Home TRANG CHỦ Thứ 7, ngày 30/03/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 2 9 5 3 4 9
Số người đang truy cập
1 3
 Tin tức - Sự kiện Điểm tin y tế
Ảnh sưu tầm từ internet
Điểm tin y tế từ các báo ngày 19/3 và 20/3 năm 2015

Y tế cơ sở đảm bảo 70% nhu cầu chăm sóc sức khỏe; Mang thai hộ: Thủ tục pháp lý rất chặt chẽ; Bộ trưởng Bộ Y tế gửi thư chia buồn tới gia đình “Người thắp lửa”; Một năm, 5.000 trường hợp mắc ung thư cổ tử cung; Cơ hội cho các cặp vợ chồng hiếm muộn; Chủ động giám sát lưu hành, biến đổi các chủng vi-rút cúm…

An ninh thủ đô

Y tế cơ sở đảm bảo 70% nhu cầu chăm sóc sức khỏe

Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết tại buổi họp báo trước hội nghị quốc tế về tăng cường y tế cơ sở cho chăm sóc sức khỏe ban đầu, sáng 18-3. Theo đó, mạng lưới y tế cơ sở ở Việt Nam không ngừng được củng cố qua các thời kỳ và hiện đã đảm bảo được khoảng 70% nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân tại tuyến cơ sở. Đến hết năm 2012, cả nước có 622 bệnh viện tuyến huyện, 61 phòng khám đa khoa khu vực, 11.105 trạm y tế, trong đó 73,4% số trạm đạt tiêu chuẩn quốc gia về y tế xã theo tiêu chí cũ. Hiện tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế chiếm 71,6% dân số, 41% số này có đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế và 45% đăng ký tại bệnh viện huyện.

Mang thai hộ: Thủ tục pháp lý rất chặt chẽ

Đến ngày 18-3, tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia - Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã có 5 hồ sơ đăng ký nhờ mang thai hộ trong số 20 cặp vợ chồng đến chữa vô sinh tại đây. Tuy nhiên, từ nhu cầu đến thực tiễn triển khai được kỹ thuật này còn rất nhiều vấn đề phức tạp.

Số ca thực hiện không cao

GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia cho biết, trong số các cặp vợ chồng có nhu cầu nhờ người mang thai hộ, một số đã tìm được người mang thai hộ là chị, em gái hoặc chị, em dâu. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa những trường hợp này đã được chấp nhận để thực hiện mang thai hộ bởi còn phải trải qua khâu xác minh với thủ tục pháp lý rất chặt chẽ. Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện được giao nhiệm vụ thực hiện kỹ thuật mang thai hộ có trách nhiệm xem xét, kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ, kiểm soát chặt chẽ người mang thai hộ để tránh việc thương mại hóa khi thực hiện quy định mang tính nhân đạo này. Để làm rõ hơn nội dung trên, chiều 18-3, phóng viên Báo ANTĐ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) – đơn vị xây dựng thông tư hướng dẫn nghị định quy định về việc thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Ông Nguyễn Huy Quang cho biết, nhu cầu mang thai hộ rất lớn. Song từ nhu cầu đến thực tế triển khai được lại là chuyện không đơn giản. Trên thế giới, nhiều nước đã áp dụng quy định này từ hàng chục năm nay. Tuy nhiên, ngay cả một số nước đông dân, bình quân mỗi năm chỉ thực hiện được khoảng 10-15 ca mang thai hội

Nhiều quy định chặt chẽ, phức tạp

Ông Nguyễn Huy Quang phân tích, để tìm được một người đồng ý mang thai hộ là không dễ bởi phải vượt qua các quy định rất cụ thể, chặt chẽ. Khi đã có người đồng ý, bệnh viện thực hiện kỹ thuật sẽ thiết lập hội đồng, kiểm tra về mặt y tế với cả cặp vợ chồng nhờ và người đồng ý mang thai hộ, sau đó đến tư vấn tâm lý và cuối cùng là tư vấn pháp lý. Trong đó, khâu tư vấn pháp lý phức tạp nhất bởi dưới sự hướng dẫn của luật sư, bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ sẽ phải thống nhất được một hợp đồng dân sự, với rất nhiều ràng buộc về quyền lợi và trách nhiệm của các bên liên quan. Thực tế, chắc chắn sẽ xảy ra nhiều trường hợp có người đồng ý mang thai hộ nhưng khi thương thảo hợp đồng, xác định tính pháp lý lại đổi ý. “Trước hết, cơ quan pháp lý phải tiến hành xác định xem vợ chồng nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ có phải họ hàng thật không, cùng trực hệ không. Sau đó, trong hợp đồng dân sự giữa 2 bên, luật sư sẽ phải đưa vào các điều khoản rất quan trọng về trách nhiệm, nghĩa vụ của 2 bên như: người mang thai hộ đẻ con ra là phải trao ngay cho bên nhờ; Nếu trong quá trình mang thai không phát hiện di tật mà khi đẻ ra con dị tật, bệnh lý thì người nhờ mang thai hộ vẫn phải nhận con; Khi sinh nở bình thường xong là phải chấm dứt hợp đồng, chấm dứt quan hệ, sau này người mang thai hộ không được đòi con, lợi dụng con và ngược lại. Trường hợp vì lý do nào đó người mang thai hộ chết do đẻ con, đứa con chết hoặc chết cả mẹ lẫn con trong sinh nở thì trách nhiệm của bên nhờ mang như thế nào… tất cả đều phải được thể hiện rõ trong hợp đồng”. Vụ trưởng Vụ Pháp chế thừa nhận, các quy định chặt chẽ như vậy có thể sẽ là rào cản, hạn chế việc thực hiện các ca mang thai hộ, khiến nhu cầu thực tế khó được đáp ứng nhanh. Nhưng chỉ với các ràng buộc chặt chẽ thì mới giải quyết được các vướng mắc về pháp lý nảy sinh sau này. Hiện tại, cả 3 bệnh viện được giao nhiệm vụ thực hiện kỹ thuật mang thai hộ đang tích cực chuẩn bị, triển khai. Dự kiến ngày 31-3, Bộ Y tế sẽ tập huấn về Nghị định quy định mang thai hộ này tại TP.HCM.

Bộ trưởng Bộ Y tế gửi thư chia buồn tới gia đình “Người thắp lửa”

Ngày 18-3, thông tin từ Bộ Y tế cho biết, được tin Nguyễn Khánh Thương (Thương Sobey) – sáng lập viên Mạng lưới ung thư vú Việt Nam (BCNV) – qua đời ngày 17-3, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã gửi thư chia buồn đến cha mẹ và toàn thể gia đình cô. Trong thư, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến bày tỏ: “từ khi biết đến Khánh Thương với tư cách là sáng lập viên mạng lưới BCNV, tôi vẫn thường xuyên theo dõi hành trình chiến đấu chống ung thư không mệt mỏi của cháu. Tôi thật sự trân trọng và cảm động trước trái tim nhân hậu, tinh thần lạc quan và ý chí kiên cường của Khánh Thương”. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đánh giá cao những công việc mà Khánh Thương đã làm cho cộng đồng, xã hội, trong khi bản thân cô cũng đang phải chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo đe dọa sinh mệnh từng ngày. “Niềm tin vào cuộc sống, tình yêu thương ấm áp và nghị lực kiên cường của Khánh Thương đã thực sự lan tỏa và lay động trái tim rất nhiều người Việt Nam và bạn bè quốc tế. Những gì Khánh Thương để lại cho cuộc đời này như một lời nhắc nhở âm thầm và dịu dàng, giúp tôi và đồng nghiệp quyết tâm thực hiện tốt hơn nữa những chính sách y tế nhằm đẩy mạnh sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân” - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến viết. Nguyễn Khánh Thương (sinh năm 1982 – nguyên Giảng viên khoa Báo chí, đại học KHXH&NV Hà Nội) được xem là “người hùng” và là người “thắp lửa” cho hàng triệu phụ nữ Việt Nam mắc bệnh Ung thư vú. Cô là người đã sáng lập và tổ chức rất nhiều chương trình từ thiện cho nhóm "Vòng tay yêu thương" như chiến dịch "Yêu thương trong những vòng tay", "Kết nối yêu thương", "Trao cho em ngày mai", "Giao thừa yêu thương", "Công trình Hy vọng" hay "Một giờ làm người khiếm thị"... Năm 2013, khi biết mình bị ung thư, phải đối mặt với căn bệnh quái ác này, Thương lại nghĩ tới nhiều phụ nữ khác ở Việt Nam cùng hoàn cảnh nhưng không có điều kiện vật chất, tinh thần để chống chọi với căn bệnh và từ đó thành lập Mạng lưới ung thư vú (viết tắt BCVN), với mong ước đây sẽ là nơi cung cấp thông tin, tài liệu, nơi chia sẻ của phụ nữ quan tâm hoặc đang chiến đấu với ung thư vú. Đặc biệt, cuối năm 2014, khi những thông tin về bảo hiểm y tế sẽ giảm chi trả một số loại thuốc điều trị ung thư đắt tiền khiến nhiều bệnh nhân ung thư rơi vào trạng thái hoang mang, lo lắng, Khánh Thương đã có bức tâm thư đầy xúc động gửi Bộ trưởng Bộ Y tế thể hiện thái độ đồng cảm, chia sẻ với người bệnh và ủng hộ chủ trương của ngành y tế. Theo thông báo chính thức của Mạng lưới ung thư vú Việt Nam, "tang lễ của Khánh Thương, người chị đầy yêu thương và nhà sáng lập BCNV đầy nghị lực - sẽ được tổ chức vào lúc 1 giờ chiều ngày 20/03 tại Mt Thompson Memorial Gardens, 329 Nursery Road, Holland Park 4121, Úc. Lễ hỏa táng sẽ diễn ra lúc 3 giờ chiều cùng ngày. Mọi người muốn nhìn mặt tạm biệt Khánh Thương có thể đến dự vào lúc 8h00 sáng thứ 5 ngày 19/3".

Thu hồi khẩn cấp 2 loại dung dịch nhỏ mắt chứa chất cấm

Ngày 12/3, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết đã ký quyết định số 101/QĐ-QLD về việc rút số đăng ký của các thuốc chứa hoạt chất Gatifloxacin ra khỏi danh mục các thuốc được cấp số đăng ký tại Việt Nam. Chất Gatifloxacin thuộc danh mục nguyên liệu và thuốc thành phẩm cấm nhập khẩu để làm thuốc dùng cho người. Theo đó, dung dịch nhỏ mắt Zymar, do Công ty Allergan, Inc. (USA) đăng ký, nhà sản xuất là Allergan Sales, LLC (USA) và dung dịch nhỏ mắt Efticati do Công ty Cổ phần Dược phẩm 3/2 (TP.HCM) đăng ký,sản xuất, bị rút số đăng ký. Cục Quản lý Dược yêu cầu công ty đăng ký, nhà sản xuất các thuốc trong danh mục thuốc bị rút số đăng ký phải phối hợp với nhà nhập khẩu, nhà phân phối thuốc thực hiện việc thu hồi toàn bộ thuốc đã sản xuất (đối với thuốc trong nước), đã nhập khẩu vào Việt Nam (đối với thuốc nước ngoài) trước ngày Quyết định này có hiệu lực và báo cáo kết quả thu hồi theo đúng quy định hiện hành.

Một năm, 5.000 trường hợp mắc ung thư cổ tử cung

Tại hội nghị nâng cao nhận thức về ung thư cổ tử cung tại Việt Nam diễn ra sáng 18-3, Viện Sức khỏe sinh sản và gia đình (RaFH) cho biết, ngày càng có nhiều trường hợp mắc ung thư cổ tử cung được phát hiện, đứng thứ hai trong số các loại ung thư phổ biến ở phụ nữ. Tại nước ta, ước tính cứ 100.000 phụ nữ thì có 22 trường hợp ung thư cổ tử cung, hàng năm ghi nhận trên 5.000 trường hợp mắc mới và trên 2.000 trường hợp tử vong do loại ung thư này. Vài năm trước đây, số mắc ung thư cổ tử cung ở miền Nam được ghi nhận nhiều hơn miền Bắc song gần đây, nhờ công tác sàng lọc, phát hiện sớm ngày càng được quan tâm nên số mắc trên cả nước có xu hướng gia tăng. Việc phát hiện sớm sẽ giúp tăng tỷ lệ điều trị thành công, giảm chi phí điều trị.

Cơ hội cho các cặp vợ chồng hiếm muộn

Có được đứa con là khát khao cháy bỏng của các cặp vợ chồng hiếm muộn. Do vậy việc Chính phủ ban hành Nghị định số 10/2015 (có hiệu lực từ 15-3-2015), trong đó có quy định về điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đã mở ra cho họ niềm hy vọng mới. Gặp chúng tôi khi đang đi khám bệnh tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, chị N.T.T ở huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên chia sẻ, vợ chồng chị lấy nhau đã 8 năm nhưng vẫn chưa có con. Dù hai vợ chồng đã làm thụ tinh trong ống nghiệm song vẫn không có kết quả vì chị T liên tiếp bị sẩy thai. Cũng không ít lần chị T đã nghĩ đến việc tìm người mang thai hộ nhưng do pháp luật chưa cho phép, lại lo ngại những tranh chấp pháp lý có thể phát sinh sau này nên mong muốn của vợ chồng chị vẫn chưa thể thực hiện. “Nghe tin từ 15-3, luật cho phép mang thai hộ nên hơn 1 tháng nay vợ chồng tôi đã gặp gỡ, liên hệ với một số chị em họ trong gia đình nhờ giúp đỡ. May mà cuối cùng cũng có người chị họ đồng ý giúp” - chị T phấn khỏi nói. Cũng trong hoàn cảnh tương tự, chị L.T.V, 35 tuổi ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội đã kết hôn 10 năm nhưng không thể sinh con. Chồng chị V là con trai trưởng trong gia đình nên việc có con lại càng quan trọng. Do quá sốt ruột, cách đây 2 năm, qua một người bạn, chị V đã liên hệ với một đơn vị chuyên môi giới mang thai hộ. Tuy vậy, qua nhiều lần gặp gỡ,chị V đã phải trả không ít tiền phí tư vấn nhưng kết quả vẫn bằng không. Nguyên nhân là do người mà bên môi giới giới thiệu để mang thai hộ cho chị V tuổi đã khá cao và liên tục đưa ra những đòi hỏi vô lý. Chị V kể: “Chị ta đã gần 40 tuổi, làm nghề tự do và đã có 3 con. Biết chúng tôi khát con, chị ta không chỉ hét giá trên trời mà còn ra điều kiện sau khi sinh con xong, gia đình tôi phải cho chị ta ở lại chăm sóc cháu và thanh toán tiền lương hàng tháng nên chúng tôi buộc phải từ chối. Thương cảm với hoàn cảnh của vợ chồng tôi, có chị em trong họ cũng đặt vấn đề mang thai giúp nhưng trước đây luật chưa cho phép nên họ còn ái ngại. Nay thì đã có lối thoát rồi…”. Nắm bắt nhu cầu có con của các cặp vợ chồng hiếm muộn, thời gian qua trên một số diễn đàn mạng, một số đối tượng đã đăng tin nhận “mang thai hộ”. Tuy vậy, khi quy định về cho phép mang thai hộ chính thức có hiệu lực thì những thông tin trên không còn thu hút được sự quan tâm của các cặp vợ chồng hiếm muộn như trước nữa. Dù luật đã cho phép nhờ người mang thai hộ song theo quy định, không phải cá nhân nào cũng được phép làm điều này mà chỉkhi người đó không có tử cung hoặc đã cắt tử cung; đã thực hiện thụ tinh ống nghiệm và các phương pháp khác mà vẫn không thể mang thai hoặc người có tiền sử sẩy thai liên tiếp, mắc những bệnh mãn tính không thể mang thai. Còn đối với người mang thai hộ cũng phải thỏa mãn các điều kiện cần thiết như sức khỏe tốt, có khả năng mang thai, có mối quan hệ thân thích, cùng hàng với người nhờ (vợ hoặc chồng) và đã từng sinh con… Nếu người mang thai hộ đã có chồng thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của người chồng. Việc xét duyệt hồ sơ để có cho phép mang thai hộ hay không sẽ do hội đồng độc lập đánh giá…\ Thông tin từ Bệnh viện Phụ sản Trung ương - một trong những nơi được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ cho thấy, hiện đã có khoảng 60 cặp vợ chồng đăng ký thực hiện dịch vụ này. Điều đó chứng tỏ nhu cầu của người dân là khá lớn. Theo Tiến sỹ, bác sỹ Hoàng Cẩm Tú, quy định cho phép mang thai hộ đã mở ra cơ hội có con cho nhiều cặp vợ chồng, cứu vãn nhiều gia đình đang trên bờ vực tan vỡ do nhiều năm liền không thể có con. Với các cặp vợ chồng, điều quan trọng nhất lŕ họ phải těm được người đồng ý mang thai hộ có đầy đủ các điều kiện theo quy định. Song trên thực tế, điều này không hề đơn giản. Do quá trình mang thai và sinh nở luôn tiềm ẩn rủi ro đối với chị em phụ nữ, ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe và tính mạng người mang thai nên dù có quan hệ họ hàng, dù có thông cảm đến mấy, không ít người vẫn tỏ ra ngần ngại. Hơn nữa, để đảm bảo tính không vụ lợi trong việc mang thai hộ, pháp luật quy định đối tượng được phép mang thai hộ trong phạm vi tương đối hẹp, chỉ là người thân thích cùng hàng với vợ hoặc chồng nên với những gia đình neo người, việc tìm được người đồng ý mang thai hộ sẽ khó khăn hơn. Khi nhờ mang thai hộ, nhiều người lo lắng đứa trẻ sau này sẽ mang gene di truyền từ người mang thai và trực tiếp sinh ra chúng. Điều này là hoàn toàn không có căn cứ vì đứa con là kết quả của sự kết hợp giữa trứng và tinh trùng của vợ chồng và chỉ được “nuôi nhờ” trong tử cung của một người khác dựa trên kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm... Rõ ràng, quy định cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thể hiện tính nhân văn sâu sắc, đáp ứng nhu cầu cấp thiết và chính đáng của những người phụ nữ không thể mang thai và sinh con. Tuy vậy, để đạt được hiệu quả như mong muốn, các cơ sở y tế, cơ quan liên quan cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu biết đầy đủ về quy định này…

Tiền phong

Đổ xô đi tiêm phòng vì sợ vắc xin dịch vụ sắp hết

Sáng 18/3, trước thông tin hai loại vắc xin dịch vụ “6 trong 1”, “5 trong 1” sẽ hết trong thời gian tới, nhiều người dân Đà Nẵng đã ùn về Trung tâm Y tế dự phòng thành phố để tiêm phòng cho con. BS Tôn Thất Thạnh - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng, cho biết: “Người dân không nên hoang mang trước thông tin hai loại vắc xin trên khan hiếm. Thời gian tới vắc xin “5 trong 1” vẫn được nhập về, còn vắc xin “6 trong 1” tới đầu năm 2016 sẽ có lại. Trung tâm đã đem những loại vắc xin có trong chương trình tiêm chủng mở rộng tương tự như vắc xin dịch vụ để phục vụ người dân, trong đó loại vắc xin Quinvaxem sẽ thay thế hai loại trên”. Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng, cho biết: Hiện tại loại vắc xin “5 trong 1” còn khoảng 300 liều và vắc xin “6 trong 1” còn 100 liều. Trong khi trung bình một ngày có khoảng 200-300 lượt người đem con đến tiêm phòng. “Người dân thường có tâm lý chuộng các loại vắc xin dịch vụ, tuy nhiên, các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng quốc gia đã được Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế kiểm nghiệm là an toàn, hiệu quả. Người dân nên tìm hiểu kỹ thông tin để đem con mình đến các cơ sở y tế tiêm phòng đúng kỳ hạn, tránh lệ thuộc vào loại vắc xin dịch vụ”- BS Thạnh khuyến cáo.

Nhân dân

Chủ động giám sát lưu hành, biến đổi các chủng vi-rút cúm

Một nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa được công bố cho thấy trong một vài năm trở lại đây một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã bùng phát tại nhiều nơi trên thế giới. Trong năm 2014, ghi nhận sự xuất hiện và tái bùng phát của nhiều chủng cúm mới như H5N1, H7N9, H5N6, H9N2, H5N2, H5N3, H5N8... WHO cảnh báo các chủng cúm vi-rút cúm có đặc tính biến đổi thường xuyên, cho nên cần được theo dõi, giám sát sự lưu hành và biến đổi của các chủng vi-rút để có biện pháp đối phó kịp thời. Vi-rút cúm có ba typ A, B, C, trong đó cúm typ A là thường xuyên có sự biến đổi và có thể tạo thành các chủng vi-rút có độc lực cao cũng như sự lây truyền rộng rãi, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân. Các nghiên cứu cho thấy với 16 loại kháng nguyên H và chín loại kháng nguyên N, vi-rút cúm A có thể có rất nhiều phân typ cúm (có thể tới 144 loại), như: H1N1, H2N2, H3N2, H5N1, H7N9, H5N6, H9N2, H5N2, H5N3, H5N8... Một số phân typ cúm A đã gây nên các đại dịch cúm như: H2N2, H3N8, H3N2, H1N1... Trong một vài năm trở lại đây, đặc biệt trong năm 2014 trên thế giới đã ghi nhận sự xuất hiện và tái bùng phát của nhiều chủng cúm mới như H5N1, H7N9, H5N6, H9N2, H5N2, H5N3 và H5N8... Theo đánh giá của WHO, sự xuất hiện liên tục các chủng vi-rút cúm mới và đặc tính biến đổi thường xuyên của các chủng vi-rút cúm là rất đáng quan tâm và chủng vi-rút cúm A H5 là mối đe dọa rõ ràng nhất cho sức khỏe con người. Vi-rút cúm gia cầm H5N1 độc lực cao là nguyên nhân gây ra dịch bệnh trên gia cầm ở châu Á liên tiếp từ năm 2003 và hiện vẫn đang gây dịch tại nhiều quốc gia. Từ cuối năm 2003 đến tháng 1-2015, ghi nhận 777 trường hợp nhiễm vi-rút cúm H5N1 tại 16 quốc gia, trong đó có 428 trường hợp chết (chiếm 55,1%). Ngoài ra, trong hai năm qua, cũng đã phát hiện các chủng H5N2, H5N3, H5N6 và H5N8. Tất cả chủng này hiện đang lưu hành ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Các nhà vi-rút học giải thích sự gia tăng gần đây của vi-rút gây bệnh mới nổi như một dấu hiệu cho thấy các vi-rút cúm cùng lưu hành đang nhanh chóng trao đổi vật liệu di truyền để tạo thành chủng vi-rút mới. Sự xuất hiện của nhiều vi-rút mới đã tạo ra một nguồn gien đa dạng tạo nên những biến đổi đặc biệt do sự trao đổi gien giữa các chủng vi-rút cúm khác nhau. Do vậy, những hậu quả ảnh hưởng tới sức khỏe con người và vật nuôi là không thể đoán trước được và rất đáng lo ngại. Tại Việt Nam, vi-rút cúm A(H5N1) bắt đầu ghi nhận vào tháng 12-2003 trên các đàn gia cầm và ở người đã tạo nên các đợt dịch và ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cũng như gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người dân. Mặc dù trong năm 2015 chưa ghi nhận trường hợp cúm A(H5N1) nào ở người, nhưng trong tháng 2-2015 đã ghi nhận ổ dịch cúm A(H5N1) ở đàn gia cầm tại ấp 1, xã Ðại Hải, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Trong năm 2014, Việt Nam ghi nhận hai trường hợp mắc và chết cúm A(H5N1) tại Bình Phước, Ðồng Tháp nâng tổng số người mắc cúm A(H5N1) tại Việt Nam từ năm 2003 lên 127 trường hợp mắc, trong đó có 64 trường hợp chết. Ngoài ra, trong năm 2014, nước ta đã ghi nhận các ổ dịch cúm A(H5N6) trên gia cầm tại các tỉnh: Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Bắc Giang, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam. Kết quả xét nghiệm các mẫu vi-rút cúm A(H5N6) ở Việt Nam có sự tương đồng 99% với chủng vi-rút cúm A(H5N6) gây bệnh trên người tại Trung Quốc. Tuy nhiên, nước ta chưa ghi nhận trường hợp mắc cúm A(H5N6) ở người, cũng như chưa ghi nhận các ổ dịch cúm A(H7N9), cúm A(H5N8), cúm A(H5N2) trên cả gia cầm và người. WHO cảnh báo, mặc dù thế giới đã chuẩn bị sẵn sàng ứng phó tốt hơn, nhưng vẫn có nguy cơ cao xảy ra đại dịch nhất là với dịch bệnh nguy hiểm như cúm. Không thể dự đoán trước về bệnh cúm bao gồm nơi xảy ra và chủng vi-rút gây đại dịch. Vì vậy, để chủ động giám sát sự lưu hành và biến đổi của các chủng vi-rút cúm ở nước ta, Bộ Y tế đã triển khai hệ thống giám sát cúm trọng điểm quốc gia và đã thiết lập hai Trung tâm cúm quốc gia tại Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư và Viện Pa-xtơ TP Hồ Chí Minh, đến nay hai trung tâm này đều có khả năng xét nghiệm các chủng vi-rút cúm. Kết quả giám sát trên người từ các điểm giám sát cúm quốc gia cho thấy, trong hai tháng đầu năm 2015 chủng vi-rút cúm A(H3) là chủng lưu hành chủ yếu (chiếm 77,8% số mẫu xét nghiệm), tiếp đó là chủng vi-rút cúm A(H1N1) và cúm B cùng chiếm 11,1%. Trong khi đó, năm 2014, tỷ lệ cúm B lưu hành chủ yếu với tỷ lệ chiếm 59%, tiếp đó là cúm A(H3) với tỷ lệ 28%, cúm A(H1N1) với tỷ lệ 13%. Ðây là sự thay đổi mang tính thường xuyên trong số các chủng vi-rút cúm mùa. Hiện chưa phát hiện thấy chủng vi-rút cúm mới cũng như sự đột biến làm tăng độc tính hay gây kháng thuốc ở các chủng vi-rút cúm lưu hành trên người tại Việt Nam. Bên cạnh đó, nhằm chủ động giám sát các chủng vi-rút cúm A(H7N9) có nguy cơ xâm nhập vào nước ta, hai Bộ Y tế, Bộ NN và PTNT cũng đã phối hợp một số tổ chức quốc tế có liên quan tổ chức giám sát lấy mẫu bệnh phẩm trên gia cầm và ở người tại một số tỉnh có nguy cơ cao, nơi tập trung buôn bán gia cầm, kết quả chưa phát hiện chủng vi-rút cúm A(H7N9) cả trên gia cầm và ở người. Bộ Y tế cũng đã ban hành và triển khai Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh năm 2015, sẵn sàng triển khai các hoạt động đáp ứng theo các tình huống dịch bệnh. Văn phòng đáp ứng tình huống khẩn cấp phòng, chống dịch bệnh của Bộ Y tế (Văn phòng EOC) đã được yêu cầu tăng cường theo dõi, giám sát dịch bệnh trong nước, quốc tế, kịp thời tiếp nhận, chia sẻ thông tin với các Tổ chức quốc tế cũng như các đơn vị liên quan trong nước để nhanh chóng cảnh báo về những nguy cơ dịch bệnh và tổ chức các hoạt động đáp ứng một cách nhanh nhất. Ðể chủ động phòng, chống các chủng vi-rút cúm, nhất là các chủng vi rút cúm lây truyền từ gia cầm sang người, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện: Thường xuyên rửa tay với xà-phòng; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc; bảo đảm an toàn thực phẩm trong giết mổ, chế biến gia cầm, thực hiện ăn chín, uống chín. Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Khi có các biểu hiện cúm như: sốt, ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.

Đảng bộ Bệnh viện Chợ Rẫy: Gắn xây dựng Đảng với nâng cao y đức

Ngày 19-3, Đảng bộ Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ 14 (nhiệm kỳ 2015-2020). Đây là đại hội điểm cấp cơ sở thuộc Đảng bộ Khối Cơ sở Bộ Y tế. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cùng 100 đảng viên là các thầy thuốc, nhân viên y tế tiêu biểu của BV Chợ Rẫy dự đại hội. Đồng chí Nguyễn Trường Sơn, Bí thư Đảng ủy BV Chợ Rẫy cho biết, đầu nhiệm kỳ, đảng bộ BV có 258 đảng viên, đến nay, con số đó là 333 đồng chí. Điều này đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của đội ngũ đảng viên mặc blu trắng của BV. Đó là những thầy thuốc, nhân viên y tế có chuyên môn, phẩm chất chính trị, đạo đức tốt và lối sống đẹp. Là BV đa khoa trung ương hạng đặc biệt, tuyến cuối của các tỉnh, thành phố phía nam, được trang bị nhiều hệ thống thiết bị khá hiện đại và đội ngũ cán bộ chuyên môn có chất lượng, cho nên hầu hết các mũi nhọn chuyên khoa như ghép thận, ghép gan, ghép tủy, tiến tới ghép tạng từ người cho chết não, phẫu thuật tim hở, can thiệp tim mạch… đều được tập trung. Vì vậy, số lượt người bệnh đến khám tại BV ngày càng tăng, số lần khám trong năm 2014 tăng 41% so với năm 2010, trong đó bệnh nhân bảo hiểm y tế tăng rõ rệt (chiếm trung bình 56,2 %). Nhiệm kỳ qua, Đảng bộ BV Chợ Rẫy đã quan tâm lãnh đạo việc mở rộng và bố trí hợp lý mặt bằng (kể cả triển khai hoạt động phòng khám ngoài BV để tự giảm tải), khám bệnh từ sáu giờ sáng, cải tiến quy trình nhận bệnh - khám bệnh - xét nghiệm… nhằm tạo thêm nhiều thuận lợi cho người bệnh. Hệ thống công nghệ thông tin phòng khám được nâng cấp ngày càng phù hợp với tình hình thực tiễn, kết nối mạng Phòng khám - Cận lâm sàng - Viện phí - Dược được triển khai và đã đạt hiệu quả rất cao. Mặt khác, hầu hết các khoa lâm sàng đều tích cực thực hiện chủ trương giảm quá tải bằng cách tăng số lượng giường di động hằng năm, tránh nằm ghép. Đồng chí Ngô Đồng Khanh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối Cơ sở Bộ Y tế nhìn nhận rằng, ở BV Chợ Rẫy, nhiều kỹ thuật mới đã được triển khai thường quy đem lại lợi ích to lớn cho người bệnh như phẫu thuật nội soi, can thiệp mạch não, đặt stent động mạch chủ, ghép tạng (gan, thận), ghép tủy xương. Đơn vị Điều phối ghép tạng của BV đã được thành lập và đi vào hoạt động; việc điều trị ung thư có hiệu quả nhờ phối hợp các chuyên khoa kỹ thuật cao khác như xạ trị, hóa trị, dao Gamma. Trung tâm Ung bướu của BV được thành lập và đi vào hoạt động đã chứng minh vai trò đầu tàu của BV Chợ Rẫy ở các tỉnh, thành phố phía nam, tạo được tiếng vang trong cả nước. Số lượng xét nghiệm tăng đều hằng năm, trung bình tăng 14% năm (sau 5 năm, số lượt xét nghiệm tăng hơn 70%), từ 5,8 triệu lượt xét nghiệm năm 2010 lên đến khoảng 10 triệu lượt trong năm 2014. “Một điểm nhấn ấn tượng trong nhiệm kỳ qua là việc Trung tâm Truyền máu Khu vực Chợ Rẫy được khánh thành vào năm 2012 đã vận động hiến máu, sản xuất các thành phần máu, sàng lọc các bệnh lây nhiễm qua đường truyền máu và cung cấp máu, chế phẩm máu an toàn để phục vụ nhu cầu cấp cứu và điều trị của BV Chợ Rẫy, BV Thống Nhất và 35 BV khác thuộc các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Ba năm qua, trung tâm này đã cung cấp được gần nửa triệu đơn vị máu, tỷ lệ hiến máu tình nguyện đạt 99,92%”, đồng chí Nguyễn Trường Sơn cho biết thêm. Rất nhiều người bệnh và nhân dân trong khu vực đều biết, trong số lượng máu hiến khổng lồ trên có sự đóng góp nguồn máu từ các đảng viên khoác blu trắng của BV Chợ Rẫy. Theo đồng chí Nguyễn Văn Khôi, Phó Bí thư Đảng ủy BV Chợ Rẫy, đơn vị rất xem trọng công tác phát triển Đảng, làm tốt công tác tạo nguồn (từ những phong trào thi đua, nêu cao y đức) nên có số lượng cảm tình Đảng khá đông đảo (hiện là 170, trong đó đoàn viên thanh niên chiếm 37%). Bên cạnh đó, Đảng ủy thường xuyên rà soát, nhắc nhở các chi bộ thực hiện kế hoạch phát triển Đảng hằng năm cho nên số đảng viên mới phát triển tăng nhanh. Đảng ủy BV cũng quan tâm chất lượng con người “vừa hồng vừa chuyên” trong đội ngũ của mình. Trong 5 năm qua, BV đã đào tạo và bồi dưỡng chuyên môn cho 9.817 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên các tuyến và khoảng 10 nghìn sinh viên y dược. BV đã chuyển giao hiệu quả 787 kỹ thuật cho 16 BV tỉnh tuyến dưới, được Bộ Y tế đánh giá cao. Nhiều tấm gương điển hình về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã được tuyên dương. BV phát huy truyền thống làm tốt công tác xã hội vì cộng đồng với Quỹ “Một ngày lương”; tập thể viên chức BV tham gia xây dựng nhiều nhà tình nghĩa, khám bệnh phát thuốc từ thiện, phẫu thuật điều trị bệnh mắt miễn phí… cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới (tổng số gần tám tỷ đồng); các chương trình vận động “Nghĩa tình biên giới, hải đảo”; “Vì Trường Sa thân yêu” cũng phát huy ý nghĩa với hơn 645 triệu đồng từ sự đóng góp của đội ngũ blu trắng của BV. Minh chứng rõ nhất cho các hoạt động trên là Đơn vị Y xã hội của BV Chợ Rẫy. Đơn vị này với nhiều đảng viên năng động đã vận động mọi nguồn tài trợ để có điều kiện giúp đỡ ngày càng nhiều bệnh nhân nghèo trang trải chi phí chữa bệnh (hơn 24 tỷ đồng); vận động nấu 4.500 suất ăn/ngày (365 ngày/năm) miễn phí cho thân nhân người bệnh. “Các việc làm thiết thực trên là cách bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, nâng cao y đức cho đội ngũ blu trắng chúng tôi”.

Công an nhân dân

Tăng cường phối hợp tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Chiều ngày 18/3, tại Hà Nội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và 4 cơ quan truyền thông quốc gia gồm Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam đã ký kết Chương trình phối hợp tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2015-2020. Tham dự lễ ký kết có Thứ trưởng, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh. Về phía các cơ quan truyền thông quốc gia có các đồng chí: Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân; Trần Bình Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; Nguyễn Đăng Tiến, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Nguyễn Đức Lợi, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam. Tổng kết chương trình phối hợp tuyên truyền trong giai đoạn 2012-2014, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt NamĐỗ Thị Xuân Phương đánh giá cao hoạt động tuyên truyền về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT trên các cơ quan truyền thông quốc gia, khẳng định các hoạt động này đã thu được những kết quả quan trọng, nhận thức về BHXH, BHYT trong người dân ngày càng tích cực. Để công tác phối hợp tuyên truyền giữa BHXH Việt Nam với 4 cơ quan truyền thông quốc gia giai đoạn 2015-2020 đạt hiệu quả cao hơn, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh đề nghị các cơ quan truyền thông tăng cường hơn nữa về số lượng tin, bài, phóng sự, tọa đàm, phỏng vấn...; tăng thời lượng phát sóng và phát vào những chương trình, khung giờ được nhiều người theo dõi; có những tin bài tập trung phân tích chuyên sâu và liên tục về nguyên nhân, hậu quả của những hạn chế, tiêu cực trong thực thi chính sách BHXH, BHYT. Các cơ quan truyền thông tăng cường hơn nữa tính hệ thống, toàn diện trong các nội dung tuyên truyền để tạo thành những đợt tuyên truyền sâu, rộng, giúp người dân hiểu được sự thiết thực, tính nhân văn, nhân đạo của chính sách BHXH, BHYT nhằm ổn định cuộc sống, chăm sóc sức khỏe cho người dân, đảm bảo an sinh xã hội của đất nước. BHXH Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong việc cung cấp thông tin, hỗ trợ các phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí có điều kiện thâm nhập thực tế, cập nhật thông tin kịp thời về những đổi mới của BHXH Việt Nam trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT; phát hiện và phản ánh những khó khăn, bất cập trong công tác khám chữa bệnh, quản lý thuốc BHYT; phản ánh thực trạng việc giải quyết và chi trả các chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp… Thay mặt 4 cơ quan truyền thông quốc gia, đồng chí Thuận Hữu, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân khẳng định trong thời gian tới, cả 4 cơ quan sẽ tiếp tục phối hợp tốt với BHXH Việt Nam thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ về BHXH, BHYT, góp phần bảo đảm sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện chính sách an sinh xã hội của đất nước./.

Tuổi trẻ

Tiêm miễn phí văcxin ngừa viêm não Nhật Bản B

Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia vừa có thông báo cho biết sẽ đưa văcxin ngừa viêm não Nhật Bản B vào chương trình tiêm chủng thường xuyên từ năm 2015. Văcxin viêm não Nhật Bản B được đưa vào tiêm chủng miễn phí từ năm 2007 theo hình thức chiến dịch, và từ năm 2015 sẽ được đưa vào tiêm chủng thường xuyên theo lịch tiêm chủng (tiêm mũi đầu khi trẻ 12 tháng tuổi, mũi tiếp theo cách mũi đầu 1-2 tuần và mũi 3 cách mũi đầu 12 tháng). Văcxin này được tiêm cho trẻ 1-5 tuổi, dự kiến trên 1,8 triệu trẻ tiêm viêm não Nhật Bản mũi đầu và mũi 2 trong năm nay. Hà Nội, Bắc Giang, Sơn La, Quảng Ngãi, Đà Nẵng là năm địa phương sẽ đưa viêm não Nhật Bản vào tiêm chủng thường xuyên ngay từ tháng 3-4 này. Các tỉnh thành còn lại chậm nhất tháng 6-2015 sẽ triển khai. * Giám đốc Công ty Văcxin và sinh phẩm số 1 (Bộ Y tế), cho biết công ty này nhập trên 20.000 liều văcxin thủy đậu từ Hàn Quốc, nhưng đã phân phối hết cho cơ sở tiêm chủng từ giữa tháng 3-2015. Tháng 5 tới có thể có thêm một lô văcxin thủy đậu từ Hàn Quốc về VN, bên cạnh đó văcxin thủy đậu nhập từ Mỹ cũng về VN gần 40.000 liều trong quý 1. Tuy nhiên, ông Đạt cho biết cơ sở tiêm chủng hết văcxin thủy đậu nên phải chờ lô hàng tới (115.000 liều) dự kiến về VN trong quý 2 và có thể ra thị trường từ cuối quý 2-2015. Theo Cục Quản lý dược, cục vừa cấp phép nhập khẩu thêm 200.000 liều văcxin thủy đậu, cộng với số văcxin đã nhập từ trước thì đủ cho nhu cầu tiêm ngừa trong năm (tổng cộng khoảng 300.000 liều), nhưng văcxin sẽ về rất rải rác trong năm và có tới gần 100.000 liều dự kiến quý 4 mới về VN. Trong khi đó, theo bác sĩ Cao Trọng Ngưỡng - giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai, gần đây trẻ mắc bệnh thủy đậu tại địa bàn tăng nhiều hơn so với cùng kỳ năm ngoái nhưng văcxin ngừa thủy đậu đã hết nhiều tháng nay. Trung tâm đã gửi văn bản đến Sở Y tế trình UBND tỉnh Đồng Nai để xin ý kiến mua ngoài thầu khoảng 8.000 liều văcxin thủy đậu cung ứng cho nhu cầu của người bệnh.

Thanh Hóa đình chỉ thuốc viên nén bao phim Aspirin pH8 500mg

Chiều 18-3, nguồn tin từ Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa cho biết sở này vừa có quyết định đình chỉ lưu hành thuốc viên nén bao phim Aspirin pH8 500mg do không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Qua kiểm nghiệm của Trung tâm Kiểm nghiệm Thanh Hóa đối với thuốc viên nén bao phim tan trong ruột Aspirin pH8 500mg (lô sản xuất: 401068; ngày sản xuất: 23-01-2014, hạn dùng: 23-01- 2017; SĐK: VD-19220-13; nơi sản xuất: N.I.C Pharma Co., Ltd, địa chỉ: lô 11D, đường C, Khu công nghiệp Tân Tạo, Q.Tân Bình, TP.HCM) lấy tại nhà thuốc Bách Thảo (kios chợ Đông Thọ, P.Đông Thọ, TP Thanh Hóa) cho thấy thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan trong môi trường đệm phosphat pH 6,8 theo tiêu chuẩn cơ sở. Do vậy, Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa thông báo đình chỉ lưu hành và thu hồi lô thuốc nói trên. Nhà thuốc Bách Thảo phải khẩn trương thu hồi lô thuốc nêu trên trả lại cơ sở cung ứng, báo cáo kết quả về Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa trước ngày 23-3-2015. Các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc trên địa bàn tỉnh khẩn trương thu hồi lô thuốc bị đình chỉ lưu hành nêu trên (nếu có) và trả lại cơ sở cung ứng.

Nhiều bệnh viện quận, huyện được nâng hạng

Sáng 18-3, Bệnh viện Q.8 (TP.HCM) đã tổ chức lễ đón nhận quyết định nâng hạng từ bệnh viện hạng 3 lên bệnh viện hạng 2. Trao đổi bên lề buổi lễ, Trưởng phòng tổ chức cán bộ Sở Y tế TP.HCM, cho biết tính đến nay TP đã có sáu bệnh viện quận, huyện được nâng hạng. Cụ thể, Bệnh viện Q. Thủ Đức được nâng lên hạng 1, Bệnh viện Q. Bình Tân, Bệnh viện Q. Tân Phú, Bệnh viện Q.2, Bệnh viện Q. Bình Thạnh và Bệnh viện Q.8 được nâng lên hạng 2. Khi bệnh viện được nâng hạng, các danh mục kỹ thuật trong khám chữa bệnh sẽ được mở rộng, có lợi cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế khi đến khám chữa bệnh tại những bệnh viện này.

Thanh niên

Tạm ngưng sử dụng thuốc Mezicef ở Bến Tre

Sáng 18.3, bác sĩ Trần Văn Ân, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre) cho biết Cục Quản lý dược, Bộ Y tế vừa có văn bản đề nghị ngành y tế Bến Tre tạm ngưng sử dụng thuốc bột pha tiêm Mezicef (thuốc do Công ty Merap sản xuất và đăng ký). Văn bản cũng đề nghị Sở Y tế Bến Tre chỉ đạo đơn vị chức năng khẩn trương lấy mẫu thuốc Mezicef tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu gửi về Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương để kiểm tra chất lượng. Trước đó, như Thanh Niên o­nline đã đưa tin, lúc 10 giờ ngày 12.3, sản phụ Nguyễn Thị Tường Vi (25 tuổi, ngụ xã Quới Thành, huyện Châu Thành, Bến Tre) đã tử vong sau khi sốc phản vệ nặng nghi ngờ do tiêm Mezicef với các triệu chứng suy tim cấp, suy hô hấp… Sản phụ Vi được các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Nguyễn Đình Chiểu mổ lấy thai vào lúc 18 giờ ngày 11.3 trong tình trạng bình thường, đem ra bé trai nặng 4 kg khỏe mạnh.

Vắc xin dịch vụ khan hiếm đến hết năm 2015

Ngày 19.3, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết theo báo cáo mới nhất từ các công ty nhập khẩu thì phải giữa năm nay mới có vắc xin dịch vụ “5 trong 1” và chỉ có khoảng 40.000 - 50.000 liều/tháng, còn vắc xin “6 trong 1” dự kiến hết năm 2015 mới có với khoảng 30.000 liều.Với số lượng này chỉ rất ít trẻ em được tiêm đủ (3 mũi vắc xin) trong tổng số khoảng 1,5 triệu trẻ cần tiêm/năm. Do đó, các gia đình cần cho trẻ tiêm đầy đủ, đúng lịch các vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại xã, phường, không chờ đợi vắc xin dịch vụ

Một thế giới

Bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế để bảo đảm sức khỏe toàn dân

Theo dự kiến, sgày 24 - 25.3.2015 tại thành phố Huế, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ngân hàng thế giới (WB) và liên minh châu Âu (EU) sẽ tổ chức hội nghị: "Tăng cường y tế cơ sở cho chăm sóc sức khỏe ban đầu hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân." Đây là hội nghị quốc tế được tổ chức với mục tiêu đánh giá vao trò y tế với cộng đồng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự kiến sẽ tham dự hội nghị này và có những ý kiến đóng góp cho Bộ Y tế triển khai cũng như rút kinh nghiệm trong việc phát triển y tế cơ sở, thực hiện mục tiêu bao phủ chăm sóc toàn dân. Ở nhiều nước trên thế giới, hàng triệu người đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh bởi vì họ không nhận được các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cần thiết. Ở nước ta, với mạng lưới y tế rộng khắp đã đảm bảo được 70% nhu cầu chăm sóc sức khỏe toàn dân từ tuyến cơ sở tới các tuyến trung ương. Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tăng cường y tế cơ sở cho chăm sóc sức khỏe ban đầu hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Đánh giá về những thành tích trên, PGS.TS Phạm Lê Tuấn - thứ trưởng Bộ Y tế đã cho rằng ngoài những kết quả đáng ghi nhận, nhưng hệ thống y tế nói chung và mạng lưới y tế cơ sở đang đối mặt với nhiều khó khăn và thử thách. Nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng cao, bệnh tật ngày càng phức tạp, tai nạn, thương tích ngày càng tăng. Chính vì vậy, hội nghị cũng là cơ hội để trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về việc tăng cường y tế cơ sở, giảm thiểu gánh nặng cho tuyến y tế trung ương. Tập trung trình độ đội ngũ các y bác sĩ để khi có bệnh, người bệnh tin tưởng các bác sĩ ở tuyến cơ sở mà không vượt lên các tuyến trung ương gây quá tải, khó khăn cho các bệnh viện lớn. Bắt buộc toàn bộ người dân tham gia bảo hiểm y tế để bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho việc chăm sóc sức khỏe của chính bản thân mình. Với mục tiêu như trên, WHO và Bộ Y tế đã và đang phát triển một dự án hành động để hỗ trợ các bệnh nhân, các bệnh viện còn thiếu sót về mặt cơ sở vật chất, yếu kém về chuyên môn để hỗ trợ tốt hơn trong chiến lược phát triển một cách toàn diện nhất, cải thiệntoàn bộ hệ thống y tế một cách tổng thể để tiến tới bao phủ y tế toàn dân.

Khám phá

Lo hết vắc xin dịch vụ, người Đà Nẵng rầm rộ đưa con đi tiêm

Những ngày gần đây, trước thông tin về việc vắc xin dịch vụ “6 trong 1 của Bỉ” khan hiếm và sắp hết, người dân Đà Nẵng đã rầm rộ đổ xô đến Trung tâm YTDP TP. Đà Nẵng để tiêm phòng ngừa cho con. Theo ghi nhận sáng ngày 18/3, tại Trung tâm Y tế Dự phòng TP. Đà Nẵng có hàng trăm người dân đưa con đến. Từ ngoài cổng đến trong khuôn viên sân gần như quá tải không đủ chỗ, người dân ngồi phải đứng đợi ngoài cổng, hành lang. Chị Phạm Thị Diệu Châu (30 tuổi, Quận Hải Châu) cho biết: “Nghe mọi người nói vắc xin loại tiêm ngừa một lần sắp hết nên tôi nghỉ làm sáng nay đưa con đi tiêm. Không biết sao chứ thấy mọi người đưa con đi đông quá tôi cũng nôn nao, đợi cũng lâu rồi mà chưa tới lượt.” Còn chị Trịnh Kim Chi (28 tuổi, Quận Liên Chiểu) đã chia sẻ lo lắng: “Tôi đưa con đi từ sáng giờ để được tiêm vắc xin cho yên tâm chứ nghe thiếu vắc xin lo lắm!” Nguyên nhân là do người dân khi biết thông tin trong năm 2015 không nhập vắc xin Infanrix hexa (6 trong 1 của Bỉ) nên đổ xô tìm đến Trung tâm tiêm thời gian qua rất nhiều. Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Trung tâm YTDP TP. Đà Nẵng cho biết, từ sau Tết Ất Mùi đến nay, người dân đưa con đến tiêm vắc xin dịch vụ tại trung tâm tăng đột biến. Tính trung bình mỗi ngày, có khoảng 300 lượt đến tiêm vắc xin. Hiện nay trung tâm còn hơn 200 liều vắc xin 6 trong 1 của Bỉ, 350 liều vắc xin 5 trong 1 của Pháp và hơn 1.000 liều vắc xin mỗi loại ngừa thủy đậu, ho gà, bại liệt... Với lượng người dân tìm đến tiêm ngừa đông vắc xin dịch vụ mỗi ngày thì số lượng chỉ đáp ứng đủ trong một thời gian ngắn nữa. Trung bình mỗi ngày có khoảng 300 lượt đến tiêm vắc xin dịch vụ. Trong ảnh, phụ huynh phải đợi ngoài hành lang, nơi để xe chờ đến lượt tiêm vắc xin cho con: “Sắp tới, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, Trung tâm sẽ đưa các loại vắc xin có trong chương trình tiêm chủng mở rộng để tiêm miễn phí thay cho vắc xin dịch vụ bị thiếu hụt. Người dân không nên lo lắng, đổ xô chọn lựa vắc xin dịch vụ để tiêm, bởi vắc xin tiêm chủng miễn phí theo chương trình mở rộng của Bộ Y tế đảm bảo chất lượng tốt. Hãy yên tâm đến các trung tâm y tế, xã phường để các cháu được tiêm chủng đủ mũi theo lịch

Hà Nội mới

Tăng cường y tế cơ sở cho chăm sóc sức khỏe ban đầu

Từ 24/3 đến 25/3 này, tại TP Huế, tỉnh Thừa Thiên- Huế, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới, Ngân hàng thế giớivà Liên minh châu Âu tổ chức hội nghị “Tăng cường y tế cơ sở cho chăm sóc sức khỏe ban đầu, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân”. Theo đó, hội nghị “Tăng cường y tế cơ sở cho chăm sóc sức khỏe ban đầu hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân” được tổ chức với mục tiêu nhằm đánh giá vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân ở Việt Nam về những thành tựu, bài học kinh nghiệm, thách thức và định hướng trong thời gian tới cũng như chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong củng cố y tế cơ sở và thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Dự kiến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Tham dự hội nghị có hơn 300 đại biểu đến từ các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các địa phương; các viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức xã hội và hội nghề nghiệp; đại diện các tổ chức Quốc tế tại Việt Nam, các chuyên gia quốc tế của Tổ chức Y tế thế giới, Ngân hàng Thế giới, Liên minh Châu Âu và một số nước có nhiều kinh nghiệm trong phát triển y tế cơ sở và thực hiện thành công mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân (Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan). Hội nghị tập trung vào những nội dung: Vai trò và các vấn đề về y tế cơ sở và chăm sóc sức khỏe ban đầu ở Việt Nam; chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong phát triển y tế cơ sở và thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân; nung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến y tế cơ sở; Tổ chức và phát triển nhân lực cho y tế cơ sở; Tài chính và đầu tư cho y tế cơ sở; những thách thức và định hướng tăng cường y tế cơ sở cho chăm sóc sức khỏe ban đầu hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân ở Việt Nam. Tại buổi họp báo, đại diện Bộ Y tế cho biết, mạng lưới y tế cơ sở bao gồm: y tế thôn, bản, xã, phường, quận, huyện, thị xã đã được kiện toàn, củng cố đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu. Y tế cơ sở đóng vai trò quan trọng trong thực hiện mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân do đây là tuyến y tế trực tiếp gần dân nhất, bảo đảm cho mọi người dân được chăm sóc sức khoẻ cơ bản với chi phí thấp, góp phần thực hiện công bằng xã hội. Mạng lưới y tế cơ sở ở Việt Nam không ngừng được củng cố qua các thời kỳ và đảm bảo được khoảng 70% nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân tại tuyến cơ sở. Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng hệ thống y tế nói chung và mạng lưới y tế cơ sở đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng cao, mô hình bệnh tật thay đổi với bệnh không lây nhiễm, tại nạn, thương tích ngày càng tăng, các dịch bệnh mới nổi diễn biến phức tạp, tình trạng già hóa dân số, sẽ là thách thức đối với ngành y tế thời gian tới.

Tiếp nhận nhiều trường hợp có nhu cầu nhờ mang thai hộ

Như Báo Hànộimới đã đưa tin về quy định cho phép mang thai hộ có hiệu lực từ ngày 15-3, ngày 19-3, theo tin từ Bộ Y tế, hiện đã có rất nhiều hồ sơ đề nghị được nhờ mang thai và mang thai hộ gửi đến 3 bệnh viện (BV) được thực hiện kỹ thuật này, gồm: BV Phụ sản trung ương (ở miền Bắc), BV Đa khoa trung ương Huế (ở miền trung) và BV Phụ sản Từ Dũ (ở miền Nam). Riêng BV Phụ sản trung ương đã có 5 hồ sơ đăng ký nhờ mang thai hộ trong số 20 cặp vợ chồng có nhu cầu nhờ người khác mang thai khi đến chữa vô sinh tại đây. Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia Nguyễn Viết Tiến cho biết, trong số các cặp vợ chồng có nhu cầu nhờ người mang thai hộ, một số đã tìm được người mang thai hộ là chị, em gái hoặc chị em dâu. Những người mang thai hộ sẽ được theo dõi trên hệ thống máy tính có kết nối dữ liệu. Khi người mang thai hộ đã đăng ký làm tại trung tâm này thì sẽ không được tiếp tục đăng ký tại trung tâm khác. Ngoài ra, Bộ Y tế yêu cầu các BV được giao nhiệm vụ này phải có trách nhiệm xem xét, kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị mang thai hộ nhằm kiểm soát chặt chẽ.

Sức khoẻ đời sống

Vắc-xin dịch vụ tốt hơn vắc-xin tiêm chủng mở rộng?

Sau gần 10 ngày triển khai thay thế vắc-xin trong Chương trình TCMR Quốc gia cho vắc-xin dịch vụ đang khan hiếm tại các điểm tiêm dịch vụ thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM, đã có 70 - 80% các vị phụ huynh cho con tiêm thay thế. Tuy nhiên, vẫn còn những băn khoăn của họ về chất lượng vắc-xin được thay thế. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về chất lượng vắc-xin, PV báo Sức khỏe&Đời sống có cuộc trao đổi với Cục trưởng Cục YTDP và Giám đốc Trung tâm YTDP Hà Nội.

PV: Thưa ông Trần Đắc Phu, hiện nay, nhiều bậc phụ huynh có tâm lý cho rằng, vắc-xin miễn phí gây những phản ứng phụ như sốt, đau nhức cho trẻ. Ông có lý giải gì về điều này?

Ông Trần Đắc Phu: Đúng như các vị phụ huynh nhận thấy, vắc-xin Quinvaxem trong Chương trình TCMR Quốc gia gây những phản ứng phụ ban đầu (như sốt, đau nhức tại chỗ) nhiều hơn so với vắc-xin dịch vụ 5 trong 1, 6 trong 1. Nhưng khả năng tạo ra miễn dịch (tức là khả năng ngăn không để trẻ bị nhiễm các dịch bệnh) của Quinvaxem lại tốt hơn vắc-xin dịch vụ. Vì vắc-xin Quinvaxem có thành phần ho gà toàn tế bào nên có số lượng kháng nguyên cao hơn. Các vị phụ huynh nên lưu ý rằng, mục đích cuối cùng của việc tiêm chủng là làm sao để trẻ được tiêm đúng lịch và đạt miễn dịch cao. Vắc-xin Quinvaxem thỏa mãn điều kiện quan trọng này.

PV: Không ít vị phụ huynh có ý kiến cho rằng, vắc-xin dịch vụ khan hiếm do tốt hơn vắc-xin miễn phí trong Chương trình TCMR Quốc gia. Ý kiến của ông như thế nào?

Ông Trần Đắc Phu: Phải nhận định rõ rằng, hiện tượng thiếu vắc-xin dịch vụ trong nước hiện chỉ xảy ra ở thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Loại vắc-xin thiếu chỉ tập trung ở vắc-xin 5 trong 1 và 6 trong 1. Lý do thiếu vì các nhà cung cấp vắc-xin dịch vụ sản xuất theo đơn đặt hàng. Đôi khi, có những mẻ sản xuất bị hỏng thì tới 6 tháng sau mới sản xuất ra được mẻ mới. Vì vậy, số lượng vắc-xin này không ổn định như vắc-xin trong Chương trình TCMR. Mặt khác, trong năm 2014, nhiều nước đã đưa vắc-xin 5 trong 1, 6 trong 1 vào Chương trình TCMR nên nhu cầu sử dụng vắc-xin trên thế giới tăng đột biến... làm cho việc cung ứng hai loại vắc-xin này không đủ so với nhu cầu của người dân Việt Nam. Còn vắc-xin trong Chương trình TCMR không bị khan hiếm bởi Nhà nước luôn có tính toán dự trù đảm bảo lượng vắc-xin đủ cho số trẻ tương ứng. Cũng xin nhấn mạnh, vắc-xin TCMR được miễn phí không có nghĩa là chất lượng của nó thấp. Miễn phí bởi Chương trình TCMR nằm trong Chương trình Mục tiêu quốc gia được Nhà nước tài trợ để xóa 12 dịch bệnh. Số trẻ được tiêm chủng bằng vắc-xin trong Chương trình TCMR Quốc gia luôn lớn gấp nhiều lần so với trẻ được tiêm vắc-xin dịch vụ. Năm 2014, có 1,6 triệu trẻ ra đời thì có tới 1,5 triệu trẻ được tiêm chủng vắc-xin trong Chương trình TCMR Quốc gia. Chỉ có 200 ngàn trẻ tiêm vắc-xin dịch vụ.

PV: Thưa ông Nguyễn Nhật Cảm, đến nay, đã có bao nhiêu trẻ em được tiêm vắc-xin TCMR thay thế cho vắc-xin dịch vụ? Đã có trường hợp nào phản ứng sau khi tiêm, thưa ông?

Ông Nguyễn Nhật Cảm: Từ ngày mùng 9 tới ngày 15, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã tiêm vắc-xin Quinvaxem trong Chương trình TCMR thay thế vắc-xin 5 trong 1 và 6 trong 1 dịch vụ cho hơn 1.000 trẻ. Tỷ lệ các gia đình đồng ý cho con tiêm miễn phí vắc-xin Quinvaxem chiếm tới 75 - 80%. Theo tôi, đây là một tỷ lệ rất cao. Đến ngày 15/3, chưa ghi nhận trường hợp phản ứng nặng sau khi tiêm vắc-xin Quinvaxem. Ngày đầu tiên chúng tôi tiêm cho 114 trẻ thì có 3 gia đình gọi điện tới phản ánh là trẻ sốt, quấy khóc. Tuy nhiên, sau khi được cán bộ y tế hướng dẫn cách xử lý, sức khỏe các cháu đã hoàn toàn bình thường.

PV: Ông có lời khuyên nào đối với các phụ huynh đã cho con tiêm vắc-xin dịch vụ mà hiện nay phải thay thế bằng vắc-xin trong Chương trình TCMR.

Ông Nguyễn Nhật Cảm: Lưu ý rằng, với những trẻ đã tiêm vắc-xin dịch vụ 5 trong 1 (để phòng 5 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib) mà hiện nay do hết vắc-xin thì cần cho trẻ uống thêm vắc-xin bại liệt trong Chương trình TCMR. Điều này là an toàn và cần thiết. Cha mẹ nên kiểm tra lịch tiêm cho con. Nếu cha mẹ không bổ sung mũi tiêm đúng lịch cho con thì nguy cơ nhiễm bệnh sẽ khó tránh khỏi.

Tin tức

Tại Việt Nam, mỗi ngày có 9 phụ nữ chết vì ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung là một bệnh phổ biến trong các loại ung thư đối với phụ nữ trên toàn thế giới. Hàng năm, thế giới có khoảng nửa triệu phụ nữ mắc mới ưng thư cổ tử cung. Tại Việt Nam, mỗi ngày có 9 phụ nữ chết vì ung thư cổ tử cung và ước tính cứ 100.000 phụ nữ thì có 20 trường hợp mắc bệnh ung thư cổ tử cung và 11 trường hợp tử vong. Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Nâng cao nhận thức về ung thư cổ tử cung tại Việt Nam” do Viện sức khỏe Sinh sản và Gia đình (RaFH) phối hợp với Quỹ Ung thư cổ tử cung Australia tổ chức ngày 18/3 tại Hà Nội. Các báo cáo tại hội thảo nêu rõ: Một trong những lý do khiến ung thư cổ tử cung phổ biến là phụ nữ chưa được sàng lọc định kỳ và chưa có hệ thống phát hiện sớm ung thư qua các xét nghiệm thích hợp và dễ tiếp cận; thậm chí ngay cả khi phụ nữ được phát hiện các tổn thương tiền ung thư thì cũng chưa được điều trị kịp thời và hiệu quả. Ngoài ra, nhận thức của phụ nữ ở nhiều vùng nông thôn về tầm quan trọng của việc sàng lọc ung thư cổ tử cung còn hạn chế, tỷ lệ khám sàng lọc còn thấp và chủ yếu là thụ động; trong khi đó công tác tiêm phòng ngừa ung thư cổ tử cung chưa được triển khai rộng rãi tại Việt Nam. Phát hiểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết: Ung thư cổ tử cung đang là vấn đề "nóng", căn bệnh này đã cướp đi tính mạng của nhiều phụ nữ Việt Nam. Hoạt động nâng cao nhận thức về căn bệnh ung thư nói chung và ung thư cổ tử cung nói riêng cho người dân, các cán bộ y tế là hết sức quan trọng. Chính vì vậy, hội thảo này là cơ hội để các đại biểu tham luận, chia sẻ kiến thức mới về sàng lọc và điều trị bệnh ung thư cổ tử cung tại Việt Nam; đồng thời đưa ra các bài học, khuyến nghị của địa phương để Chương trình phòng ngừa và phát hiện sớm ung thư cổ tử cung đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới. Thạc sỹ, Bác sỹ Lê Đức Thọ, Văn phòng Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức Trung ương (GIZ) cho biết: Chương trình tăng cường hệ thống y tế tuyến tỉnh của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức được triển khai tại 5 tỉnh (Yên Bái, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Phú Yên) từ năm 2009-2017. Mục tiêu của chương trình là cải thiện chất lượng dịch vụ y tế cho người dân, đặc biệt là người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn tại các tỉnh dự án. Chương trình cũng tiến hành sàng lọc ung thư cổ tử cung tại tất cả các cơ sở y tế được lựa chọn; tăng số lượng phụ nữ sử dụng dịch vụ sàng lọc ung thư cổ tử cung tại các địa bàn của dự án. Bước đầu dự án đã nâng cao năng lực cho các cán bộ y tế về chẩn đoán, điều trị ung thư cổ tử cung; hỗ trợ cơ sở hạ tầng (máy điều trị áp lạnh, dụng cụ khám phụ khoa, dụng cụ phòng khám và tư vấn)... Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về tầm quan trọng của Chương trình phòng ngừa và phát hiện sớm ung thư cổ tử cung tại Việt Nam; hiệu quả thực hiện dự án sàng lọc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung tại cộng đồng; nghiên cứu so sánh các biện pháp điều trị bệnh... Hiện BV cũng đã thực hiện được hầu hết các kỹ thuật của BV hạng hai như: Phẫu thuật thủy tinh thể, phẫu thuật nội soi tiêu hoá, lọc máu chu kỳ... Nhân dịp này, BV quận 8 cũng được Quận uỷ, UBND quận 8 trao một xe cấp cứu. Hiện trên địa bàn TP.HCM chỉ có bệnh viện quận Thủ Đức là bệnh viện tuyến quận duy nhất được xếp hạng một.

Khắc phục tình trạng thiếu vắcxin dịch vụ- Bài 1: Nhúc nhắc tiêm lại vắcxin miễn phí

Ngày 9/3/2015, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu các điểm tiêm chủng dịch vụ của Nhà nước tiêm vắcxin thay thế tương ứng (vắcxin Quinvaxem, loại miễn phí thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng) nếu hết vắcxin dịch vụ. Tuy chỉ là giải pháp tình thế, song quy định này cũng đã giảm bớt phần nào sự bức xúc của người dân do vắcxin dịch vụ đã khan hiếm trong một thời gian dài. Theo ghi nhận của phóng viên báo Tin Tức, sau khi ngành y tế công khai thông tin thiếu nguồn cung ứng vắcxin dịch vụ 6 trong 1, 5 trong 1 (phòng bệnh Hib, bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B), đồng thời tăng cường tuyên truyền về sự cần thiết phải tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch cho trẻ để phòng chống các bệnh truyền nhiễm, nhiều bà mẹ đã chủ động hơn trong việc đưa con trẻ đi tiêm chủng vắcxin miễn phí từ Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR). Đưa con đi tiêm chủng tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP Hồ Chí Minh, chị Vũ Thị Mai Hương (quận Thủ Đức) chia sẻ: “Cháu đã tiêm 1 mũi vắcxin dịch vụ 6 trong 1 từ lúc 2 tháng tuổi, nay đến thời điểm phải tiêm mũi thứ 2 rồi nhưng tôi hỏi đâu cũng không có loại vắcxin này. Tới đây, được bác sỹ tư vấn bé có thể tiêm thay thế bằng mũi vắcxin 5 trong 1 trong TCMR nên tôi đăng ký tiêm cho cháu luôn. Dù sao tiêm cho bé ở bệnh viện cũng yên tâm hơn”. Tương tự, chị Nguyễn Thị Lan, quận 5, TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Giờ bé nhà tôi chỉ còn một mũi vắcxin 6 trong 1 nhắc lại nữa nhưng ở điểm tiêm dịch vụ nào tôi cũng nhận được câu trả lời: Hết vắcxin, chưa rõ khi nào mới có lại. Tôi sẽ hỏi thêm vài chỗ nữa, nếu không được tôi sẽ cho bé tiêm vắcxin miễn phí theo TCMR”. Theo ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP Hồ Chí Minh, ngoài các trạm y tế xã, phường thực hiện TCMR, thành phố đã mở thêm các điểm TCMR tại 9 bệnh viện tuyến thành phố; 24 bệnh viện quận/huyện và 24 trung tâm y tế dự phòng quận/huyện. Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, tại các điểm tiêm, phụ huynh sẽ được tư vấn về tầm quan trọng của việc tiêm chủng, các dấu hiệu báo hiệu của phản ứng nặng sau tiêm chủng… Tại Hà Nội, việc chuyển hướng tiêm vắcxin miễn phí trong TCMR cho trẻ tại các điểm tiêm dịch vụ của nhà nước dường như được các bậc cha mẹ đón nhận tích cực hơn. Đơn cử, mỗi ngày, điểm tiêm dịch vụ của Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội tiêm vắcxin Quinvaxem miễn phí cho khoảng 200 trẻ. Đưa bé trai mới 3 tháng tuổi đi tiêm chủng, chị Nguyễn Thanh Nga, Vĩnh Tuy, Hà Nội cho biết: “Tháng trước, tôi đã đi hỏi vắcxin dịch vụ 5 trong 1 để tiêm cho cháu nhưng không có. Nếu tiếp tục chờ đợi thì rất sợ con nhỏ mắc bệnh trong thời gian chưa được tiêm chủng, nên khi được các bác sĩ tư vấn cho con tiêm vắcxin Quinvaxem miễn phí trong TCMR, tôi đã quyết định tiêm cho cháu, dẫu rằng cũng hơi lo lo vì cũng đã có một số trẻ tai biến sau khi tiêm vắcxin này”. Ở điểm tiêm chủng dịch vụ (TCDV) thuộc Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, những ngày qua, cũng có một số trẻ được tiêm phòng vắcxin Quinvaxem miễn phí. Tại đây đã bố trí 1 khu vực tiêm với biển thông báo “Điểm tiêm vắcxin trong chương trình TCMR”, nhân viên tư vấn cũng luôn túc trực để giải thích, hướng dẫn cho các bà mẹ đưa trẻ đi tiêm chủng. Một cán bộ tại điểm tiêm này cho biết, ngay sau khi nhận được công văn khẩn của Bộ Y tế về việc triển khai tiêm vắcxin TCMR tại cơ sở TCDV của nhà nước, từ ngày 11/3, Trung tâm bắt đầu triển khai tiêm vắcxin Quinvaxem miễn phí thay thế cho vắcxin dịch vụ 5 trong 1 và 6 trong 1 đã hết. Trung tâm cũng đã được Chương trình TCMR quốc gia cấp 1.500 liều vắcxin Quinvaxem để kịp thời đáp ứng nhu cầu tiêm chủng cho trẻ. Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về hiệu quả của quy định tiêm vắcxin miễn phí tại điểm TCDV của Nhà nước, một cán bộ Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho biết: “Sau gần 1 tuần triển khai tiêm vắcxin Quinvaxem miễn phí trong Chương trình TCMR tại các điểm tiêm dịch vụ, đến nay, cả nước đã có 1.500 trẻ được tiêm chủng vắcxin này. Trong đó, riêng tại điểm tiêm dịch vụ của Trung tâm y tế Dự phòng Hà Nội là l.393 trẻ; mỗi ngày tại điểm tiêm thuộc Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cũng có khoảng vài chục trẻ”. Nếu so sánh, 1.500 trẻ được tiêm chủng vắcxin miễn phí tại các điểm TCDV tuần qua chỉ là con số ít ỏi so với 1,5 triệu trẻ cần được tiêm chủng vắcxin phối hợp 5 trong 1 mới mỗi năm (chưa kể số trẻ cần tiêm nhắc lại); tuy nhiên, đây cũng là một tín hiệu đáng mừng về việc các bậc cha mẹ đã dần thay đổi quan điểm phải chờ bằng được vắcxin dịch vụ mới cho trẻ đi tiêm chủng. Hy vọng, cùng với việc tăng cường thanh, kiểm tra, nâng cao chất lượng tiêm chủng của ngành y tế, số trẻ được các bà mẹ đưa đi TCMR ở các xã, phường sẽ ngày một tăng; sức ép về việc thiếu nguồn cung vắcxin dịch vụ nhờ vậy sẽ có cơ may được giải tỏa.

Xác định nguyên nhân 16 học sinh sốt cao bất thường

Chiều 19/3, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng cho biết, 16 học sinh lớp 4B của Trường Tiểu học và THCS Xuân Thành (phân hiệu Bình Hòa, xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh) nhập viện điều trị vào chiều 18/3 do sốt cao bất thường vẫn đang được điều trị cách ly tại Trung tâm Y tế huyện. Hiện cơ quan y tế huyện chưa xác định được nguyên nhân khiến nhóm học sinh trên bị sốt cao. Trung tâm Y tế huyện Đạ Tẻh đã lấy mẫu bệnh phẩm gửi đến Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh xét nghiệm để tìm nguyên nhân của tình trạng sốt cao bất thường của các học sinh này. Trước đó, chiều 18/3, số học sinh trên được đưa vào Trung tâm Y tế huyện Đạ Tẻh với các triệu chứng như sốt, ho, đau đầu. Khi nhập viện các em đều sốt trên 39 độ C, một số em có kèm theo các triệu chứng như sổ mũi, họng đỏ, ho, viêm amydal. Ngay sau đó, 16 em học sinh đã được xét nghiệm máu, chụp X-quang phổi. Kết quả xét nghiệm lâm sàng cho thấy, 9 bệnh nhân có bạch cầu cao, khả năng nhiễm vi trùng cao, không có bệnh nhân nào có bạch cầu thấp. Sau khi điều trị một đêm, đến cuối giờ chiều 19/3 chỉ còn 5 em sốt trên 39 độ C, 5 em sốt nhẹ và các em khác đã giảm sốt dần bình phục. Bác sĩ Vũ Thanh Hương cho biết thêm: Những bệnh nhân này có triệu chứng lâm sàng giống như sốt siêu vi. Tuy nhiên, chùm ca bệnh diễn tiến nhanh và tập trung trong phạm vi hẹp là một lớp học khiến nhiều trẻ bị mắc bệnh, nên không loại trừ các cháu bị nhiễm cúm A (H1N1). Do đó, Trung tâm Y tế huyện mới chỉ đạo thực hiện cách ly người bệnh và xử lý dịch tễ tại cộng đồng như một ổ dịch nhỏ. Đội Y tế dự phòng thuộc Trung tâm Y tế huyện tiếp tục giám sát và khử khuẩn tại trường học, trạm y tế và các gia đình có người bị bệnh.

Infonet

Bộ trưởng Bộ Y tế: Viện phí thấp khiến người dân thờ ơ với bảo hiểm y tế!

Trong buổi làm việc với lãnh đạo TPHCM, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, giá viện phí thấp là một trong những lý do khiến người dân không có nhu cầu mua BHYT tự nguyện. Theo bà Lưu Thị Thanh Huyền - Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM, việc thực hiện Luật BHYT sửa đổi còn gặp khó khăn. Hiện mới có khoảng 33% diện BHYT hộ gia đình tham gia BHYT nhưng khi triển khai thực hiện cho nhóm đối tượng này lại bị vướng. Quy định hiện nay chỉ có một số trường hợp được khai báo tạm vắng nhưng thực tế có nhiều trường hợp không còn ở tại gia đình nhưng không tách hộ khẩu, chuyển sang địa phương khác làm ăn sinh sống... Công an khu vực không xác nhận tạm vắng nên không có cơ sở loại trừ những trường hợp này ra khỏi diện tham gia BHYT theo hộ gia đình, mặc dù họ không có nhu cầu mua thẻ BHYT tại nơi cư trú. Ngoài việc nhiều hộ chỉ muốn mua BHYT cho 1 – 2 thành viên chứ không muốn mua cả hộ, còn có rất nhiều người nhập cư sinh sống nhưng không đủ điều kiện cấp sổ tạm trú nên cũng không thể mua BHYT hộ gia đình. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng để thu hút người dân tham gia BHYT, giá dịch vụ y tế phải được tính đúng, tính đủ. TPHCM là địa phương cuối cùng của cả nước điều chỉnh giá dịch vụ y tế nhưng điều chỉnh chỉ ở mức 75% của khung giá quy định, tính ra giá dịch vụ y tế tại TPHCM còn thấp hơn các tỉnh lân cận, dẫn đến tình trạng người dân các tỉnh đổ dồn hết về thành phố để khám chữa bệnh. Bà Tiến nhấn mạnh: “Như vậy là bao cấp cả người nghèo lẫn người giàu”. Một thực tế đã tồn tại ở các bệnh viện của TPHCM, đó là số bệnh nhân từ các tỉnh đến khám - chữa bệnh luôn chiếm tỉ lệ 30 - 40%. Riêng các bệnh viện chuyên khoa về ung bướu, chấn thương chỉnh hình, nhi, mắt lên 50 - 60% đã làm tăng áp lực quá tải. Bác sĩ Lê Bích Liên - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 - cho biết, trung bình mỗi ngày bệnh viện khám từ 5.000 – 6.000 ca ngoại trú và 1.500 ca nội trú. Cho dù đã áp dụng mức viện phí mới, nhưng tình hình quá tải vẫn chưa hề có dấu hiệu giảm, vẫn luôn ở mức trên 120%. Tỉ lệ bệnh nhân từ các tỉnh đổ về khám bệnh, điều trị nội trú chiếm đến 60%. Với hơn 5.000 lượt bệnh nhân khám và điều trị nội trú mỗi ngày, Bệnh viện Đại học Y - Dược TPHCM cũng đang quá tải nghiêm trọng. Bệnh viện đã tăng thêm 44 bàn khám, tăng giờ khám từ 6 giờ sáng, áp dụng công nghệ thông tin về mã vạch, bệnh án điện tử, nhưng giải quyết quá tải chưa đáng kể, bởi lượng bệnh nhân ngày một đông với hơn 70% từ các tuyến tỉnh đổ về. Nhiều trường hợp chỉ mắc bệnh thông thường, bệnh nhẹ cũng về thành phố khám, điều trị. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, nếu không điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giá viện phí còn thấp như hiện nay thì người dân còn đi khám dịch vụ mà chưa tham gia BHYT. Chỉ khi nào giá dịch vụ y tế được tính đúng, tính đủ thì người dân mới tích cực tham gia BHYT.

Vụ bé 2 tháng tuổi tử vong: Điều chuyển công tác của 2 điều dưỡng

Lãnh đạo Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã bổ sung hình thức kỷ luật đối với những người liên quan trong vụ tử vong của cháu bé 2 tháng tuổi. Theo TS.BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1, với kết luận tử vong của bé L.N.K là do viêm phổi nặng hai bên, đảo ngược phủ tạng, tim bẩm sinh tím phức tạp, Hội đồng chuyên môn bệnh viện đã xác định sai sót của ê kíp trực là không giải thích và thông tin đầy đủ cho thân nhân, chưa tiên lượng được bệnh nặng có thể diễn tiến đột ngột nên theo dõi chưa sát bệnh nhi. Bước đầu Bệnh viện đã hạ thi đua toàn bộ ê kíp trực hai tháng liên tiếp. Ngoài ra, sau khi xem xét, xác minh cụ thể trách nhiệm của từng cá nhân trong tua trực, Bệnh viện quyết định thuyên chuyển công tác hai điều dưỡng trực tiếp theo dõi, chăm sóc bé K., giao cho các khoa/phòng liên quan giám sát. TS.BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc bệnh viện cho hay, trước mắt 2 điều dưỡng này sẽ được chuyển từ khoa Hồi sức Tích cực Chống độc về phòng điều dưỡng của bệnh viện. Sau đó sẽ bố trí công việc khó nhọc hơn để có thời gian thử thách thái đối với 2 điều dưỡng này. Liên quan đến nội dung buổi làm việc trực tiếp với gia đình, TS.BS Thanh Hùng cho biết, bệnh viện đã chia sẻ và hỗ trợ cho gia đình 20 triệu đồng nhằm hỗ trợ chi phí mai táng cho bệnh nhi và chia sẻ sự mất mát với gia đình. Việc hỗ trợ phương tiện đưa thi hài bệnh nhi về quê và hỗ trợ mai táng là hoạt động thường xuyên của bệnh viện nhằm giúp đỡ các bệnh nhi nghèo. Sau khi được Ban giám đốc bệnh viện Nhi Đồng 1 giải thích cặn kẽ những nguyên nhân dẫn tới ca tử vong của bệnh nhi, gia đình đã đồng thuận với bệnh viện và cho biết sẽ không khiếu nại thêm.

Hải quan

Lidocain 2% có thể gây tử vong có đăng ký ở Việt Nam

Theo Cục Quản lý Dược- Bộ Y tế, tại Việt Nam, hiện có 2 số đăng ký (SĐK) thuốc nước ngoài và 1 SĐK thuốc trong nước có chứa lidocain 2%. Trước đó không lâu, cơ quan quản lý Dược Hoa Kỳ (FDA) đưa ra khuyến cáo không nên sử dụng lidocain 2% để điều trị đau do mọc răng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ do có thể gây ra tác dụng bất lợi nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong. Theo FDA, việc sử dụng thuốc giảm đau tại chỗ và thuốc bôi trực tiếp vào nướu răng là không cần thiết thậm chí không có tác dụng do có thể bị rửa trôi khỏi miệng trẻ trong vài phút. Nếu đưa lượng lớn lidocain vào miệng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ hoặc trẻ vô tình nuốt quá nhiều có thể gây phản ứng bất lợi như co giật, tổn thương não nghiêm trọng và các vấn đề về tim mạch. Đã có một số trường hợp quá liều do dùng thuốc không đúng cách hoặc trẻ vô tình nuốt phải gây hậu quả nghiêm trọng như nhập viện hoặc tử vong. Với thuốc chứa natri phosphat (Fleet) để điều trị táo bón, vừa qua cơ quan FDA đã đưa ra cảnh báo đối với các thuốc không kê đơn (OTC) chứa natri phosphat để điều trị chứng táo bón. Theo khuyến cáo này, việc sử dụng nhiều hơn một liều Natri phosphat trong 24h để điều trị chứng táo bón có thể gây hại đối với thận, tim và thậm chí dẫn đến tử vong. FDA khuyến cáo cán bộ y tế cần thận trọng khi tư vấn sử dụng thuốc Natri phosphat dạng uống cho trẻ dưới 5 tuổi và không bao giờ nên kê dạng dung dịch bơm hậu môn của các thuốc này cho trẻ dưới 2 tuổi. Theo Cục Quản lý Dược, tại Việt Nam, hiện có 5 SĐK thuốc nước ngoài và không có SĐK thuốc trong nước có chứa natri phosphate.

Để tránh bệnh truyền nhiễm do não mô cầu

Bộ Y tế vừa ban hành “hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh do não mô cầu”, sau sự việc 1 ca bệnh tại TP. Hồ Chí Minh tử vong do căn bệnh này vào ngày 8-3. Theo các chuyên gia y tế, bệnh do não mô cầu thường để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt với tỷ lệ từ 10-20%. Tỷ lệ tử vong có thể từ 8- 15%. Đại diện Cục Y tế Dự phòng- Bộ Y tế cho biết: Trong cộng đồng tỷ lệ người mang vi khuẩn không có triệu chứng lâm sàng (người lành mang trùng) ở mũi, hầu, họng từ 5% - 25%. Tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn tại khu vực ổ dịch. Bệnh thường xảy ra ở nơi tập trung đông người (nhà trẻ, trường học, ký túc xá, doanh trại,...), người bị suy giảm miễn dịch hoặc đồng nhiễm khuẩn đường hô hấp. Trước đó, ngày 8-3-2015, bệnh nhân N.T.N.T., 23 tuổi, ngụ phường Hiệp Bình Chánh, Quận Thủ Đức đang mang thai ba tháng, nhập BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM trong tình trạng sốt cao, buồn nôn... Mặc dù đã được hồi sức và điều trị tích cực, song do bệnh tình quá nặng nên bệnh nhân đã tử vong. Kết quả xét nghiệm từ Trung tâm Y tế quận Thủ Đức cho thấy, bệnh nhân bị viêm màng não mô cầu type B. Do đó, để phòng chống bệnh, Cục Y tế Dự phòng- Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện triệt để các biện pháp sau: Thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường; Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, luyện tập, nâng cao thể trạng; Thực hiện tốt vệ sinh, thông khí nơi ở, nơi làm việc; Chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh tại các cơ sở y tế; Khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất. Với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi có các triệu chứng: sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn, gáy cứng (trẻ nhỏ có thóp phồng), lơ mơ, nhạy cảm với ánh sáng, có thể xuất hiện ban xuất huyết hình sao hoặc biểu hiện sốc nhiễm khuẩn.

Giải tỏa lo lắng về an toàn của vắc xin tiêm chủng mở rộng

Theo ông Nguyễn Văn Cường- Phó trưởng ban chủ nhiệm chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, suy nghĩ vắc xin tổng hợp Quinvaxem miễn phí nên chất lượng không tốt bằng vắc xin dịch vụ là hoàn toàn sai lầm.

Không phải rẻ là không tốt

Tại buổi Tọa đàm trực tuyến “Câu chuyện vắc xin: Bao giờ hết nóng?” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều ngày 19-3, nhiều vấn đề “nóng” trong việc NK, cung cấp vắc xin dịch vụ, chất lượng vắc xin dịch vụ với vắc xin của chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) một lần nữa lại được xới lên. Theo ông Nguyễn Văn Cường, suy nghĩ vắc xin dịch vụ, cụ thể vắc xin 5 trong 1 Pentaxem và vắc xin 6 trong 1 Infanrix hexa đắt tiền nên tốt hơn vắc xin Quinvaxem của chương trình TCMR là hoàn toàn sai lầm. Lý giải về điều này, ông Cường phân tích: Không phải vắc xin của TCMR người dân không phải trả tiền không phải do không có giá trị mà đây là vắc xin được Nhà nước trả tiền với sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế. Còn vắc xin dịch vụ phải trả tiền là bởi DN phải bỏ tiền ra đi mua vắc xin NK đem về phân phối cho các cơ sở tiêm chủng trong nước. “Bên cạnh đó, vắc xin của TCMR, Nhà nước tiến hành mua cùng lúc tới vài triệu liều, trong khi đó vắc xin dịch vụ chỉ mua với số lượng nhỏ, nên nếu so sánh việc mua số lượng vài liều so với vài triệu liều, giá thành đương nhiên có sự chênh lệch”, ông Cường nói. Với các phản ứng nặng (nếu có), của vắc xin của chương trình TCMR và vắc xin dịch vụ là tương đương nhau. “Tuy nhiên thời gian vừa qua, các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm hay được nhắc tới là do số lượng trẻ TCMR quá lớn, với hơn 4 triệu mũi tiêm mỗi năm trong khi đó số trẻ được tiêm vắc xin dịch vụ chỉ khoảng 100.000 trẻ”, ông Cường giải thích. Cũng theo vị Phó trưởng ban Chủ nhiệm chương trình TCMR nêu trên, vừa qua Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra khuyến cáo: Đối với những nước đang sử dụng vắc xin ho gà toàn tế bào, không nên chuyển sang vắc xin ho gà vô bào, vì vắc xin toàn tế bào dù có phản ứng nhẹ trong thời gian đầu vào cơ thể, nhưng sẽ hết rất nhanh. “Tác dụng phòng bệnh của vắc xin toàn tế bào tốt hơn vắc xin ho gà vô bào. Do vậy nếu người dân hiểu tiêm chủng theo nghĩa phòng bệnh, thì tiêm vắc xin toàn tế bào tốt hơn vắc xin vô bào”.

Sẽ xử lý nghiêm hành vi trục lợi

Tại buổi Tọa đàm, ông Đỗ Tuấn Đạt- Giám đốc Công ty Vắc xin và Sinh phẩm số 1- Bộ Y tế cho biết: Hiện DN đã tự sản xuất được 3 lại vắc xin, viêm gan B, viêm não Nhật Bản và vắc xin tả cung cấp cho chương trình TCMR trong nước. Hiện nay với vắc xin viêm não Nhật Bản, hàng năm DN cung cấp được khoảng 4 triệu liều. Với lo lắng về tình trạng khan hiếm vắc xin khiến người dân phải chờ đợi làm chậm quá trình đưa trẻ đi tiêm, gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, ông Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng- Bộ Y tế cho biết: Hiện nay trong chương trình TCMR đảm bảo đủ 12 loại vắc xin phòng 12 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể ảnh hưởng tới tính mạng của trẻ, do vậy phụ huynh không nên để chậm quá trình tiêm phòng cho trẻ. “Không có lý gì khi vắc xin TCMR luôn sẵn sàng, miễn phí, chất lượng tốt mà người dân lại không đưa trẻ đi tiêm”, ông Phu nói. Được biết hiện Bộ Y tế đã yêu cầu cơ sở tiêm chủng dịch vụ tiến hành tiêm vắc xin TCMR cho trẻ. Tuy nhiên hiện nhiều ý kiến khá lo lắng, cho rằng cơ sở tiêm chủng dịch vụ “thờ ơ” trong thực hiện việc tiêm vắc xin. Về vấn đề này ông Phu cho biết: Qua báo cáo của một số điểm tiêm chủng dịch vụ, cho thấy tính đến thời điểm hiện tại, đã có 1.500 trẻ được tiêm chủng mở rộng tại điểm tiêm dịch vụ, trong đó Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội tiêm được cho 1.300 trẻ. Với những cá nhân, tập thể không thực hiện quy định của Bộ về TCMR tại điểm tiêm dịch vụ, Bộ Y tế đã có công văn số 1500/BYT-DP yêu cầu các đơn vị phải tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi trục lợi từ tiêm chủng dịch vụ và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu các cơ sở tiêm chủng dịch vụ không thực hiện việc cung ứng hoặc không đảm bảo đủ các vắc xin phòng các bệnh thuộc chương trình TCMR mà cơ sở đó thực hiện tiêm chủng dịch vụ.

VietnamPlus

vắcxin thay thế Quinvaxem 5 trong 1 trong chương trình tiêm chủng mở rộng có chất lượng và tác dụng tương ứng vắcxin dịch vụ đã hết.

Vắcxin trong chương trình tiêm chủng mở rộng là Quinvaxem gồm năm thành phần thay thế được năm thành phần trong vắcxin tiêm chủng dịch vụ đảm bảo an toàn, hiệu quả. Đây là vắcxin tiêm chủng mở rộng miễn phí mà các trẻ đủ hai tháng tuổi đều được tiêm chủng mũi 1 ngay tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn. Để phòng chống bệnh cho trẻ nhỏ, nhất là vào thời điểm mùa Đông Xuân - mùa mà nhiều loại dịch bệnh có nguy cơ bùng phát, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên có tâm lý chờ đợi tiêm vắcxin dịch vụ mà nên tiêm các vắcxin tương ứng trong chương trình tiêm chủng mở rộng để phòng chống dịch bệnh./.

Giao thông

Vaccine Quinvaxem miễn phí “đắt hàng”

Sáng 18/3, tại điểm tiêm dịch vụ Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội (70 Nguyễn Chí Thanh), các tư vấn viên nhiệt tình hướng dẫn cha mẹ đến đăng ký tiêm vaccine “5 trong 1”, “6 trong 1” dịch vụ nên chuyển sang tiêm vaccine Quinvaxem miễn phí, vừa có tác dụng tương đương, vừa đảm bảo đúng lịch tiêm cho con. Theo quan sát của PV Báo Giao thông, đa phần phụ huynh sau khi được tư vấn đã đồng ý tiêm vaccine miễn phí thay vì chờ vaccine dịch vụ. Tại điểm tiêm chủng dịch vụ 131 Lò Đúc (Hà Nội), khu vực dành cho tiêm chủng miễn phí có khá đông cha mẹ cho con đi tiêm. Theo một nhân viên y tế tại đây, phần lớn các gia đình có nhu cầu tiêm dịch vụ vaccine “5 trong 1” hay “6 trong 1” đều được tư vấn chuyển sang loại vaccine miễn phí Quinvaxem. Một tuần nay, trung bình mỗi ngày có hơn 100 trẻ được tiêm vaccine Quinvaxem miễn phí. Tới 15h chiều 18/3, đã có khoảng 40 trẻ đã được sàng lọc sức khỏe để tiêm chủng Quinvaxem miễn phí tại đây. Ngồi chờ tới lượt khám sàng lọc trước khi tiêm cho con gái, chị Nguyễn Thị Hằng (Tân Mai, Hoàng Mai) cho biết: “Con mình đã 11 tháng, cháu tiêm mũi 2 Pentaxim “5 trong 1” dịch vụ từ khi 8 tháng tuổi. Muốn tiêm tiếp mũi 3 mà chờ hơn ba tháng qua vẫn chưa thấy thuốc về, đành nghe theo tư vấn, cho con tiêm Quinvaxem miễn phí, dù có hơi lo lắng vì đã nghe thông tin sự cố với loại vaccine này”. Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Trung tâm Dịch vụ KHKT & Y tế dự phòng (Lò Đúc, Hà Nội), Trung tâm dành một khu vực riêng để tư vấn, sàng lọc cho trẻ đến tiêm chủng vaccine Quinvaxem “5 trong 1” thay thế cho hai loại vaccine hiện đang hết là Pentaxim “5 trong 1” và Infarix Hexa “6 trong 1”. Hơn 1.500 liều vaccine Quinvaxem đã được Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia cấp đủ để đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêm. Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho hay, sau một tuần thực hiện tư vấn và tiêm miễn phí vaccine Quinvaxem cho trẻ theo chỉ đạo của Bộ Y tế, đến nay có khoảng 1.400 trẻ được tiêm.

“Vượt tuyến” mới yên tâm

Mặc dù vaccine Quinvaxem miễn phí nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng từ nhiều năm nay, nhưng không ít các phụ huynh vừa e ngại chất lượng vaccine tiêm chủng mở rộng, vừa e ngại “chuyên môn” ở tuyến y tế xã, phường, nên không dám tiêm gần nhà mà vượt đường xa đưa con đến các điểm tiêm chủng miễn phí nằm ở các trung tâm y tế dịch vụ. Đưa đứa con bốn tháng tuổi từ Nguyễn Xiển (Thanh Xuân) đến Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội (70 Nguyễn Chí Thanh) để được tiêm Quinvaxem, chị Trần Hương Lan cho biết: “Không tiêm thì lo con bệnh mà tiêm thì lại e ngại tai biến. Mặc dù trạm y tế phường có tiêm Quinvaxem miễn phí, nhưng tôi thấy tiêm ở Trung tâm lớn này, từ bác sỹ khám sàng lọc đến y tá tiêm đều thành thục hơn”. Chia sẻ về vấn đề “vượt tuyến” này, ông Nguyễn Nhật Cảm khẳng định: “Hệ thống cơ sở tiêm chủng trên địa bàn Thủ đô, kể cả điểm tiêm dịch vụ và tiêm chủng mở rộng đều bảo đảm đáp ứng đầy đủ yêu cầu và quy định của Bộ Y tế. Mặt khác, nhân viên y tế ở các điểm tiêm đều được tập huấn về an toàn tiêm chủng. Hà Nội có 584 điểm tiêm tại tất cả các xã, phường, thị trấn và người dân hoàn toàn có thể yên tâm khi đưa con em đến các điểm tiêm cơ sở này”. Dẫn chứng cho điều này, ông Nguyễn Nhật Cảm còn cho hay, theo thống kê hàng năm của Trung tâm, hơn 95% trẻ ở các vùng ngoại thành tham gia đầy đủ chương trình tiêm chủng mở rộng, còn tiêm dịch vụ chỉ đáp ứng cho một phần rất nhỏ những gia đình có nhu cầu ở nội thành.

Thời báo kinh tế Sài Gòn

Việt Nam sẽ sản xuất vắc xin 5 trong 1, 6 trong 1

Thời gian gần đây, việc thiếu các loại vắc xin, đặc biệt là vắc xin tổng hợp 5 trong 1, 6 trong 1 tiêm ngừa cho trẻ em tại các điểm dịch vụ trên phạm vi cả nước đã khiến cho người dân lo lắng. Tuy nhiên, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khẳng định chỉ có các thành phố lớn mới tiêm chủng bằng các loại vắc xin nói trên nên lượng vắc xin thiếu không nhiều. Hiện nay Bộ Y tế đang tính toán sản xuất các loại vắc xin này để tránh sự phụ thuộc. Đó là những thông tin được đề cập tại buổi tọa đàm trực tuyến “Câu chuyện vắc xin – Khi nào hết nóng” do cổng TTĐT Chính phủ tổ chức vào chiều ngày 19-3-2015

Chủ động sản xuất vắc xin

Ông Kohei Toda chuyên gia về tiêm chủng mở rộng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định việc sản xuất vắc xin trong nước rất quan trọng nó không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn quyết định đến an ninh y tế toàn cầu. Trước đây, trên thế giới có 66 nước sản xuất vắc xin (1990) nhưng đến nay chỉ còn 44 nước sản xuất trong đó có Việt Nam. Việc sản xuất được vắc xin đã giúp Việt Nam chủ động được nguồn vắc xin và đảm bảo được sức khỏe của người dân. Ông Đỗ Tuấn Đạt, Giámđốc Công ty vắc xin và Sinh phẩm số 1, Bộ Y tế cũng chia sẻ thêm hiện nay một số loại vắc xin như viêm não Nhật Bản của công ty đã xuất khẩu qua các nước đang phát triển. Sắp tới, công ty sẽ phối hợp với các nhà sản xuất khác sản xuất vắc xin tổng hợp. Dự kiến, năm 2020, Việt Nam sẽ có vắc xin thành phần và sau đó là vắc xin tổng hợp. Ông Phu cũng nhấn mạnh, việc chủ động sản xuất vắc xin sẽ giúp Việt Nam thuận tiện hơn trong việc vận chuyển và bảo quản đồng thời sẽ đáp ứng kịp thời ngay khi có những dịch bệnh xảy ra.

Khuyến khích tiêm chủng mở rộng

The ông Phu, việc thiếu vắc xin 5 trong 1, 6 trong 1 trong thời gian qua chỉ mang tính tạm thời và nhỏ lẻ vì 2 loại vắc xin này chiếm thị phần rất ít và chỉ được sử dụng tại một số nơi ở Hà Nội và TPHCM. Trong khi đó, hơn 90% trẻ em trên cả nước trong những năm qua vẫn được tiêm chủng vắc xin Quinvaxem qua chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Trường Ban Chủ nhiệm Chương trình TCMR, cho hay trong khi vắc xin tổng hợp của tiêm chủng dịch vụ thiếu thì loại vắc xin được dùng trong TCMR luôn đầy đủ, đáp ứng được nhu cầu tiêm chủng của người dân. Cũng theo ông Cường, nếu tiêm chủng dịch vụ chỉ có một vài điểm thì chương trình TCMR có tới hơn 11.000 điểm tiêm chủng trên cả nước. Hoạt động này diễn ra bình thường, liên tục với nguồn vắc xin ổn định. Theo khuyến cáo của Tổchức Y tế Thế giới, những nước đang sử dụng vắc xin trong chương trình TCMR thì không nên chuyển qua sử dụng vắc xin 5 trong 1, 6 trong 1. Bởivì so với vắcxin này thì vắcxin trong TCMR sau khi tiêm thường có những phản ứng nhẹ như sốt, đau chỗ viêm. Nhưng đây là những phản ứng nằm trong giới hạn cho phép và sẽ hết sau 24 giờ . Tuy nhiên tác dụng phòng bệnh của nó lại tốt hơn vắc xin tổng hợp. Hơn nữa, phản ứng nặng sau tiêm chủng đối với các vắc xin dịch vụ cũng như mở rộng là như nhau. Điều đó chỉ phụ thuộc vào việc thực hiện việc tiêm chủng như thế nào, hệ thống tiêm chủng ra sao. Vì thế ông Phu cho rằng phụ huynh thay vì chờ đợi, xếp hàng để cho con tiêm vắc xin tổng hợp thì hãy để con sử dụng vaccine trong chương trình TCMR đúng lịch, đừng chậm trễ, càng sớm, càng tốt để phòng các dịch bệnh cho trẻ.

VOV

Bộ Y tế gửi Công điện tới Thanh Hóa liên quan ổ dịch cúm A/H5N6

Công điện nêu rõ: WHO đang cảnh báo nhiều chủng virus cúm gia cầm đang lưu hành có thể tái tổ hợp gen để tạo các chủng virus cúm mới Trước việc dịch bệnh cúm A/H5N6 xuất hiện trên đàn gia cầm tại xã Hải Linh, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, hôm nay (19/3), Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) có Công điện gửi Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa đề nghị tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống, không để cúm gia cầm lây sang người Công điện nêu rõ: Tổ chức Y tế thế giới đang cảnh báo nhiều chủng virus cúm gia cầm đang lưu hành có thể tái tổ hợp gen để tạo các chủng virus cúm mới ảnh hưởng đến sức khỏe con người, trong khi đó, nước ta đang trong mùa lễ hội, nhu cầu sử dụng gia cầm tăng cao nên nguy cơ lây lan virus cúm từ gia cầm sang người và bùng phát thành dịch là rất lớn. Để chủ động phòng chống lây nhiễm cúm gia cầm sang người, Cục YTDP đề nghị Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa khẩn trương chỉ đạo tăng cường tuyên truyền biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm sang người tại khu vực có gia cầm ốm chết và những vùng có nguy cơ cao, đặc biệt tại các khu vực tổ chức lễ hội. Bên cạnh đó phối hợp với cơ quan thú y và chính quyền địa phương giám sát dịch cúm trên gia cầm, xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch; tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm các chủng cúm gia cầm ở người; sẵn sàng thu dung, cách ly và điều trị bệnh nhân… Trước đó, hôm qua, Cục YTDP (Bộ Y tế) cũng có Công điện gửi Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long về tăng cường phòng, chống cúm A(H5N1) khi dịch bệnh này đang xảy ra trên đàn gia cầm của xã Bình Phước, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long./.

Dân trí

Nửa triệu trẻ sơ sinh tử vong mỗi năm ở những bệnh viện thiếu vệ sinh

1/5 ca tử vong ở trẻ sơ sinh tại các nước đang phát triển có thể được ngăn chặn chỉ bằng việc sử dụng nguồn nước sạch. Theo một báo cáo quốc tế được hậu thuẫn bởi WHO và công bố vào ngày 17/3 vừa qua, có hơn 1/3 bệnh viện và phòng khám tại các nước đang phát triển không có chỗ cho nhân viên hay bệnh nhân rửa tay bằng xà phòng và 38% cơ sở y tế không được tiếp cận với các nguồn nước sạch. Báo cáo này cho thấy rằng có nửa triệu trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi tử vong mỗi năm do thiếu nước sạch và môi trường không vệ sinh. Điều đáng nói là chỉ cần 1/5 số trẻ trên được sử dụng nước sạch và chăm sóc trong một môi trường sạch sẽ bởi những người đã rửa tay bằng xà phòng thì đã có thể giúp níu giữ sự sống cho chúng. Theo bà Maria Neira, một chuyên gia của WHO về sức khỏe cộng đồng, xã hội và môi trường cho biết những kết quả mà báo cáo thu thập được tại 54 quốc gia đang phát triển còn gây sốc hơn nữa khi tiết lộ rằng ngay cả các cơ sở y tế được xác định là có nguồn nước sạch thì chúng cũng cách những nơi này có thể lên tới 500m chứ không được truyền qua đường ống nước. Bà Barbara Frost, giám đốc điều hành của WaterAid, tổ chức nhân đạo thực hiện báo cáo này nói rằng: “Việc giữ vệ sinh sạch sẽ tại bệnh viện hoặc phòng khám là một yêu cầu cơ bản đối với những nơi chăm sóc sức khỏe như vậy và bạn cần phải đặt câu hỏi rằng liệu bệnh nhân có được chăm sóc tử tế tại một cơ sở mà không có nước sạch và vệ sinh cơ bản. Việc sinh đẻ trong điều kiện thiếu vệ sinh khiến quá nhiều đứa trẻ tử vong dù điều này hoàn toàn có thể tránh được”. WaterAid cũng ra sức kêu gọi chính phủ các nước nên đảm bảo rằng nước sạch và vệ sinh môi trường được chú trọng trong tất cả các kế hoạch nhằm giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh.

Ngày 26/03/2015
Ban Biên tập Website
(Điểm tin từ các báo)
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích