Home TRANG CHỦ Thứ 5, ngày 28/03/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 2 7 2 5 9 1
Số người đang truy cập
3 9 0
 
Giải đáp bạn đọc các kiến thức y tế chuyên ngành tháng 7 năm 2014

1. Nguyễn Thị Thanh Xuân-thanhxuantvt1@.............., Hà nội

Hỏi: tỉ lệ % bạch cầu ái toan của tôi là 9% thì có đáng lo ngại không?

Trả lời: Lại một câu hỏi nữa mà chúng tôi thật sự không biết bạn dang hỏi ai

và cần nhờ ai trả lời giúp. Vả lại, xét nghiệm này bạn đưa ra trong tình huống nào, vì sao đi khám bệnh và ngoài chỉ số này còn loại xét nghiệm nào khác không, nếu không chúng tôi khó phúc đáp một cách toàn diện và đưa ra lời khuyên thấu đáo cho bạn được. Vì bản thân chỉ số bạch cầu ái toan này xuất hiện và gia tăng trong rất nhiều bệnh lý khác nhau chứ không nhất thiết và đặc trưng cho một bệnh lý nào khác bạn nhé.

 


Do vậy, chúng tôi xin mạn phép chưa trả lời được câu hỏi này!

2 Vo Thi sau, thi tran buon trap, h krongana, tinh daklal

Hỏi: Con gai em nam nay 3 tuoi, cao 94cm, nang 12kg. Vua roi di xet nghiem va bsi ket luan bi nhiem giun dua cho OD +2,47. Em dang rat lo lang va hoang mang, vay cho e hoi, be nho vay co chua tri dc ko? va e muon kham o day thi dat truoc duoc ko a? mong hoi am som, e cam o­n a!

 


Trả lời: Cảm ơn về câu hỏi của bạn, chúng tôi chia sẻ mối lo lắng của bạn và gia đình về kết quả xét nghiệm của cháu. Chúng tôi muốn biết rõ ràng vì sao bạn lại đưa cháu đi khám và xét nghiệm, trước khi đi khám xét nghiệm cháu có triệu chứng gì không (chẳng hạn như ngứa, mày đay, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, nhức đầu,…) chứ nếu chỉ có đơn thuần một xét nghiệm dương tính với kháng thể chống lại giun đũa chó như bạn mô tả thì chúng tôi khuyên bạn không nên điều trị cho cháu giun đũa chó như phác đồ thông thường.

Trong trường hợp cháu có các triệu chứng trên thân mình và kết quả xét nghiệm như trên đề cập và chức năng gan thận cháu bình thường sẽ được điều trị bình thường.

Bạn có thể đưa cháu đến khám tại Viện bất kỳ lúc nào kể cả ngày thứ 7 và chủ nhật, không nhất thiết phải đặt trước.

Thân chúc gia đình bạn khỏe!

3. Trần Thu Phượng-phuongtran300686@...........- giáo viên -Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội

Hỏi: Con trai tôi 7 tháng tuổi, cháu vẫn bú mẹ, ngày hôm qua 26/5/2014 cháu bị đi tiêu khoảng 5 lần một ngày, khi đi tiêu có chất nhầy như mũi, lúc thì hơi có bọt và 1 lần phân có chất nhầy máu mũi, mùi phân không tanh, hơi chua. Mỗi lần đi cháu phải rặn ra ít phân chứ không nhiều. Cháu cũng hơi sốt khoảng 37.7 độ là cao nhất còn chủ yếu là 37.4 độ. Cháu cũng quấy hơn so với mọi ngày. Vậy mong bác sĩ giải thích cho tôi biết về hiện tượng của cháu và cho tôi biết nên phải làm gì.

 


Trả lời: Với các triệu chứng của bạn mô tả qua tình trạng lâm sàng của cháu kết hợp với quan sát phân của bạn chúng tôi nghĩ nhiều đến cháu bị nhiễm đơn bào do amip Entamoeba histolytica, tuy nhiên để chẩn đoán xác định và điều trị hiệu quả nhất cho cháu, tránh mất nước và suy dưỡng cho cháu, chúng tôi khuyên bạn đưa cháu đi khám bệnh càng sớm càng tốt và lấy mẫu phân cháu đi xét nghiệm nhằm xác định tác nhân gây bệnh của cháu bé là gì. Vì một số tác nhân khác có thể gây bệnh đơn thuần hoặc đồng nhiễm như nấm, vi khuẩn,…làm cho con bạn biểu hiện bệnh phức tạp hơn.

Khi đã có kết quả xét nghiệm chính xác, các bác sĩ chuyên khoa nhi sẽ đưa ra chỉ định thuốc điều tị tối ưu nhất cho con bạn nhé.

4. Nguyễn Văn Sáu-chusautri@...........-Công nhân thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định

Hỏi: Vừa rồi tôi đi xét nghiệp máu ở Bệnh viện da liễu trung ương Quy Hòa với kết quả nhiễm giun đũa chó (1.05). Bác sĩ có cho toa uống 20 ngày với các loại thuốc Helmzole 400mg (Albendazole) 40 viên, Pyme CZ10mg (Cetirizine Hydrochloride) 20 viên, Selliver (Silymarin+Vitamin nhóm B) (40 viên), EmZinc (Zinc Acetate) 40 viên.

Tôi đã uống được 10 ngày rồi nhưng từ khi uống thuốc này trong người cảm thấy mệt mỏi, nóng trong người, rất khó chịu, đi tiểu nước có màu vàng đậm, có cảm giác như bị rối loạn cường dương nữa.

Xin hỏi Ban biên tập có phải khi uống thuốc này thì xảy ra tình trạng như vậy không; nếu đúng thì sau khi uống xong, những tình trạng kia có chấm dứt hay không? Xin cảm ơn.

Trả lời: Với phác đồ điều trị bệnh ấu trùng giun đũa chó như trên của bạn từ các bác sĩ chỉ định, chúng tôi cho rằng đây là một đơn thuốc hợp lý với chẩn đoán bệnh. Tuy nhiên, bất kỳ một thuốc nào, kể cả vitamin có thể dều có tác dụng ngoại ý gây cho bạn mệt mỏi, khó chịu, đặc biệt các thuốc điều trị giun sán như trên có độ tính tượng đối nên có thể vì thế bạn hơi khó chịu, sau khi bạn kết thúc liệu trình dùng thuốc có thể các triệu chứng khó chịu như trên sẽ chấm dứt trong vòng 48 giờ.

 


Riêng vấn đề nước tiểu bạn thay đổi màu sắc có thể do một số thành phần hay hoạt chất thuốc trong nhóm thuốc điều trị của bạn có chất máu khiến cho bạn thay đổi màu sắc nước tiểu đó thôi, các dấu này cũng vậy – sau khi dừng thuốc thì màu sắc nước tiểu cũng nhạt dần và trở lại bình thường.

Thân chúc bạn khỏe!

5. Ngyễn thị mơ-economicsstudy2015@…….-Nha Trang - Khánh Hòa

Hỏi: Hiện tại em đang cho con bú. Cháu được 1 tháng rưỡi. Ngày 29/5/2014 em có uống thuốc tẩy giun loại Fubenzol thuộc nhóm Mebendazole. Sau khi uống em có cho cháu bú. Ngày 30/5/2014 thấy cháu khó chịu. Em lo lắng và tạm ngưng bú me. Cho em hỏi thuốc có ảnh hưởng đến cháu không? mong bác sĩ giải đáp cho em sớm. Đọc trên mạng thấy phụ nữ đang cho con bú không được uống thuốc tẩy giun. Thấy con như vậy em rất lo.

Trả lời: Trước hết chúng tôi xin chia sẻ và mong rằng bạn có thể bình tĩnh chứ không

 


phải lo lắng thái quá mà ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn và của cả cháu, chúng tôi đề nghị bạn vẫn tiếp tục cho cháu bú trở lại bình thường chứ không nên dừng không cho bú là không nên (vì bạn cũng biết vai trò sữa mẹ quan trọng như thế nào với các trẻ em như con bạn).

Trong thư, chúng tôi cũng không rõ vì sao bạn lại dùng thuốc mebendazole trong thời gian này vì mục đích gì?, hơn nữa việc dùng thuốc 1 viên Fubenzol (một loại biệt dược của Mebendazole) thì không phải là nghiêm trọng lắm dù sao bạn cũng đã lỡ uống rồi, chúng tôi chia sẻ các thông tin khoa học để giải thích nhằm trấn an và bạn nên yên tâm:

+ Tuy thuốc được khuyên không nên dùng trong thời gian đang cho con bú và thời gian mang thai để tránh tối thiểu các tác dụng ngọai ý tác động, song trong một số trường hợp bệnh, nhìn thấy lợi ích lớn hơn nguy cơ thì bác sĩ vẫn chỉ định dùng để cứu sống bệnh nhân, kể cả phụ nữ mang thai;

+ Thuốc mà bạn lỡ dùng là loại thuốc dùng rất hiệu quả và an toàn, tác dụng

 

phụ không đáng kể (< 5% số ca) nhưng nếu có thì chỉ thoáng qua và chấm dứt sau khi hết uống thuốc;

+ Lượng thuốc và chất chuyển hóa sau khi dùng thuốc Mebendazole đào thải một lượng rất ít qua sữa mẹ, nên có thể làm con bạn khó chịu, nhưng thuốc cũng đào thải nhanh nên chỉ trong khoảng 2 ngày là không còn nữa, nên bạn vẫn tiếp tục cho cháu bé bú, không nên bỏ bú nhé.

Hy vọng với các thông tin trên đã giúp bạn an tâm và điều đặc biệt là nên duy trì cho cháu bé bũ sữa mẹ.

6. Thắm kute, Trường Cao đẳng Marketing ….Long Hải, 0914…..

Hỏi: Kính chào bác sỹ! Dạ thưa bác sỹ cháu muốn hỏi bác sỹ tư vấn giúp cháu vấn đề này với: cách đây 15 ngày cháu có đi khám ở bệnh viện đại học y dược TPHCM và làm xét nghiệm máu thì có kết quả dương tính với giun đũa chó S/Co là 1.2. Vậy bị nhiễm có nặng không ạ? Bác sỹ kê đơn cho cháu uống 4 ngày liên tục thuốc đặc trị giun đũa chó và 14 ngày thuốc bổ gan và chống suy thận và hẹn cháu 8 tháng sau tái khám. Nhưng cháu có về tìm hiểu và được biết viện ký sinh trùng ở Quy Nhơn là trị được hiệu quả vì anh rể cháu từng bị sán chó và đã được điều trị khỏi tại viện nên cháu muốn xuống khám tại Viện.

Vậy thì cho cháu hỏi thời gian bao lâu nữa cháu có thể khám và điều trị? Cháu rất lo lắng.

Mong bác sỹ dành chút thời gian tư vấn cho cháu để cháu xuống khám và điều trị. Cháu xin chân thành cảm ơn bác sỹ rất nhiều. Kính chúc bác sĩ cùng gia đình sức khỏe hạnh phuc.

 


Trả lời: Trước hết xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng và tín nhiệm Viện chúng tôi trong vai trò quản lý và điều trị bệnh ký sinh trùng nói chung và giun sán nói riêng. Riêng trường hợp của bạn, xét nghiệm có dương tính với ấu trùng giun đũa chó mèo Toxocara spp là 1.2, nhưng rất tiếc chúng tôi không nhận được các thông tin khác về biểu hiện lâm sàng trên cơ thể bạn có hay không? Ngoài xét nghiệm thông số này ra, bạn có còn làm thêm một số xét nghiệm khác không? Khi có các dữ liệu như vậy thì chúng tôi mới có thể cho lời khuyên cũng như hướng tư vấn tốt nhất cho bạn. Với chỉ số dương tính như vậy, chúng ta rất khó để đánh giá nhiễm như thế có nặng lắm không vì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác chứ không nhất thiết một chỉ số bạn nhé.

Nếu bạn chưa yên tâm, bạn có thể đến Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn để xin khám, làm xét nghiệm lại và được các bác sĩ tại đây tư vấn tiếp cũng như hẹn lịch tái khám nếu bạn bị mắc bệnh thật sự.

Thân chúc bạn khỏe!

7. Huỳnh Phan Đang, 29 tuổi, kinh doanh, Bà Rịa, Vũng Tàu, ĐT: 0903…

Hỏi: Dạo gần đây, em đi thăm ai trong gia đình và khi em đi làm ai cũng bảo em là đang bị thiếu máu, vậy đâu là nguyên nhân gây thiếu máu và triệu chứng như thế nào gây thiếu máu thiếu sắt vậy bác sĩ. Em cảm ơn các bác cho em lời khuyên!

Trả lời: Liên quan đến cấu hỏi của bạn, chúng tôi xin phúc đáp cho bạn Duong Thuy T (23 tuổi, Thái Thụy, T.Bình) gần đây cũng đặt câu hỏi. Chúng tôi xin chia sẻ thông tin về bệnh thiếu máu nói chung và thiếu máu thiếu sắt nói riêng mà các tác giả đã đề cập trong thời gian gần đây. Bệnh thiếu máu thiếu sắt thường gặp ở nhiều lứa tuổi khác nhau như trẻ em, trẻ tuổi dậy thì, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú với nhiều nguyên nhân gây ra khác nhau. Biểu hiện rõ nhất của trẻ thiếu máu thiếu sắt là biếng ăn, quấy khóc, ngủ không ngon, da nhợt nhạt, kém thông minh, mệt mỏi,...

 


1. Nguyên nhân thiếu máu thiếu sắt

Cung cấp sắt thiếu

Cung cấp sắt thiếu chủ yếu là do chế độ ăn thiếu sắt, dinh dưỡng không đúng cách, trẻ không bú sữa mẹ mà ăn sữa động vật, mẹ ăn kiêng khi đang cho con bú, (vì sắt trong sữa mẹ được hấp thu tốt khoảng 49%, trong khi sắt trong sữa bò chỉ được hấp thu 10 %). Cho trẻ ăn dặm quá trễ hoặc cho trẻ ăn không đủ chất, cho trẻ ăn kiêng khi bị bệnh kéo dài. Trong bữa ăn hàng ngày thiếu thức ăn nguồn gốc động vật. Trẻ ăn bột nhiều và kéo dài (trong bột có acid phytic và các phosphat gây giảm hấp thu Fe). Những trẻ đẻ non, thiếu cân lúc đẻ hoặc do sinh đôi, lượng sắt dự trữ được cung cấp qua tuần hoàn nhau thai ít và những người mẹ có tiền sử chảy máu trước đẻ, thiếu máu thiếu sắt không cung cấp đủ sắt cần thiết cho thai nhi dẫn đến bé bị thiếu máu, thiếu sắt từ lúc mới sinh.

Hấp thu sắt kém

Trẻ có thể mắc các bệnh lí của đường tiêu hoá làm giảm khả năng hấp thụ sắt như: giảm độ toan dạ dày, suy dinh dưỡng, ỉa chảy kéo dài (làm ruột không hấp thu được thức ăn), hội chứng kém hấp thụ, dị dạng dạ dày - ruột, cắt dạ dày, bệnh celiac, nhiễm giun sán.

Mất sắt quá nhiều

Mất máu nhiều thường do các nguyên nhân chảy máu từ từ, mạn tính như các bệnh ở đường tiêu hoá (giun móc, loét dạ dày tá tràng, polyp ruột, trĩ), chảy máu cam, chảy máu sinh dục tiết niệu. Sắt chứa trong các tế bào máu đỏ, vì vậy nếu mất máu sẽ mất đi một số lượng sắt.

Nhu cầu sắt cao hơn lượng được cung cấp

Khi nhu cầu sắt tăng mà không được cung cấp sắt kịp thời, thường là giai đoạn cơ thể lớn nhanh,trẻ đẻ non, thấp cân, tuổi dậy thì, phụ nữ có thai… Lúc này sẽ rất dễ xảy ra thiếu máu.

 


2. Đối tượng dễ thiếu máu

Khi mang  thai, hầu hết phụ nữ thường không có đủ lượng sắt dự trữ, nhất là ở 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ. Thiếu máu sẽ làm tăng nguy cơ đẻ non, tỷ lệ mắc bệnh và tử vong ở cả mẹ và con. Vì vậy, ngoài chế độ dinh dưỡng tốt trong thời kỳ mang thai, người mẹ cần bổ sung thêm sắt, vitaminB12, axit folic để giúp tăng cường quá trình tạo máu.

Trẻ em thiếu cân và sinh non, trẻ dưới 5 tuổi cũng có nguy cơ bị thiếu máu rất cao. Theo các chuyên gia, trong những năm đầu đời trẻ cần nhiều sắt cho quá trình tăng trưởng và tạo máu. Tuy nhiên do chế độ ăn hàng ngày của trẻ không cung cấp đầy đủ hay mất cân bằng các chất dinh dưỡng. Bên cạnh đó, khi mang thai, nguy cơ người mẹ thiếu máu khá cao nên sinh ra các thế hệ trẻ thiếu máu.

Đối với trẻ vị thành niên, đặc biệt là vào giai đoạn dậy thì, cơ thể các em đang

 

phát triển rất nhanh nên cần nhiều chất dinh dưỡng hơn, đặc biệt là chất sắt để tạo máu. Các em gái tuổi dậy thì dễ bị thiếu máu thiếu sắt nếu sợ mập và ăn kiêng hoặc bị mất máu qua kinh nguyệt. bên cạnh đó nhiều nghiên cứu cho thấy lượng sắt từ bữa ăn của người Việt Nam chỉ thỏa mãn 30-50% nhu cầu về chất này. Chế độ ăn uống thiếu hụt, thừa chất này, thiếu chất kia trong các bữa ăn hàng ngày, lứa tuổi vị thành niên cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều của chứng bệnh thiếu máu, đặc biệt là nữ giới thường bị mất một lượng máu trong chu kỳ kinh nguyệt.

3. Triệu chứng thiếu máu thiếu sắt

Thiếu sắt là một bệnh hệ thống ảnh hưởng tới nhiều chức năng của các bộ phận. Bệnh thường xảy ra từ từ, thường ở trẻ từ 6 tháng, có thể xuất hiện sớm từ tháng thứ 2 - 3 ở trẻ đẻ non. Biểu hiện đầu tiên của trẻ thiếu máu là mệt mỏi, hay chóng mặt ù tai, ít hoạt động, da xanh xao, niêm mạc nhợt từ từ, số lượng hồng cầu giảm ít.. Nếu thiếu máu kéo dài, không được điều trị, thiếu máu nặng có thể biểu hiện tim to, khó thở, nhịp tim nhanh, nghe tim có tiếng thổi tâm thu.

Trẻ chậm phát triển cân nặng, chậm phát triển cơ thể. Ở tuổi học đường trẻ thường học chậm, kém tập trung.

Thiếu máu kéo dài làm móng tay, móng chân nhợt, bẹt hoặc lõm, có khía, dễ

 

gãy. Biểu hiện ở tiêu hóa khá nhiều, trẻ kém ăn hay bị rối loạn tiêu hóa, lưỡi bị viêm, mất gai lưỡi, có thể có biểu hiện khó nuốt. Ở dạ dày có biểu hiện viêm, teo niêm mạc dạ dày và giảm độ toan dạ dày. Ở ruột có biểu hiện viêm ruột xuất tiết, teo một phần niêm mạc ruột, giảm hấp thu ở ruột. Các triệu chứng do giảm sắt ở cơ: Giảm trương lực cơ, giảm khả năng gắng sức, chậm biết ngồi, biết bò, biết đi.

Các triệu chứng rối loạn thần kinh do giảm sắt ở các men làm trẻ quấy khóc, ăn kém, ngủ ít ở trẻ nhỏ, trẻ lớn hay bị nhức đầu, chóng măt, ù tai, hay quên, kém minh mẫn.

4. Biến chứng của thiếu máu thiếu sắt

Ở tình trạng bình thường, thiếu máu thiếu sắt không gây ra biến chứng. Nhưng nếu bị nặng có thể gây ra một số biến chứng không tốt. Thiểu máu sẽ làm nhịp tim nhanh hoặc bất thường vì tim phải bơm máu nhiều hơn để cung cấp oxy trong máu khi đang bị thiếu máu. Những người bị động mạch vành nếu không kiếm soát được có thể gây đau thắt ngực.

Phụ nữ mang thai dễ bị sinh non, sinh con nhẹ cân và hệ quả kéo theo là những trẻ này thường bị thiếu máu thiếu sắt. Ở trẻ sơ sinh và trẻ em, thiếu sắt dẫn đến thiếu máu và làm chậm quá trình tăng trưởng. Không đượcc điều trị kịp thời có thể dẫn đến sự chậm trễ về thể chất và tâm thần ở trẻ trong các hoạt động như đi bộ, chạy nhảy, nói chyện. Ngoài ra nó cũng làm tăng khả năng nhiễm độc chì và nhạy cảm với các nhiễm trùng hơn. 

Trên đây là các thông tin liên quan đến thiếu máu để bạn óc thể tham khảo và nhận ra mình đang

8. Khúc Chánh L, 44 tuổi, công nhân nhà máy xi măng, liennc631@gmail

Hỏi: Tôi bị viêm xoang đến này đã gần 10 năm, nhưng đã điều trị và bốc thuốc đủ loại tây, nam, thuốc cổ truyền, thậm chí châm cứu cũng không hết, nhưng cú như thế này hoài tôi rất khó chịu và thường xuyên nhức đầu. Tôi muốn hỏi nếu viêm xoang để lâu như vậy có ảnh hưởng hay có biến chứng nguy hiểm đến tính mạng mình hay không. Kính mong các bác sĩ trả lời và cho tôi một lời khuyên, tôi chân thành cảm ơn rất nhiều!

Trả lời: Liên quan đến câu hỏi của bạn, chúng tôi xin đưa ra một phần trả lời cả các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng đã được đăng tải trên tạp chí. Viêm xoang là bệnh khá phổ biến ở nước ta, bệnh thường kéo dài gây ảnh hưởng đến sức khoẻ và sức lao động. Tuy nhiên, nhiều người còn coi thường, tự ý điều trị mà không biết rằng viêm xoang có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị đúng cách.

 


Xoang là những khoang rỗng nằm trong khối xương sọ mặt. Các xoang có chức năng làm nhẹ khối xương sọ, làm ấm, làm ẩm và lọc không khí đi vào khoang mũi. Các xoang đều có đường thông vào hốc mũi. Xoang bình thường khi lỗ thông mũi không bị nghẽn. Được gọi là viêm xoang cấp khi triệu chứng xuất hiện trong thời gian ngắn, dưới bốn tuần; viêm xoang mạn là khi triệu chứng kéo dài trên 12 tuần.

Mọi tác nhân gây phù nề trong xoang hay cản trở dẫn lưu chất tiết ra khỏi xoang đều có thể gây viêm xoang. Tác nhân gây viêm xoang cấp tính thường gặp nhất là siêu vi. Xoang viêm do siêu vi có thể tự hồi phục trong vòng hai tuần. Hầu hết trong cơ thể mỗi chúng ta đều có hàng triệu vi trùng cư trú trong đường hô hấp trên, những vi trùng này vô hại, nhưng khi hệ thống miễn dịch của cơ thể bị suy giảm hoặc dẫn lưu xoang bị cản trở do cảm lạnh nhiễm siêu vi và một số nguyên nhân khác, vi khuẩn sẽ phát triển gây ra viêm xoang.

Nhiều tác nhân khác như thay đổi về nhiệt độ hay áp suất không khí khi đi máy bay hoặc lặn dưới biển cũng gây viêm xoang. Dị ứng có thể gây viêm xoang. Sử dụng thuốc xịt thông mũi quá nhiều, hút thuốc lá, bơi lặn cũng làm tăng nguy cơ viêm xoang. Người bị polyp mũi, vẹo vách ngăn mũi hoặc VA (sùi vòm họng) phì đại cản trở dẫn lưu xoang cũng dễ viêm xoang. Đôi khi, nhiễm nấm cũng có thể gây viêm xoang ở những người giảm khả năng miễn dịch hoặc dị ứng với nấm. Có trường hợp viêm xoang là hậu quả của sâu răng, nhiễm trùng răng hàm trên.

Dấu hiệu giúp phát hiện bệnh sớm

Đau là triệu chứng thường gặp nhất của viêm xoang. Tuỳ thuộc vị trí xoang bị viêm mà vị trí đau thay đổi: đau vùng trán, đau vùng má hay hàm trên, đau sau hốc mắt, đau ở đỉnh đầu. Cơn đau tăng khi bệnh nhân nghiêng người về phía trước. Bệnh nhân cũng thường bị nghẹt mũi, chất tiết mũi trở nên đặc và đục, ho vì nước mũi chảy xuống họng gây ngứa. Tuỳ theo tình trạng viêm mà bị nghẹt một hay cả hai bên mũi, nghẹt từng lúc hay liên tục, có khi mất khứu giác. Người bệnh có thể sốt, đau nhức, mệt mỏi, đau răng, ngủ không yên giấc...

Để chẩn đoán viêm xoang, bác sĩ sẽ hỏi kỹ bệnh sử, triệu chứng và thăm khám. Nếu người bệnh thấy đau khi bị ấn vào các điểm xoang, nhiều khả năng đã bị viêm xoang. Bác sĩ có thể thực hiện nội soi mũi xoang hay cho bệnh nhân làm một số xét nghiệm như chụp cắt lớp vi tính xoang, các xét nghiệm về dị ứng.

 


Điều trị đúng có thể cải thiện hiệu quả

Nguyên tắc điều trị xoang là làm xoang dẫn lưu tốt, kiểm soát hoặc loại trừ nguồn gốc của tình trạng viêm, làm giảm cơn đau. Bệnh nhân phải tuân thủ đúng liều lượng thuốc, thời gian điều trị, cũng như lời khuyên bác sĩ. Nên uống nhiều nước giúp làm loãng chất tiết, dùng nước muối sinh lý rửa mũi, xông mũi bằng hơi nước nóng, đắp khăn nước ấm lên mặt cũng có thể làm dịu cơn đau...

Sử dụng thuốc:

Các thuốc chống nghẹt mũi (dạng viên uống hiệu quả nhanh nhưng có một số tác dụng phụ như tăng huyết áp, nhịp tim, nên cần dùng theo chỉ định bác sĩ; các thuốc dạng xịt tại chỗ gồm oxymetazoline hay phenylephrine không có tác dụng phụ này nhưng nếu dùng quá thường xuyên, có thể gây nghẹt mũi bù trừ, dãn mạch và viêm mũi); các thuốc chống dị ứng (kháng histamin, có tác dụng trong dị ứng và khi bị sổ mũi do cảm lạnh, nhưng cần thận trọng vì làm khô mũi quá mức khiến chất nhầy không thoát ra được); các thuốc giảm đau (như aspirin hay acetaminophen giúp giảm đau đầu và đau do xoang); kháng sinh (bác sĩ sẽ quyết định loại nào phù hợp nhất cho bệnh nhân).

Ngoài ra, bác sĩ có thể kê toa các thuốc kháng viêm có chứa corticosteroid xịt mũi, đặc biệt khi bệnh nhân bị dị ứng hay viêm xoang dai dẳng, và cũng có thể súc rửa xoang bằng phương pháp Proetz.

Cần cảnh giác một số thuốc tễ hoặc dạng bột chữa viêm xoang không rõ nguồn gốc có thể chứa corticosteroid, dùng lâu ngày có nhiều tác dụng phụ như tăng cân bất thường, tăng huyết áp, loãng xương, đái tháo đường, tăng nguy cơ nhiễm trùng, đục thuỷ tinh thể, chậm lành vết thương, lệ thuộc thuốc...

 


Phẫu thuật:

Đôi khi phẫu thuật là điều trị thay thế duy nhất để ngăn ngừa viêm xoang mạn tính, như nạo VA, cắt bỏ polyp mũi, chữa vẹo vách ngăn... Phổ biến hiện nay là phẫu thuật nội soi chức năng xoang, trong đó lối thông tự nhiên từ xoang được mở rộng cho phép dẫn lưu dịch tiết. Nếu nguyên nhân viêm xoang là dị ứng, bệnh nhân sẽ được bác sĩ tư vấn cách phòng tránh các yếu tố gây dị ứng.

Nên lưu ý thêm, viêm xoang có thể dẫn đến các biến chứng ở đường hô hấp như viêm tai giữa, viêm họng mạn tính, viêm thanh quản, khí phế quản; biến chứng ở mắt như nhiễm trùng ổ mắt, viêm thần kinh thị giác; biến chứng sọ não như viêm tắc tĩnh mạch xoang hang, viêm não, viêm màng não. Khi người bệnh viêm xoang bị sốt cao, đau đầu nghiêm trọng, đau mắt hay giảm thị lực, cần kịp thời đi khám bác sĩ.

Dù không thể ngăn ngừa tất cả các bệnh lý mũi xoang cũng như các đợt cảm lạnh hoặc nhiễm khuẩn, nhưng có thể áp dụng các biện pháp nhất định để giảm số lần, độ nặng cũng như ngăn ngừa viêm xoang cấp trở thành mạn tính. Sắp xếp thời gian làm việc và nghỉ ngơi thích hợp, chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và luyện tập để duy trì sức đề kháng chung chống nhiễm trùng. Giữ sạch môi trường xung quanh, tránh xa khói thuốc lá, bụi và các chất ô nhiễm. Đeo khẩu trang khi ra đường và làm việc nơi có nhiều bụi bặm, hoá chất... Vệ sinh cơ thể, rửa tay thường xuyên. Tránh uống rượu vì có thể làm viêm xoang nặng hơn.

Thường xuyên vệ sinh mũi khi bị cảm cúm, tiếp xúc khí lạnh. Cần điều trị các tác nhân gây viêm mũi xoang như cúm, sởi, polyp mũi, nạo VA, vẹo vách ngăn mũi, trám - nhổ răng sâu. Không tự ý sử dụng các thuốc xịt thông mũi kéo dài mà không có ý kiến bác sĩ.

9. Nguyễn Thị Thùy P. 28 tuổi GMDC, TP. Hồ Chí Minh

Hỏi: Tôi ăn uống rất đầy đủ chất và điều độ , không có biểu hiện một tình trạng chán ăn hay khó tiêu về tiêu hóa nào cả, nhưng dạo gần đây mỗi khi soi gương tôi đều nhìn thấy mình hình như vàng da thì phải. Tôi rất lo lắng không biết nguyên nhân gây vàng da của tôi là gì và có thể điều trị khỏi không?

Trả lời:

Liên quan đến câu hỏi của bạn, chúng tôi xin chia sẻ và đưa ra các thông tin ngắn gọn để giúp bạn hiểu thêm một số nguyên nhân dẫn đến vàng da. Vàng da có nhiều thuật ngữ tiếng Anh khác nhau (Jaundice, icterus) dùng để mô tả tình trạng màu da và vùng kết mạc mắt vàng nhẹ gây ra bởi tăng hàm lượng bilirubin trong máu.

Các dịch trong cơ thể khi đó cũng có thể bị vàng. Màu sắc của da và kết mạc thay đổi lệ thuộc vào vào mức độ bilirubin; nếu mức độ tăng nhẹ thì vàng da và kết mạc sẽ vàng nhẹ và nếu tăng cao hơn thì da có thể chuyển sang màu nâu vàng.

 


Bilirubin là một chất có màu vàng, đây là một sản phẩm thoái hóa vẫn còn duy trì trong dòng máu sau khi sắt đã bị loại khỏi hemoglobin, điều này bị ly giải từ quá trình giáng hóa của các hồng cầu (các tế bào có chứa hemoglobin và có thể mang oxygen đến các mô cơ thể). Khi có một sự tăng quá mức của bilirubin, nó có thể ly rỉ ra và vào các mô xung quanh, bảo hòa chúng với các các chất màu vàng.

Bilirubin lưu hành di chuyển một cách tự do trong máu gọi là bilirubine chưa kết hợp (unconjugated bilirubin). Một trong những chức năng gan là lọc các chất thải như là bilirubin ra khỏi dòng máu. Một khi nào đó, chúng vào trong gan, các chất hóa học khác tóm được bilirubin, tạo ra một chất gọi là bilirubine kết hợp do kết hợp với các acide glucuronide (conjugated bilirubin), và sau đó tiết vào trong mật.

 


Thuật ngữ tiếng anh hiện đại "jaundice" là bắt nguồn từ gốc từ giữa tiếng Pháp jaunisse. Jaun có nghĩa là vàng ("yellow") và -isse có nghĩa là tình trạng ("-ness"). Có ba loại vàng da chính:

·  Vàng da tại tế bào gan (Hepatocellular jaundice): Một loại vàng da xảy ra do bệnh lý hay tổn thương tại tế bào gan;

·  Vàng da do tan huyết (Hemolytic jaundice): Một loại vàng da xảy ra do tan máu hay vỡ hồng cầu, dẫn đến tăng sinh ra bilirubin;

·  Vàng da do tắc nghẽn (Obstructive jaundice): Một loại vàng da xảy ra do hậu quả của tắc nghẽn đường mật, ngăn không cho mật đi ra khỏi gan;

Vàng da không nên nhầm lẫn với vàng da ở trẻ em (infant jaundice) mà đây là tình trạng xảy ra do điều kiện một bệnh lý sẵn có. Các nguyên nhân nào gây nên vàng da? Vàng da hầu hết xảy ra do các bệnh lý hay rối loạn sẵn có hoặc gây ra bởi sự quá mức bảo hòa (over-saturated) với bilirubin hoặc ngăn sự lắng đọng các bilirubin trong gan. Một số tình trạng bệnh lý có thể dẫn đến vàng da gồm có:

·  Viêm gan cấp tính có thể làm thương tổn khả năng kết hợp và đảo thải bilirubin, dẫn đến tích lũy bilirubin quá mức;

·  Viêm đường mật có thể làm tắc nghẽn sự bài tiết mật và đào thải bilirubin, gây nên vàng da;

·  Tắc đường mật, ngăn sự lắng động các bilirubin trong tế bào gan dẫn đến tăng bilirubin máu;

·  Thiếu máu tan máu: sinh bilirubin tăng khi một số lượng lớn hồng cầu bị vỡ;

·  Hội chứng Gilbert: một tình trạng di truyền có khiếm khuyết và suy giảm chức năng của enzymes (các phân tử sinh học thức đẩy quá trình phản ứng hóa học giữa các chất với nhau) để đào thải và bài tiết mật;

·  Tắc nghẽn mật làm cho dòng chảy của mật từ trong gan đi ra bị gián đoạn. Mật chứa các bilirubin kết hợp còn trong gan không thể đào thải.

Tốt nhất sau khi bạn tham khảo các thông tin trên và hãy đi đến khám tại bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa, gan mật để được khám và tư vấn một cách đầy đủ và họ sẽ đưa ra lời khuyên hợp lý nhất. Hy vọng với các phần phúc đáp trên, chúng tôi đã cung cấp cho bạn các thông tin rất hài lòng!

10. Lưu Kiên 62 tuổi, Thanh Đa, nội trợ, TP. Hồ Chí Minh

Hỏi: Thưa các y bác sĩ của Viện Sốt rét ký sinh trùng côn trùng quy nhơn, mẹ tôi là một người ăn không tu hành nhưng ăn chay trường (ăn chay toàn bộ thời gian) đã gần 10 năm, nhưng tôi vẫn thấy bà vẫn khỏe mạnh, mặc dù bà có gay và già đi đôi chút.

Tôi nghe noi ăn chay có nhưng bất lơi cho sức khỏe nên tôi rất lo lắng không biết hỏi ai cả. Kính mong ban biên tập giải thíchvà đưa ra lời khuyên cho gia đình tôi.

Chúng tôi là những người con xin chân thành cảm ơn!

Trả lời: Phải nói rằng đây là một câu hỏi rất thú vị với chúng tôi và nhân nhờ có câu hỏi của bạn, chúng tôi cũng đã tìm thấy rất nhiều thông tin bổ ích từ các chuyên gia cũng như trên mạng internet và sẽ là thông điệp giúp bạn và gia đình có chế độ ăn chay khỏe mạnh và khai trí thông minh nhất. Chúng tôi xin chia cho bạn về “Sống khỏe khi ăn chay” do thạc sĩ - bác sĩ Mai Văn Bộ đề cập.

Ăn chay giúp phòng ngừa 97% nguy cơ bệnh mạch vành (tránh bị nhồi máu cơ tim và đột quỵ). Đái tháo đường cũng phổ biến hơn ở nhóm người ăn thịt so với nhóm ăn chay. Chưa kể những người ăn thịt (nhất là thịt đỏ) dễ mắc bệnh ung thư hơn.

Ngoài ra, bệnh loãng xương thường do ăn thịt quá nhiều và nguy cơ cao hơn gấp năm lần so với ăn chay. Những chế phẩm từ sữa và thịt chứa nhiều dư lượng thuốc trừ sâu gấp 11 lần so với thực phẩm rau quả sạch. Ăn chay còn giúp tính khí của bạn điềm tĩnh hơn, bớt hung hăng và nóng giận so với ăn nhiều thịt, mỡ... Thức ăn chay cũng dễ tiêu hóa và cơ thể cần ít chất xúc tác hơn trong quá trình chuyển hóa. Trên đây là những nguyên nhân bạn nên ăn chay.

Chọn chế độ ăn phù hợp

Mức độ, thời gian và tần suất ăn chay tùy vào khả năng thích nghi của bạn. Có thể ăn chay kéo dài suốt cuộc đời (còn gọi là ăn chay trường), ăn chay vào những ngày 1, 14, 15 và 30 âm lịch, hoặc ăn chay một số bữa trong ngày, ăn chay cách nhật... Bạn cũng có thể ăn vừa chay vừa mặn, vừa có trứng, cá, thịt, vừa có rau quả. Nếu ăn chay hoàn toàn thì trứng gia cầm không được xem là món chay vì chứa mầm sống, dù là gia cầm nuôi thả hoặc công nghiệp.

 


Cũng nên ăn chay chủ động, khi dự tiệc hoặc đi ăn tại nhà hàng nên thông báo cho đầu bếp để chuẩn bị thức ăn chay cho bạn. Nói chung, mục đích ăn chay do bạn tự đặt mục tiêu và kế hoạch cho riêng mình, miễn là làm chủ được bản thân và thực hiện nghiêm túc, sẽ giúp bạn sống khỏe. Rất nhiều danh nhân thuộc các lĩnh vực khác nhau như khoa học - kỹ thuật, thể thao,  âm nhạc, văn học, hội họa.. đã có chế độ ăn chay dài hạn: Einstein, Shakespeare, Lev Tolstoy, Leonardo da Vinci, Martina Navratilova, Michael Jackson, Madonna...

Những bệnh tim mạch thường do tăng quá mức cholesterol (có nhiều trong trứng và thịt), do vậy khi ăn chay, bạn đã phòng tránh được các nguy cơ và biến chứng những bệnh nguy hiểm này. Cụ thể, hàm lượng cholesterol tính bằng đơn vị milligram (mg) trong 100 gam trứng là 550, thận (gia súc) 375, gan 300, sườn 70, thịt bò 70 và thịt gà 60. Trong khi hạt ngũ cốc, các loại hạt (dẻ, hạnh nhân, dưa, bí, hướng dương...), rau quả hoàn toàn không chứa cholesterol.

Khoa học đã chứng minh một người ăn chay có thể chỉ cần 0,72ha đất một

 

năm để trồng rau quả phục vụ nhu cầu thực phẩm, trong khi ăn thịt phải cần đến 4,63ha để nuôi súc vật lấy thịt. Mong muốn của mọi người là được sống khỏe vì sức khỏe mang đến nhiều lợi ích (như ít hao tổn tiền bạc, thời gian, phiền lụy cho gia đình và xã hội...). Tuy nhiên, sức khỏe tốt không chỉ là khỏe về thể xác và không có bệnh tật, mà còn phải khỏe cả về tâm hồn lẫn tinh thần trong cùng một cá thể nhất định.

Các bước để sống khỏe

1. Tạo thói quen đều đặn: Phải theo thói quen đều đặn một cách nghiêm ngặt như: dậy sớm trước lúc mặt trời mọc, tập thể dục thời điểm thích hợp, ăn điểm tâm, bữa trưa và tối vào một giờ nhất định và ngủ đúng giờ.

2. Tập thể dục thể thao: Vận động thể lực bằng môn thể thao hoặc đi bộ vào buổi sáng đủ thời gian và cường độ để đạt các mục tiêu sức khỏe: cải thiện tuần hoàn, tiêu hóa, giúp nghỉ và thư giãn, thải trừ các độc chất.

3. Ăn uống có khoa học và “khôn ngoan”:

- Nên ăn gì? Điều này rất quan trọng, chế độ ăn gồm các chất carbohydrates (tinh bột và đường), protein, chất béo, vitamin và chất khoáng. Nên ăn 80% các chất có tính kiềm và 20% chất có tính axit. Để đạt sự cân bằng nêu trên, cần ăn nhiều trái cây, rau xanh.

 


- Ăn khi nào? Nhiều người thường sao nhãng điều này. Nên ăn các bữa xa nhau, vào thời điểm cố định và khi thật sự đói. Điểm tâm chỉ nên ăn trái cây và rau hoặc nước ép trái cây tươi. Không nên ăn nhiều hơn ba bữa mỗi ngày. Không nên ăn bánh kẹo, thức ăn nhanh lặt vặt giữa các bữa ăn chính. Trái cây nên dung nạp ít nhất 20 phút trước bất kỳ bữa ăn nào.

- Ăn như thế nào? Điều này quan trọng không kém. Nên nhai kỹ thức ăn. Không nên uống nước lọc hoặc nước uống có gas nửa giờ trước hoặc một giờ sau bữa ăn để chức năng bộ máy tiêu hóa hoạt động thích hợp. Nên giữ không khí yên lặng, bình thản và tránh tức giận, náo động, căng thẳng trong bữa ăn (vì dễ gây tăng tiết các chất bất lợi cho cơ thể, gây viêm loét dạ dày, khó tiêu, rối loạn nhịp tim...). Giảm thiểu các thức uống như cà phê, trà hoặc nước ngọt. Bạn phải từ chối các thực phẩm gây độc hại, thuốc phiện, rượu bia và thuốc lá.

Bảng giá trị dinh dưỡng một số thực phẩm chay thông dụng (mỗi 100 gam)

 

Thực phẩm

% Protein

% Chất béo

% Carbohydrate

Calo

Gạo

6,6

1,2

78,2

350

Bột mì

11,8

0,9

74,1

349

Khoai tây

1,6

0,1

22,9

99

Cà rốt

0,9

0,1

10,7

47

Cà chua

1,0

0,1

3,9

21

Chuối

1,3

0,2

36,4

153

Dừa

4,5

41,6

13,0

444

Pho mát gạn kem

24,1

25,1

6,3

348

Sữa bò

3,3

3,6

4,8

65

Bánh quy

6,8

10,1

58,1

177

4. Tinh thần lạc quan: Luôn vui vẻ. Chúng ta phải biết tha thứ thay cho hận thù và phải tránh giận dữ, căm hờn và ác cảm đối với người khác.

5. Vệ sinh cá nhân: Nên tắm ít nhất một lần mỗi ngày trong tất cả các mùa và ít nhất hai lần/ngày trong mùa hè. Đánh răng kỹ khi thức dậy buổi sáng, sau mỗi bữa ăn và trước khi ngủ. Nên đại tiện vào một thời điểm ấn định trong ngày (tốt hơn nên tập thói quen vào buổi sáng, sau khi thức giấc). Không nên nhịn tiểu, dễ bị sỏi thận - đường tiết niệu.

6. Nghỉ ngơi thích hợp: Thời gian ngủ khoảng 7-8 giờ là tốt cho sức khỏe đối với người trưởng thành. Sau mỗi hai giờ làm việc tay chân hoặc trí óc, nên nghỉ giải lao 10 phút để thư giãn thể xác, trầm tư (để định tâm hoặc thiền) và thở sâu.

Bạn có thể tham khảo thêm các thông tin về ăn chay khỏe mạnh trên mạng internet mà chúng tôi đã chia sẻ một số hình ảnh về tháp dinh dưỡng cho người ăn chay tốt nhất, bổ dưỡng nhất. Chúng tôi nghĩ rằng với các thông điệp và hình ảnh ở trên đã nói lên sự thật ăn chay không phải lúc nào cũng có hại cho sức khỏe như một số người ghi nhận đâu bạn nhé!

Ngày 22/07/2014
PGS.TS. Triệu Nguyên Trung, TS. Nguyễn Văn Chương,
ThS.BS. Huỳnh Hồng Quang
 
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích