Home TRANG CHỦ Thứ 5, ngày 28/03/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 2 6 9 1 2 8
Số người đang truy cập
2 8 6
 Tin tức - Sự kiện Điểm tin y tế
Điểm tin y tế từ các báo ngày 28/2 và 1/3 năm 2015

Ngành y cần nhân rộng các điển hình tiên tiến, Cứu sống bé trai bị đẻ rơi trong nhà vệ sinh, Ngành y tế đón nhận Huân chương Độc lập hạng nhất, Thu hồi 5 sản phẩm mỹ phẩm, Tuyên dương 29 gương thầy thuốc trẻ tiêu biểu, Hẹn giờ khám bệnh qua điện thoại, Cứu sống một bệnh nhân bị con trai đâm thủng gan, thận…

Tuổi trẻ

Ngành y cần nhân rộng các điển hình tiên tiến

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định như vậy tại cuộc gặp mặt thân mật đoàn đại biểu các anh hùng lao động, các cán bộ y tế tiêu biểu...Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định như vậy tại cuộc gặp mặt thân mật đoàn đại biểu các anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua toàn quốc và cán bộ y tế tiêu biểu đại diện cho hơn 40 vạn cán bộ y tế trong cả nước nhân kỷ niệm 60 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 - 27-2-2015). Chủ tịch nước chúc mừng và đánh giá cao những thành tựu mà ngành y tế đã đạt được thời gian qua, trong đó có đóng góp to lớn của các cán bộ y tế tiêu biểu. Chủ tịch nước nhấn mạnh thực hiện lời dạy của Bác Hồ, trong đấu tranh giành độc lập, xây dựng đất nước, đội ngũ cán bộ y tế đã sẵn sàng hi sinh xương máu, bám trụ ở các vùng sâu, vùng xa và cống hiến cho công cuộc chăm sóc sức khỏe nhân dân, đạt nhiều mục tiêu của Liên Hiệp Quốc về y tế, tạo ấn tượng lớn với bạn bè quốc tế. Chủ tịch nước cho rằng trong giai đoạn hiện nay, mặt trái của kinh tế thị trường cũng có tác động đến một số y bác sĩ, nhưng đại bộ phận cán bộ ngành y luôn tâm huyết với nghề, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học của đội ngũ thầy thuốc Việt Nam đã mang tầm khu vực và thế giới. Chủ tịch nước khẳng định để có được kết quả đó, 60 năm công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành y luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Đây chính là tiền đề để Việt Nam xây dựng ngành y tế xứng tầm khu vực và quốc tế.

 

Cứu sống bé trai bị đẻ rơi trong nhà vệ sinh

Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An vừa cứu sống một bé trai sơ sinh 7 tháng tuổi bị đẻ rơi trong nhà vệ sinh. Chiều ngày 28-2, ông Phan Văn Tư - giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, các bác sĩ, y tá khoa Sơ sinh bệnh viện này đang điều trị, chăm sóc tích cực cho bé Hoàng Văn Bé (sinh ngày 5-2-2015) sau khi được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu vì bị đẻ rơi trong nhà vệ sinh. Bé Hoàng Văn Bé là con trai thứ hai của chị Hồ Thị Thuý (21 tuổi, ngụ xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu, Nghệ An). Theo gia đình chị Thuý, ngày 5-2, chị Thuý đang mang thai tháng thứ 7 thấy đau bụng nên vào nhà vệ sinh (loại hố xí 2 ngăn) để đi vệ sinh. Lúc này thai nhi bất ngờ rơi ra khỏi bụng mẹ và lọt xuống nhà vệ sinh. Nghe tiếng kêu cứu của vợ, chồng chị Thuý chạy ra đưa hai mẹ con vào nhà. Sau khi lau rửa chất bẩn bám trên người cháu bé, gia đình đưa bé trai đến trạm y tế xã Diên Trung sơ cứu ban đầu rồi chuyển vào Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An để cấp cứu. Thời điểm nhập viện, bệnh nhi có trọng lượng 1,6kg, ngừng thở, ngừng tim, người tím tái, nhiệt độ cơ thể 33 độ C. Các bác sĩ tiến hành đặt nội khí quản, bóp bóng rồi chuyển bệnh nhi đến Khoa Sơ sinh để điều trị. Sau hơn 20 ngày được điều trị tích cực trong lồng ấp, cho thở máy, truyền dịch, và dùng kháng sinh liều cao tình trạng sức khoẻ bé Bé có tiến triển tốt hơn. Hiện tại, bé Bé đã có thể ăn sữa qua đường xông dạ dày nhưng chậm tiêu.

Thanh niên

Ngành y tế đón nhận Huân chương Độc lập hạng nhất

Lễ báo công 60 năm ngành y tế làm theo lời Bác được Bộ Y tế tổ chức trọng thể sáng 27.2 tại quảng trường Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, với sự tham dự của hơn 1.000 cán bộ y tế tiêu biểu đại diện cho 400.000 cán bộ toàn ngành. Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh trong năm 2015 và các năm tới, ngành y tế triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thực hiện Đề án giảm tải bệnh viện giai đoạn 2013 - 2020; đa dạng hóa các loại hình khám chữa bệnh, đơn giản hóa thủ tục hành chính khám bệnh; củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao y đức và trách nhiệm của cán bộ y tế trong công tác quản lý, chuyên môn. Sáng cùng ngày, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp mặt các đại biểu là anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua toàn quốc, các cá nhân có thành tích xuất sắc trong ngành y tế. Với thành tích trong 60 năm qua, ngành y tế vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhất.

 

Thu hồi 5 sản phẩm mỹ phẩm

Cục Quản lý dược (Bộ Y tế)đã ra quyết định thu hồi số tiếp nhận 5 phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm của Công ty TNHH thương mại K-LAC (Công ty K-LAC). Theo đó, các sản phẩm bị thu hồi gồm: J&K Lavender Hand Cream 80 gr; J&K Lavender Face Cream 200 gr; Freezeframe Instant Lash Extreme; Freezeframe Day&Night Cream và Amax A&A Serum 3x10 ml. Lý do thu hồi: Công ty K-LAC tẩy xóa, giả mạo phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đã được Cục Quản lý dược cấp. Đồng thời, Cục Quản lý dược đã ra thông báo thu hồi trên toàn quốc 5 sản phẩm trên. Do vi phạm trên, Cục Quản lý dược, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư sẽ tạm ngừng xem xét và tiếp nhận hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm, hồ sơ đăng ký quảng cáo, tổ chức hội thảo, sự kiện giới thiệu mỹ phẩm trong vòng 6 tháng đối với Công ty K-LAC; yêu cầu công ty này gửi thông báo thu hồi tới những nơi phân phối, sử dụng và tiến hành thu hồi toàn bộ sản phẩm nêu trên, gửi thông báo thu hồi các sản phẩm trên về Cục Quản lý dược trước ngày 20.3.2015.

Tuyên dương 29 gương thầy thuốc trẻ tiêu biểu

Tối 28.2, Thành đoàn TP.HCM tổ chức tuyên dương, trao giải thưởng Phạm Ngọc Thạch lần 4 năm 2015 cho 29 thầy thuốc trẻ tiêu biểu.Ủy viên T.Ư Đảng, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thị Thu Hà và hơn 500 bạn trẻ đã đến dự. 29 gương thầy thuốc được tuyên dương lần này hầu hết đều có những công trình nghiên cứu khoa học, góp phần cải thiện điều kiện làm việc để phục vụ tốt nhất cho sức khỏe và lối sống lành mạnh của người dân.

Hẹn giờ khám bệnh qua điện thoại

Trước tình trạng quá tải người khám bệnh, nhiều bệnh viện ở TP.HCM đã áp dụng giải pháp nhận hẹn trước giờ khám bệnh qua điện thoại. Thế nhưng, dịch vụ tiện lợi này lại đang... ế ẩm. Việc hẹn trước giờ sẽ giúp người đến khám bệnh chủ động thời gian, không phải xếp hàng bốc số, đợi chờ lâu... Để thực hiện, phần lớn các bệnh viện (BV) liên kết với tổng đài 1080. Có BV áp dụng đặt hẹn khám bệnh cho tất cả các trường hợp, cũng có BV chỉ đặt hẹn với người tái khám (bệnh nhân đã điều trị nội trú trước đó tại BV)... Người bệnh gọi đến tổng đài và cung cấp thông tin như họ tên, năm sinh, triệu chứng bệnh... Người tiếp nhận sẽ ghi nhận và đưa ra ngày, giờ cụ thể để người đăng ký sắp xếp đến khám. Bác sĩ (BS) Lê Thanh Chiến, Giám đốc BV Trưng Vương, cho biết BV áp dụng hẹn trước với cả bệnh nhân thông thường và người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), giá khám giống nhau (tùy chuyên khoa) chứ không phải làm dịch vụ. Tương tự, PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc BV Chợ Rẫy, cũng cho biết BV nhận hẹn trước cho cả người bệnh sử dụng BHYT và giá cả giống nhau (tùy chuyên khoa). Còn tại BV Nhân dân 115, giá khám theo yêu cầu có hẹn trước qua tổng đài dành cho người không có BHYT là 120.000 đồng/lần; có BHYT (đúng tuyến hoặc có giấy chuyển viện) từ 25.000 - 40.000 đồng/lần. BV Ung bướu chỉ nhận hẹn trước với những bệnh nhân đã điều trị nội trú tại BV. Theo TS-BS Nguyễn Xuân Dũng, Phó giám đốc BV, bệnh nhân gọi đặt trước để nhân viên lục sẵn hồ sơ bệnh án, chuẩn bị một số việc, nhằm khi người bệnh đến không phải chờ lâu. “Việc nhận hẹn trước đại trà thì BV đang tính toán, cân nhắc, khi nào đảm bảo mới triển khai”, ông Dũng nói. Tương tự, BV Đại học Y Dược TP.HCM cũng chỉ nhận hẹn trước những trường hợp đã điều trị ở BV đến tái khám. BV Nhi đồng 1 thì áp dụng việc đặt hẹn khám bệnh qua tổng đài là dạng dịch vụ (không dành cho BHYT). Người nhà bệnh nhi có thể gọi đặt hẹn ngày, giờ khám trước, với giá mỗi lần khám là 150.000 đồng.

“Nếu biết, tôi đã không phải đi từ khuya đến khám”

Tại BV Chợ Rẫy, nhờ đặt hẹn trước mà bà Trần Thị An (52 tuổi, ở tỉnh Đắk Lắk) không phải chờ khi đến khám bệnh. “Trước nay, để tới đây khám bệnh, tôi phải đi từ đêm hôm trước, đến nơi chờ lấy số thứ tự. Lần này nhờ biết được việc đặt hẹn nên tôi gọi trước, đỡ tốn rất nhiều thời gian chờ đợi mệt mỏi”, bà An nói. Thế nhưng, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, rất ít người biết dịch vụ hẹn trước giờ khám qua điện thoại như bà An. Do vậy, hằng ngày tại các BV vẫn luôn xuất hiện hình ảnh quen thuộc là bệnh nhân “rồng rắn” xếp hàng chờ lấy số thứ tự vào khám (với người tự đi khám), trong khi ở khu khám hẹn trước lại rất thưa thớt. Khi được hỏi vì sao không hẹn trước giờ khám bệnh, ông Nguyễn Công Đức (55 tuổi, ngụ thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai), đang xếp hàng chờ bốc số thứ tự đến lượt khám ở BV Đại học Y Dược TP.HCM, ngạc nhiên: “Tôi nào biết có chuyện này đâu. Nếu biết trước thì tôi đâu phải lặn lội đi từ khuya cho mệt”. Tương tự, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy (37 tuổi, ngụ Long An) đưa con đến khám ở BV Nhi đồng 1, chia sẻ: “Gia đình tôi dưới quê lâu nay không nghe nói đến việc khám bệnh có hẹn trước. Nếu biết thì đỡ biết mấy, vì lâu nay mỗi lần đưa con lên đây tôi phải dậy từ khuya, đến nơi tôi phải xếp hàng chờ bốc số thứ tự rất lâu”. Theo BS Lê Thanh Chiến, phần lớn người bệnh chưa biết việc đặt hẹn khám bệnh. “Hy vọng thời gian tới nhiều người biết hơn”, ông Chiến nói. Còn PGS-TS Nguyễn Trường Sơn nhìn nhận nhiều người chưa biết và chưa quen với việc đặt hẹn khám bệnh có phần do công tác truyền thông về việc này chưa tốt. “Chúng tôi sẽ cải thiện trong thời gian tới”, PGS-TS Sơn nói.

Cứu sống một bệnh nhân bị con trai đâm thủng gan, thận

Ngày 27.2, bác sĩ Lưu Anh Tài, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau, cho biết bệnh viện đã cứu sống ông Trần Văn Nhờ (45 tuổi, ngụ xã Định Thành, H.Đông Hải, Bạc Liêu) bị đâm thủng gan 2 đường và đứt rốn thận phía bên phải. Hiện sức khỏe ông Nhờ tiến triển tốt, mạch, huyết áp ổn định. Ông Nhờ nhập viện vào tối 24.2 trong tình trạng sốc mất máu nặng, mạch li ti, huyết áp thấp… nguy hiểm đến tính mạng. Trong quá trình mổ, bệnh nhân chảy máu nhiều, không cầm được, ê kíp mổ phải cắt bỏ quả thận bị đứt đôi, sau đó khâu gan mới cầm được máu, ca mổ đã kéo dài gần 2 giờ. Công an H.Đông Hải (Bạc Liêu) cho biết ngày 24.2, ông Nhờ tổ chức tiệc nhậu, trong đó có con trai là Trần Văn Thương (19 tuổi). Khi nhậu say, ông Nhờ đánh đập vợ và con gái. Thấy mẹ và chị gái bị đánh, Thương đã dùng dao đâm trọng thương ông Nhờ.

Đưa vào sử dụng Bệnh viện Bà Rịa

Ngày 26.2, Bệnh viện Bà Rịa (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã tổ chức lễ khánh thành và đưa vào sử dụng (ảnh) tại P.Long Tâm, TP.Bà Rịa. Khởi công xây dựng từ tháng 8.2009 trên diện tích hơn 17.000 m2, Bệnh viện Bà Rịa cao 17 tầng, có công suất 700 giường bệnh. Bác sĩ Trương Văn Kính, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết với tổng mức đầu tư lên đến khoảng 2.000 tỉ đồng (trong đó, tiền mua sắm thiết bị dụng cụ y tế là 500 tỉ đồng), Bệnh viên Bà Rịa đã được đầu tư đầy đủ các trang thiết bị y tế tiên tiến, ngang tầm với các bệnh viện hiện đại trong nước và khu vực Đông Nam Á. Hiện tại, Bệnh viện Bà Rịa có nhiều loại máy hiện đại như máy DSA (máy chạy mạch máu xóa nền phục vụ điều trị bệnh về tim mạch), máy nhũ ảnh phát hiện sớm bệnh ung thư vú, máy tán sỏi… Bệnh viện Bà Rịa có cơ cấu 37 khoa phòng, gồm 8 phòng chức năng, 9 khoa cận lâm sàng, 20 khoa lâm sàng. Bác sĩ Phạm Minh An, giám đốc Bệnh viện Bà Rịa cho biết, vào tháng 7.2015, bệnh viện sẽ bắt đầu triển khai đặt stent động mạch vành để kịp thời cứu sống các trường hợp bệnh nhân nhồi máu cơ tim mà không phải chuyển viện lên TP.HCM để can thiệp động mạch vành như trước đây.

An ninh thủ đô

Kỷ niệm 60 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam: Mỗi cán bộ ngành y phải luôn trau dồi y đức

Tối 27-2, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam - 60 năm ngày Bác Hồ gửi thư cho ngành y tế (27-2-1955 / 27-2-2015), Chương trình nghệ thuật “Y tế Việt Nam - 60 năm làm theo lời Bác dạy” và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, 60 năm qua, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Lương y như từ mẫu”, toàn ngành y tế đã luôn nỗ lực đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, góp phần tích thực trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Trong bối cảnh mới hiện nay, ngành y tế vẫn không ngừng được củng cố, mở rộng và phát triển để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng tốt hơn. Việt Nam là một trong những nước được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về y tế. Nhiều bác sĩ của Việt Nam được bạn bè, đồng nghiệp quốc tế đánh giá cao. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kêu gọi mỗi cán bộ nhân viên ngành y phải luôn nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, trau dồi, nâng cao y lý, y thuật và y đức, để vượt qua chính mình, xứng đáng với niềm tin cậy mà nhân dân gửi gắm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó. Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước biểu dương, ghi nhận những cống hiến to lớn của ngành y tế cho sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân, góp phần xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trong suốt 60 năm qua. Phó Thủ tướng mong muốn mỗi cán bộ, nhân viên y tế trên cả nước phải tiếp tục phát huy tối đa những tiềm lực, khắc phục những tồn tại để xây dựng nền y tế Việt Nam khoa học, đại chúng, không chỉ đóng góp vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc mà còn có một vị trí, đóng góp xứng đáng hơn cho nền y tế thế giới.

 

Sức khỏe & Đời sống

Người góp công lớn về y tế trong hai cuộc kháng chiến tại Nam Bộ

GS.BS. Nguyễn Văn Thủ như một điển hình, trí thức giàu lòng yêu nước, sớm giác ngộ, tham gia cách mạng ngay từ mở đầu thời kỳ tiền khởi nghĩa, một thầy thuốc tận tụy với nghề,say sưa với ngành cho đến hơi thở cuối cùng. (GS. Trần Văn Giầu). Ông sinh trưởng trong một gia đình khá giả, từ quê hương Vĩnh Long, lên học Tú tài ở Trường Tây Sài Gòn. Năm 1933, gia đình gửi ông sang Pháp để học bác sĩ nha khoa, là sinh viên Việt Nam duy nhất hay về nghỉ hè ở quê nhà bằng đường máy bay rất tốn kém. Ở Paris, chàng thanh niên Nguyễn Văn Thủ rất lịch lãm, khiêu vũ giỏi, đánh tennis đẹp, nhưng sớm giác ngộ, đã tham gia hoạt động của các Việt kiều yêu nước. Năm 1940, ông tốt nghiệp bác sĩ nha khoa. Không vương vấn với cuộc sống xa hoa tại kinh thành Paris hoa lệ, năm 1942 ông trở về nước, có phòng khám và chữa trị nha khoa nổi tiếng ở Sài Gòn. Tháng 3 năm 1945, BS. Nguyễn Văn Thủ được Đảng giao nhiệm vụ cùng BS. Phạm Ngọc Thạch tổ chức Thanh niên Tiền phong Sài Gòn - Chợ Lớn và giữ chức vụ Phó Chủ tịch. Tháng 5/1944, BS. Thủ được cử làm Ủy viên Ban Chấp hành công đoàn Sài Gòn - Chợ Lớn, là lực lượng nòng cốt để giành chính quyền sau này. Cách mạng Tháng Tám thành công, BS. Thủ được cử làm Ủy viên Ủy ban Hành chính Nam Bộ và khi Nam Bộ bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ông được cử làm Ủy viên UBKCHC Sài Gòn - Chợ Lớn, được phân công phụ trách y tế và kinh tế. Là một nhà hoạt động chính trị xã hội xuất sắc, BS. Nguyễn Văn Thủ đã đóng góp nhiều công lao cho công cuộc kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ và sau khi hòa bình lập lại. Phó Tư lệnh Y tế miền Nam trong kháng chiến lần thứ nhất Tuy ở xa Trung ương nhưng với trách nhiệm Phó Giám đốc, Bí thư Đảng ủy Sở Y tế Quân Dân Nam Bộ, cùng với Giám đốc - BS. Nguyễn Văn Hưởng, ông đã lãnh đạo, xây dựng, tổ chức bộ máy y tế của Nam Bộ với các hoạt động phù hợp với phương châm của Trung ương đề ra: Vệ sinh phòng bệnh, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại, kết hợp chặt chẽ quân y với dân y, tích cực tuyên truyền vận động nhân dân để hoàn thành nhiệm vụ cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn. Tư lệnh Y tế miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn quyết liệt, năm 1964, BS. Nguyễn Văn Thủ được điều động về chiến trường và được cử làm Trưởng ban Y tế Trung ương Cục miền Nam. Trước khi BS. Nguyễn Văn Thủ lên đường vào Nam chi viện cho chiến trường, Bác Hồ đã mời Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch đến nhà Bác dự bữa cơm tiễn BS. Thủ về miền Nam. Bác Hồ đã căn dặn BS. Thủ về Nam cố gắng công tác để sớm thống nhất đất nước đón Bác về thăm đồng bào. BS. Thủ đã bày tỏ nguyện vọng với Bác Hồ, với Thủ tướng việc xây dựng Viện Răng Hàm Mặt của Việt Nam. Ông đã trở về Nam bằng đường biển trên một chuyến tàu không số, rồi từ Bến Tre tới khu giải phóng. Với trách nhiệm là Trưởng ban Dân y miền Nam, BS. Nguyễn Văn Thủ đã chỉ đạo công tác y tế toàn miền: phối hợp chặt chẽ với quân y trong mọi công tác, tích cực đào tạo cán bộ phục vụ cho chiến trường và vùng giải phóng, đẩy mạnh vệ sinh phòng bệnh, sản xuất một số thuốc thông thường để cung cấp kịp thời cho bộ đội ở khắp các chiến trường và bà con vùng giải phóng. Ông có tầm nhìn xa trong việc bố trí các trí thức tài năng vào nội thành Sài Gòn để xây dựng cơ sở cách mạng ngay trong lòng địch nhằm đấu tranh với địch từng bước tiến tới ngày thắng lợi hoàn toàn. Tại căn cứ địa Tây Ninh, cuối năm 1968, ông đã được gặp lại người bạn cố tri đã đưa ông theo con đường cách mạng là Bộ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch vào chỉ đạo công tác y tế. Nhưng hai vị không được làm việc bên nhau nhiều ngày, Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch đã lâm bệnh nặng và hy sinh tại đây. Ngày 7/11/1968, BS. Nguyễn Văn Thủ đã đau xót khóc tiễn đưa Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch theo các vị tiền bối của cách mạng. Sau ngày đại thắng, đất nước thống nhất, BS. Nguyễn Văn Thủ là Thứ trưởng Bộ Y tế, đã tổ chức đưa hài cốt BS. Phạm Ngọc Thạch từ biên giới Campuchia, ngay đầu sông Vàm Cỏ Đông, về Nghĩa trang TP. Hồ Chí Minh.

Người thầy của ngành răng hàm mặt Việt Nam

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, ngay tại chiến trường Nam Bộ đầy khó khăn và gian khổ, BS. Nguyễn Văn Thủ luôn quan tâm đến công tác đào tạo để có nhiều cán bộ ngành nha cho các địa phương, đã kiên trì tận tụy tổ chức, xây dựng mạng lưới răng hàm mặt từ không đến có với hàng trăm nha tá phục vụ chữa bệnh cho bộ đội và nhân dân. Sau khi hòa bình lập lại, từ năm 1955, trên cương vị Chủ nhiệm Bộ môn Răng Hàm Mặt, Trường đại học Y Hà Nội, ông đã thảo ra chương trình đưa ngành răng hàm mặt tiến lên chính quy hiện đại. Từ năm 1977, BS. Thủ tích cực xây dựng lại ngành trong cả nước. BS. Thủ là người có công đề nghị Viện Răng Hàm Mặt Việt Nam ra đời, là người sáng lập và là Viện trưởng Viện Răng Hàm Mặt Việt Nam đầu tiên năm 1980. Cùng năm đó, Nhà nước đã phong chức danh Giáo sư cho BS. Nguyễn Văn Thủ. Giáo sư đã đem hết nhiệt tình xây dựng ngành răng hàm mặt Việt Nam, có nhiều công lao trong đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên khoa răng hàm mặt mỗi ngày mỗi lớn mạnh và trưởng thành. Với y đức cao cả, ông thường căn dặn các đồng nghiệp và học trò: “Con người có 32 cái răng, không mấy ai tránh khỏi đau răng, người ta đau răng là rất khổ, do đó chúng ta là người thầy thuốc chữa trị răng phải phục vụ cho tốt, phải hết sức thông cảm nỗi đau đớn của người bệnh mà tận tâm giúp họ hết cơn đau, xem họ như người thân của mình theo lời Bác Hồ đã dạy, xứng đáng với lương tâm của người thầy thuốc”.

Người lãnh đạo xuất sắc của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam

Từ năm 1955, BS. Nguyễn Văn Thủ là Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Sau ngày thống nhất đất nước, từ 31/7/1976 là Chủ tịch Hội. Dưới sự lãnh đạo của BS. Nguyễn Văn Thủ, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tiến hành hiệu quả nhiều hoạt động cứu trợ xã hội, chăm sóc cho hàng chục vạn gia đình thương binh liệt sĩ, cứu trợ khẩn cấp cho hơn 20 vạn Việt kiều từ Campuchia lánh nạn trở về, cứu trợ cho hàng ngàn gia đình Campuchia sang tỵ nạn tại Việt Nam. Hội cũng đã quyên góp hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm ủng hộ đồng bào tại các vùng bị lũ lụt ở cả ba miền. Là Trưởng đoàn tham dự các cuộc họp Chữ thập đỏ quốc tế hay các quốc gia, trong các cuộc tiếp xúc với các đoàn khách nước ngoài, BS. Nguyễn Văn Thủ đã tích cực đàm phán, tranh thủ được nhiều sự giúp đỡ có hiệu quả về vật chất cũng như nâng cao vị thế của tổ chức Chữ thập đỏ Việt Nam. Ông đã nỗ lực tổ chức tiếp nhận tốt viện trợ nhân đạo khẩn cấp, phòng chống các dịch bệnh và trợ giúp các gia đình có đời sống quá khó khăn tại một số vùng, đã xây dựng một số bệnh viện cấp huyện góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh. Đặc biệt, ông rất nhiệt tình triển khai mạng lưới tìm kiếm và thông báo tin tức những người bị thất tán, xa cách gia đình, đã bất hạnh vì bị mất liên lạc với thân nhân của mình ở trong và ngoài nước, góp phần hàn gắn đoàn tụ, sum họp cho hàng vạn gia đình. Hơn 40 năm hoạt động cách mạng là những năm tháng GS.BS. Nguyễn Văn Thủ đã cống hiến tất cả trí tuệ, sức lực của mình cho cách mạng, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Giáo sư đã đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng khác như Phó Giám đốc Bệnh viện hữu nghị Việt Xô, Chủ tịch Hội Răng Hàm Mặt Việt Nam, Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, Ủy viên BCH Tổng công đoàn Việt Nam, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đại biểu Quốc hội và là Chủ nhiệm Ủy ban Y tế và xã hội của Quốc hội khóa VI. Ông bà Nguyễn Văn Thủ không có con. Ông sống chân thành, giản dị, hòa đồng với mọi người và luôn quan tâm đến đời sống cán bộ dưới quyền, ông được cấp trên tin tưởng, cấp dưới mến phục. Nhiều thế hệ thầy thuốc theo gương ông với đức tính cao đẹp luôn luôn hăng say và tận tụy với công việc, khiêm tốn giản dị, dũng cảm vô tư, không đòi hỏi gì cho mình và cũng không đòi hỏi gì quá đáng cho ngành mình. Năm 1983, GS. Nguyễn Văn Thủ lâm trọng bệnh, mặc dù đã được điều trị tại Pháp và Việt Nam, nhưng giáo sư đã ra đi ngày 24/6/1984 tại TP. Hồ Chí Minh và đã yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Thủ Đức. Tại TP. Hồ Chí Minh, một đường phố tại quận I đã mang tên Nguyễn Văn Thủ để ghi nhớ công lao của giáo sư trong hai thời kỳ kháng chiến tại Nam Bộ. Ngày 27/2/2015 tại quê hương huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, Bộ Y tế, Huyện ủy, UBND huyện Vũng Liêm, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP. Hồ Chí Minh tổ chức trọng thể Kỷ niệm 100 năm ngày sinh GS.BS. Nguyễn Văn Thủ. Năm 2014, nhân kỷ niệm 30 năm ngày GS. Nguyễn Văn Thủ từ trần (24/6/1984 - 24/6/2014) với sự ủng hộ của nhiều cơ quan, Hội Răng Hàm Mặt Việt Nam, BV Răng Hàm Mặt TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức xuất bản sách “GS.BS. Nguyễn Văn Thủ, người trí thức yêu nước, người thầy thuốc nhân văn”, hoàn thành phim tư liệu truyền hình và dựng Tượng đài GS. Nguyễn Văn Thủ tại BV Răng Hàm Mặt Trung ương tại TP. Hồ Chí Minh.

Gian nan nghề bắt muỗi đêm

Trong hệ y tế dự phòng, ngành phòng chống sốt rét - một bộ phận đã cống hiến, góp phần rất lớn cho nhiệm vụ khoa học là những người công tác chuyên về lĩnh vực côn trùng học. Trong hệ y tế dự phòng, ngành phòng chống sốt rét - một bộ phận đã cống hiến, góp phần rất lớn cho nhiệm vụ khoa học là những người công tác chuyên về lĩnh vực côn trùng học. Họ được gọi là cán bộ côn trùng, một trong các công việc gian nan, vất vả là tiến hành điều tra, bắt muỗi bằng những phương pháp quy định để lấy cơ sở dữ liệu phục vụ công tác. Âm thầm, lặng lẽ, hy sinh làm nhiệm vụ vì sức khỏe cộng đồng ở vùng sốt rét mà ít người biết đến để vinh danh. Cán bộ côn trùng ở các viện trung ương, khu vực và trung tâm tỉnh, thành phố phần lớn là nam nhưng vẫn có một số nữ cũng đảm nhận chức năng này. Họ là những tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân sinh học; cử nhân kỹ thuật y tế, kỹ thuật viên trung học... tốt nghiệp ở nhiều cơ sở đào tạo khác nhau nhưng khi nhận nhiệm vụ tại Khoa côn trùng thì đều chung một chiến hào để đùm bọc, hỗ trợ, thương yêu, giúp đỡ nhau hoàn thành công việc được xem là không giống ai vì tính chất đặc thù của nó. Một chức năng đảm nhận là giám sát, điều tra muỗi truyền bệnh sốt rét ở các vùng dịch tễ bằng những phương pháp khác nhau như: bắt muỗi trú đậu trong nhà ban ngày và ban đêm, ở ngoài nhà ban ngày, ở chuồng gia súc ban đêm; dùng bẫy đèn, bẫy màn bắt muỗi; đặc biệt là lấy thân mình làm mồi cho muỗi đốt máu ban đêm để bắt. Công việc này đòi hỏi trách nhiệm, nhiệt tình, trung thực, tự giác cao vì khoa học; nếu không thì không thể hoàn thành nhiệm vụ, dữ liệu cung cấp có thể sai lệch nhận định, đánh giá tình hình. Các phương pháp điều tra, giám sát, bắt muỗi ngày tương đối dễ dàng nhưng nếu thực hiện đêm lại gặp rất nhiều khó khăn do môi trường, địa điểm, giờ giấc không thuận lợi, nhất là mồi người bắt muỗi suốt đêm. Cán bộ phải được đào tạo chuyên môn kỹ thuật tốt, bảo đảm lành nghề khi tiến hành nhiệm vụ, không được nhầm lẫn giữa muỗi Anopheles truyền bệnh sốt rét và các loài muỗi khác như Aedes, Culex... Là một bác sĩ nhưng công tác chuyên ngành phòng chống bệnh sốt rét, các bệnh ký sinh trùng và côn trùng truyền bệnh, tôi đã có thời gian phục vụ tại viện khu vực miền Trung-Tây Nguyên, sau đó chuyển về trung tâm tỉnh ở địa phương nên am hiểu đầy đủ các hoạt động chuyên môn, kể cả lĩnh vực côn trùng học ngoài dịch tễ học, lâm sàng, điều trị, nghiên cứu khoa học nhằm có thể đảm nhận được công tác chuyên môn và vai trò quản lý, lãnh đạo của mình. Muốn thực hiện được điều này, tôi tiếp cận với các đồng nghiệp côn trùng học để học hỏi, tìm hiểu, cùng tham gia thực hành kỹ thuật chuyên môn ở phòng thí nghiệm và thực địa. Những đợt công tác về cơ sở để giám sát, điều tra tình hình dịch tễ ban ngày; buổi tối, tôi theo anh em khoa côn trùng tham gia điều tra, bắt muỗi ban đêm. Thạc sĩ sinh học Võ Đại Phú là Trưởng khoa côn trùng có thâm niên nhiều năm công tác từng giúp tôi học hỏi được rất nhiều vấn đề côn trùng học, trong đó có muỗi truyền bệnh sốt rét. Các đợt về thực địa cơ sở, tôi luôn đồng hành với anh để điều tra, bắt muỗi đêm nhằm biết được quy trình kỹ thuật chuyên môn; đồng thời thấu hiểu được sự gian nan, khó khăn, vất vả, thầm lặng của những người làm công tác này. Một trong các phương pháp điều tra khá nguy hiểm là dùng mồi người bắt muỗi đêm đòi hỏi sự hy sinh của người thực hiện là bỏ hở khoảng trống cơ thể, dẫn dụ muỗi truyền bệnh bay đến bám đậu, chích hút máu để bắt. Nếu không may trong số muỗi đó có mang ký sinh trùng sốt rét thì khả năng lây nhiễm bệnh qua vết chích đốt máu là điều không thể tránh khỏi. Đợt công tác tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, ở vị trí lãnh đạo, trưởng đoàn công tác nên khoa côn trùng rất ngại khi tôi có ý kiến sắp xếp cùng đi điều tra bắt muỗi ban đêm với anh em; anh Phú trưởng khoa bố trí tôi công việc như mọi người: Ngồi một mình gần bụi cây bên bờ suối, cởi bỏ quần dài, chỉ mặc quần cụt để hở da làm mồi dẫn dụ muỗi truyền bệnh bay đến đốt máu để bắt. Dụng cụ hành nghề chỉ là cây đèn pin, ống tuýp bắt muỗi, nút bông gòn nhốt muỗi, kính lúp tay... Người bắt muỗi đêm phải tĩnh lặng, không nói chuyện, không dùng dầu gió, nước hoa, tắm gội xà phòng thơm vào buổi chiều... vì chúng có tác dụng xua đuổi, làm sai lệch kết quả thu nhận. Sau hơn 1 giờ bắt muỗi, anh Phú ở vị trí gần đó nói vọng qua hỏi: “Anh có bắt được muỗi không?”. Tôi đáp lại: “Nhiều lắm Phú ơi! Hình như có cả loài muỗi truyền bệnh chủ yếu nữa đó!”. Quá nửa đêm về sáng, theo giờ quy định, chúng tôi nghỉ bắt muỗi, thu dọn dụng cụ, mẫu vật đến mái hiên nhà dân gần đó treo võng màn và lịm ngủ say do quá mệt mỏi. Khi thức dậy, tôi thấy anh trưởng khoa dùng kính lúp định loại muỗi, xử lý ngay số liệu thu thập. Anh ấy nói với tôi: “Anh có mệt không? Số muỗi Anopheles anh bắt được rất chính xác, không nhầm loài muỗi khác; đúng là có muỗi truyền bệnh chủ yếu Anopheles minimus, kể cả Anopheles dirus nữa”. Tôi tâm sự: “Không mệt đâu Phú ạ! Làm việc với anh em rất vui nên quên cả mệt mỏi, lại không buồn ngủ nữa. Mình bắt muỗi cũng được đó chứ? Đã học đặc điểm nhận diện muỗi nên không bắt nhầm được”. Hôm sau, chúng tôi chuyển sang điều tra, bắt muỗi chuồng gia súc đêm theo quy trình giám sát hoạt động muỗi truyền bệnh; phương pháp này cũng lắm hiểm nguy. Ở mỗi điểm điều tra, cán bộ côn trùng phải thực hiện đầy đủ các phương pháp bắt muỗi để có cơ sở nhận định, đánh giá tình hình. Mặc dù làm lãnh đạo, quản lý nhưng biết sắp xếp thời gian xâm nhập thực tế tại thực địa công tác để cùng ăn, cùng ở, cùng làm với anh em đồng sự mới có thể thấu hiểu được hết sự gian nan, khó khăn, vất vả, đầy hiểm nguy của họ, đặc biệt là cán bộ côn trùng với nghề bắt muỗi đêm. Họ là những người đã cống hiến lặng lẽ, hy sinh thầm lặng vì khoa học, vì sức khỏe của cộng đồng cần được vinh danh.

Fanpage duy nhất và chính thức của Bộ trưởng Bộ Y tế

Bộ trưởng Bộ Y tế chính thức đưa fanpage vào hoạt động tại địa chỉ https://www.facebook.com/botruongboyte.vn

Hiện nay, Facebook ngày càng trở nên phổ biến và gia tăng liên tục số người sử dụng tại Việt Nam. Nhận thấy đây là một kênh kết nối hữu hiệu, tức thời giữa cá nhân Bộ trưởng nói riêng, Bộ Y tế nói chung với quần chúng nhân dân nên Bộ trưởng Bộ Y tế chính thức đưa fanpage vào hoạt động tại địa chỉ https://www.facebook.com/botruongboyte.vn .Với thông điệp "Lắng nghe & thấu hiểu", fanpage hoạt động với mục đích sau: Cập nhật những thông tin mới trong lĩnh vực y tế. Tiếp nhận những phản ảnh của quần chúng nhân dân. Fanpage do Bộ trưởng trực tiếp quản lý và điều hành. Gần đây trên Facebook có rất nhiều trang giả mạo fanpage Bộ Y tế hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế, để không bị nhầm lẫn và đảm bảo quyền lợi của các bạn, chúng tôi xin thông báo: Fanpage https://www.facebook.com/botruongboyte.vn là trang Facebook chính thức và duy nhất của Bộ trưởng Bộ Y tế. Mọi thông tin không đến từ trang Facebook này đều không chính xác và không đáng tin cậy. Các bạn không nên cung cấp bất cứ thông tin nào cho các trang giả mạo nêu trên. Nếu bất cứ thành viên nào phát hiện các trang giả mạo có nội dung không lành mạnh, vui lòng thông báo ngay cho chúng tôi để có biện pháp xử lý kịp thời.

Lao động

Phát hiện mỹ phẩm tẩy xóa, giả mạo công bố chất lượng

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết cơ quan này vừa phát hiện hành vi gian lận, dã tẩy xóa, giả mạo phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm do Cục quản lý Dược cấp số tiếp nhận. 5 sản phẩm liên quan đến vụ việc cũng bị thu hồi. Trước sai phạm này, Cục Quản lý Dược đã ra quyết định thu hồi số tiếp nhận 5 Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm của Công ty TNHH thương mại K-LAC. Các sản phẩm có số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm bị thu hồi gồm: J&K Lavender Hand Cream 80g; J&K Lavender Face Cream 200g; Freezeframe Instant Lash Extreme và Amax A&A Serum 3x10ml. 5 sản phẩm mỹ phẩm này cũng bị ra quyết định thu hồi trên toàn quốc vì các sản phẩm này lưu thông khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm. Cục Quản lý Dược yêu cầu Công ty TNHH thương mại K – LAC phải gửi thông báo thu hồi tới những nơi phân phối, sử dụng và tiến hành thu hồi toàn bộ các sản phẩm nêu trên, gửi thông báo thu hồi các sản phẩm trên theo quy định về Cục Quản lý Dược trước ngày 20/3/2015. Bên cạnh đó, với sai phạm nghiêm trọng này, Cục Quản lý Dược, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tạm ngừng xem xét và tiếp nhận hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm, hồ sơ đăng ký quảng cáo, tổ chức hội thảo, sự kiện giới thiệu mỹ phẩm trong vòng 06 tháng đối với công ty TNHH thương mại K – LAC. Cũng liên quan đến các sản phẩm mỹ phẩm, Cục Quản lý Dược cũng đã ra quyết định thu hồi số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm của Công ty TNHH E.ve Vina, Công ty TNHH thương mại dịch vụ quốc tế TSK và Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Tóc Shine. Nguyên nhân là do các sản phẩm mỹ phẩm lưu thông có công thức không đúng như hồ sơ đã công bố. Tên các sản phẩm bị thu hồi số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm gồm: Bộ sản phẩm Timeless EGF Power; Perfect Eyes Long Kinny Gel Pen Liner 01; Floria Brightening Foam Cleanser; Dibi face calm perfection absolute comfort cream; Sarangsae Pop Genos Ample Treatrment; Erba Classico Capeli Risseta; Erba Classico 3 Way Treatment; Anthocyanin Fixing Aqua; Sarangsae Free Hair Shaper Butter Shining Butter và Infanta Iron Straight Agent Basic (Bộ kit uốn tóc). Cục Quản lý Dược cũng ra quyết định đình chỉ lưu hành mỹ phẩm có công thức không đúng hồ sơ đã công bố. Các sản phẩm bị đình chỉ lưu hành trên toàn quốc gồm: Dibi face calm perfection absolute comfort cream. Sản phẩm do Công ty Beauty & Business S.pa (Italia) sản xuất, Công ty TNHH thương mại dịch vụ quốc tế TSK chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; Bộ sản phẩm Timeless EGF Power; Sản phẩm Perfect Eyes Long Kinny Gel Pen Liner 01; Sản phẩm Floria Brightening Foam Cleanser. 3 sản phẩm nêu trên do Công ty Cosmax, Inc (Hàn Quốc) sản xuất, Công ty TNHH E.ve Vina chịu trách nhiẹm đưa sản phẩm ra thị trường; Sản phẩm Sarangsae Pop Genos Ample Treatrment;  Erba Classico Capeli Risseta; Erba Classico 3 Way Treatment; Anthocyanin Fixing Aqua; Sarangsae Free Hair Shaper Butter Shining Butter và Infanta Iron Straight Agent Basic. Các sản phẩm này do Công ty Sarangsae Cosmetics Co., Ltd (Hàn Quốc) sản xuất, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Tóc Shine chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường. Cục Quản lý Dược yêu cầu Công ty TNHH thương mại dịch vụ quốc tế TSK; Công ty TNHH E.ve Vina và Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Tóc Shine phải gửi thông báo thu hồi tới những nơi phân phối, sử dụng sản phẩm này. Tiến hành thu hồi toàn bộ các lô mỹ phẩm không đáp ứng quy định nêu trên và gửi báo cáo thu hồi về Cục Quản lý Dược trước ngày 15/3/2015.

Nơi được ví là 'chuyến xe định mệnh cuối cùng'

Với các bác sĩ ở khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai, nghề y không chỉ vinh quang mà có cả sự day dứt. Trong hơn 100 ca cấp cứu mỗi ngày, ít nhất 10 trường hợp không qua khỏi hoặc xin về. Cứ 5 phút, xe cấp cứu chở bệnh nhân lại nối đuôi đỗ trước sảnh khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai. Trong tư thế luôn sẵn sàng, các bác sĩ nhanh chóng đưa người bệnh vào khoa tiến hành cứu chữa. Mỗi người một việc, chưa khi nào các bác sĩ, điều dưỡng mất thời gian phân công xử lý công việc. Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai là nơi chủ yếu tiếp nhận những bệnh nhân nội khoa (tim mạch, hô hấp, nhiễm trùng) hoặc chấn thương nặng, tính mạng nguy kịch cần can thiệp ngay. Lượng bệnh nhân vào đây trung bình mỗi ngày từ 100-150 ca, trong đó 50% là trường hợp nguy kịch. Mặc dù vậy, nhân lực của khoa chỉ có 15 bác sĩ và hơn 60 y tá nên họ luôn trong tình trạng quá tải. Hơn nữa, một sơ suất nhỏ trong quá trình cấp cứu có thể khiến tính mạng bệnh nhân rơi vào tay "tử thần" nên áp lực của các bác sĩ, y tá tại đây càng lớn. TS.BS Mai Duy Tôn cho biết, các ca cấp cứu thường dồn dập về đêm khiến mỗi ca trực luôn là nỗi ám ảnh đối với đội ngũ nhân viên y tế. Bác sĩ này cho biết, không chỉ vất vả, nghề y nói chung và khoa Cấp cứu nói riêng còn có nhiều nguy cơ, rủi ro lây bệnh. Một kỷ niệm mà anh không bao giờ quên là khi cùng đồng nghiệp đương đầu với dịch SARS vào năm 2002. Tất cả nhân viên không được về nhà, bị cách ly hoàn toàn. Nỗi ám ảnh trong thời điểm đó anh từng nghĩ đến chuyện bỏ nghề. "Tuy nhiên khi đã vượt qua khó khăn ấy, chúng tôi tin rằng không còn ngọn núi nào không thể vượt qua", TS.BS Mai Duy Tôn tâm sự. Là nơi được ví như "đầu sóng ngọn gió", "chuyến xe định mệnh cuối cùng" của các bệnh nhân được chuyển từ tuyến dưới hoặc các ca bệnh nguy kịch bất ngờ, các bác sĩ cấp cứu không chỉ phải đối mặt với áp lực cứu người mà thường xuyên phải đối mặt với lối hành xử không đúng mực từ bệnh nhân hoặc gia đình họ. Tuy nhiên, các bác sĩ, điều dưỡng vẫn luôn thấy tự hào khi cứu sống hàng ngàn bệnh nhân nguy kịch. Dù còn nhiều vất vả nhưng đội ngũ bác sĩ, y tá nơi đây thấy ấm lòng bởi tinh thần đồng đội của các đồng nghiệp hiếm nơi nào có. Chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân những khi đau ốm, các bác sĩ thường để "tự khỏi" vì không có thời gian nghỉ ngơi, dưỡng sức. Thậm chí, nhiều người còn tồn hàng trăm ngày nghỉ nhưng không có thời gian dùng đến. Với họ, nghề y không chỉ có vinh quang mà còn cả những day dứt, đau đớn. Bởi trong hơn 100 ca cấp cứu mỗi ngày, ít nhất 10 trường hợp không qua khỏi hoặc xin về. Nhiều bệnh nhân tử vong quá nhanh khi các bác sĩ chưa tìm ra nguyên nhân cho dù hàng ngày, cả tập thể cùng nhau hội chẩn. "Ngành nào cũng có người tốt, người xấu nhưng mặt xấu chỉ là thiểu số. Người dân hãy đặt mình vào nhân viên y tế, hãy thức trắng đêm cùng chúng tôi để trải nghiệm những giây phút căng thẳng ấy để có cái nhìn đúng hơn, rộng lượng hơn", BS Mai Duy Tôn nói. Hầu hết y, bác sĩ ở khoa Cấp cứu, bệnh viện Bạch Mai đều khẳng định sẽ vẫn chọn nghề y dù bị cho rằng "bạc bẽo như vôi". Bên cạnh công việc chữa trị, chăm sóc, hàng ngày các bác sĩ còn tiết kiệm chi phí cho bệnh nhân bằng cách rửa sạch lại dụng cụ rồi xử lý vô trùng để dành cho những người mắc bệnh mạn tính, nằm viện cũng như nằm nhà. Vì vậy, các bác sĩ tại đây cho biết thay vì mất 450 USD/lần chạy thận nhân tạo tại Mỹ. Ở bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân chỉ mất khoảng 450.000 đồng.

Kinh tế đô thị

Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Chiều 27/2, Bệnh viện (BV) Ung Bướu Hà Nội đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm Ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2 và đón nhận Huân chuơng lao động hạng Nhất. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã đến dự. Với nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao và trang thiết bị hiện đại, trong những năm qua, BV Ung Bướu Hà Nội đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật mới trong chăm sóc và điều trị bệnh nhân ung thư như: Nội soi tiêu hóa, sinh thiết u phổi dưới hướng dẫn của CT, chụp UIV, xét nghiệm hóa mô miễn dịch, ứng dụng dược chất phóng xạ đánh dấu hạch cửa trong ung thư giai đoạn sớm, bơm hóa chất và miễn dịch trong điều trị ung thư bàng quang, bơm hóa chất nội tủy trong điều trị bệnh bạch cầu cấp, nút mạch gan...
Hiện, BV Ung bướu Hà Nội không chỉ là nơi chăm sóc điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh ung thư ở Hà Nội mà còn thu hút hàng trăm lượt bệnh nhân từ các địa phương khác trong cả nước đến khám và điều trị mỗi tháng. Với những kết quả đã đạt được, BV vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.

Đa số cán bộ ngành y tế tâm huyết với nghề

Sáng 27/2, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gặp mặt thân mật đoàn đại biểu các Anh hùng lao động, Chiến sĩ thi đua toàn quốc và cán bộ y tế tiêu biểu đại diện cho hơn 40 vạn cán bộ y tế trong cả nước nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2015). Chủ tịch nước chúc mừng và đánh giá cao những thành tựu mà ngành y tế đã đạt được trong thời gian qua, công cuộc chăm sóc bảo vệ sức khỏe Nhân dân đã đạt được thành tựu rất rõ nét. Các kỹ thuật của thầy thuốc Việt Nam đã ngang tầm với khu vực và trên thế giới, được bạn bè đánh giá cao trong một số lĩnh vực như ghép thận, ghép gan, tim, ghép tế bào gốc, mổ tim hở, nội soi tuyến giáp, nội soi bằng rô-bốt… 60 năm qua, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, giai đoạn nào, công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành y cũng được Đảng, Nhà nước và ngành y tế hết sức quan tâm. Đây chính là tiền đề hướng tới tương lai để Việt Nam có ngành y tế xứng tầm khu vực và quốc tế. Chủ tịch nước cho rằng: Trong giai đoạn hiện nay, mặt trái của kinh tế thị trường cũng có tác động đến một số cán bộ y tế, nhưng đó chỉ là con số nhỏ "con sâu làm rầu nồi canh", còn đại bộ phận cán bộ y tế luôn tâm huyết với nghề, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ: "Thầy thuốc như mẹ hiền", nhiều công trình nghiên cứu khoa học của đội ngũ thầy thuốc Việt Nam đã mang tầm khu vực và thế giới. Trong thời gian tới, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Cùng với sự phát triển của đất nước thì dân số cũng tăng lên, ô nhiễm, dịch bệnh cũng gia tăng là sức ép lớn đối với ngành y, điều đó đòi hỏi sự nghiệp chăm sóc sức khỏe Nhân dân ngày càng cao hơn. Chủ tịch nước đề nghị ngành y tế cần nhân rộng các điển hình tiến tiến, những tấm gương tiêu biểu, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền để người dân và xã hội hiểu và chia sẻ với ngành y tế. Tin tưởng với truyền thống, trí tuệ của đội ngũ thầy thuốc Việt Nam, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng sự chung tay của toàn xã hội, ngành y tế chắc chắn sẽ đạt được những thành tựu mới. Tối cùng ngày, Bộ Y tế đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất. Tới dự có Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và thế hệ lãnh đạo các y, bác sĩ, thầy thuốc Việt Nam. Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, trong suốt chiều dài lịch sử, lớp lớp các thế hệ thầy thuốc Việt Nam đã miệt mài cống hiến phục vụ Nhân dân. Ngành y tế không ngừng phát triển trên nhiều lĩnh vực như công tác khám chữa bệnh, y học dân tộc, y tế dự phòng, an toàn vệ sinh thực phẩm, dược phẩm. Ngành không chỉ hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân Việt Nam mà còn đóng góp vào lĩnh vực phát triển y học thế giới. Phó Thủ tướng cũng đề nghị các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục chung tay ủng hộ ngành y tế, cùng chăm lo bảo vệ sức khỏe nhân dân, củng cố mạng lưới y tế các tuyến, phát triển BHYT toàn dân… Kỷ niệm 60 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, sáng 27/2, Bộ Y tế đã long trọng tổ chức Lễ báo công "60 năm ngành y tế làm theo lời Bác" tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Buổi lễ có sự tham dự của hơn 1.000 cán bộ y tế tiêu biểu.

VietnamPlus

Kỷ niệm ngày thầy thuốc Việt Nam, bệnh viện nghỉ khám bệnh

Bệnh viện Đa khoa thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, đã có thông báo nghỉ khám bệnh vào 27/2, nhân Kỷ niệm 60 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2015). Trong bảng thông báo được đặt ở ngay cổng vào Bệnh viện Đa khoa thành phố Đồng Hới có nội dung như sau: “Chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2, Bệnh viện thông báo nghỉ khám bệnh thứ Sáu ngày 27/2/2015. Chỉ nhận bệnh nhân cấp cứu." Nhiều bệnh nhân khi đến khám bệnh ở đây nhưng không được tiếp nhận đã tỏ ra rất bức xúc vì cho rằng cán bộ, bác sỹ kỷ niệm ngày thầy thuốc mà không tiếp nhận bệnh nhân thì quả là điều không thể hiểu nổi. Trao đổi về vụ việc hy hữu trên, bác sỹ Nguyễn Đình Dưỡng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa thành phố Đồng Hới, cho biết cán bộ, bác sỹ bệnh viện này đang tổ chức tọa đàm Kỷ niệm 60 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam nên mới phải nghỉ khám bệnh như đã nêu. Bệnh viện xin tiếp thu ý kiến và dỡ bỏ thông báo, tổ chức khám bệnh lại ngay lập tức./.

Một người chết, một nguy kịch vì uống nhầm nước lá rừng độc

Chiều 27/2, sau khi uống hết bát thuốc nam được nấu từ lá cây rừng, ông Phan Văn Thi (sinh năm 1964, trú tại thôn Bản An, thị trấn Khánh Yên, huyện Văn Bàn, Lào Cai) đã tử vong. Vợ ông là bà Hoàng Thị Va, sinh 1968, uống theo chồng lưng bát cũng đang phải cấp cứu tại bệnh viện huyện Văn Bàn (Lào Cai). Theo anh Phan Văn Thon, anh ruột của nạn nhân, cách đây chưa lâu, hai vợ chồng ông Thi và bà Va có triệu chứng đau dạ dày, và đã uống nhiều loại thuốc mà không khỏi. Nhưng thay vì đi khám bác sỹ và nằm viện điều trị, hai vợ chồng đã nhờ bà lang trong xóm lên rừng hái lá thuốc nam về tự sắc uống.  Trưa 27/2, sau khi uống một bát nước thuốc sắc đặc, ông Thi có triệu chứng ói mửa, chóng mặt nằm li bì đến chiều. Trong lúc chồng nằm ngủ, bà Va cũng tự uống lưng bát nước thuốc và cũng có triệu chứng tương tự. Cả hai vợ chồng sau đó được người thân và hàng xóm đưa đến Bệnh viện huyện cấp cứu, nhưng người chồng đã tử vong vào lúc 19 giờ, còn bà Va cho đến 21 giờ đêm 27/2 vẫn chưa qua khỏi cơn nguy kịch. Ngay tối 27/2, cơ quan chức năng đã triệu tập bà lang cùng xóm và thu thập toàn bộ số thuốc trên để xác minh làm rõ nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc dẫn tới cái chết của ông Thi. Trước đó, vào cuối năm 2014, tại các huyện Mường Khương, Bắc Hà và Bảo Yên đã từng xảy ra các vụ ngộ độc do uống rượu ngâm rễ và lá cây rừng khiến hàng chục người bị ngộ độc, trong đó có những trường hợp đã tử vong./. 

Ngày 04/03/2015
Ban Biên tập Website
(Điểm tin từ các Báo)
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích