Home TRANG CHỦ Thứ 4, ngày 24/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 5 0 3 3 9 8
Số người đang truy cập
3 8
 Tin tức - Sự kiện Điểm tin y tế
Điểm tin y tế từ các báo ngày 26/4 đến 5/5 năm 2016

Hà Nội mới

Đổi mới thái độ phục vụ người bệnh: Lời khen đã nhiều hơn tiếng chê

Ngày 4-6-2015, Bộ trưởng Bộ Y tế đã phê duyệt kế hoạch về "Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh". Sau 10 tháng triển khai có thể khẳng định: Lời khen đã nhiều hơn tiếng chê.

Nhiều chuyển biến tích cực

Tính đến hết tháng 4-2016 đã có 95% bệnh viện (BV) trung ương, 100% BV Hà Nội ký cam kết "Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh". Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) cho biết, đến nay cuộc vận động ký cam kết trên đã được triển khai thực hiện tại tất cả các vùng miền trên cả nước. Thời gian qua, cán bộ y tế cũng rất nỗ lực thực hiện với những kết quả ban đầu đáng khích lệ. Qua hoạt động của đường dây nóng y tế và hòm thư góp ý cho thấy, những bức xúc của người dân khi đi khám chữa bệnh giảm dần, lời khen đã nhiều hơn. Đổi mới rõ nhất được ghi nhận từ phía các BV, đó là giao tiếp, ứng xử của cán bộ y tế. Nhiều bệnh nhân đã gửi thư về Bộ Y tế cho biết, thái độ của cán bộ trong ngành có nhiều chuyển biến tích cực so với trước đây. "Đổi mới một quyết định hành chính nhưng lại trở thành một phong trào do Công đoàn ngành Y tế Việt Nam phát động và được đón nhận bởi xã hội, Đảng và Nhà nước cũng đánh giá rất cao công tác đổi mới này, đặc biệt là được người dân tán đồng". Vốn luôn ám ảnh cảnh phải xếp hàng dài chờ đợi, rồi khi điều trị thì phải nằm ghép giường, nhưng nay đến BV Phổi Hà Nội, bác Trần Văn Chung (ở Hoàng Mai, Hà Nội) đã có thể thở phào nhẹ nhõm. Bác Chung cho biết: "Bệnh nhân rất đông nhưng BV đã sắp xếp khoa học, hợp lý, nên người bệnh không phải chờ đợi nhiều, không phải nằm ghép. Sau khi khỏi bệnh, tôi còn được tham gia câu lạc bộ "Vì sức khỏe hai lá phổi" tại BV, giúp chúng tôi yên tâm hơn rất nhiều về sức khỏe của mình". Được biết, để nhận được những lời khen của bệnh nhân như nêu trên, những năm gần đây, ngoài đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, thì vấn đề cải cách hành chính, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh luôn được BV Phổi Hà Nội quan tâm. Bác sĩ Uông Mai Loan, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV cho biết: "Thủ tục khám BHYT chúng tôi đã rút từ 11 bước xuống còn 7 bước. Bên cạnh đó, BV đã lắp đặt hệ thống biển báo, sơ đồ khám bệnh giúp người bệnh dễ quan sát và dễ tìm. Hệ thống camera cũng được lắp đặt để giám sát công tác khám chữa bệnh". Ngoài ra, BV cũng đã triển khai hệ thống gọi số tự động, thực hiện khám chữa bệnh ưu tiên cho đối tượng là người già, trẻ em, người có thẻ BHYT. Tổ tiếp đón và hướng dẫn người bệnh tại khoa Khám bệnh thực hiện tiếp đón người bệnh sớm trước 30 phút so với giờ quy định. Song song đó, BV đã bố trí thêm bàn bảo vệ tại khoa Khám bệnh để bảo đảm an ninh trật tự tại BV và cùng phối hợp với khu tiếp đón hướng dẫn người bệnh một cách nhanh nhất.

Phải xử lý nghiêm hành vi vòi tiền

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế đã trực tiếp kiểm tra đột xuất BV Phụ sản trung ương, BV K cơ sở 1. So với lần kiểm tra cách đây 3 tháng, BV Phụ sản trung ương đã có nhiều chuyển biến tích cực và kết quả được xếp hạng 88/100 điểm (tăng 6 điểm so với lần kiểm tra vào tháng 1-2016, với số điểm 82/100) nhưng BV K vẫn chỉ đạt 69/100 điểm. Dù đã có sự thay đổi nhưng do đây là BV tuyến cuối, bệnh nhân đông, cơ sở chật hẹp khiến BV luôn rơi vào tình trạng quá tải, dẫn đến thời gian chờ khám lâu, bệnh nhân vẫn phải nằm ghép, một số cán bộ y tế, điều dưỡng, y tá chưa có thái độ thân thiện, niềm nở với bệnh nhân. Bệnh nhân Vũ Thị H. đã phàn nàn với người đứng đầu ngành Y tế về những bức xúc khi chị đi khám tại BV K. Chị H. phản ánh, khi vào phòng nội soi dạ dày, bệnh nhân vẫn phải tự bỏ ra 10.000 đồng để mua khăn lau sau khi nội soi. Ngoài ra, khi đi siêu âm, chụp X-quang, lấy máu xét nghiệm, bệnh nhân không được làm trong một ngày mà mỗi ngày một công đoạn khiến một lần đi khám phải "ăn chực nằm chờ" từ 2 đến 3 ngày tại BV. Còn tại BV Phụ sản trung ương, dù đã tăng bậc xếp hạng nhưng khu vực lấy phiếu khám bệnh còn ít bàn hướng dẫn, bệnh nhân cảm thấy phiền hà khi phải xếp hàng đợi lấy số nhiều lần. Vì vậy, tại đây còn tồn tại tình trạng một số đối tượng "cò mồi" số khám, phiếu khám. Dù đánh giá cao những nỗ lực của 2 BV thời gian qua nhưng Bộ trưởng Bộ Y tế nghiêm khắc yêu cầu các BV phải khắc phục ngay những mặt còn hạn chế, nhất là thái độ ứng xử với bệnh nhân. Mặt khác, BV cũng cần chấn chỉnh hiện tượng "cò mồi", xác minh, kiểm tra thái độ của nhân viên y tế, xử lý nghiêm với cán bộ y tế có hành vi sách nhiễu vòi tiền người bệnh, thậm chí đuổi việc khỏi ngành. "Các BV phải đổi mới toàn diện, đổi mới tư duy. Người bệnh đến khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế, không phải là người đi "xin" để được thầy thuốc "cho" khám chữa bệnh mà là mối quan hệ "cung cấp" và "mua" dịch vụ. Người bệnh trả chi phí dịch vụ trực tiếp hoặc do BHYT chi trả. Vì thế, cơ sở khám chữa bệnh muốn thực hiện tốt dịch vụ của mình thì phải coi người bệnh là "thượng đế". Nếu chúng ta không nỗ lực thì tương lai không xa, người bệnh sẽ… bỏ đi".

Vào hè, cảnh giác trước nguy cơ ngộ độc thực phẩm

Theo tin từ Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), trong hơn 2 tuần qua, trung bình mỗi ngày đơn vị này tiếp nhận hơn 10 bệnh nhân ngộ độc thực phẩm. Tuy số ca ngộ độc không tăng đột biến nhưng cũng cao gấp 4-5 lần so với khi thời tiết lạnh. Nguyên nhân là thời tiết miền Bắc đã chuyển sang nắng nóng, thực phẩm dễ ôi thiu. Nhiều người sử dụng thức ăn để lâu, không được bảo quản tốt và đã bị ngộ độc. Để phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong mùa hè, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo, người dân cần mua thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng và chú ý bảo quản đúng cách. Khi chế biến ở nhà, cần thực hiện nguyên tắc nấu chín thực phẩm, sử dụng sớm sau khi nấu, hạn chế sử dụng thức ăn thừa. Khi bảo quản, không được để thực phẩm quá lâu trong tủ lạnh. Người tiêu dùng tuyệt đối không sử dụng những thực phẩm đã ôi thiu, mốc, hỏng và quá hạn sử dụng; không thu hái, đánh bắt, sử dụng các động thực vật có nguy cơ gây độc như nấm độc, ốc lạ, quả lạ.

Mở đăng ký 5.500 liều vaccine Pentaxim

Ngày 3-5, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, đúng 9h sáng 5-5 tới, Trung tâm sẽ tiếp nhận đăng ký tiêm vaccine Pentaxim đợt 5 tại số 70 Nguyễn Chí Thanh với số lượng 5.500 liều qua trang thông tin điện tử: http://www.ytdphanoi.gov.vn. Các đối tượng được đăng ký đợt này là những trẻ từ 2 tháng tuổi đến đủ 2 tuổi (tính đến 5-3-2016), tức trẻ có ngày sinh từ 5-5-2014 đến 5-3-2016; hoặc tính đến 5-5-2016 trẻ đã đến lịch tiêm chủng nhưng chưa tiêm hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ. Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội lưu ý, những trường hợp đăng ký thành công nhưng phụ huynh không đưa trẻ đến tiêm đúng ngày giờ được hẹn, kết quả đăng ký sẽ bị hủy bỏ.

4 ngày nghỉ lễ: Tai nạn giao thông giảm, một số bệnh viện quá tải

Kết thúc kỳ nghỉ lễ kéo dài từ ngày 30-4 đến 3-5, có hai vấn đề nổi cộm: Tai nạn giao thông mặc dù giảm trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương) song vẫn còn là điều đáng báo động và một số bệnh viện lâm vào tình trạng quá tải bệnh nhân chờ mổ cấp cứu.

249 người thương vong vì tai nạn giao thông

Theo Ủy ban ATGT quốc gia, trong 4 ngày nghỉ lễ (từ ngày 30-4 đến 3-5), cả nước xảy ra 152 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm 111 người chết, 138 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2015 (từ 30-4 đến 3-5-2015), TNGT giảm 53 vụ; giảm 5 người chết, giảm 11 người bị thương. Tuy nhiên, có thể thấy đây vẫn là vấn đề đáng báo động. Đặc biệt, đợt này có 2 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, cụ thể: Vào lúc 13h30 ngày 2-5, tại Km1080+200, đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Đắk Nông, xe ô tô khách mang BKS 53S-8992 va chạm với xe tải mang BKS 47C-08799 làm 3 người chết, 18 người bị thương; vào hồi 8h ngày 3-5, trên tuyến quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn huyện Sơn Tịnh (tỉnh Quảng Ngãi) đã xảy ra vụ TNGT liên hoàn giữa xe khách mang BKS 43B-026.33 lưu thông tuyến từ Đà Nẵng và Bình Định, đến địa điểm huyện Sơn Tịnh bất ngờ đối đầu với xe tải chở đá dăm (BKS 76C-034.43) và xe tải chở đất (BKS 43S-4336), làm 4 người chết, 5 người bị thương. Ngày 3-5 là ngày cuối cùng của đợt nghỉ lễ, song theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới và phản ánh từ nhiều người dân, các tuyến đường cửa ngõ trở về Thủ đô cũng như các nhà ga, bến xe trên địa bàn khá thông thoáng. Trực tiếp từ Hải Phòng về Hà Nội trên tuyến tàu LP6 trong ngày 3-5 (xuất phát từ Hải Phòng lúc 9h05, đến Hà Nội lúc 11h45), phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận hành khách khá thoải mái, nhiều ghế còn trống, tại các ga dọc tuyến đều bảo đảm trật tự. Các tuyến đường cửa ngõ như Pháp Vân - Cầu Giẽ, Phạm Văn Đồng, Bắc Thăng Long - Nội Bài, Nguyễn Văn Linh, quốc lộ 32, Vành đai 3 trên cao… khá thông thoáng. Các trạm thu phí cũng không bị ùn tắc nghiêm trọng. Khu vực phía Nam, chiều 3-5, người dân tiếp tục đổ về khắp các tuyến đường cửa ngõ TP HCM. Các tuyến quốc lộ 1A, 1K, 13, xa lộ Hà Nội, đường Trường Sơn... đều có đông lượng người và xe cộ đi lại so với ngày thường nhưng không xảy ra ùn ứ kéo dài, người dân di chuyển vẫn "dễ thở".

Một số bệnh viện quá tải

Chiều 3-5, Sở Y tế Hà Nội đã có báo cáo về công tác bảo đảm y tế trong đợt nghỉ lễ 30-4 và 1-5. Theo đó, từ ngày 30-4 đến 3-5, các BV trên địa bàn Thủ đô tiếp nhận hơn 40.000 trường hợp khám bệnh; trong đó, có gần 6.000 trường hợp khám cấp cứu và hơn 4.800 trường hợp phải nhập viện. Trong số 1.338 bệnh nhân tới khám vì tai nạn, có 541 trường hợp bị TNGT, 138 trường hợp tai nạn lao động. Cũng trong 4 ngày nghỉ vừa qua, các BV tiến hành phẫu thuật cho 592 ca, thực hiện 830 ca đỡ đẻ; có 16 ca tử vong được ghi nhận, trong đó có một cháu bé 10 tuổi tại huyện Đan Phượng bị đuối nước, 2 trường hợp tử vong do TNGT và 13 trường hợp tử vong do bệnh lý. Đánh giá về công tác y tế trong kỳ nghỉ này, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là những BV có nhiều bệnh nhân nặng ở lại điều trị và cấp cứu trong dịp nghỉ lễ như BVĐK Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Phụ sản, Hà Đông, Sơn Tây... đã nghiêm túc triển khai các phương án theo quy định, tổ chức chăm sóc chu đáo cho người bệnh. Mặt khác, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch cũng được triển khai nghiêm túc. Trong 4 ngày nghỉ, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế đã kiểm dịch y tế cho 208 chuyến bay đến với 24.780 hành khách, không có hành khách nào mắc hoặc nghi mắc bệnh do vi rút Zika, Ebola, MERS CoV, cúm A (H7N9)... Đáng chú ý, số người đánh nhau và phải nhập viện trong những ngày nghỉ lễ vừa qua chỉ có 18 người. Tuy nhiên, số bị TNGT và phải nhập viện vẫn rất đông, đặc biệt là có nhiều ca chấn thương nặng do không đội mũ bảo hiểm. BV đã tiếp nhận 635 ca cấp cứu, trong đó có 273 ca do TNGT. Số bệnh nhân nhập viện những ngày qua không tăng đột biến nhưng số ca bệnh nặng phải mổ cấp cứu tăng mạnh. Trong những ngày nghỉ, 5 phòng mổ của BV phải chạy hết công suất. Ngay trong sáng qua 3-5, vẫn còn 15 ca phải chờ phòng mổ dù được chỉ định mổ từ ngày 2-5. Trong khi đó, thống kê của BV Chợ Rẫy cho thấy, trong 4 ngày nghỉ lễ, số người nhập viện giảm so với cùng kỳ 2015 nhưng số người bệnh nhập viện do đánh nhau lại tăng. Cụ thể, trong 3 ngày (từ ngày 29-4 đến 1-5 ) BV Chợ Rẫy ghi nhận 23 người nhập viện vì đánh nhau. Trong đó có 12 ca nhập viện vì đánh nhau gây thương tích nặng được đưa vào điều trị trong ngày 1-5. Ngoài ra, hiện số bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu vì TNGT đang tăng dần sau ngày nghỉ lễ. Ngày 3-5, CATP Hà Nội cho biết, trong thời gian nghỉ lễ 30-4 và 1-5, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố được giữ vững, ổn định. CATP bảo vệ tuyệt đối an toàn hoạt động của các đồng chí lãnh đạo, các hoạt động kỷ niệm ngày lễ, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật… CATP đã huy động, bố trí đầy đủ lực lượng làm nhiệm vụ. Riêng đêm 30-4 và ngày 1-5, các đơn vị chiến đấu đã huy động 100% quân số trực ban, ứng trực. Chỉ huy các đơn vị, CA quận, huyện, thị xã đã tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, động viên kịp thời cán bộ chiến sĩ tập trung thực hiện tốt các mục tiêu, yêu cầu công tác đề ra. Trong 4 ngày nghỉ lễ, trên địa bàn Hà Nội không xảy ra trọng án, xảy ra 30 vụ phạm pháp hình sự, giảm 16 vụ so với 4 ngày liền trước đó. Tỷ lệ khám phá phạm pháp hình sự của CA toàn thành phố đạt 80%.

Tạm dừng xét cấp công bố chất lượng đối với một số loại thực phẩm chức năng

Mới đây Cục ATTP đã nhận được ý kiến của nhóm nhà khoa học, các chuyên gia hàng đầu về dược liệu tại nước ta, phản ánh về chất lượng của nhiều loại thực phẩm chức năng (TPCN) đã được công bố là có thành phần Trinh nữ hoàng cung và được quảng bá có hiệu quả với bệnh u xơ tử cung, u nang buồng trứng, u tiền liệt tuyến. Theo đó, kết quả lấy mẫu xét nghiệm các loại TPCN này cho thấy, không có thành phần đã được công bố hoặc chỉ có hàm lượng rất thấp. Thậm chí, một số nhà sản xuất còn nhầm lẫn Trinh nữ hoàng cung với loại cây tương tự có thành phần gây vô sinh. Trước ý kiến nói trên, theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục ATTP hiện đang tăng cường giám sát chất lượng TPCN trên thị trường, đặc biệt là đối với các sản phẩm được công bố có thành phần hỗ trợ điều trị bệnh. Cục ATTP cũng đã tạm dừng xét cấp công bố chất lượng đối với một số loại TPCN có thành phần Trinh nữ hoàng cung, đồng thời yêu cầu nơi công bố chất lượng phải ghi rõ hàm lượng của hoạt chất này. Mặt khác, Cục ATTP sẽ cho kiểm tra, định lượng hàm lượng thành phần Trinh nữ hoàng cung có trong các TPCN đã được cấp phép.

Tận dụng tốt thời kỳ "dân số vàng" sẽ đưa Việt Nam tăng trưởng vượt bậc

Ngày 27-4, tại Hà Nội, UNDP đã công bố báo cáo chỉ số phát triển con người (HDI) khu vực Châu Á - Thái Bình Dương với chủ đề: "Định hình tương lai: Nhân khẩu học thay đổi có thể tạo nguồn phát triển con người như thế nào?".Theo báo cáo, sự thay đổi nhân khẩu học ở khu vực đang diễn ra với tốc độ nhanh nhất và chưa từng thấy trong lịch sử. Ở Châu Âu, phải hàng thế kỷ mới có được sự bùng nổ dân số trong độ tuổi lao động và giảm tỷ lệ sinh thì, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương chỉ cần 30 năm để đạt được điều này. Châu Á-Thái Bình Dương hiện có số người trong độ tuổi lao động (từ 15 đến 65 tuổi, 68%) nhiều hơn và số người phụ thuộc (các độ tuổi còn lại, 32%) ít hơn so với bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử. Điều này tạo bàn đạp cho sự tăng trưởng. Báo cáo chỉ ra rằng Việt Nam đang ở thời kỳ "dân số vàng" với tỷ lệ thanh niên (dưới 25 tuổi) là 40% và đang ở giai đoạn giữa với tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động cao. Đây là một lợi thế hết sức quan trọng; đồng thời sẽ là thách thức không nhỏ. Do đó, Việt Nam cần tối ưu hóa lợi thế "dân số vàng" như thúc đẩy tăng trưởng định hướng việc làm, nâng cao năng suất lao động, gắn kết lương với cải thiện năng suất... để phát triển bền vững. Tại cuộc công bố báo cáo, UNDP tại Việt Nam Bakhodir Burkhanov, cho rằng thời kỳ "dân số vàng" sẽ diễn ra rất nhanh. Điều mà WB từng dự báo là có thể trong 18-20 năm nữa Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ "già hóa" dân số. Do vậy, đây là thời điểm quan trọng Việt Nam cần tận dụng những lợi thế của thời kỳ "dân số vàng", thời kỳ mà Việt Nam mới bước vào từ năm 2007. Với việc ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) Việt Nam sẽ sớm có được lợi thế trong thời kỳ "dân số vàng".

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm!

Vi phạm trong lĩnh vực ATTP đã trở nên có hệ thống, đe dọa trực tiếp đến nòi giống Việt Nam. Và nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng này là việc xác định trách nhiệm, xử lý kỷ luật khi để xảy ra tình trạng mất VSATTP trên địa bàn còn quá yếu. Trong khi đó, những đối tượng trực tiếp tham gia vào các hành vi liên quan đến sản xuất, vận chuyển, buôn bán… thực phẩm "bẩn" khi bị phát hiện gần như chỉ bị xử lý hành chính. Có thể nói công tác quản lý ATTP thời gian qua gần như chạy theo vi phạm. Hầu hết vụ việc do báo chí và các cơ quan chức năng của trung ương phát hiện, trong khi không ai hiểu rõ tình hình trên địa bàn bằng đội ngũ cán bộ cơ sở. Nhưng ngạc nhiên là, với đầy đủ ban, ngành, nhưng chính quyền cơ sở gần như "bất lực" trước vi phạm xảy ra trên địa bàn, trong khi nói như một đại biểu thì "người dân chỉ đổ đống cát lập tức chính quyền đã biết". Điều đó cho thấy, "nếu không quy trách nhiệm cụ thể thì sẽ khó thành công". Đặc biệt, phát hiện địa phương nào có vi phạm thì người đứng đầu địa phương đó, gồm: Chủ tịch, bí thư, thanh tra... phải chịu trách nhiệm. Những biện pháp của thành phố trong quản lý ATTP thời gian qua chưa đủ sức răn đe. Rõ nhất cho thực tế này là chỉ trong quý I-2016, số vụ vi phạm trong quá trình sản xuất, nuôi trồng, kinh doanh thực phẩm "bẩn" được phát hiện đã bằng một nửa so với năm 2015. Việc thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại 5 quận, 10 phường, xã, thị trấn sau 4 tháng triển khai thừa lúng túng, thiếu kiên quyết. Tổ chức thanh tra nhưng vẫn nặng về thủ tục hành chính, chủ yếu thanh tra trên giấy tờ, khi phát hiện sai phạm không xử phạt. Tâm lý "họ hàng, làng xóm" cũng là nguyên nhân làm hạn chế kết quả xử lý vi phạm... Xét cho cùng, trách nhiệm người đứng đầu là đương nhiên, nhưng để có được những bữa ăn "sạch" thì tất yếu phải phòng ngừa tận gốc. Cụ thể: Nông dân không dùng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt; thương lái không buôn bán, tàng trữ; lái xe không tham gia vận chuyển… thực phẩm "bẩn". Đặc biệt, phải chấm dứt được tình trạng nể nang không xử phạt và xử lý nghiêm những trường hợp tiếp tay cho vi phạm của một số cá nhân khi thực thi công vụ. Liệu có thể chấp nhận việc một thương lái ở TP Hồ Chí Minh mua lợn tại Đồng Nai về giết mổ và bị phát hiện có chất cấm, nhưng số lợn này có đầy đủ giấy tờ đạt tiêu chuẩn VietGAP do Bộ NN&PTNT ban hành? Vấn đề đằng sau câu chuyện này rất cần được làm rõ. Trong bối cảnh vấn đề ATTP ngày càng "nóng", sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ và các bộ, ngành là cần thiết. Điều này thể hiện rõ tiêu chí của một "chính quyền hành động". Đặc biệt, một số đề xuất quyết liệt từ các địa phương như: Tiêu hủy gia súc, gia cầm nếu phát hiện nhiễm chất cấm ở TP HCM, Đồng Nai; triển khai lực lượng thanh tra chuyên ngành ATTP tại đồng bộ 30 quận, huyện, thị xã và giống như mô hình 141 (TP Hà Nội); đề nghị cựu chiến binh tham gia giám sát vấn đề ATTP… là rất đáng lưu ý. Đặc biệt, những cơ sở vi phạm liên quan đến thực phẩm "bẩn" phải được công khai trên loa truyền thanh cơ sở để mọi người dân được biết. Người dân cũng phải mạnh dạn tố giác các tổ chức, cá nhân sản xuất, tiêu thụ, tàng trữ, vận chuyển… thực phẩm "bẩn" đến các cơ quan quản lý. "Cuộc chiến" với thực phẩm "bẩn" phải được sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Chỉ có vậy mới được duy trì bền bỉ, tạo thành một phong trào sâu rộng trong toàn xã hội.

Công an Nhân dân

Hỗ trợ y tế từ xa với một ngư dân bị nạn trên biển

Ngày 1-5, thông tin từ Hệ thống thông tin duyên hải Việt Nam cho biết: Tàu cá BĐ 99017-TS do ông Mai Xuân Tiến (phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn, Bình Định) làm chủ đang trên đường vào bờ khẩn cấp. Nguyên nhân là do trên tàu có một ngư dân bị lên cơn động kinh. Trước đó, khoảng 21h ngày 29-4, qua tần số 7903 kHz Đài Thông tin duyên hải Hồ Chí Minh tiếp nhận thông tin trên tàu cá BĐ 99017-TS có ngư dân tên Hòa bị động kinh, chưa rõ nguyên nhân bệnh. Tàu yêu cầu trợ giúp y tế khẩn cấp. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin trên, Đài Thông tin duyên hải Hồ Chí Minh đã yêu cầu tàu giữ liên lạc với Đài trên tần số 7903 kHz để được kết nối thông tin trực tiếp tới bác sĩ của Viện Y học biển Việt Nam để hỗ trợ sơ cứu ban đầu. Các bác sỹ đã hướng dẫn cho bệnh nhân nằm trên sàn tàu và nằm nghiêng một bên, nhưng bệnh nhân vẫn có hiện tượng co giật nhiều, giật tay chân và miệng, hiện tại còn mê man, mỗi cơn co giật khoảng 40 phút. Do lo lắng cho sức khỏe thuyền viên, thuyền trưởng tàu cá này đã quyết định cho tàu quay vào bờ để đưa ngư dân này vào bệnh viện cứu chữa.

Zika có thể “tái phát” vì trùng với mùa dịch sốt xuất huyết

Cả TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Khánh Hòa đều đã công bố hết dịch do virus Zika nhưng nhằm đánh giá đúng thực trạng cũng như  nguy cơ dịch tại Việt Nam, Văn Phòng đáp ứng khẩn cấp (EOC) của Bộ Y tế đã họp để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch phù hợp. Thông tin này được Cục Y tế dự phòng cho biết vào ngày 1-5. Tại cuộc họp có đại diện của nhiều Trung tâm y tế dự phòng, các bệnh viện cùng với các tổ chức quốc tế, đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho hay, đến nay, dịch bệnh do virus Zika  đã xuất hiện ở 68 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 55 quốc gia và vùng lãnh thổ  tiếp tục ghi nhận có sự lây truyền của virus Zika do muỗi. PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tại Việt Nam, sau 2 ca mắc ở Khánh Hòa và TP Hồ Chí Minh, đến nay, cả nước chưa ghi nhận thêm trường hợp mắc mới kể từ ngày 4-4. Tuy nhiên, sau khi phân tích các thông tin về tình hình dịch bệnh trên thế giới, đặc điểm sự phân bố, lưu hành muỗi Aedes, một loại muỗi vừa truyền bệnh sốt xuất huyết, vừa truyền bệnh do virus Zika, các chuyên gia nhận định có thể do đặc điểm virus Zika tại Việt Nam thuộc phân típ khu vực châu Á, không hoàn toàn giống với phân típ virus Zika khu vực châu Mỹ la-tinh, nên không bùng phát thành dịch lớn với mức độ lây lan nhanh. Nhưng, thời gian tới hoàn toàn có thể tiếp tục ghi nhận  thêm các trường hợp bệnh mới rải rác tại một số địa phương nơi lưu hành dịch bệnh sốt xuất huyết cao, đặc biệt có thể gia tăng trùng với mùa dịch sốt xuất huyết sắp đến gần. Liên quan đến nỗi lo của nhiều người về việc thai chết lưu, sẩy thai với bà mẹ mang thai nhiễm virus Zika, Cục Y tế dự phòng cho biết: Thai lưu là tình trạng thai bị chết mà còn lưu lại trong tử cung trên 48 giờ, là một bệnh lý phức tạp, thường gặp ở các nước trên thế giới. Tại châu Á, tỷ lệ thai lưu chiếm 25 –40/1.000 trường hợp đẻ sống, còn ở Việt Nam tỷ lệ này chiếm khoảng 10/1.000 ca đẻ sống. Đặc biệt cao ở phụ nữ nhóm tuổi 20 –30 (59,9% trường hợp) và các phụ nữ chưa sinh lần nào (39,7% số trường hợp). Thai lưu do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có một số nguyên nhân chính từ bệnh lý của người mẹ, nhiễm trùng hoặc nhiễm độc thai nghén trong quá trình mang thai, tuy nhiên có từ 20-50% số trường hợp thai chết lưu không tìm thấy nguyên nhân. Về các trường hợp nhiễm virus Zika, WHO và Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ đã thống nhất về mặt khoa học: Virus Zika là một trong các nguyên nhân gây ra chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh, tuy nhiên có rất ít thông tin ghi nhận về các trường hợp xảy thai hoặc thai chết lưu ở những phụ nữ nhiễm virus Zika. Tại Mỹ năm 2016 ghi nhận 2 trường hợp xảy thai, tại Brasil trong năm 2015-2016 ghi nhận 235 trẻ chết trong thời gian mang thai hoặc sau sinh (gồm sảy thai hoặc chết non) trong số 7.015 trường hợp có chứng đầu nhỏ, hoặc biến chứng thần kinh. Ước tính trong từ cuối năm 2015 đến nay Brasil có khoảng 400.000 đến 1.300.000 trường hợp nhiễm virus Zika). Ở Việt Nam hiện đã xác định hai trường hợp nhiễm virus Zika, vì thế để phòng chống cho các bà mẹ có thai bị nhiễm virus Zika hoặc xảy ra những dị tật đáng tiếc cho thai nhi, Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo phụ nữ có thai chú ý thực hiện các biện pháp phòng chống muỗi đốt, đi khám thai định kỳ, nếu có các triệu chứng nghi ngờ nhiễm virus Zika cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn, chẩn đoán phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Vi phạm về an toàn thực phẩm có thể bị phạt tù

Vấn đề ATTP đang trở thành mối quan tâm lớn nhất của mọi người, khi liên tục các vụ việc mất ATTP được phát hiện, như chất tạo nạc Salbutamol tồn dư trong thịt lợn, hay măng tươi nhuộm chất vàng ô, xúc xích có chất cấm… Điều này đòi hỏi sự ra tay của các cơ quan chức năng phải mạnh mẽ hơn bao giờ, cũng như người dân cũng cần phải trở thành “người tiêu dùng thông minh” để biết được quyền của mình trong việc chống lại thực phẩm không an toàn. Nhân “Tháng hành động vì ATTP” năm 2016, đã có cuộc trao đổi với Cục ATTP (Bộ Y tế):

Thưa ông, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo liên ngành về VSATTP Quốc gia và Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT sẽ đưa ra các quy định xử phạt mạnh tay hơn với những người vi phạm về ATTP. Nhưng làm thế nào để xác định thực phẩm không an toàn mà xử lý?

Mỗi loại thực phẩm có một tiêu chuẩn, quy định riêng về ngưỡng an toàn. Thực phẩm được đánh giá là không an toàn khi nó chứa các chất gây hại cho sức khỏe. Tiêu chí đánh giá thực phẩm an toàn hay không dựa vào việc nó có sử dụng vượt ngưỡng cho phép các chất gây hại hoặc chất cấm hay không. Danh mục các chất cấm đã được Cục ATTP thông báo công khai. Một thực phẩm, ngoài những thành phần dinh dưỡng còn có các thành phần về hóa học, vi sinh, tiêu chí về nấm vv… để chúng ta căn cứ vào đó xác định có an toàn hay không. Ví như măng ngâm chất vàng ô (Auramine O - chất cấm sử dụng trong chế biến, bảo quản thực phẩm) là không an toàn. Bộ NN&PTNT đã quy định vàng ô là chất cấm, nên không cần biết sử dụng bao nhiêu, mà cứ sử dụng chất đó là vi phạm. Nhưng những trường hợp tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật trong rau, củ thì phải xác minh xem mức độ tồn dư là bao nhiêu, đã vượt ngưỡng an toàn hay chưa, mới xử lý được. Nếu là tồn dư kháng sinh trong thịt gia súc, gia cầm, thủy, hải sản thì chỉ cần xác minh có tồn dư là có thể xử lý, vì theo quy định, việc tồn dư kháng sinh là không được phép. Thực phẩm không an toàn không thể chỉ nhìn bằng mắt thường mà biết được. Kinh nghiệm của người tiêu dùng có thể dựa vào màu sắc, độ đàn hồi để phòng ngừa phần nào, còn muốn biết chính xác, phải kiểm tra kỹ càng.

Theo ông, hiện nay thực phẩm nào có khả năng tồn dư kháng sinh hay thuốc bảo vệ thực vật nhiều nhất mà người tiêu dùng dễ phải đối mặt?

Thuốc bảo vệ thực vật thường dùng phun vào rau, quả, còn thuốc kháng sinh thì dùng trong chăn nuôi gà, lợn, thủy sản… Vì thế, rau, củ, quả có khả năng tồn dư chất bảo vệ thực vật và các loại thịt gia súc, gia cầm, thủy, hải sản thường có khả năng tồn dư kháng sinh, nhất là tôm - loại thủy sản thường được phát hiện có lượng tồn dư kháng sinh cao. Người tiêu dùng nên nêu cao tinh thần cảnh giác, tố giác kịp thời các trường hợp biết chắc người sản xuất, kinh doanh có sử dụng chất cấm, tồn dư kháng sinh hoặc thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép. Hiện tại đã có que thử nhanh độc tố của thực phẩm và chúng tôi khuyến khích người tiêu dùng nên sử dụng chúng để kịp thời nhận biết thực phẩm không an toàn.

Thời gian qua, Cục ATTP đã phát hiện ra dư lượng hóa chất trong rau quả, thực phẩm. Cục đã có nghiên cứu gì để đưa ra các khuyến cáo cần thiết cho người dân không, thưa ông?

Bộ NN&PTNT đã nghiên cứu về vấn đề này và có kết quả là có dư lượng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi. Theo tôi được biết, vừa qua Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng có một chương trình phối hợp với Đại học Osaca (Nhật Bản) để triển khai dự án về dư lượng kháng sinh liên quan đến thực phẩm.

Lượng kháng sinh và thuốc bảo vệ thực vật tồn dư bao nhiêu là vượt quá mức cho phép để có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, thưa ông?

Mỗi loại thuốc bảo vệ thực vật có mức giới hạn khác nhau và có những quy định về hạn mức theo chỉ định. Còn kháng sinh, theo nguyên tắc là không được có tồn dư, nếu có tồn dư, người tiêu dùng sẽ có nguy cơ bị kháng thuốc kháng sinh. Vì thế, chỉ cần xác minh có tồn dư kháng sinh trong thịt gia súc, gia cầm, thủy, hải sản là xử lý được, vì theo quy định, việc tồn dư kháng sinh là không được phép.

Bộ Y tế đã xây dựng mức phạt như thế nào để xử lý với những đối tượng vi phạm sử dụng chất cấm và bán thực phẩm không an toàn, thưa ông?

Hiện nay chúng ta đã có khung xử phạt về vi phạm ATTP. Nghị định 178 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP đã quy định chi tiết những hành vi vi phạm và mức xử phạt tương đương. Đồng thời, để chống lại nạn buôn bán, sản xuất thực phẩm bẩn, mới đây, Bộ Luật Hình sự được Quốc hội thông qua sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 1-7, quy định cụ thể việc bỏ tù người sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn. Theo đó, người sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 200 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 1-5 năm. Mặc dù chúng ta đã xử lý và hành động quyết liệt những vụ việc liên quan đến mất ATTP, nhưng gần đây vấn đề nổi cộm như dư lượng của các chất cấm, dư lượng kháng sinh, chất bảo quản trong nông sản thực phẩm, trong rau, củ, quả… vẫn rất nóng trong xã hội vì vậy Chính phủ vẫn quyết định đẩy mạnh những nội dung này trong “Tháng hành động vì ATTP” năm nay.

Cảm ơn ông!

Bệnh sốt xuất huyết tăng đột biến ở người lớn

Ngày 21-4, Trung tâm YTDP tỉnh Bình Phước - cho biết từ đầu năm đến nay bệnh sốt xuất huyết tăng rất mạnh trên địa bàn tỉnh. Từ đầu năm đến nay ghi nhận 436 ca, tăng 738% so với cùng kỳ năm 2015 (52 ca). Địa phương có tỉ lệ mắc bệnh cao là huyện Chơn Thành với 120 ca, kế đến thị xã Đồng Xoài 96 ca, thị xã Phước Long 51 ca. “Theo ghi nhận hơn 70% số ca mắc sốt xuất huyết là người lớn tuổi. Mặc dù số ca bệnh tăng đột biến ở người lớn nhưng vẫn trong tầm kiểm soát” - bác sĩ Sáu nói. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Sáu, nguyên nhân bệnh tăng mạnh do khí hậu nắng nóng kéo dài dễ phát sinh mầm bệnh, ý thức của người dân trong phòng chống bệnh chưa cao, mặt khác người dân chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết mà ngành y tế đã khuyến cáo. Để ngăn ngừa, bác sĩ Nguyễn Văn Sáu lưu ý cần thực hiện phun xịt thuốc tiêu độc khử trùng, phòng trừ bệnh sốt xuất huyết tại các khu dân cư, thường xuyên vệ sinh các dụng cụ chứa nước; loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng bằng cách đậy kín và thả cá ăn lăng quăng ở tất cả vật dụng chứa nước sinh hoạt như bể, chum, vại, lu, khạp...

Phẫu thuật cắt thành công khối u xơ khổng lồ nặng 7,8kg

BV Phụ sản Cần Thơ cho biết, các bác sỹ bệnh viện vừa phẫu thuật thành công cắt khối u xơ tử cung khổng lồ nặng 7,8kg cho một nữ bệnh nhân. Bệnh nhân là chị N.T.P, sinh năm 1973, trú tại tại Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ. Trước đó, bệnh nhân P. được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ đến Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ cấp cứu với tình trạng trong bụng có khối u xơ rất to (to hơn bụng bầu). Sau khi thực hiện các xét nghiệm cần thiết và tiến hành hội chẩn, các bác sỹ quyết định phẫu thuật cắt khối u xơ tử cung chừa 2 buồng trứng để tránh trường hợp mất nhiều máu, ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân. Sáng 25/4, kíp mổ Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ do bác sỹ Huỳnh Thanh Liêm trực tiếp chỉ đạo đã tiến hành phẫu thuật cắt khối u xơ cho bệnh nhân. Sau nhiều giờ phẫu thuật, các bác sỹ đã tiến hành phẫu thuật thành công và cắt khối u xơ tử cung to với cân nặng lên đến 7,8kg cho bệnh nhân P. Sau phẫu thuật, hiện tình trạng bệnh nhân ổn định, vết mổ tốt và đang được theo dõi thêm tại Phòng Hậu phẫu, Khoa Phẫu thuật Gây mê - Hồi sức tích cực - Chống độc của Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ.

Phẫu thuật cứu sống bệnh nhân bị bắn 20 phát đạn

18h ngày 26-4, bệnh nhân Đặng Quang C, 37 tuổi ở xã Linh Phú, huyện Chiêm Hóa được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Chiêm Hóa trong tình trạng rất nguy kịch với có khoảng 20 viên đạn bắn vào ngực, bụng vẫn nằm trong cơ thể. Bệnh nhân được các bác sĩ khẩn trương sơ cứu ban đầu rồi chuyển tuyến về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang. Các bác sĩ nhanh chóng tiếp nhận bệnh nhân và chẩn đoán: Bệnh nhân bị sốc đa chấn thương, gây ra mất máu nhiều, khó thở tràn dịch, tràn khí màng phổi, tính mạng ngàn can treo sợi tóc. Ngay sau đó, bệnh nhân nhanh chóng được phẫu thuật cấp cứu. Bác sĩ CKI Vương Ngọc Chắt, Khoa Ngoại Tổng hợp của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết: 2h sáng ngày 27-4, ca mổ được bắt đầu và kéo dài suốt 5 tiếng đồng hồ.  Các bác sĩ đã khâu lại những vết thương ở tim, ở ruột, dẫn lưu màng phổi phải, truyền máu - truyền dịch kịp thời. Các vết thương rất phức tạp, nằm ở nhiều vị trí, có vết thương ở vị trí rất nguy hiểm, trong khi sức khỏe bệnh nhân rất yếu nên quá trình phẫu thuật hết sức khó khăn, đòi hỏi sự phối hợp giữa các thầy thuốc cực kỳ chính xác và thuần thục. Nhưng do đã được các chuyên gia của các Bệnh viện tuyến Trung ương về chuyển giao công nghệ cũng như được đào tạo thêm tại các bệnh viện lớn, nên các bác sỹ ngoại khoa của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang đã làm chủ được kỹ thuật phẫu thuật, hồi sức cấp cứu và đã thành công. Bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và đến ngày 29-4, tình trạng của bệnh nhân tạm thời ổn định. Việc một Bệnh viện tuyến tỉnh ở vùng cao đã phẫu thuật cấp cứu thành công một ca bệnh rất đặc biệt, với nhiều phát đạn bắn trong người, tình trạng hết sức nguy kịch, đã cho thấy, trình độ năng lực về ngoại khoa ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang đã được nâng lên rất nhiều. Đây chính là kết quả của việc thực hiện đề án 1816 đưa các bác sỹ tuyến trên về chuyển giao công nghệ cho tuyến dưới và đề án bệnh viện vệ tinh những năm gần đây.

Thanh niên

Không ai được bao che thủ phạm gây ô nhiễm

Chiều 1.5, tại Hà Tĩnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp bàn phương án khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường biển, hỗ trợ ngư dân bị thiệt hại. Tham dự cuộc họp có Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng các bộ Công thương, KH-CN, NN-PTNT, TN-MT, Tài chính, Thông tin - Truyền thông; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Thứ trưởng Bộ Công an và lãnh đạo các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế. Chiều 1.5, tại Hà Tĩnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các tỉnh, bàn phương án khắc phục sự cố cá biển chết và phương án hỗ trợ ngư dân.

Dân hỏi không biết trả lời thế nào

Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết thảm họa môi trường khiến cá chết bất thường tại các tỉnh miền Trung đã làm 12.570 tàu đánh bắt phải ngừng hoạt động và 63.000 lao động phải tạm ngừng việc. Ông Hoàng Đăng Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, đề nghị Chính phủ chỉ đạo làm rõ nguyên nhân cá chết và sớm công bố cho dân biết khi nào ăn cá biển thì an toàn. Ông Quang cũng đề nghị sớm có chính sách đảm bảo đời sống nhân dân ổn định; khẩn trương giải quyết các vấn đề hỗ trợ ngư dân như thu mua cá, khai thác gần bờ, nuôi trồng, chế biến, kinh doanh hải sản và các chính sách ưu đãi vay vốn cho dân chuyển đổi nghề. “Chúng tôi đề nghị Chính phủ cần sớm công bố vùng an toàn để dân khai thác vì hiện dân hỏi chúng tôi không biết để trả lời”, ông Quang nói. Ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho rằng hiện nay người dân muốn đi biển, không muốn nhận gạo hỗ trợ. Vì vậy, đề nghị bộ, ngành liên quan sớm có kết luận và công bố nguyên nhân để người dân ra biển đánh bắt trở lại. Ông Nguyễn Xuân Đường, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, đề nghị sớm công bố chất lượng nước biển, xác định nguyên nhân gây ô nhiễm nước biển. Cần thông tin rõ ràng cho người dân biết, không úp mở gây nghi ngờ cho người dân.

70 nhà khoa học vào cuộc

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết, sau khi sự cố ô nhiễm xảy ra, Bộ đã tập trung xác định một số nguồn có khả năng gây ô nhiễm, trong đó có các nhà máy của Formosa đang trong giai đoạn vận hành chạy thử. Bộ trưởng Hà thừa nhận việc lấy mẫu phân tích để tìm nguyên nhân gây ô nhiễm của cơ quan chức năng chưa kịp thời, đây là một điểm yếu. Đến nay, kết quả phân tích mẫu nước biển cho thấy, tại vùng biển Vũng Áng hàm lượng ni tơ và phốt pho cao hơn mức cho phép, còn các thông số môi trường khác không phát hiện ra điều bất thường. Ngoài ra, trong mẫu nước biển lấy tại bè cá nổi tại vịnh Vũng Áng của một hộ dân địa phương, nơi người dân phát hiện có dòng triều màu nâu tràn vào bè gây cá chết, có mật độ tảo nghi là tảo độc với số lượng khoảng 350 triệu tế bào/lít, là cao bất thường. Đây là dấu hiệu cho thấy sự xuất hiện cục bộ ở một thời điểm cụ thể của tảo có khả năng gây chết cá, không đại diện cho toàn bộ vùng biển Vũng Áng. Theo Bộ trưởng Hà, việc xác định nguyên nhân ô nhiễm nước biển là rất phức tạp, nhiều nước như Mỹ, Nhật Bản cũng phải mất nhiều thời gian mới tìm ra. Riêng hệ thống xả thải của Formosa, Bộ trưởng TN-MT cho rằng, họng xả đặt trong khuôn viên nhà máy là không hợp lý, Bộ đã yêu cầu phải đưa ra ngoài, đồng thời phải lắp đặt hệ thống camera, hệ thống đấu nối với cơ quan quản lý nhà nước để giám sát. Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh cũng cho biết bộ này đang phối hợp với các nhà khoa học, các đơn vị nghiên cứu xem xét các mẫu vật cá, nước, san hô… để tìm nguyên nhân. Để xác định được nguyên nhân là rất khó và phức tạp, hiện Bộ KH-CN đã mời 70 nhà khoa học vào cuộc và sẽ có câu trả lời sớm nhất.

Xử lý nghiêm không loại trừ tổ chức, cá nhân nào

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá hiện tượng cá biển chết hàng loạt là sự cố ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng tại các tỉnh miền Trung, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Ngay sau khi nhận được thông tin, Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vào kiểm tra, chỉ đạo khắc phục sự cố. Thủ tướng cho biết, dù sự cố này xảy ra lần đầu tại nước ta và việc xử lý ban đầu còn bất cập nhưng Chính phủ đã liên tục chỉ đạo các ngành, địa phương vào cuộc xử lý. Các bộ, ngành và địa phương đã có cố gắng nhưng một số địa phương còn chậm trễ trong việc giải quyết tình hình tại địa phương mình. Công tác quản lý về môi trường còn nhiều bất cập, thụ động, việc quản lý quan trắc nước thải một số nhà máy liên quan, chúng ta cần quan tâm hơn nữa. Thủ tướng yêu cầu phải có các biện pháp đảm bảo đời sống người dân, nắm bắt nguyện vọng chính đáng của người dân để đáp ứng kịp thời. Trước hết, hỗ trợ gạo cho ngư dân vùng bị ảnh hưởng. Thủ tướng giao Bộ KH-CN và ngành chức năng nếu cần phải mời các nhà khoa học nước ngoài để xác định nguyên nhân, tìm thủ phạm gây ô nhiễm. Quan điểm của Chính phủ là sẽ xử lý nghiêm theo pháp luật, không loại trừ tổ chức, cá nhân nào, không ai được bao che. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an điều tra, sớm công bố kết luận. “Phải làm rõ để giải thích cho nhân dân hiểu rằng chúng ta không bao che cho ai, nhưng phải làm một cách thận trọng, trên cơ sở khoa học”, Thủ tướng nói. Liên quan đến hiện tượng cá chết hàng loạt ở biển miền Trung, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đã chỉ đạo thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành độc lập kiểm tra nguồn xả thải xuống biển của các doanh nghiệp. Thủ tướng yêu cầu Bộ TN-MT và các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp ven biển. Dù chưa có cơ sở khẳng định thủ phạm, nhưng Bộ TN-MT phải có báo cáo về ống xả thải của Formosa đúng sai thế nào, cơ sở pháp lý nào và kiểm điểm trách nhiệm. Bộ NN-PTNT và Bộ TN-MT phải khẩn trương công bố cho người dân biết vùng biển nào được đánh bắt, vùng nào được ăn cá. Bộ Công thương chỉ đạo thu mua sản phẩm đánh bắt xa bờ cho ngư dân.

Điểm mặt 3 sở thờ ơ trước thực phẩm bẩn

Trả lời Thanh Niên Cục ATTP Bộ Y tế, cho rằng không chỉ dựa vào việc sẽ mạnh tay hơn trong xử phạt mà cần sự phối hợp hiệu quả hơn nữa giữa các lực lượng, đặc biệt là chính quyền địa phương. “Chính phủ đã cho phép triển khai thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm (ATTP) đến tận xã, phường, quận, huyện tại hai điểm nóng là Hà Nội và TP.HCM nhằm tăng tính chủ động, nhưng vẫn còn tình trạng chính quyền địa phương lại chưa quyết liệt triển khai”.

“Không hiểu gì”

Bộ Y tế có tham gia hỗ trợ các địa phương triển khai thí điểm, qua đó ông đánh giá cấp cơ sở đã sẵn sàng cho việc nắm quyền thực hiện thanh tra ATTP hay chưa?

Thanh tra ATTP cấp, xã phường được thí điểm tại TP.HCM và Hà Nội, triển khai đến 20 xã, phường thuộc 10 quận, huyện. Mỗi TP chọn 5 quận, huyện; 10 xã, phường cả khu vực nội và ngoại thành, nông thôn. Với mô hình thí điểm, các đoàn thanh, kiểm tra được quyền xử phạt tại chỗ, tiền xử phạt được giữ lại 100% phục vụ cho thanh kiểm tra. Chính phủ cho phép cả viên chức tham gia thanh, kiểm tra; cả thanh tra độc lập, chỉ một thanh tra viên cũng được xử lý vi phạm, do đó tính chủ động rất cao. Sau 4 - 5 tháng thực hiện cho thấy, lãnh đạo UBND TP.Hà Nội triển khai nghiêm túc. Đặc biệt, phó chủ tịch TP phụ trách về ATTP đã trực tiếp tham gia và có văn bản yêu cầu lãnh đạo xã, phường, quận, huyện hằng tuần phải có lịch đi cùng các cán bộ, và có biên bản làm việc để kịp thời nắm bắt những khó khăn để tháo gỡ. Cách tổ chức ban đầu như vậy khá bài bản, sát sao. Chúng tôi cũng xuống Q.Nam Từ Liêm, H.Đông Anh, Q.Đống Đa, thấy khá rõ sự vào cuộc của chính quyền. Dù kết quả vẫn chưa thể như mong muốn nhưng thái độ nghiêm túc. Tuy nhiên, tại TP.HCM tôi phải nói rất thẳng thắn là chưa quan tâm lắm. Khi Cục trưởng, Phó cục trưởng Cục ATTP, Thứ trưởng Bộ Y tế vào kiểm tra đôn đốc, không có bất kỳ một lãnh đạo sở nào trong 3 sở Y tế, Công thương, NN-PTNT đi cùng đoàn để cùng xem xét, đánh giá. Nhưng không quá quan trọng về việc này mà vấn đề là ở cơ sở, nơi chúng tôi đến (Q.3 và Q.5) thấy anh em rất bỡ ngỡ, lúng túng về phương thức triển khai. Thậm chí, có cán bộ còn nói rất thật là “Không hiểu gì”. Chi cục trưởng Chi cục ATTP TP.HCM cũng cho biết là suốt 4 tháng qua chưa hề trực tiếp đi thanh, kiểm tra buổi nào với anh em cơ sở. Bận thì bận nhưng đây là mô hình thí điểm của Thủ tướng giao, nếu phát hiện vướng mắc thì báo cáo, tháo gỡ, làm tốt để còn nhân rộng mô hình, trong khi TP.HCM cũng là điểm nóng về ATTP. Tất nhiên, các sở, chính quyền địa phương có nhiều công việc, bận rộn chúng tôi rất hiểu, nhưng tới đây phải vào cuộc quyết liệt hơn.

Thực tế tại các cuộc làm việc, ông có đề xuất gì với chính quyền địa phương trong công tác quản lý ATTP?

Chúng tôi kiến nghị lãnh đạo địa phương phải rất quan tâm đến việc này, thậm chí thanh tra của 3 sở (Y tế, Công thương, NN-PTNT) phải trực tiếp hướng dẫn mang tính cầm tay chỉ việc. Công tác quản lý ATTP không chỉ là xét hồ sơ, thẩm định, cấp phép mà cần chú trọng thanh, kiểm tra, hậu kiểm phát hiện những vi phạm để hướng dẫn các hộ, cơ sở, doanh nghiệp khắc phục, đảm bảo các điều kiện theo quy định. Nếu chính quyền địa phương quan tâm chắc chắn tình trạng ATTP sẽ có thay đổi. Một quán bán nước chè tự phát, hay một ngôi nhà xây dựng, sửa chữa có vài viên gạch rơi ra… đã thấy lực lượng địa phương đến xử lý. Thế mà cả xe thịt thối, cả xưởng làm nước giải khát bẩn, lò giết mổ không phép tồn tại thời gian dài mà lại lọt được qua mắt chính quyền địa phương vậy có hợp lý hay không? Nếu cán bộ được giao nhiệm vụ về quản lý ATTP vào cuộc quyết liệt thì chắc chắn sẽ thay đổi như ở chợ Kim Biên (TP.HCM) từng nhiều năm là địa chỉ bán phụ gia thực phẩm không an toàn. Nhưng mới đây khi đoàn của Bộ Y tế kiểm tra đột xuất, thì thấy việc tổ chức kinh doanh đã thay đổi nhiều. 16 hộ kinh doanh phụ gia thực phẩm được bố trí riêng; các sản phẩm có hàng đủ nhãn mác, đầy đủ hồ sơ công bố sản phẩm. Đó là minh chứng rõ ràng cho sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, của ban quản lý chợ. Người kinh doanh nhờ đó cũng thêm kiến thức để tuân thủ, người tiêu dùng được mua sản phẩm an toàn.

Minh bạch thông tin, không bao che sai phạm

Đâu là vấn đề nóng được lựa chọn cho công tác đảm bảo ATTP tại thời điểm này?

Trong cuộc họp về công tác quản lý ATTP mới đây, Thủ tướng đã nhấn mạnh điểm nóng về ATTP lúc này là sản phẩm tươi sống. Đó là mặt hàng thiết yếu cần chú trọng giám sát. Thủ tướng cũng nhấn mạnh nâng cao vai trò trách nhiệm của địa phương trong quản lý ATTP.

Nhưng nhiều người cho rằng việc phân công chồng chéo, nhiều bộ ngành, nhiều cấp quản lý nên không quy được trách nhiệm cụ thể?

Theo tôi, việc phân công trách nhiệm về quản lý đảm bảo ATTP không chồng chéo, mà vấn đề là không chịu đọc kỹ văn bản. Nếu đọc kỹ sẽ thấy rõ: Chẳng hạn một cơ sở có nhiều sản phẩm thuộc nhiều bộ ngành quản lý thì sẽ giao cho một bộ quản lý trực tiếp chứ không để 3 - 4 bộ cùng vào gây rườm rà. Đặc biệt, với việc phân công, phân cấp, dứt khoát sẽ xử lý người chịu trách nhiệm đã buông lỏng quản lý. Ví dụ, việc để tồn tại bếp ăn tập thể không phép dứt khoát cán bộ phụ trách ATTP trên địa bàn phải chịu trách nhiệm. Nhưng thưa ông, ngay cấp T.Ư, các bộ ngành vẫn còn đổ lỗi cho nhau về trách nhiệm khi có sự cố thực phẩm bẩn… Về cơ bản cấp lãnh đạo các bộ đều đã trao đổi phối hợp tốt, thẳng thắn nhưng tôi cho rằng cấp tham mưu: các vụ, cục (của các bộ) còn lúng túng trong chia sẻ thông tin. Khi giải thích chưa thật rõ ràng thuyết phục, khiến báo chí và người dân khó chấp nhận. Vấn đề là ngay tại cấp vụ, cục cũng phải quyết liệt và công khai, minh bạch thông tin. Dám nhìn nhận thực tế, cái nào chưa phù hợp trong quy định phải báo cáo lãnh đạo của bộ mình để có hướng thay đổi.

Ông từng cam kết không bưng bít thông tin, nhưng một số địa phương lấy mẫu măng xét nghiệm chất vàng ô, lấy mẫu bim bim xét nghiệm chất lượng, phụ gia nhưng kết quả vẫn... im lìm?

Nếu các giám sát, xét nghiệm do Bộ Y tế lấy và thực hiện, chúng tôi khẳng định công bố minh bạch, không bao che. Nhưng mỗi bộ, ngành, địa phương cũng có giám sát nên thuộc quyền công bố riêng. Tuy nhiên, theo luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nếu sản phẩm vi phạm chất lượng thì sẽ bị thu hồi, tiêu hủy hoặc tái chế; vi phạm này nếu không khắc phục trong vòng 7 ngày thì khi đó cơ quan chức năng mới công bố. Còn trong tình huống thực phẩm ô nhiễm chất độc thì lập tức phải công bố ngay. Việc không công bố theo luật định thì người bưng bít thông tin sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về động cơ của việc mình làm. Tôi cho rằng, ngay cả trường hợp kết quả tốt cũng cần thông báo để người tiêu dùng an tâm, lựa chọn.

Sốt xuất huyết tăng 20%

4 tháng đầu năm nay đã có hơn 30.000 ca mắc SXH (tăng khoảng 20% so với cùng kỳ 2015) chủ yếu tại các tỉnh phía nam, 9 ca tử vong. Số mắc sốt xuất huyết mới ghi nhận trong các tuần gần đây có xu hướng chững lại nhưng dự báo sẽ còn tăng trong các tháng mưa tới…

Cứu sống bệnh nhân bị xương cá đâm thủng ruột

Trong lúc phẫu thuật ca viêm phúc mạc, các bác sĩ đã bất ngờ phát hiện một xương cá dài khoảng 3cm đâm xuyên ruột bệnh nhân. Chiều 4.5, BVĐK TP.Cần Thơ cho biết, vừa cấp cứu và điều trị thành công cho một ca bị xương cá đâm rất hy hữu. Bệnh nhân là ông Trần Hoàng Phú, 71 tuổi ngụ xã Tân Lược, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, nhập viện ngày 27.4 trong tình trạng đau bụng dữ dội. Tình trạng đau của bệnh nhân khởi phát trước đó một ngày ở vùng hố chậu phải và càng lúc càng đau nhiều hơn. Qua khám lâm sàng, siêu âm, xét nghiệm, các bác sĩ chấn đoán bệnh nhân nhiều khả năng bị viêm phúc mạc, nghi do viêm ruột thừa vỡ và chỉ định mổ cấp cứu. Quá trình nội soi, các bác sĩ đã lấy ra từ ổ bụng bệnh nhân một lượng lớn dịch tiêu hoá và mủ. Đặc biệt sau khi hút sạch dịch, phẫu thuật viên đã bất ngờ phát hiện một cọng xương cá dài khoảng 3cm xuyên thấu đại tràng (ruột già) bệnh nhân, lòi vào trong ổ bụng khoảng 2cm. Chiếc xương cá này chính là nguyên nhân gây ra tình trạng viêm phúc mạc cho bệnh nhân. Các bác sĩ đã tiến hành gắp chiếc xương cá ra khỏi ruột, xử lý vết thương tổn, rửa sạch ổ bụng cho bệnh nhân. Theo bác sĩ La Văn Phú, đây là ca bệnh rất hy hữu bởi không hiểu sao cọng xương như trên có thể vượt qua thực quản, dạ dày, tá tràng (dài khoảng 6m) trước khi xuống đến đại tràng rồi xuyên thủng lòi ra ổ bụng. “Điều may mắn là quá trình phẫu thuật chúng tôi tìm thấy cọng xương này. Tuy nó chỉ tương đương cây kim may quần áo nhưng nếu không được lấy ra kịp thời có thể khiến bệnh nhân tử vong bởi viêm phúc mạc do nhiễm trùng, nhiễm độc”. Hiện tại sức khoẻ bệnh nhân Hoàng đã ổn định, có thể xuất viện ngay trong ngày mai (5.5). Ông Hoàng cho biết, ông không nhớ đã nuốt cọng xương cá trên khi nào vì ông không hề có cảm giác hóc xương.

400.000 hộ gia đình bị nghèo hóa do chi phí y tế

Ngày 25/4, tại Hà Nội, đã diên ra Hội nghị khoa học toàn quốc. PGS- TS Hoàng Văn Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế công cộng cho biết: “Đến năm 2014, tỷ trọng chi cho y tế từ tiền túi của người dân chiếm khoảng 7% khả năng chi trả của hộ gia đình và chiếm khoảng 4% tổng chi phí họ gia đình. Tỷ lệ hộ gia đình chịu mức thảm họa giảm qua thời gian vào năm 2014 khoảng 2,3% họ gia đình chịu mức chi phí thảm họa, có nghĩa là có khoảng 550.000 hộ gia đình chịu mức thảm họa. Tỷ lệ nghèo hóa cũng có xu hướng giảm. Năm 2014 có 1,7% hộ gia đình Việt Nam roi vào bẫy nghèo đói và chi phí y tế tương đươn với hơn 400.000 hộ gia đình rơi vào bãy nghèo đói. Tuy những con só này giảm nhưng vẫn đáng quan tâm”…

Đột ngột tử vong khi được châm cứu tại nhà trọ

Sáng 26.4, cụ bà Phạm Thị Yên (73 tuổi) sau khoảng 2 tiếng được chữa trị bằng châm cứu và... tâm linh thì khó thở, cơ thể thâm tím, rồi tắt thở. Lúc 17 giờ ngày 26.4, bà Đinh Thị Phúc,Trưởng phòng Y tế H.Đức Trọng (Lâm Đồng), cho biết các cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng đang phối hợp điều tra làm rõ nguyên bà Phạm Thị Yên (73 tuổi, ngụ xã Đà Loan, H.Đức Trọng (Lâm Đồng) đột ngột tử vong. Trước đó, từ chiều 25.4, bà Yên đến phòng trọ của ông Nguyễn Hữu Lộc (45 tuổi), tại tổ 24, thôn Phú Thạnh, xã Hiệp Thạnh (H.Đức Trọng) để “chữa bệnh” bằng hình thức châm cứu và tâm linh. Sáng 26.4, ông Lộc châm cứu cho bà Yên. Sau khoảng 2 tiếng, bà Yên có biểu hiện khó thở, cơ thể thâm tím, rồi tắt thở.

Bệnh viện 345 tỉ đồng xây song thiếu thiết bị y tế

Liên quan đến việc Bệnh viện Củ Chi chậm tiến độ, Bí thư Đinh La Thăng nói: 'Chậm là không vì cái chung... Các ông cứ công khai minh bạch, dự án sẽ nhanh thôi'. Tại buổi làm việc với Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng vào sáng 26.4 liên quan đến dự án, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Nguyễn Hữu Hoài Phú cho biết Bệnh viện An Nhơn Tây (tên gọi cũ của Bệnh viện Củ Chi) khám chữa bệnh cho người dân 8 xã phía tây Củ Chi và một số người dân ở Bình Dương. Bệnh viện có công suất 300 giường với tổng kinh phí đầu tư khoảng 345 tỉ đồng, trong đó gói xây lắp 160 tỉ đồng và gói thiế bị y tế 185 tỉ đồng. Bệnh viện đã được đưa vào sử dụng vào tháng 1.2016; còn gói thiết bị đến tháng 2.2016 thì Sở Y tế mới xong cấu hình và thẩm định về mặt kỹ thuật. Dự kiến ngày 5.5, Ban quản lý các công trình xây dựng Củ Chi sẽ mở thầu và tới 10.7 sẽ xong gói thầu thiết bị. Nghe đến đây Bí thư Thăng hỏi dồn: “Trước đấy sao Sở Y tế, với tư cách chủ đầu tư, không thực hiện đấu thầu thiết bị? Sao giờ bệnh viện xây xong rồi mới đấu thầu thiết bị? Đầu tư phải đồng bộ chứ. Bệnh viện xây xong rồi mà chưa có đủ thiết bị y tế là sao? Anh Bỉnh (Nguyễn Tấn Bỉnh – Giám đốc Sở Y tế) đâu? Các anh từng làm văn bản đề nghị UBND TP giao cho ai đấu thầu? Người dân đang cần bệnh viện, dân số ngày càng tăng lên. Cả Bình Dương và các khu vực đều đến đây chữa bệnh mà các anh cứ đùn đẩy nhau”. Ông Bỉnh báo cáo: “Với Bệnh viện An Nhơn Tây, Sở Y tế TP khác với Sở Y tế những nơi khác là chỉ phụ trách về công tác chuyên môn. Do đó tất cả các dự án bệnh viện thuộc tuyến quận huyện thì chủ đầu tư là bệnh viện hoặc là ban quản lý các dự án của quận huyện. Từ năm 2015, sau khi lãnh đạo TP chỉ đạo, Sở Y tế đã cử đoàn xuống hướng dẫn, phát triển bệnh viện này với quy mô 300 giường, trong tương lai 500 giường”. Theo ông Bỉnh, về đầu tư trang thiết bị thì chủ đầu tư là bệnh viện và ban quản lý các dự án phải xây dựng các danh mục, rồi đưa lên Sở Y tế thẩm định. Từ tháng 9.2015, Sở Y tế đã nhiều lần xuống hướng dẫn để làm sao đưa bệnh viện vào vận hành. Tuy nhiên do năng lực của bệnh viện hiện chỉ có 14 bác sĩ thì không thể xây dựng được cấu hình cũng như ban quản lý chưa chọn được cấu hình nào phù hợp. Nghe đến đây, ông Thăng truy tiếp: “Ở TP này có bao nhiêu bệnh viện quy mô 300 giường?”. Ông Bỉnh trả lời có 31 bệnh viện. Ông Thăng: “Có sẵn như thế tại sao còn phải tìm cấu hình. Anh đưa cấu hình của các bệnh viện có sẵn rồi sửa đổi cho phù hợp cho Củ Chi là xong. Anh đừng đổ lỗi cho bên dưới. Vai trò quản lý nhà nước của anh ở đâu?”. Ông Bỉnh cho rằng từ trước tới này với bệnh viện quận huyện, chủ đầu tư tự thực hiện hết. Ông Thăng cho biết phải tìm kiếm văn bản vì chủ trương đầu tư, đấu thầu thiết bị phải có từ lúc khởi công xây dựng bệnh viện chứ không phải bây giờ mới làm. “Đây là tiền đầu tư của ngân sách nên các anh phải làm từ lúc có chủ trương xây bệnh viện. Cấu hình là ai xây? Nếu đơn vị xây dựng có năng lực yếu thì phải thay thế. Trách nhiệm các anh làm chứ đừng ngồi đó đổ lỗi cho chậm. Cả TP có 31 bệnh viện 300 giường thì cấu hình ở đó chứ đâu. Do các anh máy móc chứ gì. Tôi nói thẳng ở đây cứ loằng ngoằng chuyện mua sắm nên mới chậm như thế. Nó chậm là không vì cái chung. Ông này muốn đưa người này, ông kia muốn đưa người kia vào phần thiết bị. Các ông cứ công khai minh bạch, trong sáng dự án sẽ nhanh thôi”, ông Thăng nói. Ông Thăng nói tiếp: “Các anh vì dân thì không bao giờ các anh làm thế. Bệnh viên Ung bướu cũng chậm, rồi các bệnh viên T.Ư giao cho TP làm  cũng chậm. Trách nhiệm thuộc về ai? Anh Bỉnh về kiểm điểm xem. Liệu anh có đủ sức lo chăm sóc sức khỏe cho người dân vừa lo đầu tư cơ sở chữa bệnh? Anh có làm được không chứ bây giờ cứ đổ cho cấp dưới là không được. Các anh đi cơ sở phải thấy xót ruột chứ. Bệnh viện gì mà không có thiết bị”. Rồi Bí thư Thăng quay sang ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng nói: “Anh coi bệnh viện thiết kế có phù hợp không? Tôi đi khảo sát thấy rất nóng. Phải coi hệ thống chống nóng, hệ thống rèm cửa thế nào chứ các anh đi không cảm nhận được điều đó à? Toàn bộ bệnh nhân nằm phơi người như thế”. Bí thư Đinh La Thăng cho biết, việc thiếu nhân sự cũng do Sở Y tế bởi đây là cơ quan đề xuất. Sở Y tế phải có cơ chế thu hút bác sĩ về đây công tác như bác sĩ muốn về bệnh viện trung tâm thì phải có vài năm công tác ở bệnh viện huyện. Cùng với đó là chế độ tốt đảm bảo thu hút bác sĩ. “Các anh phải chủ động những cơ chế đó chứ. Các anh xây dựng bệnh viện này mấy năm rồi thì phải nghĩ cách để vận hành”, ông Thăng nói. Về điều này, ông Bỉnh cho biết từ cuối tháng này, Sở Y tế sẽ tăng cường cho Bệnh viện Củ Chi 40 bác sĩ cũng như tăng cường đào tạo, huấn luyện đội ngũ nhân lực khám chữa bệnh lâu dài cho bệnh viện. Ông Thăng lưu ý với quy mô 300 giường thì 60 bác sĩ có đủ đảm bảo vận hành không. “Tôi sẽ theo sát vụ này đến cùng chứ không để yên đâu. Cái này rõ ràng có vấn đề trong cung cách hành chính. TP.HCM xếp thứ 47/63 tỉnh thành về chỉ số cải cách hành chính. Trong xếp hạng 47 đó, Sở Y tế cũng có góp tương đối nhiều”, ông Thăng nói. Cuối cùng ông Thăng yêu cầu Đảng ủy Sở Y tế phải kiểm điểm trách nhiệm liên quan tới sự chậm trễ trong việc vận hành, khai thác và phải có biện pháp xử lý những người liên quan, kể cả người đứng đầu. Việc kiểm điểm không thể chung chung, trên đổ dưới, dưới đổ trên và cuối cùng người dân phải chịu thiệt. Về phía huyện cũng phải xử lý nghiêm những người có liên quan để xảy ra việc chậm trễ. Báo cáo phải gửi về Thành ủy, UBND trước ngày 15.5. “Đồng thời phải đẩy nhanh tiến độ đưa dự án vào khai thác bệnh viện. Phải có phương án chống nóng, làm sạch hệ thống không khí, đặc biệt là hệ thống vệ sinh nằm trong nhà. Các anh làm nhà vệ sinh rất hôi. Mùi kiểu đó người khỏe vào cũng chết chứ nói gì người bệnh”.

Bí thư, Chủ tịch phải chịu trách nhiệm về thực phẩm bẩn

Đó là thông điệp cứng rắn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra khi chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) hôm qua (27.4). Hội nghị có sự tham dự của các thành viên Chính phủ và lãnh đạo các tỉnh, thành trên cả nước. Tại hội nghị, “soi” kỹ báo cáo mới nhất của Bộ NN-PTNT, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng nói: “Số liệu các báo cáo làm tôi rất băn khoăn, vì tình trạng vi phạm rất tràn lan, phổ biến mà nói tỷ lệ thực phẩm không an toàn chỉ 1%, 5%, 7%... và đều giảm dần. Tôi xin lỗi là tôi không tin con số này”. Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng theo ông Thăng, nguyên nhân số một là không xác định được trách nhiệm; không kỷ luật được ai từ phường, xã đến quận huyện và tỉnh, thành. “Không xác định được trách nhiệm nên cả làng đều vui, ăn bẩn vẫn rất vui”, ông Thăng chua xót nói. Do đó, thay vì hô hào khẩu hiệu như “nỗ lực”, “cố gắng”, “kiên quyết”..., ông Thăng đề nghị sau hội nghị này Chính phủ nên ban hành chỉ thị phải gắn với các giải pháp cụ thể, cần xác định rõ trách nhiệm. “Nhập chất cấm, cần có 10 cân mà cho nhập 10 tấn thì hòa cả làng. Vậy phối hợp giữa các bộ như thế nào? Phải xử lý nghiêm bộ nào cho nhập”, ông Thăng đề nghị. Bổ sung thêm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kể: “Tôi lên phòng anh Cao Đức Phát (Bộ trưởng NN-PTNT - PV) làm việc, anh nói phòng có 2 bao tải salbutamol nhập lậu. Nguyên nhân là do lỏng lẻo trong kiểm soát dẫn tới hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng từ chân gà, lòng lợn thối cho đến chất cấm”. Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Để lò mổ vi phạm, chăn nuôi dùng chất cấm trên địa bàn... anh chủ tịch phường, xã có biết không? Phải quy trách nhiệm cuối cùng cho người thay mặt Đảng, chính quyền nơi để xảy ra vi phạm. Còn nói chung chung không ai chịu trách nhiệm, rất khó. Chính quyền của dân, do dân, vì dân mà việc liên quan đến sinh mạng của dân không chịu trách nhiệm thì không chấp nhận được”. Thủ tướng lưu ý, VSATTP không chỉ ảnh hưởng đến giống nòi mà còn cả uy tín quốc tế của đất nước. Do đó cần biện pháp mạnh, kiên quyết, toàn diện, để công tác này đạt kết quả tốt hơn, đáp ứng sự mong đợi của nhân dân. Thủ tướng yêu cầu xử lý hành chính ở mức cao nhất, kể cả xử lý hình sự các vi phạm về VSATTP; tăng cường thanh tra, kiểm tra; tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sản xuất thay đổi tư duy, nhận thức rõ vấn đề bảo đảm VSATTP. Các cơ quan thông tin truyền thông phải vào cuộc tích cực, thông tin đầy đủ, toàn diện về công tác này. Trước mắt, Thủ tướng đề nghị phải lựa chọn loại thực phẩm tươi sống - gắn bó thường nhật với đời sống người dân, để tập trung giám sát... nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét về quản lý. Sau cuộc họp này, Thủ tướng sẽ ban hành chỉ thị để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng bảo đảm VSATTP.

Hàng chục công nhân nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm 

Sau bữa ăn trưa với cá ngừ kho, thịt heo, canh mướp.... hơn chục công nhân công ty Choi & Shin's Vina đã phải nhập viện vì choáng váng, nôn ói, tiêu chảy... Chiều tối 27-4, Trung tâm y tế thành phố Mỹ Tho tỉnh Tiền Giang, cho biết từ trưa đến tối cùng ngày, đơn vị này đã tiếp nhận 16 ca nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm. Những bệnh nhân đều từ Công ty Choi & Shin's Vina  tọa lạc xã Mỹ Phong, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Đây là công ty chuyên về sản xuất các mặt hàng may mặc xuất khẩu với 100% vốn của nước ngoài. Triệu chứng chung của các công nhân khi nhập viện là nôn ói, chóng mặt, đau bụng, tiêu phân lỏng. Theo các công nhân, vào khoảng 11g30 trưa 27-4 sau khi ăn cơm (cá ngừ kho hành lá, thịt heo kho dưa cải, sườn chay chiên, bầu xào, canh mướp rau dền...) thì các công nhân bắt đầu bị các triệu chứng như trên. Sau bữa ăn khoảng 1 giờ đồng hồ thì họ cảm thấy mệt, đau đầu, choáng váng, nôn ói và tiêu chảy. Một số công nhân bị xỉu tại chỗ nên được đưa đi cấp cứu trước, sau đó lần lượt nhiều công nhân cũng phải tới bệnh viện cấp cứu. Được biết, hôm nay bếp cung cấp 1.061 phần ăn cho công nhân (trong đó có 200 suất ăn chay). Thức ăn được công ty hợp đồng với một công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ có địa chỉ tại xã Trung An, TP. Mỹ Tho đảm trách. Đến khoảng 17g30 cùng ngày, hầu hết công nhân cơ bản đã ổn định sức khỏe và được cho xuất viện. Hiện vẫn còn một số công nhân vẫn phải tiếp tục điều trị qua đêm. Bác sĩ Võ Phúc Hậu - chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Sở Y tế Tiền Giang  cho biết hiện cơ quan chức năng đang lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân gây ngộ độc.

Tuổi trẻ

Hội chẩn sức khỏe cho bệnh nhân ở đảo Trường Sa

Chiều 1-5, tại đảo Trường Sa, thị trấn Trường Sa, thuộc quần đảo Trường Sa đã diễn ra ca hội chẩn sức khỏe cho bệnh nhân trên đảo giữa các bác sĩ của bệnh xá và hội đồng các bác sĩ đầu cầu TP.HCM của Bệnh viện Quân y 175. Đây là một trong những hoạt động của đoàn công tác do Trung ương Đoàn, Quân chủng Hải quân, Bệnh viện Quân y 175,  báo Tuổi Trẻ và bạn đọc báo Tuổi Trẻ tổ chức đến thăm hỏi động viên và tặng quà cho chiến sĩ, người dân đang chiến đấu, làm việc và sinh sống tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Phía đầu cầu TP.HCM có đại tá, tiến sĩ Trần Quốc Việt - phó giám đốc Bệnh viện Quân y 175 - chủ trì hội chẩn, chủ nhiệm khoa tim mạch, khoa chẩn đoán hình ảnh cùng nhiều bác sĩ chuyên khoa của bệnh viện. Phía đầu cầu Trường Sa là thiếu tá Lê Thanh Liêm - chuyên khoa tim mạch bệnh xá Trường Sa và bệnh nhân cùng đại diện đoàn công tác. Thiếu tá Lê Thanh Liêm cho biết bệnh nhân T.T.L., 46 tuổi, là trung tá đang công tác tại đảo Trường Sa được chẩn đoán hở van động mạch chủ dạng vừa, suy tim cấp độ hai, biểu hiện lâm sàng mệt mỏi đã được bệnh xá siêu âm tim và các xét nghiệm... Sau khi được các bác sĩ đầu cầu TP.HCM tham vấn, hỏi các thông số, tiền sử của bệnh nhân và thảo luận với các bác sĩ chuyên khoa ở Bệnh viện 175, đại tá - tiến sĩ Trần Quốc Việt chẩn đoán đây là ca suy tim mức độ trung bình đến nặng, đề nghị giảm tối đa làm việc để tránh làm tim mệt, điều trị, theo dõi mỗi ba tháng/lần. Đại tá Việt cũng đề nghị vào Quân y vùng 4 theo dõi điều trị đảm bảo lâu dài. Trước đó, sáng 30-4, đoàn công tác của báo Tuổi Trẻ và bạn đọc Tuổi Trẻ cùng các cán bộ, chiến sĩ trên đảo Trường Sa Đông làm lễ chào cờ kỷ niệm 41 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Hôm nay, đoàn công tác đến dâng hương đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, viếng đền thờ Bác Hồ, thăm chùa trên đảo Trường Sa, thắp hương tại nghĩa trang Trường Sa và thăm, tặng quà các đơn vị, người dân sinh sống trên đảo.

Siết kê đơn thực phẩm chức năng

Từ ngày 1-5, Bộ Y tế yêu cầu tuyệt đối không kê đơn TPCN. Thật ra lệnh cấm này được ban hành từ năm 2008. Nhưng theo khảo sát của chúng tôi, 8 năm qua chưa có trường hợp nào bị xử phạt, nhắc nhở hay chế tài vì kê TPCN vào đơn thuốc, trong khi hành vi này rất phổ biến. Theo một chuyên gia, để “lách” quy định cấm kê TPCN vào đơn thuốc, có bác sĩ kê TPCN và lời dặn dò bệnh nhân vào đơn riêng, thành ra TPCN vẫn được kê mà vẫn tránh được lệnh cấm. Vì lý do này, 8 năm nay Bộ Y tế cấm kê đơn TPCN, nhưng TPCN vẫn có mặt trong đơn thuốc.

Không muốn vẫn phải mua

Cách đây không lâu, bà Nguyễn Thị Khoa (74 tuổi, ở Thuận Thành, Bắc Ninh) ra Hà Nội khám bệnh. Bà Khoa bị đau vai phải gần một năm, đi khám và điều trị bằng y học cổ truyền nhưng không thấy đỡ. Tháng 3 vừa rồi bà đau quá nên con trai bà đưa mẹ ra một phòng khám trên đường Giải Phóng, Hà Nội. Bà Khoa được bác sĩ chẩn đoán bị viêm nhị đầu gân và kê đơn thuốc. Khi mua thuốc xong, gia đình phát hiện trong ba thuốc viên có một loại TPCN, giá đã trả cho sản phẩm là 280.000 đồng. Bà Khoa kể: “Tôi là nông dân, bác sĩ chỉ gì thì mua đấy chứ làm sao biết được, nhưng uống rồi vẫn thấy không đỡ đau”. Theo ghi nhận trong ngày 30-4, tại nhiều nhà thuốc ở TP.HCM đều bày bán nhiều loại TPCN được sản xuất dưới dạng viên, nước hoặc bột. Theo giới thiệu của nhân viên bán thuốc, có nhiều loại TPCN có tác dụng hỗ trợ chức năng các bộ phận trong cơ thể như não, gan, xương khớp, mắt... Giá bán các loại TPCN từ vài trăm nghìn đến tiền triệu một hộp (chai, lọ...). Nhiều nhân viên nhà thuốc cho biết ngày càng có nhiều người đến hỏi mua TPCN. Đa số đều nghe hoặc quảng cáo trên truyền hình, báo đài hoặc được nhân viên y tế, người quen giới thiệu sử dụng. Nhân viên của một nhà thuốc trên đường Hai Bà Trưng (Q.3) kể dù Bộ Y tế quy định bác sĩ không được phép kê đơn TPCN nhưng khi bán thuốc hằng ngày cho người bệnh, nhân viên này vẫn thấy bác sĩ kê thêm vào đơn thuốc các loại TPCN. Để tránh vi phạm quy định, một số bác sĩ còn “lách” kê đơn TPCN bằng hình thức khác: khi khám cho người bệnh bác sĩ thường gợi ý, giải thích hiệu quả, công dụng của TPCN loại A, B, C nào đó rồi chỉ nhà thuốc cho bệnh nhân đến mua. Có bác sĩ ghi cụ thể tên loại TPCN cần dùng, địa chỉ nhà thuốc vào mẩu giấy rời, bấm dính vào đơn thuốc và hướng dẫn người bệnh đi mua. “Các bác sĩ ở các khoa kê mỗi loại khác nhau, chủ yếu là các loại TPCN tăng cường sinh lý nam, nữ; giảm đau khớp; bổ não, gan, mắt; bổ sung canxi...” - một nhân viên bán thuốc nói.

Không cần đưa vào đơn thuốc

Thị trường TPCN đang loạn, thật - giả khó phân biệt và không sao lường được về chất lượng. Trong khi đó, các cơ quan có trách nhiệm lập lại kỷ cương trong lĩnh vực này lại chưa thể hiện được khả năng quản lý của mình. Vai trò của Bộ Y tế trong vấn đề này, bởi chính Bộ Y tế biết rõ hơn ai hết TPCN có công dụng thực sự thế nào, quản lý ra sao nên cấm bác sĩ kê toa TPCN là đúng. “Tại Bệnh viện Bình Dân có những bệnh nhân khi đến khám bệnh cục sỏi ở thận đã rất to, gây hư hại hết thận do thời gian dài nhưng không đi điều trị mà chỉ uống TPCN được người bán quảng cáo làm tan sỏi không cần phải mổ” - PGS Chuyên chia sẻ. Chất lượng TPCN thực hư tới đâu thường khiến các bác sĩ băn khoăn, như ý kiến của GS Trần Ngọc Ân, chủ tịch Hội Thấp khớp học VN. GS Ân cho hay thuốc phải trải qua thực nghiệm, nghiên cứu kỹ lưỡng và được hội đồng đánh giá có hiệu quả mới cho phép sử dụng điều trị. Trong khi đó TPCN chỉ được kiểm soát qua tiền kiểm, chất lượng khi lưu hành chưa kiểm soát được. Nói về chuyện siết kê đơn TPCN Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), phân tích đơn thuốc có hàm ý là dành kê các thuốc phòng, chữa bệnh, trong khi TPCN là hàng bán tự do, như rau, củ, quả, bán cả ở siêu thị cho những người có nhu cầu thì không cần đưa vào đơn. Đồng tình quan điểm này, BV phụ sản Hùng Vương (TP.HCM) - cũng bày tỏ: “Do TPCN không phải là thuốc nên Bộ Y tế quy định không cho bác sĩ kê đơn TPCN là đúng. Ở nước ngoài họ cũng bán TPCN tự do ở các siêu thị, nhà thuốc mà không cần đơn của bác sĩ. Xét ở góc độ nào đó TPCN cũng có một phần chức năng hỗ trợ sức khỏe nhưng do các đơn vị bán hàng quảng cáo thổi phồng quá mức nên gây ngộ nhận cho người sử dụng về công dụng, chứ bản chất TPCN không xấu”. Tuy nhiên, cũng có người muốn sử dụng thực phẩm chức năng lại ủng hộ hình thức kê đơn vì như thế sẽ an tâm hơn nếu chỉ nghe quảng cáo từ các phương tiện truyền thông. Để dung hòa nhu cầu của người bệnh và chức trách của người làm nghề y, ông Trần Quang Trung, nguyên cục trưởng Cục ATTP, gợi ý rằng tuy quy chế không cho phép bác sĩ kê TPCN vào đơn thuốc, nhưng người dùng có thể chọn và sử dụng theo các hướng dẫn ghi ngay trên sản phẩm. Trong một số trường hợp có bệnh lý, đang dùng các thuốc khác, người bệnh có thể báo cho bác sĩ để được tư vấn xem phối hợp của thuốc và TPCN đang dùng có gây tác dụng phụ hoặc làm giảm công hiệu của thuốc hay không. Hoặc bác sĩ có thể hướng dẫn người dân dùng TPCN với mục đích hỗ trợ điều trị và phòng bệnh.

Muốn siết, vẫn lúng túng!

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lương Ngọc Khuê cho hay quy định cấm TPCN và mỹ phẩm theo quy chế kê đơn có hiệu lực thực hiện từ ngày 1-5 không phải là mới, quy định này đã có từ năm 2008. Tuy nhiên, trong quy chế kê đơn thuốc ngoại trú mới được Bộ Y tế ban hành và có hiệu lực từ ngày 1-5, chúng tôi tìm đỏ mắt cũng không thấy chế tài kèm theo lệnh cấm kê đơn TPCN và mỹ phẩm. Trong nghị định 176 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, nơi quy định cụ thể và đầy đủ nhất hình thức chế tài với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực y tế, quy định cụ thể hành vi kê đơn biệt dược đắt tiền nhưng không cần thiết với người bệnh (nhằm mục đích vụ lợi) sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng, vẫn không có quy định chế tài hành vi kê TPCN và mỹ phẩm vào đơn thuốc. Một chuyên gia của Bộ Y tế nhận định: dường như ban soạn thảo quy chế kê đơn đưa việc cấm kê TPCN và mỹ phẩm vào đơn thuốc vì áp lực xã hội. Theo chuyên gia này, nhiều ý kiến cho rằng TPCN không có tác dụng, nhưng thực tế đó là những ý kiến sai lầm, TPCN có tác dụng hỗ trợ nhất định, vấn đề chỉ là giá quá cao và muốn có tác dụng thì phải dùng liên tục số lượng lớn. “Hàm lượng hoạt chất trong TPCN thấp, muốn có hiệu quả thì phải dùng nhiều. Tôi cho là có điều kiện kinh tế thì dùng, không thì thôi. Muốn cấm TPCN trong đơn thuốc thì phải có chế tài kèm theo” - chuyên gia này cho biết. Khi chưa có quy định về chế tài, sẽ rất khó cấm bác sĩ kê đơn TPCN. Nhưng theo thanh tra Bộ Y tế, tới đây khi kiểm tra bệnh viện sẽ đưa mục kiểm tra xem có TPCN trong đơn thuốc không vào nội dung kiểm tra. Nhưng vậy có đủ cho một lệnh cấm chưa?

Phình động mạch chủ ngực: Hơn 90% tử vong khi vỡ túi phình

Phình động mạch chủ ngực là bệnh thường gặp ở người lớn tuổi, có nguy cơ tử vong rất cao khi túi phình bị vỡ. Tuy nhiên bệnh có thể phòng được nếu có chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, tập luyện hợp lý. 10g ngày 28-3, ông N.A.B. (45 tuổi, Q.Bình Tân, TP.HCM) nhập viện tại Bệnh viện Q.7 với triệu chứng đau bụng, tiêu chảy.

Trở tay không kịp

Sau khi làm các xét nghiệm, bước đầu bác sĩ chẩn đoán ông B. bị viêm thần kinh liên sườn. Ông B. tiếp tục được theo dõi, làm các xét nghiệm, hội chẩn và bác sĩ chẩn đoán ông B. bị bệnh về tim mạch. Đến 16g30 cùng ngày, bệnh viện cho ông B. làm thêm xét nghiệm cuối cùng để bổ sung chẩn đoán. Khoảng một tiếng sau, trong lúc chờ kết quả, ông B. đột ngột lên cơn co giật rồi tử vong. Trước cái chết đột ngột của ông B., Bệnh viện Q.7 báo cáo ngay Sở Y tế TP và Công an Q.7 để làm rõ nguyên nhân tử vong của ông B.. Theo bà C.B.P. - vợ ông B. - buổi tối trước ngày mất, chồng bà đi làm về thấy đau ngực, khó thở nên đã nhờ đồng nghiệp đưa vào Bệnh viện Q.7. Nằm đến 4g sáng 28-3 thì ông B. ra về. Vừa về tới nhà, ông B. tiếp tục lên cơn đau tức ngực, nằm ngủ không được nên bà P. đưa ông vào Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu. Thấy bệnh nhân cấp cứu đông, ông B. nói vợ đưa trở lại Bệnh viện Q.7 để điều trị. Chiều cùng ngày, khi bà về nhà có việc, bệnh viện đã điện báo ông B. đang hấp hối. Bác sĩ Trần Dư Đông - giám đốc Bệnh viện Q.7 - cho biết kết quả pháp y của cơ quan chức năng kết luận ông B. tử vong do vỡ túi phình quai động mạch chủ ngực. Đây là bệnh lý rất khó phát hiện, khi túi phình vỡ ra thì tỉ lệ tử vong rất cao. Tuy nhiên, có người bị vỡ túi phình động mạch chủ ngực may mắn được các bác sĩ Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cứu khỏi “lưỡi hái tử thần” là anh Phí Văn H., 19 tuổi. Anh H. nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Qua xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán anh H. bị bóc tách động mạch chủ ngực type A. Sau tám giờ phẫu thuật cấp cứu, được thay toàn bộ gốc động mạch chủ, thay động mạch chủ lên và quai động mạch chủ, truyền sáu đơn vị máu và chế phẩm máu…anh H. đã hồi phục.

Chú ý hai tình huống

Phình động mạch chủ ngực là tình trạng giãn thường xuyên và khu trú một hay nhiều đoạn động mạch làm động mạch chủ ngực tại vị trí giãn trở nên yếu và phình ra. Đến lúc túi phình bị vỡ khiến người bệnh chết nếu không được cấp cứu kịp thời. Nguyên nhân bệnh chủ yếu là do xơ vữa động mạch (chiếm tới 95-98% trường hợp). Phình động mạch chủ ngực thường gặp ở người lớn tuổi (50-80 tuổi), nam bị nhiều hơn nữ (1,7 nam/1 nữ). Bệnh liên quan tới nhiều yếu tố như tuổi, giới, thói quen hút thuốc lá, bệnh lý tăng huyết áp, tình trạng rối loạn lipid máu và có tính gia đình... Triệu chứng bệnh phình động mạch chủ ngực khi chưa có biến chứng lại khó nhận biết, chỉ được phát hiện tình cờ khi có đau ngực hoặc đi khám sức khỏe định kỳ. Triệu chứng thường xảy ra khi túi phình lớn nhanh, trong đó triệu chứng đau ngực thường gặp nhất và bệnh nhân thường đau trước xương ức hoặc đau lan ra sau lưng. Khi có biến chứng, có hai tình huống cần chú ý. Một là khi túi phình chèn ép vào các cơ quan lân cận: chèn ép khí phế quản gây khó thở, chèn ép thực quản gây khó nuốt, chèn ép dây thần kinh quặt ngược thanh quản gây khàn tiếng. Có khi túi phình làm tắc động mạch gian sườn gây triệu chứng liệt, dị cảm. Hai là khi vỡ túi phình: vỡ túi phình là biến chứng đáng sợ nhất của phình động mạch chủ ngực vì tỉ lệ tử vong rất cao, trên 90% và đa số bệnh nhân tử vong trước khi nhập viện. Do vậy, khi có triệu chứng đau ngực kèm theo mạch nhanh, huyết áp tụt, khó thở, rất có thể đó là những dấu hiệu của phình động mạch chủ ngực vỡ.

Tầm soát, phát hiện sớm

Để phòng bệnh không nên hút thuốc lá, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường tập luyện thể thao. Với người có nguy cơ cao cần khám sức khỏe định kỳ, có ý thức phòng bệnh xơ mỡ động mạch, cao huyết áp...Với bệnh nhân đã được phát hiện phình động mạch chủ ngực kịp thời, khi chưa có biến chứng cần lưu ý việc tái khám định kỳ và tuân thủ điều trị. Ngoài ra, bệnh nhân nên nắm rõ các triệu chứng của tình trạng túi phình dọa vỡ và vỡ để kịp thời tới bệnh viện cấp cứu khi cần thiết. Về điều trị túi phình, tùy vào vị trí túi phình, kích thước và diễn tiến phát triển của túi phình, các bệnh lý kèm theo của bệnh nhân, điều kiện tâm sinh lý, hoàn cảnh bệnh nhân... bác sĩ sẽ đưa ra các phương án theo dõi và điều trị phù hợp. Trường hợp đặc biệt - khi túi phình lớn hơn 5cm nhưng bệnh nhân chưa đồng ý mổ - cũng cần theo dõi cẩn thận và điều trị nội khoa kết hợp điều chỉnh chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng, tập luyện của bệnh nhân, ngưng hút thuốc lá, điều trị rối loạn lipid máu, điều trị cao huyết áp, đề phòng té chấn thương làm vỡ túi phình.

Bộ Y tế khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh mùa nắng nóng 

Môi trường nắng nóng là điều kiện rất thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển, lây lan và gây bệnh như sốt do vi rút, bệnh đường hô hấp, bệnh đường tiêu hóa, bệnh viêm da do tụ cầu… Thời tiết nắng nóng làm cơ thể ra mồ hôi nhiều, nếu không được bù nước đầy đủ sẽ gây mất nước, điện giải; đồng thời nếu bật quạt gió mạnh trực tiếp vào người hoặc để nhiệt độ điều hòa quá thấp dễ gây bị nhiễm lạnh; việc không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy cấp. Ngoài ra môi trường nắng nóng là điều kiện rất thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển, lây lan và gây bệnh như sốt do vi rút, bệnh đường hô hấp, bệnh đường tiêu hóa, bệnh viêm da do tụ cầu… Để chủ động phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để quạt thổi trực tiếp gần vào người để phòng bệnh đường hô hấp. Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; uống đủ nước và tăng cường dinh dưỡng, tăng cường ăn hoa quả để đảm bảo đủ vitamin nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể. Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. Thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

Xương cá đâm thủng ruột mà không biết

Ngày 4-5, một tuần sau ca mổ nội soi lấy xương cá đâm thủng thành ruột, gây nhiễm trùng ổ bụng, viêm phúc mạc, sức khỏe ông T.P.H. (71 tuổi, ở huyện Bình Tân, Vĩnh Long) đã hồi phục, chuẩn bị được xuất viện. Trước đó, ông H. nhập viện cấp cứu tại VĐK TP Cần Thơ trong tình trạng đau bụng vùng hố chậu phải, đau ngày càng tăng. Qua thăm khám, xét nghiệm và siêu âm bụng cho ông H., ban đầu bác sĩ chẩn đoán ông bị viêm phúc mạc nghi do ruột thừa vỡ. Tuy nhiên qua nội soi ổ bụng, thấy có nhiều dịch tiêu hóa và mủ, sau khi hút mủ và dịch, các bác sĩ phát hiện có mảnh xương cá (dài khoảng 3 cm) đâm xuyên qua thành ruột (manh tràng, ở phần đầu ruột già) nên đã gắp xương cá ra. Tình trạng ông H. bị nhiễm trùng viêm phúc mạc khá nặng do đến bệnh viện trễ. Nếu để trễ hơn nữa, ông H. có thể tử vong do nhiễm trùng nhiễm độc. Ông H. không nhớ mình ăn cá và bị mắc xương khi nào, vì có khi ăn kèm với rau, hay kèm với gỏi cuốn nên xương chui tọt xuống, không mắc ở cổ họng nên ông không biết. Cho đến khi bị đau bụng, đến bệnh viện các bác sĩ gắp ra xương trong ruột ra mới hoảng hồn, sau này ăn cá có xương to sẽ chú ý hơn.

Bệnh viện Củ Chi chậm hoạt động: “Sở Y tế kiểm điểm xem có hoàn thành nhiệm vụ”

Sáng 26-4,  Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã truy giám đốc Sở Y tế TP.HCM khi chứng kiến Bệnh viện Củ Chi đã xây xong nhưng nhiều phòng không đón được bệnh nhân vì chưa có thiết bị y tế. Bệnh viện Củ Chi vừa xây tại xã An Nhơn Tây với quy mô 300 giường, khánh thành tháng 1-2016 nhưng cho đến nay gói thiết bị y tế trị giá 110 tỉ chỉ mới chuẩn bị đấu thầu. Bệnh viện cần 60 bác sĩ nhưng chỉ có 14 bác sĩ. Đi dọc một số hành lang, phòng ốc vừa mới xây nhưng trống vắng bệnh nhân vì chưa có thiết bị y tế, ông Đinh La Thăng thốt lên: “Quá lãng phí!”. Báo cáo với Bí thư Thành ủy, chủ tịch huyện Củ Chi Nguyễn Hữu Hoài Phú cho biết sớm nhất đến tháng 8-2016 mới có thiết bị. Lý do chậm trễ là trước đây quyền đấu thầu thiết bị y tế do Sở y tế nắm. Sau chỉ đạo của Bí thư Đinh La Thăng, quyền này được giao về lại cho các bệnh viện huyện và mới bắt đầu lập hồ sơ đấu thầu từ tháng 3-2016. Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh lý giải thêm việc mở thầu chậm trễ là do chưa xây dựng được cấu hình thiết bị riêng cho Bệnh viện Củ Chi. Ông Đinh La Thăng hỏi ông Nguyễn Tấn Bỉnh: “TP.HCM có bao nhiêu bệnh viện có 300 giường?”. Ông Bỉnh đáp: “Thưa 31 bệnh viện. Sở y tế cũng có hỗ trợ để xây dựng cấu hình nhưng chưa kịp”. Bí thư Thành ủy truy vấn: “Vậy tại sao các anh không lấy cấu hình của các bệnh viện tương tự, chỉnh sửa thêm cho phù hợp? Anh làm chậm mà còn đổ cho cấp dưới là sao? Vai trò của anh ở đâu? Anh đừng nói hỗ trợ mà trách nhiệm của các anh là phải làm”. Tiếp tục truy vấn, ông Đinh La Thăng cho rằng trước đây Sở Y tế nắm đấu thầu, như vậy thì đã có hồ sơ rồi, tại sao bây giờ xây dựng xong rồi mà vẫn làm lại hồ sơ mời thầu thiết bị? Ông cho rằng Sở Y tế chỉ lo đối phó, giám đốc Sở Y tế phải xem lại. Bí thư Thành ủy nói dân Củ Chi, rồi dân vùng giáp ranh ở Bình Dương, Tây Ninh đang cần bệnh viện tại An Nhơn Tây nhưng người có trách nhiệm thì lại đùn đẩy. Thành ủy yêu cầu kiểm tra làm rõ trách nhiệm nhưng không kiểm tra báo cáo gì. “Tôi nói các anh, có sự loằng ngoằng chuyện mua sắm ở đây nên mới chậm. Chậm là vì các anh đã không vì cái chung. Dân chờ còn các anh thì cứ ngồi đó. Trách nhiệm số một là của giám đốc Sở Y tế. Anh kiểm điểm xem, anh có đủ sức để hoàn thành nhiệm vụ hay không? Vừa chăm sóc sức khỏe cho dân vừa lo đầu tư cơ sở vật chất. Anh có làm được không?” - Bí thư Đinh La Thăng hỏi giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh. Ông Đinh La Thăng yêu cầu Sở Y tế phải kiểm điểm trách nhiệm của các cán bộ Đảng viên liên quan đến việc đầu tư xây dựng bệnh viện Củ chi, dẫn đến chậm vận hành, chậm phục vụ dân; chậm nhất 15-5 phải báo cáo Thường trực thành ủy, UBND TP và phải xác định trách nhiệm, phải xử lý người có liên quan. Từ lãnh đạo Sở y tế đến các cơ quan có liên quan ai chậm đều  phải xử lý. “Không thể trách nhiệm chung chung, không có chuyện trên đổ dưới, dưới đổ trên, chỉ có dân là thiệt, tiền thì bỏ ra rồi” - Bí thư Thành ủy nói.

Vụ mẹ con sản phụ tử vong ở Bạc Liêu: Bệnh viện nói chưa phát hiện sai sót

Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu nhận định, nguyên nhân mẹ con sản phụ tử vong có thể là chị Vân bị thuyên tắc ối hoặc nhồi máu cơ tim. Bác sĩ Trần Văn Khánh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu, cho biết đơn vị vừa có báo cáo nhanh gửi Sở Y tế về vụ mẹ con sản phụ Khưu Thị Kiều Vân (39 tuổi, ngụ huyện Đông Hải) tử vong. Theo ông Khánh, hồ sơ bệnh án của chị Vân đã bị công an niêm phong để điều tra. Tuy nhiên, theo báo cáo của kíp trực thì quy trình tiếp nhận sản phụ Vân chưa phát hiện sai sót. Theo kíp trực, chị Vân phải chờ mổ do bác sĩ trực đang mổ cho bệnh nhân khác nguy cấp dọa vỡ tử cung. Khi được đẩy lên phòng mổ thì chị Vân đã đột quỵ khi chưa kịp phẫu thuật. Chị Vân tử vong quá nhanh, đột ngột nên bác sĩ không kịp phẫu thuật cứu thai nhi. Cũng theo tường trình của kíp trực khoa sản, chị Vân có cơ địa bị tiền sản giật, nên kết quả hội chẩn kết luận phải chờ sản phụ có dấu chuyển dạ mới phẫu thuật mổ bắt con. "Khi chị Vân tử vong quá nhanh như vậy, chúng tôi nghĩ nhiều đến đột quỵ do thuyên tắc ối hay nhồi máu cơ tim. Nhưng phải chờ kết quả họp hội đồng khoa học bệnh viện, hoặc kết quả giám định pháp y mới kết luận được", ông Khánh nói. Trước đó, bức xúc vì cho rằng cái chết của mẹ con sản phụ Khưu Thị Kiều Vân là do sự tắc trách của y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu, gia đình yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân, cơ quan giám định pháp y tỉnh cũng vào cuộc khám nghiệm. Theo lời kể của gia đình sản phụ, vào ngày 20-4, chị Vân mang thai lần thứ ba và được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu để khám vì đến ngày sinh. Sau khi khám, bác sĩ Hồng Phương Lan - trưởng khoa sản - cho về, hẹn ngày 22-4 quay lại mổ bắt con (do chưa có dấu sinh). Sáng 22-4, gia đình đưa chị Vân đến nhập viện, chị Vân nằm chờ sinh đến 15g cùng ngày mà chưa được vào phòng mổ. Cho đến khi chị Vân đau bụng dữ dội, kèm ra nhiều huyết, sức khỏe suy kiệt mới được đưa vào phòng mổ, lúc này là khoảng 18g cùng ngày. Vài tiếng sau thì bác sĩ thông báo cho gia đình biết "là em tôi đã chết cùng con gái chưa được sinh ra”.

Sài Gòn Giải phóng

Bé gái vùng cao mang khối u lớn được ra viện

Ngày 1-5, BV Nhi TƯ cho biết đã cho bệnh nhi Ly Thị Lúa (10 tuổi, ở bản Giàng Trù A, xã Du Già, huyện Yên Minh, Hà Giang) xuất viện sau khi được các bác sĩ phẫu thuật thành công, cắt bỏ hoàn toàn khối u ở vùng xương cụt, tạo hình lại màng cứng, phần xương khiếm khuyết và chăm sóc hồi phục sức khỏe cho bệnh nhi. Tuy nhiên, trước mắt, cháu Lúa vẫn cần tiếp tục tập vận động phục hồi chức năng để có thể sớm đi lại bình thường. Toàn bộ chi phí điều trị của bệnh nhân Lúa đã được Quỹ BHYT chi trả. Riêng về chi phí ăn uống, bệnh viện đã hỗ trợ toàn bộ suất ăn của bệnh nhi và người thân chăm nom trong suốt quá trình nằm viện. Ngoài ra, người thân chăm nom bệnh nhi cũng được bệnh viện bố trí chỗ ở miễn phí. Trước đó, sau khi báo chí phản ánh về việc cháu Ly Thị Lúa bị mang trên mình khối u quái ác từ khi sinh ra, cùng với cuộc sống của gia đình cháu rất khổ cực, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có ý kiến chỉ đạo BV Nhi Trung ương tạo điều kiện phẫu thuật cắt bỏ khối u, hỗ trợ kinh phí để bệnh nhân Ly Thị Lúa được chăm sóc y tế tốt nhất.

Virus Zika ở Việt Nam khác biệt với khu vực Châu Mỹ

Virus Zika tại Việt Nam thuộc phân típ khu vực châu Á, không hoàn toàn giống với phân típ virus Zika khu vực châu Mỹ la tinh nên không bùng phát thành dịch lớn với mức độ lây lan nhanh. Tuy nhiên trong thời gian tới, Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc mới Zika rải rác tại một số địa phương nơi lưu hành dịch bệnh sốt xuất huyết cao... Ngày 1-5, Bộ Y tế cho biết, ngay sau khi Việt Nam nhanh chóng khống chế thành công dịch bệnh do virus Zika gây ra tại TPHCM và Khánh Hòa, Văn Phòng đáp ứng khẩn cấp (EOC) Việt Nam đã có cuộc họp với các đơn vị chức năng và đại diện các tổ chức quốc tế nhằm chia sẻ thông tin và đánh giá nguy cơ dịch bệnh do virus Zika tại Việt Nam. Tại Việt Nam, theo báo cáo từ các Viện Vệ sinh dịch tễ/ Pasteur, các địa phương, kết quả giám sát trọng điểm và tại cộng đồng chưa phát hiện thêm trường hợp mới nhiễm virus Zika. Tuy nhiên, sau khi phân tích các thông tin về tình hình dịch bệnh trên thế giới, đặc điểm sự phân bố, lưu hành muỗi Aedes- loại muỗi vừa truyền bệnh sốt xuất huyết, vừa truyền bệnh do virus Zika, các chuyên gia nhận định có thể do đặc điểm virus Zika tại Việt Nam thuộc phân típ khu vực châu Á, không hoàn toàn giống với phân típ virus Zika khu vực châu Mỹ la tinh nên không bùng phát thành dịch lớn với mức độ lây lan nhanh. Tuy nhiên, đại diện của WHO và các chuyên gia dịch tế trong nước và quốc tế cũng nhận định, trong thời gian tới, Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc mới Zika rải rác tại một số địa phương nơi lưu hành dịch bệnh sốt xuất huyết cao, đặc biệt có thể gia tăng trùng với mùa dịch sốt xuất huyết sắp đến gần. Bộ Y tế cho biết, mặc dù đã khống chế được dịch bệnh Zika nhưng cả nước vẫn đang áp dụng mức cảnh báo cao, nhằm tăng cường phòng chống dịch bệnh trong thời gian tới, không chủ quan trước tình hình dịch bệnh có thể tiếp tục xảy ra bất kỳ thời điểm nào. Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị chức năng và địa phương đẩy mạnh việc giám sát, lấy mẫu xét nghiệm xác định virus Zika để phát hiện sớm, xử lý kịp thời ổ dịch. Thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động truyền thông cho cộng đồng, thực hiện các chiến dịch diệt muỗi, loăng quăng (bọ gậy) để phòng bệnh.

Kiểm tra an toàn thực phẩm: Có hời hợt, nể nang

Nhằm siết chặt hơn ATVSTP, Chính phủ đã có Quyết định số 38 cho phép triển khai thí điểm lực lượng thanh tra ATVSTP đến tận phường, xã tại Hà Nội và TPHCM từ tháng 11-2015. Sau 5 tháng thực hiện, đến nay TPHCM được xem là địa phương “khởi động” đáng kể tại các quận 1, 3, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh và Hóc Môn. Tuy nhiên, thực tế còn nhiều bất cập.

Thanh, kiểm tra… khiêm tốn

Ghi nhận từ Chi cục ATVSTP TPHCM, từ đầu năm 2016 đến nay đã tăng cường xử lý vi phạm ATVSTP trên các địa bàn. Trong đó, với Quyết định 38 của Chính phủ về thí điểm thanh tra ATVSTP cấp phường, xã cho thấy cấp chính quyền cơ sở có quan tâm đến vấn nạn thực phẩm “bẩn”. Tại quận Bình Thạnh (một trong 5 quận, huyện được chọn thí điểm) là địa bàn có số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm lớn của thành phố. Mới đây, một loạt cơ sở trên địa bàn này đã bị xử lý do vi phạm ATVSTP như Công ty TNHH Mỹ Hương (phường 12, quận Bình Thạnh) kinh doanh dịch vụ ăn uống, bị phạt vì cống rãnh ở khu vực cửa hàng, nhà bếp không thông thoát, gây ứ đọng; Chi nhánh Công ty TNHH Ngọc Lễ bị xử lý về hành vi sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đã hết hạn; nhà hàng Saphir bị xử lý về hành vi sử dụng giấy xác nhận đủ sức khỏe quá thời hạn, không có đủ thiết bị, biện pháp phòng, chống côn trùng và động vật gây hại theo quy định… Trong khi đó, quận 5 mới chỉ thí điểm ở hai phường là phường 7 và 13, mặc dù được đánh giá là địa bàn quận phức tạp về ATVSTP do số lượng cơ sở nhiều, có cả chợ hóa chất Kim Biên. Theo UBND quận 5, hiện toàn quận có tới 2.344 hộ kinh doanh thực phẩm. Tuy nhiên, 4 tháng qua chỉ thanh tra được 12 cơ sở, phát hiện 4 cơ sở vi phạm và xử phạt 37,5 triệu đồng. Theo lãnh đạo UBND quận 5, khó khăn khi triển khai Quyết định 38 là quy trình thủ tục thanh tra phức tạp, không phản ánh đúng thực trạng ATVSTP, do muốn thanh tra phải báo trước cho cơ sở 5 ngày (!?). Ngoài ra do nhân sự còn hạn chế về số lượng, trình độ, kỹ năng test nhanh chưa thuần thục nên chưa tự tin khi thanh tra, kiểm tra. Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TPHCM, sau hơn 3 tháng triển khai Quyết định 38 đã tiến hành thanh tra 251 đợt, phát hiện 47 cơ sở vi phạm, xử phạt tiền 36 cơ sở với tổng số tiền trên 153 triệu đồng. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATVSTP (Bộ Y tế), kết quả triển khai như vậy là còn quá khiêm tốn, trong khi TPHCM được thí điểm thanh tra chuyên ngành ATVSTP tại 10 phường thuộc 5 quận, huyện! “So với thực tế của TPHCM thì số cơ sở được thanh tra, kiểm tra như… muối bỏ biển”, Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa, mặc dù công tác tập huấn đã triển khai nhưng một số cán bộ có thể vận dụng máy móc, thiếu linh hoạt hoặc chưa nắm vững nghiệp vụ, thiếu những kiến thức quy định pháp luật về ATVSTP nên chưa tự tin thanh tra, kiểm tra!

Trách nhiệm: người đứng đầu địa phương

Trước vấn nạn mất ATVSTP, mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã trực tiếp kiểm tra việc mua bán hóa chất tại chợ Kim Biên (quận 5, TPHCM) và làm việc với các cơ quan liên quan của TPHCM xung quanh việc thí điểm thanh tra chuyên ngành ATVSTP cấp xã, phường. Theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong, việc thí điểm thanh tra chuyên ngành ATVSTP tại xã, phường là cần thiết nhưng đang có bất cập, chính quyền cơ sở vẫn chưa quyết liệt, còn hời hợt và thậm chí nể nang! Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, các địa phương còn hạn chế, vướng mắc như nhân sự yếu và thiếu, chưa chủ động… “Các địa phương cần lựa chọn cán bộ có trình độ, tâm huyết và chuyên trách để đảm nhiệm công tác thanh tra,  kiểm tra an toàn thực phẩm. Cái quan trọng là nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền quận, huyện, phường, xã trong thanh tra ATVSTP. Tuy nhiên, mục đích là ngăn chặn nguy cơ ngộ độc thực phẩm, nguy cơ gây hại sức khỏe cho người dân từ thực phẩm chứ không phải nhân danh cơ quan thanh tra để bắt bẻ, gây khó cho người dân”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long khuyến cáo. Ông cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc lồng ghép tuyên truyền, giải thích, vận động, nhắc nhở không chỉ cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm mà ngay cả người tiêu dùng, tiến tới thay đổi hành vi, ý thức chấp hành pháp luật về ATVSTP. “Ngoài thanh tra theo kế hoạch, còn cho phép cá nhân có trách nhiệm thanh tra độc lập, thanh tra đột xuất những nơi kinh doanh có dấu hiệu nghi ngờ. Đó là sự trao quyền tối đa cho phép trong kiểm soát ATVSTP”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định. Tại lễ phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2016 (từ ngày 15-4 đến 15-5) mới đây, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu nhấn mạnh, công tác thanh tra, kiểm tra ATVSTP phải thường xuyên, quyết liệt hơn nữa. “Xử lý công bằng, nghiêm minh và công khai các đơn vị, cá nhân vi phạm các quy định pháp luật về ATVSTP, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu địa phương nếu để mất ATVSTP”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu chỉ đạo.

Rắc rối thẻ BHYT trẻ dưới 6 tuổi

Theo quy định, trẻ em sinh ra được cấp thẻ bảo hiểm y tế có thời hạn 72 tháng nhưng đa số các em sinh đầu năm 2016 tại TPHCM vừa được cấp thẻ bảo hiểm y tế chỉ có thời hạn 1 năm…

Phẫu thuật lấy khối u thận gần 1kg

Ngày 4-5, BVĐK Xuyên Á (huyện Củ Chi, TPHCM) đã phẫu thuật thành công lấy trọn khối u thận phải cho bệnh nhân N.V.B. (65 tuổi) ngụ tại tỉnh Bình Dương. Bệnh nhân N.V.B. đến khám tại bệnh viện trong tình trạng mệt mỏi. Qua kết quả CT 160 lát vùng bụng, ngực kết hợp cùng siêu âm Doppler động mạch thận, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị bướu thận phải, tổn thương xâm lấn một phần gan và tuyến thượng thận phải, di căn phổi, màng phổi, có chồi bướu ở tĩnh mạch chủ dưới và có tràn dịch màng phổi phải. Tiến hành phẫu thuật cắt thận phải, lấy trọn khối bướu và chồi bướu, khâu lại tĩnh mạch chủ. Khối bướu có kích thước khoảng 18x12cm và nặng 950g, trong bướu có nhiều nốt vôi. Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân được truyền 4 đơn vị máu.

Hà Nội xây dựng trung tâm y tế kỹ thuật cao

Sáng 4-5, BVĐK Xanh Pôn, Hà Nội đã tổ chức khởi công xây dựng Trung tâm kỹ thuật cao của bệnh viện với tổng mức đầu từ 150 tỷ đồng. Đáng chú ý,  đây sẽ trung tâm y tế kỹ thuật cao hiện đại đầu tiên của y tế Hà Nội đạt tiêu chuẩn quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng y tế phục vụ người dân. Tham dự buổi lễ khởi công có Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, thành phố Hà Nội. Dự án Trung tâm kỹ thuật cao của Bệnh viện Xanh Pôn có tổng mức đầu từ là 150 tỷ đồng, trong đó xây lắp có giá trị 60 tỷ, trang thiết bị 70 tỷ. Trung tâm kỹ thuật cao hình thành trên cơ sở cải tạo tòa nhà A2 của bệnh viện với quy mô 5 tầng trên 3.000m². Khi đi vào hoạt động trung tâm sẽ có 10 phòng khám bệnh, 10 phòng bệnh nội trú, 4 phòng nội soi chẩn đoán, 3 phòng mổ với các trang thiết bị hiện đại, đạt tiêu chuẩn 5 sao. Trung tâm sẽ là cơ sở khám chữa bệnh đầu tiên của thủ đô đạt tiêu chuẩn châu Âu.  Dự kiến Trung tâm sẽ khánh thành và đi vào hoạt động từ tháng 12-2016. Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Đức Chung nêu rõ, Trung tâm kỹ thuật cao của BVĐK Xanh Pôn sẽ là cơ sở y tế đầu tiên của thủ đô  thực hiện được các kỹ thuật cao tương đương các nước phát triển trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực ung thư tiêu hóa. Đồng thời đây cũng là một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành y tế Hà Nội và các tỉnh khác, cũng như là nơi chuyển giao các kỹ thuật tiên tiến nhất trên thế giới về với Việt Nam, giúp người bệnh không phải đi ra nước ngoài chữa bệnh. Nhân dịp này, BV Xanh Pôn đã tổ chức khai giảng Khóa đào tạo phẫu thuật nội soi thực nghiệm, chuyên đề phẫu thuật nội soi đại trực tràng do GS.TS Leroy Joelp là chuyên gia phẫu thuật nội soi hàng đầu thế giới trực tiếp đào tạo cho các y bác sĩ của Việt Nam.

Kiểm soát đặc biệt chất cấm Salbutamol, Clenbuterol

Như tin đã đưa, sắp tới Thủ tướng Chính phủ sẽ có chỉ thị về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) nhằm tạo chuyển biến thực sự trong lĩnh vực này. Chỉ thị ra đời được kỳ vọng là cú hích để nâng cao trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương trong vấn đề bảo đảm ATTP. Vì thực tế hiện nay, tình trạng vi phạm về vệ sinh ATTP vẫn vô cùng phức tạp. Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, số liệu báo cáo từ các cơ quan thuộc bộ và 42/63 tỉnh, thành phố về kết quả giám sát tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên rau và chất cấm, kháng sinh trong thịt, thủy sản trong đợt cao điểm vệ sinh ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp từ tháng 10-2015 đến thời điểm hết tháng 2-2016 cho thấy, qua phân tích 7.593 mẫu rau, phát hiện 393 mẫu nhiễm chất cấm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vượt giới hạn cho phép (chiếm 5,17% so với năm 2014 là 5,43%, 9 tháng đầu năm 2015 là 10,3%). Phân tích 5.450 mẫu thịt, phát hiện 104 mẫu vi phạm chỉ tiêu chất cấm, kháng sinh vượt giới hạn cho phép (chiếm 1,91% so với năm 2014 là 6,84%, 9 tháng đầu năm 2015 là 4%); phân tích 5.433 mẫu thịt, phát hiện 834 mẫu vi phạm chỉ tiêu Salmonella (vi sinh vật gây bệnh - chiếm 15,4% so với 9 tháng đầu năm là 16%); phân tích 4.963 mẫu thủy sản và sản phẩm thủy sản, phát hiện 361 mẫu vi phạm các chỉ tiêu về hóa chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn cho phép (chiếm 7,27% so với năm 2014 là 1,21%, 9 tháng đầu năm 2015 là 1,01%). Bộ NN-PTNT thừa nhận, kết quả giám sát cho thấy tỷ lệ vi phạm có giảm nhưng còn ở mức cao, thậm chí một số địa phương có tỷ lệ vi phạm rất cao. Đặc biệt, trước tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi diễn biến phức tạp, vấn đề nổi cộm gây hoang mang trong dư luận xã hội và ảnh hưởng lớn tới sức khỏe cộng đồng, Bộ NN-PTNT đã triển khai đợt cao điểm kiểm soát chất cấm 2015. Hiện tại, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có công văn yêu cầu các đơn vị tạm dừng nhập khẩu Salbutamol. Trong thời gian thực hiện cao điểm, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C49) đã phối hợp với Thanh tra Bộ NN-PTNT tiến hành kiểm tra 17 công ty, cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, đã phát hiện 5 đơn vị (Công ty hóa dược Minh Anh ở Bình Dương, Công ty TNHH thuốc thú y Khoa Nguyên ở TPHCM, Công ty TNHH hóa dược quốc tế Phương Đông ở Hà Nội, Công ty TNHH thức ăn chăn nuôi Trường Phú ở Hải Dương, Công ty TNHH thủy sản Seabird ở TPHCM)… có hành vi kinh doanh, sử dụng Salbutamol trong chăn nuôi. Ngoài ra, nhiều tỉnh cũng đã thành lập các đoàn thanh tra do Thanh tra Sở NN-PTNT chủ trì phối hợp với Cảnh sát kinh tế (PC46), Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49); phối hợp với chi cục thú y và các cơ quan, đơn vị chức năng của các tỉnh, thành phố tổ chức thanh tra, kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi. Theo báo cáo, các tỉnh, thành phố đã tổ chức kiểm tra 1.129 cơ sở, phát hiện 24 cơ sở vi phạm (chiếm 2,2%); phát hiện 12/649 mẫu thức ăn chăn nuôi dương tính với Salbutamol; 69/1.026 mẫu nước tiểu (chiếm 6,7%), 1/172 mẫu thịt (chiếm 0,6%) có sử dụng chất cấm Salbutamol. Sau đợt cao điểm, tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi về cơ bản đã được khống chế. Nguồn nhập khẩu và kinh doanh chất Salbutamol của các công ty dược đã được Bộ Y tế quản lý chặt chẽ hơn, đưa vào danh mục các chất quản lý đặc biệt; các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đã không còn sử dụng chất cấm trong sản xuất thức ăn. Hiện nay, chỉ còn các trang trại sử dụng chất Salbutamol thông qua các thương lái và nhân viên tiếp thị cám của một số công ty cung cấp trực tiếp. Đến thời điểm hiện tại, số vụ vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đối với các trang trại đã giảm đáng kể theo số liệu giám sát của ngành thú y (tháng 1-2016 là 9,8%; tháng 2-2016 là 1,46%; tháng 3-2016 là 0,66%). Tuy vậy, có thực tế là tình hình sử dụng chất cấm, lạm dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, chất cải tạo xử lý môi trường, chất bảo quản nhuộm màu trong sơ chế, chế biến, sau thu hoạch nông sản ngày càng phức tạp và khó lường (đặc biệt như vàng ô là loại hóa chất sử dụng trong nhuộm màu công nghiệp nhưng bị lạm dụng trộn vào thức ăn để tạo màu vàng đánh lừa thị hiếu của người chăn nuôi hoặc sử dụng để nhuộm, tạo màu vàng cho măng, dưa cải…). Trong khi đó, các phòng kiểm nghiệm chưa phát triển phương pháp theo kịp nhu cầu kiểm nghiệm phát sinh (như vàng ô trong măng, chất nhuộm màu ruốc…). Hoạt động giám sát mới tập trung lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu thuốc BVTV, chất cấm, kháng sinh bị lạm dụng trong khâu sản xuất ban đầu (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản). Chưa giám sát đầy đủ các chỉ tiêu ATTP như các chỉ tiêu vi sinh, chất bảo quản, phụ gia, phẩm màu, chất hỗ trợ chế biến. Bên cạnh đó, rau quả, thịt, thủy sản là thực phẩm tươi sống nên phần lớn chưa có nhãn mác, dấu hiệu nhận diện và thông tin về nguồn gốc xuất xứ. Do vậy, khi phát hiện mẫu vi phạm đã gặp rất nhiều khó khăn trong truy xuất, xác định nguyên nhân và xử lý vi phạm. Vì vậy, Bộ NN-PTNT kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh việc đánh giá, công nhận các dụng cụ, kit thử nhanh tại hiện trường để tạo thuận lợi cho hoạt động thanh tra, kiểm tra, đặc biệt các kit thử tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau quả; chất cấm, hóa chất, kháng sinh trong thịt. Đặc biệt, Bộ NN-PTNT kiến nghị Chính phủ tăng cường kiểm soát sau nhập khẩu, đưa Salbutamol, Clenbuterol và các chất kháng sinh đang được cùng sử dụng trong y tế và nông nghiệp vào danh mục kiểm soát đặc biệt nhằm ngăn chặn việc sử dụng sai mục đích.

Tự chủ bệnh viện công: Người cười nụ, kẻ khóc thầm

Sau gần 10 năm kể từ khi thực hiện Nghị định 43/2007/NĐ-CP về tự chủ tự chịu trách nhiệm, đến nay ngành y tế TPHCM chỉ mới ghi nhận 7 bệnh viện tự chủ toàn phần, còn lại đa số mới tự chủ được một phần, thậm chí còn bao cấp toàn bộ. Làm việc với ngành y tế TP mới đây, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng nhấn mạnh phải đẩy nhanh tự chủ hoàn toàn tại các bệnh viện công lập, giao quyền và trách nhiệm tối đa. Tuy nhiên trong thực tế, thực hiện tự chủ có bệnh viện sống được nhưng cũng có bệnh viện … khó sống…

Mở rộng dịch vụ chăm sóc người già

TPHCM có khoảng 500.000 người già. Tốc độ già hóa dân số của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung đang diễn ra mạnh. Trong khi đó, kết quả khảo sát của các chuyên gia cho thấy, 90% phụ nữ lấy chồng không muốn ở cùng cha mẹ chồng và con cái, họ có thể chu cấp chứ không muốn sống chung với cha mẹ. TPHCM sẽ làm gì để người già được chăm sóc tốt hơn?...

Việt Nam không còn ghi nhận virus Zika

Sáng 26-4, Bộ Y tế đã chính thức công bố hết dịch bệnh do virus Zika gây ra ở TPHCM và Khánh Hòa sau hơn 24 ngày không ghi nhận thêm bệnh nhân mắc mới loại virus nguy hiểm này. Theo đó, Bộ Y tế nêu rõ, sau khi phát hiện trường hợp nhiễm virus Zika đầu tiên trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa và TPHCM và thực hiện Quyết định 02/2016/QĐ-TTg ngày 28-1-2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm, ngày 5-4-2016 Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Quyết định số 869/QĐ-CTUBND về việc công bố dịch bệnh do virus Zika tại phường Phước Hòa, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ngày 6-4-2016, Ủy ban nhân dân TPHCM đã ban hành Quyết định số 1634/QĐ-UBND về việc công bố dịch bệnh do virus Zika tại phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TPHCM. Để tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết, hạn chế thấp nhất sự lan rộng ra cộng đồng, ngành y tế tỉnh Khánh Hòa và TPHCM đã tăng cường công tác giám sát, lấy mẫu, xét nghiệm, đồng thời tích cực triển khai chiến dịch diệt muỗi, bọ gậy trên diện rộng, truyền thông cho người dân về các biện pháp phòng chống dịch bệnh lây lan. Sau 24 ngày kể từ ngày khởi phát trường hợp bệnh đầu tiên, cho tới nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa và TPHCM chưa ghi nhận thêm trường hợp mắc bệnh do virus Zika. Sau 24 ngày không ghi nhận thêm bệnh nhân mắc mới virus Zika, ngày 22-4-2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Quyết định số 1046/QĐ-CTUBND về việc “Công bố hết dịch bệnh do virus Zika quy mô xã, phường trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa” từ ngày 20-4-2016. Cùng ngày, Ủy ban nhân dân TPHCM cũng đã ban hành Quyết định số 2018/QĐ-UBND về việc “Công bố hết dịch bệnh do virus Zika quy mô xã, phường trên địa bàn TPHCM” từ ngày 22-4-2016. Bộ Y tế khẳng định, đến nay tại Việt Nam không còn địa phương nào ghi nhận dịch bệnh do virus Zika trên quy mô xã, phường. Tuy nhiên Bộ Y tế sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát, lấy mẫu, xét nghiệm, đẩy mạnh chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng chống dịch bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết trên cả nước. Đồng thời tiếp tục cập nhật, chia sẻ thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh, các khuyến cáo của Bộ Y tế trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Cử 40 bắc sĩ hỗ trợ khám chữa bệnh 24/24 giờ tại Củ Chi

Sáng nay (29-4), Sở Y tế TPHCM phối hợp UBND huyện Củ Chi ký kết thực hiện mở các khoa vệ tinh của các bệnh viện thành phố hỗ trợ Bệnh viện huyện Củ Chi. Theo PGS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế, trong giai đoạn đầu, Sở Y tế cử 40 bác sĩ từ các bệnh viện thành phố hỗ trợ đảm bảo hoạt động khám bệnh, chữa bệnh 24/24 giờ cho người dân; đồng thời chuyển giao kỹ thuật cho BV huyện Củ Chi về các chuyên khoa nội, ngoại, sản, nhi, y học cổ truyền-phục hồi chức năng, liên chuyên khoa Mắt-Răng Hàm Mặt-Tai Mũi Họng và cấp cứu-hồi sức tích cực. Đợt này, 10 bệnh viện của thành phố: Nhi Đồng 1, Nhân Dân Gia Định, Từ Dũ, Bình Dân, Tai Mũi Họng, Răng Hàm Mặt, Mắt, Da Liễu, Phục hồi chức năng-Điều trị bệnh nghề nghiệp và BV khu vực Củ Chi tham gia hỗ trợ hoạt động chăm sóc sức khỏe người dân cho BV Củ Chi.

Gia đình & Xã hội

Lặng lẽ thầy thuốc nơi bệnh viện “siêu đặc biệt”

Chúng tôi tới Bệnh viện 09 (đường 70, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) vào một buổi sáng tháng Tư. Khác với vẻ tấp nập, đông đúc thường thấy tại các bệnh viện Hà Nội, nơi đây lặng lẽ tới mức có cảm giác nặng nề. Thấp thoáng bóng áo blouse dọc hành lang khoa phòng bệnh viện. Rất hiếm để thấy cảnh người nhà ngóng chờ kết quả khám bệnh, hay tay dìu bệnh nhân, bởi đây là bệnh viện đặc biệt chuyên điều trị cho những người nghiện, nhiễm HIV/AIDS...

Kỷ niệm từ tiếng gọi: “Thầy ơi!”

Đón chúng tôi tại phòng làm việc chừng 24m2 khoa Nội tổng hợp, ThS.BS Nguyễn Ngọc Hưng - Trưởng khoa cười hiền: "Chỉ vậy thôi! 30 con người chung nhau gian phòng này, không cách ly với dãy buồng bệnh lúc nào cũng khoảng 50 - 60 bệnh nhân. Cửa chính căn phòng quay hướng Tây, trời này còn đỡ, vài tháng nữa thì chỉ thở thôi cũng mồ hôi ròng ròng. Góc làm việc mà bệnh viện dành cho người “to nhất khoa” vẻn vẹn chỉ là chiếc bàn vương màu xưa cũ, kêu cót két, ọp ẹp”. BS Nguyễn Ngọc Hưng tóc húi cua, gần như trọc lốc, thoạt nhìn khi anh không cười trông vẻ “bặm trợn”. Nếu không khoác lên mình chiếc blouse, chắc chẳng ai nghĩ anh là bác sĩ. Có lẽ làm việc ở nơi đặc biệt, khi bệnh nhân xăm trổ rồng phượng đầy mình, nhiễm HIV/AIDS, nghiện ma túy nặng, 20% mắc chứng rối loạn tâm thần, nên nhân viên y tế ở đây cũng có vẻ ngoài “đặc biệt”. Như đoán được ý chúng tôi, BS Nguyễn Ngọc Hưng cười và kể: “Làm ở bệnh viện này rất đặc biệt nên ít ai nhận ra bác sĩ ở ngoài. Thế mà có lần tôi đi trên phố, nghe có tiếng ai đó gọi mình: “Thầy ơi!”, nhìn đi nhìn lại, phát hiện ra đó là một bệnh nhân cũ. Bệnh nhân này mắc AIDS, được công an đưa vào viện khi đang hôn mê. Ngày thứ ba, bệnh nhân tỉnh dậy, luôn miệng chửi bới, đòi chết, không để ai động vào người. Nhờ kiên trì chăm sóc, bệnh nhân hồi phục, 4 tháng được xuất viện. Hiện bệnh nhân duy trì sử dụng thuốc điều trị ARV nên sức khỏe tốt. Đến khi chào tạm biệt, tôi đi rồi mà bệnh nhân còn chạy theo cố dúi bằng được bao thuốc lá dở vào tay dù tôi từ chối không hút trước đó khi anh ấy mời. Có lẽ, đó là tài sản quý nhất trên người bệnh nhân lúc đó. 20 năm làm điều trị HIV, ba lần tôi được gọi như vậy đó”.

Cái chết chực chờ tấn công

BS Nguyễn Ngọc Hưng làm việc ở nơi đặc biệt này đã gần 20 năm, có thể coi là một trong những người gắn bó lâu nhất tại đây. Chuyện “chiến đấu” sinh tử là thường ngày bởi theo anh, đây là nghề nguy hiểm, từ chính những hành vi bạo lực của người bệnh hoặc từ môi trường nghề. Anh cho biết, các bệnh nhiễm trùng cơ hội như lao, viêm gan B, C, A, hay nhiễm trùng cơ hội từ bệnh về nấm cứ… bay lơ lửng. Điều khiến các nhân viên y tế ở Bệnh viện 09 lo lắng nhất là nhiễm lao, bởi lao ở môi trường này là lao kháng thuốc, không có thuốc điều trị, trực khuẩn lao có trong một lần hắt xì chứa tới 5 triệu vi khuẩn. Nhiễm lao sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và cuộc sống. Đối với người phụ nữ thì càng khó khăn, vì họ khó tách khỏi gia đình và con cái. Ở đây, anh em không chỉ giành giật sự sống cho bệnh nhân mà còn cho chính mình. “Trước đây, để đi xét nghiệm HIV phải có chứng minh thư, công an đi cùng. Hồi đó, hiểu biết về HIV/AIDS của chính thầy thuốc và người dân còn hạn chế nhiều. Trong một lần cấp cứu cho bệnh nhân sử dụng ma túy, vật vã không thể cho uống thuốc được, phải tiêm giải độc nghiện, nhưng bệnh nhân này giãy đạp, rút luôn kim tiêm cắm vào tay tôi. Lúc đó tôi thật sự không hoảng loạn, một phần vì… chủ quan, nghĩ bệnh nhân khỏe, việc xét nghiệm HIV cho bệnh nhân ma túy khó nên không để ý. Hai tháng sau, em trai bệnh nhân đến báo tin, bệnh nhân chết vì AIDS. Tôi thoáng giật mình, nhưng rồi nghĩ, cũng là một kiếp người, chỉ là mình ra đi hơi sớm thôi. Tôi luôn thường trực tinh thần lúc nào cũng có thể bị lây nhiễm”, BS Hưng nhớ lại. Một lần khác, có bệnh nhân nghiện ma túy đá nặng, đòi ra ngoài “chơi đá” nhưng không được nên mài đầu đũa thành nhọn hoắt, bọc sau áo, chờ bác sĩ vào khám rồi lao đến đâm. Có bệnh nhân mở nhạc to ầm ĩ, nhằm đánh động bác sĩ đến rồi trùm chăn đánh. Một lần đáng nhớ khác, một bệnh nhân đứt động mạch bẹn, máu chảy ồ ạt, vì phải cấp cứu ngay nên BS Hưng dù tay đang bị xước măng rô, cũng “quên luôn” chuyện đeo găng tay để kịp bọc bông gạc vào vết thương của bệnh nhân, sau đó mới đi rửa tay.

Bệnh viện của tình thương

Chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân HIV có nhiều đặc thù và thiệt thòi hơn so với các lĩnh vực y tế khác, nhưng như “mắc phải duyên, phải nợ” nên nhiều lần định “dứt áo ra đi”, BS Hưng lại không đành, một phần vì anh nghĩ, bệnh nhân và đồng nghiệp ở đây vẫn rất cần anh. “Nhân viên ở đây 80 - 90% phải thuê nhà, đồng lương ít ỏi, không có thu nhập phụ, một số ít phải oằn mình kiếm việc làm thêm. Nhưng ngại nhất là sự kỳ thị của xã hội. Một số người có chuyên môn ở đây muốn đi làm phòng khám ngoài, nhưng trót khai làm ở Bệnh viện 09 nên cũng rất khó…”, BS Hưng trầm ngâm. Có thâm niên gắn bó hơn 20 năm với bệnh nhân nhiễm HIV nên BS Hưng thấu hiểu sâu sắc nỗi niềm của người bệnh. Nhiều mảnh đời, nhiều số phận, hoàn cảnh khác nhau nhưng đa số người nhiễm HIV vào bệnh viện điều trị đều chịu sự ghẻ lạnh, xa lánh của cộng đồng, thậm chí của chính người thân. Với nhiều người bệnh, bệnh viện chính là điểm dừng chân cuối cùng, là nơi nương tựa cuối đời của họ. Đau xót hơn, có những bệnh nhân điều trị 5 năm tại viện đã ổn nhưng không chịu ra viện, bởi ra rồi, họ biết đi đâu về đâu khi gia đình xa lánh, vợ con bỏ rơi, có khi lại tái nghiện chỉ vì cô đơn. Nhưng tái tê nhất vẫn là những bệnh nhân HIV/AIDS sắp chết, bác sĩ gọi về cho gia đình nhưng người nhà chẳng những không đến thăm mà còn ráo hoảnh: “Để khi nào nó chết hãy gọi”. Họ có nguyên cớ riêng, bởi có cha mẹ nào không thương con. BS Hưng chia sẻ: “Phải thông cảm bởi có gia đình cả 3 con trai đều chết do ma túy, HIV. Họ khuynh gia bại sản khi có đứa con nghiện hút ma túy nên quá mệt mỏi, đau khổ, kiệt quệ cả kinh tế, sức chịu đựng rồi. Có trường hợp, đến cả người thân cũng không có mặt khi bệnh nhân qua đời, bệnh viện phải lo toàn bộ chi phí tang lễ. Lại có bệnh nhân vào viện, nhất định không nói địa chỉ gia đình. Quá trình điều trị, bệnh nhân luôn muốn tìm đến cái chết và có thái độ cực đoan. Đến khi được bác sĩ động viên, người bệnh đã hợp tác thì lại không qua khỏi do bệnh quá nặng”. BS Hưng bùi ngùi: “Khi bệnh nhân yếu và có dấu hiệu khó qua khỏi, chúng tôi đã hỏi thêm lần nữa thông tin về gia đình để báo với mong muốn cho gặp người thân lần cuối, nhưng bệnh nhân lắc đầu từ chối. Đôi mắt dần khép lại với hai hàng nước mắt chảy dài... Chúng tôi thấy rất day dứt, không hiểu bệnh nhân không muốn gặp hay bị gia đình chối bỏ”.

Các mẫu kiểm nghiệm xúc xích Vietfoods đều chứa chất cấm gây ung thư

Ngày 26/4, Chi cục Quản lý thị trường TP Hà Nội đã nhận được kết quả kiểm nghiệm mẫu xúc xích của Công ty Vietfoods cho thấy, cả 4 mẫu đều chứa chất cấm Sodium nitrate 521.

Rùng mình với xúc xích chứa chất cấm

Trước đó (ngày 21/4), Đội Quản lý thị trường số 14 (Chi Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội) kiểm tra hơn 3.800 gói xúc xích, tương đương với 2,2 tấn xúc xích được bảo quản tại kho đông lạnh của Công ty TNHH Thương mại thực phẩm Hồng Anh (tại 140C ngõ 351 Lĩnh Nam, Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai). Do có nghi vấn về chất lượng sản phẩm, Đội Quản lý thị trường số 14 đã lấy mẫu 4 loại xúc xích (gồm: xúc xích chua cay Thái, xúc xích xông khói, xúc xích Đức, xúc xích Franks further) mang đi kiểm nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia. Theo đó, 4 mẫu mang đi kiểm nghiệm này đều được giữ nguyên tem niêm phong, mỗi mẫu lấy 2 gói. Tất cả các mẫu đều còn hạn sử dụng từ 1 năm đến hơn 1 năm. Xúc xích chua cay Thái có hạn sử dụng đến ngày 3/6/2016. Xúc xích xông khói có hạn sử dụng đến ngày 2/5/2016. Xúc xích Đức có hạn sử dụng đến ngày 24/5/2016. Xúc xích Franks further có hạn sử dụng đến ngày 6/6/2016. Toàn bộ các loại xúc xích này được sản xuất tại cơ sở Kinh doanh và chế biến thực phẩm Việt (Công ty Vietfoods - địa chỉ tại ấp Lồ Ô, xã An Tây, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương). Được biết, đơn vị phân phối sản phẩm là Công ty TNHH Thương mại thực phẩm Hồng Anh đã kinh doanh mặt hàng xúc xích của Công ty Vietfoods từ 3 năm nay. Đáng chú ý, thực phẩm này còn nằm trong top 100 thương hiệu uy tín được tin dùng năm 2014. Trao đổi với PV Báo GĐ&XH về vấn đề này, ông Lê Đức Thanh - Phó đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 14 cho biết: “Sau khi nhận mẫu kiểm nghiệm của 4 loại xúc xích nói trên, ngày 26/4, chúng tôi đã mời chủ cơ sở sản xuất và Giám đốc Công ty TNHH Thương mại thực phẩm Hồng Anh đến làm việc, thông báo về nội dung kết quả kiểm nghiệm để tiến hành xử lý. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, cả 4 mẫu xúc xích mang đi kiểm nghiệm đều chứa chất cấm Sodium nitrate 251 với hàm lượng từ 89 - 100mg/kg. Thông tư 27 về chất cấm dùng trong thực phẩm của Bộ Y tế đã quy định định hoạt chất Sodium nitrat 251 chỉ được dùng cho bơ và tuyệt đối cấm dùng cho sản phẩm thịt. Nếu nướng, rán xúc xích này ở nhiệt độ cao, chất này sẽ bị biến đổi chất và là tác nhân gây ra bệnh ung thư”.

Sẽ tiêu hủy và xử lý nghiêm

Thông tin trên về loại xúc xích này làm không ít người tiêu dùng tỏ ra lo lắng. Chị Nguyễn Anh Thu (ở đường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Con tôi rất lười ăn, món mà con ăn được nhiều nhất là xúc xích. Cách đây ít ngày, tôi đã phát hoảng khi nghe tin xúc xích mà tôi vẫn hay mua cho con ăn là của Vietfoods có chứa chất cấm. Tôi rất lo lắng cho sức khỏe của con”. “Chúng tôi là những người làm giàu cho họ, tại sao họ lại đối xử tệ với khách hàng như vậy? Ngày nào con gái và cháu ngoại của tôi cũng ăn xúc xích Vietfoods vì giá cả hợp lý và hương vị cũng phong phú. Theo “Khoản 2, Điều 26 của Nghị định 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP: “Phạt tiền đối với hành vi sản xuất, nhập khẩu, bán ra thị trường thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật hoặc quy định an toàn thực phẩm”. Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm và tiêu hủy theo Nghị định”.

Ninh Bình: Trên 17.000 học sinh được tiêm chủng an toàn

Chiến dịch tiêm vaccine phòng sởi - rubella cho trên 17.000 đối tượng học sinh thuộc lứa tuổi 16 - 17 tại các trường THPT, Trung tâm GDTX, các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã cơ bản hoàn thành, không xảy ra trường hợp có phản ứng bất thường sau tiêm. Đến thời điểm hiện nay, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã cung ứng gần 20.000 liều vaccine sởi – rubella phục vụ chiến dịch và đầy đủ các loại bơm kim tiêm, hộp an toàn, hộp chống sốc, giấy xác nhận tiêm chủng và hàng nghìn băng zôn, tờ rơi tuyên truyền về bệnh sởi, rubella cho các nhà trường và điểm tiêm. Các điểm tiêm cũng đã cơ bản tiêm hết đối tượng trong chiến dịch, chỉ còn lại số ít các điểm tiêm thực hiện tiêm vét nốt những đối tượng chưa tiêm do sức khỏe không đảm bảo...

Thái Bình: Tổ chức 176 lớp truyền thông dân số theo quy mô thôn

Trong đợt 1 đợt hoạt động mạnh tuyên truyền, vận động và cung cấp dịch vụ dân số, chăm sóc SKSS/KHHGĐ năm 2016, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Vũ Thư và Tiền Hải đã phối hợp với Công ty cổ phần Dược phẩm quốc tế Thăng Long tổ chức 176 lớp truyền thông về DS/Chăm sóc SKSS tại 62 xã. Trong đó, Tiền Hải tổ chức 97 lớp tại 174 thôn, thuộc 35/35 xã; Vũ Thư là 79 lớp tại 27/30 xã. Thông qua các buổi truyền thông, gần 9.000 chị em trong độ tuổi sinh đẻ của 2 huyện được cung cấp các kiến thức về chăm sóc SKSS, đặc biệt là nguyên nhân gây viêm nhiễm phụ khoa, biện pháp phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục và ung thư cổ tử cung …

Điện Biên: Các địa phương hỗ trợ kinh phí để triển khai Chiến dịch

Huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) vừa tổ chức triển khai thực hiện Chiến dịch tăng cường tuyền truyền, vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS/ KHHGĐ tại 15 xã có mức sinh cao và xã khó khăn. Chiến dịch được triển khai là cơ hội cho chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được tiếp cận với các thông tin và các dịch vụ về chăm sóc SKSS/KHHGĐ, đặc biệt là chị em người dân tộc. Kết quả sau gần 1 tháng triển khai, chỉ tiêu về các biện pháp tránh thai đạt được như sau: Triệt sản 2 ca, đặt dụng cụ tử cung 375 ca, thuốc tiêm 9 ca, thuốc uống 78 ca, bao cao su 29 ca, khám phụ khoa 975 ca, điều trị phụ khoa 251 ca, khám thai 129 ca, lấy máu xét nghiệm sàng lọc HIV cho chị em 87 ca (Trong đó kết quả của 7 xã theo kế hoạch tỉnh giao: Đặt dụng cụ tử cung 177 ca, thuốc tiêm 9 ca, thuốc uống tránh thai 56 ca, bao cao su 20 ca, khám phụ khoa 522 ca, điều trị phụ khoa 126 ca, khám thai 54 ca). UBND các xã đã hỗ trợ kính phí cho tổ chức Chiến dịch với tổng số tiền là 5,3 triệu đồng.

Sức khỏe & Đời sống

87 gương lao động sáng tạo ngành y được tuyên dương

Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày 1-5, ngày 27-4, tại BV Nhi đồng 2 (TPHCM), Công đoàn ngành y tế TPHCM đã tổ chức ngày hội công nhân ngành y. 26 đơn vị trong ngành đã tham dự hội thi bữa ăn giữa ca do công đoàn ngành y tế phát động. Nội dung thi tập trung vào vấn đề nâng cao dinh dưỡng bữa ăn và ATVSTP cho người lao động. Ngày hội còn diễn ra các hoạt động như: liên hoan ẩm thực 3 miền, thi kéo co, tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Thông qua hoạt động liên hoan ẩm thực 3 miền, các đơn vị đã đóng góp vào Quỹ Mái ấm công đoàn, Quỹ Vì công nhân viên chức lao động bị bệnh nghề nghiệp hơn 36 triệu đồng. Trong ngày hội, công đoàn ngành y tế cũng đã trao 50 triệu đồng hỗ trợ xây mái ấm công đoàn tặng công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Dịp này, công đoàn ngành y tế đã tuyên dương 87 gương lao động giỏi, lao động sáng tạo, có nhiều sáng kiến, công trình cải tiến trong công việc.

Ghi chép từ chuyến thị sát đột xuất của Bộ trưởng Bộ Y tế

“Ðòi hỏi của người bệnh, bắt buộc chúng ta phải kiên quyết đổi mới” - đó không chỉ là chỉ đạo mà Bộ trưởng Bộ Y tế đưa ra tại cuộc họp ngay sau khi Bộ trưởng đi kiểm tra đột xuất tại một số bệnh viện tuyến Trung ương về công tác khám chữa bệnh, thay đổi phong cách, tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh mới đây, mà đó còn là mục tiêu mà tư lệnh ngành y yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh trong toàn ngành cần phải thay đổi để ngày càng làm tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng như để người bệnh thêm hài lòng về ngành y...

“Gỡ rối” từ những tồn tại thực tế

Trước khi làm việc với ban lãnh đạo của Bệnh viện K cơ sở Quán Sứ và Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bộ trưởng đã đi khảo sát thực tế tại khá nhiều khoa, phòng được coi là “điểm nóng” như khoa khám bệnh, khu vực xét nghiệm, siêu âm, khoa xạ trị, khu vực làm thủ tục hành chính: vào/ra viện, nộp tiền các thủ tục cận lâm sàng... Bộ trưởng và đoàn công tác của Bộ Y tế đã chọn ngẫu nhiên bệnh nhân/người nhà bệnh nhân để hỏi khảo sát ý kiến, đánh giá của các bệnh nhân về thái độ phục vụ của đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế đối với người bệnh và những thay đổi của các bệnh viện này trong công tác khám chữa bệnh sau khi giá dịch vụ y tế được điều chỉnh. Tại khu vực chờ làm thủ tục nộp tiền xét nghiệm của Bệnh viện K, thấy sự bất hợp lý khi bên này một hàng dài người bệnh/người nhà bệnh nhân đang chờ để được nộp tiền, trong khi một vài cửa thu tiền khác lại vắng, nhân viên đang nhàn nhã. Bộ trưởng đã yêu cầu ban lãnh đạo Bệnh viện K cần chủ động điều phối ngay những tồn tại này để người bệnh đỡ vất vả vì phải chờ đợi. Cũng tại bệnh viện này, khi thấy hàng loạt bệnh nhân cầm trên tay một số khám bệnh nhỏ như bao diêm bằng giấy, Bộ trưởng đã yêu cầu Ban lãnh đạo Bệnh viện K cần khẩn trương ứng dụng công nghệ thông tin, làm bảng số chờ khám điện tử để tạo nên sự công khai, minh bạch cho người dân yên tâm trong lúc chờ khám bệnh. Thấy Bộ trưởng và đoàn công tác của Bộ Y tế đi kiểm tra thực tế tại khu vực siêu âm của Bệnh viện K, nữ bệnh nhân V.T.H đang chờ siêu âm đã chia sẻ những bức xúc của chị về tình trạng người bệnh vẫn phải bỏ ra 10.000 đồng để mua cái khăn mặt ngay sau khi nội soi dạ dày xong, đồng thời chị cho biết chỉ có quy trình siêu âm, chụp Xquang, lấy máu xét nghiệm mà bệnh viện không cho bệnh nhân làm trong 1 ngày mà mỗi ngày một công đoạn khiến cho bệnh nhân vất vả vì đi lại nhiều lần. Thêm nữa, người bệnh này phản ánh, có hiện tượng “cò nội” và thu tiền làm các quy trình nội soi, siêu âm cho bệnh nhân cao hơn với giá thực tế quy định của bệnh viện... Lắng nghe những phản ánh thực tế của người bệnh, quay sang đồng chí đại diện Ban giám đốc bệnh viện đang đi cùng đoàn, Bộ trưởng đã yêu cầu phải trao đổi với người bệnh để nắm bắt cụ thể sự việc, nếu đúng như người bệnh phản ánh thì phải kiên quyết khắc phục hạn chế và xử lý nghiêm đối tượng cán bộ vi phạm với hình thức cao nhất để làm trong sạch đội ngũ cán bộ y tế. Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, qua kiểm tra thực tế khu vực khám bệnh và làm các thủ tục cận lâm sàng, thấy bệnh nhân phải ngồi chờ đợi lấy kết quả xét nghiệm trong cảnh chật chội, mái che tạm bợ, nóng bức. Đồng thời qua thị sát tòa nhà BC đang xây dựng của Bệnh viện Phụ sản và nghe ý kiến báo cáo từ Giám đốc bệnh viện cho biết tiến độ xây dựng, lắp đặt trang thiết bị, hạ tầng của tòa nhà còn quá chậm, khiến cho một số khoa phòng quá chật chội, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã ngay lập tức gọi điện cho Ban Quản lý Dự án xây dựng các công trình trọng điểm của Bộ Y tế yêu cầu tìm mọi cách tháo gỡ những khó khăn cho Bệnh viện Phụ sản Trung ương để sớm hoàn thiện cơ sở vật chất, giúp bệnh viện có thêm giường bệnh và giảm tải.

Ðặt quyền lợi của người bệnh lên trước

Một vấn đề nữa được Bộ trưởng Bộ Y tế đặc biệt quan tâm trong chuyến khảo sát thực tế đột xuất tại các bệnh viện lớn của tuyến Trung ương là tinh thần, thái độ cũng như phong cách phục vụ người bệnh của cán bộ y tế. Bởi theo Bộ trưởng, “chúng ta có làm tốt đến đâu, có nâng cao chất lượng khám chữa bệnh đến đâu nhưng tinh thần, phong cách phục vụ không tốt, tỏ thái độ thờ ơ, cáu gắt với người bệnh/người nhà bệnh nhân... cũng sẽ khiến  người bệnh không cảm thấy hài lòng về ngành y”. Chính vì thế, khi hỏi chuyện trực tiếp một số người bệnh/người nhà bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện K, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, được biết, vẫn còn có một bộ phận không nhỏ các cán bộ bác sĩ, điều dưỡng, y tá chưa có thái độ thân thiện, niềm nở với bệnh nhân, vẫn còn có hiện tượng gây khó dễ để vòi vĩnh tiền của người nhà bệnh nhân, Bộ trưởng đã yêu cầu giám đốc các bệnh viện này cần chủ động hơn nữa, đẩy mạnh hơn nữa việc tập huấn liên tục về quy tắc ứng xử, về kế hoạch đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh của cán bộ y tế để làm sao người bệnh ngày càng hài lòng hơn khi đến với bệnh viện. Về báo cáo của lãnh đạo BV Phụ sản Trung ương việc một số khoa phòng của bệnh viện thường xuyên quá tải một phần là do người bệnh đã vượt tuyến, Bộ trưởng cũng đề nghị, bệnh viện cần rà soát lại bộ máy nhân lực, xem lại mô hình hoạt động bệnh viện vệ tinh của chính bệnh viện, đồng thời tăng cường chuyển giao chuyên môn, kỹ thuật cho tuyến dưới để người dân được khám chữa bệnh kỹ thuật cao về sản khoa ngay tại địa phương mà tuyến trên cũng đỡ quá tải. Đối với một số khoa phòng quá tải của Bệnh viện K cũng như báo cáo về việc mua sắm thêm trang thiết bị để “giãn” bệnh nhân từ cơ sở 1 về cơ sở Tân Triều, Bộ trưởng đã đồng ý về chủ trương bởi theo Bộ trưởng: “Nhìn người bệnh vẫn còn vất vả, nằm chật chội, chúng ta càng cần phải quyết tâm đổi mới hơn nữa, sắp xếp lại quy trình khám chữa bệnh để người bệnh đỡ khổ hơn, hài lòng hơn về ngành y”...

Nỗ lực để người bệnh ngày càng hài lòng hơn khi đi khám chữa bệnh

Trên thực tế, không phải chỉ ở chuyến vi hành đột xuất này, Bộ trưởng đã ngay lập tức có những chỉ đạo quyết liệt để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, tồn tại của các bệnh viện mà hầu như trong các chuyến công tác tại cơ sở, Bộ trưởng luôn lắng nghe để kịp thời tháo gỡ về cơ chế, chính sách và kinh phí phù hợp với thực tế của từng bệnh viện. Trao đổi với phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống ngày 28/4, tức hơn 1 tuần sau chuyến thị sát của Bộ trưởng, đại diện BV K cho biết, những chỉ đạo của Bộ trưởng đã được lãnh đạo bệnh viện nghiêm túc tiếp thu thực hiện. Đơn cử như việc Bộ trưởng yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để lắp đặt bảng số khám điện tử tại BV K cơ sở Quán Sứ đã được lên kế hoạch triển khai để trong tháng 5/2016 sẽ đưa vào sử dụng; hay việc linh động luân chuyển việc thu tiền làm các thủ tục cận lâm sàng cũng đã được thực hiện để người bệnh không phải chờ đợi xếp hàng quá lâu... Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, tiến độ lắp đặt, hoàn thiện hạ tầng của tòa nhà khám chữa bệnh mới đã được đẩy nhanh hơn, dự kiến giữa tháng 6/2016 sẽ đưa vào sử dụng trước 6 tầng dưới của tòa nhà.

Bộ Y tế gửi thư khen các thầy thuốc cứu sống bệnh nhân bị đạn "găm" vào cơ thể

Bộ trưởng Bộ Y tế vừa gửi lời khen ngợi và biểu dương tới tập thể y, bác sỹ khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang đã vượt qua khó khăn, khẩn trương triển khai các biện pháp tích cực để cứu sống bệnh nhân bị hơn 20 viên đạn súng hơi "găm" vào cơ thể đang trong tình trạng nguy kịch. Ngày 4/5, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có thư khen đến tập thể y bác sĩ tham gia cứu sống bệnh nhân bị hơn 20 viên đạn súng hơi “găm” vào vùng ngực, bụng. Thư khen của Bộ trưởng nêu rõ: “tôi được biết tập thể y, bác sỹ khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang đã khẩn trương kịp thời cấp cứu bệnh nhân Đặng Quang C (37 tuổi, trú tại xã Linh Phú, huyện Chiêm Hóa) bị sốc đa chấn thương gây mất máu nhiều, khó thở. Sau 5 giờ đồng hồ thực hiện ca mổ (kéo dài đến 2h sáng ngày 27/4/2016), các bác sỹ đã gắp được hơn 20 viên đạn ra khỏi cơ thể bệnh nhân, khâu lại những vết thương tim, ruột, dẫn lưu màng phổi phải, truyền máu - truyền dịch kịp thời. Hiện tại, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch”. Thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ trưởng gửi lời khen ngợi và biểu dương tới BVĐK tỉnh Tuyên Quang đã vượt qua khó khăn, khẩn trương triển khai các biện pháp tích cực để cứu sống bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch. "Kết quả thành công của ca mổ không chỉ là nỗ lực, cố gắng của tập thể y, bác sỹ BVĐK tỉnh Tuyên Quang mà còn khẳng định được hiệu quả của Đề án 1816 trong việc đưa các bác sỹ tuyến trên về chuyển giao công nghệ cho tuyến dưới và Đề án bệnh viện vệ tinh của ngành Y tế"- Thư khen của Bộ trưởng nhấn mạnh Liên quan đến thông tin này, báo Sức khoẻ & Đời sống điện tử (www:suckhoedoisong.vn) đã đưa tin ngày 29/4, thông tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, các bác sĩ của bệnh viện vừa phẫu thuật kịp thời cứu sống bệnh nhân bị súng hơi bắn trên 20 viên đạn vào vùng ngưc, bụng khiến tính mạng vô cùng nguy kịch Trước đó vào khoảng 18h chiều ngày 26/4, bệnh nhân Đặng Quang C, 37 tuổi ở xã Linh Phú, huyện Chiêm Hóa  bị súng bắn vào ngực bụng. Ngây lập tức bệnh nhân được người nhà đưa đến Bệnh viện đa khoa huyện Chiêm Hóa. Ở đây bệnh nhân được các bác sỹ sơ cứu ban đầu và chuyển tuyến về BVĐK tỉnh Tuyên Quang ngay sau đó. Qua thăm khám, BVĐK tỉnh Tuyên Quang chẩn đoán bệnh nhân bị sốc đa chấn thương do hỏa khí gây ra mất máu nhiều, khó thở. Bệnh nhân nhanh chóng được chụp xquang, siêu âm, xét nghiệm phát hiện trên 20 viên đạn đang “găm” trong cơ thể bệnh nhân khiến bệnh nhân bị tràn dịch, tràn khí màng phổi phải, mất máu nặng đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng. Sau 5 tiếng đồng hồ thực hiện ca mổ (kéo dài đến 2h sáng gày 27/4), kíp phẫu thuật đã khâu lại những vết thương tim, ruột, dẫn lưu màng phổi phải, truyền máu - truyền dịch kịp thời cho bệnh nhân Đặng Quang C. Hiện tại, tình trạng của bệnh nhân tạm thời ổn định.

Trường Đại học Y tế công cộng nhận Huân chương Độc lập hạng Ba

Ngày 26/4, Trường ĐHYTCC đã tổ chức Lễ Kỷ niệm 68 năm truyền thống, 15 năm thành lập Trường và đón nhân Huân chương Độc lập hạng Ba. Thành lập từ năm 2001 chỉ với chuyên ngành Y tế công cộng, đến nay Trường đang đào tạo tới khóa cử nhân thứ 14 nhằm đáp ứng nhân lực cho ngành y tế. Bên cạnh đó, nhà trường cũng đưa ra nhiều loại hình đào tạo đa dạng đáp ứng nhu cầu thực tiễn như: Đào tạo tại địa phương, đào tạo từ xa…Vừa qua, Trường đã được Hệ thống đảm bảo chất lượng các Trường đại học Đông Nam Á (AUN-QA) cấp chứng nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo Thạc sỹ Y tế công cộng. Đây là trường đại học đầu tiên trong khối y dược của Việt Nam đạt kiểm định này. Trường Đại học Y tế công cộng  cũng là một trong 20 đơn vị nghiên cứu hàng đầu ở Việt Nam có các bài báo quốc tế. Và chỉ trong vòng 5 năm (2010-2015), Trường ĐHYTCC đã thực hiện hơn 150 đề tài nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế với ác chủ đề mang tầm quốc gia và quốc tế như: Phòng chống chấn thương, phòng chống tác hại thuốc lá… Những kết quả nghiên cứu này là bằng chứng quan trọng, góp phần cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách ban hành luật một cách chính xác, hiệu quả./.

Công tác truyền thông y tế đóng vai trò quan trọng vào kết quả hoạt động của Ngành

Công tác truyền thông trong ngành y tế đã tham mưu kịp thời giúp Bộ Y tế xử lý kịp thời các thông tin nóng liên quan về y tế, giảm thiểu khủng hoảng truyền thông trong y tế tạo được dư luận tích cực, từng bước thay đổi cách nhìn nhận về công tác y tế. Ngày 25/4, tại tỉnh Quảng Bình, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị tăng cường công tác truyền thông y tế năm 2016. Tham dự Hội nghị có: Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; lãnh đạo Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Trung ương; đại diện Lãnh đạo cùng chuyên viên một số Vụ/Cục, Đơn vị, bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; đại diện Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe các tỉnh, thành phố trong cả nước; lãnh đạo, cán bộ làm công tác truyền thông tại bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh… Phát biểu tại Hội nghị, Bộ Y tế ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực truyền thông của các đơn vị trong thời gian qua. Theo Thứ trưởng, vai trò của truyền thông giáo dục sức khỏe là đặc biệt quan trọng trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Hoạt động truyền thông y tế được thực hiện tốt sẽ giúp các chủ trương, chính sách của cơ quan quản lý nhà nước về y tế đến với người dân nhanh hơn, chính xác hơn; người dân nhận biết được các y tố nguy cơ bệnh tật, phòng ngừa hiệu quả dịch bệnh.

Cấp cứu bệnh nhân nuốt...47 ống hút vào dạ dày

BV Quận Thủ Đức vừa xử trí thành công 01 trường hợp nuốt dị vật hiếm gặp. Sau hơn 2 tiếng đồng hồ kiên nhẫn, các bác sĩ lấy ra được tổng cộng 47 ống hút. Hiện tại bệnh nhân hết đau bụng và xuất viện. BS. Nguyễn Triệu Vũ - Trưởng khoa cho biết đây là một bệnh nhân nữ, 47 tuổi, Trần N. T. Bệnh nhân T. vốn có tiền sử tâm thần và được người nhà đưa đến khám vì đau bụng dữ dội. Kết quả nội soi dạ dày, cho thấy bệnh nhân hay nuốt ống hút và dạ dày bệnh nhân chứa đầy ống hút. Theo BS. Vũ, bệnh nhân tâm thần thường nuốt dị vật, khoa nhiều lần lấy được di vật như tăm xỉa răng, dây kẽm, sỏi, đất, cát ... nhưng số lượng ống hút nhiều như vậy chưa từng thấy. Ngoài ra, bệnh viện cũng thường tiếp nhận các ca nuốt dị vật ở trẻ em hay người già. Trẻ con thường nuốt những đồ vật nhỏ như đồ chơi, đầu bút bi, còn ở người già hay gặp là răng giả, vỏ bao thuốc). Thời gian thường dễ xác định nếu bệnh nhân tỉnh táo, tuy nhiên người già lú lẫn hoặc người tâm thần thường khó nói chính xác thời gian nuốt dị vật. Triệu chứng thường nhất ở những ca nuốt dị vật là đau bụng, tuy nhiên một số di vật nhỏ, trơn bệnh nhân có thể tự đi cầu ra được. Dị vật nhọn có thể làm thủng ruột, nhiễm trùng. Tùy theo đối tượng mà người nhà cần quan tâm khác nhau như trẻ nhỏ (tránh cho trẻ chơi những vật tròn nhỏ), người già (thường nhất là răng giả) còn bệnh nhân tâm thần phải quan tâm suốt.

An ninh thủ đô

Hà Nội động thổ Trung tâm y tế kỹ thuật cao đẳng cấp quốc tế đầu tiên

Sáng 4-5, Sở Y tế Hà Nội và Ban Quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị TP Hà Nội đã tổ chức lễ động thổ xây dựng dự án Trung tâm kỹ thuật cao thuộc BVĐK Xanh Pôn. Dự lễ động thổ có Chủ tịch UBND TP Hà Nội; Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Jean-Noël Poirier; Bộ trưởng Bộ Y tế; Trưởng Ban Chăm sóc bảo vệ sức khoẻ cán bộ Trung ương Nguyễn Quốc Triệu; đoàn các Giáo sư Y khoa Pháp và đại diện các sở, ngành TP. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, từ ý tưởng ban đầu giúp đỡ Hà Nội xây dựng một cơ sở y tế ngang tầm quốc tế, sau 1 năm, việc động thổ Trung tâm kỹ thuật cao chính là hành động cụ thể hoá bản ghi nhớ hợp tác giữa GS.TS Joel Leroy - chuyên khoa hàng đầu thế giới về phẫu thuật nội soi tiêu hoá... với Sở Y tế Hà Nội. Dự án Trung tâm kỹ thuật cao được xây dựng đạt tiêu chuẩn châu Âu nhằm phục vụ công tác khám chữa bệnh kỹ thuật cao. Đây còn là trung tâm đào tạo mổ nội soi cho các bác sỹ của Hà Nội, Việt Nam và quốc tế. Trung tâm cũng là nơi tiếp nhận, chuyển giao các kỹ thuật tiên tiến về nội soi, phẫu thuật nội soi tiêu hoá giúp người dân có thể điều trị ngay trong nước mà không phải ra nước ngoài. Cụ thể, dự án sẽ cải tạo toà nhà A2 BVĐK Xanh Pôn với các hạng mục cải tạo tầng hầm, 4 tầng nổi, xây dựng thêm tầng 5 với tổng cộng 10 phòng khám bệnh; 10 phòng điều trị nội dung, 4 phòng nội soi chẩn đoán; 3 phòng mổ có khu phẫu thuật đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, có thể kết nối với các trung tâm y tế lớn trên thế giới. Trung tâm sẽ được trang bị hệ thống trang biết bị hiện đại như chụp cắt lớp cộng hưởng từ, nội soi tiêu hoá, hệ thống chẩn đoán sớm về bệnh lý tiêu hoá và đặc biệt là hệ thống tầm soát ung thư tiêu hoá như: ung thư đại tràng, ung thư trực tràng, ung thư dạ dày... vốn là các bệnh phổ biến tại Việt Nam. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 150 tỷ đồng, được huy động từ các nguồn xã hội hoá. Dự kiến, Trung tâm kỹ thuật cao sẽ đi vào hoạt động vào tháng 12-2016 với bộ máy được đào tạo bài bản từ khâu tiếp đón, thái độ ứng xử đến việc chẩn đoán điều trị với sự giúp đỡ của các chuyên gia hàng đầu thế giới... Tại lễ động thổ, GS.TS Joel Leroy xúc động chia sẻ: “Chỉ trong vòng 1 năm, dự án đã được triển khai, điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo TP. Một dự án quan trọng như trung tâm này được hiện thực hoá trong thời gian ngắn là điều mà ở ngay các nước phát triển cũng không phải dễ dàng”. Trong quá trình làm việc, giảng dạy tại Việt Nam, GS.TS Joel Leroy tin tưởng rằng, các bác sỹ, đồng nghiệp Việt Nam tại Trung tâm kỹ thuật cao sẽ làm tốt nhiệm vụ của mình để Hà Nội được nhắc đến như một địa chỉ có nền y học phát triển, hiện đại, phục vụ nhân dân tốt nhất. Phát động lễ động thổ, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, ý tưởng xây dựng Trung tâm kỹ thuật cao này xuất phát từ gợi ý của GS.TS Joel Leroy, đồng Giám đốc Trung tâm IRCAD, Strasbourg – Cộng hòa Pháp, người tiên phong mở đường trong lĩnh vực phẫu thuật ít xâm lấn, người đã đào tạo cho thế giới trong đó có cả Việt Nam hàng nghìn phẫu thuật viên nổi tiếng… UBND TP đã giao các sở ngành khẩn trương chuẩn bị từ phần thiết kế đến huy động các nguồn lực để dự án được triển khai sớm nhất. Gửi lời cảm ơn sâu sắc tình cảm đặc biệt của GS Leroy và các đồng nghiệp Pháp đối với dự án quan trọng này, Chủ tịch UBND TP khẳng định, Trung tâm kỹ thuật cao sẽ là cơ sở y tế đầu tiên của Thủ đô đạt tiêu chuẩn quốc tế, thực hiện được các kỹ thuật cao tương đương các nước phát triển trên thế giới, đặc biệt trong điều trị ung thư tiêu hóa. Đặc biệt, với kỹ thuật tầm soát ung thư sớm, việc bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân Thủ đô và cả nước chắc chắn sẽ tốt hơn. Để Trung tâm kỹ thuật cao nhanh chóng hoàn thiện với chất lượng đảm bảo, đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân, Chủ tịch UBND TP đề nghị các sở ban ngành thành phố cùng giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn; chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, các nhà tài trợ, các nhà thầu thi công thực hiện đúng các quy định của pháp luật, các cam kết trong hợp đồng, đảm bảo thực hiện dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả. Sở Y tế Hà Nội, BVĐK Xanh Pôn khẩn trương chuẩn bị nguồn nhân lực có đủ năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Tiêm Pentaxim "chợ đen" 2 triệu đồng/liều: Không đảm bảo an toàn

Do việc đăng ký vaccine dịch vụ 5 trong 1 Pentaxim khó thành công, tình trạng mua bán vaccine Pentaxim theo hình thức “chợ đen” tất yếu phát sinh. Một số bạn đọc cho biết, họ vẫn mua được liều vaccine Pentaxim do một số cá nhân rao bán chui theo kiểu truyền miệng.

Đến tiêm tại nhà, giá 2,3 triệu đồng/ liều

Phản ánh tới chúng tôi, chị Nguyễn Thị P. (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, con gái chị hơn 6 tháng tuổi, đã được tiêm 2 mũi vaccine 5 trong 1 Quinvaxem nhưng mỗi lần đi tiêm về cháu bé hay quấy, sốt. Thương con nên khi đến lịch tiêm mũi thứ ba, chị quyết tâm “săn” vaccine Pentaxim cho bé. Theo dõi sát các thông tin về vaccine Pentaxim trên mạng, mỗi lần thấy điểm tiêm chủng của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (131 Lò Đúc) hay Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội (70 Nguyễn Chí Thanh) tổ chức đăng ký tiêm Pentaxim là vợ chồng chị P. lại hy vọng. Thế nhưng, đã qua 3 lần tổ chức đăng ký tiêm Pentaxim, 2 vợ chồng chị vẫn không đăng ký được dù đã huy động thêm cả người thân, bạn bè cùng đăng ký giúp. Không còn hy vọng vào việc đăng ký qua mạng, vợ chồng chị P. bàn nhau tìm nguồn cung cấp khác. Qua bạn bè, chị được cho số điện thoại của một người có nguồn cung cấp vaccine Pentaxim theo hình thức tiêm tại nhà. “Khi nghe tôi đề cập nguyện vọng, người phụ nữ nghe máy hỏi han tình hình, hẹn ngày tiêm và thông báo giá là 2.300.000 đồng/liều Pentaxim, nếu nhà ở quận Đống Đa thì lấy thêm chi phi đi lại là 100.000 đồng còn ở xa hơn thì khoản này là 200.000 đồng. Đúng ngày tiêm như đã hẹn, người phụ nữ khoảng 50 tuổi đi xe máy đến nhà tôi, ăn mặc quần áo bình thường chứ không mặc áo y bác sĩ, sau xe chở chiếc tủ đông nhỏ bảo quản vaccine. Chị ta khám qua và hỏi han sức khỏe của bé nhà tôi, cho tôi xem kỹ vỏ lọ vaccine Pentaxim rồi tiêm cho bé. Sau khi tiêm, chị ta dặn dò khá chu đáo rồi nhận thanh toán bằng tiền mặt” - chị P. kể lại. Cũng theo lời chị P., lúc đầu vợ chồng chị khá lo lắng, băn khoăn khi mua vaccine theo hình thức “chợ đen” như vậy nhưng vì thấy một số bạn bè cũng đã cho con tiêm trước đó an toàn nên chị mới mạnh dạn làm theo. “Thấy người đến tiêm có vẻ có chuyên môn, còn cho mình xem kỹ lọ vaccine trước khi tiêm và con mình sau tiêm mạnh khỏe nên giờ cũng thấy yên tâm. Nghĩ lại thấy mình cũng còn may” - chị P. tâm sự.

Đừng “giao trứng cho ác”

Trên thực tế, từ cuối năm 2014 đến nay, trong bối cảnh vaccine dịch vụ 5 trong 1, 6 trong 1 khan hiếm, tình trạng buôn bán vaccine trôi nổi hay rao bán vaccine Pentaxim trên mạng đã diễn ra phức tạp. Mới đây, cơ quan CSĐT - CAQ Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã bắt giữ một đối tượng để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” do rao quảng cáo bán suất tiêm chủng vaccine Pentaxim trên internet và thu hàng chục triệu đồng tiền đặt cọc của những người cả tin… Vậy nhưng, khi nguồn cung chưa đáp ứng đủ cầu, vẫn có những người dân cả tin, đặt cược cả sức khỏe và tính mạng con em mình vào con đường mua bán vaccine “chui”. Theo quy định của Bộ Y tế, việc tiêm chủng nói chung hay tiêm vaccine Pentaxim nói riêng bắt buộc phải được thực hiện tại các cơ sở tiêm chủng bởi những cán bộ tiêm chủng đủ điều kiện hành nghề nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả. Nguồn vaccine cũng phải được bảo quản theo quy trình, quy định rất nghiêm ngặt. Do vậy, việc mua vaccine dịch vụ trôi nổi trên mạng, chấp nhận cho con em mình tiêm vaccine tại nhà hay tại nơi không phải cơ sở tiêm chủng được cấp phép là vô cùng nguy hiểm. “Với vaccine Pentaxim, mỗi khi được cung cấp, chúng tôi đều tổ chức cho người dân đăng ký công khai trực tiếp qua mạng, việc tổ chức đăng ký và quản lý nguồn vaccine này được thực hiện rất chặt chẽ, không thể có chuyện vaccine được tuồn ra ngoài. Tôi không hiểu những người rao bán vaccine “chui” lấy nguồn từ đâu. Nhưng nếu họ thật sự có vaccine thì cũng không một ai dám đảm bảo chất lượng” - TS. Nguyễn Đăng Hiền khuyến cáo. Trước đó, Bộ Y tế cũng đã nhiều lần khuyến cáo người dân không nên tự mua, tự tiêm vaccine “xách tay” vì chẳng khác nào “giao trứng cho ác”, đồng thời khẳng định: Bộ Y tế tuyệt đối cấm việc buôn bán vaccine ngoài thị trường.

Lạm dụng phấn rôm tăng nguy cơ ung thư cho bé gái

Trước thông tin hãng Johnson & Johnson thua kiện vụ phấn rôm gây ung thư, không ít người tiêu dùng đã lập tức quay lưng với sản phẩm này.

Chỉ người tiêu dùng chịu thiệt

Như Báo ANTĐ đã đưa tin, ngày 3-5 vừa qua, Công ty Johnson&Johnson (J&J) đã bị bồi thẩm đoàn ở bang Missouri, Mỹ yêu cầu bồi thường 55 triệu USD cho bà Gloria Ristesund - người sử dụng sản phẩm phấn rôm của công ty này trong nhiều năm và bị ung thư buồng trứng. Song, theo một phát ngôn viên của J&J, phán quyết này mâu thuẫn với các nghiên cứu trong 30 năm qua về tính an toàn của các sản phẩm của hãng nên J&J sẽ kháng cáo. Dù vậy, vụ kiện cũng đã khiến nhiều phụ huynh có sử dụng phấn rôm cho con mình lo ngại. Chị Đào Vân Khánh ở khu đô thị Đền Lừ, quận Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ, con gái chị đã hơn 3 tuổi và cũng chừng ấy thời gian cháu tiếp xúc với phấn rôm nhãn hiệu Johnson. Do phấn rôm có ưu điểm giúp cho da bé luôn khô thoáng, hơn nữa đây lại là sản phẩm mang thương hiệu lớn, có uy tín trên thị trường nên mỗi khi tắm cho con xong, chị Khánh đều bôi phấn rôm vào các vùng da dễ bị hăm của bé như cổ, nách, bẹn. Song từ khi đọc được thông tin hãng J&J có nguy cơ phải bồi thường hàng triệu đô la Mỹ cho người sử dụng phấn rôm của hãng bị chẩn đoán mắc ung thư buồng trứng, chị Khánh đứng ngồi không yên. Trước thông tin trên, phóng viên ANTĐ đã tiến hành khảo sát tại một số cửa hàng, siêu thị bán đồ dùng trẻ em trên địa bàn Hà Nội. Tại hầu hết các địa điểm này, phấn rôm, sữa tắm, dầu gội mang nhãn hiệu J&J với nhiều kích cỡ khác nhau được bày bán khá phổ biến. Trong vai khách hàng, khi chúng tôi tỏ vẻ lo ngại về chất lượng phấn rôm cho trẻ hiện nay, bà V.T.H - chủ một cửa hàng trên phố Lãn Ông, quận Hoàn Kiếm trấn an: “Hàng triệu người dùng mới có vài người mắc bệnh, hơn nữa, nguyên nhân cũng chưa chắc chắn có phải do phấn rôm không. Mặt khác, loại phấn rôm bị kiện của J&J được sản xuất ở Mỹ, còn phấn rôm J&J ở đây được sản xuất ở Thái Lan nên tuyệt đối an toàn”(?!)

Nguy cơ nhiễm bệnh đường hô hấp

Được biết, một trong những thành phần có trong phấn rôm là bột Talc,  khoáng chất có trong tự nhiên chứa các thành phần như silic, magie, hydro và oxy. Chất bột này thường được sử dụng trong công nghiệp sản xuất mỹ phẩm, giấy, gạch men, lốp cao su… Trong phấn rôm, bột Talc có tính năng hút ẩm, khử mùi. Theo cơ quan y tế của Mỹ, trong bột Talc còn có chất amiăng có khả năng gây ung thư nếu người dùng hít phải một lượng lớn. Về những lưu ý khi sử dụng phấn rôm cho trẻ, bác sỹ Nguyễn Minh Hiếu - Bệnh viện E cho rằng, do phấn rôm có ưu điểm làm khô thoáng bề mặt da, chống hăm và hạn chế rôm sảy nên được nhiều bà mẹ tin dùng, nhưng nếu không thận trọng, sản phẩm này có thể gây hại cho trẻ. Thực tế đã có không ít bệnh nhi phải nhập viện trong tình trạng khó thở mà nguyên nhân  do hít phải bột phấn rôm. Điều đáng lo ngại là, trong phấn rôm ngoài bột Talc còn có muối calci, kẽm, chất béo và một số chất tạo mùi thơm. Khi trẻ hít phải với một lượng nhất định có thể gây viêm, sưng phổi kèm theo các triệu chứng ho, hắt hơi, sổ mũi, nôn, khó thở, tím tái, thậm chí gây nghẽn đường thở. Đối với các bé gái, việc sử dụng phấn rôm thường xuyên, liên tục từ vùng bụng dưới trở xuống trong một thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng. Nguyên nhân là bụi phấn, chất ô nhiễm siêu nhỏ từ môi trường có thể xâm nhập vào hố chậu thông qua bộ phận sinh dục của trẻ vào ống dẫn trứng dẫn đến viêm nhiễm, tạo điều kiện cho tế bào ung thư phát triển. Vì vậy, trong khi chờ các cơ quan chuyên môn đưa ra kết luận cuối cùng về việc phấn rôm có gây hại cho sức khỏe của trẻ, làm tăng nguy cơ gây ung thư buồng trứng hay không, để bảo vệ sức khỏe của con em mình, các bậc cha mẹ nên thận trọng trong việc sử dụng phấn rôm cho trẻ, không nên bôi phấn rôm vào vùng kín của bé gái. Đối với những trẻ bị rôm sảy nhiều, đặc biệt là trong thời tiết nóng nực, phụ huynh nên cho bé mặc đồ thoáng, tắm nước sạch với các loại lá, quả có tính mát như chè tươi, nước chanh pha chút muối, nước lá kinh giới, mướp đắng, cho bé mặc quần áo rộng, thấm hút mồ hôi, ăn các thực phẩm mát, không nên lạm dụng những sản phẩm chứa chất hóa học, đặc biệt là những mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, được bày bán trôi nổi trên thị trường để bôi, xoa lên cơ thể trẻ...

Ứng dụng thành công kỹ thuật xét nghiệm máu tiên tiến nhất

Ngày 26-4, Viện Huyết học-truyền máu Trung ương đã công bố ứng dụng thành công kỹ thuật xét nghiệm máu NAT (kỹ thuật sinh học phân tử) tiên tiến nhất hiện nay, giúp rút ngắn thời gian phát hiện virus gây bệnh trong máu. GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - truyền máu Trung ương cho biết, kỹ thuật NAT hiện là kỹ thuật xét nghiệm sàng lọc máu tiên tiến nhất, khi ứng dụng thành công sẽ góp phần mở ra kỷ nguyên mới bảo đảm an toàn truyền máu, cung cấp nguồn máu an toàn, kịp thời. Hiện nay, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư hướng dẫn, cho phép áp dụng kỹ thuật này tại các trung tâm truyền máu, cơ sở sàng lọc máu của các bệnh viện trên toàn quốc theo lộ trình cụ thể. Mục tiêu là đến năm 2018, kỹ thuật NAT sẽ được xét nghiệm cho tất cả các đơn vị máu hiến trên toàn quốc.

Từ 2018, lồng ghép dịch vụ tiêm chủng vào gói y tế cơ bản

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Khởi động nghiên cứu nâng cao hiệu quả quản trị hệ thống tiêm chủng cho trẻ em từ 0-23 tháng tuổi tại Việt Nam”, diễn ra ở Hà Nội, ngày 27-4.  Dự án nghiên cứu này sẽ bắt đầu triển khai trong năm nay với mục tiêu nâng cao chức năng quản trị và điều hành hệ thống tiêm chủng tại Việt Nam theo hướng minh bạch và rõ ràng trách nhiệm giữa các bên liên quan trong cung cấp dịch vụ tiêm chủng cho trẻ từ 0-23 tháng tuổi. Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng cho biết, kết quả nghiên cứu kỳ vọng sẽ được Bộ Y tế sử dụng để phát triển chiến lược lồng ghép dịch vụ tiêm chủng trẻ em dưới 24 tháng tuổi vào gói dịch vụ y tế cơ bản do bảo hiểm y tế chi trả vào năm 2018 và làm cơ sở đề xuất xây dựng Luật tiêm chủng hoặc Luật Y tế Dự phòng (bao gồm các nội dung về tiêm chủng).

Hơn 91.000 ca nghi mắc Zika tại Brazil

 Từ 3-1 đến 2-4-2016, đã có 91.387 trường hợp nghi ngờ mắc Zika được báo cáo, riêng tại khu vực đông bắc nghèo khó của Brazil là 30.286 ca, Bộ Y tế nước này cho biết hôm 26-4. Dịch Zika bùng phát ở Brazil là loại bệnh được cho liên quan tới chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh. Theo Bộ Y tế Brazil, đã có 3 người tử vong vì loại virus do muỗi lây truyền này. Mặc dù đã có rất nhiều nghiên cứu về virus Zika, nhưng đến nay vẫn còn nhiều câu hỏi, như virus Zika tồn tại trong cơ thể người bao lâu, mức độ lây nhiễm qua đường tình dục như thế nào, các rối loạn do virus này gây ra cũng như các loại muỗi có thể truyền virus Zika. Virus Zika được cho là liên quan tới chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh. Hiện chưa có vaccine hay thuốc nào chữa trị người nhiễm virus Zika, hầu hết người nhiễm virus này đều chỉ có triệu chứng bệnh nhẹ như phát ban, đau người hay sốt. Trong số những ca nhiễm virus Zika có 2.844 thai phụ. “Đến nay, vẫn chưa thể chắc chắn số % phụ nữ mang thai dương tính với virus Zika có thể sinh ra những trẻ sơ sinh đầu nhỏ”, Giám đốc Claudio Maierovitch thuộc Cơ quan giám sát bệnh truyền nhiễm Brazil cho biết. Trong khi đó, các trường hợp sốt xuất huyết đã tăng lên 802.439 ca – tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước.

Nhân dân

Thế giới đẩy mạnh nghiên cứu chống vi-rút Zika

Những phát hiện mới cho thấy, vi-rút Zika, loại vi-rút lây truyền từ muỗi, nguy hiểm hơn so với những nhận định ban đầu của các nhà khoa học. WHO cũng như giới chức y tế Mỹ cho rằng, cần đẩy mạnh việc tiến hành thêm các nghiên cứu về vi-rút Zika, hiện đang bùng phát ở hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, để hiểu rõ hơn tác động nguy hiểm của loại vi-rút này. Phát biểu ý kiến tại cuộc họp báo mới đây ở Nhà trắng, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ En Su-chát kêu gọi giới chức nước này có những hỗ trợ cần thiết để đẩy mạnh việc tiến hành thêm các nghiên cứu về vi-rút Zika, bởi đây là một loại vi-rút "rất hiếm gặp". Bà Su-chát cho rằng, những kết quả nghiên cứu hiện nay của giới khoa học là "chưa xác đáng", đồng thời nêu rõ, vi-rút Zika có thể gây ra hàng loạt biến chứng trong thai kỳ như làm gia tăng nguy cơ sinh non, gây ra các vấn đề về thị lực cho thai nhi..., chứ không chỉ đơn thuần gây ra dị tật đầu nhỏ như kết luận ban đầu của giới khoa học. Ngoài ra, vi-rút Zika cũng được cho là có thể gây ra các dị tật trong hầu hết thai kỳ, và đã xuất hiện tại khoảng 30 bang của Mỹ, trong khi trước đó giới chuyên gia khẳng định vi-rút này chỉ có thể gây biến chứng trong ba tháng đầu của thai kỳ và hiện mới chỉ bùng phát tại 12 bang. Viện trưởng Viện nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm và dị ứng quốc gia Mỹ A.Phao-xi cảnh báo, vi-rút Zika còn có thể gây ra chứng rối loạn tự miễn dịch (hội chứng Guillain-Barre), viêm cột sống cấp tính, viêm màng não... Ông cũng cho biết, loại vắc-xin phòng ngừa Zika, hiện đang được sản xuất tại một phòng thí nghiệm ở bang Me-ri-len, sẽ được tiến hành thử nghiệm trên cơ thể người vào tháng 9 tới. Các quan chức y tế Mỹ cũng kêu gọi Quốc hội nước này nhanh chóng thông qua khoản ngân sách khẩn cấp gần 1,9 tỷ USD để hỗ trợ các hoạt động phòng chống vi-rút Zika mà Tổng thống B.Ô-ba-ma đề xuất hồi tháng 2 vừa qua. Quan chức phụ trách về ngân sách của Nhà trắng S.Đo-nơ-van cảnh báo, một số biện pháp chống Zika sẽ phải tạm hoãn hoặc ngừng lại nếu Quốc hội không phê duyệt khoản ngân sách này. Trong khi đó, các nhà khoa học Bra-xin vừa thông báo đã phát hiện thêm một chứng rối loạn thần kinh mới ở người lớn có liên quan vi-rút Zika. Nghiên cứu này được công bố tại hội nghị chuyên đề về thần kinh ở châu Mỹ diễn ra tại Van-cu-vơ, Ca-na-đa. Theo đó, bệnh viêm não tủy rải rác (acute diseminated encephalomyelitis -ADEM) đã được phát hiện ở hai trong số sáu bệnh nhân mắc các hội chứng thần kinh sau khi bị nhiễm vi-rút Zika; bốn người còn lại mắc chứng Guillain-Barre. Bra-xin là quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất trong đợt bùng phát vi-rút Zika vừa qua. Mới đây, Bộ Y tế Bra-xin xác nhận, tại nước này có 940 trường hợp trẻ bị đầu nhỏ và 4.300 ca nghi nhiễm vi-rút Zika. Trong khi đó, tại Cô-lôm-bi-a, trong tuần đầu tháng 4 vừa qua, số ca mắc Zika đã tăng 5,6%. Hiện quốc gia Nam Mỹ này đã ghi nhận có 64.839 người mắc vi-rút Zika, trong đó có 11.776 phụ nữ mang thai. Viện Y tế quốc gia Cô-lôm-bi-a cho biết, nước này đang tiến hành nghiên cứu 30 trường hợp trẻ đầu nhỏ nghi ngờ liên quan vi-rút Zika. Viện này cũng xác nhận 416 ca mắc các hội chứng thần kinh như Guillain-Barre, đa dây thần kinh và các bệnh thần kinh tương tự, cùng với 35 ca hội chứng liệt mềm cấp (Acute Flaccid Paralysis-AFP). Các bệnh nhân này đều có tiền sử nhiễm vi-rút Zika. Tính đến nay đã có hơn 1.000 trường hợp mắc bệnh đầu nhỏ hoặc dị tật bẩm sinh do Zika được báo cáo tại sáu quốc gia. Bên cạnh đó, 400 ca Guillain-Barre được phát hiện tại 13 nước. WHO tuyên bố sẽ tiếp tục nghiên cứu để hiểu rõ hơn tác động của Zika đến các rối loạn thần kinh, từ đó xác định nguy cơ cho thai nhi, trẻ sơ sinh cũng như người lớn. Vi-rút Zika hiện đã xuất hiện tại hơn 50 quốc gia trên thế giới, trong đó nơi bùng phát nghiêm trọng nhất là Nam Mỹ

Đào tạo nhân lực giải quyết những vấn đề y tế công cộng

Nếu các kỹ thuật chuyên sâu chỉ giải quyết vấn đề của một số ít người bệnh thì YTCC giải quyết các vấn đề của cộng đồng, của đất nước. Vì vậy, việc thành lập trường đại học YTCC đã góp phần quan trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao giải quyết những vấn đề của cả cộng đồng, đồng thời góp phần làm thay đổi diện mạo của nền y tế theo hướng hiện đại và toàn diện…

“Cò” bủa vây bệnh viện

Mặc dù ngành y tế, các cơ quan chức năng đã nhiều lần ra quân dẹp vấn nạn “cò” tại các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh, nhưng theo phản ánh của nhiều bạn đọc và qua tìm hiểu thực tế, cho thấy, “cò” tại các bệnh viện vẫn hằng ngày, hằng giờ bủa vây người bệnh, người nhà người bệnh, từ cổng bệnh viện đến suốt quá trình khám, chữa bệnh...

Bài 1: “Cò mồi” và những chiêu trò lừa đảo

Mỗi khi đi khám, chữa bệnh, ngoài sự lo lắng về tiền, người bệnh và người nhà người bệnh còn phải đối diện muôn vàn chiêu trò của những đối tượng “cò mồi” lừa đảo. Trong khi các cơ quan chức năng chưa giải quyết triệt để được vấn nạn này, thì danh sách những nạn nhân “sa bẫy” của “cò” lại ngày càng dài thêm.

“Cò mồi” kiêm lừa đảo, trộm cắp

Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội), mới đầu giờ sáng đã chật cứng người bệnh. Vừa đứng cùng họ xếp hàng, chen chúc xếp sổ lấy số thứ tự, một thanh niên trạc 30 tuổi vỗ vai tôi mồi chài: “Nếu muốn khám nhanh chỉ cần chi 50 nghìn đồng, còn xét nghiệm máu phải thêm 100 nghìn đồng để chi cho người lấy máu. Yên tâm là vào xét nghiệm ngay, không phải chờ đợi”. Trong khi đó, ngay lối cổng vào treo tấm biển mi-ca với lời cảnh báo: “Hãy cảnh giác với “cò mồi” dẫn dắt khám, chữa bệnh - hãy làm theo hướng dẫn của bệnh viện”. Ngoài sân khu vực phòng khám, sát đầu nhà A, len lỏi giữa hàng chục người nhà người bệnh tay xách nách mang là một nữ “cò mồi” khoảng 40 tuổi, đeo khẩu trang kín mít, luôn tay thu sổ khám bệnh, phiếu xét nghiệm của người bệnh và thỏa thuận giá. Trung bình mỗi phiếu xét nghiệm, “cò” thu tiền công 50 nghìn đồng. Khi cán bộ bệnh viện nhận phiếu xét nghiệm của người bệnh, cũng là lúc “cò” thu tiền. Riêng sổ khám, chữa bệnh của người bệnh thì “cò” giữ luôn, khi nào thanh toán xong “hợp đồng” mới trả. Tại phía ngoài cổng Bệnh viện Mắt Trung ương luôn xuất hiện lực lượng “cò mồi” hùng hậu, hoạt động công khai. Đưa con đi khám tại Bệnh viện Mắt Trung ương, chị Nguyễn Lan Anh, trú Đông Anh (Hà Nội) chưa kịp đỗ xe đã bị đội ngũ “cò” tiếp cận. Một “cò” thản nhiên thông báo, bệnh viện đã phát hết số, muốn khám phải chờ đầu giờ chiều, nhưng chi 20 nghìn đồng, sẽ được khám luôn; nếu muốn làm các xét nghiệm nhanh, phải chi thêm từ 150 đến 200 nghìn đồng. Sau khi giao 200 nghìn đồng cho “cò”, gồm cả tiền khám nhanh và xét nghiệm nhanh, mẹ con chị Lan Anh được đưa ngay vào phòng khám, nhưng là phòng khám đối diện bệnh viện. Chị Lan Anh không đồng ý, quay ra đòi tiền thì không thấy “cò” đâu. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, lợi dụng sự thiếu hiểu biết và tâm lý muốn được khám nhanh của người bệnh, các đối tượng “cò” luôn tìm cách lừa người bệnh chi tiền, sau đó “lặn” mất, hoặc giở thói côn đồ nếu người bệnh phản ứng. Nhiều trường hợp thấy người bệnh từ tỉnh xa về, đội ngũ "cò" tạo vây cánh, tiếp cận, thi nhau hỏi han làm mất tập trung rồi "chôm chỉa" đồ, móc trộm tiền. Khi đang tác nghiệp tại cổng Bệnh viện Mắt Trung ương, chúng tôi chứng kiến một người bệnh từ tỉnh xa về, hớt hơ hớt hải hỏi đường đến cơ quan công an để trình báo việc chị thuê "cò" đưa đi khám nhanh, nhưng bị lấy mất gần mười triệu đồng. Không chỉ thực hiện các hành vi “cò mồi” lừa đảo, các đối tượng “cò” không từ một thủ đoạn nào, nhằm vét nhẵn những đồng tiền cuối cùng của người bệnh, ngay cả những người đang từng giờ giành giật lại sự sống. Trong vai người có nhu cầu mua máu, chúng tôi hỏi thăm một quán nước trên phố Phủ Doãn, đối diện Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức (Bệnh viện Việt - Đức). Sau khi chúng tôi cung cấp thông tin nhóm máu và số lượng cần mua, bà chủ quán điện thoại, 10 phút sau, một thanh niên cao, gầy xuất hiện, ra giá: “Mỗi đơn vị máu giá 1,1 triệu đồng, đối với những loại máu hiếm, giá tùy tình hình thị trường. Nhóm máu gì cũng có, miễn là đủ tiền”. Người thanh niên khẳng định, người bán máu là sinh viên “xịn”, yên tâm chất lượng máu. Mặc dù “cò” khẳng định máu gì cũng có và luôn sẵn “hàng”, nhưng khi anh Trần Công Giang (Lạc Thủy, Hòa Bình), người nhà người bệnh đặt vấn đề cần máu truyền gấp, nhằm duy trì sự sống để đưa về nhà trước khi người bệnh tử vong, do chấn thương quá nặng, “cò” lập tức “hét” giá tới hai triệu đồng/đơn vị máu. Không còn cách nào khác, anh Trần Công Giang đành chấp nhận. Hỏi những người bán nước ở cổng bệnh viện, chúng tôi được biết, “cò” vừa giao dịch với chúng tôi tên là Minh, một trong những đầu mối của đường dây “cò” máu đang hoạt động tại khu vực Bệnh viện Việt - Đức. Trong hoạt động khám, chữa bệnh, các đối tượng còn dẫn dắt, ép buộc người bệnh sử dụng “dịch vụ trọn gói”, như tại TP Hồ Chí Minh. Sau hành trình kéo dài ba giờ từ Vĩnh Long lên TP Hồ Chí Minh, 5 giờ sáng, chị Nguyễn Thị Bé có mặt tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Mặc dù đến sớm, nhưng chị vẫn xếp số sau gần 100 người. Đang loay hoay, chị Bé được một người đàn ông gợi ý mua số thứ tự để khám sớm với giá 50 nghìn đồng/phiếu. Tuy nhiên, để lấy được phiếu khám bệnh, chị Bé phải đưa sổ khám bệnh và theo chân “cò” vào quán ăn bên kia đường. Chưa kịp chọn chỗ ngồi, chị được nhân viên của quán bê ra bát phở giá 50 nghìn đồng. Vừa phải trả tiền mua phiếu và tiền bát phở để lấy lại sổ khám bệnh, chị đã bị một “cò” khác bám lấy mời chào vào nghỉ tại ngôi nhà phía sau quán. Chưa kịp hoàn hồn sau khi thoát khỏi đám “cò” để vào viện khám, chị Bé bất ngờ được cán bộ y tế cho biết, tấm phiếu khám bệnh mua của “cò” là giả. Theo phản ánh của người dân, các đối tượng “cò trọn gói” đã hoạt động nhiều năm tại cổng Bệnh viện Chợ Rẫy, nhưng chưa được xử lý dứt điểm. Gần đó, tại Phòng khám đa khoa Hòa Hảo (quận 10), cứ 10 người hành nghề xe ôm thì có đến bảy người tham gia làm “cò”. Anh Long, một xe ôm tại đây cho biết, những người hành nghề xe ôm sống chủ yếu bằng việc “cò” khám, chữa bệnh thông qua liên kết với bảo vệ và nhân viên y tế. Không chỉ có các đối tượng “cò” chuyên nghiệp, mà còn có cả “cò” là cán bộ bệnh viện. Sau khi chi 200 nghìn đồng “phí khám nhanh”, vợ chồng chị Lê Thu Hương, trú quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh) được một “cò” tên Hà dẫn gặp bác sĩ tại một bệnh viện phụ sản để khám thai. Sau khám, chị Hương được bác sĩ này gợi ý đến phòng khám trên đường Ngô Quyền để “tiện theo dõi thai nhi” định kỳ hằng tháng. Được biết, có đến 90% số thai phụ sắp tới kỳ sinh đến khám đều được bác sĩ chỉ định mổ và giới thiệu ra các bệnh viện tư để thực hiện mổ. Nhằm tạo sự khách quan, bác sĩ này luôn đề nghị thai phụ tự chọn bệnh viện, ông sẽ đến tận nơi hỗ trợ và chỉ lấy tiền công. Tuy nhiên, thực tế, tất cả các cơ sở mà bác sĩ này giới thiệu đều là bệnh viện tư…

Trăm sự đổ tại… bệnh viện quá tải

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, lãnh đạo các bệnh viện đều cho rằng, nguyên nhân chủ yếu do các bệnh viện quá tải, trong khi người bệnh luôn có tâm lý muốn khám bệnh nhanh, nên các đối tượng “cò” lợi dụng. Hiện nay, hầu hết các bệnh viện tuyến trung ương đều trong tình trạng quá tải, trong đó, riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, công suất sử dụng giường bệnh luôn ở mức rất cao, từ 100 đến 170%. Phó Giám đốc Bệnh viện K Trung ương Bùi Công Toàn cho biết, dù có nhiều cố gắng, nhưng bệnh viện vẫn không thể xóa bỏ hoàn toàn tình trạng “cò”. Chỉ riêng cơ sở 1 của Bệnh viện K Trung ương, trung bình một ngày có khoảng 650 lượt người đến khám và gần 1.200 lượt người đến xét nghiệm sinh hóa, ngày cao điểm số lượng người bệnh luôn tăng gấp đôi. Đối với nhu cầu về máu, riêng Bệnh viện Việt - Đức, mỗi năm sử dụng khoảng 52 nghìn đơn vị, trong khi chỉ khai thác được 27 nghìn đơn vị từ các hoạt động cho, hiến, tặng. Lợi dụng sự khan hiếm về nguồn máu, trong khi nhu cầu sử dụng rất cấp thiết, nhiều đối tượng “cò” mặc sức bắt chẹt người bệnh. Theo Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương Nguyễn Xuân Hiệp, hiện tượng “cò” đã tồn tại từ lâu, có lúc hoạt động công khai cả trong lẫn ngoài bệnh viện. Lãnh đạo và nhân viên bệnh viện đã “nhẵn” mặt “cò”, nhưng không có chức năng, thẩm quyền xử lý. Cùng với việc tuyên truyền, nhắc nhở nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân, qua đó giải quyết tình trạng “cò”, giải pháp quan trọng được các bệnh viện đưa ra là tăng cường quản lý đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, thực hiện nghiêm y đức, không tham gia tiếp tay cho “cò”. Bệnh viện Mắt Trung ương đã chuyển vị trí công tác đối với một cán bộ vì có thông tin phản ánh tiếp tay “cò”. Tại Bệnh viện K Trung ương, trong hai năm 2014 và 2015, phát hiện, xử lý hai trường hợp cán bộ y tế tiếp tay “cò”. Tại Phòng khám đa khoa Hòa Hảo, lãnh đạo phòng khám đã kỷ luật một bảo vệ vì bắt tay với “cò” để khám nhanh với giá 200 nghìn đồng/lần. Tuy nhiên, do chế tài xử lý đối với nhân viên y tế tiếp tay “cò” chưa có sự thống nhất, cho nên, mỗi bệnh viện xử lý theo một cách khác nhau. Qua tìm hiểu, ngoài trách nhiệm của các bệnh viện, còn do sự phối hợp của các cơ quan chức năng như công an, chính quyền địa phương với ngành y tế còn nhiều hạn chế, mặc dù ngành công an và y tế từ Trung ương đến các địa phương đã ký kết chương trình phối hợp bảo đảm an ninh trật tự tại các bệnh viện, trong đó có việc xử lý tình trạng “cò” khám, chữa bệnh. Từ đầu tháng 3-2016 đến nay, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội phối hợp Công an các quận Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàn Kiếm tập trung phát hiện, xử lý khoảng 30 trường hợp “cò mồi” khám bệnh tại các bệnh viện lớn ở Hà Nội. Tuy nhiên, so với thực tế, con số đó là rất nhỏ so với tình trạng “cò” hiện nay. Nguyên nhân do chế tài xử lý “cò mồi” chỉ ở mức phạt hành chính vài trăm nghìn đồng, không có trường hợp bị xử lý hình sự, nên không đủ sức răn đe.

Cứu sống một bệnh nhân bị đâm thủng tim

Ngày 28-4, BVĐK An Phước, TP Phan Thiết (Bình Thuận) cho biết, các bác sĩ của bệnh viện vừa cứu sống một bệnh nhân bị đâm thủng tim.Trước đó, vào lúc 16 giờ 45 phút, ngày 27-4, Bệnh viện đa khoa An Phước tiếp nhận bệnh nhân Trần Anh Thiên, SN 1996, trú tại khu phố E, phường Thanh Hải, TP Phan Thiết (Bình Thuận) trong tình trạng mạch huyết áp không đo được, trên ngực trái có một vết thương trước vùng tim dài khoảng 1,5 cm. Qua hội chẩn ban đầu xác định, vết thương làm thủng tim. Ngay lập tức, bệnh viện đã tiến hành cấp cứu truyền máu, đồng thời quyết định chuyển mổ cấp cứu khẩn. Để thực hiện ca mổ này, bệnh viện đã huy động sáu bác sĩ cùng nhiều nhân viên y tế. Sau 1 giờ 15 phút, ca mổ đã thành công, bệnh nhân đã qua khỏi con nguy kịch, tim không còn chảy máu, sinh hiệu ổn định và được chuyển vào phòng hồi sức đặc biệt. Hiện, bệnh nhân đang được tiếp tục theo dõi và chăm sóc. Bác sĩ Võ Quang Trung, một trong những người tham gia ca mổ cho biết, khi mở ngực bệnh nhân, máu tràn đầy trong lồng ngực, vết thương làm thủng tâm nhĩ phải tim, máu phun thành vòi. Chúng tôi tiến hành khâu vết thương tim, đồng thời tiến hành truyền 11 đơn vị máu. Ông cũng cho biết thêm, đa số những trường hợp bị vết thương thủng tim sẽ tử vong trước khi được đưa tới bệnh viện. Đối với trường hợp này, nếu không cấp cứu kịp thời thì chỉ sau 5 phút nữa bệnh nhân tử vong. Được biết, anh Thiên là bộ đội mới xuất ngũ về địa phương làm công nhân bốc vác tại Cảng cá Phú Hài, TP Phan Thiết. Vào khoảng 16 giờ 30 phút, ngày 27-4, sau khi can ngăn một vụ cãi nhau, anh Thiên đã bị Nguyễn Văn Quyền, SN 1995, quê xã Hải Thanh, Tĩnh Gia (Thanh Hóa), hiện đang tạm trú tại khu phố A, phường Thanh Hải, TP Phan Thiết dùng dao Thái-lan đâm vào ngực. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, anh Thiên đã được người nhà đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa An Phước. Cơ quan công an TP Phan Thiết đã tạm giữ Nguyễn Văn Quyền và tiến hành điều tra làm rõ vụ việc.

Khánh thành Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang 1.300 tỉ đồng

Ngày 29-4, Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang tổ chức lễ khánh thành cơ sở mới đạt chuẩn quốc tế, tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỉ đồng tại số 60 Ung Văn Khiêm, P.Mỹ Phước, TP Long Xuyên. Bệnh viện mới quy mô 600 giường, cao 10 tầng, sân thượng có bãi đỗ trực thăng, diện tích sàn xây dựng 12.806m2 nằm trên mặt bằng rộng 4,6ha; hiện có 34 khoa phòng và các bộ phận chức năng với đầy đủ trang thiết bị hiện đại, công tác khám chữa bệnh quản lý bằng công nghệ thông tin. Bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh, giám đốc bệnh viện, cho biết bệnh viện đã áp dụng các phương pháp điều trị kỹ thuật cao ở một số khoa. Khoa ung bướu hợp tác với Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, khoa chấn thương chỉnh hình và khoa ngoại tổng hợp đang được Bộ Y tế phê duyệt là bệnh viện vệ tinh cho Bệnh viện Chợ Rẫy.

27 người tại Quảng Bình bị ngộ độc thực phẩm là do tụ cầu vàng

Chiều 28-4, Sở Y tế Quảng Bình cho biết, theo kết luận của Hội đồng chuyên môn đơn vị này, vụ ngộ độc thực phẩm tại bữa tiệc khai trương nhà hàng Bảo Quốc, xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch làm 27 người nhập viện là do tụ cầu vàng trong món cua hấp kèm rau sống. Như Báo Nhân Dân điện tử đã thông tin, trưa 21-4, nhà hàng tiệc cưới Bảo Quốc mở tiệc khai trương mời 200 người đến dự. Sau đó, có 27 người bị ngộ độc thực phẩm phải nhập viện cấp cứu. Ngay sau sự việc xảy ra, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã lấy sáu mẫu bệnh phẩm, năm mẫu thực phẩm xét nghiệm để tìm nguyên nhân. Theo kết quả xét nghiệm, trong số các mẫu thực phẩm, mẫu cua hấp kèm rau sống có kết quả tụ cầu vàng vượt quá giới hạn cho phép. Như vậy, theo kết luận sơ bộ, tụ cầu vàng là nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc thực phẩm nói trên.

Tiền phong

Nắng nóng, nhiều trẻ nhập viện vì tiêu chảy

Những ngày nắng nóng này, khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) và bệnh viện Nhi T.Ư luôn có bệnh nhân tiêu chảy đến khám và điều trị. Đây là bệnh thường gặp trong mùa hè do khí hậu nóng ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và xâm nhập cơ thể. PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, các kết quả khám lâm sàng và xét nghiệm cho thấy có nhiều nguyên nhân gây tiêu chảy trên người như ngộ độc thực phẩm, vi khuẩn E.coli, khuẩn salmonela, khuẩn tụ cầu… Tại Bệnh viện Nhi T.Ư hiện không có dịch tiêu chảy nhưng hàng ngày đều có một số bệnh nhi đến khám và điều trị bệnh này. Khoa Tiêu hóa chưa diễn ra cảnh nằm ghép bệnh nhân. Bệnh tiêu chảy do E.coli gây ra thuộc loại tiêu chảy cấp, nếu không phát hiện sớm và có hướng xử lý kịp thời thì bệnh ngày một trầm trọng hơn. Bệnh lây lan theo đường ăn uống do nước, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh. Tiêu chảy mùa hè có thể tấn công hầu hết mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ do sức đề kháng còn yếu. Khi vi khuẩn E.coli vào cơ thể gây tiêu chảy xâm nhập với hội chứng lỵ đau quặn, mót rặn và phân lỏng máu mũi. Thời gian ủ bệnh từ 24 – 72 giờ, có thể sốt nhẹ, phân nhiều nước. Đặc biệt, vi khuẩn tả có thể được coi là hung thủ đáng sợ gây tiêu chảy ở trẻ nhỏ khiến nhiều bậc phụ huynh phải lo ngại vì loại vi khuẩn này có độc lực rất mạnh. Khi bé bị tiêu chảy do vi khuẩn tả sẽ bị mất nhiều nước và điện giải trong thời gian ngắn, diễn tiến của bệnh rầm rộ và phức tạp, trẻ rất dễ bị tử vong nếu không được điều trị kịp thời. PGS.TS Trần Minh Điển cho biết thêm, mùa nóng thường gặp nhất là tiêu chảy do vi khuẩn Salmonella. Bệnh nhân nhiễm vi khuẩn khi ăn phải thức ăn chứa vi khuẩn này và bị chúng xâm nhập vào niêm mạc ruột gây bệnh. Thời gian ủ bệnh trung bình từ 12 – 36 giờ sau khi ăn. Khởi phát bệnh đột ngột sốt, đau bụng thượng vị hoặc quanh rốn, không mót rặn, tiêu chảy nhiều lần…Trường hợp nặng có rối loạn điện giải do mất nước (môi khô, mắt trũng, khát nước). Nếu không chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong do trụy mạch.

Tự ý dùng thuốc, hậu quả khó lường

Tuyệt đối không được sử dụng các loại thuốc cầm tiêu chảy. Tiêu chảy đa phần do nhiễm trùng ở đường ruột, tiêu phân lỏng cũng là cách bảo vệ cơ thể giúp thải trừ vi trùng, chất độc. Bệnh này có rất nhiều nguyên nhân, chỉ khi nào tiêu chảy nhiễm vi trùng thì mới cần dùng kháng sinh. Nếu dùng kháng sinh không đúng chỉ định thì có thể làm rối loạn thêm đường ruột, hậu quả là tiêu chảy khó lành. Để phòng bệnh tiêu chảy trong mùa hè, phải đảm bảo vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, không nên ăn rau sống, những thực phẩm chưa nấu chín như tiết canh, thịt tái, gỏi cá, nem chua, nem chạo, thức ăn ôi thiu, nước lã, cần rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để hạn chế vi khuẩn thâm nhập vào cơ thể gây bệnh. Những trẻ đi du lịch là đối tượng rất dễ nhiễm bệnh, vì vậy phải đặc biệt chú ý giữ gìn vệ sinh, nếu có những dấu hiệu của bệnh cần phải bù nước hay đến cơ sở y tế, không được tự ý dùng các thuốc chống tiêu chảy vì sẽ càng khó khăn cho công tác điều trị nếu phải nhập viện. Tiêu chảy khiến ruột bị tổn thương, nếu không cung cấp đủ dinh dưỡng sẽ làm thời gian hồi phục lâu hơn do đó khi bị tiêu chảy nên lựa chọn thức ăn tươi (thịt gà, cà rốt, chuối tiêu, sữa chua... có nhiều kẽm, kali và vi khuẩn sống trong sữa chua). Khi chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trường hợp trẻ nôn trớ nhiều thì nên chia nhỏ bữa ăn. Cho trẻ uống oresol từng thìa một, từ 1 -2 phút/thìa để trẻ hấp thu tốt nhất. Đối với các trường hợp trẻ nhỏ mất nước vừa và nhẹ, ngoài việc cho uống dung dịch oresol đến khi tiêu chảy ngừng hẳn, người mẹ cần tiếp tục cho trẻ bú và ăn bình thường. Trong trường hợp mất nước nặng, phải đưa ngay trẻ đến bệnh viện để được cứu chữa kịp thời và truyền dịch.

Y tế Đắk Lắk, về đâu? - Bài cuối: Chấn động ngành y: Muốn khởi tố phải chờ… Bộ Y tế

Nguồn tiền đầu tư cho y tế 5 tỉnh Tây Nguyên theo thống kê của Bộ Y tế là những con số khổng lồ. Sai phạm về đấu thầu thuốc và mua sắm trang thiết bị y tế tại Đắk Lắk cho thấy dấu hiệu thất thoát từ nguồn tiền thiếu sự giám sát chặt chẽ này do cố ý làm trái là rất lớn.

Càng sai, càng lên!

Tháng 9/2015, Thanh tra tỉnh Đắk Lắk đã gửi bản Kết luận thanh tra (KLTT) số 38 tới các đơn vị liên quan. Theo đó, trong 45 ngày kể từ đầu tháng 4/2015, đoàn cán bộ Thanh tra tỉnh đi kiểm tra việc quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế  (TTBYT) tại 33/48 đơn vị trực thuộc Sở Y tế Đắk Lắk. Dù chưa “đụng” tới 2 bệnh viện lớn nhất là BV Đa khoa tỉnh  Đắk Lắk, và BV Đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột, chưa thống kê hết số lượng TTBYT hư hỏng, bỏ kho tại các Trung tâm y tế, các BV tuyến huyện thị, nhưng đoàn cũng đã phát hiện được rất nhiều sai phạm trong các cuộc đấu thầu, mua sắm TTBYT không đồng bộ, hồ sơ hàng hóa bị tẩy xóa, nhiều hợp đồng và TTBYT giao nhận không đúng nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, không sử dụng được, nhất là số TTBYT mua bằng nguồn vốn vay ADB. Tuy nhiên, sau KLTT số 38, các cá nhân lẽ ra phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các vụ mua sắm gian dối này nhưng đến nay họ vẫn thản nhiên, vô sự! Tại Đại hội Đảng bộ Sở Y tế Đắk Lắk tháng 4/2015, ông Doãn Hữu Long tái đắc cử Bí thư đảng ủy Sở Y tế nhiệm kỳ 2015-2020, ông Nguyễn Hữu Thông - trưởng phòng Tài chính kế toán kiêm Kế toán trưởng Sở Y tế được bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Sở Y tế. Tháng 10/2015, Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk tiếp tục đưa ông Doãn Hữu Long vào danh sách Tỉnh ủy viên. Cuối tháng 10/2015, Tiền Phong đăng loạt bài phản ánh thực trạng đáng báo động về chất lượng TTBYT tại 3 tỉnh Tây Nguyên là Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắk, rất cần được điều tra, xử lý. Dù việc thanh tra, điều tra các dấu hiệu sai phạm tại Sở Y tế chưa xong, ông Doãn Hữu Long - GĐ kiêm Bí thư Đảng bộ Sở Y tế vẫn ngang nhiên ứng cử Hội đồng nhân dân tỉnh, thông suốt qua 2 vòng hiệp thương. Báo Tiền Phong đã chứng minh trường hợp ứng cử này là trái quy định theo Hướng dẫn số 38 của Ban Tổ chức Trung ương, sau đó ông Long mới làm đơn xin rút. Tân Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị đã khẳng định với phóng viên Tiền Phong: Sẽ xử lý nghiêm, không bao che những vấn đề báo Tiền Phong đã nêu về dấu hiệu sai phạm trong đấu thầu thuốc và mua sắm TTBYT. Tuy nhiên thực tế những gì đang diễn ra ở ngành y tế  Đắk Lắk đã cho thấy riêng ý chí của Chủ tịch UBND tỉnh chưa đủ để chống tham nhũng!

Dân khổ vì tham nhũng y tế

Hậu quả tiêu cực, tham nhũng trong y tế không chỉ gây thiệt hại lớn cho ngân sách, túi tiền người bệnh, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc chăm sóc sức khỏe hơn 1,8 triệu dân của tỉnh. Điển hình, là việc quỹ BHYT Đắk Lắk mỗi năm kết dư hàng trăm tỷ chuyển trả về trung ương, trong khi hàng trăm bệnh nhân suy thận mãn của tỉnh phải lang thang tới nhiều tỉnh khác để xin ké máy chạy thận nhân tạo, chứ không được áp dụng kỹ thuật thẩm phân phúc mạc mà BV Chợ Rẫy đã lên Đắk Lắk chuyển giao để bệnh nhân được quay về sống với gia đình! Ngày nào, bệnh nhân Đắk Lắk cũng lũ lượt đón xe đò, lên máy bay chuyển tuyến, vượt tuyến xuống các BV lớn ở TP HCM để điều trị, tái khám, vì các BV ở Đắk Lắk thiếu thuốc, TTBYT không đáng tin cậy, chẩn đoán kết quả sai lệch, hiệu quả điều trị kém. Nếu đọc kỹ hồ sơ vụ án tiêu cực, tham nhũng khiến 9 cán bộ Sở Y tế Gia Lai bị truy tố để điều tra, xét xử, ai cũng có thể thấy sai phạm trong đấu thầu thuốc 2008-2010 của Sở Y tế Gia Lai còn... chưa là gì so với sai phạm của Sở Y tế Đắk Lắk trong đợt đấu thầu thuốc năm 2014! Cuộc đấu thầu thuốc tại Sở Y tế Đắk Lắk năm 2014 đã có các quy định, hướng dẫn rõ ràng của Bộ Y tế qua các thông tư liên tịch số 01, 36, 37, vậy mà Hội đồng đấu thầu này vẫn cố tình xét trúng thầu sai nhóm thuốc rất nhiều mặt hàng, không chỉ gây thiệt hại ngân sách hàng chục tỷ đồng, gây thiệt hại lớn bởi các nhà thầu bị loại oan bởi các kiểu “lệ làng” trái quy định của Sở Y tế Đắk Lắk, mà còn khiến tất cả các cơ sở y tế công lập trong toàn tỉnh rơi vào tình trạng thường xuyên thiếu thuốc, tháng nào cũng phải xin mua thuốc bổ sung cấp bách theo lối “chữa cháy”. Tháng 1/2016 Sở Y tế Đắk Lắk thực hiện gói thầu mua sắm trực tiếp, cho trúng thầu mặt hàng Cefepimark 1g của nhà sản xuất Marksans Pharma dù mặt hàng đã hết giấy phép lưu hành ngày 07/01/2015, bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động doanh nghiệp nước ngoài về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại VN từ ngày 08/8/2014 vì vi phạm chất lượng thuốc. Thực tế đã xảy ra trường hợp bệnh nhi 16 tháng tuổi bị chết do sốc thuốc Cefepimark 1g vào ngày 18/2/2016 tại BVĐK Đắk Lắk.  Hiện tất cả các mặt hàng của công ty này đã bị thu hồi và cấm lưu hành tại VN.

Dấu hiệu bao che?

Từ vài năm trước, cơ quan điều tra công an tỉnh Đắk Lắk từng vào cuộc điều tra các dấu hiệu sai phạm, tham nhũng về đấu thầu thuốc và mua sắm TTBYT xảy ra tại Sở Y tế Đắk Lắk. Năm 2015 Sở Kế hoạch Đầu tư cũng đã phối hợp với các ngành liên quan làm rõ vụ cố ý làm trái trong việc Sở Y tế năm 2010 dám chi sai nguồn tới hơn 2,8 tỷ đồng mua 111 chiếc máy vi tính để bàn với mức giá khó tin là hơn 23 triệu đồng/chiếc, cao gấp 3 lần các loại máy tính để bàn loại tốt khác cùng thời điểm đó, mà bên bán là một công ty... xây dựng, để trang bị cho BV Đa khoa Tây Nguyên tới nay vẫn chưa xây xong. Lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Lắk đã vài lần trả lời phỏng vấn rằng các dấu hiệu sai phạm, làm trái tại Sở Y tế Đắk Lắk đã rõ cơ sở để khởi tố, chỉ còn chờ củng cố thêm chứng cứ, hồ sơ. Thanh tra tỉnh thì cứ đề nghị cho “rút kinh nghiệm”, bất chấp các quy định của luật pháp! Lối kỹ trị nương nhẹ, dấu hiệu bao che cho các hành vi tiêu cực, tham nhũng này đã làm xói mòn niềm tin không chỉ với báo chí, người dân, mà còn làm rã rời ý thức phục vụ của cán bộ nhân viên toàn ngành y tế.

Khánh thành bệnh viện nhi lớn nhất ĐBSCL

Sáng 25/4, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ - bệnh viện công lập chuyên khoa Nhi duy nhất tại ĐBSCL - đã chính thức khánh thành tại cơ sở mới. Bệnh viện được khởi công xây dựng từ tháng 6/2011 với tổng mức đầu tư hơn 860 tỉ đồng. Trên diện tích 44.000m2, cơ sở mới này có quy mô 500 giường (tăng 150 giường so với cơ sở cũ), bố trí 7 phòng chức năng, 20 khoa lâm sàng và cận lâm sàng. Sắp tới, để phục vụ bệnh nhân tốt hơn, ngoài việc cải thiện cơ sở vật chất, bệnh viện sẽ đưa cán bộ đi đào tạo, đặc biệt là các kỹ thuật chuyên sâu như mổ tim hở, đồng thời chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới để hạn chế tình trạng quá tải trong thời gian qua.

Thứ trưởng Bộ Y tế kiểm tra 'chợ thần chết' Kim Biên

Sáng 28/4, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng với đại diện Sở Y tế TPHCM và UBND quận 5 tiến hành kiểm tra khu vực bán phụ gia thực phẩm tại chợ Kim Biên (phường 13, quận 5). Thực tế kiểm tra cho thấy các gian hàng tại đây đã không còn bầy bán sản phẩm phụ gia thực phẩm đựng trong túi ny lông, không nhãn mác. Tuy nhiên, tại sạp số 22 chuyên kinh doanh “bơ sữa - hương liệu - bột màu”, ông Long và đoàn kiểm tra phát hiện sản phẩm bột màu trắng Titanium Dioxide (phụ gia thực phẩm) được cửa hàng tự ý phân lẻ vào hộp 500g để bán cho khách, không đúng với định lượng trên sản phẩm gốc công bố là 25kg. Tại sạp số 8 bán “hương liệu - bột màu”, cửa hàng xuất trình giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đã quá hạn. Về việc này, ban quản lý chợ giải thích do đây là hộ kinh doanh nhỏ lẻ, do ngành công thương cấp giấy chứng nhận nhưng đến nay phía công thương chưa cấp được. Khi Thứ trưởng hỏi, đa số các tiểu thương đều không biết vào ngày 1/7 sắp tới, việc kinh doanh các chất cấm trong thực phẩm sẽ bị xử lý hình sự và có mức phạt tù lên đến 20 năm. Ông Long đề nghị Ban quản lý chợ Kim Biên in điều luật này ra phát cho từng tiểu thương và dán ở nhưng vị trí công cộng dễ trông thấy tại chợ. Trước đó, trong sáng cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng đã làm việc với UBND quận 5 về Quyết định 38 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại quận, huyện, thị xã và phường, xã, thị trấn của thành phố Hà Nội và TPHCM. Tại quận 5, Quyết định 38 được thí điểm ở phường 7 và phường 13. Theo báo cáo, trên địa bàn quận có 2.344 hộ kinh doanh thực phẩm. Từ đầu năm đến nay, quận đã thanh tra 12 cơ sở, phát hiện 4 cơ sở vi phạm và đã xử phạt 37,5 triệu đồng. Theo UBND quận 5, khó khăn khi triển khai Quyết định 38 là quy trình thủ tục thanh tra phức tạp, không phản ánh đúng thực trạng vệ sinh an toàn thực phẩm do phải gửi thông báo trước 5 ngày. Ngoài ra, do nhân sự còn hạn chế về số lượng và trình độ, kỹ năng test nhanh chưa thuận thục nên chưa tự tin thi hành nhiệm vụ. Địa phương cho rằng việc triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP cho quận phường không thuận lợi bằng việc thực hiện kiểm tra kiên ngành (?). Nghe xong các “khó khăn và kiến nghị” của UBND quận 5, ông Long khá bức xúc vì cho rằng tất cả những “vướng mắc” mà địa phương nêu, đều đã được Quyết định 38 tháo gỡ. Thậm chí còn trao quyền cao hơn cho quận huyện, phường xã thị trấn làm tốt việc kiểm tra, thanh tra như ngoài thanh tra theo kế hoạch, còn cho phép cá nhân một thanh tra có thể thanh tra độc lập, thanh tra đột xuất những nơi kinh doanh có dấu hiệu nghi ngờ. Hoặc Quyết định 38 cho địa phương giữ lại 100% tiền xử phạt để cân đối kinh phí khi làm nhiệm vụ… Nếu địa phương không làm, ông Long cho biết sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế có ý kiến với UBND TPHCM và Thủ tướng Chính phủ.

Thí điểm thanh tra an toàn thực phẩm tại TPHCM: Kết quả còn khiêm tốn

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM cho biết, sau hơn 3 tháng triển khai Quyết định 38 về việc thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm trên địa bàn, kết quả còn “khiêm tốn”. Tính đến 21/3, đã tiến hành thanh tra 251 đợt, phát hiện 47 cơ sở vi phạm. Đã tiến hành xử lý phạt tiền 36 cơ sở với tổng số tiền phạt là 153.350.000 đồng, còn lại 11 cơ sở đang trong quá trình xử lý. Ngoài ra, còn 79 cơ sở bị nhắc nhở. Theo chi cục, khi Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 38/2015/QĐ-TTg về việc triển khai công tác thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm, TPHCM đã nhanh chóng triển khai thí điểm tại 10 phường, thuộc 5 quận huyện (3 quận nội thành và 2 huyện ngoại thành). Chi cục đánh giá những con số trên, so với thực tế hiện nay thì như “muối bỏ biển”. Bởi hiện số cơ sở, số người hành nghề liên quan đến thực phẩm rất lớn, mỗi phường có cả ngàn cơ sở, làm sao cho xuể. Nhưng nghĩ thanh tra chuyên trách như thế thì chưa công bằng và “tiêu cực”. Tuy nhiên, việc thành lập, triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm chuyên trách là hết sức cần thiết và phù hợp cho bối cảnh hiện nay.

Người đàn ông nổi nốt, má rộp đỏ sau khi ăn cá nục

“Kết luận lâm sàng cho thấy bệnh nhân Trương Như La, trú tại P Vinh Tân (TP Vinh) nhập viện sau khi ăn cá kho là một hiện tượng dị ứng nặng, chưa loại trừ nhiễm độc tố”, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa khoa TP Vinh, Nghệ An, BS Nguyễn Đức Thắng cho biết. Sáng ngày 27/4 tại Khoa hồi sức cấp cứu BV Đa khoa TP Vinh, sau 4 ngày điều trị bệnh nhân La đang dần hồi phục sức khỏe, ăn uống trở lại. Các chỉ số sinh tồn ổn định, bệnh nhân hết sốt, các ban dị ứng bắt đầu mờ dần, toàn trạng đáp ứng tốt, bác sĩ Thắng xác nhận. Chị Lê Thị Mơ (SN 1972) vợ của bệnh nhân La cho biết: “Chiều ngày 22/4 tui mua cá nục nướng từ chợ Vinh về kho cho cả nhà ăn tối nhưng chỉ mình chồng tôi bị dị ứng sau khi mới ăn được 1/3 con cá. Hiện tượng rân rân trong miệng, má nổi phồng lên, rộp đỏ và loét dần khoang miệng. Hoảng quá, gia đình đưa tới bác sỹ tư khám nhưng không giảm nên phải nhập viện cấp cứu vào sáng hôm sau khi hầu như toàn thân của chồng bị nổi mẩn màu đen, mưng mủ”. Theo chị Mơ, trước khi ăn cá nục kho, chồng chị có uống thuốc ho (loại thuốc trị ho hằng ngày vẫn dùng) và các thành viên khác trong gia đình có ăn cá nục kho chung nồi nhưng không bị ngộ độc. Nhận định của bác sĩ Thắng, bước đầu thăm khám và điều trị bệnh nhân La có dấu hiệu của hiện tượng dị ứng nặng, tuy nhiên không loại trừ bị nhiễm độc vì trước khi ăn cá bệnh nhân có uống cả thuốc ho. Chúng tôi cũng đã lấy mẫu để xét nghiệm và hiện vẫn chưa có kết quả để biết được bệnh nhân có bị nhiễm độc do ăn cá hay không. Với hàng ngàn lượt bệnh nhân đến thăm khám mỗi ngày, ngoài bệnh nhân La thì tại TP Vinh chưa có bệnh nhân nào nhập viện do phải ăn cá, bác sỹ Thắng cho biết.

Nông thôn Ngày nay

Thông tuyến khám chữa bệnh: Đủ chiêu trò "cám dỗ" bệnh nhân

Lượt khám chữa bệnh ở bệnh viện (BV) tư tăng đột biến từ 30 -500%, nhiều chiêu trò hút bệnh nhân đã được tung ra. Còn các BV công, nơi ế ẩm, nơi quá tải. Đây là những vấn đề mà Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa chỉ ra, sau 4 tháng thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh.

Lượt khám bệnh tăng đột biến

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tại “tam giác” giữa 3 tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Đồng Nai đã xuất hiện các chuyến xe “mồi” bệnh nhân. Cụ thể, một số BV, phòng khám tư đã tổ chức các chuyến xe liên tỉnh chất lượng cao để hút khách. Mới đầu, các chuyến xe này trương biển “du lịch khám bệnh”, sau đó sợ lộ liễu lại bỏ đi. Tuy nhiên, khi các hành khách lên xe, nếu rút thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) ra sẽ được miễn phí vé xe. Sau đó, bằng các hình thức chèo kéo, nhân viên nhà xe sẽ rủ rê người dân có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh (KCB) miễn phí. Tại các BV tư đó, họ sẽ không phải đồng chi trả BHYT mà sẽ được miễn luôn. Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể được tặng quà lưu niệm, được mời uống nước chanh, nước cam mát lạnh từ tay các cô y tá xinh đẹp, duyên dáng dù chỉ đến “tham quan” BV. Và sẽ không ít người dân đã không cưỡng được “cám dỗ” này, sẵn sàng rút thẻ BHYT để KCB dù vẫn khoẻ mạnh. Và khi đã khám đương nhiên không chỉ ra 1-2 bệnh. Ngoài ra, đã có ít nhất 7 BV tư nhân khu vực miền Trung đã xin “xuống hạng” từ hạng 2 xuống hạng 3 mà câu chuyện đằng sau nó có thể là để được quyền thu hút bệnh nhân thông tuyến. Đây chỉ là một trong nhiều chiêu trò mà các BV tư đã thực hiện trong thời gian qua để hút bệnh nhân từ các địa bàn khác. Nguyên nhân là từ 1.1.2016, theo quy định, người dân dù đăng ký KCB ban đầu ở trạm y tế xã, phòng khám đa khoa tư nhân hay BV huyện thì dù đi khám ở bất cứ cơ sở nào tương đương trên địa bàn tỉnh, đều được thanh toán BHYT như đi khám đúng tuyến. Ngoài ra, người dân đăng ký KCB ban đầu ở tuyến tỉnh, T.Ư thì được “thông tuyến” với các BV huyện trên toàn quốc. Quyền lợi “ngược” này để tạo điều kiện cho người dân khi đi công tác, đi thăm gia đình cần khám bệnh gấp. Đồng thời, viện phí tăng, dịch vụ kỹ thuật được áp dụng đồng giá đối với các BV trên toàn quốc nên khi đi khám BV T.Ư hay huyện, người dân vẫn được hưởng dịch vụ và các loại thuốc tương đương. Cánh cửa BHYT đã mở khá rộng, nên có tình trạng lượt khám chữa bệnh tăng đột biến ở một số BV, đặc biệt là BV và phòng khám tư. Theo BHXH Việt Nam, so sánh với lượt KCB giữa tháng 1-2 năm 2015 và tháng 1-2 năm 2016, số lượt khám ở các BV, phòng khám tư tăng từ 30 đến trên 500%. Cụ thể như Hà Nội tăng 34%, An Giang tăng hơn 100%. Cá biệt, một BV chuyên khoa mắt ở Nghệ An tăng 500%, phòng khám Quang Trung (tỉnh Quảng Trị) tăng 339%... Còn số lượt KCB ở tuyến xã giảm chung 3,9% với nguyên nhân chính là “bỏ xã lên huyện”. Một số tỉnh giảm mạnh KCB tuyến xã như Quảng Nam 27%, Sóc Trăng 37%... Còn KCB tuyến huyện tăng 2,2%, tuy nhiên, ở một số BV huyện  có hiện tượng giảm lượt khám như Quảng Nam giảm chung 20-30%, tại Bắc Ninh có bệnh viện giảm 66% so với cùng kỳ năm 2015… “BV tư tăng là hợp logic thôi. Đó là vì họ phục vụ tốt hơn, dù cơ sở nhỏ nhưng họ bố trí khoa học, sạch sẽ, đón tiếp bệnh nhân niềm nở, viện phí tăng nên người bệnh chỉ phải trả tiền chênh lệch so với giá BHYT quy định rất thấp. Họ không chỉ KCB ân cần, niềm nở mà còn chăm sóc, tư vấn sau khi bệnh nhân đã KCB xong rất tốt. Còn tại không ít BV công, nhân viên y tế nhìn cau có, nói cộc lốc, nói ngắn gọn đến mức bệnh nhân không biết vừa được trả lời cái gì, hỏi lại thì không dám hỏi. Đó là những điều không mới nhưng BV công vẫn đang cần phải học hỏi BV tư”.

“Rào giậu” cho kín

Theo ông Sơn, việc tăng giảm đột biến lượt KCB trong 2 tháng đầu năm với nguyên nhân chính là thông tuyến cũng chỉ ra nhiều nghi vấn cần làm rõ, nhiều rắc rối phải khắc phục. Cụ thể, trong xu thế trạm y tế xã có số lượt khám giảm thì tại Cần Thơ lại tăng 36%, Hậu Giang tăng 44%... “Chúng tôi đã đặt nghi vấn liệu có lạm dụng quỹ BHYT hay không và đang yêu cầu BHXH Cần Thơ và Hậu Giang phải làm rõ. Vì đã từng có địa phương bà con đi chợ buổi sáng tiện đường vào trạm y tế khám bệnh, lấy thuốc dù chẳng có bệnh, đều đặn như vắt chanh 1 tuần vài lần. Giờ thông tuyến có thể tranh thủ sang cả xã bên cạnh, không ai kiểm soát được. Nếu tình trạng này lan toả ra cả nước thì không chỉ bó hẹp trong vài chục nghìn mà là tiền tỷ” – ông Sơn phân tích. Đối với các chiêu trò hút bệnh nhân của BV tư, ông Sơn cho biết không có quy định nào cấm BV tư tặng hoa, mời nước hoặc miễn đồng chi trả cho bệnh nhân. Tuy nhiên, ông Sơn khẳng định, để tránh trường hợp lạm dụng quỹ đối với bệnh nhân chẳng có bệnh vẫn khám bệnh, BHXH Việt Nam đã yêu cầu 3 tỉnh có chuyến xe “du lịch chữa bệnh” nói trên rà soát lại các BV tư. Nếu phát hiện các các trường hợp vượt tuyến KCB không hợp lý (đi sang tỉnh khác chữa các bệnh mà BV nơi mình đăng ký KCB ban đầu cũng chữa được mà không phải do cấp cứu, do thăm người thân, đi công tác hoặc KCB nhiều lần trong thời gian ngắn không phải do chỉ định của bác sĩ), BHXH sẽ không thanh toán chi phí KCB cho các trường hợp này. Còn đối với BV tư xin xuống hạng, BHXH Việt Nam cũng yêu cầu Sở Y tế, BHXH tỉnh rà soát hợp đồng thanh toán BHYT với BV đó, xem BV xin xuống hạng thực sự do chất lượng không đủ tiêu chuẩn hay do “làm trò” để hút bệnh nhân. Nếu phát hiện khuất tất, BHXH tỉnh có thể chấm dứt hợp đồng với họ. “Chuyện lạ” nữa là so với 2 tháng đầu năm 2015, chi phí KCB ở BV T.Ư tháng 1- 2 lại tăng tới 13%, trong đó chuyển đúng tuyến là 3,5% nhưng trái tuyến tới 5,4%. Nguyên nhân cơ bản là do thông tuyến nên việc chuyển tuyến từ các cơ sở không phải nơi đăng khí KCB ban đầu lên tuyến tỉnh, tuyến T.Ư dễ dàng hơn. Theo ông Sơn, việc BV T.Ư tăng lượt KCB 13% sẽ lãng phí khổng lồ. Vì khi BV T.Ư, BV đặc biệt lại khám và điều trị bệnh thông thường (cảm cúm, viêm họng…) sẽ lãng phí nguồn nhân lực, trang thiết bị y tế, thời gian của bệnh nhân, gây quá tải BV… với nhiều hiệu ứng xấu tiếp theo. Nhưng tìm được giải pháp ngăn chặn là rất khó. “BHXH Việt Nam đã đề xuất giải pháp yêu cầu bác sĩ phải có trách nhiệm với các trường hợp chuyển tuyến để chuyển tuyến hợp lý. Tuy nhiên, rất khó tranh luận với bác sĩ về việc chuyển hay không chuyển, vì trong 1.000 trường hợp không chuyển tuyến điều trị an toàn, bỗng dưng có 1 ca vì không chuyển tuyến mà xảy ra tai biến thì ai chịu trách nhiệm?”.

Kinh tế đô thị

Virus Zika: Việt Nam chưa có thêm ca mắc, thế giới vẫn lo

Cục YTDP đã họp Văn Phòng đáp ứng khẩn cấp (EOC) nhằm tăng cường việc chia sẻ thông tin và đánh giá nguy cơ dịch bệnh do vi rút Zika tại Việt Nam trong thời gian tới. Cụ thể, ngày 22/4, UBND TP HCM và tỉnh Khánh Hòa đều đã công bố hết dịch do virus Zika quy mô xã, phường tại Phường Thạnh Mỹ Lợi, Quận 2, TP HCM và phường Phước Hòa, TP Nha Trang sau 24 ngày thực hiện quyết liệt việc khoanh vùng, xử lý ổ dịch triển khai các biện pháp phòng bệnh tại các địa phương trên địa bàn tỉnh/thành phố. Như vậy, sau khi ghi nhận hai trường hợp nhiễm virus Zika tại hai địa bàn kể trên, nước ta chưa ghi nhận thêm trường hợp mắc mới kể từ ngày 4/4.  Nhằm đánh giá thực trạng cũng như nguy cơ dịch bệnh do virus Zika lây lan tại cộng đồng để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh do virus Zika phù hợp với tình hình dịch, ngày 28/4, Cục YTDP đã họp Văn Phòng đáp ứng khẩn cấp (EOC) nhằm tăng cường việc chia sẻ thông tin và đánh giá nguy cơ dịch bệnh do virus Zika tại Việt Nam trong thời gian tới của các chuyên gia đến từ Cục YTDP, Vụ Sức khoẻ Bà mẹ - Trẻ em, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, BV Nhi Trung ương, Trung tâm YTDP Hà Nội, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Hà Nội, và đại diện từ WHO, Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hoa kỳ (CDC). Tại cuộc họp, đại diện WHO thông báo đến ngày 28/4, đã ghi nhận 68 quốc gia và vùng lãnh thổ có sự lưu hành hoặc có sự lây truyền virus Zika, trong đó có 55 quốc gia và vùng lãnh thổ  tiếp tục ghi nhận có sự lây truyền của virus Zika do muỗi truyền. Tại Việt Nam, theo báo cáo từ các Viện VSDT/ Pasteur, các địa phương, kết quả giám sát trọng điểm và tại cộng đồng chưa phát hiện thêm trường hợp mới nhiễm virus Zika. Tuy nhiên, sau khi phân tích các thông tin về tình hình dịch bệnh trên thế giới, đặc điểm sự phân bố, lưu hành muỗi Aedes, một loại muỗi vừa truyền bệnh sốt xuất huyết, vừa truyền bệnh do virus Zika, các chuyên gia nhận định có thể do đặc điểm virus Zika tại Việt Nam thuộc phân típ khu vực châu Á, không hoàn toàn giống với phân típ virus Zika khu vực châu Mỹ La tinh nên không bùng phát thành dịch lớn với mức độ lây lan nhanh song trong thời gian tới hoàn toàn có thể sẽ tiếp tục ghi nhận các trường hợp bệnh mới rải rác tại một số địa phương nơi lưu hành dịch bệnh sốt xuất huyết cao, đặc biệt có thể gia tăng trùng với mùa dịch sốt xuất huyết sắp đến gần. Hiện nay, Việt Nam đang áp dụng mức độ cảnh báo ở mức độ hai theo Kế hoạch hành động phòng chống dịch bệnh do virus Zika, nhằm tăng cường phòng chống dịch bệnh trong thời gian tới, không chủ quan trước tình hình dịch bệnh có thể tiếp tục xảy ra bất kỳ thời điểm nào, cuộc họp kiến nghị các đơn vị liên quan thuộc Bộ Y tế tiếp tục đặt ở mức cảnh giác cao với dịch bệnh do virus Zika, tiếp tục đẩy mạnh việc giám sát, lấy mẫu xét nghiệm xác định virus Zika để phát hiện sớm, xử lý kịp thời ổ dịch; thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động truyền thông cho cộng đồng, thực hiện các chiến dịch diệt muỗi, loăng quăng (bọ gậy) để phòng bệnh; đặc biệt đối với phụ nữ mang thai hoặc chuẩn bị mang thai thực hiện các biện pháp tránh bị muỗi đốt chủ động theo dõi sức khỏe, khám thai định kỳ, nếu có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đến ở quan y tế để được khám, tư vấn và chẩn đoán điều trị kịp thời, không nên tự ý đi xét nghiệm xác định khi chưa có ý kiến tư vấn của cán bộ y tế. Bộ Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với WHO và các tổ chức quốc tế để tiếp tục hoàn thiện, cập nhật các tài liệu hướng dẫn chuyên môn trong giám sát, phòng chống, đáp ứng với dịch bệnh do virus Zika, đồng thời thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống để phổ biến tới các cán bộ y tế, người dân để chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống dịch phù hợp.

Dân Việt

Bé sơ sinh 'suýt bị chôn sống' đang nguy kịch, tiên lượng xấu

Sau khi được chuyển từ BV Phụ sản Thanh Hóa về Bệnh viện Nhi vào ngày 26.4, đến nay cháu bé sơ sinh “suýt bị chôn sống” đang trong tình trạng nguy kịch. Chiều nay (4.5), BV Nhi Thanh Hóa, cho biết: Hiện tại, tiên lượng về cháu bé rất xấu và đang được các bác sĩ của bệnh viện chăm sóc trong phòng điều trị đặc biệt. Được biết, khi cháu bé được chuyển từ gia đình vào BV Phụ sản Thanh Hóa ngày 26.4 vừa qua, trong tình trạng thiếu cân, lá phổi non, suy hô hấp và có biểu hiện nhiễm trùng huyết. Khi được chuyển qua BV Nhi, các bác sĩ đã đưa bé vào điều trị trong phòng đặc biệt, cách ly trong lồng kính tại khoa Điều trị tích cực sơ sinh. Tuy nhiên, cháu bé đang bị suy hô hấp độ 3, suy đa phủ tạng, nhẹ cân vì sinh non tháng. Tiên lượng về cháu bé là rất nặng, nguy cơ tử vong rất cao. Trước đó, ngày 26.4, sản phụ Phạm Thị Hương Ly (17 tuổi), trú tại xã Hà Sơn, (Hà Trung, Thanh Hóa) được người nhà đưa vào viện. Chị Ly nhập viện trong tình trạng mang thai ở tuần thứ 28, nhưng bị đau bụng, ra nước ở âm đạo. Sau khi các bác sĩ ở khoa Sản của bệnh viện hội chẩn, thì phát hiện tình trạng thai nhi của bệnh nhân bị ngôi ngang sa tay và suy thai. Các y bác sĩ đã thông báo cho gia đình chị Ly biết, chị Ly bị đẻ non, thai nhi thiếu tháng, nên dẫn đến suy thai, vỡ ối…Tiên lượng của trẻ sơ sinh là rất nặng, sẽ rất khó sống. Đến 14h cùng ngày, các bác sĩ đã tiến hành xử lý cho cháu bé ra ngoài, đồng thời cấp cứu cháu bé, nhưng bé vẫn không thở và càng tím tái hơn. Vì vậy, các bác sĩ đã giải thích cho gia đình lo hậu sự cho bé. Đến 15h30 cùng ngày, gia đình chị Ly gọi điện báo cho bác sĩ biết là cháu bé vẫn còn thở. Các bác sĩ đã yêu cầu gia đình đưa chị Ly trở lại bệnh viện, nhưng gia đình cho biết đang chuyển cháu vào BV Phụ sản Thanh Hóa. Sau đó, gia đình yêu cầu BVĐK Hà Trung giải thích việc “vì nghe lời bác sĩ, suýt nữa cháu bé đã bị chôn sống”. Hội đồng chuyên môn, cho thấy quy trình đón tiếp cũng như theo dõi và chăm sóc bệnh nhân của BVĐK Hà Trung là đúng. Các y bác sĩ cũng đã giải thích rõ với gia đình bệnh nhân về sự việc này. Khi trẻ được sinh ra, các y bác sĩ đã tích cực cấp cứu cho cháu bé. Tuy nhiên, cháu bé bị ngừng thở, ngừng tim và có dấu hiệu chết lâm sàng. “Đây là trường hợp đầu tiên xảy ra trong ngành y tế Thanh Hóa. BVĐK Hà Trung cũng là đơn vị đầu tiên gặp trường hợp trẻ sơ sinh bị chết lâm sàng. Trong khi đó, các bác sĩ ở đây chưa có kinh nghiệm, nên chưa tiên lượng hết sự việc này.  Hiện nay, Sở Y tế Thanh Hóa đang chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tiếp tục kiểm tra, làm rõ. Đồng thời, yêu cầu BVĐK Hà Trung họp hội đồng chuyên môn, rút kinh nghiệm sâu sắc và tiến hành xử lý nghiêm những người liên quan, nếu có sai phạm’’.

Dân trí

Cô gái mắc căn bệnh 100 năm mới gặp

Một cô gái trẻ mắc căn bệnh nến xương rất hiếm gặp đã được nhập viện điều trị tại BV ĐHYD TP HCM. Một ca bệnh loại này từng được ghi nhận cách đây 100 năm. Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM ngày 2/5 cho biết nơi đây đã tiếp nhận điều trị một trường hợp bị bệnh nến xương rất hiếm gặp. Đó là một cô gái trẻ 26 tuổi, ngụ TPHCM. Trước đó, bệnh nhân đến khám trong tình trạng chân phải sưng, đau. Khám tổng quát không ghi nhận bất thường. Khám về vận động, các bác sĩ ghi nhận mặt trước chân phải có một khối dưới da ở xương chày kích thước 4x6x1cm cứng, không di động, ấn đau; không biến dạng chân cũng như không bị giới hạn vận động khớp gối, cổ chân phải. Qua chụp X-quang chân, các bác sĩ phát hiện vùng thân xương và đầu trên xương chày có tổn thương cản quang ở vỏ xương, hình ảnh giống giọt nến đèn cầy, không thấy tổn thương mô mềm kết hợp. Vì bệnh cảnh mới biểu hiện ở triệu chứng đau, chưa gây biến dạng chi, không co rút xương khớp nên việc điều trị theo triệu chứng là chủ yếu, chưa cần cang thiệp phẫu thuật. Bệnh nhân đáp ứng thuốc giảm đau thông thường. Bệnh nhân cho hay cách đây 4 tháng, chị nhập viện vì thấy đau âm ỉ ở mặt trước cẳng chân phải và tự uống thuốc giảm đau. Gần đây, cảm giác đau ở cẳng chân càng tăng kèm sưng gồ trước mặt, chị đã đi khám và điều trị chuyên khoa xương khớp trước khi phát hiện ra bệnh. Bệnh nến xương là bệnh hiếm gặp với xuất độ mắc phải là 0,9/1 triệu dân. Nguyên nhân bệnh hiện chưa được biết rõ. Ca đầu tiên xuất hiện cách nay gần 100 năm. Đây là bệnh lành tính gây đau và biến dạng chi, có thể làm giảm chức năng chi và giảm chất lượng cuộc sống. Phẫu thuật là phương pháp lựa chọn trong các trường hợp bệnh tiến triển.

Ham mùi thơm, coi chừng ôm bệnh

Trong khi các cơ quan quản lý còn chậm chân thì người tiêu dùng chỉ biết đặt niềm tin vào những sản phẩm tạo mùi thơm mà họ cho là “có uy tín” Các sản phẩm khử mùi thường gây ngộ nhận cho người tiêu dùng nhiều nhất có thể là do tin đồn hoặc do nhà sản xuất cố tình thông tin mập mờ nhằm bán được nhiều sản phẩm. Các sản phẩm lăn nách, khử mùi chứa rất nhiều hợp chất hóa học vốn gây hại cho sức khỏe. Trong đó, nhôm hoặc các muối nhôm là một hóa chất mà các nhà y học tỏ ra quan tâm nhất. Ngoài ra, các sản phẩm lăn nách, khử mùi còn chứa nhiều chất có thể gây hại khác như propylene glycol, triclosan, TEA, DEA, phẩm màu FD&C, Talc...

Nhôm

Các hợp chất nhôm và muối nhôm là thành phần chính trong những sản phẩm khử mùi. Nhôm có tác dụng “hãm tài” tuyến mồ hôi, ngăn cản việc tiết mồ hôi qua da. Nhiều nghiên cứu cho thấy khi tiếp xúc với da, các hợp chất nhôm sẽ thấm qua và làm thay đổi những thụ thể (receptor) của estrogen trong tế bào nhũ hoa. Vì lẽ estrogen có thể kích thích sự tăng trưởng của những tế bào ung thư và không ung thư ở nhũ hoa, các nhà khoa học cho rằng nếu sử dụng sản phẩm khử mùi có nhiều hợp chất nhôm sẽ làm tăng tần suất rủi ro mắc bệnh ung thư nhũ hoa. Theo WHO, có sự liên quan giữa nhôm và bệnh lão suy Alzheimer, nghĩa là càng sử dụng nhiều sản phẩm khử mùi có chứa nhôm thì khả năng mắc bệnh Alzheimer càng cao. Giải phẫu não của những bệnh nhân Alzheimer, các nhà khoa học phát hiện hàm lượng nhôm cao bất thường. Khi chích muối nhôm vào não của thú vật thí nghiệm, các nhà khoa học nhận thấy chúng có những biểu hiện về thần kinh học tương tự người mắc bệnh Alzheimer.

Propylene glycol

Đặc tính của propylene glycol là có khả năng giữ ẩm, giúp các loại mỹ phẩm không bị khô. Gần đây, người ta cho rằng propylene glycol là một độc tố thần kinh, gây viêm da tiếp xúc, suy thận, tổn thương gan.

TEA và DEA

TEA và DEA (Triethanolamine và Diethanolamine) điều chỉnh độ pH, được sử dụng với axít béo để chuyển đổi axít thành dạng muối. Cả hai đều có thể độc hại nếu cơ thể hấp thụ trong một thời gian dài. DEA có thể gây hại cho gan và thận, còn TEA gây ra phản ứng dị ứng. Những hóa chất này đã bị giới hạn ở châu Âu do bị cho là có khả năng gây ung thư.

Triclosan

Triclosan là một hóa chất kháng khuẩn nhân tạo, được sử dụng để diệt vi khuẩn trên da. Triclosan là chất gây kích ứng da và có thể gây ra viêm da tiếp xúc. Các nghiên cứu gần đây cho thấy hóa chất này có thể phá vỡ chức năng tuyến giáp và làm thay đổi hệ thống nội tiết. Hiệp hội Y khoa Mỹ khuyến cáo triclosan không được sử dụng trong nhà vì chúng có thể gia tăng sự đề kháng của vi khuẩn với các kháng sinh.

Phẩm màu FD&C

FD&C là màu nhân tạo được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chấp nhận cho dùng trong dược phẩm, thực phẩm và mỹ phẩm. Một số FD&C được bào chế từ nhựa than có khả năng gây ung thư và dị ứng da.

Talc

Bột talc cũng được cho là một chất sinh ung thư. Talc được sử dụng trong mỹ phẩm như một chất hấp phụ. Nếu nhà sản xuất “ém” thông tin trên nhãn hàng thì rất khó để biết sản phẩm có chứa bột talc hay không.

Nạn nhân thứ 2 ăn bọ rầy đã tử vong

Sau 5 ngày điều trị, ông Phạm Phú Nhàn (46 tuổi, trú xã Tiên Mỹ, huyện Tiên Phước, Quảng Nam) - một người ăn bọ rầy bị ngộ độc ngày 20/4 vừa qua đã tử vong. Chiều ngày 25/4, UBND xã Tiên Mỹ (huyện Tiên Phước, Quảng Nam) - xác nhận, ông Phạm Phú Nhàn là người thứ 2 đã tử vong sau khi ăn bọ rầy cùng 2 người khác. Như Dân trí đã đưa tin, trước đó ngày 20/4, ông Phạm Phú Nhàn và ông Võ Đình Lâm cùng cháu ông Nhàn là Trần Ngọc Viên (22 tuổi, ngụ xã Tiên An, huyện Tiên Phước) cùng ăn một bát bọ rầy rang. Sau khi ăn thì ông Nhàn và 2 người cùng ăn liên tục nôn mửa ra máu và tiêu chảy. Mặc dù ông Võ Đình Lâm đã được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Tiên Phước cấp cứu nhưng đã tử vong. Còn ông Nhàn được đưa xuống BVĐK Quảng Nam để tiếp tục cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Dù đã được các bác sĩ cho chạy thận nhân tạo để lọc máu tuy nhiên ông Nhàn đã không qua khỏi. Đối với anh Trần Ngọc Viên - người cùng ăn bọ rầy với ông Nhàn và ông Lâm - mặc dù đã được cấp cứu kịp thời và đã qua khỏi “tử thần” nhưng sau khi nghe ông Nhàn tử vong, anh Viên đã đến BVĐK Quảng Nam để khám và theo dõi lại.

Hàng trăm nghìn người "gánh" chi phí y tế “thảm họa”

Khi tiền túi của người bệnh phải chi tiêu cho y tế vượt quá 40% khả năng chi trả của hộ gia đình thì đây được gọi là chi phí thảm họa, bởi người dân sẽ không đủ tiền thực hiện các hoạt động khám chữa bệnh này. Và ở Việt Nam có khoảng 550.000 hộ gia đình chịu gánh nặng này. Sáng 25/4, tại Hội nghị khoa học toàn quốc với chủ đề “Y tế công cộng Việt Nam: Thực trạng và định hướng tương lai”, Tại Việt Nam, chi tiêu tiền túi của người bệnh cho chi phí y tế vẫn là một gánh nặng cho bệnh nhân, dù hiện nay con số hơn 70% dân số tham gia BHYT đã giảm đáng kể chi tiêu tiền túi của người bệnh. Theo Tổ chức Y tế thế giới, nếu tỷ lệ chi từ tiền túi của người dân bằng hoặc vượt quá 40% khả năng chi trả của hộ gia đình thì gọi là chi phí thảm họa. Trong khi đó, theo mức chung ở các nước có thu nhập trung bình, chi phí từ tiền túi cho y tế hiện là trên 52%. Và theo Báo cáo tổng quan ngành y tế năm 2013, chi phí từ tiền túi cho y tế tại Việt Nam là 54,8%, cao hơn mức trung bình, cao hơn hẳn Malaysia, Indonesia, Thái Lan (với mức chi tiêu tiền túi của người bệnh lần lượt là 40%, 30% và 19,2%) và chỉ thấp hơn Philipin, Camphuchia, Lào… Chi phí thảm họa và nghèo hóa do chi phí y tế là các chỉ số phản ánh mức độ bảo vệ rủi ro tài chính, cho thấy phần trăm dân số có nguy c ơ phải đối mặt với khó khăn tài chính do các chi phí y tế phát sinh, cũng như mức độ của sự khó khăn đó. Hai chỉ số này được sử dụng để đo lường phạm vi bảo hiểm tài chính hoặc bảo hiểm chi phí hay mức độ bao phủ của các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Về tỉ lệ số hộ gia đình phải gánh chi phí thảm họa, nghèo hóa được nhận định là vẫn ở mức cao dù chi phí y tế ngày càng có xu hướng giảm xuống. Cụ thể, tỷ lệ hộ gia đình chịu mức chi phí thảm họa năm 2014 khoảng 2,3% (tương đương khoảng 550.000 hộ gia đình), giảm gần 40% so với năm 2010 là hơn 860 nghìn hộ gia đình chịu mức phí thảm họa nhưng vẫn ở mức cao so với nhiều nước trong khu vực.Tỷ lệ nghèo hóa do chi phí y tế cũng có xu hướng giảm còn hơn 400.000 hộ sau 10 năm so với hơn 750.000 hộ năm 2004. Trong khi đó, theo TS Minh, các hộ gia đình có người già, hộ gia đình ở nông thôn, hộ nghèo, cận nghèo là những người phải gánh chi phí y tế thảm họa và nghèo hóa nhiều hơn các đối tượng khác. Cụ thể, kết quả nghiên cứu với gần 2.000 bệnh nhân tại 3 trung tâm điều trị ung thư lớn nhất cả nước là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K Trung ương và BV Ung bướu TP HCM cho thấy sau 1 năm phát hiện bệnh, có 22,36% bệnh nhân bị khó khăn về kinh tế. Trong đó có gần 34% bệnh nhân không thể mua thuốc; 24% bệnh nhân không thể thanh toán tiền gas, điện, nước; 21% không thể thanh toán chi phí đi lại và có tới 15,2% không có tiền mua đồ ăn uống. Để giải quyết những vấn đề này, 66,7% bệnh nhân phải vay mượn; 22% bệnh nhân phải bán đi tài sản… Theo Tổ chức Y tế thế giới, nếu tỷ lệ chi cho y tế từ tiền túi của người dân vượt quá 30% thì khó đạt được mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Vì thế, hiện Bộ Y tế đang thực hiện giải pháp để giảm chi tiêu tiền túi của ngườ bệnh, đó là thúc đẩy được toàn dân tham gia BHYT. Cụ thể, mục tiêu đến năm 2015 sẽ giảm mức chi tiêu tiền túi của người bệnh xuống dưới 40% và dưới 30% vào năm 2020.

Hà Nội: Tiêu hủy 3,7 tấn bò không rõ nguồn gốc

Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong kho lạnh của cơ sở có 3,7 tấn chân, mõm, đuôi, tai bò… đông lạnh không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ cũng như giấy chứng nhận kiểm dịch. Ngày 26/4, tin từ Đội Quản lý thị trường số 11 (Chi cục QLTT Hà Nội) cho hay, đơn vị này vừa phối hợp với Đội 6 - Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49 - CATP Hà Nội) kiểm tra, thu giữ 3,7 tấn bò đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ. Theo đó, khoảng 10h ngày 25/4, lực lượng chức năng bất ngờ kiểm tra cơ sở sản xuất guốc bò, nem chao... địa chỉ tại đội 8, xã Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội. Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong kho lạnh của cơ sở có 3,7 tấn chân, mõm, đuôi, tai bò… đông lạnh. Chủ cơ sở là Nguyễn Thị Thúy (SN 1975, trú tại địa chỉ trên) không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, giấy chứng nhận kiểm dịch số thịt bò trên. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện cơ sở trên kinh doanh không đúng địa điểm trong đăng ký kinh doanh, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP. Tổ công tác đã lập biên bản thu giữ để tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa trên, tiếp tục củng cố hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật.

Người dân hoang mang vì trong nước sạch có… sinh vật lạ

Bỏ tiền ra mua “nước sạch” nhưng nhiều hộ dân ở thành phố Ninh Bình phải chịu cảnh nước đục, nhiều cặn bẩn, có mùi hôi tanh, thậm chí còn phát hiện nhiều “sinh vật lạ” khiến nhiều người dân hoang mang, lo lắng. Thời gian gần đây, nhiều hộ dân ở thành phố Ninh Bình (Ninh Bình) liên tục phát hiện tình trạng “nước sạch” hóa bẩn, phải sống chung với cảnh bỏ tiền ra mua nước máy nhưng không thể sử dụng được vì nước trong tình trạng đục ngầu, nhiều cặn bẩn, mùi hôi tanh, nhiều hộ còn phát hiện có nhiều sinh vật lạ giống giun trong nước. Sau khi phát hiện tình trạng nước sạch mua của Công ty CP cấp thoát nước Ninh Bình có những hiện tượng trên, một số người đã đăng tải hình ảnh những thau nước bẩn, bên trong có nhiều sinh vật đang sống ngoe nguẩy lên facebook sau đó nhận được nhiều chia sẻ, bình luận. Nhiều người dân sau đó cũng phản ánh tình trạng xảy ra tương tự ở khu vực mình đang sinh sống. Chị L.T.L, xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình cho biết, trước khi phát hiện tình trạng nước sạch của gia đình xuất hiện nhiều sinh vật lạ, chị cũng từng nghe thấy hiện tượng này được người dân ở một số khu dân cư xung quanh phản ánh. Tuy nhiên, lúc này chị L không tin vì cho rằng, xuất hiện giun trong nước có thể do bể chứa hoặc téc nước của gia đình đó lâu ngày không được vệ sinh. Tuy nhiên, đến khi phát hiện trong nước máy của gia đình có nhiều sinh vật lạ, lúc đó chị L mới hoang mang, lo lắng, bỏ tiền ra mua nước máy mà không dám dùng. “Xả nước ra sinh hoạt, tôi thấy trong nước có nhiều sinh vật nhỏ màu đỏ như những con giun. Trong một chậu nước có khoảng 30 - 40 con. Không chỉ gia đình tôi mà nhiều hộ dân khác ở gần đây cũng phát hiện những sinh vật này trong nước máy”, chị L nói. Ngay sau đó, chị L cùng những hộ dân khác đã gọi điện báo cho Công ty CP cấp thoát nước Ninh Bình về tình trạng trên. Đại diện của công ty đã về kiểm tra, sau đó một ngày thì nước của các hộ dân không còn đục, số sinh vật trong nước cũng không còn nhiều và không còn sống như trước khi phản ánh. Chị L cho biết thêm, sau khi nhận thông tin người dân phản ánh và dần khắc phục tình trạng bán “nước máy bẩn”, đại diện của công ty CP cấp thoát nước Ninh Bình tiếp tục đến làm việc với các hộ dân và khẳng định nước của nhà máy cung cấp là nước sạch, các khâu cung ứng đều đảm bảo an toàn trước khi nước đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, chị L và nhiều người không đồng tình với ý kiến này vì cho rằng, việc nhà máy cung ứng nước là quy trình khép kín, nếu đảm bảo an toàn sao có thể xuất hiện sinh vật lạ trong nước được? Sau đó trực tiếp Công ty cổ phần cấp thoát nước Ninh Bình, cũng đã đến làm việc với các hộ dân nơi có phản ánh về chất lượng cũng như hiện tượng sinh vật lạ xuất hiện trong nước. Ông Hạnh khẳng định, quy trình sản xuất nước của công ty được thực hiện khép kín và rất nghiêm ngặt nên nước ra khỏi nhà máy cung cấp cho người dân luôn đảm bảo là nước sạch. Còn về các “sinh vật lạ” mà người dân phát hiện trong nước, phía Công ty Cổ phần cấp thoát nước Ninh Bình đã phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Ninh Bình để lấy mẫu xét nghiệm. Chiều 26/4, Trung tâm YTDP Ninh Bình cho biết: "Chiều ngày 25/4 cán bộ của trung tâm đã phối hợp với Công ty CP cấp thoát nước Ninh Bình xuống các hộ dân lấy mẫu nước đi xét nghiệm. Khoảng 7 - 10 ngày sau mới có kết quả xét nghiệm" Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên và phải kiểm tra kỹ mới xác định được, từ nguồn nước đến nhà máy nước xử lý, quy trình xử lý thế nào, đường ống dẫn đến các hộ dân, tại hộ dân chứa nước ở loại bình gì, có nắp đậy hay không, muỗi có vào đẻ được hay không...

Ứng dụng phát hiện sớm vi rút HIV, viêm gan B, C giai đoạn cửa sổ

Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã ứng dụng một kỹ thuật mới giúp phát hiện, sàng lọc các vi rút nguy hiểm như vi rút viêm gan B, C, HIV ngay từ giai đoạn mà xét nghiệm thông thường hiện nay không phát hiện ra. GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết, NAT là kỹ thuật xét nghiệm sàng lọc máu tiên tiến nhất, cho phép phát hiện sớm hơn sự hiện diện của các vi rút nguy hiểm trên trong máu từ giai đoạn cửa sổ, góp phần đảm bảo an toàn truyền máu. Kết quả xét nghiệm sàng lọc trong 10 năm triển khai (từ 1998 - 2008) tại 37 quốc gia ở các châu lục, sàng lọc HCV và HIV với khoảng 300 triệu túi máu, HBV (trên 100 triệu túi máu) đã phát hiện khoảng 3.000 trường hợp nhiễm tác nhân gây bệnh bằng kỹ thuật NAT, mà xét nghiệm huyết thanh học không phát hiện được (khoảng 0,003%). BS Chuyên khoa II Phạm Tuấn Dương, Phó Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho hay, trong năm 2015 Viện đã tiếp nhận 1.160.726 đơn vị máu toàn phần và khối tiểu cầu gạn tách từ một người hiến máu. Qua xét nghiệm sàng lọc bằng kỹ thuật Huyết thanh học đã phát hiện 32.866 mẫu có nhiễm HBV, HCV, HIV, giang mai, sốt rét,… tương ứng với tỷ lệ HBV 4,4%, HCV 0,58% và HIV 0,11%. Sau khi tiến hành xét nghiệm bằng kỹ thuật NAT phát hiện 417.893 đơn vị máu (chiếm 36,0% tổng số máu tiếp nhận) giúp phát hiện thêm được 442 mẫu máu nhiễm bệnh mà xét nghiệm huyết thanh học không phát hiện. BS Dương giải thích, sự “không phát hiện” này là vì các bệnh lý trên đang ở giai đoạn cửa sổ, khi mà tải lượng vi rút còn quá thấp, kỹ thuật xét nghiệm thông thường không phát hiện ra. Nhưng với kỹ thuật xét nghiệm sinh học phân tử NAT được thực hiện trên máy xét nghiệm sinh học phân tử hoàn toàn tự động sàng lọc các vi rút này cho độ chính xác, độ nhạy cao, đặc biệt là rút ngắn thời gian cửa sổ phát hiện các bệnh vi rút. Và kỹ thuật NAT phát hiện trực tiếp sự hiện diện của vi rút thông qua nhân bản đoạn gen đặc hiệu của vi rút (dù lúc này trong máu lượng vi rút còn khá thấp do mới nhiễm) tăng lên nhiều lần và sau đó xác định chính xác vi rút đã nhiễm, cho kết quả có độ nhạy cao. Từ đó, so sánh với sàng lọc huyết thanh, kỹ thuật NAT giúp rút ngắn giai đoạn cửa sổ đáng kể. Cụ thể với vi rút viêm gan C kỹ thuật huyết thanh học phát hiện từ trên 85 ngày kể từ thời điểm nhiễm vi rút, thì với NAT ở ngày 23 đã phát hiện (rút ngắn được 60 ngày). Tương tự, vi rút viêm gan B sàng lọc huyết thanh phát hiện từ giai đoạn nhiễm trên 60 ngày, với NAT phát hiện từ ngày 34 (rút ngắn được 25 ngày). Với HIV sàng học huyết thanh 21 ngày, thì NAT còn 10 ngay (rút ngắn 10 ngày). Theo GS Trí, trong giai đoạn cửa sổ, việc không phát hiện được các vi rút nguy hiểm này bằng xét nghiệm thông thường, dẫn đến nguy cơ bỏ sót, máu sẽ không an toàn khi truyền cho người bệnh. Kỹ thuật NAT là giải pháp bổ sung ngăn chặn nguy cơ lây truyền bệnh, phát hiện sớm trong giai đoạn cửa sổ. Viện Huyết học – Truyền máu là đơn vị đầu tiên trong cả nước chính thức cung cấp tất cả các đơn vị máu, chế phẩm máu đều được sàng lọc bằng NAT. Tiếp đến, xét nghiệm này sẽ được cung cấp tại các trung tâm truyền máu của BV Truyền máu – Huyết học TP Hồ Chí Minh, BV Chợ Rẫy, BV Huyết học – Truyền máu Cần Thơ. Mục tiêu đến năm 2018 kỹ thuật NAT sẽ được xét nghiệm cho tất cả các đơn vị hiến máu trên toàn quốc, nhằm đảm bảo việc cung ứng nguồn máu an toàn cho người dân.

Hà Giang: Bé gái 3 tuổi bị đạn bắn xuyên đầu

BVĐK tỉnh Hà Giang vừa cho biết đã tiếp nhận một bệnh nhân bị đạn bắn xuyên đầu, hiện đang điều trị tại khoa hồi sức và chống độc. Bệnh nhân trên là Triệu Thị Hương (3 tuổi), hiện đang trú tại thôn Thôm Quảng, xã Đường Âm, huyện Bắc Mê (tỉnh Hà Giang). Qua xét nghiệm ban đầu, cháu Hương bị đạn bi bắn xuyên não. Chị Bồn Thị Điền (mẹ cháu Hương) cho biết, vào khoảng trưa 12h ngày 22/4, chị đang làm cỏ ngô thì con trai cả chạy đến báo Hương bị chảy máu ở đầu. Do máu chảy quá nhiều nên chị Điền đưa con đến BVĐK huyện Bắc Mê thăm khám nhưng không có kết quả và được chuyển lên BVĐK tỉnh Hà Giang. Bác sĩ Trần Hoài Quang, Khoa hồi sức và chống độc cho biết: “Qua chụp X-Quang, chúng tôi phát hiện đầu của cháu Hương bị đạn xuyên não đến vùng chỏm. Vị trí này cực kỳ nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm. Vừa qua, bệnh nhân đòi xuất viện vì gia đình nghèo không đủ tiền viện phí. Chúng tôi đã cố gắng giữ cháu Hương ở lại điều trị. Tuy nhiên để làm được điều đó tôi phải vận động các nhà hảo tâm trên địa bàn tỉnh giúp đỡ gia đình cháu”. Cũng theo anh Quang, bệnh viện đã hội chẩn với bệnh viện Việt Đức về trường hợp cháu Hương nhưng đến hiện tại vẫn chưa thể có giải pháp lấy viên đạn từ trong đầu bệnh nhân. Hiện tại, công an xã Đường Âm cho biết, vẫn chưa thể xác minh được nguyên nhân dẫn đến vụ việc nói trên. Rất có thể đạn lạc được bắn ra ở một nơi gần đó.

Quảng Trị: Xét nghiệm mẫu gạo nghi "nấu không chín"

Chiều 26/4, Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Quảng Trị cho biết, đơn vị đã lấy mẫu gạo được người dân cho là có “dấu hiệu lạ” như ngâm lâu không nở, nấu không chín, rang lên có biểu hiện cháy khét... để gửi đi xét nghiệm, phân tích các thành phần trong gạo.Trước đó, ông Trần Đình Tự (trú tại phường 1, TP Đông Hà, Quảng Trị) phản ánh đến Ban Quản lý chợ Đông Hà rằng, gia đình ông mua gạo ở chợ Đông Hà về nấu ăn. Tuy nhiên, ông phát hiện số gạo trên có nhiều dấu hiệu lạ, như: gạo ngâm lâu không nở, nấu không chín, khi rang lên có biểu hiện cháy khét, vón cục… Ông Tự cho biết, ngày 19/4, vợ chồng ông mua số gạo trên về nấu ăn. Thế nhưng, khi nấu xong gạo vẫn không chín, ngâm nhiều giờ sau không thấy nở ra. Nghi ngờ số gạo này, ông đem gạo rang thì có hiện tượng đen, vón cục, bốc mùi khó chịu. Ngay sau đó, ông đưa số gạo còn lại giao cho Ban quản lý chợ để tìm hiểu. Trước thông tin trên, Ban quản lý chợ này đã thông báo sự việc đến Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản. Sáng 26/4, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Quảng Trị cùng ông Tự, có sự chứng kiến của Ban quản lý chợ Đông Hà đã rang ba mẫu gạo khác nhau để thử nghiệm. Trong đó, có mẫu gạo mà ông Tự cho rằng có yếu tố bất thường. Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh này cho biết: Sau khi có phản ánh của người dân địa phương về việc phát hiện “gạo lạ”, đơn vị này đã lấy thử 3 mẫu gạo của người dân cung cấp để thử nghiệm. Ông Thặng cho hay, kết quả thử nghiệm ban đầu cho thấy, 3 loại gạo này ban đầu khi rang lên có mùi thơm, sau đó cháy đen thì có mùi khét và vón cục như nhau. Khi ăn thử gạo sống thì vẫn cảm nhận được mùi vị tinh bột, không có gì bất thường. Tuy nhiên, để đảm bảo chính xác, đơn vị đã gửi mẫu trên đến Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lượng chất lượng 2 (Đà Nẵng) kiểm tra để kiểm tra các yếu tố, hàm lượng các chất có trong gạo. Theo ông Thặng, dự kiến khoảng 5 ngày sau sẽ có kết quả. Lãnh đạo đơn vị này khẳng định, để xác định gạo thật hay không thật thì phải chờ kết quả phân tích mới biết được. Người dân nên ổn định tâm lý, tránh hoang mang để gây ảnh hưởng xấu đến việc mua bán, tiêu thụ hàng hóa và xáo trộn đời sống.

Một người nhập viện sau khi ăn cá nục kho

Sau khi ăn hết nửa bát cơm và phần đuôi cá nục kho, ông La cảm thấy miệng, cổ bị bỏng rát. Sau 1 ngày, phần cổ, mặt sưng phù, nổi ban đỏ, miệng lở loét nên ông La được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu. Chiều ngày 26/4, BVĐK Tp Vinh (Nghệ An), cho biết, sau 4 ngày điều trị, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân Trương Như La (SN 1965, trú tại phường Vinh Tân, Tp Vinh, Nghệ An) đang hồi phục, các chỉ số sinh tồn ổn định, bệnh nhân hết sốt, các ban dị ứng mờ dần, toàn trạng đáp ứng tốt. Trước đó, vào hồi 1h30 ngày 22/4, BVĐK Tp Vinh tiếp nhận bệnh nhân Trương Như La trong tình trạng bị sốt, đau bụng, người nổi ban (đặc biệt ở vùng mặt, cổ), ngứa, miệng bị loét, không nuốt được. Ông Trương Như La cho biết, vào chiều ngày 20/4, người nhà ông mua 5 con cá nục ở chợ Vinh về kho. Trong bữa cơm, vợ và con ông La ăn hết hai con cá, ông La không ăn. Đến khoảng 12h đêm, do có triệu chứng hen suyễn nên ông La ăn cơm để uống thuốc. “Khi ăn được nửa bát cơm với phần đuôi cá nục kho thì tôi thấy miệng, má phía trong bỏng rát nên không ăn nữa. Một lát sau thì miệng sưng lên, phồng rộp và có cảm giác ngứa. Sau đó tôi có uống 2 viên thuốc chống hen (thỉnh thoảng ông La vẫn uống thuốc này do có tiền sử bệnh hen – PV). Đến sáng hôm sau tình trạng cũng không đỡ hơn. Mặt, miệng, cổ sưng phù, nổi ban dày đặc. Phía trong miệng và vòm họng bị lở loét”, bệnh nhân Trương Như La cho hay. Sáng ngày 21/4, gia đình đưa ông La đến 1 cơ sở chữa bệnh tư nhân và được truyền dịch. Đến tối, tình trạng sức khỏe không khá lên, ông La được người nhà là nhân viên y tế truyền dịch, cho uống thuốc chống phù nề và tiêm một mũi tiêm. Tuy nhiên, đến nửa đêm, ông La tức ngực, khó thở, cổ họng đau không nuốt được, các vết ban dày đặc lan xuống ngực và lưng nên được đưa gia đình đưa đến bệnh viện. “Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt. Khai thác từ người nhà và những biểu hiện bệnh thì chúng tôi nhận định bệnh nhân bị dị ứng, chưa loại trừ dị ứng thực phẩm. Tuy nhiên, vào thời điểm đó bệnh nhân vừa ăn cá biển, vừa uống thuốc chống hen nên khó xác định là di ứng thuốc hay dị ứng thực phẩm do ăn cá biển”, bác sỹ Lưu Đình Bình cho hay. Sau khi thấy triệu chứng bất thường của ông Trương Như La, cho rằng có liên quan đến số cá biển vừa kho người nhà ông đã đổ hết cá và đun nước sôi nhiều lần để “khử độc”. Do không còn mẫu thức ăn nên việc xác định nguyên nhân có phải là do cá biển bị nhiễm độc tố hay không là rất khó. Hiện bệnh nhân Trương Như La đang được tiếp tục theo dõi.

Cúm A/H1N1 xuất hiện tại TPHCM

Nam bệnh nhân 58 tuổi, ngụ tại quận Thủ Đức đã được xác định dương tính với cúm A/H1N1. Đây là trường hợp đầu tiên mắc phải loại cúm trên kể từ đầu năm đến nay tại TPHCM. Chiều 26/4 BV Quận Thủ Đức xác nhận, một ca bệnh nhiễm cúm A/H1N1 vừa được phát hiện tại đây. Khoảng 10 ngày trước, nam bệnh nhân 58 tuổi, ngụ tại phường Linh Trung, Thủ Đức nhập viện quận điều trị trong tình trạng suy hô hấp, lạnh run, ho ra đàm nhớt màu vàng, tiêu chảy, đau nhức toàn thân. Qua chẩn đoán hình ảnh phim X-quang phổi, bác sĩ xác định bệnh nhân bị tổn thương phổi lan tỏa, tình trạng suy hô hấp ngày càng có biểu hiện nặng. Nghi ngờ bệnh nhân bị nhiễm cúm, bệnh viện Quận Thủ Đức đã hội chẩn với bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới và lấu mẫu bệnh phẩm kiểm tra. Kết quả xác định, bệnh nhân dương tính với cúm A/H1N1. Ngày 23/4, bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới để cách ly an toàn hơn, tránh lây nhiễm cho các bệnh nhân khác và tiến hành điều trị chuyên khoa. Nhờ quá trình chăm sóc, điều trị kết hợp giữa hai bệnh viện, đến ngày 26/4 sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định, sắp được xuất viện. Cúm A/H1N1 là loại cúm có nguồn gốc từ heo nên còn được gọi là cúm heo hay cúm lợn. Bệnh lây truyền từ người sang người theo đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi, hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa vi rút rồi qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng. Người mang vi rút cúm A/H1N1 có khả năng truyền vi rút cho những người xung quanh trong thời gian 1 ngày trước tới 7 ngày sau, kể từ khi có triệu chứng của bệnh. Bệnh lây lan càng mạnh, càng nhanh khi có sự tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ... Hiện, chưa có vắc xin đặc hiệu phòng chống cúm A/H1N1. Người mắc loại cúm trên thường có các biểu hiện sốt trên 38oC, ho, đau họng, sổ mũi, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi. Một số trường hợp nặng có thể bị suy hô hấp và dẫn đến tử vong. Bệnh cúm A/H1N1 có triệu chứng giống với cúm thông thường, hiện loại cúm này đã được xem như dạng cúm mùa. Tuy nhiên, ngành y tế vẫn cảnh báo người dân tăng cường các biện pháp bảo vệ sức khỏe, tránh nguy cơ mắc bệnh. Những người có bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh. Để tránh nguy cơ bị cúm A/H1N1 và các loại bệnh truyền nhiễm khác tấn công, người dân cần giữ gìn nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát, tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng và mũi khi ho, hắt hơi, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách trên 1 mét nếu phải tiếp xúc với người bệnh.

Ô nhiễm môi trường gây những tác động khủng khiếp với sức khỏe

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, những tác động của môi trường với sức khỏe hết sức khủng khiếp.Thời điểm này, thế giới đang có các cuộc họp lớn về tác động của môi trường với nguy cơ sức khỏe nhân loại.Vì thế, thế giới cũng như Việt Nam đều đang nỗ lực để có một môi trường sống tốt cho loài người. Như tại Việt Nam, chúng ta đang thực hiện luật phòng chống tác hại thuốc lá để xây dựng môi trường không khói thuốc. Cũng như mong muốn một môi trường không bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn, chất độc, bụi. “Vấn đề dư luận đang lo lắng, liệu có thủy ngân trong không khí? Chúng ta cần tìm hiểu xem nếu có thì ở khu vực nào, mức độ đến đâu để có thể có những biện pháp phòng tránh, tìm ra nguyên nhân để hạn chế nó”, PGS Khuê nói. PGS Khuê cho biết, theo y văn, thủy ngân có nhiều tác động có hại cho sức khỏe. Viện Sức khỏe môi trường được Bộ Y tế được giao là đầu mối để tìm hiểu các bệnh nghề nghiệp liên quan đến các yếu tố này, bao gồm những người lao động trong môi trường độc hại, như người lao động ở khu vực hầm mỏ, thậm chí cả những người bán xăng... để đưa ra các biện pháp phòng, tránh, hướng dẫn các khoa khám chữa bệnh nghề nghiệp tại các bệnh viện. Vậy thực tế, có hiện tượng thủy ngân bay lơ lửng trong không khí tại Hà Nội? Về vấn đề này, trả lời báo Dân trí, ông Hoàng Dương Tùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khẳng định, thông tin phát hiện có thủy ngân độc hại bay lơ lửng trong không khí Hà Nội gây nguy hại cho con người, là không đúng, gây hoang mang dư luận. Thực tế vừa qua có một điểm quan trắc của Tổng cục Môi trường có thủy ngân từ mưa a-xit, đến nay mới có kết quả bước đầu tại một điểm nên vấn đề này cần nghiên cứu tiếp. Phải nghiên cứu dưới góc độ khoa học xem mức độ thế nào, rồi tìm ra nguyên nhân. Chia sẻ về vấn đề liệu có thủy ngân bay lơ lửng trong không khí, Thủy ngân tự do là là chỉ điểm của tình trạng ô nhiễm. Có thủy ngân tự do trong không khí chứng tỏ nguồn ô nhiễm phải có nồng độ rất cao. Còn với nồng độ thấp, thủy ngân trong nước mưa có thể chưa đủ gây độc hại, chưa đủ để ảnh hưởng sức khỏe nên người dân không nên quá hoang mang, lo lắng. Còn nếu có nguồn ô nhiễm thủy ngân cao, tiếp xúc thường xuyên thì có thể bị ảnh hưởng nặng. Vấn đề mà các bác sĩ lo ngại, đó chính là tình trạng ô nhiễm các "hạt" khói, bụi trong không khí. Tình trạng ô nhiễm hạt bụi, khói trong không khí là nguyên nhân gây kích ứng phổi, các bệnh phổi mạn tính như Bệnh bụi phổi hoặc một số loại bụi có thể gây ung thư như Amian. Các bệnh viêm đường hô hấp, hen phế quản, viêm mũi dị ứng... đều có một phần căn nguyên do khói bụi, ô nhiễm môi trường gây nên. Hay với căn bệnh hen phế quản, Khói bụi, ô nhiễm môi trường là một trong những nguy cơ khởi phát các cơn hen phế quản cấp tính. Nếu không được xử lý kịp thời, người bệnh có thể tử vong bất cứ lúc nào khi lên cơn hen. Chưa kể, nếu làm việc,sinh hoạt lâu trong môi trường khói bụi ô nhiễm, nguy cơ mắc hen phế quản cũng có thể de dọa bất cứ ai. “Trong thực tế khám chữa bệnh, chúng tôi gặp nhiều trường hợp bệnh nhi hắt hơi, khó thở, hen phế quản, viêm mũi dị ứng liên quan đến yếu tố khói bụi, ô nhiễm môi trường. Có những tình huống bệnh nhân đang hoàn toàn bình thường, đi qua nơi công nhân xây dựng, bụi gạch đất là yếu tố kích thích khiến người bệnh lên cơn hen cấp. Hay mới đây, khoa Nhi tiếp nhận trường hợp cháu bé lên cơn hen do ngửi phải chất tẩy rửa. Điều này cho thấy, bệnh nhân hen phế quản rất “nhạy” với các yếu tố khói bụi, ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, khói bụi là căn nguyên gây viêm đường hô hấp cấp ở trẻ, viêm xoang, viêm mũi dị ứng...”, Vì thế, để đối phó với tình trạng ô nhiễm không khí vì khói bụi, các bác sĩ khuyến cáo người dân khi ra đường nên đeo khẩu trang. Về nhà rửa vệ sinh chân tay sạch sẽ bằng xà phòng. Đặc biệt với những người có tiền sử viêm mũi dị ứng, hen phế quản, việc tránh xa bụi nhà, bụi bẩn, các loại phấn hoa, lông thú vật, vi khuẩn, vi rút thực phẩm, nấm mốc, côn trùng; khói xe, khói thuốc lá, mùi than tổ o­ng, mùi vị thức ăn đặc biệt; thực phẩm lạ… là vô cùng quan trọng để tránh nguy cơ khởi phát cơn hen cấp tính có nguy cơ đe dọa tính mạng. Tình trạng ô nhiễm không khí không chỉ có khói bụi mà còn có nguy cơ ô nhiễm kim loại nặng. Ô nhiễm kim loại nặng xảy ra khi diễn ra tình trạng bay hơi từ nguồn ô nhiễm (nước thải công nghiệp) hoặc do đốt nhiên liệu (dầu, xăng pha chì). Thường gặp nhất là ô nhiễm thủy ngân và ô nhiễm chì. ở người tiếp xúc gần với nồng độ cao (công nhân xử lý chất thải công nghiệp, công nhân ngành xăng dầu) có thể dẫn đến ngộ độc kim loại nặng mạn tính, còn với môi trường, những kim loại nặng này tích lũy trong động thực vật thủy sinh và có thể tích lũy gây ngộ độc nếu ăn phải những thức ăn này trong thời gian dài. Thủy ngân kim loại không gây độc khi tiếp xúc. Hơi thủy ngân kim loại có thể gây ngộ độc nếu hít phải với nồng độ cao (hiếm gặp trong thực tế). Còn hợp chất thủy ngân phát tán ra môi trường thì chúng tích lũy ở động thực vật thủy sinh chứ ít khi có thể tập trung với nồng độ cao đủ để tiếp xúc và hít phải gây ngộ độc (Trừ trường hợp những người tiếp xúc trực tiếp với hóa chất).

Vụ sản phụ tử vong khi chờ mổ bắt con: Nghi do thuyên tắc ối

Liên quan đến vụ sản phụ tử vong trong khi chờ mổ bắt con, ông Trần Văn Khánh, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Bạc Liêu, cho biết, qua đánh giá ban đầu, sản phụ tử vong nghi do thuyên tắc ối. Chiều ngày 26/4, trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Văn Khánh, Giám đốc BVĐK tỉnh Bạc Liêu, cho biết, sản phụ Khưu Thị Kiều Vân tử vong là một sự việc rất đáng tiếc. “Phía bệnh viện cũng đã tổ chức đoàn cán bộ, nhân viên y bác sĩ đến tận nhà để thăm hỏi, chia buồn và gửi một phần tiền nhằm chia sẻ phần nào nỗi đau với gia đình”, ông Khánh nói. Liên quan đến việc sản phụ Vân tử vong, theo ông Khánh, qua kiểm tra lại cho thấy, thời điểm trước khi sản phụ Vân tử vong thì có 3 ca sản cần phải mổ. Trong đó có 1 ca dọa vỡ tử cung nên được “ưu tiên” mổ trước còn sản phụ Vân trong quá trình chờ bên ngoài bất ngờ bị đột quỵ, khó thở, hôn mê nên được đưa vào cấp cứu. Sau khoảng 30 phút hồi sức tích cực nhưng không hiệu quả, sản phụ Vân tử vong và thai nhi cũng mất. Ông Khánh cho biết, sau khi sự việc xảy ra, bệnh viện đã tiến hành họp Hội đồng khoa học kỹ thuật để đánh giá diễn biến sự việc. Do hồ sơ phía công an đang niêm phong nên chỉ đánh giá qua làm việc với kíp trực của bệnh viện. Hội đồng kết luận chưa phát hiện thiếu sót trong quy trình theo dõi sản phụ này. “Qua chẩn đoán ban đầu, sản phụ Vân tử vong nghi do thuyên tắc ối”, ông Khánh nhận định. Cũng theo ông Khánh, do chưa có kết luận chính thức vụ việc nên chưa thể xử lý gì đối với ê-kíp trực hôm xảy ra vụ việc. “Khi nào có kết luận đúng sai từ phía cơ quan công an thì lúc đó bệnh viện sẽ xem xét xử lý trách nhiệm theo quy định”, ông Khánh khẳng định. Trước thông tin người nhà có đến phòng mạch “bồi dưỡng” cho Trưởng Khoa sản là bác sĩ Hồng Phương Lan một khoản tiền để nhờ mổ giúp cho sản phụ Vân, ông Khánh cho biết, ông đã đề nghị bà Lan làm tường trình sự việc nên chưa thể khẳng định được gì. “Nếu thật sự có việc bồi dưỡng, khi kiểm tra lại tất cả hồ sơ lưu của bệnh viện mà sản phụ Vân chưa phải là bệnh nhân của bệnh viện thì đó là quan hệ cá nhân giữa hai bên. Còn nếu sản phụ Vân đã là bệnh nhân của bệnh viện mà bác sĩ Lan nhận tiền bồi dưỡng như thế là không được”, ông Khánh nêu quan điểm. Trước đó, như Dân trí đã đưa tin, sáng ngày 22/4, sản phụ Khưu Thị Kiều Vân (39 tuổi, ngụ huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) được người nhà đưa vào BVĐK tỉnh Bạc Liêu để chờ sinh. Đến khoảng 15h chiều, chị Vân vẫn nằm ở phòng chờ. Đến 18h cùng ngày, khi chị Vân kêu đau bụng dữ dội mới được nữ hộ sinh của bệnh viện hướng dẫn người nhà đưa vào phòng mổ. Tuy nhiên, đến 21h thì y bác sĩ bệnh viện cho biết chị Vân đã tử vong cùng thai nhi chưa được sinh ra. Người nhà sản phụ Kiều Vân bức xúc cho rằng, chị Vân tử vong là do sự tắc trách của y bác sĩ bệnh viện khi để chị Vân chờ quá lâu. Do đó, gia đình đã đề nghị các ngành chức năng điều tra, làm rõ nguyên nhân cũng như trách nhiệm của ê-kíp y bác sĩ có liên quan.

Vụ 4 bệnh nhân chung 1 dao mổ: Bộ Y tế chỉ đạo làm rõ

Liên quan đến việc Bệnh viện Nhi Thanh Hóa thu tiền mua dao plasma cắt amidan và nạo VA của bệnh nhân với giá chênh lệch khó hiểu. Vừa qua, Bộ Y tế đã có công văn gửi Sở Y tế Thanh Hóa và Bệnh viện Nhi Thanh Hóa yêu cầu làm rõ. Theo đó, công văn nêu rõ: Báo Điện tử Dân trí số ra thứ 7 ngày 23/4 có bài “Bệnh viện Nhi Thanh Hóa có “móc túi” bệnh nhân”, trong đó có phản ánh vấn đề thanh toán cho phí khám bệnh, chữa bệnh của bệnh nhân điều trị cắt amidan hoặc nạo VA bằng phương pháp sử dụng dao plasma. Các vấn đề được báo chí phản ánh, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế Thanh Hóa, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa khẩn trương kiểm tra thực tế làm rõ vấn đề và có văn bản báo cáo Bộ Y tế việc giải quyết trước ngày 27/4. Trao đổi với PV Dân trí, ông Trịnh Hữu Hùng- Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa cho biết :"Sau khi nắm được thông tin báo nêu, tôi đã giao cho Phòng nghiệp vụ Y kiểm tra. Yêu cầu Giám đốc Bệnh viện Nhi giải trình vụ việc đồng thời kiểm tra những người chưa làm đúng nếu có và có biện pháp xử lý". Trước đó, như Dân trí đã thông tin Lãnh đạo Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết giá một con dao plasma để cắt amidan là 5.300.000đ. Thế nhưng, theo phản ánh của bệnh nhân, cứ 4 bệnh nhân chung tiền mua một con dao này lại bị thu 1.500.000đ/bệnh nhân. Điều khiến người nhà bệnh nhân nghi ngờ là không biết con của họ có được nằm trong số 4 bệnh nhân góp mua chung dao plasma hay là trong số nhiều bệnh nhân trong một ngày vì con dao này được sử dụng vô trùng trong 24 giờ. Bên cạnh đó, tại bệnh viện này còn xảy ra tình trạng thiếu trách nhiệm của đội ngũ y bác sĩ dẫn đến việc có hai trường hợp đến giờ phẫu thuật cắt amidan, nạo VA, bác sĩ không nắm được bệnh nhân làm gì. Điều này được vị Giám đốc bệnh viện “biện minh” rằng do “bác sĩ quên hồ sơ bệnh nhân như chúng ta ra đường quên bằng lái xe”.

Bố mẹ bấn loạn khi con nằng nặc đòi bỏ học vì nói ngọng

“Loại trừ yếu tố phương ngữ, không có trường hợp trẻ ngọng nào là bình thường, thậm chí, đó có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác”, BV Nhi Trung ương khẳng định.

Xấu hổ vì bạn bè xúm lại trêu ghẹo

Cậu con trai cả của chị Huyền Anh (ở Đống Đa, Hà Nội) đang học lớp 1. Trước khi vào tiểu học, chị đã cẩn thận cho con đi luyện chữ để bé đỡ bỡ ngỡ. Tưởng rằng con mình sẽ tự tin khi biết hết mặt chữ, ai dè, chỉ hai tuần sau khi vào học, con trai chị đùng đùng đòi… bỏ học. Nguyên nhân chỉ vì bé nói ngọng líu ngọng lô và thường bị các bạn cười ồ, trêu ghẹo mỗi lúc bé phát biểu, nói chuyện với bạn. “Tôi cứ nghĩ chuyện trẻ nói ngọng là chuyện… đương nhiên, đứa trẻ nào cũng vậy, lớn lên sẽ khắc tự sửa được, không phải nắn sửa. Nhưng không ngờ, hậu quả lại khiến con mình khác biệt giữa bạn bè, thậm chí khiến con tiếp thu chậm. Bé cũng không có bạn vì nói bạn không hiểu”, chị Huyền Anh chia sẻ khi đưa con đến Trung tâm Thính học và trị liệu ngôn ngữ (Bệnh viện Nhi Trung ương) chỉnh phát âm lệch. Cũng vì chủ quan, nghĩ trẻ con nói ngọng là bình thường, chị Hà Phương không nghĩ có ngày lại phải đưa con đi viện vì nói ngọng. Số là mỗi lần cô con gái 4 tuổi mở miệng là cả nhà chị lại cười ồ lên vì bé ngọng nghịu, đớt đát. Hầu như bé phát âm vần “c” thành hết vần “c”, “ton tào tô” (con chào cô), “tô giáo” (cô giáo). Các âm khác bé phát âm đều “chuệch choạc” và phải vận rất nhiều ngữ cảnh mới hiểu bé nói gì. Hàng xóm đến chơi thì chịu cứng, thậm chí còn phải đoán mò xem bé nói gì. Có lần, đang chơi nhà hàng xóm, bé đột nhiên nói: “Ton đi tề” (con đi về), lại bị “dịch” là “con đi tè” nên mau chóng bế thốc vào nhà vệ sinh, ai dè, bé lắc đầu chỉ ra cửa. Ban đầu, chuyện con nói ngọng đối với chị Phương là bình thường, thậm chí còn vui, ngộ nghĩnh, nhưng khi con đi học, tình hình vẫn không cải thiện, chị cho con đi khám thì té ngửa, con bị ngắn thắng lưỡi, phải can thiệp để giúp bé chỉnh dần phát âm. Cạnh nhà chị, một bé cũng ngọng lên ngọng xuống như con chị thì được chẩn đoán là do bị viêm tai giữa khiến sức nghe kém, khiến phát âm không chuẩn. May mắn bé mới bị điếc độ I nên còn có cơ hội phục hồi khả năng nghe và nói. Sau một tháng điều trị bệnh viêm tai giữa và nửa năm tập vật lý trị liệu, bé đã phát âm bình thường.

Không trường hợp nào nói ngọng là bình thường!

TS. BS Nguyễn Tuyết Xương, Trưởng khoa Tai Mũi Họng – Mắt (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho hay, trẻ nói ngọng do nhiều nguyên nhân, có khi do nghe kém, ngắn thanh lưỡi, dị tật bẩm sinh vòm mũi họng, môi, tật phát âm, cũng có trường hợp không rõ nguyên nhân… Loại trừ những yếu tố phương ngữ, ví dụ nhầm phụ âm “l”, “n” mà nhiều vùng Bắc Bộ gặp phải, hay có những vùng bất kể già trẻ cũng phát âm “ông trời” là “ông tời”, “ông sao” là “ông thao”, hay tất cả chữ cái có mũ (ô, ê, â) biến mất trong tiếng (như “thuyền” thành “thuỳn”, “huyện” thành “huỵn”) thì nói ngọng đều hoặc do bệnh lý, hoặc do tật. Theo ThS. BS Nguyễn Thị Thanh, Trung tâm Thính học và trị liệu ngôn ngữ (Bệnh viện Nhi Trung ương), chuyên gia về vật lý trị liệu, dạy trẻ tập nói thì trẻ nói ngọng có thể do nghe kém. Nghe kém lại có nhiều nguyên nhân, có thể do suy giảm thính lực bẩm sinh, do bệnh ở tai trong, tai giữa. Theo BS Thanh, có những bé nói ngọng do nghe kém vì bị viêm tai giữa, nhưng thường là sức nghe bị giảm tạm thời, điều trị khỏi hoàn toàn sẽ ổn. Tuy nhiên theo các bác sĩ, nếu cha mẹ tự ý ngưng thuốc khi con chưa khỏi thì dễ khiến bệnh tái phát nặng hơn, gây tổn thương xương chũm, có thể thủng màng nhĩ khiến trẻ bị điếc, nghe không rõ, bị méo tiếng nên chậm nói và nói ngọng, trong khi đó, điều trị bệnh viêm tai giữa thường lâu và nguy cơ tái phát cao. Đáng buồn hơn, vì người nhà không để ý, nhiều trẻ nói ngọng vì bị điếc tới mức độ II, gây nói ngọng, thậm chí mất hoàn toàn ngôn ngữ nói. Vì không trường hợp nào ngọng mà bình thường, nên theo BS Xương, khi phát hiện trẻ nói ngọng, cha mẹ cần cho con tới cơ sở chuyên khoa Tai Mũi Họng để kiểm tra, phát hiện xem có phải do nguyên nhân bệnh lý, hay chỉ là tật phát âm để có hướng can thiệp. Nếu trẻ chỉ bị tật phát âm gây nói ngọng nhưng không được nắn chỉnh từ bé, lớn lên bé sẽ mặc cảm, tự ti trong giao tiếp, cản trở quá trình học tập, sinh hoạt của bé, cao hơn nữa là khó có cơ hội tìm kiếm việc làm tốt. Trong trường hợp bé bị ngắn thắng lưỡi, đây là một dạng dị tật bẩm sinh ở trẻ, làm lưỡi bé không linh động, dẫn đến phát âm khó khăn, ngọng nghịu. Theo BS Xương, việc can thiệp đối với những trường hợp bị ngắn thắng lưỡi càng sớm càng tốt, bởi thế nên chuẩn bị sẵn sàng tất cả các bộ phận giúp bé tập nói chuẩn, chứ không đặt ra một mốc tuổi nào mới xử lý cho bé. “Việc cho rằng một số trẻ ngậm núm vú giả nhiều, lâu, lưỡi sẽ có xu hướng thè ra ngoài, nên khi phát âm, theo thói quen, lưỡi trẻ thường đưa ra ngoài khiến âm bị chệch là không có cơ sở”, BS Xương khẳng định. Theo BS Hà Thị Kim Yến – nguyên Trưởng khoa Vật lý trị liệu, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), một đứa trẻ bình thường từ 12 -15 tháng tuổi thì việc phát âm đã khá rõ những từ đơn giản (như “ba”, “bà”...). Trẻ từ 18 - 20 tháng tuổi đã có thể kết hợp hai từ lại với nhau (như “ăn cơm”, “đi chợ”...). Đến 2 tuổi, bé bắt đầu nói được những câu ngắn khoảng vài ba từ (như “Bé đi chơi”, “Mẹ đi làm”...). Trẻ 3 tuổi thì gia đình có thể hiểu ý trẻ nói tới trên 90%, còn người ngoài có thể hiểu được khoảng 70%. “Khi con 3 - 4 tuổi mà vẫn bị nói ngọng thì cha mẹ nên đưa con đi khám để loại trừ một số loại bệnh lý. Nếu trẻ nghe kém thì càng nên đi khám sớm, nếu để muộn thì hiệu quả can thiệp sẽ giảm. Nếu bé không bị vấn đề bệnh lý mà tới 5 tuổi vẫn ngọng thì lại quay trở lại để khám tiếp”, BS Nguyễn Thị Thanh cho biết..

Tuyệt đối không nói nhại theo trẻ

Các bác sĩ lưu ý, để hạn chế việc trẻ nói ngọng, khi trò chuyện với trẻ, phụ huynh phải nói rõ ràng, không nói nhại vì trẻ sẽ bắt chước và cho rằng mình nói thế là đúng. Thấy trẻ nói sai, nói ngọng phải nghiêm túc sửa ngay, không cho trẻ xem tivi, máy tính quá nhiều vì làm cung phản xạ nghe nói gián đoạn, lúc đó sẽ hình thành phản xạ nhìn - nói, làm hạn chế khả năng phát triển ngôn ngữ của trẻ. Đặc biệt, khi trẻ bị cảm, cần quan tâm đến tổn thương tai ở trẻ, điều trị ngay và thông nhĩ, vá nhĩ sớm để phục hồi chức năng nghe - nói của trẻ.

Bí thư Thăng: “Không kỷ luật được ai, cả làng ăn bẩn vẫn… vui!”

“Tôi rất băn khoăn với số liệu các bộ ngành báo cáo vì tình trạng mất vệ sinh thực phẩm tràn lan mà nói tỷ lệ thực phẩm không an toàn chỉ vài %. Tôi xin lỗi phải nói là tôi không tin con số này. Nguyên nhân số 1 của tình trạng là do không xác định được trách nhiệm, không kỷ luật được ai nên cả làng ăn bẩn nhưng vẫn… vui!”. Bí thư Thành uỷ TPHCM Đinh La Thăng phát biểu như trên tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì. Báo cáo của Bộ NN&PTNT nêu rõ tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi cơ bản được khống chế. Nguồn nhập khẩu và kinh doanh chất salbutamol của các công ty dược đã được Bộ Y tế quản lý chặt chẽ hơn, đưa vào danh mục các chất quản lý đặc biệt. Các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đã không còn sử dụng chất cấm. Hiện nay chỉ còn các trang trại sử dụng salbutamol thông qua các thương lái và nhân viên tiếp thị cám của một số công ty cung cấp trực tiếp. Đến thời điểm hiện nay, số vụ vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đối với các trang trại đã giảm đáng kể (tháng 1/2016 là 9,8%, tháng 2 là gần 1,5%, tháng 3 là 0,66%). Qua đợt cao điểm an toàn thực phẩm (từ tháng 10/2015 đến tháng 2/2016) cho thấy mức độ tồn dư các chất độc hại, chất cấm trong nhiều loại thực phẩm đã có mức giảm đáng kể. Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau chỉ chiếm hơn 5%; thịt vịt vi phạm chỉ tiêu chất cấm, kháng sinh vượt giới hạn là gần 2%. Tuy nhiên, cũng có những sản phẩm vi phạm với tỷ lệ cao hơn như thuỷ sản. Các chỉ tiêu về hoá chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn là gần 7,3%… Không thuyết phục về kết quả được báo cáo, trong phần phát biểu của các địa phương, Bí thư Thành uỷ TPHCM Đinh La Thăng thẳng thắn: “Số liệu các bộ ngành báo cáo làm tôi rất băn khoăn vì tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm rất tràn lan, phổ biến mà nói tỷ lệ thực phẩm không an toàn chỉ 1%, 5%, 7%... và đều giảm dần. Tôi xin lỗi là tôi không tin con số này, chắc vì cách lấy mẫu, đánh giá số liệu…”. “Nếu các bộ ngành đã phối hợp tốt, địa phương cùng quyết liệt thực hiện luật và nói tình trạng vi phạm có giảm không thì tôi cho là không. Nguyên nhân số 1 là do không xác định được trách nhiệm, lâu nay các cơ quan quản lý không kỷ luật được ai cả, từ cấp quận huyện đến tỉnh thành, trong khi tình trạng vi phạm vẫn tràn lan. Không kỷ luật nên cả làng đều vui, ăn bẩn nhưng vẫn vui vì đã chết ngay ai đâu. Chỉ một vài vụ ngộ độc xảy ra, chưa thấm” – Bí thư Thăng không giấu giọng bức xúc. Người đứng đầu cấp uỷ thành phố lớn nhất nước cũng cho rằng, thực tế việc quản lý, xử lý chưa nghiêm minh, còn tình trạng bao che, thông đồng với người sản xuất, buôn bán thực phẩm bẩn vì lợi nhuận quá lớn. Ông Thăng đặt câu hỏi, đơn giản như việc quản lý các lò mổ, chẳng lẽ các cơ sở này hoạt động mà không ai biết? Nếu có một lò mổ trong khu dân cư thì âm thanh phát ra chắc hẳn phải ầm ầm lên chứ không thể nói cả làng xã, phường quận không ai biết. Theo Bí thư Thăng, cần xử lý trách nhiệm các cơ quan đơn vị, cá nhân có liên quan đến việc lộn xộn trong lĩnh vực quản lý an toàn thực phẩm hiện nay, chứ nói là có sự phối hợp tốt mà một bộ cho nhập chất cấm lại không hỏi ý kiến bộ ngành khác, cần chỉ 10kg nhưng lại cho nhập đến 10 tấn thì… hoà cả làng. Ông Thăng kiến nghị Chính phủ ban hành Chỉ thị với mục tiêu hướng tới là huy động toàn dân vào cuộc đấu tranh chống lại thực phẩm mất an toàn và phân công, phân cấp toàn diện cho chính quyền địa phương thực hiện, chịu trách nhiệm về việc này. Theo đó, ví dụ như lò mổ bất hợp pháp, mất vệ sinh phát hiện ở phường, xã nào thì Chủ tịch UBND phường, xã đó phải chịu trách nhiệm, địa phương, tỉnh thành có quá nửa số quận huyện để xảy ra tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm thì Bí thư, Chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm. Về tổ chức bộ máy, Chính phủ cần đồng ý cho các địa phương lập cơ quan tổng hợp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chỉ cần chốt điều kiện không được tăng biên chế, nếu không thì cũng cần lập một Ban Chỉ đạo quốc gia về vấn đề này. Bí Thư Thăng cho biết ông đã đề nghị cho TPHCM lập một cơ quan tổng hợp để nắm việc, được trả lời đó là quyền của địa phương nhưng vẫn phải… xin ý kiến Chính phủ. Ông Thăng cũng kiến nghị nâng cao chất lượng đội ngũ kiểm định với yêu cầu trước hết là phải trong sạch. “Kêu gọi, vận động về đạo đức, tăng cường tuyên truyền nhưng trước hết phải từ những người thực thi công vụ chứ không phải người dân. Vì cán bộ làm không nghiêm nên người dân không tin. Đề nghị cho phép địa phương tổ chức lực lượng thanh kiểm tra, đề nghị đưa lực lượng cựu chiến binh tham gia vì với phẩm chất anh bộ đội cụ hồ, các bác làm rất mẫn cán và không có động cơ vụ lợi” – Bí thư Thành ủy TPHCM đề nghị. Ông Thăng cũng đề nghị quán triệt đến các bộ, ngành, địa phương là tổ chức quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng không “đẻ” thêm giấy phép con. Bí thư TPHCM cũng đồng ý với kiến nghị của Chủ tịch UBND TP Hà Nội là cần tăng mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm trong lĩnh vực này để đảm bảo tính răn đe. Trước đó, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung xác nhận, trên địa bàn thủ đô, người nuôi trồng, chế biến thực phẩm vẫn dùng một số chất cấm gây nguy hại tới sức khoẻ người tiêu dùng. Ông Chung đề nghị quy định xử phạt, với cơ sở vi phạm lần 2, lần 3 thì không chỉ công khai danh tính trên phương tiện đại chúng mà còn cấm hoạt động trong một thời gian nhất định, tái phạm nhiều lần thì phải cấm hành nghề vĩnh viễn. Chủ tịch Hà Nội cũng đề nghị các bộ ngành phối hợp, công bố công khai việc nhập các chất cấm hàng năm để giám sát việc sử dụng, đường đi, địa chỉ đến của các loại chất này. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “vặn” lại Hà Nội có sẵn sàng nhận toàn bộ số tiền phạt vi phạm thu được để đầu tư trang bị cho lực lượng kiểm soát, đấu tranh với thực phẩm bẩn và cam kết cải thiện tình hình? Chủ tịch Nguyễn Đức Chung quả quyết: “Hà Nội hoàn toàn đồng ý”.

Xử phạt cơ sở giết mổ gia cầm không rõ nguồn gốc

Sáng 27/4, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Công an TP Đà Nẵng) phối hợp Chi cục Thú y Đà Nẵng tiến hành kiểm tra, phát hiện một cơ sở giết mổ gia cầm hoạt động thời gian dài nhưng không được sự cho phép của cơ quan chức năng. Cơ sở giết mổ gia cầm có địa chỉ tại tổ 92/6, đường Lý Thái Tổ (TP Đà Nẵng) do Lê Thị Phụng (SN 1961) làm chủ. Tại thời điểm đoàn kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện khoảng 30 con gà, 19 con vịt đã qua giết mổ không rõ nguồn gốc. Bà Nhung cũng không xuất trình được giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy chứng minh nguồn gốc xuất xứ động vật… Theo bà Nhung, số gà, vịt trên được người làm thu mua tại trong Quảng Nam rồi sau đó đem về giết mổ tại nhà. Toàn bộ số gà, vịt sau khi giết mổ đều được tiêu thụ trong TP Đà Nẵng. Sau khi xem xét, đoàn đã tiến hành lập hồ sơ, xử phạt hành chính và yêu cầu chủ cơ sở đem toàn bộ số gà, vịt đã giết mổ đến Trung tâm Chế biến gia súc - gia cầm Đà Sơn để đóng dấu kiểm soát.

Bệnh viện chưa đủ trang thiết bị, trách nhiệm số 1 là của Giám đốc Sở Y tế

Thấy bệnh viện Củ Chi xây xong đã lâu nhưng nhiều phòng chưa có thiết bị, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng truy: “Có sự loằng ngoằng chuyện mua sắm ở đây nên mới chậm. Các anh đã không vì cái chung. Dân chờ còn các anh thì cứ ngồi đó. Trách nhiệm số một là của Giám đốc Sở Y tế”. Tại buổi làm việc với Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng ngày 26/4, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Nguyễn Hữu Hoài Phú cho biết, Bệnh viện An Nhơn Tây (tên gọi cũ của Bệnh viện Củ Chi) khám chữa bệnh cho người dân 8 xã phía Tây huyện Củ Chi và một số người dân ở tỉnh Bình Dương. Bệnh viện có công suất 300 giường với tổng kinh phí đầu tư khoảng 345 tỷ đồng, trong đó riêng gói thiết bị y tế là 185 tỷ đồng. Theo ông Phú, bệnh viện đã được đưa vào sử dụng vào đầu năm nay, còn gói thiết bị thì đến tháng 2/2016 Sở Y tế mới xong cấu hình và thẩm định về mặt kỹ thuật. Dự kiến đến ngày 5/5, Ban quản lý các công trình xây dựng Củ Chi sẽ mở thầu và tới ngày 10/7 sẽ xong gói thầu thiết bị. Ông Phú cho biết việc chậm trễ trong việc đầu tư thiết bị là do trước đây quyền đấu thầu do Sở Y tế nắm. Sau khi có chỉ đạo của Bí thư Đinh La Thăng, quyền đấu thầu mới được giao về cho bệnh viện huyện và hồ sơ đấu thầu mới được lập từ tháng 3/2016. Nghe tới đây, Bí thư Thăng hỏi: “Trước đây sao Sở Y tế, với tư cách chủ đầu tư, không thực hiện đấu thầu thiết bị? Sao giờ bệnh viện xây xong rồi mới đấu thầu thiết bị? Đầu tư phải đồng bộ chứ. Bệnh viện xây xong rồi mà chưa có đủ thiết bị y tế là sao?” “Anh Bỉnh đâu? Người dân đang cần bệnh viện, dân số ngày càng tăng. Cả bên phía Bình Dương và các khu vực khác đều đến đây khám chữa bệnh mà các anh cứ đùn đẩy nhau”, Bi thư Thăng truy Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh. Trả lời tại cuộc họp, ông Bỉnh cho rằng do chưa xây dựng được cấu hình thiết bị y tế riêng cho bệnh viện Củ Chi nên dẫn đến việc chậm trễ trên. Đầu tư trang thiết bị thì chủ đầu tư (là bệnh viện) hoặc ban quản lý các dự án phải xây dựng các danh mục, rồi đưa lên Sở Y tế thẩm định. Từ tháng 9/2015, Sở Y tế đã nhiều lần xuống hướng dẫn để đưa bệnh viện vào vận hành. Tuy nhiên, do năng lực của bệnh viện hiện chỉ có 14 bác sĩ thì không thể xây dựng được cấu hình cũng như ban quản lý chưa chọn được cấu hình nào phù hợp. Bí thư Thăng truy tiếp: “Thành phố có bao nhiêu bệnh viện quy mô 300 giường?”. Ông Bỉnh đáp: “31 bệnh viện, Sở Y tế có hỗ trợ xây dựng cấu hình nhưng chưa kịp”. Bí thư Thăng cho rằng tại sao không lấy cấu hình của bệnh viện tương tự, chỉnh sửa thêm cho phù hợp. “Anh làm chậm còn đổ cho cấp dưới là sao? Vai trò của anh ở đâu? Anh đừng nói hỗ trợ mà trách nhiệm của các anh là phải làm”, ông Thăng nhấn mạnh. “Có sự loằng ngoằng chuyện mua sắm ở đây nên mới chậm. Các anh đã không vì cái chung. Dân chờ còn các anh thì cứ ngồi đó. Trách nhiệm số một là của giám đốc Sở Y tế. Anh kiểm điểm xem, anh có đủ sức để hoàn thành nhiệm vụ hay không?”, ông Thăng hỏi giám đốc Sở Y tế. Về đội ngũ nhân lực cho bệnh viện Củ Chi, ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết sang tháng 5/2016 sẽ có khoảng 40 bác sĩ từ các bệnh viện chuyên khoa tại thành phố được điều về bệnh viện Củ Chi làm việc. Bên cạnh khám chữa bệnh, đội ngũ bác sĩ này còn có trách nhiệm hướng dẫn, đào tạo các bác sĩ trẻ mới ra trường. Bí thư Thăng cho rằng nếu bác sĩ được điều về làm việc theo kiểu sáng đi chiều về thì không khả thi. Cần phải xây nhà công vụ để các bác sĩ yên tâm ở lại làm việc. “Bệnh nhân ở Củ Chi, Bình Dương lên khám thì làm thế nào? Bệnh nhân có ốm theo giờ hành chính đâu? Nên phải có lực lượng bác sĩ túc trực tại chỗ”. Bí Thư yêu cầu Đảng ủy Sở Y tế phải kiểm điểm trách nhiệm cán bộ liên quan tới sự chậm trễ trong việc vận hành, khai thác bệnh viện Củ Chi; phải có biện pháp xử lý những người liên quan, kể cả người đứng đầu. Huyện Củ Chi cũng phải xử lý nghiêm những người liên quan trong việc chậm trễ đưa bệnh viện vào hoạt động phục vụ người dân.

Cô gái mắc bệnh lạ, chích thuốc ngủ liều cao mới tỉnh táo

Một nữ bệnh nhân trẻ sau cú sốc tình cảm mắc chứng bệnh khác thường, phải chích thuốc ngủ thì mới tỉnh táo, tiếp xúc được. Ngày 27-4, BVĐHYD TP HCM, cho biết nơi đây đã điều trị một ca bệnh mắc chứng hiếm gặp. Bệnh nhân phải chích thuốc ngủ thì mới tỉnh táo bình thường. Đó là một cô gái, 28 tuổi, nhập viện trong tình trạng sinh hiệu ổn định nhưng co giật, thẫn thờ, mất ý thức và không tiếp xúc được với xung quanh. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị loạn thần cấp tính và điều trị theo chuyên khoa tâm thần. Diễn tiến trong một tuần từ lúc nhập viện, mỗi ngày bệnh nhân lên 2 cơn co cứng toàn thân, trợn mắt xen kẽ kích động la hét biểu hiện liếm môi. Tình trạng này khiến bệnh nhân gãy 2 răng cửa do tự cắn cán muỗng. Các bác sĩ phải chích thuốc ngủ dạng liều cao thì bệnh nhân mới tỉnh táo và tiếp xúc người thân. Tuy nhiên, khi giảm liều hay ngưng thuốc ngủ thì bệnh trạng bệnh nhân tái trở lại trạng thái như cũ. Trước ca bệnh “đau đầu” này, bệnh viện đã hội chẩn với chuyên gia nước ngoài để tìm phương cách cứu chữa. Sau hơn 1 tháng điều trị bệnh nhân mới trở lại trạng thái bình thường, được ngưng thuốc động kinh và không còn cơn co giật tái phát. Bác sĩ Lê Minh (Chuyên Khoa Nội thần kinh Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM), cho biết từ trước đến nay ông chưa từng gặp ca bệnh hiếm gặp này. Bệnh nhân mắc chứng động kinh không co giật cục bộ phức tạp. Thuốc sử dụng cho bệnh nhân này là loại thuốc ngủ liều cao. Ở người bình thường chỉ cần tiêm một tỉ lệ nhỏ sẽ ngủ ngay tức thời, còn ở trường hợp này thì ngược lại. Theo người nhà bệnh nhân, sau cú sốc tình cảm, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng giảm trí nhớ, không hiểu lời nói, trở nên chậm chạp, hay nhìn thẫn thờ, đôi lúc cười vô cớ một mình. Triệu chứng kèm theo mất ngủ, bỏ ăn, hay khóc, có lúc than thở nhớ người yêu.

Rùng mình công nghệ sản xuất giá bằng thạch cao và hóa chất

Chủ cơ sở sản xuất giá ở tỉnh Bình Thuận mua đá vôi tại một cửa hàng vật liệu xây dựng ở TP Phan Rang (tỉnh Ninh Thuận) về trộn với đậu xanh thành giá để bán ra thị trường...Vào lúc 5 giờ 20 ngày 26/4, Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, công an tỉnh Bình Thuận và Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm & thủy sản Bình Thuận, bất ngờ kiểm tra cơ sở sản xuất giá của ông Lưu Văn Hùng (50 tuổi) tại thôn Phú Hòa, xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận). Tại cơ sở này, đoàn kiểm tra bắt quả tang việc sản xuất giá bằng công nghệ trộn thạch cao và ngâm tẩm hóa chất trước trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Theo trình bày của ông Hùng, đậu xanh khô sau khi ngâm nước 2 giờ được vớt ra, cứ 7 kg đậu xanh thì trộn trực tiếp với 100g thạch cao, sau đó đưa vào khạp ủ trong thời gian 4 ngày để thành giá. Đáng nói trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ, giá thành phẩm này được ngâm vào bể nước pha hóa chất để có độ giòn, trắng, đẹp. Vẫn theo lời chủ cơ sở, hóa chất pha vào bể nước ngâm giá là chất tẩy rửa được ông mua tại chợ thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc. Qua kiểm tra, hóa chất này có dạng bột màu trắng, có mùi hôi nồng giống thuốc rầy (thuốc trừ sâu). Tổ kiểm tra đã lập biên bản thu giữ 0,65 kg bột hóa chất không rõ nguồn gốc, xuất xứ để tiến hành làm rõ đây là loại hóa chất gì. Đồng thời tạm giữ 6,5 kg thạch cao tang vật mà cơ sở này dùng để sản xuất giá. Được biết, hằng ngày khoảng 100 kg giá sản xuất ra được cơ sở này đem đi tiêu thụ tại thị trấn Ma Lâm và TP Phan Thiết. Trong một diễn biến khác, trước đó vào lúc 4 giờ 20 ngày 26/4, một tổ kiểm tra khác của Đoàn kiểm tra liên ngành nêu trên đã kiểm tra cơ sở sản xuất giá của ông Trần Văn Cang (54 tuổi) tại thôn Phú Hòa, xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc và phát hiện cơ sở này đang sản xuất giá bằng cách ngâm đậu xanh với bột đá vôi trong khoảng thời gian 7 giờ trước khi ủ giá. Đoàn kiểm tra liên ngành đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 2 cơ sơ sản xuất trong điều kiện chưa đảm bảo an toàn thực phẩm: cụ thể, khu sản xuất gần khu chăn nuôi, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, sử dụng hóa chất làm phụ gia chế biến thực phẩm không rõ nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ và sử dụng nguồn nước ô nhiễm từ nguồn nước tù đọng lấy từ đáy con sông ở gần đó để sản xuất.

Nghiêm cấm sử dụng, kinh doanh, tiêu thụ thủy, hải sản chết bất thường

Trước tình trạng cá chết bất thường tại các tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký Công điện về việc nghiêm cấm sử dụng, kinh doanh, tiêu thụ thủy, hải sản chết bất thường. Nội dung trong công điện cho biết có hiện tượng người dân thu gom, sử dụng trái phép thủy hải sản chết bất thường. Để bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe của người dân, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế thực hiện ngay các nội dung sau: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành thu gom, xử lý hết, kịp thời số lượng thủy, hải sản chết (bao gồm thủy, hải sản nuôi trồng và tự nhiên) bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường; tăng cường tuyên truyền về việc mất an toàn thực phẩm, hướng dẫn người dân không sử dụng các sản phẩm từ thủy, hải sản chết; nghiêm cấm việc tiêu thụ, thu gom, vận chuyển, kinh doanh, sử dụng thủy, hải sản chết làm thực phẩm cho người và thức ăn cho gia súc, gia cầm. Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế chỉ đạo các đơn vị chức năng, chuyên ngành thực hiện ngay công tác thanh tra, kiểm tra các mặt hàng thủy, hải sản dùng làm thực phẩm cho người, nguyên liệu thức ăn cho gia súc, gia cầm bảo đảm an toàn thực phẩm.

Một thợ lặn Formosa nghi có kim loại trong máu cao bất thường

Ngày 27/4, một nhóm 9 thợ lặn từ Formosa Hà Tĩnh đến khám sức khỏe tại Bệnh viện Trung ương Huế, trong đó có 1 người nghi có kim loại trong máu cao bất thường, với các biểu hiện bị nhiễm độc đồng. Nhóm bệnh nhân này gồm 9 người quê ở Khánh Hòa, Hà Tĩnh, là thợ lặn tham gia thi công đê chắn sóng cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh (Khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Đoàn 9 người đi khám sức khỏe ở Bệnh viện Trung ương Huế, việc khám này được cho là khám sức khỏe định kỳ. Sau khi khám xong, cả nhóm không có ai phải nhập viện điều trị. Tuy nhiên, nguồn tin cho biết có 1 người trong nhóm này yêu cầu xét nghiệm hàm lượng kim loại đồng và chì trong máu. Kết quả là hàm lượng kim loại đồng cao gấp đôi ngưỡng cho phép. Trước đó có tin đồn một thợ lặn ở Formosa Hà Tĩnh đến cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế và tử vong. BVTW Huế khẳng định với PV Dân trí là không có sự việc này. Vào ngày 25/4, một thợ lặn ở Formosa đã tử vong không rõ nguyên do khi đang ngồi nghỉ giải lao. Được biết thợ lặn này làm việc cho một công ty thi công đê chắn sóng cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh.

Cụ bà tử vong bất thường tại cơ sở châm cứu không phép

Ngày 27/4, thông tin từ công an huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) cho biết, đơn vị đang điều tra nguyên nhân việc cụ bà Phạm Thị Yên (73 tuổi, ngụ Đức Trọng) tử vong tại một cơ sở khám, chữa bệnh không phép trên địa bàn. Trước đó, sáng 26/4, cụ Yên đến cơ sở của ông Nguyễn Hữu Lộc (45 tuổi, ngụ huyện Di Linh) tại tổ 24, thôn Phú Thạnh, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) để khám bệnh. Sau khi được châm cứu khoảng 2 giờ, bà Yên có biểu hiện khó thở, toàn thân thâm tím, rồi tử vong. Nhận được tin báo, cơ quan chức năng đã đến tiến hành khám nghiệm tử thi và khám nghiệm hiện trường. Trong ngày 26/4, cơ quan Pháp y tỉnh Lâm Đồng đã khám nghiệm tử thi, lấy mẫu xét nghiệm để xác định nguyên nhân cái chết của bà Yên. Ngay sau đó, Công an huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) đã tiến hành tạm giữ hình sự ông Nguyễn Hữu Lộc để điều tra, làm rõ vụ việc. Tại cơ quan điều tra, ông Lộc cho biết mình thuê trọ tại địa chỉ trên để khám, chữa bệnh bằng hình thức châm cứu, bốc thuốc. Tuy nhiên, ông không xuất trình được giấy phép hành nghề và nguồn gốc số thuốc đang lưu trữ tại cơ sở. Hiện, vụ việc đang tiếp tục được cơ quan công an điều tra và làm rõ.

Đảm bảo an ninh sức khỏe cho người dân

Từ năm 2016 - 2021, 36 tỉnh sẽ được tăng cường kiểm soát bệnh truyền nhiễm, hạn chế tối đa khả năng xâm nhập của các dịch bệnh mới nổi. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt danh mục Dự án “An ninh y tế khu vực Tiểu vùng Mê Kông mở rộng”, vay vốn ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Dự án trên được thực hiện từ năm 2016 - 2021 tại 36 tỉnh: An Giang, Bắc Giang, Bắc Kạn, Bạc Liêu, Bình Phước, Cao Bằng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Điện Biên, Gia Lai, Hà Giang, Hà Nam, Hà Tĩnh, Hòa Bình, Kiên Giang, Kon Tum, Lai Châu, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Lào Cai, Nam Định, Nghệ An, Ninh Bình, Ninh Thuận, Phú Thọ, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Quảng Trị, Sơn La, Tây Ninh, Thanh Hóa, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc, Yên Bái. Mục tiêu là đảm bảo an ninh sức khỏe cho người dân Việt Nam và khu vực tiểu vùng Mê Kông mở rộng thông qua tăng cường kiểm soát bệnh truyền nhiễm, hạn chế tối đa khả năng xâm nhập của các dịch bệnh mới nổi vào các nước trong khu vực, giảm tỷ lệ chết, tỷ lệ mắc và hạn chế sự lây lan các bệnh dịch lưu hành giữa các nước trong khu vực góp phần ổn định kinh tế, xã hội và nâng cao sức khỏe người dân. Dự án gồm 3 hợp phần: Hợp phần A- Đẩy mạnh phối hợp phòng chống dịch, bệnh khu vực Tiểu vùng Mê Kông mở rộng. Hợp phần B- Đầu tư nâng cao năng lực quốc gia trong giám sát và đáp ứng dịch, bệnh trong tình hình mới. Hợp phần C- Đầu tư hệ thống năng lực xét nghiệm đảm bảo công tác phát hiện sớm, đáp ứng kịp thời và kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện nhằm phòng chống lây chéo và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Pháp luật Tp. Hồ Chí Minh

Cảnh cáo một bác sĩ gợi ý người nhà bệnh nhân mua thuốc

Một nguồn tin chiều 3-5 cho hay ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định, đã ký quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo với BS Nguyễn Thiện Hưng, hiện công tác tại khoa Hồi sức cấp cứu BVĐK tỉnh Bình Định. Cụ thể, trong quá trình khám, điều trị một bệnh nhân tại khoa Hồi sức cấp cứu, BS Hưng gợi ý người nhà bệnh nhân này mua thêm một loại thuốc bên ngoài để điều trị. Tiếp đó, BS Hưng kê toa rồi trực tiếp bán thuốc, thu tiền. Sau khi biết được loại thuốc do BS Hưng bán có trong danh mục thuốc được bệnh viện cấp, BHYT thanh toán thì người nhà bệnh nhân tố cáo sự việc đến cơ quan chức năng. Trong quá trình xác minh sự việc, cán bộ BVĐK tỉnh Bình Định đã bắt quả tang BS Hưng nhận tiền bán thuốc cho người nhà bệnh nhân.

BV Chợ Rẫy: Nhập viện vì TNGT tăng mạnh dịp nghỉ lễ

Sáng 4-5, BV Chợ Rẫy cho biết trong bốn ngày nghỉ lễ từ 30-4 đến 3-5 bệnh viện đã tiếp nhận 297 bệnh nhân vào cấp cứu do TNGT, tăng 106,5% so với năm 2015. Cụ thể trong bốn ngày từ 30-4 đến 3-5, khoa Cấp cứu của bệnh viện (BV) tiếp nhận 1.113 bệnh nhân tăng 116,9% so với năm 2015, trong đó có 297 ca do TNGT, 26 ca do đả thương, đâm chém. Đáng chú ý, số lượng bệnh nhân nhập viện do ngộ độc thực phẩm tăng 200% so với cùng kỳ năm 2015. Ngoài ra số ca cấp cứu do rắn rít, côn trùng cắn cũng tăng so với năm ngoái. Không có trường hợp nào cấp cứu do tự tử trong khi bốn ngày lễ năm 2015 BV Chợ Rẫy tiếp nhận tới bảy ca cấp cứu do tự tử. Số lượng người nhập viện cấp cứu do TNGT giảm dần trong bốn ngày lễ, từ 87 ca ngày 30-4 xuống 82 ca ngày 1-5, 78 ca ngày 2-5 và đến ngày 3-5 số bệnh nhân nhập viện do TNGT chỉ còn 50 ca. Vì số lượng bệnh nhân nhập viện tăng cao kéo theo số lượng máu sử dụng cấp cứu cũng được sử dụng khá nhiều. Nếu như bốn ngày lễ năm 2015 chỉ sử dụng 309 đơn vị máu (loại 350 ml) thì năm nay BV sử dụng đến 342 đơn vị máu cùng loại.

Đà Nẵng: Lập ban chỉ đạo 'tuyên chiến' với thực phẩm bẩn

Ngày 4-5, UBND TP Đà Nẵng cho hay đã chính thức thành lập Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn TP. Ban chỉ đạo sẽ bao gồm trưởng ban là ông Huỳnh Đức Thơ (Chủ tịch UBND TP); phó trưởng ban là Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng và các thành viên Ban Chỉ đạo là giám đốc Sở Y tế, các thành viên là đại diện các sở ngành liên quan làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Theo đó, Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với UBND TP về những chủ trương, giải pháp, cơ chế, chính sách trong quản lý nhà nước về VSATTP trên địa bàn. Ban chỉ đạo liên ngành này có chức năng giúp Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo và phối hợp hoạt động giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan trong việc xử lý những vấn đề liên ngành về VSATTP. Trong trường hợp có diễn biến phức tạp về VSATTP, ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân TP thì ban chỉ đạo này phải kịp thời kiến nghị Chủ tịch UBND TP các biện pháp xử lý. Trước đó, năm 2015, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵngđã ký quyết định giải thể và hợp nhất 81 tổ chức phối hợp liên ngành trên địa bàn TP, thường gọi là ban chỉ đạo, hội đồng, ban quản lý, ban điều hành, tổ công tác và các tổ giúp việc. Hiện TP cũng chỉ giữ lại 46 ban chỉ đạo và hội đồng. Lý giải về việc “giải tán” một loạt ban chỉ đạo vào thời điểm đó, UBND TP Đà Nẵng cho hay việc có quá nhiều ban chỉ đạo, hội đồng… dẫn đến chiếm hết quỹ thời gian làm việc của các lãnh đạo. Họ không còn thời gian nghiên cứu tài liệu, kiểm tra thực tế, tiếp xúc và giải quyết công việc cho người dân. Ngoài ra, hằng năm TP còn phải cấp kinh phí hoạt động cho các ban chỉ đạo nữa nhưng hiệu quả khó xác định. Vì vậy, TP quyết định giải thể và hợp nhất các ban chỉ đạo, hội đồng và các tổ chức không cần thiết.

Cắt khôi u sơ tử cung khổng lồ nặng 7,8kg

BV phụ sản TP. Cần Thơ vừa phẫu thuật cắt bỏ khối u xơ tử cung “khổng lồ” nặng đến 7,8kg cho một nữ bệnh nhân. Đó là chị N.T.P, sinh năm 1973, ngụ huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ. Trước đó, chị P. được Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ chuyển đến Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ cấp cứu trong tình trạng bụng có khối u xơ rất to, nặng như phụ nữ đang mang thai chuẩn bị sinh. Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ của bệnh viện đã tiến hành thăm khám, làm các xét nghiệm cần thiết và hội chuẩn quyết định tiến hành phẫu thuật cắt tử cung toàn phần chừa 2 buồng trứng để tránh trường hợp mất nhiều máu ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. Ekíp phẫu thuật tiến hành trong nhiều giờ ngày hôm qua 25/4 đã cắt bỏ thành công khối u xơ tử cung nặng đến 7,8kg trong bụng chị P. Hiện chị P. đang được theo dõi tại phòng Hậu phẫu khoa phẫu thuật Gây mê - Hồi sức tích cực - Chống độc của bệnh viện. Theo bệnh viện, u xơ tử cung là bệnh phụ khoa lành tính, thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, để bảo vệ bản thân nên đi khám định kỳ để phát hiện và chữa trị kịp thời tránh gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Vietnamnet

Bắt gần 10 tấn nguyên liệu thuốc bắc nhập lậu

Gần 10 tấn nguyên liệu thuốc bắc nhập lậu gồm táo tàu, thục địa, cam thảo, hoài sơn, đương quy, đỗ trọng... được đựng trong các bao tải và thùng carton bên ngoài in chữ Trung Quốc vừa bị công an Hưng Yên bắt giữ. Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46 - Công an tỉnh Hưng Yên) phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 11 thuộc Chi cục Quản lý thị trường tỉnh vừa phát hiện và bắt giữ gần 10 tấn nguyên liệu không rõ nguồn gốc dùng để bào chế thuốc cắc. Cụ thể, tại xóm 4, thôn Điện Biên, xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên, cơ quan chức năng phát hiện ô tô tải BKS 89C-04340 do lái xe tên Hưng (sinh năm 1976, quê xã Trung Dũng, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) đang dừng đỗ, bốc xếp hàng hóa. Kiểm tra trên xe và tại kho chứa, lực lượng chức năng phát hiện nhiều nguyên liệu dùng để bào chế thuốc Bắc gồm táo tàu, thục địa, cam thảo, hoài sơn, đương quy, đỗ trọng... Các nguyên liệu này được đựng trong các bao tải và thùng carton bên ngoài in chữ Trung Quốc. Toàn bộ số hàng có tổng trọng lượng 9,7 tấn. Chủ hàng là bà Nguyễn Thị Thắm khai nhận đã mua lô hàng trên của 2 phụ nữ không rõ địa chỉ; đồng thời, không xuất trình được các giấy tờ liên quan đến nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Tuy các nguyên liệu là vị thuốc bắc, nhưng chủ hàng khai nhận là dùng để bào chế thuốc nam. Hiện, cơ quan chức năng đã lập biên bản, tạm giữ số hàng trên để xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. Thời gian gần đây, tình trạng buôn bán, vận chuyển nguyên liệu chế biến thuốc bắc lậu, kém chất lượng từ biên giới Việt-Trung có xu hướng tăng mạnh với số lượng lớn. Theo cơ quan chức năng, các chủ hàng thường mua nguyên liệu thuốc không rõ nguồn gốc từ Trung Quốc, rồi nhập vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch, sau đó tập kết ở Lạng Sơn và đưa về Hà Nội cũng như các tỉnh phía nam tiêu thụ. Việc buôn bán, vận chuyển các nguyên liệu bào chế thuốc lậu nguy hiểm ở chỗ, nếu các nguyên liệu này được bào chế thành thuốc thành phẩm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người sử dụng. Trước đó, vào cuối tháng 4, các cơ quan chức năng ở Hà Nội cũng đã bắt giữ xe tải vận chuyển khoảng 6 tấn rễ, vỏ cây nghi là nguyên, dược liệu để làm thuốc bắc. Chủ hàng khai nhận đã mua số rễ, vỏ cây này với giá 5.000-6.000 đồng/kg với ý định đem xuống Hà Nội bán kiếm lời. Toàn bộ số hàng trên có xuất xứ từ Trung Quốc và khi mua bán không hề có hóa đơn, chứng từ hợp lệ.

Lao động

Formosa bất nhất trong thông tin dùng hóa chất súc rửa đường ống

 Một ngày trước đó, đại diện Cty Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) khẳng định có sử dụng một phần nhỏ trong số 296 tấn hóa chất nhập về để tẩy rửa đường ống. Thế nhưng, trong cuộc họp báo chiều 26.4, trước hàng chục PV báo chí, họ lại nói không dùng hóa chất tẩy rửa đường ống.

Từ chối nhiều câu hỏi

Như Lao Động đã đăng tải ngày 26.4, với bài viết “Sở Tài nguyên Môi trường Hà Tĩnh chưa đấu nối kiểm tra xả thải tự động của Formosa Hà Tĩnh” đã thông tin, ông Hoàng Giật Thuyên - Giám đốc Phòng An toàn vệ sinh môi trường của Tập đoàn Formosa ở Việt Nam - cho biết, 3 tháng đầu năm 2016, Cty FHS đã nhập về 296 tấn hóa chất. Một phần nhỏ trong số này, Cty đã dùng vào việc tẩy rửa đường ống trong giai đoạn chạy thử nhà máy. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo chiều 26.4 để thông tin xung quanh phát ngôn gây “sốc” của ông Chu Xuân Phàm với một số PV ngày 25.4, trước câu hỏi của một PV về việc Cty nhập hóa chất về sử dụng thế nào trong tẩy rửa đường ống, ông Trương Phục Ninh - Phó TGĐ điều hành Cty FHS - khẳng định, Cty không dùng hóa chất tẩy rửa đường ống. Mà hóa chất được dùng vào việc làm nguội nước. Vị đại diện FHS cũng khẳng định, về vấn đề cá chết thời gian qua, Cty cũng mong muốn cơ quan chức năng Việt Nam sớm làm rõ nguyên nhân, gỡ bỏ mối nghi ngờ của dư luận xã hội với Cty. Trước trả lời bất nhất phủ nhận việc dùng hóa chất vào tẩy rửa đường ống, nhiều PV bất ngờ đặt câu hỏi chất vấn nhưng phía FHS đã từ chối trả lời, với lý do bận làm việc theo kế hoạch, có câu hỏi nào tập hợp lại trả lời sau.

Xin lỗi người dân Việt Nam vì phát ngôn “sốc”

Tại cuộc họp báo, đại diện FHS thông tin, ông Chu Xuân Phàm chỉ là một trong những cán bộ được Cty điều cử làm việc tại văn phòng Hà Nội, hoàn toàn không phải là người phát ngôn của Cty. Người phát ngôn về các vấn đề liên quan đến môi trường của Cty là Giám đốc Khâu Nhân Kiệt.“Việc ông Phàm vì cảm xúc cá nhân đã phát biểu có những câu không đúng đắn, Cty xin nhấn mạnh, những phát biểu đó không đại diện cho lập trường của Cty. Sau phát biểu đó, ông Phàm đã nghiêm khắc tự kiểm điểm bản thân. Phía Cty cũng sẽ xử lý kỷ luật nghiêm khắc với ông Phàm” - theo FHS. Sau giải thích đó, toàn thể cán bộ, nhân viên FHS có mặt tại cuộc họp đã cúi đầu nói lời xin lỗi đến nhân dân Việt Nam. Khi cuộc họp kết thúc, ông Chu Xuân Phàm còn nán lại sau đoàn lãnh đạo FHS, cúi gập đầu xuống, nói “tôi chân thành xin lỗi nhân dân Việt Nam, rất xin lỗi”. Chiều nay (27.4) tại Hà Nội sẽ diễn ra hội nghị công bố kết quả kiểm nghiệm, nguyên nhân bước đầu gây nên thảm hoạ cá chết trên biển từ Vũng Áng (Hà Tĩnh) kéo vào phía nam gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Hội nghị đó có sự tham dự của các cơ quan hữu quan các tỉnh phải gánh chịu thảm hoạ cá chết đã và đang xảy ra.

 

Ngày 10/05/2016
Ban Biên tập Website
(Điểm tin từ các Báo)
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích