Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 29/03/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 2 7 5 9 0 1
Số người đang truy cập
3 8 3
 
Giải đáp bạn đọc về các kiến thức chuyên ngành sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng truyền bệnh tháng 8 năm 2014 (phần 1)

Huỳnh Văn Th. 23 tuổi, Tuy Hòa, Phú Yên

Hỏi: Kính thưa quý bác sĩ của Phòng khám của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn, cách đây hai ngày cháu nhà tôi bị ngộ độc thức ăn (theo chẩn đoán của bác sĩ khoa nhi của BVĐK tỉnh Bịnh Định), nhưng nhà tôi đưa cháu đi khám hai bác sĩ chuyên khoa trước đó mà không nhận ra, suýt thị cháu chết mất. Nay tôi xin hỏi làm thế nào phát hiện ra ngộ độc thức ăn và cách xử trí tốt nhất để nếu giai đình có gặp lại còn biết cách xử lý nữa chứ. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn!

Trả lời

Liên quan đến câu hỏi của bạn, chúng tôi cũng rất chia sẻ về mối lo lắng của bạn và giađình cũng như một số cá nhân khác vì hiện nay dang rơi vào mùa hè và tình trạng mua bán hàng rong, cũng như vệ sinh an toan thực phẩm chưa được tốt ở một số khu vực ăn uống,…Do đó, chúng tôi chia sẻ với bạn về cách xử trí cấp cứu bệnh nhân ngộ độc thức ăn do thạc sĩ Bùi Quỳnh Nga đưa ra:

Thời gian gần đây liên tiếp các vụ ngộ độc thức ăn xảy ra tại bếp ăn tập thể của Đội công trình 45.1, Công ty CP Lilama, thành phố Cẩm Phả làm 23 công nhân nhập viện; tối 1/7, gần 200 công nhân của Công ty Shin Dong (TP. Hồ Chí Minh) đã nhập viện với các triệu chứng buồn nôn, choáng váng, đau thắt vùng bụng. Ngoài ra, tại các gia đình vẫn rải rác xảy ra tình trạng ngộ độc thức ăn. Để giúp bạn đọc biết cách xử lý cấp cứu người bị ngộ độc thức ăn, báo Sức khỏe&Đời sống xin giới thiệu bài viết dưới đây.

 

Nguyên nhân và triệu chứng ngộ độc thức ăn
 

Ngộ độc thức ăn là các trường hợp nhiễm độc hoặc nhiễm khuẩn do thức ăn gây ra. Thức ăn có thể bị nhiễm khuẩn trong quá trình bảo quản, chế biến hoặc bản thân thức ăn chứa độc chất như một số thịt, cá, con cóc, quả dứa, củ sắn...Có 3 loại nguyên nhân gây ngộ độc thức ăn: một là ngộ độc histamin, do thức ăn có chứa độc chất như cá ngừ, cá nóc, cóc hoặc do thức ăn gây dị ứng như dứa, lạc...; hai là nhiễm độc nhiễm khuẩn thức ăn: do thức ăn nhiễm các loại vi khuẩn như Clotridium botilium, Samonella, Shigella, tụ cầu, phẩy khuẩn tả; ba là ngộ độc do thức ăn nhiễm nấm.

Tùy theo nguyên nhân gây ngộ độc mà có các triệu chứng khác nhau. Thông thường, các triệu chứng ngộ độc thức ăn là: buồn nôn và nôn mửa; ỉa chảy, ỉa nhiều lần và phân lỏng; nổi mẩn ngứa, mề đay khắp người; nếu ngộ độc nặng, bệnh nhân có thể bị truỵ tim mạch, khó thở dạng hen phế quản. Xét nghiệm mẫu thức ăn lưu nghiệm, cấy phân có thể xác định được tác nhân gây bệnh.

Xử lý cấp cứu người ngộ độc thức ăn

-Cấp cứu bệnh nhân: việc trước tiên là phải làm cho người bị ngộ độc nôn ra cho hết chất đã ăn vào dạ dày bằng cách gây nôn, rửa dạ dày, tẩy ruột, ngăn cản sự hấp thu chất độc, phá hủy độc tính đồng thời bảo vệ niêm mạc dạ dày.

-Gây nôn: để tống thức ăn ra ngoài, áp dụng trong những trường hợp thức ăn chứa chất độc chưa kịp xuống ruột và còn lưu ở dạ dày. Cách gây nôn thông thường là ngoáy họng. Rửa dạ dày càng sớm càng tốt, chậm nhất là 4 - 6 giờ sau khi ăn phải chất độc. Rửa cho đến sạch mới thôi. Thường rửa bằng nước ấm, hoặc khi biết rõ chất độc có thể rửa bằng nước pha thêm thuốc phá hủy chất độc thành chất không độc, thí dụ: ngộ độc sắn dùng dung dịch xanh metylen.

-Cho uống thuốc tẩy: khi thời gian ngộ độc tương đối lâu, chất độc có thể còn lưu lại trong ruột, cho uống 15 - 20g magiê sunfat (uống 1 lần để tẩy).

-Ngăn cản sự hấp thu, phá hủy chất độc, đồng thời bảo vệ niêm mạc dạ dày. Có thể dùng những chất sau đây: trung hòa chất axit có thể dùng những chất kiềm yếu như nước xà phòng 1%, nước magie oxyt 4%, cứ cách 5 phút lại uống 15ml. Tuyệt đối không được dùng thuốc muối (bicacbonat) để tránh hình thành CO2 đề phòng thủng dạ dày do tiền sử bệnh nhân có bị loét. Ngộ độc do chất kiềm thì cho uống dung dịch axit nhẹ như giấm, nước quả chua như nước chanh, khế, sấu...

-Hấp phụ chất độc: dùng than hoạt (5 - 10g), thuốc carbophos...

-Bảo vệ niêm mạc dạ dày: dùng các chất bột như bột mì, bột gạo, sữa, lòng trắng trứng gà, nước cháo... Những chất này không những bảo vệ niêm mạc dạ dày, giảm nhẹ kích thích mà còn có tác dụng bao chất độc, ngăn cản sự hấp thu chất độc vào cơ thể.

-Nếu ngộ độc kim loại như chì, thủy ngân... có thể dùng lòng trắng trứng hoặc sữa, hoặc natrisunfat. Ngộ độc kiềm, có thể dùng nước chè đặc hoặc 15 giọt cồn iốt hòa vào một cốc nước cho bệnh nhân uống.

-Chất giải độc: có thể dùng thuốc để kết hợp với chất độc thành chất không độc. Thường dùng là hỗn hợp gồm: than bột 4 phần, magie oxyt 2 phần, axittanic 2 phần, nước 200 phần để chống ngộ độc do glucozit, kim loại nặng, axit...

-Điều trị nguyên nhân: diệt vi khuẩn bằng thuốc kháng. Nếu bệnh nhân nhiễm khuẩn nặng thì dùng thuốc kháng sinh mạnh. Điều trị hỗ trợ: truyền dịch, hồi phục thể tích tuần hoàn càng nhanh càng tốt.

 

Lời khuyên của thầy thuốc

Để tránh ngộ độc thì thực phẩm dùng để làm thức ăn phải tươi, không dập nát. Thực hiện ăn chín, uống sôi. Thức ăn nấu chín nên ăn ngay. Thức ăn không ăn hết cần đun lại rồi mới cất giữ trong tủ lạnh. Khi ăn lại vẫn phải đem đun sôi rồi mới ăn. Loại bỏ những phần nghi là gây độc như bỏ vỏ sắn và ngâm nước trước khi luộc; không ăn khoai tây đã mọc mầm; bỏ da, đầu, ruột, mật cá trước khi nấu...Diệt ruồi, gián, chuột... Không hái nấm ở dọc đường hay trong rừng để ăn. Rửa sạch tay bằng xà phòng trước khi ăn hay khi nấu ăn.

Vũ Xuân Q, 57 tuổi, Đông Hòa, Phú Yên, hhq2121@gmail

Hỏi: Tôi muốn tìm hiểu rõ ràng về bệnh viêm gan virus C. Tôi chân thành cảm ơn!

Trả lời: Liên quan đến câu hỏi của bạn, chúng tôi xin chia sẻ với bạn về một số thông tin virus viêm gan siêu vi C qua các ý kiến chuyên gia viêm gan: Virus này lan truyền qua đường máu như viêm gan B. Viêm gan C thường được gọi là một “bệnh thầm lặng” vì nhiều bệnh nhân mang virus  không có triệu chứng và không cảm thấy bệnh. Hiện tại không có thuốc chủng ngừa để bảo vệ bạn khỏi bị viêm gan C. Tuy nhiên, khi đã nhiễm và bị viêm gan C thì vẫn có các liệu pháp điều trị.

Viêm gan C là một bệnh do virus lan truyền rộng rãi và Tổ chức Y tế thế giới (TCYTTG) ước tính có 170 triệu người trên thế giới đang mắc bệnh (WHO, 2000). Virus viêm gan C có 6 kiểu chính, gọi là kiểu gen.

Kiểu gen không ảnh hưởng đến độ nặng của bệnh nhưng sẽ ảnh hưởng đến việc bạn sẽ được điều trị như thế nào. Kiểu gen của virus được xác định bằng xét nghiệm máu trước khi bắt đầu điều trị. Việc xác định kiểu gen là vấn đề quan trọng vì có một số kiểu gen dễ điều trị hơn một số kiểu gen khác. Điều này có nghĩa là việc điều trị sẽ khác nhau tùy theo kiểu gen. Các loại kiểu gen được mô tả như sau:

 

-Kiểu gen 1 được tìm thấy chủ yếu ở châu Âu và Bắc Mỹ (khoảng 70% người bị viêm gan C ở những vùng này bị nhiễm kiểu gen 1). Loại này khó điều trị hơn và cần 48 tuần để diệt sạch virus.

-Kiểu gen 2 và 3 dễ điều trị hơn, và nhiều bệnh nhân mắc thể viêm gan này có thể làm sạch virus chỉ sau 24 tuần điều trị (khoảng 30% người bị viêm gan C ở châu Âu và Bắc Mỹ bị nhiễm kiểu gen 2 và 3). Kiểu gen 2 và 3 cũng thường gặp ở Úc và vùng Viễn Đông.

-Kiểu gen 4 thường gặp ở Trung Đông và châu Phi và được điều trị trong 48 tuần, như kiểu gen 1 (khoảng 90% người bị viêm gan C ở Trung Đông và châu Phi bị nhiễm kiểu gen 4).

-Kiểu gen 5 & 6 hiếm hơn, và được điều trị trong 48 tuần, như kiểu gen 1 & 4. ( ở Việt Nam kiểu gen 6 chiếm tỷ lệ cao khoảng 20%, chỉ sau kiểu gen 1) 3.Chức năng của gan, và virus viêm gan C ảnh hưởng đến gan như thế nào? Gan là một trong những cơ quan lớn nhất và quan trọng nhất trong cơ thể. Gan nằm dưới khung sườn bên phải, phía trên dạ dày. Gan chịu trách nhiệm:

+Dự trữ vitamin, khoáng chất , sắt và đường cho cơ thể và chuyển hóa thức ăn

+Sản xuất những protein cơ bản và những chất đông máu.

+Kiểm soát nồng độ hormone và các chất hóa học trong máu

Người ta thường bị nhiễm viêm gan C qua: (1) Truyền máu bị nhiễm hay những chế phẩm của máu trước năm 1991; (2) Tiếp xúc với máu của người bị nhiễm (sử dụng chung dao cạo râu, kéo, bàn chải đánh răng, bông băng vệ sinh, băng vết thương. Tất cả những tình huống (trong  hay ngoài y khoa) có sử dụng hay tái sử dụng những dụng cụ không được vô trùng cẩn thận như những trường hợp sau:

-Dùng chung kim tiêm hay ống chích

-Bị kim tiêm đâm phải (ví dụ như khi y tá tiêm chích thuốc)

-Chữa răng

-Xăm mình, châm cứu xỏ lỗ tai không vô trùng

-Truyền bệnh qua những hành vi tình dục có nguy cơ cao gây chảy máu, giao hợp lúc có kinh

-Sử dụng những vật dụng vệ sinh cá nhân bị nhiễm

-Truyền từ mẹ sang con (hiếm gặp)

-Ở nhiều người, không biết được đường lây nhiễm

Khi mắc bệnh, virus viêm gan C đi từ máu đến gan và sinh sôi ở đó. Cùng lúc đó, cơ thể bạn bắt đầu chống lại nhiễm trùng. Viêm gan C được xem là “một bệnh thầm lặng”. Chỉ khoảng 1/3 người mắc bệnh có biểu hiện triệu chứng  và những triệu chứng này thường nhẹ -nên bạn có thể không hề biết là mình đã mắc bệnh.

Viêm gan siêu vi C, khoảng thời gian ngắn (thường là 6 tháng) sau khi nhiễm bệnh thường được gọi là giai đoạn cấp của bệnh. Bệnh nhân bị viêm gan C cấp hiếm khi có biểu hiện triệu chứng. Đó là lý do tại sao viêm gan C thường được gọi là “yên lặng”. Điều này không có nghĩa là tổn thương gan không xảy ra. Trong thời gian này, một số bệnh nhân (khoảng 15-30%) có khả năng tự vượt qua (“diệt sạch”) virus mà không cần điều trị.

Dấu hiệu duy nhất cho thấy họ đã mắc bệnh là sự hiện diện của kháng thể chống siêu vi C trong máu. Tìm thấy kháng thể này không có nghĩa là bạn đang mắc bệnh  mà chỉ là dấu hiệu cho thấy bạn đã mắc bệnh ở một thời điểm nào đó. Một xét nghiệm PCR trong máu mới biết được bạn đang mang virus trong người hay không. Điều đáng tiếc là hầu hết bệnh nhân đều không tự diệt sạch được virus trong giai đoạn cấp (có thể xem xét khả năng điều trị nếu tìm thấy virus trong giai đoạn cấp). Bệnh sau đó chuyển sang giai đoạn mãn, như mô tả dưới đây.

 

Viêm gan siêu vi C mạn tính: Nếu virus vẫn tồn tại trong máu (và gan) trên 6 tháng sau khi nhiễm bệnh, bạn đã bị viêm gan C mạn tính.

Cơ may khỏi bệnh rất hiếm nếu không điều trị . Ở giai đoạn này, có thể bắt đầu có những tổn thương nặng hơn cho gan. Bạn có thể thấy có triệu chứng của bệnh trong giai đoạn này. Người bị viêm gan C mạn tính có thể thấy mệt mỏi  khó tập trung, thấy ốm yếu, đau cơ hay đau khớp, thấy lo lắng hay chán nản .Hầu hết bệnh nhân đều không cór triệu chứng và không cảm thấy bệnh. Việc không có triệu chứng có thể kéo dài nhiều năm.

Tuy nhiên, virus vẫn tiếp tục sinh sôi nảy nở trong gan. Chúng gây viêm gan và tăng nồng độ của nhiều men gan (AST và ALT) có thể đo được trong máu. Kết quả là tổn thương gan (gọi là xơ hóa ) có thể lan rộng và dẫn đến xơ gan . Khi xơ gan, mô xơ xâm lấn và thay thế mô gan bình thường, làm hỏng những chức năng quan trọng của gan như tiêu hóa và giải độc.

Khoảng 20% bệnh nhân viêm gan C bị xơ gan. Xơ gan là một bệnh nặng có nhiều biến chứng nghiêm trọng nên phải điều trị tích cực . Ghép gan là biện pháp điều trị duy nhất để điều trị xơ gan nặng. Nếu không điều trị, xơ gan sẽ dẫn đến những biến chứng nặng và ung thư gan.

Bệnh nhân bị viêm gan C có thời gian tiến triển bệnh khác nhau và không thể dự đoán được chính xác. Nhiều bệnh nhân chỉ bị thay đổi ít sau 20-30 năm, trong khi nhiều người bị xơ gan sau 10 năm hay ngắn hơn . Điều cần lưu ý là tốc độ tiến triển đến bệnh gan không phụ thuộc vào kiểu gen hay số lượng virus bạn đang mang. Tuy nhiên, các chuyên gia đã nhận biết được những yếu tố có thể làm bệnh tiến triển nhanh hơn như lớn tuổi tại thời điểm nhiễm bệnh, phái nam, uống rượu bia, đồng nhiễm virus viêm gan B (HBV) hay HIV, thừa cân, béo phì, tiểu đường, hút thuốc lá,…

Hy vọng, bạn đã hài lòng về các thông tin về viêm gan siêu vi C. Nếu bạn muốn có thêm thông tin sâu hơn về bệnh, bạn có thể vào trang google à viêm gan virus C à Enter hoặc vào hepatitis C virus à Enter,…khi đó, bạn sẽ tìm thấy nhiều thông tin bổ ích về viêm gan siêu vi C.

Nguyễn Đức Hòa, 45 tuổi, TP. Pleiku, 091340……huykts@.....

Hỏi: Xin lỗi, tôi có vấn đề về da rất khó chịu và dẫn đến mất thẩm mỹ khi mặc quần sọt đi chơi các môn cầu lông và tennis, nhưng thường xuyên ngứa, nhiễm trùng,…sau đó tôi có đi khám tại nhiều bệnh viện chuyên khoa da liễu và ký sinh trùng, đều được chẩn đoán là bệnh viêm nang lông, sau đó được điều trị kê toa mua thuốc uống được 10 ngày hay 15 ngày, sau đó tái phát trở lại. Nhân đây, tôi mong muốn quý bác sĩ cho tôi lời khuyên và điều trị tốt nhất. Tôi chân thành cảm ơn!

Trả lời: Liên quan đến câu hỏi của bạn về bệnh lý viêm nang lông, chúng tôi muốn gởi đến bạn bài viết của TS.BS. Nguyễn Duy Hưng viết về viêm nang lông nhiễm trùng là viêm ở phần nông của nang lông.

 

Có thể chỉ có một vài nang lông bị viêm nhưng cũng có khi nhiều nang lông cùng viêm. Viêm nang lông có thể xảy ra ở mọi vùng da có lông trên cơ thể. Biểu hiện là các sẩn, mụn mủ, các vết chợt và vẩy tiết ở cổ nang lông. Nhiễm trùng có thể lan sâu hơn toàn bộ nang lông, đó là viêm chân tóc. Khi nang lông bị áp xe thì đã là biến chứng thành nhọt, nặng hơn là nhọt cụm, hoặc viêm mô dưới da.

Có một số yếu tố thuận lợi như khí hậu nóng, độ ẩm cao, môi trường bị ô nhiễm, bụi bẩn. Cạo râu, nhổ lông hoặc tẩy lông, sử dụng các quần áo bằng sợi tổng hợp hoặc băng bịt kín da là những yếu tố thuận lợi thường gây viêm nang lông. Các vùng da ẩm ướt như nách, bẹn, sinh dục-hậu môn, mông rất hay bị viêm. Sử dụng kem bôi có corticoid, sử dụng kháng sinh lâu dài tạo điều kiện cho các vi khuẩn kỵ khí phát triển. Người bị tiểu đường, suy giảm miễn dịch hay bị viêm nang lông hơn người bình thường.

Các tác nhân gây viêm nang lông có nhiều loại. Đa số trường hợp viêm nang lông là do tụ cầu trùng. Ngoài ra có thể do vi khuẩn Gram âm, Pseudomonas, Proteus..., nấm men, nấm sợi, nhiễm vi rút herpes, u mềm lây và ký sinh vật Demodex sp. Biểu hiện bệnh là các sẩn đỏ hoặc mụn mủ ở cổ nang lông, xung quanh có quầng đỏ. Khi mụn vỡ để lại vết chợt nhỏ và đóng vầy tiết. Có thể chỉ có vài mụn nhỏ rải rác nhưng cũng có khi tụ thành đám mụn viêm vùng râu mép, râu cằm...

Biểu hiện lâm sàng theo vùng da bị viêm:

- Vùng mặt: viêm nang lông do tụ cầu trùng, trứng cá bội nhiễm vi trùng Gram âm hoặc viêm nang lông do vi trùng Gram âm đơn thuần, u mềm lây và nhiễm Demodex folliculorum ở nang lông.

 

-Vùng râu: viêm nang lông sâu do tụ cầu vàng S. aureus gây viêm chân tóc, lông, đôi khi còn nhiễm đồng thời các vi trùng Gram âm. Bệnh thường dai dẳng, khó chữa và tái đi tái lại nhiều. Các chân tóc bị viêm có mụn đỏ, khi mụn vỡ có thể thấy vết chợt và đóng vẩy tiết. Các mụn này có thể nằm rải rác hoặc thành từng đám. Viêm chân tóc sau khi khỏi không để lại sẹo nhưng có thể để lại vết thâm tồn tại trong một thời gian. Viêm chân tóc có thể nặng hơn khi nhiễm trùng lan sâu vào bọng lông gây áp xe hoặc nặng hơn nữa là nhọt. Trường hợp áp xe, tổn thương nang lông tuyến bã có thể gây sẹo sau khi khỏi. Một số vùng hay bị sycosis như vùng râu, nách, chân tóc vùng gáy, tóc mai, lông mu.

-Vùng râu cũng có thể bị nhiễm nấm sợi, nhiễm vi rút herpes, u mềm lây và nhiễm Demodex sp. gây thương tổn giống trứng cá đỏ.

-Vùng da đầu: viêm nang lông do tụ cầu và nấm sợi.

-Vùng gáy: cũng do tụ cầu và nấm sợi.

-Chân: thường hay gặp ở phụ nữ cạo lông hoặc tẩy lông chân. Thường viêm do nhiễm trùng.

-Thân mình: tụ cầu là tác nhân hay gặp gây viêm nang lông ở các nếp gấp như nách. Ngoài ra có thể gặp các tác nhân khác như Pseudomonas aeruginosa, nấm men Malassezia, Candida.

-Vùng mông: chủ yếu do tụ cầu. Nấm sợi cũng hay gặp ở những vùng nóng ẩm.

Các tác nhân gây bệnh có biểu hiện lâm sàng đặc trưng:

 

-Viêm nang lông do tụ cầu: tụ cầu trùng vàng có thể gây viêm nang lông nông hay còn gọi là chốc nang lông của Bockhart và cũng có thể gây viêm sâu lan xuống toàn bộ nang lông. Sycosis hay gặp ở vùng râu và gây ngứa. Khi viêm lan cả đơn vị nang lông - tuyến bã thì có thể để lại sẹo sau khi khỏi.

-Bệnh hay tái phát khi không loại được các yếu tố thuận lợi như môi trường ô nhiễm, nóng ẩm. Một số vùng hay bị như vùng râu, nách, chân tóc vùng gáy, tóc mai, lông mu;

-Viêm nang lông do vi khuẩn Gram âm: thường xảy ra ở những người bị trứng cá sử dụng kháng sinh uống dài ngày. Các mụn trứng cá trở nên nặng hơn, viêm nang lông thành sẩn hoặc áp xe nang lông thành bọc vùng má, cằm;

-Viêm nang lông do nấm sợi: khởi đầu thường là nhiễm nấm ở lớp sừng quanh miệng nang lông sau đó mới lan vào sâu trong nang lông và vào lông. Nấm da và nang lông có thể thấy ở đầu với các biểu hiện khác nhau do các chủng nấm khác nhau gây nên.

+ Nấm da gây đứt sợi tóc và bong vảy da, loại nấm này gây thương tổn là một đám da tròn, bong vảy da trắng và gây rụng tóc, tác nhân gây bệnh là nấm microsporum do súc vật truyền sang mà thường là chó mèo (Microsporum canis);

+ Nấm da gây đứt sợi tóc sát da đầu và thấy vết đen ở chân tóc, thường do nấm Trichophyton tonsurans và T. violaceum;

+ Nấm Favus gây áp xe nang lông và rụng tóc, nếu không điều trị sớm sẽ gây rụng tóc và sẹo da đầu, do Trichophyton schoenleinii gây nên.

+ Kerion thường biểu hiện đám viêm thành cục hoặc đám lớn, đau, nhiều mủ vàng như mật o­ng, tóc không bị đứt gãy mà bị rụng và có thể nhổ cả bọng tóc mà không đau. Nang lông bị viêm và có nhiều mủ, tạo các lỗ thông nhau giữa các nang. Có thể chỉ có một đám thương tổn nhưng cũng có khi nhiều đám trên da đầu. Thường có hạch vùng lân cận. Bệnh có thể tự khỏi nhưng gây rụng tóc và để lại sẹo.

Tác nhân gây bệnh do các loại nấm ở động vật hoặc ở đất truyền sang người: T. verrucosum, T. mentagrophytes.

-Viêm nang lông do nấm Malassezia: thường hay gặp ở vùng khí hậu nóng và ẩm. Biểu hiện là các sẩn ngứa và mụn mủ ở nang lông vùng lưng, cánh tay, đôi khi có ở gáy, mặt. Các thương tổn này giống như trứng cá nhưng không có nhân mụn, phân biệt với trứng cá có comedon.

-Nấm men Candida albicans thường xảy ra ở vùng bị băng bịt hoặc bị nóng ẩm lâu ngày, ví dụ như bệnh nhân bị sốt nằm lâu, hoặc các vùng da băng bịt bằng plastic, bôi kem corticoid. Nhiễm nấm candida nang lông gây các mụn mủ thành đám.

-Viêm nang lông do nhiễm vi rút herpes: thường xảy ra ở vùng râu cằm, ria mép do cạo râu. Các mụn nước nang lông ở vùng râu, thành đám như chùm nho, sau vài ngày đóng vẩy tiết. Bệnh tự khỏi không để lại sẹo nhưng thường hay tái phát.

-Sycosis do nhiễm vi rút u mềm lây: do vi rút Molluscum contagiosum đó là các sẩn màu da lõm ở giữa ở nang lông hoặc quanh nang lông vùng râu cằm, ria mép.

-Bệnh do lây nhiễm và thường tự khỏi sau một thời gian vài tháng, đôi khi lâu hơn.

-Viêm nang lông giang mai: các sẩn màu đỏ đồng, có thể xếp thành hình ovan, gây rụng tóc nhưng khỏi không để lại sẹo. Ngoài ra còn có các thương tổn khác của bệnh giangmai như đào ban, mảng niêm mạc vùng sinh dục-hậu môn... và xét nghiệm huyết thanh giang mai dương tính.

-Viêm nang lông do Demodex: do nhiễm Demodex folliculorum, gây bong vẩy da xung quanh nang lông, có biểu hiện giống như vẩy phấn nang lông hoặc viêm da tiết bã nhờnhoặc sẩn - mụn mủ đỏ nang lông giống như trứng cá đỏ trên nền đỏ da ở mặt.

Chẩn đoán phân biệt:

- Trứng cá thông thường, trứng cá đỏ, viêm quanh miệng, viêm nang lông bạch cầu ái toan ở bệnh nhân nhiễm HIV, trứng cá do thuốc nhóm halogen, do corticoid, lithium...

- Dày sừng nang lông

- Viêm da tiết bã nhờn...

Diễn biến viêm nang lông dai dẳng, hay tái phát do những yếu tố thuận lợi như môi trường ô nhiễm, nóng và ẩm. Cải thiện môi trường sẽ giúp cho điều trị hiệu quả hơn và tránh tái phát bệnh. Rất nhiều bệnh nhân bị tái phát sau điều trị hoặc bệnh trở nên dai dẳng khó điều trị. Biến chứng có thể xảy ra nặng hơn là gây nhọt, nhọt cụm và viêm mô dưới da.

 

Có thể sử dụng các loại xà phòng diệt khuẩn hoặc benzoyl peroxide để phòng ngừa tái phát.

Chẩn đoán: các biểu hiện bệnh giúp cho chẩn đoán bệnh. Có thể lấy bệnh phẩm ở thương tổn và nhuộm Gram để phát hiện cầu khuẩn Gram dương. Nuôi cấy giúp cho định danh vi khuẩn và làm kháng sinh đồ để chọn kháng sinh có hiệu quả trong trường hợp điều trị bệnh dai dẳng lâu khỏi.

 

Điều trị:

-Điều trị tại chỗ: Có thể dùng các thuốc bôi chông nhiễm trùng như betadin, cồn iode, các loại kem hoặc mỡ kháng sinh như bactroban, fucidin...

-Điều trị toàn thân: trường hợp viêm nặng và tái phát có thể dùng thuốc đường toàn thân.

-Kháng sinh: trong trường hợp viêm nang lông do tụ cầu có thể sử dụng kháng sinh đường toàn thân khi cần thiết. Các kháng sinh thuộc nhóm β-lactamin, amoxillin, nhóm cephalosporin, cyclin, co-trimoxazol, ciprofloxacin và metronidazol. Liều lượng và cách sử dụng theo tình trạng bệnh và hướng dẫn của nhà sản xuất.

-Viêm nang lông do vi khuẩn Gram âm: cần phải ngừng kháng sinh đang sử dụng, rửa benzoyl peroxide và cho ampixillin hoặc co-trimoxazol. Trong một số trường hợp phải cho Isotretinoin.

-Viêm nang lông do nấm: sử dụng các thuốc chống nấm bôi và phối hợp với thuốc uống. Thuốc bôi như Nizoral, Canesten, Mycoster.... Có nhiều loại thuốc chống nấm đường uống như itraconazole 100mg uống 2viên/ngày trong 14 ngày hoặc terbinafine uống 250mg/ngày trong 14 ngày. Đối với nấm men candida dùng itraconazole 100mg uống 2viên/ngày trong 14 ngày, hoặc fluconazol 150mg uống 2viên/ngày trong 14 ngày.

-Viêm nang lông do vi rút herpes, có thể bôi kem acyclovir 6lần/ngày và uống acyclovir 400mg 3lần/ngày hoặc 200mg 5lần/ngày, hoặc valacyclovir 500mg uống 2 lần/ngày.

-Viêm nang lông do demodex: có thể dùng kem permethrin bôi hoặc kem metronidazol phối hợp với uống metronidazol 1g/ngày trong 1 tuần.

Hy vọng bạn đã có các thông tin rất quý về bệnh viêm nang lông. Chúc bạn khỏe!

Ngày 03/09/2014
PGS.TS. Triệu Nguyên Trung và Ths.Bs. Huỳnh Hồng Quang  
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích