Home TRANG CHỦ Thứ 7, ngày 20/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 4 7 4 8 1 7
Số người đang truy cập
2 4 2
 Tin tức - Sự kiện Điểm tin y tế
Ảnh sưu tầm từ internet
Điểm tin y tế từ các báo ngày 30/1 và 31/1 năm 2015

Kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm Tết: Hạn chế tối đa “trống giong cờ mở”; Trước Tết, dịch bệnh truyền nhiễm đe dọa bùng phát; Đình chỉ kíp trực không thực hiện đầy đủ quy trình cấp cứu; Hơn 17 triệu trẻ em được tiêm vắc-xin sởi - rubella an toàn; 14 bệnh viện cơ bản không còn người bệnh phải nằm ghép…

An ninh thủ đô

Kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm Tết: Hạn chế tối đa “trống giong cờ mở”

Vào dịp Tết Nguyên đán, lượng thực phẩm tiêu thụ tăng đột biến, kéo theo đó là nguy cơ mất ATVSTP gia tăng. Trả lời phỏng vấn Báo ANTĐ ngày 29-1, TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP - Bộ Y tế nhấn mạnh, để đảm bảo ATTP dịp Tết năm nay, đã có hơn 11.000 đoàn kiểm tra được thành lập trên cả nước.

PV: ATTP luôn là nỗi lo thường trực của người dân, nhất là khi Tết đến gần. Ngành đã và đang triển khai những biện pháp gì để kiểm soát ATTP?

Vào tháng giáp Tết, lượng thực phẩm tiêu thụ trên cả nước tăng cao. Các cở sở sản xuất, làng nghề, cơ sở sản xuất mùa vụ đều nâng công suất tối đa. Việc nhập khẩu, buôn bán thực phẩm trên thị trường cũng diễn biến hết sức sôi động. Do đó, nếu không quản lý, kiểm soát chặt chẽ thì nguy cơ mất ATTP, xảy ra ngộ độc thực phẩm trong dịp này rất lớn. Cách đây hơn 1 tháng, Bộ Y tế đã đề nghị thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương, tiến hành kiểm tra ATTP tại 12 tỉnh, thành phố trọng điểm như Hà Nội, TP.HCM, các tỉnh có cửa khẩu biên giới giáp Trung Quốc… Trên toàn quốc, hơn 11.000 đoàn kiểm tra ATTP các cấp cũng đã được thành lập. Trọng tâm trong kế hoạch đảm bảo ATVSTP dịp Tết năm nay là thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm và tăng cường lấy mẫu thực phẩm để kiểm nghiệm. Đặc biệt, Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ sở kiểm nghiệm phải ưu tiên kiểm nghiệm ngay các mẫu thực phẩm do các đoàn kiểm tra gửi về để có kết quả sớm nhằm xử lý, cảnh báo kịp thời cho người tiêu dùng, tránh tình trạng kiểm tra xong nhưng ra Tết mới có kết quả, khi đó, nếu có phát hiện mẫu không đạt thì hàng hóa cũng đã tiêu thụ hết.

Có ý kiến cho rằng nhiều đoàn kiểm tra ATTP địa phương còn hình thức, xử lý hời hợt?

Cơ bản việc triển khai là nghiêm túc, kết quả bước đầu cũng rất tích cực. Ở cấp Trung ương và tuyến tỉnh, thành phố, ngành y tế phối hợp với lực lượng công an, quản lý thị trường, Ban chỉ đạo 389/CP về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã phát hiện, ngăn chặn rất nhiều vụ sai phạm lớn trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Chẳng hạn trong tuần qua, lực lượng cảnh sát kinh tế - CATP Hà Nội đã khám phá, thu giữ hàng chục tấn thực phẩm chức năng giả được đưa vào Thủ đô từ các kho hàng tại chợ đầu mối Lim (huyện Tiên Du, Bắc Ninh). Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã bắt giữ lô hàng gồm 4 tấn mỹ phẩm, 3 tấn hương liệu sữa không rõ nguồn gốc, được chuyển từ Lạng Sơn về Hà Nội... Điểm mới là trong năm nay, các đoàn kiểm tra đã công khai danh tính của các sản phẩm, các cơ sở bị phát hiện có sai phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Biện pháp này phát huy hiệu quả cảnh báo rất tốt, bởi những cơ sở có sai phạm sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín, thương hiệu, kéo theo đó là sự mất lòng tin của khách hàng. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận, ở một số nơi, nhất là tuyến cơ sở, nhiều đoàn kiểm tra ATTP còn kiểm tra theo kiểu hình thức, hời hợt. Vì thế, các đoàn kiểm tra của Trung ương khi kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố trọng điểm, chủ yếu tập trung vào đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác tổ chức thanh tra, kiểm tra của địa phương, đồng thời sẽ trực tiếp kiểm tra đột xuất tại một số cơ sở trên địa bàn để làm gương. Phải tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, cần tránh và hạn chế tối đa tình trạng “trống giong cờ mở”, đoàn kiểm tra chưa đến nơi cơ sở đã biết để… tiếp đón.

Cục trưởng có khuyến cáo gì để người dân tự bảo vệ sức khỏe cho mình trong dịp Tết?

Không thể chủ quan, bởi thực tế các cơ sở kinh doanh, buôn bán, sản xuất chế biến thực phẩm, nhất là đối tượng buôn bán hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng sẽ tìm mọi cách để lách luật. Hành vi gian lận cũng ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Người dân cần hợp tác, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc tố giác, phát hiện các cơ sở vi phạm để cơ quan chức năng xử lý nghiêm khắc. Đồng thời, mỗi người dân cần nâng cao ý thức giữ gìn VSATTP, chỉ mua hàng hóa có đầy đủ nguồn gốc xuất xứ, chú ý khâu bảo quản thực phẩm, thực hiện ăn chín uống sôi, sử dụng rượu bia hợp lý. Hạn chế tích trữ quá nhiều thực phẩm trong dịp Tết.

Xin cảm ơn ông!

Trước Tết, dịch bệnh truyền nhiễm đe dọa bùng phát

Những ngày gần đây, một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội tiếp nhận rải rác bệnh nhân mắc sốt phát ban, sởi, ho gà vào điều trị. Ngày 28-1, Bộ Y tế cho biết số bệnh nhân mắc các bệnh này chắc chắn sẽ tăng lên trong những ngày tới, bởi đây là các bệnh cùng với nhiều dịch bệnh cúm nguy hiểm khác như H7N9, H5N1… phát triển thuận lợi trong thời tiết đông xuân.

Dịch cúm A/H7N9 áp sát biên giới

Tại buổi họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Bộ Y tế chiều 28-1, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, hiện nay dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc có nguy cơ bùng phát thành đợt dịch mới. Đáng lo ngại là số ca mắc có xu hướng lan rộng từ các tỉnh phía Bắc xuống các tỉnh phía Nam - áp sát biên giới nước ta. Đơn cử như tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) - nơi có số lượng người Việt Nam sang du lịch, làm ăn buôn bán rất lớn, đã ghi nhận 111 camắc. PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cảnh báo, nguy cơ dịch xâm nhập vào Việt Nam qua những người đi làm ăn, buôn bán, du lịch hoàn toàn có thể xảy ra, bởi đã có khách du lịch Canada từ Trung Quốc về nước đang nghi ngờ mắc cúm A/H7N9. Một vấn đề cần lưu ý là qua xét nghiệm hơn 600.000 mẫu bệnh phẩm trên gia cầm tại Trung Quốc nhưng chỉ phát hiện 53 mẫu dương tính với cúm A/H7N9. Số lượng mẫu xét nghiệm rất lớn nhưng số dương tính không cao, vì thế rất khó để phát hiện được nguồn bệnh” - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nói.Được biết, số mắc bệnh cúm A/H7N9 thường ghi nhận nhiều nhất vào các tháng 1 đến tháng 4 hàng năm, tỷ lệ tử vong lên tới 40%. Bên cạnh đó, rất nhiều loại cúm hoặc khác như cúm A/H5N6, A/H5N8, A/H5N2… cũng có nguy cơ bùng phát vào thời gian này bởi thời tiết đông-xuân thuận lợi cho các bệnh do virus phát triển. Nhất là thời điểm trước và sau Tết nguyên đán, việc buôn bán, lượng tiêu thụ, giết mổ gia cầm tăng cao. TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết thêm, gần đây bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhiễm virus cúm, tuy không phải các chủng cúm mới mà chủ yếu là cúm B, cúm H1N1 thông thường, cúm H3N2… song nhiều ca biến chứng rất nặng, không thể chủ quan.

Cảnh giác với bệnh ho gà, sởi

Trong khi những dịch bệnh cúm gia cầm nói trên hoặc mới chỉ bùng phát trên đàn gia cầm, hoặc còn ngoài biên giới thì một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong nước như sởi, ho gà đang có số ca mắc gia tăng những ngày gần đây khiến người dân không khỏi lo lắng. Trao đổi với báo chí ngày 28-1, GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, “Việc ghi nhận các ca bệnh ho gà hiện nay là điều bình thường trong bối cảnh Việt Nam chưa thanh toán được bệnh. Dự đoán dịch lớn sẽ không xảy ra vì tỷ lệ tiêm chủng đạt cao". PGS.TS Trần Đắc Phu cũng khẳng định, người dân không nên quá lo lắng trước diễn biến của bệnh ho gà bởi hiện vẫn chỉ ghi nhận các ca rải rác, chưa có chùm ca bệnh, chưa có ổ dịch, những cháu bị mắc đều chưa tiêm vaccine phòng ho gà hoặc không được tiêm đầy đủ. Theo 2 chuyên gia trên, việc có nhiều trẻ mắc ho gà thời gian này là do trong 1-2 năm qua việc tiêm vaccine có thời gian bị gián đoạn sau sự cố tai biến tiêm vaccine Quinvaxem, mặt khác cũng xảy ra tình trạng khan hiếm vaccine dịch vụ khiến nhiều trẻ không được tiêm chủng. Hiện trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh, thành phố cũng đã ghi nhận rải rác nhiều bệnh nhân mắc bệnh sởi. Để chủ động phòng chống bệnh này, ngay trong ngày 28-1, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương phòng, chống dịch, trong đó chú ý đến việc giám sát chặt chẽ các trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại cộng đồng và tại các cơ sở khám chữa bệnh để phát hiện sớm, điều trị, ngăn chặn kịp thời.

Nhân dân

Đình chỉ kíp trực không thực hiện đầy đủ quy trình cấp cứu

Chiều 29-1, Trung tâm cấp cứu 115 Hải Phòng cho biết, liên quan đến vụ tai nạn giao thông xảy ra tại khu vực chợ An Đồng (huyện An Dương) sáng 26-1 khiến một phụ nữ có thai bảy tháng chết, Trung tâm đã triệu tập họp toàn cơ quan, kiểm điểm kíp trực cấp cứu và quyết định tạm đình chỉ công tác đối với kíp trực để tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định. Bước đầu, Trung tâm nhận thấy, kíp trực đã không thực hiện đầy đủ quy trình cấp cứu theo quy định, chủ quan, bỏ qua việc kiểm tra tình trạng nạn nhân. Đây cũng là bài học kinh nghiệm cho tất cả cán bộ, y bác sĩ trong trung tâm trong thực thi nhiệm vụ phải thực hiện nghiêm ngặt theo quy trình cấp cứu nhằm tận dụng tối đa mọi khả năng cứu sống người bệnh, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra...Như tin đã đưa, sáng 26-1 vừa qua, Trung tâm cấp cứu 115 Hải Phòng nhận được thông báo có vụ tai nạn giao thông tại khu vực chợ An Đồng (huyện An Dương), bảy phút sau, kíp trực bao gồm: y sĩ Nguyễn Thị Hài, y tá Vũ Thị Phương và lái xe Đỗ Văn Dũng đã có mặt tại hiện trường. Tuy nhiên, kíp trực đã bỏ qua, không xem xét cụ thể mà lập biên bản tử thi và quay xe về cơ quan.

Hơn 17 triệu trẻ em được tiêm vắc-xin sởi - rubella an toàn

Ngày 29-1, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hơn 17 triệu trẻ em trên cả nước đã được tiêm vắc-xin sởi – rubella an toàn. Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh sởi xảy ra quanh năm nhưng vào mùa đông xuân, thời tiết thuận lợi dễ khiến cho dịch bệnh lây lan, bùng phát tại cộng đồng. Hiện nay bệnh sởi xảy ra rải rác ở một số tỉnh, thành phố. Trước tình hình trên, Bộ Y tế vừa có công điện gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh sởi. Đồng thời, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần chủ động đưa con em từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc-xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc-xin phòng sởi theo Chương trình tiêm chủng mở rộng. Hiện nay, Bộ Y tế đang triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin sởi-rubella cho trẻ từ 1 đến 14 tuổi trên toàn quốc. Vì vậy, các bậc phụ huynh có con trong độ tuổi này cần đưa trẻ đi tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh sởi –rubella đầy đủ và đúng lịch. Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện. Bên cạnh đó, người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và bảo đảm các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

Lo ngại dịch cúm A(H7N9) vào Việt Nam

Diễn biến tình hình dịch cúm khá phức tạp và khó tiên đoán. Chính vì vậy, khả năng lây nhiễm dịch cúm vào nước ta là hoàn toàn có thể, đặc biệt là cúm A(H7N9), nếu không kiểm soát tốt gia cầm nhập lậu qua biên giới và tình trạng lây lan dịch bệnh từ gia cầm trong nước. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh như trên trong cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng chống đại dịch cúm vừa được tổ chức chiều nay (28-1), tại Hà Nội. Hiện, dịch bệnh cúm A(H7N9) tại Trung Quốc vẫn chưa được khống chế và có nguy cơ bùng phát. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), riêng trong ba tuần đầu tháng 1 năm 2015 tại Trung Quốc đã ghi nhận 16 trường hợp mắc cúm A(H7N9), trong đó có ba trường hợp tử vong. Số người mắc cúm A(H7N9) từ năm 2013 đến ngày 24-1 là 486 trường hợp, trong đó 185 trường hợp tử vong. Đặc biệt lo ngại khi số mắc có xu hướng lan rộng xuống các tỉnh phía nam của Trung Quốc, gần biên giới với Việt Nam. WHO cũng nhận định, năm 2015 có nhiều nguy cơ ghi nhận thêm các trường hợp mắc cúm A(H7N9), cúm A(H5N1) mới trên người. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh cúm A(H7N9) từ Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đã ban hành và chỉ đạo các tỉnh, thành phố triển khai quyết liệt thực hiện Kế hoạch hành động phòng, chống bệnh cúm A(H7N9) theo 04 tình huống dịch bệnh, bảo đảm việc đáp ứng phòng chống dịch một cách hiệu quả. Ngoài ra, đẩy mạnh phối hợp với các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố kích hoạt khởi động toàn hệ thống vào cuộc để triển khai công tác phòng chống dịch tới các địa phương. Cùng với đó, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của Bộ Y tế, kiện toàn Văn phòng đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh và phối hợp với USCDC hoàn thiện Văn phòng đáp ứng các tình huống khẩn cấp (EOC). Tăng cường giám sát các trường hợp nghi mắc cúm A(H7N9) từ các quốc gia đang có dịch; giám sát chặt chẽ các trường hợp viêm phổi nặng do virus tại cộng đồng và tại các cơ sở khám chữa bệnh để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, kịp thời cấp cứu, điều trị bệnh nhân, triển khai xử lý ổ dịch triệt để, hạn chế đến mức thấp nhất số mắc và tử vong. Đồng thời đẩy mạnh công tác kiểm tra giám sát, đôn đốc việc điều trị giảm tử vong, phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện, bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, hiện nay Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) ở trên người và trên gia cầm. Virus cúm A(H7N9) lưu hành ở các đàn gia cầm nhưng không có biểu hiện triệu chứng nên rất khó trong việc phát hiện nguồn bệnh và kiểm soát dịch bệnh trên gia cầm.

14 bệnh viện cơ bản không còn người bệnh phải nằm ghép

Theo báo cáo của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), đến ngày 30-1, tất cả 14 bệnh viện ký cam kết (mới thêm Bệnh viện Thống Nhất) đã cơ bản không còn tình trạng người bệnh phải nằm ghép. Riêng tại BVĐK T.Ư Huế, số khoa còn tình trạng nằm ghép đang có xu hướng giảm và bệnh viện phấn đấu thực hiện theo đúng cam kết (từ ngày 27- 2). Chiều 30-1, Bộ Y tế đã kiểm tra đột xuất việc thực hiện cam kết không nằm ghép tại Bệnh viện Nhi T.Ư. Theo ghi nhận tại thời điểm kiểm tra, ở các khoa phòng mà người bệnh thường xuyên quá tải như: Khoa Hô hấp, Truyền nhiễm, Tim mạch... không còn tình trạng nằm ghép, mỗi bệnh nhi đều được nằm một giường bệnh.

Tuổi trẻ

Thêm 2 công ty dược bị ngừng cấp đăng ký lưu hành thuốc

Cục Quản lý dược vừa có quyết định ngừng tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuốc lần đầu, đăng ký lại, ngừng cấp số đăng ký đối với hồ sơ đã nộp và ngừng xem xét hồ sơ đăng ký nhập khẩu thuốc, ngừng tiếp nhận hồ sơ công bố biệt dược gốc, thuốc tương đương sinh học trong thời gian 12 tháng với hai công ty gồm Công ty Lincoln (Ấn Độ) và công ty Thanh Danh (Việt Nam)…

Đề nghị báo chí kiểm tra việc bệnh nhân nằm ghép

Tại thời điểm kiểm tra vào chiều 30-1, Bệnh viện Nhi T.Ư có 1.510 giường bệnh nhưng có chưa đầy 1.300 bệnh nhân nội trú, không còn bệnh nhân nào phải nằm ghép. Khi Bộ Y tế đi kiểm tra tại Bệnh viện Nhi T.Ư, nơi ký cam kết không còn bệnh nhân phải nằm ghép, ông Nguyễn Trọng Khoa - cục phó Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế - đề xuất: “Tối nay, ngày mai báo chí có thể quay lại kiểm tra bệnh nhân có nằm ghép hay không”. Tại thời điểm kiểm tra vào chiều 30-1, Bệnh viện Nhi T.Ư có 1.510 giường bệnh nhưng có chưa đầy 1.300 bệnh nhân nội trú, không còn bệnh nhân nào phải nằm ghép. Nhưng khi trao đổi với người nhà bệnh nhân đang nằm điều trị tại khoa hô hấp, họ cho biết một số cháu vẫn phải nằm ghép đôi trong những ngày vừa qua, tuy nhiên đến sáng 30-1 nhiều bệnh nhi đã được cho ra viện, nên hiện tại không còn trẻ nào phải nằm ghép. Trao đổi với Tuổi Trẻ về tình trạng này, ông Lê Thanh Hải - giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư - cho rằng có thể có thời điểm cùng lúc nhiều bệnh nhân vào viện, trẻ có thể phải ghép trong một thời gian ngắn. Ông Hải cũng cam kết đến tháng 5, tháng 6-2015, khu nhà 18 tầng của bệnh viện hoàn tất, mặt bằng gấp 10 lần hiện tại sẽ đảm bảo không quá tải, không nằm ghép trong 3-4 năm kế tiếp, sau đó sẽ đề xuất xây dựng cơ sở 2 của bệnh viện để phục vụ trong điều kiện có dịch bệnh, thiên tai. Báo cáo của Bộ Y tế cho biết tính đến ngày 30-1, đã có 14 bệnh viện cam kết không nằm ghép, mới nhất là Bệnh viện Thống Nhất. Trong số sáu bệnh viện vẫn còn nằm ghép trước khi ký kết, Bộ Y tế cho biết đến nay Bệnh viện T.Ư Huế còn 12 khoa có bệnh nhân nằm ghép (thời điểm ký kết bệnh viện này có 14 khoa nằm ghép), Bệnh viện T.Ư Huế cũng cho biết đến ngày 27-2 sau khi bệnh nhân vào viện 48 giờ đảm bảo mỗi người bệnh có một giường bệnh. Để kiểm tra việc thực hiện cam kết không nằm ghép, Bộ Y tế sẽ kiểm tra trong tháng 2 và 3-2015. Đây là chủ trương rất mới của Bộ Y tế và bộ luôn khẳng định không ép các bệnh viện, nhưng vấn đề ở chỗ những bệnh viện quá tải như Bệnh viện Nhi T.Ư sẽ khó hài hòa hai vấn đề: cho nằm ghép hay không cho bệnh nhân nhập viện, yêu cầu họ quay lại tuyến dưới? * Ngày 30-1, khoa truyền nhiễm Bệnh viện Nhi T.Ư đã có bốn bệnh nhân sởi nhập viện. Đây là một trong số những bệnh nhân sởi đầu tiên vào viện kể từ đầu năm 2015. Cùng ngày, Bệnh viện Nhi T.Ư đã tổ chức cuộc họp nhằm phòng chống dịch. Năm 2014 đã có 128 trẻ tử vong do sởi riêng tại bệnh viện này.

California tuyên bố thuốc lá điện tử nguy hiểm cho sức khỏe

Các quan chức y tế California (Mỹ) hôm qua tuyên bố thuốc lá điện tử là một mối đe dọa cho sức khỏe cần được kiểm soát chặt chẽ như các sản phẩm thuốc lá thông thường. Theo báo cáo của Sở Y Tế Công Cộng California, thuốc lá điện tử giải phóng các chất gây ung thư và khiến người dùng lệ thuộc vào nicotine. Cơ quan này cho rằng cần nghiên cứu thêm để xác định ảnh hưởng tức thời và lâu dài của loại thuốc lá này đối với sức khỏe. "Thuốc lá điện tửkhông có hại như thuốc lá thông thường, nhưng không phải là vô hại - AP dẫn lời quan chức y tế California Ron Chapman - Chúng không an toàn”. Theo ông, các thế hệ trẻ sẽ nghiện nicotine nếu sản phẩm vẫn không được kiểm soát. Năm ngoái, 17% học sinh trung học ở California được ghi nhận sử dụng thuốc lá điện tử. "Nếu không hành động, tiến trình ngăn chặn và giảm thiểu sử dụng thuốc lá hai thập kỷ qua sẽtan tành do thuốc lá điện tử đang tái bình thường hóa hành vi hút thuốc" - báo cáo cho biết. Thuốc lá điện tử đốt nóng nicotine lỏng thành hơi hít phải mà không sinh ra các hóa chất khác như trong thuốc lá truyền thống. Một hộp thuốc lá điện tử có giá 5-20USD và có thể được tái sử dụng. California cấm bán thuốc lá điện tử cho trẻ vị thành niên từ năm 2010, nhưng báo cáo mới đây đề cập đến những quan ngại về trẻ em sử dụng nicotine lỏng có mùi vị như kẹo bông. Số trường hợp trẻ em dưới 5 tuổi ngộ độc thuốc lá điện tử tăng từ bảy 2012 lên 154 trường hợp trong năm ngoái. Báo cáo của cơ quan y tế California cho biết thuốc lá điện tử phóng thích ít nhất 10 hóa chất độc hại. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đang đề xuất quy định bao gồm dán nhãn cảnh báo và danh sách thành phần của thuốc lá điện tử. Dù vậy việc áp dụng có thể mất nhiều năm. Các quan chức y tế California đang kêu gọi các hạn chế việc tiếp thị và bán thuốc lá điện tử và cũng như các biện pháp bảo vệ chống trường hợp nuốt nhầm nicotine lỏng. Ông Chapman cho biết sẽ triển khai các chiến dịch nâng cao nhận thức về thuốc lá điện tử trong thời gian tới.

Cắt gần 2m ruột cứu sống cụ bà 75 tuổi

Ngày 29-1, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) cho biết sau gần bốn ngày điều trị và chăm sóc đặc biệt, sức khỏe của cụ bà P.T.L. 75 tuổi trú ở huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, đã qua cơn nguy kịch do bị hoại tử ruột. Trước đó ngày 25-1, bệnh nhân vào cấp cứu tại bệnh viện trong tình trạng nguy kịch, huyết áp tụt, đau bụng dữ dội. Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm trùng nhiễm độc nặng do hoại tử ruột. Bác sĩ đã kịp thời vừa hồi sức và chuyển phẫu thuật. Sau gần hai giờ phẫu thuật, bác sĩđã cắt hết 1,8m đoạn ruột non bị hoại tử do dây chằng vắt ngang, cứu sống bệnh nhân. Theo các bác sĩ bệnh viện, đây là trường hợp cấp cứu khá đặc biệt vì thông thường với trường hợp như thế này thì phải nhập viện sớm mới có thể cứu chữa kịp thời. Trường hợp này nhập viện muộn, ruột đã bị hoại tử, nhiễm trùng nên rất khó, bệnh nhân lại lớn tuổi, chỉ chậm thêm thời gian ngắn nữa thì không thể cứu chữa.

Nguy cơ viêm phổi sau truyền máu

Nhu cầu truyền máu rất lớn đối với bệnh nhân phẫu thuật tim mạch. Điều này cũng đồng nghĩa việc bệnh nhân phải đối mặt với nhiều biến chứng có liên quan đến truyền máu. Nghiên cứu mới vừa được nêu ra trong hội nghị thường niên phẫu thuật lồng ngực tại Mỹ, các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu từ 16.182 bệnh nhân trải qua phẫu thuật tim. Kết quả cho thấy có gần 40% bệnh nhân được truyền máu. So sánh với những bệnh nhân không truyền máu, nguy cơ viêm phổi tăng từ 2-14 lần. Nguy cơ này tăng tỉ lệ thuận với số lượng máu truyền. Tác giả nghiên cứu cho rằng việc hạn chế truyền máu sẽ góp phần giảm các biến chứng cho bệnh nhân.

Hà Nội mới

Chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa xuân - hè

Ngày 29-1, UBND TP Hà Nội đã có Văn bản số 657/UBND-VX đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã triển khai phòng, chống dịch bệnh mùa xuân - hè. Theo đó, Sở Y tế chỉ đạo hệ thống y tế từ thành phố đến cơ sở tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời không để các ca bệnh phát triển thành dịch. Sở Y tế tổ chức kiểm tra phòng chống dịch tại các đơn vị và phối hợp với Sở NN&PTNT, Sở GD-ĐT, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các đơn vị trong ngành tăng cường công tác tiêm chủng phòng bệnh đối với các bệnh có vắc xin dự phòng; thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch trong trường học; nắm bắt thông tin về dịch bệnh trên gia súc, gia cầm để chủ động biện pháp phòng dịch lây sang người. Thành phố cũng đề nghị thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố, chủ tịch UBND các địa phương chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, chủ động xây dựng kế hoạch triển khai các biện pháp phòng, chống dịch mùa xuân - hè, đặc biệt là các dịch bệnh chân tay miệng, sởi, cúm, sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp nguy hiểm, các dịch bệnh mùa mưa lũ, dịch bệnh có nguy cơ xâm nhập. * Chiều cùng ngày, tại buổi giao ban truyền thông do Văn phòng UBND TP Hà Nội tổ chức, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội thông báo, tháng 1-2015, trên địa bàn thành phố ghi nhận 9 trường hợp theo dõi ho gà, trong đó có 3 ca dương tính với trực khuẩn ho gà. Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội khuyến cáo các phụ huynh cần đưa con đi tiêm chủng đầy đủ tại các xã, phường nhằm phòng tránh phát sinh dịch bệnh trong điều kiện khí hậu lạnh, ẩm hiện nay.

Giám sát chặt các trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại cộng đồng

Theo tin từ Bộ Y tế, để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sởi trong mùa đông năm nay, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương phòng, chống dịch bệnh sởi. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị cần giám sát chặt chẽ các trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại cộng đồng và tại các cơ sở khám chữa bệnh để phát hiện sớm các trường hợp mắc sởi, kịp thời cấp cứu, điều trị bệnh nhân, triển khai xử lý ổ dịch triệt để, hạn chế đến mức thấp nhất số mắc và tử vong. Chỉ đạo việc thực hiện tiêm vaccine sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng định kỳ hàng tháng, đảm bảo tất cả các trẻ em khi đủ 9 tháng tuổi được tiêm ngay vaccine sởi, tránh tình trạng bị mắc bệnh sởi do tiêm vaccine muộn, đồng thời tiếp tục tổ chức tốt chiến dịch tiêm vaccine sởi - rubella cho trẻ em từ 1 đến 14 tuổi, đạt tỷ lệ trên 95% ở quy mô xã, phường. Đối với các bệnh viện cần tổ chức tốt công tác thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế việc chuyển bệnh nhân trong khả năng điều trị để tránh lây nhiễm bệnh sởi; thực hiện tốt việc phân luồng khám bệnh, thiết lập khu vực riêng khám, điều trị, cấp cứu bệnh nhân sởi; thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện; thường xuyên hướng dẫn người chăm sóc trẻ thực hiện các biện pháp phòng bệnh để hạn chế lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Các địa phương rà soát trang thiết bị, vật tư, hóa chất, thuốc phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh, dự trù kinh phí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để đáp ứng kịp thời cho công tác phòng chống dịch bệnh.

Sức khỏe & đời sống

Vợ chồng vô sinh có quyền nhờ mang thai hộ

Theo Nghị định quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo vừa được Chính phủ ban hành, cặp vợ chồng vô sinh có quyền nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện. Vợ chồng nhờ mang thai hộ, người mang thai hộ, trẻ sinh ra nhờ mang thai hộ được bảo đảm an toàn về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và được pháp luật tôn trọng, bảo vệ. Cũng theo Nghị định này, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải đảm bảo các điều kiện sau: Có ít nhất 1 năm kinh nghiệm thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và tổng số chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm trong năm tối thiểu là 300 ca; chưa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh liên quan đến thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm; đáp ứng nhu cầu và bảo đảm thuận lợi cho người dân. Nghị định cũng nêu rõ 3 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có đủ điều kiện thực hiện ngay kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo gồm: Bệnh viện Phụ sản trung ương; Bệnh viện Đa khoa trung ương Huế; Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ thành phố Hồ Chí Minh.

Buộc thôi học đối với sinh viên dùng bằng giả

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có kết luận về việc xử lý sai phạm trong hoạt động liên kết đào tạo liên thông giữa Trường Đại học (ĐH) Y dược - ĐH Thái Nguyên và ĐH Y dược Hải Phòng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, 2 trường có sai phạm, Bộ GD&ĐT đang tiến hành thanh tra và sớm có kết luận toàn diện, trong đó có đề xuất xử lý nghiêm trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có liên quan. Đối với 22 sinh viên lớp 10D bị Trường ĐH Y dược - ĐH Thái Nguyên đình chỉ thi tốt nghiệp tháng 11/2014, Bộ yêu cầu Hiệu trưởng của trường chủ trì, phối hợp với Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược Hải Phòng xử lý buộc thôi học đối với trường hợp dùng bằng trung cấp chuyên nghiệp để giả dự thi và nhập học; kỷ luật đình chỉ học tập 1 năm đối với sinh viên có hành vi giả mạo giấy tờ để xác định thời gian công tác không đúng thực tế. Đối với các sinh viên khác của lớp 10D, 11D, 13D, phải rà soát cụ thể từng trường hợp để xử lý.

Báo điện tử Chính phủ

Ban hành quy định tạm thời về bảo quản dung dịch vi-rút vaccinia

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các cơ quan, tổ chức liên quan ban hành quy định tạm thời về bảo đảm an toàn trong quá trình nhập khẩu, vận chuyển, sử dụng, bảo quản dung dịch vi-rút vaccinia và xuất khẩu nguyên liệu da thỏ bị làm viêm sau khi tiêm vi-rút vaccinia. Khi đáp ứng đầy đủ các quy định tạm thời về an toàn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, quyết định cho phép nhập khẩu dung dịch vi-rút vaccinia. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện các quy định phòng tránh lây nhiễm vi-rút vaccinia cho người theo đúng quy định của pháp luật; kiểm tra, giám sát chặt chẽ, bảo đảm an toàn tuyệt đối không để lây lan dịch bệnh cho người từ quá trình quản lý, sử dụng dung dịch vi-rút vaccinia và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ việc này.

Hải quan

Khẩn cấp phòng chống cúm gia cầm lây sang người

Bộ Y tế vừa có Công văn về việc tăng cường phòng chống cúm từ gia cầm lây sang người. Theo đó, hiện trên thế giới tình hình dịch cúm gia cầm vẫn có diễn biến phức tạp và có nguy cơ bùng phát. Tại Việt Nam, mùa Đông- Xuân là điều kiện thuận lợi cho các chủng vi rút cúm phát triển và lây lan, đồng thời trong dịp Tết nguyên đán Ất Mùi 2015 nhu cầu sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm tăng cao của người dân, do đó có thể sẽ ghi nhận người mắc chủng vi rút cúm gia cầm tại các địa phương. Để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống và ngăn ngừa dịch cúm gia cầm lây lan sang người cũng như không để các chủng vi rút cúm gia cầm xâm nhập vào Việt Nam, Bộ Y tế đề nghị UBND chỉ đạo công tác rà soát các hoạt động phòng chống dịch cúm lây truyền từ gia cầm sang người; Tăng cường công tác kiểm dịch, không để lưu thông gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc trên thị trường, đặc biệt tại các chợ đầu mối về gia cầm; tổ chức và triển khai vệ sinh, tiêu độc, khử trùng định kỳ tại các chợ bán gia cầm sống theo hướng dẫn của đơn vị thú y nhằm hạn chế tối đa sự lưu hành của các chủng vi rút cúm gia cầm trong môi trường có thể lây sang người. Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thực hiện điều tra ngăn chặn nhập lậu, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển và buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm qua biên giới, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép, không để hiện tượng buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc ở nước ta. Với Sở Y tế, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo các Sở Y tế tăng cường giám sát các chủng vi rút cúm tại cộng đồng và thông qua hệ thống giám sát trọng điểm cúm quốc gia. Đồng thời tổ chức thu dung điều trị, cách ly kịp thời không để xảy ra tử vong và triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan rộng, kéo dài.

Vnexpress

Bộ Y tế khẳng định không có nguy cơ dịch ho gà

Một tháng nay, bệnh viện tại Hà Nội ghi nhận rải rác trẻ mắc ho gà. Bộ Y tế khẳng định bệnh dễ lây nhưng không có nguy cơ xảy ra dịch lớn vì tỷ lệ tiêm chủng đạt cao. Tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Dịch tễ trung ương cho biết, Bệnh viện Nhi trung ương hiện ghi nhận 9 trẻ mắc ho gà, trong đó 5 ca tại Hà Nội, còn lại từ Hà Nam, Hải Dương, Nam Định, Vĩnh Phúc. Việc ghi nhận các ca bệnh ho gà hiện nay là điều bình thường trong bối cảnh Việt Nam chưa thanh toán được bệnh. Dịch được dự đoán sẽ không xảy ra vì tỷ lệ tiêm chủng đạt cao. Bệnh viện Nhiệt đới trung ương cũng tiếp nhận một ca ho gà vào điều trị và đã được xuất viện. Năm 2014 cả nước ghi nhận 107 ca mắc ho gà, trong đó tập trung ở các tỉnh phía Bắc như Hà Nội 23 ca, Bắc Ninh, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng...Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế Dự phòng khẳng định người dân không nên quá lo lắng. Các trường hợp ho gà hiện nay là rải rác, chưa phải dịch. Tìm hiểu những ca tại Bệnh viện Nhi trung ương, Bộ nhận thấy có những cháu bị mắc do chưa tiêm văcxin hoặc không được tiêm đầy đủ. Theo ông, việc gián đoạn tiêm văcxin có 2 nguyên nhân: những cháu lớn là do thời gian trước văcxin Quinvaxem bị gián đoạn, một số cháu không được tiêm chủng đầy đủ; với trẻ nhỏ, thời gian qua do khan hiếm văcxin dịch vụ, các bà mẹ cố chờ không cho con đi tiêm chủng. "Các bà mẹ cần cho con đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Không nên trông chờ quá nhiều vào văcxin dịch vụ, bài học về dịch sởi đã xảy ra rồi và giờ là đến ho gà", ông Phu nhấn mạnh. Các chuyên gia khuyến cáo, đang là mùa đông xuân, thời điểm nhiều bệnh nguy hiểm như sởi, rubella, ho gà... Do đó, cách phòng bệnh hiệu quả và an toàn nhất là cho trẻ đi tiêm phòng văcxin đầy đủ và đúng lịch. Bất cứ ai chưa tiêm đều có khả năng mắc ho gà. Những trẻ đã qua tuổi tiêm mà chưa tiêm thì vẫn có thể tiêm lại để phòng bệnh. Trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, trẻ được tiêm văcxin phối hợp để phòng 5 bệnh là bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não mủ do Hib. Trong đó, tiêm mũi một khi 2 tháng tuổi, mũi hai khi 3 tháng và mũi ba khi 4 tháng. Trẻ tiêm thêm mũi thứ 4 nhắc lại khi được 18 tháng tuổi. Ho gà là bệnh truyền nhiễm cấp tính rất phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bệnh này dễ lây lan qua đường hô hấp (ho, hắt hơi, ôm hôn...) khi trẻ tiếp xúc với người mắc bệnh. Triệu chứng của ho gà rất giống với những chứng bệnh cảm thông thường nên nhiều gia đình có tâm lý chủ quan tự mua thuốc về chữa. Đến khi thấy trẻ ho nặng, bị tím tái mới đưa vào viện thì đã trong tình trạng nguy kịch vì suy hô hấp. Theo đánh giá của Cục Y tế Dự phòng, ở Việt Nam, bệnh ho gà lưu hành trong cả nước. Khi chưa thực hiện Chương trình Tiêm chủng mở rộng, bệnh ho gà thường xảy ra và phát triển thành dịch ở nhiều địa phương, đặc biệt nghiêm trọng ở miền núi là nơi có trình độ kinh tế xã hội phát triển thấp. Trong vụ dịch, bệnh thường diễn biến nặng, dễ tử vong do bị bội nhiễm, gây biến chứng viêm phổi, viêm phế quản phổi, nhất là ở trẻ dưới 5 tuổi và trẻ suy dinh dưỡng.

Đại đoàn kết

Tăng cường truyền thông phòng chống dịch (29/01/2015)

"Vấn đề mấu chốt là làm sao thông tin kịp thời hiệu quả những thông tin dịch bệnh cho người dân” - PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế phát biểu tại hội thảo Tăng cường phối hợp truyền thông về công tác y tế dự phòng hôm qua 28-1. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, bệnh không lây nhiễm (KLN) phải được ưu tiên phòng chống hàng đầu vì có tỷ lệ mắc bệnh cao, là nguyên nhân chủ yếu gây tàn tật và tử vong cao ở người trưởng thành, như tim mạch (nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, tăng huyết áp), đái tháo đường, ung thư và các bệnh hô hấp mạn tính... "Các bệnh này đang là rào cản chủ yếu đối với việc giảm đói nghèo và phát triển bền vững” - WHO nhận định. Cần có sự cam kết ưu tiên của Chính phủ, sự tham gia của các Bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức liên quan tạo ra một đáp ứng toàn diện, đồng thời đưa phòng chống bệnh KLN vào chương trình phát triển KTXH quốc gia. Cục trưởng Trần Đắc Phu cho rằng báo chí truyền thông y tế cần đi vào cụ thể kiểm soát yếu tố nguy cơ như giảm sử dụng muối ăn, kiểm soát chất béo; hạn chế tiếp cận và hạn chế quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị các sản phẩm đồ uống có cồn; thúc đẩy hoạt động thể lực, khuyến khích sản xuất, tiêu thụ thực phẩm có lợi cho sức khỏe, hạn chế các thực phẩm không có lợi cho sức khỏe… Năm qua công tác truyền thông của Cục Y tế dự phòng có nhiều cải tiến đáp ứng nhu cầu thông tin, tuyên truyền. Các phóng viên mong trang web của Cục thông tin sâu và kịp thời hơn về các vấn đề, sự kiện liên quan đến dịch bệnh, có khuyến cáo phòng ngừa. Truyền thông cần gắn với những biện pháp, chế tài, cơ chế kiểm soát, xử lý, nhất là với các đơn vị, cơ sở y tế địa phương, để làm sao giảm thiểu được những vụ việc đáng tiếc như tiêm nhầm vắc xin, tai biến y khoa. * Cùng ngày, tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người, Bộ Y tế cảnh báo dịch cúm A/H7N9 vẫn diễn biến khá phức tạp và chưa được khống chế ở Trung Quốc, có nguy cơ cao bùng phát, lây nhiễm vào VN. Tại VN chưa phát hiện trường hợp lây nhiễm loại dịch bệnh này, tuy nhiên nếu không kiểm soát tốt tại các tỉnh có đường biên với Trung Quốc, nguy cơ lây nhiễm vẫn có thể xảy ra và bùng phát. Vi rút cúm A/H7N9 lưu hành trên gia cầm nhưng không có biểu hiện triệu chứng nên rất khó khăn trong việc phát hiện nguồn bệnh và kiểm soát dịch bệnh trên gia cầm. Để phòng chống cúm ở người trong thời tiết đông-xuân này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cảnh báo từ nay đến Tết mức độ tiêu thụ gia cầm rất lớn, các cấp, các ngành chức năng cần tăng cường ngăn chặn, xử lý buôn lậu gia cầm từ Trung Quốc về Việt Nam qua đường tiểu ngạch; chú trọng thực hiện kế hoạch phòng chống các dịch bệnh khác như sởi, Rubella…

Chương trình sản phẩm quốc gia vắc xin phòng bệnh cho người (29/01/2015)

Ngày 28-1, Bộ Y tế phối hợp với Bộ KH&CN tổ chức Lễ khởi động Chương trình sản phẩm quốc gia vắc xin phòng bệnh cho người. Hướng tới mục tiêu chủ động được công nghệ tạo chủng và bộ chủng giống vắc xin để có thể sản xuất với quy mô công nghiệp phục vụ chương trình tiêm chủng mở rộng, sản xuất khi có dịch bệnh đối với các loại bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, bại liệt, viêm não mô cầu, tiêu chảy do vi rút Rota, viêm não Nhật Bản... Theo đó, các doanh nghiệp sẽ làm chủ công nghệ sản xuất vắc xin quy mô công nghiệp với 7 dạng vắc xin bằng các công nghệ tiên tiến: vắc xin đa giá, Hib cộng hợp và bại liệt, vắc xin Rota... Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ KH&CN đã chứng kiến lễ ký kết hợp đồng thực hiện dự án KHCN sản phẩm quốc gia vắc xin phòng bệnh cho người, giữa Văn phòng Chương trình sản phẩm quốc gia vắc xin phòng bệnh cho người với 4 đơn vị chủ trì thực hiện dự án. "Buổi lễ đánh dấu sự khởi đầu của thời kỳ khẳng định vắc xin phòng bệnh cho con người là sản phẩm thương hiệu quốc gia”, Bộ trưởng nói. Vấn đề nội địa hóa và sản xuất trọng nước là chính sách ưu tiên và chúng ta hãy coi ngành sản xuất vắc xin cũng như dược trong y tế đi đầu trong việc tiến tới nội địa hóa.

Tăng cường quản lý quảng cáo thực phẩm chức năng (29/01/2015)

Ngày 28-1, Ủy ban MTTQVN TP.HCM tổ chức Hội thảo "Thực phẩm chức năng dưới góc độ quản lý, sản xuất, tiêu dùng, đảm bảo sức khỏe và kiểm nghiệm”. Theo BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh An toàn thực phẩm TPHCM, Bộ Y tế cần phối hợp cùng Bộ TT&TT ban hành Thông tư liên tịch kiểm soát các nội dung đăng tin quảng cáo thực phẩm chức năng trên phương tiện thông tin đại chúng, có chế tài xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.Đánh giá về vấn đề kiểm định chất lượng thực phẩm chức năng, GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Liên Hiệp các Hội KH&KT TP.HCM cho rằng vẫn còn lỗ hổng lớn trong khâu đánh giá chất lượng thực phẩm chức năng, thiếu phương tiện để đánh giá đúng và đầy đủ về chức năng, hiệu quả, tính an toàn và chất lượng sản phẩm. Các cơ quan chức năng cần tập trung cho công tác kiểm nghiệm chất lượng, kiểm nghiệm chặt chẽ, đầy đủ hơn, để đưa đến cho người dùng sản phẩm tốt nhất…

Bình Dương: Khẩn cấp dập dịch rubella tại KCN Mỹ Phước 3 (29/01/2015)

Ngày 28-1, tin từ Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, đơn vị này vừa họp khẩn với Viện Pasteur TP.HCM để nhanh chóng triển khai các biện pháp dập dịch rubellla đang bùng phát trên địa bàn, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tình hình công việc cuối năm của hàng chục ngàn công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp ở Bình Dương. Trước đó, vào ngày 2-1, ổ dịch rubella được phát hiện tại Công ty Wanek thuộc Khu công nghiệp Mỹ Phước 3, thị xã Bến Cát (Bình Dương), bệnh nhân đầu tiên là một nữ công nhân 21 tuổi. Tới ngày 28-1, số bệnh nhân bị nhiễm bệnh này lên tới gần 160 người, trong đó có hai nữ công nhân đang mang thai; 29 trường hợp dương tính với virus rubella. Các bệnh nhân có triệu chứng ho, sổ mũi, sốt nhẹ, phát ban nhiều nốt đỏ tươi… Để khống chế kịp thời, không để ổ dịch nói trên lây lan trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi, Viện Pasteur TP.HCM, Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Dương và Công ty Wanek thống nhất sẽ tiêm văc xin rubella miễn phí cho khoảng 1.600 công nhân đang làm việc tại Công ty Wanek, đồng thời tổ chức cách ly, điều trị bệnh các trường hợp nhiễm bệnh.

Dân Việt

Cùng xuất hiện nhiều virus cúm gia cầm

“Thời tiết lạnh đang tạo điều kiện cho các loại cúm phát triển. Trong khi đó, tại Việt Nam và các nước lân cận cùng lúc xuất hiện nhiều virus cúm gia cầm, có nguy cơ đe dọa đến sức khỏe con người” – PGS-TS Nguyễn Thanh Long – Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định .

Virus cúm “chạy dọc” đất nước

Ông Đàm Xuân Thành – Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho biết, virus cúm A/H5N1 hiện đang lưu hành phổ biến, chiếm tới 4,13% gia cầm. Đáng nói có nhiều con vịt dương tính với cúm A/H5N1 nhưng lại không có triệu chứng lâm sàng của bệnh cúm. “Người dân ăn tiết canh vịt đều có nguy cơ bị nhiễm cúm A/H5N1 mặc dù cứ nghĩ rằng vịt đang khỏe, không có biểu hiện bệnh” – ông Thành nhấn mạnh. Ngoài ra, giám sát cúm H5N6 trên 216 mẫu gia cầm thì có tới 68 mẫu (31%) dương tính với virus cúm A/H5N6. Theo ông Thành, cúm A/H5N6 trước đây lưu hành ở Trung Quốc khiến 1 người tử vong nhưng năm 2014 đã xuất hiện trên đàn gia cầm ở 9 tỉnh của Việt Nam. Xét nghiệm cho thấy các mẫu cúm A/H5N6 ở Việt Nam có sự tương đồng đến 99% virus cúm A/H5N6 gây bệnh trên người ở Trung Quốc. “Cúm A/H5N6 đang lây lan trên gia cầm theo xu hướng “chạy dọc” từ biên giới phía Bắc xuống phía Nam, do đó, nguy cơ cúm này lây lan ở đàn gia cầm trên diện rộng sau đó lây lan sang người là rất lớn. Tại Trung Quốc cúm A/H7N9 cũng có xu hướng chạy từ Bắc sang Nam và đang hướng về Việt Nam” – PGS-TS Nguyễn Thanh Long cảnh báo. Theo ông Phu, ngoài 2 loại cúm gia cầm H5N6 và H5N1 đang lưu hành tại Việt Nam, ở Trung Quốc đã xuất hiện rất loại cúm gia cầm nguy hiểm khác như H7N9, H10N8, H5N8, H5N2… Riêng cúm A/H7N9 trong 3 tuần đầu năm 2015 ở Trung Quốc đã phát hiện 16 ca mắc trên người trong đó 3 ca tử vong. Số mắc có xu hướng lan rộng xuống các tỉnh phía Nam của Trung Quốc gần biên giới với Việt Nam. “Cúm gia cầm với có 2 gen H và N có khả năng tổ hợp tới 122 loại cúm khác nhau, nhiều loại cúm có nguy cơ lây truyền từ gia cầm sang người. Do đó, nguy cơ cúm gia cầm lan rộng và lây sang người là rất lớn, khó lường trước, khó khống chế”

Khó khống chế gia cầm nhập lậu

Ông Nguyễn Văn Thu – Phó Chủ nhiệm Quân y (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) cho biết, tình hình buôn bán gia cầm ở các vùng biên đã giảm nhiều so với 2 năm trước. Tuy nhiên, việc buôn bán vẫn diễn ra phức tạp, thủ đoạn tinh vi, gây khó khăn cho lực lượng cán bộ làm nhiệm vụ. Hiện các đầu nậu buôn bán gia cầm thường thuê người dân với tiền công khoảng 5.000-10.000 đồng/kg. Vào thời điểm tiêu thụ nhiều gia cầm như dịp tết tiền công có thể lên đến 20.000 đồng/kg. “Có những lúc chúng tôi bắt gặp cả bãi xe máy lên đến hàng nghìn xe của người dân để chực chờ chở hàng lậu. Việc ngăn chặn số lượng xe như vậy rất khó khăn. Hơn nữa, với vi phạm chở lậu vài chục con gà cũng không thể bắt giam người dân. Nên cứ ngăn chặn, thả ra rồi họ lại đi chở lậu. Chúng tôi chỉ có thể thực hiện biện pháp “bên kia đẩy đuổi, bên này thuyết phục, tịch thu”. Cứ lơ là một chút là đội quân chở hàng lậu thuê lại nườm nượp ngay” – ông Thu chia sẻ. GS-TS Nguyễn Trần Hiển – Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết, năm 2014 và 3 tuần đầu năm 2015, 22 điểm giám sát cúm trọng điểm trên toàn quốc đã lấy mẫu và xét nghiệm trên hơn 5.900 mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân có hội chứng cúm, viêm đường hô hấp cấp tính, viêm phổi nặng. Kết quả cho thấy chỉ có 3 loại cúm mùa lưu hành trong đó virus cúm B chiếm 58%, cúm A/H3N2 chiếm 29%, cúm A/H1N1 chiếm 13%. “Các phân tích sâu với các chủng virus cúm không phát hiện đột biến về kháng nguyên. Các loại cúm trên người hiện hành ở Việt Nam đều tương đồng với các chủng cúm lưu hành trước đó cũng như trong khu vực. Hiện Việt Nam cũng có đủ năng lực để xét nghiệm tìm ra tất cả các loại cúm mùa, cúm gia cầm như H7N9, H5N6, H10N8… Ngoài ra, chúng ta cũng có thể xét nghiệm tìm ra các bệnh mới nổi như Ebola, cúm Trung Đông MERS-CoV” – GS Hiển cho biết. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Văn Kính – Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư, hiện xuất hiện nhiều bệnh nhân bị cúm mùa như H1N1, H3N2 nhưng triệu chứng lâm sàng rất nặng, suy hô hấp cấp, suy đa phủ tạng. Mới đây, phải dùng đến phương pháp y học tiên tiến nhất là chạy tim phổi nhân tạo bệnh viện mới cứu được 3 bệnh nhân cúm rất nặng. “Bộ Y tế nên có các cảnh báo để các bệnh viện cảnh giác với các biểu hiện cúm nặng để có điều trị kịp thời” – TS Kính cho biết.

Lao động

Dịch cúm A/H7N9 đe dọa Việt Nam

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống đại dịch cúm ở người ngày 28.1, PGS-TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - lo lắng: Hiện dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc có nguy cơ bùng phát thành đợt dịch mới. Số mắc có xu hướng lan rộng từ các tỉnh phía bắc xuống các tỉnh phía nam - gần biên giới nước ta. 3 tuần đầu của tháng 1.2015, Trung Quốc ghi nhận 16 ca mắc, 3 ca tử vong. Số mắc cúm A/H7N9 ghi nhận nhiều nhất vào các tháng đầu năm. Nguy cơ các trường hợp nhiễm cúm gia cầm xâm nhập vào VN là có thể nếu không kiểm soát chặt việc nhập lậu gia cầm. Bộ Y tế xác nhận tại Bình Dương đang bùng phát ổ dịch rubella, với hàng trăm trường hợp sốt phát ban nghi mắc rubella, trong đó 29/138 trường hợp đã khẳng định dương tính với rubella. Tại Cty WANEK (KCN Mỹ Phước, Bến Cát, Bình Dương), ngay sau khi phát hiện ổ dịch rubella, Viện Pasteur TPHCM, Sở Y tế TPHCM… đã lấy mẫu xét nghiệm, cách ly bệnh nhân, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

VTV

Bộ Y tế chỉ đạo tăng cường phòng, chống dịch sởi mùa Đông - Xuân

Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương tăng cường các hoạt động phòng, chống dịch sởi mùa Đông-Xuân. Mùa Đông - Xuân là thời điểm thuận lợi cho dịch bệnh sởi lây lan, bùng phát tại cộng đồng. Để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống bệnh sởi, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương tăng cường các hoạt động phòng, chống dịch bệnh mùa Đông-Xuân. Trong các hoạt động này, lưu ý giám sát chặt chẽ các trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại cộng đồng và tại các cơ sở khám chữa bệnh để phát hiện sớm các trường hợp mắc sởi, kịp thời cấp cứu, điều trị bệnh nhân, triển khai xử lý triệt để ổ dịch, hạn chế đến mức thấp nhất số mắc và tử vong. Chỉ đạo việc thực hiện tiêm vaccine sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng định kỳ hàng tháng, đảm bảo tất cả trẻ em khi đủ 9 tháng tuổi được tiêm ngay vaccine sởi, tránh tình trạng bị mắc bệnh sởi do tiêm vaccine muộn. Đồng thời, tiếp tục tổ chức tốt chiến dịch tiêm vaccine sởi - rubella cho trẻ em từ 1 - 14 tuổi; thường xuyên rà soát đối tượng và tổ chức tiêm vét vaccine sởi, đặc biệt tại các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đi lại khó khăn.

Gia đình Việt Nam

Đình chỉ 1 tháng kíp trực cấp cứu bỏ mặc thai phụ gặp nạn giữa đường

Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hải Phòng cho biết vừa có quyết định chính thức tạm đình chỉ một tháng đối với cả kíp trực cấp cứu liên quan đến việc cấp cứu trong vụ tai nạn khiến một thai phụ 7 tháng tử vong. Trao đổi với Tuổi trẻ chiều 28/1, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hải Phòng Bùi Huy Sơn cho biết vừa có quyết định chính thức tạm đình chỉ một tháng đối với cả kíp trực cấp cứu. Sự việc liên quan đến việc cấp cứu trong vụ tai nạn ngày 26/1 khiến một phụ nữ đang mang thai tháng thứ 7 tử vong. Bác sĩ Sơn cho biết, cả kíp trực cấp cứu ngày 26/1 gồm y sĩ Nguyễn Thị Hài (sinh năm 1991, kíp trưởng) cùng y tá Vũ Thị Phương và lái xe là Đỗ Văn Dũng đều bị tạm đình chỉ một tháng kể từ ngày 28/1 để giải trình và phục vụ điều tra. Sau khi có giải trình, kết luận, Trung tâm cấp cứu 115 sẽ tổ chức họp hội đồng thi đua khen thưởng để đánh giá mức độ, đưa ra hình thức kỷ luật. Trung tâm sẽ có hình thức kỷ luật nghiêm khắc, đúng người, đúng mức độ để răn đe và rút kinh nghiệm cho toàn cơ quan. Tiếp đó, tùy mức độ sai phạm, trung tâm sẽ có đề xuất lên Sở Y tế quyết định. Cũng theo bác sĩ Sơn, sáng 28/1, phía công an huyện An Dương cũng đã làm việc, trao đổi với lãnh đạo trung tâm về vụ việc. Phía cơ quan công an cho trung tâm biết thai phụ đã bị bánh sau của xe khách đè lên ngang bụng, làm vỡ ổ bụng. Khi lực lượng cứu hộ muốn đưa thai phụ ra khỏi gầm xe thì lái xe đã phải lùi xe lại để đưa nạn nhân ra. Trước đó VnExpress đưa tin, sáng 26/1, tại đường Tôn Đức Thắng, xã An Đồng (huyện An Dương, Hải Phòng). Xe khách của Công ty TNHH vận tải buýt Hải Phòng đang lưu thông theo hướng Hải Phòng - Hà Nội đã cán phải một phụ nữ đi xe máy cùng chiều. Theo cơ quan chức năng, người phụ nữ đang mang thai 7 tháng bị cuốn vào bánh ôtô khách, tử vong tại chỗ. Khoảng 15 phút sau tai nạn, xe cấp cứu đến hiện trường nhưng thấy nạn nhân được đắp chiếu nên họ lại rời đi ngay mà không kiểm tra tình trạng của nạn nhân, dẫn đến không phát hiện thai nhi 7 tháng, cũng như không can thiệp y tế với nạn nhân. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã đề nghị Công an thành phố Hải Phòng điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn và xử lý nghiêm người gây tai nạn. Ngoài ra, Sở Y tế Hải Phòng phải xác minh rõ những nội dung phản ánh về tinh thần, thái độ của cán bộ y tế trong ca cấp cứu có mặt trên xe cứu thương; xử lý trách nhiệm vi phạm.

Pháp luật Tp. Hồ Chí Minh

Vắcxin Ebola an toàn và có hiệu quả

Ngày 29-1, các nhà nghiên cứu tuyên bố kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy loại vắcxin thử nghiệm chống Ebola do hãng GlaxoSmithKline (GSK) và Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) phát triển an toàn và hiệu quả. Theo AFP, cuộc kiểm tra do các chuyên gia ĐH Oxford thực hiện đã được công bố trên tạp chí y học New England Journal of Medicine. Chuyên gia Adrian Hill, người chỉ đạo cuộc kiểm tra ở ĐH Oxford, cho biết cơ thể 60 người tình nguyện khỏe mạnh đã phản ứng tốt với loại vắcxin này. Chuyên gia Hill cho biết phản ứng phụ chỉ là đau hoặc sưng đỏ vết tiêm trong khoảng một hoặc hai ngày. Một vài người có thể bị sốt nhẹ. Những người tình nguyện sẽ được theo dõi liên tục trong sáu tháng nữa để xem có tác dụng phụ nào xảy ra hay không. Điều quan trọng là vắcxin tạo ra các kháng thể chống virút Ebola. Lượng kháng thể tăng lên trong cơ thể trong vòng 28 ngày sau khi tiêm chủng. Loại vắcxin này được thiết kế để chống chủng Zaire của virút Ebola đang hoành hành tại Tây Phi. Hồi tháng 11-2014 GSK và NIH cũng thử nghiệm một loại vắcxin khác chống cả chủng Zaire và chủng Sudan của virút Ebola. Tuy nhiên chỉ có vắcxin chống chủng Zaire sẽ được thử nghiệm trên diện rộng ở Tây Phi trong thời gian tới. Hiện tại, các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được cơ thể người cần phải có một lượng kháng thể cỡ nào mới có thể chống lại được virút Ebola một cách hiệu quả nhất. Do đó, vắcxin Ebola cần phải được thử nghiệm trên diện rộng ngay tại “tâm chấn” Tây Phi. GSK đã chuyển hàng ngàn liều vắcxinnày đến Liberia. Cuộc thử nghiệm trên 27.000 người, bao gồm nhiều nhân viên y tế chống Ebola, sẽ sớm diễn ra.

Phẫu thuật miễn phí dị tật khe hở môi, hàm ếch

Từ ngày 31-1 đến ngày 6-2-2015, Đơn vị Khe hở môi vòm miệng, Khoa Phẫu thuật Hàm mặt – Răng Hàm Mặt, bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM tổ chức chương trình khám sàng lọc và phẫu thuật miễn phí cho 60 trường hợp bị dị tật khe hở môi, hàm ếch. Đối tượng là những người bệnh từ 2 tháng tuổi đến 20 tuổi. Hoạt động này nằm trong chương trình hợp tác giữa bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM và Tổ chức từ thiện Operation Smile.

Thanh niên

Giải bài toán phát triển dược liệu VN

Nhìn lại lịch sử phát triển của ngành dược VN cho thấy, thuốc từ thiên nhiên là nguồn gốc của các phương pháp điều trị. Đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học về dược phẩm từ thiên nhiên mang tính thực tiễn, phục vụ lợi ích cộng đồng. Nhưng cũng có không ít công trình buộc phải nằm trong tủ vì nhiều lý do khác nhau, trong đó một phần từ sự vắng mặt của doanh nghiệp. Trường hợp thuốc HoAstex của OPC đã làm “sống lại” một thương hiệu mà cộng đồng đã thừa nhận. Cách đây gần 10 năm, thuốc HoAstex đã có nguy cơ bị “xếp vào tủ”. Đó là vào năm 1983, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM đã bắt đầu nghiên cứu bào chế sản phẩm này nhưng chỉ với mục đích lưu hành nội viện. Sau gần 20 năm thực hiện sứ mạng chữa trị cho các bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi đồng 1, Astex - tên gọi ngày đó của sản phẩm dù chỉ được sản xuất và sử dụng rất thủ công, bằng cách đóng vào các bình lớn rồi chia ra các lọ nhỏ sử dụng cho bệnh nhi uống, nhưng hiệu quả điều trị của loại thuốc này rất tuyệt vời. Đến năm 2005, do những yêu cầu mới của Bộ Y tế về điều kiện cơ sở sản xuất thuốc, Astex buộc phải dừng sản xuất khiến không ít các bà mẹ có con nhỏ và y bác sĩ tiếc nuối. 4 năm sau, thuốc Astex được hồi sinh khi Bệnh viện Nhi đồng 1 nhượng quyền công thức cho Công ty CP dược phẩm OPC để từ đó ra đời HoAstex. Vẫn từ công trình nghiên cứu khoa học của Bệnh viện Nhi đồng 1, với các thành phần thiên nhiên chữa ho rất phổ biến trong dân gian như: tần dày lá (húng chanh), núc nác, cineol… nhưng nhờ công nghệ hiện đại, với hệ thống chiết xuất đa năng và hệ thống cô giảm áp tân tiến, OPC đã tái tạo một sản phẩm mới mang tên HoAstex. Siro HoAstex mang lại hiệu quả cao trong điều trị ho, viêm họng, viêm phế quản, suyễn. Đặc biệt, rất an toàn khi sử dụng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, phụ nữ có thai và cho con bú. Những tiêu chí này đã giúp HoAstex có chỗ đứng trên thị trường, được người tiêu dùng đón nhận. Sản phẩm thuốc ho có nguồn gốc từ thiên nhiên này đã được vinh danh là Ngôi sao thuốc Việt 2014 do Bộ Y tế bình chọn.

Dùng nguyên liệu không hạn sử dụng làm chocolate bán tết

Ngày 29.1, Đội Quản lý thị trường Bình Chánh (TP.HCM) cho biết đơn vị này vừa lập biên bản và thu giữ một lượng lớn nguyên liệu ca cao không nguồn gốc, không hạn sử dụng. Số nguyên liệu này được dùng để sản xuất chocolate và một số loại bánh kẹo bán ra thị trường. Trước đó, chiều 28.1, Đội Quản lý thị trường Bình Chánh phối hợp cùng Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) phát hiện ô tô đang chuyển 18 thùng hàng tới xưởng sản xuất của Công ty TNHH sản xuất Ngọc Long (gọi tắt là Công ty Ngọc Long) tại ấp 1, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện toàn bộ 18 thùng hàng (mỗi thùng 20 kg) trên là sản phẩm chocolate malted drink không hạn sử dụng, không có nguồn gốc xuất xứ. Theo tường trình của tài xế, lô hàng này được Công ty TNHH Quốc tế Sông Hồng đóng tại đường Lê Đức Thọ, phường 6 quận Gò Vấp thuê chuyển từ Bình Dương về giao cho Công ty Ngọc Long. Kiểm tra xưởng sản xuất của Công ty Ngọc Long, lực lượng liên ngành phát hiện tại doanh nghiệp này còn có gần 1,8 tấn bánh kẹo (cacao, chocolate, mứt kẹo, trà, chất phụ gia…) mang thương hiệu nổi tiếng của nhiều nước không có hạn sử dụng hoặc quá hạn sử dụng. Đại diện Đội Quản lý thị trường Bình Chánh cho biết kiểm tra bước đầu có thể thấy Công ty Ngọc Long sai phạm khi có nhiều sản phẩm (kẹo, trà, bột sắn dây, chocolate, kem sữa…) không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, toàn bộ nguyên liệu ca cao, phụ gia không có hóa đơn chứng từ. Ngoài ra, theo quy định hàng hóa do Công ty Ngọc Long sản xuất là thực phẩm thuộc diện phải công bố hợp quy, công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm nhưng công ty này không tuân thủ quy định. Hiện toàn bộ số hàng và nguyên liệu vi phạm đã bị thu giữ chờ xử lý.

Dân trí

Thanh Hóa:Bắt xưởng sản xuất mì chính giả lớn nhất từ trước đến nay

Hàng chục bao tải đựng mì chính giả, bột nêm...đã và đang được sang chiết thành từng gói nhỏ để tung ra thị trường, vừa bị lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, Công an thành phố Thanh Hóa phát hiện và bắt giữ. Theo đó, vào khoảng 15h ngày 29/1, Đội CSĐT tội phạm về kinh tế, Công an thành phố Thanh Hóa đã phá chuyên án sản xuất mì chính giả với quy mô được cho là lớn nhất từ trước tới nay. Cơ sở sản xuất mì chính giả này đóng tại số 6/85 phố Đinh Lễ, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa, do bà Nguyễn Thị Cẩm Hường (SN 1979, trú 29N1, khu đô thị Bình Minh, phường Đông Hương) làm chủ. Tại chỗ, lực lượng chức năng phát hiện khoảng 80 bao tải đựng mì chính giả, ngoài vỏ bao bì ghi chữ Trung Quốc, trọng lượng mỗi bao nặng 25kg. Ngoài ra còn nhiều loại hàng hóa khác như: bột nêm, bột chiên mực, dung dịch đặc dùng để nấu lẩu… Tất cả những loại hàng hóa này không rõ nguồn gốc xuất xứ. Cũng tại đây, lực lượng chức năng còn phát hiện 18 thùng mì chính với khoảng gần 1.000 gói đã đóng gói hoàn thiện, chuẩn bị tung ra thị trường tiêu thụ. Với người tiêu dùng, quan sát bằng mắt thường thì không thể nhận biết được những gói mì chính giả, bởi hình ảnh, chữ, tên thương hiệu trên vỏ bao đều được in ấn rất sắc nét. Số mì chính giả được bà Hường mua về sau đó sản xuất sang các bao nilon nhỏ được in nhãn mác của các thương hiệu mì chính Miwon, Ajinomoto, A-one… Ngoài ra, hàng chục bao tải đựng bột nêm có ghi dòng chữ Kooker trên bao bì với trọng lượng lên tới hơn 10kg/bao cũng được bà này mua rồi đóng thành các túi nhỏ từ 0,5kg đến 1kg mang thương hiệu K-norr. Mới ngửi qua, mùi của loại bột nêm này khá hắc, gây cảm giác nhức đầu, sợi loại bột nêm này không tròn như bột nêm K-norr. Tại điểm sản xuất này còn có nhiều hộp sắt lớn ghi dòng chữ Lion Custard nhưng phía dưới có ghi chữ Trung Quốc. Theo bà Hường cho biết thì đây là loại bột dùng để bao chiên tôm, mực. Đội CSĐT tội phạm về kinh tế, Công an thành phố Thanh Hóa còn thu giữ hai máy dán miệng túi, nhiều loại sản phẩm hàng hóa khác. Qua công tác trinh sát, khoảng 18 - 19h hàng ngày, Hường nhập hàng mì chính giả về kho, sau đó sản xuất thành các gói nhỏ rồi đưa ra xe ôtô khách chuyển về các huyện tiêu thụ. Bình quân mỗi ngày, Nguyễn Thị Cẩm Hường sản xuất từ 30 - 40 triệu đồng tiền hàng so với giá trị thực của loại hàng hóa giả. Theo khai nhận của bà Hường thì bà bắt đầu sản xuất mì chính giả từ đầu năm 2014 tới nay. Để chuẩn bị nguồn hàng cho dịp cuối năm này, bà Hường nhập về khoảng 2,5 tấn mì chính giả và nhiều loại hàng hóa không rõ nguồn gốc khác, hàng nghìn bao bì giả và nhờ thêm người em tên Nguyễn Thị Sinh (SN 1987, trú 95, phố Đinh Lễ) cùng tham gia sản xuất hàng giả để tung ra thị trường kiếm lời. Hiện Đội CSĐT tội phạm về kinh tế Công an thành phố Thanh Hóa đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc để đưa đối tượng vi phạm ra xử lý trước pháp luật.

Công an nhân dân

Sẽ kiểm tra thực tế các bệnh viện ký cam kết không nằm ghép

Tính đến ngày 30/1, đã có 14 bệnh viện (BV) ký cam kết không có nằm ghép (ngoài 13 BV đã cam kết, có thêm BV Thống Nhất). Trong số này, có 8 BV không còn tình trạng nằm ghép trước khi ký cam kết và còn 6 BV còn nằm ghép trước khi ký cam kết là: BV Bệnh nhiệt đới TW, BV Đa khoa Trung ương Huế, BV Đa khoa TW Thái Nguyên; Bệnh viện E; BV Thống Nhất... Tuy nhiên, bằng nhiều biện pháp khác nhau, như: tăng cường sàng lọc người bệnh, phối hợp luân chuyển giữa các khoa; bố trí đơn vị chăm sóc và lưu trú ban ngày; tăng cường thực hiện Đề án BV vệ tinh, đưa giường bệnh mới vào sử dụng, kê thêm giường, kê thêm cáng... nhiều BV đã có những chuyển biến rõ rệt khi quyết tâm thực hiện cam kết không nằm ghép. Bộ Y tế cho biết, đến nay có 8 BV ban đầu không còn nằm ghép tiếp tục duy trì không có tình trạng nằm ghép. 6 BV còn tình trạng quá tải trước khi ký kết, đã không còn khoa nào có người bệnh nằm ghép giường bệnh. Riêng BV Đa khoa Trung ương Huế số khoa có người bệnh nằm ghép đang có xu hướng giảm từ 14 khoa, xuống 13 khoa và 12 khoa ở tuần gần nhất. BV phấn đấu đảm bảo như cam kết sau thời gian 27/2/2015 không có nằm ghép như đã cam kết. Có 7 BV thực hiện cam kết từ ngày 20/1, 7 BV còn lại thực hiện từ đầu tháng 2/2015 và từ ngày 27/2/2015. Các BV thực hiện ở các mức cam kết khác nhau. Có BV cam kết bảo đảm mỗi người bệnh sẽ được bố trí 1 giường bệnh ngay sau khi vào điều trị nội trú là BV Răng Hàm Mặt TW, BV Lão khoa TW, BV Da liễu Trung ương; BV Nhi TW; BV Tâm thần TW1; BV Hữu nghị Việt Đức, BV Thống Nhất. Có BV bảo đảm tối đa sau 24 giờ kể từ khi nhập viện, mỗi người bệnh sẽ được bố trí 1 giường bệnh như Bệnh viện E, BV Việt Nam Cuba Đồng Hới; BV ĐKTW Thái Nguyên… Có BV thực hiện bảo đảm tối đa sau 48 giờ kể từ khi nhập viện, mỗi người bệnh sẽ được bố trí 1 giường bệnh như BV ĐK TW Huế ; Việt Nam - Thụy Điển - Uông Bí; … Để góp phần nâng cao hiệu quả và ý nghĩa của cam kết này, Bộ Y tế sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra về nội dung cam kết tại các BV Nhi TƯ, BV Việt Đức; Bệnh viện E vào đầu tháng 2/2015. Các BV khác sẽ tiếp tục kiểm tra trong tháng 3/2015: Kiểm tra theo các chỉ số đo lường tình trạng nằm ghép (Tỷ lệ % số khoa có người bệnh nằm ghép; tỷ lệ % số giường bệnh có nằm ghép; tỷ lệ % số giường bệnh thực kê/ tổng số giường bệnh kế hoạch; tỷ lệ % số nhập viện điều trị nội trú/ tổng số lượt khám bệnh; tỷ lệ % số người bệnh được bố trí 1 người bệnh/ 1 giường bệnh; trong vòng 24 giờ (tính từ khi nhập viện); trong vòng 48 giờ (tính từ khi nhập viện); Số lượt khám trung bình trên 1 bàn khám trên ngày làm việc); kiểm tra đối chiếu với số liệu BV đã báo cáo hằng tuần về Cục Quản lý khám chữa bệnh; kiểm tra các biện pháp trong công tác quản lý điều hành của BV để tổ chức triển khai thực hiện cam kết không nằm ghép. Chiều 30/1, Bộ Y tế đã tổ chức kiểm tra đột xuất việc thực hiện cam kết giảm tải tại BV Nhi TƯ và bước đầu cho thấy, BV thực hiện đúng cam kết về không để tình trạng nằm ghép. Nhiều khoa vẫn còn giường bệnh trống PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho biết, việc cam kết giảm tải là một chủ trương ý nghĩa, đem lại quyền lợi cho người bệnh. Tuy nhiên, khi ký cam kết cần phải nỗ lực hết sức để tạo được niềm tin trong nhân dân.

Ngày 06/02/2015
Ban Biên tập Website
(Điểm tin từ các Báo)
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích