Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 29/03/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 2 9 1 1 1 5
Số người đang truy cập
2 0 1
 
Trả lời câu hỏi bạn đọc về y học thường thức và chuyên ngành ký sinh trùng tháng 8/2015 (Phần 1)

 

Lê Việt, 42 tuổi,TT Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, hoatna74@

Hỏi: Xin hỏi các bác rằng, em đang điều trị mụn ở Viện sốt rét Quy Nhơn, nhưng không biết cách chăm sóc thế nào là phù hợp cho da bị mụn của em, đặc biệt em đang bị mụn bọc, mỗi năm em bị đến 4-5 lần, kéo dài 10 ngày rồi điều trị bớt xong lại bị lại. Xin cảm ơn các bác sĩ!

Trả lời: Liên quan đến câu hỏi của bạn, chúng tôi biết rằng hiện tại trên mạng internet trong nước cũng như nước ngoài hoặc các trang tin điện tử của các phòng khám/ bệnh viện da liễu của các tỉnh hầu hết đều có phần tư vấn và cách chăm sóc những bệnh nhân mắc mụn trứng cá các loại, nên bạn có thể tham khảo thêm. Nhân đây, chúng tôi xin giới thiệu đến bạn một phần phúc đáp mang tính chuyên khoa của đồng nghiệp thạc sĩ-bác sĩ Lê Thái Vân Thanh về cách chăm sóc da mụn trứng cá:

Mụn trứng cá nặng là những trường hợp mụn trứng cá với các biểu hiện nhiều tổn thương viêm đỏ, có mủ, tạo thành cục ở sâu, gây đau, hoặc nhiều cục sâu, áp-xe hợp lại tạo thành đường dò. Mủ hay chất nhầy trắng có thể chảy ra ngoài qua các lỗ mở ra da trong một thời gian dài. Khi lành bệnh thường để lại sẹo lõm hoặc lồi. Các dạng mụn trứng cá nặng:

 

- Mụn trứng cá bọc: Sang thương gồm nhiều sẩn viêm, mụn mủ, nang và cục sưng to, đau. Vị trí thường ở mặt, ngực, lưng. Dạng này thường gặp ở nam.

- Mụn trứng cá cụm: Biểu hiện lâm sàng đa dạng với cùi mụn, sẩn, mụn mủ, cục, áp xe và sẹo. Vị trí ở lưng, mông, ngực; ít gặp hơn là bụng, vai, cổ, mặt, cánh tay và đùi. Sang thương thường lớn và rất đau, tạo nhiều đường dò chảy dịch hoặc mủ rất hôi. Lành thường để lại sẹo lõm và sẹo lồi. Bệnh thường khởi phát ở tuổi trưởng thành và nam gặp nhiều hơn nữ.

- Mụn trứng cá ác tính: Đây là một dạng mụn trứng cá rất nặng. Bệnh thường xuất hiện đột ngột với sang thương viêm, kích thước lớn và rất đau ở ngực và lưng (ít gặp ở mặt). Sang thương nhanh chóng loét ra và lành để lại sẹo. Bệnh nhân thường sốt, kèm với tăng bạch cầu (10.000 - 30.000/mm3), đau khớp, đau cơ và các triệu chứng toàn thân khác. Bệnh đa số gặp ở thiếu niên. Khi lành thương tổn sẽ để lại sẹo lõm hoặc lồi.

 

Các yếu tố gây nên mụn trứng cá nặng:

Trong một số trường hợp mụn sẽ trở nên nặng do cơ địa, diễn tiến bệnh hoặc do điều trị không thích hợp. Mụn trứng cá nặng hay gặp ở nam nhiều hơn nữ gấp 10 lần và đa số gặp ở những người có yếu tố gia đình tức có anh chị em hoặc bố mẹ trong nhà cũng bị mụn trứng cá nặng. Tự điều trị hoặc sử dụng đơn thuốc của người thân dùng điều trị mụn có hiệu quả trước đây có thể làm tình trạng mụn nặng hơn hoặc gây biến chứng.

Một số thói quen xấu như sờ tay lên mặt, nặn, hút, lễ mụn; hoặc gây bít tắc lỗ chân lông như dùng mỹ phẩm, đội nón chặt, để tóc che phủ mặt, đổ mồ hôi nhiều… ; hoặc sử dụng các sản phẩm tẩy rửa, dưỡng da không phù hợp; hoặc dùng bông hoặc khăn chà xát sẽ dễ làm mụn trứng cá nặng hơn; chế độ ăn uống, sinh hoạt không hợp lý.

Mặc dù mụn trứng cá không phải là một bệnh đe dọa cuộc sống nhưng nó lại có ảnh hưởng rất lớn lên chất lượng cuộc sống khi mà bệnh đa phần tác động lên lứa tuổi thanh thiếu niên. Bệnh gây cho người bệnh cảm giác bối rối, bất an khi tiếp xúc với người khác và thậm chí có thể gây trầm cảm, xa lánh bạn bè, thụ động. Đặc biệt đối với mụn trứng cá nặng nếu như chúng ta không biết chăm sóc và điều trị đúng cách thì có thể để lại sẹo xấu, gây ảnh hưởng tâm sinh lý vĩnh viễn. Chúng ta cần nắm rõ các yếu tố sau nhằm góp phần đem lại hiệu quả tối ưu trong việc giải quyết các trường hợp này:

Điều trị mụn trứng cá là một quá trình liên tục. Tất cả những điều trị mụn trứng cá cần làm là phải ngăn những đợt mụn mới bộc phát. Những vết tích do mụn trứng cá gây ra cần phải được chữa lành và được cải thiện theo thời gian. Nếu mụn trứng cá không có cải thiện sau 2-3 tháng điều trị, cần phải thay đổi phác đồ khác theo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa da liễu, tùy theo dạng mụn trứng cá. Đôi khi, những phát ban do mụn trứng cá có thể gây ra do những nguyên nhân khác như dùng mỹ phẩm, một số dung dịch hay một số thuốc dùng bằng đường uống. Cần phải cung cấp những thông tin gần đây về việc dùng thuốc trên da hay bằng đường uống cho bác sĩ Da liễu của bạn.

 

Điều trị tại chỗ

-- Thuốc thoa

-- Khá nhiều những dung dịch hay kem bôi gây ra mụn trứng cá nhẹ hoặc làm da trở nên khô hơn, do đó cần đọc chỉ dẫn sử dụng một cách cẩn thận.

-- Có nhiều loại kem, gel, hay dung dịch bôi có chứa chất giống vitamine A, benzoyl peroxide, hay kháng sinh nhằm hạn chế tắc nghẽn lỗ chân lông và sự phát triển của vi khuẩn. Những chế phẩm này có thể gây khô da và tróc vẩy. Bác sĩ Da liễu sẽ cho bạn những lời khuyên về cách sử dụng thuốc an toàn và làm thế nào để hạn chế tác dụng phụ.

-Nếu bạn dự định sẽ mang thai, hay đang có thai hoặc cho con bú, nên thông báo cho bác sĩ trước khi bắt đầu dùng bất kỳ một thuốc nào (kể cả thuốc bôi).

Tiểu phẩu

-Can thiệp phẫu thuật đối với mụn trứng cá có thể được thực hiện bởi bác sĩ da liễu, nhằm loại bỏ những mụn đầu đen hay đầu trắng.

-Bào da vi phẫu có thể được dùng để loại bỏ những lớp trên cùng của da nhằm làm cải thiện những bất thường trên bề mặt da.

-Lột da nhẹ bằng hóa chất như: acid salicylic hay glycolic acid sẽ giúp giảm tắc nghẽn lỗ chân lông, mở những mụn đầu đen và đầu trắng, cũng như kích thích sự tạo da mới.

-Tiêm corticosteroid có thể được sử dụng trong điều trị những mụn trứng cá nốt cục; cách này có thể giúp chúng biến mất nhanh hơn.

 

Đường uống:

-Kháng sinh: Những kháng sinh dùng bằng đường uống như: tetracycline, doxycycline, minocycline hay erythromycine thường được kê toa. Đối với mụn trứng cá nặng có thể dùng thêm sulfamethoxazol/trimethoprime hoặc Dapsone

-Thuốc viên ngừa thai: Thuốc viên ngừa thai có thể cải thiện đáng kể tình trạng mụn trứng cá, và được dùng theo một cách riêng trong điều trị mụn trứng cá. Điều quan trọng là cần phải biết những kháng sinh dùng bằng đường uống nào có thể làm giảm hiệu quả của thuốc ngừa thai uống. Vì thế cần theo dõi một cách thận trọng tác dụng phụ khi dùng thuốc này.

-Những phương pháp trị liệu khác: Trong những trường hợp mụn trứng cá nặng không đáp ứng với điều trị, isotretinoin có thể được dùng. Những bệnh nhân dùng isotretinoin cần phải biết những tác dụng phụ của thuốc này. Theo dõi thường xuyên trong những lần tái khám là cần thiết. Khi đang dùng thuốc này không được có thai, vì thuốc có thể gây quái thai. Phái nữ cũng có thể dùng hóc môn sinh dục nam hoặc những thuốc làm giảm hóc môn sinh dục nam nhằm giúp cải thiện tình trạng mụn. Liệu pháp ánh sáng quang học với bước sóng có ánh sáng xanh có thể giúp ích trong điều trị mụn trứng cá.

Bác sĩ da liễu của bạn sẽ đánh giá tình trạng mụn trứng cá của bạn và khuyến cáo những công thức điều trị thích hợp; tùy vào tuổi, giới, dạng mụn trứng cá mà bạn mắc phải.

Điều trị sẹo của mụn trứng cá:

Bác sĩ chuyên khoa da liễu có thể điều trị các dạng sẹo của mụn trứng cá theo nhiều cách khác nhau. Tái tạo bề mặt da bằng laser, bào da, hóa chất hay đốt điện có thể làm phẳng sẹo lõm. Sự tăng sinh mô mềm cùng với các sợi collagen hay tổ chức mô mỡ có thể gây ra sẹo. Đối với sẹo lõm có thể sửa chữa sẹo bằng dao vi phẫu và kỹ thuật ghép da. Việc kết hợp những điều trị phẫu thuật da này có thể cho kết quả khác nhau đáng kể.

Chăm sóc da đúng cách:

Vấn đề không phải chỉ bác sĩ da liễu của bạn đã dùng thuốc gì để điều trị mụn trứng cá, mà là việc bạn tiếp tục chăm sóc da trong và sau điều trị có đúng cách không. Mụn trứng cá không chữa khỏi hẳn, nhưng có thể kiểm soát được; điều trị đúng cách sẽ giúp bạn cảm thấy tự tin hơn và có thể ngăn ngừa được tình trạng sẹo mụn.

1. Chăm sóc da đúng cách khi bị mụn trứng cá nặng:

-Bỏ thói quen sờ tay lên mặt, nặn, hút, hoặc lể mụn vì sẽ gây đỏ và tạo sẹo da.

-Hạn chế các yếu tố gây bít tắc lổ chân lông như dùng mỹ phẩm, đội nón chặt, để tóc che phủ mặt, đổ mồ hôi nhiều

-Chọn lựa các sản phẩm tẩy rửa, dưỡng da phù hợp: các sản phẩm rửa êm dịu da, không chứa cát nhám; các sản phẩm dưỡng có ghi chú “non-acnegenic” (không tạo mụn) hoặc “non-conmedogenic” (không tạo cồi).

-Nên rửa mặt 2-3 lần mỗi ngày. Chỉ rửa bằng nước sạch khi da khô, đỏ, ngứa do tác dụng của thuốc đang điều trị bệnh. Có thể dùng thêm sản phẩm rửa thích hợp 1 lần vào buổi tối khi da nhờn. Khi rửa không nên dùng bông hoặc khăn chà xát vì sẽ làm trầy xướt da mà chỉ nên rửa nhẹ nhàng bằng tay, sau đó thấm khô nước bằng gạc sạch.

2. Điều tiết chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý:

-Hạn chế ăn ngọt, chất béo;

-Ngủ đều độ, tránh thức khuya;

-Tạo đời sống tinh thần lành mạnh, giảm thiểu stress và mất ngủ;

-Bảo vệ da chống nắng: hạn chế đi nắng; đeo khẩu trang, đội nón rộng vành bằng vải màu sậm; bôi kem chống nắng;

-Nên kiên trì thăm khám nhiều lần và liên tục bởi bác sỹ chuyên khoa da liễu;

-Không nên dùng thuốc theo lời khuyên của bạn bè, người quen, hoặc tự mua thuốc dùng bởi vì việc điều trị rất khác nhau giữa người này và người khác, nó phụ thuộc tuổi, giới tính, các yếu tố nguy cơ, đặc điểm loại da, loại mụn;

-Có thể phối hợp phương pháp chính gồm thuốc uống, thuốc thoa với các phương pháp hỗ trợ như chiếu ánh sáng xanh, chiếu tia laser, lột da.

Hy vọng với các thông tin ở trên là đầy đủ cho bạn để chăm sóc và điều trị mụn trứng cá tốt nhất, đặc biệt là các trường hợp mụn trứng cá bội nhiễm nặng, nguy cơ tạo sẹo.

Lê Đình Q, 58 tuổi, Cam Ranh, Khánh Hòa, 0909….

Hỏi: Tôi có vợ năm nay 47 tuổi, chưa bao giờ bị đau thần kinh zona hay giời leo, gần đây thường xuyên đau vùng liên sườn đã đi khám nhiều bênh viện lớn nhỏ và các bác sĩ chuyên khoa, kể cả đi khám và uoogns thuốc đông y nhưng không khỏi hẳn mà cứ bị đi bị lại, khám bệnh siêu âm, chụp x quang đủ kiểu và rất nhiều nơi, đến nỗi có cả một thùng đựng hồ sơ khám bệnh của vợ. Tôi không biết dấu hiệu nhận biết và chữa trị đau dây thần kinh liên sườn như thế nào vì gần đây tôi cũng cảm thấy đau như bả. Nếu được trả lời sớm tôi chân thành cảm ơn các bác sĩ rất nhiều.

 

Trả lời: Cảm ơn câu hỏi của bạn về một chủ đề chuyên môn đau thần kinh liên sườn mà chúng tôi cũng như một số bệnh viện hàng ngày rất hay gặp các bệnh nhân đau như thế và phải nói rằng các cơn đau như vậy rất mơ hồ không có trọng tâm, trọng điểm hay chỉ điểm rõ ràng của một bệnh lý nào cụ thể, các triệu chứng của đau thần kinh liên sườn đôi khi nhầm lẫn hoặc na ná các triệu chứng khác của bệnh lý nội khoa hoặc da liễu khác.

Đau thần kinh liên sườn có thể do nhiều nguyên nhân gây nên như sau chấn thương, vận động sai tư thế, vận động với cường độ quá mạnh, thoái hóa cột sống, nhiễm khuẩn, nhiễm độc, đái tháo đường, viêm đa dây thần kinh,…Nếu không tìm thấy nguyên nhân gọi là đau thần kinh liên sườn tiên phát.Đau thần kinh liên sườn là bệnh hay gặp, do nhiều nguyên nhân gây nên như: chấn thương, vận động sai tư thế, cường độ quá mạnh, thoái hóa cột sốngthường gặp ở người cao tuổi; do lao cột sống hay ung thư cột sống: thường gặp ở những người tuổi trung niên khu trú tại vùng cột sống bị tổn thương, do bệnh lý tủy sống, do nhiễm khuẩn, nhiễm độc, đái tháo đường, viêm đa dây thần kinh, đau thần kinh liên sườn do zona.

Đau dây thần kinh liên sườn do zona, thường tiến triển qua 2 giai đoạn: giai đoạn cấp và giai đoạn di chứng; đau dây thần kinh liên sườn tiên phát: có thể do lạnh hoặc do vận động sai tư thế hoặc quá tầm; do các bệnh: đái tháo đường, nhiễm độc, viêm đa dây thần kinh.Nếu không tìm thấy nguyên nhân gọi là đau thần kinh liên sườn tiên phát.

 

Các dấu chứng/ triệu chứng để bệnh nhân và thầy thuốc mô tả bệnh đau thần kinh liên sườn phụ thuộc nhiều nguyên nhân gây bệnh đa dạng. Đau do thoái hóa cột sống hay gặp ở người cao tuổi, tính chất đau ê ẩm, mạn tính không cấp tính kèm theo đau âm ỉ cột sống ngực cả khi nghỉ và khi vận động, ấn vào điểm cạnh sống hai bên (cách giữa cột sống 2-3cm), bệnh nhân thấy tức nhẹ và dễ chịu. Đau do lao cột sống hay ung thư cột sống gặp ở những người tuổi trung niên, bệnh diễn biến nặng, khu trú tại vùng cột sống bị tổn thương.

 

Tính chất đau có thể biểu hiện khác nhau như đau chói cả hai bên sườn, có khi đau như đánh đai, như bó chặt lấy ngực hoặc bụng bệnh nhân. Ấn cột sống sẽ thấy điểm đau chói, bệnh nhân đau liên tục suốt ngày đêm, tăng khi thay đổi tư thế hoặc vận động.

Bệnh nhân có các triệu chứng nặng như hội chứng nhiễm độc lao như sốt về chiều, mệt mỏi, sút cân; có thể thấy biến dạng cột sống. Đau do bệnh lý tủy sống: triệu chứng đau dây thần kinh liên sườn là dấu hiệu sớm của u rễ thần kinh, u ngoại tủy. Tính chất đau như bệnh nhân biểu hiện thường đau một bên, khu trú rõ, đau kiểu đánh đai ở một bên sườn. Khám cột sống không thấy đau rõ ràng. Đau do chấn thương cột sống xảy ra sau khi bệnh nhân bị chấn thương, chẳng hạn bị ngã, bị đánh, bị tai nạn giao thông, tai nạn lao động, vận động hoặc là động tác với cường độ quá mạnh.

Đau do nhiễm khuẩn hay gặp nhất là đau dây thần kinh liên sườn do zona, thường tiến triển qua 2 giai đoạn, giai đoạn cấp khởi phát bằng đau rát một mảng sườn, sau một vài ngày thấy đỏ da, xuất hiện các mụn nước với xu hướng lan rộng theo phạm vi phân bố của dây thần kinh liên sườn. Bệnh nhân thấy ngứa và đau rát như bỏng, rất khó chịu, bệnh nhân không dám để cho vùng tổn thương tiếp xúc với quần áo hay sờ mó vào da. Có thể có sốt, mệt mỏi, khoảng một tuần tổn thương khô, bong vảy, để lại sẹo. Giai đoạn di chứng, bệnh nhân thấy đau rát ở vùng tổn thương một thời gian, có khi kéo dài hàng tháng, nhất là ở người cao tuổi. Đau dây thần kinh liên sườn tiên phát, có thể do lạnh hoặc do vận động sai tư thế hoặc quá tầm. Bệnh nhân thấy đau ở vùng cạnh sống hoặc vùng liên sống - bả vai, có thể đau một hoặc hai bên, đau lan theo khoang liên sườn ra phía trước, đau âm ỉ cả ngày và đêm, đau khi hít thở sâu, thay đổi tư thế, ho, hắt hơi. Ấn vùng cạnh sống tương ứng với khe gian đốt bệnh nhân thấy đau tức, đôi khi lan theo đường đi của dây thần kinh liên sườn. Da vùng đau không có biểu hiện tổn thương. Đau do các bệnh như đái tháo đường, nhiễm độc, viêm đa dây thần kinh. Bệnh nhân có triệu chứng của các bệnh này trước, sau đó mới xuất hiện đau thần kinh liên sườn.

Triệu chứng đau dây thần kinh liên sườn thường được bệnh nhân mô tả là đau ngực, tức ngực, đau mạng sườn, là những cơn đau kéo dài hoặc xuất hiện từng đợt dọc theo dây thần kinh liên sườn. Bệnh nhân thường chỉ đau ở một bên, trái hoặc phải; đau từ trước ngực, lan theo mạng sườn ra phía sau ở cạnh cột sống. Có thể có điểm đau và tăng cảm giác ở vùng đau khi thầy thuốc khám thăm khám. Đau dây thần kinh liên sườn thường xuất hiện khi có các bệnh nhiễm khuẩn như cúm, lao, thấp khớp, các bệnh phổi, màng phổi, tim, gan hay tổn thương ở đốt sống lưng như lao, ung thư, thoái hóa, u tủy. Đau dây thần kinh liên sườn là triệu chứng của nhiều bệnh, do đó cần phải theo một trình tự chẩn đoán: phát hiện sớm triệu chứng của các bệnh là nguyên nhân gây ra đau thần kinh liên sườn kết hợp với biểu hiện đau thần kinh liên sườn.

Việc điều trị bệnh đau dây thần kinh liên sườn trước hết cần điều trị các bệnh là nguyên nhân gây đau. Nếu là đau dây thần kinh liên sườn tiên phát, có thể điều trị với các thuốc giảm đau paracetamol, diclofenac,.... Đối với bệnh zona gây ra đau liên sườn, nên cho bệnh nhân bôi kem acyclovir mỗi ngày 2-3 lần vào các mụn nước; dùng thuốc giảm đau, thuốc an thần. Loại thuốc điều trị đau thần kinh nhóm Gabapentin, thường dùng liều nhỏ, tăng dần tới khi có tác dụng, nên uống thuốc trước khi đi ngủ hoặc nghỉ trưa, có thể phải dùng kéo dài vài tháng. Thuốc giãn cơ vân như myonal, mydocalm... chỉ dùng khi đau nhiều, cảm giác co rút vùng sườn tổn thương. Vitamin nhóm B như B1, B6, B12 là các vitamin có vai trò quan trọng trong chuyển hóa của tế bào nói chung, nhất là tế bào thần kinh và bao myelin. Phong bế cạnh cột sống.

 

Để tránh xảy ra các triệu chứng của đau thần kinh liên sườn, bệnh nhân cần khám nơi chuyên khoa, nhất là khoa chuyên khoa đau, phát hiện và điều trị tích cực các bệnh là nguyên nhân gây ra đau dây thần kinh liên sườn nói trên. Bản thân người bệnh tránh vận động sai tư thế hoặc quá mạnh. Chú ý  phòng tránh tai nạn giao thông, tai nạn lao động và sinh hoạt.

Trần Minh T…, 42 tuổi, Kỹ sư giao thông ở Đồng Nai

Hỏi: Làm thế nào để nhận biết là mình đang bị viêm da do tiếp xúc do kiến ba khoang và cách xử lý cũng như phòng bệnh do kiến ba khoang gây ra?

Trả lời: Kiến ba khoang là một loài bọ có cánh có ba khoang rõ rệt có tên khoa học là Paederus fuscipes, thuộc họ Staphilinidae, bộ cánh cứng. Loài côn trùng này có thân mình thon, nhỏ hơn hạt thóc, có hai màu đỏ và đen (ba khoang màu đen, xen lẫn 2 khoang màu đỏ), nhìn giống con kiến. Trong cơ thể kiến, có chứa chất pederine - một loại chất độc gây mụn rộp, phỏng da. Chất này có độc tính cao gấp hơn 10 lần độc tính rắn hổ, nhưng với lượng rất nhỏ nên không gây chết người.
 

Làm thế nào phân biệt kiến ba khoangvới các loại kiến thường? Kiến ba khoang có tên khoa học là Paederus fuscipes, thuộc họ Staphilinidae (cánh cụt), bộ Colleoptera (cánh cứng), Lớp insecta (côn trùng), ngành động vật. Về mặt hình thái học của loại kiến ba khoang rất đặc biệt như thân mình thon, dài như hạt thóc (dài 1-1,2cm, ngang 2-3mm), nhiều màu sắc khác nhau, nhìn giống con kiến; do đó, người ta hay gọi với nhiều tên gọi khác nhau như kiến hoang, kiến kim, kiến lác, kiến gạo, cằm cặp, kiến nhốt, kiến cong, ...

Loài kiến ba khoang có 3 đôi chân, bụng có đốt, trong đó có một đốt màu đỏ, bay và chạy rất nhanh; cơ thể đôi khi màu cam tối màu, hay sậm màu và nhọn ở vùng bụng, vùng bụng trên và đầu màu đen, vùng trên giữa phát quang ngũ sắc, óng ánh màu xanh, đính kèm đôi cánh cứng (elytra). Một đôi cánh trong suốt gấp lại gọn gàng và dấu bên dưới cánh cứng. Ban ngày, kiến ba khoang sẽ được nhìn thấy bò lê, hoặc bò nhanh ở quanh và giấu cánh tương tự như kiến. Khi bất thường, nó tăng kích thước phần bụng lên, có cử chỉ đe dọa như con bọ cạp và bản thân chúng cũng có thể bay và chạy nhanh trên nước.
  

Kiến ba khoang không đốt người, nhưng độc chất pemedine trong cơ thể tiếp xúc với da người gây nên nhiều triệu chứng khó chịu. Nguyên nhân do người tiếp xúc da với dịch cơ thể của kiến khi dùng tay giết kiến trực tiếp hoặc gián tiếp. Các vị trí hay gặp như ở vùng cổ, mặt, tay, chân (những vùng da hở). Tại vị trí tiếp xúc sẽ có thể gặp tổn thương, biểu hiện như da ửng đỏ, trợt, loét nông trên da, mụn nước, mụn mủ đau rát và ngứa. Tổn thương nhìn rất giống với bệnh zona thần kinh. Nhưng có thể phân biệt được: tổn thương zona thần kinh chạy dọc phần da bên dây thần kinh tổn thương chi phối, không có hiện tượng đối xứng như viêm da tiếp xúc do dịch kiến ba khoang tiết ra (da tổn thương tiếp xúc vào da lành gây tổn thương tiếp lên vùng da lành); tính chất đau do tổn thương zona đau rát từng cơn, tổn thương do kiến ba khoang đau rát âm ỉ, hơi ngứa.

Sốt cao, sưng đau vì nọc độc kiến ba khoang ở một số bệnh nhân khi bị kiến ba khoang đốt chỉ nổi vết đỏ lấm tấm mụn nước nhỏ, hơi ngứa, không thành phỏng nước, phỏng mủ. Nhưng ở một số người, vết đốt gây tổn thương phỏng mủ lan rộng, bệnh nhân sưng đau, sốt, bạch cầu tăng cao…

Về chẩn đoán phân biệt, viêm da tiếp xúc do côn trùng có thể bị nhầm với một số bệnh ngoài da, đặc biệt là bệnh zona. Zona thường gặp ở những người từng bị thủy đậu, với các dấu hiệu báo trước như đau nhức dọc theo dây thần kinh ở nửa người, nơi vùng da chuẩn bị nổi thương tổn. Tổn thương cơ bản là các mụn nước lõm ở giữa, mọc thành chùm ở một bên cơ thể.
 

Phân bố và nơi sinh sống của kiến ba khoang

Kiến ba khoang thường sống ở ven ruộng, quanh gốc rạ, bãi cỏ, gần vùng nước, ruộng rau, trong những nơi đang xây dựng. Trong thân kiến có chất Pederine (C24H43O9N), có thể gây cháy, bỏng da giống như chất cangtadin của sâu ban miêu và chất phospho ở "con giời".

Về tập tính và thức ăn của chúng thì các loài bọ này thường tìm thấy trên các ruộng lúa (từ năm 1919), môi trường trường học, ký túc xá, khu ở trọ, nhà ở tập thể công nhân ngoại ô thành phố, có cỏ mọc xung quanh. Khi ruộng lúa xuất hiện rầy nâu, sâu cuốn lá, chúng tìm đến chui vào tổ sâu ăn thịt từng con, chúng được xem như là loài thiên địch. Khi ruộng lúa vào mùa gặt, chúng thường bay vào các khu chung cư cao tầng nơi có ánh sáng đèn Neon để ăn các loại côn trùng rầy nâu, bọ hóng….trong nhà.

Trong suốt mùa mưa, bão, lũ lụt các loại côn trùng này di chuyển đến các vùng khô ráo hơn. Sau những ngày mưa lũ làm ngập đồng ruộng, ao hồ thì vào ban đêm, kiến khoang theo côn trùng, theo ánh đèn bay vào nhà. Những người làm việc dưới ánh đèn bị côn trùng rơi vào cổ, mặt, thân mình vô tình giơ tay đập, quệt, chà sát côn trùng và chất Pederine có trong côn trùng rơi vào da. Có khi côn trùng rơi vào bể tắm, bồn tắm hoặc bám vào khăn mặt, quần áo. Người bệnh không chú ý, chà xát phải côn trùng gây thành viêm da bọng nước (có trường hợp người bệnh giết côn trùng và đưa tay quết lên da và tạo thành vết thương).

Kiến ba khoang sống nhiều ở các cánh đồng, ăn các loại thiên địch bảo vệ mùa màng. Với tập tính hướng sáng, nên thường bay vào nhà dân. Tại một số nơi tại Việt Nam, nhiều nhà khoa học ghi nhận nhiều ca viêm da do kiến ba khoang tại các khu vực nhà dân gần cánh đồng, ký túc xá sinh viên như đã từng xảy ra ở Hà Nội, Hải phòng, Cần Thơ và thành phố Hồ Chí Minh trong những năm trước đây. Đến mùa mưa, mùa gặt lúa là điều kiện để kiến ba khoang di trú, hay bay vào nhà dân. Mọi người có thể phòng tránh loại côn trùng này bằng cách đóng kín cửa, sử dụng lưới ngăn muỗi, sử dụng thuốc xịt côn trùng, hạn chế ngồi gần bóng đèn sáng, mặc quần áo dài tay, trước khi mặc đồ, rửa mặt hay đi ngủ kiểm tra kỹ trên đồ vải để loại bỏ kiến. Không dùng tay trực tiếp giết kiến mà dùng gián tiếp qua lớp giấy, túi bóng.
 

Tác hại do kiến ba khoang gây ra đối với con người:

Lượng độc tố truyền sang người qua vết đốt rất nhỏ nên chỉ có thể làm da nổi bọng nước, ngứa rát, khi gãi vết thương sẽ vỡ ra, gây lở loét, dẫn tới viêm da. Đặc biệt, Pederin sẽ lan nhanh khi người bệnh đập kiến trên da, khiến vùng bị thương lan nhanh và rộng. Hơn nữa, độc tố này khi tiếp xúc với da sẽ cộng sinh dính da vào khiến mức độ tổn thương tăng cao".

Tác hại của kiến ba khoang không gây nguy hiểm đến tính mạng, chủ yếu gây tổn thương trên da nhưng với số lượng lớn vị trí viêm da là vùng đầu mặt, cổ, tay, chân, hông lưng. Đặc biệt tổn thương da nặng nhất, lan tỏa rộng nhất ở vùng da mềm. Triệu chứng phồng rộp da, nổi mụn nước có thể xuất hiện sau khi tiếp xúc độc tố từ 12 - 36 giờ. Nếu không chữa trị, tình trạng viêm sẽ tiến triển sang loét, khi đó những tổn thương này sẽ có hình dạng là đường thẳng dài, hay hình chữ Y… tùy theo cách ta giết chúng.

Tác hại của kiến ba khoang đối với con người: tính độc tính cao, tác hại của kiến ba khoang đối với con người rất nguy hiểm. Trong cơ thể của kiến ba khoang có chứa Pederin, có độc tính gấp 12-15 lần nọc rắn hổ mang… nhưng với lượng tiếp xúc nhỏ và ngoài da nên không đủ để gây chết người như nọc rắn mà gây lở loét viêm da,...
  

Cách điều trị khi tiếp xúc nọc độc và cách phòng chống kiến ba khoang

-  Cách diệt kiến ba khoang và phòng chống kiến ba khoang

+ Phun hoá chất tồn lưu trên tường vách trong và ngoài nhà để diệt kiến ba khoang;

+ Phun hoá chất xung quanh bụi rậm, bờ cỏ quanh nhà.

Kết quả sau khi xử lý phun hóa chất tồn lưu diệt kiến ba khoang, mật độ côn trùng kiến ba khoang giảm, mật độ bay vào nhà giảm đáng kể và sẽ thấy xác kiến ba khoang chết nhiều trong nhà.

-  Cách thức điều trị khi da tiếp xúc với nọc độc kiến ba khoang

+  Nếu bị cắn hay lỡ tay đập chết chúng trên da mình thì cần rửa sạch càng nhanh càng tốt nơi bị dính độc tố bằng xà phòng;

+  Không được chà xát làm vây bẩn độc tố của chúng ra vùng da nhiều nơi, vì độc tố của chúng có thể gây tổn thương da lan tỏa. Khi da bị tổn thương phồng rộp, hay sang thương loét có thể chúng ta rửa bằng thuốc tím (KMnO4), dung dịch xanh methylene lên vùng da bị ảnh hưởng, thuốc kem bôi  có chứa corticosteroid như Korcin, Betnovate, Betnovate-GM và Gentrisone.

+ Kháng sinh có thể cần nếu có bội nhiễm bóng nước trên da, nếu cảm giác ngứa thì không nên gãi mạnh vì có thể gây viêm da lan rộng hơn, lúc này cần uống them thuốc kháng histamin (thuốc chống dị ứng). Tình trạng viêm da sẽ lành trong 2-3 tuần. Nhưng tốt nhất là đến ngay cơ sở y tế (như trạm y tế, trung tâm y tế hoặc trung tâm có chuyên khoa da liễu) để được chẩn đoán và điều trị đúng, kịp thời. 

Về hướng xử trí với các ca viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang, điều trị chủ yếu bằng kháng histamin và thuốc bôi tại chỗ. Điều trị đúng cách sẽ hồi phục nhanh, không bị đau rát nhiều. Khi có tổn thương xử trí bằng rửa nhẹ qua nước sạch hoặc nước muối sinh lý rồi đến cơ sở y tế, không nên tự ý điều trị để tránh tổn thương lan rộng, bội nhiễm.

Các biện pháp phòng bệnh

Nếu phát hiện được kiến ba khoang ngay sau khi tiếp xúc, cần:

-Loại bỏ côn trùng, không dùng tay trần để bắt, giết, miết.

-Rửa vùng tiếp xúc bằng nước sạch và xà phòng, sau đó dùng thuốc sát trùng nhẹ;

-Khi thương tổn đã phỏng rộp, tùy vào mức độ tổn thương mà bác sĩ chỉ định thuốc phù hợp. Trường hợp nhẹ chỉ cần sát trùng, bệnh tự giới hạn. Nếu tình trạng trung bình và nặng thì phải bôi thuốc dịu da, corticosteroid bôi, uống kháng histamin, uống kháng sinh khi có dấu hiệu bội nhiễm.

Đề phòng trước khi xảy ra

-Đề phòng côn trùng bay vào nhà bằng cách hạn chế mở cửa nhiều, nhất là nơi ở gần cây cối, cánh đồng...;

-Tránh đứng dưới bóng đèn sáng nơi công cộng, chú ý khi làm việc dưới ánh đèn vì kiến ba khoang rất hay xuất hiện ở nơi có đèn sáng;

-Giũ mạnh khăn mặt, quần áo trước khi dùng;

-Không dùng tay trần để bắt, giết, miết kiến ba khoang;

-Khi bắt đầu thấy rát ở một vùng da có thể rửa vùng đó bằng nước muối loãng, xà phòng...

Hỏa Thiện L, 51 tuổi, Cần Thơ, 0126…..

Hỏi: Xin cho hỏi các bác ở Viện nghiên cứu sốt rét côn trùng miền Trung tây Nguyên, tôi là một bác sĩ lâm sàng và vừa làm cả một số dự án cộng đồng, do vậy muốn đăng các tạp chí nước ngoài, nhưng không biết kinh phí chi cho đăng báo có cao không. Xin các bác cho biết để cho tôi up load và đăng bài. Xin chân thành cảm ơn!

Trả lời: Liên quan đến câu hỏi của bạn, chúng tôi trong thời gian qua, có một số nghiên cứu phối hợp với các dự án nước ngoài thì khi số liệu ấn bản, họ sẽ giúp chúng tôi đăng tải trên một số tạp chí có uy tín trong và ngoài nước. Song, thực tế chúng tôi cũng có tham dự một số khóa hướng dẫn đăng bài nước ngoài cũng như thông báo về chi phí đăng bài trên các tạp chí, xin giới thiệu để bạn tham khảo.

 

Newsletter and Call for Papes, July & August 2015

 

 

 

Science and Education Publishing (SciEP) is a multidisciplinary open access publisher of Journals covering the fields of Science, Technology and Medicine. All SciEP publications are subject to high-quality peer review, editorial and production processes and are freely available o­nline. Science and Education Publishing journals supply the full-text articles in PDF, XML and HTML formats. Now we also supply articles as ePUB format.

View All Subjects & Journals View Latest Articles Submission

The following newly-published articles are listed for your reference.

Journal Title

Authors from Developed Countries

Authors from Developing Countries

American Journal of Medical Case Reports

100USD

100USD

International Journal of Dental Sciences and Research

100USD

100USD

World Journal of Environmental Engineering

100USD

100USD

Nanoscience and Nanotechnology Research

100USD

100USD

Biomedical Science and Engineering

100USD

100USD

World Journal of Organic Chemistry

100USD

100USD

World Journal of Preventive Medicine

100USD

100USD

The discount is effective for submissions from July 1, 2015-August 31, 2015.

Trên đây là một số tạp chí có giá in ấn bản và phản biện sẽ giúp bạn từng khâu in ấn các công trình nghiên cứu của mình. Tuy nhiên, nếu bạn muốn đăng bài báo của mình trên các tạp chí khác, bạn có thể vào trang website của tạp chí đó và di chuyển đến khâu ấn bản (publications) sẽ có phần hướng dẫn và thủ tục cần thiết cho bạn.

Chúc bạn thành công!

Vĩnh Bảo 49 tuổi, khu Thành Công, Hà Nội….

Hỏi: Tôi tên Vĩnh Bảo An, 49 tuổi, nhân viên đại sự quán tại Hà Nội, tôi có cha bị liệt rung, tôi có nghe nói thuốc sốt rét có thể điều trị bệnh này, xin hỏi thực hư thuốc đó có tác dụng lên bệnh liệt rung Parkinson của cha tôi hay không. Xin chân thành cảm ơn quý vị!

Trả lời: Xin cảm ơn bạn đã đặt một câu hỏi rất hay và có thể bạn rất quan tâm đến bệnh tình cha của bạn nên mới có những thông tin mới nhất như thế vì các thông tin về thuốc sốt rét có thể điều trị bệnh Parkinson hiệu quả chỉ có vài bài báo ấn bản trên tạp chí dược học quốc tế trong thời gian gần 1 năm nay mà thôi. Và nhân đây có câu hỏi của bạn, chúng tôi xin chia sẻ thông tin về bài báo và các kết quả sơ bộ của nghiên cứu đó.
 

Tên bài báo là “Antimalaria drugs could be an effective treatment for Parkinson’s disease”đăng trên tạp chí The Pharmaceutical Journal, 30 Jul.2015. Theo đó, các nhà nghiên cứu thuốc đã nhắm vào đích của thụ thể Nurr1 receptor mà chúng có thể bảo vệ dopaminergic neurons do liên quan đến việc phá hủy cấu trúc trong bệnh Parkinson.

Do hiện nay các liệu pháp điều trị Parkinson chỉ nhắm đến triệu chứng và làm chậm tiến triển của bệnh thêm là chính, điều này liên quan đến cái chết của các neuron thần kinh sinh dopamine (dopamine-producing neurons) trong não. Một liệu pháp hứa hẹn điều trị tác động vào đích nuclear orphan receptor Nurr1 vì nó đóng vai trò trong cả việc phát triển và bảo vệ các neuron dopaminergic. Thông qua sàng lọc phạm vi rộng hơn 1.500 thuốc cấp phép và các hợp chất tự nhiên được cấp phép, các nhà nghiên cứu giờ đây đã xác định ba loại thuốc sốt rét có tiềm năng là amodiaquine, chloroquine và thuốc chống viêm không steroides loại glafenine có hoạt tính Nurr1.

Khi chỉ định trên mô hình chuột mắc Parkinson, amodiaquine và chloroquin dẫn đến cải thiện có ý nghĩa trong việc khiếm khuyết hành vi, không có tác dụng ngoại ý rối loạn giống vận động. Nghiên cứu này chỉ ra rằng Nurr1 có thể đóng vai trò như một đích của thuốc trong liệu pháp bảo vệ thần kinh (neuroprotective therapeutics) ở các bệnh nhân Parkinson - các nhà nghiên cứu cho biết trên tạp chí PNAS với tiêu đề Nuclear receptor Nurr1 agonists enhance its dual functions and improve behavioral deficits in an animal model of Parkinson’s disease. PNAS 2015;112(28):8756-8761. doi:10.1073/pnas.1509742112 o­nline, 29 June 2015.

Bạn có thể tham khảo thêm một số trang tin như của tác giả Kim C-H, Han B-S, Moon J.l

Trần Công T. 57 tuổi, Cam Ranh, Khánh Hòa, …..viettuan@

Hỏi: Gần đây, tôi có nghe thông tin một số hành khách khi đi máy may có thể chết do đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim hoặc xuất huyết não, tôi lo quá không biết sắp đến định đưa bố mẹ tôi đi sang Mỹ chơi với con cháu một thời gian liệu có ổn định và an toàn trong suốt chuyến nbay không. Tôi xin hỏi rằng những ai có thể bị nguy cơ này khi đi máy bay, nhất là chuyến bay dài khi đi nước ngoài. Chúng tôi cam ơn các bác!
 

Trả lời: Chân thành cảm ơn câu hỏi của bạn, đây có lẽ là vấn đề sức khỏe liên quan đến khi đi máy may và sức khỏe du lịch nhưng hình như chưa được quan tâm và khuyến cáo, kể cả các khuyến cáo của các hãng máy bay và các đại lý bán vé máy bay hoặc đối thoại trực tiếp hoăc có tờ rơi an toàn bay,…Nếu có lần nào bạn đi máy bay, ngay cả khi bạn không có bệnh lý tim mạch vẫn có thể bị ảnh hưởng khó chịu bởi sự lên xuống máy bay như ù tai, khó chịu, trạng thái hụt hẫng, buồn nôn, thậm chí nôn mửa, lo lắng,…

Do đó, câu hỏi này sẽ là một khía cạnh mà chúng tôi nghĩ là rất quan trọng cho mọi người. Trước khi bước vào câu trả lời, chúng tôi muốn chia sẻ ca bệnh tử vong gần đây.
 

Theo thông tin ban đầu, khi máy bay đang chuẩn bị khởi động để cất cánh thì một tiếp viên hàng không của Việt Nam Airlines bất ngờ phát hiện hành khách Lê Quốc H….50 tuổi, ở Hà Nội nằm bất động trên ghế. Ngay lập tức nhân viên này đã báo lên cơ trưởng cho máy bay quay lại để đưa hành khách cấp cứu. Một nhóm nhân viên y tế được huy động lên máy bay. Tuy nhiên khi họ tiếp cận được với hành khách thì ông này đã chết. Đến sáng 8-8, sau khi nhận được biên bản vụ việc, Công an quận Hải Châu (Đà Nẵng) đã yêu cầu khám nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân cái chết nhưng gia đình ông Hưng không đồng ý. Tuy nhiên, theo nhận định ban đầu, rất có thể ông Hưng có tiền sử bệnh tim hoặc cao huyết áp và do lên cơn đột ngột nên dẫn đến đột tử.

Trao đổi với phóng viên về khía cạnh y khoa liên quan đến tai nạn đáng tiếc này, PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam, Tổng thư ký hội Phẫu thuật lồng ngực và tim mạch thành phố Hồ Chí Minh cũng nhận định: “Có thể hành khách này bị các bệnh tiềm ẩn về tim mạch mà không biết.
 

Nạn nhân là một doanh nhân, có thể do một chuyến đi xa công tác phải lo nghĩ nhiều dẫn đến căng thẳng, lo âu dẫn đến co thắt động mạch vành gây nhồi máu cơ tim (NMCT). Tuy nhiên, không phải chỉ doanh nhân, người bình thường có dấu hiệu viêm cơ tim, trong chuyến đi xa cũng có thể lo lắng, stress, dễ bị nặng thêm và dẫn đến đột tử”.

Có nhiều nguyên nhân gây ra đột tử như nhồi máu phổi, thuyên tắc động mạch phổi, nhồi máu cơ tim cấp, vỡ các mạch máu lớn, tai biến mạch máu não nặng với tổn thương lan toả trên diện rộng. Trong đó, nguyên nhân chiếm hàng đầu vẫn là các bệnh về tim mạch. Thực tế điều trị đã ghi nhận đột tử hay gặp ở các trường hợp bị viêm cơ tim, nhồi máu cơ tim, tắc động mạch phổi. Những ca mắc các bệnh lý khác như hẹp van hai lá cũng dễ gây khó thở, dẫn đến đột tử. Ở những bệnh nhân bị thuyên tắc động mạch phổi, nguy cơ đột tử do bị thuyên tắc tĩnh mạch sâu trước cũng khá cao.

Một số trường hợp do ứ máu, dẫn tới tràn dịch màng phổi, màng bụng cũng sẽ cản trở hoạt động của phổi, cơ hoành, gây khó thở và đột tử. Một số nguyên nhân về tim mạch khác cũng thường gặp ở những nạn nhân đột tử như bệnh cơ tim phì đại, bệnh cơ tim dãn nở vô căn, bệnh lý van tim, các rối loạn nhịp như ngoại tâm thu, hội chứng Wolf-Parkinison-White, các rối loạn nhịp chậm. Các loạn nhịp do sử dụng tân dược cũng có thể gây đột tử. Đàn ông trong giới trung niên Việt Nam (độ tuổi 40 trở lên) thường hay chủ quan ít đi khám sức khoẻ tổng quát định kỳ. Những bệnh nhân có tiền sử phù chân (thuyên tắc tĩnh mạch sâu), bệnh nhân có bệnh lý tim mạch (nhồi máu cơ tim, viêm cơ tim…) nên thận trọng khi lên máy bay đi xa.
 

Ngoài ra, những bệnh nhân đang trong tình trạng xúc động thái quá (buồn nhiều, vui nhiều), vừa chia tay với gia đình, những bệnh nhân sợ độ cao (không dám đi máy bay) cũng cần thận trọng khi đi xa bằng máy bay. Tốt nhất là trước khi lên máy bay đi xa, nên đi khám sức khoẻ tổng quát để phát hiện và điều trị kịp thời, khi nào ổn định sức khoẻ mới đi. Đặc biệt, mỗi người cần đi khám sức khoẻ tổng quát, định kỳ sáu tháng/lần.

Vũ Bằng G, 47 tuổi, TP. Quy Nhơn, 0914…..

Hỏi: Cho tôi hỏi những thuốc nào thường gây tăng đường huyết vì tôi đang bị đái tháo đường đang được điều trị tại thành phố HCM 5 năm năm nay rồi. Xin hết.

Trả lời:Liên quan đến câu hỏi của bạn, chúng tôi xin chia sẻ một số thông tin mà các thầy thuốc, dược sĩ gần đây có nghiên cứu và đề cập. Việc sử dụng một số nhóm thuốc chữa bệnh có thể gặp tác dụng ngoại ý làm giảm tiết insulin của tuyến tụy hoặc làm tăng đề kháng insulin, đều gây tăng đường huyết. Điều này ảnh hưởng đến sức khỏe của người bình thường và đặc biệt nguy hiểm với người bệnh đái tháo đường. Các nhóm thuốc làm tăng đường huyết được cảnh báo gồm:

- Thuốc điều trị tăng huyết áp: các thuốc lợi tiểu như furosemide, bumetanide, acetazolamide, indapamide, hydeochlorothiazid, chlorothiazin điều trị tăng huyết áp, suy tim, có thể gây tăng đường huyết do trực tiếp làm giảm tiết insulin ở tụy và làm tăng đề kháng insulin.
 

Hầu hết các thuốc lợi tiểu này gây thải nhiều kali, làm hạ kali máu là yếu tố làm giảm tiết insulin của tuyến tụy. Đặc biệt, diazoxide có tác dụng hạ huyết áp mạnh và cũng gây tăng đường huyết mạnh do tác dụng ức chế sản xuất insulin ở tuyến tụy.

Các thuốc chẹn beta như propanolol và metoprolol dùng điều trị tăng huyết áp, suy tim, nhịp tim nhanh cũng gây tăng đường huyết nhẹ do làm tăng tạo glucose và giảm tiết insulin của tuyến tụy.

- Thuốc chống viêm: Nhóm thuốc chống viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch (chế phẩm của corticoid như prednisolon, methylprednisolon, dexamethason) được dùng điều trị nhiều bệnh liên quan đến phản ứng viêm (viêm khớp/ dị ứng).

Các thuốc này không trực tiếp làm tăng đường huyết nhưng gián tiếp ảnh hưởng lên sự bài tiết insulin nên cũng làm đường huyết tăng. Dạng thuốc tiêm hấp thu vào máu nhanh hơn nên cũng gây hạ đường huyết nhanh hơn dạng thuốc uống.

Glucocorticoid được sử dụng trong điều trị viêm khớp, hen phế quản, dị ứng. Dù được sử dụng theo đường uống hay tiêm truyền tĩnh mạch, tiêm tại khớp thì thuốc này đều có thể làm tăng đường huyết. Nguyên nhân do glucocorticoid không những làm tăng tổng hợp glucose mà còn làm tăng đề kháng insulin.

- Thuốc nội tiết: Levothyroxin, levothyrox, L-thyroxin được dùng để điều trị cho những người bị suy tuyến giáp. Những bệnh nhân được điều trị L-thyroxin liều cao sẽ gặp phải tình trạng tăng đường huyết do thuốc làm tăng đề kháng dẫn đến làm giảm tác dụng của insulin. Tuy nhiên, việc tăng đường huyết chỉ xảy ra khi dùng với liều cao, còn nếu dùng liều thấp và trung bình thì không xảy ra các tác dụng bất lợi này.

Thuốc tránh thai estrogen, progesteron có khả năng gây tăng đường huyết do làm tăng đề kháng với insulin ở các mô. Đặc biệt, những phụ nữ thừa cân, béo phì hoặc có tiền sử bị tiểu đường thai kỳ cần lưu ý đặc biệt khi sử dụng thuốc này.
 

- Thuốc an thần: Thuốc an thần như olanzapine, quetiapine, risperidone làm giảm tiết insulin là nguyên nhân tăng đường huyết. Bệnh nhân đái tháo đường cao tuổi phải dùng đến thuốc an thần có nguy cơ tăng đường huyết, đặc biệt trong 2 tuần đầu. Tỷ lệ tăng đường huyết ở những bệnh nhân này là 50%, gây khó khăn trong điều trị hạ đường huyết. Phenobarbital (dùng an thần, gây ngủ) làm tăng chuyển hoá thuốc sulfonylure qua gan, làm tăng thải trừ chúng ra khỏi cơ thể, do đó làm giảm tác dụng hạ đường huyết của thuốc.

- Thuốc trị hen: Thuốc chủ vận beta 2 (salbutamol, terbutalin, ridodrin) kích thích tiết isulin đáng lẽ làm giảm đường huyết nhưng vì lại làm tăng tạo ra glucose ở gan nhiều hơn, hậu quả là làm tăng đường huyết. Epinephrin, dopamin, thyophylin cũng gây tăng đường huyết theo cơ chế tương tự.

- Các thuốc khác: Thuốc chứa đường với hàm lượng cao như siro ho, dung dịch tiêm truyền glucose… gây tăng đường huyết nhiều. Các thuốc chứa đường với hàm lượng thấp (như viên bao đường) không gây tăng đường huyết đáng kể ở liều điều trị.

Ngoài ra, thuốc cyclophosphamid (dùng trong các bệnh khớp, ung thư), các thuốc chống viêm không steroid (dùng trong viêm khớp dạng thấp, gút), nicotin (trong khói thuốc lá), cafein (trong cà phê) đều làm tăng đường huyết ở mức nhẹ.

Phenytoin (dùng chống động kinh, cũng dùng điều trị biến chứng thần kinh do bệnh đái tháo đường) có thể gây tăng đường huyết nhiều do ức chế giải phóng insulin từ tụy. Niacin (dùng điều trị rối loạn mỡ máu) có thể gây tăng đường huyết do làm tăng đề kháng insulin, tuy nhiên, mức gây tăng đường huyết nhẹ. Người đái tháo đường vẫn có thể dùng thuốc này trong điều trị rối loạn mỡ máu nhưng cần theo dõi liều cẩn thận, nếu gây tăng đường huyết nhiều có thể ngừng thuốc và thay thế bằng thuốc khác.

Agents/medications linked to hyperglycemia

Aminophylline

Amprenavir

Alpha-interferon

Asparaginase

Beta-agonists

Caffeine

Chlorpromazine

Calcitonin

Corticosteroids

Cyclophosphamide

Diltiazem

Diazoxide

Didanosine

Estrogens

Ethacrynic acid

Furosemide

Haloperidol

Indinavir

Indomethacin

Isoniazid

Levodopa

Lithium

Morphine

Methyldopa

megestrol acetate

Nelfinavir

Nicotine

Oral contraceptives

Phenothiazines

Phenytoin

Pentamidine

Ritonavir

Saquinavir

Sympathomimetics

Theophylline

Thiazides

Thyroxine

Vacor

Phần lớn các thuốc trên chỉ gây tăng đường huyết tạm thời. Với người có đường huyết bình thường, đường huyết sẽ ổn định trở lại sau khi ngừng dùng thuốc. Nhưng những thuốc đó cũng có thể làm tăng đường huyết nhiều cho người bệnh đái tháo đường khi phải dùng để chữa các bệnh kèm theo.

Những loại thuốc trên có thể làm giảm hiệu lực kiểm soát đường huyết của thuốc trị đái tháo đường nhưng vẫn là thuốc điều trị chủ lực trong các bệnh liên quan. Ở người có đường huyết bình thường, dùng corticoid kéo dài được xem như một yếu tố thuận lợi làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường. Khi gặp tác dụng bất lợi tăng đường huyết do dùng thuốc, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ ngay để có phương hướng khắc phục.

Lê Thị Ánh D., 27 tuổi, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định

Hỏi: Các bác sĩ ơi cho cháu hỏi, cháu và gia đình rất sợ ung thư cổ tử cung, nhưng nghe nói có vaccine ngừa bệnh này. Cháu muốn biết ung thử cổ tử cung là sao và cách phòng bệnh tốt nhất. Cháu vô cùng cảm ơn các bác!

Trả lời: Đây quả là một câu hỏi rất thời sự hiện nay vì ung thư cổ tử cung (UTCTC) là một trong những bệnh ung thư phụ khoa thường gặp ở phụ nữ và là một trong những căn bệnh gây tử vong hàng đầu trong các loại ung thư ở phụ nữ hiện nay. Ung thư cổ tử cung (Cervical cancer) là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới ở phụ nữ nhưng có thể dễ phòng bệnh. Bệnh hàng năm có hơn 270.000 ca tử vong, 85% số ấy xảy ra tại các quốc gia đang phát triển. Một phiên bản hướng dẫn mới tử các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới về ung thư (World Cancer Leaders) hội thảo tại Melbourne, Australia vào tháng 12.2014 có thể đưa ra sự khác nhau giữa đời sống và tử vong ở các cô gái và phụ nữ trên toàn cầu (xem thêm ở New guidance for the prevention and control of cervical cancer, 2014)
 

Vẫn còn rất ít người biết rằng đây là ung thư có thể phòng ngừa được bằng những biện pháp không hề phức tạp như tiêm ngừa để phòng tránh virus HPV gây bệnh và khám phụ khoa, làm xét nghiệm tế bào âm đạo định kỳ.

Về gánh nặng, UTCTC có thể xảy ra với bất kỳ ai và đặc biệt, bệnh thường tấn công vào phụ nữ ở 35-40 tuổi trở lên. Với phụ nữ ngày nay, đây là giai đoạn cực kỳ quan trọng trong cuộc đời, bởi đây là độ tuổi mà chị em phụ nữ đảm nhiệm nhiều thiên chức lớn lao - làm vợ, làm mẹ, là người chăm sóc chính cho gia đình, đồng thời đã tạo dựng được sự nghiệp của mình.

Bệnh nhân bị UTCTC phải gánh chịu nhiều ảnh hưởng lớn về thể chất và tinh thần. Ngay khi nhận một kết quả xét nghiệm bất thường hay chẩn đoán có những tổn thương tiền UTCTC, chất lượng cuộc sống của người phụ nữ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng (hoang mang, lo lắng, suy sụp tinh thần, nảy sinh những suy nghĩ tiêu cực, lo lắng về khả năng sống còn của bản thân, kèm theo những nỗi lo cho gia đình, tài chính, về khả năng chăm sóc con cái, khả năng mang thai và hạnh phúc gia đình khi điều trị). Đó là chưa kể những gánh nặng tâm lý mà toàn thể gia đình của bệnh nhân phải gánh chịu, cũng như gánh nặng về tài chính khi mất nguồn thu nhập trong gia đình, phí tổn không nhỏ cho việc điều trị. Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung đến nay đã được xác định là virus Human Papilloma Virus_HPV. Đây là virus rất dễ lây lan và hầu hết mọi phụ nữ đều có nguy cơ nhiễm virus này. Trung bình cứ 10 phụ nữ thì có đến 8 người có thể từng một lần nhiễm virus HPV trong đời. Tuy nhiên, không phải cứ nhiễm HPV là bị ung thư cổ tử cung. Nhiều chị em nhiễm virus HPV rồi tự hết mà không cần điều trị. Một số khác nhiễm lâu dài với những loại HPV có khả năng gây ung thư qua nhiều năm thì các tổn thương sẽ dần dần tiến triển ở cổ tử cung và trở thành ung thư. Những loại HPV gây ra ung thư cổ tử cung nhiều nhất là HPV type 16, type 18, type 31, type 45. Với 4 type này là thủ phạm gây ra hơn 80% các ca UTCTC
 

Biểu hiện của UTCTC không xảy ra đột ngột mà trải qua các giai đoạn từ nhiễm virus đến những sang thương bất thường ở cổ tử cung, các tổn thương tiền ung thư rồi đến ung thư. Các giai đoạn này diễn ra trong khoảng thời gian khá dài, trung bình từ 10-15 năm. Điều đáng lưu ý là các giai đoạn này diễn tiến âm thầm và giai đoạn tiền ung thư hầu như không có triệu chứng gì, do đó chị em không nhận biết mình mắc bệnh nếu không đi khám phụ khoa. Khi đã ở những giai đoạn muộn, người mắc UTCTC có những biểu hiện như ra huyết trắng có mùi hôi, có lẫn máu, chảy máu âm đạo sau giao hợp hoặc sau khi làm việc nặng dù không phải ngày hành kinh, hoặc nặng hơn có thể chảy dịch có lẫn máu ở âm đạo, kèm theo đau bụng, lưng, vùng chậu và chân. Nếu chị em thấy mình có bất kỳ dấu hiệu nào kể trên thì hãy đến gặp bác sĩ ngay. Không nên coi thường và bỏ qua những triệu chứng này. Khi các triệu chứng bị bỏ qua thì ung thư sẽ có thời gian để tiến triển đến những giai đoạn muộn hơn và việc điều trị sẽ càng khó khăn. Đây là loại ung thư có thể phòng ngừa được. Có hai cách phòng ngừa là tiêm vaccin để phòng nhiễm các type HPV gây UTCTC và khám tầm soát ung thư cổ tử cung bằng phết tế bào cổ tử cung định kỳ cho những phụ nữ đã có quan hệ tình dục (Pap’s smear test). Việc phòng ngừa đạt kết quả cao nhất khi kết hợp 2 phương pháp này. Hiện nay, tại Việt Nam đã có vaccin ngừa những type HPV gây ung thư phổ biến nhất, được tiêm cho phụ nữ trẻ dưới 26 tuổi, kể cả người chưa và đã có quan hệ tình dục đều có thể tiêm. Bên cạnh đó, những chị em đã có gia đình cần thực hiện khám phụ khoa và tầm soát bằng phương pháp phết tế bào cổ tử cung (PAP smear test) định kỳ, ít nhất 1 năm/1 lần, để phát hiện kịp thời và có giải pháp điều trị ở những giai đoạn sớm của bệnh.

Ngày 17/08/2015
TS.BS. Huỳnh Hồng Quang  
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích