Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 19/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 4 5 2 6 8 2
Số người đang truy cập
3 5 9
 Tin tức - Sự kiện Điểm tin y tế
Điểm báo về các thông tin liên quan đến y tế ngày 6/3 năm 2014

Cả nước mới chỉ có 18 trung tâm y tế dự phòng đạt chuẩn quốc gia; Ninh Thuận công bố dịch cúm H5N1; Nữ bác sĩ và 69 bài thuốc quý; Khám bệnh cho đồng bào vùng sâu; Xuất hiện 'ổ dịch' thủy đậu tại TP.HCM; Bác sĩ vá nụ cười cho trẻ sứt môi hở hàm ếch; Khám bệnh cho đồng bào vùng sâu; TP.HCM tổng rà soát, tiêm vắc xin sởi

Công an Nhân dân

Cả nước mới chỉ có 18 trung tâm y tế dự phòng đạt chuẩn quốc gia

Theo Cục Y tế dự phòng thuộc Bộ Y tế cho biết, sau 5 năm triển khai thực hiện Chuẩn quốc gia trung tâm y tế dự phòng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn 2008 – 2015, đến nay cả nước có 18 trung tâm y tế dự phòng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được Bộ Y tế công nhận đạt chuẩn.

Cụ thể là các trung tâm ở: Thái Nguyên, Yên Bái, Thái Bình, Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Phú Thọ, Bắc Ninh, Nam Định, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Đà Nẵng, Tiền Giang, Cần Thơ và Bến Tre.

Riêng năm 2013, Bộ Y tế đã công nhận và trao bằng đạt chuẩn cho 5 trung tâm y tế dự phòng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Được biết, để đạt được chuẩn quốc gia về y tế dự phòng, các trung tâm phải đáp ứng các tiêu chí của 10 chuẩn, mỗi chuẩn phải đạt 80% số điểm trở lên. Trong số 10 chuẩn thì khó đạt nhất là chuẩn về nhân lực và cơ sở hạ tầng.

Thanh niên

Ninh Thuận công bố dịch cúm H5N1

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận vừa công bố dịch cúm gia cầm H5N1 tại thôn Như Bình, xã Phước Thái, H.Ninh Phước. Trước đó, đàn gà tại trang trại của ông Thiên Thái Bình (thôn Như Bình) liên tục chết. Ngày 4.3, sau khi xét nghiệm, Trung tâm thú y vùng 4 xác định mẫu bệnh phẩm dương tính với H5N1 và tiến hành tiêu hủy hơn 500 con gà còn lại tại trang trại này. Trên địa bàn xã Phước Thái hiện có 30 hộ nuôi tập trung, với hơn 42.000 con gia cầm.)

Nữ bác sĩ và 69 bài thuốc quý

Từ tháng 4 đến tháng 9.2013, bác sĩ Đoàn Thị Tuần, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum, cùng các cộng sự đã sưu tầm 69 bài thuốc chữa bệnh theo cách truyền thống trong cộng đồng các dân tộc thiểu số. Trong đó, 53 bài thuốc được sưu tầm trên địa bàn tỉnh Kon Tum và 16 bài thuốc ở các địa phương khác.

Những cây thuốc, những bài thuốc và các phương pháp chữa bệnh dân gian truyền thống này được truyền dạy trong gia đình, dòng tộc hoặc trong các cộng đồng dân tộc khác nhau, ở những vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Một số bài thuốc rất có giá trị trong nghiên cứu y học, chẳng hạn: bài thuốc ngừa thai cho phụ nữ bằng lá cây gừng núi, hay giải độc lá ngón của cộng đồng người dân tộc Giẻ Triêng ở xã Đăk Choong (H.Đăkglei); các bài thuốc chữa bệnh hắc lào bằng cây kiến cò, chữa đau khớp bằng cây thuốc của dân tộc Mường ở xã Đăk Long (H.Đăkglei); bài thuốc chữa đau lưng bằng quả chuối hột rừng của dân tộc Ja Rai; bài thuốc chữa bệnh tổ đỉa bằng củ sâm đại hành...

Theo bác sĩ Tuần, đây là những bài thuốc đơn giản và dễ sử dụng trong các gia đình; có nguồn gốc từ thực vật, cây cỏ ta thường bắt gặp, hoặc những loại rau, cây ăn quả mình ăn uống hằng ngày.

Hơn 23 năm gắn bó với nghề, say mê nghiên cứu, sáng tạo trong khám và điều trị bệnh, tận tâm với bệnh nhân, tháng 8.2013, bác sĩ Tuần được đề bạt giữ chức Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum. Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm 59 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2) vừa qua, chị Tuần là nữ bác sĩ duy nhất ở Kon Tum được tặng thưởng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú.

Khám bệnh cho đồng bào vùng sâu

Từ ngày 1 - 5.3, đoàn y bác sĩ Bệnh viện Vinh Dân Cao Hùng (Đài Loan) gồm 24 người đã khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho hơn 2.000 người ở các xã Bảo Thuận (H.Di Linh), Đạ Quyn (H.Đức Trọng) và Lạc Xuân (H.Đơn Dương). Kinh phí của đợt khám bệnh hơn 1 tỉ đồng. Đây là lần thứ 6 Bệnh viện Vinh Dân Cao Hùng phối hợp với Công ty TNHH Thụy Hồng quốc tế (Lâm Đồng) thực hiện khám bệnh cho bà con vùng sâu tỉnh Lâm Đồng.

Xuất hiện 'ổ dịch' thủy đậu tại TP.HCM

10 học sinh của một trường THCS tại TP.HCM đã mắc thủy đậu, được cơ quan y tế xác định đây là 'ổ dịch' thủy đậu đầu tiên tại TP.HCM.

 Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, sáng nay (5.3) cho biết TP.HCM vừa ghi nhận nhiều ca bệnh thủy đậu đầu tiên tại một trường THCS, với 10 học sinh liên tục nhiễm bệnh.

Theo ghi nhận của cơ quan y tế, học sinh đầu tiên của trường xuất hiện triệu chứng bệnh thủy đậu vào khoảng ngày 8.2. Sau đó, liên tục các em khác cùng lớp cũng lần lượt bị bệnh.

Trong vòng từ ngày 22-26.2, đã có thêm 9 ca bệnh thủy đậu tại trường THCS trên. Trong đó, có 8 học sinh cùng lớp với ca đầu tiên, một học sinh lớp bên cạnh.

Các học sinh bị bệnh đã được nghỉ học, cách ly, điều trị tại nhà cho đến khi hết hẳn bệnh mới đi học lại.

Đồng thời, cơ quan y tế cũng thực hiện các biện pháp xử lý vệ sinh ngăn ngừa bệnh lây lan, hướng dẫn nhà trường khử khuẩn lớp học hằng ngày, tuyên truyền, nhắc nhở học sinh và phụ huynh các biện pháp phòng bệnh.

Với các biện pháp trên, bệnh đã được khống chế lây lan rộng. Đến nay, chưa có thêm ca bệnh thủy đậu mới nào tại trường.

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, trong hai tháng đầu năm 2014, TP ghi nhận 131 ca thủy đậu, tăng 157% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bác sĩ vá nụ cười cho trẻ sứt môi hở hàm ếch

Hàng nghìn đứa trẻ có được đôi môi xinh nhờ bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi Đồng 1 - người được xem là ông Bụt của trẻ sứt môi.

Lễ sơ kết chương trình "2.000 ca phẫu thuật sứt môi hở vòm" tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 hôm 4/3 không khô khan với những số liệu như thường thấy trong các buổi báo cáo. Thay vào đó, hội trường bệnh viện đầy ắp tiếng cười trẻ thơ và cả nước mắt xúc động của phụ huynh khi nhớ lại những ngày đầu bế đứa con dị tật đến gặp bác sĩ Đẩu.

Đưa cháu nội là bé Đoàn Đức Thịnh từ Long Thành (Đồng Nai) đến dự lễ sơ kết, gặp lại bác sĩ Đẩu, bà Dương Thị Ngọc Dung không cầm được nước mắt. Với bà, bác sĩ Đẩu không chỉ giúp cháu mình có đôi môi lành lặn, mà còn là ân nhân, người đã mang lại nụ cười cho cả gia đình.

Bà Dung kể, năm 2011 niềm vui con dâu có thai chưa được bao lâu thì cả nhà bà gần như suy sụp tinh thần khi kết quả chẩn đoán thai nhi cho thấy bé mắc dị tật sứt môi. Không nỡ bỏ con, mẹ bé mang thai trong tâm trạng buồn chán, bố bé động viên vợ nhưng mỗi khi nhắc đến con cũng buông tiếng thở dài.

Bà nội cháu bé nhớ lại, ngày Thịnh chào đời, mỗi lần nhìn chiếc môi khuyết sâu của cháu là bà khóc, bố mẹ bé mắt thường đỏ hoe. Người khác có con nít thì hay khoe, còn nhà bà mỗi lần thấy có người đến chơi thăm bé là luôn tìm cách lẩn tránh.

"Hy vọng lóe lên khi chúng tôi biết Bệnh viện Nhi Đồng 1 có thể chữa cho bé. Vậy là mới 3 tháng tuổi, qua bàn tay bác Đẩu và các y bác sĩ, như phép màu chiếc môi dị tật của cháu tôi trở nên hoàn toàn lành lặn”, bà Dung xúc động bày tỏ.

Cùng niềm vui như bà Dung, mang con đến gặp ân nhân là bác sĩ Đẩu cùng những người trong êkíp phẫu thuật vá môi cho bé vào đầu năm 2013, chị Trần Thị Hải Huyền, mẹ bé Nguyễn Đức Quân (quận 12) cũng không kìm được xúc động.

Phát hiện con bị sứt môi khi thai 20 tuần tuổi, vợ chồng chị Huyền không còn tinh thần để làm gì. Hình ảnh đứa con sắp chào đời với chiếc môi khuyết ám ảnh thai phụ cả khi ngủ. Người mẹ kể: "Đến khi con chào đời, nỗi buồn lại nhiều hơn. May mắn tôi tìm được Bệnh viện Nhi Đồng 1 để giúp cháu hoàn thiện môi. Bác sĩ Đẩu đã tận tình lắng nghe, tư vấn và điều trị cho bé”, chị Huyền nói.

Giới thiệu tấm ảnh con bị sứt môi sau khi sinh rồi khoe đôi môi mới của cậu con trai 13 tháng tuổi với mọi người, chị Trương Thị Út, mẹ cháu Lê Tuấn Kiệt (Bình Chánh) luôn miệng cho rằng bác sĩ Đẩu chính là ân nhân của gia đình. “Phát hiện con bị sứt môi khi thai 6 tháng, cả nhà khóc hết nước mắt. Tôi định bỏ nhưng may thay trong vô vọng tôi tìm đến khoa Răng Hàm Mặt của bệnh viện và được bác sĩ Đẩu hứa sẽ mổ cho đến khi lành nên quyết định để con”, chị Út kể lại.

Trước tình cảm từ gia đình các bé, bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu cười chia sẻ: “Nhiều năm tiếp xúc với gia đình bệnh nhân, tôi không thể kiềm lòng khi chứng kiến cảnh người thân sầu não vì cháu con bị tật, nhiều cặp vợ chồng đã thôi nhau, nhiều nhà bên nội bên ngoại giận nhau vì cháu sứt môi hở vòm”.

Những tâm tư này đã thôi thúc bác sĩ cố gắng tìm các giải pháp điều trị cho các cháu bẩm sinh khiếm khuyết nụ cười. Từ chương trình “Điều trị miễn phí cho 2.000 trẻ sứt môi hở vòm” khởi động năm 2009, đến nay cùng với đồng nghiệp, bác sĩ Đẩu đã tạo hình cho 2.069 trẻ sứt môi hở vòm. “Niềm hạnh phúc lớn nhất của chúng tôi là kết quả chữa trị có thể thấy được ngay. Thật không có gì vui bằng được nhìn cảnh phụ huynh xúc động bật khóc khi họ so sánh hình ảnh con mình trước và sau khi các bé phẫu thuật”, ông Đẩu nói.

Là đầu tàu trong việc khám tư vấn và điều trị, đã thực hiện hơn 2.000 ca mổ trong 5 năm, bác sĩ Đẩu khẳng định mình chỉ đóng góp một phần nhỏ bé trong tập thể gồm rất nhiều bác sĩ, điều dưỡng vốn yêu trẻ. “Ngoài đồng nghiệp, để có được nhiều ca mổ phải kể đến tấm lòng của các tổ chức nhân đạo. Một vấn đề khác khiến chúng tôi quan tâm hơn cả những gì đã làm được là hiện vẫn còn rất nhiều trẻ chưa được điều trị. Riêng danh sách chờ tại bệnh viện đã có đến khoảng 600 em”, bác sĩ Đẩu nói.

Theo tiến sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1, sau chương trình phẫu thuật miễn phí cho 2.000 trẻ sứt môi hở vòm, bệnh viện tiếp tục kêu gọi các tổ chức từ thiện tài trợ cho các bé, nhất là những em đã ngoài độ tuổi được bảo hiểm chi trả. “Đã có sẵn đầy đủ trang thiết bị y tế và đội ngũ nhiều chuyên khoa kết hợp điều trị nên chúng tôi có thể tạo hình sứt môi cho cả những bé mắc bệnh tim, thiểu năng, thần kinh và phẫu thuật sớm từ khi các bé 3 tháng tuổi”, ông Hùng cho biết.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, không chỉ được phẫu thuật tạo hình, các bé còn được phối hợp điều trị cách phát âm (âm ngữ trị liệu). Trẻ bị điếc bẩm sinh liên quan đến dị tật sứt môi hở vòm cũng được tư vấn và điều trị tại khoa Tai Mũi Họng.

Khám bệnh cho đồng bào vùng sâu

Từ ngày 1 - 5.3, đoàn y bác sĩ Bệnh viện Vinh Dân Cao Hùng (Đài Loan) gồm 24 người đã khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho hơn 2.000 người ở các xã Bảo Thuận (H.Di Linh), Đạ Quyn (H.Đức Trọng) và Lạc Xuân (H.Đơn Dương).

Kinh phí của đợt khám bệnh hơn 1 tỉ đồng. Đây là lần thứ 6 Bệnh viện Vinh Dân Cao Hùng phối hợp với Công ty TNHH Thụy Hồng quốc tế (Lâm Đồng) thực hiện khám bệnh cho bà con vùng sâu tỉnh Lâm Đồng.

1.Báo điện tửThanh niên.com.vnngày 05/3/201417:14 Dịch sởi bùng phát tại TP.HCM: Hậu quả của việc không tiêm vắc xin

TP.HCM tổng rà soát, tiêm vắc xin sởi

(TNO) Bệnh sởi vẫn chưa hề có xu hướng giảm, ngược lại đang có nguy cơ lan rộng. Trong khi đó, theo các bác sĩ, chuyên gia y tế, dịch sởi bùng phát như hiện nay là hậu quả nhãn tiền của việc không tiêm vắc xin.

Dịch bùng phát do không tiêm vắc xin

Cho đến thời điểm hiện nay, ghi nhận tại các bệnh viện, cơ quan y tế tại TP.HCM, số ca bệnh sởi vẫn chưa hề có xu hướng giảm. Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, trong hai tháng đầu năm 2014, TP.HCM ghi nhận 129 ca phát ban nghi sởi. Số ca bệnh này gấp đến 21,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái (chỉ có 6 ca).

Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM đánh giá dịch sởi còn có nguy cơ lan rộng. Đặc biệt, tháng 3, 4 là “mùa” của bệnh sởi.

Với tình hình dịch như năm nay, các bác sĩ, chuyên gia y tế nhận định sở dĩ, bệnh bùng phát đột biến và lan rộng như hiện nay là hậu quả của việc không tiêm ngừa vắc xin sởi từ thời điểm cách đây một năm trước.

“Việc sởi bùng lên không phải là chuyện bây giờ mà rõ ràng chúng ta bị hỏng một thời gian dài về việc tiêm vắc xin”, tiến sĩ - bác sĩ Lê Trường Giang, nguyên Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM, đánh giá.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết hầu hết bệnh nhi sởi nhập viện đều chưa được tiêm phòng sởi.

Trong khi đó, tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Phó khoa Nhiễm, ghi nhận nhiều trường hợp trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc bệnh do chưa được chủng ngừa (chưa đủ tuổi). Song song đó, nhiều phụ huynh lo ngại bởi những trường hợp tai biến sau tiêm vắc xin nên đã quyết định không cho con đi tiêm ngừa nữa. Thế nên, có những trẻ lớn hơn 9 tháng vẫn chưa được tiêm ngừa vắc xin sởi hoặc tiêm không đủ liều.Theo ông Giang, việc số trẻ mắc sởi dưới 9 tháng tuổi rất nhiều (độ tuổi chưa được tiêm ngừa) chứng tỏ, mầm bệnh sởi đang "lưu hành" trong cộng đồng.“Bệnh sởi bùng phát đột biến, lây lan rộng hiện giờ chắc chắn là do không tiêm vắc xin”, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), nhận định.Theo bác sĩ Khanh, dịch sởi bùng phát là hậu quả nhãn tiền của việc lơ là, không tiêm vắc xin.

Quay lưng với vắc xin: hậu quả khó lường

Bác sĩ Khanh phân tích: Các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm được đưa vào Chương trình tiêm chủng Quốc gia là ho gà, uốn ván, bạch hầu, viêm gan siêu vi B, sởi. Trong đó, sởi là bệnh mà vắc xin thể hiện hiệu lực bảo vệ nhanh nhất. Đồng thời, sởi là bệnh diễn biến nhanh, lây lan mạnh và dễ thấy nhất. Vì vậy, việc không tiêm vắc xin thì hậu quả sẽ xuất hiện và có thể thấy liền ngay sau đó. Từ đầu năm nay dịch sởi ở nước ta bùng phát chứng tỏ trong một năm qua, việc tiêm vắc xin sởi đã bị lơ lỏng, bỏ ngỏ. Trong khi đó, những bệnh ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan siêu vi B thì hiệu quả vắc xin thể hiện sau một thời gian lâu dài hơn. Các bệnh này sức lây lan không mạnh, không tạo dịch lớn nên chúng ta khó thấy hậu quả hoặc không tiêm lúc này có thể mấy năm sau mới thấy hậu quả. Ví dụ như với viêm ga siêu vi B thì trẻ tiêm bây giờ để phòng bệnh cho chục năm sau, hay uốn ván thì khi gặp tai nạn, dẫm đinh thì mới thấy được “giá trị”, hiệu quả của vắc xin.“Vì vậy, việc lơ lỏng, không tiêm vắc-xin sẽ để lại hậu quả lâu dài”, ông Khanh khuyến cáo. Đồng thời, bác sĩ Khanh cho biết, vừa qua đã xuất hiện lai rai một số ca ho gà, một bệnh lâu nay rất ít người mắc.

Đảm bảo 100.000 liều vắc xin sởi

Ngày 7.3, TP.HCM sẽ đồng loạt tiêm vét, tiêm bổ sung vắc xin sởi cho trẻ em từ ba tháng tuổi đến chín tháng tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liềm vắc xin sởi trên địa bàn TP.

Theo ước tính của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, hiện có khoảng 5.000 trẻ chưa tiêm sởi mũi đầu tiên theo đúng lịch tiêm chủng. Số trẻ chưa tiêm nhắc lại mũi hai lên đến 25.000 - 30.000 trẻ.

Theo đó, Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM đã chuẩn bị 80.000-100.000 liều vắc xin, đảm bảo đủ tiêm cho tất cả trẻ trong độ tuổi tiêm chủng.

Bác sĩ Giang tư vấn, điều cần thiết để dập dịch sởi bây giờ là tập trung tiêm vắc xin cho trẻ. Nếu tiêm vắc xin hết cho trẻ còn thiếu mũi tiêm trong vòng 15 ngày tới thì chỉ cần một tháng sau tiêm là tình hình sởi sẽ “lắng” xuống, đẩy lùi dịch sởi.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nhấn mạnh: “Hiện nay, an toàn tiêm chủng là ưu tiên số một trong vệc triển khai tiêm ngừa”. Vì vậy, TP.HCM vẫn chỉ tiêm cho trẻ tại các trạm y tế phường, xã, kiểm tra đảm bảo đúng điều kiện, quy trình tiêm chủng. Việc thành lập các tổ tiêm chủng lưu động chỉ được xem xét nếu cần thiết và phải có ý kiến của UBND.

Theo chỉ đạo của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, các trung tâm y tế dự phòng quận huyện, trạm y tế rà soát, thông báo tất cả trường hợp trẻ nào chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin sởi sẽ được tiêm bổ sung.

Nếu phụ huynh không nhớ rõ đã tiêm ngừa sởi cho con chưa thì tiêm cho trẻ mũi vắc xin sởi nữa cho chắc. Chỉ cần lần chích này cách lần chích trước đó, bất kể là chích ngừa gì, một tháng là được.

Hà Nội mới

Hà Nội: Không để xảy ra tình trạng tăng giá và thiếu vắc xin sởi

Chiều 5-3, theo tin từ Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, tính đến thời điểm này, 100% các quận, huyện trên địa bàn thành phố đã đồng loạt triển khai tiêm vắc xin sởi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, điều đáng ghi nhận qua 3 ngày triển khai tiêm là các bậc phụ huynh đã nhận thức được tầm quan trọng của việc tiêm chủng cho trẻ. Dự kiến, tỷ lệ tiêm chủng đợt này sẽ đạt trên 95% và như vậy Hà Nội sẽ khống chế được bệnh sởi trong tháng 4 tới. Ông Nguyễn Nhật Cảm cũng cho biết, nhiều người lo lắng sẽ thiếu vắc xin sởi khiến các điểm tiêm dịch vụ nhân cơ hội đẩy giá lên. Tuy nhiên, hiện Hà Nội bảo đảm đủ vắc xin, nhân lực, cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng của người dân theo Chương trình tiêm chủng mở rộng cũng như tại các điểm tiêm dịch vụ. Tại các điểm tiêm dịch vụ, vắc xin sởi vẫn giữ đúng mức giá từ năm 2013 trước khi có dịch sởi xuất hiện. Vắc xin phòng sởi có ba loại nhưng các điểm tiêm phòng trực thuộc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội hiện chỉ có vắc xin của Mỹ với mức giá niêm yết là 150.000 đồng/mũi. * Cùng ngày, theo tin từ khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), từ đầu mùa dịch đến nay, Khoa Nhi tiếp nhận khoảng 30 trường hợp mắc sởi có biến chứng. Tình trạng các bệnh nhi cơ bản là viêm phổi bội nhiễm vi khuẩn thông thường, chỉ có 3 trường hợp là biến chứng nặng, trong đó có 1 bệnh nhi đã tử vong, 1 được cứu sống và 1 bệnh nhi 3,5 tháng tuổi đang được điều trị tích cực. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi cho biết, xét nghiệm miễn dịch của 10 ca mắc bệnh đã cho kết quả ban đầu là ở những trường hợp biến chứng nặng đều có dấu hiệu suy giảm miễn dịch. Do đó, virus sởi đã tấn công trực tiếp vào phổi gây biến chứng nặng ngay khi bệnh nhân bắt đầu mọc ban dẫn tới suy hô hấp, viêm phổi nặng và tiến triển nhanh khiến cho việc cấp cứu khó khăn.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo: Khi trẻ mọc ban sởi, phải lập tức cho trẻ đi khám để bác sĩ phát hiện kịp thời những trường hợp có nguy cơ biến chứng nặng. Để phòng bệnh, biện pháp tốt nhất là các bà mẹ cần cho con bú sữa mẹ đầy đủ (để tăng cường khả năng miễn dịch của trẻ) và cho con tiêm phòng đúng lịch.

Sẵn sàng ứng phó với dịch cúm A/H7N9 lây sang người

Chiều 5-3, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có thông báo về tình hình dịch cúm A/H7N9. Theo đó, đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận có thêm 1 trường hợp tử vong do cúm A/H7N9 tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) - là một bệnh nhân nam 59 tuổi, có tiền sử phơi nhiễm với gia cầm. Theo WHO, cộng dồn từ tháng 3-2013 đến nay, đã ghi nhận 379 trường hợp nhiễm cúm A/H7N9, 116 trường hợp tử vong.

Hiện tại Việt Nam chưa phát hiện virus cúm A/H7N9 trên gia cầm, môi trường và trên người nhưng điều kiện xâm nhập vào nước ta là rất lớn. Do đó, Bộ Y tế đang triển khai quyết liệt các biện pháp ứng phó, đồng thời chuẩn bị nguồn nhân lực và trang thiết bị sẵn sàng khống chế khi phát hiện ca bệnh đầu tiên xâm nhập. Cụ thể, các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, khu vực cách ly, tổ chức tốt việc thu dung, điều trị, hạn chế tử vong khi có bệnh nhân. Mặt khác, các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động, tổ chức thường trực phòng, chống dịch tại các đơn vị y tế cũng sẽ được kiện toàn.

Tuổi trẻ

TP.HCM: "căng mình" chống nhiều dịch bệnh

So với cùng kỳ năm ngoái, hai tháng đầu năm 2014, một số dịch bệnh ở TP.HCM tăng bất thường. Dự báo thời gian tới, các loại dịch bệnh như sởi, thủy đậu, sốt xuất huyết, tay chân miệng... diễn biến khó lường. Vì thế, các bệnh viện, cơ sở y tế của TP.HCM phải tập trung nguồn lực, nhân sự và các phương án đối phó tức thời để kiểm soát dịch bệnh. Đó là yêu cầu của bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, về công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn TP tại cuộc họp giao ban y tế quận huyện sáng 5-3.

Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, số ca bệnh sởi nhập viện tăng là do công tác tiêm đủ hai mũi văcxin sởi thời gian dài trên địa bàn chưa đạt. Trước tình hình trên, mục tiêu của TP.HCM là đạt 95% tỉ lệ tiêm vét hai mũi văcxin sởi cho trẻ từ 9 tháng đến 3 tuổi. TS.BS Lê Trường Giang, chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM, nêu ra rằng để sớm dập dịch sởi, biện pháp tiêm văcxin là quan trọng nhất.

Cũng theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, so với cùng kỳ năm ngoái, các loại dịch bệnh khác là thủy đậu, quai bị, sốt xuất huyết và tay chân miệng tăng bất thường. Về công tác phòng chống cúm gia cầm, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng mô tả “TP.HCM đang ở trong vòng vây của dịch cúm gia cầm”. “Đi kiểm tra tại các quận huyện thì thấy gà vịt còn thả đầy trong khu dân cư. Đây là một mối nguy nếu dịch vào TP sẽ lây lan rất nhanh” - bác sĩ Hưng nói.

Ăn cá, xương mắc kẹt ở đại tràng

TT - Một bệnh nhân nam 71 tuổi nhập viện Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) vì đau âm ỉ bụng trái. Qua thăm khám bệnh nhân chỉ có ấn đau vùng hố chậu trái. Ngoài ra, bệnh nhân có đặc điểm mất nhiều răng, mới làm răng giả được ba tháng. Kết quả siêu âm cho thấy có dày vách đại tràng trái. Chụp cắt lớp điện toán (CT scan) phát hiện có dị vật cản quang nằm trong đại tràng. Bệnh nhân được nội soi đại tràng và lấy ra được một mảnh xương cá có kích thước 2x3cm.

Xương cá là dị vật thường gặp nhất của ống tiêu hóa. Nuốt xương cá thường do vô ý. Một số trường hợp nuốt nhầm xương cá do có răng giả và răng giả làm giảm cảm nhận đối với vật cứng, nhọn lẫn trong thức ăn. Ngoài ra có thể gặp trong trường hợp ăn quá nhanh, người lớn tuổi, say rượu hay mắc bệnh tâm thần…

Xương cá có thể mắc kẹt ở bất cứ vị trí nào trên đường tiêu hóa như hầu, họng hay thực quản. Nếu dị vật đi qua vùng này đa số sẽ vượt qua đường tiêu hóa mà không gây biến chứng. Tuy nhiên có một số trường hợp không đào thải được mà bị mắc kẹt ở ruột non, đại tràng. Khi bị mắc kẹt có thể gây biến chứng.

Để phòng ngừa, mọi người nên ăn chậm, nhai kỹ, chú ý những thức ăn có nhiều xương và nên đi khám sớm nếu có nuốt xương cá hoặc nghi ngờ nuốt xương cá ngay cả khi không có triệu chứng. Phòng bệnh hơn chữa bệnh.

Ăn nhiều thịt, nguy cơ ung thư cao

Nghiên cứu mới từ các nhà khoa học Mỹ cho rằng chế độ ăn ít đạm từ nguồn gốc động vật có thể giúp phòng ngừa ung thư và tử vong do nhiều nguyên nhân ở những người trung niên.Trong quá trình khảo sát 6.800 người ở độ tuổi trung niên và người già, các nhà khoa học nhận thấy những người độ tuổi 50 có khẩu phần ăn hằng ngày với năng lượng từ đạm động vật (chủ yếu là các loại thịt và bơ) cao hơn 20% sẽ có nguy cơ tử vong do ung thư hoặc đái tháo đường cao hơn 4 lần so với những người ăn ít đạm trong vòng 18 năm. Nguy cơ tử vong này thấp hơn hoặc không có nếu chế độ ăn nhiều đạm có nguồn gốc thực vật. Nhưng ở những người trên 65 tuổi có chế độ ăn nhiều đạm động vật lại giảm được 60% nguy cơ tử vong do ung thư.Theo tác giả nghiên cứu, tác động của sự hấp thu đạm và nguy cơ tử vong sớm một phần là do có sự hoạt hóa hormone ảnh hưởng đến tăng trưởng tế bào. Các hormone này thường không ảnh hưởng nhiều ở người già, nếu ăn quá ít đạm sẽ tăng nguy cơ tử vong do thiếu dinh dưỡng.

Sức khỏe & Đời sống

Những con số đầy ấn tượng từ ca ghép tụy - thận đầu tiên tại Việt Nam

150 y bác sĩ, 13 tiếng liên tục thực hiện ca ghép, 20 năm tích lũy kinh nghiệm về kỹ thuật ghép tạng và 100% là bác sĩ Việt Nam thực hiện là những con số mà Thiếu tướng, PGS.TS. Hoàng Mạnh An, Giám đốc Bệnh viện (BV) 103 đưa ra trong cuộc phỏng vấn trực tiếp với phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống ngay sau khi BV thông báo về thành công của ca ghép tụy - thận đầu tiên ở Việt Nam. Cuộc phỏng vấn cũng đã “giải mã” những con số đầy ấn tượng này.

PV: Thưa Thiếu tướng, được biết BV 103 vừa thực hiện thành công ca ghép tụy - thận đầu tiên từ người cho chết não, đến thời điểm này ông có thể cho biết tình trạng bệnh nhân như thế nào, có thể tiên lượng ra sao?

Thiếu tướng Hoàng Mạnh An: Đúng là BV 103 vừa thực hiện ca ghép tụy - thận đầu tiên, nguồn tạng từ người cho chết não. Đến thời điểm này, bệnh nhân (BN) ổn định các chức năng và các xét nghiệm cho thấy có những diễn biến thuận lợi. Tuy nhiên, hiện nay BN vẫn được theo dõi chặt chẽ bởi ghép tụy là một kỹ thuật rất phức tạp, có những khó khăn riêng biệt. BN phải nằm bất động, theo dõi đặc biệt liên tục các chỉ số sinh tồn. Hiện tại điều chúng tôi lo lắng là về cơ chế thải ghép của tuyến tụy, tuy nhiên khi tham khảo ý kiến đồng nghiệp tại một số BV lớn trên thế giới đã từng nhiều lần ghép thành công tụy - thận cho thấy, cơ chế đào thải tụy - thận (đa tạng - PV) cũng giống như ghép 1 tạng. Điều thuận lợi trong ca ghép này là tuy ghép đa tạng nhưng tạng được lấy từ một người cho và ghép trên một cá thể. Chúng tôi cũng hết sức cầu thị chủ động trao đổi, tham khảo ý kiến của các chuyên gia các nước bạn nhằm có kinh nghiệm điều trị ca ghép này tốt hơn.

PV: Ca ghép diễn ra trong hơn 13 tiếng liên tục, vậy có khi nào kíp mổ rơi vào tình huống “nguy hiểm” vượt tầm kiểm soát hay không? Và giải quyết tình huống đó như thế nào thưa ông?

Thiếu tướng Hoàng Mạnh An: Do được chuẩn bị rất kỹ về mọi mặt từ kỹ thuật, luyện tập, thực hành trên vật thể rất nhiều lần, giả định các tình huống nên khi tiến hành ca ghép này đã diễn ra thuận lợi. Trong suốt 13 tiếng tiến hành mổ không xảy ra tình huống nào vượt khỏi sự kiểm soát của kíp mổ. Và khi kết thúc cuộc mổ, chúng tôi đã thành công về mặt kỹ thuật.

PV: Thiếu tướng có thể nói thêm về công tác chuẩn bị nhân lực, kỹ thuật, trang thiết bị trước khi thực hiện ca ghép khó này?

Thiếu tướng Hoàng Mạnh An: Để chuẩn bị cho ca ghép đa tạng (tụy - thận) tại BV chúng tôi, có thể nói đây là sự chuẩn bị hết sức công phu từ khi nhận đề tài cấp nhà nước về ghép tụy - thận trên người. Đó là sự chuẩn bị bài bản, khoa học và vô cùng khắc nghiệt về con người, về trình độ, kỹ thuật. Về kiến thức, chúng tôi đã cử nhiều đoàn đi học tập ở các nước, đặc biệt là ở Nhật Bản - là một trung tâm ghép tụy - thận rất nhiều, trao đổi kinh nghiệm với các đồng nghiệp ở Đài Loan, Singapore, Bỉ. Về thực nghiệm, chúng tôi đã thực nghiệm ghép tụy - thận trên động vật, các thầy thuốc được thực hành thuần thục các kỹ thuật ghép trên mô hình ghép tương tự như trên người, đã có rất nhiều cặp ghép thành công. Như vậy, về mặt kỹ thuật chúng tôi từng bước làm chủ và có nhiều thuận lợi khi tiến hành ghép ở trên người. Mặt khác, việc ghép tụy - thận ở Việt Nam là mới, song trên thế giới, các trung tâm y khoa đã làm nhiều rồi và như vậy đội ngũ thầy thuốc được cử đi kiến tập, thực tập tại những trung tâm này đã được xem, được thực hành cụ thể nên có thuận lợi khi tiến hành ca ghép tại BV.

PV: Tại sao BV lại chọn phương án ghép 2 tạng cùng một lúc trên một người bệnh (trong đó có kỹ thuật ghép tụy rất phức tạp)? Phương án này có ưu điểm, bất trắc gì?

Thiếu tướng Hoàng Mạnh An: Việc ghép 2 tạng trên người là một chương trình trọng điểm quốc gia của Bộ Công nghệ đã giao cho một số BV. BV 103 là chủ nhiệm đề tài ghép tụy - thận từ người cho chết não trên người. Đây là một tiến bộ về công nghệ ghép tạng đối với Việt Nam, xác định đến năm 2015 sẽ thực hiện chương trình này nhằm nâng chất lượng cũng như trình độ ghép tạng của chúng ta lên. Phương án ghép tụy - thận thực tế không phải chúng ta muốn là được mà phải xuất phát từ người bệnh và có những bệnh cần phải ghép như thế. Những người bị bệnh đái tháo đường týp 1 thường dễ dẫn tới suy thận, ngược lại những người đã được ghép thận sau một thời gian nếu không được dự phòng tốt cũng dễ dẫn tới suy thận. Họ chính là những người phải ghép tụy - thận. Trên thế giới có những trung tâm tiến hành ghép nhiều tạng hơn trên 1 người, tuy nhiên vẫn phải phụ thuộc trực tiếp vào tổn thương của người bệnh để các thầy thuốc lựa chọn phương án ghép.

PV: Có tới 150 bác sĩ tham gia ca ghép đa tạng này, vậy BV đã phân tách nhiệm vụ như thế nào để “dây chuyền” này hoạt động trơn tru, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Hoàng Mạnh An: Trước hết phải nói rõ là không phải tất cả 150 bác sĩ tham gia kíp mổ. Để tiến hành cuộc ghép này cần nhiều công đoạn phải làm như cần người chuẩn bị bệnh nhân, tuyển chọn bệnh nhân, người làm xét nghiệm, tuyển chọn và nhập nguồn tạng, có các bộ phận gây mê hồi sức, chăm sóc trước sau hậu phẫu, người làm dược chính... Ngay cả hậu cần, các cơ quan cũng phải vào cuộc để giải quyết nhiều vấn đề từ việc làm công tác tư tưởng cho thân nhân người hiến tạng, chăm sóc người được tiếp nhận nguồn tạng... Như vậy, để giải quyết được tất cả các khâu đó cần đến một lực lượng rất lớn. Còn những người tham gia trực tiếp là thành viên của kíp mổ, những người phục vụ trong phòng mổ, điều hành mổ thì số lượng ít hơn. Trong khi tổ chức một cuộc mổ như thế thì việc chỉ huy điều hành để không bị nghẽn tắc là điều đương nhiên phải thực hiện. Kỷ luật phòng mổ là kỷ luật cao nhất trong ngành ngoại khoa. Đặc biệt, chúng tôi là thầy thuốc trong quân đội nên kỷ luật quân đội cũng được thực thi ở mức cao nhất nên sự “nghẽn tắc” là không thể xảy ra được.

PV: Sau ca ghép, cơ sở nào để đánh giá ca ghép thành công? Tuyên bố như vậy liệu có phải là quá sớm?

Thiếu tướng Hoàng Mạnh An: Phải nhấn mạnh rằng đây là thành công bước đầu về mặt kỹ thuật. Quả thật, đúng là như vậy, bởi đây là lần đầu tiên chúng ta tiến hành ghép đa tạng trên 1 cá thể. Đây là khó khăn rất lớn mà để đạt được thành công đó là công sức của biết bao cán bộ thầy thuốc đã miệt mài nghiên cứu, học tập kỹ thuật cao này. Nói là thành công về mặt kỹ thuật là bởi khi khâu nối mạch máu cho tái tưới máu thì tổ chức nhu mô ở tụy mới trong cơ thể bệnh nhân được ghép hồng hào trở lại. Và sau một số giờ theo dõi làm các xét nghiệm thấy tụy đã bắt đầu hoạt động, như vậy có thể khẳng định về mặt kỹ thuật đã thành công. Để coi là ca ghép thành công hoàn hảo thì cần có thời gian theo dõi bệnh nhân, đánh giá các chỉ số sinh tồn, đặc biệt là kết quả đánh giá về hoạt động tuyến tụy mới cũng như chức năng của thận sau khi ghép, bệnh nhân được cắt chỉ và chuẩn bị xuất viện chúng tôi mới đánh giá ca ghép là thành công hoàn hảo.

PV: Để có được thành công này, BV đã trải qua thất bại nào chưa? Kinh nghiệm để tiến hành kỹ thuật này có từ đâu?

Thiếu tướng Hoàng Mạnh An: Để có được thành công này là sự chuẩn bị công phu của rất nhiều con người, của tập thể BV, sự chỉ đạo sát sao của các cấp các ngành. Sự quyết tâm cao của đội ngũ cán bộ làm trực tiếp. Có được những kinh nghiệm trong kỹ thuật ghép tạng như hôm nay là cả một thời gian hơn 20 năm BV thực hiện kỹ thuật ghép tạng từ những ngày đầu còn sơ khai, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu thốn, kinh nghiệm chưa có nhiều và đến nay, ghép tạng, đặc biệt là ghép thận đã trở thành thường quy. Thậm chí 1 ngày BV có thể ghép 2 - 3 cặp thận và bệnh nhân ghép thận chỉ cần 3 - 5 ngày có thể giải phóng ra ngoài khu chăm sóc đặc biệt. Chính vì thế những người tham gia ca ghép nói trên đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Ngoài ra, trong một năm có nhiều đoàn công tác quốc tế tới BV hội thảo khoa học, do vậy cũng nâng cao được các kỹ thuật khi ghép và chăm sóc bệnh nhân sau ghép.

Nhân đây, qua báo Sức khỏe&Đời sống cho tôi thay mặt toàn thể BV gửi lời biết ơn sâu sắc tới thân nhân, gia đình có người thân đã thực hiện nghĩa cử cao đẹp hiến tạng của mình cho người bệnh.

PV: Xin cảm ơn Thiếu tướng!

Báo điện tửDân Trí

Chết vì chữa bệnh “truyền khẩu”

Thực ra đây là “căn bệnh” nói mãi của người Việt sau khi đã xảy ra nhiều trường hợp biến chứng đáng tiếc, thậm chí tử vong nhất là điều trị dựa trên những bài thuốc nam, “mẹo”…

Suýt chết vì nuốt mật cá trắm

Dường như coi thường tính mạng của chính bản thân và của bệnh nhân, nhiều người vẫn cố tình trị bệnh theo cách mà các chuyên gia y tế nhận định là “vô lối” này.

Cách đây không lâu, hơn 90 cháu ở xã Tam Dị, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang bị ngộ độc chì do uống thuốc cam theo truyền miệng, phải đi cấp cứu bệnh viện để lọc máu, chạy thận thực sự đã làm hoang mang nhiều bậc phụ huynh, đặc biệt là ở nông thôn. Bởi ở đây, do nếp nghĩ cũ cùng với điều kiện kinh tế, y tế, đã làm cho người dân “thiên” về cách chữa trị dân gian, truyền miệng hơn là Tây y hiện đại.

Tưởng rằng đó sẽ là bài học cho những bậc làm cha mẹ “cạch” tình trạng chữa bệnh theo cách truyền miệng cho con. Thế mà, chuyện này vẫn tiếp diễn.

Dịp Tết vừa rồi, đối với gia đình bệnh nhi Hùng, 14 tuổi ở Bắc Ninh sẽ không bao giờ quên bởi không phải đây là cái Tết vui vẻ, hay bình an nhất mà là một dấu mốc cho sự sự bất cẩn, một thói quen đã trở nên tùy tiện trong việc trị bệnh để rồi thay vì cứu người suýt nữa lại “mất mạng” người.

Chả là hôm mồng 4 Tết, quá ngấy với thịt mỡ, bánh chưng… mẹ Hùng đi chợ mua về một con cá trắm 4kg để làm lẩu đãi cả nhà. Tiện thể nghe người ta nói, nếu người nào yếu đường tiêu hóa hay bị bệnh liên quan đến đường ruột, nuốt mật cá trắm sống là sẽ trị được bệnh. Vậy là, mẹ Hùng “sống chết” bảo toàn mật không để bị vỡ khi làm cá để cho Hùng uống. Sau khi lấy được mật cá ra, bà đã chọc túi mật rồi hứng vào một cái cốc nước đã pha sẵn đường cho để cho con uống.

Uống xong, chỉ 3 tiếng sau, Hùng lập tức có biểu hiện ngộ độc như đau bụng quằn quại, nôn thốc tháo, tiêu chảy… Hùng được cha mẹ đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh.

Tuy nhiên, tình trạng ngộ độc của Hùng vượt quá khả năng điều trị của Bệnh viện Đa khoa tỉnh do các xét nghiệm cho thấy men gan tăng gần 200 lần so với chỉ số cho phép, vàng da, người mất nước, mệt lả… nên họ đã phải chuyển Hùng lên bệnh viện tuyến trên là Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai điều trị.

Tại đây, sau 2 ngày điều trị tích cực, bệnh nhi Hùng đã đỡ hơn khi men gan giảm đáng kể, mặc dù chưa về chỉ số “chuẩn” như ban đầu. Nhưng đó cũng là dấu hiệu tích cực, cho thấy Hùng đã qua cơn nguy kịch.

Theo bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, bác sĩ điều trị trực tiếp cho Hùng, rất may mắn cho Hùng là em không bị suy thận bên cạnh tổn thương gan nặng nề như nhiều bệnh nhân khác khi uống mật cá trắm. Cho nên việc điều trị cũng đỡ phức tạp hơn. Chứ nhiều bệnh nhân khác song song cùng với điều trị gan còn phải chạy thận, lọc máu một thời gian dài, thậm chí có người còn bị di chứng ở thận thành bệnh mãn tính.

Đây quả là bài học nhớ đời cho mẹ Hùng về việc chữa bệnh theo truyền khẩu, một cách chữa mà chút nữa đã cướp đi sinh mạng của con trai bà!

Trị bệnh lại “chuốc” lấy bệnh

Không chỉ Hùng mà nhiều bệnh nhân trước đó, cũng với quan niệm uống mật của một số động vật để chữa trị bệnh theo truyền khẩu của dân gian đã phải đi cấp cứu bệnh viện.

Bác sĩ Tuấn cho biết, trước Tết Giáp Ngọ, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã phải cấp cứu một trường hợp bị ngộ độc mật cá trắm do tự ý nuốt mật cá để chữa bệnh… đau lưng?!

Nữ bệnh nhân này, không biết nghe ai “mách”, đã đi xin về một chiếc mật của cá trắm đen nặng 7 kg để uống. Uống xong, chừng 2 tiếng sau, khỏi đau lưng đâu chưa thấy, chỉ thấy cũng rơi vào tình trạng hệt như bệnh nhi Hùng kể trên. Chỉ khác là chị bị thêm suy thận, phù, ứ nước trong cơ thể.

Bác sĩ Tuấn nói: “Cũng may là nữ bệnh nhân ấy thoát khỏi tay “tử thần”. Bởi bệnh của chị so với Hùng nặng hơn nhiều, điều trị lâu dài hơn nhiều mới đỡ”.

Bác sĩ cũng nhận định: “Đối với những con cá có trọng lượng càng lớn thì mật càng lớn. Mật càng lớn thì khả năng gây ngộ độc và biến chứng cho con người càng nặng, nhất là trong trường hợp bị suy thận nặng dẫn đến ứ nước trong cơ thể. Nếu bị như vậy, khả năng tử vong là rất cao do còn bị phù phổi cấp”.

Chấm dứt chữa bệnh theo truyền khẩu

Bên cạnh nuốt mật cá, nhiều người còn uống mật lợn vì cho rằng dân gian có bài thuốc trị bệnh đau dạ dày bằng mật lợn mà họ đã nghe lại từ thế hệ ông cha. Chẳng biết bài thuốc này đúng hay sai thế nào nhưng chỉ biết, bệnh nhân Dương Xuân Nghĩa, ở Thái Nguyên đã phải nhập viện trong tình trạng hôn mê, viêm gan nặng, suy thận cấp.

Bác sĩ Duệ khuyến cáo: Bản thân mỗi người đều có một cái mật, cơ thể con người thường xuyên sản sinh ra dịch mật đủ để tiêu hóa thức ăn. Vì vậy, không cần thiết phải uống mật động vật để giúp tiêu hóa tốt hơn.

Người nhà của bệnh nhân Dương Xuân Nghĩa kể lại, sau khi ăn tiết canh lợn, nghe bạn bè nói pha mật lợn với rượu rồi uống sẽ khỏi đau dạ dày, lại còn, tăng “sức mạnh” của đàn ông… Thế là Nghĩa làm theo mà không suy tính, đắn đo. Ngược lại còn lập luận: “Lợn nuôi để lấy thịt ăn thì mật uống cũng chẳng sao”.

Nhưng uống xong 2 chén rượu pha mật lợn chưa được bao lâu, Nghĩa “miệng nôn trôn tháo”, chân tay bủn rủn đến nỗi không đứng được, người lả như bị mất sức, da vàng ệch… phải đi cấp cứu bệnh viện. Khi chuyển từ Bệnh viện ở Thái Nguyên lên Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, gan, thận của anh Nghĩa đã bị tổn thương nặng nề.

Theo bác sĩ Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, rất nhiều người nhầm lẫn uống mật động vật sẽ trị bệnh và bổ dưỡng. Nhưng thực tế quan niệm này hoàn toàn sai lầm bởi trong mật cũng có những độc tố làm suy gan, viêm gan, suy thận… rồi từ đó dẫn đến tử vong.

Bệnh nhân Dương Xuân Nghĩa là một trong số ít người “thoát chết” trong khi tình trạng bệnh nặng như vậy. Nhưng không dám chắc ai cũng có thể “may mắn” như thế cho nên mọi người cần thay đổi quan niệm uống mật động vật trị bệnh.

Và đặc biệt, bác sĩ Duệ nhấn mạnh: “Trong bối cảnh bệnh tật ngày càng phức tạp như hiện nay do ảnh hưởng của môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm… người dân không nên tự điều trị bệnh hoặc chữa bệnh theo truyền khẩu để rồi “rước họa vào thân”. Có bệnh là phải đến các cơ sở y tế. Họ sẽ có đầy đủ điều kiện để trị bệnh cho bệnh nhân một cách tốt nhất có thể”.

Ổ bệnh thủy đậu “tấn công” vào trường học

Chỉ hơn nửa tháng, ít nhất 10 học sinh trường THCS Lê Quý Đôn (ở quận 3) bị mắc thủy đậu phải nghỉ học điều trị. Đây là chùm ca bệnh đầu tiên trên địa bàn thành phố kể từ đầu năm. Ngành Y tế cảnh báo bệnh thủy đậu đang diễn tiến khó lường.

BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cho biết, trong tháng 2, số ca mắc bệnh thủy đậu trên địa bàn gia tăng so với cùng kỳ năm ngoái và so với tháng trước. Tính đến đầu tháng 3, đã có 131 trường hợp trên toàn thành phố mắc thủy đậu.

Loại bệnh lây lan qua đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp này đang có những diễn tiến khó lường, ngoài những ca bệnh lẻ tẻ trong cộng đồng mới đây tại trường Trung học Phổ thông Lê Quý Đôn (quận 3) đã xuất hiện một chùm ca bệnh thủy đậu với 10 học sinh bị nhiễm.

BS Trí Dũng cho biết, bệnh khởi phát vào ngày 8/2 ở một học sinh. Mọi chuyện tưởng như bình an vô sự với các học sinh khác nhưng 14 ngày sau ca bệnh thứ 2 tại trường được phát hiện. Bệnh tiếp tục đẩy nhanh tốc độ lây lan khi chỉ trong 4 ngày (từ 22/2 đến 26/2) có 8 học sinh khác lên cơn sốt và phát ban toàn thân.

Theo nhận định của Trung tâm Y tế Dự phòng, trường hợp mắc bệnh đầu tiên có thể là nguồn lây cho những học sinh khác, trong 10 ca mắc bệnh có 8 ca cùng chung một lớp. Để bao vây ổ dịch, ngăn chặn nguy cơ bệnh lây lan và bùng phát trên diện rộng, các học sinh mắc bệnh đã được nghỉ học điều trị ngoại trú, sức khỏe của các học sinh đều nhanh chóng bình phục.

Ngành Y tế đã phối hợp với nhà trường và địa phương tiến hành vệ sinh khử khuẩn lớp học hàng ngày và tổng vệ sinh toàn trường cuối tuần. Sau một tuần kể từ khi ca bệnh cuối được phát hiện đến nay chưa ghi nhận thêm ca bệnh mới tại trường Lê Quý Đôn. Việc giám sát các ca bệnh mới có thể phát sinh trong phạm vi toàn trường đang được tiếp tục tiến hành.

BS Nguyễn Trí Dũng khuyến cáo các bậc phụ huynh nếu phát hiện con em mình bị sốt, hắt hơi, sổ mũi hoặc có yếu tố nhiễm siêu vi cần cho trẻ nghỉ học đưa đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Vắc-xin thủy đậu trên địa ban thành phố đã hết gần một năm nay. Mới đây, Sở Y tế thành phố đã nhận được công văn từ Cục Y tế về việc tiếp tục nhập vắc-xin ngừa thủy đậu nhưng chưa biết thời gian cụ thể. Để chủ động phòng bệnh, Trung tâm Y tế Dự phòng khuyến cáo thời tiết giao mùa với những diễn biến bất thường đang tạo điều kiện cho vi-rút gây bệnh lây lan.

Người dân nên mang khẩu trang khi đến chỗ đông người, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ bằng dung dịch sát khuẩn, rửa tay bằng xà phòng để hạn chế sự lây truyền của vi khuẩn. Những đối tượng dễ mắc bệnh như người già, trẻ nhỏ, trẻ em suy dinh dưỡng, trẻ mắc bệnh bẩm sinh… nên hạn chế đến chỗ đông người hoặc tiếp xúc với người bệnh.

Hy hữu bé sơ sinh 24 ngày tuổi viêm phổi vì bệnh sởi

Bé sơ sinh mới 24 ngày tuổi đã mắc sởi, phải nhập viện điều trị vì biến chứng viêm phổi. Đây là ca mắc sởi nhỏ tuổi nhất mà khoa Nhi (BV Bạch Mai) từng ghi nhận. Tại BV Nhi TƯ, ca mắc sởi nhỏ nhất là trẻ 2 tháng tuổi.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, trong đợt dịch này tại khoa cóđến trên 60% trẻ mắc sởi có biến chứng phải nhập viện điều trị là trẻ dưới 1 tuổi, trong đó khá nhiều trẻ mới được 2 - 3 tháng tuổi. Bệnh nhi sơ sinh 24 ngày tuổi mắc sởi là bệnh nhi nhỏ tuổi nhất khoa từng tiếp nhận từ trước đến nay.

Ngày 24/2, bé Nguyễn Văn Phúc (24 ngày tuổi,Hai Bà Trưng, Hà Nội) được gia đình đưa vào BV Bạch Mai khám trong tình trạng sốt, ho, viêm long đường hô hấp, xuất viện ban rải rác vùng mặt. Bệnh nhi được chỉ định nhập viện với chẩn đoán viêm phổi do biến chứng của sởi.

Trên 60% trẻ bị biến chứng sởi nhập viện điều trị là trẻ dưới 1 tuổi. Trong đó, cá biệt có ca là bé sơ sinh mới 24 ngày tuổi đã bị nhiễm sởi. Ảnh minh họa: H.Hải

Người nhà bệnh nhi cho biết, trước khi nhập viện 14 ngày (khi được 10 ngày tuổi) bệnh nhi đã có một đợt xuất hiện các triệu chứng khò khè, thở nhiều đờm xanh vàng, ho húng hắng. Điều trị tại phòng khám tư một đợt sau 5 ngày bé đã khỏi bệnh thì đến đêm 23/2 trẻ tự dưng sốt, xuất hiện rải rác vùng mặt gia đình đã đưa đi khám và phải nhập viện điều trị vì viêm phổi.

Theo BS Nguyễn Thành Nam (Khoa Nhi, BV Bạch Mai), bé Phúc nhập viện với những biểu hiện lâm sàng điển hình của sởi là viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc, đi ngoài, ban dạng sởi toàn thân và bị viêm phổi. Người mẹ trẻ sinh năm 1985 không nhớ bản thân đã được tiêm phòng hay mắc sởi chưa. Khu vực xung quanh nhà ở của bệnh nhân có nhiều bệnh nhi mắc sởi.

“Bình thường, viêm phổi ở trẻ sơ sinh đã nặng, diễn tiến nhanh hơn trẻ lớn rất nhiều, viêm phổi trên nền bệnh nhân sởi do suy giảm miễn dịch sẽ càng nặng nề hơn. Bệnh nhi được điều trị, theo dõi chặt chẽ trong suốt thời gian nằm viện. Sau 8 ngày, tình trạng bệnh nhi dã ổn định, được xuất viện sáng 4/3”, BS Nam cho biết.

Tại BV Nhi Trung ương, cũng ghi nhận nhiều bệnh nhi 2 - 3 tháng tuổi mắc sởi. Tỉ lệ trẻ dưới 2 tuổi là chiếm đại đa số, hầu hết chưa tiêm phòng vắc xin. Theo BS Lâm, với đối tượng mắc là trẻ dưới 1, ban sởi không không điển hình, chăm sóc khó khăn hơn, dễ bị bội nhiễm gây biến chứng viêm phổi hơn và việc điều trị viêm phổi ở trẻ nhỏ cũng phức tạp, nguy hiểm, kéo dài hơn ở trẻ lớn.

Khốn khổ vì cả nhà mắc sởi

Tại các bệnh viện cũng xuất hiện nhiều chùm ca bệnh trong cùng một gia đình. Tại khoa Nhi, hiện đang điều trị cho hai chị em ruột (bé trai 2,5 tháng tuổi, chị gái 2,5 tuổi) cùng bị biến chứng viêm phổi. Mẹ của bé cũng bị lây sởi trong quá trình chăm sóc con và hiện đang nằm tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Anh Dũng, bố hai bé cho biết, lúc đầu chỉ là bé trai 2,5 tháng tuổi bị sởi và biến chứng viêm phổi phải nhập viện, cả nhà đã thống nhất mẹ phải vất vả chăm con trong viện, cách ly hẳn với chị vì sợ lây. Bố chỉ hỗ trợ chạy đi chạy lại “vòng ngoài” như tiếp đồ, đóng tiền viện phí, đi đưa các xét nghiệm và chăm con ở nhà. Thế nhưng nhưng con nhỏ chưa kịp khỏi thì mẹ xuất hiện các triệu chứng sởi, viêm phổi và phải điều trị tại BV Nhiệt đới Trung ương. Chưa kịp xong hai mẹ con, cô con gái 2,5 tuổi ở nhà cũng mắc bệnh, viêm phổi và phải nhập viện điều trị.

“Giờ thì 2 chị em chung một giường, bố và bà phải “trực chiến”, còn mẹ nằm viện khác phải tự thân vận động. Cả con lớn và vợ tôi đều chưa tiêm vắc xin sởi cũng bởi chủ quan. Giờ thì cả nhà nằm viện, con cả hai đứa phải tiêm mới thấu hiểu khốn khổ như thế nào vì sự chủ quan không tiêm phòng”, anh Dũng nói.

Một chùm ca bệnh khác mẹ lây con hiện cũng đang điều trị tại khoa, tuy nhiên em bé biến chứng viêm phổi rất nặng, hiện vẫn đang phải thở máy.

Theo BS Đỗ Tuấn Anh (Khoa Nhi, BV Bạch Mai), bình thường trẻ dưới 9 tháng tuổi thường ít mắc bệnh sởi do giai đoạn này trẻ đang được bú sữa mẹ, trong sữa mẹ có miễn dịch truyền sang cho trẻ. Nhưng với những người mẹ chưa có miễn dịch hoặc miễn dịch kém trẻ cũng không được nhận miễn dịch từ mẹ, trong khi đó, nguy cơ lây nhiễm vi rút sởi rất cao khi mà trong cộng đồng dịch sởi đang xảy ra. Vì thế những trẻ dưới 9 tháng (chưa đến tuổi tiêm vắc xin phòng sởi) vẫn bị sởi là chuyện không có gì là cá biệt. Thậm chí có những đứa trẻ vừa sinh ra đã lây sởi, lây thủy đậu từ mẹ (đến đúng thời điểm sinh con thì ba mẹ mắc các bệnh này). Dù vậy, số này không chiếm nhiều trong tổng số trẻ bị sởi được ghi nhận, là cá biệt, ít gặp. Ca sơ sinh 24 ngày tuổi đã mắc sởi cũng là ca bệnh nhỏ tuổi nhất lần đầu tiên khoa ghi nhận.

Để phòng bệnh cho trẻ, tích cực cho trẻ bú sữa mẹ, cần cách ly, hạn chế tiếp xúc với người sốt phát ban, tăng cường sức đề kháng cơ thể bằng ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung hợp lý các vitamin và khoáng chất; khi chăm sóc trẻ thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, tránh tối đa việc chùi tay lên mắt, mũi, miệng, thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường đặc biệt là những người tiếp xúc gần với bệnh nhân. Không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, bàn chải, kính, cốc, chén, bát, đũa..), đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng…

Tuy nhiên, rất khó để thực hiện được cách ly hoàn toàn trẻ để phòng lây lan. Bởi trong môi trường ẩm ướt như hiện nay, thời gian vi rút sởi sống trong không khí lâu hơn. Việc di chuyển, đi lại của những người chăm sóc bé, vi khuẩn có thể bám vào quần áo, bám trên da… và lây truyền cho trẻ. Vì thế, việc tiêm phòng đầy đủ các mũi tiêm theo khuyến cáo ở trẻ nhỏ là rất cần thiết. Còn với nhóm trẻ dưới 9 tháng tuổi chưa đủ tuổi tiêm phòng, các bà mẹ không nên quá lo lắng bởi tỉ lệ gặp bệnh thấp. Nếu trẻ có dấu hiệu sốt, viêm long đường hô hấp, phát ban thì cần đưa trẻ đi khám, theo dõi chặt chẽ theo hướng dẫn của thầy thuốc, kịp thời đưa trẻ đến viện khi có dấu hiệu bệnh tiến triển nặng, nguy cơ xảy ra biến chứng nguy hiểm cho trẻ.

Sởi có thể tấn công bất cứ ai chưa có miễn dịch (chưa được tiêm phòng hoặc chưa mắc sởi), vìngười phụ nữ tuổi sinh sản chưa từng mắc sởi, chưa được tiêm vắc xin sởi nên tiêm phòng vắc xin.

Báo điện tử Dân việt

Hà Giang: Trẻ tử vong vì ăn lá rừng

Theo tin Sở Y tế Hà Giang, Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn vừa tiếp nhận và cấp cứu cho 3 cháu nhỏ trong tình trạng ngất lịm.Được tích cực sơ cứu, 2 cháu đã vượt qua cơn nguy kịch, còn một cháu đã tử vong. Các bệnh nhân là cháu Hầu Mí Vừ (5 tuổi), Hờ Mí Na (5 tuổi) và Hầu Mí Hồ (9 tuổi), ở thôn Bản Thùng, xã Ma Lé, huyện Đồng Văn. Trên đường đi học về, các cháu đã hái ăn lá rừng mọc bên đường và bị ngộ độc. Được biết, loại lá cây mà các cháu bé ăn phải là loại cây có lá hình dạng giống rau diếp cá.

Báo điện tửKhám phá

TP.HCM được mở rộng độ tuổi tiêm phòng sởi

Trước tình hình dịch sởi đang gia tăng, Bộ Y tế đã đồng ý cho riêng TP.HCM được mở rộng độ tuổi, địa điểm và thời điểm tiêm phòng.Báo cáo tại cuộc họp với các quận, huyện sáng nay, 5/3, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM - cho biết, các ca mắc sởi vẫn tiếp tục tăng cao. Cộng dồn từ đầu năm đến nay, thành phố đã có gần 250 ca, cao hơn cùng kỳ năm 2013 là 242 ca.

Bộ Y tế đã đồng ý cho riêng TP.HCM được mở rộng độ tuổi, địa điểm và thời điểm tiêm phòng. Cụ thể, trong chiến dịch tiêm diễn ra vào cuối tuần này trên toàn thành phố, sẽ tiêm cho cả trẻ từ 2 - 3 tuổi (theo quy định chung cả nước thì chỉ tiêm phòng sởi cho trẻ từ 9 tháng tuổi đến 2 tuổi).

Ngoài địa điểm tiêm tại các trạm y tế phường, xã, thành phố cũng có thể triển khai tiêm chủng sởi ngay tại trường mầm non. Và theo kế hoạch, lịch tiêm phòng được ấn định vào thứ Sáu và thứ Bảy hằng tuần, kéo dài trong 2 tháng. Tuy nhiên, các trạm y tế có thể tổ chức tiêm luôn vào các ngày thường.

Theo ông Dũng, chiến dịch lần này sẽ hướng đến mục tiêu đạt 95% đối tượng cần tiêm bù. Ước tính số trẻ chưa tiêm sởi đủ mũi theo lịch tiêm chủng là 5 nghìn trẻ/năm cho mũi 1 và 25 - 30 nghìn trẻ/năm (kể cả tiêm dịch vụ) cho mũi 2. Ngành dự phòng đã chuẩn bị khoảng 80 - 100 nghìn liều vắc xin cho đợt tiêm vét sắp tới.

Báo điện tử Sài Gòn giải phóng

BV Truyền máu - Huyết học TPHCM áp dụng NAT trong sàng lọc máu

(SGGP).– Ngày 5-3, Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM cho biết đã chính thức áp dụng kỹ thuật sinh học phân tử (gọi tắt là NAT) trong sàng lọc máu. NAT có độ nhạy cao hơn các kỹ thuật huyết thanh học, giúp phát hiện sớm các mẫu máu bị nhiễm bệnh (HIV, HCV và HBV) và cung cấp những chế phẩm máu an toàn, đặc biệt là an toàn về sinh học.

Được giao nhiệm vụ cung cấp máu cho toàn bộ bệnh viện công lẫn tư trên địa bàn TPHCM (khoảng 100 BV), Ngân hàng máu của BV Truyền máu - Huyết học hiện đứng đầu cả nước về số lượng máu thu thập được (220 ngàn đơn vị/năm trên tổng số gần 900 ngàn đơn vị của toàn quốc, chiếm tỷ lệ 25%). Được biết, nếu như trước đây có đến 90% người cho máu là diện có hưởng thù lao thì bây giờ con số này chỉ là 2%; người hiến máu tình nguyện chiếm đến 98%. Áp dụng kỹ thuật NAT trong sàng lọc máu không chỉ giúp giảm nguy cơ truyền nhiễm những bệnh nguy hiểm, cung cấp các chế phẩm máu an toàn mà còn tạo thuận tiện cho người hiến máu, giúp phong trào nhân ái này được lan rộng hơn nữa.

Đây là đơn vị y tế đầu tiên trong cả nước sử dụng kỹ thuật NAT trong sàng lọc máu. Hiện BV áp dụng NAT cho các trường hợp có nhu cầu sử dụng dịch vụ và đang xúc tiến các thủ tục cần thiết để đưa NAT vào sàng lọc máu thường quy (dự kiến vào khoảng quý 2-2014).

Bệnh viện TP Hà Tĩnh: Chuyên gia ghép tạng hàng đầu tại Bỉ về “đầu quân”

Chiều 5-3, bác sĩ Trần Nguyên Phú, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, bác sĩ Hoàng Anh Dũng - chuyên gia ghép tạng hàng đầu tại Bỉ và châu Âu đã chính thức quyết định về Việt Nam nhận công tác làm việc tại Bệnh viện Đa khoa TP Hà Tĩnh để trực tiếp khám, điều trị cho người dân.

Bác sĩ Dũng quê ở xã Đức Yên, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh, xuất thân trong một gia đình y khoa, cha là bác sĩ Hoàng Bá, nguyên Giám đốc Bệnh viện tỉnh Quảng Bình. Năm 1980, tốt nghiệp bác sĩ đa khoa (Trường Đại học Y Huế), bác sĩ Dũng về làm việc tại Khoa ngoại, Bệnh viện Quảng Ngãi. Năm 1990, ông sang Bỉ đoàn tụ cùng gia đình và vào học lấy được bằng y khoa ở Đại học ULB. Sau đó, ông được nhận vào làm việc tại Khoa ghép tạng, Bệnh viện Erasme của Đại học ULB (một trong 3 trung tâm ghép tạng lớn nhất ở Bỉ và toàn châu Âu). Tháng 4-2004, ông được bổ nhiệm làm Phó khoa ghép thận và tụy tạng (pancreas) Bệnh viện Erasme - Bỉ.

Bác sĩ Dũng là một trong những bác sĩ ghép tạng giỏi của Bỉ và châu Âu, được báo chí Bỉ đánh giá cao về tài năng và những thành công. Thành tích xuất sắc trong ngành y của ông cũng đã trở thành đề tài cho một bộ phim tài liệu mang tên “Sự sống hồi sinh” của Đài Truyền hình Vương quốc Bỉ. Với tấm lòng hướng về quê hương, thời gian qua bác sĩ Dũng đã vận động nhiều nguồn lực từ bên ngoài để hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa TP Hà Tĩnh đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại phục vụ công tác khám, điều trị, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ông cũng là người có công lớn trong việc thành lập và phát triển 10 trung tâm ghép thận của Việt Nam, hỗ trợ nhiều y bác sĩ trong nước tham gia các khóa học, đào tạo chuyên sâu tại Bỉ.

Ngày 19/03/2014
Ban Biên tập Website
(Điểm tin từ các Báo)
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích