Home TRANG CHỦ Thứ 3, ngày 16/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 4 3 7 6 4 8
Số người đang truy cập
6 8
 Tin tức - Sự kiện Điểm tin y tế
Vi khuẩn gây bệnh tả. Ảnh: Buddycom.
Điểm tin y tế từ các báo ngày 21/8 và 22/8 năm 2014

Tuổi trẻ

VN cảnh giác tối đa với Ebola

Hai khách du lịch Nigeria đến VN trên chuyến bay QR 964 do bị sốt khi đến sân bay Tân Sơn Nhất hôm 19-8 đã được phép xuất viện lúc 18g ngày 20-8. Ngày 20-8, Cục YTDP đã có quyết định chấm dứt cách ly tạm thời với hai hành khách trên. Trong cuộc giám sát chiều 20-8 của Viện Pasteur TP.HCM với hành khách ngồi kế hai người Nigeria này, cùng những người đi cùng đoàn du lịch đều chưa phát hiện có bất thường về sức khỏe.

Hai hành khách Nigeria đã hết sốt

Chiều 20-8, thông tin từ Bộ Y tế cho biết hai hành khách này đã hết sốt và không có bất thường nào khác liên quan đến bệnh Ebola. Ngoài ra, BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM đã lấy mẫu máu xét nghiệm để loại trừ một số bệnh như sốt rét, sốt xuất huyết... nhưng kết quả bình thường nên cho xuất viện lúc 18g ngày 20-8. Dù được tạm chấm dứt cách ly, nhưng hai hành khách này phải tự giám sát và theo dõi sức khỏe trong vòng 21 ngày kể từ khi xuất cảnh khỏi Nigeria. Từ đầu mùa dịch Ebola, hai người Nigeria kể trên là hai hành khách có bất thường đầu tiên bị phát hiện ngay tại cửa khẩu. Họ được đưa về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM để theo dõi sức khỏe. Ngay lập tức, hệ thống giám sát dịch đã triển khai các hoạt động phòng dịch như lấy mẫu máu của hai hành khách này để gửi phòng xét nghiệm ở Nhật Bản (được Tổ chức Y tế thế giới chỉ định) trong chiều 19-8, lập danh sách các hành khách ngồi hai hàng ghế trên và hai hàng ghế dưới kế với hai hành khách bị sốt để theo dõi... Theo Cục Xuất nhập cảnh, mỗi ngày có ba chuyến bay từ khu vực Trung Đông đến VN, trung bình ba chuyến bay này chở 1-5 hành khách từ khu vực có dịch Ebola tới VN. 70-80 chuyến bay quốc tế tới Tân Sơn Nhất còn lại có tổng số 3-5 hành khách xuất phát từ khu vực này, nhưng cũng đã đi qua 3-4 nước trước khi đến VN. Hành khách từ vùng dịch Ebola đến sân bay Nội Bài còn ít hơn, nên nguy cơ Ebola xâm nhập vào VN không cao. Nhưng theo ông Trần Đắc Phu, việc cảnh giác với dịch rất cần thiết do trước năm 2003 rất ít người VN biết bệnh tay chân miệng, nhưng giờ đây mỗi năm có đến hàng trăm ngàn người VN mắc bệnh.

Giám sát sức khỏe hành khách về từ vùng dịch

Chiều 20-8, đoàn công tác của Viện Pasteur TP.HCM, Sở Y tế TP.HCM, Trung tâm Y tế dự phòng TP đã kiểm tra đột xuất việc thực hiện công tác theo dõi, giám sát sức khỏe những hành khách đến TP.HCM từ những nước có dịch Ebola và những người ngồi gần với hai hành khách người Nigeria trong chuyến bay vừa rồi. Tại P.Hiệp Phú, Q.9, đoàn kiểm tra ghi nhận có hai hành khách (một người VN, một người nước ngoài) đi chung chuyến bay và ngồi gần hai hành khách người Nigeria nói trên. Hiện cả hai hành khách này sức khỏe bình thường, không có biểu hiện sốt. Tại P.Linh Trung, Q.Thủ Đức ghi nhận có một người VN là anh Đ.D.M. (25 tuổi) về từ Liberia - một trong những nước đang xảy ra dịch Ebola. Bà Đỗ Thị Xuân - nhân viên phòng chống dịch trạm y tế P.Linh Trung - cho biết sức khỏe của anh M. bình thường, không sốt. Anh M. là kỹ sư cầu đường, làm việc cho một công ty nước ngoài tại Liberia. Công ty của anh M. có 20 người VN cùng làm việc và quanh khu vực anh sống có người mắc bệnh Ebola. Các anh đã tự cách ly mình với những người xung quanh trong lúc đợi bay về VN. Trong 20 người VN trở về từ Liberia có bốn người về TP.HCM, còn 16 người về địa phương khác. Thêm người nhiễm bệnh Ebola chỉ có thể lây bệnh cho người khác khi họ đang có biểu hiện sốt. Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng - phó giám đốc Sở Y tế TP - nói việc kiểm tra đột xuất này là bình thường vì đây là những người đầu tiên được giám sát sức khỏe tại cộng đồng do họ về từ nước có dịch Ebola là Nigeria.

Hà Nội phạt các cơ sở y tế tư nhân gần 1,7 tỉ đồng

Trong đợt kiểm tra chuyên đề y tư nhân vừa qua, Sở Y tế Hà Nội cho biết có gần 1.100 cơ sở được kiểm tra, 132 cơ sở bị xử phạt gần 1,7 tỉ đồng. Các hành vi sai phạm chủ yếu là hoạt động quá phạm vi hành nghề cho phép, nhân sự không đủ theo quy định, không lưu sổ khám bệnh. Trong số 24 cơ sở khám chữa bệnh tư nhân có yếu tố nước ngoài, Sở Y tế Hà Nội cho biết có 10 bác sĩ Trung Quốc đang làm việc, ngoài ra còn có nhiều bác sĩ người Hàn Quốc, Pháp...Sở đã xử phạt 15 triệu đồng với một bác sĩ Hàn Quốc do đơn thuốc không được kê bằng tiếng Việt như quy định. Tuy nhiên trước nhiều vi phạm liên quan đến các phòng khám tư nhân thời gian qua, như một trường hợp khiếu kiện phòng khám đa khoa Thiên Hòa (quận Cầu Giấy) phá thai cho nữ bệnh nhân ở Hoài Đức hôm 8-7 dẫn đến tai biến vỡ tử cung, vỡ bàng quang, đứt niệu đạo của bệnh nhân...Sở Y tế Hà Nội cho biết đang giải quyết các khiếu kiện và hiện chưa có kết quả.

Khảo sát việc cải tiến quy trình khám chữa bệnh: Thời gian chờ khám bệnh giảm một nửa

Ngày 19-8, Cục QLKCB đã đến BV cấp cứu Trưng Vương, TP.HCM khảo sát, đánh giá kết quả cải tiến quy trình khám chữa bệnh theo quyết định của Bộ Y tế. Giám đốc BV cấp cứu Trưng Vương, cho biết trước khi cải tiến BV có 24 buồng khám bệnh, có sự quá tải ở một số phòng khám chuyên khoa; tiếp nhận bệnh gồm ba khâu riêng biệt: tiếp nhận sổ khám bệnh, trình thẻ bảo hiểm y tế và lấy số thứ tự vào phòng khám; bác sĩ kê đơn viết tay, điều dưỡng xem và nhập máy vi tính; phiếu chỉ định cận lâm sàng, giấy chuyển viện viết tay; phần mềm kê đơn chưa hoàn thiện bệnh án ngoại trú viết tay...Sau khi cải tiến, số buồng khám tăng lên 28, khu vực tiếp nhận bệnh được bố trí 20 quầy theo quy trình của từng khâu khám bệnh, bệnh nhân phải xét nghiệm được lấy máu tại chỗ. BV cũng cải cách mạnh thủ tục hành chính để giảm bớt phiền hà và chờ đợi của người bệnh như đăng ký khám bệnh trước qua tổng đài 1080 miễn phí, lấy và gọi số tự động vào khám, kết hợp ba khâu tiếp nhận bệnh còn một khâu, cải tiến phần mềm toa thuốc, triển khai bệnh án điện tử... Kết quả của những cải tiến này đã làm người bệnh hài lòng hơn do thời gian chờ khám (chỉ khám đơn thuần) giảm hẳn, từ hai giờ còn một giờ, thời gian chờ của người bệnh có làm thêm kỹ thuật cận lâm sàng giảm khoảng 30-40%. Cục Quản lý khám chữa bệnh, đánh giá cao những nỗ lực của BV cấp cứu Trưng Vương trong việc cải tiến quy trình khám chữa bệnh và góp ý BV nên bỏ bớt bảng hiệu sơ đồ, hướng dẫn nhỏ do quá nhiều và thay bằng bảng hiệu to hơn để người bệnh dù đứng gần hay xa đều đọc được... Trung bình mỗi ngày BV Q.2 tiếp nhận 1.300-1.400 bệnh nhân đến khám, trong đó 80-85% bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế. Sau một thời gian cải tiến quy trình khám chữa bệnh, thời gian chờ khám của người bệnh đã giảm một nửa so với trước. Hiện nay nếu khám lâm sàng đơn thuần chỉ trong vòng một giờ đã xong, khám lâm sàng có làm thêm xét nghiệm thông thường sẽ kết thúc quy trình khám trong vòng ba giờ. Tại BV đang gắn 30 camera ở khoa cấp cứu, phòng mổ... để giám sát toàn bộ hoạt động của BV. Khi giám đốc về nhà nếu muốn vẫn quan sát được hoạt động của BV. Sau khi đi thăm khoa khám bệnh, khoa cấp cứu, khoa vệ tinh ung bướu. Môi trường cảnh quan của BV sạch sẽ. BV đã áp dụng mã vạch thẻ riêng giúp người bệnh không phải photo chứng minh nhân dân, thẻ bảo hiểm y tế, giảm được thời gian, chi phí. Tại khoa cấp cứu BV còn thiết kế những tấm rèm riêng cho mỗi giường bệnh để đảm bảo sự riêng tư cho người bệnh khi cần. BV Q.2 còn triển khai một số mô hình cụ thể thu hút được bệnh nhân như phòng khám bác sĩ gia đình, khoa vệ tinh ung bướu. BV có đội ngũ nhân lực tốt, có ba phó giáo sư trong khi không phải BV trung ương nào cũng có được...

Âu lo với bệnh viện ngừng hoạt động

Ngày 17-9, Bệnh viện Dầu khí Dung Quất (Quảng Ngãi) sẽ ngừng hoạt động theo chỉ đạo của Chính phủ. Việc giải quyết gần 100 y bác sĩ, nhân viên và chữa bệnh cho hàng nghìn người dân khu vực đang nan giải…

Ca sĩ Vân Khánh hết mình với bệnh nhân phong

Vân Khánh lần đầu đồng hành với chương trình Bếp yêu thương đến thăm góc bếp 114 năm tuổi ở BV phong và da liễu Văn Môn, tỉnh Thái Bình. Ca sĩ Vân Khánh đã bùi ngùi cảm xúc trước những số phận, những mảnh đời với căn bệnh nghiệt ngã. Ở đây hiện có hơn 160 trường mắc bệnh phong đang nằm điều trị. Rất nhiều gia đình đã tình nguyện ở lại gắn bó với làng phong bên bờ sông Hồng này. Nguồn ngân sách khó khăn nên chế độ ăn trong ngày của mỗi bệnh nhân chỉ 8 ngàn đồng. Vì vậy, trong tuần, chỉ có từ một đến hai lần bệnh nhân được ăn cơm có thịt, cá hoặc trứng. Các ngày còn lại chủ yếu là cơm trắng và canh rau. Cảm động trước cuộc sống khó khăn và bệnh tật nghiệt ngã, cô ca sĩ người Huế đã tình nguyện tổ chức gần 300 suất ăn tặng bà con bệnh nhân. Chị còn tự cuốc đất trồng 3 luống rau để làm kỷ niệm khi đến thăm một trong những bệnh viện lâu đời nhất ở Việt Nam.

An ninh Thủ đô 

Hai hành khách đến từ vùng dịch Ebola đã hết sốt

Ngày 20-8, Bộ Y tế cho biết, 2 hành khách từ Nigieria (nước đang có dịch Ebola) bị sốt khi nhập cảnh tại sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất chiều 19-8 hiện vẫn đang được cách ly tại BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM nhưng đã hết sốt, sức khỏe hoàn toàn bình thường và không có dấu hiệu của người nhiễm bệnh. Mẫu xét nghiệm Ebola của 2 hành khách này đã được gửi sang Viện Pasteur TP.HCM theo đúng quy trình và chưa có kết quả. Để phòng tránh dịch bệnh Ebola, Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo người dân hạn chế đi đến các quốc gia đang có dịch bệnh Ebola khi không cần thiết (các quốc gia vùng Tây Phi: Liberia, Guinea, Sierra Leone và Nigeria). Những người trở về từ các quốc gia vùng Tây Phi, trong vòng 21 ngày nếu có dấu hiệu sốt, mệt mỏi, đau cơ, đau đầu, đau họng, tiêu chảy, phát ban... hoặc có tiếp xúc gần với người có dấu hiệu như trên, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, kiểm tra, xét nghiệm.

TP Hồ Chí Minh: Chưa phát hiện phẩy khuẩn tả trong mẫu nước, thịt chó

Ngay sau khi xuất hiện các ổ dịch tiêu chảy tại TP Hồ Chí Minh, Sở Y tế Hà Nội đã xây dựng kế hoạch tăng cường phòng, chống dịch bệnh. Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội ngày 20-8 cho biết, kết quả giám sát 41 mẫu xét nghiệm trong tháng 8 đều có kết quả âm tính với phẩy khuẩn tả. Trong đó có 15 mẫu phân và nước được ngành y tế Hà Nội lấy tại khu vực lò mổ chó Dương Nội (Hà Đông), Đức Giang (Hoài Đức). Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cũng lấy 10 mẫu nước bề mặt các sông hồ và 16 mẫu thực phẩm tại các chợ đầu mối ở Hà Nội để kiểm tra, kết quả không phát hiện phẩy khuẩn tả.

Chất lượng dân số chưa được cải thiện nhiều

Tại Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm truyền thông về công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) cho biết, mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh vẫn đang gia tăng nhanh, ước tính đã vượt quá 114/100. Chiến lược Dân số – Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020 đặt mục tiêu đến năm 2015 tỷ số này không vượt quá 113 bé trai/100 bé gái nhưng mục với tình hình hiện nay mục tiêu này khó đạt được. Chất lượng dân số hiện nay hầu như chưa có sự cải thiện đáng kể, đặc biệt chất lượng nguồn nhân lực của nước ta vẫn còn thua kém rất nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Nghiêm cấm các bệnh viện tiếp nhận, mượn máy y tế cũ

Ngày 21-8, Sở Y tế Hà Nội tiếp tục có văn bản lần 2 yêu cầu các cơ sở y tế trực thuộc rà soát, chấn chỉnh công tác đầu tư, mua sắm và sử dụng trang thiết bị y tế (TTBYT). Theo đó, Sở đề nghị các đơn vị rà soát lại toàn bộ TTBYT đã được đầu tư mua sắm trong giai đoạn 2009-2014. Đặc biệt, nghiêm cấm các đơn vị tự động tiếp nhận, sử dụng các TTBYT đã qua sử dụng hoặc mượn TTBYT… Trước đó khoảng 1 tháng, sau khi xảy ra vụ việc liên quan đến máy xét nghiệm sinh hóa tại Bệnh viện Đa khoa Thường Tín, Sở Y tế đã có văn bản lần 1 đề nghị các bệnh viện chấn chỉnh công tác quản lý TTBYT.

300 trẻ được phẫu thuật hở hàm ếch miễn phí

Ngày 21-8, Tổ chức Phẫu thuật nụ cười (Operation Smile) tại Việt Nam đã được Công ty TNHH Thăm dò và Khai thác dầu khí ExxonMobil Việt Nam tài trợ 75.000 USD để cung cấp dịch vụ khám, phẫu thuật cho các trẻ em bị dị tật khe hở môi, hàm ếch bẩm sinh trên cả nước. Ông Nguyễn Việt Phương, Trưởng đại diện Operation Smile cho biết, số tiền này sẽ được sử dụng cho các ca phẫu thuật chỉnh hình miễn phí với khoảng 300 trẻ em bị dị tật khe hở môi, hàm ếch và các dị tật hàm mặt khác thông qua các đợt phẫu thuật của Operation Smile tại Hà Nội trong năm nay. Dự kiến ngay tuần tới, đợt phẫu thuật đầu tiên sẽ diễn ra tại Bệnh viện Việt Nam-Cu Ba (Hà Nội).

Phẫu thuật thành công 6 trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh

Gần đây nhất là cháu Lê Quang M 1 tháng tuổi, quê Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa được giới thiệu vào Bệnh viện Tim Hà Nội ngày 11-7 với tình trạng ho liên tục, khò khè. Qua thăm khám và hội chẩn, các bác sỹ chẩn đoán trẻ bị đảo các động mạch và quyết định mổ theo 2 giai đoạn. Với cách thức sửa toàn bộ các động mạch bao gồm chuyển lại vị trí các động mạch chủ, phổi và động mạch vành. Sau mổ trẻ được theo dõi, săn sóc và điều trị tại khoa hồi sức cấp cứu. Đến ngày 20-8, trẻ đã bình thường, hết ho, ăn ngủ tốt và chuẩn bị xuất viện. Bác sỹ Nguyễn Sinh Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện, người trực tiếp phẫu thuật cho biết: Đây là trường hợp thứ 6 (trong vòng 2 tháng qua), các thầy thuốc của bệnh viện Tim Hà Nội đã phẫu thuật thành công cho các cháu bé bị bệnh tim bẩm sinh đảo vị trí động mạch. 6 trường hợp đó đều là cháu bé tuổi từ 1 đến 3 tháng tuổi. Tất cả 6 cháu bé sau khi được phẫu thuật sức khỏe ổn định, tim mạch hoạt động tốt.

Thanh niên

Hệ thống nhà thuốc Phano giới thiệu nhận diện thương hiệu mới

Ngày 18.8.2014, Hệ thống nhà thuốc Phano chính thức ra mắt mô hình nhà thuốc chuẩn theo hệ thống nhận diện thương hiệu mới tại 130 Cách Mạng Tháng Tám, Phường 10, Quận 3, TP.HCM. Đây là thành viên mới nhất trong hệ thống hơn 30 nhà thuốc của Phano hiện nay với sự chú trọng đầu tư mọi mặt để tối đa hóa lợi ích cho khách hàng: từ không gian nhà thuốc được thiết kế hiện đại, tiện nghi với trang thiết bị bảo quản sản phẩm đúng chuẩn GPP đến thông tin được quản lý bằng công nghệ cao để đảm bảo qui trình làm việc khoa học, chính xác; sản phẩm được cam kết đúng chất lượng, đúng giá từ các hãng sản xuất uy tín trong và ngoài nước; đội ngũ dược sĩ tư vấn đúng thuốc, đúng liều, đúng cách dựa trên nền tảng chuyên môn sâu và phong cách phục vụ khách hàng chuyên nghiệp. Từ 18/8 đến 18/9/2014, Nhà thuốc Phano triển khai hoạt động kiểm tra và tư vấn về da, huyết áp, tiểu đường, cân nặng hoàn toàn miễn phí cho tất cả khách hàng tại số 130 Cách Mạng Tháng Tám, Quận 3, TP.HCM.

Một người Việt tự cách ly vì sợ lây Ebola

Anh P.T.H. (29 tuổi, ngụ TP.HCM). Anh H. là thợ xây dựng, đang làm việc tại Liberia thì quốc gia này bùng phát dịch bệnh Ebola, sợ quá, anh về nước qua cửa khẩu Tân Sơn Nhất hôm 19.8. Anh H. đi chuyến bay từ Liberia đến Ghana, Hà Lan, Bangkok (Thái Lan) trước khi đến sân bay Tân Sơn Nhất. Mặc dù được cho về nhà, nhưng vì lo ngại có thể lây bệnh cho vợ, con, nên anh đã thuê nhà trọ ở riêng một mình. Đến chiều 20.8, thấy trong người có biểu hiện không được khỏe, anh H. đã đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Hiện bệnh viện này đang theo dõi sức khỏe của anh. Chiều 21.8, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết, hiện anh H. không sốt, không có biểu hiện gì bất thường, bệnh viện theo dõi đủ 24 giờ nếu người này bình thường thì sẽ cho ra viện, về địa phương tiếp tục theo dõi đủ 21 ngày.

Một người Việt trở về từ Liberia tự cách ly vì sợ bị Ebola

Chiều 21.8, tiến sĩ Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho biết, một hành khách Việt Nam trở về từ Liberia, nơi đang có dịch Ebola, đã tự đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TP.HCM) xin được cách ly theo dõi phòng bệnh. Đó là trường hợp anh P.T.H. (29 tuổi, ngụ TP.HCM). Anh H. là thợ xây dựng, đang làm việc tại Liberia thì quốc gia này bùng phát dịch bệnh Ebola, sợ quá, anh về nước qua cửa khẩu Tân Sơn Nhất hôm 19.8. Anh H. đi chuyến bay từ Liberia đến Ghana, Hà Lan, Bangkok (Thái Lan) trước khi đến sân bay Tân Sơn Nhất. Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Vũ Thượng (Phó viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM) cho biết: “Mặc dù khi đến Tân Sơn Nhất, kiểm dịch y tế quốc tế đo thân nhiệt 3 lần, anh H. đều không có triệu chứng sốt (thân nhiệt chỉ 36,9 độ C), nên không thực hiện cách ly tại bệnh viện". "Vì hành khách xuất phát từ vùng có dịch nên chúng tôi vẫn lấy số điện thoại, địa chỉ để theo dõi, giám sát, hỏi thăm sức khỏe thường xuyên”, BS Thượng cho biết. Mặc dù được cho về nhà, nhưng vì lo ngại có thể lây bệnh cho vợ, con, nên anh đã thuê nhà trọ ở riêng một mình. Đến chiều 20.8, thấy trong người có biểu hiện không được khỏe, anh H. đã đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Hiện bệnh viện này đang theo dõi sức khỏe của anh. Anh H. cũng cho cơ quan chuyên môn biết, khi anh và một nhóm khoảng 20 người Việt đang lao động ở Liberia, thấy tình hình dịch bệnh Ebola căng thẳng, nên nhóm người Việt này nghỉ việc, xin về Việt Nam. Họ ở trong một khu căn hộ, và không dám tiếp xúc với bất kỳ người Liberia nào. Trước khi về Việt Nam, anh H. cũng cho biết có bị đau họng, sốt.

Người lao động 

Nhiễm trùng cổ, ngực vì... tự tiêm silicone

Chiều 19/8, Bệnh viện Trưng Vương vừa tiếp nhận nữ bệnh nhân H.T (50 tuổi), bị viêm mô tế bào lan tỏa vùng cổ, ngực vì tự tiêm silicone lỏng vào cổ. Chị T. cho biết bản thân trước đây chuyên tiêm silicone “dạo” cho nhiều phụ nữ tại địa phương ở An Giang với mục đích làm đẹp. Mới đây, để làm đầy đặn vùng cổ, chị đã tự tiêm silicone và propylene glycol vào và gặp biến chứng. Chị T. từng được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy nhưng sau một thời gian, tình trạng nhiễm trùng tái diễn, phải lên TP HCM điều trị lần nữa. Trong những ngày qua, bệnh nhân đã được điều trị bằng kháng sinh và sẽ được mổ để lấy bớt silicone vón cục ra khỏi vùng cổ, ngực đã bị biến dạng và nhiễm trùng nặng. “Tuy nhiên, dù có phẫu thuật cũng không thể lấy hết silicone khỏi cơ thể bệnh nhân và không thể trả vùng cổ, ngực đã biến dạng về tình trạng ban đầu. Nguy cơ tái nhiễm trùng sau này là rất cao. Silicone công nghiệp vốn đã bị cấm dùng trong ngành thẩm mỹ từ lâu nhưng tiếc rằng nhiều người vì thiếu kiến thức vẫn sử dụng để làm đẹp. Những trường hợp như thế này nếu không được điều trị kịp thời, có nguy cơ bị sốc nhiễm trùng, thậm chí tử vong”.

Về bài báo “Bán thuốc Tây như bán … tạp hóa” Phát hiện sai phạm, tạm giữ số thuốc tây

Sau khi bài “Bán thuốc tây như bán… tạp hóa” đăng trên Báo Người Lao Động số ra ngày 13-8, cùng ngày, Thanh tra Sở Y tế TP HCM đã chỉ đạo UBND quận 4, Phòng Y tế quận 4 tổ chức kiểm tra các cơ sở kinh doanh dược phẩm đã được phản ánh trong bài viết. Phòng Y tế quận đã rà soát và tiến hành kiểm tra 3 cơ sở, trong đó có 2 cơ sở được nêu trong bài báo. Kiểm tra tại tiệm tạp hóa Kim Thanh (số 16 đường 11, phường 4, quận 4), đoàn đã phát hiện cơ sở có kinh doanh bán lẻ thuốc tây dùng cho người và cơ sở này không xuất trình được các giấy phép liên quan đến hoạt động kinh doanh thuốc theo quy định. Đoàn đã lập biên bản, yêu cầu cơ sở ngưng hoạt động kinh doanh thuốc, tiến hành niêm phong và tạm giữ toàn bộ số thuốc tây bao gồm nhiều mặt hàng và số lượng ước tính khoảng 2 kg. Tại nhà thuốc Phương Hồng (243/42 Hoàng Diệu, phường 4, quận 4) do dược sĩ Võ Thị Mỹ Châu làm chủ cơ sở, dược tá và là nhân viên bán thuốc, bà Lê Thị Yến Tuyết, đã tiếp đoàn kiểm tra và xuất trình đủ hồ sơ pháp lý hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, do dược sĩ, chủ cơ sở, vắng mặt nên đoàn kiểm tra đã lập biên bản. Qua phản ánh của Báo Người Lao Động, Phòng Y tế quận 4 nhận thấy cần phải mở rộng hoạt động quản lý, phối hợp giám sát chặt chẽ hơn nữa những cơ sở hành nghề y tư nhân sau khi đã ngưng hoạt động. 

Vnexpress 

Cục Dược: Chất gây ung thư trong kem đánh răng không đáng ngại

Trước thông tin chất triclosan trong kem đánh răng Colgate có thể tăng nguy cơ ung thư, Cục QLD Bộ Y tế cho rằng không có cơ sở. Đại diện Phòng quản lý mỹ phẩm, Cục quản lý Dược, cho biết cơ quan này đã cập nhật nghiên cứu mới nhất đánh giá ảnh hưởng của chất triclosan. Theo đó chưa có tài liệu nào báo cáo chất này không an toàn cho người sử dụng. Hiện nay Việt Nam và 10 nước ASEAN cùng châu Âu, Mỹ vẫn cho phép sử dụng triclosan trong mỹ phẩm với mục đích làm chất bảo quản, ngưỡng tối đa là 0,5%. Sản phẩm kem đánh răng Colgate Total chứa triclosan 0,3%, nằm trong giới hạn cho phép và vẫn được phép tiêu thụ trên thị trường. Cục quản lý Dược vẫn thường xuyên yêu cầu hệ thống kiểm nghiệm tích cực lấy mẫu tất cả các loại hóa mỹ phẩm để kiểm tra chất có thể gây hại cho người. Các kết quả cho thấy tất cả vẫn trong giới hạn cho phép.  Năm 2005 cơ quan chức năng từng phát hiện triclosan có mặt trong kem đánh răng Close-up và xà phòng diệt khuẩn Lifebouy. Trước những khuyến cáo của các nhà khoa học về nguy cơ từ chất này, nhà sản xuất đã loại đã bỏ thành phần triclosan ra khỏi sản phẩm.

Giáo dục thời đại

Xét nghiệm chất gây ung thư trong kem đánh răng Colgate

Hợp chất Triclosan tồn tại trong kem đánh răng có thể gây “ung thư” cho con người khiến nhiều người tiêu dùng hoang mang, lo sợ. Như thông tin đã đăng tải (12/8), hãng tin Bloomberg đã trích dẫn một báo cáo khoa học dài 35 trang về việc nghi ngờ kem đánh răng Colgate Total của công ty Colgate - Panmolive có chứa chất Triclosan gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Theo đó, nếu hoạt chất này vượt quá giới hạn cho phép sẽ khiến các tế bào bị ung thư. Đặc biệt là phụ nữ mang thai sẽ sinh non, ảnh hưởng đến hệ phát triển xương của trẻ nhỏ. Thông tin kem đánh răng Colgate Total có chứa chất Triclosan có thể gây ung thư hay không vẫn là đề tài tranh luận, chưa có kết quả chính thức từ nhiều quốc gia. Mặc dù kết luận từ các cơ quan liên ngành về việc xem xét chất Triclosan có trong kem đánh răng có thể gây ung thư hay không chưa chính thức thì nhiều người tiêu dùng vẫn không khỏi lo lắng, sợ hãi. Triclosan là một hợp chất khử mùi, chống lại vi khuẩn, sát trùng trong tiểu phẫu thuật nhỏ, chống mốc, chống virut. Chúng thường được sử dụng có trong các sản phẩm, hóa mỹ phẩm như kem đánh răng, xà phòng và một số chất tẩy rửa khác. Hợp chất Triclosan đã được nhiều nước trên thế giới đưa vào sử dụng trong bệnh viện từ những năm 1970 thế kỷ trước. Đây là một chất tương đối độ hại với các cơ thể sống trong nước vì chúng có khả năng tích tụ gây độc cho môi trường. “Khi tắm rửa chất này chảy theo nước thải, có thể tạo kết hợp với một số chất tồn tại sẵn trong môi trường nước tạo thành chất độc da cam - Đioxin gây hại cho cơ thể.  Theo quy định của y tế thì giới hạn cho phép là 0.03% trong kem đánh răng. Trong các mỹ phẩm hàng ngày con người dùng thì giới hạn này là 0.3%. Việc sử dụng hợp chất này để diệt khuẩn, sát trùng có nồng độ bao nhiêu còn tùy thuộc vào mục đích của con người” Nếu chúng ta sử dụng hợp chất này quá nồng độ, giới hạn cho phép thì sẽ làm tăng nguy cơ dị ứng, tạo kích thích da và mắt. Hợp chất này rất độc với các cơ thể sinh vật sống trong mỗi trường nước. Đặc biệt là sẽ gây ảnh hưởng đến những phụ nữ mang thai khiến hệ xương trẻ nhỏ kém phát triển, giảm sức mạng cơ bắp. Cục QLD sẽ tiến hành kiểm tra chất lượng thuốc với các doanh nghiệp kinh doanh, nhập khẩu. Nhằm đảm bảo chất lượng thuốc đang lưu hành trên thị trường, theo quyết định đó thì yêu cầu tất cả các doanh nghiệp nhập khẩu và kinh doanh phải cung cấp đầy đủ giá cả. Đồng thời, yêu cầu phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan kiểm tra liên ngành đối với các công ty cung cấp thuốc đã vi phạm chất lượng nằm trong danh sách quản lý trước đó của Cục QLD. Đoàn thanh tra liên ngành của Bộ Y Tế sẽ tiếp tục lấy mẫu mỹ phẩm để kiểm tra chất lượng đạt tiêu chuẩn cho phép hay không? Đặc biệt, kiểm tra gắt gao với các hàng chất cấm và chất có giới hạn nồng độ, hàm lượng bao nhiêu theo quy định cho phép. Sau khi kiểm tra công bố kết luận tổ chức, cá nhân nào vi phạm sẽ bị Sở Y tế và Cục QLD tiến hành mức phạt theo đúng quy định.

Không tiến hành cách ly 2 hành khách đến từ Nigeria

2 hành khách người Nigeria đến từ vùng dịch Ebola sẽ tiếp tục được theo dõi giám sát tại cộng đồng trong vòng 21 ngày tại nơi lưu trú kể từ khi xuất phát từ vùng có dịch. Thông tin tiếp theo về tình hình sức khỏe của 2 hành khách người Nigeria đi từ vùng có dịch Ebola, Văn phòng đáp ứng khẩn cấp Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết:2 hành khách trên đã được ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành cách ly tạm thời tại Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh từ ngày 19/8 do có biểu hiện sốt khi nhập cảnh vào Việt Nam, được kiểm tra và chăm sóc sức khỏe. Qua 24 giờ theo dõi tại bệnh viện, bệnh nhân không sốt, không có biểu hiện gì bất thường cũng như không phát hiện các triệu chứng liên quan đến bệnh Ebola. Căn cứ vào tình hình sức khỏe của hai hành khách trên, Bộ Y tế trao đổi với WHO, CDC Hoa Kỳ thống nhất không tiến hành cách ly tại bệnh viện mà thực hiện chuyển sang các biện pháp theo dõi giám sát tại cộng đồng trong vòng 21 ngày tại nơi lưu trú kể từ khi hai trường hợp này xuất phát từ vùng có dịch.

Đời sống pháp luật

Bài tú lơ khơ nhiễm phóng xạ ảnh hưởng gì tới sức khỏe?

“Người sử dụng những bộ bài có tẩm các đồng vị phóng xạ nếu bị nhiễm phóng xạ vào người chúng sẽ phá hủy các tế bào trong cơ thể và làm biến dạng, thối rữa nhiều bộ phận cơ thể nếu liều lượng lớn…”, PGS.TS Ngỗ Sỹ Lương cho biết. Trước thông tin, ngày 19/8 Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, vừa bắt giữ đối tượng Bùi Đình Chung (SN1980, ở tổ 3 khu Minh Hòa, phường Cẩm Bình, Cẩm Phả). Qua khai thác, đối tượng này khai nhận, do có người muốn mua bộ bài tú lơ khơ quân có Tang (chứa chất phóng xạ) và các phụ kiện kèm theo dùng để đánh bạc bịp. Ngày 14/8, Chung đã liên lạc với một đối tượng ở Hà Nội để mua 4 bộ bài và các phụ kiện kèm theo với giá 1,7 triệu đồng. Ngày 15/8, Chung nhận được 4 bộ bài trên và mang về cất giữ tại nhà riêng chờ người đặt mua đến lấy thì bị cơ quan Công an bắt giữ.

Làm biến dạng và thối rữa nhiều bộ phận của cơ thể

Sở KHCN tỉnh Quảng Ninh cho biết: 4 bộ bài trên có chứa tia X là chất phóng xạ đều vượt từ 20 - 30 lần cho phép, gây nguy hiểm cho sức khỏe con người và môi trường sống, còn mức độ nguy hiểm cụ thể như nào còn phụ thuộc vào đồng vị phóng xạ đó là gì. Để tìm hiểu rõ hơn về mức độ nguy hiểm của các chất phóng xạ trên những lá bài này đến sức khỏe con người. Trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội) cho biết: “Nếu như thông tin báochí đưa là những quân bài có tẩm các đồng vị phóng xạ, rồi kích hoạt các tia phóng xạ thì người tiếp xúc với các quân bài này là sẽ có hại cho sức khỏe. Còn mức độ có hại như nào thì tùy thuộc vào các chất tẩm lên quân bài là hợp chất gì. Yác hại qua da là do các tia phóng xạ phát ra như vậy gọi là chiếu ngoài; hoặc người ta vô tình cầm quân bài lên cho vào miệng, hay các chất này rụng ra mà hít phải thì gọi là chiếu trong, điều này rất nguy hiểm nó vào trong cơ thể sẽ phá hủy các tế bào. Thậm chí làm biến dạng, thối rữa nhiều bộ phận cơ thể nếu liều lượng lớn”. Ngoài tác hại do các tia phóng xạ phát ra, nếu hợp chất đồng vị phóng xạ mà tẩm lên quân bài là thủy ngân, hoặc Asen thì còn vô cùng độc hại nếu những chất này rụng ra và vô tình đi vào cơ thể.“Nó có thể bị bệnh ung thư, tác động lên thần kinh gây ảo giác, gây hậu quả cho các thế hệ sau như sinh con bị tật bẩm sinh, câm điếc…”.

Phải có chuyên môn, máy móc hiện đại mới tẩm được…

Người tẩm chất phóng xạ lên các quân bài phải là người có chuyên môn cao và có máy móc hiện đại hỗ trợ để kích hoạt các nguyên tố hóa học bình thường thành các đồng vị phóng xạ có cường độ bức xạ và thời gian sống phù hợp với mục đích sử dụng. Các tia phóng xạ bằng mắt thường sẽ không nhìn thấy được, do dó phải có thiết bị hỗ trợ để nhận biết. Chính vì thế, mục đích các đối tượng sử dụng quân bài có tẩm chất phóng xạ là để chơi cờ bạc “bịp”, để đánh dấu bài. Chúng thường áp dụng cho chơi bài ăn tiền theo kiểu xóc đĩa. Tùy theo đồng vị phóng xạ tẩm vào quân bài, nó có thể tạo ra các tia phóng xạ như Anpha (tia này có thể dùng một tờ giấy mỏng có thể chặn được chúng), tia Bê ta (tia này dùng tấm kim loại là có thể chặn được chúng) và tia phóng xạ Gamma – riêng tia này không mang điện tích, nhưng năng lượng rất lớn và đặc biệt khả năng đâm xuyên rất mạnh, muốn chặn tia này phải có một miếng sắt có mật độ electron lớn hoặc tấm chì mới ngăn được. Chính vì vậy, các đối tượng chơi cờ bạc “bịp” đã lợi dụng tia Gamma để đánh dấu quân bài:“Vì khả năng đâm xuyên của tia phóng xạ là Gamma, nếu người chơi bài theo kiểu xóc đĩa. Người ta có thể tẩm chất phóng xạ phát ra tia Gamma và tia Anpha lên quân bài để đánh dấu. Khi chơi thiết bị có thể nhận biết được tia Gamma vì chúng đâm xuyên qua dụng cụ là cái bát chẳng hạn, còn quân bài có tia phát ra là Alpha sẽ không xuyên được qua bát, như vậy người chơi sẽ dễ dàng biết được kết quả của ván bài đó”. Thông thường các bộ bài có tẩm các đồng vị phóng xạ đều có thời gian sử dụng nhất định mà các người tẩm đã có sự tính toán cụ thể cho mục đích sử dụng. Vì thời gian sống của các đồng vị phóng xạ hay còn gọi là chu kỳ bán rã (T1/2) có đồng vị phóng xạ phân rã rất nhanh trong vòng chưa đến 1 giây, nhưng cũng có loại phân rã 7 đến 10 ngày, có loại lên đến hàng năm. Nhưng phân rã lâu thì khả năng nhận biết các tia phóng xạ của máy sẽ ít “nhậy”. Do đó người tẩm các chất phóng xạ lên quân bài sẽ phải tính toán rất kỹ, có thể là 1 tuần, sau đó lại phải thay bài mới. 

Nông nghiệp

Chưa phát hiện phẩy khuẩn tả

Đó là kết quả giám sát 41 mẫu xét nghiệm được lấy trong tháng 8 do Trung tâm YTDP Hà Nội công bố chiều ngày 20/8. Trong tổng số mẫu xét nghiệm trên thì có 15 mẫu phân và nước được lấy tại khu vực lò mổ Dương Nội, Hà Đông, Đức Giang, Hoài Đức, 10 mẫu nước bề mặt các sông hồ và 16 mẫu thực phẩm tại các chợ đầu mối Hà Nội. Đây là động thái sau khi Bộ Y tế thông báo đã phát hiện mẫu phẩy khuẩn tả lấy từ một cửa hàng bán ốc ở chợ đầu mối Bình Điền, giáp ranh với huyện Bình Chánh, TP.HCM. Nguy hiểm hơn cả, khuẩn tả phát hiện trong ốc bươu là loại từng gây đại dịch năm 2007 và con đường phát triển bệnh bắt đầu từ nguồn nước và thói quen ăn uống không đảm bảo vệ sinh thực phẩm. Theo Bộ Y tế, hiện nay, dịch tả vẫn có diễn biến phức tạp tại Trung Mỹ, Trung Phi với khoảng từ 3-5 triệu người mắc, hơn 120.000 người tử vong. Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay, có hơn 300.000 trường hợp mắc tiêu chảy, trong đó 3 ca tử vong.

Quân đội nhân dân

Bộ trưởng Y tế làm việc với Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam.

Ngày 20-8, Bộ trưởng Bộ Y tế đã đến thăm và làm việc với Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)/đi-ô-xin Việt Nam. Thông báo kết quả hoạt động của hội trong thời gian qua với Bộ trưởng Y tế, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/đi-ô-xin Việt Nam cho biết: Được thành lập ngày 10-1-2004, đến nay, tổ chức hội đã thành lập ở 59/63 tỉnh, thành phố, với gần 330.000 hội viên. Hơn 10 năm qua, các cấp hội đã vận động ủng hộ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước gần 800 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ trên, hội tiến hành xây dựng được 24 trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng; xây dựng cơ sở giải độc; nhà tình nghĩa, cấp học bổng, hỗ trợ vốn sản xuất… cho các nạn nhân da cam. Sau khi nghe các ý kiến đề nghị của hội, phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Y tế đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của các cấp hội trong thời gian qua đối với công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân CĐDC. Liên quan đến những đề xuất đối với nạn nhân CĐDC, Bộ trưởng Y tế cho biết: Những vướng mắc trong giải quyết chính sách đối với nạn nhân da cam, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành liên quan tìm hướng giải quyết phù hợp trong thời gian tới. Bộ trưởng Y tế cũng ủng hộ việc xây dựng các trung tâm giải độc, đồng thời sẽ tranh thủ mọi nguồn lực từ các tổ chức trong nước và quốc tế để hỗ trợ trang thiết bị y tế đối với các trung tâm, góp phần chăm sóc tốt hơn đối với nạn nhân da cam.

30 thí sinh tham dự Hội thi Y sĩ, y tá năm 2014

Chiều 21-8, Tổng cục Kỹ thuật khai mạc Hội thi Y sĩ, y tá năm 2014.

Tham dự hội thi có 30 thí sinh là y sĩ, y tá được lựa chọn từ các cơ quan, đơn vị trong toàn tổng cục. Trong thời gian 2 ngày, các thí sinh sẽ dự thi ở các nội dung lý thuyết và thực hành trên bệnh nhân mẫu. Theo Đại tá Lê Văn Tấn, Trưởng phòng Quân y, Cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật, những năm qua, công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội trong toàn tổng cục ngày càng đi vào nền nếp; tỷ lệ quân số khỏe của các cơ quan, đơn vị hằng năm luôn đạt bình quân hơn 99%. Hội thi Y sĩ, y tá là cơ hội để các cán bộ, nhân viên quân y học tập, rèn luyện, trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, bản lĩnh công tác góp phần tiếp tục nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cán bộ, nhân viên, chiến sĩ trong tổng cục.

Công an nhân dân

Yêu cầu báo cáo về việc trẻ sơ sinh tử vong tại Bệnh viện Sa Đéc

Bộ Y tế vừa có công văn gửi Sở Y tế tỉnh Đồng tháp yêu cầu báo cáo về trường hợp trẻ sơ sinh tử vong xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc (BV Sa Đéc). Theo trình bày của gia đình sản phụ Trương Thị Trúc Linh (30 tuổi, ngụ xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp), ngày 2/8, sản phụ có dấu hiệu sinh nên gia đình đưa đến BV huyện Châu Thành khám và được chuyển lên BV Sa Đéc chờ ngày sinh. 5 ngày sau (6/8), sản phụ này hạ sinh 2 bé trai (mỗi bé nặng 2,1 kg), sinh thường. Đến rạng sáng 12/8, một cháu bé tử vong. Bé còn lại sau đó được chuyển lên BV Nhi đồng I (TP.Hồ Chí Minh) nhưng cũng không qua khỏi, tử vong vào trưa hôm sau. Sau khi xảy ra sự việc, gia đình sản phụ cho rằng nguyên nhân khiến cháu bé tử vong là do sự tắc trách của bác sĩ trực và sự chậm trễ của BV khi gia đình yêu cầu cho chuyển viện lên tuyến trên. Sáng 20/8, trao đổi với PV CAND Oline , bác sĩ Nguyễn Công Bằng – Phó Giám đốc BV Sa Đéc cho biết, lãnh đạo BV đã có buổi làm việc và tiếp xúc với gia đình sản phụ thông báo bước đầu về tình trạng của cháu bé tử vong. Đồng thời, BV đã họp hội đồng y khoa, tiến hành kiểm thảo tử vong và bước đầu xác định nguyên nhân tử vong là do suy hô hấp, nhiễm trùng huyết nặng và viêm phổi nặng. “Riêng đối với cháu bé được chuyển lên BV Nhi đồng I, hiện bệnh viện đang chờ kết quả chính thức về nguyên nhân tử vong để thông báo cho gia đình sản phụ”. Một lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp cũng cho biết, qua báo cáo của BV Sa Đéc thì đây là trường hợp sinh non, thai 34 tuần tuổi. Cân nặng bé quá nhỏ, khi ra đời suy hô hấp và là “tai biến sinh non”. Trực tiếp Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn của Sở Y tế đã xuống làm viện với BV Sa Đéc để nắm sự việc, để báo cáo Bộ Y tế. “Trong trường hợp, gia đình không đồng ý với nguyên nhân tử vong của cháu bé theo kết quả của Hội đồng y khoa BV Sa Đéc thì Sở Y tế sẽ thành lập hội đồng y khoa, xử lý vụ việc theo đúng quy định của luật khám chữa bệnh”, vị lãnh đạo này cho hay. Về ý kiến, trước đây tại BV Sa Đéc cũng từng xảy ra sự việc gia đình sản phụ khiếu nại về sự tắc trách trong chuyên môn cũng như việc giải thích không kịp thời của BV đối với biến chứng trong y khoa, lãnh đạo Sở Y tế cho biết sẽ kiểm tra và chấn chỉnh kịp thời. Ông Nguyễn Văn Luận (cha ruột của sản phụ) cho biết, chiều qua (19/8), lãnh đạo Sở Y tế, BV Sa Đéc đã tổ chức đoàn xuống thăm hỏi, động viên gia đình và thống nhất hỗ trợ số tiền 40 triệu đồng để lo chi phí an táng cho 2 cháu bé sơ sinh cũng như chi phí đi lại trong những ngày sản phụ nằm viện và chuyển bệnh nhi.

Đà Nẵng: Gần 16 tỷ đồng để ứng phó dịch Ebola

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Ebola trên thế giới trong thời gian qua cũng như việc cơ quan y tế TP Hồ Chí Minh phát hiện 2 trường hợp nghi nhiễm Ebola tại sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất. Chiều 20/8, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã chủ trì cuộc họp bàn kế hoạch ứng phó với đại dịch Ebola. Theo báo cáo của Sở Y tế Đà Nẵng, hiện các cơ sở y tế trên địa bàn đã sẵn sàng cho kịch bản ứng phó ngay sau kế hoạch được thông qua. Theo kế hoạch, Đà Nẵng sẽ ứng phó với dịch bệnh Ebola theo 4 tình huống gồm: Ứng phó khi dịch Ebola chưa vào Việt Nam; Dịch đã vào Việt Nam nhưng chưa xuất hiện ở Đà Nẵng; Xuất hiện ca bệnh tại Đà Nẵng; Và Dịch xuất hiện lan tràn ở Đà Nẵng. Ứng với tình huống dịch bệnh chưa xuất hiện tại Đà Nẵng (tình huống 1 và 2), ngành y tế Đà Nẵng sẽ tiến hành tập huấn cho đội ngũ y bác sỹ, thực hiện truyền thông,trang bị thiết bị, thuốc phòng dịch với kinh phí dự kiến là 14,36 tỷ đồng. Trường hợp xuất hiện bệnh tại Đà Nẵng (tình huống 3 và 4), Sở Y tế sẽ sử dụng Khoa Truyền nhiễm BV Đà Nẵng với 60 giường bệnh làm nơi điều trị cho bệnh nhân và Khoa Truyền nhiễm của BV Phụ sản Nhi với công suất từ 20-30 phòng bệnh điều trị cách ly để điều trị cho bệnh nhân nhi. Tình huống dịch bệnh lan tràn ra cộng đồng, ngành Y tế Đà Nẵng sẽ trưng dụng Bệnh viện Điều dưỡng và phục hồi chức năng làm bệnh viện dã chiến để điều trị cho bệnh nhân với chi phí khi có dịch là 1,48 tỷ đồng. Tổng mức chi phí dự kiến cho kịch bản ứng phó lên đến 15,84 tỷ đồng. Cũng theo Sở Y tế TP Đà Nẵng, toàn bộ quy trình điều trị đối với bệnh nhân mắc Ebola sẽ được giám sát và quản lý khép kín, nghiêm ngặt, tránh lây nhiễm ra bên ngoài cộng đồng. Đồng thời công tác phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn địa phương và trung ương sẽ được thực hiện liên tục, chặt chẽ

Vnmedia 

Rút phép lưu hành nhiều thuốc ngoại kém chất lượng

Cục Quản lý Dược đã có quyết định rút số đăng ký lưu hành nhiều loại thuốc ngoại ra khỏi Danh mục các thuốc được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam do không đạt các chỉ tiêu chất lượng. Các thuốc bị rút số đăng ký lưu hành chủ yếu của các nhà sản xuất Ấn Độ như Umedica Laboratories Pvt., Ltd.; Marksans Pharma Ltd.; Yeva Therapeutics Pvt., Ltd., Cure Medicines (I) Pvt., Ltd., Medley Pharmaceuticals Ltd…  Đến nay Cục Quản lý Dược đã ngừng tiếp nhận tất các hồ sơ đăng ký thuốc và không cấp số đăng ký lưu hành thuốc đối với tất các hồ sơ đã nộp của các công ty đăng ký hoặc nhà sản xuất có thuốc vi phạm chất lượng thuốc thường xuyên và liên tục trong thời gian qua. Trước đó, Cục trưởng Cục quản lý Dược cũng rút giấy phép hoạt động hai công ty Marksans Pharma Ldt - India và công ty Medley Pharmaceuticals Ltd - India đang hoạt động tại Việt Nam. Hai công ty này đã có hành vi vi phạm về sản xuất thuốc không đạt yêu cầu chất lượng. Ngoài rút giấy phép hoạt động, Cục Quản lý Dược còn xử phạt vi phạm hành chính về thuốc đối với 2 Công ty Marksans Pharma Ldt - India và Medley Pharmaceuticals Ltd - India  cũng với hành vi vi phạm trên. Để đảm bảo chất lượng thuốc phục vụ công tác phòng và chữa bệnh, trong thời gian tới, Thanh tra, kiểm tra, quản lý chất lượng thuốc. Cục QLD sẽ xử lý quyết liệt các đơn vị vi phạm trong hoạt động sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thuốc kém chất lượng.

Gia đình xã hội

Cần đưa hộ sinh thành nghề độc lập

Theo đánh giá mới nhất năm 2014 của Bộ Y tế, tại Việt Nam, hiện có khoảng 23.000 hộ sinh, chỉ có khả năng đáp ứng được 83% nhu cầu. Tỷ lệ hộ sinh trên tổng số dân hiện ở mức thấp (3,5 hộ sinh/10.000 dân). Các chuyên gia y tế cho rằng, đây là lực lượng đóng vai trò rất quan trọng trong việc chăm sóc y tế nói chung, làm giảm tỷ lệ tử vong mẹ, tử vong sơ sinh nói riêng…

Làm ngày làm đêm vẫn không hết việc

Chị Cao Thị Nghĩa (45 tuổi) hiện là nữ hộ sinh duy nhất tại Trạm Y tế xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Làm công việc nữ hộ sinh từ 26 năm nay, chị Nghĩa cho hay, trung bình mỗi năm chị đỡ đẻ khoảng 300 ca, cao điểm có ngày 3 - 4 ca. Đếm đi đếm lại, trong xã hơn 12.700 dân này, hầu hết trẻ em, thanh niên ở đây đều do chị đỡ đẻ. Đặc biệt, chưa có một trường hợp tai biến sản khoa nào khi sinh tại trạm. Theo mô tả của chị Nghĩa, một ngày, ngoài việc đỡ đẻ, chị phải “ôm” đến hơn 60% số lượng công việc của cả Trạm Y tế xã, từ quản lý thai nghén, khám thai, tư vấn sức khỏe sinh sản, đặt dụng cụ tử cung (đặt vòng tránh thai) đến quản lý chương trình dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi trong xã. Đó là chưa kể chồng cao sổ sách chị phải hoàn thành và báo cáo cuối tháng, cuối quý. “Hầu như ngày nào tôi cũng phải làm việc cả ngày lẫn đêm tại trạm hoặc ở nhà, thế mà vẫn không “ôm xuể” khối lượng công việc này”, chị Nghĩa tâm sự. Chị Nghĩa kể, mỗi khi có một sản phụ tới Trạm Y tế xã chờ sinh, chị phải khám thai, kiểm tra thai, theo dõi chuyển dạ. Nếu sản phụ đẻ thường, chị sẽ phải đảm nhiệm từ đầu đến cuối ca đẻ, bao gồm cả chăm sóc sau sinh cho mẹ và bé. Nếu phát hiện các dấu hiệu sản phụ có nguy cơ cao (ngôi ngược, vỡ ối non, rau bong non...), quá khả năng của Trạm Y tế xã, chị sẽ đề nghị chuyển tuyến bệnh nhân lên BVĐK Diễn Châu, cách trung tâm xã Diễn Thịnh chừng 5 km. Trung tâm CSSKSS tỉnh Nghệ An cho biết toàn tỉnh hầu hết 480 xã, thị trấn đều có nữ hộ sinh và bác sĩ đa khoa. Và các nữ hộ sinh đều phải làm tất cả những công việc như chị Nghĩa. “Nghe thì đơn giản, nhưng để nữ hộ sinh phát hiện và tiên lượng yếu tố nguy cơ trong một ca đẻ như chị Nghĩa là rất khó, không phải cứ được đào tạo là tất cả đều làm được. Do đó, nếu xét về mặt số lượng không thiếu hộ sinh, nhưng khối lượng công việc của họ quá vất vả và quá nhiều. Quan trọng hơn, Nghệ An đang rất thiếu hộ sinh có chất lượng. Bởi điều đó sẽ làm giảm tối đa các trường hợp tử vong mẹ, tử vong sơ sinh. Đặc biệt là tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người”.là tình trạng không chỉ riêng Nghệ An-địa phương có tới gần 50.000 ca đẻ một năm, mà còn của chung cả nước. 

Góp phần giảm tử vong mẹ, trẻ sơ sinh

Theo đánh giá mới nhất năm 2014 của Bộ Y tế, tại Việt Nam, lực lượng hộ sinh hiện có vào khoảng 23.000 người, chỉ có khả năng đáp ứng được 83% nhu cầu, lại được phân bổ không đồng đều theo dân số và vùng, miền. Tỷ lệ hộ sinh trên tổng số dân hiện ở mức thấp (3,5 hộ sinh/10.000 dân), có khoảng 5% trạm y tế xã (tương đương 517 xã) ở vùng sâu, vùng xa chưa có cán bộ hộ sinh; khoảng 17% phụ nữ - chủ yếu sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển - chưa được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc SKSS. Bộ Y tế cho rằng, Tình trạng mẹ sinh con tại nhà, không được cán bộ y tế đã qua đào tạo hỗ trợ hiện còn khá phổ biến ở nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa... bên cạnh đó sự thiếu hụt về lực lượng hộ sinh (tập trung tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa) nên tỉ lệ phụ nữ đẻ được cán bộ y tế qua đào tạo còn thấp,tỉ số tử vong mẹ, tử vong trẻ sơ sinh ở những vùng này còn cao gấp từ 3 - 4 lần so với mặt bằng chung cả nước. Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em (Bộ Y tế), trong 595 đơn vị hành chính tuyến huyện của cả nước hiện nay, chưa có đến 1 bác sĩ chuyên ngành sản khoa/1 bệnh viện tuyến huyện. Ở những nơi như Tây Bắc, Tây Nguyên, con số này chưa đến 0,5. Do đó, gánh nặng vai trò sản – nhi đối với nữ hộ sinh là rất lớn. Về một thực tế hiện nay, không ít thai, sản phụ khi vào viện chờ sinh có băn khoăn về việc “chỉ” được nữ hộ sinh tiếp đón và kiểm tra theo dõi thai mà không phải là bác sĩ sản khoa. Họ nghi ngờ có sự “phân biệt đối xử” ở đây. Chức năng, trách nhiệm của nữ hộ sinh tại bệnh viện là theo dõi thai và đỡ đẻ thường, phát hiện kịp thời những bất thường, có nguy cơ cao để báo cho bác sĩ cao hơn (trưởng tua trực hoặc bác sĩ chịu trách nhiệm trong nhóm) để có những xử trí, can thiệp kịp thời, chính xác, giảm tai biến cho mẹ và trẻ sơ sinh. Điều đó đã được quy định, phân cấp trong từng bệnh viện. “Tất nhiên là phát hiện sớm, tiên lượng khó khăn được bất thường phải phụ thuộc vào trình độ, kỹ năng của nữ hộ sinh”.  Việt Nam có khoảng 1 - 1,2 triệu trẻ được sinh ra vào mỗi năm, Hầu hết các ca tử vong này đều có thể phòng tránh được nếu vai trò của cán bộ hộ sinh được đề cao hơn nữa và tất cả các bà mẹ đều nhận được sự trợ giúp kịp thời từ lực lượng này. “Nếu được đào tạo theo tiêu chuẩn quốc gia và được làm việc trong cơ sở vật chất đầy đủ, đội ngũ này có thể cung cấp đến 87% dịch vụ chăm sóc y tế cần thiết đối với bà mẹ và trẻ sơ sinh, giúp giảm tới 2/3 số ca tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh”.

Nhân dân

Chấn chỉnh công tác quản lý trang, thiết bị y tế trên địa bàn Hà Nội

Ngày 21-8, Sở Y tế Hà Nội cho biết, vừa có công văn yêu cầu giám đốc các đơn vị trong ngành y tế Hà Nội rà soát, chấn chỉnh công tác đầu tư, mua sắm và sử dụng trang, thiết bị y tế (TTBYT). Theo đó, lãnh đạo các đơn vị chỉ đạo các phòng, ban chức năng phối hợp các đơn vị cung cấp trang, thiết bị rà soát toàn bộ các TTBYT đã được đầu tư mua sắm trong giai đoạn 2009-2014; kiểm tra về trình tự, thủ tục mua sắm, bàn giao tiếp nhận máy phải bảo đảm mới 100%, có đủ giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, chất lượng hàng hóa; công tác quản lý, bảo hành, bảo dưỡng và sử dụng TTBYT. Ðồng thời, nghiêm cấm các đơn vị tự động tiếp nhận, sử dụng các TTBYT đã qua sử dụng hoặc mượn TTBYT; kiện toàn đội ngũ cán bộ chuyên trách về công tác vật tư y tế theo quy định của ngành.

Số người chết vì Ebola tăng nhanh

Theo Roi-tơ, ngày 20-8, Tổng thống Li-bê-ri-a, nước có dịch E-bô-la bùng phát nghiêm trọng nhất thế giới với 972 ca nhiễm bệnh, trong đó 576 trường hợp đã chết, ra lệnh cho lực lượng an ninh áp dụng các biện pháp cách ly khoảng 50 nghìn người sống trong khu ổ chuột trên bán đảo Oét Poi-tơ nhằm ngăn chặn dịch lây lan. Theo số liệu mới nhất của WHO số người chết vì vi-rút E-bô-la ở Tây Phi tiếp tục tăng nhanh. Tính đến ngày 20-8, đã có tổng cộng 2.473 ca nhiễm bệnh, 1.350 người trong số đó đã chết. WHO cảnh báo về tình trạng thiếu nhiên liệu, thực phẩm và một số loại nhu yếu phẩm ở những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất của dịch E-bô-la là Li-bê-ri-a, Xi-ê-ra Lê-ôn và Ghi-nê Bít-xao. * Ngày 21-8, Tân Hoa xã dẫn lời Thủ tướng Cam-pu-chia Hun Xen cho biết, Cam-pu-chia hiện chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm vi-rút E-bô-la. Mặc dù vậy, Cam-pu-chia đã áp dụng các biện pháp khẩn cấp ngăn chặn vi-rút chết người này lây lan, như đặt các máy đo thân nhiệt tại các sân bay và các cửa kiểm soát biên giới. Bộ trưởng Y tế Cam-pu-chia Mam Bun-heng cho rằng, dịch E-bô-la ít có nguy cơ lan rộng tại Cam-pu-chia bởi vì nước này ít có kết nối giao thông với khu vực Tây Phi, nơi dịch bệnh này đang lan rộng. * Tại Cu-ba, mặc dù chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm vi-rút E-bô-la, song giới chức nước này tiếp tục tiến hành các biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn dịch lây lan. Bộ Y tế Cu-ba cho biết, mọi hành khách đến từ khu vực châu Phi, Ðông - Nam Á, Nam và Trung Mỹ cũng như vùng Ca-ri-bê đều phải thực hiện sự giám sát đặc biệt, không chỉ nhằm phát hiện vi-rút E-bô-la mà còn các bệnh dịch lây nhiễm khác. Cu-ba có khoảng 60 bác sĩ và nhân viên y tế đang làm việc tại bốn quốc gia Tây Phi có dịch E-bô-la bùng phát, tuy nhiên những người này đều đang mạnh khỏe và đã được tập huấn nhằm phòng, chống bệnh. * Văn phòng đáp ứng khẩn cấp (EOC), Cục YTDP (Bộ Y tế) ngày 21-8, thông báo trường hợp hành khách người Việt Nam nhập cảnh Việt Nam tại sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 19-8 và nghi ngờ có sốt và xin được nhập viện để theo dõi sức khỏe. Theo đó, hành khách trở về từ Li-bê-ri-a qua cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã khai báo với cán bộ kiểm dịch y tế đang bị viêm họng và sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị. Ngay sau đó hành khách đã được đưa vào khu vực cách ly tạm thời và được Viện Pa-xtơ TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Hồ Chí Minh theo dõi thân nhiệt ba giờ/lần. Sau hơn 10 tiếng theo dõi không có sốt và không có triệu chứng nào của bệnh do vi-rút E-bô-la. Căn cứ vào tình hình sức khỏe của hành khách, Viện Pa-xtơ TP Hồ Chí Minh đã báo cáo Bộ Y tế và thống nhất để hành khách đó trở về nhà và hướng dẫn các biện pháp theo dõi, giám sát tại nơi cư trú. Với ý thức và trách nhiệm đối với sức khỏe cộng đồng, chiều 20-8, hành khách này đã đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh để được tư vấn và theo dõi tình trạng sức khỏe. Từ lúc nhập viện đến tối 21-8, hành khách này vẫn trong tình trạng sức khỏe bình thường, không có sốt, không có biểu hiện triệu chứng của bệnh do vi-rút E-bô-la.

Chia sẻ kinh nghiệm về nâng cao chất lượng dịch vụ y tế

Trong hai ngày 21 và 22- 8, tại TP Đà Nẵng, Dự án Hỗ trợ Nâng cao năng lực ngành Y tế (HSCSP) phối hợp với Bộ Y tế tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Mục đích của hội thảo là phổ biến và nhân rộng các giải pháp nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế đã được một số tỉnh thuộc dự án HSCSP triển khai thực hiện trong thời gian vừa qua, bao gồm Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện và Tài liệu hướng dẫn chuyên môn tuyến xã. Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện với hơn 83 tiêu chí nhằm đánh giá toàn diện chất lượng phục vụ từ khâu hướng dẫn người bệnh đến phát triển nguồn nhân lực bệnh viện, các hoạt động chuyên môn, hoạt động cải tiến chất lượng và tiêu chí đặc thù chuyên khoa. Đây là căn cứ áp dụng để các bệnh viện cải tiến nhằm cung ứng dịch vụ y tế an toàn, chất lượng, mang lại sự hài lòng cao nhất có thể cho người bệnh, người dân và nhân viên y tế trong điều kiện hiện nay. Đối với y tế tuyến địa phương, dự án HSCSP hỗ trợ ngành y tế xây dựng bộ Tài liệu hướng dẫn chuyên môn tuyến xã, tập hợp phương pháp điều trị theo đúng quy trình tiêu chuẩn cho các bệnh thường gặp. Tài liệu này sẽ hỗ trợ các cán bộ y tế tuyến xã thuận tiện trong việc tra cứu chẩn đoán bệnh, phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân ngay tại trạm y tế địa phương tốt hơn. Bộ Tài liệu hướng dẫn chuyên môn tuyến xã được triển khai thí điểm tại 18 xã thuộc ba tỉnh: Hà Nam, Bắc Giang, Bắc Ninh. Theo đánh giá của các địa phương, tài liệu hướng dẫn chuyên môn giúp cán bộ y tế tại trạm y tế xã tăng cường hiểu biết chuyên môn. Nhờ đó, chất lượng dịch vụ y tế tại trạm y tế được cải thiện, người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế tốt hơn, số lượng người dân sử dụng dịch vụ y tế tại xã tăng lên, tỷ lệ bệnh nhân vượt tuyến giảm đi rõ rệt. Bộ Y tế đã phê duyệt Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện (tháng 12-2013) và Tài liệu hướng dẫn chuyên môn tuyến xã (tháng 8-2014). Theo lộ trình, hai sản phẩm này được dự án HSCSP hỗ trợ thực hiện tại các tỉnh dự án trước khi Bộ Y tế từng bước mở rộng triển khai cho các tỉnh trong cả nước.

Tiền phong

Đà Nẵng - 4 kịch bản ứng phó dịch Ebola

Chiều 21/8, Sở Y tế TP Đà Nẵng cho hay: sở tiếp nhận 100 bộ trang phục bảo hộ chuyên dụng từ Viện Pasteur Nha Trang. UBND TP Đà Nẵng đồng ý mua thêm 2 máy siêu lọc máu, 1 camera đo thân nhiệt và 2 máy tuần hoàn ngoài cơ thể. Các biện pháp phòng chống dịch Ebola được chuẩn bị khẩn trương, nghiêm ngặt, sẵn sàng cho 4 kịch bản ứng phó ngay sau kế hoạch được thông qua. Theo Trung tâm KDYTQT Đà Nẵng, mỗi ngày có khoảng 1.000 lượt khách quốc tế nhập cảnh. Lực lượng chức năng tiến hành đo thân nhiệt, lấy thông tin khách hàng qua tờ khai y tế, để kịp thời phát hiện các trường hợp nghi vấn. UBND TP Đà Nẵng có công văn khẩn gửi các cơ quan liên quan yêu cầu thường xuyên cập nhật thông tin tình hình dịch Ebola; phát hiện sớm bệnh nhân để có biện pháp cách ly y tế kịp thời, không để bệnh lây lan trong cộng đồng.

Hỗ trợ 40 triệu đồng gia đình 2 trẻ song sinh tử vong

Chiều 20/8, thông tin từ gia đình sản phụ Trương Thị Trúc Linh (29 tuổi, ngụ ấp An Hòa, xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp), cho hay bác sĩ Phạm Công Bằng-Phó Giám đốc Bệnh viện Sa Đéc đã đến thăm hỏi và thỏa thuận xong, phía bệnh viện hỗ trợ gia đình 40 triệu đồng. Trước đó, ngày 2/8 sản phụ Trúc Linh được chuyển đến BVĐK Sa Đéc chờ ngày sinh. Tại đây, chị nằm chờ được 5 ngày thì sinh được 2 bé trai (sinh thường, mỗi bé nặng 2,1kg). Tuy nhiên, chưa đầy tuần lễ thì một bé chết rạng sáng 12/8, bé còn lại cũng không qua khỏi một ngày sau đó. Ngay sau đó, Bộ Y tế yêu cầu xác minh thông tin báo cáo về Bộ trước ngày 26/8.

Hà Nội mới

Giám sát 41 mẫu xét nghiệm không phát hiện phẩy khuẩn tả

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, ngay sau khi xuất hiện các ổ dịch tiêu chảy tại TP Hồ Chí Minh, Sở Y tế Hà Nội đã xây dựng kế hoạch tăng cường phòng, chống dịch bệnh tiêu chảy cấp trên địa bàn thành phố, trong đó chú trọng các giải pháp tăng cường giám sát bệnh nhân và giám sát các yếu tố nguy cơ, như: Nguồn nước, thực phẩm... Kết quả giám sát 41 mẫu xét nghiệm trong tháng 8 đều có kết quả âm tính với phẩy khuẩn tả, trong đó có 15 mẫu phân và nước được ngành y tế lấy tại khu vực lò mổ chó Dương Nội (Hà Đông), Đức Giang (Hoài Đức) và Viện VSDTTW lấy 10 mẫu nước bề mặt các sông, hồ và 16 mẫu thực phẩm tại các chợ đầu mối Hà Nội. Đoàn kiểm tra của Sở Y tế, Trung tâm YTDP Hà Nội sẽ tiếp tục kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các quận, huyện, đồng thời lấy mẫu giám sát nhằm kịp thời phát hiện bệnh tiêu chảy cấp.

Diễn đàn doanh nghiệp

Dược Tâm Bình đẩy mạnh hỗ trợ các nhà thuốc

“Chúng tôi cam kết sẽ đẩy mạnh hợp tác và có nhiều chính sách ưu đãi đối với các nhà thuốc hơn nữa”. Đó là lời khẳng định của Dược sĩ Lê Thị Bình - Tổng Giám đốc Công ty Dược phẩm Tâm Bình tại Hội nghị khách hàng Nhà thuốc quận Hai Bà Trưng vừa diễn ra tại Hà Nội. Hội nghị khách hàng Nhà thuốc quận Hai Bà Trưng với sự có mặt của gần 100 khách mời là chủ các nhà thuốc đại diện bệnh nhân đã khỏi bệnh nhờ sản phẩm của Tâm Bình. Đây cũng là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động tri ân nhà thuốc xuất sắc đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển của Công ty Dược phẩm Tâm Bình, đồng thời nhằm thắt chặt mối quan hệ hợp tác giữa công ty với các nhà thuốc. Sau hơn 3 năm xuất hiện tại thị trường, nhờ có những sản phẩm chất lượng tốt, hiệu quả khám chữa bệnh cao và đặc biệt giá cả phù hợp với mọi tầng lớp người tiêu dùng nên Công ty Dược phẩm Tâm Bình luôn nhận được sự ủng hộ của các đại lý, nhà thuốc trên khắp các tỉnh thành, trong đó có sự đóng góp của các nhà thuốc quận Hai Bà Trưng. Hiện đã cóhơn 3.500 nhà thuốc tại khắp các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội có bán các sản phẩm của Tâm Bình, góp phần đưa sản phẩm của công ty đến tận tay người bệnh. Tại Hội nghị, Dược sĩ Lê Thị Bình đã công bố những kết quả rất khả quan mà Công ty Tâm Bình đã đạt được trong năm 2013, kế hoạch kinh doanh năm 2014 và chia sẻ về các sản phẩm Tâm Bình đang phân phối trên thị trường, để các nhà thuốc tư vấn thông tin đầy đủ và chính xác cho bệnh nhân. Trong thời gian tới, công ty sẽ đẩy mạnh hợp tác và có nhiều chính sách quan tâm, hỗ trợ các nhà thuốc hơn nữa nhằm có thể phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn. Hội nghị khách hàng nhà thuốc của Tâm Bình được tổ chức thường niên tại tất cả các quận, huyện tại Hà Nội, sắp tới sẽ mở rộng tổ chức cho các nhà thuốc khu vực tỉnh, thành, huyện trong cả nước.

Kinh tế đô thị 

“Giọt hồng” từ trái tim đến trái tim

Đó là ngày hội được hàng ngàn bạn trẻ, thanh niên, sinh viên tại thủ đô Hà Nội quan tâm, hưởng ứng. Hàng ngàn đơn vị máu đã được hiến tặng, góp phần tích cực khắc phục tình trạng khan hiếm máu điều trị cho người bệnh trong dịp hè thiếu máu.Youth Day 2014 là ngày hội hiến máu lần thứ V sẽ được tổ chức vào ngày 24/8 tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (đường Trần Thái Tông, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội).Theo đó, ngày hội bao gồm nhiều chương trình ý nghĩa như: Chương trình hiến máu "New blood - Change the world", "Bước nhảy Youth Day", nhạc hội "Kết nối đam mê", sân khấu đường phố "Tôi trẻ - Tôi thể hiện", chương trình quyên góp, ủng hộ "Biển đảo quê hương"...Điểm đặc biệt của ngày hội lần này chính là sự kiện “Vòng quay Youth Day” với sự góp mặt của hơn bốn nghìn trái tim hồng cùng chung nhịp đập hướng về biển đảo quê hương. Họ đã tham gia quyên góp những lá cờ Tổ quốc gửi tới Trường Sa, Hoàng Sa yêu thương. Đây là cơ hội cho tất cả tình nguyện viên thể hiện tình yêu quê hương đất nước, yêu biển đảo của mình.Việc làm giản dị nhưng đầy ý nghĩa này sẽ là kỷ niệm khó quên trong lòng mỗi bạn trẻ khi tham gia chuỗi sự kiện đầy màu sắc của Youth Day 2014. Bạn Nhật Linh (sinh viên Đại học Ngoại Thương – Hà Nội) chia sẻ: “ Đây là lần thứ hai mình tham gia Youth Day, năm nay chương trình có sự kiện quyên góp cờ Tổ quốc mình thấy rất ấn tượng. Những lá cờ tuy giá trị vật chất không lớn nhưng sắc đỏ ấy sẽ phủ khắp Biển Đông. Và mình cũng hy vọng ngày 24/8 tới đây, Youth Day sẽ nhận được thật nhiều những đơn vị máu để cứu giúp cho hàng ngàn bệnh nhân”.Chỉ còn vài ngày nữa là ngày hội chính thức của Youth Day. Các tình nguyện viên đã thực sự nóng lòng chờ đợi và chăm chỉ luyện tập cùng nhau để tạo nên một Youth Day thành công.

Chưa phát hiện phẩy khuẩn tả tại Hà Nội

Ngay sau khi xuất hiện các ổ dịch tiêu chảy tại TP Hồ Chí Minh, Sở Y tế Hà Nội đã xây dựng kế hoạch tăng cường phòng, chống dịch bệnh tiêu chảy cấp trên địa bàn TP, trong đó, chú trọng các giải pháp tăng cường giám sát bệnh nhân và giám sát các yếu tố nguy cơ như nguồn nước, thực phẩm. Kết quả giám sát 41 mẫu xét nghiệm trong tháng 8 đều có kết quả âm tính với phẩy khuẩn tả. 15 mẫu phân và nước được ngành y tế Thủ đô lấy tại khu vực lò mổ chó Dương Nội, Hà Đông, Đức Giang, Hoài Đức và 10 mẫu nước bề mặt các sông hồ, 16 mẫu thực phẩm do Viện VSDT T.Ư lấy tại các chợ đầu mối Hà Nội kết quả cũng không phát hiện phẩy khuẩn tả. Đoàn kiểm tra của Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội sẽ tiếp tục kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các quận, huyện, đồng thời lấy mẫu giám sát nhằm kịp thời phát hiện bệnh tiêu chảy cấp.

Chính phủ

Không phải ký cam kết trước khi tiêm chủng

Bà Phạm Kim Tuyến, quê ở Nam Định, hiện tạm trú tại Bắc Ninh, có 1 con nhỏ 14 tháng tuổi. Vừa qua, khi cho con đi đăng ký tiêm chủng tại 1 Trạm Y tế ở Bắc Ninh, bà Tuyến được cán bộ y tế yêu cầu viết đơn xin tiêm chủng, trong đó có nội dung cam kết "Gia đình hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu trong quá trình tiêm có xảy ra vấn đề gì". Bà Tuyến cho rằng, người dân bình thường không thể biết được vắc xin tiêm chủng có đúng chủng loại, liều lượng, hạn sử dụng hay không, cũng như không thể biết sức khoẻ của con mình có đủ điều kiện tiêm chủng hay không để cam kết. Bà Tuyến hỏi, cán bộ y tế yêu cầu như vậy có đúng quy định không? Tiếp nhận phản ánh của người dân gửi qua Cổng TTĐT Chính phủ, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế có ý kiến trả lời như sau: Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, các đơn vị tiêm chủng trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các quy định an toàn tiêm chủng và đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng hiện đang sinh sống trên địa bàn tỉnh được tiếp cận với dịch vụ tiêm chủng và không phải cam kết bất cứ điều khoản nào. Sở Y tế cũng đã hướng dẫn các điểm tiêm chủng triển khai việc thông tin để các đối tượng vãng lai cư trú trên địa bàn đến Trạm Y tế để đăng ký tiêm chủng trước ngày lập kế hoạch buổi tiêm hàng tháng trong tiêm chủng mở rộng. Do kiến nghị của bà Tuyến chưa nêu rõ cụ thể Trạm Y tế nào trên địa bàn, nên không thể xác minh cụ thể nội dung theo phản ánh. Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh xin ghi nhận thông tin và sẽ tiếp tục chỉ đạo rà soát việc thực hiện các quy định về tiêm chủng tại các Trạm Y tế của tỉnh Bắc Ninh.

Infonet

Đà Nẵng “vượt rào” phòng chống ma túy: Ngành y tế, tòa án nói gì?

Ngành y tế, tòa án nói gì trước việc Đà Nẵng quyết định ban hành Quy chế tạm thời về phối hợp lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện ma túy trên địa bàn, được xem là “vượt rào” các quy định hiện hành của TƯ?

Tòa án: Chưa nhận được hồ sơ nào vì vướng chỗ y tế!

Theo Thẩm phán Lê Thị Ngọc Hà, Phó Chánh án TAND TP Đà Nẵng, sau khi Luật xử lý vi phạm hành chính được ban hành, Pháp lệnh 09 về trình tự thủ tục xem xét quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại tòa án và Nghị định 221 quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có hiệu lực, TAND Tối cao đã tổ chức tập huấn và ban hành biểu mẫu để tòa án hai cấp thực hiện. Tuy nhiên đến nay tòa án hai cấp ở Đà Nẵng chưa thụ lý được một hồ sơ nào về việc đưa các đối tượng đi cai nghiện bắt buộc. Lý do là trình tự, thủ tục được quy định phức tạp hơn, bắt buộc trong hồ sơ phải có lý lịch của người đưa đi cai nghiện; tài liệu chứng minh tình trạng nghiện ma túy của người đó; tài liệu chứng minh người đó đã được áp dụng dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn về hành vi nghiện ma túy; bảng tường trình của người vi phạm hoặc đại diện hợp pháp của họ và các tài liệu liên quan. “Điểm vướng mắc mấu chốt nhất hiện nay là chứng minh tình trạng nghiện ma túy. Sở Y tế bảo chờ hướng dẫn của Bộ Y tế, cho đến nay chúng tôi chưa biết có hay không nhưng chưa thấy một hồ sơ nào được chuyển đến tòa án. Hiện ngành tòa án đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và phân công thẩm phán để giải quyết nếu có hồ sơ, nhưng tòa chưa có hồ sơ thì không thể giải quyết được. Vướng là ở chỗ Sở Y tế, chứ nếu có hồ sơ đầy đủ chuyển qua thì tòa sẽ xét duyệt”. Bà nêu rõ, tuy thời gian tòa thụ lý, giải quyết hồ sơ được quy định 15 ngày nhưng TAND TP Đà Nẵng sẽ cố gắng rút ngắn tối đa thời gian. Tuy nhiên, quy định khi cơ quan công an phát hiện ra đối tượng nghiện, lập hồ sơ phải đưa cho người đó hoặc người nhà của họ đọc hồ sơ trong 5 ngày xem có ý kiến gì không là “bất di bất dịch”, không thay đổi được. Sau đó hồ sơ chuyển qua Phòng Tư pháp 5 ngày, Phòng LĐ-TB-XH 7 ngày, Tòa án 15 ngày thì các cơ quan này có thể rút ngắn được thời gian.Một khoảng thời gian khác không thể rút ngắn, theo thẩm phán Lê Thị Ngọc Hà, là 3 ngày dành cho người bị phán quyết nghiện ma túy kháng cáo, kháng nghị. Chỉ khi kháng cáo, kháng nghị lên phúc thẩm thì tòa án có thể tạo điều kiện rút ngắn từ 5-7 ngày xuống còn 2-3 ngày để giải quyết nhanh.

Y tế: Vướng ở Bộ Y tế và... WHO!

Bác sĩ Nguyễn Út, Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho hay, số người nghiện ma túy ở Đà Nẵng trong 8 tháng đầu năm 2014 lên đến 1.888 người, tăng 15,2% so với cuối năm 2013. 65% trong số đó là nghiện ma túy tổng hợp; 75% nhỏ hơn 30 tuổi; 85% không có công ăn việc làm... Trong khi đó việc đưa người nghiện vào cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm 05 – 06 lại đang bế tắc. Nguyên do là Nghị định 221/CP ban hành từ tháng 12/2013 song đến nay các bộ, ngành hữu quan vẫn chưa hướng dẫn thực hiện. Theo quy định tại Nghị định 221/CP, trước khi đưa người nghiện vào Trung tâm 05 – 06 thì phải qua xét xử của tòa án. Nhưng trước khi đưa qua tòa án xét xử phải có giấy “xác định người nghiện ma túy” của y, bác sĩ thuộc trạm y tế cấp xã, phường, quận, huyện trở lên. Các y, bác sĩ này phải có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh và chứng chỉ tập huấn về điều trị cắt cơn nghiện ma túy do cơ quan có thẩm quyền cấp. Theo ông Nguyễn Út, cùng với báo cáo tình hình cho UBND TP, Sở Y tế Đà Nẵng cũng đã báo cáo, đề nghị Bộ Y tế sớm có hướng dẫn để triển khai thực hiện. Văn bản này được gửi đi đã lâu nhưng đến nay Sở Y tế Đà Nẵng vẫn chưa nhận được hồi âm từ Bộ Y tế. “Hiện chỉ mới có quy trình xác định người nghiện heroin, trong khi từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đến Bộ Y tế chưa có một văn bản nào hướng dẫn xác định nghiện ma túy tổng hợp. Đây là khó khăn, trăn trở của ngành y tế. Bộ Y tế không dám ban hành hướng dẫn cũng vì lý do này, vì không có cơ sở nào để xác định người nghiện ma túy tổng hợp” – Bác sĩ Nguyễn Út nói. Mặc dù vậy, Sở Y tế Đà Nẵng vẫn chủ động tổ chức 4 lớp tập huấn điều trị cắt cơn nghiện ma túy cho 110 y, bác sĩ từ tuyến xã, phường, quận, huyện trở lên và có cấp chứng chỉ. Như vậy, tuy Bộ Y tế chưa có hướng dẫn nhưng số y, bác sĩ này vẫn đủ thẩm quyền cấp giấy xác định người nghiện ma túy theo đúng quy định của pháp luật. Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng hoan nghênh sự chủ động của ngành y tế Đà Nẵng, giúp UBND TP đủ cơ sở để sớm ký ban hành “Quy chế tạm thời về phối hợp lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện ma túy trên địa bàn TP” và triển khai thực hiện. Đồng thời ông yêu cầu tòa án các cấp khi nhận hồ sơ phải khẩn trương xử lý, phân công cán bộ, thẩm phán chuyên trách xử lý việc này cho nhanh chóng.

Vietnamplus

Ứng phó với dịch Ebola: Không gây hoang mang cho du khách

Đoàn kiểm tra của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành kiểm tra gần 10 đơn vị khách sạn, doanh nghiệp lữ hành lớn ở Hà Nội trong ngày 20/8 về công tác phòng, chống, ứng phó với dịch bệnh do virus Ebola, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh này thông qua con đường du lịch. Các đơn vị du lịch đã cơ bản thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh Ebola với phương châm sẵn sàng ứng phó, đảm bảo an toàn cho du khách, cán bộ của ngành du lịch, hạn chế lây lan và đặc biệt là không gây tâm lý hoang mang, lo ngại cho du khách, nhất là với khách quốc tế đến Việt Nam.

Lữ hành: Đặt an toàn của du khách lên hàng đầu

Hiện tại đang là mùa thấp điểm khách du lịch quốc tế nên các đơn vị lữ hành của Việt Nam chưa lo ngại nhiều về tình hình dịch bệnh do virus Ebola xâm nhập vào Việt Nam qua đường du lịch. Tuy nhiên, các công ty đều nêu cao cảnh giác, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về phòng, chống dịch theo các cấp độ. Hiện các công ty lữ hành hàng đầu của Việt Nam trên cả nước đều tạm dừng tour du lịch cho khách Việt Nam tới châu Phi. Đối với khách inbound (khách quốc tế vào Việt Nam), các công ty lữ hành đã thông báo tới các đối tác ở Thái Lan, Singapore, Australia, Malaysia... không nhận khách xuất phát từ vùng dịch hoặc đã có thời gian lưu trú tại 4 quốc gia Tây Phi là tâm điểm của dịch Ebola. Các công ty lữ hành chấp nhận thiệt hại do việc tạm ngừng tour, đặt sự an toàn của du khách và cán bộ của đơn vị lên hàng đầu. Với khách inbound, các hãng lữ hành Việt Nam đều yêu cầu đối tác thông báo tới du khách tuân thủ nghiêm ngặt các thủ tục kiểm tra sức khỏe khi vào du lịch tại Việt Nam. Đồng thời rà soát kỹ lưỡng danh sách khách, đặc biệt chú ý, phối hợp với các cơ quan liên quan để phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp bất thường ngay từ khi nhập cảnh. Ông Nguyễn Công Hoan, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Hà Nội Redtour, cho biết tour Nam Phi khởi hành từ ngày 30/8 được coi là sản phẩm trọng điểm outbound (đưa khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài) mùa Thu Đông năm nay. Rất nhiều du khách Việt Nam ưa chuộng tour này và đã đặt tour từ khá lâu, song vì sự an toàn của khách vẫn phải hủy tour, chấp nhận bỏ các khoản lợi nhuận mà tour mang lại cũng như chi phí quảng bá tour. Châu Phi là thị trường chưa được nhiều công ty lữ hành ở Việt Nam khai thác, nếu có chỉ là Nam Phi, mỗi năm Hà Nội Redtour dẫn từ 4-5 đoàn khách đến khám phá Nam Phi. Vào thời điểm này, Nam Phi không thuộc vùng dịch Ebola nhưng lại là điểm trung chuyển khách của châu lục này, trong đó có 4 nước Tây Phi là Guinea, Liberia, Sierra Leone và Nigieria. Nguy cơ nhiễm bệnh đối với khách du lịch đến Nam Phi là khá lớn nên Hà Nội Redtour chủ động ngừng tour. Bên cạnh đó, hãng chuẩn bị sẵn các sản phẩm du lịch thay thế tour du lịch có thể phải ngừng trong thời gian tới, trong đó quan tâm đẩy mạnh các sản phẩm du lịch nội địa. Đại diện của Công ty du lịch và thể thao Việt Nam (Vietrantour) cho rằng cũng đã có ảnh hưởng do dịch bệnh Ebola khi nhiều khách Việt Nam có tâm lý e ngại đến các vùng châu Phi hoặc các nước có nguy cơ như Thái Lan, Malaysia; các yêu cầu hủy tour của khách công ty vẫn đáp ứng. Bên cạnh đó, các hãng lữ hành lớn của Việt Nam đều tăng mức mua bảo hiểm du lịch cho du khách để đề phòng các trường hợp rủi ro có thể xảy ra. Công ty lữ hành HaNoitourist đã lên kế hoạch mua bảo hiểm du lịch cho du khách cao hơn mức bảo hiểm bình thường, đặc biệt là bảo hiểm y tế nhằm đảm bảo quyền lợi cho khách hàng trong trường hợp bị nhiễm bệnh khi đi du lịch. Đồng thời tư vấn, cung cấp thông tin, hướng dẫn cụ thể về tình hình dịch bệnh đến khách mua tour. Phía Hà Nội Redtour đã đề nghị đối tác cung cấp bảo hiểm du lịch cho du khách phải làm rõ phạm vi bảo hiểm, quyền lợi của du khách trong trường hợp bị lây nhiễm Ebola trong quá trình đi du lịch...

Khách sạn: Phối hợp chặt chẽ với đơn vị y tế

Các khách sạn lớn, tiêu chuẩn từ 3-5 sao ở Việt Nam đều có liên kết với các đơn vị y tế địa phương, Trung ương để phối hợp chăm sóc sức khỏe cho du khách trong trường hợp ốm đau khi lưu trú. Trong trường hợp phát hiện du khách có các biểu hiện của Ebola thì sẽ tiến hành cách ly, chuyển bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất. Mỗi khách sạn lại có cách thức làm khác nhau, ví dụ như khách sạn Melia sẽ cách ly người bệnh ngay tại phòng họ lưu trú, phối hợp với Trung tâm cấp cứu Hà Nội 115 vận chuyển người bệnh đến Bệnh viện Việt Pháp (đối với khách quốc tế) và Viện các bệnh nhiệt đới (đối với khách nội địa). Toàn bộ phòng và tầng nơi khách ở phải được cách ly để tiến hành khử trùng, sát khuẩn, đảm bảo không để virus lây lan ra các khu vực khác. Khách sạn này cũng đã tự trang bị trang phục y tế, khẩu trang phòng dịch. Còn khách sạn Deawoo đã chuẩn bị sẵn sàng 3 phòng trong khách sạn ở khu vực đặc biệt để tiến hành cách ly người bệnh... Để phòng chống dịch, các khách sạn đều thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, tăng cường công tác vệ sinh môi trường, khử trùng các vật dụng du khách dùng chung như máy điện thoại, máy tính nối mạng, tay nắm cửa; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; đồng thời bố trí thêm nhiều nước rửa tay diệt khuẩn dạng khô để du khách, nhân viên, nhất là nhân viên lễ tân đón khách thường xuyên vệ sinh tay; lên kế hoạch ứng phó khi phát hiện trường hợp nhiễm bệnh, thậm chí cả cách thức ứng xử, hành động của nhân viên trong trường hợp này để tránh gây tâm lý lo sợ cho các du khách khác... Tuy nhiên, có một điểm rất khó cho các đơn vị lưu trú, đó là việc phát hiện các trường hợp khách mắc bệnh, nhất là với các khách chưa có biểu hiện bệnh khi làm thủ tục nhập cảnh. Tại khu vực sân bay có kiểm tra đo thân nhiệt bằng máy y tế chuyên dụng, với khách sạn không có loại máy móc này mà chỉ có dụng cụ đơn giản hơn, bất tiện khi kiểm tra thân nhiệt du khách, nhất là với đoàn có số lượng khách đông. Thêm vào đó, các đơn vị lưu trú không có chuyên môn y tế sâu trong phòng chống dịch nên cần sự hỗ trợ của ngành y tế trong việc mua sắm các dụng cụ cần thiết phòng, chống dịch...Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ Anh Tuấn nêu rõ Ebola là dịch bệnh nguy hiểm, lây lan nhanh tại 4 nước Tây Phi. Đến thời điểm này Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm dịch bệnh này. Tuy nhiên, du lịch là một trong những con đường dễ làm dịch lây lan nếu không có biện pháp phòng tránh kỹ lưỡng và xử lý kịp thời khi phát hiện trường hợp nhiễm bệnh. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tổng cục Du lịch đã có chỉ đạo kịp thời việc phòng, chống dịch trong toàn ngành du lịch. Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn đề nghị các đơn vị lữ hành, khách sạn tiếp tục duy trì tốt công tác phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho du khách cũng như nhân lực của ngành. Tổng cục Du lịch cần phối hợp với ngành y tế tiến hành tập huấn cụ thể cho các đơn vị lưu trú các kĩ năng cần thiết ứng phó với dịch bệnh, tư vấn cho các đơn vị này nên mua dụng cụ nào, xử lí các trường hợp nhiễm bệnh ra sao... Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn cũng nhấn mạnh rằng việc phòng, chống dịch bệnh do virus Ebola trong toàn ngành du lịch là hết sức cần thiết nhưng các đơn vị nên thực hiện hài hòa, không làm thái quá để tránh tâm lý hoang mang, lo sợ cho du khách.../.

Quảng Trị: Xe cứu thương đâm ôtô tải, 5 người thương vong

Gần 15 giờ ngày 21/8, tại km 781+800, trên tuyến Quốc lộ1A, đoạn qua địa bàn xã Hải Trường, huyện Hải Lăng (Quảng Trị), xe cứu thương mang biển kiểm soát 74B-0549 của Bệnh viện đa khoa khu vực Triệu Hải (Quảng Trị) đã đâm trực diện ôtô tải mang biển kiểm soát 43C-026.42 của doanh nghiệp Dũng Hòa, thành phố Đà Nẵng, do lái xe Nguyễn Anh Tài (24 tuổi), điều khiển chạy theo hướng ngược lại. Xe cứu thương do lái xe Bùi Hữu Quýnh (48 tuổi), điều khiển chạy theo hướng Bắc-Nam, trên xe chở 4 người, trong đó có một cháu nhỏ, Vụ tai nạn làm 1 cháu nhỏ 7 tháng tuổi tử vong (cháu nhỏ bị ốm được xe cứu thương chuyển vào bệnh viện trung ương Huế để chữa trị). Bốn người còn lại trên xe cứu thương bị thương nặng, hiện đang cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế. Các nạn nhân trên xe cứu thương đều quê ở xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Phần đầu xe cứu thương hư hỏng hoàn toàn. Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, lực lượng Cảnh sát giao thông thuộc Trạm Cảnh sát giao thông Hải Lăng, Công an tỉnh Quảng Trị đã có mặt kịp thời cấp cứu người bị nạn và bảo vệ hiện trường. Hiện vụ việc đang được các cơ quan chức năng huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị điều tra làm rõ./.

Vietnamnet

Mổ cho bé trai bị dị tật khớp gối chưa từng gặp

Ngày 21/8, Bệnh viện FV TP.HCM cho biết đang tiến hành phẫu thuật chỉnh hình cho một bệnh nhi tên Đỗ Trọng Hiếu, 14 tuổi, ngụ tại Bình Thuận, bị dị tật khớp gối bẩm sinh vô cùng hiếm gặp. Bệnh nhi từng được đưa đi một số bệnh viện nhưng bị từ chối vì đây là một ca dị dạng hiếm gặp và tỉ lệ thành công rất thấp. Xương bánh chè của Hiếu trật hoàn toàn ra ngoài và khớp gối chày bị bán trật. Gân bánh chè và một số các dây chằng dính vào nhau, chéo trước, chéo sau (thành một khối bùi nhùi), giãn dây chằng chéo trước, thiếu sàn sụn chêm ngoài khớp gối, có cuộn hoạt dịch dưới xương chày... Bản thân bác sĩ Lê Trọng Phát, Trưởng khoa Chấn Thương Chỉnh Hình, Bệnh viện FV khi quyết định mổ cho bệnh nhi cho biết mình sẽ phẫu thuật bằng những kinh nghiệm và kiến thức đã tìm tòi, chứ chưa bao giờ gặp phải ca như vậy. Bác sĩ Phát nhận định đây là ca khó và ông cũng gửi tài liệu, hồ sơ của Hiếu sang Đức để hội chẩn cùng các giáo sư bác sĩ hàng đầu. Tất cả các giáo sư đều nhận định đây là trường hợp đầu tiên họ gặp và việc thực hiện phẫu thuật cần có sự khéo léo và nhiều kinh nghiệm để sau ca phẫu thuật ngoài việc tái tạo hình thể, bệnh nhân còn có thể đi lại bình thường. “Ngoài việc bóc tách dính, định vị lại xương bánh chè còn phải tái tạo phần sụn, cơ, gân để nâng đỡ khớp gối khi xoay nó lại đúng vị trí. Sau khi mổ, Hiếu sẽ phải tập vật lý trị liệu để có thể cải thiện chức năng đi đứng”, bác sĩ Phát nói. Ca phẫu thuật dự kiến sẽ tiến hành trong vòng 3 giờ đồng hồ. Ngoài bác sĩ Lê Trọng Phát là người thực hiện phẫu thuật chính còn có sự tham gia của e kíp bác sĩ giàu kinh nghiệm khác. Được biết ngoài dị tật khớp gối, bệnh nhi Hiếu mới trải qua phẫu thuật tim nên sức khỏe rất yếu. Tuy nhiên, việc phẫu thuật tim chỉ cải thiện được 40% chất lượng cuộc sống của Hiếu. Nếu muốn cậu bé có một tương lai hoàn chỉnh hơn thì phẫu thuật khớp gối cho bệnh nhi là vô cùng cần thiết.

Đại đoàn kết

Đừng “dứt áo ra đi”

Trả lời câu hỏi làm gì để Quảng Ngãi hạn chế tình trạng bác sĩ (BS) bỏ việc, hầu hết các BS bỏ việc có việc làm mới tại các BV ngoài công lập ở TP. HCM, Đà Nẵng, BV Đa khoa TƯ Quảng Nam...., mới đây lãnh đạo Sở Y tế Quảng Ngãi cho biết đúng là từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh có 35 BS bỏ việc hoặc xin chuyển ra ngoài tỉnh. Lý do là thu nhập thấp mà áp lực công việc cao. Thậm chí có hai lãnh đạo khoa, BV đa khoa tỉnh cũng viết đơn xin nghỉ việc nhưng Sở động viên nên họ ở lại. Ba Tơ là một trong những huyện miền núi xảy ra tình trạng bác sĩ bỏ việc khá nhiều khi 2 năm qua huyện này có 5 bác sĩ bỏ việc đi làm ngoài tỉnh. Vướng mắc còn là các bác sĩ trẻ về công tác tại Quảng Ngãi được hỗ trợ từ200 đến 250 triệu đồng, trong khi đó người công tác lâu năm trong ngành y tại chỗ lại chưa được hưởng chế độ ưu đãi nào, đã gây ra tâm lý so bì nhất định. Việc hỗ trợ, trải thảm đỏ, vì thế cần có cái nhìn toàn cục, mới có thể giữ chân cả người mới tới và người đã gắn bó nhiều năm. Trước thực trạng "dứt áo ra đi”, HĐND tỉnh Quảng Ngãi đã thông qua chính sách mới, tăng phụ cấp đãi ngộ ngoài mức lương hàng tháng đối với ngành y tế, lời giải bước đầu cho bài toán thiếu hụt lượng bác sĩ hiện nay. Đồng thời chi ngân sách 30 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị y tế thiết yếu cho BV đa khoa tỉnh. Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi đã đề xuất tỉnh có cơ chế điều động một số bác sỹ từ trung tâm y tế hoặc BV tuyến huyện, từ những trạm y tế có 2 bác sỹ trở lên bổ sung cho các xã chưa có bác sỹ. Ngành Y tế sẽ hỗ trợ kinh phí mức khác nhau cho các bác sỹtùy theo địa bàn để động viên công tác lâu dài. Ngành y tế Quảng Ngãi đang thiếu hụt đội ngũ BS, dược sĩ ĐH rất trầm trọng. Tỷ lệ BS trên vạn dân tại Quảng Ngãi mới chỉ đạt 5,03, thấp hơn nhiều so với bình quân cả nước là 7,2 bác sĩ/ vạn dân. Để BS đừng "dứt áo ra đi” đã khó, giữ chân người bệnh khó không kém. Bệnh nhân chuyển tuyến chủ yếu do khả năng điều trị của tuyến dưới chưa tới, thiếu nhân lực, thiếu các trang thiết bị, thiếu xét nghiệm chẩn đoán, thiếu thuốc điều trị đặc hiệu và do áp lực chính từ phía thiếu BS có trình độ.

Giao thông vận tải

Bệnh viện tư gặp khó trong xếp hạng

Theo Bộ Y tế , đối với các bệnh viện tư, việc xếp hạng đang gặp khó khăn. Hiện nay, có những bệnh viện tư nhân kỹ thuật cao có thể làm được những loại hình dịch vụ chất lượng cao nhưng không nhiều hoặc có nguồn nhân lực chất lượng tốt nhưng không đủ theo yêu cầu nên rất khó để xếp hạng cao nếu như áp dụng các văn bản hiện hành (xếp hạng đối với các bệnh viện công lập). Bộ Y tế cho rằng, để tạo điều kiện cho các bệnh viện tư, có thể bàn xếp hạng các bệnh viện tư nhân theo cách khác, nghĩa là dựa theo đa số các đồng hạng loại hình vụ y tế mà họ có thể thực hiện được và chất lượng cơ sở vật chất hiện có mà xếp hạng tương đương với bệnh viện công lập. Không thể máy móc áp dụng chung một tiêu chí giữa bệnh viện tư với các bệnh viện công lập hiện nay. Nếu không chưa biết đến bao giờ mới có thể xếp hạng cho bệnh viện tư được. Tại TPHCM, UBND TPHCM vừa quyết định xếp hạng một số cơ sở y tế công lập trên địa bàn TP trong thời hạn 5 năm. Cụ thể, xếp hạng I đối với bệnh viện Từ Dũ, bệnh viện Ung Bướu, bệnh viện Bình Dân và bệnh viện Nguyễn Trãi. Xếp hạng II đối với bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp; bệnh viện quận 2; bệnh viện quận 6; bệnh viện quận Bình Thạnh và Trung tâm Y tế dự phòng quận Gò Vấp. Xếp hạng III đối với bệnh viện quận 1, bệnh viện quận 5, bệnh viện quận Gò Vấp và Trung tâm Y tế dự phòng quận Bình Thạnh.

Gia đình Việt Nam

Việt Nam có gần 250 người chết vì ung thư mỗi ngày?

Số liệu công bố tại Hội thảo khoa học “Ung bướu quốc gia” năm 2013 cho thấy, mỗi năm Việt Nam có 75.000 người chết vì ung thư. Tuy nhiên, con số này đã tăng nhanh trong thời gian qua. Theo số liệu nói trên, trung bình mỗi ngày tại Việt Nam có khoảng 205 người chết vì căn bệnh ung thư. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy, con số này có dấu hiệu tăng trong năm qua. Trong những chia sẻ của mình về căn bệnh ung thư, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh cho rằng, các bệnh không lây nhiễm gia tăng đáng kể là do quá trình công nghiệp hóa, toàn cầu hóa, tuổi thọ ngày càng tăng cũng là một trong những nguyên nhân. Bên cạnh đó, các yếu tố khác như nguy cơ như hút thuốc, khẩu phần ăn, rượu bia, hoạt động thể chất, stress…. cũng là những nguyên nhân gây ra ung thư. PGS.TS Lương Ngọc Khuê cũng cho rằng: “Người dân hoàn toàn có thể chủ động phòng tránh được các yếu tố nguy cơ này”. Còn TS Nguyễn Đại Bình cũng chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ mắc và tử vong vì ung thư tại Việt Nam tăng cao là do người Việt có rất nhiều thói quen xấu có thể dẫn đến mắc các chứng bệnh về ung thư như hút thuốc lào hay ăn trầu. “Nhiều người vẫn nghĩ ăn trầu tạo ra sức đề kháng nhưng chính thuốc sợi hoặc vôi được nhai lẫn trong trầu lại là tác nhân gây ung thư. Thêm nữa, người Việt Nam thường có tâm lý e ngại gặp bác sỹ, chỉ sợ bị “vẽ” thêm bệnh và thường tự điều trị khi sức khỏe có vấn đề”, TS Nguyễn Đại Bình nói. Theo các nhà nghiên cứu, một thực trạng đang rất phổ biến đối với những người mắc ung thư tại Việt Nam là việc chậm phát hiện và điều trị bệnh. Một nghiên cứu được thực hiện trên 400 bệnh nhân tại Bệnh viện K đã được công bố cho thấy, 1/5 trong số các bệnh nhân ung thư chỉ tìm đến dịch vụ y tế sau 6 tháng kể từ thời điểm nhận biết dấu hiệu bệnh. Có những người bị nhiệt miệng hay viêm miệng thường tự mua thuốc để uống thay vì nghĩ đến những căn bệnh nặng hơn. Trên thực tế, bệnh nhân có thể đã mắc ung thư vòm họng. Đây là loại ung thư dễ phát hiện sớm nhưng thường được chẩn đoán muộn. Lý giải nguyên nhân của thực trạng trên, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, một phần người dân Việt Nam còn nhận thức mơ hồ về căn bệnh ung thư và tác hại của nó. Bên cạnh đó, việc thiếu thốn về điều kiện kinh tế, điều kiện khám chữa bệnh cũng là những hạn chế trong việc phát hiện và điều trị ung thư khiến tỷ lệ tử vong ngày càng tăng. Một số loại bệnh ung thư phổ biến tại Viêt Nam khiến tỷ lệ tử vong cao nhất hiện nay có thể kể đến như ung thư vú, ung thư dạ dày, ung thư phổi, ung thư vòm họng, ung thư gan… Thông tin về ung thư cho thấy, chỉ sau 1 năm, tỷ lệ tử vong của người dân Việt do mắc bệnh ung thư đã lên tới con số gần 250 người trong một ngày. Nếu con số này là đúng thực tế thì đời sống của người dân Việt đang bị đe dọa một cách nghiêm trọng.

Bác sĩ gốc Việt được Tổng thống Mỹ chọn làm cố vấn

Bác sĩ gốc Việt - Nguyễn Thanh Tùng được đích thân Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama bổ nhiệm vào Ủy ban Cố vấn cho Tổng thống chuyên trách về người Mỹ gốc Châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2011. Bác sĩ gốc Việt - Nguyễn Thanh Tùng cùng gia đình tị nạn sang Mỹ từ năm 1975 và hiện định cư tại San Jose, bang California. Thành tích học tập của anh đã tỏa sáng ngay từ thời trung học với tấm bằng tốt nghiệp ưu hạng và học bổng toàn phần trong thời gian học cử nhân khoa triết tại trường đại học Havard. Tốt nghiệp đại học Havard, Nguyễn Thanh Tùng tiếp tục theo học ngành y với ước mong phục vụ và chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng người Mỹ gốc Á. Sau khi tốt nghiệp bác sĩ từ trường đại học nổi tiếng Stanford School of Medicine, ông được mời về giảng dạy tại Đại học California - San Francisco từ năm 1997 tới nay, vừa dạy, vừa chăm sóc bệnh nhân, và miệt mài trong công tác nghiên cứu. Ông là Giám đốc Dự án Thăng tiến Sức khỏe cho cộng đồng người Việt tại Mỹ và đồng thời là thanh tra chính của Mạng lưới Đào tạo - Nghiên cứu - Nâng cao nhận thức về ưng thư thuộc đại học California-San Francisco (UCSF), chuyên tiến hành các cuộc nghiên cứu để phòng bệnh cho người Mỹ gốc Á Châu. Ngoài ra, ông cũng là giám đốc một dự án giúp thăng tiến sức khỏe trong cộng đồng Việt Nam, đồng thời là nhà nghiên cứu đứng đầu chương trình huấn luyện, nghiên cứu, tạo ý thức về bệnh ung thư cho cộng đồng Á châu ở UCSF. Bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng tham gia tích cực vào các chương trình phòng ngừa, giáo dục về bệnh ung thư, và cũng nhận được những giải thưởng liên quan. Các cuộc nghiên cứu của bác sĩ Tùnggiúp tăng cường tầm soát ung thư vú, ung thư cổ tử cung, và ung thư trực tràng, cũng như các căn bệnh do thuốc lá gây ra cho người gốc Á tại Mỹ. Những thành tích xuất sắc trong công tác nghiên cứu y khoa và những đóng góp không ngừng nghỉ trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng đã khiến tên tuổi anh được giới chuyên môn chú ý và đánh giá cao. Với những cống hiến của mình, năm 2002, ông được trao giải thưởng Kiềm chế Phát triển bệnh ung thư của tổ chức American Cancer Society (Hội ung thư Mỹ) vì thành tích xuất sắc về điều trị và nghiên cứu của ông. Ngày 7/10/2011, Nhà Trắng phát đi thông báo cho biết, đích thân Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama bổ nhiệm bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng vào Ủy ban Cố vấn cho Tổng thống chuyên trách về người Mỹ gốc Châu Á-Thái Bình Dương. Khi được hỏi về bí quyết của những thành công đáng nể này, bác sĩ Tùng nói: “Mình cứ cố gắng thôi chứ không có gì đặc biệt hết. Mình kiên nhẫn, cố gắng học hành, cứ cố gắng tiếp tục. Thắng cũng tiếp tục mà thua cũng tiếp tục tại vì mình đi di cư, mình còn mạng sống là đủ rồi. Cho nên, bất cứ việc gì mình cứ cố gắng làm, không mất gì cả, bởi mình đã mất hết tất cả rồi. Cứ mỗi lần tôi gặp cơ hội là tôi làm, nhiều khi được nhiều khi không, nhưng tôi không lo bị thua, và cũng may là gia đình tôi có chú ý về vấn đề giáo dục.” Để có được thành công, Bác sĩ Tùng cũng đã phải nếm trải không ít khó khăn. Ông kể lại: “Tôi đi làm từ hồi 15 tuổi, vừa đi học vừa đi làm suốt thời gian trung học và đại học. Tôi làm việc trong thư viện, đi bỏ sách, đi dọn dẹp nhà người ta. Tôi nghĩ muốn tiến thân thì lúc nào cũng phải có một chút lên, một chút xuống.” Dù theo đuổi ngành y, một trong những ngành nghề đòi hỏi nhiều thời gian nhất, nhưng bác sĩ Tùng vẫn hướng tới cộng đồng. Không những chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân, anh còn mong được phục vụ cho số đông người Mỹ gốc Việt nhiều hơn nữa, và anh đã đầu tư công sức và thời gian vào rất nhiều cuộc nghiên cứu giúp cải thiện sức khỏe cho người Việt tại Mỹ. Bác sĩ Tùng tâm sự: “Ra trường y khoa, quan trọng nhất đối với tôi là chú ý giúp đỡ cho cộng đồng bắt đầu bằng công việc bác sĩ để lo cho bệnh nhân. Sau đó, tôi nhận thấy làm bác sĩ không thôi chỉ có thể lo cho một số bệnh nhân, mà cộng đồng ngoài kia có rất nhiều người cần được giúp đỡ trong khi tài liệu về nghiên cứu y khoa cho cộng đồng người Việt ở Mỹ rất ít. Cho nên, tôi chú ý và bắt đầu làm nghiên cứu thêm.” Anh cũng mong được tham gia vào các cuộc nghiên cứu về sức khỏe của người Việt trong nước và các chương trình y tế ở Việt Nam khi điều kiện cho phép. Bác sĩ Tùng khuyên các bạn trẻ: “Không bao giờ nói tôi không muốn làm việc này, hay tôi không làm được việc kia, hoặc tôi không thích làm việc nọ. Cơ hội nhiều khi mở ra cho mình những cánh cửa không biết trước được. Trong đời mình cần cơ hội mà nhiều khi cơ hội tới mà mình không biết, mình đóng cửa lại. Cơ hội nhiều khi có, nhiều khi không, nhưng vấn đề quan trọng là mình cứ tiếp tục làm những việc mình muốn làm.” Vị bác sĩ trẻ người Việt trong Ban Cố vấn cho Tổng thống Mỹ cho rằng sự thành đạt của anh hôm nay 30% nhờ vào cơ hội và 70% là do tự lực phấn đấu cùng với ý chí kiên trì vượt khó vươn lên. Bác sĩ gốc Việt Nguyễn Thanh Tùng hiện đang giữ chức Giám đốc Dự án nâng cao sức khỏe cộng đồng người Việt tại đại học UC San Francisco

Pháp luật Tp. Hồ Chí Minh

Đồng Nai: Triển khai phòng, chống dịch Ebola

Ngày 21-8, tin từ Văn phòng UBND tỉnh Đồng Nai cho biết UBND tỉnh này vừa có công văn giao Sở Y tế tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Ebola trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan thực hiện công tác kiểm soát dịch bệnh, không để dịch xâm nhập vào địa bàn, lưu ý những người từ các quốc gia có dịch bệnh trở về, thực hiện tốt việc giám sát tại các cơ sở y tế, tại cộng đồng. Đồng thời, ngành y tế chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, phòng cách ly, trang thiết bị, thuốc, hóa chất trong dự phòng và điều trị Ebola. Đặc biệt lưu ý túi phòng hộ cá nhân như khẩu trang, quần áo phòng hộ chống dịch cho nhân viên y tế, người tiếp xúc gần, người nhà bệnh nhân, phương tiện vận chuyển riêng biệt, hóa chất khử khuẩn. Tổ chức việc điều trị bệnh nhân tại các cơ sở y tế có đủ điều kiện đảm bảo tránh lây lan, hạn chế tối đa tử vong; có kế hoạch bố trí giường bệnh, cơ sở y tế điều trị khi có số lượng lớn bệnh nhân.

 

Ngày 26/08/2014
Ban Biên tập Website
(Điểm tin từ các Báo)
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích