Home TRANG CHỦ Thứ 3, ngày 23/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 4 9 4 5 8 9
Số người đang truy cập
1 1 4
 Tin tức - Sự kiện Điểm tin y tế
Ảnh sưu tầm từ internet
Điểm tin y tế từ các báo ngày 8/6 và 9/6 năm 2015

            Gần 100% mẫu nước ngầm tại TP.HCM bị ô nhiễm; Ca nghi nhiễm MERS-CoV tại VN cho kết quả xét nghiệm âm tính; Cảnh giác cao độ với trường hợp nghi nhiễm virus MERS; Phát triển y học cổ truyền đáp ứng nhu cầu nhân dân; Cắt gan cứu trẻ 2 tháng tuổi; Hàn Quốc có thêm 14 ca nhiễm MERS mới, bệnh nhân thứ 5 tử vong

Thanh niên

Gần 100% mẫu nước ngầm tại TP.HCM bị ô nhiễm

Ngày 7.6, tại chương trình Lắng nghe và trao đổi do HĐND TP.HCM và Đài truyền hình TP.HCM phối hợp tổ chức, Phó giám đốc Sở GTVT Lê Hoàng Minh cho biết tổng số hộ dân trên địa bàn TP chưa sử dụng nước sạch (đang sử dụng nước từ các nguồn khác như giếng khoan, nước mưa...) lên đến 358.351 hộ. TP đã lên kế hoạch từ nay đến cuối 2015 giải quyết nước sạch cho thêm 213.259 hộ dân, số còn lại tiếp tục giải quyết trong những năm tiếp theo. Một điều đáng lo ngại là nguồn nước ngầm đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Qua kiểm tra chất lượng nước đối với các hộ dân chưa được sử dụng nước sạch tại 1.400 vị trí thuộc 4 huyện: Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và 3 quận: Bình Tân, Thủ Đức, 12 thì chỉ có 45 mẫu (tỷ lệ 3,21%) đạt các chỉ tiêu hóa lý và vi sinh theo Quy chuẩn VN 02:2009/BYT của Bộ Y tế, còn lại đều không đạt chất lượng và bị ô nhiễm. Ngoài nỗ lực tập trung đầu tư mở rộng mạng lưới cung cấp nước sạch, UBND TP giao Trung tâm y tế dự phòng TP tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho UBND các quận, huyện phương pháp xử lý nước tại các hộ gia đình để đảm bảo sức khỏe cho người dân.

Ca nghi nhiễm MERS-CoV tại VN cho kết quả xét nghiệm âm tính

Ngày 7.6, đại diện Bộ Y tế cho biết ca nghi nhiễm vi rút gây hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-CoV) tại phía nam là phụ nữ (52 tuổi, ngụ Bình Dương) du lịch từ Dubai (UAE) trở về VN vào ngày 4.6 qua sân bay Tân Sơn Nhất, đã cho kết quả âm tính với MERS. Ngày 4.6, người phụ nữ này có triệu chứng sốt tại Dubai và tự uống thuốc hạ sốt; sau khi về VN, sáng 5.6 do vẫn còn sốt, bệnh nhân đi phòng khám tư, uống thuốc nhưng không hết sốt. Lo sợ, gia đình bệnh nhân liên lạc với nhân viên kiểm dịch y tế quốc tế TP.HCM và được hướng dẫn đến điều trị tại Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Do bệnh nhân có triệu chứng sốt 39 độ C, ho, sổ mũi, họng đỏ nên được cách ly, điều trị riêng; mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân được chuyển đến Viện Pasteur TP.HCM xét nghiệm và cho kết quả âm tính trong ngày 5.6. Trong đoàn du lịch cùng bệnh nhân này hiện chưa ghi nhận các trường hợp ốm, sốt. Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý, khi có biểu hiện nghi MERS-CoV, cần đến BV, nếu đến cơ sở khám tư rất dễ làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng (nếu nhiễm bệnh). Cũng trong ngày 7.6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã kiểm tra công tác tiếp nhận điều trị MERS-CoV tại một số BV ở Hà Nội. Tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, TS-BS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV cho biết chưa ghi nhận ca bệnh MERS-CoV. Trong một diễn biến khác, chính phủ Hàn Quốc ngày 7.6 chính thức công bố tên 24 BV có điều trị cho bệnh nhân nhiễm vi rút MERS-CoV. Yonhap dẫn lời giới chức cho biết đến nay các trường hợp đều bị lây ở BV nên cần phải tăng cường các biện pháp phòng chống dịch tại các cơ sở y tế. Trước đó, giới chức Hàn Quốc chỉ cho biết tên 2 cơ sở có liên quan là BV Thánh Mary (tỉnh Gyeonggi), nơi điều trị bệnh nhân đầu tiên bị MERS và Trung tâm y khoa Samsung ở Seoul, nơi có bác sĩ nhiễm bệnh từng tiếp xúc hơn 1.500 người cuối tháng 5. Theo nhà chức trách, việc theo dõi hơn 1.800 người bị cách ly do nghi ngờ từng tiếp xúc với các bệnh nhân  MERS cũng sẽ được siết chặt và nếu cần thiết, sẽ theo dõi họ qua ứng dụng định vị cài trên ĐTDĐ. Cùng ngày, Bộ Y tế Hàn Quốc xác nhận thêm 14 trường hợp nhiễm MERS-CoV, nâng tổng số ca nhiễm bệnh lên 64, trong đó 5 người đã tử vong.

An ninh thủ đô

Cảnh giác cao độ với trường hợp nghi nhiễm virus MERS

Sáng 7-6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã kiểm tra công tác chuẩn bị, phòng chống MERS tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương – cơ sở được phân công tiếp nhận ca bệnh MERS (nếu có) tại Hà Nội. Mới đây, bệnh viện này đã tiếp nhận 2 bệnh nhân nghi ngờ nhiễm virus MERS nhưng kết quả xét nghiệm của cả 2 đều âm tính. 

Cần thiết có thể cách ly cả bệnh viện

Theo báo cáo của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, bệnh viện vừa tiếp nhận 2 trường hợp nghi ngờ nhiễm MERS, đều là những người mới về nước sau chuyến đi đến Trung Quốc, Hàn Quốc. Trong đó, một người thấy có biểu hiện sốt nên tự đến bệnh viện làm xét nghiệm, người còn lại được bệnh viện tỉnh chuyển đến. Sau khi khai thác tiền sử, các bác sĩ đã cho 2 bệnh nhân này cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm. Kết quả, cả 2 bệnh nhân đều có kết quả âm tính với virus MERS. Trước đó, trên một số trang mạng xã hội đã đưa thông tin không đầy đủ rằng có 2 bệnh nhân nghi ngờ MERS nhập viện phải cách ly khiến cho dư luận hoang mang, người bệnh trong bệnh viện lo lắng. TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương khẳng định, đây chỉ là quy trình giám sát thông thường, tất cả những người nhập cảnh vào Việt Nam từ Hàn Quốc trong thời điểm này, ngoài việc giám sát thân nhiệt tại sân bay, khai báo y tế… đều được y tế cơ sở theo dõi tại nơi cư trú để kịp thời phát hiện dấu hiệu nguy cơ. Hiện tại, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã sẵn sàng phương án cách ly cả bệnh viện nếu cần thiết. Cụ thể, khi có bệnh nhân MERS thì ca bệnh này sẽ được cách ly tại tầng 2, nếu dịch lan rộng sẽ tiếp tục cách ly tại các tầng khác. 

Phải dự phòng, chống lây chéo

Dịch MERS tại Hàn Quốc đang lây lan rất nhanh, biểu hiện của bệnh giống các bệnh viêm đường hô hấp khác, do đó việc phát hiện ra ca bệnh đầu tiên rất quan trọng trong việc phòng, khống chế bệnh nếu dịch xâm nhập. Bộ Y tế đã nâng mức độ giám sát với người bệnh nghi ngờ, không chỉ giám sát với những người viêm phổi nặng cộng yếu tố dịch tễ mà chỉ cần có yếu tố dịch tễ kèm thêm sốt là phải cách ly và lấy mẫu xét nghiệm MERS. Để làm tốt công tác này, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu các bệnh viện được giao nhiệm vụ tiếp nhận bệnh nhân nghi nhiễm MERS cần có sự phân loại, cách ly ngay từ khu vực phòng khám đối với những người sốt, ho, cộng thêm yếu tố dịch tễ về từ Hàn Quốc, vùng Trung Đông. Đặc biệt, các bệnh viện cũng cần phải làm tốt công tác dự phòng lây nhiễm chéo trong bệnh viện giữa bệnh nhân với bệnh nhân, bệnh nhân với nhân viên y tế, nhân viên y tế với người khác. Theo cập nhật của Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, đến ngày 7-6, tại Hàn Quốc đã ghi nhận tổng cộng 64 trường hợp nhiễm MERS, trong đó có 5 ca tử vong. 14 cơ sở y tế (11 bệnh viện và 3 phòng khám nhỏ) đã ghi nhận các trường hợp mắc MERS vào khám, điều trị ít nhất 1 lần. Tại Việt Nam hiện chưa ghi nhận ca bệnh nào. Trước đó, ngày 6-6, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đã cùng Sở Y tế Hà Nội kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị sẵn sàng phòng chống dịch bệnh MERS tại quận Nam Từ Liêm. Đây là địa phương có nhiều người Hàn Quốc sinh sống và làm việc.

Phát triển y học cổ truyền đáp ứng nhu cầu nhân dân

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về công tác y dược cổ truyền. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, các bộ, ngành, địa phương tổ chức hoạt động y học cổ truyền tại tất cả các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) và phòng bệnh; phối hợp y học cổ truyền và y học hiện đại tại các cơ sở KCB, nhất là tại các khoa khám bệnh. Kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong tất cả các khâu: Khám bệnh, chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh. Xác định danh mục các bệnh khám, chữa bệnh hiệu quả bằng y học cổ truyền; danh mục các bệnh khám, chữa bệnh hiệu quả khi kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại để các bệnh viện thực hiện. Bộ Y tế, các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng chính sách về bảo hiểm y tế để tạo điều kiện khuyến khích nhân dân khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền với mô hình thí điểm thông tuyến (không dùng giấy giới thiệu chuyển viện) để người dân tự lựa chọn cơ sở y học hiện đại hay y học cổ truyền để KCB.

Lao động 

Nâng mức giám sát dịch MERS

Đó là yêu cầu của GS-TS Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế - trong buổi kiểm tra công tác chuẩn bị cho phòng, chống dịch MERS-CoV tại Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Bắc Thăng Long - TP.Hà Nội. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, tình hình dịch bệnh MERS ở Hàn Quốc đang diễn biến rất nhanh và phức tạp. Hiện Hàn Quốc đã có 64 ca nhiễm MERS được xác định, trong đó có 5 trường hợp tử vong. Để chuẩn bị đối phó với tình hình dịch bệnh nếu có xảy ra tại VN, Bộ Y tế đề nghị các BV nâng mức độ giám sát dịch, chỉ cần xuất hiện một trong các triệu chứng của bệnh (sốt, ho, khó thở…) và có tiền sử dịch tễ đi về từ vùng có dịch phải được lấy mẫu xét nghiệm để chẩn đoán xác định MERS-CoV. Các BV cần tăng cường việc phát hiện sớm các ca bệnh nghi ngờ, có phương án cách ly, khoanh vùng để xử lý ổ dịch, chẩn đoán điều trị kịp thời, tích cực hạn chế thấp nhất tỉ lệ tử vong.  Bên cạnh việc rà soát, xem xét lại thuốc, dịch truyền, trang thiết bị y tế, trang thiết bị phòng hộ cá nhân cho một số khoa: Khám bệnh, Truyền nhiễm, Hồi sức tích cực chống độc, Labo xét nghiệm; bệnh viện cần bố trí khoa phòng để cách ly cán bộ y tế tham gia điều trị bệnh nhân MERS, có phương án bố trí khoa phòng, vận chuyển khi số lượng bệnh nhân tăng, kể cả tính đến trường hợp xấu nhất sẵn sàng cách ly cả bệnh viện. Tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương đã sẵn sàng cho việc tiếp nhận, điều trị và phòng, chống lây nhiễm dịch bệnh này. BV đã xây dựng xong kế hoạch phòng, chống  MERS-Cov, thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch, thành lập đội cấp cứu ngoại viện, phân công nhiệm vụ tiếp nhận, thu dung, phân loại bệnh nhân, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế; chuẩn bị các nguồn lực đảm bảo triển khai các hoạt động chuyên môn đạt hiệu quả cao cũng như sẵn sàng ứng phó khi dịch bệnh xảy ra, phân công đảm bảo chế độ trực theo 4 cấp 24/24h; đào tạo chỉ đạo tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn; tăng cường công tác truyền thông cho cán bộ nhân viên bệnh viện cũng như gia đình người nhà bệnh nhân về bệnh dịch, đường lây truyền, các cách phòng, chống cũng như theo khuyến cáo và thông tin tình hình về dịch của Bộ Y tế; BV đã chuẩn bị cho phòng Labo để chẩn đoán được ngay, xét nghiệm 4 tiếng có kết quả, đã xây dựng quy trình để xử lý mẫu bệnh phẩm cũng như lên chương trình tập huấn... Bên cạnh đó, BV thường xuyên thực hiện hoạt động khử trùng môi trường, khử khuẩn không khí, xử lý chất thải BV theo quy định, phòng, chống lây nhiễm chéo trong và xung quanh BV... Do tính chất phức tạp của dịch bệnh MERS-CoV, bên cạnh việc đồng thời tăng cường công tác giám sát, công tác dự phòng lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế, Thứ trưởng đề nghị các BV cần động viên kịp thời cho các nhân viên và cán bộ y tế, tăng cường việc đào tạo tập huấn và hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật cho cơ sở y tế tuyến dưới, mặt khác cần tuyên truyền cho người dân biết về tình hình dịch bệnh cũng như các khuyến cáo của Bộ Y tế để người dân không hoang mang, chủ động trong công tác phòng bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Cắt gan cứu trẻ 2 tháng tuổi

Khối u máu lớn ở gan phải với nhiều đường thông bất thường giữa động mạch và tĩnh mạch gan, gây suy tim, khiến tính mạng của bệnh nhi 2 tháng tuổi bị đe dọa. Theo thông tin được đăng tải tại website BV Nhi Trung ương, bé Đoàn Thế Bảo (ở Sơn Đông, Bắc Giang, 2 tháng tuổi) có khối u máu lớn ở gan phải, với nhiều đường thông bất thường giữa động mạch và tĩnh mạch gan, gây suy tim, khiến tính mạng bị đe dọa. Các bác sỹ tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã phẫu thuật cắt gan phải cứu sống bệnh nhi này. Chị Thảo, mẹ của bé Bảo cho biết, khi mới 24 ngày tuổi, cháu có những cơn ho nhẹ, sau đó ho bé khó thở, kèm những cơn tím người. Vì vậy, gia đình đã cháu đến khám tại bệnh viện huyện. Tại đây, bác sỹ chẩn đoán cháu bị mắc tim bẩm sinh có tăng áp phổi nặng chưa rõ nguyên nhân. Ngày 4/4 vừa qua, bé được đưa vào đơn vị Hồi sức tim mạch, BV Nhi Trung ương trong tình trạng nguy kịch như: khó thở, suy hô hấp, tím tái. Tại BV Nhi Trung ương, phim chụp X-quang của cháu Bảo cho thấy bóng tim rất to, siêu âm tim thấy tim phải giãn nhiều, áp lực buồng tim phải cao-những biểu hiện của suy tim nặng.Suy tim ở trẻ em thường do 3 nhóm nguyên nhân: bệnh lý tim bẩm sinh, bệnh lý cơ tim hoặc rối loạn chuyển hóa. Tuy nhiên, các kết quả xét nghiệm loại trừ hoàn toàn khả năng bé Bảo mắc các bệnh này. Dấu hiệu huyết động bất thường kết hợp tình trạng tăng áp phổi nặng hướng các bác sĩ tới khả năng cháu bị bệnh lý ngoài tim, có thể là ở gan. Và kết quả siêu âm dopler gan cấp cứu phát hiện khối u máu lớn ở gan phải của cháu, với nhiều đường thông bất thường giữa động mạch và tĩnh mạch gan. Đây chính là thủ phạm khiến cháu bé suy tim nặng, tăng áp phổi nặng.Ngày 14/5, sau cuộc hội chẩn giữa chuyên khoa Tim mạch, chẩn đoán hình ảnh, hồi sức ngoại và ngoại khoa, các bác sĩ thống nhất phẫu thuật cắt gan cấp cứu cho cháu Bảo ngay trong chiều hôm đó. PGS.TS Trần Ngọc Sơn-Phó trưởng khoa Ngoại, người trực tiếp thực hiện ca mổ cho biết, cắt gan phải là một phẫu thuật lớn và phức tạp, đòi hỏi kỹ năng chuyên sâu. Khó khăn càng nhiều khi bệnh nhân mới 40 ngày tuổi và đang trong tình trạng cấp cứu, suy hô hấp, suy tim. Nguy cơ chảy máu trong mổ cao hơn so với các ca cắt gan thông thường vì đường thông động-tĩnh mạch bất thường khiến phần gan phải bị tăng tưới máu, tĩnh mạch gan phải giãn rất lớn. Nhờ sự phối hợp tốt giữa các ê-kíp, ca phẫu thuật đã diễn ra suôn sẻ. Sau ca phẫu thuật kéo dài 4 giờ đồng hồ, bé Bảo được chăm sóc tích cực tại phòng cách ly khoa Hồi sức ngoại. Ngay sau mổ các thông số về hô hấp của trẻ bắt đầu được cải thiện. Sau hơn 2 tuần được chăm sóc tích cực tại khoa, tình trạng suy tim và tăng áp phổi của bé Bảo được kiểm soát tốt. Dự kiến cháu có thể ra viện trong thời gian tới. Đây là bệnh nhi nhỏ tuổi nhất mắc bệnh lý này được cứu sống tại BV Nhi Trung ương. Có thể nói, thành công của ca bệnh này sẽ là tiền đề để nhiều trẻ em mắc các bệnh về tim do nguyên nhân tương tự được cứu sống.

Tuổi trẻ

Hàn Quốc có thêm 14 ca nhiễm MERS mới, bệnh nhân thứ 5 tử vong

Hôm nay (7-6), nhà chức trách Hàn Quốc cho biết nước này lại có thêm 14 ca nhiễm MERS mới, nâng tổng số người bị bệnh lên 64 ca. Theo Reuters, đáng ngại hơn khi đã có bệnh nhân thứ 5 nhiễm virus MERS tử vong tại Hàn Quốc. Người bệnh vừa qua đời là một ông cụ 75 tuổi đã ở cùng phòng cấp cứu với một bệnh nhân nhiễm MERS khác.

MERS còn đáng sợ hơn SARS

Tỉ lệ tử vong khoảng 40%, chưa có văcxin, chưa có thuốc điều trị và đang có nguy cơ lan rộng ở châu Á, virút MERS là mối đe dọa mới nhất của thời các đại dịch toàn cầu. Trong tuần rồi, nhà chức trách Hong Kong đã cách ly 18 người đi chung với một người Hàn Quốc tới thành phố này bị nhiễm MERS (hội chứng suy giảm hô hấp Trung Đông). Người đàn ông Hàn Quốc 44 tuổi nhiễm virút MERS đã lên chuyến bay của Hãng Asiana Airlines từ Seoul tới Hong Kong ngày 26-5, rồi đi bằng xe buýt vào Trung Quốc đại lục, được xác nhận là ca nhiễm MERS đầu tiên ở Trung Quốc Virút MERS, thuộc họ corona virút, là loại rất khó sống sót ở môi trường bên ngoài. Ngoài cơ thể vật chủ, chúng chỉ sống được tối đa là một ngày và bị giết chết dễ dàng bởi những hóa chất trong bột giặt hay nước rửa tay. MERS rất giống dịch SARS từng gây ra cơn hoảng loạn ở Trung Quốc năm 2002. Xuất phát từ Saudi Arabia, MERS nhanh chóng lan ra ở Trung Đông và hồi tháng 5, Hàn Quốc đã xác nhận 15 trường hợp nhiễm MERS. Các chuyên gia mới xác định được là MERS cùng chủng loại với virút SARS, nhưng có sức tàn phá lớn hơn. Các triệu chứng của người nhiễm MERS là ho, thở gấp, sốt và viêm phổi. Virút tấn công các tế bào ở phổi và có thể ở thận, với dấu hiệu thận chịu nhiều tổn thương trong nhiều trường hợp tử vong. Tuy nhiên, cũng có trường hợp nhiễm MERS mà không hề có triệu chứng. Các nhà khoa học cho tới giờ vẫn đang tranh luận về nguồn gốc của virút MERS, mới lần đầu họ thấy xuất hiện ở người. Một số chuyên gia nói virút này đã lây lan trong những con lạc đà ở Ả Rập trong hơn 20 năm qua. Dơi cũng là loài có mang virút, nhưng hiện chưa rõ loài nào mới là vật chủ đầu tiên của MERS. Một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí y khoa và hóa sinh mBio cho rằng MERS có thể lây truyền qua lại giữa người và lạc đà, nhưng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chưa xác nhận thông tin này. Dẫu vậy, những nạn nhân đầu tiên của MERS đều được ghi nhận có tiếp xúc với lạc đà, ăn thịt hoặc uống sữa của chúng. Cơ chế lây truyền của MERS cũng chưa rõ, có thể là qua không khí hoặc chất lỏng trong cơ thể. Rất nhiều bệnh nhân là những nhân viên y tế hay thành viên gia đình tiếp xúc nhiều và gần với người nhiễm bệnh ban đầu. Thật ra, các trường hợp MERS đầu tiên được xác nhận đã là từ năm 2012 tại JordanSaudi Arabia. Nhưng tới giữa năm 2014, và nhất là thời gian qua, MERS bắt đầu lây lan nhanh và gây nhiều chú ý. Tính tới tháng 6-2014, MERS đã lây lan ra 23 nước, chủ yếu là ở Trung Đông và châu Á, với gần 700 người nhiễm và gần 300 trường hợp tử vong riêng ở Saudi Arabia. Hai ca cũng đã được phát hiện ở Mỹ, một số ca khác ở Pháp, Hi Lạp, Ý, Malaysia, Tunisia, Anh... Tất cả những người nhiễm bệnh đều đã tới Trung Đông hoặc tiếp xúc với các bệnh nhân MERS khác. Từ tháng 4-2014, WHO bắt đầu cảnh báo về sự gia tăng nhanh chóng các ca nhiễm MERS, rất nhiều ca lây từ người sang người, nhưng WHO cũng nói số ca gia tăng có thể vì chúng ta biết nhiều về căn bệnh này và phát hiện được virút tốt hơn so với trước kia. Các bệnh nhân hiện đều phải cách ly và điều trị bằng các loại thuốc kháng virút, hạ sốt, hỗ trợ hô hấp nếu họ thở khó khăn, nhưng các nhà khoa học vẫn chưa thể điều chế văcxin, với viễn cảnh sáng sủa nhất là phải mất ba năm nữa mới có thể cho ra đời một loại văcxin hiệu quả. Tỉ lệ tử vong của những người nhiễm MERS từ năm 2012 tới nay là khoảng 40%, theo WHO. Tất cả những ai bị sốt và có những triệu chứng bệnh lý hô hấp trong vòng 14 ngày sau khi tới Trung Đông đều được khuyến cáo đi xét nghiệm virút MERS. Tuy nhiên, không giống như SARS vốn tập trung ở những người trẻ và khỏe mạnh, MERS thường tấn công những người có tiền sử bệnh lý về hô hấp hay tiểu đường.

Những câu hỏi chưa được trả lời

Nghiên cứu đăng tải trên mBio khẳng định MERS là một loại virút có ở lạc đà ít nhất đã hai thập kỷ qua và lây từ lạc đà sang người. Trưởng nhóm nghiên cứu Ian Lipkin của Đại học Columbia (Mỹ) nói với Hãng tin NPR: “Chúng ta biết rõ câu trả lời cho một số câu hỏi. Trước hết, virút này rất phổ biến ở lạc đà. Đó là nguồn chính của loại virút này và nó có thể lây thẳng từ lạc đà qua người mà không cần qua một động vật trung gian khác”. Tuy nhiên, các dữ liệu mới cũng còn bỏ ngỏ nhiều câu hỏi lớn và càng khiến virút MERS thêm bí ẩn. “Chúng ta cần tìm hiểu xem liệu có một vật chủ trung gian nào khác mang loại virút này tới gần hơn và thường xuyên hơn với con người để giải thích sự tăng mạnh các ca nhiễm mới trong thời gian qua hay không. Chúng ta cần phải hiểu con người có thể bị nhiễm loại virút này như thế nào” - Lipkin nhấn mạnh. Sau nhiều trì hoãn gây ra rất nhiều chỉ trích, mãi tới giữa năm ngoái các quan chức y tế ở Saudi Arabia mới bắt đầu cho phép các chuyên gia của WHO tiếp cận và nghiên cứu dịch MERS theo từng trường hợp. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cũng cho rằng virút này không lây lan mạnh, nếu không chúng ta đã phải chứng kiến nhiều ca nhiễm hơn. Các chuyên gia của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh Hoa Kỳ cũng đã nhấn mạnh virút này ít rủi ro gây ra một đại dịch. Tuy nhiên, mối lo lớn là chủng virút mới sẽ lan rộng và khó kiểm soát, cũng như đột biến thành những chủng mới khó kiểm soát hơn.Trừ một số quốc gia và vùng lãnh thổ đã có dịch bệnh, hiện WHO vẫn chưa đưa ra khuyến cáo về giới hạn đi lại liên quan tới virút MERS, nhưng khuyến cáo những trường hợp nhiễm bệnh cần được giám sát chặt chẽ vì số nước có người nhiễm còn có thể tăng nữa. Đối với từng cá nhân, cách phòng bệnh tốt nhất là thực hiện các lời khuyên vệ sinh sau: rửa tay bằng nước với xà phòng; dùng khăn che mũi và miệng khi ho hoặc hắt hơi và ném vào thùng rác; không chạm tay vào mắt, mũi, miệng khi chưa rửa tay; tránh tiếp xúc gần với người bệnh (như ôm hôn, bắt tay); lau chùi các bề mặt có thể đã bị nhiễm virút (như tay nắm cửa, điện thoại...). Việc phòng bệnh càng thêm quan trọng bởi triển vọng về thuốc điều trị hay văcxin cho virút MERS còn rất xa vời. Dù với các chuyên gia dịch tễ học, việc tìm ra văcxin MERS là khả thi chứ không khó khăn như việc tìm văcxin cho virút HIV chẳng hạn, nhưng các yếu tố kinh tế và thủ tục gây ra rất nhiều trở ngại. Y khoa ngày nay có thể dễ dàng tìm ra cách tấn công một loại virút và những nghiên cứu ban đầu với MERS cho thấy nó không phải là loại virút “bất trị” như HIV. Nhưng việc kiểm tra tính an toàn và hiệu quả của một loại văcxin có thể mất tới 5-6 năm, giống như việc phát triển loại văcxin chống khuẩn màng cầu não B từng gây ra dịch bệnh ở New Zealand, và có thể tiêu tốn tới nửa tỉ USD, theo lời Philipp Dormitzer - giám đốc bộ phận virút học của Công ty dược Novartis. Dịch SARS, một dịch bệnh rất gần với MERS, cũng từng gặp vấn đề tương tự. Hơn một thập kỷ trước, Công ty Chiron (nay đã bị Novartis mua lại) từng nghiên cứu văcxin ngừa SARS. Nhưng mãi tới giờ, việc thử nghiệm mới chỉ dừng lại ở chỗ văcxin có hiệu quả trên động vật, Dormitzer nói với National Geographic. Tệ hơn, những nỗ lực của các nhà nghiên cứu có thể không bao giờ đưa tới một sản phẩm có thể thương mại hóa, và điều đó khiến các hãng dược tư nhân nản lòng trong việc nghiên cứu văcxin. “Không thể không xem xét các tiền lệ. Chúng tôi phải tự hỏi khi chúng tôi nghiên cứu xong xuôi và xin được giấy phép thì liệu căn bệnh này có trôi vào quên lãng rồi hay không” - Dormitzer lập luận. Một số chuyên gia cũng đồng ý rằng lúc này dành thời gian và tiền bạc để phát triển văcxin MERS là chưa hợp lý, dù căn bệnh đang có dấu hiệu lan nhanh. Nguồn lực, vì thế, nên được tập trung cho những căn bệnh lây lan mạnh và có thể gây ra đại dịch giết chết hàng triệu người khác, như các chủng virút cúm biến thể, theo lời GS Robert W. Finberg của khoa dược Đại học Y khoa Massachusetts (Mỹ). Finberg nói ông lo ngại về cúm gia cầm nhiều hơn là về MERS, vì hàng triệu người tiếp xúc với các loài chim và gia cầm mỗi ngày và nếu virút cúm gia cầm phát triển thành loại dễ lây từ người sang người, nó sẽ là một thảm họa. “Cúm gia cầm vẫn còn đó. Vật chủ của loại virút này rất đông đảo” - Finberg nói. Tuy nhiên, nếu MERS có dấu hiệu lây nhiễm nhanh hơn, cuộc tranh luận về phát triển văcxin sẽ kết thúc. Các chủng virút biến đổi rất nhanh và một loại vừa có sức tàn phá lớn, vừa lây nhiễm nhanh là cơn ác mộng với các chuyên gia dịch tễ học. Bệnh đậu mùa là một trường hợp như thế. Có một điều chắc chắn là những chuyên gia dịch tễ học không hề chủ quan. Những nhà nghiên cứu như Wayne A. Marasco ở Trường y khoa Harvard (Mỹ) đang chạy đua với thời gian để sẵn sàng ứng phó nếu MERS tỏ ra nguy hiểm hơn. Marasco đã phát triển được một loại kháng thể ngăn chặn và tiêu diệt virút MERS, nhưng chỉ ở giai đoạn sơ khởi. Tất cả mọi virút đều có những protein đặc thù. Các tế bào bạch cầu trong cơ thể chúng ta sẽ phát hiện ra những protein ngoại lai đó và sản sinh ra các kháng thể để săn lùng và tiêu diệt chúng. Nếu các nhà nghiên cứu tìm ra được loại protein đặc thù của virút, họ sẽ chế tạo được loại thuốc giúp cho hệ miễn dịch của chúng ta hoạt động hiệu quả hơn. Đó là thuốc điều trị. Còn văcxin sau khi tiêm vào cơ thể sẽ khiến các tế bào bạch cầu tự sản sinh ra kháng thể chống lại những loại protein ngoại lai nhất định, đồng nghĩa với việc giúp một người khỏe mạnh giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh. 15 năm trước, Marasco bắt đầu quá trình thu thập các kháng thể trong phòng thí nghiệm ở Boston của ông. Phòng thí nghiệm giờ đã có 27 tỉ cặp gen các kháng thể như thế. Khi bệnh MERS lần đầu xuất hiện, Marasco đã lục lại bộ sưu tập của ông và tìm thấy bảy loại protein đặc thù khác nhau của virút MERS. Vì thế, ông nói cơ thể người có thể cần sự kết hợp của nhiều loại kháng thể để tiêu diệt hoàn toàn virút này. Một cách khác, theo Lipkin, là chặn bệnh từ nguồn. Nếu các nhà khoa học xác định đúng là lạc đà lây nhiễm MERS cho người thì việc tiêm văcxin nên tập trung vào lạc đà. “Nếu có thể loại bỏ vai trò vật chủ của lạc đà, tôi cho rằng chúng ta có thể tin tưởng dịch bệnh sẽ được kiểm soát” - ông nói. Lợi thế của cách làm này là không mất quá nhiều thời gian thử nghiệm và loại bỏ các thủ tục phức tạp như sản xuất một loại văcxin cho người. 

Sao chỉ cấp thuốc bảo hiểm y tế một tháng?

Tôi là bệnh nhân diện bảo hiểm y tế (BHYT) bị bệnh bướu ác của gan và đường mật trong gan, ung thư gan, thuộc loại danh mục bệnh mãn tính. Tôi tái khám ba tháng một lần, nhưng sau khi làm các xét nghiệm cận lâm sàng và hội chẩn xong, bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ cho lãnh thuốc về nhà uống trong một tháng. Khi tôi thắc mắc vì sao còn hai tháng nữa không có thuốc uống thì được bác sĩ trả lời là “BHYT chỉ cho phép cấp thuốc một tháng. Bệnh nhân muốn có thuốc uống trong hai tháng còn lại thì tự mua thêm”. Nghe giải thích như vậy, tôi xin bác sĩ ghi tên thuốc để mua uống thêm cho hai tháng còn lại thì được bác sĩ ghi tên thuốc với dòng chữ “thuốc ngoài danh mục”. Kỳ tái khám ngày 23-4 vừa qua, sau khi làm tất cả xét nghiệm và hội chẩn xong, bác sĩ lại báo hết thuốc cấp dù là thuốc uống cho một tháng cũng không có. Bác sĩ kê đơn cho tôi mua thuốc ở ngoài và cũng ghi dưới tên thuốc dòng chữ “thuốc ngoài danh mục”. Tôi phải ra quầy thuốc của bệnh viện mua thuốc uống trong một tháng với giá hơn 1 triệu đồng. Tôi đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội hơn 30 năm nay. Giờ đây tôi sống với đồng lương hưu ít ỏi và căn bệnh mãn tính, sao cơ quan BHYT không cấp thuốc cho tôi uống đủ ba tháng mà chỉ cấp một tháng? BHYT làm như vậy có ép bệnh nhân không? BHYT nên phân biệt bệnh mãn tính và bệnh thông thường để cấp phát thuốc chứ không nên ra lệnh một cách máy móc chung chung là bệnh nào cũng cấp phát thuốc một tháng như nhau.* BV Chợ Rẫy, TP.HCM trả lời: Quy chế kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú do Bộ Y tế ban hành kèm theo quyết định số 04/2008/QĐ-BYT quy định: đối với bệnh mãn tính cần dùng thuốc đặc trị dài ngày thì kê đơn thuốc đủ dùng trong một tháng hoặc theo hướng dẫn điều trị của mỗi bệnh. Căn cứ theo quy định này của Bộ Y tế, quỹ BHYT chỉ thanh toán thuốc cho đủ dùng một tháng, nếu kê đơn hơn một tháng là không đúng quy định và quỹ BHYT không thanh toán. Bệnh nhân Ngô Chân Lý đã được bác sĩ khám bệnh giải thích rõ quy định nói trên nhưng do bệnh lý ổn định, bệnh nhân không muốn tái khám sau một tháng mà đồng ý tự mua thuốc uống sau toa thuốc lãnh BHYT một tháng. Tuy nhiên qua vụ việc này, bệnh viện cũng rút kinh nghiệm và nhắc nhở các bác sĩ khám bệnh thực hiện kê đơn thuốc theo đúng quy định của quy chế kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú, dù người bệnh có yêu cầu khác. 

Petrotimes

Việt Nam lập 4 đội phản ứng nhanh phòng chống MERS-CoV

Theo thông tin từ Bộ Y tế, trước nguy cơ MERS-CoV có thể xâm nhập vào Việt Nam, 4 đội phản ứng nhanh đã được thành lập để giám sát, tổ chức nhanh các hoạt động cách ly, điều trị khi có dịch.  Theo đó, mỗi khu vực Bắc, Trung, Nam, Tây Nguyên sẽ tương ứng với một đội phản ứng nhanh. Mỗi đội gồm 8-14 chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực như dự phòng, dịch tễ, điều trị, kiểm soát nhiễm khuẩn... Đội phản ứng nhanh có nhiệm vụ thường trực công tác phòng chống dịch hô hấp cấp MERS-CoV trên địa bàn phụ trách. Sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ chỉ đạo điều tra, giám sát, xác minh, tổ chức các hoạt động cách ly, điều trị bệnh nhân và triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh khi có trường hợp nghi ngờ hoặc mắc bệnh xảy ra trên địa bàn. Riêng đội ở khu vực miền Bắc, ngoài phụ trách địa bàn khu vực còn có trách nhiệm đáp ứng, hỗ trợ các khu vực khác trên phạm vi toàn quốc khi có yêu cầu hoặc tình hình dịch bệnh MERS diễn biến phức tạp. Đội trưởng các đội phối hợp chặt chẽ với Trưởng ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh tại địa phương - nơi có ca bệnh MERS để chỉ đạo, điều phối các hoạt động phòng chống dịch trên địa bàn một cách hiệu quả. Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Y tế, MERS-CoV hoàn toàn có khả năng xâm nhập vào Việt Nam nhất là khi giao lưu đi lại giữa 2 nước Việt Nam - Hàn Quốc rất lớn. Tính đến ngày 6/6 thì tại Hàn Quốc ghi nhận thêm 9 trường hợp nhiễm mới Hội chứng hô hấp cấp vùng Trung Đông, nâng tổng số người nhiễm virus MERS tại nước này lên 50 người. Theo Bộ Y tế Hàn Quốc, trong số những người nhiễm mới có 5 người được chẩn đoán dương tính với virus MERS sau khi tới Trung tâm Y tế Samsung tại phía nam Thủ đô Seoul, Hàn Quốc, nơi có một bác sĩ vừa được chẩn đoán nhiễm MERS. Ba trường hợp khác là các bệnh nhân và nhân viên y tế tại Bệnh viện Saint Mary, ở thành phố Pyeongtaek, phía nam Seoul, nơi bệnh nhân nhiễm MERS đầu tiên được phát hiện hơn hai tuần trước đó. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số người nhiễm MERS tại Hàn Quốc đã tăng lên 50 người, với bốn người tử vong, kể từ khi trường hợp đầu tiên được phát hiện vào ngày 20/5. Còn về virus Mers CoV, Bộ Y tế Hàn Quốc khẳng định, không có sự biến đổi so với virus MERS tại Trung Đông. 

Sức khoẻ đời sống

Cảnh báo của WHO về thuốc sốt rét giả

WHO ra một bản thông báo về loại thuốc nhái giả mạo của coartem (artemether-lumefantrine) đang lưu hành tại Cameroon. Coartem là một thuốc phối hợp liều dựa trên nền tảng thuốc ACTs dùng để điều trị sốt rét, các lô thuốc giả được phát hiện gần đây trong các bệnh viện và ở ngoài chợ trời. Cảnh báo thuốc coartem giả của WHO là một phiên bản cập nhật ấn bản vào tháng 5/2013 lưu hành tại các vùng của Trung và Tây Phi, một phần thông báo bởi cơ quan tình báo của Joint Inter-Agency Task Force (JIATF). Nhóm hành động này tiến hành điều tra, truy tìm thủ phạm, các vụ thuốc giả của Global Fund and USAID-funded medicines. Ít nhất 4 lô thuốc được xác định (NOF 2153, F2929 và F2261) mang logo màu xanh lá cây của chương trình sốt rét Affordable Medicines Facility, tài trợ kinh phí bởi Global Fund. Số lượng các lô thuốc giả đều có thể xác định và tìm thấy mẫu tại trung tâm cảnh báo của WHO. Các nhóm thành viên của Quỹ Toàn cầu có liên quan cũng như cơ quan Drug Regulatory Authorities quốc gia đã cảnh báo và OIG đang làm việc chặt chẽ với đối tác JIATF chính của USAID, cũng như công ty dược Novartis để xây dựng đơn vị tình báo về phòng chống thuốc giả xâm nhập vào dây chuyền thuốc của tập đoàn dược này. Cơ quan Inspector General làm việc để đảm bảo rằng đầu tư của Quỹ toàn cầu có hiệu quả nhất để chống lại các căn bệnh thời đại AIDS, lao và sốt rét. 

Gỡ “vướng” cho khám bệnh BHYT tại bệnh viện tư nhân

Theo thống kê sơ bộ, hiện nay cả nước có trên 170 bệnh viện tư nhân nhưng chỉ có 91 cơ sở tham gia ký hợp đồng khám chữa bệnh (KCB) BHYT. Trong đó, 47 bệnh viện ký hợp đồng KCB BHYT thực hiện phương thức thanh toán theo phí dịch vụ, 44 bệnh viện ký hợp đồng KCB BHYT thực hiện phương thức thanh toán theo định suất. Theo Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, việc quy định không thanh toán đối với các dịch vụ kỹ thuật do bác sĩ làm việc tại các cơ sở KCB khác thực hiện đã không tạo điều kiện cho những chuyên gia, bác sĩ ở bệnh viện công lập thực hiện các dịch vụ kỹ thuật ở các bệnh viện tư nhân để nâng cao tay nghề, góp phần giảm tải cho các bệnh viện công lập. Chia sẻ về những khó khăn mà bệnh viện tư nhân hiện nay đang gặp phải, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam Nguyễn Văn Đệ cho biết, một số quy định về KCB, thanh toán BHYT tại các bệnh viện tư nhân hiện nay đang gây khó khăn cho bệnh viện. Ví dụ như việc xếp hạng bệnh viện: Hiện nay, rất nhiều cơ sở KCB tư nhân chưa được xếp hạng bệnh viện, trong khi đó việc giám định, thanh toán chi phí KCB BHYT đang thực hiện theo hạng bệnh viện, vì vậy rất khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện; các cơ sở KCB tư nhân chưa xếp hạng, không phê duyệt tuyến chuyên môn kỹ thuật nên không có cơ sở để cơ quan BHXH thanh toán chi phí đối với bệnh nhân đến KCB trái tuyến; việc đấu thầu, cung ứng thuốc, vật tư y tế sử dụng cho người bệnh BHYT trong các bệnh viện tư nhân còn khó khăn...Cùng quan điểm, đại diện của Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng nhấn mạnh, việc không thanh toán đối với các dịch vụ kỹ thuật do bác sĩ làm việc tại các cơ sở KCB khác thực hiện vào ngày nghỉ, ngày lễ, Tết đang rất gây khó khăn cho bệnh viện và không tạo điều kiện sử dụng nguồn nhân lực y tế kỹ thuật cao cho các bệnh viện tư nhân. Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 15/12/2013 của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách phát triển y tế, trong đó các cơ sở KCB công lập được cử công chức, viên chức làm việc tại các bệnh viện tư nhân, cơ quan BHXH thanh toán dịch vụ kỹ thuật thực hiện tại bệnh viện tư nhân khi có các điều kiện: BV tư nhân không thực hiện Đề án 1816, nếu dịch vụ kỹ thuật chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt danh mục nhưng được thanh toán theo chế độ BHYT khi ký hợp đồng với bác sĩ đang công tác tại các bệnh viện công lập hoặc ký hợp đồng với bệnh viện công lập; thanh toán theo mức giá do Giám đốc bệnh viện phê duyệt nhưng tối đa không vượt quá mức giá do cấp có thẩm quyền phê duyệt áp dụng đối với cơ sở KCB công lập tương đương trên địa bàn; trường hợp bác sĩ có ký hợp đồng làm việc tại bệnh viện phải đáp ứng các yêu cầu cụ thể...Nhằm tháo gỡ những khó khăn cho khối bệnh viện tư nhân, đối với kiến nghị về thanh toán chi phí KCB BHYT do bác sĩ công lập làm việc ngoài giờ hành chính tại BV tư nhân, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam sẽ có văn bản xin ý kiến của Chính phủ hướng giải quyết. Phó Tổng giám đốc Nguyễn Minh Thảo yêu cầu các ban nghiệp vụ BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH các địa phương phối hợp với Sở Y tế xây dựng tiêu chí để phân bổ số thẻ BHYT, thực hiện minh bạch, công khai thông tin phân bổ thẻ BHYT tại các cơ sở KCB trên địa bàn, trong đó có các cơ sở KCB tư nhân...

Đường trộn axit: Ung bướu từ đây

Đường vàng óng thu hút khách mùa hè

Mùa hè, nhu cầu sử dụng đường vàng óng tăng cao nhất là vào mùa ngâm quả sấu. Ở miền Bắc, người dân thích sử dụng đường vàng vì nó có mùi thơm, vị lại đậm đà. Tại phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội không khó để hỏi mua những cân đường vàng hoa mai. Theo người bán hàng ở cửa hàng P. thì một kg đường loại đóng cân túi 1kg không phải đường của nhà máy Biên Hòa có giá 17 nghìn đồng/kg. Rẻ hơn đường chính hãng từ 5 – 6 nghìn đồng/kg. Theo chủ cửa hàng này thì đường họ mua cả bao to rồi về chia nhỏ túi theo kg để bán. Cùng với đó, tại các cửa hàng tự chọn, đường vàng hoa mai cũng không phải hàng hiếm. Chị Mùi bán hàng tạp hóa ở Tân Mai, Hà Nội cho biết về mùa hè nhu cầu sử dụng đường vàng tăng hơn nhiều. Do người dân có thói quen ngâm sấu, ngâm các loại hoa quả. Về cơ bản thì đường hoa mai vừa thơm vừa ngon nên nhiều người thích dùng. Tuy nhiên, chị Mùi cho biết đường của nhà chị dùng không phải đường kg mà đường vàng nguyên chất vẫn còn thơm mùi của mía. Gần đây tại Bình Thuận, chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Bình Thuận phối hợp với phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Bình Thuận, bất ngờ ập vào cơ sở của bà Lý Lệ Châu (52 tuổi, ngụ tô 7, khu phố 6, phường Đức Long, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) đang sản xuất đường vàng bằng hóa chất công nghiệp độc hại. Được biết, a-xít photphoric lại là loại hóa chất cần có sự kiểm soát chặt chẽ, tránh sử dụng tùy tiện để chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, cơ sở sản xuất của bà Châu đã lấy đường trắng (giá 13.000 đồng/kg) trộn với a-xít photphoric, hóa chất màu đỏ chưa rõ nguồn gốc, nước rồi cho vào máy trộn để sản xuất ra đường màu vàng. Sau khi sản xuất, sản phẩm này được bán ra thị trường với giá 15.500 đồng/kg. Vụ việc vẫn đang được các cơ quan điều tra làm rõ, Tuy nhiên, người tiêu dùng tỏ ra hoang mang vì việc trộn axit vào đường có thể gây hại cho sức khỏe của người tiêu dùng.

Không nên chọn đường vàng óng

Theo Viện công nghệ thực phẩm Đại học Bách Khoa thì việc sử dụng axit trộn vào đường để thay đổi màu sắc của đường không đáng lo ngại bởi axit Photphoric là một phụ gia được cho phép sử dụng trong công nghiệp thực phẩm. Cũng giống như việc sản xuất si rô hay các loại khác người ta vẫn sử dụng một loại axit hoặc chanh để cô lại si rô đảm bảo được độ sánh và độ ngon. Tuy nhiên, việc sử dụng axit để biến đổi từ đường trắng tinh khiết sang đường hoa mai có màu vàng óng lại khá "ngược đời" vì thường người ta phải tinh chế từ đường vàng để lấy đường trắng. Theo PGS Thịnh số người làm vậy chắc chắn không nhiều. Người trộn axit có thể có mối dùng đường vàng nên người ta mới trộn như thế còn nhu cầu sử dụng đường vàng ít hơn đường kính trắng. Tuy nhiên, để đảm bảo được chất lượng của sản phẩm, người tiêu dùng không nên chọn những sản phẩm không có nguồn gốc mà nên sử dụng những loại đường có nhãn mác, với nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Còn PGS TS Trần Hồng Côn – Khoa Hóa học trường Đại học Tự nhiên Hà Nội cho biết việc sử dụng axit phốt phát trong tinh chế đường để làm đường vàng óng chỉ sử dụng một lượng axit rất nhỏ. PGS Côn cho rằng lượng axit nhỏ này không đủ gây hại cho cơ thể. Vì phốt phát là một khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Hơn nữa, về mặt hóa học, axit phốt phát không độc và có được sử dụng trong công nghệ thực phẩm. Tuy nhiên, điều PGS Côn lo ngại là nếu người sản xuất mà dùng axit phốt phát công nghiệp, không phải axit tinh chế dành cho thực phẩm thì nguy hiểm cho sức khỏe vì axit công nghiệp có thể chứa các tạp chất khác đặc biệt là asen. Nếu dùng hóa chất axit công nghiệp có chứa asen sẽ gây ngộ độc trường diễn và lâu ngày có thể dẫn đến các bệnh ung bướu. Để chọn đườn an toàn cho cả gia đình, PGS Côn cho biết khi mua đường hoa mai có màu vàng sậm và còn mùi thơm của mía. Còn đường màu vàng óng ả là do đã được tinh chế với axit làm cho bề mặt hạt đường vàng óng và không có mùi thơm của mía tươi.

Hà Nội: Thu giữ 20 tấn thực phẩm chức năng giả

Trước đó vào khoảng 11h30 ngày 5-6, Đội Chống hàng giả - Phòng Cảnh sát Điều tra Tội phạm về trật tự quản lý Kinh tế và Chức vụ, Công an Hà Nội phối hợp với Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an Hà Nội, phát hiện 2 đối tượng vận chuyển 5 thùng carton trên 2 chiếc xe máy có biểu hiện nghi vấn. Qua kiểm tra phát hiện các thùng carton này chứa các loại thực phẩm chức năng như sữa o­ng chúa nhãn hiệu Costar, Royal Jelly…Hai đối tượng được làm rõ là Lương Tuấn Long và Lê Đình Hạnh (cùng 24 tuổi, ở xã Yên Nam, huyện Duy Tiên, Hà Nam), nhân viên Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Y tế và Hoá chất VQTech, có trụ sở tại khu đô thị Văn Quán, quận Hà Đông, TP Hà Nội. Qua công tác kiểm đếm, số hàng trên gồm 108 lọ sữa o­ng chúa nhãn hiệu Costar và 50 lọ thực phẩm chức năng nhau thai cừu Placentra Vip reserve. Toàn bộ số thực phẩm chức năng này đều không có hoá đơn, chứng từ liên quan đến nguồn gốc xuất xứ. Tại thời điểm kiểm tra, đại diện Công ty TNHH Dịch vụ Hạnh Phúc (đơn vị độc quyền nhập khẩu và phân phối sữa o­ng chúa Costar và Royal Jelly) cho hay, toàn bộ lô hàng do Long và Hạnh vận chuyển là hàng giả, không phải do công ty nhập khẩu và phân phối. Tiến hành kiểm tra văn phòng, kho của Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Y tế và Hoá chất VQTech do Trần Như Quỳnh, SN 1987, làm giám đốc, Công an thu giữ khoảng 20 tấn thực phẩm chức năng nghi là giả. Khám xét quầy thực phẩm chức năng của Trần Như Quỳnh ở Trung tâm phân phối Dược phẩm và Thiết bị y tế (số 1 đường Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, Hà Nội), Công an tiếp tục thu giữ một lượng lớn thực phẩm chức năng giả. Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Y tế và Hoá chất VQTech bán thực phẩm chức năng giả này tại trung tâm Hapulico (quận Thanh Xuân, Hà Nội) - chợ buôn bán dược phẩm lớn nhất ở miền Bắc hiện nay Tại cơ quan điều tra, Trần Như Quỳnh khai thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả từ tháng 10-2014 đến nay. Thủ đoạn của Quỳnh là thành lập công ty, đăng ký kinh doanh mặt hàng thực phẩm chức năng, công bố chất lượng tại Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế). Sau đó, Trần Như Quỳnh đặt in tem nhãn đóng gói thành phẩm thực phẩm chức năng giả tung ra thị trường kiếm lời. Theo Trung tá Giáp Thành Trung – Đội trưởng Đội Chống hàng giả, hiện cơ quan Công an đang hoàn tất hồ sơ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can Trần Như Quỳnh về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Do Trần Như Quỳnh đang nuôi con dưới 36 tháng nên cơ quan điều tra không áp dụng biện pháp ngăn chặn.

Phân tuyến điều trị sẵn sàng "tác chiến" khi có dịch MERS-CoV

Ngay sau cuộc họp trực tuyến về tập huấn giám sát, điều trị và phòng chống dịch bệnh MERS-CoV cho 63 tỉnh thành diễn ra chiều 8/6, cuối giờ chiều tại Bộ Y tế đã diễn ra cuộc Họp ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh MERS-CoV với các bộ, ngành liên quan. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì cuộc họp. Thông tin tại cuộc họp Bộ Y tế cho biết, đã có 4 trường hợp có biểu hiện sốt, ho đi từ vùng có dịch trở về nghi nhiễm MERS – CoV đã được cách ly và làm xét nghiệm. Kết quả cho thấy cả 4 trường hợp đều âm tính với MERS – CoV. Trong buổi họp này, Bộ Y tế đã xin ý kiến các bộ ngành trong phối hợp triển khai giám sát tại các cửa khẩu, khuyến cáo người Việt Nam khi đi du lịch sang các nước có dịch cần tìm hiểu thông tin về tình dịch và cách phòng tránh. Đồng thời các tiểu ban giám sát, hậu cần, truyền thông phân tích tình dịch để tăng cường đáp ứng trên cơ sở ý kiến của các Bộ ngành sau công văn của Thủ tướng chính phủ về phòng chống dịch bệnh MERS – CoV.

Duy trì hoạt động của các bệnh viện trong trường hợp dịch lan rộng.

Báo cáo tại cuộc họp, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nhiễm MERS-CoV (Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do vi rút Corona). Tuy nhiên, thời gian tới do dịch đang diễn biến phức tạp tại Hàn Quốc và Trung Quốc nên nguy cơ xâm nhập vào nước ta là rất lớn. Hiện nay tại các cửa khẩu đã tăng cường băng rôn thông tin cũng như các khuyến cáo về dịch bệnh; tăng cường giám sát đối với người nhập cảnh đến từ vùng dịch bằng việc khai tờ khai y tế tại sân bay. Để phòng chống dịch MERS-CoV hiệu quả, Cục đã có kế hoạch thu dung, phân tuyến điều trị nhằm chủ động chuẩn bị và sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh này; đồng thời hạn chế lây nhiễm trong bệnh viện, hạn chế tử vong; duy trì hoạt động của các bệnh viện trong trường hợp dịch lan rộng. Theo đó các bệnh viện tuyến cuối gồm: BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, BV Bạch Mai, BV Nhi Trung ương, BV Trung ương Huế, BV Bệnh nhiệt đới Tp. HCM, BV Nhi đồng 1 và 2, BV Chợ Rẫy điều trị những ca xâm nhập đầu tiên, những ca nặng, khó; xây dựng hướng dẫn chuyên môn, phác đồ chẩn đoán, điều trị; phối hợp tập huấn cho các địa phương. Khu vực cách ly tại các bệnh viện hiện áp dụng tạm thời theo “Hướng dẫn kiểm soát lây nhiễm cúm A tại các cơ sở khám, chữa bệnh”. Khu cách ly phải có buồng đệm, lưu ý hệ thống thông khí, các điều kiện vệ sinh, chống nhiễm khuẩn và phòng lây nhiễm; đồng thời đảm bảo đủ trang thiết bị (thiết bị chẩn đoán và thiết bị điều trị) và thuốc, các vật tư, hóa chất.

Các bộ, ngành đồng loạt vào cuộc

Đại diện Bộ Công an cho biết lãnh đạo Bộ công an đã ký công điện gửi cho các đơn vị trong ngành Công an cần tăng cường công tác trong việc phòng, chống dịch bệnh Tổng cục an ninh chỉ đạo đơn vị xuất nhập cảnh phối hợp với Bộ Y tế trong việc phòng, chống dịch. Về phía Bộ ngoại giao cũng đã đưa thông tin cảnh báo, khuyến cáo cho người dân trong việc xuất nhập cảnh, theo dõi tình hình của các công dân Việt Nam sinh sống tại Hàn Quốc và công dân Hàn Quốc sinh sống tại Việt Nam. Đại diện Bộ LĐTB&XH cũng cho biết đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị xuất khẩu lao động có các biện pháp tuyên truyền theo khuyến cáo của Bộ Y tế, nắm bắt được các tình hình của người lao động Việt Nam tại các vùng dịch. Phía Hàn Quốc cũng đang khuyến khích người Việt Nam lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc trở về nước trong thời gian này sẽ không bị mất phí. Tổng cục Du lịch cũng đã có văn bản gửi đến các địa phương, các công ty du lịch khuyến cáo các công ty Du lịch và các doanh nghiệp không tổ chức du lịch cho người dân tới vùng có dịch. Thường xuyên cập nhật thông tin và gửi khuyến cáo tới khách du lịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Về phía Cục Quân y- Bộ Quốc phòng cũng đưa ra thông tin, các bệnh viện dã chiến đã sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh MERS-CoV

"Nếu dịch xâm nhập phải khu trú không cho dịch lan rộng, không để xảy ra tử vong"

Phát biểu tại buổi họp, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định: Qua buổi họp Ban chỉ đạo dịch cho thấy các bộ, ban, ngành luôn trong tư thế sẵn sàng về cả chuyên môn, kỹ thuật, hậu cầu và công tác phối hợp trong phòng chống dịch không để dịch xâm nhập vào Việt Nam; nếu có dịch thì không để có trường hợp tử vong. Để phòng bệnh hiệu quả thì cách ly là biện pháp số một, sau đó là chống nhiễm khuẩn tại bệnh viện. Bộ Y tế đã tổ chức tập huấn cho các tỉnh, tiếp đó các tỉnh sẽ tập huấn cho các huyện và huyện tập huấn cho tuyến xã. Hiện nay, phác đồ điều trị không có gì thay đổi nhưng các bệnh viện phải rà soát lại về thuốc men, cơ sở vật chất, máy móc phòng dịch. Bên cạnh đó, công tác truyền thông cũng cần được tăng cường, đặc biệt là truyền thông tại phường... Trong trường hợp dịch xâm nhập thì phải khu trú không cho dịch lan rộng. Các bộ ban ngành cần đặt ra các tình huống hạn chế ngay từ cửa khẩu, giám sát người dân đi từ vùng dịch và sinh sống tại Việt Nam. Việc theo dõi, cách ly và phòng chống nhiễm khuẩn cần được chú trọng tối đa. “Ở những nơi người Hàn Quốc khu trú và sinh sống nhiều (Đồng Nai, Bắc Ninh, Thaí Nguyên, Hà Nội...) cần tăng cường tập huấn phòng chống nhiễm khuẩn, tuyên truyền khai báo tờ khai y tế..”. Bộ Y tế cần liên lạc thương xuyên cục lãnh sự bộ ngoại giao, đề xuất các bộ ngành đề cao cảnh giác đến mức tối đa. Các đơn vị khám chữa bệnh cần kiểm tra lại cơ sở vật chất, trang thiết bị phòng chống dịch để kịp thời bổ sung các phương tiện còn thiếu… sẵn sàng ứng phó với dịch

Bổ sung hướng dẫn giám sát và phòng chống hội chứng MERS-CoV

Ngày 8/6, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn bổ sung giám sát và phòng chống hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do vi rút Corona (MERS-CoV) áp dụng trong các cơ sở y tế dự phòng, cơ sở khám chữa bệnh nhà nước và tư nhân. Theo định nghĩa tại bản hướng dẫn, hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông là bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A do một chủng vi rút mới của họ vi rút Corona gây nên (viết tắt là MERS-CoV). Vi rút MERS-CoV có thể có nguồn gốc từ loài dơi rồi truyền sang lạc đà, sau đó lạc đà trở thành ổ chứa vi rút chính lây bệnh tiên phát sang người. Bệnh có khả năng lây truyền từ người sang người, chủ yếu qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết đường hô hấp trong nhóm người có tiếp xúc gần với bệnh nhân. Thời gian ủ bệnh từ 2-14 ngày. Người bệnh có biểu hiện từ nhẹ như sốt, ho đến nặng hơn như khó thở, viêm phổi, suy hô hấp, ngoài ra có thể kèm theo các triệu chứng đường tiêu hóa như tiêu chảy và có thể gây suy tạng, đặc biệt là suy thận, nguy cơ tử vong cao, tỉ lệ chết/mắc từ 35-40%. Một số người nhiễm vi rút MERS-CoV có thể không có triệu chứng hoặc biểu hiện lâm sàng rất nhẹ gây khó khăn cho việc phát hiện. Đến nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh. Bản hướng dẫn cũng nêu rõ các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh MERS-CoV khi có các triệu chứng như: sốt, viêm đường hô hấp từ nhẹ đến nặng; trước khi khởi phát bệnh trong vòng 14 ngày có tiền sử ở/ đi/ đến từ quốc gia có dịch hoặc tiếp xúc gần với bệnh nhân MERS-CoV hoặc tiếp xúc gần với người bị viêm đường hô hấp cấp tính liên quan đến quốc gia có dịch. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nơi có ghi nhận 1 trường hợp trở lên xác định mắc MERS-CoV (có xét nghiệm khẳng định nhiễm vi rút MERS-CoV) được coi là một ổ dịch và ổ dịch này chỉ chấm dứt khi không ghi nhận trường hợp mắc mới trong vòng 28 ngày kể từ ngày khởi phát trường hợp bệnh gần nhất. Bộ Y tế cũng quy định, trong trường hợp phát hiện ca bệnh MERS-CoV, cần thiết phải cách ly, điều trị tại cơ sở y tế, hạn chế tối đa biến chứng, tử vong và lây nhiễm trong bệnh viện. Thời gian cách ly cho đến khi đủ các tiêu chuẩn xuất viện của Bộ Y tế. Lập danh sách những người có tiếp xúc gần với người bệnh để quản lý, theo dõi tình trạng sức khỏe trong vòng 14 ngày. Việc xét nghiệm xác định bệnh phẩm nghi ngờ mắc MERS-CoV được giao cho các đơn vị: Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Viện Pasteur TP.HCM, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM

Chuyên gia WHO: Việt Nam cần luôn cảnh giác các tình huống lây nhiễm MERS-CoV

Đây là nhân mạnh của chuyên gia của WHO khi trao đổi với báo chí bên lề hội nghị tập huấn trực tuyến về giám sát, điều trị và phòng chống dịch bệnh MERS-CoV do Bộ Y tế tổ chức chiều ngày 8/6, Ông Masaya Kato - Điều phối viên nhóm Các bệnh truyền nhiễm, WHO tại Việt Nam nhấn mạnh: trong buổi họp trực tuyến hôm nay thể hiện sự cam kết rất mạnh của chính phủ Việt Nam, ngành y tế Việt Nam trong việc ứng phó với dịch bệnh MERS-CoV. Sự có mặt của các đồng chí lãnh đạo Bộ, cũng như sự có mặt tất cả các lãnh đạo của cơ quan y tế từ 63 tỉnh/ thành phố tại các điểm cầu cùng thảo luận về các nội dung liên quan về công tác phòng, chống MERS-CoV đã cho thấy điều đó. Buổi tập huấn là minh chứng và cơ hội rất tốt cho hệ thống y tế tại 63 tỉnh thành của Việt Nam có cơ hội được cập nhật thêm thông tin và cùng nhau có ý thức đẩy mạnh công tác chẩn đoán sớm và phòng chống nhiễm khuẩn trong các cơ sở y tế. “Theo như tôi hiểu từ 2014, Việt Nam đã ban hành kế hoạch quốc gia phòng chống MERS- CoV kèm theo đó là một loạt các kỹ thuật từ giám sát đến chẩn đoán, điều trị các trường hợp bị nhiễm MERS-CoV. Và cũng trong 2 tuần vừa rồi có các cuộc họp vô cùng quan trọng đánh giá nguy cơ đó là cuộc họp ban chỉ đạo phòng chống MERS- CoV và văn phòng đáp ứng khẩn cấp dịch bệnh Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ được kích hoạt với sự kiện này. Chính Phủ Việt Nam đã rất quyết tâm đầu tư và hỗ trợ hệ thống y tế đẩy mạnh công tác nhiễm khuẩn trong bệnh viện”-ông Masaya Kato cho rằng, hiện tại Chính phủ và Bộ Y tế Hàn Quốc đã có những động thái vô cùng tích cực trong vấn đề kiểm soát các trường hợp tiếp xúc gần với cả những ca bệnh được phát hiện và được báo cáo. “Tuy vậy Việt Nam cần luôn cảnh giác và dự phòng các tình huống lây nhiễm MERS-CoV vào Việt nam vì điều này hoàn toàn có thể xảy ra”- chuyên gia của WHO bày tỏ Do đó, chuyên gia WHO cho rằng từ Bộ Y tế đến các cơ sở y tế đều phải áp dụng biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn một cách thường xuyên ở mọi nơi mọi lúc, từ việc dùng các phương tiện bảo hộ khẩu trang đến việc phát hiện các triệu chứng về viêm đường hô hấp. Các biểu hiện ban đầu của bệnh nhân MERS-CoV hoàn toàn không đặc hiệu, nó giống hoàn toàn với các biểu hiện viêm đường hô hấp khác. Chính vì vậy việc phòng vệ chuẩn cần được thực hiện bởi các cán bộ y tế. Đồng thời điều quan trọng ở đây là các cơ sở y tế phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt các hướng dẫn kỹ thuật mà bộ y tế đã ban hành. Điều khó khăn nhất trong công tác phòng chống bệnh này là việc chẩn đoán và phát hiện các ca bệnh sớm vì các triệu chứng ban đầu không đặc hiệu, chỉ sốt và ho. Để cán bộ y tế nghi ngờ đây là ca MERS-CoV không phải là dễ. Vì vậy việc đề cao và tuân thủ nghiêm ngặt công tác phòng chống nhiễm khuẩn là điều kiện tiên quyết phòng chống lây lan khi MERS-CoV chưa được khẳng định. Đối với những người có kế hoạch đi du lịch công tác tới Trung Đông, hiện tại chúng ta đang chú trọng quá nhiều về Hàn Quốc và chỉ là những nước có dịch lưu hành. Chúng ta cần phải nhớ rằng vi rút này lưu hành ở lạc đà mà lạc đà đi đôi với đời sống của các nước khu vực Trung Đông, cho nên cần phải cung cấp đầy đủ thông tin cho những người đến vùng Trung Đông và những người từ Trung Đông về cần phải khai báo tiền sử đi lại của họ đối với cơ quan y tế. Đồng thời khi họ có biểu hiện triệu chứng sớm cần phải báo cáo kịp thời cho bác sỹ và cơ quan y tế để có biện pháp tham vấn, quản lý kịp thời

Môi trường lây nhiễm MERS-CoV cao nhất là ở bệnh viện

Thông tin tại hội nghị trực tuyến tập huấn giám sát, điều trị và phòng chống dịch bệnh MERS-CoV do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội chiều 8/6, chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (USCDC) cho biết, môi trường bệnh viện là nơi lây nhiễm MERS-CoV cao nhất (chiếm hơn một nửa các ca bệnh). Trong khi đó, lây truyền tại hộ gia đình ít xảy ra hơn, chỉ chiếm khoảng 4% trong số những người phơi nhiễm bệnh. Không có bằng chứng về sự lây truyền tiếp theo trong cộng đồng qua các chùm ca bệnh. Các chuyên gia thế giới cũng nhấn mạnh, ổ chứa MERS-CoV rõ ràng nhất là trên lạc đàvùng Trung Đông, vi rút lây truyền từ lạc đà sang người gây ra các vụ dịch rải rác trong bệnh viện tại vùng Trung Đông và điều này nhiều khả năng sẽ còn tiếp diễn trong nhiều năm. Việc lây truyền từ người sang người tại cộng đồng chưa được phát hiện, duy nhất 1 trường hợp nghi ngờ bị lây nhiễm tại môi trường làm việc. Nhiều khả năng vi rút lây lan thông qua các giọt dịch tiết hô hấp và bề mặt hoặc tay bị nhiễm vi rút, do đó việc kiểm soát tốt nhiễm khuẩn có thể ngăn chặn lây truyền trong bệnh viện. Đối với các ca bệnh tại Hàn Quốc, các chuyên gia cho biết, kết quả giải trình tự gen từ vi rút phân lập cho thấy, vi rút gây bệnh tại Hàn Quốc rất giống với vi rút hiện lưu hành tại Trung Đông. Lời khuyên của các chuyên gia với các du khách tới Trung Đông là cẩn trọng khi tới các nông trại hoặc những nơi có lạc đà, nhất là khi đang có sẵn các bệnh tiềm tàng; tránh tiếp xúc với động vật/ lạc đà ốm; thường xuyên rửa tay sạch; thực hiện ăn uống sạch, tránh uống sữa tươi hay ăn các thực phẩm có nguy cơ ô nhiễm hoặc chưa chế biến kỹ.

Bé trai Hàn Quốc du lịch tại Khánh Hoà bị sốt xét nghiệm âm tính với Mers-CoV

Theo báo cáo của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 8/6/2015 Viện nhận được mẫu bệnh phẩm đề nghị xét nghiệm xác định MERS-CoV. Đây là mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân nam, 7 tuổi quốc tịch Hàn Quốc nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu sân bay Cam Ranh, đi du lịch cùng cha mẹ và em trai tại tỉnh Khánh Hòa. Khi nhập cảnh tại sân bay, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Khánh Hòa phát hiện bệnh nhân có triệu chứng sốt 38 độ C. Qua khám sàng lọc cho thấy bệnh nhân trước đó đã được bệnh viện tại Hàn Quốc chẩn đoán viêm họng, nơi bệnh nhân và gia đình sinh sống không ghi nhận trường hợp mắc MERS-CoV cũng như không tiếp xúc với ai nghi ngờ nhiễm MERS-CoV. Tuy nhiên để tăng cường giám sát phòng chống MERS-CoV, bệnh nhân đã được chuyển đến bệnh viện tỉnh Khánh Hòa để cách ly, lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh xác định. Đồng thời 3 người trong gia đình cũng được cách ly, khám, tư vấn và lấy mẫu xét nghiệm. Sau khi nhận được bệnh phẩm của bệnh nhân đến 14h30 ngày 8/6/2015 Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cho kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút gây MERS-CoV bằng phương pháp RT-PCR.

Cảnh báo nguy cơ ngộ độc nấm

Theo Cục ATTP - Bộ Y tế, trong thời gian vừa qua đã liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc do nấm độc tự nhiên - đây là loại ngộ độc có tỷ lệ tử vong cao và gây hậu quả nghiêm trọng. Tính từ đầu năm 2015 đến nay, toàn quốc đã ghi nhận 12 vụ ngộ độc do nấm độc làm 56 người mắc, 52 người đi viện và 4 người tử vong; so với cùng kỳ năm 2014, số vụ tăng 1 vụ, số mắc tăng 10 người, số đi viện tăng 7 người, số tử vong giảm 9 người. Riêng trong tháng 5 đã xảy ra 10 vụ ngộ độc nấm. Để phòng chống ngộ độc do nấm độc, Cục ATTP khuyến cáo người dân:  “Tuyệt đối không thu hái, không chế biến và không ăn nấm mọc hoang dại, nấm lạ, không rõ nguồn gốc, nấm nghi ngờ không bảo đảm dù chỉ 1 lần”; Khi phát hiện sớm các triệu chứng ngộ độc liên quan đến việc ăn nấm (buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy, đau đầu…), cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời. Cục ATTP cũng khuyến cáo nhận dạng nấm độc là nấm có đủ: mũ, phiến nấm, cuống, vòng cuống và bao gốc thường là nấm độc. Bên trong thân cây nấm màu hồng nhạt, mũ nấm màu đỏ có vẩy trắng, sợi nấm phát sáng trong đêm là nấm độc.

Đầu hè, liên tiếp nhiều ca bệnh liên cầu lợn do ăn tiết canh

Trong tháng 5 và 6, liên tiếp nhiều ca bệnh đã nhập viện BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương vì viêm màng não mủ do liên cầu lợn. Đa số họ có tiền sử nghiện rượu và “khoái khẩu” với món lòng lợn tiết canh. Hiện tại, khoa Cấp cứu (BV Bệnh nhiệt đới Trung ương) đang điều trị 2 trường hợp rất nguy kịch vì bị sốc nhiễm trùng hôn mê do nhiễm liên cầu lợn từ tiết canh. Gần đây nhất, BN Nguyễn Tuấn H. (36 tuổi, tại Hà Nội) nhập viện đêm 3/6 trong tình trạng sốt cao, đau đầu, đi ngoài phân lỏng nhiều lần, trên da mặt, đùi, cẳng chân xuất hiện các ban xuất huyết, hoại tử, suy đa phủ tạng. Trước đó, khi vào BV huyện, BN này được chẩn đoán sốc nhiễm trùng nghi do liên cầu lợn. Được biết, BN này làm nghề bán thịt lợn nên thường xuyên uống rượu, ăn tiết canh. ThS.BS Nguyễn Trung Cấp, Phụ trách khoa Cấp cứu cho biết: “Ngay khi vào viện, các bác sĩ đã tiến hành lọc máu, thở máy, dùng các biện pháp hồi sức tích cực cho BN nhưng tiên lượng vẫn rất nguy kịch. Điều này cho thấy diễn tiến bệnh rất nhanh chóng từ sốt, đau đầu, đi ngoài chỉ trong vài tiếng đã dẫn đến suy đa phủ tạng”. Trước đó, ngày 22/5, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng tiếp nhận BN nam Vũ Quang M. (52 tuổi, tại Hà Nội) trong tình trạng sốc nhiễm trùng, hôn mê, trên da toàn thân có nhiều mảng xuất huyết hoại tử sau 2 ngày xuất hiện sốt. Kết quả xét nghiệm PCR dương tính với liên cầu lợn cả trong máu và dịch não tủy. Dù đã điều trị tích cực hơn nửa tháng qua nhưng hiện BN vẫn còn trong tình trạng sốc nhiễm trùng hôn mê, phải thở máy và hồi sức tích cực. Theo lời kể của người nhà BN, anh này cũng là một người nghiện rượu, thường xuyên ăn món lòng lợn tiết canh. Các bác sĩ cho biết, vi khuẩn liên cầu lợn có thể có trong hầu họng, da, đường tiêu hóa và sinh dục của một số lợn lành và thường gặp hơn ở lợn bệnh. Thói quen ăn tiết canh hay những món chưa nấu chín như lòng, tràng luộc tái có thể khiến người ăn nhiễm liên cầu lợn, đặc biệt ở những cơ địa suy giảm sức đề kháng như người nghiện rượu, xơ gan, đái đường. Một phút thèm muốn ăn tiết canh có thể để lại hậu quả bệnh tật nặng nề. “Một BN bị bệnh liên cầu khuẩn lợn thể viêm màng não mủ phải nằm viện điều trị ít nhất là 3 tuần, có những BN nhiễn khuẩn huyết phải điều trị đến 2 tháng, với chi phí hàng trăm triệu, tùy thuộc di chứng có trầm trọng hay không trầm trọng. Thậm chí có những BN tử vong vì quá nặng”- ThS. Cấp nói thêm. Để phòng bệnh liên cầu lợn, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không ăn thịt lợn sống, không ăn tiết canh, nội tạng lợn chưa được nấu chín, không ăn thịt lợn và sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc; không tiếp xúc với sản phẩm từ lợn còn sống khi tay có vết xây xước, trừ khi mang găng bảo vệ. Đối với người chế biến thức ăn: Giữ cho khu vực chế biến thức ăn sạch sẽ và rửa tay sau khi thao tác; khi lưu trữ, bảo quản thịt sống phải tách biệt với nơi bảo quản thịt đã qua chế biến hoặc sản phẩm ăn sẵn để tránh lây nhiễm bệnh; không dùng dụng cụ chế biến thịt sống để chế biến thịt (dao, thớt); rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi chế biến thịt; sản phẩm phải được nấu chín kỹ trước khi ăn... Theo thống kê của chương trình quản lý kháng sinh (AMS) của BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trong năm 2014, có đến gần 70% số ca viêm màng não mủ là do liên cầu lợn gây ra. Các bác sĩ khuyến cáo người dân từ bỏ món tiết canh tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cho sức khỏe.

6 ca tử vong do MERS-CoV tại Hàn Quốc, Việt Nam nâng cao cảnh giác

Phát biểu khai mạc hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, trước tình hình dịch bệnh MERS-CoV đang diễn ra phức tạp trên thế giới với 1.200 ca mắc, 449 trường hợp tử vong tại 26 quốc gia, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào nước ra rất cao. Vì vậy, Bộ Y tế đã có nhiều cuộc họp khẩn cấp để lên phương án, kế hoạch đối phó với dịch bệnh. Các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế và các đơn vị liên quan đã thành lập 4 đội phản ứng nhanh; áp dụng tờ khai y tế cho 9 quốc gia vùng Trung Đông và 2 nước Hàn Quốc và Bahrain. Bộ trưởng yêu cầu, công tác phòng chống dịch không được chủ quan lơ là và kế hoạch phòng chống dịch phải cụ thể, sâu sát, chi tiết. Trong đó, công tác truyền thông cho người dân về các biện pháp phòng chống dịch phải đi trước một bước. Công tác phòng chống dịch của Việt Nam cũng đã được quốc tế đánh giá cao. Bộ trưởng khẳng định Việt Nam đã áp dụng rất tốt bài học kinh nghiệm “phát hiện dịch sớm, bao vây, dập tắt dịch, không để dịch lan rộng”. Nếu phát hiện trường hợp mắc bệnh MERS-CoV cần phải cố gắng cứu sống bằng mọi phương tiện. Bộ trưởng cũng đánh giá cao việc xử lý ca nghi nhiễm MERS-CoV ở nước ngoài về tại sân bay Tân Sơn Nhất. Do đó, Bộ trưởng yêu cầu các địa phương cần nâng cao tinh thần cảnh giác phòng chống dịch đến mức tối đa, dịch có thể xâm nhập vào nước ta nếu lơ là dù chỉ một ngày. Mỗi địa phương cần trở thành đơn vị truyền thông cho chính mình và người dân về các tình huống có thể xảy ra. Tính đến ngày 8/6 tại Hàn Quốc đã có 87 ca mắc với 6 trường hợp tử vong. Trong khi đó, lưu lượng chuyến bay từ Hàn Quốc về Việt Nam hàng ngày là rất lớn, và có trên 100.000 người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc.

VOV

Lên phương án chữa trị nếu Việt Nam phát hiện bệnh nhân Mers-CoV

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã có phương án cách ly nếu phát hiện bệnh nhân Mers-CoV. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Mers-CoV tại Hàn Quốc và dịch bệnh này có nguy cơ xâm nhập nước ta, sáng nay (7/6), Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long có buổi làm việc tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (trực thuộc Bộ Y tế) và Bệnh viện Đa khoa Bắc Thăng Long (trực thuộc Sở Y tế Hà Nội) để kiểm tra việc sẵn sàng đáp ứng điều trị nếu Việt Nam phát hiện bệnh nhân Mers-CoV. 

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long (áo trắng - đứng giữa) kiểm tra tại BV Bệnh Nhiệt đới TW

Qua hoạt động kiểm tra của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho thấy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã có phương án cách ly nếu phát hiện bệnh nhân Mers-CoV. Trước mắt, bệnh viện chuẩn bị 2 phòng cách ly tại Khoa Cấp cứu để tiếp nhận những bệnh nhân đầu tiên. Sau đó, tùy theo mức độ tiến triển của bệnh dịch, sẽ bố trí thêm phòng cách cách ly, mức độ cao nhất là toàn bộ bệnh viện sẽ trở thành đơn vị cách ly. Hiện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là 1 trong 2 cơ sở trong cả nước có hệ thống xét nghiệm chuẩn quốc tế. 12 máy xét nghiệm của bệnh viện có khả năng xét nghiệm được virus Corona gây bệnh Mers-CoV, cho kết quả sau 4 giờ đồng hồ. Còn tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Thăng Long, quy mô hơn 30 giường bệnh, ngoài việc trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ cho cán bộ, nhân viên y tế đã bố trí khám cho bệnh nhân hô hấp tại 1 phòng khám riêng. Theo phương án đối phó với dịch bệnh Mers-CoV của bệnh viện này thì nếu có từ hơn 10 bệnh nhân Mers-CoV trở xuống sẽ cách ly, điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, khi có thêm nhiều bệnh nhân và trường hợp mắc bệnh nặng thì sẽ chuyển tuyến trên điều trị. Phát biểu kết luận buổi kiểm tra 2 bệnh viện vừa nêu, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bày tỏ quan ngại trước sự lây lan dịch bệnh Mers-CoV đang diễn ra nhanh chóng tại Hàn Quốc; đặc biệt khả năng dịch bệnh này xâm nhập vào nước ta rất lớn vì mỗi ngày có hàng nghìn người từ vùng dịch bệnh Hàn Quốc đến Việt Nam. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu 2 bệnh viện chuẩn bị tốt nhất các điều kiện, đồng thời tăng cường giám sát và điều tra dịch tễ đối với bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp để chủ động đối phó khi phát hiện những bệnh nhân Mers-CoV đầu tiên. “Đối với Mers-CoV, do việc lây nhiễm ở Hàn Quốc nhanh như vậy và triệu chứng lây bệnh của Mers-CoV rất giống với các bệnh viêm đường hô hấp, viêm phổi, sốt, chính vì vậy đối với khu vực phòng khám và các khoa khám bệnh phải bố trí phòng khám cách ly. Tiếp theo là đối với nhân viên y tế khám bệnh, nếu phát hiện các triệu chứng thì việc đầu tiên là phải hỏi bệnh nhân về tiền sử dịch tễ, bởi vì tiền sử dịch tễ rất quan trọng trong việc phát hiện ca bệnh đầu tiên. Nếu chúng ta phát hiện ca bệnh đầu tiên nhanh thì sẽ khống chế được mức độ, tốc độ lây nhiễm”. 

Gần 400 công nhân Tiền Giang ngộ độc do thức ăn nhiễm vi sinh vật

Qua lấy 18 mẫu nước uống và thức ăn kiểm nghiệm đã phát hiện có 6 mẫu thức ăn nhiễm vi sinh vật gồm Coliforms, E.Coli vượt mức cho phép. Liên quan đến vụ gần 400 công nhân nhập viện do nghi bị ngộ độc thực phẩm tại Công ty trách nhiệm hữu hạn túi sách SiMone (tại khu công nghiệp Tân Hương, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), ngày 7/6, Sở Y tế Tiền Giang cho biết: qua lấy18 mẫu nước uống và thức ăn kiểm nghiệm đãphát hiện có 6 mẫu thức ăn nhiễm vi sinh vật gồm Coliforms, E.Coli vượt mức cho phép, chủ yếu ở 2 loại thức ăn: cải ngọt xào và trứng chiên.Thức ăn này chế biến tại nhà bếp của Công ty trách nhiệm hữu hạn túi xách SiMone do Công ty trách nhiệm hữu hạn Tín Thảo (thành phố Hồ Chí Minh) đảm trách. Sở y tế Tiền Giang đang tiến hành các thủ tục xử phạt doanh nghiệp chế biến thức ăn kém chất lượng này theo Nghị định 178 của Chính phủ về an toàn vệ sinh thực phẩm. Như tin đã đưa, từ ngày22 - 25/4, Bệnh viện 120 (Cục Hậu cần Quân khu 9, đóng tại thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang) và Trung tâm Y tế huyện Châu Thành (tỉnh Tiền Giang) đã tiếp nhận cấp cứu 379 công nhân của Công ty trách nhiệm hữu hạn túi xách SiMone bị ngộ độc thực phẩm trong tình trạng nôn ói, đau bụng, tiêu chảy... Rất may các ca ngộ độc này được cứu chữa kịp thời, không ảnh hưởng đến tính mạng. Đây là lần thứ 3 tại doanh nghiệp này xảy ra nhiều công nhân bị ngộ độc thực phẩm, chủ yếu do bếp ăn không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm./. 

Đại biểu nhân dân

Ninh Bình dự kiến bố trí trên 79 tỷ đồng phục vụ cho công tác phòng chống HIV/AIDS

Thực hiện Đề án bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS trong giai đoạn 2016 – 2020 theo Quyết định số 1899, ngày 16.10.2013 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Ninh Bình dự kiến bố trí trên 79 tỷ đồng (bao gồm cả kinh phí chương trình điều trị Methadone khoảng 40 tỷ đồng) phục vụ cho công tác phòng chống HIV/AIDS tại địa phương. Trong đó, khoảng 70% tổng số kinh phí được tỉnh huy động từ ngân sách Trung ương và các dự án; từ nguồn bảo hiểm y tế và nguồn phí điều trị bệnh nhân tự chi trả. Phần kinh phí còn lại, Ninh Bình có kế hoạch bố trí từ ngân sách địa phương và huy động từ nguồn xã hội hóa, bảo đảm tăng dần tỷ lệ ngân sách địa phương hàng năm (khoảng 5%/năm) cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS. Bên cạnh ưu tiên đầu tư kinh phí hàng năm để thực hiện nhiệm vụ phòng chống HIV/AIDS, Ninh Bình tiếp tục lồng ghép công tác phòng chống HIV/AIDS vào phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa". Cùng với đó, tỉnh gắn kết hoạt động này với chương trình xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phấn đấu 80% số người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế được chi trả các dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo quy định hiện hành vào năm 2016 và 100% vào năm 2020. Triển khai các chương trình can thiệp giảm thiểu lây nhiễm HIV, Ninh Bình đang điều trị bằng thuốc ARV cho 905 bệnh nhân AIDS; 405 bệnh nhân nghiện ma túy được điều trị thay thế bằng thuốc Methadone; cung cấp bơm kim tiêm sạch cho khoảng 600 người nghiện chích ma túy; 100 gái mại dâm và 50 đối tượng nam giới đồng tính được cung cấp bao cao su. Tính đến hết tháng 3.2015, tỉnh Ninh Bình có 1.612 người nhiễm HIV còn sống (70% trong số này nhiễm HIV do nghiện ma túy), 1.026 người chết do nhiễm HIV. Ước tính tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư hiện ở mức 0,28%. 

Công an nhân dân

8 bệnh viện lớn sẵn sàng điều trị MERS-CoV

Nhằm ngăn chặn dịch MERS-CoV vào Việt Nam, chiều 8/6, Bộ Y tế đã có cuộc họp với đại diện của WHO, CDC và các cơ sở y tế trong toàn quốc để có những biện pháp hữu hiệu nhất ngăn chặn dịch. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: Dịch MERS-CoV đang diễn biến ngày càng phức tạp, đặc biệt Hàn Quốc đã có 6 trường hợp tử vong và 87 trường hợp mắc MERS-CoV, ở độ tuổi 57-82. Đặc biệt, đang có khoảng 100.000 người Việt Nam sinh sống ở Hàn Quốc và ngược lại. Do đó, nguy cơ dịch vào Việt Nam là cấp bách. Vì thế, ngành Y tế phải tập trung phòng, chống và ngăn chặn dịch vào Việt Nam, với việc chuẩn bị sẵn sàng về chuyên môn, hậu cần, kỹ thuật, truyền thông: không được chủ quan, mà cần phải quyết liệt ngay từ đầu. Các cơ quan chức năng phải phối hợp quản lý, giám sát chặt chẽ những địa điểm có đông người Hàn Quốc sinh sống. Nếu lơ là kiểm soát và phòng dịch sẽ phải trả giá rất đắt. Ngành Y tế phải quyết liệt ngăn chặn dịch MERS-CoV vào Việt Nam và khi có dịch thì phải tìm mọi cách để cứu sống người bệnh và ngăn chặn dịch lây lan ra cộng đồng. Các chuyên gia trong nước và quốc tế đều thống nhất về khả năng lan truyền quốc tế và có thể lây lan vào nước ta qua công dân trở về từ vùng có dịch, hay đi từ các nước khác và đi qua vùng có dịch rồi nhập cảnh Việt Nam. Đại diện của WHO nhấn mạnh: Nhiều trường hợp MERS-CoV không hề tiếp xúc với lạc đà cũng mắc, nên chưa thể xác định được nguyên nhân thực sự. Những trường hợp ở Trung Quốc không có triệu chứng. Điều đáng nói là các bệnh nhân chủ yếu do lây nhiễm chéo trong bệnh viện (BV) và tỉ lệ tử vong cao nhất là ở những người có bệnh khác đi kèm. WHO dự kiến, số người mắc MERS-CoV ở Hàn Quốc sẽ còn tăng, do lây nhiễm từ chính những người mắc và nhiều khả năng dịch còn kéo dài. WHO yêu cầu các cơ sở y tế cảnh giác cao đối với khả năng tiếp cận với MERS-CoV, đặc biệt với khách du lịch hoặc công dân lao động trở về từ Trung Đông và yêu cầu các nước thành viên báo cáo ngay tất cả các trường hợp MERS-CoV xác định và có thể cùng với các thông  tin về yếu tố phơi nhiễm, xét nghiệm và diễn biến. Trước khuyến cáo của WHO, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (KCB) cho biết, Việt Nam đã triển khai các biện pháp khẩn cấp tại các BV để ứng phó với MERS-CoV, hạn chế lây nhiễm và tử vong. Nhằm duy trì hoạt động của các BV trong trường hợp dịch lan rộng, Cục Quản lý KCB đã có kế hoạch phân tuyến điều trị. Các BV được phân công điều trị những bệnh nhân MERS-CoV đầu tiên, nặng và khó là BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, BV Bạch Mai, BV Nhi Trung ương, BV TW Huế, BV Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, BV Nhi đồng 1, 2 và BV Chợ Rẫy…Điều khiến các đại biểu lo ngại là không địa phương nào có thể loại trừ nguy cơ dịch vào đầu tiên. Theo Sở Y tế Đà Nẵng thì nguy cơ dịch cũng rất lớn, khi đang mùa du lịch, mỗi tuần có tới 22 chuyến bay từ Hàn Quốc đến (200 khách/chuyến), cùng 63 chuyến từ Trung Quốc về (200 khách/chuyến). Hà Nội mỗi ngày có khoảng 1.000 người, còn TP Hồ Chí Minh có gần 2.000 người từ Hàn Quốc nhập cảnh. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu các địa phương không được chủ quan, vì không biết dịch sẽ đến nơi nào trước nên cần chủ động đối phó và sẵn sàng cách ly toàn BV; nhân viên y tế ở lại 24/24h trong BV để chăm sóc bệnh nhân. Nhiều khả năng trường hợp đầu tiên sẽ được phát hiện tại BV. Khi có dịch, phải ưu tiên khám và có phòng khám riêng cho bệnh nhân MERS-CoV. Nhân viên y tế đến tận nơi xét nghiệm cho bệnh nhân, không để người bệnh đi lại trong BV và hạn chế chuyển tuyến lòng vòng. Ngay từ bây giờ, phải khuyến cáo bệnh nhân đeo khẩu trang khi tiếp xúc. Những khó khăn hiện này là giám sát người từ vùng dịch về. Điều này đòi hỏi ngành Y tế phải tuyên truyền để người dân hiểu và tự giác, như trường hợp 2 vợ chồng người Việt Nam đi Trung Đông về, có cưỡi lạc đà, đã tìm đến cơ sở y tế để xét nghiệm. Nhờ đó mà 3 trường hợp về từ vùng dịch đều đã được xét nghiệm sớm để khẳng định là âm tính với MERS-CoV. Bộ Y tế yêu cầu, khi có dịch, các đơn vị phải cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí để tuyên truyền kịp thời đến người dân. Chiều 8/6, Bộ Y tế đã ban hành quyết định bổ sung giám sát và phòng, chống bệnh MERS-CoV theo cập nhật mới nhất từ WHO: Thời gian ủ bệnh kéo dài từ 2-14 ngày, thay cho 10 ngày như trước đây. Do đó, ngành Y tế phải quản lý và theo dõi tình trạng sức khỏe của những người tiếp xúc gần người bệnh nhiều hơn 4 ngày. Chiều tối 8/6, BCĐ phòng, chống dịch MERS-CoV của Bộ Y tế, gồm đại diện các ngành đã họp về tình hình bệnh, do Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì. Bộ VH,TT&DL khuyến cáo không đưa khách du lịch đến các nước đang có dịch. Đại tá Nguyễn Văn Lộc, Phó cục trưởng Cục Y tế (Bộ Công an) cho biết: Ngày 7/6, Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, trong đó, yêu cầu Cục Quản lý xuất nhập cảnh và các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan làm tốt công tác nắm tình hình, tham mưu, đề xuất lãnh đạo Bộ Công an tăng cường quản lý, kiểm soát hoạt động xuất nhập cảnh theo chỉ đạo của Chính phủ trong thời gian dịch bệnh. Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị miễn phí xét nghiệm với các trường hợp nghi nhiễm MERS-CoV. Lãnh đạo Bộ Y tế sẽ kiểm tra công tác ứng phó với dịch ở các BV.

Tiền phong

Cứu sống thai nhi và sản phụ bị tổn thương tim cấp tính

Bệnh nhân bị phình gốc và bóc tách động mạch chủ cơ tim cấp trong tình trạng mang thai tuần thứ 31, cơ hội sống chỉ là 48 giờ kể từ lúc khởi phát cơn đau. Do đó, các bác sĩ đã quyết định mổ bắt con và thay van động mạch chủ để cứu cả mẹ, lẫn con. Chiều 8/6, bác sĩ Nguyễn Thái An - Trưởng khoa Hồi sức phẫu thuật tim, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM - cho biết, chị N.T.N.Tiến (26 tuổi, ngụ Tây Ninh) đang mang thai 31 tuần tuổi thì đột nhiên bị đau nhói từ phía trước ngực, rồi lan ra sau lưng. Ngoài ra, thai phụ bị vã mồ hôi, khó thở. Bệnh nhân được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 5/6. Kết quả siêu âm tim cho thấy gốc động mạch chủ phình to 5cm và bóc tách từ nơi xuất phát cơ tim lên đến quai động mạch chủ và dọc xuống động mạch chủ ngực. Theo bác sĩ An, đây là một bệnh lý cấp tính hiếm gặp, khả năng tử vong cao nếu không được cấp cứu khẩn cấp trong vòng 48 giờ đầu kể từ lúc bệnh khởi phát. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, mới chỉ ghi nhận ca đầu tiên, còn thế giới cũng chỉ mới ghi nhận 20 ca tương tự. “Cái khó ở trường hợp này là bệnh nhân có thai nên vấn đề phải làm sao cứu được cả hai mẹ con. Sau cuộc hội chẩn với các bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương, chúng tôi đã thống nhất phương án mổ bắt con và sau đó là thực hiện ngay ca phẫu thuật thay gốc và thay van động mạch chủ để cứu sống người mẹ”, bác sĩ An chia sẻ. Trước khi mổ bắt con, các bác sĩ đã cho thuốc kích để phổi em bé nhanh trưởng thành. Vào chiều 6/6, ca mổ đã thành công. Hai mẹ con chị Tiến đã được cứu sống. Người mẹ hiện đã tỉnh táo, có thể ăn uống được. Dự kiến khoảng 1 tuần sau sẽ xuất viện. Qua trường hợp này, bác sĩ An khuyên phụ nữ có thai nên đi siêu âm tim ít nhất một lần trong thai kỳ. “Đây là cách nhẹ nhàng, hiệu quả nhất để tầm soát xem mình có bệnh gì ở tim hay không. Vì ngoài bệnh lý về động mạch chủ rất là hiếm như trên thì phụ nữ mắc bệnh về van hai lá rất nhiều. Trong trường hợp, hẹp khít 2 lá mà có thai sẽ khó khăn trong việc giải quyết để giữ mạng sống của cả hai mẹ con”, ông An nói.

 

Ngày 15/06/2015
Ban Biên tập Website
(Điểm tin từ các Báo)
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích