Điều phụ huynh cần lưu ý khi đưa trẻ đi chủng ngừa vaccine ComBe Five?
Bộ Y tế cho biết, do nhà sản xuất Berna Biotech (Hàn Quốc) ngừng sản xuất vaccine Quinvaxem, số vaccine còn lại trong Chương trình tiêm chủng mở rộng dự kiến sẽ dùng hết trong tháng 5 tới. Vì vậy, Bộ Y tế đã có kế hoạch chuyển đổi vaccine. “Vaccine thay thế Quinvaxem là vaccine ComBe Five cũng là vaccine 5 trong 1, có thành phần tương tự và hiệu quả phòng bệnh như Quinvaxem”. Vaccine ComBe Five do Ấn Độ sản xuất, đã được đã được sử dụng tại 43 quốc gia và tại Việt Nam được Bộ Y tế cấp phép lưu hành từ tháng 5/2017. Vaccine này cũng phòng 5 bệnh: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib. Vào tháng 5.2018, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2912/QĐ về việc triển khai vaccine DPT-VGB-Hib (ComBE Five) do Công ty Biological E. Ltd Ấn Độ sản xuất, thay thế vaccine Quinvaxem trong tiêm chủng mở rộng (TCMR) tại 7 tỉnh Hà Nam, Bắc Giang, Yên Bái, Kon Tum, Bình Định, Đồng Tháp, Bà Rịa Vũng Tàu trước khi triển khai trên toàn quốc. Kết quả tính đến thời điểm ngày 30.11.2018, theo báo cáo của 7 tỉnh, việc tiêm chủng loại vaccine này đã triển khai tại 60 huyện, 899 xã/phường, đã có 17.356 trẻ đã được tiêm vắc xin ComBE Five, tỷ lệ tiêm chủng đạt 75,7%. Theo báo cáo của các địa phương, tỷ lệ phản ứng thông thường (sốt<39°C, sưng đau nhẹ tại chỗ tiêm, các triệu chứng khác như khó chịu, quấy khóc...) là 0,05- 5,5 %. Căn cứ kết quả chuyển đổi sử dụng vaccine DPT-VGB-Hib (ComBE Five) tại 7 tỉnh, Bộ Y tế cho phép triển khai vaccine ComBE Five trên quy mô toàn quốc từ cuối tháng 12.2018. Theo tài liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ phản ứng thông thường đối với các vaccine chứa thành phần ho gà toàn tế bào, trong đó có vaccine ComBE Five: Sốt từ 38 - 39°C chiếm tới 44,5%, phản ứng sưng 38,5%, nóng đỏ tại chỗ tiêm có thể tới 56,3%, đau 25,6%, các phản ứng khác như quấy khóc kéo dài là 3,5%. Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các tỉnh/thành phố thực hiện tiêm vaccine ComBE Five theo kế hoạch, thực hiện đúng qui trình tiêm chủng an toàn, khám sàng lọc, theo dõi 30 phút tại trạm sau tiêm, tư vấn cho các bậc cha mẹ biết cách theo dõi và chăm sóc trẻ sau tiêm chủng. Lịch tiêm vaccine mới không thay đổi số với tiêm vaccine Quinvaxem. Cụ thể, trẻ dưới 1 tuổi cần được tiêm đủ 3 mũi lúc 2,3,4 tháng tuổi. Trẻ đã được tiêm 1 hoặc 2 mũi vaccine Quinvaxem, thì tiêm mũi 3 vaccine ComBe Five bình thường, để bảo đảm phòng bệnh tối đa với 3 mũi tiêm vaccine 5 trong 1. Tại Quảng Trị, để việc triển khai tiêm chủng vaccin ComBe Five diễn ra theo đúng kế hoạch của Bộ Y tế, Sở Y tế đã có công văn chỉ đạo các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh thực hiện việc chuyển đổi vaccin bắt đầu từ tháng 1.2019 và đã tổ chức tập huấn cho các cán bộ Y tế thực hiện việc tiêm chủng về đối tượng, lịch tiêm, các phản ứng phụ có thể xảy ra sau tiêm chủng, cách xử trí và theo dõi trẻ sau tiêm. Đề phòng các phản ứng có thể xảy ra sau tiêm chủng, các bà mẹ cần lưu ý: Cho trẻ ở lại 30 phút tại điểm tiêm chủng để được cán bộ y tế theo dõi và kịp thời xử trí nếu có những phản ứng bất thường xảy ra.Tiếp tục theo dõi trẻ sau tiêm chủng tại nhà từ 2-3 ngày sau tiêm chủng: Người theo dõi trẻ phải là người trưởng thành và biết chăm sóc trẻ; Bế, quan sát trẻ thường xuyên và chú ý không chạm, đè vào chỗ tiêm.Cho trẻ bú/ăn đủ bữa, đủ số lượng, đúng tư thế, không bú/ăn khi nằm…thường xuyên kiểm tra trẻ, đặc biệt ban đêm. Không đắp bất cứ thứ gì vào vị trí tiêm. Các dấu hiệu cần theo dõi: Tinh thần; tình trạng ăn, ngủ, nhiệt độ, phát ban, biểu hiện tại chỗ tiêm (sưng, đỏ…), trẻ sốt cần cập nhiệt độ.Nếu phát hiện bất thường gì về sức khỏe của trẻ thì phải báo ngay cho nhân viên y tế để kịp thời xử lý. Nếu trẻ sốt cần cặp nhiệt độ, theo dõi sát, chườm nước ấm, nới rộng quần áo. Không nên dùng các loại thuốc lá, cây… khi chưa có chỉ định của nhân viên y tế. Dùng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của cán bộ y tế và tư vấn nhân viên y tế trước và sau khi xử lý.
|