Home TRANG CHỦ Thứ 4, ngày 24/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 5 0 9 2 4 4
Số người đang truy cập
9 7
 Tin tức - Sự kiện Điểm tin y tế
Điểm báo về các thông tin liên quan đến y tế từ ngày 15/4 đến 17/4 năm 2014

Lao động

Bệnh sởi vẫn diễn biến phức tạp: Đã đủ điều kiện công bố dịch?

Trong lúc Bộ Y tế thông báo số ca mắc sởi đã tạm lắng thì những ngày qua, bệnh nhân mắc sởi vẫn ùn ùn nhập viện và các trường hợp biến chứng nặng không ngừng tăng. Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu thừa nhận: So với dịch sởi năm 2009-2010, các ca mắc sởi trong đợt này gây bệnh cảnh nặng hơn. Thậm chí, diễn biến những ca mắc sởi trong bệnh viện (BV) khác với bệnh sởi "truyền thống". Câu hỏi đặt ra lúc này là: đến thời điểm này, Bộ Y tế có nêncông bố dịch sởi?

“Gồng mình” chống… sởi

Từ khi dịch bệnh sởi diễn biến phức tạp cũng là lúc BV Nhi trung ương lâm vào tình trạng quá tải trầm trọng. Sáng 14-4, phía ngoài cổng, trong khuôn viên BV trở nên đông đúc khác thường. Người nhà bệnh nhân xếp hàng dài chờ đợi trong tâm trạng lo lắng. Đến 11h trưa, thời điểm người nhà được vào thăm bệnh nhi là hàng dài người lại lặng lẽ đi về phía khoa Truyền nhiễm. Tại đây, hiện có hơn 200 bệnh nhi đang phải chống chọi với bệnh sởi và biến chứng của bệnh. Ôm đứa con nhỏ trong lòng, gương mặt anh Nguyễn Văn H (30 tuổi ở Chương Mỹ, Hà Nội) không giấu nổi mệt mỏi, lo lắng. Anh kể, cách đây 1 tuần, con trai bị sốt cao, trên cơ thể xuất hiện nhiều nốt đỏ, hai vợ chồng ngay lập tức đưa con vào viện. Kết quả xét nghiệm cho biết, con anh mắc sởi. Từ hôm vào viện đến nay, anh phải dừng mọi công việc kinh doanh để túc trực bên con. Gần đó, bà Nguyễn Thị Th (ở Thường Tín, Hà Nội) đang chăm sóc đứa cháu ngoại chưa qua cơn nguy kịch. Vừa nói bà vừa khóc, cho biết: “Gần 1 tháng ở đây, tôi đã chứng kiến không ít cảnh thương tâm, nhiều gia đình bố mẹ khóc cạn nước mắt, ngất lịm đi khi nghe bác sĩ thông báo con mình tử vong vì biến chứng sởi. Mỗi khi có một đứa trẻ tử vong là một bầu không khí ảm đạm bao trùm, từ người nhà bệnh nhân cho đến bác sĩ đều não nề”. PGS.TS Phạm Nhật An, Phó Giám đốc BV kiêm Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, dịch sởi vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống. Trung bình, mỗi ngày tại đây tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhi mắc sởi. Cả khoa có 90 giường bệnh và đã phải sắp xếp, kê thêm thành 110 giường nhưng vẫn không đủ chỗ cho bệnh nhi. Phòng bác sĩ, phòng phó trưởng khoa đều kê thêm giường điều trị. “Suốt hai tháng nay, các y, bác sĩ luôn làm việc trong tâm trạng căng thẳng, mệt mỏi và buồn. Ai cũng cố gắng hết sức, làm việc thông tầm, không dám nghỉ phép. Nhưng khi chứng kiến những trường hợp tử vong dù đã cố gắng hết sức cứu chữa, chúng tôi vẫn vô cùng đau xót và cảm thấy bất lực” - PGS.TS Phạm Nhật An nói. Còn tại khoa Nhi (BV Hữu Nghị Việt Nam - Cu ba), chỉ trong buổi sáng 14-4 cũng đã tiếp nhận 6 bệnh nhi mắc sởi. Theo các bác sĩ, chưa bao giờ BV xảy ra tình trạng quá tải, phải nằm ghép như thời điểm này. Tại đây, bệnh nhi nằm ghép đến 2-3 trẻ/giường bệnh. Nhiều trường hợp bệnh sởi diễn biến nặng, phức tạp. Theo Trưởng khoa Nhi Nguyễn Thị Anh Xuân, trước đây, bệnh nhân sởi kể cả có viêm phế quản, viêm đường hô hấp chỉ ở thể nhẹ, mất khoảng 5-7 ngày nằm viện là khỏi bệnh. Nhưng hiện nay, với các bệnh nhân sởi biến chứng, các cháu thường phải nằm viện 2-3 tuần, thậm chí là cả tháng.

Dịch sởi đang được kiểm soát tốt?

Trước thực tế trên, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu đã trực tiếp làm việc tại các BV và cho biết, số ca mắc sởi tại các tỉnh, thành phố thống kê được hiện thấp hơn vụ dịch năm 2009-2010. Tuy nhiên, các trường hợp sởi trong đợt dịch này gây bệnh cảnh nặng hơn. Mặc dù trong phòng xét nghiệm, độc lực của virus sởi chưa có sự thay đổi nhưng thực tế tại nhiều BV, diễn biến các ca mắc sởi có khác so với các bệnh sởi “truyền thống”. Điển hình, nhiều trẻ mắc sởi bị biến chứng viêm phổi và nhiều trẻ viêm phổi đồng nhiễm sởi. Thậm chí, các ca mắc sởi bệnh cảnh tăng nhanh, nguy cơ tử vong cao, ít thấy các trẻ có biểu hiện tiêu chảy như ở các ca sởi thông thường. Bên cạnh đó, diễn biến bệnh sởi ở mỗi vùng, miền cũng khác nhau. Nếu như phía Nam, các ca mắc sởi bệnh cảnh nhẹ hơn, chưa ghi nhận trường hợp tử vong, thì các ca tử vong chủ yếu tập trung ở miền Bắc. Trong số 25 ca tử vong do Bộ Y tế công bố đều có kết quả do virus sởi gây ra. Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, theo quyết định, việc công bố bệnh truyền nhiễm, trong đó có sởi chỉ được thực hiện khi có đủ hai điều kiện sau: Thứ nhất là có số người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá số người mắc dự tính bình thường của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên. Thứ hai có ít nhất một trong các yếu tố nguy cơ cụ thể: Quy mô, tính chất của bệnh dịch vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; bệnh dịch được Bộ trưởng Bộ Y tế xác định có sự biến đổi tác nhân gây bệnh, có nguy cơ làm tăng tỷ lệ tử vong và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả; bệnh dịch có tỷ lệ tử vong cao mà chưa rõ tác nhân gây bệnh và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả; bệnh dịch xảy ra khi có thiên tai, thảm họa. “Nói như vậy, việc không công bố dịch sởi không có nghĩa là không cung cấp tình hình bệnh sởi đến người dân để áp dụng các biện pháp phòng chống. Thực tế, Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố thường xuyên thông báo tình hình bệnh sởi trên các website và phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời đã triển khai rất nhiều hoạt động nhằm kiểm soát tốt bệnh sởi trong thời gian sớm nhất trên phạm vi toàn quốc” - PGS.TS Trần Đắc Phu khẳng định. Trước diễn biến phức tạp của bệnh sởi hiện nay, GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, nguyên Giám đốc BV Nhi trung ương đưa ra nhận định: Cần phải xem xét lại một số vấn đề của chương trình tiêm chủng mở rộng. Có lẽ mức độ bao phủ của chương trình không cao như chúng ta vẫn nghĩ.

Bệnh sởi bùng phát: Bộ Y tế chủ quan, vào cuộc chậm?

Con số 5.000 bệnh nhân sởi ngày 15.4 đã nhanh chóng lỗi thời bởi chỉ 1 ngày sau đó, số trẻ mắc bệnh đã lên tới 7.000 ca. Chỉ còn 2 tỉnh Hà Giang và Cao Bằng chưa xuất hiện ca bệnh. 108 ca tử vong là con số lớn nhất trong vòng 10 năm qua. Lần đầu tiên sau hơn 4 tháng bệnh sởi bùng phát, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến mới trực tiếp tới "điểm nóng" BV Nhi T.Ư. Dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng Bộ trưởng Bộ Y tế đã vào cuộc quá muộn?

Bộ nói dịch giảm, ca bệnh mới vẫn tăng chóng mặt!

Sáng 16.4, khi có mặt tại Bệnh viện Nhi T.Ư, PV Báo Lao Động đã chứng kiến một cháu bé 1 tuổi ở huyện Văn Giang, Hưng Yên tử vong sau 2 tuần điều trị tại Bệnh viện Nhi T.Ư được về nhà. Người bố bế con mà mặt không còn hột máu, mẹ cháu vẫn ngất lên ngất xuống trước nỗi mất mát quá lớn. Bà cháu bé cho biết: Bé nhập viện bị viêm phế quản, nhưng trong thời gian ở BV đã bị sởi, rồi biến chứng vào phổi và đã không qua khỏi. Điều đó có nghĩa là, từng ngày số mắc và số tử vong đều tiếp tục gia tăng. Cách đây 1 tuần, trong cuộc họp giao ban trực tuyến với các tỉnh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết bệnh nhân mắc sởi mới đang giảm dần. Ngày 16.4, trả lời báo chí, TS Nguyễn Văn Kính - GĐ BV Bệnh nhiệt đới T.Ư - khẳng định: Dịch vẫn đang được kiểm soát. Các chuyên gia đều cho biết: Chưa có biến chủng, độc lực của virus chưa thay đổi. Thế nhưng, cũng chưa ai lý giải được lý do vì sao đột nhiên năm nay lại có nhiều ca biến chứng nặng và tử vong do sởi nhiều nhất trong vòng 10 năm qua như vậy. Ba lý do như bộ trưởng và các quan chức thống nhất đưa ra là: Các cháu bị nhẹ nhưng vào BV bị lây nhiễm các bệnh khác trên cơ thể bị suy giảm miễn dịch do sởi; hoặc trên nền có bệnh tim, rối loạn chuyển hóa khác... Hoặc lý do thời tiết nóng lạnh không ổn định, thuận lợi cho virus sởi phát triển mạnh. So sánh với vụ dịch năm 2009 - 2010, số mắc còn nhiều hơn năm nay, nhưng chỉ có 4 ca tử vong. Chắc chắn 3 lý do được Bộ Y tế đưa ra nói trên vẫn... thế. Vậy sao số ca tử vong năm nay đột biến như vậy, chưa chuyên gia nào có câu trả lời thấu đáo. Như vậy, cả về số lượng mắc, số tử vong, tính chất “nguy hiểm” của dịch sởi năm nay dường như đều diễn biến không thuận theo những tiên lượng của các chuyên gia dịch tễ học dày dạn nhất ở Việt Nam. PGS-TS Phạm Nhật An - PGĐ, Trưởng khoa Truyền nhiễm BV Nhi T.Ư - đã nhận định: “Đã 40 năm làm về bệnh truyền nhiễm, chưa năm nào tôi gặp dịch sởi như năm nay”.

Bộ Y tế chậm trễ?

Dập dịch như cứu hỏa. Đặc biệt là khi đối diện với một loại dịch bệnh có diễn biến khó lường như bệnh sởi năm nay thì chỉ có sự vào cuộc nhanh chóng, tập trung của hệ thống chính trị, các cơ quan quản lý, các nhà chuyên môn và của chính người dân mới có thể khống chế dịch được nhanh chóng. Điều đó, Việt Nam đã trải nghiệm nhiều lần với những thành công khống chế các dịch SARS, đại dịch cúm A/H1N1 và H5N1... Nhưng dường như, với dịch sởi, vốn được xếp vào loại B - không phải là dịch A tối nguy hiểm, Bộ Y tế đã chủ quan, và do đó đã không có những động thái khẩn trương dập dịch. Hơn 2 tháng qua, BV Nhi T.Ư căng người để điều trị bệnh nhân sởi, họ kê thêm giường, lấy phòng của bác sĩ cho bệnh nhân nằm, xin máy thở ở nơi khác, tăng cường điều dưỡng chăm sóc. Ngày 3 - 4.4, BV Nhi T.Ư đã cầu cứu Bộ Y tế vào cuộc giải quyết cho sự quá tải này. Bởi thậm chí BV còn bị bệnh nhân kiện vì con họ vào BV điều trị bệnh khác, nhưng lại bị nhiễm sởi trong BV. Nhưng Bộ Y tế cũng chỉ có 1 văn bản chỉ đạo hết sức chung chung khiến tình thế không có chuyển biến nào đáng kể. PGS-TS Phạm Nhật An đã phải kêu cứu báo chí một lần nữa, khi mời các phóng viên tận mắt vào chứng kiến sự quá tải của khoa Truyền nhiễm và đưa lên công luận. Chưa đủ. Chỉ đến khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nắm bắt được những lo lắng của dư luận về dịch sởi trên cộng đồng mạng và báo chí, ông đã có quyết định đột xuất trực tiếp đi thăm các bệnh nhi và thị sát việc điều trị của BV Nhi T.Ư. Và một ngày sau, Bộ trưởng Bộ Y tế mới trực tiếp tới điểm nóng của dịch sởi để tận mắt nhìn thấy các cháu đang điều trị ra sao. Đây cũng là cuộc làm việc để Bộ Y tế phân công cho một số BV tuyến TP ở Hà Nội chia lửa cho BV Nhi T.Ư, nhằm giảm tải, và cũng giảm nguy cơ lây truyền bệnh. Phóng viên đã đặt câu hỏi thẳng thắn với Bộ trưởng: Vì sao bây giờ Bộ Y tế mới yêu cầu các BV chia lửa như vậy. Bộ trưởng đã trả lời: Chúng tôi đã có công văn tới các BV từ 2 tháng trước rồi! Các công văn này có thể giải quyết được gì trong việc dập dịch? Có lẽ không, nên bộ trưởng đã phải triệu tập GĐ các BV: Saint Paul, Đống Đa, Thanh Nhàn, Hà Đông, Sơn Tây... Theo đó, BS ở các BV: Nhi T.Ư, Bệnh Nhiệt đới T.Ư sẽ xuống các BV tuyến TP nói trên hỗ trợ các BV của Hà Nội đón và điều trị bệnh nhân sởi. Như vậy, người dân mới yên tâm đưa con em mình bị sởi đến các BV tuyến TP, giảm tải cho tuyến T.Ư. Con số 7.000 ca mắc sởi tính đến ngày 16.4, cũng như 108 trường hợp tử vong liên quan đến sởi, 25 trường hợp được tách ra là do chỉ một bệnh sởi đều chưa phải là con số tổn thất cuối cùng trong vụ dịch này. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã nói ngày 16.4: “25 cháu tử vong là quá đau đớn”. Mong rằng, muộn còn hơn không. Bằng những động thái tích cực trong những ngày tới của Bộ Y tế, dịch sởi hy vọng sẽ sớm được khống chế để dư luận xã hội không phải lo lắng, băn khoăn như những ngày vừa qua.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tập trung chống dịch, hạn chế thấp nhất tử vong do sởi

Ngày 16.4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung phòng, chống dịch sởi, chủ động ngăn chặn lây lan dịch, hạn chế thấp nhất số mắc bệnh và tử vong. Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tập trung chỉ đạo cấp cứu, điều trị bệnh nhân tại các cơ sở y tế nhằm hạn chế thấp nhất tử vong, ngăn chặn lây chéo trong BV, đặc biệt là các cơ sở y tế bị quá tải tuyến T.Ư. Bổ sung ngay máy thở, trang thiết bị y tế, thuốc, để bảo đảm cấp cứu điều trị bệnh nhân, sinh phẩm cần thiết phòng lây chéo tại các BV và chế độ đối với người làm công tác phòng, chống dịch sởi. Bộ Y tế cần theo dõi sát dịch sởi trong nước và các nước lân cận để có biện pháp chỉ đạo kịp thời cách phòng ngừa bệnh sởi, phương pháp phát hiện sớm, phác đồ điều trị bệnh sởi. Bảo đảm đủ vaccine để tiêm bổ sung phòng bệnh sởi. Chủ tịch UBND các tỉnh,TP phối hợp với Bộ Y tế chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác cấp cứu, điều trị hiệu quả bệnh nhân, khoanh vùng ổ dịch và xử lý triệt để không để lan rộng.Q.D

Hải Phòng: Gần 100 trẻ mắc bệnh sởi, 1 cháu tử vong

Ngày 16.4, ông Vũ Văn Ngọ - Trưởng phòng Hành chính tổng hợp BV Trẻ em Hải Phòng - cho biết: Tính từ tháng 2 đến ngày 16.4, tại bệnh viện có tổng số 95 trường hợp trẻ em bị mắc bệnh sởi đến điều trị tại bệnh viện. Trong số này có 12 trường hợp bệnh nhi mắc bệnh sởi ở thể rất nặng đang được điều trị. Tuy nhiên, con số từ Trung tâm Y tế dự phòng TP.Hải Phòng lại thấp hơn rất nhiều, khi tính đến ngày 14.4, toàn thành phố mới có 59 ca mắc bệnh sởi/rubella. TS Đỗ Mạnh Cường - GĐ Trung tâm Y tế dự phòng TP.Hải Phòng - cho biết: Toàn TP chưa có cháu bé nào tử vong do bệnh sởi. Tuy nhiên, ông Vũ Văn Ngọ cho biết: Cách đây hơn 1 tuần, có một trường hợp cháu nhỏ 3 tháng tuổi ở xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng do bệnh biến chứng quá nặng nên gia đình đã xin về. Theo tìm hiểu của PV, cháu bé là con gái anh T.V.P, sau khi xin về nhà, cháu bé đã tử vong. H.Hoan 30% số ca bệnh xuất phát từ Hà Nội, và cũng 50% số ca tử vong là ở Hà Nội. Vì thế, Sở Y tế Hà Nội cho biết sẽ báo cáo xin ý kiến UBND TP về việc công bố dịch sởi trên địa bàn TP. Còn việc công bố dịch trên phạm vi toàn quốc, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Việt Nam chưa hội đủ 5 yếu tố để công bố dịch như số bệnh nhân mắc tăng đột biến nhiều, dịch quá tầm kiểm soát, độc lực của virus thay đổi... vì vậy bộ hiện giờ chưa công bố dịch”. Ông Nguyễn Văn Kính - GĐ BV Bệnh nhiệt đới cho hay: Tại khu vực Tây Thái Bình Dương, Trung Quốc, Philippines, Nhật Bản cũng có bệnh nhân mắc sởi cao. Tuy nhiên, cũng không có quốc gia nào công bố dịch.

Có “dịch sởi” mà không công bố thì gọi là gì?

Trước việc Bộ Y tế không công bố dịch sởi, GS Nguyễn Thanh Liêm – Nguyên Giám đốc BV Nhi T.Ư đã đề nghị: Đừng ngần ngại công bố dịch sởi khi đã có dịch. Vậy vì lý do gì mà Bộ Y tế không công bố dịch sởi khi mà số trẻ tử vong đã lên đến hơn 100 trường hợp và đang trở thành nỗi lo sợ của nhiều cha mẹ.

108 ca tử vong chưa phải con số cuối cùng?

Cách đây 1 tuần, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng TS. Trần Đắc Phu công bố bệnh sởi hiện không có gì bất thường, vẫn trong tầm kiểm soát. Với hơn 6.600 trường hợp sốt phát ban trong đó 2.500 trường hợp đã chẩn đoán mắc sởi từ đầu năm đến nay ở 59 tỉnh, thành cả nước, 25 ca đã tử vong do sởi biến chứng hoặc do biến chứng viêm phổi sau mắc sởi… là những con số về bệnh sởi được công bố. Tuy nhiên chiều 15.4, khi trực tiếp vào BV Nhi T.Ư thị sát tình hình, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Y tế báo cáo chính thức tình hình dịch sởi. Khi đó, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã đưa ra một con số “giật mình” về trẻ tử vong. Đến ngày 15.4 đã có 108 trẻ tử vong do sởi và các biến chứng sau sởi, trong đó có 103 trẻ tử vong tại BV Nhi T.Ư. Số ca tử vong này chưa tính các trẻ bệnh nặng xin về và số tử vong do sởi tại các địa phương. Có phải Bộ Y tế đang cố giấu dịch nên không sớm công bố con số tử vong do sởi?

Dịch sởi bất thường?

Bộ Y tế có vẻ như làm ngơ với những lời kêu cứu, cảnh báo của các BV, các chuyên gia y tế rằng: Bệnh sởi năm nay có quá nhiều bất thường. Trước những thông tin này GS.TS Nguyễn Thanh Liêm – Nguyên Giám đốc BV Nhi T.Ư đã không ngần ngại đưa ra những bất thường về tình hình bệnh sởi. GS Liêm đã làm phép so sánh giữa dịch sởi và dịch cúm gia cầm và kết luận: Số bệnh nhân mắc sởi, số bệnh nhân tử vong do sởi, đặc biệt là trẻ em cao gấp nhiều lần so với số người tử vong do cúm gia cầm. Vì thế có thể nói dịch sởi đang nguy hiểm hơn dịch cúm gia cầm. Tốc độ lây lan từ người sang người của bệnh sởi rất cao và nhanh trong khi lây từ người sang người ở cúm gia cầm chưa có. Số địa phương có bệnh nhân mắc bệnh sởi cũng nhiều hơn so với dịch cúm gia cầm…Trong khi đó vào cuối năm 2003 khi có một số bệnh nhi chết do viêm phổi không đáp ứng với điều trị, qua xét nghiệm đã phát hiện nhiễm cúm gia cầm và ngay sau đó dịch cúm gia cầm trên người đã được công bố. Vậy vì sao đến lúc này dịch sởi chưa được công nhận là dịch? GS Liêm cho rằng đừng ngần ngại công bố dịch khi đã có dịch. Xét cả về 3 phương diện mức độ lây truyền, khả năng đáp ứng của các bệnh viện, con số tử vong đều khó có thể nói dịch sởi đang được kiểm soát tốt.

Dịch sởi gây tử vong cao – không biết vì sao?

Trong khi nhiều BV “kêu gào” đòi được công bố dịch sởi nhưng Bộ Y vẫn cho rằng chưa cần thiết. Ông Cục trưởng Cục Y tế dự phòng TS Trần Đắc Phu còn đưa ra quy định về điều kiện công bố dịch trong đó có điều kiện số người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá số người mắc dự tính bình thường. Thế nhưng, "số người mắc dự tính bình thường” là bao nhiêu lại không khi nào được công bố công khai thì làm sao để biết được con số mắc bệnh đã "vượt” con số dự tính. Chắc con số này chỉ được ngành y tế “lưu hành nội bộ”!?. Để lý giải cho việc vì sao không công bố dịch, Bộ Y tế khẳng định bệnh sởi hiện không bất thường … Song Bộ Y tế không thể giải thích rõ ràng vì sao năm nay bệnh sởi lại gây ra những biến chứng nhanh, nguy hiểm và gây tử vong cao đến như vậy? Xung quanh câu chuyện không công bố dịch sởi, dư luận vẫn đang tiếp tục đặt câu hỏi: Cho đến nay ai ai cũng gọi đây là "dịch sởi", nếu không công bố dịch thì gọi là gì?

An ninh thủ đô

Quảng Ngãi: Thêm bệnh nhân mới bị mắc “bệnh lạ”

Chiều 14- 4, ông Lê Hàn Phong, chủ tịch UBND huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) xác nhận có thêm một trường hợp nhiễm Hội chứng viêm da dày sừng lòng bàn tay-bàn chân vừa được phát hiện tại huyện này. Bệnh nhân là Phạm Thị H (14 tuổi) sống tại Làng Dút 1, xã Ba Nam. Đây là xã không nằm trong vùng bị căn bệnh này trước đây và cũng chưa từng ghi nhận trường hợp mắc bệnh. Theo ông Phong, bệnh nhân nhập viện ngày 9-4. Do tình trạng bệnh nặng nên Trung tâm y tế đã chuyển thẳng lên bệnh viện đa khoa tỉnh. Hiện bệnh nhân tiếp tục được chuyển vào điều trị tại bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM). Ngay khi phát hiện bệnh, Sở Y tế Quảng Ngãi và Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã cử các đoàn công tác về chỉ đạo, hỗ trợ huyện Ba Tơ trong khám, điều trị bệnh và triển khai các hoạt động can thiệp cộng đồng tại xã Ba Nam như tăng cường giám sát dịch tễ, vệ sinh môi trường, tuyên truyền, hướng dẫn người dân thay đổi cách thu hoạch, bảo quản thóc gạo, phơi khô thóc trước khi cất giữ để phòng tránh nhiễm vi nấm mốc, đồng thời tổ chức khám sàng lọc, cấp thuốc bổ cho người dân, tổng vệ sinh môi trường tại xã Ba Nam. Trước đó, vào giữa tháng 3, tại xã Ba Điền – trung tâm của căn bệnh này các năm qua, ghi nhận một trường hợp tái phát căn bệnh này.

Quảng Ngãi: Thêm một em bé mắc “bệnh lạ” nguy hiểm

Chiều 14-4, Trung tâm y tế huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi, cho biết, Trung tâm y tế vừa chuyển bệnh nhân Phạm Thị Huy (SN 2000) ở Làng Dút 1, xã Ba Nam, huyện Ba Tơ, vào bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM điều trị. Trước đó vào ngày 8-4-2014, bệnh nhân Phạm Thị Huy được Trạm Y tế xã Ba Nam chuyển xuống Trung tâm y tế Ba Tơ với các biểu hiện tổn thương da bàn tay, bàn chân, men gan tăng. Sau khi được các y, bác sỹ Trung tâm y tế huyện Ba Tơ khám hội chẩn cho thấy bệnh nhân mắc Hội chứng viêm da, còn gọi là bệnh lạ. Sau gần một tuần điều trị tại Trung tâm y tế huyện Ba Tơ nhưng các triệu chứng vẫn không thuyên giảm. Trước tình hình trên, ngày 10-4-2014 Trung tâm y tế huyện Ba Tơ đã tổ chức cho đoàn y, bác sỹ khám sàng lọc cho nhân dân xã Ba Nam, đoàn đã khám sàng lọc cho 191 người, lấy máu xét nghiệm trong đó có 13 trường hợp men gan tăng.Đây là xã thứ 6 sau Ba Ngạc, Ba Vinh, Ba Điền, Ba Xa, Ba Tô, phát hiện ca bệnh mới mắc Hội chứng viêm da sày sừng bàn tay, bàn chân tại huyện Ba Tơ.

Bộ Y tế bác thông tin hàng trăm trẻ tử vong do sởi

Những ngày gần đây, sau khi Bộ Y tế công bố có 25 ca tử vong do sởi, trên các diễn đàn mạng xã hội và một số nguồn tin không chính thức từ các bệnh viện tiết lộ, số ca tử vong do sởi có thể đã lên đến hàng trăm trường hợp. PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế đã trả lời phỏng vấn báo chí về diễn biến dịch bệnh này.

PV: Mới đây Bộ Y tế công bố số ca mắc sởi ở vụ dịch năm nay thấp hơn so với vụ dịch 2009-2010, vậy tại sao một số bệnh viện lại có lượng bệnh nhân sởi nhập viện tăng cao nhất trong hàng chục năm qua?

- PGS.TS Trần Đắc Phu: Đến thời điểm này, số ca mắc sởi ở vụ dịch năm nay vẫn thấp hơn vụ dịch sởi năm 2009-2010 khoảng gần 2.000 trường hợp. Tuy nhiên, lượng bệnh nhân lại tăng cao cục bộ tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội). Theo thông tin tôi nhận được, tại các bệnh viện của các tỉnh lân cận Hà Nội không có hoặc có rất ít bệnh nhân sởi. Số liệu theo dõi của chúng tôi cho thấy có rất nhiều trẻ vào thẳng bệnh viện tuyến Trung ương, gây ra tình trạng quá tải cục bộ. Năm nay, do bệnh sởi xảy ra cùng lúc với thời điểm bệnh nhân viêm phổi nhập viện cao nên số bệnh nhân nặng cũng nhiều hơn.

- Ông lý giải thế nào về việc số ca sởi gặp biến chứng nặng ở vụ dịch năm nay tăng cao bất thường?

- Phần lớn những bệnh nhân sởi nặng năm nay là do có bệnh lý ở phổi hoặc bị biến chứng viêm phổi sau sởi và các biến chứng khác của sởi. Cách đây gần một tháng, Hội đồng chuyên môn về điều trị của Bộ Y tế đã họp, đưa ra kết luận là chưa cần sửa đổi Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sởi. Song trước tình hình số ca biến chứng nặng tăng cao, Hội đồng vừa tiếp tục họp nghiên cứu thêm về vấn đề này để đánh giá, rút kinh nghiệm trong điều trị cũng như tìm giải pháp điều trị tốt hơn.

- Bộ Y tế công bố từ đầu năm đến nay có 25 ca sởi tử vong, song theo thông tin từ phía các bệnh viện và từ dư luận thì con số này thực tế cao gấp nhiều lần, ông giải thích thế nào về độ “vênh” số liệu như vậy?

- 25 ca tử vong mà Bộ Y tế công bố là các trường hợp đã được khẳng định tử vong do biến chứng của sởi. Còn trên thực tế, tại các bệnh viện có thể có những trường hợp bệnh nhân tử vong do những nguyên nhân khác bao gồm cả bệnh nhân vừa mắc đồng thời sởi và bệnh lý khác. Một vấn đề cũng cần xem xét là thời điểm hiện tại có nhiều dịch bệnh song hành, nhất là các bệnh viêm đường hô hấp cấp, viêm phổi ở trẻ em có nhiều triệu chứng tương tự như bệnh sởi và cũng có thể là biến chứng của bệnh sởi.

- Cả 25 ca tử vong do sởi đều tập trung ở miền Bắc, điều này có gì đáng chú ý?

- Đây cũng là vấn đề mà chúng tôi đang băn khoăn. Chúng tôi đang phân tích thêm xem liệu sự khác biệt về thời tiết giữa hai miền Nam - Bắc trong thời gian vừa qua có ảnh hưởng đến mức độ nặng của sởi, hoặc có vấn đề nguyên nhân khác liên quan ở khu vực miền Bắc hay không. Hiện tại, các nghiên cứu về virus sởi trong nước vẫn chưa phát hiện virus có biến đổi về gen và độc lực. Do đó, theo tôi việc xác định nguyên nhân là rất cần thiết và việc công bố số liệu cũng phải hết sức khoa học và chính xác để tránh gây hoang mang cho người dân.

- Bộ Y tế không công bố dịch sởi, điều này có khiến hiệu quả của công tác phòng chống dịch sởi giảm đi?

- Hiện nay tại các địa phương, dịch vẫn trong tầm kiểm soát nên chưa công bố. Còn việc Bộ Y tế chưa công bố dịch sởi không có nghĩa là không triển khai các hoạt động phòng chống dịch hoặc không cung cấp tình hình bệnh sởi đến người dân. Thực tế trong thời gian qua, Bộ Y tế cùng với các địa phương đã tập trung cao độ, huy động các nguồn lực vào công tác phòng chống bệnh sởi, đồng thời tiếp tục đôn đốc triển khai quyết liệt chiến dịch tiêm vaccine sởi nhằm kiểm soát hoàn toàn một cách chủ động bệnh sởi trên phạm vi toàn quốc.

Tránh lây chéo trong bệnh viện

Cục Y tế dự phòng cho biết, nếu trẻ chưa có miễn dịch với sởi lại tiếp xúc với trẻ mắc sởi thì nguy cơ lây bệnh rất cao, gần như 100%. Vì thế, nếu trẻ có dấu hiệu mắc bệnh nào đó, trong đó có cả mắc sởi, nên khám trước ở tuyến cơ sở chứ không nên đi thẳng lên bệnh viện Nhi Trung ương – nơi đang quá tải bệnh nhân sởi, để tránh bị lây nhiễm chéo sởi trong bệnh viện. Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo các bệnh viện không chuyển các bệnh nhân lên tuyến trên trong khả năng điều trị của mình.

Hạn chế thấp nhất số trẻ tử vong

Trước diễn biến bất thường của dịch sởi, chiều 15-4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trực tiếp tới Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến giường bệnh thăm các bệnh nhi mắc sởi biến chứng nặng đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, Trung tâm Hồi sức của BV Nhi Trung ương, chứng kiến nhiều bệnh nhi phải nằm ghép 2-3 và nhiều cháu phải thở máy do suy hô hấp nặng. Trước tình hình nghiêm trọng của bệnh sởi, Phó Thủ tướng chỉ đạo các BV và Bộ Y tế cần truy tìm nguyên nhân khiến bệnh sởi có những diễn biến bất thường so với mọi năm, đồng thời, đưa ra cách ứng phó, chặn đứng dịch bệnh và hạn chế thấp nhất số trẻ tử vong do sởi. Phó Thủ tướng khẳng định, không để bệnh nhi thiếu thuốc điều trị, sẽ tăng cường trang thiết bị, vật tư y tế từ nguồn dự trữ quốc gia trên cơ sở đề xuất của BV Nhi Trung ương cho điều trị cứu chữa cho bệnh nhi.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Khẳng định minh bạch thông tin về sởi

Sáng 16-4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trực tiếp thị sát công tác điều trị sởi tại Bệnh viện Nhi Trung ương, đồng thời chủ trì cuộc họp với các bệnh viện, các chuyên gia dịch tễ hàng đầu để tìm giải pháp phòng chống sởi.

Bộ trưởng thị sát tình hình

Đến thời điểm này, Bộ Y tế vẫn chỉ công bố 25 ca tử vong do sởi nhưng tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chiều 15-4, trực tiếp Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương báo cáo đã có 103 ca sởi tử vong tại bệnh viện. Tính cả 5 ca tử vong tại 3 bệnh viện khác trên địa bàn Hà Nội, số trẻ tử vong do sởi tổng cộng đã lên đến 108 trường hợp. Có ý kiến cho rằng Bộ Y tế đang cố ý không công khai hết số ca tử vong do sởi, thực chất là giấu dịch. Trả lời câu hỏi này của báo chí, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế không giấu bất cứ thông tin nào về dịch sởi. “Tại sao Bộ Y tế lúc công bố có 25 ca tử vong, lúc lại thừa nhận có 108 ca. Cần phải hiểu rõ bản chất trong các số liệu này. Hiện có 108 ca tử vong có liên quan hoặc nghi do sởi, nhưng trong số này người ta chia ra các nguyên nhân và có 25 ca chắc chắn là tử vong do sởi. Những trường hợp còn lại là bệnh nhân tử vong trên nền bệnh khác, nhập viện vì bệnh khác sau đó nhiễm sởi. Cũng có những ca sởi vào viện diễn biến nhẹ nhưng lại kèm theo cơ địa bệnh chuyển hóa, suy dinh dưỡng, tim bẩm sinh… nên dẫn đến tử vong”. “Sáng nay tôi đã đi kiểm tra tình hình thực tế tại nhiều khoa của Bệnh viện Nhi Trung ương để thị sát tình hình tiếp nhận, điều trị bệnh nhi sởi. Sau đó, tại cuộc họp, chúng tôi cũng mời đầy đủ các thành phần, có cả 2 chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới tham dự, cung cấp thông tin một cách công khai, minh bạch để 2 chuyên gia này cùng nghe và góp ý. Nếu giấu đã không công bố số mắc, số tử vong” – Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

Không dại đưa người nhà mắc sởi vào tuyến Trung ương

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng lý giải nguyên nhân số mắc sởi ở vụ dịch năm nay chưa cao bằng số mắc năm 2009-2010 nhưng số tử vong lại cao hơn và vì sao tất cả các ca tử vong đều tập trung ở miền Bắc. Theo đó, nguyên nhân cơ bản là do sự quá tải trầm trọng tại Bệnh viện Nhi Trung ương khi hầu như đa số bệnh nhân sởi nặng của cả miền Bắc đều tập trung về bệnh viện này. Bệnh viện Nhi Trung ương hiện không chỉ quá tải bệnh nhân sởi mà tất cả các khoa đều quá tải, vì vậy chắc chắn chất lượng điều trị khó đảm bảo. Đặc biệt, tình trạng nhiễm trùng bệnh viện dễ xảy ra, nguy cơ lây chéo bệnh trong bệnh viện lớn, bệnh nhân sởi có thể đồng thời bị mắc thêm các bệnh lý khác cũng như bệnh nhân nhập viện vì bệnh lý khác có thể nhiễm sởi trong quá trình điều trị, dẫn đến tỷ lệ tử vong cao. “Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, chưa bao giờ đến phòng bác sĩ cũng phải lấy ra làm phòng điều trị bệnh nhân sởi. Nhưng dù có làm buồng cách ly riêng thì buồng bệnh vẫn là trong khuôn viên bệnh viện, virus bệnh vẫn lây qua không khí. Nếu chúng tôi mà có con cháu mắc sởi thì tôi không bao giờ dại gì cho vào đây. Muốn giảm tử vong do sởi thì phải tản phát bệnh nhân, không để tình trạng quá tải trầm trọng như vừa qua. Chúng tôi mong các cơ quan báo chí tuyên truyền giúp người dân nếu mắc bệnh sởi ở mức độ nhẹ thì nên chữa ở các tuyến dưới. Thực tế các ca sởi thông thường là nhẹ, nguy cơ tử vong chỉ cao trên cơ địa người bệnh có thêm các bệnh lý đi kèm như viêm phổi, bệnh chuyển hóa, tim, suy dinh dưỡng” – Bộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ.

Điều trị sởi ở tuyến địa phương

Một trong những giải pháp quan trọng nhất mà Bộ Y tế đưa ra trong cuộc họp tại Bệnh viện Nhi Trung ương sáng 16-4 là phải kiên quyết giảm quá tải cho bệnh viện này, tăng cường nhân lực, kéo giãn khoa cho rộng để giảm lây chéo bệnh đồng thời huy động các bệnh viện tuyến dưới san sẻ bớt bệnh nhân. Nhưng làm thế nào để bệnh nhân sởi yên tâm vào điều trị tại các bệnh viện tuyến dưới trong bối cảnh hiện tại? Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ sẽ cử một số bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai về các bệnh viện vệ tinh như Bệnh viện Đống Đa, Xanh Pôn, Thanh Nhàn để người bệnh yên tâm đưa con đi khám tại các tuyến cơ sở này. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận, hiện có nhiều bệnh nhi mắc sởi nhẹ nhưng gia đình vẫn tự ý đưa vượt tuyến lên Bệnh viện Nhi Trung ương, dù sau khi khám bệnh viện không cho nhập viện mà gửi về tuyến dưới nhưng vẫn không chịu về, vì vậy bệnh viện buộc phải cho nhập viện. Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: “Với những trường hợp này, chúng tôi đang đề nghị, các bệnh nhân nhẹ cho nằm riêng một chỗ, bệnh nhân nặng một khu vực riêng. Nhưng dù ở khu nào thì khi đã vào đến khuôn viên bệnh viện, người dân cần đeo khẩu trang, rửa tay liên tục nhằm tránh nhiễm trùng. Công tác chống nhiễm khuẩn bệnh viện phải tăng cường, nhưng phòng bệnh vẫn phải là chính, thông qua cách thức tiêm chủng bằng vaccine”.

60% người bệnh máu khó đông chưa được chẩn đoán

Ngày 15-4, tại Hà Nội, Hội Rối loạn Đông máu Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương đã tổ chức mít tinh kỷ niệm “Ngày Hemophilia thế giới 17-4” và Hội nghị “Sống chung với Hemophilia”. Theo Hội rối loạn đông máu Việt Nam, Hemophilia là bệnh chảy máu di truyền (hay máu khó đông) do giảm hoặc bất thường yếu tố đông máu. Tại Việt Nam có khoảng 6.000 bệnh nhân mắc bệnh này nhưng trong đó mới chỉ có gần 40% bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị. Hiểu biết về bệnh Hemophilia của bệnh nhân và gia đình họ còn hạn chế, đa số các bệnh nhân chỉ đến điều trị khi bệnh đã nặng.

Đời sống và Pháp luật

Phòng khám Nhi Cao bị tố “rửa mũi cho bệnh nhi bằng cồn”

Khi lấy chiếc khăn lót dưới cổ để lau mặt cho con, chị Nguyễn Thu Hoài tá hỏa phát hiện khăn mùi sặc cồn. Vì vậy, gia đình bệnh nhi cho rằng, các bác sĩ Phòng khám Đa khoa Nhi Cao đã có sự nhầm lẫn nên thay vì dùng nước muối sinh lý, đã dùng cồn để rửa mũi cho con mình.Anh Hà Tuấn Anh sinh năm 1980 ở Chùa Láng, Hà Nội cho biết, ngày 1/4 thấy con bị ho, gia đình anh đã đưa cháu là Hà Hoài Anh (SN 26/10/2013) đến Phòng khám Đa khoa Nhi Cao (địa chỉ 99 Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội) để khám. Tại đây, bác sĩ Phòng khám đã kiểm tra chỉ định mua thuốc siro cho cháu về nhà uống.Theo chỉ định của bác sĩ, gia đình anh Tuấn đã cho con uống siro được 4 ngày, nhưng bé Hà Hoài Anh vẫn lên cơn ho thường xuyên và không có dấu hiệu thuyên giảm.Vì vậy, đến 18h30 phút ngày 5/4 vợ chồng anh Tuấn Anh lại đưa con đến Phòng khám Đa khoa Nhi Cao để kiểm tra lại. Trong lần khám lại này, bé Hoài Anh được bác sĩ tên Lan trực tiếp thăm khám."Bác sĩ Lan có bảo phát hiện cháu có nhiều dịch nhầy trong mũi phải tiến hành rửa mũi. Sau đó bác sĩ Lan giao cho một y tá thực hiện rửa mũi cho cháu" - anh Tuấn Anh nói.Sau đó Hoài Anh được kê khăn lót để cô y tá tiến hành việc rửa mũi. Khi bơm xi lanh đầu tiên, Hoài Anh khóc thét, giãy giụa mạnh, lúc này cô y tá yêu cầu vợ chồng anh Tuấn Anh phải giữ cháu để tiếp tục việc rửa mũi. Khi bơm đến xi lanh thứ 2 cháu nằm im, đến xi lanh thứ 3 cháu không có phản ứng gì nữa...“Khi y tá rửa mũi xong, thấy con nằm im, tôi bế con dậy, thấy mặt con đỏ, 2 mắt cũng xuất hiện quầng đỏ, nghĩ con đói nên tôi bảo chồng đi mua sữa để cho con uống. Khi đó, cô y tá bảo tôi bế cháu xuống để cho bác sĩ khám lại. Tuy nhiên lúc này, bác sĩ Lan lại đang khám cho một trẻ khác” - chị Nguyễn Thu Hoài mẹ cháu bé kể.Lúc này, chị Hoài mới lấy chiếc khăn lót dưới cổ để lau mặt cho con. Khi cầm vào chiếc khăn chị mới tá hỏa phát hiện khăn mùi sặc cồn. Thấy con mặt mày đỏ ửng và có biểu hiện lả dần đi, chị Hoài cuống cuồng gọi chồng trở lại phòng khám để đưa cháu đến bệnh viện."Tại thời điểm đó, gia đình đang trong lúc hoảng loạn, cô y tá trực tiếp rửa mũi cho Hoài Anh khóc ầm lên nói xin lỗi mẹ cháu và xin được rửa lại mũi cho cháu. Hoài Anh khi đó đã có triệu chứng nôn ra máu, gia đình vô cùng hoang mang lo lắng lập tức gọi xe tắc xi và yêu cầu một bác sĩ của Phòng khám đi cùng, đưa cháu bé đến bệnh viện Nhi cấp cứu" - anh Tuấn Anh kể.Tại Khoa Miễn dịch của Bệnh viện Nhi Trung ương, chị Nguyễn Thu Hoài sinh năm 1985 (mẹ cháu bé) vẫn chưa hết lo lắng: “Lúc đưa cháu nhập viện cháu bị nôn ra máu và nhiều dịch nhầy. Đến 12h20 đêm đó, cháu tiếp tục  nôn ra máu rất nhiều, tôi đã lấy khăn lau cho cháu. Ngay lúc đó, các bác sỹ trực tại Bệnh viện Nhi Trung ương bảo tôi chụp lại hình ảnh và lưu cả cái khăn lau cồn lại. Bác sĩ cũng cho biết, sau 24h con qua được là đã loại trừ được vòng nguy hiểm nhất, sau đó sẽ có phác đồ điều trị khác, nếu tiếp tục nôn ra máu phải báo cáo các bác sĩ ngay”.Theo chị Hoài, lúc mới nhập viện, bác sĩ bảo cháu bé bị "suy hô hấp do ngộ độc" nhưng lại không nói rõ là ngộ độc do cồn, mặc dù mới nhập viện mùi cồn vương khắp cơ thế cháu. Điều khiến chị Hoài bức xúc là mặc dù cháu nằm tại Bệnh viện Nhi Trung ương hơn một tuần nay, sức khỏe đã ổn định hơn, nhưng những triệu chứng của cháu lúc nhập viện lại không hề được thể hiện trong hồ sơ bệnh án của cháu.Bố cháu bé, anh Hà Tuấn Anh cho biết thêm: “Khi cháu nằm viện, phía Phòng khám Đa khoa Nhi Cao cũng cử đại đển để nói chuyện và muốn nghe nguyện vọng của gia đình. Nhưng gia đình chúng tôi không đồng tình và chưa đưa ra một yêu cầu gì, vì vẫn chưa biết sức khỏe của cháu như thế nào, có bị ảnh hưởng di chứng sau này hay không”. Để tìm hiểu cụ thể thông tin sự việc, phóng viên báoĐời sốngPháp luậtcũng đã liên hệ đến Phòng khám Đa khoa Nhi Cao có địa chỉ tại 99, Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội. Người quản lý phòng khám yêu cầu phóng viên phải đặt lịch trước và đề nghị giữ giấy giới thiệu của phóng viên để báo cáo với lãnh đạo phòng khám, hẹn lịch làm việc. Nhưng đến nay, phóng viên vẫn chưa nhận được hồi âm từ phía Phòng khám này.

Vietnamplus

Quảng Ngãi: Thêm bệnh nhân ở Ba Tơ bị viêm da dày sừng

Ngày 14/4, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết ngày 8/4, Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi đã tiếp nhận bệnh nhân Phạm Thị H, 14 tuổi do Trạm y tế xã chuyển lên, chẩn đoán mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân. Bệnh nhân hiện đang sống tại Làng Dút 1, xã Ba Nam, huyện Ba Tơ. Đây là xã không nằm trong vùng can thiệp và trước đây chưa từng ghi nhận trường hợp mắc bệnh. Ba Nam là xã vùng sâu vùng xa của huyện miền núi Ba Tơ, cách trung tâm huyện 40km về phía Tây-Nam, đời sống còn nghèo nàn, lạc hậu. Người dân có thói quen gặt lúa không phơi, cất trong chòi, khi sử dụng thì mới đem thóc ra phơi khoảng 1-3 nắng rồi xay xát lấy gạo nấu ăn. Kết quả kiểm tra tại gia đình bệnh nhân cho thấy thấy hiện tại họ đang sử dụng gạo cũ, ngả mầu, có nhiều hạt màu đen và ẩm mốc. Ngay khi nhận được thông tin, Sở Y tế và Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Ngãi đã cử các đoàn công tác về chỉ đạo, hỗ trợ huyện Ba Tơ trong khám, điều trị bệnh và triển khai các hoạt động can thiệp cộng đồng tại xã Ba Nam như tăng cường giám sát dịch tễ, vệ sinh môi trường, tuyên truyền, hướng dẫn người dân thay đổi cách thu hoạch, bảo quản thóc gạo, phơi khô thóc trước khi cất giữ để phòng tránh nhiễm vi nấm mốc, đồng thời tổ chức khám sàng lọc, cấp thuốc bổ cho người dân, tổng vệ sinh môi trường tại xã Ba Nam. Bộ Y tế tiếp tục phối hợp, hỗ trợ địa phương triển khai các hoạt động giám sát và can thiệp phòng, chống hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân. Cục Y tế dự phòng khẳng định hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân đã được các cơ quan chuyên môn Bộ Y tế xác định là do nhiễm độc tố vi nấm do ăn gạo bị mốc trên cơ địa người bị thiếu vi chất dinh dưỡng. Nếu người dân thu hoạch, cất giữ, bảo quản và sử dụng lương thực không đảm bảo chất lượng để cho nấm mốc phát triển thì vẫn tiềm ẩn nguy cơ tái mắc bệnh trong cộng đồng. Để khống chế bệnh, biện pháp can thiệp chính là sử dụng thóc, gạo không bị nấm mốc kết hợp với hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng và vệ sinh môi trường. Việc cung cấp gạo mới cho người dân thay thế gạo cũ là giải pháp trước mắt. Về lâu dài, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, hướng dẫn người dân thay đổi hành vi trong thu hoạch, cất giữ, bảo quản và sử dụng lương thực, đặc biệt là gạo đảm bảo chất lượng không để nấm mốc có điều kiện phát triển là rất cần thiết. Thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Y tế và các bộ, ngành để chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp can thiệp. Trong năm 2013, chính quyền địa phương tiếp tục cấp 450 tấn gạo do Chính phủ hỗ trợ và trên 100 tấn gạo từ các nguồn hỗ trợ khác cho toàn bộ người dân trong vùng mắc bệnh, đồng thời vận động, hướng dẫn, giám sát người dân thu hoạch, phơi khô thóc trước khi cất vào chòi, ăn gạo trắng thay cho gạo cũ và cấp phát thùng tôn trữ thóc, gạo cho các hộ gia đình. Ngành y tế đã hỗ trợ trên 200 triệu đồng để mua thuốc bổ gan, viên đa vitamin cấp phát cho người dân; tuyên truyền, hướng dẫn người dân ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất và vệ sinh phòng bệnh; đồng thời triển khai các biện pháp giám sát dịch tễ, quản lý các trường hợp mắc bệnh trước đây và người có nguy cơ cao tại cộng đồng. Chính quyền và các ban ngành địa phương phối hợp đẩy mạnh công tác vệ sinh môi trường thông qua triển khia phong trào vệ sinh yêu nước, cung cấp nước sạch và vận động người dân tích cực tham gia vệ sinh môi trường, cải thiện điều kiện sống. Các biện pháp can thiệp đã mang lại hiệu quả khống chế tỷ lệ mắc và tử vong do hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân.

Bạc Liêu: Cứu sống một trường hợp bị đâm thủng tim

Bác sỹ Trịnh Chấn Gia, Phó Khoa phẫu thuật gây mê hồi sức, Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu cho biết bệnh viện vừa phẫu thuật, cứu sống một trường hợp bị đâm thủng tim. Trước đó, vào 0 giờ 30 phút ngày 9/4, bệnh nhân Phạm Hữu Thọ, sinh năm 1996, ở ấp 1, thị trấn Hộ Phòng, huyện Giá Rai được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện huyện Giá Rai trong trình trạng nguy kịch, choáng và mất máu nặng với vết thương do dao đâm vào ven sườn 4, 5 bên trái, gây thủng tim.  Nhận định bệnh nhân sẽ chết nếu chuyển lên tuyến trên, trong khi đây là trường hợp nặng, vượt quá khả năng nên Bệnh viện đa khoa Giá Rai đã gọi cho tổ cấp cứu của Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, đội ngũ bác sỹ phẫu thuật của Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu đã lập tức lên đường xuống huyện và tiến hành phẫu thuật cứu sống bệnh nhân. Bệnh nhân tỉnh lại ngay sau khi ca phẫu thuật thành công. Trực tiếp phẫu thuật cứu sống bệnh nhân, bác sỹ Lưu Phước Long, Trưởng Khoa ngoại, Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu cho biết bệnh viện luôn có một êkíp bác sỹ phẫu thuật ứng trực, có khả năng giải quyết những trường hợp nặng. Trước đây, bệnh viện đã cứu sống nhiều trường hợp bị đâm thủng tim nhưng đây là lần thứ hai tiến hành phẫu thuật ở tuyến huyện. Bệnh viện đa khoa Giá Rai đã được trang bị đầy đủ nên ca phẫu thuật được tiến hành kịp thời. Sắp tới, tăng cường thêm bác sỹ có trình độ chuyên môn, Bệnh viện đa khoa Giá Rai có thể tự tiến hành phẫu thuật với những trường hợp tương tự. Hiện tại, tình trạng bênh nhân đã ổn định. Bệnh nhân có thể nói chuyện và đang được chăm sóc tại khoa hồi sức ngoại, Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu.

Thời tiết giao mùa, số lượng trẻ nhập viện tăng cao

Bác sỹ Lê Quang Đoán - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam cho biết, gần một tháng trở lại đây, trung bình mỗi ngày khoa khám cho gần 200 trường hợp, trong đó có 30-40 ca phải nhập viện điều trị khiến cho khoa luôn trong tình trạng quá tải nghiêm trọng. Hiện nay, khoa Nhi chỉ có 85 giường bệnh nhưng thường xuyên có 140-150 bệnh nhân, đỉnh điểm lên đến 177 ca vào ngày 13 và 14/4. Trẻ chủ yếu mắc các bệnh như tiêu chảy, sốt cao co giật, viêm phổi, hen phế quản... Theo bác sỹ Đoán, nguyên nhân của tình trạng quá tải trên chủ yếu là do thời tiết chuyển mùa, độ ẩm trong không khí cao… làm trẻ bị viêm nhiễm đường hô hấp trên, Amidan nên gây sốt hàng loạt. Mặt khác, do Bệnh viện đã được đầu tư nhiều trang thiết bị mới, hiện đại nên nhiều nhóm bệnh nặng trước kia phải chuyển tuyến thì nay đã điều trị ngay tại tỉnh. Bên cạnh đó, tình trạng bệnh nhân vượt tuyến nhiều cũng làm tăng đáng kể tình trạng quá tải. Để đáp ứng và nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, Khoa đã tiến hành các biện pháp đồng bộ như kê thêm giường bệnh, tăng lượng thuốc dự phòng trong cấp cứu và lượng cán bộ y tế tại mỗi ca trực. Bác sỹ Đoán khuyến cáo trước tình hình thời tiết giao mùa, thay đổi đột ngột, các bậc cha mẹ cần tăng cường dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn cho trẻ. Đối với trẻ sơ sinh, nếu thấy sốt cao, khóc khi bú hoặc thấy con thở nhanh... cha mẹ cần đưa con đi khám sớm vì có thể bệnh đã diễn biến nặng.  Ngay cả khi trẻ ngủ nhiều hơn bình thường cũng có thể do trẻ bị bệnh. Ngoài ra, cha mẹ cần giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ để tránh các dịch bệnh lây lan. Đặc biệt, khi phát hiện thấy trẻ có biểu hiện bất thường, không nên tự ý mua thuốc điều trị mà phải đưa đến các cơ sở y tế khám bệnh, tránh để bệnh nặng mới đến cơ sở y tế gây khó khăn trong công tác điều trị./.

Petrotimes

Tại sao không công bố dịch sởi?

Với thống kê ban đầu gần 7 ngàn trẻ sốt phát ban nghi sởi, xuất hiện trên tất cả 59 tỉnh thành trên cả nước, gần 3 ngàn ca bệnh nhi dương tính với sởi trong vòng 1 tháng qua, hơn 25 ca tử vong do sởi… Vậy mà Bộ Y tế vẫn chưa công bố dịch sởi trên toàn quốc. Phải chăng sự việc chưa đến mức độ nghiêm trọng hay là vì lời “hứa” sẽ giải quyết bệnh sởi trong vòng 3 năm nữa? Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), để công bố một dịch bệnh sẽ chia làm 6 giai đoạn từ dịch trong phạm vi nhỏ đến đại dịch. Dịch cúm gia cầm những năm 2004 – 2005 được cho là vào giai đoạn 3. Mặc dù vẫn còn chưa có bằng chứng rõ ràng bệnh cúm gia cầm lây từ người sang người nhưng dưới sự cảnh báo của WHO, Bộ Y tế đã cùng các bệnh viện trên cả nước, các bộ ban ngành như truyền thông, chính quyền các tỉnh, thành phố… và đặc biệt là ý thức của người dân nên đã nhanh chóng khoanh vùng dịch bệnh, triệt tiêu hàng triệu gà, vịt, chim hoang dã nên đã thành công khống chế, dập tắt dịch cúm. Tháng 10/2010, Thủ tướng Chính Phủ đã đã ký Quyết định 64/2010/QĐ-TTg quy định “Điều kiện công bố dịch và công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm”. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh hai điều kiện công bố dịch bệnh truyền nhiễm là: Thứ nhất, có số người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá số người mắc dự tính bình thường của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên. Thứ hai, Có ít nhất một trong các yếu tố nguy cơ sau: Quy mô, tính chất của bệnh dịch vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Bệnh dịch được Bộ trưởng Bộ Y tế xác định có sự biến đổi tác nhân gây bệnh, có nguy cơ làm tăng tỷ lệ tử vong và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả; Bệnh dịch có tỷ lệ tử vong cao mà chưa rõ tác nhân gây bệnh và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả; Bệnh dịch xảy ra khi có thiên tai, thảm họa. Xét trên các tiêu chuẩn công bố dịch bệnh thì dịch sởi hiện nay có tính chất nguy hiểm rất cao, số bệnh nhân tử vong của sởi vượt số bệnh nhân tử vong của cúm gia cầm trong thời gian cực ngắn. Các chuyên gia y tế hàng đầu của Việt Nam tại các bệnh viện Trung ương như Bạch Mai, Bệnh Nhiệt đới, Viện Nhi… đều cho rằng khá nhiều ca bệnh nhi tử vong có diễn biến bất thường, thời gian phát bệnh và tử vong đều nhanh hơn bệnh sởi thông thường rất nhiều. Thống kê ban đầu là hiện nay đã có gần 7 ngàn bệnh nhân, lượng bệnh nhi mắc bệnh sởi vẫn đang ngày một tăng cao. Mặt khác, nguy cơ, tốc độ lây lan từ người sang người của bệnh sởi đặc biệt cao hơn cúm gia cầm. Hơn thế nữa số lượng tỉnh, thành phố xuất hiện bệnh sởi cũng cao gấp 2 lần (59/22 tỉnh thành phố). Như vậy đã đủ cơ sở để công bố dịch sởi để các bộ ngành liên quan cùng phối hợp triển khai dập dịch, đề phòng dịch bùng phát trên phạm vi rộng chứ không phải để mặc các bệnh nhân tuyến trung ương phải gồng mình như hiện nay. Phải chăng vì chưa có sự tham gia của tổ chức Y tế thế giới và một nguyên nhân nào đó mà Bộ Y tế chưa công bố dịch sởi trên diện rộng? Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm, nguyên Viện trưởng Viện Nhi Trung ương: “Tình hình dịch sởi hiện nay khiến tôi nhớ lại dịch cúm gia cầm những năm 2004-2005. Cuối năm 2003 khi thấy một số bệnh nhi chết do viêm phổi không đáp ứng với điều trị tôi đã phối hợp cùng bác sỹ Peter Horby gửi các mẫu bệnh phẩm sang phòng xét nghiệm Hongkong và sau đó là Viện vệ sinh dịch tễ nhờ vậy đã sớm phát hiện trường hợp cúm gia cầm đầu tiên tại Việt Nam. Dịch cúm gia cầm đã nhanh chóng được công bố và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để đối phó. Muốn dập dịch, đối phó với dịch cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, đừng ngần ngại công bố dịch khi đã có dịch. Xét cả về 3 phương diện mức độ lây truyền, khả năng đáp ứng của các bệnh viện, con số tử vong ,đều khó có thể nói dịch sởi đang được kiểm soát tốt. Dịch sởi cho thấy cần phải xem xét lại một số vấn đề của chương trình tiêm chủng mở rộng. Có lẽ mức độ bao phủ của chương trình không cao như chúng ta vẫn nghĩ”. Những tháng đầu năm, thời tiết nóng ẩm là thời điểm bùng phát dịch bệnh trên diện rộng. Bên cạnh dịch sởi đang hoành hành gây quá tải nghiêm trọng tại các bệnh viện tuyến trung ương, các dịch bệnh như cúm gia cầm, sốt xuất huyến, tiêu chảy đều có những nguy cơ bùng phát nếu không được kiểm soát tốt. Trong tình hình hiện nay, đã đến lúc Bộ Y tế cần xem xét nghiêm túc mức độ nghiêm trọng trong việc công bố dịch bệnh sởi, các dịch bệnh khác trên các nước.

Bộ trưởng Y tế: “Công bố dịch sởi, phải chờ ý kiến địa phương”

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện Hà Nội là địa phương có số mắc sởi cao nhất cả nước, chiếm gần 30% số mắc và gần 50% số ca tử vong do sởi. Việc Hà Nội có công bố dịch hay không là thuộc thẩm quyền của UBND TP, ngành Y tế không có thẩm quyền bắt công bố hay không công bố dịch” - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết. Sau chuyến thị sát tại bệnh viện Nhi Trung ương vào trưa nay (16/4), Bộ trưởng Bộ Y tế đã có buổi làm việc với phóng viên báo chí. Con số được đưa ra tại buổi trao đổi, Cục Khám chữa bệnh công bố 108 trẻ tử vong do sởi nhưng trước đó Bộ Y tế công bố thì chỉ có 25 trẻ, "Tư lệnh" ngành Y tế giải thích: 25 là con số trẻ tử vong trực tiếp do sởi, còn lại là bệnh nhi tử vong do bị mắc sởi nhẹ kèm thêm các bệnh khác như viêm não, suy dinh dưỡng và các bệnh chuyển hóa khác... Như vậy, không thể khẳng định 108 trẻ tử vong hoàn toàn do sởi mà đây là tử vong do sởi và các biến chứng liên quan đến sởi. Khẳng định sởi là bệnh lây lan nhanh, nhưng diễn biến bệnh sởi thời gian qua ở Việt Nam vẫn nằm trong xu thế chung giống với một số nước trong khu vực châu Á khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines... Các nước này cũng đang ở chu kỳ dịch. Vấn đề được dư luận quan tâm nhất là trước diễn biến phức tạp như hiện tại mà bệnh sởi chưa có dấu hiệu thuyên giảm thì Bộ Y tế có nên công bố dịch, Bộ trưởng giải thích: "Việc công bố dịch được thực hiện theo quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm. Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện Hà Nội là địa phương có số mắc sởi cao nhất cả nước, chiếm gần 30% số mắc và gần 50% số ca tử vong do sởi. Việc Hà Nội có công bố dịch hay không là thuộc thẩm quyền của UBND TP, ngành Y tế không có thẩm quyền bắt phải công bố hay không công bố dịch". Được biết, Bộ trưởng Tiến cũng đã hỏi ý kiến của Giám đốc Sở Y tế Hà Nội và hiện Sở Y tế Hà Nội phải báo cáo với UBND TP Hà Nội để xin ý kiến chỉ đạo. Vậy nên, Bộ Y tế chỉ có ý kiến sau khi UBND TP Hà Nội có quyết định cuối cùng.

Nông nghiệp

Cần thêm 30 máy thở để phòng, chống dịch bệnh

Bộ Y tế vừa có đề xuất Chính phủ cho phép cấp 30 máy thở thuộc nguồn dự trữ quốc gia để trang bị cho 4 bệnh viện nhằm giảm tình trạng quá tải. Chiều ngày 13/4, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, để giảm bớt tình trạng bệnh nhân quá tải đang điều trị tại các khoa nhi của các bệnh viện tuyến Trung ương và tăng cường công tác phòng chống dịch trong thời gian tới, Bộ Y tế vừa có đề xuất Chính phủ cho phép cấp 30 máy thở thuộc nguồn dự trữ quốc gia để trang bị cho 4 bệnh viện. Đó là BV Bạch Mai 10 máy; BV Nhiệt đới Trung ương 8 máy; BV Nhi Trung ương 8 máy và BV Xanh Pôn 4 máy. Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp tục có chỉ đạo các đơn vị trong ngành y tế tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch trong đó tập trung vào việc tăng cường giám sát để phát hiện dịch, tổ chức tiêm chủng khoanh vùng xử lý ổ dịch. Đặc biệt trong công tác điều trị làm tốt việc phân tuyến hạn chế chuyển viện lên tuyến trên tránh việc quá tải và lây lan bệnh dịch.

Đại đoàn kết

Đâu là bất thường bệnh sởi?

Trong lúc báo chí và nhiều BV khi cấp báo tình trạng bệnh sởi liên tục "nóng” hiện nay không ngần ngại gọi đây là "dịch”, thì Bộ Y tế dù thừa nhận nóng nhất hiện nay là tình hình bệnh sởi nhưng chưa công bố dịch và không coi đây là dịch. Truyền thông suốt tuần qua cảnh báo dịch sởi đang lây lan mạnh, bùng phát mạnh tại các tỉnh phía Bắc và Hà Nội với diễn biến phức tạp, nguy hiểm, gây biến chứng nặng. Lý do chưa công bố dịch, theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu, là việc Bộ Y tế cần căn cứ vào tình hình dịch bệnh và thực hiện theo Quyết định 64/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, chỉ công bố bệnh truyền nhiễm trong đó có sởi khi đủ hai điều kiện. Một là, số người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá số người mắc dự tính bình thường của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên. Hai là, có ít nhất một trong các yếu tố nguy cơ: quy mô, tính chất bệnh dịch vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành. Bộ trưởng Bộ Y tế xác định có sự biến đổi tác nhân gây bệnh, có nguy cơ làm tăng tỷ lệ tử vong và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả. Bệnh dịch có tỷ lệ tử vong cao mà chưa rõ tác nhân gây bệnh và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả. Bệnh dịch xảy ra khi có thiên tai, thảm họa. Nhưng "số người mắc dự tính bình thường” là bao nhiêu, các cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Bộ có công bố công khai đâu để cộng đồng theo dõi, giám sát biết được thời điểm "vượt”? Bộ Y tế cũng cho rằng sởi năm nay không bất thường, cả khi BV Nhi Trung ương 10 ngày trước phải "cầu cứu” Bộ khi quá tải bệnh nhân khó và nặng, thiếu nhân lực, trang thiết bị. Bộ Y tế đã phải họp khẩn với các BV Hà Nội và các Sở Y tế lân cận tìm giải pháp. Không bất thường vì các chủng vi rút sởi ở ta hiện chưa có những biến đổi gen một cách khác biệt so với sự lưu hành của các chủng vi rút trong khu vực và không có sự gia tăng về độc lực - Bộ lý giải. Cục trưởng Phu trả lời báo chí cho biết: "Dịch bệnh xuất hiện năm nay là do tính chất chu kỳ. Các trường hợp mắc sởi năm nay vẫn thấp hơn so với năm 2009 – 2010”. Trong khi đó, Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 2 TPHCM cho rằng diễn tiến dịch sởi tại BV càng ngày càng tăng, càng phức tạp. Bệnh đã lây lan luôn cả trong cộng đồng bệnh nhân nội trú. GĐ BV Nhi T.Ư cũng nhấn mạnh tình trạng quá tải ở giai đoạn "nghiêm trọng”, các nhân viên y tế đang phải gồng mình và Bộ Y tế cần có văn bản chấn chỉnh việc chuyển bệnh nhân, nhận bệnh nhân ở các BV; hỗ trợ tài chính để mua thêm máy móc, trang thiết bị... Vậy với bình thường và bất thường đó, với hơn 6.600 trường hợp sốt phát ban trong đó 2.500 trường hợp đã chẩn đoán mắc sởi từ đầu năm đến nay ở 59 tỉnh, thành cả nước, nhiều ca đã tử vong do sởi biến chứng hoặc do biến chứng viêm phổi sau mắc sởi, nên gọi là gì, báo động đỏ ư? Bất thường dễ thấy nhất ở dịch sởi hiện nay phải chăng là sự trái chiều trong nhìn nhận của Bộ chủ quản và công chúng, kể cả quản lý một số BV.  Lý do của sự trái chiều đó, là Bộ Y tế căn cứ "giấy trắng mực đen” của Quyết định công bố dịch, còn dư luận xã hội và nhiều thầy thuốc trực tiếp khám chữa điều trị lại thấy "bất thường” trong ứng phó của ngành trước thực tiễn - quá tải, y tế tuyến dưới và tuyến trên quá thiếu trang thiết bị. Việc tiêm ngừa và chiến dịch tiêm vét sởi đang thực hiện trên cả nước là chạy đua với dịch bệnh. Và bình thường hay bất thường, khi Bộ Y tế vừa có Quyết định 1194/QĐ-BYT xuất cấp không thu tiền 30 chiếc máy thở từ nguồn dự trữ quốc gia để phục vụ công tác phòng chống dịch và nhu cầu khám, chữa bệnh cho các bệnh nhi ở 4 BV là Nhi T.Ư, Bạch Mai, Bệnh Nhiệt đới T.Ư và Xanh Pôn Hà Nội. Đây là giải pháp kịp thời khi bệnh nhi mắc bệnh sởi và các bệnh hô hấp đang gia tăng. Nhưng chưa hẳn vui nếu nhìn ở góc độ phòng dịch. Đời thuở nhà ai những BV "to nhất nước” mà thiếu trầm trọng máy móc trang bị để… nước đến chân mới nhảy. Nhiều người phải đưa con vượt tuyến lên trung ương cho an toàn cũng vì tuyến dưới vừa thiếu máy móc vừa trình độ có hạn. Lãnh đạo Bộ Y tế có khuyên các gia đình có con nhỏ mắc các bệnh hô hấp thông thường thay vì đến BV Nhi T.Ư có thể tìm đến các BV tuyến dưới khám và điều trị. Song các gia đình dễ gì biết được hô hấp thông thường hay bất thường. Trong khi nhiều bệnh viêm đường hô hấp cấp tính hoặc viêm phổi do vi rút, vi khuẩn hiện nay cũng không xác định được nguyên nhân. Vả lại, ông Trần Đắc Phu khẳng định chỉ có rất ít trẻ đã tiêm vắc xin đủ mũi bị mắc bệnh sởi (4,2%) nhưng tin từ Trung tâm Y tế huyện Bắc Hà ( Lào Cai), từ đầu năm đến nay huyện có gần 300 ca mắc sởi và sốt phát ban dạng sởi. Những nơi hoàn thành 100% tiêm phòng sởi vẫn có tới 40 trường hợp bệnh nhân mắc bệnh, tỷ lệ tiêm đủ vẫn mắc lớn hơn hẳn tỷ lệ ông Phu công bố. Về nguyên tắc, chỉ có tiêm chủng mới là biện pháp phòng chống hiệu quả, giải quyết dứt điểm dịch bệnh sởi. Tuy nhiên, những bất thường của tình hình bệnh dịch, dù không có trong "văn bản”, ngành y tế phải tính tới khi điều đó đang là nỗi lo của hàng triệu gia đình. Trong khi bệnh nhân nhi ở nhiều BV phải nằm ngoài hành lang vì quá tải, vì không muốn lây chéo, các BV có nên dành tỷ lệ giường, phòng cho "dịch vụ theo yêu cầu”?  Việc giảm tải BV nhi tuyến trên đã có nhiều biện pháp song một phần phải nằm ghép ba ghép tư là do trong một số BV có tới cả 100 giường "đặc biệt”. Những tranh luận và cảnh báo liên quan đến dịch sởi hiện nay chính là một cơ hội nhìn nhận lại hệ thống y tế công cộng của chúng ta đang bất cập ra sao trong quy hoạch, điều hành, tuyên truyền phòng dich, nhất là khi một phần tài sản công đang được "chuyển nhượng” cho lĩnh vực "dịch vụ công tư”. Đừng kéo dài lâu hơn sự bất công. Trước mắt Bộ Y tế và các BV cần sớm ra văn bản chấm dứt tỷ lệ số giường dành cho bệnh nhi VIP để những bệnh nhi nghèo được hưởng lợi từ dịch vụ chăm sóc bằng tiền ngân sách. Lâu dài phải rành mạch, công khai đầu tư công – tư trong BV công. Không thể xem bệnh tật cùng nỗi đau như một cơ hội kinh doanh thu lợi nhuận, dù có dịch hay không.

Dịch sởi và nỗi lo: Quá tải chồng quá tải 

"Có những ca nhiễm sởi nặng đến mức chúng tôi phải chi đến hàng trăm triệu đồng để lọc máu mới có thểcứu được bệnh nhân, chưa kể chi phí thuốc men và những khoản dịch vụ khác. Tất nhiên là hoàn toàn miễn phí trong những trường hợp này theo quy định đối với trẻ dưới 6 tuổi…”. TS Khu Thị Khánh Dung, Phó giám đốc BV Nhi Trung ương cho hay về một trong nhiều hậu quả gây ra từ dịch sởi đã và đang hoành hành Theo nhận định của các chuyên gia y tế, thực tế dịch sởi "căng” nhất vẫn là những ca biến chứng, được các cơ sở y tế tuyến dưới "đẩy” lên các BV tuyến trên. Quan trọng giờ đây là các Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh thành cần tiếp tục hướng dẫn các đơn vị y tế tuyến quận huyện và y tế cơ sở tăng cường hoạt động của hệ thống giám sát dịch từ tỉnh đến cơ sở, hỗ trợ công tác phòng chống dịch tại các địa phương, tham mưu kiện toàn Ban chỉ đạo chống dịch tỉnh, thành phố, của ngành; củng cố hoạt động của các đội cơ động chống dịch, rà soát vật tư và trang thiết bị chống dịch… 

BV Nhi Trung ương: Vẫn nằm ghép 3 - 4 bệnh nhi

Hôm qua (13-4), ngày chủ nhật vậy mà tình trạng quá tải tại Khoa Truyền nhiễm, BV Nhi TƯ vẫn không thuyên giảm. Tại phòng Phó Khoa, đếm vội cũng được dăm bảy giường bệnh. Vừa bấm máy, tôi vừa gọi đùa các công dân tý hon này là những "phó khoa tương lai” để xua tan được phần nào không khí lo âu của các bậc phụ huynh. Hầu hết các cháu đang trong độ tuổi từ vài tháng đến một năm, chưa từng được tiêm phòng sởi do chưa đến tuổi hoặc đến tuổi tiêm phòng nhưng bị ốm. Hiện vẫn có từ 200 - 250 bệnh nhân (BN) sởi và biến chứng bệnh khác phải nằm ghép 3 - 4 BN một giường. Theo các phụ huynh, trẻ bị lây từ các nguồn, rồi biến chứng nặng ho, sốt li bì nhiều ngày, BV tuyến tỉnh không chữa được giới thiệu lên đây. Theo TS Dung, từ  đầu năm đến nay, cơ sở y tế nhi tuyến cuối này tiếp nhận gần 1000 ca nhiễm sởi, chiếm 1/10 số BN truyền nhiễm nhập viện trong thời gian này. Gần một nửa trong số này được người nhà BN cũng như các bác sĩ tuyến dưới mang "nhầm” đến đây vì triệu chứng quá nhẹ được khuyến cáo quay trở lại để tránh quá tải. Số còn lại hầu như bị rất nặng do biến chứng viêm phổi và các bệnh đường hô hấp khác. BV Nhi Trung ương đã và đang dành gần như toàn bộ hơn 100 máy thở cũng như huy động rất đông số y, bác sĩ từ nhiều khoa khác tăng cường điều trị cho các bệnh nhi sởi. Có thể bắt gặp ở khắp mọi nơi những tờ áp phích khuyến cáo mọi người cần đeo khẩu trang khi vào vùng có dịch. Ra khỏi đây cần rửa tay sạch sẽ tránh lây bệnh cho người khác.

Khu vực phía Nam: Dịch sởi tăng nhanh và lan rộng 

Ngành y Tp. HCM nhận định: Tình hình dịch sởi ở khu vực vẫn chưa có dấu hiệu chững lại. Hiện nay, mỗi tuần tiếp tục gia tăng từ 15 - 20 trường hợp bệnh nhi mắc sởi. Điều đáng lo ngại là năm 2013 có 90 % trẻ mắc sởi dưới 3 tuổi, tuy nhiên đến năm 2014 thì độ tuổi mắc sởi tăng lên có  90 % trẻ mắc sởi dưới 10 tuổi. Tại BV Nhi đồng 1, trung bình mỗi tuần BV tiếp nhận từ  90 - 100 ca sởi chuyển từ các tỉnh phía Nam đến khám và điều trị, trong đó khoảng 10% số ca bệnh bị biến chứng nặng phải thở máy. Đa số những trường hợp trẻ nhập viện đều chưa được tiêm phòng văcxin sởi. Tương tự BV Nhi đồng 2, BV tiếp nhận điều trị nội trú cho 78 trường hợp mắc sởi, trong khi đó năm 2013 hầu như không có trường hợp mắc sởi nào nhập viện điều trị. Tình hình này khiến Khoa Nhiễm của BV trở nên quá tải, nhiều bệnh nhi phải nằm ngoài hành lang. Để đẩy nhanh công tác phòng chống dịch sởi, thành phố đã triển khai công tác tiêm vét văcxin sởi mở rộng cho trẻ từ 9 tháng đến 3 tuổi nhưng công tác tiêm chủng không đạt hiệu quả cao. Đến nay, sau 5 tuần triển khai công tác này, các cơ sở y tế trên địa bàn chỉ mới tiêm được 37.000 liều so với dự kiến 100.000 liều. Trước tình trạng bệnh sởi gia tăng, ông Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Tp. Hồ Chí Minh cho biết: Một bộ phận người dân không đưa con đến tiêm ngừa vì lo lắng độ an toàn của chương trình tiêm chủng. Cho nên, người dân sẵn sàng bỏ tiền túi để tiêm ngừa theo dạng dịch vụ. Tuy nhiên, hiện nay nguồn văcxin dịch vụ đang có nguy cơ thiếu hụt do số lượng trẻ tiêm ngừa tăng lên đột biến. 

Cần Thơ: Trẻ em nhập viện ngày càng tăng

Theo ghi nhận của Đại Đoàn Kết, tại BV Nhi đồng Cần Thơ, do thời tiết nắng nóng kéo dài nhiều tháng qua khiến nhiều trẻ em mắc các bệnh tay chân miệng, tiêu chảy, bệnh đường hô hấp (viêm phổi, viêm phế quản, sốt phát ban dạng sởi...), theo đó tỉ lệ trẻ em nhập viện ngày càng tăng cao. Cụ thể, số bệnh nhi mắc bệnh viêm phổi 3 tháng đầu năm 2014 được BV này thống kê có 6.512 ca điều trị ngoại trú và 1.762 ca điều trị nội trú. Riêng viêm phế quản lên tới 21.262 trường hợp, trong đó 236 ca nhập viện điều trị; viêm hô hấp trên 1.550 ca điều trị ngoại trú và 59 ca điều trị nội trú. Riêng bệnh sốt phát ban dạng sởi từ đầu năm đến nay có đến 60 trường hợp nhập viện.  Nhiều năm qua BV Nhi đồng Cần Thơ luôn trong tình trạng quá tải, cơ sở vật chất của BV ngày càng xuống cấp. Diện tích chật hẹp nhưng vẫn phải tiếp nhận điều trị bệnh nhi đến từ các tỉnh trong khu vực ĐBSCL. Trao đổi với bác sĩ Hà Anh Tuấn - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, BV Nhi đồng Cần Thơ, ông cho biết: Khoảng gần 3 tháng nay tình trạng trẻ nhỏ (dưới 3 tuổi - PV) mắc viêm phổi nặng, kéo dài đang ngày càng diễn ra đáng lo ngại (đến nay đã có 7 ca tử vong). Đặc biệt bệnh viêm phổi do vi khuẩn chủng tụ cầu vàng (S.aureus) gây ra nhiều ở trẻ rất nguy hiểm. Các trường hợp viêm phổi nặng này thường kháng với rất nhiều loại kháng sinh, gây khó khăn cho công tác điều trị… 

Nỗi lo dịch chồng dịch, quá tải chồng quá tải

Theo Trung tâm Y tế Dự phòng Tp. HCM, từ đầu năm đến thời điểm này đã có 369 ca thủy đậu phải nhập viện điều trị, tăng 220% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, cúm có 186 ca trong khi năm 2013 chỉ có 12 ca, bệnh sởi 603 ca. Bệnh tay chân miệng đang vào mùa với khoảng 150 - 160 ca bệnh nhập viện điều trị mỗi tuần. Các địa phương đang triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch sởi. Tại các tỉnh có ổ dịch tập trung như Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La, Hà Giang đã tổ chức tiêm văcxin chống dịch cho các đối tượng có nguy cơ cao theo chỉ định của cơ quan y tế. UBND tỉnh Yên Bái chỉ đạo ngành y tế tiến hành tiêm văcxin sởi bổ sung cho trẻ từ 1 - 15 tuổi, tại các xã khó khăn trên địa bàn, nhất là những xã có tỉ lệ trẻ tiêm phòng sởi thấp. Tình trạng quá tải cũng chưa giải quyết được triệt để nên mỗi ngày Khoa Khám bệnh của BV Nhi đồng Cần Thơ tiếp nhận từ 1.700 - 2.000 lượt bệnh nhi đến khám, ngày cao điểm có thể lên đến 2.200 lượt. Do thiếu giường bệnh nên 3 đến 4 trẻ nằm chung một giường là chuyện thường xuyên diễn ra. Một bệnh nhi nhưng có đến 3 người thân đi theo chăm sóc khiến cho không khí thêm phần ngột ngạt…Tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, trung bình mỗi ngày có từ 10 đến 15 ca mắc sởi nhập viện, có ngày lên đến 20 ca. Khoa Nhi, BV Bạch Mai chỉ có 60 giường bệnh, nhưng số trẻ nội trú luôn ở mức từ 100 đến 140 trẻ. Thường xuyên 3 - 4 bé một giường. Người bệnh nằm la liệt ngoài hành lang BV. Tại các cơ sở y tế này, nhiều diện tích làm việc cũng như khu vui chơi cho trẻ cũng đã được tạm thời trưng dụng làm phòng lưu trú BN. Nhiều gia đình phải đưa con ra hành lang vì sợ các cháu lây bệnh lẫn nhau.

Tin tức 24h

25 trẻ tử vong do sởi: Vì sao chưa công bố dịch?

Cả nước hiện đã có 25 trẻ tử vong vì bệnh sởi từ đầu năm, theo thông tin chính thức. Nhưng vì sao ngành y tế đến nay vẫn chưa công bố dịch?

Không tránh khỏi lây sởi từ bệnh viện

Theo ghi nhận của phóng viên lúc 11 giờ trưa nay, tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương, rất nhiều phụ huynh lo lắng vì con mắc sởi ngay tại bệnh viện. Chị Nguyễn Thị Ngân (Sơn Tây) cho biết, cháu Tuấn Anh (9 tháng tuổi) bị mắc sởi ngay tại viện, bé đã phải điều trị trong bệnh viện hơn một tháng vẫn chưa khỏi. Chị Ngân kể: "Cách đây một tháng, bé Tuấn Anh phải điều trị bệnh tim trong viện, nghe códịch sởi tôi đã rất cẩn thận. Nhưng không ngờ, ngày con tôi ra viện lại là ngày cháu nhiễm sởi. Sức khỏe cháu ngày càng xấu, toàn bộ phim chụp phổi trắng xóa. Cháu phải thở máy cả tuần nhưng vẫn không tiến triển". Bên cạnh giường bệnh của bé Tuấn Anh, chị Nguyễn Thị Lan cũng không giấu được nỗi lo lắng khi đứa con trai 6 tháng tuổi mắc sởi đang phải thở oxy. Chị Lan kể, cách đây 5 ngày, con chị bị sốt, viêm phế quản. Chị cho con nhập viện điều trị được 1 ngày đã lây bệnh. Xót con, chị Lan biết tự trách mình để con lây bệnh từ bệnh viện. PGS.TS Phạm Nhật An, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trẻ đã từng điều trị hoặc đến khám tại Viện Nhi Trung ương bị lây sởi là điều không tránh khỏi.Bệnh sởicó tốc độ lan rất nhanh, khoảng 90% số trẻ tiếp xúc với trẻ mắc sởi sẽ bị lây bệnh. Những trẻ có nguy cơ mắc sởi cao là những trẻ có thể trạng yếu, trẻ sinh non, không được tiêm phòng vắcxin phòng ngừa đầy đủ. Người lớn cũng có thể bị sởi nếu cơ thể không đủ miễn dịch với bệnh. Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi tại bệnh viện Bạch Mai, tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, nguy cơ lây nhiễm chéo bệnh trong bệnh viện có thể xảy ra. Hiện tại, người nhà bệnh nhân, bệnh nhân nằm tràn ra hành lang vì không đủ giường bệnh.

25 trẻ tử vong, con số bất thường?

“Ngay cả khi số bệnh nhi tử vong là 25, thì đây cũng là con số bất thường”, trao đổi với phóng viên sáng nay, PGS.TS Phạm Nhật An nói. “Con số sẽ không thể dừng lại ở 25 trẻ tử vong”. Tuy nhiên, tới thời điểm này, theo tìm hiểu của phóng viên, thông tin thực về số trẻ tử vong do sởi vẫn trong vòng bí mật. PGS. Phạm Nhật An cho rằng, đã đến lúc ngành y phải công bố dịch sởi và nhìn nhận đúng dịch bệnh.  Việc công bố dịch sởi chậm trễ có thế khiến người  dân mất cảnh giác và dịch bệnh lây lan nhanh trong cộng đồng. Ông An cho biết, dịch sởi hiện nay vẫn chưa lắng xuống do tốc độ lây lan nhanh chóng. Mỗi ngày Khoa Truyền nhiễm tiếp nhận gần 20 bệnh nhi bị sởi. Các bác sĩ đã phải di chuyển, nhường phòng cho bệnh nhân. Theo ông An, chưa bao giờ, số lượng bệnh nhân nặng do biến chứng sởi được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương đông như thời điểm hiện tại. Dù bệnh viện đã dành riêng khoa Truyền nhiễm cho điều trị bệnh nhân sởi nhưng số giường bệnh vẫn không xuể.  Bệnh viện còn sử dụng thêm 15-20 giường ở Khoa Cấp cứu cho bệnh nhi mắc sởi. Tính đến ngày 13/4, cả khoa có 220 bệnh nhân bị sởi biến chứng nặng và 25 ca tử vong do sởi biến chứng, 8 ca đang phải thở máy. Ông An nhớ lại, 40 năm trước,  ông từng chứng kiến nhiều trẻ mắc sởi bị hoại tử, mù lòa, tiêu chảy, suy sinh dưỡng... nhưng năm nay, dịch sởi diễn biến còn đặc biệt hơn, nhất là có nhiều ca sởi gây biến chứng viêm phổi rất nặng.  Khi bệnh nhi vừa mới mọc ban, nhiều trẻ chưa xác định có bị sởi hay không đã biến chứng viêm phổi. Dù các bác sĩ đã dùng kháng sinh ngay từ đầu để điều trị cho trẻ mắc sởi nhưng trẻ vẫn tử vong.

Tiin

Sinh viên y khoa tình nguyện giúp người dân nhập viện

Những người dân đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đều được các tình nguyện viên áo đỏ hướng dẫn tận tình. Từ 3 năm nay, bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã thực hiện mô hình “Tình nguyện viên hướng dẫn bệnh nhân”, trong đó, có sự tham gia chủ yếu của các sinh viên y khoa của trường. Để giúp đỡ những bệnh nhân ở các tỉnh miền Tây, các bạntình nguyện viênmặc áo đỏ luôn có mặt trong giờ cao điểm, túc trực tại bệnh viện từ 5h sáng đến 10h trưa, len lỏi khắp các hành lang, phòng bệnh đông nghẹt người để giúp đỡ, giải đáp thắc mắc của người dân. Cô bạnNguyễn Hồng Tú (sinh viên năm 2 trường ĐH Y Dược TPHCM) chia sẻ: "Mình và các tình nguyện viên áo đỏ ở đây đều rất vui khi làm được những việc có ích cho bà con. Không chỉ giúp bà con khám, chữa bệnh được nhanh chóng, thuận tiện hơn, đối với những sinh viên y khoa như chúng mình, thì đây không chỉ là bài học về nghề nghiệp mà còn có cả bài học về đạo đức nữa. Hy vọng trong thời gian tới, các tình nguyện viên áo đỏ sẽ tăng nhiều hơn về số lượng, đồng thời, sẽ phát triển rộng hơn tại nhiều bệnh viện trong cả nước".

Xây dựng

Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc: Hiệu quả từ đầu tư chuyên sâu

Trong những năm qua, ngành Y tế Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều kết quả trong công tác nâng cao chất lượng đội ngũ cũng như đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kĩ thuật cho các BV tuyến tỉnh và huyện. Trong đó, không thể không kể đến hiệu quả của Trung tâm HSCC, điều trị tích cực, chống độc (HSCC) của BVĐK tỉnh Vĩnh Phúc. Trung tâm HSCC của BVĐK Vĩnh Phúc được khởi công xây dựng năm 2008 và chính thức đưa vào sử dụng tháng 10/2011, với tổng mức đầu tư hơn 29 tỷ đồng. Trung tâm được xây dựng gồm tòa nhà 3 tầng, với diện tích 1.200m2/tầng, được phân chia ra điều trị cho người lớn và trẻ em. Là một trong những hạng mục công trình cải tạo, nâng cấp BV tỉnh, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác cứu chữa bệnh nhân, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. BVĐK tỉnh Vĩnh Phúc là BV hạng 1 với quy mô 600 giường bệnh, có chức năng giảm tải cho các BV tuyến trên. Trong những năm qua, được Bộ Y tế, tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm, đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ công tác khám và điều trị người bệnh. Trao đổi với phóng viên về hiệu quả của Trung tâm HSCC, ông Lê Hồng Trung, Phó giám đốc BV cho biết: Trước khi xây dựng trung tâm HSCC, công tác hồi sức cấp cứu, chống độc cho bệnh nhân chưa được bài bản, khoa học, mặt bằng chật hẹp, trang thiết bị còn thiếu gây rất nhiều khó khăn cho công tác điều trị. Từ khi đưa trung tâm vào sử dụng, chất lượng điều trị trong hồi sức cấp cứu, chống độc cho bệnh nhân được nâng cao. Bệnh nhân hầu như không phải chuyển tuyến, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Chất lượng chuyên môn của đội ngũ bác sĩ, y tá được nâng lên. Cùng với sự đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị đồng bộ, bước đầu đáp ứng được những điều kiện nhất định trong hồi sức cấp cứu, chống độc cho người bệnh. Được Bộ Y tế được đánh giá là 1 trong 10 cơ sở tuyến BVĐK tỉnh trên toàn quốc. Nhờ sự nâng cao tay nghề về chuyên môn của đội ngũ bác sĩ, y tá cùng trang thiết bị, trung tâm HSCC đã chữa trị thành công các bệnh nhân bị chấn thương sọ não nặng, bệnh màng trong của trẻ em, bệnh nhân viêm cầu lợn, suy đa phủ tạng,… Ông Trung cho biết: Năm 2011, ngay khi đưa vào sử dụng, trung tâm HSCC đã cứu sống một trẻ sơ sinh đẻ thiếu tháng, thai nhi bị suy dinh dưỡng trong bào thai với trọng lượng nhỏ 600g khi sinh ra. Năm 2012, một bệnh nhân nhập viện được chẩn đoán bị nhiệm liêm cầu lợn nặng. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật và điều trị tại trung tâm với tổng chi phí khoảng 170 triệu đồng, bệnh nhân không phải chuyển tuyến. Mức độ sử dụng giường bệnh ở trung tâm luôn hoạt động hết công suất, thậm trí nhiều lúc quá tải. Cùng với đề án giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên của ngành Y tế, BVĐK tỉnh Vĩnh Phúc là một trong những bệnh viện vệ tinh chuyên ngành Ung bướu, Tim mạch của BV Bạch Mai. Trong tương lai với việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, cũng như đội ngũ bác sĩ có tay nghề với 2 trung tâm tim mạch và ung bướu cùng với trung tâm kĩ thuật cao về: chẩn đoán hình ảnh, xạ trị, phẫu, thủ thuật mạch,… kết hợp với Trung tâm HSCC góp phần nâng cao chất lượng khám, điều trị, giảm chi phí cho người bệnh, đồng thời giảm tải cho BV tuyến trên.

Dân việt

Cần Thơ: Cứu sống một bệnh nhân bị "bể bụng"

Ngày 14.4, tin từ BVĐK TP.Cần Thơ cho biết, các bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp của bệnh viện vừa phẫu thuật kịp thời, cứu sống một bệnh nhân bị vỡ phình động mạch chủ bụng và mất nhiều máu (hay còn gọi là "bể bụng"). Bệnh nhân là ông Nguyễn Văn Yên, 77 tuổi, ngụ huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.Theo bệnh án, trưa 4.4, ông Yên nhập viện trong tình trạng đau bụng vùng thượng vị. Các BS tiến hành cho siêu âm và chụp CT scan, kết quả phát hiện bệnh nhân bị phình động mạch chủ bụng bóc tách. Trong lúc các bác sĩ theo dõi và xử trí thì bất ngờ bệnh nhân đột ngột đau bụng dữ dội toát mồ hôi, lúc này mạch và huyết áp của bệnh nhân đều bằng 0 và bệnh nhân dần dần hôn mê. Lập tức, các BS khoa Ngoại tổng hợp tiến hành đặt nội khí quản bóp bóng, truyền dịch, truyền máu khẩn cho bệnh nhân và chỉ định phẫu thuật cấp cứu khẩn với chẩn đoán bệnh nhân sốc mất máu rất nặng do phình động mạch chủ bụng vỡ. Trong lúc phẫu thuật, bệnh nhân ngưng tim, các bác sĩ phải tiến hành xoa bóp tim cấp cứu và sau 10 phút tim bệnh nhân đập trở lại. Sau đó, các bác sĩ tiến hành ca phẫu thuật và hồi sức cho bệnh nhân. 10 ngày sau phẫu thuật, sức khỏe của bệnh nhân dần hồi phục và có thể xuất viện trong thời gian tới.

Trong vòng 100 ngày, 108 trẻ tử vong do sởi

Từ 30.1 đến nay, đã có tới 103 trẻ đã tử vong do sởi, trong đó có 25 trẻ tử vong trực tiếp do bệnh sởi và 78 trẻ tử vong do các biến chứng của bệnh sởi - Giám đốc bệnh viện Nhi T.Ư Lê Thanh Hải báo cáo với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hôm 15.4. Ngày 15.4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã thăm đột xuất và làm việc với Bệnh viện Nhi T.Ư về tình hình dịch sởi.Báo cáo Phó Thủ tướng, Giám đốc bệnh viện Nhi T.Ư Lê Thanh Hải cho biết, từ 30.1.2014 đến nay, đã có tới 103 trẻ đã tử vong do sởi, trong đó có 25 trẻ tử vong trực tiếp do bệnh sởi và 78 trẻ tử vong do các biến chứng của bệnh sởi (viêm phổi, tiêu chảy, đồng nhiễm cả sởi và các bệnh khác).Bệnh viện nhi T.Ư dù đã được cung cấp thêm 8 máy thở từ nguồn dự trữ quốc gia, cộng với 40 máy thở hiện bệnh viện đang có nhưng vẫn không đủ để cung cấp cho việc điều trị. Ngoài ra, TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) bổ sung thêm 4 trường hợp tử vong do sởi tại Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) và 1 ca tử vong do sởi tại Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư.Như vậy, chỉ trong vòng hơn 3 tháng đầu năm 2014, đã có 108 trẻ tử vong do sởi và các bệnh biến chứng từ sởi. Tuy nhiên, hiện Cục Y tế dự phòng vẫn chưa có số liệu các ca tử vong do sởi từ các cơ sở y tế cơ sở thuộc các tỉnh thành khác. Rất có thể số trẻ tử vong do sởi sẽ không dừng lại ở 108.Tuy nhiên, không biết vì lý do gì, trước 1 ngày (ngày 14.4), trả lời cơ quan báo chí về con số trẻ tử vong do sởi và các biến chứng từ sởi, TS Trần Đắc Phu vẫn chắc “như đinh đóng cột” ở con số 25. Ông đồng thời cho biết, Bộ chưa thể công bố dịch sởi vì theo quy chế, quyền công bố dịch là của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố. Nếu có 2 tỉnh trở lên công bố dịch thì Bộ Y tế mới công bố dịch.Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu lãnh đạo Cục Quản lý Khám chữa bệnh và các bệnh viện từ T.Ư đến địa phương bằng mọi biện pháp không để bệnh sởi lây chéo với các bệnh khác khi bệnh nhân đến điều trị tại các cơ sở y tế; khẩn trương tìm mọi giải pháp để kiềm chế, tiến tới hạn chế bệnh sởi lan rộng.Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tính toán, cân nhắc, công bố dịch nếu thực sự cần thiết. Lãnh đạo ngành y tế cần đưa ra cơ chế linh động cho các y bác sĩ đang trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân sởi như cơ chế đang trong dịch.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế đang gấp rút để bổ sung phác đồ điều trị bệnh sởi để phù hợp với diễn biến bệnh sởi hiện nay. Chỉ trong 1-2 ngày nữa, Bộ sẽ ban hành phác đồ bổ sung để các cơ sở y tế tăng cường điều trị, phòng chống bệnh sởi hiệu quả hơn nữa.

Gia đình

Xu hướng sinh ít con, nhưng quy mô dân số vẫn tăng

Hiện nay tại Việt Nam, xu hướng sinh ít con diễn ra tại hầu hết các địa phương. Xu hướng này có ảnh hưởng gì đến quy mô dân số cả nước? Chính sách dân số cần có những thay đổi gì cho phù hợp? Báo GĐ&XH trân trọng đăng tải bài viết của BS Mai Xuân Phương- Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông- Giáo dục- Tổng cục DS- KHHGĐ (Bộ Y tế) đề cập về vấn đề này.

Số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ngày càng tăng

Hiện nay, có tình trạng nhiều phụ nữ chỉ sinh một con, thậm chí còn quyết định không sinh con. Điều này đã ít nhiều ảnh hưởng đến quy mô dân số khi Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế vào năm 2006, sớm hơn dự kiến gần 10 năm. Mức sinh có dấu hiệu giảm nhưng không có nghĩa là quy mô dân số của nước ta đã đến lúc giảm, mà quy mô dân số Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng trong những năm tới bởi số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ngày càng tăng do tốc độ gia tăng dân số trước đây cao. Hiện nay, ước tính 1,5 phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ thì mới có 1 phụ nữ bước qua tuổi sinh đẻ. Cho nên từ thời điểm này tới năm 2027 - 2028 số lượng trẻ được sinh ra vẫn tiếp tục gia tăng. Bởi vậy dù đã đạt mức sinh thay thế, tổng tỷ suất sinh giảm nhưng quy mô dân số Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng. Theo đánh giá của các chuyên gia, tùy theo mức độ sinh mà Việt Nam sẽ đạt được quy mô dân số cực đại vào khoảng năm 2040 - 2050 hoặc 2060.

Sự thành công tốt đẹp  của công tác DS-KHHGĐ

Vì sao nhiều người dân lại chọn giải pháp sinh ít con? Điều này có nhiều nguyên nhân. Trước hết phải khẳng định sự thành công tốt đẹp của công tác DS-KHHGĐ. Những năm qua, chúng ta đã kiên trì truyền thông vận động, giáo dục, thuyết phục người dân sinh từ 1 đến 2 con, cho nên phần lớn phụ nữ Việt Nam trong lứa tuổi sinh đẻ ngày nay chấp nhận gia đình có quy mô 2 con. Còn một nguyên nhân khác hết sức quan trọng, đó là sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Ở Việt Nam, qua các nghiên cứu khảo sát: Vùng nào, địa phương nào kinh tế- xã hội phát triển cao hơn thì số con trung bình của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sẽ thấp hơn. Gia đình nào có điều kiện kinh tế tốt, phụ nữ nào có trình độ học vấn cao hơn thì số con cũng ít hơn. Đây là quy luật chung của cả thế giới. Để bắt kịp xu thế mới, từ năm 2014, Tổng cục DS-KHHGĐ đã đưa ra thông điệp mới là: "Mỗi gia đình hãy nên sinh đủ 2 con". Đây là sự thay đổi rất cần thiết. Trước đây thông điệp là “Mỗi gia đình chỉ sinh từ 1 đến 2 con” còn giờ là: “Mỗi gia đình hãy nên sinh đủ 2 con”. Trước đây dùng từ “chỉ có”, trong một chừng mực nào đó mang tính “ép buộc” còn bây giờ dùng từ “hãy nên” là lời khuyên đối với cặp vợ chồng...

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tới Bệnh viện Nhi TƯ thăm bệnh nhân sởi

Nghe thông tin lan truyền trên mạng xã hội về dịch sởi khiến người dân hoang mang lo lắng, chiều 15/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo Bộ Y tế đã đến thăm khoa Truyền nhiễm và Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Nhi Trung ương.

108 trẻ tử vong do sởi và các bệnh kèm theo

Cuối chiều 15/4, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm đến nay tại BV Nhi Trung ương đã có 103 trẻ tử vong do sởi và các bệnh kèm theo, trong đó có 25 cháu được xác định là tử vong do sởi, còn lại 78 cháu nặng, xin về và tử vong do mắc sởi kết hợp với mắc các bệnh nền khác như viêm phổi, viêm đường hô hấp, tim mạch, suy dinh dưỡng. Tại Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai đã có 4 trẻ tử vong và Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương có 1 trẻ tử vong do sởi và liên quan tới sởi. Tại buổi thăm và làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết để đáp ứng nhu cầu điều trị cho bệnh nhân, những gì bệnh viện Nhi Trung ương đề xuất sẽ được đáp ứng tối đa trong điều kiện hiện nay, cụ thể là: Không để thiếu thuốc, xuất cấp ngay máy thở từ nguồn dự trữ quốc gia. Ngoài ra, hiện Bộ Y tế chưa công bố dịch sởi, nhưng Phó Thủ tướng chỉ đạo các biện pháp chống cần triển khai như đang có dịch. Ngoài ra, dù chưa công bố dịch, nhưng sẽ cấp phụ cấp cho các bác sĩ, điều dưỡng viên khám điều trị và chăm sóc bệnh nhân như đang có dịch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã gửi lời động viên tinh thần các cán bộ y tế vì suốt thời gian qua đã làm việc trong tình trạng rất vất vả. Hiện nay, những thiết bị, thuốc men mà Bệnh viện Nhi Trung ương đề xuất là thuốc (hỗ trợ miễn dịch), máy thở, máy hỗ trợ hô hấp, máy tiêm truyền, may theo dõi bệnh nhân… Hơn 1 tháng nay, mỗi ngày Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận khoảng 3500-3700 bệnh nhân tới khám. Số trẻ phải nhập viện chiếm khoảng 7-10%. Trong đó rất nhiều bệnh nhân nặng phải thở máy. Có những thời điểm bệnh nhi được chỉ định dùng máy thở nhưng không còn máy buộc phải đặt nội khí quản hoặc bóp bóng.

Nhân viên y tế cũng kiệt sức

Sáng 15/4, Khoa Truyền nhiễm của BV tiếp tục điều trị cho 225 cháu (cao hơn những ngày trước 10-15 cháu), mỗi ngày vẫn có trung bình khoảng 15-30 cháu nhập viện. Tính từ tháng 12/2013 tới thời điểm này, BV Nhi Trung ương cho biết đã điều trị cho khoảng 1.250 trường hợp mắc sởi. Với tình trạng quá tải, các bác sĩ điều trị, cán bộ y tế có người còn không đủ thời gian để ăn cơm trưa, trực hành chính ban đêm cũng phải 1h30-2 giờ sáng mới xong việc. Có điều dưỡng khóc vì quá mệt mỏi, kiệt sức. Thời gian quá tải đã kéo dài ròng rã gần 2 tháng nay, có người không gượng được, phải nghỉ làm vì ốm, có người có bầu, nguy cơ mắc bệnh cao song vẫn phải đi làm. PGS.TS Phạm Nhật An, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương cho biết: một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng quá tải về bệnh sởi là do vượt tuyến theo tâm lý, gia đình nào cũng mong muốn con mình được điều trị tốt nhất. Tuy nhiên, vào thời điểm này, các cha mẹ nên lưu ý phòng tránh lây bệnh và giữ an toàn cho con trẻ bằng cách khi thấy trẻ có các biểu hiện của bệnh sởi, bệnh về hô hấp không nhất thiết phải đưa ngay trẻ đến các bệnh viện tuyến trên, mà hãy đến cơ sở y tế ở tuyến dưới để được chẩn đoán và hướng dẫn chăm sóc trẻ. Điều quan trọng nhất là vệ sinh tốt và cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho trẻ, đặc biệt là bổ sung các vitamin… BV Nhi Trung ương cho biết tình hình khám và điều trị bệnh sởi diễn biến rất phức tạp. PGĐ An cho biết BV đã dành riêng Khoa Truyền nhiễm cho điều trị bệnh nhân sởi và sử dụng thêm hàng chục giường ở Khoa Cấp cứu lưu, Khoa Tâm bệnh, Đông y cho bệnh nhi mắc sởi... Thậm chí phòng của bác sỹ, của lãnh đạo khoa cũng được trưng dụng để dành cho công tác điều trị. Số bệnh nhi đang nằm điều trị tại BV là 1.750 cháu, trong đó bệnh hô hấp là 1.000 cháu, riêng bệnh sởi là 250 cháu. Hiện nay BV Nhi Trung ương đã áp dụng các phác đồ điều trị tối ưu trong điều trị bệnh nhi như sử dụng kết hợp 3 loại kháng sinh, sử dụng máy thở, hỗ trợ hô hấp, lọc máu… Có trường hợp sau khi tình hình bệnh ổn định và tiến triển tốt thì tổng chi phí điều trị lên tới 400 triệu đồng…

Thủ tướng ra công điện khẩn phòng chống sởi

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa có công điện khẩn gửi tới Bộ Y tế và các đơn vị liên quan đến công tác phòng, chống bệnh sởi đang phát tán. Hà Nội là địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất trong đợt này với 14/25 ca tử vong. Công điện cho biết 61/63 tỉnh thành trong cả nước đã có người mắc sởi. Nguyên nhân của sự việc là do tiêm vaccine chưa được thực hiện đầy đủ cùng với chu kỳ phát bệnh sởi từ 3 – 5 năm. Công điện nêu rõ yêu cầu: “Bộ Y tế tập trung chỉ đạo cấp cứu, điều trị các trường hợp mắc bệnh sởi tại các cơ sở y tế nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong, ngăn chặn lây chéo trong bệnh viện, đặc biệt là các cơ sở y tế bị quá tải tuyến trung ương, khẩn trương dập tắt dịch sởi, bổ sung ngay máy thở, trang thiết bị y tế, thuốc để đảm bảo cấp cứu điều trị bệnh nhân, sinh phẩm cần thiết phòng lây chéo tại các bệnh viện và chế độ đối với người làm công tác dịch sởi. Bộ Y tế tiếp tục theo dõi sát tình hình dịch sởi ở trong nước và các nước lân cận để có biện pháp chỉ đạo kịp thời cách phòng ngừa bệnh sởi, phương pháp phát hiện sớm, phác đồ điều trị bệnh sởi. Đảm bảo đủ số vaccine sởi để tiêm bổ sung phòng bệnh sởi.Công điện cũng đề nghị các tỉnh, thành phố phối hợp với ngành y tế trong công tác phòng chống và khoanh vùng ổ dịch và xử lý triệt để. Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan báo chí truyền thông thường xuyên cập nhật về tình hình dịch sởi. Công điện cũng yêu cầu Bộ Tài chính đảm bảo đủ kinh phí để phục vụ công tác dập tắt dịch sởi. Trước tình hình nóng về dịch sởi, chiều nay 16/4, UBND Thành Phố Hà Nội đã tổ chức buổi họp về tình hình dịch sởi. Sở Y tế Hà Nội đã báo cáo tổng số tử vong 110 trường hợp ở Viện Nhi TƯ và Khoa Nhi BV Bạch Mai, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương là bao gồm cả những trẻ mắc cùng lúc một số bệnh khác nhau, gây viêm phổi nặng. Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm 2014 đến nay tổng số đã phát hiện 2.287 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, tại 452/584 xã phường của 30/30 quận huyện tại Hà Nội.Qua xét nghiệm có 1,052 ca dương tính với sởi, tổng số mắc từ tháng 12/2013 là 1062. Các quận/ huyện có đông bệnh nhân mắc sởi gồm có Quận Hai Bà Trưng 122 trường hợp, Quận Đống Đa:  97 trường hợp, Quận Hoàng Mai: 95 trường hợp và Hà Đông là 76… Những tuần gần đây số mắc chững lại nhưng vẫn đang duy trì ở mức cao. Có 88,5% số mắc bệnh chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ, trong đó 24% là trẻ dưới 9 tháng tuổi. Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó chủ tịch UBND Thành Phố Hà Nội cho biết, Hà Nội chiếm 30% bệnh nhân sởi, trên 50% số ca tử vong của cả nước (14/25 ca). Nguyên nhân dịch diễn biến phức tạp, chứng tỏ các giải pháp vừa rồi là chưa hiệu quả, hiệu quả chưa cao. Số ca sốt phát ban nghi sởi đã trên 1.000 trường hợp, tăng 150% so với cùng kỳ, Hà Nội chiếm trên 50% số ca tử vong sởi của cả nước (14/25 ca tử vong do sởi). Do vậy cần phải có sự chuyển động trong công tác chỉ đạo. “Bệnh sởi phát triển ở cả 30 quận/ huyện, 56,3% số xã có bệnh nhân, diện rất rộng.Trên 1000 ca mắc thì 88,5% do chưa tiêm chủng"- Bà Ngọc cho biết. Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, giải pháp hiện nay là phải ngăn chặn, khống chế dịch ngay, không để phát triển thêm, hạn chế tối đa số ca tử vong. Tiếp tục các giải pháp cũ nhưng cần tăng cường thêm các biện pháp mới như tăng cường tuyên truyền vì nguyên nhân trẻ chưa đi tiêm chủng vì không nhận thức đầy đủ. UBND Thành Phố Hà Nội cũng chỉ đạo Sở Giáo dục Đào tạo phổ biến đến từng trường, từng thầy cô giáo về phòng tránh dịch sởi trong học sinh.

Quân đội nhân dân 

Khoảng 14,9% dân số Việt Nam có các rối loạn tâm thần

Đó là thông tin được đưa ra tại Diễn đàn “Mạng lưới nghiên cứu-đào tạo quốc tế châu Á-Thái Bình Dương” với chủ đề sức khỏe tâm thần do Bộ Y tế phối hợp với trường đại học: Rochester, Melbourne, Oslo và đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức ngày 14-4, tại Hà Nội. Theo báo cáo của WHO năm 2008, trên thế giới có hơn 150 triệu người bị trầm cảm, hơn 125 triệu người bị ảnh hưởng tâm lý do sử dụng rượu, hơn 40 triệu người bị động kinh và 24 triệu người bị mất trí. Các rối loạn tâm thần, thần kinh và các rối loạn do sử dụng chất gây nghiện phổ biến ở tất cả các khu vực trên thế giới, ảnh hưởng đến mọi cộng đồng và mọi nhóm tuổi. Tại Việt Nam, hiện có khoảng 14,9% dân số có các rối loạn tâm thần, phổ biến nhất là tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm, mất trí, chậm phát triển tâm thần, nghiện rượu, ma túy, rối loạn hành vi thanh thiếu niên… Không chỉ mang lại gánh nặng bệnh tật cho gia đình và xã hội, các đối tượng rối loạn tâm thần còn gây ra những hành vi phạm tội nghiêm trọng. Việc thiếu nghiêm trọng các nghiên cứu khoa học, thông tin về sức khỏe tâm thần là rào cản trong việc xây dựng và thực thi các chính sách, luật pháp, kế hoạch sức khỏe tâm thần. Để việc xây dựng chính sách, luật pháp, lập kế hoạch về sức khỏe tâm thần phù hợp, khả thi, đạt được các mục tiêu trong Kế hoạch Hoạt động toàn cầu về sức khỏe tâm thần giai đoạn 2013-2020, việc tăng cường triển khai các nghiên cứu và cung cấp bằng chứng về sức khỏe tâm thần là rất cần thiết. Việc phòng ngừa, tăng cường sức khỏe tâm thần là một nhiệm vụ chiến lược, lâu dài, đòi hỏi phải có sự cam kết mạnh mẽ, quyết tâm cao của các quốc gia trong khu vực và trên toàn thế giới, cũng như sự quan tâm, phối hợp và ủng hộ hơn nữa của tất cả các Chính phủ, các tổ chức trong nước, quốc tế. 

Thái Bình diễn tập phòng chống cúm A/H5N1 và H7N9

Ngày 13/4, tại BV Lao và bệnh Phổi Thái Bình, Sở Y tế Thái Bình phối hợp với Ban Quản lý dự án Phòng chống dịch cúm gia cầm, cúm ở người và dự phòng đại dịch ở Việt Nam (VAHIP) đã tổ chức diễn tập thực địa trong tình huống giả định ứng phó với đại dịch cúm A/H5N1 và H7N9 ở người. Tại buổi diễn tập, tình huống giả định được đưa ra là tại nhiều xã, phường trên địa bàn tỉnh Thái Bình xuất hiện dịch cúm gia cầm. Đặc biệt, tại ổ dịch xã Vũ Chính, TP Thái Bình, số người có triệu chứng bệnh cúm tăng cao bất thường, tốc độ lây lan nhanh với khoảng 100 người mắc ở 35 gia đình, có nhiều trường hợp bệnh nặng, nguy cơ tử vong cao. Trong khi đó, Khoa truyền nhiễm của Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã quá tải. Buổi diễn tập thực địa chia thành các tổ chuyên môn và các đội cách ly, chốt kiểm dịch y tế, đội điều tra dịch tễ, xử lý ổ dịch và đội vận chuyển- tiếp nhận bệnh nhân. Buổi diễn tập đã diễn ra thành công, tổ chức kịp thời các hoạt động chuyên môn cứu chữa và điều trị cho người bệnh...  Hoạt động diễn tập thực địa nhằm nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành của các cơ quan chức năng, rèn luyện chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ y tế trong phối hợp xử lý dịch và điều trị bệnh nhân cúm A/H5N1, H7N9 khi xảy ra đại dịch cúm.  Năm 2009, Thái Bình đã xuất hiện cúm H1N1 với 3.419 trường hợp mắc bệnh ở 52% số xã trong tỉnh nhưng đã được bao vây, xử lý kịp thời và không có tử vong. Năm 2014 là năm thứ 7 tỉnh Thái Bình tiếp nhận và thực hiện dự án VAHIP, là điểm giám sát cúm trọng điểm quốc gia ở cả 3 tuyến xã, huyện và tỉnh.

Đại biểu nhân dân

Lai Châu lo ngại bệnh dại bùng phát

Theo Sở Y tế Lai Châu, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã có hơn 340 người bị chó dại cắn, tăng gần 30% cùng kỳ năm trước. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Lai Châu nhận định những tháng đầu năm 2014, tại thành phố Lai Châu và huyện Tam Đường, tình trạng chó nghi mắc bệnh dại lên cơn chạy rông cắn nhiều người có chiều hướng gia tăng. Từ nhiều năm nay, người nghèo đã được tỉnh hỗ trợ tiêm phòng dại miễn phí khi bị nghi chó dại cắn. Năm nay, tỉnh Lai Châu còn triển khai hỗ trợ người dân 25.000 liều vaccine để tiêm phòng dại trên đàn chó, mèo. Tuy nhiên, hiện tại địa phương các hộ nuôi chó vẫn chưa thực hiện các quy định an toàn phòng dịch; công tác tiêm vaccine phòng dại trên đàn chó, mèo gặp nhiều khó khăn...

Chính sách mới cho thai phụ nhiễm HIV

Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế đã đồng ý chủ trương điều trị sớm cho thai phụ nhiễm HIV tại TP Hồ Chí Minh. Theo đó, với những thai phụ được xác định nhiễm HIV, và được đưa vào chương trình phòng chống lây nhiễm HIV từ mẹ sang con từ trước đến nay của thành phố sẽ được miễn phí điều trị thuốc kháng virus suốt đời. Còn những người nhiễm mới, sau khi áp dụng chính sách mới, thì sẽ trả phí nếu muốn điều trị sớm. Được biết, hiện TP Hồ Chí Minh có tỷ lệ trẻ em con của các bà mẹ nhiễm HIV sinh ra nhiễm HIV là 2%; nếu thực hiện chính sách mới vào chương trình điều trị sớm, hy vọng tỷ lệ bé sinh ra nhiễm HIV sẽ giảm.

Infonet

BV Nhi Trung ương chung tay giúp trẻ em bị bạo lực gia đình

Nhằm hỗ trợ chuyên môn trong giải quyết và hỗ trợ các ca nhằm hướng tới hiệu quả bền vững và đảm bảo lợi ích cho trẻ em nạn nhân của bạo lực gia đình, BV Nhi trung ương đã ký thỏa thuận với TT Phụ nữ và Phát triển Hà Nội. Thực hiện mục tiêu và chiến lược hoạt động của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ phụ nữ và trẻ em là nạn nhân bị bạo lực gia đình và mua bán trở về tại các Ngôi nhà bình yên, Trung tâm này đã không ngừng xây dựng và phát triển mạng lưới, gây dựng các mối quan hệ hợp tác với các đơn vị cung cấp dịch vụ chuyên biệt nhằm hỗ trợ tốt nhất cho khách hàng tìm kiếm dịch vụ hỗ trợ tại Ngôi nhà Bình yên. Theo thỏa thuận hợp tác giữa hai bên, BV Nhi Trung ương sẽ trao đổi, đào tạo nâng cao năng lực của nhân viên Ngôi nhà Bình yên về thăm khám, đánh giá sàng lọc và can thiệp sớm về các bệnh tâm lý cho trẻ em như: tự kỷ, trầm cảm, tăng động, chậm phát triển, các rối loạn và khủng hoảng tâm lý khác; hỗ trợ nhân viên Ngôi nhà Bình yên thực hành tại khoa Tâm bệnh; hỗ trợ trị liệu cho trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình và mua bán người cũng như mẹ của trẻ, tham vấn phục hồi sau sang chấn. Hợp tác này là cơ sở để hai bên chia sẻ, hỗ trợ chuyên môn trong giải quyết và hỗ trợ các ca nhằm hướng tới hiệu quả bền vững và đảm bảo lợi ích cho trẻ em, mở ra một chương mới cho sự hợp tác và hỗ trợ chuyên nghiệp cho trẻ em là nạn nhân bị bạo lực gia đình và mua bán người nhằm phục hồi sau sang chấn, rối nhiễu với mong muốn trả lại cho trẻ em nụ cười và tuổi thơ hồn nhiên để các em sớm hòa nhập cồng đồng.

Phụ nữ

Khai trương điểm điều trị nghiện ma túy bằng methadone

Ngày 15/4, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đã tổ chức Hội nghị sơ kết một năm thực hiện đề án “Thí điểm điều trị lệ thuộc ma túy tại cộng đồng” và khai trương điểm thực hiện chương trình điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng methadone tại Trung tâm Tư vấn và cai nghiện ma túy. Được biết, sau một năm triển khai mô hình điều trị mới, Trung tâm Tư vấn và cai nghiện ma túy đã điều trị cho 134 lượt bệnh nhân. Trong đó có 131 bệnh nhân điều trị nội trú. Tỷ lệ bệnh nhân tại TP.HCM là 69,2% và ở tỉnh là 30,8%.

Người lao động 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thị sát, trực tiếp tìm hiểu bệnh sởi

Chiều 15-4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đi thị sát để trực tiếp tìm hiểu về tình hình bệnh sởi giữa lúc bệnh sởi diễn biến bất thường, có 108 ca tử vong. Phó Thủ tướng yêu cầu tính toán, cân nhắc, công bố dịch nếu thực sự cần thiết. Trước diễn biến bất thường của dịch sởi và số bệnh nhi mắcbệnh sởibiến chứng nặng phải nhập viện tăng cao, chiều 15-4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Y tế báo cáo về dịch sởi, đồng thời trực tiếp đi thị sát Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương để trực tiếp tìm hiểu về tình hình bệnh nhi mắc sởi. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến tận giường bệnh thăm các bệnh nhi mắc sởi biến chứng nặng đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, Trung tâm Hồi sức củaBV NhiTrung ương, tận mắt chứng kiến nhiều bệnh nhi phải nằm ghép 2-3 và nhiều cháu phải thở máy do suy hô hấp nặng. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã cảm ơn và chia sẻ với các bác sĩ, điều dưỡng do điều kiện làm việc căng thẳng, áp lực. Trước tình hình nghiêm trọng củabệnh sởi, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo các BV và Bộ Y tế cần truy tìm nguyên nhân khiến bệnh sởi có những diễn biến bất thường so với mọi năm. Đồng thời đưa ra cách ứng phó, chặn đứng dịch bệnh và hạn chế thấp nhất số trẻ tử vong do sởi. Phó Thủ Tướng khẳng định không để bệnh nhi thiếu thuốc điều trị, sẽ tăng cường trang thiết bị, vật tư y tế từ nguồn dự trữ quốc gia trên cơ sở đề xuất của BV Nhi Trung ương để điều trị cứu chữa cho bệnh nhi. BV Nhi Trung ương cũng đề xuất việc áp dụng chế độ phụ cấp chống dịch cho các y bác sĩ trong thời điểm này. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tính toán, cân nhắc, công bố dịch nếu thực sự cần thiết. Lãnh đạo ngành Y cần đưa ra cơ chế linh động cho các y bác sĩ đang trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân sởi như cơ chế đang trong dịch.

VOV

Đã có 108 ca tử vong liên quan đến mắc sởi và viêm phổi

Từ đầu vụ dịch đến nay đã có 108 trường hợp tử vong có liên quan đến mắc sởi và viêm phổi. Trước tình hình dịch bệnh sởi diễn biến phức tạp với nhiều bệnh nhi biến chứng nặng phải nhập viện, cuối giờ chiều nay, 15/4, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với Bộ Y tế và trực tiếp đi thị sát việc điều trị bệnh nhân sởi tại bệnh viện Nhi Trung ương. Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu vụ dịch đến nay đã có 108 trường hợp tử vong có liên quan đến mắc sởi và viêm phổi, kèm theo các bệnh lý khác, trong đó có 103 ca tại Bệnh viện Nhi Trung ương; 4 ca tại Bệnh viện Bạch Mai và 1 ca tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Tử vong do sởi được xác định là 25 trường hợp. Hiện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đang điều trị 340 bệnh nhân sởi người lớn và trẻ em, trong đó có hơn 50 bệnh nhân nặng phải thở máy và nhiều bệnh nhân bị biến chứng viêm não sau mắc sởi. Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Nhi Trung ương đang điều trị  225 bệnh nhi mắc sởi, trong đó nhiều bệnh nhi bị biến chứng viêm phổi với diễn biến nhanh, nhất là với trẻ dưới 9 tháng tuổi, chưa đến tuổi tiêm phòng sởi. Bệnh viện Nhi Trung ương kiến nghị với Bộ Y tế cho áp dụng chế độ phụ cấp chống dịch cho các y bác sĩ trong thời điểm này. Sau khi làm việc với Bộ Y tế, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến tận giường bệnh thăm các bệnh nhi mắc sởi biến chứng nặng đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm và Trung tâm Hồi sức của Bệnh viện Nhi Trung ương. Chia sẻ với các thầy thuốc đang làm việc với cường độ căng thẳng, áp lực do quá tải bệnh nhi, Phó Thủ tướng đề nghị các bệnh viện nỗ lực để giảm thiểu thấp nhất các trường hợp tử vong do sởi; Đồng thời nhấn mạnh, không để thiếu thuốc điều trị bệnh sởi, bằng mọi biện pháp không để bệnh nhi bị lây chéo các bệnh khác khi đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế; Khẩn trương tìm mọi biện pháp tiến tới khống chế dịch sởi. Bên cạnh đó, tăng cường trang thiết bị, vật tư y tế từ nguồn dự trữ quốc gia và cân nhắc công bố dịch nếu thực sự cần thiết./.

Công an nhân dân

Phó Thủ tướng: Huy động tối đa nhân lực, phương tiện điều trị sởi

Chiều 15-4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến Bệnh viện Nhi Trung ương kiểm tra công tác điều trị bệnh nhân sởi. Báo cáo của lãnh đạo bệnh viện, tình hình dịch bệnh sởi diễn biến rất phức tạp, bệnh nhân sởi tăng đột biến dẫn đến quá tải nặng, bệnh viện dành riêng Khoa Truyền nhiễm cho điều trị bệnh nhân sởi và sử dụng thêm hàng chục giường ở các khoa khác, thậm chí phòng của bác sỹ, lãnh đạo khoa cũng được trưng dụng dành cho công tác điều trị. Theo Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương Phạm Nhật An, hiện số bệnh nhi đang nằm điều trị tại BV Nhi T.Ư là 1.750 cháu, trong đó bệnh hô hấp là 1.000 cháu, riêng bệnh sởi là 250 cháu. Đến nay, BV Nhi Trung ương đã ghi nhận 25 trường hợp tử vong trực tiếp do sởi trong tổng số 103 ca tử vong do các bệnh liên quan đến sởi. Lãnh đạo BV Nhi Trung ương cho biết, một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng quá tải về bệnh sởi là do vượt tuyến theo tâm lý, gia đình nào cũng mong muốn con mình được điều trị tốt nhất. Tuy nhiên, vào thời điểm này, các cha mẹ nên lưu ý phòng tránh lây bệnh và giữ an toàn cho con trẻ bằng cách khi thấy trẻ có các biểu hiện của bệnh sởi, bệnh về hô hấp không nhất thiết phải đưa ngay trẻ đến các BV T.Ư, mà hãy đến cơ sở y tế ở tuyến dưới để được chẩn đoán và hướng dẫn chăm sóc trẻ. Điều quan trọng nhất là vệ sinh tốt và cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho trẻ, đặc biệt là bổ sung các vitamin… Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Y tế phải đảm bảo đầy đủ thuốc điều trị cho bệnh nhi nhiễm sởi, mua ngay các loại thuốc còn thiếu, mua thêm thuốc để phòng tránh lây nhiễm chéo từ sởi sang các bệnh khác và ngược lại; xuất cấp toàn bộ máy thở còn lại trong nguồn dự trữ quốc gia, xem xét mua các máy thở mới, các thiết bị hỗ trợ hô hấp để kịp thời phục vụ điều trị bệnh nhân. “Bất cứ giá nào cũng phải đảm bảo mọi điều kiện tốt nhất trong công tác điều trị các cháu"  - Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Y tế tiếp tục tổ chức các bệnh viện vệ tinh, hỗ trợ nhân lực, trang thiết bị để giảm tải cho BV Nhi Trung ương; áp dụng các chế độ dành cho các bộ y tế như trong tình trạng chống dịch. Đồng thời, ngành Y tế phải tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác tiêm chủng.

Báo điện tử Chính phủ 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra công tác điều trị bệnh sởi

Bộ Y tế phải đảm bảo đầy đủ thuốc điều trị, tập trung thiết bị (máy thở, monitor, máy lọc máu…), huy động tối đa nhân lực trong điều trị bệnh nhân sởi. Chiều 15/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trực tiếp kiểm tra công tác điều trị bệnh nhân sởi tại BV Nhi Trung ương, đang ở trong tình trạng quá tải nghiêm trọng nhiều ngày qua. Báo cáo mới nhất của BV Nhi Trung ương cho biết tình hình khám và điều trị bệnh sởi diễn biến rất phức tạp. Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương Phạm Nhật An cho biết BV đã dành riêng Khoa Truyền nhiễm cho điều trị bệnh nhân sởi và sử dụng thêm hàng chục giường ở Khoa Cấp cứu lưu, Khoa Tâm bệnh, Đông y cho bệnh nhi mắc sởi...  Thậm chí phòng của bác sỹ, của lãnh đạo khoa cũng được trưng dụng để dành cho công tác điều trị. “Số bệnh nhi đang nằm điều trị tại BV là 1.750 cháu, trong đó bệnh hô hấp là 1.000 cháu, riêng bệnh sởi là 250 cháu”, ông An cho biết. BV Nhi Trung ương đã áp dụng các phác đồ điều trị tối ưu trong điều trị bệnh nhi mắc sởi như sử dụng kết hợp 3 loại kháng sinh, dùng máy thở, hỗ trợ hô hấp, lọc máu… Có trường hợp sau khi tình hình bệnh ổn định và tiến triển tốt thì tổng chi phí điều trị lên tới 400 triệu đồng. Đến nay, BV Nhi Trung ương đã ghi nhận 25 trường hợp tử vong trực tiếp do sởi trong tổng số 103 ca tử vong do các bệnh lây nhiễm khác liên quan đến sởi (viêm phổi, tiêu chảy, đồng nhiễm cả sởi và các bệnh khác). Lãnh đạo BV Nhi Trung ương cho biết, một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng quá tải trong điều trị bệnh sởi tại BV là do tình trạng vượt tuyến khi gia đình nào cũng mong muốn con mình được điều trị tốt nhất. Tuy nhiên, vào thời điểm này, các cha mẹ nên lưu ý phòng tránh lây bệnh và giữ an toàn cho con trẻ bằng cách khi thấy trẻ có các biểu hiện của bệnh sởi, bệnh về hô hấp không nhất thiết phải đưa ngay trẻ đến các BV tuyến Trung ương, mà hãy đến cơ sở y tế ở tuyến dưới để được chẩn đoán và hướng dẫn chăm sóc trẻ. Điều quan trọng nhất là vệ sinh tốt và cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho trẻ, đặc biệt là bổ sung các vitamin…Nếu tình trạng của trẻ diễn biến nặng, cần đến sự chăm sóc đặc biệt, sự điều trị thăm khám ở trình độ cao có sự hỗ trợ của máy móc hiện đại thì cha mẹ mới nên đưa trẻ lên tuyến Trung ương. Tại các phòng điều trị bệnh sởi, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã thăm hỏi, động viên các gia đình bệnh nhi, đồng thời biểu dương mọi nỗ lực, cố gắng của đội ngũ cán bộ, bác sỹ đang ngày đêm nỗ lực hết sức trong công tác điều trị bệnh nhi. Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Y tế phải đảm bảo đầy đủ thuốc điều trị cho bệnh nhi nhiễm sởi, mua ngay các loại thuốc còn thiếu, mua thêm thuốc để phòng tránh lây nhiễm chéo từ sởi sang các bệnh khác và ngược lại; xuất cấp toàn bộ máy thở còn lại trong nguồn dự trữ quốc gia, xem xét mua các máy thở mới, các thiết bị hỗ trợ hô hấp để kịp thời phục vụ điều trị bệnh nhân. “Bất cứ giá nào cũng phải đảm bảo mọi điều kiện tốt nhất trong công tác điều trị các cháu". Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế tiếp tục tổ chức các bệnh viện vệ tinh, hỗ trợ nhân lực, trang thiết bị để giảm tải cho BV Nhi TW, áp dụng kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch cúm A(H5N1); khẩn trương tìm mọi giải pháp cần thiết kiềm chế, tiến tới khống chế bệnh sởi; áp dụng các chế độ dành cho các bộ y tế như trong tình trạng chống dịch. Đồng thời, ngành Y tế phải tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác tiêm chủng.

Cục Y tế dự phòng lên tiếng về dịch sởi

Theo nhận định của Bộ Y tế, dịch bệnh sởi năm nay là do tính chất chu kỳ xuất hiện sau 4-5 năm kể từ vụ dịch 2009-2010. Phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), để tìm hiểu rõ hơn lý do Bộ Y tế chưa công bố dịch sởi khi số ca tử vong do bệnh này ở mức cao và có xu hướng gia tăng.

Thưa ông, tình hình dịch sởi tại Việt Nam hiện nay đang diễn biến như thế nào?

PGS.TS. Trần Đắc Phu: Từ tháng 11/2013 đến ngày 31/3/2014, cả nước ghi nhận 2.492 trường hợp mắc sởi, trong đó có 25 trường hợp tử vong được báo cáo. Những trường hợp này phần lớn xảy ra tại một số tỉnh phía Bắc, trong đó có Hà Nội. Hiện chúng tôi đang phân tích và tìm nguyên nhân liên quan đến mức độ ảnh hưởng nặng của sởi khác nhau giữa 2 miền Bắc-Nam. Tuy nhiên, các trường hợp mắc sởi cũng xuất hiện rải rác tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước (59/63 tỉnh, thành phố). Tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM không xuất hiện ổ dịch sởi tập trung lớn, nhưng số mắc rải rác xảy ra trên diện rộng. Hiện nay, bệnh nhân mắc sởi nặng chỉ tập trung ở Bệnh viện Nhi Trung ương, Khoa Nhi BV Bạch Mai và BV Xanh Pôn của Hà Nội.

Có ý kiến cho rằng dịch sởi năm nay đang có những diễn biến bất thường; các ca bệnh sởi biến chứng viêm phổi, suy hô hấp nặng, nguy cơ tử vong cao. Với tư cách là cơ quan quản lý, ông nghĩ như thế nào về nhận định này?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Bệnh sởi không nguy hiểm nhưng nếu để biến chứng thì lại rất nguy hiểm. Đặc biệt, có những bệnh nhi mắc cùng lúc một số bệnh khác nhau (như viêm phổi, viêm phế quản…) nên biến chứng do sởi càng nặng. Tuy nhiên, để xem xét dịch có những diễn biến bất thường hay không, cần dựa vào tác nhân gây bệnh có những biến đổi về chủng gây bệnh như biến đổi về gene, thay đổi về độc lực cũng như xem xét về sự lan truyền và bùng phát, mức độ nặng, nhẹ của dịch bệnh xảy ra tại cộng đồng như thế nào. Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy các chủng virus sởi ở Việt Nam chưa có những biến đổi gene một cách khác biệt so với sự lưu hành của các chủng virus trong khu vực và không có sự gia tăng về độc lực. Việc xuất hiện, gia tăng bệnh sởi và một số ổ dịch thời gian qua với quy mô nhỏ, tập trung hoặc rải rác. Theo nhận định, dịch bệnh năm nay là do tính chất chu kỳ dịch xuất hiện sau 4-5 năm kể từ vụ dịch 2009-2010. Nguyên nhân là do quá trình tích luỹ những trường hợp trẻ em không được tiêm chủng hoặc có được tiêm chủng nhưng không tạo được miễn dịch qua các năm và mắc bệnh. Điều này phù hợp với diễn biến dịch sởi trên thế giới và khu vực của các nước triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng vaccine sởi cho trẻ em. Song trước tình hình diễn biến bệnh năm nay, mới đây nhất, ngày 14/4, Hội đồng chuyên môn về điều trị của Bộ Y tế đã họp bàn tìm nguyên nhân, đánh giá, rút kinh nghiệm, nhất là việc tìm giải pháp để giảm số bệnh nhân nặng. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã nhiều lần trực tiếp kiểm tra tình hình nhằm tháo gỡ khó khăn cho BV Nhi Trung ương. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo BV bố trí khu vực điều trị riêng cho bệnh nhân sởi, tăng cường thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly có thể được, bổ sung trang thiết bị, kinh phí cho BV…

Có ý kiến cho rằng, số trẻ tử vong do sởi trên thực tế cao hơn nhiều so với con số 25 trường hợp mà Bộ Y tế công bố, thưa ông?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Các trường hợp tử vong do Bộ Y tế công bố được khẳng định là các trường hợp tử vong do biến chứng của sởi. Còn trên thực tế, có thể có những trường hợp bệnh nhân tử vong do nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể bệnh nhân mắc trùng lắp nhiều bệnh khác nhau, trong đó có sởi. Một vấn đề nữa là thời điểm hiện tại, có nhiều dịch bệnh song hành cùng thời tiết giao mùa là điều kiện cho các bệnh viêm đường hô hấp cấp, viêm phổi ở trẻ em phát triển mạnh, có nhiều triệu chứng tương tự như bệnh sởi và cũng có thể là biến chứng của bệnh sởi. Hiện, Bộ Y tế đang tiếp tục tìm hiểu nghiên cứu về virus học, đặc điểm lâm sàng, dịch tễ học của bệnh để có những kết luận khẩn trương và chính xác nhất.

Có một số ý kiến cho rằng, Bộ đang giấu dịch sởi và khi phải công bố dịch sởi, Bộ và các địa phương sẽ phải chi nhiều kinh phí hơn cho việc này. Quan điểm của ông như thế nào?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Hoàn toàn không có việc Bộ giấu dịch sởi. Vì ngay từ tháng 2/2014, khi các ca bệnh sởi được ghi nhận tại một số địa phương của các tỉnh miền núi phía Bắc, Bộ Y tế đã thông báo và chỉ đạo các địa phương này triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch. Trên thực tế, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố và gửi công điện, hướng dẫn các địa phương phòng bệnh, tổ chức tiêm và tiêm vét vaccine sởi. Chúng tôi cũng đã thông tin đến các bậc phụ huynh, mời họ đến tiêm chủng cho con, hướng dẫn các mẹ phòng bệnh. Do đó, hoàn toàn không có giấu giếm gì. Còn một số ý kiến cho rằng, không công bố dịch thì không được tiền bồi dưỡng khi vào ổ dịch, điều này cũng hoàn toàn không đúng. Vì cũng trong cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh/thành phố mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu tất cả các địa phương phải chỉ đạo tất cả các cấp, các ngành liên quan vào cuộc phòng chống dịch bệnh sởi cũng như kế hoạch tiêm vét vaccine sởi và phải đầu tư tối đa kinh phí cho hoạt động này. Bản thân tôi cho rằng đây là đầu tư chung vì thế hệ tương lai của đất nước. Tôi cũng xin nói thêm là hiện nay đã có quy định rất rõ ràng, những bệnh nào khi vào ổ dịch thì mới được bồi dưỡng, trong đó có những bệnh chưa công bố dịch nhưng khi đi giám sát theo quy định vẫn được bồi dưỡng, chứ không phải cứ công bố dịch mới được bồi dưỡng.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Sống mới 

Phụ huynh hoang mang vì dịch sởi

Dịch sởi diễn biến bất thường và vẫn tiếp tục lây lan mạnh, gây biến chứng cho nhiều trẻ nhỏ khiến các bậc phụ huynh vô cùng hoang mang, lo lắng. Theo Bộ Y tế, chỉ trong hơn 2 tháng qua đã có 25 trường hợp trẻ tử vong do sởi. Vào thời điểm hiện, bệnh sởi đã trở nên rất nguy hiểm khi ngày càng nhiều các trường hợp biến chứng của bệnh khiến nhiều trẻ tử vong hay bị suy hô hấp nặng. Hiện nay, khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương có hơn 200 bệnh nhi điều trị sởi, trong đó có đến 100 trẻ bị nặng phải thở ô xy và thở máy. Cho đến thời điểm này, các ca bị biến chứng do sởi tăng lên cao đột biến nên khoa truyền nhiễm luôn trong tình trạng quá tải. Theo GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, nguyên giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư, tại Việt Nam dịch sởi đang có phần nguy hiểm hơn hẳn dịch cúm gia cầm về số tỉnh thành có dịch, tốc độ lây lan hay số người tử vong. Vì vậy, cũng cần xem xét lại tiêu chuẩn thế nào là dịch sởi, nếu đã là dịch cũng cần công bố để người dân có thể nhận thức được mức độ nguy hiểm của bệnh và thực hiện các biện pháp phòng tránh. Trong khi đó, tại cuộc họp trực tuyến với Viện Pasteur TP.HCM, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, Bộ Y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cuối tuần trước về dịch sởi, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá chưa ghi nhận biến đổi về hoạt lực ở virút gây sởi. Cụ thể type virút gây sởi vẫn là H1 ở miền Bắc và D8 ở miền Nam, chưa thay đổi về khả năng lây truyền. Thực tế, từ đầu tháng 2 tới nay Bộ Y tế mới chỉ duy nhất 1 lần đưa ra con số thống kê là 25 trẻ tử vong do sởi. Nhưng theo một số chuyên gia điều trị bệnh lây ở trẻ em khuyến cáo, cần tính thêm số trẻ mắc sởi nặng xin về nhà. Đó cũng là các trường hợp tử vong do sởi nhưng không được tính vào số trẻ tử vong tại bệnh viện. Vì vậy, số trẻ tử vong do bệnh sởi có thể lớn hơn nhiều so với con số 25. Thêm đó, nhiều người đang đặt ra nghi ngờ liệu có hay không việc báo cáo theo “bệnh thành tích” số lượng 90% trẻ đã tiêm phòng sởi, nhưng trong số trẻ mắc bệnh vẫn có khá nhiều cháu đã tiêm phòng. Câu hỏi về chất lượng tiêm chủng liệu đã đạt yêu cầu lại được đặt ra. Theo nhận định của GS Liêm, dịch sởi cho thấy cần phải xem xét lại một số vấn đề của chương trình tiêm chủng mở rộng, có lẽ mức độ bao phủ của chương trình không cao như chúng ta vẫn nghĩ! Hiện tại, bệnh sởi vẫn tiếp tục lây lan và vẫn có thêm nhiều trẻ chịu biến chứng nặng. Những thành tích báo cáo về việc tiêm chủng bệnh sởi đã không còn quan trọng khi số trẻ mắc bệnh này đang tăng cao. Vì thế,cần công bố chính thức thông tin về tình hình lây lan, số ca tử vong, biến chứng để người dân có thể nắm được tình hình bệnh và phòng tránh. Thời gian gần đây trên Facebook đã có khá nhiều status, hay các diễn dàn thảo luận về tình hình diễn biến dịch sởi. Nhiều phụ huynh cho rằng dịch sởi đang diễn biến khá nghiêm trọng và số lượng trẻ tử vong nhiều hơn hẳn con số đã công bố. Những thông tin này đang được lan truyền khá nhanh khiến nhiều phụ huynh không khỏi mất ăn, mất ngủ. Đặc biệt là với những người có con nhỏ đang nhiễm bệnh. Chứng kiến những cảnh mất con của bao gia đình trong vòng hơn một tháng qua trong viện, một bà mẹ cũng có con vài tháng tuổi đang nằm trong phòng cấp cứu cũng hốt hoảng lo lắng mỗi khi bác sĩ gọi tên mình và tên con vì sợ có những thông tin không có lợi cho sức khỏe của bé. Dịch sởi tuy đã nóng cùng với thời tiết vào hè, nhưng sự hoang mang của nhiều bậc cha mẹ đã lên đến cực điểm.

Nông thôn ngày nay

Về việc công bố dịch sởi: Bộ Y tế ngóng chờ tỉnh

Ngày 16.4, Bộ trưởng Bộ Y tế đã “vi hành” đến Bệnh viện Nhi T.Ư, sau một thời gian dài bệnh viện này kêu cứu vì quá tải và vì quá nhiều bệnh nhi nhập viện và tử vong do sởi. Trước đó 5 ngày, Cục Y tế dự phòng vẫn thông báo từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước chỉ có hơn 2.500 ca trên 59 tỉnh, thành phố. Nhưng ngày 16.4, Bộ Y tế công bố ca mắc đã lên tới hơn 7.000, bệnh nhân có ở 61 tỉnh, thành phố. Hiện chỉ còn tỉnh Cao Bằng và Hà Giang chưa phát hiện ra ca sởi nào. Lý giải về việc số ca mắc sởi tăng đột biến sau 3-4 ngày, TS Nguyễn Văn Kính – Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư cho biết, đó là do Cục Y tế dự phòng vừa cập nhật đầy đủ số liệu ca mắc sởi trên toàn quốc, trước đây chưa cập nhật kịp thời. Đồng thời, bệnh sởi cũng diễn tiến rất nhanh, nếu không có các biện pháp phòng tránh, ngăn chặn kịp thời thì mỗi ngày sẽ có thể có hàng chục, hàng trăm ca mắc. Cũng chỉ trước 1 ngày, TS Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khẳng định chỉ có 25 trẻ tử vong do sởi. Nhưng sau 1 ngày, TS Phu lại thông báo có 108 ca tử vong liên quan đến sởi. TS Phu giải thích, vẫn chỉ có 25 ca tử vong trực tiếp do sởi, còn hơn 80 ca còn lại là do các biến chứng khác trên nền bệnh cảnh trẻ đang mắc sởi nên không tính hết là tử vong do sởi mà chỉ là các biến chứng liên quan đến sởi. Trả lời báo chí, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vẫn cho biết, số ca mắc này nằm rải rác ở các tỉnh, thành phố, không tập trung đông. Ngay cả tại Hà Nội, chiếm tới 1/3 số ca mắc sởi (tương đương gần 2.000 ca mắc) tại thời điểm hiện tại nhưng theo bà Tiến, các ca bệnh cũng lẻ tẻ ở các xã phường. Việc có công bố dịch sởi (nhóm B) hay không Bộ Y tế không có quyền quyết định mà thẩm quyền thuộc về chủ tịch UNBD tỉnh, thành phố. Khi chưa có tỉnh, thành nào công bố dịch thì Bộ Y tế chưa thể công bố dịch. Bộ cũng không thể giục giã, yêu cầu các tỉnh công bố dịch được. Ngày 16.4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung phòng, chống dịch sởi, chủ động ngăn chặn lây lan dịch, hạn chế thấp nhất số người mắc bệnh và chết do bệnh sởi. Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tập trung chỉ đạo cấp cứu, điều trị các trường hợp mắc bệnh sởi tại các cơ sở y tế nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong, ngăn chặn lây chéo trong bệnh viện, khẩn trương dập tắt dịch sởi; tiếp tục theo dõi sát tình hình dịch sởi để có biện pháp chỉ đạo kịp thời cách phòng ngừa bệnh sởi.

Dân trí

TPHCM: Đầu tư hơn 35 tỷ đồng phát triển nhân lực Y tế

Nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực, tăng chất lượng cán bộ ngành Y tế, góp phần chăm sóc tốt sức khỏe của cộng đồng, UBND thành phố vừa quyết định đầu tư hơn 35 tỷ đồng đào tạo nguồn nhân lực Y tế trong năm 2014. Đây là chương trình nằm trong kế hoạch nhánh đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Y tế giai đoạn 2011 đến 2015. Theo đó, thành phố chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trẻ có chất lượng cao gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khám chữa bệnh. Dự kiến, trong năm 2014 thành phố sẽ đào tạo, bồi dưỡng cho hơn 5.000 cán bộ Y tế với hai nhánh chính là đạo tạo, bồi dưỡng trong nước và đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài. Cán bộ ngành Y tế theo các nhánh đào tạo trong nước với hơn 4.000 người, tập trung vào các lĩnh vực: Liên kết mô hình Viện - Trường Y tế giữa Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và bệnh viện Nhân Dân 115; đào tạo định hướng chuyên khoa sau đại học; đào tạo nâng chuẩn trình độ chuyên môn từ trung cấp, cao đẳng lên đại học và sau đại học; đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ Y – Dược… Với nhánh đào tạo ở nước ngoài Sở Y tế sẽ phối hợp với trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và các đơn vị liên quan đào tạo bác sĩ đa khoa, đào tạo trình độ sau đại học theo chương trình tiên tiến của Đại học Mainz (Đức) với tiêu chuẩn châu Âu. Sở Y tế thành phố hợp tác với Philippines đào tạo cử nhân điều dưỡng cho sinh viên trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch; cử khoảng 1.000 cán bộ Y tế tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn, dài hạn tại Pháp và Bỉ. Nguồn kinh phí để thực hiện chương trình này được trích từ ngân sách của thành phố, các dự án viện trợ của nước ngoài, ngân sách của đơn vị cử cán bộ đi học và bản thân người học đóng góp.

Bị đục khoét nát bầu ngực sau phẫu thuật thẩm mỹ

Dùng cây inox khoét nhiều lỗ quanh bầu ngực, phương pháp “mạng mô” học từ Mỹ của Đoàn Công Hiệp khiến ngực bệnh nhân bị méo mó, lồi lõm. Thanh tra Sở Y tế cho biết, bằng cấp của bác sĩ này “không có trong sổ lưu của trường”. Ngày 14/4, liên tiếp 5 nạn nhân của Công ty Cổ phần Làn Da Việt (Viet skin corp số 145 Nguyễn Cửu Vân, phường 17, quận Bình Thạnh) đến Sở Y tế tố cáo về việc bác sĩ tại công ty này thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ nhưng không đúng cam kết; Công ty kinh doanh, sản xuất mỹ phẩm trái phép phục vụ cho các Spa không có số đăng ký. Nạn nhân của phẫu thuật thẩm mỹ tại công ty trên là chị P.Q.N (34 tuổi, ngụ tại TPHCM). Theo đó, sau khi sinh con do bầu ngực bị sa và rạn da bụng nên chị tìm đến nhờ hai “bác sĩ” có tên Đoàn Công Hiệp và Trần Quang Dũng tư vấn chăm sóc sắc đẹp. Chị được hai “bác sĩ” giới thiệu phương pháp “mạng mô” họ học được từ Mỹ làm cho ngực săn chắc và chăm sóc da với giá ban đầu hơn 60 triệu đồng.  Tin lời “bác sĩ”, chị N. đồng ý thực hiện. Sau khi tiêm thuốc tê lên bầu ngực bệnh nhân, “bác sĩ” Hiệp dùng cây inox nhọn đục khoét nhiều lỗ quanh hai bầu ngực và cam kết 3 tháng sau ngực chị N. sẽ nẩy nở như con gái 18. Nhưng sau khi được phẫu thuật thẩm mỹ kiểu kinh dị, ngực bệnh nhân chẳng những không thấy nở mà còn bị méo mó, lồi lõm.  Hiệp tư vấn cho bệnh nhân tiêm thêm thuốc để bầu ngực căng tròn, tiếp tục móc túi của chị N. thêm hàng chục triệu đồng. Nhưng loại thuốc mà Hiệp tiêm vào ngực chị N. càng khiến bộ ngực của chị kỳ dị hơn. Chị N. đã phải chạy khắp nơi điều trị nhưng không mang lại kết quả. “Tiền mất tật mang” chị nhiều lần liên hệ khiếu nại, yêu cầu bồi thường nhưng Hiệp đã tìm cách lẫn tránh và có hành vi nhờ người khác đe dọa nạn nhân. Trước sự việc trên cùng với những tố cáo của nạn nhân khác về việc Công ty Cổ phẩn Làn Da Việt kinh doanh, sản xuất mỹ phẩm trái phép, không có số đăng ký, thanh tra Sở Y tế quyết định kiểm tra đột xuất chi nhánh công ty này (số 145 Nguyễn Cửu Vân, phường 17, quận Bình Thạnh). Chiều 15/4, BS Bùi Minh Trạng, Chánh thanh tra Sở Y tế cho biết, quá trình thanh tra xác định công ty trên do ông Vũ Duy Sơn làm Tổng giám đốc. Chi nhánh Công ty Cổ phần Làn Da Việt hoạt động theo giấy chứng nhận đăng ký với ngành nghề “bán buôn mỹ phẩm”. Tại thời điểm kiểm tra đoàn phát hiện công ty có hai khách hàng trong đó một người vừa được tư vấn, kê toa yêu cầu ra ngoài mua thuốc còn mỹ phẩm mua tại cơ sở. Đoàn tiến hành kiểm tra, phát hiện 06 sản phẩm chưa có phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm. Bước đầu thanh tra Sở Y tế ghi nhận ông Đoàn Công Hiệp và ông Trần Quang Dũng đang hành nghề tại Công ty Làn Da Việt. Theo khai báo của ông Hiệp công việc của ông tại cơ sở là tư vấn khách hàng và bác sĩ nghiên cứu; ông Dũng tham gia tư vấn mỹ phẩm. Ngày 15/04 Thanh tra Sở Y tế tiến hành xác minh bằng “bác sĩ” của ông Hiệp và ông Dũng thì cho ra kết quả “không có tên trong sổ lưu của trường”.  Trước những tố cáo của người bệnh và thực tế thanh tra, BS Bùi Minh Trạng cho biết Thanh tra Sở Y tế đang tiến hành xác minh củng cố hồ sơ vụ việc để xử lý nghiêm khắc theo đúng qui định pháp luật.

Nhổ răng khôn, một bệnh nhân suýt tử vong

Anh Hòa quyết định nhổ răng theo tư vấn của bác sĩ sau nhiều ngày bị chiếc răng khôn “hành hạ”. Tuy nhiên, chỉ vừa gây tê xong, anh đã phải nhập viện do xuất hiện cảm giác đau buốt, khó thở, sung phù vùng cổ. Đó là trường hợp hi hữu của anh Mao Khánh Hòa (38 tuổi, ngụ tại Bà Rịa - Vũng Tàu). Khai thác bệnh sử cho thấy sau nhiều ngày bị răng khôn “hành hạ” gây đau nhức, anh đã đến phòng khám nha tư nhân ở Bà Rịa để nhờ can thiệp. Qua thăm khám, nha sĩ tư vấn răng khôn của anh mọc lệch, chèn ép và xô đẩy các răng khác gây đau nhức cần phải nhổ bỏ. Anh Hòa đồng ý để nha sĩ thực hiện thủ thuật nhổ răng cho mình. “Sau khi tiêm thuốc gây tê, nha sĩ vệ sinh răng, tôi có cảm giác đau buốt, khó thở như ai đó đang bóp cổ mình nên đề nghị dừng lại. Khoảng 5 phút sau, nha sĩ thực hiện lại thủ thuật nhổ răng, tôi thấy cảm giác tức ngực, khó thở, dữ dội hơn”. Phát hiện bệnh nhân bị sưng phù cổ với các biểu hiện lâm sàng nguy hiểm, phòng nha lập tức đưa anh Hòa đến bệnh viện địa phương cấp cứu.Do bệnh nhân bị tràn khí ở cổ, ngực, vùng trung thất nên các bác sĩ bệnh viện Bà Rịa đã tiến hành chọc kim thoát khí đồng thời tiếp tục chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu. BS CKII Hoàng Bá Dũng, Phó khoa Tai - Mũi - Họng cho biết, tràn khí là tình huống có thể gặp phải khi mổ xoang, cắt amidal nhưng đi nhổ răng cũng bị tràn khí là trường hợp khoa chưa từng gặp trong hơn 20 năm qua. Lượng khí tràn nhiều sẽ khiến người bệnh bị chèn ép phổi, tim, gây khó thở, choáng do đau. Nếu không được phát hiện, cấp cứu kịp thời, bệnh nhân khó tránh khỏi những nguy hiểm đến tính mạng. Sau 5 ngày được điều trị tích cực tại BV Chợ Rẫy, hiện tình trạng của bệnh nhân Hòa đã ổn định, dự kiến anh sẽ xuất viện trong vài ngày tới. Bác sĩ khuyến cáo, khi đi làm răng, mổ xoang, cắt amidal nếu thấy khó thở, đau tức ngực, sưng phù… bệnh nhân cần đề nghị bác sĩ - nha sĩ tạm ngưng các thủ thuật, nếu tình trạng không cải thiện cần đến bệnh viện để được can thiệp kịp thời. 

Bộ Y tế yêu cầu báo cáo vụ bệnh nhân tử vong sau khi rút tủy

Liên quan đến vụ bệnh nhân tử vong sau khi rút tủy, chiều 15/4 qua điện thoại, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên thông báo với PV Dân trí: “Tôi sẽ trao đổi với Cục khám chữa bệnh và yêu cầu BV ĐKTƯ Cần Thơ báo cáo vụ việc với lãnh đạo Bộ”. NhưDân tríđã thông tin, ngày 27/3 bệnh nhân Lại Văn Tư ở Vĩnh Long đã tử vong bất thường sau khi bị bác sĩ ở Bệnh viện ĐTƯ Cần Thơ tự ý rút 3 ống dịch tủy não. Nhưng từ đó đến nay người nhà bệnh nhân đã nhiều lần yêu cầu lãnh đạo bệnh viện làm rõ nguyên nhân cái chết của ông Tư, tuy nhiên phía bệnh viện né tránh và đùn đẩy trách nhiệm. Chiều 15/4 trao đổi với phóng viên ông Lại Thanh Quang, em ruột ông Tư cho biết “Bệnh viện ĐKTƯ quá coi thường chúng tôi, anh trai tôi chết đã nửa tháng nhưng BV không đưa ra được nguyên nhân cái chết. Chúng tôi nhiều lần gọi điện thoại và liên hệ trực tiếp để đề đạt ý kiến. Ngày 14/4 chúng tôi có nhận được một thư phát nhanh, nhưng trong thư lại đề kính gửi và trả lời câu hỏi của một tờ báo chứ không trả lời thắc mắc của chúng tôi. Không lẽ chúng tôi không biết chữ hay sao mà bệnh viện lại đối xử như thế”

Còn hơn 400.000 trẻ em dưới 6 tuổi chưa được cấp thẻ BHYT

Ngày 16/4, tại Đà Nẵng, Viện Nghiên cứu lập pháp và Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc tại Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Những quy định liên quan đến quyền lợi khám, chữa bệnh của trẻ dưới 6 tuổi trong dự thảo bảo hiểm y tế sửa đổi”. Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, số trẻ dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế tăng dần theo năm: nếu năm 2010 có 7,84 triệu trẻ em được cấp thẻ (chiếm 94,31% trẻ em) thì năm 2013 có 9,32 triệu trẻ em được cấp thẻ (chiếm 95,67% trẻ em). Theo đó, còn hơn 400.000 trẻ em dưới 6 tuổi chưa được cấp thẻ BHYT trong năm 2013. Cũng theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, một số khó khăn trong công tác triển khai cấp thẻ bảo hiểm và khám chữa bệnh cho trẻ dưới 6 tuổi đó là tuyên truyền đến với người dân vùng sâu vùng xa còn hạn chế, cha mẹ của các trẻ còn thiếu nhận thức về chủ trương cấp thẻ bảo hiểm cho trẻ dưới 6 tuổi. Nhiều trường hợp các cháu sử dụng giấy khai sinh để đi khám chữa bệnh, quỹ bảo hiểm vẫn phải chi trả cho các đối tượng này nhưng đồng thời cơ quan bảo hiểm xã hội cũng phải thanh toán chi phí khám chữa bệnh mà không được bổ sung kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế. Việc lập danh sách cho trẻ dưới 6 tuổi trên địa bàn chưa được kịp thời và đầy đủ dẫn đến việc chậm chuyển danh sách cho cơ quan bảo hiểm xã hội để tiến hành cấp thẻ cho đối tượng này. Tuy nhiên, hiện nay trẻ đi khám chữa bệnh vẫn phải tự nộp một khoản chi phí không nhỏ do cơ sở khám chữa bệnh đưa ra như chi phí chênh dịch vụ kỹ thuật, ngoài danh mục mà cơ sở khám chữa bệnh phải thực hiện và một số chi phí khác do phẫu thuật. Tỷ lệ trẻ em phải tự chi trả chiếm 18%. Vì vậy, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đề xuất cần giao trách nhiệm lập danh sách cho đơn vị đủ khả năng. Tăng cường tuyên truyền ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào thiểu số về cấp thẻ bảo hiểm cho trẻ dưới 6 tuổi để thúc đẩy kê khai và lập danh sách kịp thời. Vận động các tổ chức, cá nhân, tích cực ủng hộ, tài trợ cho những chi phí còn lại chưa được thanh toán cho trẻ dưới 6 tuổi khi mắc bệnh hiểm nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.

Việt Nam khống chế thành công dịch cúm gia cầm A/H5N1

Đến nay, các địa phương trên cả nước đã kiểm soát được dịch cúm gia cầm A/H5N1. Hiện cả nước không còn tỉnh, thành nào có dịch cúm gia cầm. Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), trong hai tuần qua đã có 5 tỉnh bao gồm: Khánh Hòa, Vĩnh Long, Hà Giang, Bình Thuận và Bến Tre có ổ dịch cũ đã qua 21 ngày. Các địa phương này đã công bố hết dịch và trên cả nước không có ổ dịch mới phát sinh. Tính đến ngày 15/4, cả nước không còn ổ dịch cúm gia cầm nào. Phát biểu tại cuộc họp giao ban của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm vừa diễn ra chiều 15/4, tại Hà Nội, đại diện của Cục Thú y cho biết, từ đầu năm đến nay, các ổ dịch cúm gia cầm chủ yếu xảy ra trên đàn gia cầm nuôi tại các hộ gia đình với quy mô nhỏ và được chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn thú y phát hiện và xử lý kịp thời, đến nay đã khống chế thành công dịch trong cả nước. Tuy nhiên, lãnh đạo Cục cũng khuyến cáo khả năng tái phát dịch cúm gia cầm là rất cao nếu các địa phương không chủ động phòng tránh. Kết quả kiểm tra gần đây cho thấy Việt Nam chưa phát hiện vi rút cúm A/H7N9 trên các mẫu xét nghiệm. Hiện này, Ban chỉ đạo vẫn đang tiếp tục triển khai chương trình giám sát vi rút cúm A/H7N9 do Tổ chức Nnông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) tài trợ cho đến hết tháng 4/2014, đồng thời tăng cường năng lực xét nghiệm vi rút A/H7N9 cho tất cả lực lượng thý y địa phương.

Khoa Truyền nhiễm bệnh viện Nhi Hải Phòng chật kín trẻ mắc sởi

Theo nguồn tin từ bệnh viện Nhi Hải Phòng, hiện không còn là cao điểm của bệnh sởi. Tuy nhiên, tại khoa Truyền nhiễm của bệnh viện này vẫn la liệt trẻ nhỏ đang chống chọi với bệnh sởi. Sở Y tế Hải Phòng hiện mới bắt đầu chiến dịch phòng chống dịch. Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, tại khoa Truyền nhiễm và khoa Cấp cứu bệnh viện Nhi Hải Phòng hiện có rất nhiều bệnh nhi mắc sởi ở giai đoạn nặng đang được triều trị tại đây. Chỉ riêng 8 phòng ở tầng 1 của khoa Truyền nhiễm luôn chật ních bệnh nhân, đa số đều đều phải ghép giường đến mức nhiều nhân viên y tế tại đây gọi là  khoa Sởi. Người nhà của bệnh nhi Nguyễn Thị Minh An (7 tháng tuổi, trú tại Kiến An, Hải Phòng) cho biết: “Mấy hôm nay coi như cuối đợt dịch, chứ đợt cháu tôi vừa vào bệnh nhân bị sởi còn phải ra hành lang vì quá tải”. Một y tá của khoa Truyền nhiễm cho biết: “Vì biểu hiện của sởi giống sốt phát ban nên các gia đình tự điều trị ở nhà hoặc bệnh viện tuyến huyện. Đến khi bệnh đã chạy vào phổi mới chuyển lên đây nên rất nguy hiểm. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến trẻ bị tử vong vì sởi”. Anh Mạc Như Hải, bố của bệnh nhân Khánh Linh (6 tháng tuổi, trú tại Ngũ Đoan, Kiến Thụy) phản ánh: “Có dịch thì phải công bố để cho dân chúng tôi biết mà phòng tránh và chủ động điều trị khi con mình mắc phải. Đằng này chả thấy cơ quan y tế dự phòng nói gì nên ai cũng nghĩ con mình là cá biệt. Khi con bị nặng lên nhập viện, mới sợ hãi bởi thấy quá nhiều cháu bị bệnh sởi, nhiều cháu còn bị biến chứng. Cách đây 4 hôm, tôi tận mắt chứng kiến một cháu nhỏ ở Tiên Lãng chuyển ra nhưng do đã quá nặng cháu bé đã tử vong ngay tại bệnh viện”. Trao đổi với PV Dân trí về vấn đề này, TS Đỗ Mạnh Cường, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng, Sở Y tế Hải Phòng, cho biết: Theo báo cáo mới nhất ngày 15/4, cả thành phố Hải Phòng có 59 ca bị mắt bệnh sởi. Trung tâm sẽ thực hiện công tác tuyên truyền rất mạnh về phòng chống dịch sởi trong nhân dân. Các biện pháp như thông báo trên loa phát thanh, công văn chỉ đạo về địa phương,chuẩn bị thuốc, hóa chất để ngăn chặn dịch đang được chúng tôi triển khai”. Trên thực tế, đến nay, Sở Y tế Hải Phòng vẫn chưa có một thông báo nào trên phương tiện thông tin đại chúng về tình trạng bệnh sởi đang lan rộng ở trẻ nhỏ. Vì thế nhiều gia đình có con bị sởi khá chủ quan thậm chí không triều trị đúng bệnh, đúng phương pháp khi mắc phải.

Tin tức

Triệu tập 10 chuyên gia để lên phác đồ điều trị sởi

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa nhiễm, BV Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) vừa được Bộ Y tế triệu tập gấp trong ngày 15/4 cùng trên 10 chuyên gia y tế khác để xây dựng phác đồ điều trị mới cho bệnh sởi. BS Trương Hữu Khanh cho biết: Phác đồ điều trị bệnh sởi về cơ bản đã có. Trong tình hình cấp thiết hiện tại, các chuyên gia viết sâu hơn về phương pháp hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân, để giúp các bác sĩ, các điều dưỡng trong điều trị cho bệnh nhân, tránh suy hô hấp nặng hơn. Điều này căn cứ trên thực tế số bệnh nhi bị biến chứng về phổi nhiều.  “Theo nguyên tắc, virus sởi thường tấn công đường hô hấp của các bệnh nhân dưới 2 tuổi và dưới 1 tuổi; còn bệnh nhân trên 10 tuổi thì tấn công vào não. Đường tấn công vào phổi thường nặng và nghiêm trọng hơn” – BS Khanh cho biết. Để phục vụ cho phác đồ chú trọng hỗ trợ hô hấp, các bệnh viện cần đủ ô xi, hệ thống thở và các máy thở phải đảm bảo “thông minh” – TS Khanh nói. Sự “thông minh” của thiết bị là có khả năng  hỗ trợ hô hấp theo tình trạng bệnh nhân. Vấn đề  tập huấn người thực hiện phác đồ này cần được song song tiến hành, và cần thực hiện ngay lập tức. Trong điều kiện gấp rút hiện tại, thì các bệnh viện cần tập huấn tại chỗ và tập huấn cho tuyến dưới. Đồng thời, việc triển khai điều trị ở tuyến dưới rất quan trọng, để đảm bảo đủ trang thiết bị và nhân lực cho những trường hợp nặng ở tuyến trên. Bên cạnh nội dung về phương pháp thở, nội dung về bổ sung vitamin A cũng được các chuyên gia y tế đặc biệt lưu ý trong phác đồ điều trị mới. Liều uống phải được tăng cường, và phân liều phù hợp với tình hình bệnh của trẻ. Phác đồ sử dụng kháng sinh trong điều trị sởi khi có viêm phổi cũng được viết lại kỹ hơn, phân mức độ trên cơ sở tình hình viêm phối do sởi đã trở nên khá trầm trọng. Trong chuyến công tác gấp rút tại Hà Nội, BS Khanh đã đến thị sát trực tiếp tại Bệnh viện Nhi Trung ương. “Bệnh viện đã quá tải quá mức rồi” – BS Khanh nhận xét. Trong tình hình này, việc phân tuyến điều trị càng trở nên cần thiết. Trong một diễn biến khác, ngày 15/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tới thăm hỏi bệnh nhân và nắm tình hình tại Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã có đã yêu cầu ngành Y tế phải đảm bảo đầy đủ thuốc điều trị cho bệnh nhi nhiễm sởi, mua ngay các loại thuốc còn thiếu, mua thêm thuốc để phòng tránh lây nhiễm chéo từ sởi sang các bệnh khác và ngược lại; xuất cấp toàn bộ máy thở còn lại trong nguồn dự trữ quốc gia, xem xét mua các máy thở mới, các thiết bị hỗ trợ hô hấp để kịp thời phục vụ điều trị bệnh nhân. Bằng bất cứ giá nào cũng phải đảm bảo mọi điều kiện tốt nhất trong công tác điều trị các bệnh nhi”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Một thế giới

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: “Vắc xin sởi của mình cực tốt“

Cuối giờ sáng nay 16.4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã tới thăm bệnh nhân sởi tại bệnh viện Nhi TƯ và tổ chức cuộc họp tại đây. Ngay sau cuộc họp, Bộ trưởng Tiến đã trả lời phóng viên về tình hình của bệnh sởi tại Việt Nam.

Xin bà cho biết, nội dung của cuộc họp và tình hình bệnh sởi hiện nay như thế nào?

Hôm nay chúng tôi họp thành phần rất đầy đủ: Một chuyên gia tiêm chủng của WHO, đại diện WHO tại Việt Nam, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội và tất cả các bệnh viện chữa bệnh nhi và bệnh lây ở Hà Nội. Chúng tôi không mời báo chí là do phòng họp chật không có chỗ và nghe thông tin chuyên sâu rất đau đầu nhưng cuối cùng chúng tôi vẫn cung cấp thông tin một cách công khai, minh bạch, chính xác. Về tình hình, hiện nay Việt Nam cũng giống như Trung Quốc và Philippines, số ca mắc đều đang tăng theo chu kỳ, lặp lại chu kỳ 1999 – 2010, tổng số ca mắc không bằng nhưng tử vong cao hơn. Nguyên nhân cơ bản là tất cả các bệnh nhân nặng đều đổ về Viện Nhi TƯ, các viện khác như ở TPHCM cũng có mắc sởi nhưng hầu như không tử vong. Do quá tải nên dễ nhiễm trùng bệnh viện.  Khi tôi xin ý kiến của chuyên gia WHO ông ấy nói rằng cơ bản nhất phải nhờ truyền thông tuyên truyền, nếu nhẹ thì chữa ở tuyến của mình vì thông thường bệnh sởi là nhẹ không vấn đề gì cả. Số ca tử vong cao là do cơ địa yếu, kèm theo các bệnh mãn tính, bệnh chuyển hóa....

Nhưng tâm lý của người dân có con bị bệnh họ không yên tâm đi chỗ khác ngoài Viện Nhi TƯ do biến chứng của bệnh quá nhanh?

Không phải quá nhanh đâu, bệnh vẫn diễn biến như bình thường nhưng tử vong cao là do số mắc của Hà Nội chiếm 30% số bệnh nhân cả nước, tử vong có đến 50% của Hà Nội. Cứ bệnh là vào đây (Viện Nhi TƯ), khi vào đây đông như vậy thì tử vong cao.

Số bệnh nhân tử vong nhiều hơn cả giai đoạn 2009 – 2010 có phải là do virus sởi đã biến chứng không thưa bà?

Cho đến nay chưa chưa phát hiện chủng mới ở cả miền bắc và miền nam. Còn độc lực có thay đổi không thì chưa trả lời được. Độc lực còn phải nghiên cứu còn lâu mới trả lời được.

Cách đây 5 ngày, ngành y tế chỉ công bố 25 ca thôi, hôm qua đã là 108 ca. Có ý kiến cho rằng BYT đang giấu dịch?

Nếu giấu thì đã không nói 108 ca mà chia ra 25 ca hoàn toàn tử vong do sởi. Còn những trường hợp khác là mắc bệnh khác, xong nhiễm sởi. Thứ hai là khi vào sởi rất nhẹ nhưng lại kèm trên cơ địa bệnh, chủ yếu là bệnh chuyển hóa, tim bẩm sinh thậm chí tim bẩm sinh rất nặng....

Nhiều ý kiến cho rằng, việc phòng dịch của Bộ Y tế quá trễ nải khi cuối tháng 2 mới bắt đầu chống dịch trong khi dịch đã bắt đầu từ cuối năm 2013?

Cuối năm ngoái chúng tôi đã làm bao nhiêu chiến dịch rồi bởi dịch sởi bắt đầu xuất hiện ở các tỉnh miền núi phía Bắc chứ không phải không chống dịch. Mấy tỉnh Yên Bái, Hà Giang không có dịch, chủ yếu là HN và TPHCM nhưng TPHCM không có tử vong. Còn Hà Nội tổng số ca tử vong là bằng 1/3 cả nước. Việc có công bố dịch hay không chiều tối nay anh Hiền (ông Nguyễn Khắc Hiền – Giám đốc Sở Y tế Hà Nội) sẽ trả lời. Chúng tôi không có quyền vì theo luật phòng chống bệnh truyền nhiễm thì tuyên bố về vấn đề như thế nào đấy là UBND và Sở Y tế Hà Nội.

Vậy Sở Y tế Hà Nội có ý định công bố dịch không, thưa bà?

Tôi hỏi thì anh Hiền nói là phải báo cáo UBND thành phố Hà Nội xin ý kiến vì theo định nghĩa thì có 5 yếu tố. Phải dựa 5 yếu tố thảo luận với Ủy ban rồi mới quyết định công bố. Như hồi Ninh Thuận công bố dịch tay chân miệng thì là quyền của UBND Ninh Thuận chứ Bộ Y tế không có quyền ép hoặc cấm họ.

Với tư cách là 1 chuyên gia về vệ sinh dịch tễ, theo bà hiện nay có nên công bố dịch không?

Tôi là nhà quản lý tôi phải phát biểu với tư cách của nhà quản lý. Nếu tôi phát biểu với tư cách chuyên gia như cũ, họ lại bảo tôi dẫm chân sang nghề của bạn tôi. Tôi đã nói với anh Hiền sáng nay, tình huống như vậy, định nghĩa như vậy, dựa trên tình hình quốc tế thì anh trả lời như thế nào, anh ấy nói là phải xin ý kiến. Sau đó Bộ Y tế mới có ý kiến được.

Theo số liệu có 4,4% bệnh nhân tiêm vắc xin đủ 2 mũi vẫn mắc bệnh trong khi diện bao phủ tiêm chủng là từ 90% đến 97%. Chất lượng tiêm chủng và diện tiêm chủng có đúng như con số đưa ra không thưa Bộ trưởng?

Vắc xin sởi của mình phải nói là cực tốt. Dây chuyền mình tự sản xuất và đang có định xuất khẩu nhưng tỉ lệ bảo vệ cao nhất chỉ là 95%. Con tôi năm nay 32 tuổi rồi trước đây chắc chắn đã tiêm nhưng vẫn mắc sởi nhẹ, rơi vào 5% vẫn bị.  Ngoài ra tiêm mình có đạt 100% được đâu, các nước cũng vậy. Chưa kể tiêm mũi một là 97% nhưng mũi 2 chỉ có 87% vì bà mẹ sợ. Họ nghe thông tin đại chúng họ cứ sợ tai biến nhưng vắc xin sởi và viêm gan B rất an toàn, về lý thuyết như vậy, nên nhiều tiêm chủng vẫn mắc. Tiêm chủng là trên 9 tháng tuổi, nhưng có nhiều trường hợp tử vong do nhiễm trước 9 tháng tuổi.

Sài Gòn giải phóng 

Hoang mang vì nhiều trẻ tử vong do sởi

Trên 100 trẻ tử vong do sởi, thậm chí có thể còn nhiều hơn nữa nhưng Bộ Y tế trước đó chỉ công bố có 25 ca tử vong do bệnh sởi. Trong khi đó, trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội, người dân, nhất là các gia đình có trẻ không khỏi bức xúc và hoang mang vì trẻ mắc sởi tử vong quá nhiều. Trước tình trạng trên, số liệu về trẻ tử vong vì sởi được tạm coi là sát thực tế chỉ mới được Bộ Y tế đưa ra mới đây khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có chuyến thị sát tình hình bệnh sởi.

Liên tục tử vong vì sởi

PGS-TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, số trẻ mắc sởi và trẻ biến chứng do sởi phải vào viện điều trị vẫn tiếp tục tăng cao. Đặc biệt, từ đầu năm 2014 cho tới nay đã có trên 1.200 trẻ mắc sởi phải vào Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị. Đáng lo hơn, tính đến nay có tới 103 trẻ đã tử vong do sởi, trong đó có 25 trẻ tử vong trực tiếp do bệnh sởi và 78 trẻ tử vong do các biến chứng của bệnh sởi như bị viêm phổi, tiêu chảy, đồng nhiễm cả sởi và các bệnh khác. Số trẻ mắc sởi và biến chứng do sởi tăng rất cao đã khiến cho Bệnh viện Nhi Trung ương rơi vào tình trạng quá tải trầm trọng. Tại khoa Truyền nhiễm của bệnh viện, các giường bệnh phải nằm ghép ít nhất là 3 cháu nhưng vẫn không đủ chỗ đã buộc bệnh viện phải lấy một số phòng điều trị của khoa Đông y và cả phòng làm việc để làm nơi điều trị cho trẻ bị mắc sởi. Hiện nay, chỉ riêng số trẻ bị sởi biến chứng nặng đang điều trị tại bệnh viện đã lên trên 220, trong đó có nhiều cháu dưới 9 tháng tuổi trong tình trạng rất nguy kịch bị viêm phổi nặng nề, hôn mê. Bệnh nhi mắc sởi và biến chứng nặng liên tục tăng cao trong suốt nhiều ngày qua cũng đã khiến cho các y, bác sĩ làm việc rất căng thẳng, cùng với đó là thiếu trang thiết bị, nhất là máy thở để phục vụ điều trị các bệnh nhi bị sởi biến chứng viêm phổi. Cùng chung tình cảnh “gồng mình” trước trẻ mắc sởi và biến chứng tăng cao, tại Bệnh viện Bạch Mai và Xanh Pôn, số trẻ bị sởi nhập viện cũng lên tới hàng trăm trường hợp. Trong đó đã có 4 ca tử vong do sởi ở Bệnh viện Bạch Mai và 1 ca tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.

        Vẫn trong tầm kiểm soát

Trước những diễn biến bất thường của dịch sởi khi trẻ tử vong do sởi và biến chứng nặng do sởi rất cao, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết, Hội đồng chuyên môn về điều trị của Bộ Y tế tiếp tục họp nghiên cứu thêm về vấn đề này để đánh giá, rút kinh nghiệm trong điều trị cũng như tìm giải pháp điều trị tốt hơn. Hiện các chuyên gia của Bộ Y tế đang rất băn khoăn khi số trường hợp tử vong chỉ tập trung chủ yếu ở phía Bắc mà phía Nam chưa có, trong khi virus sởi chưa phát hiện có biến đổi về gene và độc lực. “Do đó việc xác định nguyên nhân là rất cần thiết và công bố số liệu phải hết sức khoa học và chính xác để tránh hoang mang cho người dân. Bộ Y tế cũng đang tiếp tục nghiên cứu về virus học, đặc điểm lâm sàng, dịch tễ học của bệnh để có những kết luận chính xác nhất...” - ông Trần Đắc Phu giãi bày.
Liên quan tới những thông tin cho rằng Bộ Y tế giấu dịch, không công bố dịch sởi trong thời gian qua, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng, hiện nay, tại các địa phương, dịch vẫn trong tầm kiểm soát nên chưa công bố. Khi có 2 tỉnh trở lên cùng yêu cầu công bố dịch, Bộ Y tế sẽ xem xét để công bố dịch theo thẩm quyền được giao. Đồng thời, Bộ Y tế sẽ tiếp tục nghiên cứu, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh để cung cấp thông tin cho người dân và triển khai các biện pháp phòng chống dịch phù hợp.
Sáng 16-4, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến Bệnh viện Nhi Trung ương để tìm hiểu thực tế về “điểm nóng” này. Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có cuộc trao đổi với báo chí và cho rằng: Bộ Y tế không giấu dịch vì nếu giấu dịch thì đã không công bố 108 ca tử vong. Trong y học phải chính xác, trong số 108 ca tử vong được công bố cần tách ra là có 25 ca tử vong hoàn toàn do sởi, còn các trường hợp khác là tử vong do mắc bệnh khác rồi nhiễm sởi hoặc bị sởi nhẹ nhưng trên cơ địa trẻ bị các bệnh khác như suy dinh dưỡng, tim bẩm sinh, bệnh chuyển hóa. Đến nay số ca mắc sởi được ghi nhận đã trên 7.000 người. Tuy số người mắc sởi gia tăng nhưng có tính chu kỳ. Dịch sởi ở Việt Nam đang lặp lại chu kỳ năm 2009 - 2010, số mắc không cao bằng nhưng số tử vong lại cao hơn. Hà Nội là địa phương có số mắc và số tử vong do sởi cao nhất cả nước, riêng số ca bệnh tại Hà Nội chiếm 1/3 tổng số cả nước và số tử vong là 50%. Lý do số trẻ tử vong do sởi cao hơn là vì tất cả bệnh nhân nặng của miền Bắc gần như chuyển hết về Bệnh viện Nhi Trung ương, các bệnh viện khác có bệnh nhân sởi nhưng hầu như không có tử vong. Bệnh nhân dồn hết lên đây gây quá tải, dễ nhiễm trùng bệnh viện.

Thanh niên

Cứu sống bệnh nhân bị vỡ động mạch chủ bụng

Ngày 14.4, bác sĩ Phạm Văn Phương, Phó trưởng khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện đa khoa TP.Cần Thơ, cho biết bệnh viện vừa phẫu thuật cứu sống ông Nguyễn Văn Yên (77 tuổi, ngụ H.Cầu Kè, Trà Vinh) bị vỡ phình động mạch chủ bụng, mất nhiều máu. Ngày 4.4, ông Yên nhập viện trong tình trạng đau vùng thượng vị, da niêm hồng nhợt. Sau đó, bệnh nhân đột ngột đau bụng dữ dội, mạch và huyết áp bằng 0. Ê kíp mổ đã phát hiện ổ bụng bệnh nhân có nhiều máu tụ sau phúc mạc đẩy ruột ra ngoài. Các bác sĩ tiến hành kẹp túi phình động mạch chủ bụng vỡ, cắt túi phình thay bằng ống ghép nhân tạo cho bệnh nhân. Trong lúc phẫu thuật, bệnh nhân ngưng tim nhưng đã được xoa bóp tim cấp cứu thành công. Hiện tại, sức khỏe ông Yên đang dần hồi phục, dấu hiệu sinh tồn tốt.

Đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn thành công cho 2 bệnh nhân

Chiều 15.4, bác sĩ Chung Tấn Định, Trưởng khoa Tim mạch BVĐK tỉnh Sóc Trăng cho biết các bác sĩ của bệnh viện đã phẫu thuật đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn thành công cho bệnh nhân Thạch Minh Quân (37 tuổi, ngụ P.9, TP.Sóc Trăng) và Phan Thị Tám (78 tuổi, ngụ xã Trung Bình, H.Trần Đề). Hiện sức khỏe 2 bệnh nhân này đã ổn định. Được biết, chi phí cho mỗi ca phẫu thuật là 46 triệu đồng, nhưng do bệnh nhân có bảo hiểm y tế nên được miễn đến 80%.

Cấp cứu một người nước ngoài nghi do cá biển tấn công

Sau ca phẫu thuật kéo dài hơn 7 giờ (bắt đầu từ tối 15-4), các bác sĩ khoa Ngoại cột sống và khoa Gây mê hồi sức BVĐK tỉnh Khánh Hòa đã cấp cứu thành công cho nữ bệnh nhân người Nga, tên Kalinina Oxanab (44 tuổi), bị chấn thương vùng cột sống trong quá trình bơi tắm ở khu vực thắng cảnh Hòn Chồng, thuộc vịnh Nha Trang. Điều đáng quan tâm là kíp phẫu thuật phát hiện nhiều mảnh xương và răng cá đâm rất sâu vào vùng thương tổn, nên bệnh nhân bị nghi là do cá tấn công trong khi đang tắm vào trưa 13-4. Bệnh nhân đã có dấu hiệu hồi phục, nhưng việc điều trị được dự kiến cần có ca phẫu thuật tiếp theo. Hiện các mảnh xương và răng cá đã được đưa đến Viện Hải dương học Nha Trang để giám định, góp phần xác định nguyên nhân.

Một du khách nước ngoài bị cá đâm vào cổ khi tắm biển Nha Trang

(TNO) Ngày 16.4, bác sĩ Nguyễn Mạnh Tiến, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa, cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận và cứu sống một trường hợp hy hữudo cá đâm vào cổ khi đang tắm biển tại Nha Trang. Bệnh nhân là bà Kalinia Oxana (44 tuổi, du khách Nga). Chiều 13.4, bà Kalinia Oxana nhập viện trong tình trạng đau vùng cổ, liệt tay trái, liệt chân phải, rối loạn cảm giác ở thân... Xác định tình trạng bệnh nhân khá nguy kịch nên các bác sĩ đã tiến hành mổ cấp cứu, cứu sống bệnh nhân. Ca phẫu thuật diễn ra từ 22 giờ đêm 15.4 đến 6 giờ sáng 16.4. Tại vùng cổ của bệnh nhân, nhiều mảnh xương cá được các bác sĩ gắp ra. Hiện số xương này đã được đưa đi kiểm tra để xác định loài. Theo thông tin ban đầu, trong khi bà Kalinia Oxana cùng chồng xuống tắm biển tại khu vực biển cạnh Hòn Chồng trên đường Phạm Văn Đồng thì bị một con cá đâm vào cổ. Sau đó, bà Kalinia Oxana được đưa đi cấp cứu.

Tiền phong

Cứu sống thai phụ bị biến chứng phổi nặng do cúm A/H1N1

Ngày 14/4, PGS.TS Trương Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai (Hà Nội), cho biết đã cứu sống một thai phụ bị biến chứng phổi nặng do cúm A/H1N1. Theo đó, bệnh viện cứu sống thai phụ Bùi Thị H. (31 tuổi, ở Quảng Ninh) đang mang thai ở tuần thứ 35, bị cúm A/H1N1 biến chứng nặng, bằng kỹ thuật trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể hỗ trợ về phổi (ECMO). Đây là trường hợp đầu tiên bệnh viện Bạch Mai đặt thành công kỹ thuật ECMO hỗ trợ về phổi. Theo BS Bình, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch, viêm phổi nặng, khí oxy trong máu rất thấp, nguy cơ tử vong rất lớn. Thêm nữa, bệnh nhân đang mang thai ở những ngày cuối thai kỳ nên nếu không mổ cứu bé thì sẽ tử vong cả mẹ và con. “Chúng tôi quyết định mổ bắt con để cứu đứa trẻ và giảm áp lực oxy cho người mẹ. Khi cháu bé được bắt ra đã bị ngạt, toàn thân tím tái phải tiến hành đặt nội khí quản cho thở máy. Trong khi đó, một bộ phận khác cấp cứu người mẹ”, BS Bình cho biết.Hiện cháu bé đã khỏe mạnh và hoàn toàn ổn định, bú bình và được người thân chăm sóc.

Thủ tướng yêu cầu khẩn trương dập tắt dịch sởi

Ngày 16/4 Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu: Bộ Y tế tập trung chỉ đạo cấp cứu, điều trị các trường hợp mắc bệnh sởi tại các cơ sở y tế nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong, ngăn chặn lây chéo trong bệnh viện, đặc biệt là các cơ sở y tế bị quá tải tuyến trung ương, khẩn trương dập tắt dịch sởi. Bổ sung ngay máy thở, trang thiết bị y tế, thuốc, để bảo đảm cấp cứu điều trị bệnh nhân, sinh phẩm cần thiết phòng lây chéo tại các bệnh viện và chế độ đối với người làm công tác phòng chống dịch sởi. Bảo đảm đủ vắc-xin sởi để tiêm bổ sung phòng bệnh sởi. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp Bộ Y tế chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác cấp cứu, điều trị hiệu quả các trường hợp mắc bệnh cũng như ngăn chặn lây lan dịch bệnh tại cộng đồng và trong bệnh viện; khoanh vùng ổ dịch và xử lý triệt để không để lan rộng; tiêm đủ vắc xin sởi cho đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh. Bảo đảm việc cấp đủ phương tiện, kinh phí phòng, chống dịch sởi cho các cơ sở y tế trên địa bàn. Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND các tỉnh và thành phố chỉ đạo các cơ quan báo chí thông tin thường xuyên, cập nhật về tình hình dịch sởi, cách phát hiện và phòng ngừa bệnh sởi, đặc biệt là chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh sởi và chủ động phát hiện sớm những dấu hiệu mắc bệnh sởi để điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất trường hợp bệnh biến chứng nặng vì phát hiện muộn. Bộ Tài chính bảo đảm đủ kinh phí phục vụ công tác dập tắt dịch sởi của ngành y tế. 

Hà Nội: Khống chế sởi ngay trong tháng 4

16-4, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Tp. Hà Nội đã triệu tập cuộc họp khẩn với tất cả các quận/huyện để nghe báo cáo và tìm giải pháp phòng chống dịch sởi. Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, so với cả nước, số bệnh nhân sởi của Hà Nội chiếm đến 30%, đặc biệt số tử vong chiếm đến gần 60% tổng số ca tử vong do sởi (14/25 trường hợp). Trước diễn biến trên, tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc thẳng thắn chỉ ra, cần phải có sự chuyển biến ngay trong công tác chỉ đạo phòng chống dịch sởi, bởi rõ ràng những giải pháp mà các sở ngành của thành phố triển khai thời gian vừa qua là chưa hiệu quả. Phó chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, thành phố đặt mục tiêu phải ngăn chặn, khống chế dịch sởi ngay trong tháng 4 này, không để phát triển thêm, hạn chế tối đa số ca tử vong mới. Để làm được, ngoài các giải pháp cũ cần tiếp tục tăng cường các biện pháp mới, trong đó tập trung trọng điểm vào công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đưa trẻ đi tiêm chủng.

Về dịch sởi, Bộ trưởng Y tế thừa nhận: Số ca tử vong cao bất thường

Sáng 16/4, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đi thị sát tình hình dịch sởi đang diễn ra căng thẳng tại BV Nhi T.Ư. Trao đổi với báo chí, bà Tiến khẳng định: “Bộ không giấu dịch sởi, nếu giấu thì đã không công bố 108 ca tử vong”. Bộ trưởng Y tế đã đi thăm các bệnh nhi sởi đang nằm điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, Cấp cứu để nắm tình hình. Trước chất vấn của các phóng viên về việc Bộ Y tế có chậm trễ trong phòng chống dịch không, vì dịch xuất hiện từ tháng 12/2013 mà đến tháng 2/2014 Bộ mới có các biện pháp phòng chống, bà Tiến quả quyết: “Không phải Bộ Y tế không chống dịch mà đã triển khai các bước tiêm phòng sởi, tiêm vét cho trẻ vùng sâu vùng xa…”. Theo Bộ trưởng hiện nay các tỉnh đã giảm về số lượng ca mắc, chỉ còn Hà Nội và TPHCM đang là đỉnh dịch, nhưng TPHCM chưa có ca tử vong do sởi. Hà Nội hiện đang chiếm1/2 số tử vong do sởi và 1/3 trong tổng số khoảng 7.000 ca sởi của cả nước. Về vấn đề công bố dịch, Bộ trưởng Y tế cho biết thẩm quyền công bố dịch sởi thuộc về UBND tỉnh, thành phố (theo quy định của Luật Phòng chống bệnh Truyền nhiễm). Tại buổi làm việc với Bộ trưởng, khi được hỏi về việc Hà Nội có công bố dịch sởi hay không, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết sẽ xin ý kiến UBND TP Hà Nội rồi mới quyết định. Bộ trưởng thừa nhận số ca tử vong năm nay cao bất thường hơn các năm trước, bệnh cảnh cũng nặng hơn rất nhiều. Nguyên nhân được bà Tiến chỉ ra là do: “Tất cả bệnh nhân nặng của miền Bắc gần như chuyển hết về BV Nhi T.Ư, gây quá tải và nhiễm trùng bệnh viện, lây chéo các bệnh. 25 ca tử vong do sởi là một vấn đề đau đớn và tỷ lệ này là cao ở BV Nhi T.Ư. Trên cả nước chưa phát hiện chủng virus sởi mới, nhưng độc lực có mạnh hơn hay không thì hiện chưa khẳng định được. Chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu để tìm sự biến đổi của virus, nếu có”. Ngay tại thời điểm Bộ trưởng và lãnh đạo các vụ, cục của Bộ Y tế đi thị sát tại khoa Truyền nhiễm đã có 1 bệnh nhi tử vong do sởi. Bệnh nhân là cháu Hồ Ngọc P., 9 tháng tuổi (ở xã Minh Hải, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên), tử vong sau hơn 1 tuần chống chọi với căn bệnh sởi tại BV Nhi T.Ư.

Bệnh viện vệ tinh “chia lửa”

Tại buổi làm việc với các BV, Bộ trưởng đã yêu cầu các BV Saint Paul, Thanh Nhàn, Đống Đa là BV vệ tinh “chia lửa” dịch sởi cùng BV Nhi, Bạch Mai, BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư. Theo đó những BV tuyến trung ương sẽ cử bác sĩ xuống khám và điều trị tại các BV vệ tinh tránh dồn bệnh nhân về tuyến trên gây lây nhiễm chéo. Theo bà Tiến “Đây là giải pháp sẽ góp phần hạ hỏa sự quá tải bệnh nhân sởi tuyến trung ương. Do đó, ngành y tế chỉ dám đặt mục tiêu đến 2017 là loại trừ chứ không phải là thanh toán bệnh sởi. Nỗ lực để loại trừ, ca bệnh vẫn có nhưng không bung thành dịch”. Về chất lượng vắc-xin, bà Tiến khẳng định là tốt, nếu tiêm đúng lịch và tiêm đủ 2 mũi thì hiệu lực bảo vệ là 95%. Như vậy có khoảng 5% trẻ đã tiêm phòng đầy đủ vẫn có thể mắc sởi. Bộ trưởng Y tế đã mời ông Kansai, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới đến cùng thị sát tình hình dịch bệnh. Ông Kansai cho biết sẽ cử một chuyên gia dịch tễ đến làm việc với BV Nhi T.Ư để bàn cách chống lây chéo trong BV. Trả lời câu hỏi về việc cách đây vài ngày Bộ Y tế công bố có gần 3.000 ca mắc sởi, nay đã lên tới 7.000 ca, TS.Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, đây chỉ là vấn đề thống kê, cập nhật số liệu chứ không có chuyện “tô hồng” thực tế vì nếu không áp dụng các biện pháp phòng chống thì mỗi ngày số ca mắc có thể rất cao, lên tới cả triệu ca. Về phác đồ điều trị bệnh sởi, ông Kính cho biết, hội đồng chuyên môn Bộ đã họp và thống nhất bổ sung thêm ngoài những phác đồ chung đã áp dụng do Bộ Y tế ban hành vào năm 2009, cụ thể hơn cách sử dụng Gamma globuline miễn dịch để tăng cường miễn dịch, sức đề kháng cho cơ thể. Ông Kính cũng cho biết, hiện BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư đang điều trị cho hơn 300 bệnh nhân sởi, 90% trong số đó là người lớn, chưa có trường hợp nào tử vong.

Bộ Y tế chậm công bố dịch, coi nhẹ y tế dự phòng

Bác sỹ Nguyễn Trọng An - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng cho rằng, đến giờ này phải công bố ngay dịch sởi và Bộ Y tế đã chậm trễ trong dập dịch. Hiện nay bệnh sởi đang diễn biến rất phức tạp và đã có hơn 100 trẻ em tử vong trong khi Bộ Y tế vẫn chần chừ không muốn công bố dịch, thậm chí chỉ công bố có 25 ca tử vong do sởi, là một bác sỹ nhi khoa ông nghĩ sao? Tôi thấy Bộ Y tế đã phản ứng chậm. Chúng ta nói Bộ Y tế giấu dịch hay chạy theo thành tích thì vấn đề này là muôn thủa, không chỉ của Bộ Y tế mà ở nhiều ngành khác trong cơ chế quản lý hiện nay. Ngay vụ dịch sởi này, từ đầu năm đến nay đã có tới 6.600 trường hợp sốt phát ban trong đó gần 2.500 trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh sởi. Đến nay đã có 59/63 địa phương ghi nhận có bệnh nhân sởi. Đặc biệt số tử vong do mắc sởi ngay tại Bệnh viên Nhi Trung ương là 25 ca. Chiều qua khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tới thăm thì con số bệnh nhân tử vong được báo cáo là trên 100 ca, chưa kể một số bệnh nhân bệnh nặng xin về và tử vong tại nhà. Các bệnh viện tại Nghệ An, Thanh Hóa, Yên Bái cũng có thông báo về việc có bệnh nhân tử vong do sởi. Rõ ràng lúc này phải công bố có dịch sởi. Công bố có dịch để làm gì? Không phải công bố có dịch là chúng ta xấu xa hay gì đâu. Mà công bố dịch để toàn bộ hệ thống chính trị, các ngành, các cấp phải vào cuộc chung tay dập dịch. Từ UBND các cấp, ngành y tế, truyền thông phải vào cuộc. Trang bị thêm các trang thiết bị, máy thở xuông các bệnh viện tuyến tỉnh để mà dập dịch chứ không thì trẻ em chết nhiều quá, số ca mắc nhiều quá.

Vậy phải chăng Bộ Y tế chưa làm hết trách nhiệm trong phòng dịch hay ở đây có lý do khách quan nào, thưa ông?

Tôi là bác sỹ nhi khoa, cũng nhiều năm làm việc trong Bệnh viện Nhi Trung ương rồi qua công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em thì tôi thấy, xét về cả ba phương diện (Mức độ lan tỏa của bệnh sởi nhanh và rộng; Số người chết và mắc rất nhiều; Khả năng đáp ứng) thì có thể kết luận Bộ Y tế chậm trễ trong phòng chống dịch. Tại sao đến giờ này chưa công bố dịch. Tôi cho rằng đến giờ này phải công bố dịch. Ngoài ra, Bộ Y tế còn có vẻ chần chừ, có thể do nắm thông tin không chắc, khả năng quyết đoán trong quản lý không cao. Nhưng theo tôi cái cốt lõi là trong nhiều năm qua, Bộ Y tế coi nhẹ công tác y tế dự phòng. Ở các nước phát triển, Y tế dự phòng là nhiệm vụ của Y tế công, còn điều trị là công- tư kết hợp. Chứ ở nước ta quá coi nhẹ dự phòng nên vấn đề phòng bệnh thế nào, chất lượng vắc xin ra sao, dập dịch thế nào khi dịch bùng nổ thì cả là vấn đề mà tôi cũng không đủ thông tin để phân tích sâu thêm.

Hôm qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói một điều mà chúng ta phải suy nghĩ là ông đi kiểm tra do thấy được thông tin cảnh báo trên mạng xã hội (facebook) của một bác sỹ nhi, như vậy ông đã không được báo cáo kịp thời về mức độ của bệnh sởi, ông nghĩ sao về thực tế này?

Như tôi đã nói ở trên, với cơ chế quản lý và chính sách như hiện nay thì rất quan liêu, cứ ngồi ở trong văn phòng máy lạnh để nghe báo cáo, nghe thông tin, rồi vấn đề bằng cấp, chất lượng vắc xin thì những thông tin chính xác, thông tin đúng rất khó. Việc nghi ngờ giấu thông tin thì có thể có những tôi không dám khẳng định.

Cảm ơn bác sỹ!

Khám phá

Bệnh nhi sởi tăng kỉ lục, nằm tràn phòng bác sĩ

Phòng phó khoa và phòng trực bác sĩ cũng được trưng dụng để đặt giường bệnh. Bệnh viện Nhi Trung Ương đang phải tiếp nhận số bệnh nhi điều trị biến chứng sởi cao ở mức kỉ lục. Ghi nhận tại khoa truyền nhiễm, tất cả các phòng chật cứng bệnh nhân. Phòng phó khoa và phòng trực bác sĩ cũng được trưng dụng để đặt giường bệnh. Số bệnh nhi điều trị nội trú hàng ngày từ 200 đến 220 trẻ. Trong khi đó khoa chỉ có hơn 90 giường nên các bé phải nằm ghép từ 3-4 cháu/giường. Nhiều cha mẹ bế con ra hành lang bệnh viện, đến giờ tiêm hoặc uống thuốc mới đưa con trở lại giường. Các bệnh nhi bị biến chứng viêm phổi, suy hô hấp phải thở ôxy, cha mẹ thay phiên nhau túc trực suốt 24 tiếng. Ngồi ôm con với nét mặt rầu rĩ, tay giữ ống thở ôxy chị Nguyễn Thị Lan 26 tuổi (quê Thanh Hóa) cho biết con gái chị bị phát ban và sốt cao liên tục đã 5 ngày. Cách đây 12 ngày cháu Lương Thu Giang (con chị Lan) 14 tháng tuổi nhập viện vì bệnh viêm phế quản, chưa điều trị khỏi thì mắc thêm bệnh sởi. Anh Nguyễn Văn Hà, 30 tuổi (Chương Mỹ, Hà Nội) phải dừng công việc kinh doanh gần 1 tuần nay để vào viện chăm con mắc bệnh sởi. Anh Hà kể cách đây 6 ngày, con trai anh có biểu hiện sốt cao, mắt xuất hiện nốt đỏ, trên cơ thể phát ban dày đặc, kèm biểu hiện ỉa chảy. Diễn biến các triệu chứng này rất nhanh, hai vợ chồng anh tức tốc đưa con đi viện. “Cháu là con đầu nên hai vợ chồng tôi chưa có nhiều kinh nghiệm, ban đầu chỉ nghĩ cháu bị sốt thông thường. Đến khi thấy cháu có biểu hiện phát ban khắp người mới cho cháu đi khám thì phát hiện cháu mắc sởi. Cũng may, cháu chưa bị biến chứng nặng”, anh Hà nói. Trong số các bệnh nhi nằm tại khoa truyền nhiễm và cấp cứu, rất nhiều trường hợp bị nhiễm chéo, đến viện điều trị bệnh khác, sau đó lại bị nhiễm sởi. Nét mặt mệt mỏi, chị Lù Thị Cá, 29 tuổi dân tộc Mông (Yên Sơn – Tuyên Quang) hỏi khắp mọi người để tìm nơi bán cơm từ thiện. Hễ có ai hỏi thăm chị Cá lại rưng rưng nước mắt, chị đưa con gái 12 tuổi đến viện nhi để phẫu thuật đường tiết niệu. Trong khi chờ phẫu thuật, thì con gái chị bị lây sởi, số tiền 6 triệu đồng vay mượn đã gần hết. Chồng chị phải về để vay thêm tiền tiếp tục chữa trị cho con. Bác sĩ Phạm Nhật An – Phó Giám đốc, trưởng khoa truyền nhiễm -  Bệnh viện Nhi Trung Ương cho biết từ đầu tháng 4 đến nay, trung bình mỗi ngày Khoa tiếp nhận 15 -20 trẻ. Số bệnh nhi điều trị nội trú hàng ngày từ 200 đến 220 trẻ. Trong khi đó khoa chỉ có hơn 90 giường. Phòng trực của phó khoa và phòng bác sĩ cũng phải rời đi để đặt giường bệnh. Bệnh nhi phải nằm ghép từ 3-4 cháu/giường, thậm chí, có thời điểm 5 cháu nằm ghép 1 giường. Điều trị bệnh sởi thường mất một thời gian khá dài. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến bệnh viện ngày càng quá tải.

108 trẻ tử vong do sởi và biến chứng sau sởi

Tại buổi làm việc của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam với BV Nhi Trung ương chiều ngày 15/4,Cục trưởng Cục YTDP xác nhận đã có 108 trẻ tử vong do sởi và các bệnh biến chứng sau sởi.

Số tử vong gấp hơn 4 lần con số Bộ Y tế đưa ra trước đó

Con số này được chính ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế thông báo. Điều đáng nói là con số trẻ tử vong vì liên quan đến sởi được công bố chiều nay vượt xa so với con số mà Bộ Y tế công bố cách đây 1 tuần là chỉ có 25 trẻ tử vong vì sởi. Ông Phu cho biết, trong số 108 trẻ tử vong do sởi và các bệnh biến chứng sau sởi này có 103 ca tại BV Nhi Trung ương, 4 ca tại BV Bạch Mai và 1 ca tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương. Tại buổi làm việc với BV Nhi Trung ương, chiều ngày hôm nay, phía BV Nhi Trung ương cho biết trong số 103 trẻ tử vong ở cơ sở này có 25 trẻ được xác định là tử vong do sởi, 78 trẻ nặng, xin về và tử vong là do mắc sởi kết hợp với mắc các bệnh nền khác như viêm phổi, viêm đường hô hấp, tim mạch, suy dinh dưỡng … Đến nay dù Bộ Y tế chưa công bố dịch sởi nhưng Phó thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế cần có các biện pháp chống bệnh như đang có dịch. Ngoài ra, dù chưa công bố dịch nhưng sẽ cấp phụ cấp cho các điều dưỡng như đang có dịch. Nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu điều trị cho bệnh nhân và để hạn chế tối đa sự lây nhiễm chéo, Phó thủ tướng cũng khẳng định những đề xuất của BV Nhi Trung ương về thuốc, máy thở từ nguồn dự trữ quốc gia sẽ được đáp ứng tối đa. Phía BV Nhi Trung ương cho biết, thời điểm hiện tại BV Nhi Trung ương đề xuất bao gồm có thuốc (hỗ trợ miễn dịch), máy thở, máy hỗ trợ hô hấp, máy thở, máy hỗ trợ hô hấp, máy tiêm truyền, may theo dõi bệnh nhân, … Hiện nay vì đông bệnh nhân nặng nên có thời điểm hết máy thở, bệnh nhi được chỉ định dùng máy thở buộc phải đặt nội khí quản hoặc bóp bóng.

Bệnh viện vẫn nóng dịch sởi

Tại buổi làm việc với Phó thủ tướng, BV Nhi TW khẳng định cho đến hôm nay diễn biến của dịch sởi vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Sáng 15/4, khoa Truyền nhiễm của BV Nhi Trung ương tiếp tục điều trị cho 225 cháu mắc sởi (cao hơn những ngày trước 10-15 cháu). Mỗi ngày, BV Nhi TW vẫn tiếp nhận đến 15-30 trường hợp mắc sởi mới phải nhập viện. Cả khoa Truyền nhiễm của bệnh viện từ đầu vụ dịch đến nay luôn trong tình trạng quá tải, số điều trị nội trú thường xuyên trên mức 200 bệnh nhân. Trong khi đó cả khoa có 26 điều dưỡng làm việc trực tiếp, chia 3 ca mỗi ngày, như vậy mỗi điều dưỡng chăm trung bình khoảng 30-40 cháu. PGS.TS Phạm Nhật An, Phó giám đốc, BV Nhi TW chia sẻ, tình trạng quá tải bệnh nhi mắc sởi đã khiến cả khoa Truyền nhiễm của BV phải làm việc đến kiệt sức. “Có điều dưỡng trong khoa đã phải khóc vì quá mệt mỏi, kiệt sức. Việc quá tải bệnh nhân kéo dài ròng rã gần 2 tháng nay cũng khiến có bác sĩ, điều dưỡng bị ốm, không gượng dậy được. Bữa ăn trưa của cán bộ y tế tại khoa Truyền nhiễm cũng khó vì phải làm việc quần quật từ sáng sớm đến đầu giờ chiều vẫn chưa hết bệnh nhân khám sáng.Thậm chí có cán bộ y tế có bầu, nguy cơ mắc bệnh rất cao song vẫn phải đi làm”, PGS.TS An nói.  Trước những chia sẻ của phía BV, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã gửi lời động viên tinh thần các cán bộ y tế vì suốt thời gian qua đã làm việc trong tình trạng rất vất vả. Phó thủ tướng cũng yêu cầu các bệnh viện phải nỗ lực để giảm thiểu tối đa các trường hợp tử vong do sởi.

Chưa công bố dịch sởi: Bộ Y tế ngại điều gì?

Đại diện Bộ Y tế cho rằng, do không thấy có sự biến đổi của vi rút sởi nên không công bố chứ không phải Bộ Y tế muốn giấu dịch. Hơn 3.000 trường hợp mắc sởi, 25 trẻ đã tử vong nhưng đến nay Bộ Y tế chưa công bố dịch sởi. Nhiều ý kiến hoài nghi về việc Bộ Y tế giấu dịch, hoặc lo sợ công bố dịch sẽ ảnh hưởng đến uy tín ngành y tế... PV có cuộc trao đổi với ông Trần Đắc Phu Cục trưởng - Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế về xung quanh vấn đề này.

Hiện nay, số người mắc bệnh sởi đang tăng cao kỷ lục, hàng trăm bệnh nhi phải thở máy, số trẻ em tử vong vì sởi cũng làm nhiều người giật mình với 25 trường hợp. Nhưng đến nay, Bộ Y tế chưa công bố dịch sởi. Nhiều ý kiến băn khoăn, phải chăng Bộ Y tế đang giấu dịch, ông nghĩ sao về điều này?

Bộ Y tế không giấu dịch. Trên thực tế, Bộ Y tế đã có Hội nghị trực tuyến tại 63 tỉnh thành và gửi công điện, hướng dẫn các địa phương phòng bệnh, tổ chức tiêm chủng. Chúng tôi đã thông tin đến các bà mẹ, mời họ đến tiêm chủng cho con. Hướng dẫn các mẹ phòng bệnh. Do đó, hoàn toàn không có giấu giếm gì. Không công bố dịch, không có nghĩa là không thông báo, thông tin.

Vậy tại sao Bộ Y tế vẫn chưa công bố dịch, thưa ông?

Bộ Y tế đã họp, lấy ý kiến các chuyên gia. Sau khi họp các chuyên gia cho rằng không thấy có sự biến đổi của vi rút sởi nên không công bố dịch. Việc không công bố dịch sởi không có nghĩa là không cung cấp tình hình bệnh sởi đến người dân để áp dụng các biện pháp phòng chống. Thực tế Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố cũng đã thường xuyên thông báo tình hình bệnh sởi trên các Website và trên các đài báo, đồng thời đã triển khai rất nhiều hành động nhằm kiểm soát tốt bệnh sởi trong thời gian sớm nhất trên phạm vi toàn quốc. Bộ Y tế sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh để cung cấp thông tin cho người dân và có các biện pháp phòng chống dịch.

Ông có thể cho biết, trong điều kiện nào cơ quan chức năng phải công bố dịch?

Theo quy định, việc công bố bệnh truyền nhiễm trong đó có Sởi chỉ được thực hiện khi có đủ hai điều kiện sau: Có số người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá số người mắc dự tính bình thường của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên. Có ít nhất một trong các yếu tố nguy cơ gồm: Quy mô, tính chất của bệnh dịch vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan ý tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Bệnh dịch được Bộ trưởng Bộ Y tế xác định có sự biến đổi tác nhân gây bệnh, có nguy cơ làm tăng tỷ lệ tử vong và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả; Bệnh dịch có tỷ lệ tử vong cao mà chưa rõ tác nhân gây bệnh và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả; Bệnh dịch xảy ra khi có thiên tai, thảm hoạ.

Cứ căn cứ vào quy định đó có cứng nhắc không, khi số trẻ mắc bệnh và tử vong đã cao kỷ lục? Người dân sẽ không thấy mức độ nguy hiểm?

Tôi cho rằng không thể nói là cứng nhắc. Bởi nếu có 1 ca đủ điều kiện chúng tôi cũng sẽ công bố. Quan trọng là làm thế nào để người dân hiểu và không hoang mang. Ví dụ H7N9 có 1 ca là phải công bố ngay. Ngay cả sốt xuất huyết mỗi năm vài nghìn ca cũng chưa bao giờ công bố có dịch. Chúng tôi sẽ phải bám đúng quyết định điều kiện công bố dịch của Thủ tướng mới công bố dịch cho phù hợp. Bệnh nào có 1 vài ca cũng cũng bố thì người dân sẽ sợ, không thấy được mức độ trầm trọng của nó. Có những ý kiến cho rằng, Bộ Y tế không công bố dịch vì sợ ảnh hưởng đến cam kết thanh toán bệnh sởi của Việt Nam với Tổ chức Y tế Thế giới. Theo ông, điều này có đúng không? Công bố dịch sởi chẳng liên quan gì đến bệnh sởi quay lại. Chúng tôi chỉ thực hiện theo quy định của Thủ tướng. Các địa phương cũng căn cứ vào quy định đó. Các tỉnh, các địa phương vẫn kiểm soát được, vẫn tổ chức tiêm vắc xin được và họ thấy kiểm soát dịch ở cộng đồng vẫn tốt nên không công bố. Riêng tại Hà Nội chúng tôi đang tập trung giải quyết quá tải ở Bệnh viện Nhi TƯ và Bệnh viện Bạch Mai. Đấy là việc tại bệnh viện còn cộng đồng vẫn theo quyết định của thủ tướng nên chưa công bố dịch.

Ông nhận định thế nào về mức độ nguy hiểm của bệnh sởi hiện nay? Diễn biến dịch bệnh liệu có bất thường?

Để xem xét vụ dịch có những diễn biến bất thường hay không, dựa vào tác nhân gây bệnh có những sự biến đổi về chủng gây bệnh như biến đổi về gen, thay đổi về độc lực cũng như xem xét về sự lan truyền và bùng phát, mức độ nặng, nhẹ của dịch bệnh xảy ra tại cộng đồng. Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy các chủng vi rút sởi ở Việt Nam chưa có những biến đổi gen một cách khác biệt so với sự lưu hành của các chủng vi rút trong khu vực và không có sự gia tăng về độc lực. Việc xuất hiện, sự gia tăng bệnh sởi và một số ổ dịch thời gian qua với quy mô nhỏ, tập trung hoặc rải rác. Nguyên nhân là do quá trình tích luỹ những trường hợp trẻ em không được tiêm chủng hoặc có được tiêm chủng nhưng không tạo được miễn dịch qua các năm và mắc bệnh. Điều này phù hợp với diễn biến dịch sởi trên thế giới và khu vực của các nước triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng vắc xin sởi cho trẻ em.

Nhiều bà mẹ lo ngại vắc xin có vấn đề nên không cho con đi tiêm, dịch vẫn lây lan. Vậy ông có khuyến cáo gì?

Vắc xin sởi là vắc xin rất an toàn và đạt hiệu quả cao. Hiệu lực đạt 80-90%. Trong thống kê, cháu nào tiêm rồi mà mắc bệnh thi vắc xin có vấn đề còn hầu hết số trẻ mắc bệnh là do không tiêm chủng. Do đó, phải hiệu quả của tiêm vắc xin sởi. Không tiêm mà bị thì đánh giá hiệu quả của vắc xin là sai.

Phó Chủ tịch HN: “Chống sởi không thể chỉ nói mồm”

“Quyết tâm của chúng ta là phải làm bằng được, biến trách nhiệm thành hành động, không thể nói mồm được”, Phó Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh khi nói về tình hình phòng chống dịch sởi. Chiều ngày 16/4, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội chủ trì cuộc họp giao ban về tình hình phòng chống dịch sởi. Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, từ tháng 12/2013 đến nay, tại Hà Nội ghi nhận 1.062 trường hợp mắc sởi, trong đó có 14 trường hợp tử vong. Sở Y tế Hà Nội cho rằng, các trường hợp tử vong hầu hết trước đó chưa tiêm vắc xin sởi, thường xuyên mắc các bệnh khác như: viêm phế quản, viên phổi phải điều trị tại bệnh viện, tử vong do đồng nhiễm nhiều loại vi rút khác nhau. Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, thời gian qua, các đơn vị liên quan đã triển khai nghiêm túc các biện pháp phòng chống bệnh sởi. “Nhưng rõ ràng, diễn biến bệnh sởi như hiện nay cho thấy các biện pháp trên hiệu quả chưa cao”, bà Ngọc nhận xét. Bà Ngọc dẫn chứng, 3 tháng đầu năm phát sinh hơn 1.000 ca sởi, tăng đột biến 150% so với cùng kỳ. Cả nước có 25 ca tử vong vì sởi, riêng Hà Nội chiếm 14 ca. Bệnh sởi phát triển ở cả 30 quận huyện của Hà Nội, không trừ một quận huyện nào. Điều đáng lưu ý, trong số các các trẻ nhiễm sởi, có đến hơn 88% xuất phát từ nguyên nhân trẻ chưa tiêm vắc xin sởi. Theo bà, đây là điều “cần phải trăn trở”.Phó Chủ tịch cho biết, Hà Nội đặt ra mục tiêu ngăn chặn và khống chế, không thể để dịch phát triển thêm, phát triển mới. Hạn chế mức thấp nhất nạn nhân tử vong. Nói về giải pháp, bà Ngọc nhắc lại con số 88% trẻ nhiễm sởi do chưa tiêm vắc xin. Theo bà, một trong những nguyên nhân là người dân chưa nhận thức đầy đủ về bệnh nên chưa đi tiêm chủng. Bà Ngọc nhận định: “Chắc là do chúng ta tuyên truyền chưa đầy đủ nên người ta thấy bình thường”. “Các đồng chí làm tiêm chủng chưa hết trách nhiệm, đoàn thể chưa vào cuộc nên mới có chuyện, cán bộ đến mời đi tiêm nhưng người dân trốn”. Do vậy, công tác tuyên truyền tiêm vắc xin phải phải đặt lên hàng đầu. Nếu người dân còn băn khoăn lo lắng sau những “sự cố vắc xin” trước đây, cần phải giải thích để dân hiểu. Phó Chủ tịch đề nghị Sở Y tế thông qua hệ thống phát thanh phường xã để tuyên truyền đến người dân. Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng đề nghị ngành y tế cử người trực 24/24, nắm bắt từng đối tượng khi có biểu hiện bệnh, người dân được hướng dẫn đưa đi đâu, được điều trị như thế nào... Ngành y tế cũng phải bảo đảm, người bệnh được điều trị tốt ngay từ đầu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Bà Ngọc dẫn lại lời Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói khi đi kiểm tra ở Bệnh viện Nhi Trung ương, (ngày 15/4): “Chưa đủ điều kiện công bố dịch nhưng phải sử dụng các biện pháp, kể cả kinh phí như khi phòng chống dịch”. Phó Chủ tịch Hà Nội đề nghị ngành tài chính, kế hoạch đầu tư đề xuất giải pháp về kinh phí chống dịch. Theo Phó Chủ tịch, công bố dịch phải theo điều kiện cho phép, theo luật chứ không phải thích là được. Nếu chỉ vì tiền mà công bố dịch cũng không được, gây hoang mang trong nhân dân. “Tôi nghĩ rằng, công bố hay không công bố không quá quan trọng, quan trọng nhất là có giải pháp thực hiện hiệu quả”. Phó Chủ tịch cũng yêu cầu Sở Y tế Hà Nội tổng hợp báo cáo tình hình phòng chống bệnh đến UBND Thành phố theo tuần. “Quyết tâm của chúng ta phải làm bằng được, biến trách nhiệm thành hành động, không thể nói mồm được”.

VTV

TP.HCM: Cứu sống thành công bệnh nhân có khối u nặng 7kg

Mới đây, bệnh viện STO Phương Đông, TP.HCM đã cấp cứu và phẫu thuật thành công cho một bệnh nhân có khối u khổng lồ nặng 7kg trong ổ bụng. Đây là một trường hợp hy hữu đã được cứu sống. Bệnh nhân là Lê Thị Lài, 54 tuổi, ở Bạc Liêu, nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau bụng dữ dội, khó thở nôn ói liên tục, bụng chướng to, cơ thể gầy yếu, đi lại khó khăn. Khối u chiếm toàn bộ ổ bụng, chèn ép gan, trực tràng, đẩy dạ dày, ruột  xuống bàng quang. Sau khi hội chẩn và cho bệnh nhân làm các xét nghiệm, các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật bóc tách khối u. Sau 3 giờ phẫu thuật, toàn bộ khối u khổng lồ nặng 7kg với đường kính gần 30cm trong ổ bụng của bệnh nhân đã được bóc tách thành công. Hiện sức khỏe bệnh nhân đã tạm ổn. Chị Lữ Thị Thảo - người nhà bệnh nhân cho biết: "Mẹ tôi bị đau, khó thở đã 5 năm nhưng không đi điều trị, đến khi chịu không được mới lên bệnh viện. Bây giờ mẹ mổ xong và sức khỏe tạm ổn gia đình chúng tôi mừng lắm". TS.BS Hoàng Văn Thiệp - Khoa Ngoại Tổng quát, bệnh viện STO Phương Đông đánh giá: "Khối u của bệnh nhân Lê Thị Lài là một khối u cực kỳ hiếm, chưa tới 1% trong y văn thế giới. Tôi khuyến cáo mọi người khi có các triệu chứng bất thường nên đi điều trị ngay đừng để nặng quá nhiều khi không thể điều trị được và điều trị sẽ rất khó khăn".Trường hợp của bệnh nhân Lê Thị Lài là khá hy hữu khi được các bác sĩ mổ thành công và cứu sống. Với những ca cókhối ulớn như bệnh nhân Lài, nếu không được cấp cứu và phẫu thuật sớm, gây mất máu nhiều sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của bệnh nhân.

Cả nước đã có hơn 6.000 trường hợp bệnh nhi mắc sởi

Theo thống kê của Bộ Y tế, kể từ cuối năm 2013 đến nay, cả nước đã ghi nhận trên 6.000 trường hợp bệnh nhi mắc sởi. Trước tình hình diễn biến phức tạp của căn bệnh này, chiều nay (15/4), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có cuộc làm việc với Cục Quản lý khám chữa bệnh và BV Nhi TƯ-nơi đã điều trị cho gần 1.800 bệnh nhi mắc sởi và các loại bội nhiễm liên quan đến bệnh sởi của 22 tỉnh, thành khu vực phía Bắc. Báo cáo với Phó Thủ tướng, đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh và lãnh đạo Bệnh viện Nhi TƯ cho biết kể từ cuối năm 2013 đến nay, đã có 25 bệnh nhân tử vong trực tiếp do sởi và 80 bệnh nhi tử vong do các loại bội nhiễm liên quan đến căn bệnh này. BV Nhi TƯ mặc dù đã được cung cấp thêm 8 máy thở từ nguồn dự trữ quốc gia, cộng với 40 máy thở hiện bệnh viện đang có, thì vẫn không đủ cho việc điều trị. Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh, cùng với hệ thống bệnh viện từ TƯ đến địa phương bằng mọi biện pháp không để các bệnh nhi bị lây chéo với các bệnh khác khi đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế; khẩn trương tìm mọi giải pháp cần thiết kiềm chế, tiến tới khống chế bệnh sởi đang lan rộng hiện nay, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế cân nhắc, có thể công bố dịch nếu thực sự cần thiết; đồng thời đề nghị lãnh đạo ngành y tế đưa ra cơ chế linh động cho các y bác sỹ đang trực tiếp điều trị các bệnh nhân Sởi hưởng cơ chế như đang trong dịch. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Bệnh viện nhi TƯ cần nhanh chóng bổ sung các trang thiết bị và cơ số thuốc còn thiếu nhằm đáp ứng đủ khả năng điều trị cho tất cả các bệnh nhân đang điều trị tại đây. Sau buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trực tiếp xuống thăm một số khoa, phòng đang điều trị cho các bệnh nhi mắc Sởi.

Sức khoẻ đời sống

Cứu sống mẹ con thai phụ bị biến chứng phổi nặng do cúm A/H1N1

Ngày 14/4, PGS.TS Trương Gia BÌnh, Trưởng khoa Hồi sức tích cực (HSTC), BV Bạch Mai cho biết, các bác sĩ Khoa hồi sức tích cực và tập thể bác sĩ BV Bạch Mai đã cứu sống thành công thai phụ Bùi Thị Hương, 31 tuổi, công nhân nhà máy xi măng Cẩm Phả mang thai ở tuần thứ 35, bịcúm A/H1N1biến chứng nặng. Đây là trường hợp đầu tiên BV Bạch Mai đặt thành côngkỹ thuật Ecmohỗ trợ về phổi và điều đặc biệt ở ca bệnh này là bệnh nhân bịcúm A/H1N1trong thai kỳ nhưng các bác sỹ đã cứu sống thành công cả mẹ và con.

Lần đầu thực hiện kỹ thuật ECMO hỗ trợ về phổi

Theo người nhà bệnh nhân cho biết, khi thấy người bị sốt, ho, khó thở nhưng chị Hương đã không đến bệnh viện khám ngay mà tự mua thuốc và điều trị, đến khi không thể thở được gia đình đưa chị đến BVĐK Bãi Cháy, qua hình ảnh chụp phim cho thấy phổi đã bị tổn thương rất nặng và được chị được chuyển lên các khoa Hồi sức tích cực BV Bạch Mai . PGS.TS Nguyễn Gia BÌnh cho biết, bệnh nhân nhập viện đã trong tình trạng rất nguy kịch, viêm phổi nặng, xét nghiệm khí oxi trong máu thấp 50, nồng độ này trên người bình thường là 100. Do vậy, nguy cơ tử vong là rất lớn. Hơn thế, đây lại là phụ nữ mang thai ở những ngày cuối thai kỳ nên nếu không mổ cứu bé thì sẽ tử vong cả mẹ và con. Một cuộc hội chẩn chớp nhoáng của các bác sỹ liên khoa HSCC, Sản, Nhi, Huyết học, Gây mê.. đã diễn ra nhanh chóng và các bác sỹ quyết định mổ bắt con để cứu đứa trẻ và giảm áp lực oxi cho người mẹ. Đúng như tiên lượng, khi cháu bé được bắt ra đã bị ngạt, toàn thân tím tái. Nhưng nhờ sự phối hợp nhịp nhàng khẩn trương, kíp cấp cứu sơ sinh của Khoa Nhi đã có mặt ở tại Khoa HSTC từ trước và lập tức tiến hành đặt nội khí quản cho thở máy sau đó đưa trẻ về khoa cấp cứu sơ sinh để tiếp tục theo dõi và điều trị. Còn bộ phận các bác sỹ khoa HSTC quay trở lại cấp cứu người mẹ . Một vấn đề gặp phải với các bác sĩ lúc này là phổi đã bị tổn thương toàn bộ, không có khả năng trao đổi oxin, bệnh nhân đã được chỉ định thở máy nhưng cũng không cải thiện được tình hình. Bên cạnh đó nếu cho thở máy sẽ dẫn đến những biến cố liên quan trong quá trình thở máy. Do đó giải pháp cuối cùng lúc này là sử dụng kỹ thuật trao đổi oxi qua màng ngoài cơ thể hỗ trợ về phổi (ECMO). Theo PGS.TS Nguyễn Gia Bình, mặc dù kỹ thuật ECMO đã được khoa HSTC ứng dụng rất thành công hỗ trợ về tim mạch, nhưng thực hiện kỹ thuật này hỗ trợ về phổi thì đây là lần đầu tiên. Bên cạnh đó, cái khó cho các bác sỹ gặp phải, đây là một phụ nữ vừa mổ, lại bị viêm phổi nặng, suy hô hấp nên khó khăn hơn nhiều. Theo thống kê ở một số nước trên thế giới như Austraylia tỷ lệ thành công này là 50/50. Kỹ thuật ECMO thực hiện hỗ trợ về phổi khác với tim và khó hơn hỗ trợ về tim, vì dụng cụ chuyên dụng hỗ trợ về phổi không có sẵn, bản thân bệnh phổi không giống như bệnh tim vì hồi phục ở phổi khác với tim. Kỹ thuật phổi nhân tạo có khó khăn nhất định như đặt ống thông, đường truyền, bơm máu ra và hút máu về… Những kỹ thuật này đòi hỏi phải có bác sĩ chuyên khoa về phẫu thuật mạch máu vì liên quan đến rối loạn đông máu, chảy máu, yếu tố nhiễm trùng…. Đặc biệt hơn, đây là lại là bệnh nhân sản khoa sau mổ nên những rủi ro liên quan đến yếu tốtai biến sản khoasau mổ cũng là một trong những yếu tố thử thách cac bác sỹ…

Hoãn mọi kế hoạch vì sự sống của người bệnh

Chia sẻ với phóng viên, ngày 14/4, chị Hương xúc động “ khi em được các bác sĩ nói tình trạng nguy kịch, em cùng không nghĩ là hai mẹ con có thể sống được, em đã hôn mê 3 tuần và hôm qua mới tỉnh dậy, em được các bác sĩ thông báo là em vẫn còn con, con em vẫn sống, giờ lại được thông báo là con em an toàn, khỏe mạnh thì còn hạnh phúc nào hơn. Cảm ơn tất cả các bác sỹ đã cứu sống mẹ con em và cho em sự sống này. Em mong muốn được chụp một tấm ảnh cùng các bác sỹ lên báo và mong muốn sẽ mời các bác sĩ về quê để gia đình em được hậu tạ”. Được biết, khi mổ bắt thai, chỉ số sinh tồn của cháu bé chỉ là 1 -2 điểm, nhưng đến nay, ngày 14/4, cháu bé đã khỏe mạnh và hoàn toàn ổn định, bé đã tự bú bình và được trở về bên cạnh người thân chăm sóc. Để có được hạnh phúc cho gia đình chị Hương và sự sống của chị cũng như cháu bé, các bác sỹ BV Bạch Mai bên đã làm việc ngày đêm, nhiều người trong số họ phải lùi rất nhiều kế hoạch cá nhân để theo dõi tình hình người bệnh. “Suốt gần 3 tuần liền, tập thể bác sỹ chúng tôi thay nhau theo dõi, căng thẳng lo lắng và động viên nhau cùng cố gắng. Dù là buổi sáng, trưa, chiều hay đêm tối lúc nào cũng loanh quanh bên người bệnh vì đây là ca bệnh có diễn biến bấp bênh nhất trong các ca nặng. Bạn có con nhỏ bị ốm, bạn trông con bạn ốm như thế nào thì chúng tôi cũng như vậy, và cho đến hôm nay, khi bệnh nhân được cai thở máy, chúng tôi mới thở phào, nhẹ nhõm”PGS.TS Nguyễn Gia Bình chia sẻ. Còn một bác sĩ điều trị trực tiếp cho chị Hương cho biết, anh đã phải hoãn cả kế hoạch thi bằng lái xe, về quê, thi ngoại ngữ… và nhiều kế hoạch khác để luôn sát sao bên người bệnh. “ Đã có lúc nồng độ oxi của bệnh nhân ổn định và chúng tôi đã tạm yên tâm, nhưng chỉ vài phút sau thì nồng độ oxi xuống thấp tưởng như đã tuyệt vọng…”, vị bác sĩ này chia sẻ.

Cứu sống thai phụ và thai nhi nhiễm cúm A/H1N1

ECMO là tên viết tắt của phương pháp oxy hóa qua màng ngoài cơ thể (Extracorporeal membrane oxygenation). Đây là phương pháp sử dụng tuần hoàn và trao đổi oxy bên ngoài cơ thể nhằm hỗ trợ chức năng sống ở các bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng. Phương pháp này đã được sử dụng rộng rãi tại một số bệnh viện như BV Nhi Trung ương, BV Bạch Mai... Tại BV Bạch Mai, kỹ thuật ECMO hỗ trợ tim đã được thực hiện thành công trên nhiều bệnh nhân. Tuy nhiên, kỹ thuật ECMO hỗ trợ phổi thì đây là lần đầu tiên BV thực hiện thành công trên phụ nữ mang thai bị nhiễm cúm A/H1N1.  Điều kỳ diệu là cùng với mẹ, bào thai 35 tuần cũng được các bác sĩ cứu sống ngoạn mục.Bệnh nhân là chị Bùi Thị Hương, 31 tuổi, công nhân nhà máy xi măng Cẩm Phả được chuyển từ BV Bãi Cháy lên BV Bạch Mai với triệu chứng suy hô hấp, viêm phổi nặng do nhiễm cúm A/H1N1, xét nghiệm khí oxy trong máu thấp 50, nồng độ này trên người bình thường là 100. PGS.TS. Nguyễn Gia Bình - Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai cho biết: Khi nhận được thông tin bệnh nhân nặng từ BV Bãi Cháy chuyển lên, khoa đã chuẩn bị sẵn phòng sát khuẩn. Bệnh nhân đến nơi, chúng tôi nhìn thấy đây là một trường hợp phụ nữ có thai đã to, hai phổi bị tổn thương rất nặng. Đối với người bình thường cần phải có oxy để sống nhưng với phụ nữ mang thai, ngoài trao đổi oxy nuôi mẹ còn phải nuôi con, đặc biệt thai đã to nên nhu cầu oxy càng cao. Trước tình trạng trên, các bác sĩ tiến hành cho bệnh nhân thở oxy sau khoảng 10 – 15 phút, tình trạng bệnh nhân không cải thiện, các bác sĩ tiến hành cho bệnh nhân thở máy nhưng 1 giờ sau, tình trạng bệnh nhân tồi tệ hơn, oxy đo được ở đầu dò ngón tay xuống rất thấp, nguy cơ tử vong cao. Nhận định là tình trạng khẩn cấp, các bác sĩ BV Bạch Mai đã tiến hành hội chẩn toàn bệnh viện gồm các chuyên khoa Hồi sức tích cực, Huyết học, Sản, Nhi, Gây mê... và quyết định mổ lấy thai để cứu con, giảm gánh nặng oxy cho người mẹ. Đúng như tiên lượng, cháu bé chào đời đã bị suy hô hấp, toàn thân tím tái.  Ngay lập tức, bé được chuyển xuống Khoa Nhi và tiến hành đặt ống nội khí quản, thở oxy.Ngay sau đó, các bác sĩ tiến hành hồi sức cho người mẹ, một điều khó khăn với các bác sĩ lúc này là phổi người mẹ bị tổn thương toàn bộ. Quyết định cuối cùng là cho phổi bệnh nhân nghỉ hẳn và sử dụng kỹ thuật ECMO V-V (ECMO tĩnh mạch – tĩnh mạch) hỗ trợ phổi. Theo PGS.TS. Nguyễn Gia Bình, với nguyên lý hoạt động tương tự như máy tim phổi nhân tạo mục tiêu của ECMO là tạo thời gian cho tim và/hoặc phổi được nghỉ ngơi và hồi phục, giảm được chấn thương áp lực và ngộ độc oxy ở phổi. Tuy nhiên, kỹ thuật ECMO thực hiện hỗ trợ phổi khác với tim và khó hơn hỗ trợ tim vì dụng cụ chuyên dụng hỗ trợ về phổi không có sẵn, bệnh phổi không giống như bệnh tim vì hồi phục ở phổi khác với tim. Theo một nghiên cứu ở Australia, tỷ lệ thành công này là 50/50. Mặt khác, phổi nhân tạo có khó khăn khác như đặt ống thông, đường truyền để rút máu ra và bơm máu về qua hệ thống tuần hoàn đòi hỏi phải có bác sĩ chuyên khoa mạch máu, tim mạch, trong quá trình vận hành nó liên quan đến nhiều vấn đề như rối loạn đông máu, chảy máu, yếu tố nhiễm khuẩn... Vì vậy, muốn đạt được thành công đòi hỏi phải có sự phối hợp của nhiều chuyên gia như hồi sức, tim mạch, huyết học... BS. Phạm Thế Thạch trực tiếp điều trị bệnh nhân cho biết thêm: Điều khó khăn và đặc biệt hơn nữa ở ca bệnh này là bệnh nhân sản khoa sau mổ nên những rủi ro liên quan đến yếu tố tai biến sản khoa như bế sản dịch do nằm lâu, các yếu tố nhiễm khuẩn..., v́ vậy, phải thường xuyên trao đổi với các bác sĩ sản khoa để tìm hướng điều trị tốt nhất cho bệnh nhân... “Đã có những lúc tưởng chừng bệnh nhân tử vong vì lượng oxy xuống quá thấp, các bác sĩ vô cùng căng thẳng, đến mất ăn, mất ngủ...”, BS. Thạch chia sẻ. Đến sáng ngày 15/4, cháu bé khỏe mạnh, tự bú bình và tăng cân nên đã được trao về cho người thân chăm sóc.Nằm hôn mê gần 3 tuần, sau khi tỉnh dậy, chị Hương hạnh phúc khi thấy mình còn sống và hạnh phúc viên mãn hơn khi chị được các bác sĩ thông báo cháu bé hoàn toàn khỏe mạnh... Nhưng hạnh phúc đó nếu chỉ chậm một vài phút là sẽ thành bi kịch, bởi khi các bác sĩ quyết định mổ cứu con, gia đình chị đã chần chừ.

Kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố

Hôm nay, 15/4 Bộ Y tế đã thành lập đoàn thanh, kiểm tra liên ngành về An toàn thực phẩm tại 6 tỉnh/ thành phố. Đây là hoạt động đầu tiên trong tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trên phạm vi cả nước với chủ đề “An toàn thực phẩmthức ăn đường phố”.Đoàn thanh, kiểm tra sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất, không báo trước đối với các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.Trong tháng 4 vừa qua, tại một số địa phương đã liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩmthức ăn đường phố. Gần đây nhất, ngày 4/4, đã xảy ra vụ ngộ độc tập thể hơn 30 người tại khu vực Thái Phiên, phường 12, TP. Đà Lạt do ăn phải bánh mỳ bán rong trên đường phố không hợp vệ sinh. Trước đó, 14 học sinh ở TP. Biên Hòa (Đồng Nai) cũng phải vào BV Sản Nhi Đồng Nai cấp cứu sau khi ăn bánh tráng trộn bán rong trước cổng trường với các dấu hiệu đau bụng, buồn nôn dữ dội.Để ngăn chặn và giảm bớt những nguy cơ ngộ độc từthức ăn đường phố, Cục vệ sinh an toàn thực phẩm Bộ Y đã phát động tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm với chủ đề “An toàn thực phẩm thức ăn đường phố”.Bộ Y tế đã thành lập 3 đoàn thanh, kiểm tra liên ngành về An toàn thực phẩm tại 6 tỉnh/ thành phố gồm: Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Gia Lai, Kon Tum, Cần Thơ, Sóc Trăng. Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” sẽ diễn ra từ 15-4 đến 15-5. Sử dụng thức ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh thực phẩm có thể dẫn tới các nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, gây ngộ độc thực phẩm cấp và mãn tính, mắc các bệnh truyền qua thực phẩm .Các đoàn thanh kiểm tra sẽ thực hiện các nhiệm vụ: kiểm tra về chất lượng ATTP các cơ sở sản xuất; xử lý theo pháp luật các trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm; tổng hợp báo cáo kết quả thanh tra kiểm tra, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền để tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý về ATTP.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Hỗ trợ tối đa điều trị bệnh nhân sởi

Bộ Y tế chính thức công bố 103 ca tử vong do sởi kết hợp bệnh đồng nhiễm khác. Tuy nhiên, số tử vong chỉ do nguyên nhân sởi là 25 chứ không phải hàng trăm như nghi vấn của dư luận. Lúc 5h chiều ngày 15.4, sau khi nghe Bộ Y tế báo cáo về tình hình dịch sởi, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trực tiếp vào BV Nhi TƯ thăm các cháu đang phải điều trị, đồng thời động viên sự nỗ lực của các cán bộ y tế ở đây. Phó Thủ tướng khẳng định sẽ hỗ trợ tối đa cho BV về máy móc trang thiết bị, thuốc men phục vụ chăm sóc, điều trị trẻ mắc sởi.

Bệnh nhân nhập viện chưa hạ nhiệt

Mấy ngày hôm nay, trời có nắng, nhưng trong ngày vẫn có những thời điểm nóng lạnh giao mùa nên số trẻ nhập viện vì sởi vẫn chưa giảm, duy trì mức 15 – 30 ca mắc mới vào BV Nhi TƯ/ngày. Ngày 15.4, tại khoa Truyền nhiễm còn 225 bệnh nhi đang điều trị, trong khi đó khoa chỉ có 90 giường, kể cả 40 giường đã được kê thêm và chi viện từ các khoa khác trong BV. Để giảm tải, kể những trường hợp nặng có biến chứng viêm phổi nhưng không cần thở máy cũng được chuyển về tuyến dưới tiếp tục điều trị. Bởi lúc nào số máy thở trong BV dành cho bệnh nhân sởi cũng được huy động 100% công suất. Vì thế, khi Phó thủ tướng tới thăm các cháu các bệnh nhi đang điều trị, ông đã khẳng định sẽ hỗ trợ cho BV trang thiết bị thuốc men đáp ứng nhu cầu. BV Nhi TƯ đã đề nghị được hỗ trợ máy thở, máy hỗ trợ hô hấp, máy tiêm truyền, máy theo dõi chức năng sống monitoring, các loại thuốc kháng sinh, thuốc hỗ trợ miễn dịch… Đồng thời, BV đề nghị có phụ cấp cho các cán bộ y tế tham gia điều trị bệnh nhân sởi giống như chế độ phụ cấp chống dịch, mặc dù hiện nay Bộ Y tế chưa công bố dịch sởi.

Chưa lý giải được vì sao nhiều ca bệnh nặng

TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay: Tính từ tháng 12.2013 đến nay, đã có 103 trường hợp tử vong do kết hợp cả 2 bệnh sởi và các bệnh kèm theo (viêm phổi, bệnh có sẵn, đồng nhiễm virus, vi khuẩn khác…). Số tử vong chỉ do một nguyên nhân bệnh sởi chỉ chiếm 1/5, tức là 25 trường hợp chứ không phải hàng trăm ca như nghi vấn của dư luận. TS Phu cũng cho biết thêm: “So với vụ dịch năm 2009 – 2010 số ca tử vong năm nay cao hơn, nhưng số mắc lại thấp hơn gần 2.000 trường hợp. Dư luận đang chú ý đông bệnh nhân sởi phải vào BV Nhi TƯ, thực ra bệnh nhân cũng cao cục bộ tại 3 nơi là BV Nhi TƯ, Khoa Nhi BV Bạch Mai và BV Saint Paul, đều ở Hà Nội. Trong gần 4.000 ca sởi được ghi nhận trong vụ dịch này, khoảng 1.200 cháu đã điều trị tại BV Nhi TƯ. Các ca tử vong cũng tập trung ở miền Bắc, phía Nam chưa ghi nhận trường hợp nào. Chưa có bằng chứng về sự biến đổi độc lực virus sởi trong mùa dịch năm nay. Câu hỏi vì sao nhiều bệnh nhân nặng và tử vong trong mùa dịch này vẫn chưa có lời giải đáp cuối cùng. Vì thế, TS Phu nhận định: “Việc xác định nguyên nhân là rất cần thiết và công bố số liệu cần khoa học và chính xác để tránh hoang mang cho người dân. Bộ Y tế đang tiếp tục nghiên cứu về virus học, đặc điểm lâm sàng, dịch tễ học của bệnh để có những kết luận chính xác nhất”. Chiều 15.4, Hội đồng chuyên môn về điều trị của Bộ Y tế đã họp và thống nhất cần sửa đổi, bổ sung phác đồ hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sởi. Hôm nay (16.4), vấn đề này sẽ được các chuyên gia tiếp tục bàn thảo. Bộ Y tế ngày 15.4 đã quyết định cấp không thu tiền máy thở từ nguồn dự trữ quốc gia phục vụ chống dịch và nhu cầu khám chữa bệnh cho 4 BV. BV Bạch Mai được cấp 10 máy thở; BV Nhi TƯ và BV Bệnh Nhiệt đới TƯ mỗi nơi 8 chiếc; BV Saint Paul 4 chiếc.

Chăm sóc trẻ để phòng biến chứng sau sởi thế nào?

Để tránh những biến chứng của bệnh sởi, cha mẹ cần lưu ý khi chăm sóc con sau khi ban sởi trên da đã bay hết. Không nên để trẻ bị lạnh, bị gió. Giữ vệ sinh, có thể tắm nhanh bằng nước ấm cho trẻ nhưng phải lau người sạch, khô thật cũng nhanh để tránh trẻ bị lạnh. Vệ sinh mắt mũi, miệng cho trẻ thường xuyên. Cho trẻ ăn chín uống sôi, phòng nhiễm độc thức ăn, tiêu chảy. Nên đề nghị BS tư vấn việc uống vitamin A cho trẻ phòng khô mắt (vì khi bị sởi, trẻ thường bị viêm kết mạc). Liều được khuyên dùng là cho trẻ uống trong 2 ngày, mỗi ngày với trẻ dưới 6 tháng tuổi là 50.000 đơn vị, với trẻ 6 – 12 tháng là 100.000 đơn vị, với trẻ trên 1 tuổi là 200.000 đơn vị.

Khuyến cáo tiêm phòng, Bộ Y tế vì quyền lợi của ai?

Khi xảy ra tai biếntiêm chủng, Bộ Y tế vẫn khuyến cáotiêm phòng. Dư luận phản đối, cho rằng Bộ Y tế hành động không vì quyền lợi của người dân.Mộtthầy thuốckhi đứng trước bệnh nhân thì phải coi bệnh nhân là trên hết, lợi ích của bệnh nhân là trên hết. Điều này phải được hiểu rằng người thầy thuốc phải luôn coi trọng tính mạng người bệnh, luôn giúp người bệnh chọn lựa phương pháp điều trị có lợi nhất. Khi căn bệnh vượt quá khả năng của mình hoặc của cơ sở của mình, ngườithầy thuốccần phải chuyển bệnh nhân đến một bác sĩ khác, một cơ sở khác.Việc một vài nhân viên y tế đòi hỏi phong bì mới chịu khám chữa bệnh. một số bác sĩ kê toa thuốc để ăn hoa hồng là những hành vi vi phạm nguyên tắc coi trọng quyền lợi người bệnh. Số này thực sự chỉ là một số rất ít những con sâu trong ngành y, cần nghiêm trị để không ảnh hưởng đến những nhân viên y tế khác luôn hành động vì quyền lợi của bệnh nhân.Ngoại trừ một số ít những “con sâu” trong ngành, đa sốnhân viên y tếđã làm rất tốt điều này. Nhiềunhân viên y tếkhông quản ngại khó khăn, gian khổ, thức đêm, lương thấp, không quản ngại những tác dụng độc hại của trang thiết bị y tế, không quản ngại việc bị phơi nhiễm với bệnh tật, lăn xả cứu chữa bệnh nhân. Hơn ai hết,nhân viên y tếhiểu sự lây lan của bệnh tật, nhưng khi khẩn cấp vẫn có những người không ngại việc hô hấp nhân tạo trực tiếp miệng qua miệng nhằm cứu sống người bệnh.Khi có những vấn đề khó khăn trong chuyên môn, các bác sĩ thường vẫn ngồi lại với nhau để hội chẩn cho dù trong quan hệ xã hội có thể họ không ưa nhau lắm. Tất cả vì quyền lợi của người bệnh. Có lẽ ít có ngành nào mà hội chẩn thường xuyên như ngành y . Có khi tổ chức một buổi hội chẩn rình rang, có xe đưa rước, có biên bản. Có khi là một đoạn email, một clip, một cú điện thoại… Các mối quan hệ, các phương tiện liên lạc đều được tận dụng để hội chẩn, với mong muốn mang lại lợi ích cao nhất cho người bệnh.Không ít lần tôi nhận được điện thoại của một bác sĩ nào đó đang trong cuộc mổ, hoặc đang đứng trước bệnh nhân trong phòng cấp cứu. Bản thân tôi cũng thường xuyên gửi thư, gọi điện, mời hội chẩn, tham khảo ý kiến các đồng nghiệp trong và ngoài nước.Trước đó vài tháng, việc khuyến cáo tiếp tục tiêm phòng lại bị coi là phục vụ cho việc mua vắcxin, là hành động đi ngược lại lợi ích của người bệnh, là không có y đức …Tuy nhiên, khái niệm lợi ích của người bệnh đôi khi rất mơ hồ và ranh giới không rõ ràng, dễ gây sự hiểu lầm hoặc bị một vài “con sâu” lợi dụng.Một câu chuyện gần đây là chuyện tiêm phòng . Việctiêm phònglà một việc làm vì lợi ích của con người và của cả cộng đồng (trong trường hợp này cộng đồng chính là một “bệnh nhân” của y học dự phòng). Khi xảy ra tai biến tiêm chủng , Bộ Y tế vẫn khuyến cáotiêm phòng. Dư luận phản đối, cho rằng Bộ Y tế hành động không vì quyền lợi của người dân. Dư luận căng thẳng quá, nhiều người sợ không dám cho con đi tiêm phòng.Dịch bùng nổ. Khi dịch bùng nổ thì mới thấy khuyến cáo của Bộ Y tế là vì lợi ích của người bệnh. Nhưng trước đó vài tháng, việc khuyến cáo tiếp tục tiêm phòng lại bị coi là phục vụ cho việc mua vắcxin, là hành động đi ngược lại lợi ích của người bệnh, là không cóy đứcNhư vậy, trong một số trường hợp, hành động vì lợi ích của người bệnh chỉ được nhìn nhận khi lợi ích của người bệnh đã thực sự bị xâm hại...

Vnexpress

1.200 bác sĩ được đào tạo kiến thức điều trị tiểu đường

Những bác sĩ đa khoa trên cả nước sẽ được Hội Đái tháo đường Mỹ và các chuyên gia nội tiết Việt Nam giúp bổ túc kiến thức về chẩn đoán và điều trị tiểu đường. Chiều 14/4, Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Thy Khuê, Chủ tịch Hội Nội tiết và đái tháo đường Việt Nam cho biết, khoá đào tạo được thực hiện bởi đơn vị này phối hợp với Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ. "Chương trình nhằm nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị đái tháo đường của các bác sĩ trong nước theo chuẩn quốc tế. Việc làm này giúp bệnh nhân có được chất lượng sống cao hơn", bà Khuê nói. Bắt đầu khai giảng từ 15/4, sẽ có 300 bác sĩ chuyên khoa Đái tháo đường trên toàn quốc được cập cập nhật kiến thức chẩn đoán và điều trị từ các bác sĩ của hai nước. Giai đoạn tiếp theo, đến lượt 1.200 bác sĩ đa khoa của các bệnh viện của cả nước được tham gia khoá đào tạo kiến thức này. Đây được cho là sẽ đào tạo kiến thức chuẩn hoá quốc tế và chỉnh sửa để phù hợp với Việt Nam. "Nội dung có cả những kiến thức mới, những kiến thức chuyên sâu từ những vấn đề của bệnh nhân người lớn đến tiểu đường ở trẻ em. Đây là những vấn đề chưa được đề cập trong trường đào tạo tại Việt Nam, ví dụ như vấn đề trầm cảm trong đái tháo đường", bà Khuê cho biết. Đại diện địa phương có nhiều bác sĩ tham gia khoá học nhất trong cả nước, Tiến sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết, các bệnh viện tại thành phố thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân biến chứng nặng do bệnh tiểu đường. "Chính vì thế việc nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị đái tháo đường là hết sức cần thiết. Nhất là đối với các bác sĩ đa khoa vốn vẫn chưa được đào tạo chuyên sâu về bệnh đái tháo đường trong khi các bác sĩ này vẫn thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân đái tháo đường", ông Bỉnh nói. Theo thống kê của Hội Nội tiết và đái tháo đường Việt Nam, có khoảng 4triệu người trong cả nước mắc tiểu đường. Chỉ có 33,4% bệnh nhân được chẩn đoán và 56,3% trường hợp đã chẩn đoán nhưng chưa được điều trị. Đại diện Hội Đái tháo đường Mỹ, Giáo sư Ronert Ratner cho hay, việc chẩn đoán và điều trị tiểu đường tại Mỹ cũng gặp nhiều khó khăn, song tỷ lệ không được điều trị lên đến khoảng 80%. Giáo sư cho rằng, việc người bệnh có kiến thức tốt về bệnh và chẩn đoán sớm góp phần quan trọng trong việc điều trị.

Bộ Y tế: 109 trẻ tử vong do sởi và bệnh kèm theo

Bộ Y tế khẳng định không giấu dịch, virus sởi chưa biến đổi gene và độc lực trong khi phác đồ điều trị mới sẽ tiếp tục được đưa ra bàn thảo. Theo tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), trong số 103 trường hợp tử vong ghi nhận tại Bệnh viện Nhi Trung ương, có 25 ca tử vong do sởi, 78 ca còn lại bệnh tình nặng, xin về và tử vong do mắc sởi kết hợp với các bệnh nền khác như viêm phổi, viêm đường hô hấp, tim mạch, suy dinh dưỡng… Ngoài ra, Bệnh viện Bạch Mai cũng báo cáo 4 ca, Bệnh viện Nhiệt đới có 1 ca tử vong do sởi. "Số mắc sởi tại cộng đồng năm nay có thấp hơn so với đợt dịch năm 2009-2010 nhưng số tử vong cao hơn, số ca nặng nhiều hơn. Con số 25 ca tử vong mà Bộ Y tế công bố là hợp lý", tiến sĩ nói. "Nghiên cứu virus sởi cho thấy chưa có biến đổi gene và độc lực, do đó việc xác định nguyên nhân là rất cần thiết. Công bố số liệu phải hết sức khoa học và chính xác để tránh hoang mang cho người dân. Bộ Y tế cũng đang tiếp tục tìm hiểu nghiên cứu về virus học, đặc điểm lâm sàng, dịch tễ học của bệnh để có những kết luận chính xác nhất", tiến sĩ Phu nói. Bộ trưởng Y tế đã giao cho Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cùng các bệnh viện ở phía Bắc, Viện Pasteur TP HCM phối hợp với các bệnh viện ở phía Nam khẩn trương thực hiện các nghiên cứu này. Đồng thời cũng tìm hiểu tại sao các ca tử vong sởi chỉ tập trung ở phía Bắc. Tiến sĩ Phu cũng cho rằng, trước đây bệnh nhân bị sởi chủ yếu điều trị ở nhà, chỉ khi nào có biến chứng mới vào viện. Nay xuất hiện tình trạng quá tải ở tuyến trên, tập trung đông tạiBệnh viện Nhi Trung ương; khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Saint Paul của Hà Nội. Bệnh viện ở các tỉnh lân cận rất ít hoặc gần như không có bệnh nhân sởi. Tại buổi làm việc chiều 15/4, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế bằng mọi biện pháp không để bệnh nhi bị lây chéo các bệnh khác khi đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế; Khẩn trương tìm biện pháp tiến tới khống chế và cân nhắc công bố dịch sởi nếu thực sự cần thiết. Bên cạnh đó, Phó thủ tướng cũng yêu lãnh đạo Bộ Y tế có cơ chế linh động đối với các y bác sĩ đang trực tiếp điều trị bệnh nhân sởi được hưởng cơ chế như đang có dịch. Bệnh viện Nhi Trung ương khẩn trương bổ sung trang thiết bị, cơ số thuốc còn thiếu nhằm đáp ứng đủ khả năng điều trị cho các bệnh nhân tại đây. Liên quan đến phác đồ chẩn đoán, điều trị sởi, một thành viên hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế cho biết, ngày 16/4, các chuyên gia sẽ tiếp tục làm việc. Tuy nhiên, về cơ bản cũng sẽ không có sự thay đổi nhiều mà sử dụng thêm các thuốc tăng cường miễn dịch, uống vitamin A liều cao... Nói về việc quá tải tại bệnh viện, theo tiến sĩ Phu, nếu trẻ có bệnh không lây nhiễm, bệnh nặng, liên quan đến phẫu thuật thì nên chuyển lên tuyến trung ương. Nhưng trong thời điểm này nếu cha mẹ cứ đưa con lên tuyến trung ương - nơi có nhiều bệnh truyền nhiễm đều là những bệnh nặng, nguy hiểm thì trẻ rất dễ bị lây bệnh.  "Trong hoàn cảnh hiện nay, tôi khuyên các bậc cha mẹ không nên đưa con đến những nơi này. Bệnh viện Nhi Trung ương cũng làm hết sức mình nhưng 3-4 trẻ vẫn phải nằm ghép thì không thể đảm bảo việc phòng chống lây chéo", tiến sĩ Phu nhấn mạnh. Thực tế hiện nay các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện cũng có đủ năng lực và giường bệnh điều trị, cách ly, phòng chống, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện. Bộ cũng đã chỉ đạo các bệnh viện không chuyển các bệnh nhân lên tuyến trên trong khả năng điều trị của mình để tránh trẻ bị lây sởi. Bộ Y tế khuyến cáo, người dân nên khám cho con tại các bệnh viện tuyến cơ sở, phối hợp chặt chẽ với thầy thuốc theo dõi sát diễn biến bệnh của trẻ. Đồng thời lưu ý trong việc chăm sóc về dinh dưỡng và vệ sinh cho trẻ để tránh nguy cơ mắc các biến chứng do sởi gây ra. Để trẻ không mắc sởi, biện pháp duy nhất là các bà mẹ phải đưa con em đi tiêm phòng sởi đầy đủ và đúng lịch.

Tuổi trẻ

Đưa âm nhạc vào bệnh viện

Sáng 14-4, ban nhạc The Amigos (Mỹ) đã có buổi biểu diễn tại Bệnh viện Trung ương Huế. Hàng trăm bệnh nhân, người nhà và các bác sĩ cùng nhân viên bệnh viện đã hưởng ứng chương trình. Bằng âmnhạc đậm chất nước Mỹ, nhóm The Amigos đã đem đến cho người bệnh một buổi sáng vui tươi, sôi động. Nhiều bài hát là những lời động viên người bệnh trong cuộc chống chọi với bệnh tật như lời của một thành viên trong ban nhạc chia sẻ. Bệnh nhân Trần Lâu (Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) cho biết dù ông đang bị bệnh hen nhưng vẫn cố gắng xuống sân để theo dõi chương trình. “Đây là lần đầu tiên tôi được xem trực tiếp một ban nhạc nước ngoài biểu diễn. Chúng tôi nằm viện nhưng cũng đã được thưởng thức Festival Huế”, ông Lâu nói. Ông Lâu cho rằng các ban nhạc nên thường xuyên vào biểu diễn ở bệnh viện, vì đó là một phương thuốc cho các bệnh nhân. Sau nhóm The Amigos, nhạc sĩ Miên Đức Thắng (TP.HCM) cũng đã đem đến chương trình những lời catrong dự án “Âm nhạc trị liệu” của mình. “Âm nhạc sẽ là một phương thuốc trị liệu hiệu quả, làm dịu nỗi đau, đem lại tâm lý thoải mái cho bệnh nhân” - nhạc sĩ Thắng nói. Đem âm nhạc vào bệnh viện là một hoạt động nằm trong khuôn khổ Festival Huế 2014. Đây là năm thứ 2 hoạt động này được triển khai trong các dịp Festival Huế.

Tìm hiểu các trường hợp hiến thận ở Cần Thơ

Ngày 15-4, ông Nguyễn Trung Trực - phó chánh thanh tra Sở Y tế Cần Thơ - cho biết các cơ quan chức năng địa phương đã tìm hiểu về vụ người dân bán thận ở huyện Cờ Đỏ. “Chúng tôi chỉ tham gia về mặt chuyên môn, theo báo cáo của huyện có bảy trường hợp đi bán (hay hiến) thận, tuy nhiên khi chúng tôi đi thực tế thì chỉ gặp hai trường hợp, còn năm trường hợp khác hiện đi khỏi địa phương. Trong hai trường hợp tiếp xúc được, chúng tôi có tổ chức khám sức khỏe và hỗ trợ một số loại thuốc thông thường. Tình hình sức khỏe của hai người này vẫn bình thường, khả năng lao động, việc có bị ảnh hưởng sức khỏe hay tuổi thọ về sau thì chúng tôi chưa thể khẳng định được” - ông Trực nói. Một cán bộ của Cơ quan cảnh sát điều tra (PC45) Công an TP Cần Thơ cho biết đang tung lực lượng đi các nơi xác minh các trường hợp hiến thận. Trong khi đó, chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ vừa có báo cáo gửi lãnh đạo UBND TP Cần Thơ về việc này. Theo đó, bà Hoàng Kim Cương, chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ, cho biết trong năm 2012 có ba trường hợp hiến thận, năm 2013 có năm trường hợp hiến thận, tất cả đều tại địa bàn xã Thạnh Phú. Bà Kim Cương khẳng định các trường hợp hiến thận nêu trên đều thực hiện các thủ tục tự nguyện hiến, tặng và làm thủ tục cấy ghép tại Bệnh viện 115 (TP.HCM). Tuy nhiên, sau khi hiến xong, người nhận thận có trả cho người hiến 120 triệu đồng. Trong báo cáo, bà Kim Cương nhận xét đa số thuộc đối tượng nghèo, địa điểm hiến ngoài thành phố. Chiều qua, ông Châu Việt Tha, phó bí thư thường trực Huyện ủy Cờ Đỏ, cho biết đoàn công tác của tỉnh chỉ gặp trực tiếp hai trường hợp hiện còn ở địa phương. Hai hộ này thuộc diện hộ nghèo, không đất sản xuất, chỉ làm thuê mướn hằng ngày, ở nhờ đất bên vợ, hợp đồng nhận khoán làm lúa của Nông trường Cờ Đỏ. Ông Tha thừa nhận các trường hợp hiến thận nêu trên có liên quan đến việc họ nợ nần, nghèo khó, nghe theo lời người khác kêu đi hiến để nhận tiền về trang trải nợ nần. Trước câu hỏi liệu có đường dây chuyên nghiệp móc nối bán thận hay không, ông Tha nói chưa thể khẳng định, phải chờ kết luận của công an trong vài ngày tới. Hiện tại có thông tin có người giới thiệu để họ đi hiến thận, nhận tiền nhưng có trục lợi, hoạt động mang tính chuyên nghiệp hay không phải làm rõ.  

Chậm trễ chuyển viện, chồng tôi bị tử vong?

Gần 12g ngày 3-2-2014 gia đình tôi đưa chồng tôi tên T.M.N. (ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM) vào cấp cứu tại Bệnh viện (BV) quận Phú Nhuận trong tình trạng còn nhận thức được (biết trả lời những câu hỏi của bác sĩ). Bác sĩ nói chồng tôi bị ngộ độc rượu và viêm đường tiểu (có xét nghiệm máu và nước tiểu) vì bị tiểu ra máu, ói một ít nước trắng, đi cầu. Bác sĩ cho truyền nước biển, uống một viên thuốc sủi bọt, một viên nén... và nói tới chiều khỏe sẽ cho về. Sau đó khoảng 30 phút chồng tôi bị đổ nhiều mồ hôi, kêu lạnh, đau bụng. Tôi hỏi thì bác sĩ trả lời bệnh nhân đang được theo dõi sau khi uống thuốc giải độc rượu, đợi ba tiếng sau mới khám lại. Lúc bác sĩ khám lại vẫn cho rằng không sao, nhưng bác sĩ đi khuất là chồng tôi gồng lên đỏ mặt, ngưng tim, ngưng thở. Nhân viên y tế hồi sức cấp cứu ba lần cho chồng tôi, đến khi thấy không còn hi vọng vào khả năng cứu sống bệnh nhân nữa mới chịu chuyển chồng tôi sang BV Nhân Dân Gia Định. Trong quá trình chuyển viện, nhân viên y tế của BV quận Phú Nhuận không bóp bóng cho bệnh nhân, vừa xuống xe cấp cứu chỉ lo chạy đi đâu không biết, không ai ở lại phụ chuyển bệnh nhân qua băng ca cấp cứu của BV Nhân Dân Gia Định. Thế là chồng tôi được xác định đã tử vong trước khi nhập viện (lời của bác sĩ cấp cứu BV Nhân Dân Gia Định, lúc đó hơn 15g). Sau đó tôi phải ký vô biên bản là chồng tôi chết không rõ nguyên nhân. Thật đau đớn khi tôi nghe lời kết luận ấy. Nếu như BV quận Phú Nhuận không đủ khả năng chẩn đoán hay chữa bệnh thì phải chuyển ngay bệnh nhân lên tuyến trên để có thể cứu người cho kịp, sao cứ giữ bệnh nhân lại? Nếu họ chuyển viện kịp thời thì chồng tôi đâu có chết!

Đà Nẵng hợp tác đào tạo toàn diện về y - dược

Ngày 15-4, tại Đà Nẵng, đã diễn ra Lễ Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Đại học Đà Nẵng và các bệnh viện trên địa bàn thành phố. Theo đó, Đại học Đà Nẵng đã ký kết với Bệnh viện Đà Nẵng; Bệnh viện C; Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng và Bệnh viện Quân y 17. Nội dung hợp tác tập trung vào năm lĩnh vực: Đào tạo nguồn nhân lực; Lĩnh vực thực tập; Hợp tác giảng dạy, chuyển giao công nghệ; Nghiên cứu khoa học và Lĩnh vực cơ sở vật chất. Giữa Đại học Đà Nẵng và các bệnh viện sẽ thỏa thuận cung cấp những thông tin về khả năng đào tạo lý thuyết và thực hành và nhu cầu về nguồn nhân lực; hợp tác xây dựng chương trình học tập hằng năm cho sinh viên; chương trình ngoại khóa, trao đổi kiến thức; chia sẻ các cơ sở vật chất mà hai bên hiện có để phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu, khám chữa bệnh… Bản ký kết thỏa thuận tăng cường hợp tác toàn diện và bền vững nhằm thực hiện chủ trương gắn liền công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học với thực tiễn lâm sàng bệnh viện; nhằm nâng cao hiệu qua hoạt động đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao. Năm 2007, Đại học Đà Nẵng đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai đào tạo lĩnh vực y dược. Đến nay, khoa y dược đang có 40 cán bộ, giảng viên. Đào tạo 600 sinh viên thuộc các chương trình Trung cấp Dược, Trung cấp Điều dưỡng, Cử nhân Điều dưỡng. Từ năm 2014, khoa sẽ đào tạo Bác sĩ y - đa khoa (chương trình sáu năm). 

108 ca tử vong do sởi và các bệnh biến chứng sởi

Chiều 15-4, trong buổi báo cáo với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết đến thời điểm hiện nay đã có 108 trường hợp tử vong do sởi và các bệnh biến chứng sau sởi. Theo báo cáo của Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu, cho đến thời điểm này đã có 108 trường hợp tử vong do sởi và các bệnh biến chứng sau sởi. Trong đó có 103 ca tại Bệnh viện Nhi T.Ư, 4 ca tại Bệnh viện Bạch Mai và 1 ca tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư. Phát biểu tại buổi thị sát, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các bệnh viện phải nỗ lực để giảm thiểu tối đa các trường hợp tử vong do sởi. Theo ông Nguyễn Văn Kính - giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, riêng bệnh viện này đang điều trị cho 340 bệnh nhân sởi cả người lớn và trẻ em, trong đó có trên 50 bệnh nhân nặng phải thở máy. Theo ông Kính, tại bệnh viện ông có rất nhiều bệnh nhân bị biến chứng viêm não sau mắc sởi. Cùng ngày, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp với các thầy thuốc đầu ngành lây - truyền nhiễm để rà soát lại phác đồ điều trị bệnh sởi. Theo ông Lương Ngọc Khuê - cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, phác đồ này sẽ được rà soát kỹ để có biện pháp điều trị tích cực hơn, giảm thiểu các trường hợp tử vong do sởi.

Sau loạt bài “Bí ẩn đằng sau các phòng nha”: Bộ Y tế yêu cầu làm rõ vụ việc

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, ngày 15-4 Cục Quản lý khám chữa bệnh có văn bản gửi Sở Y tế TP.HCM đề nghị làm rõ những nội dung mà báo Tuổi Trẻ phản ánh (như việc cho thuê giấy phép hoạt động, phòng khám tư nhân hoạt động không giấy phép, bằng bác sĩ giả...) trong loạt bài “Bí ẩn đằng sau các phòng nha” (Tuổi Trẻ từ ngày 14 đến 16-4). Cụ thể, Cục Quản lý khám chữa bệnh đề nghị Sở Y tế TP nhanh chóng phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra, xác minh các nội dung báo nêu. Căn cứ vào nghị định của Chính phủ và thông tư của Bộ Y tế trong việc xử phạt, quản lý dịch vụ y tư nhân, Sở Y tế TP xem xét đưa ra hình thức xử phạt thích đáng, thu hồi chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động và đình chỉ hoạt động chuyên môn đối với người hành nghề, cơ sở khám chữa bệnh vi phạm. Sau đó, báo cáo kết quả về Cục Quản lý khám chữa bệnh trước ngày 20-4. Cục Quản lý khám chữa bệnh cũng đề nghị Sở Y tế TP tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động khám chữa bệnh của các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là cơ sở tư nhân; nghiêm túc rà soát lại quy trình quản lý cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động và kiểm tra sau khi cấp phép đối với các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân; đưa ra các giải pháp để quản lý chặt chẽ hơn hoạt động khám chữa bệnh... * Sau loạt bài nói trên, TS.BS Bùi Minh Trạng - chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM - cho biết đơn vị này đang kiểm tra, xử lý nhiều phòng khám nha không phép. Giữa tháng 5 sẽ thanh tra, kiểm tra cơ sở y tế tư nhân trên toàn địa bàn TP. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, thẩm mỹ viện, cơ sở xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh... Nói về thực trạng người không có chuyên môn thuê giấy phép hoạt động y tế tư nhân, ông Trạng cho biết tới đây sẽ công khai danh sách người hành nghề ở mỗi cơ sở y tế lên trang web của Sở Y tế TP, đồng thời yêu cầu các cơ sở y tế tư nhân niêm yết công khai người hành nghề để người bệnh giám sát.

Cán bộ Sở Y tế mở phòng khám bệnh không phép

Thông tin từ Phòng y tế Q.4 (TP.HCM) cho biết chiều 15-4, đoàn kiểm tra của thanh tra Sở Y tế TP đã bất ngờ kiểm tra nhà thuốc Vạn Xuân (26 Vĩnh Hội, P.4, Q.4), phát hiện tại đây có hoạt động khám, tư vấn bệnh và bán thuốc đông y mà không có giấy phép. Điều đáng nói là chủ cơ sở này là bác sĩ Nguyễn Trương Quốc Dũng, cán bộ Phòng quản lý dịch vụ y tế (Sở Y tế TP). Tại thời điểm kiểm tra, thanh tra Sở Y tế ghi nhận cơ sở này đang mở cửa hoạt động và có bốn bệnh nhân ngồi chờ. Khoảng 20 phút sau, bác sĩ Nguyễn Trương Quốc Dũng có mặt để làm việc với đoàn thanh tra nhưng chỉ xuất trình được giấy thẩm định đối với cơ sở bán lẻ thuốc đông y, thuốc từ dược liệu. Thanh tra Sở Y tế TP đã lập biên bản và yêu cầu cơ sở này ngưng ngay việc khám, tư vấn bệnh khi chưa có giấy phép hoạt động.

Số bệnh nhân sởi đột ngột tăng gấp đôi

Ngày 16-4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có một ngày tận mắt chứng kiến các phòng bệnh đông nghẹt bệnh nhi mắc sởi tại Bệnh viện Nhi T.Ư. Sau buổi họp kín với Tổ chức Y tế thế giới, đại diện Bệnh viện Nhi T.Ư, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đống Đa, Sở Y tế Hà Nội, ông Nguyễn Văn Kính - giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư - công bố số bệnh nhân mắc sởi đã lên đến trên 7.000 bệnh nhân, tức tăng hơn gấp đôi so với công bố sáu ngày trước đó. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định không giấu dịch.

111 ca tử vong, hơn 7.000 ca bệnh sởi

Đúng trong thời điểm Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đến thăm Bệnh viện Nhi T.Ư lần đầu tiên kể từ đầu vụ dịch sởi, gia đình anh V. ở Văn Giang, Hưng Yên lầm lụi bế thi thể con về. Bọc con vừa vĩnh biệt cõi đời trong một chiếc khăn bông lớn, anh V. vừa đi vừa khóc, còn vợ anh phải có người dìu vì không bước nổi. Con anh V. mới 9 tháng tuổi, đến Bệnh viện Nhi T.Ư điều trị viêm phổi và mắc sởi ở đây. Chứng kiến cảnh này không ai cầm được nước mắt. Đây chính là bệnh nhi thứ 104 tử vong do sởi và liên quan đến sởi tại Bệnh viện Nhi T.Ư trong hơn hai tháng qua. Tính chung tại Bệnh viện Nhi T.Ư, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư và hai ca tử vong tại Yên Bái cuối tháng 1-2014, đã có tổng số 111 ca tử vong do sởi chỉ trong gần ba tháng qua. Điều khiến dư luận quan tâm là số tử vong do sởi này cao hơn gần năm lần so với công bố cách đây sáu ngày của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, với chỉ 25 trường hợp. Về số lượng bệnh nhân sởi, sau phiên họp kín bất thường sáng 16-4, ông Nguyễn Văn Kính cho biết riêng số trẻ có xét nghiệm xác định mắc sởi đã lên đến trên 7.000 ca, tại 61/63 địa phương trong cả nước. So với công bố cách đây sáu ngày, số mắc sởi cũng tăng vọt lên hơn gấp đôi. Trả lời về nghi vấn Bộ Y tế giấu dịch, khi chỉ sau sáu ngày số mắc sởi tăng hơn gấp đôi và số tử vong tăng gần gấp năm lần, bà Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng Bộ Y tế không giấu dịch mà tách riêng con số 25 ca tử vong chắc chắn do bệnh sởi, số còn lại là bệnh nhân sởi trên nền các bé bị tim bẩm sinh, bại não, suy dinh dưỡng... và tử vong. Tuy nhiên, chỉ trong sáu ngày mà số mắc sởi tăng lên bất thường khiến người dân bất ngờ. Theo ông Nguyễn Văn Kính, sởi là bệnh truyền nhiễm có tốc độ lây lan nhanh, số mắc bệnh có thể thay đổi mỗi ngày. Tuy nhiên, giải thích này khiến những người quan tâm chưa thấy hài lòng, vì sự thay đổi quá đột ngột về số người mắc bệnh. Nỗi băn khoăn số ca mắc tăng nhanh bất thường hay Bộ Y tế “cất” bớt ca mắc, cập nhật chậm chạp số người mắc bệnh là câu hỏi chưa được trả lời thỏa đáng.

Hà Nội có công bố dịch hay không?

Chuyến thăm của bà Nguyễn Thị Kim Tiến tới Bệnh viện Nhi T.Ư, tâm điểm của dịch sởi, là muộn màng. Tuy nhiên, đã có những giải pháp chống dịch sởi quyết liệt hơn sau chuyến đi của bà Tiến. Theo đó, Bộ Y tế giao ba bệnh viện của Hà Nội gồm Thanh Nhàn, Xanh Pôn, Đống Đa là vệ tinh của ba bệnh viện đầu ngành gồm Nhi T.Ư, Nhiệt đới T.Ư và Bạch Mai, ba bệnh viện tuyến cuối sẽ cử thầy thuốc đến trực chiến tại ba bệnh viện vệ tinh. “Việc này để giảm bớt việc chuyển tuyến quá đông đến bệnh viện tuyến cuối, chống lây nhiễm chéo” - bà Tiến nói. Có đến 30% số mắc sởi và 50% số tử vong trong mùa dịch sởi này là bệnh nhi Hà Nội. Điều đáng nói hơn, theo ước tính của ông Nguyễn Nhật Cảm - giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, nơi đây còn đến 100.000 trẻ chưa có miễn dịch với bệnh sởi. Những con số này khiến người ta lo lắng về nguy cơ lây lan tiếp dịch sởi ở Hà Nội, trong khi TP này không công bố dịch. Theo bà Tiến, cần tới năm yếu tố để quyết định có hay không công bố một vụ dịch nhóm B như dịch sởi, trong đó có yếu tố dịch vượt quá khả năng xử lý của địa phương, có thay đổi về tác nhân gây bệnh... “Tôi là nhà quản lý nên không phát ngôn thay công việc của chuyên môn. Việc Hà Nội có công bố dịch hay không thì giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền đã cho biết sẽ trao đổi với UBND TP” - bà Tiến nói. 111 ca tử vong do sởi trong thời gian chưa đầy ba tháng, trong đó riêng Hà Nội chiếm một nửa trong tổng số ca tử vong, các cơ sở điều trị luôn ở trong tình trạng quá tải bệnh nhi, phải sắp xếp 3-4 trẻ/giường, thiếu thiết bị y tế tới mức phải xuất quỹ dự trữ quốc gia, như vậy đã là vượt quá khả năng xử trí của địa phương hay chưa? Chúng tôi thông tin để bạn đọc có câu trả lời của riêng mình. Riêng về việc virút sởi đã có biến đổi về độc lực và cách lây truyền hay chưa, ông Nguyễn Văn Kính cho biết qua giải trình tự gen, chủng virút gây dịch sởi năm nay vẫn là chủng truyền thống. “Tuy nhiên để xác định độc lực có thay đổi không thì phải đợi thêm một thời gian nữa mới có câu trả lời” - ông Kính cho biết.

Cảnh giác bệnh sởi ở người lớn

Trước đây bệnh sởi chỉ gặp ở trẻ em, nhưng từ năm 2009-2010 đến nay bệnh gặp cả ở người lớn. Theo ông Nguyễn Văn Kính - giám đốc BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, 90% trong số 313 bệnh nhân sởi đang điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư là người lớn, trong đó người lớn tuổi nhất là 44 tuổi. Theo ông Kính, khác với biến chứng thường gặp ở trẻ em mắc sởi là viêm phổi, ở người lớn biến chứng thường gặp nhất là viêm não. Tại cuộc họp với Bộ Y tế ngày 16-4, theo đại diện Tổ chức Y tế thế giới ở VN, điểm lạ của các ca sởi năm nay là tỉ lệ trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc sởi khá lớn (bệnh nhân nhỏ nhất là bé 2 tháng tuổi), biến chứng sau sởi của nhóm bệnh nhân này rất nặng, nhưng nếu hạ tuổi chủng ngừa thì WHO lo ngại có tai biến sau tiêm, đồng thời băn khoăn về việc VN có sàng lọc được các trường hợp có chống chỉ định tiêm ngừa hay không.

Sao bác sĩ tự tiện lấy tủy bệnh nhân?

Ngày 20-3, anh tôi tên Lại Văn Tư (58 tuổi, ngụ Bình Minh, Vĩnh Long) bị tai nạn té đập đầu xuống đường, được đưa vào Bệnh viện Bình Minh, sau đó đến Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ. Lúc đó, anh tôi vẫn tỉnh táo nhưng bác sĩ nói bị chấn thương sọ não. Khoảng 10g ngày 20-3, anh tôi được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ và đến 15g30 cùng ngày thì được đưa vào phòng mổ sọ não. Sau mổ năm ngày, ngày 26-3 anh tôi khỏe và được đưa ra điều trị tiếp tại phòng 333 khoa ngoại thần kinh. Lúc này anh rất khỏe, đã nói chuyện và nhận biết được gia đình. Đến 6g ngày 27-3, người nhà làm vệ sinh và cho anh tôi uống nước, sữa thì anh vẫn khỏe bình thường. Thế nhưng, khoảng 8g thì bác sĩ L. đến thăm khám, dùng kim chích vào cột sống anh tôi lấy ba lọ tủy mang đi mà không giải thích gì với gia đình và cũng chưa được sự đồng ý từ phía gia đình. Hậu quả là chỉ năm phút sau đó, anh tôi kêu mệt, đau đầu, tím tái. Gia đình gọi bác sĩ đến cấp cứu nhưng đến khoảng 9g30 cùng ngày thì anh tôi tắt thở. Cái chết của anh tôi khiến gia đình tôi rất bức xúc. Tôi đề nghị bệnh viện giải thích rõ ràng về nguyên nhân dẫn đến cái chết này. Cụ thể anh tôi chết do việc lấy tủy sống hay vì nguyên nhân gì?

* Bác sĩ LA VĂN PHƯƠNG(phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ) trả lời: Bệnh nhân Lại Văn Tư được chuyển đến bệnh viện ngày 20-3 trong tình trạng kích thích, co giật. Đến 14g30 cùng ngày, bệnh nhân bị mê, được chẩn đoán máu tụ ngoài màng cứng chẩm (hố sau T+), giập não trán hai bên sau tai nạn giao thông. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cấp cứu ngay sau đó. Sau mổ, bệnh có diễn biến khá, có lúc tỉnh nhưng đến khoảng 7g50 ngày 27-3 sau khi thăm khám, bác sĩ thấy bệnh nhân có triệu chứng lơ mơ, sốt 39,5OC, cổ gượng, với chẩn đoán: viêm màng não sau phẫu thuật và có chỉ định chọc dò tủy sống. Ngay sau đó thủ thuật chọc dò tủy sống được tiến hành lúc 9g nhưng không thành công (do không lấy được dịch tủy sống). Đến 10g cùng ngày, bệnh nhân bị sặc sau khi uống nước, hôn mê, bác sĩ đặt nội khí quản cấp cứu và hút khá nhiều dịch qua nội khí quản. Đến 13g ngày 27-3 bệnh nhân hôn mê sâu, ngưng thở, được gia đình xin về. Sau khi có khiếu nại của gia đình, bệnh viện đã thành lập hội đồng chuyên môn để phân tích, làm rõ cái chết của ông Lại Văn Tư. Theo kết luận của khoa ngoại thần kinh, nguyên nhân dẫn đến việc ông Tư tử vong là: suy hô hấp sau sặc nước + viêm phổi hít/ bệnh nhân chấn thương sọ não hậu phẫu ngày thứ 7 có biến chứng viêm màng não. Việc lấy dịch tủy sống theo tường trình phẫu thuật là không thành công, bệnh diễn biến sau đó khoảng 30 phút, lúc đó bệnh nhân cũng vừa uống nước, vì vậy chưa có cơ sở kết luận bệnh nhân diễn biến nặng do lấy dịch tủy sống. Để làm rõ nguyên nhân gây tử vong, bệnh viện đã đề nghị gia đình bệnh nhân cho mổ tử thi nhưng gia đình không đồng ý. Về việc lấy tủy sống, theo đúng quy trình, trước khi làm thủ thuật, nhân viên y tế phải giải thích rõ cho bệnh nhân và thân nhân, đồng thời phải có cam đoan thủ thuật. Trong trường hợp này, bác sĩ đã không giải thích rõ trước khi làm thủ thuật là thiếu sót. Bệnh viện nghiêm túc nhìn nhận và sẽ có hình thức xử lý phù hợp đối với êkip trực.

Kinh tế đô thị

Cúm A/H7N9 chưa xuất hiện tại Việt Nam

Ngày 13/4, tin từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tính đến nay, toàn thế giới đã ghi nhận 402 trường hợp nhiễm cúm A/H7N9, trong đó có 121 trường hợp tử vong. Các trường hợp bệnh cúm A/H7N9 được ghi nhận tại 18 tỉnh, TP của Trung Quốc, Đài Loan, Hongkong (Trung Quốc) và Malaysia. Theo ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Việt Nam đã triển khai quyết liệt và đồng bộ các biện pháp nhằm ngăn chặn không để virus cúm A/H7N9 lan truyền vào, kể cả trên gia cầm và trên người, nhờ vậy, đến nay chưa ghi nhận bệnh nhân mắc cúm A/H7N9.

Nhân dân 

Cần thay đổi biện pháp tuyên truyền

Thông tin từ Sở Y tế thành phố cho biết, từ đầu năm đến nay trên địa bàn đã có gần 1.900 ca bệnh tay - chân -miệng, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Các quận, huyện có số ca bệnh tăng cao trong tháng 3 là quận 8 (90 ca), quận Bình Tân (85 ca), huyện Bình Chánh (gần 70 ca). Cùng với đó, các ca nhiễm bệnh sởi cũng tiếp tục tăng cao với 603 ca, tăng hơn 600% so với cùng kỳ năm 2013. Đáng ngại là mặc dù thành phố đã triển khai tiêm bù, tiêm vét vắc-xin sởi nhưng tới nay bệnh sởi vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Nguyên nhân được cho là những năm trước, bệnh chủ yếu xuất hiện ở trẻ dưới ba tuổi nhưng năm nay nhiều trẻ từ bốn đến dưới 10 tuổi vẫn mắc bệnh này. Trong khi đó việc tiêm phòng vắc-xin sởi chỉ tập trung cho trẻ dưới ba tuổi nên rất khó kiểm soát dịch bệnh. Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố cũng cho biết, theo chu kỳ dịch, bệnh tay - chân - miệng sẽ tiếp tục tăng đến hết tháng 4. Để ngăn chặn dịch bệnh, Sở Y tế tăng cường giám sát, kiểm soát dịch bệnh, nhất là tại các trường học, khu nhà trọ; đồng thời đẩy nhanh tiến độ tiêm ngừa vắc-xin sởi cho trẻ. Vấn đề cần phải làm rõ là tại sao các giải pháp phòng, chống bệnh sởi, bệnh tay -chân - miệng đã được ngành y tế thành phố đưa ra và áp dụng từ nhiều năm nay mà các loại bệnh thông thường đó không những không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng mạnh mẽ và đã có thời điểm vượt khỏi tầm kiểm soát? Về khách quan mà nói, cả hai căn bệnh kể trên đều liên quan chặt chẽ đến chất lượng vệ sinh môi trường sống, nhất là bệnh tay - chân - miệng. Khu vực phát sinh ổ bệnh đều nằm ở các quận, huyện vùng ven là nơi tập trung nhiều khu nhà trọ của người nhập cư, điều kiện bảo đảm vệ sinh môi trường sống không theo kịp với đà tăng dân số cơ học. Cùng với đó, hoàn cảnh sống eo hẹp của người nhập cư như công nhân, người lao động tự do không cho phép họ có được nơi ở đáp ứng tốt những yêu cầu về vệ sinh môi trường sống. Mặt khác, do phải dành hầu hết thời gian vào việc kiếm sống, những người dân nghèo không có thời gian để tiếp cận với các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, khả năng tự bảo vệ là không cao, dẫn đến nhiễm bệnh và lây lan ra cộng đồng. Về chủ quan, việc tuyên truyền các biện pháp phòng, chống bệnh tay - chân -miệng, bệnh sởi rõ ràng chưa vươn tới các cộng đồng dân cư ở những khu vực kể trên. Phòng, chống dịch bệnh hiệu quả cần thay đổi không phải là các biện pháp phòng, chống mà là cách thức truyền bá để người dân hiểu biết và thực hiện. Việc tuyên truyền cần đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ tập trung vào hai vấn đề chính. Một là,cách nhận biết dấu hiệu của bệnh để khi nhiễm phải người ta nhận biết được ngay đó là bệnh gì để đưa đến các cơ sở y tế chữa trị kịp thời, tránh được tình trạng bệnh nặng rồi mới đưa đến bệnh viện, vừa ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh vừa làm lây lan ra cộng đồng. Cụ thể như bệnh sởi thì khi phát hiện nổi ban ở sau tai, sau đó lan ra mặt, xuống ngực, bụng và toàn thân, đi kèm với đó là triệu chứng chảy nước mũi, ho, viêm kết mạc mắt, cần thông báo ngay cho các nhân viên y tế nơi gần nhất để được chữa trị kịp thời và có biện pháp chống lây lan. Cách phòng, chống bệnh sởi hiệu quả nhất là cho trẻ tiêm phòng vắc-xin sởi khi đủ chín tháng tuổi.Tiêm mũi thứ hai khi trẻ được 18 tháng tuổi để bảo đảm đủ liều lượng, nồng độ kháng thể giúp trẻ miễn dịch tốt với loại vi-rút sởi. Việc tiêm mũi thứ hai có thể tạo miễn dịch tới 99%. Qua khảo sát cho thấy, nguyên nhân dẫn đến trẻ mắc bệnh sởi nhiều bất thường như thời gian qua thì có tới 90% trường hợp mắc bệnh là do chưa được tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đầy đủ các bước như nói ở trên. Hai là,cần hình thành trong ý thức người dân cách pḥng, chống dịch bệnh. Mỗi loại bệnh có một cách pḥng ngừa khác nhau, nhưng tựu trung là phải bảo đảm vệ sinh cho bản thân và những người trong gia đình bằng các hành động đơn giản nhưng phải làm thường xuyên như rửa tay bằng xà-phòng dưới vòi nước chảy, nhất là trước, sau khi nấu ăn, sau khi đi tiêu và sau mỗi lần thay tã cho trẻ. Rửa sạch các dụng cụ, vật dụng, đồ chơi có thể nhiễm vi-rút bằng nước và xà-phòng, rồi khử trùng bằng Chloramin B 5%. Hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp như hôn, sử dụng chung các dụng cụ với trẻ bị bệnh hoặc người bệnh và áp dụng một số biện pháp hạn chế bệnh lây truyền theo đường phân, miệng khác như ăn chín, uống chín. Cách ly trẻ bị bệnh trong vài ngày đầu mắc bệnh cũng có thể làm giảm đáng kể khả năng lây nhiễm... Việc tuyên truyền phải được tổ chức theo định kỳ tận nơi cư trú của các đối tượng cần tập trung nhắm đến. Đi cùng với đó là các hoạt động như làm vệ sinh môi trường chung quanh các khu dân cư, khu nhà trọ... để hình thành ý thức giữ gìn vệ sinh chung.

Quá tải các điểm tiêm vắc – xin cho trẻ em

Bệnh sởi và thủy đậu đang vào mùa bùng phát làm nhiều trẻ em mắc bệnh. Nhiều gia đình có trẻ nhỏ vội vã đưa trẻ tới các cơ sở tiêm chủng để tiêm vắc-xin ngừa sởi và thủy đậu, dẫn tới tình trạng khan hiếm vắc-xin, nhất là dẫn tới tình trạng quá tải ở các điểm tiêm chủng trên địa bàn TP Hà Nội. Hiện nay, các phòng tiêm chủng dịch vụ trở nên đông hơn bình thường, nhất là vào ngày thứ bảy, chủ nhật. Có mặt tại Trung tâm Y tế dự phòng 70 Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội), mới đầu buổi sáng, phòng tiêm chủng đã chật kín người chờ đợi. Đến khoảng 9 giờ 30 phút sáng, nhân viên y tế của Trung tâm đã thông báo hết số của buổi sáng. Qua tìm hiểu được biết, nhiều phụ huynh, kể cả ở các huyện ngoại thành, khá xa trung tâm Hà Nội cũng đưa con nhỏ tới tiêm chủng, chủ yếu là vắc-xin sởi, thủy đậu, cúm. Cùng với đó, tại các phòng tiêm chủng khác trên địa bàn Hà Nội như 35 phố Trần Bình, 50C phố Hàng Bài, số trẻ nhỏ được đưa tới tiêm chủng cũng tăng đột biến. Chị Nguyễn Thị Thúy ở Cầu Giấy (Hà Nội) đưa con đi tiêm vắc-xin cho biết: "Ở gần khu nhà tôi, nhiều trẻ bị sởi, tranh thủ ngày nghỉ tôi đưa con đi tiêm vắc-xin. Thế nhưng khi tới đây cũng chỉ tiêm được vắc-xin sởi, còn vắc-xin thủy đậu đã hết, đợt mới chưa về kịp, nên đành phải chờ ít ngày nữa". Theo phản ánh của nhiều gia đình có trẻ nhỏ, hiện nay các cơ sở tiêm chủng ở Hà Nội đều không còn vắc-xin thủy đậu. Cán bộ Trung tâm Y tế Dự phòng cho biết, do lo ngại về dịch sởi và thủy đậu, cho nên số lượng người đi tiêm hai loại vắc-xin này tăng. Do vắc-xin sởi là loại nằm trong Chương trình tiêm chủng quốc gia nên không bị thiếu. Còn vắc-xin thủy đậu là vắc-xin dịch vụ, hơn nữa loại vắc-xin này phải nhập ngoại nên giá khá đắt, lên tới khoảng 450 nghìn đồng/mũi, cho nên các cơ sở tiêm chủng đều không nhập và dự trữ quá nhiều. Trước việc nhiều gia đình có trẻ nhỏ đổ xô đi tiêm vắc-xin dẫn tới tình trạng "cháy" vắc-xin và quá tải ở các điểm tiêm chủng, lãnh đạo Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cho biết: Tháng 2, 3 và tháng 4 năm nay, số trẻ nhập viện do bị sởi tăng, do vậy các gia đình đưa con đến tiêm vắc-xin sởi, thủy đậu cũng đột biến so với thời gian trước đây. Chỉ riêng tại cơ sở tiêm chủng ở trung tâm, những ngày cao điểm có khoảng 500 trẻ tới tiêm phòng các loại vắcxin, trong đó khoảng 50% số trẻ này là tiêm phòng sởi. Bộ Y tế đã có kế hoạch tiêm chủng miễn phí theo Chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ từ 9 đến 23 tháng tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vắc-xin sởi trong tháng 3 và tháng 4-2014, tùy từng địa phương. Riêng tại Hà Nội, tiêm chủng vắc-xin sởi sẽ chia thành hai đợt, đợt một từ ngày 3 đến ngày 10-3; đợt hai từ ngày 3 đến ngày 10-4. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh lo ngại, chưa đưa con em đi tiêm trở lại. Hiện nay, không ít người vẫn còn tâm lý chủ quan trong việc tiêm chủng phòng bệnh, ngay cả đối với Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Nhiều bậc phụ huynh thờ ơ với vắc-xin được tiêm miễn phí, mà "chạy đua" đưa con đi tiêm chủng dịch vụ. Trong khi nhiều cơ sở y tế ở xã, phường đến từng nhà mời các cháu đi tiêm phòng theo lịch, nhưng số lượng vẫn vắng, còn tại các Trung tâm tiêm phòng dịch vụ lại luôn trong tình trạng quá tải. Tiêm chủng mở rộng mang lại lợi ích lớn, tuy nhiên đã và đang tồn tại không ít khó khăn, bất cập. Trong đó, có một vài trường hợp tai biến do tiêm vắcxin đang trở thành một thách thức lớn đối với chương trình tiêm chủng mở rộng của ngành y tế. Để tăng cường công tác an toàn tiêm chủng, Bộ Y tế đã có Quyết định số 3209/QĐ-BYT, ngày 21-8-2013, theo đó, từ tháng 10-2013 không tiêm quá 50 trẻ trong một buổi tại mỗi điểm tiêm chủng, điều này đã góp phần giúp nhân viên y tế có thời gian khám sàng lọc cho trẻ cẩn thận và tư vấn kỹ lưỡng trước khi tiêm, cho nên nhiều bậc phụ huynh yên tâm hơn. Để khắc phục tình trạng quá tải ở các điểm tiêm chủng, tiến tới thanh toán các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, cùng với việc tăng cường giám sát quy trình tiêm chủng an toàn ở cả trung ương và các địa phương xã, phường, thị trấn, cần đẩy mạnh việc tập huấn thường xuyên cho cán bộ tiêm chủng mở rộng cũng như tiêm chủng dịch vụ về các quy định an toàn tiêm chủng. Tăng cường đội ngũ cộng tác viên hỗ trợ việc đưa giấy hẹn tiêm chủng cho trẻ; các cơ sở y tế đưa ra thời gian cụ thể cho từng loại vắc-xin tiêm cho trẻ; số lượng y sĩ, bác sĩ của cơ sở y tế, nhất là trạm y tế xã, phường tham gia vào quy trình tiêm chủng phải đạt chuẩn. Tại các điểm tiêm chủng, cần chốt danh sách trẻ cần tiêm chủng, phát phiếu hẹn có ngày, giờ cụ thể; sử dụng kinh phí thường xuyên đã được bố trí để trang bị các phương tiện, thiết bị cần thiết bảo đảm an toàn tiêm chủng. Các bậc phụ huynh cần tuân thủ lịch tiêm chủng của Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, nhất là với trẻ em dưới 5 tuổi. Vì vắc-xin rất quan trọng đối với trẻ, khi được tiêm đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng quy định, sẽ có tác dụng cao nhất phòng, chống tất cả các loại bệnh đã được tiêm cho trẻ.

Thời điểm tiêm vắc-xin sởi cho trẻ đạt hiệu quả

Bệnh sởi đang bùng phát tại nhiều địa phương với hàng nghìn ca bệnh trong năm 2014, khiến rất nhiều bậc phụ huynh lo lắng. Bên cạnh việc tìm hiểu về triệu chứng, nguyên nhân, cách phòng ngừa và điều trị bệnh sởi, vẫn còn nhiều bậc phụ huynh có con nhỏ không biết khi nào tiêm vắc- xin sởi để tạo miễn dịch tốt nhất. Số liệu thống kê cho thấy: Tính từ đầu năm 2014 đến nay, Việt Nam đã có 8.441 trường hợp sốt phát ban dạng sởi, tại 61/63 tỉnh, thành phố. Các cơ sở y tế lấy 4.335 mẫu xét nghiệm, trong đó có 2.303 mẫu dương tính với sởi (53%). Tích lũy từ cuối tháng 12 - 2013 đến ngày 15-4-2014 ghi nhận 3.126 trường hợp mắc sởi, có 25 trường hợp tử vong do sởi đã được xác định trên 108 trường hợp tử vong liên quan đến bệnh sởi, đặc biệt là trẻ em. Các trường hợp mắc bệnh rải rác tại nhiều tỉnh. Tại một số tỉnh, ghi nhận ổ dịch sởi tập trung với quy mô nhỏ và vừa như tại các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Tuyên Quang, Hà Giang. Trong khi đó, ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh không xuất hiện ổ dịch sởi tập trung lớn, nhưng số mắc rải rác xảy ra trên diện rộng. PGS, TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Qua phân tích các trường hợp tử vong có liên quan bệnh sởi cho thấy, các trường hợp tử vong là do viêm phổi liên quan sởi hoặc biến chứng viêm phổi sau mắc sởi. Nguyên nhân chết, chủ yếu là viêm phổi sau sởi liên quan đến giai đoạn chuyển mùa đông - xuân, khí hậu ở phía bắc lạnh và ẩm khiến các bệnh đường hô hấp phát triển mạnh trong giai đoạn này. Song có nhiều ca bệnh do vi-rút và vi khuẩn gây viêm phổi ở trẻ nhỏ đi kèm với sởi hoặc mắc biến chứng sau sởi rất khó phân lập và xác định được nguyên nhân. Theo các chuyên gia vi-rút học cho thấy, các chủng vi-rút sởi ở Việt Nam chưa có những biến đổi gien một cách khác biệt so với sự lưu hành của các chủng vi-rút trong khu vực, cũng như không có sự gia tăng về độc lực. Do vậy, việc xuất hiện, gia tăng bệnh sởi và một số ổ dịch thời gian qua với quy mô nhỏ, tập trung hoặc rải rác được nhận định là do tính chất chu kỳ dịch xuất hiện sau bốn, năm năm kể từ vụ dịch (năm 2009 - 2010). Nguyên nhân, do quá trình tích lũy những trường hợp trẻ em không được tiêm chủng hoặc có được tiêm chủng nhưng không tạo được miễn dịch qua các năm và mắc bệnh. Điều này, phù hợp với diễn biến dịch sởi trên thế giới và khu vực của các nước triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng vắc-xin sởi cho trẻ em. Qua phân tích các trường hợp mắc sởi ở nước ta thời gian qua cho thấy, phần lớn người bệnh mắc sởi đều không được tiêm chủng, hoặc không rõ về tình trạng tiêm chủng (chiếm 87,6%), chỉ có rất ít trẻ đã tiêm vắc-xin đủ mũi bị mắc bệnh (4,2%). Theo dõi tại nhiều tỉnh, thành phố thuộc khu vực đồng bằng nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao số ca mắc xảy ra rải rác. Điều này khẳng định việc tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi đã đạt được hiệu quả tốt, đồng thời tạo được nền miễn dịch cao trong cộng đồng. Phân tích theo nhóm tuổi, chủ yếu số trẻ mắc dưới 10 tuổi (trong đó trẻ dưới chín tháng tuổi chiếm tỷ lệ thấp do miễn dịch của mẹ truyền cho con có thể bảo vệ trẻ trong vòng chín tháng sau khi ra đời). Bên cạnh đó, khi trao đổi với các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới, các chuyên gia đều thống nhất: Việc tiêm vắc-xin cho trẻ ở độ tuổi thấp hơn, nhất là trẻ dưới sáu tháng tuổi hiệu lực bảo vệ thấp và không chắc chắn về tính an toàn của vắc-xin đối với trẻ. Như vậy, có thể khẳng định việc tiêm phòng vắc-xin sởi bắt đầu từ tháng thứ chín là tốt nhất để bổ sung cho trẻ có miễn dịch. Vì qua thực tế hiện nay, hầu hết các nước trên thế giới áp dụng tiêm mũi vắc-xin sởi đầu tiên trong khoảng từ 9 đến 12 tháng tuổi.

 

Ngày 22/04/2014
Ban Biên tập Website
(Điểm tin từ các Báo)
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích