Home TRANG CHỦ Thứ 7, ngày 20/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 4 7 1 6 8 3
Số người đang truy cập
2 7 9
 Tin tức - Sự kiện Điểm tin y tế
Điểm tin y tế từ các báo ngày 22/8 đến 24/8 năm 2015

Hà Nội mới

Bảo đảm ATVSTP trong ngành du lịch: Nỗi lo còn đó

Việt Nam có một nền văn hóa ẩm thực phong phú. Từ rất lâu, những món ăn như nem rán, phở Hà Nội... đã được du khách nước ngoài yêu thích và bình chọn là một trong những món ăn ngon nhất thế giới. Mới đây, Giáo sư Philip Kotler, một chuyên gia về thương hiệu, khi nếm thử các món ăn Việt Nam đã đưa ra lời khuyên: "Hãy biến Việt Nam thành bếp ăn của thế giới" với ngụ ý Việt Nam nên lấy ẩm thực để xây dựng thương hiệu du lịch. Thế nhưng, liệu du khách có thể yên tâm về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong các món ăn Việt?

Chưa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm

David Berse, khách du lịch người Mỹ, rất thích các món ăn Việt Nam như bún chả, bánh mì thịt nướng, phở... nhưng trải nghiệm "kinh hoàng" về cách phục vụ của một chủ quán ở Hà Nội đã khiến anh nản lòng. David kể, một lần, anh ăn bún chả ở một con phố thuộc quận Hoàn Kiếm. Khi vừa ăn xong và chuẩn bị đứng lên thì có một cô gái bước vào. Chị chủ quán, tay đeo găng, cầm giẻ lau bàn và dọn bát đĩa cho anh rồi vẫn với bàn tay đeo găng đó, chị bốc bún cho khách. Cô gái phản ứng thì chị chủ quán lập tức to tiếng. Chứng kiến cảnh tượng ấy, anh thực sự choáng váng vì với anh và đa số du khách nước ngoài, món ăn ngon trước hết phải bảo đảm vệ sinh.

Hiện nay, khách du lịch chủ yếu dùng đồ ăn tại các nhà hàng, khách sạn hoặc ngay trên đường phố. Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn, Tổng cục Du lịch cho biết, tính đến tháng 6-2015, cả nước có 18.600 cơ sở lưu trú, trong đó có 5.936 khách sạn từ 1 đến 5 sao và 6.000 cơ sở đạt tiêu chuẩn. "Cho tới nay, ở khối khách sạn chưa phát hiện ra trường hợp bị ngộ độc hay khiến du khách lo lắng vì những nơi này đều có giấy phép và thực hiện khá tốt quy định về ATVSTP" - bà Nguyễn Thị Thanh Bình khẳng định. Cũng theo bà Nguyễn Thị Thanh Bình, nỗi sợ về ATVSTP chủ yếu liên quan đến thức ăn đường phố bởi thực phẩm đầu vào của loại thức ăn này khó bảo đảm và thường được chế biến bởi những người thiếu kiến thức về ATVSTP.

Trên thực tế, thức ăn ở các khách sạn, cơ sở lưu trú đạt chuẩn cũng chưa chắc đã bảo đảm ATVSTP. Thực phẩm cung ứng cho các đơn vị này có nguồn gốc từ nhập khẩu, các trung tâm cung cấp thực phẩm sạch trong nước và trên thị trường tự do. Số khách sạn dùng nguồn thực phẩm nhập khẩu (được coi là bảo đảm) với khối lượng lớn không nhiều, chủ yếu là các khách sạn từ 3 sao trở lên. Phần lớn các khách sạn sử dụng thực phẩm các cơ sở trong nước hoặc trôi nổi trên thị trường. Trong ba nguồn thực phẩm nói trên thì nguồn thực phẩm từ thị trường tự do là nguy hiểm nhất. Sản phẩm rau xanh đem lại nỗi lo bởi nhiều nông dân phun thuốc trừ sâu không theo quy định hoặc không bảo đảm thời gian cách ly cần thiết từ khi phun lần cuối đến khi thu hái sản phẩm. Sản phẩm thịt cũng không khá hơn bởi không ít người nuôi dùng thuốc kích thích, ví dụ như sử dụng chất tạo nạc cho lợn, hóa chất tăng trọng lượng cho tôm...

Nỗi lo của các công ty lữ hành

Ông Lê Phong Trần, Giám đốc thị trường Công ty Du lịch quốc tế Fiditour cho biết, tiêu chí để lựa chọn nhà hàng, khách sạn phục vụ khách của công ty là nhà hàng, khách sạn phải có giấy chứng nhận về ATVSTP do Sở Y tế cấp. Ở các đô thị lớn, việc lựa chọn khá thuận lợi bởi những nơi này có hệ thống dịch vụ du lịch đa dạng, cao cấp và chuyên nghiệp. Tuy nhiên, với những điểm đến còn hoang sơ, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch chưa hoàn thiện thì việc lựa chọn dịch vụ ăn uống an toàn cho khách thực sự khó khăn hơn rất nhiều. Ông Lương Duy Doanh, Giám đốc Five Stars Travel chia sẻ rằng, việc bảo đảm ATVSTP cho khách là một nỗi lo lớn của các công ty lữ hành vì vẫn xảy ra tình trạng du khách bị ngộ độc thực phẩm. "Cái khó của công ty du lịch là không thể kiểm soát được nguồn gốc thực phẩm và cách chế biến của từng nhà hàng. Ngay cả với nhà hàng có giấy chứng nhận bảo đảm ATVSTP thì khi vào mùa du lịch, số lượng khách tăng vọt, không ai dám chắc quy trình chế biến thực phẩm sẽ được thực hiện như lúc bình thường, nhất là một bộ phận nhà hàng có tư duy "ăn xổi", không quan tâm giữ chữ tín. Chính vì lẽ đó, chúng tôi phải lựa chọn nhà hàng thông qua thông tin từ các công ty lữ hành khác và qua phản hồi của khách hàng mà thôi", ông Lương Duy Doanh khẳng định. Theo các chuyên gia du lịch, ATVSTP liên quan đến nhiều khâu, nhiều người và du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, do vậy ngoài những biện pháp mang tính cưỡng bức đối với người sản xuất, kinh doanh thực phẩm thì điều quan trọng là cần tuyên truyền giáo dục ý thức, trách nhiệm về ATVSTP cho người dân, đặc biệt là chủ thể kinh doanh, nhà cung cấp thực phẩm cho thực khách và các doanh nghiệp du lịch. Trong Chỉ thị 14/CT-TTg về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch ngày 2-7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống thực hiện đúng quy định về ATVSTP, bảo đảm vệ sinh tại khu vực chế biến và phục vụ khách. Ở các khu vực có nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và các khu phố trung tâm ẩm thực, UBND các cấp cần tăng cường quản lý, bảo đảm ATVSTP; tăng cường kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm. Với sự chỉ đạo quyết liệt này, hy vọng trong thời gian tới, vấn đề ATVSTP cho du khách sẽ được cải thiện dần.

Nhân dân

Chủ động ngăn chặn dịch bệnh sốt xuất huyết

Mặc dù ngành y tế đã rất nỗ lực phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) thời gian qua, nhưng dịch bệnh SXH đang có chiều hướng gia tăng, nhất là tại các tỉnh, thành phố khu vực miền nam. Để chủ động ngăn chặn kịp thời căn bệnh này, bên cạnh nỗ lực của ngành y tế, cần có sự vào cuộc tích cực của các ban, ngành, đoàn thể và sự tham gia, hưởng ứng của người dân. Kể từ khi công tác phòng, chống SXH được đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia, số người mắc và tử vong do SXH đã giảm đáng kể. Năm 2014 ghi nhận số người mắc SXH thấp nhất trong vòng mười năm trở lại đây. Tuy nhiên, từ đầu năm 2015 đến nay, cả nước ghi nhận 22.877 trường hợp mắc tại 48 tỉnh, thành phố, trong đó có 12 người tử vong, chủ yếu là các tỉnh, thành phố khu vực phía nam. Số người mắc tăng 49,6%; số người tử vong tăng hai trường hợp, so với cùng kỳ năm 2014. Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Sóc Trăng Nguyễn Đình Thanh Liêm cho biết: Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 957 trường hợp được chẩn đoán và theo dõi SXH, tăng 76% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 43 trường hợp mắc SXH nặng. Người mắc bệnh phần lớn là trẻ em (chiếm hơn 90%). Điển hình như, tại thị xã Vĩnh Châu, ghi nhận 567 trường hợp chẩn đoán và theo dõi mắc SXH, do khu vực này ở ven biển, khan hiếm nước ngọt, phần lớn hộ dân đều dùng đồ trữ nước để sinh hoạt và sản xuất; ý thức phòng bệnh kém... Ngay tại TP Hà Nội, công tác phòng, chống dịch bệnh SXH còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại, nhất là trong tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống từ cấp cơ sở. Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai) Đặng Văn Dũng: Mặc dù trong thời gian qua, chính quyền phường đã chủ động phối hợp các đơn vị chức năng tổ chức tuyên truyền, vận động trên hệ thống loa truyền thanh; tổ chức ký cam kết với các hộ gia đình có nhà cho thuê trọ về việc bảo đảm vệ sinh môi trường; cấp phát tờ rơi, nhưng do địa bàn phường giáp ranh với nhiều phường của quận Hai Bà Trưng và quận Hoàng Mai, cho nên gặp khó khăn. Nhiều hộ cho thuê trọ liền sát nhau, mật độ dân cư đông; trình độ dân trí không đồng đều, dẫn đến ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường chưa cao. Tình trạng hộ gia đình dự trữ nước sinh hoạt bằng các thùng phi, bể chứa, cây cảnh, hòn non bộ còn khá phổ biến. Trên địa bàn còn nhiều khu đất trống, người dân làm bãi tập kết vật liệu xây dựng đã tạo ra các điểm có nguy cơ phát sinh muỗi gây SXH. Trong khi đó, còn không ít hộ dân chưa thật sự hợp tác với các cơ quan y tế trong việc phun thuốc diệt muỗi tại gia đình mình. Chính vì vậy, từ đầu năm đến nay, phường Hoàng Văn Thụ ghi nhận có 61 người mắc SXH (hiện còn tám người đang điều trị tại các cơ sở y tế)... Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội, TS Hoàng Đức Hạnh cho biết: Từ đầu năm đến nay trên toàn thành phố ghi nhận 926 người mắc SXH, tại 189 xã, phường, thị trấn. Người bệnh mắc SXH là người lớn tuổi; trẻ em dưới 15 tuổi chỉ chiếm 13%, tập trung chủ yếu ở các quận, huyện như Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Thanh Trì. Vì vậy, muốn ngăn chặn được SXH trước hết cần diệt bọ gậy một cách triệt để, nhưng qua kiểm tra, giám sát cho thấy sự hợp tác của người dân còn nhiều hạn chế, có những nơi chỉ có từ 30% đến 40% số hộ gia đình phối hợp ngành y tế tiến hành diệt bọ gậy. Để chủ động ngăn chặn SXH, các đơn vị y tế tăng cường công tác giám sát phát hiện sớm ca bệnh, khoanh vùng xử lý ổ dịch triệt để; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng SXH tại địa phương, thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất theo quy định khi có yêu cầu; bảo đảm đủ cơ số thuốc, trang, thiết bị y tế, giường bệnh để kịp thời tiếp nhận điều trị sớm bệnh nhân hạn chế số ca tử vong do SXH. Ngành y tế cùng cấc cấp chính quyền đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch SXH, thông qua các buổi họp tổ dân phố, hệ thống loa truyền thanh, phát tờ rơi, tờ gấp, tư vấn trực tiếp tại hộ gia đình... Theo Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) PGS, TS Trần Đắc Phu, tại Việt Nam, SXH lưu hành ở hầu hết các tỉnh, thành phố, nhưng tập trung chủ yếu tại các tỉnh miền nam và miền trung. Bộ Y tế đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các địa phương chủ động phòng, chống dịch bệnh từ trước mùa dịch; thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, nhất là tại các điểm nóng để có chỉ đạo kịp thời; tổ chức đoàn kiểm tra, chỉ đạo, hỗ trợ phòng, chống SXH tại các tỉnh, thành phố có số người mắc tăng cao như Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh... Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi-rút gây nên, trong khi đó bệnh lây truyền từ người sang người qua vật chủ trung gian truyền bệnh là muỗi vằn. Do SXH chưa có vắc-xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu, cho nên bên cạnh sự nỗ lực của ngành y tế, thì việc tham gia tích cực của người dân vào các hoạt động phun hóa chất diệt muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy của muỗi truyền bệnh SXH là rất quan trọng. Người dân cần thực hiện nghiêm các khuyến cáo của Bộ Y tế như đậy kín các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; tích cực phối hợp ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch; khi bị sốt cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.

Bảo đảm an toàn thực phẩm cần đi vào thực chất

Hiện nay, các cơ sở sản xuất, kinh doanh đang bước vào thời kỳ “cao điểm” sản xuất, kinh doanh và nhập khẩu các sản phẩm thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân vào dịp Tết Trung thu. Thời gian này, được coi là cơ hội “vàng” cho không ít cơ sở sản xuất, kinh doanh lợi dụng đưa vào thị trường các loại sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP). Vì vậy, Ban Chỉ đạo liên ngành T.Ư về vệ sinh ATTP, vừa ban hành quyết định thành lập sáu đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về vệ sinh ATTP trong dịp Tết Trung thu năm 2015 tại 12 tỉnh, thành phố trọng điểm. Bộ Y tế cũng có công văn đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra ATTP trên địa bàn. Vấn đề ATTP đã trở nên “nóng”, thu hút sự chú ý, quan tâm của dư luận xã hội. Mặc dù thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực ATTP được các địa phương triển khai khá đồng bộ, nhưng trên thực tế số vụ ngộ độc thực phẩm không giảm, số vụ vi phạm ATTP liên tục tăng. 5 tháng đầu năm 2015, cả nước phát hiện 68.025 cơ sở sản xuất vi phạm về ATTP, nhưng chỉ có gần 13 nghìn cơ sở bị các cơ quan chức năng xử lý (chiếm 18,7%), với tổng số tiền phạt hơn 17,7 tỷ đồng. Số còn lại thường chỉ bị nhắc nhở, nhất là tại tuyến xã, phường. Từ số liệu nêu trên cho thấy, việc xử phạt những hành vi vi phạm còn nặng tính hình thức, nể nang, chưa thật sự đề cao tính nghiêm minh của pháp luật. Tại không ít địa phương, công tác thanh tra, kiểm tra còn mang tính phong trào, thời vụ khi có chiến dịch, hay tháng hành động mới được triển khai, sau đó là “quên” nhiệm vụ bảo đảm ATTP. Để công tác bảo đảm ATTP đi vào thực chất, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về ATTP và phòng, chống ngộ độc đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh và mọi tầng lớp nhân dân về việc không mua bán, sử dụng nguyên liệu, sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc. Phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật quy định về ATTP, như sử dụng phụ gia, tiêu chuẩn, điều kiện vệ sinh nơi bày bán sản phẩm; vấn đề về nhập khẩu thực phẩm... Các cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại thực phẩm, không chạy theo lợi nhuận, không vì tính chất thời vụ mà chộp giật, gian dối để thu lợi bất chính. Đối với người tiêu dùng, chỉ nên mua và sử dụng các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Ngoài việc thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ATTP thì công tác quản lý, kiểm tra, xử lý, phát hiện và ngăn chặn tình trạng mất vệ sinh ATTP cũng là vấn đề đáng quan tâm. Ngành y tế cũng như các ban, ngành chức năng cần có giải pháp kiểm soát thường xuyên vấn đề ATTP, không nên chỉ những tháng hành động, đợt cao điểm mới triển khai thanh tra, kiểm tra rầm rộ rồi sau đó lại rơi vào yên lặng. Tình trạng mất vệ sinh ATTP len lỏi khắp các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh. Nếu chỉ ban, ngành T.Ư, ngành y tế quyết tâm là chưa đủ, cần phát huy cao nhất trách nhiệm của các cấp cơ sở xã, phường trong việc phát hiện, ngăn ngừa tình trạng mất ATTP. Phát huy tinh thần tích cực của người dân trong việc phát hiện, tố cáo các cơ sở sản xuất, kinh doanh gian dối, vi phạm về ATTP, để cơ quan chức năng xử lý kịp thời… Các giải pháp nêu trên cần được triển khai đồng bộ, thường xuyên, liên tục chứ không phải theo phong trào, thời điểm nhất định. Có như vậy, vấn đề ATTP mới thật sự được kiểm soát để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, nhất là thời điểm Tết Trung thu đang đến gần.

Nỗ lực giảm lây nhiễm HIV/AIDS

Kể từ khi phát hiện trường hợp nhiễm HIV đầu tiên năm 1990, đến nay, công tác phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trong đó, số người nhiễm mới, số người tử vong do AIDS đã giảm trong bảy năm gần đây; đại dịch HIV/AIDS được khống chế dưới 3% dân số... Theo Bộ Y tế , hiện nay số người nhiễm HIV còn sống được báo cáo là 227 nghìn 144 người, trong đó 71 nghìn 115 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Đại dịch HIV đã xuất hiện ở 100% số tỉnh, thành phố, 99% số quận, huyện và hơn 80% số xã, phường, thị trấn trên cả nước. Theo ước tính của các chuyên gia, trên thực tế số người nhiễm HIV còn cao hơn, khoảng 260 nghìn người đang sống trong cộng đồng. Vào đầu những năm 2000, nếu như chỉ phát hiện được 10 nghìn người nhiễm HIV, thì đến giai đoạn 2006 – 2007, mỗi năm phát hiện thêm 30 nghìn người nhiễm HIV mới. Phần lớn số người nhiễm HIV ở trong độ tuổi lao động, trụ cột của gia đình. Đánh giá công tác phòng, chống HIV/AIDS trong 10 năm qua, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ: Công tác phòng, chống HIV/AIDS đã triển khai những hoạt động trọng tâm như: tư vấn xét nghiệm, can thiệp giảm tác hại, điều trị can thiệp dự phòng, triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone. Nếu như năm 2004 chỉ có 500 người được điều trị bằng thuốc ARV (thuốc kháng vi-rút) thì đến tháng 6-2015 đã có 96 nghìn người nhiễm HIV đang điều trị ARV. Hiện, 50% số huyện đã có cơ sở điều trị HIV/AIDS và hơn 500 trạm y tế xã đã cấp phát thuốc ARV cho người bệnh. Có khoảng 70% phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV. Việc xét nghiệm chẩn đoán sớm nhiễm HIV ở trẻ em ngày càng được mở rộng; tránh được 96,8% số trẻ em không bị lây nhiễm. Các hoạt động can thiệp giảm tác hại ngày càng được mở rộng, góp phần đáng kể vào việc làm giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy từ 29% (năm 2001) xuống còn 10,5% (năm 2014); trong nhóm phụ nữ bán dâm từ 4,2% (năm 2006) còn 2,5% (năm 2015). Tuy nhiên, công cuộc phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn là một cuộc chiến dài với nhiều khó khăn và thách thức khi mà nguồn tài trợ tài chính từ các tổ chức quốc tế bị cắt giảm; dịch HIV/AIDS đã giảm nhưng chưa giảm sâu, chưa ổn định; số người nhiễm HIV còn sống được phát hiện tiếp tục gia tăng và vẫn có nguy cơ bùng phát trở lại. Tính trên tỷ lệ 100 nghìn dân, một số tỉnh có tỷ lệ lây nhiễm HIV cao nhất cả nước như: Điện Biên (1029), TP Hồ Chí Minh (682), Thái Nguyên (632). So sánh tỷ lệ nhiễm HIV trên100 nghìn dân theo khu vực thì cao nhất là tại miền Đông Nam Bộ (408), tiếp đến là khu vực miền núi phía bắc (375). Bên cạnh đó, mức độ bao phủ của các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS hiện nay còn hạn chế, cho nên các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Trong khi đó, các dịch vụ dự phòng can thiệp tại các vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới chưa được triển khai đầy đủ, sát sao... Để công tác phòng, chống HIV/AIDS trong những năm tới đạt kết quả tốt, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) sẽ tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông vận động thay đổi hành vi nhằm nâng cao nhận thức của người dân về thực hiện các biện pháp dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS. Bên cạnh đó, ngành y tế nỗ lực hoàn thành mục tiêu về điều trị nghiện các dạng thuốc phiện bằng methadone mà Chính phủ đã giao các tỉnh, thành phố. Tăng cường điều trị ARV để có thể hướng tới mục tiêu 90% số người nhiễm HIV được điều trị sớm theo như phương pháp mới được công bố. Theo hướng mới, Bộ Y tế đã điều chỉnh tiêu chuẩn điều trị ARV lên ngưỡng CD4 (chỉ số tế bào máu ở người nhiễm HIV để xác định tiêu chuẩn điều trị ARV) dưới 500 tế bào/mm3 và điều trị ngay ở một số nhóm đối tượng có nguy cơ cao và ở những khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Như vậy, có đến 75% số người nhiễm HIV có thể được điều trị ngay sau khi có chẩn đoán nhiễm HIV. Kiện toàn các cơ sở điều trị ARV, lồng ghép vào hệ thống khám, chữa bệnh để có thể thanh toán chi phí điều trị HIV/AIDS thông qua thẻ bảo hiểm y tế. Tiếp tục tăng độ bao phủ xét nghiệm HIV để bảo đảm mục tiêu 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của mình. Để thực hiện được mục tiêu trên cần sớm triển khai các phương cách kỹ thuật xét nghiệm đơn giản để tuyến y tế cơ sở có thể chẩn đoán được HIV. Đẩy mạnh hoạt động phối hợp liên ngành, lồng ghép phòng, chống HIV/AIDS với phòng, chống tệ nạn xã hội. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các tổ chức xã hội và cộng đồng, lồng ghép, đẩy mạnh các phong trào tại cơ sở như phong trào toàn dân phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư, chương trình nông thôn mới...

Khánh thành Trạm Y tế xã Thạch Kênh

Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power) vừa tổ chức khánh thành và bàn giao công trình Trạm Y tế xã Thạch Kênh (Thạch Hà - Hà Tĩnh) cho địa phương. Trạm Y tế được khởi công từ tháng 1-2015 bằng nguồn vốn do PV Power tài trợ trị giá 4,9 tỷ đồng. Đây là công trình có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh đối với người dân Thạch Kênh; đồng thời, phát huy tốt địa điểm tránh lũ cho người dân trong vùng.

Thái Nguyên: Khám sàng lọc miễn phí cho trên 500 trẻ em ...

Lãnh đạo BV đa khoa trên địa bàn một quận của Hà Nội thừa nhận, các BV tuyến dưới có tình trạng để người thân của người bệnh đến thăm thoải mái, không theo giờ giấc nào cả. Khi các BV siết chặt quy định, chỉ cho phép người nhà đến thăm bệnh nhân trong khoảng thời gian nhất định trong ngày thì người dân tỏ ra bức xúc. Có BV đề ra quy định về thời gian thăm gặp bệnh nhân nhưng không có giải pháp giám sát việc thực hiện nên người dân vẫn ra vào BV một cách tự do. Thậm chí, ở một số BV đa khoa tuyến huyện còn có hiện tượng bác sĩ đang cấp cứu cho bệnh nhân nhưng người nhà một mực đòi vào chứng kiến... Ngay tại BV Đa khoa Hà Đông, dù đã lắp đặt hệ thống camera tại khoa Cấp cứu, Hồi sức, phòng khám, đồng thời ký hợp đồng với một công ty vệ sĩ để tăng cường bảo đảm an ninh trật tự nhưng từ đầu năm đến nay, tại BV này đã xảy ra việc kẻ gian trà trộn, đóng giả người nhà bệnh nhân để trộm cắp, móc túi... và thậm chí là đe dọa y bác sĩ. Trước tình trạng thiếu an toàn tại các BV, Chánh Văn phòng Bộ Y tế Nguyễn Xuân Trường cho rằng, dù phía cơ sở y tế đã ký thỏa thuận hợp tác với ngành công an, có các chương trình phối hợp với lãnh đạo các địa phương nhưng việc bảo đảm an toàn cho các BV là khó khăn chung của ngành y tế. Nguyên nhân lớn nhất là ở nước ta, người nhà bệnh nhân thường vào viện ở cùng người bệnh, do đó, kẻ xấu sẽ nhân cơ hội trà trộn vào BV. Mặt khác, các BV không thể bố trí lực lượng bảo vệ túc trực 24/24h ở từng phòng bệnh. "Việt Nam không đủ điều kiện để học theo mô hình của nước ngoài, tức là không cho phép người nhà bệnh nhân ở lại BV. Trong khi đó, ngành y không thể vừa lo chăm sóc sức khỏe bệnh nhân vừa lo ngăn chặn các phần tử quấy phá được" - ông Nguyễn Xuân Trường khẳng định.

Cần giải pháp triệt để

Theo bác sĩ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam), "lỗ hổng" an ninh tại BV đã được đề cập thường xuyên và đã có nhiều cuộc hội thảo, hội nghị chuyên đề về vấn đề này. Thế nhưng, hiện tượng mất an ninh ở "nơi cứu người" vẫn diễn ra liên tiếp, trải khắp hệ thống cơ sở y tế của cả nước, trực tiếp đe dọa đến sự an toàn của người bệnh và nhân viên y tế. Do đó, an ninh trật tự trong BV là vấn đề cần được giải quyết dứt điểm, càng sớm càng tốt. Bác sĩ Trần Tuấn cho rằng, trước khi có hành động đúng để giải quyết "tận gốc" vấn đề này, trước tiên cần phải có giải pháp tuyên truyền để nâng cao nhận thức chung của toàn xã hội. Trước hết, cần phải hiểu rằng BV chính là xã hội thu nhỏ và có tính đặc thù. Sự "đặc biệt" nằm ở chỗ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân bước vào BV trong hoàn cảnh bệnh tật, ốm đau nên toàn bộ tâm trí của họ khi đó chỉ tập trung chăm lo cho vấn đề chữa bệnh. Tương tự, các y bác sĩ làm việc trong môi trường căng thẳng, họ chỉ chú tâm vào việc cứu chữa cho bệnh nhân, không có nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự. Những con người có mặt trong môi trường BV được coi là nhóm yếu thế, dễ bị đe dọa bởi những hành động xấu như: Ăn cắp, lừa gạt, trả thù… Chính vì vậy, ở BV luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nếu kẻ gian chủ động tìm cách xâm nhập và thực hiện hành vi xấu. Khi xác định BV là môi trường có nguy cơ cao về mất an toàn thì cần phải ưu tiên hỗ trợ giải pháp bảo đảm an ninh hơn những nơi khác. Thế nhưng, trên thực tế, chúng ta chưa thực sự coi BV là điểm yếu về an ninh trật tự, chưa nhận thức đầy đủ về nguy cơ mất an toàn tại đây và do đó, nguồn kinh phí đầu tư cho hệ thống các BV công mới chỉ tập trung vào vấn đề nâng cao năng lực khám chữa bệnh chứ chưa tập trung vào vấn đề bảo đảm an ninh trật tự...

Khám bệnh miễn phí cho hơn 1.400 trẻ em vùng lũ lụt ở Quảng Ninh

Trong ba ngày từ 21 đến 23- 8, đoàn bác sĩ trẻ tình nguyện Bệnh viện Nhi T.Ư có chuyến khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em bị ảnh hưởng của đợt lũ lụt vừa qua tại huyện Ba Chẽ, Quảng Ninh. Hơn 1400 trẻ em từ 1 đến 14 tuổi được các bác sĩ đến từ Bệnh viện Nhi T.Ư và Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh thăm khám, phát thuốc miễn phí cùng nhiều phần quà cũng được trao tận tay các cháu. Thống kê cho thấy bệnh lý các trẻ thường mắc được điều trị đợt này là các bệnh đường hô hấp, tiêu hóa, các bệnh lý liên quan đến vấn đề vệ sinh, dinh dưỡng. Đây cũng là những mặt bệnh phổ biến của trẻ em vùng này. Ngoài ra, qua quá trình thăm khám, một số trường hợp trẻ có biểu hiện bệnh lý về gan mật, tim bẩm sinh, thiếu máu đã được các bác sĩ phát hiện kịp thời và chuyển lên theo dõi, điều trị chuyên sâu tại các bệnh viện tuyến trên. Đáng chú ý, khi tư vấn các vấn đề chăm sóc sức khoẻ trẻ em cho các gia đình, các bác sĩ nhận thấy do có nhiều khó khăn trong tiếp cận y tế nên kiến thức về bệnh lý và cách chăm sóc sức khoẻ phòng bệnh cho trẻ em của người dân còn nhiều hạn chế. Song song với khám chữa bệnh từ thiện, đoàn công tác cũng tổ chức lớp tập huấn sơ cấp cứu các tai nạn thương tích thường gặp cho gần 60 học viên là cán bộ y tế và giáo viên mầm non đến từ trung tâm y tế và các mầm non của huyện Ba Chẽ. Lớp tập huấn là một trong rất nhiều hoạt động nhằm phổ cập tới cộng đồng những kiến thức sơ cấp cứu trẻ em cơ bản, cũng là một trong hoạt động nâng cao kiến thức chăm sóc sức khoẻ cộng đồng cho đội ngũ y tế cấp cơ sở nhằm thực hiện chiến lược giảm tải cho bệnh viện tuyến trung ương. Theo đánh giá của thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh, sự hiện diện của các thầy thuốc trẻ bệnh viện Nhi T.Ư không chỉ làm ấm lòng người dân nơi đây mà còn thắp sáng niềm hạnh phúc được sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn trong trái tim các bác sĩ tình nguyện trẻ. Còn bác sĩ Phạm Ngọc Toàn, Bí thư Đoàn Thanh niên Bệnh viện Nhi T.Ư chia sẻ: “Được trực tiếp chứng kiến các gia đình trong cái nắng gay gắt vẫn mang con nhỏ vượt chặng đường hàng chục cây số đến khám bệnh, chúng tôi chỉ biết nhủ với lòng mình phải cố gắng thật nhiều để đáp lại sự tin tưởng của bà con ở đây”. Ba Chẽ là một huyện khó khăn của tỉnh Quảng Ninh, người dân sinh sống tại đây chủ yếu là người dân tộc Dao, còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các kiến thức và dịch vụ chăm sóc sức khoẻ.

Thanh niên

Ông bác sĩ ở “bệnh viện không tường”

TS Trần Viết Tiệp, Giám đốc Bệnh viện VN - Thụy Điển (TP.Uông Bí, Quảng Ninh), luôn nhớ rất rõ câu nói của Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Ngọc Hàm, vị giám đốc đầu tiên của bệnh viện này: “Bệnh viện phải không tường, luônhướng về cộng đồng, không còn bức tường ngăn cách”. Khám bệnh, nhưng hỏi về lúa. 13 giờ 30 một ngày thứ bảy, nhà làm việc của khối văn phòng bệnh viện vẫn rất đông, hối hả, chưa thấy có dấu hiệu cho thấy đang là chiều cuối tuần. TS Trần Viết Tiệp tranh thủ đảo một vòng quanh Khoa Hồi sức cấp cứu và Khoa Nhi. “Lúa má kỳ này có tốt không bác?”, ông Tiệp hỏi một người đàn ông vừa bị tai nạn giao thông. Những nếp nhăn trên mặt người đàn ông đã giãn ra một chút. Họ trao đổi với nhau về lúa, thuốc trừ sâu, công gặt thuê trước khi nói về cái chân đang phải bó bột. “À, nhóc con, lại đây ông bế một cái xem nào. Tại sao lại cứ thích bố cõng thế nhỉ?”, ông Tiệp bỏ cuốn sổ xuống giường và chìa cánh tay ra một em bé chừng 3 tuổi điều trị viêm phổi đang mếu xệch miệng. Lúc nào, ông bác sĩ 53 tuổi này cũng rất được lòng trẻ em và cả người lớn. Ông biết cách đùa để trẻ con thấy ấm áp và người lớn thấy được sẻ chia, đôi khi chỉ là những cử chỉ rất nhỏ: cái xoa đầu với em bé, đặt tay lên vai một thanh niên, bắt tay một phụ huynh có con nhỏ đang trong phòng mổ. Trong nhiều cuộc họp với các y bác sĩ trong bệnh viện, ông luôn nói với mọi người, phải làm sao để nụ cười trong bệnh viện được nhân lên, không phải bằng cách hé môi, thể hiện một nụ cười cơ học. Nụ cười thể hiện trong ánh mắt nhìn của bác sĩ với bệnh nhân, tác phong làm việc, cách hỏi han ân cần, sự thấu hiểu người bệnh cần gì. Nụ cười đó sẽ là cách chữa bệnh theo “cơ chế thần kinh nội tiết”, người bệnh nhìn thấy bác sĩ đã thấy khỏe được đôi phần. TS Tiệp luôn nhắn nhủ với đội ngũ y bác sĩ tại đây, phải làm sao để nâng cao chất lượng và hiệu quả. Đây cũng là chủ trương của những chuyên gia người Thụy Điển khi còn hỗ trợ VN ở bệnh viện này gần 10 năm trước. Chất lượng là điều hiển nhiên, còn hiệu quả là làm sao để chi phí cho người bệnh phải chịu thấp nhất. Ông đùa vui: “Truyền một chai đạm plasma giá hơn 1 triệu đồng, nhưng lượng đạm người bệnh nhận chỉ bằng nửa cân thịt, vậy thì bác sĩ phải xem, nếu người bệnh có thể ăn được thì bảo họ cứ mua thịt về nấu cháo là rẻ mà vẫn tốt”. Còn nhớ trong một hội thảo về thuốc, ông thẳng thắn bày tỏ, nếu có thể dùng thuốc nội, ông luôn kê đơn cho người bệnh để giá thành người bệnh phải chịu thấp nhất.

Chăm sóc người bệnh theo đội

Khác với nhiều bệnh viện khác, một điều dưỡng chăm sóc một nhóm bệnh nhân, hoặc mỗi điều dưỡng làm một khâu trong quá trình chăm sóc, từ năm 2006, TS Trần Viết Tiệp đã chỉ đạo phải thành lập các đội chăm sóc người bệnh. Trong đội này, điều dưỡng giữ vai trò trung tâm, nhưng vẫn có bác sĩ, các hộ lý, sinh viên thực tập, người nhà và cả bệnh nhân. Mỗi buổi sáng, cả đội sẽ tới các phòng bệnh, chào hỏi người bệnh và nói rõ với họ, hôm nay sẽ được chăm sóc ra sao, mỗi người trong nhóm sẽ có nhiệm vụ gì. Nhờ thế, tâm lý người bệnh cũng an tâm hơn, công việc chăm sóc của điều dưỡng cũng tốt hơn. Từ 3 năm nay, mỗi tháng, bệnh viện đều có nhóm y bác sĩ về ủy ban các phường xã trong TP.Uông Bí để khám, tư vấn miễn phí cho người bệnh. Kỳ vọng của TS Tiệp là số lượng các buổi khám chữa bệnh này có thể tăng lên 3 - 4 buổi 1 tháng. Còn tham vọng, ông muốn tuyên truyền cách nào để người dân phòng bệnh, chăm sóc, yêu thương bản thân mình nhiều hơn, từ chuyện biết đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng 1 lần, ăn uống khoa học, sinh hoạt điều độ, chứ không phải có bệnh mới tìm đến bác sĩ. Bệnh viện VN - Thụy Điển sau hơn 30 năm được xây dựng vẫn còn rất mới. TS Tiệp tự hào với khách đến thăm, một phần là không gian xanh, một phần là những bức tường được người Thụy Điển thiết kế đặc biệt với ô thoáng hình tổ o­ng, lấy ánh sáng và gió trời tự nhiên. Đó là những bức tường quý, cần giữ lại. Còn trong tâm khảm của người bác sĩ đã gắn bó với nơi này từ những ngày đầu tiên được xây dựng đến nay, bức tường ngăn cách giữa bệnh viện và cộng đồng luôn luôn cần phá bỏ. Đó là tinh thần Thụy Điển.

Sức khỏe đời sống

Tăng cường hợp tác Y tế Việt Nam - New Zealand

Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, trong 2 ngày 20-21/8/2015, Đoàn đại biểu cấp cao của Bộ Y tế do PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế làm trưởng đoàn đã đi thăm chính thức song phương New Zealand theo lời mời của Bộ trưởng Bộ An toàn thực phẩm New Zealand. Mục đích chuyến thăm New Zealand của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhằm triển khai các nội dunghợp tácđã thống nhất giữa Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Thủ tướng Chính phủ New Zealand, góp phần vào các hoạt động kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – New Zealand. Chuyến thăm cũng nhằm triển khai thực hiện hợp tác đối tác giữa hai Chính phủ Việt Nam và New Zealand, trong đó y tế vàan toàn thực phẩmnhững lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác giữa hai nước. Sau chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Bộ An toàn Thực phẩm New Zealand vào ngày 27/7/2015, hai bên đã ký kết được Chương trình Hợp tác về An toàn thực phẩm giữa Tổng Vụ trưởng phụ trách hoạch định chiến lược thị trường, Bộ các ngành cơ bản của New Zealand và Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế nước CHXHCN Việt Nam. Tiếp nối kết quả đó, tại chuyến thăm này, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã gặp và làm việc với Bộ trưởng Bộ An toàn Thực phẩm Jo Goodhew. Phía New Zealand đã chia sẻ kinh nghiệm về mô hình tổ chức của Bộ các ngành Công nghiệp Cơ bản (Ministry of Primary Industries) của New Zealand, là Bộ được sát nhập từ 3 Bộ: Bộ Nông nghiệp, Bộ Thủy sản và Cơ quan An toàn Thực phẩm. Bộ An toàn thực phẩm là cơ quan xây dựng các văn bản qui phạm pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm và xây dựng các quy định, tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Mô hình quản lý thống nhất của một Bộ sẽ tăng cường hiệu quả quản lý tốt hơn hơn là chia sẻ trách nhiệm cho 3 Bộ riêng biệt như trước đây. Tại chuyến thăm lần này, hai bên đã nhất trí tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực an toàn thực phẩm thông qua việc cử các chuyên gia của New Zealand sang hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm cho các cán bộ của Việt Nam và Việt Nam cử các cán bộ sang New Zealand học tập kinh nghiệm về quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm. Đoàn đã làm việc với Assure Quality, là Công ty 100% vốn của Chính phủ New Zealand được thành lập với chức năng cung cấp dịch vụ về vệ sinh an toàn thực phẩm vàan toàn sinh học. Các hoạt động của Assure Quality được chia thành hai nhóm chính là kinh doanh và các hoạt động xét nghiệm nghiên cứu và chẩn đoán. Công ty này hoàn toàn độc lập với Bộ An toàn Thực phẩm, với mô hình này, New Zealand đảm bảo được sự khách quan, minh bạch trong quản lý an toàn thực phẩm. Trong thời gian thăm New Zealand, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã làm việc với Ngài Peseta Sam Lotu-liga, Nghị sỹ Quốc hội, Bộ trưởng phụ trách Dân tộc thiểu số, Bộ trưởng phụ trách người dân ở đảo Thái Bình Dương kiêm Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế. Tại buổi làm việc, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác về các lĩnh vực sau: chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, sức khỏe tâm thần, phòng chống tác hại thuốc lá, đào tạo cán bộ, hợp tác trong lĩnh vực dược và mô hình hợp tác công tư trong lĩnh vực y tế mà New Zealand có nhiều kinh nghiệm. Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế New Zealand cũng chia sẻ chính sách y tế của New Zealand là tập trung vào chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng thông qua hệ thống bác sỹ gia đình, đồng thời có sự kết nối chặt chẽ giữa các bệnh viện và hệ thống bác sỹ gia đình tại cộng đồng. Hai bên thống nhất trong thời gian tới sẽ thảo luận và đi đến ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực y tế, dự kiến sẽ ký kết vào dịp Thủ tướng Chính phủ New Zealand sang thăm Việt Nam vào tháng 11/2015 sắp tới. Đoàn cũng đã làm việc với PHARMAC là cơ quan thuộc chính phủ New Zealand. Cơ quan này thay mặt cho Hội đồng y tế các hạt của New Zealand quyết định danh mục thuốc và trang thiết bị y tế được sử dụng tại bệnh viện và cơ sở y tế công ở New Zealand. PHARMAC đàm phán các giá tốt nhất cho các sản phẩm dược, bao gồm cả vắc xin và các sản phẩm y tế khác. Thông qua hệ thống mua sắm được đầu tư kỹ càng về chuyên môn, PHARMAC có vị thế để thúc đẩy các nhà cung cấp dược phẩm cạnh tranh trở thành nhà cung cấp dược phẩm cho PHARMAC. Hệ thống này giúp cho giá thuốc của New Zealand thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Nhân dịp chuyến thăm, Đoàn đã đi thăm Hội đồng y tế các hạt thuộc vùng Manukau có tên gọi là Ko Awatea, phục vụ cho khoảng 500.000 dân cư trong khu vực. Hội đồng y tế Ko Awatea là một trung tâm y tế hàng đầu của Hội đồng y tế các hạt thuộc vùng Manukau được đặt tại một bệnh viện chính của Auckland. Trung tâm này vận hành việc chăm sóc sức khỏe tại vùng có cộng đồng người dân Maori, người nhập cư từ các quốc đảo Thái Bình Dương và người châu Á sinh sống. Tại đây, các bệnh mãn tính được kiểm soát, sàng lọc và theo dõi điều trị rất tốt ở cộng đồng. Các hoạt động nâng cao sức khỏe được đẩy mạnh, giúp người dân có ý thức tự chăm sóc sức khỏe bản thân. Với mô hình lồng ghép về y tế này, mối quan hệ giữa bác sĩ gia đình và các bệnh viện rất chặt chẽ, các dịch vụ y tế được cung ứng đầy đủ, có chất lượng cao, nhờ đó các chỉ số y tế của người dân trong vùng được cải thiện rõ rệt. Đoàn cũng đã đến thăm Tập đoàn Orion Health là nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin hàng đầu về các hệ thống phần mềm công nghệ thông tin y tế đã được sử dụng ở nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức New Zealand, đoàn đại biểu cấp cao của Bộ Y tế tiếp tục đi thăm chính thức Úc từ ngày 24 - 25/8/2015.

Sốt xuất huyết chỉ gia tăng cục bộ một số địa phương

Thống kê 5 tháng đầu năm 2015, cả nước đã ghi nhận hơn 11.389 ca mắcsốt xuất huyết(SXH), trong đó, tại các địa phương khu vực phía Nam, số ca mắc SXH tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2014. Trước thực trạng này, phóng viên báo SK&ĐS đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Quang Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế để giúp người dân và dư luận hiểu rõ hơn về tình hình dịch bệnh SXH hiện nay.

Ông đánh giá như thế nào về thông tin bệnh SXH đang có chiều hướng gia tăng số ca mắc và năm 2015 có phải là năm có số ca mắc nhiều nhất trong những năm gần đây, thưa ông?

Trước hết phải khẳng định rằng, tình trạng gia tăng số ca mắc SXH năm 2015 trên toàn quốc tính tới thời điểm này chưa phải ở mức báo động. Số ca mắc SXH trên toàn quốc tính từ đầu năm tới nay tuy có sự gia tăng hơn so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái nhưng năm 2014 lại là năm có số ca mắc SXH thấp nhất trong vòng chu kỳ 2010-2014. Nếu so với cả giai đoạn 2010-2014, số mắc SXH cả nước từ đầu năm 2015 đến nay giảm 33,7%, tử vong giảm 50,6% so với trung bình cùng kỳ giai đoạn 2010-2014. Như vậy, số ca mắc SXH năm 2015 chỉ cao hơn so với năm 2014 - năm thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Hiện tại, có nhiều ca mắc SXH gia tăng nhưng chỉ là gia tăng cục bộ tại một số địa phương; hầu như ở các khu vực phía Nam và miền Trung như: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Sóc Trăng... do yếu tố thời tiết đang trong mùa mưa kéo dài.

Xin ông cho biết, những tháng nào trong năm được coi là mùa cao điểm SXH. Thời gian hiện tại có được coi là đỉnh dịch SXH tại các tỉnh phía Nam hay không?

Trước đây, SXH thường có những đỉnh dịch theo chu kỳ khoảng 4-5 năm một lần. Nhưng đến nay, tính chu kỳ hầu như không còn tồn tại nên ngành y tế dự phòng lúc nào cũng sẵn sàng để chủ động phát hiện, ngăn chặn dịch bệnh. Do thời điểm hiện tại đang là mùa mưa tại các tỉnh miền Nam nên nguy cơ mắc bệnh SXH sẽ tăng cao hơn. Nếu người dân cùng phối hợp với công tác y tế dự phòng, có ý thức vệ sinh môi trường thì sẽ không đáng ngại về dịch bệnh SXH.

Thưa ông, nếu một người bị SXH rồi thì có mắc bệnh trở lại hay không? Có dấu hiệu nào để phân biệt bệnh SXH với các bệnh dịch khác và khi bị SXH, người dân có thể tự theo dõi và điều trị tại nhà hay không?

Hiện nay, tại Việt Nam lưu hành nhiều týp virut SXH nên bệnh nhân mắc rồi vẫn có thể bị mắc lại và thậm chí lần sau còn mắc nặng hơn lần trước. Bệnh SXH có những triệu chứng dễ nhầm lẫn với bệnh sốt virut thông thường nên nhiều người dân có tâm lý chủ quan, không tới các trung tâm y tế khám bệnh dẫn tới tình trạng bệnh nặng và có những biến chứng như: xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa, đe dọa tới tính mạng. Vì vậy, khi có các triệu chứng sốt cao, mệt mỏi, cần tới ngay các trung tâm y tế, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà.

SXH do muỗi vằn gây nên, vậy những nơi có nhiều cống, rãnh hay nhiều rác thải có phải là nơi trú ngụ của muỗi vằn, thưa ông? Cần phải làm gì để ngăn chặn muỗi vằn sinh sôi?

Một điều đáng lưu ý rằng, mọi người hay nhầm tưởng chỉ những nơi cống rãnh, mất vệ sinh, ao tù là địa điểm sinh sôi, cư trú của muỗi vằn. Nhưng không phải, muỗi vằn cư trú ở những nơi nước trong để lâu ngày ngay trong chính ngôi nhà chúng ta ở như: bể nước cá cảnh, bình cắm lọ hoa lưu nước, hòn non bộ, nước để trên ban thờ, nước mưa đọng tại những mảnh vỡ trên xóm ngõ hoặc sân thượng... Vì vậy, người dân cần chú ý thay nước, rửa dọn đồ vật trong nhà, không để nước lưu cữu sẽ là môi trường cho bọ gậy phát triển, sinh nở thành muỗi vằn. Trên các nhà cao tầng cũng có muỗi truyền bệnh SXH. Việc phun hóa chất tiêu diệt muỗi trưởng thành cũng là giải pháp quan trọng phòng chống và xử lý các ổ dịch SXH, người dân cần phải phối hợp với các đơn vị y tế khi tiến hành phun để đảm bảo phun được tất cả các hộ gia đình và phun được ở tất cả các tầng trong nhà, nhằm diệt hết được đàn muỗi, tránh tình trạng muỗi di chuyển từ nhà này sang nhà khác, từ tầng dưới lên tầng trên.

Xin cảm ơn ông!

Tiếp nhận 2.000 đơn vị máu trong 'Ngày hội hiến máu – Youth Day 2015'

Ngày 23/8, Viện Huyết học – Truyền máu TƯ phối hợp với Hội thanh niên vận động hiến máu Hà Nội, Chi hội 27/2 tổ chức “Ngày hội hiến máu – Youth Day 2015”.Sự kiện “Ngày hội hiến màu – Youth Day 2015” đã thu hút được hàng nghìn lượt người đến tham dự, tiếp nhận được 7.341 đơn vị máu, góp phần đáng kể trong công tác khắc phục tình trạng khan hiếm máu trong điều trị dịp tháng 8 hàng năm…

Quy trình khám bệnh tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương là tuyến cao nhất tiếp nhận khám, cấp cứu, chữa bệnh và phục hồi chức năng cho bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới từ các tuyến gửi đến. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương là tuyến cao nhất tiếp nhận khám, cấp cứu, chữa bệnh và phục hồi chức năng cho bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới từ các tuyến gửi đến. Bệnh nhân khi đến khám chữa bệnh tại đây cần chú ý tìm hiểu thông tin về quy trình khám bệnh của bệnh viện như sau:

Quy trình khám chữa bệnh

Bước 1: Đăng ký tại bàn tiếp đón, nhân viên tiếp đón sẽ nhập thông tin cá nhân của bệnh nhân vào hệ thống máy tính và số thứ tự khám sẽ được nhập tự động vào máy tính của bác sĩ. Bước 2: Ngồi ghế chờ tại cửa phòng khám đã được chỉ định, chờ bác sĩ gọi vào khám bệnh theo  thứ tự. Bước 3: Bác sĩ khám bệnh và chỉ định làm xét nghiệm hoặc nhập viện. Nếu bệnh nhân được chỉ định xét nghiệm: Nộp tiền và làm thủ tục BHYT (nếu có) tại phòng tài chính kế toán. Đến phòng lấy mẫu xét nghiệm (phòng số 4), phòng chụp X-quang, phòng siêu âm theo chỉ dẫn. Kết quả xét nghiệm nhận tại phòng bác sĩ khám theo giờ hẹn. Bệnh nhân ngồi ghế chờ tại cửa phòng khám để bác sĩ gọi lần lượt vào trả kết quả xét nghiệm và kết luận. Nếu bệnh nhân được chỉ định nhập viện: Làm thủ tục hành chính tại phòng tiếp đón. Nộp tiền và làm thủ tục BHYT (nếu có) tại phòng tài chính kế toán. Quay trở lại phòng tiếp đón để được nhân viên y tế đưa đến phòng bệnh.

Đối với bệnh nhân điều trị ngoại trú BHYT

Người bệnh làm thủ tục theo bước 1, 2 và 3 như trên. Khi được bác sĩ khám nếu bệnh nhân được chỉ định xét nghiệm, X-quang, siêu âm, người bệnh cần: Làm thủ tục BHYT tại phòng Giám định BHYT (tầng 1); Nộp tiền cùng chi trả tại Phòng Tài chính kế toán (tầng 1); Đến phòng lấy mẫu xét nghiệm tại phòng số 4 (tầng 1), phòng chụp X-quang, phòng siêu âm theo biển chỉ dẫn. Ngồi ghế chờ tại cửa phòng khám để nhân viên y tế gọi lần lượt, kết luận và trả kết quả (theo hẹn). Nếu bệnh nhân được chỉ định kê đơn, cho về, người bệnh cần: Làm thủ tục BHYT tại phòng Giám định BHYT; Nộp tiền phần cùng chi trả tại Phòng Tài chính kế toán (tầng 1); Nhận lại thẻ BHYT tại phòng Giám định BHYT (nếu có); Lĩnh thuốc tại quầy thuốc Khoa Dược (nếu có) và ra về. Nếu bệnh nhân được chỉ định chuyển viện:  Bác sĩ viết giấy chuyển viện; Người bệnh cầm giấy chuyển viện ra đóng dấu tại phòng Văn thư (tầng 1), đóng dấu BHYT tại phòng Giám định BHYT (nếu bệnh nhân chuyển viện đúng tuyến); Nhận lại thẻ BHYT tại phòng Giám định BHYT (nếu có);  Lĩnh thuốc tại quầy thuốc khoa Dược (nếu có) và ra về. Nếu bệnh nhân được chỉ định nhập viện: Làm thủ tục nhập viện tại Phòng tiếp đón; Nộp ký quỹ viện phí tại Phòng Tài chính kế toán (tầng 1); Làm thủ tục BHYT tại phòng Giám định BHYT; Quay trở lại phòng tiếp đón để được nhân viên y tế đưa đến phòng bệnh.

Thuốc mới điều trị ung thư da giai đoạn cuối

Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ mới đây đã phê chuẩn odomzo (sonidegib) để điều trị cho bệnh nhân ung thư tế bào biểu mô giai đoạn cuối cục bộ đã tái phát sau phẫu thuật hoặc xạ trị, hoặc các bệnh nhân không thể làm phẫu thuật hoặc xạ trị. Ung thư da là dạng ung thư phổ biến nhất và ung thư tế bào biểu mô chiếm khoảng 80% trong tổng số các loại ung thư không phải là u hắc tố (non-melanoma). Ung thư tế bào biểu mô bắt đầu từ tầng da đầu tiên (gọi là lớp biểu bì) và thường phát triển ở những vùng đã từng thường xuyên tiếp xúc với ánh mặt trời và các dạng tia cực tím khác. Theo Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, số lượng ca mắc mới ung thư da không phải u hắc tố có vẻ như đang tăng theo từng năm. Ung thư tế bào biểu mô giai đoạn cuối cục bộ là ung thư tế bào biểu mô chưa lan ra các phần khác của cơ thể, nhưng không thể được chữa trị bằng phẫu thuật và xạ trị. Odomzo là thuốc viên dùng một lần mỗi ngày có tác dụng ngừng hoặc làm chậm lại sự phát triển của các tổn thương do ung thư. Tuy nhiên, thuốc cần được cảnh báo có nguy cơ gây chết thai hoặc dị tật bẩm sinh nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh nếu người mẹ sử dụng khi mang thai. Các bệnh nhân nên kiểm tra tình trạng mang thai của mình trước khi điều trị bằng odomzo và cả bệnh nhân nam lẫn bệnh nhân nữ nên được cảnh báo về các nguy cơ của thuốc và được khuyên sử dụng các biện pháp tránh thai hiệu quả. Một số tác dụng phụ của thuốc có thể xảy ra như co cơ, rụng tóc, rối loạn vị giác, mệt mỏi, buồn nôn, đau cơ xương, tiêu chảy, sút cân, chán ăn, đau cơ, đau bụng, đau đầu, nôn mửa và ngứa. Odomzo cũng có khả năng gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng trên cơ xương, bao gồm tăng creatine kinase huyết thanh (với các báo cáo hiếm gặp về sự tiêu cơ vân, co thắt cơ, và nhức gân).

Gần 200 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được khám, cấp thuốc miễn phí

Sáng ngày 23/8, Đoàn y, bác sĩ Trung tâm Sức khỏe Sinh sản tỉnh Hà Tĩnh tổ chức khám, tư vấn, cấp thuốc miễn phí cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc. Tư vấn cho chị em phụ nữ cách dùng thuốc tránh thai Theo đó, đoàn đã tiến hành khám sàng lọc nhiễm khuẩn đường sinh sản, siêu âm sản phụ khoa, thực hiện các biện pháp tránh thai như: đặt vòng, tiêm thuốc, cấy thuốc tránh thai… test tầm soát sớm ung thư cổ tử cung, cấp thuốc điều trị miễn phí cho gần 200 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ của xã Mỹ Lộc. Bên cạnh đó, đoàn cũng đã tư vấn cho các chị em về cách phòng bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, các bệnh liên quan đến phụ nữ như: u vú, ung thư cổ tử cung, tư vấn về sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên, tiền mãn kinh/ mãn kinh, cách giữ vệ sinh cá nhân, cách phát hiện những rối loạn về nội tiết, tâm lý... để từ đó có phương hướng phòng ngừa, điều trị tích cực, hiệu quả. Đánh giá tổng thể của các y bác sĩ cho biết đa số chị em mắc các bệnh viêm nhiễm cổ tử cung do nấm, viêm âm đạo, trùng roi… Với những hoạt động thiết thực này góp phần giúp người dân xã Mỹ Lộc, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, có thêm cơ hội được khám chữa bệnh và nâng cao kiến thức về chăm sóc sức khỏe. Được biết, trước đó Đoàn cũng đã phối hợp với Trung tâm dân số Thành phố Hà Tĩnh tổ chức khám, tư vấn, cấp thuốc miễn phí cho hơn 400 chị em trong độ tuổi sinh đẻ tại xã Thạch Bình, Thạch Hạ, Thạch Đồng, Thạch Hưng, Thạch Trung và Thạch Quý.

An ninh thủ đô 

Phẫu thuật thành công bé gái có trái tim ngoài lồng ngực

Bệnh của bé T. hiếm gặp trên thế giới và cũng là trường hợp đầu tiên ở Việt Nam được phẫu thuật thành công. Bé gái V.H.B.T (16 tháng tuổi, ở Bình Dương) có trái tim nằm ngoài lồng ngực, chỉ được bao bọc bởi một lớp da mỏng. Từ khi còn trong bụng mẹ, qua siêu âm, bé T. đã được phát hiện mắc bệnh tim bẩm sinh. Khi ra đời, bé có khối phồng to ở ngực và bụng. Bệnh viện Đại học Y Dược đã hội chẩn với nhiều chuyên gia thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau như phẫu thuật tim mạch, phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, phẫu thuật nhi, tiêu hoá và gây mê hồi sức… về trường hợp này để lựa chọn giải pháp điều trị tốt nhất. Giải pháp được lựa chọn là sẽ tiến hành hai lần phẫu thuật cho bé. Ngày 26-6, bé được can thiệp để sửa chữa những tổn thương trong tim. Ngày 29-6, bé được phẫu thuật đưa tim vào lồng ngực, đưa các cơ quan khác vào bụng, tái tạo thành ngực, thành bụng và tạo màng ngăn cách hai khoang ngực và bụng riêng biệt. Sau mổ, bé được chăm sóc tích cực tại khu Hồi sức Tim mạch và xuất viện ngày 3-8.

Lao động

Chủ tịch nước dự Lễ Khánh thành Khu kỹ thuật Viện Tim TPHCM

Sáng 23.8, Viện Tim TPHCM đã tổ chức Lễ khánh thành dự án “Cải tạo và nâng cấp khu kỹ thuật Viện Tim”. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tới dự. Công trình “Cải tạo và nâng cấp khu kỹ thuật Viện Tim” được khởi công từ tháng 8.2012. Nay, chính thức đi vào hoạt động với diện tích hơn 18.000 m2. Đây được đánh giá là khu kỹ thuật có kiến trúc hiện đại với 1 tầng hầm, 1 trệt, 2 tầng lầu giúp đáp ứng các kỹ thuật chuyên sâu, sánh tầm với các nước tiên tiến trên thế giới. Ngoài ra, khu kỹ thuật Viện tim ra đời sẽ góp phần khắc phục tình trạng quá tải trong phẫu thuật và điều trị bệnh cho người dân. Nguồn kinh phí để xây dựng dự án hơn 102 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố đầu tư hơn 90 tỷ đồng. Viện Tim TPHCM được thành lập từ năm 1991, là một đơn vị sự nghiệp y tế dưới sự quản lý của Sở Y tế TPHCM. Viện Tim là trung tâm tim mạch đầu ngành cho các tỉnh khu vực phía Nam, với nhiệm vụ là điều trị tim mạch chuyên sâu, với các kỹ thuật cao. Trong 23 năm hình thành và phát triển, Viện Tim thành phố đã phẫu thuật tim miễn phí hoặc hỗ trợ một phần kinh phí cho hơn 6.500 bệnh nhân nghèo, chiếm tỷ lệ 25% tổng số bệnh nhân được mổ tim. Mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng Viện Tim thành phố luôn trong tình trạng quá tải, cơ sở vật chất xuống cấp, không đáp ứng được yêu cầu cho công tác khám và điều trị bệnh. Việc nâng cấp và cải tạo Khu Kỹ thuật Viện Tim sẽ giúp người dân tiếp cận các dịch vụ y tế tốt hơn, khắc phục một phần tình trạng quá tải.

Suất cơm từ thiện của cô giáo mắc bệnh ung thư

Cứ đến chủ nhật hàng tuần, những bệnh nhân trong Bệnh viện K cơ sở 2 (ở Tựu Liệt, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội) lại thấy ấm áp hơn khi được nhận những suất cơm từ thiện. Thế nhưng, ít ai biết rằng, chủ nhân của chương trình này là một người ung thư giai đoạn 3. Đó là cô giáo Ngô Kim Loan - Hiệu trưởng trường mầm non Tú Chi. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi gặp cô giáo Ngô Kim Loan là sự thân thiện, vui vẻ đúng với hình ảnh cô nuôi dạy trẻ. Thế nhưng, chúng tôi chẳng thể ngờ rằng, đằng sau những nụ cười ấy là cả một cuộc đời đầy mưa giông, sóng nổi. Cô giáo Ngô Kim Loan sinh năm 1977, tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mẫu giáo Trung ương, cô về địa phương thành lập Trường mầm non tư thục Tú Chi. Một mình cô giáo trẻ này đã mở được 3 cơ sở. Cuộc đời cô Loan tưởng như được trải đầy hoa hồng, thế nhưng, đến năm 2012, cô cùng gia đình như nghe sét đánh bên tai khi phát hiện mình mắc bệnh ung thư cổ tử cung. Bầu trời như sụp xuống trước mắt cô giáo trẻ. Vậy là mọi kỳ vọng vào tương lai tưởng như tắt ngấm. Những ngày đầu phát hiện ra bệnh, cô sống thu mình trong một góc tối cuộc đời cùng với những cơn đau quặn thắt. Thế rồi, căn bệnh quái ác ấy còn “rủ” thêm nhiều loại bệnh khác tấn công lên cơ thể cô giáo trẻ như bệnh lopus ban đỏ, đau xương khớp… Chính trong những ngày sống ở đáy cùng của tuyệt vọng và đau đớn ấy, cô Loan lại thấu hiểu, đồng cảm hơn với nỗi đau của con người, nhất là những người bệnh cùng cảnh ngộ. Cô tâm sự, sau những lần đi khám bệnh chứng kiến cảnh bệnh nhân nằm chen chúc chật chội, bệnh tật cướp đi của họ sức khỏe, tinh thần lẫn tài chính, cô lại mong muốn làm một cái gì đó để chia sẻ với họ. Vâng, “một cái gì đó” ấy cứ day dứt trong cô. Cô về bàn với gia đình, người thân và bạn bè thì nhận được sự ủng hộ rất nhiệt tình. Vậy là cô giáo mang trong mình đầy khổ đau ấy đã quyết định làm một việc nhân văn là nấu những suất cơm từ thiện cho những bệnh nhân của viện K cơ sở 2 và người nhà của họ. Tháng 2.2014, cô Loan bắt đầu thực hiện ý tưởng của mình. Những ngày đầu làm công việc này, nhóm của cô gặp vô vàn khó khăn. Nhân lực của nhóm từ thiện chỉ khoảng 10 người (cô Loan cùng các cô giáo trong trường) mà nấu tới hơn 80 suất cơm. Vừa nấu các cô vừa đi phát vé cơm (giá 5.000 đồng), rồi mang cơm vào tận trong giường bệnh. Dù gần như bỏ toàn bộ chi phí để nấu bữa ăn nhưng những ngày đầu nhóm từ thiện của cô chưa nhận được sự hưởng ứng. Phía bệnh viện do chưa rõ về mục đích của cô nên không cho vào, nhiều bệnh nhân còn tỏ ra e ngại. Lòng tốt của cô đôi khi còn bị người khác lợi dụng. Cô Loan nhớ lại, có lần nhóm cô đứng phát vé ngoài bệnh viện, có người xưng là người nhà bệnh nhân đến tiếp cận để mua 8 suất ăn, mọi người vui vẻ phát vé và còn mang tận nơi. Sau này, họ mới biết, đó là các đối tượng xấu đang đánh bạc trong nhà một hộ dân gần đó, biết về nhóm từ thiện của cô nên đã trục lợi. Mặc dù ban đầu khó khăn là thế, nhưng mục đích trong sáng, tấm lòng cao cả và sự kiên trì cuối cùng cũng chiến thắng. Sau hơn 1 tháng làm công việc từ thiện, tất cả mọi người đã hiểu được tấm lòng của cô giáo trẻ. Các bác sĩ trong bệnh viện đã tạo mọi điều kiện cho nhóm từ thiện. Các bệnh nhân cùng người nhà thì rất mong chờ, cứ đến chủ nhật là họ lại ra cổng mong ngóng nhóm từ thiện của cô. Việc làm của cô giáo trẻ ấy còn có sức lan tỏa rất lớn. Sau khi biết đến việc làm của cô, một nhóm các bạn sinh viên Trường Đại học Bách khoa đã đến tình nguyện giúp đỡ cô, họ sẵn sàng làm mọi việc từ nấu ăn cho đến phát vé, phát cơm miễn phí… Nhóm sinh viên này đã nhiệt tình giúp cô trong vòng 6 tháng. Nay sinh viên các trường đại học vào năm học thì cô lại nhận được sự giúp sức của các bạn thanh niên đoàn xã Tam Hiệp. 12 bạn đoàn viên thanh niên chủ nhật nào cũng đến quây quần bên cô để làm công việc đầy ý nghĩa nhân văn. Bạn Nguyễn Thị Quỳnh Mai Thủy - một trong những thanh niên tình nguyện - chia sẻ, bạn biết đến chương trình của cô Loan cách đây 2 tháng. Vậy là chủ nhật nào bạn cũng có mặt trong ngôi nhà ấm áp này để giúp mọi người. Khi làm công việc này, bạn không chỉ giúp đỡ được những người kém may mắn mà chính cuộc sống của bạn cũng phong phú hơn, ý nghĩa hơn. Theo chân nhóm tình nguyện của cô giáo Loan, chúng tôi đã chứng kiến việc lòng tốt lan tỏa tới những mảnh đời bất hạnh. Bạn Ngô Thanh Kim Huệ (em gái ruột của chị Loan) dẫn mọi người đi phát vé cho người bệnh. Có đi cùng các bạn trong đội tình nguyện này, chúng tôi mới thấy, để làm được việc tốt hiện nay cũng không dễ dàng gì. Đến cổng viện, nhóm chúng tôi gặp một “sự cố”. Một bà trung niên với mái tóc xoăn sành điệu, giọng chua chát và đanh thép gọi giật lại: “Này, bán cho mấy vé ăn nào”. Thấy các bạn trẻ ngần ngừ, bà ta tiếp tục: “Tao cũng là người nhà bệnh nhân đấy nhé!”. Nhưng, sau đó, các bạn ấy đã rất cứng rắn, mạnh mẽ, kiên quyết không bán vé cho người phụ nữ này. Kim Huệ tâm sự, khi đi phát vé ăn cho mọi người, các bạn thường xuyên gặp tình huống này, rất nhiều người không tốt lợi dụng các bạn để lấy các suất ăn gần như miễn phí. Những ngày đầu gặp phải, các bạn vô cùng lúng túng, thậm chí lần sau đi phát vé còn mang cả khẩu trang nữa. Nhưng giờ đây, các bạn đã quen với những va chạm này nên kiên quyết từ chối. Huệ trầm ngâm bảo tôi: “Làm việc tốt bây giờ cũng không phải dễ gì anh ạ”. Đúng là muốn làm việc tốt bây giờ rất khó, nhưng khi những việc tốt ấy đến với những người cần giúp đỡ thật sự thì nó càng có ý nghĩa nhân văn. Người đầu tiên chúng tôi gặp trong lần phát vé này là bác Hoàng Văn Vinh (quê ở Nam Định) bị mắc bệnh u phế quản. Bác Vinh cho biết, mình vừa xuống bệnh viện K được gần một tuần. Giữa thành phố ồn ào xa lạ cùng căn bệnh hiểm nghèo, bác cảm thấy lạc lõng. Đây là lần đầu tiên, bác nhận được sự giúp đỡ của nhóm từ thiện và dường như cảm thấy ấm lòng hơn. Còn bác Lê Thị Hiền - người nhà của bệnh nhân Nguyễn Văn Thìn (quê Nghệ An) - chia sẻ, các bác đã xuống viện được vài tháng. Chủ nhật nào, các bác cũng nhận cơm của nhóm từ thiện. Các bác bảo, cơm của bạn ấy ngon hơn cơm quán rất nhiều. Không chỉ vậy, các bác còn được các bạn trẻ ân cần hỏi han chu đáo, những phút chia sẻ ấy như một liều thuốc giảm đau hiệu quả. Để kết thúc bài báo này, tôi xin mượn một lời bình trong bộ phim tài liệu “chuyện tử tế” của đạo diễn Trần Văn Thủy: “Để thấu hiểu nỗi đau của con gười không phải một việc dễ dàng gì, nhất là chúng ta không sống cuộc sống của người đời?”. Có lẽ, sống trong nỗi đau của người bệnh nên cô giáo Ngô Kim Loan là người thấu hiểu nhất? Không chỉ thấu hiểu, mà cô còn thực sự chia sẻ với họ, điều đó tuy nhỏ nhưng đáng quý biết bao.

Bác sĩ 8 năm châm cứu cắt cơn cai nghiện miễn phí

Mỗi bệnh nhân đến với ông không những được điều trị tận tình, được động viên, chia sẻ mà còn được quan tâm theo dõi hàng năm trời sau đó. Trong cuốn sổ của mình, ông cẩn thận ghi chép bệnh án của gần 3.000 bệnh nhân khác nhau. Hơn 8 năm qua, trong căn nhà nhỏ bé ở phường Vân Giang, thành phố Ninh Bình, ông đã âm thầm châm cứu cắt cơn cai nghiện cho hơn 230 người. Tất cả đều hoàn toàn miễn phí. Ông là bác sĩ Đinh Tự Khuyên. Bác sĩ Đinh Tự Khuyên sinh năm 1949 tại xã Ninh Giang, huyện Gia Khánh, tỉnh Ninh Bình. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, chàng trai trẻ Đinh Tự Khuyên thi đỗ vào trường Đại học Bách khoa Hà Nội, khoa Động lực và chế tạo máy với mong muốn trở thành một kĩ sư. Nhưng mới nhập học được 6 tháng, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc, ông xếp bút nghiên để lên đường vào Nam chiến đấu giải phóng nước nhà. Được huấn luyện để trở thành lính đặc công, ông theo đơn vị của mình (D27, Bộ Tư lệnh đặc công) chiến chinh khắp miền Nam, có khi lan sang cả đất Lào. Ông chiến đấu dũng cảm, lập nhiều công lao, được xét phong Huân chương Chiến công vì có thành tích xuất sắc tại chiến trường. Trong 5 năm máu lửa ấy, ông bị thương tới 6 lần nhưng vẫn tình nguyện ở lại trong quân ngũ. Năm 1971, do vết thương quá nặng ông được luân chuyển ra Bắc để điều trị. “Khi đó, tôi đâu nghĩ những tháng ngày trị thương trên đất bắc, rồi đây lại đưa đời tôi đến với nghề thầy thuốc”, ông Khuyên nhớ lại những hồi ức xưa. Do từng học và tham gia khám chữa bệnh bằng phương pháp châm cứu tại đơn vị, ông được đưa đi đào tạo để trở thành một bác sĩ quân y. Từ năm 1972 - 1978, ông theo học tại Học viện Quân y. Ra trường, ông được điều về công tác tại Viện 103, chuyên khoa Thần kinh. Tại đây, với cương vị là một bác sĩ, ông có nhiều điều kiện để ứng dụng kĩ thuật châm cứu trong khám và điều trị cho bệnh nhân. Năm 1980, bác sĩ Đinh Tự Khuyên được đưa đi đào tạo sau đại học, chuyên khoa cấp I để nâng cao tay nghề. “Một trong những may mắn lớn nhất của đời tôi là trở thành học trò của Giáo sư, bác sĩ, Anh hùng lao động Nguyễn Tài Thu. Ông là người đã cầm tay chỉ cho tôi từng huyệt đạo, nâng đỡ cho tôi từng mũi kim châm. Có thể nói, học vấn của tôi có được một phần lớn là ở nơi thầy”, bác sĩ Khuyên chia sẻ. Là “cao nhân” về châm cứu, bác sĩ Khuyên có thể chữa trị được nhiều bệnh tật với chiếc kim châm của mình. Đến nay, đã có gần 3 vạn lượt châm được ông thực hiện an toàn với tỉ lệ đỡ và khỏi lên đến 85% và chưa từng xảy ra sai sót về chuyên môn. Nhưng điều làm ông tâm đắc nhất trong cả cuộc đời hành nghề của mình chính là phương pháp dùng châm cứu để cắt cơn cai nghiện. Ông kể, năm 2007, một người quen có con bị nghiện đã tìm đến ông nhờ giúp đỡ. Nhìn đứa cháu vật vã mỗi khi lên cơn, lòng người bác sĩ vô cùng đau xót. Ông lấy bộ kim của mình châm lên các huyệt đạo. Và thật tuyệt vời, cơn đói thuốc của bệnh nhân bỗng giảm đi một cách đáng kể, sau vài ngày thì hoàn toàn khỏi hẳn. Thế là một truyền mười, mười truyền trăm, người ta đua nhau đưa con em bị nghiện ma túy đến nhờ ông châm cứu cắt cơn. Ngày ít thì 2, 3 người, ngày đông lên đến cả chục người. Bác sĩ Khuyên vừa điều trị, bốc thuốc cho bệnh nhân bình thường vừa châm cứu cắt cơn cho những người nghiện ma túy. “Nhiều lúc làm mệt đến bở hơi tai nhưng nhìn thấy tình hình bệnh nhân chuyển biến tích cực sau điều trị, tôi như quên cả mệt mỏi”, bác sĩ Khuyên tâm sự. Bác sĩ Khuyên cho biết, phương pháp châm cứu cắt cơn cai nghiện mà ông đang thực hiện được dựa trên lý luận, phác đồ điều trị của Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Tài Thu kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn nhiều năm của ông mà thành. Mỗi đợt châm cứu cắt cơn chỉ 4 ngày là khỏi. Người nào nặng lắm thì cũng chỉ đến ngày thứ 7 là cùng. Bác sĩ Khuyên cho biết thêm, trong thực tiễn cũng tồn tại phương pháp “cai khô”, tức là trói người nghiện lại một chỗ để họ tự mình vượt qua cơn đói thuốc. Song đó chỉ là biện pháp tạm thời, chỉ sau 7 ngày là tái phát, người nghiện lại phải chịu rất nhiều đau đớn về thể xác. Ngược lại, phương pháp châm cứu cắt cơn có thể giảm được sự đau đớn cho người nghiện, hiệu quả điều trị lại lâu dài, có người 2 năm vẫn không tái phát lại. “Nếu được người nhà động viên, tâm sự, kết hợp với việc châm cứu và dùng thuốc, tỉ lệ thắng lợi là trên 80%”, bác sĩ Khuyên khẳng định. Châm cứu cắt cơn cho người nghiện, bác sĩ Khuyên cũng có những nỗi “khổ tâm” rất riêng. Khi những gia đình có con bị nghiện trở thành “người quen” cũng là lúc những bệnh nhân bình thường khác bắt đầu… “ngại” đến với phòng khám của ông. Họ lo lắng đồ đạc có thể bị mất cắp, con em họ có thể đi theo vết xe của những người nghiện kia hoặc lo lắng về sự an toàn khi dùng chung kim châm cứu. Song bằng chuyên môn, bằng sự chia sẻ, bác sĩ Khuyên dần dần đã đẩy lùi tâm lí e sợ đó. Đến nay, người bệnh lại đến với ông nhiều như xưa. Trong 8 năm qua, bác sĩ Khuyên đã châm cứu, cắt thuốc hoàn toàn miễn phí cho những người nghiện ma túy đến với ông. Hơn 230 người đã đến và đi, ai cũng cảm ơn người bác sĩ già nhân hậu. Ông cho biết, nhiều năm trước bệnh nhân đông lắm nhưng từ khoảng vài năm trở lại đây, khi chương trình methadone triển khai, ông đã giới thiệu nhiều người sang đó điều trị. Vì thế, số lượng người nghiện đến với ông giảm bớt so với khi xưa. Song, nay nhiều người đi chữa trị bằng chương trình methadone lại quay lại nhờ ông giúp đỡ. Theo ông, có rất nhiều nguyên nhân. Chẳng hạn như chương trình là miễn phí, song lâu dần nó nảy sinh tiêu cực, để được đi lại phải có khoản lót tay. Rồi người nhà vào thăm nuôi có khi lại chính là người mang ma túy vào cho người nghiện dùng. Nhưng quan trọng nhất chính là sự cô đơn, buồn bã và mặc cảm bản thân của những người nghiện ma túy. “Chữa trị nghiện ma túy không phải cứ châm cứu, cho uống thuốc là xong. Điều quan trọng là người thầy thuốc phải tâm sự, chia sẻ, động viên với tất cả tình cảm chân thành. Có vậy mới giúp người nghiện vượt qua được những cơn đói thuốc và yên tâm điều trị”, bác sĩ Khuyên chia sẻ. Phác đồ điều trị của chương trình methadone là 2 năm nhưng bằng kinh nghiệm của mình, bác sĩ Khuyên khuyến nghị phải tăng thời gian theo dõi lên 5 năm, thậm chí hơn nữa. Bản thân ông đã từng theo dõi một người nghiện đến 8 năm trời, ấy vậy mà anh ta vẫn còn tái nghiện. Chia sẻ về những kỉ niệm vui buồn của nghề thầy thuốc, bác sĩ Khuyên nhớ nhất là một cụ bà bán nước ở BV Nhi có con trai nghiện ma túy nặng. Lần đầu đến điều trị, người mẹ già ấy lấy ra từ trong túi những đồng tiền lẻ, nhàu nát nhưng đã được vuốt phẳng phiu, run run đưa cho ông và bảo ông đếm lại. Người bác sĩ già ứa nước mắt, ông kiên quyết không nhận một đồng nào, lại cho thêm thuốc, cho tiền. Sau này, con trai của bà đã cai nghiện thành công, trở về với cuộc sống lao động đời thường. Giờ bác sĩ Khuyên đã 67 tuổi. Tóc ông đã bạc nhiều nhưng đôi mắt vẫn còn tinh anh và đôi bàn tay vẫn còn nhanh nhẹn. Đôi bàn tay ấy đúng thực là đôi bàn tay vàng. Không chỉ vì y thuật cao minh mà còn bởi sự ngát hương của một tấm lòng đáng quý, đúng như những gì ông tâm đắc: “Y đức là cái gốc sâu vững của tài năng”.

Người đưa tin 

Hiểm họa 'chết người' từ việc sử dụng bột ninh nhừ siêu tốc

Vốn là một chất được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm, thế nhưng với những tác dụng đáng kinh ngạc của bột nhừ (hay còn gọi là bột soda) khiến nhiều người lạm dụng, dẫn tới ảnh hưởng sức khỏe. Thời gian trước, dư luận rất sửng sốt trước thông tin nhiều nhà hàng, quán ăn cơm, phở sử dụng chất bột nhừ soda để ninh nhừ xương, rút ngắn thời gian chế biến, đồng nghĩa với việc sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian và nhiên liệu. Sau đó, các cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra, kiểm định loại chất này, thế nhưng sự việc vẫn còn tiếp diễn như một “thói quen” và được coi là “kinh nghiệm nằm lòng” của rất nhiều hàng quán. Để tìm hiểu về loại chất này cũng như “con đường đi về” của nó, trong vai một người bán hàng ăn, PV đã có những thâm nhập, tìm hiểu về chất bột ninh nhừ siêu tốc này. Tại chợ đầu mối thực phẩm Dịch Vọng Hậu (Xuân Thủy – Cầu Giấy), PV được nhiều người mách nước rằng loại bột này không còn được bày bán rộng rãi và công khai như trước mà buộc phải thân quen mới mua được. Lấy cớ mua bột về để ninh nấu chè đậu, PV đã hỏi một chủ ki-ốt bán hàng khô tại đây. Thế nhưng người này cho biết từ khi có những thông tin cho rằng loại chất này có những tác hại khôn lường tới sức khỏe, nhất là khi nhiều người thấy lợi mà lạm dụng, anh đã không còn nhập về để bán. Tiếp tục hỏi thăm một ki-ốt bán hàng khô ở chợ thực phẩm Dịch Vọng Hậu về thứ bột ninh nhừ đậu trong một thời gian ngắn, sau khi trò chuyện hỏi han rất nhiều về các kinh nghiệm nấu nướng cũng như bán hàng, tỏ ra thân quen, chủ cửa hàng mới tiết lộ cho PV loại chất bột mà PV đang cần tìm để chế biến thức ăn và hầm đậu được nhanh hơn. Chị H., chủ cửa hàng cho hay: “Chị có bán thứ bột đấy, người ta còn gọi là bột soda, ninh nhừ đậu, xương, nhất là những người bán hàng phở, cháo, muốn ninh nhừ nhanh chỉ cần cho bột này vào là xong...”. Nói rồi, chị với tay lên quầy hàng của mình lấy một cái lọ màu xanh, có in chữ nước ngoài. Theo quan sát của PV, vỏ hộp mà người bán hàng đưa có màu xanh, trông rất đơn giản, nắp không hề có niêm phong hay tem nhãn, chỉ cần cậy nhẹ là bật nắp. Không có ngày sản xuất và hạn sử dụng rõ ràng. Bên trong có một thứ bột màu trắng, khá mịn và không có mùi. Khi PV hỏi nó xuất xứ ở đâu, chị H. trả lời ngay: “Nó là hàng tàu ấy mà em...?!”. Thế nhưng khi PV thắc mắc tại sao hàng tàu mà lại có chữ nước ngoài, chị H. ngay lập tức chống chế: “Thế chắc là nhập khẩu nước ngoài em ạ...?!”. Chính người bán hàng còn không biết nguồn hàng mình bán được nhập từ đâu, thì liệu chất bột này có được coi là an toàn khi sử dụng?Trước khi rời đi, PV còn nhận được lời nhắc nhở của người bán hàng: “Khi hầm xương thì cho khoảng 1-2 thìa cà phê, sẽ rút ngắn thời gian hầm từ 4-5 tiếng xuống còn 30 phút đến 1 giờ đồng hồ. Còn nếu hầm đậu nấu chè thì nhanh hơn. Khi cho bột vào cùng nồi đậu thì cho ít, khoảng nửa thìa cà phê thôi, đừng cho nhiều, vừa không tốt cho sức khỏe mà hạt đậu cũng sẽ nhừ nát chứ không còn nguyên hạt, không đẹp mắt...”. Tiếp tục tìm hiểu loại bột này ở chợ Đồng Xuân, thủ phủ hàng hóa của Thủ đô Hà Nội, PV được biết, khi hỏi hay mua hàng, không ai gọi đó là chất bột nhừ mà thường gọi là bột soda. Khi hỏi về bột soda thì người bán hàng nghiễm nhiên hiểu rằng đó là bột nhừ, bột nở hay muối diêm... rất nhiều tên gọi cho một sản phẩm. Dừng lại tại một con phố nhỏ ở Đồng Xuân, nơi có rất nhiều cửa hàng bán đồ khô, nguyên liệu làm bánh, chè, trà sữa, PV hỏi có chất bột nhừ hay không, người phụ nữ bán hàng tỏ ra rất lưỡng lự và đầy nghi vấn. Thế nhưng khi biết rõ mục đích của PV là mua bột để ninh nhừ đậu làm chè bán hàng, người bán hàng hồ hởi nói: “Chỗ chị có bột đó, gọi là bột soda, 1kg giá 40 nghìn đồng”. Hỏi lại về tác dụng của loại bột này, liệu có được sử dụng trong hầm xương, ninh nhừ xương hay không, PV nhận được một câu trả lời chắc nịch: “Hầm đậu, hầm xương, hầm thịt sẽ rất nhanh nhừ, tiết kiệm bao nhiêu. Dùng xanh, có in chữ nước ngoài. Theo quan sát của PV, vỏ hộp mà người bán hàng đưa có màu xanh, trông rất đơn giản, nắp không hề có niêm phong hay tem nhãn, chỉ cần cậy nhẹ là bật nắp. Không có ngày sản xuất và hạn sử dụng rõ ràng. Bên trong có một thứ bột màu trắng, khá mịn và không có mùi. Khi PV hỏi nó xuất xứ ở đâu, chị H. trả lời ngay: “Nó là hàng tàu ấy mà em...?!”. Thế nhưng khi PV thắc mắc tại sao hàng tàu mà lại có chữ nước ngoài, chị H. ngay lập tức chống chế: “Thế chắc là nhập khẩu nước ngoài em ạ...?!”. Chính người bán hàng còn không biết nguồn hàng mình bán được nhập từ đâu, thì liệu chất bột này có được coi là an toàn khi sử dụng? Trước khi rời đi, PV còn nhận được lời nhắc nhở của người bán hàng: “Khi hầm xương thì cho khoảng 1-2 thìa cà phê, sẽ rút ngắn thời gian hầm từ 4-5 tiếng xuống còn 30 phút đến 1 giờ đồng hồ. Còn nếu hầm đậu nấu chè thì nhanh hơn. Khi cho bột vào cùng nồi đậu thì cho ít, khoảng nửa thìa cà phê thôi, đừng cho nhiều, vừa không tốt cho sức khỏe mà hạt đậu cũng sẽ nhừ nát chứ không còn nguyên hạt, không đẹp mắt...”. Tiếp tục tìm hiểu loại bột này ở chợ Đồng Xuân, thủ phủ hàng hóa của Thủ đô Hà Nội, PV được biết, khi hỏi hay mua hàng, không ai gọi đó là chất bột nhừ mà thường gọi là bột soda. Khi hỏi về bột soda thì người bán hàng nghiễm nhiên hiểu rằng đó là bột nhừ, bột nở hay muối diêm... rất nhiều tên gọi cho một sản phẩm. Dừng lại tại một con phố nhỏ ở Đồng Xuân, nơi có rất nhiều cửa hàng bán đồ khô, nguyên liệu làm bánh, chè, trà sữa, PV hỏi có chất bột nhừ hay không, người phụ nữ bán hàng tỏ ra rất lưỡng lự và đầy nghi vấn. Thế nhưng khi biết rõ mục đích của PV là mua bột để ninh nhừ đậu làm chè bán hàng, người bán hàng hồ hởi nói: “Chỗ chị có bột đó, gọi là bột soda, 1kg giá 40 nghìn đồng”. Hỏi lại về tác dụng của loại bột này, liệu có được sử dụng trong hầm xương, ninh nhừ xương hay không, PV nhận được một câu trả lời chắc nịch: “Hầm đậu, hầm xương, hầm thịt sẽ rất nhanh nhừ, tiết kiệm bao nhiêu. Dùng trong cơ thể, gây ra tác hại khôn lường như mệt mỏi, buồn nôn, sạm da, rụng tóc, sút cân, viêm dạ dày và ruột. Thậm chí còn gây tổn thương hệ thần kinh trung ương. Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, viện Công nghệ Thực phẩm trường đại học Bách Khoa Hà Nội, bột hầm nhừ có công thức hóa học là NaHCO3, khi được đun ở nhiệt độ cao tạo ra môi trường kiềm, khiến quá trình phân hủy protein nhanh hơn. Theo ông, loại bột này được sử dụng trong thực phẩm, tuy nhiên phải là loại soda tinh khiết, có màu trắng, không mùi và được dùng với một liều lượng nhất định, đồng thời phải có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ và hạn sử dụng đầy đủ. PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cũng cho hay: “Trên thị trường có bán những loại bột soda với giá rẻ, nhưng việc có chứa tạp chất hay không thì cần phải xét nghiệm mới biết được. Khi chưa xác định được tạp chất gì thì chưa biết rõ mức độ tổn hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Bột soda làm nồi nước ninh xương sủi nhiều bọt là do quá trình tạo CO2 và tẩy các chất bẩn từ xương mà thành”. GS.Thịnh cũng cảnh báo, nếu dùng loại bột không tinh khiết, lạm dụng quá nhiều thì thực phẩm sẽ có mùi nồng, khó ăn, gây đầy bụng, khó tiêu. Nhưng nếu mua bột của những cơ sở sản xuất có chất lượng, đồng thời sử dụng đúng liều lượng thì bột soda hoàn toàn được phép dùng. Hiện nay, việc các nhà hàng, quán cơm, phở sử dụng bột soda trong công đoạn chế biến, ninh xương nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí thì không một cơ quan chức năng nào có thể kiểm soát được. Đồng nghĩa với điều đó là những ẩn họa ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Vì vậy, chính người tiêu dùng phải là những người thông thái để phân biệt đâu là loại được dùng bột nhừ, đâu là loại được chế biến tự nhiên

Doanh nhân Sài Gòn

Phòng ngừa lây nhiễm viêm gan siêu vi B

Viêm gan siêu vi B (VGSV B) là một vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng. Ở nước ta có khoảng 8,4 triệu người nhiễm bệnh mạn tính và 23.300 người tử vong hằng năm do các biến chứng như suy gan cấp, xơ gan và ung thư gan. Mặc dù y học đã có thuốc đặc trị, nhưng việc điều trị bệnh lý này còn phức tạp và khó khăn. Quá trình điều trị thường kéo dài và rất tốn kém. Do đó, phòng ngừa nhiễm bệnh VGSV B là vấn đề rất được quan tâm. Bệnh thường lây nhiễm qua: đường xuyên da (tiêm chích, truyền máu, phẫu thuật, qua vết trầy xước khi xăm mắt hay xăm môi bằng những dụng cụ không vô trùng, dùng chung bàn chải đánh răng hay dao cạo râu... với người bệnh); quan hệ tình dục không an toàn với người nhiễm bệnh; mẹ nhiễm bệnh truyền sang con. Biện pháp phòng ngừa bao gồm: tiêm chích vô trùng, truyền máu an toàn, mang găng tay khi tiếp xúc với máu và dịch tiết, không dùng chung đồ dùng sinh hoạt, quan hệ tình dục an toàn... Vắc-xin VGSV B rất an toàn và hiệu quả, hiếm khi xảy ra các phản ứng nặng (trong 1 triệu trường hợp tiêm vắc-xin thì chưa đến 1 trường hợp có phản ứng nặng). Khoảng 95% người được tiêm đúng và đủ theo lịch sẽ tạo được kháng thể bảo vệ lâu dài. Bác sĩ thường chỉ định làm 2 xét nghiệm: HBsAg (mầm bệnh VGSV B, nếu dương tính là có nhiễm bệnh), antiHBs (kháng thể bảo vệ, kết quả dương tính # 10 mIU/mL tức là đã được bảo vệ). Thai phụ nhiễm VGSV B có thể truyền mầm bệnh cho con trong khi chuyển dạ do trẻ tiếp xúc với máu và dịch tiết âm đạo có chứa siêu vi của mẹ. Điều đáng lưu ý là tuổi khi bắt đầu nhiễm VGSV B càng nhỏ thì tỷ lệ diễn biến thành VGSV B mạn tính càng cao. Trẻ nhiễm VGSV B từ mẹ trong khi chuyển dạ hầu như không có triệu chứng gì, nhưng 90% trẻ này trở thành người nhiễm VGSV B mạn tính (kéo dài gần như suốt đời). Trong khi đó, tỷ lệ trở thành người nhiễm VGSV B mạn tính chỉ khoảng 10 - 20% nếu bắt đầu nhiễm bệnh từ 5 tuổi trở lên. Tỷ lệ lây nhiễm cho con sẽ cao nếu mẹ có HBeAg (+) hay nồng độ siêu vi HBVDNA trong máu cao. HBeAg (+) là dấu hiệu cho biết siêu vi viêm gan B đang tăng sinh nhiều trong cơ thể mẹ, do đó nồng độ siêu vi trong máu rất cao. Nếu không có biện pháp phòng ngừa, tỷ lệ lây nhiễm cho con là 90% nếu mẹ có HBeAg (+), ngược lại nếu HBeAg (-) thì tỷ lệ lây nhiễm chỉ khoảng 10% (cột A của bảng dưới đây). Biện pháp phòng ngừa lây nhiễm VGSV B từ mẹ sang con bao gồm: Tầm soát nhiễm VGSV B cho các thai phụ, điều trị thuốc kháng siêu vi cho thai phụ có tải lượng siêu vi cao trong 3 tháng cuối thai kỳ, tiêm ngừa vắc-xin VGSV B cho trẻ sơ sinh (kể cả trẻ sinh ra từ mẹ không nhiễm VGSV B) và tiêm HBIG (Hepatitis B Immune Globulin) có chứa nồng độ cao kháng thể bảo vệ antiHBs cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm VGSV B. Theo quy định của Tổ chức Y tế Thế giới và Bộ Y tế thì cần tiêm vắc-xin mũi đầu tiên cho trẻ càng sớm càng tốt trong vòng 24 giờ sau sinh để đạt được hiệu quả phòng ngừa lây nhiễm VGSV B cao, đặc biệt là các trẻ có mẹ nhiễm VGSV B. Sau đó, cần tiếp tục tiêm các mũi vắc-xin kế tiếp theo lịch để giúp trẻ tạo kháng thể bảo vệ lâu dài: Tháng thứ 1 và tháng thứ 6 sau sinh (theo lịch tiêm thông thường) hoặc tháng thứ 2, tháng thứ 3 và tháng thứ 4 sau sinh (theo lịch tiêm chủng mở rộng). Các trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm VGSV B, đặc biệt là các trẻ có nguy cơ lây nhiễm cao như mẹ có HBeAg (+) hay nồng độ siêu vi HBVDNA trong máu cao, cần được tiêm thêm kháng thể bảo vệ HBIG cùng lúc với mũi vắc-xin đầu tiên trong vòng 24 giờ sau sinh. Các thai phụ có nồng độ siêu vi cao (HBVDNA > 1 triệu copies/mL) cần được chỉ định thêm các thuốc kháng siêu vi như Tenofovir hay Lamivudine trong 3 tháng cuối thai kỳ để làm giảm nồng độ siêu vi trong máu, từ đó giúp giảm tỷ lệ lây nhiễm sang con. Nếu áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng ngừa theo khuyến cáo, trẻ vẫn có thể được bú sữa mẹ bình thường. Khi trẻ được 12 tháng tuổi hoặc hơn, cha mẹ có thể đưa bé khám bác sĩ để kiểm tra xem bé có tạo được kháng thể bảo vệ hay có nhiễm VGSV B mạn tính hay không. Nếu trẻ chỉ được tiêm vắc-xin trong vòng 24 giờ sau sinh mà không có phối hợp với tiêm HBIG, tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con ở thai phụ nhiễm. VGSV B có HBeAg (-) giảm xuống chỉ còn khoảng 5% và tỷ lệ lây nhiễm cho con ở các thai phụ có HBeAg (+) giảm đáng kể nhưng vẫn còn khá cao, ở mức 25% (cột B của bảng trên). Tuy nhiên, nếu phối hợp tiêm vắc-xin và HBIG trong vòng 24 giờ sau sinh thì tỷ lệ lây nhiễm cho con sẽ giảm xuống chỉ còn khoảng 5% ở các thai phụ nhiễm VGSV B có HBeAg (+) (cột C của bảng trên).

Petrotimes

Cảnh báo khẩn cấp về nước tăng lực

Văn phòng khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa đưa ra cảnh báo khẩn cấp về tác hại của nước tăng lực. Theo WHO, nước tăng lực có thể là nguyên nhân gây đột tử, dù bất kể ở đối tượng nào. Trong khi, đây lại là loại nước rất đang được giới trẻ ưa chuộng. Theo lịch sử của ngành công nghệ sản xuất đồ uống thì nước tăng lực ra đời ở châu Âu từ năm 1987 và có hương vị rất hấp dẫn khi có vị ngọt xen lẫn chua và hương thơm dễ kích thích vị giác. Vào mùa hè nóng nực, nước tăng lực càng dễ trở thành “khoái khẩu” của giới trẻ khi được ướp lạnh hoặc cho đá. Đối với những người có dấu hiệu mệt mỏi thì nước tăng lực được coi là “thần dược” giúp họ cải thiện thể trạng và tinh thần uể oải sau một ngày làm việc “hao tâm tổn sức”. Bác sĩ Chuyên khoa II Đinh Thị Kim Liên, nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, nước tăng lực thực sự là một sản phẩm lợi bất cập hại. Bởi bên cạnh những tác dụng được cho là làm tỉnh táo đầu óc, nâng cao thể lực một cách không ngờ… thì tác hại của nó hơn bội lần so với “hiệu quả” mang lại. Hiện nay trên thế giới có hàng trăm loại nước tăng lực, được các hãng tên tuổi của ngành giải khát sản xuất. Ở Việt Nam dù du nhập sau thức uống có vị ngọt không theo như truyền thống này nhưng giờ cũng đã có hàng chục loại. Đã vậy có loại “nội địa” 100% như Number o­ne của Tân Hiệp Phát. Nói đến nước tăng lực ở thị trường trong nước phải nói đến Lipovitan, Red Bull là những sản phẩm có mặt đầu tiên. Sau đó mới ra đời những Sting, Number o­ne, Monster, 247, M150, Rồng đỏ, Rhino, Super Lion (Sư tử đỏ)… Danh sách những nước tăng lực này “nằm lòng” trong “thực đơn” ẩm thực được ưa thích của giới trẻ. Chỉ với giá khoảng 10-15 nghìn đồng/chai giới trẻ có thể sẵn sàng rút hầu bao “thưởng thức” mà không cần phải cân nhắc tính toán như một số đồ uống khác. Chưa kể tác dụng của nó mang lại được cho là sảng khoái, “dũng mãnh” ngay tức khắc. Thế nhưng những tác dụng ấy thực sự có thể cải thiện, nâng cao sức lực tận gốc cho người sử dụng không? Về thành phần nước tăng lực gồm: Cafein, một số vitamin và taurine,  guarana… Trong đó, taurine, cafein đều được coi là “chính chất” mang lại sự sảng khoái và “dũng mãnh” cho người sử dụng do taurine là một loại acid amin (nhưng không phải loại acid amine thiết yếu) có nhiều trong não có vai trò quan trọng trong việc phát triển não, nhất là tiểu não và võng mạc. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, nếu đưa taurine vào cơ thể theo đường ẩm thực thì taurine bị thải ra ngoài sau khi đã chuyển hóa thành acid mật. Như vậy taurine chẳng ích lợi gì khi có trong nước tăng lực. Còn một số loại vitamin như vitamin B1, B2, B6… với vai trò chuyển hóa năng lượng của tế bào, tạo ra khả năng chống stress, cải thiện tình trạng mệt mỏi khi hàm lượng nhất định phải theo khoa học. Thế nhưng ở trong nước tăng lực, vitamin nhóm B lại bị lạm dụng đến mức vượt quá cả nhu cầu cho phép hàng ngày trở thành “thần dược” để tạo ra hiệu quả này. Nếu nhu cầu vitamin B1 đối với người lớn được phép khoảng 1,5mg/ngày. Vậy mà trong nước tăng lực như Lipovitan chẳng hạn vitamin B1 có tới 2,2mg/lon, B2 nhu cầu hàng ngày là 1,2mg/ngày thì trong nước tăng lực có tới 3,2mg, B6 nhu cầu hàng ngày là 2,2 mg thì nước tăng lực chứa 4,0mg… Như vậy dư thừa một lượng vitamin nhóm B rất lớn trong nước tăng lực. Mà dư thừa thì “lợi bất cập hại”, “quá khẩu thành tàn”sẽ có hại cho cơ thể. Chỉ còn lại chất cafein, được xem là có tác dụng kích thích hệ thần kinh trung ương, làm minh mẫn và sức khỏe chóng hồi phục sau quá trình lao động mệt mỏi. Nhưng ngay cả khi có tác dụng này thì các nhà y học của WHO đã khẳng định rằng, nếu sử dụng nhiều chất này, vẫn gây ra tác hại cho sức khỏe và sự tỉnh tảo, sáng suốt nhờ cafein thực ra chỉ diễn ra khoảng 2 tiếng đồng hồ chứ không phải hiệu quả “tận gốc”, làm bổ não. Bởi vậy đó chỉ là tác dụng “ảo”. WHO phân tích: “Trung bình trong đồ uống , hàm lượng cafein cho phép chỉ giới hạn trong 320mg/lít. Song dù ở mức cho phép ấy, người sử dụng nếu uống quá nhiều nước tăng lực, uống hàng ngày, sức khỏe sẽ có vấn đề nhất là về tim, mạch, huyết áp… Chưa kể đến là tình trạng lệ thuộc vào cafein, phải nhờ đó để “tỉnh táo” trong chốc lát”.

Uống nhiều có hại…

Thế mà trong nước tăng lực, lượng cafein còn cao hơn gấp bội, như Red Bull có 80mg cafein/250ml, Energie chứa 86mg cafein/250ml, Rock Star Juice chứa 240mg/473ml, Base: 23mg cafein/250ml… Với hàm lượng cao như vậy chính là nguyên nhân dẫn đến đau tim, loạn nhịp tim, máu đông, tăng huyết áp, hành động thiếu kiểm soát, bạo lực do kích thích… và nặng nhất là tử vong. Như ở Mỹ năm 2012 đã có 13 ca tử vong do dùng nước tăng lực hay ở nhiều quốc gia khác cũng đã có trường hợp như vậy. Trong đó phải kể đến trường hợp một cô bé 14 tuổi ở bang Maryland, Mỹ sau khi uống 2 lon nước tăng lực Monster, loại 0,7 lít đã bị rối loạn nhịp tim và tử vong. Các nhà chức trách đã truy tìm nguyên nhân và biết trong mỗi lon nước ngọt Monster loại 0,7 lít chứa đến 480mg cafein, quá cao so với chỉ số cho phép. Mẹ của cô bé đã nói: “Nước tăng lực là những cái bẫy chết người cho những cậu bé, cô bé nhỏ tuổi như con gái của chúng tôi. Tôi muốn Monster Beverage (Công ty Sản xuất nước tăng lực Monster) phải cảnh báo với người tiêu dùng rằng sản phẩm của họ có thể giết người”. Một người đàn ông khác ở Nigeria cũng đã tử vong sau khi uống 8 lon nước tăng lực theo lời thách đố của bạn bè. Nguyên nhân tìm ta cũng là vì lượng cafein có trong nước tăng lực cao… Hay gần đây nhất, một thanh niên 26 tuổi ở bang Texas, Mỹ đã bị một cơn đau tim  vì thói quen uống nước tăng lực hàng ngày. Anh đã phải đi cấp cứu bệnh viện và may mắn được cứu sống. Rất may, tại Việt Nam chưa xảy ra trường hợp nào như vậy. Nhưng nói vậy không có nghĩa là sẽ không xảy ra bởi việc tiêu thụ nước tăng lực ở Việt Nam cũng rất lớn. Mặc dù chưa có con số thống kê nhưng việc xuất hiện hàng chục loại nước tăng lực trên thị trường cho thấy có cung ắt có cầu… Bởi vậy đề phòng chuyện xấu không bao giờ là muộn, nhất là liên quan đến sức khỏe tính mạng của con người. Theo bác sĩ Đinh Thị Kim Liên cho rằng: Nước tăng lực không phải là sản phẩm cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu, nước tăng lực có hàm lượng đường rất cao 15-19% trong khi ở nước ngọt có gas, được coi là ngọt sắc cũng chỉ 10-12%. Vì vậy uống nhiều nước tăng lực sẽ có nguy cơ bị béo phì, đái tháo đường. Mặt khác do lượng cafein có trong thành phần, nên một số người không hợp với chất này nếu sử dụng sẽ bị tim đập nhanh, loạn nhịp tim, khó thở tức ngực. Đối với trẻ em nếu dùng nước tăng lực theo bác sĩ Đinh Thị Kim Liên càng có hại do calori rỗng của loại nước này khiến trẻ uống vào luôn cảm thấy no, chán ăn, không muốn ăn dẫn đến thiếu hụt các chất dinh dưỡng thiết yếu làm trẻ bị suy dinh dưỡng nặng. Uống nước tăng lực cũng không có tác dụng bù nước như nhiều người lầm tưởng. Bởi nước quá nhiều đường không thể bù số lượng lớn mà cơ thể mất nước cần. Và nước tăng lực cũng không có chất điện giải nào như natri, kali… để bù. Uống càng nhiều nước tăng lực thì càng thiếu nước và chất điện giải. Thiếu nước và chất điện giải thì dẫn đến rối loạn phân bố nước, chất điện giải giữa các khu vực trong cơ thể  sẽ làm giảm hiệu quả luyện tập, tăng nguy cơ chấn thương. Với tất cả tác hại trên của nước tăng lực, theo bác sĩ Liên không nên lạm dụng nước tăng lực, nhất là với những đối tượng như người già, trẻ em, người bị tiểu đường, cao huyết áp, thận… người tập thể dục thể thao quá sức, người ốm yếu, sức đề kháng kém… Vì có trường hợp tử vong là do cơ thể yếu không thể dung nạp được các chất có trong nước tăng lực.

VTV

"Lạnh người" với các cơ sở sản xuất nước đá bẩn tại Đồng Tháp

Nguồn nước dùng để sản xuất nước đá không đảm bảo vệ sinh, hệ thống trang thiết bị sản xuất cũ kỹ, rỉ sét… là thực tế tại nhiều cơ sở sản xuất nước đá tại Đồng Tháp. Trong đợt kiểm tra mới đây, Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Đồng Tháp đã lấy 60 mẫu nước đá ở các cơ sở mua bán ăn uống, kết quả phân tích các chỉ số an toàn vệ sinh thực phẩm cho thấy: 100% số mẫu kiểm tra đều bị nhiễm các loại vi khuẩn gây bệnh vượt mức nồng độ cho phép của Bộ Y tế. Việc sản xuất nước đá kém chất lượng và không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn đang diễn ra hàng ngày tại các cơ sở sản xuất, bất chấp quy định về an toàn. Trong khi đó, người tiêu dùng vẫn sử dụng mà không hề hay biết. Nguy cơ bệnh tật từ nước đá nhiễm bẩn vẫn đang hàng ngày, hàng giờ đe dọa sức khỏe con người.

Hải quan

Bỏ tiêm phòng, trẻ mắc ho gà tăng đáng lo

Các chuyên gia y tế dự phòng cảnh báo, trước đây ho gà chỉ tập trung vào mùa Đông Xuân, nhưng năm nay ho tái xuất sớm. Hầu hết trẻ mắc ho gà đều chưa tiêm vắc xin. Để phòng chống bệnh ho gà, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà đầy đủ, đúng lịch. Bác sỹ Nguyễn Văn Lâm- Trưởng Khoa Truyền nhiễm thông tin, bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết: từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận 281 trường hợp ho gà trong khi các năm trước trung bình chỉ 120-130 ca. Còn tại Khoa Truyền nhiễm- Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện cơ sở đang điều trị cho 13 bệnh nhi điều trị bệnh ho gà, nhiều cháu là trẻ dưới 6 tháng tuổi. Theo bác sỹ Lê Hồng Hạnh- Phó Trưởng Khoa Hô hấp- Bệnh viện Nhi Trung ương, nhiều bậc phụ huynh thường nhầm lẫn triệu trứng ho gà với bệnh cảm cúm thông thường nên dẫn tới tâm lý chủ quan tự mua thuốc về chữa cho con. Tới khi tình trạng bệnh quá nặng, bệnh nhân sẽ dẫn tới tím tái, suy hô hấp, ngừng thở trong cơn ho. Theo các chuyên gia y tế, bệnh ho gà thường xuất hiện vào mùa Đông Xuân hằng năm. Tuy nhiên, những ngày gần đây, dù đang là mùa hè nhưng nhiều trẻ đã phải nhập viện vì ho gà trong tình trạng nặng thậm chí có những biến chứng viêm phổi đe dọa tính mạng. Theo thống kê, có những trẻ trưa tới 2 tháng tuổi tức là chưa tới tuổi tiêm phòng ho gà đã bị mắc. Đây là điều bất thường bởi bệnh ho gà chủ yếu thường gặp ở trẻ em ở lứa tuổi đi học và trẻ nhỏ trên 6 tháng tuổi. Lý giải về tình trạng này, theo bác sỹ Bùi Vũ Huy- Trưởng khoa Nhi- Bệnh viện bệnh Nhiệt Đới Trung ương, do trước đây, các bà mẹ khi còn nhỏ chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà nên không có kháng thể và không truyền được kháng thể cho con. Vì vậy, khi trẻ vừa ra đời, chưa đến tuổi tiêm chủng thì đã bị nhiễm ho gà. Bên cạnh đó do các bà mẹ không tiêm chủng hoặc có tâm lý chờ đợi vắc xin tiêm dịch vụ mà bỏ lỡ thời điểm tiêm chủng cho trẻ nên tỷ lệ mắc ho gà cũng tăng cao. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, theo lịch tiêm chủng tiêm chủng, tiêm phòng ho gà mũi 1 vào lúc 2 tháng tuổi, mũi 2 là lúc 3 tháng và mũi 3 lúc 4 tháng. Khi lịch tiêm phòng bị chậm thực sự rất nguy hiểm với trẻ, vì tỷ lệ mắc bệnh nặng và tử vong do ho gà cao nhất ở trẻ dưới 6 tháng. Để phòng chống bệnh ho gà, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà đầy đủ, đúng lịch. Đối với phụ nữ mang thai, tiêm phòng đầy đủ giúp bảo vệ thai nhi ngay từ thời kỳ bào thai. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, gia đình cần chú ý cho trẻ tiêm đầy đủ 3 mũi vắc xin 5 trong 1 phòng bệnh ho gà.

Nông nghiệp

Nghề y chua chát...

Người ta có thể ban hành những qui chế máy móc và nực cười để dạy thầy thuốc chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi bệnh nhân, thì cũng nên ấn định những thái độ ứng xử đúng mực từ phía bệnh nhân và người nhà của họ. Vì sẽ không bao giờ có một nền y khoa nhân bản nào được hình thành từ thái độ du côn hay thù nghịch. Người bác sĩ chịu nhiều áp lực từ nhiều phía. (Ảnh minh hoạ: Zing) CHIA SẺ   TIN BÀI KHÁC Quẫn trí vì vợ, bố dọa dìm con gái chết đuối Kinh hãi phát hiện con trăn dài gần 8m gần nhà hàng Mẹ mải xem điện thoại, con trai 2 tuổi bị ô tô nghiền qua Nổ kinh hoàng phá hủy 3 tầng của một tòa nhà ở New York NASA bác tin đồn 'Trái Đất bị thiên thạch khổng lồ hủy diệt' Xem thêm Trong khung cảnh bức bối và trên nền tảng của một xã hội đang mục nát về đạo đức, người ta không còn tin nhau nữa. Lòng trắc ẩn, tình đồng loại, sự chia sẻ, biết ơn… dễ dàng biến mất, nhường chỗ cho bạo lực, nghi hoặc, hung hãn. Nên mới có việc mẹ bệnh nhi tát vào mặt bác sĩ của con mình, nên mới có việc nhân viên y tế bị đâm chết, hay bị đổ xăng thiêu sống… T. là một cô gái trẻ chừng 20 tuổi. Hiền lành, lễ phép, đẹp thùy mị và trong trẻo. Em nhập viện vì một chứng cảm cúm thông thường. Chuyện tưởng chừng như không thể đơn giản hơn: hạ sốt, giảm đau, chút vitamin… nâng đỡ chờ ngày hết sốt và ra viện. Chiều hôm ấy, T. kêu nhức đầu. Điều dưỡng vừa cho uống một viên giảm đau thì T. đổ vật ra giường, ngưng thở và hoàn toàn mê man, đồng tử giãn rộng, mất phản xạ ánh sáng một bên. Thời đó chưa có CT, nhưng chẩn đoán thì không gì dễ hơn: chứng xuất huyết do vỡ mạch máu não, gây ngập máu chèn ép các mô não, làm tê liệt các trung tâm hô hấp, vận mạch ở thân não. Cách duy nhất để duy trì sự sống thực vật cho T. là cho thở máy, duy trì những chức năng hô hấp- tuần hoàn tối thiểu để chờ người nhà đến nhìn mặt lần cuối. Xuất huyết não không chừa ai cả. Đã có ít nhất hai người thầy đã dạy dỗ tôi, một người đổ gục xuống bàn siêu âm khi đang khám bệnh, một người quị xuống khi đang phát biểu trong một hội thảo tiêu hóa. Họ đột quị giữa rất nhiều đồng nghiệp y khoa, chắc chắn không thiếu sự cứu chữa khẩn trương. Và họ cũng không thắng nổi cái giới hạn của y khoa trong chứng xuất huyết não ngặt nghèo này. Năm ấy tôi 30 tuổi, mà đến giờ này vẫn không quên được cái cảm giác bàng hoàng khi cắt máy thở, chấm dứt các biện pháp hồi sức cho một thiếu nữ đang xuân, tóc đen, môi hồng như đang ngủ. Nên tôi hiểu lắm các cảm giác sốc nặng, kinh khủng của người nhà trước sự ra đi đột ngột của một thành viên rất trẻ như thế. Trường hợp thiếu nữ vừa qua đời ở bệnh viện Đà nẵng mà báo chí đưa tin trong những ngày qua cũng không nằm ngoài kịch bản quen thuộc và bi thảm của xuất huyết não. Khi máu đã chảy thành “hồ” trong nhu mô não, khi não thất đã “lụt” vì máu, khi những trung tâm hô hấp – tim mạch đã bị chèn ép và tê liệt, thì khả năng sống sót dù được cứu chữa tích cực bằng những biện pháp y khoa tối tân nhất gần như không có. Nói theo từ của dân trong nghề là “tiên lượng rất xấu” hay “không qua khỏi”. Mà làm gì thì làm, trước mọi ca bệnh nặng, dân trong nghề cũng phải “giữ vững sinh hiệu”, bảo tồn những chức năng tối quan trọng để duy trì sự sống như mạch, huyết áp, hô hấp… rồi mới tính đến những biện pháp đặc hiệu khác. Theo tường trình của đồng nghiệp tôi từ bệnh viện Đà nẵng, như một thầy thuốc đã làm nghề hồi sức trong nhiều năm, tôi có thể hình dung ngay được tính khẩn trương khi cấp cứu ca bệnh này. Chỉ trong vòng một giờ, người bệnh được chuyển ngay từ khoa cấp cứu lên khoa hồi sức để thở máy, nâng đỡ hô hấp. Trong khoảng thời gian đó, các đồng nghiệp tôi đã cho chụp CT để xác định chẩn đoán xuất huyết não. Không bỏ lỡ một nỗ lực nào, họ còn cho chụp thêm một phim CT mạch máu khác để tìm thêm khả năng cứu sống bệnh nhân dù rất nhỏ nhoi là vỡ dị dạng mạch máu não, một bệnh lý có thể phẫu thuật được, dù khả năng thành công rất thấp (các phim CT này được chụp với dấu ghi nợ, trước khi người nhà đóng tiền, với ngày giờ còn ghi rành rành trên bệnh án và trên bản in phim). Nhưng các thầy thuốc phẫu thuật thần kinh đã lắc đầu bó tay… Người ta có thể ban hành những qui chế máy móc và nực cười để dạy thầy thuốc chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi bệnh nhân. Thì cũng nên ấn định những thái độ ứng xử đúng mực từ phía bệnh nhân và người nhà của họ. Vì sẽ không bao giờ có một nền y khoa nhân bản nào được hình thành từ thái độ du côn hay thù nghịch. Rõ ràng, không một tòa án y khoa nghiêm túc nào có thể buộc tội hay lên án một qui trình cấp cứu chuẩn mực, nhanh chóng và đúng bài bản như thế. Có trách thì trách trời già cay nghiệt, bắt đi một sinh mạng còn rất trẻ như thế. Nhưng cũng rõ ràng không kém, là cái cảm giác ngao ngán khi đọc những thông tin ác ý từ báo chí, những bình luận đầy hỗn xược, đầy mạ lị dành cho những đồng nghiệp của tôi ở Đà Nẵng. Những “bình luận gia” này không phải là dân y khoa, hẳn rồi, nên mới phê phán gay gắt, mau mắn như đúng rồi như thế. Nhưng từ đâu ra, xã hội chúng ta mang sẵn những định kiến đầy thù nghịch giữa công chúng và y giới như thế? Câu trả lời chẳng đâu xa, nếu biết rằng trước năm 1975, Sài gòn có 3 triệu dân. Sau 40 năm “xây dựng và phát triển”, dân số Sài gòn đã vượt quá 10 triệu mà không hề có thêm một bệnh viện công lập nào khả dĩ to đẹp, đàng hoàng như bệnh viện Chợ Rẫy. Lại phải gánh thêm bệnh nhân các tỉnh đổ về. Nên quá tải là phải! Nên phận người khi vào bệnh viện công phải chen chúc nằm đôi, nằm ba, nằm ngoài hành lang, dưới gầm giường… Thật không bút mực nào tả xiết những thảm cảnh của người dân trong các bệnh viện thời nay, thật chẳng khác chi những trại tị nạn. Cả đôi bên, người nhà, bệnh nhân và nhân viên y tế, không ai không cảm thấy ngột ngạt, bức bối. Đó là chưa kể những nhũng nhiễu, hạch sách của không ít thầy thuốc, làm cho bức tranh đã đen tối lại càng thê thảm hơn nữa. Trong khung cảnh bức bối đó, và trên nền tảng của một xã hội đang mục nát về đạo đức, người ta không còn tin nhau nữa. Lòng trắc ẩn, tình đồng loại, sự chia sẻ, biết ơn… dễ dàng biến mất, nhường chỗ cho bạo lực, nghi hoặc, hung hãn. Nên mới có việc mẹ bệnh nhi tát vào mặt bác sĩ của con mình, nên mới có việc nhân viên y tế bị đâm chết, hay bị đổ xăng thiêu sống… Chuyện kinh khủng như vậy, quả tình “xưa nay hiếm” dưới gầm trời nước Nam này! Ở một thái cực khác, các quảng cáo theo kiểu “bệnh viện là khách sạn” cũng dẫn đến rất nhiều ngộ nhận: người ta đòi hỏi nhân viên y tế phải hầu hạ thay vì chăm sóc, phục dịch thay vì phục vụ, và tự cho mình cái quyền “muốn gì được nấy” ở bệnh viện. Người ta quên y khoa là một khoa học đòi hỏi sự chuyên nghiệp, và nhân viên y tế là những người chuyên nghiệp. Họ làm việc vì sự sống và sức khoẻ làm đầu, chứ không phải vì sự thoả mãn hay hài lòng của một vài cá nhân quá quắt. Dưới nhãn quan của công chúng, việc cột tay chân bệnh nhân vào giường là vô nhân đạo, phản cảm. Nhưng có ai hiểu cho nếu không làm vậy, con người sảng rượu kia sẽ bứt ngay dây oxy, dịch truyền, quậy phá tưng bừng… Một ví dụ nhỏ vậy thôi, để thấy rằng đã đến lúc phải xây dựng lại nền tảng cốt lõi của y khoa là sự thấu cảm và tôn trọng nhau từ cả hai phía: bệnh nhân và thầy thuốc. Người ta có thể ban hành những qui chế máy móc và nực cười để dạy thầy thuốc chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi bệnh nhân. Thì cũng nên ấn định những thái độ ứng xử đúng mực từ phía bệnh nhân và người nhà của họ. Vì sẽ không bao giờ có một nền y khoa nhân bản nào được hình thành từ thái độ du côn hay thù nghịch. Xin thôi cho thói dậu đổ bìm leo, mắng nhiếc nhân viên y tế như một trào lưu. Xin đừng hằn học với thầy thuốc vì những qui định hành chính về y tế. Họ không đẻ ra nó, mà là một hệ thống thừa ngàn tỷ để xây tượng đài nhưng không đủ tiền để chụp một tấm phim CT miễn phí hay ký nợ cho công dân của mình đang lâm trọng bệnh. Hệ thống đó thừa thì giờ, công sức để đẻ ra đủ thứ qui định răn dạy nhân viên của mình, nhưng chưa bao giờ đề cập đến một hỗ trợ tài chính, luật pháp để bảo vệ người thầy thuốc trước những tai nạn nghề nghiệp như đã xảy ra với đồng nghiệp tôi ở Đà nẵng. Và xin cho chúng tôi, những người thầy thuốc, được hành nghề trong niềm vui và vinh dự của nghề nghiệp. Không vì hai điều ấy, y khoa là nghề nghiệp bạc bẽo và nhọc nhằn biết chừng nào!...

Đại đoàn kết

Nâng cao năng lực và hiệu quả công tác cai nghiện ma túy

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch nâng cao năng lực và hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, tổ chức dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy năm 2015. Kế hoạch nhằm mục đích nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác dự phòng, giảm hại và điều trị nghiện, phấn đấu 60% cán bộ tham gia công tác nói trên được đào tạo kiến thức cơ bản về điều trị nghiện. Đồng thời nâng tỷ lệ người nghiện ma túy được điều trị so với số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý từ 53,3% lên 70% trong đó, giảm tỷ lệ điều trị bắt buộc tại Trung tâm Giáo dục - lao động xã hội từ 8,7%  xuống còn 7% năm 2015. Phấn đấu người nghiện hòa nhập cộng đồng có việc làm khoảng 10% trở lên.

Công an nhân dân

Tăng gấp đôi mức chi hỗ trợ cán bộ y tế xã

Liên Bộ Tài chính - Y tế vừa ban hành Thông tư liên tịch số 117 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 113/2013/TTLT-BTC-BYT quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia y tế giai đoạn 2012-2015. Theo đó, mức chi hỗ trợ cán bộ y tế cho trẻ dưới 1 tuổi uống hoặc tiêm vắc xin đủ 8 liều theo quy định: Đối với xã đặc biệt khó khăn tăng từ 12.000 đồng lên 24.000 đồng/trẻ uống hoặc tiêm vaccine đủ liều (tương đương 3.000 đồng/trẻ/lần uống hoặc tiêm vaccine); đối với các xã còn lại tăng từ 6.000 đồng lên 12.000 đồng/trẻ uống hoặc tiêm vaccine đủ liều (tương đương 1.500 đồng/trẻ/lần uống hoặc tiêm vaccine).

Chất lượng vaccine tiêm chủng miễn phí hoàn toàn đảm bảo

Đây là khẳng định của PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) trước những lo lắng về chất lượng vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

+ Thưa ông, hiện nay đã có vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm nào?

Thế giới hiện đã có gần 30 vaccine phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm: Lao, tả, bạch hầu, cúm B, cúm mùa, viêm gan A, B, viêm não Nhật Bản, viêm màng não, sởi, ho gà, bại liệt, rotavirus vv… Hầu hết các loại vaccine này đã được sử dụng tại Việt Nam. Riêng chương trình TCMR đang triển khai miễn phí 10 loại vaccine phòng 12 bệnh trên toàn quốc. Chất lượng các loại vaccine do Việt Nam sản xuất đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận đạt chuẩn quốc tế. Ngoài ra, một số vaccine khác được tiêm chủng dịch vụ như vaccine dại, quai bị, thủy đậu...

+ Mới đây, Bộ Y tế khuyến cáo tiêm phòng vaccine Quinvaxem cho trẻ. Ông có thể nói rõ hơn về lợi ích và nguy cơ khi tiêm vaccine này?

Vaccine Quinvaxem đang được sử dụng miễn phí trong chương trình TCMR là loại phối hợp phòng các bệnh: bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib. Vaccine này do Hàn Quốc sản xuất, được WHO tiền thẩm định và UNICEF cung ứng, đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế. Đến nay, Quinvaxem đang được sử dụng an toàn ở 90 nước với trên 400 triệu liều. Vì vậy, các phụ huynh không phải băn khoăn về chất lượng của Quinvaxem. Giống các loại vaccine khác, khi tiêm Quinvaxem có thể có phản ứng thông thường và nhẹ như: sốt, sưng đau chỗ tiêm, quấy khóc, còn các phản ứng nặng rất hiếm xảy ra. Vừa qua, do không có vaccine tương ứng trong tiêm dịch vụ như vaccine 6 trong 1 (Hexa-infarix) hoặc 5 trong 1 (Pentaxim), mà một số bà mẹ cứ chờ đợi, khiến nhiều trẻ đã bị mắc ho gà. Vì vậy, các bà mẹ hãy đưa con em đi tiêm vaccine Quinvaxem trong chương trình TCMR, tránh cho trẻ bị bệnh.

+ Tỉ lệ người nhiễm viêm gan B hiện rất cao, cho thấy cần thiết phải tiêm phòng bệnh này cho trẻ. Tuy nhiên, nhiều bà mẹ còn băn khoăn về độ an toàn của vaccine này?

Cách lây truyền bệnh viêm gan B hoàn toàn giống đường lây truyền HIV/AIDS, nhưng tỉ lệ người nhiễm và khả năng lây truyền hiện rất cao, hơn cả HIV. Vaccine viêm gan B liều sơ sinh được triển khai trong chương trình TCMR tại Việt Nam từ năm 2005, do Công ty Vaccine và sinh phẩm số 1 sản xuất, là loại vaccine tái tổ hợp sản xuất theo công nghệ tiên tiến, giống như vaccine đang sử dụng tại Mỹ và nhiều nước khác. Từ năm 2010 đến 2014, số lượng vaccine để tiêm cho trẻ sơ sinh là hơn 6,5 triệu liều. Trong quá trình sử dụng cũng có một số trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng, tuy nhiên, tỉ lệ nằm trong ngưỡng cho phép của WHO và nhất là, không có trường hợp nào liên quan đến vaccine. Vì thế, các bậc phụ huynh không cần lo lắng về độ an toàn của vaccine, mà nên cho con em đi tiêm chủng, tránh cho trẻ có thể mắc bệnh viêm gan B-nguyên nhân rất cao của ung thư gan sau này.

+ Làm cách nào nhận biết những phản ứng của trẻ sau tiêm chủng để xử lý kịp thời?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Khi tiêm vaccine là đưa kháng nguyên vào cơ thể, nên có thể có phản ứng nhẹ hoặc nặng. Nhưng những phản ứng này đều được WHO hoặc các nhà sản xuất khuyến cáo theo từng loại vaccine, hoặc tỉ lệ phản ứng có thể xảy ra. Các phản ứng thông thường như sốt nhẹ, đỏ, hoặc sưng tại chỗ, thường tự khỏi sau vài ngày đến một tuần. Tuy nhiên, có thể gặp trường hợp tai biến nặng sau tiêm như kích thích, vật vã; mẩn ngứa, ban đỏ, mày đay, mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp tụt vv… thì cần dừng ngay việc tiêm phòng, để cấp cứu sốc phản vệ, chuyển bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất. Có thể xảy ra phản ứng quá mẫn cấp tính trong vòng 2 giờ sau khi tiêm với triệu chứng như thở khò khè, ngắt quãng, phát ban, phù nề… đòi hỏi cán bộ y tế phải dùng các thuốc kháng histamin, phòng ngừa bội nhiễm vv…

+ Ông có thể cho lời khuyên với các bậc cha mẹ khi đưa con đi tiêm phòng cần sẵn sàng những điều gì?

 PGS.TS Trần Đắc Phu: Khi đưa trẻ đi tiêm chủng, các bậc cha mẹ cần quan tâm xem trẻ có khỏe không, hay đang ốm? Có mắc bệnh gì có thể chống chỉ định tiêm, hoặc tạm hoãn trong tiêm chủng? Số tuổi của trẻ có thể sẽ tiêm vaccine gì trong đợt này? Tất nhiên, những vấn đề trên cán bộ y tế ở tại cơ sở tiêm chủng có thể giúp đỡ với việc tư vấn, khám sàng lọc, quyết định tiêm cho cháu vaccine gì, hay có tiêm không. Ngoài ra, các bậc cha mẹ cần nhớ mang sổ và phiếu tiêm chủng đầy đủ để được cán bộ y tế ghi chép và theo dõi lịch tiêm chủng của con mình. Các phụ huynh cũng cần chủ động thông báo tình trạng sức khỏe của con như đang ốm, sốt, sinh non, tiền sử bệnh tật, tiền sử dị ứng, có phản ứng mạnh với lần tiêm chủng trước không và đề nghị cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe của trẻ trước khi tiêm. Sau tiêm, cần theo dõi, chăm sóc trẻ tại nhà ít nhất 24 giờ, nếu không yên tâm về tình trạng sức khỏe của trẻ, cần trực tiếp gặp cán bộ y tế để được tư vấn cách chăm sóc trẻ.

+ Cảm ơn ông đã trao đổi!

VOV

Đảm bảo nguồn máu an toàn cho người dân Việt Nam

Mỗi năm nước ta cần khoảng 1,8 triệu đơn vị máu trong khi lượng máu hiến thu được chỉ đáp ứng khoảng một nửa nhu cầu thực tế. Hội nghị Truyền máu – Huyết học khu vực phía Nam lần thứ 3 là một trong những dịp hội tụ nhiều bác sĩ, nhà khoa học trong và ngoài nước gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ những thành tựu, tiến bộ của ngành. Năm nay cũng là năm đánh dấu cột mốc 20 năm thực hiện ca ghép tế bào gốc đầu tiên tại Việt Nam. Hiến máu là một phần thiết yếu của ngành y tế. Ước tính mỗi năm, trên thế giới có khoảng 108 triệu đơn vị máu được thu thập. Tại Việt Nam, trung bình hàng năm cần khoảng 1,8 triệu đơn vị máu trong khi lượng máu hiến thu được chỉ đáp ứng khoảng một nửa nhu cầu thực tế. Và như chúng ta đều biết, máu rất cần cho điều trị, có rất nhiều bệnh nếu không có máu, bệnh nhân sẽ không vượt qua được bệnh tật. Do đó, mỗi giọt máu hiến đều quý giá. Với tình trạng già hóa dân số và nhu cầu ngày càng cao của các quy trình y khoa nhằm chữa trị và cứu sống mạng người, thì việc đảm bảo nguồn máu đầy đủ và an toàn mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Hội nghị có sự tham gia diễn thuyết của bà Ahila Padmanathan – Giám đốc ngành Sàng lọc máu, Roche Châu Á Thái Bình Dương. Bà Padmanathan chia sẻ về kỹ thuật xét nghiệm tiên tiến nhất hiện nay và những giải pháp của Roche Diagnostics giúp nâng cao độ tin cậy, sự an toàn và tính hiệu quả cho việc cung cấp nguồn máu cho Việt Nam. “Ngoài việc giúp những bệnh nhân mắc các căn bệnh hiểm nghèo sống lâu hơn với chất lượng sống tốt hơn, hiến máu còn là biện pháp hỗ trợ cho các quá trình điều trị và phẫu thuật phức tạp. Vì vậy, đảm bảo nguồn máu an toàn, không chứa mầm bệnh lây nhiễm là một yếu tố thực sự rất cần thiết.” Roche là công ty có bề dày kinh nghiệm hơn 30 năm trong việc cung cấp các giải pháp chẩn đoán bệnh truyền nhiễm và các xét nghiệm sàng lọc máu sử dụng kết hợp kỹ thuật tiên tiến xét nghiệm huyết thanh và kỹ thuật khuếch đại axit nucleic (NAT). Kể từ lần đầu tiên được ra mắt vào năm 1996, hơn 100 xét nghiệm Elecsys chất lượng cao cho xét nghiệm huyết thanh đã được phát triển, cùng với hệ thống phân tích cobas hoàn toàn tự động thế hệ mới giúp cải thiện hiệu quả quy trình y khoa và quyết định lâm sàng. Giải pháp sàng lọc máu của Roche gồm một danh mục toàn diện các xét nghiệm NAT cho các ngân hàng máu dựa trên công nghệ “tiêu chuẩn vàng” real-time PCR. Những xét nghiệm tiên tiến này sử dụng các công nghệ giúp gia tăng khả năng phát hiện những vi-rút lây bệnh có trong máu hiến. Bác sĩ CK II Phù Chí Dũng – Giám đốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học, Phó Trưởng Ban tổ chức Hội nghị cho biết: “Máu là một chế phẩm sinh học rất đặc biệt. Máu dùng để truyền cho bệnh nhân phải đảm bảo được 3 yếu tố: thứ nhất, phù hợp về nhóm máu; thứ hai, phải an toàn về mặt miễn dịch, tức là không chứa các loại kháng thể bất thường; thứ ba, đặc biệt nhất là đảm bảo không lây lan các bệnh lây truyền đường máu, ví dụ như viêm gan B, viêm gan C, HIV, giang mai,… Vì vậy, máu cần được sàng lọc qua 4 công đoạn khác nhau: bảng câu hỏi, khám qua bác sĩ, xét nghiệm huyết thanh học, và gần đây nhất, 4 tỉnh, thành lớn trên cả nước đã  sử dụng kỹ thuật NAT, mang đến một nguồn máu an toàn hơn trước rất nhiều”. Ông Rod Ward, Tổng Giám đốc, Công ty TNHH Roche Việt Nam cho biết: “Roche Diagnostics sẽ tiếp tục phát triển những giải pháp mới để giúp các bệnh viện và phòng xét nghiệm sàng lọc và quản lý nguồn máu an toàn. Chúng tôi tự hào khi nói rằng Việt Nam hiện đã tiếp cận được với những giải pháp tiên tiến theo chuẩn quốc tế.” “Tham gia Hội nghị tại Đà Nẵng lần này cũng như những chương trình  khác liên quan đến an toàn truyền máu tại Việt Nam, chúng tôi cam kết luôn đồng hành, hỗ trợ các chuyên gia và nhà khoa học trong nước tiếp cận với những kiến thức mới nhất trong ngành. Chúng tôi hiểu được bệnh nhân tin tưởng vào các bác sĩ và toàn bộ hệ thống y tế, vì vậy chúng tôi tự hào khi mang đến giải pháp sàng lọc máu toàn diện, đảm bảo nguồn máu an toàn, từ việc cung cấp xét nghiệm, phần mềm và các hệ thống cần thiết, cũng như những dịch vụ và kỹ thuật hỗ trợ đi kèm.”  Ông Rod Ward cho biết thêm. Hội nghị Truyền máu - Huyết học khu vực phía Nam lần thứ 3 diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Furama, Đà Nẵng, Việt Nam từ ngày 21 đến 22/08/2015.

Vietnamnet

Gây áp lực cứu con, mẹ đâm đầu vào tường

"Có những bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt xuất huyết nặng đến hôn mê, ranh giới mong manh giữa sống và chết. Trước tình cảnh đó, nhiều người mẹ đã gây áp lực lên bác sỹ, từ van xin đến khóc lóc, thậm chí có bà mẹ đã đâm đầu vào tường..." - BS Hà Anh Tuấn, Trưởng khoa hồi sức tích cực và chống độc BV Nhi đồng Cần Thơ tâm sự. Nhiều bác sỹ ở Bệnh viện Nhi Cần Thơ ví khoa Hồi sức tích cực chống độc như "nơi đầu sóng ngọn gió của bệnh viện", bởi luôn tiếp nhận những ca cấp cứu nặng, nguy hiểm đến sự sống còn của người bệnh. Các BS, điều dưỡng tại khoa Hồi sức tích cực chống độc viện nhi Cần Thơ chuẩn bị cấp cứu người bệnh. BS Hà Anh Tuấn, Trưởng khoa chia sẻ: “Hầu hết bệnh nhi ở TP.Cần Thơ đều đổ dồn về đây để chữa trị, đó là chưa tính có khoảng 50% ca bệnh nặng từ các tỉnh thành lân cận tập trung về. Do vậy, bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải, trong khi cơ sở mới vẫn chưa thể đưa vào sử dụng”. Cách đây hơn 2 tuần, một bé gái Đ.T.B (7 tuổi, quê ở Q.Ô Môn, TP. Cần Thơ) bị sốt xuất huyết độ 4, mạch không bắt được, lạnh tím tái toàn thân, ói ra máu, lơ mơ. Các BS, điều dưỡng phải nhanh chóng truyền máu, đặt ống nội khí quản, thở máy và trợ tim cho bé. Ở ngoài, mẹ của B. cùng người nhà liên tục la hét, náo loạn…một mực yêu cầu BS phải nhanh chóng giúp... con mình tỉnh dậy. Chưa dừng lại, gần 1 giờ sau khi bé B. vào phòng cấp cứu, mẹ đứa trẻ cứ nghĩ con mình sẽ chết nên khóc lóc thảm thiết rồi…liên tục đâm đầu vào tường. Nữ điều dưỡng Nguyễn Thái Phương Anh đang thăm khám cho bệnh nhi bị sốt xuất huyệt cấp độ nặng. "Chúng tôi ở trong phòng nhìn ra thấy người nhà và họ cũng thấy bác sỹ và con mình nên áp lực rất lớn. Tôi ra động viên mẹ bé B. và gia đình: "Còn nuớc, còn tát. Các BS sẽ cố gắng hết mình để cứu chữa cho cháu, mong chị đừng làm ồn ảnh hưởng đến bệnh nhi xung quanh..." - BS kể. Hơn 6 giờ đồng hồ sau, bé B. đã có mạch, huyết áp và dần tỉnh lại. Những ngày sau, bé gái này tiến triển tốt và sau 10 ngày sức khỏe đã trở lại bình thường. "Lúc này mẹ bé B. đi vào phòng cúi lạy cảm ơn bác sĩ. Tôi đỡ chị ấy đứng lên và giải thích rằng đây là trách nhiệm của BS chúng tôi, không có gì phải làm thế cả. Chúng tôi cứu được cháu là vui lắm rồi…" - BS Tuấn nhớ lại. BS Tuấn kể tiếp, mới đây, bệnh nhân N.G.T.H. (quê Vĩnh Long) bị chân tay miệng độ 3, không tự thở được, suy hô hấp, bị nhiệt miệng, tím môi... Khi BS thông báo tình trạng bệnh nhi rất nguy kịch, người nhà nằng nặc đòi chuyển viện lên TP.HCM để cứu con. Các BS ở viện đặt mình trong tình thế "tiến thoái lưỡng nan". Nếu chuyển viện có thể cháu bé sẽ chết dọc đường, ở lại thì tỷ lệ sống chết là 50/50. "Đồng ý chuyển viện thì rảnh trách nhiệm, nhưng mình biết trước chuyển đi là cháu bé tử vong 90% trên đường. Hai vợ chồng ôm nhau khóc, mẹ đứa trẻ xin đi bằng được, trong lúc chồng thì bảo ở lại. Chúng tôi rơi vào tình thế khó khăn…" - vị trưởng khoa kể lại. Cũng theo BS Tuấn, may mắn phương án giữ cháu bé ở lại là lựa chọn đúng. Ba ngày sau bé H. bắt đầu có huyết áp và ngày tiếp theo bé tự thở được. Nữ điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Phương Anh chia sẻ, có nhiều phụ huynh đưa con đến phòng cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Họ không thể giữ bình tĩnh, trạng thái tâm lý hoảng loạn, gây áp lực bằng mọi giá các BS phải cứu con mình. "Người nhà chặn ở ngay 2 đầu lối ra vào phòng trong trạng thái hoảng loạn. Nhìn thấy vậy là giận lắm chứ…Nhưng chúng tôi tự dặn lòng mình: những đứa trẻ vô tội phải được sống… Được vậy phải xem các bé như là con đẻ, là cháu của mình từ đó hết lòng, hết sức cứu chữa" - điều dưỡng Phương Anh tâm sự. Tuy nhiên, có những lá thư mà tập thể y bác sĩ nơi đây nhận được lại làm họ ấm lòng: "...Tôi có đứa con vào khám, nhập viện để điều trị. Sau khi xét nghiệm máu và cháu có triệu chứng co giật từ độ II chuyển sang độ III, cháu T. trong tình trạng hết sức nguy hiểm đến tính mạng. Tôi và gia đình hết sức lo lắng, đau lòng. Sau 36 giờ trong phòng hồi sức, được sự chăm sóc nhiệt tình của các y, bác sỹ tại khoa, cháu T. đã bình phục trở lại và ra viện ngày 30/3/2015.... Tôi không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn từ tận đáy lòng mình". Đọc lá thư trên bàn, chị Phương Anh cười nói: “Nhiều lúc, tôi tự đặt câu hỏi mình có chọn nhầm nghề không? Thế nhưng nhìn những dòng chữ nguệch ngoạc từ người nhà bệnh nhân gửi cảm ơn bác sỹ, điều dưỡng ở khoa đã tận tâm cứu sống con mình; những tình cảm rất thật đó…thì suy nghĩ trong tôi không còn.”

Pháp luật Tp. Hồ Chí Minh

Bác sĩ Tây mê Đông y Việt

Tình cờ gặp BS Trương Thìn, một bác sĩ Pháp đã mê Đông y Việt và quyết định ở lại học nghề hơn tám năm trời. Tại một phòng bệnh khoa Nội 1 của Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, bốn bác sĩ (BS) Tây mặc áo blouse đang chụm đầu xì xào xì xồ và ghi ghi chép chép. Rồi một người đến cạnh giường bệnh nhân Ngô Thị Lan (70 tuổi, quận Tân Bình) dùng tay bắt mạch và bấm huyệt từ đầu xuống cổ, lưng, bụng, chân tay. Cứ sau mỗi lần bấm, “ông Tây” đều hỏi một câu bằng tiếng Việt “Đau không?”. Bà Lan cho biết bà bị đau chân đã mấy tháng qua. Một người bạn của con trai bà mách nước giã khế chua uống thì sẽ hết. Bà nghe theo và chỉ sau một tháng chân bà sưng phù lên, đi hết nổi nên vội đến Viện Y dược học dân tộc. Ngoài ra, bà Lan còn mắc thêm bệnh tiểu đường, cao huyết áp… BS Hồ Ngọc Hồng, Trưởng khoa Nội 1, người hướng dẫn các BS Tây khám, chữa bệnh bằng Đông y, đồng thời kiêm phiên dịch từ tiếng Việt qua tiếng Anh. Sau khi nghe BS Hồng phiên dịch, một BS Tây dịch lại từ tiếng Anh qua tiếng Pháp cho những BS Tây đi cùng. Họ bắt đầu ghi chép bệnh tình bệnh nhân, vẽ hình và điểm các huyệt chuẩn bị châm cứu. Chỉ trong vòng năm phút, với động tác rất nhẹ nhàng, tám cây kim được châm vào các huyệt đạo trên cơ thể bà Lan. Bà Lan mắt lim dim như cảm nhận sự khai thông các huyệt đạo trong cơ thể. Rồi các BS Tây tiếp tục chuyển qua khám các bệnh nhân xung quanh, các công đoạn hỏi bệnh, khám bệnh, ghi chép… như trên được lặp lại. Phòng bệnh đa số là bệnh già, khi thấy các BS Tây mọi ánh mắt đều đổ dồn về họ với tất cả sự tò mò, vì ít ai nghĩ người Tây lại qua Việt Nam học chữa bệnh bằng Đông y.

Hơn tám năm học Đông y Việt

Họ là bốn BS Tây, trong đó có ba người Pháp và một người Đức. BS Marc Mézard, người Pháp, là giám đốc trường French Vietnamese Institute of Traditional (Học viện Truyền thống Việt-Pháp) được thành lập năm 2000. Ông Marc là thầy giáo và ba BS kia là học trò được ông đưa từ Pháp qua Việt Nam thực tập về Đông y. Năm 1991, ông Marc đến Việt Nam công tác và cơ duyên đã đưa ông đến gặp BS Trương Thìn, cố Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM. “Sau một tuần làm việc với BS Trương Thìn về chữa bệnh Đông y, tôi cảm thấy mình hạnh phúc hơn bao giờ hết” - BS Marc kể. Theo BS Marc, nhìn BS Trương Thìn chữa bệnh cho bệnh nhân giống như người nghệ sĩ tài hoa dạo khúc nhạc làm say lòng khán giả. Thế là từ năm 1992 đến 2000, hơn tám năm ông quyết định theo thầy Trương Thìn học Đông y Việt Nam. “Ở thầy Trương Thìn, tôi tìm thấy sự logic chặt chẽ của Đông y Việt Nam. Thầy chứng minh hợp lý các huyệt đạo đều liên quan với nhau. Một căn bệnh giống như một cái cây, cây được nuôi dưỡng từ gốc, cây có bao nhiêu cành lá và các cành lá đó có liên quan gì với nhau. Khi gặp cùng một bệnh, các thầy thuốc đều điều trị bằng một phương pháp thống nhất. Không giống như Đông y Trung Quốc, mỗi người làm một kiểu, không rõ ràng” - BS Marc giảng giải. Ông cũng học được ở BS Trương Thìn phương pháp khám, chữa bệnh Đông-Tây y kết hợp. Theo đó, một bệnh nhân nếu dùng các phương pháp Tây y như xét nghiệm, chụp X-quang… cho ra kết quả và dùng phương pháp Đông y như châm cứu, bấm huyệt… thì hiệu quả sẽ rất tốt.

Về Pháp mở trường

Học y đạo, y thuật từ BS Trương Thìn, BS Marc về Pháp mở trường để truyền nghề lại cho học trò của mình. Trường của ông dành cho những người ham mê về Đông y. Học trò của ông là điều dưỡng, bác sĩ, dược sĩ, thậm chí là những người buôn bán bình thường ở khắp các nước Tây Âu. Một khóa học châm cứu, nhận biết cây thuốc, massage, bấm huyệt tại trường của BS Marc mất 3-4 năm (nhưng chỉ học 30 ngày/năm). BS Marc giải thích vì là lớp dành cho mọi đối tượng, họ có thể vừa học vừa làm nên thời gian học là vào cuối tuần và mỗi lớp chỉ 5-7 học viên. Sau thời gian học lý thuyết của thầy Trương Thìn tại trường bên Pháp, học viên có thời gian sang Việt Nam thực tập trên người bệnh và học về thuốc, bào chế thuốc. Khi học viên đã đủ thời gian học lý thuyết cùng thực hành, họ được Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, trường của BS Marc chứng nhận và có thể hành nghề. BS Mars còn viết năm cuốn sách về Đông y, trong đó đáng chú ý là cuốn La Medicine Traditionnelle Orientale (Y học truyền thống phương Đông) mà ông kế thừa, phát triển từ những phương pháp của BS Trương Thìn. Chúng tôi hỏi: “Là một BS Tây y ông có nhận xét gì về Đông y”, BS Marc nói: “Mỗi phương pháp có cái hay của nó. Chẳng hạn, đối với bệnh cao huyết áp, nếu châm cứu và uống thuốc Đông y thì bệnh sẽ giảm, dù không thể hết 100% nhưng tốt hơn việc uống thuốc Tây đơn thuần”. BS Marc Mézard học y khoa tại Trường Lyon (Pháp, 1968-1972). Từ thời còn sinh viên, thấy cảnh máu me trong mổ xẻ và chứng kiến những tác dụng phụ của thuốc khiến nhiều bệnh nhân nguy kịch, ông nghĩ đến một phương pháp chữa bệnh chỉ dùng cây cỏ, không có hóa chất. Ông đã chuyển sang học Đông y Trung Quốc 10 năm và có thời gian làm việc tại Trung Quốc, đồng thời là giảng viên một số trường tại Pháp. Đã 10 năm qua, mỗi năm BS Marc dẫn khoảng hai đoàn học trò (7-10 người/đoàn) đến Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM thực hành về Đông y.

Tuổi trẻ

Phẫu thuật thành công bé gái có trái tim ngoài lồng ngực

Bệnh của bé T. hiếm gặp trên thế giới và cũng là trường hợp đầu tiên ở Việt Nam được phẫu thuật thành công. Chiều 23-8, bác sĩ Nguyễn Hoàng Định, trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết các bác sĩ của bệnh viện vừa phẫu thuật thành công cho cho bé gái V.H.B.T (16 tháng tuổi, ở Bình Dương) có trái tim nằm ngoài lồng ngực, chỉ được bao bọc bởi một lớp da mỏng. Từ khi còn trong bụng mẹ, qua siêu âm, bé T. đã được phát hiện mắc bệnh tim bẩm sinh. Khi ra đời, bé có khối phồng to ở ngực và bụng. Bé lớn chậm hơn nhiều so với những trẻ em bình thường và bị tím tái ngày càng nhiều. Qua một chương trình nhân đạo, bé được đưa đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM điều trị. Tại đây, các bác sĩ nhận định do tim của bệnh nhi chỉ có một buồng tống máu ra ngoài, máu lên phổi không đủ, khuyết xương ức và thành bụng làm tim và các cơ quan trong bụng lộ ra ngoài nên điều trị cho bé rất phức tạp. Bệnh viện Đại học Y Dược đã hội chẩn với nhiều chuyên gia thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau như phẫu thuật tim mạch, phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, phẫu thuật nhi, tiêu hoá và gây mê hồi sức… về trường hợp này để lựa chọn giải pháp điều trị tốt nhất. Giải pháp được lựa chọn là sẽ tiến hành hai lần phẫu thuật cho bé. Ngày 26-6, bé được can thiệp để sửa chữa những tổn thương trong tim. Ngày 29-6, bé được phẫu thuật đưa tim vào lồng ngực, đưa các cơ quan khác vào bụng, tái tạo thành ngực, thành bụng và tạo màng ngăn cách hai khoang ngực và bụng riêng biệt. Sau mổ, bé được chăm sóc tích cực tại khu Hồi sức Tim mạch và xuất viện ngày 3-8. Ngày 17-8, sau hai tuần xuất viện bé quay lại bệnh viện tái khám với tình trạng sức khỏe hồi phục tốt.

Phụ nữ today

Bộ màu vẽ bằng tay Trung Quốc chứa chất gây ung thư

Theo danh mục sản phẩm bị thu hồi RAPEX của Liên minh châu Âu, giới chức Hà Lan đang tiến hành thu hồi sản phẩm bộ màu vẽ bằng tay mang nhãn hiệu Bruynzeel do Trung Quốc sản xuất.Sản phẩm có số model là 9518K04, mã vạch là 8710141101062; 130828001. Các điều tra viên cho biết, bộ sản phẩm gồm 4 ống màu vẽ bằng tay: màu xanh lá cây, màu vàng, màu đỏ và màu xanh. Tất cả hộp màu được đóng gói vào một hộp các tông màu vàng. Bộ màu vẽ này được sản xuất tại Trung Quốc và bị thu hồi vì chúng có chứa thành phần độc hại. Sau khi tiến hành phân tích nhiều mẫu, các nhà khoa học khẳng định, nhà sản xuất đã không tuân thủ các yêu cầu chỉ thị an toàn về đồ chơi và tiêu chuẩn châu Âu EN 71-12. Các màu vẽ có chứa chất N-Nitrosodiethanolamine - một chất gây ung thư với nồng độ 3,5 mg/kg. Sản phẩm thuộc danh mục đồ chơi 86000000 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

 

Ngày 28/08/2015
Ban Biên tập Website
(Điểm tin từ các báo)
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích