Điểm tin y tế từ các báo ngày 21/8 đến ngày 31/8 năm 2018
Lao độngKhông thờ ơ với dịch sốt xuất huyếtVào thời điểm này năm 2017, người dân Hà Nội phải sống trong nỗi sợ hãi mang tên "sốt xuất huyết". Hầu hết các xã, phường, thị trấn trên địa bàn đều có người nhập viện vì sốt xuất huyết, khiến các bệnh viện từ tuyến huyện, thành phố tới tuyến trung ương rơi vào cảnh quá tải. Năm nay, số người mắc bệnh giảm nhiều lần so với cùng kỳ năm trước, song không vì thế mà chúng ta chủ quan, thờ ơ bởi vì mùa dịch mới chỉ bắt đầu. Nguy cơ luôn hiện hữu Từ đầu năm 2018 đến nay, Hà Nội ghi nhận 470 ca sốt xuất huyết. Nếu như trong tháng 7-2018 chỉ ghi nhận từ 15 đến 20 ca sốt xuất huyết mỗi tuần, thì trong những tuần cuối tháng 8-2018, số lượng ca mắc tăng lên từ 50 đến 60 ca một tuần. Lượng bệnh nhân phân bổ tại 178 xã, phường thuộc 28 quận, huyện, thị xã (trừ huyện Ba Vì và huyện Ứng Hòa chưa ghi nhận ca mắc nào). Riêng trong tuần qua, trên địa bàn Hà Nội đã ghi nhận 11 ổ dịch mới tại các quận, huyện: Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Đan Phượng, Quốc Oai và Mê Linh. Dù đã xuất viện được gần một tuần, nhưng chị Cao Thị H. (quận Hoàng Mai) vẫn chưa hết bàng hoàng vì trận sốt xuất huyết mà gia đình vừa trải qua. Gia đình chị H. có 4 người thì cả 4 người cùng phải vào Bệnh viện Thanh Nhàn điều trị sốt xuất huyết. “Nguyên nhân do khu vực nhà tôi ở gần chợ, điều kiện vệ sinh môi trường không sạch sẽ, nhất là khi mưa xuống, nước tù đọng rất nhiều, khiến muỗi sinh sôi, phát triển và truyền bệnh...”, chị H. cho biết. Dù so với thời điểm này năm 2017, số lượng bệnh nhân bị sốt xuất huyết đến điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang… không nhiều. Tuy nhiên, theo bác sĩ Phạm Thị Ngọc Mai (Bệnh viện Thanh Nhàn), trong số những ca mắc bệnh nhập viện năm nay ghi nhận nhiều ca bệnh nặng như: Giảm tiểu cầu, xuất huyết… Điều đó cho thấy, người dân chủ quan, chỉ khi bệnh chuyển nặng mới nhập viện. Dù số ca mắc bệnh nhập viện chưa nhiều, nhưng theo kinh nghiệm của các bác sĩ, cứ sau mỗi đợt mưa kéo dài, lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhập viện lại gia tăng. PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho rằng, không ít người dân vì thấy số ca mắc sốt xuất huyết giảm mạnh nên chủ quan, từ đó lơ là việc phòng dịch ngay trong chính gia đình mình. Thậm chí, qua kiểm tra vẫn phát hiện nhiều nơi còn tồn đọng các ổ bọ gậy. Trong khi thời tiết mưa kéo dài như hiện nay là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ dịch bệnh sốt xuất huyết gia tăng luôn hiện hữu. Bởi lẽ, mỗi lần mưa xuống lại tạo thành những vũng nước đọng, đó là môi trường thuận lợi để muỗi truyền bệnh phát triển… Cần ý thức tự giác phòng bệnh của người dân Theo quy luật hằng năm, đỉnh dịch sốt xuất huyết thường rơi vào thời điểm từ tháng 9 đến tháng 11. Hiện tại, bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc đặc trị cũng như vắc xin phòng ngừa, do đó, việc cảnh giác với bệnh, nhất là vào mùa mưa, là việc làm không thể thiếu đối với mỗi cá nhân và gia đình. Bài học trong công tác chống dịch bệnh sốt xuất huyết năm 2017 trên địa bàn Hà Nội cho thấy, không muốn dịch bệnh bùng phát thì ngoài ngành Y tế cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chính quyền địa phương và ý thức tự giác của người dân. Hiện tại, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 28.000 lượt hộ gia đình, nhiều khu vực công cộng đã được phun hóa chất chủ động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết. PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội lưu ý, trong mùa mưa, mỗi cá nhân, mỗi gia đình cần nâng cao ý thức tự phòng bệnh sốt xuất huyết. Việc phòng bệnh chủ yếu là kiểm soát côn trùng trung gian truyền bệnh như tránh muỗi đốt, diệt lăng quăng, diệt muỗi trưởng thành…, theo nguyên tắc: Không có lăng quăng, không có bọ gậy sẽ không có sốt xuất huyết. Chúng ta phải luôn có ý thức dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, sạch sẽ, thoáng mát, không treo quần áo để làm chỗ cho muỗi trú đậu, loại bỏ các vật chứa nước đọng như: Gáo dừa, lon, đồ hộp, ly, chén, chai lọ... Ngoài ra, người dân cần ngủ màn, kể cả ngày và đêm, mặc quần áo dài tay, không ngồi chơi chỗ tối, đuổi muỗi bằng đốt nhang muỗi, xịt muỗi hay kem thoa chống muỗi. PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, khi bị sốt, uống thuốc hạ sốt không hạ, ở trong vùng có dịch, người dân nên nghĩ đến bệnh sốt xuất huyết. Đặc biệt, người già, trẻ nhỏ, người mắc bệnh mạn tính..., nên đi khám sớm vì bệnh có thể chuyển biến nặng rất nhanh. Đối với mỗi hộ gia đình, cá nhân phải có ý thức làm sạch các ngõ, ngách trong môi trường sống; nhập viện khi có chỉ định của bác sĩ. "Vì sự an toàn của mỗi người và vì lợi ích chung của cộng đồng, không còn cách nào khác là phải huy động tổng lực để ngăn chặn dịch bệnh. Không thể để dịch bệnh “gõ cửa” nhà mình, thì mới nhìn thấy hiểm nguy", PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh. Dập dịch ngay từ trong ý thức (HNM) - Ngành Y tế và người dân cũng như xã hội khó có thể quên những con số choáng váng về dịch sốt xuất huyết xuất hiện ở 61/63 tỉnh, thành phố của cả nước năm 2017. Số người mắc bệnh, số địa phương có dịch, số tiền bỏ ra để chống dịch… đều khiến tất cả phải giật mình. Thanh niên Mỗi năm cả nước có hơn 126.000 người chết vì ung thư Theo các chuyên gia, điều trị ung thư đa chuyên khoa là xu hướng tất yếu hiện nay nhằm cải thiện, tăng cường hiệu quả và chất lượng chăm sóc và điều trị. Bất kỳ một bệnh nhân ung thư nào cũng cần được tiếp cận, đánh giá một cách bao quát, toàn diện ở tất cả các mặt. iệc xác định mục tiêu điều trị, xây dựng kế hoạch, hội chẩn đa chuyên khoa, chọn lựa phác đồ chuẩn,… cũng như những vấn đề tâm lý, xã hội tinh thần của một bệnh nhân ung thư là vô cùng quan trọng, cần có sự tham gia của nhiều chuyên gia ở từng lĩnh vực liên quan. Sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả của các chuyên gia sẽ góp phần điều trị bệnh nhân ung thư đạt hiệu quả và chất lượng cao nhất. Đây là những hoạt động trong khuôn khổ hội nghị khoa học phòng chống ung thư thường niên lần thứ 6, do Hội Ung thư Việt Nam, Bệnh viện Trung ương Huế và Trường Đại học Y Dược Huế phối hợp tổ chức, diễn ra từ ngày 29-31.8. Hội nghị có sự tham gia của hơn 600 đại biểu đến từ các bệnh viện, trung tâm ung bướu trên toàn quốc cùng của 25 chuyên gia về ung bướu đến từ Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Singapore, Lào, Campuchia... Hội nghị nhằm trao đổi kinh nghiệp, cập nhật thông tin khoa học về điều trị ung thư theo chủ đề: ung thư phổi, vú - phụ khoa, tiêu hóa, đầu - cổ, xạ trị, ung thư nhi, điều dưỡng và chăm sóc giảm nhẹ. Theo số liệu của Ghi nhận ung thư toàn cầu (GLOBOCAL) được Hội Ung thư công bố tại hội nghị, mỗi năm Việt Nam có hơn 126.000 ca mắc mới và khoảng 94.000 người tử vong vì ung thư. Còn theo số liệu mới nhất trên trang web Globalcancermap.com, tỷ lệ mắc ung thư hằng năm ở Việt Nam là 138,7/100.000 dân, đứng ở 105 trên tổng số 179 nước trong bản đồ ung thư quốc tế về tỷ lệ mắc. Sài Gòn giải phóng WHO cảnh báo dịch sởi bùng phát tại nhiều quốc gia Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang cảnh báo về sự gia tăng đáng kể dịch bệnh sởi tại các nước châu Âu trong những tháng vừa qua. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2018, tại các nước châu Âu đã ghi nhận hơn 41.000 trường hợp mắc sởi, cao hơn 70% so với cả năm 2017, trong đó có ít nhất 37 trường hợp tử vong. 7 quốc gia có số mắc cao nhất với trên 1.000 trường hợp gồm: Ukraine, Grudia, Italia, Nga, Serbia, Pháp, Hy Lạp. Đặc biệt việc ghi nhận sự lây truyền của dịch sởi xảy ra liên tục ở cả một số nước đã công bố loại trừ bệnh sởi (Đức và Nga), điều này dấy lên mối lo ngại dịch bệnh sởi có thể quay trở lại thành dịch lưu hành ở những nước này. Đối với Việt Nam, hiện nay tại một số tỉnh thành, số ca mắc sởi cũng đang gia tăng, trong đó chỉ riêng trên địa bàn Hà Nội đã ghi nhận khoảng 300 ca mắc sởi tăng hơn 400% so với cả năm 2017. Đáng lo ngại, một số nơi vùng sâu, vùng xa và những đô thị có số trẻ di biến động lớn có nhiều trẻ còn chưa được tiêm vaccine sởi đầy đủ nên có nguy cơ cao ghi nhận các trường hợp mắc và các ổ dịch sởi tại cộng đồng. Để chủ động phòng bệnh sởi, Bộ Y tế khuyến cáo người cần chủ động đưa trẻ từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vaccine sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vaccine phòng sởi. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện. Sức khỏe & Đời sống Cảnh báo dịch sốt xuất huyết bùng phát trở lại Hà Nội Theo ghi nhận từ đầu năm đến nay, Hà Nội có 384 trường hợp mắc sốt xuất huyết và phân bổ rải rác tại 144 xã, phường, thị trấn của 28 quận, huyện, thị xã và chưa ghi nhận ca bệnh nào tử vong… Các chuyên gia y tế hàng đầu cũng nhận định, dịch bệnh này có thể gia tăng vào khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 11/2018, thậm chí là bùng phát thành dịch chỉ sau một vài tháng, bên cạnh đó, sau đợt ngập kéo dài tại các huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai cũng là yếu tố nguy cơ dễ bùng phát trở lại... Đẩy mạnh đề án y tế cơ sở Bộ trưởng Bộ Y tế vừa có chỉ thị yêu cầu sở y tế tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ phối hợp chặt chẽ với BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ ở y tế để nắm bắt các thông tin và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc về KCB và thanh toán chi phí KCB BHYT, trường hợp vượt quá thẩm quyền báo cáo UBND cấp tỉnh hoặc Bộ Y tế để xem xét, giải quyết. Đặc biệt, các Sở Y tế cần triển khai ngay Đề án Y tế cơ sở theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Chương trình số 1379/CTr-BYT và Hướng dẫn số 1383/HD-BYT của Bộ Y tế, đẩy mạnh việc triển khai Thông tư số 39/2017/TT-BYT ngày 18/10/2017 của Bộ Y tế về quy định gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến y tế cơ sở… An ninh Thủ đô Cung ứng thuốc phòng chống bệnh sốt xuất huyết và bệnh sởiNgày 29-8, đại diện Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết: Hiện nay, số ca mắc sốt xuất huyết Dengue và bệnh sởi có dấu hiệu tăng lên tại một số địa phương.Trước tình hình trên, để đảm bảo cung ứng đủ thuốc để phòng, điều trị bệnh sốt xuất huyết, bệnh sởi, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc trên địa bàn có kế hoạch dự trữ, cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc cho nhu cầu điều trị. Đặc biệt, các địa phương phải bảo đảm cơ số thuốc, hóa chất khử trùng, diệt khuẩn và các loại thuốc phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh theo các hướng dẫn, chẩn đoán, điều trị của Bộ Y tế, bệnh viện; không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, biến động tăng giá thuốc. Sở Y tế kịp thời báo cáo về Bộ Y tế trong trường hợp có nguy cơ thiếu thuốc phục vụ phòng và điều trị bệnh sốt xuất huyết Dengue, sởi và các bệnh có thể phát sinh sau mưa, bão, lũ lụt trên địa bàn. Các viện, bệnh viện trực thuộc Bộ chủ động lập kế hoạch mua sắm thuốc, cập nhật diễn biến mô hình bệnh tật để phục vụ chẩn đoán, điều trị bệnh sốt xuất huyết Dengue, bệnh sởi; liên hệ với các đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc để đảm bảo đủ thuốc cho công tác khám chữa bệnh. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc chuẩn bị sẵn nguồn thuốc chất lượng, giá cả hợp lý để ưu tiên cung ứng đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu phòng, chống dịch bệnh. Cục Quản lý Dược sẽ xem xét giải quyết ngay các đơn hàng nhập khẩu thuốc của các cơ sở để đảm bảo đủ thuốc đáp ứng nhu cầu cấp bách phòng chống dịch bệnh theo qui định. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị cần liên hệ với Cục để được giải quyết Bộ trưởng Y tế chỉ đạo nâng cao chất lượng khám chữa bệnh Để tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ y tế sau khi điều chỉnh giá dịch vụ theo Thông tư 15/2018/TT-BYT và sử dụng có hiệu quả Quỹ bảo hiểm y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh/ thành phố, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong toàn quốc thực hiện nghiêm túc các giải pháp nhằm bảo đảm và nâng cao chất lượng dịch vụ khi thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Bộ trưởng Y tế yêu cầu các cơ sở y tế bố trí, điều tiết nhân lực và các buồng khám phù hợp với nhu cầu khám bệnh của người dân. Đối với việc khám, cấp thuốc điều trị ngoại trú cho người mắc bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính, các cơ sở y tế tuyến trên phải tuyên truyền, giải thích, tư vấn và chuyển người bệnh về tuyến y tế cơ sở để theo dõi, quản lý, cấp phát thuốc. Các đơn vị y tế tuyến cơ sở phải báo cáo Sở Y tế để bảo đảm đủ thuốc, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn về chuyên môn để y tế cơ sở thực hiện việc theo dõi, quản lý, điều trị đối với các bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính theo phân tuyến. Tiếp tục thực hiện nghiêm và đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến quy trình khám bệnh, giảm thủ tục hành chính và giảm thời gian chờ khám bệnh. Các bệnh viện tuyến trên phải tập trung khám, chữa các bệnh theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật, các bệnh mà tuyến dưới không thực hiện được; phải tuyên truyền, vận động, tư vấn để các trường hợp đến khám, kiểm tra sức khỏe nhưng không cần điều trị hoặc tái khám ở bệnh viện tuyến trên thì phải giới thiệu, tư vấn để người dân đến khám, điều trị tại các cơ sở y tế tuyến dưới, nhất là tuyến y tế cơ sở để vừa bảo đảm quyền lợi của người có thẻ BHYT, vừa giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Đối với việc chỉ định sử dụng dịch vụ, chỉ định người bệnh vào điều trị nội trú, Giám đốc các cơ sở khám, chữa bệnh phải tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm, đúng các quy định chuyên môn trong việc chỉ định các dịch vụ cận lâm sàng; tăng cường điều trị ngoại trú, điều trị ban ngày, chỉ định người bệnh vào điều trị nội trú theo đúng quy định; nâng cao chất lượng điều trị để giảm thời gian điều trị nội trú của người bệnh.. Thực hiện đúng quy định về danh mục, tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với dịch vụ kỹ thuật y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT, tăng cường và thường xuyên kiểm tra để tránh các trường hợp áp dụng sai mức giá dịch vụ, giá thuốc, vật tư y tế, tính sai số ngày điều trị nội trú… Nhân dân Nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh Mạng lưới bệnh viện của nước ta hiện có hơn 1.400 cơ sở (từ tuyến Trung ương đến huyện, bệnh viện ngành và tư nhân) đã từng bước đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh (KCB) của người dân. Tuy nhiên, từ thực tế hiện nay, việc nâng cao chất lượng dịch vụ KCB là đòi hỏi chính đáng của người dân và là việc làm thường xuyên của chính các bệnh viện. Theo Cục trưởng Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê, ngành y tế và các bệnh viện đã và đang có nhiều giải pháp cụ thể trong việc nâng cao chất lượng KCB, từ việc đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật đến cải tiến quy trình, cải cách thủ tục hành chính đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Ðáng chú ý, với việc áp dụng Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện đã giúp nâng cao chất lượng dịch vụ KCB và làm thay đổi sự nhìn nhận và đánh giá của người dân về hệ thống KCB. Kết quả khảo sát sự hài lòng của người bệnh (hơn một triệu phiếu khảo sát) cho thấy tỷ lệ hài lòng của người bệnh điều trị nội trú là 75,6%; người bệnh điều trị ngoại trú là 66,3%. Kết quả khảo sát độc lập của Tổ chức Sáng kiến Việt Nam phỏng vấn qua điện thoại sau khi ra viện đối với 3.000 người bệnh thì kết quả hài lòng là 79,6%. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) cũng cho thấy người dân hài lòng hơn về dịch vụ y tế công. Tuy nhiên, do xuất phát điểm về chất lượng dịch vụ KCB tại các bệnh viện ở mức thấp, trong khi nhu cầu của người dân lại tăng cao, đòi hỏi bệnh viện cần tập trung hơn nữa các biện pháp nâng cao chất lượng loại hình dịch vụ này. Theo chỉ thị của Bộ trưởng Y tế về các giải pháp bảo đảm và nâng cao chất lượng dịch vụ khi thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ KCB thì các bệnh viện cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Quyết định số 2151/QÐ-BYT của Bộ Y tế ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện "Ðổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh" bằng việc đào tạo, tập huấn, xây dựng đội ngũ cán bộ y tế có tinh thần, thái độ phục vụ văn minh, thân thiện. Bố trí, điều tiết nhân lực và các buồng khám, bàn khám phù hợp với nhu cầu khám bệnh của người dân, nhất là lúc cao điểm để giảm thời gian chờ đợi của người bệnh; bác sĩ và nhân viên y tế có đủ thời gian để khám, tư vấn cho người bệnh. Ðáng chú ý, đối với việc khám, cấp thuốc điều trị ngoại trú cho người mắc bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính thì các cơ sở y tế tuyến trên phải tuyên truyền, giải thích, tư vấn và chuyển người bệnh về tuyến y tế cơ sở để theo dõi, quản lý, cấp phát thuốc. Các đơn vị y tế tuyến cơ sở cần bảo đảm đủ thuốc, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn về chuyên môn để làm tốt việc theo dõi, quản lý, điều trị đối với các bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính. Các bệnh viện đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến quy trình khám bệnh, giảm thủ tục hành chính và thời gian chờ khám bệnh. Ði liền với đó là công tác truyền thông, vận động để người dân thay đổi thói quen chỉ đến khám vào buổi sáng; đối với người mắc bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính trong trường hợp chỉ đến khám để cấp thuốc hoặc cho đơn thuốc, không phải thực hiện xét nghiệm cần hướng dẫn và hẹn khám vào buổi chiều để giảm áp lực tại bệnh viện. Bệnh viện tuyến trên tập trung KCB theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật, các bệnh mà tuyến dưới không thực hiện được. Thực hiện nghiêm các giải pháp giảm quá tải, trường hợp quá tải cần chuyển người bệnh xuống tuyến dưới, hoặc sang các cơ sở KCB khác. Chỉ được kê thêm giường để người bệnh không phải nằm ghép đối với trường hợp thật sự quá tải; không kê thêm giường bệnh trong trường hợp không sử dụng hết số giường theo kế hoạch được giao. Thực hiện đúng quy định về danh mục, tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với dịch vụ kỹ thuật y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế. Tăng cường và thường xuyên kiểm tra để tránh các trường hợp áp dụng sai mức giá dịch vụ, giá thuốc, vật tư y tế, tính sai số ngày điều trị nội trú... Chú trọng công tác dinh dưỡng, tiết chế, kiểm soát nhiễm khuẩn; kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Thuốc và Ðiều trị của bệnh viện; tăng cường kiểm tra việc kê đơn, bình bệnh án, tuân thủ đúng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, quy trình kỹ thuật, quy trình chăm sóc người bệnh; phòng ngừa và giảm các tai biến, sự cố y khoa... Mặt khác các bệnh viện tuyến trên tăng cường thực hiện chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới theo mô hình bệnh viện vệ tinh, chỉ đạo tuyến, luân phiên cán bộ y tế về tuyến cơ sở... Thực hiện đúng lộ trình liên thông kết quả xét nghiệm theo Quyết định 316/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Ðề án tăng cường năng lực hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm y học giai đoạn 2016-2025 và các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế... Tăng cường quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm Thời gian qua, nhiều vụ vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP) bị phát hiện gây bức xúc trong dư luận xã hội, đòi hỏi có chế tài mạnh hơn, để ngăn chặn tận gốc vấn nạn này. Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), thanh tra theo kế hoạch và đột xuất 21 cơ sở, phát hiện và xử phạt 13 cơ sở vi phạm về chất lượng, ATTP với tổng số tiền phạt 283,25 triệu đồng. Các bộ, ngành liên quan (NN và PTNT, công an) đã tổ chức đoàn công tác kiểm tra 14 cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm tại một số địa phương là Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Thanh Hóa, bắt quả tang và xử lý tám cơ sở thu mua, sơ chế và một doanh nghiệp chế biến tôm có chứa tạp chất; tổng số tiền phạt hơn 400 triệu đồng. Tại các tỉnh, thành phố, lực lượng chức năng đã kiểm tra 25.493 cơ sở, phát hiện và xử phạt 1.379 cơ sở vi phạm về chất lượng, ATTP với tổng số tiền phạt 6,43 tỷ đồng. Chiều 17-7, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Hà Nam) phối hợp Đoàn thanh tra Sở NN và PTNT tỉnh kiểm tra đột xuất và phát hiện cơ sở kinh doanh hoa quả của anh Phạm Văn Tuấn (SN 1980, trú ở xã La Sơn, huyện Bình Lục) sử dụng hóa chất bơm vào các quả mít. Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ hai hộp bìa chứa 40 tuýp hóa chất in chữ nước ngoài, gần 600 kg mít thành phẩm và một số tang vật liên quan. Thời điểm kiểm tra, anh Tuấn không xuất trình được giấy tờ liên quan nguồn gốc xuất xứ của số hóa chất nêu trên và khai nhận mua hóa chất ở Hà Nội về bơm vào mít với mục đích kích thích mít chín nhanh, tạo mùi thơm, vị ngọt rồi mang đi tiêu thụ ở Hà Nam và Hà Nội. Trước đó, Công an huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) cùng lực lượng quản lý thị trường tỉnh bất ngờ kiểm tra cơ sở sơ chế, thu mua trái cây Hùng Thuận, do ông Nguyễn Thành Tâm (34 tuổi, ở ấp Bảo Định, xã Xuân Định) làm chủ. Tại đây, lực lượng chức năng bắt quả tang nhân công đang quét một loại bột ướt, có mầu vàng vào cuống trái sầu riêng rồi đem nhúng vào thùng chứa nước nghi pha hóa chất. Sau đó, những quả sầu riêng này được đưa lên kệ để quạt khô, rồi đem dán tem và đóng thùng. Đoàn phát hiện tổng cộng hơn 800 thùng sầu riêng với tổng trọng lượng khoảng 14 tấn đã bị bôi, nhúng. Nguy hiểm hơn, hóa chất dùng để “thúc” sầu riêng chín ép có thành phần tồn dư lâu, phân hủy chậm, nếu tiếp xúc lâu dài có thể gây ung thư, ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản, gây vô sinh cho con người. Thực tế nêu trên cho thấy, việc bảo đảm vệ sinh ATTP nông nghiệp còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân là do chính sách pháp luật khuyến khích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tham gia sản xuất nông nghiệp tốt, bảo đảm vệ sinh ATTP đã được ban hành nhưng chưa đi vào thực tiễn sản xuất. Việc tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp, nhất là cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản nhỏ lẻ tuân thủ quy định bảo đảm vệ sinh ATTP chưa thật sự hiệu quả. Việc thực thi pháp luật ATTP ở các cấp địa phương chưa đạt yêu cầu, nguồn lực ở một số nơi còn yếu kém, chưa xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm cũng như tạo động lực khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch. Quy trình thủ tục hướng dẫn các biện pháp bảo đảm ATTP còn nhiều vướng mắc. Một số đối tượng bán các sản phẩm bẩn vì muốn trục lợi vẫn chưa bị phát hiện, xử lý. Để ngăn chặn tận gốc nạn thực phẩm bẩn, các bộ, ngành chức năng cần tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 9-5-2016 về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP. Đẩy mạnh xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, nhất là cho các đô thị lớn. Tổ chức sản xuất theo hướng tập trung bảo đảm ATTP, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (GAP, GMP, HACCP, ISO 22000...). Rà soát, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng, ATTP nông, lâm, thủy sản theo hướng xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho từng nhóm sản phẩm theo chuỗi giá trị ngành hàng phù hợp, hài hòa với chuẩn mực, thông lệ quốc tế. Cần tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, ATTP sâu hơn, dễ hiểu hơn; giải quyết tốt những bức xúc của xã hội, bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, thanh tra để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm và công bố công khai các hành vi vi phạm.
|