Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 29/03/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 2 8 9 7 8 7
Số người đang truy cập
6
 Tin tức - Sự kiện Điểm tin y tế
Điểm tin y tế từ các báo ngày 24/4 & 25/4 năm 2015

Thanh niên

Một ca cấp cứu hy hữu tại Cần Thơ khi sản phụ mang thai 16 tuần bị vỡ tử cung

Chiều 23.4, BV Phụ sản Cần Thơ, cho biết các bác sĩ bệnh viện này đã cấp cứu thành công trường hợp sản phụ vỡ tử cung khi mang thai 16 tuần và bị gặp trường hợp tử cung đôi (một dạng bất thường, có đến 2 tử cung, một nhỏ, một lớn), nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Trước đó, khuya 22.4, chị Nguyễn Thị Mỹ H. (22 tuổi), ở xã Tân Phú, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) được gia đình đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ trong tình trạng vật vã, da xanh tái, niêm mạc nhợt, mạch và huyết áp không đo được, đau khắp bụng. Khi siêu âm, các bác sĩ phát hiện dịch ổ bụng bệnh nhân lượng nhiều dạng máu, thai khoảng 16 tuần nằm trong ổ bụng, vỡ tử cung bên phải, tử cung bên trái còn nguyên vẹn. Các bác sĩ chẩn đoán chị H. bị choáng mất máu nặng do xuất huyết nội, nghi do vỡ tử cung thai 16 tuần ngay vết mổ cũ lấy thai 12 tháng, tử cung đôi. Tình trạng bệnh đe dọa tính mạng sản phụ. Ngay sau đó, các bác sĩ vừa hồi sức tích cực vừa tiến hành phẫu thuật cấp cứu. Bác sĩ Nguyễn Thụy Thúy Ái, phẫu thuật cho chị H., cho biết: “Khi quan sát ổ bụng, chúng tôi thấy khoảng 2.500 ml máu, phát hiện có 2 tử cung, tử cung bên phải vỡ mặt trước, chảy máu nhiều, khó cầm, tử cung bên trái không mang thai còn nguyên vẹn có sẹo mổ lấy thai cũ. Chúng tôi đã tiến hành cắt tử cung bên phải, khâu cầm máu kỹ”. Hiện, sau phẫu thuật, sản phụ đã qua giai đoạn nguy kịch, sức khỏe tiến triển tốt. Sản phụ có tử cung đôi chiếm tỷ lệ khoảng 1%, đây là lần đầu ở Cần Thơ ghi nhận trường hợp thế này.

Long An: Hàng trăm công nhân nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm

Sau bữa ăn, nhiều công nhân có triệu chứng đau bụng, chống mặt, tiêu chảy, nôn ói...được đưa đi cấp cứu. Ngày 23/4, Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm Long An cho biết, hiện Chi cục đang phối hợp với Phòng y tế huyện, Ban quản lý khu công nghiệp Long Hậu (Cần Giuộc) tiến hành kiểm tra, lấy mẫu thức ăn để xét nghiệm, đồng thời nắm lại toàn bộ số lao động cấp cứu ở các bệnh viện TP.HCM, Cần Giuộc (Long An) sáng cùng ngày. “Tuy nhiên, bước đầu xác định có khoảng trên 150 công nhận làm việc ở công ty TNHH Túi xách Simone (KCN Long Hậu, huyện Cần Giuộc, Long An) nghi bị ngộ độc thực phẩm. Được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện Nhà Bè (TP HCM) và 7 công nhân đang cấp cứu bệnh viện Cần Giuộc”, ông Đấu cho biết. Theo một số công nhân, chiều ngày 22/4, toàn bộ công nhân ăn cơm gà kho sả và rau cải luộc. Đến khoảng 20h, một số công nhân có triệu chứng đau bụng, chống mặt, tiêu chảy, nôn ói...Nghi bị ngộ độc thực phẩm nên 9h sáng 23/4, các công nhân được chuyển đến bệnh viện cấp cứu. Trong đó, bệnh viện Nhà Bè có khoảng 200 công nhân, bệnh viện Cần Giuộc 7 công nhân. Trong số công nhân nhập viện có hai người đang mang thai.Chiều 23/4, hai trường hợp công nhân đang mang thai phải đưa lên khoa sản để chăm sóc đặc biệt. Bệnh viện Nhà Bè đã đề nghị các kíp trực của bện viện Quận 7, Bệnh viện 115, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đến hỗ trợ cấp cứu. Những trường hợp chuyển đến bệnh viên sau được chuyển thẳng đến bệnh viện Quận 7. Đến trưa 23/4 đã có một số trường hợp xuất viện, nhưng vẫn còn trên 100 công nhân đang được điều trị ở bệnh viện Nhà Bè

Hơn 43% bệnh nhân ung thư gan khi phát hiện bệnh đã nặng

Tại hội nghị khoa học do Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM tổ chức ngày 23.4, báo cáo của các bác sĩ Trung tâm ung bướu của bệnh viện này cho biết qua khảo sát 15.371 bệnh nhân ung thư gan đến điều trị tại trung tâm, có gần 81% người bệnh có nhiễm vi rút viêm gan B, C. Khảo sát 6.622 bệnh nhân ung thư gan mới phát hiện có hơn 43% bệnh nhân đã quá chỉ định điều trị (bệnh ở giai đoạn trễ, nặng). Riêng với viêm gan C, rất nguy hiểm vì triệu chứng bệnh mơ hồ, 60 - 80% trường hợp nhiễm vi rút viêm gan C sẽ chuyển sang viêm mạn tính, xơ gan, ung thư gan.

Không chấp nhận nhân viên y tế mặc áo màu... 'cháo lòng'

“Áo Blouse (blu) ngả màu... cháo lòng; xuất hiện trong quán ăn, ngoài chợ cùng với đôi dép lê loẹt quẹt là hình ảnh đang diễn ra tại một số cơ sở y tế, gây phản cảm trong mắt người dân. Bởi vậy ngành y tế đang khởi động cho cuộc đổi mới về trang phục ngành - giúp tạo nề nếp hơn trong môi trường công tác, thêm sự hài lòng của người dân khi đến cơ sở y tế”, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám - Chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết. Ông Khuê nhận xét, hiện nay, trang phục y tế chưa thống nhất trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; rồi guốc, dép của người hành nghề không đúng quy định; hiện tượng dép lê, guốc đủ các loại màu sắc, đi lại loẹt quẹt, gây tiếng ồn nơi bệnh phòng. Trang phục của một số cán bộ, viên chức y tế cũ kỹ, ngả màu, không bảo đảm phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn, không tạo được niềm tin tưởng, tôn trọng và hài lòng của người bệnh, người nhà người bệnh. "Thậm chí, một số cán bộ, viên chức y tế sử dụng trang phục y tế không đúng quy định: mang áo blu không cài khuy; mang trang phục xuất hiện tại các nhà hàng, quán ăn. Hình ảnh đó rất gây phản cảm với người dân", ông Khuê nói.

* Trang phục mới của ngành Y sẽ khắc phục được các bất cập cũ như thế nào, thưa ông?

Như mọi người đều thấy, trang phục y tế hiện nay gần như đồng loạt là màu trắng, kiểu thiết kế chưa có sự khác biệt rõ. Tại một số bệnh viện, nhân viên hành chính, nhân viên thu ngân cũng mặc blu trắng tương tự bác sĩ. Thực tế đó khiến người bệnh và người nhà chưa dễ dàng nhận diện được cán bộ, viên chức y tế qua trang phục. Thậm chí cứ ai mặc áo trắng mắc lỗi trong công việc cũng quy tội cho bác sĩ. Chúng tôi đang hướng đến việc thay đổi trang phục sẽ phù hợp, phân định rõ ràng với từng vị trí chuyên môn, qua đó, giúp người bệnh dễ nhận biết, thuận lợi hơn khi cần trao đổi về công việc khi đến bệnh viện.Ngoài ra, kiểu cách thiết kế, quy định về trang phục y tế của một số đối tượng được quy định từ năm 2004 chưa thật phù hợp. Ví dụ như, cổ áo của điều dưỡng được thiết kế quá cao, không phù hợp với thời tiết nóng nực của miền Bắc; thiết kế áo blu chưa có khuy cài biển công tác; nhân viên hành chính, nhân viên đón tiếp, nhân viên thu ngân chưa có quy định về trang phục Thậm chí, có tình trạng lạm dụng trang phục y tế, sử dụng không đúng mục đích. Từng có hiện tượng kẻ xấu mặc áo blu giả dạng viên y tế để lừa người đi khám bệnh; hoặc áo của bệnh viện công đem ra bên ngoài, tại cơ sở tư để lấy thương hiệu.

* Vậy khi nào sẽ có trang phục mới trong các cơ sở điều trị và dự tính chi phí cho việc đổi mới trang phục của ngành là bao nhiêu?

Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Cục QLKCB đang thành lập Ban soạn thảo Thông tư quy định về trang phục y tế, dự kiến ban hành trong tháng 5 tới; sau đó, hình ảnh trang phục sẽ được đăng tải rộng rãi tiếp nhận ý kiến đóng góp. Việc đổi mới trang phục sẽ không phát sinh lớn về kinh phí bởi hàng năm các bệnh viện vẫn phải dành chi phí cho mua trang phục, chỉ có khác là thay vì mua trang phục theo mẫu cũ thì sẽ đặt may theo mẫu mới, được thống nhất trong toàn ngành.

Sức khoẻ đời sống

Cả nước có gần 400 ca bệnh được ghép tế bào gốc

Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị khoa học về tế bào gốc toàn quốc lần thứ 3, được tổ chức tại Đà Lạt, Lâm Đồng (từ 23-25/4/2015) do Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương phối hợp với các Viện nghiên cứu, các BV lớn và một số trường Đại học trong toàn quốc tổ chức. Tính đến 4/2015, cả nước đã ghép được tổng cộng 387 ca, trong đó có 218 ca ghép tự thân và 169 ca ghép đồng loại. Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị khoa học về tế bào gốc toàn quốc lần thứ 3, được tổ chức tại Đà Lạt, Lâm Đồng (từ 23-25/4/2015) do Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương phối hợp với các Viện nghiên cứu, các BV lớn và một số trường Đại học trong toàn quốc tổ chức. Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Trưởng Ban tổ chức Hội nghị cho biết: “Tế bào gốc đã và đang được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực điều trị, góp phần mang đến những hy vọng mới trong việc nâng cao sức khỏe con người. Khoa học về tế bào gốc đang đạt được những kết quả tốt đẹp và phát triển rất nhanh chóng ở mọi phương diện, góp phần tích cực vào công tác điều trị cho người bệnh. Chủ đề nóng và tươi mới này sẽ tiếp tục được các nhà khoa học ở Việt Nam tiếp cận và chinh phục để thúc đẩy phát triển rực rỡ hơn, bền vững hơn và có tính hội nhập cao hơn.” Tế bào gốc (stem cell) là những tế bào có khả năng biệt hóa thành các tế bào khác nhau để thay thế cho các tế bào bị mất đi do nguyên nhân sinh lý hoặc bệnh lý. Nhờ đặc điểm này mà người ta có thể sử dụng tế bào gốc để tạo ra các tế bào mới thay thế cho các tế bào bị tổn thương hoặc mất chức năng, đem lại nhiều triển vọng trong điều trị các bệnh nan y. Ở các nước phát triển, việc nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc trong y học đã được tiến hành từ những năm 60 của thế kỷ trước. Những thành công bước đầu trong lĩnh vực này là việc sử dụng tế bào gốc tạo máu để điều trị một số bệnh máu ác tính (ghép tế bào gốc tạo máu). Nguồn tế bào gốc sử dụng cho ghép được lấy từ tủy xương, máu ngoại vi, máu cuống rốn và gần đây là từ màng lót cuống rốn. Ngày nay, việc nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc không chỉ giới hạn trong việc điều trị các bệnh máu mà còn được nghiên cứu và ứng dụng trong nhiều chuyên khoa khác nhau như: mắt, tim mạch, xương khớp, bỏng, da liễu, thẩm mỹ, nhi khoa…Ở Việt Nam, năm 1995, BV Truyền máu – Huyết học thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành ca ghép tế bào gốc đầu tiên để điều trị cho bệnh nhân bị bệnh máu. Đến nay, nhiều hoạt động liên quan tới tế bào gốc ở nước ta bao gồm: tổ chức các Trung tâm tế bào gốc, đào tạo cán bộ, tiếp nhận tế bào gốc, ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh… đã phát triển mạnh mẽ trên cả nước. Nhiều cơ sở y tế triển khai nghiên cứu và ứng dụng ghép tế bào gốc trong điều trị như: BV Trung ương Huế, BV Nhi Trung ương, BV TW Quân đội 108, BV 19/8… Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã tiến hành ghép tế bào gốc tạo máu điều trị bệnh từ năm 2006, cho đến nay (4/2015) đã tiến hành ghép được trên 150 ca bao gồm cả ghép tự thân và ghép đồng loại, đặc biệt đã có 02 ca được ghép từ máu dây rốn từ Ngân hàng Tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng của Viện. Tính đến 4/2015, cả nước đã ghép được tổng cộng 387 ca, trong đó có 218 ca ghép tự thân và 169 ca ghép đồng loại. Qua hội nghị sẽ có được những định hướng nghiên cứu phù hợp, những thông tin mới, những sự hợp tác mới để thúc đẩy kỹ thuật ghép tế bào gốc và nghiên cứu về tế bào gốc trong điều trị bệnh lên một tầm cao mới. 

Phẫu thuật ở trẻ sinh non tháng: Kết hợp thành công kỹ thuật gây mê và gây tê

Các bác sĩ bệnh viện Nhi Trung ương vừa thực hiện thành công kĩ thuật gây tê cạnh cột sống (paravertebral block) kết hợp gây mê toàn thân trong phẫu thuật cấp cứu bệnh teo thực quản bẩm sinh cho 2 bé sinh non, cân nặng thấp. Đây là lần đầu tiên kĩ thuật này được áp dụng tại Việt Nam trên trẻ sinh non tháng, cân nặng thấp.ThS.BS. Đặng Hanh Tiệp, Trưởng khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức, bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hai ca mổ cùng diễn ra ngày 13/4. Bệnh nhi đầu tiên là cháu Nguyễn A.N (2 ngày tuổi, cân nặng 1,7kg, ở Hà Nội), bị teo thực quản. Cháu thứ hai là Cà L.T (2 ngày tuổi, nặng 1,8kg, ở Sơn La), bị teo thực quản kết hợp bệnh tim bẩm sinh.Theo BS. Tiệp, thông thường để phẫu thuật cho trẻ, các bác sĩ gây mê cần đặt nội khí quản, gây mê toàn thân bằng các thuốc mê bốc hơi kết hợp với thuốc giảm đau Fentanyl. Do tác dụng của thuốc gây mê gây ức chế hô hấp, sau phẫu thuật bệnh nhi còn phải tiếp tục thở máy tối thiểu 1-2 ngày, thậm chí là cả tuần và chỉ được rút ống nội khi quản khi chức năng tuần hoàn, hô hấp ổn định. Việc kết hợp gây mê toàn thân với gây tê cạnh cột sống (paravertebral block) cho phép giảm lượng thuốc Fentanyl, trẻ giảm đau, tự thở tốt, có thể rút nội khí quản ngay sau mổ. Kỹ thuật gây tê cạnh cột sống đã được chứng minh mang lại nhiều lợi ích: giảm đau tốt trong phẫu thuật và kéo dài sau mổ, trẻ tỉnh sớm, chức năng hô hấp ổn định, ít tai biến, rút ngắn thời gian và giảm thiểu tai biến do thở máy, giảm tỷ lệ nhiễm trùng, giảm thời gian và chí phí điều trị. Cũng theo BS Tiệp, trên thế giới, gây tê cạnh cột sống đã được áp dụng chủ yếu ở người lớn và trẻ nhỏ nhưng có rất ít báo cáo ứng dụng kỹ thuật này ở trẻ sơ sinh. Tại Việt Nam, Bệnh viện Nhi Trung ương là cơ sở đầu tiên áp dụng gây tê cạnh cột sống ở trẻ sơ sinh do tính phức tạp của kỹ thuật trên trẻ nhỏ. Thành công này mở ra hướng mới trong gây mê cho các bệnh nhi cần phẫu thuật vùng ngực bụng hoặc tiết niệu một bên, giúp trẻ tỉnh sớm và giảm đau kéo dài sau mổ, giảm tỉ lệ suy hô hấp sau mổ do dùng các thuốc giảm đau dòng Morphine.

An ninh thủ đô

Y bác sĩ phải biết cười với người bệnh

Khi người bệnh đến, y bác sĩ bắt buộc phải niềm nở tiếp đón, chăm sóc tận tình và khi người bệnh về phải dặn dò chu đáo, tức là phải chuyển từ thái độ “ban ơn” sang “biết ơn” người bệnh. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh như vậy tại hội nghị đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, diễn ra ngày 22-4.

Người bệnh phải là “khách hàng” đúng nghĩa

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hiện nay, vẫn còn một bộ phận cán bộ y tế chưa tuân thủ đúng các quy trình chuyên môn, có thái độ không đúng đắn, thiếu văn hóa, thiếu y đức, thậm chí có hành vi tiêu cực. Đó là “những con sâu làm rầu nồi canh”, làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với hơn 400.000 cán bộ y tế. Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, đã đến lúc ngành y tế kiên quyết đưa ra khỏi ngành những “con sâu” này, đồng thời quyết tâm đổi mới nhận thức của đội ngũ y, bác sĩ, lấy người bệnh làm trung tâm và sự hài lòng của người bệnh là số một.  “Việc thay đổi cần được triển khai ở tất cả các khâu, từ tiếp đón, điều trị cho đến khi bệnh nhân ra viện. Ngay từ nụ cười của người cán bộ y tế cũng phải đặt đúng lúc, đúng chỗ. Có thể y bác sĩ không thể nở được nụ cười tươi trước người bệnh như những ngành dịch vụ khác, song toàn thể cán bộ y tế bắt buộc phải thực hiện tốt quy tắc ứng xử theo phương châm: Người bệnh đến đón tiếp niềm nở - Người bệnh ở chăm sóc tận tình - Người bệnh về dặn dò chu đáo. Các bệnh viện cần tiếp tục tập huấn về kỹ năng giao tiếp, văn hóa ứng xử, tinh thần phục vụ người bệnh cho 100% cán bộ nhân viên trong đơn vị, từ người quản lý, bác sĩ cho đến điều dưỡng, nhân viên thu ngân, bảo vệ, người trông xe” - Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phân tích thêm, tới đây, viện phí sẽ được tính đúng, tính đủ, khi đó Nhà nước sẽ cắt giảm phần ngân sách cấp và các bệnh viện phải hướng đến tự chủ tối đa. Ngay cả phần lương của y bác sĩ cũng sẽ được tính vào giá viện phí. Người bệnh chính là người đem lại nguồn thu cho bệnh viện, đem lại thu nhập cho y bác sĩ nên nếu bác sĩ, nhân viên y tế không nhanh chóng thay đổi phong cách phục vụ, từ thái độ “ban ơn” sang “biết ơn” người bệnh thì không thể chấp nhận được. 

Sẽ thay đổi trang phục y bác sĩ

Một trong những thay đổi đột phá khác mà Bộ Y tế sẽ áp dụng trong thời gian tới là thay đổi trang phục của cán bộ nhân viên y tế nhằm tạo thuận lợi trong tương tác giữa người nhà bệnh nhân với bác sĩ. Theo phương án Bộ Y tế đề xuất, trang phục của bác sĩ sẽ giữ nguyên màu sắc và kiểu dáng như hiện nay. Về trang phục điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên, có 2 phương án. Phương án 1, màu trắng chung cho các điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên; túi áo, tay áo viền xanh dương, cổ áo 2 ve. Phương án 2 là đổi sang màu xanh nhạt.Về trang phục dược sĩ, với dược sĩ đại học và sau đại học thì trang phục giống bác sĩ còn nhân viên dược khác thì trang phục giống điều dưỡng. Nhân viên hành chính, thu ngân cũng có 2 phương án. Phương án 1: áo sơ mi màu trắng, quần hoặc chân váy sẫm màu. Phương án 2: áo sơ mi màu xanh nhạt, quần hoặc chân váy sẫm màu…  PGS. TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, đã từ lâu, người dân luôn coi chiếc blouse trắng là hình ảnh của sự thân thương, cao đẹp và trong sáng của nghề y, mỗi người trong ngành cũng coi chiếc áo choàng trắng là niềm tự hào.Dù vậy, hiện nay, trang phục y tế chưa thống nhất trong các cơ sở khám chữa bệnh; bệnh nhân và người nhà, khách thăm chưa dễ dàng nhận diện được cán bộ, viên chức y tế qua trang phục... Vì thế, việc thay đổi trang phục y tế là hết sức cần thiết, nhất là khi Bộ Y tế đang nỗ lực đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế để hướng đến sự hài lòng của người bệnh.

Thuê phải xe cứu thương giả: Mất tiền, mất cả an toàn

Lợi dụng nhu cầu vận chuyển bệnh nhân khá lớn tại các BV, một số đối tượng đã sử dụng xe cứu thương giả, liên hệ với người nhà bệnh nhân để họ đồng ý thuê xe, vận chuyển với giá cắt cổ không chỉ gây mất an toàn cho bệnh nhân mà còn ảnh hưởng xấu đến uy tín của các BV. 

Xe chở khách cũng… cứu thương

Hiện trên địa bàn Hà Nội có nhiều đơn vị được phép vận chuyển người bệnh bằng xe cứu thương. Đó là các bệnh viện công, một số bệnh viện tư, phòng khám tư, doanh nghiệp được cấp phép, Trung tâm cấp cứu 115 (thuộc Sở Y tế Hà Nội). Riêng Trung tâm cấp cứu 115 hiện có 23 xe cứu thương phục vụ công tác vận chuyển người bệnh trên địa bàn Hà Nội. Trung tâm cung cấp dịch vụ sơ, cấp cứu bệnh nhân tại nhà (khi người dân gọi điện đến), sau đó căn cứ vào tình hình sức khỏe bệnh nhân để quyết định có chuyển đến các cơ sở y tế hay không. Ngoài ra, trong trường hợp các bệnh viện có nhu cầu chuyển viện cho bệnh nhân nhưng số lượng xe cứu thương của bệnh viện đó không đáp ứng đủ thì trung tâm hỗ trợ vận chuyển. Hiện trên thị trường có một số xe gắn mác xe cứu thương không được cấp phép hoạt động. Số xe này chủ yếu được hoán cải, chuyển đổi từ xe chở khách, loại 14, 16 chỗ nhưng được lắp thêm một số bộ phận tương tự xe cứu thương, thường chuyển bệnh nhân từ BV này đến bệnh viện khác hoặc chuyển bệnh nhân từ BV về các địa phương. Khi thuê nhầm những chiếc xe này, người bệnh và người nhà của họ có nguy cơ mất an toàn cao bởi đây hầu hết là xe cũ được tân trang lại, trang thiết bị cấp cứu trên xe thường không đầy đủ và không có nhân viên y tế đi kèm. Ngoài ra, người bệnh có thể phải trả mức phí cao hơn so với quy định gấp nhiều lần. Do những xe cứu thương được cấp phép hoạt động hầu hết mang biển xanh, trên xe thường ghi đầy đủ các thông tin như biển hiệu, tên đơn vị vận chuyển, số điện thoại liên hệ nên người dân có thể căn cứ vào những dấu hiệu này để nhận biết. Tuy vậy, vẫn có xe cứu thương giả nhìn bề ngoài khá giống với xe cứu thương thật và chỉ được phát hiện khi cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, thông báo công khai. Để tránh nhầm lẫn, bệnh nhân và người nhà có nhu cầu cần trực tiếp đến điểm cung cấp dịch vụ xe cứu thương trong các bệnh viện để liên hệ, tránh tin theo những lời quảng cáo, giới thiệu của các đối tượng bên ngoài.

Nhiều thủ đoạn “lừa” khách

Hiện Bệnh viện Việt Đức có 16 chiếc xe cứu thương. Do số xe này chưa đáp ứng đủ nhu cầu Mức phí vận chuyển người bệnh bằng xe cứu thương ở Trung tâm cấp cứu 115 được thu theo quy định của UBND TP, dán công khai trên xe và việc thu phí đều có biên lai của cơ quan thuế. Cụ thể: Với quãng đường dưới 20km: Cấp cứu không chuyển viện là 80.000 đồng/lần, có chuyển viện là 120.000 đồng/lần. Với quãng đường từ 20-30km: Cấp cứu không chuyển viện là 160.000 đồng/lần, chuyển viện là 200.000 đồng/lần… Mức phí cao nhất áp dụng với bệnh nhân chuyển viện trong địa bàn Hà Nội là 400.000 đồng/lần. Còn tại Bệnh viện Việt Đức, mức phí dịch vụ xe cứu thương là: 12.600 đồng/km  (xe 12 chỗ). nên bệnh viện đã ký hợp đồng hỗ trợ vận chuyển bệnh nhân ra viện với Công ty Bắc Việt (16 xe). Tuy vậy, có những ngày số xe này cũng chỉ đáp ứng được khoảng 80% nhu cầu vận chuyển bệnh nhân. Lợi dụng điều này, một số đối tượng đã sử dụng xe cứu thương giả, tìm mọi cách liên hệ với người nhà bệnh nhân ở đây để họ đồng ý thuê xe, vận chuyển người bệnh với giá cắt cổ. Về thủ tục thuê xe cứu thương tại bệnh viện, Bệnh viện Việt Đức cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân, toàn bộ quy trình thuê xe chỉ mất từ 3-5 phút. Ở ngay cổng viện có văn phòng điều hành xe. Người nhà bệnh nhân có nhu cầu chỉ cần đến đăng ký vào sổ và ký hợp đồng. Toàn bộ xe cứu thương trong bệnh viện đều là xe nhập khẩu được trang bị đầy đủ phương tiện sơ cấp cứu như bình bóp bóng bằng cơ, bình ôxy, máy thở… và nhân viên y tế  trợ giúp đi kèm. Do mục đích chính của trung tâm cung cấp xe cứu thương Bệnh viện Việt Đức là nhằm phục vụ nhu cầu người bệnh ra viện được vận chuyển bằng xe chuyên dụng, đảm bảo ANTT trong bệnh viện và lợi ích kinh tế cho người bệnh nên mức phí thu thấp hơn hẳn so với phí thuê xe trên thị trường. Cũng theo ông Tâm, thời gian qua một số đối tượng đã in danh thiếp cung cấp dịch vụ xe cứu thương trên đó có ghi tên Bệnh viện Việt Đức, tìm cách tiếp cận với bệnh nhân và người nhà để giới thiệu, quảng cáo gây nhầm tưởng. Bên cạnh đó, ban đầu các đối tượng này thường đưa ra mức giá thấp để “nhử” khách. Sau khi đi được một đoạn đường ngắn, chúng thường cho xe chết máy, giả tạo sự cố rồi chuyển bệnh nhân sang xe khác, tăng phí gấp 2, gấp 3 lần so với mức ban đầu. Bệnh nhân và người nhà bị đẩy vào tình thế “lùi không được, tiến không xong” nên phải ngậm bồ hòn làm ngọt, miễn cưỡng trả tiền. Điều này không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, gây thiệt hại về kinh tế cho bệnh nhân mà còn làm giảm uy tín của bệnh viện. Để cảnh báo bệnh nhân và người nhà của họ, bệnh viện đã dán thông báo công khai tại các phòng khám, phòng điều trị về thủ đoạn của các đối tượng đồng thời phối hợp chặt chẽ với lực lượng cảnh sát bảo vệ, CAP sở tại đảm bảo ANTT tại khu vực ngoài cổng và trong viện, cấm xe dù, không có biển hiệu rõ ràng vào trong viện để người dân biết và có biện pháp phòng ngừa…Triển khai công tác ứng trực đảm bảo ANTT tại các bệnh viện lớn trên địa bàn thành phố từ 1 năm qua, 15 chốt trực của Phòng Cảnh sát bảo vệ đều được quán triệt và thực hiện nghiêm túc tinh thần: bất cứ sự việc, thông tin liên quan đến ANTT phải được phát hiện kịp thời và giải quyết nhanh, hiệu quả. Vừa phòng ngừa, bắt giữ đối tượng trộm cắp, “cò mồi”, lực lượng cảnh sát bảo vệ thường xuyên phối hợp với các bệnh viện để phát hiện, xử lý trường hợp mạo danh bệnh viện trục lợi; trong đó có xe cứu thương giả. Để công tác đảm bảo ANTT nói chung được thực hiện hiệu quả, chúng tôi đề nghị nhân dân, khi đến các cơ sở y tế, nếu phát hiện bất cứ thông tin nghi vấn, hoặc xe cứu thương giả, hãy trình báo, trao đổi với các tổ Cảnh sát bảo vệ. Thông tin sẽ được xử lý kịp thời và đối tượng, hành vi vi phạm chắc chắn sẽ bị ngăn chặn.

Phát hiện xe cứu thương giả trước cổng Bệnh viện Việt Đức

Chiều  23-4, Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ-cán bộ Đội CSGT số 1, Phòng CSGT đường bộ-đường sắt CATP.Hà Nội cho biết, đơn vị vừa ra quyết định xử phạt hành chính chủ xe kiêm lái xe Trần Hồng Hà, ở Long Biên, Hà Nội với lỗi tự ý thay đổi kết cấu phương tiện xe không đúng với thiết kế của nhà sản xuất, số tiền 7 triệu đồng. Chiếc xe BKS: 29A-939.85 được Trần Hồng Hà tự ý hoán cải kết cấu để giả làm xe cứu thương hoạt động ở khu vực các cổng bệnh viện. Trước đó, vào giữa tháng 4 vừa qua, Thượng úy Hà Trọng Hoan-Đội phó Đội CSGT số 1 cùng tổ công tác trong quá trình làm nhiệm vụ đảm bảo ATGT tại khu vực cổng Bệnh viện Việt Đức, phố Phủ Doãn, phát hiện  xe ô tô loại 7 chỗ ngồi BKS: 29A-939.85 đang dừng đỗ trái phép. Cạnh đó, một số người nhà bệnh nhân đang tỏ thái độ bức xúc với lái xe kiêm chủ xe trên. Khi CSGT tiến lại, những người thân của bệnh nhân phản ánh xe cứu thương này thu quá tiền cước theo quy định. Quá trình kiểm tra, CSGT xác định chiếc xe được chủ xe Trần Hồng Hà tự ý hoán cải thành xe cứu thương giả bằng cách tháo gỡ những hàng ghế phía sau để chở bệnh nhân. Ngoài ra, lái xe kiêm chủ xe còn trang bị bên ngoài xe gần giống với xe cứu thương nhằm tránh bị bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và cơ quan chức năng phát hiện, xử phạt. Khi được đưa về trụ sở Đội CSGT số 1, lái xe Trần Hồng Hà tường trình chuyên hoạt động ở khu vực cổng Bệnh viện Việt Đức. Để tránh bị CSGT và lực lượng chức năng phát hiện, lái xe thường gửi phương tiện ở một bãi xe cạnh đó và đứng ở khu vực gần cổng bệnh viện tìm khách. 

Lao động 

Quyền được chết - Nên hay không?

Cho đến lúc này “quyền được chết” mới chỉ là đề xuất của Bộ Y tế vào dự thảo Bộ luật Dân sự, tuy nhiên, xung quanh câu chuyện này đang có rất nhiều tranh luận. Để cơ quan chức năng có được nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này, báo Lao Động xin mở diễn đàn: Quyền được chết  - Nên hay không? Rất mong nhận được sự tham gia, đóng góp của các chuyên gia và bạn đọc. Bài tham gia diễn đàn xin được gửi về địa chỉ email: bandoclaodong@gmail.com

Cho phép “quyền được chết” là giải thoát cho người bệnh nặng

TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, nếu quyền được chết được đưa vào luật, người bệnh có quyền được đề nghị bác sĩ (BS) giúp đỡ để có một cái chết êm ái, nhẹ nhàng. Đây cũng là cách giải thoát cho người bệnh. Mỗi người đều có quyền tự quyết định sức khỏe, sinh mệnh của mình. Trên thực tế có nhiều trường hợp mắc bệnh nan y không thể cứu chữa, nhiều người bệnh ung thư giai đoạn cuối phải sống đau đớn, vật vã từng ngày, từng giờ, có trường hợp phải sống thực vật... Họ mong muốn được chết nhưng lại không thể vì luật không cho phép. Đồng tình với quan điểm này, GS.TS Đỗ Kim Sơn, nguyên giám đốc BV Việt Đức cho rằng, trong nhiều năm qua đã từng phải chứng kiến rất nhiều bệnh nhân (BN) mắc các chứng bệnh nan y ở giai đoạn mà sự sống chỉ còn là vô vọng, hay những BN chết não do tai nạn giao thông không thể nào vớt vát nổi, chính BN hoặc gia đình BN đã đề đạt với BS nguyện vọng được… chết nhưng không thày thuốc nào dám làm. Theo GS Sơn, nếu đưa quyền được chết vào Luật phải có tiêu chí xác định rõ ràng đâu là trường hợp không còn hy vọng sống về mặt khoa học thì mới cho phép, còn không, dù với bất cứ lý do nào cũng không được phép mà phải ngăn cản, giúp đỡ họ. Do đó, Luật phải quy định thật cẩn thận, chặt chẽ nếu không sẽ vi phạm đạo đức nghề nghiệp. GS Nguyễn Tiến Quyết – giám đốc BV Việt Đức đã nhiều lần nói về BN chết não do tai nạn giao thông với quan điểm rằng sẽ là rất tốt nếu cho phép họ được chết nhân đạo. Tại BV Việt Đức trong những năm gần đây đã có một số BN được gia đình đồng ý cho chết nhân đạo để hiến tạng cứu sống những người đang mắc bệnh. Tuy nhiên, để xem xét một BN có nên cho phép chết nhân đạo hay không phải do hội đồng y khoa xem xét và quyết định. Theo GS. TS Tiến Quyết, khi cái chết của người này lại là sự sống của người khác thì việc cho phép họ quyền được chết để hiến tạng cứu sống những sinh mạng khác là hết sức nhân văn. Một BS chuyên điều trị cho BN ung thư nêu quan điểm: Người bệnh ung thư giai đoạn cuối phải chịu đựng đau đớn dày vò mỗi giờ, mỗi ngày. BS, người nhà BN đều bất lực nhìn người bệnh đau đớn. Với họ thời gian sống có thể chỉ còn vài tháng hoặc vài tuần nhưng họ sẽ phải đau đớn đến khủng khiếp trước lúc ra đi. Vậy tại sao lại không cho phép họ quyền được ra đi sớm hơn để không phải đau đớn khổ sở. Đúng là sẽ rất khó khăn nếu phải “giết” người thân song khi được luật pháp cho phép thì người thầy thuốc có thể giúp họ làm điều đó. Tôi tin là người bệnh được ra đi sớm hơn họ sẽ cám ơn BS đã giúp họ có được cái chết nhẹ nhàng. Và như thế chính là y đức. Theo ý kiến của một BS làm việc tại khoa Hồi sức cấp cứu – BV Bạch Mai, nếu quyền được chết được công nhận, đây không chỉ là một lối thoát cho người bệnh mà còn là một lối thoát đạo đức cho chính người thầy thuốc, giúp họ biết làm thế nào cho đúng. Biết người bệnh đau đớn lắm, duy trì cũng chỉ sống thêm từng ngày nhưng không thể giúp họ kết thúc cuộc đời, đó cũng là một sự dằn vặt…

Nghề BS là cứu người chứ không phải giết người

Nhiều BS bày tỏ quan điểm không đồng tình. Họ nói dù luật có cho phép thì nhiều người thầy thuốc cũng không dám làm. BV Bạch Mai nói: “Không có cái gì được gọi là cái chết nhân đạo; chết là tình huống xấu nhất. Tại sao mình lại nói để họ chết đi một cách thanh thản, nhẹ nhàng. Thay vì để người ta chết tại sao không nghĩ đến việc giảm nỗi đau cho họ. Mỗi con người đều có số phận nếu đến lúc số phận của họ chưa hết thì tại sao lại can thiệp để họ chết… Một số trường hợp gia đình thấy con khó cứu chữa, muốn xin cho con về chết; bệnh viện không thuyết phục được thì yêu cầu gia đình tự rút ống thở của con. Nhưng 10 gia đình thì hầu hết đều không dám. Họ đã không dám, BS lại càng không dám. Nhiều BN tưởng chết rồi nhưng cuối cùng vẫn cứu được”, TS.Dũng cho biết. BS Dương Đức Hùng, Trưởng Đơn vị Phẫu thuật tim mạch Viện Tim mạch quốc gia, BV Bạch Mai cũng cho rằng, đây là vấn đề tương đối nhạy cảm, nếu được thông qua thì cách thức tiến hành như thế nào cũng rất khó vì với người thầy thuốc để thực hiện “cái chết nhân đạo” sẽ rất khó khăn bởi nghề BS là cứu người chứ không phải để "giết" người, dù là mục đích tốt đẹp đi nữa. Cùng quan điểm này, một số BS cũng thẳng thắn từ chối nếu họ phải làm cái việc kết liễu cuộc sống của người bệnh. Trước những lo ngại về việc nếu đưa quyền được chết vào Luật thì có trái với y đức của người BS hay không, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho rằng, quan điểm của ngành y là cứu người bệnh đến tận cùng nhưng nếu Luật cho phép quyền được chết thì việc BS giúp đỡ BN kết thúc sự sống trong thanh thản, nhẹ nhàng cũng là y đức. Và đặt câu hỏi với một số người nhà BN nặng đang nằm điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu – BV Việt Đức rằng: Họ có thể đồng ý kí giấy xin người thân được chết hay không thì cũng có hai luồng ý kiến đồng ý và không đồng ý. Đồng ý vì họ biết người thân không còn cơ hội sống sót trong khi gia đình đã tốn kém đến sạt nghiệp để chữa chạy và chỉ còn nước xin về chờ chết. Nếu BS giúp cho người bệnh được ra đi sớm cũng như giúp những người còn lại của gia đình được sống tiếp. Một số người khác lại phản đối gay gắt, họ cho rằng phải “còn nước, còn tát” đến hơi thở cuối cùng. Làm sao có thể dễ dàng để người thân ra đi như vậy...

BV Chợ Rẫy: Sẽ tập trung nghiên cứu các kỹ thuật công nghệ cao

Đó là phát biểu của Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy tại Hội nghị Khoa học thường niên của Bệnh viện. Thời gian tới, BV sẽ tập trung nghiên cứu các kỹ thuật công nghệ cao như phẫu thuật robot, điều trị sinh học các bệnh lý miễn dịch, phẫu thuật điều trị chức năng hệ thần kinh; nghiên cứu các bệnh lý tim mạch chú trọng các kỹ thuật can thiệp ít xâm lấn như sửa van/thay van qua ống thông…; nghiên cứu trong chẩn đoán và điều trị ung thư.  Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên đánh giá cao thành tựu y học mà BV Chợ Rẫy đạt được.  Đó là các các kỹ thuật đã áp dụng trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu, ghép tạng và bệnh lý tim mạch như: kỹ thuật thông khí nằm sấp điều trị bệnh nhân suy hô hấp, sử dụng kháng đông Citrate trong lọc máu liên tục, kỹ thuật oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể trong điều trị Hội chứng nguy ngập hô hấp cấp và viêm cơ tim cấp; thành công trong lĩnh vực ghép tạng như ghép gan, ghép tim phổi, ghép đa tạng, ghép từ người cho chết não và người cho tim ngừng đập; các kỹ thuật hiện đại trong chẩn đoán và điều trị phẫu thuật tim, phẫu thuật lồng ngực – mạch máu, kỹ thuật can thiệp nội mạch…

Vnmedia

Sẽ chấm dứt được 70% tình trạng "cò bệnh viện"

Ông Trần Văn Thuấn, Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam cho biết, hưởng ứng phát động của Bộ trưởng Bộ Y tế về đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh, Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Trung tâm tình nguyện Quốc gia đã xây dựng đề án “Tiếp sức người bệnh”. Theo đề án, phát động trong toàn quốc với mục tiêu xây dựng những đội hình thanh niên tình nguyện tham gia giúp đỡ người bệnh trong bệnh viện, tạo môi trường để đoàn viên, thanh niên, sinh viên ngành y dược rèn luyện, nâng cao kỹ năng thực hành xã hội, khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái, đóng góp tri thức, công sức cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Sự cần thiết “tiếp sức người bệnh”

Đối với những người bệnh phải nằm viện, ngoài việc điều trị căn bệnh mà họ đang mắc thì việc hỗ trợ các dịch vụ y tế cho họ cũng có một vai trò vô cùng quan trọng góp phần làm cho quá trình chữa trị đạt hiệu quả cao hơn. Nó có ảnh hưởng không nhỏ đến thể trạng và tinh thần của người bệnh. Những người thực hiện công việc này là lực lượng điều dưỡng viên, cán bộ nhân viên hành chính của bệnh viện. Theo Bộ Y tế, lực lượng điều dưỡng chiếm gần 50% nguồn nhân lực của bệnh viện nhưng họ lại thực hiện tới 80% công việc điều trị cho người bệnh. Nhân viên hành chính có trách nhiệm thực hiện thủ tục hành chính của bệnh nhân như: nhập viện, chuyển viện, hướng dẫn giấy tờ … Do sự quá tải bệnh nhân mà đội ngũ điều dưỡng viên tại các bệnh viện đã không thể thực hiện đầy đủ công tác chăm sóc cho người bệnh. Tại gần như tất cả các bệnh viện, việc chăm sóc người bệnh là do người nhà, chứ không phải điều dưỡng viên đảm nhiệm. Cũng do quá tải, nên tình trạng cò mồi khám chữa bệnh diễn ra ở hầu hết các bệnh viện lớn trong cả nước, trung bình, mỗi bệnh nhân sẽ phải chi cho cò 20.000đ - 200.000đ tùy loại dịch vụ khám chữa bệnh. Như vậy, ngoài những chi phí mà bệnh nhân phải trả cho các chữa trị trực tiếp thì sự tốn kém về tiền bạc để thực hiện các thủ tục hành chính thông qua “cò bệnh viện”, thuê người chăm sóc hoặc tự chăm sóc là rất lớn, đó là chưa kể đến những nguy cơ bị lừa đảo bởi “cò”, người chăm sóc người bệnh bị mất đi cơ hội làm ra thu nhập khi phải bỏ thời gian để chăm sóc thân nhân trong bệnh viện. Khó khăn chủ yếu là do sự thiếu hụt của đội ngũ cán bộ y tế, bao gồm: bác sĩ, điều dưỡng, y tá, nhân viên hành chính. Sự quá tải bệnh nhân của các bệnh viện và sự thiếu hụt trầm trọng lực lượng nhân viên trong các bệnh viện đã tạo ra nguồn cung lớn về dịch vụ y tế. Những thực tế trên đây cho thấy rất cần có những chương trình hoạt động để tăng cường xã hội hóa công tác chăm sóc người bệnh tại bệnh viện để giảm tải cho hệ thống y tế và đáp ứng nhu cầu vô cùng bức thiết của người bệnh và gia đình họ, đăc biệt là những người bệnh nghèo. 

Sẽ chấm dứt được 70% tình trạng cò bệnh viện

Để hỗ trợ người bệnh, chương trình Tiếp sức người bệnh sẽ được triển khai trong thời gian từ 2015 đến hết năm 2019. Đến hết năm 2015 xây dựng được 30 đội thanh niên tình nguyện “Tiếp sức người bệnh”, với hơn 3000 tình nguyện viên; đến hết năm 2019 xây dựng được 100 đội, với hơn 10.000 tình nguyện viên tham gia giúp đỡ người bệnh trong bệnh viện. Tại BV các đội tình nguyện viện “Tiếp sức người bệnh” sẽ phối hợp với Phòng công tác xã hội và các phòng chức năng để tham gia hướng dẫn, giúp đỡ người bệnh và người nhà bệnh nhân tới khám và điều trị ngay từ cổng bệnh viện: Hướng dẫn người bệnh về các quy trình, thủ tục khám bệnh; hỗ trợ người bệnh di chuyển tới các khoa, phòng; hỗ trợ người bệnh làm thủ tục thanh quyết toán tại bệnh viện nhanh chóng và hiệu quả; hướng dẫn người nhà người bệnh sử dụng các dịch vụ hiện có tại bệnh viện (quán ăn, hiệu thuốc, quầy tạp hóa…); nhắc nhở người nhà người bệnh không hút thuốc lá trong bệnh viện; giúp đỡ người nhà người bệnh có hoàn cảnh khó khăn chăm sóc người bệnh trong quá trình khám và điều trị tại bệnh viện; thăm hỏi, trò chuyện với người bệnh nhằm động viên tinh thần, tạo động lực, niềm tin cho người bệnh; tổ chức các hoạt động từ thiện, như: “Nồi cháo yêu thương”, “Bát cơm nghĩa tình” cho những người bệnh và người nhà người bệnh có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị trong bệnh viện và chương trình “Mang âm nhạc đến bệnh viện”.  Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết, với 9 nội dung hoạt động cụ thể của các tình nguyện viên tại bệnh viện, đề án “Tiếp sức người bệnh” hướng đến giảm tải được 30% công tác của điều dưỡng viên, nhân viên hành chính cũng như chấm dứt được 70% tình trạng “cò bệnh viện” tại những bệnh viện thực hiện trong đề án. Quan trọng hơn là người bệnh sẽ được chăm sóc toàn diện theo đúng nghĩa từ lúc đến bệnh viện, ở bệnh viện và khi ra viện. 

Tuổi trẻ

Xin chào, xin lỗi, xin phép... bệnh nhân

Đó là nội dung cuộc vận động mà Bộ Y tế vừa phát động tại cuộc giao lưu trực tuyến với 700 bệnh viện trong cả nước được tổ chức ngày 22-4. Triển khai cuộc vận động này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tỏ ra rất quyết liệt: “Nhân viên y tế phải luôn cảm ơn, luôn nhẹ nhàng, luôn thăm hỏi, luôn giúp đỡ bệnh nhân”.

Thực tế

Chị Lữ Thị Phong (29 tuổi, người dân tộc Thái ở Mai Châu, Hòa Bình) kể cách đây khoảng một tháng, chị đưa con gái 6 tháng tuổi đến Bệnh viện Nhi T.Ư theo giấy giới thiệu của bác sĩ tuyến dưới do bé có vấn đề về não. Tuy nhiên, các bác sĩ Bệnh viện Nhi T.Ư chỉ khám phần ngực và kết luận bé bị viêm phế quản, cho điều trị tại khoa hô hấp. Mới chiều tối hôm trước nhập viện, sáng hôm sau bác sĩ chỉ định cho bé ra viện. Lo con gái ra viện trong tình trạng vẫn còn mệt mỏi, đồng thời muốn con được khám phần đầu theo yêu cầu của bác sĩ tuyến dưới, chị Phong xin cho bé ở lại nhưng bị bác sĩ quát, mắng. “Bác sĩ bảo tôi hỏi gì mà hỏi lắm thế, nhất định cho con tôi ra viện” - chị Phong kể. Chị N.T.T. (46 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) cũng bức xúc kể việc đưa cháu gái đi khám tại cơ sở 1 Bệnh viện K T.Ư trong khoảng thời gian sau Tết Nguyên đán 2015. Tại đây, gia đình phải sử dụng cách “phong bì” theo lời mách của bệnh nhân đi trước thì mới được khám ngay. Sau khi có kết quả tại cơ sở 1, cháu của chị T. được điều trị theo bảo hiểm y tế tại cơ sở 3 của bệnh viện này và lại bị yêu cầu phải làm mọi xét nghiệm từ đầu. “Trong khoảng thời gian chờ đợi, làm đủ thủ tục theo yêu cầu của bệnh viện, gia đình tôi sống trong tình trạng lo lắng, mệt mỏi, đặc biệt là cháu gái tôi sống tuyệt vọng và chán chường, nên chúng tôi chuyển sang điều trị tại bệnh viện tư nhân để bớt thủ tục dù chi phí sẽ cao hơn hẳn...” - chị T. nói. Tại Bệnh viện K T.Ư, ngoài cơ sở vật chất thiếu thốn, tuyến dưới yếu, bệnh viện này đang thiếu khoảng 500 cán bộ, trong đó có 100-150 bác sĩ. Đây chính là căn nguyên làm thái độ phục vụ tại bệnh viện được xếp vào loại yếu. Vì phòng bệnh thiếu, bác sĩ thiếu, cơ sở vật chất cái gì cũng thiếu, nên dù trong vai “đi mua dịch vụ”, bệnh nhân vẫn gặp đủ mọi khó khăn trong quá trình điều trị. Không chỉ riêng Bệnh viện K T.Ư, đây là tình trạng chung của nhiều bệnh viện công ở VN.

Phải luôn niềm nở, tươi cười

Nhằm thay đổi thái độ phục vụ ở các bệnh viện, cách đây ba năm, Bộ Y tế đã có một cuộc vận động về đổi mới y đức, phong cách phục vụ. Ban đầu là vận động “ngành y nói không với phong bì”, sau đó là mở hàng trăm lớp tập huấn về việc cán bộ y tế tươi cười, tận tụy với bệnh nhân. Cố gắng thì có nhưng xem ra kết quả vẫn chưa đạt như mong muốn. Tại hội nghị trực tuyến với 700 điểm cầu là bệnh viện từ tuyến huyện đến tuyến trung ương tổ chức hôm qua, Bộ trưởng Tiến thừa nhận cần chấn chỉnh thái độ ứng xử của nhân viên y tế. Một trong những điểm cần chấn chỉnh đầu tiên là... quần áo của thầy thuốc. Giữa tháng 5 Bộ Y tế sẽ có thông tư hướng dẫn để mỗi bộ phận trong bệnh viện có màu quần áo riêng, bác sĩ mặc màu trắng, điều dưỡng mặc màu xanh, bộ phận hành chính ít tiếp xúc với bệnh nhân có trang phục... thể hiện tính năng động. “Quần áo thầy thuốc không thể màu cháo lòng, nhăn nhúm. Cũng không thể tất cả mặc màu trắng dẫn đến nhầm lẫn khi một ai đó có thái độ ứng xử không phù hợp” - bà Tiến giải thích. Chấn chỉnh tiếp theo, bà Tiến yêu cầu nhân viên y tế luôn niềm nở, luôn tươi cười, luôn giúp đỡ bệnh nhân. Theo bà Tiến, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ có quy chế nhân viên vi phạm về thái độ ứng xử một lần sẽ hạ mức lương, khoa phòng có nhân viên vi phạm cũng hạ thi đua. Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) thì cán bộ y tế ký cam kết với khoa, khoa ký cam kết với bệnh viện, tất cả cùng thi đua để “làm hài lòng người bệnh”. Cuộc vận động này liệu có thành công khi mối quan hệ cung - cầu trong y tế chưa giải quyết được? Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói cuộc vận động này được thực hiện sau khi ngành y tế có những đổi mới về hạ tầng, về giá dịch vụ, tức là có những cơ sở để vận động thành công.

VỤ “CHIA CHÁC THUỐC BẢO HIỂM Y TẾ”: ​Kiểm điểm, xử lý 17 cán bộ và nhân viên y tế

UBND Q.9 (TP.HCM) vừa ký thông báo kết luận thanh tra vụ “Chia chác thuốc bảo hiểm y tế” (Tuổi Trẻ ngày 9-11-2014) tại Bệnh viện Q.9. Theo đó, UBND Q.9 chỉ đạo tổ chức kiểm điểm nghiêm khắc đối với ban giám đốc Bệnh viện Q.9 về những sai phạm, thiếu sót trong quản lý, sử dụng quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), quản lý việc khám chữa bệnh BHYT và cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội không đúng quy trình. Đồng thời, tổ chức kiểm điểm và có hình thức xử lý những sai phạm đối với 6 điều dưỡng (trong đó có một nguyên điều dưỡng trưởng), 6 bác sĩ (trong đó có một bác sĩ trưởng phòng khám) và 5 dược sĩ (trong đó có một trưởng khoa dược). Theo UBND Q.9, 17 cán bộ và nhân viên y tế nói trên có các sai phạm sau: thực hiện không đúng quy trình khám chữa bệnh về tiếp nhận và nhập thông tin bệnh nhân, khám bệnh mà không có bệnh nhân, đăng ký khám bệnh và nhận thuốc thay cho người thân, người quen; lợi dụng chức vụ để kê toa thuốc cho người nhà, người thân của nhân viên bệnh viện với những loại thuốc đắt tiền mà không có xét nghiệm kiểm tra, chỉ định thuốc không phù hợp đối với bệnh nhân mang thai; không thực hiện đúng quy trình cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội (giấy C56), thiếu trách nhiệm kiểm tra trong việc quản lý và sử dụng giấy C56; thiếu trách nhiệm kiểm tra trong công tác quản lý phòng khám, tạo điều kiện cho các điều dưỡng và các bác sĩ thực hiện việc khám chữa bệnh BHYT không đúng quy định; thiếu kiểm tra trong công tác lãnh đạo quản lý việc phát thuốc BHYT tạo điều kiện cho cán bộ cấp thuốc không đúng quy định. UBND Q.9 còn chỉ đạo giám đốc Bệnh viện Q.9 thu hồi, nộp ngân sách nhà nước hơn 130 triệu đồng đối với 12 bác sĩ, dược sĩ và điều dưỡng tại Bệnh viện Q.9 (khoản thu hồi chi phí khám chữa bệnh BHYT do không thực hiện đúng quy trình khám chữa bệnh BHYT). Theo kết luận thanh tra, trong quá trình khám chữa bệnh BHYT, có nhiều trường hợp các nhân viên trong bệnh viện (chủ yếu là bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ tại khoa khám bệnh BHYT) nhờ các điều dưỡng nhập thông tin người nhà, người quen của mình, sau đó nhờ bác sĩ kê toa, nhận thuốc tại kho phát thuốc BHYT mà không có bệnh nhân đến khám. Trong năm 2013 và 10 tháng đầu năm 2014 có 12 nhân viên bệnh viện đăng ký khám bệnh và nhận thuốc thay cho người thân, người quen của mình. Tổng chi phí khám chữa bệnh của các lượt khám bệnh, nhận thuốc thay nói trên là hơn 159 triệu đồng, trong đó số tiền quỹ BHYT thanh toán hơn 130 triệu đồng.

Đề nghị trả BHYT cho điều trị bằng tế bào gốc

Nhiều đại biểu đã đề nghị BHYT trả chi phí điều trị bằng tế bào gốc cho bệnh nhân tại Hội nghị khoa học do Viện Huyết học -Truyền máu trung ương tổ chức tại Đà Lạt ngày 24-4. Viện Huyết học - Truyền máu trung ương cho biết chi phí để tạo ra và lưu trữ một lượng tế bào gốc để điều trị các bệnh hiểm nghèo hiện nay rất cao. Chi phí thực hiện các biện pháp kỹ thuật, tùy ca bệnh có thể dao động từ 150 đến 300 triệu đồng. Chi phí này đã được bảo hiểm y tế đồng chi trả với bệnh nhân. Nhưng tế bào gốc thì bảo hiểm y tế chưa tham gia chi trả, trong khi để có một lượng tế bào gốc đủ điều trị, bệnh nhân phải tốn khoảng 450 đến 600 triệu đồng. Đó là chi phí quá cao đối với mặt bằng kinh tế chung của bệnh nhân tại Việt Nam. Giáo sư Trí nhấn mạnh, luật và các quy định trong thời gian tới phải công nhận tế bào gốc như một loại thuốc và bảo hiểm y tế phải đồng chi trả với bệnh nhân. GS Trí cũng cho biết trong chương trình quốc gia về tế bào gốc đã trình Bộ Y tế, việc đề nghị Bảo hiểm y tế chi trả trong điều trị bệnh bằng tế bào gốc cũng được đề cập. Vụ pháp chế Bộ Y tế cho biết đang xây dựng hành lang pháp lý theo hướng tạo nguồn người hiến tế bào gốc tự nguyện, tương tự như hiến máu và tổ chức ngân hàng tế bào gốc với hệ dữ liệu quốc gia đủ lớn để phục vụ cho hoạt động khám, chữa bệnh.

Bàn về “ba xin” của bộ trưởng Bộ Y tế

 Bộ trưởng Bộ Y tế vừa triển khai một cuộc vận động nhằm “lột xác” thái độ ứng xử đối với bệnh nhân tại các bệnh viện.  Tạm gọi cuộc vận động này là “ba xin”: xin chào, xin lỗi, xin phép. Tất nhiên cái “ba xin” ấy cần được hiểu theo nghĩa rộng, không nhất thiết phải luôn nói ở cửa miệng, điều quan trọng là hành động như thế nào cho người bệnh cảm thấy “ba xin” không phải chỉ là những lời hào nhoáng vô nghĩa. Không cần tốn sức để làm một cuộc thăm dò cũng có thể nói bức xúc nhất của ngành y tế Việt Nam chính là thái độ phục vụ người bệnh. Đây là căn bệnh trầm kha kéo dài hàng chục năm, từ thời bao cấp cho tới nay vẫn chưa được cải thiện. Trước một thực trạng như vậy, cách đây chừng ba năm, Bộ trưởng Tiến đã quyết đột phá vào vấn đề y đức. Khởi đầu là cuộc vận động “Ngành y nói không với phong bì”, tiếp theo là hàng loạt cuộc tập huấn nhằm nâng cao tinh thần tận tụy đối với bệnh nhân của cán bộ y tế. Đi cùng với những việc làm này, Bộ Y tế cũng tỏ ra khá nghiêm khắc với những sai phạm, theo lời bà bộ trưởng, có khoảng 2.000 cán bộ y tế bị nhắc nhở, 150 người bị kỷ luật vì thái độ phục vụ. Có thể nói cuộc vận động nêu trên là một cố gắng đáng ghi nhận, nhưng xem ra kết quả vẫn không đạt như ý muốn. Cản trở lớn nhất mà bà Tiến đang vấp phải là cơ sở vật chất quá kém, bệnh nhân quá đông, áp lực công việc quá cao, đồng lương cán bộ y tế quá thấp...Vượt qua những cái “quá” này để vực dậy y đức quả là rất cam go, đòi hỏi rất nhiều điều kiện, không phải chuyện một sớm một chiều giải quyết ngay được. Trong cuộc vận động “ba xin” lần này, dù chưa thoát khỏi những thách thức bởi những cái “quá”, nhưng Bộ trưởng Tiến vẫn khẳng định việc thay đổi thái độ phục vụ người bệnh không phải là một phong trào mà là chính sách bắt buộc thi hành, các bệnh viện phải cam kết thực hiện. Ngẫm cho cùng, bà Tiến có lý để làm như vậy, không thể ngồi chờ mọi cái hoàn thiện rồi mới chấn chỉnh y đức. Điều quan trọng trước hết là cần phá vỡ tâm lý “xin - cho” đang đè nặng trong tiềm thức của đội ngũ cán bộ y tế. Bài học ở các bệnh viện ngoài công lập là một minh chứng rất rõ cho việc xóa bỏ tâm lý “xin - cho”. Thực tế cho thấy không ít nơi có rất đông bệnh nhân, áp lực công việc không nhỏ, nhưng thái độ ứng xử đối với người bệnh khác hẳn bệnh viện công. Cùng với những điều kiện để ràng buộc mọi người phải thực hiện chức trách lương y, các bệnh viện ngoài công lập đang áp dụng mạnh mẽ quan điểm bệnh nhân là khách hàng. Với quan điểm ấy, tâm lý “xin - cho” không còn đất sống, tất cả phải phục vụ “thượng đế”. Tất nhiên, các bệnh viện công có nhiều yếu tố không hoàn toàn giống như bệnh viện ngoài công lập, nhưng viện phí đang tăng dần và còn được Nhà nước hỗ trợ nhiều mặt, không thể đối xử mãi với bệnh nhân theo kiểu “xin - cho”.

Diệt kiến ba khoang bằng cồn y tế

BV Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) vừa tình cờ phát hiện loài kiến ba khoang có thể bị diệt bằng cồn y tế 90 độ. “Loài kiến này xuất hiện vào tháng 3, 4 hằng năm. Các bác sĩ, y tá tình cờ phát hiện xịt cồn y tế vào thì diệt được kiến” - Bệnh viện huyện Hàm Thuận Bắc, nói. Ông Hùng cho biết thêm kiến ba khoang xuất hiện đầu tiên tại nơi này vào tháng 3, 4-2014. Lúc đó bệnh viện dùng thuốc xịt theo quy trình xử lý của Sở Y tế Bình Thuận, kiến ba khoang biến mất. Tuy nhiên sau đó 1-2 tuần kiến ba khoang xuất hiện trở lại và xịt thuốc thì kiến không chết.

Tiền phong 

TPHCM cảnh báo nguy cơ bùng phát sốt xuất huyết

Từ đầu năm đến giữa tháng 4 vừa qua, trên địa bàn thành phố ghi nhận gần 3.900 ca sốt xuất huyết nhập viện, tăng gần 43%, trong đó có 2 ca tử vong tại Q.3 và Bình Tân. Chiều 22/4, Sở Y tế TPHCM có buổi họp với các đơn vị y tế dự phòng trên địa bàn về tình hình dịch bệnh. Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, từ đầu năm đến giữa tháng 4 vừa qua, trên địa bàn thành phố ghi nhận gần 3.900 ca sốt xuất huyết nhập viện, tăng gần 43%, trong đó có 2 ca tử vong tại Q.3 và Bình Tân. Liên tục trong 5 tuần gần đây, số ca mắc luôn ở mức 140 ca/tuần. Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố - cho rằng, trong ba năm trở lại đây từ 2012-2014, đỉnh dịch cứ qua một năm lại lùi đi một tháng. Ông Dũng đánh giá, những tháng tiếp theo, nếu không làm triệt để công tác phòng chống dịch, tình hình sẽ rất khó khăn, trong bối cảnh đã đến chu kỳ 4-5 năm bùng phát dịch sốt xuất huyết.

Phó Thủ tướng: Tiêm chủng phải đúng, đủ, an toàn

Sáng 24/4, tại TP Bắc Giang, Bộ Y tế phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng “Tuần lễ tiêm chủng” năm 2015. Với chủ đề “Chung tay cùng tiêm chủng bảo vệ cộng đồng”, tuần lễ tiêm chủng năm nay được phát động từ ngày 24 đến 30/4 nằm trong chuỗi các hoạt động truyền thông về tiêm chủng nhằm nâng cao nhận thức tầm quan trọng của tiêm chủng vắc xin. Phát biểu tại buổi mít tinh, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao lợi ích của việc tiêm chủng trong việc phòng bệnh. Phó Thủ tướng kêu gọi tất cả người dân nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, tính bắt buộc của việc tiêm chủng cho con, em mình, đồng thời đề nghị  các cấp chính quyền, đoàn thể, cùng chỉ đạo phối hợp với ngành y tế ở tất cả các khâu để thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng trong toàn quốc, sao cho tất cả mọi người dân đều được tiêm chủng "đúng, đủ, an toàn và thuận lợi". Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, đã có hơn 30 bệnh truyền nhiễm có thể dự phòng được bằng vắc xin. Tuy nhiên, trong những năm gần đây dịch bệnh truyền nhiễm có những diễn biến phức tạp. Nếu việc tiêm chủng vắc xin phòng bệnh không được duy trì, trẻ em không được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh trở lại là rất lớn. Việt Nam đang nỗ lực tiến tới mục tiêu loại trừ bệnh sởi bằng việc triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin sởi – rubella cho 20 triệu trẻ trong thời gian qua và đưa vắc xin ngừa sởi – rubella vào tiêm chủng thường xuyên, nâng số vắc xin trong chương trình lên 12 loại. Vừa qua, Việt Nam  được Tổ chức Y tế thế giới công nhận đạt chuẩn quốc tế đối với hệ thống quản lý quốc gia về vắc xin.

Infonet

Quyền được chết đã có, chỉ chưa đưa vào luật?

Đề xuất đưa quyền được chết vào trong luật có thể sẽ vấp phải nhiều ý kiến tranh cãi của dư luận cũng như trong ngành. Tuy nhiên ở góc độ nào đó nó lại được xem là nhân đạo.

Ai là người có quyền quyết định được chết ?

Bà Nguyễn Thị Lựu quê ở huyện Kiến Xương, Thái Bình đang chăm sóc chồng bị ung thư phổi ở Bệnh viện K cơ sở 3, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội mệt mỏi nói: "Ông nhà tôi bị ung thư phổi giai đoạn muộn. Đến nay chụp trên phim có di căn ra trung thất và một số nơi. Ông ấy đau đớn lắm. Có lúc ông bảo xin về nhà chứ ở viện tốn kém mà bệnh chẳng thuyên đỡ. Hiện nay, ông chỉ dùng thuốc giảm đau để kéo dài sự sống. Nhìn ông ấy héo mòn, kiệt quệ và đau đớn, đôi lần muốn ngỏ xin bệnh viện cho ông về nhà nhưng lại nghĩ về nhà đau quá cũng khổ nên đành thôi".Con cái của bà Lựu thì cho rằng cứ để bố ở bệnh viện điều trị. Dù biết bệnh không cứu được nhưng chất lượng cuộc sống cũng tốt hơn vì được chăm sóc về y tế. Khi nghe chúng tôi kể về câu chuyện "quyền được chết", bà Lựu thở dài: "Ở mình làm sao xin được chết chứ. Chỉ có sống đến khi trời gọi về" Trường hợp của anh Phạm Hữu Chung – quê Thanh Hà, Hải Dương cũng như thế. Anh Chung kiệt sức vì căn bệnh u trung thất. Cho đến lúc này, anh Chung thực sự muốn từ chối điều trị về nhà chờ chết. Mới phát hiện bệnh từ tháng trước nhưng số tiền điều trị đã lên đến trăm triệu đồng vì không có bảo hiểm. Mỗi lần tràn dịch màng phổi, anh phải nằm phòng cấp cứu vài ngày. Đau đớn, khó thở và thương vợ con tốn kém, anh Chung chỉ mong về nhà để chờ chết.  Tuy nhiên, vợ anh thì không muốn, chị vẫn cố gắng còn nước còn tát. Dù bác sĩ nỗ lực, người thân nỗ lực nhưng người bệnh chỉ muốn chết thì cũng khó có kết quả khả quan. Anh Chung tử vong sau hơn 1 tháng điều trị u trung thất.  Vậy trong trường hợp này ai sẽ là người được quyết định quyền được chết của người bệnh? Ông Nguyễn Huy Quang - Vụ Pháp chế - Bộ Y tế cho biết trường hợp như gia đình anh Chung sẽ có rất nhiều khi người bệnh muốn xin về nhưng người thân thì không. Vì thế, Bộ sẽ cân nhắc và đưa vào dự thảo trình Quốc hội để lấy ý kiến nhân dân đưa ra được quyền cụ thể nhất và trường hợp nào mới được sử dụng "quyền được chết". Còn Tiến sĩ Dương Đức Hùng - Trưởng đơn vị Phẫu thuật tim mạch, Viện Tim mạch quốc gia, - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ở trường hợp người bệnh muốn xin về nhưng người thân muốn còn nước còn tát thì không bác sĩ nào dám cho bệnh nhân về. Lúc này người thân của họ mới có quyền quyết định. Nếu bác sĩ cho về, người bệnh mất thì người thân của họ có thể kiện bác sĩ.

Cái chết êm ái là cái chết nhân đạo

Nói về quyền được chết, TS Hùng cho rằng "Cái đó là cần thiết và nhân đạo. Vì pháp luật đã quy định là bệnh nhân có quyền được khám chữa bệnh. Điều cơ bản trong hiến pháp con người có bệnh được quyền nhập viện, có quyền được chăm sóc, được điều trị. Nhưng khi họ muốn từ chối quyền đó thì không ai có quyền ngăn cản họ. Bởi khi bị bệnh chỉ bệnh nhân mới biết thế nào là hạnh phúc. Ví dụ bệnh nhân ung thư ở giai đoạn cuối đã bị di căn, sự sống chỉ tính bằng từng ngày, từng tháng nhưng cái đau đó nó lan sang cho gia đình, cho người thân, tốn kém tài chính cho gia đình, cho xã hội. Khi họ yêu cầu chấm dứt điều trị, họ muốn ra đi chấm dứt đau đớn thì nên cho họ quyền được như thế. Đó là lựa chọn đúng đắn của họ và thực sự là nhân đạo với người bệnh. Có những người bệnh bị ung thư, họ đau đớn ôm chân bác sĩ chỉ mong làm sao cho họ chết không còn chịu đau đớn. Bệnh nhân nghèo về nhà không có tiền mua các thuốc giảm đau sâu thì những ngày cuối đời của họ thực sự kinh hoàng, chết trong đau đớn, kiệt quệ. Những nước tiên tiến trên thế giới như Hà Lan, Bắc Âu họ đã ra luật đó từ lâu rồi. Người ta gọi là quyền được chết. Ở Việt Nam từ trước đến nay vẫn có chuyện gia đình họ không muốn điều trị tiếp, bệnh viện vẫn cho về. Gia đình xin đưa người thân ra khỏi bệnh viện là biết sẽ chết nhưng nó vẫn chưa được cụ thể hóa thành luật". Khi bệnh nhân đến, họ được quyền điều trị và trách nhiệm của cơ quan y tế là chia sẻ cho họ biết thông tin, tình trạng bệnh tật, cách thức chữa chạy, tiên lượng, chi phí.  Đánh giá về "dự thảo cái chết êm ái", TS Hùng cho biết: một chủ trương khi đưa ra không bao giờ thỏa mãn được mọi người dân nhưng chủ trương đó phải thỏa mãn được số đông trong cộng đồng, vì quan điểm cá nhân khác nhau. Đây là vấn đề nhạy cảm, trước khi quyết định nên đưa ra bàn bạc trong nhiều giới, trong nhiều tầng lớp xã hội, thậm chí đối với bệnh nhân. Nhóm bệnh nhân cũng cần chia nhóm ra như bệnh nhân bị bệnh mãn tính, bệnh ung thư, rồi lấy ý kiến về chủ trương này. "Ở bất cứ chuyện gì mình nhìn ở góc độ tốt nó sẽ tốt, góc độ xấu nó sẽ xấu. Vấn đề mình xử lý như thế nào sẽ thành tốt. Khi họ yêu cầu chấm dứt điều trị thì mình cũng không thể cản được. Có những trường hợp chưa thanh toán cũng phải linh động nhanh vì giữ lại thêm 1 tiếng nữa về bệnh nhân chết dọc đường không hay theo tâm lý của người Việt khi đưa xác về nhà người ta rất kỵ. Lúc đó phải bảo nhân viên giải quyết linh động tạo điều kiện người thân đưa về nhà".

TP.HCM: Hơn 300 công nhân ngộ độc lạ sau bữa ăn

BS Nguyễn Hữu Thơ, giám đốc BV huyện Nhà Bè cho biết, khoảng 8h sáng 23/4, bệnh viện bắt đầu tiếp nhận hàng loạt bệnh nhân được chuyển đến từ Công ty chuyên sản xuất túi xách tại KCN Long Hiệp. Các bệnh nhân đều có triệu chứng ói mửa, tiêu chảy, sốt, chóng mặt... Đến 14h ngày 23/4, bệnh viện đã tiếp nhận 304 công nhân, trong đó có 2 ca đang có thai 3 tháng bị hạ đường huyết. Sau khi tiếp nhận, bệnh viện đã tiến hành khám sàng lọc, những ca nhẹ cho xuất viện ngay trong ngày, những ca ói mửa, tiêu chảy nặng được giữ lại để truyền dịch. Đặc biệt hai ca có thai đang được tiếp tục theo dõi tình trạng thai. Chị N.T.M.C, công nhân bộ phận dân keo cho biết, khoảng 17h30 chiều 22/4, công nhân ăn ca chiều với thịt gà kho, rau cải luộc và canh bí. Đến tối chị bắt đầu thấy chóng mặt, buồn nôn, tuy nhiên đến sáng chị vẫn cố đi làm. Làm việc được khoảng 1 tiếng đồng hồ thì chị bắt đầu tiêu chảy, ói mửa, chóng mặt, bủn rủn chân tay và được đưa đi cấp cứu. Chị N.T.T, công nhân bộ phận làm vách ngăn túi xách cho biết, khi ăn cơm chiều hôm trước, chị đã thấy rau cải có mùi hôi không giống bình thường.Theo BS Nguyễn Hữu Thơ, bệnh nhân lên từng đợt 30-50 người, bệnh viện đã huy động lực lượng và có sự hỗ trợ của bệnh viện Q7 và bv Nguyễn Tri Phương. BS Thơ cho biết, vụ ngộ độc tập thể này khá lạ vì thời gian xuất hiện triệu chứng cách khá xa thời điểm bữa ăn và dự đoán sẽ tiếp tục còn có các đợt bệnh nhân mới Được biết, Sở Y tế, Trung tâm y tế dự phòng TPHCM, Chi cục an toàn thực phẩm Long An đã đến lấy mẫu bệnh phẩm và xác minh nguyên nhân ngộ độc. Tìm hiểu từ các bệnh nhân, đã có khoảng 5.000 người ăn bữa chiều qua nên khả năng tiếp tục có bệnh nhân nhập viện là rất cao. Ngoài BV huyện Nhà Bè, nhiều bệnh nhân đã được cấp cứu tại BV Q7, BV Nguyễn Tri Phương.

Công an nhân dân

Chào mừng Kỷ niệm 115 năm thành lập Bệnh viện Chợ Rẫy: Điểm sáng của ngành Y tế

Sáng ngày 23/4/2015, chào mừng Kỷ niệm 115 năm thành lập, Bệnh viện Chợ Rẫy (BVCR) tổ chức Hội nghị khoa học thường niên năm 2015 nhằm tổng kết các thành tựu khoa học kỹ thuật của bệnh viện (BV) trong thời gian qua. Tham dự hội nghị có trên 500 đại biểu, trong đó có đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, các trường đại học Y khoa TP HCM, các đơn vị y tế TP HCM và tỉnh thành khu vực phía Nam... Đặc biệt có các đại biểu đến từ Nhật Bản (BV Đại học Tsukuba, Đại học Tsukuba, Đại học Shiga, Đại học Sức khỏe và Phúc lợi Nhật Bản). Hội nghị gồm một phiên toàn thể và 20 phiên chuyên đề tại 10 hội trường (6 phiên chuyên đề Nội khoa, 10 phiên chuyên đề Ngoại khoa, 2 phiên chuyên đề Điều dưỡng, 2 phiên chuyên đề Cận lâm sàng) với tổng số 126 báo cáo. Các báo cáo khoa học tại hội nghị được các nhà khoa học, giáo sư bác sĩ đánh giá là có nhiều nội dung nổi bật, có giá trị khoa học và thực tiễn cao. Đặc biệt trong chuyên đề Điều dưỡng, các chuyên gia Nhật Bản đã báo cáo về kinh nghiệm cứu hộ cứu nạn trong thảm họa động đất sóng thần tại Nhật Bản năm 2011… Đại diện lãnh đạo Bộ Y tế đến tham dự và chỉ đạo hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, nhấn mạnh rằng BVCR là một trong bốn BV được xếp hạng đặc biệt của Việt Nam (trong tổng số 1.200 BV trên cả nước). Trong những năm qua, BVCR đã không ngừng vươn lên, phát huy những thế mạnh, mũi nhọn của mình trong việc áp dụng những kỹ thuật cao, kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh, chất lượng khám và chữa bệnh ngày càng được nâng cao, uy tín và thương hiệu của BVCR được nhân dân tin tưởng và đến khám bệnh ngày càng cao… Bộ Y tế ghi nhận và đánh giá rất cao về những thành tích của BVCR, trong đó có công tác đào tạo cán bộ, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nâng cao tinh thần giao tiếp phục vụ người bệnh và tạo sự hài lòng cho người bệnh. Trong công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật, nghiên cứu khoa học, BVCR có rất nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Thành phố, cấp Cơ sở có giá trị cao. Đặc biệt, công tác hợp tác quốc tế của BVCR là một điểm sáng của ngành Y tế. BVCR hợp tác với nhiều cơ quan, BV của các nước trên thế giới, đặc biệt là Nhật Bản. Lần hội nghị này, các báo cáo của các nhà khoa học Nhật Bản rất có giá trị về mặt khoa học đối với ngành y tế Việt Nam… Có thể nói, các thành tựu của BVCR cùng các BV phía Nam đã đóng góp to lớn vào thành công và phát triển của ngành Y tế nước nhà.

70% cặp vợ chồng hiếm muộn không biết nơi điều trị

Đây là kết luận của Đại tá, PGS.TS Quản Hoàng Lâm, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Phôi- Học viện Quân Y, đưa ra tại Hội thảo quốc tế “Hỗ trợ sinh sản và chẩn đoán di truyền làm tiền làm tổ” do Học viện Quân y tổ chức tại Hà Nội sáng 24/4. PGS.TS Quản Hoàng Lâm cho biết trong giai đoạn 2005- 2014, hàng năm trung tâm Công nghệ Phôi khám, tư vấn, điều trị cho 10.000 lượt người. Sau gần 13 năm kể từ khi cháu bé ống nghiệm đầu tiên ra đời tại Học viện Quân Y (15/8/2002), đến nay đã có gần 4.000 cháu ra đời bằng phương pháp hỗ trợ sinh sản, trong đó trên 1.900 cháu ra đời bằng thụ tinh trong ống nghiệm. Nhưng theo PGS.TS Quản Hoàng Lâm, việc điều trị hiện gặp nhiều khó khăn như nhận thức chưa đầy đủ của xã hội, bệnh nhân về vô sinh và điều trị vô sinh khi “có tới 70% cặp vợ chồng hiếm muộn không biết địa chỉ các cơ sở y tế chuyên điều trị vô sinh”; gánh nặng tâm lý gia đình và xã hội, căng thẳng trong điều trị. Ngoài ra, kinh phí điều trị cao (35- 50 triệu đồng/ ca thụ tinh ống nghiệm), vô sinh chưa nằm trong danh mục được Bảo hiểm y tế chi trả.   Tại hội thảo, nhiều báo cáo khoa học được các chuyên gia trình bày đã được đánh giá cao như “Đổi mới và phát triển của PGD"- Dr James Marshall (Úc); “Bằng chứng lâm sàng hiện tại của PGD FO sàng lọc dị bội” - Dr Weena Krutsawad (Thái Lan); các nhà khoa học Việt Nam với báo cáo “Chứng cứ hiện nay về tầm soát di truyền tiền làm tổ” - Ths.BS Hồ Mạnh Tường – Đại học Quốc gia TP HCM; Nghiên cứu sàng lọc một số bất thường nhiễm sắc thể trước chuyển phôi ở bệnh nhân IVF tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương – TS Nguyễn Thị Minh…PGS.TS. Quản Hoàng Lâm, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Nghiên cứu Công nghệ Phôi khẳng định: “Những công trình nghiên cứu khoa học cùng với công tác khám, tư vấn và điều trị vô sinh đã và đang góp phần nâng cao chất lượng dân số.”

Bệnh viện K “dẫn đầu” về bị “tố” nhũng nhiễu

Ở Hà Nội, bệnh viện K là đơn vị có nhiều ý kiến phản ánh tới đường dây nóng nhất, với 48 cuộc gọi, tiếp đó là BV Bạch Mai với 46 cuộc gọi và sau đó là BV Phụ sản T.Ư với 45 cuộc gọi, BV Nhi T.Ư với 30 cuộc. Một trong các biện pháp để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) của ngành Y tế, là thiết lập đường dây nóng ở các đơn vị từ Trung ương đến các bệnh viện (BV), để người dân có nơi phản ánh những vấn đề tiêu cực, những hiện tượng chưa tốt của cơ sở y tế. Sau hơn một năm thực hiện, hiệu quả của đường dây nóng đã được khẳng định, với việc hàng ngàn vụ việc được người dân phát hiện, phản ánh kịp thời, giúp cho các cơ sở y tế chấn chỉnh, khắc phục những mặt chưa tốt. Điều này cho thấy, đường dây nóng là một biện pháp không thể thiếu để người dân ngày càng được bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Ông Nguyễn Xuân Trường, Chánh Văn phòng Bộ Y tế, cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2015, đường dây nóng của ngành Y tế cả nước đã tiếp nhận 8.366 cuộc gọi. Trong đó, số cuộc gọi đúng phạm vi chỉ có 3.448 cuộc gọi (chiếm 41.2%), còn lại 4.918 cuộc gọi (58.8%) là các cuộc gọi rớt, hỏi các thông tin tư vấn về y tế, thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT)  vv…Trong số 3.448 cuộc gọi đến đường dây nóng đúng phạm vi tiếp nhận, thì nhiều nhất là nội dung phản ánh về tình trạng xuống cấp của BV, nội quy cơ sở y tế, với 946 cuộc gọi (chiếm 27.1%), sau đó là phản ánh về quy trình chuyên môn với 929 cuộc gọi (26.9%). Thái độ, tinh thần trách nhiệm của y, bác sĩ đối với người bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) là nội dung thứ ba mà người dân phản ánh, với 726 cuộc gọi (21.1%). Tiếp đó, lần lượt là các vấn đề về viện phí, thủ tục KCB BHYT với 513 cuộc (14.9%), khen ngợi tập thể hoặc cá nhân các bác sỹ đã nhiệt tình, tận tụy trong điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân là 141 cuộc (4.1%). Cũng có các ý kiến phản ánh về tình hình an ninh trật tự tại các cơ sở KCB, nhưng khá ít với 98 cuộc (2.8%). Vấn đề tiêu cực như vòi vĩnh, đòi hối lộ của nhân viên y tế lại đứng cuối cùng trong các cuộc gọi đến đường dây nóng, với 95 cuộc (chiếm 2.8%). Thực tế trên cho thấy, tình trạng xuống cấp về cơ sở vật chất, nội quy cơ sở y tế vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, khiến người dân phải phàn nàn nhiều. Mặc dù thời gian qua ngành đã có nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề giảm tải, bằng việc nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng BV, tăng giường bệnh, nâng cao toàn diện chất lượng BV, song vấn đề này chưa được cải thiện nhiều, nên vẫn gây bức xúc của người dân. Tuy vậy, một ghi nhận trong thời gian gần đây là, đường dây nóng cũng đã tiếp nhận được ngày càng nhiều ý kiến khen ngợi các tập thể, cá nhân đã tận tình, chu đáo chăm sóc, điều trị người bệnh. Tỷ lệ các ý kiến khen ngợi tính trong quý I-2015 là 4.1%, tăng gấp 4 lần so với năm 2014 (1%). Điều này đã cho thấy sự khách quan của người dân trước tiến bộ của cơ sở y tế, cũng như với những thầy thuốc chân chính. Cũng theo ông Nguyễn Xuân Trường, trong số 10 địa phương trên toàn quốc nhận được nhiều ý kiến phản ánh của người dân nhất, thì các đơn vị y tế của TP Hà Nội đang “dẫn đầu” với 554 cuộc gọi, đứng thứ hai là TP Hồ Chí Minh với 330 cuộc gọi, tiếp đó là Ninh Thuận với 81 cuộc gọi. Như vậy, 2 thành phố lớn nhất với những điều kiện phát triển về cơ sở vật chất và nhân lực y tế, nhưng lại có số lượng phản ánh sự không hài lòng về các dịch y tế lại cao hơn nhiều lần so với các địa phương khác. Ở Hà Nội, BV K là đơn vị có nhiều ý kiến phản ánh tới đường dây nóng nhất, với 48 cuộc gọi, tiếp đó là BV Bạch Mai với 46 cuộc gọi và sau đó là BV Phụ sản T.Ư với 45 cuộc gọi, BV Nhi T.Ư với 30 cuộc. Tại TP Hồ Chí Minh, đơn vị nhận được nhiều ý kiến phản ánh nhất là BV Chợ Rẫy với 74 cuộc gọi. Nội dung các ý kiến vẫn tập trung phản ánh về cơ sở vật chất và quy trình chuyên môn. Riêng BV K, đa số các cuộc gọi phản ánh tình trạng tiêu cực như vòi vĩnh, đòi hối lộ, tham nhũng của nhân viên y tế. Trước những phản ánh đến đường dây nóng, Bộ Y tế đã chỉ đạo các BV tuyến T.Ư và Sở Y tế các địa phương xử lý khẩn trương, kịp thời các vụ việc. Các BV đã trực tiếp xác minh thông tin và giải quyết nhanh các vấn đề được phản ánh. Tùy từng mức độ sai phạm của nhân viên y tế mà các BV, Sở Y tế có các hình thức xử lý nghiêm, mang tính giáo dục. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2015 đã có 2.075 cán bộ bị nhắc nhở, 56 cán bộ bị khiển trách, 61 cán bộ bị cắt thi đua, 12 cán bộ bị điều chuyển vị trí công tác sang bộ phận khác, 1 cán bộ bị cách chức và 2 cán bộ bị nghỉ việc. Nhưng cũng qua thông tin phản ánh đến đường dây nóng, các đơn vị đã khen thưởng 78 tập thể, cá nhân vì những thành tích xuất sắc. Đặc biệt, từ các ý kiến đóng góp của người dân, nhiều BV đã cải tiến quy trình KCB thuận lợi hơn cho người dân (330 trường hợp) và cải thiện cơ sở vật chất (171 trường hợp). Cục trưởng Cục Quản lý KCB (Bộ Y tế) khẳng định: Đường dây nóng đã góp phần nâng cao chất lượng KCB, khi thực sự là một kênh giám sát có hệ thống và bệnh nhân cũng là những “giám sát viên” đối với nhân viên y tế trong quá trình KCB. Qua đó, lãnh đạo các đơn vị đã rà soát lại quy trình KCB, tiếp đón bệnh nhân, chấn chỉnh về ý thức trách nhiệm chuyên môn, ứng xử đối với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân vv…Tuy vậy, ông Nguyễn Xuân Trường cũng trăn trở: Vẫn có nhiều người chưa hiểu rõ mục đích của đường dây nóng, nên đã phản ánh những thông tin không đúng chức năng, hoặc thiếu chính xác, gây mất thời gian xác minh, trả lời. Bên cạnh đó, một số BV không công khai số điện thoại đường dây nóng của Bộ Y tế tại nơi dễ thấy, hoặc công khai, nhưng không sử dụng số điện thoại Bộ Y tế đã cung cấp, nhiều nơi không có người nghe máy, hoặc máy không liên lạc được, xử lý thông tin còn chậm, hoặc không trả lời, khoảng 40%.

Hải quan

Triển vọng lớn trong xuất khẩu vắc xin của Việt Nam

Chất lượng vắc xin sản xuất trong nước đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá cao, thời gian tới, cánh cửa cho việc xuất khẩu vắc xin nội đã rộng mở.

Có 4 nhà máy sản xuất vắc xin

Vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận Việt Nam là một trong 39 quốc gia trên thế giới có vắc xin đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Đây là một tín hiệu vui với ngành Y tế nói chung và công nghệ sản xuất vắc xin của Việt Nam nói riêng. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trước đây Việt Nam phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vắc xin nhập ngoại còn hiện nay Việt Nam đã có 4 nhà máy sản xuất vắc xin đã sản xuất được 12 loại trong đó có 10 loại vắc xin được sử dụng trong Chương trình Tiêm chủng quốc gia. Hiện Bộ Y tế đang đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu nhiều loại vắc xin mới theo công nghệ hiện đại nhất để đưa vào sản xuất, sử dụng trong tương lai với mục tiêu đến năm 2020 sản xuất trong nước sẽ đáp ứng được 100% nhu cầu vắc xin của người dân. Ông Nguyễn Thanh Long thông tin, các nhà máy sản xuất vắc xin của Việt Nam hiện nay được xây dựng đủ cung cấp cho nhu cầu trong nước và đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu ra quốc tế. Ví dụ: Vắc xin Viêm não Nhật Bản B, nhu cầu cho tiêm chủng là khoảng 8 triệu liều trong khi đó khả năng sản xuất khoảng 12 triệu liều/năm; nhu cầu vắc xin sởi là 3 triệu liều, khả năng sản xuất là khoảng 7,5 triệu liều; nhu cầu vắc xin Bại liệt uống là 7,5 triệu liều, khả năng sản xuất khoảng 40 triệu liều/năm. "Tổ chức Y tế Thế giới cũng nhận định Việt Nam có tiềm năng sản xuất vắc xin rất lớn và xếp Việt Nam vào 1 trong 25 quốc gia sản xuất vắc xin trên thế giới".

Tiêm chủng là cứu cánh phòng chống bệnh tật

Do tâm lý lo ngại phản ứng sau tiêm mà thời gian vừa qua, đã có nhiều ca mắc sởi, ho gà sớm do không được cha mẹ đưa đi tiêm chủng. Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu, qua giám sát dịch bệnh cho thấy phần lớn các trường hợp mắc các bệnh sởi, ho gà hay một số các bệnh truyền nhiễm khác do không được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vắc xin phòng bệnh. Còn ông Dr Kohei Todak- Chuyên gia WHO tại Việt Nam, trong những năm gần đây dịch bệnh truyền nhiễm có những diễn biến phức tạp. Nếu việc tiêm chủng vắc xin phòng bệnh không được duy trì, trẻ em không được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch, nguy cơ bùng phát dịch bệnh trở lại là rất lớn. Nói về chất lượng của vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, ông Nguyễn Đình Bảng- nguyên Viện trưởng Viện Kiểm định vắc xin và sinh phẩm y tế- Bộ Y tế cho rằng: Trong chương trình tiêm chủng mở rộng tất cả các vắc xin (cả sản xuất trong nước và nhập khẩu) đều được cơ quan có thẩm quyền kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt từ nhà sản xuất đến người sử dụng, đảm bảo an toàn và hiệu quả khi dùng cho người. "Mỗi lô vắc xin trước khi đưa ra thị trường đều được kiểm định để đảm bảo an toàn và chất lượng. Vắc xin từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng đều được bảo quản trong hệ thống dây chuyền lạnh", ông Bảng khẳng định. Ông Nguyễn Văn Cường- Phó Trưởng ban điều hành Dự án Tiêm chủng mở rộng, các bà mẹ nên tin tưởng về tính an toàn và chất lượng các vắc xin dùng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng và chủ động đưa con em đi tiêm vắc xin đúng lịch, đủ số mũi tiêm với tỷ lệ tiêm chủng cao, chứ không phải có dịch mới đi tiêm vắc xin, bảo đảm miễn dịch chủ động dự phòng hiệu quả.

Chỉ hơn 55% trẻ sơ sinh được tiêm vắc xin viêm gan B

Ông Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng- Bộ Y tế cho biết, hiện tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh trên cả nước còn thấp, chỉ khoảng hơn 55% trẻ sinh ra được tiêm phòng. Theo ông Phu, sở dĩ tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B chưa cao là do thời gian vừa qua một số phụ huynh và nhân viên y tế có tâm lý “lo sợ” phản ứng sau tiêm. Tuy nhiên tại cuộc gặp mặt báo chí do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tổ chức nhân Tuần lễ tiêm chủng ngày 23-4, ông Đặng Đức Anh- Giám đốc Viện khẳng định, vắc xin viêm gan B là vắc xin tái tổ hợp sử dụng công nghệ sinh học nên tuyệt đối an toàn. Còn ông Nguyễn Trần Hiển- Trưởng ban quản lý Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia thông tin, việc tiêm vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau sinh là rất quan trọng. Mũi vắc xin này sẽ phòng được 85%- 90% các trường hợp lây nhiễm vi rút viêm gan B từ mẹ sang con. Nếu trẻ tiêm vắc xin viêm gan B trong thời điểm 7 ngày sau sinh, khả năng phòng lây nhiễm từ mẹ sang con chỉ đạt 50%- 57%, càng tiêm muộn tỷ lệ này càng giảm dần. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo nếu trẻ được tiêm vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau sinh sẽ giảm 16%-20% số người lành mang bệnh, từ đó làm giảm tỉ lệ người bị xơ gan, ung thư gan trong tương lai. Trước đó, tại buổi tập huấn về các bệnh truyền nhiễm do Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tổ chức, bác sỹ Nguyễn Hồng Hà- nguyên Trưởng khoa Cấp cứu- Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thông tin, không giống nhiều căn bệnh khác, viêm gan B diễn biến âm thầm, hầu như không có biểu hiện lâm sàng, không ảnh hưởng ngay đến sức khỏe cho đến khi có biểu hiện xơ gan, ung thư gan và tử vong. "Bệnh là nguyên nhân hàng đầu của ung thư gan, 25% bệnh nhân nhiễm vi rút viêm gan B sẽ bị xơ gan, ung thư gan nếu không được điều trị. Việc chữa trị cũng rất tốn kém vì chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do đó tiêm vắc xin viêm gan B là cách phòng ngừa hiệu quả nhất. Trẻ cần được tiêm đủ 3 mũi vắc xin viêm gan B: Mũi thứ nhất trong vòng 24 giờ đầu sau sinh, mũi thứ hai sau 1 tháng và mũi thứ ba nhắc lại sau 6 tháng", bác sỹ Hồng Hà nhấn mạnh.

25% dân số Việt Nam bị thừa cân

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện Việt Nam có tỷ lệ người trưởng thành bị thừa cân, béo phì chiếm khoảng 25% dân số. Trên quy mô toàn cầu, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính năm 2014, toàn thế giới có khoảng 1,9 tỷ người trưởng thành bị thừa cân (tương được với 39% dân số), trong đó có 600 triệu người bị béo phì. Như vậy số người thừa cân, béo phì hiện nay đã tăng gấp hơn hai lần so với năm 1980. Theo các chuyên gia y tế, trong xã hội hiện đại, tình trạng thừa cân, béo phì ở người trưởng thành đang có xu hướng ngày càng phổ biến và trở thành một trong những thách thức lớn đối với chương trình chăm sóc sức khỏe ở mọi quốc gia. Theo WHO, chi phí cho quản lý và điều trị thừa cân, béo phì có thể lên đến 2%- 7% tổng chi phí cho chăm sóc y tế của các nước phát triển. Phòng chống thừa cân, béo phì là một trong ưu tiên cấp bách hàng đầu của mỗi quốc gia. Đây không chỉ là vấn đề sức khỏe quan trọng tại các nước phát triển mà còn đối với cả những nước đang phát triển như ở Việt Nam. Nói về nguy cơ của tình trạng thừa cân béo phí, bà Nguyễn Thị Lâm- Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng: Thừa cân, béo phì là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh không lây nhiễm. Tiêu biểu như các bệnh tim mạch, bao gồm: tăng huyết áp, đột quỵ, xơ vữa và tắc mạch vành, nhồi máu cơ tim;  nguy cơ của bệnh đái tháo đường tuýp 2 và một số bệnh ung thư như ung thư túi mật, ung thư vú, ung thư đại tràng, ung thư tiền liệt tuyến và ung thư thận… Nguy cơ mắc bệnh và nguy cơ tử vong càng cao khi chỉ số béo phí càng lớn. Do vậy, để phòng chống béo phí, bà Lâm khuyến cáo: Duy trì cân nặng hợp lý, hạn chế ăn các loại chất béo, nhất là chất béo bão hòa, hạn chế ăn đường và muối, tăng cường ăn rau và trái cây, thường xuyên hoạt động thể lực, ít nhất 150 phút/tuần đối với người trưởng thành.

Báo điện tử Chính phủ 

Tỷ lệ trẻ tiêm vaccine viêm gan B tiếp tục đạt thấp

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tỷ lệ tiêm vaccine viêm gan B liều sơ sinh trong vòng 24 giờ sau sinh chỉ đạt 55,4% năm 2014. Trong đó, các cơ sở y tế ở tuyến huyện đạt tỷ lệ cao hơn tuyến tỉnh và Trung ương. Đặc biệt, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, tỷ lệ này càng đạt thấp, trong khi số trẻ được tiêm các mũi vaccine khác trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) lại khá cao… Theo ông Trần Đắc Phu, nguyên nhân của tình trạng này là do người dân thiếu lòng tin từ một số sự cố trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm vaccine viêm gan B, dù các chuyên gia y tế đã xác định nguyên nhân của những sự cố đó không phải do vaccine. “Tỷ lệ này đạt thấp còn do một số bệnh viện chưa triển khai quyết liệt hoặc ngần ngại khi triển khai, thậm chí còn có cán bộ tiêm chủng sợ tiêm vaccine này”, ông Phu nói. Tuy nhiên, theo giải thích của GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, vaccine viêm gan B là vaccine tái tổ hợp, bất hoạt, được điều chế từ huyết tương người lành mang kháng nguyên bề mặt virus viêm gan B (HBsAg) không có triệu chứng lâm sàng, vì vậy không có khả năng gây ra độc lực. “Vaccine này tuyệt đối an toàn, không gây ra những phản ứng phụ đáng kể song cũng có thể gây đau nhẹ tại chỗ tiêm nhưng sẽ hết vài ngày sau khi tiêm”, GS Đặng Anh Đức cho biết. Là một trong những nước chịu gánh nặng bệnh tật do viêm gan B, Việt Nam đã đưa vaccine này vào  Chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 1997. Năm 2005, tỷ lệ trẻ được tiêm mũi này trong 24 giờ đầu sau sinh đạt hơn 60%. Đến năm 2012 đạt 75%, tuy nhiên sau một số sự cố liên quan đến vaccine này, tỷ lệ trẻ được tiêm viêm gan B đã giảm còn 55,4% năm 2014. TS Dương Thị Hồng, Trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết, đây là một mối lo và cũng là vấn đề cần tiếp tục phải được ưu tiên khi mà mục tiêu giảm tỷ lệ mắc viêm gan B sơ sinh cho trẻ dưới 5 tuổi xuống dưới 1% vào năm 2017 của Chương trình TCMR đang đến gần. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để phòng viêm gan B, cách tốt nhất là tiêm đầy đủ 4 mũi cho trẻ, trong đó mũi thứ nhất phải được tiêm trong vòng 24 giờ đầu sau sinh. Trường hợp người mẹ không mắc viêm gan B, trẻ vẫn cần phải được tiêm vaccine này vì trẻ có thể bị lây ngang trong quá trình chăm sóc nếu tiếp xúc với nguồn bệnh. Trẻ dưới 10 tuổi bị nhiễm virus viêm gan B thì 90% trở thành mãn tính, 80% trường hợp dẫn tới ung thư gan và xơ gan do liên quan đến viêm gan B mãn tính. Nếu trẻ được tiêm vaccine sớm có thể ngăn ngừa lây nhiễm viêm gan B, thậm chí sau khi phơi nhiễm virus này. Để đạt được tỷ lệ cao trẻ sơ sinh được tiêm vaccine viêm gan B, theo ông Trần Đắc Phu là phải lấy được lòng tin của người dân về chất lượng vaccine này. Đặc biệt, mới đây, tổ chức WHO đã công nhận vaccine của Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế, trong đó có vaccine viêm gan B có thể xuất khẩu. “Vì vậy, các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng về chất lượng vaccine mà hãy cho trẻ đi tiêm đúng lịch để bảo vệ thế hệ tương lai”, ông Trần Đắc Phu khuyến cáo. Hưởng ứng “Tuần lễ tiêm chủng” do WPRO phát động từ ngày 24-30/4, với chủ đề “Chung tay cùng tiêm chủng bảo vệ cộng đồng”, Bộ Y tế phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang sẽ tổ chức Tuần lễ tiêm chủng tại Bắc Giang sáng 24/4. Sự kiện này nhằm tăng cường các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về tiêm chủng để huy động sự tham gia, hưởng ứng, đầu tư của chính quyền các cấp cho hoạt động tiêm vaccine phòng bệnh; đồng thời nêu cao trách nhiệm của người dân trong việc chủ động, tự giác thực hiện tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.

Gần 13% dân số Việt Nam sống trong khu vực có bệnh sốt rét

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số ca tử vong do sốt rét ở Việt Nam đã giảm tới 90% so với năm 2000. Để đạt thành tựu này một cách bền vững, Việt Nam cần phải có các chiến lược trọng điểm. Hiện ở Việt Nam, khoảng 11,7 triệu người (khoảng 13% dân số) đang phải sống trong các khu vực có bệnh sốt rét, chủ yếu là ở các tỉnh Tây Nguyên, ven biển miền Trung và Đông Nam Bộ. Bệnh xảy ra chủ yếu ở người dân tộc thiểu số, người di cư và những người đi rừng, ngủ rẫy. Tuy nhiên, so với khoảng thời gian từ 2000-2013, đến nay số ca xác nhận sốt rét ở Việt đã giảm trên 75%, số ca tử vong do sốt rét cũng đã giảm trên 90%. Với kết quả này, đại diện WHO đánh giá, những thành tựu của Việt Nam là rất ấn tượng, nhưng để biến những thành tựu này trở thành việc chiến thắng bệnh sốt rét lâu dài đòi hỏi phải có các chiến lược trọng điểm. Bên cạnh đó, Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề sốt rét kháng thuốc, khi các loại thuốc chống sốt rét hiệu quả nhất hiện có thể không còn tác dụng, thì việc lan tràn dịch bệnh có sẽ là một thảm họa. Nhân ngày thế giới phòng chống bệnh sốt rét (25/4), với chủ đề “Đầu tư cho tương lai, đánh bại sốt rét”, Văn phòng WHO ở khu vực Tây Thái Bình Dương kêu gọi Việt Nam tăng cường đẩy nhanh nỗ lực nhằm hướng tới một khu vực không còn sốt rét. Năm 2015 là một năm quan trọng đối với bệnh sốt rét. WHO cùng với các bên liên quan, đã xây dựng dự thảo đầy tham vọng Chiến lược Kỹ thuật toàn cầu đối với bệnh sốt rét giai đoạn 2016 -2030 với mục tiêu giúp các quốc gia có bệnh sốt rét giảm 90% gánh nặng sốt rét vào năm 2030. Chiến lược tiếp cận tầm xa này dự kiến sẽ được thông qua tại Đại hội đồng Y tế Thế giới vào tháng 5/2015.

Kinh tế đô thị

Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ thực hiện phẫu thuật bằng rô – bốt

Thông tin trên được bác sĩ Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết tại Hội nghị khoa học thường niên Bệnh viện Chợ Rẫy diễn ra vào ngày 23/4. Theo bác sĩ Sơn, thời gian tới, Bệnh viện sẽ tập trung nghiên cứu các kỹ thuật công nghệ cao trong y học, trong đó sẽ thực hiện một số kỹ thuật phẫu thuật rô-bốt. “Cụ thể Bệnh viện sẽ thực hiện một số kỹ thuật phẫu thuật rô-bốt, điều trị sinh học các bệnh lý miễn dịch, phẫu thuật điều trị chức năng hệ thần kinh; nghiên cứu các bệnh lý tim mạch chú trọng các kỹ thuật can thiệp ít xâm lấn như sửa van, thay van tim qua ống thông, nghiên cứu trong chẩn đoán và điều trị ung thư”, Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy cho biết. Hội nghị khoa học thường niên Bệnh viện Chợ Rẫy năm nay đã thu hút hơn 500 đại biểu tham gia, gồm: Đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, các trường đại học y khoa, các đơn vị y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam và các chuyên gia, y, bác sĩ đến từ Nhật Bản. Tại đây, các chuyên gia Nhật Bản đã chia sẻ kinh nghiệm cứu hộ cứu nạn trong thảm họa động đất sóng thần năm 2011. Hội nghị là dịp để các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ những kinh nghiệm khám chữa bệnh thời gian qua, đồng thời nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bằng việc tiếp tục áp dụng thêm nhiều thành tựu của y học để thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh cho người dân ngày càng tốt hơn. Với vai trò là một bệnh viện tuyến cuối trực thuộc Bộ Y tế, trong thời gian qua, Bệnh viện Chợ Rẫy không những thực hiện công tác khám chữa bệnh cho người dân, mà còn là nơi chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật y tế cho các bệnh viện khu vực phía Nam. Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên đánh giá cao các thành tựu y học mà Bệnh viện Chợ Rẫy đã đạt được trong thời gian qua, với bề dày trong ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu, ghép tạng và bệnh lý tim mạch, như: Kỹ thuật thông khí nằm sấp điều trị bệnh nhân suy hô hấp, sử dụng kháng đông Citrate trong lọc máu liên tục, kỹ thuật oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể trong điều trị Hội chứng nguy ngập hô hấp cấp và viêm cơ tim cấp...  Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện thành công một số ca trong lĩnh vực ghép tạng như: Ghép gan, ghép tim phổi, ghép đa tạng, ghép từ người cho chết não và người cho tim ngừng đập. Đồng thời, tại đây cũng đã thành lập Trung tâm điều phối ghép tạng cho khu vực phía Nam.

Đời sống pháp luật

Tìm “thủ phạm” gây bệnh hiếm gặp lần đầu xuất hiện ở Việt Nam

Mới đây, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM tiếp nhận một bệnh nhân tên C. trong tình trạng sốt cao. Bước đầu xác định chị C. bị giảm tế bào máu ngoại biên, nhiễm trùng nặng, gan, thận bị tổn thương… Nhận thấy sự nguy cấp, bệnh viện gửi mẫu bệnh phẩm sang phòng Ký sinh trùng (khoa Thú y, đại học Kasetsart, Thái Lan) xét nghiệm. Kết quả cho thấy, bệnh nhân mắc phải loại trùng roi có tên Trypanosoma evansi.

Bệnh nhân nói gì?

Chị B.T.C. (SN 1977, ngụ tại ấp 5, xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), hiện đang làm công nhân may cho công ty Chang Shin tỉnh Đồng Nai. Giữa tháng 2/2015, chị C. về Đắk Lắk thăm gia đình. Ở đó, hàng xóm đều nuôi bò, lợn, gà. Đầu tháng 3, chị C. bỗng sốt cao 39,5 độ C, kèm lạnh run và nhức đầu, nước tiểu vàng. Cơn sốt kéo dài liên tục hơn nửa tháng, dù chị đã chữa trị tại nhiều bệnh viện nhưng bệnh vẫn không dứt. Vào những ngày đầu mới bị bệnh, chị C. đi mua thuốc hạ sốt về nhà tự điều trị. Sau một tuần liền uống thuốc nên bệnh tình chị C. dần thuyên giảm. Nhưng, uống thuốc xong thì tay và chân chị tự dưng nổi ban trở lại. Đến ngày thứ bảy, chị C. tới bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk để tái khám. Tại đây, các y bác sỹ chẩn đoán là bị nhiễm siêu vi nên cho điều trị ngoại trú. Sau khi uống thuốc, cơn sốt “hạ hỏa” được ba ngày. Nhưng sau đó, chị C. bị sốt lại và chuyển sang điều trị ở phòng mạch tư, nhưng bệnh vẫn không giảm. Đến ngày bệnh thứ 17, ngoài biểu hiện sốt, chị còn bị đau khớp hai gối, nên được đưa về bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai. Quá trình theo dõi, các bác sỹ nghi bệnh nhân bị nhiễm giun chỉ cấp, nên ngày 18/3 đã chuyển lên bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM . Tại đây, chị C. được các y bác sỹ tiến hành kiểm tra toàn diện. TS.BS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, người trực tiếp theo dõi và điều trị cho bệnh nhân C. cho biết: “Các xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị tổn thương gan, giảm tế bào máu ngoại biên và nhiễm trùng nặng. Phết máu ngoại biên và phết tủy xương soi đều thấy hình ảnh một loài trùng roi di động”. “Loại trùng roi gây bệnh trên người chỉ từng ghi nhận ở châu Phi, như loài Trypanosoma brucei gây bệnh ngủ cho người sau khi bị loài ruồi có tên Glossina (còn gọi là ruồi Tsetse) mang mầm bệnh cắn. Hoặc loại trùng roi khác ở Nam Mỹ, có tên Trypanosoma cruzi gây bệnh Chagas. Người mắc bệnh sẽ bị các biến chứng ở hệ tiêu hóa và tim mạch như phì đại thực quản, phì đại đại tràng, bệnh cơ tim, suy tim; thậm chí chết đột ngột do loạn nhịp tim, ngưng tim. Thế nhưng, trong trường hợp này bệnh nhân cho biết, chưa từng đi châu Phi hay Nam Mỹ”, bác sỹ Châu cho biết thêm. Ngay lập tức, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã mời các chuyên gia về ký sinh trùng đến hội chẩn. Dựa vào chi tiết bệnh nhân từng về quê, xung quanh nhà có nuôi trâu, bò và có nhiều chuột, các bác sỹ nghĩ tới loài trùng roi mang tên Trypanosoma evansi. Lâu nay, những loài Trypanosoma chủ yếu gây bệnh trên các loài động vật. Y học thế giới có ghi nhận, một số trường hợp hiếm hoi gây bệnh cho người. Tại Việt Nam, từ hàng chục năm nay các cơ quan thú y khu vực phía Bắc đã ghi nhận Trypanosoma evansi gây bệnh cho trâu, bò, chủ yếu nhiễm qua đường máu do các loại ruồi, muỗi hút máu từ trâu, bò bệnh rồi truyền cho trâu, bò khỏe mạnh. Song song với việc gửi mẫu bệnh phẩm sang phòng Ký sinh trùng, khoa Thú y, đại học Kasetsart của Thái Lan xét nghiệm tìm thủ phạm gây bệnh, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã điều trị tích cực cho bệnh nhân bằng các loại thuốc kháng nấm. Ngày 31/3, kết quả xét nghiệm sinh học phân tử (PCR) từ Thái Lan đã định danh chính xác tên loài ký sinh trùng trong cơ thể chị C. chính là trùng roi Trypanosoma evansi. “Đây là ca Trypanosoma evansi gây bệnh trên người đầu tiên ở Việt Nam được báo cáo. Xác định chính xác tên loài trùng roi gây bệnh, bệnh nhân đã được truyền thuốc vào tĩnh mạch liên tục tám ngày và biểu hiện sốt đã giảm ngay trong 24 giờ đầu tiên. Hiện bệnh nhân C. đã qua cơn nguy kịch và được xuất viện cách đây vài ngày”, bác sỹ Châu thông tin.

Hiểm họa khôn lường

Được biết, trùng roi Trypanosoma evansi thuộc dạng chỉ ký sinh trong máu, chủ yếu ký sinh trên động vật như chuột, ngựa, trâu, bò; rất hiếm khi xuất hiện trên người. Bác sỹ Nguyễn Ngọc Quỳnh, Trưởng khoa Xét nghiệm huyết học, bệnh viện 115 (TP.HCM) cho biết: “Ở các nước châu Á, thỉnh thoảng cũng xuất hiện vài ca trùng roi Trypanosoma evansi “di cư” sang người. Năm 1970 tại Việt Nam khi xảy ra dịch hạch, một bệnh viện phía Bắc có gửi mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân bị rối loạn tâm thần, sốt cao liên tục cho đại học Y Dược TP.HCM định dạng “thủ phạm”. Và cuối cùng, trùng roi Trypanosoma evansi được xác định. Tuy nhiên, lúc đó, thực tế không thấy người mắc bệnh, không tìm hiểu rõ được bệnh cảnh, mà chỉ nhận mẫu bệnh phẩm”. “Trường hợp ở  bệnh viện Bệnh Nhiệt đới là ca đầu tiên được báo cáo, và bệnh nhân hoàn toàn ở trong nước. Về động vật trung gian truyền bệnh, tôi nghĩ nhiều đến “đồng phạm” bọ chét hơn là loài ruồi. Ruồi ở Việt Nam không có vòi nhọn để chích, hút máu như loài ruồi Glossina ở châu Phi, mà mầm bệnh chỉ dính vào cơ thể chúng khi tiếp xúc với phân, vết thương và việc truyền bệnh thông qua cơ chế đó. Trong khi, để truyền bệnh từ trâu, bò nhiễm trùng roi Trypanosoma evansi sang người, thì buộc động vật trung gian phải cắn, chích giữa trâu, bò bệnh với người. Bọ chét có thể hút máu từ động vật rồi đốt sang người, và đây cũng là loài từng gây dịch hạch ở Việt Nam, nên có thể nghĩ nhiều đến bọ chét hơn”, bác sỹ Quỳnh nói thêm. GS.BS. Trần Vinh Hiển, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Ký sinh trùng, đại học Y Dược TP.HCM cho biết: “Trùng roi Trypanosoma evansi thuộc dạng chỉ ký sinh trong máu, chủ yếu ký sinh trên động vật như chuột, ngựa, trâu, bò; rất hiếm khi xuất hiện trên người. Trâu, bò mắc bệnh thể cấp tính thường sốt cao 41 - 41,7oC, với các triệu chứng thần kinh như ngã quỵ, kêu rống, đi vòng tròn và sẽ chết sau 7-15 ngày mắc bệnh. Ở thể mạn tính, các triệu chứng nhẹ hơn và bệnh kéo dài từ 1 - 2 tháng, con vật ngày càng gầy, niêm mạc mắt vàng nhạt hay sẫm, chảy nước mắt. Sức khỏe suy yếu dần, kém ăn, đột ngột sốt cao, bụng trướng to rồi tử vong. Tỷ lệ mắc trên trâu, bò từ 7-30%, trong đó tỷ lệ trâu, bò chết chiếm 6-20%”. Theo các chuyên gia y tế, trùng roi sinh sản tại nơi xâm nhập, rồi phát tán theo đường máu, cuối cùng xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương, vào dịch não tủy. Người bệnh sốt liên tục hoặc sốt không đều. Trước khi chuyển sang giai đoạn màng não - não, người bệnh có thể gặp các dấu hiệu thần kinh như nhức đầu - nhất là khi sốt, rối loạn cảm giác, cảm giác kiến bò, mất ngủ, bực bội, tăng cảm giác đau... Nếu không được điều trị, người bệnh có thể tử vong. Vì là bệnh hiếm gặp ở Việt Nam nên các thuốc điều trị đặc hiệu thường khó tìm. Bệnh nhân  C. may mắn đáp ứng tốt với điều trị và hiện tại vẫn được theo dõi sức khỏe định kỳ.

Là loại bệnh hiếm gặp

GS.BS. Trần Vinh Hiển cho biết thêm: “Đây là bệnh hiếm gặp nên cần phải nghiên cứu xem loài này chỉ thích nghi ở một vài cơ địa người nào đó hay chúng bắt đầu thích nghi được ở cơ thể người. Có những loại nấm hay ký sinh trùng của thú vật có thể thích nghi vào người khi cơ địa người đó có thay đổi về miễn dịch học hoặc theo thời gian. Khi nhiễm trùng roi, thời gian ủ bệnh thường âm thầm, có thể kéo dài từ 10-20 ngày”.

Khám phá

Đà Nẵng: Khám sàng lọc, phẫu thuật tái tạo bộ phận sinh dục miễn phí cho trẻ

Từ 7/5 - 9/5 tới, Quỹ phòng chống thương vong Châu Á và GS.TS Robeto DeCastro cùng Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng khám sàng lọc miễn phí cho các bệnh nhi bị khuyết tật bộ phận sinh dục. Thời gian khám của các bác sĩ bệnh viện Phụ sản – Nhi đảm trách trong 3 ngày từ 4/5 - 6/5. Thời gian khám của GS.TS Robeto DeCastro vào 14h ngày 7/5. Tại đây, GS.TS Robeto DeCastro tiến hành phẫu thuật tái tạo bộ phận sinh dục miễn phí cho 7 bệnh nhi trong 2 ngày 8-9/5. Đây là số bệnh nhân đã được lên kế hoạch phẫu thuật từ tháng 6/2014. Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á (AIP) là một tổ chức đang thực hiện chương trình nhân đạo cho trẻ em khuyết tật bộ phận sinh dục tại Việt Nam. GS.TS Robeto DeCastro là người phẫu thuật tái tạo bộ phận sinh dục thành công cho bé Thiện Nhân (quê huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) bị mẹ đẻ vứt bỏ ngay khi mới lọt lòng, bị thú rừng ăn mất một chân và bộ phận sinh dục.

Quân đội nhân dân

Để người Việt yên tâm dùng thuốc Việt

QĐND - Thuốc là mặt hàng đặc biệt nên không phải rẻ là lấy được lòng tin của người dân. Vì vậy, cần phải giải quyết mối quan hệ giữa thuốc nội với bác sĩ, vì việc dùng thuốc của người bệnh phụ thuộc rất nhiều vào người kê đơn. Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia y tế trong việc khẳng định chất lượng của sản phẩm thuốc do trong nước sản xuất, tạo sự tin tưởng đối với người dân khi lựa chọn và sử dụng thuốc nội.

Phụ thuộc vào bác sĩ

Mỗi năm, thông qua các khoản chi từ bảo hiểm y tế (BHYT), người Việt phải chi đến 20.000 tỷ đồng cho việc mua thuốc chữa bệnh. Phần lớn những khoản tiền này đều rơi vào tay các hãng dược phẩm nước ngoài. Theo Bộ Y tế, rất nhiều người Việt Nam khi bị bệnh vẫn có tâm lý tìm đến thuốc ngoại. Bởi vậy, trong mối quan hệ giữa phòng khám, bác sĩ với các hãng sản phẩm nước ngoài và việc nâng cao chất lượng của thuốc nội để người dân hoàn toàn yên tâm khi sử dụng thuốc Việt, luôn là vấn đề được Bộ Y tế cũng như những nhà sản xuất dược quan tâm. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định, hiện nay, ngành dược nội địa đã có những bước phát triển mạnh và hướng tới nâng cao hơn nữa doanh số cũng như chất lượng thuốc sản xuất trong nước. Nhằm hỗ trợ tối đa cho sự phát triển của ngành dược Việt Nam, đồng thời hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Cục Quản lý Dược đã triển khai chương trình truyền thông “Con đường thuốc Việt” với mong muốn bình chọn những sản phẩm thuốc Việt Nam tốt về chất lượng, bảo đảm hiệu quả điều trị, an toàn trong sử dụng. Tính đến nay, Việt Nam có 135 nhà máy sản xuất dược phẩm đạt tiêu chuẩn Thực hành tốt sản xuất thuốc của Tổ chức Y tế thế giới (GMP-WHO), trong đó có 25 nhà máy sản xuất thuốc từ dược liệu, 4 nhà máy sản xuất vắc-xin. Đã có một số nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP của hệ thống thanh tra dược phẩm quốc tế (PIC/s) hoặc GMP của châu Âu. Con số này là một trong những minh chứng cho chất lượng thuốc sản xuất trong nước đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế từ nguyên liệu đầu vào, dây chuyền sản xuất, hệ thống kiểm nghiệm, kho bãi cho đến bảo quản, phân phối thuốc. Ông Phan Văn Hiệu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Dược mỹ phẩm CVI đã đánh giá: Hiện nay, người Việt ngày càng quan tâm đến việc sử dụng các thuốc hoặc các sản phẩm chăm sóc sức khỏe có nguồn gốc trong nước, đặc biệt là các thuốc có nguồn gốc từ dược liệu, tỷ trọng sử dụng thuốc nội trong bệnh viện không ngừng gia tăng cả về giá trị và sản lượng. Đã có rất nhiều doanh nghiệp dược trong nước hiện nay không chỉ đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, mà còn đầu tư vào nâng cao hình ảnh, mẫu mã sản phẩm; có chiến lược marketing, quảng bá sản phẩm một cách chuyên nghiệp, bài bản không kém gì các doanh nghiệp dược nước ngoài. Điều đó khiến cách nhìn về thuốc và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe sản xuất trong nước của người dân dần dần thay đổi theo hướng tích cực hơn. Tuy nhiên, theo ông Hiệu, vẫn còn một số khó khăn đối với các doanh nghiệp sản xuất dược trong nước như năng lực nghiên cứu và sản xuất còn nhiều hạn chế; nguồn lực đầu tư có hạn nên đa phần các doanh nghiệp vẫn sản xuất các thuốc thông thường, giá trị thấp. Có rất ít các sản phẩm thuốc mới, thuốc đặc trị giá trị cao hoặc các thuốc được đầu tư nghiên cứu bài bản; ít có sự khác biệt về danh mục sản phẩm giữa các doanh nghiệp nên mức độ cạnh tranh rất khốc liệt và ở trình độ thấp. Việc cạnh tranh chủ yếu bằng giá và hệ thống phân phối, khả năng tái đầu tư cho nghiên cứu phát triển và mở rộng sản xuất yếu kém. Chưa có nhiều doanh nghiệp xây dựng được chuỗi giá trị sản phẩm hoàn chỉnh từ khâu chủ động nguồn nguyên liệu, nghiên cứu phát triển đến sản xuất kinh doanh, phân phối... mà thường chỉ làm được ở một vài khâu. Đa số nguồn nguyên liệu sản xuất phải nhập khẩu nên bị phụ thuộc vào biến động giá cả và nguồn cung từ nước ngoài.

“Nam dược trị nam nhân”

Ngành dược Việt Nam đã đặt ra chiến lược cho giai đoạn 2020, tầm nhìn 2030. Trong đó, mục tiêu là thuốc nội sản xuất trong nước sẽ chiếm 70% giá trị thuốc tiêu thụ. Để đạt được điều này, cần xây dựng nền công nghiệp dược, trong đó tập trung đầu tư phát triển sản xuất thuốc generic (thuốc gốc) có chất lượng cao và giá cả hợp lý, từng bước thay thế thuốc nhập khẩu; phát triển công nghiệp hóa dược, phát huy thế mạnh, tiềm năng của Việt Nam để phát triển sản xuất vắc-xin và thuốc từ dược liệu. Ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục quản lý Dược (Bộ Y tế) nhận định: “Tự nhiên đã rất ưu đãi cho đất nước và con người Việt Nam một hệ sinh thái phong phú và đa dạng, có tiềm năng vô cùng to lớn về tài nguyên, cây thuốc trở thành nguồn nguyên dược liệu quý cho ngành dược phát triển. Việt Nam hiện có khoảng gần 4000 loài thực vật có công dụng làm thuốc. Trong đó có hơn 200 loài đã được giới thiệu và khai thác, cung cấp cho nhu cầu sản xuất thuốc trong nước và xuất khẩu. Không chỉ ở Việt Nam, nhiều nước trên thế giới cũng đang có xu hướng trở về với thiên nhiên, sử dụng thuốc từ dược liệu ngày càng được ưu tiên. Vì sử dụng thuốc từ dược liệu ít độc hại hơn và phù hợp với sinh lý của cơ thể hơn”. Để thuốc Việt ngày càng có chỗ đứng trên thị trường, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người bệnh trong việc được sử dụng thuốc có chất lượng, giá thành hợp lý, thời gian qua, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành, đã triển khai, xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn về đấu thầu thuốc. Các quy định mới này giúp bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch; giúp tiết giảm chi phí tiền thuốc tại các cơ sở y tế và tăng cường sử dụng thuốc trong nước. Theo kết quả trúng thầu của 26 Sở Y tế, bệnh viện, trị giá tiền mua thuốc đã tiết giảm 35,5% so với quy định cũ. Trị giá và số lượng thuốc sản xuất trong nước trúng thầu đã tăng hai lần, tỷ trọng thuốc trúng thầu tăng 1,01% tại bệnh viện tuyến Trung ương, 2,41% tại bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện, bảo đảm được mục tiêu của Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, việc thực hiện đấu thầu theo quy định mới đã tiết kiệm 1.412 tỷ đồng; thuốc trong nước trúng thầu chiếm 57,35% giá trị. Những con số trên đã góp phần khẳng định chất lượng của sản phẩm thuốc trong nước, tạo sự tin tưởng đối với người Việt Nam khi lựa chọn và sử dụng thuốc Việt Nam. Trong tương lai gần, những thành tựu này hứa hẹn sẽ còn tiến xa hơn nữa, làm nên một diện mạo hoàn toàn mới cho ngành dược Việt Nam. Phát biểu tại Lễ tổng kết Chương trình "Con đường thuốc Việt" ngày 21-4 vừa qua, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đánh giá, thời gian qua, lượng thuốc sản xuất trong nước được tiêu thụ ngày càng tăng. Thuốc sản xuất trong nước với chất lượng tốt và giá cả phải chăng làm giảm chi phí mua thuốc của người dân. Đặc biệt, thuốc sản xuất trong nước với giá thành rẻ và tốt hơn đã thắng thầu nhiều hơn. Tuy nhiên, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân lưu ý, ngành y tế không giống các ngành khác vì khách hàng là người dân, họ không đủ trình độ để đánh giá chất lượng thuốc. Người bệnh không thể thử nhiều loại thuốc để tìm cho mình loại thuốc tốt và rẻ. "Ngành y tế muốn tiêu thụ được thuốc Việt Nam thì phải trải qua một khâu rất quan trọng đó là sự hướng dẫn, giới thiệu của các bác sĩ. Các bác sĩ có giới thiệu dùng thuốc Việt Nam thì bệnh nhân mới tin dùng. Chính vì vậy, để chiến lược người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt thì các thầy thuốc có vai trò quan trọng. Đồng thời, các doanh nghiệp có trách nhiệm phải cung cấp cho xã hội những sản phẩm tốt nhất và chứng minh được tác dụng tốt để người dân yên tâm sử dụng".

Người lao động

E dè với quyền được chết

Chỉ cần một trường hợp sai lệch đã gây hối hận cho cả gia đình và nỗi ám ảnh đối với người quyết định cái chết Đề xuất đưa quyền được chết vào Bộ Luật Dân sự và lý giải “chúng ta có quy định về quyền sống thì cũng nên có quy định về quyền chết” đã gây ra nhiều tranh cãi. Ngoài một số ít ý kiến đồng tình với quan điểm “cái chết êm ái” là nhân văn, đa số đều cho rằng việc này ảnh hưởng đến vấn đề đạo đức, dễ bị lạm dụng để hợp thức hóa hành vi giết người.

Thực sự có lợi cho người bệnh?

Trước khi ra trường và khoác tấm áo blouse trắng để thực hiện sứ mạng cứu người, bất kỳ sinh viên y khoa nào cũng phải đọc lời thề Hippocrates, trong đó có đoạn: “Tôi sẽ không trao thuốc độc cho bất kỳ ai, kể cả khi họ yêu cầu và cũng không tự mình gợi ý cho họ”. Trước đề xuất của Bộ Y tế về quyền được chết, nhiều bác sĩ (BS) tỏ ra lo ngại bởi không chỉ có vẻ trái với lời thề thiêng liêng, mà câu hỏi “thực sự có lợi cho người bệnh?” dường như vẫn quá khó trả lời trong rất nhiều trường hợp. Theo GS-BS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, dù đã từng chứng kiến rất nhiều bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối đau đớn chiến đấu với bệnh tật, ông vẫn khó lòng trả lời mình đứng về phía nào, đồng thuận hay không đồng thuận? “Ở vị trí một BS, nếu phải thực hiện thì quả là khó quyết định. Trong cuộc đời hành nghề y, ngay cả lúc phải rút ống và để một bệnh nhân đã mê man, không còn cách nào duy trì sự sống nữa ra đi, đã là khó khăn đối với BS huống gì đối diện với một người hãy còn sống, còn nói được mình muốn chết hay không” - GS-BS Nguyễn Chấn Hùng nói. BS Đỗ Hoàng Giao - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Bảo vệ và Chăm sóc sức khỏe cán bộ Thành ủy TP HCM, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định - băn khoăn khoa học kỹ thuật thay đổi theo từng ngày nếu hôm nay để người bệnh chết, ngày mai lại phát hiện cứu được thì làm sao sửa chữa? “Hơn nữa, trong đau đớn, người bệnh rất dễ suy nghĩ tiêu cực. Có chắc rằng trong lúc bi quan ấy, người bệnh suy nghĩ thực sự sáng suốt?”.

Nhiều hệ quả khó lường

Luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi (Đoàn Luật sư TP HCM) nhấn mạnh: “Theo pháp luật Việt Nam, sinh mạng con người là bất khả xâm phạm, chỉ có thể tước đoạt cuộc sống của người khác thông qua việc tòa án xét xử và cho thi hành hình phạt tử hình. Việc đưa quyền được chết vào Bộ Luật Dân sự hoặc bất cứ luật nào khác là vi phạm Hiến pháp; đồng thời vi phạm http://phapluattp.vn/suc-khoe/tphcm-106-trai-100-gai-549590.htmlquy định tại điều 101 Bộ Luật Hình sự về tội “Xúi giục hoặc giúp người khác tự sát”. Cũng theo luật sư Quỳnh Thi, việc chấp nhận quyền được chết sẽ dẫn tới nhiều hệ quả khó lường về pháp luật và xã hội. Chẳng hạn việc ký vào giấy đồng ý cho người bệnh thực hiện quyền được chết sẽ để lại di chứng tâm lý đối với người thân. Chưa kể nếu những người thân bất đồng về việc này sẽ dẫn tới rạn nứt tình cảm gia đình, thậm chí căm hận nhau. Hoặc trường hợp BS chẩn đoán sai tình trạng bệnh, nếu áp dụng quyền được chết, sẽ vô tình giết người… Hay con cháu bệnh nhân thông đồng với BS để sửa bệnh án, cưỡng ép ông bà, cha mẹ bị bệnh nhằm trốn tránh nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng… Trong trường hợp này, quyền được chết lại là công cụ tiếp tay cho hành vi giết người có chủ đích. Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP HCM) quan ngại quy định pháp luật về việc này dù có chi tiết, sâu sát đến đâu vẫn còn những trường hợp mâu thuẫn giữa ý chí của người bị tước đoạt mạng sống với người yêu cầu tước đoạt khi họ còn nhận thức nhưng không còn khả năng thể hiện, diễn đạt. Chỉ cần một trường hợp sai lệch này đã gây hối hận cho cả gia đình và nỗi ám ảnh cho người quyết định cái chết kia. “Pháp luật không có điều chỉnh tuyệt đối mọi quan hệ xã hội nhưng nguyên tắc của thiết lập một chế định pháp luật để điều chỉnh một quan hệ mà có quá nhiều rủi ro tiềm ẩn thì chế định đó không được tồn tại” - luật sư Công kết luận. Đoàn Luật sư TP HCM cũng cho rằng quy định về quyền được chết có thể làm sai lệch nhận thức xã hội, người bệnh có thể không còn lạc quan, muốn tìm đến cái chết. Quy định này còn ảnh hưởng đến tâm lý của gia đình, xã hội, đội ngũ những người hành nghề y… Liệu những người này có cố gắng hết sức, bằng mọi cách để mang lại cơ hội sống cho người bệnh hay không?

Pháp luật

TP.HCM: 106 trai/100 gái

Năm 2014, TP.HCM đã duy trì hợp lý tỉ số giới tính khi sinh là 106 trai/100 gái. Sở Y tế TP.HCM, cho biết tại hội nghị ký kết phối hợp công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) ngày 23-4. Nguyên nhân cơ bản để TP.HCM đạt các chỉ tiêu DS-KHHGĐ là sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế và các sở, ban ngành, đoàn thể, báo đài… trong hoạt động truyền thông nên đã thu hút sự hưởng ứng của người dân TP.HCM.

VTC News

Việt Nam có thể thực hiện được phẫu thuật chuyển giới

Hiện y học Việt Nam đã đủ khả năng thực hiện những ca phẫu thuật chuyển giới, nhưng vì pháp luật chưa cho phép nên nhiều người vẫn phải ra nước ngoài hoặc tiến hành phẫu thuật chui, theo nhiều chuyên gia, việc không công nhận người chuyển giới, không cho phép phẫu thuật chuyển giới sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường.

VOV

Hội nghị Điện quang can thiệp toàn quốc lần thứ III

Đây là cơ hội tuyệt vời cho bác sĩ và các nhà khoa học Việt Nam học hỏi từ những chuyên gia đầu ngành trên thế giới. Hội nghị Điện quang can thiệp toàn quốc lần thứ III diễn ra vào ngày 24/4, tại Hà Nội, thu hút sự tham gia của trên 150 đại biểu khắp 3 miền của Tổ quốc và có sự tham gia của 19 chuyên gia hàng đầu thế giới và trong nước về lĩnh vực điện quang can thiệp. GS.TS. Phạm Minh Thông, Chủ tịch Hội Điện quang Can thiệp Việt Nam, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Hội nghị lần này tạo cơ hội cho bác sĩ và các nhà khoa học Việt Nam học hỏi từ những chuyên gia đầu ngành đến từ các nước Pháp, Mỹ, Đức, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). "Với nỗ lực rất lớn và sự hợp tác thân thiết giữa Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Henri Mondor, Hội Điện quang và Y học Hạt nhân Việt Nam, IUOIR, và IMSF; sự hỗ trợ hiệu quả của các nhà chuyên môn hàng đầu trên thế giới, Hội nghị Điện Quang Toàn quốc lần thứ 3 sẽ được thành công”- ông Thông nhấn mạnh. Điện quang can thiệp là một lĩnh vực mới, bao gồm các kĩ thuật can thiệp để điều trị có sử dụng các thiết bị hình ảnh để định hướng như máy chụp mạch số hóa, cắt lớp, siêu âm giúp định vị chính xác. Các kỹ thuật can thiệp sử dụng theo đường mạch máu (nút mạch, nong mạch, tái thông mạch,…) hoặc ngoài mạch máu (chọc trực tiếp vào tổn thương). Nội dung các báo cáo trong hội nghị đề cập đến một số lĩnh vực mũi nhọn của ngành điện quang can thiệp: điều trị tai biến mạch não, tắc mạch chi, can thiệp gan mật tối thiểu qua da, điều trị giảm đau… Đặc biệt, các kỹ thuật và vật liệu mới trong điều trị tắc mạch não cấp sử dụng stent hay hút huyết khối, vật liệu mới LUNA/WEB trong điều trị phình động mạch não (ngoài việc sử dụng Coils hay stent thông thường), các chiến lược điều trị mới trong bệnh lý dị dạng thông động tĩnh mạch não, sự phối hợp các chuyên khoa trong điều trị các bệnh lý dị dạng mạch ngoại biên phức tạp, các kỹ thuật can thiệp điều trị bệnh lý hẹp tắc động mạch ngoại biên, kỹ thuật điều trị nút tăng sản lành tính tuyến tiền liệt bổ xung thêm phương pháp điều trị trong bệnh lý này. Các kỹ thuật can thiệp ngoài lòng mạch mới như lấy sỏi qua da mà không cần phẫu thuật hay qua đường nội soi, điều trị các khối u bằng đốt sóng (u gan, thận, phổi…). Các kỹ thuật can thiệp giảm đau nhất là bệnh nhân ung thư, đau xương khớp dai dẳng, đau dây V…Hội nghị Điện quang can thiệp quốc tế sẽ được tổ chức hàng năm tại Việt Nam vào tháng 4. Đây là cơ hội tốt cho các đồng nghiệp trao đổi kinh nghiệm và học hỏi những ý tưởng mới, tiến bộ công nghệ để áp dụng vào cuộc sống./.

Nhân dân 

Hưởng ứng "Tuần lễ tiêm chủng" năm 2015

Ngày 24-4, tại TP Bắc Giang, Bộ Y tế phối hợp UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức mít-tinh hưởng ứng "Tuần lễ tiêm chủng" năm 2015 do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương phát động từ ngày 24 đến 30-4, với chủ đề "chung tay cùng tiêm chủng bảo vệ cộng đồng". Dự lễ mít-tinh, có Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đại diện các tỉnh, thành phố khu vực phía bắc, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam... "Tuần lễ tiêm chủng" tại Việt Nam nằm trong chuỗi các hoạt động truyền thông về tiêm chủng nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tiêm chủng; duy trì thành quả của tiêm chủng mở rộng; huy động sự tham gia, hưởng ứng, đầu tư của chính quyền các cấp, các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước cho hoạt động tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh; nêu cao trách nhiệm của người dân trong việc chủ động, tự giác thực hiện tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Phát biểu ý kiến tại lễ mít-tinh, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam đánh giá cao chương trình tiêm chủng mở rộng đã được triển khai ở nước ta trong 30 năm qua, giúp phòng bệnh cho hàng triệu trẻ em và Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng các loại vắc-xin cao. Ðể phòng bệnh hiệu quả hơn nữa, Phó Thủ tướng kêu gọi mọi người dân cần nắm bắt được tầm quan trọng của việc tiêm vắc-xin trong bảo vệ sức khỏe cho con em mình. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền chỉ đạo ngành y tế và các ngành có liên quan nỗ lực hơn nữa, có nhiều sáng tạo để công tác chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng tốt hơn, nhất là để tất cả mọi người dân được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin, tiêm đúng lịch, an toàn và thuận lợi. Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam gửi lời cảm ơn tới các tổ chức quốc tế luôn hợp tác chặt chẽ, đồng hành, giúp đỡ hiệu quả trong tiêm chủng, sản xuất vắc-xin nói riêng và trong sự nghiệp xây dựng đất nước nói chung. Ðồng thời mong muốn và tin tưởng rằng, sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác, giúp đỡ quý báu đó.

Bảo vệ thành quả vì một Việt Nam không còn sốt rét

Ngày 24-4, tại Hà Nội, với chủ đề “Đầu tư cho tương lai, đánh bại sốt rét”, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Khu vực Tây Thái Bình Dương kêu gọi Việt Nam tăng cường những thành quả phòng chống sốt rét đạt được trong những năm gần đây và đẩy nhanh nỗ lực nhằm hướng tới một Khu vực không còn sốt rét. Theo Quyền Trưởng Đại diện Văn phòng WHO tại Việt Nam, ông Jeffery Kobza, sự hợp tác xuyên biên giới của các quốc gia láng giềng với Việt Nam là điều cốt yếu để loại trừ sốt rét. Ở Việt Nam, theo Báo cáo Sốt rét Thế giới năm 2014 của Tổ chức Y tế thế gới, số ca xác nhận sốt rét đã giảm hơn 75% trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2013. Cùng thời kỳ đó, số ca tử vong do sốt rét giảm hơn 90%. Sốt rét là một bệnh có nguy cơ gây tử vong do ký sinh trùng Plasmodium gây nên. Bệnh được lây truyền qua vết đốt của muỗi cái Anopheles nhiễm ký sinh trùng. Việc chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời sốt rét mang tính quyết định trong phòng ngừa tử vong. Cùng với các biện pháp đề phòng muỗi đốt, như dùng màn tẩm hóa chất tồn lưu lâu, việc điều trị hiệu quả cũng góp phần giảm lây truyền bệnh sốt rét. Sốt rét hiện nay lây truyền chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên, ven biển miền trung và Đông Nam Bộ. Plasmodium falciparum và Plasmodium vivax là những ký sinh trùng sốt rét phổ biến nhất. Bệnh xảy ra chủ yếu ở người dân tộc thiểu số, dân di biến động và những người đi rừng, ngủ rẫy. Để giải quyết sốt rét kháng đa thuốc tại Việt Nam và tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS), Tổ chức Y tế thế giới khu vực Đông Nam Á và khu vực Tây Thái Bình Dương cùng với các nước vùng GMS và các bên liên quan khác đã dự thảo Chiến lược Loại trừ bệnh Sốt rét cho tiểu vùng Mê Công mở rộng, giai đoạn 2015-2030. Tại Việt Nam, Văn phòng Đại diện WHO đang phối hợp chặt chẽ với Chương trình quốc gia phòng chống sốt rét của Việt Nam và các đối tác khác, nhằm hỗ trợ kỹ thuật và đưa các nội dung của chiến lược khu vực và toàn cầu vào kế hoạch hành động phù hợp với Việt Nam.

Phụ nữ

Chung tay bảo vệ sức khỏe cộng đồng

Từ cuộc vận động “Phụ nữ thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) vì sức khỏe gia đình và cộng đồng” do Trung ương Hội phát động, nhiều mô hình thiết thực đã ra đời, trong đó, có thể kể đến mô hình “Thực phẩm sạch - tiêu dùng sạch” của Hội LHPN Q.Tân Phú, TP.HCM.

Tránh thói quen gây hại sức khỏe

Dù gian hàng phở của dì Trần Kim Loan tại chợ Tân Hương (P.Tân Quý, Q.Tân Phú) khá nhỏ, nhưng dì vẫn đăng ký tham gia mô hình “Thực phẩm sạch - tiêu dùng sạch”, có giấy chứng nhận VSATTP. Dì Loan vui vẻ: “Bán hàng ăn gần 20 năm, nhưng chỉ sau khi được tập huấn VSATTP, tôi mới biết có những thói quen thường ngày vô tình gây hại đến sức khỏe. Những lúc vắng khách, tôi tranh thủ dọn dẹp vệ sinh mặt bằng để hạn chế vi khuẩn phát sinh gây ô nhiễm. Tuyệt đối không để lẫn các thực phẩm chín - sống và phải tách biệt dụng cụ chế biến dùng cho từng loại thực phẩm…”. Cô Phạm Thị Tuyết cũng kinh doanh hàng ăn uống tại chợ. Các món bánh đa cua, canh bún, bún riêu của cô được nhiều người biết đến bởi chất lượng ATVSTP. Nguyên liệu nấu chính như xương hầm, thịt cua… cô lấy ngay tại chợ, chọn loại tươi, nguồn gốc rõ ràng. Các loại gia vị màu điều, ớt sa tế… do cô tự làm. “Chịu cực xíu, nhưng đảm bảo chất lượng vì mua bên ngoài rất dễ có phẩm màu, hại sức khỏe người ăn”, cô Tuyết chia sẻ. Từ năm 2012, Hội Phụ nữ (PN) Q.Tân Phú xây dựng mô hình “Thực phẩm sạch - tiêu dùng sạch”. Nhờ đó, ngay khi mở quán ăn, gia đình chị Lê Thị Tuyết Vân (P.Tây Thạnh) đã được Hội PN phường vận động tham gia. Chị Vân nói: “Quán bán cả ngày với số lượng các món ăn phong phú, nhưng từng quả chanh, củ tỏi đều chính tay tôi chọn. Tất cả nguyên liệu dù đã lấy mối ở chỗ quen nhưng khi phát hiện không đạt yêu cầu, tôi phản ứng ngay để họ giao nguyên liệu tốt hơn”. Theo chị Tuyết Vân, khâu chọn thực phẩm là quan trọng nhất. Nguyên liệu tươi sống, hợp vệ sinh sẽ đảm bảo chất lượng món ăn, không ảnh hưởng xấu sức khỏe người dùng. Nguyên liệu sau sơ chế được bảo quản phù hợp. Tại quán, có hai nguồn nước: nước máy dùng để nấu sôi, sơ chế thực phẩm, nước giếng dùng để chùi rửa chén bát, lau dọn quán xá. Nhân viên ở quán đều khám sức khỏe định kỳ, được hướng dẫn kiến thức về VSATTP.

Nói không với thực phẩm bẩn

Chúng tôi đến quán cơm gà trên đường Tây Thạnh (P.Tây Thạnh) của vợ chồng chị Nguyễn Thanh Thu, anh Nguyễn Anh Tùng vào xế trưa, khi anh Tùng đang luộc gà chuẩn bị bán buổi chiều. Chị Thu niềm nở: “Không chỉ thức ăn đảm bảo vệ sinh mà nơi bán cũng phải sạch. Mọi thứ đồ dùng như chén đĩa, bàn ghế, dụng cụ làm bếp phải thường xuyên được chùi rửa, thay mới. Quán ngay mặt tiền đường nên không tránh khỏi khói bụi, nếu không chịu khó dọn vệ sinh, khách sẽ không dám vào…”. Chị Nguyễn Thị Thanh Liễu - Chủ tịch Hội LHPN P.Tây Thạnh cho biết, Hội PN phường thường xuyên phối hợp với các chi, tổ Hội rà soát các quán ăn, cơ sở kinh doanh thực phẩm để tuyên truyền, vận động tham gia mô hình. Được biết, tất cả 11 phường tại Q.Tân Phú đều có mô hình “Thực phẩm sạch - tiêu dùng sạch”. Đến nay, có trên 50 tiểu thương, hộ kinh doanh ngành hàng ăn uống đăng ký tham gia, được cấp giấy chứng nhận VSATTP. Mỗi năm các cấp Hội PN đều có các đợt thanh tra ngẫu nhiên đối với các hộ đã đăng ký để phát hiện, chấn chỉnh kịp thời nếu có trường hợp vi phạm. Thời gian qua, các cấp Hội không ngừng đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn hội viên, PN về cách sản xuất - chế biến và sử dụng thực phẩm an toàn; cách phát hiện và xử lý trường hợp ngộ độc thực phẩm. Việc nhân rộng mô hình “Thực phẩm sạch - tiêu dùng sạch” nhằm kêu gọi “mỗi PN hãy là người kinh doanh chân chính, là người tiêu dùng thông thái khi cương quyết nói không với thực phẩm không an toàn”. “Cùng với các mô hình như “Vườn rau sạch”, “Tổ PN nói không với túi ni lông”, xây dựng “Gia đình năm không, ba sạch”… mô hình “Thực phẩm sạch - tiêu dùng sạch” góp phần thực hiện cuộc vận động “PN thực hiện VSATTP vì sức khỏe gia đình và cộng đồng” do Trung ương Hội phát động”, chị Phạm Thị Tuyết - cán bộ chuyên trách Hội LHPN Q.Tân Phú chia sẻ.

Đại đoàn kết

Việt Nam sẽ có 4 loại vắcxin tham gia cung cấp toàn cầu (24/04/2015)

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, trước mắt sẽ có 4 loại vắcxin của Việt Nam gồm: vắcxin viêm não Nhật Bản B, vắcxin sởi, viêm gan A, viêm gan B có thể tham gia tiền thẩm định của WHO để các tổ chức quốc tế có thể mua số lượng lớn cung cấp cho toàn cầu.  Các nhà máy sản xuất vắcxin của Việt Nam được xây dựng đủ cung cấp cho nhu cầu trong nước và đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu ra quốc tế. Điển hình như vắcxin viêm não Nhật Bản B, nhu cầu cho tiêm chủng là khoảng 8 triệu liều trong khi đó khả năng sản xuất khoảng 12 triệu liều/năm; vắcxin sởi là 3 triệu liều, khả năng sản xuất là khoảng 7,5 triệu liều; vắcxin bại liệt uống là 7,5 triệu liều, khả năng sản xuất khoảng 40 triệu liều/năm…

Ngày 27/04/2015
Ban Biên tập Website
(Điểm tin từ các Báo)
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích