Home TRANG CHỦ Thứ 5, ngày 25/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 5 3 0 1 6 0
Số người đang truy cập
5 8 3
 Tin tức - Sự kiện Điểm tin y tế
Điểm báo về các thông tin liên quan đến y tế từ ngày 25/3 đến 27/3 năm 2014

Tuổi trẻ

Vụ trẻ sơ sinh bị bắt cóc tại BV Hùng Vương: Yêu cầu kiểm soát trẻ sơ sinh ra vào BV

Ngày 24-3, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM đã có buổi làm việc với BV Hùng Vương về vụ một trẻ sơ sinh bị bắt cóc tại bệnh viện này vào đêm 17-3 gây bức xúc trong dư luận. Sở Y tế TP yêu cầu lãnh đạo BV Hùng Vương giải trình toàn bộ vụ việc, đồng thời phê bình giám đốc bệnh viện này đã chậm báo cáo nhanh theo quy định lên Sở Y tế TP khi vụ việc mới xảy ra. Qua vụ việc trên, Sở Y tế TP yêu cầu BV Hùng Vương rút kinh nghiệm, siết chặt lại khâu kiểm soát an ninh, đặc biệt tăng cường kiểm soát trẻ sơ sinh ra vào bệnh viện theo đúng quy định của Sở Y tế TP.

Thăm khám ca bệnh "lạ" mới tại Quảng Ngãi

Sáng 24-3, Sở Y tế Quảng Ngãi và y bác sĩ Bệnh viện Phong - da liễu trung ương Quy Hòa đã thăm khám trực tiếp cho ca bệnh đầu tiên được Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ kết luận là mắc bệnh viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân (thường gọi là bệnh “lạ”) được phát hiện trong năm. Bệnh nhân là P.V.T. (37 tuổi), ở thôn Làng Rêu (vùng rốn bệnh “lạ”), xã Ba Điền, huyện Ba Tơ, nhập viện hôm 19-3 trong tình trạng tổn thương da ở bàn tay, bàn chân, men gan tăng cao. Cùng với thăm khám trực tiếp, đoàn y bác sĩ đã đến tận nhà của bệnh nhân T. kiểm tra vệ sinh quanh nhà, gia đình bệnh nhân T. đã ăn gạo ủ ba tháng qua. Cùng ngày, hàng chục y bác sĩ đã đến vùng tái phát bệnh “lạ” ở huyện Ba Tơ khám sàng lọc bệnh, lấy máu và cấp phát thuốc bổ sung vi chất cho những thành viên của gia đình bệnh nhân P.V.T. và gần 20 hộ dân khu vực Làng Rêu. Hiện vẫn chưa phát hiện thêm ca mắc mới. Ông Lê Hàn Phong, chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, cho biết từ tháng 12-2013 đến nay đã cấp hết gạo trắng do Chính phủ hỗ trợ cho dân vùng bệnh “lạ”. Tuy nhiên, ông Phong nêu quan điểm: “Gạo người dân dự trữ sau thu hoạch mùa vẫn còn rất nhiều. Việc cho rằng dân ăn gạo mốc, gạo ủ là nguyên nhân gây bệnh thì không phải. Phải nghiên cứu một hướng khác để sớm tìm ra căn nguyên gây bệnh” - ông Phong nói.

Người đàn ông không mạch được điều trị miễn phí

Ngay sau khi báo Tuổi Trẻ ngày 25-3 có bài “Người đàn ông không mạch”, chiều cùng ngày, thông qua báo Tuổi Trẻ, các bác sĩ của BVĐK Tâm Trí Đà Nẵng đã vào tận nhà ông Lê Văn Khi (75 tuổi, trú thôn 3, xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, Quảng Nam) để thăm khám. Qua khám ban đầu, ThS.BS. Nguyễn Thị Hiếu – trưởng khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện đa khoa Tâm Trí Đà Nẵng) cho biết, không đo được mạch quay, khủy tay, mạch mu bàn chân. Còn mạch cảnh, mạch bẹn vẫn bắt được. Nhịp tim không đều. Đây là một trường hợp hiếm gặp trong y khoa. Sau khi thăm khám, các bác sĩ đã đưa ông Khi ra Bệnh viện đa khoa Tâm Trí Đà Nẵng để tiện cho việc điều trị. Bác sĩ Đoàn Võ Thị Kim Ánh-Giám đốcBVĐK Tâm Trí Đà Nẵng cho biết, sau khi thông tin về ông Khi đăng trên báo Tuổi Trẻ, bệnh viện quyết định đưa bác sĩ vào thăm khám cho bác Khi. Sau đó, đưa bác ra BV và điều trị bệnh miễn phí hoàn toàn việc khám, xét nghiệm, chữa trị và cả chi phí ăn ở. Bác sĩ Ánh cũng khẳng định: “Ngày mai, chúng tôi sẽ hội chẩn BV, đồng thời tiến hành các xét nghiệm để chẩn đoán, điều trị bệnh cho bác Khi. Nếu vượt quá khả năng của BV, chúng tôi sẽ mời các bác sĩ ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đến để hỗ trợ điều trị”. Như Tuổi Trẻ đã thông tin, ông Lê Văn Khi mắc chứng bệnh lạ kỳ là nhiều năm qua không mạch, không huyết áp và vẫn sống bình thường. Một tháng ông lên cơn tức ngực hai lần. Mỗi đêm ông chỉ ngủ khoảng một giờ, ban ngày cố chợp mắt vẫn không tài nào yên giấc.

Canada điều tra vụ nghi nhiễm virus Ebola

Ngày 25-3, chính quyền Canada cho biết một người đàn ông trở về Canada từ Liberia đã phải nhập viện vì xuất hiện những triệu chứng của loại virus chết người Ebola. Theo hãng tin AFP, Bộ Y tế Canada tuyên bố hiện người đàn ông này đang được điều trị cách li. Gia đình ông ở tỉnh Saskatchewan cũng đã được cách li. “Chúng tôi chưa khẳng định đây là virus Ebola. Chúng tôi đã thực hiện các biện pháp để ngăn chặn nguy cơ lây bệnh” - Bộ Y tế cho biết. Các quan chức y tế Canada cũng khẳng định người đàn ông này chỉ phát bệnh sau khi trở lại Canada. Do đó, nguy cơ lây truyền virus Ebola trong thời điểm ông ta đi máy bay là không lớn. “Người bệnh không có nguy cơ truyền nhiễm cao trong giai đoạn ủ bệnh” - bà Denise Werker, một quan chức y tế ở Saskatchewan, cho biết. Hiện tại, nhà chức trách Guinea đang nỗ lực ngăn chặn dịch virus Ebola lây lan. Ít nhất 59 người đã thiệt mạng tại Guinea. Trong khi đó, các trường hợp nghi nhiễm virus Ebola đầu tiên cũng đã xuất hiện ở Liberia. Virus Ebola là một trong những loại virus nguy hiểm nhất thế giới. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính tỷ lệ tử vong ở người nhiễm virus này là 25-90%. Đến nay y học thế giới vẫn chưa phát triển được liệu pháp chữa trị nào. Virus Ebola lây từ động vật hoang dã sang người và có thể lây trực tiếp từ người sang người qua tiếp xúc với máu, phân, mồ hôi, hoặc qua đường tình dục. Các triệu chứng mắc bệnh là sốt cao, đau nhức cơ bắp, nôn mửa, tiêu chảy, chảy máu không thể cầm… Virus Ebola lần đầu tiên xuất hiện tại Cộng hòa Congo năm 1976.

Khám, hội chẩn cho anh Nguyễn Mậu Dự

Sáng 26-3, tại Bệnh viện đa khoa Tâm Trí Sài Gòn, anh Nguyễn Mậu Dự (nhân vật trong bài “Chỉ mong có nơi nào đó phẫu thuật giúp tôi”, Tuổi Trẻ ngày 24-3) đã được các bác sĩ BV Ung bướu TP.HCM và BVĐK Tâm Trí Sài Gòn khám, hội chẩn để đánh giá tình trạng khối u trên mặt bệnh nhân. TS.BS Bùi Xuân Trường-Trưởng khoa đầu cổ và tạo hình BV Ung bướu TP.HCM, người trực tiếp khám cho bệnh nhân Dự cho biết qua khám lâm sàng sơ khởi cho thấy anh Dự bị đa u sợi thần kinh type 1. Khối u có kích cỡ rất lớn (35x35x30 cm), lan rất rộng từ vùng đỉnh đầu đến vùng cổ cằm, toàn bộ mang tai, vùng má phải. Khối u gây tổn thương rất nhiều đến các cơ quan lân cận là vùng mang tai, thần kinh 7 làm bệnh nhân hạn chế cử động. Về khả năng phẫu thuật, TS Xuân Trường cho biết tuần này bệnh nhân sẽ được chụp CTA để đánh giá vấn đề tưới máu của khối u, tổn thương xương; chụp MRI để đánh giá sự lan rộng của khối bướu đến các bộ phận xung quanh; sinh thiết bướu, nội soi, khám mắt, siêu âm… Khi có kết quả mới đánh giá kết luận có phẫu thuật được không. Nếu phẫu thuật cũng chỉ có thể cắt một phần khối u (khoảng 70-80%) rồi tái tạo gương mặt cho bệnh nhân tương đối bình thường hơn so với hiện nay.

Khó kiểm soát huyết áp do ngáy, ngưng thở lúc ngủ

ThS.BS Hoàng Đình Hữu Hạnh - khoa thăm dò chức năng và trung tâm chăm sóc hô hấp Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận một bệnh nhân đến khám vì ngáy và buồn ngủ ban ngày. Bệnh nhân cho biết ông rất sợ họp vào buổi sáng (khoảng 7-9g), làm việc không tập trung và người xung quanh hay phàn nàn ông “cứ ngồi đâu ngủ gật đó”. Ban ngày ông cũng rất sợ chạy xe trên đường vắng vì sợ ngủ gục. Bệnh nhân là ông Đ.H. (39 tuổi, TP.HCM), tuy tuổi còn khá trẻ nhưng đã bị tăng huyết áp mấy năm nay. Dù điều trị phối hợp cùng lúc ba loại thuốc hạ huyết áp ở liều rất cao, nhưng huyết áp ông H. vẫn chưa được kiểm soát tốt, luôn dao động ở mức cao (170-180/110-120 mmHg). Ngoài ra, ông H. còn bị béo phì (cao 1,67m, cân nặng 94kg), đang điều trị rối loạn mỡ máu. Qua đo đa ký giấc ngủ cho thấy bệnh nhân ngưng thở 303 lần trong một đêm do bị xẹp đường dẫn khí. Ông H. được chẩn đoán ngưng thở lúc ngủ do tắc nghẽn mức độ nặng. Theo bác sĩ Hữu Hạnh, trường hợp của ông Đ.H. cảnh báo tình trạng ngáy và ngưng thở lúc ngủ không phải chuyện bình thường vì nguy cơ tai nạn giao thông (cao gấp 2-7 lần người bình thường) do buồn ngủ; bệnh nhân dễ bị biến chứng tim mạch (đột quỵ, nhồi máu cơ tim) do tăng huyết áp không kiểm soát được.

Nhân dân

Thầy thuốc thân thiện, người bệnh hài lòng

Đó là mục tiêu chung của tập thể người làm nghề y ở tỉnh Bắc Ninh. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, các bác sĩ, y tá luôn trăn trở tìm giải pháp, khắc phục hạn chế, khuyết điểm, phục vụ người bệnh tốt hơn, để bệnh nhân tin tưởng và tìm đến, không khám, chữa bệnh vượt tuyến. Tham quan BVĐK huyện Tiên Du, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên, tuy cơ sở vật chất chật hẹp nhưng số lượng người đến khám bệnh khá đông. Tất cả các khoa, phòng đều có người lấy số, ngồi chờ. Bà Nguyễn Thị Quyết ở thị trấn Lim cho biết, đang chờ để đưa cháu vào khám vì có biểu hiện ho, sốt. Bà và gia đình tin tưởng vào sự chăm sóc của nhân viên y tế ở đây mỗi khi có người nhà mắc bệnh hay sinh con. Ngồi kế bên, anh Nguyễn Ngọc Dương, 29 tuổi ở xã Cảnh Hưng cũng đang chờ để khám theo diện bảo hiểm y tế tự nguyện. Anh Dương chia sẻ, mỗi lần đến khám đều nhận được sự tư vấn tận tình của bác sĩ, sau khi dùng thuốc đều khỏi bệnh. Cũng như bà Quyết, anh nói, không có chuyện sách nhiễu tiền nong hay phiền hà gì, mọi thủ tục đều rất nhanh gọn, cho nên hầu như anh không phải khám, chữa bệnh vượt tuyến. Theo Bí thư Chi bộ, Giám đốc BVĐK Tiên Du Nguyễn Bá Quý, Chi bộ BV luôn chọn tiêu chí nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh làm chủ đề cho các buổi sinh hoạt chuyên đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Một số hạn chế trong công tác khám chữa bệnh đã được Chi bộ phân tích, tìm giải pháp để giảm nhẹ các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian chờ đợi kết quả cận lâm sàng; phát triển chuyên môn kỹ thuật trong phân tuyến và vượt tuyến; nâng cao chất lượng khám và điều trị; thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên môn như bình bệnh án điều trị, bình phiếu cấp phát thuốc ngoại trú theo chẩn đoán bệnh; lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của nhân dân, phân công rõ trách nhiệm của từng thành viên Ban chỉ đạo thực hiện Quy tắc ứng xử, nâng cao y đức... Hiệu quả hoạt động của các phòng, khoa là tiêu chí đánh giá công tác quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Được biết, Chi bộ BV đã xây dựng hệ thống chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp phù hợp chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng khoa, phòng. Cụ thể, Khoa cấp cứu hoàn thiện kỹ năng giao tiếp, ứng xử, giảm phiền hà cho người bệnh; khám bệnh, kê đơn chính xác; Khoa Nội tổng hợp nâng cao chất lượng khám và điều trị, chăm sóc người bệnh tận tình, chu đáo; Khoa Ngoại sản bảo đảm an toàn trong phẫu thuật, thủ thuật, không nhận quà biếu của người bệnh; Khoa Dược cận lâm sàng cung ứng đủ thuốc điều trị, thực hiện xét nghiệm chính xác, rút ngắn thời gian trả kết quả xét nghiệm. BV quan tâm đào tạo chuyên môn sâu, cử người đi học ở các bệnh viện tuyến trên, hoặc mời các bác sĩ giỏi về hỗ trợ chuyên môn trong các ca khó để đào tạo tại chỗ. Hai năm qua, bệnh viện đã thực hiện thêm hơn 20 kỹ thuật trong phân tuyến, trong đó một số kỹ thuật cao như Laser nội mạch, kéo giãn cột sống, siêu âm doppler màu tim, mạch máu... Phó Giám đốc, bác sĩ chuyên khoa cấp 1 Nguyễn Văn Đưởng, cho biết, từ năm 2011 đến nay, toàn bộ các trường hợp u xơ tử cung, cắt tử cung hoàn toàn, phẫu thuật mổ lấy thai lần hai... đều được thực hiện tại tuyến huyện và chưa xảy ra tai biến nào. Sự tin tưởng của nhân dân thể hiện qua tỷ lệ lượt khám bệnh năm qua đạt gần 110% so chỉ tiêu, tương đương 70% số dân trong vùng, dù vị trí của bệnh viện không mấy thuận lợi (người dân một số xã như Hoàn Sơn, Đại Đồng, Lạc Vệ, Tân Chi đi thẳng lên bệnh viện tuyến tỉnh gần hơn đến Bệnh viện huyện). Còn tại BVĐK huyện Yên Phong, chúng tôi gặp một số nữ công nhân làm việc trong khu công nghiệp gần đó đến tư vấn sức khỏe sinh sản. Phó Bí thư Chi bộ, Phó Giám đốc Nguyễn Văn Tiệm nhận định, việc thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa trên địa bàn khiến cơ cấu bệnh tật cũng thay đổi. Ngoài việc phục vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân trong huyện, bệnh viện tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân là lực lượng lao động từ nơi khác chuyển đến, làm việc trong các khu công nghiệp. Tương quan bệnh tật thời gian qua có chiều hướng tăng bệnh nhiễm khuẩn, tim mạch, rối loạn chuyển hóa, tai nạn thương tích... Ứng phó với thay đổi đó, Chi bộ, Ban Giám đốc bệnh viện đã chỉ đạo tăng số bàn khám, bố trí khu vực khám bệnh thuận tiện, sắp xếp lại các khoa phòng, nhất là các khoa lâm sàng cho phù hợp, tạo thuận lợi cho người bệnh, người nhà bệnh nhân và điều kiện làm việc của đội ngũ cán bộ y tế. Vượt qua khó khăn về cơ sở vật chất, nhân lực, năm qua, bệnh viện đã thực hiện hơn 80% kỹ thuật phân tuyến, điều trị cơ bản các bệnh theo phân tuyến, nâng cao chất lượng phẫu thuật ngoại sản và chuyên khoa, phát triển ba kỹ thuật vượt tuyến là mổ lấy thai lần hai, mổ cắt tử cung hoàn toàn và sử dụng kỹ thuật xoa bóp bằng máy, xác xuất an toàn gần như tuyệt đối. Bệnh viện còn xây dựng và triển khai tỉ mỉ các phương án phòng, chống thảm họa, dịch bệnh, dự trù trang thiết bị y tế, cơ số thuốc, sẵn sàng ứng phó khi tình huống xảy ra. Chính sự chuẩn bị chu đáo này, nên mới đây, trong tình trạng nguy cấp, bệnh viện đã kịp thời xử lý ca ngộ độc thực phẩm tập thể. 70 bệnh nhân đã được điều trị đúng hướng, khỏi bệnh và ra viện an toàn. Qua một số phiếu thăm dò ý kiến của người bệnh và gia đình, hầu hết các góp ý tập trung kiến nghị nâng cấp cơ sở vật chất, môi trường bệnh viện, không có phàn nàn về y đức. Ngoài ra còn có những bức thư cảm ơn kíp trực cấp cứu đã cứu sống người thân của họ trong tình trạng bị chửa ngoài tử cung, vỡ có sốc mất máu, mổ lấy thai cấp cứu, chấn thương nặng... Tiếp xúc với bác sĩ, y tá, bệnh nhân... ở đây, dễ dàng nhận thấy không chỉ có các khẩu hiệu như Ba S: sàng lọc, sạch sẽ, săn sóc; Ba không: không nặng lời, không thờ ơ, không từ chối; hay Lời chào thân thiện; Điều dưỡng chăm sóc toàn năng... chúng tôi còn thấy rõ trách nhiệm, tình cảm của những "lương y" và sự đón nhận, tri ân bằng niềm tin từ người bệnh.

Chương trình "Mang âm nhạc đến bệnh viện" số 71

Ngày 26-3, tại Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) diễn ra chương trình "Mang âm nhạc đến bệnh viện" số 71, nhân dịp kỷ niệm 83 năm Ngày thành lập Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh (26-3-1931 - 26-3-2014). Chương trình có sự tham gia của các nghệ sĩ, ca sĩ: Hồng Liên, Thái Bảo, Thái Thùy Linh, Bùi Anh Tuấn, Ðinh Mạnh Ninh, ảo thuật gia Duy Nguyễn, MC Tuấn Tú (VTV6), Hoàng Khánh, Khả Ly... Ðến với Bệnh viện Xanh Pôn lần này, Ngân hàng TMCP Ðầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV tiếp tục dành tặng 10 suất quà cho 10 bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, tất cả số tiền quyên góp được từ hòm từ thiện của chương trình sẽ được dành tặng các bệnh nhân đặc biệt khó khăn đang điều trị tại bệnh viện.

Không lơ là phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm và tái nổi

Phát biểu ý kiến tại cuộc phát động chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm A(H7N9), cúm A(H5N1) lây sang người tại tỉnh Lạng Sơn (ngày 22-3), Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định: Việt Nam đang phải đối mặt nguy cơ kép về khả năng lây truyền dịch bệnh. Đó là nguy cơ xâm nhập cúm A(H7N9) và nguy cơ lây nhiễm cúm A(H5N1) từ gia cầm trong nước lây sang người. Tháng 1-2014, Việt Nam ghi nhận hai người mắc và tử vong do cúm A(H5N1) sau chín tháng không có ca bệnh trên người. Hiện nay, dịch cúm trên gia cầm vẫn đang xảy ra tại hơn 20 tỉnh trên cả nước, cho nên nguy cơ dịch bệnh cúm A(H5N1) bùng phát trên người là rất lớn. Đối với bệnh cúm A(H7N9), đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, trong ba tháng đầu năm 2014 đã ghi nhận gần 400 trường hợp mắc cúm, số các ca mắc tăng cao đột biến, cao hơn của cả năm 2013. Đây là dịch bệnh nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao và nguy cơ dịch xâm nhập, bùng phát tại Việt Nam là rất lớn do sự giao lưu, đi lại, buôn bán của người dân Việt Nam tới các khu vực ổ dịch tại Trung Quốc. Bên cạnh bệnh cúm A(H5N1) và cúm A(H7N9), các bệnh nguy hiểm và mới phát hiện khác như bệnh viêm đường hô hấp cấp tính khu vực Trung Đông (MERS-CoV), cúm A(H10N8), cúm A(H6N1) cũng được tăng cường triển khai các biện pháp giám sát cùng với dịch cúm A(H7N9), nhưng đến nay chưa ghi nhận trường hợp mắc nào tại Việt Nam. Với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, cúm A(H5N1) đã được khống chế, không có thêm người nhiễm cúm, số địa phương ghi nhận cúm A(H5N1) trên gia cầm cũng đang giảm dần; chưa ghi nhận trường hợp nhiễm cúm A(H7N9); các bệnh đang lưu hành tại Việt Nam có xu hướng giảm rõ rệt. Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong thời gian tới có thể xảy ra và vẫn còn một số khó khăn, thách thức: mô hình bệnh tật thay đổi, các bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp, nhất là các dịch bệnh mới nổi cúm A(H5N1), cúm A(H7N9), MERS-CoV xuất hiện khó lường trước và có nguy cơ xâm nhập, bùng phát rất cao tại Việt Nam. Bên cạnh đó là vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu, thời tiết biến động bất thường, ô nhiễm môi trường, gia tăng dân số, đô thị hóa, giao lưu đi lại giữa các nước ngày càng gia tăng; nhận thức và thực hành hành vi vệ sinh cá nhân phòng bệnh của người dân ở cộng đồng còn chuyển biến chậm do điều kiện sống chưa phát triển và tập quán của người dân chưa thay đổi. Điều kiện kinh tế tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, kinh phí cho công tác chủ động phòng, chống dịch còn hạn chế, chưa đáp ứng đủ so với nhu cầu thực tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Trước những thách thức nêu trên, Bộ Y tế đã xác định rõ ứng phó với bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và tái nổi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cần phải triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng phòng, chống dịch bệnh. Trong đó tập trung vào một số giải pháp cụ thể: Hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Củng cố các đội chống dịch cơ động và đội cấp cứu lưu động tại các tuyến Trung ương, tỉnh, huyện để kịp thời điều tra xử lý ổ dịch và hỗ trợ các địa phương khi cần thiết. Phát huy vai trò phối hợp và chỉ đạo liên ngành trong lĩnh vực y tế dự phòng của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp, mang tính đa ngành nhằm thống nhất các hoạt động chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc. Đẩy mạnh đầu tư nâng cao năng lực xét nghiệm, xây dựng các phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp ba, cấp bốn tại các viện vệ sinh dịch tễ, Pa-xtơ có đủ năng lực xét nghiệm phát hiện các bệnh nguy hiểm và mới nổi. Bên cạnh đó, thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế (IHR), nhằm tăng cường sự điều phối, chia sẻ thông tin và huy động các nguồn lực trong việc giám sát, đáp ứng dịch bệnh truyền nhiễm. Chủ động nguồn vắc-xin trong phòng bệnh, đầu tư phát triển công nghệ sinh học để nghiên cứu, sản xuất, thử nghiệm vắc-xin nhằm bảo đảm nhu cầu sử dụng trong nước. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế để huy động các nguồn lực bảo đảm cung cấp đủ vắc-xin an toàn phục vụ cho tiêm chủng mở rộng, từng bước bổ sung các vắc-xin mới vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Phát triển nguồn nhân lực phục vụ công tác đáp ứng chống dịch thông qua việc xây dựng các chính sách thu hút cán bộ làm việc trong lĩnh vực y tế dự phòng, áp dụng các loại hình đào tạo theo hướng chuyên môn hóa, tăng cường khả năng về thực hành nhằm đáp ứng và từng bước phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho hệ thống.

Sức khoẻ đời sống

Biểu dương y sĩ hiến máu cứu sống sản phụ

Sở Y tế Bắc Giang đã biểu dương y sĩ Đoàn Văn Hải, BVĐK huyện Tân Yên đã hiến máu kịp thời cứu sống sản phụ Lương Thị Hồng theo nguyện vọng của gia đình bệnh nhân. Ngày 24/3, Giám đốc Sở Y tế Bắc Giang o­ng Thế Viên cho biết, từ nội dung phản ánh của người dân đến đường dây nóng của Bộ Y tế, Sở Y tế đã xác minh thông tin về trường hợp bệnh nhân Lương Thị Hồng được cấp cứu tại bệnh viện đa khoa huyện Tân Yên và được y sĩ Đoàn Văn Hải hiến máu cứu sống. Qua xác minh, Sở Y tế nhận định thông tin của người dân phản ánh đến đường dây nóng Bộ Y tế là chính xác và đã ra quyết định khen thưởng số 358/QĐ-SYT ngày 20/3/2014 cho cá nhân y sĩ Đoàn Văn Hải, khoa Ngoại – sản, BVĐK Tân Yên đã có thành tích hiến máu cứu người bệnh. Trước đó, theo báo cáo của BVĐK Tân Yên, hồi 20 giờ 45 phút ngày 14/3, bệnh nhân Lương Thị Hồng, 30 tuổi, ở thôn Xuân Tiến, xã Liên Chung, huyện Tân Yên nhập viện do đau bụng ra huyết âm đạo, được chẩn đoán chửa ngoài tử cung có choáng và được chỉ định mổ cấp cứu. Trong khi mổ, bệnh nhân bị mất máu nhiều khoảng trên 2.000ml. Y sĩ Đoàn Văn Hải là cán bộ tít dụng cụ phụ mổ, sau khi thấy bệnh nhân mất máu nhiều, xét nghiệm máu 10 người nhà không có ai cùng nhóm máu A với bệnh nhân, trong khi y sĩ Hải có cùng nhóm máu này nên đã tự nguyện cho 350ml máu của mình để truyền cho bệnh nhân. Được biết, y sĩ Hải cũng đã từng hiến máu nhân đạo 6 lần. Sở Y tế Bắc Giang đã biểu dương tinh thần hết lòng phục vụ, cấp cứu người bệnh của y sĩ Đoàn Văn Hải trước toàn ngành và xem đây là tấm gương sáng về y đức để cho đội ngũ cán bộ y tế noi theo.

‘Bác sĩ chăm bà tôi còn khéo hơn cả con cháu...’

Nhiều khi các bác sĩ, điều dưỡng vào hỏi thăm bà còn khéo hơn cả con cháu. Dường như không còn khoảng cách giữa bác sĩ và bệnh nhân. Chính vì thế, chúng tôi càng có niềm tin và sức mạnh để cùng các y bác sĩ cứu chữa cho bà… Sau hơn một tháng điều trị tại khoa cấp cứu, điều trị tích cực (BV Nhiệt đới TW), mẹ tôi đã được ra viện. Mặc dù tình trạng sức khỏe của bà vẫn chưa được bình phục hẳn nhưng đó là một niềm vui vô cùng to lớn đối với tôi và toàn thể gia đình. Thay mặt gia đình xin chân thành cảm ơn sự chăm sóc nhiệt tình cứu chữa của ban giám đốc bệnh viện, ê kíp bác sĩ, y tá của khoa. Một tháng đối với bệnh nhân bị bệnh nhẹ thì rất dài nhưng đối với người bệnh nặng như mẹ tôi thì lại là quá ngắn. Chị em tôi đã trải qua các cung bậc cảm xúc khác nhau: lo lắng, mệt mỏi, thất vọng rồi lại hy vọng… Nhiều khi trên đường từ nhà đến bệnh viện và ngược lại, cái lạnh ngoài trời cũng không bằng cái lạnh trong lòng khi chứng kiến cảnh người thân của mình bị bệnh nặng như vậy. Một tháng đầy kỷ niệm và những trải nghiệm. Bác Hồ có câu: “Lương y như từ mẫu”; lời dậy của Bác thật đúng. Trước đây, tôi đã từng đến một số bệnh viện khác, vẫn có một số bác sĩ cửa quyền, quát mắng bệnh nhân và người nhà. Thật ngạc nhiên gia đình chúng tôi không gặp những điều đó tại BV Nhiệt đới TW. Tất cả đội ngũ y bác sĩ đều nhiệt tình, nhẹ nhàng, chu đáo. Bác sĩ Kính – Giám đốc BV ngoài là một lương y, ông còn là một người quản lý vất vả, bận rộn nhưng ông vẫn dành thời gian để đến chỉ đạo và hỏi thăm bệnh tình của mẹ tôi. Bác sĩ Cấp – Trưởng khoa, bác sĩ Thắng, và đặc biệt là bác sĩ Thân Mạnh Hùng – người trực tiếp theo dõi và điều trị cho mẹ tôi rất nhiệt tình và hết lòng cứu chữa, thân thích như người nhà, khuyến khích an ủi bà. Các y tá, điều dưỡng hay các học viên thực tập cũng vậy họ rất nhẹ nhàng, ân cần, chu đáo. Nhiều khi các bác sĩ hay điều dưỡng vào hỏi thăm bà còn khéo hơn cả con cháu. Họ quả là những bác sĩ có chuyên môn cao, y đức rất tốt, thân tình, chu đáo.... Dường như khoảng cách không còn giữa bệnh viện và bệnh nhân. Chúng tôi như có niềm tin và sức mạnh để cùng các y bác sĩ cứu chữa cho bà. Một ê kíp là việc chuyên nghiệp, năng động. Nhớ lại những lần lọc máu cho mẹ tôi, mạch của bà rất yếu, tuổi cao song các bác sĩ và điều dưỡng vẫn liên tục kiên nhẫn đứng hàng giờ để vận dụng máy móc miễn sao cho bệnh được điều trị tốt nhất. Gia đình chúng tôi rất xúc động và trân trọng. Một mùa xuân mới lại đến, thay mặt gia đình kính chúc đội ngũ y bác sĩ một năm mới an khang thịnh vượng, may mắn và thành công. Năm mới thách thức mới, nhiều bệnh nhân vẫn chờ đợi sự cứu chữa của các bác sĩ. Gia đình chúng tôi luôn mang ơn các bác sĩ và không bao giờ quên công ơn ấy…

GS.BS. Trịnh Ngọc Phan: Người thầy của ngành truyền nhiễm Việt Nam

41 năm làm nghề y, trong đó 37 năm cốGS.BS. Trịnh Ngọc Phan là người thầy, người đứng đầu, người sáng lập, tổ chức và lãnh đạo ngành truyền nhiễm Việt Nam trưởng thành và lớn mạnh. Giáo sư đã dạy dỗ biết bao khóa bác sĩ đa khoa, chuyên khoa, nội trú và nghiên cứu sinh. Các học trò của thầy đã có mặt ở khắp mọi miền đất nước để chiến đấu chống chọi với đủ các loại bệnh tật hiểm nghèo và các dịch bệnh. Mỗi học trò của thầy đều nhớ mãi nhiều kỷ niệm và những ấn tượng đậm nét, với sự kính trọng và niềm cảm phục. GS.BS. Trịnh Ngọc Phan là một tấm gương sáng đẹp của nghề thầy giáo và thầy thuốc cao quý. GS.BS. Trịnh Ngọc Phan sinh ngày 30/3/1914 tại vùng quê Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội trong một gia đình Nho học, đời nào cũng có người làm nghề thầy thuốc. Cụ tổ Trịnh Đình Ngoạn là quan Chưởng Viện Thái Y nổi tiếng, có công xây Y miếu ở Thăng Long (1773), thờ phụng hai vị danh y Việt Nam là Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Giáo sư từ trần ngày 31/5/1985, cách đây 29 năm. Ông là học sinh học giỏi của Trường Chu Văn An, thi đỗ vào Trường đại học Y Dược khoa Đông dương và tốt nghiệp bác sĩ hạng ưu. Năm 1944, BS. Trịnh Ngọc Phan về làm việc tại Khoa Truyền nhiễm, nơi mà từ năm 1911 chínhquyềnPháp đã xây dựng 7 dãy nhà riêng biệt, được người dân gọi tên là Nhà thương Lây Cống Vọng, khu nhà đầu tiên của BV Bạch Mai. Nơi đây, BS. Phan đã gắn bó cả cuộc đời cho sự nghiệp chữa trị các bệnh lây, bệnh lao và các bệnh khác là các bệnh truyền nhiễm, bệnh dịch ở nước Việt Nam nhiệt đới, mà bệnh nhân hầu hết là người nghèo.

Người thầy thuốc chuẩn mực

GS.BS. Trịnh Ngọc Phan luôn chú trọng đến việc chẩn đoán bệnhđúng và sớm, tránh cho bệnh nhân chuyển sang giai đoạn nặng, có nhiều biến chứng, khó điều trị, tốn kém tiền bạc, thời gian và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe. Giáo sư, bác sĩ luôn khẳng định, mỗi người bệnh có các triệu chứng riêng, không bao giờ giống hệt nhau. Người thầy thuốc cần khai thác các triệu chứng, tìm các dấu hiệu thực thể bằng: nhìn, sờ, gõ, nghe, rồi kết nối các điều lại để tìm được nguyên nhân, chẩn đoán được bệnh. Thời ông làm việc chỉ có các xét nghiệm thông thường, không có nhiều máy móc hiện đại và tốn kém như hiện nay, GS. Trịnh Ngọc Phan thường nhắc nhở học trò không nên làm các xét nghiệm tràn lan, làm khổ thêm bệnh nhân. Ông cho rằng người thầy thuốc phải biết chỉ định xét nghiệm để khẳng định hoặc bác bỏ hoặc để cho biết mức độ bệnh chứ không để các xét nghiệm sai khiến mình, điều mà các danh y người nước ngoài đã nói: “Trình độ của người thầy thuốc thể hiện qua các yêu cầu xét nghiệm”. Thầy thuốc Trịnh Ngọc Phan còn bằng thái độ ân cần, bằng các câu nói, câu hỏi bệnh nhân thật dễ hiểu, giản dị để người bệnh nói đủ và đúng tiền sử bệnh tật. Trong quá trình theo dõi bệnh, ông luôn hỏi y tá, hộ lý để biết tình hình ăn ngủ, tình trạng đờm, nước tiểu, phân của người bệnh. Theo dõi bệnh nhân sốt kéo dài, ông nói y tá theo dõi nhiệt độ bệnh nhân thêm vài lần nữa trong ngày để có chẩn đoán chính xác. Điều trị các bệnh truyền nhiễm phải dùng kháng sinh, GS.BS. Phan luôn nhắc nhở các đồng nghiệp và học trò chỉ dùng thuốc khi cần thiết, còn khi đã dùng thì phải chỉ định đủ liều và liều cao. Có lần y tá báo tin, một bệnh nhân bị bệnh thương hàn đã dùng thuốc đặc trị chloramphenicol mấy ngày không thấy giảm sốt. Ông nhắc kiểm tra xem bệnh nhân có chịu uống thuốc không? Đúng vậy, bệnh nhân là người dân tộc đã giấu thuốc dưới gối vì thuốc đắng. Các thầy thuốc truyền nhiễm là các bác sĩ có trình độ về nội khoa và hồi sức; dấn thân vào nghề phải chịu nhiều thử thách, bản thân có thể bị phơi nhiễm hoặc mang bệnh lây về cho người thân trong gia đình. Bằng tình thương vô bờ với đồng nghiệp và những người giúp việc, ông luôn đề cao và nghiêm khắc trong việc phòngtránhlây chéo trong khoa, trong bệnh viện và có trách nhiệm phòng dịch cho địa phương. Giáo sư là tấm gương về sự không ngừng học hỏi để làm tốt việc chữa bệnh cho bệnh nhân. Đó là những buổi trao đổi về một bệnh khó mới gặp với: GS. Đặng Văn Chung, GS. Võ Tấn, GS. Chu Văn Tường và BS. Nguyễn Ngọc Thắng thường xuyên vẫn đến thăm và trò chuyện với ông tại nhà vào các buổi chiều tối trong những năm Hà Nội chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Ông thường nhờ y tá Lê Văn Lượng là người giỏi ngoại ngữ trong khoa, sau này làm thủ thư BV Bạch Mai tìm giúp các tài liệu chuyên môn từ nước ngoài.

Người thầy giáo uyên bác và tận tụy

Với trí thức uyên bác và kinh nghiệm tích luỹ được, với sự say mê yêu nghề,GS.BS. Trịnh Ngọc Phan đã dành hết tâm huyết cho việc đào tạo thế hệ trẻ và lớp người kế tục. Các buổi lên lớp, mỗi bài giảng của ông là một dòng thác thông tin sáng sủa, mạch lạc, chặt chẽ và đôi khi dí dỏm, làm cho người nghe đầy hứng thú, nhớ lâu và ghi chép hết tốc lực, quên cả mệt mỏi. Sáng sáng, mỗi khi thầy đi buồng thăm bệnh nhân, đông đảo học trò tấp nập vây quanh thầy, háo hức đón chờ học hỏi, ghi chép bài học lâm sàng hay cũng như tận mắt thấy thầy có tình cảm thân thương, ân cần và tận tụy với mỗi bệnh nhân. Chúng tôi còn nhớ trong những năm tháng ấy, rất đều và liên tục hàng tháng, hàng quý và hàng năm, các bộ môn của trường, các khoa của các bệnh viện Trung ương và địa phương, các đồng nghiệp trong giới y học đều nhận được các thông báo được in rô-nê-ô trên giấy Trúc Bạch hết sức bổ ích. Đó là Chương trình bồi dưỡng y học liên tục do BS. Chủ nhiệm khoa Trịnh Ngọc Phan chủ trì tại giảng đường Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai từ 9 giờ 15 phút đến 11 giờ 45 phút vào mỗi sáng thứ bảy hàng tuần với các chủ đề lý thuyết được thông báotrước 3 tháng và có phần thực hành mỗi tuần (Trao đổi giữa các bác sĩ trên một trường hợp lâm sàng hoặc báo cáo nghiên cứu khoa học của cán bộ trẻ). GS.BS. Trịnh Ngọc Phan đã biên soạn nhiều cuốn sách về chuyên ngành truyền nhiễm rất có giá trị cả về lý thuyết và thực tiễn là sách giáo khoa giảng dạy trong các trường đại học, trung cấp y tế và các cơ sở y tế trong cả nước, là cẩm nang quý của các thầy thuốc khắp cả nước. Những công trình nghiên cứuvới gần 100 bản tổng kết lâm sàng và chuyên đề củaGS. Trịnh Ngọc Phan đã được báo cáo tại nhiều Hội nghị khoa học toàn quốc và công bố trên các tạp chí khoa học bằng tiếng Việt và tiếng Pháp, được đánh giá cao về ý nghĩa khoa học và giá trị thực tiễn. Với những đóng góp to lớn cho ngành truyền nhiễm, GS.BS. Trịnh Ngọc Phan đã được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ năm 2000.

Người thầy thuốc nhân văn

Năm 1951, khi đi chợ Hàng Da gần nhà, bà Trịnh Ngọc Phan gặp một phụ nữ gầy gò, ăn mặc rách rưới, ốm yếu, chân và tay lở loét. Bà hỏi, biết tên là Hồng, bị địch bắt tù ở trại tù của quân đội Pháp ở Liễu Giai, bị tra tấn dã man, mang bệnh. Thương cảm, bà đón về nhà để ông giúp chữabệnh. Ông dặn: Nếu có người hỏi, chị Hồng phải khai là người làm công cho gia đình, ông sẽ giúp chữa khỏi bệnh, khôi phục sức khỏe, còn ở lại nhà ông bao nhiêu ngày thì tùy. Mấy tháng sau, chị Hồng khỏi bệnh xin trở về quê nhà. Chị Hồng là nữ du kích, chồng là liệt sĩ. Năm 1969, chị trở lại thăm gia đình. Chị Hồng có tên thật là bà Phí Thị Song, thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tây. Được biết có chuyện cán bộ tổ chức cấp trên có định kiến BS. Trịnh Ngọc Phan đã từ kháng chiến trở về Hà Nội năm 1948, nên ông chịu nhiều thiệt thòi. Bà Song nói: “Tôi đã ở nhà ông Phan mấy tháng, chỉ thấy ông lo chữa bệnh cho người, không làm việc gì có hại cho cách mạng”. Bà Song đã giúp gia đình làm sáng tỏ việc này, các định kiến dần dần được loại bỏ. Những năm trước 1960, vào các ngày Tết Trung thu, ông bà Trịnh Ngọc Phan mang bánh kẹo cho các cháu nhỏ. Tết Nguyên đán hàng năm ông bà có bánh chưng phát chongười nghèo nằm điều trị trong khoa. Ông không lấy tiền mà còn cho thuốc những người bệnh nghèo khi họ đến khám tại phòng khám tư của ông. Sống một cuộc đời giản dị và cần mẫn, quan hệ với mọi người chân thành, cởi mở, với đồng nghiệp và học trò thì độ lượng, bao dung, với bệnh nhân thì thương yêu, hết lòng cứu chữa, GS.BS. Trịnh Ngọc Phan được đồng nghiệp quý mến, tín nhiệm, được học trò kính trọng, tin cậy như người cha thân yêu trong gia đình, được bệnh nhân tin tưởng và ca ngợi. Kế tục sự nghiệp vẻ vang và vinh quang củaGS.BS. Trịnh Ngọc Phan - người đã dành cả cuộc đời xây dựng, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ cho ngành, Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai đã trưởng thành và phát triển thành Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới (1989). Năm 2004, Viện được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới do thành tích xuất sắc đạt được trong chống dịch SARS. Năm 2004, Viện có tên là Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia và năm 2009 trở thành Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trực thuộc Bộ Y tế. Theo gương GS.BS. Trịnh Ngọc Phan, người thầy của nhiều thế hệ thầy thuốc Việt Nam, các học trò của thầy, cáccán bộ và công chức Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương nguyện đoàn kết phấn đấu công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nướcgiao cho, xứng đáng với sự tin cậy của người bệnh và nhân dân cả nước.

Ca ghép tế bào gốc điều trị bại não lần đầu tiên tại Việt Nam

Sự khám phá và ứng dụng tế bào gốc trong những năm gần đây có thể được coi là một cuộc cách mạng kỳ diệu trong y học. Rất nhiều bệnh lý hiểm nghèo như ung thư máu, ung thư hạch, các bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh, suy tủy xương, các bệnh di truyền, bệnh lý xương khớp (thoái hóa khớp...) đã được cứu chữa nhờ ghép tế bào (TB) gốc. Đến nay, công nghệ đưa TB gốc vào điều trị bại não cho trẻ đã được Bệnh viện đa khoa quốc tế (BV ĐKQT) Vinmec tiên phong ứng dụng. Đây là trường hợp đầu tiên ở Việt Nam được ghép TB gốc điều trị bại não.

Bị di chứng bại não sau nhiễm khuẩn huyết nặng

Bé Bùi Duy N. 13 tháng tuổi, con trai thứ 3 của chị Trần Thị P. (Thanh Hóa) từ khi sinh ra đến lúc 10 tháng tuổi phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác. Bé đã biết bò, biết ngồi và bắt đầu bi bô. Ngày 26/12/2013, chị P. nhớ lại bé bị tiêu chảy, rồi sốt cao, co giật, nhập viện và điều trị tại BV Thanh Hóa và BV Nhi Trung ương: phát hiện nhiễm khuẩn huyết dẫn đến di chứng bại não và bị tăng trương lực cơ (người cứng lên, xoắn vặn, gây khó thở, khó ăn uống, khó ngủ, mệt mỏi). Từ đó bé không còn những giao tiếp thông thường, không ngồi và bò được nữa. Gia đình đưa bé đi chạy chữa các nơi, cố bám víu từng tia hy vọng dù nhỏ nhất. Đã biết tiếng tăm của GS.TS. Nguyễn Thanh Liêm từ trước đến nay, nhân dịp Tết Giáp Ngọ GS. Liêm về thăm quê, bố bé N. đã đến nhờ GS giúp đỡ và được tư vấn chỉ còn giải pháp ghép TB gốc điều trị bại não cho bé N. mới có thể có được kết quả khả quan nhất.

Phương pháp điều trị bại não hứa hẹn nhiều thành công

GS.TS. Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc BV ĐKQT Vinmec cho biết, trường hợp cháu N. bị nhiễm khuẩn huyết không rõ nguyên nhân,có những giai đoạn bị sốt cao, co giật, gây sốc nặng. Khi choáng, sốc như vậy, ôxy lên não không đầy đủ gây thiếu ôxy não dẫn đến các tế bào não bị thương tổn, gây bại não. GS. Liêm cũng nhấn mạnh, bại não rất hay gặp ở trẻ sinh ra bị ngạt. Ngày 10/3/2014, bé N. nhập BV ĐKQT Vinmec trong tình trạng sốt, viêm phế quản, duỗi cứng chân, co quắp 2 tay liên tục. Liên tục trong 10 ngày bé N. được điều trị viêm phế quản, nhiễm khuẩn tại Khoa Nhi. Đến ngày 20/3, tình trạng bệnh nhi đã ổn định trở lại, kíp phẫu thuật do GS. Nguyễn Thanh Liêm làm phẫu thuật viên chính và TS.BS. Đỗ Minh Cầm, Khoa Xét nghiệm huyết học đã tiến hành lấy TB gốc ghép cho bé N. Theo GS. Nguyễn Thanh Liêm, TB gốc có thể lấy từ mô mỡ và tuỷ xương. Do các em bé mô mỡ còn rất ít nên trường hợp này phải lấy từ tủy xương. Đây là kỹ thuật khó nhất vì xương chậu của trẻ em rất bé và mỏng manh nên khó khăn hơn so với người lớn rất nhiều. Sau đó khi lấy xong sẽ cho xử lý lọc hết các TB khác, giữ lại TB đơn nhân (TB gốc). Các TB gốc một nửa được bơm vào mạch máu, một nửa bơm vào tủy sống để nhằm thay thế TB thương tổn, phát triển TB não mới và kích hoạt các TB bị hư tổn (nhưng chưa chết hẳn) hoạt động trở lại. Ý tưởng đưa TB gốc vào điều trị bại não xuất phát từ những trường hợp bị đột quỵ ở người lớn đã được ghép TB gốc thành công; người ta nhận thấy những bệnh nhân này được cải thiện rõ rệt về vận động, hồi phục liệt. Nghiên cứu trên thế giới cho thấy, ứng dụng TB gốc điều trị bại não khả năng thành công 60-70%, cải thiện rõ rệt nhất là khả năng vận động (thích ứng, hòa nhập với cộng đồng), tiếp đến là khả năng ngôn ngữ và nhận thức. Hiện tại bé N. sau đợt truyền TB gốc đầu tiên các biểu hiện tiếp nhận tốt, bé mạnh khoẻ, ăn và bú bình thường. Đợt 2 sẽ được truyền tiếp sau đó 1 tuần, kết hợp với các bài tập phục hồi chức năng. Hiệu quả đánh giá sau 3 tháng, 6 tháng và 1 năm. Chi phí một liệu trình điều trị khoảng từ 100 - 120 triệu đồng. GS. Liêm cũng cho biết, thời gian tới, BV cũng sẽ tiến hành ghép TB gốc cho trẻ tự kỷ. Quá trình theo dõi và điều trị cũng giống như với trẻ bại não. Đây sẽ là tin vui cho các bậc cha mẹ có con bị các thương tổn thần kinh từ trước đến nay không còn phương cách chữa trị, mở ra cho họ thêm những hy vọng mới.

Chuyên gia thế giới công nhận những thành tựu của vi phẫu Việt Nam

Trong hai ngày 24-25/03, 120 chuyên gia, bác sĩ phẫu thuật hàng đầu về Vi phẫu thuật Việt Nam và thế giới đã cùng tham dự “Hội thảo Quốc tế về Vi phẫu thuật”, chứng kiến ca phẫu thuật vi phẫu được truyền hình trực tiếp và thực hiện bởi các bác sĩ bệnh viện Quân y 108, Hà Nội. Tại Hội thảo, bác sĩ vi phẫu nổi tiếng đến từ Hoa Kỳ, bác sỹ Craig Merrel và Giáo sư Sheng Feng Jeng , người Đài Loan sẽ cùng chia sẻ với các bác sĩ phẫu thuật đầu ngành của Việt Nam về những thành tựu đạt được trong lĩnh vực này, đồng thời giới thiệu một số kỹ thuật tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay. Hoạt động này không chỉ tạo nên những hiểu biết sâu sắc hơn giữa các chuyên gia, bác sĩ phẫu thuật trong nước mà còn thúc đấy quan hệ hợp tác gắn bó giữa các viện nghiên cứu vi phẫu giữa Hoa Kỳ, Đài Loạn và các bệnh viện Việt Nam. Bác sỹ Craig Merrel nhận bằng khen và kỷ niệm chương của Bệnh viện Quân y 108 vì những đóng góp to lớn của ông trong ngành vi phẫu thuật ở Việt Nam.

Vi phẫu thuật – Một chặng đường lịch sử

Kỹ thuật mổ vi phẫu chỉ mới xuất hiện vào những năm 1920, sau khi phát minh ra kính hiển vi và Carl Nylen lần đầu tiên trong lịch sử dùng kính hiển vi để mổ tai thành công. Ông đã tạo tiền đề cho việc nghiên cứu và phẫu thuật qua kính hiển vi kỹ thuật cao với dụng cụ mổ thiết kế tinh tế. Từ đó đến nay, vi phẫu được áp dụng trong nhiều lĩnh vực như: ghép mạch máu, thần kinh, phẫu thuật bàn tay, tạo hình…Trong nhiều năm qua, vi phẫu thuật đã đạt được những tiến bộ vượt bậc trong cấy ghép và chuyển ghép mô. Ngày nay, vi phẫu thuật là thuật ngữ dùng để chỉ phẫu thuật sử dụng đến kính hiển vi với độ phóng đại thông thường từ 10 - 20 lần để phẫu tích, khâu nối những mạch máu, thần kinh có kích thước chỉ khoảng 1mm, đường kính bằng những sợi chỉ từ 15 - 42 micron (khoảng 1/10 đường kính của sợi tóc). Vi phẫu ra đời giúp nối liền các bộ phận đứt liền của cơ thể, nhờ kỹ thuật nối các mạch máu thành công, hoặc khôi phục lại các cơ vận động bị liệt, điều mà trước đó y học buộc phải bó tay và bệnh nhân chấp nhận những tổn thương vĩnh viễn. Năm 1980, GS Nguyễn Huy Phan là người đã tiên phong thực hiện nghiên cứu, tìm hiểu và thực hiện kỹ thuật mổ vi phẫu tại Việt Nam. Khi đó ông đang công tác ở bệnh viện Quân y 108, Hà Nội. Tuy nhiên, thời kỳ này nước ta vẫn còn thiếu thốn phương thiết bị và bác sĩ Nguyễn Huy Phan vẫn phải tự mày mò nghiên cứu, phát triển thêm về kỹ thuật vi phẫu. Năm 1991, một nhóm các bác sĩ phẫu thuật tạo hình Hoa Kỳ, dẫn đầu bởi bác sỹ Craig Merrel đã tình nguyện đến Việt Nam và bắt đầu chương trình điều trị cho các bệnh nhân cần sự can thiệp của vi phẫu thuật. Bác sỹ Craig cùng các đồng nghiệp đã giới thiệu các kỹ thuật cao trong ngành đến các chuyên gia hàng đầu của Việt Nam thời ấy. Ông và GS Huy Phan nhanh chóng thân thiết, gắn bó như những người anh em, cùng hết lòng truyền dạy kỹ thuật vi phẫu cho các bác sỹ trẻ tại bệnh viện 108. Năm 2002, bác sỹ vi phẫu nổi tiếng thế giới đến từ Đài Loan, GS. Fu Chan Wei và đồng nghiệp, GS Jeng Feng Seng cùng đến Việt Nam theo hợp tác với tổ chức Operation Smile và cùng Bệnh viện 108 xây dựng Chương trình Học bổng Nội trú giữa Operation Smile với Bệnh viện Quốc tế Chang-Gung, Đài Loan, giúp hỗ trợ, đào tạo các bác sỹ vi phẫu tương lai tại Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam là một trong số ít các nước có thể thực hiện thành công hàng trăm ca vi phẫu phức tạp với tỉ lệ phục hồi trên 97%. Trở lại Việt Nam lần này, bác sỹ Craig đã thực sự bất ngờ và xúc động nói: “Các bạn đã tiến bộ tuyệt vời và làm bác sỹ Phan tự hào. Một đồng nghiệp của tôi đã không tin Việt Nam có thể đạt được những thành tựu như ngày hôm nay, nhưng các bạn đã chứng minh rằng anh ấy sai rồi!” Ảnh chụp nội dung bức thư của một đồng nghiệp người Mỹ gửi bác sỹ Craig trong thời gian đầu giảng dạy kỹ thuật vi phẫu cho Việt Nam. Trong thư, người đồng nghiệp cho rằng đào tạo vi phẫu cho bác sỹ Việt rất khó khăn, ông đã thử và không thành công. Giờ đây, bác sỹ Craig khẳng định: "Jack là một người tốt, nhưng anh đã sai rồi".

Những thành tựu vi phẫu Việt Nam

Vi phẫu Việt Nam bắt đầu và phát triển một chặn đường chưa quá 35 năm, nhưng lớp bác sỹ kế cận, những học trò đầy tâm huyết của GS Phan đã nỗ lực không ngừng để học tập và phát triển kỹ thuật vi phẫu, đem đến hạnh phúc cho hàng ngàn bệnh nhân với những tổn thương tưởng như không thể chữa lành được. Từ năm 1991 đến nay, các bác sỹ thuộc bệnh viện Quân Y 108 đã thực hiện phẫu thuật vi phẫu thành công cho khoảng 1754 ca bệnh phức tạp, với tỷ lệ thành công trung bình trên 95%. Trên thế giới, vi phẫu luôn là kỹ thuật khó thực hiện, đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ, chuẩn xác của đội ngũ bác sỹ và chưa bao giờ vi phẫu đảm bảo thành công 100%.

Bệnh nhân người Lào được cứu sống thành công nhờ vi phẫu bởi các bác sỹ bệnh viện Quân Y 108 cách đây nhiều năm cũng đến dự hội thảo. Bà từng bị cuốn tóc vào guồng máy làm chấn thương và lột da vùng sọ, các bác sỹ Việt Nam đã cắt và ghép vùng da mới cho hộp sọ và cứu sống bà. Trao đổi với báo Sức khỏe & Đời sống về kỹ thuật vi phẫu ở Việt Nam, Phó Giáo sư Nguyễn Tài Sơn, bác sỹ có kinh nghiệm thực hiện trên 80 ca vi phẫu phức tạp tại bệnh viện Quân y 108 nói: “Cho đến nay, vi phẫu Việt Nam đã có 35 năm kinh nghiệm, có thể thực hiện tất cả các loại vạt tự do trên cơ thể để che phủ các khuyết hổng tổ chức do chấn thương sau phẫu thuật cắt các khối u, hoặc tạo dựng lại các cơ quan bị khuyết hổng như mũi, môi, ngực, vành tai, dương vật,… Trình độ kỹ thuật và tỷ lệ thành công của chúng ta tương đương với các trung tâm nghiên cứu lớn trên thế giới.” Bác sỹ Sơn cũng cho biết: “Hiện nay viện 108 có 2 đơn vị thực hiện vi phẫu: Khoa phẫu thuật Hàm mặt & Tạo hình, chuyên làm các tạo hình vùng đầu, mặt, cổ,… và các cơ quan khác như dương vật, phần ngực,… Cùng với khoa Chấn thương chỉnh hình, làm vi phẫu tại các phần trên cơ thể. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu ghép tử cung cho các bệnh nhân nữ không có tử cung, nhằm giúp phụ nữ vô sinh hiếm muộn có thể có con như bình thường”. GS Sheng Feng Jeng khẳng định: “Chúng tôi đã đi nhiều nơi, phối hợp với tổ chức Operation Smile chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ cho các quốc gia khác nhau trên thế giới trong kỹ thuật vi phẫu, nhưng Việt Nam là nơi học hỏi và phát triển kỹ thuật này nhanh và hiệu quả nhất. Các bạn đã làm được những điều kỳ diệu. Kỹ thuật của các bạn có thể sánh ngang với các quốc gia phát triển hiện nay”.

Không có chuyện “không mua thuốc bệnh viện, bác sĩ từ chối tiêm”

Sau thông tin đăng tải trên báo Dân trí điện tử ngày 13/3/2014 vụ việc bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp - Hải Phòng từ chối tiêm cho bệnh nhân do bệnh nhân không mua thuốc từ nhà thuốc bệnh viện, Bộ Y tế đã yêu cầu Sở Y tế Hải Phòng xác minh, làm rõ thông tin do báo Dân Trí phản ánh. Sau khi làm việc và lắng nghe ý kiến giải trình của cả 2 phía, bệnh viện và người nhà bệnh nhân, Sở y tế Hải Phòng đã thông báo sự việc như sau: Bệnh nhân Thái Bá Tương, 79 tuổi, nằm điều trị tại Khoa Nội 2, Bệnh viện Việt Tiệp, Hải Phòng, bác sĩ Phạm Thị Phương Nam, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân đã kê đơn thuốc Biseko 50ml x 1 chai để gia đình tự mua (gia đình đồng ý và đã ký vào bệnh án mua tự túc thuốc này). Tuy nhiên khi người nhà mua thuốc về, điều dưỡng Đặng Thị Kim Tuyến đã báo cáo với bác sĩ Đinh Thị Phương Lan, Phó trưởng Khoa Nội 2, thuốc gia đình bệnh nhân Tương mua về không đủ điều kiện an toàn (không đơn thuốc kèm theo, không ghi tên bệnh nhân, không có hoá đơn bán lẻ và lọ thuốc không được bảo quản đúng chỉ dẫn ở nhiệt độ 2-8 độ C). Vì thấy thuốc không đủ đảm bảo an toàn, bác sĩ Lan đã giải thích với gia đình bệnh nhân "Nếu truyền lọ thuốc khi chưa đủ an toàn này, nguy cơ tai biến thuốc có thể xảy ra...". Người nhà bệnh nhân sau khi nghe bác sĩ Lan giải thích đã hiểu và không có thắc mắc gì, cầm thuốc trả lại nhà thuốc đã mua trên đường Hai Bà Trưng và mua thuốc ở nhà thuốc bệnh viện. Theo giải trình của bác sĩ Lan và điều dưỡng Tuyến: Bác sĩ không gợi ý bệnh nhân phải mua thuốc tại nhà thuốc bệnh viện và bác sĩ không phải là người trực tiếp tiêm truyền, không từ chối tiêm truyền cho bệnh nhân, việc tiêm truyền là do điều dưỡng thực hiện. Cho nên không có chuyện "không mua thuốc bệnh viện, bác sĩ từ chối tiêm" như phản ánh của báo Dân Trí. Con trai bệnh nhân Thái Bá Tương cho biết, anh đã mua thuốc Biseko ở nhà thuốc trên đường Hai Bà Trưng với giá 880.000 nhưng không có hoá đơn, không có điều kiện bảo quản, không ghi tên bệnh nhân. Sau khi nghe bác sĩ giải thích gia đình đã mang trả lại thuốc cho hiệu thuốc đã mua và mua thuốc Biseko tại nhà thuốc bệnh viện với giá 1.010.000 (bao gồm cả thuốc, kim, dây luồn) có hoá đơn bán lẻ, tên nhà thuốc, ghi tên bệnh nhân và bố anh đã được điều dưỡng tiêm truyền ngay. Kiểm tra nhà thuốc bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng , đoàn kiểm tra nhận thấy thuốc Biseko được bảo quản trong tủ lạnh, bán đúng giá niêm yết và nằm trong danh mục thuốc do Giám đốc Bệnh viện phê duyệt. Trong khi đó, kiểm tranhà thuốc bệnh nhân đã mua, nhà thuốc không xuất trình được hoá đơn chứng minh nguồn gốc thuốc và cho biết có nhập về 3 chai, nhưng hiện đã bán hết.. Như vậy việc bác sĩ từ chối tiêm thuốc không đảm bảo an toàn là cần thiết cho sức khoẻ của bệnh nhân, Sở y tế Hải Phòng đã yêu cầu bệnh viện cần nâng cao quy tắc giao tiếp ứng xử trong bệnh viện tránh để bệnh nhân và người nhà bệnh nhân hiểu lầm cho rằng nhân viên y tế câu kết với nhà thuốc để ép bệnh nhân mua thuốc nhằm vụ lợi.

Ngừng cấp số đăng ký do thuốc không đạt chất lượng

Cục Quản lý Dược- Bộ Y tế vừa có công văn gửi công ty đăng ký thuốc: Amoli Enterprises Ltd và nhà sản xuất Umedica Laboratories Pvt.Ltd. thông báo tạm ngừng tiếp nhận hồ sơ đăng ký mới, tạm ngừng cấp số đăng ký lưu hành thuốc đối với các hồ sơ đã nộp của công ty đăng ký và nhà sản xuất trên. Theo ông Nguyễn Văn Thanh, quyết định số 3924/QLD-ĐK của Cục Quản lý Dược liên quan đến 2 công ty này được đưa ra vì công ty đã có 2 thuốc bị đình chỉ lưu hành trong thời gian 1 năm do không đạt tiêu chuẩn chất lượng là thuốc Umed-Etham 400, viên nén: SĐK: VN-15196-12 và thuốc Umecom, bột pha tiêm, SĐK: VN- 16110-13. Thời gian ngừng tiếp nhận hồ sơ đăng ký mới và tạm ngừng cấp số đăng ký lưu hành thuốc đối với các hồ sơ đã nộp ở Cục Quản lý Dược là 24 tháng kể từ ngày 24/1/2014. Đối với những hồ sơ đã nộp ở Cục Quản lý Dược (nếu có) của công ty trong thời gian từ ngày 24/1/2014 đến ngày 18/3/2014, Cục Quản lý Dược vẫn tiến hành thẩm định nhưng chưa xem xét cấp số đăng ký trong thời hạn 24 tháng Trước đó ngày 19/6/2013, Cục Quản lý Dược đã có công văn số 9556/QLD-CL thông báo đình chỉ lưu hành thuốc Umed-Etham 400, viên nén: SĐK: VN-15196-12, số lô RV: 201, ngày sản xuất 11/08/2012, hạn dùng 10/8/2015 vì không đạt chất lượng về chỉ tiêu mô tả Đối với thuốc Umecom, bột pha tiêm, SĐK: VN- 16110-13, ngày 10/3/2014, Cục trưởng Cục Quản lý Dược Trương Quốc Cường đã có quyết định 151/QĐ-QLD rút số đăng ký của thuốc này ra khỏi thị trường các thuốc đã được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam

Xử lý rác thải y tế ở Cần Thơ:Gắng gượng thêm nhiều năm nữa

Ông Cao Minh Chu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Cần Thơ cho biết, hiện trên địa bàn chưa có nhà máy xử lý rác thải, đặc biệt là chất thải rắn y tế nguy hại tập trung tại các bệnh viện. Vì vậy, công tác phân loại, thu gom, vận chuyển và lưu giữ tạm thời chất thải rắn y tế của các cơ sở y tế trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn.

Thiếu lò đốt, thiếu cả kho...

Theo tính toán của các cơ quan chức năng của TP. Cần Thơ, lượng chất thải rắn y tế phát sinh ở các bệnh viện trên địa bàn trung bình khoảng hơn 6,3 tấn/ngày, trong đó rác thông thường là 5,3 tấn, rác nguy hại là gần 1 tấn. Dự kiến đến năm 2020, khối lượng chất thải rắn y tế phát sinh sẽ hơn 10 tấn/ngày; trong đó chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh khoảng 1,6 tấn/ngày và chất thải thông thường khoảng 8,7 tấn/ngày. Trong khi đó, Cần Thơ hiện có 25 bệnh viện, 1 trung tâm y tế huyện, 1 công ty dược, 13 đơn vị y tế thuộc khối dự phòng, 85 trạm y tế và nhiều phòng khám tư nhân, nhưng chỉ có 8/25 bệnh viện có lò đốt rác thải y tế, trong đó có 7 bệnh viện trang bị lò đốt 2 buồng và 1 lò đốt thủ công. Các lò đốt đang trong tình trạng quá tải, xuống cấp, đặc biệt là ở các đơn vị sử dụng lò đốt thủ công gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường xung quanh. Công tác phân loại, thu gom, vận chuyển và lưu giữ tạm thời chất thải rắn y tế của các cơ sở y tế còn nhiều hạn chế. Số lượng dụng cụ phương tiện phân loại thu gom và vận chuyển còn thiếu, dẫn đến việc phân loại, thu gom, vận chuyển, lưu giữ chất thải rắn y tế chưa đạt hiệu quả theo quy định của Bộ Y tế. Đặc biệt, hiện các kho lưu giữ tại nhiều nơi chưa đạt tiêu chí quy định, diện tích nhỏ so với lượng chất thải rắn y tế phát sinh trong thời điểm hiện tại và định hướng phát triển của các cơ sở y tế trong vùng 5 năm tới.

Chờ dự án

Giai đoạn từ nay đến năm 2015, TP. Cần Thơ sẽ quy hoạch xử lý chất thải rắn y tế nguy hại theo mô hình tập trung. Vì vậy, Sở Y tế Cần Thơ đã đề nghị Ban quản lý Dự án Hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện (Bộ Y tế) đầu tư hệ thống xử lý chất thải rắn y tế nguy hại theo mô hình tập trung bằng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB), vốn đối ứng địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác. Hiện ngành đã lập dự án đầu tư hệ thống xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tập trung với tổng mức đầu tư là 4 triệu USD (tương đương 91 tỷ đồng), trong đó vốn vay ODA là 84 tỷ đồng, vốn đối ứng của địa phương là 6,8 tỷ đồng (khoảng 7,42%). Dự án sẽ áp dụng công nghệ tiên tiến thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, UBND TP. Cần Thơ cũng đề xuất hai phương án xây dựng hệ thống xử lý rác thải y tế nguy hại tập trung. Phương án 1, hệ thống xử lý rác thải lắp đặt tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi (quận Bình Thủy), giao cho bệnh viện trực tiếp thu gom, quản lý và vận hành hệ thống xử lý tập trung, tận dụng nguồn nhân lực thu gom có sẵn tại bệnh viện. Phương án hai, lắp đặt hệ thống xử lý rác thải tại khu quy hoạch xử lý rác tập trung ở phường Phước Thới, quận Ô Môn. Theo đó, phương án này vận hành hệ thống quản lý, thu gom và vận chuyển một cách tập trung chuyên nghiệp; giảm chi phí vận chuyển, hạn chế phát tán ô nhiễm, giảm thiểu tác động tới cộng đồng dân cư... Bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết, Bộ Y tế đã thống nhất và đánh giá đề án xử lý chất thải rắn nguy hại tập trung trên là cần thiết và phù hợp với giai đoạn hiện nay. Để WB xem xét và quyết định tài trợ vốn, thời gian tới, Cần Thơ đề xuất Bộ Y tế cử nhóm chuyên gia giỏi hỗ trợ thực hiện thủ tục, tiến hành dự án một cách có hiệu quả, tránh sử dụng không hiệu quả nguồn vốn vay, sớm giải quyết bài toán xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tại các bệnh viện trên địa bàn.

Petrotimes

BVĐK quốc tế Thu Cúc: Phẫu thuật miễn phí cho trẻ em nghèo bị hở môi và vòm miệng

Từ ngày 20 đến ngày 25/3/2014, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc (286 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ Phẫu thuật nụ cười (OSCA) tổ chức khám sàng lọc và mổ miễn phí tại bệnh viện ĐKQT Thu Cúc cho 20 đến 30 trẻ em (phần lớn ở độ tuổi từ 5 -24 tháng tuổi) bị dị tật khe hở môi, vòm họng đến từ 10 tỉnh thành như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Cao Bằng, Kom Tum, Nam Hà, Nam Định, Phú Thọ… Không chỉ tài trợ chi phí phẫu thuật cho các bệnh nhân, bệnh viện Đa khoa quốc tế Thu Cúc còn hỗ trợ miễn phí phòng bệnh cũng như chỗ ăn, nghỉ, đi lại cho toàn bộ thân nhân của bệnh nhân trong suốt những ngày này. Tham gia đợt phẫu thuật tình nguyện này có khoảng 25 y bác sĩ đến từ các Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, BV trường Đại học Y Hà Nội, BV Nhi Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc cùng các bác sĩ chuyên gia đến từ Ấn Độ, Campuchia. Thạc sĩ, bác sĩ Lê Đức Điềm - Khoa Ngoại, Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc cho biết: “Sau khi khám sàng lọc cho trên 30 cháu , chúng tôi tiến hành phẫu thuật cho 23 cháu có đủ điều kiện sức khỏe để mổ đợt này. Một điểm đáng chú ý của đợt phẫu thuật lần này là nhiều bệnh nhân nhi có độ tuổi quá nhỏ nên qúa trình phẫu thuật sẽ có nhiều vất vả. Song chúng tôi vẫn cố gắng ở mức cao nhất với mong muốn trả lại nụ cười và gương mặt hoàn thiện sớm nhất cho các cháu”. Đây là một trong nhiều hoạt động nhân đạo, từ thiện thường niên được cán bộ - nhân viên bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc tự tổ chức hoặc phối hợp tổ chức thường niên hàng năm dành cho trẻ em nghèo không may bị bệnh ung thư, tim bẩm sinh, hở hàm ếch, đặc biệt là trẻ em bị nhiễm chất độc da cam… với số tiền trị giá hàng tỷ đồng.

Vnexpress

Tình yêu với chàng trai mặc áo blouse trắng

Em sẽ không bao giờ hối hận vì đã yêu anh, cảm thấy tự hào khi người yêu mình đang hàng ngày mặc chiếc áo blouse trắng, chăm chỉ miệt mài cứu sống biết bao người, mang đến cho nhiều gia đình hạnh phúc. Người ta thường bảo màu trắng tượng trưng cho sự tinh khiết, trong trắng, cao quý và tốt đẹp. Ngay từ lúc nhỏ em đã thích màu trắng, màu nhẹ nhàng, mang vẻ đẹp dịu dàng, đơn giản nhất. Nó còn tượng trưng cho chiếc váy trắng tinh khôi mà cô gái nào cũng mong muốn được mặc một lần. Màu trắng không nổi như đỏ hay hồng, không rực rỡ như vàng hay huyền bí như màu đen nhưng nó không hề lu mờ khi đứng cạnh các màu sắc rực rỡ kia. Rồi em gặp anh, chàng trai mang màu áo trắng trên mình hàng ngày. Một chút tình cờ thôi lại khiến em thêm yêu màu trắng đó, yêu cả người mặc áo blouse trắng - người gánh vác nghề nghiệp cao quý, đầy khó khăn, cứu sống mọi người. Để được mặc trên mình màu áo tinh khôi đó, anh phải trải qua 6 năm rèn luyện trên ghế giảng đường, rồi những tháng ngày học lên cao nữa, miệt mài nghiên cứu thêm sách để bổ sung chuyên môn cho mình. Anh bảo “Nghề y không chăm chỉ trau dồi kiến thức sẽ không thể theo kịp những phương pháp cứu người mới của thế giới, sẽ chẳng thể trở thành một bác sĩ giỏi”, em thêm cảm phục anh hơn. Em lo lắng khi anh nói: “Hôm nay bệnh viện nhiều ca cấp cứu nặng, đầu anh căng như dây đàn”. Em thương lắm mà chẳng thể giúp đỡ được gì, chỉ có thể là chỗ dựa tinh thần cho anh. Nhiều lúc em cũng vui lây khi anh kể có người nhà bệnh nhân quý, cứ thích gặp anh vì anh nói chuyện rất nhẹ nhàng với người bệnh, lại còn ân cần với bệnh nhân nữa. Em biết áp lực hàng ngày đối với bác sĩ phải khám và cứu chữa hàng trăm bệnh nhân, làm sao tránh khỏi mệt mỏi cáu gắt, nhưng anh hãy luôn cư xử mềm mỏng nhé. Trong mắt em, anh không chỉ là chàng trai em dành trọn tình cảm, còn là một thần tượng của em đấy. Dẫu biết yêu chàng trai làm nghề y em sẽ không tránh được những dịp lễ tết phải một mình nhưng em cũng là con gái, muốn được quan tâm và yêu thương nhiều lắm chứ. Em sẽ chỉ giận vu vơ thôi, để anh không quên còn có em đang cần anh quan tâm chăm sóc nữa. Em sẽ không bao giờ hối hận vì đã yêu anh, cảm thấy tự hào khi người yêu của mình đang hàng ngày mặc chiếc áo blouse trắng, chăm chỉ miệt mài cứu sống biết bao người, mang đến cho nhiều gia đình hạnh phúc, những thiệt thòi của em có đáng là gì. Nhưng anh ơi, thời gian bên anh, chia sẻ với anh sẽ chẳng còn nữa rồi, em biết để yêu và bên anh mãi mãi sẽ không thể, nên đừng hỏi em lý do vì sao. Rồi anh sẽ tìm được người hiểu anh như em, yêu anh nhiều như em từng yêu, họ sẽ chia sẻ với anh mọi việc, còn em sẽ cố gắng để đi con đường đã chọn. Tình cảm của em dành cho anh chỉ đến đây thôi, biết sao được, cố gắng cũng không đến được với nhau thì nên dừng lại. Chúc anh mãi mãi hạnh phúc.

Ai 'mua' y bác sĩ bằng 100.000 đồng

Nhiều bệnh nhân cho rằng ở bệnh viện công thì phải bỏ tiền ra, thậm chí phải ra giá 100, 200.000 hoặc 500.000 đồng... để mua y tá. Không biết họ có bao nhiêu tiền mà lớn lối thế? Tôi là tác giả bài viết “Người nhà bệnh nhân 'ăn thua đủ' với nữ bác sĩ trẻ”. Sau khi đọc những lời bình luận, tôi không hiểu ngành y xấu thật hay đa số người trong xã hội này chỉ còn biết đòi hỏi cho bản thân và luôn tự cho mình cái quyền coi thường người khác? Tôi không biết họ nhìn ngành y ở đâu để đưa ra những bình phẩm cay nghiệt. Nhưng ở Bệnh viện Chợ Rẫy (một bệnh viện công mà tôi đã từng làm việc 20 năm ở TP HCM) nơi mà có người kêu gào là vô lương tâm, vô đạo đức, những câu chuyện đó có thể có nhưng không hề phổ biến. Tôi có cảm giác rất nhiều người chỉ chộp lấy một hình ảnh nào đó để phê phán, thậm chí chửi rủa mà không thèm để ý đến những biểu hiện khác không phù hợp với suy nghĩ của họ. Hay họ tự suy bụng ta ra bụng người khi cho rằng tất cả các bác sĩ, y tá và nhân viên y tế đều có thể mua được? Tôi được phân công điều trị khu cột sống khi nơi đó được coi là "kênh Nhiêu Lộc". Hầu như những bệnh nhân nằm ở đó đều liệt, loét, dần suy kiệt và nhiều người tử vong. Đa số những người có vợ bị vợ bỏ, có người yêu thì người yêu cũng chia tay. Một vài người còn có thân nhân, không thì cũng bị bỏ mặc. Thỉnh thoảng có một bệnh nhân có thể xuất viện ra về khi da thịt đã lành các vết loét. Tương lai vô định.

Trong các bài viết trước đây, tôi cũng đã nói lương của tôi không đủ cho 6 người ăn một bữa sáng, lương của các chị điều dưỡng thì có khá hơn tôi chút đỉnh. Ai cũng phải bươn chải, làm thêm việc này việc khác kiếm sống. Vậy mà mỗi khi có bệnh nhân xuất viện, chúng tôi gom góp tiền mua vé xe, có khi còn mua cả cây đàn guitar cho người bệnh, rồi góp thêm một chút cho họ gọi là lộ phí. Từ khi còn là sinh viên, tôi đã lăn lộn với nhiều bệnh viện, đặc biệt là Bệnh viện Chợ Rẫy. Tôi dám chắc rằng tình yêu thương đối với những người bệnh bất hạnh không chỉ có ở khoa của tôi, mà còn có ở lầu 4, lầu 5, khoa phỏng… chỗ nào cũng có những bệnh nhân nghèo hoặc bệnh ngặt nghèo. Chúng tôi tự động bỏ tiền túi để quyên góp cho họ trong khi chúng tôi đang rất khó khăn. Chúng tôi đi xin bệnh viện miễn giảm phí, vận động những thân nhân bệnh nhân giàu có hỗ trợ cho họ… Thời gian đó tôi phải tự tay mình đóng bàn ghế, giường ngủ vì không có tiền mua. Vậy mà khi một anh bạn cho số tiền tương đương 2 cây vàng (một số tiền khá lớn lúc đó) tôi đã dùng chúng để chế tạo ra 2 cái móc kéo cột sống cổ để kéo cho bệnh nhân. Vì loại móc cũ có quá nhiều nhược điểm, gây nguy hiểm cho người bệnh. Tôi không phải là điển hình, không phải trường hợp cá biệt. Từ các chị y tá đến các bác hộ lí đều cùng nhau đi xin từng mẩu gỗ làm đồ kê chân giường, nhờ người này người kia chế ra các khung nọ khung kia để phục vụ cho việc điều trị bệnh. Các bác sĩ ở các tỉnh đi học mỗi lần về quê lại mang lên những thứ giúp chúng tôi chế ra các vật dụng phục vụ cho người bệnh… Tôi còn nhớ có lần tôi xẵng giọng đuổi một ông bố ra khỏi phòng cấp cứu, chỉ vì ông đánh đứa con ông khi tôi đang khám cho cháu. Cháu bị hôn mê, không làm chủ được hành động, cháu chửi tôi khá tục và nhổ nước miếng vào mặt tôi. Đối với chúng tôi, đó là hành vi của bệnh tật, nhưng ông bố thì lại cho là con mình hỗn láo. Có người bệnh bị máu tụ trong sọ rất nặng, cần phải mổ ngay nhưng người nhà lại không đồng ý, thuyết phục mãi không được, có khi tôi nổi điên lên và gọi người nhà đó là vô lương tâm, là kẻ giết người. Những câu nói đại loại như "anh không có cái quyền tước đi hi vọng sống của người nhà anh, chẳng qua vì một số quy định vô lý nên chúng tôi mới chịu thua anh"... là những câu nói được nghe thấy nhiều lần tại phòng cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy, không phải chỉ từ miệng của một hay vài bác sĩ mà là từ nhiều bác sĩ. Những việc làm, lời nói như vậy nhiều lắm, không thể kể hết được, nó diễn ra hàng ngày, giữa thanh thiên bạch nhật và tôi chắc rằng có hàng ngàn hàng vạn người biết dù chúng tôi không bao giờ phô trương. Vậy mà sao họ vẫn cứ coi chúng tôi là vô lương tâm, vô đạo đức, là hàng hóa để cho họ mua bán? Họ không tin là có một nữ bác sĩ trẻ luôn tươi cười, họ không tin câu chuyện mà tôi kể. Là một người làm việc trong một cơ sở y tế tư nhân, tôi chẳng có lí do gì để phải lăng xê một bệnh viện công nào cả. Thực ra câu chuyện tôi kể không phải là cá biệt. Tôi đã một lần đến Bệnh viện Nguyễn Trãi (cách đây khoảng 2 năm) vì đứa em tôi bị tai nạn xe đang mê man. Ở đó không đông đúc đến mức chật nghẹt như phòng cấp cứu của BV Chợ Rẫy. Không ai biết tôi là bác sĩ nhưng hầu hết họ đều mỉm cười và chào tôi, giải thích hay yêu cầu gì ngắn gọn nhưng vẻ mặt quan tâm và không có vẻ gì khó chịu cả. Ở một bài viết khác, tôi cũng đã đề cập về sự quá tải ở bệnh viện. Hôm đó, tôi đi thăm người quen tại khoa Huyết học của BV Chợ rẫy, mặc dù bệnh nhân tràn ngập nhưng các cô điều dưỡng và hộ lí không ai tỏ vẻ cau có hay khó chịu. Tôi là người quản lí một cơ sở y tế, nên tôi rất chú trọng khâu công tác chăm sóc khách hàng. Vì vậy, tôi đặc biệt chú ý đến điểm này khi đi đến các bệnh viện khác. Những điều đó thể hiện rất rõ, chúng ta không cần phải để ý lắm mới thấy. Vậy mà vẫn cứ có rất nhiều người sẵn sàng cho rằng nhân viên y tế luôn cáu gắt, thậm chí vô văn hóa. Tôi thấy nhiều bạn chia sẻ rằng ở bệnh viện công thì phải bỏ tiền ra, thậm chí có người còn ra giá 100.000 đồng, 200.000 đồng, 500.000 đồng... cho từng tầm mức có thể mua được nhân viên y tế. Họ có vẻ rất thị trường, mua bán rõ ràng. Đối với họ nhân viên y tế chỉ là những món hàng. Không biết họ có bao nhiêu tiền mà lớn lối thế? Vì nếu có nhiều tiền thì sao họ không vào những bệnh viện tư cao cấp hoặc ra nước ngoài để khám đi, mà phải ngồi đó định giá các bác sĩ, điều dưỡng của các bệnh viện công? Chắc có lẽ họ nghĩ rằng nhân viên y tế là những kẻ phải phục vụ cho họ, giá của các bác sĩ, y tá rẻ mạt lắm. Còn họ có đủ quyền để đòi hỏi chúng tôi phải lễ phép ngoan ngoãn ngay cả khi họ chửi. Họ đòi hỏi một chất lượng dịch vụ thật cao với một cái giá thật bèo bọt.

Kiến thức

Vượt gần 200 hải lý cứu ngư dân nguy kịch trên biển

Nhận được tin báo, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II đã điều tàu vượt gần 200 hải lý tới cứu một ngư dân đang nguy kịch trên biển. Sáng 24/3, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II (Danang MRCC) cho biết, sau nhiều giờ lênh đênh trên biển, rạng sáng nay ngư dân nguy kịch đã được đưa vào bờ an toàn. Trước đó, lúc 06h40 ngày 23/3, Danang MRCC nhận được thông tin từ tàu ĐNa 90159 TS do ông Lê Văn Thương làm chủ tàu, thường trú tại tổ 108 phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, Đà Nẵng, trong lúc đang đánh cá tại tọa độ 17000N-111020E, cách Đà Nẵng khoảng 190 hải lý, có một thuyền viên là ông Hồ Tấn Vinh (42 tuổi) bị đau bụng dữ dội, lúc tỉnh, lúc mê. Lập tức, Danang MRCC đã điều động 2 bác sĩ lên tàu SAR412 đi cứu nạn nhân Hồ Tấn Vinh. Sau nhiều giờ lênh đênh trên biển, đến 18h30 cùng ngày, tàu SAR412 đã tiếp cận được tàu ĐNa 90159 TS tại tọa độ 16046'N - 110005'E, tiến hành đưa bệnh nhân sang tàu SAR 412 để bác sĩ thăm khám. Theo các bác sĩ, bệnh nhân mạch đập nhanh, sưng và đau toàn vùng bụng, sức khỏe trong tình trạng rất nguy kịch. Bác sỹ yêu cầu đưa bệnh nhân về bờ khẩn cấp để cứu chữa. Lúc 00h30, ngày 24/3, tàu SAR 412 về đến Đà Nẵng, tiến hành bàn giao và chuyển bệnh nhân đến BV tiệp tục cứu chữa

Tin tức

Chiến công của những “chiến sỹ áo trắng”: Bài 1: Vị bác sĩ và những ca mổ đặc biệt

Chiến thắng Điện Biên Phủ cách đây 60 năm là một bản hùng ca, một mốc son chói lọi “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của quân và dân Việt Nam. Làm nên chiến thắng ấy có sự chung vai góp sức của nhiều lực lượng, trong đó có đội ngũ cán bộ y tế đã không ngại hy sinh, gian khổ sẵn sàng cứu chữa cho thương binh, trong điều kiện làm việc vô cùng gian khổ tại chiến trường. Cho đến tận bây giờ, những ký ức hào hùng năm xưa vẫn còn đọng mãi trong trí nhớ của những “chiến sĩ áo trắng” tham gia chiến dịch ngày ấy.

Bài 1: Vị bác sĩ và những ca mổ đặc biệt

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 60 năm, GS.TS Phạm Văn Phúc (nguyên Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn) (ảnh) là cán bộ quân y của Đội điều trị Đại đoàn 316. Trong 56 ngày đêm của chiến dịch Điện Biên Phủ, ông đã cứu chữa cho hàng ngàn thương binh, trong đó trực tiếp mổ liên tục mấy trăm ca, góp phần vào chiến thắng lịch sử của dân tộc.

Bàn mổ bằng... tre Nhớ lại những ngày tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, GS.TS Phạm Văn Phúc không khỏi bồi hồi, xúc động. Sau trận đánh Nà Sản trong chiến dịch Tây Bắc, Đội điều trị của Đại đoàn 316 của ông được lệnh rút về đóng ở Lang Chánh, vùng núi giáp ranh giữa Hòa Bình và Thanh Hóa. Mùa thu năm 1953, ông được cử đi cùng đồng chí Lê Quảng Ba, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 316 (sau là Sư đoàn trưởng) và nhóm các trung đoàn trưởng của Trung đoàn 174, Trung đoàn 98, Trung đoàn 76 và ban tham mưu của đồng chí Lê Quảng Ba đi Tây Bắc chuẩn bị vào chiến trường. Một thời gian sau, Đội điều trị của Đại đoàn 316 cũng lên đến nơi, bố trí phòng mổ, lán thương binh để chuẩn bị phục vụ chiến dịch. Phòng mổ lúc đó được làm rất đơn sơ do anh em tự dựng lên. Lán làm bằng tre, mái lợp bằng cỏ gianh, bàn mổ được đóng tạm bằng tre, có 4 cọc chôn xuống đất, có chỗ rửa tay bằng xà phòng… Công tác chuẩn bị vừa xong thì thương binh cũng được đưa về. GS.TS Phạm Văn Phúc kể lại: Mặc dù lúc đó đang bị ốm, sốt, ông vẫn bắt tay vào đứng mổ ngay, quyết tâm đặt nhiệm vụ cứu chữa cho anh em thương binh lên hàng đầu. Càng về sau thương binh chuyển về càng nhiều. Thật xót xa khi chứng kiến anh em phải phẫu thuật trong điều kiện thiếu thốn trăm bề. Không có găng tay phẫu thuật, nên trước khi mổ ông chỉ rửa sạch tay bằng xà phòng, sau đó ngâm tay vào nước diệt trùng. Khi mổ, thuốc kháng sinh không có, thuốc gây mê chỉ là Crophom. Hồi sức thì chỉ có huyết thanh dung dịch muối 9 phần nghìn do tổ dược tự chế. Rất may là các chiến sỹ của chúng ta đều là thanh niên, sức khỏe tốt nên việc điều trị cũng dễ dàng hơn. Chỉ những ca mổ nặng mới cần truyền. Ánh sáng phục vụ cho việc phẫu thuật lúc bấy giờ chủ yếu là đèn dầu (đèn bão), sau này là dùng dinamo xe đạp quay để tạo ánh sáng. “Nhiều hôm đang mổ, tự dưng thấy ánh sáng cứ yếu dần, nhìn sang thì thấy đồng chí phụ trách quay đang ngủ gật vì mệt quá” - GS.TS Phạm Văn Phúc nhớ lại. Sang năm 1954, các trận tiến công của quân ta diễn ra liên tiếp. Trận Him Lam, đồi Độc Lập, các trận đánh chiếm đồi C1, A1… diễn ra ngày càng ác liệt. Thương binh được chuyển về liên tục. Đội điều trị của Đại đoàn 316 khi đó đóng quân cách đồi A1 chỉ một cánh đồng, khoảng hơn một cây số. Ngày nào cũng có thương binh được đưa về, nhất là vào tầm chiều tối. “Tôi mổ suốt ngày đêm. Mỗi khi có thương binh mới được chuyển về, tôi ra chọn lọc, phân loại từng vết thương. Ai cần mổ trước, ai mổ sau để anh em sắp xếp. Sau đó tôi lại vào mổ tiếp. Riêng các vết thương về sọ não, là những vết thương khó, chúng tôi được yêu cầu đưa về Đội điều trị 1 ở tuyến sau để GS. Tôn Thất Tùng mổ” - GS.TS Phạm Văn Phúc kể lại. Công việc cứu chữa thương binh cứ liên tục diễn ra trong suốt chiến dịch. Những thương binh nặng sau khi cứu chữa được chuyển về tuyến sau. Thương binh nhẹ thì điều trị đến khi phục hồi được đưa trở lại đơn vị chiến đấu. Đến cuối tháng 4/1954, khi đó mùa mưa đến. Những trận mưa rừng ầm ầm đổ xuống, khiến việc cứu chữa cho các thương binh ngày càng trở nên khó khăn hơn. Mưa lâu ngày ẩm ướt, nhiều bùn đất, các vết thương của anh em thương binh bị nhiễm trùng nhiều hơn. Công tác chăm sóc thương binh càng vất vả. “Nhưng lúc đó chúng tôi lo nhất là sụp lán, sập hầm, vì hầm mổ của chúng tôi không có ván gỗ chống, rất dễ bị sập, rất nguy hiểm”.

Những ca mổ đặc biệt

GS.TS Phạm Văn Phúc cho biết ở chiến trường, các chiến sĩ của ta bị thương đủ loại, trong đó có rất nhiều vết thương khó. Nếu không xử lý tốt thì anh em sẽ phải chịu khổ. Hồi đó, ông rất ngạc nhiên khi thấy có nhiều chiến sỹ bị thương tương tự nhau. Họ đều bị dập nát cẳng tay, vỡ khuỷu tay, mà phần nhiều là cánh tay bên phải. Qua tìm hiểu ông được biết, những trường hợp đó đều là do anh em nấp bắn, phần cánh tay nhô ra nên dễ bị trúng đạn. Những vết thương ở khuỷu tay rất nguy hiểm và khó xử lý, vì ở đó có nhiều mạch máu, dây thần kinh. Nếu mổ không tốt hoặc không kịp thời thì thương binh sẽ phải cắt bỏ cánh tay. Ông Phúc tâm sự: “Nếu lúc đó cắt bỏ cánh tay của anh em thương binh thì quá đơn giản, dễ dàng, nhưng rất đau lòng và thiệt thòi cho anh em quá”. Không đành lòng nhìn các chiến sỹ bị mất đi cánh tay của mình, ông quyết tâm nghiên cứu, tìm mọi cách để chữa trị. Với những kinh nghiệm, kỹ thuật mổ học được từ bác sỹ Tôn Thất Tùng, ông đã quyết định mổ cắt khớp, bảo tồn tối đa cho anh em. Để ca mổ thành công, ông cố gắng mổ nhanh gọn, vừa là để giảm sốc cho thương binh, vừa để cho các khớp có điều kiện liền lại, không bị cứng. Sau khi mổ xong các ngón tay nạn nhân vẫn cử động được. May mắn là 27 ca mổ đều thành công, không có chiến sỹ nào bị mất tay. Sau này, những vết thương về khớp đó là đề tài bác sĩ Phạm Văn Phúc dùng trong nghiên cứu bảo vệ luận án tiến sỹ, được hội đồng bảo vệ luận án, trong đó có GS Tôn Thất Tùng rất khen ngợi. 60 năm đã trôi qua, giờ đã bước vào tuổi 90, nhưng GS.TS Phạm Văn Phúc vẫn thường xuyên nhớ đến những ngày tháng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm ấy, nhớ đến những người thương binh mà ông đã mổ ở chiến trường, nhớ những người anh hùng đã ngã xuống trong cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. “Trong tâm trí tôi, đó là những người anh hùng vĩ đại”.

Ô nhiễm không khí khiến 7 triệu người tử vong

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa công bố một báo cáo nghiên cứu cho biết trong năm 2012 trên phạm vi toàn cầu đã có tới 7 triệu người bị chết vì ô nhiễm không khí, và ô nhiễm không khí đã trở thành mối nguy hại lớn nhất đối với sức khỏe con người. Cơ quan y tế của Liên hợp quốc này lưu ý rằng số ca tử vong nói trên cao gấp đôi so với ước tính trước đó, nghĩa là cứ 8 ca tử vong trên thế giới năm 2012 có 1 ca liên quan đến ô nhiễm không khí. Điều này cho thấy sự cấp thiết phải tăng cường giảm thiểu ô nhiễm bên trong và bên ngoài nơi ở của người dân, để có thể tiết kiệm sinh mạng của hàng triệu người trong tương lai. Theo bà Maria Neira, Giám đốc phụ trách y tế công cộng và môi trường xã hội của WHO, những rủi ro từ ô nhiễm không khí hiện nay lớn hơn nhiều so với những suy nghĩ hay hiểu biết trước đây, đặc biệt là đối với bệnh tim và đột quỵ, bởi những ca tử vong vì ô nhiễm không khí chủ yếu là ca bệnh tim, đột quỵ hay bệnh phổi mãn tính. Ngoài ra còn có các ca liên quan đến ung thư phổi hay nhiễm trùng cấp đường hô hấp. Báo cáo của WHO nêu rõ các nước nghèo và thu nhập trung bình ở Đông Nam Á và khu vực Tây Thái Bình Dương chịu tác động nặng nề nhất với 3,3 triệu ca tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí trong nhà và 2,6 ca tử vong vì ô nhiễm ngoài trời năm 2012. Flavia Bustreo, một chuyên gia hàng đầu về sức khỏe gia đình của WHO cho biết ô nhiễm trong nhà chủ yếu là do nấu ăn bằng than, củi, hay sinh khối và trên thế giới có khoảng 2,9 tỷ người sống trong các ngôi nhà sử dụng than, củi, hay phân gia súc phơi khô làm nhiên liệu nấu ăn chính. Phụ nữ và trẻ em - đặc biệt là ởnhững nước nghèo - là những người chịu rủi ro cao nhất từ ô nhiễm trong nhà. Còn ô nhiễm ngoài trời chủ yếu đến từ giao thông, sản xuất điện, khí thải công nghiệp và nông nghiệp, hoạt động sưởi ấm nhà ở và nấu ăn. Nghiên cứu của WHO cho thấy mức độ tiếp xúc với ô nhiễm không khí ngoài trời đã tăng đáng kể ở một số nơi trên thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia có dân số đông, thông qua công nghiệp hóa nhanh chóng, chẳng hạn như Trung Quốc và Ấn Độ. Trong khi Cơ quan nghiên cứu ung thư của WHO (IARC) trên cơ sở một nghiên cứu tiến hành trong năm 2013 đã khuyến cáo rằng không khí chúng ta đang thở có chứa những chất gây ung thư. Carlos Dora, một chuyên gia khác về y tế công cộng của WHO, đã kêu gọi các chính phủ cần có và thực hiện chính sách phát triển bền vững, các cơ quan y tế cần chú trọng đến tuyên truyền và các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí, bởi ô nhiễm không khí quá mức thường là một sản phẩm phụ của chính sách phát triểnkhông bền vững trong các lĩnh vực như giao thông, năng lượng, quản lý chất thải và công nghiệp. Ngoài ra, có được một chiến lược y tế lành mạnh sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, đồng thời cải thiện sức khỏe con người và cắt giảm tác động của biến đổi khí hậu.

Thanh niên

Mừng lắm khi được sáng mắt trở lại

Đó là tâm trạng chung của nhiều bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn ở Lâm Đồng khi được chương trình “Nguồn sáng cho đời” - Báo Thanh Niên phẫu thuật mổ mắt miễn phí vào ngày 22.3 tại Đà Lạt. Dù thời tiết ở Đà Lạt khá lạnh nhưng hàng ngàn bệnh nhân nghèo từ các huyện, thành phố ở Lâm Đồng đã đến địa điểm tổ chức chương trình từ rất sớm để chờ được khám và mổ mắt. Dù số lượng người đến rất đông, nhưng sau khi khám sàng lọc, hơn 200 bệnh nhân bị đục thủy tinh thể được các bác sĩ chỉ định mổ trước. Cụ bà Huỳnh Thị Chín (75 tuổi, xã Hiệp Thạnh, H.Đức Trọng) thổ lộ: “Trước kia tôi bị mờ một con mắt bên phải và đi mổ dịch vụ tại TP.HCM tốn rất nhiều tiền. Khoảng 2 năm nay lại bị mờ mắt bên trái nhưng gia đình khó khăn, không đủ tiền đi mổ đành để như vậy. Hôm nay được mổ miễn phí, tôi mừng lắm vì đã sáng mắt”. Ông Phạm Văn Quỳ (68 tuổi, xã Liên Hà, H.Lâm Hà) xúc động: “Người cao tuổi như chúng tôi được các anh chị quan tâm giúp đỡ nên tôi rất cảm động, mừng hơn khi tôi lại nhìn được mặt con, cháu trong nhà…”. Ông Nguyễn Văn Lực, Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người tàn tật và trẻ mồ côi Lâm Đồng, nói: “Tôi mong rằng có nhiều hơn nữa những chương trình ý nghĩa như thế này được thực hiện để giúp cho các bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn bị đục thủy tinh thể ở địa phương được sáng mắt…”.

Xử phạt một cơ sở sử dụng chất cấm làm trắng tàu hũ ky

Sáng 25.3, đại tá Phan Minh Tấn, Phó giám đốc Công an TP.Cần Thơ cho biết, nơi đây đã đề nghị UBND TP.Cần Thơ xử phạt 53.700.00 đồng đồng thời buộc tiêu hủy 39,5kg chất phụ gia Hydrosulfit E đối với Cơ sở sản xuất đậu hũ Bình Minh. Theo Công an TP.Cần Thơ, Cơ sở sản xuất đậu hũ Bình Minh (186/KU, khu phố Binh Phó A, P.Long Tuyền, Q.Bình Thủy,TP.Cần Thơ) do ông Nguyễn Nhật Trường (28 tuổi) làm chủ. Cơ sở này đã xả nước thải vượt quy chuẩn vào môi trường và sử dụng chất phụ gia thực phẩm không đáp ứng quy định an toàn thực phẩm. Như Thanh Niên o­nline đã thông tin, ngày 12.2, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường phối hợp với Trung tâm quan trắc Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm kỹ thuật và ứng dụng công nghệ Cần Thơ tiến hành kiểm tra Cơ sở sản xuầt đậu hũ Bình Minh. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện ngoài hành vi xả nước thải ra môi trường vượt chuẩn cho phép, trong quá trình sản xuấttàu hũ ky, cơ sở này đã sử dụng 2 loại phụ gia là Hydrosulfit E và BZ-168. Theo khai nhận của chủ cơ sở, mục đích sử dụng 2 chất phụ gia trên nhằm để làm dai và trắng sản phẩm.

Thiếu trầm trọng nguồn nhân lực y tế 5 chuyên khoa

Ngày 26.3, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp với Trường đại học Y Dược Cần Thơ tổ chức hội nghị “Đào tạo nhân lực y tế vùng ĐBSCL” năm 2014. Ông Võ Trọng Hữu, Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa-Xã hội - Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, cho biết hiện các tỉnh thành ĐBSCL đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực ở 5 chuyên ngành lao, phong, tâm thần, pháp y, giải phẫu bệnh lý. Năm 2014, nhu cầu đào tạo 5 chuyên ngành trên ở ĐBSCL là 451 bác sĩ, năm 2015 cần 510 bác sĩ, chưa kể nhu cầu sau đại học của một số tỉnh. Tuy nhiên, theo lãnh đạo ngành y tế các tỉnh thành, việc chiêu sinh ở các chuyên ngành này rất khó khăn vì thiếu cơ chế, chính sách, học và làm vừa độc hại lại khó làm thêm và thu nhập thấp. PGS-TS Phạm Văn Lình, Hiệu trưởng Trường đại học Y Dược Cần Thơ, cho biết để đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực y tế vùng ĐBSCL, ngoài gần 2.100 chỉ tiêu hệ chính quy và vừa học vừa làm, trường đề nghị Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đề xuất để Bộ GD-ĐT bổ sung thêm 250 chỉ tiêu đào tạo cho trường trong năm 2014.

An ninh thủ đô

Phát động chiến dịch phòng, chống cúm gia cầm

Ngày 22-3, Bộ Y tế phối hợp UBND tỉnh Lạng Sơn cùng Quỹ Unilever Việt Nam và nhãn hàng Lifebuoy đã tổ chức phát động “Chiến dịch truyền thông phòng chống dịch, bệnh cúm gia cầm A/H7N9, cúm A/H5N1 lây sang người” khu vực phía Bắc. Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, hiện Việt Nam vẫn đang thành công trong việc khống chế dịch cúm A/H7N9 từ Trung Quốc song nguy cơ dịch xâm nhập có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Trong khi đó, sự gia tăng các ổ dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm trong những tháng đầu năm 2014 khiến nguy cơ lây truyền sang người rất cao. Vì thế, Bộ Y tế một lần nữa kêu gọi sự tham gia tích cực của toàn thể nhân dân cũng như các cấp ngành, các tổ chức chính trị, xã hội vào công tác phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này.

Tuổi trẻ ngành y đi đầu thực hiện quy tắc ứng xử

Ngày 22-3, Bộ Y tế, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Đoàn Thanh niên cơ quan Bộ Y tế đã phát động phong trào tuổi trẻ ngành Y học tập và làm theo lời Bác, đi đầu thực hiện quy tắc ứng xử và Tình nguyện vì sức khoẻ cộng đồng năm 2014. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, Bộ Y tế tổ chức lễ phát động này với mong muốn, đội ngũ bác sĩ trẻ sẽ là nòng cốt, lực lượng xung kích trong phong trào thi đua rèn luyện y đức, ứng xử với người bệnh để người dân, người bệnh được hài lòng nhất. Dự kiến trong năm 2014, tuổi trẻ ngành y tế sẽ tổ chức chuỗi các hoạt động tình nguyện chăm sóc sức khỏe nhân dân, với mục tiêu giúp 1 triệu người dân được khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí; vận động trên 100.000 hội viên, thanh niên hiến máu tình nguyện; vận động được 100 bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo...

Tăng cường phát hiện bệnh nhân lao

Sáng 24-3, tại Bệnh viện Phổi Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống lao (24-3). Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện trên thế giới có khoảng 9 triệu người mắc bệnh lao mỗi năm nhưng 1/3 trong số này chưa được phát hiện. Tại Việt Nam, ước tính mỗi năm có 130.000 người mắc lao mới nhưng chỉ có khoảng 100.000 trường hợp được phát hiện, còn lại 30.000 trường hợp chưa được tiếp cận các dịch vụ chẩn đoán và điều trị lao. Tại buổi mít tinh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên đã kêu gọi các tổ chức y tế trên thế giới cũng như ở Việt Nam tích cực tìm kiếm và phát hiện sớm bệnh nhân lao để họ được tiếp cận kịp thời, đầy đủ những dịch vụ chăm sóc lao bao gồm chẩn đoán, điều trị và các biện pháp cứu chữa.

Hướng dẫn dùng than hoạt tính phòng ngộ độc thực phẩm

Trước tình trạng số vụ ngộ độc, tử vong do ngộ độc nấm đang gia tăng, Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế đã có khuyến cáo người dân nên chủ động tích than hoạt tính trong nhà để sẵn sàng sử dụng khi bị ngộ độc thực phẩm. Cục An toàn thực phẩm cũng vừa ban hành hướng dẫn sử dụng than hoạt tính trong phòng chống ngộ độc thực phẩm. Theo đó, với dạng ngộ độc thực phẩm cấp tính do vi sinh vật và độc tố: nên dùng than hoạt tính ở dạng viên nén nhai, viên nang, viên bao đường, với liều thường dùng từ62,5- 125 mg/1 lần x 2-3 lần/ngày, dùng sau bữa ăn, trong 4-5 ngày; với ngộ độc thực phẩm cấp tính do hóa chất: thường dùng than hoạt tính ở dạng bột mịn hoặc dạng nhũ dịch; còn với ngộ độc do nấm độc: người lớn dùng 1g/kg thể trọng, trẻ em 1-2g/kg thể trọng. Trường hợp nặng cho uống than hoạt tính nhiều lần (3-4 giờ/1 lần), kèm theo sorbitol (người lớn 6 gói, trẻ em 2-4 gói). Than hoạt tính và sorbitol dùng ít nhất trong vòng 3 ngày. Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh, dùng than hoạt tính dù ở dạng nào cũng phải được thực hiện càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong vòng 1-3 giờ sau khi chất độc được đưa vào cơ thể. Thuốc sẽ không còn tác dụng khi chất độc đã ngấm vào máu. Vì vậy, khi nghi ngờ ăn phải chất độc, cần uống thuốc ngay. Tuy nhiên cũng phải lưu ý không nên dùng than hoạt tính thường xuyên và lâu dài vì có thể làm giảm tác dụng của nhiều chất có lợi trong cơ thể. Mặt khác, không uống than hoạt tính cùng một lúc với các thuốc khác mà nên uống cách nhau khoảng 2 giờ, không dùng trong trường hợp bệnh nhân hôn mê sâu, đang cơn co giật, người uống phải xăng dầu, các hóa chất có sắt, axit hay kiềm mạnh, trẻ em dưới 2 tuổi.

“Nhường” nhau quản lý giá

Tại phiên họp chuyên đề pháp luật của Chính phủ, khi bàn về cơ chế quản lý giá thuốc trong dự thảo Luật Dược sửa đổi, Bộ Y tế đề nghị giao quyền quản lý giá thuốc cho Bộ Tài chính bởi Bộ này là cơ quan quản lý giá, có chuyên môn sâu, đảm bảo công khai minh bạch. Nếu để Bộ Y tế vừa quản lý, cấp phép, vừa sử dụng và quản lý giá sẽ dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, không đảm bảo tính công khai, minh bạch và khách quan. Đây không phải lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ Y tế muốn “nhường” thẩm quyền quản lý giá thuốc cho Bộ Tài chính. Trên diễn đàn Quốc hội cũng như trong một số hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế đã từng đề xuất ý kiến này và nhấn mạnh Bộ không đùn đẩy trách nhiệm mà muốn khắc phục những khó khăn, bất cập trong công tác thực tế. Sau 8 năm thực thi Luật Dược, Bộ Y tế đã có nhiều giải pháp quản lý giá thuốc, tổ chức đấu thầu, cấp phép; song vẫn tồn tại không ít hạn chế, vướng mắc và bộc lộ yếu kém như không có bộ phận chuyên quản lý giá, phân công chồng chéo, tình trạng giá thuốc trong các nhà thuốc bệnh viện cao hơn giá thị trường cũng như những “lình xình” trong việc đấu thầu giá giữa các bệnh viện… đã gây bức xúc dư luận. Bản thân Bộ trưởng Tài chính đề nghị Bộ Y tế tiếp tục “cầm trịch” quản lý giá thuốc, còn các bộ khác sẽ phối hợp thực hiện. Phó Thủ tướng Chính phủ cũng cho rằng, suy cho cùng, tất cả vấn đề liên quan đến giá thuốc thì người bệnh đều phải chịu. Do vậy, về nguyên tắc không để Luật Dược sau khi ban hành mà giá thuốc lại tăng lên, phải đặt quyền lợi của người bệnh lên hàng đầu. Về đề xuất giao việc quản lý giá thuốc cho Bộ Tài chính, thoạt nghe rất đúng chức năng, nhưng lật lại vấn đề thì không ổn. Lý do là bởi thuốc có vô số thành phần, chủng loại với hàng vạn loại thuốc ngoại nhập, thuốc nội, Bộ Tài chính có bộ máy, nguồn lực và chuyên môn cũng không thể quản lý xuể. Vì vậy, ý kiến của ba Phó Thủ tướng đều nhất trí rằng, Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm quản lý giá thuốc. Cần có cơ chế liên ngành, cần thành lập Hội đồng quản lý giá thuốc, trong đó chủ trì quản lý là Bộ Y tế, các bộ khác có trách nhiệm phối hợp. Khi có trường hợp đặc biệt thì phải áp dụng quy chế liên ngành quyết định, khi liên ngành đồng thuận thì mới được tăng giá. Khẳng định giá thuốc có tác động trực tiếp tới mọi người dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải thành lập Hội đồng hoặc Ủy ban quốc gia quản lý giá thuốc và cũng phải có một đầu mối chịu trách nhiệm. Bộ Y tế đưa ra các mức giá cụ thể, sau đó Bộ Tài chính kiểm tra, giám sát. Thủ tướng phê bình Bộ Y tế để giá thuốc còn quá cao, làm cho người dân gặp khó khăn. Khi mua thuốc người dân có được mặc cả đâu; thuốc càng đấu thầu giá càng lên cao. Làm sao để kéo giá thuốc xuống, cần quản lý giá từ “gốc” chứ không phải từ “ngọn” như hiện nay.

Lao động

Lần đầu tiên ghép tế bào gốc điều trị bại não

Cuối tuần qua, BV Vinmec đã lần đầu tiên tiến hành ghép tế bào gốc điều trị bệnh bại não cho một cháu bé 13 tháng tuổi. Bé sẽ được bơm tế bào gốc 2 lần, sau đó theo dõi tiếp trong vòng 3 – 6 – 12 năm để đánh giá kết quả. Nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng phương pháp này, khả quan đối với việc phục hồi cơ, ngôn ngữ cho trẻ.

Ghép tế bào gốc tự thân

Ngày 21.3, bé N. được bơm tế bào gốc lần đầu tiên. Dự kiến ngày 28.3, cháu được bơm lần 2. Sau đó sẽ được theo dõi và có thể điều trị lần thứ 3 – 4. Em bé cũng tiếp tục được điều trị kết hợp bằng các biện pháp vật lý trị liệu, phục hồi chức năng. Trên thế giới, đã có nhiều nước áp dụng liệu pháp tế bào gốc điều trị cho trẻ bại não. Các công trình nghiên cứu ở Mỹ và châu Âu cho thấy 60 – 70% ca bệnh thành công với khả năng vận động của trẻ được cải thiện, trẻ hòa nhập. Về trí tuệ có cải thiện ngôn ngữ. Như ở Trung Quốc, trong 1 nghiên cứu được công bố năm 2013 đối với 60 bệnh nhân bại não, một nửa được điều trị bằng liệu pháp tế bào gốc kết hợp với tập luyện. Nửa còn lại chỉ điều trị bằng phương pháp tập luyện truyền thống. Kết quả cho thấy, ở nhóm điều trị kết hợp 2 phương pháp, sau 3 – 6 tháng điều trị chức năng vận động cải thiện 40 – 60% so với thời điểm ban đầu. Ở nhóm còn lại, kết quả hạn chế hơn. Trước khi được ghép tế bào gốc, cháu N. bị tiêu chảy, sốt cao, co giật lúc 10 tháng tuổi do nhiễm trùng huyết không rõ nguyên nhân. Được cấp cứu, cháu đã qua cơn nguy kịch, nhưng do có thời gian bị thiếu oxy lên não nên đã bị di chứng bại não. Từ đó, cháu bé thường xuyên bị co cứng người gây ăn uống khó khăn, khó thở, khó ngủ, mệt mỏi. Nhưng sau di chứng, cháu không còn phản xạ giao tiếp thông thường ở lứa tuổi 10 tháng, không biết hóng chuyện, bi bô, lẫy, bò, ngồi như trước. Anh Tuấn, bố cháu cho biết: “Cháu còn bé quá nên theo các BS chưa thể châm cứu cho cháu, nếu uống thuốc Đông y cũng không khả thi. Vì thế, ngoài xoa bóp theo hướng dẫn, ghép tế bào gốc là hy vọng cuối cùng để chữa bệnh cho cháu”. GS – TS Nguyễn Thanh Liêm, GĐ BV Vinmec cho biết: “Cháu bé cần được ghép càng sớm càng tốt. Tế bào gốc được tách chiết, sau đó bơm lại vào máu và tủy sống, hy vọng sẽ phát triển thay thế tế bào não đã tổn thương, hoặc kích thích tế bào tổn thương nhưng chưa chết hẳn hoạt động trở lại. Thông thường, tế bào gốc được tách chiết từ 2 nguồn: Mô mỡ và tủy xương. Ở cháu bé còn nhỏ tuổi này, mô mỡ ít nên BV đã quyết định lấy tế bào gốc tự thân từ tủy xương để ghép. Sau lần bơm đầu tiên, ½ lượng tế bào gốc tách chiết được đang được bảo quản ở nhiệt độ thấp để chẩn bị cho lần bơm thứ 2. Ngày 24.3, tức là ngày thứ 4 sau ghép, cháu bé tỉnh táo, nhưng ăn uống vẫn khó khăn, các cơ co vẫn diễn ra nhưng nhẹ và thưa hơn[U1] . Cháu bé được đánh giá định kỳ 3 – 6 – 12 tháng, mới biết được mức độ thành công trên thực tế của phương pháp này. Được biết, hiện tại chi phí 1 ca ghép tế bào gốc ở VN khoảng 120 – 150 triệu đồng. So với nước ngoài chi phí khoảng 500 – 600 triệu hoặc hơn nữa.

Sắp ghép tế bào gốc chữa tự kỷ

Sau ca ghép tế bào gốc điều trị bệnh bại não, BV Vinmec đang chuẩn bị cho ca đầu tiên ghép tế bào gốc điều trị bệnh tự kỷ. Hiện có 4 trường hợp đang được tư vấn, chuẩn bị. Nói về cơ sở khoa học của phương pháp này, GS Liêm cho biết: Nguyên nhân của bệnh tự kỷ hiện tại chưa được kết luận. Nhưng cũng có giả thuyết cho rằng, ở trẻ tự kỷ có những vùng não mà chức năng của đứa trẻ tự kỷ không liêt kết được với nhau. Ví dụ khi bố mẹ gọi, vùng nhận thức của trẻ có đáp ứng, trẻ mừng. Nhưng để phản xạ lại, trẻ phải nói được, trong khi đó vùng phát âm không kết nối được nhận thức nên trẻ không thể nói. Khi định làm điều gì, trẻ không thực hiện được, những bức xúc ngày càng tích tụ, không giải tỏa được. Từ đó dẫn đến trẻ quá kích, hành hạ bản thân, thậm chí lấy dao rạch người, đập đầu vào tường. Sau điều trị, trẻ cũng được theo dõi trong thời gian 1 năm. Ghép tế bào gốc điều trị bệnh tự kỷ là phương pháp Ấn Độ và Trung Quốc đã thực hiện và công bố. Ở Mỹ cũng đã làm nhưng chưa công bố kết quả chính thức. Trung Quốc công bố 70% trường hợp là thành công. Theo đánh giá, tỉ lệ trẻ tự kỷ ở Việt Nam hiện nay không nhỏ, rất nhiều trường hợp là con trong gia đình trí thức.

Bài thuốc chữa bệnh dạ dày và đại tràng của lương y đánh giặc giỏi chữa bệnh hay

Không treo biển phòng khám nhưng ngày nào nhà Đại tá, lương y Phạm Mược (SN 1945) ở số 8 ngõ 376/31 đường Bưởi, Ba Đình, Hà Nội vẫn luôn nhộn nhịp bệnh nhân đến khám. Nhiều người có hoàn cảnh khó khăn được ông Mược khám miễn phí và cho thuốc mang về điều trị.

Dùng cây rừng chữa bệnh cho đồng đội

Sinh ra trong gia đình có nhiều đời làm nghề bốc thuốc, ngay từ nhỏ ông Mược đã được cha và ông nội truyền cho cách bào chế các bài thuốc đông y. Lớn lên theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ và tham gia kháng chiến ở chiến trường Bình Trị Thiên. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, thiếu thốn trăm thứ, lại ăn ở ròng rã giữa núi rừng, ông Mược và đồng đội phải đối mặt với nhiều loại bệnh tật. Có lần, một chiến sỹ trong đại đội của ông bị đau bụng tiêu chảy và không còn sức hành quân, lúc đó, do có được những kinh nghiệm quý về thuốc nên ông Mược đã tìm ra các loại lá cây rừng để chữa bệnh cho đồng đội. Từ đó đồng đội biết đến ông Mược không chỉ là người lính đánh giặc giỏi mà còn là anh thầy thuốc tài ba. Các loại bệnh tiêu chảy, rắn độc cắn, đau đầu, sốt rét… đều được ông Mược khống chế, nên rất ít khi đồng đội của ông bị đau ốm. Nhớ lại những ngày đó, ông Mược hồ hởi kể: “Cũng may trước khi đi đánh giặc, tôi được cha dẫn lên rừng tìm cây thuốc, nên tôi hiểu rất rõ tác dụng của từng loại cây. Vào rừng, cây thuốc rất nhiều, nên mỗi lúc nghỉ ngơi tôi tranh thủ lấy cây thuốc để hướng dẫn cho đồng đội tác dụng và cách điều trị, về sau đồng đội tôi ai cũng biết tự chữa bệnh cho mình”. Sau giải phóng, ông Mược về quê nhưng không kế nghiệp bốc thuốc của gia đình mà đi theo con đường quân ngũ. Nhưng dù thời chiến hay thời bình và dù làm ở vị trí nào, ông cũng dành thời gian nghiên cứu, bào chế ra các phương thuốc mới để chữa bệnh cho người dân. Từ ngày được giao nhiệm vụ về làm Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn pháo binh 675, ông Mược tiến hành xây dựng mô hình mỗi tiểu đoàn tự trồng cho mình một vườn cây thuốc. Được ông Mược hướng dẫn cho cách chăm sóc và tác dụng của từng cây thuốc, nên chiến sĩ ở các tiểu đội ai nấy đều tự biết chữa bệnh cho mình. Năm 2005 nghỉ hưu, ông về nhà làm nghề bốc thuốc, khách của ông là những đồng đội cũ, đồng đội mới, là những người bệnh nghèo ở khắp mọi nơi tìm đến nhờ ông khám và chữa bệnh. Người này truyền tai người kia về tài chữa bệnh của ông, nên càng ngày lượng người kéo đến nhờ ông chữa bệnh càng đông, nhiều người khuyên ông treo biển, mở phòng khám nhưng ông lại tâm niệm: “Cả đời tôi theo nghiệp quân ngũ, về nhà còn chút thời gian, sức lực thì bốc thuốc chữa bệnh giúp người dân chứ không muốn làm kinh doanh. Ai có bệnh thì chữa bệnh cho họ, nghèo quá thì tôi cho luôn thuốc chứ cũng không lấy tiền, miễn sao họ khỏe lại là được”. Cũng năm 2005, dù đã ở tuổi 60 nhưng ông Mược vẫn theo học 2 năm lớp lương y chuyên sâu để củng cố kiến thức và nghiên cứu sâu hơn về y học cổ truyền, ông đạt kết quả tốt nghiệp loại giỏi. “Dù lớn tuổi và có nhiều kinh nghiệm bốc thuốc, nhưng tôi vẫn quyết định đi học để nắm bắt cho kịp sự phát triển của y học hiện đại và hiểu biết thêm về môi trường sống để tích lũy kinh nghiệm bào chế ra các phương thuốc phù hợp với thời đại”, lương y Mược vui vẻ nói.

Bài thuốc chữa bệnh đau dạ dày và đại tràng

Theo lương y Phạm Mược, nguyên nhân bệnh dạ dày chủ yếu là do chế độ ăn uống không phù hợp, ăn nhiều chất cay, chất nóng, uống nhiều rượu bia, một nguyên nhân khác là do vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori). Các triệu chứng thường gặp như: Đau vùng trên rốn sau khi ăn xong, khi đói ăn vào rất hay bị đau và có cảm giác đau âm ỉ, đau bỏng rát, quằn quại từng cơn, ăn không tiêu, đầy bụng, ợ chua… Lương y Phạm Mược xin được gửi đến bạn đọc Báo Lao Động và Đời sống bài thuốc chữa đau dạ dày gồm các vị sau: Bạch truật (5gr), Bạch cập (5gr), lá Khổ sâm (5gr), Cam thảo (10gr), Kê nội kim (10gr), Bồ công anh (10gr), Ô tặc cốt (10gr), Thạch xương bồ (10gr), Xuyên hoàng liên (10gr), Chè dây (10gr), Hoàn ngọc diệp (10gr), Đẳng sâm (10gr), Quả nhàu (10gr), Khương hoàng (15gr)… Bài thuốc này chỉ dùng cho người lớn và có sức khỏe bình thường, đối với trẻ em nếu bị đau dạ dày cần được khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Về cách dùng, cho các vị thuốc trên vào nước ngâm khoảng 30 phút, sau đó cho vào nồi sắc. Khi sắc, đổ 3 bát nước vào nồi đun cạn lấy 1 bát, đun 3 lần như vậy lấy 3 bát sau đó đổ chung số thuốc đó vào với nhau và uống ngày 3 lần. Cũng nhân dịp này, lương y Phạm Mược xin giới thiệu thêm tới bạn đọc bài thuốc chữa đại tràng. Theo lương y Mược, nguyên nhân chính của bệnh viêm đại tràng là do bị nhiễm khuẩn đường ruột cấp, thương hàn, lỵ trực khuẩn, nhiễm khuẩn gây tổn thương đến niêm mạc đại tràng gây viêm loét đại tràng. Bệnh đại tràng gây cho người bệnh mệt mỏi, chán ăn, rối loạn tiêu hóa thường gặp ở người đi tiêu lỏng nhiều lần/trong ngày, phân có nhầy hoặc máu… Bài thuốc chữa đại tràng của lương y Mược gồm các vị sau: Sơn tra (10gr), Binh lang (10gr), Kê nội kim (10gr), Kha tử nhục (10gr), Bạch truật (10gr), Thương truật (10gr), Hoài sơn (10gr), Liên nhục (10gr), Ý dĩ (10gr), Mộc hương (10gr), Sa nhân (10gr), Ô tật cốt (10gr), Chỉ xác (6gr), Hậu phác (6gr), Bạch biển đậu (10gr), Cam thảo (6gr), Ngũ vị tử (6gr), Đinh hương (10gr), Đảng sâm (6gr), Bổ cốt chỉ (10gr), Nhục đậu khâu (20gr)… Đây là liều lượng thuốc đã được tán thành bột mịn. Dùng thuốc tán thành bột mịn khá đơn giản và tốn rất ít thời gian, đối với người lớn mỗi ngày dùng 10gr thuốc, chia làm 2 lần vào buổi sáng và buổi tối sau bữa ăn, cho thuốc bột vào nước sôi, khấy đều sau đó đợi nguội thì uống. Trong thời gian uống thuốc, kiênguống rượu bia, không ăn thực phẩm có chất tanh, nhiều mỡ, không ăn thực phẩm tái, sống.

“Thần y” 9 tuổi chữa bách bệnh phải nhập viện tâm thần điều trị

Ngày 25.3, BV Nhi Đồng Nai cho biết, lúc 16 giờ cùng ngày BV Nhi đã làm thủ tục và chuyển viện cho em Phùng Minh Quân (9 tuổi, ở xã Bàu Hàm 2, H.Thống Nhất) sang BV tâm thần TƯ 2 để theo dõi và điều trị. Theo các bác sĩ BV Nhi Đồng Nai, em Quân được nhập viện điều trị tại khoa hồi sức tích cực - chống độc (Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai) vì suy nhược cơ thể, làm việc quá sức, ăn ngủ không điều độ. Sau nhiều ngày được chăm sóc, ăn ngủ nghỉ thoải mái, sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định. Tuy nhiên, theo chẩn đoán ban đầu, em Quân vẫn còn biểu hiện sợ hãi, lo lắng và đôi lúc tỏ ra thất thần, bệnh viện đang theo dõi các rối loạn tâm thần, hoang tưởng ở bệnh nhân. Theo UBND xã Bàu Hàm 2, do nghe tin đồn em Quân có thể chữa được bách bệnh nên hàng ngày luôn có khoảng 700 người đến khu vực nhà Quân đợi em đi học về để được chữa bệnh (thứ bảy, chủ nhật mỗi ngày khoảng 3.000 người). UBND xã Bàu Cạn 2 đã mời bố mẹ nuôi của Quân là bà Nguyễn Thị Tất và ông Phùng Văn Độ lên làm việc, yêu cầu ngừng hoạt động chữa bệnh không có cơ sở khoa học trên. Tuy nhiên, chỉ được vài hôm thì tình trạng chữa bệnh bằng cách húc đầu, nắm tóc lại tái diễn, người dân lại ùn ùn đổ về địa bàn xã để xin em Quân chữa bệnh. Trước đó UBND H.Thống Nhất đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với ông Phùng Văn Độ và bà Nguyễn Thị Tất (ngụ ấp Ngô Quyền, xã Bàu Hàm 2) 35 triệu đồng do tổ chức chữa bệnh không có chứng chỉ hành nghề, buộc ông Độ và bà Tất đình chỉ ngay việc chữa bệnh trái phép phản khoa học này.

Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM: Cấy da, cứu sống một bé gái bị bỏng nặng vì nướng ngô

Bác sỹ Trần Bích Thủy, khoa Bỏng, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cho biết, bệnh viện vừa thực hiện cấy ghép da cho trường hợp bé Rahlan M. (6 tuổi, ở Gia Lai). Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bị bỏng nặng, các vết bỏng ăn sâu và đã bị nhiễm trùng. Sau khi cấy ghép da, bệnh nhân đã qua cơn nguy hiểm. Tuy nhiên, bệnh nhân rất gầy, dinh dưỡng yếu nên quá trình phục hồi sẽ chậm. Hiện tại, bệnh nhân đang được chuyển về phòng cách ly, khoa bỏng, bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM để chăm sóc. Dì ruột Rahlan M. cho biết, bé bị bỏng nặng khi đang nướng ngô trong rẫy, bị bén lửa cháy hết quần áo. Bé đã tự di chuyển đến nơi có nước và tự dập tắt. Khi người nhà phát hiện ra bé thì các bết cháy đã ăn rất sâu vào da. Ban đầu, gia đình đã đưa bé đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai cấp cứu. Tuy nhiên, vì tình trạng bỏng nặng nên bé được chuyển về bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM để điều trị. Bác sỹ Thủy cũng cho biết, toàn bộ chi phí điều trị của bé tại bệnh viện được miễn hoàn toàn.

Hà Nội mới

Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia ATVSTP năm 2014: Đừng “đánh trống bỏ dùi”

Ngày 25-3, Bộ Y tế tổ chức hội nghị triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) năm 2014 với mục tiêu nâng cao năng lực hệ thống tổ chức quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương, đủ sức để thực hiện chuỗi thực phẩm an toàn "từ trang trại đến bàn ăn". Thế nhưng, nhìn vào thực tế, cứ mỗi đợt ngành chức năng ra quân, hàng loạt vi phạm bị phanh phui nhưng sau đó tình hình vi phạm chất lượng ATVSTP đâu vẫn hoàn đó.

Kiểm tra là ra vi phạm

Báo cáo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) về đợt kiểm tra dịp Tết vừa qua cho thấy, chỉ trong gần 2 tháng (từ ngày 15-12-2013 đến 6-2 năm nay) có 9 đoàn liên ngành ATVSTP trung ương và các đoàn của 63 tỉnh, thành phố cùng vào cuộc đã thanh - kiểm tra tổng số hơn 169.000 cơ sở, trong đó phát hiện hơn 34.000 cơ sở vi phạm. Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Trần Quang Trung nhận xét, những lỗi vi phạm chủ yếu về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ, chất lượng sản phẩm… Thậm chí, trong quá trình thanh - kiểm tra, các ngành chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng như: Vận chuyển sản phẩm lòng, nầm heo, nầm bò, nầm trâu đã bị hỏng, hôi thối, bốc mùi... Bên cạnh đó, việc sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, quá giới hạn cho phép không có nhãn phụ bằng tiếng Việt trong các cơ sở kinh doanh thực phẩm, bếp ăn tập thể, nhà hàng còn diễn ra phổ biến. Năm nào cũng diễn ra "Tháng hành động quốc gia về ATVSTP" với những quyết tâm ngày càng mạnh mẽ của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, tình hình ngộ độc thực phẩm hằng năm vẫn tăng đều cả về số vụ, số người mắc và mức độ thiệt hại. Từ đầu năm 2014 đến nay, trên cả nước đã xảy ra không ít vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể của những khu công nghiệp. Gần đây nhất là vụ ngộ độc xảy ra ngày 20-3 tại Công ty Oriental Germent (Khu công nghiệp Bình Hòa, xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) khiến gần 180 công nhân phải nhập viện. Chưa kể đến những ảnh hưởng lâu dài của thực phẩm "bẩn" đối với sức khỏe con người. Mỗi năm, cả nước có đến 15.000 người mắc căn bệnh ung thư. WHO cũng đã đưa ra khuyến cáo, tỷ lệ bệnh ung thư sẽ tăng đến 57% trong vòng 20 năm nữa và Việt Nam được đánh giá là một trong các nước có tỷ lệ ung thư cao nhất thế giới. Không sai nếu cho rằng, trong số hàng nghìn người nhiễm căn bệnh nan y này, một phần không nhỏ do hằng ngày, hàng giờ họ đang phải sử dụng các thực phẩm còn tồn dư hóa chất độc hại. Nhiều chuyên gia còn cho rằng, vấn đề mất ATVSTP không chỉ tác động đến người tiêu dùng trong nước mà còn làm xấu đi hình ảnh nông sản Việt trong mắt khách hàng quốc tế. Việc thị trường các nước đã có những cảnh báo về rau quả nước ta vi phạm quy định về ATVSTP hay thủy sản nhiễm dư lượng kháng sinh đã làm thiệt hại về kinh tế, làm mất uy tín với các bạn hàng truyền thống. Sáng 25-3, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) tổ chức kỷ niệm 15 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế đã ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Cục An toàn thực phẩm suốt 15 năm qua trong công tác bảo đảm ATVSTP. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh nhiều khó khăn và thách thức như hiện nay các cán bộ, công chức của Cục cần phải cố gắng hơn nữa để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao trong công tác quản lý an toàn thực phẩm.

Không chỉ là…hô khẩu hiệu!

Theo kế hoạch, chương trình mục tiêu quốc gia ATVSTP năm 2014 phấn đấu giảm 5% số vụ ngộ độc thực phẩm so với năm 2013; 70% cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm được kiểm tra đạt yêu cầu ATVSTP, đồng thời tập trung triển khai 4 dự án, gồm: Nâng cao năng lực quản lý chất lượng ATVSTP; thông tin giáo dục truyền thông bảo đảm chất lượng ATVSTP; tăng cường năng lực hệ thống kiểm nghiệm chất lượng ATVSTP; phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Tuy nhiên, dù có tới 3 bộ (Bộ NN& PTNT, Bộ Công thương, Bộ Y tế) cùng quản lý "mâm cơm" của người dân nhưng xem ra còn nhiều khó khăn, lúng túng. Nhiều đại biểu quan ngại, việc thanh - kiểm tra thực phẩm "bẩn" trên thị trường cũng chỉ như… "bắt cóc bỏ đĩa". Do vậy, chúng ta luôn đề cao khẩu hiệu: "Người tiêu dùng phải trở thành nhà thông thái". Nhưng thông thái thế nào được khi mà tình trạng nhập lậu thực phẩm bẩn, sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, sử dụng hóa chất công nghiệp trong chế biến thực phẩm còn phổ biến; các loại phẩm màu, đường hóa học bị lạm dụng trong pha chế nước giải khát, sản xuất bánh kẹo, chế biến thức ăn sẵn; nhiều loại thịt bán trên thị trường không qua kiểm duyệt thú y; công tác quản lý ATVSTP đối với thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể, khu du lịch, lễ hội, chợ tự phát, chợ tạm bị buông lỏng; công tác thanh tra liên ngành chồng chéo, kém hiệu lực, xử lý vi phạm không kiên quyết… Ngay cả đợt thanh - kiểm tra liên ngành ATVSTP trong dịp Tết cũng cho thấy, trong số hơn 34.000 cơ sở vi phạm chỉ có hơn 7.200 cơ sở bị xử lý với tổng số tiền phạt là 5,103 tỷ đồng. Còn lại, hơn 27.000 cơ sở (chiếm 79,06% số cơ sở vi phạm) không bị xử lý, chỉ nhắc nhở. Năm nào cũng hô hào rầm rộ với một quyết tâm mới, nhưng trên thực tế vấn đề vẫn không được giải quyết triệt để. Trong khi thực phẩm là nhu cầu thiết yếu hằng ngày của mọi người, để giảm những vụ ngộ độc thực phẩm và tính chất nguy hại của nó thì không chỉ hô hào rầm rộ là làm được, thậm chí cũng không phải chỉ làm theo "Tháng hành động" hoặc theo "chiến dịch" là xong. Điều quan trọng là các cơ quan chức năng cần làm hết trách nhiệm, phối hợp đồng bộ và có hiệu lực, đồng thời mọi sai phạm cần bị xử lý nghiêm với mức phạt đủ sức răn đe. Có như vậy, thực phẩm bẩn mới không trở thành nỗi ám ảnh đối với người tiêu dùng.

Số ca nhiễm mới cúm A/H7N9 trên thế giới có xu hướng giảm

Ngày 25-3, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có thông báo về tình hình nhiễm cúm A/H7N9 trên thế giới. Theo đó, đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 24-3 cho biết, tại Trung Quốc ghi nhận thêm 2 trường hợp nhiễm mới cúm A/H7N9 tại tỉnh Quảng Đông và An Huy, trong đó một trường hợp có tiền sử phơi nhiễm với gia cầm. Hiện tại cả 2 bệnh nhân đều trong tình trạng nguy kịch. Như vậy, theo WHO, cộng dồn từ tháng 3-2013 đến nay ghi nhận 398 trường hợp nhiễm cúm A/H7N9, 121 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, số trường hợp nhiễm mới cúm A/H7N9 trong tháng 3-2014 đã giảm so với các tháng trước đó. Nếu như tháng 1 ghi nhận 125 trường hợp nhiễm mới cúm A/H7N9, tháng 2 có 95 trường hợp thì từ đầu tháng 3-2014 đến nay chỉ có 20 trường hợp nhiễm mới cúm A/H7N9.

Ngày 1-4, chất vấn "tư lệnh" hai ngành y tế, công thương

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn giữa hai kỳ họp Quốc hội vào ngày 1-4 tới. Khác với các phiên chất vấn thường kỳ, trong phiên chất vấn tới, hai bộ trưởng không trình bày báo cáo mà sẽ trả lời ngay những câu hỏi chất vấn của các đại biểu. Trong phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương, các vấn đề đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ là: Giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý thị trường; cách xử lý tình trạng thương lái nước ngoài mua vét nguyên liệu nông sản, thủy, hải sản gây rối loạn thị trường, ảnh hưởng đến sản xuất - kinh doanh trong nước; tình trạng xuất khẩu lậu quặng, khoáng sản thông qua đường tiểu ngạch. Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Công thương cũng sẽ trả lời trách nhiệm quản lý nhà nước về điện, xăng, dầu, việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng… Với Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, các nội dung được yêu cầu giải đáp gồm: Giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp về y đức của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế; thực trạng tổ chức bộ máy y tế tuyến huyện, xã. Việc đầu tư y tế cơ sở nhằm giảm tải cho bệnh viện tuyến trên, công tác quản lý nhà nước đối với y tế tư nhân... cũng được làm rõ trong dịp này. Theo kế hoạch, tham gia phần chất vấn cùng Bộ trưởng Bộ Công thương sẽ là các bộ trưởng: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính. Bộ trưởng các bộ: Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam "chia lửa", làm rõ thêm một số vấn đề cùng Bộ trưởng Bộ Y tế. Chương trình được phát thanh, truyền hình trực tiếp và kết nối trực tuyến với 63 đoàn đại biểu Quốc hội .

Nhiều bệnh nhi được cứu sống nhờ ghép tế bào gốc

Từ đầu năm đến nay, tại các bệnh viện khu vực phía Bắc, ít nhất đã có 3 bệnh nhi được cứu sống nhờ kỹ thuật ghép tế bào gốc. Các bác sĩ cho biết, trong tương lai gần ở nước ta, ghép tế bào gốc sẽ là một phương pháp hữu hiệu giúp cứu sống nhiều trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo.

Tăng cơ hội sống cho người bệnh

Đầu tháng 3-2014, cháu Trần Ngọc A. (9 tuổi, ở Tiên Lữ, Hưng Yên) mắc bệnh suy tủy nặng đã được cứu sống nhờ ghép tế bào gốc tạo máu (ghép tủy) thành công. Đáng chú ý là trường hợp ghép tế bào gốc tạo máu này được thực hiện nhờ sự hợp tác chặt chẽ giữa 2 bệnh viện: Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương và Bệnh viện Nhi Trung ương. TS Dương Bá Trực, BV Nhi Trung ương cho biết, cháu Trần Ngọc A. được phát hiện suy tủy nặng từ tháng 10-2013. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, cháu đã được làm xét nghiệm hòa hợp mô (HLA) và được tìm thấy hòa hợp HLA với em ruột là cháu Trần Ngọc G., 6 tuổi. Nếu được ghép thì Trần Ngọc A. có cơ hội khỏi bệnh, nhưng ca ghép chưa được thực hiện vì chưa đủ kinh phí. Từ đó, cháu Trần Ngọc A. đã phải đến truyền hồng cầu và tiểu cầu nhiều lần để duy trì cuộc sống và chờ cơ hội ghép tế bào gốc tạo máu. Theo TS Dương Bá Trực, cơ may đã đến với cháu Trần Ngọc A. khi các bác sĩ biết được Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đang triển khai ghép tế bào gốc tạo máu cho trẻ em và có khả năng quyên góp kinh phí để thực hiện những ca đầu tiên. Cháu Trần Ngọc A. đã được chuyển từ BV Nhi Trung ương sang Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương để thực hiện ca ghép. Ngày 9-3, ca lấy tủy thu hoạch tế bào gốc tạo máu từ người cho là cháu Trần Ngọc G. đã thành công tốt đẹp, sau 1 giờ gây mê, các bác sĩ đã lấy đủ số lượng tủy để truyền. Ca ghép cho bệnh nhân A. được thực hiện ngay sau đó và hoàn thành trong 4 giờ ghép liên tục. Đến nay, sau khi ghép hơn 10 ngày, bệnh nhi Trần Ngọc A. có tình trạng ổn định, số lượng bạch cầu bắt đầu tăng dần. Trước đó hơn 1 tuần, BV Nhi Trung ương đã ghép tế bào gốc tạo máu điều trị thành công cho một cháu bé mắc bệnh Thalassemia. Đây là trường hợp ghép tế bào gốc tạo máu điều trị bệnh Thalassemia thứ 10 tại BV này. Trong khi đó, các bác sĩ BV Vinmec, đứng đầu là GS.TS Nguyễn Thanh Liêm cũng lần đầu tiên tiến hành ca ghép tế bào gốc để cứu sống bệnh nhân B.D.N (13 tháng tuổi), bị di chứng bại não. Ca bệnh này bước đầu đã thành công và bệnh nhân sẽ tiếp tục được tiến hành bơm tế bào gốc lần 2 vào ngày 28-3 tới…

Mở ra hướng đi mới

Theo TS Dương Bá Trực, phương pháp điều trị các bệnh hiểm nghèo bằng ghép tế bào gốc đã phát triển rất mạnh trên thế giới nhưng ở Việt Nam mới được chú ý trong vài năm gần đây. TS Dương Bá Trực nhấn mạnh, ghép tế bào gốc tạo máu thành công đòi hỏi không chỉ có phương tiện máy móc, thuốc, hoá chất mà còn cần sự phối hợp của các bác sĩ có kiến thức về huyết học, miễn dịch, truyền máu. Để thực hiện được công việc này còn cần sự tham gia của các bác sĩ gây mê, điều trị hồi sức và một số chuyên khoa khác. GS.TS Nguyễn Thanh Liêm cho biết, với nguồn tế bào gốc phong phú từ máu cuống rốn đã được phát hiện và sử dụng rộng rãi trong những năm gần đây, khả năng ứng dụng tế bào gốc trong chữa bệnh tại nước ta chắc chắn ngày càng được mở rộng. Hiện chi phí 1 ca ghép tế bào gốc ở Việt Nam khoảng 120 – 150 triệu đồng. Sau những ca ghép tế bào gốc điều trị bệnh bại não, bệnh suy tủy, bệnh Thalassemia, tới đây Việt Nam sẽ tiến tới những ca ghép tế bào gốc điều trị bệnh tự kỷ và nhiều bệnh lý hiểm nghèo khác. Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương khẳng định, tế bào gốc giúp điều trị rất hiệu quả các bệnh về máu và trong tương lai Viện Huyết học- truyền máu Trung ương sẽ tiếp tục phát triển phương pháp này để cứu sống nhiều người bệnh hơn nữa. Tương tự, TS.BS Nguyễn Viết Lượng, Giám đốc Trung tâm Thẩm mỹ, Viện Bỏng Quốc gia – người đã gắn bó nhiều năm với tế bào gốc trong điều trị da – cho biết, sử dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh là hướng đi của y học thế giới. Không chỉ chữa hiệu quả các bệnh về máu, về da, tế bào gốc còn có nhiều tác dụng khác mà chúng ta đang dần khám phá.

Công an nhân dân

Từ chối truyền thuốc cho bệnh nhân vì chưa đủ điều kiện an toàn

Ngày 25-3, Bộ Y tế cho biết đã nhận được báo cáo của Sở Y tế Hải Phòng về việc xác minh phản ánh của gia đình bệnh nhân Thái Bá Tương, 79 tuổi, vào điều trị tại khoa Nội 2 – BV Việt Tiệp Hải Phòng ngày 13-3 vừa qua. Trước đó, anh Thái Bá Biên, con bệnh nhân Thái Bá Tương có phản ánh về việc anh mang đơn thuốc của bố do bác sĩ của BV Việt Tiệp kê, đi mua tại nhà thuốc ở đường Hai Bà Trưng (Hải Phòng). Hóa đơn mua thuốc là hóa đơn bán lẻ không có địa chỉ nhà thuốc, số tiền mua thuốc là 893.000 đồng (trong đó riêng thuốc Biseko là 880.000 đồng). Vợ anh Biên đem thuốc cùng hóa đơn mua thuốc vào bệnh viện đưa cho điều dưỡng truyền cho bố mình nhưng điều dưỡng xem xong hóa đơn thì nói “phải mua thuốc ở bệnh viện chúng tôi mới truyền”. Ngay sau đó anh Biên vào nhà thuốc số 1 của Bệnh viện Việt Tiệp mua thuốc Biseko (giá tiền là 1.010.000 đồng) mang về và được điều dưỡng nói trên truyền cho bệnh nhân Thái Bá Tương. Trước sự việc trên, Sở Y tế Hải Phòng đã làm việc với bác sĩ Phạm Thị Phương Nam (người kê đơn thuốc) và bác sĩ Đinh Thị Phương Lan-Phó trưởng khoa Nội 2 để xác minh. Cả hai bác sĩ này đều khẳng định không gợi ý bệnh nhân bắt buộc mua thuốc tại nhà thuốc BV. Còn lý do không truyền lọ thuốc mà bệnh nhân mua bên ngoài vào là do bác sĩ kiểm tra thấy lọ thuốc Biseko này chưa đủ điều kiện an toàn, hóa đơn mua thuốc là hóa đơn bán lẻ không có địa chỉ nhà thuốc, không ghi tên bệnh nhân và nhiệt độ bảo quản lọ thuốc cũng không phù hợp. Sở Y tế cũng tiến hành kiểm tra tại Nhà thuốc số 1-BV Việt Tiệp Hải Phòng và khẳng định giá thuốc Biseko được bán đúng giá đã niêm yết. Trong khi đó, kiểm tra tại nhà thuốc tư nhân trên đường Hai Bà Trưng (Hải Phòng), các nhà thuốc chưa xuất trình được hóa đơn chứng minh nguồn gốc của thuốc Biseko. Dù kết luận phía bệnh viện không có sai sót trong vụ việc này song Phó Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng Nguyễn Tiên Sơn cũng yêu cầu BV Việt Tiệp phải chú trọng bồi dưỡng quy tắc giao tiếp, ứng xử với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân cho nhân viên y tế, tránh gây hiểu lầm của bệnh nhân cho rằng nhân viên y tế cấu kết với nhà thuốc ép bệnh nhân mua thuốc giá đắt nhằm trục lợi. Sở cũng chỉ đạo tiếp tục thanh tra đột xuất các nhà thuốc tư nhân ngoài BV để làm rõ nguồn gốc thuốc Biseko và kiên quyết xử lý sai phạm theo quy định.

Khen thưởng y sỹ hiến máu cứu sống bệnh nhân hiểm nghèo

Chiều 24/3, Bộ Y tế chính thức thông báo về việc sẽ tiến hành khen thưởng đối với y sĩ Đoàn Văn Hải ở BVĐK Tân Yên, Bắc Giang, sau khi xác minh thông tin qua đường dây nóng. Tối 14/3, chị Lương Thị Hồng, 30 tuổi, ở thôn Xuân Tiến, xã Liên Chung được người nhà đưa vào Khoa ngoại - sản BVĐK Tân Yên trong tình trạng nguy kịch, đau bụng dữ dội. Kết quả xét nghiệm nhanh cho thấy chị Hồng đang bị chảy máu trong do chửa ngoài tử cung, cần phẫu thuật cấp cứu.

Quá trình phẫu thuật, chị Hồng bị mất máu và phải truyền khoảng 2.000ml máu ngay mới có thể được cứu sống. Hơn 10 người trong gia đình bệnh nhân đã thử máu nhưng không có ai cùng nhóm máu với chị Hồng. Trước tình cảnh ấy, đang là cán bộ làm việc trong ca mổ, y sỹ Đoàn Văn Hải đã tình nguyện cho 350ml máu để cứu sống chị Hồng. Nhờ đó, các bác sĩ của BVĐK Tân Yên đã yên tâm tiếp tục tiến hành phẫu thuật và đã thành công. Được biết, y sỹ Đoàn Văn Hải đã 6 lần hiến máu cứu chữa bệnh nhân. Hiện, Sở Y tế tỉnh Bắc Giang đã hoàn tất các thủ tục để trao Giấy khen cho y sỹ Hải, đồng thời, biểu dương tấm gương của anh để nhân viên y tế toàn tỉnh học tập.

Triển khai Tháng hành động vì chất lượng

Ngày 25-3, tại khu du lịch sinh thái Sông Hồng Thủ đô (tỉnh Vĩnh Phúc), Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế triển khai chương trình mục tiêu quốc gia VSATTP năm 2014, trọng tâm là Tháng hành động vì chất lượng VSATTP. Với chủ đề “An toàn thực phẩm thức ăn đường phố”, Tháng hành động được triển khai từ ngày 15-4 đến 15-5 trên phạm vi cả nước. Tháng hành động vì chất lượng VSATTP tập trung tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân biết và tuân thủ pháp luật về ATTP, tiếp tục nhân rộng các mô hình điểm về ATTP thức ăn đường phố trên cả nước. Bên cạnh đó, từng bước phát huy những ưu điểm của thức ăn đường phố, hạn chế những nhược điểm, nguy cơ tiềm ẩn mà thức ăn đường phố có thể mang đến.

Tiền phong

Lần đầu tiên chữa bại não bằng tế bào gốc

Bệnh nhi N.T.N(13 tháng tuổi ở Thanh Hóa), vừa trở thành trường hợp đầu tiên tại Việt Nam được ghép tế bào gốc chữa bại não. Kỹ thuật này cũng giúp những bệnh nhân bị liệt chi do đột quỵ, tai biến mạch máu não có thể hồi phục. Bệnh nhi N. bị tiêu chảy, sốt cao và co giật lúc 10 tháng tuổi. Bác sĩ kết luận bị nhiễm trùng huyết phải thở máy và trẻ chịu di chứng bại não. Ra viện, bệnh nhi thường xuyên vị trương lực cơ, xoắn vặn người khiến cơ thể cứng lại khó ăn uống, thở khó. Cũng từ đó, N. không giao tiếp bình thường như các bạn cùng tháng, không biết lẫy, bò như trước. Ngày 10/3 vừa qua, bệnh nhi vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec trong tình trạng duỗi cứng chân, co quắp hai tay liên tục, sốt cao, viêm phế quản. GS Liêm cho biết, với bệnh bại não thường do tế bào não bị khiếm khuyết, khi đưa tế bào gốc vào não sẽ dễ dàng tái tạo lại tế bào não giúp não hoạt động trở lại. Tại Mỹ, Ấn Độ đã điều trị tế bào gốc cho nhiều trẻ bị tự kỉ, bại não cho kết quả rất khả quan. Bệnh nhân càng nhỏ tuổi thì tỷ lệ thành công càng cao, do tế bào hồi phục nhanh. Tuy nhiên, do trẻ còn nhỏ tuổi nên xương chậu mỏng khiến việc lấy tế bào gốc từ tủy xương rất khó. Sau khi lấy tủy xương, bác sĩ lọc hết các tế bào khác, chỉ giữ lại tế bào tủy xương và bơm trở lại vào mạch máu và tủy sống của bệnh nhi. GS Liêm hy vọng những tế bào gốc được bơm vào sẽ giúp phát triển thành tế bào não mới thay thế những tế bào bị chết đồng thời kích hoạt những tế bào bị tổn thương hoạt động trở lại. Sau một tuần nữa, bệnh nhi N. sẽ được ghép tiếp đợt tế bào gốc thứ 2. Dự kiến, sau 3 tháng có thể đánh giá được sự hồi sinh của tế bào gốc mới trong cơ thể bệnh nhân. Sau quá trình kiểm tra sự phát triển của tế bào gốc mới tại thời điểm sau ghép 3 tháng, 6 tháng và 1 năm, bệnh nhân sẽ được tập phục hồi chức năng và theo dõi tiếp. Chi phí cho ca ghép tế bào gốc chữa bại não đầu tiên có chi phí gần 120 triệu đồng. Trên thế giới, một ca ghép tế bào gốc chữa bại não dao động từ 500-600 triệu đồng. Các công trình nghiên cứu trên thế giới cho thấy tỷ lệ bệnh nhân có khả năng vận động trở lại, hòa nhập với cộng đồng đạt 60-70%, trí tuệ và ngôn ngữ được cải thiện nhiều. Tuần này ghép tế bào gốc chữa tự kỷ GS.TS Nguyễn Thanh Liêm cho biết thêm, tuần này sẽ tiến hành ghép tế bào gốc chữa bệnh tự kỷ cho bệnh nhân đầu tiên. Hiện đã có 4 bệnh nhân tự kỷ đang chờ được ghép tế bào gốc. Tất cả các bệnh nhân đều bị bệnh nặng, trong đó có 1 trẻ 12 tuổi bị tự kỷ rất nặng, có thói quen hành hạ bản thân như tự rút các móng tay, đập đầu vào tường.GS Liêm cho biết, một số vùng não của trẻ tự kỷ không liên kết được với nhau như vùng nhận thức và vùng hoạt động, vùng nhận thức và vùng phát âm. Điều đó khiến trẻ muốn bộc lộ suy nghĩ hay hành động nhưng không được nên tự hành hạ bản thân hoặc gào thét để giải tỏa bức xúc. Việc ghép tế bào gốc giúp sản sinh ra tế bào thần kinh có khả năng liên kết giữa các vùng có chức năng khác nhau của não để các vùng hoạt động bình thường.

vietnamplus

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh giáo sư Trịnh Ngọc Phan

Ngày 25/3, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Bộ Y tế) phối hợp với Trường Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Bạch Mai tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh giáo sư, bác sỹ Trịnh Ngọc Phan (30/3/1914-30/3/2014). Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên nêu rõ: Lễ kỷ niệm là dịp để ngành y tế tri ân và ghi nhận những đóng góp to lớn của giáo sư, bác sỹ Trịnh Ngọc Phan đối với sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Thứ trưởng khẳng định, giáo sư, bác sỹ Trịnh Ngọc Phan là người đặt nền móng cho chuyên ngành truyền nhiễm Việt Nam. Với hơn 40 năm cống hiến, giáo sư là người thầy giáo tận tâm, người thầy thuốc yêu nghề và nhà khoa học tài năng đầy sáng tạo. Dù ở cương vị nào ông cũng đem hết khả năng và nhiệt huyết của mình để làm việc và cống hiến cho ngành truyền nhiễm. Tưởng nhớ đến công lao đóng góp to lớn cho nền y học nước nhà, mọi thế hệ cán bộ truyền nhiễm cần luôn ghi nhớ và học tập tấm gương của Giáo sư để phục vụ tốt hơn nữa cho việc chăm sóc sức khỏe người dân. Giáo sư, bác sỹ Trịnh Ngọc Phan sinh ngày 30/3/1914 tại Hà Nội; mất ngày 31/5/1985. Năm 1944, sau khi tốt nghiệp bác sỹ loại xuất sắc tại trường Đại học Y dược Hà Nội, giáo sư về công tác tại Bệnh viện Bạch Mai. Trong suốt 40 năm công tác, ông đã đảm nhận nhiều trọng trách như: Trưởng khoa tại Bệnh viện Bạch Mai, Chủ nhiệm bộ môn bệnh truyền nhiễm tại trường Đại học Y Hà Nội và Chủ tịch Hội phòng chống bệnh truyền nhiễm Việt Nam. Ông luôn chú trọng đến việc chẩn đoán bệnh đúng và sớm, tránh cho bệnh nhân chuyển sang giai đoạn nặng với nhiều biến chứng khó điều trị, gây tốn kém tiền bạc, thời gian và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe. Giáo sư Trịnh Ngọc Phan đã biên soạn nhiều cuốn sách về chuyên ngành truyền nhiễm có giá trị cả về lý thuyết và thực hành; đồng thời là sách giáo khoa giảng dạy trong các trường đại học, trung cấp y và các cở sở y tế trong cả nước. Những công trình nghiên cứu với gần 100 bản tổng kết lâm sàng và chuyên đề của Giáo sư đã được báo cáo tại nhiều hội nghị khoa học trên toàn quốc và được công bố trên các tạp chí khoa học bằng tiếng Việt và tiếng Pháp. Đặc biệt, năm 2000, công trình nghiên cứu “Phát hiện sớm, chẩn đoán nhanh và xử trí đúng các bệnh truyền nhiễm thường gặp và gây dịch để giảm bớt và ngăn chặn bệnh dịch ở Việt Nam” của giáo sư đã được Chủ tịch nước truy tặng Giải thưởng khoa học Nhà nước về khoa học và công nghệ./.

Triển khai Tháng hành động vì chất lượng an toàn thực phẩm

Ngày 25/3, tại khu du lịch sinh thái Sông Hồng Thủ đô (tỉnh Vĩnh Phúc), Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế đã triển khai chương trình mục tiêu quốc gia vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2014, trọng tâm là Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Với chủ đề “An toàn thực phẩm thức ăn đường phố,” Tháng hành động được triển khai từ 15/4 đến 15/5 trên phạm vi cả nước. Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tập trung tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân biết và tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm, tiếp tục nhân rộng các mô hình điểm về an toàn thực phẩm thức ăn đường phố trên cả nước. Bên cạnh đó, từng bước phát huy những ưu điểm của thức ăn đường phố, hạn chế những nhược điểm, nguy cơ tiềm ẩn mà thức ăn đường phố có thể mang đến. Tháng hành động còn là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động chiến dịch truyền thông đẩy mạnh các hoạt động vì chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể và các bệnh truyền qua thực phẩm do sử dụng thức ăn đường phố. Các chuyên gia tham dự hội nghị đã nhấn mạnh vai trò của công tác phối hợp liên ngành, đặc biệt là tăng cường vai trò của các cấp chính quyền, ban quản lý các khu công nghiệp, ban quản lý lễ hội; trách nhiệm của cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh trong công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hội nghị cũng thống nhất quyết tâm thực hiện nghiêm 10 nguyên tắc trong kinh doanh thức ăn đường phố; quyết tâm ngăn chặn thực phẩm không an toàn; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, kinh doanh, sử dụng thực phẩm không an toàn; gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch...Nhân dịp này, Cục An toàn thực phẩm đã kỷ niệm 15 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì do Nhà nước trao tặng./.

Thông tin vụ không mua thuốc bệnh viện, bác sỹ từ chối tiêm

Sở Y tế Thành phố Hải Phòng vừa có văn bản gửi Bộ Y tế trả lời về việc xác minh thông tin phản ánh của báo Dân trí về việc không mua thuốc đắt của bệnh viện, bác sỹ từ chối tiêm. Báo cáo kết quả xác minh cho thấy điều dưỡng khoa nội 2 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng đã thực hiện đúng quy trình trước khi tiêm truyền cho người bệnh, khi phát hiện thuốc không đủ đảm bảo an toàn đã báo cáo và xin ý kiến của bác sỹ là đúng. Ngày 13/3, Sở Y tế Thành phố Hải Phòng đã nhận được công văn của Bộ Y tế về việc đề nghị kiểm tra thông tin đăng trên báo Dân trí với nội dung: Bác sỹ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp từ chối tiêm cho bệnh nhân không mua thuốc của bệnh viện. Ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế Thành phố Hải Phòng đã chỉ đạo Thanh tra sở phối hợp với các phòng chức năng để xác minh các nội dung báo đã nêu. Theo kết quả làm việc tại Khoa nội 2, bác sỹ Phạm Thị Phương Nam xác nhận là người đã kê đơn cho bệnh nhân Thái Bá Trương, 79 tuổi đang nằm điều trị tại Khoa nội 2, thuốc kê là Biseko 50ml x 1 chai (kê vào bệnh án và kê vào đơn để người nhà bệnh nhân mua tự túc, gia đình đồng ý đã ký vào bệnh án mua tự túc loại thuốc này.) Bác sỹ Đinh Thị Phương Lan - Phó trưởng Khoa nội 2, báo cáo giải trình khi đang đi buồng khám bệnh cho bệnh nhân Tương thì được điều dưỡng Đặng Thị Kim Tuyến báo cáo bệnh nhân Tương có y lệnh truyền thuốc Biseko nhưng điều dưỡng kiểm tra thấy thuốc chưa đủ điều kiện an toàn. Bác sỹ Lan đã kiểm tra lại và thấy hóa đơn mua thuốc trên là hóa đơn bán lẻ, không có địa chỉ nhà thuốc, không ghi tên bệnh nhân. Lọ thuốc Biseko đang ở nhiệt độ phòng (trong khi lọ thuốc phải bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C). Vì thấy thuốc không đủ đảm bảo an toàn, bác sỹ Lan đã giải thích với gia đình bệnh nhân nếu truyền lọ thuốc khi chưa đủ an toàn thì nguy cơ tai biến thuốc có thể xảy ra. Người nhà bệnh nhân sau khi nghe bác sỹ giải thích đã hiểu và không có thắc mắc thêm, cầm đơn đi mua thuốc ở nhà thuốc khác. Bác sỹ Lan khẳng định không gợi ý bệnh nhân phải bắt buộc mua thuốc tại nhà thuốc bệnh viện, bác sỹ không là người trực tiếp tiêm truyền và không từ chối tiêm truyền thuốc cho bệnh nhân, việc tiêm truyền là do điều dưỡng thực hiện. Sau khi người nhà của bệnh nhân mua thuốc lần 2 ở nhà thuốc khác (người nhà bệnh nhân mua thuốc tại nhà thuốc số 1 của bệnh viện), điều dưỡng Tuyến đã đối chiếu đủ đảm bảo an toàn và đã tiến hành truyền thuốc cho bệnh nhân theo y lệnh. Kết quả kiểm tra tại nhà thuốc số 1 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng cho thấy nhà thuốc có kinh doanh thuốc Beseko chai 50ml đúng theo quy định. Kết quả kiểm tra tại một số nhà thuốc tư nhân khu vực cổng bệnh viện trên cho thấy hiện tại không có nhà thuốc nào kinh doanh thuốc Beseko. Qua kiểm tra, chủ nhà thuốc trên đường Hai Bà Trưng mà người nhà của bệnh nhân mua thuốc báo cáo có mua 3 chai Beseko từ một cơ sở khác, đã bán hết và hiện chưa xuất trình được hóa đơn chứng minh nguồn gốc của thuốc này. Sở Y tế Hải Phòng kết luận bác sỹ Khoa nội 2 không là người trực tiếp tiêm truyền thuốc cho bệnh nhân, việc tiêm truyền thuốc là do điều dưỡng thực hiện. Thuốc Beseko bán tại nhà thuốc số 1 của bệnh viện có giá cao hơn nhà thuốc ngoài bệnh viện là đúng (bán cao hơn 118.000 đồng), thuốc có nguồn gốc rõ ràng, có hóa đơn mua hàng hợp lệ, được bảo quản đúng quy trình, có tài liệu liên quan lô thuốc, có niêm yết giá theo quy định của Bộ Y tế về tổ chức và hoạt động của cơ sở bán lẻ thuốc trong bệnh viện. Qua sự việc trên, Sở Y tế Hải Phòng đã yêu cầu bệnh viện cần chú trọng bồi dưỡng quy tắc giao tiếp, ứng xử với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân để tránh hiểu lầm. Bên cạnh đó, Thanh tra Sở Y tế cầng tăng cường thanh tra đột xuất đối với nhà thuốc tư nhân để xác minh làm gõ những sai phạm về nguồn gốc thuốc…/.

Ninh Thuận tiêu hủy hơn 700kg thuốc bảo vệ thực vật

Ngày 26/3, Chi cục Bảo vệ Thực vật thuộc Sở NN và PTNT tỉnh Ninh Thuận đã bàn giao hơn 700kg thuốc bảo vệ thực vật không đạt chuẩn cho Trung tâm Bảo vệ Thực vật phía Nam, Công ty Cổ phần Bảo vệ Thực vật An Giang để tiêu hủy. Hơn 700kg gồm thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng, thuốc ngoài danh mục, thuốc cấm sử dụng và các loại rác thải thuốc bảo vệ thực vật được các ngành chức năng trong tỉnh tiến hành thu gom trong vụ đông xuân 2013-2014 trên địa bàn huyện Ninh Phước theo “Chương trình cùng nông dân bảo vệ môi trường." Trong số hơn 700kg thuốc bảo vệ thực vật được tiêu hủy lần này, có gần 200kg chai nhựa, bịch nhựa, gần 400kg chai thủy tinh chứa thuốc đã hết hạn sử dụng, thuốc ngoài danh mục… và gần 30kg rác thải thuốc bảo vệ thực vật. Số thuốc này được Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Ninh Thuận bàn giao cho Trung tâm Bảo vệ Thực vật phía Nam, Công ty Cổ phần Bảo vệ Thực vật An Giang tổ chức phân loại, chuyên chở đưa đi tiêu hủy tại các lò tiêu hủy của nhà máy Holcim (tỉnh Kiên Giang) và Xí nghiệp xử lý chất thải Biwase (tỉnh Bình Dương). Theo ông Đặng Mạnh Khương, Thư ký chương trình cùng nông dân bảo vệ môi trường, trong giai đoạn hai triển khai ở vụ đông xuân 2013-2014, chương trình đã vận động bà con nông dân thu gom hơn 5 tấn bao bì, thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng, thuốc hết hạn sử dụng… để đưa về xử lý tiêu hủy. Đây là hoạt động thiết thực, nhằm giúp cho nông dân 22 tỉnh thành phía Nam cùng nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, hướng đến một nền nông nghiệp an toàn và bền vững trong tương lai./.

Người lao động

Cứu sống bé trai bị rắn cắn nguy kịch

Sau khi bị rắn cắn, bệnh nhi được sơ cứu, cắt lể, băng bó thuốc nam nhưng vết hoại tử cứ lan rộng. Ngày 25-3, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM cho biết vừa cứu sống bé trai V. T. C (8 tuổi, ngụ tỉnh Trà Vinh) bị rắn lục cắn. Tại bệnh viện, bé C. có biểu hiện rối loạn đông máu nặng, sưng bầm, chảy máu vết thương rắn cắn, lan rộng xung quanh bàn chân trái lên trên đùi nên được truyền huyết thanh kháng nọc rắn lục đặc hiệu. Tuy nhiên, sau 6 giờ, tình trạng vẫn không cải thiện, vết thương sưng bầm tiếp tục lan lên đến đùi hông trái, bệnh nhi bị rối loạn đông máu nặng nên được truyền tiếp liều thứ 2 huyết thanh kháng nọc rắn lục tre đặc hiệu. Kết quả sau hơn 3 ngày điều trị, tình trạng bé C. đã ổn định, bớt sưng, bớt đau, hết chảy máu. Bệnh nhi được điều trị oxy cao áp để giảm thiểu tổn thương sưng bầm hoại tử. Cách hôm nhập viện một ngày, bé C. trèo hái mận trong vườn thì bất ngờ bị con rắn lục đuôi đỏ cắn ở gót chân trái. C. la lên kêu cứu, người nhà chạy ra vườn và bắt được con rắn lục đuôi đỏ, đồng thời sơ cứu cột ga-rô rồi đưa bé đến thầy thuốc nam ở địa phương cắt lể, bó thuốc. Hôm sau, C. vẫn mệt thêm, đau nhức, vết sưng bầm lan rộng nên được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1. Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Nhi Đồng 1, lưu lý bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành, đều cần theo dõi sát như trường hợp rắn độc cắn, ít nhất là trong 6 giờ đầu. Đặc biệt, khi bị rắn độc cắn, cần thực hiện các biện pháp sơ cứu ngay và nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế.

Kiện đòi Bệnh viện Mắt Sài Gòn bồi thường 80.000 USD

Sáng ngày 25-3, TAND TP HCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ kiện bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Nguyên đơn là ông Huynh Tom Vu (tên gọi khác là Huỳnh Hữu Thông, SN 1960, Việt kiều Mỹ) kiện bệnh viện Mắt Sài Gòn (quận 1, TP HCM) đòi bồi thường gần 80.000 USD Theo đơn khởi kiện của ông Thông, tháng 6-2009, ông về Việt Nam thăm gia đình kết hợp với việc chữa trị mắt. Qua giới thiệu của nhiều người, ông đến Bệnh viện Mắt Sài Gòn khám và được chẩn đoán mắt phải bị đục thủy tinh thể và phải mổ theo phương pháp Phaco IOL. Ngày 5-6-2009, ông đã thực hiện phẫu thuật với chi phí 7,9 triệu đồng và xuất viện ngay trong ngày. Tuy nhiên, sau khi điều trị xong, ông thấy có biểu hiện bất thường ở mắt phải nên đã tái khám theo hẹn vào ngày 12-6. Lúc này, bác sĩ tại BV Mắt Sài Gòn và BV Mắt TP HCM đều chẩn đoán mắt phải của ông bị loét giác mạc, nếu không điều trị kịp thời dễ dẫn đến nguy cơ bị mù vĩnh viễn. Lo sợ sức khỏe của mình, ông đã điều trị tại Bệnh viện San Francisco General (Mỹ) với chi phí 50.000 USD. Ông cho biết, trong thời gian điều trị, ông đã bị thiệt hại về thu nhập. Cụ thể, năm 2008, tổng thu nhập một năm của ông là 40,230 USD nhưng trong năm 2009, giảm sút còn 7.490 USD. Thiệt hại tạm tính trong thời gian 10 tháng điều trị, người nuôi bệnh và các chi phí khác tạm tính là 35.000 USD. Ngoài ra, hiện nay, thị lực mắt phải của ông chỉ còn 40% nên không thể tiếp tục làm nghề lái xe taxi đến tuổi về hưu. Do đó, ông đã vác đơn kiện bệnh viện Mắt Sài Gòn, yêu cầu đơn vị này bồi thường số tiền 85.000 USD. Tại phiên xử, ông Thông chỉ yêu cầu Bệnh viện Mắt Sài Gòn bồi thường số tiền gần 80.000 USD, bao gồm tiền viện phí và tiền mất thu nhập do giảm thị lực. Đại diện Bệnh viện Mắt Sài Gòn không đồng ý bồi thường bởi lẽ "bệnh viện, các bác sỹ và nhân viên đã thực hiện đúng quy định của pháp luật về khám, chẩn đoán, phẫu thuật và theo dõi sau phẫu thuật”. TAND TP HCM sẽ tuyên án vụ này vào sáng 1-4.

VOV

Khánh Hòa: Nông dân tham gia phòng chống bệnh lao

Ở Việt Nam, số bệnh nhân là nông dân đang điều trị bệnh lao chiếm hơn 70%. Điều này cho thấy, nhận thức về bệnh lao của người nông dân vẫn còn rất hạn chế. Bắt đầu từ năm 2000, thông qua các mô hình “Câu lạc bộ phòng chống lao” do Hội nông dân Việt Nam triển khai thí điểm tại xã nghèo Diên Điền, huyện Diện Khánh, tỉnh Khánh Hòa, người nông dân đã từng bước hiểu ra bệnh lao hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu điều trị đúng chỉ định của bác sĩ. Tại các buổi sinh hoạt, các hội viên được cán bộ y tế địa phương phổ biến về nguy cơ và tác hại của bệnh lao, kể cả cách nhận biết và phòng ngừa lao.

Người đưa tin

Bệnh lao: Cả thế giới lo ngại

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2013 có khoảng 1/3 dân số thế giới bị nhiễm lao và 1,3 triệu người tử vong do lao...

Các nước Châu Âu đang là điểm nóng của bệnh lao

Theo báo cáo của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon, hiện nay, châu Âu đang là "điểm nóng" của bệnh lao, nơi đang có tới 15 trong tổng số 27 quốc gia trên toàn thế giới có tỷ lệ người mắc bệnh lao nặng cao nhất và việc chữa trị cũng gây tốn kém nhất. Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay trung bình trên thế giới mỗi năm có khoảng 9 triệu bệnh nhân lao, và 1,3 triệu người trong số đó bị tử vong vì căn bệnh này. Nhân Ngày Thế giới phòng chống bệnh lao (24/3), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã ra báo cáo, kêu gọi cộng đồng quốc tế đẩy mạnh cuộc chiến chống lại bệnh lao và huy động mọi nguồn lực để đạt được mục tiêu đã đề ra, đó là triệt tiêu hoàn toàn căn bệnh này trên phạm vi toàn cầu vào giữa thế kỷ 21. Ông Ban Ki-moon nhấn mạnh rằng tất cả những người mắc bệnh lao cần phải được nhanh chóng chẩn đoán và chữa trị kịp thời, đó là sự công bằng xã hội cần có ở tất cả mọi nơi. Ông Ban Ki-moon cho rằng do có nhiều bệnh nhân lao không được phát hiện và chữa trị kịp thời, khiến cho căn bệnh này phát triển rất nhanh, trở thành mối đe dọa đối với ngành y tế toàn cầu. Trong những năm gần đây, giới y học đã đưa ra ngày một nhiều hơn các biện pháp và thuốc đặc trị chữa bệnh lao, và có nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động những người mắc bệnh tự nguyện khám, chữa bệnh, và nhờ vậy, trong giai đoạn 1995-2011, trên toàn thế giới đã có 20 triệu bệnh nhân lao được cứu sống. Tổng Thư ký Ban Ki-moon cho rằng để thanh toán được bệnh lao trên phạm vi toàn cầu vào giữa thế kỷ này, hơn lúc nào hết, các quốc gia và các cộng đồng dân cư cần đầu tư, mở rộng mạng lưới y tế tới mọi vùng miền, và tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, giúp mọi người hiểu được tính chất nguy hiểm của bệnh lao, chủ động khám, chữa bệnh thật sớm để đạt hiệu quả cao nhất. Ông cũng kêu gọi giới y học tập trung nghiên cứu, điều chế thêm những loại thuốc mới để chữa trị căn bệnh nguy hiểm này.

1/3 dân số thế giới bị nhiễm lao

Nhân ngày này, Chính phủ Canada nhấn mạnh sự đóng góp hiệu quả cũng như cam kết tiếp tục chung tay với thế giới trong cuộc chiến chống lại các căn bệnh truyền nhiễm phổ biến. Bộ trưởng Phát triển quốc tế Christian Paradis ngày 24/3 khẳng định Canada đang đóng góp to lớn vào việc loại trừ các trường hợp tử vong vì bệnh lao cũng như các ca mắc lao mới. Cụ thể, Canada đã tích cực hỗ trợ sáng kiến chữa trị cho 3 triệu người mắc bệnh lao trên thế giới chưa được điều trị - “Reach the Three Million” - của Đối tác chặn đứng bệnh lao (STBP) thuộc WHO nhằm chuẩn đoán những người mắc bệnh sớm nhất có thể, đảm bảo chữa trị kịp thời và triệt để cũng như duy trì tỷ lệ cao người được chữa khỏi bệnh thông qua các sáng kiến giúp đối tượng là người nghèo, người dễ bị tổn thương và khó khăn trong tiếp cận dịch vụ y tế. Từ năm 2010, STBP với 109 dự án “Reach 3 Millions” tại 44 nước đã xác định được thêm 210.000 trường hợp mắc bệnh lao, cứu sống 105.000 người và ngăn ngừa 2,1 triệu ca mắc mới. Theo Bộ trưởng Paradis, Canada cũng đang dẫn đầu trong tài trợ cho Quỹ phòng chống AIDS, lao phổi và sốt rét toàn cầu (GFATM). Đến nay, Canada đã cam kết đóng góp 2,1 triệu USD cho GFATM trong cuộc chiến chống lại các căn bệnh truyền nhiễm này, góp phần tăng cơ hội, đặc biệt đối với người nghèo, được chẩn đoán và điều trị bệnh. Năm 2002, GFATM đã phát hiện và chữa trị cho 11,2 triệu trường hợp mắc lao, 64.000 bệnh nhân lao đa kháng thuốc vốn đang là thách thức lớn cho toàn cầu. Bộ trưởng Paradis nhấn mạnh thông qua GFATM đến nay, Canada đã góp phần cứu sống 8,7 triệu người trước nguy cơ tử vong vì các căn bệnh AIDS, lao và sốt rét. Bộ trưởng Phát triển quốc tế Canada cũng cam kết quốc gia này sẽ tiếp tục hỗ trợ người mắc lao cũng như góp phần ngăn chặn sự lan rộng của căn bệnh chết người nhưng có thể chữa trị được. Mới đây, Canada cũng tuyên bố hỗ trợ “Sáng kiến tiếp cận y tế Clinton” của Mỹ ở lĩnh vực phòng chống lao nhằm ngăn chặn sự lan rộng của bệnh lao trong số các công nhân khai thác mỏ nhập cư (vào Bắc Mỹ) và trong các cộng cộng đồng của họ ở châu Phi.

Việt Nam: Bệnh lao vẫn là gánh nặng

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2013 có khoảng 1/3 dân số thế giới bị nhiễm lao và 1,3 triệu người tử vong do lao. Trong khi, lao là một bệnh nguy hiểm, là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng thì Việt Nam lại đứng thứ 12 trong số 22 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 130.000 người mắc lao mới, 170.000 người mắc lao lưu hành, khoảng 3.500 người mắc lao đa kháng thuốc và đặc biệt có đến 18.000 người tử vong do bệnh lao. Kiểm soát bệnh lao là một trong các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ mà Việt Nam đã cam kết với cộng đồng thế giới. Theo đó, tới năm 2015, Việt Nam phấn đấu giảm 50% số mắc và tử vong do bệnh lao so với năm 2000. Cụ thể, đến hết năm 2015 phải giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 187 người/100.000 người; giảm số người chết do bệnh lao xuống dưới 18 người/100.000 người. Theo PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, bệnh lao là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe người mắc bệnh, cùng với đó là nguy cơ lây lan lớn ra cộng đồng. Nguy cơ mắc bệnh lao có thể xảy ra với tất cả mọi người. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho rằng: Lao là một căn bệnh nguy hiểm, nước ta lại là một trong những nước có gánh nặng về lao lớn nhất thế giới nên nhiệm vụ đặt ra càng bức thiết hơn. Hiện Bộ Y tế đã vạch ra những phương hướng nhằm giảm thiểu một cách tối đa số bệnh nhân nhiễm lao. Chương trình phòng chống lao quốc gia mới cũng đã được thủ tướng chính phủ phê duyệt, chúng tôi sẽ đưa ra những giải pháp hết sức cụ thể, bằng những hành động thiết thực để khắc phục phòng chống lao trong thời gian tới. Tất nhiên, điều này đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa bộ Y tế với các bộ, ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương. Đặc biệt, cần có sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế, nhất là quỹ toàn cầu. Những năm qua, các tổ chức y tế thế giới vẫn sát cánh và giúp chúng ta rất nhiều. Được biết, năm 2014 kinh phí và số lượng thuốc dành cho công tác phòng chống và điều trị lao ở Việt Nam khá khan hiếm. Trong khi nhiều khó khăn và thách thức đang phải đối mặt như sự kỳ thị với bệnh lao trong cộng đồng vẫn còn, cộng với ý thức tự phòng chống, điều trị bệnh lao của nhân dân chưa cao. Vậy nên, mục tiêu hướng tới “không còn bệnh lao” còn là cả quá trình, cần có sự cải tổ trong suy nghĩ của người dân về bệnh lao và cần có sự chung tay của cả cộng đồng.

Sài Gòn giải phóng

Quảng Nam: Tặng máy trợ thở cho trẻ sơ sinh

Chiều 26-3, công ty TNHH Thăm dò và khai thác dầu khí ExxonMobil Việt Nam thông qua chương trình Cấp cứu nhi khoa của Quỹ VinaCapital (Mỹ) đã tổ chức trao máy thở dành cho trẻsơ sinh tại bệnh viện Nhi Quảng Nam. Máy thở dành cho trẻ sơ sinh là loại máy đặc dụng trợ thở trong các trường hợp cấp cứu cho trẻsơ sinh, đặc biệt đối với các bé sinh non, các trường hợp bị hô hấp cấp, bệnh tim bẩm sinh… Trong dịp này, ExxonMobil trao tặng 3 máy thở dành cho trẻ em sơ sinh bệnh viện Phụ sản Đà Nẵng (2 máy) và bệnh viên Đa khoa Quảng Ngãi với tổng trị giá của hoạt động khoảng 2,6 tỉ đồng. Được biết, đây là hoạt động hưởng ứng sáng kiến của Bộ y tế về việc cải thiện tình hình chăm sóc sức khỏe cho trẻ em tại Miền trung.

Tin tức 24h

Thay khớp háng cho bà cụ 95 tuổi

Cụ Lê Thị Nh., SN 1920, ngụ tại Bến Cát, Bình Dương, bị ngã dẫn đến gãy liên mẫu xương đùi vừa được các bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn phẫu thuật thay khớp háng thành công. Cụ nhập viện ngày 12/3 trong tình trạng đau nhức đùi phải. Trước đó 10 ngày, cụ bị té ngã, nhưng mãi tới khi phát hiện cụ nằm ngủ rất khó khăn, gia đình mới đưa cụ đến bệnh viện. Kết quả hội chẩn cho thấy, cụ Th. bị gãy liên mấu chuyển xương đùi, có bệnh thiếu máu cơ tim kèm theo. Các bác sĩ quyết định phẫu thuật thay khớp háng bán phần (bipolar) có xi măng, với stemp cán dài cho cụ Th. Ca phẫu thuật kéo dài 55 phút. Một ngày sau mổ, cụ đã ngồi dậy ăn uống, tập vận động phục hồi chức năng. Bệnh nhân đã tập đi lại và xuất viện sau 10 ngày điều trị. Theo Ths-Bs Nguyễn Hồng Trung, Trưởng khoa Chấn Thương chỉnh hình, gãy liên mấu chuyển xương đùi là loại gãy nằm trong vùng mấu chuyển, một vùng nằm ở đầu trên của xương đùi - một loại gãy phức tạp ngoài khớp. Khi người già không may té ngã, người nhà nên nhanh chóng đưa bệnh nhân đến khoa chấn thương chỉnh hình của các bệnh viện để được phẫu thuật kịp thời, nếu không sẽ dẫn đến các biến chứng như: lở loét, nhiễm trùng đường tiểu, viêm phổi,… từ đó cơ thể sẽ suy kiệt, dẫn đến tử vong.

Đời sống

Trang bị 'vắc xin' ngừa cúm tại nhà

Mỗi gia đình nên có xà phòng, nước rửa tay diệt khuẩn trong nhà bởi đây được xem là loại “vắc xin” rẻ tiền nhưng có thể giúp người dân chủ động ngừa cúm. Bên cạnh tuyên truyền để người dân biết được mức độ nguy hiểm của cúm gia cầm, ”Lễ phát động chiến dịch truyền thông phòng, chống cúm gia cầm A (H7N9), A (H5N1) lây sang người” tại Lạng Sơn vừa qua đã giúp hơn 3.000 người dân phố núi biết được các cách phòng cúm đơn giản nhưng hiệu quả. Đó là rửa tay với xà phòng, nước rửa tay diệt khuẩn. Nhiều gia đình ở các thôn bản xa xôi lần đầu được hướng dẫn cách rửa tay đúng để ngừa cúm. Bên cạnh đó, mọi người cũng được cảnh báo các điểm có nguy cơ nhiễm dịch cao: chợ đầu mối gia cầm, cửa khẩu tiếp giáp các nước. Chương trình do Cục Y tế Dự phòng (thuộc Bộ Y tế) phối hợp cùng Quỹ Unilever Việt Nam và nhãn hàng Lifebuoy phát động. Đại diện Bộ Y tế và các cơ quan chức năng cũng đã trực tiếp rửa tay, làm mẫu để hướng dẫn người dân thực hiện đúng. Rửa tay gần như là việc hàng ngày, đơn giản nhưng để hiệu quả trong việc phòng cúm thì phải có bài bản. Rửa tay nên thực hiện dưới vòi nước sạch, dùng xà phòng, nước rửa tay diệt khuẩn thoa khắp lòng, mu bàn tay và cả cổ tay, cánh tay, miết các ngón tay, kẽ ngón cho thật sạch rồi rửa lại kỹ càng với nước sạch, sau đó lau khô. Ông Thèn Xuân Lin (Hồng Phong, Bình Gia) cho biết: “Nghe cán bộ xã thông báo cúm gia cầm, tôi cũng biết nhưng chẳng biết sao để tránh cúm. May có cuộc tuyên truyền, tôi biết nhiều thứ, không ngờ rửa tay cũng có thể phòng cúm. Cách này rất dễ làm theo”. Trước tình hình dịch cúm gia cầm đang hoành hành, ngoài việc chưa ý thức được mức độ nguy hiểm cũng như có cách phòng hiệu quả, người dân vẫn tin rằng, virus cúm chỉ có ở các khu vực có nhiều gia cầm hay chốn đông người như chợ, trường học, bệnh viện... Tuy nhiên, đôi khi, “ổ bệnh” lại tiềm ẩn ngay chính trong nhà. Ngay những nơi như bồn vệ sinh, bồn rửa bát, khu vực đổ rác, thang máy và trong những vật dụng như khăn lau bát, tay vòi nước nhà bếp, đồ chơi trẻ nhỏ, ghế salon… thường tập trung nhiều ổ vi khuẩn và không loại trừ có vi rút cúm len lỏi. Khi virus cúm gia cầm tồn tại ở mọi nơi thì rửa tay bằng nước rửa tay diệt khuẩn chính là bước bản lề để giữ được thói quen vệ sinh cá nhân tốt để ngừa cúm. Nó được ví như liều vắc xin ngừa cúm hiệu quả. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng lưu ý người dân nên hạn chế, tránh tiếp xúc với gia cầm bệnh, chết hoặc nghi ngờ bệnh, không ăn gia cầm không rõ nguồn gốc, chú ý ăn uống tăng sức đề kháng; sau khi chế biến gia cầm, dù khỏe mạnh, phải rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn, vệ sinh, sát trùng khu giết mổ thật kỹ. Bên cạnh đó, nhờ chiến dịch, người dân cũng biết rằng, ăn trứng gia cầm vẫn an toàn nếu trứng có dấu kiểm dịch. Gia cầm kiểm dịch có thể mua dễ dàng ở các siêu thị; gia cầm sống, trông khỏe mạnh cũng chưa chắc an toàn vì thường cúm A(H7N9) không có biểu hiện rõ rệt trên gia cầm. Người dân đã có cái nhìn bao quát, toàn cảnh hơn về dịch cúm chứ không còn thờ ơ như ban đầu. Lạng Sơn được chọn làm nơi khởi động của chiến dịch vì đây là địa bàn có các cửa khẩu biên giới, nạn buôn lậu gia cầm diễn ra phức tạp, ảnh hưởng đến nhiều tỉnh phía Bắc. Sau Lạng Sơn, Cần Thơ sẽ là điểm đến tiếp theo của chiến dịch nhằm tuyên truyền cách phòng cúm chủ động cho người dân khu vực đồng bằng Sông Cửu Long-điểm nóng của dịch cúm gia cầm.

Dân trí

Khai mạc hội nghị can thiệp thần kinh Á - Úc lần thứ 11

Sáng 26/3, tại Đà Nẵng, hội nghị can thiệp thần kinh Á - Úc lần thứ 11 (gọi tắt là AAFITN 2014) đã chính thức khai mạc. Hội nghị AAFITN là hội nghị chuyên ngành về thần kinh học của các nước khu vực châu Á – Úc, được tổ chức định kỳ hai năm một lần. Đặc biệt, hội nghị can thiệp thần kinh Á – Úc lần thứ 11 tổ chức tại Việt Nam lần này là dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Hội can thiệp thần kinh Á – Úc. Với ý nghĩa đó, hội nghị can thiệp thần kinh Á - Úc lần thứ 11 được đánh giá là hội nghị lớn và quan trọng, cập nhật nhiều thông tin, được sự quan tâm đặc biệt của nhiều chuyên ngành như: can thiệp thần kinh, ngoại thần kinh, nội thần kinh, chẩn đoán hình ảnh, tim mạch, hồi sức cấp cứu, lão khoa… Hội nghị sẽ diễn ra trong 4 ngày với nhiều báo cáo xoay quanh các chuyên đề:những phương pháp mới trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ bằng phương pháp can thiệp trong lòng mạch; các bệnh lý mạch máu của hệ thần kinh bao gồm cả não bộ và tủy sống như dị dạng mạch máu não, phình mạch máu não, hẹp mạch máu não, dị dạng mạch máu tủy, điều trị đau cột sống không phẫu thuật … Hội nghị sẽ thu hút sự tham dự của khoảng 300 giáo sư, bác sĩ trong nước. Bên cạnh đó, còn có gần 200 khách mời tham gia và giảng bài tại hội nghị là các giáo sư, chuyên gia đầu ngành đến từ các nước: Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Italia, Thụy Sĩ cũng như từ các nước châu Á - Úc. Lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam, Hội nghị AAFITN lần thứ 11 được xem là cơ hội để các bác sĩ trong nước cập nhật và trao đổi thông tin nhằm nâng cao chuyên môn, góp phần phục vụ công tác khám chữa bệnh cho người dân, nâng cao vị thế của ngành y tế Việt Nam với thế giới.

Đẩy mạnh dịch vụ y tế “ngoại” với giá nội!

Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm nước ta có khoảng 40.000 người ra nước ngoài chữa bệnh, tiêu tốn hơn 2 tỷ USD. Thế nhưng, dù phải trả chi phí khám chữa bệnh đắt đỏ nhưng không phải ai cũng khỏi bệnh. PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức, cho biết: phần lớn người bệnh Việt Nam khi lựa chọn khám hay điều trị bệnh ở nước ngoài đều có chung tâm lý ngại cảnh đông đúc, chật chội, chờ đợi lâu khi đi khám chữa tại các cở sở y tế Việt Nam. Tuy nhiên việc khám và chữa bệnh ở nước ngoài rất tốn kém. Nhiều BN sau khi đi khám bệnh ở nước ngoài mất hàng trăm ngàn USD nhưng tiền mất, tật mang và phải về BV trong nước để chữa “tật”. Có những đợt, BV tiếp nhận cùng lúc 5 trường hợp ghép gan đến điều trị, người sống ít nhất được 27 ngày… Một bác sĩ chuyên điều trị hiếm muộn vô sinh ở TP Hồ Chí Minh cho biết, đã có một số trường hợp sang Thái Lan chữa trị vô sinh không có kết quả mà vẫn tốn kém quá lớn, đành quay về làm tại TP Hồ Chí Minh. Chuyên gia này khẳng định, khả năng điều trị vô sinh tại Thái Lan hiện không hơn Việt Nam. Hay trường hợp bệnh nhân Hồ Thị M. (61 tuổi, ở Gia Lai) bị phình khổng lồ mạch máu não, được tư vấn điều trị ở Mỹ với chi phí hơn 1 tỷ đồng. Nhưng sau đó được BV ĐHYD TP Hồ Chí Minh tư vấn nên đã điều trị tại đây thành công chỉ với chi phí chỉ bằng 1/4… Để tạo lòng tin và thu hút người bệnh cả trong nước lẫn nước ngoài, các chuyên gia y tế cho rằng, bên cạnh sự tự tin về tay nghề chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ, các cơ sở y tế trong nước cần chú trọng nâng cấp dịch vụ phục vụ bệnh nhân trong khả năng có thể của mình. Đơn cử như BV ĐHYD TPHCM đã có những dịch vụ “ngoại” như ưu tiên khám chữa bệnh, thực hiện các chỉ định cận lâm sàng và mua thuốc; được trực tiếp hướng dẫn khám chữa bệnh; phiên dịch miễn phí; giới thiệu khách sạn, vận chuyển, giặt ủi; phòng bệnh tiện nghi… Hay BV Việt Đức đã và đang đặt ra mục tiêu phải tiếp tục trang bị cơ sở vật chất, phòng ốc, nâng cao tinh thần thái độ phục vụ để người bệnh tin tưởng. Hiện viện có khu điều trị tự nguyện với cơ sở khang trang, hiện đại không thua kém bất cứ nước nào trên thế giới. Người bệnh vừa nằm điều trị, vừa có thể cập nhật thông tin bên ngoài qua ti vi, internet… “Giá rất đắt, 1 triệu/1 ngày/2 giường nhưng lượng bệnh nhân cũng rất đông. Muốn nằm đây điều trị, người bệnh phải đăng ký trước đó cả tuần”, TS Quyết nói. Cũng với quan điểm để người dân không phải mất nhiều tiền để ra nước ngoài mà vẫn được điều trị khỏi bệnh, PGS. TS Mai Trọng Khoa, PGĐ BV Bạch Mai, GĐ Trung tâm ung bướu (BV Bạch Mai) cho biết thêm, trong số những bệnh khiến nhiều người Việt ra nước ngoài điều trị nhất vẫn là bệnh ung thư nhưng phải nói rằng, hiện nay phương pháp điều trị ung thư tại Việt Nam đều tuân thủ quy trình chuẩn quốc tế. Với mỗi quy trình, các cơ sở điều trị ung thư trong nước đã cập nhật và ứng dụng được thành công các phương pháp và máy móc tiên tiến của thế giới. Thậm chí, để thỏa mãn mọi nhu cầu của người bệnh mà không phải đi nước ngoài, không chỉ đầu tư cơ sở phòng ốc khang trang, máy móc hiện đại đồng bộ cùng phong cách phục vụ người bệnh chuyên nghiệp như khách sạn hạng sang, khoa Ung bướu, BVĐK Quốc tế Thu Cúc còn mời các chuyên gia y tế đầu ngành về Ung thư của Singapore trực tiếp sang Việt Nam tư vấn tham khảo hoặc thăm khám cho bệnh nhân (nếu có nhu cầu). Điều này, giúp cho người bệnh yên tâm điều trị bệnh tại chỗ mà không phải chịu mức phí tổn cao đi ra nước ngoài.

Pháp luật TP.HCM

Tặng bốn máy thở cho trẻ sơ sinh miền Trung

Ngày 26-3, Công ty TNHH Thăm dò và Khai thác dầu khí Exxon Mobil Việt Nam cùng Quỹ tài trợ Vina Capital đã trao tặng BV Phụ sản - Nhi TP Đà Nẵng hai máy thở cho trẻ sơ sinh nghèo.

Đợt này, Exxon Mobil Việt Nam sẽ trao tiếp cho BV Nhi Quảng Nam, BV Đa khoa Quảng Ngãi thêm hai máy thở nữa. Tổng cộng số tiền mà Exxon Mobil tài trợ mua bốn máy là 2,6 tỉ đồng. Ông Greg Smith, Tổng Giám đốc Exxon Mobil Việt Nam, cho biết: “Hy vọng rằng những máy thở dành cho trẻ sơ sinh này sẽ hỗ trợ tích cực trong công tác cứu chữa và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em miền Trung đang thiếu điều kiện về y tế”. Đại diện Quỹ tài trợ Vina Capital cũng cho hay hoạt động tài trợ các máy thở này của Exxon Mobil Việt Nam nằm trong khuôn khổ chương trình Cấp cứu nhi khoa và sẽ giúp cứu sống trung bình 200 trẻ em/năm. Ngoài việc trao máy thở, thời gian tới hai nhà tài trợ này sẽ đưa các bác sĩ tại ĐH Y Harvard sang đào tạo chuyên sâu cho các bác sĩ Việt Nam về việc chăm sóc trẻ sơ sinh và vận hành máy thở. Đặc biệt sẽ hỗ trợ khu vực miền Trung đào tạo 300 bác sĩ có khả năng cấp cứu cho trẻ sơ sinh một cách tốt nhất.

Vòng tránh thai xuyên tử cung vào ổ bụng

BS Nguyễn Văn Mười, Giám đốc BV quận Bình Tân (TP.HCM), cho biết bệnh viện vừa phẫu thuật thành công cứu nữ bệnh nhân NTP (59 tuổi, phường Tân Tạo A) bị tắc ruột do vòng tránh thai xuyên tử cung vào ổ bụng. Hiện sức khỏe bệnh nhân ổn định, đã rút ống cho ăn qua dạ dày. Theo các bác sĩ, đây là trường hợp tắc ruột hiếm gặp trên lâm sàng. Trước đó, bệnh nhân P. nhập viện cấp cứu với bệnh cảnh tắc ruột chưa rõ nguyên nhân và tình trạng nhiễm trùng. Qua khai thác thông tin từ bệnh nhân, kết hợp với khám lâm sàng và các kết quả cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân tắc ruột do vòng tránh thai xuyên cơ tử cung vào ổ bụng (bệnh nhân đặt vòng tránh thai cách đây 32 năm). Sau khi hội chẩn, BV quận Bình Tân quyết định mổ cấp cứu bệnh nhân vì nếu để kéo dài, tình trạng tắc ruột gây hoại tử ruột, nhiễm trùng nhiễm độc và nguy hiểm đến tính mạng. Khi mở bụng, các bác sĩ phát hiện vòng tránh thai lạc chỗ trong ổ bụng, một quai ruột non kẹt vào bên trong vòng tránh thai gây hoại tử. Ê kíp phẫu thuật tiến hành cắt đoạn ruột bị hoại tử và nối ruột lại. Cuộc mổ được tiến hành với sự tham gia của PGS-TS-BS Lê Quang Quốc Ánh - Phó Chủ nhiệm bộ môn Ngoại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đang giảng dạy lâm sàng tại BV quận Bình Tân và các bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp, khoa Phụ sản, khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức BV quận Bình Tân. “Hiện nay, chuyên khoa Ngoại tổng hợp của BV quận Bình Tân phát triển nhiều lĩnh vực, trong đó bệnh viện đang xúc tiến thành lập đơn vị Ngoại thần kinh theo chỉ đạo của Sở Y tế” - BS Mười cho biết thêm.

Pháp luật

Hội chẩn trực tuyến giúp cấp cứu kịp thời

Sáng 26-3, tại Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, BS Phan Văn Báu (BV Nhân dân 115) trình bày kết quả ứng dụng tổng đài IP và Video Conference Bách Khoa vào việc hội chẩn y tế của BV Nhân dân 115. Việc ứng dụng này sẽ giúp kết nối các máy chẩn đoán như CT, X-quang, xét nghiệm, siêu âm, MRI…, giúp xem ảnh y tế trên điện tử thay vì in phim, hội chẩn trực tuyến, hỗ trợ đào tạo trực tuyến cho các bệnh viện tuyến dưới. BV Nhân dân 115 đã có khoảng 10 ca mổ ứng dụng công nghệ này. Hệ thống này dự kiến sẽ triển khai đến BV quận 7, BV quận 12, BV Cà Mau… ThS Nguyễn Chí Ngọc, giảng viên ngành điện tử - viễn thông ĐH Bách khoa, cho biết lợi ích lớn nhất là bệnh nhân ở bệnh viện quận, huyện, tỉnh có thể được cấp cứu kịp thời thông qua hội chẩn trực tuyến với BV Nhân dân 115 mà không cần mất thời gian chở bệnh nhân đi. Hệ thống này còn giúp giảm chi phí trong việc hỗ trợ nghiệp vụ cho bệnh viện tuyến dưới bằng cách đào tạo trực tuyến một phần, thay vì tốn chi phí đi lại, ăn ở nếu đến tận nơi để hướng dẫn.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh GS Trịnh Ngọc Phan (26/03/2014)

Nhân 100 năm ngày sinh GS.BS Trịnh Ngọc Phan (30-3-1914 – 30-3-2014), người đặt nền móng cho Hội Phòng chống bệnh truyền nhiễm VN, hôm qua (25-3) BV Bệnh nhiệt đới TƯ (Bộ Y tế) và Trường ĐH Y Hà Nội, BV Bạch Mai tổ chức lễ kỷ niệm, có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên. Đây là dịp để ngành y tế tri ân và ghi nhận những đóng góp to lớn của GS.BS Trịnh Ngọc Phan đối với sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Công trình nghiên cứu "Phát hiện sớm, chẩn đoán nhanh và xử trí đúng các bệnh truyền nhiễm thường gặp và gây dịch để giảm bớt và ngăn chặn bệnh dịch ở Việt Nam” của GS được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng khoa học Nhà nước về KH&CN năm 2000.

 

Ngày 31/03/2014
Ban biên tập Website
(Điểm tin từ các Báo)
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích