Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 29/03/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 2 8 6 1 9 0
Số người đang truy cập
6 1
 Tin tức - Sự kiện Điểm tin y tế
Điểm tin y tế từ các báo ngày 19/2 đến 24/2 năm 2016

Lao động

Thiết lập 8 điểm giám sát trọng điểm virus Zika tại khu vực phía Nam

Từ 15/2/2016 đến nay, Viện Pasteur đã thiết lập hệ thống giám sát tại 8 điểm thuộc 8 tỉnh, đó là các phòng khám ngoại trú thuộc bệnh viện tuyến huyện, đặc biệt tập trung giám sát các bệnh nhân ngoại trú vì đây là bệnh nhẹ, tương đồng với lâm sàng mắc Zika. Mỗi điểm này mỗi ngày lấy tối đa 6 mẫu (3 người lớn, 3 trẻ em) với các triệu chứng lâm sàng như sốt nhẹ, có phát ban cùng các biểu hiện như viêm giác mạc, viêm khớp, đau mình mẩy… gửi về Viện Pasteur TPHCM trong tuần để làm xét nghiệm các tác nhân sốt xuất huyết, Chikungunya và Zika. Đây là 3 tác nhân mà chúng ta đang nằm trong vùng nguy cơ nên cần làm để phát hiện sớm các trường hợp xâm nhập. Nếu phát hiện có trường hợp Zika xâm nhập, sẽ thực hiện điều tra ngay tại chỗ trên muỗi, người bệnh và người tiếp xúc để kiểm soát kịp thời, ngăn chặn sự lây lan của virus. Tuy nhiên, sự kiểm soát này nếu chỉ dựa vào lực lượng y tế thì sẽ không thể thực hiện hiệu quả mà cần có sự góp sức của cả cộng đồng. Đây là loại bệnh chưa có vắc xin dự phòng, chưa có điều trị đặc hiệu cũng như test chẩn đoán nhanh trong khi mật độ muỗi, vùng nguy cơ lại cao, tác động nhìn thấy được lại chỉ nhìn thấy sau 6-9 tháng nên nếu từng người dân không phối hợp với ngành y tế thì sẽ khó có thể phòng chống, kiểm soát hiệu quả.

Công bố số điện thoại tư vấn bệnh do virus Zika

Để chủ động phòng chống bệnh do virus Zika xâm nhập và lây lan tại Việt Nam, Bộ Y tế vừa mới công bố số điện thoại tư vấn, điều trị bệnh do virus Zika. Theo đó, Để chủ động phòng chống bệnh do virus Zika xâm nhập và lây lan, Bộ Y tế khuyến cáo phụ nữ có thai hoặc dự định có thai trong vòng 6 tháng tới không đến các quốc gia đang có dịch bệnh do virus Zika khi không cần thiết. Người về từ quốc gia đang có dịch bệnh do virus Zika chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 12 ngày, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, hãy đến cơ sở y tế để được khám tư vấn và điều trị. Điện thoại liên hệ: 0989.671.115. Bên cạnh đó, để phòng chống bệnh do virus Zika gây nên, người dân nên áp dụng biện pháp chống muỗi đốt, chủ động diệt muỗi và bọ gậy (loăng quăng). Trước đó, Cục Y tế dự phòng cho biết, Bộ Y tế đã có khuyến cáo mạnh mẽ về việc hiện nay, bệnh do virus Zika chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vaccine phòng bệnh. Tính đến ngày 9.2.2016 có 36 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ghi nhận virus Zika. Tới ngày 10.2.2016, Ủy ban Y tế và Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc thông báo đã ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm virus Zika xâm nhập về từ vùng dịch. Đây là người đàn ông 34 tuổi, người Giang Tây, đến Venezuela du lịch và có biểu hiện triệu chứng sốt, nhức đầu và hoa mắt vào ngày 28.1.2016, sau đó về nước vào ngày 5.02.2016, quá cảnh qua Hồng Kông (Trung Quốc). Bệnh nhân được phát hiện và xét nghiệm khẳng định nhiễm virus Zika vào ngày 6.2.2016. Hiện nay, bệnh nhân đang được điều trị và cách ly tại bệnh viện.

TP.HCM: 9 ca mang thai hộ thành công

Bệnh viện phụ sản Từ Dũ TP.HCM, cho biết thông tin trên vào sáng nay (19.2), tại Hội nghị tổng kết hoạt động y tế TP.HCM năm 2015. Theo bác sĩ Thanh, mang thai hộ là niềm hi vọng cuối cùng để có thể sinh con của các cặp vợ chồng hiếm muộn. Từ khi được phép triển khai thực hiện mang thai hộ (tháng 7.2015) đến nay, Bệnh viện Từ Dũ đã nhận được 33 hồ sơ đăng ký. Qua kiểm tra, có 19 hồ sơ đủ điều kiện, thủ tục pháp lý đã được duyệt. Trong đó, 16 trường hợp đã được thực hiện điều trị. Cho đến nay đã có 9 trường hợp thụ thai thành công…

Tặng thẻ bảo hiểm y tế miễn phí tới hộ gia đình khó khăn tỉnh Bắc Ninh

Ngày 19.2, tại huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, Quỹ Tấm Lòng Vàng (TLV) Lao Động phối hợp với Công ty BHNT Prudential Việt Nam và Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh tổ chức trao tặng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí tới các hộ gia đình khó khăn trong tỉnh. Hoạt động trên nằm trong chương trình trao tặng gần 1.000 thẻ BHYT trị giá gần 250 triệu đồng của Prudential Việt Nam tài trợ thông qua Quỹ TLV Lao Động. Ông Vũ Trung Thông- Giám đốc đối ngoại Prudential Việt Nam khu vực Hà Nội, Đông Bắc và Tây Bắc cho biết: “Chương trình trao tặng thẻ BHYT miễn phí chính thức được Prudential Việt Nam triển khai từ 3.12.2015. Thông qua việc trao tặng 7.000 thẻ BHYT miễn phí với với tổng trị giá 1,5 tỉ đồng cho hộ gia đình nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn, Prudential Việt Nam mong muốn giúp người dân có điều kiện được khám chữa bệnh trong 1 năm, đẩy lùi bệnh tật và hỗ trợ thiết thực cho an sinh xã hội”. Gia đình anh Hoàng Khắc Phú – công nhân Công ty Đồng Tâm là hộ gia đình khó khăn. Dịp này, nhờ nguồn tài trợ từ Prudential Việt Nam, gia đình 5 người nhà anh, gồm: Hai vợ chồng, mẹ đẻ và hai con đều được tặng thẻ BHYT. Anh Phú xúc động nói: “Hai cháu nhà tôi đã đi học, ở trường nhiều bạn đã mua thẻ BHYT nhưng gia đình khó khăn nên lâu nay cũng đành chịu. Nay, được sự quan tâm, nếu chẳng may ốm đau phải đi viện, cả gia đình tôi đều có cơ hội hưởng sự hỗ trợ chăm sóc sức khỏe từ Nhà nước. Tôi không biết nói gì hơn là xin cảm ơn những tấm lòng vàng đã quan tâm đến hộ dân nghèo, hoàn cảnh khó khăn như gia đình tôi”. Với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, mong muốn chia sẻ khó khăn với người dân địa phương, từ năm 2015 đến nay, Prudential Việt Nam đã phối hợp cùng Quỹ TLV Lao Động triển khai nhiều chương trình an sinh xã hội tại tỉnh Bắc Ninh như: Tặng xe đạp; trao học bổng; tặng nhà tình thương… với trị giá tài trợ hàng trăm triệu đồng. Thay mặt chính quyền địa phương, ông Bùi Ngọc Quang – Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh khẳng định: “Việc ốm đau, bệnh tật không ai mong muốn nhưng với những chiếc thẻ BHYT miễn phí trong 1 năm được trao tặng hôm nay rất có ý nghĩa trong việc hỗ trợ người dân địa phương chăm sóc sức khỏe”.

An ninh thủ đô

Tập trung bảo đảm an toàn thực phẩm mùa lễ hội

Ngày 18-2, thông tin từ Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế cho biết, hiện đang là thời điểm sôi động của mùa Lễ hội Xuân 2016, nguy cơ mất ATTP và xảy ra sự cố ATTP được dự báo sẽ diễn biến phức tạp. Do vậy, Cục ATTP đã có công văn đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố tập trung vào công tác quản lý, chỉ đạo; thông tin tuyên truyền giáo dục; thanh tra liên ngành về ATTP; giám sát phát hiện sớm ca ngộ độc thực phẩm trong cộng đồng. Qua thanh kiểm tra phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật và công khai các vi phạm trên các phương tiện thông tin để cảnh báo cho cộng đồng. Cục ATTP cũng đề nghị Ban tổ chức lễ hội, UBND các địa phương quy hoạch địa điểm, bố trí nguồn nước sạch, hệ thống nước sạch, thu gom, xử lý rác thải, nước thải bảo đảm an toàn phục vụ các cơ sở kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trong khu vực lễ hội.

Cảnh giác bệnh truyền nhiễm trong mùa đông xuân

Bước vào mùa đông xuân được coi là thời điểm có nguy cơ gia tăng một số bệnh truyền nhiễm như sởi, quai bị, thủy đậu, cúm… nhất là đối với trẻ em. Năm nay hầu hết số ca bệnh đều giảm so với cùng thời điểm năm ngoái, chưa có dấu hiệu dịch bệnh nhưng đã lác đác xuất hiện những ca bệnh truyền nhiễm, vì vậy rất cần đề phòng khả năng bệnh lây lan. Theo thống kê của BV Nhi Trung ương đến ngày 15-2, bệnh viện đã ghi nhận 10 ca thủy đậu, 9 ho gà, 4 quai bị, 1 ca sởi, 12 ca sốt xuất huyết, 70 trường hợp mắc hội chứng cúm… So với cùng thời điểm năm ngoái, đa phần số ca bệnh giảm, chẳng hạn như thủy đậu cùng kỳ năm ngoái ghi nhận 22 ca bệnh. Riêng sởi năm nay tỷ lệ mắc giảm rõ rệt, tháng 1-2015 đã có tới 21 ca bệnh trong khi thời điểm này bệnh viện mới ghi nhận 1 ca. BV Nhi Trung ương cho biết: “Đến thời điểm này các bệnh truyền nhiễm vẫn rải rác, chưa có dấu hiệu tăng đột biến. Nguyên nhân là do sau dịch sởi bùng phát năm 2014, các bậc phụ huynh đã có ý thức đưa con đi tiêm phòng đầy đủ”. Tương tự, tại nhiều bệnh viện khác như BV Da liễu Trung ương cũng rải rác có những bệnh nhân thủy đậu, zona thần kinh (căn bệnh thứ phát ở nhóm bệnh nhân từng mắc thủy đậu) đến khám. Đặc biệt tại BV Bạch Mai, bên cạnh bệnh nhân thủy đậu gia tăng so với thời điểm trước Tết thì cũng ghi nhận nhiều ca bệnh quai bị. Riêng trong tháng 1-2016 đã có khoảng 30 bệnh nhân quai bị vào viện khám, tăng đột biến so với cùng kỳ các năm, trong đó rất nhiều bệnh nhân là người lớn. Đây là bệnh lây qua đường hô hấp và xuất hiện nhiều vào mùa đông xuân nên nguy cơ bệnh lan rộng trong cộng đồng là rất lớn. Dù các bệnh truyền nhiễm chưa có dấu hiệu gia tăng đột biến, nhưng đây là thời điểm rất dễ lây lan, vì vậy người dân cần đặc biệt nâng cao ý thức phòng tránh. Đối với trẻ em, cách tốt nhất là tiêm phòng vaccine và tiêm nhắc lại đúng lịch. Khi trẻ có các dấu hiệu như sốt, đau họng, phát ban hay các dấu hiệu lạ khác cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và hướng dẫn cách điều trị kịp thời. Cũng không nên sốt sắng đưa trẻ đến các cơ sở y tế tuyến trên, tránh gây quá tải và gia tăng nguy cơ lây nhiễm chéo. Hiện y tế tuyến cơ sở đã hoàn toàn có khả năng khám và điều trị các bệnh truyền nhiễm. Về vấn đề tiêm phòng vaccine, hiện vaccine kết hợp ngừa sởi - quai bị - rubbella được tiêm cho trẻ đủ 12 tháng tuổi. Tuy nhiên trong tình hình bệnh có nguy cơ lây lan, các chuyên gia khuyến cáo phụ huynh không nên chờ đến khi trẻ đủ 12 tháng tuổi mới tiêm mũi kết hợp mà cần tiêm sởi đơn khi trẻ đủ 9 tháng tuổi. Tiêm mũi 1 khi trẻ 9 tháng tuổi, hiệu quả bảo vệ đạt được 85%. Khi tiêm mũi 2 lúc trẻ đủ 18 tháng tuổi, hiệu quả bảo vệ tăng lên 95-99%. Tiêm mũi 2 không chỉ củng cố miễn dịch của người được tiêm mà còn giúp nâng tỷ lệ miễn dịch cộng đồng. Thực tế mùa dịch những năm trước cho thấy, rất nhiều trẻ bị mắc sởi trước khi đợi tiêm mũi vaccine “3 trong 1”. Trong số 39 ca mắc sởi tại Hà Nội năm ngoái, trẻ nhỏ nhất là 3 tháng tuổi, 74% ca bệnh không tiêm phòng hoặc tiêm không đầy đủ. Tương tự, phụ huynh cũng cần cho trẻ tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine thủy đậu, cúm… Phòng tránh muỗi đốt để tránh mắc bệnh sốt xuất huyết. Ăn chín, uống sôi, giữ gìn vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường sống để tránh các bệnh lây nhiễm. Đồng thời phải ăn uống đủ chất để tăng cường sức đề kháng.

Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội: Tiếp nhận bệnh nhân bị bỏng do đốt pháo

Trong các ngày từ 18 đến 21-2, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội đã tiếp nhận bệnh nhân bị chấn thương sọ não do TNGT và bệnh nhân bị bỏng do đốt pháo. Tại Khoa Phẫu thuật thần kinh tính đến ngày 21-2, có 4 nạn nhân bị chấn thương sọ não do TNGT đang nằm điều trị. Trong đó, có trường hợp anh N.Đ.T, 35 tuổi nhà ở tỉnh Lào Cai do trời tối, điều khiển xe máy va vào xe công nông đỗ bên đường, được chuyển từ Bệnh viện Lào Cai về ngày 19-2. Các bác sĩ chẩn đoán chấn thương sọ não, máu tụ nội sọ. Nạn nhân đã được mổ ngay và hiện đã tỉnh. Bệnh nhân P.T, 59 tuổi ở quận Tây Hồ (Hà Nội) bị tai nạn giữa được theo dõi chấn thương sọ não kèm gãy xương sườn số 7, chảy máu tai trái. Tại Khoa Bỏng, các thầy thuốc đã tiếp nhận đang điều trị cho anh N.V.Q, 19 tuổi,  ở Hưng Yên vì bị bỏng bàn tay trái và bàn tay phải bị đứt 1 ngón. Trước đó, em Q và một số bạn đem quả pháo xịt ra đồng để đốt, rất may pháo chỉ cháy chứ không nổ.

Sức khỏe & Đời sống

Người dân có bị tác động khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế?

Vụ KHTC (Bộ Y tế) cho biết, mức giá viện phí điều chỉnh mới theo quy định tại Thông tư 37 của liên Bộ Y tế - Tài chính thực hiện từ ngày 1/3/2016 được tính chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù. Còn từ 1/7/2016 sẽ tính thêm tiền lương của nhân viên y tế. Mức giá viện phí điều chỉnh trước mắt chỉ áp dụng thanh toán BHYT nên 25% dân số không có thẻ BHYT chưa bị ảnh hưởng.

Trước mắt áp dụng cho nhóm người bệnh có thẻ BHYT

Thông tư liên tịch số 37 quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) của 1.887 dịch vụ giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc sẽ được thực hiện theo hai lộ trình: mức giá gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù được thực hiện từ ngày 1/3 và mức giá gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù và tiền lương được thực hiện kể từ ngày 1/7. Một số bệnh viện là đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; các bệnh viện tư nhân được thực hiện mức giá gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù và tiền lương kể từ ngày 1/3. Theo dự định giá viện phí đã được điều chỉnh từ tháng 11/2015, tuy nhiên việc tính tiền lương, phụ cấp vào giá đòi hỏi nhiều thời gian nên liên Bộ Y tế - Tài chính đã lùi thời gian ký ban thành thông tư. “Việc chia thành 2 đợt (trừ bệnh viện tư được điều chỉnh gộp từ 1/3) điều chỉnh giá dịch vụ y tế để giảm tác động đến đời sống của người dân và chỉ số giá tiêu dùng. Tăng giá ở đây không phải là tăng chi phí để thực hiện các dịch vụ y tế mà là chuyển các khoản chi trước đây được Nhà nước bao cấp cho các bệnh viện vào giá sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT” - ông Liên cho biết thêm. Thông tư này trước mắt áp dụng cho nhóm người bệnh có thẻ BHYT. Mức độ tác động đến các nhóm có khác nhau, cụ thể: khoảng 23,7 triệu người là người nghèo, trẻ dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội có thẻ BHYT không bị ảnh hưởng bởi đây là nhóm được cấp thẻ BHYT miễn phí, khi đi KCB được thanh toán 100%. Với người cận nghèo, nhóm này đã được ngân sách hỗ trợ tối thiểu 70%, có địa phương còn hỗ trợ 80-90% để tham gia BHYT. Khi đi KCB họ cũng được quỹ BHYT thanh toán 95% chi phí, chỉ phải đồng chi trả 5% nên mức độ tác động không nhiều. Đối với nhóm phải đồng chi trả 20% có bị ảnh hưởng, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng không nhiều. Trước đây, khi chưa tính đủ giá, người bệnh thường phải trả thêm, nay được tính đủ thì sẽ không phải trả thêm. Mặt khác, từ ngày 1/1/2015, người tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên đi KCB đúng tuyến, khi số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì chỉ phải thanh toán tối đa 6 tháng lương cơ sở. Tuy nhiên, theo ông Liên, trong tương lai, người không có thẻ BHYT cũng phải áp dụng theo mức giá mới, do đó Bộ Y tế khuyến khích người chưa có thẻ nên tham gia BHYT (hiện tỷ lệ tham gia BHYT của cả nước đạt 77%).

Không được điều chỉnh giá dịch vụ KCB theo yêu cầu

Với việc điều chỉnh giá này, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện tạm thời không được điều chỉnh giá dịch vụ KCB theo yêu cầu, giá của các dịch vụ kỹ thuật trên các máy xã hội hóa. Các cơ sở cũng phải công khai phần chênh lệch giữa 2 loại giá: do BHYT chi trả và các máy xã hội hóa; thực hiện giảm phần chênh lệch phải nộp đối với người bệnh có thẻ BHYT. Ví dụ, giá khám bệnh theo yêu cầu của bệnh viện hạng I đang quy định là 50.000 đồng, giá trước đây là 20.000 đồng, người bệnh có thẻ BHYT phải nộp phần chênh lệch thêm là 30.000 đồng, ngoài phần đồng chi trả. Từ ngày 1/7, giá khám bệnh là 39.000 đồng, người bệnh sẽ phải nộp phần đồng chi trả, nộp thêm phần chênh lệch là 11.000 đồng. Hoặc bệnh viện thực hiện xã hội hóa 1 máy CT Scanner 64 dãy, giá chụp (gồm cả thuốc cản quang, cả khấu hao) là 2,5 triệu đồng - trong khi giá BHYT chi trả là 1,7 triệu đồng; vì thế, ngoài phần đồng chi trả người bệnh phải nộp thêm phần chênh lệch thêm là 800.000 đồng. Kể từ ngày 1/3, khi viện phí tăng thì ngoài phần đồng chi trả, người bệnh chỉ phải nộp thêm phần chênh lệch là 333.000 đồng và từ ngày 1/7 là 234.000 đồng. Việc tính tiền lương, phụ cấp vào giá sẽ thay đổi tư duy của cán bộ y tế khi chính BHYT và người bệnh là người trả lương cho mình. Nếu không nâng cao chất lượng dịch vụ, lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ, bệnh viện phục vụ tốt, chất lượng tốt thì bệnh nhân không đến KCB, không có nguồn tài chính để chi trả tiền lương và hoạt động. Hơn nữa, việc điều chỉnh giá viện phí giúp các bệnh viện có chi phí để sửa chữa, nâng cấp, cải tạo, mở rộng khu vực khám bệnh; mua sắm trang bị điều hòa, máy tính, các bộ dụng cụ khám bệnh đa khoa, chuyên khoa, bàn, ghế, giường, tủ, mua chăn ga gối đệm, phát triển, triển khai các kỹ thuật mới... thì sẽ nâng cao được chất lượng điều trị. Bộ Y tế vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh thành, đề nghị tỉnh thành nào chưa lập quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo theo yêu cầu năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ thì lập ngay để hỗ trợ người nghèo, người bị bệnh dài ngày của địa phương đi khám chữa bệnh.

Xử phạt nhiều cơ sở y tế hoạt động sai chuyên môn

Sở Y tế TPHCM ngày 16-2 cho biết, từ ngày 1-2 đến 5-2 đã xử phạt 30 cơ sở hành nghề y, dược có vi phạm về hoạt động chuyên môn với tổng cộng số tiền phạt hàng trăm triệu đồng. Trong đó, một số hành vi vi phạm được chú ý như người quản lý chuyên môn vắng mặt nhưng không thực hiện việc ủy quyền theo quy định của pháp luật; sản xuất thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng; hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn được phép; sử dụng người hành nghề không có chứng chỉ hành nghề; quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định; kinh doanh thuốc không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc; không thực hiện việc mở sổ hoặc không sử dụng phương tiện để theo dõi hoạt động mua thuốc, bán thuốc theo quy định của pháp luật… Đáng chú ý có cơ sở một lúc mắc nhiều hành vi vi phạm như Công ty TNHH một thành viên Y học cổ truyền T.Đ (đường Trần Hưng Đạo, phường 1, quận 5, TPHCM) gồm bán thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ; kinh doanh thuốc không còn nguyên vẹn bao bì; sử dụng người hành nghề không có chứng chỉ hành nghề… bị xử phạt lên tới 185 triệu đồng.

Xử lý nhiều vụ mua bán giấy khám sức khỏe giả

Liên tiếp trong thời gian qua lực lượng công an đã bóc gỡ nhiều đường dây, xử lý nhiều đối tượng, trong đó nhiều đối tượng kinh doanh GKSK giả với những bản án thích đángvề tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại Điều 267, khoản 2, điểm b, Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, thủ đoạn kinh doanh bất hợp pháp này vẫn chưa có dấu hiệu giảm.

Nhiều đường dây bị bóc gỡ

Mới đây nhất, ngày 17/2, Công an TP. Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Tiến Sáng (SN 1992, ở Ngọc Liệp, Quốc Oai, Hà Nội) và Trần Đức Việt (SN 1992), sinh viên một trường đại học, để điều tra về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Sáng và Việt là hai nghi can đã sản xuất, bán GKSK giả mạo nhiều bệnh viện (BV) trên địa bàn Hà Nội. Theo cơ quan công an, từ tháng 12/2015, Nguyễn Tiến Sáng bắt đầu làm giả các loại GKSK. Đối tượng đặt mua các con dấu “giả” tên và chức danh của 7 bác sĩ BV Giao thông Vận tải, 5 khoa khám bệnh tại các BV khác nhau, 1 dấu chứng nhận đủ sức khỏe, 1 dấu thể hiện xét nghiệm âm tính và 200 bản photocopy các biểu mẫu khám chữa bệnh của BV GTVT. Thông qua facebook có tài khoản “caxau” để thực hiện hành vi kinh doanh GKSK giả. Cho đến khi bị phát hiện, Sáng khai nhận đã bán các loại GKSK giả với giá từ 100.000-200.000 đồng/bản, kiếm lời bất chính hơn 15 triệu đồng. Cũng với thủ đoạn như trên, tháng 5/2015, Trần Đức Việt quen tên Dũng chuyên “buôn” các loại giấy tờ khám sức khỏe và đặt vấn đề xin làm môi giới tìm khách tiêu thụ giấy tờ giả cho Dũng. Khoảng tháng 6/2015, Dũng ngỏ ý bán lại dụng cụ làm GKSK giả cho Việt với giá 5 triệu đồng. Cho đến khi bị phát hiện, Việt đã làm và bán khoảng 300 GKSK giả các loại, kiếm lời bất chính hàng chục triệu đồng. Vụ án đang được tiếp tục điều tra mở rộng. Trước đó, ngày 20/1, TAND TP. Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử nhóm bị cáo trong đường dây chuyên làm giả GKSK về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” quy định tại Điều 267, khoản 2, điểm b, Bộ luật Hình sự. Với tổng hình phạt cho các đối tượng trên là 123 tháng tù giam. Tại các địa phương, lực lượng công an cũng đã bắt giữ nhiều đường dây sản xuất, kinh doanh giấy tờ giả, trong đó có GKSK giả, bắt giữ nhiều đối tượng, cũng với thủ đoạn rao bán trên mạng. Qua đó cho thấy hành vi kinh doanh GKSK giả vẫn chưa có dấu hiệu “giảm nhiệt”, do nhu cầu của người dân cao.

Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm

Trước tình trạng mua bán GKSK giả tràn lan, Bộ Y tế đã có nhiều văn bản chỉ đạo các sở y tế và các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc tăng cường công tác quản lý khám, chữa bệnh, đặc biệt trong việc cấp GKSK. Theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), việc mua GKSK mà không cần đi khám là vi phạm pháp luật. Hành vi này vi phạm Điều 267, Bộ luật Hình sự “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Theo đó, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Với các đối tượng phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 2-5 năm: có tổ chức; phạm tội nhiều lần; gây hậu quả nghiêm trọng; tái phạm nguy hiểm. Với trường hợp phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, bị phạt tù từ 4-7 năm. Từ thực trạng này cho thấy, về phía các BV, cơ sở y tế có chức năng khám và cấp GKSK, cần thay đổi phong cách phục vụ, rút ngắn thời gian thăm khám, để người dân khi cần GKSK thì vào BV khám, tránh việc giao dịch với các đối tượng làm giả GKSK. Đối với những cá nhân mua những loại GKSK giả này đã vô tình tiếp tay cho kẻ gian cũng cần phải xử lý nghiêm.

Can thiệp nội mạch thành công cho bệnh nhân vỡ thận

Trường đại học Y dược Cần Thơ cho biết êkip bác sĩ thuộc Bệnh viện Đại học Y dược Cần Thơ vừa can thiệp thành công một ca vỡ thận gây tiểu máu tái phát kéo dài bằng phương pháp điều trị can thiệp nội mạch. Anh N.T.T. (30 tuổi, ở huyện Bình Minh, Vĩnh Long) nhập viện trong tình trạng tiểu máu nặng, da tái nhợt, mạch và huyết áp không ổn định. Theo người nhà bệnh nhân, anh T. từng bị chấn thương phần lưng do va chạm xe trước đó khá lâu, đã được điều trị tại các bệnh viện. Tuy nhiên khi về nhà anh T. bị chảy máu tái phát nặng, nhập viện tại Bệnh viện Đại học Y dược Cần Thơ. Kết quả chụp CT-scan mạch máu cản quang cho thấy anh T. bị vỡ thận trái độ II, có khối máu tụ dưới bao thận và hình ảnh mạch máu bị chấn thương. Êkip bác sĩ đã chọn phương pháp điều trị cầm máu bằng can thiệp nội mạch dưới hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền (DSA). Sau hai ngày can thiệp, anh T. không còn tiểu máu, hiện đã bình phục và xuất viện.

BVĐK Hà Tĩnh: Cứu sống bệnh nhân bị chấn thương gan nặng

BVĐK Tỉnh Hà Tĩnh cho biết bệnh viện vừa phẫu thuật cắt gan phải thành công cho bệnh nhân Nguyễn Trọng Nam, 52 tuổi Cẩm Dương, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh bị chấn thương nặng sau tai nạn giao thông. Được biết, bệnh nhân Nam nhập viện trong tình trạng hôn mê, da xanh tái, mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp 60/40 mmHg. Bác sỹ đón tiếp xác định đây là một ca bệnh nặng, song song với quá trình cấp cứu, hồi sức tích cực cho bệnh nhân, bệnh viện đã nhanh chóng tổ chức hội chẩn toàn viện tại khoa Cấp cứu chống độc với chẩn đoán ban đầu là Sốc đa chấn thương - Chấn thương bụng kín/ Theo dõi Chấn thương sọ não - Chấn thương cột sống, tiên lượng rất nặng. Tổ hội chẩn quyết định chuyển thẳng bệnh nhân lên khoa Gây mê hồi sức để phẫu thuật cấp cứu.Theo anh Nguyễn Trọng Trường (con bệnh nhân) kể lại, vào lúc 21 giờ ngày 13/02/2016 (mồng 05 tết Bính Thân) bố mình đang đi bộ trên đường thì bị xe máy đi ngược chiều đâm phải, sau tai nạn bệnh nhân đau nhiều vùng bụng, tinh thần lơ mơ, gia đình gọi xe cấp cứu đưa bệnh nhân vào thẳng Bệnh viện Đa khoa Tỉnh. Kíp phẫu thuật do BSCKII Phan Thanh Minh, Trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa làm trưởng kíp đã nhanh chóng phẫu thuật cho bệnh nhân. Sau khi mở bụng thấy máu chảy ồ ạt, ngập tràn ổ bụng, gan phải dập nát, không bảo tồn được, kíp phẫu thuật quyết định ga rô cuống gan, cắt các hạ phân thùy V, VI, VII và một phần phân thùy VIII. Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân đã được truyền 11 đơn vị máu tươi toàn phần (2,75 lít). Sau phẫu thuật, bệnh nhân được chuyển về khoa Hồi sức tích cực điều trị tiếp. "Đây là bệnh nhân đầu tiên bị chấn thương gan nặng như thế này được phẫu thuật thành công tại BVĐK Tỉnh. Việc cứu sống bệnh nhân Nguyễn Trọng Nam là nhờ sự phối hợp nhịp nhàng, sự nổ lực của cả hệ thống các khoa, phòng. Đặc biệt đang trong thời gian nghỉ tết nhưng do sự chỉ đạo quyết liệt của Ban giám đốc, tinh thần trách nhiệm cao của CBVC bệnh viện, sự chuẩn bị chu đáo, kỹ càng về nhân lực, thuốc nhất là lượng máu dự trữ... nên tạo thành một guồng máy hoạt động nhanh, kịp thời do đó quá trình cấp cứu, phẫu thuật gặp nhiều thuận lợi". Hiện tại sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc được, huyết động ổn định, dẫn lưu ổ bụng hết dịch. Mặc dù tình trạng bệnh nhân còn nặng, cần có thời gian để phục hồi, nhưng tiên lượng của bệnh nhân hiện tại tốt, hồi phục nhanh. Khoa đang tích cực điều trị để sớm đưa bệnh nhân về với gia đình, với cuộc sống đời thường.

Bác sĩ ở bệnh viện công vẫn được phép mở phòng khám tư

TS.Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp Chế Bộ Y tế cho rằng, một số trang mạng xã hội đưa thông tin, từ ngày mùng 1/7/2016, bác sĩ bệnh viện công không được làm giám đốc các bệnh viện và phòng khám tư nhân là thông tin suy diễn, gây hiểu lầm, không đúng với bản chất của Luật Khám bệnh, Chữa bệnh do Quốc hội ban hành.

Ý kiến của ông thế nào về thông tin một số các trang mãng xã hội đưa tin từ ngày mùng 1/7/2016, bác sĩ bệnh viện công không được làm giám đốc các bệnh viện và phòng khám tư?

Xin khẳng định trước tiên, việc một số tờ báo và các trang mạng xã hội đăng thông tin như trên trong thời gian gần đây là sự suy diễn, gây hiểu lầm, không đúng với bản chất của các quy định đưa ra. Theo tôi, người dân đã hiểu không đúng về quy định Dự thảo nghị định mới thay thế nghị định 87/2011/NĐ – CP lần này tại Chấm 5, Điều 14, Mục 3. Quy định này nêu: Người hành nghề khám, chữa bệnh phải đảm bảo thực hiện đúng 9 nguyên tắc. Những nguyên tắc  này không có gì khác biệt so với trước đây. Thực chất, quy định này đã được ban hành và áp dụng từ ngày 1/1/2012 tức là từ cách đây 5 năm chứ không phải tới ngày 1/7/2016 tới này mới áp dụng. Chấm 5, Điều 14, Mục 3 nghị định 87/2011/NĐ – CP nêu: “Người đang hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước không được đăng ký làm người đứng đầu của bệnh viện tư nhân hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp, Luật hợp tác xã, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử tham gia quản lý, điều hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phần vốn của Nhà nước.

Vậy, theo quy định này, bác sĩ bệnh viện công có được phép mở phòng khám và làm thêm tại các phòng khám tư nhân không thưa ông?

Một lần nữa xin khẳng định, theo quy định này, bác sĩ bệnh viện công vẫn được phép mở các phòng khám tư nhân như phòng khám răng, khám nhi, khám đa khoa, sản phụ khoa… Bác sĩ bệnh viện công được làm thêm, khám, chữa bệnh ngoài giờ tại các phòng khám, bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh tư nhân như trước đây. Tuy nhiên, bác sĩ bệnh viện công không được phép đứng ra thành lập, quản lý các bệnh viện tư nhân hoạt động theo hình thức doanh nghiệp, hợp tác xã đã quy định tại Chấm 5, Điều 14, Mục 3, trong dự thảo nghị định mới thay thế nghị định 87/2011/NĐ – CP sau đây Nguyên nhân nhà nước từ trước tới nay vẫn cho phép các bác sĩ làm việc ở các bệnh viện công lập hành nghề khám chữa bệnh ngoài giờ tại các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân bởi những lý do: Khám, chữa bệnh ngoài giờ nhằm đáp ứng những nhu cầu ngày càng tăng của người bệnh. Đây cũng là một cách nâng cao tay nghề cho y bác sĩ do có cơ hội làm việc thực tiễn nhiều hơn. Đồng thời cũng tạo điều kiện để các y, bác sĩ kiếm thêm thu nhập vì đồng lương còn thấp.

Tại sao lại cho phép bác sĩ bệnh viện công mở phòng khám tư mà không cho phép bác sĩ được thành lập hay làm giám đốc các bệnh viện tư hoạt động theo hình thức doanh nghiệp, hợp tác xã thưa ông?

Bởi phòng khám tư nhân hoạt động theo hình thức hộ kinh doanh cá thể, không hoạt động trong giờ hành chính, không làm sao nhãng và ảnh hưởng tới chất lượng công việc của các bác sĩ tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập. Khi một bác sĩ đang làm việc trong bệnh viện nhà nước mà tham gia quản lý bệnh viện tư nhân sẽ dẫn tới sao nhãng, phân tâm đối với công việc khám, chữa bệnh đang làm tại các bệnh viện nhà nước. Vì trong Luật Khám, chữa bệnh quy định, người thành lập, giám đốc bệnh viện tư phải chịu trách nhiệm quản lý, điều hành bệnh viện 24/24h và chịu trách nhiệm về sức khỏe, tính mạng của người bệnh trước pháp luật.

Vậy những đối tượng bác sĩ nào được phép đứng ra thành lập, quản lý các bệnh viện tư nhân hoạt động theo hình thức doanh nghiệp, hợp tác xã thưa ông?

Những bác sĩ từng làm việc tại các bệnh viện nhà nước đã về hưu, những y, bác sĩ đã được đào tạo nhưng không đi làm tại các bệnh viện công lập.

Lý do nào mà Bộ Y tế lại đưa ra một dự thảo mới khi không có điểm gì khác biệt với những quy định cũ về vấn đề này thưa ông?

Theo quy định  của luật đầu tư về các điều kiện kinh doanh, chính phủ sẽ ban hành các điều kiện dinh doanh về khám bệnh, chữa bệnh. Do đó, Bộ y tế mới dự thảo nghị định về kinh doanh khám bệnh chữa bệnh trên cơ sở kế thừa thông tư của Bộ Y tế. Quy định này hoàn toàn phù hợp với quy định của Lật khám bệnh chữa bệnh. Đây là dự thảo Bộ Y tế công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ với mục đích xin ý kiến của nhân dân. Sau khi thu thập ý kiến của nhân dân thì Bộ Y tế mới hoàn chỉnh để trình Chính phủ. Cụ thể, TS. Nguyễn Huy Quang khẳng định, theo quy định mới, các bác sỹ bệnh viện công vẫn được phép mở các phòng khám tư nhân như phòng khám răng, khám nhi, khám đa khoa, sản phụ khoa… hoạt động theo hình thức hộ kinh doanh cá thể, không hoạt động trong giờ hành chính, không làm sao nhãng và ảnh hưởng tới chất lượng công việc của các bác sỹ tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập. Bác sỹ bệnh viện công vẫn được làm thêm, khám, chữa bệnh ngoài giờ tại các phòng khám, bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh tư nhân như trước đây. Các bác sỹ bệnh viện công chỉ không được phép đứng ra thành lập, quản lý các bệnh viện tư nhân hoạt động theo hình thức doanh nghiệp, hợp tác xã. Bởi, khi một bác sỹ đang làm việc trong bệnh viện nhà nước mà tham gia quản lý bệnh viện tư nhân sẽ dẫn tới sao nhãng, phân tâm đối với công việc khám, chữa bệnh đang làm tại các bệnh viện nhà nước. Vì trong Luật Khám, chữa bệnh quy định, người thành lập, giám đốc bệnh viện tư phải chịu trách nhiệm quản lý, điều hành bệnh viện 24/24h và chịu trách nhiệm về sức khỏe, tính mạng của người bệnh trước pháp luật. TS. Nguyễn Huy Quang cho biết, nguyên nhân từ trước tới nay vẫn cho phép các bác sỹ làm việc ở các bệnh viện công lập hành nghề khám chữa bệnh ngoài giờ tại các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân là do khám, chữa bệnh ngoài giờ nhằm đáp ứng những nhu cầu ngày càng tăng của người bệnh. Đây cũng là một cách nâng cao tay nghề cho y bác sỹ do có cơ hội làm việc thực tiễn nhiều hơn. Đồng thời cũng tạo điều kiện để các y, bác sĩ kiếm thêm thu nhập vì đồng lương còn thấp. Cũng theo TS. Nguyễn Huy Quang, người dân đã hiểu không đúng về quy định Dự thảo nghị định mới thay thế nghị định 87/2011/NĐ – CP lần này nên mới hiểu sai về bản chất của quy định và đây cũng chỉ đang là dự thảo được Bộ Y tế công bố để lấy ý kiến của nhân dân. Sau khi thu thập ý kiến của nhân dân thì Bộ Y tế mới hoàn chỉnh để trình Chính phủ.

BV Bạch Mai phải hiện đại ngang tầm các bệnh viện tiên tiến trong khu vực và thế giới

Sáng ngày 19-2-2016, Bệnh viện Bạch Mai đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 105 năm thành lập bệnh viện và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba (lần 2) cùng nhiều danh hiệu cao quý khác do Nhà nước trao tặng. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến dự và phát biểu tại buổi lễ. Được thành lập từ năm 1911, với tên gọi ban đầu là BV lây Cống Vọng, đến nay, BV Bạch Mai đã trở thành BV đa khoa hạng đặc biệt, là cơ sở đầu ngành tuyến cuối của các tỉnh phía Bắc. Giám đốc BV Bạch Mai, PGS.TS Nguyễn Quốc Anh cho biết, nhờ ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến và có hệ thống trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, trình độ thầy thuốc của BV được nâng cao, góp phần cứu sống nhiều người bệnh nặng và mắc bệnh hiểm nghèo. Riêng 5 năm qua, 500 kỹ thuật mới, tiên tiến, hiện đại được ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị cho người bệnh như: ghép thận, ghép tuỷ, ghép tế bào gốc tạo máu, thụ tinh trong ống nghiệm, lấy sỏi mật qua da, xạ trị gia tốc, điều trị ung thư gan bằng hạt vi cầu phóng xạ Y-90, xạ phẫu với dao Gamma quay để điều trị u não và bệnh lý sọ não… Đặc biệt, kỹ thuật ghép tự thân là hướng đi mới được BV ứng dụng trong điều trị một số bệnh lý không còn đáp ứng với phương pháp điều trị thông thường. Trong đó, ghép van tim tự thân để chữa dị tật bẩm sinh; sử dụng tế bào gốc tự thân trong điều trị các bệnh lý tim mạch nặng (như: suy tim sau nhồi máu cơ tim...), sử dụng tế bào gốc mô mỡ tự thân để điều trị bệnh lý mãn tính thoái hóa khớp gối… Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang biểu dương những thành tựu hết sức to lớn mà các thế hệ lãnh đạo, y bác sĩ đã nỗ lực đạt được trong suốt chiều dài phát triển vừa qua, đóng góp to lớn cho đất nước. Đặc biệt trong thời kỳ mới hiện nay, Bệnh viện Bạch Mai vẫn đang tiếp tục có bước phát triển vượt bậc về quy mô, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ các thầy thuốc, trở thành một bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh, hiện đại, ngang tầm các nước trong khu vực, cũng là một trong những trung tâm nghiên cứu khoa học và đào tạo hàng đầu của ngành y cả nước.

Quyết liệt thực hiện đổi mới phong cách phục vụ gắn với cải cách thủ tục hành chính

Thực hiện đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh song song với cải cách thủ tục hành chính quyết liệt trong khám chữa bệnh là một trong những mục tiêu ngành y tế hướng đến để cộng đồng ngày càng hài lòng hơn với ngành. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi với Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế.

Thưa ông, một trong những điểm nhấn trong năm 2015 của ngành y tế là việc toàn ngành triển khai thực hiện việc đổi mới phong cách và nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh. Qua kiểm tra thực tế, ông đánh giá những thay đổi về nhận thức trong ứng xử của nhân viên y tế như thế nào?

Ngành y tế quyết tâm đổi mới phong cách phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh trong toàn ngành, chính vì thế, vừa qua, qua kiểm tra từ thực tiễn cho thấy tại hầu hết các cơ sở y tế đã có tập huấn cho toàn thể nhân viên y tế. Do đó, hiện nay, tinh thần thái độ của toàn thể cán bộ nhân viên trong bệnh viện (BV) nói chung đã có sự thay đổi, kể cả bảo vệ. Bên cạnh đó, các BV đều đã và đang thành lập các phòng công tác xã hội, hộp thư góp ý. Đồng thời, đường dây nóng y tế ngày càng phát huy hiệu quả. Chính vì thế, qua khảo sát trực tiếp từ người dân, rất nhiều ý kiến cho rằng, thời gian qua, tinh thần thái độ của nhân viên y tế đã thay đổi nhiều, người bệnh đã nhận được nụ cười, sự chia sẻ nhiều hơn của thầy thuốc trong quá trình khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Qua đây cho thấy, chính sự quyết tâm của toàn ngành, sự vào cuộc quyết liệt của các cơ sở y tế và chính cán bộ y tế cũng thấy cần phải thay đổi nên kế hoạch đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng đến sự hài lòng của người bệnh đã bước đầu phát huy hiệu quả và được đón nhận, ghi nhận và đánh giá cao. Bên cạnh đó, nhờ quy trình khám chữa bệnh được tinh gọn hơn, thủ tục hành chính được tinh giản từ 12-14 thủ tục trước đây, xuống còn một nửa đã giúp cho thời gian giải quyết các thủ tục hành chính trong các cơ sở y tế được rút ngắn xuống còn 48,5 phút trên lượt khám bệnh. Tất cả những nỗ lực này đều vì người bệnh và người nhà bệnh nhân, để hướng tới việc cộng đồng ngày càng hài lòng hơn đối với ngành y.

Thế nhưng, cũng qua thực tế cùng đoàn kiểm tra của Bộ Y tế, chúng tôi vẫn thấy có đây đó cán bộ y tế chưa thực sự thay đổi phong cách, thái độ vì người bệnh vẫn còn có những phàn nàn. Vậy ngoài những giải pháp đã làm, ngành y tế sẽ tiếp tục có những giải pháp gì để phong cách phục vụ của nhân viên y tế thực sự thay đổi như mong muốn của xã hội, thưa ông?

Đến thời điểm này, tất cả các cơ sở y tế trực thuộc Bộ đã ký cam kết, 38 tỉnh thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện đổi mới phong cách thái độ phục vụ người bệnh. Tuy nhiên, chỗ này chỗ kia vẫn còn có những thầy thuốc, cán bộ y tế chưa thực sự thay đổi. Từ thực tế kiểm tra, chúng tôi nhận thấy tồn tại này. Để khắc phục, cần phải quyết tâm triển khai đồng bộ, trước hết phải tiếp tục, tăng cường tập huấn làm cho cán bộ y tế hiểu rõ trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mình trong việc thực hiện đúng, tốt các quy định của ngành. Bên cạnh đó, ngành y tế đã ban hành các quy định về đổi mới  quy trình, thủ tục KCB, buộc cán bộ y tế cũng phải thay đổi để bắt nhịp. Đồng thời, việc đổi mới cơ chế tài chính, với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, nếu nhân viên y tế không thay đổi phong cách, tinh thần, thái độ phục vụ thì người bệnh sẽ không đến khám chữa bệnh, nguồn thu của đơn vị sẽ giảm và ảnh hưởng ngay đến thu nhập của cán bộ. Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát nhân viên y tế qua nhiều kênh, trong đó kiên quyết và xử nghiêm các sai phạm. Thực tế cho thấy đã có không ít cán bộ y tế vi phạm quy chế của ngành và bị xử phạt theo nhiều hình thức khác nhau.

Cùng với thay đổi phong cách, thái độ phục vụ thì việc cải cách thủ tục hành chính tại các bệnh viện cũng đã được thực hiện, tuy nhiên, cải cách này vẫn chưa được triệt để, nhiều bệnh viện vẫn còn thủ tục rườm rà. Vậy trong năm 2016, ngành y tế sẽ đặt trọng tâm gì trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính?

Trước hết, để giúp người bệnh ngày càng hài lòng hơn khi đi khám chữa bệnh, ngành y tế sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu cải cách thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh và sự hài lòng của người bệnh. Đây là một trong 3 mục tiêu trọng tâm của ngành y tế trong cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, ngành sẽ tiếp tục nghiên cứu thực hiện cải cách tài chính công đối với đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt là đối với các BV công. Song song với đó, ngành y tế sẽ tiếp tục đổi mới cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHYT, tạo sự đồng bộ trong khám chữa bệnh BHYT nhằm làm tăng tỷ lệ người dân tham gia BHYT. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh… Cũng trong năm 2016, ngành y tế tiến hành khảo sát đánh giá sự hài lòng của người bệnh và nhân viên y tế trên toàn quốc để kịp thời giúp các đơn vị nhận ra tồn tại yếu kém để khắc phục, đồng thời cũng giúp cộng đồng xã hội giám sát, theo dõi và chứng nhận những gì họ đã đánh giá về cán bộ y tế, để làm gia tăng sự đồng cảm, chia sẻ của cộng đồng với ngành. Ngoài ra, trong năm 2016, ngành y tế sẽ xây dựng đề án nâng cao toàn diện chất lượng khám chữa bệnh, trình Thủ tướng phê duyệt…

Trân trọng cảm ơn ông!

Gia đình & Xã  hội 

BV Phụ sản TP Cần Thơ:  Đón 5 bé chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm

Ngày 15-2-2016, thông tin từ Bệnh viện (BV) Phụ sản TP Cần Thơ, dịp Tết Nguyên đán này, BV đón 5 bé khỏe mạnh chào đời (ảnh), nâng tổng số trẻ thụ tinh trong ống nghiệm tại BV là 67 bé. Đó là niềm vui và hạnh phúc của gia đình 4 sản phụ trẻ tuổi (trong khoảng 21 - 31 tuổi) các tỉnh ĐBSCL; cùng chung niềm khát khao sinh con nhưng không may các cặp vợ chồng mắc phải bệnh hiếm muộn do nhiều nguyên nhân như: sảy thai liên tiếp, vô sinh nguyên phát... Điển hình trường hợp sản phụ N.T.X. (SN 1987, ngụ TP Cần Thơ) sinh được hai bé trai khỏe mạnh với cân nặng lần lượt là 3,2kg và 2,5kg. Chị X. có tiền sử sảy thai 2 lần. Khoa Hiếm muộn BV Phụ sản TP Cần Thơ là một trong những trung tâm điều trị hiếm muộn khu vực ĐBSCL, với đội ngũ bác sĩ trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, được đào tạo tại các trung tâm lớn về hiếm muộn trong nước. Thời gian qua, BV điều trị thành công rất nhiều trường hợp vô sinh, đem lại niềm vui cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn vùng ĐBSCL.

Đảm bảo cung ứng ổn định vaccine tiêm chủng

Cục Quản lý Dược vừa có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đảm bảo cung ứng ổn định vaccine cho nhu cầu tiêm chủng dịch vụ của nhân dân. Theo đó, Cục Quản lý Dược yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị khẩn trưởng tổng hợp nhu cầu vaccine tiêm chủng dịch vụ của các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn. Do vaccine dịch vụ được cung cấp theo nhu cầu thị trường, phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh nên công tác dự báo và dự trù rất quan trọng. Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng  thực hiện nghiêm túc công tác dự trù, đặt hàng gửi các đơn vị cung ứng vaccine. Bên cạnh đó, các cơ sở tiêm chủng gửi dự báo nhu cầu theo từng quý, từng loại vaccine để Sở Y tế tổng hợp và gửi báo cáo về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý Dược) trước ngày 29/2/2016. Căn cứ vào số liệu do Cục Y tế dự phòng tổng hợp, Cục Quản lý Dược sẽ chỉ đạo các đơn vị cung ứng vaccine đảm bảo nguồn cung ổn định cho năm 2016 và các năm tiếp theo.

Công an nhân dân

Chủ tịch nước: Phát triển Bệnh viện Bạch Mai hiện đại, ngang tầm thế giới

Sáng nay, 19-2-2016, Bệnh viện Bạch Mai đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 105 năm thành lập bệnh viện và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba (lần 2) cùng nhiều danh hiệu cao quý khác do Nhà nước trao tặng. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến dự và phát biểu tại buổi lễ. Được thành lập từ năm 1911 với tên gọi ban đầu là Bệnh viện Lây Cống Vọng do người Pháp quản lý, sau 105 năm xây dựng và phát triển, với sự nỗ lực không ngừng của các thế hệ thầy thuốc, trong mọi giai đoạn lịch sử Bệnh viện Bạch Mai luôn hoàn thành tốt công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đặc biệt trong khoảng 5 năm trở lại đây, bệnh viện đã có bước phát triển đột phá về mọi mặt, xứng đáng là bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt đầu tiên của cả nước, không chỉ là cơ sở đầu ngành của cả nước mà còn tiến tới trở thành một bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh, hiện đại. Hàng trăm kỹ thuật cao ngang tầm khu vực và thế giới đã được bệnh viện ứng dụng trong những năm qua, góp phần chẩn đoán chính xác, điều trị hiệu quả, cứu sống nhiều bệnh nhân hiểm nghèo, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. PGS.TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện nay bệnh viện có quy mô 1.400 giường bệnh với tổng số cán bộ công chức là 2.000 người. Hàng năm số lượng bệnh nhân đến khám tại bệnh viện là 350.000 đến 450.000 người, số bệnh nhân điều trị nội trú trung bình từ 50.000 đến 60.000 người. Tỷ lệ sử dụng giường bệnh lúc nào cũng quá tải (trên 100%)… Với những kết quả đạt được, tại lễ kỷ niệm 105 năm thành lập, Bệnh viện Bạch Mai đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba (lần thứ 2); 2 cá nhân của bệnh viện là PGS.TS Nguyễn Quốc Anh – Giám đốc Bệnh viện và GS.TS Nguyễn Lân Việt – nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; 1 đơn vị của bệnh viện được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, 17 đơn vị và 9 cá nhân được trao tăng Huân chương Lao động hạng Nhì… Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dự và trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba (lần thứ 2) cho Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang một lần nữa biểu dương những thành tựu hết sức to lớn mà các thế hệ lãnh đạo, y bác sĩ đã nỗ lực đạt được trong suốt chiều dài phát triển vừa qua, đóng góp to lớn cho đất nước. Đặc biệt trong thời kỳ mới hiện nay, Bệnh viện Bạch Mai vẫn đang tiếp tục có bước phát triển vượt bậc về quy mô, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ các thầy thuốc, trở thành một bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh, hiện đại, ngang tầm các nước trong khu vực, cũng là một trong những trung tâm nghiên cứu khoa học và đào tạo hàng đầu của ngành y cả nước. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta. Đầu tư cho lĩnh vực này là đầu tư phát triển, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ. Theo quan điểm đó, Đại hội XII của Đảng đề ra các nhiệm vụ đẩy mạnh huy động các nguồn lực, tiếp tục xây dựng, phát triển hệ thống bệnh viện, trạm y tế, phòng khám bệnh; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở tất cả các tuyến. “Là bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt, có uy tín hàng đầu của đất nước, Bệnh viện Bạch Mai có trách nhiệm và vai trò to lớn cùng toàn ngành y tế thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ nặng nề nhưng hết sức vẻ vang này. Bệnh viện cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, tiếp thu, ứng dụng tiến bộ y học tiên tiến, hiện đại; nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ thầy thuốc, cán bộ Bệnh viện ngang tầm khu vực và thế giới, thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ” – Chủ tịch nước Trương Tấn Sang giao nhiệm vụ cho Bệnh viện Bạch Mai, đồng thời bày tỏ tin tưởng bệnh viện nhất định sẽ trở thành một bệnh viện hiện đại ngang tầm với các bệnh viện tiên tiến trong khu vực và thế giới.

Thêm một bệnh viện tuyến tỉnh mổ được tim hở kỹ thuật cao

Bệnh viện (BV) Sản Nhi Bắc Giang vừa cứu sống một em bé đẻ ra bị suy hô hấp và trong quá trình cấp cứu, bé còn bị gãy xương sườn, tràn dịch màng phổi, cực kỳ nguy kịch. Việc đưa được em bé từ địa bàn cách BV 50-60km trong tình trạng bệnh nặng như vậy đến phòng mổ, rồi còn phẫu thuật cứu sống cháu bé là một kỳ tích, đặc biệt là ở một địa bàn còn nhiều khó khăn về y tế như Bắc Giang. Có điều này, chính là nhờ được sự chuyển giao kỹ thuật của BV Nhi Trung ương trong một năm qua. Không chỉ thế, BV Sản Nhi Bắc Giang còn có bước bứt phá ngoạn mục là thực hiện được nhiều kỹ thuật cao như mổ tim hở, gây mê tim phổi máy, kiểm soát nhiễm khuẩn vv... cứu sống kịp thời nhiều người bệnh mà không phải gửi lên tuyến trên như trước. Tại hội nghị về kết quả công tác chuyển giao kỹ thuật tại Bắc Giang ngày 20-2, PGS.TS. Lê Thanh Hải, Giám đốc BV Nhi Trung ương cho biết, trước tình hình quá tải ngày càng trầm trọng, BV Nhi Trung ương quyết định nâng cao năng lực cho tuyến dưới, trong đó, đặc biệt chú trọng các kỹ thuật cao, để nâng cao uy tín cho BV tuyến dưới, giúp người dân yên tâm chữa bệnh, nhằm giảm tải cho tuyến trên. Chọn BV Sản Nhi Bắc Giang để chuyển giao kỹ thuật bởi đây là tỉnh có tới  với 7/10 huyện là miền núi khó khăn, phụ nữ và trẻ em chiếm tới 70%, nhưng tỉnh chỉ có một khoa nhi thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, khiến cho gần như các bệnh nhân đều phải chuyển tuyến. Được sự giúp đỡ của các bác sĩ BV Nhi Trung ương, đến nay, các bác sĩ BV Sản Nhi Bắc Giang đã phẫu thuật 15 ca tim mở thành công. Tình trạng sức khỏe của các bệnh nhân đều ổn định, không có tai biến hay biến chứng trong và sau phẫu thuật. Với bước đi này, dự kiến năm 2017, các bác sĩ của BV Sản Nhi Bắc Giang hoàn toàn tự phẫu thuật tim mở mà không cần sự giám sát của các chuyên gia BV Nhi Trung ương. TS. Đinh Văn Thành, Giám đốc BV Sản Nhi Bắc Giang “ôn nghèo kể khổ”: Để triển khai kỹ thuật mổ tim hở, ông “bí mật” mời các chuyên gia giỏi từ Hà Nội lên chuyển giao kỹ thuật cho BV, tổ chức tham quan các địa phương làm tốt, rồi mới chính thức xin ý kiến BV Nhi Trung ương. Hiện nay trừ kiểm soát nhiễm khuẩn, mua thuốc, vật tư … còn lại toàn bộ BV Sản Nhi Bắc Giang đều có thể tự chủ được. Một thời gian ngắn nữa, các bác sĩ cũng sẽ tự chủ cả về phẫu thuật viên và gây mê, hồi sức sau mổ, chạy máy tim phổi vv… Tuy nhiên, con đường vừa mới mở ra đã gặp khó khăn, khi BV Sản Nhi Bắc Giang mua lại vật tư, hóa chất của BV Nhi Trung ương, mà số thuốc, vật tư này đang được BHXH Hà Nội thanh toán, song BHXH Bắc Giang lại không thanh toán vì cho rằng, BV Nhi Trung ương không có chức năng kinh doanh. Vì thế, vẫn còn vài trăm triệu BV đã chi phí cho bệnh nhân không được thanh toán, khiến BV khó khăn trong tiếp tục triển khai. Trước những kiến nghị của Giám đốc BV Sản Nhi Bắc Giang, đã giao cho các cục, vụ chức năng phối hợp xem xét, tháo gỡ, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người bệnh. Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cũng yêu cầu BV Nhi Trung ương và BV Sản Nhi Bắc Giang tiếp tục kế hoạch đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, để nhân dân được tiếp cận với nhiều kỹ thuật cao tại chỗ, chi phí giảm.

Tuổi trẻ

Lãng phí do xét nghiệm trùng lặp

Ngày 1-3, viện phí sẽ tăng cao. Theo đánh giá của Bảo hiểm xã hội VN, chi phí xét nghiệm và chụp chiếu chẩn đoán đang chiếm xấp xỉ 20%/tổng chi phí khám chữa bệnh. Chi phí xét nghiệm và chụp chiếu chẩn đoán đang chiếm xấp xỉ 20%/tổng chi phí khám chữa bệnh, nhưng trên thực tế có nhiều bệnh viện không công nhận kết quả của nhau, dẫn tới tốn kém cho cả người bệnh lẫn xã hội. Cách đây hơn một tháng, ông Lê Văn Chúc (72 tuổi) đến khám lần 2 tại Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội). Ông Chúc bị đau xương, hôm 31-12-2015 đã khám và làm đủ xét nghiệm tại Bệnh viện Xanh Pôn, được bác sĩ kê thuốc điều trị nhưng bệnh tình không giảm. Khi tới khám lần 2, ông Chúc vẫn bị bệnh viện yêu cầu xét nghiệm, chụp chiếu lại từ đầu. Đúng lúc gặp đoàn kiểm tra do ông Phạm Văn Tác, vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), dẫn đầu đến kiểm tra tại Bệnh viện Xanh Pôn, ông Chúc phàn nàn. Theo ông Phạm Văn Tác, yêu cầu bệnh nhân mới làm đủ xét nghiệm và chụp chiếu nửa tháng trước nay làm lại đầy đủ xét nghiệm tại cùng bệnh viện là cứng nhắc, gây tốn kém tiền bạc và thời gian cho bệnh nhân. Việc này không phải chỉ có ở Bệnh viện Xanh Pôn mà đang diễn ra khá phổ biến ở rất nhiều bệnh viện khác.

Làm lại toàn bộ

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) hầu hết bệnh nhân cho biết khi chuyển từ bệnh viện tuyến dưới lên họ đều phải khám lại toàn bộ. Sáng 2-2, bà Lê Thị Tư (quê Bình Thuận) làm thủ tục thanh toán tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Trước đó bà đưa mẹ vào khám tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Bình Thuận (tỉnh Bình Thuận). Bác sĩ ở đây cho mẹ bà Tư chụp XQ, siêu âm, xét nghiệm máu và nước tiểu. Kết quả bác sĩ chẩn đoán mẹ bà bị sỏi thận trái, thận bị ứ nước nhiễm trùng và chuyển ngay vào Bệnh viện Chợ Rẫy. Trước khi mổ, bác sĩ lại hướng dẫn bà Tư đưa mẹ đi khám lại toàn bộ, bao gồm chụp CT, điện tâm đồ, xét nghiệm máu, chụp XQ bụng và phổi. Khám ngoài quê, mẹ bà Tư có bảo hiểm y tế nên không tốn tiền. Khi vào Chợ Rẫy thì do bảo hiểm viết sai năm sinh nên bà Tư phải đóng toàn bộ chi phí hết gần 10 triệu đồng. “Vào bệnh viện bác sĩ hướng dẫn sao làm vậy. Tốn tiền hai ba lần khám nhưng bịnh thì phải chịu chứ sao” - bà Tư chia sẻ. Tương tự, anh Đào Phương Bình (H.Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) cho biết tháng 9-2015 anh đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Tháp Mười. Bác sĩ cho anh siêu âm và chẩn đoán anh bị hở van tim rồi chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp. Tại đây, anh lại được các bác sĩ cho siêu âm, đo điện tim, chụp XQ. Kết quả giống với chẩn đoán của bệnh viện huyện. Tiếp tục chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy, anh Bình lại được yêu cầu khám lại từ đầu. “Trước giờ đi khám, bệnh viện nào cũng thấy người ta khám lại từ đầu chứ có sử dụng kết quả khám trước đâu” - anh Bình nói. Cuối tháng 1 vừa qua, chị L.T.H. ở Thái Bình được chuyển tuyến đến Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Chị được tuyến dưới chẩn đoán bị áp xe gan, tràn dịch màng phổi và điều trị tại bệnh viện tỉnh được 11 ngày, nhưng khi lên tới Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ vẫn chỉ định làm lại tất cả các xét nghiệm như ban đầu, bao gồm: xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm, chụp X-quang... Kết quả chẩn đoán cho biết chị H. bị tràn dịch màng phổi, trong khi kết luận của tuyến dưới là chị H. bị áp xe gan. Chỉ đến khi chị H. kêu đau nhiều, yêu cầu bác sĩ khám kỹ vùng gan, chị H. mới được cho chụp cộng hưởng từ, từ đó mới kết luận chị H. bị áp xe gan, y như kết quả ban đầu tại bệnh viện tuyến tỉnh. Chị H. cho biết khi lên bệnh viện tuyến trên, ngoài việc làm đủ các xét nghiệm như ở bệnh viện tỉnh, chị còn được yêu cầu chụp vú và nội soi thực quản, dù chị H. kêu đau ở vùng gan. “Tôi thấy không cần thiết, không đồng ý làm thêm các dịch vụ này”, chị H. nói. Vì không làm theo chỉ định, phía bệnh viện buộc chị H. phải ký vào giấy cam kết tự chịu trách nhiệm nếu như có xảy ra vấn đề liên quan đến kết quả chẩn đoán. Chị H. bộc bạch: “Đành rằng xét nghiệm, tầm soát là không thừa nhưng trong lúc tôi bị đau vùng gan, có kết quả bị áp xe gan mà bác sĩ lại không khám kỹ cho tôi lại yêu cầu làm các xét nghiệm khác thì thật sự lãng phí”.

Chưa tin tưởng nhau

Theo ông Tạ Thành Văn - phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội kiêm trưởng khoa xét nghiệm Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, tuy không có quy định công nhận hay không công nhận xét nghiệm của bệnh viện nào, nhưng Bệnh viện ĐH Y Hà Nội có một “quy định bất thành văn” là bác sĩ nhìn kết quả xét nghiệm, so sánh với tình trạng lâm sàng của bệnh nhân, xem có gì nghi ngờ hay không và có nghi ngờ thì cho làm lại. Với những xét nghiệm là của các bệnh viện uy tín, thương hiệu như Bạch Mai, Việt Đức, hay các phòng xét nghiệm đã được kiểm chuẩn rất tin tưởng, nhưng ông Văn cũng cho rằng rất khó để quy định cứng nhắc bệnh viện nào thì công nhận xét nghiệm, bệnh viện nào thì không. Trong cuộc kiểm tra của Bộ Y tế tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư gần đây, các sản phụ cho biết thời gian chờ đến lượt siêu âm thường từ hai giờ trở lên, xét nghiệm chờ thêm hai giờ nữa. Muốn lấy được đơn thuốc và nghe được chẩn đoán dặn dò của bác sĩ, thường phải đến bệnh viện từ sáng sớm và mất nguyên ngày để chờ đợi. “Bộ Y tế nên sớm đánh giá, kiểm chuẩn chất lượng phòng xét nghiệm và có quy định bệnh viện tuyến nào thì công nhận xét nghiệm lẫn nhau, loại bệnh lý nào thì khi chuyển tuyến không phải làm lại loại xét nghiệm cụ thể trong danh mục xét nghiệm, chụp chiếu nói chung” - chị Linh, một sản phụ, đề nghị. TS.BS Nguyễn Trường Sơn - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM - cho biết bệnh nhân xét nghiệm từ các bệnh viện khác đến Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn phải làm lại vì một số xét nghiệm chỉ có giá trị trong một thời gian nhất định. Ngoài ra, hệ thống kiểm chuẩn trong nước chưa đánh giá, phân loại được tất cả các phòng xét nghiệm của các bệnh viện (theo loại A, B, C, D, E) như ở nước ngoài, nên chưa thể tin tưởng vào những kết quả xét nghiệm từ bệnh viện khác. Theo ông Sơn, tại Việt Nam những phòng xét nghiệm đạt ISO15189 là đáng tin cậy nhất. Riêng Bệnh viện Chợ Rẫy có bốn labour đạt được tiêu chuẩn này nên chỉ khi bệnh nhân từng xét nghiệm tại các cơ sở y tế có phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn tương đương bệnh viện thì bệnh viện mới có thể chấp nhận kết quả. Với những kết quả chụp X-quang, CT scanner, MRI... từ những bệnh viện khác trong TP, Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn chấp nhận với điều kiện những dữ liệu đó phải đáp ứng được đúng với chẩn đoán của bệnh viện. Theo TS.BS Đặng Huy Quốc Thịnh - phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cơ bản là Bệnh viện Ung bướu sẽ không phải làm lại những xét nghiệm hình ảnh như CT scanner, MRI mà những nơi khác làm rồi. Nhưng có thể có những bệnh nhân phải làm lại xét nghiệm máu nếu thấy cần thiết. Cụ thể, có những bệnh nhân được làm xét nghiệm máu kiểm tra chức năng thận, gan trước đó hai tuần tại một cơ sở y tế nào đó thì các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân làm lại, nhất là đối với bệnh nhân cần phẫu thuật. Đây là chỉ định về mặt chuyên môn chứ không phải bệnh viện không tin xét nghiệm của các cơ sở khác. TS Quốc Thịnh cũng thừa nhận trong thực tế có những bác sĩ dù bệnh nhân đã có những kết quả xét nghiệm đáng tin cậy trước đó, nhưng theo thói quen vẫn tiếp tục chỉ định những xét nghiệm. Trong các cuộc họp giao ban của Bệnh viện Ung bướu, ban giám đốc bệnh viện thường xuyên nhắc các bác sĩ đừng bắt bệnh nhân phải làm lại những xét nghiệm từng làm trước đó nhưng có bác sĩ lý luận kết quả xét nghiệm trước đó không rõ nên phải cho bệnh nhân làm lại, ban giám đốc cũng không thể đưa những trường hợp đó ra để phân giải ai đúng ai sai. Tình trạng không công nhận xét nghiệm của bệnh viện trước đó không chỉ khó cho người dân mà cả Nhà nước (BHYT phải chi trả). Ngành y tế nên đưa ra một chuẩn hóa về những cơ sở y tế nào được công nhận xét nghiệm của nhau.

Không thể nói là làm ngay được

Ông Nguyễn Trọng Khoa - phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế - cho biết nếu muốn công nhận xét nghiệm giữa các bệnh viện thì phòng xét nghiệm phải chính xác, đạt chứng chỉ, có cơ sở chuẩn đánh giá và công nhận. Hiện nay nhiều phòng xét nghiệm ở VN đang áp dụng ISO 15189, coi như một “chuẩn” với phòng xét nghiệm, nhưng mới có trên 40/3.000 phòng xét nghiệm ở VN đạt tiêu chuẩn này. Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, hiện tại VN có ba trung tâm kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm, một đặt tại Hà Nội và hai đặt tại TP.HCM. Theo báo cáo gần nhất (năm 2015), khảo sát tại 71 bệnh viện khu vực phía Bắc, vẫn còn 5% cơ sở xét nghiệm chỉ có 40-60% kết quả “chấp nhận được”. “Nếu yêu cầu tất cả các phòng xét nghiệm đều đạt ISO 15189 thì không khả thi, Bộ Y tế đang nghiên cứu bảng tiêu chuẩn xét nghiệm của Tổ chức Y tế thế giới, bảng này có 5 cấp và đạt mức càng cao thì độ tin cậy càng nhiều” - ông Khoa cho biết. Trả lời Tuổi Trẻ về sự chậm trễ trong ban hành các quy định để bệnh viện có thể công nhận xét nghiệm lẫn nhau, ông Nguyễn Trọng Khoa cho biết năm năm vừa qua, Bộ Y tế đã làm được nhiều việc để đến công nhận xét nghiệm lẫn nhau giữa các bệnh viện. Bộ ra được thông tư 01 hướng dẫn thực hiện quản lý chất lượng xét nghiệm, thành lập được ba trung tâm kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm triển khai chương trình ngoại kiểm cho các phòng xét nghiệm, triển khai đào tạo quản lý chất lượng xét nghiệm... Những hoạt động này nâng cao chất lượng xét nghiệm. Tuy nhiên, hiện các bệnh viện cùng tuyến, kể cả tuyến T.Ư vẫn chưa công nhận xét nghiệm lẫn nhau. Điều này khiến người bệnh tốn nhiều thời gian và chịu tốn kém. “Thật ra, nhiều hoạt động để tiến tới công nhận xét nghiệm được tiến hành từ lâu, nhưng không phải nói là làm được ngay, có nhiều cái phải làm từng bước. Chương trình hành động có rồi, kiểm soát được ngày càng nhiều hơn kết quả xét nghiệm và sẽ đến lúc nào đó kiểm soát được tất cả, không đơn thuần là chất lượng xét nghiệm mà còn xây dựng hướng dẫn chẩn đoán điều trị. "Thời gian qua có hàng chục hướng dẫn chẩn đoán điều trị được xây dựng và công bố...” - ông Nguyễn Trọng Khoa nhấn mạnh. Ông Khoa còn cho biết Bộ Y tế đang có trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế Thái Lan để học hỏi kinh nghiệm của họ trong chuẩn hóa chất lượng xét nghiệm. Gần đây, phim cộng hưởng từ, CT scanner và những xét nghiệm nào phù hợp với tình trạng lâm sàng của bệnh nhân, xét nghiệm được thực hiện ở phòng xét nghiệm đã kiểm chuẩn đều được các bệnh viện công nhận lẫn nhau.

Tạm ngưng thi công bệnh viện 3.000 tỉ đồng

Ngày 22-2, Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, đại diện chủ đầu tư - xác nhận thông tin tạm ngừng thi công dự án xây mới bệnh viện đa khoa 1.200 giường của địa phương này để chờ Bộ Xây dựng kết luận nguyên nhân gây nghiêng hàng loạt trụ móng công trình. Theo ông Hoàng Anh, quá trình ép cọc bêtông trụ móng của dự án vừa hoàn thành, nhà thầu thi công chuẩn bị đổ đà thì phía tư vấn giám sát phát hiện nhiều trụ móng bị nghiêng lệch tâm. Sự việc sau đó được báo cáo khẩn cho UBND tỉnh Kiên Giang và các đơn vị liên quan. Trong lần làm việc gần đây nhất, đại diện Bộ Xây dựng đã yêu cầu tạm ngưng thi công, chờ cơ quan này kết luận nguyên nhân gây nghiêng trụ móng do đâu rồi mới có hướng xử lý. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phương Đức Trường - giám đốc Công ty TNHH xây dựng Trường Phát, nhà thầu chính của dự án - cho biết tổng số trụ móng của bệnh viện này là 987, trong đó 136 trụ bị nghiêng. Theo ông Trường, hiện nhà thầu thi công đã báo cáo Bộ Xây dựng 3 phương án xử lý. Một là thử tải, nếu trụ vẫn còn khả năng chịu tải đủ 70% trở lên thì mở rộng hố móng ép bổ sung. Hai là khoan nhổ các trị nghiêng lên, đổ cát xuống và ép lại từ đầu. Ba là cứ để nguyên hiện trạng, mở rộng hố móng rồi ép thêm trụ. Dự án Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang được khởi công vào cuối tháng 4-2015. Công trình có tổng mức đầu tư 2.929 tỉ đồng, sử dụng chủ yếu nguồn vốn vay ODA của chính phủ Nhật Bản

Những sáng chế của anh tài xế bệnh viện

Hơn 9g sáng, khu khám bệnh Bệnh viện Tim mạch TP. Cần Thơ đông nghịt người. Mọi ánh mắt đổ dồn về góc sảnh phía trong, nơi đặt bàn do huyết áp- công đoạn mà nhiều người phải trải qua trước khi được hướng dẫn đến từng buồng khám. Rất nhanh và nhiệt tình, người nữ điều dưỡng lần lượt tiếp nhận từng bệnh nhân, quán túi hơi vào bắp tay, áp ống nghe lên động mạch ở khuỷu  tay, rồi chăm chú ghi nhận các thong số về huyết áp… “Trước đây bệnh viện sử dụng thiết bị đo huyết áp thủ công, muốn làm phồng túi hơi chúng tôi phải dùng tay bóp bóng cao su liên tục, giờ chỉ cần chuyển qua thiết bị đo huyết áp cải tiến, chỉ cần một cú kích chân nhẹ nhàng lên cóc điện là xong. Nhờ vậy, thao tác nhanh hơn, mỗi ngày có thể đo huyết áp cho hàng trăm bệnh nhân cũng thấy nhẹ nhàng, và quan trọng hơn là bệnh nhân thấy thoải mái, không phải mất thời gian chờ đợi lâu”- điều dưỡng Nguyễn Thụy Thanh Tâm, người có hơn 15 năm trong nghề, đưa ra nhận xét về thiết bị đo huyết áp cải tiến- công trình vừa được trao giải nhất tại Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật TP Cần Thơ năm 2015. Càng bất ngờ hơn khi biết tác giả của công trình này là anhh Nguyễn Lê Long Định (46 tuổi), lái xe của Bệnh viện tim mạch TP. Cần Thơ

Bệnh viện Chợ Rẫy nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Ngày 23.2, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) kỷ niệm 115 năm thành lập và phát triển, đồng thời đón nhận Huân chương lao động hạng Nhất (lần 2). Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) được thành lập từ năm 1900 với tên gọi Hôpital Municipal de Cholon (Bệnh viện Thị xã Chợ Lớn). Đây là một trong những cơ sở y tế đầu tiên được thành lập tại Việt Nam và là bệnh viện hạng đặc biệt trực thuộc Trung ương…

Tiền phong

TPHCM: Tăng viện phí, bệnh viện 'lo' hơn dân?

Ngày 19/2, Sở Y tế TPHCM đã tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động năm 2015 và kế hoạch hoạt động năm 2016. Tại hội nghị, trả lời báo chí, lãnh đạo Sở Y tế TPHCM cho rằng, việc tăng viện phí từ tháng 3/2016, thực chất, người tham gia BHYT không bị ảnh hưởng, mà lo nhất chính là các bệnh viện.

Bệnh viện nào phục vụ kém sẽ khó tồn tại

Theo báo cáo của Sở Y tế thành phố, tổng số khám, điều trị nội trú trên toàn thành phố năm 2015 là gần 32,5 triệu lượt bệnh nhân, tương đương cùng kỳ năm 2014. Điều đáng mừng là số bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại các bệnh viện quận huyện đã tăng 2%, số điều trị nội trú cũng tăng 3%. Từ đó, kéo theo số bệnh nhân tại các bệnh viện chuyên khoa quá tải của thành phố giảm tương ứng 2% bệnh nhân ngoại trú và 3% nội trú. Sở cho biết, không phải ngẫu nhiên mà có được kết quả này. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, Thành ủy và UBND thành phố, Sở đã dốc sức triển khai thực hiện các biện pháp giảm tải. Cụ thể, thành lập khoa sản nhi tại bệnh viện quận huyện, lập phòng khám vệ tinh tại 12 bệnh viện tuyến quận huyện, lập khoa vệ tinh của các bệnh viện tuyến thành phố đang quá tải tại những bệnh viện còn trống giường v.v… Tuy nhiên, Sở Y tế thành phố nhìn nhận đang phải đối diện với thách thức mới. Trao đổi với báo chí, bác sĩ Tăng Chí Thượng - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM - cho biết, từ tháng 1/2016, người tham gia BHYT đã được mở rộng quyền chọn nơi khám chữa bệnh qua Thông tư 40 của Bộ Y tế cho phép khám chữa bệnh BHYT thông tuyến. “Đây là chính sách mới giúp cho người dân tham gia BHYT được nhiều quyền lợi hơn nhưng đồng thời lại là thách thức rất lớn cho ngành Y, nhất là các bệnh viện. Trong tình hình mới này, ngoài nỗ lực để giảm tải cho các bệnh viện tuyến thành phố, thì các bệnh viện quận huyện, bệnh viện ngoài công lập, phải nỗ lực tối đa nâng chất lượng khám chữa bệnh, phải thay đổi thái độ phục vụ. Bệnh viện nào phục vụ kém, người dân sẽ không đến nữa mà tiếp tục đến các bệnh viện thành phố. Như thế, các bệnh viện quá tải lại tiếp tục quá tải, bệnh viện vắng người bệnh lại tiếp tục vắng”, ông Thượng nói.

Tăng viện phí, bệnh viện “lo” hơn dân

Trả lời câu hỏi về vấn đề tăng giá viện phí từ 2-7 lần kể từ tháng 3 năm nay, ông Thượng nói: “Cần hiểu đúng những mục tiêu mà Bộ Y tế đưa ra khi quyết định tăng giá dịch vụ y tế. Thứ nhất, ai cũng biết để tính đúng tính đủ những chi phí điều trị. Thứ hai, nhằm khuyến khích người dân tham gia BHYT. Vì khi tham gia BHYT, cho dù giá dịch vụ y tế có điều chỉnh tăng cỡ nào thì gần như không bị ảnh hưởng. Trong khi đó, người không tham gia BHYT, chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn. Kể cả bệnh nhân trái tuyến, sau này khi giá được tính đúng tính đủ tiếp tục lên cao, thì cho dù chỉ chi trả một phần thôi thì vẫn phải gánh một chi phí khá lớn”. Theo bác sĩ Thượng, về phía các bệnh viện, nếu hiểu không thấu đáo, sẽ dễ nghĩ rằng các bệnh viện sẽ có nguồn thu rất lớn. Thực chất, bệnh viện cũng rất lo khi tăng giá viện phí theo lộ trình tính đúng tính đủ của bộ. Khi đó ngân sách sẽ không còn rót cho các BV hoạt động nữa. Chi phí để hoạt động chính của bệnh viện lúc này chính là nguồn thu từ người bệnh. “Do đó, một lần nữa, nếu anh không cải tiến chất lượng, không thay đổi phong cách phục vụ, người bệnh sẽ không đến anh nữa, anh sẽ không có nguồn thu và không hoạt động được. Ý nghĩa sâu xa của chính sách này đó là nhà nước thay vì bỏ ngân sách ra cho các cơ sở, thì bây giờ bỏ tiền ra cho người dân”, ông Thượng giải thích.

Không để người dân dùng thuốc giá cao

Dự thảo Luật Dược lần này đã bổ sung quy định biện pháp kiểm soát giá thuốc, thuốc có hàm lượng lạ để tránh việc người dân phải dùng thuốc giá cao một cách vô lý như hiện nay. Theo Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai, dự thảo lần này quy định theo hướng tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp dược và tập trung phát triển ngành công nghiệp bào chế, sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền vì đây là những thế mạnh của Việt Nam. Dự thảo lần này bổ sung quy định biện pháp kiểm soát giá thuốc bán trên thị trường, thuốc có hàm lượng lạ trong khâu đấu thầu, quy định giá bán tối đa, tối thiểu của thuốc. Đồng thời giữ quy định của Luật Dược hiện hành về công bố giá tối đa đối với các loại thuốc do ngân sách Nhà nước và BHYT chi trả. Trươc ý kiến đề nghị của đại biểu Quốc hội về quy định hạn chế số đăng ký thuốc nhập khẩu trên một hoạt chất để có thể kiểm soát giá và chất lượng dễ dàng hơn, bà Mai cho biết: Phương án này không được chấp nhận, bởi theo Bộ Y tế, trước đây bộ này đã ban hành danh mục hạn chế thuốc nhập khẩu có nhiều số đăng ký để phát triển sản xuất thuốc trong nước, nhưng khi gia nhập WTO đã bãi bỏ danh mục này. Ngược lại, dự thảo luật quy định theo hướng mở rộng dịch vụ bán thuốc, đáp ứng yêu cầu của nhân dân bằng việc áp dụng thủ tục ưu tiên, rút gọn khi nhập khẩu thuốc điều trị bệnh hiếm gặp. Đồng thời cho phép bán một số loại thuốc không kê đơn tại siêu thị. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, do Việt Nam luôn phải nhập khẩu nguyên liệu nên giá thuốc luôn cao, vì thế Luật Dược sửa đổi phải đề cập đến vấn đề sản xuất thuốc. Từ quá trình sản xuất, kinh doanh, buôn bán, rồi sản phẩm thuốc đến tay người tiêu dùng, các công đoạn đó cần đưa vào Luật. “Bộ Y tế không phải Bộ Công Thương, không phải bộ làm ra thuốc, không phải đơn vị sản xuất ra thiết bị y tế, nhưng Bộ Y tế là đơn vị chăm sóc sức khỏe con người, có trách nhiệm quản lý chung nên phải quan tâm, có trách nhiệm trong lĩnh vực này”, Chủ tịch Quốc hội lý giải. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị sau khi Luật Dược được sửa đổi, mặt hàng thuốc phải được sản xuất tốt, có nguyên liệu làm thuốc, khắc phục được tình trạng “chết trên đống thuốc”, ngăn ngừa tình trạng cho mượn, thuê bằng. “Người Việt Nam có quyền được dùng thuốc tốt nhất. Cửa hàng nào không đủ điều kiện phải rút ngay”, Chủ tịch Quốc hội nêu. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, nếu để Chính phủ quy định chính sách nhập khẩu dược liệu sẽ không đáp ứng được yêu cầu. Vì thế cần phải quy định điều này ngay trong luật, tránh tình trạng luật ra rồi vẫn phải chờ nghị định. Ngoài ra để đảm bảo yếu tố cạnh tranh giữa thị trường trong và ngoài nước, Ngoài vấn đề số lượng, chất lượng cần phải đề cập đến yếu tố giá thành, tránh tình trạng người tiêu dùng phải dùng thuốc với mức giá cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Thủ tục hành chính rất cay nghiệt

Vấn đề nhận được nhiều ý kiến nhất tại buổi làm việc là quy định thời hạn cấp chứng chỉ hành nghề dược. Dự thảo đưa ra hai phương án: Cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn 5 năm và phương án chỉ cấp một lần. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, dược cũng là một nghề như bác sĩ, kỹ sư chứ không phải một chức vụ có thời hạn. “Nếu đưa quy định cấp chứng chỉ hành nghề dược 5 năm một lần chỉ phát sinh thủ tục hành chính, mà thực chất là phát sinh tiêu cực”, ông Hiện đề nghị phải cắt bớt thủ tục hành chính để ngăn ngừa, do đó chỉ nên cấp chứng chỉ hành nghề dược một lần. Cùng quan điểm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị chứng chỉ hành nghề dược cũng nên áp dụng như các ngành nghề khác, tuy nhiên kèm theo đó phải có định mức tiêu chuẩn và thường xuyên kiểm tra chặt chẽ. Mọi người có quyền tự do kinh doanh những mặt hàng không cấm, đối với mặt hàng thuốc càng hoan nghênh và chỉ cấm bán, cấm sản xuất thuốc giả. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Đông y chữa bệnh rất tốt, như chứng bệnh đau lưng, Tây y nói phải mổ, nhưng thầy thuốc Đông y chỉ điều trị 10 ngày khỏi ngay. Vậy mà vài ba năm lại thu chứng chỉ hành nghề của họ thì không được. “Thủ tục hành chính bây giờ cay nghiệt, độc ác lắm, phải có tiền người ta mới cấp. Quá nhiều thủ tục hành chính gây phiền hà cho người dân. Vì thế cần phải giảm tối đa thủ tục hành chính”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị.

Nhân dân

100% xã ở Đác Lắc có trạm y tế

Nhờ các chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Đác Lắc, đến nay, hơn 28.755 hộ đồng bào DTTS nghèo chưa có nhà ở, nhà rách nát, nhà tạm đã an cư, ổn định cuộc sống. Ngoài ra, tỉnh còn giải quyết đất ở cho hơn 5.530 hộ với diện tích gần 145 ha, bình quân 260 m2/hộ, giải quyết cho 7.737 hộ thiếu đất, hoặc không có đất sản xuất, với diện tích hơn 2.770 ha. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 2 đến 3%/năm. Hiện nay, tất cả các xã đã có trạm y tế và có bác sĩ phục vụ yêu cầu khám, chữa bệnh cho bà con...

Nhân rộng mô hình phòng khám đa khoa tại tuyến cơ sở

Y tế cơ sở hiện là xương sống của ngành y tế đang đứng trước thách thức: diễn biến tình hình bệnh tật ngày càng phức tạp, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao. Do vậy cần có sự quan tâm các vấn đề liên quan của y tế cơ sở, như nhân lực, đầu tư và phân cấp chuyên môn phù hợp. Hiện nay, ở nhiều phường, xã đang hình thành nhiều phòng khám, nhà thuốc tư nhân tự phát. Quyền được mở phòng mạch, nhà thuốc tư được pháp luật cho phép, tuy nhiên mở ở đâu và mở như thế nào thì cần có những định hướng cụ thể. Vai trò của phòng mạch, nhà thuốc tư nhân đơn lẻ đã hoàn thành sứ mệnh. Thời kỳ tự phát và tiến tới phải được quy hoạch tập trung để bảo vệ quyền lợi của người dân về giá khám bệnh, hỗ trợ cận lâm sàng, bán thuốc, nhất là lưu trữ hồ sơ sức khỏe người dân phải được chú trọng hơn. Phòng khám bác sĩ gia đình cần được hình thành từ y tế cơ sở và phải được cập nhật liên tục nhiều năm sau, mặc dù nhân sự y tế có sự thay đổi. Phòng khám đa khoa hiện tại có thể chia làm ba loại: loại đơn giản theo quy định của Luật Khám, chữa bệnh; loại vừa có các khoa lâm sàng, và một số khoa cận lâm sàng; loại khá nhất có đủ các khoa lâm sàng và cận lâm sàng. Phân loại phòng khám dựa vào các tiêu chí cơ sở vật chất, trang thiết bị, trình độ thầy thuốc là những nội dung cần được quan tâm. Phòng khám có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị tiên tiến, đủ các khoa cận lâm sàng và lâm sàng, thầy thuốc có trình độ cao là loại phòng khám “có điều kiện” cần được khuyến khích phát triển. Mô hình phòng khám đa khoa đầy đủ sẽ góp phần quan trọng thu hút người dân có bệnh và chưa có bệnh đến chăm sóc sức khỏe, trực tiếp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Mô hình này sẽ giải quyết được nhiều loại bệnh tật theo hình thức khám, chữa bệnh trong ngày, có thể thực hiện các kỹ thuật phù hợp theo kịp với tiến bộ y học. Mô hình phòng khám đa khoa có điều kiện hiện nay chưa nhiều, nguyên nhân là hệ thống phòng khám đa khoa chưa có sự phân loại, vướng cơ chế vượt tuyến kỹ thuật… cho nên các nhà đầu tư chưa mặn mà. Khi có sự phân loại, phân cấp cho mô hình phòng khám đa khoa, cơ quan quản lý y tế cần tính đến chuyện mở mang tương xứng về chức năng nhiệm vụ, trong y tế gọi đó là các danh mục kỹ thuật vượt tuyến. Khái niệm về phân cấp, phân tuyến cũng cần có những thay đổi kịp thời. Kỹ thuật, thủ thuật trong y tế thường gắn liền với trình độ thầy thuốc, trang thiết bị, cơ sở vật chất và trình độ quản lý. Y tế công lập vẫn là chủ đạo, điều hành chiến lược chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhưng y tế ngoài công lập sẽ bổ sung hài hòa, nhịp nhàng với y tế nhà nước. Phát triển y tế ngoài công lập ngoài mô hình bệnh viện thì mô hình phòng khám đa khoa có điều kiện, cho phép vượt tuyến các danh mục kỹ thuật phù hợp là góp phần giảm tải cho các bệnh viện. Hiện nay, một số phòng khám đa khoa và chuyên khoa đã thu hút được một lượng khách từ các bệnh viện, khách hàng nước ngoài là tín hiệu khả quan cho việc giảm tải. Mô hình phòng khám đa khoa “có điều kiện” phù hợp nhất trong tình hình hiện nay của ngành y tế. Phòng khám đa khoa tại tuyến y tế cơ sở là một nhu cầu cấp thiết, phù hợp với việc chăm sóc sức khỏe ban đầu. Dựa vào cơ sở vật chất sẵn có, các trạm y tế phường, xã xây dựng hệ thống phòng khám đa khoa theo lộ trình tập trung các phòng khám tư nhân trên địa bàn, tuân thủ quy hoạch các ngành y tế. Mô hình phòng khám đa khoa tại tuyến y tế cơ sở là củng cố cho lộ trình chăm sóc sức khỏe ban đầu phục vụ nhân dân.

Chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật tim hở cho các bác sĩ ở Bắc Giang

Theo Bộ Y tế, kết quả chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật tim hở theo Đề án Bệnh viện vệ tinh, với sự chuyển giao của Bệnh viện Nhi T.Ư, cho thấy đến nay tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang đã thực hiện thành công 15 ca phẫu thuật tim hở cho các cháu bé bị bệnh tim bẩm sinh. Để có kết quả đó, ngoài chuẩn bị rất kỹ từ trang thiết bị, cơ sở vật chất, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang đã cử 200 lượt cán bộ thuộc các kíp phẫu thuật, chẩn đoán trước mổ, gây mê, hồi sức sau mổ, kiểm soát nhiễm khuẩn… liên tục xuống Bệnh viện Nhi T.Ư để đào tạo. Bệnh viện Nhi T.Ư cũng cử hơn 100 lượt cán bộ về trực tiếp đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật cho Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang. Trong hai năm 2016- 2017, Bệnh viện Nhi T.Ư sẽ tiếp tục hỗ trợ, chuyển giao để các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang độc lập thực hiện thuần thục kỹ thuật phẫu thuật tim hở. Riêng năm 2016, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang phấn đấu thực hiện 30 đến 50 ca phẫu thuật tim hở.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm và làm việc tại Quảng Ninh

Chiều ngày 23/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến đã dự lễ kỷ niệm 61 năm thành lập Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2) tại Bệnh viện (BV) Sản - Nhi tỉnh Quảng Ninh. Bộ trưởng Bộ Y tế đã đánh giá cao những thành công bước đầu của BV trong tiếp nhận kỹ thuật tuyến trên chuyển giao chuyên ngành sản - nhi. Đây là cơ sở được đầu tư đồng bộ, sau 18 tháng hoạt động đã đạt hiệu suất 152%, tỉ lệ chuyển tuyến thấp (2,14%), và thực hiện nhiều kỹ thuật khó như: sàng lọc sơ sinh và trước sinh, hỗ trợ sinh sản... Đi thăm trực tiếp các khoa, phòng của BV, thăm hỏi người bệnh đang điều trị, Bộ trưởng bày tỏ niềm vui về sự phát triển đồng bộ của ngành y tế Quảng Ninh với nhiều dấu ấn trong khám chữa bệnh, số bác sĩ/10.000 dân cao nhất cả nước (12 BS/10.000 dân), số giường bệnh/10.000 dân cao với 42 giường; công tác xã hội hóa y tế bước đầu phát huy hiệu quả... làm thay đổi bộ mặt của cơ sở hạ tầng y tế. Bộ trưởng cũng đánh giá cao BV trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc thành công nhiều trẻ sinh non, thậm chí có trẻ chỉ 600gam, góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong mẹ, trẻ sơ sinh của toàn ngành y tế... Dịp này đoàn công tác của Bộ Y tế đã kiểm tra đổi mới phong cách thái độ phục vụ đối với người bệnh tại BV Sản - Nhi Quảng Ninh. Theo Bộ Y tế đến thời điểm này 100% bệnh tuyến Trung ương, bệnh viện thuộc khối các trường đại học y dược và các bệnh viện thuộc 35 Sở Y tế đã ký cam kết đổi mới phong cách thái độ phục vụ người bệnh. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, tiêu chí sự hài lòng của người bệnh chính là thước đo đánh giá chất lượng dịch vụ của bệnh viện, là bước tiến mới của ngành y tế sau nhiều giải pháp nhằm nâng cao nguồn nhân lực, chất lượng khám, chữa bệnh. Cũng trong ngày 23/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đã đến thăm và chúc mừng BV Sản - Nhi Hưng Yên nhân dịp 27/2 và kỷ niệm 5 năm thành lập BV. Trước đó, ngày 22/2, với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “tôn sư trọng đạo” và tưởng nhớ các Đại danh y đã gây dựng nền móng cho y học nước nhà, ngày 22/02/2016 (rằm tháng Giêng), Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, các đồng chí Thứ trưởng Bộ Y tế và đại diện các Vụ, Cục, Thanh tra, Văn phòng Bộ Y tế, Công đoàn Y tế Việt Nam,... đã tổ chức lễ dâng hương tưởng nhớ cuộc đời, sự nghiệp của Đại danh y Hải thượng Lãn ông Lê Hữu Trác và Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh tại Y Miếu Thăng Long. Nhân kỷ niệm 61 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, vào tối ngày  27/2/2016, chương trình truyền hình trực tiếp với với chủ đề: “Y tế Việt Nam - Đổi mới và phát triển” do Bộ Y tế và Đài truyền hình Việt Nam tổ chức sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 vào lúc 20h.

Chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh do vi-rút Zika

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về phòng, chống dịch bệnh do vi-rút Zi-ka. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh do vi-rút Zika gây nên có thể xâm nhập Việt Nam. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chủ động phối hợp, hướng dẫn các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý dịch theo quy định; thực hiện chế độ giám sát, báo cáo dịch theo thẩm quyền; nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ việc bổ sung danh mục dịch bệnh truyền nhiễm. Bộ Tài chính có trách nhiệm bổ sung kịp thời kinh phí để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh do vi-rút Zika gây nên trong trường hợp dịch lan rộng. Nhân dân (trang 5)

Hà Nội mới

Bổ sung kịp thời kinh phí để triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh do vi rít Zika

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường thực hiện các biện pháp, chủ động phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika có thể xâm nhập vào Việt Nam. Theo đó, Bộ Y tế chủ động, phối hợp, hướng dẫn các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý dịch theo quy định; thực hiện chế độ giám sát, báo cáo dịch theo thẩm quyền; nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ việc bổ sung danh mục dịch bệnh truyền nhiễm. Bộ Tài chính có trách nhiệm bổ sung kịp thời kinh phí để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika gây nên trong trường hợp dịch lan rộng. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, tính đến thời điểm này, toàn thành phố chưa phát hiện trường hợp nào nghi nhiễm vi rút Zika. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố cũng không sử dụng loại hóa chất Pyriproxyfen (nghi gây teo não) để diệt ấu trùng muỗi trong nước sinh hoạt và nước ăn uống. Trong suốt thời gian nghỉ Tết vừa qua, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Hà Nội đã kiểm dịch y tế 577 chuyến bay quốc tế đến Hà Nội với hơn 80 nghìn hành khách nhưng không phát hiện trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm như: MERS-CoV, Ebola, cúm A/H7N9, cúm A/H5N6 và Zika.

Hà Nội: Yêu cầu các bệnh viện niêm yết công khai mức thu và ngày giường điều trị

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 1-3, giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT bao gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù sẽ được áp dụng trên phạm vi toàn quốc, trong đó có các cơ sở y tế của Hà Nội; từ ngày 1-7, mức giá gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù và tiền lương. Riêng các đơn vị tự chủ như: Bệnh viện (BV) Tim Hà Nội, BV Đa khoa Hòe Nhai, Trung tâm Bác sĩ gia đình được thực hiện mức giá gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù và tiền lương kể từ ngày 1-3. Sở Y tế yêu cầu các đơn vị niêm yết công khai giá dịch vụ y tế, đặc biệt là mức thu khám bệnh, ngày giường điều trị để người bệnh biết. Mặt khác, các cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm lập danh mục các kỹ thuật đang thực hiện tại đơn vị, gồm danh mục, mức giá của từng dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Thông tư 37 của Liên bộ Y tế - Tài chính quy định thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT giữa các BV cùng hạng trên toàn quốc, bao gồm cả phẫu thuật, thủ thuật được xếp tương đương về kỹ thuật và chi phí, kể cả các phẫu thuật, thủ thuật chưa được quy định giá cụ thể hoặc chưa được xếp tương đương về kỹ thuật và chi phí để gửi cơ quan BHXH làm cơ sở thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người có thẻ BHYT. Sở Y tế cũng yêu cầu các đơn vị ưu tiên sử dụng nguồn thu để nâng cấp phòng khám và buồng bệnh để bảo đảm các điều kiện về khám chữa bệnh và giường điều trị cho bệnh nhân. Cụ thể, dành tối thiểu 5% số thu dịch vụ khám bệnh (3% với BV hạng III, IV), 5% thu từ ngày giường điều trị (3% với BV hạng III, IV) hằng năm để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị y tế và các trang thiết bị khác phục vụ người bệnh.

Phẫu thuật thành công khối u 700gr chèn ép tim và đường thở

Thông tin này vừa được TS Lê Ngọc Thành - Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E cho biết hôm 21-2. Bệnh nhân là nam giới, 23 tuổi, sinh viên đại học, xuất hiện ho ra máu. Ngày 18-2, bệnh nhân được phẫu thuật cưa mở toàn bộ xương ức, mở rộng lồng ngực. Khối u rất lớn, mật độ chắc, phát triển lan tỏa ra xung quanh vào khoang màng phổi 2 bên, chèn ép đẩy lệch khí quản, tim, phổi và mạch máu, u bọc quanh các dây thần kinh. Ca phẫu thuật thành công lấy được toàn bộ khối u (nặng khoảng 700g) và các tổ chức thâm nhiễm xung quanh, bảo tồn được nguyên vẹn các cấu trúc thần kinh, mạch máu; may mắn khi khối u chưa xâm lấn phá hủy các cấu trúc đó. Bệnh nhân đã tỉnh táo, tự thở sau 6 giờ hậu phẫu.

Thuốc quá hạn trên thị trường: Người sử dụng "tiếp tay" cho sai phạm

Trước tết Nguyên đán Bính Thân, Hà Nội phát hiện đường dây "lên đời" thuốc quá hạn thành thuốc còn hạn và tuồn vào các cửa hàng thuốc. Trong khi người kinh doanh làm ăn gian dối thì người tiêu dùng lại không có thói quen kiểm tra hạn sử dụng trên sản phẩm.

Thô sơ "khó tin"

Trước Tết, đội kiểm tra liên ngành TP Hà Nội đã đồng loạt kiểm tra 3 cửa hàng thuốc tây thuộc cùng một hệ thống có địa chỉ ở số 11A An Dương (Tây Hồ), số 20 Nguyễn Biểu và 129 Phúc Xá (quận Ba Đình, Hà Nội), phát hiện và thu giữ trên 500.000 đơn vị thuốc các loại hết hạn sử dụng đã bị tẩy xóa, sửa hạn sử dụng. Chủ của các cửa hàng trên là bà Trần Thị Ánh Tuyết (SN 1966, trú tại phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Thủ đoạn nâng hạn thuốc hết hạn sử dụng của "bà trùm" Ánh Tuyết rất đơn giản, chỉ bằng kéo, dao dọc giấy, bút và cồn. Đối với thuốc tân dược có hạn sử dụng in trên hộp giấy, hộp thiếc, Tuyết đã cho tẩy xóa, cạo ngày in trên vỏ hộp thành còn hạn sử dụng. Với thuốc đóng trong vỉ, có ngày sử dụng dập chìm thì Tuyết cắt phần ngày tháng đó đi. Người mua thường ít khi xem xét kỹ vỉ thuốc khi mua nên khó phát hiện thuốc còn hạn sử dụng hay không. Theo cơ quan chức năng, để tạo mạng lưới tiêu thụ thuốc hết hạn, Tuyết đã mở hơn 30 cơ sở bán thuốc tại nhiều khu dân cư đông đúc. Thủ đoạn này đã kéo dài nhiều năm và khó có thể ước đoán được bao nhiêu triệu đơn vị thuốc quá hạn đã được bán ra ngoài thị trường, gây thiệt hại cả về kinh tế và sức khỏe của người dùng. Giáo sư Hoàng Tích Huyền, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Dược lý (Đại học Y Hà Nội) cho biết, hoạt chất gì cũng chỉ có thời hạn sử dụng nhất định. Nếu dùng sản phẩm quá hạn thì thuốc sẽ biến chất, tác dụng chữa bệnh không còn, thậm chí làm gia tăng các tác dụng phụ của thuốc hoặc biến thành chất độc hại, nguy hiểm đến sức khỏe. "Đó là chưa kể khi người bệnh dùng thuốc quá hạn, giảm tác dụng trị bệnh, bệnh không khỏi mà còn nặng hơn. Lúc đó, việc điều trị khó khăn hơn, thậm chí bệnh nhân tử vong. Thuốc quá hạn cũng gây ra nhờn thuốc, kháng thuốc. Tác hại của việc kháng thuốc sẽ lâu dài và nghiêm trọng, nhất là với trẻ em. Khi kháng thuốc kháng sinh, bệnh nhân sẽ phải dùng kháng sinh thế hệ cao hơn, bệnh khó trị hơn, tốn tiền hơn, thậm chí tử vong vì không còn thuốc chữa" - Giáo sư Hoàng Tích Huyền phân tích. Đáng nói, đây không phải lần đầu cơ quan chức năng bắt giữ được thuốc hết hạn sử dụng được bán ra thị trường. Trước đó, tháng 9-2015, 38kg tân dược hết hạn sử dụng được trà trộn vào thuốc còn hạn tại một nhà thuốc ở An Giang cũng đã bị thu giữ. Tháng 4-2014, tại thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân, Thanh Hóa, qua kiểm tra một nhà thuốc, cơ quan chức năng đã thu giữ hơn 160 loại thuốc và 25 loại thực phẩm chức năng hết hạn sử dụng từ năm 2011, 2012, 2013 nhưng vẫn được bày bán. Không thể đếm được đơn vị thuốc, cơ quan chức năng đã đem thuốc này cân lên, nặng tới hơn 200kg.

Người dân bối rối

Đọc được thông tin về thuốc hết hạn bị "phù phép", chị Phạm Thị Hạnh (quận Tây Hồ, Hà Nội) giật mình lo ngại. Chị cho biết, đã nhiều lần mua thuốc ở địa chỉ 11A An Dương (Tây Hồ) - nhà thuốc vừa bị kiểm tra và phát hiện nhiều thuốc quá hạn bị "lên đời". "Có lần tôi mua thuốc theo đơn của bác sĩ, có lần không. Chẳng bao giờ tôi để ý đến dòng chữ nhỏ tý ghi ngày tháng trên bao bì nên cũng chẳng biết lần nào mua phải thuốc quá hạn. Tôi cứ nghĩ người làm ngành Y, Dược, liên quan đến sự sống chết của con người sao còn ăn gian, làm dối. Nào ngờ…" - chị Hạnh chia sẻ. Dược sĩ Nguyễn Huy Am - nguyên Trưởng khoa Dược (Bệnh viện 198) cho biết, người Việt Nam có thói quen xấu là mua thuốc không cần đơn thuốc, khi ốm là ra ngoài hàng "mua đại" vài viên thuốc, người bán lấy lẻ vài viên, cắt rời vỉ thuốc. Các nhà thuốc gian dối đã lợi dụng chính điều này để tuồn thuốc quá hạn cho người bệnh. "Thậm chí người ta chẳng cần cạo, sửa ngày làm gì cho mệt. Cứ vô tư đưa vài viên thuốc theo yêu cầu của người dân, làm gì có ngày tháng mà kiểm tra. Thuốc mua về uống luôn, cũng chẳng có hóa đơn, lấy bằng chứng nào để phát hiện hay tố cáo" - dược sĩ Am phân tích. Hiện nay, theo quy định của Bộ Y tế, những loại thuốc cận ngày sử dụng thì công ty sản xuất, phân phối phải có trách nhiệm thu hồi và tiêu hủy. Đồng thời, cơ sở sản xuất, nhập khẩu phải ngừng phân phối và trong thời gian không quá 5 ngày, phải thông báo thu hồi đến tất cả các cơ sở phân phối, đơn vị sử dụng đã mua thuốc và báo cáo về cơ quan quản lý trong vòng 30 ngày. Thực tế, các cửa hàng thuốc đã mua thuốc về rồi thì việc tiêu hủy thuốc quá hạn tùy thuộc vào sự tự giác của họ. Chẳng ai biết cửa hàng này đã bán được bao nhiêu thuốc, có tiêu hủy thuốc quá hạn hay không. Lực lượng kiểm tra không thể hàng ngày "bới" hàng triệu đơn vị thuốc để tìm thuốc quá hạn được

Ngành Y tế Thủ đô: Làm chủ kỹ thuật cao, phục vụ chu đáo bệnh nhân

Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể khẳng định ngành y tế Hà Nội đã có những bước chuyển mạnh mẽ cả về lượng và chất. Sự "thay da, đổi thịt" được thể hiện về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế, chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhiều bệnh viện (BV) đã làm chủ kỹ thuật cao, khẳng định được thương hiệu.

Mang "cuộc sống mới" cho người bệnh

Sau khi triển khai thành công ca ghép thận vào ngày 28-12-2013, đến nay, BV Đa khoa Xanh Pôn đã thực hiện thành công thêm 10 ca ghép khác. Đó không phải là kỹ thuật cao duy nhất mà BV Xanh Pôn triển khai thành công trong thời gian qua. Giám đốc BV Đa khoa Xanh Pôn Nguyễn Đình Hưng dẫn chứng một số kỹ thuật khó khác như bơm xi măng tạo hình đốt sống, thay khớp vai, diệt hạch thân tạng để giảm đau cho bệnh nhân... đã được thực hiện thường xuyên tại đơn vị. Ông Ngô Văn Nhàn (60 tuổi, ở huyện Đông Anh), bị đau vai phải trong suốt 5 năm, nhưng khoảng một năm trở lại đây, bệnh nặng hơn, khiến việc vận động rất khó khăn. Sau ca phẫu thuật thay khớp thành công tại BV Xanh Pôn, ông Ngô Văn Nhàn đi lại dễ dàng hơn và không bị những cơn đau hành hạ.  Mới đây, BV Ung bướu Hà Nội cũng đã triển khai kỹ thuật xạ trị điều biến liều (IMRT), nhằm nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân ung thư. Giám đốc BV Ung bướu Hà Nội Trần Đăng Khoa cho biết, BV hiện chỉ có 1 máy xạ trị, trung bình mỗi ngày phải điều trị cho 110-120 bệnh nhân (tăng 3 lần so với trước), dẫn đến tình trạng quá tải. Bằng nguồn vốn xã hội hóa, BV đã đầu tư hệ thống máy gia tốc của Hãng Varian (Mỹ) trị giá 35 tỷ đồng và đào tạo đội ngũ cán bộ, kỹ thuật viên để thực hiện kỹ thuật xạ trị IMRT. Ưu điểm vượt trội của kỹ thuật này là giúp tăng khả năng tiêu diệt khối u, giảm tác dụng phụ. BV Tim Hà Nội là một trong những trung tâm phẫu thuật tim mạch hàng đầu miền Bắc. Theo PGS.TS - Giám đốc Nguyễn Quang Tuấn, BV đã ứng dụng kỹ thuật can thiệp nội mạch để điều trị thành công cho hàng nghìn bệnh nhân mắc bệnh tim mạch. Nhiều kỹ thuật khó đã được thực hiện thường xuyên như cấy máy tạo nhịp, cấy máy phá rung tim, thăm dò điện sinh lý và điều trị rối loạn nhịp tim bằng sóng có tần số radio… Nhiều nước trên thế giới và trong khu vực: Nhật Bản, Ấn Độ, Singapore… đã cử cán bộ sang BV để học tập, trao đổi kinh nghiệm về kỹ thuật can thiệp nội mạch.  Ngoài ra, còn rất nhiều kỹ thuật cao khác được triển khai thành công tại các BV trên địa bàn Thủ đô, mang lại cuộc sống chất lượng hơn cho người bệnh như kỹ thuật sàng lọc trước, sau sinh tại BV Phụ sản Hà Nội; phẫu thuật cắt đẩy xương hàm điều trị biến dạng xương hàm tại BV Hữu nghị Việt Nam - Cuba; xét nghiệm tìm nhanh vi khuẩn lao MGIT-BACTEC, GeneXpert tại BV Phổi Hà Nội… Bệnh nhân Đặng Văn Minh (64 tuổi, ở Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội) hiện đang điều trị lao kháng thuốc tại BV Phổi Hà Nội cho biết, việc ứng dụng kỹ thuật cao trong công tác khám chữa bệnh giúp giảm thời gian chờ đợi, nhưng lại tăng hiệu quả điều trị.  Trước đây, muốn chẩn đoán bệnh lao cần 2-4 tháng, nhưng với kỹ thuật chẩn đoán nhanh (xét nghiệm GeneXpert) chỉ sau 2 giờ, người bệnh đã biết được mình có mắc lao hay lao kháng thuốc không. "Bên cạnh ứng dụng kỹ thuật cao, các BV của thành phố cũng đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào khám và điều trị nên rất thuận lợi cho người bệnh..." - bệnh nhân Đặng Văn Minh tỏ ra rất hài lòng đánh giá.

Thu hẹp khoảng cách

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, giai đoạn 2011-2015, thành phố đã đầu tư trên 3.068 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp, mua sắm trang thiết bị cho 49 dự án tại 37 BV trên địa bàn, nhờ đó, chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên rõ rệt. Các cơ sở khám chữa bệnh tuyến thành phố, với 23 chuyên khoa đầu ngành, đã triển khai được nhiều kỹ thuật cao, chất lượng dịch vụ ngang tầm với các BV trung ương cũng như các BV trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, sự chuyển biến đó chưa đồng đều, có sự chênh lệch khá lớn về trình độ chuyên môn giữa các cơ sở y tế tuyến thành phố và tuyến huyện.  Để khắc phục tình trạng này, thời gian qua, Sở Y tế Hà Nội đã triển khai có hiệu quả Đề án 1816 về "Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ BV tuyến trên về hỗ trợ các BV tuyến dưới, nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh". Nhờ đó, đến nay, 100% BV tuyến huyện của thành phố đã thực hiện thành công kỹ thuật mổ nội soi, giúp người bệnh không phải chuyển tuyến, giảm chi phí khám chữa bệnh, giảm quá tải cho tuyến trên. Ngay BV Đa khoa huyện Phúc Thọ, từng bị đánh giá là đơn vị yếu nhất trong khối BV tuyến huyện của Thủ đô, từ khi nhận được sự hỗ trợ chuyên môn của các BV: Đa khoa Xanh Pôn, Phụ sản Hà Nội, Việt Nam - Cuba, Y học cổ truyền Hà Nội, đã làm chủ được nhiều kỹ thuật cao. Theo ông Nguyễn Khắc Hiền, trong năm 2015, Sở Y tế đã tăng cường kiểm tra chất lượng BV. Kết quả kiểm tra khẳng định, các BV đã có sự thay đổi tích cực, đặc biệt là BV chuyên khoa hạng 1, hạng 2 và hạng 3 đều đạt các tiêu chí về chất lượng BV… Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại về công tác khám chữa bệnh tại một vài đơn vị do kỹ năng giao tiếp của cán bộ y tế còn hạn chế; sắp xếp buồng, phòng chưa hợp lý; vẫn còn tình trạng người bệnh nằm ghép; công tác kiểm soát nhiễm khuẩn chưa theo các quy trình; chưa triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ trong quản lý khám chữa bệnh…  Trong năm 2016, Sở Y tế tiếp tục thực hiện cải cách hoạt động của khoa khám bệnh, đẩy mạnh đổi mới phong cách, thái độ phục vụ nhằm đem đến sự hài lòng cho người bệnh, đồng thời triển khai các kỹ thuật lâm sàng, cận lâm sàng, đề án ghép gan; tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên, đột xuất việc thực hiện quy chế chuyên môn, nhất là các hoạt động triển khai BV vệ tinh, cải cách khoa khám bệnh, tiếp sức người bệnh, giáo dục y đức…

 

Ngày 01/03/2016
Ban Biên tập Website
(Điểm tin từ các Báo)
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích