Home TRANG CHỦ Thứ 3, ngày 23/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 4 9 4 1 4 7
Số người đang truy cập
2 0 1
 Tin tức - Sự kiện Điểm tin y tế
Điểm tin y tế từ các báo ngày 4/2 và 5/2 năm 2015

Sức khỏe & Đời sống

Bộ Y tế và Ban Kinh tế T.Ư ký kết quy chế phối hợp công tác

Chiều 3-2, tại Hà Nội, Bộ trưởng Y tế và Trưởng Ban Kinh tế T.Ư ký kết quy chế phối hợp công tác giữa Bộ Y tế và Ban Kinh tế T.Ư. Theo đó, hai cơ quan phối hợp nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Ban chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về quan điểm, chủ trương, đường lối phát triển kinh tế y tế, bảo đảm gắn phát triển kinh tế với phát triển y tế theo hướng công bằng, hiệu quả; huy động, phân bổ, quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính cho phát triển hệ thống y tế; phát triển thị trường dịch vụ y tế… Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về kinh tế y tế; thực hiện chủ trương trong cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển kinh tế - xã hội gắn với công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Trao đổi thông tin về tình hình thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; các thông tin chuyên đề, kết quả nghiên cứu, khảo sát về kinh tế y tế; trao đổi thông tin các hoạt động về kinh tế y tế của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Y tế; phối hợp trong nghiên cứu khoa học gắn với hoạch định chính sách về kinh tế y tế.

Thành lập văn phòng đáp ứng tình huống khẩn cấp

Chiều 3/2, Bộ Y tế đã tổ chức buổi Lễ khánh thành và đưa vào hoạt động hệ thống điều hành văn phòng đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh Việt Nam. Buổi lễ có sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Y tế và ông Ted Osius - Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cùng đại diện của nhiều tổ chức quốc tế, các đơn vị liên quan khác trong nước.Để chủ động ứng phó hiệu quả với các sự kiện y tế công cộng, đặc biệt là các dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi, Bộ Y tế Việt Nam đã cam kết tham gia Chương trình hợp tác an ninh y tế toàn cầu (GHS). Đây là chương trình do Chính phủ Hòa Kỳ, các tổ chức quốc tế và các quốc gia xây dựng và cam kết triển khai.Việt Nam cam kết tham gia một cách tích cực trong việc ứng dụng mô hình Trung tâm đáp ứng tình huống khẩn cấp (EOC) vào công tác phòng chống dịch bệnh tại Việt Nam.Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, Việt Nam nằm trong khu vực được coi là vùng nóng về dịch bệnh, trong đó có các bệnh dịch nguy hiểm và mới nổi, gây ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội, sức khỏe người dân. Kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh cho thấy việc chia sẻ thông tin sớm, kịp thời cũng như chủ động điều phối các nguồn lực với sự tham gia đồng bộ của các tổ chức quốc tế, tổ chức trong nước trong phòng chống dịch bệnh là hết sức quan trọng.Ngài Ted Osius - Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam khẳng định Văn phòng EOC Việt Nam có vai trò theo dõi giám sát hàng ngày các bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm, cũng như trong việc quản lý những tình huống y tế công cộng khẩn cấp. Với những nỗ lực chung, có tổ chức của các bên cho phép Văn phòng EOC Việt Nam sớm xác định được tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng mang tính quốc tế và ngăn chặn dịch bệnh lây lan sang Việt Nam, cũng như các nơi khác trên thế giới.Trong khuôn khổ chương trình GHS, Chính phủ Hòa Kỳ đã hỗ trợ Văn phòng EOC của Bộ Y tế các trang thiết bị và kỹ thuật để hoàn thiện các chức năng của văn phòng.Việc thiết lập và đưa vào hoạt động Văn phòng EOC của Bộ Y tế là một trong những hành động cụ thể của Việt Nam trong việc thực hiện cam kết tham gia Chương trình GHS đồng thời cũng thể hiện sự giúp đỡ nhiệt tình và hiệu quả của Chính phủ Hoa Kỳ thông qua tổ chức USCDC và các tổ chức quốc tế khác trong công tác phòng chống dịch bệnh tại Việt Nam.Trong thời gian vừa qua mặc dù vẫn còn đang trong quá trình hoàn thiện, Bộ Y tế đã kích hoạt Văn phòng EOC trong việc đáp ứng nhanh với dịch Ebola, đồng thời cũng triển khai việc áp dụng Văn phòng EOC trong công tác phòng chống dịch cúm gia cầm cũng như các dịch bệnh khác.../.

Thủ tướng: Năm 2020, cơ bản giải quyết được quá tải bệnh viện

Trong văn bản trả lời chất vấn vừa gửi tới Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy về tình trạng quá tải bệnh viện, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hứa đến năm 2020 sẽ cơ bản giải quyết tình trạng này. Phiên chất vấn Thủ tướng tại kỳ họp Quốc hội thứ 8 (tháng 11/2014), Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng nêu lại tình trạng quá tải bệnh viện, nhất là ở tuyến Trung ương và tuyến tỉnh. Nữ đại biểu đặt vấn đề, tình trạng này đã diễn ra gay gắt từ nhiều năm nay mà chưa có một vị Bộ trưởng Y tế nào dám hứa giải quyết. Chia sẻ với cái khó của vị trí người đứng đầu ngành y tế, bà Thúy chi rằng, quyền hạn và nguồn lực của Bộ trưởng có hạn, một mình không thể giải quyết được. Nữ đại biểu muốn Thủ tướng nêu quan điểm, đánh giá về tình trạng quá tải ở bệnh viện, nỗi khổ và sự bức xúc của người dân với vấn đề này. "Với tư cách người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng có thể huy động nguồn lực để giải quyết tình trạng này không? Thủ tướng có cam kết gì trước nhân dân cả nước tại kỳ họp này?” - nữ đại biểu đặt câu hỏi trước toàn thể hội trường. Tuy nhiên, thời lượng phiên chất vấn Thủ tướng khi đó có hạn (chỉ khoảng 50 phút) nên câu hỏi của đại biểu Kim Thúy chưa được trả lời trực tiếp trên hội trường. Theo quy định, sau kỳ họp, Thủ tướng tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu bằng văn bản. Trong văn bản vừa gửi tới nữ đại biểu Đà Nẵng, Thủ tướng xác nhận,quá tải BVlà vấn đề gây bức xúc trong xã hội, luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Tình trạng quá tải bệnh viện chủ yếu ở các bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến cuối, nhất là các bệnh viện chuyên khoa về ung bướu, tim mạch, chấn thương, chỉnh hình, sản, nhi. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Y tế thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để khắc phục. Đầu tư xây mới và nâng cấp mở rộng nhiều bệnh viện theo Đề án 47 và Đề án 930. Triển khai Đề án giảmquá tải BVgiai đoạn 2013-2020, thực hiện nhiều giải pháp đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng bệnh viện, tăng số giường bệnh và trang thiết bị cho các bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến tỉnh. Khẩn trương xây dựng 5 bệnh viện hiện đại tuyến Trung ương và tuyến cuối với khoảng 4.500 giường. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian chờ đợi trong khám chữa bệnh. Xử lý kịp thời phản ánh của người bệnh thông qua đường dây nóng. Tăng cường năng lực cho tuyến dưới thông qua các Đề án bệnh viện vệ tinh, luân chuyển cán bộ y tế và chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên xuống tuyến dưới. Nhân rộng mô hình bác sỹ và phát triển y tế ngoài công lập. Để giải quyết tình trạng quá tải ở nhiều bệnh viện đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn. Ưu tiên bố trí tăng đầu tư từ ngân sách cho y tế theo Nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm tốc độ tăng chi cho y tế cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của ngân sách nhà nước. Thủ tướng cũng thông tin, trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2016, bố trí trên 36,6 nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho các dự án bệnh viện tuyến huyện, các bệnh viện chuyên khoa lao, tâm thần, ung bướu, sản, nhi và một số bệnh viện đa khoa tỉnh miền núi, khó khăn. Rà soát, đưa ra một số dự án đầu tư cho y tế vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020. Thu hút đầu tư cho y tế từ nguồn vốn ODA của một số nước và các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức hợp tác quốc tế của Nhật Bản (JICA)… Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường huy động nguồn lực ngoài nhà nước, đầu tư phát triển y tế, khuyến khích các hình thức hợp tác công-tư. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trên sẽ góp phần giảm tải và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Phấn đấu đến năm 2020 sẽ cơ bản giải quyết được tình trạngquá tải BV.

Tăng cường công tác y tế dịp Tết Nguyên đán

Triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 02/CT - BYT yêu cầu lãnh đạo các Vụ, Cục, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, Tổng cục, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành và đơn vị y tế các ngành, trong phạm vi chức năng nhiệm vụ và quyền hạn của mình, tăng cường công tác phòng chống dịch, đặc biệt là các bệnh cúm A/H7N9, H5N1, Ebola, tay - chân - miệng, sốt xuất huyết, sởi, Rubella, tiêu chảy do virut Rota, các bệnh lây qua đường hô hấp, tiêu hóa có nguy cơ bùng phát trong mùa đông - xuân, nhất là dịp Tết Nguyên đán...Chỉ thị cũng yêu cầu Cục An toàn thực phẩm chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường công tác đảm bảo về ATTP trong thời gian trước và sau Tết Nguyên đán. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và các đơn vị liên quan thành lập các đoàn kiểm tra các BV trong dịp tết; Các BV TW, BV được phân công chỉ đạo tuyến đảm bảo trực 24/24 giờ sẵn sàng hỗ trợ cho tuyến dưới khi có yêu cầu... Nâng cao tinh thần trách nhiệm theo đúng quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức y tế. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu Cục quản lý Dược; Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo Thanh tra Sở Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường thanh, kiểm tra việc thực hiện quy chế chuyên môn dược và các quy định về sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu thuốc và mỹ phẩm đối với các cơ sở kinh doanh trên địa bàn. Đặc biệt chú trọng công tác cung ứng thuốc 24/24 giờ phục vụ nhân dân. Các cơ sở y tế phối hợp với Ban Chỉ huy quân sự, công an địa phương rà soát, bổ sung kế hoạch bảo vệ cơ quan, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đơn vị trong các ngày nghỉ Tết. Các đơn vị tổ chức trực đơn vị theo 4 cấp: trực lãnh đạo, trực chuyên môn, trực hậu cần và trực bảo vệ - tự vệ. Niêm yết danh sách cán bộ trực công khai hàng ngày để lãnh đạo đơn vị đi kiểm tra, đôn đốc khi cần thiết. Các đơn vị phải nhanh chóng đi vào hoạt động bình thường ngay sau Tết. Cũng tại Chỉ thị này, Bộ trưởng yêu cầu các cán bộ y tế không được lợi dụng dịp Tết để tổ chức liên hoan, ăn uống lãng phí. Không được sử dụng xe ôtô công phục vụ việc riêng trong dịp Tết...

Cực kỳ nguy hiểm nếu người dân không tin vào tiêm chủng

Nhiều điểm tiêm dịch vụ đang xảy ra tình trạng hết vaccine. Trong khi đó, một bộ phận không nhỏ người dân đang thiếu tin tưởng vào tiêm chủng mở rộng, cố gắng chờ tiêm vaccine dịch vụ dẫn đến tiêm thiếu mũi, không đúng lịch.

Nhiều người ngại tiêm vaccine miễn phí

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác phòng chống dịch bệnh do Bộ Y tế tổ chức ngày 5-2, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế cho biết, trong giai đoạn mùa Đông Xuân và Tết Nguyên đán, nhiều dịch bệnh truyền nhiễm có nguy cơ gia tăng như sởi, ho gà, cúm gia cầm… Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, tháng 1-2015, cả nước ghi nhận 133 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, tập trung tại Hà Nội, Bắc Ninh, Phú Thọ... Bên cạnh đó, cả nước cũng ghi nhận 16 ca ho gà và số ca mắc bệnh này chắc chắn sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới, đặc biệt trong điều kiện thời tiết hiện nay.  Theo ông Trần Đắc Phu, qua xác minh, phần lớn các trẻ mắc sởi, ho gà thời gian qua chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chưa đầy đủ. Trong đó, nhiều gia đình có con mắc bệnh cho biết không đưa con đi tiêm vaccine vì không nắm được lịch tiêm chủng, song cũng có trường hợp do tâm lý sợ phản ứng sau tiêm chủng mà không đưa trẻ đi tiêm vaccine mở rộng. Đặc biệt, tại các điểm tiêm chủng dịch vụ thời gian gần đây, vaccine dịch vụ “5 trong 1” và “6 trong 1” đều chưa có đủ để cung cấp kịp thời nên nhiều trẻ không được tiêm đúng lịch. Cục trưởng Cục Y tế dự phòng phân tích, thời gian qua, tại một số địa phương đã xảy ra trường hợp tiêm nhầm vaccine cho trẻ, dẫn đến tâm lý phụ huynh lo sợ, không đưa con đi tiêm phòng tại các điểm tiêm chủng mở rộng của Nhà nước. Để khắc phục tình trạng này và ngăn ngừa dịch bệnh, nhất là dịch bệnh sởi, ho gà bùng phát trong thời gian tới, Bộ Y tế đã đề nghị các cơ sở y tế dự phòng phải phối hợp với các bệnh viện để tổ chức tiêm chủng lưu động, miễn phí tại các bệnh viện nhằm tạo tâm lý yên tâm cho các phụ huynh. 

Chấn chỉnh lại công tác tiêm chủng

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã yêu cầu các địa phương rà soát lại danh sách trẻ tiêm chủng sởi, ho gà và thực hiện gấp chương trình tiêm chủng mở rộng trước Tết Nguyên đán. Ngành y tế sẽ huy động toàn bộ nguồn cung ứng vaccine để đảm bảo đủ cho chiến dịch tiêm phòng này. “Dịch sởi đã quay trở lại tại nhiều quốc gia. Vấn đề là làm thế nào để tiêm chủng trong nước đạt tỷ lệ cao, nhất là vùng lõm, nếu không đến tháng 3-4 tới, sẽ lại xảy ra dịch sởi như năm ngoái thì rất khổ cho dân. Muốn vậy, chúng ta cần xem xét lại mô hình tiêm chủng. Việc chỉ tập trung tiêm vào 3 ngày trong một tháng như hiện nay khiến một số trẻ bị chậm tiêm chủng, tăng khả năng lây nhiễm bệnh. Đặc biệt, về tiêm chủng dịch vụ, các tỉnh, nhất là 2 thành phố Hà Nội và TP. HCM – nơi có số lượng cơ sở tiêm chủng vaccine dịch vụ lớn, cần chỉ đạo các điểm này phải đặt hàng trước, cung ứng đủ nhu cầu. Nếu điểm nào không cung ứng đủ thì không cấp phép, không đăng ký cho tiêm, để người dân đưa con đi tiêm trong chương trình tiêm chủng mở rộng...” – Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh. Nhắc lại sự cố tiêm nhầm vaccine tại Bắc Ninh thời gian gần đây, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói: “Trong lịch sử chưa bao giờ có chuyện tiêm nhầm như thế, đây là điều đau đớn cho ngành y tế. Chỉ vài người sơ suất đã phá tan toàn bộ công sức của cả ngành, làm mất niềm tin của dân vào công tác tiêm chủng, đây là điều cực kỳ nguy hiểm. Nếu dân không tin vào tiêm chủng mở rộng, dịch bệnh sẽ lại xảy ra”. Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương phải chấn chỉnh lại toàn bộ công tác tiêm chủng, tập huấn kỹ cho cán bộ tiêm chủng về quy trình chuyên môn, đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên hàng đầu. Bộ trưởng cũng lưu ý, vừa qua, các cơ sở trong nước sản xuất các lọ vaccine có mẫu mã khá giống nhau dễ dẫn đến nhầm lẫn khi tiêm nên cần phải xem xét thay đổi ngay. 

Năm 2014, ngành y tế có số lượng giáo sư, phó giáo sư được công nhận nhiều nhất

Tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), ngày 4/2, Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước và Bộ GD-ĐT đã tổ chức lễ công bố quyết định và trao Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2014 cho 644 nhà giáo. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã tới dự và trao giấy chứng nhận giáo sư, phó giáo sư cho cácnhà giáo. Theo Giáo sư Trần Văn Nhung, Chủ tịch Hội đồng, năm 2014 có 59nhà giáođược công nhận chức danh giáo sư và 585nhà giáođược công nhận chức danh phó giáo sư trong tổng số 822 hồ sơ đăng ký. Các ứng viên đã được xét chọn tại 89 Hội đồng cơ sở và 28 Hội đồng ngành, liên ngành trong cả nước. Tại Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, sau khi bỏ phiếu, 644nhà giáonói trên đã được công nhận. Giáo sư trẻ nhất được công nhận đợt này lànhà giáoPhan Thanh Sơn Nam, sinh năm 1977, Chủ nhiệm khoa Kỹ thuật hóa học - Trường ĐH Bách khoa thuộc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Hai phó giáo sư trẻ nhất cùng sinh năm 1981 lànhà giáoHoàng Quý Tỉnh (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) và Từ Trung Kiên (ĐH Thái Nguyên). Người lớn tuổi nhất được công nhận chức danh giáo sư đợt này lànhà giáoLê Ngọc Canh, 81 tuổi, chuyên ngành nghệ thuật - Trường ĐH Sư phạm nghệ thuật Trung ương. Điều thú vị là giáo sư trẻ nhất và cao tuổi nhất được phong tặng lần này cũng là giáo sư trẻ nhất và cao tuổi nhất trong suốt 38 năm qua. Thay mặt cácnhà giáođược vinh danh, phát biểu tại buổi lễ, Giáo sư Phan Thanh Sơn Nam khẳng định sẽ có trách nhiệm hỗ trợ cho các bạn trẻ nhiều hơn trên con đường nghiên cứu khoa học, đồng thời bày tỏ mong muốn Nhà nước quan tâm hơn nữa, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học làm việc và cống hiến một cách hiệu quả. Theo giáo sư Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước nhận định, nhìn chung các tân giáo sư, phó giáo sư ngày càng trẻ hơn, nhưng vẫn chưa trẻ được như các nước phát triển. Song điều đáng mừng là những tân giáo sư, phó giáo sư đặc biệt là lớp trẻ có trình độ ngoại ngữ và công nghệ thông tin từ tốt đến thành thạo và không chỉ bó hẹp trong các ngành khoa học tự nhiên, công nghệ mà trong cả khối khoa học xã hội, nhân văn. Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Hội đồng, giáo sư Phạm Vũ Luận cho rằng ngày càng nhiềunhà giáo, nhà khoa học, tác giả có các công trình nghiên cứu mang giá trị cao đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Nhiều kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng một cách có hiệu quả trong thực tế. Cũng tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao Giấy chứng nhận Giáo sư nhà nước cho Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến,. Trong số 644nhà giáođược công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2014, ngành y tế là ngành có số lượng giáo sư và phó giáo sư được công nhận nhiều nhất với 18/59 giáo sư được công nhận, 101/585 phó giáo sư được công nhận. Mời bạn đọc theo dõi danh sách các giáo sư, phó giáo sư ngành y tế được công nhận danh hiệu giáo sư, phó giáo sư năm 2014tại đây.

Hà Nội mới

Thay đổi chi trả bảo hiểm y tế: Không công bằng cho bệnh viện ngoài công lập

Hiện tại, tất cả khối y tế tư nhân được xếp cùng một hạng tương đương với bệnh viện cấp huyện của khối y tế công lập. Điều này đồng nghĩa mức thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) ở các bệnh viện tư cũng chỉ tương đương bệnh viện cấp huyện. Để tiếp tục duy trì khám BHYT, bệnh viện tư buộc phải tìm cách giảm đầu tư trang thiết bị để không phải bù lỗ.Ưu ái bệnh viện công Từ năm 2015, Luật BHYT sửa đổi quy định sẽ thanh toán 100%, 95%, 85% theo nhóm đối tượng khám chữa bệnh (KCB) BHYT và theo hạng bệnh viện. Theo đó, định mức chi trả khám chữa bệnh BHYT có sự chênh lệch giữa bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh và tuyến huyện. Theo luật mới, các cơ sở y tế tư nhân tiếp tục được khám chữa bệnh BHYT. Tuy nhiên, các bệnh viện công trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã hoàn thành việc xếp hạng từ năm 2012, trong khi các bệnh viện tư đã có thời gian dài kiến nghị nhưng vẫn không được tham gia xếp hạng. Điều này dẫn đến hệ lụy, toàn bộ bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại bệnh viện và phòng khám tư nhân chỉ được chi trả tương đương với mức chi trả ở cấp huyện.Điều nghịch lý là, TP Hồ Chí Minh hiện có 36 bệnh viện tư, trong đó hơn một nửa số này có mức đầu tư con người và trang thiết bị tương đương với bệnh viện cấp tỉnh nhưng chưa được công nhận. Với mức chi trả BHYT thấp, người dân không mặn mà đến khám BHYT tại các bệnh viện này, mặt khác nếu điều đó kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng một số bệnh viện tư thua lỗ và không có chi phí tái đầu tư. Từ chỗ được đầu tư trang thiết bị hiện đại, các bệnh viện tư buộc phải tự hạ thấp thứ hạng tương đương với bệnh viện cấp huyện để thu hút nguồn bệnh nhân khám bệnh BHYT. Đứng trước thực tế này, bác sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán y khoa Medic - Chủ tịch Hội Hành nghề y tế tư nhân TP Hồ Chí Minh lo ngại: "Việc không phân hạng bệnh viện tư, dẫn đến tình trạng cá mè một lứa. Ví dụ cùng một ca phẫu thuật khi thực hiện ở bệnh viện cấp trung ương như Chợ Rẫy được chi trả 100% hay 95%, nhưng ở cấp huyện ở TP Hồ Chí Minh chỉ chấp nhận 60%. Điều này dẫn tới các bệnh viện tư phải xoay xở bù lỗ bằng cách mua máy móc, thiết bị chất lượng thấp hơn để giữ chân bệnh nhân. Nguy hiểm hơn, chính sách thanh toán BHYT mới đang khơi mào cho một cuộc cạnh tranh không công bằng dẫn tới chất lượng khám chữa bệnh tại các bệnh viện tư sẽ giảm".

Ảnh hưởng hợp tác công - tư để giảm tải bệnh viện

Trước những thay đổi của Luật BHYT có dấu hiệu tác động tiêu cực đến khối y tế tư nhân, mới đây Hội Hành nghề y tư nhân TP Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo về vấn đề này. Nhiều đại diện của các bệnh viện tư tỏ ra lo ngại với thay đổi trong chính sách chi trả BHYT. Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, Phó Chủ tịch Hội Hành nghề y tế tư nhân TP Hồ Chí Minh bức xúc: "Trước đây, với mức chi trả 30% khi người bệnh có thẻ BHYT đi khám tại các phòng khám tư, dù mức chi trả ít hơn bệnh viện công, nhưng người bệnh được hưởng dịch vụ tốt nên phòng khám tư vẫn có lượng lớn bệnh nhân. Sự cắt giảm 30% chi trả từ năm 2015 dẫn đến các phòng khám tư không còn hấp dẫn. Người dân sẽ khám ở bệnh viện công để được hưởng mức chi trả cao hơn. Sau hơn một tháng triển khai Luật BHYT mới, các cơ sở y tế tư nhân đã mất đi 90% lượng bệnh nhân. Dù người dân có nguyện vọng muốn chọn lựa dịch vụ tốt và chất lượng khám chữa bệnh cao nhưng đành quay về với bệnh viện công, vì đa số bệnh nhân sử dụng BHYT là đối tượng nghèo và cận nghèo". Dược sĩ Phan Anh Dũng - Phó Giám đốc Bệnh viện Mỹ Đức cho biết: "Trong khi chúng ta đang nỗ lực hợp tác bệnh viện công - tư để giảm quá tải bệnh viện, nhưng trước thay đổi chính sách mới, với mức chi trả thấp, các cơ sở y tế tư nhân không níu giữ được lượng người nghèo và cận nghèo đến khám BHYT. Như vậy, nguy cơ quá tải tại các bệnh viện tuyến trên sẽ tiếp tục gia tăng". Trước thực trạng này, Hội Hành nghề y tư nhân TP Hồ Chí Minh sẽ gửi kiến nghị lên Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam để có những điều chỉnh tích cực nhằm giúp khối y tế tư nhân có điều kiện thuận lợi hơn trong việc tham gia khám chữa bệnh cho bệnh nhân có sử dụng BHYT.

Nhiệm vụ “kép” của ngành y tế:Phòng dịch và ngăn chặn thực phẩm “bẩn”

Ngày 5-2, tại hội nghị trực tuyến (gần 700 điểm cầu là các sở y tế, bệnh viện của các tỉnh, thành phố trên cả nước) về công tác phòng chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) và khám chữa bệnh trong dịp Tết Ất Mùi 2015, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lưu ý toàn ngành tập trung cao độ trong phòng chống dịch bệnh sởi có nguy cơ quay trở lại, đồng thời yêu cầu tất cả bệnh viện (BV) các tuyến tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng bệnh nhân không được đón tiếp và chăm sóc chu đáo trong dịp Tết.

Dịch sởi có nguy cơ quay lại

Báo cáo về tình hình dịch bệnh trong tháng đầu năm mới 2015, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu dự báo nguy cơ dịch sởi bùng phát trở lại, một số dịch bệnh lây qua đường hô hấp như ho gà, cúm sẽ gia tăng trong dịp Tết Ất Mùi và sau đó. Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, trong năm 2014, Việt Nam ghi nhận hơn 5.600 trường hợp xét nghiệm dương tính với sởi tại 63 tỉnh, thành phố. Báo cáo giám sát từ các tỉnh, thành phố cho thấy, trong tháng 1-2015, ngành y tế ghi nhận 133 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 28 trường hợp xét nghiệm dương tính với sởi tại 13 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Bắc Ninh, Phú Thọ, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Quảng Trị, TP Hồ Chí Minh và Đắk Lắk). Trong tháng 1, BV Nhi trung ương đã ghi nhận 21 trường hợp mắc sởi, bệnh nhân là người thuộc 10 tỉnh, thành phố, trong đó có 33,3% tại Hà Nội. Theo diễn biến của bệnh trong năm 2014, số bệnh nhân sốt phát ban nghi sởi trong tháng 1 năm ngoái ở mức thấp nhưng đến tháng 5-2014, con số này đã lên tới hơn 10 nghìn trường hợp. Do đó, nếu không có các biện pháp dự phòng kịp thời thì nguy cơ dịch sởi quay trở lại là rất lớn. Mặt khác, trong tháng 1-2015, ngành y tế đã ghi nhận 16 trường hợp mắc ho gà, ở Hà Nội, Hải Dương, Nghệ An, Ninh Bình, Hòa Bình và Vĩnh Phúc.Theo ông Trần Đắc Phu, gần đây, tỷ lệ trẻ bị ho gà, sởi phải nhập viện ở mức cao có liên quan đến công tác tiêm phòng. Nhiều gia đình chưa tiêm phòng cho trẻ hoặc trì hoãn việc tiêm, cố chờ để tiêm vắc xin dịch vụ dù điều kiện thời tiết hiện nay rất thuận lợi cho hai loại bệnh này phát triển. Do vậy, để phòng dịch bệnh bùng phát, các địa phương cần tích cực tuyên truyền, vận động người dân đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch. Rút kinh nghiệm từ vụ dịch sởi xảy ra do lây nhiễm chéo tại BV Nhi trung ương vào đầu năm ngoái, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê yêu cầu các BV phải bảo đảm đủ trang thiết bị, cơ số thuốc, triển khai đầy đủ và nghiêm túc quy định, chế độ chuyên môn theo yêu cầu phòng chống lây nhiễm chéo trong BV. Về vấn đề an toàn tiêm chủng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng phải loại trừ tình trạng tiêm nhầm vắc xin, như đã xảy ra liên tiếp trong thời gian qua. Việc tiêm nhầm vắc xin là không thể chấp nhận được, chưa từng có trong lịch sử ngành y tế Việt Nam. Bởi vậy, chỉ có những người đủ tiêu chuẩn mới được trực tiếp tiêm, ngay cả trạm trưởng, trạm phó trạm y tế cũng không được tiêm nếu chưa được tập huấn về tiêm chủng. Người đứng đầu ngành y tế cũng yêu cầu các địa phương giám sát gắt gao các điểm tiêm chủng dịch vụ bởi thực tế cho thấy việc cung ứng vắc xin ở khu vực này không ổn định, khiến nhiều trẻ phải trì hoãn việc tiêm và đó cũng là nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát. "Ngành y tế luôn bảo đảm cung ứng đầy đủ thuốc trong điều trị cơ bản, vắc xin tiêm chủng miễn phí. Nếu các cơ sở tiêm chủng dịch vụ nào không đủ điều kiện cung ứng đủ nhân lực, vắc xin thì phải kiên quyết rút giấy phép, không cho hoạt động nữa".

Tăng cường ngăn chặn thực phẩm "bẩn"

Trong tháng 1-2015, đoàn kiểm tra liên ngành ATTP của TP Hà Nội đã tiến hành kiểm tra 15 cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống, kinh doanh, sản xuất, chế biến thực phẩm… Cơ quan quản lý đã xử phạt 2 cơ sở với số tiền hơn 12 triệu đồng. Riêng Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra 20 cơ sở, số tiền phạt lên tới 100 triệu đồng; Sở NN&PTNT Hà Nội phát hiện 29 cơ sở có vi phạm, phạt hành chính với số tiền hơn 20 triệu đồng và tiêu hủy gần 2.000kg nấm kim châm, gà nguyên con, gia cầm lông, nội tạng lợn, thịt trâu bò, trứng gia cầm… Chi cục Quản lý thị trường thành phố kiểm tra, phát hiện 246 vụ vi phạm về đo lường chất lượng và ATTP, số tiền phạt hành chính là 1,48 tỷ đồng. Ngoài ra, tuyến quận, huyện đã kiểm tra 679 cơ sở, xử phạt 52 cơ sở với tổng số tiền phạt 177 triệu đồng.Theo Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong, vào thời điểm giáp Tết, lượng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được tung ra thị trường với số lượng rất lớn, đe dọa sức khỏe của người dân. Ngành chức năng đã tiến hành xét nghiệm 71 mẫu hoa quả lấy ở các chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội, phát hiện một số mẫu táo không đạt tiêu chuẩn. Ông Nguyễn Thanh Phong cho rằng, hiện nay, các cơ sở kinh doanh tăng công suất hoạt động và bởi vậy, từ nay đến Tết Nguyên đán và dịp lễ hội xuân sắp tới, công tác bảo đảm ATTP cần được tăng cường. Giải pháp hiệu quả nhất không có gì khác hơn là tăng cường kiểm tra, giám sát, xử phạt và công bố công khai các đơn vị, nhãn hàng vi phạm để nhân dân được biết.

Công bố 10 sự kiện tiêu biểu của ngành y tế trong năm 2014

Ngày 5/2, Bộ Y tế đã công bố 10 sự kiện tiêu biểu trong năm 2014 về công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

1. Đường dây nóng hoạt động hiệu quả

Trong năm 2014, Bộ Y tế thiết lập và tổ chức đồng bộ hệ thống Tổng đài tự động đường dây nóng 1900-9095. Đường dây nóng không chỉ là kênh tiếp nhận thông tin phản hồi của người dân mà còn là công cụ giám sát hữu hiệu, giúp lãnh đạo các bệnh viện nắm bắt và giải quyết kịp thời những vấn đề liên quan đến chất lượng khám chữa bệnh.Trong năm 2014 đã có 98.760 cuộc gọi của người dân đến Đường dây nóng ngành y tế. Qua các nội dung phản ánh của người dân, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo quyết liệt việc tiếp nhận, kiểm tra thông tin phản ánh và xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm. Kết quả đã có 6.807 cán bộ bị nhắc nhở, 137 cán bộ bị khiển trách, 6 cán bộ bị cách chức và 4 cán bộ bị nghỉ việc…Bên cạnh các trường hợp bị xử lý nghiêm khắc, cũng từ thông tin phản ánh đến đường dây nóng, các đơn vị trong ngành y tế đã khen thưởng 229 tập thể, cá nhân vì những thành tích xuất sắc, hết lòng tận tình phục vụ người bệnh.

2. Ổn định nhân sự trạm y tế xã phường

Trong năm qua, Bộ Y tế tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 117/2014/NĐ-CP. Sau 20 năm (1994 - 2014), lần đầu tiên Trạm Y tế xã, phường, thị trấn được ổn định, chính thức thuộc Trung tâm Y tế huyện, cán bộ y tế xã chính thức là viên chức; Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện và Ủy ban nhân dân xã quan tâm, đầu tư cho trạm y tế xã, phường, thị trấn. Bộ Y tế đánh giá, việc triển khai Nghị định tại thời điểm hiện nay có tác động đến đội ngũ cán bộ y tế đang thuộc diện hợp đồng theo Quyết định 58/QĐ-TTg, tạo niềm tin cho đội ngũ y tế cơ sở yên tâm công tác, có điều kiện học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân

3. Giảm quá tải bệnh viện

Năm 2014, với những nỗ lực không ngừng vì người bệnh, ngành y tế đã triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm tải bệnh viện, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Đến nay, đã có 15 bệnh viện tuyến trung ương cam kết không còn người bệnh nằm ghép giường bệnh trong thời gian điều trị nội trú. Đáng ghi nhận 58% số bệnh viện tuyến Trung ương, 47% số bệnh viện tuyến tỉnh đã giảm hẳn số giường nằm ghép ở một số khoa; đồng thời tăng công suất sử dụng giường bệnh tại 25% số bệnh viện tuyến huyện; giảm thời gian chờ khám gần 50 phút/lượt khám, tiết kiệm 27 triệu ngày công lao động/năm.

4.Tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN

Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 12 và các hội nghị liên quan như Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN+3 lần thứ 6, Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN+Trung Quốc lần thứ 5 lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam đã thành công tốt đẹp. Tại hội nghị này các Bộ trưởng Y tế ASEAN đã thông qua các chiến lược, chính sách y tế của khu vực, thảo luận và giải quyết các vấn đề y tế nổi bật của khu vực với mục tiêu chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, hội nhập y tế quốc tế.

5. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế

Năm 2014, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế được Quốc hội thông qua. Bộ Y tế đã trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế với nhiều điểm mới nổi bật mang tính đột phá và hội nhập thúc đẩy lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân. Những nội dung nổi bật mang tính đột phá như: Bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế; Thực hiện bảo hiểm y tế theo hình thức hộ gia đình; Mở rộng phạm vi quyền lợi và mức hưởng bảo hiểm y tế như bỏ tỷ lệ đồng chi trả đối với người nghèo, giảm tỷ lệ đồng chi trả từ 20% xuống còn 5% đối với đối tượng người thuộc hộ gia đình cận nghèo; Tạo thuận lợi để người tham gia bảo hiểm y tế tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng, phù hợp với nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh thông qua việc mở thông tuyến chuyên môn kỹ thuật trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế...

6. Ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật hiện đại

Ngành y tế Việt Nam tiếp tục làm chủ được công nghệ sản xuất một số vắcxin mới, thành công về ghép đa tạng, ghép tế bào gốc, ứng dụng robot phẫu thuật, ghép tim và các bộ phận cơ thể người… đạt trình độ ngang tầm y học các nước tiên tiến trên thế giới. Những kết quả đó không những cứu sống mà còn lại mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

7. Ngăn chặn thành công các bệnh nguy hiểm

Ngành y tế Việt Nam đã ngăn chặn thành công các bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên thế giới không để xâm nhập vào Việt Nam như Ebola, cúm A (H7N9), MersCo-V… Năm 2014 Bộ Y tế tiến hành triển khai chiến dịch tiêm vắcxin sởi-rubella miễn phí có quy mô lớn nhất từ trước đến nay cho 23 triệu trẻ em từ 1 đến 14 tuổi trên toàn quốc.

8. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính

Lần đầu tiên, Bộ Y tế triển khai 3 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với các thủ tục hành chính về lĩnh vực an toàn thực phẩm như: Cấp Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy, Giấy xác nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm và Chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 giúp doanh nghiệp nộp hồ sơ, thanh toán hoàn toàn trực tuyến ở những nơi có thể kết nối Internet, giúp tiết kiệm kinh phí, nhân lực, thời gian và tạo sự công khai, minh bạch trong thực hiện dịch vụ công.

9. Tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh giảm

Năm 2014 cũng là năm có tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh tại Việt Nam giảm lần đầu tiên sau 8 năm tăng liên tục kể từ năm 2006. Tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh tại Việt Nam giảm được 1,6 điểm %, từ 113,8 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2013 xuống còn 112,2 trẻ trai/100 trẻ gái nhờ sự nỗ lực chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành, các tổ chức và nhân dân cả nước…

10. Phong trào ngành y tế cùng ngư dân bám biển

Phong trào ngành y tế cùng ngư dân bám biển đã được Bộ Y tế phát động tại huyện đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi và triển khai thực hiện từ tháng 5/2014. Phong trào với những việc làm thiết thực như: tặng hàng trăm tủ thuốc, trang thiết bị y tế cho tàu cá đánh bắt xa bờ; gắn việc chăm sóc sức khỏe ngư dân với phát triển kinh tế biển đảo và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc./.

Quân đội nhân dân

Vì “Một sức khỏe” an toàn cho Việt Nam 

“Nguy cơ bệnh truyền nhiễm phát sinh trong mối tương tác con người - động vật - hệ sinh thái tại Việt Nam” là chủ đề của hội nghị quốc gia một sức khỏe lần thứ 3 do Bộ Y tế phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 3-2 tại Hà Nội . Tại lễ khai mạc Hội nghị Một sức khoẻ lần thứ 3 tại Hà Nội, Liên hợp quốc (LHQ) đã công nhận “Một sức khoẻ” là thành tựu mới nhất mà Việt Nam đã đạt được cho đến thời điểm này. Tuy nhiên, LHQ cũng nhấn mạnh rằng, Việt Nam còn cả một chặng đường dài phía trước để trở thành nước dẫn đầu về “Một sức khoẻ” trong khu vực. Trước những hiểm hoạ từ các căn bệnh mới và mới nổi lên, LHQ kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa việc chăm sóc sức khỏe con người, động vật và hệ sinh thái theo khuôn khổ tiếp cận thống nhất “Một sức khoẻ”. Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Việt Nam là một trong những nước đầu tiên trong khu vực áp dụng phương pháp tiếp cận đa ngành từ năm 2003 và dần trở thành phương pháp “Một sức khỏe”. Phương pháp này được áp dụng trong Chương trình phối hợp hành động quốc gia phòng chống cúm gia cầm, dự phòng đại dịch và các bệnh truyền nhiễm mới nổi giai đoạn 2011 - 2015; đồng thời cũng được áp dụng trong phòng chống các bệnh lây truyền như SARS, cúm gia cầm độc lực cao H5N1, H7N9, bệnh dại và Ebola tại Việt Nam. Việt Nam đã triển khai tích cực, hiệu quả các hoạt động phối hợp liên ngành như thành lập các ban chỉ đạo, ban hành Thông tư liên Bộ 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT giữa Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn phối hợp phòng chống bệnh lây truyền từ động vật sang người. Hiện nay, nhiều bệnh lây truyền từ động vật sang người đã ghi nhận ở Việt Nam như cúm A/H5N1 và đã có trường hợp tử vong; bệnh do liên cầu khuẩn lợn ở người với 77 trường hợp mắc và 15 trường hợp tử vong (năm 2014); bệnh dại với 65 trường hợp mắc (năm 2014); bệnh than với 49 trường hợp mắc... Tuy nhiên, một số bệnh mới nổi như: Cúm A/H7N9, MERS-CoV, Ebola, dịch hạch chưa ghi nhận trường hợp mắc tại Việt Nam...Tại hội nghị, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam cho biết, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, kết quả bền vững của phương pháp “Một sức khỏe” đòi hỏi cách tiếp cận đa ngành, không chỉ trong lĩnh vực bảo vệ sức khỏe con người và động vật mà phải bao gồm cả các đối tác khác trong việc quản lý tài nguyên thiên nhiên, sức khỏe hệ sinh thái và các bộ, ban, ngành liên quan đến quy hoạch phát triển. Đến nay, Việt Nam đã có những tiến bộ rõ rệt nhưng vẫn cần xây dựng một cơ chế phối hợp tiếp cận mang tính chiến lược phù hợp với kế hoạch và lộ trình hành động cho phương pháp “Một sức khỏe”…

Không tiêm phòng đúng lịch, nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm

Bộ Y tế cho biết, ở nước ta, hiện đang là mùa đông-xuân, điều kiện môi trường rất thuận lợi cho các mầm bệnh (vi khuẩn, virus) phát triển và lây lan, càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh của trẻ em, nhất là với các bệnh như cúm, bệnh đường hô hấp (viêm phế quản, viêm phổi), sởi, rubella, tiêu chảy, ho gà… Từ đầu năm 2015, cả nước đã ghi nhận một số trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm rải rác tại một số tỉnh, thành phố như ho gà, bệnh sởi, rubella... Phần lớn các trường hợp này đều chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vắc-xin phòng bệnh, có trẻ mắc bệnh sớm, như bệnh ho gà ở trẻ 2-3 tháng tuổi, bệnh sởi khi trẻ 9-12 tháng tuổi... Đây là độ tuổi trẻ cần được đưa đi tiêm chủng phòng bệnh theo lịch đầy đủ nhưng chưa được tiêm chủng.  Lý do các bà mẹ không đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ là do các bà mẹ không nắm được trẻ em sau khi sinh cần được tiêm chủng những vắc-xin phòng bệnh gì và lịch tiêm chủng như thế nào, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh thường có tâm lý chờ đợi tiêm vắc-xin dịch vụ mà không đưa trẻ đi tiêm chủng theo lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng, trong khi chương trình tiêm chủng mở rộng luôn bảo đảm đầy đủ vắc-xin tiêm cho trẻ. Ngoài ra, vì nhiều lý do khác như sợ phản ứng sau tiêm chủng cho trẻ, sợ trẻ ốm…. mà phụ huynh không đưa con đi tiêm chủng (mặc dù trẻ không thuộc diện hoãn tiêm). Để phòng chống bệnh hiệu quả, Bộ Y tế khuyến cáo, các bà mẹ khi sinh con cần phải biết các bệnh được dự phòng hiệu quả bằng vắc-xin, cũng như lịch tiêm chủng đầy đủ cho trẻ, đặc biệt đối với trẻ dưới 1 tuổi. Các bà mẹ tuyệt đối không nên để trẻ mắc bệnh do không được tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh, nguy cơ rất lớn trẻ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm sớm do không tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch, đặc biệt trong thời điểm mùa đông - xuân này.

Pháp luật

Đình chỉ lưu hành và thu hồi các thuốc chứa hoạt chất Lysozym 

Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các đơn vị liên quan trên cả nước về việc đình chỉ lưu hành và thu hồi toàn bộ thuốc chứa hoạt chất Lysozyme. Cục Quản lý Dược đề nghị các đơn vị xuất, nhập khẩu, ủy thác nhập khẩu các thuốc chứa hoạt chất Lysozyme thông báo thu hồi đến tất cả cơ sở phân phối bán buôn, bán lẻ, sử dụng thuốc chứa Lysozyme và tiến hành thu hồi các thuốc này trên toàn quốc. Đồng thời, các bệnh viện có giường bệnh cũng phải dừng ngay việc kê đơn và sử dụng các thuốc chứa hoạt chất Lysozyme.  Sở Y tế các tỉnh, thành phố, y tế các ngành thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc ngừng sử dụng và thu hồi toàn bộ các thuốc chứa hoạt chất Lysozym, kiểm tra, giám sát các đơn vị trả lại thuốc cho cơ sở cung ứng, xử lý các đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành. Hiện nay, trên cả nước có 38 loại thuốc chứa hoạt chất Lysozyme đang được cấp đăng ký lưu hành. Thuốc chứa hoạt chất Lysozyme thường được chỉ định cho những trường hợp khó bài xuất đàm, viêm xoang mạn tính, phù nề, chảy máu trong hoặc sau các cuộc tiểu phẫu… Theo Cục Quản lý Dược, nguyên nhân rút các loại thuốc này bởi dược chất Lysozyme có lợi ích trong điều trị không cao hơn so với nguy cơ do thuốc gây ra. Trước đó, Công văn số 1570/QLD-CL ngày 29/01/2015 của Cục Quản lý Dược gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công ty cổ phẩn Armephaco về việc thông báo đình chỉ lưu hành thuốc viên nén Panlife (Pantoprazole tablets 40mg), SĐK: VN-12863-11, số lô: PNV003, ngày SX: 05/11/2013; HD: 04/11/2015 do Công ty Công ty Eurolife Healthcare Pvt. Ltd., India sản xuất, Công ty cổ phẩn Armephaco nhập khẩu do không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan (trong môi trường acid và trong môi trường đệm). Công văn số 1571/QLD-CL ngày 29/01/2015 của Cục Quản lý Dược gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công ty cổ phần dược phẩm thiết bị y tế Hà Nội - Hapharco về việc thông báo đình chỉ lưu hành thuốc viên nén bao tan trong ruột Pantocid (Pantoprazole tablets 40mg), SĐK: VN-17790-14, số lô: SKN0496A, ngày SX: 23/04/2014; HD: 23/04/2017 do Công ty Sun Pharmaceuticals Ind. Ltd., India sản xuất, Công ty cổ phần dược phẩm thiết bị y tế Hà Nội - Hapharco  nhập khẩu do thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan (trong môi trường acid và trong môi trường đệm). Công văn số 1572/QLD-CL ngày 29/01/2015 của Cục Quản lý Dược gửi Sở Y tế TP Hà Nội; Sở Y tế Bắc Kạn; Công ty TNHH MTV dược phẩm Trung ương 1 về việc thông báo đình chỉ lưu hành thuốc Pantopep-Dol (Pantoprazol 40mg), SĐK: VN-12241-11, số lô: FK76M201, NSX: 08/12/2012, HD: 07/12/2015 do Công ty Zim Laboratories Ltd., India sản xuất, Công ty TNHH MTV dược phẩm Trung ương 1 nhập khẩu do thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan./.

Pháp luật Tp. Hồ Chí Minh

Yêu cầu thu hồi hai lô thuốc của Ấn Độ

Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) ngày 2-2 cho biết vừa đình chỉ lưu hành và yêu cầu thu hồi hai lô thuốc của Ấn Độ. Đó là thuốc Pantopep-Dol (Pantoprazol 40 mg), SĐK: VN-12241-11, số lô: FK76M201 do Công ty Zim Laboratories Ltd sản xuất, Công ty TNHH MTV Dược phẩm Trung ương 1 nhập khẩu. Thuốc này không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan. Thứ hai là thuốc viên nén Panlife (Pantoprazole tablets 40 mg), SĐK: VN-12863-11, số lô: PNV003 do Công ty Eurolife Healthcare Pvt. Ltd sản xuất, Công ty CP Armephaco nhập khẩu. Thuốc này cũng không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan trong môi trường acid và trong môi trường đệm.

Đo sự hài lòng của dân với dịch vụ y tế

Sở Y tế TP.HCM vừa triển khai thí điểm đo sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế công năm 2015. Các đơn vị được khảo sát gồm Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm; bộ phận tiếp nhận và hoàn trả hồ sơ thuộc Văn phòng Sở; các bệnh viện TP, quận/huyện; Trung tâm Y tế dự phòng TP; Trung tâm Kiểm dịch y tế Quốc tế; các trung tâm YTDP quận/huyện. Các lĩnh vực được khảo sát là tiêm chủng; khám bệnh, chữa bệnh; cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc; ATVSTP; cấp chứng chỉ hành nghề y, dược; cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề y. Theo lãnh đạo Sở Y tế, mục đích cuộc khảo sát sự hài lòng nhằm đề ra những giải pháp cải thiện thủ tục hành chính và nâng cao ý thức trách nhiệm, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Một thế giới

Thuốc giá thấp nhất chưa chắc trúng thầu 

“Trong dự thảo thông tư liên tịch hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế lần này có nhiều thay đổi, đặc biệt không phải cứ thuốc thấp giá nhất là thuốc trúng thầu, còn giá cao là rớt thầu. Điều này còn phải tùy theo chất lượng thuốc trong từng nhóm thuốc ở từng gói thầu". Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn đã khẳng định như thế tại Hội thảo “Lấy ý kiến dự thảo thông tư liên tịch hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế” hôm 2.2.2015. Việc đấu thầu thuốc trong thời gian qua xảy ra nhiều bất cập, khiến có dư luận có hoài nghi về việc có những tiêu cực trong đấu thấu, chất lượng thuốc trúng thầu kém… Điều này đã khiến Bộ Y tế phải xây dựng lại dự thảo thông tư liên tịch hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế thay cho thông tư hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế trước đây. Theo thứ trưởng Phạm Lê Tuấn, giá thuốc trúng thầu được quy định trong dự thảo lần này còn có đàm phán giá thuốc với nhà thầu. Việc đàm phán thuốc được áp dụng với gói thầu thuốc biệt dược gốc, bao gồm thuốc biệt dược gốc đã hết bản quyền; thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm do Bộ Y tế ban hành; thuốc sinh học có nguồn gốc tự nhiên và vắc xin phục vụ các chương trình y tế hoặc hoạt động tiêm phòng dịch vụ theo yêu cầu. “Vì vậy chưa chắc giá thuốc cao hơn là không có cơ hội trúng thầu”, ông Tuấn nói. Ngoài ra, để bảo vệ các nhà sản xuất dược trong nước, tránh tình trạng nhiều nhà máy sản xuất dược trong nước đầu tư dây chuyền, công nghệ hiện đại để sản xuất, nhưng khi tham gia đấu thầu đều bị rớt thầu vì giá cao hơn so với các thuốc ngoại cùng loại. Lần này, trong dự thảo thông tư liên tịch hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế, Bộ Y tế quy định, danh mục thuốc phải hướng tới mục tiêu tăng tỉ lệ sử dụng thuốc sản xuất tại Việt Nam/tổng số tiền mua thuốc tại các cơ sở y tế tại Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Để bảo vệ tối đa cho các công ty dược sản xuất trong nước, dự thảo thông tư còn quy định, khi có danh mục thuốc tương tự trong nhóm khác không trúng thầu, Hội đồng thuốc và điều trị có thể đề nghị thủ trưởng cơ sở y tế thương thảo với các nhà trúng thầu để tăng số lượng tương ứng trong các nhóm thuốc đã trúng thầu trên cơ sở ưu tiên mặt hàng thuốc sản xuất trong nước có chất lượng tương đương và giá không cao hơn thuốc nhập khẩu tại thời điểm lựa chọn nhà thầu.

Khám phá

Bé 2 tuổi suýt chết vì đắp lá chữa bỏng

Sau khi chữa bỏng bằng cách đắp thuốc lá và bôi thuốc mỡ của bà lang gần nhà, bé N.T.V, 2 tuổi ở Mê Linh, Hà Nội đã bị biến chứng toàn thân phổng rộp, lột từng mảng da lớn.

 Nguy kịch vì tin bà lang chữa bỏng

Đến bé V đau đớn vết các từng mảng da lớn bị lột ra sau khi đắp  thuốc lá , thuốc mỡ của bà lang gần nhà gia đình đưa đi cấp cứu tại BV Xanhpon (Hà Nội) vào ngày 29/1. ThS.BS Nguyễn Quang Thống, Trưởng khoa Bỏng, BV Xanhpon cho biết, bé V được đưa đến viện trong tình trạng gặp biến chứng sau bỏng rất nặng: toàn thân bé phồng rộp, từng mảng da có dấu hiệu hoại tử có nước màu trắng bên trong. Ban đầu bé chỉ bị trợt da ở hai đầu gối, sau lan sang đùi, bụng, ngực và toàn thân. Tình trạng bỏng quá nặng khiến bệnh nhi đau đớn, tri giác lơ mơ. Chị Dung, mẹ của bé V. cho biết, em bị bỏng nước nồi canh mẹ vừa nấu. Bé V. đã nghịch mở vung nồi, nước ở vung rớt xuống người bé gây bỏng. Thay vì đưa con đến viện ngay lúc đó, chị Dung lại đưa bé sang bà lang cùng xóm vì nghe nói bà chữa bỏng rất tốt. “Bà lang lấy thuốc mỡ và thuốc lá đắp lên vết bỏng nơi đùi của con, tôi cũng không biết đấy là thuốc gì. Nhưng chỉ hai hôm sau, tại chỗ vết bỏng có đắp thuốc bị rộp lên và mưng nước. Tình trạng rộp còn lan ra rộng hơn, vợ chồng tôi sợ quá bèn đưa con xuống BV Xanhpon”, chị Dung vừa khóc vừa kể. Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ tại khoa Bỏng đã tiến hành điều trị loại bỏ thuốc đông y, bù nước điện giải, tiêm kháng sinh chống viêm và tiêm thuốc bổ trợ sức cho bệnh nhi. “Với tình trạng phồng rộp của bệnh nhi khi nhập viện chúng tôi nghi ngờ khả năng trẻ đã bị dị ứng thuốc đông y. Rất thuốc của bà lang đó có trộn thuốc tây y Paracetamol, cocticoit – hai loại thuốc giảm đau, giảm sốt mà nhiều thầy lang hay sử dụng”,.

Cần đưa nạn nhân bỏng đến cơ sở y tế

ThS Thống nhấn mạnh, đây không phải là trường hợp đầu tiên bị biến chứng do chữa bỏng bằng thuốc đông y của các ông lang, bà lang vườn. Tại khoa Bỏng, Bệnh viện Xanh pôn đã phải điều trị cho rất nhiều trường hợp biến chứng vết bỏng do chữa bỏng bằng thuốc đông y không rõ nguồn gốc. Trong số này, có không ít trường hợp đã phải cắt bỏ chi, nhiễm trùng máu, viêm cầu thận cấp do đắp thuốc gây biến chứng hoại tử, nhiễm trùng vết bỏng. Thậm chí, có trường hợp nhập viện trong tình trạng quá muộndẫn đếntử vong.  Không phủ nhận vai trò của đông y trong điều trị bỏng nhưng vị bác sĩ này cho rằng hầu hết các "thầy lang vườn" hiện nay đều đem một bài thuốc – được gọi là bài thuốc gia truyền áp dụng chữa trị cho tất cả các bệnh nhân bỏng. Trong khi trên thực tế mỗi bệnh nhân bỏng cần có phác đồ điều trị khác nhau và việc điều trị này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độ sâu, diện tích bỏng, tác nhân gây bỏng, chữa bỏng cho trẻ em khác với bỏng người lớn … Có những vết bỏng nông, tổn thương nhẹ nếu giữ vệ sinh tốt có thể không cần dùng thuốc cũng tự khỏi. Nhưng có những trường hợp bỏng không rộng, chỉ một vết nhỏ nhưng bỏng sâu lại có thể gây nguy hiểm khôn cùng. Trong khi bằng mắt thường các thầy lang chỉ có thể biết nhận biết được diện tích vết bỏng lớn hay nhỏ mà không thể nhận biết được độ nông sâu, mức độ tổn thương của vết bỏng. Do đó, việc chỉ dùng một bài thuốc để chữa bỏng cho tất cả các trường hợp là vô cùng nguy hiểm. “Việc sử dụng thuốc đông y bôi, đắp lên các vết bỏng sẽ tạo lớp màng cứng. Khi lớp màng cứng xuất hiện nhiều người lầm tưởng đó là biểu hiện của sự lành vết thương. Trên thực tế, lớp màng cứng này càng khiến tổ chức dưới da không được xử lý kịp thời dẫn đến hoại tử, mưng mủ, khi không thoát được ra bên ngoài sẽ khiến vết bỏng thêm trầm trọng”, ThS Thống cảnh báo. Do đó, để tránh bị biến chứng trầm trọng sau bỏng, đe dọa tính mạng, ThS Thống khuyến cáo người dân không nên chữa bỏng ở những thầy lang vườn. Cách tốt nhất là đưa trẻ và cả người lớn bị bỏng đến ngay cơ sở y tế gần nhất hoặc các bệnh viện chuyên khoa bỏng để người bệnh được điều trị và xử lý đúng cách. Hiện tại, do được cấp cứu kịp thời, bé V đã qua cơn nguy kịch nhưng bệnh nhi vẫn đang được các bác sĩ theo dõi chặt chẽ.  

Dân trí

Sữa Ensure "không bán tại Việt Nam hay Mexico” chưa được cấp phép lưu hành

Ngày 3/2, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, đến nay sản phẩm sữa Ensure ghi nhãn có cụm từ “not tobe sold in Viet Nam or Mexico" chưa từng được cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Trước đó, trên một số phương tiện thông tin đại chúng có phản ánh sản phẩm sữa Ensure do hãng Abbott Laboratories sản xuất thuộc nhóm thực phẩm bổ sung nội dung ghi nhãn có cụm từ "not tobe sold in Viet Nam or Mexico", tạm dịch "không bán tại Việt Nam hay Mexico” nhưng được lưu hành trên thị trường Việt Nam. Khảo sát của các cơ quan thông tin đại chúng cũng phát hiện loại sữa này được bán trên thị trường. Sau khi tiến hành rà soát, kiểm tra dữ liệu tại Cục An toàn thực phẩm, Cục khẳng định tính đến thời điểm hiện tại Cục chưa cấp giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP cho bất kỳ sản phẩm Sữa Ensure do hãng Abbott Laboratories sản xuất thuộc nhóm thực phẩm bổ sung, nội dung có ghi nhãn cụm từ "not tobe sold in Viet Nam or Mexico". “Do vậy sản phẩm này chưa được phép lưu hành tại Việt Nam. Việc kinh doanh, phân phối, lưu thông, quảng cáo sản phẩm này tại thị trường Việt Nam đều là vi phạm”, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm khẳng định. Để phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm hành vi vi phạm nêu trên, Cục An toàn thực phẩm đã yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo Chi Cục ATVSTP, Thanh tra Sở Y tế phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, công an tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra việc buôn bán các loại sản phẩm nêu trên tại địa bàn.  Mọi sản phẩm này kinh doanh, buôn bán trên thị trường đều là vi phạm, vì thế nếu phát hiện có việc kinh doanh, quảng cáo sản phẩm này trên địa bàn yêu cầu xử lý nghiêm và thực hiện công khai đúng quy định của pháp luật.

Lao động

Đồng loạt kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm trên toàn quốc

Sáng 4.2, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long - Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành trung ương về ATVSTP - tiến hành kiểm tra 3 nhóm mặt hàng rau củ, thịt cá và rượu tại siêu thị Metro Thăng Long (Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Đoàn kiểm tra tiến hành lấy các mẫu hoa quả, thịt để kiểm nghiệm và sẽ công bố kết quả rộng rãi trong thời gian sớm nhất. Tại buổi kiểm tra, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, 6 đoàn kiểm tra liên ngành trung ương đi kiểm tra các thành phố lớn và 653 đoàn kiểm tra các cấp đã kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm từ khâu sản xuất các sản phẩm đến lưu thông trên thị trường. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng yêu cầu Ban chỉ đạo ATVSTP các cấp của thành phố cần tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp, cơ sở sản xuất, kinh doanh không tuân thủ các quy định về ATVSTP, nhằm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. 

Nhân dân

Chủ động trong phòng, chống dịch bệnh

Dịch bệnh ngày càng có xu hướng diễn biến khó lường, điều đó yêu cầu cơ quan quản lý cũng như các cơ quan chuyên môn cần những biện pháp ứng phó phù hợp. Kinh nghiệm những năm gần đây cho thấy, để phòng, chống dịch hiệu quả cần phải chủ động và tích cực. Tại nhiều nước trên thế giới đang có tình trạng phát sinh, gia tăng những dịch bệnh mới nổi và nguy hiểm như: E-bô-la, sởi, cúm A(H7N9), MERS-CoV... Bên cạnh đó, các bệnh dịch: bại liệt, dịch hạch cũng có nguy cơ bùng phát trở lại sau một thời gian tạm lắng xuống. Còn đối với trong nước, một số bệnh dịch như sốt xuất huyết, tay chân miệng... luôn có nguy cơ bùng phát mạnh nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Nguyên nhân là do sự biến đổi của các tác nhân gây bệnh, vấn đề ô nhiễm môi trường, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường yếu kém, đô thị hóa, biến đổi khí hậu... nhất là sự giao lưu đi lại của người dân ngày càng rộng rãi, tạo điều kiện cho dịch, bệnh nhanh chóng lan truyền từ vùng này sang vùng khác. Kết quả và cách triển khai công tác phòng, chống dịch thời gian qua đã giúp các cơ quan chuyên môn có được những kinh nghiệm, bài học quý báu cho những năm tiếp theo. Có lẽ bài học trong việc ứng phó với dịch sởi trong năm 2014 là rất đáng quý. Việc gia tăng về số mắc, tử vong liên quan đến sởi do sự tích lũy số trẻ không có miễn dịch sởi trong nhiều năm tại cộng đồng, nhất là tại một số địa phương có tỷ lệ tiêm phòng vắcxin thấp, không đạt tỷ lệ bao phủ hơn 95% ở quy mô xã, phường tạo vùng "lõm" về tiêm chủng tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt là tình trạng lây chéo tại một số bệnh viện do chưa làm tốt việc cách ly bởi sự quá tải và tâm lý người dân muốn chuyển bệnh nhân lên tuyến trên đã là một trong những nguyên nhân chính làm cho hơn 150 trẻ tử vong. Phòng, chống dịch là một hoạt động đòi hỏi có tính khoa học kỹ thuật cao. Nếu không có nền khoa học, y khoa tốt thì chúng ta không thể chẩn đoán xác định dịch và đưa ra các biện pháp phòng, chống một cách chính xác, kịp thời và hiệu quả được. Nhưng rõ ràng quản lý đóng vai trò hết sức quan trọng. Quản lý đã tác động đến toàn hệ thống, chỉ đạo và huy động các đơn vị tham gia vào công tác phòng, chống dịch; thúc đẩy khoa học phòng, chống dịch được áp dụng và triển khai có hiệu quả. Công tác quản lý tốt để xác định trách nhiệm, nhưng đồng thời khơi dậy sự quyết tâm của cá nhân, cộng đồng tham gia phòng, chống dịch. Trong quá trình triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, Bộ Y tế thường xuyên tự đánh giá, rút kinh nghiệm nhằm làm tốt hơn nhiệm vụ của mình, trong đó việc chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh từ các cửa khẩu quốc tế và tại cộng đồng. Khi phát hiện thấy ca bệnh phải xử lý ngay, triệt để, không để lây lan là hết sức quan trọng. Như vậy, việc phòng, chống dịch cần phải quyết liệt và triệt để ngay từ những ca bệnh đầu tiên sẽ tạo được hiệu quả lớn. Công tác truyền thông cũng đóng vai trò hết sức quan trọng, giúp người dân chủ động tham gia các hoạt động phòng bệnh như khai báo khi có dịch; thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường; an toàn thực phẩm và đưa trẻ đi tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch... từ đó góp phần quan trọng trong việc loại trừ các yếu tố nguy cơ gây bệnh cũng như không để bùng phát dịch trong cộng đồng. Một yếu tố cũng hết sức quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh đó là sự vào cuộc của chính quyền các cấp trong việc chỉ đạo, điều hành cũng như bảo đảm đủ kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương. Việc tham mưu các biện pháp phòng, chống dịch là ngành y tế, còn chỉ đạo điều hành triển khai các biện pháp phòng, chống dịch là trách nhiệm của chính quyền các cấp. Nơi nào được chính quyền quan tâm chỉ đạo quyết liệt nơi đó dịch, bệnh nhanh chóng được khống chế và dập tắt kịp thời. Việc phòng, chống dịch bệnh phải được thực hiện một cách hài hòa và đồng bộ, trong chống có phòng và trong phòng phải có giải pháp sẵn sàng chống nếu có dịch xảy ra. Công tác phòng, chống dịch cần phải thực hiện một cách chủ động, tích cực và hiệu quả. Việc giám sát chặt chẽ dịch bệnh, nắm bắt thông tin kịp thời, phát hiện ca bệnh đầu tiên tiến hành điều tra, khoanh vùng và xử lý ngay để dịch không lan ra diện rộng trên cơ sở có hệ thống giám sát và triển khai các hoạt động có đầy đủ năng lực. Mỗi bệnh dịch có một đặc điểm riêng, áp dụng các biện pháp phòng, chống phù hợp mới mang lại hiệu quả được. Nhưng về lâu dài, phải giải quyết tốt được vấn đề vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, nâng cao ý thức, giáo dục người dân thay đổi hành vi phòng bệnh, thay đổi tập quán, cách sống lạc hậu bảo đảm phòng bệnh chủ động. Khi có dịch xảy ra cả cộng đồng phải chung tay phòng, chống dịch. Đồng thời Nhà nước có chính sách để hệ thống y tế nói chung và y tế dự phòng nói riêng có đủ năng lực để tham mưu và triển khai tốt các hoạt động chuyên môn. Một yếu tố cũng rất quan trọng đó là phải công khai, minh bạch về tình hình dịch bệnh, việc công khai và cập nhật tình hình dịch bệnh sẽ giúp người dân, cộng đồng chủ động hơn trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Tuy nhiên, việc truyền tải thông tin như thế nào là điều cần làm rõ. Nếu việc đưa thông tin không có tính định hướng tốt hoặc thông tin không chính xác thì nó lại trở thành trở ngại, làm người dân quá lo lắng hoặc không huy động được sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động phòng, chống dịch bệnh. Có vấn đề không chỉ dừng lại ở khía cạnh sức khỏe mà ảnh hưởng cả đến đời sống người dân, an sinh xã hội, phát triển kinh tế... Để làm tốt việc này, cần có sự tham gia ủng hộ tích cực của các cơ quan truyền thông, trong đó ngành y tế đóng vai trò là người cung cấp thông tin một cách chính xác, đầy đủ và kịp thời. Bước sang năm 2015 mới được hơn một tháng nhưng nước ta đã đối mặt với nguy cơ xảy ra nhiều dịch bệnh. Để chuẩn bị tốt công tác phòng, chống dịch trong năm 2015, Bộ Y tế đã chủ động xây dựng các kế hoạch phòng, chống dịch bệnh theo từng tình huống dịch bệnh, trong đó đẩy mạnh các hoạt động giám sát, phát hiện sớm và xử lý ngay khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông đại chúng tuyên truyền, thông tin kịp thời tới người dân về tình hình dịch bệnh và các khuyến cáo, biện pháp phòng bệnh; tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch chủ động, sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện. Chúng ta cần liên tục đặt trong trạng thái sẵn sàng, chủ động phòng, chống dịch và ứng phó kịp thời, khoa học và hiệu quả trên tinh thần trách nhiệm, quyết tâm và quyết liệt.

Trao giải cuộc thi "Sự hy sinh thầm lặng"

Tối 5-2, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, Bộ Y tế, Báo Sức khỏe và Ðời sống, Ðài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức Chương trình nghệ thuật "Sự hy sinh thầm lặng" nhằm tôn vinh các thầy thuốc Việt Nam và Lễ trao Giải thưởng cuộc thi viết "Sự hy sinh thầm lặng" lần thứ ba. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dự và trao giải cho các tác giả. Phát biểu ý kiến tại lễ trao giải cuộc thi Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ: Cuộc thi viết "Sự hy sinh thầm lặng" lần thứ ba, mang đến cho công chúng thấy đằng sau những vất vả là tình yêu thương hết lòng của nhiều cán bộ y tế. Cuộc thi cũng đã động viên toàn thể cán bộ, nhân viên ngành y tế tự tin hơn, tự trọng hơn và nỗ lực hơn để vượt qua những trở ngại, những dư luận trái chiều trong công việc của mình. Ðồng thời, củng cố niềm tin của xã hội đối với những chiến sĩ áo trắng đang ngày đêm âm thầm chiến đấu với bệnh tật, vững lòng chăm lo cho sức khỏe nhân dân ngày một tốt hơn... Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được hàng trăm bài viết từ mọi miền đất nước. Các tác phẩm dự thi đã phác họa được hình ảnh của người Thầy thuốc Việt Nam, từ những đóng góp thầm lặng tới sự hy sinh cao cả trong việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của người dân. Tại buổi lễ, Ban tổ chức cuộc thi viết đã trao một giải nhất; hai giải nhì; ba giải ba và 10 giải khuyến khích cho các tác giả. Giải nhất của Cuộc thi "Sự hy sinh thầm lặng" được trao cho nhà báo Nguyễn Thị Khánh Ly (Báo Vnexpress), với tác phẩm "Bác sĩ nơi đầu sóng ngọn gió". Trong khuôn khổ chương trình khán giả còn được gặp gỡ một số thầy thuốc tiêu biểu và có nhiều cống hiến trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Tiền phong

80% bệnh nhân ung thư VN đến bệnh viện ở giai đoạn muộn

Mỗi năm VN có 200 ngàn bệnh nhân ung thư mới, 70 ngàn người bệnh ung thư tử vong. Trong đó, đến 80% bệnh nhân ung thư ở VN đến bệnh viện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn. Con số này được ông Hoàng Đình Chân, Giám đốc Bệnh viện ung bướu Hưng Việt đưa ra vào ngày Thế giới phòng chống ung thư (4-2). Năm 2015 là năm thứ 10 Tổ chức Y tế thế giới tổ chức ngày Thế giới phòng chống ung thư. Có 500 bệnh viện điều trị ung thư trên toàn thế giới hưởng ứng sự kiện này. Theo ông Hoàng Đình Chân, GĐ Bệnh viện ung bướu Hưng Việt, tỷ lệ người VN có kết nối internet rất cao, nhưng hiểu biết về bệnh ung thư lại rất hạn chế. Mỗi năm VN có 200 ngàn bệnh nhân ung thư mới, 70 ngàn người bệnh ung thư tử vong. Trong đó, đến 80% bệnh nhân ung thư ở VN đến viện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, ảnh hưởng tới kết quả điều trị và thời gian sống sau điều trị ngắn ngủi. Cũng theo ông Chân, 5 loại ung thư thường gặp nhất ở nam giới VN là ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư gan, ung thư đại trực tràng và ung thư thực quản. Khẩu phần ăn nhiều mỡ, thịt động vật, thực phẩm ô nhiễm hóa chất hoặc bị nấm mốc, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, ăn ít rau quả... là yếu tố nguy cơ dẫn đến các loại ung thư này. Ở nữ giới, ung thư vú và tử cung là hai trong số những loại ung thư thường gặp nhất. Ông Chân khuyến cáo ưu tiên hàng đầu ở VN hiện nay là tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phòng và phát hiện sớm bệnh ung thư thông qua khám sức khỏe định kỳ.

Chủ nhật Đỏ lần thứ 7 thành công với 17.722 đơn vị máu tiếp nhận, vượt 2.722 đơn vị so với mục tiêu đề ra.

Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư gắn bó với Chủ nhật Đỏ từ những ngày đầu tiên cũng là nơi điều chế phần lớn lượng máu thu được thành các chế phẩm phục vụ công tác điều trị bệnh. GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư cho biết: Trong tổng lượng 17.722 đơn vị máu tiếp nhận được từ Chủ nhật Đỏ 2015 do báo Tiền Phong chủ trì tổ chức tại 18 tỉnh/thành phố, Viện tiếp nhận được 6.972 đơn vị máu. Số lượng máu còn lại được bệnh viện các địa phương tiếp nhận để phục vụ cho nhu cầu điều trị, cấp cứu, dự phòng tại địa phương. Với hơn 17.000 đơn vị máu thu được từ Chủ nhật Đỏ, ước tính sẽ có khoảng 50.000 bệnh nhân được hưởng lợi từ máu và các chế phẩm máu. Vì thế chúng tôi hy vọng, lượng máu và chế phẩm máu này sẽ giúp nhiều bệnh nhân khỏe mạnh hơn để có cái Tết đầm ấm bên gia đình.

Viện xử lý những đơn vị máu này như thế nào, thưa ông?

Với hơn 6.972 đơn vị máu tiếp nhận được, Viện sẽ xác định nhóm máu, sàng lọc 5 loại virus, vi khuẩn lây truyền qua đường truyền máu gồm virus viêm gan B, virus viêm gan C, HIV, giang mai, sốt rét và kháng thể bất thường. Đặc biệt, bắt đầu từ năm 2015, Viện sử dụng kỹ thuật sàng lọc sinh học phân tử (NAT). Phương pháp này sẽ giúp phát hiện sớm gene di truyền của các tác nhân gây bệnh (HBV, HCV và HIV) trong máu. So với kỹ thuật huyết thanh học, kỹ thuật NAT có độ nhạy cao hơn nên rút ngắn được thời gian, độ chính xác cao hơn các phương pháp cũ. Do đó sẽ đảm bảo tốt hơn an toàn truyền máu cho người bệnh.

Xin giáo sư cho biết quy trình điều chế các chế phẩm máu diễn ra như thế nào?

Lấy máu từ người hiến trong vòng 8 tiếng, nhân viên Viện phải làm việc thâu đêm để kịp tách chiết các chế phẩm máu an toàn cho bệnh nhân. Sau công đoạn chuẩn bị, các túi máu sẽ được đưa vào hệ thống máy ly tâm tự động để tạo thành các phân lớp của máu như: hồng cầu, tiểu cầu, huyết tương. Sau khi các túi máu được ly tâm, kỹ thuật viên sẽ thực hiện ngay công đoạn tiếp theo là ép tách các thành phần máu vào từng túi sản phẩm thu được riêng biệt. Để có các chế phẩm máu an toàn thì máu phải được sản xuất ngay trong vòng 8 tiếng từ khi được lấy và tối đa là 24 tiếng. Các chế phẩm máu được bảo quản trong dây chuyền lạnh. Trước khi đến với bệnh nhân, bác sĩ sẽ kiểm tra phản ứng hòa hợp giữa máu người bệnh và túi máu của người cho.

Số chế phẩm máu này sẽ được sử dụng cho bệnh nhân như thế nào? Bệnh nhân phải trả bao nhiêu tiền khi đây là những đơn vị máu tình nguyện?

Số lượng chế phẩm máu này sẽ được sử dụng điều trị cho bệnh nhân, trung bình mỗi ngày Viện cần khoảng 1.200-1.500 đơn vị máu điều trị cho người bệnh tại hơn 120 bệnh viện tại Hà Nội và 16 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Về chi phí máu điều trị, theo quy định của Bộ Y tế người bệnh phải chi trả ngoài phần hỗ trợ của nhà nước vào khoảng 1 triệu đồng một đơn vị máu 250ml. Tuy nhiên, với những bệnh nhân nhi thì hoàn toàn được sử dụng miễn phí và những bệnh nhân có sử dụng bảo hiểm y tế được hỗ trợ từ 80-95% chi phí.

Ông đánh giá thế nào về chương trình Chủ nhật Đỏ lần thứ 7 này?

Chủ nhật Đỏ là sáng kiến của báo Tiền Phong. Từ năm 2009 đến nay, Chủ nhật Đỏ đã tạo được hiệu ứng truyền thông rất hiệu quả trong công tác hiến máu tình nguyện, đặc biệt vào thời điểm thiếu máu dịp Tết Nguyên đán. Nét mới của Chủ nhật Đỏ 2015 là sự nhân rộng tới nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có những tỉnh thành còn nhiều khó khăn khi tổ chức những sự kiện hiến máu lớn nhưng rất mạnh dạn và đạt được thành công lớn như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Bình… Sắc màu Chủ nhật Đỏ 2015 rất đa dạng, lan tỏa tới nhiều đối tượng trong cộng đồng, trong các dân tộc khác nhau như tại tỉnh Thái Nguyên, Đắk Lắk… Chủ nhật Đỏ 2015 đã góp phần khắc phục được tình trạng khan hiếm máu ở diện rộng.

An ninh thủ đô

Hạn chế chuyển cán bộ ra nước ngoài điều trị bệnh

Tại hội nghị Tổng kết công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015 diễn ra sáng 4-2, ông Nguyễn Quốc Triệu, Trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương cho biết, tổng số cán bộ được kiểm tra sức khoẻ định kỳ năm 2014 đạt 82%. Qua kiểm tra sức khỏe định kỳ, nhiều cán bộ cao cấp được phát hiện bệnh sớm và được điều trị kịp thời. Cũng trong năm 2014 có 3.889 lượt cán bộ cao cấp được điều trị tại các bệnh viện đầu ngành trong nước (tăng 8,4% so với năm 2013). Năm 2015, Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương đặt mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng khám, điều trị và phòng bệnh nhằm hạn chế thấp nhất việc chuyển bệnh nhân ra nước ngoài điều trị.

Tiếp nhận gần 18.000 đơn vị máu phục vụ điều trị

Ngày 5-2, Ban tổ chức Chương trình Chủ nhật Đỏ lần thứ bảy phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức cho biết, tính đến hết ngày 4-2, toàn bộ 18 tỉnh, thành phố tham gia đã tổ chức chương trình hiến máu tình nguyện. Qua đó, đã thu được tổng cộng 17.722 đơn vị máu để cung cấp cho công tác điều trị bệnh nhân, vượt con số dự kiến ban đầu 2.722 đơn vị máu. Đây là một kết quả ấn tượng nếu so với Chủ nhật đỏ lần đầu chỉ thu được gần 100 đơn vị máu, mấy kỳ liên tiếp sau đó cũng chỉ thu vài trăm đơn vị, đồng thời gần gấp đôi kết quả thu được trong năm 2014.  

Công an nhân dân

Tin vui vì 15 bệnh viện cam kết không bắt người bệnh nằm ghép

Đến ngày 4/2, đã có 15 bệnh viện (BV) tuyến Trung ương (TW) cam kết với Bộ Y tế không để bệnh nhân nằm ghép. Trước những băn khoăn của người dân về việc, liệu các BV có thực hiện đúng cam kết không, chiều 4/2, Bộ Y tế và phóng viên của 5 cơ quan báo chí đã trực tiếp khảo sát thực tế tại một số BV vốn là những điểm nóng về nằm ghép. Tại BV Nhiệt đới TW, công suất sử dụng phòng chung chỉ khoảng 88%, nên kể cả khoa vốn đông bệnh nhân như Nhiễm khuẩn Tổng hợp, cũng vẫn đảm bảo mỗi người một giường. Để làm được điều này, PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV cho biết: Với hệ thống xét nghiệm và chẩn đoán hiện đại, việc xác định bệnh được sớm, giúp cho việc điều trị hiệu quả, nên bệnh nhân được ra viện sớm. Từ công tác tiếp nhận đến điều trị đều được ISO hóa, cùng với áp dụng nhiều kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị. Trước, số ngày điều trị trung bình là 9,5 ngày, nay chỉ còn 7 ngày. BV chỉ có 245 giường, nhưng đã tận dụng khu vực hành lang rộng để kê thêm giường bệnh. PGS.TS Nguyễn Văn Kính khẳng định: Mặc dù giảm tải, nhưng BV vẫn đảm bảo nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Tại BV Nhi TW, một số khoa vẫn thừa giường, chỉ một số ít phòng bệnh ở Khoa Gan mật có tình trạng bệnh nhân nằm ghép, nhưng là các cháu nhỏ mới vài tháng tuổi và 3 bé/2 giường. Tuy nhiên, bố mẹ của các bệnh nhi cho rằng, nếu phải lựa chọn giữa việc nằm ghép, với việc phải cho bệnh nhân điều trị ngoại trú, thì họ chọn giải pháp nằm ghép còn tốt hơn. Chị Lù Thị Hân (thị xã Sơn La) giãi bày: Nếu ngoại trú, chi phí của người bệnh tăng sẽ cao, nhất là với những người ở tỉnh xa, vì sẽ phải trả tiền trọ, cũng như nhiều loại thuốc không nằm trong danh mục điều trị ngoại trú. Tại BV Bạch Mai, hiện chưa ký cam kết giảm tải, nhưng TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc BV cho biết, đây vẫn là vấn đề từ lâu được BV quan tâm. BV đã chuẩn bị phương án để có thể sau Tết Nguyên đán sẽ ký cam kết với Bộ Y tế về việc không để bệnh nhân nằm ghép.  Hiện BV đã có 16 khoa không có bệnh nhân nằm ghép. Trong các khoa, ung thư là khoa đang quá tải nhiều, nên BV đã chuẩn bị 100 giường bệnh để điều trị bệnh nhân ban ngày và cho ngoại trú ban đêm. Năm tới, khi khu nhà 19 tầng khánh thành, BV sẽ có khoảng 1.000 giường bệnh nữa, thì sẽ căn bản giải quyết được vấn đề nằm ghép. Trước câu hỏi của báo giới về việc có xảy ra tình trạng bệnh nhân phải ra viện “non” hay không, BS Dương Đức Hùng, Trưởng Đơn vị phẫu thuật tim mạch, Viện Tim mạch Quốc gia (BV Bạch Mai) khẳng định: Các thầy thuốc luôn coi trọng sự an toàn của bệnh nhân, nên chỉ khi đảm bảo an toàn mới cho xuất viện. Cũng cần phải thay đổi nhận thức của chính người bệnh, cũng như cách giải thích và thông tin cho họ hiểu. Không khí quang cảnh ở BV Nhi TW vào thời điểm này đã ghi nhận sự cố gắng mạnh mẽ của BV. PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc BV Nhi TW lý giải, để  triển khai công tác giảm tải BV, từ giữa năm 2014, BV đã đưa ra nhiều giải pháp, BV sàng lọc bệnh nhân ngay từ khu khám bệnh, tăng gấp đôi phòng khám tiếp nhận bệnh nhân từ 30 - 35 phòng khám trước đó lên 55 - 60 phòng. Bên cạnh đó, BV cũng điều động các bác sĩ có kinh nghiệm trong khu vực nội trú ra khám, giảm thời gian làm thủ tục hành chính, thời gian chờ xét nghiệm của bệnh nhân, để mỗi bác sĩ có thời gian khám và tư vấn kỹ hơn, bệnh nhân được chẩn đoán tốt hơn. PGS.TS Lê Thanh Hải khẳng định, lo lắng của người dân về việc BV có thể cho bệnh nhân ra viện sớm, là không cần thiết. Vì BV sẽ tăng cường giám sát các khoa, phòng, không để vì cam kết giảm tải, mà đẩy bệnh nhân đáng lẽ được điều trị nội trú ra điều trị ngoại trú. Bởi việc giảm tải BV cũng là để phục vụ bệnh nhân, vì bệnh nhân. Hiện có tình trạng nằm ghép nhưng chỉ là vài tiếng đầu nhập viện do chưa sắp xếp được. Nếu có đông bệnh nhân, BV sẽ điều bệnh nhân từ khoa này sang khoa khác để không nằm ghép, dĩ nhiên, có bác sĩ đi theo điều trị. Tới đây, khi tòa nhà 16 tầng của BV đi vào hoạt động, BV sẽ có thêm hàng trăm giường bệnh nữa, nên vấn đề nằm ghép sẽ được giải quyết bền vững. Khảo sát thực tế cho thấy, hiện BV Việt - Đức là đơn vị thực hiện không nằm ghép tốt nhất dù là BV ngoại khoa tuyến cuối. Nhiều khoa vẫn còn giường trống và theo PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV, thì những ngày này, số giường bệnh được sử dụng mới chỉ chừng 90-92%. Đây thực sự là những dấu hiệu rất đáng mừng của ngành Y tế, sau nhiều năm các BV tuyến TW quá tải triền miên, mà như Bộ trưởng Bộ Y tế nói, có cả nguyên nhân Giám đốc các BV quá tải không muốn giảm tải, nhằm tăng nguồn thu. Cam kết không nằm ghép được duy trì, bệnh nhân sẽ là người được hưởng lợi đầu tiên.

Thanh niên

Các bệnh viện phải cử người cung cấp thông tin cho báo chí

Hội nghị trực tuyến phòng chống dịch bệnh và các hoạt động đảm bảo dịch vụ y tế dịp Tết Ất Mùi, do Bộ Y tế tổ chức ngày 5.2. Tại hội nghị,Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu các địa phương chấn chỉnh triệt để tình trạng tiêm nhầm vắc xin; các đơn vị y tế cả nước phải chủ động cung cấp thông tin dịch bệnh cho báo chí, không được giấu dịch bệnh; các bệnh viện từ tuyến huyện phải có người phát ngôn, chủ động cung cấp thông tin cho báo chí khi có sự cố, tai biến trong điều trị; giải thích đầy đủ cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Liên quan đến an toàn thực phẩm (ATTP) tết, Cục trưởng ATTP (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong cho biết lãnh đạo Cục trực 24/24 trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán để tiếp nhận, xử lý sự cố về ATTP. Về lâu dài, Bộ Y tế đề xuất lên Chính phủ cho phép thí điểm thành lập thanh tra chuyên ngành ATTP cấp quận, huyện, xã, phường tại Hà Nội và TP.HCM. Lực lượng này có quyền xử phạt đến 20 triệu đồng, trực tiếp giám sát ATTP các cơ sở nhỏ, lẻ.

Ngày 13/02/2015
Ban Biên tập Website
(Điểm tin từ các báo)
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích