Home TRANG CHỦ Thứ 7, ngày 20/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 4 7 3 3 4 3
Số người đang truy cập
2 7 6
 Tin tức - Sự kiện Điểm tin y tế
Tập dượt để chủ động ứng phó với đại dịch Ebola (Ảnh sưu tầm từ internet)
Điểm báo về các thông tin liên quan đến y tế ngày 8/11 và 9/11 năm 2014

Bước tập dượt để chủ động ứng phó với đại dịch Ebola; Ăn nhầm bả chó, bé trai 2 tuổi tử vong thương tâm; Lừa khám bệnh từ thiện để bán thực phẩm chức năng?; Nhiều trẻ phải điều trị viêm da do bị kiến ba khoang cắn; TP.Hồ Chí Minh: Sốt xuất huyết đang ở đỉnh dịch; Chung sức vì sức khỏe cộng đồng; Chương trình tư vấn, hỗ trợ điều trị chấn thương thể thao…

Công an Nhân dân

Bước tập dượt để chủ động ứng phó với đại dịch Ebola

Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh Ebola, khi số người nhiễm hiện đã lên tới 13.633 người, cùng hơn 5.000 người tử vong, ngày 7/11, Bộ Y tế đã phối hợp với BV Bệnh nhiệt đới TW tổ chức diễn tập công tác tiếp nhận, cách ly, điều trị bệnh nhân nghi ngờ mắc Ebola, nhằm hạn chế thấp nhất lây nhiễm nếu dịch Ebola xuất hiện tại Việt Nam. Đại diện của WHO và một số tổ chức quốc tế cùng có mặt, nhằm đánh giá khả năng ứng phó với dịch Ebola của Việt Nam. Cùng dự, còn có lãnh đạo Bộ Y tế và các BV của 26 tỉnh, thành phía Bắc, các đơn vị y tế CAND và Quân đội. Đại diện của WHO nhấn mạnh: Cuộc diễn tập là rất quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh đang hết sức nghiêm trọng, để chuẩn bị đối phó với dịch Ebola tại Việt Nam. Vì đó là cách để tuyên truyền, nâng cao sự cảnh giác của cộng đồng với dịch Ebola, cũng như để nhân viên y tế được tập dượt trước khi có trường hợp nhiễm Ebola xuất hiện tại Việt Nam, không để bị động, lúng túng trong xử trí trước căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, dễ lây lan và bùng phát thành dịch, với tỷ lệ tử vong cao trong khi chưa có vaccine phòng và thuốc điều trị đặc hiệu. Tình huống đặt ra là một bệnh nhân nghi nhiễm Ebola được chuyển từ sân bay Nội Bài về BV Bệnh nhiệt đới TW bằng xe cứu thương. Các nhân viên y tế của BV Bệnh nhiệt đới TW đã làm rất tốt các tình huống: Ngay khi nhận được điện báo, bác sĩ trực BV đã báo cáo ngay lãnh đạo Khoa khám bệnh, đồng thời lực lượng bảo vệ hướng dẫn xe cứu thương chở bệnh nhân nghi Ebola và hình thành khu vực cách ly, ngăn bệnh nhân khác vào khu vực có người nghi nhiễm Ebola. Lãnh đạo BV chỉ đạo các khoa, phòng liên quan phân luồng và di dời bệnh nhân tại phòng khám ra ngoài khu vực cách ly. Sau khi chuyển bệnh nhân lên Khoa Cấp cứu, nhân viên BV đã khử khuẩn toàn bộ các dụng cụ vận chuyển và xe cứu thương, cầu thang máy và chuẩn bị sẵn các phương tiện liên lạc, phương tiện cấp cứu, thuốc cấp cứu. Các khả năng về người bệnh Ebola: bị nặng, tử vong, tiến triển tốt… đều được các nhân viên y tế thực hiện tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chống nhiễm khuẩn, tránh lây nhiễm. Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TW, nhấn mạnh: Cuộc diễn tập lần này giúp mọi người theo dõi, nắm bắt được những vấn đề quan trọng trong tổ chức tiếp đón, cấp cứu, điều trị, lấy mẫu bệnh phẩm an toàn; nhân viên y tế phải sử dụng thành thạo các bộ dụng cụ phòng hộ cá nhân. Các đơn vị y tế ở các địa phương, trong lực lượng vũ trang sẽ học tập quy trình từ đón tiếp, hình thành khu vực cách ly, tránh lây chéo trong BV và lây nhiễm cho nhân viên y tế. Là đơn vị đầu ngành trong phòng, chống dịch bệnh, BV Bệnh nhiệt đới TW có kinh nghiệm trong thao tác, xử trí các bệnh nhân mắc bệnh lây nhiễm qua đường máu tối nguy hiểm như Ebola. vì nhân viên y tế trong BV đều phải thực hành bài bản, chuyên nghiệp. Hơn nữa, BV còn phải hướng dẫn cho tuyến dưới, để cùng hiệp sức chống dịch, hạn chế thấp nhất hậu quả nếu dịch xảy ra. PGS.TS. Nguyễn Văn Kính cũng tự tin về khả năng đáp ứng tốt của BV, nếu dịch Ebola xuất hiện ở Việt Nam. Theo dõi sát sao quá trình diễn tập, đại diện của WHO cho rằng: Cuộc diễn tập đã rất bài bản, chuyên nghiệp và cụ thể tới từng chi tiết. Phần lớn các ca nhiễm ngoài Tây Phi là các nhân viên y tế khi chăm sóc bệnh nhân, vì vậy, vấn đề rất quan trọng là phải bảo vệ nhân viên y tế ở tất cả các tuyến. Đại diện của WHO cũng bổ sung một số điều cần thiết trong công tác điều trị ở BV và đề nghị ngành y tế Việt Nam phổ biến rộng tài liệu mới nhất của WHO về việc mặc và cởi bỏ trang phục y tế khi chăm sóc người bị Ebola. WHO lưu ý điều này vì nhiều nhân viên y tế đã bị lây trong quá trình cởi bỏ trang phục không đúng cách. Cùng với sự giúp đỡ của WHO, công tác chuẩn bị phòng, chống dịch Ebola diễn ra bài bản, còn có sự sáng tạo của các thầy thuốc tại BV Bệnh nhiệt đới. Theo Ths. Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng khoa Cấp cứu: Cho đến nay, WHO chưa có tài liệu hoàn chỉnh nào về công tác phòng, chống nhiễm Ebola, nên các bác sĩ ở đây đã nghiên cứu, tìm tòi thêm, để đưa ra các biện pháp phòng, chống hiệu quả và phù hợp với thực tế Việt Nam. Vấn đề phòng hộ cá nhân rất quan trọng, nên nhân viên y tế được hướng dẫn rất kỹ từ việc đeo găng, tháo găng, cách mặc và cởi bỏ trang phục, với sự giúp đỡ của người đã được đào tạo, để không lây nhiễm. Khi tháo găng không để phía mặt ngoài dính vào bên trong, khi cởi bỏ quần áo phòng hộ cũng phải rất kỹ thuật, vì đây là yếu tố  lây nhiễm bệnh. Trực tiếp chỉ đạo cuộc diễn tập quan trọng này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên yêu cầu thời gian tới, Sở Y tế các tỉnh, thành phố phải tổ chức tập huấn, cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh Ebola cho các cơ sở y tế, cả công lập và tư nhân, nhằm cảnh giác phát hiện sớm ca nghi ngờ nhiễm Ebola để cách ly, điều trị kịp thời, phòng lây nhiễm; có phương án mở rộng khu cách ly khi cần thiết theo các tình huống của dịch; chỉ đạo các BV tỉnh tổ chức diễn tập phòng chống bệnh dịch Ebola, luyện tập sử dụng trang phục phòng hộ cá nhân đúng cách. Các địa phương phải tăng cường truyền thông để người dân hiểu và đến cơ sở y tế khám bệnh, cách ly, điều trị khi nghi ngờ mắc Ebola. Hy vọng, cuộc tập dượt này sẽ giúp y tế Việt Nam có được những kinh nghiệm cần thiết, để chủ động và vững vàng đối mặt với dịch bệnh nguy hiểm Ebola, thực sự tạo được niềm tin cho nhân dân.

Ăn nhầm bả chó, bé trai 2 tuổi tử vong thương tâm

Đang chơi cùng với bạn bên lề đường, bé trai 2 tuổi nhặt được miếng bả chó giống viên kẹo mút cho vào miệng ăn. Tuy được người nhà phát hiện đưa đi cấp cứu nhưng bé đã tử vong sau đó tại bệnh viện. Vụ việc đau lòng trên xảy ra vào khoảng 19h45 ngày 4/11 tại thôn 6, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông. Nạn nhân là cháu Phạm Đình Bảo Khánh (2 tuổi), con anh Phạm Văn Tứ (30 tuổi) và chị Phạm Thị Thoa (24 tuổi, trú tại số nhà 257 đường Cầu Sắt, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút). Vẫn chưa hết đau buồn, chị Thoa cho biết, vào chiều tối 4/11, chị dẫn con sang một quán trà sữa cạnh nhà để chơi. Do tại đây đang có khách tổ chức tiệc sinh nhật nên chị bế con sang nhà một hàng xóm khác bên cạnh chơi tiếp. Tại đây, do có cháu nhỏ con của chủ nhà chơi cùng nên chị Thoa để 2 đứa trẻ chơi với nhau. “Khi tôi đang đứng nói chuyện với chị chủ nhà thì bỗng nghe tiếng thét thất thanh của con trai. Tôi vội chạy lại thì thấy con đang há miệng nhưng lại không nói được. Lúc này, tôi vội nhìn xuống đất thì thấy một “vật lạ” giống như chiếc kẹo mút. Khi mọi người chạy đến chứng kiến thì mới biết “vật lạ” đó là miếng bả chó, giống như chiếc kẹo mút”. Ngay sau đó, cháu Khánh được người nhà đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Jút nhưng do độc tố quá nặng, chỉ 20 phút sau cháu đã tử vong. Trao đổi với chị Hoàng Thị Nga, hàng xóm với chị Thoa cho biết, trước khi xảy ra cái chết thương tâm của cháu Khánh, vào trưa 4/11, chị có dùng chổi quét trước nhà thì phát hiện một vật nhỏ như chiếc kẹo mút, nhưng không biết đó là cái gì nên ném ra gốc cây. Còn ông Vũ Đình Ty, Thôn Trưởng thôn 6 xác nhận, thời gian qua trên địa bàn xã Tâm Thắng liên tiếp xảy ra hàng loạt vụ trộm chó khiến người dân rất bức xúc, trong đó việc dùng bả chó để bắt trộm chó diễn ra khá phổ biến. Trước khi xảy ra vụ việc khiến cháu Khánh tử vong, tại một thôn khác trên địa bàn xã từng xảy ra vụ trộm chó khi người dân phát hiện thì bọn trộm đã dùng đèn pin chĩa thẳng vào mặt dọa nạt rồi bắt chó đi như trốn không người.

Lừa khám bệnh từ thiện để bán thực phẩm chức năng?

Sau khi đến tư vấn, khám sức khỏe miễn phí cho hàng ngàn người cao tuổi (NCT) ở các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh TT-Huế, một số người tự xưng là nhân viên Dự án chăm sóc sức khỏe của Trung tâm Văn hóa-Nghệ thuật-Thể thao&Du lịch của NCT Việt Nam đã kê bệnh và yêu cầu người bệnh phải mua thực phẩm chức năng để uống. Ngày 6-11, Đoàn đang khám bệnh tại hợp tác xã (HTX) Tứ Chánh, xã Phong Sơn, H. Phong Điền (TT-Huế) thì P.V đã có mặt để tìm hiểu.

Rối loạn tiền đình, dạ dày, cột sống... chung 1 thực phẩm

Ngày 5-11, hơn 100 người dân, chủ yếu là người cao tuổi ở thôn Hiền Sĩ (xã Phong Sơn, H. Phong Điền) sau khi nhận được thông báo của HTX xã Nam Sơn (Phong Sơn) đã có mặt tại HTX để được khám bệnh từ thiện. Từ rất sớm, nhiều cụ già tập trung về địa điểm này mong được khám bệnh, kiểm tra sức khỏe (KTSK) miễn phí. Bà Lê Thị Thạnh (60 tuổi, trú thôn Hiền Sĩ) cho biết, khi đến địa điểm này, bà được một người tên là Nguyễn Thị Ba yêu cầu đưa một bàn tay vào máy để kiểm tra. Chỉ sau khoảng 1 phút, bà Thạnh được người này ghi vào sổ tư vấn, KTSK rằng: rối loạn tiền đình, viêm khớp gối, thận âm yếu (tiểu đêm)... “Sau khi kê bệnh, cô Ba nói tui phải mua 3 hộp thuốc (thực phẩm chức năng Cha Blood - P.V) để uống thì mới lành. Mỗi hộp thuốc có giá 250 ngàn đồng”. Lúc này bà Thạnh không có tiền vì chỉ nghĩ đến khám bệnh miễn phí, nhưng sau một hồi nghe giới thiệu ngon ngọt về công dụng, bà gọi điện cho người thân mượn tiền để mua thuốc. Nhưng bà chỉ mượn được 250 ngàn đồng nên đủ mua 1 lọ. “Họ nói tui phải mua đủ 3 lọ uống mới lành nhưng do không có tiền nên tui xin mua 1 lọ” - bà Thạnh kể lại. Bà Hoàng Thị Cảnh (63 tuổi, trú thôn Hiền Sĩ) cũng là một trong những người nhận được thông báo đến khám bệnh miễn phí tại HTX Nam Sơn vào ngày 5-11. Sau khi được một số người dùng máy đo bàn tay, bà Cảnh được chẩn đoán: rối loạn tiền đình, vôi hóa cột sống, đau dạ dày, đại tràng nhiệt... Sau một hồi được quảng cáo, bà Cảnh xiêu lòng đành bỏ 750 ngàn đồng để mua 3 hộp Cha Blood. Tương tự, bà Hoàng Thị Em (75 tuổi) sau khi đến khám bệnh miễn phí cũng phải bỏ ra 600 ngàn đồng để mua 2 lọ thực phẩm chức năng của đoàn này. Bà Mai Thị Ngọc (58 tuổi, trú thôn Hiền Sĩ) sau khi đến khám được chẩn đoán tức ngực. “Một phụ nữ trong đoàn nói tui mua 1 hộp Cha Blood để uống nhưng tui nói ở nhà có thuốc bảo hiểm uống chưa hết” - bà Ngọc nói.

Không bác sĩ cũng tổ chức khám bệnh

Theo phản ánh của nhiều người dân đến khám bệnh miễn phí tại HTX Nam Sơn, trong đoàn khám bệnh có 3 người (2 nữ, 1 nam), nhưng không hề có bác sĩ. Thế nhưng, trong sổ tư vấn và sức khỏe do đoàn này soạn ra, những người đến khám đều được chẩn đoán từ vài ba bệnh trở lên. Trưa 6-11, trong khi đoàn đang khám bệnh tại HTX Tứ Chánh (xã Phong Sơn), P.V đã có mặt để tìm hiểu. Tại đây, khi được hỏi về bác sĩ khám bệnh thì trưởng đoàn Trần Văn Quang (27 tuổi, trú tỉnh Thanh Hóa) cho biết: Đoàn khám bệnh thuộc Cty cổ phần Bách Gia (Hà Nội) và hiện bác sĩ đang đi khám nơi khác. Ông Quang cung cấp một số chứng chỉ tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp của một số trường trung cấp đóng tại Thanh Hóa và Trường Cao đẳng Thể dục Thể thao. Như vậy, có mặt tại điểm khám bệnh, chúng tôi ghi nhận không hề có bác sĩ nào. Thế nhưng, trong sổ tư vấn và theo dõi sức khỏe, đoàn này chẩn đoán bệnh ghi rất rõ ràng nhưng bên dưới chỉ ký khống Nguyễn Chí Thanh, không hề có con dấu. Để tìm hiểu về đoàn khám bệnh từ thiện này với mục đích gì, P.V đã làm việc với chính quyền xã Phong Sơn. Ông Trịnh Xuân Nhân - Phó Chủ tịch UBND xã Phong Sơn cho biết, xã có đồng ý cho đoàn này liên hệ với Hội NCT để luyện tập “thức vũ kinh”. Xã tuyệt đối không cho đoàn bán bất kỳ loại thuốc hoặc bất kỳ thực phẩm chức năng nào. Ông Lê Xuân Dương - Chủ tịch Hội NCT xã Phong Sơn, người trực tiếp đi cùng đoàn khám bệnh khẳng định không có chuyện đoàn này bán thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, khi P.V đưa ra một số bằng chứng mà người dân cung cấp, ông Dương nói: “Lúc đầu tui không đồng ý cho đoàn khám bệnh, nhưng một số xã đã làm trước và lãnh đạo xã đã cho phép nên tui mới làm”. Khi chúng tôi yêu cầu cung cấp danh sách những người trong đoàn tham gia khám bệnh miễn phí tại xã Phong Sơn thì cả Phó Chủ tịch UBND xã và ông Dương đều không đáp ứng được.

“Treo đầu dê bán thịt chó”

Theo tìm hiểu, Trung tâm Y tế H. Phong Điền có công văn cho phép đoàn của Cty Đầu tư và thương mại Bách Gia (địa chỉ đóng tại Hà Nội) về việc tổ chức hội nghị tư vấn, KTSK và giới thiệu thực phẩm chức năng. Trong công văn này chỉ cho phép Cty này tổ chức hội nghị với những nội dung: nguyên nhân, cách phòng tránh một số bệnh thường gặp ở NCT; Chế độ ăn uống hợp lý, phương pháp sử dụng một số cây thuốc Nam quanh vườn nhà, KTSK theo phương pháp Y học cổ truyền cho hội viên Hội NCT; Tổ chức KTSK miễn phí tại các cơ sở y tế và giới thiệu thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, theo ghi nhận của P.V, đoàn này không hề tổ chức hội nghị, hội thảo mà trực tiếp về các làng, xã vùng sâu, vùng xa của các huyện A Lưới, Quảng Điền, Phong Điền, TX Hương Trà (TT-Huế) để khám bệnh rồi “ép” người dân mua thực phẩm chức năng. Ngoài ra, trong công văn yêu cầu, phải khám bệnh tại các cơ sở y tế nhưng đoàn đã không thực hiện, chỉ tổ chức khám tại các nhà sinh hoạt thôn hoặc HTX. Các thành viên trong đoàn không hề mặc quần áo theo quy định của cơ quan y tế. Nghiêm trọng hơn, đoàn còn tùy tiện bán thực phẩm chức năng sau khi khám bệnh, trong đó có nhiều trường hợp được vận động mua uống để chống tai biến. Bên cạnh đó, trong văn bản của Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh TT-Huế do Chi cục trưởng Nguyễn Ngọc Diễn ký ngày 6-11-2014, Đoàn sẽ báo cáo tại xã Lộc Vĩnh, H. Phú Lộc (TT-Huế) do bác sĩ Nguyễn Văn Hán (52 tuổi, trú Thanh Hóa) làm báo cáo viên nhưng đúng ngày này, đoàn lại tổ chức khám tại xã Phong Sơn, H. Phong Điền và không có sự xuất hiện của bác sĩ Hán.

Nhiều trẻ phải điều trị viêm da do bị kiến ba khoang cắn

Ngày 6/11, Sở Y tế Hà Nội có công văn khẩn gửi các đơn vị y tế dự phòng, cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập yêu cầu tăng cường giám sát, phát hiện và điều trị cho người bệnh bị viêm da do tiếp xúc với kiến ba khoang. Sở Y tế yêu cầu các Trung tâm Y tế Dự phòng cần đẩy mạnh việc giám sát sự xuất hiện của kiến ba khoang trên địa bàn thành phố và triển khai các biện pháp phòng chống cũng như giám sát các trường hợp viêm da tiếp xúc. Với các cơ sở điều trị cần tập huấn cho cán bộ y tế cách xử trí bệnh viêm da do tiếp xúc với kiến ba khoang, đồng thời chuẩn bị đủ trang thiết bị y tế, thuốc để tiếp nhận, chẩn đoán, điều trị cho người bệnh. Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ giữa tháng 10 đến nay tại Hà Nội xuất hiện nhiều trẻ bị kiến ba khoang cắn phải đến điều trị tại các bệnh viện. Tại Bệnh viện Nhi TƯ, số bệnh nhân đến bệnh viện khám viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang lên đến 10-20 bệnh nhân/ngày, nhiều trẻ em bị viêm da tiếp xúc rất nặng do nọc độc của kiến ba khoang, phải điều trị cả tuần mới ổn định

BV Bệnh nhiệt đới Trung ương: Diễn tập tiếp nhận, điều trị bệnh nhân nghi ngờ mắc Ebola

Hôm qua 7-11 Bộ Y tế phối hợp với BV Bệnh nhiệt đới Trung ương tổ chức diễn tập về công tác tiếp nhận, cách ly, điều trị bệnh nhân nghi mắc Ebola tại BV Bệnh nhiệt đới TƯ. Mới sáng ra BV đông kín người. Bệnh nhân thì ít, khách mời, trong đó đáng kể là phóng viên, thì nhiều. Hầu hết đều ngóng thời điểm "bệnh nhân” nghi nhiễm Ebola giả định xuất hiện. Y thật, chiếc xe cứu thương bất ngờ rú còi inh ỏi từ xa tiến vào khu đón tiếp. Xe vừa dừng bánh, một nhân trên mình vận trên người bộ đồ bảo hộ y tế kín mít, trắng toát nhanh nhẹn nhảy xuống từ cabin, chạy vòng ra sau mở cửa hậu. Trên chiếc cáng được đưa xuống, một "người bệnh” quần, áo, mũ, khẩu trang bảo hộ y tế xanh lét được đưa ngay vào phòng cách ly. Cũng y thật, phần lớn các nhà báo đều bị chặn ngay tại chân thang máy đảm bảo cách ly an toàn. Chỉ rất ít "phóng viên ruột” của ngành được phát áo bảo hộ blu trắng mới được cùng với lãnh đạo Bộ Y tế lên tầng theo cầu thang bộ. Cũng chẳng cần đợi lâu, sau cuộc "hội chẩn” chợp nhoáng của BV, tại hội trường, các phóng viên được xem luôn một băng video "do chúng tôi vừa hoàn thành” hoàn chỉnh từ đầu đến cuối cuộc diễn tập dài hơn 20 phút. Từ khi nhân viên Khoa Khám bệnh của BV này nhận được thông báo Sân bay Nội Bài đang chuyển 1 bệnh nhân nghi nhiễm Ebola đến BV bằng xe cứu thương đến việc tiếp nhận bệnh nhân, cách ly, khử khuẩn, cấp cứu, điều trị và xét nghiệm…, để cứu chữa và loại trừ nguy cơ nhiễm lây nhiễm ra cộng đồng. Băng hình chi tiết và hoàn hảo đến mức ông Masaya Kato, đại diện WHO phải thốt lên: Cuộc diễn tập đạt đến mức vô cùng chuyên nghiệp và bài bản. Chung nhận định như vậy, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên và Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long chỉ đạo những người thực hiện sao đoạn băng đó thành nhiều bản, phát cho các cơ sở y tế dùng làm cẩm nang phòng chống nhiễm vi rút Ebola từ nay về sau. Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế nhắc nhở các cơ sở y tế: Quan trọng nhất là khâu phòng hộ cá nhân. Cần chú ý nguyên tắc: Khẩu trang phải được cởi bỏ cuối cùng trước khi ra khỏi phòng cách ly. Hai là sau khi khử khuẩn bằng dung dịch cloramin 0,5-1% tại các khu đón tiếp và điều trị bệnh nhân cũng như các trang thiết bị y tế dùng trong ca bệnh này, phải đợi ít nhất 30 phút sau mới được sử dụng tiếp hoặc di chuyển. Để tránh lây lan ra cộng đồng, việc cách ly ít nhất 21 ngày không chỉ được thực hiện đối với người nhiễm vi rút Ebola mà còn được thực hiện với cả các nhân viên y tế. Nhất thiết cũng phải đạt được đến chừng ấy ngày, ông nhấn mạnh. Ông dẫn chứng một trong những nguyên nhân tạo thành công trong chiến dịch không chế dịch SARS năn 2003 là do toàn bộ nhân y tế được cách ly hoàn toàn, kể cả ăn ngủ… với cộng đồng trong hàng chục ngày diễn ra dịch. "Việc diễn tập hôm nay các đồng chí làm rất tốt rồi nhưng còn khâu giám sát, từ nơi tiếp đón, điều trị, cách ly đến công đoạn cuối cùng xử lý tử thi (nếu có), cũng phải được chú trọng và nhắc nhở thường xuyên để các nhân viên y tế thực hiện đúng quy định, quy trình y tế” - Thứ trưởng Long chỉ đạo. Ông cũng nhắc nhở các đại biểu của cơ sở y tế các địa phương, các ngành có mặt tại đây khi về cần tổ chức diễn tập và diễn tập lại cho cơ quan, đơn vị. "Chúng ta đã sẵn sàng đối phó hiệu quả với vi rút Ebola nếu dịch bệnh xảy ra” - Thứ trưởng Long lạc quan.

Chương trình tư vấn, hỗ trợ điều trị chấn thương thể thao

Lúc 8 giờ ngày 13-11, BV Hoàn Mỹ Đà Nẵng sẽ tổ chức Chương trình tư vấn, hỗ trợ điều trị phẫu thuật các chấn thương thể thao. Ngoài được tư vấn, người tham dự Chương trình còn được khám lâm sàng và thực hiện chụp X-quang 1 bộ phận miễn phí (dựa trên chỉ định của bác sĩ).

Hà Nội mới

Công an điều tra nghi án nhận hối lộ 2,2 triệu USD

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã chính thức vào cuộc điều tra nghi án Công ty Bio-Rad Laboratories của Mỹ hối lộ quan chức y tế Việt Nam để đổi lấy các hợp đồng. Thông tin từ truyền thông Mỹ cho thấy công ty này khai nhận đã hối lộ các quan chức trong ngành y tế của Việt Nam khoảng 2,2 triệu USD để đổi lấy các hợp đồng cung cấp trang thiết bị y tế và hóa chất cho bệnh viện ở Việt Nam. Theo tiến trình, cơ quan điều tra sẽ thông qua các cơ quan chức năng đề nghị với Đại sứ quán Mỹ và các cơ quan liên quan tại Mỹ cung cấp tài liệu để làm rõ những vi phạm pháp luật ở Việt Nam nếu có.  Tuy nhiên, do Việt Nam và Mỹ chưa có các thỏa thuận về tương trợ tư pháp nên nếu Mỹ có thiện chí cung cấp, hai bên sẽ phải làm việc thông qua con đường ngoại giao, áp dụng nguyên tắc có đi có lại để thực hiện. Trong trường hợp phía Mỹ vì lý do nào đó chưa thực hiện việc hỗ trợ, cung cấp tài liệu, cơ quan điều tra vẫn xác minh những thông tin này. Theo đó, cơ quan điều tra sẽ tìm hiểu những hợp đồng mua bán từ phía Bio-Rad Laboratories với các đơn vị ở Việt Nam, qua đó bóc gỡ những dấu hiệu nghi vấn để xác định có hay không việc đưa nhận hối lộ dưới hình thức khác nhau. Tuy nhiên, một lãnh đạo cơ quan điều tra cũng thừa nhận việc điều tra ngược này rất khó khăn, nhất là các hợp đồng này nếu có bôi trơn đều đã được hợp pháp hóa vào các mục chi phí dự án, hợp đồng đào tạo... Đó là chưa kể việc công ty này đã rút khỏi Việt Nam năm năm nay, những tài liệu liên quan để kiểm tra, xác minh càng ít. Mặc dù vậy, với nhiệm vụ của mình, cơ quan điều tra vẫn đang gấp rút vào cuộc. Theo đánh giá của một lãnh đạo cơ quan điều tra, trong các vụ việc phía nước ngoài đưa hối lộ cho quan chức tại Việt Nam, mỗi vụ việc đều có một tính chất, phương thức riêng. Do đó, việc điều tra mỗi vụ việc đều khác nhau và phụ thuộc vào tài liệu thu thập được. Chánh thanh tra Bộ Y tế Đặng Văn Chính xác nhận Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã bắt đầu làm việc với Bộ Y tế, bước đầu là làm việc với Vụ Trang thiết bị và công trình y tế. Cũng theo ông Chính, về nguyên tắc các công ty nước ngoài không có đại diện bán hàng tại Việt Nam mà chỉ có văn phòng đại diện như Bio-Rad sẽ không được bán hàng trực tiếp, không được tham gia đấu thầu cung cấp thiết bị y tế, hóa chất, sinh phẩm cho bệnh viện, mà phải thông qua một đại diện bán hàng. “Chúng tôi đang đề nghị Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, Cục Quản lý dược cung cấp danh sách bệnh viện đã mua thiết bị, sinh phẩm của Bio-Rad, các công ty đại diện bán hàng cho Bio-Rad là công ty nào để từ đó xác minh” - ông Chính cho biết. Theo ông Chính, Bộ Y tế đã có thư gửi Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam đề nghị phía Mỹ hỗ trợ cung cấp thông tin vụ Bio-Rad, nhưng “quan điểm của tôi coi thông tin vụ Bio-Rad từ báo chí Mỹ là một nguồn thông tin cần phải xác minh, tìm hiểu rõ ràng”.

Bộ Y tế tặng bằng khen các y, bác sĩ cứu chữa nạn nhân vụ rơi máy bay trực thăng

Sáng 7-11, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đến Viện Bỏng quốc gia thăm Thượng úy Ðinh Văn Dương, người duy nhất sống sót sau vụ máy bay trực thăng rơi ở Hòa Lạc. Bộ trưởng Y tế trao Bằng khen tặng tập thể, cá nhân đã hết lòng cứu chữa người bệnh trong suốt bốn tháng qua. Bộ trưởng cho biết, việc Thượng úy Ðinh Văn Dương sống sót sau vụ máy bay rơi không chỉ là niềm vui của gia đình người bệnh, mà của toàn ngành y tế, của quân đội và của toàn dân. Ca bệnh này thành công đã chứng tỏ sự phối hợp tốt trong lĩnh vực hồi sức, chống độc, chống nhiễm khuẩn, điều trị bỏng... Trong bốn tháng qua, các chuyên gia đầu ngành của Viện Bỏng quốc gia, Viện Quân y 103 và các bệnh viện: T.Ư Quân đội 108, Bạch Mai, Hữu nghị Việt - Ðức, Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư đã phối hợp chặt chẽ để cứu chữa người bệnh. Các bác sĩ cho biết, ở thời điểm nhập viện, Thượng úy Dương bị bỏng lửa tới 60%, bỏng hô hấp, đa chấn thương... Trong quá trình điều trị, rất nhiều lần tưởng như anh đã đầu hàng số phận bởi suy đa phủ tạng, suy hô hấp, nôn ra máu; hai lần ngừng tim; trải qua 17 lần phẫu thuật, tháo bỏ hai khớp gối, mười đầu ngón tay và phần da bị bỏng nặng tạm thời được ghép từ da đồng loại và màng sinh học... Nhưng cuối cùng, người bệnh đã vượt qua những tổn thương quá nặng nề, trong đó hôn mê gần 100 ngày. Ðến thời điểm hiện tại, Thượng úy Ðinh Văn Dương đã không phải thở máy, rút nội khí quản, tập ăn, tập uống và nói chuyện bình thường. Thời gian tới, Viện Bỏng quốc gia sẽ tiếp tục tập trung điều trị, phục hồi chức năng để sớm có thể hòa nhập cộng đồng.

Diễn tập về tiếp nhận, điều trị bệnh nhân nghi ngờ mắc Ebola

Sáng 7/11, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tổ chức diễn tập về công tác tiếp nhận, cách ly, điều trị bệnh nhân nghi mắc Ebola.Cuộc diễn tập diễn ra tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Theo kịch bản Diễn tập, nhân viên Khoa Khám bệnh của bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương nhận được thông báo Sân bay Nội Bài đang chuyển 1 bệnh nhân nghi nhiễm Ebola đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương bằng xe cứu thương. Sau khi nhận được điện báo, khu vực cách ly đã được hình thành và toàn bộ nhân viên và người bệnh phải di dời ra ngoài khu vực cách ly. Sau khi đã chuyển bệnh nhân lên Khoa Cấp cứu, nhân viên bệnh viện tiến hành phun khử khuẩn bề mặt cáng, dụng cụ vận chuyển và xe cứu thương, khử khuẩn cấu thang máy. Đồng thời chuẩn bị sẵn phương tiện liên lạc, phương tiện cấp cứu, thuốc cấp cứu để tại khu vực cách ly, phòng áp lực âm. Ngay khi người bệnh được chuyển lên Khoa cấp cứu, khẩn trương hỗ trợ chuyển bệnh nhân từ cáng cứu thương sang giường, xử trí cấp cứu ban đầu. Thực hiện y lệnh chăm sóc và điều trị. Theo dõi sát toàn trạng và kịp thời báo cáo diễn biến tình trạng của bệnh viện. Khi bệnh nhân tiến triển tốt lên và có 2 lần xét nghiệm Ebola âm tính thì bệnh viện có chuyển bệnh nhân sang phòng theo dõi. Khi bệnh nhân tử vong cho bệnh nhân vào 3 lớp túi nilon  đựng tử thi màu trắng, phun khử khuẩn toàn bộ bề mặt túi bằng dung dịch Cloramin 0,5%. Khử khuẩn và xử lý tử thi ngay trong vòng 24h sau khi tử vong bằng hỏa táng. Lập danh sách nhân viên bệnh viện đã tiếp xúc với bệnh nhân để giám sát và cách ly tại khu lưu trú tầng 7 của bệnh viện. Đến nay, công tác triển khai phòng chống dịch bệnh Ebola đã và đang được Bộ Y tế triển khai quyết liệt. Hiện Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm Ebola.

Hà Nội: Sốt xuất huyết đang gia tăng ở nội thành

Thông tin từ Sở Y tế ngày 7-11, tính từ đầu năm đến ngày 5-11, Hà Nội ghi nhận hơn 1.200 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Số mắc tuy giảm 38,2% so với cùng kỳ năm 2013 nhưng hiện lại đang có xu hướng gia tăng ở một số quận nội thành. Cụ thể, quận Đống Đa đã ghi nhận 260 ca mắc, Cầu Giấy 207 ca, Thanh Xuân 101 ca…Để chủ động phòng chống sốt xuất huyết, Sở Y tế vừa có công văn khẩn gửi Trung Tâm y tế dự phòng thành phố, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khoẻ, Trung tâm y tế các quận/ huyện/ thị xã và các cơ sở khám chữa yêu cầu tiếp tục triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, phun hoá chất diệt muỗi trưởng thành tại các ổ dịch, đồng thời giám sát các ca bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh và cộng đồng.

Số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng tại nội thành Hà Nội

Tính từ đầu năm đến ngày 5/11, Hà Nội ghi nhận 1.210 trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm 38,2% so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, theo Sở Y tế Hà Nội, hiện số ca mắc đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt là tại một số quận nội thành như: Đống Đa (260 ca), Cầu Giấy (207 ca), Thanh Xuân (101 ca)... Trước diễn biến trên, để chủ động phòng chống sốt xuất huyết, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng thành phố và Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã tiếp tục triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường thu gom phế thải, phế liệu, áp dụng các biện pháp diệt bọ gậy như thả cá, thau rửa dụng cụ chứa nước…; phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành tại các ổ dịch và phun hóa chất diện rộng đợt III tại các xã, phường có nguy cơ cao, tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy truyền bệnh sốt xuất huyết; giám sát các ca bệnh sốt xuất huyết tại các cơ sở khám chữa bệnh và cộng đồng. Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe thông tin, giáo dục, truyền thông với các hình thức đa dạng, phong phú, nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết như ngủ màn, vệ sinh môi trường, áp dụng biện pháp diệt bọ gậy; hướng dẫn các Trung tâm Y tế phối hợp với đài truyền thanh xã, phường, thị trấn phát thanh tuyên truyền các biện pháp phòng sốt xuất huyết. Các cơ sở khám chữa bệnh tổ chức khám sàng lọc, phát hiện kịp thời, điều trị tích cực cho người bệnh sốt xuất huyết, không để tử vong…

Ngày 10-11, Quốc hội thông qua phương án quản lý người nghiện

Tin từ Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và thống nhất sẽ đưa một số giải pháp theo kiến nghị của Chính phủ "về việc quản lý, cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc" lồng ghép trong Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015.
Như vậy, thay vì nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 được thông qua vào sáng 10-11, Quốc hội sẽ dành thêm thời gian thảo luận tờ trình Thủ tướng Chính phủ ký, gửi Quốc hội ngày 7-11 về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong vấn đề đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, xem xét, thông qua hai nội dung này vào chiều cùng ngày.

Nông thôn Ngày nay

Vụ chi BHYT “vô hình” ở Khánh Hòa: Chỉ 0,5% bảng kê KCB ngoại trú được ký xác nhận

Đó là kết luận tại biên bản làm việc của Thanh tra Sở Tài chính Khánh Hòa ngày 28.10 với Trung tâm Y tế TP.Nha Trang sau khi kiểm tra việc ký xác nhận bảng kê chi phí khám chữa bệnh của giám định viên Bảo hiểm y tế (GĐV BHYT) làm việc thường trực tại đây. Tại trung tâm y tế này có 2 GĐV BHYT (thuộc BHXH Khánh Hòa) làm việc thường trực với nhiệm vụ ký xác nhận các bảng kê chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT. Nhưng kiểm tra ngẫu nhiên một số hồ sơ KCB cho trẻ em dưới 6 tuổi chưa có thẻ BHYT các năm 2010 - 2013, đoàn thanh tra đã phát hiện ra rất nhiều bảng kê tính tiền chi phí KCB ở trung tâm này không có chữ ký của GĐV BHYT hoặc không ký mà chỉ đóng dấu tên. Cụ thể, giai đoạn 2010 - 2012, tại phòng khám số 1 đoàn đã kiểm tra ngẫu nhiên 359 bảng kê thì tất cả đều không có chữ ký của GĐV. Tại phòng khám số 2, kiểm tra 107 bảng kê chỉ có 10 bảng kê được ký tên GĐV Bùi Hoàng Thy. Tương tự, tại phòng khám số 3, trong số 68 bảng kê chỉ có 1 bảng kê có chữ ký của GĐV. Còn tại phòng khám số 4, tất cả 100 bảng kê được kiểm tra đều không có chữ ký xác nhận của GĐV; phòng khám số 5 thì chỉ có 3/106 bảng kê có chữ ký của GĐV. Kiểm tra tiếp sang thời gian gần đây, cuối năm 2013, đoàn thanh tra còn phát hiện ra sai phạm nghiêm trọng hơn trong công tác giám định BHYT, đặc biệt là đối với bệnh nhân KCB ngoại trú. Kiểm tra ngẫu nhiên 1.906 bảng kê chi phí KCB ngoại trú tại phòng khám số 2 trong 12 ngày cuối tháng 10 và đầu tháng 11, thì tất cả các bảng kê này đều không có chữ ký của GĐV BHYT. Tổng hợp buổi làm việc, đoàn đã kiểm tra tổng cộng 2.821 bảng kê thì các bảng kê KCB nội trú đều ký, ghi rõ họ tên của GĐV. Nhưng đối với bệnh nhân KCB ngoại trú thì chỉ có vẻn vẹn 14 bảng kê được GĐV ký xác nhận. Như vậy, chỉ có 0,5% bảng kê chi phí KCB cho bệnh nhân ngoại trú được GĐV BHYT ký xác nhận. Ngoài ra, còn rất nhiều sai sót khác trong nhập dữ liệu của nhân viên y tế cũng như GĐV BHYT, ví như: Bệnh nhân Nguyễn Thị Hiền sinh năm 2010, khám bệnh 7 lần nhưng lúc thì ghi sinh năm 2007, 2005, 2011, thậm chí chi phí KCB cho người lớn cũng được kê trong danh sách này. (Nông thôn Ngày nay trang 6)

Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế

Bộ Y tế diễn tập cách ly, điều trị bệnh nhân mắc Ebola tại BV Bệnh nhiệt đới TW

Sáng 7/11, Bộ Y đã tổ chức diễn tập về công tác tiếp nhận, cách ly, điều trị bệnh nhân nghi ngờ mắc Ebola tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Tới dự và chỉ đạo buổi diễn tập có PGS. TS Nguyễn Thị Xuyên – Thứ trưởng Bộ Y tế, GS. TS Nguyễn Thanh Long – Thứ trưởng Bộ Y tế, đại diện các Vụ/Cục, đại biểu của các đơn vị y tế bộ, ngành, các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội và đại diện các Sở Y tế, lãnh đạo các bệnh viện của 26 tỉnh thành khu vực phía Bắc. Tại buổi diễn tập, các đại biểu tham dự đã được xem diễn tập về công tác điều hành, các quy trình từ khi tiếp nhận người bệnh, vận chuyển, cách ly, theo dõi, chăm sóc, lấy mẫu xét nghiệm, xét nghiệm, khử khuẩn cơ sở vật chất, phòng bệnh, chất thải tiết, mẫu máu của người bệnh nghi nhiễm Ebola để từ đó có thể áp dụng diễn tập tại đơn vị mình để có thể hạn chế đến mức thấp nhất lây nhiễm Ebola trong cơ sở khám, chữa bệnh. Theo kịch bản diễn tập được Bộ Y tế xây dựng, vào sáng 7/11, nhân viên Khoa Khám bệnh của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương nhận được thông báo Sân bay Nội Bài đang chuyển một bệnh nhân nghi nhiễm Ebola đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương bằng xe cứu thương. Ngay sau khi nhận được điện báo, bác sỹ trực bệnh viện đã báo cáo ngay lãnh đạo Khoa khám bệnh và báo trực bảo vệ ra hướng dẫn xe cứu thương chở bệnh nhân nghi Ebola và dải băng đỏ để hình thành khu vực cách ly Ngay lập tức lãnh đạo bệnh viện gọi điện chỉ đạo các bộ phận liên quan tiến hành phân luồng và di dời bệnh nhân chờ khám tại phòng khám ra ngoài khu vực cách ly (ngoài dải băng vàng). Sau khi nhận được điện báo, khu vực cách ly đã được hình thành và toàn bộ nhân viên và người bệnh phải di dời ra ngoài khu vực cách ly.Sau khi các bác sỹ bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân và chuyển bệnh nhân lên Khoa Cấp cứu, nhân viên bệnh viện tiến hành phun khử khuẩn bề mặt cáng, dụng cụ vận chuyển và xe cứu thương, khử khuẩn cầu thang máy. Đồng thời chuẩn bị sẵn phương tiện liên lạc, phương tiện cấp cứu, thuốc cấp cứu để tại khu vực cách ly, phòng áp lực âm. Ngay khi người bệnh được chuyển tới Khoa Cấp cứu, các bác sỹ xử trí cấp cứu ban đầu, thực hiện y lệnh chăm sóc và điều trị và theo dõi sát toàn trạng và kịp thời báo cáo diễn biến tình trạng của bệnh viện. Khi bệnh nhân tiến triển tốt lên và có hai lần xét nghiệm Ebola âm tính, các bác sỹ chuyển bệnh nhân sang phòng theo dõi. Tình huống diễn tập cũng đã đưa ra tình huống, khi bệnh nhân trên tử vong nhân viên y tế tiến hành cho bệnh nhân vào 3 lớp túi nilonđựng tử thi màu trắng, phun khử khuẩn toàn bộ bề mặt túi bằng dung dịch Cloramin 0,5% và khử khuẩn, xử lý tử thi ngay trong vòng 24 giờ sau khi tử vong bằng hỏa táng. Sau đó, bệnh viện tiến hành lập danh sách nhân viên bệnh viện đã tiếp xúc với bệnh nhân để giám sát và cách ly tại khu lưu trú tầng 7 của bệnh viện. Kết thúc buổi diễn tập, đại diện Bộ Y tế cho biết, đến nay, công tác triển khai phòng chống dịch bệnh Ebola đã và đang được Bộ Y tế triển khai quyết liệt. Hiện Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm Ebola. Sau buổi diễn tập Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các cơ sở khám chữa bệnh triển khai tổ chức tập huấn cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh do virus Ebola cho các cơ sở khám chữa bệnh bao gồm cả công lập và tư nhân. Các đơn vị trên cũng cần chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, trang thiết bị, hậu cần cho phòng chống bệnh do vi rút Ebola, có phương áp mở rộng khu cách ly khi cần thiết theo các tình huống của dịch, tổng hợp đề xuất, báo cáo với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố hỗ trợ nguồn lực để bảo đảm các điều kiện phòng chống dịch, đặc biệt là các trang thiết bị, thuốc, sinh phẩm đáp ứng yêu cầu theo hướng dẫn. Các bệnh viện tỉnh tổ chức diễn tập phòng chống bệnh dịch do virus Ebola, luyện tập sử dụng trang phục phòng hộ cá nhân đúng cách./.

Bộ Y tế tặng bằng khen cho y bác sỹ Viện bỏng Quốc cứu chữa bệnh nhân vụ trực thăng rơi

Sáng ngày 7/11, Bộ trưởng Bộ Y tế đã đến thăm Thượng úy Đinh Văn Dương - người duy nhất sống sót sau vụ máy bay trực thăng rơi ở Hòa Lạc, tại Viện bỏng Quốc gia. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng trao tặng bằng khen cho tập thể, các cá nhân đã hết lòng cứu chữa người bệnh trong suốt bốn tháng qua. Bộ trưởng cho biết, việc Thượng úy Đinh Văn Dương sống sót sau vụ máy bay rơi không chỉ là niềm vui của gia đình người bệnh, mà của toàn ngành y tế, của quân đội và của toàn dân. Ca bệnh này thành công đã chứng tỏ sự phối kết hợp tốt trong lĩnh vực hồi sức, chống độc, chống nhiễm khuẩn, điều trị bỏng. Đây cũng là thành quả của sự phối hợp quân-dân y. Trong bốn tháng qua, các chuyên gia đầu ngành của viện Bỏng quốc gia, viện Quân y 103, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Viện Huyết học & Truyền máu Trung ương đã phối hợp để chăm sóc, giành giật sự sống cho người bệnh. Bộ trưởng chia sẻ “Tôi trân trọng, đánh giá rất cao tinh thần, trách nhiệm, tình yêu thương của đội ngũ y bác sỹ đã nỗ lực cứu sống bệnh nhân. Thành công này là sự nỗ lực của toàn ngành, là sự phối hợp quân dân y trong suốt 4 tháng qua,”. Tiến sỹ Nguyễn Hải An - Trưởng khoa hồi sức cấp cứu cho hay, ở thời điểm nhập viện, đồng chí Dương bị bỏnglửa tới 60%, bỏng hô hấp, đa chấn thương… Đặc biệt, trong quá trình điều trị đã không biết bao lần tưởng như anh đã đầu hàng số phận bởi suy đa phủ tạng, suy hô hấp, nôn ra máu. Nhưng cuối cùng, điều kỳ diệu đã đến, anh thoát qua cửa tử một cách ngoạn mục. Thiếu tướng Nguyễn Gia Tiến - Giám đốc Viện Bỏng Quốc gia đánh giá, trường hợp đồng chí Dương bình phục sau gần 4 tháng điều trị bỏng sâu, rộng, bỏng hô hấp, đa chấn thương, hội chứng sóng nổ là một kỳ tích. “Bệnh nhân đã vượt qua cửa tử kỳ diệu sau những thương tổn quá nặng nề, hôn mê gần 100 ngày. Có những lúc bệnh nhân tưởng như phải đầu hàng số phận bởi nôn ra máu ồ ạt, suy 4-5 phủ tạng… nhưng cuối cùng điều kỳ diệu cũng đã đến,” thiếu tướng Tiến cho hay. Giám đốc Viện Bỏng Quốc gia đánh giá, đây là thành công chung của tập thể toàn ngành y tế, của sự phối hợp quân-dân y. Thời gian tới, bệnh viện sẽ tiếp tục tập trung điều trị, phục hồi chức năng để sớm nhất đồng chí Dương có thể hòa nhập cộng đồng.

VietnamPlus

Lào Cai: Cứu sống bé sơ sinh bị nhiễm trùng uốn ván nặng

Ngày 7/11, bác sỹ Hồ Thị Kim Hoa, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Lào Cai cho biết bệnh viện vừa điều trị thành công cho một bé sơ sinh bị nhiễm trùng uốn ván hết sức nguy kịch. Bệnh nhi tên là Giàng A Cương, sinh ngày 29/9/2014, dân tộc Mông, trú tại xã Na Pán, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Mẹ của bé chuyển dạ tại khu nhà trọ của công nhân ở huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai). Sau khi sinh, bố của bé đã tự lấy cật nứa ở vườn cắt dây rốn cho bé. 2 ngày sau khi sinh, bé Cương bỏ bú, sốt cao liên tục, được đưa đến Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Lào Cai trong tình trạng toàn thân co cứng, co giật mạnh khi kích thích, ngừng thở dài, tím toàn thân, miệng chúm chím, khóc bé, rốn ướt và có mùi hôi. Tại bệnh viện, các bác sỹ đã điều trị bằng các thuốc huyết thanh chống uốn ván, tiến hành đặt nội khí quản và thở máy, tiêm thuốc an thần vào tĩnh mạch 8 lần/ngày, truyền dịch kháng sinh điều trị nhiễm trùng. Trong quá trình nằm viện, bé bị cấp cứu ngừng tim ngừng thở nhiều lần, co giật liên tục, sốt cao đờm nhiều. Hiện tại, sau một tháng điều trị tích cực, bệnh nhi đã hoàn toàn khỏe mạnh, khóc to, bú tốt, hết giật, được về với mẹ và có thể xuất viện. Theo bác sỹ Hồ Thị Kim Hoa, tập quán sinh đẻ tại nhà của những gia đình dân tộc thiểu số, vùng cao, vùng sâu của tỉnh Lào Cai cũng như một số tỉnh miền núi lân cận dễ dẫn đến tai biến cho cả mẹ và bé. Trẻ sơ sinh có thể bị ngạt chết, nhiễm trùng máu, uốn ván rốn... Người mẹ có thể bị băng huyết, vỡ tử cung... dẫn đến tử vong do cách xa các cơ sở y tế. Trên thực tế, khi sinh tại nhà, nhiều gia đình thường dùng dao, kéo không tiệt khuẩn và lấy dây lanh, sợi chỉ buộc rốn cho trẻ sau khi sinh. Trường hợp bệnh nhi Giàng A Cương, người mẹ đã không tiêm phòng uốn ván trong quá trình mang thai. Đây là những lý do khiến nhiều trẻ phải cấp cứu tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Lào Cai do tai biến sau sinh. Hiện Khoa sơ sinh của bệnh viện cũng đang điều trị cho hai trường hợp bị nhiễm trùng máu do sinh tại nhà là bé Vàng A Dương (huyện Bảo Thắng) và Chu Giá Hờ (huyện Bát Xát). Theo các chuyên gia y tế, uốn ván ở trẻ sơ sinh rất nguy hiểm, các bệnh viện ở cơ sở gặp khó khăn khi cứu chữa do thiếu thốn về phương tiện. Trong một số trường hợp, bệnh uốn ván dù được chữa khỏi nhưng vẫn có nguy cơ để lại những di chứng nguy hiểm cho trẻ về thần kinh vì thiếu oxy não, hẹp đường thở (do thở máy lâu dài)…/.

Cao Bằng: Trên 1.000 người nghèo được khám, cấp thuốc miễn phí

Triển khai chương trình khám, chữa bệnh nhân đạo và chăm sóc sức khỏe cộng đồng năm 2014, đoàn y, bác sỹ trẻ của Bệnh viện Hữu nghị đã tổ chức hoạt động khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 1.000 lượt đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng. Chương trình với chủ đề “Chung sức hành động vì sức khỏe cộng đồng” là hoạt động phối hợp giữa Bộ Y tế, Trung ương Hội Chữ thập Đỏ, Trung ương Hội thầy thuốc trẻ và Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam giai đoạn 2014-2017. Thông Nông là một trong số các huyện nghèo nhất nước, với đa số đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng định cư, đời sống còn nhiều khó khăn. Hệ thống bệnh viện, trạm y tế chưa được đầu tư đồng bộ hiện đại, cộng thêm trình độ y bác sỹ còn hạn chế, quá trình khám chữa bệnh chưa đạt cao. Hơn 30 cán bộ y, bác sỹ có trình độ chuyên môn cao đã tiến hành tư vấn, khám lâm sàng toàn diện và cấp thuốc miễn phí trị giá hơn một trăm triệu đồng. Qua quá trình khám bệnh cho thấy, đa số người dân bị các chứng bệnh thoái hóa cột sống, gan, sỏi thận. Đợt khám chữa bênh nhân đạo này của đoàn bác sỹ Bệnh viện Hữu Nghị đã giúp những người nghèo khó khăn cải thiện sức khỏe, cách phòng tránh bệnh tật. Nhân dịp này, đoàn còn trao 10 phần quà cho các gia đình chính sách đặc biệt, tặng hàng chục thiết bị y tế hiện đại, thuốc chữa bệnh cho Đồn biên phòng Cần Yên. Tới đây, Đoàn y, bác sỹ trẻ thuộc Bệnh viện Hữu nghị sẽ tiếp tục khám chữa bệnh tại hai huyện nghèo khác của tỉnh Cao Bằng là Bảo Lâm, Bảo Lạc./.

Việt Nam có khoảng 5 triệu bệnh nhân đang bị suy thận mãn

Ngày 7/11, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang đã diễn ra Hội nghị khoa học thận nhân tạo với sự tham dự của các giáo sư-tiến sỹ, chuyên gia đầu ngành cùng lãnh đạo các bệnh viện đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước và ngành y tế tỉnh Bắc Giang. Tại hội nghị, bác sĩ Nguyễn Văn Đồng - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang nêu rõ, hiện nay những người mắc bệnh thận mãn tính ngày một gia tăng đòi hỏi chúng ta phải có chiến lược, kế hoạch cụ thể trong điều trị, dự phòng cũng như quản lý tốt các bệnh mãn tính nhằm hạn chế tiến triển, giảm nguy cơ tử vong và gánh nặng kinh tế trong điều trị bệnh mãn tính giai đoạn cuối. Theo thống kê của Hội Thận học thế giới, trên thế giới có hơn 500 triệu người đang có vấn đề bệnh lý mãn tính ở thận. Nguyên nhân chủ yếu là do các bệnh lý tại thận, tăng huyết áp và đái tháo đường. Tiến triển của bệnh thận mãn tính sẽ dẫn đến suy thận mãn tính, làm mất chức năng thận và phải dùng các biện pháp điều trị thay thế thận như lọc máu, ghép thận. Khoảng 1,5 triệu người bệnh trên thế giới đang sống nhờ các biện pháp thay thế. Tại Việt Nam chưa có số liệu thống kê chính thức song ước tính có khoảng 5 triệu người bị suy thận và hàng năm có khoảng 8.000 ca bệnh mới. Khó khăn lớn nhất của các bệnh viện tuyến tỉnh trong việc điều trị các bệnh nhân bị thận là thiếu đội ngũ cán bộ chuyên ngành, trang thiết bị kỹ thuật cao, kinh phí, hóa chất... Theo Chủ nhiệm Khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai, thận nhân tạo là phương pháp lọc máu ngoài cơ thể hiện đại, hữu hiệu nhưng tốn kém. Trong những năm gần đây, phương pháp điều trị này có nhiều tiến bộ, cứu sống được nhiều người bệnh suy thận cấp, kéo dài cuộc sống cũng như nâng cao chất lượng sống cho người bệnh suy thận mãn tính giai đoạn cuối. Do vậy, hiện trên thế giới thận nhân tạo chu kỳ vẫn là một trong ba phương pháp được người bệnh chọn lựa trong điều trị suy thận mãn tính giai đoạn cuối. Tại hội nghị các chuyên gia đã trình bày nhiều tham luận, kết quả nghiên cứu mới nhất về thực trạng bệnh thận, phương pháp điều trị, trong đó có phương pháp lọc màng bụng, lọc máu thận nhân tạo và ghép thận tại Việt Nam cũng như trên thế giới./.

WHO: Có thể còn 5.000 bệnh nhân Ebola chết chưa được thống kê

Theo thông báo chính thức của WHO, tính đến nay, đã có 4.818 người tử vong trong tổng số 13.042 người ở khu vực Tây Phi nhiễm dịch Ebola. Tuy nhiên, một chuyên gia của WHO cảnh báo rằng có thể vẫn còn hàng nghìn người chết do dịch Ebola tại châu Phi chưa được thống kê. Phát biểu trước báo giới, Giám đốc chiến lược của WHO, ông Christopher Dye cho biết nếu dựa nghiên cứu trước đó của y học nói rằng tỷ lệ tử vong do nhiễm dịch Ebola có thể lên đến 70%, hiện có khoảng 5.000 nạn nhân khác chưa được thống kê. Ngoài ra, theo ông Dye, có nhiều trường hợp người dân tự đưa nạn nhân đi chôn cất để tránh sự can thiệp của nhà chức trách, hoặc không muốn từ bỏ những hủ tục như "tắm hoặc sờ" vào người quá cố, một trong những yếu tố được cho là nguyên nhân truyền dịch. WHO ngày 6/11 đã hoan nghênh Thụy Sĩ tiến hành đợt thử nghiệm thứ hai vắcxin phòng chống virus Ebola, khẳng định đây là nỗ lực không ngừng của thế giới trong cuộc chiến chống dịch bệnh nguy hiểm đã cướp đi sinh mạng của gần 5.000 người này. Theo giới chức Thụy Sĩ, vắcxin VSV-ZEBOV, do Cơ quan y tế cộng đồng của Canada phát triển, dựa vào cấu trúc virus gây viêm loét miệng, một bệnh thường xuất hiện ở động vật. Virus này bị làm yếu đi và biến đổi gen di truyền để tạo ra "glycoprotein" có trong chủng virus Ebola Zaire (ZEBOV), được phát hiện lần đầu tiên năm 1976 ở Cộng hòa Congo, từ đó kích thích phản ứng miễn dịch chống lại chủng virus Ebola hiện nay. Vắcxin ZEBOV sẽ được Viện đại học Geneva thử nghiệm trên 115 tình nguyện viên tại Geneva. Sau khi vắcxin VSV-ZEBOV được thử độ an toàn và khả năng phản ứng miễn dịch, kết quả sẽ được thông báo vào tháng 12/2014. Ngoài Thụy Sĩ, vắcxin VSV-ZEBOV cũng đang được thử nghiệm tại Mỹ và sắp tới sẽ được thử nghiệm ở Đức, GabonKenya. Nếu đạt kết quả tốt, các đợt thử nghiệm với quy mô lớn hơn sẽ được tiến hành ở một số nước châu Phi vào tháng 1/2015. Mặc dù cho đến nay, số người nhiễm và tử vong do dịch Ebola có phần giảm, song nỗ lực phòng chống dịch dưới nhiều hình thức đang gặp nhiều khó khăn. Tại các nước nằm trong vùng tâm dịch, như Guinea, Liberia và Sierra Leone, tình trạng thiếu giường bệnh, nhân viên y tế và các phương tiện, thuốc men điều trị chưa được giải quyết trong bối cảnh dịch bệnh Ebola vẫn có nguy cơ lây lan trên diện rộng tại các quốc gia này. Ngày 6/11, tại trụ sở chính ở New York (Mỹ), Ban Thư ký Liên hợp quốc đã tổ chức họp báo về diễn biến của dịch bệnh Ebola, đang hoành hành tại một số quốc gia ở Tây Phi. Trước thực trạng người nhiễm dịch vẫn tiếp tục tăng mặc dù không ở mức báo động như trước, đại diện WHO khẩn thiết kêu gọi sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế nhằm tăng thêm các nhóm thày thuốc tới giúp những quốc gia trên dập dịch và điều trị cho các nạn nhân. Thư ký báo chí của UN cho biết hiện có hai nhóm chuyên gia y tế quốc tế đang làm việc ở Guinea, trong khi nhu cầu thực tế phải cần ít nhất năm nhóm. Tương tự, tại Liberia mới chỉ có ba nhóm chuyên gia, đáp ứng chưa tới 25% nhu cầu thực tế, và ở Sierra Leone mới chỉ có năm nhóm, thiếu 10 nhóm so với yêu cầu của quốc gia này. Trong khi đó, phát biểu trước báo giới, đại diện WFP đánh giá cao sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế đối với các nạn nhân Ebola, giúp các nước đang có dịch khắc phục được những khó khăn đáng kể trong việc điều trị cho các bệnh nhân và dập dịch. Theo WFP, các nước này đang cần nhiều hơn nữa sự giúp đỡ nhanh chóng và hiệu quả từ các quốc gia thành viên Liên hợp quốc. WFP kêu gọi tổ chức một chiến dịch viện trợ nhân đạo trên quy mô lớn, giúp các quốc gia đang chống chọi với dịch bệnh Ebola ở khu vực Tây Phi, từ thuốc men, dụng cụ y tế, lương thực, thực phẩm tới xây dựng thêm các cơ sở y tế, cung cấp các phương tiện vận chuyển bệnh nhân.../.

Pháp luật Tp. Hồ Chí Minh

Bác sĩ được kê đơn riêng thực phẩm chức năng

Đó là một trong những nội dung của dự thảo thông tư quản lý thực phẩm chức năng vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đưa ra lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp. Dự thảo này do Bộ Y tế soạn thảo, quy định bác sĩ khám, chữa bệnh được quyền hướng dẫn sử dụng thực phẩm chức năng cho người bệnh nhưng phải kê đơn riêng, không kê đơn cùng thuốc hoặc các sản phẩm khác. Doanh nghiệp phải công bố công dụng của sản phẩm đúng với bản chất; không sử dụng tên bệnh làm tên sản phẩm; không được ghi chỉ định điều trị bất kỳ bệnh cụ thể nào...Sản phẩm thực phẩm chức năng chứa hàm lượng vitamin hay khoáng chất từ 10% đến 25% nhu cầu ăn vào hằng ngày của người Việt Nam thì được ghi nhãn có vitamin hoặc khoáng chất đó trong sản phẩm. Nếu hàm lượng vượt 25% thì được dùng từ “giàu” (ví dụ giàu vitamin C, giàu canxi...). Nếu hàm lượng vượt 100% thì phải chỉ ra đối tượng sử dụng phù hợp.

VOV

Bệnh tay chân miệng diễn biến phức tạp tại Bình Thuận

Năm nay, bệnh tay chân miệng tại Bình Thuận tăng cao và trong tháng 10 tăng đột biến với 178 trường hợp. Hiện nay, bệnh tay chân miệng tại Bình Thuận đang tăng cao, diễn biến phức tạp và đã có trường hợp tử vong. Một số bệnh viện ở tỉnh này đã quá tải bệnh nhân mắc bệnh này. Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Thuận, tính đến nay, tỉnh này có trên 600 trường hợp nhiễm bệnh tay chân miệng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có 1 ca tử vong. Những địa bàn có số ca mắc cao là thành phố Phan Thiết với 164 trường hợp và 1 ca tử vong, thị xã La Gi với 119 trường hợp, huyện Hàm Thuận Bắc với 120 trường hợp. Năm nay, bệnh tay chân miệng tại Bình Thuận tăng cao và trong tháng 10 tăng đột biến với 178 trường hợp. Số ca bệnh tăng cao đã dẫn đến tình trạng quá tải tại một số bệnh viện trong tỉnh. Một số trường hợp bệnh nặng, nguy cơ xảy ra biến chứng và đe dọa tính mạng cao nên Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận đã phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên điều trị. Bác sĩ Dương Thị Lợi, Phó khoa Nhiễm, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận cho biết: “Năm nay, bệnh tay chân miệng tăng đột biến và thành dịch. Vì quá tải nên một giường nằm 2 - 3 bé và hành lang phải kê thêm giường, ghế bố và thậm chí cho thêm cả võng”. Số trẻ mắc bệnh tay chân miệng ở Bình Thuận chủ yếu dưới 5 tuổi, đặc biệt có đến 80% trẻ từ 1 đến 3 tuổi. Năm 2014 được coi là năm dịch tay chân miệng bùng phát theo chu kỳ. Cùng với đó, thời tiết diễn biến bất thường và một số phụ huynh còn chủ quan trong việc phòng bệnh cho trẻ. Đây là những nguyên nhân chính khiến dịch bệnh này bùng phát. Hiện nay, các ngành chức năng của địa phương đang tăng cường nhiều biện pháp để kiểm soát dịch bệnh tay chân miệng. Bác sĩ Nguyễn Châu, Phó khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vaccine sinh phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng Bình Thuận cho biết Trung tâm đã xây dựng kế hoạch triển khai xuống huyện, các nhà trẻ, mẫu giáo để tăng cường công tác phòng chống bệnh này. Tuy bệnh tay chân miệng đã có dấu hiệu giảm dần, nhưng hiện nay thời tiết thay đổi thất thường, ngành Y tế Bình Thuận khuyến cáo các bậc phụ huynh và các điểm trường mầm non cần tăng cường vệ sinh phòng bệnh cho trẻ. Nếu phát hiện trẻ có dấu hiệu chán ăn, lở loét trong miệng, xuất hiện nốt phỏng nước ở bàn tay, chân, mông, đầu gối thì cần giữ vệ sinh, tăng dinh dưỡng nhằm tăng sức đề kháng cho trẻ và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời./.

Thụy Sỹ phê chuẩn thử nghiệm lần 2 đối với vaccine phòng chống Ebola

Việc thử nghiệm vaccine phòng chống Ebola quy mô lớn sẽ được tiến hành tại các nước Châu Phi đầu năm tới. WHO ngày 6/11hoan nghênhgiới chức Thụy Sỹ phê chuẩn việc thử nghiệm lâm sàng lần 2 đối với Vaccine phòng chống virus Ebola tại quốc gia này. Vaccine mới có tên gọi VSV-ZEBOV, do cơ quan y tế Canada phát triển, dựa trên một loại virus gây bệnh mụn nước trên động vật. Virus này đã được làm suy yếu và được biến đổi gen để tạo ra phản ứng miễn dịch chống lại virus Ebola. Theo cơ quan phụ trách dược phẩm của Thụy Sỹ (Swissmedic), vaccine VSV-ZEBOV sẽ được thử nghiệm với khoảng 115 tình nguyện viên tại Geneva. Quá trình này do bệnh viện đại học Geneva quản lý và điều hành. Việc thử nghiệm các liều vaccine đầu tiên sẽ được tiến hành vào tuần tớivà kết quả dự kiến được báo cáo vào tháng 12 tới đây. Hiện tại, vaccine VSV-ZEBOV cũng đang được thử nghiệm đối với các tình nguyện viên y tế tại Mỹ và sắp tới có thể được triển khai tại Đức, Gabon, Kenya. Trước đó, Thụy Sỹ đã tiến hành thử nghiệm vaccine chống Ebola ChAd3 tại bang Lausanne cuối tháng 10./.

Phụnữ

Phẫu thuật trường hợp tinh hoàn nằm trong ổ bụng và bẹn

Ngày 6/11, thông tin từ Bệnh viện đa khoa trung ương Cần Thơ cho biết, bệnh viện này đã phẫu thuật nội soi thành công trường hợp tinh hoàn ẩn hiếm gặp: tinh hoàn nằm trong ổ bụng và bẹn. Trước đó, ngày 4/11, bệnh nhân N.T.P. (26 tuổi, ngụ xã Hòa Thịnh, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) nhập viện với tình trạng không có tinh hoàn trong trong bìu. Sau khi được bác sĩ khám và siêu âm thì phát hiện tinh hoàn phải nằm trong ổ bụng và tinh hoàn trái nằm ở bẹn. Ngay hôm sau, bệnh nhân được phẫu thuật nội soi hạ tinh hoàn ẩn trong ổ bụng xuống bìu phải và mổ hở hạ tinh hoàn ở bẹn xuống bìu trái. Hiện, sức khỏe bệnh nhân ổn định.

Công an Tp. Hồ Chí Minh

TP.Hồ Chí Minh: Sốt xuất huyết đang ở đỉnh dịch

Ngày 5-11, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.Hồ Chí Minh cho biết, bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng đang có sự gia tăng theo mùa. Trong đó, bệnh sốt xuất huyết đang ở đỉnh cao theo chu kỳ hằng năm và bệnh tay chân miệng cũng đang ở ngưỡng cao do vẫn còn ở đỉnh dịch thứ hai trong năm. Số liệu của Trung tâm Y tế dự phòng TP.Hồ Chí Minh cho thấy, chín tháng đầu năm 2014, bệnh sốt xuất huyết có 3.150 ca; trong đó có 5 người chết do sốt xuất huyết, tăng 1 ca so với cùng kỳ năm 2013. Riêng trong tháng 10-2014, số trường hợp nghi sốt xuất huyết lên đến 1.074 ca. Tại một số quận, huyện như: quận 7, 12, Hóc Môn, Bình Chánh, Bình Tân..., bệnh sốt xuất huyết có xu hướng tăng cao và dự báo diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Chín tháng đầu năm 2014, số người bị bệnh tay chân miệng tại TPHCM là 5.382 ca, trong đó có 1 ca chết. Chỉ tính riêng trong tháng 10 vừa qua, số người nghi bị bệnh tay chân miệng lên đến 1.125 ca, tăng 59% so với tháng 10-2013. Trong hai tuần cuối tháng 10, số ca bệnh đang giảm dần nhưng vẫn còn ở mức cao, nhất là tại quận 7, 3, 12, Bình Thạnh, Tân Phú...Trong hai tháng cuối của năm 2014, thành phố sẽ tập trung đẩy mạnh điều tra dịch tễ để nhận định chính xác nhất tình hình dịch bệnh xảy ra ở từng phường, xã; xử lý ổ dịch đúng kỹ thuật và bao phủ diện rộng, kiểm soát đầy đủ các yếu tố lây nhiễm.

Ngày hội “Mỗi giọt máu cho đi một cuộc đời ở lại”

Sáng 8-11, Trung tâm Công tác xã hội Thanh niên TP.HCM phối hợp cùng Bệnh viện Truyền máu huyết học TP tổ chức ngày hội hiến máu tình nguyện với chủ đề “Mỗi giọt máu cho đi một cuộc đời ở lại”, thu hút đông đảo các bạn trẻ tham gia. Ngày hội đã thu về 114,5 đơn vị máu từ các bạn sinh viên, nhân viên, thành viên các nhóm từ thiện… Trong năm 2014, Trung tâm Công tác xã hội Thanh niên TP.HCM đã trực tiếp tổ chức 5 ngày hội hiến máu tình nguyện và đạt được hơn 800 đơn vị máu. Đến với ngày hội, bạn Hà Phi Hoàng Long (27 tuổi, nhân viên văn phòng) cho biết: “Tôi thấy hiến máu là một hoạt động từ thiện mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc và đây là lần thứ 6 tham gia hoạt động tình nguyện này”. Còn bạn Nguyễn Thanh Nhi, sinh viên năm nhất ĐH Tôn Đức Thắng chia sẻ: “Em chưa từng đi hiến máu nên khi thấy trường đăng thông tin hoạt động này nên em rủ bạn cùng tham gia”. Trong khi đó, bạn Lê Nguyễn Anh Thư và Đào Nguyễn Phương Uyên (cả hai đều là sinh viên ngành ngôn ngữ Nhật, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) biết thông tin ngày hội thông qua một trang mạng xã hội nên cùng rủ nhau đi hiến máu. “Do lần đầu tiên đi hiến máu nên em hơi run nhưng em cảm thấy hạnh phúc vì mình làm được một việc ý nghĩa”, bạn Anh Thư tâm sự. Anh Võ Quốc Bình – cán bộ Trung tâm CTXH TN TP cho biết: “Đây là hoạt động mang ý nghĩa chia sẻ và cứu sống những bệnh nhân đã không may gặp những trắc trở về máu và có nhu cầu. Đặc biệt là những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời đáp ứng một phần nhu cầu máu để hỗ trợ kịp thời cho người bệnh cần truyền máu tại các bệnh viện”.

VTV

Bộ Y tế hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh do virus Ebola

Bộ Y tế vừa ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh do virus Ebola. Trong đó nêu rõ các triệu chứng lâm sàng, hình thức lây truyền, đối tượng có nguy cơ mắc bệnh... Hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh đặc hiệu với virus Ebola, không có điều trị đặc hiệu mà chủ yếu là điều trị hỗ trợ. Các ca bệnh nghi ngờ đều phải được khám tại bệnh viện, cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm gửi làm xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán bệnh. Hướng dẫn của Bộ Y tế chỉ rõ về triệu chứng lâm sàng: Thời gian ủ bệnh từ 2-21 ngày (trung bình từ 4-10 ngày), với các triệu chứng thường gặp bao gồm: sốt cấp tính, đau đầu, đau mỏi cơ, nôn/buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, viêm kết mạc, phát ban: ban đầu, ban nhú đỏ sẫm mầu như đinh ghim tập trung ở nang lông, sau hình thành nên tổn thương ban dát sẩn có ranh giới rõ và cuối cùng hợp thành ban lan tỏa, thường trong tuần đầu của bệnh. Khi xuất huyết, bệnh nhân sẽ đi ngoài phân đen, chảy máu nơi tiêm truyền, ho ra máu, chảy máu chân răng, đi tiểu ra máu, chảy máu âm đạo... sốc và suy đa tạng dẫn đến tử vong. Nếu xuất hiện các triệu chứng của bệnh cần thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, cách ly và điều trị kịp thời. Hướng dẫn của Bộ Y tế cũng đưa ra những yêu cầu cụ thể đối với cơ sở, nhân viên y tế và nhân viên làm vệ sinh liên quan tới người nhiễm Ebola.

Bình Thuận: Bùng phát bệnh tay chân miệng

Tại Bình Thuận, bệnh tay chân miệng tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có 1 ca tử vong. Dịch Tay chân miệng tăng đột biến đã khiến một số bệnh viện của tỉnh quá tải. Chỉ riêng trong tháng 10/2014, toàn tỉnh Bình Thuận có 178 trẻ mắc tay chân miệng. Số trẻ mắc chủ yếu dưới 5 tuổi, đặc biệt có tới 80% trẻ từ 1 đến 3 tuổi. Một số trường hợp bệnh nặng, nguy cơ xảy ra biến chứng và đe dọa tính mạng cao, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận đã phải chuyển các cháu lên bệnh viện tuyến trên. Bước sang tháng 11, bệnh đã có dấu hiệu giảm dần. Tuy nhiên, hiện nay thời tiết thay đổi thất thường, do đó, bệnh có thể tiếp tục diễn biến khó lường. Ngành y tế khuyến cáo, các bậc phụ huynh, các điểm trường mầm non, mẫu giáo cần tăng cường vệ sinh phòng bệnh cho trẻ bằng vệ sinh sạch sẽ, rửa tay bằng xà phòng, bổ sung dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho trẻ.

Tuổi trẻ

Mở rộng nguồn cho tạng

Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM vừa phát hành thẻ hiến tạng đầu tiên trong cả nước, mở rộng nguồn cho tạng đến hơn chục ngàn người đang chờ ghép tạng. GS.TS Trần Ngọc Sinh - trưởng bộ môn tiết niệu học Trường ĐH Y dược TP.HCM, nguyên trưởng khoa ngoại - tiết niệu Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM - cho biết: - Ước tính cả nước hiện có hơn 8.000 người cần được ghép thận, 1.500 người cần được ghép gan, 6.000 người cần được ghép giác mạc và hàng trăm người đang chờ ghép tim, phổi, tụy tạng. Riêng tại Bệnh viện Chợ Rẫy hiện có hơn 1.000 người bị suy thận giai đoạn cuối đang chờ nguồn cho thận để được ghép thận. Có một thực tế đau lòng là do nguồn cho tạng quá khan hiếm trong thời gian qua nên có những bệnh nhân đã tử vong vì không có tạng để ghép. Những người bị suy thận mãn giai đoạn cuối nếu được ghép thận thì chất lượng cuộc sống sẽ tốt hơn nhiều so với chạy thận nhân tạo hay lọc màng bụng, có thể hòa nhập lại với đời sống gần như bình thường.

Đã phát hành 114 thẻ

Bệnh viện Chợ Rẫy đã phát hành thẻ hiến tạng đầu tiên từ ngày 28-10, tính đến ngày 6-11 đã phát hành 114 thẻ hiến tạng. Thẻ hiến tạng đầu tiên đã trao cho PGS.TS.BS Nguyễn Trường Sơn, giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, người thứ hai là tôi và người thứ ba là TS.BS Dư Thị Ngọc Thu, trưởng đơn vị điều phối. "Ngoài ra, trong những ngày qua nhiều người dân đã tìm đến Bệnh viện Chợ Rẫy đăng ký thẻ hiến tạng, trong đó người trẻ nhất mới có 25 tuổi. Nhiều người dân cho biết họ đã có mong muốn được hiến tạng từ lâu nhưng nay mới có địa chỉ đến đăng ký. Chúng tôi trân trọng, cảm tạ về ý thức cộng đồng và nghĩa cử cao đẹp này” - GS.TS Trần Ngọc Sinh.

* Thưa giáo sư, vậy việc phát hành thẻ hiến tạng có ý nghĩa như thế nào với những người bệnh đang chờ được ghép tạng?

- Đầu tiên phải khẳng định việc phát hành thẻ hiến tạng là làm theo Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác ban hành từ năm 2007. Bệnh viện Chợ Rẫy là bệnh viện đầu tiên trong cả nước phát hành thẻ hiến tạng. Hiện Bộ Y tế cũng đang chuẩn bị phát hành thẻ hiến tạng trên toàn quốc thông qua Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người thuộc Bộ Y tế đã thành lập cách đây một năm. Ở các nước Đông Nam Á có chương trình ghép tạng từ mấy chục năm nay như Singapore, Malaysia, người ta đã phát hành thẻ này từ lâu. Còn ở các nước phát triển trên thế giới, chuyện hiến một phần cơ thể mình để cứu giúp người khác đã trở thành hành động thường quy trong đời sống hằng ngày của người dân. Một người sống chỉ cho được một quả thận hoặc một phần gan... Ở người đã bị chết não hay ngưng tim (những trường hợp tử vong do tai nạn hay tai biến mạch máu não), nếu có sự đồng ý trước có thể cho được ít nhất bảy người bệnh với thận, tim, gan, phổi, tụy của mình. Quyết định phát hành thẻ hiến tạng của Bệnh viện Chợ Rẫy nhằm tăng cường ý thức của cộng đồng đối với những người đang chờ được ghép tạng. Đồng thời, việc phát hành thẻ hiến tạng cũng tìm và mở rộng nguồn cho tạng từ những người bị chết não hoặc đã ngưng tim, ngưng tuần hoàn. Trước đây, Bệnh viện Chợ Rẫy ghép thận từ người cho thận còn sống hoặc đã chết não. Hiện Bệnh viện Chợ Rẫy đã chuẩn bị sẵn sàng cho ca ghép thận với nguồn cho từ người đã bị ngưng tim. Đây sẽ là ca ghép thận đầu tiên trên cả nước từ người cho đã bị ngưng tim. Vừa qua, báo Tuổi Trẻ cũng nêu ra câu chuyện thực tế rất nhiều người bị thiếu nguồn tạng nên dẫn tới chuyện buôn bán tạng phủ. Điều này khó dập tắt được nếu không có nguồn hiến tạng để thực hiện ghép tạng.

* Có phải ai có thẻ hiến tạng cũng sẽ hiến được tạng?

- Người có thẻ hiến tạng chỉ hiến tạng trong trường hợp gặp tai nạn do rủi ro, não đã chết và không còn cơ hội hồi phục, hoặc tim và tuần hoàn đã ngừng. Lúc đó, đơn vị điều phối sẽ gọi điện cho người nhà bệnh nhân, khi được sự đồng ý của người nhà bệnh nhân, đơn vị điều phối sẽ trình lên hội đồng ghép tạng của Bệnh viện Chợ Rẫy để có quyết định cuối cùng và chọn người nhận tạng phù hợp nhất. Sau đó kíp mổ sẽ lấy tạng và ghép. Khi người hiến tạng điều trị tại một cơ sở khác ngoài Bệnh viện Chợ Rẫy, cơ sở y tế đó sẽ thông báo cho đơn vị điều phối để có thể đưa êkíp xuống cơ sở y tế đó lấy tạng. Người hiến tạng cũng phải đảm bảo những tiêu chuẩn như không mắc bệnh truyền nhiễm, tạng còn tốt, ở trong độ tuổi 18-60 tuổi (theo luật). Hội đồng ghép tạng của bệnh viện sẽ xem xét tạng đó cho ai thông qua những tiêu chuẩn y khoa được công khai từ trước. Tạng đó sẽ được hiến hoàn toàn nhân đạo, người hiến không biết người nhận để đảm bảo tính khách quan, trong sạch. Đơn vị điều phối vừa tiếp nhận những người đăng ký hiến tạng vừa tiếp nhận những người đăng ký chờ ghép.

* Nguồn cho thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy trong những năm qua chủ yếu từ những người cho còn sống? Việc này có những hạn chế gì?

- Tính từ năm 1992 khi Bệnh viện Chợ Rẫy tiến hành ca ghép thận đầu tiên, đến nay bệnh viện đã ghép được gần 400 ca nhưng chủ yếu nguồn cho thận từ người cho còn sống, trên 95% là người trong gia đình. Khi chưa có đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Chợ Rẫy thì bệnh viện không nhận ghép cho những người cho còn khỏe mạnh, không cùng huyết thống. Lý do là có đến 99% những người không cùng huyết thống, không phải người trong gia đình, đến Bệnh viện Chợ Rẫy xin hiến tạng có liên quan đến buôn bán. Tại Việt Nam, từ năm 2008 Bệnh viện Chợ Rẫy cũng là bệnh viện đầu tiên trong nước thực hiện ghép thận từ người cho bị chết não. Dù hằng ngày có nhiều người hoặc do tai nạn hoặc do bệnh tử vong, nhưng có thể chưa biết về việc hiến tạng này nên đến nay mới chỉ có bảy trường hợp người chết não hiến thận. Số người có tấm lòng nhân đạo này thật sự vĩ đại và đã cứu 13 người.

Góp giọt máu hồng giúp bệnh nhân nghèo huyện đảo

Ngày 8-11, tại huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) đã diễn ra chương trình hiến máu tình nguyện giúp đỡ bệnh nhân nghèo với hơn 200 thanh niên tham gia. Dù 8 giờ mới bắt đầu, nhưng từ sáng sớm đã có rất đông đoàn viên thanh niên, học sinh đến chờ để được hiến máu. Anh Nguyễn Minh Thanh - bí thư đoàn trường THPT An Thới có mặt sớm nhất - cho biết: “Đã tham gia hiến máu nhiều lầnlần rồi, lần này đến sớm để xin được lấy trước để còn về dạy ở trường. Mong sao những giọt máu của mình sẽ cứu được những bệnh nhân cần giúp đỡ là vui rồi”. Ông Nguyễn Văn Bạc, cán bộ khoa Huyết học - miễn dịch - truyền máu Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang, cho hay: “Mặc dù là địa bàn ở xa đất liền nhưng mỗi năm thanh niên Phú Quốc đều rất tích cực trong việc hiến máu tình nguyện. Chưa năm nào chương trình hiến máu tình nguyện ở Phú Quốc không đạt chỉ tiêu dự kiến”. Ngoài tham gia hiến máu định kỳ, nhiều thanh niên và người dân trên địa bàn huyện Phú Quốc còn tham gia CLB ngân hàng máu sống tại bệnh viện đa khoa Phú Quốc.

Thanh niên

Thanh tra việc sản xuất và nhập khẩu thiết bị y tế

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa đồng ý về cơ bản Kế hoạch thanh tra năm 2015 của Thanh tra Chính phủ. Theo đó, năm 2015 Thanh tra Chính phủ sẽ tập trung vào việc thanh tra trách nhiệm của một số bộ, ngành trong công tác chống buôn lậu, thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, mua sắm tài sản, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản. Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng sẽ tập trung vào thanh tra việc sản xuất và nhập khẩu thiết bị y tế; công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng; việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, hoạt động tín dụng, ngân hàng (tái cơ cấu, xử lý nợ xấu).

Kỳ diệu tế bào gốc

Tế bào gốc là những tế bào tiền thân có khả năng tự tăng sinh, biệt hóa thành nhiều loại tế bào, các mô, các cơ quan khác nhau của cơ thể, nhằm thay thế cho các tế bào bị mất đi do già và chết tự nhiên, hoặc do bệnh lý. Chính vì thế, ngày càng có nhiều người muốn lưu trữ tế bào gốc để sau này dùng chữa bệnh.

Lưu trữ hàng ngàn mẫu tế bào gốc

BS Phù Chí Dũng, Giám đốc BV Truyền máu - Huyết học TP.HCM, cho biết: “Điều kiện kinh tế phát triển và ngày càng có nhiều người biết đến ứng dụng tế bào gốc (TBG) trong trị bệnh, nên gần đây có nhiều người đến BV hỏi về lưu trữ TBG máu cuống rốn. Hiện BV đang lưu trữ 700 mẫu TBG máu cuống rốn dạng dịch vụ và 2.300 mẫu dạng cộng đồng. Dạng cộng đồng là BV tự lấy mẫu lưu trữ dùng để chữa bệnh cho bệnh nhân khi cần; còn dạng dịch vụ là người dân tự đem gửi có đóng phí, để dùng cho riêng cá nhân họ, khi cần”. Từ tháng 3.2014, Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư (Hà Nội) cũng bắt đầu triển khai ngân hàng TBG máu cuống rốn cộng đồng, đến nay đã có 550 mẫu TBG được lưu trữ; và đã có 7 bệnh nhân mắc bệnh về máu tìm được mẫu TBG phù hợp từ ngân hàng này. Tại đây bình quân mỗi ngày tiếp nhận và xử lý 4 - 6 mẫu TBG máu cuống rốn. Theo các BS, máu cuống rốn hay còn gọi là máu dây rốn hay máu bánh nhau chảy trong tuần hoàn thai nhi và cung cấp chất bổ cho bào thai đang phát triển trong tử cung người mẹ - là phần còn lại trong dây rốn và bánh nhau khi sản phụ sinh em bé. Trước đây, dây rốn và bánh nhau sau khi cắt rời khỏi em bé mới sinh, được xem là rác thải y tế, bỏ đi, nhưng về sau này máu cuống rốn được thu thập, xử lý, kiểm tra chất lượng và lưu trữ để khi cần có thể lấy ra chữa bệnh cho chính đứa trẻ đó, hoặc cho các thành viên trong gia đình. Từ những năm đầu của thập niên 1980, các nhà chuyên môn xác định máu cuống rốn của trẻ sơ sinh chứa một nguồn dồi dào TBG hệ tạo máu có thể thay thế cho TBG tủy xương, TBG máu ngoại vi trong điều trị các bệnh lý thuộc hệ tạo máu. Gần đây người ta cũng phát hiện và phân lập được thêm TBG trung mô và biểu mô có trong máu cuống rốn và ghép TBG máu cuống rốn được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực y khoa khác như bệnh lý da, giác mạc, tim mạch, xương khớp, thần kinh, tiểu đường... Quá trình liền vết thương và phục hồi các thoái hóa, tổn thương của các mô, cơ quan trong cơ thể có nhiều cơ chế phức tạp, nhưng kết quả sau cùng là tái lập lại các mô đã bị thoái hóa, tổn thương. Chính các TBG sẽ được dùng tái tạo các tế bào bị tổn thương đó. Vì thế điều trị bằng TBG chính là để bổ sung nguồn tế bào non trẻ, có thể tạo ra các loại tế bào mới, mô mới bổ sung hoặc thay thế cho các tế bào và mô cơ quan bị tổn thương hay mất chức năng.

VN đã ứng dụng TBG vào điều trị những gì ?

BV Truyền máu - Huyết học TP.HCM là nơi tiên phong trong nước về ứng dụng TBG vào chữa bệnh. Năm 1995, ca ghép TBG tủy xương đầu tiên tại VN được thực hiện tại BV này, điều trị thành công cho bệnh nhân bị ung thư máu (bạch cầu mãn dòng tủy), đến nay người bệnh này vẫn còn sống. Đây là cột mốc quan trọng trong ứng dụng TBG trong nước. Đến năm 1996, BV Truyền máu - Huyết học TP tiếp tục ghép TBG máu ngoại vi điều trị cho bệnh nhân ung thư máu (bạch cầu cấp dòng tủy). Và năm 2002, BV này tiếp tục là nơi đầu tiên trong nước ghép thành công TBG máu cuống rốn, điều trị cho bệnh nhân thiếu máu di truyền. Tính đến tháng 6 năm nay, cả nước có khoảng 340 ca ghép TBG (gồm TBG máu cuống rốn, TBG tủy xương và TBG máu ngoại vi), trong đó BV Truyền máu - Huyết học TP.HCM chiếm nhiều nhất - với 165 trường hợp. TS-BS Trần Ngọc Quế, Phó giám đốc Trung tâm TBG (Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư), cho biết thêm: “Gần 20 năm qua, VN đã thực hiện khoảng 350 ca ghép TBG các loại. So với Nhật Bản thì đây là con số khiêm tốn, vì chúng ta còn hạn chế nguồn TBG hiến, TBG phù hợp với người bệnh. Tại Nhật, các năm gần đây, trung bình mỗi năm có 3.500 ca được điều trị bằng ghép TBG, trong đó 47% các trường hợp ghép là TGB máu cuống rốn. Tỷ lệ thành công trong ứng dụng ghép TBG điều trị bệnh về máu khoảng 70%”. Theo BS Bạch Quốc Khánh, Phó viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư, việc ghép TBG điều trị một số bệnh ác tính hệ tạo máu đã được ứng dụng thành công tại viện này. “Để ghép TBG, cơ sở y tế có thể lấy từ nguồn hiến là người thân nhưng việc này rất khó khăn bởi người phù hợp không phải lúc nào cũng đủ điều kiện sức khỏe cho phép thực hiện hiến TBG (lấy từ tủy xương). Với nguồn TBG do ngân hàng TBG máu cuống rốn cộng đồng cung cấp cũng có thể đủ điều kiện cho ghép trên người bệnh không cùng huyết thống. Bởi vì ghép TBG trong cùng chủng tộc thì cũng có một tỷ lệ phù hợp. Trước khi ghép các trường hợp sẽ được làm các xét nghiệm để xác định mức độ phù hợp”, BS Khánh nói. BS Phù Chí Dũng nói: “Hiện tại với một mẫu TBG máu cuống rốn sẽ dùng điều trị được cho một người cân nặng từ 20 - 30 kg. Các nhà chuyên môn đang nghiên cứu để nhân lên nhiều lần từ một mẫu TBG máu cuống rốn trước khi ghép điều trị. Việc ứng dụng TBG máu cuống rốn ngày càng hứa hẹn mở ra nhiều tiềm năng trong điều trị nhiều loại bệnh ung thư, di truyền, tiểu đường...”.

Bệnh đái tháo đường tăng theo nhóm tuổi

Từ 30 - 39 tuổi, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường chỉ chiếm 1,7%, nhưng khi ở lứa tuổi 50 - 59, thì tỷ lệ mắc bệnh này chiếm đến 7,5%. Nhân Ngày thế giới phòng chống bệnh đái tháo đường (14.11), hôm nay 8.11, tại Trường đại học Y dược TP.HCM, Bộ Y tế phối hợp cùng các bác sĩ Bệnh viện Nội tiết trung ương, và các bác sĩ ở TP.HCM tổ chức chương trình khám sàng lọc, tư vấn miễn phí để phát hiện, cũng như cung cấp thông tin, cách phòng bệnh đái tháo đường cho người dân. Tại buổi khám sàng lọc, bác sĩ Diệp Thanh Bình, Phó chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam cho biết, hiện 5,42% dân số trong nước mắc bệnh đái tháo đường. Nhưng con số thực tế sẽ cao hơn vì nhiều người không biết mình có bệnh. Tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường tăng dần theo từng nhóm tuổi. Cụ thể: từ 30 - 39 tuổi chỉ chiếm 1,7% trong số người mắc bệnh; 40 - 49% chiếm tỷ lệ 3,7%; từ 50 - 59 tuổi chiếm 7,5%; và nhóm tuổi từ 60 - 69 chiếm đến 9,9%. Theo các bác sĩ, đái tháo đường gia tăng nhanh bởi có sự thay đổi về lối sống - ít vận động cơ thể, ăn uống không điều độ, béo phì gia tăng… Năm 2013, căn bệnh này khiến 5,1 triệu người trên thế giới tử vong.

An ninh Thủ đô

Thực hư “thần dược” xông hơi “vùng kín”

Phụ nữ sau sinh thường tự ti, mặc cảm vì sự “xập xệ” của mình sẽ ảnh hưởng đến đời sống hôn nhân. Vì vậy không ít người thường lặng lẽ đến các spa hay rỉ tai nhau về phương pháp làm đẹp cho bộ phận tế nhị của chị em. Gần đây, các chị em  còn rộ lên phương pháp xông hơi bằng thuốc gia truyền để làm “khít”. Tuy nhiên đây có thực sự là phương pháp hiệu quả. Trong vai một phụ nữ sau sinh muốn làm đẹp bằng liệu pháp xông hơi, PV đã tìm đến phố Thuốc Bắc. Hỏi về bài thuốc bắc để làm đẹp cái đó cho phụ nữ sau sinh nở, hầu như tiệm thuốc bắc nào cũng có. Bà chủ một cửa hàng thuốc bắc quảng cáo: Em muốn loại nào cũng có. Các bà đẻ sau sinh mua nhiều lắm. Em chỉ cần nấu sôi lên, rồi xông khoảng 30 phút. Tác dụng cơ bản là lưu thông máu, chống viêm nhiễm phụ khoa và thu hẹp âm đạo. Ở đây mọi người gọi chung là thuốc xông bà đẻ. Một loại thuốc phổ biến và rẻ nhất được bán với giá 20-30.000/thang, được gói trong một bịch nilon, không có nhãn mác, không ghi địa chỉ hay xuất xứ. Tôi hỏi vậy cần xông bao nhiêu lần, thì được bà bán hàng cho biết xông càng nhiều càng tốt. Em cứ dùng nửa tháng đến một tháng. Không chỉ tại các cửa hàng thuốc bắc mà tại các spa cũng rầm rộ quảng cáo có liệu pháp xông hơi “vùng kín” để phục hồi với giá lên tới vài triệu đồng. Lần theo số điện thoại trên trang mạng, chúng tôi hỏi về dịch vụ này thì được nhân viên một spa cho biết: “Bên chúng tôi không bán thuốc, chỉ nhận chị em đến làm đẹp cho cô bé bằng liệu pháp xông hơi. Giá một đợt điều trị sẽ dao động từ 3-5 triệu đồng”. Tuy nhiên phương pháp này liệu có thực sự hiệu quả như những lời quảng cáo? Trao đổi với chúng tôi, lương y Nguyễn Mạnh Hà, Phòng khám đông y Nam Sinh cho biết đây chỉ là những loại thảo dược bình thường, không có nhãn mác. Trên thực tế cũng chưa có nghiên cứu khoa học nào nghiên cứu về tác dụng cụ thể của nó. Vì vậy chị em nên hết sức tỉnh táo khi dùng phương pháp này. Còn chị Nguyễn Mai Hoa, phường Thành Công, quận Ba Đình đã sinh 2 con, từng dùng thuốc xông này thì cho biết: Sau khi sinh 2 bé mình rất mặc cảm, không còn tự tin và cảm hứng với chồng. Vì vậy thường né tránh. Mình lên mạng tìm hiểu thì được biết có thuốc xông vùng kín cho bà đẻ nên mua về dùng. Tuy nhiên sau khi xông 15 ngày mình cũng không thấy có tác dụng gì cả.  Theo các bác sĩ sản khoa, xét về mức độ tâm lý, tinh thần thì xông hơi âm đạo sẽ có tác dụng tốt giúp chị em cảm thấy thoải mái, giảm stress. Tuy nhiên, việc xông hơi này phần lớn mang lại nguy hại cho “vùng kín”. Việc xông hơi sẽ khiến âm đạo bị kích thích, tác động bởi độ nóng của hơi nước.  Với những người đang ở tình trạng tiền ung thư ở âm đạo, việc xông hơi có thể làm trầm trọng thêm bệnh và khiến nó phát triển nhanh hơn. Vì vậy, chị em nên cảnh giác và cân nhắc khi sử dụng dịch vụ xông hơi “vùng kín”. Bên cạnh đó, xông hơi âm đạo cũng có thể khiến âm đạo bị khô rát, mất nước, mất cân bằng môi trường âm đạo dễ dẫn đến tình trạng viêm nhiễm vùng kín do vi khuẩn, nấm… Với phụ nữ sau sinh chỉ cần vệ sinh hàng ngày, dùng nước ấm, sạch. Luôn giữ cho bộ phân sinh dục ngoài khô, sạch. Tránh mặc quần chật, thay quần lót thường xuyên. Không nên dùng xà phòng, các chất tẩy rửa mạnh để vệ sinh vùng kín. Không nên dùng nước bẩn có chứa nhiều vi sinh vật như nước ao hồ, kênh rạch... để tắm rửa. Không tự thụt rửa âm đạo khi không có chỉ định của bác sĩ điều trị.

Nhân dân

Phấn đấu 90% số người nhiễm HIV được điều trị

Đây là một trong những mục tiêu quan trọng do LHQ khởi xướng, nhằm hướng tới kết thúc đại dịch AIDS mà Việt Nam đang nỗ lực thực hiện. Theo đó, mục tiêu 90-90-90 của LHQ là phấn đấu đến năm 2020 có 90% số người biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị thuốc ARV (thuốc kháng vi-rút) liên tục; và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi-rút ở mức thấp và ổn định. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cho đến thời điểm này, cả nước đã có hơn hai nghìn người nghiện ma túy được điều trị thay thế bằng thuốc Methadone và hơn 90 nghìn người nhiễm HIV/AIDS được điều trị bằng thuốc ARV, nhờ đó mà số người nhiễm HIV mới, số người bệnh AIDS và tử vong đã giảm liên tục trong bảy năm qua. Nếu đạt được mục tiêu 90 - 90 - 90 này thì hầu hết những người nhiễm HIV có thể được điều trị với kết quả tốt, giảm khả năng lây nhiễm HIV mới, từ đó có thể đạt được mục tiêu to lớn hơn là kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030. Tuy nhiên, nước ta đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS.Mỗi năm có khoảng từ 12 đến 14 nghìn người nhiễm HIV mới. Trong khi đó, nguồn tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS còn thiếu nhiều, chủ yếu phụ thuộc vào các nguồn tài trợ. Theo ước tính, hiện có khoảng 260 nghìn người nhiễm HIV trong cộng đồng, nhưng chỉ phát hiện được khoảng 56%, đạt ở mức hai phần ba của mục tiêu 90 đầu tiên. 36% số người nhiễm HIV được điều trị ARV, do đó, khoảng cách để đạt được mục tiêu 90 thứ hai vẫn còn 45%. Chỉ có 6% số người sử dụng thuốc ARV nghi ngờ thất bại điều trị được xét nghiệm đo tải lượng vi-rút để đánh giá chất lượng điều trị, do không có thông tin để đo lường mục tiêu 90 thứ ba. Như vậy, Việt Nam hiện còn khá xa so với mục tiêu mà LHQ phát động, điều đó đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hơn nữa để đạt được các mục tiêu này. Để đạt được mục tiêu 90-90-90, trước tiên cần triển khai mạnh các giải pháp như: Mở rộng mạng lưới xét nghiệm, giám sát chủ động các ca bệnh, phân cấp đến y tế cơ sở để những người có nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS dễ tiếp cận; tăng cường truyền thông, giảm kỳ thị phân biệt đối xử; mở rộng độ bao phủ dịch vụ điều trị; chú trọng, theo dõi chặt chẽ chất lượng điều trị... Bên cạnh đó, cần xác định công tác phòng, chống HIV/AIDS là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện. Đưa công tác phòng, chống HIV/AIDS vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và của từng địa phương; phân bổ nguồn lực phù hợp; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện. Tập trung nguồn lực vào các khu vực có tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS cao; các đối tượng nguy cơ cao như những người nhiễm HIV, nghiện chích ma túy, vợ và bạn tình của những người nghiện chích ma túy nhiễm HIV, gái mại dâm và khách hàng của họ, tình dục đồng giới. Tập trung nguồn lực để triển khai những giải pháp can thiệp có hiệu quả cao nhất, trong đó có công tác truyền thông, phát bơm kim tiêm sạch, phát bao cao-su, mở rộng điều trị Methadone, tăng cường xét nghiệm, mở rộng điều trị ARV, phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con... Lồng ghép các cơ sở cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS vào hệ thống y tế. Tăng cường phân cấp các dịch vụ xuống tuyến cơ sở, phát thuốc điều trị ARV, thuốc Methadone... để tăng khả năng tiếp cận của nhân dân và của người bệnh đến các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

Công khai, minh bạch trong thực hiện xã hội hóa lĩnh vực y tế

Tọa đàm "Thực trạng xã hội hóa y tế ở Việt Nam từ năm 2010 đến nay, giải pháp chính sách giai đoạn 2015 - 2020" do Ban Kinh tế T.Ư tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội. Xã hội hóa (XHH) y tế là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đang được thực hiện tại nhiều địa phương, đơn vị đã giúp ứng dụng, phát triển nhiều dịch vụ, kỹ thuật hiện đại đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân, nhất là các đối tượng có khả năng chi trả. Người nghèo, cận nghèo, trẻ em, đối tượng chính sách xã hội cũng được hưởng lợi vì được sử dụng các dịch vụ y tế đó... Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng bộc lộ những hạn chế. Các đại biểu đã kiến nghị một số giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động nguồn lực của toàn xã hội trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Bên cạnh huy động nguồn lực xã hội, Nhà nước cần tiếp tục quan tâm đến công tác y tế dự phòng; phát triển y tế tuyến xã, tăng phí bảo hiểm y tế; các bệnh viện cần công khai minh bạch trong quá trình thực hiện XHH; chấn chỉnh y đức; tăng cường công tác truyền thông, nâng cao ý thức tự bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của người dân.

Tin tức

Tử vong vì uống rượu ngâm rễ cây

Theo ông Phạm Hồng Việt, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương (Lào Cai), đến sáng 8/11, sau gần 24 giờ nằm viện tiếp nước và điều trị tích cực, ba trong số bốn bệnh nhân bị ngộ độc do uống rượu ngâm rễ cây là anh Lù Chu Tính, Lưu Kim Nam và Phan Ngọc Sinh ở thôn Tùng Lâu 2 (thị trấn Mường Khương) đã qua cơn nguy kịch và dần bình phục. Theo lời kể của anh Lù Chu Tính, ngày 7/11, trong lúc ăn sáng, anh và 3 người khác đã uống một loại rượu ngâm rễ cây (theo tiếng địa phương gọi là cây sảm hóa, có tác dụng chữa đau lưng). Sau đó ít phút, cả 4 người đều hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn và ngay lập tức được đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương cấp cứu. Tuy nhiên, ông Lù Lèng Séng đã không qua khỏi và tử vong ngay sau đó. Qua xác minh bước đầu của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lào Cai, bệnh nhân bị ngộ độc và tử vong do uống rượu ngâm rễ cây, nguyên nhân là do độc tố tự nhiên có trong rễ cây. Hiện các chợ vùng cao Lào Cai, người dân bày bán khá nhiều lá, rễ cây làm thuốc, có loại còn tươi nguyên nhưng cũng có nhiều loại đã sơ chế bằng việc thái nhỏ, phơi khô, người mua chỉ cần lấy về sử dụng. Các chủ hàng cho biết, hầu hết các loại cây thuốc này chỉ được nghe giới thiệu theo kinh nghiệm dân gian bằng hình thức truyền miệng chứ chưa có xác nhận kiểm tra của giới chuyên môn.  Theo ông Nguyễn Văn Sửu - Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Lào Cai, những con vật, cây, lá vừa có công dụng trị bệnh, vừa có tính độc. Vì vậy, muốn sử dụng chữa bệnh bằng cách ngâm rượu uống, người sử dụng phải am hiểu về dược tính loài cây và con vật đó; khi ngâm nên kết hợp với thứ gì, khi sử dụng hạn chế ở mức độ bao nhiêu, được uống hay chỉ để xoa ngoài... nếu không sẽ có tác dụng ngược lại, thậm chí dẫn tới tử vong. Vụ ngộ độc rượu ngâm rễ cây "thuốc" mà 4 người uống tại nhà ông Lù Lèng Séng, thôn Tùng Lâu 2, thị trấn Mường Khương (Lào Cai) sáng ngày 7/11 vừa qua dẫn đến hậu quả ông Séng tử vong, 3 người khác may mắn thoát khỏi nguy kịch là sự cảnh báo về việc chủ quan, lạm dụng rượu và thuốc không rõ tính năng, tác dụng để ngâm rượu sử dụng bừa bãi như hiện nay.

Quân đội nhân dân

Bộ trưởng Bộ Y tế: Sẽ xử lý nghiêm, không bao che nếu phát hiện sai phạm

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, Bộ Y tế sẽ phối hợp với cơ quan chức năng trên mọi phương diện để xác minh, điều tra sớm nhất nghi án nhận hối lộ của Công ty Bio-Rad Laboratories Inc và sẽ xử lý nghiêm, không bao che nếu phát hiện sai phạm. Người đứng đầu ngành y tế nhấn mạnh, trong quá trình cơ quan điều tra thực hiện công tác điều tra, Bộ Y tế sẵn sàng phối hợp mọi phương diện để cơ quan điều tra tiến hành điều tra nhanh chóng, khách quan để có kết luận sớm nhất. Thông tin ban đầu cho thấy, Việt Nam nhập khẩu hóa chất sinh phẩm, máy móc trang thiết bị từ Công ty Bio-Rad Laboratories. Tuy nhiên, từ năm 2013 công ty này đã không còn hoạt động ở ViệtNam. Liên quan đến vụ việc trên, ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi sở Y tế các tỉnh, thành phố yêu cầu báo cáo việc đầu tư, mua sắm và sử dụng thiết bị, hóa chất và vật tư tiêu hao y tế do hãng Bio-Rad sản xuất. Các đơn vị trên kiểm tra những đơn vị trực thuộc đã sử dụng mặt hàng của hãng Bio-Rad và liệt kê các mặt hàng đã và đang sử dụng (nếu có) từ năm 2005 đến 2014, gồm tên thiết bị, chủng loại, năm sản xuất để báo cáo Bộ Y tế.

Chung sức vì sức khỏe cộng đồng

Chiến dịch khám, chữa bệnh nhân đạo và chăm sóc sức khỏe cộng đồng năm 2014 với chủ đề "Chung sức vì sức khỏe cộng đồng" là một trong những hoạt động chính thực hiện Chương trình phối hợp về triển khai hoạt động khám, chữa bệnh nhân đạo giai đoạn 2014-2017 giữa Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Bộ Y tế, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam ký kết tháng 7-2014. Thực hiện chiến dịch, từ năm 2014-2017, mỗi năm sẽ có ít nhất 1 triệu lượt người nghèo được khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe miễn phí. Đầu tháng 11, ngay sau Lễ phát động chiến dịch, 8 đoàn cán bộ của các bệnh viện Trung ương đã lên đường khám, chữa bệnh nhân đạo tại huyện nghèo thuộc các tỉnh, thành phố: Lạng Sơn, Hòa Bình, Thanh Hóa, Lai Châu, Cao Bằng, Sơn La, Phú Thọ, Hà Nội. Cùng thời gian này, tại 17/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, Hội Chữ thập đỏ các cấp phối hợp với ngành y tế, lực lượng quân đội và Hội Thầy thuốc trẻ đồng loạt ra quân hưởng ứng chiến dịch. Đại tá Ngô Văn Bích, Cục trưởng Cục Dân vận (Tổng cục Chính trị), cho biết, đây là một trong nhiều chương trình vì sức khỏe nhân dân mà quân đội tham gia. Ví dụ như vào đầu tháng 7, Hành trình "Quân đội chung tay vì sức khỏe cộng đồng" là một trong những hành động thiết thực chào mừng 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, hướng tới những đối tượng chính sách, người nghèo... tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo... trên toàn quốc. Đây là hành trình có ý nghĩa xã hội sâu sắc, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, sự tri ân của quân đội với nhân dân, góp phần củng cố, tăng cường tình đoàn kết quân-dân và khối đại đoàn kết toàn dân. Hành trình cũng là một hoạt động thiết thực đẩy mạnh chương trình “Kết hợp quân-dân y”, góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, phát huy bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới. Hành trình được tổ chức tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, với 71 điểm khám ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, địa bàn chiến lược quan trọng của Tổ quốc. Đã có hơn 70.000 lượt người được khám, chữa bệnh, cấp thuốc, tư vấn sức khỏe, những bệnh hiểm nghèo được đưa về bệnh viện Trung ương điều trị. Hoạt động này được các bệnh viện trong quân đội, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam nhiệt tình tham gia. Lần này, quân đội sẽ làm tốt công tác tuyên truyền với các đơn vị trong toàn quân trong quá trình khám, chữa bệnh để đồng hành với chương trình một cách thiết thực, hiệu quả nhất. Ông Nguyễn Hải Đường, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo chiến dịch cho biết, chiến dịch sẽ tập trung vào các hoạt động tổ chức những đợt khám, chữa bệnh nhân đạo, cấp thuốc miễn phí lưu động tại cộng đồng và tại các cơ sở khám, chữa bệnh; tư vấn sức khỏe, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng phòng bệnh, phòng, chống tai nạn thương tích, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường... tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu, ứng phó thảm họa, thiên tai; tham gia trợ giúp, chăm sóc, cứu nạn, cứu hộ trong tình huống khẩn cấp. Trong chiến dịch này, Ban tổ chức còn trao quà, trao nhà tình nghĩa, tặng bò, tặng thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng nghèo... tuyên truyền, vận động hiến máu, hiến mô, hiến xác và các bộ phận cơ thể người. Chiến dịch nhằm huy động sự tham gia của toàn xã hội đối với hoạt động khám, chữa bệnh nhân đạo, góp phần chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các đối tượng nghèo, khó khăn, gia đình chính sách xã hội. Chiến dịch này ưu tiên các huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; từng bước nâng cao chất lượng hoạt động khám, chữa bệnh nhân đạo và tạo thành phong trào thường xuyên tại cộng đồng. Bác sĩ Nguyễn Bá Tĩnh, Phó chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, cho biết, sẽ ưu tiên khám, chữa bệnh cho người dân tại 69 huyện nghèo nhất trên toàn quốc. Và công việc này sẽ do những bệnh viện Trung ương phụ trách, thời gian khám từ ngày 2-11 đến 1-12. Tại mỗi huyện nghèo này sẽ khám và phát thuốc miễn phí cho khoảng 1000 người. Trong quá trình khám, nếu phát hiện ra bệnh nhân nào mắc bệnh hiểm nghèo mà hoàn cảnh khó khăn thì các bệnh viện sẽ hỗ trợ điều chuyển bệnh nhân về bệnh viện Trung ương theo chuyên khoa của mình.

Đại đoàn kết

Bộ Y tế khen thưởng y bác sỹ cứu người sống sót trong vụ trực thăng rơi

Hôm qua 7-11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến thăm Trung úy Đinh Văn Dương, người duy nhất sống sót sau vụ máy bay trực thăng rơi ở Hòa Lạc đang điều trị tại Viện Bỏng Quốc gia. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng trao tặng bằng khen cho tập thể, các cá nhân thuộc Viện đã hết lòng cứu chữa người bệnh suốt bốn tháng qua. Các chuyên gia đầu ngành của Viện Bỏng Quốc gia, BV Quân y 103, BV Trung ương Quân đội 108, BV Bạch Mai, BV Việt Đức, Viện Huyết học & Truyền máu Trung ương đã phối hợp giành giật sự sống cho người bệnh. Ca bệnh thành công chứng tỏ sự phối kết hợp tốt quân dân y trong lĩnh vực hồi sức, chống độc, chống nhiễm khuẩn, điều trị bỏng.

BV Bạch Mai khám, tư vấn miễn phí bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Hiện đang là thời điểm giao mùa thu đông, thời tiết có nhiều thay đổi phức tạp dễ khiến người dân mắc các bệnh lý về hô hấp.

Hưởng ứng ngày Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính toàn cầu năm 2014 với chủ đề "Không bao giờ là quá muộn”, hôm nay 8-11 BV Bạch Mai tổ chức khám và tư vấn miễn phí bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cho người dân khu vực Hà Nội và một số tỉnh lân cận, phát thuốc miễn phí cho các đối tượng mới được chẩn đoán mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và đưa vào chương trình quản lý ngoại trú. Thời gian khám cả ngày tại Hội trường lớn, tầng 2, tòa nhà Nhật, Bệnh viện Bạch Mai, Số 78 Giải Phóng – Đống Đa – Hà Nội.

Một thế giới

Người góp sức tạo ra điều kỳ diệu với em bé văng ra từ bụng mẹ

Sự sống của em bé văng ra từ bụng mẹ trong vụ tai nạn giao thông thương tâm xảy ra vào sáng 25.10 vừa qua thật sự là một điều kỳ diệu và anh Phan Trọng Hải là người góp sức để làm nên điều kỳ diệu ấy. Như tin đã đưa, hôm qua ngày 7.11, Ban An toàn giao thông tỉnh An Giang đã tuyên dương, khen thưởng đột xuất anh Phan Trọng Hải, Chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự huyện Châu Thành, người đã cứu bé sơ sinh trọng vụ tai nạn giao thông xảy ra tại An Giang Anh Hải nhớ lại: “Sáng 25.10, tôi đi uống cà phê ở gần khu vực xảy ra tai nạn. Khi quay trở về đến đoạn cầu Rạch Gòi Bé, thì thấy trên đường đông nghẹt. Tấp xe vào lề đường, chen chân vào đám đông, trước mặt tôi là hình ảnh vô cùng sửng sốt đứa bé đỏ hỏn, chân bị đứt lìa đang nằm trên vũng máu. Nhìn cánh tay bé huơ huơ, tôi phát hiện bé vẫn còn sống...”. "Tôi rất sợ đứa bé tất “khó” qua khỏi, nên sau khi trở về nhà, để cầu nguyện cho sức khỏe của nó tôi quyết định ăn chay một tuần, dù việc này từ trước đến nay cả nhà tôi chưa bao giờ làm”, anh Hải bộc bạch. Là một người cha, anh Hải hiểu rất rõ trẻ mới sinh rất yếu ớt, mỏng manh biết nhường nào, nên lập tức anh cúi xuống, nhẹ nhàng ôm bé vào lòng, dỗ dành: “Con ơi, ráng lên nghe con!”. Có hơi người, đứa bé chợt bật khóc thành tiếng, giọng rất khỏe, làm anh thêm luống cuống. Lúc này, một ai đó nhặt phần chân bị đứt lìa của bé và dây nhau để gọn lên bụng của nó. “Phải mất vài phút chen chân ra khỏi đám đông, anh Hải mới “chặn” được xe của một bác trung niên đưa đứa bé đến Bệnh viện Hạnh Phúc cấp cứu”, anh Hải kể tiếp. Vụ tai nạn thương tâm đã không ngừng ám ảnh anh Hải. “Cô biết không, lúc bế đứa bé, máu ướt đẫm cả áo lẫn hai cánh tay tôi và dính lên chiếc áo trắng của người ngồi trước. Tôi rất sợ đứa bé tất “khó” qua khỏi, nên sau khi trở về nhà, để cầu nguyện cho sức khỏe của nó tôi quyết định ăn chay một tuần, dù việc này từ trước đến nay cả nhà tôi chưa bao giờ làm”, anh Hải bộc bạch. Khi chúng tôi hỏi, vì sao anh quyết định quyết định cứu đứa trong khi có nhiều người đang… đứng nhìn(!?), anh Hải trả lời nhanh: “Tôi nghĩ, nếu tôi không đưa bé đến bệnh viện, thì cũng có người khác hành động như tôi. Mọi người phản ứng chậm hơn tôi thôi, có lẽ họ chưa kịp hết bàng hoàng, bởi vụ tai nạn quá thương tâm hoặc do sợ phiền phức “làm phúc phải tội”. Tôi chỉ là người quyết định cứu đứa bé nhanh hơn mọi người”.Hôm tháp tùng cùng Ban An toàn giao thông tỉnh đến thăm đứa bé tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), nghe chúng tôi kể chuyện anh Hải cứu bé Huy, chị Nguyễn Thị Bích Thủy (em gái sản phụ Nguyễn Thị Kim Ngọc) bật khóc. Đưa tay quẹt nước mắt chị nói: “Mấy ngày nay, qua báo chí, cả nhà tôi mới biết anh Hải là người đưa bé Huy đến bệnh viện. Gia đình tôi sẽ tìm gặp anh để trực tiếp nói lời cám ơn. Không có anh, chắc bé không được cứu sống”. “Sự sống của bé Huy thật sự là một điều kỳ diệu và anh Hải là người góp sức để làm nên điều kỳ diệu ấy. Trong cả câu chuyện thương tâm về vụ tai nạn, hành động của anh Hải đã mang lại tia sáng của lương tâm, tình yêu thương con người. Dù rằng trong cuộc sống đời thường còn lắm bộn bề, bon chen và cả sự vô cảm, nhưng tấm lòng nhân ái của người Việt Nam lúc nào cũng mênh mông…”, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh An Giang Lê Việt Cường nói. Ngày 25.10, chị Nguyễn Thị Kim Ngọc (ở ấp Kênh Đào, xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) chuyển dạ và được chồng là Nguyễn Văn Nam (sinh năm 1982) chở bằng xe máy vào Bệnh viện đa khoa thành phố Long Xuyên. Anh Nam chở vợ ra Quốc lộ 91, mới đi được vài trăm mét, đến đoạn gần cầu Rạch Gòi Bé thì bị xe trộn bêtông biển kiểm soát 67L-7753 do lái xe Đỗ Công Vũ điều khiển chạy cùng chiều đâm từ phía sau. Vụ tai nạn khiến chị Ngọc tử vong tại chỗ, thai nhi trong bụng chị Ngọc bị văng ra khỏi bụng mẹ ra ngoài, một chân bị đứt lìa. Anh Nam bị bánh xe nghiền nát chân và phải cắt bỏ 1/3 chân phải. Đúng lúc đó anh Phan Trọng Hải tình cờ đi qua, ngay lập tức đã dừng xe, bế bé sơ sinh nhanh chóng đưa vào Bệnh viện Hạnh Phúc gần đó để cấp cứu...

Lao động

BIDV Bắc Quảng Bình trao tặng xe cứu thương trị giá 1,2 tỷ đồng

Ngày 8.11, Công đoàn phối hợp với ban lãnh đạo Ngân hàng BIDV Bắc Quảng Bình đã tiến hành trao một xe cứu thương chất lượng cao kèm theo các thiết bị y tế chuyên dụng có tổng trị giá 1,2 tỷ đồng cho BVĐK khu vực Bắc Quảng Bình. Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Đức Đồng – GĐ Ngân hàng BIDV Bắc Quảng Bình – cho biết, đây là món quà chứa đựng tình cảm sâu nặng của toàn thể ban lãnh đạo, cán bộ BIDV nói chung và BIDV Bắc Quảng Bình nói riêng gửi đến Bệnh viện Đa khoa Khu vực Bắc Quảng Bình và nhân dân địa phương với mong muốn được thực hiện trách nhiệm doanh nghiệp trong việc hỗ trợ điều kiện chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn. Hy vọng món quà sẽ thiết thực góp phần vào việc cứu chữa, vận chuyển bệnh nhân kịp thời, giảm thiểu rủi ro đáng tiếc trong công tác cấp cứu, mang lại niềm vui, sức khỏe và hạnh phúc cho người bệnh. Thay mặt Ban lãnh đạo BVĐK khu vực Bắc Quảng Bình đã gửi lời cảm ơn chân thành đến tập thể, cán bộ ngân hàng BIDV nói chung và BIDV Bắc Quảng Bình nói riêng đã dành những tình cảm đặc biệt cho bệnh viện cùng người dân địa phương và hứa sẽ sử dụng chiếc xe đúng mục đích và tâm nguyện của ngân hàng BIDV khi trao tặng. Sở Y tế Quảng Bình – đã gửi lời cảm ơn đến tập thể BIDV nói chung và Ngân hàng BIDV Bắc Quảng Bình nói riêng đã có những đóng góp to lớn đến các vấn đề an sinh xã hội trên địa bàn, đặc biệt là liên quan đến vấn đề y tế. Theo báo cáo của Ngân hàng BIDV Bắc Quảng Bình, hằng năm ngân hàng luôn chú trọng tham gia các hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn với tổng số tiền trên 500 triệu đồng, tập trung vào các lĩnh vực như y tế, giáo dục, đền ơn đáp nghĩa…

Dân Việt

Tình thương từ những hạt cháo lành!

Gần 20 năm gắn bó với công việc điều dưỡng ở bệnh viện tuyến huyện vùng cao Chiêm Hóa (Tuyên Quang), tôi chứng kiến rất nhiều hoàn cảnh thiếu thốn của những bệnh nhân nghèo, phải nhịn ăn để có tiền mua thuốc. Cảm thông với những hoàn cảnh ấy, nhiều lần tôi đã trích một phần tiền lương của mình mua bánh mì, bánh tẻ hay bát cháo thịt để giúp họ no lòng, yên tâm điều trị. Tuy nhiên cách làm ấy chỉ có tính nhất thời, hiệu quả hẹp, tôi đã đề xuất trong bộ phận điều dưỡng của viện ý tưởng xây dựng mô hình “nồi cháo tình thương” phát miễn phí cho những bệnh nhân nghèo. Thật hạnh phúc là mọi người hưởng ứng nhiệt tình. Ngày 31.5.2012, nồi cháo tình thương đầu tiên được đưa đến các bệnh nhân nghèo với đầy đủ chất dinh dưỡng. Nâng trên tay bát cháo nóng hổi, thơm hương gạo mới, bệnh nhân nghèo xúc động nghẹn ngào nước mắt...Thời gian sau đó, mô hình nồi cháo tình thương đã lan tỏa mạnh mẽ, Ban giám đốc bệnh viện vận động toàn thể cán bộ, y, bác sĩ cùng chung tay quyên góp tiền duy trì. Lãnh đạo giao cho tôi cùng Chi hội Điều dưỡng đảm nhiệm việc gây quỹ, nấu cháo đủ phân phát cho bệnh nhân vào ngày thứ 4 hàng tuần. Ngoài kinh phí từ nội bộ, chúng tôi còn nhận được tiền, gạo, rau và cả công sức của các nhà hảo tâm để mở rộng đối tượng phục vụ... Trung bình mỗi tuần nồi cháo tình thương của chúng tôi phục vụ cho 100-250 bệnh nhân, với sự tham gia của tình nguyện viên Hội Phật giáo. Tôi rất vui vì đến nay hàng trăm lượt người có tấm lòng hảo tâm đã góp tiền, góp của và góp công sức cùng chúng tôi và bệnh viện giữ ngọn lửa của nồi cháo tình thương. Và càng hạnh phúc hơn bởi cả chồng, con của tôi cũng rất ủng hộ cả về tinh thần, vật chất và thời gian để tôi yên tâm thực hiện nhiệm vụ ở bệnh viện cũng như làm việc thiện. Tôi luôn tâm niệm rằng, mình không có vàng ròng, bạc nén để lại cho con cháu mà để cho chúng cái nhân đức làm vốn...

Khám phá

Điều trị nghiện bằng Methadone: Vì sao còn hạn chế?

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị về đẩy mạnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone. Theo các chuyên gia, điều trị nghiện ma túy bằng Methadone mang lại hiệu quả và an toàn nhưng còn nhiều thách thức khi nguồn hỗ trợ quốc tế thu hẹp và hết hẳn. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế.

Thưa ông, vừa qua, tại TP Hồ Chí Minh có tình trạng người nghiện uống Methadone rồi nhổ ra mang bán lại. Ông có thể nói rõ hơn về về vấn đề này?

Người nghiện ngậm thuốc trong miệng, không uống, rồi nhổ ra bán lại cho người khác, nếu có thì cũng chỉ là hiện tượng hi hữu, hiếm gặp. Theo tôi do nhu cầu sử dụng Methadone trong xã hội quá lớn, trong khi mức độ triển khai các điểm điều trị còn có hạn chế. Có những điểm điều trị có đến 500-600 người đến uống thuốc hàng ngày; các nhân viên cấp phát thuốc quá bận, người nghiện lợi dụng lúc nhân viên không để ý để thẩm ngậm thuốc trong miệng rồi nhổ ra bán lại. Tuy nhiên, Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ sở điều trị nghiện bằng Methadone thực hiện đúng theo quy trình. Bao gồm: Người bệnh nhận thuốc đã được pha loãng từ nhân viên phát thuốc; uống; tráng cốc lần 1; uống; tráng cốc lần 2; uống; sau cùng là nói chào nhân viên trước khi ra về, như vậy đảm bảo rằng người bệnh đã uống thuốc đúng theo liều quy định.

Vậy trong điều trị thay thế nghiện ma túy bằng Methadone có ý nghĩa như thế nào đến những người sử dụng ma túy?

Trước hết, nghiện các chất dạng thuốc phiện được coi là một bệnh mãn tính của não bộ. Hiện nay trên thế giới chưa có thuốc điều trị khỏi nghiện. Hầu hết các phương pháp điều trị cai nghiện đều có tỷ lệ tái nghiện cao. Vì vậy, trên 80 quốc gia đã sử dụng Methadone để điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện. Methadone cũng là một chất gây nghiện, nhưng ít tác dụng phụ, ít ảnh hưởng đến sức khỏe. Khi dùng đúng liều thì không gây tai biến sốc thuốc hoặc gây tử vong như Heroin. Methadone có thời gian bán hủy lâu và không gây tăng liều như dùng Heroin. Methadone là thuốc điều trị thay thế, chứ không phải là thuốc cắt cơn hoặc cai nghiện ma túy. Người sử dụng Methadone không bị hủy hoại sức khỏe như dùng Heroin. Nhiều người uống Methadone có thể tăng 10-12 kg/năm trọng lượng cơ thể. Dùng Methadone bằng đường uống, vì vậy tránh được lây nhiễm HIV cũng như các bệnh lây nhiễm qua đường máu khác. Khi sử dụng Methadone, người nghiện phục hồi sức khỏe, vẫn có khả năng lao động tạo ra thu nhập cho bản thân, gia đình và xã hội. Ngoài ra, khi sử dụng Methadone, người nghiện không còn phải sử dụng tiền để mua Heroin nữa, mà sử dụng tiền đó vào những việc có ích hơn. Được biết hiện nay chỉ có khoảng hơn 22 nghìn người nghiện điều trị nghiện Methadone, trong khi cả nước có tới hàng trăm nghìn người nghiện ma túy. Vậy vì sao điều trị nghiện bằng Methadone vẫn chỉ áp dụng với số lượng hạn chế đối tượng như vậy? Điều trị nghiện bằng Methadone vẫn chỉ áp dụng với số lượng hạn chế vì một số địa phương chưa thực sự quan tâm. Cụ thể, hiện có 17 tỉnh/thành phôs vẫn chưa phê duyệt kế hoạch tại địa phương mình. Một số địa phương phê duyệt kế hoạch, nhưng không phân bổ đủ nguồn lực để triển khai thực hiện, mà trông chờ vào kinh phí của Trung ương và dự án viện trợ. Các địa phương gặp khó khăn về nhân lực, không có đủ biên chế để bố trí cho các cơ sở điều trị. Chi phí vận hành các cơ sở điều trị nghiện bằng Methadone hiện nay chủ yếu là dựa vào nguồn viện trợ nước ngoài. Ngoài ra, thủ tục hành chính để đưa người nghiện vào điều trị bằng Methaodone vẫn còn chưa thuận lợi, trong đó có việc phải có xác nhận của chính quyền địa phương là không thuộc đối tượng phải đưa đi cai nghiện bắt buộc.

Thưa ông, bên cạnh thuốc Methadone, điều quan trọng khi điều trị thay thế nghiện ma túy bằng Methadone là gì?

Bên cạnh điều trị thay thế bằng Methadone, người nghiện còn cần được tư vấn, tâm lý để yên tâm điều trị. Cần được đào tạo nghề, tạo việc làm để người bệnh có thể tham gia lao động, tạo thu nhập cho bản thân, gia đình và xã hội. Người nghiện rất cần sự thông cảm, chia sẻ của người thân và cộng đồng; tránh kỳ thị, phân biệt đối xử để người nghiện thực sự yên tâm, coi mình là một người bình thường, một người có ích cho xã hội. Về phía cơ quan quản lý, các ông đã có những đề xuất gì để mở rộng chương trình cũng như đối tượng được điều trị thay thế bằng Methadone? Các địa phương cần hết sức quan tâm để triển khai mở rộng điều trị nghiện bằng Methadone. Bao gồm: Phê duyệt kế hoạch và chủ động trong việc đảm bảo nguồn lực để triển khai mở rộng theo chỉ tiêu được giao, bố trí cơ sở vật chất; bố trí nhân lực và kinh phí chi thường xuyên để triển khai mở rộng. Các địa phương cần tăng cường công tác truyền thông về ý nghĩa và tầm quan trọng của điều trị đến các cấp lãnh đạo và nhân dân, đặc biệt là đến người nghiện ma túy và gia đình. Theo tôi, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho những người nghiện đủ tiêu chuẩn và có nhu cầu được vào điều trị bằng Methadone.

Xin cảm ơn ông!

Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị về đẩy mạnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo khẩn trương rà soát, cập nhật số lượng người nghiện chất dạng thuốc phiện thực tế tại địa phương làm căn cứ lập kế hoạch thiết lập các cơ sở điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện theo quy định. Bên cạnh đó chỉ đạo Chủ tịch UBND các cấp đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhanh chóng xác nhận đơn đề nghị tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế cho người có nhu cầu; chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát việc xét chọn bệnh nhân tham gia điều trị của các cơ sở điều trị thay thế theo các quy định, bảo đảm khách quan, minh bạch, giảm thời gian chờ đợi. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn và đôn đốc các địa phương, đặc biệt là các tỉnh trọng điểm về ma túy và HIV/AIDS thiết lập ngay các cơ sở điều trị Methadone; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng, ban hành khung giá dịch vụ điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, trong đó cho phép tính chi phí nhân công thuê ngoài (thuê hợp đồng lao động) vào giá dịch vụ điều trị Methadone.

Ngày 13/11/2014
Ban Biên tập Website
(Điểm tin từ các Báo)
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích