Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 19/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 4 6 6 8 3 7
Số người đang truy cập
6 6 6
 Tin tức - Sự kiện Điểm tin y tế
Điểm tin y tế từ các báo ngày 15/10 đến 17/10 năm 2015

Sức khỏe & Đời sống

19 sản phẩm bị thu hồi giấy công bố an toàn thực phẩm

 Ngày 15-10, Cục ATTP - Bộ Y tế đã ra quyết định thu hồi hiệu lực 19 Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP của Công ty TNHH MTV Trung Ân Việt Hàn (quận 7, TP.HCM). Lý do bị thu hồi do công ty không hoạt động kinh doanh tại địa chỉ ghi trên Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP và nhãn sản phẩm đã được Cục ATTP xác nhận. Các sản phẩm bị thu hồi Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP gồm: Tương ớt vị tỏi Uiseong Hàn Quốc (1000g), Nước ép táo nguyên chất 100% (Apple Juice), Rượu Chateul Soorok (Chateul Soorok Soju), Kim chi hiệu Quê tôi (Korea Native Kimchi), Gạo Hàn Quốc, Lá kim trà xanh dầu Olive Kwang Cheon, Tương ớt vị tỏi Uiseong Hàn Quốc (500g), Kim chi hiệu Leecho (Leecho Kimchi).

Bệnh nhân MERS-CoV cuối cùng của Hàn Quốc nhập viện trở lại

Theo thông báo ngày 15/10 của Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc, trường hợp mắc bệnh MERS-CoV cuối cùng đã được xuất viện sau khi xét nghiệm âm tính tại Bệnh viện Đại học quốc gia vào ngày 1/10 đã phải nhập viện trở lại Bệnh viện Đại học quốc gia từ Trung tâm Y khoa Samsung (Seoul) do xuất hiện các triệu chứng bệnh bao gồm cả sốt vào ngày 11/10. Bệnh nhân nam 35 tuổi này là ca nhiễm MERS-CoV thứ 80 tại Hàn Quốc, lần nhập viện thứ nhất là vào ngày 6/6. Kết quả xét nghiệm PCR do Bệnh viện Đại học quốc gia Hàn Quốc và Trung tâm Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc thực hiện ngày 12/10 cho kết quả dương tính với MERS-CoV. Bệnh nhân đến khám tại Trung tâm Y khoa Samsung (Seoul) sau khi có biểu hiện nôn và sốt vào lúc 5h30 sáng ngày 11/10 và được chuyển tới điều trị và cách ly tại Bệnh viện Đại học quốc gia Hàn Quốc vào lúc 12h15 cùng ngày. 61 người có tiếp xúc gần bao gồm 4 thành viên gia đình, 29 nhân viên y tế, 16 bệnh nhân nội trú, người chăm sóc và 12 nhân viên vận chuyển hiện cũng đang được cách ly, theo dõi tích cực. Trung tâm Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc đã tổ chức buổi họp tư vấn vào ngày 12/10 về trường hợp bệnh nhân này. Khi thảo luận về lý do tại sao bệnh nhân đã được xét nghiệm xác định âm tính bỗng nhiên cho kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút MERS-CoV, các chuyên gia cho rằng có một lượng rất nhỏ gen của vi rút không hoạt động ở trong cơ thể, tương đương với lượng gen của vi rút người bệnh có vào 2 tháng trước khi xuất viện đã được xác định và do đó khả năng lây truyền không cao.

Bộ trưởng Bộ Y tế thăm và làm việc tại Vĩnh Long

Ngày 15/10/2015, Bộ trưởng Bộ Y tế đã kiểm tra công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân tại BVĐK tỉnh Vĩnh Long, BVĐK huyện Vũng Liêm và Trạm y tế xã Trung Thành, huyện Vũng Liêm. Tại các cơ sở đến thăm và kiểm tra, Bộ trưởng đặc biệt quan tâm đến công tác chuyên môn ở cả 3 tuyến y tế, như: số lượng cũng như chất lượng nguồn nhân lực, vấn đề tài chính và cơ sở vật chất khám chữa bệnh của các cơ sở. Sau khi nghe báo cáo kết quả hoạt động và các đề xuất, kiến nghị của các cơ sở y tế. Bộ trưởng khen ngợi công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân của các bệnh viện cũng như trạm y tế xã trong thời gian qua.Bộ trưởng cũng lưu ý các cơ sở y tế cần tập trung nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ; tranh thủ mọi nguồn lực hỗ trợ để tăng cường cơ sở vật chất. Phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Long buổi chiều cùng ngày, Bộ trưởng đánh giá cao những kết quả mà ngành y tế tỉnh Vĩnh Long đã đạt được. Mặc dù ngân sách địa phương còn nhiều khó khăn nhưng để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng tốt hơn, tỉnh đã cố gắng ưu tiên bố trí kinh phí cho ngành y tế cùng với ngân sách Trung ương để đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cho hoạt động khám chữa bệnh từ tỉnh đến cơ sở. Tuy nhiên Bộ trưởng đề nghị tỉnh cần tập trung: Về nhân lực hiện nay tỷ lệ bác sĩ/vạn còn thấp so với toàn quốc, chưa kể sắp tới BVĐK tỉnh sẽ nâng cấp từ loại 2 lên bệnh viện loại 1 và thành lập một số khoa mới thì nhu cầu bác sĩ còn thiếu nhiều hơn. Vì vậy tỉnh cần sớm xây dựng Đề án đào tạo phát triển nguồn nhân lực, phối hợp với các Trường đại học Y Cần Thơ để liên kết đào tạo chính quy và phải có chính sách ưu đãi thu hút đặc biệt thì mới có được nguồn nhân lực trình độ cao về địa phương công tác. Cũng nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Y tế đã đến dâng hương tại Nhà tưởng niệm cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng và Khu tưởng niệm cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt.

Đại hội Đảng bộ Khối các cơ quan TW lần thứ XII, nhiệm kỳ 2015-2020 thành công

Từ ngày 13-15/10, tại Hà Nội, Đại hội Đảng bộ Khối các cơ quan TW lần thứ XII, nhiệm kỳ 2015-2020 chính thức khai mạc. Từ ngày 13-15/10, tại Hà Nội, Đại hội Đảng bộ Khối các cơ quan TW lần thứ XII, nhiệm kỳ 2015-2020 chính thức khai mạc. Dự Đại hội có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Trưởng ban Tổ chức TW Tô Huy Rứa và 298 đại biểu thay mặt cho hơn 63.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ. Đoàn Đại biểu Đảng bộ Bộ Y tế tham dự Đại hội Đảng bộ Khối các cơ quan TW lần thứ XIIdo Bộ trưởng làm trưởng đoàn. Báo cáo tham luận của Đảng bộ Bộ Y tế tại Đại hội với nội dung: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, phát huy vai trò của Tổ chức Đảng và Đảng viên trong việc nâng cao đạo đức công vụ, xây dựng và thực hiện chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong ngành y tế” do Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Y tế trình bày cho biết, triển khai thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW, trong nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ Bộ Y tế đã triển khai được 25 lớp tập huấn về Quy tắc  ứng xử của cán bộ y tế cho hơn 10.000 lượt người; tổ chức triển khai thực hiện trên toàn ngành y, việc “Đổi mới phong cách và thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” và ký cam kết, giao ước thi đua với các tỉnh, thành phố của 3 miền... Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện giảm tải BV, Đề án BV vệ tinh và đã đơn giản hóa 211/225 thủ tục hành chính của ngành; Cải cách quy trình khám chữa bệnh, giúp giảm gần 50 phút trên một lượt khám... Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ Khối khóa XII gồm 55 đồng chí. Đồng chí Đào Ngọc Dung- Ủy viên TW Đảng đã tiếp tục được bầu giữ chức Bí thư Ban Chấp hành Đảng bộ Khối khóa XII

Dinh dưỡng hợp lý cho trẻ phát triển tối ưu

Hưởng ứng ngày Lương thực Thế giới (16/10), Bộ Y tế phát động chiến dịch truyền thông “Tuần lễ Dinh dưỡng và Phát triển” từ ngày 16-23 tháng 10 năm 2015. Hưởng ứng ngày Lương thực Thế giới (16/10), Bộ Y tế phát động chiến dịch truyền thông “Tuần lễ Dinh dưỡng và Phát triển” từ ngày 16-23 tháng 10 năm 2015. Nhân dịp này, Báo Sức khỏe & Đời sống  cùng Công ty Mead Johnson Nutrition Việt Nam tổ chức Chương trình Ngày hội Dinh Dưỡng với chủ đề “Bé khỏe - Mẹ vui” tại Trường mầm non 19/5 thành phố. Dinh dưỡng cho trẻ nhỏ luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu của các bậc cha mẹ. Con có khỏe, cha mẹ mới vui, gia đình cũng vì thế mà đầy ắp tiếng cười. Tuy nhiên, cần cho con ăn gì, ăn như thế nào để bé chịu ăn và phát triển tốt vẫn đang là nỗi trăn trở của đa số các gia đình. Tham dự chương trình, các bậc phụ huynh có con nhỏ đã được cập nhật những kiến thức trong việc chăm sóc trẻ, đặc biệt là có phương pháp dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ và nhất là biết cách tạo môi trường ăn lý tưởng cho trẻ. Chị Hồ Tùng Lâm (ngụ quận 1, TP.HCM) chia sẻ, tôi có con đang học tại trường, quả thật, đối với tôi cũng như nhiều phụ huynh khác, vấn đề ăn uống của con hiện gặp rất nhiều khó khăn. Thực sự, đó là nỗi khổ của cả cha mẹ và con. Bởi với con, ăn uống như một cực hình. Hôm nay, khi nghe bác sĩ báo cáo tôi mới biết mình có nhiều sai lầm trong việc cho con ăn uống. Tôi đã biết thêm nhiều phương pháp để cho con ăn uống với chế độ dinh dưỡng hợp lý cho con phát triển tốt. Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trong 50.000 trẻ ở độ tuổi 2-5 thì tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ lần lượt là 19,62% và 29,05%. Trẻ không thiết tha chuyện ăn uống, dẫn đến biếng ăn là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó. Nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng cho thấy, tình trạng thiếu vi chất vẫn còn phổ biến ở trẻ em Việt Nam, thể hiện ở tỷ lệ thiếu máu, thiếu vitamin A tiền lâm sàng (retinol huyết thanh thấp), thiếu kẽm... còn ở mức cao. Số trẻ em đến khám vì lý do biếng ăn cũng ở mức rất cao (tỷ lệ 45,9% - 57,7%). Biếng ăn ở trẻ là một hiện tượng thường gặp. Trên thực tế, cha mẹ thường hay gặp phải sai lầm khi cho trẻ ăn như: ép bé ăn thật nhiều, cho bé ăn nhiều thực phẩm bổ dưỡng, chỉ quan tâm tới cân nặng và chiều cao mà ít quan tâm tới tinh thần con trẻ... Theo ThS.BS. Đào Thị Yến Phi, Trưởng bộ môn Dinh dưỡng, ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch “bữa ăn của trẻ phải thật sự là một bữa ăn”. Đó là: bữa ăn phải diễn ra ở bàn ăn; để trẻ tập trung toàn bộ giác quan vào bữa ăn, thức ăn và cách ăn; thời gian một bữa ăn khoảng 30 phút; tôn trọng đặc điểm cá nhân của trẻ; cho trẻ tự xúc, tự bốc, tự gắp thức ăn; tạo không khí bữa ăn vui vẻ... Để giờ ăn trở nên hấp dẫn đối với trẻ thì cần phải có phương pháp dinh dưỡng hợp lý, đúng thời điểm và nhất là biết cách tạo môi trường ăn lý tưởng cho trẻ. Đồng hành cùng chương trình, bà Gift Samabhandhu, Tổng Giám đốc, Công ty Mead Johnson Nutrition Việt Nam cho biết: “Dinh dưỡng hợp lý đóng vai trò quan trọng trong việc mang lại cho trẻ sự khởi đầu tốt đẹp nhất. Là một công ty dinh dưỡng nhi khoa hàng đầu thế giới, Mead Johnson Nutrition luôn đặt tất cả tâm huyết và tình yêu thương vào các giá trị dinh dưỡng mà công ty mang lại, đồng hành cùng các bậc phụ huynh đem đến cho trẻ những năm tháng đầu đời vui khỏe, góp phần xây dựng nền tảng vững chắc cho thế hệ tương lai”.

An ninh thủ đô

Hà Nội: 67% thai phụ được sàng lọc trước sinh

Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, qua 3 năm triển khai đề án “Tầm soát, phát hiện một số tật, bệnh bẩm sinh thông qua sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh của TP Hà Nội giai đoạn 2013-2015”, nhận thức của người dân về sàng lọc trước sinh và sơ sinh đã có những chuyển biến rõ rệt. Nếu như tỷ lệ sàng lọc trước sinh năm 2012 của Hà Nội mới đạt 40,36% thì đến thời điểm này đã tăng lên 67%; tỷ lệ sàng lọc sơ sinh năm 2012 chỉ có 20,21% thì nay là 46,8%. Trong giai đoạn 2016-2020 tới, Hà Nội phấn đấu đến cuối năm 2020 đạt tỷ lệ 85% bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh, 80% trẻ được sàng lọc sơ sinh, 50% trẻ được sàng lọc tim bẩm sinh.

Mang âm nhạc đến bệnh viện

Chiều ngày 16/10, tân quán quân Vietnam Idol 2015 Đức Phúc đã mang âm nhạc đến bệnh viện K, cơ sở 3 tại số 30 đường Cầu Bươu, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội. Đồng hành cùng Đức Phúc là các gương mặt nghệ sĩ: Bùi Thu Huyền, Thái Thùy Linh, Quốc Huy, Thu Thủy - Minh Thế, liền anh liền chị quan họ Tô Minh Cường - Trang Nhung, MC Hoàng Nam, ảo thuật gia Duy Nguyễn, các em nhỏ tới từ CLB Taca Emca…

Hà Nội: 67% thai phụ được sàng lọc trước sinh

Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, qua 3 năm triển khai đề án “Tầm soát, phát hiện một số tật, bệnh bẩm sinh thông qua sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh của TP Hà Nội giai đoạn 2013-2015”, nhận thức của người dân về sàng lọc trước sinh và sơ sinh đã có những chuyển biến rõ rệt. Nếu như tỷ lệ sàng lọc trước sinh năm 2012 của Hà Nội mới đạt 40,36% thì đến thời điểm này đã tăng lên 67%; tỷ lệ sàng lọc sơ sinh năm 2012 chỉ có 20,21% thì nay là 46,8%. Trong giai đoạn 2016-2020 tới, Hà Nội phấn đấu đến cuối năm 2020 đạt tỷ lệ 85% bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh, 80% trẻ được sàng lọc sơ sinh, 50% trẻ được sàng lọc tim bẩm sinh.

Thanh niên

Tăng giá dịch vụ y tế, ai được hưởng lợi?

Dự kiến từ tháng 11.2015, giá dịch vụ y tế sẽ tăng khoảng 20 - 25% với 1.800 dịch vụ khiến người dân lo ngại về gánh nặng viện phí, ngay cả người có thẻ bảo hiểm y tế. PVThanh Niên có cuộc trao đổi với ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Chính sách bảo bảo hiểm y tế (BHYT) về vấn đề này. * Thưa ông, Bộ Y tế cho biết giá dịch vụ y tế tăng thêm khoảng 20 - 25%, kéo theo tăng mức cùng chi trả khi khám BHYT, như vậy sẽ thêm gánh nặng cho người bệnh?

- Việc tăng giá dịch vụ y tế dự kiến áp dụng từ tháng 11.2015 ước tính sẽ tăng thêm khoảng 20 - 25% so với hiện tại, chỉ áp dụng cho các trường hợp khám chữa bệnh BHYT. Do đó bệnh nhân BHYT sẽ phải trả thêm chi phí cùng chi trả (5 - 20%) chi phí điều trị. Tuy nhiên, theo luật BHYT sửa đổi (có hiệu lực từ 1.1.2015), các bệnh nhân tham gia 5 năm liên tục chỉ chi trả số tiền tương đương với 6 tháng lương cơ bản (khoảng 6,9 triệu đồng) trong một năm, các khoản chi phí điều trị nếu vượt quá con số đó sẽ do Quỹ BHYT thanh toán. Còn với người không có thẻ BHYT thì chưa chịu tác động của đợt điều chỉnh giá lần này.

* Nhưng thủ tục cho việc xác nhận còn phức tạp khiến người bệnh khó khăn để được hưởng quyền lợi miễn cùng chi trả này?

- Mới đây, BHXH VN đã quy định rất rõ đối tượng tham gia BHYT 5 năm liên tục khi đã cùng chi trả với chi phí tương đương 6 tháng lương cơ bản thì gia đình bệnh nhân đến cơ quan BHXH địa phương lấy xác nhận đã tham gia BHYT 5 năm liên tục. Việc xác nhận này đã quy định phải thực hiện trong vòng 5 ngày, không để người dân chờ đợi lâu. Quy định xác nhận là cần thiết để đảm bảo đúng đối tượng được hưởng quyền lợi, đặc biệt là bảo đảm những người đã tham gia BHYT liên tục, lâu dài.

* Thưa ông, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế tăng thêm 20 - 25% khiến người dân lo ngại Quỹ BHYT sẽ bội chi, thâm hụt, kéo theo sẽ điều chỉnh tăng phí đóng BHYT?

- Theo ước tính của cơ quan BHXH, với lần điều chỉnh giá này, chỉ riêng trong hai tháng 11 và 12.2015 chi phí sẽ tăng khoảng 1.500 tỉ đồng cho tiền trực (cán bộ, nhân viên y tế) và thủ thuật. Còn trong suốt 12 tháng của năm 2016, chi phí sẽ tăng thêm khoảng 50 - 70%, tương đương với 16.000 tỉ đồng. Để chuẩn bị cho việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, nguồn kết dư Quỹ BHYT đã cơ bản đảm bảo kinh phí bù đắp. Từ năm 2000 đến nay, Quỹ BHYT đã kết dư 35.000 tỉ đồng. Nguồn kinh phí đó sẽ cơ bản đảm bảo bù cho các khoản chi phí tăng thêm, cố gắng chưa tăng phí đóng BHYT đến hết năm 2017.

* Khi tăng giá từ tháng 11.2015, lúc đó sẽ tồn tại cơ chế hai giá trong BV công, bởi vì những bệnh nhân tự chi trả khi khám chữa bệnh sẽ vẫn thanh toán theo phí hiện đang áp dụng, còn người bệnh BHYT sẽ thanh toán phí cao hơn 20 - 25%, như vậy người tự chi trả sẽ bị phân biệt do chi phí của họ chưa có công cho nhân viên y tế?

- Về cơ bản thì nhân viên y tế phải hoàn thành việc chuyên môn, chứ không phải vì đắt, rẻ mà từ chối người bệnh, bởi vì BV vẫn cân đối các nguồn thu để trả lương đầy đủ cho nhân viên y tế. Tuy nhiên, nếu có xảy ra sự phân biệt, thì cũng là động lực để người dân quan tâm, tham gia BHYT. Thực tế, có những người bệnh nặng, vào viện 2 - 3 tháng đã tốn chi phí đến 500 - 600 triệu đồng, nếu tham gia BHYT thì Quỹ BHYT sẽ chi trả phần lớn, không tác động quá lớn đến kinh tế gia đình. Do đó, người dân nên quan tâm và tham gia BHYT.

* BV sẽ được hưởng lợi khi tăng giá dịch vụ y tế lần này?

- Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế tháng 11.2015 sẽ tính thêm chi phí phụ cấp trực và tiền công phẫu thuật, thủ thuật, thực chất là các khoản do nhà nước bao cấp trước đây (công thủ thuật, phẫu thuật, trợ cấp trực) không tính trong giá dịch vụ nay sẽ tính vào giá. Khoản tăng thêm này BHYT chi trả. Như vậy, người bệnh BHYT sẽ được hưởng lợi. Còn BV sẽ là nơi cung cấp dịch vụ, nếu họ làm tốt thì sẽ đông bệnh nhân, tăng được nguồn thu từ Quỹ BHYT. Khi tiền công và lương của nhân viên y tế hoàn toàn do người bệnh chi trả (qua BHYT) thì sẽ không còn cơ chế xin (bệnh nhân) - cho (nhân viên y tế), bởi vì BV phục vụ người bệnh tốt thì mới có nguồn thu tốt. Còn nếu theo cơ chế cũ là nhà nước trả lương, họ làm tốt hay dở thì cũng vẫn có thu nhập cố định, giá dịch vụ thấp không đáp ứng chất lượng. Khi đó y tế công sẽ mang tâm lý ban ơn cho người bệnh mà bản thân người bệnh vẫn phải chi trả thêm do không được BHYT thanh toán. Chúng tôi cũng mong muốn, kết cấu giá phải có được cả chi phí cho nụ cười của nhân viên y tế nữa, làm sao đảm bảo được mức chi trả bù đắp cho công lao động của y, bác sĩ.

* Xin cám ơn ông!

Thí điểm thanh tra an toàn thực phẩm cấp xã, phường

Hôm qua, Bộ Y tế tổ chức hội nghị triển khai Quyết định 38/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cấp quận và phường tại Hà Nội và TP.HCM…

Hơn 50 công nhân bị ngộ độc thực phẩm

Ngày 16.10, Trung tâm y tế H.Chợ Gạo (Tiền Giang) cho biết đã tiếp nhận hơn 50 ca ngộ độc thực phẩm đến từ Công ty TNHH MTV Wondo Vina (Hàn Quốc) với các triệu chứng nôn ói, đau bụng, chóng mặt… Theo các công nhân đang nằm điều trị tại Trung tâm y tế huyện Chợ Gạo, trưa 15-10 họ ăn cơm với trứng chiên (có thịt bằm), canh đu đủ, bắp cải luộc và cá. Đến khoảng 18g chiều cùng ngày, các công nhân tăng ca thì được ăn thêm bún riêu, sau đó một số công nhân có dấu hiệu đau bụng, nông ói.

Hà Nội mới

Nâng cao chất lượng dân số và chăm sóc sức khỏe cộng đồng

Cùng với những nỗ lực không ngừng nhằm nâng cao chất lượng dân số, ngành Y tế Thủ đô đã tập trung huy động mọi nguồn lực từng bước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phát triển kỹ thuật cao, kỹ thuật mới; đồng thời thay đổi phong cách, thái độ phục vụ người bệnh…

Nâng cao chỉ số phát triển con người

Đảng và Nhà nước ta coi công tác dân số là quốc sách hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Sau 10 năm triển khai Pháp lệnh Dân số, cơ cấu và chất lượng dân số của Hà Nội đã thay đổi mạnh mẽ. Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội Tạ Quang Huy cho biết, trong giai đoạn 2010-2015, số sinh trên toàn thành phố luôn duy trì ở mức trung bình khoảng 120.000 trẻ/năm. Nếu như năm 2012, số sinh con thứ ba trở lên tăng cao (gần 12.000 trẻ) thì đến năm 2013-2014 đã giảm xuống còn hơn 9.000 trẻ và 6 tháng đầu năm 2015 là hơn 3.600 trẻ. Cùng với đó, các mô hình nâng cao chất lượng dân số đã được triển khai hiệu quả, đặc biệt là đề án tầm soát, phát hiện một số tật, bệnh bẩm sinh thông qua sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh của thành phố đã góp phần hạn chế số trẻ em sinh ra bị dị tật bẩm sinh và số trẻ mắc các bệnh chuyển hóa hằng năm. Năm 2012, tỷ lệ sàng lọc trước sinh là 40,36%, đến năm 2014 tăng lên 67%; tỷ lệ sàng lọc sơ sinh năm 2012 là 20,21% đến năm 2014 là 47,6%. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2015, toàn thành phố đã thực hiện sàng lọc sơ sinh cho gần 62% số trẻ sinh ra. Dự kiến cuối năm, tỷ lệ sàng lọc sơ sinh là 85%, hoàn thành kế hoạch đặt ra. Cùng với đó, thành phố đang duy trì 33 mô hình tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân; triển khai có hiệu quả các hoạt động giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; phối hợp với BV Nhi trung ương đào tạo tập huấn về sàng lọc, điều trị khiếm thính ở trẻ em 0-5 tuổi, thực hiện can thiệp giảm thiểu bệnh tan máu bẩm sinh, sàng lọc tim bẩm sinh tại cộng đồng… Công tác DS-KHHGĐ của Hà Nội đạt được những kết quả đáng ghi nhận vẫn còn nhiều thách thức, đó là quy mô dân số đông, địa bàn rộng, trình độ dân trí không đồng đều giữa các khu vực. Bên cạnh đó, tỷ lệ nữ ở độ tuổi sinh đẻ cao, dân số cơ học tăng cao hơn tự nhiên, trong đó lại chủ yếu ở độ tuổi lao động và nữ ở độ tuổi sinh đẻ, dẫn đến tình trạng sinh cao. Một số quận, huyện có tỷ số giới tính khi sinh ở trên mức 120 trẻ trai/100 trẻ gái như: Sóc Sơn, Thạch Thất, Phú Xuyên, Ba Vì, Thường Tín… Chính vì vậy, trong giai đoạn 2016-2020, Hà Nội đặt ra mục tiêu duy trì mức sinh thấp hợp lý, nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản, ổn định cơ cấu dân số, góp phần nâng cao chỉ số phát triển con người, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô. Để thực hiện mục tiêu này, thành phố tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia dân số; tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, vận động tới các xã, địa bàn trọng điểm; đồng thời kiện toàn và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ dân số các cấp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý chuyên ngành và quản lý dân số ngay từ cơ sở, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ kinh tế - xã hội ở địa phương.

Đưa kỹ thuật cao vào chăm sóc sức khỏe

Ngành Y tế Thủ đô xác định chăm sóc sức khỏe nhân dân vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ trọng tâm. Thời gian qua, các BV tuyến thành phố không ngừng được đầu tư hạ tầng, tăng cường trang thiết bị, kỹ thuật mới như: Hệ thống chụp cắt lớp vi tính CT-Scanner 64 lát, hệ thống X-quang chụp mạch số hóa xóa nền, hệ thống định vị trong phẫu thuật thần kinh và cột sống, hệ thống máy X-quang kỹ thuật số, máy nội soi phế quản, hệ thống phẫu thuật nội soi… BV Tim Hà Nội đã được trang bị những thiết bị mổ tim vào loại hiện đại của thế giới; BV Đa khoa Xanh Pôn được đầu tư thiết bị chẩn đoán hình ảnh, hồi sức cấp cứu, mổ và cấp cứu nhi; BV Mắt Hà Nội được trang bị hệ thống mổ phaco và hệ thống chụp huỳnh quang võng mạc. Nhiều dự án đầu tư trang thiết bị y tế đã phát huy hiệu quả như: Dự án nâng cấp BV Ung bướu Hà Nội, Dự án đầu tư trang thiết bị y tế của BV Đa khoa Hà Đông, Sơn Tây… Nhiều đơn vị đã chủ động hợp tác, huy động vốn và đầu tư kinh phí bằng các nguồn thu khác để đầu tư trang thiết bị phục vụ yêu cầu chuyên môn như BV Đa khoa Xanh Pôn, Phụ sản, Thanh Nhàn… Giám đốc BV Đa khoa Xanh Pôn Nguyễn Đình Hưng cho biết: BV đã đưa kỹ thuật ghép thận trở thành kỹ thuật thường quy, đem đến cơ hội sống cho những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. BV đang chuẩn bị mọi mặt để tiến hành ghép gan vào năm 2016 và ghép tế bào gốc trong những năm tiếp theo. Ngay trong những ngày đầu tháng 10 này, BV tiếp tục thực hiện thành công 2 kỹ thuật cao gồm: Phẫu thuật thay khớp vai và kỹ thuật bơm xi-măng tạo hình đốt sống cho 2 bệnh nhân. Kỹ thuật thay khớp vai được BV thực hiện thành công cho bệnh nhân Ngô Văn Nhàn (60 tuổi, ở Đông Anh, Hà Nội). Đây là lần thứ hai BV thực hiện thành công phẫu thuật kỹ thuật này, một kỹ thuật khó, ít BV thực hiện được. BV Đa khoa Xanh Pôn cũng đã thực hiện thành công kỹ thuật bơm xi-măng tạo hình đốt sống cho bệnh nhân Vũ Thị Xưa (72 tuổi, ở Quỳnh Nhai, Sơn La) bị lún xẹp đốt sống T12, không đi lại được do chấn thương cách đây 3 tháng. Kỹ thuật bơm xi-măng cho bệnh nhân được thực hiện trong khoảng 30 phút, ngay sau đó bệnh nhân đã có thể ngồi dậy và đi lại. Không chỉ BV tuyến đầu của thành phố mà cả những BV tuyến huyện cũng đang từng bước áp dụng kỹ thuật cao để nâng cao hiệu quả chăm sóc người bệnh. Các BV tuyến huyện đã được trang bị hệ thống phẫu thuật nội soi, máy nội soi tiêu hóa, máy siêu âm bốn chiều, các hệ thống xét nghiệm sinh hóa tự động… Hiện tại, phẫu thuật nội soi đã được thực hiện ở 100% các BV tuyến huyện, góp phần giảm tải cho các BV tuyến trên, tạo công bằng trong tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là khám chữa bệnh cho người nghèo, đối tượng chính sách.

Ngành Y tế đạt nhiều thành quả từ ứng dụng năng lượng nguyên tử

Ngày 16/10, Cục Năng lượng nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả giai đoạn 2006 - 2015 thực hiện Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử (NLNT) vì mục đích hòa bình đến năm 2020. Trong 10 năm thực hiện chiến lược, nhiều kết quả quan trọng đã được ghi nhận…

Khám sàng lọc miễn phí ung thứ vú cho 12.000 phụ nữ

Sáng 16-10, tại Hà Nội, Bộ Y tế, Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng đã phát động chiến dịch "Tầm soát ung thư vú ngay khi sang tuổi 40". Theo Bộ Y tế, ở Việt Nam mỗi năm ước tính có khoảng 11.000 ca ung thư vú mới và hơn 4.500 người tử vong vì căn bệnh này. Việc tầm soát và phát hiện sớm ung thư vú có ý nghĩa rất lớn trong điều trị. Nếu được phát hiện ở giai đoạn đầu có thể chữa khỏi bệnh tới hơn 80%, ở giai đoạn 2, tỷ lệ này sẽ là hơn 60%. Tuy nhiên, sang giai đoạn 3 khả năng khỏi thấp và đến giai đoạn 4 thì thường việc điều trị chỉ để kéo dài cuộc sống, giảm bớt các triệu chứng đau đớn. Vì vậy, việc sàng lọc phát hiện sớm đóng vai trò quan trọng. Trong chiến dịch tầm soát ung thư vú, Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư sẽ phối hợp với hệ thống các bệnh viện có chuyên khoa ung thư tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh triển khai khám sàng lọc miễn phí ung thư vú cho 12.000 phụ nữ từ 40 tuổi trở lên. Để đăng ký tầm soát miễn phí, phụ nữ từ 40 tuổi trở lên có thể đăng ký tại website của chương trình www.tam soatungthuvu.vn hoặc gọi điện đến hotline 0913936658 (tại Hà Nội); 08.39112011 (tại TP Hồ Chí Minh).

Tuổi trẻ

Quảng Nam bùng phát 578 ca sốt xuất huyết

Trung tâm Y tế dự phòng Quảng Nam cho biết tỉnh Quảng Nam phát hiện 64 ổ dịch sốt xuất huyết với 578 người có kết quả xét nghiệm dương tính. Theo dự báo, số ca mắc bệnh còn tiếp tục gia tăng trong những ngày tới khi bệnh dịch bước vào giai đoạn đỉnh điểm. Người dân xã Tam Dân, huyện Phú Ninh đang hết sức lo lắng trước tình hình dịch sốt xuất huyết lan rộng. Từ cuối tháng 7-2015 đến nay xã này có 24 người nhập viện vì mắc phải sốt xuất huyết. Ông Phạm Hậu (59 tuổi), trú tổ 2, thôn Cây Xanh, cho biết gia đình ông và nhiều người tại khu vực rất bất an trước diễn biến dịch. Những năm trước tại đây không có sốt xuất huyết nhưng năm nay dịch bùng phát mạnh, tốc độ truyền nhiễm nhanh khiến nhiều gia đình trong xóm lần lượt nhập viện. Theo bà Nguyễn Thị Phượng, trạm phó Trạm y tế xã Tam Dân, từ khi xảy ra dịch, cán bộ y tế và lực lượng chức năng xã Tam Dân bốn lần tổ chức diệt bọ gậy, lăng quăng, phun thuốc sát trùng các điểm dịch nhưng nhiều người dân chưa ý thức được sự nguy hiểm của bệnh dịch, thiếu sự hưởng ứng nên số lượng người mắc bệnh mới tăng cao. Ông Phan Đình Mỹ, giám đốc Trung tâm y tế Phú Ninh, cho biết đợt dịch lần này có thể rơi vào chu kỳ phát dịch (4 năm một lần) và sự thay đổi thời tiết nắng mưa thất thường những ngày gần đây gây ra. Dù ngành y tế Quảng Nam đã tiên lượng dịch sẽ bùng phát và triển khai nhiều phương án ứng phó nhưng số ca nhiễm sốt xuất huyết vẫn tiếp tục tăng nhanh. Ông Trần Văn Hoàn, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Quảng Nam, nhận định dịch bước vào cao điểm các tháng 10, 11-2015. Theo ông Hoàn, đối tượng nhiễm bệnh được ghi nhận ở mọi lứa tuổi, từ trẻ nhỏ cho tới người lớn đều có nguy cơ nhiễm bệnh. Rất may, các ca bệnh đều được phát hiện, điều trị kịp thời nên chưa xảy ra tình trạng tử vong đáng tiếc nào. Ông Hoàn cho biết tính đến hiện tại toàn quốc có 27 ca tử vong do bệnh dịch này. Ông Hoàn chỉ ra nhiều khó khăn trong công tác dập dịch do một số hộ dân chưa ý thức được tầm nghiêm trọng của dịch. Có trường hợp người dân hưởng ứng rất hào hứng nhưng thực hiện vệ sinh chống dịch không tích cực, làm với mục đích đối phó nên không hiệu quả. “Ngoài trách nhiệm kiểm soát dịch của cán bộ y tế, người dân cũng phải tích cực phòng chống dịch cho bản thân và gia đình thì việc khống chế dịch mới có kết quả khả quan được” - ông Hoàn nói.

Bộ Y tế họp khẩn giảm quá tải ở bệnh viện nhi

Từ đây đến cuối năm 2015, tình hình dịch bệnh còn nhiều nguy cơ gia tăng, đặc biệt là sốt xuất huyết. Nguyên nhân do tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong khu vực còn phức tạp, chưa có dấu hiệu giảm; diễn biến thời tiết thất thường, phức tạp; tốc độ đô thị hóa tăng ở các tỉnh phía Nam dẫn đến phát sinh nhiều ổ lăng quăng của muỗi tại các công trường xây dựng, khu vực nhà trọ, lán trại; người dân và chính quyền còn chủ quan... PGS.TS Trần Đắc Phu - cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - nhận định như trên tại hội nghị tăng cường công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng và viêm đường hô hấp do Bộ Y tế tổ chức chiều 16-10. Theo ông Phu, từ đầu năm 2015 đến nay cả nước có gần 47.000 ca mắc sốt huyết với 30 ca tử vong, đa số tập trung ở các tỉnh miền Nam, miền Trung. Số mắc bệnh và tử vong do sốt xuất huyết đều tăng hơn cùng kỳ năm 2014. TP.HCM là địa phương có số ca mắc cao nhất nước (11.413 ca) nhưng Khánh Hòa lại “dẫn đầu” tỉ lệ người mắc trên 100.000 dân (hơn 233 ca bệnh/100.000 dân). Riêng bệnh tay chân miệng từ đầu năm đến nay có gần 36.800 ca mắc (5 ca tử vong), giảm mạnh số mắc so với cùng kỳ 2014 (58.811 ca). Một số bệnh dịch khác như sốt rét, bệnh dại, viêm não, sởi tuy giảm nhiều nhưng vẫn có 76 ca tử vong vì các bệnh này. Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói đây là cuộc họp khẩn bàn biện pháp giảm mắc, giảm tử vong và giảm quá tải cho ba bệnh viện nhi ở TP.HCM và Hà Nội. Bà Kim Tiến đề nghị các địa phương phải quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là sốt xuất huyết.

Pháp luật Tp. Hồ Chí Minh

TP.HCM: 121 phường có ổ dịch sốt xuất huyết

Ngày 15-10, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết tính từ đầu năm đến nay, TP ghi nhận có gần 11.500 ca bệnh sốt xuất huyết (SXH), tăng 85% so với cùng kỳ năm 2014. Chỉ tính riêng trong tuần qua, toàn TP có 775 trường hợp SXH nhập viện, tăng 26% so với trung bình bốn tuần trước. Hiện toàn TP cũng đã có 121 phường/xã có ổ dịch SXH. Trung tâm Y tế dự phòng TP kêu gọi mỗi người dân cần tích cực thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, diệt muỗi và phòng tránh muỗi đốt; khi gia đình có người có dấu hiệu nghi ngờ bị SXH cần nhanh chóng đưa đi khám và báo ngay cho trạm y tế địa phương. Trong khi đó, dịch bệnh tay-chân-miệng (TCM) cũng đã gia tăng. Hiện TP đã có khoảng 6.400 ca bệnh TCM. Tính riêng trong tuần qua, số ca bệnh tăng hơn 30% so với trung bình bốn tuần trước đó. Đặc biệt đã ghi nhận sáu chùm ca bệnh TCM trong trường mầm non tại một số quận/huyện…

Bệnh tay-chân-miệng tấn công sáu trường mầm non

Ngày 15-10, Trung tâm YTDP TP.HCM cho biết tính từ đầu năm đến nay TP đã có khoảng 6.400 ca bệnh tay-chân-miệng (TCM). Chỉ tính riêng trong tuần qua, số ca bệnh TCM tăng hơn 30% so với bốn tuần trước đó. Đặc biệt, đã ghi nhận sáu chùm ca bệnh TCM trong trường mầm non tại một số quận, huyện… Lãnh đạo Trung tâm Y tế dự phòng TP đã đưa ra một số khuyến cáo kiểm soát bệnh TCM trong trường học. Thứ nhất, khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu bị bệnh như mệt mỏi, sốt, ho, đau họng... phụ huynh nên cho trẻ nghỉ học và đưa trẻ đi khám bệnh; đồng thời thông báo với nhà trường nguyên nhân trẻ nghỉ học. Thứ hai, giáo viên phải thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của học sinh để phát hiện sớm trẻ nghi mắc bệnh truyền nhiễm, sau đó thông báo ngay cho phụ huynh để trẻ được nghỉ học và đi khám bệnh; thông báo cho nhân viên y tế nhà trường để có biện pháp xử lý. Thứ ba, thông báo cho trạm y tế phường, xã khi phát hiện học sinh mắc bệnh truyền nhiễm trong trường học hoặc khi thấy số học sinh nghỉ học tăng bất thường. Bên cạnh đó, người lớn và trẻ em nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, đây là biện pháp đơn giản nhất để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm. Làm sạch - vệ sinh mỗi ngày, khử khuẩn mỗi tuần những nơi sinh hoạt, vui chơi, ăn nghỉ, đồ chơi, các vật dụng, bề mặt thường xuyên tiếp xúc trong nhà, trong trường học... bằng các dung dịch tẩy rửa thông thường.

Cảnh báo biến chứng nguy hiểm của một số thuốc giảm đau

Trước thông tin Ủy ban Đánh giá nguy cơ cảnh giác dược (PRAC) thuộc Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) đã đưa ra khuyến cáo việc thắt chặt sử dụng các thuốc giảm đau có thể xảy ra một số biến chứng nguy hiểm, Cục phó Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) Đỗ Văn Đông cho biết đã đưa ra khuyến cáo gửi đến Sở Y tế và các bệnh viện trong cả nước. Theo PRAC, nên thắt chặt việc sử dụng thuốc giảm đau có chứa codein để điều trị ho và cảm lạnh cho trẻ em do các vấn đề nghiêm trọng liên quan đến hô hấp. PRAC khuyến cáo chống chỉ định codein sử dụng cho trẻ dưới 12 tuổi, thận trọng sử dụng codein cho trẻ 12-18 tuổi có vấn đề về hô hấp vì nhóm đối tượng này tiềm tàng những nguy cơ phản ứng có hại đặc biệt. Chống chỉ định cho bệnh nhân mang gen chuyển hóa thuốc nhanh ở mọi lứa tuổi và phụ nữ cho con bú. Với thuốc chứa ibuprofen, khi sử dụng liều cao (từ 2.400 mg/ngày trở lên) có thể làm tăng nguy cơ xảy ra các biến cố tim mạch như nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Ngoài ra khuyến cáo cũng được áp dụng tương tự với dexibuprofen với mức liều cao trên 1.200 mg/ngày. Ông Đông đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh cần tăng cường theo dõi, phát hiện và xử trí các trường hợp xảy ra phản ứng có hại của các thuốc nêu trên.

Vì sao người Việt thấp hơn người các nước khu vực 13cm?

Đối với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới thì người VN thấp hơn đến khoảng 13,1 cm đối với nam và 10,7 cm đối với nữ. Trong 3 thập kỷ qua, chiều cao trung bình của người Việt chỉ tăng 4 cm. Đời sống vật chất đã cải thiện rất nhiều so với trước đây nhưng vẫn còn đó những vấn đề bất cập trong việc phát triển và nâng cao thể trạng người Việt Nam.

Thể trạng kém

So với các nước ở khu vực châu Á như Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản,… thì tầm vóc của thanh niên VN là thấp kém hơn hẳn. Đối với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới thì người VN thấp hơn đến khoảng 13,1 cm đối với nam và 10,7 cm đối với nữ. Trong 3 thập kỷ qua, chiều cao trung bình của người Việt chỉ tăng 4 cm. Từng là du học sinh, anh Chiêu Ngọc cho biết so với bạn bè nước ngoài, chiều cao và thể lực của dân VN kém hơn hẳn. “Sức bền của họ hơn mình rất nhiều. Họ đầu tư tiền bạc và thời gian để tập luyện thể dục thể thao thường xuyên. Mình chỉ chú tâm vào học tập thôi nên tất nhiên là có sự khác biệt”, anh Ngọc nói. Chị Alice Nguyen, du học sinh tại Pháp thì cho rằng do tập luyện thể dục thể thao từ nhỏ nên sức bền của người nước ngoài tốt hơn. “Mình thấy người ta đi tập gym, đi bộ rất nhiều”, chị Alice nói. Bạn đọc Dunggia thì cho rằng một trong những nguyên nhân làm thể trạng người VN kém là giá sữa quá cao so với thế giới. Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Hà Liễu cho rằng nên khuyến khích trẻ bơi lội để tăng chiều cao, nhất là trong điều kiện đất nước nhiều sông ngòi như VN thì bơi lội còn là cách phòng thân.

Chìa khóa là dinh dưỡng và vận động

Hai yếu tố quan trọng nhất trong việc tăng cường thể trạng, theo các chuyên gia là dinh dưỡng và vận động, tập luyện thể dục thể thao. BS Lê Quang Hào (Viện Dinh dưỡng) cho rằng có 3 giai đoạn rất quan trọng đối với việc tăng trưởng chiều cao của trẻ. Giai đoạn đầu tiên là giai đoạn thai kỳ. “Trong thai kỳ người mẹ phải bổ sung thêm rất nhiều chất dinh dưỡng vì nhiều khi các bữa ăn không cung cấp đủ chất cần thiết. Muốn con phát triển toàn diện đặc biệt phải bổ sung vitamin D. Một sai lầm to lớn của các bà mẹ trong giai đoạn này chính là việc không tắm nắng, không uống vitamin D làm ảnh hưởng đến tăng trưởng cân nặng và chiều cao cũng như làm hệ miễn dịch của trẻ suy giảm. Ngoài ra còn phải bổ sung kẽm, sắt và axít folic cũng như là canxi”, BS Hào chia sẻ. Theo BS Hào, giai đoạn quan trọng thứ hai là trong 2 năm đầu đời của trẻ, thứ ba là giai đoạn tiền dậy thì. “Ngay ở giai đoạn tiền dậy thì, trẻ đã phải được ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng chứ không đợi đến khi dậy thì rồi mới bổ sung. Lúc đó là chậm rồi”, BS Hào cho biết. Đồng tình với quan điểm trên, BS Đào Thị Yến Thủy (Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM) còn chỉ ra những sai lầm các bậc phụ huynh thường gặp khi chăm sóc con. Đó là một số bà mẹ chưa biết cách chuẩn bị các bữa ăn đầy đủ dưỡng chất, dẫn đến việc con bị suy dinh dưỡng. “Trẻ nhỏ phải được ăn đủ bữa, ngoài ba bữa chính cần thêm khoảng 2-3 bữa phụ, đủ chất, đa dạng thực phẩm và đủ lượng cần thiết. Ngoài ra các món ăn còn phải hợp với tuổi, sức nhai và khả năng tiêu hóa của trẻ”, BS Thủy đưa ra lời khuyên. Thêm vào đó, BS Thủy cũng cho rằng để có dinh dưỡng tốt cho đứa trẻ, người mẹ phải có dinh dưỡng tốt từ trước khi mang thai. Cơ thể người mẹ nếu không đủ các dưỡng chất có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. “Việc này rất quan trọng bởi vì trẻ khi mới sinh dù chỉ thua các trẻ khác 1cm thì khi trưởng thành cũng có thể thua mọi người từ 3-5cm”, BS Yến Thủy lý giải.

Phải tập vận động từ nhỏ

Các chuyên gia chỉ ra rằng những sai lầm của bố mẹ trong vấn đề dinh dưỡng và hướng dẫn con vận động đã làm nhiều trẻ không phát triển được chiều cao lẽ ra sẽ đạt được. Ông Chung Tấn Phong, phó chủ tịch phụ trách chuyên môn của Liên đoàn thể thao dưới nước TP.HCM cho rằng trong xã hội hiện đại, nhiều phụ huynh quá coi trọng việc học của con cái mà quên rằng trẻ cũng cần phải vận động thể chất để có phát triển toàn diện. Còn theo huấn luyện viên (HLV) Nguyễn Thị Ngọc Tâm, HLV lớp thể dục kích thích phát triển chiều cao (Trung tâm thể dục Bằng Tâm - TP.HCM) thì nhiều bố mẹ luôn cho rằng con đã đi học cả ngày mệt mỏi rồi thì không nên ép con tập thêm các môn thể thao nữa. “Đó là một điều sai lầm bởi vì trong lúc đi học cơ thể của hoạt động rất ít, các con còn thường xuyên ngồi sai tư thế, dẫn đến việc phát triển lệch lạc”, HLV Ngọc Tâm nhận định. Các chuyên gia đánh giá vai trò của giáo dục thể chất ở nhà trường chưa thật sự tốt, còn tồn tại nhiều hạn chế khác như chương trình đơn điệu, không đa dạng các hoạt động, cơ sở vật chất chưa đảm bảo, giáo viên thể dục ít, lớp đông, mật độ vận động do đó không nhiều. Nếu một tuần trẻ chỉ được học 1-2 tiết thể dục thì chưa đủ. “Thêm vào đó một số trường còn xếp giờ thể dục vào buổi trưa nắng, không những học sinh không có sức để tập mà còn bị  ảnh hưởng tới sức khỏe nhiều hơn”, ông Chung Tấn Phong nói thêm. Để phát triển thể lực cho trẻ, ông Chung Tấn Phong cho rằng phụ huynh không thể chỉ dựa vào các giờ thể dục trên trường mà còn phải đưa con đến các trung tâm tập luyện thể thao. Theo ông, không quan trọng việc tập môn gì, miễn là trẻ được vận động. “Để tập luyện có hiệu quả đòi hỏi sự thường xuyên. Trong một tuần phải có ít nhất 3 lần tập thể thao. Đối với học sinh tiểu học thì mỗi lần tập từ 30-45 phút là đủ. Càng lớn thời gian vận động phải càng phải tăng thêm nhưng nếu mục đích chỉ là rèn luyện thể lực thì cũng không cần tập quá nhiều, chỉ cần trong khoảng 1 tiếng”, ông Phong chia sẻ. HLV Nguyễn Thị Ngọc Tâm cũng cho rằng nhiều phụ huynh hiểu lầm rằng chỉ cần bơi hoặc tập bóng rổ là đã có thể giúp phát triển chiều cao toàn vẹn. “Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Thực chất bơi chỉ tác động lên cơ mà không tác động nhiều lên các khớp xương vốn có vai trò rất lớn trong việc phát triển chiều cao của trẻ. Còn môn bóng rổ nếu chỉ tập lệch một bên, chỉ tập ném bằng một tay thì cơ thể cũng phát triển lệch lạc, không cân đối, ảnh hưởng đến chiều cao. Do đó, khi trẻ tập bơi, bóng rổ hoặc bất kỳ môn thể thao nào cũng đều phải kết hợp với luyện tập thể lực để có sự phát triển toàn diện”.

Zing News

Ăn bánh mỳ, hàng chục người nhập viện

Sau khi ăn bánh mỳ mua của một cơ sở sản xuất ở TP Đồng Hới (Quảng Bình), hàng chục người đã phải nhập viện vì ngộ độc thức ăn. Chiều 15/10, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới cho biết, các y bác sĩ đang điều trị tích cực cho hàng chục người bị ngộ độc thức ăn. 13 bệnh nhân đầu tiên bị ngộ độc được chuyển vào bệnh viện Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới đều là công nhân may trên địa bàn. Họ đều ăn bánh mỳ mua của một tiệm bánh ở Đồng Hới. Sau khi ăn bánh trước giờ tăng ca, các công nhân trên đều bị đau bụng, nôn ói nên được đưa đi cấp cứu.  Cuối giờ chiều 15/10, theo báo cáo nhanh của Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Quảng Bình, đã có 48 người bị ngộ độc, trong đó 36 người nhập viện hoặc đến các cơ sở y tế cấp cứu với các triệu chứng như buồn nôn, nôn, sốt, đau bụng, tiêu chảy.  Đại diện Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Quảng Bình cho rằng, thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc là bánh mỳ thịt và bánh mỳ trứng.  Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Bình đã lấy mẫu để phân tích, xét nghiệm tìm nguyên nhân gây ngộ độc. Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Quảng Bình đã ra quyết định đình chỉ việc kinh doanh 3/5 chi nhánh của cơ sở bánh mỳ trên trước khi cơ quan chức năng kết luận nguyên nhân vụ việc. Theo Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Bình đây là vụ ngộ độc thực phẩm lớn xảy ra trên địa bàn TP Đồng Hới.

Nhân dân

Sốt xuất huyết lên đỉnh dịch, người dân vẫn coi thường

Dịch SXH đang vào thời kỳ đỉnh điểm, số lượng người nhập viện tăng vọt khiến nhiều bệnh viện (BV) ở Hà Nội trở nên quá tải. Vậy nhưng nhiều người dân vẫn thờ ơ với dịch.

Người dân đứng ngoài cuộc

Xã Ngũ Hiệp là một trong những địa phương “nóng” về dịch SXH của huyện Thanh Trì nhưng nhiều người dân vẫn chủ quan. Là địa phương có làng nghề truyền thống sản xuất hàng mã, mây tre đan, cho nên nhiều gia đình trong xã đã xây các bể chứa nước hoặc mua các thùng phuy nhựa để ngâm nứa, tre làm nguyên liệu sản xuất. Nhận thức rõ mức nguy hiểm của các bể chứa nước là nơi sinh sản và phát triển của muỗi truyền bệnh SXH nhưng vì mưu sinh, cho nên nhiều người vẫn “tặc lưỡi” cho qua. Hơn thế nữa, mặc dù chính quyền địa phương đã phối hợp trung tâm y tế xã phát tờ rơi tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống SXH đến từng hộ gia đình, nhưng khi được hỏi thì có đến hơn một nửa số hộ nhận được tờ rơi, nhưng lại không đọc. Chị Dương Tâm Đan - một người dân trong xã cho biết, đi làm về chị cũng thấy có tờ rơi để trong nhà, nhưng bận nhiều việc nên cũng không đọc. Chị chỉ biết thông tin về tình hình dịch SXH qua hệ thống loa truyền thanh của xã nhưng gần đây cũng thấy ít nhắc đến. Quan sát nếp sinh hoạt hằng ngày của nhiều hộ dân trên địa bàn cũng hiểu được lý do vì sao số lượng người mắc SXH ở đây lại đứng thứ hai trong số 30 quận, huyện, thị xã của thành phố. Mặc dù chính quyền địa phương đã phổ biến, kêu gọi từng hộ gia đình diệt bọ gậy để phòng SXH, nhưng vẫn tồn tại tình trạng người dân lưu cữu nước trong các bình hoa, lọ nước thắp hương trên bàn thờ. Hay như một số hộ gia đình có thói quen tích trữ các vỏ lon bia, nước ngọt sau khi sử dụng để ngoài trời, nước mưa xuống đọng lại tạo môi trường cho muỗi gây bệnh sinh sản. Tình trạng này cũng thường xuyên diễn ra ở làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) - nơi được mệnh danh là “chợ phế liệu” của Thủ đô. Không chỉ riêng ở Thanh Trì, nhiều hộ dân ở các địa phương khác trên địa bàn Hà Nội cũng thiếu ý thức trong việc phòng, chống dịch SXH. Theo thống kê của Trung tâm y tế dự phòng vẫn còn tới 10% các hộ gia đình không hợp tác với cơ quan chức năng trong các đợt phun hóa chất phòng dịch.

Chủ quan khi mắc bệnh

Sự thiếu ý thức của người dân dẫn đến tình trạng số bệnh nhân nhập viện do SXH tăng lên đột biến. Theo thống kê của BV Bệnh nhiệt đới T.Ư tính đến ngày 6-10, BV đã tiếp nhận điều trị cho gần 800 ca mắc SXH. Trong số đó có đến hơn 88% số bệnh nhân ở Hà Nội. Điều đáng nói là mỗi ngày trung bình có bốn đến năm ca nặng được chuyển từ các tuyến dưới lên. Tình trạng này xảy ra cũng do sự chủ quan của người dân khi mắc bệnh. Như trường hợp chị Đặng Thị H. (ở quận Hoàng Mai), khi bị sốt cao đến ngày thứ tư, mới được gia đình đưa vào BV. Trước đó, vì tưởng bị sốt, cảm bình thường, chị chỉ uống thuốc hạ sốt và truyền nước. Hay như mới đây, các bác sĩ BV Bạch Mai tiếp nhận trường hợp bệnh nhân Nguyễn Đình T. (23 tuổi, sinh viên Trường đại học Xây dựng) cũng bị biến chứng viêm não - màng não do SXH. Mặc dù trong tờ rơi, loa phát thanh hay các phương tiện thông tin đại chúng nói đến dịch SXH đều khuyến cáo người dân khi có các biểu hiện của SXH cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất. Vậy nhưng theo Phó Trưởng khoa Vi-rút - Ký sinh trùng (BV Bệnh nhiệt đới T.Ư) Nguyễn Kim Thư, phần lớn bệnh nhân nhập viện chủ quan, không nghĩ mình mắc SXH cho đến khi nổi ban trên da, nôn thốc nôn tháo, đau bụng dữ dội... mới đến viện. Nhiều bệnh nhân đến đã có hiện tượng xuất huyết do tiểu cầu giảm như: Chảy máu cam, tiểu cầu giảm, xuất huyết dưới da, xuất huyết tiêu hóa…Vì vậy, nguy cơ tử vong do SXH cũng tăng lên. Để hạn chế tử vong do dịch SXH cũng như bảo vệ chính những người thân trong gia đình, các chuyên gia y tế đều kêu gọi người dân không nên chủ quan khi có dấu hiệu của bệnh. Bên cạnh đó, để có thể đẩy lùi dịch SXH, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền sẽ không đủ nếu không có sự hợp tác của người dân. Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội TS Nguyễn Nhật Cảm nhấn mạnh: “Hằng ngày, mỗi người dân, mỗi hộ gia đình chỉ cần dành từ ba đến năm phút để diệt bọ gậy trong và chung quanh nhà mình, cụ thể như loại bỏ các phế thải chứa nước, vỏ chai lọ, lon bia, vỏ hộp sữa, lốp xe cũ, mảnh chai lọ, hộp xốp, thùng đựng sơn, máng nước cho súc vật uống; úp các xô thùng chậu chưa dùng đến; thả cá vào các dụng cụ chứa nước sinh hoạt và nước ăn của gia đình không cho muỗi có chỗ sinh sản là có thể phòng, chống hiệu quả dịch SXH”.

Infonet

Suýt tử vong vì xương cá ngát làm thủng thực quản

Một bệnh nhân bị xương cá ngát đâm thủng thực quản, gần chạm vào động mạch chủ đã được mổ nội soi cấp cứu kịp thời. Ngày 15/10, các bác sĩ Khoa Nội soi Bệnh viện ĐH Y dược TP HCM cho biết, vừa cấp cứu thành công cho bệnh nhân nam tên V. V. N (57 tuổi, ngụ tại Bến Tre) bị nuốt phải xương cá ngát. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khó thở, nuốt nghẹn kèm theo triệu chứng đau dọc sau xương ức sau khi nuốt phải xương cá ngát. TS.BS Lê Quang Nhân, Trưởng khoa Nội soi của Bệnh viện ĐH Y dược TPHCM cho biết, ngay sau khi nhập khoa cấp cứu, bệnh nhân đã được chỉ định chụp CT ngực, phát hiện có tình trạng viêm trung thất kèm theo thủng thực quản 1/3 trên do xương cá, vị trí xương cá ở xa cung động mạch chủ ngực. Bệnh nhân đã được chỉ định nội soi dạ dày gắp xương ra qua dụng cụ cap gắn ở đầu ống soi. Sau khi gắp xương cá ra phát hiện thêm có 2 lỗ thủng thực quản ở vị trí đối diện nhau (1 lỗ thủng khoảng 0,4 cm và 1 lỗ thủng khoảng 0,2 cm). Bệnh nhân đã được nội soi khâu kín lỗ thủng thực quản bên vách trái vào ngày thứ 5 của điều trị kháng sinh bằng thủ thuật nội soi Over-the-scope clip (OTSC - gắp và làm lành vết thủng tại chỗ). Thời gian thực hiện thủ thuật chỉ mất 5 phút và không có biến chứng. Theo TS.BS Quang Nhân, nội soi khâu kín lỗ thủng thực quản bằng OTSC là một trong các kỹ thuật lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam, hiện nay mới được ứng dụng tại Bệnh viện ĐH Y dược TPHCM. Ưu việt của thủ thuật này là không cần phải mở ngực để khâu lỗ thủng. Việc điều trị ít xâm hại hơn, thời gian nằm viện sau can thiệp ít hơn và ít biến chứng hơn. OTSC không những khâu kín các lỗ thủng, lỗ rò mà còn hiệu quả trong cầm máu qua nội soi. BS Quang Nhân cho biết, thủng thực quản sẽ gây viêm trung thất với tỉ lệ tử vong cao. Thời gian vàng để điều trị thành công thủng thực quản là trong vòng 24 giờ sau khi có thủng thực quản. Nếu phát hiện và điều trị sớm trong 24 giờ đầu, tỉ lệ tử vong chỉ là 10% - 20%. Nếu điều trị muộn sau 24 giờ đầu, tỉ lệ tử vong tăng tới 50%.

Người lao động 

Hiến gan: Bước khởi đầu lạc quan

Một tuần sau khi hiến gan, thể tích gan còn lại sẽ tăng thêm 10%-20% và sau một năm sẽ đạt mức 80%-90% so với lúc ban đầu. Truyền thuyết dân gian có tích nàng Thoại Khanh tự cắt thịt ở tay mình nướng cho mẹ chồng ăn để vượt qua cơn đói làm chấn động trời xanh thì ngày nay cũng có một số câu chuyện đầy nước mắt về những người con hiến đi một phần cơ thể để cứu bậc sinh thành.

Níu giữ cha mẹ ở lại

Một trong những tấm gương hiếu thảo này là trường hợp 2 người con trai (37 tuổi và 32 tuổi) dành cho cha mẹ mình là bà L.T.P.M (66 tuổi, ngụ TP HCM) và ông H.T (60 tuổi, ngụ Bến Tre). Cách đây vài hôm, cả 2 người con đã hiến hơn 80% lá gan để quyết giữ cha mẹ ở lại cuộc đời. Bà M. bị ung thư gan, xơ gan giai đoạn cuối, nhiễm viêm gan siêu vi C, u gan, tiểu ít, bụng trương cứng, phải hút ra từ 3 đến 4 lít dịch ổ bụng mỗi ngày và còn đối mặt với nguy cơ suy thận. Còn ông T. được chẩn đoán ung thư gan, xơ gan, nhiễm viêm gan siêu vi B, điều trị nội khoa không còn đáp ứng, nguy cơ tử vong cao. Trước tình hình nguy cấp đó, 2 người con đã quyết định hiến phần gan mình cho cha mẹ không chút đắn đo. Với sự hỗ trợ của chuyên gia Trung tâm Ghép gan - Bệnh viện (BV) Asan (Seoul - Hàn Quốc), BV Chợ Rẫy đã thực hiện thành công 2 ca ghép gan, mỗi ca kéo dài hơn 10 giờ. TS-BS Phạm Hữu Thiện Chí, Phó trưởng Khoa Ngoại Gan - Mật - Tụy BV Chợ Rẫy, cho biết ca bệnh của bà M. là khó nhất từ trước đến nay bởi khối u ung thư nằm ở vị trí rất hiểm, nếu cắt bỏ không khéo sẽ bị vỡ gây ung thư di căn; còn chậm có thể không ghép gan được. Khẩn trương nhưng rất cẩn trọng, một cuộc hội chẩn xuyên quốc gia được tiến hành liên tục. Toàn bộ hồ sơ bệnh án, hình ảnh của bệnh nhân được chuyển qua Hàn Quốc để tham khảo ý kiến các chuyên gia, giáo sư ở đây, cuối cùng mới đi đến quyết định phẫu thuật ghép.

Sức khỏe 4 người đều ổn

Theo BV Chợ Rẫy, cập nhật tình hình sức khỏe mới nhất sau 3 ngày phẫu thuật, hiện cả 4 người đều tỉnh táo, đang được cách ly hồi sức và chăm sóc đặc biệt. Chức năng gan của người nhận đã hoạt động tốt. Cả 2 bệnh nhân không còn thở máy và có thể xuất viện trong thời gian sớm. Sau khi xuất viện, thời gian đầu mỗi tuần, các bệnh nhân được tái khám một lần. “Đối với 2 trường hợp cho gan, thể tích phần gan còn lại của mỗi người là khoảng 38%. Tuy nhiên, sau đó gan sẽ tái sinh dần”. Theo các chuyên gia gan - mật, bệnh nhân bị ung thư, xơ gan khi không còn đáp ứng với điều trị bằng thuốc thì ghép gan là giải pháp cuối cùng mới mong còn cơ hội sống. Hiện nay, y học trong nước có thể làm chủ được kỹ thuật ghép gan nhưng vấn đề nan giải là thiếu người hiến. Cũng nên nhắc lại rằng khoảng 1 tháng trước đó, sau khi được một bệnh nhân chết não hiến tạng, các bác sĩ BV Chợ Rẫy đã đưa 2 bộ phận gan, tim từ TP HCM ra Hà Nội để các bác sĩ BV Việt Đức ghép thành công cho 2 bệnh nhân là Trần Văn H. (59 tuổi) và Nguyễn Văn H. (37 tuổi). Hiện cả hai đã hồi phục và xuất viện.

Người hiến gan có thể yên tâm

Theo Bộ Y tế, tỉ lệ người viêm gan ở nước ta chiếm khoảng 8%-15% dân số, 10% trong số này diễn tiến sang xơ gan, ung thư gan. Cả nước hiện có khoảng 1.500 người cần được ghép gan. Tuy nhiên, nhu cầu này không có nguồn đáp ứng. Các chuyên gia cho biết lâu nay, do lo ngại ảnh hưởng đến sức khỏe, tuổi thọ sau khi hiến gan nên nhiều người không nghĩ đến việc hiến. Tuy nhiên, khoa học đã chứng minh gan sẽ tái sinh, nghĩa là khoảng một tuần sau khi hiến, thể tích gan sẽ tăng thêm khoảng 10%-20% và sau một năm sẽ đạt khoảng 80%-90% so với ban đầu. Vì thế, người cho gan có thể yên tâm. TS-BS Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó Giám đốc BV Chợ Rẫy, cho biết tính đến nay, BV đã thực hiện tổng cộng 6 ca ghép gan, trong đó có một ca ghép gan từ người cho chết não, 5 ca còn lại từ người cho còn sống. Ngoài một trường hợp tử vong, 5 bệnh nhân sau ghép đã trở lại cuộc sống bình thường. Cũng theo BS Thảo, hiện BV đang dần làm chủ kỹ thuật ghép gan sau khi được các đồng nghiệp Hàn Quốc chuyển giao kỹ thuật. Ngoài ghép thận đã được thực hiện thường quy, BV Chợ Rẫy cũng có những bước đi quan trọng nhằm triển khai thêm kỹ thuật ghép tim và ghép giác mạc. “Chúng tôi cử nhân sự đi học tập thế giới để hướng đến ghép đa tạng” - BS Thảo cho hay. Theo TS-BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị Điều phối ghép tạng BV Chợ Rẫy, tín hiệu đáng mừng là số người đăng ký cho tạng sau khi qua đời ngày càng tăng nhưng vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu. Nếu có được khoảng 10% dân số Việt Nam đăng ký hiến tạng khi chết não, chết tim thì mỗi ngày sẽ có khoảng 100 người hiến tạng” - bà Thu mong muốn.

Vietnamnet

Hai bác sĩ cùng trực đêm 'choảng' nhau

Ngày 15/10, trao đổi với VietNamNet, bác sĩ Nguyễn Văn Toại, GĐ Bệnh viện Đa khoa huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh), đơn vị đang phối hợp với Công an huyện Vũ Quang để làm rõ sự việc, hai bác sĩ Trần Hữu Tình và Đoàn Quý Đức đánh nhau. Sự việc xảy ra vào 23h ngày 13/10, tại phòng khám đa khoa khu vực, nằm trên địa bàn xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang. Theo bác sĩ Toại, vào đêm 13/10, bác sĩ Đoàn Quý Đức và điều dưỡng Phan Thị Bình (vợ bác sĩ Tình) được phân công trực. Vì điều dưỡng Bình có việc, bác sĩ Tình đã trực thay. Tới khoảng 23h, có sản phụ Hồ Thị Dung (23 tuổi, trú xã Đức Bồng, huyện Vũ Quang) vào điều trị ở phòng khám. Tại đây, bác sĩ Tình đã thăm khám, siêu âm cho sản phụ Dung. Sau đó, bác sĩ Tình tới phòng trực để gọi bác sĩ Đức. Lúc này, bác sĩ Tình không gọi cửa trước mà vòng ra phía sau, giật cửa sổ của phòng trực - nơi bác sĩ Đức đang ở. Vì thế, giữa hai bác sĩ này đã to tiếng dẫn tới xô xát ngay tại phòng hành chính. Khi nghe ồn ào, nhiều bệnh nhân cùng các y, bác sĩ khác chạy tới xem nhưng không ai dám can ngăn. Thấy vậy, anh Lê Doãn Ngân (33 tuổi, trú xã Đức Giang - đang chăm sóc mẹ tại phòng khám) đã lao vào và đẩy hai bác sĩ này ra ngoài. Trong quá trình can ngăn, tay của bác sĩ Đức đã va vào mặt anh Ngân. Sau đó, anh Ngân có đấm vào mặt bác sĩ Đức mấy cái. Gần 1 giờ đồng hồ sau, khi bác sĩ Đức gọi điện thoại báo cho Công an xã Đức Lĩnh và lãnh đạo BVĐK huyện Vũ Quang, sự việc mới kết thúc. Ngay trong đêm, Công an xã Đức Lĩnh đã lập biên bản sự việc. Cũng do bị đánh, bác sĩ Đức có biểu hiện bị nôn và đau mạnh vùng thượng vị nên phải đến BVĐK huyện Vũ Quang để khám. "Chúng tôi đang cho các bác sĩ, kíp trực và người liên quan làm tường tình rồi sẽ có biện pháp xử lý", bác sĩ Toại thông tin.

Không tưởng: Chạy thận 7 năm vẫn sinh quý tử

Sau nhiều năm khao khát và 8 tháng thấp thỏm đợi chờ, bé trai đã chào đời trong niềm hạnh phúc vô bờ bến của gia đình, bác sĩ, trở thành trường hợp mang thai, sinh con lịch sử.

Kỳ tích y học

Mang thai, sinh con ở bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối gần như là điều không tưởng. Nhưng những nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ y bác sĩ và khát khao làm mẹ cháy bỏng 7 năm ròng của chị Hoàng Ngọc Yến, 31 tuổi, Tuyên Quang đã viết nên điều kỳ diệu cho ngành y Việt Nam, gieo hy vọng cho hàng nghìn phụ nữ bị suy thận. Chị Yến trở thành bệnh nhân chạy thận nhân tạo đầu tiên tại Việt Nam mang thai và sinh con khỏe mạnh. Ngày 14/10, được ôm con trong tay sau hơn 1 tháng con chào đời tại bệnh viện Bạch Mai, chị Yến không giấu nổi những giọt nước mắt hạnh phúc: "Đây đúng là món quà vô giá với gia đình tôi, tất cả mọi người đều đang vỡ òa vì vui sướng". Xung quanh, rất đông bệnh nhân và người nhà cũng nở nụ cười hân hoan, chúc tụng. Nói về ca bệnh đặc biệt, BS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, chị Yến phát hiện suy thận giai đoạn cuối năm 2008 khi đang mang thai con đầu lòng 16 tuần. Cái thai sau đó đã bị sảy. Từ đó đến nay trường kỳ tuần 3 buổi chị tới khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai để lọc máu. Chừng đó năm, nỗi khao khát được làm mẹ luôn trỗi dậy trong người phụ nữ trẻ nhưng mọi trông ngóng đều vô vọng. Đến giữa tháng 5 vừa qua, chị Yến phát hiện có thai khi đã 14 tuần tuổi, do thường xuyên chạy thận, kinh nguyệt rối loạn, hội chứng urê trong máu cao rất giống nghén nên khó phát hiện. “Khi biết mình có thai tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng vì sắp được làm mẹ, lo vì không biết làm cách nào để giữ được thai khi bản thân đang mang bệnh mạn tính. Lúc ấy chỉ biết tha thiết nhờ bác sĩ bằng mọi cách cứu lấy con", chị Yến nhớ lại. Dù biết vô cùng khó khăn và nguy hiểm, song trước nguyện vọng quá lớn của gia đình, các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đã bằng mọi cách níu giữ thai chờ ngày sinh nở. Kết quả không phụ lòng người. Ngày 6/9 vừa qua, chị Yến sinh mổ thành công bé trai 31 tuần tuổi, nặng 1,5kg, đặt tên là Xuân Bảo. Do quá nhỏ, bé Xuân Bảo bị viêm phổi, phải nuôi lồng ấp, ăn xông, thở oxy. Đến ngày 14/10 bé được xuất viện với cân nặng 2,1kg. Trường hợp bệnh nhân chạy thận sinh con khỏe mạnh trên thế giới rất hiếm. Tại châu Âu trong 10 năm qua chỉ có 12 trường hợp.

Hành trình nghẹt thở

BS Dũng cho biết, ngay khi biết được nguyện vọng tha thiết của gia đình, bản thân ông và lãnh đạo bệnh viện đã phải cực kỳ cân nhắc. Với bệnh nhân suy nhận, sẽ phải uống nhiều thuốc, phải lọc máu thường xuyên làm kích hoạt nguy cơ sảy thai, ngay cả trường hợp giữ được thai thì khi sinh cũng rất khó cầm máu do phải uống thuốc chống đông... "Ngay lập tức chúng tôi phải hội chẩn với khoa Sản, tìm giải pháp an toàn cho mẹ và con. Tất cả bác sĩ cùng nghiên cứu tài liệu. Phác đồ chuẩn châu Âu được lựa chọn", bác sĩ nhớ lại. Ngay sau đó tiếp tục có cuộc hội chẩn toàn viện với sự tham gia của 10 khoa, phòng chức năng như gây mê, hồi sức, tim mạch, sản, nhi, thận tiết niệu... Sau khi họp lên họp xuống, chính thức từ tuần thai thứ 17, chị Yến được áp dụng điều trị theo một liệu trình đặc biệt. Tất cả các loại thuốc phải tính toán sao cho nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi thấp nhất, có thuốc cực kỳ hiếm phải nhờ "xách tay" từ nước ngoài. Theo BS Dũng, cái khó nhất của trường hợp này là huyết áp quá cao lên đến 250 mmHg (người bình thường 120-130mmHg), nguy cơ sảy thai bất cứ lúc nào. Chưa kể việc rút nước tiểu trong người phải đảm bảo chính xác đến từng ml để không ảnh hưởng đến thai nhi trong khi việc xác định cân nặng thực của thai phụ khi mang bầu là cực kỳ khó. Thay vì chạy thận 3 lần/tuần, chị Yến được nâng số lần lên gấp đôi. Tuy nhiên do thời gian lọc thận lớn nên độ PH trong máu cao, làm kích hoạt nguy cơ xảy thai. Bệnh viện phải chuyển 50 can dung dịch kiềm hóa có nồng độ thấp hơn bình thường từ TP.HCM ra Bạch Mai. Mọi thay đổi của sản phụ Yến được các bác sĩ khoa Sản, khoa Thận nhân tạo theo dõi từng ngày, từ theo dõi huyết áp, tình trạng nước ối, sự phát triển của bánh rau, dây rốn, trọng lượng thai nhi... "Cẩn trọng là thế nhưng đến tuần thứ 24, sản phụ Yến bất ngờ ra huyết. Chúng tôi đã nghĩ đến tình huống xấu nhất là sảy thai nên yêu cầu chị Yến nằm viện nội trú để gắng giữ thai được lâu nhất có thể. May mắn đến tuần 31 sản phụ mới chuyển dạ, sinh con sau 2 giờ phẫu thuật", bác sĩ Dũng thở phào kể. Dù bé Xuân Bảo đã xuất viện về với gia đình nhưng BS Dũng cho biết vẫn sẽ cử người theo dõi suốt quá trình phát triển của bé sau này.

Bảo vệ pháp luật

Sức khỏe người tiêu dùng bị xem nhẹ

Việc lạm dụng một số chất bảo quản trong thực phẩm chức năng làm đẹp cũng như mỹ phẩm có thể gây độc hại đối với sức khỏe người tiêu dùng. Điều đáng lo ngại, theo các chuyên gia, đến nay vẫn chưa thể quản lý chặt chẽ các chất bảo quản cũng như liều lượng của chúng trong sản phẩm khi thị trường thực phẩm chức năng và mỹ phẩm thật giả lẫn lộn như hiện nay.

Lạm dụng chất bảo quản: tác hại khó lường!

Tại phòng khám da liễu Hà Đông (Hà Nội), chúng tôi ghi nhận nhiều trường hợp bị dị ứng do sử dụng mỹ phẩm. Chị Nguyễn T.H (Mễ Trì, Hà Nội) đi khám trong tình trạng da bị đỏ từng mảng, sưng, ngứa, nổi mẩn đỏ li ti, cả khuôn mặt sưng phồng. Chị Hà cho hay, do được bạn tặng hộp kem dưỡng da, sau ba lần bôi, da bắt đầu có phản ứng. Lúc đầu da mặt có cảm giác bị căng cứng và nóng, nổi vài nốt mẩn và hơi đỏ. Sau đó thì các triệu chứng này tăng dần khiến chị rất khó chịu. Theo kết quả chẩn đoán, chị Hà bị phù Quincke do dị ứng một số thành phần trong mỹ phẩm, phải điều trị hơn một tuần. Trường hợp chị Phạm Ngọc Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) lại dị ứng do sử dụng thực phẩm chức năng làm đẹp. Chị Ngọc Anh cho biết: “Nghe theo quảng cáo TPCN từ nhau thai cừu giúp trắng da, chống lão hóa nên bỏ tiền triệu mua dùng. Thời gian đầu, thấy da trắng lên, nhưng sau khoảng 2 tháng sau thì nổi mụn. Ban đầu là mụn nhỏ đỏ li ti, rồi mưng lên kết thành mảng dày. Khi da nổi mụn, xưng tấy, tôi hỏi nơi bán thì họ đổ lỗi do cơ địa người dùng, không thể khiếu nại họ được.” Theo các chuyên gia, dị ứng với mỹ phẩm và thực phẩm chức năng có nhiều nguyên nhân, trong đó có thể là do chất bảo quản. Chất bảo quản được sử dụng nhằm ức chế, ngăn chặn quá trình nhiễm khuẩn, giúp sản phẩm không bị phân hủy, cũng như kéo dài thời gian sử dụng. Nhưng nếu nhà sản xuất lạm dụng, vượt quá hàm lượng tiêu chuẩn cho phép hoặc sử dụng những chất cấm, sẽ rất nguy hiểm đối với người dùng. Một nghiên cứu mới cho thấy chất kháng khuẩn và chất bảo quản trong các sản phẩm có thể làm tăng nguy cơ dị ứng. Tuy nhiên, về lâm sàng xem xét theo nguyên tắc nguyên nhân và hậu quả, rất khó xác định một người nào đó bị dị ứng chất bảo quản, hay nói cách khác, chỉ có thể nhận định chung là dị ứng mỹ phẩm thay vì chỉ ra nguyên nhân do chất bảo quản nào có trong sản phẩm.

Sức khỏe người tiêu dùng bị xem nhẹ

Nếu những sản phẩm bôi ngoài da sử dụng chất bảo quản quá liều hay bị cấm thì ảnh hưởng trực tiếp đến da, nhưng nếu là TPCN giới thiệu công dụng làm đẹp, chống lão hóa da, làm trắng, xóa nám, tàn nhang, trị mụn… sử dụng bằng đường uống, nếu bị ngộ độc, dị ứng chất bảo quản sẽ rất nguy hiểm. Theo các chuyên gia, chất bảo quản trong TPCN thường có 3 nhóm: Các chất sát khuẩn, chất kháng sinh và chất chống ô xy hóa, như: axit benzoic, axit boric, salicylic, anhydride sunfure, natri nitrat, nitrit…được sử dụng làm chất sát khuẩn, chống men, mốc, phân hủy, giữ màu. Chất bảo quản thường gây ảnh hưởng tới gan, thận, dạ dày, hệ thần kinh như axit benzoic khi vào cơ thể tác dụng với glycocol chuyển thành axit hippuric không thải độc ra ngoài, ảnh hưởng gan, thận. Với axit boric, một số nghiên cứu thử nghiệm trên chuột cho thấy hiện tượng teo tinh hoàn, gây vô sinh với liều lượng 100mg Bo, có thể gây ung thư ở người… Đối với mỹ phẩm bôi trực tiếp ngoài da, có một số chất bảo quản đã được nghiên cứu và đánh giá tác hại, hệ lụy đến người tiêu dùng. Trước đây, chất paraben, phenoxyethanol, methylisothiazolinone (MIT) chiếm hầu hết trong các mỹ phẩm, do có tác dụng chống nấm và vi khuẩn. Tuy nhiên, từ 1-8-2015 các chất này đã bị cấm sử dụng. Theo khuyến cáo từ các chuyên gia, tốt nhất nên lựa chọn sản phẩm không chứa CBQ và sử dụng các nguyên liệu có nguồn gốc thiên nhiên. Cách nhận biết những sản phẩm này là chúng có thời hạn sử dụng ngắn nên không thể lưu giữ được lâu, hạn tối đa chỉ khoảng 1 năm. Trái ngược với những sản phẩm dùng chất bảo quản có thời hạn sử dụng từ 2 đến 3 năm. Ngoài ra, các chuyên gia khuyến cáo, nên mua các sản phẩm có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng. Bởi thương hiệu được xem là “giấy bảo đảm chất lượng” cho chính sản phẩm khi đưa ra thị trường. Mặt khác, dùng đúng liều lượng mức độ cho phép và phải lưu ý khi phối hợp nhiều loại chất bảo quản vì chúng có thể xảy ra phản ứng hóa học, ảnh hưởng không tốt cho người sử dụng.

Tiền phong

Nhập viện sau khi ăn bánh mỳ

Liên tiếp trong 3 ngày từ 14 đến 16/10, Bệnh viện Đa khoa Đồng Hới và Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới tiếp nhận 130 bệnh nhân có triệu chúng đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy và co giật sau khi ăn bánh mỳ tại cơ sở sản xuất bánh mỳ Vương Tiến Thành tại 63 Trần Hưng Đạo, thành phố Đồng Hới (Quảng Bình). Ngay sau khi xảy ra vụ việc, ngày 14/10, Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm Quảng Bình đã lấy mẫu thực phẩm sử dụng tại tiệm bánh mì cũng như các mẫu thực phẩm lưu trong những ngày gần đây để phân tích. Đồng thời đình chỉ hoạt động kinh doanh của cơ sở sản xuất bánh mỳ Vương Tiến Thành. Được biết cơ sở sản xuất bánh mỳ Vương Tiến Thành có 5 điểm bán ở Đồng Hới, sau khi xảy ra vụ việc, phóng viên Tiền Phong đã đến các điểm bán trên để tìm hiểu nhưng tất cả đều đóng cửa.

Chống quá tải bệnh nhân sốt xuất huyết: “Đẩy” ca nhẹ về tuyến dưới

“Muốn giảm tỷ lệ tử vong đối với các dịch bệnh lưu hành ở địa phương trước hết cần nâng cao chất lượng y tế ở tuyến cơ sở và không để quá tải ở tuyến trên”, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói tại Hội nghị Tăng cường công tác chống dịch sốt xuất huyết (SXH) do Bộ Y tế tổ chức tại TPHCM chiều 16/10.

Quá tải vì bệnh nhẹ cũng vượt tuyến

Cục YTDP cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 46.000 trường hợp mắc SXH tại 54 tỉnh, thành phố làm 30 người tử vong tại một số tỉnh, thành phố khu vực miền Nam và miền Trung. Theo ông Phu, năm 2015 số ca mắc SXH có xu hướng gia tăng so với năm 2014. “Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc đặc trị hiệu quả trong khi tình hình đô thị hóa gia tăng, điều kiện vệ sinh môi trường kém, tăng chủng loại và số lượng phế thải, tập quán con người cũng thay đổi như trồng hoa kiểng, chậu cảnh trong nhà, vốn là nơi nương náu của lăng quăng nên dịch có cơ hội bùng phát. Hiện tượng Elnino, diễn biến thời tiết bất thường cũng khiến cho muỗi sinh sôi và gây bệnh. Theo Bộ trưởng tất cả trường hợp tử vong do SXH đều được chẩn đoán ở mức độ nặng, thường gặp ở lứa tuổi dưới 15, chiếm gần 77%. Tỷ lệ nhập viện muộn vẫn còn cao, chiếm khoảng 40%. Các bệnh nhân thường được điều trị tại các bệnh viện tuyến huyện, xã, phòng khám tư nhân trước khi được chuyển lên tuyến trên. Tuy nhiên, các ca đều trong tình trạng hôn mê và xuất huyết nặng nên xảy ra tình trạng tử vong ở tuyến tỉnh và T.Ư. 80% các ca vừa nhập viện vì bệnh đều nhẹ. Do đó, người nhà không nên đưa người bệnh đến các cơ sở bệnh viện tuyến T.Ư để tránh tình trạng quá tải và tránh nguy cơ lây nhiễm chéo. Hiện nay đã có phác đồ điều trị SXH và các bệnh viện tuyến cơ sở đã được tiếp cận phác đồ này. “Vấn đề lây nhiễm chéo thật sự rất đáng lo ngại. Do đó, để giảm tỷ lệ tử vong SXH, chúng ta cần nâng cao chất lượng y tế cơ sở để giảm tải cho các bệnh viện tuyến T.Ư” - ngành y tế tăng cường tập huấn và cập nhật phác đồ điều trị bệnh thường xuyên cho các  bệnh viện tuyến cơ sở, những phòng khám, bệnh viện tư nhân.

Dân lơ là, chính quyền chưa quan tâm

Tại lễ phát động Chiến dịch mẫu diệt lăng quăng phòng SXH diễn ra sáng 16/10, tại thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, hiện vẫn còn một số nơi ý thức của người dân còn chưa tốt trong việc tự bảo vệ sức khỏe của mình đối với dịch bệnh SXH. Đặc biệt ở ĐBSCL, người dân có thói quen chứa nước vào lu để trong bếp nhưng không có nắp đậy và không áp dụng các biện pháp phòng chống SXH. Chính vì vậy dù hàng năm ngành y tế đã thực hiện nhiều chiến dịch phun hóa chất diệt lăng quăng nhưng vẫn xuất hiện các ca mắc SXH. “Việc phun hóa chất diệt muỗi chỉ có tác dụng diệt đàn muỗi trưởng thành trong thời gian ngắn, hiệu quả lâu dài là phải thường xuyên diệt lăng quăng và loại bỏ điều kiện để muỗi truyền bệnh SXH không sinh sản và phát triển được”- bà Tiến yêu cầu, đồng thời khuyến cáo người dân thường xuyên làm sạch dụng cụ chứa nước trong như bể nước, chum vại... đặc biệt các vật phế thải xung quang nhà có khả năng chứa nước mưa như vỏ đồ hộp, chai lọ vỡ, mảnh gáo dừa, lốp xe, hốc cây bẹ lá… Mặc dù việc phòng ngừa này là không khó, theo bà Tiến, công tác này trong thời gian qua tại nhiều địa phương chưa được quan tâm đẩy mạnh, nhiều người dân còn lơ là, chủ quan, nhiều cấp chính quyền còn chưa thực sự quan tâm chỉ đạo. Bộ Y tế tổ chức chiến dịch mẫu diệt lăng quăng tại Bình Dương này với mô hình điển hình về chiến dịch diệt lăng quăng phòng, chống bệnh SXH với sự tham gia của chính quyền, ban ngành đoàn thể và cộng đồng để quảng bá, tham mưu cho chính quyền các cấp khác triển khai rộng rãi.

Nông thôn ngày nay

Bác sĩ không cười sẽ … đói?

Báo NTNN số ra ngày 16.10 đưa ý kiến của đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, “tăng viện phí theo giá thị trường sẽ thay đổi quan điểm ban ơn của nhân viên y tế cũng như thái độ nhờ vả của người bệnh. Kết cấu giá dịch vụ y tế phải có cả chi phí nụ cười, lời nói ngọt”... Nên hiểu điều đó như thế nào?

“Tăng tiền mà tăng chất lượng cũng đáng”

Chị Minh Nguyệt (Tây Hồ, Hà Nội) vừa đi khám thai tại một bệnh viện (BV) tư quận Tây Hồ – nơi chị đăng ký khám bảo hiểm y tế (BHYT) ban đầu. Chị Nguyệt cho biết, BV tư nên giá cả nhiều dịch vụ chênh gấp 2-3 lần so với BV công. Chị chỉ được BHYT chi trả một phần theo giá “nhà nước”. “Tuy nhiên, “đắt xắt ra miếng” vì tôi vào viện đã có người đón tiếp, đưa tôi tới từng khoa phòng, cũng không phải chờ đợi lâu. Làm mẹ lần đầu nên tôi có vô vàn câu hỏi thắc mắc nhưng bác sĩ vẫn kiên nhẫn giải thích với thái độ nhã nhặn, vui vẻ. Trước đây, tôi đăng ký BHYT ở BV công nhưng chờ đợi lâu, bác sĩ cũng trả lời chỏng lỏn. Tôi nghĩ tiền đắt cũng đã bao gồm “nụ cười” trong thái độ phục vụ của họ. Nếu viện phí tăng mà người dân được  hưởng sự phục vụ chu đáo, an tâm như vậy thì thấy cũng đáng” - chị Nguyệt cho biết. Theo ông Nguyễn Nam Liên – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), khi viện phí cộng thêm tiền lương thì Nhà nước sẽ không trả tiền cho nhân viên y tế như hiện nay nữa. BV sẽ tự thu tự chi. Giá thị trường thì BV cũng phải cạnh tranh thị trường. Nếu chất lượng khám chữa bệnh không tốt, thái độ phục vụ xấu thì không có bệnh nhân, bác sĩ  sẽ “đói” mà BV cũng có nguy cơ phải đóng cửa.

Bác sĩ phải thay đổi thái độ

Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Hường – Phó Giám đốc BV Việt Đức (Hà Nội) nhận định, hiện nay, ngân sách nhà nước trả lương cho bác sĩ và theo đầu giường bệnh mà Nhà nước phân bổ. Nghĩa là dù BV ít bệnh nhân thì vẫn nhận lương, vẫn có tiền giường, tuy không giàu nhưng cũng không đến mức đói. Nhưng hiện nay, nếu BV không nâng cao chất lượng, không thu hút được bệnh nhân thì các bác sĩ sẽ thất nghiệp. Theo bà Hường, một trong những phần quan trọng của nâng cao chất lượng chính là thái độ phục vụ. Nhân viên y tế ở mỗi vị trí phải biết cách đối xử với bệnh nhân cho phù hợp: Biết cười nhẹ nhàng khi đón tiếp; ân cần, quan tâm khi đối diện với sự đau đớn, mệt mỏi của bệnh nhân… “Trong BV có nhiều tình huống đau đớn, khổ sở mà nụ cười của bác sĩ lúc đó lại phản cảm. Dù thế nào, bác sĩ chỉ cần giúp bệnh nhân và người nhà cảm thấy sự cảm thông, nhiệt tình, quan tâm chu đáo là đủ” – bà Hường phân tích. Còn theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, trong xu hướng tăng viện phí, việc thay đổi, chấn chỉnh tác phong, thái độ đối với người bệnh, làm hài lòng người bệnh chính là sự tồn tại phát triển của đơn vị. Nếu cán bộ y tế nào không tự giác thay đổi, chỉ làm qua loa, chiếu lệ, không thực chất, không bền thì sẽ ảnh hưởng đến BV, dẫn tới hệ quả là mất khách hàng (người bênh), mất thu nhập, mất việc...

Rút công bố 3 biệt dược gốc

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có công văn yêu cầu rút 3 thuốc biệt dược gốc của Công ty TNHH Sanofi-Aventis Việt Nam ra khỏi Danh mục thuốc biệt dược gốc đã được Bộ Y tế công bố. Theo quyêt định của Bộ Y tế, lý do của việc rút công bố này là vì tiêu chuẩn chất lượng thuốc được công bố không thống nhất với tiêu chuẩn thuốc biệt dược gốc của nhà sáng chế. 3 loại thuốc gồm: thuốc No-spa, số đăng ký VD- 12043- 10, hàm lượng 40mg; Telfast BD, số đăng ký: VD- 19727-13 hàm lượng 60mg; Telfast HD, số đăng ký: VD- 19728-13, hàm lượng 180mg.

Ngừng cung cấp 2 thuốc có hàm lượng lạ

Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản thông báo tạm ngừng cung cấp và sử dụng 2 loại thuốc Piracetam, SongTaiSi. Đây là 2 loại thuốc nằm trong danh sách thuốc có hàm lượng lạ, dạng bào chế, dạng phối hợp ít có cạnh tranh trong đấu thầu và có chi phí cao mà Bảo hiểm xã hội Việt Nam tạm thời chưa thanh toán bảo hiểm y tế nhằm kiểm soát chặt chẽ chi phí thuốc…

Công an nhân dân

Nhiều trẻ nhỏ bị bỏng do “ bình siêu tốc”

Mỗi ngày, Khoa Bỏng - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn tiếp nhận nhiều trẻ bị bỏng nước sôi, trong đó có số lượng không nhỏ trẻ bị bỏng liên quan tới “bình siêu tốc”. Con số bệnh nhân nhập viện trong tình huống này đang có dấu hiệu tăng mạnh. Đặc biệt, bệnh viện vừa mới tiếp nhận bệnh nhân là trẻ vừa chập chững biết đi bị bỏng nửa người vì tự xả vòi nước nóng. Lúc11h ngày 16/10, Khoa Bỏng – Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội đông người nhà bệnh nhân. Mỗi bệnh nhân kèm theo một hoặc 2 người chăm sóc. Chị Nguyễn Thị T, ở huyện Thanh Hà (Hải Dương) ẵm cháu Nguyễn Q.A 9 tháng tuổi, hai chân băng kín bông băng. Khuôn mặt người mẹ đầy lo lắng. Đã qua 5 ngày điều trị, bệnh tình của cháu Q.A đã tiến triển tốt, nhưng gia đình vẫn như còn nguyên cảm giác “choáng” khi sự việc xảy ra với bé Q.A. Chị T kể lại: Khoảng 13h, ngày 12/10, trong lúc chị đi lấy bình sữa, cháu Q.A lồm ngồm bò tới gần chiếc bình đun nước siêu tốc. Chiếc bình đổ ập xuống. Cháu Q.A khóc ré lên. “Lúc ấy, tôi chỉ còn biết cách gọi hàng xóm, đưa cháu vào viện cấp cứu mà thôi”. Cúi xuống nhìn con, nước mắt ngân ngấn, giọng chị nghẹn ngào: “Cháu còn đau rát lắm…”. Trò chuyện với các bác sĩ đang tận tình chăm sóc cháu Q.A ở đây, chúng tôi được biết, cháu nhập viện vào lúc 14h30 ngày 12/10 trong tình trạng bỏng rát hai chân, diện tích 20% cơ thể. Do bỏng nặng nên lúc đầu nhập viện, các bác sĩ phải tích cực điều trị, tiêm thuốc giảm đau, chống nhiễm khuẩn… Giường bệnh bên cạnh, bé Linh Giang ở quận Long Biên, Hà Nội cũng bị bỏng hai cánh tay quấn bông trắng muốt, bàn chân phải cũng bị bó lại. “Thủ phạm” gây bỏng cho bé cũng là “bình siêu tốc”. Chiều qua, trong lúc chờ nước sôi để tắm cho con, chị tranh thủ giặt mấy bộ quần áo. Bé Giang đứng trong xe tập đi loanh quanh thế nào lại với phải chiếc ấm đang đun nước trên bệ bếp. Bình nước đổ xuống, rơi vào hai cánh tay bé. May mà có chiếc xe tập đi che bớt phần cơ thể nên nó chỉ gây bỏng thêm ở bàn chân phải. Nghe tiếng thét của bé, chị chạy ra, hiểu ngay nguồn cơn tai họa và nhắc bé đặt vào cả chậu nước lạnh. Rồi chị quấn bé vào chiếc khăn, ôm con đến viện. Một trường hợp khác, bé Nguyễn Thế Bảo 11 tháng cũng ở quận Long Biên, Hà Nội nhập viện ngày 12/10 vì bị bỏng 15% diện tích cơ thể ở mặt, ngực, tay. Hồ sơ bệnh án của bé ghi rõ rằng bé nghịch vòi nước nóng, bị nước xối vào người. Để con tự nghịch nước một mình trong nhà tắm – đây là tình huống có thể xảy ra với bất cứ đứa trẻ nào khi nhà tắm có bình nước nóng. Trao đổi với PV Báo CAND, bác sĩ Nguyễn Thống – Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội cho biết, những trường hợp trên chỉ là điển hình trong số 20 trường hợp trẻ đang phải tích cực điều trị tại Khoa do đã sờ, quờ vào các thiết bị - vật dụng chứa nước nóng. Các trường hợp này nhẹ thì bị bỏng tay, bỏng chân… còn nặng thì bỏng cả cơ thể. Cũng theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Khoa Bỏng – Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội, từ năm 2014, Khoa tiếp nhận và điều trị cho gần 1.000 trường hợp trẻ bị tai nạn bỏng chiếm khoảng 50% tổng số ca bỏng nhập viện. Điều đáng lưu ý là có nhiều trường hợp do các gia đình thiếu nhận thức, khi thấy con em mình bị bỏng đã tìm tới các “lang băm”, “lang vườn” để đắp thuốc nam cứu chữa. Theo các bác sĩ chuyên khoa Bỏng – Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội cho biết, không thể phủ nhận tác dụng của các bài thuốc y học dân tộc, thế nhưng việc người bệnh tự tìm đến các “lang băm”, “lang vườn” để chữa bệnh theo các phương pháp chưa được khoa học kiểm chứng thì thật đáng lo ngại, nhất là đối với trẻ nhỏ - lứa tuổi mà tế bào da còn mỏng. Điển hình như trường hợp của cháu Nguyễn Thùy D, ở huyện Đông Anh (Hà Nội) đang phải nằm điều trị tại Khoa Bỏng – Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội là một ví dụ. Chị Nguyễn Thị L đang chăm sóc D tại bệnh viện kể lại, trưa 1/10, khi thấy cháu D con chị bị bỏng hai tay do quờ vào bình đun nước nóng siêu tốc, gia đình chị đã tìm đến nhà lang vườn tên Đ, ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) để điều trị. Tại đây, Đ đã đắp thuốc nam lên hai cánh tay của cháu D. Mấy ngày sau, vết bỏng không những không khỏi, cháu D còn bị sốt, bỏ ăn. Lo lắng trước bệnh tình của cháu D, ngày 6/10, gia đình chị L đã đưa cháu D đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội thăm khám. Lúc này, gia đình chị hoảng hồn khi được các bác sĩ cho biết, cháu bị nhiễm trùng vết bỏng. Rất may sau đó, dưới sự tận tình cứu chữa của các bác sĩ, vết bỏng của cháu D được chữa trị. Và chỉ còn ít ngày nữa, cháu D sẽ được xuất viện. Tai nạn bỏng ở trẻ thật khôn lường. Vậy làm gì để những trường hợp tai nạn tương tự được ngăn chặn, theo bác sĩ Nguyễn Thống, trước hết các bậc phụ huynh cần theo dõi và kèm sát trẻ nhỏ đang tuổi bò, chập chững đi. Không để trẻ nằm, chơi ở khu vực có để thiết bị đựng, đun nước nóng. Đồng thời, kiểm tra độ nóng của nước trong các bồn tắm, thiết bị sinh hoạt có chứa nước nóng; nhắc nhở trẻ về các cách phòng ngừa tai nạn bỏng.

Dân trí

Chữa khỏi bệnh ung thư từ... sốt rét

Dân trí Bằng cách gắn protein có trong vắc xin sốt rét vào tế bào ung thư, khối u có thể bị chọc thủng và sau đó bị phá hủy - và điều này có vẻ hiệu quả ở 90% loại ung thư. Các nhà khoa học có lẽ đã tình cờ tiến được một bước lớn trong việc tìm kiếm phương pháp chữa trị bệnh ung thư, với một khám phá bất ngờ cho thấy protein sốt rét có thể là vũ khí hiệu quả để chống lại căn bệnh quái ác này. Trong khi đi tìm một biện pháp để bảo vệ phụ nữ có thai trước bệnh sốt rét - có thể gây ra những vấn đề lớn vì nó tấn công vào bánh rau - thì các nhà nghiên cứu Đan Mạch lại phát hiện ra rằng các protein trong vắc xin sốt rét cũng có thể tấn công tế bào ung thư, một hướng tiếp cận có thể mở ra bước tiến lớn trong việc chữa khỏi các bệnh ác tính. Họ đã kết hợp phần protein mà vắc-xin sốt rét dùng để “chui’ vào tế bào với một độc chất - để sau đó có thể đưa vào tế bào ung thư và giải phóng chất độc để tiêu diệt những tế bào này. Các nhà khoa học thấy rằng trong cả hai trường hợp protein vi rút sốt rét đều tự gắn với cùng một carbohydrat. Chính sự tương đồng này có thể mở ra hướng điều trị bệnh. Carbohydrat đảm bảo cho bánh rau phát triển nhanh. Nhưng nhóm nghiên cứu thấy rằng chất này cũng đảm nhiệm vai trò như vậy trong khối u - và kí sinh trùng sốt rét tự gắn vào khối u theo cách tương tự ở bánh rau, có nghĩa là nó có thể tiêu diệt tế bào khối u. “Từ hàng chục năm qua các nhà khoa học đã đi tìm một cách để lợi dụng sự giống nhau về đặc điểm phát triển giữa bánh rau và khối u,” Ali Salanti, trường Đại học Copenhagen phát biểu. “Bánh rau là thứ mà chỉ trong vòng vài tháng có thể phát triển từ một vài tế bào lên thành một cơ quan cân nặng xấp xỉ 1kg, và nó cung cấp cho phôi thai ôxy và chất dinh dưỡng trong một môi trường khá xa lạ. Nói theo cách nào đó, khối u cũng “hành xử” y như vậy, chúng phát triển nhanh trong một môi trường khá xa lạ”. Quá trình đã được thử nghiệm trên tế bào và trên chuột nhắt bị ung thư, các kết quả được mô tả trong bài viết trên tạp chí Cancer Cell. Các nhà khoa học hi vọng rằng họ có thể bắt đầu thử nghiệm phát hiện này trên người trong 4 năm tới. “Câu hỏi lớn nhất là liệu cơ chế này có tác dụng trên cơ thể người hay không, và liệu cơ thể người có thể dung nạp được liều cần thiết mà không bị tác dụng phụ không,” Salanti nói. “Nhưng chúng tôi lạc quan vì protein có vẻ chỉ tự gắn với một carbohydrat duy nhất thấy ở bánh rau và ở tế bào ung thư trên người.” Trong các thí nghiệm trên chuột nhắt, những con vật thí nghiệm được cấy ghép 3 loại ung thư khác nhau của người. Phối hợp protein-độc tố đã làm giảm kích thước của khối u lympho không Hodgkin xuống còn khoảng 1/4, loại trừ hoàn toàn ung thư tuyến tiền liệt ở 2 trong số 6 chuột và giữ cho 5 trong số 6 chuột mang ung thư xương di căn vẫn sống so với nhóm đối chứng tất cả đều chết. "Chúng tôi đã tách riêng protein sốt rét có khả năng tự gắn vào carbohydrat, và sau đó thêm một độc tố," Mads Daugaard, một nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học British Columbia của Canada bày tỏ hi vọng. "Bằng cách tiến hành thí nghiệm trên chuột, chúng tôi đã chứng minh rằng phối hợp protein-độc tố này tiêu diệt được các tế bào ung thư."

Tắc ruột non vì khối hạt ổi to 10 cm

Bé trai bị đau bụng kéo dài, bụng chướng to, nôn mửa, tiêu chảy ra máu do một đống hạt ổi lớn khoảng 10X5 cm làm tắc ruột non. BV Nhi đồng Đồng Nai ngày 14/10 cho hay vừa phẫu thuật thành công, đang điều trị hồi sức cho em Vy Viết T. (10 tuổi, ngụ xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) do bị một đống hạt ổi lớn tắc ở ruột non. 10 ngày trước, bé T. được người nhà đưa vào viện trong tình trạng đau bụng kéo dài, bụng chướng, ói, tiêu chảy ra máu. Các bác sĩ phát hiện đoạn gần cuối ruột non có một khối hình bầu dục bị tắc nên tiến mành mổ, khi đoạn ruột non được rạch, phát hiện bên trong là khối u toàn bã ổi, kích thước khoảng 10 cm. Sau khi dị vật được lấy ra, vết thương được khâu lại, hiện em T. đã hồi phục, ruột thông suốt, được ăn trở lại. Bệnh nhân đã được làm thủ tục chuẩn bị xuất viện. Bác sĩ Vũ Công Tầm, Trưởng khoa phẫu thuật gây mê- hồi sức, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, lưu ý các bậc cha mẹ cần để ý điều chỉnh khi cho con ăn các thức ăn khó tiêu như ổi, hồng, trái cây chát chưa chín… tránh tình trạng dẫn đến tắc ruột.

Trung tâm điều trị bệnh nhân HIV cũng… quá tải

Toàn thành phố hiện chỉ có 31 trung tâm điều trị bằng thuốc kháng vi rút nhưng số người điều trị lên tới gần 25 nghìn người. Nếu thực hiện mục tiêu điều trị cho 44 nghìn bệnh nhân, các trung tâm sẽ không đủ chỗ chứa.

Số người bệnh cần được điều trị tăng cao

Trong lúc vấn nạn quá tải các loại bệnh mạn tính, chấn thương và sản nhi thành phố vẫn chưa tìm được lối thoát thì một mối nguy mới từ bệnh nhân HIV/AIDS lại xuất hiện. Trong 6 tháng đầu năm 2015 trên toàn thành phố phát hiện 765 trường hợp nhiễm mới HIV, 450 trường hợp chuyển sang AIDS, 100 trường hợp tử vong vì HIV/AIDS. Hiện tỷ lệ người nhiễm HIV là nữ giới đang gia tăng, xu hướng lây nhiễm HIV qua đường tình dục (58%) vượt mức lây nhiễm qua đường máu. Tại hội thảo bàn các giải pháp phòng chống HIV tổ chức ngày 14/10, BS Tiêu Thị Thu Vân, Chánh văn phòng Ủy ban phòng chống AIDS, thành phố, cho biết: Đến năm 2017, ước tính sẽ có khoảng 51 nghìn người tại TPHCM nhiễm HIV. Hiện có 25 nghìn bệnh nhân đang đăng ký điều trị băng thuốc kháng vi rút (ARV) tại 31 trung tâm. Bệnh nhân đông khiến các cơ sở điều trị đang rơi vào quá tải. Trong bối cảnh đó, thành phố sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện mục tiêu 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng của mình; 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; 90% người đang điều trị ARV đạt dưới ngưỡng lây nhiễm. Dự kiến, 2 năm tới thành phố sẽ nâng số cơ sở điều trị ngoại trú ARV lên 60 trung tâm, nhưng số bệnh nhân cần điều trị sẽ lên tới 44 nghìn ca. Bệnh nhân quá đông sẽ khiến các trung tâm điều trị ARV không đủ sức tiếp nhận và điều trị. Để giải quyết khó khăn trên, bắt đầu từ năm 2016, thành phố sẽ đề nghị các bệnh viện đa khoa tuyến quận huyện cùng các cơ sở y tế tư nhân, trại giam tham gia vào công tác điều trị ARV cho người nhiễm HIV. Mặc dù HIV đã được xem là loại bệnh mạn tính, tuy nhiên để đưa bệnh nhân nhiễm HIV vào cơ sở điều trị cùng các bệnh lý khác sẽ là vấn đề không đơn giản bởi sự phân biệt, kỳ thị của cộng đồng vẫn còn rất nặng nề.

Gian nan chống kỳ thị người nhiễm HIV

Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế hướng tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030. Mục tiêu đặt ra là không còn người bị nhiễm HIV đối mặt với hội chứng suy giảm miễn dịch và tử vong. Để đạt được sự kỳ vọng trên, trước mắt Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đang nỗ lực để đạt mục tiêu “3 không” gồm: không còn người nhiễm mới HIV; không còn người chết do AIDS; không còn kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS. Tuy chưa có nghiên cứu chính thức, song một số khảo sát ở các nhóm dân cư cho thấy sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV còn rất nặng nề. ThS Đỗ Xuân Thụy (Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế) dẫn số liệu minh chứng: Năm 2013, thái độ cư xử đúng của học sinh ở khu vực Tây Bắc liên quan đến vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV chỉ đạt 30%. Năm 2014, một khảo sát khác trên nhân viên y tế thôn bản tại tỉnh Yên Bái, Thái Bình cho thấy, chỉ có 44,3% trong số người được hỏi có thái độ chung sống “hòa bình” với bệnh nhân HIV/AIDS. Nguy hiểm hơn, người bị nhiễm HIV tại Việt Nam hiện không chỉ bị người thân, cộng đồng phân biệt đối xử và kỳ thị, mà họ còn kỳ thị với chính bản thân mình. “Kỳ thị và phân biệt đối xử khiến người nhiễm HIV gặp nhiều khó khăn nếu muốn tiếp cận các dịch vụ cơ bản, thiết yếu trong cuộc sống. Điều này đang là trở ngại lớn đối với nỗ lực thực hiện các cam kết liên quan đến HIV/AIDS vốn hữu ích và thiết thực cho cộng đồng người nhiễm HIV và toàn xã hội”, ThS Xuân Thụy cho hay. Để xóa bỏ tình trạng kỳ thị người nhiễm HIV/AIDS Nghị định 176/2013 đã ra đời với quy định phạt từ 10 - 20 triệu đồng những hành vi vi phạm liên quan đến kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. Dù quyền hòa nhập cuộc sống cộng đồng của người lây nhiễm đã được pháp luật hiện hành bảo hộ, song nỗi ám ảnh của căn bệnh chưa tìm ra được phương pháp điều trị đặc hiệu đã ăn sâu vào ý thức cộng đồng đang gây thêm khó khăn cho nỗ lực kết thúc đại dịch AIDS.

“Không có cách nào kiềm chế sự sinh sản của lươn”

Ông Kim Văn Tiêu, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẳng định: Không có chuyện dùng thuốc tránh thai để kiềm chế sự sinh sản, giúp lươn mau lớn vì lươn khác người. Lúc mới sinh, toàn bộ lươn là con cái và chúng sẽ tự chuyển thành lươn đực sau 1 lần sinh sản duy nhất. Theo ông Tiêu, thông tin dùng thuốc tránh thai để hạn chế sinh sản của lươn và để lươn chuyển từ lươn cái sang lươn đực là không chính xác. “Theo tôi, thuốc tránh thai chỉ dùng được trên người, tất nhiên cần có khoa học kết luận. Nhưng tôi nghĩ cho con vật ăn thì không có tác dụng, mà nếu có dùng thì khi nấu lên cũng hết tác hại,” ông Tiêu nói. Ông cũng khẳng định rằng: Hiện nay không có cách nào để kiềm chế sự sinh sản của lươn. Lươn mới sinh ra đều là lươn cái, sau một lứa đẻ duy nhất chúng sẽ chuyển thành lươn đực, chứ không phát dục mãi như cá. “Hiện nay chưa có nghiên cứu nào để làm tăng số lươn tự chuyển thành lươn đực,” ông nói. Ông cũng cho biết thêm rằng: Trong quá trình nuôi lươn, người chăn nuôi được phép sử dụng các loại hóa chất khử trùng và kháng sinh có trong danh mục. Tuy nhiên, những chất này không để lại tồn dư gì trên con lươn vì theo quy định hướng dẫn của nhà sản xuất cũng như của Bộ NN&PTNT thì trước khi bán phải dừng kháng sinh 15 ngày để lươn thải hết chất kháng sinh. Thuốc kháng sinh chỉ sử dụng khi lươn có bệnh. Nếu quản lý môi trường sống của lươn tốt thì lươn sẽ ít bị bệnh. Theo ông Tiêu, yếu tố quyết định đến sự sinh trưởng của lươn chính là chất lượng giống và chế độ chăm sóc và quản lý. Hiện có hai phương pháp nuôi lươn: Nuôi có bùn và nuôi không có bùn, và nuôi lươn không bùn đòi hỏi kỹ thuật cao. Trong thức ăn cho lươn, thường có 70% là cá tạp và 30% thức ăn công nghiệp. Người ta ta cũng có thể cho lươn ăn giun. “Theo tôi thì hiện nay người nuôi lươn chưa ai dùng thuốc tránh thai nên người tiêu dùng cứ yên tâm mà dùng. Khi mua thì chọn con to, vàng, khỏe mạnh, đẹp bóng là được,” ông nói.

Tuân thủ quy trình nuôi lươn an toàn

Trao đổi với PV Đài truyền hình Việt Nam (VTV) trong bản tin sáng 14/10, ông Trần Xuân Học, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Nghệ An, khẳng định: “Trước tin đồn về việc người nuôi lươn ở Nghệ An dùng thuốc tránh thai để “vỗ béo” lươn, chúng tôi đã cử cán bộ kỹ thuật đến để kiểm tra tại địa phương. Chúng tôi thấy các hộ nuôi lươn vẫn thực hiện tốt quy trình nuôi lươn không bùn và thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật nuôi, không sử dụng các chất cấm.” Theo ông Học, mô hình nuôi lươn không bùn ở tỉnh mới phát triển hơn 3 năm nay với 65 hộ và diện tích là 2.000m2, sản lượng 3.200-3.500 tấn/năm. Những thông tin thất thiệt trên đã ảnh hưởng đến phong trào nuôi lươn của địa phương trong bối cảnh tỉnh đang chỉ đạo phát triển đối tượng có lợi thế của tỉnh, trong đó có con lươn.

Bắt quả tang bơm nước và tạp chất vào lợn

Vì hám lợi mà ông Trần Văn Luân (sinh năm 1986, ở thôn Thanh Lâm, xã Hoàng Lương, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) đã bơm nước và tạp chất vào 20 con lợn trước khi đem đi giết mổ và bị Phòng PC49 Công an tỉnh Bắc Giang phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành phòng chống dịch động vật tỉnh bắt quả tang. Ngày 15/10 trao đổi với phóng viên một cán bộ thuộc Phòng cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Bắc Giang) thành viên Đoàn kiểm tra liên ngành phòng chống dịch động vật tỉnh Bắc Giang cho biết; Qua công tác rà soát, trinh sát nắm bắt tình hình, vào hồi 13h ngày 11/10, tại thôn Ngọc Thành 2, xã Ngọc Sơn, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang), Phòng Cảnh sát môi trường (PC49 Công an tỉnh Bắc Giang), phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành phòng chống dịch động vật tỉnh bắt quả tang ông Trần Văn Luân, sinh năm 1986, ở thôn Thanh Lâm, xã Hoàng Lương, huyện Hiệp Hòa đang tiến hành bơm nước và tạp chất vào 20 con lợn trước khi đem đi giết mổ. Với thủ đoạn thu mua lợn của các hộ chăn nuôi sau đó đối tượng bơm nước và tạp chất vào lợn để tăng độ lướt và cân nặng của lợn. Sau khi bắt quả tang, Phòng PC49 đã lập biên bản, bàn giao cho Đoàn kiểm tra liên ngành phòng chống dịch động vật tỉnh xử lý theo thẩm quyền. Hiện các cơ quan chức năng đang khẩn trương điều tra, làm rõ việc bơm nước và tạp chất vào lợn thì có ảnh hưởng gì tới chất lượng thịt lợn cũng như sức khỏe của người tiêu dùng.

Những lưu ý khi ăn thịt lươn

Ở nước ta, thịt lươn quá quen thuộc từ nông thôn lên thành thị. Lươn săn bắt tự nhiên hay nuôi nhốt cũng có thể biến chế đến cả chục món ăn, món nhậu và cũng là một thực phẩm chức năng đúng nghĩa để hổ trợ chữa bệnh nam, phụ, lão, ấu. Tuy nhiên, khi sử dụng thịt lươn cần lưu ý. Lươn thuộc một họ cá mang liền, sống ở nước ngọt vùng nhiệt đới, tương tự cá chình; danh pháp khoa học là họ Synbranchidae. Họ Lươn có đến 18 loài trong 4 chi. Con lươn quen thuộc với chúng ta thuộc chi Monopteus, tên khoa học là Monopterus albus (lươn không vây Đông Á, lươn ruộng lúa hay lươn đầm lầy). Con lươn gần như không có vây: vây ngực và vây bụng không có, vây lưng và vây hậu môn bị thoái hóa chỉ còn vết tích, vây hậu môn rất nhỏ. Lươn mắt nhỏ, khe mang nhỏ, không có bong bóng và các xương sườn có lẽ để thích nghi với cách sống dưới bùn lầy. Lươn lưỡng tính, tuyến sinh dục có đủ cả túi tinh lẫn buồng trứng.

Giá trị dinh dưỡng, dược lý

So với các thủy sản nước ngọt thì thịt lươn có giá trị dinh dưỡng khá cao: Theo Bảng thành phần thức ăn của Viện Dinh dưỡng quốc gia cứ trong 100 gam thịt lươn có: 18,7g chất đạm, 0,9g chất béo, 150mg Phospho, 39mg Canxi, 1,6mg Sắt, vitamin A, D các vitamin B1, B2, B6 và PP … Người phương Đông còn gọi lươn là thiện ngư (cá lành), trường ngư, hoàng đán, hoàng thiện, hải xà, đán ngư…và đánh giá lươn là một trong “tứ đại hà tiên” (bốn món ngon dưới nước). Theo Đông Y thịt lươn tính cam ôn, bổ kinh tỳ vị. Công năng chủ trị: bổ hư tổn, khu phong trừ thấp, cường kiện gân cốt. Lươn được dung làm nguyên liệu chế biến nhiều “thực phẩm chức năng”, hổ trợ chữa nhiều bệnh như: Trẻ biếng ăn suy kiệt, Khí huyết suy nhược sau bệnh nặng, sinh đẻ.., Bổ tỳ vị, gan mật, thanh nhiệt trừ thấp.., Bổ thần kinh, trợ giúp trí não.. Người Nhật tôn vinh lươn đến mức gọi lươn là “sâm dưới nước”, vì thịt lươn có nhiều vitamin A, đến 5.000UI / 100g lươn so với 40UI/100g thịt bò, thịt lươn cũng có nhiều DHA nên lươn thường được dùng để chế biến món ăn cho các võ sĩ đấu vật Sumo, quyền Anh.

Cần lưu ý về an toàn thực phẩm

Nhiễm trùng, ký sinh trùng

Cũng như ba ba và ếch nhái.. lươn thường chui rúc dưới ao bùn, sình lầy, nước đục…Vì sống trong môi trường bẩn như thế, lại thêm thói ăn tạp, nên hệ tiêu hóa và chính cả thịt của lươn có thể nhiễm vi trùng và ký sinh trùng; đã có bệnh nhân ăn lươn xào chưa chín kỹ đã bị nhiễm loại ký sinh này… Theo nghiên cứu của GS Trần Vinh Hiển, Cố vấn khoa học Bệnh viện Nhiệt đới TPHCM, thì cả trên lươn nuôi và lươn hoang dã tỷ lệ nhiễm ấu trùng Gnathostoma spingerum từ 0,8 đến 29,6%, mùa khô tỷ lệ thấp và tăng dần trong mùa mưa. Ba đặc điểm cần lưu ý về ký sinh trùng này: một là khi ở con lươn nó chỉ lớn chừng 1mm, nhưng khi vào cơ thể người nó phát triển đến 5-7mm, hai là khi vào cơ thể người ký sinh trùng này di chuyển lung tung, có thể ký sinh ở da, hạch, mắt..và cả trong não bộ và ba là ấu trùng Gnathostoma spingerum sống rất dai, chịu đựng được nhiệt độ cao. GS Trần Thị Kim Dung, Bộ môn Ký sinh trùng Đại học Y Dược TPHCM cũng cảnh báo tình trạng nhiễm ấu trùng Gnathostoma spingerum khá cao ở người có thói quen ăn thức món chưa nấu chín kỹ như “lươn xào tái”,“ lươn gỏi”…. Một số ký sinh trùng khác có thể ở trong lươn như Anguilliticoloides crasus, Anguilla rostrata, Anguilla japonica…

Nhiễm độc chất

Cũng cần lưu ý rằng, vì thịt lươn có nhiều chất đạm, đặc biệt có axít amin histidine, là một a xít amin “tối cần thiết” cho trẻ em, bình thường histidine rất tốt cho cơ thể, nhưng khi con lươn chết axít amin này sẽ biến đổi thành chất histamine, một chất độc gây ra dị ứng miễn dịch có hại cho con người. Hiện nay, đang nổi cộm việc thịt lươn “ngậm” thuốc ngừa thai. Nghe đâu, có nhà chăn nuôi đã vì lợi nhuận đã cho thêm thuốc ngừa thai, có hóc môn nữ estrogen, vào thức ăn và môi trường nuôi lươn để tăng trọng và đẹp mũ mã. Tóm lại, lươn là thực phẩm phổ thông, quen thuộc và rất tốt, rất bổ cho cơ thể. Khi chế biến cần lưu ý hai điều: một là phải đun nấu thật chín để loại trừ hẳn các ký sinh trùng “kháng nhiệt” vốn khá nhiều trong thịt lươn và hai là không dùng thịt lươn đã chết hay đã bị ươn thối, hoặc thịt lươn nghi ngờ có chất độc như thuốc tăng trọng, chất bảo quản nguy hại khác.

Mỹ phẩm biến làn da châu Á thành châu Âu (?!)

Nhãn mỹ phẩm còn “nổ” sẽ làm thay đổi cấu trúc gen người, làm da trắng hồng mịn màng. “Chúng tôi đang xác lập hành vi sai phạm của Công ty TNHH TMDV Jollie D Việt Nam để xử lý nghiêm”, TS.BS Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM, cho biết ngày 15.10.

Chiết xuất từ… tủy sống (?)

Thời gian qua trên thị trường TP.HCM xuất hiện hai loại mỹ phẩm được giới thiệu là chiết xuất từ… tủy sống và “có thể len vào cấu trúc gen, làm thay đổi… gen của con người”. Loại mỹ phẩm thứ nhất có tên Jollie D skin nursing marrow color (chai 100ml). Trên vỏ chai ghi: “Nursing marrow color được chiết từ… tủy sống là dạng huyết thanh lỏng giúp dễ thấm sâu vào lớp tế bào da nuôi dưỡng từ trong ra ngoài. Da sẽ trắng mịn màng ngay khi sản phẩm được thẩm thấu và giữ độ trắng suốt cả ngày”. Điều bất thường là trên vỏ chai không ghi lô sản xuất. Sản phẩm thứ hai có tên Regenerist essence whiten skin cells (hộp hai gói) cũng chẳng ghi lô sản xuất. Loại này giới thiệu còn “nổ” hơn: “Siêu tinh thể Regenerist len lỏi vào gen của người châu Á bổ sung các tinh thể cần thiết, kích thích sự thay đổi cấu trúc của các phân tử gen, giúp làn da châu Á có thể có cấu tạo như làn da người châu Âu, trắng hồng tự nhiên từ bên trong”. Hai sản phẩm trên của Công ty TNHH TMDV Jollie D Việt Nam (địa chỉ 91B Hàng Mã, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; chi nhánh tại TP.HCM: 400B Lê Văn Sỹ, phường 14, quận 3, TP.HCM). Chúng tôi gọi đến chi nhánh của công ty này tại TP.HCM thì được nhân viên bán hàng trả lời sản phẩm Jollie D skin care nursing marrow color được sản xuất từ tủy sống… thiên nhiên, giá bán 850.000 đồng/chai. Còn mỹ phẩm Regenerist essence whiten skin cells thấm được vào thịt và vào gen người sử dụng; mỹ phẩm này có hai loại, loại màu đen đang giảm giá 765.000 đồng/hộp, màu vàng 800.000 đồng/hộp.

Niêm phong 19 loại mỹ phẩm

Làm việc với phòng Quản lý dược (Sở Y tế TP.HCM), nơi này cho biết Công ty TNHH TMDV Jollie D Việt Nam có đăng ký hai sản phẩm được gia công tại Công ty TNHH SX TM DV Orange (B1/5E đường liên ấp 26, tổ 3, ấp 2, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM). Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Sở Y tế TP chỉ cấp một số tiếp nhận 1474/15/CBMP-HCM ngày 27-3-2015 cho sản phẩm Jollie D - Kem trị mụn thần tiên, còn sản phẩm Jollie D - Kem mặt tinh hoa tuyết thì chưa được cấp số tiếp nhận. Cũng theo phòng Quản lý dược, từ năm 2012 Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có hướng dẫn thành phần có nguồn gốc từ con người không được phép sử dụng trong mỹ phẩm. Các sản phẩm làm thay đổi chức năng cơ thể (kiểu như làm thay đổi cấu trúc gen người như sản phẩm trên quảng cáo) thì không được xem là mỹ phẩm. Mới đây, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã đến kiểm tra tại địa chỉ Công ty TNHH SX TMDV Orange ở huyện Bình Chánh (gia công cho Công ty TNHH TMDV Jollie D Việt Nam) nhưng đến nơi thì không tồn tại công ty này, thay vào đó là… tiệm hớt tóc, gội đầu và bán tạp hóa. Đoàn thanh tra đến kiểm tra tiếp chi nhánh công ty tại số 400B Lê Văn Sỹ (phường 14, quận 3). Đây là một cơ sở spa, nhân viên cho biết chủ đi Hà Nội. Tại đây có trưng bày 19 sản phẩm của Công ty TNHH TMDV Jollie D Việt Nam (có cả hai sản phẩm nêu trên) nhưng đến 18 sản phẩm công ty chưa đưa ra được phiếu công bố mỹ phẩm. Chỉ duy nhất có sản phẩm Jollie D - Kem trị mụn thần tiên là có phiếu công bố do Sở Y tế TP cấp nhưng giữa nội dung đăng ký với nhãn sản phẩm cũng không “dính dáng” gì với nhau! Đoàn thanh tra đã tiến hành niêm phong 19 loại mỹ phẩm của Công ty Jollie D Việt Nam và một số sản phẩm khác do chưa xuất trình được các giấy tờ hợp pháp và mời đại diện công ty lên Sở Y tế TP làm việc vào ngày 15-10 nhưng đại diện công ty đã không đến. Thanh tra Sở Y tế cho biết đang lên kế hoạch kiểm tra tất cả công ty sản xuất mỹ phẩm trên địa bàn TP.

Cố tình làm sai

TS. BS Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP, cho biết hiện nay số lượng doanh nghiệp (DN) sản xuất mỹ phẩm quá nhiều, công tác quản lý mỹ phẩm rất vất vả. Có khi DN cố tình làm sai, cụ thể như trường hợp này là sản phẩm sản xuất khác với đăng ký, DN gia công không có, địa điểm đăng ký không đúng. Tuy nhiên, quy định hiện hành chỉ cho phép hậu kiểm chứ không tiền kiểm. Tức là DN chỉ cần đăng ký trước, chỉ khi sản xuất bán ra thị trường mà có phản ánh thì mới đi kiểm tra thì đã muộn, sản phẩm đã bán gần hết. Gen là bộ mã di truyền và được cơ thể kiểm soát rất nghiêm ngặt. Mọi virus đều không thể thâm nhập được thì làm sao mà mỹ phẩm lại vào được và làm thay đổi cấu trúc gen. Nếu có thì phải chứng minh và có báo cáo nghiên cứu khoa học rõ ràng chứ không thể nói chung chung được. (BS NGUYỄN THANH HÙNG, Phó Giám đốc BV Da liễu TP.HCM)

Giá viện phí sẽ tăng tối đa theo khung

Tháng 11 tới, giá viện phí sẽ lại tăng. Vấn đề đặt ra là mức tăng là bao nhiêu và chất lượng khám chữa bệnh có tăng theo? Nhà báo Thu Lý: Xin cảm ơn ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban thực hiện chính sách Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tham dự chương trình này.

Thưa ông, mức tăng viện phí lần này được tính toán trên cơ sở nào và sẽ tăng bao nhiêu so với hiện hành?

Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế là đòi hỏi tất yếu, khách quan nhằm hướng tới sự đổi mới căn bản về cơ chế tài chính và là cơ sở căn bản để nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh. Việc điều chỉnh lần này tuân thủ theo lộ trình của Nghị định số 85 theo hướng tính đúng, tính đủ 7 cấu phần chi phí vào giá dịch vụ y tế. Theo lộ trình đó, năm 2012 chúng ta đã điều chỉnh 3/7 cấu phần, lần này chúng ta tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính them một cấu phần nữa, đó là các phụ cấp đặc thù, phụ cấp trực của bác sĩ và phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật. Như vậy là có 4/7 cấu phần chi phí giá dịch vụ y tế được tính vào giá dịch vụ y tế lần này. Việc này cũng tuân thủ quy định của Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi nhằm thống nhất giá dịch vụ y tế ở tất cả các bệnh viện khác nhau. Khi đó, chỉ có giá khám chữa bệnh và giá ngày giường sẽ được phân theo thứ hạng bệnh viện dựa trên quy định của Bộ Y tế. Còn tất cả các dịch vụ kỹ thuật khác sẽ có chung một giá ở tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước, không phân biệt vùng miền cũng như thứ hạng bệnh viện. Trên các cơ sở đó, lần này sẽ điều chỉnh giá tối đa theo khung của Thông tư liên bộ số 03, và 04 cộng thêm chi phí tiền trực và tiền phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật. Việc điều chỉnh này cũng nằm trong lộ trình thực hiện việc tính đúng, tính đủ được quy định tại Nghị định số 85.

Người bệnh sẽ chịu tác động như thế nào sau khi viện phí tăng, theo đánh giá của ông?

Bất kỳ một sự thay đổi nào về chính sách, đặc biệt là chính sách an sinh xã hội thì đều lấy người bệnh làm trung tâm, bảo bảo quyền lợi của người bệnh. Đối với người dân đi khám chữa bệnh, đợt điểu chỉnh lần này, theo đánh giá của chúng tôi, tác động tích cực là chủ yếu. Trước hết, với những người chưa có thẻ bảo hiểm y tế chiếm khoảng 27% dân số hiện nay, ít nhất là đến ngày 1.3.2016 vẫn thực hiện theo giá dịch vụ y tế cũ. Còn đối với những người có thể bảo hiểm y tế, sẽ có 4 tác động tích cực. Thứ nhất, người bệnh sẽ được cung cấp dịch vụ y tế công bằng, đồng đều ở tất cả cơ sở khám chữa bệnh, không phân biệt vùng miền. Thứ hai, người bệnh sẽ không phải bỏ tiền túi của mình để dóng góp cho các khoản chi phí mà trong thực tế đã được kết cấu vào giá dịch vụ y tế. Đây cũng chính là mục tiêu mà chúng ta hướng đến là giảm thiểu tiền từ túi tiền người bệnh mang ra đóng cho dịch vụ y tế- đây là một trong những mục tiêu thiên niên kỷ chúng ta đang phấn đấu sao cho tiền chi từ người bệnh dưới 40% tổng chi cho dịch vụ y tế. Toàn bộ chi phí thuốc, vật tư y tế, đặc biệt là những chi phí trực tiếp như khấu hao, duy tu bảo dưỡng…sẽ được kết cấu vào giá dịch vụ y tế và sẽ do Qũy Bảo hiểm Y tế chi trả. Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng các cơ sở khám chữa bệnh sẽ quyết tâm không thu them của người bệnh những khoản đã được tính vào giá dịch vụ y tế. Thứ ba, người dân sẽ được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước theo cơ chế chuyển dịch tài chính, khi đã tính cả tiền lương, tiền phụ cấp vào giá dịch vụ y tế rồi thì phần ngân sách Nhà nước trước vẫn cấp cho các cơ sở y tế để trả lương, trả chi phí thường xuyên…sẽ được chuyển sang hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế, trong đó đặc biệt chú ý đến các nhóm người yếu thế trong xã hội. Chúng tôi, qua đây cũng hy vọng sẽ có nguồn để hỗ trợ cho cả những người có thẻ bảo hiểm y tế lẫn không có thẻ. Những người có thẻ nhưng thuộc diện người nghèo sẽ được hỗ trợ them phần mà chưa thuộc trách nhiệm chi trả của Qũy Bảo hiểm y tế. Thứ tư, có thể nói, người dân sẽ được hưởng chất lượng dịch vụ y tế tốt hơn. Chúng tôi nghĩ rằng, đến khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng đúng, đủ thì các cơ sở y tế sẽ có trách nhiệm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cả chất lượng chuyên môn lẫn chất lượng phục vụ. Tuy nhiên, cũng sẽ có tác động ảnh hưởng đến những người có thẻ bảo hiểm y tế là số tiền cùng chi trả của người dân sẽ cao lên.

Quỹ bảo hiểm có thể bù đắp được phần viện phí mới hay các ông dự định tăng phí bảo hiểm ngay sau khi viện phí tăng?

Sự điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này có tác động đến nhiều con người, nhiều cơ quan, đơn vị. Vì vậy, các bộ liên quan đã có sự tính toán, có bước đi thận trọng. Kể từ 2010, thông qua các biện pháp quản lý của Bảo hiểm Xã hội nhằm tăng cường kiểm soát chi phí, nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ, các cơ sở khám chữa bệnh tích cực cung cấp các dịch vụ y tế theo hướng chi phí hiệu quả, vì vậy mỗi năm tiết kiệm được ngàn nghìn tỷ đồng. Năm 2014 Qũy bảo hiểm Y tế có kết dư khoảng 5.200 tỷ thông qua các giải pháp tăng cường quản lý. Từ năm 2010 đến nay, chúng ta đã có số tiền kết dư đủ để đảm bảo đáp ứng việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này. Vì thế, lần điều chỉnh này không đặt ra vấn đề điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế của người dân. Theo lộ trình, đến 2018 khi mà cả 7 cấu phần dịch vụ y tế được tính và giá dịch vụ thì bài toán cân đối quỹ mới được đặt ra và khi ccos chúng ta mới cân nhắc việc có điểu chỉnh mức đóng hay không. Theo Luật, trần thu phí bảo hiểm được Quốc hội cho phép là 6%, đến nay chúng ta đang thu 4.5%. Tôi khẳng định từ nay đến 2017 vấn đề điều chỉnh mức đóng phí bảo hiểm y tế của người dân sẽ không được đặt ra dù việc này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như việc tiết kiệm chi phí của các cơ sở ý tế, việc tăng cường quản lý hiệu quả của nhiều cơ quan, việc sử dụng quyền khám chữa bệnh bằng thẻ của mình một cách đúng đắn, hiệu quả nhất.

Xin cảm ơn ông về những thông tin vừa trao đổi. Xin kính chào quý vị và hẹn gặp lại.

Thuốc trị nghẹt mũi: Cẩn thận khi dùng

Có một số nguyên nhân gây nghẹt mũi như: viêm mũi vận mạch, viêm mũi dị ứng, viêm mũi teo, viêm xoang, bị lệch vách ngăn, có khối u trong mũi, chấn thương ở mũi… Nghẹt mũi là tình trạng đường thở ở mũi bị tắc nghẽn. Bình thường, chúng ta thở qua đường mũi chậm, đều đặn, không có tiếng kêu và miệng thì ngậm; khi bịt một bên mũi, ta vẫn thở được dễ dàng. Khi nghẹt mũi, ta thở khó khăn, có tiếng kêu; nếu bịt một bên mũi, ta sẽ ngạt và phải thở bằng miệng. Cần thở bằng đường mũi vì mũi không chỉ là đường thông không khí mà còn lọc sạch, làm ấm, làm ẩm không khí. Nếu hốc mũi bị tắc vì lý do nào đó, ta phải thở bằng miệng thì không khí hít vào sẽ không được lọc sạch, không được làm ấm, ẩm nên rất dễ gây viêm nhiễm đường hô hấp hoặc làm tình trạng viêm nhiễm nặng thêm.

Thuốc nào trị nghẹt mũi?

Trường hợp bị nghẹt mũi kèm sổ mũi, ta có thể dùng thuốc nhỏ mũi có chứa dược chất có tác dụng cường giao cảm thần kinh (hay trực giao cảm thần kinh) như naphazolin (biệt dược Nasoline, Rhinex 0,05%), oxymetazolin, xylometazolin… làm cho co mạch và giảm sung huyết ở niêm mạc mũi, khiến nước mũi hết chảy giàn giụa. Tuy nhiên, vì thuốc nhỏ mũi loại này có tác dụng cường giao cảm thần kinh gây co mạch nên người lớn bị bệnh tăng huyết áp, tim mạch, cường giáp hay phụ nữ có thai và cho con bú phải rất thận trọng, chỉ nên dùng khi được bác sĩ chỉ định, không nên tự ý sử dụng bừa bãi. Đặc biệt, thuốc nhỏ mũi co mạch chống sung huyết dùng lâu dài có thể gây hiện tượng “bật lại” (rebound) - tức lúc đầu làm hết sổ mũi, nghẹt mũi nhưng sau đó gây nghẹt mũi trở lại, làm viêm mạn tính niêm mạc mũi rất khó trị. Chính thuốc nhỏ mũi dạng này gây ra một loại bệnh gọi là “bệnh viêm mũi do thuốc” khiến việc  điều trị rất khó khăn. Vì vậy, có khuyến cáo người lớn bình thường không dùng thuốc nhỏ mũi co mạch, chống sung huyết quá 5 ngày. Đối với trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh, trẻ nhũ nhi, tác dụng gây co mạch của thuốc nhỏ mũi kể trên không chỉ khu trú ở niêm mạc mũi mà gây co mạch toàn thân, tức co mạch ở cả tim, gan, thận…, đưa đến tai biến gây tím tái, vã mồ hôi, choáng, phải được cấp cứu tại bệnh viện. Từ năm 1985 đến 2012, FDA Mỹ đã xác định có 96 trường hợp trẻ em ở Mỹ từ 1 tháng đến 5 tuổi bị ngộ độc vì các chế phẩm chứa chất co mạch là naphazolin. Còn ở nước ta, trong thời gian qua, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) đã cấp cứu cho một số trẻ nhũ nhi bị thở yếu, tay chân lạnh, tím tái vì được cho nhỏ mũi thuốc có chứa naphazolin. Vì vậy, với trẻ dưới 8 tuổi, tuyệt đối không dùng thuốc nhỏ mũi chứa dược chất làm co mạch, chống sung huyết. Thuốc nhỏ mũi thứ hai mà trẻ nhỏ, trẻ nhũ nhi, phụ nữ có thai hoặc người lớn cần dùng thường xuyên giúp thông thoáng là dịch natri clorid 0,9% (NaCl 0,9%), còn gọi là dung dịch “nước muối sinh lý”.

Coi chừng trẻ ngộ độc vì dầu gió!

Một loại thuốc dùng qua mũi đồng thời là thuốc thoa giảm đau dùng lâu đời là dầu gió, cao xoa (còn gọi là dầu cù là). Thuốc loại này được bôi lên mũi và hít hơi dầu vào. Để có tác dụng làm thông mũi, sát trùng đường hô hấp, dầu gió hay cao xoa chứa nhiều loại tinh dầu bay hơi, như: tinh dầu bạc hà (menthol), tinh dầu chương não (camphor). Một số dầu xoa có chứa thêm methyl salicylat, tinh dầu thông… Người lớn dùng dầu gió không thôi mà trị được nghẹt mũi, sổ mũi thì đó là điều rất tốt nhưng với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, thì phải thật cảnh giác. Đã xảy ra tình trạng - không chỉ ở nước ta mà còn nhiều nước trên thế giới - dầu gió, cao xoa chứa tinh dầu bạc hà, tinh dầu chương não gây “nhiễm” dẫn đến tử vong ở trẻ sơ sinh. Đã có nhiều thông tin báo cáo trẻ sơ sinh bị ngộ độc vì mẹ dùng dầu gió xức và làm dầu dính trên mũi con. Menthol, camphor có tác dụng kích ứng đường hô hấp trẻ sơ sinh. Khi trẻ hít phải các chất này sẽ ngưng thở do suy hô hấp. Phụ nữ cho con bú cũng tránh, không nên dùng thuốc thoa chứa methyl salicylat vì có thể dính ở đầu vú, trẻ bú sẽ nuốt phải methyl salicylat và ngộ độc. Tuyệt đối không nên dùng dầu gió, cao xoa, thuốc thoa có chứa tinh dầu trị nghẹt mũi cho trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh, phụ nữ cho con bú.

Hàng chục công nhân nhập viện vì nghi bị ngộ độc thực phẩm

Sau khi ăn bún riêu ở công ty vào chiều ngày 15/10 thì đền tối cùng ngày, hàng chục công nhân có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy… Sáng 16/10, Trung tâm y tế huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cho biết tính đến 11 giờ cùng ngày thì đã có trên 60 công nhân công ty Wondo Vina (Hàn Quốc) đóng trên địa bàn huyện nhập viện với các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm như: nôn ói, đau bụng, tiêu chảy, chóng mặt, nhức đầu… Đến 11h trưa cùng ngày có hai trường hợp bị nặng được chuyển lên bệnh viện Đa khoa Tiền Giang điều trị. Theo một số công nhân, khoảng 18h ngày 15/10 công ty cho ăn bún riêu, sau khi ăn đến khoảng 20h cùng ngày thì nhiều công nhân bị đau bụng buồn nôn…. Đến sáng 16/10 thì phải nhập viện điều trị. Cũng theo Trung tâm y tế huyện Chợ Gạo thì sau khi nhập viện thì các công nhân được khám và sàng lọc các ca bị nặng thì được truyền dịch, điều trị theo triệu chứng, đến 11h ngày 16/10 chỉ còn lại 50 công nhân nằm điều trị tại bệnh viện. Được biết trước đó vào tháng 10/2013, trên 1000 công nhân của công ty này cũng bị ngộ độc thực phẩm. Hiện các ngành chức năng đang lấy mẫu điều tra nguyên nhân.

Chất vàng ô nhuộm gà vàng độc hại như thế nào?

Cơ quan chức năng phát hiện và cảnh báo về độc chất vàng ô trong chăn nuôi gà, hiệp với giá rẻ mạt để nhuôm màu thịt gà cho bắt mắt rồi tung ra thị trường, Vậy chất này độc hại như thế nào? Bài viết dưới đây nhằm đưa them những thông tin khoa học về các chất nhuộm màu vàng cho thịt gà này:

Định danh các chất nhuộm vàng công nghiệp

Các chất màu vàng công nghiệp hay được sử dụng trong sản xuất vải, giấy một ít được dùng trong quân đội để làm đạn khói màu. Có ba chất nhuộm màu vàng đang được sử dụng hiện nay là VAT yellow1, VAT yellow2 và VAT yellow4. Hầu hết các chất nhuộm màu này được sản xuất tại Trung Quốc, một ít tại Ấn Độ. Công thức hóa của cả 3 chất đều có nhân  anthraquinones, một nhân thơm có đa vòng. Vì cấu tạo đa vòng như thế, các chất nhuộm màu này không tan trong nước, cồn, và các dung môi hữu cơ thông thường; chỉ tan được trong dung môi đặc biệt hay có thêm chất xúc tác.

Khả năng gây độc

Các chất màu công nghiệp kích thích gây ra viêm và phù nề tại chỗ, đặc biệt là tại niêm mạc, màng nhầy. Da, miệng, mũi, và mắt là thường bị ảnh hưởng nhất. Da tiếp xúc thuốc nhuộm màu sẽ bị mẫn đỏ, ngứa, sung đau, viêm nhiễm, hoại tử. Sau khi hít vào, nạn nhân sẽ ho, khó thở, thở nhanh, thở khò khè, co thắt phế quản, viêm đường hô hấp. Nếu chất màu đi vào đường tiêu hóa, sẽ gây buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy và rất phổ biến.

 Nguy cơ gây ung thư và đột biến gen

Ở người, vì đây là chất màu công nghiệp, không có nghiên cứu thực nghiệm. Nhưng căn cứ vào cấu tạo hóa học, Viện Ung thư quốc gia NCI Hoa Kỳ, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư quốc tế (International Agency for Research o­n Cancer IARC), của Tổ chức Y tế thế giới WHO xếp các thuốc nhuôm VAT yellow thuộc nhóm 3 Các chất gây ung thư. Các thực nghiệm trên chuột cho thấy tuy độc tính tại chỗ rất cao, nhưng các chất màu công nghiệp chỉ gây một số u lympho và chưa thấy gây các ung thư toàn thể khác. 

Có thể dùng làm phụ gia thực phẩm không?

Ăn uống là con đường chính để đưa thực phẩm, chất dinh dưỡng, vào cơ thể con người. Do đó, ăn uống cũng là con đường chính để chất độc xâm nhập và gây tác hại, nếu chúng ta không lưu ý vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Khác với kinh tế, doanh nhân được làm tất cả mọi việc luật pháp không ngăn cấm, thực phẩm muốn lưu thông trên thị trường phải được ngành y tế, ủy ban VSATTP quốc gia cho phép. Các chất màu công nghiệp không phải là chất phụ gia thực phẩm nên chắc chắn cho vào thức ăn là phạm pháp. Khả năng gây độc của các chất màu công nghiệp là rất lớn trên người và đông vật thí nghiệm. Khả năng gây ung thư và đột biến gien đã được Viện Ung thư quốc gia NCI Hoa Kỳ, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư quốc tế (International Agency for Research o­n Cancer IARC), của Tổ chức Y tế thế giới WHO cảnh báo.

Đôi điều bàn luận

Ở Việt Nam, tuy chưa có ý kiến, chỉ dẫn chính thức của cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng nên: (1) theo cách lựa chọn của xã hội văn minh tiên tiến, không dùng những thực phẩm chưa được phê chuẩn (approve) cho phép tung ra thị trường, ở Mỹ chỉ thực phẩm được cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm FDA phê chuẩn mới được lưu hành, (2) trước mắt không dùng thịt gà “sơn” thuốc nhuộm màu công nghiệp.

Văng khỏi xe máy, bé 10 tháng tuổi bị xe chở rác cán phải

Đặt con trai 10 tháng tuổi ngồi phía trước, đằng sau là bé gái 4 tuổi, chị Trang chở 2 con sang nhà ngoại bằng xe máy. Gặp phải tình huống bất ngờ, chị Trang bất ngờ phanh gấp khiến bé trai bị văng ra ngoài, đúng lúc xe chở rác lao tới và cán phải tay bé. Sự việc xảy ra hôm 13/10 tại Thanh Liêm, Hà Nam. Ngày 16/10, BS Vũ Tiến Hưng, Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội cho biết, bệnh nhi Viên Thế Long (10 tháng tuổi, Kiện Khê, Thanh Liêm, Hà Nam) được chuyển đến BV Việt Đức tối 13/10 trong tình trạng nguy kịch do sốc đa chấn thương, toàn bộ cánh tay phải của bé bị dập nát rất nặng nề do tai nạn giao thông. Người mẹ đi theo cháu là chị Nguyễn Thị Huyền Trang (19 tuổi) cho biết, tai nạn xảy ra khi chị đang chở con và cháu gái sang nhà bà ngoại cách nhà 2km. Vì nghĩ nhà bà gần ngay đó nên khi chở con, chị không dùng đai bảo vệ bé. Chị Trang cho biết, bé Long được ngồi đằng trước khung xe máy, đằng sau là cháu gái 4 tuổi. “Bình thường chở con, em vẫn cho bé ngồi thế mà không bận gì nên chủ quan, không ngờ lần này tai nạn lại xảy ra với con. Em vừa đi đến đến chân dốc chuẩn bị lên cầu thì bị vướng xe nên đột ngột phanh gấp, chống chân khiến cháu Long bị văng ra ngoài. Đúng lúc chiếc xe tải chở rác lao tới, cán phải. Nhìn thấy con như thế em cũng khóc ngất, vô cùng ân hận”, chị Trang chia sẻ. Bé Long ngay lập tức được người đi đường đưa đến bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam cấp cứu, sau đó được chuyển lên Viện Đức ngay trong đêm trong tình trạng hết sức nguy kịch. BS Hưng cho biết, khi tiếp nhận cấp cứu bệnh nhi, ngay lập tức, bệnh nhi được chuyển vào phòng mổ cấp cứu và kíp mổ do PGS.TS Ngô Văn Toàn phụ trách đã nỗ lực hết sức để cứu cánh tay của bé. Tuy nhiên, do bị xe có trọng lượng lớn cán vào nên cuối cùng các bác sĩ đã phải phải cắt đi 1/3 cánh tay này. Theo BS Hưng, bé Long vẫn còn may mắn là sọ não không ảnh hưởng. Hiện sức khỏe của cháu Long tiến triển tốt, nếu không có gì thay đổi trong vòng 5-7 ngày nữa có thể xuất viện. Chuyện đi đường xóc, đi vào ổ gà, phanh bất ngờ, hay chở trẻ khi trẻ ngủ gật rơi ra khỏi xe các bác sĩ đã từng gặp. Trẻ rơi xuống đất khi xe di chuyển tốc độ nhanh, xảy ra va đập với mặt đường cứng hoặc bị xe khác chèn phải có thể gây chấn thương gãy, dập chân tay, chấn thương sọ não Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, khi chở trẻ con trên đường, dù bằng xe đạp hay xe máy, việc đảm bảo an toàn cho trẻ là vô cùng quan trọng, cần đảm bảo chỗ ngồi an toàn cho trẻ. Cũng cần đeo đai bảo vệ cho trẻ khi đi đường, đội mũ bảo hiểm. Với trẻ quá nhỏ nên có người lớn đi kèm bế trẻ cho an toàn hoặc di chuyển bằng xe bus, taxi, ô tô... để phòng những rủi ro đáng tiếc cho trẻ.

 

Ngày 26/10/2015
Ban Biên tập Website
(Điểm tin từ các báo)
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích