Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 29/03/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 2 8 4 6 7 1
Số người đang truy cập
4 8
 Tin tức - Sự kiện Điểm tin y tế
Điểm tin y tế từ các báo ngày 30/7 đến 31/7/ năm 2016

Tài xế taxi bỏ rơi sản phụ; Ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể ở doanh nghiệp: Trách nhiệm thuộc về ai?; Động viên thầy thuốc vì sức khỏe ngư dân...Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM: nhiều sai phạm; Khó tiếp cận thuốc điều trị viêm gan C; Sở Y tế Hà Nội công bố ba số điện thoại đường dây nóng… 

Hà Nội mới

Ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể ở doanh nghiệp: Trách nhiệm thuộc về ai?

Cam kết không để... cất vào tủ

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, việc cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho công nhân có thể nâng cao năng suất lao động lên đến 20%. Điều này cho thấy, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tại các bếp ăn tập thể không chỉ vì sức khỏe người lao động mà còn bảo đảm lợi ích, năng suất cho doanh nghiệp. Do đó, việc tổ chức, quản lý bữa ăn tập thể bảo đảm ATTP tại các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) rất quan trọng và cần thiết. Theo Luật ATTP, công tác bảo đảm ATTP đối với bếp ăn tập thể tại các KCN, KCX thực hiện theo 5 nguyên tắc, trong đó quy định rõ trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm; sự phân cấp quản lý rõ ràng và phối hợp liên ngành với cơ quan chức năng. Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) cho rằng, hiện nay, hành lang pháp lý quản lý về VSATTP tại bếp ăn tập thể tương đối đầy đủ, vấn đề là việc triển khai sao cho hiệu quả. Một bất cập hiện nay là nhiều địa phương có quy định, nếu kiểm tra, thanh tra đối với các doanh nghiệp nằm trong KCN, KCX phải thông báo trước từ 7 đến 10 ngày cho Ban quản lý và phải được sự chấp thuận của chủ doanh nghiệp. Như vậy, việc thanh tra, kiểm tra đột xuất tại bếp ăn tập thể sẽ mất tác dụng. Đó cũng chính là một phần lý do cơ quan chức năng chỉ phát hiện vi phạm của doanh nghiệp cung cấp bữa ăn khi đã xảy ra ngộ độc thực phẩm. Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng cho rằng, về mặt thủ tục pháp lý, các bếp ăn tập thể và cơ sở chế biến suất ăn sẵn phải ký giấy cam kết bảo đảm VSATTP, có giấy chứng nhận đủ điều kiện đăng ký kinh doanh. Thế nhưng, trên thực tế, các cơ sở ký cam kết xong mang giấy về... cất vào tủ. Khi thanh tra, nhiều cơ sở loay hoay tìm không ra giấy cam kết. Như vậy thì làm sao nắm chắc nội dung để thực hiện cho đúng. Thậm chí, cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh cũng xem như đã hoàn thành xong nhiệm vụ và không chủ động cập nhật thêm kiến thức qua những lớp tập huấn về ATTP nữa…Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) cho rằng, những năm gần đây, các KCN phát triển mạnh, mỗi KCN có hàng trăm bếp ăn tập thể. Mỗi bếp ăn tập thể lại có rất đông công nhân tham gia nên năm nào cũng xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm, tập trung nhiều nhất vào mùa hè. Theo báo cáo từ các địa phương, tỷ lệ ngộ độc thực phẩm tại một số tỉnh phía Nam như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Tiền Giang cao hơn các nơi khác vì đó là những địa phương tập trung nhiều KCN. Gần như 100% các vụ ngộ độc thực phẩm được ghi nhận đầu năm 2016 đều xuất phát từ các cơ sở cung cấp thức ăn sẵn. Nguyên nhân do thời gian vận chuyển thức ăn từ nơi nấu đến nơi sử dụng xa, phương tiện vận chuyển không bảo đảm. Đặc biệt, quy trình sơ chế thực phẩm không hợp vệ sinh cũng là lý do chính khiến thực phẩm nhiễm khuẩn, gây ngộ độc thực phẩm tại các KCX - KCN.

Truy cứu trách nhiệm đến cùng

Để giảm thiểu các vụ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, theo ông Nguyễn Hùng Long, các cấp, ngành cần đẩy mạnh công tác thanh tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm, các cơ sở nuôi trồng nông sản để ngăn chặn tình trạng sử dụng các chất cấm trong trồng trọt và chăn nuôi. Đồng thời kiên quyết xử phạt những cơ sở vi phạm, không bảo đảm ATTP, đặc biệt cần gắn trách nhiệm của các cơ quan có liên quan đến ATTP. “Ngoài ra, tổ chức Công đoàn ở các doanh nghiệp cần đứng ra bảo vệ quyền lợi cho người lao động, giám sát bữa ăn sao cho bảo đảm chất lượng, vệ sinh. Vai trò giám sát tại chỗ của tổ chức Công đoàn rất quan trọng vì các cơ quan quản lý không thể giám sát liên tục được” - ông Nguyễn Hùng Long nhấn mạnh.

Bà Lê Thị Hằng, Trưởng phòng Thông tin truyền thông Chi cục ATVSTP Hà Nội cho rằng, nơi nào để xảy ra ngộ độc tập thể phải truy cứu trách nhiệm đến cùng. Trong mục 5 Điều 53, Luật ATTP quy định, những tổ chức, cá nhân gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm thì phải đền bù chi phí cho người bị hại. Nếu ngộ độc xảy ra tại các bữa cỗ tập trung đông người thì trách nhiệm thuộc về nơi tổ chức bữa cỗ và nơi cung cấp thực phẩm. Nếu ngộ độc xảy ra tại các bếp ăn tập thể, xí nghiệp thì trách nhiệm thuộc về cơ quan, xí nghiệp tổ chức bếp ăn đó. Nếu là bếp ăn của nhà thầu thì trách nhiệm thuộc về nhà thầu đó. Ngoài việc siết chặt quản lý, tăng cường thanh tra, kiểm tra thường xuyên của các ngành chức năng thì ý thức, đạo đức của người kinh doanh, chế biến thực phẩm và chính công nhân lao động cũng là những yếu tố quan trọng góp phần bảo đảm ATTP tại các bếp ăn tập thể. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho rằng, nên có quy định về định lượng tối thiểu giá trị của một suất ăn theo từng thời điểm và phải được công nhân của công ty giám sát. Khi ký hợp đồng lao động, công nhân phải chú ý tới các điều khoản, đặc biệt phần kinh phí cho ăn uống, tránh tình trạng giá trị suất ăn được hỗ trợ quá thấp. Hơn nữa, đã đến lúc các doanh nghiệp phải nhận thức rõ, nếu công nhân có sức khỏe tốt, tái tạo được sức lao động sẽ góp phần nâng cao năng suất công việc, tăng lợi nhuận của doanh nghiệp. Còn nếu để xảy ra ngộ độc thực phẩm thì doanh nghiệp không những phải nộp phạt, nộp chi phí điều tra, viện phí cho công nhân... mà còn phải chịu ảnh hưởng nặng nề về uy tín.

Thanh niên

Động viên thầy thuốc vì sức khỏe ngư dân

Ngày 30.7, anh Nguyễn Mạnh Dũng, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn đã đến thăm, tặng quà gia đình Mẹ VNAH Lê Thị Thiệp và gia đình thương binh Đoàn Thị Nhàn (ở KP.1, P.Đông Lễ, TP.Đông Hà, Quảng Trị). Tại đây, anh Dũng ân cần hỏi thăm, động viên các gia đình chính sách, thể hiện tình cảm, đạo lý uống nước nhớ nguồn đối với những người có công với đất nước. Anh mong muốn các gia đình chính sách tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, nêu gương sáng để con cháu học tập. Chiều cùng ngày, anh Nguyễn Mạnh Dũng đã đến kiểm tra các hoạt động tình nguyện hè tỉnh Quảng Trị năm 2016, thăm hỏi Hội Thầy thuốc trẻ Quảng Trị đang tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho ngư dân vùng biển bãi ngang Quảng Trị bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường vì Formosa. Dịp này, anh Nguyễn Mạnh Dũng dẫn đầu đoàn đến dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9, Thành cổ Quảng Trị.

33 người bị ngộ độc do ăn cá hồng đông lạnh

Cơ quan chuyên môn tỉnh Quảng Ngãi xác định 33 ca ngộ độc thực phẩm xảy ra trong tuần qua là do sử dụng đầu và bao tử cá hồng đông lạnh chế biến các món ăn. Thông tin trên được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Ngãi cho biết vào sáng 30.7. Theo cơ quan này, từ ngày 24- 29.7, trên địa bàn Quảng Ngãi xảy ra 33 ca ngộ độc thực phẩm, trong đó tập trung nhiều nhất ở 2 xã miền núi của huyện Bình Sơn, một số xã ở huyện Tư Nghĩa và TP.Quảng Ngãi. Các trường hợp bị ngộ độc nhập viện đều có triệu chứng buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, tê tay, chân, tê môi, cơ thể nhức mỏi... Sau khi vào cuộc, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Ngãi xác định nguyên nhân gây ra độc thực phẩm là do sử dụng đầu cá hồng đông lạnh hoặc bao tử cá hồng đông lạnh để nấu canh, kho mặn... Hiện chi cục đang phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục điều tra, truy xuất nguồn gốc cá hồng mà những người bị ngộ độc đã mua về sử dụng. Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Ngãi, người tiêu dùng nên thận trọng trong việc mua và sử dụng cá hồng, nhất là bao tử, đầu cá hồng đông lạnh. Trên cơ thể cá hồng có nhiều loại vi khuẩn cư trú, nhất là lớp nhớt ngoài da, trong mang và ruột. Khi cá hồng chết, vi sinh vật phát triển mạnh làm cá hỏng nhanh chóng. Những chất đạm của cá chuyển hoá thành chất histamin. Trong khi đó, chất histamin chịu được nhiệt, không bị nhiệt độ phá hủy nên dù thực phẩm đã được nấu chín thì chất độc vẫn tồn tại và người ăn vẫn bị ngộ độc. Vào cuối tháng 8.2010, tại huyện Tư Nghĩa, cả 5 người trong gia đình đều bị ngộ độc sau khi sử dụng cá hồng để nấu canh chua và chiên giòn cho bữa cơm tối.

Tiền phong

Hành trình kết nối dòng máu Việt

Từ ngày 5 đến 28/7, Hành trình Đỏ (hành trình vận động hiến máu xuyên Việt mùa thứ 4) đi qua 26 tỉnh, thành phố, tổ chức hàng loạt ngày hội hiến máu lớn, tiếp nhận được 20.799 đơn vị máu. Nhiều tỉnh, thành phố đã tổ chức thành công chương trình với số lượng máu tiếp nhận được trên 1.000 đơn vị như: Thanh Hoá, Hải Phòng, Thái Nguyên, Khánh Hoà, Đắk Lắk, Nghệ An… Lượng máu tiếp nhận được tại mỗi địa phương không chỉ đáp ứng nhu cầu cấp cứu, điều trị tại chính địa phương đó mà còn giúp điều tiết lượng máu trên toàn quốc, góp phần giải quyết tình trạng thiếu máu trong dịp hè. Trong số hơn 20.000 đơn vị máu tiếp nhận được, có khoảng 10.000 đơn vị máu được điều tiết về Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương để đảm bảo nhu cầu máu cho Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. TS Trần Quý Tường, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, đánh giá: “Có thể khẳng định rằng, Hành trình Đỏ là một trong các chiến dịch hiệu quả nhất, thành công nhất trong phong trào hiến máu tình nguyện. Với Hành trình Đỏ, chúng ta đã tăng tốc được 5 - 10 năm so với chặng đường vận động hiến máu tình nguyện mà chúng ta đã đặt ra”. Hành trình Đỏ 2016 đã thực sự kết nối được trái tim và dòng máu của hàng chục ngàn người dân trên mọi miền Tổ quốc. Từ người dân tộc Nùng tỉnh Lạng Sơn, người Tày tỉnh Cao Bằng, người Mường ở Hòa Bình đến người Ê đê, Bana, Xơ đăng… ở Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum hay người Khơ Me ở An Giang; từ tăng ni, Phật tử tại Thanh Hóa đến người công giáo tại Bà Rịa - Vũng Tàu; từ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước đến công nhân, nông dân… Tất cả đều hăng hái, vui vẻ đi hiến máu. Tại nhiều địa phương, hàng ngàn người dân không quản ngại khó khăn, đến xếp hàng để tham gia hiến máu. Những ngày trời mưa bão tại Thanh Hoá, Quảng Ninh, nắng nóng cao điểm tại Thái Nguyên, Khánh Hoà..., đông đảo người dân vẫn tích cực đi hiến máu. Ngoài ra, có những người vượt hàng trăm cây số đến hiến máu như ở Sơn La, có những thương binh dù đã mất một phần máu xương ở chiến trường vẫn hiến máu trong thời bình như ở Nghệ An… Hành trình Đỏ 2016 quy tụ 130 tình nguyện viên xuyên Việt được tuyển chọn trên toàn quốc, không chỉ có kỹ năng làm việc mà còn tràn đầy tinh thần nhiệt huyết, đam mê, sáng tạo, cống hiến cho xã hội. Gần 1 tháng qua, họ truyền lửa cho cộng đồng trong công tác vận động hiến máu, mang đến cho người bệnh niềm tin yêu và hy vọng vào cuộc sống. Tại mỗi địa phương mà Hành trình Đỏ đi qua đều tổ chức được một lực lượng tình nguyện viên đông đảo (khoảng 150-200 tình nguyện viên/tỉnh, thành phố). Đây cũng là lực lượng nòng cốt sẽ tiếp tục duy trì và phát triển bền vững phong trào hiến máu tại địa phương.

Vượt đêm hiến máu

Ngay sau khi nhận được điện thoại của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An, anh Trần Xuân Tấn không ngần ngại vượt gần 500km từ Quảng Trị ra Nghệ An trong đêm để hiến máu cho sản phụ có nhóm máu hiếm. Tương tự ông Ngô Quang Mành (Quảng Trị) từng hiến máu đêm Giáng sinh. Những lần hiến máu khẩn cấp cho người bệnh đã không còn xa lạ với anh Trần Xuân Tấn - Chủ nhiệm Câu lạc bộ nhóm máu hiếm miền Trung, nhưng lần hiến máu cho sản phụ tại Nghệ An có lẽ là kỷ niệm đặc biệt đối với anh. Anh Tấn kể: “Lúc đó là nửa đêm, tôi nhận được điện thoại của Bệnh viện tỉnh Nghệ An, đang cần gấp 3 đơn vị máu hiếm cho sản phụ. Tôi lập tức gọi thêm 2 người trong Câu lạc bộ nhóm máu hiếm và trực tiếp lái xe ra Nghệ An để hiến máu. Với những người có nhóm máu hiếm như chúng tôi, không phải lúc nào cũng được gọi đi hiến máu, nhưng khi đã có bệnh viện gọi thì đi giữa đêm là chuyện bình thường”. Về lý do sẵn sàng hiến máu bất cứ lúc nào, anh Tấn nói: “Tôi biết rằng, những người có nhóm máu hiếm như tôi thực sự rất ít. Chính vì vậy lại càng phải nỗ lực và sẻ chia giọt máu của mình để cứu người trong lúc khó khăn”. Mặt khác, Câu lạc bộ nhóm máu hiếm miền Trung do anh Tấn phụ trách kéo dài từ Nghệ An đến Ninh Thuận, nên việc di chuyển đến các tỉnh trong khu vực để hiến máu được các thành viên câu lạc bộ coi là chuyện bình thường. “Lần hiến máu đó không chỉ góp phần cứu sống được người mẹ mà còn tiếp sức cho một sinh linh mới chào đời. Tôi nhớ mãi lần hiến máu này”, anh Tấn chia sẻ. Có mặt tại chương trình Hành trình Đỏ tại Quảng Trị, anh Tấn không chỉ hiến máu mà còn vận động thêm người thân, bạn bè trong Câu lạc bộ nhóm máu hiếm đến hiến máu. Sự nhiệt tình, tâm huyết, tích cực của anh là động lực cho các thành viên câu lạc bộ thực hiện phương châm: cứu người bất cứ nơi đâu, bất kể lúc nào. Ông Ngô Quang Mành (sinh năm 1958), một người con của đất lửa Quảng Trị, đã hiến máu hơn 30 lần. Ông cũng có một kỷ niệm hiến máu trong đêm. Ông kể: “Trong đêm Giáng sinh năm 2014, trời mưa lớn, bệnh viện tỉnh cần gấp 3 đơn vị nhóm máu O để truyền cho người bệnh. Tôi bất chấp mưa lớn, đến bệnh viện vào lúc 2h sáng”. Nhưng dù được các y bác sỹ cứu chữa tận tình, được truyền máu, nhưng bệnh nhân vẫn không qua khỏi cơn nguy kịch. “Tôi thật sự rất xót xa và thầm nghĩ, mình phải tiếp tục hiến máu để không có thêm người bệnh phải xa rời sự sống”, ông tâm sự. Lần hiến máu tại ngày hội “Giọt hồng đất lửa” là lần hiến máu thứ 32 của ông.

Tài xế taxi bỏ rơi sản phụ

Chiều 30-7, một sản phụ tên L.C.M.  đã sinh em bé trong hoàn cảnh “chẳng đặng đừng”. Khi chỉ còn vài trăm mét thì tới bệnh viện nhưng sản phụ bị vỡ ối, tài xế taxi lập tức tạt xe vào lề đường bỏ sản phụ xuống ngay cổng Báo Sài Gòn Giải Phóng (399 Hồng Bàng, quận 5), kiên quyết không chở nữa. Một bảo vệ Báo SGGP kể: “Khoảng 16 giờ 8 phút, một chiếc xe taxi Vinasun đậu ngay trước cổng cơ quan. Anh tài xế đưa chị sản phụ vào cổng rồi quay xe bỏ đi mất”. Sự việc xảy ra quá đột ngột, may mắn lúc đó có 2 nhân viên Ngân hàng Vietcombank chạy tới đỡ đẻ cho bà mẹ trẻ. Em bé cất tiếng khóc khoảng 16 giờ 13 phút và được mọi người đưa đến Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. Tại Bệnh viện  Đại học Y Dược, các bác sĩ cho biết bệnh viện có tiếp nhận trường hợp trên khoảng 16 giờ 45 trong trường hợp sản phụ đang kiệt sức và đứa trẻ sinh ra bình thường, nặng 2,8kg. Sản phụ đang dần ổn định về tâm lý. ° Chiều cùng ngày, Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ cho biết, vừa phẫu thuật thành công, cứu sống 3 bé tam thai khi người mẹ bị tiền sản giật nặng. Theo đó, sản phụ N.K.M. 27 tuổi, ngụ tỉnh Hậu Giang nhập viện trong tình trạng mang thai 33,5 tuần, với huyết áp cao đến 190/120mm thủy ngân, sản phụ mờ mắt không nhìn rõ… Qua hội chẩn khẩn cấp, các bác sĩ nhận định đây là trường hợp tam thai, thụ thai tự nhiên trên người mẹ bị tiền sản giật nặng. Chị M. được các bác sĩ chuyên khoa nhanh chóng tiến hành phẫu thuật. Ê kíp bác sĩ đã cố gắng ổn định huyết áp và thực hiện thành công ca mổ. Ba bé gồm: 2 bé trai cân nặng lần lượt là 2kg và 1,5kg, cùng 1 bé gái nặng 1,8kg ra đời. Sau đó, cả 3 bé đã cai được máy thở, hiện đang chiếu đèn vàng da… tình hình các bé đã tạm ổn, ăn được sữa, riêng bé gái đã có phản xạ bú. Sản phụ M. cũng đã ổn định huyết áp và được bệnh viện tích cực chăm sóc. Theo các bác sĩ chuyên khoa, đây là một trường hợp tam thai, thụ thai tự nhiên hiếm gặp, với tỷ lệ lên đến 1/8.000. Ngoài ra, người mẹ còn bị tiền sản giật nặng, bé to, dẫn đến nhiều nguy cơ trong thai kỳ. Tuy nhiên, các bác sĩ đã phẫu thuật thành công “mẹ tròn con vuông”, đem lại niềm vui cho gia đình sản phụ…

Sài Gòn giải phóng

Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM: nhiều sai phạm

Hồ sơ dự thầu không hợp lệ, giá cả bị “thổi” lên gấp cả trăm lần nhưng lãnh đạo Bệnh viện YHCT) TPHCM vẫn để “lọt”… Đó là một vài sai phạm tiêu biểu mà Thanh tra Sở Y tế vừa công bố trong kết luận thanh tra công tác đấu thầu dược liệu và vị YHCT tại BV YHCT.

Hồ sơ dự thầu không đạt cũng… lọt!

Trong 2 năm (2014-2015), BV YHCT đã thực hiện công tác đấu thầu gồm 3 gói thầu. Gói thầu mua sắm dược liệu, vị thuốc YHCT năm 2013 (gói thí điểm) thuộc dự án thuốc y tế năm 2013; gói thầu mua sắm dược liệu, vị thuốc YHCT năm 2013 (gói thầu BV năm 2013) và gói thầu mua sắm dược liệu, vị thuốc YHCT năm 2015 (gói thầu BV năm 2014-2015). Trong đó, gói thí điểm có tổng giá trị gần 51 tỷ đồng được chia làm 2 lô: dược liệu chưa sơ chế và dược liệu đã sơ chế. Gói thầu BV năm 2013 do BV YHCT làm chủ đầu tư có tổng trị giá gần 27 tỷ đồng. Gói thầu BV năm 2014-2015 cũng do BV YHCT làm chủ đầu tư có tổng trị giá gần 37 tỷ đồng. Sau khi thanh tra, Sở Y tế TPHCM đã phát hiện cả 3 gói thầu nói trên của BV YHCT đều có sai phạm. Cụ thể, gói thầu thí điểm đã sai phạm khi thay đổi tư cách nhà thầu của Công ty TNHH Đông dược Hòa Phú không thực hiện trước thời điểm đóng thầu; trong hồ sơ mời thầu không xây dựng nội dung tiêu chí đánh giá năng lực kinh nghiệm về tài chính trong trường hợp nhà thầu liên danh. Đáng nói, trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, các thành viên tham gia công tác đấu thầu của BV YHCT chưa tuân thủ nguyên tắc đánh giá hồ sơ dự thầu, nhất là đối với liên danh nhà thầu Công ty TNHH Đông dược Hòa Phú - Công ty TNHH Thiên Ân Dược. Liên danh này không có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, sơ chế và chế biến dược liệu, không có chứng chỉ hành nghề dược của người chịu trách nhiệm chuyên môn. Mặt khác, hồ sơ dự thầu liên danh nhưng chỉ đánh giá năng lực tài chính của Công ty TNHH Đông dược Hòa Phú, còn Công ty TNHH Thiên Ân Dược không có kê khai năng lực tài chính trong hồ sơ dự thầu… Tương tự, tại gói thầu BV năm 2013, BV YHCT cũng sai phạm trong đánh giá hồ sơ dự thầu của Công ty TNHH Đông dược Hòa Phú như bỏ qua cam kết theo tiêu chuẩn cơ sở và bảng chào giá chỉ chào hàng theo tiêu chuẩn Dược điển Việt Nam IV, kể cả gói dược liệu đã chế biến và chưa chế biến; không có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, sơ chế và chế biến dược liệu, không có chứng chỉ hành nghề dược của người chịu trách nhiệm chuyên môn… Và cả gói thầu BV năm 2014-2015, BV YHCT cũng đã “ưu ái” cho Công ty TNHH Đông dược Hòa Phú mặc dù công ty này không đáp ứng đủ các điều kiện về chứng chỉ hành nghề, không có hợp đồng mua bán trực tiếp với Công ty TNHH Thiên Ân Dược… Kết luận thanh tra cũng đã chỉ ra nhiều sai phạm khác trong đấu thầu dược liệu, vị thuốc YHCT tại BV như: Không thực hiện đăng tải kế hoạch đấu thầu, kế hoạch lựa chọn nhà thầu trên báo; tất cả các hồ sơ thầu về cơ bản không đáp ứng được các yêu cầu của hồ sơ mời thầu, vì vậy tất cả hồ sơ dự thầu này phải loại bỏ theo quy định.

Lòng vòng trung gian đẩy giá

Thanh tra Sở Y tế cũng đã chỉ ra những “liên minh ma quỷ” để đẩy giá dược liệu và thuốc YHCT vào BV YHCT. So sánh giá trúng thầu vô BV với giá nhập (giá đầu vào) của nhà trúng thầu cung cấp đến BV (giá từ Công ty TNHH Đông dược Hòa Phú, từ Công ty Cổ phần Dược Trung ương Mediplantex đến BV) trúng thầu chênh lệch lên tới gấp 1,5 lần so với giá đầu vào của nhà thầu trúng thầu. Đặc biệt, trước khi giá trúng thầu vô BV, dược liệu và thuốc YHCT đã bị thổi giá lòng vòng qua trung gian: Từ Công ty TNHH Thiên Ân Dược → Cửa hàng dược liệu Hòa Phú → Công ty TNHH Đông dược Hòa Phú → BV YHCT đã chênh lệch giá gấp 146 lần so với giá nhập đầu vào… Quan ngại hơn cả là mặc dù mua sắm hàng chục tỷ đồng dược liệu đã sơ chế, chưa sơ chế để phục vụ chữa bệnh, nhưng qua kiểm nghiệm của cơ quan chức năng cho thấy một lỷ lệ rất lớn dược liệu kém chất lượng. Năm 2014, Viện Kiểm nghiệm TPHCM lấy 17 mẫu thì hết 7 mẫu không đạt chất lượng (đảng sâm (lấy mẫu 2 lần), thổ phục linh, hoa hòe, hoàng bá, thăng ma, hoàng kỳ). Còn năm 2015, BV YHCT gửi 2 mẫu kiểm nghiệm thì một mẫu không đạt (đảng sâm). Cũng trong năm 2015, Viện Kiểm nghiệm TPHCM lấy 11 mẫu thì 5 mẫu không đạt chất lượng… Trước những sai phạm của BV YHCT, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh yêu cầu BV tổ chức kiểm điểm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sai phạm (kết luận thanh tra nêu rõ: “Đối với các sai phạm trên, trách nhiệm thuộc về giám đốc BV và các thành viên tham gia hội đồng đấu thầu, tổ chuyên gia, tổ thẩm định của BV YHCT”). Đồng thời, giao Phòng Tổ chức cán bộ Sở Y tế kiểm điểm ban giám đốc BV YHCT có sai phạm; tổ chức tập huấn cho các đơn vị trực thuộc các văn bản pháp luật liên quan lĩnh vực này; tổng hợp và công bố các nhà thầu vi phạm trong đấu thầu thuốc nói chung và dược liệu, vị thuốc YHCT nói riêng để làm cơ sở dữ liệu cho các đơn vị trực thuộc xem xét, đánh giá, lựa chọn nhà thầu đáp ứng điều kiện. Mặt khác, Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm nghiệm dược - mỹ phẩm - thực phẩm TPHCM tăng cường lấy mẫu dược liệu kiểm tra chất lượng nhằm bảo đảm công tác điều trị cho người bệnh đạt hiệu quả…

Chuyển cơ quan điều tra

Thanh tra Sở Y tế chuyển cơ quan điều tra để làm rõ những hành vi sai phạm trong đấu thầu dược liệu và thuốc YHCT tại BV YHCT do có hành vi sử dụng giấy tờ giả để chứng minh năng lực tài chính của Công ty TNHH Đông dược Hòa Phú khi tham gia đấu thầu các gói thầu dược liệu và vị thuốc YHCT năm 2014-2015. Thanh tra Sở Y tế cho biết, trong năm 2014 và 2015, hồ sơ của Công ty TNHH Đông dược Hòa Phú có dấu hiệu bất thường về chứng minh năng lực tài chính của cả 3 gói thầu nêu trên.

Hà Nội mới

Khó tiếp cận thuốc điều trị viêm gan C

Hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống viêm gan (28/7) với chủ đề “Hãy nhận biết và hành động ngay”, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo người dân toàn cầu cần nhận biết rõ nguy cơ lây nhiễm viêm gan vi rút của bản thân và cộng đồng, từ đó kịp thời xét nghiệm và điều trị. Theo thông tin từ Bộ Y tế, hiện tỷ lệ nhiễm viêm gan, trong đó có viêm gan C (VGC) ở nước ta rất cao. Dù là một căn bệnh nguy hiểm nhưng VGC lại ít có triệu chứng biểu hiện ra ngoài cho đến khi tiến triển thành xơ gan hay ung thư gan. VGC chỉ có thể chẩn đoán được bằng xét nghiệm. Trên thế giới, ước tính, có khoảng 110 triệu người đã từng hoặc đang nhiễm vi rút VGC, trong đó 55-85% người nhiễm vi rút VGC sẽ tiến triển thành VGC mạn tính. Hơn 700 nghìn người tử vong mỗi năm do các biến chứng liên quan đến VGC (như: Xơ gan và ung thư gan). Còn tại Việt Nam, theo một ước tính mới đây, khoảng hơn 1 triệu người đang nhiễm vi rút VGC, gấp 4 đến 5 lần số người hiện mắc HIV trên cả nước. Số người nhiễm VGC còn có nguy cơ tăng cao hơn nữa bởi khả năng lây nhiễm qua đường máu của vi rút VGC cao hơn gấp nhiều lần so với vi rút HIV. Hiện nay, VGC đã có thể chữa khỏi được. Mục đích điều trị là loại trừ vi rút VGC ra khỏi cơ thể người bệnh, ngăn ngừa viêm gan tiến triển thành xơ gan, ung thư gan hoặc tử vong và dự phòng lây nhiễm VGC trong cộng đồng. Các thuốc điều trị VGC hiện nay như Peg-interferon đã đươc bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả một phần (khoảng 30%) nhưng giá thành còn rất cao, khiến cho nhiều người nhiễm VGC chưa được tiếp cận với điều trị.

Nhân dân

Sở Y tế Hà Nội công bố ba số điện thoại đường dây nóng

Sở Y tế Hà Nội vừa công bố 3 số điện thoại đường dây nóng nhằm tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân liên quan đến ngành y tế Thủ đô. Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, số máy 04.39985765 tiếp nhận thông tin phản ánh chung về các lĩnh vực của ngành y tế. Số máy 04. 37343622 giải thích các thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa của Sở Y tế Hà Nội. Số máy đường dây nóng 04.39902390 tiếp nhận phản ánh của người dân về hoạt động của bộ phận một cửa. Thông qua hoạt động của đường dây nóng, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội mong nhận được những ý kiến phản ánh về tinh thần, thái độ của cán bộ thực thi công vụ để kịp thời biểu dương khen thưởng các cán bộ có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc cũng như xử lý các cán bộ gây khó khăn, yêu sách với người dân trong giải quyết công việc

Đình chỉ hoạt động công ty cung cấp suất ăn khiến công nhân ngộ độc

Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh Bình Phước đã ra quyết định đình chỉ toàn bộ hoạt động cung cấp thức ăn của công ty của công ty TNHH Happy Spoon - Chi nhánh 2 (địa chỉ: Lô A5, Khu công nghiệp Minh Hưng - Hàn Quốc, xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành) để điều tra làm rõ vụ ngộ độc tập thể tại công ty Lisheng (khu công nghiệp Minh Hưng - Hàn Quốc) phải nhập viện vào ngày 25-7. Theo Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm Bình Phước, việc tạm đình chỉ mọi hoạt động cung cấp thực phẩm công ty Happy Spoon chỉ là biện pháp trước mắt cho đến khi có quyết định của các cơ quan chức năng có liên quan. Bên cạnh đó, Chi cục sẽ thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính công ty này để nhằm răn đe và cảnh báo cho các Công ty, đơn vị phục vụ bếp ăn tập thể, cung cấp suất ăn sẵn đóng trên địa bàn.

Nông thôn ngày nay

Mang khối u buồng trứng nặng 32kg vì không điều trị

Ngày 29/7, nguồn tin từ Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ cho biết, các bác sĩ của bệnh viện này vừa phẫu thuật thành công cắt khối u buồng trứng khổng lồ, nặng đến 32 kg cho một nữ bệnh nhân. Trước đó, bệnh nhân T.D. (54 tuổi, người dân tộc Khmer, ở huyện Vị Thủy, Hậu Giang), nhập viện trong tình trạng suy kiệt nặng, khó thở khi nằm do ổ bụng căng rất to. Tại bệnh viện Ung bướu, bệnh nhân D. được siêu âm, cho thấy bụng rất nhiều dịch, chụp CT-scan có u chiếm toàn bộ ổ bụng, chèn ép các cơ quan khác, thận hai bên ứ nước…Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị u ổ bụng (nghi u buồng trứng) dọa vỡ, có biến chứng chèn ép nên chỉ định phẫu thuật khẩn. Bác sĩ CK II Huỳnh Thảo Luật – Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ cho biết, trước khi tiến hành phẫu thuật, bệnh nhân được truyền 5 đơn vị hồng cầu lắng. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã tiến hành hút dịch trong khối u (20 lít dịch), làm sạch ổ bụng và bóc tách cắt khối u ra ngoài gửi giải phẫu bệnh lý (sau khi rút nước khối u còn lại nặng12 kg). Hiện bệnh nhân đang được tiếp tục theo dõi, chăm sóc và hồi sức tích cực. Các bác sĩ phẫu thuật cho biết, đây là trường hợp u buồng trứng to nhất từng thấy tại bệnh viện, do bệnh nhân để lâu ngày không điều trị nên thể trạng suy kiệt nặng. Người nhà bệnh nhân cho biết, chị D. đã từng đi khám và phát hiện khối u hơn 6 năm về trước, nhưng không đi bệnh viện điều trị, chỉ ở nhà trị bằng cách uống thuốc nam do người quen hướng dẫn. Sau đó bụng ngày càng to dần, ăn uống không được nên mới đến Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ.

Viêm gan – dính là “ôm hận” cả đời

Hàng chục triệu người Việt đang mang trong mình virus viêm gan nguy hiểm. Tuy nhiên, hầu hết chỉ đến khi bệnh trọng, đối mặt với cái chết, bệnh nhân mới biết mình bị bệnh vì virus này. Trong lần khám sức khoẻ định kỳ ở cơ quan, anh Nguyễn Văn Đông (Cầu Giấy, Hà Nội) hốt hoảng khi được bác sĩ thông báo mình bị nhiễm virus viêm gan (VG) C. Các bác sĩ chỉ định anh phải điều trị, nếu không sẽ có nguy cơ bị các bệnh nguy hiểm về gan. Vì virus lây truyền qua đường tình dục, vợ anh cũng được yêu cầu đi xét nghiệm. “Một thời gian trước, tôi thường mệt mỏi, đau đầu, chán ăn nhưng chỉ nghĩ mình lao động vất vả, cảm cúm nên bỏ qua. Nếu không đi khám sức khoẻ định kỳ thì cũng không biết được” – anh Đông cho biết. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nhiễm virus VGB và  VGC khá cao. Một số kết quả nghiên cứu cho thấy, tại một số quần thể dân cư ở Việt Nam, tỷ lệ dân số có virus VGB dao động từ 6-20%, VGC là 0,2-4%. Ngoài ra, còn có tỷ lệ không nhỏ người dân nhiễm virus VGA, D, E. “Trong số những người hiến máu lần đầu ở tuổi từ 18 - 60, tỷ lệ người khỏe mạnh mang virus VGB thay đổi theo từng địa phương, vùng, miền và dao động từ 15 - 25%. Tình hình nhiễm virus VGB ở nhóm người khỏe mạnh và phụ nữ có thai tại Việt Nam cũng có tỷ lệ từ 10 - 20% và có khả năng lây sang trẻ sơ sinh. Nghiên cứu cũng cho thấy, 90% trẻ nhiễm virus VGB ngay sau khi sinh có nguy cơ chuyển thành bệnh nhiễm virus VGB mãn tính”. Trong 5 loại virus VG thì virus VGB và VGC có ảnh hưởng đến sức khoẻ con người hơn cả. Ước tính virus VGB và VGC là nguyên nhân gây ung thư gan hàng đầu. Ước tính có khoảng 57% các trường hợp xơ gan và 78% trường hợp ung thư gan tiên phát do nhiễm VGB và VGC. Theo kết quả điều tra gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2013, nguyên nhân có liên quan đến virus VG đứng hàng thứ 7 trong số các nguyên nhân gây ra tử vong nhiều nhất. Virus VG rất nguy hiểm, và rất dễ lây. Virus VGB và C lây qua truyền máu và dịch thể, qua quan hệ tình dục. Còn virus VGD chỉ lây truyền khi cơ thể đã có virus VGB và cũng lây truyền qua truyền máu và quan hệ tình dục. Virus VGA và E lây qua đường phân – miệng do thức ăn, nước uống và thực hành vệ sinh không đầy đủ. “Đáng lo ngại, trừ khi được làm xét nghiệm máu để tìm virus, còn mọi người đều không biết mình bị nhiễm virus VG. Tuy nhiên, khi nhiễm virus này, người dân có nguy cơ mắc bệnh VG mãn tính, xơ gan, ung thư gan”.

Phát hiện bệnh gan rất muộn

Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư cho biết, hàng năm có hàng triệu người mắc bệnh VG và hàng vạn người đã tử vong vì căn bệnh này. “Người ta gọi bệnh VG là “kẻ giết người thầm lặng” bởi không có dấu hiệu lâm sàng để nhận biết. Chỉ có 10% người bị bệnh gan có các dấu hiệu rõ ràng như vàng mắt, mệt mỏi. 90% còn lại luôn thấy mình khoẻ mạnh và chỉ đi khám khi cơ thể có các dấu hiệu đau đớn, chướng bụng… Khi đó, bệnh đã chuyển thành xơ gan, ung thư gan giai đoạn cuối. Lúc đó tốn tiền điều trị mà tỷ lệ sống cũng rất nhỏ”. Đáng nói, việc điều trị VG rất tốn kém và dai dẳng. Người nhiễm virus VGB phải uống thuốc cả đời với số tiền từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng một tháng. Còn người bị VGC chỉ cần điều trị 1 năm, có thể khỏi hẳn nhưng chi phí rất lớn, từ 200-300 triệu đồng. “Nhiều người dù biết bệnh nhưng chấp nhận đánh cược số phận  vì không có tiền điều trị”. Để bản thân không mắc bệnh trọng, không tốn khoản tiền lớn, người dân cần đi kiểm tra sức khoẻ định kỳ để phát hiện bệnh sớm. Nếu không bị nhiễm virus VG nên tiêm phòng vaccine. Hiện trên thị trường đã có các vaccine VGB, VGA. Đặc biệt, người dân cần cho trẻ đi tiêm vaccine VGB miễn phí ngay 24 giờ sau sinh để loại trừ bệnh cho con.

 

Ngày 05/08/2016
Ban Biên tập Website
(Điểm tin y tế từ các Báo)
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích