Home TRANG CHỦ Thứ 5, ngày 25/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 5 2 5 2 8 6
Số người đang truy cập
4 2 4
 Tin tức - Sự kiện Điểm tin y tế
Điểm tin y tế từ các báo ngày 29/8 đến 31/8 năm 2014

Lộ nhiều sai phạm vụ ba cháu bé tử vong sau gây mê, Thu hồi, tiêu hủy thực phẩm chức năng chứa kim loại độc, 9.200 trẻ mắc bệnh tim mỗi năm, Gây mê thành công cho một người mắc bệnh hiếm, Không có chức năng khám chữa bệnh, OSCA vẫn mổ hơn 2.000 ca, Vầng trăng yêu thương” đến với 900 bệnh nhi ung thư…

Tiền phong

Lộ nhiều sai phạm vụ ba cháu bé tử vong sau gây mê

Khám tiền phẫu và xét nghiệm tiền phẫu chưa đầy đủ, không theo dõi huyết áp trong quá trình gây mê và phẫu thuật, không kịp thời ngừng ngay các hoạt động phẫu thuật khi có tai biến đầu tiên xảy ra… Đó là những sai phạm được Hội đồng chuyên môn chỉ ra.

5 kết luận, 4 kiến nghị

Theo quyết định thành lập ban đầu, Hội đồng chuyên môn xem xét vụ 3 cháu bé tử vong sau phẫu thuật miễn phí dị tật khe hở môi/vòm miệng tại Bệnh viện Quân y 87 (Hội đồng) do TS.BS Lê Hữu Thọ, Phó GĐ Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, làm Chủ tịch.  Tuy nhiên, sau buổi họp chiều tối 26/8 với PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, Sở Y tế Khánh Hòa đã mời ThS.BS Lê Trung Chánh, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, tại TPHCM làm ủy viên Hội đồng thay TS.BS Lê Hữu Thọ. TS.BS Lê Tấn Phùng được cử làm Chủ tịch Hội đồng. TS.BS Lê Tấn Phùng cho biết, sáng 28/8, Hội đồng họp tại Bệnh viện Quân y 87 (BV87), để tiện trực tiếp xem xét hiện trường nơi gây mê, phẫu thuật cho các cháu. Đầu cuộc họp, BS Nguyễn Thị Thanh Bình, BS gây mê chính trong chương trình phẫu thuật ngày 23/8 của Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ phẫu thuật Nụ Cười (OSCA), được mời đến để trả lời các câu hỏi. Sau đó, Hội đồng họp kín, thống nhất đưa ra 5 kết luận và 4 kiến nghị. Phòng phẫu thuật của BV87, nơi gây mê, phẫu thuật cho các cháu dị tật khe hở môi/vòm miệng ngày 23/8. Năm kết luận: 1. Nguyên nhân của 3 trường hợp tử vong có liên quan đến quá trình gây mê. Để kết luận cụ thể, chính xác nguyên nhân, cần có thêm bằng chứng giám định pháp y và các kết quả kiểm định độc lập thuốc đã sử dụng trong quá trình gây mê, kể cả kiểm định độc lập thiết bị gây mê.  2. Quy trình chuyên môn của OSCA còn một số thiếu sót: Chưa có quy trình cụ thể khi triển khai; Khám tiền phẫu và xét nghiệm tiền phẫu chưa đầy đủ (thiếu điện tâm đồ, siêu âm, xét nghiệm gan, thận…); Không có chuyên khoa Nhi tham gia quá trình khám sàng lọc và chỉ định phẫu thuật; Không theo dõi huyết áp trong quá trình gây mê và phẫu thuật. 3. Không kịp thời ngừng ngay các hoạt động phẫu thuật khi có tai biến đầu tiên xảy ra. 4. Công tác tổ chức phối hợp của OSCA với các cơ sở điều trị có chuyên khoa của địa phương chưa được thực hiện chặt chẽ.  5. OSCA không báo cáo kịp thời việc thay đổi nhân sự trong quá trình phẫu thuật với BV 87.  Trong danh sách đoàn phẫu thuật có 2 BS phẫu thuật, là BS Nguyễn Đức Khải và BS Trịnh Văn Việt, nhưng thực tế không có BS Việt, thay vào đó là BS Lê Quốc Ân. Hiện nay, OSCA chưa cho Hội đồng biết, BS Ân công tác ở đâu, có chứng chỉ hành nghề hay không.  Bốn kiến nghị: 1. Yêu cầu OSCA làm văn bản chính thức giải trình về việc không ngừng ngay phẫu thuật khi xảy ra ca tai biến đầu tiên. 2. Đề nghị các cơ quan chức năng cung cấp bằng chứng giám định pháp y và tiến hành kiểm định độc lập thuốc và dụng cụ gây mê đã niêm phong, để xác định rõ nguyên nhân tử vong. 3. Đối với các chương trình từ thiện nhân đạo, cần có quy trình chuyên môn cụ thể và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị điều trị có chuyên khoa liên quan. 4. BV87 cần tiếp tục củng cố công tác gây mê, hồi sức theo đúng hướng dẫn tại Thông tư số 13/2012 của Bộ Y tế về công tác gây mê, hồi sức.

Nhiều sự chưa minh bạch

Theo báo cáo ngày 26/8 của OSCA, khi cháu đầu tiên là Nguyễn Ngọc Tuyết Vân được gây mê ở bàn 1 và xảy ra tai biến, họ nghĩ là do máy gây mê, nên thay máy gây mê. Sau đó, họ tiếp tục gây mê cho cháu thứ hai, là cháu Pi Năng Tuấn Hữu. Nhưng cháu Tuấn Hữu cũng có tai biến sau gây mê, nên họ ngưng hoạt động ở bàn 1, chỉ thực hiện ở bàn 2. Ngày 25/8, người gây mê cho cháu Tuyết Vân và cháu Tuấn Hữu là BS Thanh Bình nói với các phóng viên rằng, sau hai ca tai biến, bà không gây mê nữa, lo tham gia cứu chữa hai cháu. Nhưng báo cáo ngày 27/8 của OSCA thừa nhận, sau khi có hai tai biến ở bàn 1, việc gây mê và phẫu thuật vẫn được thực hiện ở bàn này, và BS Thanh Bình vẫn luân phiên gây mê cùng BS Phí Thị Hồng Lê (Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương tại TPHCM). Có một số báo dẫn thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, theo đó, BS Nguyễn Thị Thanh Bình không được Sở Y tế Hà Nội cấp chứng chỉ hành nghề. Trả lời vấn đề này, TS.BS Lê Tấn Phùng trưng ra chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh, chuyên khoa gây mê hồi sức của BS Thanh Bình, do Sở Y tế Hà Nội cấp năm 2012.  Tại cuộc họp báo sáng 28/8 do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội, Thiếu tướng Vũ Quốc Bình, Cục trưởng Cục Quân y (Bộ Quốc phòng) nói, toàn bộ trang thiết bị, thuốc men, con người trong chương trình phẫu thuật ngày 23/8 đều do OSCA đưa tới. Tuy nhiên, TS.BS Lê Tấn Phùng khẳng định, 3 loại thuốc gây mê, khí gây mê được sử dụng trong chương trình này là Servoflurane, Presofol, Fentanyl của BV87. Ba loại thuốc này có nguồn gốc từ Pháp, được cung cấp hợp pháp cho BV87 theo quy chế đấu thầu thuốc trong bệnh viện, hạn dùng đến năm 2016. Các loại thuốc dùng sau phẫu thuật như thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, dịch truyền… do OSCA mang tới. TS.BS Lê Tấn Phùng cho biết, ngày 23/8, tất cả 11 cháu đều được gây mê, không có ca gây tê nào.

 
Trẻ em sứt môi, hở hàm ếch không bao giờ có cơ hội được cười sau phẫu thuật

Xử lý nghiêm

Tại cuộc họp báo do Bộ Y tế tổ chức sáng 28/8 ở Hà Nội, nóng với vấn đề 3 trẻ, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, OSCA đã đứng ra chịu trách nhiệm hoàn toàn về tất cả công việc trong đợt phẫu thuật nhân đạo. Theo ông Khoa, quan điểm của Bộ Y tế là xử lý nghiêm, không bao che, đúng người, đúng sự việc. Bộ đang theo dõi sát vụ việc để có cách xử lý kịp thời. Sở Y tế Khánh Hòa đã thành lập một hội đồng chuyên môn gồm 10 thành viên để xem xét về mặt chuyên môn kỹ thuật. “Lẽ ra, ngay sau khi có ca tai biến đầu tiên, với chức năng cơ quan phối hợp, BV87 phải yêu cầu ngừng ngay hoạt động phẫu thuật, nhưng BV87 chưa cương quyết yêu cầu ngưng ngay. Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa được báo cáo về ca tai biến đầu tiên không phải từ OSCA, không phải từ BV 87, mà là từ BS Phan Văn Hiệp, Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng - Giáo dục trẻ em khuyết tật tỉnh Khánh Hòa”. Công an tỉnh Khánh Hòa đã niêm phong toàn bộ phòng mổ nơi đoàn của OSCA sử dụng cũng như niêm phong các dụng cụ, thuốc men dùng cho các ca mổ để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra giấy phép hành nghề của các bác sỹ tham gia phẫu thuật. Bộ Y tế cho biết, cơ quan chức năng cũng đang vận động các gia đình có con tử vong đồng ý cho mổ tử thi để tìm nguyên nhân. Đại diện Bộ Y tế cho hay, báo cáo của OSCA cho thấy, bác sĩ Phạm Văn Ái, Giám đốc Trung tâm, không trực tiếp tham gia đợt phẫu thuật này mà chỉ là người đứng ra tổ chức. Các cán bộ, nhân viên y tế tham gia đến từ các cơ quan y tế và tổ chức nhà nước khác nhau, đều có chứng chỉ hành nghề. Trước câu hỏi của phóng viên về việc có phải là chương trình mổ từ thiện nên không cần xin phép, ông Khoa cho biết, đối với hoạt động khám chữa bệnh nhân đạo, thường có hai hình thức, một là tại cơ sở khám chữa bệnh cố định và hai là tại cơ sở khám chữa bệnh lưu động. Bất cứ hình thức nào cũng phải đáp ứng các yêu cầu chuyên môn mà Bộ Y tế đưa ra. Trả lời báo chí, Thiếu tướng Vũ Quốc Bình, cho hay, BV 87 là một trong những bệnh viện loại 1 của Bộ Quốc phòng, thuộc Quân chủng Hải quân. Sau khi OSCA đặt vấn đề được mổ từ thiện tại BV 87 thì OSCA phải trình các giấy tờ được sự cho phép của Sở Y tế Khánh Hòa. Thiếu tướng Bình nói: “Địa điểm, cơ sở được BV 87 cho sử dụng để làm công tác từ thiện, còn những người phẫu thuật, thuốc men thì không phải của bệnh viện. Còn trong quá trình phẫu thuật nếu thuốc men bị thiếu có nhờ trợ giúp từ BV 87 hay không thì cần phải tìm hiểu thêm. BV 87 không có chức năng giám sát kiểm tra về mặt hồ sơ giấy tờ xem OSCA có đủ chưa, thẩm quyền kiểm tra này là của Sở Y tế Khánh Hòa. Khi hỏi ý kiến Sở và Sở đồng ý thì chúng tôi hiểu là được phép phối hợp”. Bộ Quốc phòng đang chỉ đạo chặt chẽ để xác định rõ trách nhiệm, nguyên nhân của vụ việc. Theo ông Khoa, không loại trừ nguyên nhân do gây mê, song để chính xác phải chờ kết quả từ hội đồng chuyên môn.

Thu hồi, tiêu hủy thực phẩm chức năng chứa kim loại độc

Sau khi có ý kiến của Cục Quản lý Dược, Cục An toàn thực phẩm đã ra quyết định dừng lưu thông, thu hồi, tiêu hủy sản phẩm thực phẩm chức năng An cung ngưu Hoàng hoàn nhiễm chất độc vượt ngưỡng an toàn nhiều lần.Chiều ngày 27/8, Cục An toàn thực phẩm đã đưa ra quyết định trên. Angunguhwanghwan do Công ty Korea General Mannyon Health Corporation Chongryu No2, Taedonggang district Pyongyang, Triều Tiên sản xuất, đã được Công ty TNHH thương mại Mannyon Việt Nam nhập khẩu vào Việt Nam và được Cục An toàn thực phẩm cấp số xác nhận công bố số 12570/2013/ATTP-XNCB ngày 08/07/2013  Theo báo cáo của Công ty nhập khẩu thì sản phẩm này được nhập vào Việt Nam vào tháng 6 năm 2014 với số lượng 30 hộp,  mục đích để giới thiệu sản phẩm. Trong số này có 4 hộp đã được cơ quan kiểm nghiệm chức năng lấy mẫu kiểm nghiệm và hiện còn lại 26 hộp. Vừa qua Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương đã lấy mẫu tại Showroom Hồng Sâm LC Tacy. Địa chỉ: Số 9-191/38/8 Lạc Long Quân, Cầu Giấy, Hà Nội để kiểm nghiệm, kết quả kiểm nghiệm tại phiếu kiểm nghiệm số 44L550 ngày 06 tháng 08 năm 2014 kèm theo Công văn số 637/VKNTTW-KH của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương cho thấy, sản phẩm thực phẩm chức năng Angunguhwanghwan có hàm lượng thủy ngân và asen cao vượt quá ngưỡng giới hạn cho phép.  Ngày 26/8, Cục Quản lý Dược đã có ý kiến về việc sản phẩm thực phẩm chức năng trên chứa chất độc vượt ngưỡng an toàn nhiều lần. 

Tuổi trẻ

9.200 trẻ mắc bệnh tim mỗi năm

Rất nhiều khó khăn trong điều trị bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em như thiếu nhân lực, trang thiết bị, thuốc... đã được đặt ra tại hội nghị khoa học nhi khoa năm 2014. Hội nghị do Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM phối hợp với Hội Nhi khoa TP.HCM tổ chức ngày 28-8. PGS.TS Vũ Minh Phúc - trưởng khoa tim mạch Bệnh viện Nhi Đồng 1, chủ nhiệm bộ môn nhi Trường đại học Y dược TP.HCM - đã nêu ra những khó khăn, bất cập trong quá trình điều trị bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em qua báo cáo đề tài “Những thách thức trong xử trí bệnh tim bẩm sinh tím” tại hội nghị. Theo PGS Minh Phúc, số trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh có xu hướng tăng trong những năm gần đây.

Nếu quản lý thai kỳ tốt...

Số trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh tăng một phần do khả năng phát hiện bệnh tốt hơn nhờ phương tiện chẩn đoán, hỗ trợ chẩn đoán tốt hơn (máy siêu âm tim, chụp CT cắt lớp, chụp MRI, chụp DSA...), kiến thức kỹ năng của các bác sĩ nhi khoa trong việc phát hiện tim bẩm sinh cao hơn, còn lại là nguyên nhân quản lý thai kỳ chưa tốt. Theo PGS.TS.BS Minh Phúc, nếu quản lý thai kỳ tốt, số trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh sẽ không cao. PGS Minh Phúc khẳng định như vậy vì có những nguyên nhân gây bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em có thể phòng ngừa được như đái tháo đường của thai kỳ, nhiễm trùng bào thai, chẩn đoán tiền sản... Cụ thể, một bà mẹ mắc bệnh đái tháo đường sẽ có nguy cơ sinh con bị tứ chứng Fallot gấp ba lần so với bà mẹ không mắc bệnh, hoặc hàng loạt trẻ có nguy cơ mắc bệnh tim bẩm sinh do người mẹ nhiễm Rubella. Ngoài ra, bác sĩ không phát hiện được những bệnh tim bẩm sinh nặng trong thai kỳ nên đã không thể tham vấn cho gia đình biết khi trẻ mắc bệnh đó sẽ không có khả năng cứu chữa, để từ đó có quyết định chấm dứt thai kỳ.

Điều trị trong tình trạng nghèo nàn

Tuy cả nước đều triển khai siêu âm tim bào thai, song thực tế chỉ những TP lớn mới thực hiện được chứ ở các tỉnh hầu như không có chuyên gia để thực hiện, hoặc nếu có làm thì độ tin cậy không cao nên bệnh nhân dồn hết lên TP. Do vậy, số bệnh nhi mắc bệnh tim bẩm sinh được phát hiện sớm rất thấp. Đa số bệnh nhi đến bệnh viện trong tình trạng nặng như thiếu oxy rất nặng, tím tái, bệnh nhân suy tim, thậm chí sốc... Tất cả điều này đã ảnh hưởng đến chỉ định điều trị phẫu thuật, trì hoãn chỉ định phẫu thuật và ảnh hưởng đến kết quả phẫu thuật. Không chỉ thiếu nhân lực mà cơ sở vật chất, trang thiết bị điều trị bệnh tim bẩm sinh cho trẻ cũng rất thiếu, hầu như không bệnh viện nào trên cả nước có một xe chuyển bệnh đạt chuẩn quốc tế. Khu vực hoạt động về chuyên khoa cũng thiếu rất nhiều như bơm tiêm, máy thở, monitor, máy siêu âm tim, các phương tiện chẩn đoán hình ảnh, phòng mổ, giường trong hồi sức. PGS Minh Phúc kết luận: “Chúng ta đã xử lý cho bệnh nhân trong điều kiện rất nghèo nàn”. Ngay cả hai loại thuốc rất thiết yếu trong điều trị bệnh tim là PGE1, milrinone, được thế giới sử dụng để cứu sống ngoạn mục nhiều bệnh nhân mắc bệnh tim bẩm sinh thì chúng ta lại rất thiếu. Milrinone chập chờn lúc có lúc không, còn PGE1 đang đứt hàng phải đi năn nỉ rất nhiều nơi nhưng vẫn không được nơi nào duyệt, không được quan tâm vì cho rằng thuốc này không quan trọng, không thiết yếu. Nhưng theo bác sĩ Minh Phúc, nếu không có loại thuốc này khoảng 3.000 trẻ mắc bệnh tim nặng sẽ tử vong. Sau khi nghe những tồn tại PGS.TS.BS Minh Phúc nêu ra tại hội nghị, bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, cho biết thời gian qua Sở Y tế TP.HCM và các bệnh viện đã cố gắng cung ứng những loại thuốc cấp cứu cho bệnh nhân. Riêng Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã có kiến nghị với Sở Y tế TP.HCM và Sở Y tế đã gửi công văn đến Cục QLD để xin phép nhập những loại thuốc này.

Gây mê thành công cho một người mắc bệnh hiếm

Ngày 28-8, Trưởng khoa gây mê hồi sức B Bệnh viện Trung ương Huế, cho biết vừa gây mê, phẫu thuật thành công cho một bệnh nhân mắc bệnh hiếm gặp. Trước đó ông C.V.P. (57 tuổi) bị bệnh sỏi niệu quản gây giãn thận có chỉ định phẫu thuật. 15 năm trước, ông P. từ một người khỏe mạnh, cao 1,75m nhưng bị mắc chứng dính thoái hóa cột sống, người biến dạng gù cong chỉ còn cao khoảng 1m do co rút cột sống. Ông P. ngày đêm đau đớn, không thể nằm ngửa mà chỉ nằm nghiêng. Theo bác sĩ Hương, do ông P. biến dạng cột sống cổ và lưng nên rất khó gây mê để đặt nội khí quản và thực hiện phẫu thuật. Sau nhiều lần hội chẩn, ngày 27-8 êkip bác sĩ khoa gây mê hồi sức B quyết định áp dụng kỹ thuật gây mê, đặt nội khí quản theo đường dẫn của đèn glidescope, phối hợp với bác sĩ khoa ngoại tổng hợp đã phẫu thuật thành công lấy ra sỏi niệu quản. Đến chiều 28-8 ông P. có thể trò chuyện và ăn uống bình thường, sức khỏe tiến triển tốt.

Vầng trăng yêu thương” đến với 900 bệnh nhi ung thư

Chương trình “Ước mơ của Thúy” - báo Tuổi Trẻ dành tặng 900 phần quà trung thu cho bệnh nhi ung thư đang điều trị tại chín bệnh viện ở TP.HCM, Đà Nẵng, Huế và Hà Nội từ ngày 4 đến 8-9-2014. Kinh phí quà tặng hơn 200 triệu đồng từ nguồn ủng hộ của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Uy Nam - Unicons (72 triệu đồng) và bạn đọc báo Tuổi Trẻ đóng góp. Bên cạnh đó, chương trình phối hợp cùng các bệnh viện, lực lượng tình nguyện, nghệ sĩ tổ chức nhiều hoạt động mang không khí trung thu như: trang trí các khoa điều trị bệnh nhi, thi viết thư gửi chị Hằng Nga, thi làm lồng đèn, đêm hội văn nghệ “Vầng trăng yêu thương”. Dịp này, Công ty TNHH phát triển Phú Mỹ Hưng và Công ty TNHH thực phẩm thương mại Đại Phát làm chiếc bánh trung thu khổng lồ, kích thước 1,2mx1,2m, nặng 158kg tặng bệnh nhân ung thư qua chương trình “Ước mơ của Thúy”. Bánh trung thu khổng lồ sẽ được đặt tại khoa nội ung bướu vệ tinh Bệnh viện Ung bướu TP.HCM ngày 8-9-2014 (nhằm 15-8 âm lịch). Đây là năm thứ tám chương trình “Ước mơ của Thúy” tổ chức hoạt động vui đón trung thu cho bệnh nhi ung thư tại các bệnh viện.

Lao động

Không có chức năng khám chữa bệnh, OSCA vẫn mổ hơn 2.000 ca

Không có chức năng khám chữa bệnh, nhưng Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ phẫu thuật nụ cười (OSCA) vẫn tổ chức được các đoàn khám và mổ cho 2.000 trẻ em sứt môi, hở hàm ếch? Vì sao lại có chuyện lạ như vậy? Tại cuộc họp báo sáng 28.8 ở Bộ Y tế, rất nhiều câu hỏi của các phóng viên về căn cứ pháp lý cho những hoạt động của OSCA được đặt ra cho đại diện Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Cục quân y (Bộ Quốc phòng) và Sở Y tế Hà Nội. Ông Nguyễn Viết Cường, Chánh thanh  tra Sở Y tế Hà Nội khẳng định: Đến giờ phút này, OSCA vẫn chưa làm hồ sơ xin cấp phép khám chữa bệnh trên địa bàn TP. Hà Nội. Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình, phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, y học thẩm mỹ và tạo hình chưa đủ căn cứ để Trung tâm này tổ chức các hoạt động khám chữa bệnh ở Hà Nội.  Tuy nhiên, khi phóng viên báo Lao Động đặt câu hỏi: Vậy khi một tổ chức không có chức năng khám chữa bệnh đi tổ chức các chuyến mổ lưu động như vậy, có là điều đúng luật không, ông Cường đã không trả lời rõ. Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh đã khẳng định: “Tuy là hoạt động khám chữa bệnh nhân đạo, miễn phí cho trẻ em, nhưng các bác sĩ, nhân viên y tế tham gia đều phải thực hiện đúng Luật khám chữa bệnh. Bác sĩ Phạm Văn Ái không có chứng chỉ hành nghề thẩm mỹ, nhưng cũng không tham gia trực tiếp việc  mổ mà chỉ tổ chức. Các cán bộ y tế tham gia đều có chứng chỉ hành nghề. OSCA đã tổ chức mổ nhân đạo cho 2.000 trường hợp ở nhiều tỉnh/TP, tất cả đều an toàn, không xảy ra sai sót. Trong đợt này, lẽ ra BS Trịnh Văn Việt tham gia mổ, nhưng vì lý do cá nhân không tiếp tục, đã có Th.S Lê Quốc Ân, có chuyên khoa răng hàm mặt, có chứng chỉ hành nghề do Sở Y tế Bạc Liêu cấp từ năm 2007”. Tuy nhiên, với câu hỏi của PV báo Tuổi trẻ: “Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Bình, người gây mê cho các ca mổ đã được Sở Y tế Hà Nội cấp chứng chỉ hành nghề hay chưa?”, Sở Y tế Hà Nội cũng chưa có câu trả lời. Thiếu tướng Vũ Quốc Bình – Cục trưởng Cục quân y cho biết: BV quân y 87 là đơn vị BV hạng 1 thuộc Quân chủng hải quân quản lý. Trong việc phối hợp với OSCA thực hiện đợt mổ nhân đạo này, BV 87 chỉ đóng vai trò cung cấp phòng mổ, 1 số giường bệnh, một số nhân viên “chạy” vòng ngoài hỗ trợ cho mổ. Còn toàn bộ mọi việc từ khâu xin phép Sở Y tế Khánh Hòa, trang thiết bị, thuốc men, con người đều do OSCA thực hiện. BV quân y 87 không có chức năng kiểm tra tính pháp lý của các hoạt động do OSCA thực hiện, khi Sở Y tế Khánh Hòa đã cho phép thì đã là được rồi”. Phóng viên VTV1 đặt câu hỏi: “Trả lời VTV tại Phú Yên, đại diện Sở Y tế Khánh Hòa nói ngày 21.8, Sở Y tế mới nhận được thông tin OSCA và BV 87 sẽ thực hiện đợt mổ này. Thế nhưng đến ngày 22.8 đã khám sàng lọc. Với thời gian báo cáo sát nút như vậy, có phải việc tiến hành mổ đặt cơ quan chức năng trước tình thế “sự đã rồi”, bởi khi việc đã tiến hành, các cháu nhỏ đã đến nơi, khó mà dừng lại?” Th.S Nguyễn Trọng Khoa  đã trả lời: “Việc sàng lọc có thể phải tiến hành trước đó hàng tháng, và nếu cơ quan quản lý nói chưa đủ yêu cầu để tiến hành đợt phẫu thuật thì có thể dừng ngay lại, chứ không thể cố được”. Do đó, thiếu tướng Vũ Quốc Bình đã bổ sung: BV quân y 87 đã thực hiện đúng chức năng của mình giống như vai trò cung cấp sân bóng cho 1 trận đấu. Nhưng đến nay sự việc 3 cháu nhỏ đã tử vong, chúng tôi sẽ rà soát lại sự việc, quy trình xin phép thực hiện mổ xem có sai sót ở đâu? Cuộc họp báo với rất nhiều câu hỏi được nêu ra, nhưng chưa được làm rõ. Vì thế, cuộc họp báo kéo dài 2h đồng hồ kết thúc mà vẫn "đọng" lại những băn khoăn đối với người tham dự. Được biết, trong sáng 28.8, tại Khánh Hòa cũng đã diễn ra cuộc họp giữa các đơn vị liên quan về vụ việc này. Báo Lao Động sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

 
Sai lầm trong “phẫu thuật nụ cười” làm 3 trẻ tử vong bắt đầu từ khâu gây mê

Nông thôn Ngày nay

Hơn 1 triệu đô chăm sóc mắt trẻ em miền Trung

Ngày 27/8, lễ ký kết dự án hỗ trợ "Phát triển dịch vụ chăm sóc mắt trẻ em tại miền Trung Việt Nam" giữa Tổ chức Orbis và Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đã diễn ra tại thành phố Huế. Dự án hỗ trợ "Phát triển dịch vụ chăm sóc mắt trẻ em tại miền Trung Việt Nam" có giá trị hơn 1 triệu USD do Tổ chức Orbis hỗ trợ, được thực hiện từ nay đến 30/6/2018 nhằm góp phần giảm tỷ lệ mù lòa và giảm thị lực ở trẻ em miền Trung Việt Nam thông qua việc tăng cường sự tiếp cận của các đối tượng với các dịch vụ chăm sóc mắt trẻ em tại Bệnh viện Mắt Huế, và dịch vụ quản lý bệnh võng mạc trẻ sinh non tại Bệnh viện Trung ương Huế. Dự án sẽ được sử dụng các công cụ đào tạo của Orbis, gồm chương trình đào tạo thực tế tại bệnh viện với sự hướng dẫn của chuyên gia quốc tế, chương trình bệnh viện bay, và chương trình tư vấn quan mạng. Bên cạnh đó, dự án còn tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn tại chỗ nhằm nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho cán bộ Bệnh viện Mắt Huế, bao gồm các khóa đào tạo về kỹ năng giao tiếp, tư vấn, quản lý bệnh viện và nghiên cứu khoa học. Ông Paul Forrest - Giám đốc khu vực châu Á, Tổ chức Orbis, cho biết với dự án này, Orbis giúp đào tạo các cán bộ y tế của khu vực miền Trung để họ có thể điều trị, giúp ngăn ngừa các bệnh về mắt, mang lại cơ hội và thay đổi tích cực cho mọi người./.

128 người từ vùng dịch Ebola nhập cảnh vào Việt Nam

Ngày 29.8, tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tính đến ngày 28.8, tổng số trường hợp mắc và tử vong do virus Ebola tại 4 nước Tây Phi (Guinea, Liberia, Nigeria, Sierra Leone) là 3.062 trường hợp, trong đó có 1.552 ca tử vong. Dịch bệnh tiếp tục gia tăng mạnh, hơn 40% tổng số trường hợp bệnh mắc trong 21 ngày qua. Ngoài ra, tại Công Gô cũng đã ghi nhận 24 ca nhiễm Ebola trong đó 13 ca tử vong. PGS-TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện Việt Nam vẫn chưa phát hiện ca bệnh nhiễm virus Ebola, tuy nhiên nguy cơ dịch bệnh xâm nhập là rất cao. Mỗi ngày, có khoảng 10 người đi từ các quốc gia có dịch Ebola nhập cảnh vào Việt Nam, tính từ 11-28.8 đã có 128 người (124 người tại sân bay Tân Sơn Nhất, 4 người tại sân bay Nội Bài). Hiện sức khỏe của 128 người này đều khỏe mạnh, không có dấu hiệu nghi nhiễm bệnh.

Thanh niên

Họp báo về vụ 3 trẻ tử vong khi phẫu thuật nhân đạo

Về vụ 3 trẻ tử vong khi phẫu thuật nhân đạo khe hở môi vòm miệng tại Bệnh viện (BV) Quân y 87 (Khánh Hòa), tại buổi họp báo ngày 28.8, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho rằng đây là sự cố hết sức nghiêm trọng. Ông Phạm Văn Ái, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ phẫu thuật nụ cười (OSCA) cũng nhận trách nhiệm về vụ việc và trực tiếp hỗ trợ mỗi gia đình có trẻ tử vong số tiền 120 triệu đồng. Ông Khoa cho biết Công an tỉnh Khánh Hòa đã vào cuộc điều tra. Liên quan đến trách nhiệm của BV Quân y 87, thiếu tướng Vũ Quốc Bình, Cục trưởng Cục Quân y (Bộ Quốc phòng), cho biết trong việc hợp tác này, toàn bộ khâu tổ chức lẫn nhân sự thực hiện phẫu thuật, thuốc men đều do OSCA triển khai, BV chỉ cho mượn cơ sở hạ tầng. Việc cho phép mổ thuộc thẩm quyền của Sở Y tế Khánh Hòa. * Chiều 28.8, ông Lê Tấn Phùng, Trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế Khánh Hòa), cho biết sáng cùng ngày, hội đồng chuyên môn của Sở đã họp để xem xét quá trình khám chữa bệnh của OSCA, dẫn đến việc 3 trẻ tử vong tại BV Quân y 87. Theo đó, hội đồng xác định nguyên nhân 3 trẻ tử vong có liên quan đến quá trình gây mê. "Tuy nhiên, nguyên nhân cụ thể cần có thêm bằng chứng giám định pháp y và kết quả kiểm định độc lập về thuốc, trang thiết bị gây mê. Các thuốc liên quan đến gây mê là do BV Quân y 87 cung cấp, số thuốc này hợp pháp, có hạn sử dụng đến năm 2016, công tác bảo quản đúng quy định. Còn các nguồn thuốc kháng sinh, giảm đau thì do OSCA mang đến, cũng hợp pháp”, ông Phùng nói. Hội đồng cho rằng, quy trình chuyên môn của phía OSCA có nhiều thiếu sót: chưa có quy trình cụ thể khi triển khai thực hiện chương trình, khám tiền phẫu và xét nghiệm tiền phẫu chưa đầy đủ, không có chuyên khoa nhi tham gia vào quá trình khám sàng lọc và chỉ định phẫu thuật, không theo dõi huyết áp của các bệnh nhi trong quá trình gây mê, phẫu thuật... Ông Phùng cũng cho biết, trong vụ việc này, BV Quân y 87 có một phần trách nhiệm do chưa cương quyết trong việc yêu cầu OSCA ngưng ngay hoạt động gây mê, phẫu thuật.

Thu giữ 8 tạ găng tay y tế, bơm tiêm đã qua sử dụng

Chiều 28.8, Công an Q.Long Biên (Công an TP.Hà Nội) cho biết đã phát hiện thu giữ 8 tạ găng tay cao su y tế, bơm kim tiêm và một số vật tư y tế khác đã qua sử dụng tại nhà bà Đỗ Thị Thêm (47 tuổi, ngụ P.Ngọc Thụy, Q.Long Biên). Bà Thêm khai nhận đã mua gom toàn bộ 8 tạ găng tay, bơm kim tiêm, túi lọc máu đã qua sử dụng từ nhiều mối khác nhau, trước khi đem bán lại cho các chủ buôn bán nhựa khác. Mỗi ký găng tay, bơm kim tiêm đã qua sử dụng bà Thơm bán lại, hưởng chênh lệch từ 1.000 - 2.000 đồng. Công an Q.Long Biên đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án. Cũng liên quan vụ việc, trước đó đầu tháng 5.2014, Báo Thanh Niên đã đăng loạt bài điều tra Tràn lan mua bán rác thải y tế nguy hại. Theo đó, thay vì phải được thu gom và tiêu hủy theo đúng quy định, một lượng lớn rác thải y tế nguy hại như bơm kim tiêm, ống thở, găng tay cao su ... của nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội lại được tuồn, bán ra ngoài cho các điểm thu mua. Không dừng lại ở đó, số rác thải y tế này lại tiếp tục được chuyển tới làng nghề Triều Khúc thuộc xã Tân Triều (H.Thanh Trì, TP.Hà Nội) và làng Khoai thuộc thị trấn Như Quỳnh (H.Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) để tái chế, sản xuất ra một loạt các đồ dùng, như: hộp đựng cơm, ống hút, cốc nhựa...

An ninh Thủ đô

Chuyển mùa, dịch bệnh gia tăng

Vào những tháng cuối năm, một số dịch bệnh có xu hướng tăng do thời tiết chuyển mùa. Các bác sĩ khuyến cáo, thời tiết chuyển mùa từ hạ sang thu với đặc trưng ngày nóng đêm lạnh, nên rất dễ ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt ở người già và trẻ nhỏ.

Gia tăng trẻ mắc bệnh  hô hấp

Bác sĩ Nguyễn Văn Học, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp - Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, thống kê của bệnh viện cho thấy, hiện tại, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 2.000 bệnh nhi đến khám. Ngày cao điểm lên đến 2.200 trường hợp. Do đang là thời điểm chuyển mùa từ hạ sang thu, thời tiết thay đổi nhanh nên số trẻ nhỏ nhập viện gia tăng so với 1, 2 tháng trước. Các bệnh thường gặp chủ yếu liên quan đến bệnh chuyển mùa như viêm đường hô hấp, viêm xoang, sốt virus, ho…. Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm trước, lượng bệnh nhân vào khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương hiện tại không tăng, thậm chí giảm chút ít. Tương tự, tình trạng gia tăng bệnh nhân mắc các bệnh lý liên quan đến yếu tố thời tiết chuyển mùa cũng xảy ra tại khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai, có 4 nhóm bệnh lý dễ mắc khi chuyển mùa, trong đó, nhóm bệnh lý về hô hấp là hay gặp nhất. Các bệnh nhi thường nhập viện với các triệu chứng như sốt cao, ho, hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi,  mất giọng, niêm mạc họng đỏ, viêm phế quản… Tiếp đến là nhóm bệnh lý về dị ứng, cảm cúm, sốt, tiêu chảy cấp ở trẻ em. Để phòng bệnh cho trẻ trong thời điểm này, biện pháp quan trọng là phải vệ sinh nhà ở sạch sẽ, thoáng mát, cho trẻ mặc quần áo ấm khi đi ngủ vì thời tiết thường trở lạnh vào gần sáng.

Đau mắt đỏ xuất hiện rải rác

Tại BV Mắt Trung ương và BV Mắt Hà Nội,  vài tuần gần đây ghi nhận rải rác các trường hợp đau mắt đỏ (hay viêm kết mạc cấp) vào khám. Ngày cao điểm có tới hàng chục bệnh nhân. Nhìn chung, tại thời điểm này, bệnh đau mắt đỏ ở Hà Nội chưa thành dịch, mới chỉ lây lan trong phạm vi gia đình. Tuy nhiên, bác sĩ Trịnh Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội cảnh báo, thông thường vào thời điểm chuyển mùa, nhất là mùa mưa, bệnh đau mắt đỏ thường gia tăng nên mọi người cần chú ý phòng bệnh bằng các biện pháp như: giữ gìn vệ sinh mắt sạch sẽ, khi đi đường nên đeo kính để tránh bụi, thường xuyên tra nước muối sinh lý để rửa mắt...Cũng theo các bác sĩ chuyên khoa mắt, dấu hiệu mắc bệnh sớm có thể là mắt cộm, đỏ, ngứa, chảy nước mắt, bị sốt nhẹ. Đau mắt đỏ là bệnh lây qua đường hô hấp và dịch tiết nên dễ lan rộng. Thời gian ủ bệnh đau mắt đỏ thường từ 5-10 ngày. Khi mới nhiễm virus, người bệnh không có triệu chứng nên không biết để phòng ngừa cho người khác. Mặc dù bệnh đau mắt đỏ là bệnh lành tính nhưng cũng có thể gây biến chứng viêm giác mạc, giảm thị lực ở 20% bệnh nhân nếu điều trị không đúng cách. Do vậy, nếu gia đình có người bị đau mắt đỏ phải dùng khăn rửa mặt, chậu rửa riêng, đeo kính và khẩu trang. Tuyệt đối không tự mua thuốc về điều trị, đặc biệt là thuốc có chứa Corticoid như: Clorocid H1%, Dexaclor... nếu không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa mắt. 

Sốt xuất huyết vào mùa cao điểm

Báo cáo về tình hình dịch bệnh của Sở Y tế Hà Nội từ ngày 18-8 đến nay cho thấy, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố đang gia tăng nhanh. Cách đây 5 tuần, toàn thành phố chỉ ghi nhận 18 trường hợp mắc sốt xuất huyết/ tuần thì trong tuần qua (từ ngày 18 đến 24-8), số ca mắc đã tăng lên 57 trường hợp. Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận định, thời điểm tháng 9 đến tháng 11 hàng năm thường là đỉnh dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội với số ca mắc gia tăng mạnh, vì điều kiện thời tiết cuối năm thuận lợi cho dịch bệnh này phát triển. Do vậy, hiện tại Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành y tế Thủ đô tiếp tục tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch sốt xuất huyết tại bệnh viện và cộng đồng, đặc biệt tập trung quyết liệt các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết tại 9 xã, phường, thị trấn - là những nơi đã ghi nhận ổ dịch sốt xuất huyết. Hiện tại, ngành y tế đã tiến hành phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh lần 1 tại 7 ổ dịch và phun hóa chất lần 2 tại 2 ổ dịch này, về cơ bản các ổ dịch đều đã được khống chế.

Nước sinh hoạt không đạt tiêu chuẩn phòng ô nhiễm

Bộ Y tế vừa công bố kết quả kiểm tra chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt trên địa bàn Hà Nội. Kết quả cho thấy, TP đang đứng trước nguy cơ dịch, bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa bởi nước sạch dùng trong sinh hoạt không đạt tiêu chuẩn clo dư. Để đảm bảo tính khách quan và cái nhìn toàn diện, Bộ Y tế đã tổ chức kiểm tra, lấy mẫu và phân tích chất lượng nước tại 19 nhà máy nước (nhà máy nước Yên Phụ, Nam Dư, Pháp Vân, Hạ Đình...) và 8 trạm cấp nước trên toàn địa bàn Hà Nội. Cẩn thận hơn, Bộ Y tế còn kiểm tra chất lượng nước cấp sau đồng hồ tại một số hộ gia đình thuộc 6 quận nội thành gồm Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Đống Đa.  Kết quả phân tích cho thấy, các chỉ tiêu về cảm quan như màu sắc, mùi, vị và hầu hết các thành phần vô cơ đều đạt. Dù vậy, nước sạch sinh hoạt tại Hà Nội có tới 8 chỉ tiêu không đạt gồm: chỉ số clo dư, amoni, nitrit, pecmanganat, asen, coliform tổng số, coliform chịu nhiệt, sắt tổng số.  Cụ thể, tại các nhà máy nước, trạm cấp nước, có 4 chỉ tiêu không đạt gồm clo dư (15 mẫu thấp hơn tiêu chuẩn cho phép); amoni (7 mẫu); pecmanganat (12 mẫu), asen (1 mẫu). Tỷ lệ nhà máy nước và trạm cấp nước có hàm lượng clo dư trong nước sau xử lý thấp hơn tiêu chuẩn cho phép lần lượt là 63% và 43%. Tại các hộ gia đình, khu dân cư, nước sạch có 7 chỉ tiêu không đạt. Đáng chú ý, có tới 155 mẫu không đạt chỉ số clo dư, tương đương 93,3%; coliform tổng số (5 mẫu), coliform chịu nhiệt (1 mẫu), amoni (18 mẫu), nitrit (5 mẫu), pecmanganat (40 mẫu), sắt tổng số (1 mẫu). Hầu hết các mẫu nước các quận nội thành như Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân có hàm lượng clo dư thấp hơn tiêu chuẩn cho phép. Theo các chuyên gia của Bộ Y tế, lượng clo dư cần được duy trì trong nước theo mức quy định với mục đích diệt khuẩn. Nếu nguồn nước ăn uống, sinh hoạt có nồng độ clo dư thấp hoặc không có clo dư sẽ dẫn đến nguy cơ ô nhiễm, xảy ra dịch, bệnh tiêu chảy và các dịch, bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa khác. Do đó, Bộ Y tế đề nghị, Hà Nội phải đảm bảo việc cung cấp nước sạch đến người dân, nhất là các địa bàn thuộc các quận, huyện xa trung tâm, có điều kiện vệ sinh môi trường kém hoặc những địa bàn trước đây đã ghi nhận các ổ dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm. Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở Y tế Hà Nội phải thường xuyên kiểm tra tại các nhà máy, mạng lưới cấp nước để đảm bảo duy trì hàm lượng clo dư ở vòi nước cấp sau đồng hồ cho các hộ gia đình ở mức 0,3 - 0,5 mg/l.

Kịp thời cứu sống trẻ bị ngưng tim đột ngột

Ngày 29-8, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đơn vị này vừa cứu sống một bệnh nhi bị bệnh tim biến chứng bất thường. Đó là bé Thành Nguyễn Hoàng N., 8 tháng tuổi, ở Phố Vọng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Đáng chú ý, bé N. được đưa đến viện trong tình trạng sốt, ho, bỏ ăn, không nguy kịch nhưng ngay khi đến viện thì đột ngột ngất xỉu, tim ngừng đập. Qua tiến hành cấp cứu và làm xét nghiệm chẩn đoán, các bác sĩ kết luận bé N. bị viêm cơ tim cấp – một ca bệnh không quá hiếm gặp nhưng lại có biến chứng ngừng tim rất đột ngột nên khả năng cứu chữa rất khó. Nếu như cơ sở y tế không có đầy đủ trang thiết bị cấp cứu và đội ngũ cán bộ y tế chuyên nghiệp thì bệnh nhi sẽ khó qua khỏi. Hiện, sức khỏe của bé đã bình thường.

Bắt đầu tiêm miễn phí vaccine sởi-rubella từ 18-10

Chiều 29-8, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức hội nghị triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi – rubella trong chương trình tiêm chủng mở rộng của thành phố. Theo lãnh đạo Sở Y tế, chiến dịch được tổ chức thành 3 đợt, mục tiêu là từ nay đến hết tháng 3-2015, toàn bộ trẻ từ 1 -14 tuổi trên địa bàn Hà Nội (khoảng 1,6 triệu em) sẽ được tiêm vaccine sởi – rubella miễn phí. Đợt tiêm đầu tiên sẽ bắt đầu từ ngày 18 đến 31-10 tới, tổ chức tiêm tại tất cả trạm y tế của thành phố cho trẻ từ 1-5 tuổi. Đợt 2 sẽ diễn ra từ 1 đến 18-12, tiêm cho trẻ từ 6-10 tuổi, tổ chức tại các trường tiểu học. Dự kiến đầu tháng 9, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội sẽ tập huấn cho các nhân viên y tế xã/ phường/ thị trấn về cách thức bảo quản, sử dụng vaccine; tiêm chủng an toàn, phòng chống sốc, giám sát phản ứng sau tiêm...

Nhân dân

Bảo đảm công tác y tế trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh

Ngày 28-8, Bộ Y tế có Công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư về bảo đảm công tác y tế và an ninh trật tự trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh (2-9). Theo đó, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo sở y tế và các sở, ban, ngành liên quan chuẩn bị đầy đủ phương tiện, vật tư, trang, thiết bị, nhân lực để sẵn sàng phòng, chống các dịch bệnh có thể xảy ra; phân công cán bộ tổ chức trực dịch 24/24 giờ trong các ngày nghỉ lễ để theo dõi, nắm tình hình bệnh dịch xảy ra trên địa bàn, nhất là việc thực hiện nghiêm túc Công điện số 1392/CĐ-TTg, ngày 9-8-2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết do vi-rút E-bô-la; các bệnh viện trực 24/24 giờ, bảo đảm đủ nhân lực, thuốc, trang, thiết bị, phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu tai nạn giao thông, sinh đẻ, ngộ độc thực phẩm...

Sức khỏe & Đời sống

Nỗ lực nâng cao sức khỏe người dân Tây Nguyên

Trong 2 ngày 28-29/8, tại Hà Nội, Bộ Y tế và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đã tổ chức Hội nghị triển khai và ký thỏa thuận hợp tác thực hiện dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2. Đến dự hội nghị có GS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế; ông Trần Việt Hùng - Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên; ông Andrew Head - Phó Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam và đại diện các bộ, ngành liên quan, các tỉnh thụ hưởng dự án. Dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2 với tổng số vốn: 76.600.000 USD, trong đó vay ADB: 70.000.000 USD. Vốn đối ứng: 137, 5 tỷ đồng (tương đương 6.600.000 USD). Cơ quan chủ quản là Bộ Y tế, cơ quan thực hiện dự án là BQLDA Trung ương thuộc Bộ Y tế; các BQLDA tuyến tỉnh thuộc Sở Y tế của 5 tỉnh Tây Nguyên; Địa điểm thực hiện dự án: Bộ Y tế và 5 tỉnh Tây Nguyên gồm (Kom Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Lâm Đồng). Giai đoạn thực hiện dự án từ 2014 - 2019. Mục tiêu chung của dự án nhằm hỗ trợ phát triển hệ thống y tế các tỉnh Tây Nguyên, đáp ứng nhu cầu CSSK ngày càng cao của nhân dân ở các tỉnh, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng thiệt thòi khác, góp phần hướng tới đạt được mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG). Phát biểu tại hội nghị, GS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, thông qua việc ký kết thỏa thuận thực hiện dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân tại các tỉnh Tây Nguyên sẽ cải thiện cơ sở vật chất thông qua việc xây mới, nâng cấp, sửa chữa các trạm y tế xã, phòng khám ĐKKV và bệnh viện huyện bao gồm hệ thống xử lý chất thải. Cung cấp trang thiết bị y tế và hệ thống thông tin quản lý y tế cho các tuyến Trung ương, tỉnh, huyện, xã và y tế thôn bản. Cải thiện sức khỏe nhân dân vùng Tây Nguyên (bao gồm người nghèo, phụ nữ và trẻ em), giảm tỷ suất chết trẻ, chết mẹ, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng. Bên cạnh đó, sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế tại tuyến cơ sở. Phát triển nguồn nhân lực y tế thông qua các khóa đào tạo, tập huấn ngắn hạn và dài hạn, về chuyên môn và năng lực quản lý. Hỗ trợ tiếp cận dịch vụ CSSK có chất lượng tại cộng đồng. Nâng cao trình độ chuyên môn về số lượng và chất lượng cho cán bộ nhân viên của các cơ sở y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện và xã. Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông GDSK cho cộng đồng và các gia đình người dân, từ đó thúc đẩy hành vi chăm sóc sức khỏe chủ động và sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả. Điều quan trọng hơn hết là sử dụng nguồn BHYT hiệu quả, hợp lý, không còn để tiền BHYT kết dư - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh. Thông qua hội nghị này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chân thành cảm ơn ADB đã hỗ trợ về mặt tài chính, trong giai đoạn 1, dự án đã thực hiện thành công. Bộ trưởng mong muốn trong giai đoạn 2 này, ADB sẽ cùng Bộ Y tế thực hiện có hiệu quả hơn, không những ở dự án này mà còn nhiều dự án y tế khác nữa. Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng đã đề nghị lãnh đạo UBND các tỉnh vùng Tây Nguyên - các đơn vị được thụ hưởng từ dự án cần có sự đồng thuận, ủng hộ ngành y tế nói chung và Sở Y tế các tỉnh vùng Tây Nguyên nói riêng tạo mọi điều kiện thuận lợi trong việc triển khai thực hiện dự án và có kế hoạch thực hiện cụ thể. Tại Hội nghị, thay mặt BCĐ Tây Nguyên, ông Trần Việt Hùng - Phó trưởng Ban thường trực BCĐ Tây Nguyên đã cảm ơn Bộ Y tế và ADB đã khởi động Dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2 đầy ý nghĩa này. Thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào khó khăn với dân số của khu vực vùng Tây Nguyên khoảng 5,4 triệu người, chiếm phần lớn là các dân tộc thiểu số, có sự chênh lệch về khoảng cách và việc tiếp cận các dịch vụ y tế còn nhiều hạn chế. Vì vậy, BCĐ Tây Nguyên mong muốn được Bộ Y tế quan tâm hơn nữa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân Tây Nguyên. Ông Andrew Head - Phó Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam cảm ơn sự quan tâm hỗ trợ và tạo điều kiện của Chính phủ Việt Nam, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan, đồng thời mong muốn cùng với ngành y tế Việt Nam hỗ trợ phát triển hệ thống y tế các tỉnh vùng Tây Nguyên giai đoạn 2 nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc ngày càng cao của nhân dân, đặc biệt là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng thiệt thòi khác, góp phần hướng tới các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ... Đại diện đơn vị thực hiện dự án, ông Hà Văn Thúy - Giám đốc BQLDA Bộ Y tế cảm ơn Bộ trưởng Bộ Y tế, ADB, BCĐ Tây Nguyên, các ban ngành TW, địa phương và nhấn mạnh: Đây là sự kỳ vọng lớn lao của lãnh đạo nhân dân các tỉnh vùng Tây Nguyên. Vì vậy, là đơn vị thực hiện dự án, xin hứa cam kết nỗ lực hết mình để làm tốt các nội dung thực hiện trong dự án, để làm tốt công tác CSSKND. Thay mặt lãnh đạo UBND các tỉnh vùng Tây Nguyên, bà Mai Hoan Nie KĐăm - Phó Chủ tịch UBND Đắk Lắk cảm ơn và xin hứa sẽ chỉ đạo triển khai các hoạt động của dự án đúng tiến độ, đạt kết quả tốt và tuân thủ các quy định hiện hành.

Hà Nội mới

Hà Nội: Tiêm vắc xin sởi – rubella miễn phí từ tháng 10 - 2014

Chiều 29/8, Ban chỉ đạo chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi-rubella (MR) trong tiêm chủng mở rộng thành phố Hà Nội (tiêm miễn phí). Đối tượng tiêm trong chiến dịch này là toàn bộ trẻ từ 1 tuổi đến 14 tuổi tại 584 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội, trừ 2 trường hợp: Trẻ đã tiêm vắc xin sởi hoặc sởi-quai bị-rubella trong vòng 1 tháng tính đến ngày tổ chức chiến dịch; trẻ đã tiêm từ 2 mũi sởi và 1 mũi rubella trở lên. Chiến dịch tiêm phòng được tổ chức làm 3 đợt tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn cho trẻ 1-5 tuổi và tại trường học đối với trẻ 6-14 tuổi. Theo đó, đợt 1, tổ chức tiêm tại các trạm y tế từ ngày 18/10 đến 31/10/2014 cho trẻ 1-5 tuổi (sinh từ 1/1/2009 đến 30/9/2013). Đợt 2, tổ chức tiêm tại các trường tiểu học theo từng lớp từ ngày 1/12 đến 18/12/2014 cho trẻ 6-10 tuổi (sinh từ 1/1/2004-31/12/2008). Đợt 3, tổ chức vào tháng 1/2015 tại các trường trung học cơ sở cho trẻ 11-14 tuổi (sinh từ 1/1/2000-31/12/2003).

Vụ 3 trẻ tử vong trong Chương trình phẫu thuật nụ cười miễn phí tại Khánh Hòa: Có sai sót chuyên môn

Liên quan việc 3 trẻ tử vong trong Chương trình phẫu thuật nụ cười miễn phí tại Nha Trang (Khánh Hòa) do Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ phẫu thuật nụ cười (OSCA) thực hiện, chiều 29-8, theo tin từ Bộ Y tế, kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy có sai sót chuyên môn; cụ thể, không có bác sĩ chuyên khoa nhi tham gia khám sàng lọc; không đo huyết áp cho trẻ trước khi gây mê. Hội đồng chuyên môn sẽ có kết luận về nguyên nhân 3 trẻ tử vong sau khi có kết quả từ cơ quan Công an về các vấn đề trang thiết bị sử dụng khi thực hiện phẫu thuật và kết quả xét nghiệm thuốc đã sử dụng cho các trẻ tử vong. * Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc vừa ký văn bản hỏa tốc, giao cho Sở Y tế Hà Nội phối hợp với Sở KH&CN Hà Nội, UBND quận Đống Đa làm rõ các vấn đề liên quan việc cấp phép hoạt động, chức năng, nhiệm vụ và phạm vi hoạt động của OSCA cũng như việc cấp giấy chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, đăng ký hành nghề cá nhân...

Người lao động

BV Lạng Sơn: Thời gian khám bệnh tối đa 159 phút

Với quy trình khám chữa bệnh chỉ còn 6 bước, thời gian khám bệnh của 1 bệnh nhân tại BVĐK tinh Lạng Sơn nhanh nhất còn 39 phút và lâu nhất là 159 phút. Tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Quảng Ninh và BVĐK tỉnh Lạng Sơn, người bệnh được lấy phiếu khám thông qua hệ thống phát số tự động với sự hướng dẫn củanhân viên y tế. Sau hơn 1 năm thực hiện đổi mới quy trìnhkhám bệnh, tình trạng chen lấn, xô đẩy để lấy số thứ tự và nhốn nháo chờ khám bệnh đã chấm dứt. Đặc biệt, thời gian chờ đợi của người bệnh cũng đã giảm hơn so với trước. Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho rằng việc cải tiến quy trình khám, chữa bệnh giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân đã đem đến sự hài lòng của người bệnh. Tuy nhiên đây chỉ là một trong những yếu tố cần thiết của việc cải tiến quy trình khám bệnh theo Quyết định 1313 của Bộ Y tế. Điều quan trọng hơn là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tăng sự hài lòng của người bệnh, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho bệnh nhân khi đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Bộ Y tế đang chỉ đạo toàn ngành y tế, hệ thống khám, chữa bệnh tiếp tục cải cách thủ tục hành chính nhằm hạn chế tối đa các thủ tục không cần thiết để giảm bớt phiền hà cho người bệnh, đặc biệt là các thủ tục hành chính liên quan đến bảo hiểm y tế. Bộ Y tế sẽ rà soát, sắp xếp lại các quy trình lấy mẫu, vận chuyển và trả kết quả, tiếp tục rút ngắn thời gian chờ đợi cho người bệnh

VTV

Cải cách quy trình khám chữa bệnh: Thước đo là sự hài lòng!

Bộ Y tế đã xây dựng quy trình khám chữa bệnh tại khoa khám bệnh, với mục tiêu rút ngắn thời gian khám chữa bệnh từ 7 tiếng xuống còn 1,5 - 3 tiếng và thực hiện quy trình một chiều triển khai tại tất cả các bệnh viện tuyến tỉnh và trung ương nhằm tạo ra sự hài lòng từ phía người bệnh. Tình trạng bệnh nhân phải chầu chực chờ khám bệnh nhiều giờ liền, thậm chí là cả ngày vẫn chưa được khám đã diễn ra trong một thời gian dài. Ngoài nguyên nhân quá tải do bệnh nhân quá đông đến khám, còn có nguyên nhân do quy trình khám, chữa bệnh của một số bệnh viện chưa hợp lý và khoa học. Với việc cải tiến quy trìnhkhám chữa bệnh, tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh không còn cảnh xếp sổ y bạ, chờ lấy số, chen chúc chờ đợi để khám… như trước đây tại khoa Khám bệnh. Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý và phân loại bệnh nhân, khi đến khám, người bệnh sẽ được phát số tự động được nối mạng với các khoa phòng. Tên người khám sẽ được thông báo tại mỗi phòng bệnh. Sau khi cải cách quy trình khám chữa bệnh, Bệnh viện đã tích cực tiếp nhận góp ý của người dân về việc bố trí phòng khám hay việc lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm. Từ đó, Bệnh viện đã bổ sung thêm nhân lực và đánh mã vạch đối với các mẫu xét nghiệm. Việc cải tiến này đã giúp cho những bệnh nhân phải thực hiện nhiều xét nghiệm cùng một lúc nhưng chỉ mất một buổi sáng là hoàn tất. 

Vietnamplus

Cần ghép chương trình phòng, chống HIV vào hệ thống y tế

Bà Phan Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), cho biết cần chuyển đổi chương trình phòng, chống HIV/AIDS chủ yếu dựa vào viện trợ sang lồng ghép với hệ thống y tế, phân cấp và dựa vào ngân sách trong nước để hướng đến mục tiêu kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030. Thông tin trên được bà Phan Thị Thu Hương cho biết tại Tại Hội thảo khu vực phía Nam “Đại biểu dân cử với chính sách, pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm” do Ủy ban Về các vấn đề xã hội Quốc hội và Chương trình phối hợp Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) tổ chức ngày 29/8 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Theo thống kê của Cục phòng, chống HIV/AIDS, hiện Việt Nam có gần 220.000 người nhiễm HIV còn sống, trong đó khu vực Đông Nam Bộ có tỷ lệ nhiễm cao nhất với 408/100.000 dân.Bà Phan Thị Thu Hương cho biết công tác phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam hiện gặp nhiều khó khăn và thiếu bền vững do chủ yếu dựa vào nguồn kinh phí viện trợ (trên 80%); trong đó, 100% thuốc Methadone, 95% thuốc ARV là từ nguồn viện trợ. Hiện tại nhiều dự án hỗ trợ đã kết thúc, một số dự án đang cắt giảm kinh phí khá nhiều, đồng thời ngân sách dành cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS cũng cắt giảm khoảng 2/3 trong thời gian gần đây (từ 245 tỷ đồng năm 2012 xuống còn 83 tỷ đồng năm nay). Do đó, chúng ta phải có chiến lược cụ thể, hợp lý để phòng, chống HIV/AIDS đạt hiệu quả cao và bền vững. Từ sự phối hợp với UNAIDS và các tổ chức khác, Bộ Y tế đã xây dựng Chiến lược đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2015-2020. Trong đó, Chiến lược tập trung vào các vấn đề cụ thể như củng cố và kiện toàn mạng lưới phòng, chống HIV/AIDS theo hướng lồng ghép và phân cấp để tăng cường tính hiệu quả và bền vững; mở rộng những can thiệp hiệu quả nhất với mức độ đảm bảo có tác động rõ rệt trong phòng, chống HIV/AIDS; đầu tư cho các vùng trọng điểm và các nhóm đối tượng nguy cơ cao để mang lại hiệu quả cao nhất; đảm bảo nguồn tài chính bền vững. Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về một số vấn đề vướng mắc, khó khăn khi thực hiện chính sách, pháp luật về cai nghiện ma túy và phòng, chống mại dâm; vai trò của hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trong lồng ghép chương trình phòng, chống HIV/AIDS và phòng chống ma túy, mại dâm…/.

Senegal xác nhận trường hợp đầu tiên bị nhiễm virus Ebola

Bộ Y tế Senegal ngày 29/8 xác nhận trường hợp đầu tiên ở nước này bị nhiễm virus Ebola trong bối cảnh dịch bệnh này đang hoành hành ở một số nước châu Phi và cướp đi sinh mạng của hơn 1.500 người kể từ đầu năm tới nay. Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Dakar, Bộ trưởng Y tế Senegal Awa Marie Coll Seck cho biết trường hợp nhiễm bệnh này là một thanh niên người Guine. Bộ trưởng Awa Marie Coll Seck cho biết bệnh nhân này đã được cách ly ngay sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus gây chết người này. Trước đó, Cơ quan y tế Guine ngày 27/8 cũng đã thông báo một bệnh nhân nhiễm virus Ebola "biến mất" và có thông tin cho thấy người này đi sang Senegal. Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế công Cộng hòa Dân chủ Congo Felix Kabange cho biết ở nước này đã có tổng cộng 13 người, trong đó có 5 bác sỹ, bị thiệt mạng do nhiễm virus Ebola. Tất cả nạn nhân đều ở Djera, khu vực hẻo lánh ở tỉnh Equateur Tây Bắc nước này. Hiện nay những tỉnh khác chưa có thông báo nào về trường hợp nhiễm Ebola. Ông Felix Kabange cho biết 5 trường hợp nghi nhiễm bệnh ở thủ đô Kinshasa đều cho kết quả xét nghiệm âm tính với Ebola. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã có ít nhất 1.552 người được xác nhận tử vong do nhiễm virus Ebola kể từ đầu đợt bùng phát dịch tới nay, đồng thời cảnh báo số người nhiễm có thể lên tới 20.000 người và công tác phòng chống căn bệnh này có thể sẽ tiêu tốn của thế giới ít nhất 490 triệu USD./.

Tài chính điện tử

Chi ngân sách cho người điều trị nghiện

Liên Bộ Tài chính, Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư liên tịch 25/2014/TTLT-BYT-BTC hướng dẫn chi ngân sách hỗ trợ khám, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Theo đó, các đối tượng gồm thương binh, người nghèo, người cao tuổi neo đơn, trẻ mồ côi... đang điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế tại cơ sở điều trị công lập được hỗ trợ tối thiểu 95% chi phí khám sức khỏe, thuốc điều trị. Thông tư cũng nêu rõ không chi hỗ trợ trong trường hợp người bệnh không tuân theo quy trình điều trị; bị chấm dứt điều trị theo Nghị định 96/2012/NĐ-CP; hoặc được nguồn kinh phí khác cùng chi trả cho một nội dung chi. Dự tính đến 2015, các nguồn tài trợ, viện trợ giảm đáng kể nên mức hỗ trợ cụ thể được quyết định chủ yếu dựa vào nguồn kinh phí bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước. Thông tư liên tịch 25/2014/TTLT-BYT-BTC có hiệu lực từ 01/9/2014.

Công an nhân dân

Giám sát chặt chẽ sức khỏe 128 người nhập cảnh từ vùng có dịch Ebola vào Việt Nam

Bộ Y tế đã triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập và không để lây lan tại cộng đồng thông qua việc thực hiện khai báo y tế từ ngày 15/8/2014 tại tất cả các cửa khẩu quốc tế (đường hàng không, đường bộ và đường biển). Riêng sân bay Tân Sơn Nhất đã thực hiện từ ngày 11/8/2014. Theo đó, từ ngày 11- 26/8, ngành Y tế đã giám sát được 128 người đi từ các quốc gia có dịch Ebola nhập cảnh vào Việt Nam (trung bình mỗi ngày có khoảng 10 người nhập cảnh vào Việt Nam). Trong 128 người nhập cảnh vào Việt Nam thì có 30 người là công dân Việt Nam trở về từ Liberia , 98 người Nigeria. Tất cả các cửa khẩu khác chưa ghi nhận có trường hợp nhập cảnh từ vùng có dịch Ebola. Hiện nay, chỉ có 1/128 trường hợp đã qua 21 ngày đi từ vùng dịch về nhập cảnh vào Việt Nam.

Trực 24/24h trong dịp lễ Quốc khánh 2/9 để cấp cứu kịp thời người bệnh

Các bệnh viện trực 24/24 giờ, bảo đảm đủ nhân lực, thuốc, trang thiết bị, phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu tai nạn giao thông, sinh đẻ, ngộ độc thực phẩm, không được từ chối hoặc để chậm trễ bất cứ trường hợp cấp cứu nào. Để bảo đảm công tác y tế trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành chỉ đạo Sở Y tế và các Sở, ban ngành liên quan tăng cường công tác phòng chống dịch. Các địa phương cần chuẩn bị đầy đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị và nhân lực để sẵn sàng phòng chống các dịch bệnh có thể xảy ra. Phân công cán bộ, tổ chức trực dịch 24/24 giờ trong các ngày nghỉ lễ; tổ chức tốt công tác khám, chữa bệnh, chỉ đạo các bệnh viện trực 24/24 giờ, bảo đảm đủ nhân lực, thuốc, trang thiết bị, phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu tai nạn giao thông, sinh đẻ, ngộ độc thực phẩm, không được từ chối hoặc để chậm trễ bất cứ trường hợp cấp cứu nào. Cán bộ y tế ở các tuyến nâng cao tinh thần trách nhiệm và ý thức phục vụ người bệnh, đặc biệt chú ý đến phong cách giao tiếp, ứng xử ân cần, hòa nhã

Bệnh sốt mò có nguy cơ quay trở lại?

Từ ngày 23 đến 27-8, đã có 2 ca bệnh sốt mò được bác sỹ Trung tâm Y tế Q. Ngũ Hành Sơn (TTYT NHS) phát hiện kịp thời, điều trị hiệu quả. Bệnh sốt mò khá phổ biến trong thời kỳ chiến tranh, thời “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, nay dường như bị “lãng quên”. Chính vì vậy, những ca bệnh sốt mò thường ít được chẩn đoán, điều trị kịp thời, đã gây chi phí điều trị cao, bệnh ngày càng nặng và nguy cơ gây tử vong cao. Sự xuất hiện liên tục 2 ca bệnh sốt mò trong 1 tuần, tại một địa phương, không khỏi gây nên tâm lý lo lắng. Sốt mò là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính. Bệnh còn được gọi dưới nhiều tên khác nhau như sốt ve mò, sốt Tsutsugamushi, sốt bụi rậm, sốt triền sông Nhật Bản... Bệnh từ thú vật lây cho người qua trung gian là ấu trùng ve (mò). Ở Việt Nam, thời điểm thích hợp cho bệnh bộc phát là vào mùa mưa (từ tháng 6 đến tháng 9). Mấy chục năm trước đây, khi điều kiện vệ sinh môi trường không đảm bảo, sự tiếp xúc thường xuyên với các ổ dịch thiên nhiên (từ cây cỏ, bụi rậm...), thì bệnh sốt mò khá phổ biến. Thời đại hiện nay, bệnh sốt mò ít được nhắc tới như các bệnh SARS, cúm A, sốt xuất huyết... và tương đối hiếm gặp, nhất là trên địa bàn TP Đà Nẵng. Chính vì vậy, bệnh sốt mò rất dễ bị bỏ sót nếu không nghĩ đến, hoặc thường nhầm lẫn với các bệnh khác như thương hàn, sốt xuất huyết Dengue, nhiễm trùng huyết... cùng các bệnh nhiễm khuẩn khác. Bệnh nhân thường có biểu hiện lâm sàng sốt cao kéo dài, mệt mỏi, biểu hiện giống như nhiễm trùng huyết hoặc sốt Dengue. Do bệnh thường khó phát hiện, dễ nhầm lẫn với các bệnh khác nên người bệnh thường phải trải qua các xét nghiệm đắt tiền, thường dùng với nhiều kháng sinh phổ rộng, nhưng không đáp ứng, kể cả những kháng sinh đắt tiền gây chi phí tốn kém có thể lên đến hàng chục triệu đồng, thời gian điều trị kéo dài 15-20 ngày vẫn không đem lại hiệu quả điều trị, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bệnh nhân, có trường hợp bệnh nặng kéo dài có thể dẫn đến suy đa phủ tạng, suy thận, gan và thậm chí tử vong. Song, nếu bệnh được phát hiện kịp thời, được điều trị Doxycylline liều 100mg, 2 viên/ngày, mỗi viên chưa đến 1.000 đồng; bệnh nhân sẽ dứt sốt sau 2-3 ngày điều trị và 3-5 ngày sau có thể xuất viện, khỏe mạnh bình thường, tổng chi phí điều trị 1 đợt chỉ khoảng hơn 200.000 đồng. Ngày 23-8, bệnh nhân Mai Thị Đôi (58 tuổi) và ngày 27-8, bệnh nhân Thái Thị Thu Vân (20 tuổi), cùng P.Hòa Quý, Q.Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng nhập viện trong tình trạng sốt cao kéo dài, đã tự điều trị bác sỹ tư nhiều ngày, vẫn không bớt. Qua vài ngày theo dõi, thăm khám, thấy 2 bệnh nhân điều trị kháng sinh không đáp ứng, các bác sỹ TTYT NHS đã thăm khám lâm sàng kỹ, phát hiện vết loét do ấu trùng mò đốt, nên đã xác định 2 bệnh nhân này bị sốt mò và sau vài ngày điều trịđúng bệnh, ngày 28-8, 2 bệnh nhân đã dứt sốt, sức khỏe ổn định. Có thể nói vết loét là tiêu chuẩn vàng, rất đặc trưng của bệnh sốt mò, nhưng để phát hiện ra vết loét không dễ, đòi hỏi bác sỹ thăm khám bệnh phải kỹ lưỡng, chu đáo, có kinh nghiệm, vì vết loét không đau, không ngứa, rát và thường ở vùng kín như nách, bẹn, bộ phận sinh dục. Sốt mò là bệnh hiếm gặp, khó phát hiện, nhất là trong tình hình hiện nay, sự lạm dụng các xét nghiệm và thuốc đắt tiền, thăm khám bệnh không kỹ đã trở nên khá phổ biến, trong khi đó bệnh sốt mò lại “dị ứng” với xét nghiệm và thuốc đắt tiền. Sự thiếu kinh nghiệm về bệnh sốt mò, lạm dụng xét nghiệm và thuốc đắt tiềnkhiến cho bệnh sốt mò dễ bị bỏ sót, người bệnh không được điều trị kịp thời phải chịu chi phí cao, nhưng bệnh không khỏi, nguy hiểm đến tính mạng. Với sự phát triển đô thị hiện nay, khả năng tiếp xúc với các ổ dịch thiên nhiên ít hơn, nên bệnh sốt mò hiếm gặp. Theo công trình nghiên cứu khoa học về đặc điểm lâm sàng, xét nghiệm và điều trị bệnh sốt mò của Thạc sỹ, bác sỹ Phạm Văn Dũng- Phó Giám đốc TTYT NHS, thì 10 năm trở lại đây, trên địa bàn TP Đà Nẵng chỉ xảy ra gần 40 ca sốt mò. Tuy nhiên, trong 1 tuần (từ ngày 23 đến 27-8), đã có 2 bệnh nhân ở P.Hòa Quý bị bệnh sốt mò, cho thấy nỗi lo bệnh sốt mò có thể quay trở lại trong tình hình thời tiết thay đổi, vệ sinh môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Chính vì vậy, dù hiện nay bệnh hiếm gặp trên địa bàn Đà Nẵng, nhưng khi bệnh nhân có các triệu chứng lâm sàng như trên và sau khi đã được điều trị kháng sinh không đáp ứng, cần nghĩ đến bệnh sốt mò để điều trị kịp thời, hiệu quả, tránh tốn kém không cần thiết cho người bệnh. 

Vnexpress

Sở Y tế TP HCM chấn chỉnh hoạt động chữa bệnh từ thiện

Thanh tra Sở Y tế TP HCM yêu cầu các quận huyện rà soát các nhóm từ thiện có khám chữa bệnh nhằm chẩn chỉnh hoạt động của các tổ chức này. Chiều 29/8, Tiến sĩ Bùi Minh Trạng, chánh Thanh tra Sở Y tế TP HCM cho biết, việc làm này giúp ngành y tế nắm được hoạt động của những tổ chức từ thiện có liên quan đến sức khỏe của người dân. Sở đã có động thái này từ trước khi xảy ra vụ mổ hở hàm ếch từ thiện khiến 3 trẻ tử vong ở Khánh Hòa và hiện sẽ siết chặt hơn. "Chúng tôi đã yêu cầu các quận huyện rà soát lại danh sách các tổ chức từ thiện có thực hiện việc khám chữa bệnh để xác định tổ chức nào đã có phép hoạt động, tổ chức nào chưa. Không để tình trạng chữa trị không đủ điều kiện trang thiết bị và chuyên môn ảnh hưởng sức khỏe của người dân", ông Trạng nói. Hai tháng trước, tại TP HCM, một nhà chùa ở quận Thủ Đức thực hiện việc cắt lể bướu cổ bằng y học cổ truyền từ thiện cho người nghèo đã khiến nhiều bệnh nhân bị chảy máu và một bệnh nhân không cầm lại được. Thanh tra y tế vào cuộc thì phát hiện lương y của nhóm từ thiện có chứng chỉ hành nghề y nhưng không trực tiếp điều trị mà để cho người không có chứng chỉ cắt lể cho bệnh nhân. "Chúng tôi luôn ủng hộ và đánh giá cao hành động khám từ thiện, song phải đạt chuẩn trang thiết bị, nhân viên y tế phải có chứng chỉ hành nghề. Muốn điều trị từ thiện phải xin phép cơ quan chức năng", Chánh thanh tra Sở Y tế TP HCM khẳng định. Theo nhận định của một số chuyên gia y tế tại TP HCM từng quan tâm đến công tác chữa trị từ thiện, tình trạng các nhóm quyên góp được tiền, mời bác sĩ chữa trị mà không xin phép tồn tại nhiều năm nay. "Nhiều nhất là mổ mắt từ thiện, thực tế đã ghi nhận một số ca mổ xong thì mắt không thấy đường nhưng người được điều trị chẳng khai báo vì nghĩ đó là từ thiện, người ta giúp mình vì cái tâm. Tuy nhiên, tình trạng này cần phải được chấn chỉnh nếu không muốn có nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra", một bác sĩ đã nghỉ hưu nói. Một bác sĩ, chuyên tham gia các đợt khám từ thiện của một tổ chức nước ngoài, cho biết: "Cơ quan chức năng sẽ phải thẩm định trang thiết bị y tế tại địa điểm tổ chức khám chữa xem có đảm bảo không và nhân viên y tế tham gia điều trị phải trình chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, từ trước đến nay không phải tổ chức từ thiện nào cũng hoàn tất các thủ tục trước khi hoạt động", ông này nói. Theo một lãnh đạo ngành  y tế tại TP HCM đã nghỉ hưu, trong trường hợp tổ chức từ thiện không chữa trị cho bệnh nhân tại cơ sở của mình mà thực hiện tại một cơ sở y tế khác thì vẫn phải thực hiện đúng các thủ tục trước khi chữa trị từ thiện.

Một thế giới 

Phải chi trả bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV/AIDS

Đó là một trong những giải pháp đảm bảo tài chính bền vững cho phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2014- 2020 mà Cục phòng chống HIV/AIDS ( Bộ Y tế) đã đưa ra tại Hội thảo “đại biểu dân cử với chính sách, pháp luật về phòng chống HIV/ AIDS, ma túy, mại dâm” khu vực phía Nam vào ngày 29.8. Tiến sĩ  Phan Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS ( Bộ Y tế) đã cho biết, trước mắt bảo hiểm y tế nên thực hiện chi trả các chi phí điều trị ARV, OL, XN… cho bệnh nhân HIV/AIDS. Cần phải tuyên truyền, cung cấp thông tin, đặc biệt là cho bệnh nhân đang điều trị ARV về quyền lợi và sự cần thiết phải có thẻ bảo hiểm. Bên cạnh đó, nhà nước nên mua bảo hiểm y tế miễn phí cho những bệnh nhân nghèo nhiễm HIV/AIDS, và hỗ trợ 70% bảo hiểm y tế cho những bệnh nhân cận nghèo. Theo bà Hương, hiện nay đang xã hội hóa trong việc phòng, chống HIV/ AIDS, giá thuốc ARV khá cao, những bệnh nhân nghèo nhiễm HIV/AIDS khó có thể tiếp cận. Nhiều bệnh nhân AIDS  phải bỏ điều trị  giữa chừng dẫn đáng kháng thuốc, tăng khả năng lây nhiễm. “Nếu không cung cấp tài chính đầy đủ, đại dịch HIV/AIDS có thể quay lại bất cứ lúc nào, với tỷ lệ HIV kháng thuốc cao, chi phí tốn kém hơn nhiều lần so với hiện nay”, bà Hương cho biết. Cũng theo bà  Hương, hiện Bộ Y tế đã chỉ định 5 công ty (Công ty cổ phần Dược Danapha, Công ty cổ phần dược phẩm Bidiphar 1, Công ty cổ phần dược phẩm Hà Tây, Công ty cổ phần dược phẩm Trung ương Vidipha và Công ty cổ phần hóa dược phẩm Mekophar) trực tiếp sản xuất Methadone. Được biết, đến nay cả nước có 219.163 người nhiễm HIV, trong đó có 67.557 người chuyển sang AIDS và có 69.449 người chết vì HIV/ AIDS.

Đạibiểu nhân dân 

Sóc Trăng phấn đấu hơn 95% trẻ từ 1 - 14 tuổi được tiêm vaccine sởi - rubella

Ngày 28/8, Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức Hội nghị triển khai Chiến dịch tiêm vaccine sởi - rubella cho trẻ từ 1 - 14 tuổi. Theo kế hoạch, chiến dịch được tổ chức đồng loạt trên địa bàn tỉnh tại 109 điểm tiêm cố định ở trạm y tế, điểm tiêm trong trường học, tiêm ngoài cộng đồng, chia thành 3 đợt theo nhóm tuổi. Tỉnh Sóc Trăng phấn đấu đạt mục tiêu hơn 95% trẻ từ 1 - 14 tuổi trên địa bàn tỉnh, tương ứng với khoảng 320.000 trẻ được tiêm vaccine sởi - rubella; không bỏ sót đối tượng, nhất là trẻ chưa được tiêm vaccine trong tiêm chủng thường xuyên, trẻ không đi học, trẻ ở những vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận.  Tính từ cuối năm 2013 đến nay, cả nước đã nghi nhận gần 4.462 trường hợp mắc sởi, chủ yếu là ở trẻ em 10 tuổi, chiếm 76%. Thực hiện Chiến dịch tiêm vaccine sởi - rubella lần này, Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng đề nghị các ban, ngành, đoàn thể phải tham gia tích cực vận động các bà mẹ đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ, tiến tới thanh toán sởi - rubella trong vài năm tới. Các bậc phụ huynh yên tâm khi đưa con em đi tiêm vaccine sởi - rubella vì khi được tiêm phòng sẽ giảm tỷ lệ bệnh sởi, giảm gánh nặng bệnh tật do hội chứng rubella bẩm sinh, góp phần nâng cao thể chất cho trẻ em Việt Nam. 

Vietnamnet 

Trung Quốc: Bà mẹ hạ sinh con nặng 6,3 kg

Một bé trai nặng tới 6,3 kg vừa chào đời tuần trước tại tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc.Một phụ nữ có tên là Tian đã hạ sinh một bé trai có trọng lượng kỷ lục 6,3 kg tại bệnh viện phụ sản Chongji ở thành phố Yecheng, tỉnh Sơn Tây vào 7 giờ 25 phút ngày 23/8 (theo giờ địa phương).Theo các bác sĩ tại bệnh viện phụ sản Chongji, em bé mới chào đời nặng tương đương với một đứa trẻ 3 tháng tuổi. Các nhân viên y tế vô cùng sốc khi biết được trọng lượng của cậu bé khổng lồ.TờBưu điện Hoa Namhàng ngày trích dẫn phát biểu của giám đốc bệnh viện Chongji cho biết: “Trong 30 năm nghề, đây là lần đầu tiên tôi đỡ đẻ cho một em bé lớn như vậy.”Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), em bé chào đời tại Trung Quốc có trọng lượng gấp đôi trọng tượng trung bìn của một đứa trẻ sơ sinh. Các nhân viên bệnh viện đã chụp rất nhiều ảnh về em bé “khổng lồ”.Kỷ lục thế giới Guinness đã ghi nhận em bé nặng nhất thế giới chào đời tháng 3/1879 tại bang Ohio, Mỹ, với trọng lượng 11 kg, nhưng em bé này đã tử vong 11 giờ sau khi chào đời. Một em bé ở Italia chào đời vào tháng 9/1955 với trọng lượng khoảng 11kg và sống sót.

Dân Việt

128 người từ vùng dịch Ebola nhập cảnh vào Việt Nam

Ngày 29.8, tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tính đến ngày 28.8, tổng số trường hợp mắc và tử vong do virus Ebola tại 4 nước Tây Phi (Guinea, Liberia, Nigeria, Sierra Leone) là 3.062 trường hợp, trong đó có 1.552 ca tử vong. Dịch bệnh tiếp tục gia tăng mạnh, hơn 40% tổng số trường hợp bệnh mắc trong 21 ngày qua. Ngoài ra, tại Công Gô cũng đã ghi nhận 24 ca nhiễm Ebola trong đó 13 ca tử vong. PGS-TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện Việt Nam vẫn chưa phát hiện ca bệnh nhiễm virus Ebola, tuy nhiên nguy cơ dịch bệnh xâm nhập là rất cao. Mỗi ngày, có khoảng 10 người đi từ các quốc gia có dịch Ebola nhập cảnh vào Việt Nam, tính từ 11-28.8 đã có 128 người (124 người tại sân bay Tân Sơn Nhất, 4 người tại sân bay Nội Bài). Hiện sức khỏe của 128 người này đều khỏe mạnh, không có dấu hiệu nghi nhiễm bệnh. 

Alobacsi

Yếm trẻ sơ sinh bị thu hồi vì chứa hóa chất độc hại

Thông tin cập nhật gần đây cho thấy, Hy Lạp đang tiến hành thu hồi một số loại yếm dành cho trẻ sơ sinh vì nguy cơ chứa các hóa chất dễ gây độc hại cho bé. Yếm trẻ sơ sinh bị thu hồi mang nhãn hiệu Caravel, có số mô hình 10435 do Hy Lạp sản xuất. Yếm nhựa có màu trắng xen kẽ kẻ màu có hình đầu động vật. Khảo sát cho thấy, sản phẩm tiềm ẩn hóa chất độc hại vì nó chứa bis (2-ethylhexyl) phthalate (DEHP) (chiếm 15,6%) và di-'isononyl 'phthalate (DINP) (chiếm 0,5%) rất dễ gây hại cho trẻ. Ngoài ra, một loại yếm khác có tên AUSINI, mang nhãn hiệu ΤΙ-ΤΙΝ, số mô hình 3439 kèm theo mã vạch 8414155034391 do Tây Ban Nha sản xuất cũng bị Hy Lạp thu hồi vì sản phẩm này chứa hóa chất bis (2-ethylhexyl) phthalate (DEHP) (chiếm 0,28%) tiềm ẩn nhiều nguy hại. Yếm nhựa cho trẻ sơ sinh này in hình ảnh động vật khủng long, cây cối và có đệm cao su trắng ở vùng cổ. Theo quy định của tổ chức REACH, phthalates DEHP, DBP và BBP bị cấm trong tất cả các loại đồ chơi và sản phẩm chăm sóc trẻ em, trong khi đó phthalates DINP, DIDP và DNOP còn bị cấm trong các đồ chơi hoặc đồ trẻ em hay ngậm trong miệng. Vì vậy, cơ quan chức năng buộc phải tiến hành thu hồi sản phẩm khỏi thị trường nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ mặc dù chưa có thương tích nào được báo cáo.

 

Ngôi sao  

Bệnh viện bị tố ăn cắp thận bệnh nhân

Một bệnh viện Trung Quốc đang bị điều tra sau khi một bệnh nhân tố cáo các bác sĩ ở đây đã ăn cắp quả thận của cô. Hôm 23/8, Wai Jianmin đang làm việc trong nhà máy đồ chơi ở Fuyong, tỉnh Quảng Đông, thì bị đau bụng dữ dội và phải đến khám tại bệnh viện Guangsheng Thâm Quyến. Cô được chẩn đoán bị sỏi đường tiết niệu và phải tiến hành phẫu thuật để lấy sỏi ra. Sau đó, bác sĩ lại thông báo thận của Wai đang chảy máu và cần phải cắt bỏ. Trước thông báo trên, Wai cho rằng ca phẫu thuật là hoàn toàn không cần thiết và yêu cầu chuyển sang bệnh viện khác. Tuy nhiên, cô bị cảnh báo có thể mất mạng, vì thế, gia đình đành phải miễn cưỡng ký vào giấy đồng ý. Sau cuộc phẫu thuật, gia đình Wai Jianmin chỉ trích bệnh viện chẩn đoán không nhất quán và giải thích không thỏa đáng về việc cắt bỏ thận. Nghi ngờ cơ sở y tế ấy có liên quan tới đường dây buôn bán nội tạng càng tăng lên khi gia đình bệnh nhân được tin, thận của Wai đã được chuyển đến một địa điểm khác để kiểm tra. Ngày 26/8, khi trao đổi với người nhà Wai về ca phẫu thuật, nhân viên bệnh viện còn cố gắng giải quyết vấn đề bằng cách đề nghị bồi thường tiền, Shanghaiist đưa tin. Trước hành động đáng ngờ đó, gia đình Wai đã báo cho cảnh sát. Bệnh viện Guangsheng Thâm Quyến sau đó tổ chức họp báo về sự việc trên và cho biết, họ có tham vấn ý kiến của chuyên gia trước khi cắt thận của bệnh nhân. Các quan chức tại Phòng thanh tra y tế thành phố Thâm Quyến cho hay, họ đang điều tra theo đơn tố cáo. Hiện chưa có bằng chứng nào được tìm thấy về sự sai trái của bệnh viện Guangsheng.

Ngày 04/09/2014
Ban Biên tập Website
(Điểm tin từ các Báo)
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích