Home TRANG CHỦ Thứ 3, ngày 19/03/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 1 9 7 1 6 4
Số người đang truy cập
1 5 7
 Tin tức - Sự kiện Điểm tin y tế
Điểm tin y tế từ các báo ngày 28/9 và 29/9 năm 2014

Nhân dân

Dịch bệnh E-bô-la đã làm gần 3.100 người chết

Theo Roi-tơ, Tân Hoa xã và TTXVN, ngày 26-9, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, có ít nhất 3.091 người tử vong trong tổng số 6.574 ca nhiễm vi-rút E-bô-la ở năm nước Tây Phi đang bị dịch bệnh này hoành hành. Li-bê-ri-a tiếp tục là "tử địa" của bệnh nhân nhiễm vi-rút E-bô-la với 1.830 ca tử vong, gấp khoảng ba lần so với tổng số ca tử vong ở cả Ghi-nê và Xi-ê-ra Lê-ôn, là hai nước khác trong vùng ổ dịch. Hai quốc gia khác cũng nằm trong vùng dịch là Ni-giê-ri-a và Xê-nê-gan tiếp tục thông báo không có ca nhiễm mới hay tử vong do E-bô-la. WHO cũng cho biết, có thể cung cấp với số lượng hạn chế hai loại vắc-xin có khả năng chống vi-rút E-bô-la từ đầu năm tới, sau khi kết thúc quá trình thử nghiệm đang được đẩy nhanh.

Cậu bé bị khối u làm biến dạng xuất viện với khuôn mặt mới

Sau gần mười ngày mổ tạo hình lại gần như cả khuôn mặt, em Lê Trung Tuấn (16 tuổi, ở thị trấn Bến Sung, huyện Như Thanh, Thanh Hóa) đã được xuất viện. Các bác sĩ tại Bệnh viện Vinmec khẳng định, với hai lần phẫu thuật, đến nay, khuôn mặt bệnh nhân không còn tế bào khối u.Tuấn cho biết: sau năm ngày được mổ, em đã đi lại, ăn uống bình thường. Và đặc biệt là em rất hài lòng với khuôn mặt được BS McKay Mc Kinnon tạo hình trong lần mổ thứ hai này. Thị lực hai mắt của em đều tăng lên, do hai mắt đã được “kéo” lại gần nhau hơn trước. Lỗ thủng đường có kính 3-4cm trên trán sau lần mổ thứ nhất cũng đã được vá kín. Lỗ thông hầu họng từ khoang miệng lên khoang mũi được bít lại nên Tuấn ăn uống không còn sợ bị sặc. Sống mũi cũng được tạo hình lại cân đối và ưa nhìn hơn rất nhiều.Dự kiến tháng tới, khi các vết mổ sau phẫu thuật tạo hình ổn định, em sẽ đi học lại. Đây là một niềm vui bất ngờ với Tuấn. Bởi bình thường, các học sinh nghỉ quá ba tuổi ở một lớp học nào đó thì vẫn được vào học, nhưng để học lớp 7 hiện nay Tuấn đã quá bốn tuổi. Các thầy cô giáo ở trường và ở Phòng giáo dục huyện Như Thanh đã rất thông cảm với hoàn cảnh của Tuấn nên đã cho phép em đi học chính thức, chứ không phải dự thính.Tháng 10-2013, sau lần mổ đầu tiên, Tuấn đi học lại sau một tháng. Bạn bè có ngỡ ngàng vài ngày đầu tiên, sau đó đã quen với gương mặt mới, đồng thời rất động viên em rất nhiều.Tiễn ra viện, GS, TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh viện Vinmec chúc Tuấn sớm đi học lại được bình thường và học giỏi như em đã từng làm được, ngay cả khi cuộc sống và sinh hoạt của em bị khối u làm ảnh hưởng rất nhiều.Cách đây 5 năm (năm 2009), khi 11 tuổi, Tuấn thường xuyên bị chảy máu mũi, qua thăm khám, các bác sĩ đã chẩn đoán xác định em mắc bệnh sarcoma mô mềm đa hình không biệt hóa. Căn bệnh này khiến khối u liên tục phát triển, che lấp hết khuôn mặt, đẩy hai mắt ra xa hơn, ảnh hưởng tới thị lực, cấu trúc hàm răng của người bệnh. Do khối u chèn nên bên mắt trái của Tuấn chỉ còn 2/10, bên mắt phải có khá hơn nhưng cũng chỉ 5 đến 6/10; đồng thời thường xuyên chảy máu mũi, có những đợt kéo dài tới 15 ngày. Bốn năm qua, gia đình đưa đi chạy chữa ở nhiều nơi nhưng đều được trả lời là không có khả năng phẫu thuật, nếu mổ sẽ ảnh hưởng đến tín mạng. Tuy thế, gia đình vẫn tiếp tục tìm cơ hội chữa bệnh cho con.Tháng 7-2013, gia đình Tuấn đã nhận được thông tin GS Nguyễn Thanh Liêm, sẽ thăm khám cho Tuấn và cùng các chuyên gia nước ngoài xem xét để phẫu thuật cho cháu. Và ngày 23-7-2013, Tuấn đã được bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ chuyên về sọ mặt người Mỹ McKay Mc Kinnon và các bác sĩ bệnh viện Vinmec tiến hành ca phẫu thuật lần một cắt bỏ khối u trên mặt. Ca mổ lần thứ hai thực hiện sáng 18-9 vừa qua đã tạo hình lại khuôn mặt. Bác sĩ McKay Mc Kinnon và các cộng sự thực hiện cùng lúc bốn tạo hình: Hộp sọ bị khuyết ở giữa trán được tái tạo lại lấp đầy bằng một mảnh xương sọ; tạo vạt xương cân cơ để bù vào chỗ khuyết; tái tạo tháp mũi, đóng lỗ thông vòm hầu; đưa hai mắt đã bị đẩy xa nhau (do chèn ép của khối u trước kia) trở lại gần hơn.

Bộ Y tế phối hợp cơ quan chức năng xác minh vụ việc tại Công ty CP VN Pharma

Trao đổi thông tin với báo chí liên quan đến Công ty CP VN Pharma, ngày 28-9, Phó Cục trưởng Quản lý dược (Bộ Y tế) Nguyễn Tất Ðạt cho biết, đơn vị này chủ động và tích cực phối hợp với cơ quan công an để xác minh, làm rõ vụ việc. Bên cạnh đó, Cục Quản lý dược cũng đã xử lý theo đúng chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước. Theo đó, qua công tác kiểm tra, Cục Quản lý dược phát hiện nghi vấn đối với lô thuốc H - Capita caplet 500 mg do Công ty CP VN Pharma nhập khẩu. Cục đã cử đoàn kiểm tra tại công ty này và yêu cầu ngừng nhập khẩu các thuốc do Công ty Helix Pharmaceuticals Inc Canada sản xuất. Theo báo cáo và cam kết của Công ty CP VN Pharma, chỉ có duy nhất một lô H - Capita caplet 500 mg được nhập về Việt Nam, lô thuốc này đã được yêu cầu niêm phong (từ ngày 1-8-2014); đồng thời liên hệ với Viện Kiểm nghiệm thuốc TP Hồ Chí Minh để lấy mẫu kiểm tra chất lượng. Sau khi làm việc với văn phòng đại diện của Công ty Helix Pharmaceuticals Inc Canađa tại TP Hồ Chí Minh, ngày 8-8-2014 Cục Quản lý dược đã có công văn đề nghị Cục An ninh chính trị nội bộ Tổng Cục An ninh II, Bộ Công an), Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) và Bộ Y tế Ca-na-đa để phối hợp hỗ trợ xác minh nguồn gốc xuất xứ thuốc trên và các giấy tờ pháp lý có liên quan của Công ty Helix Pharmaceuticals Inc Canada. Sau khi nhận được công văn phúc đáp của các cơ quan chức năng nêu trên, Cục Quản lý dược đã rút toàn bộ số đăng ký thuốc do Công ty Helix Pharmaceuticals Inc Canađa sản xuất. Ngừng tiếp nhận xem xét hồ sơ xuất, nhập khẩu thuốc đối với Công ty CP VN Pharma. Báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế rút giấy phép hoạt động về thuốc của Công ty Helix Pharmaceuticals Inc Canađa. Liên quan đến thông tin cho rằng, trên thị trường Việt Nam không thiếu thuốc điều trị ung thư vú, dạ dày, đại trực tràng, nhưng Cục Quản lý dược vẫn cấp số nhập chuyến cho thuốc H - Capita caplet 500 mg (hoạt chất capecitabine), ông Ðạt khẳng định, thuốc này được cấp phép nhập khẩu theo đúng quy định của Luật Dược và Ðiều 11, Thông tư 47 của Bộ Y tế về hướng dẫn xuất, nhập khẩu thuốc đối với thuốc có chứa dược chất chưa có số đăng ký hoặc đã có số đăng ký nhưng chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu điều trị. Theo quy định về đấu thầu thuốc thì các cơ sở khám, chữa bệnh phải thực hiện việc đấu thầu khi mua thuốc này. Ngoài ra, theo dữ liệu nhập khẩu thuốc do Tổng cục Hải quan cung cấp, trong năm 2013 chỉ có ba thuốc có hoạt chất capecitabine có số đăng ký lưu hành được nhập khẩu vào Việt Nam. Các thuốc này được xếp ở các nhóm khác nhau, dựa vào tiêu chí kỹ thuật và tiêu chuẩn công nghệ theo quy định về đấu thầu thuốc. Vì vậy, việc cấp phép nhập khẩu thuốc chưa có số đăng ký trong trường hợp này là cần thiết để bảo đảm tính cạnh tranh, tránh chỉ định thầu để duy trì tính khách quan và đủ nguồn cung ứng đối với từng nhóm theo tiêu chí kỹ thuật và tiêu chuẩn công nghệ trong đấu thầu thuốc.

Kêu gọi phụ nữ quan tâm phòng chống ung thư vú

Ngày 28-9, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tham dự ngày hội truyền thông phòng, chống ung thư vú với chủ đề "Phụ nữ và Sức khỏe" do Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư "Ngày mai tươi sáng" (Bộ Y tế) tổ chức. Ngày hội là hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng và phát hiện ung thư vú sớm, nhất là hỗ trợ phụ nữ trong việc tầm soát sớm, phòng, chống và điều trị bệnh; giúp người dân hiểu được ung thư không phải là bệnh nan y, bằng lối sống tích cực, ý chí, nghị lực cùng với những phương pháp điều trị hiệu quả thì hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị kịp thời ở giai đoạn sớm. Phát biểu ý kiến tại ngày hội, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan kêu gọi những người phụ nữ mắc bệnh ung thư vú phát huy truyền thống của người phụ nữ Việt Nam để chiến đấu và chiến thắng bệnh tật; tăng cường phòng bệnh bằng việc khám bệnh thường xuyên để phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Phó Chủ tịch nước đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, ngành y tế và các nhà hảo tâm tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, đồng hành và chia sẻ với những người bệnh ung thư…

Hơn hai triệu người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ hằng năm

Tại Hà Nội, Bộ Y tế vừa phối hợp Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức Hội thảo Đánh giá về tình hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và đáp ứng của ngành y tế. Theo báo cáo của Bộ Y tế, sau ba năm thực hiện Thông tư số 35/2011/TT-BYT của Bộ Y tế về thực hiện chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi đang được hoàn thiện. Hiện cả nước, có bốn bệnh viện nòng cốt chuyên chăm sóc và phục vụ sức khỏe người cao tuổi; 46/63 tỉnh, thành phố đã thành lập được khoa lão khoa. Hơn hai triệu người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ và hơn 1,7 triệu người được lập sổ theo dõi sức khỏe...

Sức khỏe đời sống

Rút ngắn thời gian vì người bệnh

Quyết định số 1313/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc triển khai chương trình cải tiến quy trình khám chữa bệnh (KCB) tại các cơ sở y tế đã làm cho không ít bệnh viện “thay da, đổi thịt”, điều này cũng đã làm cho người bệnh ấm lòng hơn khi đến các cơ sở y tế để thực hiện quyền khám và chữa bệnh của mình. Đó là sự cảm nhận sâu sắc của người bệnh khi đến các cơ sở khám chữa bệnh trong thời gian gần đây. Ghi nhận tại Bệnh viện đa khoa Phố Nối, tỉnh Hưng Yên. 7h30 sáng tại Khoa Khám bệnh của Bệnh viện đa khoa Phố Nối, một không khí làm việc khẩn trương của đội ngũ y bác sĩ và nhân viên y tế làm việc tại đây. Buồng khám bệnh mở cửa, các vị trí làm việc đã sẵn sàng, tiếng loa gọi người bệnh vào khám vang lên và một chu trình khám bệnh bắt đầu. Trong vai người nhà đưa bệnh nhân đi khám bệnh, chúng tôi vào khu vực Khoa Khám bệnh của Bệnh viện đa khoa Phố Nối để tìm hiểu, điều cảm nhận đầu tiên đối với chúng tôi là nhân viên y tế ở đây rất dễ gần. Các anh chị ở bộ phận đón tiếp niềm nở khiến cho sự lo âu, mệt nhọc, đau đớn của người bệnh như tan biến. Để người bệnh có được những chiếc số đăng ký khám bệnh trên tay sớm như vậy, các anh, chị trong bộ phận đón tiếp đã phải có mặt tại bệnh viện từ 6h, sớm hơn so với quy định 1 tiếng. Tiếp tục đi sâu để tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, việc bố trí các buồng khám bệnh một chiều đã tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh bớt phải đi lại như trước. Các buồng thủ thuật, phẫu thuật giản đơn và các khoa cận lâm sàng ở sát với khu vực khám bệnh đã làm cho người bệnh tốn ít thời gian đi lại. Việc cải cách về thời gian đón tiếp sớm hơn so với quy định, đến vấn đề giải quyết hết số lượng bệnh nhân tồn đọng không để phải chờ đến chiều cũng là một trong những khâu đột phá của BVĐK Phố Nối trong thời gian vừa qua. Việc sắp xếp và bố trí lại các khoa phòng trong bệnh viện, khu vực cấp cứu ban đầu, cấp cứu ngoại đã giảm được áp lực công việc cho các khoa điều trị nội viện, đồng thời tăng cường cho hệ thống cấp cứu và hỗ trợ chuyên môn khi thực hiện nhiệm vụ trong ca trực. Việc lắp đặt và đưa thêm một số hệ thống trang thiết bị hiện đại như máy xét nghiệm sinh hóa tự động hoàn toàn AU-680 của Nhật Bản, máy rửa phim tự động, trang bị thêm máy siêu âm màu 4D... đã giảm tải được một lượng lớn người bệnh không phải chờ để nhận kết quả. Các khâu thanh toán viện phí, duyệt chi bảo hiểm y tế được thực hiện một cách thuận lợi, bảng niêm yết giá dịch vụ được treo tại nơi tập trung đông người, dễ thấy, dễ nhìn và đảm bảo công khai minh bạch. Quy trình, thủ tục khám bệnh bằng thẻ bảo hiểm được niêm yết công khai tại nơi duyệt chi bảo hiểm... Những điều này đã làm cho người bệnh rất yên tâm khi thực hiện quyền khám bệnh của mình tại bệnh viện. Gặp chúng tôi, “Mỗi ngày, có khoảng trên 500 bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện, đi kèm theo đó là các thủ thuật như: xét nghiệm, Xquang, điện tim, điện não... Chúng tôi đã phải cố gắng sắp xếp và bố trí một cách khoa học để người bệnh được thăm khám đầy đủ và được làm các cận lâm sàng một cách nhanh nhất, từ đó mới có được kết luận chính xác và cấp thuốc cho người bệnh nhằm đảm bảo chu trình khám bệnh một cách hoàn chỉnh”. Ngoài sự bố trí hợp lý về quy trình khám, chữa bệnh tại bệnh viện thì việc đầu tư và áp dụng khoa học công nghệ là một việc làm cũng hết sức cần thiết trong cải cách thủ tục hành chính. BVĐK Phố Nối đã triển khai áp dụng phần mềm quản lý BV (eHOMIS) với hệ thống kết nối tất cả các máy trong toàn bệnh viện thông qua hệ thống máy chủ quản lý. Hệ thống phần mềm đảm bảo việc quản lý và cung cấp thông tin cần thiết của người bệnh cho các khoa phòng và hệ thống các buồng khám, nhưng cũng đồng thời đảm bảo được minh bạch trong thu chi tài chính và thanh toán viện phí cùng chế độ bảo hiểm cho người bệnh. Không chỉ dừng lại ở đó, BVĐK Phố Nối đã có những bước đột phá về chuyên môn, nâng cao chất lượng điều trị như: xây dựng phác đồ điều trị chuẩn, phối hợp với bệnh viện tuyến trên trong chuyển giao kỹ thuật cao, tham gia hội chẩn trực tuyến, tổ chức hội thảo khoa học tại BV, đào tạo theo gói chuyên môn kỹ thuật cần thiết để áp dụng vào thực tiễn điều trị tại bệnh viện... Bệnh viện còn phối kết hợp tốt với Bảo hiểm xã hội tỉnh Hưng Yên trong việc thanh toán tối đa cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, các thủ tục chuyển tuyến, vượt tuyến, trái tuyến... nhằm đảm bảo đúng chế độ chính sách cho người bệnh. Để tiếp tục phát huy hiệu quả việc cải cách thủ tục hành chính, trong thời gian tới, BVĐK Phố Nối sẽ xây dựng và bổ sung vào kế hoạch một số các lĩnh vực trọng tâm chủ yếu như: Hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế. Đào tạo và bổ sung nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có chất lượng chuyên môn cao. Nâng cao văn hóa ứng xử giao tiếp trong bệnh viện, thực hiện nghiêm quy chế chuyên môn và đặc biệt là tiếp cận nhanh các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế nhằm phát huy hết khả năng và hiệu quả của nó trong tổ chức hoạt động bệnh viện. Làm cách nào để giữ chân bệnh nhân yên tâm tìm đến điều trị? Đó là câu hỏi luôn trăn trở của lãnh đạo bệnh viện. Cải cách triệt để thủ tục hành chính, hợp tác toàn diện về chuyên môn với các bệnh viện tuyến trên như BV Bạch Mai, Việt Đức, Tim Hà Nội... đã giúp nâng cao năng lực chuyên môn và tạo sự yên tâm nơi người bệnh không chỉ ở trong huyện mà còn nhiều vùng lân cận khác đã tìm đến bệnh viện để điều trị.

Đình chỉ cơ sở sản xuất cốm sử dụng chất lạ

UBND quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội vừa quyết định đình chỉ sản xuất đối với cơ sở sản xuất cốm dùng chất lạ để giúp cốm có màu xanh bắt mắt. Khi có kết quả kiểm nghiệm mẫu phẩm màu, tùy tính chất, độ độc hại của mẫu sẽ có hình thức xử lý phù hợp. Trước đó, ngay sau khi có thông tin một số cơ sở sản xuất dùng chất lạ để giúp cốm có màu xanh bắt mắt, Đội Quản lý thị trường số 6 (quận Nam Từ Liêm) phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường CATP Hà Nội đã kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất cốm của gia đình ông Đỗ Đức Tặng ở làng Mễ Trì Hạ, quận Nam Từ Liêm. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở này dùng khá nhiều phẩm có màu xanh, vàng trong quá trình sản xuất. Khi xoa chất bột lạ ra tay, dù rửa tay nhiều lần dưới nước sạch và xà phòng nhưng không sạch. Kiểm tra nhanh tại chỗ cho thấy, đây là phẩm màu công nghiệp. Để xét nghiệm kỹ hơn, cơ quan công an đã lập biên bản tại chỗ và lấy mẫu niêm phong.

Bộ Y tế yêu cầu cách ly, ngăn lây lan bệnh đau mắt đỏ

Trước tình hình phức tạp của dịch đau mắt đỏ, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố, y tế các bộ, ngành cùng các BV và Vụ công tác học sinh-sinh viên (Bộ GD&ĐT) đề nghị tăng cường phòng chống dịch đau mắt đỏ. Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố, y tế các bộ, ngành chỉ đạo các đơn vị truyền thông tuyên truyền các biện pháp phòng chống bệnh dịch đau mắt đỏ tại gia đình, nhà trẻ, trường học, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp và cộng đồng... Tăng cường giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các ổ dịch đau mắt đỏ trên địa bàn... Thực hiện phân luồng, cách ly bệnh nhân đau mắt đỏ nhằm ngăn chặn sự lây lan tại BV. Bảo đảm các điều kiện vệ sinh cho người đến BV như nước rửa tay, xà phòng rửa tay, dung dịch sát khuẩn tay nhanh... Bảo đảm đủ thuốc điều trị cho người bệnh.

Đã có Ngân hàng máu cuống rốn cộng đồng

Viện Huyết học - Truyền máu TW cho biết, Viện đã thành lập ngân hàng máu cuống rốn cộng đồng. Ngân hàng tại Viện lưu giữ miễn phí máu cuống rốn từ dây rốn của các sản phụ sau sinh. Theo ông Trí, máu dây rốn là nguyên liệu ban đầu để tách lấy tế bào gốc máu cuống rốn. Tế bào gốc này được sử dụng cho các trường hợp bị bệnh ác tính hệ tạo máu có chỉ định ghép tế bào gốc. Hằng ngày, các kỹ thuật viên của Viện sẽ trực tại BV Phụ sản Hà Nội, lựa chọn 3 dây rốn chất lượng nhất từ hơn 100 ca sinh mỗi ngày. Tế bào gốc từ máu dây rốn của các sản phụ được lưu giữ miễn phí tại ngân hàng có thể đảm bảo được chất lượng trong 15 - 17 năm. Được biết, ghép tế bào gốc điều trị một số bệnh ác tính hệ tạo máu đã được ứng dụng thành công tại Viện Huyết học - Truyền máu TW. Tỷ lệ thành công chung cho ghép tế bào gốc trên bệnh nhân bị bệnh ác tính hệ tạo máu đạt khoảng 70%. Đã có 9 bệnh nhân được ghép tế bào gốc tạo máu đồng loại, trong đó có những bệnh nhân đã lui bệnh hoàn toàn và trở về với cuộc sống bình thường.

Cứu sống bệnh nhân bị cào cắm xuyên vào não

Sáng 28.9, Trưởng khoa Thần kinh cột sống (BVĐK Nghệ An), cho biết các bác sĩ của khoa vừa phẫu thuật, cứu sống thành công bệnh nhân Thái Văn Tú (35 tuổi, ngụ huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) bị hai thanh sắt xuyên xuống não sâu gần 9 cm. Theo bác sĩ Thám, đêm 22.9, bênh nhân Tú nhập viện trong tình trạng bị 2 thanh cào sắt cắm từ đỉnh đầu xuyên xuống não sâu gần 9 cm. Bệnh nhân mất máu, bất tỉnh và nguy cơ tử vong cao. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cấp cứu và sau hơn 2 giờ với ê kíp 4 người, 2 thanh sắt được lấy ra khỏi não nạn nhân một cách an toàn. “Đây là ca phẫu thuật đặc biệt khó khăn, bệnh viện lần đầu thực hiện và đã thành công ngoài mong đợi. Đến nay, gần một tuần sau khi thực hiện ca phẫu thuật, sức khỏe của bệnh nhân đã hồi phục”, bác sĩ Thám nói. Anh Tú kể chiều 22.9 anh cùng một người bạn tên Thắng (38 tuổi, trú cùng xã) rủ nhau đi uống rượu rồi xảy ra mâu thuẫn. Thắng bất ngờ lao vào nhà dân gần đó vớ cây cào cán gỗ có răng sắt xông tới phang một nhát vào đầu anh Tú khiến 2 răng chiếc cào cắm sâu vào đầu. Sau khi sơ cứu tại Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh, anh Tú được chuyển ra Hà Nội. Tuy nhiên, khi xe đi tới Nghệ An, thấy sức khỏe anh nguy kịch, gia đình quyết định đưa vào BVĐK Nghệ An.

Trang bị kỹ năng sơ cấp cứu cho nhóm phượt cứu hộ vụ tai nạn tại Lào Cai

SKĐS - Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tổ chức tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu cơ bản và trao tặng túi sơ cấp cứu cho nhóm du lịch Phong Vân, nhóm đã trợ giúp tích cực các nạn nhân vụ tai nạn tại Lào Cai hôm 1/9 vừa qua. Sáng 27/9, tại Hà Nội, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tổ chức buổi gặp mặt, tôn vinh, ghi nhận hành động dũng cảm, không e ngại nguy hiểm của nhóm du lịch Phong Vân đã có hành động dũng cảm cứu hộ, trợ giúp cho nạn nhân tai nạn giao thông thảm khốc xẩy ra ngày 1/9/2014 tại Lào Cai. Đồng thời tổ chức lớp tập huấn, trang bị kiến thức và kỹ năng sơ cấp cứu cơ bản, cấp chứng nhận cho các thành viên trong nhóm và trao tặng túi sơ cấp cứu để nhóm sử dụng trong các chuyến du lịch khám phá của mình một cách an toàn, hiệu quả, hữu ích. Đây cũng là một hoạt động hưởng ứng Ngày Sơ cấp cứu thế giới 2014 (13/9) với chủ đề “Hãy là người anh hùng” và thông điệp “Sơ cấp cứu cứu sống mạng người; Sơ cấp cứu ở mọi lúc, mọi nơi!”. Phát biểu tại buổi gặp mặt nhóm Phong Vân, ThS.BS. Đào Thị Thanh Tâm, Phó Tổng Thư ký Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã ghi nhận, tôn vinh nghĩa cử, hành động cao đẹp của nhóm đã cứu giúp những nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông thảm khốc tại Sa Pa, Lào Cai hôm 1/9 vừa qua. Hành động này càng có ý nghĩa hơn trong thời điểm diễn ra các hoạt động hưởng ứng ngày sơ cấp cứu thế giới năm nay. Thay mặt nhóm du lịch Phong Vân, trưởng nhóm Phạm Lê Tiến cho biết, trong quá trình cứu hộ cho các nạn nhân vụ tai nạn ở Lào Cai hôm 1/9 vừa qua, mặc dù chưa được tham gia một khóa học nào về sơ cấp cứu song các bạn trong nhóm đã có những sáng tạo trong quá trình sơ cứu cho các nạn nhân như lấy giường nằm của xe khách làm cáng tự chế, lấy khăn quàng cổ thay dây buộc nạn nhân vào cáng, lấy bông trong gối nằm của xe khách để cầm máu, xin dây thừng cột vào cây làm điểm tựa kéo cáng bằng ghế lên… Trong 2 ngày tập huấn, nhóm sẽ được trang bị những kỹ năng cơ bản nhất về sơ cấp cứu như: những nguyên tắc cần chú ý đối với người làm sơ cấp cứu; di chuyển khẩn cấp nạn nhân khỏi nguồn nguy hiểm không thể kiểm soát được; xử trí dị vật đường thở, kỹ thuật hô hấp nhân tạo – ép tim ngoài lồng ngực; kỹ thuật cầm máu và băng bó vết thương phần mềm; kỹ thuật cố định gãy xương; vận chuyển nạn nhân an toàn trong các trường hợp tổn thương… Đây là những kiến thức cơ bản nhất, là hành trang để các bạn trẻ trong nhóm tiếp tục hành trình đam mê khám phá thế giới của mình một cách an toàn và có thể trợ giúp được nhiều người khi cần thiết. Qua đó, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng mong muốn chuyển tải các thông điệp Ngày sơ cấp cứu thế giới đến với cộng đồng để ngày càng có nhiều người quan tâm, học sơ cấp cứu để tự bảo vệ mình và sẵn sàng tham gia trợ giúp, sơ cứu cho các nạn nhân khi được yêu cầu.

Quân đội nhân dân

Đối thoại chủ nhật: Cung cấp những kiến thức cơ bản về cấp cứu trên biển cho ngư dân QĐND

Đối thoại với phóng viên Báo QĐND, Viện trưởng Viện Y học biển (Bộ Y tế), khẳng định: Việc trang bị tủ thuốc và trang thiết bị y tế cho tàu cá xa bờ thuộc Chương trình “Ngành Y tế cùng ngư dân bám biển” là hết sức cần thiết, bởi hiện nay chúng ta có khoảng 119.000 tàu cá, trong đó có 28.000 tàu cá hoạt động xa bờ phải đối mặt với sóng, gió, nhiều tai nạn tiềm ẩn, sự cố về sức khỏe khó cứu chữa kịp thời do xa đất liền...

Thưa Viện trưởng, căn cứ vào những tiêu chí nào để xây dựng tủ thuốc cho ngư dân?

Nếu so sánh tàu cá của ta với tiêu chuẩn của thế giới thì tàu đánh cá của ta không đáp ứng được yêu cầu. Qua nhiều lần khảo sát nhu cầu của ngư dân trên tàu cá, cơ cấu bệnh tật, tai nạn thương tích… chúng tôi đã xây dựng danh mục thuốc tối thiểu cần thiết cho việc cấp cứu và xử trí những tình huống khẩn cấp trên biển.

Ngư dân của ta thường gặp phải những tai nạn hay thương tích gì trên biển?

Bệnh mà ngư dân mắc nhiều nhất là bệnh tim mạch, mắt, rối loạn thần kinh. Còn thương tích là gãy chân, tay, chấn thương sọ não do những va đập ở trên tàu khi sóng gió hoặc điều kiện trơn trượt trên tàu gây ra. Ngoài ra, còn có những trường hợp dị ứng, ngộ độc thực phẩm biển do chưa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong khâu chế biến ở trên tàu.

Mỗi tủ thuốc trị giá bao nhiêu và gồm những loại thuốc thiết yếu nào, thưa Viện trưởng?

Mỗi tủ thuốc trị giá 2 triệu đồng được trang bị cho tàu đánh cá xa bờ từ 7 đến 15 người. Tủ thuốc gồm 6 nhóm thuốc chính, thiết yếu như: Thuốc tim mạch, kháng sinh, thuốc tiêu hóa, hạ sốt, giảm đau, thuốc giãn phế quản, chống dị ứng, một số thuốc sát trùng nhỏ mắt, nhỏ mũi và thuốc bôi trị các bệnh ngoài da... Bộ Y tế còn trang bị cả dụng cụ sơ, cấp cứu như nẹp, gạc, bông băng cho ngư dân; đồng thời, tổ chức các khóa tập huấn trang bị những kiến thức cơ bản về cấp cứu ban đầu trên biển và hướng dẫn cách sử dụng tủ thuốc cho ngư dân.

Với những tủ thuốc như thế này, Bộ Y tế và cá nhân Viện trưởng mong muốn ngư dân phải làm như thế nào để tự bảo vệ mình trên biển?

Ngư dân ngoài việc được trang bị tủ thuốc đã được huấn luyện ngay việc sử dụng thuốc. Qua đó, người dân cũng nhận thức được một trong những phương tiện bảo đảm an toàn cho chính bản thân mình. Không ít ngư dân đã tâm sự với chúng tôi rằng, từ khi có tủ thuốc, ra khơi họ yên tâm hơn rất nhiều. Đó như là một phương tiện bảo đảm an toàn cho sinh mạng, đem lại cảm giác gần đất liền hơn và thấy Tổ quốc, nhân dân ngay đằng sau mình. Như vậy họ sẽ yên tâm bám biển dài ngày, đánh bắt được nhiều hải sản cũng như góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền của Tổ quốc. Sau khi chúng tôi xây dựng danh mục trong tủ thuốc cấp cứu và được Bộ trưởng Bộ Y tế ký quyết định phê duyệt, triển khai, những điểm mà ngư dân được trang bị tủ thuốc và trang thiết bị cấp cứu ban đầu tại các địa phương, bà con rất phấn khởi. Họ còn được huấn luyện sử dụng thuốc và các biện pháp sơ, cấp cứu ban đầu để bảo đảm sinh mạng và sức khỏe.

Thưa Viện trưởng, trong trường hợp tủ thuốc hết thuốc thì việc cấp bổ sung thuốc cho ngư dân được thực hiện như thế nào?

Về việc cấp bổ sung thuốc cho ngư dân để duy trì tủ thuốc, hiện Viện Y học biển đang nghiên cứu đề xuất Bộ Y tế 2 phương án: Thứ nhất là chủ tàu cá có trách nhiệm mua thuốc bổ sung. Phương án 2 là kiến nghị cơ quan bảo hiểm xã hội cấp cho ngư dân từ nguồn bảo hiểm y tế để ngư dân an tâm hơn khi ra khơi bám biển. Thực hiện Đề án Phát triển y tế biển đảo đến năm 2020, Viện Y học biển sẽ cùng Bộ Y tế xây dựng và củng cố 6 trung tâm cấp cứu và điều trị tai nạn biển tại Hải Phòng, Nghệ An, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu và tại đảo Phú Quốc (Kiên Giang).

Viện trưởng có thể cho biết trong thời gian tới, Viện Y học biển có những kế hoạch gì để đồng hành cùng “ngư dân bám biển”?

Thời gian tới, Viện Y học biển tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo cán bộ, thực hiện nghiên cứu ứng dụng các thành quả đó vào trực tiếp đề án để cùng ngư dân bám biển; hỗ trợ các địa phương đào tạo cán bộ giảng dạy để truyền kiến thức cấp cứu trên biển cho ngư dân, càng nhiều tàu xa bờ nhận được những kiến thức này càng tốt. Viện sẽ mở những khóa đào tạo đặc biệt về y học dưới nước và cao áp để cấp cứu những ca tai biến do lặn. Nguyện vọng chung của người dân là khi bị thương hoặc bị bệnh ai cũng mong muốn được đưa ngay vào những cơ sở y tế trên bờ để cấp cứu một cách nhanh nhất. Hiện nay, muốn vào bờ, ngư dân chỉ có một cách là quay tàu cá về, việc đó mất rất nhiều thời gian, có khi vài ngày. Bởi vậy, chúng tôi trang bị cho ngư dân một số kiến thức cần thiết để tự cứu mình, cứu người trong khi chờ chi viện của đất liền. Điều tốt nhất mà Đề án “Y tế biển đảo” là trang bị thêm trực thăng có nhiệm vụ cấp cứu trên biển.

Xin cảm ơn Viện trưởng!

Đời sống pháp luật

Bộ trưởng Y tế tiếc thương vợ chồng bác sĩ tử nạn thảm khốc

Được tin vụ tai nạn thảm khốc xảy ra lúc 4h ngày 22/9 tại tỉnh Long An làm 4 người trong gia đình bác sỹ Đặng Chi Đông Giang tử vong, từ Hoa Kỳ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã gửi điện chia buồn sâu sắc đến gia đình. Vụ tai nạn đã khiến 4 người tử nạn gồm; Bác sỹ Đặng Chi Đông Giang (SN 1964 – nguyên Giám đốc trung tâm Y tế huyện Mộc Hoá), bác sĩ Phạm Thị Ngọc Liên (SN 1974), và em gái bác sĩ Giang là Đặng Thị Tuyết Trinh (SN 1969, đều ngụ khu phố 1, thị xã Kiến tường) và tài xế. Do điều kiện đang dự Hội nghị Y tế Quốc tế tại hoa Kỳ, Bộ trưởng Bộ Y tế đã gửi điện chia buồn đến tang quyến. Trong bức điện, Bộ trưởng Bộ Y tế đã viết: “Tôi đang dự Hội nghị Y tế Quốc tế tại Hoa Kỳ, nhận được tin: Hại vợ chồng Bác sỹ Đặng Chí Đông Giang, Phạm Thị Ngọc Liên - những “Lương y như Từ mẫu” của quê hương Kiến Tường, Long An cùng em gái bị tai nạn giao thông và đã ra đi đột ngột ngày 22 tháng 9 năm 2014. Tôi vô cùng xúc động và rất đau buồn. Đây thật sự là một nỗi đau thương vô hạn đối với gia đình, đồng thời cũng là một sự mất mát cho ngành Y tế khi hai bác sĩ giỏi, tận tâm với nghề, với bệnh nhân đã mãi mãi ra đi. Thay mặt Lãnh đạo Bộ Y tế, tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình, của hai Bác sỹ Đặng Chí Đông Giang và Phạm Thị Ngọc Liên. Rất mong gia đình cố gắng vượt qua đau thương mất mát to lớn này. Xin kính cẩn thắp nén hương cho hai bác sĩ - hai đồng nghiệp của tôi và Cầu mong cho Linh hồn hai Bác sỹ được siêu thoát!". Sáng 26/9, Đồng Chí Nguyễn Xuân Trường, Chánh Văn phòng Bộ Y tế và Giám đốc Sở Y tế Long An, Lê Thanh Liêm thay mặt cho ngành Y tế tới và viếng, động viện gia đình bác sỹ Giang và chuyển Bức điện của Bộ Trưởng Bộ Y tế đến gia quyến. Thắp nén hương trước bàn thờ của đồng nghiệp xấu số, Bác sỹ Nguyễn Xuân Trường cảm thấy ngậm ngùi, thương tiếc cho 2 thầy thuốc hiền lành, thương người luôn ân cần chu đáo trong khám và điều trị bệnh nhân, trong đó có khá nhiều người Khơ-me từ biên giới Campuchia tìm đến điều trị. Tấm gương luôn hết mình với bệnh nhân của 2 đồng nghiệp mãi mãi xứng đáng để tất cả ngành chúng ta noi theo noi theo, như một bài học đạo đức lớn về “Lương y như Từ mẫu” trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ khỏe cho nhân dân, không bao giờ thôi tỏa sáng".

Sài Gòn giải phóng

TPHCM chưa ghi nhận đột biến bệnh đau mắt đỏ

Trước sự bùng phát của dịch đau mắt đỏ ở Hà Nội và chỉ đạo phòng ngừa của Bộ Y tế, ngày 26-9, BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết chưa ghi nhận đột biến về dịch bệnh đau mắt đỏ tại TPHCM. Ghi nhận tại khoa Khám bệnh Bệnh viện Mắt TPHCM ngày 26-9 cũng cho thấy chỉ có một vài trường hợp đau mắt đỏ nhưng với nhiều nguyên nhân khác nhau chứ không phải do virus gây ra. Trước đó, Bộ Y tế đã có khuyến cáo dịch bệnh đau mắt đỏ có biểu hiện chính là mắt đỏ và có ghèn. Triệu chứng thường gặp là người bị bệnh cảm thấy khó chịu ở mắt, sau đó cộm như có cát trong mắt, buổi sáng ngủ dậy hai mắt khó mở. Thông thường người bệnh vẫn nhìn thấy bình thường, thị lực không bị suy giảm nhưng nếu để bệnh nặng, mắt người bệnh có thể bị phù đỏ, có màng trong mắt, xuất huyết dưới kết mạc… thì hậu quả sẽ lớn hơn… Ngày 26-9, trước tình hình dịch đau mắt đỏ đang lan rộng, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các bệnh viện, Trung tâm Y tế dự phòng trong cả nước… triển khai ngay các biện pháp phòng chống dịch bệnh này. Theo đó, các bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa mắt phải thực hiện việc phân luồng, cách ly người bệnh đau mắt đỏ tại khoa khám bệnh và các khoa lâm sàng nhằm ngăn ngừa sự lây lan tại bệnh viện. Đồng thời bảo đảm các điều kiện vệ sinh cho người đến bệnh viện như: nước rửa tay, xà phòng rửa tay, dung dịch sát khuẩn tay nhanh…

Dân trí

Trung Quốc: Bàng hoàng trẻ em tử vong do ăn quà vặt

Mới đây, 8 đứa trẻ ở Tứ Xuyên, Trung Quốc ngộ độc thực phẩm do ăn đồ ăn vặt. Một trong số đó đã tử vong. Cơ quan công an và chính quyền địa phương đang điều tra làm rõ. Trưa ngày 21/9 vừa qua, tại Đạt Châu, Tứ Xuyên, 8 đứa trẻ mua quà vặt ở gần trường để ăn trên đường đihọc về. Đêm ngày hôm sau, cả 8 đứa trẻ lần lượt có triệu chứng buồn nôn, nôn khan, lưỡi khô. Đến 6h sáng 22/9 , một đứa bé 11 tuổi đã tử vong, 7 đứa trẻ còn lại được đưa gấp đến bệnh viên để cữu chữa. Theo các triệu chứng, bác sĩ cho rằng những đứa trẻ này đã ngộ độc thực phẩm và phải nằm lại bệnh viện để theo dõi. Cảnh sát tiến hành khám nghiệm thi thể đứa trẻ xấu số, cùng lúc đó, Cục Quản Lý Thực Phẩm Dược Phẩm địa phương tiến hành thử nghiệm mẫu quà vặt bị tình nghi. Theo lời kể của người mẹ về cậu bé vắn số Tiểu Kiệt, lúc 5h sáng ngày 22/9, bà nội cậu phát hiện cháu mình bất động, lay gọi mới phát hiện mồm cậu mở to, lưỡi thâm đen, mắt mở trừng trừng. Theo chẩn đoán, Tiểu Kiệt tử vong lúc 5h sáng tại nhà riêng. Được biết, bảy nạn nhân bị trúng độc còn lại sống cùng xã, đứa lớn nhất mới có 12, đứa nhỏ nhất chỉ có 8 tuổi. Một đứa nhỏ cho hay, hôm đó, mấy đứa trẻ hẹn nhau mua ít đồ ăn vặt ở một quán mạt chược trong xã, gồm 3 gói khoai tây chiên, vài gói cam khô và vài gói đậu phụ cay sấy khô. Trên đường về nhà, đám nhỏ chia nhau ăn hết, một số đứa còn uống thêm ít bia rồi nhảy xuống con sông gần đó bơi một lúc. Đến 20h tối 22/9, cả 7 đứa trẻ đều có hiện tượng đau bụng, chóng mặt, buồn nôn, buồn ngủ, người lúc lạnh lúc nóng. Sau đó, cha mẹ các em đưa các em vào BV Nhân Dân cấp cứu ngay.

Tuổi trẻ

WHO: Vaccine Ebola sắp được đưa vào sử dụng

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 26-9 cho biết sẽ đưa một lượng nhỏ vaccine chống Ebola vào sử dụng trong tháng 1-2015.Các diễn viên diễu hành trên đường sau khi biểu diễn tại một ngôi trường. Hoạt động nằm trong khuôn khổ chiến dịch chống Ebola tại Abidjan (Bờ Biển Ngà) – Reuters. Theo AFP, WHO cho biết đang làm việc với các công ty dược để người dân Tây Phi sớm tiếp cận vơi các vaccine này. Các hãng dược như GlaxoSmithKline, NewLink,… đang thực hiện các cuộc thử nghiệm lâm sàng. “Nếu mọi thứ tiến triển tốt, vào tháng 1 năm tới, chúng ta sẽ có thể bắt đầu sử dụng một vài loại vaccine tại các nước bị dịch bệnh Ebola hoành hành” - Trợ lý Tổng giám đốc WHO Marie-Paule Kieny cho biết. Tuy nhiên bà Kieny cũng cảnh báo rằng các loại vaccine trên chỉ là thuốc thử nghiệm. “Có nhiều kết quả hứa hẹn khi thử nghiệm trên khỉ. Tuy nhiên, khỉ không phải là con người” – bà Kieny nói. Quỹ tiền tệ quốc tế IMF hôm 26-9 cũng đồng ý chi 130 triệu USD để viện trợ các nước Guinea, Liberia, Sierra Leone khống chế Ebola. Trong khi đó, Cuba cho biết sẽ đưa thêm 300 bác sĩ và y tá đến Tây Phi để giúp chính phủ và người dân các nước này chống lại đại dịch Ebola. Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đang hối thúc cộng đồng quốc tế xem dịch Ebola là một mối de dọa an ninh chứ không chỉ là một đại dịch. Theo thống kê mới nhất của WHO, kể từ khi bùng phát vào tháng 3-2014, đại dịch Ebola tại Tây phi đã khiến 3.091 người thiệt mạng. Số người nhiễm bệnh ước tính vào khoảng 6.500 người. Các diễn viên diễu hành trên đường sau khi biểu diễn tại một ngôi trường. Hoạt động nằm trong khuôn khổ chiến dịch chống Ebola tại Abidjan (Bờ Biển Ngà) -Reuters

Thanh niên

Mỹ: Dịch bệnh Ebola là mối đe dọa an ninh toàn cầu

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 26.9 cho biết số người chết vì dịch bệnh Ebola hoành hành Tây Phi đến nay vượt qua 3.000. Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi dịch bệnh này là “mối đe dọa an ninh toàn cầu”. WHO cho biết có trên 6.500 người bị nhiễm Ebola ở các nước Tây Phi và trên 3.000 người chết về dịch bệnh này, theo đài BBC (Anh). Liberia là quốc gia Tây Phi bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch bệnh Ebola, với 1.830 người chết. Và Mỹ đã tuyên bố gửi khoảng 3.000 binh sĩ giúp Liberia kiềm chế dịch bệnh Ebola lây lan. Chính quyền ông Obama kêu gọi cộng đồng quốc tế xem đợt bùng phát dịch bệnh Ebola và những dịch bệnh chết người khác là những mối đe dọa an ninh toàn cầu, kêu gọi các nước tiếp tục hỗ trợ chống lại dịch bệnh này. Dịch bệnh Ebola bùng phát từ tháng 3.2014 sau khi ca đầu tiên nhiễm bệnh được phát hiện ở đông nam Guinea. Từ đó, dịch bệnh Ebola lan rộng sang các nước Liberia, Sierra Leone, Guinea, Nigeria, Senegal và Congo. Các nghiên cứu mới đây cảnh báo số người nhiễm Ebola có thể tăng lên trên 20.000 vào đầu tháng 11.2014, theo BBC. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã tuyên bố dịch bệnh Ebola đe dọa hòa bình thế giới.

Chung tay giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh

Sáng 28.9, tại Hà Nội, T.Ư Hội Nông dân VN, Hội Liên hiệp phụ nữ VN, Quỹ dân số LHQ (UNFPA) tại VN phối hợp tổ chức lễ mít tinh khởi động chiến dịch “Chung tay giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh”. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam dự chương trình. Chương trình nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng về nguyên nhân và hậu quả của việc lựa chọn giới tính thai nhi do định kiến giới; kêu gọi nhiều nỗ lực hơn nữa của Chính phủ và các cơ quan liên quan cùng chung tay chấm dứt hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh vốn là một trong những hình thức phân biệt đối xử.

Hơn 8,6 tỉ đồng hỗ trợ nạn nhân da cam/dioxin

Ngày 28.9, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP.HCM tổ chức đại hội đại biểu lần thứ 3, nhiệm kỳ 2014 - 2019. Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7, tái đắc cử chức Chủ tịch Hội nhiệm kỳ mới. Trong nhiệm kỳ qua (từ tháng 1.2009 - 12.2013), Hội đã hỗ trợ 28 gia đình xây và sửa chữa nhà ở; tặng gần 5.000 phần quà; trợ cấp 567 suất học bổng và chăm sóc y tế cho 250 nạn nhân da cam/dioxin… với tổng số tiền hơn 8,6 tỉ đồng. Hội đang thực hiện dự án xây dựng Trung tâm nuôi dưỡng, điều trị phục hồi chức năng, dạy nghề cho nạn nhân da cam/dioxin (gọi tắt là Làng Cam) tại ấp 6, xã Xuân Thới Thượng, H.Hóc Môn (TP.HCM) với tổng vốn đầu tư 100 tỉ đồng.

Pháp luật Tp. Hồ Chí Minh

Dược Ấn Độ: Lợi nhuận tỉ lệ nghịch uy tín chất lượng

Hơn 1/5 trong 100 tỉ phú giàu nhất Ấn Độ làm trong ngành dược, theo tạp chí Forbes (Mỹ) tuần rồi. Số tỉ phú làm trong ngành dược của Ấn Độ đã vượt qua số tỉ phú làm trong ngành thép. Ông Dilip Shanghvi - nhà sáng lập Công ty dược có tiếng nhất Ấn Độ Sun Pharmaceutical Industries với giá trị vốn hóa thị trường 27 tỉ USD trở thành người giàu có thứ hai Ấn Độ, vượt qua ông trùm ngành thép Lakshmi Mittal - Chủ tịch Công ty sản xuất thép lớn nhất thế giới Arcelor Mittal. Ông Desh Bandhu Gupta, Tổng Giám đốc Công ty dược Lupin, đứng vị trí 19 trong bảng xếp hạng tỉ phú Ấn Độ với tài sản 4,8 tỉ USD. Vì thấy lợi nhuận hấp dẫn, Lupin và nhiều công ty dược khác cũng đang mở rộng thị trường ra toàn cầu. Sự ăn nên làm ra của các công ty dược Ấn Độ lại tỉ lệ nghịch với uy tín chất lượng. Sun Pharmaceutical Industries bị Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đưa vào tầm ngắm và đã bị FDA cảnh báo về chất lượng sản phẩm của nhà máy công ty này ở bang Gujarat. Một công ty con của Sun Pharmaceutical Industries ở Mỹ trong năm 2014 này đã phải thu hồi ba loại thuốc vì không đảm bảo chất lượng.

Công khai mua bán rác thải

Các loại can, thùng đựng hóa chất được người dân vô tư sử dụng mà không biết nó là nguồn gây nhiều bệnh ung thư. LTS: Theo quy định, các loại can, thùng phuy sắt, thùng nhựa đựng hóa chất sau khi sử dụng phải được xử lý bằng công nghệ phù hợp vì nó nhiễm các hóa chất rất độc, gây nhiều bệnh tật như ung thư, vô sinh, dậy thì sớm, thai nhi dị dạng… Tuy nhiên, tại Đồng Nai, tình trạng buôn bán các loại rác thải công nghiệp nguy hại chưa qua xử lý gần như công khai và người dân vô tư mua các loại bao bì này về sử dụng, vô tình đầu độc mình mà không biết. Tại TP Biên Hòa, dọc theo các tuyến đường Nguyễn Ái Quốc, Bùi Văn Hòa, quốc lộ 1A (đoạn từ ngã ba Trị An, Trảng Bom đến công viên 30-4, phường Tân Biên) nhan nhản các cơ sở buôn bán các loại can, thùng phuy, thùng nhựa… từ 100 đến 1.000 lít. Các loại bao bì này trước đó đựng hóa chất, là rác thải công nghiệp nguy hại nhưng người dân không biết, mua về sử dụng.

Súc sơ rồi bán

Chúng tôi ghé vào đại lý trên đường Nguyễn Ái Quốc, đoạn thuộc khu phố 1, phường Tân Hiệp thì gặp ngay nhiều vỏ thùng phuy bằng sắt, nhựa từng đựng thuốc tẩy, sơn, keo, xăng dầu... Nhiều thùng còn nồng nặc mùi thuốc trừ sâu. Chủ đại lý chào giá: Thùng nhựa 1.000 lít dùng làm bồn chứa nước giá 1,2 triệu đồng. Loại đế gỗ giá 850.000 đồng. Các thùng phuy, thùng nhựa giá 170.000-220.000 đồng, tùy vào chất lượng nhựa. “Chỉ cần đổ xà bông và nước vào lau nhẹ là sạch, dùng để đựng nước sinh hoạt rất tiện. Anh muốn mua bao nhiêu cũng có. Muốn lấy số lượng lớn thì tôi dẫn về kho ở gần ngay đây” - chị này nói. Đối diện là đại lý L. thuộc khu phố 5, phường Trảng Dài, chủ đại lý này cho biết: Ngoài cả ngàn thùng tại đây còn có nhiều kho hàng ở huyện Trảng Bom và phường Long Bình Tân nên cần bao nhiêu cũng có. “Tôi vừa giao 300 bồn 1.000 lít ở miền Tây để làm bồn chứa nước sinh hoạt. Hàng đã súc rửa bằng nước và xà bông rồi nên chỉ mang về là sử dụng chứ không cần súc rửa gì thêm” - chủ đại lý nói. Tại một căn nhà hai tầng ở phường Hố Nai, sau ba lần nhấn chuông, một người đàn ông ra tiếp chúng tôi, đưa vào trong xem các loại thùng. Cũng như ở những nơi khác, người này cho biết sẽ giao hàng tận nơi, muốn bao nhiêu có bấy nhiêu. Không chỉ ở TP Biên Hòa mà trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, quanh các khu công nghiệp như Sông Mây, Bàu Xéo (huyện Trảng Bom), Long Thành (huyện Long Thành), Nhơn Trạch (huyện Nhơn Trạch), chúng tôi dễ dàng ghi nhận có hàng chục đại lý bày bán công khai các loại thùng phuy, thùng nhựa đựng hóa chất đã qua sử dụng mà không gặp bất cứ trở ngại nào từ phía các cơ quan chức năng.

Vô tư mua về sử dụng

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các loại thùng vốn là các thùng đựng hóa chất công nghiệp như dầu nhớt, các chất tẩy rửa trong các nhà máy dệt, nhuộm, giày da, các loại hóa chất phụ gia để sản xuất sơn, các loại acid công nghiệp… Các hóa chất này phục vụ các ngành sản xuất cơ khí, ô tô, xe máy, điện tử, sơn xi mạ, dệt nhuộm… trong các khu công nghiệp ở Đồng Nai tuồn ra ngoài. Các đại lý chỉ việc bóc nhãn mác rồi bán và người dân vô tư mua về sử dụng mà không biết rằng chúng có thể gây độc, thậm chí gây bệnh ung thư. Chủ một khu nhà trọ ở phường Tân Phong, TP Biên Hòa, cho biết: “Lúc đầu tôi định xây bể chứa nước nhưng thấy thợ xây tư vấn nên mua thùng nhựa về làm bể lọc và chứa nước, vừa thuận tiện lại dễ di chuyển. Tính ra thì rẻ gấp nhiều lần so với mua bồn chuyên dùng hoặc xây bể bằng bê tông… Tôi cũng chẳng biết các thùng này trước đây đựng gì. Hơn nữa mình chứa nước cho những người ở trọ chứ mình có dùng nước đó đâu mà lo!”. Còn anh Vinh, phường Trảng Dài, cho biết: Khi mua, thùng nồng nặc mùi hóa chất nhưng người bán nói là không độc hại, chỉ cần rửa sơ bằng xà bông, ngâm nước một thời gian sẽ hết. Nhưng tôi sử dụng mấy tháng rồi mà vẫn còn phảng phất mùi hôi. Việc xây bể chứa nước rất tốn kém nên người dân thường chọn mua các loại thùng đựng hóa chất công nghiệp đã qua sử dụng về đựng nước. “Lúc đầu mới mua thùng còn bốc mùi hôi khó chịu nhưng ngâm nước một thời gian chắc chất độc sẽ hết”. Trong các gia đình, ngoài việc dùng các loại thùng đựng nước, người dân cũng thường cắt các thùng, can nhỏ làm máng đựng thức ăn cho gia súc, gia cầm…

Mỗi năm có 15.000 phụ nữ bị ung thư vú

Ngày 28-9, Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư “Ngày mai tươi sáng” (Bộ Y tế) đã tổ chức “Ngày hội truyền thông phòng, chống ung thư vú” tại Hà Nội. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên, ung thư vú là căn bệnh thường gặp và gây tử vong đứng thứ hai trong các bệnh ung thư ở phụ nữ. Mỗi năm Việt Nam phát hiện khoảng 15.000 người mắc bệnh này. Phát biểu tại ngày hội, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan kêu gọi phụ nữ cần tăng cường phòng bệnh bằng việc khám bệnh thường xuyên để phát hiện sớm ung thư và điều trị kịp thời. Trong khuôn khổ ngày hội, sẽ có 1.000 phụ nữ được tư vấn và hướng dẫn các biện pháp tự phát hiện sớm khối u ở vú.

Tiền phong

Lại thiếu vắc-xin 6 trong 1

Tình trạng thiếu vắc-xin 6 trong 1 phòng các bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B, bại liệt bất hoạt và Hib đang diễn ra tại Hà Nội. Nhiều gia đình đưa con đi tiêm tại các cơ sở tiêm chủng đều vấp phải tình trạng người muốn tiếm thì đông mà lượng vắc-xin thì ít. Ông Nguyễn Minh Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ khoa học kỹ thuật và y tế dự phòng (Viện Vệ sinh dịch tế Trung ương) cho biết, chiều ngày 25/5, nhà phân phối đã chuyển 500 liều vắc-xin đến điểm tiêm. Chiều ngày 25/9, đã tiêm 10 liều, 350 liều đã tiêm hết trong sáng 26/9. Được biết lượng vắc-x in nhập về không thấm tháp với lượng trẻ có nhu cầu tiêm. Trong khi đó nhà phân phối cũng chưa chuyển hết lượng vắc-xin theo nhu cầu.

Lao động

Phát hiện đối tượng người Trung Quốc buôn lậu thiết bị y tế

Về số hàng gồm 27 máy trang thiết bị y tế, 1.032 linh kiện và phụ kiện dùng trong nha khoa bên ngoài có chữ Trung Quốc, Mao Chí Cường khai nhận do Cường nhập lậu từ Trung Quốc bán cho các trung tâm nha khoa trên địa bàn Hà Nội để kiếm lời. Ngày 25/9, Đội 6 - Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49 - CATP Hà Nội) cho biết đang phối hợp với các đơn vị chức năng xác minh, làm rõ lô hàng thuốc tân dược và trang thiết bị y tế không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ được đơn vị này phát hiện, thu giữ. Trước đó, khoảng 14h ngày 23/9, tại bến xe Lương Yên, Đội 6 phối hợp với Công an phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng) tiến hành kiểm tra chiếc xe tải đang được bốc dỡ hàng trong bến xe. Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 19 thùng hàng, bên trong chứa 38.000 ống thuốc Lignospan Standard (thuốc tân dược gây tê nha khoa do Pháp sản xuất). Lái xe Trần Văn Minh cho biết, anh được một người Trung Quốc thuê vận chuyển nhưng không xuất trình hóa đơn chứng từ. Qua xác minh, cơ quan công an đã làm rõ chủ lô hàng trên là Mao Chí Cường, quốc tịch Trung Quốc. Mở rộng điều tra, chiều tối cùng ngày 23/9, lực lượng chức năng đã kiểm tra kho hàng của Mao Chí Cường tại địa chỉ ngõ 123 Lãng Yên, phường Thanh Lương (Hai Bà Trưng). Tại đây, cơ quan chức năng thu giữ  27 máy trang thiết bị y tế, 1.032 linh kiện và phụ kiện dùng trong nha khoa bên ngoài có chữ Trung Quốc nhưng không có hóa đơn chứng từ. Nói tiếng Việt Nam khá sõi, Mao Chí Cường khai nhận, số ống thuốc tân dược bị thu giữ là loại thuốc “xịn”, được Cường mua của một công ty chuyên nhập khẩu hàng nước ngoài (trụ sở tại TP Hồ Chí Minh). Số thuốc này, Cường vận chuyển qua Cao Bằng về Trung Quốc tiêu thụ. Về số trang thiết bị y tế, Cường khai do mình nhập lậu từ Trung Quốc bán cho các trung tâm nha khoa trên địa bàn Hà Nội để kiếm lời. Đến chiều tối ngày 24/9, Mao Chí Cường mới xuất trình được 3 tờ hóa đơn chứng từ của 10.500 ống thuốc tân dược trong tổng số 38.000 ống. Vụ việc đang tiếp tục được làm rõ.

Nông thôn Ngày nay

Đã có 50 ca tử vong vì bệnh dại

Báo cáo nhân ngày Thế giới phòng chống bệnh dại 28/9, Cục YTDP và Cục Thú y cho biết, trong những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong việc loại trừ bệnh dại thông qua những nỗ lực chung của cả hai ngành. Tuy nhiên, các thống kê từ những tháng đầu năm vẫn cho thấy có 50 người tử vong vì bệnh này. Hầu hết các trường hợp tử vong do bệnh dại đều không đi tiêm văcxin phòng bệnh dại sau khi bị phơi nhiễm. Nguyên nhân không đi tiêm phòng chủ yếu do chủ quan cho rằng chó nhà nên không cần tiêm. Một số người do không hiểu biết về bệnh dại; không có tiền để đi tiêm phòng hoặc dùng thuốc Nam để điều trị. Bệnh dại có tỷ lệ tử vong tới 99,9% nhưng đồng thời có thể dự phòng được 100%. Có thể loại trừ được bệnh dại bằng cách tiêm phòng cho chó và ngăn chặn sự lan truyền của virus dại sang người. Đây cũng là chiến lược dựa trên bằng chứng duy nhất nhằm loại trừ bệnh dại.

Kiến Thức

Khốn khổ như chầu chực tiêm vắc xin cho con ở Hà Nội

Vắc xin dịch vụ 6 trong 1 "cháy" triền miên; nên mặc dù đã đăng ký trước cả tháng, nhiều gia đình vẫn mang con đi tiêm rồi lại về không.

Đăng ký trước cả tháng

Sáng 27/9, điểm tiêm phòng của Công ty vắc xin và sinh phẩm số 1 tại Làng quốc tế Thăng Long, Hà Nội chặt kín người. Cảnh tượng nhốn nháo, chờ đợi nhiều phụ huynh đưa con đi tiêm ngao ngán. Đưa bé Minh Lâm, gần 21 tháng đi tiêm mũi nhắc lại của vắc xin 6 trong 1, chị Ngọc Linh ở Làng quốc tế Thăng Long, chia sẻ: đáng lẽ mũi nhắc lại này bé phải tiêm từ tháng 7, tháng 8 theo lịch hẹn của bác sĩ nhưng lần nào đến cũng hết thuốc. Tháng trước đến tiêm, nhân viên phòng tiêm chủng cũng báo hết và hẹn vắc xin 5 trong 1 thì tháng sau có nhưng phải tiêm một mũi viêm gan B lẻ, còn vắc xin 6 trong 1 chưa biết bao giờ có, nếu có phải sang tháng 10. Thế nhưng, hôm nay cẩn thận mang bé tới tiêm lại được thông báo hết. “Nhân viên phòng tiêm nói phải đăng ký từ tháng trước bây giờ mới được tiêm. Bé nào hôm nay mới đến tiêm không còn thuốc. Thắc mắc sao tháng trước bảo chưa có nên không cho đặt lịch giờ đến lại bảo hết thì nhân viên cho biết các mẹ phải gọi điện thường xuyên đến đây nếu có thuốc đặt ngay. Đi tiêm vất vả quá”, chị Ngọc Linh nói. Tình cảnh trên xảy ra cả ở những điểm tiêm khác trên địa bàn Hà Nội. Tại điểm tiêm chủng thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, số 1, Yecxanh, Hai Bà Trưng, Hà Nội tình cảnh không khá hơn. Trưa ngày 25/9, điểm tiêm này nhập được 500 liều vắc xin 6 trong 1 nhưng đến chiều đã không còn một liều nào. Nhiều gia đình phải đi xếp số từ nửa đêm mới hy vọng con được tiêm. Những gia đình đến muộn đành đưa con về chờ vắc xin nhưng không có thời hạn bao giờ có. Theo nhân viên của điểm tiêm phòng của Công ty vắc xin và sinh phẩm số 1 tại Làng quốc tế Thăng Long hiện vắc xin dịch vụ 6 trong 1 đã hết veo, vắc xin 5 trong 1 cũng không còn. Nếu muốn tiêm vắc xin 5 trong 1 thì tuần tới liên hệ lại với điểm tiêm nếu có sẽ hẹn gia đình đưa con em tới tiêm. Còn vắc xin 6 trong 1 điểm tiêm không dám hẹn trước vì đến giờ cũng không biết chính xác bao giờ có vắc xin.

Bao giờ hết cảnh này?

Cách đây 2 tháng, tình trạng thiếu vắc xin dịch vụ này đã diễn ra, Cục quản lý dược (Bộ Y tế) đã cho nhập 100.000 liều. Tuy nhiên, số vắc xin này như “muối bỏ bể”. Để ổn định tình hình cũng như giúp người dân cân nhắc nên sử dụng vắc xin dịch vụ hay chương trình tiêm chủng mở rộng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có chỉ đạo công tác tiêm chủng dịch vụ. Theo đó, tăng cường công tác truyền thông, tư vấn để người dân tiêm vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng (tương đương với vắc xin dịch vụ) để người dân tiêm vắc xin đủ, đúng lịch. Bên cạnh đó, các cơ sở tiêm chủng chủ động đặt hàng các nhà cung ứng, đồng thời lập kế hoạch dự trù các vắc xin đáp ứng đủ nhu cầu người dân tránh tình trạng thiếu hụt. Tình cảnh khan hiếm vắc xin vẫn diễn ra và không được cải thiện. Vậy nguyên nhân do đâu? Vắc xin tiêm dịch vụ thường do các công ty tự nhập khẩu về theo nhu cầu thị trường. Những năm trước xảy ra nhiều tai biến sau tiêm nên nhiều trẻ bỏ tiêm, vắc xin nhập về bị ứ đọng nhiều phải hủy vì hết hạn sử dụng. Một số doanh nghiệp nhập vắc xin không tiêu thụ được trong năm 2013, nên đã hạn chế số lượng nhập khẩu cho năm 2014. Đến nay, khi nhiều dịch bệnh bùng phát, người dân lại đổ đi tiêm phòng, nên không có đủ vắc xin. Nhu cầu tiêm vắc xin dịch vụ hiện nay tăng mạnh khiến cung không đủ cầu. Theo Cục quản lý dược (Bộ Y tế) vắc xin dịch vụ do thị trường điều tiết, nên những đơn vị cung cấp vắc xin cần có dự trù để nhập khẩu. Thời gian cho mỗi đơn hàng cần khoảng 6 tháng: 3 tháng để nhà sản xuất có thời gian sản xuất lô sản phẩm, 3 tháng cho thử nghiệm trước khi đến người dùng. Một điểm nữa, hàng năm, dự báo tình hình dịch chủ yếu là theo kế hoạch và cho chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Riêng văc xin dịch vụ do nhu cầu của người dân. Hơn nữa, một “rắc rối” đang diễn ra: Cục quản lý dược là đơn vị quản lý văc xin. Trong khi Cục y tế dự phòng là đơn vị dự báo dịch bệnh. Hai cục này không triển khai dự báo tình hình dịch và nhu cầu hợp lý sẽ dẫn đến tình cảnh thiếu hụt trên. Đến thời điểm này, dù vắc xin dịch vụ do các công ty tự nhập về nhưng về phía quản lý Cục quản lý dược (Bộ Y tế) vẫn chưa thông báo gì về việc có hay không, cũng như nếu có thì bao giờ vắc xin 6 trong 1 lại về. Người dân vẫn phải chờ không thời hạn.

VietnamPlus

4,3 triệu nam giới Việt Nam có thể không tìm được vợ để kết hôn

Sáng 28/9, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam phối hợp tổ chức lễ míttinh khởi động Chiến dịch “Chung tay giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh.” Chương trình nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng về nguyên nhân và hậu quả của việc lực chọn giới tính thai nhi do định kiến giới; kêu gọi nhiều nỗ lực hơn nữa của Chính phủ và các cơ quan liên quan cùng chung tay chấm dứt hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh, một trong những hình thức phân biệt đối xử. Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường cho biết tại Việt Nam, mất cân bằng giới tính khi sinh đã tăng từ 106,2 bé trai/100 bé gái năm 2000 lên 113,8 bé trai/100 bé gái năm 2013 và xu hướng này đang tiếp tục gia tăng. Nếu không có các biện pháp can thiệp kịp thời, dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ phải đối mặt với viễn cảnh có khoảng 2,3-4,3 triệu nam giới không tìm được vợ để kết hôn. Có nhiều bằng chứng ở châu Á và Việt Nam cho thấy mất cân bằng giới tính khi sinh chủ yếu là do định kiến giới, ưa thích con trai và xem thường giá trị trẻ em gái. Điều này tạo nên áp lực nặng nề đối với phụ nữ về việc phải sinh được con trai, ảnh hưởng tiêu cực đến cấu trúc dân số Việt Nam trong tương lai. Nhân dịp này, Hội Nông dân Việt Nam cam kết tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động cán bộ hội viên nông dân nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của vấn đề cân bằng giới đối với hạnh phúc gia đình và sự nghiệp phát triển đất nước. Từ đó, từng bước góp phần thực hiện bình đẳng giới và khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Ông Arthur Erken, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, cho rằng nguyên nhân cốt lõi của vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh không nằm ở việc lựa chọn giới tính thai nhi, mà chính là do sự bất bình đẳng giới và xem thường giá trị của phụ nữ và trẻ em gái. Do đó, giải pháp không chỉ tập trung vào giải quyết hiện tượng mà vấn đề cần được giải quyết trong bối cảnh rộng lớn, đảm bảo nhân phẩm và các quyền con người của mỗi cá nhân, phụ nữ, trẻ em. Khi phụ nữ, trẻ em gái được tiếp cận với chăm sóc y tế, giáo dục, cơ hội việc làm bình đẳng như nam giới, họ có thể phát triển tốt và làm được những gì nam giới và trẻ em trai được mong đợi cần phải làm, thậm chí họ có thể làm tốt hơn. Tuy nhiên, nếu chỉ có phụ nữ thì không giải quyết được vấn đề mà cần có sự hợp tác của nam giới trên tinh thần quan hệ đối tác. Nam giới cần phải được khuyến khích để trở thành những tác nhân thay đổi văn hóa, xã hội, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam nhấn mạnh. Bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cam kết tiếp tục tuyên truyền, giáo dục, vận động hội viên phụ nữ nâng cao trình độ, nhận thức về mọi mặt, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội; đồng thời kêu gọi hội viên phụ nữ cam kết và thể hiện hành động tham gia giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh. Sau lễ míttinh, diễu hành, chiến dịch sẽ tiếp tục với chuỗi sự kiện thông qua các cuộc hội thảo, tọa đàm tại Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh; tuyên truyền qua hệ thống truyền thông đại chúng và mạng xã hội./

Gia đình Việt Nam

Tọa đàm 'Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên - thanh niên'

Buổi tọa đàm 'Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên - thanh niên' được tổ chức tại Hà Nội mới đây đã mang đến nhiều kiến thức bổ ích cho lứa tuổi vị thành niên, thanh niên về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục. Buổi tọa đàm với chủ đề "Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên - thanh niên" được tổ chức tại Hà Nội mới đây nhằm mục đích phổ biến rộng rãi cho người dân, đặc biệt là đối tượng vi thành niên, thanh niên hiểu biết về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục. Buổi tọa đàm có sự tham gia của ông Lê Đình Phương - Phó Chủ tịch Hội Kế hoạch hóa Gia đình Việt Nam (KHHGĐ VN), ông Nguyễn Văn Tuyết - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, bà Lưu Thị Hồng – Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ -Trẻ em, ông Nguyễn Thanh Hảo -Phó Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên Việt Nam cùng đông đảo các bạn sinh viên tới từ các trường đại học, cao đẳng. Buổi tọa đàm khẳng định, Hội KHHGĐ là tổ chức lớn nhất về chăm sóc sức khỏe sinh sản. Trong những năm qua, Hội KHHGĐ đã có những đóng góp đáng kể vào lĩnh vực này. Cụ thể, vừa qua, Hội cũng đã tổ chức thành công diễn dàn vị thành niên, thanh niên. Ông Lê Đình Phương, Phó Chủ tịch Hội KHHGĐ VN cho biết, kết quả của diễn đàn vị thành niên, thanh niên đã góp phần nâng cao nhận thức của các bạn trẻ trong độ tuổi này. Trong thời gian sắp tới, Hội KHHGĐ VN sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động trên khắp các mạng lưới cơ sở Hội ở các tỉnh thành trong cả nước. Cũng trong buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch Hội KHHGĐ VN kiến nghị lên Quốc hội và Chính phủ, mong muốn có một chương trình riêng đầu tư trực tiếp cho Hội KHHGĐ VN như nhiều nước khác trên thế giới để Hội có thể phục vụ tốt hơn nữa cho xã hội. Ngoài ra, Hội cũng mong muốn nhận được sự phối hợp từ phía các ban, ngành, đoàn thể để Hội có thể phát triển mạng lưới rộng hơn nữa, nhằm phục vụ xã hội tốt hơn. Tại buổi tọa đàm, các bạn trẻ ở độ tuổi vị thành niên, thanh niên cũng đã đặt ra những câu hỏi tới các khách mời và nhận được những giải đáp tư vấnbổ ích. Nhờ đó, các bạn trẻ trong độ tuổi vị thành niên, thanh niên đã hiểu rõ được những hoạt động của Hội KHHGĐ, đặc biệt, được tìm hiểu kỹ hơn các địa chỉ phòng khám tin cậy, thân thiện với thanh niên. Những phòng khám đáng tin cậy này là điểm thu hút hơn nữa các bạn trẻ trong độ tuổi vị thành niên, thanh niên đến với các dịch vụ của Hội.

Người lao động

Đại phẫu bóc khối u quái trên gương mặt 2 cô gái

Hai cô gái còn rất trẻ nhưng đường tương lai bị bịt lối do bị khối u phá vỡ biến dạng khuôn mặt, đối diện nguy cơ tử vong cao đã được chuyên gia phẫu thuật bóc u đến từ Mỹ mổ lấy thành công trọn khối. Ngày 28-9, Bệnh viện FV cho biết vừa phẫu thuật thành công cắt bỏ hai khối u quái khổng lồ cho hai cô gái Nguyễn Thị Ngọc Thi (26 tuổi) và Nguyễn Mai Thơ (17 tuổi). Ngọc Thi bị khối u máu trong miệng và lưỡi từ khi còn rất nhỏ. Ban đầu khối u chỉ như hạt đậu ở lưỡi sau đó lớn dần, phá hủy toàn bộ môi dưới, thỉnh thoảng lại chảy máu khiến Thi rất đau đớn. Gia đình đưa đi khám nhiều nơi nhưng bị từ chối phẫu thuật vì quá nguy hiểm tính mạng bệnh nhân. Còn Mai Thơ bị bướu sarcom mô mềm mô liên kết. Năm 15 tuổi, phần thái dương của cô có bướu nhỏ bằng hạt đậu, sau đó khối u phát triển lớn dần. Dù đã từng được một bệnh viện phẫu thuật cắt bỏ nhưng bốn tháng sau, bướu tái phát phình to dữ dội to bằng trái cam, thường chảy dịch, gây biến dạng gương cả vùng đầu, mặt cô gái. Dù được điều trị xạ trị, thuốc nam nhưng u vẫn ngày càng phình ra. Tại Bệnh viện FV, với sự hỗ trợ chuyên môn của chuyên gia phẫu thuật đến từ Mỹ, GS-BS McKinnon (người đã từng phẫu thuật cắt bỏ thành công khối u 90 kg của anh Hải “chân voi” cách đây hơn 2 năm), các bác sĩ đã quyết định loại bỏ khối u cho cả hai bệnh nhân. Nếu không cả hai đối diện nguy cơ tử vong cao do bướu phát triển nhanh, chèn ép nhiều bộ phận thần kinh, đường thở Ca mổ Ngọc Thi kéo dài hơn 7 tiếng.Các bác sĩ đã cắt bỏ bớt khối u trên lưỡi, u rải rác trong khoang miệng, môi, sau đó tạo hình cân xứng để bệnh nhân có thể khép miệng và nói chuyện, ăn uống bình thường khi vết thương lành. Còn ca mổ Mai Thơ bắt đầu lúc 9 giờ 15 và kết thúc vào lúc 20 giờ 40, bệnh nhân mất rất nhiều máu và mắt phải cũng không giữ được. Do khối u xâm lấn toàn bộ mặt phía bên phải nên phải rất vất vả, tỉ mẩn để cắt bỏ, nạo hạch hạn chế bỏ sót tế bào ung thư. Khối u quá lớn phá hủy toàn bên phải gương mặt nên Thơ sẽ được tạo hình gương mặt vào năm sau khi bác sĩ McKinnon quay lại Việt Nam.  Được biết chi phí cho hai ca mổ được một tổ chức từ thiện cùng Bệnh viện FV tài trợ.

Tiếp sức bệnh nhân ung thư máu

Phương pháp điều trị nhắm đích đã mang lại cuộc sống bình thường cho nhiều bệnh nhân ung thu máu từng chạm vào cửa tử Với chi phí 500 triệu đồng tiền thuốc mỗi năm, nếu bệnh nhân lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt (một thể ung thư máu ác tính) phải dùng thuốc suốt đời thì quả là một gánh nặng.

Hỗ trợ 100% chi phí thuốc

Cách đây 4 năm, bà Đỗ Thị Mai - 46 tuổi, quê Phú Thọ - bị phát hiện mắc bệnh lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt. Suốt 2 năm sau đó, bà Mai thường xuyên nhập viện nhưng sức khỏe vẫn rất yếu. Bà hầu như phải nằm một chỗ, muốn đi lại phải có sự hỗ trợ của người thân. Năm 2012, bà Mai được chỉ định phương pháp điều trị nhắm đích, bệnh nhân được hỗ trợ 100% chi phí thuốc từ chương trình Hỗ trợ thuốc Gilevec của Bộ Y tế. Chỉ sau một thời gian ngắn, sức khỏe của bà dần bình phục, các chỉ số xét nghiệm trở lại bình thường.  Theo GS-TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu trung ương, không chỉ bà Mai, gần 1.000 bệnh nhân ung thư máu khác đang được áp dụng phương pháp điều trị nhắm đích tại các bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP HCM, Ung Bướu TP HCM và Bệnh viện K trung ương cũng cho kết quả rất khả quan. GS Trí cho biết điều trị nhắm đích, còn gọi là phương pháp dùng thuốc sửa chữa đột biến gien di truyền, là phương pháp được lựa chọn đầu tiên với căn bệnh lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt. “Điều trị nhắm đích hiệu quả rất cao với tỉ lệ bệnh nhân sống khỏe mạnh bình thường trên 8 năm lên tới 80%. Tuy nhiên, phương pháp này có chi phí rất cao, tới khoảng 500 triệu đồng/năm và điều trị kéo dài nhiều năm. Vì vậy, bệnh nhân hầu như không có khả năng tiếp cận dù có BHYT” - GS Trí nói. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết tại Việt Nam, năm 2009, Bộ Y tế, BHXH và Công ty Norvatis đã phối hợp chia sẻ gánh nặng tài chính để giúp bệnh nhân tiếp cận được phương pháp điều trị nhắm đích. Theo đó, các bệnh nhân có trên 36 tháng tham gia BHYT sẽ được chi trả 100% chi phí thuốc điều trị. Trong đó, BHYT chi trả 40% chi phí điều trị, công ty hỗ trợ 60% bằng thuốc. Với sự phối hợp như vậy, những năm qua, bệnh nhân lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt đã giảm gánh nặng chi phí thuốc điều trị hàng tỉ đồng.

Tỉ lệ thành công cao

Bác sĩ Bạch Quốc Khánh, Phó Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu trung ương, cho biết hầu hết bệnh nhân sau 2-3 năm điều trị không còn bất thường nhiễm sắc thể, loại trừ được nguyên nhân gây bệnh, sức khỏe phục hồi và trở về cuộc sống bình thường. “Bệnh nhân không được điều trị nhắm đích chỉ có thể sống khoảng 3 năm và thường xuyên phải nhập viện” - bác sĩ Khánh khẳng định. Theo bác sĩ Khánh, trước đây, bệnh lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt rất hiếm gặp nhưng nay đã trở nên phổ biến. Những bệnh nhân điều trị nhắm đích thất bại sẽ được chỉ định ghép tế bào gốc. Đến nay,tại Viện Huyết học - Truyền máu trung ương, đã có 9 bệnh nhân được ghép tế bào gốc trị bệnh, trong đó vài người đã trở lại cuộc sống bình thường. GS Nguyễn Anh Trí cho biết chi phí ghép tế bào gốc tạo máu khoảng 600-800 triệu đồng/ca, trong đó quỹ BHYT chi trả 65%. Do những yêu cầu khắt khe đối với kỹ thuật này, nhất là nguồn tế bào gốc phù hợp, nên rất ít bệnh nhân đạt yêu cầu ghép. “Vì tỉ lệ thành công cao nên không chỉ Việt Nam mà ngay cả thế giới cũng coi điều trị nhắm đích là phương pháp điều trị tiên tiến, mở ra cơ hội sống khỏe mạnh cho bệnh nhân” - GS Trí lạc quan. Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên cho biết Bộ Y tế và BHXH Việt Nam sẽ đánh giá hiệu quả của chương trình hỗ trợ thuốc cho bệnh nhân ung thư này. Tuy nhiên, với những bệnh mạn tính, có chi phí lớn và điều trị lâu dài, rất cần sự chung tay của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, quỹ BHYT để giảm gánh nặng chi trả cho người bệnh.

Vnexpress

Bác sĩ giỏi về Phú Yên làm việc được hỗ trợ đến 500 triệu đồng

Bác sĩ có trình độ sau đại học về công tác tại Phú Yên sẽ được hỗ trợ một lần từ 280 đến 500 triệu đồng; tốt nghiệp loại giỏi nhận 250 triệu đồng, loại khá 200 triệu. Sau khi ban hành chính sách đãi ngộ để thu hút 280 bác sĩ trình độ đại học và sau đại học về làm việc giai đoạn 2014-2020, đã có 6 người trong tỉnh Phú Yên sau khi tốt nghiệp các trường đại học y dược về địa phương công tác. UBND tỉnh Phú Yên vừa ra quyết định công nhận kết quả tuyển dụng các bác sĩ này (5 viên chức bác sĩ đa khoa và một viên chức bác sĩ răng hàm mặt thuộc Sở Y tế năm 2014); giao Sở Nội vụ ra quyết định về công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh và Bệnh viện Đa khoa huyện Sông Hinh. Những bác sĩ nêu trên được tuyển dụng theo nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách thu hút, đào tạo đãi ngộ bác sĩ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014-2020. Bác sĩ tốt nghiệp loại giỏi về công tác tại Phú Yên sẽ được tỉnh hỗ trợ một lần là 250 triệu đồng, loại khá 200 triệu đồng, loại trung bình là 150 triệu đồng. Bác sĩ có trình độ sau đại học sẽ được hỗ trợ từ 280 đến 500 triệu đồng. Trong đó, mức hỗ trợ đối với học hàm giáo sư là 500 triệu đồng, phó giáo sư 400 triệu, tiến sĩ y khoa 350 triệu, bác sĩ chuyên khoa II 300 triệu. Với thạc sĩ, bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa I mức hỗ trợ là 280 triệu đồng.

Đại biểu nhân dân

Cải cách thủ tục hành chính, nhìn từ quy trình khám chữa bệnh của Bộ Y tế: Đột phá vào chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân

Lâu nay, nhân dân phiền lòng về chuyện quá tải tại các bệnh viện, nhất là bệnh viện tuyến Trung ương và quy trình khám chữa bệnh tại các cơ sở còn nhiều phiền phức, mất nhiều thời gian chờ đợi và luôn phát sinh tiêu cực. Những bức xúc này của dân đã kéo dài nhiều năm, thậm chí đã được đưa lên bàn nghị sự của Quốc hội. Tuy nhiên, khi ngành y tế có quyết tâm và giải pháp thích hợp thì những tồn tại trên đã được khắc phục nhiều, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, sau một năm triển khai quyết liệt Quyết định 1313 của Bộ Y tế về cải các thủ tục hành chính, cải tiến quy trình, công tác khám chữa bệnh chăm sóc sức khỏe nhân dân của ngành y tế đã có những chuyển biến tích cực: rút ngắn được thời gian, tạo thuận lợi cho người bệnh khi đi khám, chữa bệnh. Các bệnh viện đã xây dựng và triển khai đề án nâng cao chất lượng phục vụ, bảo đảm công bằng trong khám chữa bệnh và xây dựng văn hóa giao tiếp đúng mực, thân thiện của y, bác sỹ với người bệnh. Sơ kết một năm thực hiện Quyết định 1313, Bộ Y tế đã đánh giá cao chuyển biến tích cực trong việc thăm khám và điều trị bệnh tại các bệnh viện. Theo đó, tất cả các bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến tỉnh, tuyến huyện và các cơ sở khám chữa bệnh thường xuyên quá tải bệnh nhân đã tập trung nguồn lực cải tạo, đầu tư thiết bị, tăng cường bác sỹ và điều dưỡng viên cho khoa khám bệnh. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong quản lý bệnh viện. Tổ chức hướng dẫn và tiếp nhận bệnh nhân, bố trí nhiều điểm thu viện phí, nhiều bàn khám bệnh chuyên khoa và ưu tiên khi bệnh nhân đông. Cải tiến quy trình cấp phát thuốc bằng phương pháp ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng mã vạch kiểm tra và cấp thuốc để giảm thời gian chờ đợi của người bệnh. Từ hiệu quả thực hiện quy trình khám chữa bệnh, các bệnh viện đã giảm được thời gian khám chữa bệnh trung bình hơn 1giờ/người bệnh so với thời gian trước khi thực hiện Quyết định 1313. Cụ thể, khám lâm sàng đơn thuần chỉ mất trung bình 47 phút, vượt chỉ tiêu đề ra là 120 phút; khám lâm sàng có làm kỹ thuật xét nghiệm hoặc chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng giảm hơn 100 phút so với mục tiêu đề ra. Người bệnh không còn phải chờ đợi lâu, các bác sỹ có nhiều thời gian thăm khám bệnh cảnh người bệnh, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Theo Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế Pgs.Ts Lương Ngọc Khuê, tuy thời gian triển khai thực hiện Quyết định 1313 của Bộ trưởng Y tế mới được một năm nhưng tác động của giải pháp này đã làm thay đổi cả chất và lượng công tác khám, chữa bệnh chăm sóc sức khỏe nhân dân tại các cơ sở y tế, làm hài lòng người bệnh và góp phần làm đẹp hình ảnh người thầy thuốc. Được biết, xác định nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính, quy trình khám chữa bệnh là khâu đột phá nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo hệ thống khám chữa bệnh toàn ngành tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, chuẩn hóa quy trình khám chữa bệnh nhằm giảm tối đa các thủ tục không cần thiết cho người bệnh. Đặc biệt chú trọng rà soát, giảm thiểu các thủ tục chuyển viện, thanh quyết toán BHYT; đồng thời đẩy mạnh ứáng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý bệnh viện; tích cực đầu tư cơ sở vật chất cho các khoa, phòng khám và điều trị của bệnh viện. Theo đó, chậm nhất là đến tháng 6.2015, tất cả các bệnh viện phải tự động hóa hệ thống phát số tự động, nâng cấp khu vực khám bệnh, tăng thêm bàn khám, buồng khám, rút ngắn hơn nữa thời gian thăm khám, trả kết quả chiếu, chụp, xét nghiệm của người bệnh; tăng thêm số giường bệnh để giảm nằm ghép. Đồng thời yêu cầu các đơn vị xử lý, kỷ luật nghiêm những hiện tượng vi phạm y đức cũng như quy chế chuyên môn ngành y.

Cải cách thủ tục hành chính, nhìn từ quy trình khám chữa bệnh của Bộ Y tế: Người bệnh là trung tâm - Khẩu hiệu cải cách thủ tục hành chính của ngành y tế

Cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình khám chữa bệnh một năm qua của ngành y tế đã phần nào đáp ứng trông chờ của nhân dân về giảm tải, giảm phiền hà, tiết kiệm thời gian khám chữa bệnh… qua đó giảm công sức, tiền của người bệnh và những hệ lụy do tiêu cực của y tế. Tuy nhiên, để các cơ sở khám chữa bệnh y tế duy trì thành quả này, vẫn còn những vướng mắc về cơ chế, chính sách cần được tháo gỡ. Trao đổi với CỤC TRƯỞNG CỤC QUẢN LÝ KHÁM CHỮA BỆNH, BỘ Y TẾ PGS.TS LƯƠNG NGỌC KHUÊ, Phó giáo sư cho biết:

- Thưa Cục trưởng, từ kết quả một năm thực hiện Quyết định 1313 của Bộ trưởng Y tế, nếu tiếp tục đẩy mạnh công tác này các cơ sở khám chữa bệnh có thể rút ngắn được bao nhiêu nữa thời gian khám chữa bệnh cho người bệnh?

- Theo chỉ tiêu rút ngắn quy trình khám chữa bệnh của Bộ ban hành là từ 2-4 giờ, trong đó 2 giờ đối với việc khám lâm sàng đơn thuần, và 3-4 giờ khám lâm sàng và kết hợp với 1-3 xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng là chỉ tiêu để các bệnh viện phấn đấu. Theo Quy trình đưa ra, đến năm 2015, trung bình mỗi buồng khám phấn đấu tối đa chỉ khám 50 người bệnh/8 giờ và đến năm 2020 chỉ khám 35 người bệnh/8 giờ. Trong trường hợp số lượng người bệnh tăng đột biến do các nguyên nhân khác nhau thì phấn đấu tối đa mỗi buồng khám không tăng quá 30% chỉ tiêu trên. Mục đích của Quyết định 1313 là thống nhất quy trình khám bệnh tại Khoa Khám bệnh của các bệnh viện nhằm rút ngắn thời gian chờ, tránh gây phiền hà, cũng là tăng thời gian trực tiếp khám chữa bệnh cho người bệnh và tăng sự hài lòng của người dân. Mặc dù, mỗi bệnh viện có thể có những cải tiến khác nhau vì liên quan đến mặt bằng, cơ sở hạ tầng, đầu tư song các bệnh viện phải quan tâm thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình khám chữa bệnh để không thiệt thòi cho người bệnh.

- Thực tế các cơ sở khám chữa bệnh cũng như nhân dân chưa thật sự vừa lòng với cơ chế quản lý chi trả khám chữa bệnh đối với bệnh nhân có BHYT, hướng giải quyết việc này như thế nào, thưa Cục trưởng?

- Thực tế tại một số bệnh viện đã có những trường hợp bỏ thẻ BHYT, không đóng viện phí gây thất thu cho bệnh viện. Tuy nhiên, số lượng này rất ít, không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động bệnh viện. Các bệnh viện phải đặt lợi ích bệnh nhân lên trên hết. Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp khác như thực hiện đề án giảm tải bệnh viện; luân chuyển cán bộ, bác sỹ xuống tuyến dưới, đến các vùng khó khăn thiếu bác sỹ; đẩy mạnh xã hội hóa y tế… Thời gian tới, nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, quán triệt tinh thần Người bệnh là trung tâm, Bộ Y tế tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình khám chữa bệnh sâu rộng trong toàn ngành nhằm cắt giảm những thủ tục không cần thiết để bớt phiền hà cho người bệnh; đặc biệt là các thủ tục hành chính liên quan đến BHYT, bảo đảm công bằng khám chữa bệnh cho mọi đối tượng. Bởi vậy quy trình khám chữa bệnh phải được duy trì và hoàn thiện không ngừng.

- Thưa Cục trưởng, để phát huy thành quả cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình khám chữa bệnh thì còn những tồn tại, vướng mắc nào cần được tháo gỡ và Bộ Y tế sẽ có thêm những giải pháp nào trong thời gian tới?

- Để chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao thì bắt buộc giá dịch vụ y tế phải được điều chỉnh phù hợp. Vì nguồn thu từ giá dịch vụ sẽ được các bệnh viện trích 15% đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, gắn việc nâng cao chất lượng dịch vụ với giá dịch vụ mới. Ðến nay, hầu hết bệnh viện đã ưu tiên sử dụng các nguồn kinh phí, quỹ phát triển hoạt động của đơn vị và dành 15% tổng số thu khám chữa bệnh để đầu tư cải thiện khang trang khu vực khám bệnh và buồng bệnh, qua đó người dân đã được thụ hưởng các dịch vụ y tế với chất lượng chuyên môn cao hơn trước đây. Hiện các tỉnh, thành phố đã cho phép điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo lộ trình, tuy nhiên, nhìn chung mức giá điều chỉnh chỉ đáp ứng được khoảng 3/7 phần chi phí khám chữa bệnh. Đây là vướng mắc lớn nhất để các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện mục tiêu cải thiện chất lượng khám chữa bệnh. Bởi giá dịch vụ y tế không đơn thuần là giá để thu của người bệnh mà là cơ sở để cơ quan BHYT thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho người bệnh có thẻ BHYT. Thực tế cho thấy, phần lớn cán bộ quản lý cơ sở khám chữa bệnh là người giỏi chuyên môn, nhưng còn hạn chế kỹ năng quản lý, nên sắp tới ngành y tế tập trung đào tạo để chuẩn hóa trình độ quản lý cho đội ngũ này đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Bên cạnh đó, Nhà nước nên có những chính sách đãi ngộ phù hợp cho đội ngũ cán bộ y tế, mức đãi ngộ như lương, phụ cấp hiện nay chưa hợp lý, quá thấp, thật khó cho thầy thuốc giỏi, nhà quản lý giỏi an tâm cống hiến. Đơn cử như thời gian đào tạo bác sỹ là 6 năm với mức đầu tư chi phí học tập lớn hơn nhiều bậc cử nhân chỉ học 4 năm, nhưng ngạch bậc lương chỉ được xếp bằng cử nhân. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình khám chữa bệnh là một trong những giải pháp quan trọng của ngành y tế nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, làm hài lòng nhân dân. Tuy nhiên nếu duy ý chí thì thật khó cải thiện được chất lượng khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.

-Xin cảm ơn Cục trưởng!

Hà Nội mới

Giảm tải bắt đầu từ phòng ngừa

Một thực tế mà ai đã từng đến bệnh viện: Việt - Đức, Bạch Mai, Viện Nhi trung ương… đều có thể dễ dàng nhận thấy người xếp hàng chờ khám dài dằng dặc, bệnh nhân điều trị ở các khoa vẫn phải nằm ghép. Tại phòng cấp cứu lúc nào cũng có bệnh nhân nằm trên băng ca chờ đến lượt. Không chỉ các bệnh viện tại Hà Nội hay Bệnh viện trung ương Huế, nhiều bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh cũng luôn trong tình trạng như vậy. Quá tải ở các bệnh viện lớn diễn ra từ nhiều năm nay. Cách đây 8 năm, khi nhậm chức, Bộ trưởng Bộ Y tế ông Nguyễn Quốc Triệu đã tuyên bố trong vài năm sẽ chấm dứt bệnh nhân nằm ghép và dù rất cố gắng nhưng… Bệnh viện quá tải gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội và cho cả ngành y tế. Cán bộ, nhân viên tại các bệnh viện lớn hầu hết đều phải làm việc quá sức. Một bác sĩ không thể đứng bàn mổ từ sáng đến chiều. Phòng bệnh chật chội, nằm ghép dẫn đến bị lây nhiễm chéo, các chuyên gia y tế đã cảnh báo thực trạng này từ lâu, bệnh nhân khỏi bệnh này lại mắc bệnh khác. Rồi ai cũng muốn khám nhanh nên đã sinh ra quà cáp, phong bì, khiến y đức của một số cán bộ y tế xuống cấp. Trong phiên họp ngày 25-9 của Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội, đại biểu Trần Ngọc Tăng (nguyên Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam) cho rằng người khỏe đi thăm người thân ở bệnh viện về cũng ốm luôn vì môi trường ở bệnh viện quá ngột ngạt. Nguyên nhân gây quá tải bệnh viện có nhiều, đầu tiên là người bệnh không tin vào khả năng chuyên môn, trang thiết bị của các cơ sở khám chữa bệnh tuyến dưới. Việc một thanh niên hành hung bác sĩ tại Bệnh viện Thanh Nhàn mới đây là sai trái, cần phải xử lý nghiêm theo pháp luật, song qua sự việc này cũng cho thấy một bệnh viện mấy trăm giường bệnh ở Hà Nội mà không có nổi máy chụp cắt lớp thì các bệnh viện ở vùng sâu vùng xa ra sao? Để giảm tải cho các bệnh viện trung ương, những năm qua ngành y tế cũng đã triển khai nhiều biện pháp, từ đưa các bác sĩ có chuyên môn cao ở các bệnh viện lớn về công tác một thời gian tại các bệnh viện tuyến cơ sở với mục đích vừa tăng cường cho khâu khám chữa bệnh vừa bổ túc thêm kiến thức và kinh nghiệm lâm sàng cho đội ngũ y bác sĩ ở đây. Để các bác sĩ trẻ có cơ hội rèn giũa chuyên môn đồng thời bổ sung nguồn nhân lực cho các nơi còn thiếu, ngành y tế đã triển khai dự án đưa bác sĩ trẻ về vùng sâu, vùng xa. Cùng với đó là mở rộng các cơ sở khám chữa bệnh, ví dụ như xây cơ sở 2 cho Bệnh viện K, Bệnh viện Nội tiết trung ương… Tuy nhiên, cũng trong phiên họp của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Văn Tính (Quảng Trị) đã dẫn ra ví dụ ở tỉnh Quảng Trị mặc dù xây thêm 2 bệnh viện mới nhưng không có bác sĩ, cũng không có bệnh nhân và đại biểu này đặt câu hỏi "hay ngành y tế đã đi chệch hướng trong giảm tải". Thực tế cũng cho thấy là tình trạng giảm mãi vẫn quá tải như đại biểu Tính đặt câu hỏi nghi vấn là có cơ sở. Rõ ràng là quá tải không xảy ra ở tất cả các khoa, vì vậy ngành y tế cần xác định quá tải ở khoa nào thì đầu tư vào đó chứ không nên giảm tải tràn lan. Mặt khác cho đến nay, ngành y tế cũng chưa hề có bảo đảm chính thức nào rằng bệnh viện tỉnh này, huyện kia hoàn toàn có thể chữa trị có hiệu quả các bệnh A hay B. Nếu biết rõ điều đó, tâm lý của người bệnh các địa phương chắc chắn sẽ được giải tỏa, chắc chắn họ không phải ra bệnh viện trung ương vừa tốn kém lại mất thời gian. Thế nên, cái gốc của vấn đề quá tải không chỉ là cơ sở vật chất, số giường bệnh, thiết bị hiện đại… mà còn là yếu tố con người, ở đây là năng lực khám chữa bệnh của đội ngũ cán bộ, y tế tuyến cơ sở, địa phương. Hơn nữa tất cả các giải pháp giảm tải cũng chỉ là giải pháp tình thế, mà quan trọng hơn cả chính là phòng bệnh, các cụ ta xưa rất có lý khi nói phòng bệnh hơn chữa bệnh. Nếu ngành y tế tuyên truyền mạnh về phòng tránh bệnh tật cho dân ắt sẽ giảm được bệnh và khi bệnh tật giảm thì hạn chế được tình trạng quá tải.

VOH

Cùng nhau phòng chống bệnh Dại

Hôm nay 28/9, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phát động chiến dịch loại trừ bệnh dại ở Việt Nam nhân ngày Thế giới phòng chống bệnh dại. Tính từ đầu năm 2014 đến nay cả nước có 50 người tử vong vì bệnh dại giảm 30 trường hợp so với năm 2013. Mặc dù số trường hợp tử vong có giảm nhưng đã có 24 tỉnh báo cáo có các ca bệnh dại, nhiều hơn so với năm 2013 (chỉ có 20 tỉnh). Do đó, Việt Nam cần phải duy trì và nỗ lực hơn nữa để đạt được mục tiêu của ASEAN về loại trừ bệnh dại vào năm 2020. Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng – Bộ Y tế kêu gọi, chính quyền địa phương ở các tỉnh có nguy cơ cao cần thể hiện vai trò lãnh đạo và cam kết kiểm soát sự lây lan của bệnh dại. Tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó ở các địa phương, nâng cao nhận thức trong các hành động dự phòng và tăng cường cung cấp điều trị dự phòng sau phơi nhiễm đối với các nạn nhân bị chó cắn.

Báo tin tức

Phát triển bền vững y tế biển đảo - “Lênh đênh” sức khỏe ngư dân

Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, chú trọng phát triển y tế biển đảo nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và các lực lượng vũ trang đang sinh sống, làm việc ở khu vực này. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên đến nay, công tác khám chữa bệnh tại vùng biển đảo vẫn gặp nhiều khó khăn.

“Lênh đênh” sức khỏe ngư dân

Mô hình y tế chưa phù hợp, mạng lưới y tế còn mỏng, thiếu cả nhân lực lẫn trang thiết bị, trong khi đó nhiều ngư dân vẫn mê tín, chưa chú trọng đến việc tự chăm sóc sức khỏe trong quá trình vươn khơi…, đó là hàng loạt vấn đề tồn tại của y tế biển đảo hiện nay.

Ngư dân thiếu kiến thức sơ cấp cứu

Theo ông Dương Minh Thạnh, Ủy viên Ban chấp hành Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), ngư dân đi biển thường phải đối mặt với rất nhiều tình huống tai nạn bất ngờ: Những khi gặp bão tố thì một chiếc dây thừng, một thanh gỗ nhỏ trên cánh buồm cũng dễ gây ra những thương tích nặng cho ngư dân. Nguy cơ mắc bệnh và gặp tai nạn thương tích cao nhưng cả chục năm nay, mỗi khi ra biển, tủ thuốc của tàu ông Dương Minh Thạnh chỉ có vỏn vẹn một ít thuốc cảm, thuốc cầm máu, thuốc xoa bóp và băng gạc cá nhân. Nếu như bị ốm nhẹ, các thuyền viên trên tàu tự điều trị bằng những loại thuốc đơn giản đó, trường hợp ai đó không may bị thương nặng thì chỉ có một cách duy nhất là quay tàu vào bờ hoặc tìm một đảo gần nhất để nhờ sự cấp cứu của lực lượng quân y. Anh Lê Văn Danh (An Hải, Lý Sơn) cho biết, tàu anh mỗi khi ra khơi cũng chỉ mang ít thuốc cảm, bông băng, thuốc trợ lực giúp anh em đỡ mỏi mệt… Khi có sự cố, anh em thuyền viên trên tàu thường tự sơ cứu cho nhau theo kinh nghiệm “truyền miệng”, chứ chưa từng được học qua một lớp sơ cứu căn bản nào. Theo ông Nguyễn Trường Sơn, Viện trưởng Viện Y học biển Việt Nam, khi đi biển, ngư dân có nguy cơ mắc bệnh đau đầu, đau bụng, đau dạ dày, những tai nạn gây đa chấn thương hoặc ngừng tim, ngừng tuần hoàn... Trong những trường hợp này, nếu tàu không có nhân viên y tế hoặc người có hiểu biết sơ đẳng về cách sử dụng thuốc, sơ cứu để đưa người bệnh về cơ sở y tế gần nhất thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Thế nhưng, thực tế, phần lớn các tàu cá (cả gần và xa bờ) đều chưa có nhân viên y tế, thiếu cả tủ thuốc dự phòng. “Công tác chăm sóc sức khỏe cho ngư dân trên biển gặp nhiều khó khăn còn do sự mê tín dị đoan. Ngư dân thích mang rượu đi biển hơn là mang theo áo phao và tủ thuốc. Đơn giản vì họ quan niệm mang theo phao cứu sinh là điềm không tốt mỗi khi ra khơi. Cũng vì các chủ tàu, ngư dân chỉ quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe khi đã ốm đau, tai nạn, nên rất ít ngư dân chủ động tham gia mỗi khi chúng tôi tổ chức các lớp giảng dạy về sơ cấp cứu ban đầu. Để khắc phục, chúng tôi thường phải phối hợp với địa phương, đặc biệt là bộ đội biên phòng để tổ chức các lớp tập huấn”.

Mạng lưới y tế mỏng

Ông Đỗ Tiến Dũng, Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện (BV) Đa khoa Bạch Long Vĩ, huyện Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) cho biết: “BV đã được Sở Y tế và UBND TP Hải Phòng quan tâm, đầu tư nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB). Nhưng vì điều kiện cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, ví dụ có máy nhưng không có hóa chất làm xét nghiệm, không có điện nên rất khó khăn trong quá trình KCB”. Bên cạnh đó, BV Đa khoa huyện Bạch Long Vĩ cũng đang gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân lực y tế. Là BV dân sự duy nhất trên đảo, BV kiêm nhiệm cùng lúc nhiều chức năng: Khám chữa bệnh, y tế dự phòng, dân số kế hoạch hóa gia đình… Trung bình mỗi năm, BV khám cho từ 2.000 - 2.500 lượt bệnh nhân, mổ vài trăm ca tiểu phẫu và hàng chục ca trung phẫu… Tuy nhiên, do chỉ có 10 cán bộ biên chế, 5 cán bộ hợp đồng nên các cán bộ trong BV phải chia nhau phụ trách nhiều công việc, gây khó khăn không ít cho công tác chuyên môn. “Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là BV được tăng thêm số lượng biên chế”, ông Đỗ Tiến Dũng chia sẻ. Chia sẻ với phóng viên báo Tin Tức, ông Nguyễn Tiến Phương, Giám đốc Trung tâm y tế huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) cho biết: “Công tác KCB cho bệnh nhân ở huyện đảo cũng đang gặp không ít khó khăn”. Nguyên nhân chủ yếu do chính sách hỗ trợ đối với y, bác sỹ chưa thích đáng nên một số cán bộ chưa thực sự yên tâm công tác ở đảo. Trung tâm thiếu nhiều cán bộ chuyên khoa, đặc biệt là bác sỹ chuyên khoa ngoại, khoa sản nên khó khăn khi có bệnh nhân cấp cứu. Các trang thiết bị tuy đã được đầu tư, song vẫn chưa đồng bộ so với nhu cầu thực tế. Đặc thù ở ngoài hải đảo nhưng phương tiện vận chuyển bệnh nhân trên biển nhỏ, không thể đáp ứng nhu cầu vận chuyển cấp cứu trong điều kiện sóng to, gió lớn trên cấp 6. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng đã được đầu tư qua nhiều năm đã xuống cấp chưa được nâng cấp sửa chữa lại, nên hạn chế trong việc đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Thực tế, không chỉ riêng BV Đa khoa huyện Bạch Long Vĩ, Trung tâm y tế huyện đảo Cô Tô gặp khó khăn do thiếu nhân lực, trang thiết bị mà nhiều cơ sở y tế tại các huyện đảo khác cũng đang ở trong tình trạng tương tự. Đánh giá mới đây của chính Bộ Y tế sau 1 năm thực hiện Đề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020” cho thấy, nhiều cơ sở y tế vùng biển đảo vẫn thiếu trang thiết bị y tế đặc thù trang bị phục vụ cấp cứu, vận chuyển trên biển, đảo. Cơ sở hạ tầng y tế trên đảo tuy đã được đầu tư xây dựng, tuy nhiên các công trình phù trợ chưa đầy đủ, không đủ năng lực hoạt động khi có mưa bão chia cắt; thiếu phương tiện vận chuyển cấp cứu bệnh nhân trên biển. Nguồn nhân lực phục vụ trong hệ thống y tế biển, đảo, tuy không thiếu hụt nhiều về số lượng nhưng rất thiếu hụt kiến thức y học biển.

Tinh tế

Các nhà khoa học đã phát hiện ra bí mật di truyền giúp con người sống thọ hơn

Bí mật của sự trường thọ là gì? Đây là câu hỏi luôn làm trăn trở các nhà khoa học. Một số cho rằng lối sống, yếu tố môi trường và tác nhân di truyền là các tác nhân chính ảnh hưởng tới tuổi thọ của con người. Theo thống kê, yếu tố di truyền từ gia đình có ảnh hưởng từ 20-30% tuổi thọ của người trưởng thành. Và mới đây, một nghiên cứu mới được thực hiện tại Trung tâm nghiên cứu ung thư quốc gia đã phát hiện ra được, loại gen nào quyết định tuổi thọ của con người. Trong những nghiên cứu trước đây, các nhà khoa học đã xác định ra một số gen được cho là có liên quan mật thiết đến tuổi thọ của con người. Ứng cử viên sáng giá nhất là Apolipoprotein E (APOE, giúp vận chuyển cholesterol đi khắp cơ thể) và FOXO3A (quy định mức độ nhạy cảm đối với insulin). Nghiên cứu cho thấy, biến thể của các gen trên có liên hệ tới tuổi thọ của người sở hữu. Tuy nhiên, ảnh hưởng là chưa lớn và các nhà khoa học nghi ngờ rằng phải có một yếu tố khác đóng vai trò đặc biệt quan trọng hơn cả. Để làm sáng tỏ điều đó, nhóm các nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu ung thư tại Tây Ban Nha đã thực hiện phân tích exome (đoạn gen mã hóa protein) của các thành viên thuộc 3 gia đình khác nhau có tuổi thọ đặc biệt dài. Người lớn tuổi nhất trong 3 gia đình này đều có tuổi thọ từ 103 trở lên và anh chị em của họ đều sống tối thiểu là 97 tuổi. Sau đó, nhóm nghiên cứu thực hiện so sánh với mẫu exome của 800 cá nhân khác nhằm tìm ra điểm khác biệt. Cuối cùng, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng cả 3 gia đình sống thọ đều sở hữu một dạng đột biến hiếm trên gen quy định Apolipoprotein B (APOB). Tương tự như protein APOA, APOB cũng thực hiện chức năng vận chuyển cholesterol. APOB giúp vận chuyển những "cholesterol xấu". Đây chính là các lipoprotein mật độ thấp (LDL, chất trong nhóm protein kết hợp với chất béo) trong máu. Khi cơ thể con người cần cholesterol và mang ra tiêu thụ, LDL sẽ tạo nên những "bức tường" dọc theo thành mạch máu, làm tắc nghẽn các động mạch và cuối cùng là có khả năng dẫn đến những cơn đau tim. Từ kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học tại Tây Ban Nha cho rằng đột biến di truyền đã làm giảm nồng độ của LDL trong máu và cơ thể người cũng ít chịu ảnh hưởng xấu của cholesterol hơn. Theo Timothy Cash, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu: “Nếu một người có mức cholesterol thấp, điều đó sẽ giúp cho họ có một hệ tim mạch khỏe mạnh hơn. Đây là một yếu tố quan trọng trong quá trình lão hóa góp phần kéo dài tuổi thọ của con người.”

 

Ngày 02/10/2014
Ban Biên tập Website
(Điểm tin từ các báo)
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích