Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 19/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 4 6 1 8 2 8
Số người đang truy cập
3 8 3
 Tin tức - Sự kiện Điểm tin y tế
Điểm tin y tế từ các báo ngày 7/12 đến 9/12 năm 2015

Sức khỏe đời sống

Tăng cường hợp tác y tế việt nam - hàn quốc

Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Đoàn đại biểu cấp cao của Bộ Y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế làm trưởng đoàn đã có chuyến thăm chính thứcHàn Quốc từ ngày 1-3/12/2015 nhằm tăng cường và thúc đẩy hợp tácvới Hàn Quốc trong lĩnh vực y tế, an toàn thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế. Trong khuôn khổ chuyến thăm Hàn Quốc, Bộ trưởng đã có buổi hội đàm với ngài Bộ trưởng Bộ Y tế Phúc lợi Hàn Quốc Chung Chin Youb. Tại buổi Hội đàm, Bộ trưởng khẳng định mối quan hệ hợp tác hiệu quả trong lĩnh vực y tế giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong thời gian qua và mong muốn hai bên sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác y tế giữa hai nước lên tầm cao mới. Ngài Chung Chin Youb cũng đã chia sẻ với Bộ trưởng và các thành viên trong đoàn những bài học kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc khống chế dịch MERS-CoV trong thời gian vừa qua và sẵn sàng hợp tác với Bộ Y tế Việt Nam trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin trong điều trị từ xa. Tại buổi làm việc, đoàn Việt Nam cũng có cơ hội tìm hiểu hệ thống cơ cấu tổ chức và chức năng nhiệm vụ của các đơn vị thuộc Bộ Y tế Phúc lợi Hàn Quốc. Sau hội đàm, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Y tế Phúc lợi Hàn Quốc đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và khoa học y khoa.Theo đó hai Bộ Y tế sẽ tăng cường hợp tác toàn diện sâu sắc trong các lĩnh vực quản lý của hai Bộ. Ngày 2/12/2015, Bộ trưởng Bộ Y tế có buổi hội đàm với Bộ trưởng Bộ An toàn Thực phẩm Dược phẩm Hàn Quốc. Bộ trưởng hai nước hết sức coi trọng những nội dung hợp tácgiữa hai Bộ trong thời gian tới và thống nhất các nội dung hợp tác nhằm tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế bởi Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu hàng nông sản lớn của Việt Nam cũng như Việt Nam là thị trường xuất khẩu trang thiết bị y tế, mỹ phẩm và dược phẩm tiềm năng của Hàn Quốc. Sau hội đàm, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Kim Seung Hee đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai Bộ trong lĩnh vực An toàn thực phẩm, Dược phẩm, Mỹ phẩm và Trang thiết bị Y tế. Nhân chuyến thăm và làm việc với Bộ An toàn Thực phẩm Dược phẩm Hàn Quốc, đoàn cũng dành thời gian tìm hiểu về hệ thống, cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của Bộ An toàn Thực Phẩm Dược phẩm Hàn Quốc. Ngày 3/12/2015, Bộ trưởng cũng có buổi làm việc với ngài Kim In, Phó Chủ tịch Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc KOICA về một số chương trình dự án trong lĩnh vực y tế. Phía KOICA cho biết hiện nay KOICA đang chuẩn bị cho chương trình kế hoạch 5 năm 2016-2020 với định hướng tập trung hỗ trợ vào vào các lĩnh vực như nước, vệ sinh, đào tạo quản lý hành chính công, giao thông và y tế sẽ tiếp tục là nội dung ưu tiên hỗ trợ của KOICA trong kế hoạch 5 tới. Trên cơ sở đó , Bộ trưởng cũng đề xuất KOICA hỗ trợ Bộ Y tế trong công tác đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh hành chính công thông qua Dự án xây dựng Trung tâm đào tạo nhân lực y tế của KOICA tại Việt Nam cho các nước Đông Nam Á; Dự án hợp tác kỹ thuật tại trường Đại học Dược Hà Nội, đặc biệt Bộ trưởng đề nghị KOICA xem xét đối với dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế với các nội dung về quản lý công nghệ thông tin trong bệnh viện, kết nối giữa bảo hiểm y tế với công tác khám chữa bệnh, xây dựng dữ liệu trung tâm… Trong thời gian đoàn làm việc tại Hàn Quốc, Bộ trưởng dành thời gian làm việc với một số nhà đầu tư, Bệnh viện của Hàn Quốc đã đang và sẽ có kế hoạch đầu tưthực hiện một số dự án y tế tại Việt Nam để chia sẻ thông tin về các chính sách, các lĩnh vực Bộ Y tế đang thu hút nhà đầu tư nước ngoài như xây dựng các nhà máy sản xuất dược, trang thiết bị y tế, chuyển giao công nghệ, xây dựng Bệnh viện... Tham gia buổi làm việc có các đơn vị/doanh nghiệp/Bệnh viện Hàn Quốc như: Viện phát triển công nghiệp Y tế Hàn Quốc, Trung tâm Y tế Ansang, Bệnh viện Sejong, Trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ JW, Hiệp hội Y tế Andong Yuri, Bệnh viện đông y Madi 75, Bệnh viện Gaya Việt Hàn… Nhân chuyến thăm lần này, Bộ trưởng cũng có buổi làm việc với Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul Bundang – một trong những bệnh viện hàng đầu của Hàn Quốc và trên Thế giớiđể tìm hiểu về công tác ứng dụng côngnghệ thông tin trong Bệnh viện. Bộ trưởng cũng hi vọng các bệnh viện, các trường đại học và các viện nghiên cứu của Việt Nam sẽ có những chương trình hợp tác hiệu quả thông qua Bản ghi nhớ giữa Bộ Y tế và Đại học Quốc gia Seoul đã ký kết tại Hà Nội vào tháng 11/2015. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Bộ trưởng cũng đến thăm nhà máy sản xuất thuốc và vắc xin LG Life Sience, Công ty mỹ phẩm Amore Pacfic. Ngày 4/12/2015, đoàn công tác của Bộ Y tế kết thúc chuyến thăm tốt đẹp và thành công của đoàn tại Hàn Quốc.Với các nội dung ký kết với Hàn Quốc trong lĩnh vực y tế, an toàn thực phẩm, Dược phẩm Mỹ phẩm và Trang thiết bị y tế sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác chiến lược và toàn diện với Hàn Quốc trong thời gian tới nói chung và nâng cấp quan hệ hợp tác giữa Bộ Y tế Việt Nam và Bộ Y tế Phúc lợi Hàn Quốc Bộ An toàn Thực phẩm Dược phẩm Hàn Quốc lên một tầm cao mới, toàn diện và sâu sắc hơn.

Hiệu quả truyền thông y tế: Cần sự hợp tác chặt chẽ giữa ngành y tế và cơ quan báo chí

Chiều 8/12, Bộ Y tế và Bộ TT&TT tổ chức hội thảo “Nâng cao hiệu quả truyền thông về công tác y tế” với sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn. Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, thời gian quan, Bộ đã lắng nghe đa chiều, có chọn lọc các thông tin hoạt động của ngành y với mong muốn đem tới cho người dân những thông tin thiết thực, có lợi nhất. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế thừa nhận, sự hợp tác giữa ngành y tế với truyền thông vẫn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng, ngành y tế thiếu chiến lược và kế hoạch dài hạn về truyền thông, giáo dục sức khoẻ. Bộ trưởng Bộ Y tế phân tích, với hơn 400.000 cơ sở y tế, nguy cơ tai biến y khoa có thể xảy ra bất cứ lúc nào nhưng các cơ sở lại chưa có kỹ năng xử lý khủng hoảng truyền thông. Trong khi đó các thông tin thiếu kiếm chứng lan truyền trên mạng xã hội với tốc độ chóng mặt, ảnh hưởng đến kết quả chung của ngành y. “Truyền thông phải đi trước một bước nhưng bản thân lãnh đạo và những người làm ngành y tế chỉ nói sâu về chuyên môn, tư duy quan niệm thì đúng nhưng xử lý, thực hành không đúng vì vậy chúng tôi mong muốn thời gian tới sẽ tăng cường hợp tác truyền thông hơn tại tất cả các cấp để thông tin kịp thời đến người dân, tránh gây hoang mang trong dư luận”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu. Bộ trưởng xác định hướng truyền thông của ngành y tế phải luôn đi trước dư luận, không chỉ chạy theo dự luận. Vì vây, thời gian vừa qua, ngành y tế đã chủ động cung cấp thông tin cho truyền thông và có quy chế quy định mỗi đơn vị y tế có một người phát ngôn chính xác các thông tin. Truyền thông về y tế cũng cần chú ý tới thói quen của người dân ở từng vùng miền. Ví dụ như truyền thông đối với khu vực miền Nam, người dân thường chỉ xem trên kênh Vĩnh Long, HTV7…., ít theo dõi trên VTV1 nên nếu chỉ tuyên truyền trên VTV1 thì sẽ không tới được người dân. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng kỳ vọng từ khủng hoảng truyền thông của ngành y sẽ trở thành mô hình mẫu về phối hợp với truyền thông vì lợi ích của nhân dân. Nhấn mạnh tầm quan trọng của truyền thông đối với sự phát triển của ngành y, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn nhấn mạnh, sự động viên, ủng hộ, chia sẻ kịp thời của các cơ cơ quan thông tấn, báo chí đã góp phần tạo ra sự đồng thuận trong nhân dân đối với các chủ trương chính sách của ngành y tế. Qua báo chí, ngành y tế đã kịp thời phát hiện và xử lý những sai phạm, tiêu cực, khuyết điểm, từ đó góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Đặc biệt, những tác phẩm báo chí về những cống hiến thầm lặng của đội ngũ cán bộ y tế, về những thành quả mà ngành y tế đạt được có ý nghĩa cổ vũ động viên rất lớn với toàn ngành. “Trong thời gian tới, giữa 2 Bộ cần xây dựng chiến lược truyền thông cụ thể, truyền thông mạnh mẽ hơn nữa, để người dân hiểu biết hơn, chia sẻ với ngành y tế, nâng cao chăm sóc sức khoẻ cho cả cộng đồng”, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh. Từ phía báo chí, Thứ trưởng Bộ TT&TT đề nghị cơ quan báo chí phải thể hiện tính chuẩn mực trong dòng chảy thông tin, là cơ sở để người dân kiểm chứng thông tin; cần tổ chức đội ngũ chuyên sâu về lĩnh vực y tế đồng thời có kế hoạch xây dựng các chuyên trang, chuyên mục thông tin, tuyên truyền về lĩnh vực y tế. “Sai lầm của một bác sỹ có thể ảnh hưởng đến một người nhưng một thông tin sai có thể gây hậu quả cho nhiều người, cho xã hội”, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn lưu ý với báo chí. Thứ trưởng Trương Minh Tuấn cũng mong muốn phía Bộ Y tế sẽ chủ động phối hợp với Bộ TT&TT tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng viết về y tế, tạo điều kiện cung cấp thông tin cho báo chí nhanh nhất, chính xác nhất, thực hiện tốt trách nhiệm của người phát ngôn nhất là khi có các sự kiện nổi cộm hoặc đặc biệt. Tiếp thu những ý kiến đóng góp từ phía Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ chủ động hơn, cởi mở hơn, minh bạch hơn trong việc cung cấp thông tin; nâng cao kỹ năng giải quyết khủng hoảng truyền thông; phối hợp nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn với báo chí. Tại hội thảo, đại diện các cơ quan báo chí đã đóng góp nhiều ý kiến, nhằm giúp công tác truyền thông về y tế đạt hiệu quả cao. Do đó, sự phối hợp giữa ngành y tế và truyền thông ngành y tế cần chủ động thường xuyên cung cấp thông tin về hoạt động khám, chữa bệnh, y tế dự phòng cho báo chí; chủ động cung cấp thông tin mới trong phòng, chống dịch bệnh; Bộ Y tế cần phối hợp với Bộ TT&TT tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng viết về đề tài y tế cho các phóng viên, biên tập viên; minh bạch thông tin để người dân hiểu rõ những khó khăn của ngành y tế và những tai biến y khoa có thể gặp phải trong quá trình phòng, chữa bệnh; thông qua mạng xã hội, nhất là face book cá nhân, các nhà quản lý y tế có thể đối thoại với mọi người về mọi vấn đề để giải tỏa những vướng mắc. Các đại biểu đều ghi nhận thời gian gần đây, Bộ Y tế đã có nhiều cải tiến trong công tác truyền thông, song vẫn cần có những phản ứng kịp thời hơn. Theo đại diện báo Infonet, vấn đề nổi lên gần đây là thông tin y tế xuất hiện từ mạng xã hội, độ tin cậy rất thấp, nhưng lại mang tính giật gân nên độ lan tỏa cao, khiến nhiều người hoang mang, như tin về dịch bệnh Ebola xuất hiện tại Việt Nam, mỳ tôm có đỉa vv… Vì thế, Bộ Y tế và các bệnh viện cần phải sử dụng mạng xã hội để cung cấp nguồn tin chính thống , khoa học dập tan tin đồn. Ngành y tế cần cởi mở và có sự phối hợp nhanh chóng với báo chí, bởi nếu không nhanh và chính xác, sẽ bị thua mạng xã hội.

Công an nhân dân

Bộ Y tế cấm nhập chất tạo nạc Salbutamol và Clenbuterol

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Tổng cục Hải quan đề nghị tạm dừng nhập khẩu các nguyên liệu Salbutamol và Clenbuterol và yêu cầu các doanh nghiệp tạm dừng nhập khẩu 2 nguyên liệu này vì đây là các nguyên liệu sản xuất thuốc đang bị sử dụng sai mục đích trong chăn nuôi để tạo nạc. Đối với các nguyên liệu đã nhập khẩu trước đó, Cục Quản lý Dược yêu cầu chỉ được dùng để sản xuất thuốc tại công ty hoặc bán cho các công ty khác có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi sản xuất thuốc, hoặc phạm vi bán buôn nguyên liệu làm thuốc còn hiệu lực. Từ năm 2002, Bộ NN&PTNT đã cấm sản xuất, nhập khẩu, lưu thông và sử dụng một số hóa chất, kích thích tố trong đó có Clenbuterol, Salbutamol và cấm sử dụng trong chăn nuôi. Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cũng yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi không sử dụng các chất nằm trong danh mục cấm trên. Clenbuterol, Salbutamol là hai hóa chất dùng sản xuất thuốc điều trị hen suyễn, điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhưng ở Việt Nam, lại thường được trộn vào thức ăn gia súc, gia cầm cho động vật lớn nhanh, tỉ lệ nạc cao hơn, màu sắc thịt đỏ hơn. Trong khi Salbutamol và Clenbuterol rất có tác hại. Người ăn thịt lợn nuôi bằng 2 chất trên sẽ có nguy cơ bị ngộ độc và tích lũy trong cơ thể gây bệnh, ảnh hưởng đến tim mạch và trí tuệ, biến chứng ung thư thậm chí, gây tử vong.

An ninh thủ đô

Tăng tốc cấp phép hoạt động khám chữa bệnh

Bộ Y tế vừa có công văn khẩn gửi lãnh đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc đẩy nhanh tiến độ cấp CCHN và giấy phép hoạt động (GPHĐ) khám bệnh, chữa bệnh Nhà nước. Theo đó, Sở Y tế các địa phương căn cứ vào điều kiện thực tế về tổ chức nhân sự, trang thiết bị y tế, phạm vi hoạt động chuyên môn để khẩn trương tổ chức cấp CCHN và GPHĐ theo các hình thức tổ chức khám, chữa bệnh cho các cơ sở khám, chữa bệnh trong thẩm quyền quản lý theo đúng lộ trình quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh; đảm bảo cung ứng dịch vụ khám, chữa bệnh có chất lượng cho nhân dân trên địa bàn; báo cáo kết quả về Bộ Y tế trước 31-12-2015. 

Có hay không sản phẩm máy đo an toàn thực phẩm? 

Nắm bắt được tâm lý lo lắng về an toàn thực phẩm, thời gian gần đây một số sản phẩm được quảng cáo là có tác dụng đo mức độ an toàn của thực phẩm được bán với giá khá cao. Tuy nhiên, người dân cần cân nhắc, vì thực tế trên thị trường chưa có sản phầm nào có thể đo được tất cả các chỉ số liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Một sản phẩm máy đo an toàn thực phẩm đang được nhiều người truyền tai nhau là có thể kiểm tra được dư lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, phóng xạ… trong rau, quả, thực phẩm với giá bán dao động từ 4,5 triệu đến 6,5 triệu đồng. Sản phẩm khá nhỏ gọn, được cài đặt sẵn phần mềm tiếng Việt. Tuy nhiên khi tìm hiểu kỹ thì sản phẩm này chỉ có chức năng kiểm tra dư lượng nitrat (muối diêm) - một hóa chất thường được sử dụng bảo quản thực phẩm. Theo đó, khi muốn kiểm tra một sản phẩm nào đó, chỉ việc cắm ngập đầu thanh kim loại vào thực phẩm cần đo. Trong vòng 20 giây, chỉ số nồng độ nitrat sẽ hiển thị và ngay lập tức, máy sẽ đối chiếu với mức nitrat quy định và đưa ra khuyến cáo phù hợp cho người tiêu dùng. Với chức năng như vậy, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Sinh học - Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, phải gọi chiếc máy này là máy đo dư lượng nitrat trong thực phẩm chứ không nên gọi là máy đo an toàn thực phẩm để tránh người tiêu dùng hiểu lầm về công năng của nó. Hơn nữa, việc đo nitrat bằng máy này sẽ khó có độ chính xác vì các nguyên nhân như việc bảo quản máy, đầu cắm… Bên cạnh đó, chiếc máy này chỉ đo được những thực phẩm có thể cắm đầu test vào nên các loại thực phẩm như rau, sản phẩm dạng nước sẽ không đo được. Mới đây, đại diện Cục ATTP (Bộ Y tế) cũng cho biết, các thông tin trên các trang mạng bán sản phẩm này đã đưa tin, quảng cáo thổi phồng, sai lệch so với hồ sơ đăng ký lưu hành. Theo đó, đây chỉ là bộ xét nghiệm nhanh dư lượng nitrat trong rau, củ, quả, thịt tươi. Trên thực tế, hiện trên thị trường có nhiều bộ sản phẩm giúp phát hiện các độc tố trên thực phẩm. Tuy nhiên, các thiết bị này chỉ phát hiện được một loại độc tố, không có sản phẩm nào phát hiện được nhiều loại độc tố cùng một lúc. Trong khi đó, chất bảo vệ thực vật gây hại đến sức khỏe con người có tới hàng nghìn chất, chưa kể các tác nhân khác, vì vậy không có loại máy nào giúp bà nội trợ có thể lựa chọn thực phẩm an toàn một cách tuyệt đối. Hơn nữa, trên thị trường hiện nay cũng có nhiều kit thử độc tố thực phẩm với giá  từ 10.000 đến 70.000 đồng, tuy nhiên những sản phẩm này chỉ sử dụng được 1 lần nên tính ra giá thành cho mỗi lần sử dụng khá đắt. Do đó chỉ có các khối cơ quan, doanh nghiệp hay các nhà hàng mới mua, người dân rất ít sử dụng. Theo tư vấn các chuyên gia, các bà nội trợ cũng có thể sử dụng các kit thử độc tố thực phẩm với mục đích chọn cho mình một địa chỉ tin tưởng để mua thực phẩm. Chẳng hạn một số kit thử độc tố thực phẩm như hàn the, kiểm tra độ sạch bát đĩa, nước cứng, thuốc trừ sâu, phẩm màu, formon, nitrat, nitrit...  của Viện Kỹ thuật hóa sinh và Tài liệu nghiệp vụ (Bộ Công an) hiện được bán với giá vài chục nghìn đồng. Hay mới đây, Bộ NN&PTNT phối hợp với Viện Hóa học TP.HCM cũng đã nghiên cứu thành công que thử chất cấm tồn dư trong gia súc, gia cầm. Với sản phẩm này, người dùng chỉ cần nhúng que thử vào nước tiểu của vật nuôi khoảng 5 phút, khi chữ T trên que thử mất đi có nghĩa là vật nuôi đó vẫn tồn dư các chất cấm. Hiện, giá thành mỗi que thử vào khoảng 70.000 - 100.000 đồng. Các đơn vị phối hợp nghiên cứu đang hoàn thiện sản phẩm và hạ giá thành để có thể đưa sản phẩm sớm được đưa ra sử dụng đại trà.  

Phòng bệnh đường hô hấp, đột quỵ do trời rét

Mấy ngày gần đây, thời tiết chuyển rét khiến trẻ em, người già mắc các bệnh lý đường hô hấp, tim mạch có xu hướng gia tăng và chiếm tỷ lệ cao trong tổng số bệnh nhân đến khám tại các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội.

Gia tăng bệnh nhi nhập viện

Trong mấy ngày qua, tại Khoa Nhi tổng hợp - Bệnh viện Xanh Pôn, số bệnh nhi bị các bệnh lý do thời tiết nhập viện gia tăng và chiếm tỷ lệ lớn trong số các bệnh nhi vào khám, điều trị. Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Văn Thường, Trưởng Khoa Nhi tổng hợp - Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, nếu như 2 tuần trước bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện chiếm tỷ lệ lớn thì khoảng 1 tuần nay, nhất là từ khi trời chuyển rét, trong khi bệnh nhân sốt xuất huyết có xu hướng giảm nhanh thì số bệnh nhi mắc các bệnh lý như hen, viêm phế quản, bệnh đường hô hấp trên lại gia tăng. Hiện toàn khoa đang điều trị cho khoảng 50 bệnh nhi mắc các bệnh lý này, đáng chú ý đối tượng mắc hầu hết là nhóm trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Bác sĩ Nguyễn Văn Thường nhấn mạnh, thông thường khi thời tiết thay đổi, sau khoảng 4-5 ngày rét liên tục thì số bệnh nhi mắc bệnh đường hô hấp đến viện bắt đầu gia tăng. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy, Phó trưởng Khoa Miễn dịch dị ứng - Bệnh viện Nhi Trung ương, thông thường vào mùa đông hay khi thời tiết chuyển mùa thì số bệnh nhi đến khám tại các bệnh viện từ trung ương đến địa phương đều tăng. Nguyên nhân vì thời tiết lạnh nên thuận lợi cho tác nhân gây bệnh phát triển, đặc biệt là virus, vi khuẩn. Cùng với đó, nhiều yếu tố khác về môi trường làm cho virus, vi khuẩn biến chủng, biến đổi theo và gây ra đề kháng với môi trường, khiến cho cơ thể dễ mắc bệnh hơn, bệnh nặng hơn. Bên cạnh những dịch bệnh vốn lưu hành trong mùa đông ở nước ta như cúm, viêm đường hô hấp, viêm mũi dị ứng hay sốt xuất huyết, thì những năm gần đây đã xuất hiện một số virus gây bệnh truyền nhiễm mới. Để phòng bệnh, điều quan trọng là cần giữ ấm cho trẻ. Nên tránh chỗ đông người, tập cho trẻ thói quen vệ sinh mũi họng, vệ sinh tay hàng ngày. Trẻ phải được uống đủ nước, chế độ ăn đủ chất. Mặt khác, trẻ phải được tiêm chủng đầy đủ.

Bệnh tim mạch dễ biến chuyển nặng

Trong khi ở trẻ em, bệnh lý thường gặp nhất do thời tiết giá rét là các bệnh về đường hô hấp thì ở người cao tuổi, mối lo thường trực là các bệnh lý tim mạch, đột quỵ. ThS.BS Nguyễn Quốc Thái, Phòng Cấp cứu Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ở người cao tuổi, mùa đông là mùa dễ mắc các bệnh thấp khớp, hô hấp, hay tim mạch. Lý do vì thời tiết lạnh làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp, từ đó làm tăng nguy cơ tổn thương tim mạch. Do vậy, người già cũng giống như trẻ nhỏ cần phải giữ ấm cơ thể, đặc biệt với người có tiền sử mắc bệnh tim mạch thì trong mùa đông nên ngủ sớm và dậy muộn. Những thực phẩm có nhiều muối như dưa muối, thịt đông... không phù hợp với người bệnh tim mạch và tăng huyết áp. Cần kiểm soát chế độ ăn, đặc biệt là cần ăn nhạt. Trước đó, tại buổi hội thảo truyền thống về phòng chống các bệnh do trời rét diễn ra đầu tháng 12 này, TS Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cũng đã cảnh báo, khi trời chuyển rét, không ít trường hợp người cao tuổi sau khi đi tập thể dục bất ngờ bị đột quỵ, xuất huyết não, không thể cấp cứu kịp. Do vậy, ngoài việc phải giữ ấm cơ thể, đảm bảo điều kiện dinh dưỡng thì người dân, nhất là người cao tuổi cần điều chỉnh thói quen dậy sớm, ra ngoài trời tập thể dục quá sớm trong mùa đông. TS Trương Đình Bắc khuyến cáo, sau khi thức giấc, người cao tuổi không nên đột ngột ngồi dậy, ra khỏi giường ngay mà cần xoa bóp, làm ấm cơ thể từ từđể tránh nguy cơ đột quỵ do nhiệt độ cơ thể thay đổi đột ngột.

Bổ sung 15 chất ma túy dùng hạn chế trong y tế

Chính phủ vừa ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Danh mục các chất ma túy và tiền chất ban hành kèm theo Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ ban hành các danh mục chất ma túy và tiền chất. Theo đó, bổ sung 15 chất  vào Danh mục II “Các chất ma túy được dùng hạn chế trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế theo quy định của cơ quan có thẩm quyền” gồm: 25B-NBOMe; 25C-NBOMe; 25I-NBOMe; 2C-H; 5-Meo-DiPT; 5-MeO-MiPT; AH-7921; AM-2201; JWH-018; JWH-073; JWH-250; MDPV; Mephedrone; Methylone; XLR-11. Bên cạnh đó, bổ sung 2 chất: Alpha-phenyl acetoacetonitrile (APAAN) và Gamma-butyro lactone (GBL) vào Danh mục IV "Cáctiền chất". Sửa tên Danh mục III thành "Các chất ma túy (quy định cũ là các chất hướng thần) được dùng trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế theo quy định của cơ quan có thẩm quyền".

Hà nội mới

Chung tay vì thực phẩm sạch

Ngày 30/11, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu ký ban hành Kế hoạch số 203/KH-UBND về việc triển khai Chương trình truyền thông "Chung tay vì an toàn thực phẩm" thành phố Hà Nội giai đoạn 2015-2020. Kế hoạch nhằm mục tiêu đẩy mạnh công tác truyền thông cộng đồng, vận động nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhằm đảm bảo sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chất lượng, an toàn góp phần nâng cao sức khỏe người tiêu dùng. Kêu gọi doanh nghiệp, cộng đồng, các tổ chức, đoàn thể xã hội cùng chung tay, góp sức vì thực phẩm sạch, chất lượng, an toàn. Tăng cường xã hội hóa hoạt động truyền thông và huy động hiệu quả sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp. Xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất - tiêu thụ và quảng bá sản phẩm an toàn. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của UBND các cấp trong chỉ đạo, điều hành công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại địa phương, tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác an toàn thực phẩm.

Những đứa trẻ cần máu như không khí

Không như những đứa trẻ bình thường, các em nhỏ mắc phải bệnh tan máu bẩm sinh chỉ có thể sống nếu được truyền máu đều đặn. Các em cần máu như cần không khí để thở, và sinh tồn. Thẳm sâu trong đôi mắt của những đứa trẻ, lẽ ra chỉ có sự hồn nhiên nhưng ở các em đang điều trị tan máu bẩm sinh ở Viện huyết học truyền máu trung ương, người ta còn tìm thấy nỗi buồn và khát khao được sống bình thường. Các em muốn biết đến ngày lễ, ngày tế, muốn được sống một cuộc đời bình thường mà không phải đối mặt với cơn đau từ những mũi tiêm, những lần tiếp máu, dịch truyền,... để duy trì sự sống...

Cam kết không sử dụng động vật hoang dã làm dược liệu trong y học cổ truyền

Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo tập huấn về vai trò của y học cổ truyền (YHCT) trong bảo tồn động vật hoang dã (ĐVHD) do Mạng lưới giám sát buôn bán ĐVHD TRAFFIC phối hợp với Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe trung ương (Bộ Y tế) tổ chức ngày 7-12 tại Hà Nội. Được biết, nhiều nghiên cứu cho thấy, tại các quốc gia có hoạt động YHCT phát triển, các sản phẩm dược liệu từ ĐVHD thường được sử dụng rất nhiều. Đơn cử như tại Việt Nam, nhu cầu đối với sản phẩm ĐVHD đang làm suy giảm nghiêm trọng các quần thể động vật hiếm. Nạn săn trộm hiện đang tiếp diễn bất kể việc pháp luật nghiêm cấm săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt trái phép động vật hoang dã nguy cấp. Tuy nhiên, GS Hoàng Bảo Châu, Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho rằng, có rất nhiều dược liệu có thể thay thế ĐVHD mà vẫn không ảnh hưởng tiêu cực đến thiên nhiên, vì vậy không cần kê đơn thuốc có thành phần từ ĐVHD nguy cấp như sừng tê giác. Tại hội thảo đã cung cấp cho học viên những kỹ năng và kiến thức cần thiết để hành nghề một cách hiệu quả, có đạo đức và an toàn, qua đó góp phần bảo vệ ĐVHD nguy cấp. Cũng tại đây, có khoảng 600 học viên đến từ 11 cơ sở YHCT uy tín tại Việt Nam đã cam kết không sử dụng các sản phẩm từ ĐVHD.

Lao động

Bộ Y tế ban hành danh mục vi chất dinh dưỡng sử dụng trong thực phẩm

Bộ Y tế vừa ban hành TT số 44/2015/TT-BYT trong đó quy định cụ thể “Danh mục vi chất dinh dưỡng sử dụng trong thực phẩm”. Nội dung Thông tư quy định rõ, danh mục vitamin, chất khoáng và yêu cầu về quản lý đối với vi chất dinh dưỡng sử dụng để bổ sung, tăng cường vào thực phẩm yêu cầu về quản lý đối với vi chất dinh dưỡng sử dụng để bổ sung, tăng cường vào thực phẩm. 4 vi chất dinh dưỡng bắt buộc tăng cường vào thực phẩm bao gồm: Iốt; sắt; kẽm; vitamin A. Vi chất dinh dưỡng khuyến khích tăng cường vào thực phẩm phải thuộc danh mục vi chất dinh dưỡng được phép bổ sung vào thực phẩm theo quy định. Hàm lượng vi chất dinh dưỡng theo quy định trên được tăng cường vào thực phẩm phải đạt yêu cầu về chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng. TT số 44/2015/TT-BYT có hiệu lực thi hành từ 1/3/2016.

Xét nghiệm phát hiện sớm một số bệnh cho trẻ sơ sinh

Xét nghiệm sàng lọc sơ sinh giúp phát hiện sớm các bệnh lý ngay trong những ngày đầu bé chào đời và có hướng điều trị kịp thời nhằm giảm tỉ lệ tử vong sơ sinh, giảm tỉ lệ chậm phát triển tâm thần kinh và thể chất, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Sàng lọc sơ sinh là chương trình thực hiện một số xét nghiệm cho trẻ sơ sinh nhằm phát hiện sớm các bệnh lý về nội tiết và rối loạn chuyển hóa ảnh hưởng đến sức khỏe và phát triển thể chất, tâm thần của trẻ. Các bệnh lý này thường khó phát hiện trên lâm sàng khi trẻ mới sinh, do đó cần phải thực hiện xét nghiệm sàng lọc để phát hiện. Một vài bệnh lý như bệnh suy giáp bẩm sinh nếu phát hiện sớm và được điều trị ngay trong vòng 2 tuần sau sinh thì trẻ sẽ phục hồi và phát triển hoàn toàn bình thường cả thể chất và tinh thần. Theo đó, xét nghiệm sàng lọc sơ sinh giúp phát hiện sớm các bệnh lý ngay trong những ngày đầu bé chào đời và có hướng điều trị kịp thời nhằm giảm tỉ lệ tử vong sơ sinh, giảm tỉ lệ chậm phát triển tâm thần kinh và thể chất, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Thời gian tốt nhất để lấy máu làm xét nghiệm sàng lọc sơ sinh cho trẻ là từ 3 đến 7 ngày tuổi. Xét nghiệm G6PD (Glucose -6 –phosphate dehydrogenase) : Đây là xét nghiệm tầm soát sự thiếu hụt của enzym G6PD của trẻ. Khi cơ thể trẻ không tổng hợp được enzym này như bình thường thì tế bào không biến đổi các sản phẩm có hại thành sản phẩm không hại và tích tụ lại trong hồng cầu, làm hồng cầu dễ vỡ. Việc phát hiện sớm và thận trọng khi dùng thuốc, theo dõi vàng da kéo dài bất thường ngay trong những ngày đầu là vô cùng quan trọng. Xét nghiệm TSH (Thyroid Stimulating Hormone) : Đây là xét nghiệm phát hiện sớm bệnh suy giáp bẩm sinh, khi mà cơ thể trẻ không tự sản xuất, hoặc sản xuất hormon tuyến giáp không đủ. Hormon tuyến giáp cần thiết cho sự phát triển của não bộ và cơ thể trẻ từ lúc sinh ra cho đến tuổi trưởng thành. Việc phát hiện sớm và điều trị bổ sung đủ lượng hormon ngay trong 2 tuần đầu sẽ giúp trẻ phát triển bình thường cả thể chất và tinh thần của trẻ. Sàng lọc suy giáp có thể được sàng lọc trước sinh khi người mẹ mang thai 3 tháng cuối thai kỳ, phát hiện và điều trị ngay từ khi còn trong bào thai giúp cho trẻ phát triển bình thường. Xét nghiệm 17 –OHP (17-Hydroxy progesterone): Đây là xét nghiệm phát hiện bệnh tăng sinh tuyến thượng thận bẩm sinh, một bệnh lý rối loạn tổng hợp hormon tuyến thượng thận ở trẻ sơ sinh dẫn đến biểu hiện ở các thể bệnh khác : mất muối gây tử vong, mơ hồ về giới tính ở bé gái. Việc phát hiện sớm giúp điều trị kịp thời, giảm thiểu tình trạng nam hóa cơ quan sinh dục ngoài gây nhầm lẫn giới tính ở trẻ gái. Việc điều trị sớm ít bị ảnh hưởng tâm lý và giảm khả năng phải tạo hình cơ quan sinh dục ngoài khi bé gái lớn lên.

Bà lang người Dao có bài thuốc chữa bệnh gan giúp nhiều người thoát bệnh tật

Bà đã dùng bài thuốc gia truyền của người Dao chữa trị cho những người mắc bệnh về gan. Chính bà cũng dùng bài thuốc này chữa cho con trai mình thoát khỏi căn bệnh gan nguy hiểm. Người làm thuốc phải leo lên những vách đá cheo leo, những đỉnh núi cao mù sương mới kiếm được các loại dược liệu vô cùng hiếm để làm nên bài thuốc hiệu nghiệm đó. Người nắm giữ bài thuốc chữa viêm gan gia truyền của dòng họ Dương dân tộc Dao đó chính là bà Triệu Thị Vui (SN 1954, trú tại xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình). Chúng tôi có dịp biết đến bà Vui trong một dự hội thảo về đông y của huyện Cao Phong, tỉnh Hoà Bình. Bà Vui là một trong những người có bài thuốc chữa bệnh gan, viêm gan nổi tiếng của vùng rừng núi này. Bà cũng là hội viên cốt cán của Hội đông y xã Bắc Phong. Tôi đã tìm đến tận vùng rừng núi Bắc Phong để diện kiến bà Vui khi bà vừa về sau chuyến đi rừng. Lấy thuốc cho những người bệnh đang chờ ở nhà xong, bà Vui mới có thời gian tiếp chuyện khách. Qua câu chuyện, bà cho biết, bài thuốc chữa gan trong gia đình đã có từ lâu đời. “Trước kia, hồi nhỏ, tôi đã theo mẹ, theo bà đi lấy thuốc nên biết làm thuốc từ nhỏ. Sau này đi lấy chồng, nhà chồng cũng có bài thuốc gia truyền chữa bệnh về gan nên tôi đã kết hợp lại để bài thuốc gan phát huy tốt nhất”, bà Vui chia sẻ. Chính nhờ bài thuốc chữa bệnh gan này mà con trai bà Vui đã sống được. Cách đây 3 năm, con trai bà Vui là anh Dương Kim Cường (SN 1976) bỗng dưng mắc chứng bệnh vàng da, vàng mắt, người mệt mỏi không thể làm gì và sút cân nghiêm trọng. Đi bệnh viện, anh được bác sĩ thông báo mắc chứng viêm gan. Sau đó, bà Vui đã tự tay cắt thuốc cho con trai. Uống được gần 1 tháng, bệnh tình của anh Cường đã gần dứt điểm. Uống thêm một thời gian nữa, bệnh anh khỏi hẳn. Từ đó đến nay, anh lao động, sức khỏe bình thường như trước. Ngồi tiếp chuyện, anh Cường chia sẻ: “Nhờ bài thuốc của mẹ mà tôi khỏe mạnh. Khi đi khám, biết mình mắc bệnh gan là tôi về nhà dùng thuốc luôn”. Theo bà Vui, bài thuốc gia truyền của gia đình bà được làm từ khoảng chục vị thuốc. Những vị thuốc lấy về được phơi khô, rồi chế biến. Nếu có thể dùng thuốc tươi sẽ phát huy tác dụng tốt hơn. Bài thuốc chữa các bệnh gan như vàng da, mắt, bệnh viêm gan, sơ gan dạng nhẹ. Ngay từ lúc còn chưa đi lấy chồng, bà Vui đã tự tay cắt thuốc chữa gan cho người bệnh. Bệnh nhân của gia đình bà có ở nhiều nơi. “Tôi lấy thuốc cho nhiều người nhưng không có thói quen ghi lại tên tuổi địa chỉ nên chẳng nhớ hết, chỉ có những người bị nặng thì mới nhớ được”. Trong các bệnh nhân, có bà Nguyễn Thị Quỳnh (60 tuổi, phường Tân Thịnh, thành phố Hoà Bình, tỉnh Hoà Bình) bị gan rất nặng. Thường ngày, bà bị nôn ói, vàng da, vàng mắt và không ăn được. Nghe lời giới thiệu, bà Quỳnh đã đến nhờ bà Vui cắt thuốc điều trị. Chỉ sau 3 tháng điều trị, bệnh gan của bà Quỳnh đã đỡ. Dùng thuốc thêm một thời gian thì bệnh tình dứt hẳn. Đi xét nghiệm, bà Quỳnh nhận kết luận, bệnh gan đã khỏi. Trong số bệnh nhân của bà Vui, tôi còn biết tới ông Quách Văn Thành (60 tuổi, trú xã Vũ Lâm, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình), bị bệnh viêm gan mãn tính khá lâu, dẫn mất ngủ, kém ăn khiến người gày rộc. Ông Thành cũng điều trị lâu bằng thuốc tây mà không khỏi. Tới khi biết bà Vui, chỉ sau 1 tháng uống thuốc, ông Thành ăn được, ngủ được. Sau 4 tháng dùng thuốc, ông đi xét nghiệm thì được kết luận, đã hết triệu chứng của bệnh viêm gan. Giờ đây, sức khỏe của ông Thành rất tốt, chưa thấy tái phát. Theo bà Vui, người mắc bệnh gan thường có các triệu trứng như: da vàng hơn bình thường; mắt và nước tiểu cũng có màu vàng đục, đậm. Đây được gọi là hiện tượng vàng da và là một trong số các triệu chứng đầu tiên của người bệnh gan. Bên cạnh đó, các triệu chứng mẩn ngứa, mề đay, mụn nhọt cũng là dấu hiệu của bệnh gan mà người bệnh nên lưu ý. Ngoài ra, một số dấu hiệu lạ ở vùng bụng và toàn thân có liên quan đến bệnh gan, người bệnh cần đi khám mới biết được. Theo bà Vui chia sẻ, bài thuốc chữa bệnh gan của gia đình bà rất công phu, những loại thảo dược làm nên bài thuốc đều rất hiếm, có khi phải đi cả ngày mới kiếm được một ít, thậm chí phải trèo lên núi đá cheo leo để kiếm những loại dây leo chỉ mọc ở các vách đá. Bà Vui buồn buồn nói: “Bài thuốc gồm nhiều loại cây, trong đó có cây ngồng phiêng (cách gọi của người Dao - PV) - một loại cây trên vách đá, lá to, có thể dùng cả lá, cả thân làm thuốc, hoặc như cây thiền pui chiểng - dạng cây chỉ mọc ở các đỉnh núi cao, rất khó kiếm, hoặc cây sinh rang toan - loại cây rất khó tìm, bây giờ có khi đi cả ngày rừng mới bắt gặp được vài cây. Hiện nay, việc lấy thuốc càng ngày càng khó, càng vất cả, trong khi người bệnh càng ngày càng nhiều”. Khi lấy thuốc cũng cần chú ý lấy cây càng già càng tốt, những cây non quá thì tác dụng không nhiều. Sau đó, đem những cây này về thái ra, phơi thật khô, tránh ẩm mốc. Theo bà Vui, dùng bài thuốc này phải kiên trì mới hiệu quả. “Dùng thuốc nam không được nóng vội, vì thuốc nam ngấm dần, ngấm tới đâu thì tác dụng lâu dài tới đó. Những bệnh về gan dạng nhẹ, chớm thì chỉ cần uống thuốc gần tháng là khỏi. Người bệnh nặng phải điều trị 2 - 3 tháng mới khỏi được”, bà Vui cho biết. Khi dùng thuốc, phải kiêng các chất tanh, dưa muối, cà muối, thịt chó, bia rượu, các đồ ăn cay nóng tổn hại cho gan… thì thuốc mới phát huy tốt nhất. Tất cả vị thuốc được cắt thành thang, cứ sắc uống 1 thang/2 ngày. “Chữa bệnh cũng là một thú vui lúc về hưu, cứ thấy mỗi người khỏi bệnh là tôi như cảm thấy trẻ ra” - lời bà Vui trước lúc chia tay. Theo bà Phùng Thị Lâm - Ủy viên Ban chấp hành Hội Đông y huyện Cao Phong, bà Triệu Thị Vui có bài thuốc gia truyền chữa bệnh gan đã chữa cho nhiều người khỏi bệnh. Bà Vui cũng là hội viên tích cực của Hội đông y Bắc Phong, có nhiều đóng góp cho hội.

Bác sĩ thiếu lương, trẻ em ăn thịt cóc

14 bệnh viện ở Đắk Lắk hết tiền trả lương cho người lao động, y-bác sĩ của các bệnh viện này chờ lương như nắng hạn chờ mưa. Nếu tháng 12 vẫn chưa được trả lương, thì các bệnh viện trở thành con nợ với hơn 15 tỉ đồng. Bệnh viện là con nợ của người lao động, còn họ là con nợ với gia đình, nợ tiền học cho con cái, nợ cái ăn hằng ngày, nợ chính những nhu cầu sống thiết yếu của chính mình. Y-bác sĩ điều trị cho bệnh nhân, nếu không có tiền để lo cho bản thân và gia đình, tâm lý bất an, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng khám-chữa bệnh. Cũng tại Đắk Lắk, xảy ra vụ việc rất đau lòng, ba chị em ở buôn Phụng, xã Cư Pui (huyện Krông Bông) bắt cóc nấu ăn. Hai trong 3 cháu là H’Nách (3 tuổi) và Y Thuật (2 tuổi) tử vong, cháu H’Chúa B’jă (10 tuổi) được đưa đi cấp cứu. Nghèo, thiếu ăn đến mức này đã tận cùng chưa, và có phải đây là gia đình nghèo duy nhất ở Đắk Lắk? Hai chuyện trên hâm nóng lại câu chuyện tuần trước, khi báo chí đưa tin tỉnh Đắk Lắk chuẩn bị tổ chức một đoàn cán bộ không tái cử vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ mới đi nghỉ dưỡng tại Hàn Quốc. Chuyến đi du lịch này là nhằm ghi nhận đóng góp của họ trong những năm qua. Chuyến đi không thực hiện là do dư luận lên tiếng phản đối, không phải do thực tâm muốn rút lui. Nếu có sự thực tâm, thì ngay từ đầu đã không có chuyện này xảy ra. Có gì liên quan trong những vụ việc nêu trên chắc bạn đọc đã nhận ra. Một tỉnh nghèo có đến 14 bệnh viện nợ lương người lao động, nghèo đến mức trẻ em ăn thịt cóc chết, thì cán bộ lãnh đạo không thể lấy bất cứ lý do gì để nghĩ đến chuyện hưởng thụ. Người thực sự vì dân phải thấy được trách nhiệm cá nhân mình trước cái nghèo của dân, sự lầm than của người lao động. Quan thanh liêm không chỉ là không vướng chuyện tham nhũng, mà dứt khoát không tiêu một đồng tiền phung phí khi dân còn nghèo khổ. Là cán bộ lãnh đạo, có thể ngủ yên giấc không khi ngay trên địa phương của mình, có đến 14 bệnh viện không còn tiền trả lương, chắc chắn là không. Là người lãnh đạo, nghe tin trẻ em chết vì ăn cóc độc sẽ rơi nước mắt, lòng như lửa đốt, tự đấm ngực để trách phạt chính mình. Nếu như dòng tin dữ trên báo chí không lay động cảm xúc về trách nhiệm, thì không thể dẫn đến hành động vì cơm no áo ấm cho người dân. Hãy biết rằng, dân chúng nhìn vào kết quả công việc và cuộc sống thực của quan chức để đánh giá năng lực và phẩm chất, không phải nghe những bài phát biểu dài dòng sáo rỗng trên truyền hình.

Để thoát khỏi khủng hoảng truyền thông, ngành y tế sẽ cởi mở hơn

Chiều 8.12 Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội thảo "Nâng cao hiệu quả truyền thông về công tác y tế". Hội thảo có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng đông đảo các cơ quan báo chí truyền thông trung ương và địa phương. Nhiều tham luận của các cơ quan báo chí truyền thông trong Hội thảo đã chỉ ra sức mạnh của truyền thông trong công tác tuyên truyền về lĩnh vực y tế. Truyền thông đã sát cánh bên cạnh ngành y tế để mang đến cho người dân những thông tin hết sức hữu ích cho cuộc sống. Bên cạnh đó, đôi khi, truyền thông cũng vẫn còn những mặt hạn chế khi không ít lần như thổi phồng nhiều vấn đề y tế khiến dư luận hoang mang. Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng: "Mẫu số chung của y tế và truyền thông là để phát triển kinh tế xã hội. Truyền thông cần thông tin những điều hay điều tốt và cả hạn chế. Thông tin cho người dân biết những kiến thức về dự phòng chăm sóc sức khoẻ và nguy cơ bệnh tật, thay đổi hành vi nguy cơ để trở thành hành vi tích cực". Bộ trưởng Bộ Y tế cũng chia sẻ: "Khủng hoảng truyền thông là hiện tượng đất nước nào cũng có, lĩnh vực nào cũng có, nhưng làm thế nào để giải quyết nó thì cần có sự tương tác giữa truyền thông và cơ quan phụ trách lĩnh vực đó. Phải hợp tác như thế nào để có lợi nhất cho người dân. Phải đặt quyền lợi của người dân lên trên hết. Tôi ví dụ về khủng hoảng truyền thông như tiêm nhầm vắc xin ở Quảng Trị, dịch sởi, như tiêm nhầm vắc xin- nước cất... Nó là hiện tượng bình thường của mọi xã hội đang phát triển và đã phát triển nhưng nó đã trở thành cuộc khủng hoảng truyền thông do ngành y tế không biết xử lý truyền thông. Ngành y tế cần chủ động, cởi mở và minh bạch hơn đối với truyền thông".  Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: "Nói về hiệu quả truyền thông, từ việc để xảy ra các khủng hoảng truyền thông, chúng tôi có khát vọng làm một mô hình mẫu về sự phối hợp với truyền thông vì mục tiêu cho con người và đất nước".

Giật mình với tác hại cho sức khỏe khi ăn nhiều mì ăn liền

Mì ăn liền là một loại thực phẩm đóng gói phổ biến và là món ăn ưa thích của nhiều người. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc, Việt Nam  là nước tiêu thụ mì ăn liền nhiều thứ hai thế giới. Tuy nhiên, đây lại là một con số đáng e ngại bởi mì ăn liền đem lại nhiều hại hơn là lợi. Hàn Quốc là nước dẫn đầu trong danh sách tiêu thụ nhiều mì ăn liền nhất trên thế giới. Theo báo cáo này, nguyên nhân khiến lượng tiêu thụ mì ăn liền tại Hàn Quốc tăng cao là do ngày càng xuất hiện các hộ gia đình “chỉ có một người”, chính vì thế mà người dân nước này có xu hướng lựa chọn những bữa ăn đơn giản và dễ ăn. Việt Nam đứng thứ 2 trong danh sách tiêu thụ mì ăn liền mạnh. Ước tính, 1 năm mỗi người ăn khoảng hơn 50 gói. Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, mì ăn liền không chứa các chất dinh dưỡng nào bởi cảm gia no sau khi ăn loại thực phẩm này là do carbohydrate đem lại. Mì ăn liền chỉ chứa nhiều năng lượng chủ yếu từ chất béo và tinh bột. Dùng nhiều mì ăn liền không những khiến bạn có nguy cơ bị mất cân bằng dinh dưỡng, thiếu chất xơ, vitamin, chất đạm, khoáng chất… mà lại còn có nguy cơ béo bụng do tiêu thụ quá nhiều tinh bột.Trong mì ăn liền không những không chứa dưỡng chất mà còn đem lại nhiều cái hại cho sức khỏe.  Một gói mì có thể chứa đến 2.000 mg muối, nhiều hơn 4 lần so với lượng muối Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến nghị cơ thể cần mỗi ngày, làm tăng nguy cơ huyết áp cao và đột quỵ, thậm chí còn dễ làm tăng huyết áp, tổn thương chức năng thận và dễ tạo sỏi thận. Trong thành phần mì ăn liền chủ yếu là bột và rất nhiều chất béo bão hòa, nhất là chất béo chuyển hóa (transfat) do được tạo ra khi chiên trong các loại dầu ăn rồi sấy khô. Sự dư thừa các "chất béo không tốt" này dễ gây nên thừa cân, béo phì, béo bụng. Thêm vào đó, tăng lượng cholesterol (mỡ xấu trong máu) còn dễ dẫn đến các bệnh về tim mạch như: cao huyết áp, xơ vữa động mạch, thiếu máu cơ tim và đột quỵ não. Biết rằng có hại, tuy nhiên, việc từ bỏ thói quen ăn mì ăn liền là rất khó. Nhiều gia đình có thói quen sắm cả thùng mì ăn liền để dự trữ ăn dần. Có những người bị "nghiện" ăn mì ăn liền, coi nó như một thực phẩm không thể thiếu trong đời sống hàng ngày.

Tinh tế

HIV/AIDS: 35 năm từ "bản án tử hình" tới căn bệnh mãn tính có thể kiểm soát được

Đã 35 năm từ khi khái niệm HIV chính thức được công bố trên toàn thế giới. Cụ thể là từ những năm 1980, các nhà khoa học đã bắt đầu xác định được thủ phạm của căn bệnh với tốc độ lây lan nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu chính là virus mang tên HIV. Kể từ đó, HIV gần như là một bản án tử hình của những ai mắc phải nó. Ấy thế mà bạn có biết, thật ra trong vòng 35 năm qua, AIDS đã dần trở thành một căn bệnh mãn tính có thể kiểm soát được. Hiện nay, ước tính có khoảng 1,2 triệu người đang sống cùng với HIV tại Mỹ và có hơn 50 ngàn người nhiễm mới tại Mỹ. Nhờ những bước đột phá trong công tác điều trị, những bệnh nhân HIV có thể kéo dài cuộc sống và đầy đủ, gần như là tiệm cận với người bình thường. Nói cách khác, chúng ta đang sống trong một thời đại mà các bác sĩ và bệnh nhân trong thập niên 80 - 90 của thế kỷ trước chưa từng dám nghĩ tới: những bệnh nhân HIV chết vì già yếu chứ không chết do HIV (thật ra do những căn bệnh khác, nhiễm trùng cơ hội mà). Thật vậy, hiện nay chúng ta đã có trong tay những chế độ điều trị giúp người bệnh vẫn sống tốt dù họ mang trong người căn bệnh thế kỷ này. Thậm chí là còn có cách chống phơi nhiễm, ngăn chặn truyền nhiễm bệnh và ngăn ngừa HIV với hiệu quả cao. Thế nhưng, vấn đề là nó chưa phổ biến đối với cả người Mỹ, người châu Âu lẫn nhiều nước khác trên thế giới. Từ trước năm 1996 thì đã xuất hiện những loại thuốc giúp kiểm soát HIV, nhưng đó vẫn chưa được hoàn thiện, đặt ra nhiều vấn đề đối với cả bác sĩ lẫn người bệnh. Quan trọng nhất, các loại thuốc này đều có độc tính rất cao và không ngăn chặn hiệu quả virus. Khi đó, người bệnh phải uống từ 4 - 5 viên thuốc mỗi giờ bất kể ngày đêm và kèm theo là những tác dụng phụ khủng khiếp như buồn nôn, ói mửa và đau dây thần kinh. Trong khoảng thời gian này, những người mắc HIV thường có nhiều khả năng chuyển sang giai đoạn AIDS và sau đó là cái chết. Và trong năm 1996, các nhà nghiên cứu đã đánh một dấu son chói lọi trong công cuộc chống HIV bằng cách phát triển thành công một loại thuốc có thể ngăn chặn quá trình nhân bản của virus, từ đó chặn đứng sự lây lan từ tế bào bệnh sang tế bào lành, cho phép hệ miễn dịch có thể phục hồi và đánh bại những loại nhiễm trùng cơ hội khác, điển hình là viêm phổi. Đó, thật sự năm 1996 là một bước đột phá lớn là vậy. Bằng loại thuốc này, bệnh nhân có thể chống lại căn bệnh này. Và rồi loại thuốc này tiếp tục được hoàn thiện, khả năng ngăn chặn hoạt động của virus được tăng cao đáng kể, hệ miễn dịch ngày càng được bảo vệ tốt hơn, tỷ lệ chuyển sang giai đoạn AIDS cũng giảm xuống rất nhiều. Tuy nhiên, các loại thuốc nói trên vẫn mắc phải vấn đề tương tự như hồi trước đó: bệnh nhân phải uống rất nhiều thuốc trong cả ngày. Đồng thời, giá thuốc rất cao nên đa phần những bệnh nhân thuộc các nước phát triển, thu nhập cao mới có thể đủ chi phí điều trị. Hiện nay, các bệnh nhân chỉ cần uống 1 viên thuốc duy nhất, mỗi ngày 1 lần với liều lượng cố định. Trong viên thuốc ấy được tích hợp nhiều loại thuốc khác nhau. Loại thuốc này sẽ dễ kiểm soát hơn, nhẹ nhàng với bệnh nhân hơn và cũng ít có tác dụng phụ hơn. Một tiêu chuẩn khác để đánh giá khả năng điều trị thành công là bệnh nhân phải bắt đầu điều trị càng sớm càng tốt, ngay sau khi chẩn đoán là mắc bệnh và sẽ điều trị suốt quãng đời còn lại. Và thành công này đã định nghĩa lại suy nghĩ của chúng ta về công tác phòng chống HIV. 5 năm trước, các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng bệnh nhân càng được điều trị sớm thì HIV sẽ ít có khả năng tiếp tục sao chép, đồng thời khả năng truyền HIV cho người khác cũng giảm xuống đáng kể. Vào năm 2012, cục quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cấp phép lưu hành loại thuốc chống phơi nhiễm HIV với tên gọi pre-exposure prophylaxis (PrEP). Hiện tại, trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) và tổ chức Y tế thế giới (WHO) đều khuyến cáo sử dụng loại thuốc này cho những người có nguy cơ mắc HIV (phơi nhiễm). Loại thuốc này còn được sử dụng đồng thời với biện pháp can thiệp hành vi cho các đối tượng có nguy cơ nhiễm HIV cao, thí dụ như quan hệ đồng tính hoặc cặp vợ chồng có 1 người đã nhiễm HIV. Tại Mỹ hiện nay, hầu hết mọi bệnh nhân HIV đều có thể dễ dàng tiếp cận với các biện pháp chữa trị thông qua bảo hiểm hoặc các chương trình hỗ trợ khác. Và tất cả các loại thuốc này vô hình chung đã định nghĩa lại suy nghĩ của chúng ta về một cuộc sống với HIV và cách bệnh nhân sinh sống một cách lành mạnh cùng cộng đồng. Ở Mỹ, những người mắc HIV vẫn có thể học đại học, có thể đi làm, làm tình nguyện viên và có con. Họ không chỉ có thể sinh con mà còn có cả cháu và tất cả đều không mắc bệnh. Theo CDC, 1/4 những bệnh nhân HIV tại Mỹ đều vượt qua tuổi 55 hoặc lớn hơn nữa. Tuy nhiên, ngay cả khi có biện pháp điều trị HIV hiệu quả thì cũng đừng quá thần thánh nó quá (nhiều bạn còn cho rằng có thuốc chữa HIV sẽ "chân trần" gì đó). Xin thưa quan hệ không an toàn không chỉ có nguy cơ HIV mà còn nhiều loại bệnh tình dục khác (STD) với độ nguy hiểm không kém. Trở lại vấn đề, mặc dù HIV đã được kiểm soát hiệu quả nhưng chính HIV vẫn là tác nhân dẫn tới các căn bệnh khác như tim mạch, ung thư, bệnh thận hoặc loãng xương. Hiện các nhà khoa học vẫn chưa xác định được chính xác căn nguyên của vấn đề trên nhưng họ dự đoán rằng có thể nguyên nhân là do sự kết hợp từ nhiều yếu tố bao gồm cả tác dụng phụ của thuốc HIV và nguy cơ viêm tăng cao do chính căn bệnh gây nên. Và tất nhiên, các thói quen có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe như thuốc lá, sử dụng hóa chất gây nghiện, lười vận động và chế độ ăn uống nghèo dinh dưỡng cũng có đóng góp không nhỏ dẫn tới các căn bệnh này. Điều đó có nghĩa là không chỉ có thuốc điều trị mà người nhiễm HIV cần phải kết hợp với các loại thuốc hỗ trợ khác. Nhưng trớ trêu thay càng nhiều thuốc lại càng khó cho bệnh nhân, lại gia tăng nguy cơ xuất hiện tác dụng phụ và tăng thêm gánh nặng cho cả họ lẫn bác sĩ. Hơn thế nữa, bởi vai trò của chế độ ăn uống và lối sống là rất quan trọng trong việc duy trì sức khỏe của người bệnh mà đây cũng là điều khó kiểm soát nhất. Mặc dù WHO đã khuyến cáo rằng tất cả 36 triệu người đang sống chung với HIV trên toàn cầu cần phải được điều trị nhưng nhiều người trong số này hiện đang sống trong các nước đang phát triển, nơi mà thu nhập còn nghèo nàn, điều kiện sống còn khó khăn và trình độ dân trí còn thấp nên vẫn chưa thể tiếp cận đầy đủ các biện pháp chữa trị. Một vấn đề khác, cũng không kém phần nghiêm trọng và xuất hiện ngay cả ở những nước đang phát triển chính là vẫn còn nhiều người không biết là họ đã mắc bệnh, từ đó không thể tiếp cận các biện pháp điều trị và hậu quả là bệnh sẽ diễn biến phức tạp hơn. Theo thống kê tại Mỹ, những người Mỹ gốc Phi, Mỹ Latin, những người đàn ông đồng tính và lưỡng tính, chuyển giới là các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh nhưng lại ít kiểm tra sức khỏe định kỳ, dẫn tới cơ hội phát hiện bệnh bị giảm xuống. Mặt khác, sự kỳ thị của cộng đồng, sự xấu hổ của người bệnh cũng là rào cản khiến họ khó tiếp cận với các biện pháp chữa trị. Cuối cùng, sau 35 năm chúng ta vẫn chưa có thuốc đặc trị hoặc vắc xin ngừa HIV hay nói cách khác là một biện pháp ngăn chặn triệt để căn bệnh này. Tuy nhiên, nếu nhìn lại quãng đường phát triển 35 năm qua thì thật sự, ngày nay là một thành quả đáng để các nhà khoa học ăn mừng. Tính tới năm 2015, tuổi thọ của một bệnh nhân HIV đã xấp xỉ với một người bình thường không có HIV, một điều dường như không tưởng trong những năm 80 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, bài toán vẫn còn chưa có lời giải đáp, đáp số vẫn còn bỏ trong nhưng rồi đây, bằng sức mạnh của khoa học kỹ thuật thì chúng ta tin rằng, ngày đó rồi sẽ không xa nữa.

Đại đoàn kết

Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành

Thời tiết bắt đầu bước sang mùa Đông xuân, mưa lạnh và ẩm cộng với sự sự ảnh hưởng của El Nino khiến một số bệnh tật bắt đầu diễn biến phức tạp như: sốt xuất huyết, cúm, tay chân miệng, sởi, rubella và liên cầu khuẩn. Đặc biệt hiện dịch sốt xuất huyết đang diến biến phức tạp nhiều địa phương. Theo các chuyên gia dịch tễ, thông thường vào thời điểm tháng 11 và 12 là giai đoạn cuối của dịch nhưng hiện nay, sốt xuất huyết vẫn diễn biến phức tạp với không ít ca bị biến chứng nặng và tử vong. Hiện cả nước ghi nhận trên 69.441 ca mắc SXH và làm 47 người tử vong. Đặc biệt, tại 56/63 tỉnh, thành phố đã ghi nhận có người mắc và tử vong do SXH. Trong số đó, khu vực các tỉnh, thành phía Nam như TP HCM, Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ...    

Đường dây nóng y tế: Chuyện dở khóc, dở cười

Tắm công cộng không quần áo bị phê bình - gọi đường dây nóng. Lót tay nhân viên y tế không thành - gọi đường dây nóng. Sốt ruột không chờ đợi được BV chữa máy xạ trị - gọi đường dây nóng... Có thể các bạn không nhịn được cười khi đọc những dòng này nhưng, đã có không ít người trong ngành y phải khóc vì thế... Ấy là trường hợp của bệnh nhân Đàm Văn Tâm, sinh năm 1993, quê tại Phước Mỹ, Sơn Trà, Đà Nẵng. Ông đến Phòng khám Ngoại BV Phong - Da liễu Trung ương Quy Hoà ngày 14/11 trong tình trạng tỉnh táo, tay chân hoạt động động bình thường tuy có dấu hiệu xây xát nhẹ vùng chóp đầu do đánh nhau. Theo lời kể của bệnh nhân, đêm 13/11 có nhập BV đa khoa tỉnh Bình Định tại lầu 6, khoa Thần kinh và có gây gổ với nhân viên y tế ở đó rồi trốn viện mà chưa thanh toán viện phí. Bác sĩ BV Phong - Da liễu Quy Hoà đề nghị cho chụp CT Scanner đầu để chẩn đoán điều trị và làm một số xét nghiệm khác nhưng bệnh nhân Tâm không đồng ý cho chụp. Ông nói: “Tôi chỉ bị đánh vào đầu chứ không bị chấn thương sọ não nên chụp CT làm gì?”. Cuối cùng ông chỉ chấp thuận cho BV làm một số xét nghiệm rồi xin nhập viện. Sau khi làm xong thủ tục nhập viện, 9h sáng hôm đó, bệnh nhân Tâm vào nhà vệ sinh chung để tắm nhưng lại... không mặc quần lót và không đóng cửa phòng tắm khiến cho một số người bệnh và người nhà bệnh nhân khác thấy phản cảm, khó chịu và nhắc nhở. Bệnh nhân Tâm không những không tiếp thu mà chửi lại họ. Sau khi nhận được phản ánh của người bệnh, nhân viên BV nhắc nhở cũng bị bệnh nhân Tâm nói lại với những lời lẽ thiếu tôn trọng. Khi được Giám đốc nhắc nhở, ông Tâm vặc lại: “Ở đất Đà Nẵng tôi đã không ngán ai thì đất Quy Nhơn này là cái gì? Ông là ai mà dám nói tôi?”. Chuyện xảy ra tại BV Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới vào trung tuần tháng 10 vừa qua, liên quan đến người nhà sản phụ Nguyễn Thị Ái Vân. Sau khi lót tay không thành cho nhân viên BV với số tiền 300 nghìn đồng, người nhà sản phụ gọi điện thoại vào đường dây nóng của Bộ Y tế phản ánh hộ sinh ở đây “đòi cảm ơn” và việc này “diễn ra ở tất cả các khoa/phòng khác của BV nói trên, kể cả trưởng khoa”. Nếu không có quà cảm ơn thì bác sĩ sẽ “không quan tâm đến bệnh nhân”. Người gọi điện vu khống cho một hộ sinh “chê ít”  đối với khoản tiền nói trên, rằng “từng này không đủ để chia cho cả khoa”(!). Việc người nhà bệnh nhân nói trên lót tay và bị nhân viên BV này từ chối còn lặp lại nhiều lần. Tất cả những sự việc lót tay không thành rồi vu khống cho cán bộ, nhân viên BV nói trên đã được gia đình sản phụ xác nhận sự thực và đính chính lại những gì họ đã đặt điều cho BV. Ngày 14-10 vừa qua, Sở Y tế TP Hà Nội nhận được công văn của Bộ Y tế về việc kiểm tra thông tin và đề xuất giải pháp giải quyết ý kiến phản ánh của người dân phản ánh “thái độ thờ ơ, không quan tâm, không hướng dẫn chu đáo của bác sĩ Nguyễn Việt Đăng - khoa Nội Cấp cứu, BV đa khoa Xanh Pôn”. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, Sở Y tế vỡ lẽ ra rằng ngày 3/10, bác sĩ nói trên có tiếp bệnh nhân Đặng Thị Nhung, sinh năm 1991 đến khám vì bị sốt giờ thứ 7. Bác sĩ Đăng đã cho làm xét nghiệm công thức máu nhưng chưa cho bệnh nhân làm xét nghiệm test NS1 để chẩn đoán sốt xuất huyết vì người bệnh mới sốt; đã cho bù dịch và kê đơn thuốc cho bệnh nhân cũng như ghi sổ khám bệnh. Tất cả việc làm nói trên của bác sĩ Đăng đúng quy trình nhưng chưa kịp thời giải thích kỹ lưỡng cho bệnh nhân, khiến người bệnh này “phát” vào vào đường dây nóng như vậy. Tại BV K Trung ương, do máy xạ trị gia tốc bị hỏng khiến người bệnh phải chờ đợi lâu lại không được giải thích kịp thời, thoả đáng cũng bị họ “phát” như trường hợp người nhà bệnh nhân Trần Thị Tèo, ung thư cổ tử cung, hiện đang được điều trị tại khoa Xạ 2, BV này. Những chuyện nói trên xảy ra và đã được làm rõ sự thật. Tuy nhiên, để làm hài lòng người bệnh, các BV nói trên vẫn tổ chức họp kiểm điểm rút kinh nghiệm trong giao tiếp với bệnh nhân đối với các bộ, nhân viên của mình đồng thời giải thích kỹ lưỡng cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân hiểu những quy định của BV trong quá trình điều trị tại đây. Các bệnh nhân nói trên đã hiểu ra vấn đề và thông cảm với các cán bộ, nhân viên y tế.   

Vietnamnet

Xúc động bác sỹ 30 năm gắn bó với đảo Phú Quý

30 năm qua, ông đã không còn khái niệm đi và về mà luôn ý thức về trách nhiệm của người thầy thuốc trong việc chăm lo sức khỏe cho nhân dân trên đảo Phú Quý. Đó là câu chuyện xúc động về bác sỹ Bùi Đình Lĩnh - Giám đốc Trung tâm Y tế Quân dân y huyện Phú Quý trong buổi giao lưu với các điển hình tiên tiến tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 9 chiều nay. Năm 1985, không có bất cứ một phương tiện nào ra đảo Phú Quý (Bình Thuận), ngoại trừ những chuyến tàu cá của ngư dân, vào mùa biển động phải mất đến vài ngày để ra đến đảo. Ở thời điểm đó, 11 nghìn cư dân trên đảo chưa có một bác sỹ nào cho đến khi bác sỹ Bùi Đình Lĩnh xung phong ra đảo. Trước đó mỗi năm có khoảng 10 người ở đảo mất do các bệnh ruột thừa hay sinh khó. 30 năm qua, ông đã cùng các đồng nghiệp xây dựng nên trung tâm quân dân y của đảo, đóng vai trò là hậu cứ của Trường Sa, “bàn đạp””cho các binh chủng, trạm tiếp xăng, nơi trú bảo và cấp cứu tai nạn trên biển cho ngư dân. Người dân trên đảo Phú Quý cũng đã dần thay đổi ý thức và thói quen về y tế nhờ các ca bệnh được bác sỹ Lĩnh cứu sống. Đến năm 1989 không còn ca tử vong nào vì bệnh ruột thừa, vì vậy khi bác sỹ Lĩnh có quyết định trở về đất liền, tất cả người dân trên đảo đều muốn giữ bác sỹ ở lại. Tiếp tục các năm 1998, 2000, bác sỹ đều có quyết định chuyển công tác trở về đất liền nhưng với trách nhiệm của người thầy thuốc và tình cảm với bà con trên đảo, ông đã ở lại. Trải qua gần 30 năm sống và làm việc trên đảo Phú Quý, bác sỹ Lĩnh sống xa gia đình, xa quê hương, ông coi đảo như quê hương, tất cả cán bộ, chiến sỹ, bà con nhân dân trên đảo như chính người thân ruột thịt của mình. 30 năm qua, ông đã không còn khái niệm đi và về mà luôn ý thức về trách nhiệm của người thầy thuốc trong việc chăm lo sức khỏe cho nhân dân trên đảo. Có mặt tại buổi giao lưu, những lời kể năm xưa lúc còn nhỏ khi bố không ở nhà của con gái bác sỹ Lĩnh đã khiến cả hội trường lặng đi vì xúc động. Đó là những câu chuyện buồn như một lần bố cho bánh ngoài cổng nhưng cô lại không nhận ra là bố, hay những lần bố về thăm nhà, khi hết phép bố phải đi thì cô lại bám lấy khóc không cho ông đi, thậm chí mỗi lần đi học về cô lại không dám bước vào nhà vì sẽ cảm thấy sự trống vắng khi không có bố... Bác sỹ Bùi Đình Lĩnh tâm sự: Đã có nhiều lúc phải suy nghĩ đắn đo nhưng may mắn ông có một người vợ trung hậu, đảm đang, cô con gái thương yêu thường xuyên động viên ông yên tâm công tác. "Lá thư của con gái gửi cho tôi năm lớp 5: 'Bố em ở xa lắm, tận miền đảo xa xôi. Bố là bác sỹ đó, cứu chữa cho bệnh nhân. Ngày đêm bố tất bật, vì bệnh nhân mong chờ. Thương bố em phải cố, học tập chăm thật chăm' đã giúp tôi có thêm nghị lực để tiếp tục công tác ở đảo, chăm lo cho sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cán bộ, chiến sỹ, bà con trên đảo", bác sỹ Lĩnh xúc động kể lại. Câu chuyện bà giáo hơn 15 năm qua miệt mài với sự nghiệp “trồng người” miễn phí cũng đã khiến các đại biểu tham dự bày tỏ khâm phục. Dù đã nghỉ hưu nhưng 15 năm qua, nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Thông, nguyên Hiệu trưởng Trường tiểu học Ngư Lộc 2, xã Ngư Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa vẫn miệt mài với những lớp học “trồng người” miễn phí. Bà Thông kể, do đời sống khó khăn nên rất nhiều người lớn và trẻ em ở Ngư Lộc lâm vào cảnh thất học, mù chữ. Có người vì không biết chữ nên khi đưa con cái đi chữa bệnh ngoài Hà Nội lâm vào hoàn cảnh hết sức eo le. Bà đã quyết định mở lớp dạy chữ miễn phí cho người dân. Lớp học của bà không chỉ có những đứa trẻ bình thường, người lớn mà còn có cả những em bé tật nguyền, dị tật. “Đối với những em bé đó thì muốn dạy được các em thì mình phải là những người bà, người mẹ của các bé. Còn khỏe, còn sáng mắt ngày nào thì tôi sẽ vẫn còn dạy”, bà Thông nói.

Vnexpress

Cơ sở tư nhân cai nghiện ma túy bằng methadone đầu tiên ở TP HCM

Trung tâm cai nghiện Đức Thanh Tâm, quận Bình Thạnh, là cơ sở tư nhân điều trị nghiện ma túy bằng methadone đầu tiên tại TP HCM. Nguy hiểm khôn lường khi cai nghiện tại nhà / Cai nghiện sex, rượu, ma túy bằng... cực hình. Tại đây người nghiện được tư vấn, thăm khám các bệnh lý nội khoa kèm theo, đánh giá mức độ nghiện và chỉ định uống methadone. Người nghiện có thể đăng ký ở lại trung tâm tham gia các sinh hoạt trị liệu hoặc tiếp tục theo dõi nội trú, giúp xử lý kịp thời, tránh nguy cơ tự ý dùng thêm heroin gây ra các tác dụng không mong muốn hoặc nguy hiểm hơn là ngộ độc. Các sinh hoạt và theo dõi nội trú còn có thể giúp tránh tình trạng sử dụng các loại ma túy khác như amphetamine, methamphetamine, cần sa, hút shisha mà gia đình không kiểm soát được. Toàn thành phố đang có 14 cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone. Trung tâm Đức Thanh Tâm là cơ sở tư nhân thứ ba của cả nước, sau Hải Phòng và Nam Định. Cũng như các cơ sở công lập, trung tâm được nhận thuốc methadone miễn phí theo chương trình dự kiến đến tháng 9/2016. Sở Y tế TP HCM sẽ tiếp tục mở các cơ sở mới vớ mục tiêu điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện, chủ yếu là heroin, cho 8.000 người. Xã hội hóa, điều trị tự nguyện là chủ trương đổi mới công tác điều trị nghiện và phù hợp thực tế của hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới.

Hải quan

Đình chỉ hoạt động một doanh nghiệp kinh doanh chất tạo nạc

Cục Quản lý Dược- Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 644/QĐ-QLD đình chỉ hoạt động kinh doanh thuốc, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc, dừng xem xét, tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuốc, hồ sơ nhập khẩu thuốc đối với Công ty TNHH hóa dược quốc tế Phương Đông. Công ty này có địa chỉ đăng ký kinh doanh ở số 7 ngõ 39/1 Pháo Đài Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa Hà Nội. Trước đó, qua công tác kiểm tra hậu mại, đoàn kiểm tra của Cục Quản lý Dược đã phát hiện Công ty TNHH hóa dược quốc tế Phương Đông vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh nguyên liệu Salbutamol làm thuốc. Đây cũng là chất tạo nạc bị phát hiện sử dụng trong chăn nuôi thời gian qua. Cụ thể, Công ty TNHH hóa dược quốc tế Phương Đông đã nhập khẩu nguyên liệu Salbutamol với số lượng thực tế nhiều hơn 200 kg so với số lượng nguyên liệu trên đơn hàng nhập khẩu nguyên liệu, tá dược, bán thành phẩm thuốc được Cục Quản lý Dược phê duyệt. Công ty TNHH hóa dược quốc tế Phương Đông bán buôn nguyên liệu Salbutamol cho đơn vị, cá nhân không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc (phạm vi sản xuất thuốc hoặc phạm vi bán buôn nguyên liệu làm thuốc). Với những lý do vi phạm nghiêm trọng trên, Cục Quản lý Dược đã ban hành quyết định đình chỉ việc kinh doanh thuốc của Công ty TNHH hóa dược quốc tế Phương Đông cho đến khi có quyết định hủy bỏ việc đình chỉ này. Dừng tiếp nhận, xem xét hồ sơ đăng ký thuốc, hồ sơ nhập khẩu thuốc của Công ty TNHH hóa dược quốc tế Phương Đông không thời hạn. Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc của Công ty TNHH hóa dược quốc tế Phương Đông. Được biết Salbutamol được dùng để điều trị một số bệnh như suy tim, hen suyễn, bệnh phổi mãn tính...  Theo quy định, loại thuốc này phải được quản lý nghiêm ngặt từ khâu bào chế đến khâu lưu thông. Một số chuyên gia cảnh báo, nếu ăn thịt tồn dư Salbutamol một thời gian dài, phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư vú , suy yếu hệ thống miễn dịch... Theo Cục QLD, trong thời gian tới, cơ quan này tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra hậu mại đối với tất cả các công ty nhập khẩu và kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc trên toàn quốc, nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật trong nhập khẩu và kinh doanh dược phẩm.

Petrotimes

Người Việt đang giết nhau như thế nào?

Việt Nam đang có tỷ lệ ung thư đáng báo động nếu không muốn nói là đứng top đầu trên thế giới nếu chia theo tỷ lệ dân số. Một trong những “sát thủ” thầm lặng mà ít người ngờ tới lại chính là do thực phẩm bẩn được hình thành từ việc không ít người đam mê lợi nhuận nên bất chấp sức khỏe người khác. Những hộ trồng rau ở khu vực phường Thạnh Xuân, quận 12 đều đặn mỗi ngày pha thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng, dầu nhớt,… để tưới rau giúp rau xanh mướt, lá đẹp,… Thực chất sử dụng dầu nhớt không làm cho rau lớn mau, chúng chỉ tạo nên một lớp màng nhầy khó phá vỡ, giúp rau ít bám bụi, xanh hơn,… Bình thường nhớt đã rất độc hại, trong khi đó nhớt đã qua sử dụng thì càng gây hại cho sức khỏe hơn vì bên trong chúng chứa chì, kẽm,… Nếu sử dụng các loại rau tưới nhớt đã qua sử dụng lâu dài thì chắc chắn sẽ gây ung thư. Những bãi rác thải tại các làng quê đang mọc lên như nấm sau mưa. Bất chấp nguy hiểm rình rập, những kiếp người sống, mưu sinh cùng rác cũng tăng lên nhanh chóng. Đi kèm theo đó là hình ảnh hững đàn bò được chăn thả trên những đống rác thải sinh hoạt đã trở nên phổ biến ở nhiều địa phương. Bất chấp tác hại từ loại "thực phẩm chăn nuôi" dạng này đã được các nhà khoa học, chuyên gia cảnh báo từ lâu. Trong đống rác thải chất cao như núi thật khó có thể nói trong đó chứa những chất độc gì. Với thời gian ăn rác lâu như vậy, dần dần các chất độc hại sẽ càng được tích trữ và loại thịt nhiễm những chất độc này mang đến khả năng gây hại đến dường nào thì chưa thể thống kê hết được Những quả táo ta vốn đã rất nổi tiếng là có vị ngon ngọt nhưng người mua loại trái cây này dần một thưa thớt. Đơn giản là vì loại trái cây này rất dễ nhiễm sâu bệnh gây hại, chỉ có cách duy nhất là phun thuốc trừ sâu liều lượng lớn mới có thể đảm bảo được sự phát triển và cho quả ngon của loại cây ăn trái này. Bên cạnh đó người dùng Việt cũng đã quá quen thuộc với hình ảnh táo, lê, chuối,… để trưng một thời gian dài mà lỡ quên trên bàn thờ hay trong tủ lạnh thì cũng không bị hư hay thối rữa. Rõ ràng, chỉ có hóa chất độc hại mới giữ được trái cây tươi ngon lâu đến thế. Sau một thời gian mật phục theo dõi, ngày 7/9, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường – Công an tỉnh Đắk Lắk đã ập vào bắt quả tang các nhân công của cơ sở thu mua sầu riêng Minh Tâm, tại xã Ea Yông, huyện Krông Pắk của ông Lê Minh Tâm (SN 1978, ngụ huyện Cai Lậy, Tiền Giang) đang nhúng quả sầu riêng vào thùng hóa chất được pha sẵn. Theo các nhân công ở đây, việc nhúng trái sầu riêng vào hóa chất là nhằm mục đích làm cho trái sầu riêng mau chín. Để có lãi thì phải dùng hóa chất để sầu riêng chín nhanh hơn, múi đẹp, ngon. Đặc biệt, màu sắc của sầu riêng bị nhúng hóa chất gần giống như trái chín tự nhiên, chỉ có người sành sầu riêng mới phân biệt đâu là trái tự chín và bị ép chín. Loại hóa chất các chủ cơ sở thường dùng nhuộm trái cây có nguồn gốc từ Trung Quốc. Hóa chất càng nặng đô thì thời gian thúc sầu riêng chín càng rút ngắn. Sau khi nhúng, chưa đầy 12 giờ sau là sầu riêng chín. Để những quả mít non chín cùng một lúc, nhiều chủ vựa tại tỉnh Đắk Lắk bất chấp sức khỏe người tiêu dùng, bơm hóa chất vào trong trái. Sau 24 giờ, mít non vỏ cứng, chưa có mùi... đồng loạt chín, ruột vàng, thơm ngào ngạt. Nhiều năm nay, hai huyện Krông Pắk và Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk) được xem là “thủ phủ” mít lớn nhất cả nước. Khi mít được “phù phép” chín “siêu tốc”, chủ vựa lột lấy múi bán cho các nhà máy. Cạnh chỗ công nhân làm, những ruột mít vàng ruộm để cạnh đám phế phẩm thối rữa. Ruồi nhặng, côn trùng bu bám đầy, thậm chí có con chết dính vào múi, nhưng vẫn được công nhân đưa vào bịch mang đi nhập cho lò sấy. Để có được nguồn múi thành phẩm dồi dào, hàng ngày ông Bốn (chủ một sơ sở tại tỉnh) gom về cơ sở của mình cả tấn mít trái còn xanh, vỏ cứng, chưa có mùi rồi dùng hóa chất “thúc” mít non chín “siêu tốc”. Ông Bốn tiết lộ: “Nếu cứ để chín từ từ sẽ hỏng ăn. Muốn có lời phải ủ làm sao để cả tấn mít đồng loạt chín, rồi thuê công nhân lột”. Một số chủ một trại chăn nuôi sử dụng loại chất này cho biết, trên thị trường có rất nhiều loại thuốc dạng này. Đa phần là không biết xuất xứ hoặc có nguồn gốc từ Trung Quốc, giá mỗi hộp dao động từ 300.000 đến 2.000.000 đồng, đơn vị tính theo gam hoặc kg, tùy theo dạng thường hay đậm đặc. Khi pha trộn thì chỉ hơn 1 tháng, heo đã có thể đạt trọng lượng 25 - 30 kg/con. Hiện nay, các loại thuốc này được bán khá tràn lan, có thể dễ dàng kiếm hàng tại các thành phố lớn hay các khu vực tập trung nhiều khu chăn nuôi.

Soha

Cô gái bị nhiễm trùng hai bầu ngực vì bơm silicon lỏng

Sau vài lần bơm silicon lỏng, cô gái phải vào Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM để phẫu thuật vì hai bầu ngực bị nhiễm trùng. Báo giới trong nước cho hay, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM vừa phẫu thuật cho một cô gái 20 tuổi, bị sưng, viêm ở hai bầu ngực. Trước đó, cô gái này đã bơm silicon lỏng vào ngực để làm đẹp. Tổng số lần bơm là 4 lần trong 4 tháng. Trước đó, bà T.T (62 tuổi, ngụ tại quận Thủ Đức, TPHCM) đã phải cắt bỏ hoàn toàn ngực của mình vì di chứng của việc bơm silicon lỏng 30 năm trước. Trước khi phẫu thuật, các bác sĩ Bệnh viện Thủ Đức (TPHCM) ghi nhận, tuyến vú của bệnh nhân có nhiều nốt trong mô vú, không phân biệt với khối u nên không thể lấy từng cục silicon được. Do đó, bệnh nhân đã chấp nhận cắt bỏ ngực để giải phóng khỏi các cục silicon. Theo tờ Công an TPHCM, ngày 30/7/2015, một cô gái người Campuchia đã vào Bệnh viện Chợ Rẫy chữa trị vì bơm silicon lỏng vào cằm. Trong 3 năm qua, cô gái này đã 4 lần bơm silicon lỏng vào cằm. Được biết, sau khi phẫu thuật loại bỏ phần silicon được bơm vào, các bác sĩ đã cắt phần da ở đùi của cô gái này để vá lên phần cằm bị khuyết. “Việc phát hiện khi bơm silicon lỏng vào ngực càng sớm càng tốt vì lúc ấy phẫu thuật dễ dàng hơn và ít gây biến chứng. Nếu để lâu chất lỏng này sẽ làm hang, dịch dưới núm vú làm tuyến vú bị hoại tử, có khi phải cắt lọc hết mô vố, thậm chí cắt cả tuyến vú mới điều trị được”.

Pháp luật Tp. Hồ Chí Minh

Thử nghiệm vaccine trị ung thư não CimaVax

Năm 2016, Cuba sẽ thực hiện thử nghiệm vaccine trị ung thư phổi CimaVax trong điều trị giai đoạn 3, hãng tin Cuban News Agency (Cuba) dẫn lời nhà nghiên cứu Geidy Lorenzo thuộc Trung tâm Phân tử miễn dịch La Habana (Cuba). Vaccine CimaVax được Trung tâm Phân tử miễn dịch La Habana bào chế năm 2008. Vaccine CimaVax dù không thể phòng ngừa hay chữa dứt hoàn toàn ung thư phổi nhưng các thử nghiệm trước đây cho thấy khi được điều trị kết hợp với các biện pháp hóa trị và xạ trị, vaccine này có khả năng giúp bệnh nhân giảm đau đớn và kéo dài thời gian sống hơn hẳn các hình thức điều trị khác. Ở cuộc thử nghiệm giai đoạn 2 năm 2008, 2/3 bệnh nhân được điều trị bằng vaccine CimaVax sống thêm được một năm. Đối với bệnh nhân dưới 60 tuổi, nếu dùng vaccine CimaVax thời gian sống có thể được kéo dài thêm tới 18 tháng. Theo nhà nghiên cứu Geidy Lorenzo, quy mô đợt thử nghiệm này sẽ được mở rộng hơn hai đợt thử nghiệm trước. Dự kiến đến hết năm 2016, Trung tâm Phân tử miễn dịch La Habana sẽ hoàn tất phân phối vaccine CimaVax đến toàn bộ bệnh viện ở Cuba. Vaccine CimaVax đã được nhiều nước như Mỹ, Nhật, Canada… mua bản quyền. Viện Ung thư Roswell Park (Mỹ) đạt thỏa thuận sẽ thử nghiệm vaccine CimaVax trong điều trị ở Mỹ với phía Cuba tháng 5 vừa rồi. Hiện Viện Ung thư Roswell Park đang chờ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ phê chuẩn cho bắt đầu giai đoạn 1 thử nghiệm vaccine CimaVax trong điều trị trong năm 2016. Tính đến nay đã có hơn 3.000 bệnh nhân ung thư phổi ở Cuba và khoảng 5.000 bệnh nhân ở các nước mua bản quyền vaccine CimaVax được điều trị bằng vaccine này thông qua các cuộc thử nghiệm thuốc.

Bệnh ung thư: Chết nhiều, hiểu biết quá ít

Theo ghi nhận của Tổ chức ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) năm 2012, trên thế giới có 14,1 triệu người mắc mới và có 8,2 triệu người tử vong do ung thư. Tại Việt Nam, năm 2010 có ít nhất 125.000 trường hợp mắc mới ung thư và có chiều hướng ngày càng gia tăng. Vì thế, phối hợp đa ngành phòng, chống ung thư sẽ là xu hướng chung của toàn cầu cũng như của Việt Nam trong cuộc chiến phòng, chống căn bệnh nan y này.

Sẽ có 189.000 trường hợp mắc mới ung thư vào năm 2020

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên - Thứ trưởng Bộ Y tế, ung thư là một bệnh ngày càng gia tăng ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Càng lo ngại hơn khi thống kê từ các bệnh viện (BV) chuyên ngành cho thấy số bệnh nhân mắc ung thư có xu hướng ngày càng gia tăng. Cụ thể, theo bà Xuyên, năm 2010 nước ta có ít nhất 125.000 trường hợp ung thư mới được phát hiện. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có số tử vong do ung thư lớn nhất trên thế giới. Ước tính đến năm 2020 sẽ có 189.000 trường hợp mắc mới ung thư.  Qua phân tích dữ liệu 1.916 bệnh nhân ung thư mới được chẩn đoán tại BV Bạch Mai (604 trường hợp), BV K (688), BV Ung bướu TP HCM (624), kết quả cho thấy độ tuổi trung bình mắc ung thư là 53 tuổi; 57,7% bệnh nhân đã tốt nghiệp trung học nhưng có tới 25,3% bệnh nhân chưa từng đi học và chỉ học hết tiểu học; 34,86% bệnh nhân lao động trong ngành nông, lâm và ngư nghiệp; 77,1% có bảo hiểm y tế. Thống kê cho thấy, có 5 loại ung thư thường gặp là ung thư tiêu hóa, ung thư vú, ung thư phụ khoa, ung thư đầu cổ và ung thư phổi. Chỉ có 36,69% bệnh nhân trong nghiên cứu này chưa có di căn ở thời điểm mới chẩn đoán. Ai cũng biết phòng bệnh hơn chữa bệnh, nhưng chúng ta không thể không lo ngại khi biết rằng kiến thức của người dân về các dấu hiệu cảnh báo ung thư còn rất thấp. Qua nghiên cứu tỷ lệ người dân biết được từ 4 dấu hiệu cảnh báo nguy cơ ung thư chỉ chiếm 22,3%; 19,7% không  kể được bất kỳ dấu hiệu nào cảnh báo nguy cơ ung thư… Tại Việt Nam, ung thư vẫn được xem là một bệnh vô phương cứu chữa, vì thế phát hiện ung thư đồng nghĩa với mang án tử hình. Nghiên cứu trên một số hộ gia đình có bệnh nhân ung thư mới tại 3 BV kể trên cho thấy, sau 12 tháng được phát hiện và trị bệnh, có tới 41% bệnh nhân còn sống chịu ảnh hưởng về kinh tế, cụ thể như không thể thanh toán tiền ăn uống, mua thuốc, tư vấn y tế và xét nghiệm, bảo hiểm y tế, chi phí đi lại, tiền điện, nước, ga…  Trong khi đó, chi phí cho việc khám và điều trị ung thư là không hề nhỏ (từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng).  Thật đau đớn, xót xa khi các nhà chuyên môn cho hay, thực tế có không ít trường hợp phải bỏ dở điều trị ung thư vì không có tiền chi trả; đa số các trường hợp phải đi vay ngân hàng, thậm chí vay nặng lãi để có tiền chữa bệnh; nhiều em nhỏ phải vĩnh viễn rời xa việc học tập, vui chơi cùng bè bạn và ngừng điều trị vì gia cảnh quá khó khăn; nhiều trường hợp các nhân viên y tế phải tự quyên góp cho người bệnh có tiền ăn, ở và đi lại… Trước thực tế đó, rất nhiều gia đình đã rơi vào tình trạng túng quẫn, kiệt quệ và nghèo đói…

Ngành Y không thể “đơn thương độc mã”

Tại hội thảo “Phối hợp đa ngành trong phòng, chống ung thư” vừa được Bộ Y tế tổ chức hôm qua (8/12) tại Hà Nội, TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế thừa nhận so với nhu cầu, việc chẩn đoán và điều trị ung thư vẫn còn nhiều hạn chế do nguồn kinh phí dành cho công tác phòng, chống ung thư không nhiều. Bên cạnh đó, thực tế việc chẩn đoán sai về ung thư vẫn còn khá phổ biến. Đặc biệt, các cơ sở y tế chuyên khoa luôn trong tình trạng quá tải bệnh nhân... Để phòng, chống ung thư, TS Lương Ngọc Khuê cho rằng, phải quan tâm đến một loạt các vấn đề như: hạn chế lạm dụng rượu bia; chú trọng thực phẩm trong các bữa ăn, kiểm soát thực phẩm không an toàn, hoạt động thể lực; tăng cường nhận thức về bệnh ung thư, khám, chẩn đoán phát hiện sớm ung thư…). Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đề xuất thành lập “Quỹ nâng cao sức khỏe” hình thành từ các nguồn đóng góp bắt buộc của các hoạt động kinh doanh thuốc lá, đồ uống có cồn và các hoạt động khác gây nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm, trong đó có ung thư, để trực tiếp hỗ trợ  cho các hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm… Để phòng, chống ung thư có hiệu quả, ông Khuê cũng cho biết, Bộ Y tế đã xây dựng Chiến lược Quốc gia về phòng, chống các bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015-2025 và đề xuất Kế hoạch hành động kiểm soát ung thư.  Trong đó, chú trọng các giải pháp phối hợp liên ngành trong phòng, chống ung thư như: thực thi hiệu quả Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá; xây dựng Luật Phòng, chống tác hại rượu bia; bổ sung và hoàn thiện các chính sách, quy định pháp luật về kiểm soát yếu tố nguy cơ và thúc đẩy các  yếu tố tăng cường sức khỏe để phòng, chống các bệnh không lây nhiễm. “Một mình ngành y tế không thể “đơn thương độc mã” thực hiện chính sách này mà cả cộng đồng, xã hội phải vào cuộc. Trong đó, sự phối hợp đa ngành trong hoạt động kiểm soát, phòng chống các bệnh không lây nhiễm, đặc biệt ung thư là vô cùng quan trọng!”.

Doanh nhân Sài Gòn

FDA chấp thuận cách trị ung thư mới

Cơ quan Quản trị Thuốc và Thực phẩm (FDA) của Mỹ tuần qua lần đầu tiên chấp thuận cách chữa trị ung thư mới, chỉ tiêu diệt tế bào ung thư mà không đụng đến tế bào bình thường. Theo báo Guardian (Anh), chiến lược chữa ung thư mới mà theo các nhà chuyên môn, giúp bệnh nhân tránh khỏi sự hành hạ cơ thể của phản ứng phụ do việc hóa trị hay xạ trị. Hóa trị và các phương pháp chữa trị ung thư hiện nay là tàn bạo, trong khi không ảnh hưởng mấy đến tế bào ung thư mà lại làm kiệt quệ cơ thể của bệnh nhân. Sự chữa trị với tên gọi T-VEC (viết tắt từ talimogene laherparepvec) được bán với tên thương mại là Imlygic, sử dụng một virus đã được cải biến, được chích thẳng vào khối u để săn tìm và tiêu diệt tế bào ung thư, điều mà giới chuyên gia cho là bước tiến quan trọng trong việc chống lại căn bệnh gây chết người này. Phương pháp chữa trị được phát triển bởi Công ty Kỹ thuật Sinh học BioVex có trụ sở đặt tại Massachusetts. Năm 2011, Tập đoàn Dược phòng Amgen mua lại với giá 1 tỉ USD. Khác với lối chữa trị hiện nay như hóa trị và xạ trị, vốn tiêu diệt tế bào ung thư nhưng đồng thời hủy hoại luôn phần còn lại của cơ thể, virus được lập trình để chỉ tấn công tế bào ung thư, khiến bệnh nhân chỉ chịu một hai ngày với triệu chứng giống như bị cảm cúm. Bác sĩ Stephen Russell, nghiên cứu gia của Mayo Clinic, nói rằng việc FDA cho phép sử dụng phương pháp Imlygic được xem là “một bước tiến vĩ đại” trong chữa trị ung thư.

Giáo dục thời đại

Tìm ra kháng sinh mới điều trị ho gà ở trẻ sơ sinh

Các nhà nghiên cứu đã phát triển hai loại kháng sinh có khả năng điều trị hoặc phòng ngừa chứng ho lâu ngày, loại nhiễm trùng đường hô hấp lây nhiễm cao có thể ảnh hưởng tới hàng triệu trẻ sơ sinh và khiến khoảng 200.000 trẻ tử vong mỗi năm. Thường được gọi là ho gà, căn bệnh này gây ra các cơn ho gây dữ dội và triệu chứng đe dọa tính mạng ở trẻ sơ sinh và có phạm vi ảnh hưởng trên toàn thế giới. Trong 5 năm qua, một nhóm các nhà nghiên cứu đã phát triển hai loại kháng thể dưới dạng thuốc tiêm mới chống ho kéo dài. Các nhà nghiên cứu đã thực hiện một thử nghiệm tiền lâm sàng trên động vật và chứng minh rằng những kháng thể này hoạt động như một loại thuốc dự phòng mang đến miễn dịch ngắn hạn và một phương pháp điều trị để nhanh chóng phục hồi. Hàng năm có hơn 16 triệu trường hợp bị ho kéo dài và bệnh này là một nguyên nhân chính gây tử vong ở sơ sinh tại các nước đang phát triển. Các kháng sinh thường không hiệu quả trong những trường hợp ho kéo dài nặng và không có liệu pháp đặc hiệu để điều trị hoặc dự phòng nó ở trẻ sơ sinh dễ bị tấn công mà còn quá nhỏ chưa đủ tuổi tiêm chủng. Nghiên cứu này đã mở ra hi vọng mới. Bằng cách trung hòa độc tố ho gà, các kháng thể được hi vọng là tăng cường miễn dịch và giảm nhanh chóng số lượng tế bào bạch cầu. Theo tác giả, chìa khóa để phòng tránh tử vong là giảm tải lượng tế bào bạch cầu vốn thường tăng rất cao khi bị nhiễm trùng. Là phương pháp điều trị, liệu pháp này có thể được thử nghiệm ở những trẻ bị bệnh ho gà nặng để rút ngắn liệu trình điều trị, giảm nhẹ các biến chứng và giảm tỷ lệ tử vong. Khi dùng để dự phòng, liệu pháp này có khả năng mang đến sự bảo vệ kháng thể ho gà ngay lập tức cho những trẻ sơ sinh có nguy cơ ở các nước đang phát triển trong một vài tháng đầu đời.

Tuổi trẻ

Khoảng 13,5 triệu người đang mắc các rối loạn tâm thần phổ biến

Đó là số liệu được Bộ Y tế công bố ngày 7-12 tại Hội thảo hoàn thiện Chiến lược quốc gia về sức khỏe tâm thần giai đoạn 2016-2025 và tầm nhìn đến 2030 do Bộ Y tế và Quỹ Nhi đồng LHQ phối hợp tổ chức. Tại Việt Nam, dù chưa có điều tra quốc gia nhưng theo nghiên cứu về gánh nặng bệnh tật và thương tích, thì có khoảng 15% số dân (tương đương khoảng 13,5 triệu người) Việt Nam đang mắc các rối loạn tâm thần phổ biến, trong đó khoảng ba triệu người mắc các rối loạn tâm thần nặng. Do vậy, dự thảo Chiến lược quốc gia đề ra mục tiêu cụ thể cũng như xác định mục tiêu và các kế hoạch hành động ưu tiên, định hướng cho các cơ quan liên quan và các địa phương triển khai. Nhờ đó góp phần tăng cường sức khỏe tâm thần, phát hiện sớm, điều trị, quản lý, phục hồi chức năng và hỗ trợ xã hội cho những người bị rối loạn tâm thần.

14 bệnh viện Đắk Lắk hết tiền trả lương

Sở Y tế Đắk Lắk xác nhận hiện có 14 bệnh viện của tỉnh thiếu tiền cho bác sĩ, cán bộ, nhân viên. Nguyên nhân là nguồn thu của các bệnh viện hụt quá lớn sơ với dự toán ban đầu...

Miếng ăn làm nóng nghị trường

 “Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm thời gian qua không thành công, nếu không muốn nói là thất bại”. Đại biểu Võ Văn Sen (Q.Gò Vấp) nói như vậy. Đây cũng là vấn đề nóng nhất tại phiên thảo luận chiều 8-12, trong đó có nhiều ý kiến đại biểu cho rằng HĐND TP.HCM cần cân nhắc đến việc ra nghị quyết về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Xử lý thích đáng người sản xuất, cung ứng thực phẩm bẩn

Không hẹn mà gặp, có đến 7 ý kiến đại biểu tại phần thảo luận ở tổ 4 bày tỏ bức xúc, bất an về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Đại biểu Trịnh Xuân Thiều nói: “Hơn lúc nào hết, người dân TP đang quan tâm và bất an vô cùng về chất lượng thực phẩm. Cử tri nói với tôi bây giờ có thông tin hàng siêu thị cũng có cái kém chất lượng nên không biết tin vào đâu nữa”. Tại tổ 3, đại biểu Võ Văn Sen gay gắt: “Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm thời gian qua không thành công, nếu không muốn nói là thất bại. Trong số hàng chục tấn rau đưa vào TP mỗi sáng, có bao nhiêu tấn mình chắc chắn được là sạch? Có những chương trình sau 5 năm thực hiện đã có sự chuyển biến mạnh, còn an toàn vệ sinh thực phẩm thì không ổn. Tôi nghĩ đây cũng là điểm yếu nhất, thất bại lớn nhất của HĐND TP”. Đồng tình với cách đặt vấn đề thẳng thắn đó, ông Nguyễn Hoàng Minh (đại biểu Q.Tân Bình) lý giải nguyên nhân: “Tôi cảm nhận rằng vấn đề quản lý nhà nước hầu như chúng ta không kiên quyết, thật sự là tôi cũng thấy bức xúc. Chúng ta làm không căn cơ để kiểm soát được”. Đại biểu Trần Ngọc Hưng góp ý: “Muốn làm rau sạch, thịt sạch thì chi phí lớn hơn, năng suất thấp hơn. Nếu Nhà nước không hỗ trợ, để nông dân tự bơi thì người sản xuất thực phẩm sạch khó lòng cạnh tranh nổi”. Chia sẻ với đại biểu nỗi lo này, ông Nguyễn Văn Lâm, phó Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP, cho rằng quan trọng nhất là phải làm sao tạo được những điểm bán hàng an toàn để người dân an tâm. Ông Nguyễn Thành Nhân, tổng giám đốc Sài Gòn Co.op, cho biết để có thực phẩm an toàn, cần nhất là phải tạo được nguồn hàng an toàn và ổn định, có thể truy xuất nguồn gốc. Hàng hóa thực phẩm muốn vào hệ thống Co.op Mart ít nhất phải chịu 3 đợt kiểm tra: kiểm tra từ vùng nguyên liệu sản xuất, khi hàng vào kho và kiểm tra tại điểm bán. “Muốn biết sản phẩm nhiễm hóa chất gì, bằng cảm quan người dân không thể phân biệt được mà phải đem kiểm nghiệm. Người dân nên đến những điểm tin cậy như siêu thị để mua hàng”. Một giải pháp quan trọng là đưa công tác an toàn vệ sinh thực phẩm ra khỏi ngành y tế, lập một cơ quan riêng biệt trực thuộc UBND TP. Bởi ngành y tế có quá nhiều việc, không thể nào làm hết được. Nơi nào sản xuất, cung ứng những chất độc hại phải có hình phạt thích đáng. Những vụ án đó có thể đưa ra xét xử như vụ án điểm, như vậy sẽ tích cực ngăn chặn được những người không có lương tâm. Thời gian qua, chi cục trực tiếp kiểm soát những vùng trồng rau trên địa bàn TP, lấy gần 1.000 mẫu để phân tích thì chỉ có 8 mẫu có dư lượng thuốc trừ sâu. Việc lấy mẫu kiểm tra hoàn toàn khách quan, đột xuất. Riêng các mẫu rau củ bày bán tại các siêu thị cũng được chi cục kiểm tra, trong số 700 mẫu kiểm tra chỉ có 8 mẫu vi phạm

Bệnh viện TP. Buôn Ma Thuột ứng lương cho người lao động

Sáng 8.12, nhiều cán bộ, bác sỹ, nhân viên tại BVĐK TP. Buôn Ma Thuột đã được bệnh viện cho ứng 70% lướng tháng 11 và 12.2015. Theo đó, bệnh viện sử dụng tiền trong quỹ bảo hiểm y tế để cho cán bộ, bác sỹ ứng lương. Bác sỹ Lâm Niê- giám đốc BVĐK Buôn Mê Thuột- cho biết thông tin trên báo Tuổi trẻ (14 bệnh viện Đăk Laawsk hết tiền trả lương”, Tuổi trẻ ngày 8.112), Sở Tài chính Đắk Lawsk  đã gọi nhân viên kế toán bệnh viện sang đối chiếu các khoản thu chi và đồng ý để bệnh viện sử dụng nguồn quĩ tạm ứng cho cán bộ, nhân viên, bác sỹ. Khi UBND tỉnh bổ sung dự toán kinh phí theo đề nghị của Sở Y tế thì bệnh viện sẽ bù vào sau

Cần Thơ triển khai kỹ thuật mới chữa ung thư gan

Đây là kỹ thuật cao, chuyên sâu trong điều trị ung thư, được triển khai thực hiện đầu tiên ở khu vực ĐBSCL. BVĐK trung ương Cần Thơ - cho biết với sự hỗ trợ của chuyên gia từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), các bác sĩ khoa ngoại tổng quát của bệnh viện đã triển khai kỹ thuật thuyên tắc mạch có bơm thuốc hóa chất điều trị thành công cho hai bệnh nhân bị ung thư gan. Trước đó, ông Trần Văn Th. (68 tuổi, ở huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng) và ông Nguyễn Văn H. (43 tuổi, ở huyện Tam Bình, Vĩnh Long) đều phát hiện bệnh tình cờ trong lần đi khám bệnh gần đây. Triệu chứng đi khám là do mệt mỏi, ăn uống kém, đau hạ sườn phải; kết quả siêu âm phát hiện khối u gan và các kết quả khác cho thấy cả hai bị ung thư gan. Sau khi điều trị bằng phương pháp Tace, ông Th. và ông H. đã ăn uống khá, sức khỏe tốt

Sài Gòn giải phóng

Mỗi năm Việt Nam có thêm 125.000 người mắc bệnh ung thư

Bệnh ung thư đang là vấn đề quốc gia có ảnh hưởng mạnh mẽ tới xã hội và kinh tế Việt Nam khi người mắc ung thư đang gia tăng. Trong khi đó chi phí điều trị cho căn bênh nan y lại vô cùng tốn kém... Đây là vấn đề đáng quan tâm được đặt ra tại hội thảo hợp tác đa ngành trong phòng chống ung quốc gia do Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức ngày 8-12 tại Hà Nội. Xu hướng mắc bệnh ung thư không những gia tăng ở Việt Nam mà còn ở hầu hết các nước trên thế giới. Theo ghi nhận của Tổ chức Ung thư toàn cầu, năm 2012 toàn thế giới có 14,1 triệu người mắc mới và có 8,2 triệu người tử vong. Còn tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có ít nhất 125.000 trường hợp mắc mới ung thư và dự báo tới năm 2020 sẽ có 189.000 trường hợp mắc căn bệnh hiểm nghèo này mỗi năm. Mặc dù Bộ Y tế đã nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ, các tổ chức trong nước và quốc tế trong các hoạt động phòng chống và kiểm soát bệnh ung thư nhưng chúng ta vẫn cần nhiều hơn nữa các nguồn lực để thực hiện được chiến lược và kế hoạch phòng chống ung thư một cách toàn diện và lâu dài. Không chỉ có số người ung thư đang gia tăng mà việc điều trị căn bệnh này cũng rất khó khăn, tốn kém và là gánh nặng lớn cho nhiều người. Theo các kết quả từ nghiên cứu của Viện nghiên cứu sức khỏe toàn cầu George về chi phí điều trị ung thư tại các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam cho thấy, 55% bệnh nhân ung thư tử vong trong vòng 12 tháng sau khi phát hiện bệnh hoặc gặp phải hệ lụy tài chính. Trong đó đáng chú ý có tới 31% trường hợp gặp hệ lụy tài chính, 24% trường hợp tử vong, 41% bệnh nhân sống sót sau 1 năm chẩn đoán phải đối mặt với hệ lụy tài chính từ chi phí điều trị. Hơn nữa, hầu hết bệnh nhân ung thư ở Việt Nam đều được phát hiện và chẩn đoán ung thư ở giai đoạn muộn dẫn đến tỷ lệ tử vong cao, chỉ có 14% bệnh nhân ung thư phát hiện ở giai đoạn sớm, trong đó 5% được chẩn đoán ở giai đoạn I và 19% ở giai đoạn II. Nhân dịp này để góp phần chia sẻ những khó khăn mà bệnh nhân ung thư và các gia đình có người bệnh ung thư đang phải đối mặt, Bộ Y tế đã phối hợp với Cổng thông tin nhân đạo quốc gia tổ chức Chiến dịch 1 triệu tin nhắn ủng hộ bệnh nhân ung thư nghèo. Theo đó, với mỗi một tin nhắn theo cú pháp UT gửi 1406 có giá trị ủng hộ 12.000 đồng. Chiến dịch nhắn tin ủng hộ bệnh nhân ung thư sẽ kéo dài đến ngày 6-2-2016.

Cứu sống bệnh nhân xuất huyết não kèm suy thận giai đoạn cuối

Bệnh viện Quốc tế Phúc An Khang cho biết vừa cứu sống ông  N.V.G. (55 tuổi, ngụ TPHCM) trong tình trạng hôn mê sâu, bị xuất huyết não và suy thận giai đoạn cuối. Trước đó, bệnh nhân G. đã được điều trị tại một bệnh viện đa khoa của thành phố nhưng do bệnh tình quá nặng, đang trong lúc chạy thận thì bị xuất huyết não, không đáp ứng thở, toàn thân tím tái nên được các bác sĩ tư vấn gia đình đưa về nhà lo hậu sự. Tuy nhiên, “còn nước còn tát”, gia đình đã đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Quốc tế Phúc An Khang. Để xử lý tình trạng nguy cấp của bệnh nhân, các bác sĩ đã sử dụng máy thở để kiểm soát đường hô hấp, dùng kháng sinh phối hợp điều trị nhiễm trùng, kiểm soát huyết áp, đường máu, phối hợp cùng đơn vị chạy thận nhân tạo để cân bằng nước điện giải… Hiện bệnh nhân dần hồi phục, tỉnh táo, được cai máy thở và cho thở tự nhiên, tình trạng nhiễm trùng thuyên giảm và bệnh nhân có thể tiếp xúc nói chuyện với người thân. 

Tầm soát ung thư đại trực tràng

Ung thư đại trực tràng (UTĐTT) là bệnh lý ung thư thường gặp ở Việt Nam, đứng hàng thứ tư cả hai giới. Ở nước ta, mỗi năm có khoảng hơn 7.300 người mới mắc và hơn 4.100 người tử vong do UTĐTT. Tỷ lệ sống 5 năm đạt 90% nếu bệnh chỉ khu trú trong thành ruột; đạt 68% nếu bệnh đã di căn hạch và chỉ còn 10% nếu bệnh đã di căn xa. Nếu được tầm soát và phát hiện sớm bệnh UTĐTT có thể giảm tỷ lệ mắc bệnh là 23% và giảm 31% tỷ lệ tử vong do UTĐTT.

Ai nên đi khám

Các polyp tuyến được xem là có liên quan đến UTĐTT. Vì thế việc phát hiện và lấy đi các polyp tuyến, phát hiện bệnh sớm sẽ giúp tăng tỷ lệ sống còn đối với bệnh UTĐTT. Polyp tuyến thường xuất hiện ở tuổi 50 trở đi. Do đó, hầu hết các chương trình khám tầm soát UTĐTT thường áp dụng cho những người từ 50 tuổi trở đi. Ngoài ra, những người sau đây được xem là nhóm nguy cơ cao (dễ mắc UTĐTT) bất kể độ tuổi: trước đây đã từng bị polyp tuyến, UTĐTT, viêm đại tràng hoặc trong gia đình có cha, mẹ, anh chị em ruột bị UTĐTT hoặc bướu tuyến đại trực tràng.

Làm gì để tầm soát và phát hiện sớm UTĐTT

Khám trực tràng bằng ngón tay: Các bác sĩ sẽ đeo găng và khám trực tràng trực tiếp bằng ngón tay. Khoảng 50% các trường hợp UTĐTT nằm ở vùng hậu môn - trực tràng, vì thế động tác khám đơn giản này có thể giúp phát hiện đa số các sang thương ở trực tràng. Tìm máu ẩn trong phân: nhiều trường hợp bệnh nhân đi tiêu có vẻ bình thường, phân không thấy vấy máu nhưng có thể có hiện tượng chảy máu rất ít, mắt thường không thấy được. Bằng các xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân, phòng xét nghiệm có thể phát hiện được có sự hiện diện của máu trong phân hay không, từ đó giúp bác sĩ có chỉ định làm thêm các xét nghiệm khác để phát hiện ra bệnh.

Các kỹ thuật nội soi ruột:

Nội soi trực tràng bằng ống cứng: các bác sĩ sẽ dùng ống soi đặt vào lòng trực tràng bệnh nhân, qua đó sẽ quan sát các tổn thương của trực tràng nếu có. Kỹ thuật này giúp phát hiện những tổn thương trong khoảng 30cm cuối của trực tràng. Nội soi đại tràng sigma bằng ống mềm: giúp phát hiện các tổn thương ở 40cm cuối của đường tiêu hóa, việc chuẩn bị nội soi ruột đơn giản và thường không cần dùng thuốc an thần cho bệnh nhân. Nội soi khung đại tràng bằng ống mềm: giúp phát hiện các tổn thương trong khung đại tràng. Cần phải chuẩn bị đại tràng kỹ và bệnh nhân cần dùng thuốc an thần.

Khi nào đi khám

Đối với người từ 50 tuổi trở lên nên đi khám tầm soát UTĐTT mỗi năm  một lần. Các bác sĩ sẽ khám trực tràng, tìm máu ẩn trong phân. Nếu có nghi ngờ các bác sĩ sẽ đề nghị bệnh nhân nội soi trực tràng hoặc đại tràng sigma. Việc nội soi khung đại tràng chỉ nên thực hiện mỗi 5 năm hoặc tùy theo chỉ định của bác sĩ. Tóm lại, việc khám tầm soát và chẩn đoán sớm bệnh UTĐTT sẽ giúp các bác sĩ phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, vì thế việc điều trị sẽ hiệu quả với chi phí thấp hơn, đem lại lợi ích cho người bệnh, cho gia đình, cho ngành y tế và cho toàn xã hội. 

Dân Việt

10.30% bệnh nhân bị ung thư do ăn thực phẩm có chất bảo quản

Chế độ dinh dưỡng không hợp lý và sử dụng thực phẩm có chứa chất bảo quản là nguyên nhân gây nên 30% các bệnh ung thư, điển hình là ung thư đại tràng, ung thư vú... Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Y tế, năm 2000, số ca mắc ung thư là 68.810 và lên tới 126.307 ca vào năm 2010. Ước tính vào năm 2020, số mắc ung thư là 190.000 ca. Trao đổi với phóng viên, bên lề Hội thảo “Phối hợp đa ngành trong phòng chống ung thư Quốc gia” được tổ chức vào sáng 8.12 tại Hà Nội, PGS. TS Trần Văn Thuấn - Viện Trưởng Viện nghiên cứu phòng chống ưng thư Quốc gia, Phó Giám đốc Bệnh viện K cho biết, hiện nay tỷ lệ mắc ung thư gia tăng ở cả thế giới và Việt Nam. Trong đó, thuốc lá là nguyên nhân gây nên 30% bệnh ung thư, điển hình là ung thư phổi và ung thư vòm họng. Có 30% bệnh nhân bị ung thư do ăn thực phẩm có chứa chất bảo quản. Có từ 5-10% các bệnh ung thư liên quan đến yếu tố di truyền. Bên cạnh đó, các loại vi rút, thuốc trừ sâu, người làm việc trong môi trường độc hại cũng có nguy cơ mắc ung thư cao. Trong vòng 10 năm trở lại đây, ung thư phổi ở nam giới tăng, ung thư vú ở nữ giới là phổ biến nhất, tăng gấp đôi trong vòng 10 năm. PGS. TS Trần Văn Thuấn chia sẻ, hiện nay tại một số nước phát triển đã chữa khỏi được trên 80% các bệnh ung thư. Có được kết quả trên là nhờ các thành tựu trong phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị ung thư. Tại Việt Nam, theo thống kê, có trên 70% bệnh nhân ung thư đến khám và điều trị ở giai đoạn cuối. Chính vì vậy mà hiệu quả điều trị không cao, kéo theo đó là thời gian điều trị và chi phí tăng cao. Do đó, việc phát hiện sớm ảnh hưởng rất lớn tới quá trình chẩn đoán và điều trị ung thư. PGS. TS Trần Văn Thuấn khuyên, người dân nên khám sức khỏe định kỳ để đảm bảo sức khỏe. Trường hợp mắc ung thư sẽ được bác sĩ phát hiện và điều trị sớm. "Ung thư có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị đúng phương pháp, PGS. TS Trần Văn Thuấn nói. Hiện nay, cả nước có 6 bệnh viện chuyên khoa về ung thư. Bên cạnh đó, có 50 trung tâm, đơn vị đáp ứng được cơ bản nhu cầu khám, phát hiện sớm và điều trị ung thư cho người dân trên cả nước.

Vnmedia

HIV/AIDS: Nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng rất lớn

Hiện mới chỉ có khoảng 30% số bệnh nhân HIV/AIDS tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) khiến nhiều người lo ngại những bệnh nhân này không có tiền theo đuổi điều trị, hàng nghìn người sẽ bỏ thuốc, kéo theo nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng rất lớn.

Mỗi năm Việt Nam thêm 12.000 người nhiễm HIV

Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, đã có khoảng 78 triệu người nhiễm HIV trên thế giới, trong đó ước tính 50% đã tử vong. Tại Việt Nam, tính đến tháng 6/2015, số người nhiễm HIV còn sống được báo cáo là khoảng 227.000 trường hợp với trung bình 12.000 - 14.000 ca nhiễm mới mỗi năm và đã có khoảng 75.000 người tử vong do AIDS được báo cáo kể từ đầu vụ dịch đến nay. Đại dịch HIV có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Trên thực tế, dù không gây tử vong ngay khi nhiễm bệnh, nhưng HIV không thể bị tiêu diệt, người nhiễm HIV là nhiễm suốt đời, khả năng lây lan lớn, thời gian ủ bệnh dài và không có dấu hiệu nên khó phát hiện để phòng tránh, khi dấu hiệu bệnh phát ra ngoài thì đã chuyển sang giai đoạn bệnh nặng, khiến việc kiểm soát, dự phòng và điều trị phức tạp hơn rất nhiều. Tại các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, HIV/AIDS vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật và tử vong ở các bệnh nhân. Theo báo cáo Bộ Y tế năm 2014, số ca tử vong do HIV/AIDS là 2.299 ca, gấp gần 230 lần mức trung bình của một bệnh truyền nhiễm (10 ca tử vong/bệnh trong tổng số 28 bệnh). Như vậy, mặc dù trong thời gian qua Việt Nam đã khống chế không để dịch HIV/AIDS gia tăng nhưng mới chỉ là giảm về xu hướng, trong khi lũy tích số người nhiễm HIV còn sống vẫn tiếp tục tăng cao cho nên có thể nói dịch HIV/AIDS vẫn là một trong những dịch bệnh nguy hiểm nhất đối với nhân loại và công tác phòng, chống HIV/AIDS luôn cần sự ưu tiên hàng đầu.

Chỉ có khoảng 30% số bệnh nhân HIV/AIDS tham gia bảo hiểm y tế

Ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, từ tháng 3/2016 nhà tài trợ sẽ không tiếp nhận bệnh nhân mắc HIV mới, trong khi đó mỗi năm Việt Nam có khoảng 800-1.000 bệnh nhân nhiễm HIV mới phải điều trị bằng thuốc ARV. Đến hết năm 2017 khoản viện trợ này sẽ chấm dứt hoàn toàn. Như vậy, sau giai đoạn này, hàng loạt các dịch vụ miễn phí trước kia (do được tài trợ) như xét nghiệm HIV, thuốc ARV, thuốc cơ hội… sẽ do BHYT thanh toán. Bệnh nhân HIV có BHYT sẽ được BHYT thanh toán tiền điều trị ARV, đồng thời cũng phải đồng chi trả tiền thuốc và xét nghiệm theo quy định. Còn bệnh nhân HI/AIDS không có thẻ BHYT sẽ phải tự bỏ toàn bộ chi phí điều trị. Đối với người nhiễm HIV/AIDS, việc điều trị bằng thuốc ARV phải được tuân thủ suốt đời và ảnh hưởng trực tiếp tới sự sống còn. Bởi vì, nếu người nhiễm HIV đang dùng phác đồ bậc 1 mà không tuân thủ điều trị thì sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc và buộc phải chuyển sang phác đồ bậc 2, người bệnh sẽ phải đối mặt với nguy cơ chịu tác dụng phụ của thuốc và áp lực lớn hơn về tài chính. Bên cạnh đó, người nhiễm HIV/AIDS có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội rất cao và chi phí điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội rất tốn kém. Cho nên, nếu không tham gia BHYT thì bản thân người nhiễm HIV/AIDS và gia đình họ sẽ phải chịu nhiều gánh nặng về kinh tế. Theo đó, nếu bệnh nhân vì chi phí y tế mà bỏ điều trị sẽ là nguy cơ lớn trong cộng đồng. TS Long cho biết, Việt Nam xác định BHYT là giải pháp đảm bảo bền vững trong điều trị ARV cho người nhiễm HIV. Do vậy, điều cần thiết là tăng cường truyền thông về lợi ích của điều trị bằng ARV, lợi ích của bảo hiểm y tế trong chăm sóc, điều trị HIV/AIDS để người nhiễm HIV tiếp cận. Thực tế này cho thấy, cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành trong việc tuyên truyền, vận động người nhiễm HIV/AIDS tham gia BHYT thì bản thân người nhiễm HIV/AIDS và gia đình họ cần ý thức và thấy rõ những lợi ích mà BHYT mang lại.

Quyền lợi của người nhiễm HIV/AIDS khi tham gia BHYT

Theo hướng dẫn tại Thông tư số 15/2015/TT-BYT, người tham gia BHYT nhiễm HIV khi khám bệnh, chữa bệnh HIV/AIDS và người tham gia BHYT khi sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS được hưởng quyền lợi khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng theo quy định của pháp luật về BHYT, được quỹ BHYT chi trả: a) Thuốc (bao gồm cả thuốc ARV), hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT; b) Xét nghiệm HIV đối với phụ nữ trong thời kỳ mang thai và khi sinh con theo yêu cầu chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh nếu không được các nguồn kinh phí khác chi trả; c) Kỹ thuật đình chỉ thai nghén ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV; d) Khám bệnh, xét nghiệm HIV, thuốc ARV và các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh HIV/AIDS khác đối với trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV; đ) Xét nghiệm HIV theo yêu cầu chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh (trừ chi phí xét nghiệm HIV đối với người hiến bộ phận cơ thể người, người cho tinh trùng, noãn); e) Xét nghiệm HIV, điều trị bằng thuốc kháng HIV đối với người phơi nhiễm với HIV, người nhiễm HIV do tai nạn rủi ro (trừ các trường hợp tai nạn rủi ro nghề nghiệp đã được ngân sách nhà nước chi trả); g) Điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội. Để bảo đảm việc điều trị bệnh thường xuyên và liên tục trong trường hợp không được cấp phát thuốc miễn phí như trước đây,  người bị nhiễm HIV/AIDS nên tham gia BHYT và sử dụng thẻ trong các lần đi khám chữa bệnh.

Dân trí

Vụ được BHYT chi trả hơn 1,6 tỷ đồng:“Bảo hiểm y tế đã cứu cuộc đời tôi”

Nhắc lại ca phẫu thuật cắt bỏ 2% phần hoại tử, cấy ghép lại da cổ tay do biến chứng bệnh máu khó đông Hemophilia, cũng như hơn 2 tháng ròng điều trị tại bệnh viện với tổng chi phí lên đến hơn 1,6 tỷ đồng, anh Đặng Tuấn Dũng (trú tổ dân phố 4, phường Bắc Hà, Thành phố Hà Tĩnh) nói nếu khôngcó điều tuyệt diệu đến từ bảo hiểm y tế, hẳn anh khó lòng sống được đến hôm nay. Chúng tôi đến thăm anh Đặng Tuấn Dũng, tổ dân phố 4, phường Bắc Hà, Thành phố Hà Tĩnh một ngày đông. Nhìn căn nhà xây ai cũng nghĩ cuộc sống gia đình anh phải khá giả lắm, nhưng không phải vậy. Sinh được 3 người con, bố mẹ anh Dũng đã thực sự kiệt quệ, nhiều năm nay là hộ nghèo trong tổ dân phố. Nguyên nhân chính là bố mẹ anh Dũng đã phải dành tất cả tiền bạc để lo chi phí điều trị cho chứng bệnh máu khó đông có tên khoa học là Hemophilia mà anh Dũng được phát hiện ngay từ khi lọt lòng mẹ. Suốt 34 năm qua, năm nào anh Dũng cũng phải nhập viện điều trị chứng bệnh nêu trên. Đầu năm 2015 này khi đang điều trị ở Viện huyết học - Truyền máu Trung ương, do biến chứng từ chứng bệnh máu khó đông Hemophilia, tay phải anh Dũng đã nổi mụn nhọt. Sau đó rất nhanh cổ tay của anh Dũng cứ bị hoại tử dần. Vốn sức khỏe đã yếu, gia đình lại nợ nần, kiệt quệ, nên khi Dũng gặp biến chứng của căn bệnh máu khó đông, gia đình anh hết hoang mang, lo lắng. Anh Dũng sau đó được Viện huyết học - Truyền máu Trung ương chuyển tới Viện bỏng Quốc gia để chữa trị. Từ ngày 6-14/2/2015 anh Dũng đã được Viện bỏng Quốc gia phẫu thuật cắt bỏ 2% phần hoại tử, tiến hành cấy ghép lại da. “Ca phẫu thuật tốn kém lắm. Nằm ngoài khả năng kinh tế của gia đình. Nếu không tham gia bảo hiểm y tế thì em và gia đình không thể nào nghĩ đến ca phẫu thuật ấy”, anh Dũng tiếp chuyện. Anh Dũng cung cấp những chứng từ liên quan đến ca phẫu thuật tại Viện bỏng quốc gia và chi phí thuốc men điều trị sau phẫu thuật tại Viện huyết học - Truyền máu Trung ương khiến chúng tôi không khỏi giật mình. Tổng cộng chi phi ca phẫu thuật và hơn 2 tháng nằm điều trị lên đến hơn 1,6 tỷ đồng. Trong số này có những loại thuốc lên đến 23 triệu/lọ, vậy mà anh Dũng phải dùng đến 21 lọ, tương đương hơn 480 triệu đồng. “Ngay cả 96 triệu tiền thuốc không có danh mục bảo hiểm sau ca phẫu thuật gia đình em cũng phải đi vay nóng, thì số tiền 1,6 tỷ đồng là một con số quá khổng lồ mà nếu không có bảo hiểm y tế chi trả có lẽ không bao giờ gia đình anh lo liệu được để lo cho ca phẫu thuật”, anh Dũng tiếp thêm. Sau 2,5 tháng liên tục nằm điều trị, anh Dũng đã trở về tiếp tục điều trị tại nhà với bao niềm vui của gia đình. Từ một người thể xác bị hoại tử, sự sống rất mong manh, có thể nói là ngồi đếm ngược ngày từ giã cõi trần, giờ sức khỏe của anh Dũng đã phần nào được cải thiện. Không chỉ giảm được khó khăn cho gia đình trong việc chăm sóc vệ sinh cá nhân, mà hằng ngày anh Dũng vẫn dành thời gian làm việc thiết kế đồ họa phụ trợ cho một vài công ty để kiếm thêm lo chi phí thuốc men, trang trải phần nào nợ nần. Nụ cười tươi, tia hi vọng về cuộc sống tươi đẹp hơn đã trở lại với người đàn ông bệnh tật này. Sự ưu việt của bảo hiểm y tế nói riêng và bảo hiểm xã hội nói chung đã mang lại điều kỳ diệu không chỉ đối với người nghèo mà ngay cả người giàu vì nhiều khi gặp bệnh nan y họ trở tay không kịp. Trường hợp như anh Dũng và nhiều trường hợp khác đã được bảo hiểm chi trả khi gặp hoạn nạn, sẽ là những minh chứng rõ nhất cho điều tất yếu mỗi người dân  phải mua, đóng bảo hiểm y tế cho mình. 

Bộ Y tế thanh tra toàn diện 4 công ty nước giải khát lớn tại Việt Nam

Thanh tra Bộ Y tế đề xuất tiến hành thanh kiểm tra toàn diện 4 công ty nước giải khát lớn là Pepsi, Coca-Cola, Wonderfarm và URC trong năm 2016. Theo Thanh tra Bộ Y tế, nội dung trên đã được kiến nghị lên Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt kế hoạch thanh tra năm 2016. Theo đó, trong năm 2016 sẽ thanh tra toàn diện với bốn công ty nước giải khát lớn là Pepsi, Coca-Cola, Wonderfarm và URC. Đại diện cơ quan này cho biết, việc thanh kiểm tra nhằm mục đích kiểm tra toàn diện hoạt động của các công ty sản xuất nước giải khát, nhằm đảm bảo các hoạt động kinh doanh, sản xuất được tuân thủ theo đúng quy định, đảm bảo sản xuất ra thực phẩm, nước uống an toàn cho người sử dụng. Được biết, trong năm 2015, Thanh tra Bộ Y tế cũng đã tiến hành thanh kiểm tra toàn bộ hoạt động của Công ty nước giải khát Tân Hiệp Phát tại Bình Dương khi nhận được phản ánh của khách hàng về chất lượng nước uống. Trước đó, liên quan đến thông tin nghi ngại chất lượng nước giải khát của PepsiCo có vấn đề, đoàn thanh tra của Cục An toàn thực phẩm đã tiến hành kiểm tra đột xuất 4 nhà máy của hãng này tại Bắc Ninh, TPHCM, Đồng Nai và Cần Thơ. Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, thông tin đánh giá sơ bộ từ 4 đoàn kiểm tra cho thấy các nguồn nước sử dụng của công ty này đều được cấp chứng nhận an toàn. Đoàn kiểm tra số 1 do ông Lê Văn Giang, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm kiểm tra nhà máy tại Bắc Ninh cũng đã lấy 6 mẫu nước giải khát để kiểm nghiệm và cho kết quả an toàn.

Tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh từ gia súc gia cầm lậu

Trên cả nước hiện có 7 ổ dịch cúm gia cầm, 17 ổ dịch long mồm lở móng trên gia súc, và 3 ổ dịch heo tai xanh chưa qua 21 ngày. Thời điểm cuối năm, tình hình buôn bán giết mổ gia súc, gia cầm lậu sẽ đe dọa nguy cơ bùng phát dịch. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến ngày 6/12, trên cả nước đang tồn tại nhiều ổ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Cụ thể: 7 ổ cúm gia cầm đang xảy ra tại các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi; 17 ổ dịch long mồm lở móng đang hoành hành tại Cao Bằng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Phú Yên, Ninh Thuận; 3 ổ dịch heo tai xanh tại Cần Thơ, Sóc Trăng. Tất cả các ổ dịch trên đều chưa qua 21 ngày. Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các ổ dịch cúm gia cầm vừa qua xảy ra chủ yếu trên đàn gia cầm nuôi tại một vài hộ chăn nuôi gia đình, chưa được tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm. Dịch lở mồm long móng xảy ra chủ yếu ở dạng nhỏ lẻ. Bệnh heo tai xanh xảy ra phổ biến trên những đàn heo chưa được tiêm phòng. Dự báo, từ này đến cuối năm thời tiết sẽ có những diễn biến phức tạp, tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút gây bệnh phát triển nên nguy cơ dịch phát sinh và lây lan là rất cao. Trong khi đó, tình hình vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc gia cầm lậu chưa qua kiểm dịch lại đang có chiều hướng phức tạp, ngày càng gia tăng. Tại TPHCM, tuần qua Chi cục Thú Y thành phố đã phối hợp với các ban ngành liên quan, kiểm tra và xử lý hàng loạt vụ vi phạm liên quan đến vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không có giấy kiểm dịch chủ yếu từ các tỉnh chuyển vào thành phố. Trong số 29 vụ vi phạm bị phát hiện, cơ quan chức năng tại các quận huyện cửa ngõ của thành phố như Thủ Đức, quận 12, Bình Tân, Củ Chi đã tiến hành xử phạt các đối tượng với số tiền gần 36,5 triệu đồng; xử lý và tiêu hủy hơn 500kg thịt heo; 120kg thịt gà làm sẵn; 480 con gia cầm sống; hơn 8.000 trứng gia cầm. Trước tình hình dịch bệnh đe dọa lây lan trên diện rộng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông khuyến cáo, các loại vi rút gây bệnh đang lưu hành trên đàn vật nuôi, khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ tấn công gây bệnh. Những địa phương thuộc khu vực có nguy cơ cao như: nơi có ổ dịch cũ, có đàn gia súc chưa được tiêm phòng triệt để, cần giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, tổ chức tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm; kiểm soát và quản lý chặt việc vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm để giảm thiểu nguy cơ phát sinh, lây lan dịch. Nghiêm cấm vận chuyển vật nuôi bị bệnh ra khỏi vùng dịch. Từ nay đến cuối năm sẽ là thời điểm những loại cúm gia cầm có độc lực cao như: H5N1, H5N6 và một số chủng vi rút cúm có thể lây sang người như H7N9 sẽ gia tăng. Để hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm bệnh, TS.BS Trương Đình Bắc, Phó cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo: Các chủng cúm nguy hiểm từ gia cầm và những loại bệnh trên đàn vật nuôi nói chung có thể lây sang người qua ăn uống và tiếp xúc trược tiếp. Do đó, các hộ chăn nuôi cần phải giữ vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, đảm bảo an toàn thú y, thực hiện tiêm phòng cho gia súc, gia cầm; khi tiếp xúc với vật nuôi cần phải mang công cụ bảo hộ lao động, rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc hoặc chế biến thức ăn. Các bệnh nhân mắc cúm A/H5N1, liên cầu khuẩn lợn,… theo thống kê của Bộ Y tế phần lớn đều liên quan đến tiếp xúc, giết mổ, ăn thịt, gia súc, gia cầm bệnh. Do đó, khi phát hiện vật nuôi bị bệnh, người dân tuyệt đối không được giết mổ, tiêu thụ mà cần thông báo đến cơ quan thú y địa phương để có giải pháp xử lý. Ngay cả gia cầm khỏe mạnh, đã qua kiểm dịch cũng cần phải nấu chín kỹ, tuyệt đối không sử dụng huyết gia cầm để chế biến món tiết canh. Các bà nội trợ chỉ mua và sử dụng những sản phẩm đã có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y.

Thuốc bảo vệ mắt, bổ mắt: Không được dùng tùy tiện

Hiện nay, nhiều người dùng các thuốc nhỏ mắt, thuốc uống với mục đích bổ mắt và phòng bệnh mà chưa biết được hiệu quả thực của các thuốc này như thế nào. Nếu dùng không đúng nhiều khi còn rước thêm bệnh cho mắt.

Thuốc nhỏ chống khô, ngứa mắt

Một loại thuốc nhỏ mắt được nhiều người tin dùng hằng ngày đó là nước muối sinh lý (NaCl 0,9%), do thuốc chỉ chứa muối NaCl với nồng độ giống như nước mắt nhằm đạt độ đẳng trương làm dịu mắt, cung cấp nước cho mắt bị khô và làm sạch mắt. Tuy nhiên cũng không nên dùng NaCl 0,9% thường xuyên hằng ngày trong thời gian dài. Khi đã mở lọ thuốc ra chỉ nên dùng trong vòng 15 ngày, sau thời gian đó thuốc có nguy cơ không còn đạt được độ vô khuẩn. Vì vậy khi nhỏ mắt sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn yếm khí hoặc vi nấm phát triển và gây bệnh ở mắt. Thực ra nếu mắt đang bình thường, không có gì khác thường (ngứa, đỏ mắt..) thì không nên dùng thuốc nhỏ mắt (bất cứ loại thuốc nào) để nhỏ vào mắt. Chỉ khi nào làm việc bằng mắt nhiều, cảm thấy mỏi mắt, khô mắt hoặc khi tiếp xúc với môi trường có nhiều bụi, thì có thể nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý để làm sạch mắt. Một số người dùng thuốc nhỏ mắt có chứa thêm chất làm tăng độ nhầy, chống khô mắt. Các thuốc này thực ra không phải là thuốc nhỏ để dưỡng mắt mà còn được gọi là “nước mắt nhân tạo”. Trong “nước mắt nhân tạo” có chứa các chất tăng độ nhầy gọi chung là hydrogel (một số loại hydrogel thường gặp: hydroxypropyl methylcellulose, carboxy methylcellulose, hyaluronic acid...), là thành phần chính để tăng độ nhầy, giúp nước mắt nhân tạo lưu giữ lâu hơn trên bề mặt nhãn cầu. Việc này lại càng không cần thiết bởi mắt luôn luôn có nước mắt tiết ra tạo lớp phim mỏng bảo vệ mắt. Nước mắt nhân tạo được kê đơn trong những trường hợp có bệnh lý làm cho mắt bị khô, không tiết đủ nước mắt, nên mắt không có đủ độ trơn nhầy. Còn với mắt bình thường, lượng nước mắt luôn được tiết ra đủ để bảo vệ  mắt thì việc dùng nước mắt nhân tạo là thừa. Khi nhỏ mắt bằng thuốc nhỏ mắt để rửa mắt, làm dịu mắt hoặc dùng “nước mắt nhân tạo” để chống khô mắt cũng cần lưu ý, nhỏ mắt một thời gian thấy cải thiện thì ngưng, chỉ khi nào triệu chứng mỏi mắt, khô mắt tái phát mới dùng các thuốc này trở lại. Đừng lạm dụng “nước mắt nhân tạo” chỉ vì tưởng lầm đó là thuốc bổ mắt dùng sao cũng được. Khi dùng loại thuốc này vẫn có thể bị tác dụng phụ như kích ứng làm ngứa mắt, nóng rát, xốn mắt, dị ứng gây đỏ mắt, sung huyết kết mạc, viêm bờ mi... Nếu nhỏ thuốc mà bị các rối loạn vừa kể phải ngưng ngay và đi khám. Để bảo vệ hoặc phòng các bệnh ở mắt, một số người còn rỉ tai nhau mua những loại thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh (chloramphenicol, polymyxin B và neomycin) hoặc loại thuốc phối hợp kháng sinh và corticoid về tra, nhỏ. Việc này thực chất là lạm dụng thuốc vì kháng sinh nhỏ mắt chỉ có tác dụng khi mắt bị nhiễm khuẩn (đau mắt đỏ, viêm giác mạc, viêm mi mắt...), chứ không có tác dụng phòng bệnh. Hơn nữa, corticoid là chất kháng viêm rất mạnh, dùng đúng chỉ định sẽ đem lại kết quả tốt trong điều trị, còn sử dụng không đúng, lạm dụng thuốc sẽ gây biến chứng rất nghiêm trọng. Trường hợp bệnh nhân bị viêm loét giác mạc do nấm hay herpes, nếu nhỏ corticoid sẽ làm bệnh bùng phát và nặng thêm, gây biến chứng thủng giác mạc. Trong trường hợp sử dụng kéo dài sẽ gây đục thủy tinh thể (cườm khô) và tăng nhãn áp (cườm nước) dẫn đến giảm thị lực, thậm chí mù mắt vĩnh viễn.

Thuốc bổ mắt không có tác dụng chữa bệnh

Hiện nay, có khá nhiều loại thuốc bổ mắt dạng viên uống được quảng bá rộng rãi với nhiều tác dụng như: giúp sáng mắt, chống khô mắt, nhìn mờ, phòng ngừa các bệnh như đục thủy tinh thể, giảm thị lực... Thực chất thành phần chính trong các thuốc bổ mắt kể trên chứa các vitamin như: vitamin A, vitamin E, vitamin C, một số vitamin nhóm B, lutein, zeaxanthin... Đây là những chế phẩm hỗ trợ dinh dưỡng cho mắt chứ không có tác dụng chữa bệnh, phòng bệnh. Thậm chí có người còn cho con dùng như một giải pháp để phòng bệnh cận thị. Thật ra, không có loại thuốc bổ mắt nào có thể ngăn ngừa được bệnh cận thị và ngay cả những người đã bị cận rồi mà uống thuốc bổ mắt cũng không thể làm mắt sáng hơn được. Dù nhiều loại thuốc bổ mắt ghi rõ ngăn ngừa và điều trị bệnh đục thủy tinh thể, nhưng xem kỹ các thành phần của thuốc không hề có tác dụng phòng ngừa bệnh này.

Lời khuyên của thầy thuốc

Việc chăm sóc mắt hằng ngày là rất cần thiết cho mọi người. Nếu làm việc với máy tính, giảm ánh sáng và sự chiếu sáng của màn hình hoặc đeo kính bảo vệ mắt. Cho mắt nghỉ ngơi sau mỗi 30 phút làm việc. Chớp mắt thường xuyên hơn khi đang làm việc để mắt khỏi khô. Đeo kính râm khi ra nắng gay gắt. Đặc biệt cung cấp đầy đủ dưỡng chất qua thực phẩm hằng ngày để nuôi dưỡng cho mắt sáng khỏe từ bên trong. Nên ăn nhiều rau, trái cây tươi là cách tốt nhất bổ sung vitamin và chất khoáng thiên nhiên cần thiết, đặc biệt là các dưỡng chất có tác dụng chống ôxy hóa. Cần khám mắt ở bác sĩ chuyên khoa khi phát hiện có những bất thường, không tự ý dùng thuốc nhỏ mắt ngay cả thuốc uống bổ mắt khi không hiểu rõ về tác dụng và chất lượng của thuốc.

Uống thuốc trừ sâu vì tưởng là nước ngọt

Đi chơi về khát nước, bé trai chộp ngay chai nước (loại chai trà xanh O độ) đựng thuốc trừ sâu uống nên bị ngộ độc. Ngày 8-.12, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM cho biết nơi đây đang chữa trị nam bệnh nhi L.T.C. (2 tuổi rưỡi, ngụ TP HCM) bị ngộ độc thuốc trừ sâu. Bé C. được chuyển đến trong tình trạng lừ đừ, nhiều đàm nhớt, đồng tử co nhỏ cả 2 bên. Các bác sĩ đã nhanh chóng cấp cứu khẩn cấp, rửa dạ dày, cho uống than hoạt, thuốc đối kháng, truyền dịch dinh dưỡng… Sau một tuần điều trị tích cực, sức khỏe bé C. cải thiện dần, tỉnh táo, sinh hiệu ổn định. Trước đó, vừa đi chơi về, thấy chai (loại chai trà xanh O độ) đựng thuốc trừ sâu, bé C. tưởng là nước ngọt liền lấy uống, sau đó phun ho sặc sụa. Người nhà phát hiện đưa em sơ cứu tại cơ sở y tế địa phương trước khi chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1. Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc Bệnh viện Nhi đồng 1, lưu ý qua trường hợp này, phụ huynh nên cảnh giác, không để hóa chất trong chai nước uống và để xa tầm tay trẻ các loại thuốc, hóa chất độc hại, tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra. 

 

Ngày 23/12/2015
Ban Biên tập Website
(Điểm tin y tế từ các Báo)
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích