Home TRANG CHỦ Thứ 4, ngày 24/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 5 0 6 5 2 6
Số người đang truy cập
5 3
 Tin tức - Sự kiện Điểm tin y tế
Ảnh sưu tầm
Điểm báo về các thông tin liên quan đến y tế ngày 24/6 và 25/6 năm 2014

Đã có 146 trẻ em tử vong do dịch sởi; Cần Thơ: ít người dùng muối iốt; Tiếp tục tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra phòng, chống dịch, bệnh;Đa dạng hóa mô hình đào tạo nhân lực y tế; 28 người bị ngộ độc do ăn bọ xít tại Lai Châu đã được xuất viện; Thêm hơn 2.000 ca bệnh tay chân miệng…

Tuổi trẻ

Đã có 146 trẻ em tử vong do dịch sởi

Tại cuộc họp trực tuyến về phòng chống dịch được Bộ Y tế tổ chức ngày 23-6, với sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Y tế và 3 thứ trưởng bộ này, Cục YTDP thông báo trung bình mỗi ngày vẫn có 9 ca sốt phát ban nghi sởi nhập viện. Tuần vừa qua cả nước có 141 bệnh nhân sởi mới, một trẻ em trong số này đã tử vong. Tính chung sáu tháng đầu năm cả nước đã có tới 146 ca tử vong do dịch sởi, tương đương số tử vong trong vụ dịch tay chân miệng lớn nhất từ trước đến nay (năm 2011) với 166 trẻ em tử vong! Theo Cục trưởng Cục YTDP năm nay dịch sởi gia tăng trên phạm vi toàn cầu, đã có 171/194 quốc gia ghi nhận có bệnh nhân sởi. Tại VN, sau cao điểm dịch từ tháng 2-5, hiện số mắc mới đã giảm và không còn ổ dịch tập trung, tuy nhiên rải rác vẫn còn các ca mắc sởi và sốt phát ban nghi sởi mới. Tại cuộc họp, Bộ trưởng đã yêu cầu sớm có danh sách các địa phương có tỉ lệ tiêm chủng thấp, chưa bố trí ngân sách cho YTDP theo đúng quy định, chậm trễ trong xây dựng kế hoạch phòng chống dịch... Thời điểm hiện nay, dịch tay chân miệng vẫn tiếp tục gia tăng. Số mắc mới bệnh tay chân miệng trong tuần qua khoảng 2.000 ca, tăng trên 9% so với tuần trước và có tới 24 địa phương có số mắc bệnh tay chân miệng mới tăng. So với cùng kỳ năm 2013, số mắc bệnh tay chân miệng trong sáu tháng đầu năm 2014 giảm khoảng 20% trên phạm vi cả nước, nhưng gia tăng cục bộ ở nhiều địa phương phía Nam.

Cần Thơ: ít người dùng muối iốt

Theo điều tra của Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ, gần đây tỉ lệ hộ dân sử dụng muối iốt trong chế biến thức ăn để phòng bệnh thiếu hụt iốt có chiều hướng giảm theo từng năm. Điều tra tháng 6-2014 cho thấy tỉ lệ hộ dân có sử dụng muối iốt tại Cần Thơ chỉ khoảng 42%, trong đó muối iốt đạt tiêu chuẩn phòng bệnh chỉ đạt trên 39%. Mức iốt niệu trung vị cũng đạt thấp 65 mcg/L (chỉ số trung gian đánh giá nồng độ iốt trong máu). Nguyên nhân có thể do các chiến dịch tuyên truyền không còn rầm rộ như trước nên người dân lơ là trong việc sử dụng. Việc bổ sung vi chất này không đủ nên tỉ lệ người mắc các bệnh liên quan đến thiếu hụt iốt cũng có chiều hướng gia tăng. Bác sĩ Dương Phước Long - trưởng khoa sốt rét, nội tiết thuộc Trung tâm Y tế dự phòng Cần Thơ - cho biết ở trẻ sơ sinh, thiếu iốt gây bướu cổ sơ sinh, thiểu năng tuyến giáp. Ở trẻ em và thiếu niên, thiếu iốt gây bướu cổ, thiểu năng tuyến giáp, cơ thể chậm phát triển. Còn ở người lớn, thiếu iốt gây bướu cổ và các biến chứng, thiểu năng tuyến giáp, giảm sức lao động...

Nhân dân

Tiếp tục tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra phòng, chống dịch, bệnh

Ngày 23-6, tại buổi giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống dịch, bệnh, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 31 nghìn trường hợp mắc bệnh tay-chân-miệng (TCM), trong đó có hai trường hợp chết. Cả nước ghi nhận 11.148 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết tại 42 tỉnh, thành phố, trong đó có bảy trường hợp chết (chủ yếu tập trung tại các tỉnh, thành phố khu vực phía nam); 319 trường hợp mắc bệnh viêm não vi-rút, có bốn trường hợp chết... Tính đến thời điểm này, ở Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tính tại vùng Trung Đông (MERS-Cov). Tuy nhiên, nguy cơ bệnh xâm nhập vào nước ta qua khách du lịch và khách nhập cảnh đến từ khu vực Trung Đông là rất lớn. Phát biểu ý kiến tại buổi giao ban, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Thời gian tới, ngành y tế tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan hoàn chỉnh sửa đổi Hướng dẫn giám sát và phòng, chống sốt xuất huyết và bệnh liên cầu lợn ở người; tiếp tục tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch, bệnh tại các tỉnh, thành phố trọng điểm...

Đa dạng hóa mô hình đào tạo nhân lực y tế

Ngày 24-6, Bộ Y tế và WHO hợp tổ chức cuộc họp nhóm đối tác y tế tập trung thảo luận việc đa dạng hóa mô hình đào tạo nhân lực. Những năm gần đây, số lượng cán bộ y tế nước ta tăng lên đáng kể, nhưng vẫn còn thiếu so với nhu cầu, nhất là trong các lĩnh vực y tế dự phòng, y tế cơ sở và tại vùng sâu, vùng xa. Chất lượng nhân lực y tế cũng chưa đồng đều ở các tuyến và vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức... Các chuyên gia trong nước và quốc tế đều nhấn mạnh, nhân lực y tế là một vấn đề quan trọng của Việt Nam, để cải thiện chất lượng và tiếp cận dịch vụ y tế cần đổi mới, nâng cao công tác đào tạo cán bộ y tế. Bên cạnh việc tăng số lượng, mở rộng đào tạo bác sĩ đa khoa, đào tạo y học gia đình, tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo bác sĩ, hộ sinh...

28 người bị ngộ độc do ăn bọ xít tại Lai Châu đã được xuất viện

Ngày 24-6, Cục ATTP (Bộ Y tế) cho biết: Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lai Châu có văn bản báo cáo kết quả điều tra xác minh vụ ngộ độc thực phẩm nghi do ăn côn trùng là bọ xít tại bản Mùi 2, xã Khoen o­n, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu. Theo báo cáo, vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại sáu hộ tại bản Mùi 2, có 38 người ăn, 29 người mắc, trong đó có một trường hợp tử vong. Thức ăn nguyên nhân nghi do ăn côn trùng dạng bọ xít. Tính đến ngày 24-6-2014, toàn bộ 28 người phải nhập viện điều trị (bốn người điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu và 24 người điều trị tại Trung tâm Y tế dự phòng huyện Than Uyên) đã được xuất viện…

Nông thôn Ngày nay

Thêm hơn 2.000 ca bệnh tay chân miệng

Ngày 23.6, tin từ Cục YTDP Bộ Y tế tuần qua cả nước ghi nhận hơn 2.000 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, không có tử vong (số mắc tăng 9,4% so với tuần trước). Trong đó, 71% số ca ở khu vực phía Nam. Tính từ đầu năm 2014, cả nước có hơn 31.000 ca bệnh tay chân miệng, 2 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2013, số mắc giảm 7,6%, số tử vong giảm 9 trường hợp. Ngoài ra số ca mắc sốt xuất huyết cũng giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2013. Tính đến nay, đã có 11.148 ca mắc sốt xuất huyết, có 2 ca tử vong (giảm 45% ca mắc và giảm 6 ca tử vong).

An ninh Thủ đô

Cảnh giác virus Corona viêm hô hấp cấp

Dịch bệnh MERS-Cov trên thế giới đang diễn biến phức tạp và nguy cơ xâm nhập vào nước ta là rất lớn.  Do vậy, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu toàn ngành phải tập trung triển khai các biện pháp kiểm tra, hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh tại các tỉnh trọng điểm. 

Mất cân bằng giới tính ở Hà Nội: Đang ở mức bất thường

Năm 2013, tỷ số giới tính khi sinh đã ở mức báo động là 114 trẻ trai/ 100 trẻ gái. 6 tháng đầu năm nay, dù quyết liệt triển khai hàng loạt biện pháp can thiệp song mức độ mất cân bằng giới tính khi sinh không giảm mà tiếp tục tăng cao bất thường lên đến 116 trẻ trai/100 trẻ gái.

Bỏ hàng tỷ đồng để… có con trai

Trả lời báo chí ngày 20-6, ông Nguyễn Đình Lân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) Hà Nội cho biết, trong nửa đầu năm nay, tỷ số giới tính khi sinh (tổng số trẻ trai được sinh ra trên 100 trẻ nữ) của Thủ đô tăng lên 1,5 điểm phần trăm so với năm 2013. Đặc biệt ở một số quận, huyện, tỷ số giới tính khi sinh tăng đến mức rất đáng báo động, thậm chí có thể lọt vào tốp những địa phương có tỷ số giới tính khi sinh cao nhất cả nước. Chẳng hạn như tỷ số giới tính khi sinh của huyện Đan Phượng lên đến 139/100, Phúc Thọ (134/100), Sóc Sơn (133/100), Mỹ Đức (129/100)…Đáng chú ý, sự mất cân bằng giới tính không chỉ xảy ra với mức độ trầm trọng tại các huyện ngoại thành mà còn gia tăng cả ở khu vực nội thành, nhất là ở các gia đình có điều kiện về kinh tế ngày càng phổ biến tâm lý muốn sinh con trai để nối dõi và sinh đông con để dự phòng. Thậm chí có không ít người thành đạt sẵn sàng bỏ ra số tiền lên đến hàng tỷ đồng cũng như chấp nhận áp dụng mọi biện pháp để cố kiếm được một cậu quý tử.  Câu chuyện về hành trình sinh quý tử của một cặp vợ chồng là đại gia bất động sản ở quận Đống Đa khiến không ít người biết chuyện phải giật mình. Do đã có 4 con gái nên đến lần sinh thứ 5 cặp vợ chồng này quyết phải sinh được con trai bằng mọi giá. 2 vợ chồng mời thầy cúng về nhà làm lễ đồng thời kết hợp các biện pháp đông tây y khác. Ngay sau khi vợ mang thai, ông chồng lặn lội tìm đến một thầy lang ở Hải Dương cắt những thang thuốc “có thể chuyển đổi giới tính thai nhi” về cho vợ uống. Nhưng sau 8 tuần đi siêu âm, rốt cuộc vẫn con gái. Quá đỗi thất vọng, sau khi phá bỏ thai một thời gian, vào giữa năm ngoái, 2 vợ chồng này quyết định “đầu tư” đậm hơn cho chuyến sang Thái Lan để sàng lọc tinh trùng. Cuối cùng, sau khi chi ra cả tỷ đồng cho gần 10 tháng chăm sóc y tế trực tiếp tại Thái Lan, cặp vợ chồng này cũng sinh được con trai.

Tâm lý còn quá nặng nề

Ông Nguyễn Đình Lân cho biết, sự gia tăng tỷ số giới tính khi sinh ở Hà Nội trong nửa đầu năm nay là điều khá bất thường bởi năm nay không hẳn là một “năm đẹp” giống một số năm trước. Tuy vậy, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này vẫn là do tâm lý muốn sinh nhiều con, thích con trai ở đa số cặp vợ chồng còn quá nặng nề. Cùng với đó, các dịch vụ lựa chọn giới tính khi sinh ở nước ta cũng khá phổ biến và đa dạng, tạo ra một thách thức rất lớn cho công tác kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh. “Tôi đi kiểm tra tại một xã ở ngoại thành Hà Nội, cả xã có 25 cặp vợ chồng sinh con thứ 3 thì trong đó có tới 21 cặp sinh con trai. Điều này chứng tỏ họ quyết tâm sinh thêm để có con trai và đã lựa chọn giới tính trước khi sinh”. Sự gia tăng tỷ số giới tính khi sinh còn có nguyên nhân do chế tài xử phạt các hình thức lựa chọn giới tính trước sinh chưa đủ sức răn đe, lãnh đạo chính quyền các địa phương chưa vào cuộc quyết liệt. 

Nhiều bệnh nhân nguy kịch do côn trùng đốt

Thời gian gần đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân điều trị do bị các loại côn trùng, bọ xít hút máu tấn công, không ít trường hợp rất nguy kịch. Theo các bác sĩ, vào mùa hè, số người bị côn trùng cắn nhập viện thường gia tăng.

Viêm phổi vì ấu trùng mò

Trong số các ca côn trùng đốt người, phải vào BV Bệnh Nhiệt đới TƯ điều trị từ đầu hè đến nay thì nguyên nhân do ấu trùng mò đốt phổ biến nhất và cũng gây hậu quả nghiêm trọng nhất. Điển hình như trường hợp của một bệnh nhân nữ, 60 tuổi (ở Can Lộc, Hà Tĩnh) hiện vẫn đang nằm điều trị tại viện trong tình trạng nguy kịch. Trước khi nhập viện 2 tuần, bệnh nhân nói trên bị sốt liên tục, đã điều trị tại một số bệnh viện nhưng không đỡ. Đến ngày thứ 10 kể từ khi bị sốt, bệnh nhân đi khám tại một phòng khám tư  thì phát hiện một vết đốt nhỏ ở vùng bụng và được xác định tình trạng sốt kéo dài, viêm phổi là do ấu trùng mò đốt. Bệnh nhân sau đó được điều trị bằng thuốc đặc hiệu nhưng do tình trạng bệnh đã nặng nên được chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Lúc này, chiếu chụp X-quang cho thấy phổi của bệnh nhân đã trắng xóa. Trước đó không lâu, một bệnh nhân khác là bà Phạm Thị N., (52 tuổi, ở Mỹ Đức, Hà Nội) cũng vào cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng sốt kéo dài, vàng da toàn thân, có tổn thương gan. Bệnh nhân này được chẩn đoán mắc bệnh truyền nhiễm cấp tính do rickettsia, nguyên nhân do ấu trùng mò (thuộc họ ve) đốt. Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp - BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các bệnh do côn trùng, ấu trùng mò đốt xảy ra khá phổ biến trong mùa hè, thường gặp nhất tại các vùng cao hay các vùng quê có nhiều bụi rậm, bởi đây là môi trường sinh sống của các loài này. Riêng tại BV Bệnh Nhiệt đới TƯ từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận khoảng trên 20 ca bệnh do nguyên nhân này.

Không thể chủ quan

Bệnh do bị côn trùng đốt thường có đặc điểm lâm sàng là sốt kéo dài 2-3 tuần, trong khi các vết đốt thường nhỏ và khó phát hiện nên phần lớn bệnh nhân không được chẩn đoán đúng ngay từ đầu, dễ bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn với bệnh lý khác. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho biết, đa số bệnh nhân đến viện sau khi đã bị sốt dai dẳng cả chục ngày, điều trị tại nhà hoặc qua một số bệnh viện nhưng không khỏi. Mặt khác, ngay cả khi phát hiện có vết đốt của côn trùng thì đa số bệnh nhân cũng có tâm lý chủ quan vì cho rằng côn trùng đốt không quá nguy hiểm và chỉ khi bệnh tiến triển nặng mới đi khám. Cũng vì thế, không ít trường hợp bị côn trùng đốt khi vào viện đã bị các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng, thậm chí tử vong. Cũng theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, trên thực tế hầu hết mọi người khi bị côn trùng cắn hoặc đốt chỉ gặp phản ứng nhẹ như đau, ngứa, tấy đỏ, sưng tại chỗ… và đa số tự khỏi trong vòng một vài ngày. Tuy nhiên, một số người nhạy cảm với nọc độc của côn trùng thì có thể bị dị ứng, dẫn đến phù nề, phát ban toàn thân. Tại chỗ vết cắn nếu không vệ sinh sạch sẽ có thể gây nhiễm trùng. Những trường hợp này nếu không được điều trị đúng cách, kịp thời dễ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, mọi người khi phát hiện côn trùng đốt cần phải vệ sinh sạch sẽ vết đốt, theo dõi sức khỏe và kịp thời đến các cơ sở y tế điều trị nếu thấy bệnh có dấu hiệu tiến triển nặng.

Hà Nội mới

Tỷ số giới tính khi sinh ở Hà Nội hiện là 116 trẻ trai/100 trẻ gái

Phó Chi cục trưởng Chi cục DSKHHGĐ Hà Nội cho biết, trong nửa đầu năm 2014, tỷ số giới tính khi sinh tại Thủ đô tiếp tục tăng so với năm 2013. Cụ thể, năm 2013, tỷ số giới tính khi sinh tại Hà Nội là 114 trẻ trai/100 trẻ gái (đã ở mức báo động); 6 tháng đầu năm nay, thông số trên đã là 116 trẻ trai/100 trẻ gái. Thời gian qua, Hà Nội đã quyết liệt triển khai hàng loạt biện pháp can thiệp song mức độ mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn tiếp tục tăng cao. Điều đáng chú ý là ở một số huyện, tỷ số giới tính khi sinh tăng nhanh, có thể lọt vào tốp địa phương có tỷ số giới tính khi sinh cao nhất cả nước. Chẳng hạn như ở huyện Đan Phượng, tỷ số giới tính khi sinh hiện đã lên đến 139 trẻ trai/100 trẻ gái; ở Phúc Thọ là 134/100, Sóc Sơn - 133/100, Hoài Đức - 133/100, Mỹ Đức - 129/100, Phú Xuyên - 128/100… Trong điều kiện của Việt Nam, chỉ số giới tính khi sinh được coi là bình thường khi dao động trong khoảng 103-107 trẻ trai/100 trẻ gái.

Tiền phong

Số mắc bệnh truyền nhiễm giảm

Ngày 23/6, tại cuộc họp giao ban trực tuyến về dịch bệnh mùa hè, TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện các dịch bệnh truyền nhiễm đều có số ca mắc giảm so với cùng kỳ năm ngoái và không ghi nhận ổ dịch tập trung. Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 11.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 42 tỉnh, thành phố; trong đó có 7 trường hợp tử vong tại TPHCM, Bình Dương, Cà Mau, Bình Phước và Phú Yên. Cả nước cũng ghi nhận 31.000 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; 2 trường hợp tử vong tại Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu. Về bệnh viêm não virus đầu năm đến nay, ghi nhận 319 bệnh nhân, trong đó 4 trường hợp tử vong và tỷ lệ viêm não Nhật Bản chiếm khoảng 9% số ca bệnh viêm não.

Đại đoàn kết

Nguy cơ bùng phát và kháng thuốc điều trị bệnh sốt rét

Sốt rét là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do muỗi truyền ký sinh trùng từ người bệnh sang sang người lành. 6 tháng năm nay, 2014, nước ta ghi nhận 12 nghìn trường hợp sốt rét, trong đó 1 trường hợp tử vong là lái xe đi công tác từ Lào về phát hiện bệnh muộn. Từ năm 2007 xuất hiện hiện tượng kháng thuốc chống sốt rét. Theo TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TƯ, đến năm 2013, kết hợp với Tổ chức Y tế thế giới, Viện này xác định có bốn tỉnh xuất hiện dấu hiệu điều trị sốt rét kéo dài ngày như Bình Phước, Đăk Nông, Gia Lai và Quảng Nam. Theo phác đồ điều trị thông thường trong vòng 3 ngày người bệnh có thể sạch ký sinh trùng, nếu bị kháng thuốc Atimisinin, sydinin phải kéo dài đến ngày thứ 4, thứ 5, thứ 6 thậm chí sau 7 ngày người bệnh mới có thể khỏi bệnh. Để làm tốt phòng chống căn bệnh này, nhất là tại các tình có sốt rét kháng thuốc, bệnh nhân cần được phát hiện bệnh sớm.

Vaccine phòng sốt xuất huyết có thể xuất hiện vào năm 2015

Vaccine phòng sốt xuất huyết đầu tiên trên thế giới nhiều khả năng sẽ được giới thiệu vào năm tới và Singapore có thể là một trong những quốc gia đầu tiên đưa vào sử dụng đại trà loại vaccine này. Theo truyền thông Singapore, hiện vaccine phòng sốt xuất huyết đang được thử nghiệm lâm sàng ở giai đoạn cuối. Trước đó, loại vaccine này đã được các nhà khoa học thử nghiệm tại những khu vực có nguy cơ nhiễm bệnh cao như Indonesia, Thái Lan và Mỹ Latinh. Những người được thử nghiệm có biên độ tuổi dao động rất rộng, từ những em bé 2 tuổi đến những người 45 tuổi. Các nhà khoa học cho biết cần tiếp tục tiến hành thêm các thử nghiệm để xác định liệu vaccine này có phù hợp với mọi độ tuổi hay không. Theo các nhà khoa học, vaccine mới sẽ được tiêm 3 lần với khoảng cách giữa mỗi lần tiêm là 6 tháng. Vaccine sẽ giúp cơ thể chống chọi với 4 loại virus sốt xuất huyết với tỷ lệ thành công 56%.

“Đẻ hộ” - không cấm mà quản

Cuối cùng thì việc mang thai hộ chính thức được cho phép với việc Quốc hội vừa thông qua Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) trong đó có quy định hoàn toàn mới này. Thay vì không quản được thì cấm, ở đây là không cấm nữa mà "quản”. Từ việc nghiêm cấm hoàn toàn đến cho phép mang thai hộ trên cơ sở tự nguyện của các bên, sự kiện này là niềm vui lớn của những đôi lứa vô sinh, ngăn chặn được nạn đẻ thuê lén lút và nạn buôn bán trẻ sơ sinh bất hợp pháp vì lợi ích thương mại. Nhưng điều gì để phân biệt mang thai hộ, đẻ hộ không phải là cho phép mang thai thuê, đẻ thuê? Cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo cần lưu ý điều gì để tránh việc lợi dụng chính sách hòng trục lợi? Bộ Y tế đang xây dựng Dự thảo Nghị định quy định về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và mang thai hộ, nhấn mạnh quy định mỗi người chỉ được phép mang thai hộ 1 lần. Quy định vậy sẽ không có người kiếm tiền hành nghề bằng mang thai hộ được. Vấn đề thương mại hóa sẽ được ngăn chặn. "Tôi cho rằng cách làm này rất thực tiễn và ta có khả năng làm tốt. Người mang thai hộ sẽ được thống kê trên hệ thống máy tính có kết nối dữ liệu. Khi họ đã đăng ký làm tại trung tâm này mà sang trung tâm khác đăng ký thì chắc chắn sẽ không được làm nữa vì đã có trong danh sách đăng ký làm trước đó rồi” - ông Tiến nói. Hàng năm nước ta có khoảng 500-700 người có nhu cầu nhờ mang thai hộ - theo Bộ Y tế. Quy trình mang thai, chăm sóc và giao nhận con sẽ đưa vào Nghị định hướng dẫn cụ thể. Quan trọng là đưa ra những quy định giúp những người có nhu cầu thực sự dễ dàng được tiếp cận những kỹ thuật tốt nhất. Trước mắt, Bộ sẽ chọn một vài trung tâm hỗ trợ sinh sản lớn trên cả nước có độ tin cậy về mặt pháp lý và chuyên môn cao để triển khai thực hiện. Điều cốt lõi Bộ cần tham mưu chặt chẽ chính là tránh tuyệt đối việc kinh doanh thương mại hóa về vấn đề mang thai hộ. Đây không phải là vấn đề mới mẻ ở Việt Nam, lâu nay những "giao dịch” ngầm vẫn tồn tại, việc đẻ thuê mang thai hộ vẫn âm thầm diễn ra trong đời sống thực tế. Song một quy định hoàn toàn mới trong Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi cho phép mang thai hộ tất yếu đặt ra hàng loạt vấn đề cần giải quyết thỏa đáng không chỉ về kỹ thuật, luật pháp, mà còn về đạo đức, mỹ tục. Quy trình mang thai, chăm sóc và giao nhận con sẽ chỉ thuận buồm xuôi gió khi mọi việc ổn thỏa, mẹ tròn con vuông. Người mang thai hộ và đứa trẻ, người nhờ mang thai hộ đều ổn định khỏe mạnh. Còn như một trong ba đối tượng trên trục trặc? Chẳng hạn trường hợp thai nhi có nguy cơ dị tật hoặc người mang thai ốm đau khi mang thai hộ, ai là người được quyết định bỏ thai? Ai quyết định đẻ thường hay đẻ mổ? Khi mang thai vì mục đích nhân đạo thì những vấn đề đảm bảo quyền lợi đứa trẻ cũng phải mang đầy đủ tính chất nhân đạo này để đứa trẻ sẽ không bị thiệt thòi về quyền lợi. Nếu khi trẻ sinh ra nếu bị khuyết tật, người nhờ mang thai phải có nghĩa vụ chăm sóc nuôi dưỡng tới cùng, không thể bỏ rơi trẻ dưới mọi hình thức.Cuộc sống khó học hết chữ ngờ. Sẽ còn nhiều khả năng có thể xảy ra trong khoảng thời gian hơn 9 tháng trẻ trong bụng "mẹ” mang thai hộ. Trường hợp vợ chồng nhờ mang thai hộ ly dị trong lúc nhờ mang thai, quyền nuôi con và chia sẻ trách nhiệm nuôi dưỡng chăm sóc đứa trẻ từ khi chào đời cũng phải quy định rõ. Nếu chưa thấy mặt con mà vợ chồng nhờ mang thai qua đời, người mang thai hộ có quyền nuôi đứa trẻ hoặc cho con, hay những người thân trong gia đình người nhờ mang thai hộ có quyền với đứa trẻ? Chẳng hạn gia đình họ muốn giữ đứa trẻ để nuôi dưỡng thì sao, khi đứa trẻ được hình thành từ trứng của người vợ, tinh trùng của người chồng thì đó vẫn là "máu mủ” của gia đình họ? Mặt khác mối quan hệ cha mẹ - con ở đây còn liên quan đến vấn đề nhân thân, về quyền thừa kế và các quyền dân sự khác. Đã có đại biểu QH đặt ra tình huống thực tế có thể gặp phải là mẹ vợ mang thai hộ con rể. Lúc đó đứa trẻ gọi người mang thai hộ là gì? "Xét về y học có vẻ không có vấn đề nhưng về luân lý thì phải xem xét”. Đây là những lý do khiến Quốc hội cân nhắc khi thông qua Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi), trong đó có quy định được mang thai hộ nhưng vấn đề này vẫn khiến nhiều người dân lo ngại, bởi mang thai hộ là vấn đề nhạy cảm... Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2015. Soạn thảo Nghị định trước khi đưa Luật vào cuộc sống vì thế nên tính toán kỹ nguồn cơn, để trẻ sinh ra không bị "khó sống” trong mối quan hệ máu mủ phức tạp. Xưa nay phong tục tập quán người Việt vẫn coi người mang thai, đẻ ra trẻ là mẹ ruột. Xây dựng chính sách gắn liền với thực tiễn cuộc sống cần tính tới yếu tố thuần phong mỹ tục này, hài hòa được tình mẫu tử thiêng liêng thời cho phép mang thai hộ.

Thanh niên

Cứu cụ bà 83 tuổi bị chấn thương sọ não nguy kịch

Chiều 23.6, Trưởng khoa Ngoại thần kinh BVĐK Xuyên Á (huyện Củ Chi, TP.HCM), cho biết rạng sáng cùng ngày, các bác sĩ của khoa đã phẫu thuật cứu sống một bệnh nhân cao tuổi bị chấn thương sọ não rất nặng. Bệnh nhân là bà B.T.T. (83 tuổi, ngụ xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM). Bà T. đang đi lại trong nhà thì bị vấp té, đầu đập vào tường, sùi bọt mép, rồi hôn mê. Người nhà đưa bà T. đến bệnh viện trong tình trạng hôn mê sâu, không đáp ứng với kích thích đau từ bác sĩ; đồng tử mắt bên phải dãn to…Qua chụp CT Scanner 160 lát cắt, các bác sĩ phát hiện một lượng lớn máu xuất ra tụ dưới màng cứng sọ não, chèn ép gây thoát vị não. Bác sĩ cho mổ khẩn. Cuộc mổ gần 3 giờ, khi mở sọ ra thấy lớp máu tụ dày hơn 2 cm, đặc sệt chiếm đầy hố bán cầu não bên phải. Bác sĩ lấy hết máu tụ, cầm máu, truyền 0,7 lít máu cho bệnh nhân. Đến chiều nay, các dấu hiệu cho thấy bà T. dần hồi phục, mạch, huyết áp ổn định. Theo các bác sĩ, cái khó của ca này là ngoài chấn thương sọ não nặng, người bệnh lại quá lớn tuổi.

Tăng đề kháng cho trẻ để phòng dịch bệnh

Dịch sởi vừa tạm thời lắng xuống thì dịch tay - chân - miệng, sốt xuất huyết, thủy đậu... lại bùng phát, có thể dẫn tới nguy cơ dịch chồng dịch, để phòng bệnh dịch hiệu quả cho trẻ nhỏ, việc cần làm trước tiên của các bậc cha mẹ là tăng đề kháng cho con.

Dịch chồng dịch!

Theo thống kê của Cục YTDP từ đầu năm 2014 đến tháng 5.2014, cả nước ghi nhận 17.410 ca mắc và 2 trường hợp tử vong do tay - chân - miệng (TCM); 16.380 trường hợp mắc bệnh thủy đậu trong đó 90% trường hợp là trẻ em có độ tuổi từ 2-7; hơn 9.000 trường hợp mắc và 5 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết; hơn 4.000 trường hợp mắc sởi, trong đó có 134 trường hợp tử vong, tuy nhiên đến nay dịch sởi đã có dấu hiệu lắng xuống. Các chuyên gia y tế nhận định sau dịch sởi rất có thể dịch TCM, thủy đậu, viêm não Nhật bản và sốt xuất huyết sẽ tiếp tục bùng phát. Dự báo đỉnh dịch sốt xuất huyết sẽ từ tháng 6 đến tháng 10 sẽ là “mùa” của bệnh viêm não Nhật Bản ở phía bắc và dịch TCM sẽ quay trở lại vào khoảng tháng 9 đến tháng 12. Nguy hiểm hơn, các loại dịch bệnh nêu trên lại đang có xu hướng xảy trong cùng một thời điểm nên với những trẻ có sức đề kháng kém hoặc trẻ không được chăm sóc đúng cách và đủ chất dinh dưỡng sẽ có nguy cơ cùng lúc bị lây nhiễm chéo hoặc mắc hết bệnh này đến bệnh kia.

Tăng sức đề kháng cho trẻ để phòng dịch bệnh

Hệ miễn dịch hay sức đề kháng là rào chắn bảo vệ cơ thể, chống lại các tác nhân gây bệnh, đặc biệt quan trọng với trẻ nhỏ. Do đó, để đối phó với dịch bệnh hiệu quả, Bộ Y tế khuyến cáo, ngoài việc tiêm phòng đầy đủ các dịch bệnh nguy hiểm như: uốn ván, lao, viêm não nhật bản, sởi… theo chương trình tiêm chủng quốc gia, các bậc phụ huynh cần giữ gìn vệ sinh cho con bằng cách thực hiện “3 sạch” -  ăn uống sạch, ở sạch, đồ chơi sạch…Bên cạnh đó, phụ huynh cần hạn chế để trẻ tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh; diệt muỗi và tránh để trẻ bị muỗi đốt; nên cho trẻ ngủ đúng và đủ giờ; nên cho trẻ ăn nhiều thực phẩm giàu sinh tố như cam, xoài, lê, đu đủ, cà rốt, bí đỏ, súp lơ, cà chua, các loại đậu… Kết hợp với thịt, cá, trứng… sẽ bổ sung thêm các vitamin A, E, B9, B6, B12, Kẽm, Selen… giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Các chuyên gia y tế cũng cho rằng ngoài các biện pháp trên, biện pháp hữu hiệu, an toàn và kinh tế hơn cả để hạn chế việc trẻ ốm, đặc biệt là đối với trẻ trong vùng có dich phải nhập viện thì các bậc cha mẹ nên chủ động bổ sung các vi chất  cần thiết nhằm tăng cường sức đề kháng, phòng ngừa bệnh tật cho trẻ. Hiện nay, việc bổ sung các vi chất tăng cường miễn dịch cho trẻ thông qua các loại Siro tăng đề kháng được chiết xuất từ Hoa Cúc tím Echinacea, β glucan (chiết xuất từ thành tế bào nấm men), Kẽm, Lysine, Chanh đào, Selen, Vitamin nhóm B và Mật o­ng… đang được nhiều chuyên gia dinh dưỡng đặc biệt khuyên dùng. Đây được đánh giá là giải pháp hữu hiệu để phòng và hỗ trợ điều trị bệnh cho trẻ, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến ngày càng phức tạp như hiện nay.

Máu nhân tạo

Thống kê từ WHO hằng năm có khoảng 107 triệu lượt hiến máu nhân đạo trên toàn cầu. Tuy nhiên, rất nhiều vùng sâu, vùng xa cần đến máu lại không thể tiếp cận với nguồn máu nhân đạo này vì nhiều lý do. Chẳng hạn như trở ngại vì vận chuyển, tiếp tế, khác nhóm máu, chế độ bảo quản. Vì vậy các nhà nghiên cứu tại đại học Essex đang thử nghiệm loại máu nhân tạo không kén chọn người tiếp nhận, tránh được nguy cơ nhiễm khuẩn... Các chất có tính năng như máu - được phát triển qua dự án Haem02 tại đại học Essex (Anh) - có thể lưu trữ ở nhiệt độ phòng thông thường mà thời hạn sử dụng đến 2 năm. Điều này giúp cung ứng máu rộng khắp trên thế giới mà không cần phải làm lạnh như thông thường và tránh nguy cơ rối loạn khi truyền máu có thể dẫn đến tử vong. Tạp chí Gizmag dẫn lời Giáo sư Cooper chuyên về sinh hóa và huyết học cho biết hạn sử dụng dài và điều kiện bảo quản không quá khắt khe sẽ giúp máu nhân tạo dễ dàng được vận chuyển đến những nơi xảy ra thảm họa mà điều kiện giao thông rất khó khăn. Chúng có thể lưu trữ thường trực trên các xe cấp cứu. Hiệu quả của máu nhân tạo là sự giả lập mô hình truyền tải ôxy và hoạt chất như hồng cầu của máu người. Qua tài liệu nghiên cứu từ 25 năm của các công trình khác, các nhà khoa học tại đại học Essex đã biết được cách khắc phục các nhược điểm cố hữu của cách truyền máu lâu nay, đặc biệt là cơ thể không chịu tiếp nhận nhóm máu khác. Gizmag cho biết nhóm nghiên cứu đã nhận được tài trợ trị giá 2,5 triệu USD từ Hội đồng nghiên cứu khoa học về sinh học và y tế. Các mục tiêu quan trọng của việc nghiên cứu đã gần hoàn thành. Hy vọng trong tương lai không xa, máu nhân tạo thế hệ mới sẽ được cấp bằng sáng chế tại Mỹ, Úc và EU.

Phụ nữ

Khám, tầm soát miễn phí bệnh tim mạch

Đầu tháng Bảy tới, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM phối hợp với Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP và BV Hoàn Mỹ Sài Gòn thực hiện chương trình khám, tầm soát miễn phí bệnh tim mạch và hỗ trợ chi phí phẫu thuật tim cho trẻ em. Chương trình còn khám miễn phí bệnh bướu cổ, dãn tĩnh mạch, tăng tiết mồ hôi tay, viêm tắc mạch máu, lõm ngực, u phổi, u trung thất. Đối tượng là trẻ em và người lớn còn sức lao động, có hộ khẩu thường trú hoặc KT3 tại TP.HCM. Với bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật tim, nếu là trẻ em gia đình nghèo sẽ được hỗ trợ 70% chi phí phẫu thuật. Khi đến khám, cần mang theo hồ sơ đã khám bệnh từ trước (nếu có). Thời gian khám từ 7g đến 16g ngày 5/7/2014, tại Khu khám sức khỏe - tầng M, 60-60A Phan Xích Long, P.1, Q.Phú Nhuận. Thông tin chi tiết liên hệ: Sở LĐ-TB-XH TP.HCM (159 Pasteur, P.6, Q.3), ĐT: 38202965, hoặc phòng LĐ-TB-XH các quận, huyện, hoặc BV Hoàn Mỹ Sài Gòn.

Ngồi nhiều tăng nguy cơ ung thư

Kết quả một nghiên cứu mới, vừa được công bố trên tạp chí Journal of the National Cancer Institute (Viện Ung thư Quốc gia Mỹ) cho thấy, những người dành phần lớn thời gian ngồi trong ngày như cánh tài xế, nhân viên văn phòng hoặc chỉ đơn giản là để xem tivi, có thể đối diện với sự gia tăng nguy cơ mắc phải một số thể ung thư. Trong nghiên cứu, các nhà khoa học Trường ĐH Regensburg (Đức) đã tập trung phân tích 43 nghiên cứu trước đây để tìm mối liên quan giữa lối sống thụ động với ung thư trong gần 70.000 trường hợp ung thư. Kết quả cho thấy, có mối liên quan giữa lối sống thụ động với bệnh ung thư, đặc biệt đối với những người thường xuyên ngồi nhiều, có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư kết tràng hoặc nội mạc tử cung. Cụ thể, các nhà nghiên cứu cho biết, những người dành phần lớn thời gian ngồi trong ngày tăng 24% nguy cơ bị ung thư kết tràng so với những người ngồi ít. Đối với những người dành càng nhiều thời gian ngồi xem TV mỗi ngày, càng làm tăng nguy cơ ung thư kết tràng. Theo đó, những người tập trung nhiều giờ ngồi dán mắt vào tivi mỗi ngày tăng 54% nguy cơ bị ung thư kết tràng so với những người xem ít. Riêng những phụ nữ ngồi nhiều đối diện với sự gia tăng 32% nguy cơ bị ung thư nội mạc tử cung hoặc ung thư tử cung so với những người ngồi ít, và những người trải qua thời gian ngồi xem tivi nhiều nhất mỗi ngày, tăng 66% nguy cơ mắc phải thể ung thư này. Daniela Schmid - nhà dịch tễ học tại Trường ĐH Regensburg (Đức) - người chủ trì nghiên cứu, giải thích, sở dĩ xảy ra tình trạng trên có thể là do nhiều người thường có xu hướng tiêu thụ các món quà vặt và thức uống không lành mạnh trong khi ngồi xem tivi. Tình trạng này dễ dẫn đến béo phì, vốn là tác nhân quan trọng gây ung thư. Kết quả nghiên cứu còn chỉ rõ rằng, cứ tăng mỗi hai giờ ngồi trong ngày sẽ tăng 8% nguy cơ ung thư kết tràng và 10% nguy cơ ung thư nội mạc tử cung.Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh, những nguy cơ này vẫn tồn tại ngay cả đối với những người thường xuyên tập thể dục nhưng dành phần lớn thời gian ngồi trong ngày. Điều này cho thấy, việc tập thể dục thường xuyên không thể loại bỏ được những rủi ro đối với sức khỏe khi bạn dành quá nhiều thời gian để ngồi trong ngày. Các nhà nghiên cứu khuyến cáo, để tăng cường sức khỏe và giảm thiểu nguy cơ ung thư kết tràng hoặc nội mạc tử cung, mỗi người cần thường xuyên rèn luyện thể chất, đồng thời cắt giảm thời gian xem tivi và thời gian thụ động. Đối với những người thường phải ngồi nhiều do tính chất công việc, cần tận dụng các khoảng thời gian ngắn để vận động như một thói quen hàng ngày. Ngoài ra, các nghiên cứu trước đây đã tìm ra mối liên quan giữa lối sống thụ động với một loạt các vấn đề sức khỏe, như bệnh tim, huyết khối, béo bụng, mức đường huyết cao, thể chất yếu và thậm chí tử vong sớm.

Triển vọng mới trong điều trị viêm gan C mạn

Phối hợp thuốc uống mới có hoạt chất SOF và RBV trong 24 tuần có thể đạt được hiệu quả trong điều trị viêm gan C mạn phân nhóm 1. Đó là kết luận do nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Nam Illinois (Hoa Kỳ) vừa công bố trên tạp chí chuyên ngành Evidence-Based Medicine. Cụ thể, phân tích kết quả điều trị theo phác đồ mới này của 60 bệnh nhân viêm gan C mạn phân nhóm 1 với lượng vi-rút trong máu rất cao (> 800.000) và gan bắt đầu bị xơ hóa, các bác sĩ ghi nhận: có 68% bệnh nhân có đáp ứng tốt ngay sau khi kết thúc đợt điều trị. Viêm gan C mạn là bệnh do vi-rút lây qua đường máu; vi-rút có sáu phân nhóm được đánh số từ 1 đến 6 trong đó phân nhóm 1 là phân nhóm có độc lực mạnh nhất. Thuốc chính yếu để điều trị từ trước đến nay là thuốc dạng chích có hoạt chất PEG-IFN dùng trong sáu tháng - một năm với nhiều tác dụng phụ và không thể sử dụng ở bệnh nhân bị xơ gan mất bù.

Gần 11 tỷ đồng cho chương trình điều trị cai nghiện bằng methadone

Ngày 24/6, Ủy ban Phòng chống HIV/AIDS TP.HCM cho biết, trong năm 2014, TP.HCM sẽ chi 10,9 tỷ đồng cho chương trình cai nghiện bằng methadone. Trong đó, 7,7 tỷ đồng là chi phí mua thuốc và 3,2 tỷ đồng dành cho chi phí nhân sự, hoạt động của các cơ sở. Hiện TP.HCM đã triển khai được tám cơ sở điều trị cai nghiện bằng methadone cho hơn 1.500 người bệnh. Dự kiến trong thời gian tới, cùng với chương trình xã hội hóa, TP.HCM sẽ có 25 điểm cấp thuốc, cơ sở điều trị cai nghiện ma túy bằng methadone nhằm đáp ứng điều trị cho khoảng 4.000 đến 5.000 bệnh nhân. Người nghiện sau khi điều trị thay thế bằng methadone khoảng ba tháng thì cắt cơn nghiện hoàn toàn, có chuyển biến tốt về sức khỏe.

Báo động tình trạng bệnh nhi đau dạ dày

Khi đứa trẻ đau bụng, nôn, quấy khóc… nhiều cha mẹ “chẩn bệnh” rằng có lẽ con bị rối loạn tiêu hóa, nhiễm giun hay viêm nhiễm ở đâu đó mà ít nghĩ tới bệnh đau dạ dày.

Tăng số trẻ mắc bệnh

“Mỗi tháng, Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi Trung ương, Hà Nội tiếp nhận, điều trị hơn 500 ca bệnh nhi liên quan đến dạ dày. Đặc biệt vào những tháng nghỉ hè, con số này tăng mạnh, thường khoảng 700 ca. Từ đầu tháng 6/2014 đến nay, số ca bệnh rất đông. Đáng lưu ý, có nhiều trẻ bị bệnh dạ dày do nhiễm Helicobacter pylori (HP) rất cao”, TS-BS Phan Thị Hiền, Trưởng đơn vị Nội soi - Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi Trung ương, Hà Nội cảnh báo. Theo TS-BS Phan Thị Hiền, thời gian gần đây phụ huynh đã quan tâm hơn về bệnh dạ dày ở trẻ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cháu mắc bệnh liên quan đến dạ dày với mức độ nặng. Bé T.K.L., bảy tuổi, ở Q.Cầu Giấy, Hà Nội bị buồn nôn, đau bụng một thời gian dài. Mỗi lần bé lên cơn đau, mẹ L. nghĩ con ăn uống mất vệ sinh nên tiêu hóa kém. Những cơn đau liên tiếp diễn ra mỗi khi L. mệt, đói, thậm chí cả sau bữa ăn. Mới đây, bé L. bị đau dữ dội, nôn ra máu, đại tiện có màu sẫm. L. được mẹ đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương kiểm tra. Kết quả nội soi khiến cả nhà bất ngờ: hai ổ loét hành tá tràng, bờ ổ loét xơ chai, xuất huyết dạ dày. “Có bệnh nhân hơn hai tuổi đã có các biểu hiện như quấy khóc, đau bụng, đại tiện bất thường, khi kiểm tra thì phát hiện loét hành tá tràng, điều trị nội khoa không khỏi phải chuyển sang phẫu thuật. Bệnh nhi lại quá nhỏ không phẫu thuật được, cắt bỏ phần loét cũng không xong vì ổ loét lớn. Cuối cùng các bác sĩ phải cắt dây thần kinh X (liên quan đến việc bài tiết axít dạ dày) mới hy vọng ổn định”, BS-TS Hiền chia sẻ.

Trẻ em cũng dễ mắc như người lớn

TS-BS Phan Thị Hiền cho biết, nguyên nhân gây viêm dạ dày ở trẻ em có thể do vi khuẩn HP, do dùng thuốc sau một đợt điều trị bệnh, stress, sau một đợt phẫu thuật… Nhưng chiếm tỷ lệ cao nhất vẫn là do vi khuẩn HP. Theo nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tỷ lệ nhiễm vi khuẩn này ở bệnh nhi liên quan đến dạ dày là trên 50%. Vi khuẩn HP xâm nhập vào cơ thể qua đường miệng (thực phẩm, bề mặt tay chân…). Người lớn nhiễm vi khuẩn HP mà bón thức ăn, nhai đồ ăn đút cho trẻ thì cũng dễ gây lây nhiễm. “Một nguyên nhân thường gặp ở trẻ nhỏ là… stress. Đừng nghĩ người lớn mới stress. Trẻ học hành quá tải, thậm chí bố mẹ ép ăn quá nhiều hay trẻ sau chấn thương, hoặc các tình trạng đe dọa cuộc sống sẽ làm cho trẻ bị stress. Khi stress, trẻ sẽ dễ bị trào ngược dạ dày thực quản. Hiện tượng này lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ gây viêm loét dạ dày”, PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai (Hà Nội) phân tích. Khi phát hiện trẻ đau bụng, nôn, ợ chua, nôn ra dịch có màu, đại tiện có màu sẫm, cần đưa trẻ đi kiểm tra ngay. Việc điều trị nhiễm HP kéo dài khoảng hai tuần với thuốc đặc trị. Theo TS-BS Hiền, viêm dạ dày do HP rất dễ tái phát nếu không ngăn chặn nguồn lây. Để phòng bệnh, hạn chế tối đa lây nhiễm vi khuẩn HP, rửa tay sạch sẽ, ăn uống vệ sinh.

Gia đình Xã hội

Chuyện về bác sĩ quân y hoãn cưới để ra Trường Sa

GiadinhNet - Tìm đến Trung tâm Y tế Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) hỏi BS Trần Văn Phụng, hầu như ai cũng biết. Hơn 20 năm nay, trong mắt người dân ở đây, ông Phụng là một bác sĩ nhanh nhẹn, chuẩn xác trong việc điều trị. Nhưng không phải ai cũng biết ông từng là một bác sĩ quân y 16 năm, đặc biệt ông đã có 4 năm làm việc tại quần đảo Trường Sa...

Hoãn cưới để ra Trường Sa

BSTrần Văn Phụng sinh năm 1957 tại Hưng Yên, tuổi thơ của ông trôi qua trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Năm 1975, ông lên đường nhập ngũ với tất cả nhiệt huyết của tuổi trẻ, sẵn sàng cống hiến cho Tổ quốc. Khi chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra, ông lại lên đường, sau đó được cử đi học văn hóa ở Quân khu 1 và thi đỗ vào Học viện Quân y. Sau 6 năm học tập, ra trường, ông được phân công về Lữ đoàn 172, Quảng Ninh. Đầu năm1988 khi đã ổn định công tác, ông đã quyết định cưới cô gái trẻ Nguyễn Thị Hiền- người làng Mễ Trì mà ông quen trong thời kỳ đóng quân tại đây. Ngày cưới đã được ấn định, thiếp mời đã in mang xuống đơn vị chuẩn bị phát thì ông nhận được giấy gọi đi công tác ở Trường Sa. “Đây là một nhiệm vụ đặc biệt, vinh dự thiêng liêng, nên khi được giao thì không một chiến sỹ nào có thể chối từ. Tôi đã hoãn đám cưới để lên đường ra Trường Sa”, BSTrần Văn Phụng kể. Bà Nguyễn Thị Hiền (vợ BSTrần Văn Phụng) chia sẻ: “Ngày đó anh Phụng xuống đơn vị để mời đám cưới nhưng lại điện lên báo cho tôi là chuẩn bị ra Trường Sa. Cảm giác của tôi lúc đó cũng hơi buồn, vì chúng tôi yêu nhau mấy năm rồi nhưng do điều kiện công tác nên đã hoãn mấy lần. Khi sắp đến ngày cưới rồi, anh ấy lại nói hoãn và bảo không cần phải đợi anh vì không biết sống chết thế nào?! Nhưng tôi động viên anh cứ yên tâm lên đường, đừng lo lắng gì cả! Khi tiễn anh ra sân bay, hai người cầm tay nhau không nói nên lời…”.

Ca mổ ruột thừa lần đầu tiên ở Trường Sa Lớn

Vừa lên đến đảo Trường Sa Lớn, người còn đang lâng lâng vì say sóng thì BS Trần Văn Phụng đã bắt tay ngay vào công việc. Bệnh nhân là chiến sỹ Đinh Văn Thế, quê ở Tuy Hòa. Qua dấu hiệu lâm sàng, BS Trần Văn Phụng chẩn đoán bệnh nhân bị ruột thừa nên quyết định mổ, mặc dù trước đây BS Trần Văn Phụng chưa cầm dao mổ lần nào. BS Trần Văn Phụng chia sẻ: “Khi ấy chỉ có tôi cùng một y tá và y sĩ. Dụng cụ y tế thì khá thô sơ, phải dùng đèn ắc quy chiếu sáng, nhưng tôi vẫn quyết tâm lắm. Đó là ca mổ có một không hai trong đời tôi, bệnh nhân tuyệt đối an toàn. Bảy ngày sau, vết thương đã được cắt chỉ, anh chiến sỹ lại tiếp tục làm nhiệm vụ bình thường. Bốn ngày sau lại có thêm 1 ca đau ruột thừa nữa, chiến sỹ này là Lưu Văn Thông quê ở Thái Bình. Chúng tôi cũng đã mổ thành công...”. 18 tháng công tác tại đảo Trường Sa Lớn, BS Trần Văn Phụng đã mổ 5 ca ruột thừa thành công trong điều kiện khó khăn. Đó là những kỷ niệm không bao giờ quên trong ký ức của người chiến sỹ, BS Trần Văn Phụng. Hồi đó, chuyện BS Trần Văn Phụngra Trường Sa thì hai bên nội ngoại đều biết. Nhưng sau khi ông lên tàu ra đảo thì không ai có tin tức gì. BS Trần Văn Phụng nhớ lại: “Một hôm có tàu ra Trường Sa. Anh phóng viên đã phỏng vấn về các ca mổ do tôi thực hiện và đưa vào chương trình phát thanh Quân đội Nhân dân. Sau này, khitôi nghỉ phép về, bố tôi mới kể lại: Cuối năm 1988, tình cờ có một người nghe qua Đài phát thanh công cộng ở sân kho hợp tác, phát bản tin về BS Trần Văn Phụng đã mổ thành công ca đau ruột thừa ở đảo Trường Sa. Nghe xong ông ấy chạy vào khoe bố tôi: “Thằng Phụng vẫn còn sống, nó mới mổ ruột thừa cho chiến sỹ trên đảo...”. Bố tôi vui lắm, đêm đó ông đi khoe khắp làng. Hôm sau mới 5h sáng, sân kho đã đông nghịt người ra đứng để nghe lại bản tin phát thanh Quân đội Nhân dân. Khỏi phải nói bố tôi đã tự hào như thế nào. Dịp đó, xã còn đến nhà tôi tặng mấy mét vải và 1 yến gạo mậu dịch”.

Về quê cưới vợ rồi lại ra đảo Sinh Tồn

Sau 18 tháng công tác tại Trường Sa, BS Trần Văn Phụng được về phép. Việc làm đầu tiên sau khi trở về là tìm đến nhà người yêu để bàn chuyện cưới. Đó là cuối năm 1989, cưới vợ chưa được bao lâu, BS Trần Văn Phụng lại nhận lệnh lên đường ra đảo Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa. “Ngày tôi lên đường ra đảo, vợ có bầu 2 tháng. Ra đi mà lòng canh cánh nỗi lo không biết vợ ở nhà ra sao, sinh con có an toàn khỏe mạnh không? Thật may mắn, gần 1 năm sau thì tôi nhận được thư gia đình cho biết vợ đã sinh con gái, mẹ tròn con vuông...”, BS Trần Văn Phụng chia sẻ. Hồi đó trên đảo Sinh Tồn, điều kiện khá khó khăn, luôn thiếu rau xanh, nước ngọt. Các chiến sỹ chỉ ăn lương khô và thịt hộp, vì vậy gần như 100% bị táo bón. BS Trần Văn Phụng kể: “Có chiến sỹ phàn nàn với tôi rằng: “Em đi vệ sinh, đọc hết 1 tờ báo rồi mà vẫn không... đi được.”. Nghe tới đây, tôi trăn trở vô cùng. Thế là từ đó ý nghĩ “giải cứu” các chiến sỹ thường trực trong tôi. Tôi nghĩ đến một cái ống thụt, nhưng giữa biển lấy đâu ra ống thụt bây giờ? Bỗng một hôm, tôi nhặt được chiếc phao cứu sinh trôi dạt vào bờ. Tôi nhặt lấy đem về cắt, khoan lỗ hình quả bầu, lấy van bếp khò - như van xe đạp bây giờ, làm thêm một cái dây dẫn, mỗi lần “giải cứu” sẽ cho 1 lít nước vào đó rồi trợ giúp các chiến sỹ. Sau đó, việc đi vệ sinh lại bình thường. Các chiến sỹ khỏe khoắn trở lại để làm nhiệm vụ”. Sau này, chiếc ống thụt đó được lưu tại Phòng Truyền thống của Lữ đoàn 146, vùng 4 Quân chủng Hải quân. Trải qua những năm tháng khó khăn nhưng bản chất của người lính Trường Sa năm nào vẫn luôn tràn đầy trong ông. Năm 1995, do thiếu bác sĩ nên xã Mễ Trì đã mời ông làm việc tại trạm y tế xã. Với kinh nghiệm và tâm huyết của mình, ông luôn được bà con tin yêu tìm đến đểđược tư vấn, khám chữa bệnh. Một trạm xá luôn sạch đẹp, chỉn chu đã thể hiện tác phong của người đứng đầu từng là bác sĩ quân y trên đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc.

Hưởng ứng phong trào “VSYN, NCSKND”: Không kiêng tắm khi trẻ bị thủy đậu

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tính đến cuối tháng 5/2014, cả nước ghi nhận 16.380 trường hợp mắc thủy đậu, chưa ghi nhận ca tử vong. Như vậy, số ca mắc thủy đậu đến thời điểm này đã tăng cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2013 (chỉ có 7.900 ca). Tại TP HCM, tính đến thời điểm này, có khoảng 550 ca mắc thủy đậu. Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cũng đã phát hiện ít nhất 4 ổ dịch thủy đậu xảy ra tại các trường học từ đầu năm đến nay trên địa bàn Q.3, Q.5, Q.12 và Q.8. Bộ Y tế khuyến cáo, người dân tuyệt đối không nên chủ quan. Tuy có vaccine phòng bệnh nhưng thủy đậu không nằm trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, người dân muốn tiêm phải nhờ đến các điểm tiêm dịch vụ. Bệnh thủy đậu nếu nặng vẫn có thể gây tử vong khi gặp các biến chứng như viêm não, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm gan… “Khi đã mắc bệnh, cần cách ly trẻ ngay để không lây cho trẻ khác. Tuyệt đối không kiêng tắm mà trái lại, cần tắm rửa kỹ lưỡng hơn để tránh nhiễm trùng da, nốt rạ gây di chứng sẹo. Cũng không uống các loại nước gốc rạ, không chùm kín trẻ, mà phải tạo môi trường hết sức thông thoáng cho bệnh nhi”, các chuyên gia y tế khuyên. Đồng thời, cho trẻ uống thuốc hạ sốt, dùng thuốc kháng virus từ 24 - 72 giờ sau khởi phát. Cho trẻ ăn thức ăn lỏng dễ tiêu nếu trẻ có nốt rạ trong miệng. Sử dụng kháng sinh khi nốt rạ có mủ, tấy đỏ xung quanh. Nếu thấy trẻ sốt cao liên tục, vết rạ đỏ lên thì phải vào bệnh viện ngay để được điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm.

Bộ trưởng Bộ Y tế trao kỷ niệm chương cho đại diện WHO

Chiều 23/6, Bộ trưởng Bộ Y tế đã trao kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” cho ông Takeshi Kasai-Đại diện WHO tại Việt Nam. Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, trong thời gian qua, sự hợp tác về y tế giữa Việt Nam và thế giới ngày càng phát triển. Trong đó, có sự đóng góp đáng kể của Tiến sỹ Takeshi Kasai Trưởng đại diện WHO nhiệm kỳ 2012 – 2014. Trong thời gian tại Việt Nam, ông Takeshi Kasai đã có những đóng góp tích cực cho ngành y tế như củng cố hệ thống y tế, đẩy mạnh công tác phòng chống các bệnh dịch tại Việt Nam. Đặc biệt, vị Trưởng đại diện này còn giúp đỡ Việt Nam đăng cai Hội nghị Tây Thái Bình Dương lần thứ 63 tại Hà Nội năm 2012. Đây là hội nghị được quốc tế đánh giá cao vì đã thông qua được nhiều vấn đề quan trọng về y tế… Bộ Y tế đánh giá cao sự đóng góp và những cống hiến to lớn của ông Takeshi Kasai đối với sự nghiệp y tế nói chung và sức khỏe của nhân dân Việt Nam nói riêng. Để ghi nhận những đóng góp và tình cảm của ông dành cho ngành y tế Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định trao Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” cho ông Takeshi Kasai.  Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến hy vọng trên cương vị công tác mới tại WHO, ông Takeshi Kasai sẽ đạt được nhiều thành công và tiếp tục giành sự quan tâm của mình đối với nhân dân Việt Nam.

Giáo dục thời đại

26 tuổi, 23 lần hiến máu cứu người

Nụ cười hiền hòa luôn thường trực trên gương mặt chàng cán bộ kỹ thuật trẻ Trần Long Anh, thuộc Bộ môn Miễn dịch sinh lý bệnh (Đại học Y Huế) - Người đã từng 23 lần tham gia tình nguyện hiến máu nhân đạo cứu người.

Túc trực ở bệnh viện để cho máu

Tôi gặp Trần Long Anh trong lễ tôn vinh những người tham gia tình nguyện hiến máu nhân đạo do khoa Huyết học (Bệnh viện Trung ương Huế) tổ chức. Trần Long Anh là một trong những cá nhân được tuyên dương và cử tham gia “Hành trình đỏ” xuyên Việt. Đây là chương trình dành cho những tình nguyện viên đã có thành tích trong việc tham gia hiến máu nhân đạo toàn quốc. Mặc dù chỉ mới bước sang tuổi 26 nhưng chàng cán bộ kỹ thuật trẻ đã có 23 lần tham gia tình nguyện hiến máu nhân đạo. Đặc biệt trong số những người được khen thưởng thì anh cũng là người trẻ nhất. Khi được hỏi động lực gì khiến anh tham gia hiến máu nhiều lần như vậy, Trần Long Anh mỉm cười trả lời: “Mình chỉ mong những giọt máu của mình sẽ góp phần cứu giúp những người bệnh cần máu mà thôi”. Trần Long Anh đã tham gia tình nguyện hiến máu từ hồi còn là sinh viên. Anh luôn là người tích cực tham gia hiến máu, và cho đến bây giờ khi đã trở thành cán bộ của Đại học Y Huế, Long Anh vẫn không từ chối hiến máu. Lúc nào có bệnh nhân cần máu gấp, nếu cùng nhóm máu thì anh luôn sẵn sàng. Hầu như cuộc sống hàng ngày của anh cán bộ kỹ thuật trẻ gắn với bệnh viện nhiều hơn là phòng trọ. Hết công việc ở bộ môn Long Anh lại túc trực ở phòng xét nghiệm của khoa Huyết học. Mọi người thường nói vui bệnh viện chính là nhà của Long Anh. Những lúc có bệnh nhân cấp cứu hay phẫu thuật cần cung cấp máu gấp, nếu phù hợp với nhóm máu O của Long Anh thì anh sẵn sàng hiến máu cho người bệnh. Nếu không phù hợp với nhóm máu của mình, Long Anh sẽ huy động những tình nguyện viên tham gia hiến máu. Nhắc đến Long Anh, Bác sĩ Hà Nữ Thùy Dương - Trưởng khoa Huyết học Bệnh viện Đại học Y Huế - cho biết: “Mỗi khi có trường hợp cấp cứu cần cho máu tươi gấp thì chúng tôi phải nhờ tới sự giúp đỡ của Long Anh. Cách đây không lâu, khi có bệnh nhân cần truyền máu khi mổ, tình hình rất căng, mặc dù Long Anh chỉ mới hiến máu chưa được 2 tháng nhưng cậu ấy vẫn tiến hành cho máu người bệnh”. Không chỉ tự mình hiến máu nhân đạo, Trần Long Anh còn tích cực tuyên truyền, vận động bàn bè, đồng nghiệp cùng tham gia với anh. Long Anh cho biết: “Đây là hoạt động của cộng đồng, cần có sự tham gia hiến máu của nhiều người. Nếu chỉ có mỗi mình thì không thể làm được điều gì cả”. Cũng vì quá mải mê với công việc ở trường và bệnh viện nên Long Anh rất ít khi về căn phòng trọ nơi anh sinh sống. Cũng vì vậy mà bọn trộm đã lợi dụng sơ hở khoắng sạch những đồ đạc có giá trị mà anh tích cóp được như máy laptop, tivi… Nhắc đến chuyện không may này, Long Anh dí dỏm: “Bọn trộm biết mình ít có mặt ở phòng trọ nên chúng đã cửa đột nhập lấy hết đồ đạc của mình. Cũng xui thật nhưng mất rồi thì đành chịu chừ biết hỏi ai, chỉ tại mình không chịu ở nhà mà cứ đi hoài thôi”.

Theo nghiệp y khoa vì thương mẹ

Ít ai biết được lý do mà anh chàng trai người Quảng Trị lại hăng hái tham gia hiến máu một cách “đặc biệt” đến như vậy. Có người cho rằng anh tích cực hiến máu nhân đạo như vậy là có “mục đích” riêng của mình. Nhưng không ai hiểu được nguyên nhân sâu xa đầy nhân văn và chữ hiếu với người mẹ kính yêu của Long Anh. Trần Long Anh sinh ra trong một gia đình nề nếp, gia giáo, cả ba và mẹ đều là giáo viên. Ngay từ nhỏ Long Anh đã được gia đình uốn nắn cả về tri thức lẫn nhận thức về cuộc sống. Tốt nghiệp phổ thông, Long Anh vào TPHCM nộp đơn thi tuyển vào Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật. Đó cũng chính là ngành học ước mơ mà Long Anh ấp ủ từ hồi còn học phổ thông. Thi cử xong xuôi, Long Anh cùng bạn bè ra Đà Nẵng nghỉ sau kỳ thi đại học đầy căng thẳng. Đùng một cái tin từ nhà báo vào là mẹ anh bị tai nạn giao thông nghiêm trọng chấn thương sọ não phải đưa gấp vào Bệnh viện Trung ương Huế cấp cứu, tình hình hết sức nguy kịch. Thế là Long Anh phải gác lại chuyến du lịch, tất tả chạy ngược ra Bệnh viện Trung ương Huế, nơi mẹ mình đang phải chống chọi giữa cái sống và cái chết. Không lâu sau đó, trong thời gian cùng ba chăm sóc mẹ ở bệnh viện thì có tin vui từ TPHCM: Giấy báo trúng tuyển vào trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật. Cầm giấy báo mà tâm trí của Long Anh rối bời vì người mẹ vẫn trong cơn nguy hiểm. Còn gia đình thì không ai còn lòng dạ nào để chia sẻ niềm vui trúng tuyển của anh. Thế là Long Anh đã đưa ra quyết định đã làm thay đổi cả cuộc đời anh. Đôi mắt đượm buồn, Long Anh tâm sự: “Lúc đó, tôi chỉ muốn ở bên chăm sóc mẹ, còn học không được chỗ này thì học chỗ khác. Đối với tôi sức khỏe của mẹ mới là điều quan trọng nhất. Đến bây giờ tôi không cảm thấy hối tiếc vì đã quyết định như vậy”. 6 tháng ăn dầm ở dề tại Bệnh viện Trung ương Huế đã giúp cho Long Anh hiểu được tính mạng của con người quan trọng biết bao. Những trường hợp bị tai nạn giao thông như mẹ của anh vì không có nhóm máu phù hợp để truyền kịp thời nên đã phải chết. Ở đó, anh cũng đã cảm nhận được sự quý giá của từng giọt máu và biết ơn vô cùng những người đã giúp đỡ tình nguyện hiến máu để cứu người mẹ yêu dấu của anh. Cũng từ đó, trong tâm trí của chàng trai Trần Long Anh đã hướng theo con đường Y khoa, trở thành bác sĩ để “đền ơn xã hội” đã cho mẹ anh được sống lần thứ hai. Cho đến bây giờ, lý do anh quyết định từ bỏ ước mơ trở thành giáo viên kỹ thuật để theo đuổi sự nghiệp y khoa và tại sao anh lại thích hiến máu nhân đạo đến như vậy thì chỉ có gia đình anh, chỉ có mẹ của anh là hiểu rõ nhất. “Mẹ mình biết được suy nghĩ của mình nên cũng không cấm cản, chỉ bảo mình phải giữ gìn sức khỏe, không nên lạm dụng cho máu nhiều quá. Cũng có những lúc hiến máu “dày” quá, mình cảm thấy rất mệt mỏi nhưng lại thấy vui vì đã giúp cứu được người bệnh”.

Vnexpress

Chạy đua với tử thần tìm máu hiếm cứu bé sơ sinh

Bé Hải Đăng mới nửa tháng tuổi vừa được rời bệnh viện về nhà. Bé đã trải qua những ngày chào đời chạm cửa tử vì chứng bất đồng nhóm máu hiếm với mẹ. Bé Hải Đăng, con chị Hà Thị Quỳnh Nga (36 tuổi, Xuân Đỉnh, Hà Nội) chào đời chiều 3/6 bằng phương pháp sinh mổ. Trước đó, chị Nga có tiền sử mất 2 con ngay sau sinh do suy hô hấp không xác định rõ nguyên nhân, nên các bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản lưu ý hơn đến trường hợp này. Hơn 2 giờ sau khi chào đời, bé có triệu chứng tím tái, khó thở như hai người chị đã mất của mình. Hải Đăng được chuyển ngay sang Bệnh viện Nhi trung ương. Tại đây, các bác sĩ phát hiện Hải Đăng bị vàng da sớm, tăng nhanh và thiếu máu nặng, chẩn đoán bệnh vàng da huyết tán. Nguyên nhân gây vàng da huyết tán của bé được nghĩ đến có khả năng bất đồng nhóm máu mẹ con hệ Rh. Hải Đăng được điều trị chiếu đèn tích cực và có chỉ định thay máu. Trong thời gian làm các xét nghiệm để xác định chẩn đoán, nguyên nhân và chọn lựa loại máu thích hợp thay máu cho cháu, bệnh viện đã chuẩn bị sẵn máu Rh (-). Đây là nhóm máu hiếm gặp ở Việt Nam nên không phải lúc nào cũng sẵn có trong ngân hàng máu. Song song với nỗ lực của các bác sĩ, vợ chồng chị Nga phân chia nhau tìm kiếm các nguồn có thể giúp đỡ. Anh Công, chồng chị, gọi hơn chục người trong gia đình đến bệnh viện để tìm nhóm máu phù hợp. Trong khi đó chị Nga đang ở Bệnh viện Phụ sản trung ương vẫn cố gượng dậy dù vết mổ còn đau. Chị đăng thông tin tìm người hiến máu ORh- gấp lên Facebook. Biết tin, một người có nhóm máu hiếm ORh- nhanh chóng có mặt ở bệnh viện để sẵn sàng cho máu. Tuy nhiên, khi xác định cả hai mẹ con chị Nga đều mang nhóm máu O, Rh+, và có khả năng bị bất đồng nhóm máu mẹ - con hệ dưới nhóm hiếm gặp, các bác sĩ đã thống nhất không cần sử dụng máu nhóm Rh (-) mà sàng lọc chọn mẫu máu Rh (+) phù hợp để thay máu cho bé Hải Đăng. Sau 3 lần thay máu, sức khỏe của bé khá hơn. Ngày 19/6, bé đã xuất viện. Bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Phó khoa Hồi sức sơ sinh, cho biết, trong những trường hợp mẹ con có bất đồng nhóm máu, lần mang thai đầu tiên, hồng cầu của thai nhi đi qua máu mẹ và cơ thể người mẹ sinh ra kháng thể kháng lại hồng cầu thai nhi. Kháng thể này chưa đủ lớn ảnh hưởng đến bé. Những lần mang thai tiếp theo, sự tiếp xúc lại với kháng nguyên sẽ kích thích tạo một lượng lớn kháng thể đủ gây ra hiện tượng miễn dịch mạnh hơn dẫn đến bệnh cảnh vàng da, tan huyết cho trẻ. Càng đến lần mang thai sau, kháng thể của người mẹ càng mạnh, gây ra tình trạng trầm trọng hơn cho trẻ mới sinh. Với trường hợp mẹ con chị Quỳnh Nga, bé thứ hai xuất hiện triệu chứng suy hô hấp và mất hơn một ngày sau sinh. Bé thứ ba bị triệu chứng tương tự xuất hiện sớm hơn, biểu hiện thiếu máu nặng và mất chỉ 8 tiếng sau sinh. Bé Hải Đăng bị vàng da, tán huyết chỉ 2 giờ sau sinh, nhờ được cấp cứu kịp thời và thay máu nên được cứu sống. Trường hợp bất đồng nhóm máu hệ dưới nhóm như mẹ con chị Quỳnh Nga khá hiếm. Bệnh viện Nhi trung ương đã phối hợp với Viện Huyết học truyền máu trung ương phân tích nhóm máu của bé Hải Đăng và xác định được kháng thể bất thường. Hiện tại các chuyên gia tại Ngân hàng máu Bệnh viện Nhi trung ương cũng lấy mẫu máu của bố mẹ và bé Hải Đăng để tiến hành phân tích sâu hơn. Trong thời gian tới, bé Hải Đăng cần phải đến bệnh viện thường xuyên để được theo dõi về tình trạng thiếu máu, vàng da, kiểm tra thính lực và sự phát triển của trí não. Chị Hà Thị Quỳnh Nga từng có thời gian dài làm phiên dịch tại Đài Loan, chồng chị là anh Nguyễn Khắc Công cũng nhiều năm làm việc ở Hàn Quốc. Cưới nhau, anh chị sinh sống và làm việc ở Việt Nam. Năm 2007, vợ chồng sinh bé đầu tiên hoàn toàn khỏe mạnh, hiện chuẩn bị vào lớp hai. Năm 2010 và 2012, anh chị sinh thêm hai bé nữa nhưng đều mất với cùng một triệu chứng. Anh Công tâm sự: "Những lần mang thai, vợ tôi đều theo dõi cẩn thận nhưng không hiểu vì lý do gì sau khi chào đời được vài tiếng là các con đều tím tái, khó thở, nhanh chóng mất. Bé đầu bị kết luận suy hô hấp cấp, bé sau kết luận rối loạn chuyển hóa". Hai lần đột ngột mất những đứa con bụ bẫm, xinh xắn khiến chị Nga lâm vào tình trạng khủng hoảng. Một thời gian dài chị bị trầm cảm. Gượng dậy, chị dồn tình yêu cho bé đầu, lao vào công việc và cũng không có ý định sinh nữa. Tháng 9 năm ngoái chị vỡ kế hoạch. Lúc đó, vợ chồng chị lo lắng lặp lại đau thương nên không có ý định giữ con. Được bác sĩ động viên tuổi cao và bé này là con trai có thể khác hai lần sinh trước đều là bé gái nên chị Nga cũng yên tâm phần nào. "Trước khi sinh Hải Đăng, tôi đã trình bày hoàn cảnh của mình với các bác sĩ. Hai bé trước đều nguy kịch sau khi ăn nên lần này bác sĩ không cho Hải Đăng ăn và chuyển ngay sang Viện Nhi điều trị. Cũng có thể vì lý do này, hoặc là con trai sức đề kháng tốt hơn các chị nên bé được cứu sống", người mẹ nói. Chị đặt tên con Hải Đăng, hy vọng sinh mệnh con cũng như ngọn đèn biển không bao giờ tắt.

Mỗi năm 500-700 người có nhu cầu nhờ mang thai hộ

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, nhu cầu nhờ mang thai hộ ở Việt Nam không nhiều, vì thế Bộ sẽ chỉ chọn vài đơn vị có độ tin cậy về mặt pháp lý, chuyên môn cao để thực hiện. Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo nghị định liên quan đến vấn đề kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và mang thai hộ vừa được Quốc Hội thông qua. Theo đó, nghị định sẽ không cấm thực hiện kỹ thuật này cho người nhiễm HIV, không giới hạn tuổi như trước đây mà thực hiện theo luật hiện hành là nữ đủ 18 tuổi và nam đủ 20 tuổi trở lên. Hiện quy định người hiến noãn phải dưới 35 tuổi, người muốn làm thụ tinh ống nghiệm thì không quá 45 tuổi. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng sẽ chọn một vài đơn vị có độ tin cậy về mặt pháp lý, chuyên môn cao để thực hiện. Hàng năm nước ta có khoảng 500-700 trường hợp có nhu cầu nhờ mang thai hộ. Với số lượng như vậy chỉ cần vài trung tâm thực hiện tốt, không phân biệt nhà nước hay tư nhân. Mỗi người cũng chỉ được một lần mang thai hộ. Bộ sẽ kiểm soát những người mang thai hộ trên hệ thống máy tính, khi họ đã đăng ký làm tại trung tâm này thì sẽ không được đăng ký làm tiếp ở trung tâm khác. “Một lần mang thai hộ cũng như một lần đẻ, nếu đẻ nhiều liên tục thì sẽ ảnh hưởng đến người đó. Điều này cũng giúp hạn chế được mang thai hộ vì lý do thương mại. Mỗi người một lần mang thai hộ thì không thể lấy việc này làm nghề kiếm tiền”, thứ trưởng Tiến nói. Theo thứ trưởng, việc mang thai hộ rất chính đáng với những cặp vợ chồng muốn có con nhưng không thể mang thai được, chẳng hạn như phụ nữ không có tử cung hay bị cắt vì băng huyết, vỡ tử cung… hoặc vì bệnh lý mà không được phép mang thai. Quy định nhằm tạo điều kiện cho những cặp vợ chồng không may mắn đó nhưng phải làm có sự kiểm soát; tránh tuyệt đối kinh doanh thương mại hóa. Trong giai đoạn đầu, những người có nhu cầu đăng ký mang thai hộ ở khu vực nào thì nên đến Trung tâm lớn được phép triển khai các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản của Bộ Y ở khu vực đó. Về lâu dài, Bộ Y tế sẽ chọn trung tâm lớn có tính pháp lý và chuyên môn cao để thực hiện. Chi phí một lần mang thai hộ ở nước ta khoảng 2.000-3.000 đôla, trong khi ở Mỹ là khoảng 35.000. Dự thảo nghị định này sẽ có hiệu lực từ 1/1/2015. Ngày 19/6, Quốc hội đã thông qua Luật Hôn nhân Gia đình sửa đổi, chính thức cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Cụ thể, bên nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện như: xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; vợ chồng đang không có con chung; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý. Tương tự điều kiện với người được nhờ mang thai phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc chồng; từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ.

Công an nhân dân

Bộ trưởng Bộ Y tế: Sẽ có nhiều đổi mới trong khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT

Luật BHYT dự kiến sẽ thông qua trong tháng 6 cũng như giá thuốc và chất lượng thuốc chữa bệnh, đang là vấn đề nhiều người quan tâm, vì đều liên quan trực tiếp đến quyền lợi người bệnh. Vì thế, đây cũng là nội dung được đặt ra trong chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời” trên VTV tối qua 22/6. Báo CAND lược ghi những thông tin thiết thực xung quanh vấn đề này:

PV: Thời gian qua, người dân gặp nhiều khó khăn khi đi khám theo chế độ BHYT. Vì vậy, người dân kỳ vọng vào những đổi mới của Luật BHYT dự kiến Quốc hội sẽ thông qua tới đây. Bộ trưởng có thể cho biết những đổi mới đột phá của Dự thảo luật sửa đổi lần này? Liệu BHYT có thiết thực hơn với người nghèo hay không?

Thứ nhất về quyền lợi của người tham gia BHYT: Luật bỏ quy định cùng chi trả 5% đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện KT-XH khó khăn, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn; bỏ quy định cùng chi trả 20% đối với thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sỹ, người có công nuôi dưỡng liệt sỹ; giảm mức cùng chi trả từ 20% xuống còn 5% với thân nhân khác của người có công và người thuộc hộ gia đình cận nghèo. Thứ hai, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người tham gia BHYT trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế, đăng ký khám chữa bệnh ban đầu gần nơi sinh sống hoặc nơi công tác, không phân biệt địa giới hành chính.Mở thông tuyến KCB BHYT giữa tuyến xã và tuyến huyện trên cùng địa bàn tỉnh kể từ ngày 1/1/2016. Luật BHYT sửa đổi mở thông tuyến KCB BHYT đến tuyến tỉnh và tuyến TW trong phạm vi cả nước đối với người thuộc hộ gia đình nghèo và người dân tộc thiểu số tham gia BHYT đang sinh sống tại vùng có điều kiện KT-XH khó khăn, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại các xã đảo, huyện đảo. Từ ngày 1/1/2021, sẽ mở thông tuyến tỉnh trên toàn quốc và nâng mức hưởng đối với trường hợp điều trị nội trú tại tuyến tỉnh và TW đối với người tham gia BHYT tự đi KCB. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 1313/QĐ-BYT hướng dẫn các bệnh viện (BV) cải cách quy trình KCB. Sau hơn 1 năm triển khai, đến nay, có 62% số BV đã cải tạo, mở rộng, bố trí thêm buồng khám tại khoa khám bệnh, 470 buồng khám được bổ sung, tăng 15,5% buồng khám. Thời gian khám bệnh trung bình của 1 người bệnh đã giảm trung bình là 40 phút/người bệnh. Quy trình khám đã cải tiến từ 12-14 bước xuống còn 4-7 bước, giảm số chữ ký trong bảng kê thanh toán từ 6 chữ ký còn 4 chữ ký. Với những điểm đột phá của Luật BHYT sửa đổi và quyết tâm của Bộ Y tế trong cải cách quy trình KCB, thời gian tới người nghèo có thẻ BHYT sẽ hài lòng hơn.

PV: Thống kê cho thấy các quy định mới về đấu thầu thuốc đã giảm giá thuốc 20-30%. Tuy nhiên, có ý kiến hoài nghi giá thuốc trúng thầu giá rẻ nhưng chất lượng thuốc có đảm bảo?

Có thể khẳng định việc ban hành hàng loạt các Thông tư của Bộ Y tế về đấu thầu thuốc thời gian qua đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Việc hoài nghi giá thuốc trúng thầu với giá rẻ, chất lượng chưa đảm bảo là chưa có cơ sở. Bởi theo quy định về mặt quản lý:Quy trình đấu thầu mua thuốc, bước đầu tiên các mặt hàng thuốc đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn về kỹ thuật, chất lượng thuốc mới chuyển sang công đoạn đánh giá về giá (theo quy định tại Luật đấu thầu là lựa chọn mặt hàng có giá đánh giá thấp nhất). Các thuốc nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam, đều được cấp số đăng ký lưu hành (hoặc Giấy phép nhập khẩu) tức là yêu cầu tiên quyết về pháp lý là thuốc phải được cấp phép lưu hành tại nước sản xuất. Để được cấp phép lưu hành tại nước sở tại thì sản phẩm đã được thẩm định, đánh giá đầy đủ về tiêu chuẩn chất lượng, dữ liệu an toàn, hiệu quả của thuốc. Đối với nhà máy sản xuất thuốc phải đạt nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt theo khuyến cáo của WHO (WHO-GMP) hoặc của EU, PIC/s. Theo nguyên tắc GMP, tất cả các mặt hàng thuốc trước khi đưa ra lưu hành trên thị trường đều phải được nhà sản xuất kiểm tra chất lượng đạt yêu cầu. Ngoài ra, thuốc sau khi được cấp số đăng ký lưu hành, các Viện kiểm nghiệm TW và các Trung tâm kiểm nghiệm trên toàn quốc thực hiện công tác hậu kiểm về kiểm tra chất lượng thuốc, tất cả các trường hợp không đạt tiêu chuẩn chất lượng theo hồ sơ đăng ký lưu hành sẽ bị xử lý. Như vậy, Bộ Y tế xin khẳng định, thuốc đã được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam đảm bảo chất lượng và an toàn, hiệu quả khi sử dụng.

PV: Thời gian qua, một số bệnh như sởi, thủy đậu… diễn biến phức tạp, gây tăng đột biến nhu cầu sử dụng vaccin, xin Bộ trưởng cho biết tình hình cung ứng vaccin để đảm bảo nhu cầu phục vụ dịch?

Khi có dịch xảy ra (như thủy đậu) vừa qua, nhu cầu tiêm dịch vụ vaccin phòng bệnh tăng đột biến, vượt xa số lượng dự báo và nhập khẩu. Bộ Y tế đã triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo nguồn cung vaccin: cấp phép nhập khẩu khẩn cấp 77.600 liều vaccin của Hàn Quốc, 19.830 liều vaccin của Bỉ và 200.000 liều vaccin của Mỹ sản xuất theo hình thức chưa có số đăng ký. Bộ Y tế cũng tổ chức họp Hội đồng xét duyệt thuốc và cấp 2 số đăng ký lưu hành cho các vaccin phòng bệnh thủy đậu theo quy trình rút gọn; tổ chức thêm cơ sở thẩm định hồ sơ đăng ký tại TP HCM. Bộ Y tế cũng có các văn bản chỉ đạo các đơn vị tiêm chủng thực hiện tốt việc dự trù, đặt hàng; Viện Kiểm định quốc gia về vaccin và sinh phẩm y tế ưu tiên kiểm định đối với các lô vaccin sản xuất và nhập khẩu phục vụ phòng chống bệnh dịch. Bộ Y tế tăng cường tuyên truyền về tiêm chủng vaccin để phòng bệnh, hướng dẫn thay thế các vaccin phối hợp bằng các vaccin đơn giá

Kiến thức

Hà Nội: Tiêm miễn phí vắc xin viêm não cho 220.000 trẻ

Theo con số thống kê, sẽ có khoảng 220.000 trẻ được tiêm chủng miễn phí vắc xin viêm não Nhật Bản ở Hà Nội trong hai đợt từ ngày 22/6 đến 30/6. Hiện nay đang là thời điểm bệnh viêm não Nhật Bản bắt đầu vào mùa. Theo nhận định của ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh viêm não Nhật Bản có thể xảy ra bất kể mùa nào trong năm. Tuy nhiên, ở khu vực miền Bắc bệnh thường xảy ra từ tháng 6 đến tháng 8, còn đỉnh dịch là từ tháng 6 đến tháng 10. Theo con số thông kê của Bộ Y tế, tính đến thời điểm đầu tháng 6, cả nước đã ghi nhận gần 300 ca mắc (bao gồm cả viêm não Nhật Bản B và các trường hợp viêm não khác), trong đó có 4 trường hợp tử vong. Trước những diễn biến phức tạp của bệnh, đồng thời nhằm ngăn chặn bệnh bùng phát trên diện rộng, ngành y tế đã triển khai tiêm ngừa viêm não Nhật Bản B cho tất cả trẻ em trong độ tuổi ở 63/63 tỉnh thành bắt đầu từ năm 2014, thay vì chỉ tiêm ở khu vực nguy cơ cao như trước đây. Riêng tại Thành phố Hà Nội, trong hai ngày 22 và 23/6/2014, toàn thành phố đã tổ chức tiêm phòng miễn phí vắc xin viêm não Nhật Bản (đợt 1) cho trẻ từ 1 đến 3 tuổi. Trong đợt này, ngành y tế Thủ đô sẽ tiến hành tiêm mũi 1 cho trẻ chưa tiêm lần nào và những trẻ đến lịch tiêm từ mũi 2 trở lên. Đại điểm tiêm chủng tại các Trung tâm y tế xã, phường, thị trấn. Theo ghi nhận của Kiến Thức, tại nhiều điểm tiêm chủng tỷ lệ tiêm chủng đạt khá cao. Đại diện Trung tâm Y tế Phường Liễu Giai cho biết: “Nhìn chung, phụ huynh đưa con đến tiêm đúng kế hoạch, đúng tuổi và đợt 1 đạt tỷ lệ khoảng 60%. Dự kiến đợt 2 sẽ tiến hành tiêm vào cuối tuần tiếp theo”. Đối với các phường ở khu vực rìa Hà Nội, công tác chuẩn bị trước, trong và sau tiêm chủng phòng chống viêm não Nhật Bản luôn được đảm bảo. Tỷ lệ tiêm chủng tại các phường khu vực này cũng đạt tỷ lệ trên 60 đến 70%. Tiếp xúc với một phụ huynh đưa con đi tiêm chủng vắc xin viêm não Nhật Bản tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm – Hà Nội thì được biết: “Thời gian gần đây, công tác vận động tuyên truyền được triển khai khá chu đáo. Trước khi tiến hành tiêm một tuần tôi thấy họ phát thanh thường xuyên về ngày giờ, địa điểm tiêm. Thậm chí còn giải thích rõ về những lợi ích khi tiêm, vì thế chúng tôi cũng yên tâm hơn khi đưa con đi tiêm”. Theo kế hoạch đã thông báo của Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, tới đây ngành y tế Thành phố sẽ tiến hành tiêm vắc xin phòng, chống bệnh viêm não Nhật Bản đợt 2 vào ngày 29 và 30/6. Trong đợt 2 này sẽ tiêm mũi 2 cho trẻ đã tiêm mũi 1 và tiêm vét cho các đối tượng chưa được tiêm trong đợt một. Theo thống kê, toàn thành phố Hà Nội sẽ có khoảng 220.000 trẻ thuộc diện được tiêm trong hai đợt nêu trên. Theo GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Giám đốc dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản khi trẻ được khoảng 12 - 15 tháng tuổi và tiêm đủ 3 mũi theo lịch trình của của Chương trình TCMR. Đặc biệt, với trẻ trên 5 tuổi, nếu chưa từng được tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản thì cần phải tiêm càng sớm càng tốt và tiêm đủ 3 mũi cơ bản, theo lịch trình của của Chương trình TCMR.

Tạp chí tài chính

Nhiều điểm đột phá trong Luật Bảo hiểm Y tế mới

Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định điều này tại Chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời. Từ năm 2021 sẽ thông tuyến tỉnh và tuyến trung ương. Cụ thể, Luật lần này có những điểm sửa đổi, bổ sung chính, có lợi cho người dân đặc biệt là cho người nghèo như sau: (i) Bảo hiểm là bắt buộc và theo hộ gia đình, càng nhiều người trong gia đình tham gia thì mức đóng càng giảm xuống; (ii) Mức đồng chi trả trong điều trị giảm hẳn, trong đó bỏ phần đồng chi trả đối với hộ nghèo; với hộ cận nghèo thì giảm từ 20% trước đây xuống còn 5%; thân nhân của người có công không phải đồng chi trả hoặc chỉ còn 5%. Điểm mới nữa là thông tuyến kỹ thuật đối với tuyến xã và tuyến huyện trong địa bàn tỉnh từ ngày 1/1/2016, đặc biệt là các hộ nghèo và các hộ sống ở vùng biên giới hải đảo và vùng đặc biệt khó khăn được quyền khám chữa bệnh thông tuyến, từ tuyến xã lên đến huyện và tuyến tỉnh, trung ương. Việc thông tuyến tỉnh và tuyến trung ương bắt đầu từ năm 2021; sẽ mở thêm nhiều khoa khám bệnh với phiếu lấy số hẹn, có người hướng dẫn,giảm thời gian khám bệnh trung bình ít nhất 40 phút với lượt khám thông thường. “Chúng tôi cũng đã thiết lập đường dây nóng tại các bênh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh, tuyến trung ương để ghi nhận phản ánh của người dân về thái độ, quy trình khám chữa bệnh của y, bác sỹ và đã xử lý kỷ luật, cảnh cáo, chuyển công tác, buộc thôi việc… những cá nhân vi phạm”, Bộ trưởng Tiến cho biết thêm. Giá thuốc của Việt Nam thấp hơn Trung Quốc từ 1,5-2 lần Về vấn đề giá thuốc, Bộ trưởng Tiến cung cấp thông tin: những khảo sát của đoàn liên ngành (gồm: Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội) với 36 mặt hàng thuốc thường dùng thì thấy rằng giá thuốc của chúng ta thấp hơn của Trung Quốc từ 1,5-2 lần; thấp hơn của Thái Lan từ 2,5-3 lần. Viện Chiến lược và Chính sách Y tế cùng với các Hiệp hội doanh nghiệp khảo sát theo phương pháp của Tổ chức Y tế thế giới khoảng 3.000 mặt hàng, thì thấy những năm gần đây, tỷ lệ thuốc nội tăng giá rất thấp, còn thuốc biệt dược bên ngoài, thì mức tăng trung bình. Với thuốc bán ở ngoài các quầy thuốc tự do theo quy luật thị trường, tuy nhiên, liên bộ (gồm: Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Công Thương) đã phối hợp và xây dựng khung giá thuốc tối đa và tối thiểu. Các nhà thuốc đó phải niêm yết công khai giá bán theo giá khung, nơi nào bán quá khung giá sẽ bị xử lý. Thuốc bán trong các nhà thuốc bệnh viện không phải nguồn thuốc bảo hiểm y tế thì chỉ được mức lợi nhuận tối đa từ 5-15%. “Đối với thuốc BHYT, chúng tôi đã thực hiện theo phương thức đấu thầu rất chặt chẽ để giảm tối đa giá thuốc”, Bộ trưởng cho biết thêm. Cách đây 2 năm, liên bộ đã ra Thông tư 11 về đấu thầu và hồ sơ mời thầu, sau đó điều chỉnh Thông tư 36, 37 để khắc phục vấn đề giá có thể tăng trong quá trình đấu thầu và tránh trường hợp chất lượng thuốc giảm nếu đấu thầu giá rẻ. Thông tư này đã phân chia thuốc ra thành những nhóm nhỏ, ví dụ như: nhóm đạt "Thực hành tốt sản xuất thuốc" (GMP) của châu Âu cũng chia ra đối với nhóm nước phát triển ví dụ như Mỹ, Anh, Pháp, Australia, Nhật…; loại đạt GMP của WHO đối với những nước còn lại; chia nhóm các loại thuốc đông y, thuốc từ dược liệu ở các nhà máy đạt GMP và chưa đạt GMP; chia các nhóm thuốc theo nguyên liệu đầu vào. Tuy nhiên, nếu Hội đồng bình chọn thuốc trong bệnh viện cho rằng, cần thuốc biệt dược ngoại nhập, thì vẫn phải đưa vào danh sách dùng trong bảo hiểm. “Nhờ đó, lần đầu tiên sau nhiều năm kể từ khi làm Luật Bảo hiểm y tế, phần chi phí thuốc của bảo hiểm y tế giảm 20-30%; tỷ lệ thuốc nội tăng gấp đôi và người dân, kể cả vùng sâu, vùng xa, vùng nghèo vẫn tiếp cận được với thuốc có chất lượng và giá cả phù hợp”.

Nông nghiệp

Từ 1/7, kiểm tra sức khỏe hành khách nhập cảnh vào Việt Nam

Mục đích ngăn ngừa dịch MERS-CoV. Cộng dồn tới nay, toàn cầu ghi nhận 703 trường hợp nhiễm bệnh, ít nhất 250 tử vong. Trước diễn biến phức tạp của Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do virus corona (MERS-CoV) và nhằm ngăn chặn kịp thời dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam, chiều ngày 22/6, Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế 3 thành phố là Hà Nội, Hồ Chí Minh và Đà Nẵng triển khai áp dụng tờ khai y tế đối với tất cả các hành khách nhập cảnh Việt Nam đi trên các chuyến bay xuất phát từ 9 quốc gia vùng Trung Đông, gồm Ả rập Xê út, Quata, Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Oman, Yemen, Cô oét, Lebenon, Jordan và Iran. Việc triển khai áp dụng tờ khai y tế này được được thực hiện tại 3 sân bay quốc tế là Tân Sơn Nhất, Nội Bài và Đà Nẵng kể từ 0 giờ ngày 1/7. Cũng theo Bộ Y tế, tính đến cuối giờ chiều ngày 22/6, đầu mối IHR của Ả rập Xê út thông báo nước này ghi nhận thêm 2 trường hợp mắc MES-CoV, trong đó có 1 trường hợp có tiền sử đi tới Mecca và tiếp xúc với ca nhiễm MERS-CoV trước đó. Cộng dồn tới nay, toàn cầu ghi nhận 703 trường hợp nhiễm MERS-CoV, ít nhất 250 tử vong. Lo ngại về dịch bệnh sẽ lan ra nhiều nước, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng khuyến cáo tất cả quốc gia phải triển khai các biện pháp kiểm soát phòng lây nhiễm, nhất là nâng cao nhận thức về MERS-CoV đối với nhóm người đi hành hương, du lịch tới vùng bị ảnh hưởng bởi MERS-CoV.

Infonet

Bộ trưởng Tiến: Giá thuốc Việt Nam rẻ hơn ở Trung Quốc

Từ các phiên chất vấn ở TVQH, đến Quốc hội mới đây hay tại các diễn đàn khác,nói về giá thuốc, Bộ trưởng Y tế luôn khẳng định giá thuốc Việt Nam đang rẻ hơn các nước trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc. Trong chuyên mục Dân hỏi Bộ trưởng trả lời tối 22/6, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến một lần nữa lại nhắc lại điều này. Có lẽ vấn đề giá thuốc ở Việt Nam đang là sự tự hào của ngành Y tế cũng như cá nhân Bộ trưởng. Theo Bộ trưởng Tiến, thời gian qua, giá thuốc có thể “tăng chút ít” bởi vì giá đầu vào đều tăng. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, từ những khảo sát của liên ngành (gồm Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban các vấn đề xã hội) khảo sát 36 mặt hàng thuốc thường dùng thì thấy giá thuốc của chúng ta thấp hơn của Trung Quốc từ 1,5 – 2 lần, và thấp hơn của Thái Lan từ 2,5 – 3 lần. Bên cạnh đó, Viện Chiến lược chính sách cùng với các Hiệp hội doanh nghiệp khảo sát theo phương pháp của Tổ chức Y tế Thế giới, khoảng 3.000 mặt hàng thì thấy tỷ lệ thuốc nội tăng giá rất thấp, còn đối với thuốc biệt dược bên ngoài thì mức tăng trung bình. Còn thuốc Bảo hiểm y tế thì được thực hiện theo những phương thức đấu thầu rất chặt chẽ nên đã giảm tối đa giá thuốc. Đối với thuốc bán ở các quầy thuốc tự do, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Công thương đã phối hợp và xây dựng khung giá thuốc tối đa và tối thiểu. Các nhà thuốc phải niêm yết công khai giá đó, nơi nào bán quá khung giá sẽ bị xử lý. Thuốc bán trong các nhà thuốc bệnh viện không phải nguồn thuốc Bảo hiểm y tế thì chỉ được mức lời tối đa từ 5-15%. Liên quan đến chủ trương đấu thầu thuốc, Bộ trưởng Tiến cho biết, Thông tư 11 về đấu thầu và hồ sơ mời thầu, sau đó điều chỉnh thông tư 36, 37 đã khắc phục vấn đề giá có thể tăng trong quá trình đấu thầu và tránh trường hợp chất lượng thuốc giảm nếu đấu thầu giá rẻ. Thông tư này đã phân chia thuốc ra thành những nhóm nhỏ như nhóm đạt JMP của châu Âu, đối với nhóm các nước đã phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Australia, Nhật… và loại đạt JMP của Tổ chức Y tế Thế giới. Thông tư cũng chia nhóm các loại thuốc đông y, thuốc từ dược liệu ở các nhà máy đạt JMP và chưa đạt JMP. Sau nhiều năm, từ khi làm Luật Bảo hiểm, phần chi phí thuốc của bảo hiểm y tế sẽ giảm 20-30% và người dân kể cả vùng sâu, vùng xa, vùng nghèo vẫn tiếp cận được với thuốc có chất lượng và giá cả phù hợp. Giải đáp về vấn đề bảo hiểm y tế, Bộ trưởng cho biết, Luật Bổ sung điều chỉnh Bảo hiểm lần này luôn đặt quyền lợi của nhân dân, đặc biệt của người nghèo lên trên. Cụ thể có những điểm sửa đổi chính như: mua Bảo hiểm là bắt buộc và theo hộ gia đình. Trong gia đình càng nhiều người tham gia thì tiền đóng góp mua thẻ Bảo hiểm sẽ càng giảm dần để tiến tới một lộ trình Bảo hiểm y tế toàn dân. Về mức hưởng, lần sửa này có thay đổi rõ rệt. Đối với người nghèo vàngười có công như: Cha, mẹ, vợ, con của liệt sĩ từ chỗ phải đồng chi trả, đối với người nghèo là 5% thì hiện nay không phải chi trả. Đối với các đối tượng cận nghèo, trước đây phải đồng chi trả 20% giờ giảm xuống còn 5%. Một đổi mới khác tới đây là mở thông các tuyến khám chữa bệnh. Từ 1/1/2016, người dân đặc biệt là các hộ nghèo và các hộ sống ở vùng hải đảo và vùng đặc biệt khó khăn được quyền khám chữa bệnh thông tuyến, từ tuyến xã lên đến huyện và tuyến tỉnh, Trung ương. Nghĩa là những người sống ở vùng này, nếu bị nặng có thể chuyển thẳng lên tuyến Trung ương và được thanh toán hoàn toàn. Đấy là một điểm rất mới để đảm bảo chính sách cho những đối tượng được ưu tiên và mở thông đến tuyến tỉnh và tuyến Trung ương từ năm 2021 trở đi. Cùng với những đổi mới như nêu trên, Bộ trưởng Tiến cũng cho biết, sẽ đổi mới một loạt thủ tục hành chính như rút ngắn thời gian chờ đợi và mở thêm nhiều phòng khám, giảm các thủ tục hành chính, đặc biệt ở khoa khám bệnh để người bệnh bớt các thủ tục phiền hà, thu hút người tham gia BHYT nhiều hơn.

Vnmedia

Luật Bảo hiểm Y tế: Mức đồng chi trả giảm mạnh

Trong chuyên mục “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” tối 22/6, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, theo Luật mới, mức đồng chi trả của nhiều đối tượng giảm mạnh; đặc biệt là bổ sung các quy định về khám thông tuyến được thanh toán hoàn toàn...- Một người dân đã đặt câu hỏi: “Bảo hiểm y tế là vấn đề mà những người dân nghèo như chúng tôi rất quan tâm. Tuy nhiên trong thời gian qua chúng tôi thấy có quá nhiều mệtmỏi và khó khăn khi đi khám theo chế độ bảo hiểm y tế. Những người dân nghèo như chúng tôi rất muốn được hỗ trợ nhiều hơn nữa về mặt tài chính đối với vấn dề bảo hiểm y tế. Vì vậy, chúng tôi rất kỳ vọng vào những đổi mới của Luật Bảo hiểm y tế mà dự kiến Quốc hội sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII vào tháng 6 này. Vậy Bộ trưởng có thể cho chúng tôi biết những đổi mới đột phá của Dự thảo Luật sửa đổi lần này là gì? Liệu bảo hiểm y tế có thiết thực hơn với người nghèo như chúng tôi hay không? Luật lần này có những sửa đổi bổ sung chính có lợi cho người dân, đặc biệt là của người nghèo. Có những điểm sửa đổi chính: Thứ nhất, thực hiện mua Bảo hiểm là bắt buộc và theo hộ gia đình, như vậy càng nhiều người tham gia thì mức đóng càng giảm xuống. Thứ 2, mức đóng giảm hẳn. Theo đó, bỏ hẳn đồng chi trả với người nghèo. Đối với ngườicận nghèo trước đây phải đồng chi trả 20% thì giảm xuống còn 5%. Với thân nhân của người có công thì không phải đồng chi trả hoặc chỉ đồng chi trả 5%. Nội dung đổi mới thứ 3 là việc thông tuyến kỹ thuật đối với từ tuyến xã lên tuyến huyện từ 1/1/2016, người dân, đặc biệt là người dân nghèo và sống ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, vùng biên giới hải đảo được quyền khám chữa bệnh thông tuyến, từ xã lên huyện, lên tỉnh và lên đến tuyến Trung ương... Chúng tôi cũng thiết lập đường dây nóng tại các tuyến huyện, tỉnh, trung ương để phản ánh những phàn nàn của người dân về thái độ, quy trình và đã xử lý buộc thôi việc, cảnh cáo, trừ thưởng... đối vớinhững cán bộ y tế không làm hài lòng người bệnh. -Một người dân khác hỏi: ”Tôi có con nhỏ nên thường phải đi mua thuốc khi cháu bị bệnh, nhưng tôi nhận thấy giá thuốc Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực. Bộ trưởng có thể cho biết nhận định của tôi có đúng hay không? Và tại sao? Thêm nữa, tôi thấy giá thuốc thời gian qua vẫn tăng nhiều?Bộ trưởng cho biết thực tế tình hình giá thuốc và thị trường dược phẩm trong thời gian qua? Những khảo sát của một đoàn liên ngành gồm: Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban các vấn đề xã hội đi khảo sát 36 mặt hàng thuốc thường dùng thì thấy rằng giá thuốc của chúng ta thấp hơn của Trung Quốc từ 1,5 – 2 lần, và thấp hơn của Thái Lan từ 2,5 -3 lần. Viện Chiến lược chính sách cùng với các Hiệp hội doanh nghiệp khảo sát theo phương pháp của WHO khoảng 3.000 mặt hàng thì thấy những năm gần đây, tỷ lệ thuốc nội tăng giá rất thấp, còn đối với thuốc biệt dược bên ngoài thì mức tăng trung bình. Đối với thuốc BHYT, đã thực hiện theo những phương thức đấu thầu rất chặt chẽ để giảm tối đa giá thuốc. Với thuốc bán ở ngoài các quầy thuốc tự do thì phải theo quy luật thị trường, tuy nhiên, liên bộ gồm có: Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Công thương đã phối hợp và xây dựng khung giá thuốc tối đa và tối thiểu, các nhà thuốc đó phải niêm yết công khai giá đó và theo cạnh tranh, nếu nơi nào bán quá khung giá sẽ bị xử lý. Thuốc bán trong các nhà thuốc bệnh viện không phải nguồn thuốc Bảo hiểm y tế thì chỉ được mức lời tối đa từ 5-15%. -Thời gian qua, liên bộ Y tế và Tài chính đã ban hành các quy định mới về đấu thầu thuốc. Theo dữ liệu thống kê cho thấy, các quy định mới về đấu thầu thuốc đã giúp giảm giá thuốc 20-30%. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến của dự luận cho rằng giá thuốc giảm nhưng chất lượng thuốc có được đảm bảo hay không? Câu hỏi này cũng rất là xác đáng. Cách đây 2 năm, liên bộ đã ra Thông tư 11 về đấu thầu và hồ sơ mời thầu, sau đó điều chỉnh bằng thông tư 36, 37 để khắc phục vấn đề giá có thể tăng trong quá trình đấu thầu và tránh trường hợp chất lượng thuốc giảm do đấu thầu giá rẻ. Thông tư này đã phân chia thuốc ra thành những nhóm nhỏ.... mặt khác nữa, chúng ta phải phụ thuôc vào hội đồng bình chọn thuốc trong bệnh viện, nếu có nhu cầu thuốc biệt dược ngoại nhập thì chúng ta vẫn phải đưa vào danh sách dùng trong bảo hiểm. Còn những thuốc không nhất thiết phải nhập thì chúng ta đấu thầu theo những nguyên tắc như vậy. Lần đầu tiên trong bao nhiêu năm nay từ khi làm Luật Bảo hiểm, phần chi phí thuốc của bảo hiểm y tế giảm 20-30%. Thứ hai là thuốc nội trong đề án người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt thì tăng lên gấp đôi và người dân, kể cả vùng sâu, vùng xa, vùng nghèo vẫn tiếp cận được với thuốc có chất lượng và giá cả phù hợp. - Có nhiều ý kiến cho rằng chỉ quy định đấu thầu giá thuốc đối với những loại thuốc tương đối phổ biến và người dân hay phải dùng như kháng sinh. Nhưng có nhiều loại thuốc đặc trị, biệt dược thì không có trong danh sách đấu thầu? Thuốc biệt dược có giá cao không có trong danh sách bảo hiểm y tế không có vì nhu cầu loại thuốc gì thì do hội đồng thuốc của bệnh viện đó quyết định. Ví dụ như khoa hồi sức cấp cứu hay khoa nhiễm khuẩn nặng thì họ đòi hỏi phải có thuốc biệt dược, hay thuốc như tim mạch, ung thư... thì giá cao vẫn phải nhập và theo quy trình đấu thầu.

VTV

Khuyến cáo đề phòng ngộ độc cá nóc

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế vừa đưa ra một số khuyến cáo đề phòng ngộ độc cá nóc. Theo đó, mùa xuất hiện cá nóc ở Việt Nam tập trung từ tháng 5-6 và tháng 9-10. Độc tố có trong cá nóc tập trung nhiều ở gan, thận, cơ quan sinh sản, mắt, mang, da và trong máu. Độc tố không có trong thịt cá nóc. Tuy nhiên, khi đánh bắt, chế biến hoặc cá để ươn, bị dập nát, độc tố ngấm vào thịt cá sẽ gây độc khi dùng. Đặc biệt, độc tố vẫn tồn tại trong cá dù được đun nấu, phơi khô thông thường. Người bị ngộ độc, sau 5 phút đến 3-4 giờ mới xuất hiện cảm giác ngứa ở miệng; môi, lưỡi tê, khó chịu. Tiếp theo thấy mệt mỏi, chóng mặt, thắt lồng ngực, đổ mồ hôi, sùi bọt mép, nói khó, nuốt khó, nôn... Tỷ lệ tử vong cao nếu cấp cứu chậm. Người dân nên loại bỏ cá nóc ngay từ khi kéo lưới, đánh bắt, không sử dụng cá nóc làm thực phẩm dưới bất kì hình thức nào, khi xuất hiện triệu chứng ngộ độc như trên cần phải đến ngay cở sở y tế để được cấp cứu kịp thời.

News.Zing

Bộ Y tế cảnh báo sự xâm nhập của căn bệnh vừa giết 250 người

Đã có ít nhất 250 người tử vong liên quan tới bệnh viêm đường hô hấp cấp tính. Cục YTDP cảnh báo nguy cơ xâm nhập của bệnh qua đường du lịch, nhập cảnh. Ngày 23/6, tại buổi họp giao ban trực tuyến về công tác phòng chống dịch bệnh, MERS-Cov diễn biến phức tạp và liên tục ghi nhận các trường hợp mắc mới, tử vong. Cụ thể, ngày 20/6 Đầu mối quốc gia thực hiện điều lệ y tế quốc tế (IHR) của Ả rập Xê út thông báo nước này ghi nhận thêm 2 trường hợp mắc MES-CoV. Cộng dồn tới nay, toàn cầu ghi nhận 703 trường hợp nhiễm MERS-CoV, ít nhất 250 tử vong. Bệnh có nguy cơ xâm nhập vào nước ta qua khách du lịch và khách nhập cảnh tại khu vực Trung Đông. Trước đó để phòng tránh bệnh này, bộ Y tế đã yêu cầu triển khai áp dụng tờ khai y tế tại 3 sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài và Đà Nẵng. Tất cả các hành khách nhập cảnh Việt Nam, đi trên các chuyến bay xuất phát từ 9 quốc gia vùng Trung Đông đều bị kiểm tra. Về các loại dịch bệnh mùa hè, bộ Y tế cho biết, tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 31.000 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. Trong đó có 2 người tử vong tại tỉnh Long An và Bà Rịa – Vũng Tàu. So với cùng kỳ năm 2013, số trường hợp mắc bệnh tay chân miệng cả nước giảm 7,6% và số tử vong giảm 9 trường hợp. Về bệnh sốt xuất huyết, tại Việt Nam, tích lũy từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 11.000 ca mắc tại 42 tỉnh, thành phố. Trong đó có 3 người tử vong tại TP. HCM. So với cùng kỳ năm 2013, số trường hợp mắc giảm 45,2% và số tử vong giảm 6 trường hợp.Về bệnh viêm não vi rút, tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 319 ca mắc, trong đó có 4 người tử vong. So với cùng kỳ năm 2013, số mắc giảm 20,1% và số tử vong giảm 7 trường hợp. Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh cúm A(H7N9) và chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh MERS-Cov.

Người lao động

Ngăn dịch MERS-CoV từ sân bay

PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục YTDP cho biết từ ngày 1-7, Bộ Y tế sẽ triển khai áp dụng tờ khai y tế đối với người nhập cảnh từ các nước vùng Trung Đông nhằm ngăn chặn hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do corona virus (MERS-CoV)

* Phóng viên: Mức độ nguy hiểm của dịch bệnh viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do MERS-CoV như thế nào, thưa ông?

- Tác nhân gây bệnh MERS-CoV thuộc nhóm corona virus, cùng họ với virus SARS. Tuy không lây lan nhanh như SARS nhưng bệnh nguy hiểm không kém. Phần lớn bệnh nhân nhiễm MERS-CoV thường có biểu hiện nhiễm trùng đường hô hấp cấp gồm sốt trên 38 độ C, ho, khó thở, tổn thương nhu mô phổi… Tuy vậy, vẫn có tới gần 30% ca bệnh không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nên rất khó chẩn đoán, cách ly sớm. Đến khi suy hô hấp nặng thì bệnh lại diễn tiến rất nhanh, gây suy đa phủ tạng và dễ tử vong. Trong khi đó, trên thế giới hiện chưa có thuốc điều trị và vắc-xin dự phòng MERS-CoV. Các ca bệnh đầu tiên được phát hiện từ năm 2012 nhưng đáng lo ngại là số mắc đang tăng dồn dập. Tính từ đầu năm đến nay, có 703 ca nhiễm tại 22 nước, trong đó ít nhất 250 trường hợp tử vong. Hai nước ở Đông Nam Á là PhilippinesMalaysia đã có trường hợp mắc MERS-CoV, bệnh nhân là người đi du lịch từ các nước Trung Đông về. Tại Việt Nam, hiện chưa có báo cáo chính thức về số lượng người đến và đi từ các nước Trung Đông. Dù vậy, du khách đến Việt Nam lao động, học tập và du lịch từ các nước này không nhỏ và nhiều người Việt cũng từ các nước Trung Đông trở về nên MERS-CoV có thể vào nước ta bất cứ lúc nào.

* Việc áp dụng biện pháp kê khai y tế tại cửa khẩu phải chăng xuất phát từ thông tin MERS-CoV lây từ người sang người?

- Theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới, MERS-CoV được tìm thấy ở lạc đà. Tuy nhiên, nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng đã có sự lây nhiễm từ người sang người. Có tới 25% ca mắc là cán bộ y tế, điều này cho thấy lây nhiễm trong bệnh viện. Bệnh lây truyền trực tiếp từ người sang người thông qua tiếp xúc gần hoặc giọt nước bọt nhỏ. Tốc độ lây lan của MERS-CoV hiện nay chậm hơn virus gây ra bệnh SARS nhưng nếu lây từ người sang người thì khả năng bệnh lan rộng rất lớn. Chính vì thế, đầu tháng 7 tới, Bộ Y tế chính thức áp dụng tờ khai y tế tại sân bay đối với hành khách nhập cảnh Việt Nam đi trên các chuyến bay xuất phát từ 9 quốc gia vùng Trung Đông, gồm: Ả Rập Saudi, Qatar, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Oman, Yemen, Kuwait, Lebenon, Jordan và Iran. Những hành khách đến từ các nước khác sẽ được giám sát qua hệ thống máy đo thân nhiệt. Đây cũng là lần thứ 3 Việt Nam áp dụng tờ khai y tế đối với du khách tại sân bay. Trước đó là dịch SARS năm 2003 và cúm H1N1 năm 2009.

* Ông nghĩ sao khi nhiều ý kiến lo ngại việc kê khai y tế sẽ không phát hiện triệt để các ca bệnh, thậm chí còn gây phiền hà cho hành khách...?

- MERS-CoV với các biểu hiện sốt cao trên 38 độ C, ho, khó thở. Do đó, chỉ những hành khách sốt, ho mới cần giữ lại để nhân viên y tế thăm khám kỹ và hỏi về tiền sử bệnh tật cũng như hành trình của du khách, thậm chí lấy mẫu để xét nghiệm. Những trường hợp nghi nhiễm MERS-CoV sẽ được cách ly tại sân bay hoặc đưa về cơ sở y tế để điều trị. Tuy vậy, cũng có nhiều trường hợp đang trong giai đoạn ủ bệnh hoặc không có triệu chứng. Việc khai tờ khai y tế chính là để kịp thời phát hiện các trường hợp có nguy cơ cao, đồng thời nắm rõ địa chỉ của hành khách để tiếp tục theo dõi tại cộng đồng. Đây là quy định nhưng cũng là quyền lợi của hành khách nên yêu cầu cán bộ sân bay tuyên truyền cho hành khách hiểu và hợp tác.

* Ông có khuyến cáo gì đối với những người trở về từ Trung Đông trước nguy cơ lây nhiễm MERS-CoV ?

- Trong vòng 14 ngày sau khi trở về từ các nước thuộc bán đảo Ả Rập hoặc các nước láng giềng, nếu có biểu hiện sốt hoặc các triệu chứng của bệnh viêm đường hô hấp như ho, khó thở... thì cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Những trường hợp có hội chứng viêm đường hô hấp cấp mà chưa xác định rõ nguyên nhân tại cộng đồng cũng cần được theo dõi và khám xác định chẩn đoán MERS-CoV để điều trị kịp thời.

Đẩy mạnh tuyên truyền về dịch bệnh

Ngày 23-6, tại buổi họp giao ban trực tuyến về công tác phòng chống dịch bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường truyền thông về dịch bệnh; chủ động cung cấp thông tin về các dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc tại các buổi tọa đàm để người dân kịp thời có thông tin chính xác về tình hình dịch bệnh. Theo Cục YTDP, nhiều dịch bệnh nguy hiểm vẫn diễn biến phức tạp. Tính từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước ghi nhận11.148 trường hợp mắc bệnh tại 42 tỉnh, thành phố, trong đó có 7 trường hợp tử vong.

Sài Gòn giải phóng

Chủ động cung cấp thông tin về dịch bệnh

Ngày 23-6, tại cuộc họp trực tuyến về tình hình dịch bệnh trên người do Bộ Y tế tổ chức, tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận trên 31.130 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 2 trường hợp tử vong tại tỉnh Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu. Đối với dịch sốt xuất huyết, cả nước ghi nhận được 11.148 trường hợp mắc tại 42 tỉnh, thành phố, trong đó có 7 trường hợp tử vong. Trong khi đó, bệnh viêm não virus, tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 319 trường hợp mắc, trong đó có 4 trường hợp tử vong. MERS-Cov diễn biến phức tạp và liên tục ghi nhận các trường hợp mắc mới, tử vong. Chính vì vậy, bệnh có nguy cơ xâm nhập vào nước ta qua khách du lịch và khách nhập cảnh tại khu vực Trung Đông là rất cao. Tuy nhiên cho tới thời điểm này, Bộ Y tế chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh MERS-Cov. Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu công tác truyền thông về phòng chống dịch bệnh phải theo hướng chủ động cung cấp thông tin về các dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc tại các buổi tọa đàm để thông tin đến với người dân một cách đa dạng, thường xuyên và liên tục.

Xử lý ngay hành vi gian lận BHYT

Ngày 24-6, Bộ Y tế cho biết trước hiện tượng gian lận, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) xảy ra tại một số địa phương, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có chỉ thị tăng cường các biện pháp kiểm tra, chấn chỉnh ngăn chặn các hành vi sai phạm này, kịp thời phát hiện các hành vi gian lận, trục lợi quỹ BHYT, báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về BHYT theo quy định của Chính phủ.Bộ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở y tế có liên quan chủ động kiểm tra và triển khai các biện pháp nhằm thực hiện tốt việc khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán chi phí đối với người bệnh diện BHYT. Trong đó, đặc biệt lưu ý kiểm tra các bảng kê chi phí khám, chữa bệnh của người bệnh, bảo đảm tính chính xác và các bảng kê chi phí phải có chữ ký xác nhận của người bệnh theo đúng quy định.

Xã hội hóa điều trị ma túy bằng Methadone

Sau 5 năm triển khai, chương trình điều trị cai nghiện ma túy bằng thuốc Methadone đã đem lại nhiều lợi ích về sức khỏe, kinh tế và an ninh trật tự xã hội cho một số địa phương của cả nước. Trong đó, TPHCM có 5 cơ sở điều trị cai nghiện thay thế bằng Methadone với hơn 1.000 bệnh nhân tham gia.

Hiệu quả thiết thực

Theo BS Phạm Thanh Hiếu, cơ sở điều trị bằng Methadone quận 8 - TPHCM, hiện cơ sở đang phát thuốc cai nghiện Methadone cho hơn 300 người, trong đó gần một nửa không thường trú tại địa bàn quận 8. Qua hơn 3 năm triển khai, BS Hiếu cho biết một số trường hợp bệnh nhân ngừng điều trị giữa chừng vì nhiều lý do khác nhau nhưng về cơ bản đa số đã cai nghiện, tái hòa nhập cộng đồng… Ghi nhận tại các cơ sở điều trị Methadone ở quận 6, Thủ Đức, Bình Thạnh cho thấy, hầu hết bệnh nhân nằm trong chương trình điều trị đều chấp hành tốt quy định giờ giấc uống thuốc cũng như các tư vấn, khuyến cáo của cán bộ y, bác sĩ. Theo các tư vấn viên cơ sở điều trị Methadone quận 8, tiêu chuẩn cai nghiện từ trên 18 tuổi hoặc nếu dưới 18 tuổi phải có người giám hộ, tự nguyện cai nghiện, có địa chỉ ổn định. Tại cơ sở cai nghiện bằng Methadone quận 4, qua thống kê sơ bộ có hơn 80% trường hợp đăng ký cai nghiện đã cắt cơn nghiện, trở lại cuộc sống đời thường và hòa nhập cộng đồng… Triển khai thí điểm chương trình cai nghiện Methadone từ giữa năm 2008, TPHCM được đánh giá đạt hiệu quả đáng kể về mặt điều trị lẫn xã hội. Theo Ủy ban Phòng chống HIV/AIDS TPHCM, chương trình đã đáp ứng được nguyện vọng của người nghiện ma túy cũng như gia đình và cộng đồng. Kết quả điều trị cho thấy, người nghiện đã giảm đáng kể về tần suất và liều sử dụng và sau khoảng 3 tháng thì cắt nghiện hoàn toàn. Đa số bệnh nhân tham gia điều trị được cải thiện tốt về sức khỏe. Không riêng TPHCM, theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, hiện cả nước đã có 20 tỉnh, thành phố tổ chức cai nghiện ma túy bằng Methadone tại 62 cơ sở cho gần 15.000 người. Bộ Y tế cũng nhận định chương trình cai nghiện Methadone có kết quả đáng khích lệ. Theo Bộ Y tế, sau tháng đầu tiên điều trị, chỉ còn 57% bệnh nhân sử dụng ma túy, sau tháng thứ hai còn 30% và tháng thứ ba tỷ lệ bệnh nhân sử dụng ma túy giảm còn 18%. Sau 3 tháng sử dụng Methadone, đã có 40% bệnh nhân tăng từ 2 - 4kg và hơn 20% người tìm được việc làm ổn định.

Khuyến khích xã hội hóa

Theo Bộ Y tế, điều trị Methadone là phương pháp hiệu quả, chi phí rẻ, phù hợp với điều kiện kinh tế của Việt Nam. Song hầu hết các địa phương hiện nay đang gặp khó khăn về kinh phí đầu tư cho cơ sở điều trị. Kinh phí này bao gồm chi phí cơ sở vật chất ban đầu, mua thuốc Methadone khi nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế cho chương trình kết thúc sau năm 2015 và đặc biệt là chi phí vận hành, tiền lương cho cán bộ nhân viên các cơ sở. Theo đánh giá của Bộ Y tế, thực trạng cai nghiện tập trung tại các trung tâm còn nhiều hạn chế, tỷ lệ tái nghiện cao; nhiều mô hình cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng hiệu quả nhưng chưa được nhân rộng. Trong khi nguồn lực xã hội chưa được phát huy. Theo Ủy ban Phòng chống HIV/AIDS TPHCM, hiện có 16 cơ sở cai nghiện ma túy, trong đó có 12 cơ sở cai nghiện bắt buộc quản lý và điều trị cho hơn 9.000 người nghiện. Tuy nhiên, thành phố đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu Methadone do các tổ chức quốc tế và trung ương cắt giảm kinh phí hỗ trợ. Để đảm bảo quá trình điều trị của bệnh nhân được liên tục, UBND TPHCM đã phải chi thêm 3,2 tỷ đồng từ ngân sách (nâng tổng kinh phí cho chương trình Methadone lên 10,2 tỷ đồng) cho việc mua thuốc và chi phí hoạt động của các cơ sở điều trị. Trước thực trạng này, UBND TPHCM đang hướng tới triển khai xã hội hóa chương trình Methadone nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị. Theo kế hoạch triển khai xây dựng các cơ sở điều trị cai nghiện ma túy dựa vào cộng đồng và giải pháp mở rộng điều trị Methadone tại TPHCM đến năm 2015, thành phố sẽ mở rộng và xã hội hóa chương trình Methadone ra tất cả các quận huyện; phát triển thêm 10 cơ sở điều trị và 15 điểm phát thuốc vệ tinh. Trong quý 3-2014, TPHCM sẽ triển khai xã hội hóa chương trình Methadone. “Để đảm bảo nguồn kinh phí cho các hoạt động điều trị, giảm tỷ lệ người nghiện trong cộng đồng, thành phố yêu cầu bệnh nhân có nghĩa vụ phải đóng một phần chi phí điều trị”, một lãnh đạo Sở Y tế TPHCM cho biết. Tuy nhiên, trước mắt, TPHCM kiến nghị trung ương hỗ trợ đủ thuốc Methadone trong năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015 để đảm bảo thực hiện đề án “Mở rộng xã hội hóa chương trình Methadone giai đoạn 2014 đến 2016”. “Thay vì nhà nước và các tỉnh bỏ ra hàng chục tỷ đồng mỗi năm để tạm giam người nghiện và vận hành các trại cai nghiện tập trung thì hãy tạo ra một nhu cầu thực sự được điều trị cho người nghiện. Khi có nhu cầu và có quyền lợi điều trị thì người nghiện và gia đình họ nhất định sẽ tìm đến các trung tâm cai nghiện Methadone. Nhiều gia đình bệnh nhân sẵn sàng trả thêm tiền để được ưu tiên vào điều trị”, ông Trịnh Quân Huấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, nhìn nhận. Hiện nay, toàn bộ kinh phí mua Methadone vẫn được trích từ tài trợ quốc tế, nhưng nguồn này đang bị cắt giảm và sẽ kết thúc vào năm 2015, trong khi 65.000 người bệnh vẫn đang chờ được điều trị. Kết luận hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2014 mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá nguồn kinh phí cho công tác phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm đang giảm dần, chương trình điều trị Methadone cho người nghiện ma túy chưa đạt chỉ tiêu… Do đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo các ban ngành liên quan sớm tổng hợp, cân đối nhu cầu người nghiện ma túy điều trị Methadone của các địa phương để xem xét, phê duyệt trong tháng 6-2014 về kế hoạch điều trị Methadone năm 2014 và năm 2015 cho hơn 80.000 người nghiện ma túy. “Bảo đảm nguồn thuốc Methadone cung ứng đầy đủ, kịp thời cho các địa phương; đẩy mạnh việc thí điểm và nhân rộng các mô hình hỗ trợ điều trị nghiện bằng các loại thuốc khác, hướng dẫn các địa phương tăng cường huy động các nguồn lực cho các hoạt động phòng chống ma túy, mại dâm, AIDS, đặc biệt là nguồn xã hội hóa…”.

Vietnamnet

Bác sĩ khoa Thần kinh: "Ngủ trưa cực tốt và rất cần thiết"

Phân tích về mặt y học, khoa học, xã hội học, các chuyên gia cho rằng, lệnh cấm ngủ trưa là không cần thiết vì việc duy trì một giấc ngủ trưa ngắn và hợp lý sẽ giúp người lao động có được hiệu năng sản xuất tốt hơn rất nhiều. Ngủ trưa tốt, nhưng ngủ quá nhiều có thể gây tử vong sớm Theo Ths. Nguyễn Thị Thanh Bình, Khoa Tâm thần kinh, Bệnh Viện Lão khoa Trung ương, việc duy trì thói quen ngủ trưa là rất tốt. Bởi sau mấy tiếng làm việc, 1 giấc ngủ trưa ngắn sẽ giúp cơ thể hết mệt mỏi, phục hồi sức khỏe, tái tạo lại năng lượng, cải thiện trí nhớ, cải thiện tâm trạng, làm tăng cảm giác và sự sáng tạo. Tuy nhiên, có một vài khuyến cáo mà mọi người cần phải nắm được đó là: nên ngủ trưa, nhưng đừng nên ngủ trưa quá nhiều. Ths Bình cũng cho biết, theo một nghiên cứu gần đây của Tạp chí nghiên cứu giấc ngủ được đăng tải trên trang Healthcentral, khi kiểm tra lợi ích của những người có giấc ngủ ngắn với độ dài khác nhau và những người không ngủ. Kết quả thu được cho thấy, một giấc ngủ ngắn 10 phút có tác dụng nhiều nhất về mặt giảm buồn ngủ và cải thiện khả năng nhận thức. BS Nguyễn Bảo Khánh, Khoa Nội, BV Bưu điện cũng cung cấp thông tin cho biết, giấc ngủ trưa ngắn có tác dụng tốt, nhưng những người duy trì giấc ngủ trưa quá dài sẽ làm tăng khả năng giảm tuổi thọ. Thông tin này được cung cấp dựa trên các tài liệu nghiên cứu của nước ngoài. Theo đó, một nghiên cứu ở Anh đã chỉ ra rằng những người ngủ trưa từ 1 tiếng hoặc hơn trong ngày có thể tăng khả năng chết sớm lên 1/3. Đồng thời, tăng nguy cơ xuất hiện các bệnh liên quan đến phổi như: viêm phế quản, khí phế thũng và viêm phổi. Nghiên cứu này cũng cho thấy, những người lớn có giấc ngủ trưa hàng ngày trên 2,5 tiếng sẽ bị chết bởi bệnh hô hấp nhiều hơn những người khác. Tạp chí dịch tễ học của Mỹ cũng đăng thông tin cho rằng, những người ngủ lơ mơ suốt một ngày có thể là dấu hiệu của các bệnh phổi. Hay một nghiên cứu khác của các chuyên gia Cambride khi theo dõi hơn 16.000 người gồm cả nam và nữ trong hơn 13 năm ở độ tuổi từ 9-99 tuổi về các yếu tố chính ảnh hưởng đến cái chết và lối sống gây ung thư cũng quan tâm đến chi tiết thói quen ngủ trưa của mỗi người, trong đó bao gồm cả thời gian ngủ trưa trong ngày. Sau đó, các nhà nghiên cứu theo dõi họ trong 13 năm và ghi lại số người chết là trên 3000 người và nguyên nhân chết của những người này. Khi so sánh tỉ lệ chết với thói quen ngủ trưa, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy nguy cơ chết tăng lên 14% ở những người ngủ trưa ít hơn 1 giờ trong ngày, nhưng nếu giấc ngủ trưa của họ nhiều hơn một giờ thì tỉ lệ này tăng lên 32%. Khi họ tìm hiểu nguyên nhân của cái chết, họ thấy cái chết liên quan đến bệnh lý đường hô hấp ở những người ngủ trưa trên 1h tăng gấp 2 lần. Lệnh cấm ngủ trưa là không cần thiết Nếu ở một văn phòng tráng lệ, bất cứ lúc nào cũng có thể có khách đến, thì việc nằm ngủ ở những tư thế phản cảm là không ổn. Nhưng nếu sử dụng phòng họp để ngủ thì sẽ không vấn đề gì. Vì vậy, tôi cho rằng việc ban hành lệnh cấm ở đây là không cần thiết. Dù rằng việc lệnh cấm này không đến mức xâm phạm vào luật Lao động, không phải là cái gì đó quá thô bạo. Nhưng nếu lập luận cho rằng, thế giới họ không ngủ trưa vẫn làm việc hiệu quả mà mình không làm được thì không thể hội nhập là không đúng. Bởi ngay ở bên Mỹ cũng có hẳn 1 viện có tên là Viện Giấc ngủ nghỉ trưa. Kết quả nghiên cứu từ viện này cho thấy, nếu bảo vệ, khích lệ giấc ngủ đó trong thời gian hợp lý thì nó sẽ giúp người lao động có được hiệu năng sản xuất tốt hơn. Tất nhiên, giấc ngủ trưa ở đây không phải là giấc mệt ngủ quá lâu. Tức là, chúng ta có thể tạo điều kiện để giấc ngủ trưa của nhân viên diễn biến chớp nhoáng trong khoảng thời gian 15 – 45 phút để bồi bổ sức khỏe, tái tạo lại sức sản xuất để tầm buổi chiều người lao động có thể thông tuệ hơn, khỏe khoắn hơn để làm việc tốt hơn. Theo đó, nếu ông chủ doanh nghiệp không muốn nhân viên của ông đó ngủ trưa thì ông phải quy định giờ làm việc thích hợp, và khoảng thời gian nghỉ trưa cũng phải tương thích, cũng như không gian để họ không ngủ trưa nhưng cũng phải được nghỉ ngơi một cách tích cực. “Còn quan điểm của tôi là anh không thể buộc người ta ngủ trưa, và cũng không cấm được người ta ngủ trưa nếu họ ngủ trong giờ họ tự chịu trách nhiệm. Và không gây ảnh hưởng đến người khác”. Còn nếu so sánh với các công ty ở nước ngoài, thì rõ ràng, nhiều công ty không có giấc ngủ trưa nhưng họ lại khởi động rất muộn. Trong khi ở ta, các cơ quan hoạt động từ 7h30, nhiều nơi là 8h. Nên quãng thời gian nghỉ trưa không phải là 1 tiếng mà trên thực tế có khi lên đến 1,5 tiếng. Vậy thời gian đó, hoàn toàn người ta dư sức có một giấc ngủ ngắn. Tất nhiên, việc ngủ với tư thế xấu ở chốn văn phòng thì là phản cảm, và mỗi người cũng nên có sự điều chỉnh. Nhưng chúng ta cũng nên nhớ, nếu 1 phòng đóng kín để sản xuất cho dù là sản xuất giá trị tinh thần, sản xuất ra những vấn đề giấy mực, ý tưởng... thì vẫn là một môi trường sản xuất khép kín. Có nghĩa là thời gian đó không có khách đến được.

Sức khoẻ đời sống

Kiên quyết ngăn chặn gian lận, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế

Giám đốc các bệnh viện cần tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh công tác lập hồ sơ bệnh án, kê đơn, cấp thuốc bảo hiểm y tế, không để xảy ra tình trạng lập hồ sơ bệnh án khống, kê đơn khống để chiếm dụng tiền của quỹ bảo hiểm y tếĐây là một trong những nội dung quan trọng của Chỉ thị số 06/CT-BYT về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phòng chống hành vi gian lận, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa ký ban hành Chỉ thị nêu rõ, trong những năm qua, đặc biệt là sau khi Luật Bảo hiểm y tế có hiệu lực, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong toàn ngành đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đổi mới cơ chế tài chính, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh bảo hiểm y tế, góp phần từng bước thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân. Tuy nhiên, Chỉ thị này cũng cho hay, thời gian gần đây qua thanh tra, kiểm tra, cơ quan bảo vệ pháp luật đã phát hiện và xử lý một số cá nhân có hành vi gian lận, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế, gây hậu quả xấu, ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh, uy tín của ngành y tế và cơ quan bảo hiểm xã hội. Để kịp thời ngăn chặn hành vi gian lận, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế và phát huy hiệu quả chính sách bảo hiểm y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố, người có trách nhiệm phụ trách về công tác y tế của các bộ, ngành tăng cường công tác tham mưu thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo hiểm y tế; công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế. Đồng thời, phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác khám chữa bệnh; đấu thầu, cung ứng, quản lý và sử dụng thuốc, hóa chất, vật tư y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong tỉnh; phòng ngừa và kịp thời phát hiện các hành vi gian lận, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế, báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo hiểm y tế theo quy định của Chính phủ.Chỉ thị của Bộ Y tế về vấn đề này cũng nhấn mạnh, giám đốc bệnh viện, viện có giường bệnh, cơ sở khám chữa bệnh các tuyến chủ động kiểm tra và triển khai các biện pháp nhằm thực hiện tốt việc khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh bảo hiểm y tế. Trong đó, đặc biệt lưu ý kiểm tra các bảng kê chi phí khám, chữa bệnh của người bệnh bảo đảm tính chính xác và các bảng kê chi phí phải có chữ ký xác nhận của người bệnh theo đúng quy định; kiểm tra và bàn giao ngay cho cơ quan Bảo hiểm xã hội số lượng thẻ bảo hiểm y tế do người bệnh bỏ lại, thẻ của người bệnh đã tử vong, thẻ không có người nhận. Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện phải công khai Bảng giá dịch vụ y tế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt tại nơi thanh toán. Bảng giá dịch vụ y tế phải rõ ràng, dễ đọc, dễ thấy và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải kịp thời giải đáp những thắc mắc của người bệnh liên quan đến giá dịch vụ y tế. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh; bảo đảm công khai, minh bạch các danh mục dịch vụ y tế và giá các dịch vụ y tế, kịp thời phát hiện những sai sót, trùng lặp trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế để chấn chỉnh, xử lý.

Giá thuốc tại Việt Nam thấp hơn các nước từ 1,5 - 3 lần

Liên quan đến chủ trương đấu thầu thuốc, Bộ trưởng cho biết, Thông tư 11 về đấu thầu và hồ sơ mời thầu, sau đó điều chỉnh Thông tư 36, 37 đã khắc phục vấn đề giá có thể tăng trong quá trình đấu thầu và tránh trường hợp chất lượng thuốc giảm nếu đấu thầu giá rẻ. Trước  ý kiến hoài nghi giá thuốc trúng thầu giá rẻ, liệu chất lượng thuốc có đảm bảo, Bộ trưởng nhấn mạnh việc hoài nghi giá thuốc trúng thầu với giá rẻ, chất lượng chưa đảm bảo là không có cơ sở. Bởi theo quy định về mặt quản lý, quy trình đấu thầu mua thuốc, bước đầu tiên các mặt hàng thuốc đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn về kỹ thuật, chất lượng thuốc mới chuyển sang công đoạn đánh giá về giá (theo quy định tại Luật Đấu thầu là lựa chọn mặt hàng có giá đánh giá thấp nhất). Các thuốc nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam đều được cấp số đăng ký lưu hành (hoặc giấy phép nhập khẩu). Để được cấp phép lưu hành tại nước sở tại thì sản phẩm đã được thẩm định, đánh giá đầy đủ về tiêu chuẩn chất lượng, dữ liệu an toàn, hiệu quả của thuốc. Đối với nhà máy sản xuất thuốc phải đạt nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt theo khuyến cáo của WHO (WHO-GMP) hoặc của EU, PIC/s. Theo nguyên tắc GMP, tất cả các mặt hàng thuốc trước khi đưa ra lưu hành trên thị trường đều phải được nhà sản xuất kiểm tra chất lượng đạt yêu cầu. Ngoài ra, thuốc sau khi được cấp số đăng ký lưu hành, các Viện Kiểm nghiệm TW và các trung tâm kiểm nghiệm trên toàn quốc thực hiện hậu kiểm về chất lượng thuốc, tất cả các trường hợp không đạt tiêu chuẩn theo hồ sơ đăng ký lưu hành sẽ bị xử lý. Như vậy, Bộ Y tế xin khẳng định, thuốc đã được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam đảm bảo chất lượng và an toàn, hiệu quả khi sử dụng.

"Cần chủ động cung cấp thông tin dịch bệnh cho người dân"

Phát biểu tại cuộc họp về phòng chống dịch bệnh tại Bộ Y tế ngày 23/6, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, để phòng chống dịch bệnh hiệu quả, truyền thông phải đi trước một bước, trong đó đặc biệt chú trọng vào truyền thông dự phòng giúp người dân biết cách phòng các bệnh truyền nhiễm

Bệnh MERS-Cov có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam

Thông tin tại cuộc họp, Cục trưởng Cục YTDP (Bộ Y tế) cho biết: MERS-Cov diễn biến phức tạp và liên tục ghi nhận các trường hợp mắc mới, tử vong. Chính vì vậy, bệnh có nguy cơ xâm nhập vào nước ta qua khách du lịch và khách nhập cảnh tại khu vực Trung Đông. Bên cạnh đó, các bệnh truyền nhiễm khác đều có số mắc giảm so với cùng kỳ năm 2013 và không ghi nhận ổ dịch tập trung. Theo báo cáo của Bộ Y tế, tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 31.139 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; trong đó có 2 trường hợp tử vong tại tỉnh Long An và Bà Rịa – Vũng Tàu . So với cùng kỳ năm 2013, số trường hợp mắc bệnh tay chân miệng cả nước giảm 7,6% và số tử vong giảm 9 trường hợp. Tuýp vi rút gây bệnh lưu hành là EV 71 (57,6%) và các EV khác. Theo WHO, năm 2014, sốt xuất huyết vẫn lưu hành ở mức cao tại nhiều quốc gia trong khu vực Tây Thái Bình Dương. Tại Việt Nam, tích lũy từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước ghi nhận được 11.148 trường hợp mắc tại 42 tỉnh, thành phố. Trong đó có 7 trường hợp tử vong tại Thành phố Hồ Chí Minh (3 trường hợp), Bình Dương (1 trường hợp), Cà Mau (1 trường hợp), Bình Phước (1 trường hợp) và Phú Yên (1 trường hợp). So với cùng kỳ năm 2013, số trường hợp mắc giảm 45,2% và số tử vong giảm 6 trường hợp. Về bệnh viêm não vi rút, tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 319 trường hợp mắc, trong đó có 4 trường hợp tử vong. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ xét nghiệm dương tính với viêm não Nhật Bản trong số viêm não vi rút là khoảng 9%. So với cùng kỳ năm 2013, số mắc giảm 20,1% và số tử vong giảm 7 trường hợp. Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh cúm A (H7N9) và chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tính tại vùng Trung Đông (MERS-Cov). Riêng đối với cúm A (H5N1), từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 2 trường hợp tử vong tại Bình Phước và Đồng Tháp. Các trường hợp này đều có tiền sử tiếp xúc, giết mổ gia cầm bị bệnh.

Không được lơ là phân tuyến điều trị, sàng lọc bệnh

Thời gian tới, ngành y tế tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn chỉnh sửa đổi Hướng dẫn giám sát và phòng chống sốt xuất huyết và bệnh liên cầu lợn ở người; hoàn chỉnh kế hoạch phòng chống dịch; đẩy mạnh và tăng tỷ lệ tiêm vắc xin trong dự án tiêm chủng mở rộng. Đồng thời, chuẩn bị triển khai kế hoạch tiêm vắc xin Sởi – Rubella cho trẻ từ 1 đến 14 tuổi (dự kiến vào tháng 9/2014); triển khai phần mềm giám sát dịch bệnh truyền nhiễm tại 63 tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước; triển khai đề tài nghiên cứu hiệu quả sử dụng hóa chất diệt ấu trùng muỗi Sumilarv tại thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Bên cạnh đó, Bộ Y tế tiếp tục tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo, hỗ trợ công tác phòng chống dịch tại các tỉnh, thành phố trọng điểm; thường xuyên theo dõi, rà soát các trang thiết bị, thuốc, vật tư, hóa chất phục vụ công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh. Đồng thờ, đảm bảo cung ứng đủ vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng; tăng cường công tác truyền thông những khuyến cáo của Bộ Y tế về các dịch bệnh... Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu công tác truyền thông về phòng chống dịch bệnh phải theo hướng chủ động cung cấp thông tin về các dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo viết, báo mạng, truyền hình) hoặc tại các buổi tọa đàm để thông tin đến với người dân một cách đa dạng, thường xuyên và liên tục. Bộ trưởng yêu cầu đối với bệnh viêm đường hô hấp tính tại vùng Trung Đông (MERS-CoV) cần triển khai áp dụng tờ khai y tế tại 3 sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài và Đà Nẵng đối với tất các hành khách nhập cảnh Việt Nam đi trên các chuyến bay xuất phát từ 9 quốc gia vùng Trung Đông. Đối với các dịch bệnh khác, Bộ trưởng yêu cầu cần tăng cường tỷ lệ tiêm chủng trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Bên cạnh đó, ngành y tế cần tập trung vào việc phân tuyến, sàng lọc bệnh, cách ly, đặc biệt là phòng chống nhiễm trùng, lây nhiễm chéo tại bệnh viện… “làm tốt các khâu này sẽ góp phần hạn chế được những tác động không mong muốn của dịch bệnh đến người bệnh ”.

Vietnamplus

Lai Châu: 6 người ngộ độc "do ăn bọ xít đen" đã xuất viện

Ngày 23/6, ông Chu Văn Ban, Chi cục trưởng Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Lai Châu đã chính thức cung cấp thông tin đến báo chí về vụ hàng chục người dân tộc Thái, ở xã Khoen o­n, huyện Than Uyên, bị ngộ độc do nghi ăn các món ăn chế biến từ con bọ xít đen, trong đó có một người bị tử vong. Đến nay, trong số 24 người bị ngộ độc phải đến điều trị, cấp cứu tại bệnh viện tuyến huyện, có 6 người sức khỏe ổn định đã được xuất viện; còn lại 7 trường hợp đang điều trị tại khoa Nội, 9 trường hợp ở khoa Nhi và 2 trường hợp điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu. Ông Chu Văn Ban, Chi cục trưởng Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Lai Châu, cũng cho biết qua điều tra, xác minh cụ thể có 6 gia đình ở bản Mùi 2 (xã Khoen o­n) với 38 người đã ăn "bọ xít đen," trong đó có 29 người bị ngộ độc. Người lớn tuổi nhất bị ngộ độc là 88 tuổi, người nhỏ nhất là 4 tuổi, người bị tử vong 57 tuổi. Trường hợp một phụ nữ đang mang thai bị ngộ độc, được đưa đi cấp cứu và đã sinh con, nay nữ bệnh nhân này vẫn đang được điều trị tại Bệnh viện tuyến tỉnh, còn cháu bé được gia đình đưa về nhà nuôi, sức khỏe bình thường. Những con côn trùng nghi gây ra vụ ngộ độc này có dạng cùng họ với con bọ xít. Con côn trùng này có màu vằn đen, hình bầu dục, kích thước khoảng 1cm x 0,7cm. Bụng của loại côn trùng này thon nhỏ, màu trắng đục có chấm đen li ti, có mùi hôi. Nếu sờ tay vào thân con côn trùng thấy hơi dính dính. Chúng bám thành từng bầy trên thân cây thầu dầu, giống như một tổ o­ng... Về độc tố của loại côn trùng này, còn phải gửi mẫu về Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia (Bộ Y tế) để xác định. "Bây giờ muốn xác định nguyên nhân có đúng là do con bọ xít này không thì phải mang mẫu đi kiểm nghiệm" - Chi cục Trưởng Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Lai Châu khẳng định. Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Lai Châu mới thu thập mẫu kiểm nghiệm đưa về tỉnh và tối 23/6 sẽ cử cán bộ mang mẫu kiểm nghiệm về Hà Nội./.

MERS-Cov có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam qua khách du lịch

MERS-Cov diễn biến phức tạp và liên tục ghi nhận các trường hợp mắc mới, tử vong. Chính vì vậy, bệnh có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam qua khách du lịch và khách nhập cảnh đến từ khu vực Trung Đông. Thông tin này được Cục YTDP (Bộ Y tế) công bố tại buổi họp giao ban trực tuyến về công tác phòng chống dịch bệnh ngày 23/6. Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh cúm A(H7N9) và chưa ghi nhận trường hợp mắc MERS-Cov. Riêng đối với cúm A(H5N1), từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hai trường hợp tử vong tại Bình Phước và Đồng Tháp. Các trường hợp này đều có tiền sử tiếp xúc, giết mổ gia cầm bị bệnh. Các bệnh truyền nhiễm khác đều có số mắc giảm so với cùng kỳ năm 2013 và không ghi nhận ổ dịch tập trung. Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 31.139 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; trong đó có hai trường hợp tử vong tại tỉnh Long An và Bà Rịa-Vũng Tàu. So với cùng kỳ năm ngoái, số trường hợp mắc bệnh tay chân miệng cả nước giảm 7,6% và số tử vong giảm chín trường hợp. Tuýp virus gây bệnh lưu hành là EV 71 (57,6%) và các EV khác. Theo WHO, năm nay, sốt xuất huyết vẫn lưu hành ở mức cao tại nhiều quốc gia trong khu vực Tây Thái Bình Dương. Tại Việt Nam, từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước ghi nhận được 11.148 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 42 tỉnh, thành phố. Trong số đó, có bảy trường hợp tử vong, cụ thể, tại Thành phố Hồ Chí Minh (ba trường hợp), Bình Dương (một trường hợp), Cà Mau (một trường hợp), Bình Phước (một trường hợp) và Phú Yên (một trường hợp). So với cùng kỳ năm 2013, số trường hợp mắc giảm 45,2%. Về bệnh viêm não virus, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 319 trường hợp mắc, trong đó bốn trường hợp tử vong. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ xét nghiệm dương tính với viêm não Nhật Bản trong số viêm não virus là khoảng 9%, so với cùng kỳ năm ngoái, số mắc giảm 20,1%. Thời gian tới, ngành y tế tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn chỉnh sửa đổi Hướng dẫn giám sát và phòng chống sốt xuất huyết và bệnh liên cầu lợn ở người; hoàn chỉnh kế hoạch phòng chống dịch; đẩy mạnh và tăng tỷ lệ tiêm vắcxin trong dự án tiêm chủng mở rộng. Ngành y tế đồng thời chuẩn bị triển khai kế hoạch tiêm vắcxin sởi-Rubella cho trẻ từ 1 đến 14 tuổi (dự kiến vào tháng Chín năm nay); triển khai phần mềm giám sát dịch bệnh truyền nhiễm tại 63 tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước; triển khai đề tài nghiên cứu hiệu quả sử dụng hóa chất diệt ấu trùng muỗi Sumilarv tại thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Bên cạnh đó, Bộ Y tế tiếp tục tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo, hỗ trợ công tác phòng chống dịch tại các tỉnh, thành phố trọng điểm; thường xuyên theo dõi, rà soát các trang thiết bị, thuốc, vật tư, hóa chất phục vụ công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, đảm bảo cung ứng đủ vắcxin trong chương trình tiêm chủng mở rộng; tăng cường công tác tuyên truyền về những khuyến cáo của Bộ Y tế đối với các dịch bệnh. Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh để phòng chống dịch bệnh hiệu quả, truyền thông phải đi trước một bước, trong đó đặc biệt chú trọng vào truyền thông dự phòng giúp người dân biết cách và tự mình phòng các bệnh truyền nhiễm. Đồng thời, truyền thông phải chủ động cung cấp thông tin về các dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo viết, báo mạng, truyền hình) hoặc tại các buổi tọa đàm. Bộ trưởng yêu cầu đối với MERS-CoV cần triển khai áp dụng tờ khai y tế tại ba sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài và Đà Nẵng đối với tất các hành khách nhập cảnh Việt Nam đi trên các chuyến bay xuất phát từ chín quốc gia vùng Trung Đông. Đối với các dịch bệnh khác cần tăng cường tỷ lệ tiêm chủng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Bên cạnh đó, ngành y tế cần tập trung vào việc phân tuyến, cách ly, đặc biệt là phòng chống nhiễm trùng tại BV./.

Nâng cao chất lượng y tế phục vụ người dân tại miền Trung

Trong tháng Sáu này, các y, bác sỹ và chuyên gia Bệnh viện Đại học Chung Ang (Hàn Quốc) đã hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật bướu cổ và khớp gối, cách chăm sóc bệnh nhân; phương pháp quản lý và cách sử dụng các trang thiết bị y tế cho đội ngũ y bác sỹ Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam. Bác sỹ Lương Thành Vi thuộc Bệnh viện Trung ương Quảng Nam cho biết thông qua Q-Health - chương trình nhằm nâng cao chất lượng y tế cho người dân khu vực miền Trung và là chương trình thực hiện trách nhiệm xã hội về lĩnh vực y tế của Tập đoàn Doosan tại Việt Nam, các y bác sỹ của bệnh viện có cơ hội học tập kỹ năng và kỹ thuật đang được áp dụng tại Hàn Quốc. Các kỹ năng và kỹ thuật này giúp y bác sỹ bệnh viện tự tin hơn trong nghề nghiệp, góp phần đưa Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam trở thành một trung tâm chăm sóc y tế hàng đầu khu vực miền Trung. Từ ngày 7-14/7 sắp tới, chương trình y tế từ thiện thường niên lần thứ 6 nhằm chăm sóc y tế cho khoảng 2.500 người dân của tỉnh Quảng Ngãi sẽ diễn ra. Nhân dịp này, Bệnh viện Đại học Chung Ang và Doosan Vina sẽ đưa ba em nhỏ bị tim bẩm sinh sang Bệnh viện Đại học Chung Ang phẫu thuật miễn phí./.

Pháp luật Tp. Hồ Chí Minh

Viêm phổi nặng do côn trùng đốt

Ngày 24-6, ThS-BS Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu BV Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận một nữ bệnh nhân (60 tuổi ở Can Lộc, Hà Tĩnh) bị côn trùng mò (thuộc họ ve) đốt. BS Cấp cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khó thở, sốt cao, viêm phổi nặng (phổi đã bị trắng), tình trạng hết sức nguy kịch. Theo BS Cấp, trước đây đã có người tử vong vì côn trùng mò đốt do chủ quan. Hầu hết khi bị côn trùng cắn hoặc đốt, bệnh nhân đều có cảm giác đau, tấy đỏ hoặc sưng tại chỗ bị đốt. Tuy nhiên, một số người nhạy cảm với nọc độc của côn trùng có thể bị sốc phản vệ, dẫn đến phù nề, khó thở và ngứa phát ban toàn thân, có thể đe dọa tính mạng. Những phản ứng này bắt buộc phải điều trị tại bệnh viện. Nếu để quá sáu giờ sau khi bị cắn nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao, đặc biệt với người cao tuổi và người suy giảm miễn dịch. BS Cấp khuyến cáo sau khi bị côn trùng đốt cần nhẹ nhàng lấy ngòi ra, sau đó rửa sạch vùng bị cắn đốt, chườm lạnh.

Phải công khai giá dịch vụ y tế tại nơi thanh toán

Bộ trưởng Bộ Y tế vừa ban hành chỉ thị yêu cầu các bệnh viện phải công khai giá dịch vụ y tế tại nơi thanh toán. Đồng thời cơ sở khám, chữa bệnh phải kịp thời giải đáp những thắc mắc của người bệnh liên quan đến giá dịch vụ y tế. Bộ trưởng cũng yêu cầu giám đốc các bệnh viện chấn chỉnh công tác lập hồ sơ bệnh án, kê đơn và cấp thuốc BHYT nhằm không để xảy ra tình trạng lập hồ sơ bệnh án khống, kê đơn khống để chiếm dụng tiền của quỹ BHYT. Theo đó, các bảng kê chi phí phải có chữ ký xác nhận của người bệnh; kiểm tra và bàn giao ngay cho cơ quan BHXH số lượng thẻ BHYT do người bệnh bỏ lại, thẻ của người bệnh đã tử vong, thẻ không có người nhận. “Các địa phương phối hợp với BHXH tổ chức thanh tra công tác khám, chữa bệnh; đấu thầu, cung ứng, quản lý và sử dụng thuốc, hóa chất, vật tư y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT; phòng ngừa và kịp thời phát hiện các hành vi gian lận, trục lợi quỹ BHYT. Các hành vi vi phạm phải được báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý nghiêm”.

Hàng loạt bệnh truyền nhiễm đe dọa: 1/7 bắt đầu kiểm soát 3 sân bay

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết đến thời điểm này Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tính tại vùng Trung Đông MERS-CoV. Ông Phu cho biết, bệnh MERS-CoV toàn cầu ghi nhận 703 trường hợp nhiễm, ít nhất 250 tử vong. Phần lớn các trường hợp bệnh được ghi nhận tại Ả rập Xê út. Đa số các trường hợp mắc là cư dân, số ít trường hợp nhiễm bệnh là khách du lịch. Nhằm ngăn chặn kịp thời dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số: 3839/BYT-DP chỉ đạo các Sở Y tế Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng triển khai áp dụng tờ khai y tế đối với tất cả các hành khách nhập cảnh Việt Nam đi trên các chuyến bay xuất phát từ 09 quốc gia vùng Trung Đông (Ả rập Xê út, Quata, Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Oman, Yemen, Cô oét, Lebenon, Jordan và Iran).  Việc triển khai áp dụng tờ khai y tế này được được thực hiện tại 03 sân bay quốc tế gồm Tân Sơn Nhất, Nội Bài và Đà Nẵng kể từ 0 giờ ngày 01/07/2014. Cũng theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, đối với cúm A(H5N1), từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hai trường hợp tử vong tại Bình Phước và Đồng Tháp. Các trường hợp này đều có tiền sử tiếp xúc, giết mổ gia cầm bị bệnh. Đối với bệnh tay chân miệng, theo báo cáo của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 31.139 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; trong đó có hai trường hợp tử vong tại tỉnh Long An và Bà Rịa-Vũng Tàu.  So với cùng kỳ năm ngoái, số trường hợp mắc bệnh tay chân miệng cả nước giảm 7,6% và số tử vong giảm chín trường hợp. Tuýp virus gây bệnh lưu hành là EV 71 (57,6%) và các EV khác. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, năm nay, sốt xuất huyết vẫn lưu hành ở mức cao tại nhiều quốc gia trong khu vực Tây Thái Bình Dương. Từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước ghi nhận được 11.148 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 42 tỉnh, thành phố.  Trong số đó, có bảy trường hợp tử vong. Cụ thể, tại TP.HCM ba trường hợp, Bình Dương,Cà Mau, Bình Phước và Phú Yên mỗi tỉnh một trường hợp. So với cùng kỳ năm 2013, số trường hợp mắc giảm 45,2%. Về bệnh viêm não virus, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 319 trường hợp mắc, trong đó bốn trường hợp tử vong. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ xét nghiệm dương tính với viêm não Nhật Bản trong số viêm não virus là khoảng 9%, so với cùng kỳ năm ngoái, số mắc giảm 20,1%. Đặc biệt, từ đầu năm 2014 đến 19/6/2014 cả nước ghi nhận 9.084 trường hợp sốt rét, 21 trường hợp sốt rét ác tính, 01 trường hợp tử vong tại Gia Lai. Thời gian tới, ngành y tế tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn chỉnh sửa đổi Hướng dẫn giám sát và phòng chống sốt xuất huyết và bệnh liên cầu lợn ở người; hoàn chỉnh kế hoạch phòng chống dịch; đẩy mạnh và tăng tỷ lệ tiêm vắcxin trong dự án tiêm chủng mở rộng.  Ngành y tế đồng thời chuẩn bị triển khai kế hoạch tiêm vắcxin sởi-Rubella cho trẻ từ 1 đến 14 tuổi (dự kiến vào tháng Chín năm nay); triển khai phần mềm giám sát dịch bệnh truyền nhiễm tại 63 tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước; triển khai đề tài nghiên cứu hiệu quả sử dụng hóa chất diệt ấu trùng muỗi Sumilarv tại thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Bên cạnh đó, Bộ Y tế tiếp tục tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo, hỗ trợ công tác phòng chống dịch tại các tỉnh, thành phố trọng điểm; thường xuyên theo dõi, rà soát các trang thiết bị, thuốc, vật tư, hóa chất phục vụ công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, đảm bảo cung ứng đủ vắcxin trong chương trình tiêm chủng mở rộng; tăng cường công tác tuyên truyền về những khuyến cáo của Bộ Y tế đối với các dịch bệnh. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết phòng chống dịch bệnh hiệu quả, truyền thông phải đi trước một bước, trong đó đặc biệt chú trọng vào truyền thông dự phòng giúp người dân biết cách và tự mình phòng các bệnh truyền nhiễm. Đồng thời, truyền thông phải chủ động cung cấp thông tin về các dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo viết, báo mạng, truyền hình) hoặc tại các buổi tọa đàm. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tuyên truyền thiết thực nhất là làm thế nào để người dân ý thức được vai trò của việc vệ sinh cụ thể là rửa tay. Người dân không phải ai cũng có thói quen rửa tay trước khi ăn và sau khi rời khỏi nhà vệ sinh. Vì vậy, để người dân tạo được thói quen này, truyền thông phải đi trước. Khi người dân ai ai cũng biết vai trò của việc rửa tay  đảm bảo vệ sinh không lây các bệnh truyền nhiễm thì sẽ giảm được nhiều bệnh truyền nhiễm.

Cảnh báo viêm não do ấu trùng giun đũa chó mèo

Nhiều bệnh nhân nhập viện vì viêm não do vi rút, viêm mang não do vi khuẩn, trong đó có bệnh viêm màng não do ấu trùng từ vật nuôi trong nhà như chó, mèo. Khoa Nhi bệnh viện Nhiệt Đới Trung ương vừa cấp cứu cho một bệnh nhân bị viêm não do giun đũa chó. Người nhà cho biết gia đình không nuôi chó mèo. Cách đó vài hôm cháu có ăn nem chua với rau sống. Sau đó cháu bé kêu đau đầu kèm sốt. Gia đình cho cháu uống thuốc nhưng không đỡ. Lên bệnh viện xét nghiệm, các bác sỹ cho biết cháu bị viêm màng não do giun đầu chó.  Trước đó, bệnh nhân Nguyễn Thị Thoa - 47 tuổi, Từ Liêm, Hà Nội cũng bị triệu chứng sốt, chán ăn, buồn nôn. Ban đầu chẩn đoán viêm não. Sau khi tiến hành các xét nghiệm bác sĩ cho biết chị Thoa bị viêm não do giun đũa chó. Người nhà của chị Thoa cho biết gia đình có nuôi chó mèo. Bác sĩ cho rằng có nhiều khả năng chị bị lây giun đũa chó từ chính việc sờ tay vào con chó hàng ngày. Giun đũa chó sống ký sinh và phát triển trong ruột chó, mèo. Trứng theo phân ra ngoài, người nuốt phải trứng do vuốt ve hay ôm chó, mèo hoặc chó, mèo phóng uế bừa bãi làm phát tán trứng trong môi trường. Khi vào cơ thể người, ấu trùng giun theo đường máu chu du đến khắp nơi như não, mắt, gan, phổi… và gây ra các triệu chứng bệnh ở các cơ quan này.  Muốn phòng bệnh không bị nhiễm giun đũa chó, mèo cần giữ gìn vệ sinh cá nhân tốt.  Rửa tay trước khi ăn, không để chó, mèo tiếp xúc trực tiếp hoặc ngủ chung với người. Các gia đình cần thực hiện ăn chín, uống chín, ăn rau sống phải rửa sạch dưới vòi nước chảy. Nhà có nuôi chó mèo thì phải định kỳ tẩy giun cho chó mèo. Bố mẹ  không để trẻ chơi lê la dưới đất. Theo PGS.TS Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, bệnh ở não do ký sinh trùng thường biểu hiện âm thầm, không có tính chất đặc hiệu, diễn biến từ từ tăng dần với biểu hiện đa dạng như sốt âm ỉ kéo dài, đau đầu, nôn, rối loạn ý thức, rối loạn tâm thần, co giật động kinh, gày sút cân.  Kèm theo đó là các biểu hiện đa cơ quan gây tổn thương ở phổi, thận, gan. Hình ảnh tổn thương trên CT scanner hoặc MRI sọ não không điển hình, nên bệnh rễ nhầm với lao màng não, viêm não, đột quỵ não, ung thư... Ngòai ra, vào mùa hè là thời gian cao điểm của bệnh viêm não nói chung như viêm não do ấu trùng, viêm não Nhật Bản, viêm não do Herpes... Bệnh viêm não có tỷ lệ tử vong cao, khoảng 10-20% số mắc. Bệnh sau khi chữa trị, vẫn còn hơn 50% trường hợp bị di chứng về thần kinh như bại não, phát triển chậm về thể chất, không nói, không nghe, không hiểu được. Đối với bệnh viêm não Nhật Bản đến nay, bệnh này vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên tốt nhất các phụ huynh cần chủ động cho trẻ đi tiêm phòng vắc xin.

Ngày 28/06/2014
Ban Biên tập Website
(Điểm tin từ các Báo)
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích