị bệnh đau khớp và các vết thương: Lấy 50 hạt gấc chín, rửa thật sạch, để ráo, sao vàng hạ thổ (nướng trên than củi sao cho hạt gấc thật vàng, đổ ra báo trên nền đất khô ráo cho nguội). Sau đó, dùng dao tách vỏ, lấy ruột dập đều. Cho ruột gấc vào lọ chai thủy tinh, đổ rượu trắng 45 độ (ngập xấp xấp), đậy nút kín, ngâm 120 phút là có thể dùng được (ngâm càng lâu càng tốt).Trị đau răng, họng, chảy máu răng, miệng, lưỡi: Hớp 1 ngụm rượu vào miệng, ngậm 30 phút sáng và chiều. Không được nuốt vì hạt gấc có độc;

- Trị đau khớp, vết cắn, vết thương do đụng giập, ngã: Dùng bông gòn y tế, chấm thuốc rượu gấc xoa lên chỗ đau, có tác dụng tốt gần như mật gấu.

- Chữa chai chân (thường do dị vật găm vào da, gây sừng hóa các tế bào biểu bì ở một vùng của gan bàn chân, ảnh hưởng tới việc đi lại): Lấy nhân hạt gấc, giữ cả màng hạt, giã nát, thêm một ít rượu trắng 35-40 độ, bọc trong một cái túi nilon. Dán kín miệng túi, khoét một lỗ nhỏ rộng gần bằng chỗ chai chân, buộc vào nơi tổn thương, 2 ngày thay thuốc một lần. Băng liên tục cho đến khi chỗ chai chân rụng ra (khoảng 5-7 ngày sẽ có kết quả);

- Chữa sưng vú: Hạt gấc bỏ vỏ, sao vàng, tán bột mịn, uống mỗi ngày nửa thìa cà phê sau bữa ăn, ngày uống 2 lần, cần uống 5 ngày liền, bên ngoài dùng nhân hạt gấc mài với giấm hoặc ngâm rượu bôi vào chỗ đau, ngày 3-4 lần;

- Chữa bướu hạch: Hạt gấc bỏ vỏ cứng rang khô, tán thành bột (chú ý khi rang cần cho hạt gấc cháy nám đen), mỗi lần uống 1 thìa cà phê, ngày uống 3 lần sau bữa ăn, uống 5 ngày liền, bên ngoài dùng nhựa cây đại bôi vào chỗ đau, hạt gấc ngâm rượu làm cồn thoa bóp.
 

Trong cuốn "Những cây thuốc thông thường" của TS. Võ Văn Chi, hạt gấc màu vàng, vị đắng, hơi ngọt, tính ôn, hơi độc, vào hai kinh can và đại tràng có tác dụng chữa mụn nhọt, sưng tấy, tràng nhạc, lở loét, tiêu thũng. Theo y học hiện đại, trong nhân hạt gấc có 55,3% chất lipít, 16,6% chất protit (đạm), 1,8% tanin, 2,8% xenluloza, 6% nước, 2,9% chất vô cơ, 2,9% đường, 11,7% chất khoáng. Ngoài ra, còn có một lượng nhỏ các men photphotoba, invedaxa… Loại hạt này thực ra rất phổ biến trong nhân dân vi dân ta có thói quen đồ xôi với thịt gấc cả hạt. Hạt sau đó được nhặt ra, vứt đi nhưng cũng có một số người nhặt lại, bỏ vỏ cứng đem ngâm rượu dùng xoa bóp lúc bị đau khớp. Cũng có người lấy nhân hạt gấc mài với rượu hoặc giấm thanh bôi vào những chỗ bị sưng tấy như mụn nhọt, sưng quay bị thì thấy rất mau khỏi nếu bôi liên tục, cứ khô lại bôi lại. Hạt gấc ngâm rượu cũng được dùng bôi vào chỗ sưng vú. Bôi đi bôi lại liên tục thì cũng rất mau khỏi, chẳng kém gì loại thuốc đắt tiền nào.

Nhiều người không biết, hạt gấc còn có những công dụng chẳng khác gì mật gấu. Trong chiến dịch kêu gọi con người không giết gấu lấy mật, các nhà khoa học kêu gọi người dân có thể thay thế mật gấu bằng hạt gấc. Những ứng dụng của mật gấu thì hạt gấc đều có thể dùng thay thế được mà hiệu quả cũng không kém gì. Ví dụ như hạt gấc đốt vỏ ngoài cháy thành than (nhân bên trong chỉ vàng, chưa cháy), cho vào cối giã nhỏ, cứ khoảng 30-40 hạt thì cho 400-500 ml rượu vào ngâm để dự trữ dùng dần. Dùng trong trường hợp sang chấn như bị ngã, bị thương, tụ máu có thể dùng rượu này để bôi vào chỗ sang chấn, rất công hiệu.

Rất ít người biết rằng bệnh viêm xoang có thể chữa hiệu quả chỉ nhờ vào những hạt gấc lẽ ra đem vứt bỏ sau khi dùng thịt gấc để đồ xôi. Cách làm cũng rất đơn giản: Lấy chừng 20 - 25 hạt gấc đem nướng sém đen phần vỏ, phần hạt gấc chín mềm. Sau đó đem giã nhỏ bằng cối, lấy cả phần vỏ đã cháy sém không bỏ đi. Ngâm với rượu ngon, sau một ngày là có thể đem ra dùng để trị bệnh viêm xoang.

Dùng tăm bông chấm vào dung dịch hạt gấc ngâm rượu, bôi lên sống mũi. Chờ 2 phút cho thuốc ngấm thì xì hết mủ đặc trong xoang mũi. Thuốc có tác dụng rất nhanh, chỉ cần 2 phút là có thể cảm nhận thấy cơn đau xoang mũi thuyên giảm đến 95%.

Lưu ý khi dùng hạt gấc chữa bệnh viêm xoang và các bệnh khác

Tuy hạt gấc có những dược tính rất quý nhưng các sách Đông y xưa cũng khuyến cáo trong hạt gấc có chứa độc tính, có thể gây ngộ độc nguy hiểm khi dùng đường uống. Theo những tài liệu Đông y cổ ghi chép không nên dùng hạt gấc cho bệnh thuộc về nội chứng (chứng bệnh ở phần trong thân thể). Hạt gấc chỉ nên làm thuốc dùng bôi ngoài da, liều lượng chỉ nên 2-4g/ngày, khi dùng phải nướng chín hạt.

Mới đây, khoa dược đại học Y dược TP.HCM đã có một nghiên cứu khoa học về thành phần dược tính của cao lỏng hạt gấc. Kết quả cho thấy liều dùng dưới 20g/kg không làm chuột chết, còn dùng trên 180g/kg tất cả chuột đều chết. Điều đó chứng tỏ trong hạt gấc có chứa độc tính và có thể gây nguy hiểm nếu dùng không đúng cách.

Vì thế khi dùng hạt gấc chữa viêm xoang hay bất cứ bệnh gì, cần chú ý chỉ dùng bôi ngoài da, liều lượng đúng theo chỉ dẫn phía trên là 2-4g/ngày và khi dùng nhớ nướng chín hạt.

Chữa xoang bằng hạt gấc nướng

Viêm xoang là một bệnh rất khó chữa, rất nhiều người khốn khổ vì bệnh này, đã đi chữa trị nhiều nơi tốn kém không ít tiền nhưng rốt cục vẫn không khỏi. Nhưng ít ai biết rằng hạt gấc chính là một phương pháp chữ bệnh viêm xoang rất hiệu quả. Và tôi xin chia sẻ  kinh nghiệm chữa viêm xoang này từ những người bị bệnh viêm xoang đã chữa khỏi nhằm giúp các bạn tham khảo. 

Lấy 20 - 25 hạt gấc nướng chín giã nhỏ cả vỏ đã sém đen, ngâm rượu ngon sau một ngày chắt nước dùng bông thấm nước chắt đó ngoáy vào lỗ mũi. hơi cay, xót, đắng họng tý chút. Trước đó bạn phải xì hết mủ đặc-hôi-tanh ra càng nhiều càng tốt, những lần sau chỉ cần xoa dung dịch trên khoảng 2 phút lên sống mũi. Bệnh thuyên giảm 95%. Chúc các bạn sung sướng sau khi dùng bài thuốc trên. Nhớ giúp người khác nữa nhé.

Ngày 18/09/2015
TS.BS. Huỳnh Hồng Quang, PGS.TS. Triệu Nguyên Trung  
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích