Home TRANG CHỦ Thứ 4, ngày 17/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 4 4 0 0 5 3
Số người đang truy cập
1 3
 Tin tức - Sự kiện Điểm tin y tế
Điểm tin y tế từ các báo ngày 26/4 và 27/4 năm 2015

An ninh thủ đô

Ẩn họa vì trẻ tiêm phòng không đúng lịch

Lo ngại trẻ ốm sốt hoặc vì lí do nào đó, nhiều bậc phụ huynh đã trì hoãn cho con trẻ đi tiêm chủng theo lịch hoặc không cho con tiêm đủ số mũi vaccine theo khuyến cáo, việc làm này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây hại. Từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận một số ca mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như ho gà, sởi, rubella... Đặc biệt có nhiều trường hợp mắc bệnh sớm như bệnh ho gà ở trẻ 2-3 tháng tuổi, bệnh sởi khi trẻ 9-12 tháng tuổi. Đây là độ tuổi trẻ cần được đưa đi tiêm phòng theo lịch đầy đủ nhưng chưa được tiêm chủng. Theo các chuyên gia y tế, hiện người dân hay tìm đến các loại vaccine dịch vụ, vô hình trung kéo dài thời gian trẻ không được bảo vệ. Chính những trẻ không được bảo vệ này vô tình trở thành cầu nối mang bệnh đến cho những trẻ bé hơn. Điều này lý giải vì sao có những trẻ 2 tháng tuổi trở xuống đã bị nhiễm. Do vaccine dịch vụ hiếm hoi mà nhu cầu lại lớn nên thời gian qua nhiều trẻ đến tuổi không được tiêm vaccine ngừa ho gà, có khi đến 6 tháng - 1 tuổi các bé vẫn chưa được tiêm, trong khi lịch tiêm văc xin này là khi trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi. Việc tiêm vaccine muộn hơn so với khuyến cáo cũng có thể làm khả năng miễn dịch giảm. Trong tiêm chủng thì việc tiêm đầy đủ và đúng lịch rất quan trọng bởi nó tạo được miễn dịch kịp thời, đầy đủ cho các cháu để phòng bệnh. Nếu cha mẹ trì hoãn, trẻ không được bảo vệ và có nguy cơ cao mắc các bệnh truyền nhiễm do tiêm chủng chậm. Nguyên nhân của việc nhiều bậc phụ huynh đã trì hoãn cho con trẻ đi tiêm chủng theo lịch một phần vì các bà mẹ không nắm được trẻ sau khi sinh cần được tiêm những vaccine gì và lịch tiêm chủng như thế nào, đặc biệt là trẻ dưới một tuổi do đó không chủ động cho con em mình đi tiêm chủng. Ngoài ra, một trong các nguyên nhân khác là do một số bà mẹ chờ đợi vaccine Hexa-infarix (Vaccine 6 trong 1 gồm: Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, Bại liệt, Viêm gan B, Hemophilus influenza tuýp B) hoặc vaccine Pentaxim (Vaccine 5 trong 1gồm: Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, Bại liệt, Hemophilus influenza typ B) tiêm phòng bệnh cho con theo với hình thức tiêm vaccine dịch vụ. Việc chờ đợi tiêm vaccine dịch vụ sẽ làm chậm lịch tiêm chủng cho trẻ. Điều này thực sự rất nguy hiểm, vì tỷ lệ mắc bệnh nặng và tử vong của bệnh ho gà cao nhất  ở trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi. Tâm lý chờ đợi tiêm vaccine dịch vụ mà không đưa trẻ đi tiêm chủng theo lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng trong khi chương trình tiêm chủng mở rộng luôn đảm bảo đầy đủ vaccine để tiêm cho trẻ đúng lịch. Bên cạnh đó, một số bà mẹ không đưa con đi tiêm chủng còn vì những lý do như sợ phản ứng sau tiêm chủng cho trẻ, sợ trẻ ốm (mặc dù trẻ không thuộc diện hoãn tiêm), trẻ bị mắc các bệnh khác như sốt, ho, viêm phổi… do không được phòng bệnh đúng cách trong mùa đông xuân (như giữ ấm cho trẻ khi đi lại, cách ly với trẻ bị mắc bệnh truyền nhiễm…) dẫn đến mất cơ hội tiêm vaccine phòng bệnh. Tuy nhiên, cha mẹ lại không cho trẻ tiêm bù lại ngay và dẫn đến trẻ bị trì hoãn tiêm qua nhiều tháng, đây là khoảng trống thời gian trẻ dễ mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Thêm vào đó, do trẻ di chuyển chỗ ở từ nơi này sang nơi khác song không kịp thời khai báo với cán bộ y tế xã, phường nơi hiện tại mình sống để được tiêm chủng đúng lịch một cách kịp thời. Theo WHO, lịch tiêm chủng không mang tính ngẫu nhiên. Nó được lập ra dựa vào kết quả vô số nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu trên động vật và thử nghiệm lâm sàng trong nhiều năm nhằm tìm ra ở độ tuổi nào, trẻ có phản ứng miễn dịch tối ưu và do đó có mức bảo vệ tốt nhất, cũng như ở độ tuổi nào trẻ đối mặt với nhiều nguy cơ gặp biến chứng hoặc tử vong nhất khi mắc một trong những bệnh có thể chủng ngừa. Hiện nay ở nước ta, việc tiêm vaccine phòng bệnh thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng không chỉ là tự nguyện mà còn được quy định bắt buộc (theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm). Nếu trẻ không được tiêm vaccine phòng bệnh sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh đồng thời khi trẻ mắc bệnh là nguồn lây nhiễm trong cộng đồng.

Nghiêm cấm bán lẻ thuốc kê đơn nếu không có đơn thuốc

Đây là một trong những điểm mới của dự thảo Luật Dược (sửa đổi) vừa được Bộ Y tế công bố để lấy ý kiến của người dân. So với luật hiện hành, dự thảo lần này nhấn mạnh phải ưu tiên sử dụng thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu điều trị. Dự thảo cũng đưa ra 13 hành vi kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc bị nghiêm cấm, đáng chú ý là việc nghiêm cấm các cá nhân, đơn vị lạm dụng vị trí độc quyền hoặc vị trí thống lĩnh thị trường trong kinh doanh thuốc để bán phá giá thuốc, tăng giá thuốc trái quy định của pháp luật; nghiêm cấm thuê, mượn, cho thuê, cho mượn Chứng chỉ hành nghề dược, Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, Giấy phép kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc; đồng thời nghiêm cấm hành vi lợi dụng việc kê đơn thuốc để trục lợi.

Nhân dân

Xây dựng Trạm quân dân y nơi biên giới A Lưới

Ban tổ chức Chương trình "Nghĩa tình Trường Sơn" gồm Báo Sài Gòn Giải Phóng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế, Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) vừa tổ chức lễ khánh thành Trạm quân dân y tại xã A Đớt, huyện biên giới A Lưới (Thừa Thiên - Huế). Công trình có quy mô gồm năm phòng trực, khám và điều trị bệnh cùng các hạng mục phụ trợ khác với tổng kinh phí xây dựng 585 triệu đồng. Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt đã huy động 170 ngày công để tham gia một số hạng mục của công trình. Trạm quân dân y xã A Đớt đi vào hoạt động nhằm phục vụ việc khám, chữa bệnh cho hơn 400 hộ dân với hơn 2.200 nhân khẩu tại xã A Đớt cùng đồng bào các xã lân cận và người dân khu vực biên giới nước bạn Lào.

Ưu tiên phát triển y tế biển, đảo

Sau hai năm triển khai đề án "Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020" (đề án 317) cho thấy đã có nhiều thay đổi, từ nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đến sự phối hợp lực lượng quân, dân y... Tuy vậy, vẫn còn nhiều việc cần làm để đề án là một chiến lược tốt, gắn kết bảo vệ chủ quyền biển, đảo với chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình, nhiệm vụ mới. Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay, các cấp ủy đảng chính quyền địa phương và các bộ, ngành đã quan tâm công tác phát triển y tế biển, đảo. Sự phối hợp giữa các đơn vị, địa phương ngày càng chặt chẽ; người dân trên các huyện đảo, xã đảo được hưởng thụ chính sách ưu đãi về bảo hiểm y tế; các cơ sở khám chữa bệnh trên các xã đảo, huyện đảo và ven bờ từng bước được cải thiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế giúp người dân có cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng hơn. Đặc biệt, sự phối hợp giữa ngành y tế và lực lượng quân y ngày càng có hiệu quả trên các lĩnh vực, nhất là trên biển và các đảo xa bờ, thật sự là chỗ dựa cho ngư dân khi ra khơi, khi biển động. Sau lễ phát động chương trình, ngành y tế cùng ngư dân bám biển (tháng 5- 2014), đến nay công đoàn y tế đã mua hơn 1.200 tủ thuốc tặng các nghiệp đoàn nghề cá các tỉnh: Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Phú Yên...nhiều cơ sở y tế tổ chức các đợt khám, chữa bệnh cho hàng chục nghìn người dân sống trên các huyện đảo, xã đảo và hỗ trợ về trang thiết bị y tế, chuyển giao kỹ thuật cho các cơ sở khám, chữa bệnh trên các đảo. Bên cạnh đó, nhiều tỉnh, thành phố triển khai nhiều nội dung cụ thể, như tỉnh Quảng Ninh thiết lập và đưa vào sử dụng đường truyền trực tuyến cho Trung tâm y tế huyện Cô Tô, phục vụ công tác hội chẩn, giao ban; đầu tư trung tâm ô-xy cao áp tại Bệnh viện đa khoa Bãi Cháy để hỗ trợ cấp cứu, điều trị cho ngư dân. Tỉnh Cà Mau thành lập trung tâm y tế với 100 giường bệnh tại thị trấn Sông Đốc; xây mới hai trạm y tế tại xã đảo Hòn Khoai (Ngọc Hiển) và Hòn Chuối (Trần Văn Thời). Tỉnh Kiên Giang đầu tư nâng cấp Bệnh viện đa khoa huyện Phú Quốc, Bệnh viện đa khoa thị xã Hà Tiên và xây mới ba trạm y tế tại ba xã đảo: Bãi Thơm, Gành Dầu (Phú Quốc), Hải Sơn (Kiên Lương)... Thiếu tướng, GS, TS Lê Trung Hải, Phó Cục trưởng Quân y (Bộ Quốc phòng) cho biết, hai năm qua, các đơn vị quân y trong toàn quân tiếp tục phối hợp lực lượng y tế các địa phương thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và bộ đội tuyến biển, đảo tại những khu vực khó khăn. Theo thống kê, các cơ sở quân y trên tuyến biển, đảo đã tổ chức cấp cứu 2.800 người; khám bệnh cấp thuốc cho 60 nghìn lượt người, thu dung điều trị hơn 11 nghìn trường hợp; đã phẫu thuật hơn 1.400 ca... Lực lượng quân y trên tuyến biển, đảo đã tổ chức cấp cứu, vận chuyển kịp thời, an toàn hiệu quả nhiều trường hợp người bệnh rất nặng như đa chấn thương, viêm tụy cấp, tai biến do lặn sâu, xuất huyết tiêu hóa, viêm túi mật cấp... Bộ Quốc phòng đã điều động 16 chuyến máy bay lên thẳng và 22 chuyến tàu vận chuyển 57 người bệnh về đất liền cứu chữa kịp thời. Việc triển khai đề án 317 nhằm bảo đảm cho người dân sinh sống và làm việc ở vùng biển, đảo được tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế cho nhu cầu dự phòng, cấp cứu, khám, chữa bệnh và nâng cao sức khỏe. Đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Tuy nhiên thực tế một số bộ, ngành, địa phương, một bộ phận cán bộ chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa chính trị - kinh tế - xã hội của đề án, do vậy chưa triển khai hoặc triển khai chiếu lệ, chưa đầy đủ các nội dung của đề án. Một số địa phương còn giao khoán cho ngành y tế trong việc triển khai, coi đây là nhiệm vụ của ngành y tế. Trong khi đó, phần lớn bà con ngư dân còn thiếu hiểu biết, chưa "đòi hỏi" nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe mỗi khi ra khơi. Hiện nay, y tế ở các huyện đảo, xã đảo xa bờ chủ yếu do lực lượng quân y đảm nhiệm hoặc dân y kết hợp quân y, nhưng lực lượng còn mỏng, chưa có các đội cơ động cấp cứu vận chuyển chuyên nghiệp, trang thiết bị và thuốc thiết yếu còn hạn chế. Nhiều huyện đảo như Bạch Long Vĩ, Lý Sơn, Thổ Chu, việc vận chuyển người bệnh còn khó khăn, do chi phí cao, thời gian vận chuyển kéo dài, nhân lực thiếu... Vấn đề quan trọng là phải nghiên cứu, xây dựng phác đồ theo mô hình bệnh tật của người dân sống trên biển, đảo. Đặc biệt là cần có những hướng dẫn cụ thể cho người dân trong việc sơ cấp cứu ban đầu do tai nạn thương tích trên biển và giúp người dân có kiến thức tự bảo vệ bản thân, ứng cứu kịp thời khi có tình huống khẩn cấp. Do vậy, trong thời gian tới, Cục Quân y tiếp tục phối hợp các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp bảo đảm y tế biển, đảo. Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tổ chức bảo đảm quân y, bảo đảm vệ sinh phòng dịch, vệ sinh môi trường trên tuyến biển, đảo; chăm sóc sức khỏe nhân dân và bộ đội. BVĐK Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) cho biết, công tác y tế biển, đảo tại huyện hiện còn rất nhiều khó khăn, hạn chế, do chưa có mô hình mạng lưới y tế biển, đảo vẫn đang áp dụng mô hình y tế trên đất liền. Trong khi y tế tuyến đảo vừa là tuyến đầu cũng vừa là tuyến cuối. Do vậy, cần đầu tư nhiều hơn nữa về cơ cở vật chất, trang thiết bị khám, chữa bệnh tại chỗ và cả những phương tiện vận chuyển cấp cứu phù hợp; có cơ chế hỗ trợ về kinh phí trong vận chuyển người bệnh từ đảo về đất liền. Trước mắt, cần trang bị cho những cơ sở khám, chữa bệnh tuyến đảo hệ thống Telemidicine (hội chẩn trực tuyến) để giúp các bệnh viện hội chẩn các ca bệnh khó. PGS, TS Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Y tế, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về y tế biển, đảo cho biết: các đơn vị đang thực hiện dự án gồm đóng mới một tàu bệnh viện, trang bị thiết bị cấp cứu trên biển cho hai tàu cảnh sát biển; hướng dẫn chẩn đoán và cấp cứu các ca bệnh khó. Đồng thời củng cố mạng lưới y tế đủ năng lực và phù hợp đặc thù hoạt động vùng biển, đảo, bảo đảm cho người dân sinh sống, làm việc, được tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế cho nhu cầu dự phòng, cấp cứu, khám, chữa bệnh và nâng cao sức khỏe.

Nhiều kỹ thuật chuyên sâu được chuyển giao cho bệnh viện tuyến cơ sở

Bộ Y tế vừa sơ kết hai năm thực hiện đề án xây dựng bệnh viện vệ tinh và chuyển giao kỹ thuật chuyên sâu cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ. Theo Bộ Y tế, sau khi được các BV: Hữu Nghị Việt Đức, K, Bạch Mai đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, đến nay, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ đã phát triển toàn diện. thực hiện thành công các kỹ thuật chuyên sâu được chuyển giao…

Thời tiết giao mùa, bệnh nhi mắc bệnh hô hấp tăng đột biến

Ngày 26-4, BVĐK tỉnh Hòa Bình cho biết do thời tiết đang giao mùa khiến nhiều trẻ nhỏ tại địa phương mắc bệnh hô hấp phải nhập viện. Qua thống kê, những ngày qua lượng bệnh nhi nhập viện tăng đột biến, có ngày lên đến 120 bệnh nhân, trung bình khoảng 100 bệnh nhân. Nhưng tại Khoa Nhi chỉ có 65 giường bệnh, trong đó có 20 giường sơ sinh và 45 giường cho nhi. Tình trạng quá tải như vậy không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh và tinh thần làm việc của các cán bộ y, bác sĩ mà còn khiến cho người nhà cũng như bệnh nhân thấy mệt mỏi và căng thẳng. Theo ghi nhận của chúng tôi tại Khoa Nhi, các phòng bệnh chật người, mỗi giường bệnh đều có từ 2 -3 trẻ nằm điều trị. Phần lớn những trường hợp nhập viện đều có những triệu chứng ho, hắt hơi, xổ mũi, sốt, viêm phế quản... “Để phòng tránh bệnh cho các cháu khi thời tiết giao mùa, các gia đình cần vệ sinh sạch sẽ cho trẻ nhỏ; bảo đảm ăn uống đủ chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng; khi phát hiện có triệu chứng cần đưa các cháu đến cơ sở y tế gần nhất...”.

Hà Nội mới

Kiểm tra phụ gia thực phẩm trên diện rộng

Trong tháng 5 và 6, Cục ATTP sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng thành lập 2 đoàn thanh kiểm tra trên diện rộng về hoạt động kinh doanh, nhập khẩu, sử dụng phụ gia thực phẩm; chất hỗ trợ chế biến và dụng cụ-vật liệu đóng gói thực phẩm. Tại khu vực phía Bắc, đoàn chú trọng kiểm tra tại Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh; ở khu vực phía Nam là TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương... Sử dụng phụ gia ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế có thể gây ngộ độc hàng loạt, ảnh hưởng tới gan, thận, hệ thần kinh, gây ung thư. Trong quá trình kiểm tra, các đoàn sẽ lấy mẫu kiểm nghiệm, xử lý hành vi vi phạm nhằm hạn chế tình trạng sản phẩm không bảo đảm an toàn, không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng tiếp tục lưu thông trên thị trường.

Sức khỏe & đời sống

BVĐK Trung tâm Tiền Giang: Khánh thành Khu Điều trị theo yêu cầu và kỹ thuật cao

Ngày 26.4, tỉnh Tiền Giang tổ chức khánh thành và đưa vào sử dụng Khu điều trị theo yêu cầu và kỹ thuật cao. Đây là dự án hợp tác giữa bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang và Công ty TNHH Thuận Phú (nhà đầu tư thực hiện dự án). Đến dự có bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế. Theo Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, công trình có quy mô 1 trệt 3 lầu với tổng diện tích sàn trên 6.000m2 cùng nhiều hạng mục phụ trợ khác. Công trình được đưa vào sử dụng sau hơn 12 tháng thi công, với tổng vốn đầu tư trên 70 tỉ đồng. Khu điều trị theo yêu cầu và kỹ thuật cao gồm các phân khu chức năng chính như: Khối khám và điều trị, khu chẩn đoán hình ảnh trang bị máy CT Scanner, máy X-quang kỹ thuật số, máy siêu âm màu 3, 4 chiều, máy nội soi, điện tim, khu chạy thận nhận tạo. Khu vực lưu bệnh nội trú có quy mô 156 giường bệnh, với nhiều tiện ích, hệ thống liên lạc nội bộ giữa bệnh nhân tại giường bệnh và điều dưỡng. Đặc biệt, các phòng đều lắp đặt hệ thống máy lạnh, nhà vệ sinh có nước nóng với thiết kế hiện đại, tiện nghi theo tiêu chuẩn khách sạn nhằm gia tăng sự thoải mái cho người bệnh và thân nhân. Cũng theo Sở Y tế Tiền Giang, Khu điều trị theo yêu cầu và kỹ thuật cao là mô hình liên kết mới tại Tiền Giang, thực hiện theo chủ trương xã hội hóa công tác y tế, nhằm giảm quá tải tại Bệnh viện đa khoa trung tâm tỉnh, nâng cao uy tín, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của bệnh viện thông qua các dịch vụ kỹ thuật cao và đáp ứng các nhu cầu chăm sóc khác của người bệnh. Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Tạ Văn Trầm, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh Tiền Giang, cho biết từ tháng 8.2014, Khu điều trị theo yêu cầu và kỹ thuật cao được đưa vào vận hành thử nghiệm. Từ đó đến nay, Khu đã khám và điều trị cho gần 70.000 lượt bệnh nhân ngoại trú và trên 1.700 bệnh nhân nội trú. Hiện nay, bình quân mỗi ngày Khu điều trị theo yêu cầu và kỹ thuật cao tiếp nhận khám trên 400 lượt bệnh nhân ngoại trú, điều trị hơn 70 giường bệnh nội trú và hoạt động liên tục 3 ca của khu thận nhân tạo.

Gần 400 ca ghép tế bào gốc trong 20 năm

Thông tin trên được công bố tại Hội nghị khoa học về tế bào gốc toàn quốc lần thứ 3, tổ chức tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, từ ngày 23-25/4 với sự tham dự của gần 300 đại biểu là các nhà khoa học Việt Nam đang nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh.Ở các nước phát triển, việc nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc trong y học đã được tiến hành từ những năm 60 của thế kỷ trước. Những thành công bước đầu trong lĩnh vực này là việc sử dụng tế bào gốc tạo máu để điều trị một số bệnh máu ác tính (ghép tế bào gốc tạo máu). Nguồn tế bào gốc sử dụng cho ghép được lấy từ tủy xương, máu ngoại vi, máu cuống rốn và gần đây là từ màng lót cuống rốn. Ngày nay, việc nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc không chỉ giới hạn trong việc điều trị các bệnh máu, mà còn được nghiên cứu và ứng dụng trong nhiều chuyên khoa khác nhau như mắt, tim mạch, xương khớp, bỏng, da liễu, thẩm mỹ, nhi khoa…

Bộ trưởng Bộ Y tế biểu dương các bác sĩ liên viện cứu sống trẻ sơ sinh 1 ngày tuổi

Bộ trưởng Bộ Y tế vừa gửi thư khen tập thể các y, bác sĩ của BV Nhi đồng 2 và BV Từ Dũ TP. HCM đã triển khai kịp thời các biện pháp tích cực để cứu sống một bé sơ sinh trong tình trạng đặc biệt nêu rõ: “Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết, sáng ngày 22/4, tập thể y, bác sĩ BV Nhi đồng 2 và BV Từ Dũ đã cứu sống ngoạn mục một trẻ sơ sinh trong tình trạng đặc biệt. Bằng phương pháp sinh mổ, Khoa Sản - BV Từ Dũ đã giúp bé trai nặng 2,6kg bị block nhĩ thất độ III chào đời. Ngay lập tức, cháu được các bác sĩ của BV Nhi đồng 2 tiến hành hồi sức, phẫu thuật tại chỗ, đặt thành công máy tạo nhịp tim. Kết quả thành công của ca mổ được đánh dấu là bước khởi đầu cho sự phối hợp giữa các bác sĩ chuyên khoa Sản - Nhi kịp thời cứu sống cháu bé”. Cũng trong thư khen, Bộ trưởng nhấn mạnh: Kết quả này không chỉ là thành tựu của chuyên khoa hồi sức cấp cứu, Sản Nhi mà còn thể hiện năng lực chuyên môn sâu của đội ngũ y bác sĩ Việt Nam ngày một phát triển với đạo đức nghề nghiệp và tinh thần trách nhiệm cao hết lòng vì người bệnh, là tấm gương sáng về y đức, y lý, y thuật...

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp xúc cử tri tại TP.HCM

Sáng ngày 27/4, TTND.PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế cùng Tổ Đại biểu đơn vị số 8 đã tiếp xúc cử tri tại huyện Bình Chánh, TP.HCM. Tổ Đại biểu Quốc hội đã báo cáo việc giải quyết những ý kiến, kiến nghị của cử tri từ kỳ họp trước của thành phố và các bộ, ngành Trung ương về các vấn đề như tình hình nợ công, tham nhũng hối lộ, vấn đề quản lý người cai nghiện, cải cách sách giáo khoa…Đặc biệt là vấn đề đầu tư xây dựng Bệnh viện của ngành Y tế. Dự kiến Kỳ họp thứ 9, QH khóa XIII sẽ diễn ra từ ngày 20/5 đến ngày 25/6/2015. Chương trình kỳ họp lần này sẽ tập trung xem xét thông qua 11 dự án luật và 1 nghị quyết; cho ý kiến 14 dự án luật. Tại kỳ họp này, QH cũng sẽ nghe, thảo luận, cho ý kiến về các vấn đề kinh tế - xã hội, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. Cụ thể, xem xét các báo cáo bổ sung của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013; Quốc hội giám sát tối cao Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật; Báo cáo về kết quả tổ chức IPU-132…Tại buổi tiếp xúc, cử tri đã đặt ra nhiều câu hỏi thắc mắc cùng nhiều mong muốn liên quan đến các vấn đề nước sạch, bảo hiểm y tế, tình hình cải cách hành chính, chương trình xây dựng nhà ở, tình hình nợ công, tham nhũng hối lộ, vấn đề quản lý người cai nghiện, cải cách sách giáo khoa, hàng nhái hàng giả…Trả lời thắc mắc của cử tri, TTND.PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Tổ Đại biểu nói chung và bản thân Bộ trưởng nói riêng rất chia sẻ với những thắc mắc, mong muốn của cử tri. Chẳng hạn, trong vấn đề cải cách hành chính, như phản ánh của cử tri, nhiều đơn thư kiếu nại về đất đai, nhà ở chưa được giải quyết, kéo dài. Tình trạng này khiến người dân cảm thấy bị mệt mỏi, khổ tâm. Bộ trưởng cho rằng, thời gian qua chính quyền địa phương cũng đã rất cứng rắn trong việc xử lý những vấn đề do người dân khiếu nại, tố cáo, bằng chứng là chính quyền đã xử lý kỷ luật 2 tập thể và 8 cá nhân. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng đề nghị lãnh đạo huyện Bình Chánh tiếp tục giải quyết những vướng mắc còn lại của cử tri trong thời gian sớm nhất. Và riêng Tổ Đại biểu cũng đã ghi nhận những ý kiến góp ý cũng như mong muốn, nguyện vọng của cử tri để giải quyết hoặc gửi đến Quốc hội xem xét, quyết định. Trong chiều nay, 27/4, Bộ trưởng cùng Tổ Đại biểu sẽ tiếp xúc cử tri tại quận 8, TP.HCM.

Tuổi trẻ

Cứu cụ già vỡ phình động mạch chủ bụng

Ngày 25-4, BVĐK tỉnh Khánh Hòa cho biết, bệnh viện này vừa mổ cứu sống bệnh nhân bị vỡ phình động mạch chủ bụng rất nặng. Bệnh nhân là ông Đặng Văn Xân, 75 tuổi, trú tại xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa). Theo các bác sĩ tại BVKH, bệnh nhân nhập viện ngày 23-4 trong tình trạng đau bụng dữ dội, tụt huyết áp. Qua hội chẩn gấp các bác sĩ đã chẩn đoán: bệnh nhân bị choáng do vỡ phình động mạch chủ bụng dưới thận, suy thận, đái tháo đường nặng. Một ê kíp các bác sĩ khoa Ngoại Lồng Ngực và khoa Phẫu thuật Gây mê của bệnh viện đã triển khai phẫu thuật kịp thời. Khi mổ phát hiện phình động mạch chủ bụng dưới thận đã vỡ tạo khối máu tụ rất lớn sau phúc mạc. Qua 5 giờ liền phẫu thuật, đoạn phình động mạch chủ vỡ được thay bằng mạch máu nhân tạo. Hiện tại bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và đang được tập trung hồi sức tích cực, thở máy và lọc máu liên tục tại Khoa Hồi sức tích cực và chống độc. Được biết, vỡ phình động mạch chủ bụng là một trong những trường hợp cấp cứu ngoại khoa gây tử vong cao với tỷ lệ tử vong trung bình lên đến 90%. Trong đó có 31 đến 61% bệnh nhân phình động mạch chủ bụng vỡ không đến kịp được bệnh viện, khoảng 39 đến 45% trường hợp được cấp cứu và phẫu thuật kịp thời, nhưng tỷ lệ tử vong sau phẫu thuật lên đến 50%. Đây là ca thứ 4 được các bác sĩ BVKH mổ kịp thời, cả 3 trường hợp trước các bệnh nhân đều ổn định, xuất viện trong niềm tự hào của tập thể Bệnh viện đa khoa Tỉnh Khánh Hòa, cũng như của gia đình bệnh nhân. Đồng thời khẳng định kết quả tiếp nhận kỹ thuật phẫu thuật lồng ngực do Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM chuyển giao thành công trong hơn một năm qua.

Vi khuẩn tấn công, hoại tử một đoạn động mạch

Bệnh viện Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh vừa cứu sống một trường hợp bị vỡ động mạch lớn do vi khuẩn tấn công. Bệnh nhân P.Q.V., 55 tuổi, ở tỉnh Bình Phước vào khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh vào đêm 18/4 trong tình trạng da niêm nhợt nhạt và đau bụng dữ dội. Trước đó 2 tuần, bệnh nhân bị ngã gãy xương đòn phải và được phẫu thuật, nhưng sau khi xuất viện khoảng 5 ngày, ông Vĩnh thấy đau vùng bụng dưới, sốt lạnh run người. Vài ngày sau, xuất hiện một khối u to ở vùng bụng, ngay dưới rốn, đập theo nhịp mạch. Bệnh nhân không nhập viện mà ở nhà uống thuốc, đến khitình trạng đau bụng dữ dội đồng thời khối u ở bụng dưới to lên nhanh một cách bất thường, người này mớiđể người nhà đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y dược thành phố. Tại đây các bác sĩ thuộc Đơn vị phẫu thuật mạch máu của Bệnh viện Đại học Y dược thành phố chẩn đoán ông Vĩnh bị vỡ phình động mạch chậu do nhiễm trùng và phải mổ ngay lập tức. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện vùng bụng dưới của bệnh nhân có một khối lớn chứa máu và mủ. Một động mạch lớn trong ổ bụng đã bị vỡ, không còn thành mạch. Máu chảy ra từ động mạch vỡ được các mô xung quanh và các quai ruột bao bọc thành một khối, xen lẫn với dịch mủ và các mô viêm hoại tử. Các động mạch lớn khác nằm kế cận cũng trong tình trạng viêm dày, xơ cứng, dính chặt vào các mô xung quanh. Sau 5 giờ phẫu thuật căng thẳng, các bác sĩ đã thành công trong việc cầm máu, làm sạch ổ nhiễm khuẩn đồng thời tạo nên một mạch máu mới thay thế đoạn động mạch đã bị hoại tử. Đoạn mạch máu mới này được lấy từ động mạch chậu trong - một động mạch phụ khác trong ổ bụng của chính bệnh nhân. Hiện tại, sức khỏe của ông Vĩnh đã hồi phục và chuẩn bị xuất viện trong vài ngày.

Dân trí

Xã hội hóa y tế cần phải rõ ràng, minh bạch

Huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị là giải pháp được kỳ vọng sẽ mang lại sự phát triển của ngành Y tế. Để tránh tiêu cực phát sinh, Bộ trưởng Kim Tiến yêu cầu mô hình xã hội hóa phải rõ ràng, minh bạch.

Huy động nguồn lực xã hội cho phát triển y tế

Giảm tải bệnh viện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám và điều trị của người dân là mục tiêu quan trọng đã được Bộ Y tế đặt ra từ nhiều năm qua. Để hiện thực hóa vấn đề trên, Bộ đang tập trung kết hợp nhiều giải pháp về cơ chế, chính sách tài chính y tế. Trong đó, giải pháp huy động các nguồn lực từ xã hội để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, hợp tác về quản lý, nâng cao chất lượng của hệ thống y tế đang được kỳ vọng sẽ mang lại những hiệu quả khả quan. Từ năm 2007, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư (số: 15/2007/TT-BYT) hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về việc sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết hoặc góp vốn liên doanh để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động dịch vụ của các cơ sở y tế công lập. Tuy nhiên, thực tế triển khai Thông tư 15 đã phát sinh những bất cập như: cơ sở y tế quá tải nhưng vẫn dành diện tích để liên doanh, liên kết; không tách bạch được khu dịch vụ với khu điều trị thông thường làm người bệnh liên tưởng đến tình trạng phân biệt đối xử giữa người nghèo - người giàu; các hình thức liên kết chưa đa dạng và chủ yếu chỉ phục vụ mua sắm trang thiết bị,…Nhằm hạn chế những nhược điểm trên, Bộ Y tế đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết (số: 93/2014/NQ-CP ngày 15/12/2014) về một số cơ chế, chính sách phát triển y tế nhằm đẩy mạnh triển khai các cơ chế, chính sách thúc đẩy hợp tác phát triển của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Theo đó, bệnh viện công được phép liên doanh, liên kết dưới hình thức góp vốn với các nhà đầu tư để xây dựng, thành lập mới cơ sở khám bệnh chữa bệnh hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Cho phép cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công cử công chức, viên chức làm việc tại các bệnh viện tư theo nguyên tắc công khai, dân chủ, tự nguyện. Kể từ khi Nghị quyết 93 chính thức có hiệu lực, tại khu vực phía Nam đã có 2 bệnh viện được xúc tiến đầu tư theo mô hình xã hội hóa kết hợp công - tư gồm: BVĐKĐồng Nai được xây dựng mới hoàn toàn với quy mô 1.400 giường, tổng mức đầu tư trên 3.300 tỷ đồng (khánh thành ngày 25/4); BVĐK Trung tâm Tiền Giang xây dựng mới Khu khám chữa bệnh theo yêu cầu kỹ thuật cao trong khuôn viên đất hiện có với quy mô 169 giường bệnh, tổng đầu tư hơn 70 tỷ đồng (khánh thành ngày 26/4).  Tại buổi lễ khánh thành Khu khám chữa bệnh theo yêu cầu kỹ thuật cao, BVĐK Trung tâm Tiền Giang, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Vấn đề giảm tải không chỉ là nỗ lực của ngành Y tế mà là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị với mục tiêu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng chất lượng khám chữa bệnh, đổi mới cơ chế tài chính. Các đơn vị y tế hoạt động theo mô hình xã hội hóa cần phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo để có thể áp dụng các kỹ thuật cao vào khám và điều trị, đáp ứng nhu cầu của người bệnh; phải sẵn sàng tham gia hệ thống bệnh viện vệ tinh, tiếp nhận các kỹ thuật cao được chuyển giao từ bệnh viện tuyến trên; cơ sở hạ tầng và trang thiết bị phải đồng bộ, hiện đại”. Bộ trưởng yêu cầu trong quá trình hoạt động các bệnh viện có hình thức xã hội hóa phải xác định rõ mô hình quản trị theo hướng luật doanh nghiệp hay quản trị trên cơ sở kết hợp công - tư. Dù hoạt động theo mô hình nào bệnh viện cũng phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật.

Liên doanh, liên kết phải minh bạch, rõ ràng

Theo Bộ trưởng Kim Tiến, hiện hệ thống bệnh viện công lập, ngành y tế đang từng bước tiến tới tính đúng tính đủ. Nhà nước sẽ không cấp kinh phí cho các bệnh viện công lập mà cấp thông qua Bảo hiểm Y tế và chỉ hỗ trợ cho những gia đình chính sách thuộc diện gia đình có công, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi. Về mặt tài chính, giá dịch vụ y tế tại cơ sở liên doanh, liên kết sẽ do UBND các tỉnh hoặc doanh nghiệp tự hoạch toán nhưng cần phải phù hợp bởi giá khám chữa bệnh cao quá, người bệnh sẽ không chấp nhận nhưng nếu thấp quá thì không đủ chi phí hoạt động của cơ sở.  Về nhân lực chuyên môn, cơ sở liên doanh, liên kết sẽ phải tự tuyển một phần nhân lực và một phần nhân lực được huy động từ bệnh viện công sang đơn vị liên doanh liên kết để làm việc. Tuy nhiên, cơ sở y tế công lập phải có trách nhiệm quản lý, đảm bảo ngày công chất lượng của y bác sĩ tại bệnh viện công trước khi thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở liên doanh liên kết. Bộ trưởng Kim Tiến yêu cầu các bệnh viện cần phải có quy định rõ ràng giữa bệnh viện xã hội hóa công - tư; chủ đầu tư của Trung tâm khám chữa bệnh theo nhu cầu với bệnh viện công lập về việc bác sĩ tại bệnh viện công làm việc tại đơn vị liên doanh, liên kết là làm ngoài giờ hành chính, trong giờ hành chính hay làm việc theo hợp đồng để tránh tình trạng y bác sĩ “ăn cắp” giờ công. Bộ trưởng Kim Tiến nhấn mạnh: Dù là cơ sở công lập, ngoài công lập hay cơ sở liên doanh, liên kết cũng phải đặt đạo đức nghề nghiệp, đặt quyền lợi của người bệnh lên trên hết. Do đó, các đơn vị cần phải có hình thức để hỗ trợ người có điều kiện khó khăn nếu người bệnh có nhu cầu khám chữa bệnh tại các trung tâm điều trị kỹ thuật cao. Ngoài việc được quỹ bảo hiểm y tế hỗ trợ một phần, các tỉnh cần phải lập nguồn quỹ hỗ trợ khám chữa bệnh cho người nghèo, nguồn quỹ từ sự ủng hộ của nhà hảo tâm để giúp đỡ bệnh nhân trong trường hợp đặc biệt. Mặt khác, cần phải xác định rõ các vấn đề liên quan về chi phí bảo hành, bảo trì giữa công và tư trong mô hình liên doanh, liên kết. Bộ trưởng kỳ vọng khi đúc kết được mô hình quản lý, quản trị hiệu quả từ những đơn vị đi đầu, ngành y tế sẽ nhân rộng mô hình xã hội hóa y tế ra nhiều địa phương trên cả nước để ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

TPHCM: Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện còn yếu

Toàn thành phố mới chỉ có 2 bệnh viện đạt thang điểm khá trong ứng dụng công nghệ thông tin. Tình trạng trên cho thấy việc cải cách thủ tục hành chính của các bệnh viện còn chậm và yếu gây khó khăn cho quản lý chất lượng chuyên môn. Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện được Sở Y tế và Sở Thông tin truyền thông TPHCM tổ chức ngày 25/4. Cuối năm 2014, các đơn vị liên quan đã tiến hành khảo 89 bệnh viện trên địa bàn thành phố, thực tế ghi nhận chỉ có 2 bệnh viện là bệnh viện Nhi đồng 1 và bệnh viện Nhân dân 115 đạt điểm cao nhất là điểm 7 trong ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách thủ tục hành chính, quản lý chất lượng chuyên môn. Thống kê cho thấy chỉ có 10 bệnh viện, chiếm tỷ lệ 11% có ứng dụng công nghệ thông tin từ mức trung bình khá, còn 89% các bệnh viện ứng dụng công nghệ thông tin từ mức trung bình trở xuống. Hệ thống công nghệ thông tin tại hầu hết các bệnh viện đều chưa hoàn chỉnh, chưa đồng bộ ở tất cả các khâu trong quá trình khám chữa bệnh và nhất là chưa sử dụng, khai thác dữ liệu cho công tác quản lý, điều hành. Đáng lưu ý là vẫn còn 9 bệnh viện chưa triển khai công nghệ thông tin hoặc mức độ đầu tư ứng dụng rất ít, không đáng kể, bị đánh giá ở mức điểm 2. Trong số này, thì có đến 7 bệnh viện là ngoài công lập và là các bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ. Ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố cho rằng: Nếu các bệnh viện không cải tiến chất lượng thì sẽ không thu hút được bệnh nhân, bệnh viện sẽ tự gây khó khăn cho mình. Có nhiều hoạt động để nâng cao chất lượng bệnh viện, trong đó có cải cách hành chính, mà công cụ không thể thiếu là ứng dụng công nghệ thông tin. Chưa có bệnh viện nào toàn diện về công nghệ thông tin là thực tế đáng buồn, Sở y tế sẽ có những chỉ đạo sâu sát để phát triển công nghệ thông tin tại các bệnh viện trong thời gian tới.

Pháp luật Tp. Hồ Chí Minh

Y, bác sĩ cần hành động để nâng cao chất lượng phục vụ

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế đã yêu cầu cán bộ, nhân viên trong toàn ngành y tế phải nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân. Theo đó, bộ trưởng yêu cầu ngành y tế phải hướng đến phong cách phục vụ bệnh nhân “đến đón tiếp niềm nở”, “ở chăm sóc tận tình”, “về dặn dò chu đáo” như tiêu chuẩn phục vụ của ngành… hàng không. Trong một vài năm trở lại đây, ngành y tế thường bị người bệnh cũng như người nhà bệnh nhân than phiền về chất lượng dịch vụ, cung cách phục vụ trong quá trình khám, chữa bệnh và điều trị. Niềm tin vào ngành y tế của người bệnh đang bị giảm sút. Từ nỗi lo bệnh viện quá tải, phải nằm ghép chật chội cho đến chất lượng khám và điều trị cũng như cung cách phục vụ, chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện chưa được chu đáo, tận tình, thậm chí là còn quá nhiều yếu kém. Thực tế đã có hậu quả đau lòng là bệnh nhân tử vong một phần là do sự tắc trách, cẩu thả của người thầy thuốc khi bệnh nhân không được chẩn đoán, cứu chữa kịp thời. Từ đó, nhiều vụ ẩu đả, hành hung bác sĩ, y tá… trong bệnh viện đã xảy ra xuất phát từ sự vô cảm, thái độ bàng quan của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế đối với người bệnh. Không phải ngẫu nhiên mà trong các kỳ họp của Quốc hội, ở phiên họp chất vấn các bộ trưởng thì phần dành chất vấn bộ trưởng Bộ Y tế về những vấn đề mà cử tri, dư luận đã và đang quan tâm, bức xúc luôn làm nóng diễn đàn Quốc hội… Do vậy, việc bộ trưởng Bộ Y tế quyết tâm chấn chỉnh, “xốc” lại chất lượng cũng như cung cách, chất lượng phục vụ đối với cán bộ, nhân viên trong toàn ngành y tế để nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ bệnh nhân cũng như người nhà bệnh nhân là điều cần thiết. Bởi lẽ suy cho cùng bệnh nhân bỏ tiền của mình ra để đến các cơ sở khám, chữa bệnh hay đến bệnh viện để điều trị bệnh và người bệnh được quyền yêu cầu phải được cán bộ, nhân viên ngành y tế đối xử niềm nở, được chăm sóc tận tình, chu đáo cũng là lẽ đương nhiên. Thêm nữa, một khi người bệnh đến bệnh viện để điều trị, nếu được chăm sóc chu đáo, tận tình phần nào sẽ giúp họ an lòng, là liều thuốc tinh thần, từ đó bệnh tình, sức khỏe của người bệnh sẽ mau chóng bình phục hơn… Thiết nghĩ không có gì là khó và không có gì là không thể thực hiện được, nhất là yêu cầu phải chấn chỉnh lại công tác nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế cũng như chất lượng phục vụ bệnh nhân là một nhu cầu chính đáng của hàng triệu người bệnh, đồng thời là nghĩa vụ của ngành y tế. Nhiều người cũng như rất nhiều bệnh nhân mong chờ hành động, sự quyết tâm chấn chỉnh của toàn bộ cán bộ, nhân viên trong toàn ngành y tế chứ đừng để nó chỉ là lời nói, lời hứa suông! Điều này cũng chính là giúp cho những người thầy thuốc được tôn kính và được bệnh nhân, xã hội ví như những người mẹ hiền.

Điểm phá thai ‘chui’ bị phạt 95 triệu đồng

UBND TP.HCM vừa có quyết định xử phạt bà Lê Thị Ngàn, chủ phòng khám sản phụ khoa Vạn Phước (177Bis Cách Mạng Tháng Tám, phường 5, quận 3), số tiền 95 triệu đồng. Theo đó, phạt 60 triệu đồng với hành vi cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động; phạt 35 triệu đồng về hành vi thuê, mượn chứng chỉ hành nghề. Ngoài ra, đình chỉ hoạt động của cơ sở này trong thời gian chín tháng. NhưPháp Luật TP.HCMđã đưa tin(số báo ra ngày 12-3), phòng khám sản phụ khoa Vạn Phước mặc dù chưa được cấp phép nhưng tổ chức hoạt động phá thai. Từ lúc hoạt động đến khi bị phát hiện, đình chỉ, phòng khám này đã phá thai cho hàng trăm người. Tuần tuổi của thai được phá lên đến 20 tuần. Số tiền mà thai phụ phải trả cho phòng khám có ca lên đến 8 triệu đồng…

BV đa khoa Đồng Nai khám bệnh tại cơ sở mới từ ngày 4-5

Kể từ ngày 4-5, BVĐK Đồng Nai sẽ bắt đầu khám bệnh tại cơ sở mới thuộc số 2, đường Đồng Khởi, phường Tam Hòa, TP.Biên Hòa, Đồng Nai và ngưng hoạt động khám bệnh ngoại trú tại cơ sở cũ là số 397, đường 30-4, phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa. Theo đó, BV Đồng Nai sẽ chính thức di dời từ địa chỉ cũ là số 397, đường 30-4, phường Quyết Thắng, TP Biên Hòa đến địa chỉ mới là số 2, Đồng Khởi, phường Tam Hòa, TP.Biên Hòa, Đồng Nai. Cụ thể ngày 25-4, lễ khánh thành BVĐK Đồng Nai cơ sở mới. Ngày 25 và 26-4 bệnh viện tạm ngưng khám ngoại trú để chuẩn công tác di dời, hoạt động khám và điều trị nội trú vẫn hoạt động bình thường. Ngày 27-4, Bệnh viện hoạt động bình thường tại cơ sở cũ. Từ ngày 28-4 đến ngày 3-5 nghỉ lễ. Từ ngày 4-5 bắt đầu khám bệnh tại bệnh viện mới, ngưng hoạt động khám bệnh ngoại trú tại cơ sở cũ. Ngày 7 và 8-5 di chuyển toàn bộ bệnh nhân nội trú và hoạt động cấp cứu sang bệnh viện mới. Để đảm bảo phục vụ nhân dân, bệnh viện vẫn duy trì hoạt động cấp cứu tại cơ sở cũ cho đến hết ngày 15-5. Trước đó, ngày 25-4, BVĐK Đồng Nai mới chính thức khánh thành và đi vào hoạt động tại số 2, đường Đồng Khởi, P.Tam Hòa, TP.Biên Hòa, Đồng Nai. Được biết, BVĐK Đồng Nai được chia thành hai giai đoạn đầu tư và xây dựng, quy mô 1.400 giường với tổng số vốn đầu tư khoảng hơn 3 ngàn tỉ đồng, bao gồm vốn của nhà nước và nguồn vốn xã hội hóa. Giai đoạn 1 của dự án BVĐK Đồng Nai được khởi công từ năm 2010 với quy mô 700 giường bệnh. Tổng vốn đầu tư khoảng 2 ngàn tỉ đồng, công trình gồm 13 tầng và 2 tầng hầm với 41 khoa, trong đó có 1 khoa khám và điều trị ngoại trú, 28 khoa điều trị nội trú, 12 khoa nghiệp vụ kỹ thuật. Tại bệnh viện, có 2 tổ chức gắn liền là: Trung tâm pháp y tỉnh Đồng Nai; Trung tâm giám định y khoa. Giai đoạn 2 quy mô 700 giường với mức vốn đầu tư 1371 tỉ đồng theo phương thức xã hội hóa. Công trình là một tòa nhà 18 tầng và 1 tầng hầm với tổng diện tích sàn là 70.000 m2, được xây dựng theo tiêu chuẩn Bệnh viện cao cấp. Thời gian hoàn thành thi công và đưa vào hoạt động: 30 tháng. Với số lượng phòng khám lớn, BVĐK Đồng Nai là BV đầu tiên tại Việt Nam áp dụng mô hìnhbệnh viện không xếp hàng.

Hải quan

Đề xuất quản lý giá thuốc theo cơ chế thị trường

Quản lý giá thuốc theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc theo quy định của pháp luật; bảo đảm công khai, minh bạch giá thuốc khi lưu hành thuốc trên thị trường... Đây là nguyên tắc quản lý giá thuốc mà Bộ Y tế đề xuất tại Dự thảo Luật Dược (sửa đổi) lần 2. Được biết, hiện Luật Dược 2005 chỉ giao một Bộ (Bộ Y tế) làm đầu mối mà không phân công nhiệm vụ cụ thể giữa các bộ, ngành trong quản lý giá thuốc làm cho quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, tại Dự thảo lần 2 Luật Dược sửa đổi do do Bộ Y tế đã đề xuất 1 chương quy định về quản lý giá thuốc. Trong đó, Bộ đưa ra 6 biện pháp quản lý giá thuốc như sau: Đấu thầu theo quy định tại Luật Đấu thầu đối với thuốc mua từ nguồn ngân sách Nhà nước, kinh phí do quỹ bảo hiểm y tế chi trả và các nguồn thu hợp pháp khác của các cơ sở y tế Nhà nước; Kê khai giá đối với thuốc của cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu thuốc thuộc Danh mục thuốc do quỹ bảo hiểm y tế chi trả và thuốc mua từ nguồn ngân sách Nhà nước trước khi lưu hành trên thị trường; Đàm phán giá đối với thuốc chỉ có từ một đến hai nhà sản xuất; biệt dược, thuốc hiếm, thuốc trong thời gian còn bản quyền và các trường hợp đặc thù khác; Thực hiện các biện pháp bình ổn giá thuốc theo quy định của Luật Giá đối với thuốc thuộc Danh mục thuốc do quỹ bảo hiểm y tế chi trả và thuốc mua từ nguồn ngân sách Nhà nước khi có biến động bất thường về giá hoặc mặt bằng giá biến động ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế- xã hội; Đặt hàng hoặc giao kế hoạch đối với các thuốc phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia, thuốc phòng chống dịch bệnh, thiên tai, thảm họa và thuốc dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật về cung ứng dịch vụ, sản phẩm công ích; Niêm yết giá thuốc tại cơ sở mua, bán thuốc. Bên cạnh đó, tại Dự thảo, Bộ Y tế cũng đề xuất rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về giá thuốc của Bộ Y tế, Bộ Tài Chính, Bộ Công Thương và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Với Bộ Tài chính, Bộ Y tế đề xuất Bộ Tài chính xây dựng nguyên tắc xác định trường hợp có biến động bất thường về giá thuốc và trường hợp mặt bằng giá thuốc biến động ảnh hưởng đến ổn định kinh tế- xã hội, trình TTCP quyết định. Quy định nguyên tắc kê khai giá thuốc, giá thanh toán đối với các mặt hàng thuốc do Nhà nước đặt hàng và giao kế hoạch. Triển khai các biện pháp bình ổn giá thuốc theo quy định tại Luật này và Luật Giá. Cung cấp cho Bộ Y tế thông tin về giá NK thực tế của thuốc nhập khẩu vào Việt Nam (giá CIF). Kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về bình ổn giá thuốc. Theo Bộ Y tế, hiện giá thuốc ở Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thị trường bên ngoài với hơn 50% giá trị thuốc thành phẩm và trên 90% nguyên liệu sản xuất thuốc NK.

Xử phạt 2 công ty dược 80 triệu đồng

Cục QLD vừa ra Quyết định số 213 và 214/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính 50 triệu đồng đối với Công ty xuất nhập khẩu Y tế Delta (nhà nhập khẩu) đại diện cho nhà sản xuất Syncom Formulation Ltd., India và 30 triệu đồng đối với Công ty cổ phần Dược Đồng Nai. Theo đại diện Cục Quản lý Dược, nhà sản xuất Syncom Formulation (India) Ltd., India đã sản xuất, cung cấp thuốc Omeprazol capsules 20mg, SDK VN-11336-10, số lô OZ4007, NSX 6-10-2014, HD 5-4-2017, còn công ty cổ phần Dược Đồng Nai đã sản xuất, kinh doanh viên nang Sulfareptol 480, SDK VD-8391-09, số lô 190514, HD 5-2017, không đạt yêu cầu chất lượng mức độ 3 theo quy định của pháp luật. Liên quan đến việc kinh doanh thuốc của Công ty Syncom Formulation (India) Ltd., India, trong vòng 12 tháng, công ty này đã có 4 lô thuốc vi phạm chất lượng mức độ 2; 3 lô thuốc vi phạm chất lượng mức độ 3 theo quy định của pháp luật. Cục Quản lý Dược yêu cầu Công ty xuất nhập khẩu Y tế Delta, Công ty Syncom Formulation (India) Ltd., India phối hợp với các đơn vị có liên quan thu hồi và huỷ thuốc Omeprazol capsules 20mg, SDK VN-11336-10, số lô OZ4007, NSX 6-10-2014, HD 5-4-2017 và báo cáo Cục Quản lý Dược kết quả huỷ thuốc sau 10 ngày hoàn tất thủ tục huỷ thuốc. Yêu cầu Công ty cổ phần Dược Đồng Nai phối hợp với các đơn vị có liên quan thu hồi và huỷ thuốc Sulfareptol 480, SDK VD-8391-09, số lô 190514, HD 5-2017 và báo cáo Cục Quản lý Dược kết quả huỷ thuốc sau 10 ngày hoàn tất thủ tục huỷ thuốc.

Công an nhân dân

Vaccine của Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế: Xóa bỏ mọi nghi ngờ về chất lượng vaccine

Việt Nam vừa được WHO thông báo đã vượt qua được đánh giá công nhận các chức năng NRA (hệ thống quản lý quốc gia về vaccine) với kết quả rất xuất sắc, khi tất cả các chức năng đều đạt trên 90%, trong đó có 3 chức năng đạt 100%, bình quân cả 6 chức năng NRA đạt 95%, đã cho thấy chất lượng vaccine của Việt Nam đã thực sự hội nhập bằng tiêu chuẩn quốc tế. Với kết quả này, Việt Nam đạt cùng lúc 2 vấn đề: Mở ra cơ hội xuất khẩu vaccine, bởi hiện nay, trên thế giới không có nhiều nước sản xuất được vaccine. Nhưng điều quan trọng hơn là, với chất lượng vaccine đạt tiêu chuẩn quốc tế, việc triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng của nước ta càng thêm cơ hội thành công. Những nghi ngờ về chất lượng vaccine trong một số vụ tai nạn sau tiêm chủng, trong đó, có vụ tiêm nhầm thuốc ở huyện Hướng Hóa, Quảng Trị, đã hoàn toàn được tháo gỡ. Vì thế, người dân đã yên tâm khi đưa trẻ đi tiêm phòng. Điều đáng nói hơn nữa là với chất lượng vaccine nội đã được WHO công nhận như vừa qua, sẽ giải được bài toán thiếu vaccine dịch vụ như 2 năm qua, do nhiều người có tâm lý ngại tiêm vaccine nội, mà chỉ tin tưởng vaccine ngoại. Điều này cũng sẽ dẫn tới công tác phòng, chống bệnh được chủ động và hiệu quả hơn. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, vaccine vẫn là biện pháp tối ưu trong việc phòng tránh bệnh và trên thế giới không có loại vaccine nào an toàn tuyệt đối, khi vẫn có những tỉ lệ tai biến vaccine nhất định. Dịch sởi đầu năm 2014 là hậu quả đau lòng của việc nhiều phụ huynh không cho con tiêm phòng vaccine, hoặc tiêm phòng không đầy đủ, khiến hàng chục ngàn trẻ bị mắc, cùng với gần 150 cháu bị tử vong tại Bệnh viện Nhi Trung ương, có lẽ mãi là bài học trong việc nhận thức sai lầm về tiêm phòng vaccine. Năm 2015, cũng đã có nhiều trẻ mắc bệnh ho gà và bệnh sởi mà nguyên nhân là do các bà mẹ không đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Đặc biệt hiện nay tỷ lệ trẻ được tiêm vaccine viêm gan B sơ sinh trong 24 giờ đầu là rất thấp, làm tăng nguy cơ số trẻ mắc bệnh viêm gan B dẫn đến xơ gan và ung thư gan. Trong những năm gần đây dịch bệnh truyền nhiễm có những diễn biến phức tạp. Nếu việc tiêm vaccine phòng bệnh không được duy trì, trẻ không được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch, nguy cơ bùng phát dịch bệnh trở lại là rất lớn. Hiện, thế giới đã có ít nhất 10 nước xuất hiện bệnh bại liệt với xu hướng gia tăng, khiến WHO phải cảnh báo “Tình trạng khẩn cấp” tại một số nước khu vực Nam Á, và bệnh đang có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam. Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định: Tiêm chủng là một trong những biện pháp can thiệp y tế thành công và hiệu quả nhất, khi ngăn chặn từ 2 đến 3 triệu ca tử vong mỗi năm và bảo vệ trẻ em không chỉ chống lại các bệnh như bệnh bạch hầu, uốn ván, bại liệt, sởi,... mà còn chống lại các căn bệnh khác như viêm phổi và tiêu chảy do virus Rota, 2 nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất ở trẻ dưới 5 tuổi. Nhờ tiêm chủng, người trưởng thành cũng có thể phòng tránh được các bệnh cúm, viêm màng não và ung thư cổ tử cung và gan vv… Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều trẻ em chưa được tiêm chủng đầy đủ và là bài toán đầy thử thách hiện nay đặt ra với nhiều nước, trong đó có Việt Nam, trong công tác phòng chống dịch bệnh. Lo ngại trước sự lây lan nhanh của nhiều loại dịch bệnh, trong đó nhiều bệnh nguy hiểm và mới nổi, Tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương đã phát động “Tuần lễ tiêm chủng” năm 2015 từ ngày 24 đến30/4/2015với chủ đề “Chung tay tiêm chủng bảo vệ cộng đồng”. Việt Nam cũng hưởng ứng “Tuần lễ tiêm chủng” bằng việc Bộ Y tế  sẽ phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức cuộc mít-tinh phát động hưởng ứng “Tuần lễ tiêm chủng” vào sáng 24/4 tại Bắc Giang, nhằm thu hút sự quan tâm của cộng đồng về công tác tiêm chủng mở rộng.

Sài Gòn giải phóng

Không để thiếu y, bác sĩ những ngày nghỉ lễ

Đây là yêu cầu của Cục QLKCB đối với các BV trong toàn quốc đối với công tác khám chữa bệnh trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 sắp tới.Theo đó, các bệnh viện phải phân công thường trực đầy đủ theo 4 cấp: trực lãnh đạo, trực chuyên môn, trực hành chính - hậu cần và trực bảo vệ - tự vệ. Danh sách cán bộ trực được niêm yết tại các khoa phòng, kiên quyết không để tình trạng thiếu cán bộ khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân trong dịp nghỉ lễ. Các bệnh viện chủ động sẵn sàng  cấp cứu, cấp cứu ngoại viện kịp thời, phòng chống cháy nổ, thảm họa, ngộ độc thực phẩm, tai nạn giao thông, tai nạn hàng loạt. Sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho tuyến dưới khi cần thiết. Bộ Y tế cũng yêu cầu các BV phải tổ chức tốt việc cấp cứu, khám chữa bệnh cho nhân dân không để tình trạng thiếu thuốc, máu, dịch truyền và các phương tiện, trang thiết bị cần thiết phục vụ cấp cứu, khám chữa bệnh trong những ngày nghỉ lễ. Đồng thời chủ động đối phó tình hình dịch bệnh mùa hè, đặc biệt sốt xuất huyết ở các tỉnh phía Nam; viêm não, màng não tại một số tỉnh phía Bắc. Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc, các tổ chức tín dụng tổ chức thực hiện nhiệm vụ trong dịp nghỉ lễ. Theo đó, các đơn vị trực thuộc hệ thống Ngân hàng Nhà nước cần có các phương án tổ chức hoạt động hệ thống thanh toán liên ngân hàng, không để ách tắc, gián đoạn nhu cầu thanh toán trong nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng có phương án và bố trí cán bộ trực đảm bảo chất lượng dịch vụ, kịp thời xử lý tình huống phát sinh, đáp ứng nhu cầu giao dịch của người dân; đảm bảo an ninh, an toàn trụ sở cơ quan, kho quỹ; đảm bảo an toàn, hoạt động thông suốt của hệ thống ATM để đáp ứng nhu cầu rút tiền mặt của người dân; bố trí đảm bảo đủ ngoại tệ, tiền đồng cho các phòng giao dịch thu đổi ngoại tệ, đáp ứng tốt nhu cầu đổi tiền của khách du lịch trong dịp nghỉ lễ.

Vnexpress

Mổ khối u di căn phức tạp ngay tại bệnh viện tuyến dưới

BVĐK tỉnh Phú Thọ vừa thực hiện thành công ca mổ cắt khối u cho một bệnh nhân nam bị ung thư đại tràng, di căn bàng quang. Trong ca mổ, bác sĩ phát hiện thêm vị trí ung thư khác. Ca mổ do các bác sĩ BVĐK tỉnh Phú Thọ thực hiện ngày 25/4 với sự trợ giúp của Bệnh viện K Trung ương. Đây là hoạt động chuyển giao kỹ thuật chuyên sau theo đến các bệnh viện vệ tinh. Theo tiến sĩ Bình, đây là một bệnh nhân nam, 58 tuổi bị ung thư đại tràng xích-ma gần hậu môn, khối u phát triển rộng, xâm lấn ra bàng quang. Trước đó các bác sĩ BV Phú Thọ đã mổ nhưng phát hiện khối u quá to, xâm lấn nên không thực hiện phẫu thuật cắt u mà chỉ làm hậu môn nhân tạo giúp giảm bớt khó khăn cho bệnh nhân. Bác sĩ kết hợp hóa trị, xạ trị giảm bớt kích thước của khối u. Khi sức khỏe bệnh nhân cũng khá lên, thể trạng bình thường, bác sĩ quyết định mổ để cắt đại tràng, bàng quang, sau đó tiếp tục điều trị hóa chất ngừa căn. "Trong quá trình mổ, chúng tôi còn phát hiện thêm một vị trí ung thư khó phát hiện ở đại trang ngang”, tiến sĩ Bình nói. Vị chuyên gia Bệnh viện K đánh giá trình độ của các bác sĩ BV Phú Thọ tiến bộ rất nhiều. Trước đó nhiều kỹ thuật trong phẫu thuật ngoại khoa ung thư trong ung thư vú, gan, phần mềm... đã được chuyển giao. Các bác sĩ cũng đã thực hiện được nhiều ca khó. Lần chuyển giao này là chuyển giao tiếp vấn đề vét các khối u, chiến lược điều trị sau đó như thế nào... Tiên lượng khả năng phục hồi của bệnh nhân tốt. Đồng thời với ca mổ ung thư phức tạp này, dưới sự chuyển giao của Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Phú Thọ cũng tiến hành mổ u não cho một bệnh nhân trên 60 tuổi bị u tuyến yên. Trong thời gian qua bệnh viện đã được 3 bệnh viện đầu ngành gồm Bạch Mai, Việt Đức, K chuyển giao nhiều kỹ thuật khó. Nhờ đó mà lượng người bệnh đến khám và chuyển tuyến tại bệnh viện liên tục giảm trong nhiều năm. Trước đây, một ngày trung bình Bệnh viện chỉ có 200-250 lượt khám thì nay con số này tăng lên 1.000; trong đó hơn 1/3 là bệnh nhân từ các tỉnh lân cận. Nhờ triển khai điều trị ung thư đồng bộ 4 phương pháp: phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, chăm sóc giảm nhẹ số lượt bệnh nhân ung bướu phải chuyển tuyến giảm từ gần 60% vào năm 2010 xuống chỉ còn hơn 1% vào năm 2014. Thời gian tới, BV sẽ thực hiện ca phẫu thuật tim hở, ghép thận đầu tiên. Phát biểu tại hội nghị sơ kết thực hiện Đề án BV vệ tinh chuyển giao kỹ thuật chuyên sâu cho BVĐK tỉnh Phú Thọ ngày 25/4, sau hơn 10 năm, BV Phú Thọ đã thu được nhiều kết quả trong khám chữa bệnh. Cụ thể, với chuyên ngành ngoại khoa số lượt người bệnh được chuyển về tuyến trên giảm rõ rệt, năm 2005 tỷ lệ này 25% thì này chỉ còn chưa đến 1%. Tương tự số lượt chuyển tuyến bệnh lý tim mạch cũng giảm từ 35% xuống chỉ chưa đến 1%. BV đã làm chủ được nhiều kỹ thuật cao như gây mê hồi sức; phẫu thuật cột sống, u ão; phẫu thuật thay khớp, phẫu thuật nội soi tiêu hóa, nội soi tiết niệu, giải phẫu bệnh, ghép da…

 Lao động

BV đa khoa huyện Sốp Cộp (Sơn La) cứu sống bệnh nhân người Lào

CĐ Y tế tỉnh Sơn La ngày 26.4 cho biết, Bệnh viện đa khoa huyện Sốp Cộp (tỉnh Sơn La) vừa cứu sống bệnh nhân Lầu A Cha (40 tuổi) - bản Huổi Phúc, xã Mường Sầm, huyện Mường Ét, tỉnh Hủa Phăn (Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào) thoát lưỡi hái tử thần. Bệnh nhân Lầu A Cha được đưa vào BVĐK huyện Sốp Cộp trong tình trạng bất tỉnh, nguy kịch do bị tai nạn LĐ (chặt cây bị cây đổ đè lên người khiến đa chấn thương vùng ngực, bụng, đầu, mặt, cổ).Bệnh nhân đã được kíp trực và tập thể y, bác sĩ đón tiếp khẩn trương nhiệt tình, trách nhiệm làm các thủ tục khám xét hội chẩn, điều trị hồi sức cấp cứu tích cực (kết quả siêu âm có hình ảnh dịch tự do ổ bụng, do chảy máu nội tạng) trong khi bệnh nhân diễn bệnh ngày càng nặng và nguy kịch... Nếu chuyển bệnh nhân ra bệnh viện tỉnh Sơn La qua chặng đường dài 120 km mất hết 4 giờ đồng hỗ nữa tiên lượng bệnh nhân sẽ không qua khỏi. Giám đốc BV Trần Đăng Nguyên đã tập hợp y, bác sĩ trong bệnh viện khẩn trương hội chẩn đi đến quyết định mổ cấp cứu cho nạn nhân tại bệnh viện đa khoa huyện Sốp Cộp. Kíp mổ do BSCKI. Tòng Văn Toàn mổ chính;  BSCKI. Tòng Văn Vui gây mê;  YS. Nguyễn Đăng Hào phụ mổ và kíp trực thực hiện. Ca mổ diễn ra đầy cam go khi  mổ ổ bụng ra máu đã chảy ngập trong  ổ bụng  2.3 lít do dập nát và vỡ lá lách, nên kíp mổ quyết định cắt lá lách để cầm máu. Sau 2 giờ đồng hồ ca mổ đã thành công.  Bệnh nhân được đưa về phòng Hồi sức cùng với sự theo dõi chăm sóc và hồi sức tích cực của các y, bác sĩ. Sau 14 ngày bệnh nhân đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần, được ra viện trong niềm vui của tập thể lãnh đạo bệnh viện và các y, bác sĩ. Chủ tịch CĐ Y tế tỉnh Sơn La hoan nghênh tinh thần làm việc, ý thức trách nhiệm trước bệnh nhân của các y sĩ, bác sĩ, những đoàn viên CĐ bệnh viện trong kíp mổ đã cứu sống bệnh nhân nước bạn trước lưỡi hái tử thần. Bệnh viện đa khoa huyện Sốp Cộp là một trong những bệnh viện thuộc 61 huyện nghèo theo Quyết định 30a của Thủ tướng Chính phủ thuộc vùng biên giới Việt - Lào. Bệnh viện đa khoa huyện Sốp Cộp không chỉ riêng phục vụ bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân các dân tộc trong huyện Sốp Cộp mà còn làm tốt công tác khám chữa bệnh và điều trị cho nhân dân các dân tộc thuộc nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào dọc vùng biên giới, tạo thêm mối tình đoàn kết gắn bó giữa 2 dân tộc anh em Việt - Lào ngày càng bền vững.

Người lao động 

Cứu sống ngoạn mục 1 ca "nghìn cân treo sợi tóc"!

Một trường hợp vỡ động mạch lớn trong ổ bụng hiếm gặp trong y văn, tình trạng "nghìn cân treo sợi tóc" (90% tử vong) vừa được cứu sống ngoạn mục. Ngày 26-4, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho biết vừa cứu sống bệnh nhân Phí Quang V. (55 tuổi, ngụ tỉnh Bình Phước) bịvỡ động mạchchủ bụng hiếm gặp do vi khuẩn tấn công. Trước đó, ngày 18-4, ông V. được chuyển đến cấp cứu trong tình trạng nhợt nhạt, tái xanh và đau bụng dữ dội. Qua thăm khám, kiểm tra, các bác sĩ chẩn đoán ông bị vỡ phình động mạch chậu do nhiễm trùng và chỉ định mổ ngay lập tức. Kết quả phẫu thuật cho thấy vùng bụng dưới của bệnh nhân có một khối lớn chứa máu và mủ thối. Động mạch chậu chung, một động mạch lớn trong ổ bụng bị vỡ, không còn thành mạch. Máu chảy ra từ động mạch vỡ được các mô xung quanh và các quai ruột bao bọc thành một khối, xen lẫn với dịch mủ và các mô viêm hoại tử. Các động mạch lớn khác nằm kế cận cũng trong tình trạng viêm dày, xơ cứng, dính chặt vào các mô xung quanh. Sau 5 giờ phẫu thuật, các các sĩ đã cầm máu thành công, làm sạch ổ nhiễm khuẩn, đồng thời tạo nên một mạch máu mới (được lấy trong ổ bụng bệnh nhân) thay thế đoạn động mạch đã bị hoại tử. Theo BS Lê Thanh Phong,Trưởng Đơn vị Phẫu thuật Mạch máu Bệnh viện Đại học Y dược, đây là trường hợpvỡ động mạchchủ bụng-chậu do nhiễm trùng hiếm gặp may mắn được phát hiện cứu sống. Nguy cơ tử vong khi vỡ phình động mạch chủ - chậu có khi lên đến 90% vì vi khuẩn tiết ra những men phá hủy thành mạch, gây chảy máu nặng. Trước đó 2 tuần, ông V. té xe máy gãy xương đòn phải, được phẫu thuật kết hợp xương đòn tại một bệnh viện và được ổn định xuất viện. Sau đó khoảng 5 ngày, bị đau vùng bụng dưới, sốt lạnh run, ông sờ thấy một khối u to ở vùng bụng, ngay dưới rốn, đập theo nhịp mạch và ở nhà uống thuốc. Đến khi tình trạng đau bụng dữ dội không chịu được, đồng thời khối u ở bụng dưới to lên nhanh một cách bất thường, ông mới đồng ý để người nhà đưa vào cấp cứu.

 

Ngày 04/05/2015
Ban Biên tập Website
(Điểm tin từ các báo)
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích