Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 29/03/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 2 8 3 3 8 0
Số người đang truy cập
5 0 8
 Tin tức - Sự kiện Điểm tin y tế
Điểm tin y tế từ các báo ngày 1/2 đến 3/2 năm 2015

An ninh thủ đô

Thời tiết nóng lạnh bất thường: Trẻ viêm phổi tăng mạnh

Những ngày gần đây, thời tiết thay đổi đột ngột, sáng và đêm lạnh, trưa chiều nắng nóng đã khiến hàng loạt trẻ phải nhập viện vì viêm phổi. Tại Khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai có đến 60% trẻ nhập viện vì viêm phổi… Thời điểm giao mùa này cha mẹ không nên đóng kín cửa cả ngày, nhà cửa cần phải mở cửa để lưu thông khí, tránh cho trẻ tiếp xúc với khói bụi, khói thuốc lá và bếp than. Trẻ cần được tăng cường dinh dưỡng, cho trẻ bú sữa mẹ, uống nhiều nước để tăng cường sức đề kháng, tiêm phòng đúng lịch cho trẻ.

Nhiễm trùng nặng vì đắp thuốc Đông y trị bỏng

Đó là trường hợp của cháu L.Đ.T.V, 2 tuổi ở huyện Mê Linh (Hà Nội). Trước đó, cháu V bị bỏng ở vùng đùi do nước canh nóng. Mẹ cháu V. là chị D.T.D kể lại, khi thấy cháu V bị bỏng, nghe theo lời mách của một số người quen, gia đình đã tìm đến nhà bà lang K để điều trị vết bỏng bằng cách đắp thuốc Đông y (dạng thuốc mỡ) vào vùng bị bỏng và băng quấn lại. Tuy nhiên, đến tối 30-1, vết bỏng của cháu V không những không khỏi mà còn bị lở loét nghiêm trọng, gia đình đã đưa cháu đến Bệnh viện Đa Khoa Xanh Pôn Hà Nội cấp cứu. Ngày 1-2, bác sĩ Đặng Tất Thắng – trực tại Khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội cho biết, qua chẩn đoán, cháu V bị dị ứng thuốc Đông y và hiện đã nhiễm trùng nặng. Các bác sỹ đang tích cực điều trị cho cháu.

Xử phạt Công ty thực phẩm chức năng trên 61 triệu đồng

Thanh tra Bộ Y tế phối hợp với Cục An toàn thực phẩm (ATTP) – Bộ Y tế vừa thanh tra ATTP tại Công ty TNHH Unicity Việt Nam (số 8C Tôn Thất Thuyết, Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội). Tại đây, đoàn thanh tra đã phát hiện nhiều vi phạm như quảng cáo thực phẩm chức năng không đúng quy định; quảng cáo tại trang thông tin điện tử unicity.com/vietnam 12 sản phẩm không phù hợp với nội dung đã đăng ký. Ngoài ra, công ty còn nhập khẩu và bán ra thị trường lô sản phẩm thực phẩm chức năng Nature’s Tea có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng. Với những vi phạm này, Công ty TNHH Unicity Việt Nam bị Thanh tra Bộ Y tế xử phạt 61.450.000 đồng.

Đợt cao điểm vệ sinh môi trường phòng bệnh tay chân miệng

Từ nay cho đến Tết Nguyên đán Ất Mùi, các trường học trên toàn thành phố phải báo cáo số học sinh nghỉ học nghi mắc bệnh tay chân miệng, các sự cố về an toàn thực phẩm tới cấp quản lý giáo dục và cơ quan y tế địa phương. Cũng theo yêu cầu của Sở GD-ĐT Hà Nội, 100% các trường mầm non phải phối hợp với y tế địa phương triển khai đợt cao điểm dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng bệnh tay chân miệng. Theo ghi nhận của Sở Y tế Hà Nội, hiện đã phát hiện 39 ca mắc tay chân miệng và 5 ổ dịch tại Hà Nội.

Phối hợp giám sát cơ sở y tế tư nhân

Ủy ban MTTQ TP Hà Nội, Sở Y tế, Liên hiệp các Hội KHKT, Hội Y học, Hội Dược học TP Hà Nội vừa ký kết chương trình phối hợp giám sát các cơ sở y tế tư nhân. Theo đó, chương trình ký kết tập trung vào các nội dung giám sát như: điều kiện hành nghề, dịch vụ y tế, giá thuốc, chất lượng dịch vụ, chất lượng thuốc... tại các cơ sở khám chữa bệnh, nhà thuốc tư nhân, bệnh viện, phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa, bác sĩ gia đình, phòng chẩn trị y học cổ truyền tư nhân trên địa bàn Thủ đô.

Rét đậm, nhiều người cao tuổi nhập viện

Trong 2 ngày 30 và 31-1, người cao tuổi nhập viện tăng đột biến tại các khoa Nội – Tim – Mạch, Nội Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội. Hiện tại, Bệnh viện đang phải cấp cứu, điều trị cho 57 trường hợp người cao tuổi bị mắc các bệnh tăng huyết áp, suy tim, co thắt mạch vành, viêm phổi nặng, suy hô hấp, tai biến mạch máu não… Theo các bác sĩ, bệnh nhân nhập viện trong mấy ngày qua chủ yếu có sẵn bệnh mạn tính, song do chủ quan, không đề phòng tiết trời trở lạnh đột ngột nên bệnh nặng lên. Các bác sĩ khuyến cáo, nhằm chủ động phòng chống bệnh khi trời trở rét, người cao tuổi cần giữ ấm cơ thể, đội mũ, đeo khẩu trang chống nhiễm lạnh, sử dụng thuốc theo yêu cầu điều trị của các bác sĩ. Tuyệt đối không để tình trạng bệnh nặng mới đưa đến các cơ sở y tế khám, điều trị, cấp cứu.

Tuổi trẻ

Quy định về khám bảo hiểm y tế: Không minh bạch, dân chịu thiệt

Đó là nhận định của bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, tổng thư ký Hội Hành nghề y tư nhân Tp. HCM – tại hội thảo “Ảnh hưởng của chính sách bảo hiểm y tế mới và đề xuất giải pháp” diễn ra tại Tp.HCM sáng 31-1. Bác sĩ Tùng cho rằng quy định giao việc bán bảo hiểm y tế (BHYT) cho các đại lý (là UBND phường, xã, thị trấn) đã tạo điều kiện cho nhân viên của đại lý có quyền bán cho ai và không cho ai cũng được. Thực tế có tình trạng người dân muốn mua BHYT ở bệnh viện A hoặc phòng khám B nhưng đại lý bảo những cơ sở này chưa đăng ký khám BHYT thì người dân không thể mua được. “Luật quy định người dân được quyền lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh ban đầu nhưng thông tin về các cơ sở y tế tiếp nhận khám ban đầu không được công khai minh bạch, đầy đủ nên người dân chịu thiệt” – ông Tùng nói…

Công bố danh sách “làng ung thư” ô nhiễm nặng nguồn nước

Theo dự án “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước hợp vệ sinh phục vụ cấp nước sinh hoạt cho một số “làng ung thư” của VN”, các nguồn nước ăn uống, sinh hoạt tại 37 “làng ung thư” đều ô nhiễm nặng.: 10 “làng ung thư” có nguồn nước ô nhiễm nặng nhất 1. Làng Thống Nhất, xã Đông Lỗ, H.Ứng Hòa, TP Hà Nội. 2. Làng Lũng Vỵ, xã Đông Phương Yên, H.Chương Mỹ, TP Hà Nội. 3. Làng Mẫn Xá, xã Văn Môn, H.Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. 4. Làng Thổ Vỵ, xã Tế Thắng, H.Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. 5. Làng Yên Lão, xã Hoàng Tây, H.Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. 6. Làng Cờ Đỏ, xã Diễn Hải, H.Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. 7. Làng An Lộc, xã An Lộc, H.Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. 8. Làng Phước Thiện, xã Bình Hải, H.Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. 9. Làng Xuân Vinh, xã Hoài Mỹ, H.Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. 10. Làng Mê Pu, xã Mê Pu, H.Đức Linh, tỉnh Bình Thuận. Nguồn: dự án “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước hợp vệ sinh phục vụ cấp nước sinh hoạt cho một số “làng ung thư” của VN”. Theo kỹ sư Nguyễn Lưu - liên đoàn trưởng Liên đoàn Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước (QH&ĐTTNN) miền Trung, đóng tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) - dự án không có kết luận gì về nguyên nhân gây ra các bệnh ung thư mà chỉ điều tra, đánh giá về hiện trạng nguồn nước người dân đang sử dụng để tìm kiếm nguồn nước sạch cung cấp cho dân...  TS Hồ Minh Thọ - phó liên đoàn trưởng Liên đoàn QH&ĐTTNN miền Trung, chủ nhiệm dự án - cho biết 37 “làng ung thư” được điều tra, khảo sát có phạm vi trải rộng nhiều nơi thuộc 22 tỉnh, thành phố trong cả nước. Kết quả điều tra, khảo sát tại các xã của 37 “làng ung thư” đã có 1.136 người chết vì các bệnh ung thư. Ngoài ra, còn có 380 người ở các xã lân cận cũng chết bởi ung thư. Số người chết vì bệnh ung thư vừa nêu là tính trong vòng 5-20 năm trở lại đây, theo TS Thọ, và đó là số liệu do các cơ quan y tế địa phương cung cấp. Nơi có nhiều người chết vì ung thư nhất là 139 người, đó là làng Thạch Khê, xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao (Phú Thọ). Còn ở làng ít nhất cũng có sáu người chết. “Nỗi đau ung thư” đã đổ xuống hàng ngàn gia đình. Có hộ ở làng Cờ Đỏ, xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu (Nghệ An), khi điều tra có tới năm người bị ung thư và ba người trong đó đã chết.

Dân chờ nước sạch

TS Hồ Minh Thọ cho biết: “Qua điều tra, khảo sát của dự án thì điểm chung nhất là các nguồn nước bà con đang sử dụng ở các làng ấy đều bị ô nhiễm, có những chỉ tiêu vượt mức cho phép theo quy định tiêu chuẩn về nước của VN”. Trong giai đoạn 1 các nhà điều tra, khảo sát đã thu thập, phân tích 814 mẫu nước lấy từ nguồn nước sông, suối, giếng... mà người dân đang sử dụng tại 37 “làng ung thư”. Các mẫu nước này đều có mức ô nhiễm vượt tiêu chuẩn cho phép (TCCP). Cụ thể, hơn 80% kết quả phân tích mẫu vi sinh vượt TCCP, hơn 65% kết quả phân tích nhiễm bẩn vượt TCCP, hơn 30% số mẫu có tổng hàm lượng sắtvượt TCCP. Về thành phần trong nước, theo kết quả phân tích toàn diện và vi lượng thì có 50 mẫu nước thu thập có chứa nhôm, cadimi, benzen, bentazone, phenol, asen, mangan vượt TCCP. Số mẫu có các chỉ tiêu vi lượng cao hơn TCCP tập trung ở các “làng ung thư”: Thạch Khê, Khu 8-11, Đồng Mai, Thống Nhất, Yên Lão, Yên Phong, Kim Thành, An Lộc, An Thổ, Xuyên Tây, Đại An, Phước Thiện, An Hòa, Nhơn Lộc 2, Xuân Vinh, Sơn Nghiệp, Văn Đăng, Đắk Mar, Thôn 4, Trung Hiệp, Nhơn Hậu 1 và Kênh Tư Gà. Theo TS Hồ Minh Thọ, muốn tìm ra nguồn nước sạch để thay thế cho các nguồn nước ô nhiễm tại các “làng ung thư” ấy thì phải tiến hành giai đoạn 2 của dự án. TS Thọ nói: “Chúng tôi đã xác định và kiến nghị trước mắt cần thiết phải tiếp tục điều tra, cấp nước sinh hoạt ở giai đoạn tiếp theo cho 10 “làng ung thư” có nguồn nước hiện tại bị ô nhiễm nặng nhất”. Nếu có kinh phí thì các làng còn lại cũng cần đầu tư tìm nguồn nước sạch - TS Thọ cho biết thêm. Tuy nhiên, việc tìm nguồn nước sạch cho cư dân các “làng ung thư” đến nay vẫn còn nằm trong báo cáo của dự án đã trình lên cấp trên, chưa có phản hồi

Cùng nhau hiến máu

Chỉ cần nghe điện thoại gọi “cần máu gấp!”, những nông dân ở làng Tân Xuân Lai (xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) liền vứt cày cuốc và lên đường ngay để kịp cấp cứu người bệnh. Làng Tân Xuân Lai có khoảng 35 người thường xuyên làm việc phúc đức như thế. Người nhỏ nhất 21 tuổi, còn lại từ 35-50 tuổi. Đa số đều đã có vợ chồng và có chung một tinh thần sẵn sàng hiến máu. Không chỉ đàn ông mà nhiều phụ nữ cũng tích cực tham gia. Chồng hiến máu thì vợ cũng hiến, có nhà cả cô, chú, cháu cùng đi hiến máu. Thật xúc động với những gia đình có đến 2-3 chị em cùng tham gia hiến máu. Chị Phạm Thị Hoa, chủ tịch Hội chữ thập đỏ huyện Quảng Điền, cho biết Tân Xuân Lai là làng có số lượng người tham gia tình nguyện hiến máu cao nhất của huyện Quảng Điền. Dù trời nắng hay trời mưa, ban ngày hay nửa đêm, hễ có ai cần máu gấp là mấy anh mấy chị lên đường. Mỗi lần đi là bỏ công bỏ việc, hiến hồng cầu thì nhanh, còn hiến tiểu cầu có khi mất nửa ngày. Anh Nguyễn Văn Sinh (43 tuổi) là người hiến máu lâu năm nhất với số lần hiến máu đã vượt qua số tuổi của mình. Còn anh Nguyễn Văn Hóa (33 tuổi) nói: “Tôi không nhớ mình đã hiến máu bao nhiều lần. Chắc khoảng vài chục lần chi đó. Tui sẽ hiến đến khi nào bệnh viện không cần nữa”. Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Hạnh, phó giám đốc Trung tâm huyết học truyền máu - Bệnh viện Trung ương Huế, cho rằng: “Phải là người có hiểu biết về việc hiến máu, quan trọng nhất là có tấm lòng nhân ái mới sẵn sàng hiến máu bất cứ lúc nào và lặng thầm hiến máu đều đặn như thế!”.

Dân "làng ung thư" Đông Lỗ phải dùng “nước độc”

Xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa, Hà Nội có hơn 1.000 hộ gia đình, hơn 6.000 nhân khẩu, 100% phải sử dụng nước giếng khoan sinh hoạt hằng ngày. Nhiều năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Tu vẫn phải sử dụng nguồn nước nhiễm độc Cứ ba ngày một lần, ông Đỗ Ngọc Trình - bảo vệ của Trường mầm non Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa, Hà Nội - lại phải trèo lên múc lớp bùn dày vài centimet trên bề mặt của bể lọc, đồng thời xúc cát ra rửa sạch và đổ lại vào bể thì nước mới có thể chảy được. Theo ông Trình, công việc của ông là bảo vệ trường nhưng sức khỏe của 200 học sinh học tại trường này khiến ông lo lắng. “Nhà trường có máy lọc nước nhưng chỉ đủ dùng cho nước ăn uống, còn các công việc khác phải lấy nước từ bể, nếu không múc bùn và rửa cát thì các cháu không có nước dùng” - ông Trình cho biết. Xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa, Hà Nội có hơn 1.000 hộ gia đình, hơn 6.000 nhân khẩu, 100% phải sử dụng nước giếng khoan sinh hoạt hằng ngày. Người dân Đông Lỗ sống dọc theo đê sông Nhuệ, trong khi sông Nhuệ đã ô nhiễm nặng, nước giếng khoan vì thế cũng bị ảnh hưởng bởi mạch nước ngầm của sông. “Nhìn bằng mắt thường cũng thấy sông ô nhiễm nặng, nước đen sì, cạn kiệt, ngày nắng bốc mùi hôi thối khó chịu. Nguồn nước sông bị ô nhiễm ngấm vào đất, trong khi 100% người dân trong xã dùng nước giếng khoan để lấy nước sinh hoạt. Nước bơm thẳng từ giếng không thể dùng được, mà để lâu trên mặt nước đóng váng thành lớp màng cứng. Nhiều người dân trong xã mắc bệnh ngoài da, bệnh ung thư. Đề nghị thành phố sớm xây nhà máy lọc nước cho dân khu vực này có nước dùng” - ông Trần Văn Lâm, bí thư Đảng ủy xã Đông Lỗ, cho biết. Tuy nhiên, theo nhiều người dân xã Đông Lỗ, đã có nhiều đoàn, cơ quan chức năng về khảo sát, nghiên cứu tại Đông Lỗ nhưng đâu vẫn hoàn đó, nước sạch vẫn chưa có mà số lượng người mắc các bệnh ngoài da, bệnh ung thư tiếp tục tăng lên. Người dân tiếp tục kêu cứu nhưng vẫn phải chờ đợi. Một đại diện Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội cho biết khảo sát của Trung tâm nước sạch - vệ sinh môi trường thuộc sở này, nguồn nước ở các xã dọc sông Nhuệ nhiễm asen rất cao, gấp hàng trăm lần so với tỉ lệ cho phép. Những năm qua, thành phố đã hỗ trợ bằng cách cấp miễn phí máy lọc nước cho các gia đình chính sách và khuyến cáo người dân xây bể lọc, nhưng do nước ô nhiễm quá nặng nên có lọc cũng không loại hết độc chất. “Kế hoạch của thành phố là từ nay đến hết năm 2015 sẽ xây trạm xử lý nước ở một số vùng nông thôn, đến hết nám 2015 có 60% dân số vùng nông thôn có nước sạch dùng”- vị đại diện này cho biết. Cuối năm ngoái, lần đầu tiên Bộ Y tế triển khai một đợt khảo sát chất lượng nước máy quy mô lớn tại Hà Nội và TP.HCM. Kết quả khảo sát cho thấy ngay tại Hà Nội còn có nhà máy nước chứa asen hàm lượng vượt mức cho phép nhiều lần, Bộ Y tế buộc phải kiến nghị đình chỉ cấp nước để chuyển nguồn nước nguyên liệu mới. Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng cho biết không thể giải quyết ngay vấn đề chất lượng nước do còn nhiều vùng nước nguyên liệu nhiễm bẩn, đặc biệt là ở các nơi nhiều asen. Đó là chưa kể các trạm cấp nước quy mô nhỏ, công nghệ vừa phải không thể xử lý hết độc chất trong nước. Điều đó sẽ càng khó hơn cho các xã như Đông Lỗ, do trong điều kiện hiện nay chưa có dự án xây dựng trạm cấp nước công nghệ cao hoặc thay đổi nguồn nước nguyên liệu cho người dân ở đây.

Xuất hiện nhiều loại bệnh dịch dễ lây

Báo cáo mới nhất từ Bệnh viện Nhi Trung ương cho thấy số lượng bệnh nhi mắc bệnh truyền nhiễm vào viện đang gia tăng. Theo đó, có 48 bệnh nhi ho gà vào viện thời gian qua, tăng so với cùng kỳ năm 2014 (26 bệnh nhân), 91 bệnh nhân sởi (cùng kỳ 2014 là 51 ca), 12 ca quai bị (cùng kỳ năm 2014 là 3 ca)… Theo đánh giá của TS Phạm Quang Thái, Văn phòng tiêm chủng mở rộng khu vực miền Bắc, khoảng 61% trẻ mắc bệnh chưa được tiêm chủng hoặc chưa đến tuổi tiêm chủng, như trẻ mắc ho gà từ sơ sinh hoặc dưới 2 tháng tuổi, mắc sởi trước khi đủ 9 tháng tuổi (thời điểm đến lịch tiêm vawcsxin ngừa sởi mũi đầu tiên). Cũng theo TS Thái, báo cáo từ nhiều địa phương phía Bắc cho biết tỷ lệ tiêm chủng toàn tỉnh lên tới 92%, nhưng phạm vi huyện và xã thì có vùng trống, vùng lõm tiêm chủng, tỷ lệ tiêm chỉ đạt 50% ở xã khó khăn, 80% ở huyện khó khăn, không đảm bảo hiệu quả phòng dịch. Tại khu vực thành phố, do người dân chờ vawcsxin dịch vụ trong khi vawcsxin này không về kịp nhu cầu nên trẻ được tiêm ngừa muộn hơn so với tuổi tiêm chủng khuyến cáo. Theo TS Thái, nhóm trẻ này có nguy cơ trở thành nguồn lây cho trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng. Trong khi thời điểm đông xuân hiện nay rất dế lây lan các dịch bệnh đường hô hấp như sởi, ho gà.

Tiền phong

Y tế tư nhân tham gia BHYT gặp khó khăn

Tại buổi tọa đàm về ảnh hưởng của chính sách bảo hiểm y tế(BHYT), do Hội Ngành nghề y te nhân TPHCM tổ chức vừa qua, nhiều đại biểu nói rằng, thành phố hiện ó 36 bệnh viện ngoài công lập, nhưng chưa được phân loại xếp hạng như ở các cơ sở y tế tư nhân tham gia thanh toán khám chữa bệnh BHYT. Ngoài ra, thời gian chờ đợi để được cơ quan bảo hiểm xét duyệt kéo dài, thủ tục rườm rà. Trong khi đó, Luật bảo hiểm y tế sửa đổi qyu định người dân được quyền lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh ban đầu, trong đó có cơ sở y tế tư nhân. Tuy nhiên, nhiều người dân đã không rõ cơ sở y tế tư nhân nào được thanh toán BHYT, cơ sở nào không, nên không lựa chọn.

Nhiều trẻ nhập viện vì viêm phổi nặng

Những ngày rét đậm này, Bệnh viện Nhi T.Ư tiếp nhận nhiều trẻ bị viêm đường hô hấp, đặc biệt là viêm phổi. Đây là bệnh rất dễ mắc ở trẻ nhỏ, bệnh tiến triển nhanh mà không có triệu chứng đặc hiệu khiến việc nhận biết khó khăn. Nhiều bậc phụ huynh chỉ đưa trẻ đến viện khi tình trạng bệnh đã nặng. Cháu N.B.A (34 ngày tuổi, Hà Nam) vào bệnh viện cách đây hơn 1 tuần. Người nhà trẻ cho biết trước khi vào viện trẻ có các biểu hiện như ho, cánh mũi phập phồng, khó thở, bụng chướng… Gia đình đưa đến khám tại phòng khám tư và được chỉ định dùng thuốc ho và men tiêu hóa. Hai ngày sau, thấy con không đỡ mà còn bú kém, thở nhanh, mệt mỏi, quấy khóc nhiều hơn, gia đình vội đưa con lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, sau khi thăm khám và chụp phim kiểm tra, các bác sĩ kết luận trẻ đã viêm phổi nặng, có dấu hiệu suy hô hấp. Một trường hợp khác là cháu B.L (10 tháng tuổi, Hà Nội) có các dấu hiệu viêm đường hô hấp như ho húng hắng, chảy nước mũi, khó thở nhẹ, không sốt và ăn uống bình thường. Nghĩ trẻ ốm do thay đổi thời tiết như mọi lần, gia đình đã tự mua thuốc kháng sinh để điều trị tại nhà cho con. Tuy nhiên, chỉ hơn 1 ngày sau, bệnh tiến triển nhanh, gia đình đưa con vào viện thì trẻ đã suy hô hấp nặng, viêm phổi. TS, bác sĩ Lê Hồng Hạnh, Phó trưởng khoa Hô hấp (Bệnh viện Nhi T.Ư) cho biết, tình trạng cha mẹ không đủ khả năng phát hiện sớm bệnh viêm phổi khiến trẻ nhập viện khi bệnh đã quá nặng là khá phổ biến. Tại khoa Hô hấp, số lượng bệnh nhi nhập viện vì viêm phổi luôn chiếm tỷ lệ cao, phần lớn là trẻ dưới 5 tuổi. Tại Việt Nam, trẻ bị viêm phổi (viêm phế quản phổi) chiếm 30-34% các trường hợp đến khám và điều trị tại bệnh viện. Tử vong do viêm phổi chiếm 75% trong các bệnh lý hô hấp. Các bác sĩ khuyến cáo, cần đặc biệt lưu ý trẻ dưới 6 tháng tuổi còn yếu, bệnh rất dễ chuyển biến nặng nếu không được chữa trị ngay từ đầu. Với trẻ còn nhỏ việc phát hiện bệnh khó nên cha mẹ cần lưu ý 3 dấu hiệu là: bú, ngủ và cách thở của trẻ. Nếu thấy con bú ít hơn ngày thường, khóc khi bú hoặc quan sát thấy bé thở nhanh, ngực lõm hơn bình thường, đầu gật gù thì cha mẹ cần đưa con đi khám sớm vì có thể bệnh đã diễn biến nặng. Ngay cả khi trẻ ngủ nhiều hơn bình thường, cũng có thể do bị bệnh. Ở trẻ sơ sinh, sốt và ho không phải là những dấu hiệu quan trọng. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cũng cho biết, từ hôm trời rét đậm, số bệnh nhân vào khoa Nhi tăng khoảng 10%. Phần lớn trẻ em bị viêm đường hô hấp trên, cảm lạnh, sốt cao và tiêu chảy phải nhập viện. Có bệnh nhi vài tháng tuổi đã phải cấp cứu vì viêm phổi nặng. Đáng lưu ý là, nhiều cháu do bị cha mẹ ủ ấm quá mức nên nóng toát mồ hôi, khiến trẻ bị nhiễm lạnh và bị ốm. Bác sĩ Dũng khuyến cáo, thời tiết lạnh cha mẹ cần giữ gìn cho trẻ cẩn thận, đặc biệt là những bé có tiền sử viêm mũi dị ứng, hen, viêm tiểu phế quản. Nếu bé có biểu hiện ho, khò khè, quấy khóc, bỏ ăn, bỏ bú thì cần được đưa nhập viện ngay. Không ít phụ huynh chủ quan để trẻ ở nhà 2-3 ngày, khi vào viện thì đã viêm phổi. Tuyệt đối không nên sử dụng than đá, than củi để sưởi ấm cho trẻ, vì hơi than tỏa ra rất độc.

Nông thôn ngày nay

Phụ nữ độc thân được sinh con thụ tinh ống nghiệm

Theo quy định tại NĐ 10/2015/NĐ-CP của Chính phủ, cặp vợ chồng vô sinh và phụ nữ độc thân có quyền sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Nghị định quy định rõ việc thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm phải tuân theo quy trình kỹ thuật; quy định tiêu chuẩn sức khỏe của người được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành. Việc cho và nhận tinh trùng, cho và nhận phôi được thực hiện trên nguyên tắc vô danh giữa người cho và người nhận; tinh trùng, phôi của người cho phải được mã hóa để bảo đảm bí mật nhưng vẫn phải ghi rõ đặc điểm của người cho, đặc biệt là yếu tố chủng tộc. Theo quy định người cho tinh trùng, cho noãn phải được khám và làm các xét nghiệm để xác định: Không bị bệnh di truyền ảnh hưởng đến thế hệ sau; không bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình; không bị nhiễm HIV. Người cho tự nguyện cho tinh trùng, cho noãn và chỉ cho tại một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được Bộ Y tế công nhận được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không được cung cấp tên, tuổi, địa chỉ và hình ảnh của người cho tinh trùng. Tinh trùng, noãn của người cho chỉ được sử dụng cho một người, nếu không sinh con thành công mới sử dụng cho người khác.

Hà Nội mới

Mang yêu thương đến với bệnh nhân nghèo

Mỗi dịp xuân về, chúng tôi lại tất bật chuẩn bị quà Tết cho người nghèo. Năm nay Quỹ Trái tim nhân ái - Sen Hồng Báo Hànộimới tổ chức tặng quà 80 bệnh nhân tại Viện Huyết học và truyền máu trung ương. Phần lớn số quà này được gom góp bởi tấm lòng của cán bộ, phóng viên Báo Hànộimới. Hơn 10 năm được giao trọng trách về hoạt động xã hội, đã có nhiều chuyến đi tặng quà, cứu trợ hoặc thực hiện nhiều dự án nhân đạo, nhưng với chúng tôi - những thành viên của ngôi nhà Hànộimới thì lần tặng quà Tết các bệnh nhi và bệnh nhân nghèo ở Viện Huyết học và Truyền máu trung ương này mang một ý nghĩa đặc biệt. Chị Lý Thị Hảo phụ trách bộ phận truyền thông về hiến máu nhân đạo nói với chúng tôi có nhiều bệnh nhân nặng... cuộc sống chỉ đếm từng ngày. Trong tổng số 80 suất quà có 30 suất dành tặng bệnh nhi; 10 suất tặng bệnh nhân ung thư máu và 40 suất cho bệnh nhi bị tan máu bẩm sinh. Đây là những bệnh nhân suốt đời gắn với việc truyền máu và thải sắt. Bệnh nhân không thể phát triển được thể trạng và hầu hết đều có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều người trong số này phải vay mượn, bán nhà, bán đất để điều trị. Hầu hết đều là bệnh nhân nặng nên chúng tôi mang quà đến tận giường vì như chị Hảo cho biết: "Nhiều bệnh nhân quá yếu không thể ngồi dậy được". 30 suất quà đầu tiên được trao lại cho các bệnh nhi tại tầng 6. Đó là bé gái Nhữ Thị Yến Chi, sinh năm 2006 đang ngồi trên xe lăn cùng mẹ. Yến Chi bị rối loạn sinh tủy đã gần 1 năm. Người mẹ nghèo lại bị liệt lên mọi sinh hoạt của 2 mẹ con gần như trên xe lăn. Đó là cháu Đỗ Thành Hưng, sinh năm 2007 ở Tiên Lãng, Hải Phòng bị bạch cầu tủy. Là Lưu Thị Uyển Nhi 5 tuổi ở Vĩnh Phúc bị ung thư máu bạch cầu cấp... Tất thảy các bé đều xanh xao, bé nhỏ, trong đó có 9 bé đến nhận quà với cây truyền đi theo. Nhận phần quà từ Quỹ Trái tim nhân ái và Sen Hồng kết nối yêu thương, cậu bé Đặng Văn Phong, 12 tuổi ở Hà Đông bị ung thư máu vui quên hết đau đớn. 80 bệnh nhân nhận quà hôm nay là 80 thân phận khác nhau, đến từ nhiều vùng miền với nhiều dạng bệnh. Chúng tôi không khỏi xót xa, không nén được những giọt nước mắt khi nhìn những mái đầu hầu hết đã không còn tóc, nước da hoặc xám xanh, đen sạm và gầy yếu. Bác sĩ trực khoa Nhi Nguyễn Hoàng Hoa nói: Đến sát Tết, chúng tôi vẫn phải làm việc, để bệnh nhân nào có thể về nhà đón Tết cũng được "chuẩn bị" sức khỏe "trụ" được qua Tết. Bệnh nhân nào phải ở lại cũng được chăm lo một cái Tết chu đáo. Nhiều khi bác sĩ khóc cùng bệnh nhân, vì họ đều là những người nghèo lại mắc trọng bệnh. Một bệnh nhân thiếu ăn, một bệnh nhi đau đớn là những bác sĩ như chúng tôi lại nghẹn lòng. Thiếu ăn thiếu mặc có thể sẻ chia, nhưng đau đớn và số mệnh thì khó chia sẻ quá. Năm nay, hướng tới các bệnh nhân nghèo mắc bệnh nặng và Viện Huyết học là đơn vị đầu tiên chúng tôi đến. Đặc biệt hơn, phần lớn số quà này là sự đóng góp của các thành viên trong ngôi nhà Hànộimới. Từ 3 tuần trước, bằng tất cả khả năng, mỗi người có cách đóng góp riêng. Phóng viên Thu Hằng (Ban Bạn đọc) nhận phần gói bánh chưng; Vân Nga (Ban Công tác xã hội) nhận gói giò; Hoàng Anh (Ban Cuối tuần) ủng hộ 10 thùng mì; Họa sĩ Nguyệt Thơ, Lưu Thu Trang, Tuyết Minh... vận động bạn bè ủng hộ. Hàng chục cán bộ, phóng viên đã đóng góp tiền với mong muốn đong đầy yêu thương dành tặng các bệnh nhân nghèo. Chỉ trong 2 tuần phát động chúng tôi đã thu nhận được cả nghìn cuốn truyện, 2 thùng đồ chơi mới nguyên, vở viết, bánh kẹo, quần áo và tiền. Đặc biệt, nhiều nhà báo đã nghỉ hưu như cô Triệu Thị Bích, anh Nguyễn Văn Chương cũng gửi tiền tới góp cho chương trình. Trước đó, nhóm Sen Hồng đã tham gia một hội chợ từ thiện với mong muốn "gom được thêm tiền cho chương trình". Nhiều cháu là con các cán bộ, phóng viên cũng theo mẹ tới viện với mong muốn chia sẻ công việc, chia sẻ yêu thương với các bệnh nhân. Đó là con của Vân Nga, Ngô Hương, Trần Hằng. Nhiều ông chồng cũng theo vợ tới viện tham gia chương trình. Hà Nội sớm đầu tháng 2 rét ngọt, nhưng bên trong Viện Huyết học và Truyền máu trung ương - chúng tôi những thành viên của Quỹ Trái tim nhân ái và Sen Hồng kết nối yêu thương đã san sẻ yêu thương bằng cả tấm lòng và trái tim.

Tử vong do ngộ độc tetrodotoxin có trong cá nóc lên đến 60%

Ngày 1-2, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) Bộ Y tế đưa ra khuyến cáo về cách phòng, chống ngộ độc cá nóc. Theo đó, thời gian qua tại một số địa phương đã ghi nhận các trường hợp ngộ độc rất nặng và tử vong do ăn cá nóc. Nguyên do là cá nóc chứa độc tố tetrodotoxin. Chất độc này chứa nhiều trong gan, thận, tụy, cơ quan sinh sản, mắt, mang, da máu và là độc tố rất mạnh với người. Chỉ ăn 10g thịt cá nóc có độc tố đã bị ngộ độc và 1-2mg tetrodotoxin đã gây tử vong. Tỷ lệ tử vong do ngộ độc tetrodotoxin lên đến 60% nếu không cấp cứu kịp thời. Độc tố này tăng mạnh vào mùa sinh sản của cá nóc từ tháng 2 đến tháng 7 hằng năm. Mặc dù không có trong thịt cá nóc nhưng khi làm thịt, cá bị dập nát, ươn thì chất độc ngấm vào thịt cá gây độc cho người ăn. Độc tố trong cá nóc khi đun sôi 200oC trong 10 phút mới có thể loại bỏ. Cục ATTP khuyến cáo người dân không ăn cá nóc khô, tươi; không chế biến, không bán, không sử dụng các sản phẩm từ cá nóc như: Chả, bột cá nóc. Khi có biểu hiện nghi ngờ ngộ độc cá nóc (tê môi, lưỡi, bàn tay) cần uống ngay thuốc giải độc (than hoạt tính và sorbitol) và đến ngay cơ sở y tế để cấp cứ.

Một thế giới

Báo động: Hơn 90% học sinh, sinh viên bị rối loạn nhiễu tâm trí

Theo bộ GD&ĐT, kết quả cuộc khảo sát gần đây tiến hành trên một số trường phô thông và đại học tại Hà Nội, Hải Dương cho thấy, có đến 93,57% số học sinh (HS), sinh viên (SV) đuợc hỏi, gặp phải nhyững khó khăn vướng mắc cần chia sẻ trong học tập và đời sống hàng ngày. Tỉ lệ này ở bậc phổ thông là 95,33% và bậc đại học là 85,92% Em V.A (18 tuổi) đến với trung tâm tham vấn tâm lý, bệnh viện Tâm thần T.Ư trong tình trạng sa sút về nhận thức và cảm xúc V.A có triệu chứng mệt mỏi, căng thẳng, mất ngủ và cảm thấy chán sống. A. cho bác sĩ biết, cảm giác của em luôn trống rỗng và buồn quá mức, rất khó khăn khi tiếp xúc với người xung quanh. Các bác sĩ chẩn đoán, em bị rối loạn trầm cảm nặng, cần một thời gian chữa trị lâu dài. Qua tiếp xúc, tìm hiểu, bác sĩ đuợc biết, A. có một cuộc sống nội tâm đầy những khó khăn, thường xuyên bị áp lực về mặt tâm lý. Em thường xuyên chứng kiến cảnh ba đánh đập mẹ trong những cơn say. Đã 18 tuổi nhưng em vẫn thường bị bố đánh, cộng vói những áp lực từ kỳ thi cuối cấp, em càng khó khăn và đã dẫn tới stress. A. rơi vào trạng thái trầm cảm và có hành vi tự sát. Em nói với chuyên viên tâm lý rằng: “Cuộc sống của em là nhũng chuỗi ngày đau khổ, giá mà em không có mặt trên đời có lẽ tốt hơn”. Giới trẻ, nhất là HSSV, con số tự vẫn ngày càng tăng vì những áp lực xã hội đưa đến. Có khi, bậc làm cha mẹ có thể xem thường hay không để ý đến những áp lực đó, vì cho rằng, nó không có thực và có khi “vô duyên”, “vô căn cứ” so với những áp lực mà thế hệ trước đã từng trải nghiệm. Tuy nhiên, mỗi một thế hệ có những áp lực, những khó khăn khác nhau và đối với nhũng người muốn từ bỏ cuộc sống, những áp lực này rất nguy hiểm. Tình trạng rối nhiễu tâm trí kéo dài sẽ dẫn đến rối loạn giấc ngủ, hành vi, ngôn ngữ, nhân cách khác với những chuẩn mực bình thuờng, thậm chí nhiều người tự nhiên nảy sinh ý định muốn tự tử. Chuyên viên tâm lý Nguyễn Thi Như Phương, phụ trách khám và đánh giá tâm lý thanh thiếu niên của trung tâm Tư vấn và Chăm sóc rối nhiễu tâm trí (Hà Nội) cho biết: “Có rất nhiều yếu tố có thể là nguyên nhân của hiện tượng rối nhiễu tâm trí. Chính những va chạm trong cuộc sống hàng ngày mà các em không ứng phó được cũng gây nên những tác động tiêu cực về tâm lý”. Tình trạng rối nhiễu tâm trí kéo dài sẽ dẫn đến rối loạn giấc ngủ, hành vi, ngôn ngữ, nhân cách khác với những chuẩn mực bình thuờng, thậm chí nhiều người tự nhiên nảy sinh ý định muốn tự tử. Nguyên nhân một phần do sự phát triển kinh tế xã hội ngày càng đa dạng và phức tạp. Bên cạnh các hệ giá trị mới được hình thành trong quá trình hội nhập cũng nảy sinh không ít những ảnh hưởng tiêu cực, tác động trực tiếp đến đời sống tâm lý lứa tuổi HSSV. Những tác động này nếu không đuợc tư vấn, định hướng, giải tỏa kịp thời, rất dễ dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Mặt khác, các nhà trường cũng chưa thực sự quan tâm đến đời sống tâm lý HSSV, chưa cung cấp cho các em liều thuốc tinh thần đê vượt qua khủng hoảng, giải quyết bế tắc trong cuộc sống. Trong nhiều gia đình, các mâu thuẫn xung đột về quan điểm, chuẩn mực giá trị xã hội, sự ly thân, ly hôn, sự thiếu gương mẫu, bạo lực trong gia đình, thô bạo trong việc dạy con, áp đặt, thiếu tin tưởng vào con cái chiếm đến 2/3 nguyên nhân rối loạn hành vi, chống đối, trầm cảm, tự sát, nghiện hút... ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Bên cạnh đó, áp lực bởi chương trình học quá tải, thiếu húng thú ở trường học cùng với các vấn đề tâm lý xã hội như bạo lực, nghiện hút... làm gia tăng các rối nhiễu tâm trí ở lứa tuổi này. Nhiều em sống trong những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cũng dễ rơi vào tình trạng này.

Sống trong áp lực

Trao đổi với PV báo ĐS&PL, TS. Lê Đông Phương, viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, tâm lý người Việt luôn muốn mình hơn người. Ai cũng muốn cho con mình được hưởng những gì tốt nhất: Học trường tốt, giáo viên cũng phải giỏi nhất và bù lại, khi được hưởng những điều kiện như thế, con cái không được phép bị điểm thấp, không được phép thua kém bạn bè. “Vô hình trung, các bậc phụ huynh bị cuốn theo mạch ganh đua. Thêm vào đó, hầu hết phụ huynh lại tưởng con mình là “siêu nhân” nên xuất hiện xu hướng cố gắng “nhồi nhét” con cái. Đây có lẽ là căn bệnh trầm kha của người Việt, thích mình cái gì cũng phải nhất, giống câu nói “hàng đầu ta lại đi đâu, đi đâu ta lại tiến lên hàng đầu”, TS. Phương nói. Chuyên gia này cũng phân tích, mong muốn này của phụ huynh thật ra lại làm khó con em mình, tạo những áp lực đè nặng lên tâm lý các em. GS.TS Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư kýhội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam cho biết, thường khi tâm trí ta khoẻ mạnh, đầu óc sáng láng, ý nghĩ đến nhanh, việc làm trôi chảy, cảnh vật xung quanh trở nên dễ chịu. Khi tinh thần bất an, đầu óc căng thẳng, trí nhớ giảm sút, lẫn lộn, khó chịu ăn không ngon, ngủ không yên, công việc bê trễ. “Rối nhiễu tâm trí” dùng để chỉ biểu hiện lệch lạc nói chung về sức khoẻ tâm trí (trí tuệ và tâm lý) của một cá nhân. Ở mức độ nhẹ, rối loạn tâm trí thể hiện dưới dạng các triệu chứng rất chung chung như nhức đầu, mệt mỏi không có nguyên nhân rõ ràng, chán ăn, học tập sút kém, làm việc rất khó tập trung, cáu giận vô cớ hoặc lò lắng quá mức. Không được phát hiện, vòng xoắn rối nhiễu nặng dần lên, các triệu chứng trên trở nên rõ rệt và thường xuyên hơn tác động rõ rệt đến sinh hoạt học tập, làm việc và nảy sinh cá bệnh tâm thân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hầu hết HSSV ít chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, những khúc mắc trong đời sống sinh hoạt và học tập với người lớn, kể cả khi các em gặp tình huống khó xử, thậm chí là bị tổn thương nghiêm trọng. Đó được coi là nghịch lý, bởi theo nhiều chuyên gia tâm lý giáo dục, nhu cầu được tâm sự, hỗ trợ từ người lớn của HSSV rất lớn. Chuyên gia tâm lý này cũng đưa ra lời khuyên: Cha mẹ nên quan tâm đến con cái. Nếu thấy các em có biểu hiện lạ, cần điều tra tìm hiểu. Phát hiện con bị đe dọa hoặc bắt nạt, cần phối hợp với nhà trường, công an địa phương trong trường hợp bị các đối tượng “đầu gấu” bên ngoài trường đe dọa, cần báo với giáo viên. Tại buổi hội thảo Công tác tô chức các hoạt động văn hóa và tư vấn tâm lý trong nhà trường, TS. Ngũ Duy Anh - Vụ trưởng vụ Công tác học sinh, sinh viên (bộ GD&ĐT) nhận định: “Do ảnh hưởng tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường, một bộ phận thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên đang có nhũng biểu hiện xuống cấp về đạo đức, lối sống, khiến chúng ta không khỏi lo ngại. Sự gia tăng tội phạm lứa tuổi học đường đã xảy ra để lại những hậu quả đáng tiếc, đó là nguyên nhân làm cho công tác giáo dục đạo đức, lối sống, nếp sống hoàn thiện nhân cách của HSSV còn bộc lộ những thiếu sót cần khắc phục trong thời gian tới”.

 

Đại đoàn kết

Uyển chuyển để hết nằm ghép

Ký cam kết bệnh viện không để bệnh nhân nằm ghép nhưng vẫn phải đảm bảo nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tạo niềm tin trong nhân dân, là yêu cầu của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) tại BV đầu tiên Bộ Y tế vừa thị sát kiểm tra việc thực hiện cam kết. Nằm một người một giường là quyền lợi rất quan trọng của bệnh nhân, giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng BV, đảm bảo an toàn, chống nhầm lẫn bệnh nhân và đảm bảo sự riêng tư cho cá nhân người bệnh... Do đó quá tải BV, nằm ghép là vấn đề gây bức xúc trong xã hội, chủ yếu ở các BV tuyến Trung ương và tuyến cuối, nhất là các BV chuyên khoa về ung bướu, tim mạch, chấn thương, chỉnh hình, sản, nhi. Tuy nhiên tính đến hết tháng 1 vừa qua, theo Bộ Y tế toàn quốc đã có 14 BV ký cam kết với Bộ Y tế không để bệnh nhân nằm ghép. Trước thông tin phản ánh BV Nhi Trung ương vẫn còn tình trạng nằm ghép giường sau ngày cam kết 20-1, Bộ Y tế đã trực tiếp xuống thị sát BV này chiều 30-1. Những nơi từng là điểm nóng như Khoa Truyền nhiễm, Hô hấp, đã không còn tình trạng nằm ghép, thậm chí có phòng còn giường trống. "Việc thực hiện không nằm ghép rất khó khăn”, PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc BV Nhi Trung ương cho biết. Song việc ký cam kết không nằm ghép vẫn là khả thi, có cơ sở thực tiễn, bởi 4 tháng qua ở đây đã không còn tình trạng nằm ghép. 30% trường hợp điều trị nội trú tại đây có thể điều trị ngoại trú hoặc ở tuyến dưới. BV đã và đang liên kết để các BV khác như Việt Đức, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương hỗ trợ chuyển BV khi đông bệnh nhân. Đồng thời phối hợp với BV vệ tinh tại Ninh Bình, Thái Bình, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Lào Cai để chuyển bệnh nhân đã tương đối hồi phục về đó. Mỗi ngày, lãnh đạo BV yêu cầu các khoa, phòng báo cáo tình hình bệnh nhân nội trú vào 8 giờ, 11 giờ và 16 giờ để BV kịp thời điều phối giữa các khoa phòng không xảy ra tình trạng nằm ghép. BV đã tăng số phòng khám từ 30-35 lên 50-60. Chọn bác sĩ giỏi, trưởng khoa, phó khoa ra ngồi tại khoa Khám bệnh để sàng lọc bệnh nhân. Trường hợp nặng sẽ được cho nhập viện, ca nhẹ cho điều trị ngoại trú hoặc chuyển về tuyến dưới. "Nếu còn nằm ghép thì chỉ là cá biệt, tạm thời”, PGS Hải giải thích, chỉ xảy ra trong vài giờ đầu khi bệnh nhân nhập viện vì đợi sắp xếp giường.

Nếu thấy ghép, hãy gọi 1900.9095

Tại buổi kiểm tra, Phó Cục trưởng TS Nguyễn Trọng Khoa cho biết sau kiểm tra tại BV Nhi Trung ương, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tiến hành kiểm tra ngay trong tháng 2 này một loạt BV tại Hà Nội. Theo TS Khoa, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã yêu cầu các BV tuyến Trung ương báo cáo hàng tuần về số lượng bệnh nhân ở mỗi khoa, khoa nào nằm ghép, khoa nào còn giường. "Qua đó chúng tôi theo dõi, giám sát và điều phối. Thông tin này chúng tôi sẽ đăng tải trên website của Cục Quản lý Khám chữa bệnh và thông báo cho các BV tuyến tỉnh, để họ biết thực trạng của BV tuyến trên để khi chuyển tuyến cho bệnh nhân cân nhắc cho phù hợp”, ông nói Cũng theo TS Khoa, các BV ký cam kết với Bộ Y tế không để bệnh nhân nằm ghép, trong đó có BV Nhi Trung ương, đều có giải pháp lâu dài mang tính bền vững cả về chuyên môn, chất lượng khám chữa bệnh và quản lý. Các BV thực hiện ở các mức cam kết khác nhau. Có BV cam kết bảo đảm mỗi người bệnh sẽ được bố trí 1 giường bệnh ngay sau khi vào điều trị nội trú. Có BV đảm bảo tối đa sau 24 giờ kể từ khi nhập viện, mỗi người bệnh sẽ được bố trí 1 giường bệnh. Lại có BV thực hiện bảo đảm tối đa sau 48 giờ kể từ khi nhập viện, mỗi người bệnh sẽ được bố trí 1 giường bệnh. "Ký cam kết nhưng vẫn phải đảm bảo nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chứ không thể vì cam kết mà bệnh nhân nặng đang điều trị lại đẩy ra ngoại trú. Khi đã ký cam kết thì cần phải nỗ lực hết sức để tạo niềm tin trong nhân dân”, ông Khoa nhấn mạnh. Theo Bộ Y tế, nếu bệnh nhân nào còn thấy tình trạng nằm ghép tại các BV đã ký kết, cần thông báo tới Bộ Y tế hãy liên lạc qua đường dây nóng 1900.9095. Việc cam kết không nằm ghép hoàn toàn là sự tự nguyện thực hiện của các BV. Bộ Y tế khuyến khích những BV sau khi xem xét về năng lực, khắc phục được tình trạng nằm ghép, việc triển khai các giải pháp và được chứng minh có hiệu quả thì mới ký cam kết với Bộ”.

Vẫn còn cách bớt ghép

Mới đây BV Ung bướu TP.HCM đã gửi công văn đề nghị BHXH thành phố xem xét thanh toán BHYT cho một số bệnh nhân ngoại trú như bệnh nhân nội trú đang được điều trị tại BV này, để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho họ. Do những bệnh nhân ngoại trú đó vốn điều trị nội trú nhưng sang ngoại trú chỉ vì BV không đủ giường bệnh. Nếu áp dụng Luật BHYT sửa đổi thì họ lại không được BHXH TP thanh toán chi phí điều trị như trước đó. Rất mừng là BHYT TP.HCM tuần qua đã đồng ý chi trả bảo hiểm cho những người bệnh ngoại trú nói trên. Hiện tổng số bệnh nhân nhân điều trị nội trú chuyển sang ngoại trú trong thời gian qua tại BV này là 436 bệnh nhân. "Mình không có điều kiện cho họ nội trú. Nếu cố gắng thì dẫn đến việc quá tải nội trú và gây căng thẳng cho bệnh nhân. Nếu trước khu vực nội trú khu vực hóa trị có đến 5-6 người/ giường thì nay chúng tôi chuyển bớt ra khoa vệ tinh, và người bệnh còn khỏe điều trị nội trú thì chỉ còn 2-3 người/ giường”, bác sĩ Diệp Bảo Tuấn, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp.

 

VOV

Dịch sởi Mỹ tiếp tục lan rộng từ khu vui chơi Disneyland

Các quan chức y tế Mỹ xác nhận, hơn 100 người đã mắc bệnh sởi tại Mỹ kể từ tháng 12/2014. Chỉ riêng tại California, có 91 trường hợp nhiễm bệnh, hầu hết liên quan đến đợt bùng phát dịch tại khu vui chơi nổi tiếng Disneyland. Theo các quan chức y tế Mỹ, virus này đang trên đường tấn công New York. Một sinh viên tại New York đang có dấu hiệu nhiễm bệnh và đang bị cách ly. Cơ quan y tế của bang New York cũng đưa ra một tuyên bố, khuyến cáo những người có dấu hiệu nhiễm bệnh cần gọi cho bác sĩ gia đình, để tránh lây nhiễm chéo những người khác tại các cơ sở y tế . Các nhà khoa học cũng phủ nhận những thông tin cho rằng vaccine phòng sởi có ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêm, đồng thời hối thúc cha mẹ đưa con đi tiêm vaccine. Đến thời điểm này chưa có thông báo về trường hợp tử vong liên quan đến bệnh sởi trong đợt bùng phát dịch này tại Mỹ./.

 

Công an Tp. Hồ Chí Minh

Vấn nạn trẻ em bị bạo hành: Những ám ảnh còn mãi

Bạo hành trẻ em đã và đang gây bức xúc trong dư luận, đặc biệt kẻ bạo hành lại chính là các bậc sinh thành. Nhiều vụ việc kẻ bạo hành phải trả giá đắt về hành vi vô nhân tính của mình. Thế nhưng, trên thực tế, nạn bạo hành trẻ em vẫn xảy ra liên tục.

Đau lòng những vụ bạo hành năm 2014

Chỉ vì những lỗi lầm rất nhỏ của con trẻ, một số bậc sinh thành đã sẵn sàng ra tay bạo lực với chính cốt nhục của mình. Cụ thể, ngày 25-11-2014, do tức giận vì con lấy gói mì của bà nội, ông Bùi Khắc Thế (40 tuổi, Nghệ An) đã đốt bé Bùi Khắc Vinh đến mức bé bị bỏng ở hai đùi, hai cẳng chân và vùng sinh dục. Tháng 10-2014 là trường hợp của bé Trương Văn Thành (11 tuổi, Hà Tĩnh). Sau nhiều ngày bỏ nhà đi chơi biệt tăm, tới khi hết tiền Thành mới về nhà thì bị bố là ông Trương Văn Định trói vào gốc cây đánh. Thương cháu nên người dì ruột cởi trói cho Thành. Tuy nhiên, mẹ cháu là bà Nguyễn Thị Nhung đang đốt rác gần đó đã đẩy Thành vào đống lửa đang cháy rực. Hậu quả, Thành bị bỏng toàn thân. Trước đó, tháng 9-2014, bé Trần Thị Kim Ngân (4 tuổi, ngụ P.Bình An, thị xã Dĩ An, BÌnh Dương) được phát hiện bị chính mẹ ruột và người “chồng hờ” của mẹ bạo hành tới chấn thương sọ não. Những vụ bạo hành gây phẫn nộ khác như: bà ngoại đánh cháu 2 tuổi ở Bạc Liêu dẫn đến phù não chỉ vì bé làm bể chai dầu gió; bé 1 tuổi ở Kiên Giang bị cậu nhét than vào miệng cho nín khóc làm bé tử vong, bố đẻ và mẹ kế dùng điếu cày đánh chết con 8 tuổi,…Đó là những vụ bạo hành trẻ em bị phanh phui nhờ hàng xóm, chính quyền địa phương can thiệp; nhưng trên thực tế vẫn còn rất nhiều trường hợp trẻ em bị bạo hành nhưng chưa được biết đến. Một bé trai 8 tuổi được mẹ đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM vì bị gãy tay. Mẹ bé giải thích với bác sĩ bé té xe đạp; nhưng khi trò chuyện riêng với bác sĩ, bé trai cho biết “ba đã làm gãy tay con sáng nay”. Bé cho biết, ba đã nổi giận vì bé đã không làm việc lặt vặt ở nhà và đã đánh bé trong lúc nóng giận. Một trường hợp khác, bé gái 7 tháng tuổi, được ông bà đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 2. Ông bà cho biết, bé không khỏe và khóc liên tục trong 4 ngày qua nhưng không biết lý do. Qua thăm khám và chụp X-quang, kết quả cho thấy bé bị gãy nhiều xương sườn ở nhiều giai đoạn khác nhau. PGS.TS bác sĩ Đoàn Thị Ngọc Diệp, giảng viên bộ môn nhi Đại học Y dược TP.HCM, Trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho rằng, trường hợp này thì bạn có nghi ngờ là do bạo hành hay không? Trong khi có đến 95 – 100% trẻ dưới 3 tuổi gãy xương sườn có liên quan đến bạo hành. Khi nói kết quả với ông bà, thì ông bà của bé cho rằng, có thể mấy ngày trước anh trai 2 tuổi đã ngồi lên người của bé...

Nguy cơ trẻ lớn lên với tâm hồn "khuyết tật"

Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê với sự hỗ trợ UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc) thì có 73,9% số trẻ em Việt Nam từ 2-14 tuổi bị cha mẹ hoặc người chăm sóc hay những người khác trong gia đình trừng phạt bằng bạo lực. Gần một phần tư số phụ nữ đã lập gia đình và có con dưới 15 tuổi cho biết họ phải chứng kiến chồng mình có hành vi bạo lực đối với con cái trong suốt cả cuộc đời. Bạo lực với trẻ em không chỉ hiểu theo nghĩa đen là roi vọt, đánh đập mà còn bao gồm cả bạo lực tinh thần. Theo PGS.TS bác sĩ Đoàn Thị Ngọc Diệp, trẻ em ít khi nào là nạn nhân của chỉ một loại lạm dụng, có thể là nạn nhân của lạm dụng tinh thần (chỉ trích, coi thường, trêu trọc quá đáng, trừng phạt trẻ vì những hành vi xã hội bình thường,…), thể chất (đấm, tát, đốt, cắn, ném trẻ, làm trẻ nghẹt thở) hay nạn nhân của lạm dụng tình dục, bị bỏ bê,…Qua khảo sát hơn 2.000 trẻ em Việt Nam mới đây cho thấy, có đến 39,5% trẻ bị lạm dụng về mặt tinh thần, 46,5% bị lạm dụng về thể chất, 19,7% bị lạm dụng tình dục và 29,3% bị bỏ bê. Riêng tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, theo bác sĩ Diệp, có đến 2-10% trẻ đến bệnh viện là nạn nhân của bạo hành hoặc bỏ bê. Theo các bác sĩ, không chỉ trẻ bị đánh đập mới bị tổn thương mà ngay cả việc chứng kiến hành vi bạo lực trong gia đình, trường lớp cũng là gián tiếp bạo hành trẻ, gây tổn thương đến trẻ. Bị ám ảnh bởi bạo hành gia đình từ nhỏ, không ít đứa trẻ lớn lên với tâm hồn bị “khuyết tật”. Trẻ em trai sẽ hình thành nhận thức làm đàn ông có quyền đánh đập phụ nữ và trở thành người chồng, người cha bạo lực sau này. Còn hậu quả của trẻ em gái khi chứng kiến cảnh mẹ bị đánh đập sẽ tạo cho mình cách sống cam chịu bạo lực, ác cảm với đàn ông, trốn chạy hôn nhân…

Giúp trẻ bị bạo hành vượt qua nỗi đau

Vì sao chúng ta có hệ thống pháp luật, có các tổ chức bảo vệ trẻ em mà xu hướng bạo hành trẻ vẫn không giảm bớt? Có nhiều ý kiến cho rằng: Pháp luật xử phạt chưa đủ mạnh, chưa đủ răn đe những người có hành vi bạo lực. Hiểu biết pháp luật của những người chăm sóc trẻ cũng có giới hạn. Mặt khác, do quan niệm của người lớn về giáo dục trẻ bằng roi chính là mắt xích gây ra những sự việc này. Chính sự thiếu hiểu biết và lạm dụng quyền làm bố mẹ của người lớn đã gây tổn hại đến trẻ nhỏ. Nhiều vụ việc trẻ bị bạo hành phát hiện nhưng các bậc làm cha làm mẹ vẫn cho rằng: “Con tôi, muốn dạy thế nào là quyền riêng”. Theo khuyến cáo của các bác sĩ, chuyên gia tâm lý, trẻ bị bạo hành chắc chắn cần được hỗ trợ điều trị tâm lý để giúp bé vượt qua vết thương lòng, nỗi sợ hãi, để có những suy nghĩ tích cực trong cuộc sống. Khi bị bạo hành, trẻ đã bị lấy đi niềm tin vào sự yêu thương. Vì vậy, quan trọng nhất đối với việc điều trị cho trẻ là tình yêu thương. Chỉ có tình yêu thương mới bù đắp lại cho trẻ, giúp trẻ vượt qua những tổn thương của mình. Bên cạnh đó, pháp luật cũng cần có sự phân định rõ: Thế nào là bạo hành? Ở mức độ nào thì gọi là bạo hành đối với trẻ? Để có chế tài xử lý, cơ sở bảo vệ trẻ. Mong là các bậc phụ huynh sẽ suy nghĩ thấu đáo và thay đổi cách dạy con, để con trở thành một người mạnh cả về trí tuệ và tinh thần và để chúng lúc nào cũng tự hào về bố mẹ của mình.

 

VTV

Trung Quốc: Mất cân bằng giới tính nghiêm trọng

Theo số liệu mới được công bố từ cơ quan y tế Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới này đang có số lượng nam giới nhiều hơn số lượng nữ giới 34 triệu người. Cơ quan y tế Trung Quốc cho rằng, Trung Quốc đang rơi vào tình trạng mất cân bằng giới nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Năm 2014, theo thống kê từ Cục Thống kê Trung Quốc, đất nước này có 700 triệu nam giới, trong khi dân số nữ giới chỉ đạt 667 triệu người. Cơ quan y tế Trung Quốc coi sự mất cân bằng giới tính là cực kỳ nghiêm trọng và lo ngại rằng điều này sẽ khiến nhiều đàn ông Trung Quốc gặp khó khăn trong việc tìm vợ sau này. Giáo sư Gao Rui - Viện Khoa học Xã hội Sơn Tây, Trung Quốc cho biết: "Số lượng nam giới lớn hơn số lượng nữ giới sẽ làm gia tăng áp lực lập gia đình đối với nam giới”. Theo ông Gao, khó khăn trong việc lập gia đình có thể sẽ làm gia tăng tội phạm tình dục. Các chuyên gia cho rằng, truyền thống trọng nam khinh nữ và việc xác định giới tính thai nhi trước sinh bất hợp pháp là những nguyên nhân chính của sự mất cân bằng giới tính. "Trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, người ta tin rằng chỉ có đàn ông mới có nhiều khả năng hỗ trợ gia đình. Niềm tin này vẫn còn ngự trị ở khu vực nông thôn”, Giáo sự Gao Rui cho biết thêm. Ủy ban Y tế và Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc đã tuyên bố sẽ ngăn chặn mọi hoạt động bất hợp pháp làm ảnh hưởng đến sự cân bằng giới tính, bao gồm sử dụng trái phép công nghệ siêu âm hoặc xét nghiệm máu ở nước ngoài để xác định giới tính trước sinh.

Lao động

Các cô bé tuổi teen tấp nập đi... phá thai

Những ngày gần đây, tại các phòng khám sản tư nhân bỗng nhiên tấp nập khách ra vào. Và điều đáng nói là khách hàng chủ yếu là những cô cậu tuổi teen đưa nhau đến để giải quyết “khối tình”. Năm nào cũng vậy, cứ sau noel, tết tây 1 tháng là y như rằng các cô cậu học trò lại đưa nhau đến nhờ cậy bác sĩ nạo phá thai.

Mặc đồng phục học sinh đi “thủ tiêu hậu quả”

Phòng khám tư trên đường Trần Duy Hưng (Hà Nội) những ngày này hầu như ngày nào cũng có một vài cô bé mặc đồng phục học sinh đến nạo phá thai. Theo một nhân viên ở đây, các nữ sinh này đến phòng khám khá bạo dạn. Có khi có bạn trai đi cùng hoặc một mình đến giải quyết. Cô nhân viên này kể: Hỏi chuyện một đôi choai choai sao tuổi còn bé thế mà đã vượt quá giới hạn như vậy? Cô bé thản nhiên nói: “Chị không biết à, bọn em bây giờ yêu đương là lên giường. Em mới cặp với chồng (ý nói bạn trai - PV) được hơn 1 tháng, dịp Noel là phải xõa thôi…”. "Sao em không dùng biện pháp tránh thai?". Cô bé tặc lưỡi: "Em có uống ngay viên tránh thai khẩn cấp nhưng không hiểu sao vẫn “dính” mà thế này thì phòng khám các chị mới “cá kiếm” được chứ!?"  Một người mẹ quê Thái Bình dẫn con gái đang học lớp 12 có thai 3 tháng đến phòng khám với vẻ mặt đầy đau khổ. Chị kể với bác sĩ: Mấy năm nay, cháu luôn là học sinh giỏi nhưng sang năm cuối cấp thấy con nói học sút nên phải đi học thêm vào buổi tối hơn 1 tháng nay. Nghĩ là con đi học thêm ai ngờ nó giao du với đám bạn trai ở trường khác. Đến khi phát hiện con có bụng, gặng hỏi thì nó nói không biết cái thai của thằng nào vì nó ngủ với 3 thằng con trai. Vì tương lai của con, đành muối mặt đưa lên Hà Nội nhờ cậy bác sĩ phá bỏ cái thai. Còn theo tiết lộ của một nhân viên phòng khám sản ở gần khu vực BVQY 103 (Hà Đông, Hà Nội), khách hàng chính ở đây là đối tượng học sinh, sinh viên đến phá thai. Khu vực này có rất nhiều phòng khám sản nên nhiều phòng khám cạnh tranh nhau bằng cách đưa ra chương trình khuyến mại giảm giá từ 20-30% khi các cô gái xuất trình thẻ học sinh, sinh viên. Và để thu hút khách hàng, nhiều phòng khám không ngần ngại giới thiệu có phương pháp đặc biệt hoặc loại thuốc đặc hiệu có thể phá thai to trên 3 tháng mà không cần phải can thiệp, không đau, không cần đến bệnh viện…Những cô bé lỡ “dính” bầu đã lén lút tìm đến những phòng khám để “thủ tiêu hậu quả” càng nhanh càng tốt. Cô nhân viên của phòng khám trên đường Trần Duy Hưng còn cho biết, có những cô bé tự mua thuốc phá thai về uống nhưng thai không ra hết đã phải đến phòng khám để bác sĩ hút những mẩu thai ra. Có cô sau khi nạo phá thai máu ra quá nhiều đến mức phải cấp cứu, nếu chậm chút là mất mạng…

Nạo phá thai ở vị thành niên ngày càng tăng

Theo báo cáo của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, hiện nay, tỉ lệ nạo phá thai ở Việt Nam là khoảng 300.000 ca mỗi năm. Trong đó có khoảng 20% ở độ tuổi vị thành niên. Việt Nam đang là nước đứng thứ 5 trên thế giới và đứng đầu khu vực Đông Nam Á về tình trạng nạo phá thai. Đáng chú ý hơn cả là số trẻ vị thành niên nạo phá thai ở Việt Nam cao hơn nhiều lần so với các quốc gia dẫn đầu về nạo phá thai. Thống kê của Bệnh viện Từ Dũ trong sáu năm liên tiếp cho thấy, tỉ lệ trẻ vị thành niên phá thai trong tổng số những người phá thai tại viện này tăng nhanh qua từng năm. Năm 2007, tỉ lệ này chiếm 3,1% thì đến 2011 là 6,8%, năm 2012 là 6,4%. Trên cả nước, tỉ lệ phá thai vị thành niên năm 2012 là 2,3% trong tổng số người đến làm thủ thuật. Số trẻ vị thành niên mang thai trong tổng số mang thai của cả nước cũng tăng nhanh chóng, năm 2009 là 2,9%, năm 2012 là 3,2%. Những con số này là rất báo động về tình trạng nạo phá thai ở vị thành niên. Ở lứa tuổi vị thành niên, trẻ thường lo sợ bị lộ nên thường tìm đến các phòng khám sản tư nhân. Bởi vậy mà những năm gần đây, các cơ sở y tế tư nhân nạo phá thai mọc lên như “nấm sau mưa”. Một số tuyền phố ở Hà Nội như đường giải phóng gần khu vực BV Bạch Mai, phố Phùng Hưng gần BV 103… mặc nhiên trở thành “phố phá thai”. Chỉ cần đến phố Phùng Hưng vào tầm nhá nhem 17-18h tối sẽ thấy rất nhiều nhân viên các phòng khám đứng sẵn ở cửa để đón khách. Cứ hễ thấy một cô gái hoặc đôi nam nữ nào đó đi xe máy, xe đạp điện chầm chậm lại, mắt ngó nghiêng là ngay lập tức đã có người chạy ra đon đả, mời chào và tư vấn ngay tại chỗ sau đó lôi tuột vào nhà. Thế là chỉ cần bỏ ra một khoản tiền vài trăm nghìn trong khoảng 2-3 giờ đồng, cái thai trong bụng những cô gái sẽ nhanh chóng bị loại bỏ. Và các cô gái lại trở về nhà như không có chuyện gì xảy ra, mọi lo sợ đã dẹp tan. Phổ biến nhất của những người trẻ khi phá thai là: Cháu đang đi học/Cháu chưa có công ăn việc làm ổn định/Anh ấy không cưới cháu/Không dám nói thật với bố mẹ…ác sĩ Lê Thị Kim Dung khuyến cáo, trong thời buổi ngày càng phát triển như hiện nay, giới trẻ Việt Nam cần tỉnh táo trong quan hệ tình dục, hiểu biết về sức khỏe sinh sản, tôn trọng lẫn nhau. Đồng thời, biết sử dụng bao caosu là một điều rất cần thiết.

Nạo phá thai là nguyên nhân gây vô sinh

Tuy nạo phá thai chỉ là một thủ thuật đơn giản của sản khoa, nhưng những hệ lụy của nó đối với sức khỏe của người nạo phá thai rất lớn. Nạo phá thai là nguyên nhân của 5% số ca tử vong ở sản phụ. Ngoài ra, thủ thuật nạo phá thai rất dễ dẫn đến thủng tử cung, băng huyết, tổn thương cổ tử cung hoặc âm đạo, tai biến do dùng thuốc gây mê, gây tê. Các tai biến xuất hiện muộn hơn là sót thai, sót nhau, nhiễm khuẩn, chấn thương tâm lý, nhiễm khuẩn gây viêm dính buồng tử cung dẫn đến vô sinh...

 

Quân đội nhân dân

Trung Quốc: Thêm 1 người tử vong do nhiễm H7N9

Giới chức y tế tỉnh Quảng Đông (Guangdong), miền Nam Trung Quốc, ngày 31-1 thông báo số ca nhiễm virus cúm gia cầm H7N9 trong tỉnh kể từ đầu năm 2015 đến nay đã lên tới 30 ca, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Một người đàn ông, 48 tuổi, sống tại thành phố Yết Dương (Jieyang), đã tử vong ngày 29-1, sau đó được xác định là do nhiễm H7N9. Trước đó, ngày 30-1, một bé gái 9 tuổi sống tại thành phố Sán Vĩ (Shanwei) được xác định là nhiễm H7N9. Sau khi được chữa trị, sức khoẻ bé gái này đã ổn định. Trong thời gian qua, một số thành phố thuộc tỉnh Quảng Đông đã thực hiện các biện pháp hạn chế mua bán gia cầm sống để hạn chế sự lây lan của bệnh dịch. Ngoài Quảng Đông, Thượng Hải (Shanghai), Phúc Kiến (Fujian), Thiểm Tây (Jiangxi) và Chiết Giang (Zhejiang), ở miền Đông Trung Quốc cũng đều thông báo có ca nhiễm H7N9 trong mùa Đông năm nay.

Chính phủ

Rộn ràng ngày Chủ nhật đỏ

Dự kiến, sẽ có khoảng 5.000 đơn vị máu được hiến tặng trong 12 đợt hiến máu tình nguyện trước Tết, tạo thành ngân hàng máu dự phòng, đáp ứng nhu cầu cấp cứu và điều trị trong dịp xuân Ất Mùi. Nối tiếp thành công của phong trào trong những năm qua, sáng 2/1 tại khuôn viên Đại học Kinh tế Đà Nẵng, Thành Đoàn Đà Nẵng phối hợp cùng Hội Liên hiệp Thanh niên Thành phố, báo Tiền Phong tiếp tục tổ chức ngày hội hiến máu tình nguyện “Ngày Chủ nhật đỏ” lần thứ VII – năm 2015. Tại sân trường, hơn 1.000 bạn trẻ là sinh viên, học sinh, cán bộ chiến sĩ … đã xếp thành hàng dài chờ đến lượt hiến máu. Dự kiến sẽ có trên 800 đơn vị máu góp phần đảm bảo nguồn máu cấp cứu trong dịp Tết Nguyên Đán. Đồng thời, tiếp tục tạo sự kiện truyền thông mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm của mọi người đối với phong trào hiến máu tình nguyện. Được biết, nhu cầu máu phục vụ cấp cứu cho bệnh nhân tại các bệnh viện trên địa bàn TP Đà Nẵng là khá lớn, từ 100-150 đơn vị/ngày. Nhu cầu này được dự báo sẽ tăng cao hơn trong dịp cận Tết và trong Tết. Trước đó, vào ngày 29/1, sinh viên trường Cao đẳng Công nghệ (Đại học Đà Nẵng) cũng đã tổ chức phong trào Xuân yêu thương – Chia sẻ giọt hồng, thu được 630 đơn vị máu đạt chuẩn. Trong 2 ngày 5/2 và 28/2, Hội Chữ thập đỏ Thành phố sẽ tổ chức Ngày hội hiến máu “Xuân yêu thương- Chia sẻ giọt hồng” tại Ký túc xá DMC và tại Bệnh viện Đà Nẵng. Bên cạnh 12 đợt hiến máu tình nguyện trong dịp này, các đội, nhóm, CLB Ngân hàng máu sống của Hội Chữ thập đỏ, Hội Liên hiệp Thanh niên Thành phố và các trường cũng đã lập danh sách với hàng trăm tình nguyện viên hiến máu dự bị, đặc biệt là tình nguyện viên có nhóm máu hiếm tham gia hiến máu đột xuất khi bệnh nhân cần.

Zing News

Virus Ebola đang biến đổi rất nhanh

Các nhà nghiên cứu tại Pháp phát hiện nhiều dấu hiệu cho thấy virus gây bệnh sốt xuất huyết Ebola đang biến đổi với tốc độ khá lớn. Hơn 8.000 người đã chết vì bệnh sốt xuất huyết Ebola tại 3 nước Tây Phi - bao gồm Sierra Leon Hơn 8.000 người đã chết vì bệnh sốt xuất huyết Ebola tại 3 nước Tây Phi - bao gồm Sierra Leone, Liberia, Guinea. Một số nhà nghiên cứu của Viện Pasteur tại Pháp đang phân tích hàng trăm mẫu máu từ những bệnh nhân sốt xuất huyết Ebola tại Tây Phi, nơi người ta phát hiện ca nhiễm virus đầu tiên vào tháng 12/2013. Tiến sĩ Anavaj Sakuntabhai, một nhà di truyền của Viện Pasteur, nói với BBC: "Chúng tôi thấy virus Ebola đang biến đổi rất nhanh. Nhận thức này rất quan trọng đối với quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh. Biết tốc độ biến đổi của virus là cách duy nhất để chúng ta đối phó với kẻ thù". Anavaj nói thêm rằng, sau khi biến đổi, mức độ nguy hiểm của virus có thể tăng hoặc giảm. "Nhưng nếu mức độ nguy hiểm của virus giảm thì khả năng lây nhiễm của chúng lại tăng và đó là điều chúng tôi lo ngại", vị tiến sĩ nói. Virus luôn biến đổi theo thời gian. Ebola là một RNA virus, giốngnhư HIV và virus cúm. Vì thế nó biến đổi với tốc độ khá cao. "Sự biến đổi liên tục của virus không phải là điều đáng ngạc nhiên, song chúng ta lại không thể đoán chúng sẽ biến đổi theo chiều hướng nào", Anavaj bình luận. Nhiều người lo ngại virus Ebola sẽ biến đổi để có thể lây nhiễm qua không khí. Nếu khả năng đó xảy ra, sốt xuất huyết Ebola sẽ lây lan khắp thế giới với tốc độ chóng mặt và có thể giết hàng triệu người. Thời gian virus Ebola hoành hành trong người càng lâu thì khả năng biến đổi và thích nghi với môi trường của chúng càng lớn. Nhưng từ trước tới nay, giới nghiên cứu chưa từng thấy virus thay đổi cách thức lây nhiễm sau khi chúng biến đổi. Hiện tại, con người chỉ có thể nhiễm virus Ebola nếu tiếp xúc với chất dịch - bao gồm nước tiểu, nước dãi, máu hay chất lỏng trong ruột - từ cơ thể người nhiễm bệnh.

 

VietnamPlus

Tỉnh Quảng Ngãi đưa Bệnh viện Đa khoa Dung Quất vào hoạt động

Sáng 1/2, tại Bệnh viện Dầu khí Dung Quất ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, Sở Y tế Quảng Ngãi công bố quyết định thành lập và triển khai hoạt động Bệnh viện Đa khoa Dung Quất. Bắt đầu từ ngày 2/2, Bệnh viện sẽ chính thức đi vào hoạt động khám chữa bệnh nội và ngoại trú cho nhân dân 9 xã khu đông của huyện Bình Sơn. Bệnh viện Đa khoa Dung Quất hiện có hơn 90 nhân viên, trong đó có 9 bác sỹ, còn lại là điều dưỡng, nữ hộ sinh…Bệnh viện được trang bị nhiều thiết bị y tế hiện đại như máy xét nghiệm sinh hóa miễn dịch tự động trị giá khoảng 5 tỷ đồng. Cùng với cơ sở vật chất khang trang hiện đại. Để đưa Bệnh viện đi vào hoạt động ổn định, lãnh đạo Sở Y tế và Bệnh viện đã tiến hành chuyển đổi Bệnh viện Dầu khí Dung Quất từ mô hình hoạt động dưới dạng doanh nghiệp sang mô hình đơn vị sự nghiệp công lập là Bệnh viện Đa khoa Dung Quất. Bệnh viện cũng đã chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, vật tư y tế, hóa chất xét nghiệm để sử dụng khám cấp thuốc ngoại trú và điều trị bệnh nhân nội trú trong thời gian tới; đồng thời, sắp xếp bố trí các buồng bệnh của các khoa phù hợp với chuyên môn. Dịp này, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã trao tặng cho BVĐK Dung Quất thiết bị huyết học 18 thông số và quà Tết cho bệnh nhân điều trị nội trú tại Bệnh viện./.

 

Tin tức

Tăng kiểm tra cam kết không để bệnh nhân nằm ghép

Thông tin 14 bệnh viện tuyến Trung ương ký cam kết không để bệnh nhân nằm ghép khiến dư luận rất phấn khởi. Tuy nhiên, người dân cũng không khỏi băn khoăn về tính khả thi của cam kết cũng như lo ngại quyền lợi khám, chữa bệnh bị ảnh hưởng. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức xung quanh những vấn đề này. Quá tải bệnh viện (BV), người bệnh phải nằm ghép, nhất là tại các BV tuyến Trung ương luôn là bài toán làm đau đầu ngành y tế từ hàng chục năm nay. Thế nhưng nay, 14 BV tuyến Trung ương lại khẳng định sẽ không để bệnh nhân nằm ghép ngay từ đầu năm 2015, liệu cam kết này có khả thi không, thưa ông? Ngành y tế đang nỗ lực để thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 92/QĐ - TTg ngày 9/1/2013 về việc phê duyệt Đề án Giảm quá tải BV: Năm 2015 ngành y tế phải cơ bản giải quyết tình trạng nằm ghép trong BV, tiến tới giải quyết hoàn toàn tình trạng nằm ghép vào năm 2020. Với chủ trương không để xảy ra tình trạng nằm ghép, nhiều BV đã tiến hành nghiên cứu thử nghiệm như: BV Nhi TW, BV Răng hàm mặt TW, BV Hữu nghị Việt Đức… Kết quả giảm nằm ghép tại các BV và qua đánh giá, theo dõi hàng tuần của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đối với các bệnh viện này đã khẳng định tính khả thi của chủ trương này. Cần lưu ý rằng, việc ký cam kết là hoàn toàn phụ thuộc vào tình trạng thực tế của BV, không phải Bộ Y tế bắt buộc các BV ký cam kết không để bệnh nhân nằm ghép. Trước đó, các BV đều đã bàn bạc lỹ lưỡng trong ban giám đốc, đảng ủy và toàn thể công nhân viên chức để khẳng định quyết tâm giảm tải. Hiện tại, đã có 14 BV Trung ương ký cam kết và cơ bản thực hiện được chủ trương không để người bệnh nằm ghép với thời gian sau 24 giờ - 48 giờ nhập viện.

Đã có trường hợp vì muốn nhanh chóng giảm tải ở khoa trọng điểm mà một BV lớn đã tăng số lượng ca mổ/ngày, do bệnh nhân chuyển khoa vội vã nên gia tăng biến chứng… Để tránh nguy cơ gia tăng sai sót y tế tương tự và tình trạng người bệnh phải ra viện sớm, Bộ Y tế sẽ có giải pháp gì, thưa ông?

Các BV đều có tiêu chuẩn nhập viện cũng như ra viện, do đó không thể nói bệnh nhân có nguy cơ phải ra viện “hơi non” khi các BV thực hiện cam kết này. Trong bất kỳ tình huống nào, chỉ khi sức khỏe bệnh nhân được bảo đảm thì bác sỹ mới cho bệnh nhân ra viện, đây chính là trách nhiệm và lương tâm của người thầy thuốc. Bác sỹ là người có đủ năng lực để tiên lượng về tình trạng của người bệnh để quyết định người bệnh có thể điều trị ngoại trú thay vì điều trị nội trú. Trong trường hợp cần tiếp tục điều trị, theo dõi nhưng không cần thiết điều trị tại tuyến Trung ương, bác sỹ có thể chuyển người bệnh về BV tuyến dưới để tiếp tục theo dõi, điều trị theo phác đồ của tuyến trên. Mô hình này đã rất thành công ở một số bệnh viện như BV Chợ Rẫy. Người bệnh cũng nên thông cảm và chia sẻ với ngành y tế và chấp nhận hình thức chuyển tuyến về tuyến dưới điều trị; đây cũng chính là sự chia sẻ với người bệnh nặng khác để họ có cơ hội điều trị tại các BV tuyến trên. Để hạn chế bệnh nhân nằm ghép, BV phải sắp xếp lại, đồng thời tăng cường các biện pháp quản lý về chuyên môn như xây dựng các hướng dẫn về tiêu chuẩn nhập viện, tiêu chuẩn xuất viện, hạn chế tối đa những tình huống nhập viện khi bệnh lý có thể cho phép điều trị ngoại trú; các khoa phải liên kết với nhau để nâng cao hiệu quả điều trị và điều phối bệnh nhân hợp lý... BộY tế đã ban hành rất nhiều quy chế chuyên môn và hướng dẫn điều trị. Việc tuân thủ đúng hướng dẫn điều trị và chăm sóc người bệnh là nhiệm vụ và trách nhiệm của cán bộ y tế để đem lại hiệu quả tốt nhất cho người bệnh. Bên cạnh đó, sai sót y khoa có rất nhiều nguyên nhân khác nhau nên không thể nói hạn chế nằm ghép sẽ làm tăng nguy cơ sai sót y khoa và nhiễm khuẩn BV.

Ngoài việc chấm điểm theo bộ tiêu chí đánh giá chất lượng BV thì hoạt động giám sát thực hiện quy trình chuyên môn sẽ được đẩy mạnh như thế nào tại các BV đã ký cam kết không để bệnh nhân nằm ghép, thưa ông?

Thời gian tới, Cục quản lý Khám, chữa bệnh sẽ thường xuyên tổ chức các đoàn đi kiểm tra, giám sát hoạt động giảm quá tải và căn cứ vào bộ tiêu chí đánh giá các chỉ số để chấm điểm các BV. Mặt khác, hệ thống đường dây nóng sẽ là một công cụ hữu hiệu giúp người dân trực tiếp giám sát tình trạng quá tải cũng như hoạt động chuyên môn, thái độ ứng xử của các nhân viên y tế với người bệnh. Trong bất kỳ thời điểm nào, nếu nhận thấy cán bộ BV không thực hiện đúng những cam kết với Bộ Y tế, người dân đều có thể sử dụng đường dây nóng để phản ánh đến Giám đốc BV; trường hợp Giám đốc BV không giải quyết được thì có thể gọi trực tiếp về Bộ Y tế. Hiện nay, hệ thống đường dây nóng hoạt động rất hiệu quả, đã tiếp nhận rất nhiều những thông tin phản ánh từ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân về chất lượng khám, chữa bệnh, về công tác chuyện môn, tinh thần độ của thầy thuốc… Bộ Y tế sẽ triển khai và đánh giá sau 6 tháng tổ chức thực hiện chủ trương này để rút kinh nghiệm cũng như có những điều chỉnh nếu cần thiết.

 

Pháp luật Tp. Hồ Chí Minh

Cứu bệnh nhân không nhận máu người khác

Ngày 1-2, BV FV (TP.HCM) cho biết vừa phẫu thuật cứu sống một trường hợp khá đặc biệt. Nữ bệnh nhân JK (33 tuổi, người nước ngoài) vào cấp cứu trong tình trạng đau bụng dữ dội. Kết quả chẩn đoán cho thấy bệnh nhân bị xuất huyết từ khối u xơ lành tính trong tử cung, máu tràn ồ ạt trong ổ bụng, nếu không phẫu thuật cầm máu và truyền máu kịp thời, bệnh nhân có nguy cơ tử vong. Điều làm các bác sĩ bất ngờ là bệnh nhân đồng ý mổ nhưng không đồng ý cho truyền máu. Bệnh nhân cho biết mình theo một tôn giáo đặc biệt, theo tín ngưỡng thì chị không được nhận máu truyền từ người khác, dù có chết cũng không nhận. BS Vincent Blondeau, Trưởng khoa Ngoại tổng quát BV FV, cho biết BV đã quyết định sử dụng thiết bị truyền máu hồi hoàn. Thiết bị này thu hồi lượng máu mất ở bụng, xử lý, lọc rồi tự động truyền thẳng vào tĩnh mạch bệnh nhân trong quá trình phẫu thuật. Ngay sau đó, bệnh nhân được phẫu thuật cầm máu, cắt bỏ khối u tử cung an toàn.

Coi chừng mang họa vì thực phẩm chức năng!

Sau một thời “làm mưa làm gió” trên thị trường, kể từ ngày 1-2 thực phẩm chức năng bị “ghì cương” bởi Thông tư 43/2014 của Bộ Y tế. “Thống kê năm 2013, Việt Nam ước chừng có 1.800 doanh nghiệp (DN) tham gia sản xuất thực phẩm chức năng (TPCN) với khoảng 10.000 sản phẩm đang lưu hành trên thị trường. Trong số đó có bao nhiêu TPCN không an toàn đối với sức khỏe con người vẫn còn là một ẩn số” - luật gia Phạm Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, cảnh báo như trên tại hội thảo về quản lý TPCN do Ủy ban MTTQ TP.HCM tổ chức tuần qua. Ông Nguyễn Văn Phong (ngụ quận 6, TP.HCM) phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM: “Tôi bị đau khớp hơn hai năm. Tình cờ thấy trên mạng quảng cáo một loại TPCN có tác dụng chữa đau khớp nên tìm mua. Người bán nói sử dụng trong vòng một tháng sẽ hết bệnh. Tôi mua bảy hộp với giá trên 5 triệu đồng để dùng trọn tháng. Dùng xong bệnh vẫn còn”. Những người tiêu dùng như ông Phong sẽ tiếp tục “lãnh đủ” nếu tình hình quản lý TPCN không được cải thiện. BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, khẳng định do không phải thuốc nên TPCN không thể trị bệnh như những gì họ quảng cáo. Theo quy định của ngành y tế, nếu DN công bố sản phẩm có tác dụng tăng sức đề kháng và giảm nguy cơ bệnh tật thì phải có báo cáo thử nghiệm lâm sàng về tác dụng của sản phẩm hoặc phải có tài liệu chứng minh về tác dụng của các thành phần chứa trong sản phẩm đó. “Tuy nhiên, hiện có không ít DN thổi phồng tác dụng của TPCN nhưng không có báo cáo lâm sàng cũng như tài liệu chứng minh” - BS Diệp nhận xét. Và như vậy người tiêu dùng tiếp tục tiền mất tật mang. Luật gia Phạm Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, kể có DN quảng cáo một loại TPCN giúp cải thiện sinh lý nam giới. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm do cơ quan chức năng thực hiện cho thấy TPCN nói trên có chứa hoạt chất Sildenafil (Sildenafil chỉ được sử dụng khi được bác sĩ kê đơn) có thể gây nguy hiểm cho người sử dụng. “Việc đưa trái phép chất Sildenafil vào TPCN có thể gây tác dụng phụ không mong muốn. Điều này cho thấy TPCN có nguy cơ gây mất an toàn cho người sử dụng” - bà Thu nói. “Thực tế còn cho thấy nhiều thành phần trong TPCN chứa những chất nguy hại nhưng không được thông tin đầy đủ trên nhãn bao bì” - dược sĩ Ngô Hoa Lư, Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm TP.HCM, cho biết. Trong năm 2014, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm đã tiến hành xét nghiệm gần 100 mẫu TPCN, kết quả có gần 20 mẫu có các thành phần không đạt như các chỉ tiêu công bố (gần 18%). Các chỉ tiêu không đạt bao gồm hàm lượng một số vitamin A, C, D, E; hàm lượng khoáng chất như calci; hàm lượng vi chất dinh dưỡng như acid folic; hàm lượng acid amin như lysine HCL… BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM, cũng cho biết trong năm 2014, cơ quan quản lý phát hiện 6/41 cơ sở sản xuất được kiểm tra (gần 15%) và 4/42 cơ sở kinh doanh (gần 9%) TPCN sai phạm. Trong đó, gần 36% cơ sở sai phạm chưa thực hiện đúng nội dung ghi nhãn so với hồ sơ công bố sản phẩm; trên 17% cơ sở sai phạm chưa công bố sản phẩm phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Đặc biệt, hơn 17% cơ sở sai phạm chưa thực hiện đúng nội dung quảng cáo thực phẩm. “Hiện tượng bùng nổ quảng cáo TPCN không qua kiểm soát của cơ quan có thẩm quyền đã thổi phồng tác dụng của TPCN, gây thiệt hại nặng nề cho sức khỏe và tiền bạc của người sử dụng” - BS Mai nói. Bởi vậy đã đến lúc phải “ghì cương” chú ngựa bất kham mang tên TPCN này! - TPCN công bố có tác dụng đối với sức khỏe con người phải được thử nghiệm tại các tổ chức có chức năng nghiên cứu y học. Riêng đối với sản phẩm công bố có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh phải được thử nghiệm tại các bệnh viện có chức năng nghiên cứu khoa học từ tuyến tỉnh trở lên. Đối với TPCN nhập khẩu, việc thử nghiệm phải được thực hiện ở đơn vị được cơ quan có thẩm quyền nước sở tại thừa nhận hoặc kết quả thử nghiệm được đăng tải trên các tạp chí khoa học. - Việc ghi nhãn TPCN phải tuân thủ quy định: Công bố khuyến cáo về nguy cơ nếu có. Tên sản phẩm và các nội dung trên nhãn phải phù hợp nội dung đã công bố và các tài liệu kèm theo trong hồ sơ công bố sản phẩm. - Quảng cáo TPCN phải được thực hiện theo quy định pháp luật về quảng cáo. Việc quảng cáo trên phương tiện nghe nhìn phải có dòng chữ “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. Để đưa hoạt động quảng cáo TPCN của các doanh nghiệp vào khuôn khổ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM kiến nghị Bộ Y tế phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành thông tư liên tịch về kiểm soát các nội dung trong lĩnh vực quảng cáo TPCN. Đồng thời quy định phối hợp xử lý vi phạm và chế tài phù hợp.

 

Ngày 11/02/2015
Ban Biên tập Website
(Điểm tin từ các Báo)
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích