Home TRANG CHỦ Thứ 5, ngày 25/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 5 1 4 3 9 7
Số người đang truy cập
4 5 2
 Tin tức - Sự kiện Điểm tin y tế
Điểm tin y tế từ các báo ngày 6/7 đến 8/7 năm 2016

Nhân dân

Đình chỉ công tác bác sĩ và hộ sinh vụ thai nhi chết

Sáng 5-7, bác sỹ Nguyễn Ngọc Hòe, Phó giám đốc Bệnh viên Giao thông vận tải Vinh (Nghệ An) cho biết, bệnh viện này vừa đình chỉ công tác bác sỹ và nữ hộ sinh trong kíp trực dẫn đến thai nhi tử vong. Theo đó, vào khoảng 7h30 sáng ngày 4-7-2016, bệnh viện Giao thông vận tải Vinh (Nghệ An) tiếp nhận sản phụ Nguyễn Thị Lê (33 tuổi, quê Nghi Thịnh, Nghi Lộc, Nghệ An) trong tình trạng sức khỏe tốt, mang thai lần thứ 2, đau bụng có dấu hiệu chuyển sinh. Qua chẩn đoán, sản phụ hiện đang mang thai bé trai được 40 tuần, thai nhi có trọng lượng khoảng 3,5kg và được ca trực tiên lượng đẻ thường. Đến 12h trưa cùng ngày, sản phụ vỡ ối vỡ hoàn toàn, cổ tử cung mở 6cm. Đến 13h15, cổ tử cung mở hết, bác sỹ đã hướng dẫn sản phụ rặn đẻ nhưng chị Lê mệt và kiệt sức. Khoảng 30 phút sau, sản phụ được vào phòng mổ. Tuy nhiên, khi đưa thai nhi ra ngoài thì bé trai đã tử vong. Bác sỹ Nguyễn Ngọc Hòe – Phó giám đốc bệnh viện cho biết: “Chúng tôi vừa quyết định đình chỉ ca trực là bác sỹ Nguyễn Thị Hà, (29 tuổi) và nữ hộ sinh tên Loan. Hai người này làm bản tường trình, khoa Sản làm kiểm điểm nhận rõ trách nhiệm của từng người, xác định sai trái để có hướng giải quyết”. Dẫn đến hậu quả khá nghiêm trọng này là do bác sỹ ca trực tiên lượng không chuẩn xác nên đẻ thường hay đẻ mổ dẫn đển hậu quả nghiêm trọng. Chúng tôi cũng đã báo cáo bằng điện thoại cho giám đốc Sở Y tế biết để xin ý kiến chỉ đạo”, bác sĩ Hòe cho biết thêm.

Phạt một cơ sở bán bánh mì nhiễm Ecoli và tụ cầu khuẩn

Ngày 5-7, Chi cục ATVSTP (Sở Y tế tỉnh Phú Yên) xác nhận, kết quả kiểm nghiệm 10 mẫu thức ăn lấy ngày 19-6 tại cơ sở bán bánh mì Thuận Phát ở phường 1, TP Tuy Hòa cho thấy, có bảy mẫu trong bánh mì bị nhiễm Ecoli và tụ cầu khuẩn do bảo quản thức ăn không tốt. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là mẫu thức ăn lấy tại cơ sở này sau hai ngày xảy ra vụ ngộ độc làm 26 người nhập viện. Liên quan đến vụ việc trên, UBND phường 1, TP Tuy Hòa cũng đã xử phạt cơ sở bánh mì Thuận Phát 2.250.000 đồng; đồng thời cho phép cơ sở này kinh doanh trở lại và nhắc nhở lưu ý nhập nguồn gốc thực phẩm tươi sống, gia vị, bảo quản tốt thức ăn trước khi bán bánh mì ra thị trường. Trả lời báo giới, sao không lấy mẫu thức ăn tại thời điểm các bệnh nhân nôn mửa khi nhập viện trong ngày 18-6 và kiểm tra các cơ sở, đại lý cung cấp thực phẩm, gia vị cho cơ sở bánh mì Thuận Phát, ông Nguyễn Văn Tâm thừa nhận: “Không lấy được mẫu thức ăn trong ngày 17-6 (trước một ngày các bệnh nhân bị ngộ độc phải nhập viện) vì cơ sở bánh mì Thuận Phát đã tiêu thụ hết”. “Trong quy chế về quản lý ngộ độc, giao cho các bệnh viện phải lấy mẫu ngay ở các bệnh nhân nôn mửa. Tuy nhiên, sau khi vụ ngộ độc bánh mì xảy ra, chúng tôi xuống các bệnh viện nhưng không lấy được mẫu, nên phải lấy mẫu thức ăn vào ngày 19-6 ở cơ sở bánh mì Thuận Phát đưa đi kiểm nghiệm tại Viện Pasteur Nha Trang”. “Còn vấn đề truy suất nguồn gốc thực phẩm, khi có kết luận loại thực phẩm nào không an toàn, sẽ truy suất thực phẩm đó, chứ không thể truy suất toàn bộ các cơ sở cung cấp thực phẩm, gia vị cho bánh mì Thuận Phát. Ông Tâm đưa ra ví dụ, giả sử kết luận là do chà bông thì Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan truy suất mặt hàng này tại cơ sở cung cấp và có biện pháp xử lý”, ông Tâm nói. Với giải thích của người đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Phú Yên, dư luận cho rằng, việc không lấy được mẫu tại các bệnh viện, mà lấy 10 mẫu thức ăn sau hai ngày xảy ra vụ ngộ độc bánh mì tại cơ sở Thuận Phát không nói lên được điều gì. Từ khi vụ ngộ độc xảy ra đến khi có kết quả kiểm nghiệm 7/10 thức ăn bị nhiễm Ecoli và tụ cầu khuẩn mất hơn 10 ngày thì không thể truy suất, xử phạt các cơ sở, đại lý cung cấp thực phẩm, gia vị cho bánh mì Thuận Phát, vì tất cả đã được tẩu tán trước đó.

Khắc phục tình trạng thiếu nhân lực cho y tế Lai Châu

Sau hơn mười năm tái lập tỉnh, ngành y tế Lai Châu vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở khám, chữa bệnh đang từng bước được đầu tư; số lượng cán bộ y tế ngày càng tăng… nhưng do xuất phát điểm thấp, địa bàn lớn, nên những khó khăn chưa khắc phục được. Trong đó, tình trạng thiếu nhân lực trình độ cao là vấn đề lớn nhất mà ngành y tế Lai Châu phải đối mặt. Hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) ở Lai Châu gồm: Ba bệnh viện tuyến tỉnh, trong đó hai bệnh viện được xây mới, hiện đại; 75% số trung tâm y tế tuyến huyện được đầu tư cơ sở vật chất với quy mô 100 giường bệnh/cơ sở; 50% số trạm y tế tuyến xã được đầu tư xây mới, nâng cấp và sửa chữa cơ bản bảo đảm theo quy định của Bộ Y tế. Đi liền với cơ sở vật chất, các trang thiết bị y tế cũng từng bước được đầu tư, như: Máy chụp MRI, CT.Scaner, siêu âm mầu, thận nhân tạo, mổ nội soi, một số trang thiết bị hiện đại, máy sản xuất thuốc đông dược... 75% số bệnh viện huyện được đầu tư đạt hơn 90% danh mục theo quy định; tỷ lệ này ở các trạm y tế tuyến xã là 70 đến 80%; 72% số nhân viên y tế thôn, bản được trang bị túi y tế... Nhờ đó, đến nay các cơ sở KCB thực hiện được các dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến kỹ thuật của Bộ Y tế đạt tỷ lệ 63% (tuyến tỉnh), 52% (tuyến huyện) và 33% (tuyến xã)... Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, địa bàn rộng, cho nên hệ thống y tế trên địa bàn còn gặp rất nhiều khó khăn. Vẫn còn 25% số đơn vị chưa được đầu tư xây dựng, đang sử dụng nhà tạm của các đơn vị khác để lại; hệ thống y tế dự phòng tuyến huyện chưa có cơ sở làm việc riêng; các phòng khám đa khoa khu vực và 42% số trạm y tế xây dựng từ những năm trước đây, đến nay đã xuống cấp không bảo đảm cho công tác KCB. Điều đó dẫn đến chất lượng KCB tại tuyến y tế cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu; khả năng cung cấp dịch vụ y tế còn hạn chế, chất lượng dịch vụ chưa cao, nhất là các dịch vụ kỹ thuật hiện đại; khả năng triển khai thực hiện các dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến của tuyến xã còn thấp; phần lớn các bệnh viện tỉnh, huyện trong tình trạng quá tải người bệnh, gây nhiều khó khăn trong công tác chăm sóc, điều trị và tăng áp lực thời gian làm việc cho cán bộ y tế... Đáng chú ý, đội ngũ cán bộ y tế của Lai Châu tuy cơ bản đáp ứng về số lượng nhưng trình độ chuyên môn còn yếu, tỷ lệ bác sĩ đạt rất thấp, trong khi đó, tỷ lệ cán bộ y tế có trình độ trung cấp còn quá cao (chiếm tới 74,3%). Toàn tỉnh hiện có 349 bác sĩ, đạt mức hơn 8 bác sĩ/ 10 nghìn dân, tỷ lệ này cao hơn trung bình của cả nước. Nhưng do có địa bàn rộng, địa hình chia cắt, dân cư phân bố không đều, phong tục tập quán của người dân còn lạc hậu cho nên hoạt động của ngành y tế gặp nhiều khó khăn. Mặc dù đã có nhiều ưu đãi, nhưng số lượng bác sĩ miền xuôi vẫn chưa mặn mà lên công tác miền ngược, một số người về Lai Châu rồi lại có tâm lý muốn đi. Từ năm 2004 đến nay, ngành y tế Lai Châu không thu hút được bác sĩ tốt nghiệp hệ chính quy lên công tác. Số lượng cán bộ có trình độ đại học tăng lên là do có một số lượng rất ít những bác sĩ đã có gia đình tại địa phương hoặc là cán bộ y tế người địa phương được cử đi học theo diện chuyên tu, cử tuyển. Trong khi không tuyển được người mới thì vẫn có bác sĩ, cán bộ có trình độ đại học bỏ việc, thôi việc theo nguyện vọng... Xét về nhu cầu của toàn ngành cần hơn 600 bác sĩ, thì hiện nay mới đáp ứng được hơn 50% nhu cầu. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu, dù được xây mới với cơ sở vật chất kỹ thuật được đầu tư hiện đại bậc nhất khu vực Tây Bắc, trung bình mỗi ngày điều trị nội trú và khám bệnh cho 500 lượt người, nhưng chuyên khoa nào cũng trong tình trạng thiếu bác sĩ… Còn với Mường Tè, huyện khó khăn nhất của Lai Châu thì tình trạng thiếu nhân lực là điều dễ hiểu. Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Mường Tè Chư Pó Xá cho biết: Trung tâm đang thiếu trầm trọng cán bộ y tế có trình độ đại học và chuyên khoa sâu như nhi, răng hàm mặt... Mặc dù đang gặp nhiều khó khăn nhưng tỉnh vẫn đặt ra mục tiêu đến năm 2020 đạt mức 12 bác sĩ/ 10 nghìn dân, tương đương toàn tỉnh cần có 608 bác sĩ (phải bổ sung khoảng 250 bác sĩ)… Để đạt được mục tiêu đó là một việc làm rất khó, không chỉ cần sự vào cuộc của ngành y tế, tỉnh Lai Châu mà cần cả sự hỗ trợ từ các bộ, ngành trung ương. Thống kê cho thấy hiện số lượng các bác sĩ được cử đi học hoặc là con em tỉnh Lai Châu sẽ ra trường trong một vài năm tới là tương đối lớn nhưng để số bác sĩ này gắn bó lâu dài với quê hương lại là một vấn đề khác. Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Y tế mới đây, ngoài đề nghị ưu tiên các dự án tài trợ của quốc tế và hỗ trợ các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm thêm trang thiết bị y tế cho các đơn vị trên địa bàn, tỉnh Lai Châu kiến nghị tăng chỉ tiêu đào tạo liên thông hoặc xem xét bố trí riêng cho tỉnh hai lớp (120 chỉ tiêu trong hai năm 2016 và 2017) và có cơ chế, chính sách thi tuyển đầu vào đào tạo bác sĩ hệ bốn năm. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, quan điểm của Bộ Y tế là tạo điều kiện cao nhất trong việc nâng chỉ tiêu đào tạo cán bộ cho các tỉnh thiếu nhân lực. Bộ Y tế sẽ sớm bàn với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Chỉ đạo Tây Bắc để cùng thống nhất giải pháp cho vấn đề này. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đang có, ngành y tế Lai Châu cần tham mưu với UBND tỉnh Lai Châu về công tác đào tạo và đào tạo lại cán bộ. Đồng thời có chính sách phù hợp thu hút nguồn nhân lực và hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn... Bộ Y tế cũng đề nghị tỉnh tiếp tục triển khai công tác đào tạo cán bộ y tế đối với tuyến tỉnh, tuyến huyện đã được cử đi học các lớp tập huấn do trung ương tổ chức theo các Đề án 225, 47, 930, các dự án ODA khác, do địa phương tự mở (theo chuyên khoa) và đánh giá tình hình chuyên môn cán bộ y tế sau khi tham gia các lớp tập huấn này. Đồng thời đề xuất lộ trình cụ thể và khả thi để bảo đảm đủ nguồn nhân lực y tế có chất lượng cho các tuyến.

Đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên

Nhằm bảo đảm cho trẻ em gái vị thành niên (VTN) được tạo điều kiện để có thể bước vào giai đoạn trưởng thành một cách an toàn và khỏe mạnh, Ngày Dân số thế giới (11-7) năm 2016, được Quỹ Dân số LHQ chọn chủ đề “Đầu tư cho em gái VTN”. Theo số liệu toàn cầu mới được công bố, năm 2015, số trẻ em kết hôn chưa đủ 18 tuổi cao nhất là ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với tổng số là 59 triệu em. Mỗi ngày có khoảng 20 nghìn trẻ em gái tại các nước đang phát triển trong độ tuổi từ 15 đến 17 sinh con; ước tính số ca nạo phá thai không an toàn ở trẻ em gái tuổi từ 15 đến 19 tuổi là 3,2 triệu ca; 10% số trẻ em gái cho biết đã từng bị cưỡng bức quan hệ tình dục trước 15 tuổi; tự tử và biến chứng thai sản là hai nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em gái từ 15 đến 19 tuổi… Những số liệu này gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh các nước trên thế giới về tình trạng tảo hôn của trẻ em gái VTN. Do vậy, Ngày Dân số thế giới (11-7) năm nay được Quỹ Dân số LHQ chọn chủ đề “Đầu tư cho em gái VTN”. Mục đích, nhằm bảo đảm cho các em gái VTN có quyền được hưởng một cuộc sống an toàn, có sức khỏe và giáo dục tốt, không chỉ trong suốt những năm tháng đầu đời quan trọng, mà cả khi trở thành phụ nữ; nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông; xóa bỏ tình trạng tảo hôn; cung cấp thông tin và dịch vụ liên quan đến tuổi dậy thì và SKSS; bảo đảm các em có kỹ năng chống lại việc mang thai ngoài ý muốn và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, cũng như bạo lực về giới… Tại Việt Nam, đang ở thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”, với tỷ lệ thiếu niên, thanh thiếu niên cao nhất trong lịch sử. Nhóm dân số từ 10 đến 24 tuổi chiếm gần 40% số dân, với 4,95% dân số là nữ trong độ tuổi từ 13 đến 19 tuổi. Điều đó đòi hỏi có sự quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa cho nhóm đối tượng này. Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, năm 2015, tổng số VTN có thai được báo cáo là 48.850 trường hợp (chiếm 2,6%); tỷ lệ phá thai VTN trên tổng số phá thai trên toàn quốc là 3,9%. Các vùng có tỷ lệ cao nhất là trung du và miền núi phía bắc, đồng bằng sông Cửu Long. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tỷ lệ VTN có thai, phá thai còn cao thời gian qua là mạng lưới dịch vụ KHHGĐ tại nhiều địa phương, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn thiếu về trang thiết bị, nhân lực. Cán bộ DS-KHHGĐ các cấp còn yếu về khả năng tham mưu, phối hợp, kỹ năng tác nghiệp và chế độ đãi ngộ cho đội ngũ này còn nhiều bất cập. Trong khi đó, đối tượng VTN/TN còn nhiều hạn chế trong kiến thức về hôn nhân, CSSKSS, tình trạng tảo hôn, quan hệ tình dục trước hôn nhân, có thai ngoài hôn nhân, phá thai không an toàn, ly hôn, ly hôn sớm trong giới trẻ đang có chiều hướng gia tăng. Bên cạnh đó, mặc dù các địa phương đã rất nỗ lực triển khai các hoạt động truyền thông cả ở trường học và cộng đồng, cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ thân thiện với VTN/TN, nhưng việc liên kết giữa các cơ sở truyền thông, tư vấn với cơ sở cung cấp dịch vụ lâm sàng còn nhiều hạn chế; nhu cầu về thông tin, CSSKSS của VTN/TN làm việc trong các khu công nghiệp là rất lớn và hầu như chưa được đáp ứng… Cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) cho biết: VTN/TN là tương lai của mỗi quốc gia; bảo vệ quyền của VTN/TN, đầu tư cung cấp giáo dục có chất lượng, công ăn việc làm ổn định, kỹ năng sống hiệu quả và giáo dục SKSS, giáo dục tình dục toàn diện là hết sức cần thiết cho sự phát triển của VTN/TN, gia đình, cộng đồng và đất nước. Hưởng ứng Ngày Dân số thế giới (11-7), Việt Nam triển khai nhiều hoạt động: tổ chức lễ mít-tinh, cổ động diễu hành; tổ chức các gian trưng bày sản phẩm và truyền thông tư vấn về SKSS của VTN/TN; xây dựng các mô hình tư vấn tiền hôn nhân; các đơn vị cung cấp phương tiện tránh thai tổ chức tư vấn, cung cấp dịch vụ cho đối tượng, nhằm nâng cao hiểu biết cho đối tượng, thúc đẩy sử dụng các dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ trong mỗi gia đình và cộng đồng. Đồng thời, kêu gọi các bộ, ban, ngành, các tổ chức xã hội quan tâm hơn nữa đến trẻ em gái VTN. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ SKSS, tình dục cho nhóm dân số thiệt thòi, nhất là trẻ em gái VTN ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

Chuyển trọng tâm trong thực hiện công tác dân số

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) những năm qua thu được nhiều kết quả quan trọng từ quy mô đến chất lượng dân số. Tuy nhiên, nhiều vấn đề mới nảy sinh, vừa là cơ hội vừa là thách thức, đòi hỏi có những chính sách phù hợp. Việc chuyển trọng tâm từ DS-KHHGĐ sang dân số phát triển là bước ngoặt quan trọng để đất nước phát triển bền vững. Do sớm nhận thức được tác động tiêu cực của sự gia tăng dân số nhanh, ngay từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước, Đảng và Nhà nước đã ban hành chính sách dân số với mục tiêu giảm mức sinh, được gọi là chính sách DS-KHHGĐ. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, sự kiên trì và đẩy mạnh KHHGĐ, mức sinh của nước ta giảm nhanh, hiện đã đạt mức thấp. Số con trung bình của một bà mẹ tính đến hết tuổi sinh đẻ, giảm từ 6,8 con giai đoạn (1965-1969) xuống còn khoảng 2,1 con (mức sinh thay thế) vào năm 2005, và mức sinh thấp này vẫn được duy trì cho đến nay. Mô hình “gia đình hai con” đã trở nên phổ biến. Mục tiêu mà chính sách DS-KHHGĐ theo đuổi hơn nửa thế kỷ qua đã đạt được. Như vậy, ngày nay phụ nữ Việt Nam chỉ sinh số con chưa bằng một phần ba so với những năm 60. Việc sinh đẻ đã chuyển từ hành vi mang tính tự nhiên, bản năng sang hành vi có kế hoạch, văn minh; từ bị động sang chủ động; từ số lượng nhiều, chất lượng thấp sang số lượng ít, chất lượng cao dần; từ sinh đẻ ít trách nhiệm sang sinh đẻ có trách nhiệm đầy đủ hơn... Đây thật sự là một trong những biến đổi xã hội sâu sắc nhất ở nước ta trong nửa thế kỷ qua. Có nhiều lý do để có thể tin tưởng rằng, Việt Nam tiếp tục giữ vững được thành tựu mức sinh thấp. Trước hết, đó là nhờ nỗ lực của hệ thống DS-KHHGĐ, người dân được tuyên truyền nhiều và trên thực tế đã nhìn nhận thấy lợi ích của mô hình gia đình nhỏ. Hệ thống dịch vụ KHHGĐ đã hình thành, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của dân, đang dần dần được thị trường hóa. Hơn nữa, ngày nay, phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ, đại đa số sinh từ năm 1985 trở lại đây. Đó là thế hệ mới, được giáo dục nói chung và giáo dục về DS-KHHGĐ nói riêng khá tốt. Cuối cùng, sự tiến bộ nhanh về kinh tế - xã hội, sự hội nhập quốc tế tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ mạnh mẽ xu hướng giảm sinh. Việc đạt được mục tiêu “mỗi gia đình hai con” một cách vững chắc đã đặt ra câu hỏi: Chính sách trong lĩnh vực dân số của nước ta hơn nửa thế kỷ qua đặt KHHGĐ là trọng tâm, đến nay, liệu có còn thích hợp? Và nếu cần thay đổi thì phải thay đổi như thế nào? Ngày 4-1-2016, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) đã ban hành Kết luận số 119-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS-KHHGĐ (Kết luận số 119-KL/TW). Trong đó, Ban Bí thư đề nghị Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII xem xét, ban hành Nghị quyết về dân số và cần chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển. Việc chuyển trọng tâm này nhằm giải quyết toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số, với các nội dung cụ thể: duy trì mức sinh thay thế; giảm mất cân bằng giới tính khi sinh; tận dụng cơ cấu dân số vàng; thích ứng với quá trình già hóa dân số; điều chỉnh phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số. Cần lưu ý rằng, chuyển trọng tâm chính sách dân số sang dân số và phát triển, tuyệt đối không phải là “từ bỏ KHHGĐ”, bởi muốn “duy trì mức sinh thay thế”, tức là để mỗi bà mẹ trung bình có khoảng 2,0 đến 2,1 con, đương nhiên phải áp dụng các biện pháp KHHGĐ. Vấn đề là cần tổ chức KHHGĐ theo phương thức mới phù hợp với các vùng có mức sinh khác nhau. Tuy đạt được kết quả về giảm sinh, được thế giới ghi nhận (năm 1999 LHQ đã tặng Giải thưởng Dân số cho Việt Nam) nhưng tình trạng dân số nước ta lại xuất hiện những đặc điểm mới, vừa tạo ra cơ hội, vừa gây ra những thách thức mới cho sự phát triển bền vững. Trước hết, đó là tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang có xu hướng tăng lên. Trong số trẻ sinh ra trong năm 2014, trung bình cứ 100 bé gái thì tương ứng có 112,2 bé trai. Riêng vùng đồng bằng sông Hồng, con số này lên tới 118. Sự mất cân bằng giới tính khi sinh do nhiều nguyên nhân, nhất là ảnh hưởng tư tưởng trọng nam hơn nữ. Tình trạng này nếu không được cải thiện thì đương nhiên sẽ dẫn đến sự phát triển không bền vững về mặt xã hội. Hiện nay, tỷ lệ dân số trong độ tuổi khả năng lao động ở nước ta rất cao, đạt tới gần 70%, đây là cơ cấu “dân số vàng”. Dự báo thời kỳ cơ cấu dân số “vàng” của Việt Nam kéo dài khoảng 40 năm, tức là sẽ kết thúc khoảng gần giữa thế kỷ này. Cơ cấu “dân số vàng” mang lại nhiều “dư lợi” về lao động nhưng cũng là thách thức về tạo việc làm và việc làm có năng suất, thu nhập cao. Bên cạnh cơ cấu "dân số vàng", Việt Nam đã bước vào giai đoạn “già hóa dân số” khi tỷ lệ những người từ 60 tuổi trở lên đạt 10% tổng dân số. Điều đáng chú ý là Việt Nam thuộc nhóm nước có tỷ lệ người cao tuổi tăng nhanh nhất trên thế giới trong khoảng 20 năm tới. Đặc điểm này làm trầm trọng thêm những thách thức về an sinh xã hội cho người cao tuổi trong quá trình phát triển. Bên cạnh đó, công nghiệp hóa, kinh tế thị trường, biến đổi khí hậu... đang thúc đẩy di cư diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Từ năm 2004 đến năm 2009, gần bảy triệu người di cư, tăng 50% so với giai đoạn 1994-1999. Di dân góp phần thay đổi cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, nâng cao năng suất lao động. Tuy nhiên, tích tụ dân số với mật độ rất cao cũng dẫn tới ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, việc giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng hạ tầng kỹ thuật gặp nhiều khó khăn, làm chậm quá trình phát triển. Có thể nói, Việt Nam cơ bản đã giải quyết được vấn đề số lượng dân số. Chất lượng dân số cũng được tăng lên không ngừng nhưng chưa cao. “Chỉ số phát triển con người” là một thước đo chất lượng dân số. Năm 2014, HDI của Việt Nam là 0,666 xếp thứ 116 trong 188 nước so sánh. Chính vì các xu hướng dân số mới nói trên, Kết luận số 119-KL/TW của Ban Bí thư yêu cầu đặt trọng tâm mới cho chính sách dân số là giải quyết mối quan hệ “Dân số và phát triển”. Thực hiện Kết luận này thật sự là một bước ngoặt lớn của chính sách dân số Việt Nam, kể từ năm 1961. Để xây dựng và thực hiện được chính sách dân số lấy “dân số và phát triển” làm trọng tâm, trước hết phải đổi mới tư duy về chính sách dân số. Điều này không đơn giản, nhất là khi tư duy DS-KHHGĐ hay tư duy dân số chỉ là KHHGĐ, hơn nửa thế kỷ qua, đã “ăn sâu” trong xã hội, trong mỗi gia đình và từng thôn xóm, bản làng, từ người dân đến các cấp quản lý.

Mổ cấp cứu thành công ngư dân bị viêm ruột thừa cấp trên biển

Chiều 10-7, BS Nguyễn Văn Quân, Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) cho biết, trưa cùng ngày, các y, bác sĩ của bệnh viện đã thực hiện mổ cấp cứu thành công ca viêm ruột thừa cấp cho ngư dân Đậu Văn Thượng, 42 tuổi ở xã Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) khi đang đánh bắt hải sản trên ngư trường vịnh Bắc Bộ. Anh Thượng được đưa vào bệnh viện huyện đảo cấp cứu trong tình trạng đau bụng cấp, được các bác sĩ bệnh viện huyện đảo hội chẩn cùng Quân y Tiểu đoàn phòng thủ đảo xác định bị viêm ruột thừa cấp giờ thứ 20 trên thể trạng bệnh tiểu đường. Ca bệnh được đánh giá là phức tạp so với điều kiện huyện đảo do nguy cơ biến chứng của bệnh tiểu đường nhưng cần phẫu thuật, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Sau hơn hai giờ đồng hồ thực hiện, ca mổ kết thúc thành công. Người bệnh được thoát mê an toàn, chuyển xuống phòng Hồi sức để theo dõi và điều trị.

59 khách du lịch nhập viện sau khi ăn tại nhà hàng ở TP Nha Trang

Ngày 10-7, BVĐK Khánh Hòa, Tâm Trí Nha Trang, Vinmec Nha Trang… đã tiếp nhận 59 nhân viên của Công ty CP Thế Kỷ trong thời gian du lịch tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), với các triệu chứng bị ngộ độc thực phẩm như nôn ói, chóng mặt, đau bụng, tiêu chảy… sau khi dùng thức ăn tại Nhà hàng Bốn Mùa ở đường Trần Phú. Hầu hết du khách nhập viện trong tình trạng ngộ độc nhẹ, chỉ điều trị bằng uống kháng sinh, truyền nước. Sở Y tế chỉ đạo Chi cục ATVSTP tỉnh lấy mẫu xét nghiệm, điều tra nguyên nhân vụ việc. Một số người bị ngộ độc cho biết, tối 9-7, Công ty tổ chức liên hoan toàn đoàn nhà hàng Bốn Mùa và món nghi ngờ gây ngộ độc là cua sốt, vì nhiều người không ăn món này đã không có các triệu chứng nêu trên.

Hà Nội mới

Vi phạm quảng cáo các sản phẩm thay thế sữa mẹ vẫn rất phổ biến

Tại hội thảo phân tích tuân thủ và vi phạm Nghị định 100/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh, sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, bình bú và vú ngậm nhân tạo do Bộ Y tế tổ chức ngày 5-7, Hiện tỷ lệ bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu ở nước ta rất thấp, chỉ đạt 19,6%. Từ 1-3-2015, Nghị định 100 của Chính phủ có hiệu lực đã quy định nghiêm cấm hành vi quảng cáo, tiếp thị tất cả các sản phẩm thay thế sữa mẹ cho trẻ từ 0-24 tháng tuổi. Tuy nhiên, qua một nghiên cứu độc lập vừa thực hiện tại Hà Nội, vi phạm quảng cáo, tiếp thị các sản phẩm thay thế sữa mẹ hiện vẫn rất phổ biến. Cụ thể, qua khảo sát 814 phụ nữ, có đến 80% số phụ nữ cho biết họ vẫn nhận được các mẫu sản phẩm thay thế sữa mẹ miễn phí từ các công ty khi họ mang bầu hoặc sinh con. Ngoài ra, khảo sát trực tiếp tại 114 điểm bán lẻ cũng phát hiện có đến 51 điểm (chiếm 44,7%) có hoạt động khuyến mại sản phẩm thay thế sữa mẹ, kể cả ở các siêu thị, đại lý. Thậm chí, có gần 4% số phụ nữ mang thai hoặc sinh con cho biết họ được nhân viên y tế của các cơ sở y tế trao đổi về việc sử dụng các sản phẩm thay thế sữa mẹ. Đặc biệt, nghiên cứu còn cho thấy, có tới 75,9% nhân viên y tế gợi ý sử dụng một sản phẩm thay thế sữa mẹ; nhân viên y tế ở 13 trong số 38 cơ sở y tế (chiếm 34,2%) được khảo sát nói rằng đại diện các công ty sữa đã đến cơ sở y tế tiếp thị, quảng cáo các sản phẩm thay thế sữa mẹ. Có những công ty sữa nắm được toàn bộ thông tin, số điện thoại của sản phụ đến sinh con tại một cơ sở y tế để tìm cách tiếp cận. Ngay bản thân tôi khi đến khám thai chuẩn bị sinh con, ngồi ở bệnh viện, có nhân viên của hãng sữa đến tiếp thị, xin số điện thoại và khi tôi vừa sinh con xong thì có hãng sữa gọi điện tư vấn dùng sản phẩm thay thế sữa mẹ này khác. “Nhiều đồng nghiệp, bạn bè của tôi cũng chia sẻ như vậy, cho thấy các hãng sữa bất chấp quy định pháp luật, vẫn tìm cách tiếp thị đến từng bà mẹ, tại các cơ sở y tế, thậm chí tại các cuộc hội thảo về dinh dưỡng…”. Pháp luật cần được thực thi hiệu quả mới có thể tác động được tới sức khỏe cộng đồng và nền kinh tế cũng như giúp thực hiện quyền phụ nữ và trẻ em. Một nghiên cứu mới đây được các chuyên gia kinh tế quốc tế trong lĩnh vực y tế phối hợp với UNICEF và Alive & Thrive thực hiện đã cho thấy, cái giá phải trả khi không bảo vệ nuôi con bằng sữa mẹ. Trong đó, đối với Việt Nam, thiệt hại từ tổn thương trí tuệ do không được bú mẹ đầy đủ ước khoảng 70 triệu USD, còn tổn thất cho chi phí y tế rơi vào khoảng 23 triệu USD mỗi năm. Hơn nữa, lợi nhuận từ việc đầu tư vào các chương trình nuôi con bằng sữa mẹ là 139%... Do vậy, cần thúc đẩy việc tuân thủ Nghị định 100 bằng các chính sách, giải pháp cụ thể hơn.

Tự Ý dùng thuốc phá thai, một phụ nữ suýt tử vong

Cuối tuần qua, BVĐK Hà Đông đã tiếp nhận một thai phụ là chị Nguyễn Thị N. (33 tuổi, ở Chương Mỹ, Hà Nội), được BV Chương Mỹ chuyển đến cấp cứu trong tình trạng rất nặng, mất máu nhiều, sốc mất máu. Trước đó, thai phụ này được người nhà đưa đến BV Chương Mỹ trong tình trạng da xanh, niêm mạc nhợt, mạch nhanh nhỏ, gọi hỏi lơ mơ, âm đạo ra nhiều máu loãng lẫn máu cục, được bệnh viện chẩn đoán là băng huyết do phá thai bằng thuốc. Bệnh nhân này đã 2 lần đẻ mổ, mới đây lại có thai ngoài ý muốn nhưng không đi khám mà tự ý lên mạng tìm hiểu rồi mua thuốc phá thai về uống. Thế nhưng, sau khi uống thuốc phá thai một thời gian ngắn, thai nhi được đẩy ra thì cũng là lúc âm đạo ra máu ồ ạt dẫn đến sốc mất máu. Tại BVĐK Hà Đông, bệnh nhân lập tức được chỉ định phẫu thuật cấp cứu, cầm máu. Trong suốt thời gian cấp cứu và phẫu thuật kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ, bệnh nhân đã được truyền đến 13 đơn vị hồng cầu, 10 đơn vị chế phẩm máu, tương đương 6 lít máu, nhờ đó đã qua nguy kịch.

Hà Nội sẽ tổ chức hai đợt cao điểm vệ sinh môi trường, diệt muỗi và bọ gậy

Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành kế hoạch về việc tổ chức phun hóa chất, vệ sinh môi trường diệt muỗi và bọ gậy, chủ động phòng chống sốt xuất huyết và bệnh do vi rút Zika 6 tháng cuối năm nay. Theo kế hoạch, thành phố sẽ tổ chức 2 đợt cao điểm phun hóa chất, vệ sinh môi trường diệt muỗi và bọ gậy. Cụ thể, đợt I diễn ra trong tháng 7 và tháng 8 và đợt II từ tháng 10 đến tháng 11. Mặt khác, các địa phương duy trì thường xuyên công tác vệ sinh môi trường, thu gom phế thải phòng chống dịch bệnh. Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các Trung tâm Y tế (TTYT) quận, huyện xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm huy động tối đa sự tham gia của cộng đồng về nhân lực, kinh phí, vật tư trong triển khai các chiến dịch. Trên cơ sở kế hoạch đề ra, các chiến dịch phải làm tốt công tác chuẩn bị từ lập danh sách hộ gia đình, cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện… trong khu vực khoanh vùng tổ chức chiến dịch. Đảm bảo đủ nhân lực, vật tư, hóa chất… đồng thời, tổ chức kiểm tra công tác chuẩn bị ở các xã, phường, khi đảm bảo đủ điều kiện theo yêu cầu mới được triển khai chiến dịch tại địa phương.

Hệ thống y tế tư nhân: Bao giờ đi đúng “quỹ đạo”?

LTS: Không thể phủ nhận vai trò của hệ thống cơ sở y tế tư nhân trong công tác khám, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân, góp phần giảm tải cho các bệnh viện công lập. Thế nhưng, trong quá trình hoạt động, không ít cơ sở y tế tư nhân, nhất là những phòng khám (PK) đã, đang bộc lộ không ít sai phạm liên quan đến những quy định về điều kiện kinh doanh, hành nghề, quy định về khám, chữa bệnh, các điều kiện về nhân lực… Đến bao giờ, hoạt động khám, chữa bệnh của những PK tư mới đi đúng “quỹ đạo”, đáp ứng yêu cầu của người dân? Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu loạt bài làm rõ hơn câu trả lời cho vấn đề này.

Bài 1: Vẫn là "bệnh kinh niên"

Trong hệ thống y tế ngoài công lập, PK tư chiếm vị trí quan trọng. Khi mắc bệnh thông thường, người bệnh thường lựa chọn PK tư, thay vì đến các bệnh viện (BV), vì tại đây, họ không mất nhiều thời gian chờ đợi, có thể khám ngoài giờ hành chính, được thăm khám tận tình và chăm sóc chu đáo hơn. Tuy nhiên, chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) của những PK tư vẫn là điều khiến mọi người băn khoăn, bởi công tác quản lý bộc lộ nhiều bất cập... như "bệnh kinh niên" chưa có thuốc chữa.

Nhiều như “nấm”…

Tính đến ngày 30-6-2016, trên địa bàn Hà Nội có 2.931 cơ sở KCB ngoài công lập, trong đó có 145 PK đa khoa, 2.221 PK chuyên khoa và cơ sở dịch vụ y tế, 565 phòng chẩn trị y học cổ truyền. Khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới tại một số quận, huyện gồm: Hai Bà Trưng, Hà Đông, Đống Đa, Hoàn Kiếm… cho thấy, ở những khu vực nào có BV công lập thì quanh đó, cơ sở y tế tư nhân “mọc” lên nhiều như “nấm” sau mưa. Dọc tuyến đường Phùng Hưng (phường Phúc La, quận Hà Đông), đoạn chạy qua BV Quân y 103, dài chưa đầy một kilômét, nhưng tập trung rất nhiều cơ sở y tế tư nhân, gồm cả BV tư nhân, PK đa khoa, chuyên khoa… và cơ sở dược tư nhân. Theo thống kê của UBND phường Phúc La, trên địa bàn phường hiện có 73 cơ sở hành nghề KCB tư nhân, trong đó có 2 BV đa khoa, 4 PK đa khoa, còn lại là PK chuyên khoa và cơ sở y học cổ truyền. Không chỉ riêng phường Phúc La, hầu hết các phường trên địa bàn quận Hà Đông đều có các cơ sở y tế tư nhân hoạt động và số cơ sở này tiếp tục tăng hằng năm. Toàn quận Hà Đông hiện có hơn 200 cơ sở y tế tư nhân, trong đó phường Văn Quán có 20 cơ sở, phường Quang Trung 24 cơ sở, phường Mộ Lao 18 cơ sở… Quận Hai Bà Trưng cũng là nơi “hội tụ” khá đông các PK và quầy thuốc tư nhân, tập trung nhiều nhất tại khu vực xung quanh BV Bạch Mai. Chỉ tính riêng địa bàn phường Đồng Tâm, tại các khu dân cư số 1, 2 và 3 nằm ven đường Giải Phóng đã có tới 90 cơ sở hành nghề y, dược tư nhân. Tại đây, nhân viên hễ thấy bóng dáng có người đứng gần cửa PK là chạy tới chào mời, đón khách vào khám bệnh… Sự “nở rộ” của hệ thống PK tư đã đáp ứng nhu cầu KCB đa dạng của người dân, giảm tải cho các BV công. Đó là điều mừng, nhưng đằng sau đó là không ít nỗi buồn, lo, bức xúc của người bệnh. Chị Đỗ Hiền Trang (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) kể, lần nào chồng chị đi nội soi dạ dày tại một cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn quận Ba Đình cũng được bác sĩ chỉ định xét nghiệm máu, chụp X-quang, điện tim, thậm chí cả kiểm tra tai, mũi, họng. Lần nội soi gần đây nhất, cách lần khám trước khoảng một tháng cũng bị nhân viên y tế của trung tâm “đè” ra, bắt làm lại đủ loại xét nghiệm, kể cả những xét nghiệm không cần thiết. “Bình thường, chi phí nội soi dạ dày gây mê, kèm xét nghiệm HP chỉ mất khoảng 1,8 triệu đồng. Thế nhưng, do thêm đủ loại xét nghiệm khiến chi phí bị đội lên 3 triệu đồng” - chị Đỗ Hiền Trang phàn nàn. Không chỉ lạm dụng xét nghiệm, tại không ít PK, bác sĩ vừa khám bệnh, vừa kê đơn, bán thuốc, “pha chế” thuốc, bắt chẹt bệnh nhân để thu lợi. Chị Nguyễn Thị Hằng (đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình) cho biết, con trai chị 3 tuổi, mỗi lần bị ốm đều đến khám bệnh ở một PK trên đường Giải Phóng, bởi chỉ có uống thuốc ở đây mới nhanh khỏi. Chị Nguyễn Thị Hằng thắc mắc, không biết bác sĩ cho con uống thuốc gì, mỗi lần đưa con đến khám, bác sĩ kê mấy loại thuốc đều không còn vỉ, thậm chí có những viên thuốc được bẻ còn nửa viên. Nếu không lấy thuốc tại PK này, chị cũng không biết mua ở đâu…

Kiểm tra là ra… vi phạm

Ông Nguyễn Dương Trung, Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong 6 tháng (từ 16-11-2015 đến 15-5-2016), Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành thanh, kiểm tra 62 lượt cơ sở, thì có 24 cơ sở bị xử lý vi phạm hành chính, với tổng tiền phạt là hơn 430 triệu đồng. Các vi phạm mang tính “kinh niên”, lần thanh tra nào cũng phát hiện là: Quảng cáo dịch vụ KCB khi chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nội dung; sổ KCB ghi chép không đầy đủ theo quy định; không bảo đảm về nhân sự trong quá trình hoạt động; lạm dụng xét nghiệm và các kỹ thuật cận lâm sàng; khám bệnh không đúng phạm vi chuyên môn; quảng cáo không đúng với nội dung đăng ký; sử dụng người nước ngoài làm công việc chuyên môn nhưng không xin phép cơ quan quản lý; sử dụng dược phẩm “chui”…Mới đây, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động đối với PK y học cổ truyền Việt Tâm (tại 987 đường Giải Phóng, quận Hoàng Mai) do mắc nhiều sai phạm. Theo Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường, PK này do một bác sĩ người Trung Quốc làm giám đốc phụ trách chuyên môn. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, bác sĩ này không có mặt. Đây là PK chuyên khoa chẩn trị về đông y, nhưng lại treo biển PK đa khoa và chưa có số đăng ký. PK cũng đã tự ý sử dụng một số loại thuốc chưa đăng ký, cấp phép để điều trị cho người bệnh. Trước đó, tháng 9-2015, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cũng đã tiến hành đình chỉ hoạt động KCB và tước chứng chỉ hành nghề 9 tháng (bắt đầu từ ngày 1-10-2015) của hai bác sĩ người Trung Quốc và xử phạt 67,4 triệu đồng đối với PK đa khoa 168 Hà Nội (xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì) do tại thời điểm kiểm tra, nhân viên y tế không đeo biển tên, chức danh; sổ KCB không ghi đúng theo quy định; cơ sở, trang thiết bị y tế không bảo đảm vệ sinh; bác sĩ vừa kê đơn, vừa bán thuốc… Đây chỉ là một vài trường hợp trong số rất nhiều cơ sở KCB tư nhân vi phạm. Điều đáng nói, trước sự phát triển nở rộ của hệ thống cơ sở y tế tư nhân, công tác quản lý của cơ quan chức năng lại bộc lộ nhiều bất cập.

Tiền phong

“Giọt hồng đảo Ngọc” và hành trình Đỏ 2016

Tối 5/7/, tại thị trấn Dương Đông (Phú Quốc, Kiên Giang), Ban Tổ chức Hành trình Đỏ 2016 phối hợp với Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Kiên Giang tổ chức Lễ xuất quân Hành trình Đỏ 2016 và ngày hội hiến máu với tên gọi “Giọt hồng đảo Ngọc”. Hàng trăm bạn trẻ từ các lực lượng vũ trang cùng các bạn đoàn viên thanh niên trên đảo cùng nhiều tầng lớp nhân dân đã tham gia sự kiện ý nghĩa này. Ngày hội hiến máu “Giọt hồng đảo Ngọc” là một trong 27 ngày hội hiến máu lớn của chiến dịch Hành trình Đỏ 2016. Với thông điệp “Kết nối dòng máu Việt”, Ban tổ chức Hành trình Đỏ 2016 hy vọng “Giọt hồng đảo Ngọc” sẽ thu được những thành công mới, khởi động cho chuỗi sự kiện hiến máu trên toàn quốc. Ngày hội “Giọt hồng Đảo Ngọc” dự kiến tiếp nhận được tối thiểu 500 đơn vị máu. Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS Nguyễn Anh Trí, Ủy viên Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Trưởng Ban tổ chức Hành trình Đỏ cho biết: Hành trình Đỏ - hành trình vận động hiến máu xuyên Việt, hành trình kết nối yêu thương… đã tổ chức được 3 kỳ thành công đầy ấn tượng. Hôm nay đây, tại đảo Ngọc – Phú Quốc, một lần nữa ngọn lửa Hành trình Đỏ lại được thắp lên để rồi truyền qua suốt chiều dài đất nước, dừng lại ở 27 tỉnh thành, rồi hội tụ về Hà Nội - Thủ đô yêu dấu. Cũng theo GS.TS Nguyễn Anh Trí: Trải qua 3 năm tổ chức, Hành trình Đỏ đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về hiến máu tình nguyện, để mỗi người dân luôn có ý thức sẵn sàng hiến máu. Điều này đã giúp cho phong trào hiến máu tình nguyện phát triển mạnh mẽ, có nhiều gia đình không chỉ hiến máu mà còn tích cực vận động cộng đồng tham gia hiến máu, tiếp nhận hàng ngàn đơn vị máu phục vụ công tác điều trị và cấp cứu cho người bệnh trên cả nước. Hành trình Đỏ đã vượt qua ý nghĩa của hoạt động hiến máu nhân đạo, thực hiện sứ mệnh của một hành trình lịch sử kết nối tinh thần đoàn kết dân tộc bằng nghĩa cử cao đẹp – hiến máu cứu người”. Ông Mai Văn Huỳnh – Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết: Số đơn vị máu hằng năm của tỉnh lên tới 105.365 đơn vị. Nhiều gia đình, dòng họ cùng nhau hiến được hàng trăm đơn vị máu. Nhờ thế, hiến máu tình nguyện đã trở thành một nét đẹp văn hoá của người dân và cộng đồng. Ông Huỳnh cũng bày tỏ sự vinh dự khi tỉnh nhà được Ban tổ chức lựa chọn là điểm đầu tổ chức Hành trình Đỏ 2016 chặng phía Nam.

Sở Y tế “vào cuộc” sau cái chết của hai mẹ con

Ngày 5/7, bác sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết đã yêu cầu lập hội đồng chuyên môn để xác định những sai sót chuyên môn (nếu có) khi sản phụ Phạm Thị Hồng (29 tuổi, quê Thanh Hóa) cùng bé trai sơ sinh con chị tử vong tại bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức. Theo bác sĩ Bỉnh hiện Sở Y tế đang chờ kết quả giải phẫu tử thi từ Trung tâm Pháp y thành phố. “Sau khi xác định rõ các vấn đề có liên quan, nếu nguyên nhân tử vong của mẹ con sản phụ là do sự tắc trách hoặc sai sót chuyên môn từ phía bác sĩ, bệnh viện thì tổ chức, cá nhân có liên quan sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm”- ông Bỉnh nói. Trước đó, sáng 30/6, chị Hồng đến công ty làm việc bình thường. Khoảng 9h sáng, chị đau bụng chuyển dạ nên gia đình đưa chị vào bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, quận Thủ Đức, TPHCM. Khoảng 14h chiều cùng ngày, chị Hồng được đưa vào phòng sinh nhưng một lúc sau, các bác sĩ thông báo với gia đình bé trai sơ sinh nặng khoảng 3,8kg con của chị Hồng vừa chào đời đã tử vong vì ngộp thở. Sau đó, chị Hồng được chuyển qua phòng hồi sức với sức khỏe yếu. 19h30 tối cùng ngày, chị Hồng tử vong. Sáng 5/7, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hòe, phó giám đốc Bệnh viện giao thông vận tải Vinh (Nghệ An) cho biết đã đình chỉ công tác một bác sỹ và nữ hộ sinh để điều tra việc một thai nhi tử vong tại bệnh viện này. Ngày 4/7, sản phụ Nguyễn Thị Lê (SN 1983, trú tại xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc, Nghệ An)nhập viện khi có dấu hiệu đau bụng, chuyển dạ.Tình trạng lúc nhập viện của sản phụ Lê và thai nhi theo chẩn đoán hoàn toàn bình thường. Thai nhi nặng khoảng 3,5kg. Đến khoảng 12 giờ cùng ngày, sản phụ Lê vỡ ối. Gia đình yêu cầu bệnh viện cho mổ đẻ chứ không sinh bình thường nhưng không được đáp ứng mà được nói phải chờ theo dõi thêm.Bác sỹ Nguyễn Ngọc Hòe cho biết: Lúc 13h50 sản phụ được đưa lên nhà mổ do sản phụ không sinh thường được, 30 phút sau khi mổ ra thì thai nhi bị ngạt, sau đó không qua khỏi”. Bệnh viện đã đình chỉ bác sĩ Nguyễn Thị Hà (SN 1987, công tác tại khoa Sản bệnh viện), đồng thời báo cáo sự việc lên Sở Y tế Nghệ An thành lập hội đồng chuyên môn làm rõ nguyên nhân tử vong của cháu bé,xác định trách nhiệm của kíp trực.

“Phép màu” cho 1.000 trẻ em nghèo bị bệnh tim bẩm sinh

Mỗi năm có khoảng 12.000 trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh tại Việt Nam. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần nhỏ của thực trạng căn bệnh nghiệt ngã này.

Chỉ 6.000/12.000 trẻ mắc bệnh được phẫu thuật

Có thể nói bệnh tim bẩm sinh ở Việt Nam đã xuất hiện từ rất lâu, tuy nhiên nhiều gia đình vẫn chưa biết đến căn bệnh này, ngay cả khi con mình đã nhập viện. Điều này khiến cho mức độ nguy hiểm của căn bệnh quái ác lại càng được nhân đôi khi cha mẹ không có được sự chuẩn bị kỹ càng về kiến thức lẫn tinh thần,  cho con trong những tháng đầu thai kỳ cũng như sau khi hạ sinh trẻ. Theo thông kê của Bộ Y Tế, hàng năm nước ta có 12.000 trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh nhưng chỉ có 6.000 trẻ được phẫu thuật, số còn laị phải chờ và thậm chí tử vong trước khi được phát hiện bệnh. Trong 100 trẻ được sinh ra sẽ có một trẻ đối mặt với căn bệnh này. Bệnh tim bẩm sinh chiếm đến 90% trong tổng số các bệnh tim mạch ở trẻ và trong đó có đến 50% trường hợp bệnh tim bẩm sinh không xác định được nguyên nhân. Các nguyên nhân còn lại dẫn đến những bất thường về cấu trúc tim và mạch máu lớn ngay khi trẻ được sinh ra thường do gen di truyền hoặc do môi trường (nhiễm virus, nhiễm khuẩn, hóa chất, tia xạ, tia X, di truyền và việc sử dụng các loại thuốc). Một số dị tật có thể đi kèm bệnh tim bẩm sinh là hội chứng Down, sứt môi – chẻ vòm, thiếu hoặc thừa ngón tay – ngón chân, tật đầu to, đầu nhỏ. Trong một số trường hợp, trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh không có biểu hiện gì, do dị tật không nặng, mà chỉ tình cờ được phát hiện khi khám sức khoẻ.

Khó khăn chồng chất khó khăn

Để có thể cứu sống các em, mọi phẫu thuật hoặc can thiệp đều được khuyến cáo thực hiện trong năm đầu đời với tỉ lệ thành công rất cao. Căn bệnh gây khó khăn cho nhiều gia đình, không chỉ bởi tình hình sức khỏe của trẻ, mà còn bởi khả năng tài chính của phụ huynh. Số tiền phẫu thuật dao động từ 3.000 – 5.000 USD không phải là một số tiền nhỏ với những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Chi phí phẫu thuật cao khi đó trở thành cản trở duy nhất cũng là lớn nhất để trẻ em Việt Nam có thể có một cuộc sống bình thường. Do đó, các gia đình thường buông xuôi và chỉ biết trông chờ vào những phép màu kỳ diệu. Ước mơ nhỏ nhoi giành lại cho em một cuộc sống bình thường, không phải chịu đau đớn khổ sở, lại càng xa tầm với.

Chung tay cùng mẹ cứu lấy con

Thực trạng đau lòng về căn bệnh cướp đi mạng sống của hàng trăm em mỗi ngày đánh lên một hồi chuông về mức độ nhận thức và hiểu biết về tim bẩm sinh liệu đã đủ phổ cập rộng rãi. Do đa số các bậc phụ huynh thường sẽ không có điều kiện tiếp xúc với những phương thức để tầm soát bệnh cho trẻ, để đến khi, những triệu chứng đã rõ ràng, hoặc bệnh chuyển nặng, việc phẫu thuật sẽ không có khả năng thành công cao như ban đầu nữa. Đáng trân trọng hơn, với sự ra đời và giúp đỡ của tổ chức Nhịp Tim Việt Nam, niềm hy vọng về một trái tim khoẻ mạnh của các bé lại được thắp lại. Quỹ đã hỗ trợ chi phí phẫu thuật cho các bé từ 3.000-5.000USD chỉ còn 1.200 USD (khoảng 26 triệu đồng). Hiện đang có rất nhiều tổ chức ủng hộ và kêu gọi gây quỹ để các em có đủ khả năng được phẫu thuật như “Vết sẹo cuộc đời” do Ngô Thanh Vân tổ chức và duy trì (đã đến mùa thứ 6) và đã cứu được hơn hàng ngàn em trong các năm qua. Tuy nhiên như vậy vẫn là chưa đủ với số lượng các em ngoài kia vẫn đang chờ phẫu thuật. Do đó, cần lắm những tấm lòng của những người mẹ đồng cảm, những gia đình đã và đang có các em bé khoẻ mạnh và các tổ chức, cá nhân cùng chung tay chia sẻ thông tin về căn bệnh này và cùng hỗ trợ chi phí phẫu thuật cho các em. Chiến dịch “Hành trình 10 bước chân” ra đời để kết nối mọi người lại với nhau, cùng nhau cứu lấy thế hệ tương lai không bị tim bẩm sinh. Chương trình dự kiến sẽ gây quỹ cứu lấy hơn 1.000 trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh và mở ra cơ hội cho rất nhiều em nhỏ nữa được phẫu thuật và sớm trở về với cuộc sống bình thường. Mỗi một sự đóng góp của bạn, dù ít dù nhiều, sẽ góp sức cho cơ hội giúp các em được phẫu thuật và đưa các em trở về với cuộc sống bình thường trở nên khả thi hơn. Hãy chung tay cùng mẹ cứu lấy bé. Vì “trái tim con hồi sinh – trái tim mẹ hạnh phúc”

“Hành trình 10 bước chân”

à chương trình kêu gọi cộng đồng cùng chung tay quyên góp cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh có cơ hội được phẫu thuật và trở lại với cuộc sống bình thường. Chương trình do sữa LiF  (gồm các thương hiệu sữa Kun, sữa LiF Bắp non, sữa tươi LiF Úc 100%...) phối hợp cùng Quỹ Nhịp Tim Việt Nam và dự án “Vết sẹo cuộc đời 6” (Ngô Thanh Vân) tổ chức. 100% số tiền gây quỹ sẽ được dùng để phẫu thuật trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh tại Việt Nam Tìm hiểu thông tin chi tiết về bệnh tim bẩm sinh và quyên góp cho các trẻ em bị căn bệnh này tại đây:

Nghi ca tử vong đầu tiên do sốt xuất huyết ở Đắk Lắk

Thông tin từ ngành Y tế Đắk Lắk, trên địa bàn vừa ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên trong năm 2016 nghi do sốt xuất huyết. Bệnh nhân là chị N, sinh năm 1976, trú thôn 3, xã Hòa Thuận, Tp. Buôn Ma Thuột, bắt đầu sốt từ ngày 25/6, đã điều trị tại cơ sở y tế tư nhân gần nhà. Sau 4 ngày điều trị, bệnh không thuyên giảm nên người nhà đưa chị đến BVĐK tỉnh trong tình trạng lơ mơ, nôn ói nhiều, thở yếu, tiêu tiểu không tự chủ. Đến trưa 30/6, bệnh nhân hôn mê rồi chết. Trung tâm YTDP Đắk Lắk đã gửi mẫu huyết thanh của chị N đến Viện VSDT Tây Nguyên xét nghiệm xác định nguyên nhân tử vong, hiện nghi do sốt xuất huyết . Bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, số ca mắc bệnh tăng mạnh. Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh ghi nhận 1.261 ca bệnh sốt xuất huyết, xét nghiệm thấy vi rút Dengue tuýp 1 và tuýp 4.   

Công an Nhân dân

500 cán bộ chiến sĩ Tổng cục An ninh hiến máu tình nguyện

Có gần 500 đoàn viên thanh niên và hội viên phụ nữ của Tổng cục An ninh (Bộ Công an) tham gia ngày hội hiến máu tình nguyện mang tên “Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại” do BCH Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ Tổng cục An ninh và Bệnh viện Việt Đức phối hợp tổ chức tại Hà Nội ngày 4-6. Tại buổi lễ phát động hiến máu tình nguyện hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng An ninh Nhân dân (12-7-1946 – 12-7-2016), Trung tướng Bùi Mậu Quân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh nhấn mạnh: Những năm gần đây, phong trào hiến máu của Tổng cục An ninh ngày càng thu hút đông đảo CBCS, nhất là CBCS trẻ tham gia. BCĐ hiến máu nhân đạo của Bộ Công an đã khen thưởng nhiều đồng chí: đồng chí Nguyễn Thị Phượng, Phó trưởng phòng 3 Cục A72 với 21 lần hiến máu, Trung úy Nguyễn Quốc Huy, cán bộ phòng 3 Cục A73 có 18 lần hiến máu, Trung úy Lê Thành Trung, cán bộ phòng 6 Cục A69 với 15 lần hiến máu, Trung úy Trương Tuấn Nam, cán bộ phòng 7 A 88 và Trung úy Trần Nhật Phong, cán bộ phòng 11 A69 đều có 9 lần hiến máu và cùng ở nhóm máu hiếm ORh+ … Đây là những nghĩa cử cao đẹp, thể hiện lòng nhân ái, bao dung, đồng thời là trách nhiệm của cộng đồng, đặc biệt là để cứu chữa đồng đội của chúng ta không may bị thương trong khi thi hành công vụ, tán công tội phạm nguy hiểm, hoặc bị tai nạn, mắc bệnh hiểm nghèo… Ngày hội hiến máu hôm nay của Tổng cục An ninh nhằm chung sức vì cộng đồng và góp phần giải quyết nhu cầu về máu trong các bệnh viện. GS.TS. Trần Bình Giang, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức đánh giá cao nghĩa cử nhân văn của CBCS Tổng cục An ninh trong việc góp phần giải quyết nhu cầu về máu đang thiếu trầm trọng tại Bệnh viện Việt Đức. Bởi, là Bệnh viện ngoại khoa tuyến cuối, nên hầu hết bệnh nhân vào Bệnh viện Việt Đức đều cần mổ xẻ, truyền máu, thậm chí cần truyền máu ồ ạt. Do đó, có máu để truyền là đòi hỏi cấp thiết để tránh cho bệnh nhân tử vong. Đây là lần đầu tiên hoạt động hiến máu tình nguyện do Tổng cục An ninh và Bệnh viện Việt Đức phối hợp tổ chức được làm qui mô, bài bản. Lãnh đạo Tổng cục An ninh và Bệnh viện Việt Đức đã thăm hỏi, tặng quà các CBCS hiến máu tình nguyện. Chỉ trong ngày 4-7, các đoàn viên thanh niên và hội viên phụ nữ Tổng cục An ninh đã hiến máu tình nguyện được hơn 400 đơn vị máu cho Bệnh viện Việt Đức.

Pháp luật TP.HCM

Báo chí gây mất cân bằng giới tính?

Đăng và phát thông tin có nội dung về phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn là hành vi bị nghiêm cấm. “Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) TP.HCM vừa có công văn gửi Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM. Nội dung đề nghị sở này rà soát, chấn chỉnh và yêu cầu các đơn vị báo chí trên địa bàn TP không đăng tải những nội dung liên quan đến lựa chọn giới tính khi sinh để tránh xảy ra thực trạng mất cân bằng giới tính” - bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ TP.HCM, cho biết.

Lựa chọn giới tính trên báo mạng

Mới đây, trên trang mạng của một tờ báo ở TP.HCM đăng tải bài “Bảy dấu hiệu nhận biết mang thai bé trai hay bé gái”. Nội dung hướng dẫn cách biết trai hay gái khi còn trong bụng mẹ bằng cách đo nhịp đập tim, thèm độ ngọt, nhìn làn da tay, cách ăn tỏi, tư thế nằm ngủ, làn da người mẹ, trọng lượng cơ thể. Tương tự, trên trang mạng của một tờ báo trung ương có trụ sở tại TP.HCM cũng đăng bài viết “Chế độ ăn có thể quyết định giới tính thai nhi”. Nội dung như sau: “Theo các nhà khoa học, ăn dưa chua trước khi có thai có thể làm tăng tỉ lệ mang thai bé trai. Các loại ngũ cốc nguyên hạt có chứa kali, loại khoáng chất có thể làm tăng tỉ lệ thụ thai bé trai. Trái cây vốn chứa nhiều kali, có tác dụng tương tự như ngũ cốc. Tăng mức tiêu thụ các loại trái cây như dưa đỏ và quả mơ có thể giúp bạn có khả năng thụ thai bé trai”.

Phạt 18 triệu đồng vì đăng thông tin cấm

Trên trang mạng của một số công ty kinh doanh cũng đăng tải nhiều thông tin liên quan lựa chọn giới tính khi sinh. Chẳng hạn một công ty xuất nhập khẩu trên địa bàn quận Phú Nhuận (TP.HCM) đã đăng tải bài viết “Quy trình thực hiện thụ tinh ống nghiệm lựa chọn giới tính tại BV quốc tế của Thái Lan”. Nội dung như sau: “Sau năm ngày nuôi cấy túi phôi, bệnh nhân sẽ được thông báo về kết quả phôi (giới tính và phôi bất thường). Sau khi kiểm tra niêm mạc đạt yêu cầu, bác sĩ sẽ chuyển phôi mang giới tính bệnh nhân mong muốn vào tử cung người mẹ”. Theo Điều 81 Nghị định 176/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì hành vi đăng, phát thông tin có nội dung về phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn bị phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng; hành vi xuất bản ấn phẩm có nội dung về phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn bị phạt tiền từ 10 triệu đến 15 triệu đồng… Nội dung các bài viết đăng tải nói trên vừa vi phạm chính sách về dân số, vừa không có tính xác thực và phản khoa học. “Đối với bài viết đăng tải trên website của công ty xuất nhập khẩu trên địa bàn quận Phú Nhuận, Chi cục DS-KHHGĐ TP.HCM đề nghị Thanh tra Sở Y tế TP.HCM xem xét và xử lý theo quy định pháp luật” - bà Lệ nói. Chiều 29-6, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết đã ra quyết định phạt Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Thái Việt (Công ty Thái Việt, 43D/19 Hồ Văn Huê, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM) 18 triệu đồng. Lý do đã đăng và phát thông tin có nội dung về phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn. Riêng tờ báo đăng bài viết “Bảy dấu hiệu nhận biết mang thai bé trai hay bé gái”, Chi cục DS-KHHGĐ TP.HCM đã gửi công văn đến ban biên tập và cơ quan chủ quản yêu cầu gỡ bỏ và không tuyên truyền lựa chọn giới tính khi sinh. “Đối với tờ báo trung ương đăng bài viết “Chế độ ăn có thể quyết định giới tính thai nhi”, Chi cục DS-KHHGĐ TP.HCM đã làm việc với ban biên tập và bài báo đã được gỡ bỏ. Tuy nhiên, nội dung bài viết đã được liên kết qua nhiều trang báo khác nên chi cục đề nghị Hội Nhà báo TP.HCM rà soát và chấn chỉnh”.

Đầu tư y tế cơ sở để giảm tải bệnh viện tuyến trên

“TP.HCM sẽ đầu tư nhân lực và trang thiết bị cho tuyến y tế cơ sở (BV quận/huyện và trạm y tế phường/xã/thị trấn) để đến năm 2018 sẽ giảm tải các BV tuyến trên”. Chiều 4-7, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh đã đưa ra thông tin trên tại buổi họp báo về công tác xây dựng cơ bản và nâng cao năng lực y tế cơ sở của ngành y tế TP.HCM. Ông Nguyễn Ngọc Duy, Trưởng phòng Kế hoạch-Tổng hợp Sở Y tế TP.HCM, cho biết Sở đã xin ý kiến của UBND TP về định hướng phát triển cho các bệnh viện (BV) quận/huyện theo ba nhóm. "Nhóm 1: Phát triển các BV nội thành (1, 3, 5, 6, 10, 11, Bình Thạnh, Phú Nhuận) thành BV đa khoa với thế mạnh là khám (50-100 phòng khám) và điều trị ngoại trú. Nhóm 2: Phát triển các BV huyện ngoại thành và BV quận ven nội thành (Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè, Củ Chi, Tân Phú, 4, 7, .8, 9, 12, Gò Vấp) thành BV đa khoa, đồng đều cả ngoại trú và nội trú với qui mô 300-500 giường. Nhóm 3: Phát triển các BV quận 2, Thủ Đức, Bình Thạnh thành BV đa khoa hoàn chỉnh, là cơ sở thực hành của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch” - ông Duy cho biết. Theo ông Duy, tùy theo đặc điểm của từng địa phương, các quận/huyện sẽ lựa chọn và đề xuất mô hình phát triển của BV. Sở Y tế TP.HCM sẽ hỗ trợ các BV quận/huyện để có thể phát triển ngày càng tốt hơn, đáp ứng được yêu cầu của nhân dân trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. “Riêng đối với các trạm y tế phường/xã/thị trấn, TP.HCM cũng sẽ triển khai mô hình phòng khám vệ tinh của BV quận/huyện tại trạm y tế. Mục đích là giúp người dân tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh của BV tuyến quận/huyện ngay tại trạm y tế. Một số quận đã triển khai mô hình này như BV quận Thủ Đức, BV quận 2 và tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới” - ông Duy nói.

Gần 50% BV không có đơn vị tiệt khuẩn tập trung đạt chuẩn

Nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) hay còn gọi là nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế là một trong những thách thức và mối quan tâm hàng đầu trên toàn thế giới. NKBV đã và đang là gánh nặng cho người bệnh, các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn cầu, đặc biệt ở các nước chậm phát triển và đang phát triển do làm tăng tỉ lệ mắc bệnh. Tại hội nghị triển khai kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám chữa bệnh giai đoạn 2016-2010 sáng 6-7, Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế cho rằng: "Một ca phẫu thuật có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào kiểm soát nhiễm khuẩn (KSNK). Chúng ta cần phải hiểu KSNK chính là nền tảng của khám chữa bệnh”. Tuy nhiên, thực tế hiện nay theo khảo sát tại hệ thống bệnh viện trên toàn quốc, vẫn có đến 46,5% BV không có đơn vị tiệt khuẩn tập trung đạt chuẩn, 39,7% BV không có đủ tối thiểu một buồng cách ly đúng quy định ở các khoa lâm sàng; 57,6% không sẵn sàng dung dịch vệ sinh tay tại nơi có nhiều người tiếp xúc. Hệ thống tổ chức KSNK tại các cơ sở KCB chưa hoàn thiện, nhân lực KSNK còn thiếu và yếu... Ngày nay, tình trạng xuất hiện nhiều bệnh nhiễm khuẩn mới nổi có tỉ lệ tử vong cao, có nguy cơ lây lan thành dịch, tái bùng phát trong cộng đồng, đặc biệt trong BV, đe dọa sự an toàn của NB, nhân viên y tế và cộng đồng như Mers–CoV, Ebola, sởi, dịch... Trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Y tế cùng với lãnh đạo các bệnh viện sẽ cùng thực hiện nhiệm vụ, hướng đến mục tiêu nâng cao năng lực kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám chữa bệnh, chữa bệnh nhằm tăng cường chất lượng khám bệnh, chữa bệnh với 6 mục tiêu cụ thể đến từng bệnh viện.

Thanh niên

Viêm não Nhật Bản vào đỉnh dịch, nguy cơ lây lan mạnh

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết viêm não do vi rút (trong đó có các ca viêm não Nhật Bản) có xu hướng tăng trong các tuần gần đây. Trong đó, viêm não Nhật Bản đang là thời kỳ đỉnh dịch, nguy cơ lây lan mạnh nếu không được tiêm chủng đầy đủ. Bệnh tập trung nhiều nhất ở các tỉnh đồng bằng và trung du miền Bắc, thường xuất hiện từ tháng 4 - 10. Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết trong 6 tháng đầu năm nay, các ca viêm não Nhật Bản đã ghi nhận tại các tỉnh thành: Hà Nội, Bắc Giang, Điện Biên, Sơn La, Hải Phòng, Thanh Hóa, Thái Bình, Lào Cai... Hằng năm, cả nước ghi nhận khoảng từ vài trăm đến 1.000 trường hợp mắc viêm não vi rút và khoảng 20% trong số này là viêm não Nhật Bản. Viêm não Nhật Bản thường gặp ở trẻ dưới 15 tuổi, tỷ lệ tử vong cao (có thể lên đến 10 - 20%), ngoài ra có thể gây các di chứng lâu dài ảnh hưởng phát triển thể chất và trí não. Dấu hiệu bệnh thường gặp: sốt cao đột ngột (39 - 400C) kèm đau đầu, buồn nôn và nôn, sau đó co giật, co cứng, liệt và có rối loạn về tinh thần (vật vã, mê sảng, li bì, lú lẫn, hôn mê).

Nữ sinh bị o­ng đốt phải nhập viện cấp cứu

Chiều 6.7, bác sĩ Hồ Bích Thủy - Trưởng khoa Cấp cứu hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long - cho biết sau hơn 20 giờ được tích cực chữa trị, bệnh nhân P.T.B.L (18 tuổi, ở xã Hòa Lộc, H.Tam Bình, Vĩnh Long) nhập viện bị sốc phản vệ do bị o­ng đốt được tiên lượng đã khá hơn. Hiện tại bệnh nhân tiếp tục được điều trị theo phác đồ, theo dõi sát hô hấp, huyết áp, tình trạng nước tiểu, truyền dịch…Trước đó, chiều tối 5.7, bệnh nhận L. được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa huyện Tam Bình vào bệnh viện tỉnh với tình trạng: tím các đầu chi, hồng ban sưng đỏ khắp người, mạch khó bắt, huyết áp thấp. Chẩn đoán của bác sĩ với bệnh nhân: sốc phản vệ do bị o­ng đốt. Các bác sĩ đã tiến hành điều trị tích cực. Người nhà bệnh nhân cho biết bệnh nhận L. vừa tham dự kỳ thi THPT quốc gia xong, khi trèo hái cóc trái ở vườn nhà ăn thì không may bị o­ng đốt (dân gian thường gọi là o­ng bần). Bệnh nhân chỉ bị một con o­ng và đốt chỉ một mũi bên mắt trái. “Do bệnh nhân có cơ địa quá nhạy cảm, đặc biệt là tiền sử bị dị ứng thức ăn nên bệnh nhân phản ứng quá nhanh, quá mạnh với sốc, nên chỉ với một mũi o­ng đốt là phản ứng tức thì”, bác sĩ Hồ Bích Thủy cho hay.

Hoại tử môi sau khi tiêm chất làm đầy ở spa

Chiều 6.7, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết đã yêu cầu Phòng Y tế Q.Hoàn Kiếm phối hợp cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ việc chị Nguyễn Thị Hà (23 tuổi, quê Quảng Ninh, sống ở Hà Nội) bị hoại tử môi sau khi làm đẹp tại một spa ở ngõ Vạn Kiếp, Q.Hoàn Kiếm. Cuối tháng 4 vừa qua, chị Hà được tiêm chất làm đầy (filler) vào môi dưới, tại cơ sở này. Thời gian đầu, chị Hà ưng ý vì được tạo hình môi đẹp; nhưng những ngày gần đây môi bị biến chứng như nứt, chảy dịch, sưng tấy khiến chị phải nhập viện. Theo thông tin từ Khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba, chị Hà nhập viện cuối tuần qua trong tình trạng sốt, môi dưới sưng tấy, hoại tử một phần. Các bác sĩ đã điều trị kháng sinh, trích rạch môi lấy ra nhiều mủ đặc lẫn chất làm đầy. Phần môi của bệnh nhân đã bị hoại tử nếu không đáp ứng điều trị thuốc, tình trạng hoại tử sẽ lan rộng có nguy cơ phải cắt môi dưới. Bà Trần Thị Nhị Hà, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y tư nhân (Sở Y tế Hà Nội) cho biết cơ sở spa chỉ được thực hiện các dịch vụ chăm sóc da thông thường. Với dịch vụ tiêm filler, phải được thực hiện tại cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ được cấp phép; người thực hiện kỹ thuật tiêm filler phải có chứng chỉ hành nghề đúng chuyên môn.

'Dân chơi' thuốc lá điện tử

Hút không hết gửi lại hôm sau hút tiếp

Theo ghi nhận của chúng tôi ở một quán cà phê trên đường Cù Lao (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), có hàng chục lượt người trẻ từ 12 - 16 tuổi liên tục ra vào quán này mua thuốc lá điện tử và hút ngay tại chỗ. Mỗi khi có khách, bà chủ quán đon đả đến quầy lấy ra một cây vape (dụng cụ dùng để hút thuốc lá điện tử) rồi nhỏ vào vài giọt chất lỏng trong suốt lấy từ một chai thủy tinh, đưa cho khách hút.  Theo chủ quán, loại tinh dầu này để tạo khói thơm với đủ loại hương cam, dâu, nho… Khi hút chỉ cần nhỏ vài giọt tinh dầu vào vape rồi ngậm rít thì khói trắng sẽ cuộn vào cổ họng. “Cái này người ta gọi là thuốc lá điện tử. Mình mua tinh dầu về bán lẻ lại cho mấy đứa nhỏ. Nếu hút loại tinh dầu của Mỹ có chứa nicotine với đủ loại hương thì giá 200.000 đồng, loại trong suốt không mùi vị thì 150.000 đồng/lần hút cho khoảng 3 đứa. Trước đây chị bán shisha nhưng nay thấy mấy đứa nhỏ thích loại này nên chuyển qua bán tinh dầu để hút vape. Chỗ quen nên nếu tụi nhỏ không hút hết thì gửi lại bữa sau tới hút tiếp”, bà chủ quán cho biết. Chúng tôi ngỏ ý muốn hút thử thì bà chủ quay sang nói với cô gái chừng 15 tuổi: “Đi pha tinh dầu cho chú”. Cô gái nhanh chóng đến quầy lấy ra một chai tinh dầu bóng loáng, trong suốt bằng nắm tay và chiết chừng 4 - 5 giọt vào vape rồi hướng dẫn: “Chú vừa ngậm vô miệng vừa bấm nút màu đỏ ở thân vape rồi hít thật mạnh vào”. Chúng tôi ngậm nhưng không dám hít hết hơi vì sợ bị sặc nhưng tinh dầu thấm ở đầu lưỡi the the, một luồng khói chạy thẳng vào lồng ngực. Lúc thở ra thì khói bay mù mịt, trắng xóa. Chừng 30 giây sau thì đầu óc choáng váng, đứng không nổi. Thấy vậy, bà chủ quán nói: “Ban đầu sẽ thấy lâng lâng, nhức đầu và có cảm giác muốn ói. Hôm bữa chị “kéo” 3 hơi đầu óc xoay mòng mòng rồi nằm bẹp trên ghế. Đặc biệt, loại có chứa nicotine, khi hút thì lượng khói nạp vào người rất nhiều nên mấy đứa nhỏ thường bị sặc, xây xẩm mặt mày”.

“Giờ em ghiền khói này lắm”

Ngày 3.7, theo chân một “dân chơi” thuốc lá điện tử tên A. (24 tuổi, ngụ Q.8), đường Phan Đình Phùng (Q.Phú Nhuận) để mục sở thị thú vui lạ lùng của giới trẻ. Vừa mở cửa bước vào quán, đập vào mắt chúng tôi là hàng chục khách trẻ vừa ngậm vape vừa lắc lư theo điệu nhạc. Không gian nhỏ hẹp của quán ngập ngụa khói thuốc. Vừa ngồi xuống bàn, A. lấy trong túi ra một vape cùng chai tinh dầu màu vàng óng nói: “Cái này em mới mua 2 triệu đồng. Hút bao phê luôn”. A. mở nắp vape rồi nhỏ từng giọt tinh dầu vào, đậy nắp lại rồi vừa bấm nút vape vừa rít từng hơi thật sâu, nhả khói bay mù mịt. Đi cùng chúng tôi còn có hai người bạn của A., cũng cầm vape liên tục rít thuốc, rồi ngửa mặt nhả khói khiến không gian chật chội của quán V.C càng thêm ngột ngạt. A. nói: “Em chơi cái này được 6 tháng rồi. Hồi trước em không biết thuốc lá là gì nhưng khi thấy đứa bạn chơi cái này là lạ nên chơi thử. Bây giờ em ghiền khói này lắm, ngày nào cũng phải “bú” liên tục”. Theo lời A., nếu đã “lậm” vào khói thuốc điện tử thì rất tốn kém vì người chơi luôn có nhu cầu “nâng cấp” đồ nghề cũng như lên “đô” theo thời gian. Ban đầu, người chơi chỉ mua những loại vape thông thường có giá chừng vài trăm ngàn đồng, nhưng càng chơi lâu thì càng muốn sử dụng vape xịn có giá từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng/cái. Và “tín đồ” của thuốc lá điện tử sẽ không ngừng bỏ tiền để “đầu tư”, vừa thể hiện đẳng cấp vừa được cho là hút “phê” hơn so với loại vape, tinh dầu thông thường. “Ban đầu mình có thể hút loại tinh dầu tẩm nicotine nhẹ nhưng sẽ tăng “đô” dần dần. Vì nếu chỉ “giậm chân tại chỗ” thì cảm giác miệng sẽ nhạt và không thấy hứng thú nữa”, A. nói. Trong quán V.C có bán đủ loại vape, tinh dầu với nhiều hương thơm khác nhau để phục vụ “thượng đế”. Trong đó, loại tinh dầu có chứa nicotine rất được giới trẻ ưa chuộng. Theo các dân chơi thuốc lá điện tử, ở TP.HCM còn có rất nhiều tụ điểm chuyên phục vụ giới trẻ mê khói thuốc điện tử.

'Luật rừng' của bảo vệ bệnh viện

Không ai được phép buộc bệnh nhân vào, ra bệnh viện phải sử dụng phương tiện này hay phương tiện khác hoặc phải chi thêm tiền. Nhưng thực tế nhức nhối tại nhiều bệnh viện ở Hà Nội cho thấy đang tồn tại một mảng tối đáng sợ xung quanh dịch vụ này. Tại Bệnh viện (BV) Việt Đức, dù có biển đề rõ “không thu tiền các xe vào sân phòng khám để đưa, đón người bệnh sau đó ra ngay...” nhưng theo phản ánh của một số người làm dịch vụ vận chuyển bệnh nhân, việc thu phí vẫn diễn ra bình thường. Chị Ng., một trong những người làm dịch vụ đưa đón bệnh nhân và người nhà đi các tỉnh cho biết, khu vực cổng chính BV Việt Đức có trên dưới 10 người làm dịch vụ này với giá trung bình 10.000 đồng/ km. “Đã thành lệ từ lâu rồi. Biển treo cho có vậy thôi chứ mỗi ô tô đến đón bệnh nhân ra khỏi BV đều phải nộp cho tổ bảo vệ ít nhất 20.000 đồng/lượt”, chị Ng. nói. Chiều hôm qua, đại diện BV Nhi T.Ư và công ty bảo vệ đã đến Nghệ An thắp hương cho bệnh nhi và xin lỗi gia đình về việc bảo vệ chặn xe chở người bệnh đang hấp hối về nhà.

Trung tâm cấp cứu “không dám chở bệnh nhân”

Khảo sát về việc cần chở bệnh nhân từ một số BV lớn tại Hà Nội như BV Bạch Mai, BV Quân y 103, Viện Bỏng quốc gia... về quê thì đều nhận được câu từ chối là “không” từ các trung tâm cấp cứu 115 Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Nam... cùng lời giải thích: “Không phải chúng tôi không muốn chở mà là không dám chở”. Theo giải thích của người điều hành vận chuyển cấp cứu 115 của một tỉnh miền Trung, một số BV tại Hà Nội từ lâu đã được liệt vào “danh sách đen” của đơn vị này bởi không thể nào đón được khách tại những nơi này. Đội trưởng Đội vận chuyển cấp cứu Trung tâm 115 Thái Bình, cho biết tại BV Bạch Mai, xe của đơn vị này luôn bị bảo vệ chặn ở cổng. “Nhiều khách quen của chúng tôi phải bắt taxi đi qua cổng, xuống mạn cầu vượt thì mới đưa lên xe cứu thương. Tuy nhiên, đó chỉ là những trường hợp người bệnh nhẹ, còn người bệnh nặng chúng tôi cũng đành bó tay”, ông Nam nói. Tình trạng “không dám đón khách” cũng xảy ra tương tự với Trung tâm 115 Thái Bình tại Viện Bỏng quốc gia, BV Quân y 103. “Chỉ cần xe chúng tôi vừa đỗ trước cổng BV đã có người gõ kính hỏi “vào đây làm gì?”. Nếu thấy chúng tôi đón người ở đó về thì lập tức đội xăm trổ sẵn sàng lao vào hành hung, đập vỡ kính”, ông Nam kể. Anh Bùi Văn Khương, một tài xế xe cứu thương tư nhân ở Nghệ An, kể tại Viện Bỏng quốc gia và BV Bạch Mai, khi xe cứu thương vào thì bảo vệ yêu cầu mở cửa xe để kiểm tra, không có bệnh nhân thì lập tức bị đuổi ra. Thậm chí xe có bệnh nhân đi vào cũng chỉ được dừng khoảng 5 - 10 phút rồi bị đuổi ra, mặc cho gia đình bệnh nhân đề nghị y tá trên xe cấp cứu hỗ trợ. “Là vì họ sợ chúng tôi đón mất khách của hãng xe cứu thương trong BV. Chúng tôi chở bệnh nhân từ Nghệ An ra giá là 3,7 triệu đồng, gồm cả dịch vụ, chiều về chúng tôi chỉ lấy 1,5 - 2 triệu đồng, còn xe cứu thương tại BV chở giá 6 - 7 triệu đồng. Người bệnh muốn chúng tôi chở nhưng không thể được vì có đội bảo kê này ở đây”.

“Trấn lột” cả xe cứu thương

Trong vai người nhà bệnh nhân đặt xe cứu thương chở bệnh nhân từ BV Việt Đức về TP.Hải Dương, PV Thanh Niên được đường dây nóng có số điện thoại 09365001... và số 038681... cho biết, mức giá là 1,2 triệu đồng đã bao gồm phí ra cửa BV 20.000 đồng nộp cho bảo vệ. Để kiểm chứng thêm, PV tiếp tục trong vai người nhà bệnh nhân thuê xe cứu thương chở bệnh nhân từ BV Việt Đức đi tỉnh thì được tài xế xe cứu thương của tỉnh Cao Bằng, Phú Thọ, Bắc Ninh... xác nhận đều phải trả mức phí 20.000 đồng cho bảo vệ. Lý do thu thế nào không ai rõ, chỉ biết việc này đã thành lệ như vậy. Theo phản ánh của một số đơn vị vận chuyển cấp cứu khác, tại BV Việt Đức, dù không bị gây khó dễ trong việc vào đón bệnh nhân nhưng họ phải thông qua “cò” là một số đối tượng xã hội trong khu vực này thì mới được chở người bệnh. “Bệnh nhân gọi chúng tôi đến đón thì lập tức có người ra nhận là đã theo trường hợp này từ sáng sớm rồi nên muốn đón là phải mất tiền cho họ. Chẳng hạn khi chúng tôi vận chuyển người bệnh từ Thái Bình lên đây là 1,7 triệu đồng, để tận dụng chiều về chúng tôi chỉ lấy 800.000 - 1 triệu đồng nhưng “cò” vẫn buộc gia đình bệnh nhân trả 1,7 triệu đồng, khoản chênh là nộp cho “cò”. Nếu chúng tôi phản đối thì bị đe dọa hành hung, đập vỡ kính”, một lái xe cứu thương ở Thái Bình cho biết. Trả lời Thanh Niên, một phó giám đốc của BV Việt Đức thừa nhận BV có ký hợp đồng với một đơn vị đã được cấp phép hoạt động trong vận chuyển bệnh nhân bằng xe cứu thương và vẫn còn tình trạng “cò” xe trà trộn vào BV, tiếp cận người có nhu cầu thuê xe với giá rẻ hơn. Trên thực tế, ngày 2.3 vừa qua, anh Lê Văn Dũng (22 tuổi, tài xế của một hãng xe cấp cứu tư nhân ở TP.Hà Nội) vừa điều khiển xe vào Viện Bỏng quốc gia đón bệnh nhân ra viện thì bị hai người chặn xe. Họ lôi anh Dũng ra khỏi xe và đấm đá túi bụi, đến khi anh Dũng ngất xỉu họ mới bỏ đi. Công an Q.Hà Đông tiếp nhận điều tra nhưng đến nay vẫn chưa làm rõ được hung thủ.

Bỏ ngay các “quy định nội bộ”

Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), nói: “Các BV phải nghiêm túc thực hiện yêu cầu của Bộ Y tế, bỏ ngay các quy định nội bộ về hạn chế việc lựa chọn dịch vụ vận chuyển người bệnh, tạo độc quyền về dịch vụ này. Giám đốc BV phải chịu trách nhiệm trực tiếp về các hoạt động chuyên môn, dịch vụ phục vụ người bệnh chứ không thể đổ lỗi hoàn toàn cho đơn vị khai thác trong trường hợp để xảy ra các sự cố. Không bỗng nhiên mà bảo vệ BV được đứng ra thu tiền, quát nạt như vậy”. Nhìn lại vụ việc mới đây tại BV Nhi T.Ư khiến dư luận bức xúc, luật sư Phạm Văn Phất (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) nhấn mạnh BV không có quyền ràng buộc, hạn chế người bệnh. “Việc bảo vệ BV không cho bệnh nhân sử dụng xe cấp cứu bên ngoài là phân biệt đối xử, hạn chế quyền của công dân. Chưa kể một số nơi đặt ra các loại phí không có trong quy định, thu phí không có hóa đơn là đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng”, luật sư Phất nói. Theo ông, để xảy ra tình trạng này có trách nhiệm rất lớn của lãnh đạo các BV, họ đã buông lỏng trong quản lý và có cách nhìn nhận sai lệch. “Họ coi tài sản nhà nước, coi BV do mình quản lý (vốn từ tiền thuế người dân) như một lãnh địa riêng của họ. Họ tạo ra những đặc quyền cho đối tượng khác, thể hiện dấu hiệu của lợi ích nhóm”, ông Phất bày tỏ.

Sức khỏe & Đời sồng

Siết chặt kinh doanh thuốc lá điện tử

Đại diện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, sắp tới, việc nhập khẩu, kinh doanh thuốc lá điện tử sẽ được siết chặt hơn nữa. Gần đây, thuốc lá điện tử hay còn gọi xuất hiện nhiều trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhưng mặt hàng này chủ yếu vào Việt Nam qua đường xách tay, chưa được kiểm định về chất lượng, mức độ an toàn. Trong khi đó, theo quy định của Bộ Công Thương, việc nhập khẩu mặt hàng thuốc lá điện tử được quản lý như đối với mặt hàng thuốc lá nhập khẩu. Thuốc lá điện tử chỉ được phép nhập khẩu vào Việt Nam qua các cửa khẩu quốc tế. Ngoài ra, thuốc lá điện tử trước khi nhập khẩu phải được thẩm định qua cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; đăng ký bảo hộ quyền sử dụng nhãn hiệu hàng hóa tại Việt Nam; được dán tem thuốc lá nhập khẩu theo quy định; tuân thủ các quy định hiện hành về công bố hợp chuẩn, hợp quy… Bộ Công Thương cho biết, thuốc lá điện tử chỉ được phép nhập khẩu vào Việt Nam qua các cửa khẩu quốc tế. Đại diện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, sắp tới, việc nhập khẩu, kinh doanh thuốc lá điện tử sẽ được siết chặt hơn nữa.

Trang thiết bị y tế có mức độ rủi ro cao sẽ phải thử nghiệm lâm sàng

Trong quá trình lưu hành, trang thiết bị vi phạm các quy định về chất lượng, gây sự cố với sức khỏe con người sẽ bị rút số đăng ký lưu hành. Lần đầu tiên sẽ thực hiện cấp số đăng ký lưu hành đối với trang thiết bị y tế có hiệu lực trong 5 năm. Quy định này được thể hiên tại Nghị định số 36/2016/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7. Liên quan đến vấn đề này, đại diện Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) cho biết, với quy định này, trong quá trình lưu hành, trang thiết bị y tế nào vi phạm các quy định về chất lượng, gây sự cố với sức khỏe con người sẽ bị rút số đăng ký lưu hành. Cũng theo Nghị định này, trang thiết bị y tế sẽ được phân loại quản lý theo mức độ rủi ro thay vì phân loại theo nhóm kỹ thuật như trước đây với 4 mức A, B, C và D. Cụ thể, nhóm 1 gồm trang thiết bị y tế thuộc loại A là những thiết bị có mức độ gây rủi ro thấp nhất, đơn vị sở hữu sẽ công bố chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật và tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm (như: Bông, băng, giường điều trị thông thường…). Nhóm 2 (gồm trang thiết bị y tế thuộc loại B, C và D), trong đó loại B là trang thiết bị y tế có mức độ rủi ro trung bình thấp; trang thiết bị y tế thuộc loại C có mức độ rủi ro trung bình cao và loại D có mức độ rủi ro cao (như: Trang thiết bị cấy ghép vào cơ thể người). Với các trang thiết bị loại C và D sẽ phải qua giai đoạn thử nghiệm lâm sàng (trên người) về tính an toàn trước khi được đưa vào sử dụng chính thức. Theo Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, các quy định trên nhằm bảo đảm việc chịu trách nhiệm về chất lượng trang thiết bị y tế lưu hành, ngăn chặn thiết bị nhập lậu, không rõ nguồn gốc, giảm thiểu thấp nhất rủi ro cho người bệnh. Ngoài ra, Bộ Y tế, các tỉnh, thành sẽ phải công bố công khai trên website về giá trúng thầu các trang thiết bị y tế để các đơn vị tham khảo khi xây dựng kế hoạch, phê duyệt giá thầu, trúng thầu, nhằm giảm bớt tình trạng mua bán lòng vòng qua nhiều khâu khiến giá thiết bị tăng cao bất hợp lý. Nghị định này cũng nêu rõ tổ chức, cá nhân thực hiện việc xuất khẩu, nhập khẩu trang thiết bị y tế phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về xuất khẩu, nhập khẩu và phải chịu trách nhiệm bảo đảm chất lượng của trang thiết bị y tế mà mình xuất khẩu, nhập khẩu. Trang thiết bị y tế đã có số lưu hành tại Việt Nam được xuất khẩu, nhập khẩu theo nhu cầu, không hạn chế số lượng và không phải qua Bộ Y tế phê duyệt. Việc nhập khẩu trang thiết bị y tế đã qua sử dụng, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập hoặc chuyển khẩu, quá cảnh trang thiết bị y tế thực hiện theo quy định của pháp luật. Nghị định cũng quy định rõ các trường hợp trang thiết bị y tế phải có giấy phép nhập khẩu, đó là chưa có số lưu hành nhập khẩu để nghiên cứu khoa học hoặc kiểm nghiệm hoặc hướng dẫn sử dụng, sửa chữa trang thiết bị y tế; chưa có số lưu hành nhập khẩu để phục vụ mục đích viện trợ hoặc sử dụng cho mục đích chữa bệnh cá nhân. Bộ trưởng Bộ Y tế chịu trách nhiệm cấp mới, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với trang thiết bị y tế. Thủ tục cấp mới, cấp lại và thu hồi giấy chứng nhận lưu hành tự do theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do./  Việc cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do chỉ áp dụng đối với trang thiết bị y tế xuất khẩu theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Bệnh viện Đa khoa Sơn La trở thành bệnh viện vệ tinh Bệnh viện Bạch Mai

Sáng nay, ngày 22/6, Đoàn công tác của Bệnh viện Bạch Mai đã có buổi khảo sát và ký kết tham gia Đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2016-2020 đối với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La. Dự buổi làm việc có  đồng chí: Phạm Văn Thủy Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Sở y tế Sơn La. Sau khi tiến hành khảo sát, thăm quan trực tiếp tại các khoa điều trị, Đoàn công tác của Bệnh viện Bạch Mai đã chỉ ra một số bất hợp lý trong việc sắp xếp, bố trí các khoa điều trị; những hạn chế, khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất cũng như máy móc, thiết bị lảm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ. Trên cơ sở đó, Đoàn công tác đề nghị UBND tỉnh, Sở Y tế sớm khắc phục những hạn chế này, nhằm đáp ứng tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Cảm ơn sự quan tâm của Bệnh viện Bạch Mai đối với sự nghiệp y tế của tỉnh, đồng chí Phạm Văn Thủy, mong muốn, trong thời gian tới, tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ giúp đỡ về chuyên môn từ các bác sĩ của BV Bạch Mai và đề nghị Sở Y tế cũng như BV Đa khoa tỉnh cần có đề xuất cụ thể trong việc đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực để UBND tỉnh xem xét, bố trí nguồn vốn nhằm đáp ứng tốt nhất các yêu cầu, điều kiện cần thiết để BV Đa khoa tỉnh trở thành BV vệ tinh của BV Bạch Mai, vì mục tiêu chăm sóc sức khỏe cho người dân. Theo Quyết định số 1303 ngày 8/4/2016 của Bộ Y tế về việc “Phê duyệt bổ sung chuyên khoa ưu tiên, danh sách bệnh viện tham gia Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2016-2020, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La được lựa chọn trở thành một trong 23 bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Bạch Mai với mục tiêu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại địa phương. Theo thỏa thuận Bệnh viện Bạch Mai có trách nhiệm khảo sát đánh giá, xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ chuyên môn các chuyên ngành: Thần kinh, nội tiết, huyết học, hồi sức cấp cứu, chống độc và một số chuyên khoa phụ trợ cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh; tư vấn, hỗ trợ về chuyên môn cho bệnh viện Đa khoa tỉnh trong các hoạt động y tế từ nguồn vốn khác giúp triển khai hiệu quả Đề án…

Hợp tác công – tư trong lĩnh vực y tế ở Quảng Ninh: Chất lượng cần đi đôi với quyền lợi

UBND tỉnh Quảng Ninh vừa công bố quyết định chuyển giao quyền quản lý, vận hành và đầu tư BVĐK Cẩm Phả cho Công ty CP Đầu tư PT công nghiệp TTP. Theo đó, đây là BV đầu tiên của Quảng Ninh nói riêng và của cả nước nói chung vận hành theo hình thức đầu tư tư, quản lý tư và cung cấp dịch vụ y tế công. Việc chuyển giao quyền quản lý Nhà nước sang doanh nghiệp đối với BVĐK Cẩm Phả sẽ có tác động như thế nào đối với người bệnh cũng như cán bộ nhân viên BV – đó là những băn khoăn cần được giải đáp.

BVĐK huyện Sa Pa: Phẫu thuật thành công cho bệnh nhân bị đâm thấu ngực

BVĐK Sa Pa đã cấp cứu thành công bệnh nhân Thào Seo Dín, thường trú tại xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng do vết thương đâm thấu ngực. Bệnh nhân Thào Seo Dín được Bệnh viện Đa khoa huyện Sa Pa tiếp nhận ngày 26/6 trong tình trạng khó thở, vết thương ngực hở 5,3 cm, bên trái đứt ngang các sụn sườn số 7,8,9 do vật nhọn đâm. Xác định bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch, nên được đưa ngay vào phòng mổ, thực hiện đồng thời hồi sức và mổ cấp cứu. Kíp phẫu thuật do bác sỹ chuyên khoa I Phạm Lê Trung, Trưởng khoa Ngoại phụ trách nhanh chóng phối hợp thực hiện. Khi mở ổ bụng, các bác sĩ phát hiện vết thương lớn đâm xuyên từ lồng ngực trái vào khoang màng phổi, xuyên qua cơ hoành, làm rách mạch nối lớn gây chảy máu và xuyên vào dạ dày qua bờ cong lớn. Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân bị mất máu nhiều, nên cán bộ của bệnh viện đã trực tiếp truyền máu cho bệnh nhân, đảm bảo cấp cứu an toàn cho ca phẫu thuật. Sau hơn 2 giờ căng thẳng giành sự sống cho bệnh nhân, ca mổ kết thúc thành công. Bệnh nhân đã được cấp cứu khâu lại vết thương dạ dày, cầm máu mạch treo, hạ các tạng chui vào khoang màng phổi, khâu phục hồi cơ hoành và thành ngực… Đến nay, Thào Seo Dín đã ổn định, tự ngồi dậy, ăn uống và vận động nhẹ nhàng. Được biết, ở Bệnh viện Đa khoa huyện Sa Pa dù chỉ có một kỹ thuật viên duy nhất, nhưng đã tiến hành phẫu thuật an toàn cho nhiều trường hợp nặng có nguy cơ tử vong như shoock mất máu do chửa ngoài tử cung vỡ, phẫu thuật các vết thương gan, vết thương mạch máu…

Uống nước lá cây rừng, 1 người tử vong, 4 người nhập viện

Do uống nước được đun từ cây rừng nên một gia đình ở xã Đông Cuông (Văn Yên,Yên Bái) phải nhập viện, trong đó một người đã tử vong. Theo thông tin mà phóng viên Pháp luật Plus nhận được, vào chiều qua 7/7, gia đình ông Nông Văn Thượng (sinh năm 1957, ở thôn Khe Chàm, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) có đun nước cây rừng để uống. Đến 16h cùng ngày, ông Thượng cùng vợ, các con và cháu là anh Nông Văn Giang (sinh năm 1987), chị Vũ Thị Oanh (sinh năm 1988), cháu nội là Nông Văn Khánh (sinh năm 2012) có biểu hiện bị ngộ độc. Cả gia đình ông Thượng đã được hàng xóm và họ hàng đưa đi cấp cứu. Mặc dù đã được các y bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng ông Thượng đã không qua khỏi. Các thành viên khác hiện đang được điều trị tại BV huyện Văn Yên, đang dần ổn định sức khỏe. Hàng xóm của gia đình ông Thượng là anh Nguyễn Thanh Dương có sang uống nước cây rừng cũng đã được đưa đi cấp cứu, đến nay đã ổn định sức khỏe và ra viện. Hiện đơn vị đã cử đoàn công tác đến xã Đông Cuông tìm hiểu nguyên nhân gây ra ngộ độc, đồng thời hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân. Được biết, chính quyền địa phương và nhân dân trong xã Đông Cuông, huyện Văn Yên cũng đang tích cực giúp đỡ gia đình bị nạn lo hậu sự.

Phẫu thuật khối u môi dưới cho bé 7 tháng tuổi

BV Nhi Trung ương vừa phẫu thuật thành công cho một bé trai 7 tháng tuổi bị khối u dị dạng mạch máu ở môi dưới bằng phương pháp dùng vạt môi phía đối diện để che phủ tổn thương. Bệnh nhi là cháu N.Q.N. (7 tháng tuổi, ở Vĩnh Phúc). Gia đình cho biết, sau sinh trẻ được gia đình phát hiện có khối u màu tím sẫm tại vùng môi dưới bên phải. Khối u này có xu hướng to dần lên, không những làm mất thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng chức năng khi trẻ bú, Gia đình đã đưa cháu đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương và được chẩn đoán theo dõi tổn thương u máu. Tuy nhiên, sau 2 tháng điều trị thuốc, khối u không những không thuyên giảm mà còn tiếp tục phát triển to hơn. BV Nhi Trung ương cho biết, bệnh nhân đã được hội chẩn và xác định đây là dạng tổn thương u dị dạng mạch ở vùng môi dưới (vascular malformations). Do khối u đã phát triển tới 3/5 chiều dài môi dưới nên bệnh nhi được chỉ định phẫu thuật cắt khối u vào ngày 15/6. Khó khăn lớn nhất trong ca phẫu thuật cắt hoàn toàn khối dị dạng mạch lớn này trên trẻ nhỏ đó là việc phục hồi lại về giải phẫu cũng như chức năng của môi. Sau khi thảo luận với gia đình, phẫu thuật viên quyết định cắt hoàn toàn khối dị dạng và dùng vạt môi phía đối diện để trượt che phủ tổn thương sau khi cắt bỏ. Sau mổ, môi dưới của cháu đã được phục hồi về gần như bình thường. Bệnh nhi đã được ra viện sau 2 ngày phẫu thuật và hiện sức khỏe hổi phục tốt, chức năng môi trở lại gần như bình thường.

An ninh thủ đô

Viêm não, sốt xuất huyết đe dọa trẻ nhỏ

Thời điểm này tại miền Bắc, dịch viêm não, viêm màng não đang bước vào mùa cao điểm. Cùng lúc, nhiều dịch bệnh truyền nhiễm khác như sốt xuất huyết, đau mắt đỏ cũng bắt đầu gia tăng. Đáng chú ý, do nhận thức của người dân chưa đầy đủ, cùng một số thông tin thiếu chính xác liên quan đến dịch bệnh lan truyền trên mạng xã hội đã tạo ra tâm lý hoang mang trong cộng đồng.

Bác bỏ thông tin ăn quả vải bị viêm não

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin ăn quả vải dễ bị mắc bệnh viêm não Nhật Bản khiến người dân hoang mang, thậm chí một số người không dám mua quả vải về ăn. Trước thông tin này, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khẳng định, không có chuyện “ăn quả vải dễ mắc bệnh viêm não”. Sở dĩ có tin đồn này vì vào mùa vải, tức tháng 6-7 hàng năm cũng trùng vào tháng cao điểm của bệnh viêm não Nhật Bản ở miền Bắc, với số mắc tăng mạnh và nguy cơ bùng phát dịch lớn, hơn nữa bệnh này lại thường gặp nhiều nhất ở các tỉnh đồng bằng và trung du miền Bắc. Sở Y tế Hà Nội cũng vừa thông báo đã ghi nhận nhiều trường hợp mắc bệnh viêm não Nhật Bản tại các bệnh viện của thành phố. Đáng chú ý, số bệnh nhân tăng nhanh chỉ trong một thời gian ngắn. Bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng Khoa truyền nhiễm - Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, thời điểm cuối mùa hè, đầu mùa thu trẻ rất dễ mắc bệnh này nên phụ huynh cần nâng cao cảnh giác, chú ý phòng bệnh cho trẻ. Trẻ bị viêm não Nhật Bản dễ bị di chứng rất nặng cả về sức khỏe tâm thần và vận động. Trẻ có thể phải nằm một chỗ cả đời, thậm chí tử vong. PGS. TS Phạm Nhật An, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết thêm, các bệnh viêm não nói chung chủ yếu xảy ra ở trẻ 2-8 tuổi. Hiện đã có vaccine phòng bệnh viêm não Nhật Bản trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Vào mùa cao điểm của dịch bệnh như thời điểm này, nếu thấy trẻ có dấu hiệu sốt cao, đau đầu nhiều, nôn vọt, cần nghĩ ngay tới bệnh viêm não và nên đưa đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời.

Sốt xuất huyết sắp “vào mùa”

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, 6 tháng đầu năm nay, thành phố ghi nhận 419 trường hợp sốt xuất huyết, tăng 1,8 lần so với cùng kỳ năm 2015. Đáng chú ý, các trường hợp mắc chủ yếu tập trung ở 11 tuần đầu năm và bắt đầu tăng nhanh trở lại trong vài tuần gần đây, trùng với thời điểm Hà Nội bắt đầu xuất hiện một số cơn mưa. Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, thời tiết ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc hiện nay đang trải qua những ngày nắng nóng, lại có những trận mưa đan xen. Đây là điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh phát triển, đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết. Mặt khác, thời tiết thay đổi thất thường, mưa nhiều, độ ẩm cao cũng là điều kiện thuận lợi cho các bệnh đường hô hấp và bệnh truyền nhiễm như đau mắt đỏ... phát triển. Ông Hoàng Đức Hạnh cho biết, nhằm chủ động ngăn chặn, không để sốt xuất huyết bùng phát trong mùa mưa này và những tháng cuối năm nay, Sở Y tế Hà Nội đã ban hành kế hoạch phun hóa chất, vệ sinh môi trường diệt muỗi và bọ gậy trên địa bàn. Theo đó, Hà Nội sẽ tổ chức 2 đợt cao điểm phun hóa chất diện rộng, tổng vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố, đợt 1 từ tháng 7-8, đợt 2 từ tháng 10-11 tới. Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội sẽ lựa chọn những xã, phường có nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh để tổ chức chiến dịch phun hóa chất… Về biện pháp phát hiện sớm và điều trị kịp thời, hạn chế tử vong do sốt xuất huyết, PGS.TS. Phạm Nhật An cho biết, bệnh sốt xuất huyết thường có biểu hiện: sốt rất đột ngột, bệnh nhân có biểu hiện đau mỏi, người lớn đau đầu, đau sau hốc mắt, trẻ em quấy, ngoài ra còn đau cơ, thân thể. Nếu mắc sốt xuất huyết dengue, trẻ thường sốt cao, dùng thuốc có thể giảm nhưng khống chế sốt không trở về bình thường được; ngoài ra sốt xuất huyết có các triệu chứng khác như viêm đường hô hấp trên, đau bụng, đau họng... PGS.TS Phạm Nhật An khuyến cáo, với các bệnh nhân sốt xuất huyết không có dấu hiệu cảnh báo thì có thể chữa ở nhà bằng thuốc hạ sốt, cung cấp đủ nước, điện giải như dùng orezol, còn khi mắc sốt xuất huyết nguy hiểm như bệnh nhân có đau bụng, biểu hiện xuất huyết nhiều, trẻ li bì, nôn nhiều, chân tay lạnh, khó thở... cần đưa ngay đến bệnh viện điều trị.

Tạm đình chỉ phòng khám y học cổ truyền có bác sĩ Trung Quốc

Ngày 7-7, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường cho biết, Thanh tra Sở Y tế vừa ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động đối với phòng khám y học cổ truyền Việt Tâm (987 Giải Phóng, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Trước đó, ngày 5-7, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành kiểm tra đột xuất phòng khám này và phát hiện nhiều sai phạm. Cụ thể, giám đốc phụ trách chuyên môn của phòng khám Việt Tâm là một bác sĩ người Trung Quốc nhưng thời điểm kiểm tra vị bác sĩ này không có mặt. Mặt khác, dù là phòng khám chuyên khoa, chẩn trị về đông y nhưng lại treo biển phòng khám đa khoa và chưa có số đăng ký. Phòng khám còn tự ý sử dụng một số loại thuốc chưa đăng ký, cấp phép để điều trị cho người bệnh. Ông Nguyễn Việt Cường cho biết, với những lỗi vi phạm trên, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội dự kiến sẽ xử phạt phòng khám Việt Tâm 50 triệu đồng và tạm đình chỉ hoạt động của phòng khám.

Người nghèo được hỗ trợ khi điều trị ung thư, chạy thận

Theo dự thảo Quyết định về việc khám, chữa bệnh cho người nghèo đang được Bộ Y tế lấy ý kiến, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở các xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn; người thuộc diện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng... là những đối tượng được hưởng chế độ hỗ trợ (hỗ trợ tiền ăn, chi phí đi lại, chi phí thanh toán). Đặc biệt, người thuộc hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình cũng sẽ được hỗ trợ khi điều trị các bệnh: ung thư, chạy thận nhân tạo, mổ tim hoặc điều trị các bệnh không lây nhiễm khác gặp khó khăn do chi phí điều trị cao và không đủ khả năng tự chi trả chi phí điều trị. Cụ thể, đối với người bệnh đã tham gia thẻ BHYT, trường hợp chi phí khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT và phần phải đồng chi trả theo quy định của pháp luật về BHYT lớn hơn mức lương cơ sở cho mỗi đợt điều trị thì người bệnh phải thanh toán tối đa số tiền bằng mức lương cơ sở, phần còn lại được Quỹ hỗ trợ để thanh toán cho cơ sở khám, chữa bệnh. Trường hợp người bệnh chưa tham gia bảo hiểm y tế, được Quỹ hỗ trợ 50% chi phí khám bệnh, chữa bệnh nhưng tối đa không quá 6 lần mức lương cơ sở cho 1 đợt điều trị. Trường hợp phải điều trị nhiều đợt trong năm thì tổng số tiền hỗ trợ từ Quỹ tối đa không quá 12 lần mức lương cơ sở/1 năm. Dự thảo nêu rõ, Quỹ không hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các trường hợp người bệnh tự lựa chọn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (trái tuyến, vượt tuyến) hoặc khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu.

Ngày 19/07/2016
Ban Biên tập
Điểm tin từ các báo
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích