Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 19/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 4 6 7 8 8 8
Số người đang truy cập
5 7 8
 
Trả lời câu hỏi bạn đọc về chuyên ngành sốt rét, ký sinh trùng, vi nấm ký sinh và côn trùng truyền bệnh tháng 1-2 năm 2012

Hoai Nhi Le, baba26201@gmail....TP. Vũng Tàu

Hỏi: Kính thưa các y bác sĩ của Ban biên tập của Viện Sốt rét KST Quy Nhơn cho em hỏi tại sao các đứa trẻ vừa mới sinh ra đều phải tiêm vaccine phòng ngừa mắc bệnh virus viêm gan B. Vì cơ thể các cháu yếu khi sinh nên chúng ta không để ngoài tháng chích ngừa vaccine cũng được chứ không nhất thiết chích liền có được không? Vì cháu sợ một số trường hợp nếu dị ứng vaacine sẽ gây hậu quả thì sao? Kính nhờ các bác sĩ tư vấn giúp cháu biết cặn kẽ về vấn đề này. Cháu cảm ơn rất nhiều!

Trả lời: Rất cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi rất thực tế đối với chúng tôi - những người đang làm công tác dự phòng để có thong tin rõ ràng và dễ hiểu khi tuyên truyền và giáo dục sức khỏe với cộng đồng cũng như các bà mẹ sắp sinh con. Chúng tôi cố gắng thu thập và cập nhật các thông tin liên quan đến câu hỏi của bạn để vừa chia sẻ cho bạn và một số bạn đọc liên quan. Đặc biệt trên trangtin của Sức khỏe và đời sống có chuyên mục của Chương trình tiêm chủng mở rộng đã đề cập ván đề này một cách chi tiết và dễ hiểu, mời bạn tham khảo:

Thời gian vàng tiêm vaccin viêm gan B cho trẻ ? Việt Nam là vùng có tỷ lệ người mang virut viêm gan B rất cao, 10-20% dân số. Nếu người mẹ mang thai nhiễm virut viêm gan B thì có đến 90% sẽ truyền bệnh sang con, nhưng nếu trẻ được tiêm vaccin viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh thì có thể giảm nguy cơ lây nhiễm đến 85%. Nhưng vẫn còn nhiều thắc mắc của các bà mẹ xung quanh vấn đề này như: vì sao lại là 24 giờ đầu sau sinh? như vậy có sớm quá đối với một đứa trẻ mới chào đời không?...
 

Tại sao phải tiêm vaccin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau sinh?

Tiêm vaccin cho trẻ 24 giờ đầu sau sinh là cách tốt nhất để phòng lây truyền virut viêm gan B từ mẹ sang con. Điều này đặc biệt quan trọng vì hầu hết trẻ sơ sinh bị nhiễm virut viêm gan B từ mẹ khi sinh sẽ có 90% nguy cơ trở thành bệnh mạn tính và khoảng 25% trong số đó sẽ chết vì ung thư gan và xơ gan. Tiêm vaccin viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu sau sinh có hiệu quả bảo vệ phòng lây truyền từ mẹ sang con từ 80-85%. Nếu trẻ tiêm vaccin viêm gan B muộn sau khi sinh thì việc phòng tránh lây truyền bệnh từ mẹ sang con sẽ bị giảm, cụ thể nếu tiêm vaccin viêm gan B vào thời điểm 7 ngày sau khi sinh, khả năng phòng lây nhiễm từ mẹ sang con chỉ đạt 50-57%.

Ngoài ra, tiêm vaccin viêm gan B sớm không chỉ có hiệu quả tốt phòng lây truyền viêm gan từ mẹ sang con trong khi sinh mà còn giúp trẻ sơ sinh sớm được bảo vệ phòng lây truyền viêm gan B từ các thành viên khác trong gia đình, người chăm sóc trẻ hoặc từ những trẻ khác qua tiếp xúc trực tiếp với vết xước, chảy máu. Ngay cả khi trẻ sơ sinh không bị nhiễm trong quá trình sinh đẻ thì trẻ vẫn có nguy cơ cao lây nhiễm virut viêm gan B từ mẹ bị nhiễm virut do tiếp xúc trực tiếp và gần gũi với mẹ.

Có thể tiêm vaccin viêm gan B sau 24 giờ được không?

Tiêm vaccin viêm gan B tốt nhất là trong 24 giờ đầu sau khi sinh, nếu không tiêm được thì cần tiêm sớm sau đó ngay khi có thể (trong vòng 7 ngày sau khi sinh).

Tiêm vaccin viêm gan B trong 24 giờ sau sinh không phải là can thiệp đầu tiên đối với trẻ sơ sinh. Tại cơ sở y tế, trẻ vẫn được tiêm vitamin K ngay sau khi sinh, vaccin BCG phòng lao cũng được khuyến cáo nên tiêm sớm sau khi sinh. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và chỉ đạo của Bộ Y tế, vaccin viêm gan B cần được tiêm cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ sau sinh vì đây là biện pháp hiệu quả nhất phòng tránh lây nhiễm viêm gan B từ mẹ hay từ các thành viên khác trong gia đình, những người xung quanh cho trẻ. Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng chiến lược này và đã thành công trong việc giảm tỷ lệ nhiễm viêm gan B trong cộng đồng xuống dưới 1%. Tuy nhiên, trẻ mới sinh cũng cần có thời gian thích nghi với môi trường bên ngoài, sự ổn định nhịp thở, da hồng, bú tốt là những dấu hiệu chứng tỏ một trẻ khỏe mạnh, khi đó có thể tiêm vaccin mà vẫn đảm bảo trẻ được tiêm trong vòng 24 giờ sau khi sinh.

Những trường hợp nào không nên tiêm vaccin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau khi sinh?

Trước khi được tiêm chủng, trẻ cần được cán bộ y tế thăm khám trước. Trẻ được tiêm vaccin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau khi sinh khi đã bú tốt. Những trẻ đẻ non, cân nặng thấp, trẻ bị đẻ khó, mẹ bị sốt trước, sau khi sinh, nước ối bẩn, con bị ngạt, thai già tháng, trẻ dị tật… cần được thăm khám cẩn thận để tránh các trường hợp trùng hợp ngẫu nhiên. Đối với những trẻ đang bị ốm, sốt, mắc các bệnh nhiễm khuẩn cấp tính thì cần được hoãn tiêm.

Kính chúc bạn khỏe!

DANGNGUYEN072119@gmail.com-ĐĂK NÔNG

Hỏi: Xin các anh chị trả lời dùm em: trường hợp một bệnh nhân được thống kê điều trị tại bệnh viện theo địa chỉ cụ thể nhưng khi tụi em đi xuống địa bàn điều tra thực tế thì lại được xác nhận là trường hợp đó không có trên địa bàn, vậy khi làm công tác thống kê báo cáo hành tháng sẽ phải thống kê bệnh nhân đó như thế nào cho đúng? nếu thống kê là bệnh nhân sót rét vãng lai thì cũng không biết trả về đâu để có thể theo dõi và quản lý vì không gặp được đối tượng nên không khai thác được địa chỉ cụ thể mà người đó đang ở, Nếu như vô tình trường hợp đó lại gây ra lây lan diện rộng thì trách nhiệm thuộc về ai?

Trả lời: Chúng tôi chân thành cảm ơn một câu hỏi rất thực tế của bạn về chuyên ngành sốt rét, liên quan đến thống kê báo cáo. Vấn đề này, Viện chúng tôi có Khoa Dịch tễ chuyên trách và có liên quan đến câu hỏi của bạn, xin vui lòng bạn hỏi trực tiếp với TS.BS. Hồ Văn Hoàng, Phó Viện trưởng, trưởng khoa Dịch tễ sốt rét của Viện Sốt rét KST-CT Quy Nhơn để được trả lời một cách thấu đáo nhất nhé.

Chúc bạn khỏe và thành đạt hơn nữa trong cuộc sống!

Ngoc quyen-bantoi797@yahoo.com-khanh hoa

Hỏi: Má em đi xét nghiệm giun đũa chó với kết quả dương tính 3.36OD. Bác sĩ kê thuốc với liều dùng duy nhất 2 viên pizar và hẹn 2 tuần sau tái khám. sau khi uống thuốc, tình hình má em không bớt đi mà năng thêm. Xin cho em biết ý nghĩa của 3.36 OD? tình hình má em hiện giờ ra sao? em xin cảm ơn!

Trả lời: Liên quan đến câu hỏi của bạn, chúng tôi xin mời bạn tham khảo ở các chuyên mục trả lời hỏi đáp bệnh chuyên ngành ở các phần trả lời tháng / quý trước (năm 2011 và 2010) để biết thêm chi tiết nhé. Thân chúc mẹ bạn mau khỏe!

Chan- dochauds@gmail.com- daklak

Hỏi: Chào bác sỹ, tôi bị ngứa toàn thân nhất là vùng mặt và 2 cánh tay nổi vết thâm, đau đầu, ngủ kém, đi cầu phân lỏng- xét nghiệm tại viện Pasteur Nha Trang kết quả: Toxocara dương tính - D0 Malade: 0.45 - D0- VS: 0.3. Xin bác sỹ tư vấn về bệnh, cách điều trị như thế nào, khi nào cần xét nghiệm lại. Chân thành cảm ơn!
 

Trả lời: Liên quan đến câu hỏi của bạn, chúng tôi cũng đã trả lời rất nhiều bạn đọc như thế trong vòng hai năm qua trên trang tin của Viện Sốt rét KST-CT Quy Nhơn, http://www.impe-qn.org.vn, bạn đi vào phần trả lời hỏi đáp bệnh chuyên ngành các quý trước sẽ tìm thấy phần trả lời cho câu hỏi của bạn tương đối chi tiết.

Thân chúc bạn khỏe!

Vũ Duy Vịnh- Southbanme@gmail.com- Trần Hưng Đạo - Tp. Buôn Ma Thuột Đắk Lắk

Hỏi: Vừa qua tôi có cho con tôi là cháu Vũ Quang Anh - 5 tuổi đến khám tại: phòng khám số: 02 - ngày khám 7/11/2011 mã số phòng khám 11077742, Bác sỹ điều trị Triệu Thị Phương Mai, sau khi cháu xét nghiệm máu bác sỹ chuẩn đoán cháu bị sán lá gan lớn + giun lươn. Bác sỹ kê toa thuốc như sau:

1. Zentel 20mg (Albendazol 200mg)số lượng 14 viên.

Sáng: 01Trưa: KhôngChiều: KhôngTối: Không

2. Glora 10mg (Loratidin)số lượng 20 viên

Sáng: 1/2Trưa: KhôngChiều: KhôngTối: 1/2

3. Meyerbinyl 25mg(Biphenyl dimethyl Dicarboxylat) Số lượng:40 viên

Sáng: 01Trưa: KhôngChiều: KhôngTối: 01

4. Upmymin 500(18 acid amin)Số lượng 40 viên

Sáng: 01Trưa: KhôngChiều: KhôngTối: 01

5. Egaten 250mg (Triclabendazol)Số lượng: 01 viên

Sáng: 1/2Trưa: KhôngChiều: KhôngTối: 1/2

Cháu uống thuốc đến ngày thứ 3 thì có triệu chứng đau bụng. không có triệu chứng đi ngoài. Cho tôi hỏi hiện tương như vậy có ảnh hưởng đến sức khỏe của cháu không, có tiếp tục cho cháu uống thuốc không. Cho tôi xin số điện thoại di động để liên hệ với BS. Triệu Thị Phương Mai. Rất mong sự hồi đáp của quý vị. Tôi xin chân thành cám ơn!

Trả lời: Để thuận tiện cho việc liên lạc và hỏi đáp cụ thể, thận trọng và chu đáo, chúng tôi xin ghi ra số điện thoại di động của BS. Triệu Thị Phương Mai 0984071444, để bác liên hệ và nhận được phúc đáp thấu đáo nhất.

Kính chúc bác và gia đình luôn luôn mạnh khỏe!

Lo thi tiep - hanhnguyen.vts716@gmail.com - truong tieu hoc vo thi sau _eakar_daklak

Hỏi: Toi nam nay 25 tuoi, trong may thang gan day t co cac trieu trung noi mun do tren mat va co hinh dang dong tien, vi dieu kien o qua xa voi trung tam, nen toi chi di cac benh vien da lieu gan day kham va bac si ket luan toi bi "nam cham Hoa"? vay neu toi den voi quy benh vien co the co phuong phap dac tri khong? va toi phai den phong nao de chua dung benh cua minh? kinh mong quy bac si giup do, toi xin chan thanh cam o­n!

Trả lời: Chúng tôi rất muốn chia sẻ các thông tin và bệnh trạng của anh chị dang mắc phải, tuy nhiên qua mail anh chi kể, chúng tôi cho rằng đây là bệnh lý của nấm nhiều hơn là do giun sán vì hình ảnh tổn thương và vị trí thương tổn cũng như các triệu chứng anh chi mô tả cho chúng tôi.
 

Liên quan đến việc chữa bệnh, chúng tôi biết rằng anh chị tin cẩn bệnh viện chúng tôi là rất đáng quý, song việc điều trị các bệnh nấm như vậy cũng như về quãng đường mà anh chị đi từ Eakar, Đăk Lăk đến Quy Nhơn cũng tương đương đi vào thành phố Hồ Chí Minh và tại thành phố Hồ Chí Minh có bệnh viện da liễu rất chuyên khoa về vấn đề này. Nên để thuận tiện cho anh chi. Chúng tôi khuyên anh chị nên vào thành phố Hồ Chí Minh để được khám, tư vấn và điều trị cũng như tái khám đúng chuyên khoa nấm học là tốt nhất.

Thân chúc anh chị và gia đình một năm mới không còn bệnh tật!

Hoàng Văn Hải - bim_toc@yahoo.com.vn - Đà Nẵng

Hỏi: Tôi muốn làm xét nghiệm kí sinh trùng: giun đũa chó, giun lươn, giun đầu gai. Lấy mẫu máu xét nghiệm lúc nào? có cần phải nhịn đói không? và trong bao nhiêu lâu thì có kết quả? Xin Bác sĩ cho tôi biết để tôi sắp xếp công tác. Tôi xin chân thành cám ơn.

Trả lời: Cảm ơn anh chị đã quan tâm đến khía cạnh xét nghiệm của bệnh viện chúng tôi. Để xét nghiêm về các loại ký sinh trùng anh chị đề cập, anh chị có thể đi khám và xét nghiệm máu, phân vào tất cả các ngày trong tuần, kể cả thứ 7 và chủ nhật. Giờ làm việc từ 7 giờ sáng đến 11 giờ trưa và 1 giờ 30 chiều đến 5 giờ chiều. Nếu sáng lấy máu làm xét nghiệm thì trong ngày sẽ trả lời kết quả cho anh chị vào buổi chiều cùng ngày, nếu xét nghiệm vào buổi chiều thì đến ngày hôm sau bạn mới có kết quả xét nghiệm nhé.

Anh chị thu xếp công việc để xét nghiệm nhé.


 

Hà ngũ bảo quốc - hangubaoquoc@yahoo.com - TTYT Khánh Vĩnh

Hỏi: Tôi rất muốn biết độ nhậy và độ đặc hiệu của BinaxNOW Filariasis test (Test xét nghiệm Giun chỉ Bạch huyết). Rất mong được Viện cung cấp thông tin. Xin cảm ơn!

Trả lời:Xin chào quý đồng nghiệp, để trả lời cho anh chị về độ nhậy và độ đặc hiệu của loại xét nghiệm chẩn đoán nhanh (RDTs) loại BinaxNOW Filariasis test trong chẩn đoán ấu trùng giun chỉ bạch huyết, bạn có thể đưa cụm từ này vào http://www.google.com/ BinaxNOW Filariasis test + sensitivity/ or specificity là bạn có thể tra cứu tất cả thông tin liên quan đến test này. Kể cả trang tin dạng file PDF của trang chủ của nhà sản xuất mô tả rất chi tiết cho bạn.

Chúng tôi cũng xin lưu ý với bạn mọt điều là độ nhạy và độ đặc hiệu của test này sẽ khác nhau giữa nhà sản xuất thông báo với thực tế chúng ta thử nghiệm (khi so sánh với chuẩn vàng nhuôm lam máu lấy vào nửa đêm) và còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố nữa, chẳng hạn, về vùng lưu hành bệnh nặng, nhẹ, về thời gian bạn đọc kết quả trước, trong hay sau khi 10 phút (kể từ khi gấp test lại), hoặc khâu lấy máu,...

Bạn cũng có thể tham khảo thêm trang tin http://www.filariajournal.com/content/6/1/9 để tìm hiểu và lấy dữ liệu Multicentre evaluations of two new rapid IgG4 tests (WB rapid and panLF rapid) for detection of lymphatic filariasis của nhóm tác giả Rahmah Noordin, Makoto Itoh, Eisaku Kimura, Rohana Abdul Rahman, Balachandran Ravindran, Rohela Mahmud, Taniawati Supali vàMirani Weerasooriya. Trong nghiên cứu này họ cóso sánh giữa các test chản đoán giun chỉ bạch huyết qua các loại test khác nhau mag các tác giả ký sinh trùng này đã so sánh, có đề cập đến độ nhạy, độ đặc hiệu, chỉ số Kappa và độ chính xác của từng loại test khi các nhà khoa học đánh giá giá trị chẩn đoán và phát hiện của chúng tại đa trung tâm sẽ rất có giá trị.

Minh tri - forever.minhtri@gmail.com - can tho

Hỏi: Xin cho hoi, benh san la gan va nhiem giun dua cho co the ket hop uong egaten 250mg va pizar 3mg duoc khong

Trả lời: Cảm ơn bạn về một câu hỏi rất hay! Khi bạn bị nhiễm ấu trùng giun đũa chó và sán lá gan đồng thời thì có thể uống thuốc kết hợp được không? Chúng tôi xin trả lời cho bạn là có thể được. Tuy nhiên, để dùng thuốc an toàn và hợp lý và tránh các tác dụng ngoại ý và tương tác qua lại giữa các thuốc với nhau, chúng tôi khuyên bạn nên dùng thuốc điều trị bệnh sán lá gan trước (1-2 ngày, 2 ngày là nếu cân nặng bạn rất lớn,dùng đến 4 viên), rồi sau đó bạn bắt đầu dùng thuốc điều trị ấu trùng giun đũa chó, mèo loại Pizar 3mg hoặc Pizar 6mg là tốt nhất.

Cách dùng như thế sẽ giảm đi tương tác thuốc, giảm đi độc tính của thuốc trên cơ thể bạn và giảm đi nguy cơ xuất hiện hội chứng hay phản ứng ngoại ý nghiêm trọng trên cơ thể bạn khi dùng đồng thời hai loại thuốc trên.

Chúc bạn khỏe nhé!

Tran thi hong hanh - honghanhqn@rocketmail.com - lo 30 duong vo duy duong - P. Quang Trung - TP Qui nhon

Hỏi: may thang nay toi thay noi man do thanh tung mang tren da, di xet nghiem BS bao la bi nhiem San la gan lon, giun dau gai, san day lon. Toi khong biet dieu tri co nhieu tien khong, nen khong dam kham va mua thuoc. Toi co BHXH tai benh vien TP Qui Nhon. Xin BS tra loi giup toi huong dieu tri va chi phi co nhieu khong? Cam o­n BS!

Trả lời: Liên quan đến câu hỏi của bạn, điều đáng mừng là bạn có BHXH tại thành phố Quy Nhơn, nên bạn có thể mang xét nghiệm đến đó cho các bác sĩ tại BV thành phố điều trị cũng được, nếu bạn không muốn, chuyển sang bệnh viện chúng tôi thì nên chuyển bảo hiểm sang để giảm bớt chi phí, hoặc mang bảo hiểm đi khám trực tiếp cũng sẽ được miễn giảm một phần nào. Bạn có thể đến hỏi trực tiếp phòng khám bệnh chuyên khoa của Viện sẽ được phúc đáp chi tiết nhé.

Bui quang đông - biendong1097@yahoo.com - 1083 lũy bán bích, phường tân thành, quận tân phú, tp hồ chí minh

Hỏi: trước tiên xin cám ơn, các bác sĩ và các nhà chuyên môn. Tôi xin hỏi 1 số điều về bênh viêm màng não mủ. Tôi có ông anh bị bênh này đã lấy dịch tủy lần 2. Tình các bác sĩ nói là tốt, nhưng anh toi lại đau đầu nhiều. Vậy cho tôi xin hỏi và nhờ các bác sĩ tư vấn cho cách điều trị. Và điều trị theo cách nào. Xin chân thành cám ơn, mong hồi âm!

Trả lời: Vì bạn hỏi một số điều liên quan đến bệnh viêm màng não mũ, nhưng không cụ thể là phần nào vì bệnh viêm màng não mũ rất phức tạp và rất rộng, do đó chúng tôi không thể trả lời cho anh chị phần nào cả. Song, chúng tôi hướng dẫn bạn vào http://www.google.com/ viêm màng não mũ à tại các trang tin điện tử này của các bệnh viện nhi đồng 1, 2, bệnh viện bệnh nhiệt đới và BV Chợ Rẫy và một số bệnh viện khác cũng đề cập rất chi tiết về bệnh.

Hơn nữa, câu hỏi của anh chị sẽ được phúc đáp sau phần điều trị và theo dõi điều trị cũng như đề cập sâu hơn ở phần tiên lượng nhé. Chúc bạn tìm thấy những thông tin như ý!

Nguyễn Tấn Phú - dangvanbinh99@yahoo.com - An Nhơn -Bình Định

Hỏi: Em tên Phú-Quê ở An Nhơn-Bình Định, đang học tại ĐH sư phạm kỹ thuật tp.hcm. Em bị ngứa cả năm nay, ngứa khắp người, nhất là buổi tối, ngứa cả ở trên đầu. Hè năm trước em có xét nghiệm tại bệnh viện da liễu quy hòa, kết quả là em bị nhiễm giun đũa chó, uống thuôc Zeltel 21 ngày nhưng không hết ngứa. Tháng 7 vừa rồi, em về Bình Định và xét nghiệm tại Phòng Khám Bướu, họ bảo em nhiểm: giun đũa chó, đầu gai và sán lá gan lớn. Em được xổ sán lá gan lớn tại chỗ (uống 2 viên thuốc đó) và uống liên tục 2 toa thuốc Albenzole 400mg, mỗi toa 21 ngày. Bây giờ em vẫn còn thấy ngứa. BS cho em hỏi là dùng thuôc Albenzole 400mg trong bao lâu thì có thể hết sán đầu chó? và em điều trị 2 toa như trên là đủ chưa? em sợ dùng nhiều không tốt cho gan (thấy họ cho em uống kèm thuốc bổ gan HEPATO). Em định têt nay về xuống Viện sốt rét-ký sinh trùng để xét nghiệm.

Trả lời: Bạn đang theo học tại thành phố Hồ Chí Minh. Để tiện cho việc bạn đang quan tâm là uống thuốc như thế có đủ chưa và đã hết bệnh chưa. Theo chúng tôi, nếu thật sự bị bệnh ấu trùng giun đũa chó và sán lá gan, thậm chí giun đầu gai thì các toa thuốc ở BV Phong và Da liễu Trung ương Quy Hòa và Trung tâm phòng chống sốt rét và Bướu cổ Bình Định chỉ định cho bạn là đủ và đúng rồi. Họ cho thêm thuốc bổ gan hay thực phẩm chức năng Hepato là rất tốt. Thế nhưng sau khi dùng rồi mà nay vẫn ngứa, chúng tôi khuyên bạn nên đến BV Da liễu thành phố Hồ Chí Minh để khám thêm phần nấm,…vì có thể có chúng nữa chứ vì bạn nên nhớ thuốc điều trị giun sán không diệt được nấm, do vậy nếu có nấm toàn thân thì sao?

Chúng tôi hy vọng bạn sẽ được các y bác sĩ tại đây (BV Da liễu thành phố Hồ Chí Minh) khám và hỏi cũng như xét nghiệm tìm ra nguyên nhân gây ngứa và mày đay của bạn nhé.

Vietnhan_CTTDCC@yahoo.com, KP 2, P. Tân Phú 0912653….

Hỏi: cho tôi hỏi một số tác dụng phụ có thể gặp sau khi tiêm vaccine cho trẻ sơ sinh? Trong trường hợp nào trẻ sơ sinh không nên tiêm vaccine? Xin trân trọng cảm ơn!

Trả lời:

Những phản ứng có thể gặp khi trẻ sơ sinh tiêm vaccin viêm gan B. Vaccin viêm gan B rất an toàn, đã được tiêm ở nhiều nước trên thế giới. Cũng giống như những loại dược phẩm khác, khi sử dụng vaccin viêm gan B cũng có thể gây ra những phản ứng, dù là rất nhỏ. Tuy nhiên, do loại vaccin này được tiêm cho trẻ trong vòng 24 giờ đầu sau sinh nên có thể bị “kết án oan” khi trẻ tử vong hay có những phản ứng mạnh.
 

Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia cho biết, sau khi tiêm vaccin viêm gan B trẻ có thể gặp một số phản ứng nhất định nhưng hoàn toàn có thể xử trí được.

Những phản ứng nào có thể xảy ra sau tiêm

Vaccin viêm gan B là vaccin tái tổ hợp, khi tiêm vaccin không đưa virut viêm gan B vào cơ thể, vì vậy trẻ được tiêm loại vaccin này trong 24 giờ sau sinh là an toàn. Sau khi tiêm có thể có các phản ứng thông thường như đau tại chỗ tiêm với tỷ lệ từ 3- 9%, sốt trên 37,7o C có tỷ lệ từ 0,4 đến 8%, sốc phản vệ là phản ứng hiếm gặp được ghi nhận với tỷ lệ ước tính là 1 trường hợp trên 600 nghìn đến 1 triệu liều vaccin. Theo thống kê của Tổng cục thống kê, tử vong sơ sinh chiếm 73% tổng số trẻ tử  vong dưới 1 tuổi. Trong đó, tử vong trong 24 giờ đầu sau sinh chiếm gần một nửa (47%) số tử vong sơ sinh. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tử vong sơ sinh như đẻ non, ngạt, bệnh đường hô hấp, dị tật, nhiễm khuẩn, xuất huyết, vàng da… trùng hợp với thời điểm tiêm vaccin viêm gan B cho trẻ.

Các trường hợp không nên tiêm phòng vaccine

Chương trình tiêm chủng mở rộng hiện đã triển khai tiêm phòng 10 bệnh cho các cháu, gồm: lao, sởi, bại liệt, bạch hầu - ho gà - uốn ván, viêm gan siêu vi B, viêm não Nhật Bản, thương hàn, tả. Tuy nhiên các bậc phụ huynh cũng rất quan tâm đưa trẻ đi tiêm phòng thêm một số bệnh, nhất là các bệnh như Rubella, trái rạ...

Với từng loại vaccin nên tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Ví dụ chống chỉ định của vaccin viêm não Nhật Bản là sốt cao hoặc bệnh nhiễm trùng đang tiến triển, bệnh tim, thận, gan, tiểu đường, suy dinh dưỡng, ung thư máu và các bệnh ác tính nói chung, bệnh quá mẫn cảm, phụ nữ có thai. Vaccin thương hàn chống chỉ định với trẻ dưới 2 tuổi và phụ nữ đang mang thai (trường hợp bắt buộc phải tiêm cần có ý kiến của BS điều trị. Trẻ từ 2-5 tuổi cũng cần hỏi ý kiến BS).

Vaccin bạch hầu - ho gà - uốn ván không tiêm cho trẻ trong các trường hợp: nhiễm trùng cấp tính, sốt chưa rõ nguyên nhân, các bệnh cấp tính và mãn tính đang ở thời kỳ tiến triển, những trường hợp có rối loạn thần kinh (co giật, viêm não và các bệnh về não), bệnh tim mạch (bẩm sinh hay mắc phải), trẻ suy dinh dưỡng, bị nhiễm HIV.

Vaccin phòng thủy đậu có chống chỉ định với những người quá mẫn toàn thân với neomycin, trong thai kỳ và tránh có thai sau khi tiêm vaccin ba tháng. Vaccin phòng rubella cũng không nên tiêm cho phụ nữ đang có thai hay nghi ngờ có thai, người dị ứng với neomycin, dị ứng với trứng, suy giảm miễn dịch hoặc đang sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch, người bị bệnh ác tính về máu, bị nhiễm trùng cấp tính hoặc mãn tính...

Về tương tác thuốc, có nhà sản xuất khuyên nên tránh dùng thuốc hạ nhiệt loại salicylate (Aspirine, Algotropyl...) sau tiêm vaccin phòng thủy đậu ít nhất sáu tuần do có thể gây hội chứng Reye. Nhưng có nhà sản xuất lại không nêu đầy đủ các chống chỉ định. Theo tài liệu, hội chứng Reye thường xảy ra với những bệnh nhiễm siêu vi, đặc biệt là bệnh cúm và thủy đậu, gây tổn thương ở gan và não. Tránh dùng Aspirine cho trẻ bị bệnh vì có thể suy gan và dẫn đến tử vong. Hội chứng Reye thường xảy ra ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.

Một số phản ứng sau tiêm thường gặp và Nguyên nhân vì sao?

Những phản ứng sau tiêm chủng có thể gặp là phản ứng tại chỗ như đau, sưng, đỏ nơi tiêm; phản ứng toàn thân như sốt, dễ bị kích thích, cảm giác khó chịu... Tuy nhiên có thể gặp một số phản ứng nặng như sốc phản vệ, bị phản ứng quá mẫn (nổi ban, ngứa...). Tùy từng loại vaccin có những phản ứng đặc thù.

Về nguyên nhân có thể do bản chất của vaccin; do sai sót trong thực hành tiêm chủng; do sự trùng hợp ngẫu nhiên - tức đang bị bệnh tiến triển nhưng tiêm chủng; các phản ứng tâm lý (sợ); không rõ nguyên nhân. Để khắc phục, khi tiêm chủng cán bộ phải tuyên truyền, dặn dò phụ huynh và bệnh nhân thật đầy đủ.

Bộ Y tế đã ban hành qui định về tiêm chủng và chuyển đến các cơ sở y tế từ tháng 2/2007 với các thông tin khá đầy đủ từ lịch tiêm cho từng loại vaccin, đường tiêm, liều lượng, vị trí tiêm, các bước chuẩn bị, thực hành và đảm bảo an toàn tiêm chủng. Các bà mẹ có thể tham khảo, quan sát người cán bộ y tế làm đúng hay sai để có quyết định tiêm hay từ chối.

Khuyến cáo gì để các bà mẹ cẩn trọng trước khi quyết định đưa con đi chủng ngừa?

Lời khuyên cho các bà mẹ là trước khi tiêm trẻ phải được BS hoặc cán bộ y tế khám sức khỏe. Đây là một yêu cầu bắt buộc trước mỗi lần tiêm. Trong khi khám, bà mẹ nhớ kể đầy đủ những bất thường về sức khỏe như dị ứng thuốc, dị ứng thức ăn trước đó, đang sốt, sổ mũi, ho, suyễn, tiêu chảy... hoặc đang uống thuốc điều trị một bệnh nào đó. Đối với sơ sinh có những triệu chứng như khò khè, tiêu chảy... hay không.

Nguyên tắc là sau tiêm các bà mẹ nên ở lại phòng tiêm trong vòng 30 phút. Đối với các trẻ đã có phản ứng với vaccin của lần trước (như viêm gan B, OPV...) thì lần sau có thể chuyển sang tiêm ngừa cũng bệnh đó nhưng với một loại văcxin khác. Dù những trẻ này đã được chuyển sang tiêm vaccine khác nhưng cán bộ y tế vẫn phải theo dõi rất kỹ, và tốt nhất là bé nên được tiêm ở các BV có phòng khám trẻ em lành mạnh để có thể cấp cứu kịp thời nếu có vấn đề xảy ra.

Khi tiêm phòng, không kiêng tắm, kiêng ăn gì cả... Nếu có phản ứng xảy ra phải báo ngay cho cán bộ y tế nơi đã tiêm chủng, đưa ngay bé đến cơ sở y tế gần nhất và báo tình trạng bé vừa tiêm chủng...

Cách phát hiện sớm phản ứng sau tiêm

Trước tiên, các bà mẹ cần được biết con mình đã được tiêm vaccin viêm gan B. Sau tiêm, trẻ cần được theo dõi 30 phút tại điểm tiêm chủng và dặn bà mẹ theo dõi ít nhất một ngày (24 giờ) sau khi trẻ được tiêm. Sau khi tiêm, trẻ có thể quấy khóc hơn, các bà mẹ nên chú ý đến trẻ hơn và cho trẻ bú khi trẻ thức, không nên nằm cho bú.

Sau tiêm trẻ có thể có phản ứng thông thường như sốt, đau hoặc sưng tấy tại chỗ tiêm, quấy khóc… nên các bà mẹ cần cho trẻ bú nhiều hơn hoặc uống nhiều nước, theo dõi trẻ. Nếu các phản ứng trên kéo dài hơn một ngày hoặc phản ứng trở nên nghiêm trọng hơn, như trẻ sốt cao hay có những biểu hiện khác thường (quấy khóc kéo dài, tím tái, khó thở, bú ít, bỏ bú…) thì cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế.

Có phải tiêm kháng thể globulin miễn dịch cho con nếu mẹ nhiễm virut viêm gan B không?

Tiêm vaccin viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh có thể phòng được hơn 90% việc lan truyền từ mẹ sang con. Hiệu quả của việc chỉ sử dụng vaccin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau khi sinh hay sử dụng vaccin viêm gan B cùng với HBIG là tương tự nhau.

Nếu tỷ lệ tiêm vaccin trong 24 giờ đầu sau sinh không được thực hiện tốt thì nguy cơ bùng phát bệnh viêm gan B trong cộng đồng ở thế hệ sắp tới là điều đã được báo trước.

Do vậy, vì sức khỏe của trẻ và cộng đồng, trẻ cần được tiêm vaccin viêm gan B càng sớm càng tốt, đặc biệt trong vòng 24 giờ đầu sau sinh. Khi tiêm vaccin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau sinh, trẻ được tiêm miễn phí khi sinh tại bệnh viện tỉnh, huyện và các trạm y tế xã.

 
LLLan24@gmail.com
, Trường Mẫu giáo tư thục Hai Sao, H. Phòng

Hỏi: Kính chào các bác sĩ của BV Sốt rét Quy Nhơn, tôi có hai cháu và một người con bị nhiễm virus viêm gan siêu vi B đến nay gần 3 năm và đã điều trị nhiều nơi với các phương thuốc cả hiện đại và thuốc nam nhưng không khỏi hẳn. Gần đây, gia đình tôi có đưa các cháu này vào trong BVĐH Y dược thành phố Hồ Chí Minh để điều trị, bác sĩ ở đây kết luận các cháu bị nhiễm virus viem gan B mạn tính rồi. Hiện chúng tôi rất hoang mang vì nghe đến bệnh này sẽ gây xơ gan và ung thư gan. Không biết trong trường hợp này có nên điều trị hay không? Các bác sĩ cho chúng tôi lời khuyên, tôi xin cảm ơn.

Trả lời: Liên quan đến câu hỏi của bạn, chúng tôi xin được trả lời chung với câu hỏi của bạn Th…tại dịa chỉ điện thoại +84923702…cũng hỏi về vấn đề này. Chúng tôi xin trích nguyên văn phần trả lời của chuyên mục điều trị của viêm gan B mạn tính, trong đó các chuyên gia y tế chuyên sâu về viêm gan siêu vi B đã mô tả rõ ràng và vì sao phải đặt ra vấn đề điều trị của bệnh viêm gan siêu vi B thể mạn tính ở tuổi trẻ em vì nó rất quan trọng.

Nhiễm virus viêm gan B mạn tính mắc phải trong thời kỳ chu sinh hoặc trong những năm tháng đầu đời thường kết hợp với bệnh gan nhẹ trong suốt thời thơ ấu và niên thiếu. Các theo dõi lâm sàng cho thấy tiến triển đến bệnh nặng có thể xảy ra trong cuộc sống trưởng thành với một tỷ lệ không nhỏ. Lý do của điều trị bệnh viêm gan siêu vi B mạn tính ở trẻ em là phòng ngừa các biến chứng ở tương lai, điều đó cần thiết hơn là sự cải thiện của bệnh gan hiện tại.

Quá trình nhiễm virus viêm gan B (Hepatitis B virus_HBV) ở trẻ em

Hầu hết trẻ sơ sinh khi sinh ra tại các nước phát triển đều được tiêm phòng vắc-xin ngừa viêm gan siêu vi B nên tỷ lệ nhiễm HBV đã giảm đáng kể. Những trẻ em bị nhiễm HBV là những đứa trẻ không được chủng ngừa đầy đủ hoặc bị phơi nhiễm trước khi chủng ngừa. Khoảng 90% trẻ em bị nhiễm bệnh trong thời kỳ sơ sinh và 25 - 50% số trẻ em bị nhiễm bệnh trong thời thơ ấu (trước 5 tuổi) sẽ phát triển thành mạn tính. Chỉ có 5 - 10% những người bị nhiễm HBV trong độ tuổi thiếu niên hoặc tuổi trưởng thành mới dẫn đến mạn tính.

Mặc dù hầu hết trẻ em bị nhiễm viêm gan siêu vi B mạn tính trong suốt thời thơ ấu đều không có triệu chứng và biến chứng bị mắc bệnh gan nặng cũng ít khi xảy ra. Tuy nhiên, khi đến tuổi trưởng thành thì những biến chứng nghiêm trọng rất có nguy cơ xảy đến bao gồm cả xơ gan và ung thư tế bào gan. Khi nhiễm HBV mà kháng nguyên bề mặt (HbsAg) tồn tại trong máu bệnh nhân trên 6 tháng thì được coi là mạn tính, nó được đặc trưng bởi 4 giai đoạn miễn dịch của bệnh.
 

- Giai đoạn 1: HBsAg và HbeAg được phát hiện.

HBV DNA > 100.000 copies /ml.

Men gan (ALT, AST) nằm trong giới hạn bình thường.

Không có dấu hiệu viêm gan và xơ gan hoặc có rất nhẹ.

- Giai đoạn 2: HBsAg và HbeAg vẫn tồn tại.

HBV DNA > 100.000 copies/ml.

Men gan (ALT, AST) tăng liên tục.

Có thể tiến triển viêm gan và xơ gan.

- Giai đoạn 3: HBsAg vẫn hiện diện.

HBeAg biến mất, xuất hiện anti-Hbe.

HBV DNA < 10.000 copies/ml hoặc không phát hiện.

Men gan (ALT, AST) bình thường.

Không có dấu hiệu viêm gan, dấu hiệu xơ gan sẽ thoái lui.

- Giai đoạn 4: HBsAg vẫn hiện diện.

HBeAg vẫn còn âm tính và anti-HBe vẫn dương tính.

HBV DNA > 10.000 copies/ml.

Men gan (ALT, AST) bình thường hoặc tăng.

Viêm gan thể tấn công có khả năng dẫn đến xơ gan.

 
Trường hợp nào thì nên điều trị?

-Trẻ em được xác định có nhiễm HBV mãn tính yêu cầu đặt ra là phải giám sát thường xuyên đối với tiến triển của bệnh bao gồm: khám lâm sàng và đánh giá các xét nghiệm huyết thanh của ALT, AFP, HBsAg, HBeAg, anti-HBe và DNA HBV.

-Ngoài ra, một bảng xét nghiệm đầy đủ chức năng gan và tiểu cầu cần được kiểm tra định kỳ. Tăng tỷ lệ của AST trên ALT thường là một dấu hiệu của chứng xơ hóa ngày càng tăng, đặc biệt là nếu chỉ số AST trở nên lớn hơn ALT;

-Khả năng một đứa trẻ bị nhiễm HBV mãn tính mà AST > ALT có nguy cơ xơ gan là đáng kể và để củng cố sự đánh giá này có thể làm thêm sinh thiết gan. Tuy nhiên, AST> ALT cũng có thể được thấy thoáng qua ở trẻ em gần đây tiêu thụ rượu hoặc sau khi hoạt động thể chất mạnh mẽ, và các khả năng khác cần phải được loại trừ trước khi thực hiện một tìm kiếm các xơ hóa tiến triển do HBV. Giảm tiểu cầu có thể là một dấu hiệu sớm của lách to do tăng áp lực tĩnh mạch cửa trong bệnh cảnh xơ gan.

-Chỉ số men gan (ALT) trong huyết thanh tăng nói lên mức độ hoại tử của tế bào gan, tức là sự tổn thương của gan. Ở người lớn, chỉ số ALT trên giới hạn bình thường cho nam giới là >30 IU/L và phụ nữ là >19 IU/L. Nhưng ULN ở trẻ em vẫn chưa được thiết lập, đối với trẻ em ULN sử dụng thường thay đổi tùy theo các phòng xét nghiệm và độ tuổi của trẻ. Trong trường hợp không có tiêu chuẩn cho trẻ em thì ALT của một đứa trẻ cần được xem xét nâng lên lớn hơn các ULN phòng xét nghiệm hoặc > 40 IU/L.

Trẻ em với men gan ALT bình thường

-Trong việc điều trị trẻ em nhiễm HBV mãn tính thì việc xác định những bệnh nhân không cần điều trị cũng quan trọng như xác định những bệnh nhân cần được điều trị.

-Mức ALT bình thường được đặc trưng của giai đoạn 1 (xem quá trình nhiễm HBV ở trẻ em). Như đã nói ở trên, đa số các trẻ em bị nhiễm HBV chu sinh vẫn còn trong giai đoạn 1 trong suốt thời thơ ấu và thường cho đến tuổi trưởng thành. Thời gian dài nhất của giai đoạn này thường thấy ở những người bị nhiễm HBV genotype C (HBV có 8 genotype từ A đến H) và tỷ lệ chuyển đổi huyết thanh HbeAg ở trẻ em bị nhiễm HBV genotype C là rất thấp.

-Những trẻ em này vẫn luôn cho HBeAg (+) với HBV DNA cao khoảng 100.000 copies/ml và có thể cao hơn nữa. Tuy nhiên, không có hoạt động đáp ứng miễn dịch gây ra bệnh và ALT duy trì ở mức bình thường. Công bố dữ liệu lâm sàng hỗ trợ điều trị trẻ em trong giai đoạn này rất hạn chế.

Trẻ em với men gan ALT tăng cao liên tục

-Mức ALT huyết thanh cao liên tục được đặc trưng của giai đoạn 2 của bệnh.

-Mức ALT huyết thanh tăng cao là một dấu hiệu cho biết sự hoại tử tổn thương tế bào gan. Trẻ em có mức ALT tăng cao liên tục. Cụ thể một đứa trẻ có mức ALT huyết thanh cao hơn 1,5 lần ULN phòng xét nghiệm hoặc lớn hơn 60 IU/L (tức là, 1.5 x 40 IU/L) thì những đứa trẻ này phải được tiếp tục đánh giá lượng HBV DNA và mức độ mô học của gan để xem xét việc điều trị thích hợp.

-Nếu mức ALT huyết thanh thấp hơn mức nói trên thì phải theo dõi hơn 2 lần trong ít nhất 6 tháng đối với bệnh nhân HBeAg dương tính và phải theo dõi hơn 3 lần trong ít nhất 12 tháng đối với bệnh nhân HbeAg âm tính.

-Lý do để theo dõi mức ALT huyết thanh cao liên tục trong ít nhất 6 tháng ở bệnh nhân có HBeAg dương tính là để tránh điều trị một đứa trẻ trong quá trình tự phát HBeAg chuyển đổi huyết thanh và bệnh sẽ cải thiện mà không cần điều trị.

Những trường hợp đặc biệt sau đây cần phải điều trị lâu dài

- Nhanh chóng suy giảm chức năng gan.

- Xơ gan (còn bù hoặc mất bù).

- Viêm cầu thận do nhiễm HBV.

- Nhiễm virút viêm gan B tái phát sau ghép gan.

- Sự hiện diện của các chủng virút (HBV/HIV, HBV/HCV, HBV/HDV).

- Trẻ em có tiền sử gia đình bị ung thư tế bào gan.

- Phụ nữ mang thai có lượng virút cao (> 20.000.000 IU/ml) trong quý 3.

Với các phần tư vấn ở trên, chúng tôi hy vọng bạn đã nắm rõ vì sao chúng ta cần phải điều trị viêm gan siêu vi B cho trẻ là để hạn chế hoặc giảm đi các biến chứng về sau như xơ gan và ung thư gan cho các cháu.

Nguyễn Phú Hòa, tổ 4, P. Kim Thành, TP. Cần Thơ, 0982314….

Hỏi: Xin các bác sĩ cho tôi biết hôm rồi tôi có đi khám sức khỏe tổng quát cả gia đình tôi tại Bệnh viện Hòa Hảo thành phố Hồ Chí Minh và BV Nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh thì kết quả xét nghiệm của cả hái vợ chống và 2 cháu đều trong giới hạn kết quả bình thường. Tuy nhiên, chúng tôi rất cẩn thận là đã chích vaccine cho các cháu rất đầy đủ, kể cả vaccine viêm gan ngừa viêm gan siêu vi B, nhưng nay xét nghiệm lại thì bác sĩ bảo không có kháng thể chống lại viêm gan siêu vi B, hay chích ngừa không đạt hiệu quả. Xin các vị bác sĩ cho chúng tôi biết tại sao lại như vậy, việc không có hiệu quả của chich ngừa do khâu nào? Chúng tôi cần phải làm gì với các cháu bây giờ? Xin cảm ơn các bác sĩ rất nhiều nếu trả lời thư càng sớm càng tốt.

Trả lời:

Trước hết chúng tôi xin chia sẻ nỗi lo lắng của không những các anh chị mà còn nhiều bậc phụ huynh khác khi nhận được kết quả xét nghiệm tương tự như anh chị, mong anh chị hãy bình tĩnh, không thể vội vã việc không hiệu quả là ở khâu nào mà theo dõi mục trả lời của chúng tôi dưới đây một cách chi tiết. Chúng tôi cũng xin được cảm ơn một chuyên đề rất sâu và rất cập nhật của bác sĩ tại Trung tâm chẩn đoán Y khoa Hòa Hảo đã giải thích rất rõ về cơ chế tại sao sinh ra vấn đè không đáp ứng miễn dịch với vaccine viêm gan siêu vi B và cũng đã chia sẻ về các yếu tố ảnh hưởng.

Sự đáp ứng miễn dịch với vaccin viêm gan siêu vi B được quyết định bởi rất nhiều yếu tố tạo miễn dịch và yếu tố ký chủ. Yếu tố tạo miễn dịch bao gồm liều của vaccin sử dụng, lịch tiêm chủng, vị trí và đường tạo miễn dịch và các điều kiện bảo quản vaccin. Các yếu tố liên quan đến ký chủ ảnh hưởng đến ký chủ ảnh hưởng đến đáp ứng với sự chủng ngừa viêm gan bao gồm tuổi tác, phái tính, thể trọng, thói quen hút thuốc và tình trạng bệnh. Sự đáp ứng miễn dịch này với vaccin viêm gan siêu vi, được diễn đạt bằng cả tỷ lệ nghịch chuyển huyết thanh lẫn hàm lượng Anti HBs trung bình.
 

Một thập kỷ kinh nghiệm về sự chủng ngừa viêm gan siêu vi B đã chứng minh đáp ứng miễn dịch với vaccin viêm gan B ở các đối tượng khỏe mạnh là cực kỳ biến thiên. Sau khi tiêm 3 liều vaccin trong các điều kiện tối ưu, phần lớn người nhận tạo ra một đáp ứng Anti-HBs kéo dài với hàm lượng cao. Tuy nhiên có khoảng 10% người được tiêm chủng mạnh khỏe đáp ứng chậm và kém (100 UI/l) và họ giữ được mức kháng thể bảo vệ (≥ 10 UI/l) trong khoảng thời gian rất giới hạn. Có khoảng 1 đến 3% trẻ sơ sinh và có đến khoảng 10% người lớn khỏe mạnh không đáp ứng một chút nào với 3 liều của vaccin sẵn có hiện nay và họ có thễ được xem là người không đáp ứng.
 

Cơ chế của tính không đáp ứng đối với vaccine viêm gan siêu vi B 

Sự đáp ứng miễn dịch của người đối với HBsAg chưa được nghiên cứu nhiều và hệ thống. Tuy nhiên, dựa trên các điều quan sát được trên chuột và kiến thức hiện nay về miễn dịch học, có thể giả định các cơ chế sau đây của tính không đáp ứng đối với sự chủng ngừa vaccin viêm gan siêu vi B:

1. Các khiếm khuyết trong sự trình diện HBsAg đối với các lympho bào T;

2. Một lổ hỏng trong kho trữ tế bào T;

3. Sự ức chế bởi các lympho bào T ức chế chuyên biệt HbsA;

4. Một lỗ hỏng trong kho trữ tế bào B.

Các yếu tố ảnh hưởng: 

1. Tuổi tác: đáp ứng miễn dịch suy giảm theo tuối tác. Trong một nghiên cứu ở Malvern (Úc) sự tạo miễn dịch thành công 94% ở lứa tuỗi < 30 và chỉ có 67% ở lứa tuổi > 30;

2. Giới tính: nữ giới cho thấy một đáp ứng miễn dịch tốt hơn nam giới và một kết hợp có ý nghĩa cao giữa phái nữ và đáp ứng miễn dịch thuận lợi này độc lập với các biến số khác. Theo một nghiên cứu của Corrao (1998) cho thấy tỉ lệ đáp ứng của nam 79,7 % và so với ở nữ 92,2%;

3. Tác động của vị trí tiêm: theo nghiên cứu của Shaw FE (1989): có 3 cách tiêm:

-Nhóm I: tiêm vào tay (cơ tam giác) kim 1 inch;

-Nhóm II : tiêm vào mông kim 1 inch;

-Nhóm III: tiêm vào mông kim 2 inch..

Tỉ lệ đáp ứng và hàm lượng kháng thể trung bình cao nhất trong nhóm I và thấp nhất trong nhóm II. Chiều dài của kim tiêm quan trọng khi mũi tiêm vào mông được áp dụng, vì kim ngắn chắc chắn lưu vaccin ở lớp mỡ dày, nơi đó thiếu các tế bào đáp ứng miễn dịch và thẩm thấu kém.

4. Thuốc lá: hút thuốc làm giảm đáp ứng kháng thể có lẽ do sự ức chế chức năng tế bào T, sự co mạch gây ra bởi nicotin có thể đóng một vai trò trong việc làm chậm sự thanh thải vaccin từ vị trí tiêm chích;

5. Nghiện rượu: sự sản xuất kháng thể là một biến số phụ thuộc lympho bào T4, ở người nghiện rượu có sự giảm có ý nghĩa trong lớp giúp đỡ tác động của lympho bào làm giảm đáp ứng của họ đối với sự tạo miễn dịch;

6. Stress và hỗ trợ xã hội: công trình nghiên cứu Glaser cho thấy rằng stress và sự cô đơn có thể làm tỗn hại chức năng miễn dịch làm giảm đáp ứng miễn dịch đối với vaccin viêm gan siêu vi B;
 

7. Ðáp ứng miễn dịch suy giảm ở bệnh nhân thẩm tích máu: các đơn bào ở các bệnh nhân này không thể tạo ra các tín hiệu cần thiết về sự sản xuất Interleukin -2 (IL-2) bởi các tế bào T trong đáp ứng đối với kháng nguyên. Mức IL - 2 thấp gây ra một đáp ứng tăng sinh tế bào T sụt giảm và đối với tính quá mẫn của thụ thể IL - 2 do thất bại của các cơ chế tác động phản hồi âm tính;

8. Tiểu đường phụ thuộc insulin: các tính chất bất thường đa miễn dịch học dường như xảy ra ở các bệnh nhân tiểu đường phụ thuộc insulin mắc bệnh này trong thời gian dài. Ðiều này có thể là nguyên nhân của tính mẫn cảm lớn hơn đối với sự nhiễm bệnh quan sát thấy ở các bệnh nhân có kiểm soát chuyển hóa kém;

9. Các yếu tố quyết định về mặt di truyền:

Trong các công trình nghiên cứu trước đây người ta chứng minh rằng haplotype mở rộng HLA-B8 ,SC01 ,DR3 ở những người không đáp ứng đối với vaccin vgsv B thiếu một gen đáp ứng miễn dịch đối với HBsAg và tính đáp ứng được kế thừa theo một kiễu trội. Nghiên cứu Boston cho thấy sự đáp ứng kém có liên quan kháng nguyên bạch cấu người HLA.

Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng tỏ thất bại của vaccin VGSV B không do đặc tính vaccin hay bệnh nhân(tuổi tác, béo phì) mà do một gen lặn trong phức hợp tương hợp mô chủ yếuNhư vậy một đáp ứng kháng thể bình thường đối với HBsAg là sự hiện diện của một gen đáp ứng miễn dịch trội, trong khi thiếu một gen như thế dẫn đến một hàm lượng Anti HBs thấp và một tính lặn.
 

Các chiến lược khắc phục tính không đáp ứng đối với vaccine viêm gan siêu vi B 

1.Kích thích không chuyên biệt đáp ứng miễn dịch -các tác động hổ trợ_Gia tăng liều kháng nguyên , hoặc đưa vào các chất hổ trợ như interleukin (IL-2), interferon, a-interferon, thymopeptin để cải thiện đáp ứng Anti-HBs. Tác giả Wismans và cộng sự, Jilg và cộng sự cho rằng sự tiêm bắp 3 liều bổ sung cho những người đáp ứng kém và không đáp ứng khỏe mạnh sau một đợt chủng ngừa chuẩn tạo nên một đáp ứng Anti HBs bảo vệ.

2.Các tác giả Nhật cho rằng việc tiêm trong da 5 mcg HBsAg vào các khoảng thời gian cách nhau 2 tuần tạo ra được đáp ứng dương tính;

3.Làm thích ứng nhiều hơn các vaccin bao bọc HBV miễn dịch di truyền. Cố gắng tạo vaccin thế hệ mới ở các vùng kháng nguyên pre-S1, pre-S2 nhưng kết quả chưa rõ ràng.

Nói tóm lại, có đến 5 đến 10 % người trưởng thành khoẻ mạnh không đáp ứng đầy đủ đối với một kỳ chủng ngừa viêm gan siêu vi B. Tính không đáp ứng này là chọn lọc và không phải là một dấu kiểm của sự khiếm khuyết miễn dịch tổng quát.

Cơ chế của sự thiếu đáp ứng đối với vaccin viêm gan siêu vi B còn chưa rõ. Ðang có những bằng chứng gia tăng về yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng. Tính không đáp ứng đối với vaccin viêm gan B hiếm khi tuyệt đối. Thật vậy, người không đáp ứng có thể bổ sung bằng vaccin VGSV B từ huyết tương hoặc tái tổ hợp, bằng cách vậy số lượng người không đáp ứng hiện hữu sẽ giảm thêm 2 %.

Với phần trả lời trên, có lẽ đã rất rõ ràng cho các mối quan tâm của anh chị và điều cần thiết lúc này là gia đình nên đưa các cháu đến các Trung tâm y tế dự phòng tỉnh hoặc Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh để được tư vấn và giải quyết thỏa đáng nhất. Thân chúc khỏe!
 

Trình Thị Hòa, 28 tuổi, TP. Vĩnh Long, ĐT: 0169323222…

Hỏi: Xin các bác sĩ cho tôi hỏi, tôi hiện nay còn trẻ nhưng tai lúc nghe rõ, lúc khong nghe rõ và gần như thính lực của tôi giảm đi rất nhiều gần đây. Tôi đã đi khám bác sĩ tai mũi họng để lấy ráy tai và nội soi tai đầy đủ, không phát hiện bệnh gì, hay u cục gì? Khám về thần kinh tiền đình ốc tai, chụp MRI sọ não cũng không phát hiện gì thêm. Tuy nhiên, gần đây tôi lại bị mất thính lực có khi không còn nghe gì nữa. Tôi bản thân còn nhỏ đã bị bệnh rất nhiều và cha mẹ cho uống đủ các loại thuốc (không biết là gì), không biết các loại thuốc đó có ảnh hưởng đến thính lực của tôi không? Tôi xin hỏi các bác sĩ và mong được sự hồi âm của các bác sĩ!

Trả lời: Chúng tôi xin chia sẻ nõi băn khoăn và lo lắng của bạn liên quan đến bệnh, liệu có thuốc nào ảnh hưởng và làm giảm thính lực của bạn như hiện nay hay không. Chúng tôi xin chuyển đến bạn bài “Ảnh hưởng của thuốc đến thính lực của PGS. TS. Lương Hồng Châu và ThS.BS. Nguyễn Thị Tố Uyên đăng tải trên báo sức khỏe và đời sống để bạn tham khảo và nhạn ra có thuốc nào lâu nay bạn dùng không nhé!

Ai cũng biết thuốc là con dao hai lưỡi, bên cạnh tác dụng chữa bệnh nó còn có những tác dụng phụ hay những tác dụng không mong muốn. Các nhà khoa học đã chứng minh có những loại thuốc rất độc với tế bào nghe. Kháng sinh họ aminoglycosides (Gentamicine, Néomycine, Amikacine…). Bạn hãy thận trọng vì nhiễm độc dòng kháng sinh này không chỉ gặp khi dùng thuốc đường toàn thân (tiêm, truyền) mà còn có thể xảy ra khi dùng thuốc tại chỗ (nhỏ vào tai khi màng nhĩ thủng). Một số thuốc nhỏ tai có chứa loại kháng sinh này. Một số thuốc lợi tiểu như furosémide, acide étacrynique… Thuốc điều trị ung thư dòng cisplatine. Các dẫn xuất của quinine, acide acétylsalicylique.

Thuốc ảnh hưởng đến thính lực như thế nào?

Khi ngấm vào tai trong các thuốc này sẽ phá hủy tế bào nghe dẫn tới điếc, người ta còn gọi là hiện tượng nhiễm độc tai (ear poisoning). Mức độ tổn thương của tai trong phụ thuộc vào loại thuốc, liều lượng, thời gian sử dụng và tùy thuộc phản ứng của từng cá thể với thuốc.

Nguy cơ điếc do nhiễm độc thuốc có thể xuất hiện ngay khi bắt đầu sử dụng thuốc cho tới khi dừng quá trình điều trị khoảng 2 đến 6 tuần. Khởi đầu bệnh nhân thường ù tai và cảm giác chóng mặt sau đó xuất hiện nghe kém. Một số trường hợp bệnh nhân xuất hiện nghe kém đồng thời với ù tai. Người bệnh thường than phiền có tiếng ù trong tai với âm cao như ve kêu, gió rít… Cảm giác chóng mặt đôi khi không xuất hiện hoặc chỉ chếnh choáng nhẹ nhưng cũng có trường hợp chóng mặt quay dữ dội. Nghe kém cũng ở nhiều mức độ khác nhau, đôi khi người bệnh chỉ thấy ù tai mà không cảm thấy nghe kém, cá biệt có trường hợp điếc trắng cả hai tai. Sự nhiễm độc này thường xảy ra ở cả hai tai một cách cân xứng, tuy nhiên trường hợp nhiễm độc do dùng thuốc nhỏ tai thì tổn thương sức nghe chỉ xảy ra ở bên có nhỏ thuốc.

Thăm khám tai-mũi-họng thường không phát hiện tổn thương ở tai ngoài, màng nhĩ cũng như tai giữa. Chỉ khi đo thính lực đơn âm ta mới thấy ngưỡng nghe bị giảm, chủ yếu ở vùng tần số cao (8000 Hz), xu hướng cân xứng hai tai. Ở trẻ nhỏ, nhiễm độc tai trong do thuốc thường được phát hiện muộn. Nghe kém nhiều gây ảnh hưởng đến phát triển ngôn ngữ của trẻ.

Làm gì để hạn chế tác dụng có hại của thuốc với thính lực?

về các tác dụng có hại của thuốc, các hãng dược trên thế giới luôn cố gắng tìm ra những dẫn xuất hoặc những loại thuốc thay thế ít tác dụng phụ hơn. Trên thực tế điều trị, các bác sĩ cũng luôn cân nhắc giữa mặt lợi và hại của thuốc trên từng trường hợp cụ thể nhưng đôi khi vẫn phải chấp nhận sử dụng vì sự an toàn tính mạng của người bệnh.

Về phía người bệnh, nên thận trọng hơn khi dùng các thuốc mà không theo sự kê đơn của bác sĩ. Hàng năm, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương đã phải tiếp nhận không ít những trường hợp điếc tai trong do dùng thuốc nhỏ tai không đúng chỉ định. Trên thị trường có bán rất nhiều thuốc nhỏ tai chứa kháng sinh dòng aminoside (như polidexa, néodexa…). Những thuốc này chỉ được nhỏ tai trong trường hợp viêm ống tai ngoài và màng nhĩ kín. Chúng bị cấm dùng khi màng nhĩ bị thủng vì thuốc sẽ qua lỗ thủng vào tai giữa và tác động trực tiếp tới các tế bào nghe ở tai trong. Nghe kém do nhiễm độc thuốc nhỏ tai có thể xảy ra ngay sau khi dùng thuốc nhưng một số trường hợp ù tai và nghe kém xuất hiện sau khi đã ngừng nhỏ thuốc vài tuần.

Ðiều trị nhiễm độc tai do thuốc

Những tổn thương mà các thuốc độc với tai trong gây ra cho tế bào nghe khó có khả năng hồi phục. Cho đến nay việc điều trị điếc do nhiễm độc thuốc vẫn là câu hỏi khó với y học.

Khi biểu hiện của nhiễm độc thuốc với tai trong xuất hiện, bạn nên báo cho bác sĩ biết. Bác sĩ sẽ cân nhắc giữa lợi và hại để quyết định tiếp tục liệu trình điều trị hay nên dừng lại. Nhưng việc ngừng điều trị này cũng không đảm bảo được quá trình nhiễm độc tai trong sẽ dừng lại hay vẫn tiếp diễn một thời gian nữa (có thể tới 6 tuần sau khi ngừng thuốc).

Hiện vẫn chưa có một loại thuốc nào thực sự có hiệu quả trong việc điều trị nhiễm độc tai do thuốc. Nếu nghe kém nhiều, ảnh hưởng tới giao tiếp thì nên dùng máy trợ thính. Máy trợ thính không chỉ hỗ trợ nghe mà còn giúp giảm ù tai.

Một số trường hợp điếc nặng và sâu cả hai tai mà máy trợ thính không có tác dụng thì còn một giải pháp nữa là phẫu thuật cấy điện cực ốc tai. Nhưng phẫu thuật này có giá thành rất cao và sau phẫu thuật để hiểu được lời nói người bệnh phải theo những khoá huấn luyện đặc biệt, kéo dài tới hàng năm. Chính vì phương pháp điều trị này công phu, giá thành cao và kéo dài nên không phải người bệnh nào cũng có khả năng thực hiện.

Chúng tôi hy vọng với phần trả lời như trên đã làm bạn hài lòng! 

 

Ngày 13/02/2012
PGS.TS. Triệu Nguyên Trung, Ths.Bs. Huỳnh Hồng Quang, CN. Nguyễn Tấn Thoa
(Ban Biên tập Website)
 
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích